Anh em thân mến, nếu anh em còn nhớ, đã có lần tôi nói với
anh em, dẫu chỉ là một cái kẹp tóc nhỏ xíu trên đầu, hay thô
sơ như một đôi dép lót dưới bàn chân, tất cả đều có giá của
nó. Muốn có nó, anh em phải bỏ một số tiền nhất định mà mua,
mới có.
Ơn gọi mà tôi và anh em theo đuổi là một chọn lựa lớn. Đó là
một chọn lựa không dùng tiền mà mua được. Nhưng chọn lựa của
chúng ta là hiến thân cho Nước Trời. Không chỉ hiến thân,
nhưng còn là hiến cả cuộc đời.
Bao hàm trong ý nghĩa hiến thân này, đó là đức khiết tịnh.
Nhưng để giữ được đức khiết tịnh, đức tự chủ cũng quan trọng
không kém. Bởi thế, tôi sẽ dành phần lớn để nói với anh em
về hai nhân đức này. Sau đó, tôi mời anh em hãy ý thức bản
thân mình để sống lý tưởng ơn gọi mà mình đang cưu mang.
Cuối cùng như một hệ luỵ xuất phát từ suy nghĩ về hai nhân
đức ấy, anh em cùng tôi lướt qua hậu quả của việc thiếu tự
chủ và xúc phạm đức khiết tịnh trong phần nói về liên quan
giữa hai điều răn thứ VI, thứ IX với điều răn thứ V.
I. ĐỨC KHIẾT TỊNH.
Sách Giáo Lý Công Giáo định nghĩa: “Sống khiết tịnh là làm
chủ phái tính, nhờ đó thống nhất được đời sống thể lý và
tinh thần” (GLCG 2337).
Thông thường, nói đến đức khiết tịnh, người ta hay áp dụng
cho những người sống đời tu trì. Thực ra hiểu một cách hẹp
hòi như thế là khiếm khuyết. Giáo lý của Giáo Hội hiểu đức
khiết tịnh cần cho mọi người, mọi bậc sống.
Giáo lý viết: “Mọi tín hữu đều được mời gọi sống khiết tịnh.
Kitô hữu là người đã mặc lấy Đức Kitô, khuôn mẫu của đời
sống khiết tịnh. Ai tin vào Đức Kitô đều được mời gọi sống
đời khiết tịnh tùy theo bậc sống của mình. Khi nhận bí tích
Thánh Tẩy, người tín hữu cam kết giữ đức khiết tịnh trong
đời sống tình cảm.
Mỗi người giữ đức khiết tịnh tùy theo bậc sống của mình:
người này trong bậc trinh khiết hay độc thân của đời thánh
hiến, một cách thức dễ dàng tận hiến trọn vẹn tâm hồn cho
Thiên Chúa; kẻ khác trong bậc gia đình hay độc thân, tùy
theo luật luân lý xác định. Người có gia đình được mời gọi
giữ đức khiết tịnh trong đời sống vợ chồng; người độc thân
giữ đức khiết tịnh khi sống tiết dục” (GLCG 2348-2349).
Dù đức khiết tịnh, theo giáo lý của Giáo Hội, dành cho tất
cả mọi người. Nhưng những người mang trong mình ơn gọi tận
hiến phải là những người trước hết và trên hết, sống nhân
đức này.
Dù anh em chưa thực sự bước vào nhà tu, nhưng định hướng cho
cuộc đời của anh em, sẽ là những người sống ơn gọi tận hiến.
Đó cũng là lý tưởng cao cả, tốt đẹp, hoàn hảo, đáng yêu quý,
đáng trân trọng mà anh em cùng chúng tôi đang theo đuổi. Bởi
thế, đức khiết tịnh anh em phải sống, là đức khiết tịnh dành
cho bậc tu trì, là một đòi buộc không thể thiếu, không được
phép lơ đãng, càng không bao giờ được phép coi thường.
Tôi muốn đưa ra mấy lý do để anh em thấy đức khiết tịnh là
quan trọng và cần thiết của đời tu.
1. Đức khiết tịnh giúp ta tự do để
phục vụ lý tưởng.
Ai cũng biết, căn bản của đức khiết tịnh trong bậc tu trì là
sống độc thân. Nhưng nhiều người lại thắc mắc: Vì sao đã đi
tu thì không lập gia đình? Chỉ có một câu trả lời của thánh
Phaolô, tôi cho là hay nhất: “Đàn ông không có vợ thì chuyên
lo việc Chúa: họ tìm cách làm đẹp lòng Người. Còn người có
vợ thì lo lắng việc đời: họ tìm cách làm đẹp lòng vợ, thế là
họ bị chia đôi… Tôi nói thế là để mong tìm lợi ích cho anh
chị em. Tôi không có ý gài bẫy anh chị em đâu, nhưng chỉ
muốn đề nghị với anh chị em một điều tốt, để anh chị em được
gắn bó cùng Chúa mà không bị giằng co” (1Cr 7, 32-35).
Nếu chấp nhận sống đời tu trì, có nghĩa là chấp nhận sống ơn
gọi phục vụ: phục vụ Thiên Chúa, phục vụ Giáo Hội, phục vụ
lợi ích cho tâm hồn con người, thì lời thánh Phaolô bên trên
phải là lời được chúng ta thấu hiểu và sống, không phải một
ngày, một bữa, mà là cả đời mình. Vì chỉ có một đời sống độc
thân khiết tịnh, ta mới không bị chi phối, nhưng sẽ tự do
hoàn toàn gắn bó mình với nghĩa vụ mà mình lãnh nhận.
