TÂN GIÁO HOÀNG 2005

Từ Mật Nghị Hồng Y Chọn Bầu Đến Đăng Quang

 

Tân Giáo Hoàng Biển Đức XVI: Thánh Lễ Đăng Quang Chúa Nhật 24/4/2005

ĐTC Biển Đức XVI với Giới Truyền Thông để bày tỏ lòng tri ân và nhắc nhở trách nhiệm đạo lý

ĐTC Biển Đức XVI từ sau khi trở thành Tân  Giáo Hoàng: Chương Trình, Bổ Nhiệm và Cử Hành

ĐTC Biển Đức XVI gặp gỡ hồng y đoàn: tỏ lòng tri ân và kêu gọi hợp tác

Tân Giáo Hoàng Biển Đức XVI: Những sinh hoạt trong các ngày đầu trước khi đăng quang

Tân Giáo Hoàng Biển Đức XVI: Lễ Đăng Quang với sự tham dự của Vị Lãnh Đạo Anh Giáo, phái đoàn Hoa Kỳ, phái đoàn Đức Quốc v.v.

Hồng Y Joseph Ratzinger, Tân Giáo Hoàng 265 - Đức Bênêđích XVI

Những diễn tiến về cuộc mật nghị hồng y bầu tân giáo hoàng 265

Bài Giảng Thánh Lễ Khai Mạc Mật Nghị Hồng Y Bầu Tân Giáo Hoàng

Lai Lịch của Cái Lò Đốt ở Nguyện Đường Sistine cho Mật Nghị Hồng Y Bầu Giáo Hoàng

Vị Tân Giáo Hoàng 265 có thể là một hồng y người Pháp gốc Ba Lan Do Thái hay một hồng y thuộc dòng Phanxicô...

Vị Tân Giáo Hoàng 265 theo Sấm Truyền của Tiên Tri Nostradamus

Về Nghi Thức và Thủ Tục của Mật Nghị Bầu Tân Giáo Hoàng

 

 

Tân Giáo Hoàng Biển Đức XVI: Thánh Lễ Đăng Quang Chúa Nhật 24/4/2005
 

Theo đúng chương trình, vào đúng 10 giờ sáng Chúa Nhật V Mùa Phục Sinh, 24/4/2005, Thánh Lễ Đăng Quang của Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã được bắt đầu tại Quảng Trường Thánh Phêrô.
 

Trước Thánh Lễ, tân Giáo Hoàng Biển Đức đã xuống hầm mộ dưới lòng Đền Thờ Phêrô, tới mộ Thánh Phêrô kính viếng, bằng việc xông hương mộ của ngài.

Khi đoàn đồng tế đoàn (gồm
150 vị hồng y, mặc áo lễ bạc) tiến từ Đền Thờ Thánh Phêrô ra ngoài Quảng Trưởng Thánh Phêrô, vị cuối cùng là Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI, tất cả vỗ tay trong khi đó ca đoàn hát Kinh Cầu Các Thánh. Trong số giám mục, linh mục và tu sĩ hiện diện có cả người anh linh mục của ngài là Đức Ông Georg Ratzinger.
 

Bài Phúc Âm được công bố bằng cả tiếng Latinh lẫn Hy Lạp bởi hai phó tế. Hai phó tế này cũng đã mang giây tông phẩm và nhẫn giáo hoàng từ bàn thờ tới chỗ ĐTC ngồi chủ lễ và đứng chung với 3 vị hồng y Angelo Sodano, Stephen Kim Sou-hwan và Jorge Arturo Medina Estevez.

 

Trước bài giảng là phần giây choàng giáo tông và tông nhẫn, sau đó có 12 người đại diện lên hôn nhẫn ngài để tỏ ra thần phục quyền bính giáo hoàng. Vị giám mục đã bỏ mũ ra như tỏ lòng tuân phục thượng quyền của ngài.

 

ĐHY Jorge Arturo Medina Estevez đã đeo giây tông phẩm (petrine pallium) cho ĐTC, giây tông phẩm này mầu trắng, được làm bằng cả lông chiên và cừu, với 5 hình thánh giá đỏ được thêu ở giây tông phẩm này. Giây tông phẩm này tượng trưng cho cả Vị Chủ Chiên Nhân Lành vác con chiên lạc trên vai lẫn câu trả lời ‘con mến Thày’ ba lần của Tông Đồ Phêrô là vị tông đồ được Thày trao cho sứ vụ chăn dắt cả chiên lẫn cừu của Người.

ĐHY Angelo Sodano, trưởng hồng y đoàn, bấy giờ đặt nhẫn giáo hoàng vào bàn tay phải của ĐTC. Chiếc nhẫn này có hình ảnh để làm dấu niêm ấn của ngài, đó là hình ảnh Thánh Phêrô với chiếc thuyền mang lưới cá, nói lên ý nghĩa đức tin đích thực và nhiệm vụ củng cố đức tin cho anh em mình của Tông Đồ Phêrô. Sở dĩ chiếc nhẫn này được gọi là Nhẫn của Tay Đánh Cá (Ring of the Fishermen) là vì tông đồ Phêrô là Tông Đồ đánh cá, vị đã tin vào lời Chúa Giêsu, thả lưới và đã bắt được mẻ cá lạ.

12 người lên hôn nhẫn của ngài là 3 vị hồng y, 1 vị giám mục, 1 linh mục, 1 phó tế, 1 nam tu và 1 nữ tu, 1 căp vợ chồng và hai người nam nữ trẻ vừa mới được lãnh nhận bí tích thêm sức.

 

Trong bài giảng, ĐTC đã nhắc lại vị cố giáo hoàng khả kính đáng nhớ của mình, chào tất cả mọi người, xin cầu nguyện cho ngài, nói tới “sa mạc tâm linh” của con người thời đại, tới lời Chúa Giêsu nói “chỉ có một đàn chiên và một chủ chiên”, và cuối cùng ngài nhắc lại lời của vị tiền nhiệm của ngài đã kêu gọi con người vào ngày 22/10/1978 trong lễ đăng quang 26 năm rưỡi trước đây, là “đừng sợ, hãy mở rộng cửa cho Chúa Kitô”, và ngài đặt vấn đề tại sao con người sợ Chúa Kitô, vì họ sợ Người lấy đi của họ những gì họ có, trái lại, Người lại ban cho họ tất cả, cho họ tự do.

Trong phần dâng lễ có phái đoàn giáo dân các nước, như Hung Gia Lợi, China, Peru, Ý, Nhật v.v., từng cặp, bưng chén lễ lên cho ĐTC, được ngài chúc lành rồi đưa chén lễ cho những vị giúp lễ.

Theo cảnh sát Rôma cho biết, Thánh Lễ đăng quang của vị tân giáo hoàng, tuy không đông tới 3 triệu người bằng lễ an táng của vị cố giáo hoàng, song cũng tràn ngập Quảng Trường Thánh Phêrô và con đường Via della Concilazione dẫn đến quảng trường này, con số lên tới nửa triệu, trong đó có nhiều người Đức.

Để giữ an ninh cho lễ đăng quang này, chính quyền Ý đã phải vận dụng tới 7 ngàn nhân viên, bao gồm cả thành phần bảo vệ các vị lãnh đạo hay đại diện các quốc gia. Không phận Rôma trong vòng 5 dặm, từ 8 giờ sáng tới 4 giờ chiều, không có một thứ không vận nào. Vấn đề cấp cứu đã có 100 bác sĩ, 100 y tá, 50 nhóm cấp cứu, 80 xe cứu thương và 8 trạm cứu thương.
 

Có 141 phái đoàn đại biểu đại diện các vị lãnh đạo quốc gia và chính quyền tham dự lễ đăng quang. Có 70 vị đại diện đại kết, bao gồm các Giáo Hội Chính Thống, các Giáo Hội Chính Thống Đông Phương, Các Giáo Hội và cộng đồng Kitô hữu Tây Phương, và các tổ chức Kitô giáo thế giới. Trong số các vị lãnh đạo chính quyền các quốc gia gồm có: Tổng Thống Ý Carlo Ciampi, Tổng Thống Áo Heinz Fischer, Tổng Thống Đức Horst Kohler, Tổng Thống Balan Aleksander Kwasniewski; từ Mỹ Châu Latinh có Tổng Thống Á Căn Đình Nestor Kirchner, Tổng Thống Colombia Álvaro Uribe, Tổng Thống Honduras Ricardo Maduro, Tổng Thống Paraguay Nicanor Duarte, Tổng Thống El Salvador Elias Antonio Saca, và Tổng Thống Dominican Leonel Fernández, Quốc Vương Tây Ban Nha Juan Carlos và Nữ Hoàng Sofia, Tổng Thống Lebanon Emile Lahoud, Thống Đốc Florida Jeb Bush, lãnh đạo phái đoàn Hoa Kỳ 5 người, ĐTGM Rowan Williams Giáo Chủ Anh Giáo, ĐTGM Kirill thuộc Tòa Thượng Phụ Moscow, TGM Chrysostomos thuộc Tòa Thượng Phụ Toàn Cầu Constantinople. Riêng tôn sư trưởng Do Thái ở Rôma được tân giáo hoàng mời song không tới được vì Chúa Nhật là ngày đầu tiên của Lễ Vượt Qua. Ngoài ra còn có các đại diện đến từ Á Châu, Phi Châu và Trung Đông.

 

Kết Lễ, trong khu chuông rung, ĐTC đã lên chiếc tông xa (không bọc kính an toàn) để đi vòng Quảng Trường Thánh Phêrô (lần đầu tiên trên chiếc tông xa này) chào tất cả mọi người đến tham dự Thánh Lễ Đăng Quang của ngài.

 

Các vị lãnh đạo này lần lượt lên chúc mừng ĐTC ngồi trước Bàn Thờ Cáo Giải, đầu tiên là tổng thống và thủ tướng Đức, và lâu nhất và nồng nhiệt nhất là phái đoàn của tổng thống Balan.

 
 

 TOP

 

 

ĐTC Biển Đức XVI với Giới Truyền Thông để bày tỏ lòng tri ân và nhắc nhở trách nhiệm đạo lý

Đối nội, ở Giáo Triều Vatican nói riêng và Giáo Hội hoàn vũ nói chung, thành phần đầu tiên được Đức Tân Giáo Hoàng Biển Đức XVI gặp gỡ là Hồng Y Đoàn. Ngài đã gặp các vị 2 lần, một lần là Thánh Lễ hôm Thứ Tư 20/4, tức ngay sau ngày ngài được Hồng Y Đoàn tuyển bầu làm giáo hoàng thứ 265 của Giáo Hội Công Giáo, để ngỏ cùng các vị chiều hướng của giáo triều ngài. Lần thứ hai ngài đã gặp riêng các vị một lần nữa vào Thứ Sáu 22/4 để ngỏ lời cám ơn và xin các vị tiếp tục hợp tác với ngài để phục vụ Giáo Hội, sau đó từng vị lên trao đổi với ngài một chút tâm sự riêng tư, và ngài đã nói lâu nhất với hồng y chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Đức Quốc.
 

Đối ngoại, thành phần đầu tiên bên ngoài Giáo Triều Vatican được ĐTC Biển Đức XVI gặp gỡ, kể cả trước khi ngài đăng quang, đó là giới truyền thông, (trước cả ngoại giao đoàn, quê hương Đức quốc đoàn, cả phái đoàn liên tôn và đại kết), theo đúng như dự định vào ngày Thứ Bảy 23/4/2005, ngày áp lễ đăng quang. Ngài đã gặp mấy ngàn nhân viên thuộc giới truyền thông đủ mọi ngành (báo chí, truyền thanh, truyền hình, nhiếp ảnh gia v.v.) ở Sảnh Đường Phaolô VI. Ngài đã nói với họ bằng tiếng Ý, tiếng Anh, tiếng Pháp và tiếng Đức.

