THIÊN
CHÚA = TÌNH THƯƠNG
ĐẠO THIÊN CHÚA =
ĐẠO TÌNH THƯƠNG
( bài
Số 02, tiếp theo kỳ trước)
ĐOẠN II
QUẢNG DIỄN
MỘT SỐ ĐỀ TÀI
qua NHÃN QUAN
VĂN HÓA VIỆT NAM
- Trong Đoạn I,
soạn giả đã toát lược những Tư Tưởng chủ đạo và
Phương pháp Lý luận của ĐGC(Đức Giáo Chủ) về toàn bộ
hai Phần trong Thông Điệp.Trong Đoạn II này,
sẽ quảng diễn những đề tài được đặt ra trong Thông Điệp
như: Tình ái “Eros”, tình ái”Agape” là gì?Tại sao công
việc Từ thiện, Bác ái thuộc về cơ cấu, căn tính của Hội
Thánh?v,v…Trong Thông Điệp, ĐGC đã dùng kiến thức về
Kinh Thánh, Thần Học, và đặc biệt nhờ Văn hóa La-Hy
để diễn giảng Giáo Lý Công Giáo cho các độc giả quen
thuộc với cách lý luận của Triết Lý Âu-Mỹ. Ở đây, soạn giả,
ước mong trình bày một cách trung thực những tư tưởng của
ĐGC, bằng một ngôn ngữ, và Văn Học, Triết Lý gần gũi
với dân tộc Á Châu, đặc biệt với đồng hương Việt nam.
Ngày nay, các vị truyền giáo đã bắt đầu ý thức rằng: muốn
rao giảng những “Chân Lý Mạc Khải”, chẳng hạn:
“Thiên Chúa = Tình Thương”có giá trị phổ biến, vượt
không-thời gian, thì phải tận dụng và khai thác các tinh
hoa của các dân tộc, dùng Văn Hóa, Ngôn ngữ địa phương, làm
phương tiện để diễn giảng “Lời Chúa”cho họ dễ hiểu hơn. Gọi
là “Chân Lý có giá trị phổ quát, vượt không-thời gian”,
chẳng hạn như: “ Chớ giết người”, hay “ Hãy Thảo Kính Cha
Mẹ”..thì Đấng Tạo Hóa đã khắc ghi trong tâm trí con
người, trong các nền văn hóa của các dân tộc. Do đó, Chúa
Cứu Thế đến trong thế gian, để “HOÀN CHỈNH” ,
thanh luyện những khuyết điểm, chứ không phá huỷ những gì là
Giá Trị, là Thiện Hảo. Vì thiếu nghiên cứu và tôn trọng
những Tinh Hoa trong các nền Văn Hóa kỳ cựu tại Trung Hoa,
Việt Nam, Ấ Độ, ...nên việc truyền bá “Tin Mừng” đã
không đem lại những thành quả mong muốn vì không hiểu biết
- Sau đây, xin quảng diễn một số
đề tài quan trọng liên hệ đến Chủ Đề:”Thiên Chúa= Tình
Thương”, “Đạo Thiên Chúa=Đạo Tình Thương”; vẫn theo dõi
những dòng tư tưởng và thứ tự của các con Số ghi trong bản
văn Thông Điệp của ĐTC(Đức Thánh Cha), để độc giả dễ kiểm
chứng. Tốt nhất là quí độc giả nên tìm đọc chính nguyên
bản, để tự mình khám phá ra nhiều chi tiết kì thú, sau khi
đã duyệt qua bản dẫn nhập này.
Phần I của
Thông Điệp
Tính Chất
Nhất Quán, Duy Nhất của Tình Ái trong Tạo Vật
Và trong Lịch
Sử Cứu Nhân Độ Thế
( The Unity of Love in
Creation and in Salvation History)
a/-Nhận
xét chung về ngôn ngữ nghèo nàn của chữ “Tình Ái”(coi: số 2)
Các ngôn ngữ, tiếng nói của
các dân tộc lớn nhỏ trên thế giới, đều thiếu
danh từ để biểu lộ các sắc thái tế nhị của chữ “Yêu
Thương”(Amor, Amour, Love…). Nếu phân tách về ý
nghĩa nội dung, thì “Tình Thương Vô Biên của Đấng
Tạo Hóa”, phải khác với tình thương của cha-mẹ
đối với con-cái, khác với tình thương yêu giữa cặp
trai-gái…, càng khác xa với ý nghĩa của câu nói: hai con
chim sẻ “chúng thương nhau”(?). Tại sao ta chỉ dùng
có một chữ”thương” ? Một L.M người Canada, Cha
Nhân(Gagnon) rất thông thạo tiếng Việt, thuộc lòng “Truyện
Kiều” và thơ phú Việt nam. Trong một buổi nói chuyện vui,
khi được hỏi: Theo Cha, người đã ở lâu năm tại Việt Nam,
khắp miền nam-bắc, Cha có nhận xét gì về vấn đề chữ“Tình”
của người Việt? Cha hóm hỉnh trả lời: Chữ “Amour” ( Yêu
Thương), thì người miền bắc nói chữ đầu là “Yêu”, mà
người miền nam chỉ kêu chữ sau là “Thương”. Yêu
Thương mà đi lên (hướng thượng), thì gọi là “Tình Ái(
chữ Ái,có dấu sắc), còn Yêu Thương mà đi xuống, thì
kêu là”Ái Tình”( chũ Tình, hạ dấu huyền). Không ai nói: “Ái
Tình” của Thiên Chúa, nhưng có thể nói” Tình Ái” của Thiên
Chúa. Vả lại, chữ”Thương” vừa có nghĩa là Yêu , vừa có nghĩa
là”thương hại”.
- Cần nhiều danh từ khác
nhau để có thể bộc lộ, diễn tả mọi sắc thái của tình ái,
nhưng vì chỉ dùng một chữ “yêu thương”, nên ý
nghĩa chữ này rất mập mờ, làm ta hiểu lầm và dễ bị lừa gạt.
Chẳng hạn như: Khi một thanh niên, ăn mặc bảnh bao thỏ thẻ
với một thiếu nữ thơ ngây, câu:”Anh yêu em” hay Anh
thương em”,(I Love You, Ngộ Ái Nị) thì trái tim nàng
liền rung động, lờ mờ đôi mắt, vì cứ tưởng lời ngon ngọt đó
là thành thật. Nhưng chẳng may khi gặp”tai nạn”, thì
chàng Sở khanh kia đã”quất ngựa truy phong” từ lâu
rồi, để lại một mình em “ôm bầu tâm sự”, cô đơn, khổ
sở. Do đó, câu gạt gẫm:”Anh Yêu Em”, thật ra chỉ có
nghĩa là “Anh Yêu Anh”(ngộ ái ngộ) mà thôi, vì anh
chỉ muốn lợi dụng , chiếm đoạt em để thỏa mãn anh; khi đã
được no đủ chán chê thì quẳng em đi như đồ phế thải. Nếu anh
yêu em thật lòng, thì khi em gặp hoạn nạn, khó khăn, anh
phải ra tay giúp đỡ, chứ không thể bỏ trốn trách nhiệm, mặc
em bơ vơ.
b-/ Tình “Vị
kỉ”(EROS) và “Vị Tha”(AGAPE): Khác Biệt và Duy Nhất (coi
số 3-8)
- ĐỨC GIÁO CHỦ đã nêu gương sáng
cho thời đại chúng ta, khi Ngài dùng những ngôn ngữ, những
tư tưởng của các nhà triết học, xã hội học, kinh tế học..để
minh giải những “Chân Lý Mạc Khải, Phổ Biến”, giúp
cho các dân tộc ngoài-Thiên Chúa Giáo dễ hiểu, nên dễ chấp
nhận. Thật vậy, để phân giải nỗi khúc mắc, éo le của con
tim( như Pascal đã nói: Le coeur a ses raisons que La Raison
ne connait pas: trái tim có những lý lẽ của nó mà chính Lý
Lẽ lại không biết), ĐTC đã dùng Phạm Trù “eros”và
“agape”trong Triết Lý Hy lạp, để phân tách và gỡ rối cho
“mối bòng bong tơ lòng”của người đời.
1-
Phận Loại Tình Ái “Eros”và Tình Ái “Agape : Khác biệt và Hòa
hợp (coi: số 3)
Ngài đã phân loại Tình Yêu làm
hai cấp bậc tuy khác biệt nhau, nhưng phải ràng buộc lẫn
nhau, hiệp nhất vời nhau thì Tình Yêu mới đầy đủ, chân thật.
