TIẾN TRÌNH ĐẠI KẾT KITÔ GIÁO

giữa GIÁO HỘI CÔNG GIÁO RÔMA

và CỘNG ĐỒNG HIỆP THÔNG ANH GIÁO

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL

 

 

     Phong trào Đại Kết Kitô Giáo giữa Giáo Hội Công Giáo Rôma và các Giáo Hội Kitô Giáo khác, như những Giáo Hội Chính Thống Giáo (ly khai từ năm 1054 ở Thổ Nhĩ Kỳ), những cộng đồng Cải Cách Tin Lành (ly khai từ năm 1517 ở Đức quốc), và Cộng Đồng Hiệp Thông Anh Giáo (ly khai từ năm 1535 ở Anh quốc), được bắt đầu bùng lên từ Công Đồng Chung Vaticanô II (11/10/1962-8/12/1965), với Sắc Lệnh về Hiệp Nhất Unitatis Redintegratio được ban hành ngày 21/11/1964, và được đẩy mạnh từ đầu giáo triều của vị đương kim Giáo Hoàng Biển Đức XVI, khi ngài công khai tuyên bố trong bài giảng cho hồng y đoàn tại Nguyện Đường Sistine ngày Thứ Tư 20/4/2005, sau ngày ngài được bầu làm giáo hoàng, về mối ưu tiên hàng đầu của giáo triều ngài là vấn đề đại kết Kitô Giáo:

 

     “Bằng tất c ý thức và vào lúc m đầu cho tha tác v của mình ở Giáo Hội Rôma là nơi Thánh Phêrô đã tm máu, v Thừa Kế này quyết tâm không ngng hot động hướng đến vic tái thiết mi hip nht trn vn và hu hình nơi tt c mọi thành phn môn đệ của Chúa Kitô. Đó là tham vng ca ngài, đó là nhim v bó buộc ca ngài. Ngài biết rng, để làm điều này, nhng bày t về cảm tình thin cm mà thôi chưa đủ. Cần phi có nhng c chỉ cụ thể để thấm nhp các tâm hn đánh động lương tâm, phn khích mi người tiến đến ch hoán cải ni tâm là điều căn bn cho tt c mọi th tiến b trên con đường đại kết….. V Thừa Kế Thánh Phêrô đây t cảm thy chính mình liên quan đến vn đề này và sẵn sàng làm tt c những gì trong khng ca mình để cổ võ lợi ích chính yếu cho vic đại kết. Theo nhng v tiền nhim ca mình, ngài nht định quyết tâm nâng đỡ bất c sáng kiến nào có v thích hợp vi vic đẩy mnh vic giao tiếp và tha hip vi nhng v đại din thuc các Giáo Hi khác và các cng đồng giáo hi khác”.

 

     Ở đây, nhân chuyến tông du nhắm đến đại kết trước hết của ngài ở Thổ Nhĩ  Kỳ vừa rồi (28/11-1/12/2006), và nhất là nhân dịp cử hành Tuần Hiệp Nhất hằng năm (18-25/1/2007) của Giáo Hội, chúng ta cùng nhau đặc biệt chú trọng tới tiến trình Đại Kết Kitô Giáo giữa Giáo Hội Công Giáo Rôma với Cộng Đồng Hiệp Thông Anh Giáo. Thật vậy, trước chuyến tông du đến Thổ Nhĩ Kỳ của Đức Thánh Cha Biển Đức XVI, vị Giáo Chủ Cộng Đồng Hiệp Thông Anh Giáo là Đức Tổng Giám Mục Rowan Williams ở Canterbury cùng phái đoàn đại biểu đã đến thăm Tòa Thánh Rôma, và đã triều kiến Đức Giáo Hoàng, để cùng ngài ký kết một Bản Tuyên Ngôn Chung về vấn đề đại kết giữa đôi bên. Trong bài diễn từ ngỏ cùng Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI, vị Giáo Chủ Cộng Đồng Hiệp Thông Anh Giáo đã cho thấy tiến trình đại kết thân thiện giữa thành phần lãnh đạo đôi bên như sau:

 