Nhưng đời tu không dừng ở chỗ từ chối một gia đình mà thôi.
Khiết tịnh trong đời tu đòi phải loại trừ tất cả nhữ ham hố
thuộc về thân xác, loại trừ những đam mê xúc phạm thân xác.
Dù chỉ là những hình ảnh thoáng qua trong tư tưởng, cũng
không bao giờ được phép ấp ủ, hoặc tự để cho tưởng tượng của
mình miên mang trôi theo nó. Bởi chỉ có một đời sống khiết
tịnh hoàn toàn như thế, mới không làm ta xao lãng bổn phận.
Cố gắng vượt qua để có một đời sống khiết tịnh, nghĩa là
không để cho mình trở thành kẻ lệ thuộc, nói mạnh hơn: nô lệ
dục tính, ta mới thật là người tự do. Có tự do trong ơn gọi
khiết tịnh, ta sẽ dễ dàng hiến thân phục vụ Nước Chúa.
2. Đức khiết tịnh làm nên giá trị
của đời tu
Nghe bên này, bên kia, hàng giáo sĩ có những chểnh mảng
trong đời sống khiết tịnh, thậm chí sự chểnh mảng đó đã bùng
nổ đến mức trở thành tiếng tăm lan rộng, đã gây nên vài ảnh
hưởng không hay cho thế giới Công giáo nói chung và cho hàng
giáo sĩ nói riêng. Chúng ta cảm thấy đau lòng khi nghe những
thông tin đáng buồn như thế. Rõ ràng, khi đời tu mà không
còn giữ được đức kiết tịnh, đời tu chỉ là cái vỏ bộc cho
những thái độ sống thiếu tự chủ của con người. Bởi không thể
tự chủ, giá trị của đời tu, từ đó cũng trôi tuột.
Khi bắt đầu biết ai đó là nhà tu, ngay tức khắc, một cách tự
nhiên và kín đáo, trong đầu của người nghe hiểu rằng, kẻ
được gọi là nhà tu, sống độc thân khiết tịnh. Nó hình thành
trong đầu người nghe tự nhiên đến mức, gần như điều đó là
nền tảng, ít là định nghĩa của nhà tu: tu là độc thân khiết
tịnh.
Chưa biết những suy nghĩ như trên là nông hay sâu, đúng hay
sai, nhưng nó đã trở thành nếp nghĩ thường xuyên của xã hội
loài người từ ngàn xưa đến hôm nay. Đó là một thực tế. Chúng
ta không thể chối từ, không thể không để ý đến thực tế ấy.
Bởi vậy, tôi chưa nói với anh em điều gì xa xôi, thâm thúy,
cũng chưa nói điều gì để gọi là luân lý, là tội lỗi, là sự
phản bội Thiên Chúa, phản bội Giáo Hội, mạnh hơn: lừa dối
Thiên Chúa, lừa dối Giáo Hội và dối trá với con người khi
anh em bảo rằng mình muốn đi tu, mà đời sống của anh em lại
nghịch với những gì đời tu đòi hỏi.
Chỉ mới nói tới dư luận và suy nghĩ chung của mọi người khi
nhìn chúng ta với ánh mắt nhà tu, cũng đã đủ để cho thấy anh
em và tôi phải là những người, trước tiên, bảo vệ đức khiết
tịnh trong bậc sống tu trì của mình.
Anh em đừng cậy vào cái thế đang còn dự tu mà nguỵ biện
rằng: Tôi chưa là thầy tu. Tôi chỉ là một thanh niên sống
giữa đời, bất quá chỉ mới là kẻ tìm hiểu ơn gọi mà thôi, để
rồi từ sự ngụy biện đó, anh em muốn làm gì thì làm. Không
được đâu anh em! Không bao giờ được phép! Tôi dám nói một
cách mạnh mẽ rằng, nếu anh em không gìn giữ lý tưởng đời tu
của mình một cách trong sáng và trong sạch, anh em không có
ơn gọi. Vì chỉ có ai bắt đầu tập sống đời tu trước khi đi
tu, người đó mới có thể giữ được ơn gọi của mình. Chắc chắn,
một kẻ “bắt cá bằng hai tay” như thế, cũng chính là kẻ thiếu
trung thực và trung thành, hướng chiều về sự tội, sẽ bị
Thiên Chúa loại trừ.
Nếu người đời vẫn cứ nghĩ rằng, tu là độc thân khiết tịnh,
thì khi đức khiết tịnh trong đời tu bị xúc phạm, trước mắt
người đời, đời tu ấy chẳng còn giá trị nào.
Trước mặt Thiên Chúa, có thể Người sẽ tha thứ cho anh em.
Nhưng không dễ gì anh em nhận được sự tha thứ ấy từ phía anh
chị em xung quanh mình. Bởi vậy, xúc phạm đến đức khiết
tịnh, cũng là xúc phạm đến chính giá trị đời tu của bản thân
anh em. Ngược lại, anh em bảo vệ được đức khiết tịnh, chính
là lúc anh em làm cho đời tu trổ sinh những giá trị đẹp vô
cùng.
3. Đức khiết tịnh là đòi buộc của
luật Hội Thánh.
Để chuẩn bị bước vào đời tu, người dự tu phải hiểu rằng, ơn
gọi tu trì đến từ Thiên Chúa, nhưng chỉ thực hiện được khi
nào đương sự đáp trả bằng thái độ dấn thân hoàn toàn để sống
cho ơn gọi mà thôi.