Một cấp bậc gọi là: EROS: ( erotique Amour),
được chuyển ngữ là”Tình Yêu VỊ KỈ”. Loại Tình
yêu này chỉ biết nhận lãnh, vơ vét, chiếm hữu cho
mình, không cho ai khác. Đó là: Tình Yêu “Ích kỉ hại
nhân”(cadao), Tình Yêu ấu trĩ, như trẻ nít hay giành
giựt các trò chơi, kẹo bánh cho mình mà không chia sẻ với
anh chị em. Một hạng Tình Yêu khác gọi là AGAPE(
charitable Amour) chuyển dịch là “Tình Yêu VỊ THA”
. Đó là Tình Yêu vươn ra ngoài cái “Tôi Ích Kỉ”,( cái Tôi
đáng ghét, Le Moi est haissable), cái “Ngã” ( tham –sân-
si), hạn hẹp, để hướng về Tha Nhân, như đối tượng, như
mục đích của Tình yêu. Tình Yêu Vị Tha sẵn sàng
“cho đi”, HY SINH thời giờ, tiền bạc, sức
lực để giúp đỡ những người mình yêu mên khi gặp đau khổ,
thiếu thốn. Đó là Tình Yêu Vị Tha của Cha Mẹ hy sinh nuôi
nấng dạy dỗ con cái, Tình Yêu chung thủy của đôi vợ-chồng hy
sinh đời sống cho nhau.
- Tình Thương Vị Tha cao
cả nhất, mà Thiên Chúa đã ban cho Nhân Loại:chính là
TINH YÊU THƯƠNG NHẬP THÊ của Chúa Cúu Thế. Vì
Yêu Thương vô cùng, Chúa GiêSu đã xuống thế làm người phàm
như chúng ta, chịu Khổ hình, chịu Chết để chuộc tội cho nhân
loại, và đã Phục sinh vinh hiển để ban cho chúng ta đời sống
vĩnh phước.
- Việc phân loại Tình cảm con
người ra hai loại như trên, cũng đã được các Đạo giáo
Việt Nam giảng dạy. Nhà Phật cho rằng mọi
điều xấu đều do “cái Ngã”, hợp thành bởi năm
yếu tố gọi là “Ngũ Uẩn”, tạo nên Dục Vọng,
nhất là ham sống, và hưởng lạc. Do đó, muốn được giải
thoát khỏi vòng Luân hồi, Nghiệp báo, thì phải “Diệt
Dục”, tức diệt cái Ngã, phá vòng Nhân-Duyên, để siêu
thoát lên Cái Đại Ngã rộng lớn. Nhà Nho như
Vương Dương Minh chủ trương: cái Tâm của con người có
phần sáng láng, tốt lành, nhưng cũng có phần tối tăm, ví như
viên Ngọc bị cát bụi bám vào.
Ngọc kia
chẳng dũa chẳng mài,
Cũng
thành vô dụng cũng hoài Ngọc đi (ca dao)
Do đó, việc tu thân cần tẩy trừ
phần xấu, ích kỉ, tư lợi, để làm sáng tỏ cái ĐỨC”
tốt của con người, bằng cách thi thố những việc ích quốc lợi
dân, và luôn hướng thượng, chỉ dừng lại ở điều Thiện Hảo:(”Đại
học chi Đạo tại minh Minh Đức”, tại Thân Dân, tại chỉ ư Chí
Thiện)( đọc thêm: “Thiên Chúa Giáo và Tam Giáo”
trang:8184;126-130;303-308)
2-
Hội Thánh có chủ trương triệt tiêu, hủy diệt Tình Vị
kỉ”Eros” không?(coi: số 4)
Hội Thánh có kết án “Eros”,
Tình Vị kỉ của con người là hoàn toàn xấu, phải trừ diệt
không? Con người có thể hoàn toàn triệt để “Diệt Dục”
được không? Theo Truyền thống Hội Thánh Công giáo,
các vị thần học gia như Thánh Tôma, như ĐTC Gioan Phao Lô
II( coi:”Thần Học về Thân Xác”), thì không cho Tình
Eros tự bản thể nó là xấu, vì do Thiên Chúa phú bẩm
cho con người. Tình Eros, Vị Kỉ chỉ xấu khi tự nó
không vươn lên Tình Agape, Vị Tha, khi người ta tôn thờ nó
như một vị thần dâm dục, chỉ tìm khoái lạc cho riêng mình,
và không đếm xỉa gì đến người khác. Do đó, Tình
Eros, Vị Kỉ cần được thanh luyện, thăng hoa lên Tình Agape,
Vị Tha, thì mới tránh khỏi gây ra các tội ác về lạm dụng
Tính Dục.
- Ngày nay, ta thấy nhan nhản
trong xã hội vật chất vô thần, tiêu thụ, những hình thức
biểu lộ thái độ tôn sùng “Eros”, chỉ tìm khoái lạc cho mình,
mà coi tha nhân như một “đồ vật”, để tiêu khiển, chứ
không phải một con người có nhân vị cao quí đáng tôn trọng,
Những tệ nạn xã hội, thiếu Tình Vị Tha, Thương Người
như: hiếp dâm, thủ dâm, ngoại tình, phá thai, chửa hoang,
mại dâm, buôn bán người phụ nữ, bắt cóc trẻ em, hộp đêm,
sách báo, Internet, phim ảnh khiêu dâm.v,v , khiến đời sống
tình cảm, tình ái, đặc biệt của giới trẻ bị thác loạn tinh
thần, thích bạo động, bắn giết.
3- Hội
Thánh Công Giáo chủ trương: con người có Xác và Hồn
(số 5).
Theo Truyền thống, Thiên Chúa
Giáo vẫn chủ trương: Con Người toàn diện gồm có XÁC và HỒN.
Thân Xác tự nó có giá trị, đáng tôn trọng; nhưng nếu
chỉ tôn sùng thân xác, lo tìm thỏa mãn cho Xác mà thôi, thì
sẽ sinh ra những điều tệ hại làm huỷ diệt toàn bộ con người.
Xác không đối nghịch với Hồn, Vật Chất không chống lại Tinh
Thần, nhưng Xác –Hồn Hòa hợp làm nên con người toàn
vẹn. Tình Yêu Thương chân thật giữa Vợ-Chồng phải
được hòa hợp cả Thân Xác và Linh Hồn. Vợ hay
Chồng không thể coi nhau như những, “món hàng mua được”
hay“đồ vật”dùng để thỏa mãn những đòi hỏi say đắm
thuần tuý sinh lý, nhưng luôn thăng hoa lên một Tình Yêu
“Vị Tha”, nghĩa là chung thuỷ, sống chết vì người mình trao
thân hiến xác. Do đó, Kinh Thánh đã dùng hình ảnh “Tình
Yêu Thương của Vợ-Chồng”, để sánh ví với Tình Thương vô
vị lợi, vô điều kiện, vô biên của Thiên Chúa đối với Nhân
Loại, và phải noi gương Tình Thương cao cả đó để tình Yêu
Thương của Vợ-Chồng được thanh luyện, thăng hoa, hòa hợp nên
một. Trong việc khắc kỉ, tu đức, Hội Thánh kết án những
phương pháp hành hạ Thân xác một cách quá đáng, sinh ra bệnh
tật, làm mất sức khoẻ.
- Trong Văn Học Sử Việt Nam,
Thi sĩ Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu (1889-1939)đã
viết bài thơ ”Vịnh bức dư đồ rách”, khi ngắm nhìn bức
“Địa đồ” Nước Việt, treo trên tường, đã bị rách nát,
để cảm thương phận đầy đọa của một Nước Việt dưới ách đô hộ.
Trong đó có câu:
“Mình với
ta, tuy Hai mà Một,
Ta với
mình, tuy Một mà Hai”
Chữ “Mình”(tiếng vợ-
chồng gọi nhau) ở đây, chỉ Non sông đất Việt, chỉ đồng hương
Việt được thi sĩ sánh ví như Tình Nghĩa Vợ-Chồng. Vì lòng ái
quốc, thi nhân coi mình như một phần tử của đất nước, luôn
yêu mến, hiệp nhất, đoàn kết với mọi công dân trong nước.Thi
sĩ không muốn hưởng thụ một mình, “vinh thân phì da”,
mà bỏ Lý tưởng Vị tha, Nghĩa đồng bào. Sau này, hai vần thơ
tuyệt cú này, thường được áp dụng để diễn tả mối Tình chân
thật giữa Vợ-Chồng, vừa giữ được cá tính, nhân vị riêng
biệt, vừa Vị Tha, tôn trọng lẫn nhau. Đó cũng là ý nghĩa của
câu Ca dao Tục ngữ, tương tự như câu trong Kinh Mười điều
Răn: “Trước kính mến Một Đức Chúa Trời, sau lại”Yêu
người như mình ta vậy”.Amen.( Sách Kinh Địa phận Hà
nội):
“Thương
Người như thể Thương thân” (ca dao)
4-
Tình Yêu Thương Vị Tha Được Mọc Lên từ Tình Yêu Thương Bản
Năng Vị Kỉ (coi số 6-7).