     “Trong lần gặp gỡ nhau đây, chúng ta cũng nhắc lại và mừng kỷ niệm 40 năm cuộc viếng thăm Đức Giáo Hoàng Phaolô VI 40 năm trước của vị tiền nhiệm tôi là Đức Tổng Giám Mục Michael Ramsey, một cuộc gặp gỡ giữa hai vị lãnh đạo Giáo Hội Anh Giáo và Công Giáo Rôma đã mở màn cho tiến trình hòa giải và thân hữu là những gì đã được tiếp tục cho tới ngày hôm nay. Chiếc nhẫn tôi đang mang hôm nay đây là chiếc nhẫn thuộc hàng giáo phẩm do Đức Giáo Hoàng Phaolô VI tặng cho Đức Tổng Giám Mục Michael, cây thánh giá này là tặng vật của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, biểu hiệu cho việc chúng ta cùng nhau dấn thân hoạt động thực hiện mối hiệp nhất hữu hình trọn vẹn của gia đình Kitô Giáo. Chính trong cùng tinh thần huynh đệ ấy mà tôi thực hiện cuộc viếng thăm này, vì cuộc hành trình thân hữu được các vị khởi đầu là một cuộc hành trình tôi tin rằng chúng ta cần phải cùng nhau tiếp tục. Tôi cảm thấy phấn khởi trước cách thức ngài tỏ ra, ngay từ khi bắt đầu thừa tác vụ làm Giám Mục Rôma của mình, đã nhấn mạnh tới tầm quan trọng của vấn đề đại kết nơi thừa tác vụ của ngài”.  

 

     Trong bài đáp từ của mình, vị Giáo Chủ của Giáo Hội Công Giáo Rôma cũng nhận định về tiến trình đại kết giữa đôi bên qua các cuộc đối thoại, giao tiếp và hợp tác như sau:

 

     “Chúng ta cần phải dâng lời tạ ơn về nhiều mối liên hệ của chúng ta trên 40 năm qua. Công việc của ủy ban đối thoại về thần học đã trở thành nguồn phấn khởi, vì các vấn đề về tín lý vẫn chia cách chúng ta trong quá khứ đã được nói lên. Mối thân hữu và các liên hệ tốt đẹp diễn tiến ở nhiều nơi giữa Kitô hữu Anh Giáo và Kitô hữu Công Giáo đã góp phần tạo nên một môi trường mới để nuôi dưỡng và tiến triển việc chúng ta cùng nhau làm chứng cho Phúc Âm của Chúa Giêsu Kitô. Những cuộc viếng thăm Tòa Thánh này của những vị Tổng Giám Mục ở Canterbury đã giúp vào việc củng cố những mối liên hệ ấy và đã đóng một vai trò quan trọng trong việc giải quyết những trở ngại làm cách ngăn chúng ta. Truyền thống này đã làm nẩy sinh một cuộc gặp gỡ xây dựng giữa các vị giám mục Anh Giáo và Công Giáo ở Mississauga, Canada, vào tháng Năm 2000, một cuộc gặp gỡ đã tiến tối chỗ đồng lòng thành lập một ủy ban hỗn hợp các vị giám mục để nhận thức những đường lối thích hợp trong việc thể hiện trong đời sống giáo hội mức tiến bộ đã đạt được. Chúng ta hãy dâng lời cảm tạ Thiên Chúa về tất cả những điều ấy”.

 

     Trong Bản Tuyên Ngôn Chung, tiến trình đại kết giữa Giáo Hội Công Giáo Rôma và Cộng Đồng Hiệp Thông Anh Giáo, từ cuộc gặp gỡ đầu tiên giữa hai vị lãnh đạo 40 năm trước ấy, còn được thể hiện đặc biệt nơi việc đối thoại về thần học, một sự việc mang lại các thành quả đáng kể như sau:

 

     “Từ cuộc gặp gỡ ấy, Giáo Hội Công Giáo Rôma và Cộng Đồng Hiệp Thông Anh Giáo đã tiến tới một tiến trình đối thoại tốt đẹp, một cuộc đối thoại được đánh dấu bằng việc khám phá ra những yếu tố quan trọng của cùng một niềm tin … Trên 35 năm qua, Ủy Ban Quốc Tế Anh Giáo và Công Giáo Rôma (ARCIC: Anglican-Roman Catholic International Commission) đã phổ biến một số những văn kiện quan trọng là những gì tìm cách bày tỏ niềm tin chung của chúng ta. Trong vòng 10 năm, kể từ Bản Tuyên Ngôn Chung mới nhất được ký kết giữa Vị Giáo Hoàng này và Đức Tổng Giám Mục ở Canterbury, giai đoạn thứ hai của cơ cấu ARCIC đã hoàn thành trách vụ của mình, với việc phổ biến các văn kiện ‘Tặng Ân về Thẩm Quyền’ (1999) và ‘Mẹ Maria: Ân Sủng và Niềm Hy Vọng trong Chúa Kitô’ (2005)”.