“Người ta có thể nói rằng, nhờ công việc làm của anh chị em, mà qua nhiều tuần lễ thế giới đã chú ý tới đền thờ Thánh Phêrô, Quảng Trường Thánh Phêrô và Dinh Điện Giáo Hoàng, nơi mà vị tiền nhiệm của tôi là Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đáng mãi mãi kính nhớ, đã an bình kết thúc cuộc đời trần thế của mình, và cũng là nơi, vào những ngày sau đó, ở Nguyện Đường Sistine, các vị hồng y đã tuyển bầu tôi làm người kế vị ngài. (Tiếng Ý)

“Nhờ tất cả anh chị em mà những biến cố lịch sử quan trọng này của giáo hội mới được phổ biến cho cả thế giới biết. Tôi biết rằng anh chị em làm việc cực nhọc lắm, bỏ cả nhà cửa và gia đình, trải qua những giờ giấc lâu dài và đôi khi còn gặp những điều kiện khó khăn trở ngại nữa. Tôi cũng biết được cả khả năng và việc dấn thân của anh chị em trong vấn đề hoàn trọn công việc gay go này. Nhân danh bản thân tôi, nhất là thay mặt cho những người Công Giáo sống xa Rôma, thành phần đã có thể theo dõi những giây phút phấn khởi cho niềm tin của chúng tôi khi thấy được những diễn tiến này, tôi xin cám ơn anh chị em về tất cả những gì anh chị em làm. Những gì có thể mang lại được các phương tiện truyền thông xã hội tân tiến cống hiến cho chúng ta thật là diệu kỳ và tuyệt vời! (Tiếng Anh)

“Đức Gioan Phaolô II thực sự là một đại thủ công nghệ gia cho cuộc đối thoại cởi mở và chân thành này, như ngài đã thực hiện hơn 26 năm giáo triều của ngài những liên hệ liên tục và tốt đẹp với anh chị em phục vụ ngành truyền thông xã hội. Tôi muốn theo đuổi cuộc đối thoại tốt đẹp này” (Tiếng Pháp. Ở đoạn này, ĐTC còn đề cập tới chiều hướng của Công Đồng Chung Vaticanô II về truyền thông xã hội, qua văn kiện "Inter mirifica”, và cũng đề cập tới văn kiện cuối cùng của vị cố giáo hoàng gửi cho truyền thông là sứ điệp ‘Vấn Đề Tiến Bộ Nhanh Chóng’ ban hành ngày 24/1/2005).

Tới đây ĐTC nói có vẻ ngập ngừng là ngài muốn ngỏ cùng thành phần hiện diện “bằng tiếng bản xứ của ngài”, làm cho họ phá lên cười và vỗ tay. Sau đó ngài đã nói bằng tiếng Đức như sau:

“Vì các phương tiện truyền thông xã hội có thể cống hiến một dịch vụ tích cực cho công ích mà cá nhân cũng như tất cả mọi người cần phải có trách nhiệm đóng góp. Chúng ta không thể không nhấn mạnh đến vấn đề trách nhiệm đạo lý của những ai hoạt động trong lãnh vực này trong việc họ cần phải nắm vững những cứ điểm, nhất là khi họ chân thành tìm cầu chân lý và bảo toàn tính cách trọng yếu và phẩm giá của con người”.

 

Cuối cùng, ngài nói bằng tiếng Ý để cầu chúc cho tất cả mọi người. Trước buổi triều kiến chung cho thành phần phóng viên báo chí 5 ngàn người, ĐTC đã gặp riêng một số vị chủ bút của các tờ nhật báo Ý (như Avvenire, ll Corriere della Sera, ll Tempo, ll Messaggero, La Repubblica) và các vị giám đốc hai đài truyền hình lớn nhất ở Ý (RAI và Mediaset). Cuộc gặp gỡ này kéo dài khoảng 5 phút. Cuộc họp này diễn ra ở phòng riêng cạnh Sảnh Đường Phaolô VI.
 

 

 TOP

 

 

ĐTC Biển Đức XVI từ sau khi trở thành Tân  Giáo Hoàng: Chương Trình, Bổ Nhiệm và Cử Hành

 

Chương Trình

 

Chiều ngày Thứ Tư 20/4, vị giám đốc của văn phòng báo chí tòa thánh Joaquin Navarro Valls đã phổ biến những tin tức cho phóng viên báo chí liên quan đến Vị Tân Giáo Hoàng như sau.

 

“Sáng nay (Thứ Tư 20/4), ĐTC Biển Đức XVI đã viếng thăm Thánh Bộ Tín Lý Đức Tin để, qua một cuộc gặp gỡ rất thân tình, chào hỏi thành phần nam nữ đã cộng tác với ngài ở phân bộ này.

 

“Sau đó ngài vào các tông phòng ở Tông Điện, gỡ ra các dấu niêm phong.

 

“ĐTC đã mời một số cộng sự viên của mình trong Giáo Triều Rôma dùng bữa trưa tại Trú Viện ‘Thánh Matta Gia’, quyết định thực hiện một số việc tới đây của ngài:

 

“Sáng Thứ Sáu: gặp gỡ tất cả mọi vị hồng y đang ở Rôma.

 

“Sáng Thứ Bảy: gặp gỡ thành phần phóng viên báo chí và nhân viên truyền thông xã hội.

 

“Chiều Thứ Bảy, ĐTC trở về căn phòng mà ngài đã sống trước kia ở Piaoãa della Citta Leonina.

 

“Như được thông báo trước đây, vào lúc 10 giờ sáng Chúa Nhật 24/4, ĐTC Biển Đức XVI sẽ chủ tế Thánh Lễ để long trọng đăng quang giáo triều của ngài.

 

“Sáng Thứ Hai 25/4, ngài tiếp các phái đoàn đại biểu đến tham dự lễ đăng quang giáo triều của ngài.

 

“ĐTC quyết định lưu ngụ tạm tại căn phòng ở Trú Viện ‘Thánh Matta Gia’”.

 

Về chương trình trên đây của ĐTC, vào chiều hôm Thứ Năm 21/4, vị giám đốc đã thêm và thay đổi một điều như sau:

 

Sáng Thứ Hai 25/4, ĐTC sẽ tiếp tại Sảnh Đường Phaolô VI phái đoàn hành hương từ Đức quốc sang Rôma tham dự lễ đăng quang giáo triều của ngài.

Vào lúc 11 giờ sáng Thứ Bảy 23/4, ngài sẽ tiếp thành phần báo chí và truyền thông tại Sảnh Đường Phaolô VI.

 

Chúa Nhật 24/4, sau Thánh Lễ đăng quang, ngài sẽ tiếp ngoại giao đoàn chư quốc làm việc với Tòa Thánh cùng các vị lãnh đạo thuộc những phái đoàn đại biểu tham dự Lễ Đăng Quang giáo triều của ngài, chứ không phải Thứ Hai 25/4 như đã thông báo trước (chắc để tiện cho các vị đại biểu trở về sau khi xong lễ).

 

Bổ Nhiệm

 

Ngày Thứ Năm 21/4, ĐTC đã chính thức bổ nhiệm các phận vụ quan trọng trong giáo triều của ngài như sau:

 

Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh: ĐHY Angelo Sodano (như cũ);

 

Công nhận các vị hồng y và TGM làm đầu các phân bộ của Giáo Triều Rôma, và vị chủ tịch Ủy Ban Tòa Thánh về Quốc Đô Vatican.

 

Công nhận ĐTGM Leonardo Sandri là phụ tá Tổng Vụ của Văn Phòng Quốc Vụ Khanh.

 

Công nhận ĐTGM Giovanni Lajolo là bí thư về Liên Hệ với Chư Quốc của Văn Phòng Quốc Vụ Khanh.

 

Công nhận các vị thư ký hiện tại ở các phân bộ trong Giáo Triều Rôma với nhiệm kỳ 5 năm nữa.

 

Cử Hành

 

Văn Phòng Giám Lễ Giáo Hoàng đã phổ biến thông báo vào chiều hôm Thứ Năm 21/4 về những việc cử hành của ĐTC sắp tới:

 

Chúa Nhật 24/4: vào lúc 10 giờ sáng, tại Quảng Trường Thánh Phêrô, ĐTC sẽ chủ tế Thánh Lễ Đăng Quang, với sự đồng tế của tất cả mọi vị hồng y đang ở Rôma:

 

“Giáo Hội ở Rôma cũng như ở các nơi khác trên thế giới được mời gọi để dâng lời tạ ơn theo tình con thảo và thiết tha xin Chúa ban cho vị tân Giáo Hoàng Rôma, vị sẽ lãnh nhận Giáo Hoàng Bào và Nhẫn Giáo Hoàng, muôn vàn ân phúc cho thừa tác vụ của ngài vì thiện ích của toàn thể Giáo Hội”.

 

Thứ Hai 25/4, vào lúc 6 giờ 30 chiều, ĐTC sẽ đến mồ Thánh Tông Đồ Phaolô ở Đền Thờ Thánh Phaolô Ngoại Thành “để bày tỏ mối liên hệ bất khả phân ly của Giáo Hội Rôma với Vị Tông Đồ Chư Dân cùng với Vị Đánh Cá Xứ Galiêa”.

 

 TOP

 

ĐTC Biển Đức XVI gặp gỡ hồng y đoàn: tỏ lòng tri ân và kêu gọi hợp tác

 

Đúng như lịch trình đã được hoạch định, sáng Thứ Sáu 22/4, vị tân giáo hoàng của đoàn tính lại gặp hồng y đoàn một lần nữa, ngoài Thánh Lễ sau ngày ngài được bầu làm tân giáo hoàng, để chia sẻ tâm tình với các vị còn hiện diện ở Rôma chờ tham dự Thánh Lễ Đăng Quang của ngài, và xin các vị giúp ngài chu toàn thừa tác vụ của một mục tử Giáo Hội hoàn vũ. Ngài nói với các vị rằng:

 

“Tôi cảm thấy rất ư là xúc động vào dịp vị tiền nhiệm đáng kính của tôi là Đức Gioan Phaolô II qua đời, và rồi trong cuộc mật nghị hồng y bầu giáo hoàng, nhất là trước thành quả của cuộc mật nghị này, tôi lại cảm thấy hết sức muốn thinh lặng với hai cảm giác hỗ tương, đó là một lòng biết ơn sâu xa chân thành và một cảm thức bất lực theo loài người trước công việc cao cả đang đợi chờ tôi.

 

“Trước hết, tôi cảm thấy cần phải tạ ơn Thiên Chúa là Đấng, bất chấp nỗi yếu hàn phàm nhân của tôi, đã chọn tôi làm vị Thừa Kế Tông Đồ Phêrô và trao phó cho tôi công việc nâng đỡ và hướng dẫn Giáo Hội, một Giáo Hội trong thế giới này trở thành một bí tích hiệp nhất với toàn thể nhân loại”.

 

Ngài cũng bày tỏ nỗi “cảm xúc sâu xa” khi gặp gỡ tín hữu lần đầu tiên hai ngày trước đây ở Quảng Trường Thánh Phêrô: “Chớ gì lời cám ơn chân thành nhất của tôi được gửi đến với hết mọi người: giám mục, linh mục, tu sĩ nam nữ, già trẻ, về tình kết liên gắn bó thiêng liêng của họ”.