Đây là một Truyền Thống đặc thù
của Thiên Chúa Giáo, bắt nguồn từ Kinh Thánh. Tình Yêu
“Eros” Vị Kỉ, nhận lấy cho mình rồi, phải được phân phát đi
cho người khác, tức Tình Yêu Vị Tha . Hai động tác
“nhận lấy-cho đi”, luôn sánh vai cùng một nhịp,
không thể hoàn toàn tách rời nhau. Nếu chỉ bo bo giữ lấy cho
mình, thì đời sống ích kỉ, “đóng khung, khép kín” đó,
không được mở rộng và sẽ trở nên nghèo nàn, bần tiện, keo
kiệt. Theo thần học và triết học Thiên Chúa Giáo, có một
sự luận lý nội tại, một sự liên quan về yếu tính
giữa Tình Yêu Vị Kỉ và Tình Thương Vị Tha, nghĩa là
Vật Chất liên hệ với Tinh Thần, từ Tình vật dục(amor
concupiscentiae) chuyển sang Tình từ thiện( amor
benevolentiae). Ngược lại, người ta cũng không thể chỉ “Cho
đi”, mà không “nhận lấy”. Bởi vì, ai yêu thì cũng muốn người
mình yêu, yêu lại. Vả lại, nếu không nhận lãnh thì lấy gì mà
phân phát cho người khác:
“có đi có
lại mới toại lòng nhau” (ca dao)
- Sách Kinh Thánh đã minh chứng
sự liên hệ giữa hai loại Tình Yêu Thương đó. Trong Sách “Diễm
Ca”, nguyên thủy là những lời ca tụng Tình Yêu của
đôi vợ -chồng trong hôn nhân. Sau này, các vị thần
bí(Mystic) đã thăng hoa mối tình tự nhiên để áp dụng vào
Tình Yêu giữa Dân Do Thái và GiaVê, hay Tình Thương giữa
Chúa và Linh Hồn.
Chúa Cứu Thế cũng nói:” Ai
tìm cách giữ mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất
mạng sống mình vì Ta, thì sẽ bảo tồn được mạng sống”(Lc,
9; 24; Mt, 10:39). Đặc biệt Chúa nhấn mạnh đến sự liên hệ
giữa Thập Giá và Phục Sinh:” Hột lúa rơi
xuống đất và chết đi, thì sẽ sinh ra nhiều hạt khác”…..
Gioan, 12:23-25)
Nói tóm lại, chỉ
có Một Tình Yêu, nhưng với nhiều khía cạnh
biểu lộ khác nhau. Tình Yêu của con người cần noi theo Mẫu
Mực của Tinh Thương bao la của Thiên Chúa, để thanh
luyện và thăng hoa lên “Tình Mến Chúa và Yêu Người”là
Một thực tại duy nhất.
- Trong Văn Học Sử Việt
nam, từ Ca dao, Tục ngữ, Thi ca…không thiếu những
áng thơ văn ca tụng Tình Ái của những “tài tử đa tình”như:
Cụ Nguyễn Công Trứ, một
danh sĩ Việt Nam, văn võ kiêm toàn, có “tài kinh bang tế
thế” như khai khẩn đất hoang miền Tiền Hải, Nga Sơn,
giúp dân giầu nước mạnh..Vậy mà về vấn đề “Tình”,
Kẻ Sĩ Nguyễn Công Trứ, cũng phải lúng túng, không hiểu nổi ,
chỉ biết nghe theo bản năng của con tim, như câu thơ, dưới
đậy:
“Cái
Tình là cái chi chi, Chi chi cũng chi chi với Tình”
(Nguyễn Công Trứ)
Trong thơ văn và đời sống, có
lúc ông đã buông thả theo dục vọng tự nhiên như trong bài
thơ”Tuổi già cưới hầu” hay khi ông viếng chùa Thiên
Tường trên núi Hồng Sơn, vẫn đem theo đào nương:
“Gót tiên
theo đủng đỉnh một hai dì,
Bụt cũng
nực cười ông ngất ngưởng”
Có người phê phán thái độ của cụ
Nguyễn Công là phạm đến danh giáo của Kẻ Sĩ. Nhưng nếu ta
khảo sát toàn bộ thơ văn và đời sống của Nguyễn Công Trứ, ta
sẽ nhận thấy nơi tâm hồn ông một “Chí anh hùng”, luôn vươn
lên một tình cảm thanh cao, để thực hiện Lý tưởng Vị Tha, vì
Dân vì Nước. Ngay trong vấn đề Tình cảm, ông vẫn giữ được
thái độ tôn trọng nữ sắc, chứ không có thái độ chiếm hữu,
thưởng thức cho chán chê, rồi vùi đạp, bỏ đi:
“Khuyên ai
đừng dở truyện li phi:
Trân
trọng lấy hương trời cho trọn vẹn”
(bài Chơi hoa)
L.M .Vũ Đình Trác đã bình
phẩm như sau:”Như vậy ta mới hiểu nếp sống thái hòa là
một nếp sống đầy thận trọng, vì tiểu ngã luôn luôn nằm trong
Đại Ngã tâm Linh. Có thái hòa thì có giao hội có tương dung.
Đó là căn bản của Đạo NHÂN”( sách”Triết Lý Chấp
Sinh Nguyễn Công Trứ, trang 220).
- Đạo NHÂN là gì?
Đây là Đạo Sống của Đức Khổng Tử chủ trương và các Nho gia
tuân thủ trong việc Tu thân, Tề gia, Trị quốc, Bình thiên
hạ. Xét về Nguyên tự chữ hán(……..), chữ này gồm hai bộ: bộ
nhân( …..) là người, và bộ nhị(……) là
Hai. Đạo Nhân, chính là Đạo Nhân Ái,
Đạo Yêu Người. Tình Yêu Thương chân thật là tình trao
tặng giữa Hai Người, mới là Tình Vị Tha.
Nếu chỉ kiếm lợi cho riêng mình, và làm hại người khác, là “ích
kỉ hại nhân”. Trong ngôn ngữ Việt, kẻ tàn ác, hành hạ
người khác, gọi là kẻ “bất Nhân”, nghĩa là
không giữ Đạo Nhân, đồng thời không còn là con người nữa,
vì mất nhân tính.
- Trong Giai thoại về một nhà
Nho Việt Nam, Thi sĩ Chu Thần Cao Bá Quát, có kể câu chuyện
như sau: Ông thua trận, bị triều đình bắt sống, trói chân
tay, bỏ vào cũi, khiêng về Kinh đô để xử tội. Dọc đường,
quân lính dừng lại bên một hồ ao để nghỉ mát, vì trời rất
nóng. Để thử tài văn chương đối đáp của thi nhân, một viên
đội mới ra vế đối:
“ Nước
trong leo lẻo, cá đớp cá”
Nho Sĩ họ Cao, liền đối lại:
”Trời nắng
chang chang, người trói người”
c/- Đặc
Điểm Tân Kỳ của Niềm Tin trong KINH THÁNH (coi: số
9-11)
1-
THIÊN CHÚA GIÁO là một Tôn giáo Độc Thần.
Theo Kinh Thánh trong Cựu Ước và Tân Ước, chỉ có MỘT Vị Chủ
Tể tạo thành muôn sự muôn loài, hữu hình và vô hình. Thiên
Chúa là Đấng Sáng Tạo và An Bài vũ trụ càn khôn.
Thiên Chúa là NGÔI VỊ,
cầm quyền sinh tử, phán xét, định đoạt Công-Tội, và lắng
nghe Nhân Lọai KÊU CẦU, NGUYỆN XIN. Thiên Chúa không
phải là một Nguyên Lý vô hình vô tượng, trừu tượng, vô-bản
-vị( impersonal) như các nhà triết lý Đông –Tây tưởng tượng
ra, nhưng Bản Thể của Thiên Chúa là TÌNH THƯƠNG. Ngài Yêu
Mến mọi loài Ngài đã dựng nên, đặc biệt, Thiên Chúa Yêu
Thương Nhân Loại.
- Thiên Chúa Yêu từng cá
nhân, nhưng cũng thương hết mọi người. Có thể nói:
Ngài vừa Yêu thương theo nghĩa “eros”, vừa theo nghĩa
“Agape”. Thiên Chúa yêu thương và chọn dân tộc Do thái làm
dân riêng , nhưng Ngài cũng muốn cứu chuộc tất cả nhân
loại.
Vì thế, trong Kinh Thánh thường
dùng Tình Yêu trong Hôn Nhân, Vợ-Chồng để sánh ví với
Tình Yêu Thương Vô Cùng của Thiên Chúa đối với nhân loại.
Bởi vậy, Vợ-Chồng muốn yêu thương cho phải Đạo Phu-Thê, thì
phải học và bắt chước Mẫu mực nơi Tình Yêu của Thiên Chúa.