Thái độ dấn thân hoàn toàn ấy được thể hiện qua nhiều nét
của đời sống như: sống các nhân đức siêu nhiên, các nhân đức
nhân bản, có tri thức nhất định, sự khôn ngoan, sức khỏe…
Tuy nhiên, đức khiết tịnh độc thân mới là nét đặc trưng, là
vẻ đẹp trước tiên cho thấy ước muốn dấn thân của người thanh
niên muốn hiến dâng cuộc đời để phụng sự Chúa, phục vụ Giáo
Hội.
Nét đẹp của đức khiết tịnh độc thân được Giáo luật quy định
tại điều 1037: “Người không lập gia đình muốn tiến đến chức
Phó Tế vĩnh viễn, cũng như người muốn tiến đến chức Linh
Mục, sẽ không được nhận vào hàng Phó Tế nếu không công khai
đảm nhận trước mặt Thiên Chúa và Giáo Hội nghĩa vụ sống độc
thân qua một nghi thức luật định…”.
4. Đức khiết tịnh làm cho lương tâm
thanh thản, nhẹ nhàng.
Vì đó là một mối phúc. Qua môi miệng Chúa Giêsu, Thiên Chúa
chúc phúc cho người biết giữ mình thanh sạch: “Phúc cho ai
có lòng trong sạch, vì họ sẽ được nhìn ngắm Thiên Chúa” (Mt
5, 8).
Như vậy, không chỉ lương tâm được bình an, đức khiết tịnh,
qua lời chúc phúc của Chúa Giêsu, đã làm cho người trung
thành giữ nó, đạt tới sự thánh thiện như Thiên Chúa mong
muốn. Đó cũng là điều mà Giáo Lý Công Giáo khẳng định:
“Những người có lòng trong sạch ngay thẳng là những người
biết dùng trí khôn và ý chí để sống thánh thiện như Thiên
Chúa đòi hỏi” (số 2518). Có còn điều gì tốt đẹp, lớn lao và
có thể sánh ví bằng một người có đời sống thánh thiện. Chắc
chắn lương tâm rất bình an, cuộc sống cũng sẽ thanh thản,
nhẹ nhàng.
Bất cứ ai trong cuộc đời, dù bặm trợn, xấu xa đến đâu, khi
sa ngã, nhất là cố tình sai phạm, dù cố tìm cách chạy trốn,
hay tìm mọi cách để tránh mặt, để xa lánh mọi người, đều
không thể thực hiện được. Nếu ngày nào người đó còn có sự
khôn ngoan, còn biết suy ngĩ, chắc chắn vẫn phải đối diện
với chính mình, vẫn nhận biết rõ ràng, mình đã từng sai
phạm.
Đức khiết tịnh là một nhân đức phải luyện tập, phải cố gắng
nhiều bằng sự nết na, mực thước, khiêm tốn, đứng đắn... Một
người bình thường đã được đòi hỏi phải đề cao đức khiết
tịnh, huống hồ một người muốn dấn thân cho ơn gọi tu trì. Vì
thế, đi ngược lại những đòi hỏi ấy, dù chỉ một người bình
thường, đã không có bình an trong tâm hồn, thì người dấn
thân cho ơn gọi tu trì chắc chắn sẽ luôn luôn bị lương tâm
dằn xé.
5. Chúa Kitô yêu mến đời sống khiết
tịnh.
Chính cuộc đời của Chúa Kitô là bằng chứng Người yêu mến đời
sống khiết tịnh. Người đã sống cả một đời và trải qua tuổi
trẻ của mình chỉ để làm cho “Danh Cha cả sáng, Nước Cha trị
đến”. Người để lại cho những ai muốn phục vụ “Danh Cha” và
“Nước Cha” như Người, một tấm gương của sự kết hợp hoàn toàn
với Thiên Chúa, bằng một trái tim không san sẻ, một tâm hồn
không mảy may dính bén chút tỳ ố nào.
Không chỉ là cuộc đời, rất nhiều lần Chúa Kitô còn dạy ta
phải giữ đức khiết tịnh. Chẳng hạn:
- “Anh em nghe luật dạy người xưa rằng: ‘Chớ ngoại tình’.
Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: Ai nhìn người phụ nữ mà
thèm muốn, thì trong lòng đã ngoại tình với người ấy rồi”.
(Mt 5, 27-28).
- “Sự gì Thiên Chúa đã kết hợp, loài người không được
phân ly” (Mt 19,6).
- Đó là những đòi buộc của Chúa Giêsu dành cho bậc hôn
nhân. Nhưng mối phúc thứ Sáu: “Phúc cho ai có lòng trong
sạch, vì họ sẽ được nhìn ngắm Thiên Chúa” (Mt 5, 8), lại có
thể áp dụng cho mọi bậc sống. Vậy anh em hãy cùng tôi ghi
nhớ rằng: Chỉ có sống những gì Chúa Kitô đã sống, ta mới trở
nên con người hoàn thiện. Bởi đó, sống đức khiết tịnh theo
gương Chúa Kitô, ta sẽ là người được Chúa Kitô yêu mến, vì
Người yêu mến những ai biết gìn giữ nét đẹp vẹn toàn của tâm
hồn.
Chúa Kitô còn cho thấy Người yêu mến đời sống khiết tịnh khi
chọn cho mình một gia đình thánh thiện và thanh khiết. Khi
sanh ra làm người, Chúa Kitô bảo vệ đức đồng trinh vẹn tuyền
của Đức Maria. Người cũng nhìn thấy khả năng sống đức trinh
khiết trọn đời nơi thánh Cả Giuse, và đã chọn thánh nhân
làm đấng bảo trợ của mình, bảo trợ gia đình thánh, để trong
gia đình đó, Người sinh ra và lớn lên.