 

Ngài cũng cám ơn tất cả mọi phần tử thuộc hồng y đoàn, đặc biệt ĐHY Quốc Vụ Khanh Angelo Sodano và ĐHY tổng vụ Eduardo Martinez Somalo, về “việc hợp tác chủ động các vị thực hiện để điều hành Giáo Hội trong thời gian trống ngôi giáo hoàng. Tôi cũng đặc biệt gửi lời chào đến những vị hồng y, vì lý do tuổi tác hay yếu bệnh, không tham dự cuộc mật nghị hồng y bầu tân giáo hoàng”.

 

Ngài gửi lời cám ơn riêng đến các vị hồng y “về niềm tin tưởng quí huynh đã đặt nơi tôi, qua việc chọn bầu tôi làm Giám Mục Rôma và làm mục tử của Giáo Hội Hoàn Vũ. Đó là một tác động của đức tin giúp tôi phấn chấn để đảm nhận sứ vụ mới này một cách an tâm hơn, vì tôi xác tín rằng tôi có thể cậy dựa cả vào ơn trợ giúp bất khả thiếu của Thiên Chúa lẫn việc hợp tác quảng đại của quí huynh. Tôi nguyện xin để quí huynh không thôi nâng đỡ tôi!”

 

ĐTC đã nhắc lại các vị tiền nhiệm của mình là Giáo Hoàng Chân Phước Gioan XXIII, Giáo Hoàng Tôi Tớ Chúa Phaolô VI và Đức Gioan Phaolô I, nhất là Đức Gioan Phaolô II, ““Vào lúc này đây ký ức của tôi nghĩ đến các vị tiền nhiệm đáng kính của mình là Chân Phước Giáo Hoàng Gioan XXIII, Tôi Tớ Giáo Hoàng Phaolô VI và Đức Gioan Phaolô I, nhất là Đức Gioan Phaolô II là vị có moat chứng từ trong những ngày qua đã nâng đỡ chúng ta hơn bao giờ hết và là vị chúng ta vẫn còn tiếp tục cảm thấy sự hiện diện sống động của ngài. Biến cố đau thương về cái chết của ngài, sau một giai đoạn thử thách và đớn đau khủng khiếp, thực sự đã cho thấy những tính chất vượt qua, như ngài đã hy vọng trong di chúc thư của ngài (24/2-1/3/1980). Ánh sáng và sức mạnh của Chúa Kitô Phục Sinh đã chiếu tỏa nơi Giáo Hội từ một thứ ‘Lễ cuối cùng’ được ngài cử hành trong cơn hấp hối của ngài, một lễ đã đạt đến tột đỉnh nơi tiếng ‘Amen’ của một cuộc đời hoàn toàn dâng hiến, qua Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria, cho phần rỗi của thế giới”.

 

“Đối với tôi, việc gắn bó về tinh thần của quí huynh, lời khuyên dụ khôn ngoan của quí huynh và việc hợp tác hiệu năng của quí huynh sẽ là một món quà tôi lúc nào cũng tri ân và là một phấn khích để thi hành sứ vụ đã được trao phó cho tôi với tất cả lòng trung thành và dâng hiến”.

 

 

TOP

 

Tân Giáo Hoàng Biển Đức XVI: Những sinh hoạt trong các ngày đầu trước khi đăng quang

 

Hôm Thứ Tư 20/4, vị tân giáo hoàng đã bắt đầu bước ra khỏi Tông Dinh để gặp gỡ dân chúng trong chuyến đi về nơi cư trú của mình, nơi ngài đã sống trước mật nghị bầu tân giáo hoàng vừa rồi.

 

Vào lúc 5 giờ chiều, ngài đã xuống xe, băng qua Cổng Thánh Anne vào nơi cư trú trước đây của ngài.

 

Khoảng 7 giờ, khi ngài ra khỏi nơi cư trú trở về Vatican, dân chúng đã xếp hàng dọc theo con đường Via de Porta Angelica. Ngài đã tươi cười chào họ: “Tôi hết sức xúc động”, sau đó ngài đã hôn mấy em nhỏ, chào hỏi một số người, rồi lên xe về Vatican.

 

Buối sáng cùng ngày, ngài đã đến thăm Thánh Bộ Tín Lý Đức Tin thân yêu của ngài và được tiếp đón bởi ĐTGM Angelo Amato và phần tử của phân bộ này.

 

Trong bầu không khí hân hoan, ngài đã nói vắn gọn, chào hỏi tất cả mọi nhân viên và cắt nghĩa về ý nghĩa của việc chọn danh hiệu giáo hoàng Biển Đức XVI của ngài, một danh hiệu được gợi hứng bởi giáo triều của Giáo Hoàng Biển Đức XV, một con người hòa bình, cũng như bởi vai trò được thực hiện bởi vị đồng quan thày Âu Châu là Thánh Biển Đức.

 

Khi ngài nói đùa bằng câu Chúa Giêsu nói với Thánh Phêrô: “Khi con về già thì có người khác sẽ thắt lưng cho con và dẫn con đến nơi con không muốn tới”, thì mọi người cười rộ lên.

 

Sau đó ngài đến tông phòng ở Tông Điện để gỡ những dấu niêm phong ra. Bấy giờ có cả sự hiện diện của ĐHY tổng quản Eduardo Martínez Somalo; ĐHY Angelo Sodano, nguyên Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh; ĐTGM Leonardo Sandri, phụ tá Văn Phòng Quốc Vụ Khanh; và các phần tử khác thuộc Giáo Triều Rôma.

 

Trong khi tông phòng của ngài đang được sửa dọn, ngài sẽ tiếp tục ở Trú Viện Thánh Matta Gia, như trong giai đoạn mật nghị hồng y bầu tân giáo hoàng.

 

Hôm Thứ Năm 21/4, ngài lại ra khỏi Tông Điện Vatican để về lại nơi cư trú cũ của mình như hôm trước để ở đó mấy tiếng đồng hồ.

 

Như hôm qua, ngài cũng đi xe (với bảng số SCV-1) trên một quãng đường ngắn, quãng đường mà ngày xưa vị hồng y tổng trưởng thánh bộ tín lý đức tin này vẫn đi bộ đến làm việc tại Tông Dinh Vatican, vì lý do an ninh, trên đường dân chúng vỗ tay hoan hô chào đón ngài.

 

Ngài đã xuống xe tươi cười chào hỏi những người đã tụ tập ở đó rồi đi về phòng của ngài là nơi ngài ở với hồng y Darío Castrillón và Pio Laghi. Trong khi ngài ở đó, nhân viên an ninh vẫn canh phòng cẩn mật. Trở về Tông Điện Vatican, đi theo ngài có cả ĐTGM James Harvey là vị được Đức GPII bổ nhiệm làm Quản Viên Giáo Hoàng Gia.

 

Khi biết được ngài làm giáo hoàng, một trong những nữ tu săn sóc cho ngài đã nói với ĐGM Cipriano Calderon, vị phó chủ tịch hồi hưu của Ủy Ban Giáo Hoàng Về Châu Mỹ Latinh là “Ngài sẽ mang cả tủ sách của ngài đi, vì ngài đi đâu cũng phải mang theo tủ sách này”.

 

Một ký giả Đức cũng nói: “Đối với vị giáo sư Đức này thì cái quan trọng nhất của ngài là sách vở. Nên giờ đây ngài đang thu góp chúng”.

 

TOP

 

Tân Giáo Hoàng Biển Đức XVI: Lễ Đăng Quang với sự tham dự của Vị Lãnh Đạo Anh Giáo, phái đoàn Hoa Kỳ, phái đoàn Đức Quốc v.v.

 

Đây là lần đầu tiên kể từ thời Cải Cách, vị tổng giám mục Anh Giáo ở Canterbury có dự định đến tham dự cuộc long trọng mở màn cho một giáo triều, đó là giáo triều của tân Giáo Hoàng Biển Đức XVI, vào Chúa Nhật 24/4/2005 ở Rôma. Nghe tin ấy từ văn phòng báo chí của Dinh Lambeth Anh Giáo, Hội Đồng Tòa Thánh Cổ Võ Hiệp Nhất Kitô Giáo lấy làm “hết sức vui mừng”.

 

Vị TGM Anh Giáo này cho biết ngài sẽ đeo chiếc nhẫn từ vị tiền nhiệm Michael Ramsey của ngài được Đức Phaolô VI trao tặng và cây thập giá đeo ngực được Đức Gioan Phaolô II tặng cho.

 

Vị lãnh đạo Anh Giáo này sẽ đến Rôma vào Thứ Bảy này, vị đầu tuần đã gửi lời chúc mừng tân giáo hoàng Biển Đức XVI như sau:

 

“Chúng tôi xin chúc Giáo Hoàng Biển Đức XVI mọi phúc lành để thi hành nhiều trách nhiệm lớn lao ngài sắp sửa đảm nhận cho những người Công Giáo Rôma khắp thế giới. Tôi mong được gặp ngài và cùng làm việc với nhau để xây dựng trên di sản được vị tiền nhiệm của ngài để lại, khi chúng ta tìm cách phát động việc hiểu biết nhau giữa các Giáo Hội của chúng ta để phục vụ Phúc Âm cũng như cho mối hiệp nhất Kitô giáo”.

 

Tổng Thống Hoa Kỳ gửi bào đệ Thống Đốc Florida Jeb Bush, người đã trở lại Công giáo, lãnh đạo phái đoàn đại biểu 5 người sang Rôma tham dự lễ đăng quang của tân giáo hoàng.

 

Nước Đức sẽ có 100 ngàn người sang tham dự. Máy bay từ Đức sang Rôma đã bán hết vé. Phái đoàn đại biểu của chính phủ Đức gồm có Tổng Thống Horst Kohler, Thủ Tướng Gerhard SChroder và Bộ Trưởng Nội Vụ Otto Schily.

 

 

TOP

 

Hồng Y Joseph Ratzinger, Tân Giáo Hoàng 265 - Đức Bênêđích XVI
 

8 giờ 04 tối Thứ Hai 18/4: Khói đen lần thứ nhất;
11 giờ 52 sáng Thứ Ba 19/4: Khói đen lần thứ hai;
5 giờ 50 chiều: khói trắng bốc lên;
6 giờ 43 chiều: thông báo có tân giáo hoàng;
6 giờ 48 chiều: ĐTC Bênêđích XVI xuất hiện chào và Ban Phép Lành Tòa Thánh

Lời Giới Thiệu tân Giáo Hoàng của ĐHY Jorge Arturo Medina Estevez:
 

Annuntio vobis gaudium magnum;
habemus Papam;
Eminentissium ac Reverendissium Dominum,
Dominum Josephum
Sanctae Romanae Ecclesiae Cardinalem Ratzinger
Qui sibi nomen imposuit Benedictum XVI

Tôi rất hân hoan loan báo cùng anh chị em;
Chúng ta đã có Giáo Hoàng;
Đức Hồng Y rất đáng kính Joseph Ratzinger của Hội Thánh Rôma,
Vị đã chọn danh hiệu là Bênêđích XVI.

Lời chào đầu tiên của vị tân giáo hoàng:
 

“Anh Chị em thân mến,

“Sau Vị đại Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, các vị Hồng Y đã chọn tôi, một nhân công đơn mọn trong vườn nho của Chúa. Tôi cảm thấy được an ủi ở chỗ Chúa biết phải làm như thế nào cho dù với nhưng thứ dụng cụ bất xứng, nhất là tôi xin cậy nhờ vào lời cầu nguyện của anh chị em. Trong niềm hân hoan Chúa Phục Sinh, tin tưởng vào việc Người hằng ban ơn trợ giúp, xin Chúa giúp chúng ta tiến bước, và xin Mẹ của Người, Đức Maria Rất Thánh, ở bên chúng ta. Cám ơn anh chị em”.