- So sánh quan niệm và
Niềm Tin vào Một Ngôi Vị Thiên Chúa và các Triết Lý Siêu
hình và niềm tin dân gian của dân tộc Việt Nam, ta
nhận thấy những điểm tương đồng và khác biệt. Tín ngưỡng dân
gian đặt niềm tin vào một vị Thần cao cả trên hết các thần
thánh khác, Vị đó được xưng tụng là “ÔNG TRỜI”,
hay Hóa Công: “Ông Trời có mắt”, nghĩa là Ngài
hằng quan tâm xem xét, cai quản vũ trụ, nhân sinh. Khi ai
gặp hoạn nạn mà kêu cầu, thì được Ngài cứu giúp. Niềm Tin
vào “Ông Trời có Ngôi Vị”, cũng giống như tín ngưỡng
của dân Trung Hoa, trong Kinh Thi, đã được Đức Khổng
Tử san định.
Ngoài niềm tin vào Một Đấng
Thương Đế mà hằng năm vua quan đại diện toàn dân để tế lễ
như Lễ Tế Nam Giao, các nhà nghiên cứu về tín ngưỡng
dân gian Việt Nam đã ghi lại hai nhận xét sau đây: Một,
ngoài niềm tin vào “Ông Trời”, dân chúng Việt Nam
còn thờ rất nhiều ‘Thần, Thánh”, ( đa thần, phiếm thần,
polytheism, pantheism), cũng có quyền ban ơn giáng phúc, hay
gây tai họa cho con người. (coi: Vũ Ngọc Khánh, Phạm Minh
Thảo, Từ Điển“Linh Thần Việt Nam”(NXB Văn Hóa Thông
Tin, Hà nội,2002). Hai, các nhà Nho theo triết học
Trung Hoa thời nhà Tống như Lý học, Tâm học, Đạo học, đều
cho rằng: vũ trụ càn khôn phát xuất từ một Nguyên Lý siêu
việt, vô tượng, vô thanh, vô sú, vô-bản-vị(impersonal) được
gọi bằng danh xưng trừu tượng như: Đạo, Thái Cực, Vạn Vật
Nhất Thể, Đại Ngã, Phật Tính..Những quan niệm siêu hình
này, tuy diễn tả được bản tính cao siêu Tuyệt Đối của Thiên
Chúa, nhưng lại phủ nhận ý niệm về “Ngôi Vị”(Personal
God) trong Thiên Chúa Giáo, coi “Ngôi Vị Thiên
Chúa”và Bản Tính của Chúa phải hoàn toàn KHÁC BIỆT
và CAO SIÊU hơn mọi loài thụ tạo. Con Người được Kết Hiệp
với Chúa, nhưng Thiên Chúa vẫn giữ Thần Tính, và con
Người vẫn giữ nhân tính của mình. Vì nếu không phân
biệt Đấng Tạo Hóa khác với các loài thụ tạo như loài người,
thảo mộc, động vật, khoáng vật, nếu chủ trương:” Vạn vật
nhất thể”, thì sẽ không đặt ra vấn đề Cầu
Nguyện, và Lễ Bái nữa, vì ai cũng như ai, mọi loài
mọi vật đều như nhau cả!
- Ngoài ra, cũng nên phân biệt
hai quan niệm “TỪ BI” của Phật Giáo, và “BÁC ÁI”
của Thiên Chúa Giáo. “Từ Bi”(Compassion) là
lòng thương xót bao quát hết các sinh vật từ con kiến, con
sâu đến con người, không phân biệt cá tính. Đối với một
Phật tử chân chính, cần phải thi thố công cuộc Bố thí,Từ Bi,
vì là phương thế tốt để “Diệt Dục”,
nghĩa là diệt được cái lòng tham, sân, si, cái “Ngã ích kỉ”,
“yêu mình”, khiến tâm thần được thanh thỏa, “trống rỗng”, để
hòa mình vào cái Đại Ngã mênh mông của vũ trụ. Bởi vậy,
Từ Bi, Hỉ Xả chỉ là phương tiện, còn Diệt Dục mới là
cứu cánh cần phải đạt tới. Trái lại, mục đích chính
của Đức Bác Ái là: “ Mến Chúa và “Yêu Người”.
Thiên Chúa là Nguồn Mạch, là Mẫu Mực của
TìnhYêu Thương Vị Tha. Ai “Yêu Mến Chúa “, thì phải
thực hành Đức Bác Ái Vị Tha như Chúa đã làm, phải noi
guơng Chúa, hy sinh tiền bạc, sức khoẻ, thời giờ..để giúp
đỡ những người anh chị em đang đau khổ. Do đó, Thiên Chúa
và Con Người là Mục đích phải nhằm tới, và
công cuộc từ Thiện Bác ái chỉ là phương tiện
giúp ta thi hành Đức Bác Ái( đọc thêm: “Thiên Chúa Giáo
và Tam Giáo, trang:229-255).
2-Tình
Yêu Thuơng Tha Thứ, Cứu Chuộc của Thiên Chúa
(coi: số 10)
Như đã trình bày ở trên, Tình
Yêu Thưong của Thiên Chúa vừa là “Eros”, vừa là“Agape”,
nhưng là “Agape”, vô cùng hoàn hảo, vì là “Tình Yêu
THA THỨ”, như trong trường hợp tiên tri Hôsê tha thứ
cho bà vợ ngoại tình, ám chỉ Chúa cũng tha tội bất trung của
dân Ích riên(Israel). Mầu Nhiệm THÁNH GIÁ minh
chứng Tình Thương vô tận của Thiên Chúa đối với Nhân Loại
tội lỗi. Mầu Nhiệm NGÔI LỜI NHẬP THỂ(Logos),
lại càng biểu lộ Tình yêu “eros”, thiết tha, đăm mê và Tình
Thương “Agape” tuyệt vời, cao quí. Sách Diễm Ca
, diễn tả Tình Yêu Thương giũa Vợ-Chồng trong Hôn Nhân,
theo các nhà thần bí(mystics), cũng ám chỉ “Tình Kết Hiệp
Huyền Nhiệm”(mystical Union) giữa Thiên Chúa và Linh Hồn
Thánh Nhân. Thiên Chúa Cao Siêu Vô cùng đã trở nên Một
với con người, tuy bản tính Thiên Chúa vẫn không hề
thay đổi, vẫn giữ trọn Thần Tính, và Linh Hồn vẫn giữ
nhân tính của mình.
Đây chính là trạng thái”
Thiên Đàng” mà Sách Giáo Lý Công Giáo gọi là:”Hưởng
Kiến, Phúc Kiến, Hưởng Nhan Thánh Chúa”( beatific
Vision). Sách Giáo Lý số 1025 dạy:”Đời sống Thiên
Đàng chính là”Sống với Chúa Kytô”, sống trong Chúa Kytô,
nhưng mỗi nhân vị vẫn giữ lấy căn tính riêng biệt của Mình”(coi
thêm Sách: “Đạo Thiên Chúa và Dân Nước Việt” trang
417-421)
3-
Quan Niệm Tiến bộ về Con Người, và Hôn Nhân trong Kinh
Thánh (coi:số 11)
Trong huyền thoại Hy lạp, triết
gia Plato cho rằng: từ đầu con người tự coi mình là hoàn
toàn, sung mãn. Để “trừng phạt” tội kiêu ngạo, nên thần Zeus
mới tách con người ra làm đôi… Kinh Thánh không đề cập đến
việc “trừng phạt”, nhưng gợi ý rằng: con người nguyên thuỷ
Adong, theo bản năng, cảm thấy mình cô đơn, lẻ loi,
khiếm khuyết, nên cần một người bạn, giống như mình để trợ
giúp mình, được hoàn chỉnh hơn. Do đó, theo Sách Sáng Thế,
2:23, Thiên Chúa đã dựng nên Bà Evà làm người “trợ
tá”, là người bạn đời để bổ khuyết những gì Ông Adong
mong đợi, tìm kiếm. Ông rất ưng ý hài lòng và thốt lên:”Đây
là xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi”. Và Kinh
Thánh kết luận:” Bởi thế, Đàn ông lìa cha mẹ mà gắn bó
với vợ mình, và cả Hai thành Một Xương Một Thịt”(Sách Sáng
Thế, 2:24).
Ông Adong đã ra khỏi bản năng
“Eros” cô đơn, vị kỉ, đóng kín, ”đã bỏ cha mẹ mình”,
đã ra khỏi mình, để đi tìm người Nữ, người khác phái tính,
để kết hợp nên Một cặp Vợ-Chồng Hòa Hợp,Trọn Vẹn. Đây
chính là đôi Hôn Phối đầu tiên của nhân loại. Sự Phối
Hợp trong hôn nhân giũa một người Nam và một Người Nữ,
“Đơn Hôn”( monogamy), trong Tình Yêu Thương Vị
Tha, cả “Hai nên Một”, chính là hình ảnh về
“Thiên Chúa Độc Thần”. Hôn nhân dựa trên Tình Yêu Thương độc
quyền, dứt khoát, là hình ảnh về Tình Thương giữa Thiên
Chúa và dân Chúa. Tình Thương Vị Tha vô cùng của Một
Chúa Ba Ngôi, chính là Mẫu Mực cho Tình yêu Thương cho nhân
loại.