 

     Cuộc đối thoại đại kết Kitô Giáo giữa Giáo Hội Công Giáo Rôma và Cộng Đồng Hiệp Thông Anh Giáo này, một cuộc đối thoại trước hết được Đức Phaolô VI và ĐTGM Michael Ramsey ở Canterbury năm 1966 kêu gọi thực hiện, và được thiết lập vào năm 1970. Giai đoạn đầu tiên của hoạt động do ủy ban ARCIC thực hiện (1970-1981) mang lại những bản văn về Thánh Thể, về thừa tác vụ và về hai bản công bố liên quan tới quyền bính trong Giáo Hội. Giai đoạn thứ hai của ARCIC (1983-2005) bao gồm những công bố về ơn cứu độ và đức công chính, về bản tính của Giáo Hội, về những điều luân lý, về thẩm quyền trong Giáo Hội một lần nữa, cuối cùng đến vai trò của Đức Trinh Nữ Maria nơi tín lý và đời sống Giáo Hội. Giai đoạn thứ ba chưa được bắt đầu, nhất là lại có những diễn tiến bất lợi từ phía Cộng Đồng Hiệp Thông Anh Giáo, như được Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI thẳng thắn nhận định và nêu lên, cũng trong cùng bài đáp từ của ngài, như sau:

 

     “Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, và nhất là trong một thế giới Tây phương bị tục hóa này, thành phần Kitô hữu và các cộng đồng Kitô Giáo đang bị chi phối rất nhiều bởi những ảnh hưởng và áp đảo tiêu cực. Trên 3 năm qua, ngài đã công khai nói về những trạng thái căng thẳng và những khó khăn cứ ám ảnh Cộng Đồng Hiệp Thông Anh Giáo, gây ra tình trạng bất định cho tương lai của chung Cộng Đồng Hiệp Thông này. Những diễn tiến mới đây, đặc biệt liên quan tới vấn đề thừa tác vụ thánh chức (biệt chú: phải chăng ở đây Đức Thánh Cha có ý nói tới việc truyền chức linh mục và giám mục cho nữ giới?) và một số giáo huấn về luân lý (biệt chú: phải chăng ở đây Đức Thánh Cha muốn nói tới vấn đề tấn phong giám mục đồng tính luyến ái ở Hoa Kỳ?), đã chi phối chẳng những các mối liện hệ nội bộ của Cộng Đồng Hiệp Thông Anh Giáo mà còn cả các mối liên hệ giữa Cộng Đồng Hiệp Thông Anh Giáo và Giáo Hội Công Giáo nữa”.

 

     Dù sao tiến trình đại kết Kitô Giáo giữa Giáo Hội Công Giáo Rôma và Cộng Đồng Hiệp Thông Anh Giáo cũng cần phải nỗ lực thắng vượt những trở ngại nội bộ, để có thể hiệu nghiệm đạt thành mục tiêu truyền giáo và phục vụ cộng đồng nhân loại, như những lãnh vực được Bản Tuyên Ngôn Chung liệt kê như sau:

 

     “Có nhiều lãnh vực làm chứng và phục vụ chúng ta có thể cùng nhau thực hiện, và là những gì thực sự cần đến việc hợp tác chặt chẽ hơn nữa giữa chúng ta, như việc theo đuổi hòa bình ở Thánh Địa cũng như ở các phần đất khác trong một thế giới bị tương tàn bởi xung đột và đe dọa khủng bố; việc cổ võ tôn trọng sự sống từ khi được thụ thai cho tới lúc tự nhiên qua đời; việc bảo vệ tính chất linh thánh của hôn nhân và phúc hạnh của trẻ em trong môi trường đời sống gia đình lành mạnh; việc tiến đến với thành phần nghèo khổ, bị áp bức và dễ bị tổn thương nhất, đặc biệt là những ai bị bách hại vì đức tin; việc nói lên những hậu quả tiêu cực của chủ nghĩa duy vật; và việc chăm sóc thiên nhiên tạo vật và môi trường sống của chúng ta. Chúng tôi cũng quyết tâm thực hiện việc đối thoại liên tôn để cùng nhau chúng tôi tiến tới với những người anh chị em ngoài Kitô Giáo của chúng tôi”.

 

  

Chiều Kích Đại Kết Thánh Mẫu Học “Mẹ Maria: Ân Sủng và Niềm Hy Vọng trong Chúa Kitô”  

 

Chúng ta cũng nên tìm hiểu thêm một chút về riêng văn kiện “Mẹ Maria: Ân Sủng và Niềm Hy Vọng trong Chúa Kitô” được đề cập tới trên đây, liên quan tới việc soạn thảo và nội dung của nó. Sau đây là chia sẻ của Cha Donald Bolen, linh mục Công giáo đồng thư ký của ủy ban ARCIC và là trợ tá cho ngành Tây Phương của Hội Đồng Tòa Thánh Đặc Trách Hiệp Nhất Kitô Giáo, trong cuộc phỏng vấn với mạng điện toán toàn cầu Zenit ngày 18-19/2005.