Tiểu sử của tân Giáo Hoàng Bênêđích XVI:

 

ĐHY Joseph Ratzinger, nguyên tổng trưởng Thánh Bộ Tín Lý Đức Tin, Chủ Tịch Ủy Ban Thánh Kinh của Tòa Thánh và Ủy Ban Thần Học Thế Giới, Trưởng Hồng Y Đoàn, được vào đời ngày 16/4/1927, ở Marktl am Inn, Đức quốc. Ngài được thụ phong linh mục ngày 29/6/1951.
 

Cha của ngài là một nhân viên cảnh sát, xuất thân từ một gia đình truyền thống nông dân ở vùng Hạ Thổ Bavaria. Ngài là út trong một gia đình có 3 chị em. Ngài đã sống những năm thanh thiếu niên ở Traunstein, và được gọi phục vụ phụ giúp cho ngành phòng không vào những tháng cuối cùng của Thế Chiến Thứ II.

 

Từ năm 1946 đến 1951, năm ngài được thụ phong linh mục và bắt đầu giảng dạy, ngài đã học triết lý và thần học ở Đại Học Munich và tại trường cao đẳng ở Freising. Vào năm 1953, ngài đậu tiến sĩ thần học với luận án “Dân Chúa và Nhà Chúa nơi giáo huấn của Thánh Âu Quốc Tinh về Giáo Hội”. Bốn năm sau đó, ngài hợp lệ để làm giáo sư dạy đại học. Bấy giờ ngài dạy khoa tín điều và cơ bản thần học tại trường cao đẳng triết lý và thần học Freising, ở Bonn từ năm 1959 đến 1969, ở Munster từ 1963 đến 1966, và ở Tubinga từ 1966 đến 1969. Từ năm 1969, ngài là giáo sư dạy khoa tín lý thần học và khoa tín điều sử ở Đại Học Regensburg và là phó chủ tịch của chính đại học này.

Ngài được nổi tiếng vào năm 1962, lúc ngài tham dự Công Đồng Chung Vaticanô II năm 35 tuổi với tư cách là tham vấn cho Đức Hồng Y Joseph Frings, TGM Cologne. Trong nhiều tác phẩm của mình, những quyển đặc biệt là “Nhập Môn Kitô Giáo”, một tổng hợp các bài dạy ở đại học về việc tuyên xưng đức tin, được xuất bản năm 1968; và cuốn “Tín Điều và Mạc Khải”, một hợp tuyển các bài luận đề, giảng và suy tư giành cho thức tác vụ mục vụ, được xuất bản năm 1973.
 

Vào Tháng 3/1977, Đức Phaolô VI đã bổ nhiệm ngài làm TGM Munich và Freising và vào ngày 28/5/1977 ngài được tấn phong, một vị linh mục giáo phận đầu tiên sau 80 năm được nắm trách nhiệm thừa tác mục vụ của giáo phận rộng lớn ở Bavarian này.

Ngài được Đức Phaolô VI thăng hồng y vào mật nghị 27/6/1977. Vào ngày 25/11/1981, ngài được Đức Gioan Phaolô II bổ nhiệm làm tổng trưởng Thánh Bộ Tín Lý Đức Tin; và là chủ tịch Ủy Ban Thánh Kinh và Ủy Ban Thần Học Quốc Tế của Tòa Thánh.

Ngài là cáo thỉnh viên Thượng Nghị Giám Mục lần thứ V năm 1980. Ngài là chủ tịch Thượng Nghị Giám Mục lần VI năm 1983. Được chọn làm phó Hồng Y Đoàn ngày 6/11/1998, và là trưởng Hồng Y Đoàn ngày 30/11/2002. Là chủ tịch Ủy Ban sửa soạn cho cuốn Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo 6 năm (1986-1992).

Ngài được trao tặng bằng danh dự về luật khoa của Đại Học Free University of Maria Santissima Assunta ngày 10/11/1999. Ngài trở thành một phần tử danh dự của Giáo Hoàng Học Viện Các Khoa Học ngày 13/11/2000.

Thông báo về Lễ Đăng Quang tân Giáo Hoàng:
 

Vị giám đốc của văn phòng báo chí tòa thánh Joaquín Navarro Valls đã thông báo sau khi chọn được tân giáo hoàng như sau:

“Cuộc mật nghị đã chấm dứt, Đức Thánh Cha Bênêđích XVI đã quyết định dùng bữa tối với tất cả những vị hồng y khác ở Trú Viện Thánh Matta là nơi ngài cũng sẽ ngủ đêm tại đó.


“Ngày mai, vào lúc 9 giờ sáng Đức Giáo Hoàng sẽ chủ tế Thánh Lễ với các vị hồng y ở Nguyện Đường Sistine và sẽ thuyết giảng bằng tiếng Latinh.

“Thánh Lễ đăng quang trọng thể cho giáo triều này sẽ được cử hành tại Đền Thờ Thánh Phêrô vào Chúa Nhật, 24/4, vào lúc 10 giờ sáng”.

 

TOP

 

Những diễn tiến về cuộc mật nghị hồng y bầu tân giáo hoàng 265

Vị TGM hồi hưu ở Barcelona Tây Ban Nha đã chia sẻ về cảm nghiệm của mình trong cuộc mật nghị hồng y bầu tân giáo hoàng 265 của Giáo Hội Công Giáo, 18-19/4/2005 vừa rồi, trong một bữa ăn tối được tổ chức bởi nhóm e-chirstians.

Vẫn giữ lời thề của mình, vì hồng y 78 tuổi Ricard María Carles đã nói với tổ chức này về tất cả những gì từ những cuộc họp tiền mật nghị bầu giáo hoàng cho tới khi tuyển được vị tân giáo hoàng.

Ngày thứ nhất của cuộc tổng nghị hồng y được giành để các vị hồng y quen thân với nhau và đề cập đến những vấn đề tổ chức, như việc sắp xếp chỗ ngồi cùng các cửa được sử dụng, ngay cả tên của các cửa ấy. ĐHY Ratzinger bấy giờ pha trò rằng: ‘Thật là buồn cười, sau 20 năm ở đây mà giờ đây tôi còn phải tìm tên cửa ra vào nữa’. Mỗi vị hồng y được 7 phút để ngỏ lời cùng hội nghị, bày tỏ “các quan điểm của chúng tôi về thế giới và về Giáo Hội”. Có những vị hồng y “thuộc các chủng tộc, văn hóa, cho biết các vấn đề cùng những điều tích cực nơi xứ sở và Giáo Hội của các vị”.

“Trong những ngày ấy chúng tôi không muốn nói về những gì liên quan tới vị tân giáo hoàng (nào đó sẽ được bầu lên). Chúng tôi nói về Giáo Hội. Cảm nghiệm được điều này là một ơn Chúa ban. Tôi chưa bao giờ nghĩ đến lúc tôi sống cảm nghiệm này từ một cuộc mật nghị hồng y. Các vị hồng y chúng tôi ý thức được rằng 115 người theo Thánh Thần cần phải chọn lấy một vị cai quản 1.1 tỉ người Công giáo”.

Vị hồng y này cho biết cảm nghiệm của mình về việc tuyên thệ như sau: “Không phải chỉ có ngày thứ nhất, khi tiến vào phòng mật nghị là nơi được thấy trên truyền hình. Mỗi buổi sáng và chiều, với phiếu trong tay, tiến lên bàn thờ, và thấy Chúa Kitô của Ngày Chung Thẩm chung quanh Nguyện Đường Sistine… chúng tôi đọc công thức: ‘Tôi thề trước Chúa Kitô là Đấng sẽ phân xử tôi đây!”

“Một khi ở đó thì không còn chỗ để vận động, hay chỗ cho các nhóm áp đảo, hay những gì giống như thế, hoặc bất cứ điều gì như vậy!. Những gì quí vị thấy khi 115 người thuộc các nòi giống và văn hóa khác nhau đồng ý vào lần bỏ phiếu thứ 4, đó là những gì Thánh Thần tác động. Người ta không bầu cho người mình thích, hay cùng văn hóa với mình; đó là chính Thần Linh”.

Vị hồng y này nói rằng vào đúng 5 giờ 30 chiều ngày 19/4 khi 2/3 phiếu đã đạt được: “Tôi để trên bàn chính cái đồng hồ tôi đang đeo đây và nhìn thì đúng 5 giờ 30 chiều. Lập tức một tràng vỗ tay vang lên khi số phiếu đếm được 2/3. Việc kiểm phiếu lại chưa xong thì các kiểm tra viên yêu cầu thinh lặng, nhẫn nại cho đến khi cuộc kiểm phiếu hoàn tất”.

Thay vì chính vị trưởng hồng y đoàn hỏi vị tân giáo hoàng có chấp nhận làm giáo hoàng hay chăng, nhưng lần này vì tân giáo hoàng lại là chính vị trưởng hồng y đoàn, do đó, ĐHY thứ trưởng hồng y đoàn là Angelo Sodano đã làm việc này với hồng y Ratzinger, và vị tân giáo hoàng đã đáp: “Mặc dù bất xứng, tôi xin tuân phục chấp nhận”.

“Sau đó, khi ngài chọn danh hiệu giáo hoàng của ngài, vị tân giáo hoàng đã nói bộc phát bằng tiếng Latinh, cho biết lý do tại sao ngài chọn danh hiệu Biển Đức XVI, đó là vì ngài cảm phục Đức Biển Đức XV, vị ngài coi như một bậc thày”.

Sau đó, ĐHY Carles đã nói về phản ứng của ĐHY Meisner ở Cologne Đức quốc là “một con người rất ư là nghiêm nghị”, “kêu lên như một đưa nhỏ, rồi hỉ mũi như một con trẻ, bàng hoàng” khi thấy Giáo Hoàng Biển Đức XVI lần đầu tiên trong bộ áo trắng giáo hoàng. “Rõ ràng là ngài yêu mến người bạn của ngài”.

Phần ĐHY Meisner, trong cuộc phỏng vấn được phổ biến hôm Thứ Tư trên tờ nhật báo Tây Ban Nha La Razon, đã cho biết:

“Tôi đã từng biết vị Giáo Hoàng này 35 năm trời (ngài có một bộ óc thông minh của 12 vị giáo sư và đạo đức như một con trẻ vào ngày Rước Lễ Lần Đầu) và chúng tôi là bạn với nhau. Khi tôi thấy ở vào tuổi 78, một tuổi người khác về hưu thì ngài lại phải lãnh trách nhiệm cho một sự vụ nặng nề như thế mà ngài đã chấp nhận với lòng hân hoan và khôn ngoan như thế, khiến lòng tôi bồi hồi đến chảy nước mắt. Tôi là một con người chứ không phải là một cái máy. Và là một con người có một con tim có thể khóc lóc”.

Khi mọi người đang nhốn nháo chúc mừng vị tân giáo hoàng bấy giờ, vị hồng y ở Cologne này đã cố gắng mời ngài đến với Ngày Giới Trẻ Thế Giới 20 được tổ chức tại giáo phận của mình, những vì quá xúc động nên không làm được việc mời mọc này bấy giờ, như chính hồng y đương sự cho biết:

“Tôi là vị hồng y Đức đầu tiên hứa trung thành với Giáo Hoàng. Tôi muốn nói với ngài rằng: ‘Tâu Đức Thánh Cha, xin mời ĐTC đến Cologne’, nhưng tôi không thể nói được gì hết vì quá xúc động. Bấy giờ ĐTC nói với tôi rằng: ‘Tôi sẽ đến Cologne và tôi vui mừng đến Cologne’. Tôi đã không cần mời ngài. Ngài đã mời chính mình, mà thật sự là thế, vì đó là Ngày Giới Trẻ Thế Giới của ngài chứ không phải là của tôi”.