- So sánh ý niệm về yếu
tính của Hôn Nhân, Hôn Phối giữa một người Nam và
một người Nữ, có thể nói: quan niệm về Phái Tính, Nam-Nữ,
Vợ-Chồng..trong Văn Hóa Việt Nam, rất gần với
giáo thuyết của Kinh Thánh, đã được ĐGC trình bày trong
Thông Điệp:Thiên Chúa=Tình Thương. Theo các
nhà dân tộc học, căn cứ vào những
di tích Lịch Sử, và những Truyền thuyết, như Trống Đồng Đông
Sơn, Ngọc Lũ.., trong Ca dao, tục ngữ, đặc biệt Minh Triết “ÂM-DƯƠNG”,
thì người dân Việt đã có một quan niệm cao quí về Hôn Nhân,
về Nam-Nữ, về vị trí của con người trong vũ trụ.(coi: Sách:
“Tìm về Bản Sắc Văn Hóa Việt Nam”, Trần Ngọc Thêm,
trang 263-272)
Người cổ-Việt quan sát,
nhìn ngắm những hiện tượng thiên nhiên, và đã biết
“trừu tượng hóa” nghĩa là đặt thành những con số, những hình
vẽ “tượng trưng”, để bày tỏ quan niệm, ý tưởng siêu hình.
Chẳng hạn, cách vận chuyển đắp đổi, điều hòa của ngày-đêm,
nắng –mưa, nóng –lạnh, đực-cái, nam-nữ..Những “Cặp
Song-Trùng” này được phác họa bằng những nét thô sơ,
tượng trưng như: Dương (___), nét thẳng, Âm (_ _), nét đứt
, Dương là số Lẻ, ( 1,3,5..), Âm là số chẵn( 2,4,6..). Những
gạch Âm-Dương, những con số chẵn –lẻ, kết hợp tạo nên muôn
hình vạn trạng trong trời đất. Tại sao, Dương(Nam) là một
nét ngang thẳng (__), Âm(Nữ) là nét ngang đứt làm hai(_ _)?
Vì trong Âm, Nữ, Đàn Bà đã có khả năng mang thai(mẹ-con),
sinh ra một người khác. Do đó, theo quan niệm của người
Việt, Âm-Dương, Nữ-Nam, không thể đứng một mình, nhưng luôn
luôn kết hợp với nhau, bổ khuyết cho nhau được quân bình,
hoàn hảo, “Vuông-Tròn”. Chính trong sự phối kết đó,
kết quả là “tác thành” bào thai, con cháu. Vì thế, mới có
câu:”có Âm-Dương, có Vợ-Chồng” . Trong ”Thái
Cực Đồ” : một hình tròn chia làm hai phần Trắng, Đen
bằng nhau, một Chấm Đen ở trong phần Trắng, một Chấm Trắng ở
trong phần Đen, có ý chỉ, trong Dương(Trắng) đã có mầm mống
Âm( chấm Đen), và trong Âm(Đen) đã có mầm mống Dương(chấm
Trắng). Đây là lẽ tương đối: có trắng vì có
đen, cũng như có ngày là vì có đêm, có đàn ông vì có đàn
bà…, hai cái tương đối luôn lôi kéo và bổ khuyết nhau, không
tranh đấu, không tiêu diệt, đàn áp nhau, nhưng hòa hợp,
nâng đỡ nhau, vì cái này cần cái nọ.
Đây là cách biểu lộ tuyệt vời
về ý nghĩa Hôn Phối: “Cả Hai nên Một Huyết
Nhục, Một Thân Thể”. Vì lý do đó, người Việt, quen
gọi người phối ngẫu là:”MÌNH”.(tức thân thể). Trong
Văn Chương Nghệ Thuật, Thơ Phú, Truyện như Truyện Kiều, Nhị
Độ Mai, Lục Vân Tiên, các thi nhân đề cao Tình Nghĩa Vợ
-Chồng chung thủy. Bộ môn Tiểu Thuyết , Tuồng, Cải
Lương..,.đều có Hậu”,nghĩa là kết thúc không bi thảm,
không tan vỡ, li dị, bỏ nhau, bắn giết
Trong xã hội văn minh ngày nay,
tục lệ cổ hủ “Đa Thê” đã bị bãi bỏ, từ hai ngàn năm
nay, vì ảnh hưởng của Giáo Thuyết Thiên Chúa Giáo về Hôn
Nhân:”Nhất Phu, Nhất Phụ”.
d/ Chúa
GiêSu KyTô- Tình Yêu Thương Nhập Thể của Thiên Chúa (số
12-15)
1-
“Cạnh Sườn Chúa
Bị Lưỡi Đòng Đâm Thấu”(số12)
- Trong Tân Ước, Thiên Chúa đã “Hiện
thực”những lời hứa bằng hành động cụ thể là : Chính
Chúa Cứu Thế Giáng Sinh, làm Người để đi tìm những “con
chiên lạc”là nhân loại lầm than, đau khổ. Những dụ ngôn
như:”người con phung phá”, “người đàn bà tìm lại
được đồng tiền bị mất”, chứng tỏ Thiên Chúa đã ra tay
Hành động để cứu chuộc nhân loại. Hành động tự nguyện, chịu
Chết trên Thánh Giá, là Tột Đỉnh của Tình Yêu Vị Tha.
Bởi vậy, cần phải nhìn ngắm, chiêm niệm: “cạnh sườn Chúa
bị lưỡi đòng đâm thấu”(Gioan,19:34), để hiểu biết ý
nghĩa của Thông Điệp:”Thiên Chúa là Tình Thương”(I
Gioan, 4: 8)
2-
Nhiệm Tích Thành Thể là Nhiệm Tích Tình Thương
( số 13)
- Chúa Cứu Thế đã lập Nhiệm
Tích Thánh Thể trong bữa Tiệc Ly. Ngài đã tiên báo về
cái Chết và Sống lại, bằng hành động trao cho các môn đệ
chính Bản Thân Ngài là Mình và Máu Ngài, trong hình Bánh và
hình Rượu như manna mới(Gioan,6:31-33)
Chúa Giêsu là “Ngôi Lời”(Logos)
của Thiên Chúa, đã trở nên của ăn đích thực để nuôi dưỡng
nhân loại. Trong Nhiệm Tích Thánh Thể, Chúa Giêsu đã “Trao
Ban” chính Mình để làm của Ăn, đã hạ Mình xuống đến cùng tận
để kết hiệp với con người. Ngày xưa, trong Cựu Ước, Hình ảnh
cuộc Hôn Nhân giữa Thiên Chúa với dân Isrsel, được hiểu là
sự hiện diện của Chúa với dân Ngài, thì nay đã trở thành sự
Hiệp Nhất với Thiên Chúa, qua việc Chia sẻ
Mình và Máu Thánh của Chúa Giêsu.
- ĐTC Bênêditô XVI là Vị Giáo
Chủ lỗi lạc về phương diện trí thức, uyên bác về học
vấn, vì đã làm giáo sư Thần học, là Bộ Trưởng Thánh Bộ Đức
Tin..trong nhiều năm trước khi lên làm Giáo Chủ. Do đó, Ngài
thường dùng điển tích hay ngôn ngữ trong Triết Lý La-Hy để
giải nghĩa Kinh Thánh. Thật là một mẫu mực cho các nhà thần
học, giáo lý viên, khi giảng giải Đạo Mạc Khải cho các dân
tộc địa phương. Danh từ gốc Hylạp“Logos”,
nghĩa là “lời nói”(word), đã được các triết gia Hylạp
dùng theo ý nghĩa Triết học riêng của họ. Chẳng hạn,
Heraclitus(chết -480 B.C) dùng chữ này để chỉ một
“Thượng Trí siêu phàm(Intelligent non-human) xếp đặt vũ
trụ cho có trật tự; các nhà hiền triết “Sophists”
dùng theo nghĩa “Luận Lý”(logic, argument..); các
“Stoics”( Stoicism, phái Khắc kỉ, 300, B.C), dùng
Logos, chỉ vị thần Thượng Trí, nguồn gốc của Lý Trí trong vũ
trụ. Sau đó, tư tưỏng gia “Philo of Alexandria”(chết
-50 B.C) dùng chữ Logos trong các bài suy luận về Do Thái
Giáo. Các tín hữu thời sơ khai đã dùng chữ Logos này trong
một bản Ca Vịnh ngợi khen Chúa Kytô, và Thánh Gioan
Tông Đồ coi việc dùng danh từ này là thích đáng, nên
đã đưa vào Đoạn Đầu Sách Phúc Âm theo Thánh Gioan.
Sau này, các Giáo Phụ vẫn tiệp tục dùng chữ “Logos”, theo
nghĩa “Ngôi Lời Thiên Chúa”trong Thần học,
Phụng vụ.