Đến khi chọn mười hai môn đệ thân tín, để từ đó, thành lập
Giáo Hội, Chúa Kitô đã dành một tình cảm hết sức đặc biệt
cho “Người môn đệ Chúa yêu” – thánh Gioan tông đồ, người đã
hiến thân hoàn toàn cho sự nghiệp của Giáo Hội, của ơn cứu
chuộc mà Chúa Kitô đã thực hiện. “Người môn đệ Chúa yêu” ấy
đã sống cả một đời trinh trong để làm hoàn tất những gì mà
Thầy Giêsu trao cho mình một cách tốt đẹp.
Tất cả những minh chứng trên cho thấy một cách khả dĩ, Chúa
Kitô yêu mến những ai có đời sống khiết tịnh.
6. Đức khiết tịnh là ơn Thiên Chúa
ban.
Sách Giáo Lý Công Giáo cho biết: “Đức khiết tịnh là một nhân
đức luân lý. Nhưng đó cũng là hồng ân của Thiên Chúa, một ân
sủng, một hoa trái của Thánh Thần. Chúa Thánh Thần ban cho
người tín hữu sức mạnh để noi theo sự thanh khiết của Đức
Kitô” (GLCG 2345).
Tuy nhiên, Chúa không ban ơn để rồi ơn của người làm thay ta
tất cả, nhưng bao giờ cũng cần sự cộng tác của chính bản
thân ta. Cũng như hạt giống phải được đưa vào trong đất, hạt
giống mới phát triển. Ơn Chúa ban chính là thửa đất. Đức
khiết tịnh là hạt giống. Sự cộng tác của bản thân anh em và
tôi chính là cách thức đưa hạt giống khiết tịnh của đời mình
hòa vào ơn ban của Thiên Chúa, nhờ đó, đức khiết tịnh sẽ nảy
sinh trong tâm hồn sự cao trọng, thánh thiện, bình an… Vì
nếu ai biết sống khiết tịnh đúng theo bậc sống của mình,
người ấy đang tiến vào chân trời của ơn gọi nên thánh.
Chúng ta thật có lỗi khi không biết giữ gìn và cộng tác để
biến những gì Chúa ban trở thành vinh quang và danh dự cho
chính mình. Cách riêng, với những người mang trong tâm hồn
lý tưởng tu trì, hơn ai hết, là những người cần ơn Chúa vô
cùng. Vì nếu không có ơn Chúa, ta không thể lội ngược dòng
sống những gì mà người đời cho là rất khó, ngược đời và
không thể hiểu được. Nhưng anh em chúng ta phải dứt khoát
khẳng định rằng, càng khó khăn bao nhiêu, càng cần phải bám
vào Chúa bấy nhiêu. Càng khó khăn bao nhiêu, càng cho thấy
sức mạnh của ơn Chúa mới thật lớn lao vô cùng.
Hãy nhớ rằng, chúng ta không thể tự mình đứng vững nếu không
có ơn Chúa. Bởi vậy thánh Phaolô mới nói với ta từ chính
kinh nghiệm của bản thân thánh nhân: “Ai tự hào hãy tự hào
trong Chúa” (1Cr 1, 31; 2Cr 10, 17) và: “Ai tưởng mình đứng
vững, hãy coi chừng, kẻo ngã” (1Cr 10, 12). Đó là bài học
trên hết mọi bài học áp dụng cho sự độc thân khiết tịnh mà
chúng ta phải học thuộc và nỗ lực sống trong đời mình.
Sách Giáo Lý Công Giáo còn đưa ra những chỉ dẫn giúp ta sống
đức khiết tịnh: “Ai muốn trung thành với những lời hứa khi
được rửa tội và chống lại các cơn cám dỗ, phải dùng những
phương thế sau: phải biết mình, khổ chế tùy theo hoàn cảnh,
tuân giữ các điều răn của Thiên Chúa, thực hành các đức tính
luân lý và chuyên cần cầu nguyện” (số 2340).
II. ĐỨC TỰ CHỦ.
Để sống đời khiết tịnh, ngoài việc cầu nguyện, chay tịnh, hy
sinh hãm mình, chúng ta không thể nào không nói tới đức tự
chủ. Vì “đức khiết tịnh đòi hỏi phải học biết tự chủ, để
sống như một con người” (GLCG, số 2339).
1. Định nghĩa.
Trong đời sống thường ngày, người ta có thể kể đến đức tự
chủ về nhiều mặt, nhiều vấn đề như: dằn lòng để không tỏ ra
nóng nảy, không vui quá, không buồn quá, không nhờ vả ai,
không để ai câu thúc, bình tỉnh khi đứng trước đám đông, khi
gặp việc rắc rối…
Tuy nhiên, ở đây chúng ta chỉ giới hạn đức tự chủ về mặt
luân lý: tự chủ để bảo vệ đức khiết tịnh.
Hiểu tự chủ về mặt luân lý, cha Phanxicô Saviê Nguyễn Hữu
Tấn, cựu Linh hướng Đại Chủng Viện thánh Giuse Sài Gòn định
nghĩa: Người tự chủ “là một người có nhiều nghị lực để chi
phối, khắc phục và điều khiển dục vọng của mình. Nói cách
khác, người tự chủ không những làm chủ mà còn hướng dẫn được
sức tiến của dục vọng theo lý trí sáng suốt một cách lâu
bền”. Nói cách ngắn gọn, tự chủ là khả năng điều khiển dục
vọng của mình theo chiều hướng tốt.
2. Tự chủ là cộng tác với ơn Chúa
ban.