 

     Ủy ban soạn biên văn kiện Thánh Mẫu này gồm có 18 phần tử. ARCIC bắt đầu bàn đến Đức Maria vào cuộc họp năm 1999 của mình, và hoàn tất bản văn vào năm 2004. Những phần tử bên Anh Giáo được ĐTGM Canterbury chỉ định sau khi tham vấn với Văn Phòng Hiệp Thông Anh Giáo, trong khi đó các phần tử Công Giáo Rôma được chỉ định bởi Hội Đồng Tòa Thánh Đặc Trách Cổ Võ Hiệp Nhất Kitô Giáo. Hai vị đồng chủ tịch là Giám Mục Công Giáo Alexander Brunett ở Seattle và ĐTGM Anh Giáo Peter Carnlety ở Perth, vị cũng là giáo chủ ở Úc Châu.

 

     Bản Văn về Thánh Mẫu này là một bản văn đối thoại song phương quốc tế đầu tiên về chủ đề vai trò của Đức Maria trong Giáo Hội. Đoạn mở đầu của văn kiện này nói rằng ARCIC đã được các vị lãnh đạo Anh Giáo và Công Giáo Rôma yêu cầu sửa soạn một cuộc nghiên cứu về Đức Maria. Cho dù Đức Maria đều có một vị thế quan trọng nơi đời sống và phụng vụ của người Anh giáo lẫn Công Giáo Rôma, hai tín điều Thánh Mẫu và việc tôn sùng Thánh Mẫu ở Giáo Hội Công Giáo Rôma vẫn được coi là những gì phân rẽ giữa Cộng Đồng Hiệp Thông Anh giáo và Giáo Hội Công giáo Rôma.

 

     ARCIC đã nói một cách ngắn gọn về Đức Maria một lần trước đây, trong bản văn năm 1981 về “Thẩm Quyền trong Giáo Hội II”. Đoạn 2 của Bản Văn về Thánh Mẫu đã tóm tắt mức độ quan trọng của việc đồng ý về Đức Maria vào năm 1981, rồi trích dẫn bản văn trước đó về vấn đề liên quan đến những khác biệt vẫn còn đó, những khác biệt được bản văn đưa ra giải quyết, đặc biệt chú trọng tới các tín điều Thánh Mẫu: “Các tín điều Hoài Thai Vô Nhiễm và Mông Triệu đã gây ra một vấn đề trầm trọng đối với những người Anh giáo không coi những định tín của các tín điều này là những gì có đầy đủ chứng cớ trong Thánh Kinh”.

 

     Điểm hội tụ được đề ra trong hai phần đầu của bản văn này đã cống hiến những nền tảng cho việc bàn tới hai tín điều ấy. Phần thứ ba được bắt đầu bằng việc nhìn vào Đức Maria cũng như vào vai trò của Người trong lịch sử cứu độ theo chiều hướng của “một khoa thần học về ân sủng và hy vọng”. Bản văn nại tới bức thư Thánh Phaolô gửi tín hữu Rôma (8:30), trong đó, ngài đặt ra một thứ mẫu thức về ân sủng và niềm hy vọng liên quan tới mối liên hệ sinh động giữa Thiên Chúa và nhân loại: ‘Những ai Thiên Chúa đã tiền định thì Ngài cũng kêu gọi; những ai được Ngài kêu gọi thì Ngài cũng công chính hóa; và những ai được Ngài công chính hóa thì Ngài cũng tôn vinh’”.

 

     Mẫu thức này rõ ràng được thể hiện nơi đời sống của Đức Maria. Người đã “được chú ý từ ban đầu như là một người được tuyển chọn, được kêu gọi và ưu ái bởi Thiên Chúa qua Chúa Thánh Thần về công việc sau này của Người” (54). Nơi tiếng xin vâng hoàn toàn tự nguyện thốt lên – “xin hãy thực hiện nơi tôi theo như lời ngài” (Lk 1:38) – chúng ta thấy “hoa trái của việc Mẹ tỏ ra sẵn sàng trước đó, một thái độ sẵn sàng được thể hiện nơi việc sứ thần Gabiên xác nhận là Người ‘diễm phúc’” (55). Ở đoạn 59, bản văn này liên kết việc xác nhận ấy với những gì được tuyên xưng trong tín điều Hoài Thai Vô Nhiễm Tội của Mẹ Maria: “Theo ơn gọi là Mẹ Đấng Thánh của Người (x Lk 1:35), chúng ta có thể cùng nhau xác nhận là công cuộc cứu chuộc của Chúa Kitô đã đạt đến ở nơi Đức Maria tầm mức sâu thẳm hữu thể của Người cũng như vào những giây phút ban đầu của Người. Điều này không ngược với giáo huấn của Thánh Kinh, và chỉ có thể hiểu được theo chiều hướng Thánh Kinh. Những người Công giáo Rôma có thể nhìn nhận nơi điều này những gì đã được tín điều ấy xác nhận – tức là vấn đề ‘được gìn giữ khỏi tất cả mọi tì vết nguyên tội’ và ‘từ giây phút đầu tiên khi Người được hoài thai’”.