- Bên Á Đông, nhà ngoại giao và
học giả danh tiếng của Trung Hoa, ông Ngô Kinh Hùng
, đã dùng danh từ “ĐẠO”(…….) vẫn quen thuộc
trong các Đạo giáo, Triết lý Á Đông như: Lão Giáo, Khổng
Giáo, Phật Giáo, để dịch chữ “Logos”
trong “Đoạn Mở Đầu” của “Phúc Âm theo Thánh Gioan” ra
tiếng Trung Hoa( loại cổ văn). ĐTC PiôXII đã đề tựa cho bản
dịch này. (Đọc thêm sách:”Thiên Chúa Giáo và Tam Giáo”,
trang: 351-354)
Chữ “ĐẠO” trong
Hán văn và Việt văn có nhiều nghĩa: “ĐẠO” theo
Lão Tử trong “Đạo Đức Kinh” là Một Nguyên Lý Tuyệt
Đối Siêu Việt: Vô Danh, Vô Hình, Vô Tượng, là Căn
Nguyên sinh ra muôn vật muôn loài. Chữ “Đạo”
có nghĩa là “đường đi”, cũng có nghĩa là “lời nói”
như: đàm đạo . Ngô Kinh Hùng dịch: Gioan, 1:1-3..
như sau:
“Thái sơ hữu ĐẠO, dữ Thiên
Chủ giai, ĐẠO tức Thiên Chủ, tự thuỷ dữ giai. Vi ĐẠO vô vật,
vật nhân ĐẠO sinh, thiên địa vạn hữu tư ĐẠO dĩ thành..
3-
Tính Cách Xã Hội, Cộng Đồng, Hiệp Thông của Nhiệm Tích Thánh
Thể (số 14)
Bí Tích Thánh Thể là một “Huyền
Nhiệm” mang tính chất Cộng đồng, Xã hội, vì ai hiệp thông
với Bí Tích này, thì Kết Hiệp với Chúa và với tất cả những
người khác cùng hiệp thông, cùng tham dự, như Thánh Phao Lô
dạy:”Bởi vì chỉ có Một tấm Bánh, và tất cả chúng ta chia
sẻ cùng Một Tám Bánh ấy, nên tuy nhiều người, chúng ta chỉ
là Một Thân Thể”(1 Cor 10:17). Do đó, Hiệp Thông với
Chúa Kytô, cũng là Hiệp Thông với nhau. Chúng ta trở nên “Một
Thân Thể” hiệp nhất toàn vẹn trong một đời sống duy
nhất. Tình Yêu Chúa , Thương Người thật sự liên kết với
nhau: Thiên Chúa Nhập Thể, làm Người, đã lôi kéo hết thảy
chúng ta về với Ngài.
- Tại sao Bí Tích Thánh
Thể cũng được gọi là “AGAPE”? Tình Yêu vô cùng Vị
Tha của Thiên Chúa, chính là“Agape”của Chúa,
đã đến với chúng ta bằng xương thịt, để tiếp tục công việc
của Ngài trong chúng ta, và qua chúng ta.
Tất cả Lề Luật và các Tiên tri,
đều tóm lược vào một giới răn gồm hai mặt: Mến Chúa và
Yêu người . Đây cũng là trung tâm điểm của
đời sống Đức Tin. Đây không chỉ là vấn đề luân lý, đạo
đức(ethos) có thể tách biệt và song song với Đức Tin nơi
Chúa Kytô. Ba điều quan trọng: Đức Tin nơi Chúa Kytô, Thờ
Phượng Ngài khi cử hành các Bí Tích, và Giới Răn Mến Chúa,
Yêu người, luôn đan quyện vào nhau như một thực tại thuần
nhất. Do đó, Tham dự Thánh Lễ phải đi đôi với việc thực
hành một cách cụ thể công việc Từ Thiện Bác ái. Việc
Rước Lễ, Hiệp Lễ phải gồm hai mặt một trật:
trước là ta được Chúa Yêu, nên quá bộ đến ngự vào “nhà
ta”, sau đó, ta cũng phải “ra đi”thông hiệp với
anh chị em, vì tất cả mọi người đều là con Chúa.
- Trong Phụng vụ Công
Giáo, về nghệ thuật hội họa, và ca vịnh, hay dùng
hình ảnh con chim”Bồ nông”(pelican)
đang xỉa vào thịt để máu chảy ra cho con uống, tượng trưng
cho “Bí Tính Thánh Thể” như bài ca: “O memoriale” có
Đoạn Thơ:
”Pie
pelicane, Jesu Domine,
me
immundum munda tuo sanguine,
cujus una
stilla salvum facere
totum
mundum quit ab omni scelere…”
( Lạy Chúa Giêsu, “Bồ
Nông Thánh”, Chúa rửa con nên tinh sạch nhờ Máu Thánh Chúa,
một giọt Máu của Chúa làm cho cả thế gian được cứu chuộc
khỏi mọi tội lỗi”).
- Trong Văn hóa Việt Nam,
hình ảnh “con cò lặn lội bờ sông”, cũng diễn tả lòng
vị tha của người phụ nữ Việt, tận tuỵ, hy sinh cho chồng cho
con:
“Cái cò
lặn lội bờ sông
Gánh gạo
đưa chồng, tiếng khóc nỉ non”…
“Lặn lội
thân cò khi quãng vắng
Eo
sèo mặt nước buổi đò đông”… (Tú Xương)
- Bữa Ăn, đối với
người dân Việt, biểu lộ tinh thần Cộng Đồng, Chia sẻ,
Tình Thân Thiện của người dân Việt, có nhiều đặc
điểm như sau: Trước hết là chữ “ĂN” được ghép
thành nhiều danh từ kép như: Ăn mừng, Ăn cưới, Ăn đám hỏi,
Ăn Tết, Ăn khao, Ăn Dám Giỗ, Đám Tang ., nghĩa là dùng bữa
ăn để chia sẻ với bà con, bạn bè mỗi khi có dịp chia vui
hay chia buồn. Ca dao, tục ngữ có câu:
- “Trước
Lễ Thánh, sau “đánh chén”
( Ăn tiệc, hay chia phần ăn cho
người tham dự Thánh Lễ)
- “
Một miếng giữa làng hơn một sàng xó bếp” (tục
ngữ)
- “ Rượu
ngon không có bạn hiền,
“Không mua, không phải không tiền, không mua”
(Nguyễn Khuyến)
- Tính chất Cộng đồng,
thân mật, trong cách xếp đặt chỗ ngồi chung quanh một chiếc
mâm tròn, đặt trên chiếu, hay trên tấm phản. Cách
thức tổng hợp điều hòa”âm-dương” trong việc pha chế nêm
nhiều thứ gia vị vào món ăn, để thêm hương vị. Cùng nhau”tay
làm hàm nhai”, trong cách cuốn bánh tráng với các thứ
rau, thịt, cá nướng, tôm..khi ăn “gỏi cuốn”hay khi ăn
“gỏi cá sống”.Ngoài ra, các món ăn được thái nhỏ, đặt
thành từng đĩa lớn, hay tô canh và một nồi cơm lớn, để cùng
nhau chia sẻ các phần ăn cho đồng đều: , không ăn mất phần
của người khác. Đôi khi bất chợt có khách hay bà con đến
thăm, cũng được mời dùng bữa, gọi là “thêm đũa thêm chén”,
vì mọi người đều biết “tự chế” để đãi khách. Con cháu trong
nhà cũng được ngồi chung với ông bà cha mẹ, anh chị em. Bữa
ăn là dịp tốt để giáo dục con cháu biết “kính
trên nhường dưới”,”ăn trông nồi ngồi trông hướng”, biết
“làm Dấu Thánh Giá và “mời cả nhà dùng cơm”
trước khi ăn. Con trẻ phải tập cầm đôi đũa, so cho đều, gắp
cho khéo, nhất là đừng tham ăn quá độ:”no bụng đói con
mằt”, chớ ”và lấy và để” .
4-
Các Dụ Ngôn để Giảng Nghĩa về Tình Yêu Thương của Thiên Chúa(số15)
ĐTC đã đề cập ở trên về danh từ”Logos”,
Chúa Cứu Thế là “Ngôi Lời”của Thiên Chúa đã bày tỏ ra
cho nhân loại biết về Bản thể của Thiên Chúa :”Thiên
Chúa = Tình Thương. Đây là một Mầu Nhiệm cao siêu,
cần dùng những hình ảnh cụ thể hữu hình để giải thích cho
đại chúng dễ hiểu. Vì thế, Chúa Cứu Thế thường dùng những”DỤ
NGÔN” để giảng dạy, tức là dùng những câu truyện
thường xẩy ra, những sinh hoạt trong xã hội, hay những hiện
tượng thiên nhiên.., để giảng những mầu nhiệm về Nước Trời,
hay những bài học luân lý.
Sau đây, là ba Dụ Ngôn dùng làm
Tiêu Chuẩn để phán xét, phán đoán về Đức Bác
Ái.