Đời sống của một người luôn tắm mình trong cầu nguyện, sẽ
được tràn đầy ơn Chúa. Dù chúng ta không thấy ơn Chúa ban.
Nhưng những người tràn ngập ơn Chúa trong tâm hồn, dễ dàng
hiển hiện trước mắt chúng ta bằng tất cả vẻ đẹp thánh thiện
toát ra nơi con người của họ.
Một trong những vẻ đẹp lộ ra từ phía những ai có đời sống
thánh thiện chính là đức tự chủ. Đức tự chủ của một người
chính là sự gắn bó với ơn Chúa ban của người ấy để tự hoàn
thiện chính mình. Sự tự chủ ấy là một thái độ chọn lựa đứng
về phía ơn thánh để không làm nô lệ dục vọng thấp hèn và trở
nên bất hạnh, nhưng “chế ngự các đam mê và được bình an”
(GLCG, số 2339).
Chọn lựa đứng về phía ơn thánh, là biểu hiện của một người
tự do. Đó là một chọn lựa đúng đắn, làm cho bất cứ ai đã quý
trọng nhân phẩm của mình trong chọn lựa ấy, càng có giá trị
lớn lao, đáng kính mến.
Đàng khác, chính đức tự chủ cũng lại là ơn Chúa ban. Vì thế,
cộng tác với ơn Chúa bằng cách nỗ lực sống tự chủ từng ngày,
người ta càng lớn lên trong ơn Chúa. Vì ơn Chúa và khả năng
của con người có một sự hổ tương rất lớn. Bởi vậy, ơn Chúa
ban sẽ giúp ta hoàn hảo hơn trong đức tự chủ. Và khi hoàn
hảo ngày một hơn trong đức tự chủ, tâm hồn sẽ như một thửa
đất tốt để ơn Chúa càng sinh sôi, phát triển không ngừng, và
ngày càng vững mạnh. Cùng với ơn Chúa, nỗ lực sống tự chủ
như thế, ta sẽ đạt tới sự thiện như Chúa mong muốn.
3. Qua đức tự chủ, cho thấy một
người:
a. Có bản lãnh.
Người ta hay ví von: “ruồi ưa mật”. Tôi không dám nói những
người ngụp lặn trong đam mê dục vọng là ruồi, một lối sống
lăng nhăng ngược với đức khiết tịnh là mật. Vì thế câu so
sánh “ruồi ưa mật” trong lúc này là khập khiểng. Dù sao
chúng ta vẫn phải công nhận rằng, những con ruồi dại là
những con ruồi liều lĩnh ngã vào thùng mật. Dại là vì thiếu
nhận biết đâu là thức ăn, đâu là cái bẫy.
Dám tách mình khỏi những ham muốn xấu, vượt lên trên tất cả
mọi cám dỗ, chiến thắng dục vọng thấp hèn, sống như thế lại
không phải là người có bản lãnh hay sao!
Nếu anh em là những con người sáng suốt, hãy để lý trí phân
định đúng sai. Trước một vấn đề về giới tính, một đòi hỏi
của đam mê xác thịt, ngay cả những cám dỗ của bản năng đi
nữa, anh em hãy sáng suốt làm chủ chính mình. Vì nếu cái bẫy
đầy mật ngọt sẽ giết chết con ruồi, thì cuộc sống buông thả
cũng là một cái bẫy giết chết chính giá trị con người chúng
ta. Càng nhận thức đâu là cái bẫy phải tránh xa, nhân phẩm
của anh em càng cao trọng. Nếu anh em biết dứt khoát bảo vệ
giá trị cuộc đời mình một cách mạnh mẽ như thế, ai dám nói
anh em không là người bản lãnh!
Khi giăng bẫy, ta ngụy trang để làm đẹp, để gây chú ý, nhằm
đánh lừa con vật ta muốn bắt. Đã gọi là bẫy, sự cám dỗ, nhất
là cám dỗ về đức khiết tịnh luôn có hấp lực của nó. Thánh
Âugustinô đã từng đặt tên cho những đam mê thấp hèn ấy là
“Vũng bùn êm ái”. Khổ nỗi, đã là “bùn”, nhưng lại “êm ái”,
vì thế không dễ gì thoát ra.
Một cái bẫy như thế thật đáng sợ. Một khi vướng vào, có thể
làm ta đánh mất ơn gọi, đánh mất cả lý tưởng mà mình ấp ủ
bấy lâu nay. Vì biết bao nhiêu người, trẻ có, nhưng cũng
không thiếu những người được coi là chững chạc, cao cả, một
lần nào đó, sa chân vào lối mòn của tình cảm, đã trở nên mù
quáng, vô tình đánh đổi cả những gì cao quý nhất của đời
mình: ơn gọi chẳng hạn. Đánh đổi như thế là đánh đổi ơn gọi
của trời cao để nghe theo tiếng gọi đam mê dục vọng trần
thế. Nếu so sánh ơn gọi đến từ trời cao là viên ngọc quý
giá, thì đánh đổi như thế là chối bỏ cả một kho tàng để
chuốc lấy cái thấp hèn, nếu không muốn nói là tội lỗi.
Anh em chưa phải là giáo sĩ, chưa bước vào đời sống của
người có thánh chức. Dù vậy anh em vẫn là người đang vươn
tới lý tưởng linh mục. Bởi thế, nỗ lực của những ai cố gắng
gìn giữ đời tu của mình, cũng phải là những bước tập tành
dấn thân cho ơn gọi của chính anh em. Ngược lại, nếu coi
thường sự khiết tịnh và không tập làm chủ chính mình, anh em
cũng bắt đầu đùa giởn, nặng hơn, xúc phạm đến chính ơn gọi
và lý tưởng mà anh em đang ấp ủ.
