Ý NGHĨA TAM NHẬT THÁNH

 

 

(ĐTC Biển Đức XVI: Bài Giáo Lý cho Buổi Triều Kiến Chung Thứ Tư 12/4/2006 về Tam Nhật Thánh)

 

Anh Chị Em thân mến:

 

Ngày mai Tam Nhật Phục Sinh bắt đầu, một thời điểm chi phối toàn cả phụng niên. Được phụ giúp bởi các nghi thức thánh của Thứ Năm Tuần Thánh, Thứ Sáu Tuần Thánh và Lễ Trọng Vọng Phục Sinh, chúng ta sẽ sống lại cuộc thương khó, tử nạn và phục sinh của Chúa.

 

Chúng là những ngày thích thuận để tái khơi lên trong chúng ta một ước muốn thiết tha hơn được liên kết với Chúa Kitô và quảng đại theo Người, ý thức rằng Người đã yêu thương chúng ta đến nỗi hiến sự sống mình cho chúng ta. Những biến cố được tam nhật thánh tỏ bày lại cho chúng ta thấy cái biểu lộ cao cả của mối tình yêu này của Thiên Chúa đối với con người. 

 

Bởi thế, chúng ta hãy dọn mình để cử hành tam nhật Phục Sinh theo lời huấn dụ của Thánh Âu Quốc Tinh là ‘Giờ đây hãy chuyên chú tới ba ngày thánh của việc đóng đanh, việc táng xác và việc phục sinh của Chúa. Từ ba mầu nhiệm này chúng ta thấy được rằng thập giá biểu hiệu cho những gì nơi cuộc sống hiện nay, trong khi đó, nhờ đức tin và đức cậy, chúng ta nhận thấy việc chôn táng và phục sinh biểu hiệu cho những gì” (Letter 55,14,24).

 

Tam Nhật Phục Sinh bắt đầu ngày mai, Thứ Năm Tuần Thánh, với Thánh Lễ tối ‘in Cena Domini’, mặc dù vào buổi sáng thường đã cử hành một phụng vụ quan trọng khác đó là Lễ Dầu, một lễ toàn thể giáo sĩ của mỗi giáo phận qui tụ lại quanh vị giám mục để lập lại những lời thề hứa linh mục, và tham dự vào việc làm phép các loại dầu cho thành phần tân tòng, cho bệnh nhân và cho dầu thánh. Đó là những gì chúng ta cũng sẽ làm vào ngày mai ở nơi đây, nơi Quảng Trường Thánh Phêrô này.

 

Ngoài việc thiết lập thiên chức linh mục, ngày Thứ Năm Tuần Thánh này còn tưởng niệm đến việc Chúa Kitô hiến trọn bản thân mình cho nhân loại nơi bí tích Thánh Thể. Vào chính đêm Người bị phản nộp, Người đã để lại cho chúng ta, như Thánh Kinh thuật lại, ‘giới răn mới’ – ‘mandatum novum’ – của tình yêu huynh đệ, bằng việc thực thi một cử chỉ ngỡ ngàng là rửa chân, một cử chỉ nhắc nhở chúng ta về việc phục vụ hèn hạ của thành phần nô lệ. Ngày đặc biệt này, ngày gợi lên những mầu nhiệm cao cả, được kết thúc bằng việc tôn thờ Thánh Thể, để nhờ đến cơn thống khổ của Chúa trong Vườn Nhiệt. Phúc Âm thuật lại là khi cảm thầy hết sức buồn sầu, Chúa Giêsu đã xin thành phần của Người hãy canh thức với Người, trong tư thế nguyện cầu. ‘Các con hãy ở đây canh thức với Thày’ Và chúng ta cũng thấy ngày nay ra sao, chúng ta, thành phần môn đệ ngày nay, thường cứ thiếp ngủ. Đối với Chúa Giêsu thì đó là giờ bị bỏ rơi và cô độc, giờ vào nửa đêm, được diễn tiến với cuộc bắt giam và bắt đầu con đường khổ đau lên Canvê.

 

Thứ Sáu Tuần Thánh, tập trung vào Cuộc Khổ Nạn, là ngày chay tịnh và kiêng cữ, ngày hướng về việc chiêm ngưỡng cây thập tự giá. Trình thuật về Cuộc Khổ Nạn được cống bố trong các thánh đường, và những lời của tiên tri Zechariah lại vang lên: ‘Họ sẽ nhìn lên Đấng họ đâm thâu’ (John 19:37).

 

Và vào Ngày Thứ Sáu Tuần Thánh này, chúng ta cũng muốn hướng ánh mắt của mình vào con tim bị đâm thâu của Đấng Cứu Chuộc, nơi Người, như Thánh Phaolô viết, ‘chất giấu tất cả mọi kho tàng của khôn ngoan và kiến thức’ (Col 2:3), hơn thế nữa, ‘nơi Người toàn thể trọn vẹn thần tính ngự trị một cách thể lý’ (Col 2:9), vì thế, vị Tông Đồ này mới có thể khẳng định quyết tâm của ngài là ngài ‘không biết gì… ngoài Chúa Giêsu Kitô và Đấng tử giá’ (1Cor 2:2). Thật vậy: Cây Thập Giá cho thấy ‘chiều rộng, dài, cao, sâu’ – những chiều kích của vũ trụ, đây là ý nghĩa của một tình yêu vượt trên tất cả mọi kiến thức – mà tình yêu vượt lên trên những gì được biết đến và làm cho chúng ta tràn đầy ‘tất cả sự viên trọn của Thiên Chúa’ (x Eph 3:18-19).