Theo hồng y Meisner thì vào lúc loan báo vị tân Giáo Hoàng cho thế giới, “ĐHY Jorge Arturo Medina Estévez ngưới Chí Lợi có dáng vể rất nghiêm trang nhưng lại rất tốt bụng đã cho chúng tôi biết sau đó là ngài đã tự ý ngưng lại một hồi khi công bố lời ‘Habemus Papam’, cũng thế, ngài đã lập lại hai lần lời ‘the most Eminent’. Đó thực sự là những gì ngài muốn làm”.

“Khi chúng tôi trở về trú viện Thánh Matta sau cuộc bầu cử, các nữ tu và nhân viên phục vụ vỗ tay mừng chúng tôi như thể chúng tôi đã thắng được điều gì vậy. ĐTC Biển Đức XVI đã chào hết mọi người, các nữ tu và nhân viên nữ giới hôn tay ngài, và được ngài hôn vào má. Có những tấm hình chụp về vị Giáo Hoàng hôn thương này! Đó là vị giáo hoàng bị người ta gọi là ‘vị đại thẩm phán’”

 

TOP

 

Bài Giảng Thánh Lễ Khai Mạc Mật Nghị Hồng Y Bầu Tân Giáo Hoàng

Theo chương trình đã được phác họa, sáng nay, tại Đền Thờ Thánh Phêrô, ĐHY trưởng hồng y đoàn là Joseph Ratzinger đã dâng Thánh Lễ khai mạc cho mật Nghị Hồng Y bầu tân Giáo Hoàng, với sự đồng tế của tất cả mọi hồng y tuyển bầu, và sự tham dự của các vị hồng y quá tuổi tuyển bầu, các vị giám mục, linh mục, tu sĩ nam nữ và giáo dân. Trong bài giảng của mình, vị hồng y chủ tế, trước hết, đã dẫn giải bài đọc thứ nhất liên quan đến lời Chúa Giêsu nói qua miệng tiên tri Isaia là Người được sai đi “loan báo năm hồng ân của Chúa và ngày báo oán của Thiên Chúa chúng ta”.

“Chúng ta được kêu gọi để loan báo, chẳng những bằng lời nói mà còn bằng đời sống cũng như bằng những hoa trái hiệu nghiệm của các Bí Tích, năm hồng ân của Chúa”. Đối với “ngày báo oán của Thiên Chúa chúng ta”, vị hồng y giảng thuyết cảm nhận: “Chúa đã cống hiến một lời dẫn giải chân thực về những lời này bằng cái chết của Người trên Thập Tự Giá”.

“Tình thương của Chúa Kitô không phải là một thứ ân sủng rẻ tiền, tình thương của Người không phải là những gì cho rằng sự dữ là đồ vô vị. Chúa Giêsu mang lấy tất cả gánh nặng của sự dữ, tất cả quyền lực hủy diệt của sự dữ, nơi thân thể của Người và trong linh hồn của Người…. Ngày báo oán và năm hồng ân của Chúa cùng hiện thực nơi mầu nhiệm Vượt Qua, nơi Chúa Kitô là Đấng đã chết và sống lại. Đó là việc báo oán của Thiên Chúa, ở chỗ, Chính Bản Thân Ngài, nơi con người của Con Ngài, chịu khổ vì chúng ta”.

Ở bài đọc thứ hai, trích từ Thư gửi giáo đoàn Êphêsô, Thánh Phaolô đề cập tới “tầm vóc viên trọn của Chúa Kitô” là tầm vóc “chúng ta được kêu gọi để thực sự trưởng thành trong đức tin. Chúng ta không được là trẻ con trong đức tin, không lớn khôn hơn. Sống đức tin trẻ con nghĩa là gì? Thánh Phaolô nói rằng đó là ‘bị nghiêng ngả theo chiều gió chủ nghĩa’ Thật là một lời diễn tả rất ư là thích đáng!”

“Biết bao nhiêu là chiều gió chủ nghĩa chúng ta đã từng biết đến trong mấy thập niên qua! Biết bao nhiêu là trào lưu ý hệ! Biết bao nhiêu là trường phái tư tưởng! Con tầu nhỏ bé mang các tư tưởng của nhiều Kitô hữu thường bị xô lấn bởi những cơn sóng này, hất từ cực đoan này sang cực đoan kia: từ chủ nghĩa Marxít đến chủ nghĩa tự do (liberalism), thậm chí đến chủ nghĩa duy tự do (libertarianism); từ chủ nghĩa tập thể (collectivism) đến chủ nghĩa cá nhân cực đoan (radical individualism); từ chủ nghĩa vô thần đến chủ nghĩa tôn giáo mập mờ bí hiểm (vague religious mysticism); từ chủ nghĩa ngộ thức (agnosticism) đến chủ nghĩa hòa đồng (syncretism) v.v. Ngày nào cũng có những thứ giáo phái mới, khiến cho những lời của Thánh Phaolô nói trở thành sự thật về việc con người bị lừa đảo và cái tinh quái làm cho con người bị lầm lạc. Có một đức tin minh tường, theo Kinh Tin Kính của Giáo Hội, thường được gán cho là chủ nghĩa thủ cựu (fundamentalism). Khi chủ nghĩa tương đối (relativism), nói cách khác, khi để cho mình ‘bị xô đẩy theo chiều gió chủ nghĩa’ được cho là thái độ duy nhất thích hợp với thời đại tân tiến, thì đó là lúc cái độc đoán của chủ nghĩa tương đối được hình thành, một chủ nghĩa cho rằng không có gì là tuyệt đối và là một chủ nghĩa chỉ căn cứ vào duy bản thân kình và những gì nó ước muốn.

“Tuy nhiên, chúng ta có một cứ điểm khác, đó là Con Thiên Chúa, một con người thật. Người là cứ điểm của nhân bản chủ nghĩa đích thực. Một đức tin ‘trưởng thành’ là đức tin không chiều theo làn sóng thời trang cũng như những gì là tân hiện đại nhất; một đức tin trưởng thành và chín chắn là một đức tin được cắm rễ sâu xa trong mối thân tình với Chúa Kitô…. Chúng ta cần phải làm cho đức tin trưởng thành này chín mùi, chúng ta cần phải dẫn đàn chiên của Chúa Kitô đến đức tin này. Và chính đức tin này, chỉ đức tin mà thôi, mới là những gì kiến tạo hiệp nhất và được hiện thực qua đức ái…. Nếu chúng ta đến với Chúa Kitô theo cứ điểm ấy thế nào, thì sự thật và đức ái cũng nên một với nhau trong đời sống của chúng ta như vậy nữa”.

Dẫn giải về lời Chúa nói trong bài Phúc Âm theo Thánh Gioan “Thày không còn gọi các con là tôi tớ nữa,… mà gọi các con là bạn hữu”, vị trưởng hồng y đoàn nói Chúa Kitô “đặt niềm tin tưởng của Người nơi chúng ta” và “trao phó thân thể của Người là Giáo Hội cho chúng ta. Người ký thác sự thật của Người cho tâm trí yếu đuối và bàn tay yếu hèn của chúng ta…. Người đã làm cho chúng ta nên bạn hữu của Người. Chúng ta cần phải đáp lại như thế nào đây?”

Sauk hi nhắc lại đoạn Phúc Âm có lời Chúa Giêsu phán: “Thày đã chọn các con và chỉ định để các con đi sinh hoa kết trái để hoa trái của các con được tồn tại”, vị hồng y chủ tế nói: “Chúng ta cần phải cảm thấy được sinh động bởi cái day dứt khôn nguôi; cái day dứt khôn nguôi muốn mang đến cho hết mọi người tặng ân đức tin, tặng ân được làm bạn hữu với Chúa Kitô…. Chúng ta đã lãnh nhận đức tin là để trao tặng cho kẻ khác. Chúng ta là những vị linh mục phục vụ kẻ khác, và chúng ta cần phải sinh hoa kết trái vững bền”.

“Chỉ có một điều duy nhất còn tồn tại đến muôn đời đó là linh hồn của con người, một con người được Thiên Chúa dựng nên để sống vĩnh hằng. Hoa trái tồn tại đây, bởi thế, là những gì chúng ta đã gieo vào linh hồn con người ta, đó là yêu thương và nhận thức; là cử chỉ có thể chạm tới tâm can; là lời nói hướng linh hồn hướng về niềm vui của Chúa. Vậy chúng ta hãy đi và nguyện cầu cùng Chúa để Ngài giúp cho chúng ta sinh hoa kết trái, một thứ hoa trái vững bền”.

“Giờ đây, trước hết, chúng ta hãy thiết tha nguyện cầu cùng Chúa rằng, sau đại tặng ân Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Ngài lại ban cho chúng ta một vị mục tử theo ý định của tâm can Ngài, một vị mục tử dẫn chúng ta đến chỗ nhận biết Chúa Kitô, đến với tình yêu của Người, đến với niềm vui chân thực”.



TOP

 


Lai Lịch của Cái Lò Đốt ở Nguyện Đường Sistine cho Mật Nghị Hồng Y Bầu Giáo Hoàng

Trong Nguyện Đường Sistine là nơi Mật Nghị Hồng Y bầu tân giáo hoàng 265 đã được sắp xếp tất cả là 12 cái bàn, sáu cái ở mỗi bên; một cái kệ đặt Sách Phúc Âm bên trên để các vị hồng ý đặt tay tuyên thệ; một cái bàn đặt những cái lư đựng các lá phiếu, và một cái lò được dùng để đốt những lá phiếu ấy với một ống khói để báo hiệu kết quả của các lần bỏ phiếu.

Riêng cái lò đã được sử dụng từ mật nghị hồng y bầu giáo hoàng năm 1939, lần Đức Hồng Y Eugenio Pacelli được bầu làm giáo hoàng Piô XII. Cái lò này được làm bằng sắt, cao một mét và có đường kính là 45 phân. Nó có hai cửa, một ở phía dưới để châm lửa, và một ở phía trên để bỏ giấy tờ vào đốt.

Những tháng và năm của các mật nghị bầu giáo hoàng đã sử dụng cái lò đốt này đều được ghi ấn ở trên nắp đậy, đó là 3/1939 bầu Đức Piô XII, 10/1958 bầu Đức Gioan XXIII, 6/1963 bầu Đức Phaolô VI, 8/1978 bầu Đức Gioan Phaolô I và 10/1978 bầu Đức Gioan Phaolô II.

Khói đen bốc lên có nghĩa là chưa bầu được giáo hoàng, vì chỉ có các lá phiếu bầu được đốt đi mà thôi. Khói trắng bốc lên báo hiệu đã có giáo hoàng, làn khói được đốt bởi cả phiếu lẫn rơm. Đây là lần đầu tiên cho mật nghị 2005 này sử dụng thêm một lò phụ được kiểm soát bằng điện tử để tạo thêm khói và tăng thêm những dấu báo một cách rõ ràng hơn nữa.

 

Vào lúc 8:04 phút tối Thứ Hai 18/4/2005, ngày thứ nhất bầu tân giáo hoàng, khói đen đã bốc lên báo hiệu việc bầu sẽ được tiếp vào ngày hôm sau.