Vì thế, một khi anh em biết nhận ra đâu là thực, đâu chỉ là
cái bẫy, để bảo vệ lý tưởng mà mình đã chọn lựa bằng một đời
sống khiết tịnh và tự chủ, anh em đã chứng minh mình là
người bản lãnh.
b. Trưởng thành về đời sống.
Sống đúng mực và bản lãnh như thế, anh em cũng cho thấy
chính anh em là người trưởng thành và là người biết gìn giữ
nhân cách của mình.
Người ta sẽ không thể chê cười, dù chỉ là một nụ cười nửa
miệng, khi anh em biết gìn giữ ngôn từ, diện mạo. Anh em cần
cẩn thận trong bước đi, dáng ngồi, lời ăn tiếng nói, cách cư
xử, thái độ đúng mực (hòa nhã, lễ phép, trịnh trọng, vui vẻ,
thông cảm…) đối với từng người, từng đối tượng mà ta tiếp
xúc. Anh em tránh nói một lời hai ý, hay nói “lóng” hướng về
sự tục, không văng tục, không chửi thề, tránh nói những lời
thô kệch, đừng bao giờ có những kiểu cười hô hố, cố gắng để
không buông những lời chì chiết, chỉ trích nhưng hãy tìm
ngôn ngữ nhẹ nhàng hơn khi phải đề cập đến lỗi của ai đó…
Trong cách ăn mặc, tránh cầu kỳ, lố bịch, dị hợm… nhưng tướm
tất, sạch sẽ.
Chắc anh em đã từng có kinh nghiệm, nhìn vào một người, do
dáng đi, giọng nói, nụ cười, cử chỉ… của họ, ta có những suy
nghĩ, cách thức cư xử thế này hay thế nọ đối với người ấy.
Nếu họ là người ăn nói khoang thai, từ tốn, cách ăn mặc
nghiêm chỉnh, có thái độ bình tĩnh… tự nhiên ta sẽ dành cho
họ cách cư xử bặt thiệp, thân thiện hơn. Chưa cần biết đó là
người tốt hay xấu, họ đã có thể lấy lòng người khác, dù chỉ
ở mức độ ban đầu. Thể hiện ra bên ngoài được như thế, có thể
nói, nhìn ở khía cạnh nào đó, họ đã cho thấy những nét
trưởng thành trong đời sống, trong quan hệ.
Tắt một lời, khi anh em thể hiện mình là người ăn ở nết na,
đứng đắn, anh em có thể cho người khác thấy anh em là người
có khả năng làm chủ chính mình, do đó, cũng là người trưởng
thành một cách nào đó trong tương quan với mọi người.
c. Trưởng thành nhân cách.
Đã bàn đến sự trưởng thành trong đời sống, tôi còn muốn nhấn
mạnh với anh em một khía cạnh lớn trong sự trưởng thành ấy.
Khía cạnh này mang tính quyết định đời tu của chúng ta:
trưởng thành nhân cách. Dĩ nhiên đời tu cần được đánh giá về
nhiều mặt khác nhau, nhưng xét về phương diện nhân bản,
trưởng thành trong nhân cách là một thành công không nhỏ cho
bất cứ ai chọn đời tu làm lẽ sống của mình.
Tôi còn nhớ, ngày mới vào Đại Chủng viện, một linh mục đã về
hưu nói với tôi thế này: “Anh cần phải sống linh mục trước
khi làm linh mục”. Thú thật, lúc đó tôi nghe mà cảm thấy xa
lạ lắm. Sống linh mục là sống thế nào? Chưa làm linh mục mà
lại sống linh mục, nghĩa là làm sao?
Nhưng khởi đi từ lời nói ấy, tôi bắt đầu suy nghĩ. Thêm vào
đó, càng sống lâu trong đời tu, tôi càng nhận ra cuộc đời là
một chuỗi dài những chiến đấu. Nhất là khi chọn cho mình lối
sống độc thân tu trì, lại càng phải chiến đấu thật nhiều vì
bản thân mình, vì danh thơm tiếng tốt của Giáo Hội và cũng
vì biết bao nhiêu người khác trông chờ, hy vọng nơi mình.
Tôi bắt đầu tập chiến đấu với chính mình nhiều hơn. Không
phải lúc nào cũng thành công tuyệt đối, hay thành công lúc
này là đương nhiên thành công trong mọi lúc. Điều quan trọng
là không bao giờ bỏ cuộc, buông xuôi để mặc cho thời gian,
hoàn cảnh, cả cám dỗ từ phía bản thân nữa, lôi kéo tới đâu
thì tới. Nhưng phải nỗ lực, phải chiến đấu, phải luyện mình
trong từng ngày sống, và suốt cả đời.
Bởi thế, càng về lâu về dài, tôi thấy vị linh mục cao niên
ấy nói đúng. Có lẽ cha đã rút ra bài học kinh nghiệm suốt cả
một đời làm linh mục của mình. Vì sống linh mục chính là rèn
luyện bản thân, là chiến đấu để vươn lên hoàn thiện. Sống
linh mục trước khi làm linh mục như thế, để khi làm linh
mục, người ta ĐÃ CÓ SẴN MỘT THÓI QUEN SỐNG LINH MỤC.