 

Nơi mầu nhiệm của Đấng Tử Giá đã hiện thực những gì về ‘việc Thiên Chúa phản nghịch lãi với chính mình để nâng con người lên và để cứu độ họ. Đó là tình yêu ở hình thức cực đoan nhất của mình’ (Thông Điệp Thiên Chúa là Tình Yêu, đoạn 12). Thập giá Chúa Kitô, Giáo Hoàng Lêô Cả ở thế kỷ thứ 5 đã viết, ‘là nguồn mạch mọi ân phúc, và là căn nguyên của mọi phúc ân’ (Discourse 8 on the Passion of the Lord, 6-8; PL 54, 340-342).

 

Vào Thứ Bảy Tuần Thánh, liên kết cách thiêng liêng với Mẹ Maria, hãy nguyện cầu trước mồ đá là nơi thân thể của Con Thiên Chúa được an táng sau công cuộc cứu chuộc tác tạo, một công cuộc được hiện thực bằng cái chết của Người (cf Heb 4:1-13). Lễ Vọng Phục Sinh trọng thể được bắt đầu vào ban đêm, một Thánh Lễ vang lên niềm vui Phục Sinh ‘Vinh Danh - Gloria’ và ‘Hãy Vui Lên – Alleluia’ từ tâm can của thành phần mới lãnh nhận Phép Rửa cũng như từ toàn thể cộng đồng Kitô Giáo, hân hoan vì Chúa Kitô đã sống lại và chiến thắng sự chết.

 

Anh chị em thân mến, để có thể làm sống động việc cử hành Phục Sinh một cách phúc lợi, Giáo Hội xin thành phần tín hữu trong những ngày này hãy đến với bí tích thống hối, một bí tích như là một thứ chết đi và sống lại đối với mỗi người chúng ta. Nơi cộng đồng Kitô hữu sơ khai, vào Thứ Năm Tuần Thánh, lễ nghi Hòa Giải Hối Nhân được cử hành do vị giám mục chủ sự.

 

Dĩ nhiên là những điều kiện về lịch sử đã đổi thay, song để sửa soạn cho Phục Sinh bằng việc xưng tội tốt đẹp tiếp tục vẫn là một nhiệm vụ cần phải được cảm nhận, vì nó cống hiến cho chúng ta cơ hội để bắt đầu lại cuộc đời của chúng ta, và khởi điểm mới này được hiện thực nơi niềm vui về Đấng Phục Sinh và nơi mối hiệp thông của sự thứ tha từ việc xưng tội mà có. Ý thức rằng chúng ta là những tội nhân, song tin tưởng vào lòng thương xót Chúa, chúng ta hãy để Chúa Kitô hòa giải hầu cảm nghiệm được thấm thía hơn nữa niềm vui được Người thông đạt cho chúng ta nơi cuộc phục sinh của Người.

 

Ơn thứ tha Chúa Kitô ban cho chúng ta trong bí tích thống hối là nguồn an bình cả bề trong lẫn bề ngoài, cùng làm cho chúng ta thành các tông đồ hòa bình trong một thế giới bất hạnh thay vẫn tiếp tục chia rẽ, khổ đau và các thảm trạng hận thù cùng bạo lực, những thảm trạng của những gì bất khả trong việc hòa giải để bắt đầu lại bằng việc chân thành tha thứ.

 

Tuy nhiên, chúng ta biết rằng sự dữ không phải là phán quyết cuối cùng, vì vị chiến thắng là Chúa Kitô tử giá và phục sinh, và cuộc vinh thắng của Người được biểu lộ nơi mãnh lực của tình yêu nhân hậu. Việc Người phục sinh làm cho chúng ta tin tưởng rằng: Bất chấp tất cả mọi tối tăm trên thế giới này, sự dữ vẫn không phải là phán quyết cuối cùng. Được nâng đỡ bởi sự thật này, chúng ta mới có thể dấn thân một cách can đảm hơn và nhiệt tình hơn trong việc xây dựng một thế giới công chính hơn.

 

Đó là những gì tận đáy lòng tôi chúc cho tất cả anh chị em, anh chị em thân mến, hy vọng rằng anh chị em sẽ sửa soạn mừng Phục Sinh sắp tới bằng đức tin và lòng sốt mến. Chớ gì anh chị em được Mẹ Maria Rất Thánh hỗ trợ, Vị đã chia sẻ niềm vui của việc Người phục sinh sau khi đã theo Người Con Thần Linh của Mẹ qua giờ khắc khổ nạn và thập giá.


Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 12/4/2006