 

 

TOP

 

Vị Tân Giáo Hoàng 265 có thể là một hồng y người Pháp gốc Ba Lan Do Thái hay một hồng y thuộc dòng Phanxicô...

Hôm nay, Thứ Hai, 18/4/2005, 115 vị hồng y bắt đầu cuộc bầu tân giáo hoàng 265 cho Giáo Hội Công giáo. Tại Tòa Thánh Rôma, cả 6 ngàn phóng viên báo chí đang chực chờ để biết tin tức về diễn tiến của cuộc mật bầu và kết quả của cuộc mật bầu là vị tân giáo hoàng này. Kể cả trong thời gian Đức cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nhập bệnh viện vào đầu tháng 2/2005, truyền thông đã bắt đầu nói đến việc ngài về hưu, từ đó, bàn đến cả vị kế thừa ngài. Cho đến nay, dư luận vẫn đang hồi hộp chờ đợi con người được Thiên Chúa chọn, như Ngài đã bất ngờ chọn Đức Gioan Phaolô II.

Chính vì vị giáo hoàng 264 vừa quá cố này không phải là người Ý trong vòng 455 năm đã được chọn như thế mà lần này, dư luận cũng hướng về những vị hồng y nổi tiếng ở các châu lục khác ngoài Âu Châu, chẳng hạn như Phi Châu với hồng y Francis Arinze nước Nigeria, và Châu Mỹ Latinh với hồng y Claudio Hummes người Ba Tây. Tuy nhiên, báo chí, hầu hết ở Âu Châu, vẫn quanh quẩn với những vị nổi tiếng ở Âu Châu, cách riêng ở Ý. Chẳng hạn như vị hồng y Dionigi Tettamanzi, ở TGP Milan, nơi đã có mấy đời giáo hoàng. Họ cũng đề cập đến 1 vị ngoài nước Ý là vị hồng y người Pháp Jean-Marie Lustiger, và vị hồng y người Đức hết sức nổi tiếng đang giữ vai trò trưởng hồng y đoàn kiêm tổng trưởng tín lý đức tin là Joseph Ratzinger.

Riêng tôi, để có thể suy đoán về vị tân giáo hoàng, cần căn cứ vào diễn tiến lịch sử của Giáo Hội. Chẳng hạn như trường hợp của Đức Gioan Phaolô II, vị giáo hoàng đã được Thiên Chúa chọn để đóng vai trò áp dụng Công Đồng Chung Vaticanô II, và đó là lý do ngài đã lấy danh hiệu giáo hoàng là Gioan Phaolô II, vì: Đức Gioan XIII là vị giáo hoàng dẫn dắt Giáo Hội vỏn vẹn có 5 năm trời, vị giáo hoàng 78 tuổi nhưng vẫn được Thiên Chúa chọn để khai mạc Công Đồng Chung Vaticanô II với tinh thần cởi mở và đối thoại, và Đức Phaolô VI là vị giáo hoàng của Giáo Hội (với thông điệp đầu tiên về “Giáo Hội của Người” ban hành ngày 6/8/1964) tiếp tục và kết thúc Công Đồng Chung cho một Giáo Hội trong thế giới tân tiến.

Bởi vậy, theo chiều hướng này, chúng ta cần phải lưu ý tới những gì Đức Gioan Phaolô II đã làm, kể cả và nhất là những gì chưa hoàn tất, để phỏng đoán. Nếu Đức Gioan Phaolô II là vị giáo hoàng xuất phát từ một nước Cộng Sản đã hiển nhiên được Chúa dùng để làm sụp đổ Cộng Sản ở Âu Châu, và đang cố gắng hết sức để giúp cho Âu Châu thực sự trở thành một Khối Hiệp Nhất Âu Châu theo căn gốc Kitô giáo của mình.


Thế nhưng, cho tới khi ngài qua đời, Khối Hiệp Nhất Âu Châu này, chủ chốt là Pháp, nơi Giáo Hội vẫn được gọi là trưởng nữ của Giáo Hội, vẫn muốn phủ nhận căn gốc Kitô giáo làm nên văn hóa Âu Châu và căn tính Âu Châu của mình, và cũng chính vì không “trả về cho Thiên Chúa những gì của Thiên Chúa” (x Mt 22:21), bằng việc nhìn nhận căn tính Kitô giáo của mình như thế, châu lục này đã sống như không có Thiên Chúa, và đang bị khủng hoảng đức tin rất ư là trầm trọng, nơi đã cả hơn ngàn năm làm cho hạt giống Kitô giáo phát triển và truyền bá đi khắp nơi trên thế giới, nhưng đồng thời lại là nơi có những phân rẽ trong nội bộ Kitô giáo từ thế kỷ 16, với hai cuộc ly giáo liền vào tiền bán thế kỷ này là Thệ Phản (1519) và Anh Giáo (1535).

Trong khi đó, theo chiều hướng tự do tôn giáo ở Âu Châu, làn sóng di dân của những người Hồi giáo Ả Rập, trước tình hình càng ngày càng khủng hoảng ở Trung Đông là vùng đất của họ, đã tràn vào Âu Châu và đã phát triển càng ngày càng mạnh, nhất là ở Pháp. Nếu cứ đà này, Kitô giáo ở Âu Châu càng ngày càng xuống dốc, trong khi Hồi giáo càng ngày càng thịnh, mà Hồi giáo, theo lịch sử cho thấy, bao giờ cũng kị Kitô giáo, và đã từng triệt hạ Kitô giáo trước đây, thậm chí cho tới nay ở các quốc gia Hồi giáo của họ, thì Giáo Hội Công giáo là tâm điểm của Âu Châu về quyền lực tôn giáo này cần phải đứng vững hơn bao giờ hết, không phải chỉ vì sợ Hồi giáo lấn át, cho bằng tái phúc âm hóa Khối Hiệp Nhất Âu Châu theo tinh thần Kitô giáo (chứ không phải chỉ bằng và nhờ nguyên kinh tế và chính trị như khối này đang chủ trương).

Khối Hiệp Nhất Âu Châu có thực sự trở về với căn gốc Kitô giáo của mình, cho đến độ tiến đến chỗ Đại Kết Kitô giáo, Kitô giáo mới có thể là chứng nhân truyền bá phúc âm hóa phần thế giới chưa nhận biết Chúa Kitô, nhất là ở Á Châu, mới có thể tái phúc âm hóa cho cả thế giới Kitô giáo ở toàn Mỹ Châu, nhất là Bắc Mỹ, nơi cũng đang quằn quại trong nền văn hóa sự chết, và mới có thể làm cho cả Do Thái giáo đang càng ngày càng gần hơn với Kitô giáo qua Giáo Hội Công giáo từ thời Đức Gioan Phaolô II, qua chứng từ hiệp nhất Kitô giáo như thế, nhận biết Đấng Thiên Sai của họ chính là Đức Giêsu Kitô, giáo tổ Kitô giáo.

Với vai trò và vị thế quan trọng như thế của Âu Châu đối với vận mệnh và sứ mệnh của Giáo Hội Công giáo trước mắt như thế, những gì đức cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã cố thực hiện mà chưa hoàn thành, thì vị giáo hoàng 265 cần phải là vị giáo hoàng vẫn thuộc về Âu Châu. Vị giáo hoàng đó có thể là vị hồng y người Pháp có gốc vừa Balan vừa Do Thái, vị hồng y 79 tuổi đã làm cho hàng giáo phẩm Pháp phải bỡ ngỡ trước sự bổ nhiệm của Đức Gioan Phaolô II để ngài làm TGM Paris ngày 2/2/1981, khi ngài mới làm Giám Mục giáo phận Orléans ngày 10/11/1979 chưa được bao lâu. Đó là ĐHY Jean-Marie Lustiger.

Cho dù ngài đã 79 tuổi, và cũng chính vì còn 1 tuổi nữa (ngay trước khi không còn hợp lệ để bầu giáo hoàng), đã cho thấy dấu hiệu ngài còn kịp làm giáo hoàng, như trường hợp của Đức Gioan XXIII. Và cho dù thời gian làm giáo hoàng của ngài có ngắn ngủi đi chăng nữa, (như Đức Gioan XXIII chỉ có 5 năm song đã làm được một việc chuyển tiếp quan trọng đó là triệu tập Công Đồng Chung Vaticanô II), chỉ cần ngài hoàn tất sứ vụ của mình, như làm cho nước Pháp, cái then chốt về cả chính trị lẫn tôn giáo ở Âu Châu, bừng lên tinh thần Kitô giáo, là sẽ làm cho cả Khối Hiệp Nhất Âu Châu tái sinh, như đức cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã làm cho quê hương Balan của ngài ngay vào lần về nước lần đầu tiên năm 1979, để rồi 10 năm sau vị giáo hoàng vừa quá cố này thấy được thành quả rực rỡ của nó ở cả Đông Âu.

Ngoài ra, với dòng máu gốc Do Thái, vị hồng y này còn có thể được Thiên Chúa sử dụng, như Ngài đã sử dụng mối quen biết và thân tình của Đức Gioan Phaolô II với người Do Thái tại quê hương Balan của vị giáo hoàng này, để làm cho Giáo Hội Công giáo với Do Thái giáo càng gắn bó với nhau hơn. Để rồi, sau khi vị giáo hoàng có dòng máu gốc Do Thái này qua đi, vị giáo hoàng sau ngài, có thể là một vị hồng y đến từ Đông phương ngoài Âu Châu, từ Á Châu chẳng hạn, xuất hiện, với danh xưng Phêrô, (vị giáo hoàng cuối cùng theo sấm truyền của tiên tri Nostradamus), được Thiên Chúa chọn để hoàn tất sứ vụ làm cho dân Do Thái trở lại, đúng như những gì đã được Thánh Tông Đồ Dân Ngoại Phaolô khẳng định: “Dân Do Thái bị mù tối cho đến khi đủ số Dân Ngoại, rồi tất cả mọi người Do Thái sẽ được cứu độ” (Rm 11:25-26).

Ngoài ra, cũng theo chiều hướng diễn tiến lịch sử, chúng ta cũng có thể suy đoán như thế này. Nếu chiều hướng của vị giáo hoàng quá cố là “thả lưới ở chỗ nước sâu - duc in altum”, một chiều hướng ngài phác họa cho cả Giáo Hội vào thời điểm trước ngưỡng cửa của ngàn năm thứ ba Kitô giáo, như Tông Thư Vào Lúc Mở Màn Cho Một Tân Thiên Niên Kỷ ban hành vào Ngày Lễ Hiển Linh 6/1/2001 để bế mạc Đại Năm Thánh 2000, thì vị giáo hoàng thay ngài phải là vị giáo hoàng nội tâm hơn hoạt động, đau khổ nhiều hơn thành đạt.

Có thể nói, nếu giáo triều Gioan Phaolô II là giáo triều huy hoàng nhất lịch sử Giáo Hội Công giáo, chẳng khác nào như Chúa Kitô tiến vào thành thánh Giêrusalem, thì vị giáo hoàng sau ngài sẽ là vị giáo hoàng của Bữa Tiệc Ly (có thể đó là lý do Năm Thánh Thể chưa kết thúc, liên quan đến Hiệp Nhất Kitô giáo, theo lời nguyện kết thúc Bữa Tiệc Ly của Chúa Kitô), vị giáo hoàng của Vườn Nhiệt (với những nhức nhối nội bộ) và của Khổ Nạn (gây ra bởi cả dân Chúa lẫn thế giới). Vị tân giáo hoàng có thể là vị hồng y trong mật nghị hồng y ngày 21/10/2003, một mật nghị chọn tuyển các tân hồng y sau khi ngài trả lời một vị giám mục Á Căn Đình ngày 12/2/2002 rằng người kế vị ngài chưa làm hồng y.