Rèn luyện bản thân và chiến đấu với chính mình từng ngày
trong suốt cuộc đời, đó là thói quen sống tự chủ đấy anh em
ạ! Một người có thói quen thường xuyên đánh thức mình như
thế, không phải là người có nhân cách hay sao? Càng trưởng
thành nhân cách bao nhiêu, nghĩa là càng luyện tập và chiến
đấu với chính mình bao nhiêu, anh em càng nết na, đứng đắn,
trong sạch, thanh khiết, ngoan ngùy, nhún nhường và khiêm
nhường… bấy nhiêu.
Tôi không thể đem nhân cách để trên bàn tay chỉ cho anh em
đây là nhân cách đã trưởng thành của tôi. Dù vậy một người
có nhân cách hay không, chính cuộc sống của họ, sẽ lồ lộ
trước mắt mọi người bằng tất cả nếp sống, nếp nghĩ, hành vi,
việc làm của họ. Chắc chắn sẽ không có định nghĩa nào có thể
định nghĩa về nhân cách một cách hoàn hảo nhất. Nhưng nhìn
vào anh em, nhất là khi gần cận và sống với anh em, người
ta sẽ dễ dàng đánh giá anh em có trưởng thành trong nhân
cách hay không.
Đức tự chủ nói chung, và tự chủ trong đời sống khiết tịnh
nói riêng, sẽ giúp anh em thoát khỏi lối sống buông thả, chí
ít là hướng chiều về lối sống ấy. Anh em có biết rằng, một
con trai đã phải trải qua bao nhiêu rát xót, để những hạt
cát nào đó vô tình chui vào vỏ trai, trải qua năm tháng giày
vò, tạo nên những hạt ngọc quý giá. Khi tập chiến đấu, chúng
ta cũng trở thành những con trai, trải qua bao nhiêu can
trường, cả đến hy sinh nhiều, để có được một nhân cách
trưởng thành lấp lánh như những hạt ngọc tuyệt vời. Vì thế
anh em đừng sợ chiến đấu. Vì chiến đấu chính là cách thức
hay nhất bảo vệ lý tưởng đời tu của anh em.
Có một cách chiến đấu hay nhất để bảo vệ nhân cách trong ơn
gọi của chính mình, đó là cầu nguyện và xét mình. Mỗi một
ngày, anh em có một hay nhiều khoảng thời gian dừng lại kiểm
điểm bản thân, xem đã làm hay chưa làm gì; hoặc đã đúng hay
chưa đúng, từ đó rút tỉa kinh nghiệm cho thời gian sắp tới
của chính anh em. Đồng thời với việc xét mình, anh em đừng
quyên cầu nguyện. Vì chỉ nguyên việc cầu nguyện, đã giúp anh
em ý thức mình rất nhiều. Khó có ai vừa mới cầu nguyện, lại
có thể quay ra phạm tội ngay lập tức. Đó là chưa nói đến ơn
Chúa trợ giúp qua việc mình sốt sắng cầu nguyện. Vì chỉ
trong ơn Chúa, ta mới có thể chiến đấu và chiến thắng.
d. Tự chủ không có nghĩa là dồn
nén.
Tân Ước có lần nhắc đến biển Chết. Đấy là một biển tù, không
có bất cứ sinh vật nào có thể sống được trong đó, vì thế
người ta gọi là biển Chết.
Cũng vậy, sự sống không phải được tạo dựng để bị giam hãm
trong con người, nhưng là ra đi đến với tha nhân. Đó là động
tác tự nhiên của con người sống. Vì không thể tự giam hãm
mình mà lại có khả năng trưởng thành. Con người sống là con
người sống bởi hai chiều kích: cho đi và đón nhận. Dĩ nhiên
không phải cho đi hay đón nhận bằng mọi giá, kể cả lao mình
vào lối sống buông thả. Có như thế, con người mới có thể
phát triển toàn diện. Nếu không, đời sống co cụm trên chính
mình chỉ là một thứ biển chết.
Một lối sống dồn nén, co cụm là một lối sống ngụy tạo. Vì
bên ngoài có thể là một người, ai nhìn cũng cho đó là người
tốt, nhưng bên trong nội tâm của chính người ấy, lại chất
chứa không biết bao nhiêu điều tồi tệ, nguy hiểm. Chúng ta
cứ tưởng tượng một quả bong bóng càng căng đầy hơi bao
nhiêu, càng dễ phát nổ, và tiếng nổ của nó càng lớn bấy
nhiêu. Dồn nén tâm lý là một quả bong bóng đáng sợ. Chúng ta
không thể tưởng tượng hết sức ép của sự dồn nén, nhất là sự
dồn nén về tình cảm, về nhục dục. Khi một người phải sống
trong tâm lý này không còn chịu nổi nữa, thì chuyện gì sẽ
xảy ra? Nếu để đến mức “tức nước vỡ bờ” thì thật là nguy
hiểm. Sự dồn nén sẽ đến lúc như một trái phá mà sức công phá
lớn vô số kể.
Tự chủ không phải dồn nén. Vì tự chủ là biểu hiện của một
người sống quân bình, khôn ngoan, tỉnh táo, biết suy nghĩ và
suy nghĩ chính chắn, cân nhắc tường tận. Còn dồn nén là biểu
hiện của một tâm lý thiếu trưởng thành, thiếu quân bình, yếm
thế, mặc cảm, lý trí khó sáng suốt.
Để giải thoát mình khỏi sự dồn nén, có mấy việc chúng ta cần
làm:
- Một lần nữa, tôi lại phải nhắc đến sự cầu nguyện. Cầu
nguyện vẫn luôn là liều thuốc không thể thiếu, được dùng để
ngăn ngừa mầm mống cũng như chữa trị mọi con bệnh của đức
tin. Ngày nào anh em lơ là với việc cầu nguyện, tệ hơn, anh
em dám coi thường nó, đó là một biểu hiện cho thấy anh em
lao xuống dốc một cách trầm trọng trong đời sống đức tin.