- Dụ Ngôn về Ông Lagiarô,
nhà giầu keo kiệt(Luca, 16:19-31). Chúa có ý
cảnh cáo những người còn đang sống ăn chơi phung phí tiền
bạc, không làm việc Phước Thiện, hãy coi chừng, một ngày sẽ
bị luận phạt như ông”Lagiarô keo kiệt”
- Dụ Ngôn”Người Samaritanô
nhân hậu”(Luca, 10:25-37) giúp ta mở rộng Tình
Thương đến cho mọi người, thân cận, ruột thịt cũng như xa
lạ, đồng hương cũng như khách ngoại kiều. Vì Mọi người trong
gia đình nhân loại đều là con cái của Một Chúa. Vả lại, Tình
Yêu Thương thật không phải là tình “thương hại”, thương xót,
mơ hồ, trừu tượng, hay xúc động nhất thời, nhưng là
tình Bác Ái cụ thể, nhằm cứu vớt anh chị em đang đau khổ”
bây giờ, ở đây(hic et nunc). Hội Thánh Công Giáo phải
lưu tâm đặc biệt các tín hữu về bổn phận, và đòi hỏi này.
- Dụ Ngôn về Tiêu Chuẩn mà
Chúa dùng để Phán Xét, Phân xử Kẻ Lành, Người Ác
Trong Ngày Chung Thẩm của
Thế giới( Matthêu, 25:31-46). Tiêu Chuẩn để định
đoạt số phận của mỗi người là:”Chúa đồng hóa với Người
đói khát, khách ngoại kiều, đau yếu, tù đầy”, nghĩa là
Chúa sẽ áp dụng triệt để nguyên tắc:”MÊN CHÚA YÊU
NGƯỜI= MỘT, để phán Xét Công –Tội cho mỗi người.
- Trong việc Tu Thân Tích
Đức, người dân Việt theo nguyên tắc lấy chính bản
thân mình làm”khuôn vàng thước ngọc”, để đo mức độ
luân lý, đạo đức, vì thế có câu: “Điều gì mình không
muốn, thì đừng làm cho kẻ khác”( Kỉ sở bất dục, vật thi
ư nhân). Do đó, một cách thực tế, nếu mình không muốn bị vu
oan, thì đừng bỏ vạ cho người khác; mình không muốn đói
khát, thì hãy giúp người nghèo khổ…Câu ca dao cùng một
nghĩa, một tiêu chuẩn, “Lấy bản thân làm Thước đo
người”, như;”
“Thương
người như thể thương thân”
- Trong kho tàng quí giá
“Ca dao, Tục Ngữ, câu Vè câu Đố, Hát đối, Trống
quân, Truyện Cổ tích,( Trầu cau), Ngụ ngôn(Lục súc trnh
công)…, người dân Việt cũng thành thạo trong việc dùng
“Dụ ngôn”, nghĩa là đi từ những cảm giác của ngũ quan( Vật
chất )để sánh ví một cách tương tự(analogy) lên những Chân
lý, Thực tại vô hình (Tinh Thần). Đây là cách giáo dục vừa
quân bình, vừa hiệu nghiệm đối với quần chúng, nhất là với
trẻ em, như câu:
“Cá không
ăn muối cá ươn,
Con cưỡng
cha mẹ, trăm đường con hư”
e/
Mến Chúa Yêu Người (coi số 16-18)
1-
Giải đáp vấn nạn: tại sao Mến Chúa cũng phải Yêu Người và
tại sao tình yêu lại có thể là một mệnh lệnh?
(số 16)
- Thánh
Gioan Tông đồ viết:”Nếu ai nói rằng:”tôi mến Chúa, mà lại
ghét người anh em, thì nó là kẻ nói láo; vì nếu nó không
yêu người anh em nó nhìn thấy, thì nó không thể mến Chúa là
Đấng nó không thấy”(I Gioan, 4:20). Ta phải hiểu ý nghĩa
của câu đó như thế nào? Y nghĩa của bản văn này không loại
trừ việc Yêu Mến Chúa, coi đó như là điều không thể được.
Trái lại, việc Yêu Mến Thờ Phượng Chúa là một Mệnh Lệnh, một
đòi hỏi phải làm. Ở đây, Thánh Tông Đồ có ý nhấn mạnh:
Tình Mến Chúa và Yêu người liên hệ mật thiết với nhau,
không tách biệt được, đến nỗi mất điều này thì cũng
chẳng có điều nọ. Vì thế, ai nói Mến Chúa mà lại ghét người
ta, là mâu thuẫn, là nói dối. Vậy, nên hiểu ý Thánh
Gioan là: Yêu Người là đường dẫn ta tiến lên cùng
Chúa. Nếu nhắm mắt làm ngơ đối với tha nhân,
thì cũng đui mù không nhìn thấy Chúa nữa.
- Ngày nay, trong các sinh
hoạt mục vụ, hay cứu tế xã hội của các Cộng đồng
Công Giáo, cũng thường nêu lên những thắc mắc, tranh luận về
ý nghĩa chân thật của “Tình Mến Chúa, Yêu
người”, như Thánh Gioan và ĐTC Bênêditô XVI, đã giải
thích. Chẳng hạn, có nên xây cất một Thánh Đường đồ sộ, nhà
Xứ sang trọng, giữa một khu lao động nghèo khổ, nhà cửa lụp
sụp, tồi tàn của giáo dân? Hay là đập phá một Nhà Thờ còn
tốt, để xây một Nhà Thờ mới, trong khi cả xóm dân nghèo
không có phòng Phát thuốc, không có nhà giữ trẻ cho dân
chúng Lương-Giáo?
Tuy chưa vươn tới một mức tuyệt
cao là đồng hóa tình Thương người với tình Yêu Thiên Chúa
như Chúa Cứu Thế dạy, nhưng nền Đạo Đức, Luân Lý của dân
Việt cũng đã đạt tới một trình độ đáng ca ngợi, khi phải
xếp đặt các ưu tiên trong việc cứu trợ khẩn cấp các nạn nhân
lâm vào tình trạng nguy kịch, như câu ca dao, trong “Việt
Nam phong sử” :
“
Dẫu xây chín cấp phù đồ (chùa tháp để thờ Phật)
Không bằng
làm phúc cứu cho một người”
3- Thiên
Chúa là Đấng ta có thể tiếp cận được, dầu chưa nhìn thấy.(số
17)
Thiên Chúa đã Yêu Thương Nhân
Loại trước, đã đến với chúng ta trước, khi
Chúa sai Con Một là Chúa Cứu Thế xuống trần gian để Cứu
Chuộc chúng ta, cho chúng ta được sống:”(Coi:1 Gioan, 4:9).
Thiên Chúa đã tự trở nên Hữu Hình: nơi Chúa Giêsu, ta
có thể nhìn thấy Chúa Cha: (coi:Gioan, 14:9)
Theo những sự kiện, biến cố
tường thuật trong Kinh Thánh, thì Thiên Chúa đã Hiện
Diện giữa chúng ta bằng nhiều cách thế, để mời gọi
ta đáp trả lại Tình Thương của Chúa:- Trong bữa Tiệc Ly,
Chúa Giêsu lập Phép Thánh Thể để Hiện Diện với chúng ta,
cạnh sười bị đâm thấu, chịu Chết trên Thánh Giá, và Sống
Lại. Ngài đã hiện ra nhiều lần để hướng dẫn, chỉ đạo cho các
Tông đồ đi rao truyền Tin Mừng. Ngài hiện diện trong Các Bí
Tích, đặc biệt trong Phép Thánh Thể. Chu kì Phụng vụ diễn
lại cuộc đời của Ngài, để các tín hữu cảm nghiệm được Ngài
có mặt trong đời sống thường nhật. Thiên Chúa đã Yêu
Thương chúng ta trước, và còn tiếp tục Yêu Thương
mãi, để ta đáp lại Tình Thương ấy, một cách chân thành,
từ nội tâm chúng ta.