Chính vì vị tân giáo hoàng có thể là vị giáo hoàng nội tâm, vị giáo hoàng hiệp nhất, vị giáo hoàng khổ đau, mà Sứ Điệp Lễ Chúa Tình Thương ngày 3/4/2005, sứ điệp cuối cùng của giáo triều dài 9664 ngay này chính là di chúc hay ước nguyện cuối cùng ĐTC GPII thực sự muốn để lại cho cả Giáo Hội lẫn toàn thể nhân loại, “một nhân loại”, như ngài nói trong sứ điệp, “có những lúc dường như bị lạc mất và bị thống trị bởi quyền lực sự dữ, cái tôi và sợ hãi”, đó là, như ngài cũng cảm nhận trong sứ điệp, “thế giới này cần phải hiểu biết và chấp nhận Lòng Thương Xót Chúa biết bao!” Thế nhưng, để được như vậy, để nhân loại có thể “chấp nhận Lòng Thương Xót Chúa”, Giáo Hội nói chung và vị tân giáo hoàng nói riêng, phải trở thành Tông Đồ của Lòng Thương Xót Chúa, nhờ “việc” được ngài khẳng định là “chiêm ngưỡng mầu nhiệm vĩ đại của tình yêu nhân hậu xuất phát từ thánh tâm Chúa Giêsu này bằng ánh mắt của Mẹ Maria”.

Nếu thực sự vị tân giáo hoàng là vị giáo hoàng của nội tâm, của hiệp nhất và khổ đau, thì vị ấy có thể là một vị hồng y thuộc một dòng tu, như dòng Phanxicô, con cái của Thánh Phanxicô khó khăn, vị thánh nội tâm sâu xa, vị thánh của hòa bình và hiệp nhất, vị thánh đã được đức cố Gioan Phaolô II hết sức ngưỡng mộ, đến nỗi vừa lên đăng quang giáo hoàng (22/10/1978) ngài đã đến thăm Assisi (5/11/1978) và tổ chức những Cuộc Liên Tôn Cầu Nguyện Cho Hòa Bình Thế Giời ở đây vào những ngày 27/10/1986, 9-10/1/1993, và 24/1/2004.

 

Trong 115 vị hồng y tuyển bầu, có 19 vị thuộc 11 dòng tu, nhiều nhất là dòng Phanxicô 4 vị, Dòng Tên 3 vị, Dòng Don Bosco 3 vị, Dòng Chúa Cứu Thế 2 vị, Đaminh 1 vị v.v. Bốn vị thuộc dòng Phanxicô là Paskai Card. Laszlo, O.F.M., Napier Card. Wilfrid Fox, O.F.M., Hummes Card. Claudio, O.F.M. và  Amigo Vallejo Card. Carlos, O.F.M.

Chúng ta hãy cầu nguyện cho cuộc mật nghị hồng y bầu tân giáo hoàng và cầu nguyện cho vị được Thiên Chúa tuyển chọn từ muôn thuở để thay Người dẫn dắt đàn chiên của Người cho đến khi Người lại đến.

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL

 

TOP

 

Vị Tân Giáo Hoàng 265 theo Sấm Truyền của Tiên Tri Nostradamus

 

Nếu căn cứ theo Sấm Truyền nổi tiếng (xuất bản từ năm 1559), mà người ta cho là của vị thánh tổng giám mục người Ái Nhĩ Lan và gọi ngài là tiên tri Malachy (1095-1148), thì sẽ có tất cả là 112 vị giáo hoàng, kể từ đời Đức Cêlestinô II (1143-1144). Thật ra, chỉ có Lời Chúa, Thánh Truyền và Quyền Giáo Huấn của Giáo Hội mới là những gì đáng tin và buộc phải chấp nhận mà thôi. Tuy nhiên, người ta cũng không khỏi ngạc nhiên khi thấy những lời sấm Malachy không phải hoàn toàn là sai trệch cho đến thời 33 ngày của Đức Gioan-Phaolô I  mà lời sấm ám chỉ như là hiện tượng "về nửa vầng trăng" (De Medietate Lunae). Sau đó, cũng theo lời sấm này, còn ba đời giáo hoàng nữa thôi, được ám chỉ bởi ba biểu hiệu chưa ứng nghiệm:  "Gloria Olivae", "De Labore Solis" và "Petrus Romanus".

 

"Gloria Olivae": nghĩa là "vinh quang của cây Ô-Liu". Phải chăng câu này ám chỉ về giáo triều tột đỉnh vinh quang của Đức Gioan-Phaolô II trước lịch sử thế giới trong một giai đoạn đầy những biến động và đổi thay từ sau Công Đồng Chung Vatican II. Điển hình là biến cố Đông Âu xẩy ra vào cuối năm 1989 và khối Cộng Sản Liên bang Sô Viết sụp đổ năm 1991, mà những hoạt động trong phạm vi thuần túy tôn giáo của ngài chẳng khác gì cành Ô-Liu hòa bình được chim câu tha về con tầu Noe cứu rỗi (x. KN 8:11). Nhờ đó, như Chúa Giêsu từ trên núi Ô-Liu xuống (x. Lc 19:37) vinh quang tiến vào thành Giêrusalem thế nào, vị lãnh đạo tối cao đương thời của Giáo Hội Công Giáo cũng được toàn thể thế giới ngưỡng mộ và ngênh đón như vậy.

 

"De Labore Solis": câu này có hai nghĩa, một là "về cuộc nhật thực", hai là "từ cuộc khổ ải của vầng dương". Nếu sau khi Chúa Giêsu vinh quang tiến vào thành Giêrusalem là giai đoạn Người bắt đầu đi vào cuộc tử nạn vượt qua của Người thế nào, vị lãnh đạo của Giáo Hội sau thời "vinh quang của cây Ô-Liu" cũng sẽ là vị lãnh đạo đối ngoại thì chịu "khổ ải" bởi quyền bính thế gian, và đối nội thì bị lấn át "nhật thực" bởi lực lượng chống đối của thành phần Phản Kitô. Biết đâu vị giáo hoàng áp cuối này sẽ mang danh hiệu Phêrô-Phaolô: Phêrô biểu hiệu cho quyền bính Giáo Hội (đối nội) bị "nhật thực" bởi con cái phản bội, như Chúa Giêsu đối với dân của Người và môn đệ của Người, và Phaolô biểu hiệu cho sứ mệnh Giáo Hội (đối ngoại) bị "khổ ải" bởi thế lực "new world order" do dân ngoại và âm mưu của nhóm Do Thái, như Chúa Giêsu và thánh Phaolô bị Do Thái nộp cho quân Rôma hành quyết.

 

"Petrus Romanus": có nghiã là "Phêrô người Rôma". Về vị lãnh đạo sau hết mang cùng danh với vị lãnh đạo đầu tiên này, theo Lời Sấm Truyền kết thúc thì:

 

"Trong cuộc bắt bớ cuối cùng của Hội Thánh Rôma sẽ là triều đại của Phêrô người Rôma, vị sẽ chăn nuôi đàn chiên mình giữa những tai biến' sau đó, thành đô có 7 ngọn đồi sẽ bị phá hủy và có Vị Thẩm Phán đáng sợ sẽ xét xử dân gian" (The Prophesies of Saint Malachy, Tan Books and Publishers, Inc, 1973, trang 96)

 

Đúng thế, theo Thánh Kinh, ngày tận thế có một liên quan trực tiếp đến số phận của Giáo Hội. Tiên tri Daniel đã được thị kiến cho biết: "khi quyền lực của kẻ phá hoại thuộc dân thánh bị kết liễu thì tất cả những điều này được chấm dứt" (Dan 12:7). Không phải hay sao, hình ảnh đền thánh Giêrusalem mà Chúa Giêsu nói "sẽ không còn hòn đá nào chồng trên hòn đá nào - tất cả sẽ bị tan nát" (Mt 24:2) tức là "Người thực sự đang nói về đền thờ thân thể của Người" (Gn 2:21)? Thật ra, "không ai có thể lấy mạng Ta (Chúa Kitô)" (Gn.10:18), nhưng thực tế lại cho thấy "Ta tự bỏ mạng sống mình. Ta có quyền thí mạng sống mình" (Gn.10:18). Cũng thế, "cho dù cửa miệng sự chết cũng không thắng nổi" (Mt.16:18) Giáo Hội, nhưng thực tế lại xẩy ra là "khi Con Người đến không biết có còn đức tin trên thế gian" (Lc.18:8). Đó mới là lý do chính đáng khiến "Người đã khóc" (Lc.19:41), khóc thương Giáo Hội bạn mình (x.Gn.15:15), như Người đã khóc Lazarô (x.Gn.11:35). Qua Bí Mật La Salette, từ năm 1846 Mẹ Maria đã tiết lộ cho con cái Giáo Hội biết:

 

"Vị Đại Diện Con Mẹ sẽ chịu nhiều đau khổ, vì Giáo Hội sẽ chịu đựng bắt bớ lớn lao một thời, thời tối tăm, và Giáo Hội sẽ chứng kiến một cuộc khủng hoảng rùng rợn" (Apparition of the Blessed Virgin on the Mountain of La Salette, Shepherdees of La Salette, 1879, trang 14)

 

"Rôma sẽ mất đức tin và sẽ trở nên ngai tòa của Phản Kitô" (LA trang 18) ... "Giáo Hội sẽ ở trong tình trạng bị khuất mờ, thế giới sẽ ở trong tình trạng hoảng sợ" (cùng nguồn vừa dẫn trang 19)

 

Theo Bí Mật La Salette, cho dù "Rôma sẽ mất đức tin" đi nữa, song Giáo Hội bất tử như Chúa Kitô phục sinh, vì tinh thần của Giáo Hội là một "Đức Ái không tàn" (1Cor 13:8). Nếu thánh Phêrô được tiêu biểu cho Đức Tin của Giáo Hội, mà Chúa Giêsu đã nói "sẽ phải chết cách nào" (Gn 21:19), thì thánh Gioan, "người môn đệ được Chúa Giêsu yêu" (Gn 21:20), biểu hiệu cho Đức Ái của Giáo Hội, Chúa Giêsu cũng đã úp mở "...Thày muốn cho nó ở lại cho đến khi Thày đến..." (Gn 20:22), tức cho tới khi Người trở lại trong vinh quang!