 

     Bản văn kiện này còn đặt vấn đề là như ân sủng hoạt động vào lúc ban đầu của đời sống Đức Maria thế nào thì Thánh Kinh cũng có những chứng cớ vững chắc cho thấy rằng những ai trung thành theo những gì Thiên Chúa dự định sẽ được vào hưởng thiên nhan Ngài. Dù ”không có chứng cớ trực tiếp trong Thánh Kinh liên quan đến việc kết thúc cuộc sống của Đức Maria” (56), “Kitô hữu Đông Tây từ đời nọ đến đời kia vẫn nghĩ về công cuộc của Thiên Chúa nơi Đức Maria, họ đều ý thức một cách tin tưởng rằng… thật là xứng hợp việc Chúa đã triệu Người về với Ngài một cách trọn vẹn: trong Chúa Kitô, Người đã là một tạo vật mới…” (58). Một lần nữa, khi liên kết ý thức về ân sủng và niềm hy vọng này nơi đời sống của Đức Maria với tín điều Mông Triệu của Đức Maria, bản văn nhận định là: “chúng ta có thể cùng nhau xác nhận giáo huấn Thiên Chúa đã mang Đức Trinh Nữ Maria vào vinh quang tất cả con người của Người là những gì hợp với Thánh Kinh, và giáo huấn ấy thực sự chỉ hiểu được theo chiều hướng Thánh Kinh như thế mà thôi. Những người Công Giáo Rôma có thể nhìn nhận rằng giáo huấn này về Đức Maria được tuyên bố bằng một tín điều” (58).

 

     Ủy ban này không hoàn toàn giải quyết những sự khác biệt giữa người Anh giáo và Công giáo liên quan tới hai tín điều ấy, vì những đúc kết trên đây liên quan tới nội dung Thánh Mẫu về hai tín điều, chứ không liên quan tới thẩm quyền hai tín điều ấy được xác định. Tuy nhiên, thành phần soạn thảo của ARCIC tin tưởng nêu lên rằng nếu những lập luận ở trong văn kiện Thánh Mẫu này được chấp thuận bởi cả Cộng Đồng Hiệp Thông Anh Giáo lẫn Giáo Hội Công Giáo Rôma thì văn kiện này “sẽ đặt ra các vấn đề về thẩm quyền phát xuất từ hai cuộc định tín năm 1854 và 1950 theo chiều hướng mới của đại kết” (78; x. 61-63).

 

     Nếu vấn đề Tôn Sùng Thánh Mẫu vốn là vấn đề bất đồng trầm trọng giữa Giáo Hội Công Giáo Rôma với các cộng đồng Kitô giáo Cải Cách nói chung và Cộng Đồng Hiệp Thông Anh Giáo nói riêng, mà giờ đây, qua bản văn kiện “Mẹ Maria: Ân Sủng và Niềm Hy Vọng trong Chúa Kitô”, vai trò của Mẹ đã được anh chị em thuộc Cộng Đồng Hiệp Thông Anh Giáo, qua thành phần thần học gia đại diện của họ, công nhận theo chiều hướng hai tín điều Thánh Mẫu của Giáo Hội Công Giáo Rôma như thế, thì phải chăng, bất chấp những diễn tiến mù mịt đang xẩy ra nơi Cộng Đồng Hiệp Thông Anh Giáo, (như được Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đề cập tới và được trích dẫn trên đây), ánh sáng cuối đường hầm đang tỏ hiện như rạng đông vươn lên ở chân trời Đại Kết Kitô Giáo giữa Giáo Hội Công Giáo Rôma và Cộng Đồng Hiệp Thông Anh Giáo!?

 

 

Viết xong ngày 28/11/2006, ngày Đức Thánh Cha Biển Đức XVI lên đường tông du Thổ Nhĩ Kỳ