- Theo
ĐTC Beneditô XVI, đã viết trong Thông Điệp, thì “Tình Yêu
Thương” trong Mạc Khải không phải là “cảm xúc nhất thời”,
có rồi thôi, đến rồi đi. Nhưng Tình Yêu Thương Thật , phải
lôi cuốn toàn thể con người, huy động mọi tiềm năng trong
con người: thân xác, trí tuệ và ý chí. Tình
Yêu”eros”, khi đã được thanh luyện, trưởng thành cũng trở
nên hoàn toàn, viên mãn, không còn “vị kỉ” nữa. Tình Yêu
chân thật đối với Chúa là tuân theo Ý Chúa, là lời “Xin
Vâng”. Tình Yêu Thiên Chúa luôn tăng trưởng không
bao giờ “hoàn tất”. Con người càng ngày càng Kết Hiệp
thân mật với Chúa hơn, nghĩa là Thánh Ý Chúa không phải là
từ bên ngoài áp đặt như một giới răn, nhưng cũng chính
là ý muốn của tôi. Thiên Chúa hiện diện trong tôi,
còn sâu xa hơn chính mình tôi.”Tâm tình tự Phú thác cho
Chúa được tăng trưởng, để Chúa là Niềm Hoan Lạc của
chúng ta.( coi: Thánh Vịnh 73{72}:23-28)
- Trong Triết lý Việt Nam,
theo Khổng giáo, từ nhà cầm quyền như vua chúa, quần
thần , giới nho sĩ đến dân chúng, đều tin tưởng và tuân
theo “Mệnh Trời”, “Thiên Mệnh” hay “Đế Mệnh”,
tức là Ý Chí của Trời, coi là điều quan trọng
hơn hết. (coi: Nho Giáo, quyển thượng, mục Thiên
Mệnh, trang 85-87). Học giả Trần Trọng Kim đã trích dẫn
những lời giảng dạy của Khổng Tử để bàn về ý nghĩa chữ
“Thiên Mệnh”, hay “Ý Trời” như sau:-“ Không biết
mệnh Trời thì không lấy gì làm quân tử”( quân tử, là bậc
thánh hiền trong Đạo Khổng). Do đó, mọi người phải
“Tri Mệnh”, tức là biết vui theo Ý Trời mà sinh
sống, cư xử cho hợp với ĐẠO TRỜI, và đạo làm người,
không được theo ý riêng, theo tư tâm vị kỉ của mình. Nhưng
biết được Ý Trời mà tuân theo là điều khó, cần phải cố gắng
tu luyện bản thân lâu năm. Đức Khổng Tử, lúc năm mươi tuổi
mới biết được Mệnh Trời:” Ngũ thập nhi tri Thiên Mệnh”.
Theo Ngài, Thiên Mệnh không phải là “số mệnh”, hay là
“định mệnh”vì làm mất tự do lựa chọn, khiến
con người trở nên nhu nhược, thụ động, buông xuôi, vô trách
nhiệm. Trái lại, con người phải dùng “năng lực tự do để
tự cường tự kiện..”, nghĩa là cố công tìm hiểu Ý Trời
và các hành động của Trời, để con người đem hết ý chí, nghị
lực mà hòa hợp với Thiên Ý, để cộng tác với Trời, đôn đốc
và vun đắp những gì là tốt đẹp thì càng thêm hoàn hảo. Chữ”Tự
do”, không có nghĩa là muốn làm gì tùy sở thích, vô
trách nhiệm, bất kể điều tốt hay điều xấu, nhưng là quyền
tự do lựa chọn điều Tốt, bỏ điều Xấu và chịu trách nhiệm về
quyết định của mình. Bởi vậy, chớ bao giờ chống lại Ý
Trời, vì sẽ bị diệt vong:” Thuận Thiên giả tồn,
nghịch Thiên giả vong”. Nhưng hãy cố gắng làm với
thiện tâm, thì Trời sẽ giúp cho:” Hoàng Thiên bất phụ
hảo tâm nhân”
- Quan niệm nguyên thuỷ của
Đạo Nho thời Đức Khổng Tử(551 B.C) như đã tóm lược ở
trên, cũng được các vị Truyền giáo tiên khởi tại Trung Quốc
như Linh Mục Lợi Mã Đậu( (Mattêo Ricci,
1552-1610), so sánh với Thiên Chúa Giáo, và nhìn nhận có
nhiều điểm tương đồng (coi: Sách “Thiên Chủ Thực Nghĩa”,
The True Meaning of The Lord of Heaven)
4-
Phúc Âm của Chúa Giêsu dạy: trong Chúa và với Chúa, ta có
thể yêu người mà ta không thích hoặc không quen biết.(số
18)
- Muốn
thực hiện được điều Chúa dạy, trước tiên ta cần thông hiệp
mật thiết làm một với Chúa, bằng cả tình cảm và ý chí, và
phải nhìn tha nhân dưới quan điểm của Chúa Giêsu Kytô,
chứ không phải do sở thích của ta. Bạn của Chúa cũng
là bạn của ta. Nhìn xa hơn dáng dấp bên ngoài, ta
linh cảm được nơi tha nhân lòng ao ước bên trong muốn nhận
thấy dấu hiệu của yêu thương, và ân cần săn sóc.Ta có thể
trao cho tha nhân ánh mắt yêu thương mà họ thèm khát.
- Cần nhấn mạnh đến sự hỗ
tương giữa Tình Yêu Chúa và Yêu nhân loại, như trong
Thư I của Thánh Gioan: Nếu ta không Yêu Mến Chúa bao giờ
trong đời sống, thì ta cũng chẳng thấy gì đặc biệt nơi người
khác. Ta chẳng thấy hình ảnh Chúa nơi họ. Trái lại,
nếu trong đời sống, tôi chẳng quan tâm một chút nào tới tha
nhân, tôi chỉ ra bộ”sốt sáng”giữ Đạo một cách
“chiếu lệ”, thì mối thân tình với Chúa cũng khô cằn: có
“đúng luật”, phải phép, nhưng thiếu lòng mến. Chỉ khi nào
ta phục vụ tha nhân, gặp gỡ và yêu mến họ, thì ta mới nhìn
thấy Chúa thương yêu ta chừng nào. Mẹ Chân Phước Têrêsa,
thành Calcutta, nhờ kết hiệp với Chúa trong Bí Tích Thánh
Thể, mà thêm lòng Bác Ái để phục vụ tha nhân. Bởi vậy,
Mến Chúa, và Yêu người không thể chia lìa, và làm nên Một
Giới Răn.
- Mến
Chúa, và Yêu người, cả hai đều bắt nguồn từ Tình Chúa Yêu ta
trước tiên. Bởi vậy, không còn vấn đề là một “Lệnh
truyền”áp đặt từ bên ngoài, và không thể thực hiện được,
nhưng là một kinh nghiệm tự do ban phát từ nội tâm, vì
tình Vị Tha, tự bản thể là chia sẻ với tha nhân.
Tình Thương tăng trưởng nhờ Tình Thương. Tình Thương là “Thần
Thiêng”vì bởi Chúa mà ra, và hiệp nhất ta với Chúa. Nhờ
mối tình liên kết đó, làm cho mọi người trở nên “Chúng
Ta”, vượt trên mọi chia rẽ, nhưng đoàn kết nên Một,
để cuối cùng , Thiên Chúa “ở trong mọi sự mọi người”(1
Cor, 15:28)
- Để Tạm
Kết Thúc PHẦN I trong Thông Điệp”Thiên Chúa là Tình Thương”
Ngày hôm nay,19/4/2006, cũng là
Ngày Sinh Nhật thứ 79 của Vị Giáo Chủ Bêneđitô XVI,
chúng ta cảm tạ Thiên Chúa đã ban cho nhân loại một vị Đại
Diện Chúa nơi trần gian, một vi Lãnh Đạo Tinh Thần thông
minh xuất chúng và nhiệt tình Mến Chúa Yêu Người. Cầu nguyện
xin Ơn Trên phù trì cho Ngài được Trường Thọ, để dẫn dắt
Giáo Hội và Thế giới trong thời đại tràn ngập hận thù, bạo
động, và chiến tranh. Bởi vì, bao lâu những Tôn giáo, Triết
lý, những chính sách chính trị, kinh tế không tôn trọng
Nhân Vị con người làm Mục đích, mà chỉ coi con
người làm Phương tiện để lợi dụng, bóc lột, làm nô lệ
cho một chủ nghĩa vị kỉ, thì bấy lâu thế giới còn lạc hậu,
và bất an.
- Những tư tưởng Thần học,
Triết Lý uyên bác của Vị Giáo Chủ thời danh, đã được dư luận
báo chí thế giới và tại Đức Quốc ca tụng, sánh ví như một “Thánh
Tôma Aquinô thời nay”..
- Đọc Thông Điêp “Thiên
Chúa là Tình Thương” và so sánh với Văn Hóa
Việt Nam, chúng ta nhận thấy có nhiều điểm tương
đồng giũa Phúc Âm của Chúa Cứu Thế và niềm tin của dân chúng
Việt nam, đã thấm nhuần nền Luân Thường Đạo Đức của Khổng
giáo Nguyên Thuỷ. Dân chúng Việt Nam luôn đặt Con
Người là Tâm Điểm, làm Cứu Cánh của Tình Yêu Thương
Vị Tha, và vì thế tôn trọng Nhân Phẩm, Nhân Quyền:
“ Thương
Người như thể Thương Thân”
Ước mong mọi
người Dân Việt tiến bước thêm lên mãi trên Đường Tình Ái,
để gặp được Tình Thương Tuyệt Đối, Vĩnh Cửu,
như lời quả quyết của bức Thông Điệp: “Tình Yêu Người là
bước đầu dẫn đến Tình Yêu Thương Chúa” ..
(Xin lưu ý: vì bài
viết khá dài, nên tạm ngừng ở đây. Xin đón đọc tiếp báo kỳ
tới( Bài số 03): Phần II của Thông Điệp: “HỘI
THÁNH, “Một Cộng đồng Yêu Thương”, Thực Hành ĐỨC BÁC ÁI ,
Part II: CARITAS The Practice of Love by the Church as a
“Community of Love” )
Lm. Jos Cao
Phương Kỷ |