 

Vào ngày 13-10-1884, ngay sau Thánh Lễ, Đức Thánh Cha Lêô XIII được thị kiến thấy rằng, trong vòng một thế kỷ, lực lượng sự dữ sẽ tấn công Giáo Hội dữ dội, đến nỗi, Giáo Hội chỉ được Thiên Chúa dùng tổng thần Micae cứu vào giây phút cuối cùng mà thôi. Sau đó, trong văn kiện "Motu Proprio" ban hành ngày 25-9-1888, Đức Thánh Cha đã đặt ra kinh cầu khẩn với tổng thần Micae cho Giáo Hội và truyền phải đọc sau các Thánh Lễ thường, tục này được áp dụng từ ngày đó cho tới khi Công Đồng Chung Vaticanô II canh tân phụng vụ. Phần kết thúc của kinh tổng thần Micae này như sau:

 

"Những kẻ thù xảo quyệt này của loài người đã làm cho Giáo Hội đầy những ung nhọt và rữa nát, một Giáo Hội là Hiền Thê vô tì tích của Con Chiên' bàn tay tục hoá của chúng đã chạm đến những kho tàng thánh hảo nhất của Giáo Hội. Bởi thế, Ôi Vị Hoàng Vương vô địch, xin hãy mau đến cứu giúp dân của Thiên Chúa chống lại những cuộc xâm nhập của các thần hư vong này và ban chiến thắng cho chúng tôi. Amen" (Rev Randall Paine, His Time Is Short, the Leaflet Missal Company, MN, 1989, trang 86)

 

Phải chăng thị kiến của Đức Lêô XIII về cuộc tấn công của thần dữ muốn tàn phá Giáo Hội và đoạn kinh cầu với tổng thần của Giáo Hội trên đây đã chứng thực  những gì Mẹ Maria đã nói đến ở La Salette từ năm 1846 và được ghi lại trong Bí Mật La Salette như sau:

 

"Vào năm 1864 (phụ chú: năm nay là năm Đức Piô IX ban hành thông điệp "Quanta Cura" và một Bản Liệt Kê 80 chủ trương sai lầm, luận bác một số thành phần phóng khoáng như Montalambert ở Pháp, và Dechamps ở Bỉ' cùng năm nay Karl Marx cũng bắt đầu thành lập Hiệp Hội Lao Nhân Quốc Tế ở Luân Đôn và Nữu Ước), Luxiphe cùng với một số lớn qủi ma sẽ được thả ra khỏi hỏa ngục' chúng sẽ dần dần làm mất Đức Tin ngay cả ở nơi thành phần tận hiến cho Thiên Chúa" (Apparition of the Blessed Virgin on the Mountain of La Salette, Shepherdees of La Salette, 1879, trang 12)

 

"Vào năm 1865 (phụ chú: đúng 100 năm trước khi Công Đồng Chung Vatican II ban bố sắc lệnh 'Perfectae Caritatis' về Việc  Canh Tân Thích Nghi Đời Sống Tu Trì vào ngày 28-10-1965), sẽ có một cuộc tục hoá các nơi thánh. Trong các viện tu, những bông hoa của Giáo Hội sẽ tàn lụi, và ma qủi sẽ làm vua cai trị mọi con tim" (cùng nguồn vừa dẫn trang 14-15)

 

"Giờ đây đã đến thời điểm' hố thẳm đang mở ra. Kìa Vua các Vua tăm tối, kìa con mãnh thú với bọn lâu la của hắn, xưng mình là Đấng Cứu Thế. Hắn sẽ nghênh ngang vươn mình trên không trung, lên đến tận Trời. Hắn sẽ bị hạ bởi hơi thở của Thánh tổng thần Micae (phụ chú: đúng như tiên tri Daniel trong đoạn 12 câu 1 đã tiên báo: 'Lúc bấy giờ Micae, hoàng vương cao cả, vị bảo hộ dân ngươi sẽ đứng lên', vị bảo hộ mà Giáo Hội từ thời Đức Lêô XIII năm 1888 đã nhận biết và kêu cầu 'đứng lên' như một 'vị hoàng vương vô địch mau đến cứu giúp dân của Thiên Chúa')" (cùng nguồn vừa dẫn trang 20)

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh

TOP

Về Nghi Thức và Thủ Tục của Mật Nghị Bầu Tân Giáo Hoàng
 

Sáng Thứ Bảy 16/4, vị giám đốc văn phòng báo chí tòa thánh đã phổ biến sau đây những gì liên quan đến cuộc tuyển bầu vị tân giáo hoàng của Giáo Hội Công Giáo Rôma vào Thứ Hai 18/4, ngay sau khi kết thúc Tuần Cửu Nhật cầu cho cố giáo hoàng Gioan Phaolô II.

“Thứ Hai tới, 18/4, 115 vị hồng ý thuộc 52 quốc gia đại diện cho 5 châu lục sẽ bắt đầu mật nghị đầu tiên cho thiên kỷ thứ ba của mình để tuyển bầu người kế vị Thánh Phêrô thứ 264, tức là vị Giáo Hoàng thứ 265 trong lịch sử Giáo Hội Công Giáo.

“Các vị hồng y sẽ đến Trú Viện ‘Domus Sanctae Marthae’ chiều ngày mai, Chúa Nhật 17. Tất cả các vị sẽ gặp nhau ở bữa ăn tối.

“Như đã được đề cập đến trước đây, Thánh Lễ ‘cầu cho việc tuyển bầu Giáo Hoàng’ sẽ được cử hành ở Đền Thờ Vatican vào lúc 10 giờ sáng Thứ Hai.

“Vào lúc 4 giờ 30 chiều Thứ Hai, các vị hồng y tuyển bầu diễn hành từ Sảnh Đường Chư Phúc đến Nguyện Đường Sistine. Nghi thức này sẽ được thâu truyền hình tại chỗ.

“Vào trong Nguyện Đường Sistine rồi, tất cả mọi vị hồng y tuyển bầu sẽ tuyên thệ. Vị trưởng đoàn hồng y sẽ đọc mẫu tuyên thệ, sau đó mỗi vị hồng y, nói lên tên của mình và đặt tay trên sách Phúc Âm, tuyên bố những lời: ‘Tôi xin hứa quyết, bảo đảm và thề nguyền’.

“Trong những ngày ấy sẽ thường nói đến vấn đề buộc phải giữ mật về vấn đề tuyển bầu Giáo Hoàng. Tuy nhiên, tôi xin lập lại rằng đây chỉ là một phần của lời tuyên thệ mà thôi. Trước hết, có lời tuyên thệ về việc tuân giữ các qui định của Tông Hiến Vị Chủ Chăn Tất Cả Đoàn Chiên Chúa ‘Universi Dominici gregis’; rồi còn có cả lời tuyên thệ khác nữa, tôi xin trích, đó là ‘bất cứ ai trong chúng tôi, theo quan phòng thần linh, được tuyển chọn làm Giáo Hoàng sẽ dấn thân trung thành thi hành vai trò là người kế vị Thánh Phêrô làm Mục Tử của Giáo Hội Hoàn Vũ’.

“Sau khi đã tuyên thệ xong, vị trưởng ban lễ nghi giáo hoàng sẽ tuyên bố ‘extra omnes’, thì tất cả những ai không tham dự mật nghị này sẽ rời Nguyện Đường Sistine. Chỉ có vị trưởng ban lễ nghi giáo hoàng và ĐHY Tomas Spidlik còn ở lại tham dự việc suy niệm, sau đó, hai vị cũng phải ra khỏi Nguyện Đường Sistine nữa.

“Trong cuộc mật nghị này, các vị hồng y sẽ theo lịch trình sau đây:

“Vào lúc 7 giờ 30 sáng, cử hành hay đồng tế Thánh Lễ ở Trú Viện Domus Sanctae Marthae. Vào lúc 9 giờ sáng các vị sẽ ở tại Nguyện Đường Sistine. Ở đây, các vị sẽ nguyện Kinh Phụng Vụ Ban Mai, và liền sau đó, việc bỏ phiếu sẽ diễn tiến theo nghi thức được qui định (hai lần vào buổi sáng và hai lần vào buổi chiều). Vào buổi chiều, việc bỏ phiếu sẽ được bắt đầu vào lúc 4 giờ. Sau lần bỏ phiếu lần hai là Nguyện Giờ Kinh Phụng Vụ Tối.

“Sau hai lần bỏ phiếu sáng và hai lần bỏ phiếu chiều riêng biệt, các lá phiếu và bất cứ ghi chú nào của các vị hồng y đều được đốt đi ở một cái lò đặt trong Nguyện Đường Sistine. Những dấu khói có thể xuất hiện vào khoảng 12 giờ trưa và 7 giờ tối để báo hiệu cho biết (trừ phi vị tân Giáo Hoàng được tuyển chọn hoặc vào lần bỏ phiếu đầu tiên ban sáng hay lần bỏ phiếu đầu tiên ban chiều thì dấu khói sẽ được thông báo sớm hơn giờ ấn định). Dầu sao thì vấn đề được ấn định là, cùng với khói trắng bốc lên, chuông Đền Thờ Thánh Phêrô cũng sẽ vang lên báo hiệu việc tuyển chọn đã hoàn tất.

“Tất cả quí vị đều biết rõ những qui định của Tông Hiến Vị Chủ Chăn Tất Cả Đoàn Chiên Chúa ‘Universi Dominici gregis’ liên quan tới diễn tiến của việc bỏ phiếu. Đầu tiên số phiếu hiệu thành được qui định để vị Giáo Hoàng được tuyển chọn là 2/3. Sau 3 ngày bỏ phiếu không xong, sẽ có một ngày hoàn toàn giành cho việc suy tư và cầu nguyện, không bỏ phiếu gì. Sau đó, cuộc bỏ phiếu lại tái diễn với 7 lần bỏ phiếu nữa, rồi ngừng lại để suy nghĩ, đoạn tới 7 lần bỏ phiếu khác, rồi lại suy nghĩ và bỏ phiếu thêm 7 lần nữa. Sau đó, đa số tuyệt đối sẽ quyết định phải tiến hành ra sao, tức là, hoặc bỏ phiếu theo tuyệt đối đa số hay bỏ phiếu chọn hai ứng viên. Điều này chỉ xẩy ra sau khi các vị hồng y đã bỏ phiếu đến lần thứ 33 hay 34 mà không có kết quả gì.

“Liên quan tới lần bỏ phiếu đầu tiên vào Thứ Hai, các vị hồng y sẽ quyết định các vị có bỏ phiếu hay chăng sau khi các vị vào mật nghị buổi chiều Thứ Hai hôm đó, 18/4.

“Địa điểm cho cuộc mật nghị này là Trú Viện Domus Sanctae Marthae và Nguyện Đường Sistine.

“Các vị hồng y có thể đi bộ theo lối dọc con đường ở đằng sau Đền Thờ Vatican, hay nếu muốn các vị có thể đi xe buýt. Bình thường thì lối đi này không có dân chúng. Lối vào vườn San Damaso sẽ bị niêm phong không cho ai ra vào.

“Khách hành hương thăm viếng trong những ngày này sẽ không được tới tháp Đền Thờ Thánh Phêrô hay các Khu Vườn Vatican.

“Tuy nhiên, khách hành hương vẫn có thể đến viếng mộ của Đức Gioan Phaolô II vào những giờ Hầm Mộ Vatican mở cửa.

"Các cuộc Tổng Nghị Hồng Y đã được kết thúc hôm nay. Ở vào cuối những cuộc họp này, tôi xin tường trình thêm hai điều sau đây. Bầu khí của các cuộc tổng nghị này diễn ra rất thân tình. Điều này có thể cho thấy tất cả mọi vị hồng y đều cảm thấy trách nhiệm lớn lao vào lúc này. Sự kiện này đã giúp cho các vị có thể có được những đồng lòng thật sự về những đề tài tổng quát khi bàn luận với nhau.

“Tôi cũng xin xác nhận là không có một tên tuổi nào đã được đề cập tới trong các lần gặp gỡ này”.

Biệt chú: hình cuối cùng trên đây là bộ phận nhỏ bằng cái hộp quẹt được những tay thám tử sử dụng để theo dõi đối phương. Người ta đang nghĩ rằng cuộc mật nghị hồng y bầu tân giáo hoàng có thể bị đám truyền thông theo dõi bằng bộ phận thám thính này. Ngoài ra, cuộc mật nghị này cũng có thể bị theo dõi bởi hệ thông vệ tinh nữa, như hình chụp ở đây cho thấy. Theo tin tức cho biết hiện nay đã có khoảng 6000 thành phần phóng viên ký giả chực sẵn cho cuộc mật nghị hồng y bầu giáo hoàng này.

(Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, dịch theo điện thư của VIS ngày 16/4/2005)

TOP