Bởi thế, chúng ta không bao giờ được khoang nhượng cho cơ
thể, hay chiều theo cảm hứng, lấy cớ mệt mỏi rồi dung túng
cho sự lười biếng của mình. Là một người bước vào đời sống
ơn gọi, anh em phải đặt sự cầu nguyện lên hàng đầu. Cầu
nguyện càng nhiều, lòng anh em càng bình an, tâm hồn càng
thư thái, anh em sẽ mạnh mẽ trong sự tự làm chủ chính mình.
Một tâm hồn có Chúa ngự, chắc chắn tâm hồn ấy sẽ không có
bất cứ một cám dỗ nào gây nên sự dồn nén.
- Anh em hãy chọn cho mình một vị linh hướng. Ngài sẽ
đồng hành với anh em, giúp anh em giải tỏa những căng thẳng
của lòng mình. Anh em hãy trình bày thật lòng với vị linh
hướng. Ngài có trách nhiệm cầu nguyện, thông cảm, chia sẻ
những khó khăn anh em đang gặp phải. Sau nữa, ngài sẽ giúp
anh em làm sáng tỏ vấn đề khó khăn ấy. Có một vị linh hướng
đồng hành với mình, anh em sẽ không cảm thấy bất lực, cô đơn
khi phải đối đầu với những khó khăn riêng tư, kể cả sự dồn
nén do ức chế tâm lý. Ngược lại lòng anh em sẽ bình an thư
thái hơn.
- Tình bạn trong sáng cũng là cách tốt, giúp ta thêm nghị
lực sống tự chủ đối với đức khiết tịnh trong đời sống của
mình. Vì trong tương quan với mọi người, ta sẽ sống cởi mở,
vui tươi, vị tha, thông cảm, yêu thướng, chia sớt, giúp đỡ,
quan tâm đến nhau…, nhờ đó sẽ làm cho lòng bình an, có khả
năng giải tỏa mọi dồn nén. Sách Giáo Lý Công Giáo cũng đề
cập đến điều này: “Đức khiết tịnh nảy nở trong tình bằng
hữu, giúp người môn đệ bước theo và bắt chước Đấng đã chọn
chúng ta làm bạn hữu của Người… Đức khiết tịnh bộc lộ rõ
ràng qua tình thân với mọi người xung quanh. Tình thân hữu
phát triển giữa những người cùng phái, khác phái là điều tốt
đẹp cho mọi người, dẫn đến sự hiệp thông tinh thần” (GLCG,
số 2347).
4. Đức tự chủ cần thiết với tất cả
những tội xúc phạm điều răn thứ VI và IX.
Trước mọi cám dỗ của tội lỗi, chúng ta cần phải sáng suốt
gìn giữ bản thân mình, nhằm tách mình khỏi những ảnh hưởng
của tội. Đức tự chủ sẽ là nhân đức cần thiết, giúp ta lướt
thắng cám dỗ. Những tội thuộc về điều răn thứ VI và thứ IX
bao gồm mọi tội trong tư tưởng, lời nói, việc làm xúc phạm
đức khiết tịnh.
Sách Giáo Lý Công Giáo kể tên những lỗi phạm đến đức khiết
tịnh: dâm ô, thủ dâm, tà dâm; khiêu dâm; mại dâm; hiếp dâm;
đồng tính luyến ái; ngoại tình; ly hôn; đa thê, loạn luân;
lạm dụng người chưa trưởng thành; tự do sống chung; sống thử
(2351-2359.2380-2391).
Ta có thể tóm những lỗi phạm đến đức khiết tịnh mà sách Giáo
Lý đã nêu trong bốn đặc điểm sau:
- Nhìn ngắm hoặc tưởng nghĩ những điều dâm ô.
- Nói những lời dâm ô, thô tục hoặc những lời ám hiểu ý
tà, hoặc phổ biến phim ảnh sách báo khiêu dâm (như chiếu
phim, rủ rê, khoe mẻ để mời gọi, cho mượn, cho thuê, mua
bán, trao đổi… những sản phẩm khiêu dâm).
- Tìm thú vui nhục dục bên ngoài cuộc sống hôn nhân, một
mình hoặc với người khác.
- Làm dịp cho những người khác phạm những tội trên.
Có lẽ trong số những tội mà sách Giáo Lý kể bên trên, có
những tội rất xa lạvới anh em. Chúng ta phải cám ơn Chúa về
điều này, vì Người đã yêu thương bảo vệ chúng ta. Dù vậy,
không phải là vô ích khi anh em và tôi, một lần nữa nhắc cho
nhau những gì Thiên Chúa và Hội Thánh đã dạy. Nhờ đó ta cảnh
giác với tất cả mọi hình thức có thể lôi kéo mình đi vào con
đường sai phạm, ngay cả khi chúng mới xuất hiện trong tư
tưởng . Hoặc nếu anh em đã tốt, thì nhờ những gì chúng ta
nhắc nhở nhau, anh em hãy giữ cho mình nên tốt hơn.
III. Ý THỨC BẢN THÂN
Óc tò mò và không cương quyết tránh xa dịp tội là hai khuyết
điểm lớn dẫn dắt ta đi vào con đường của tội lỗi. Đặc biệt,
những tội liên quan đến đức khiết tịnh là những tội dễ kích
thích óc tò mò. Bởi tò mò, ta càng dễ rơi vào dịp tội.
1. Sa ngã tại địa đàng
Anh em hãy nhớ lại hình tượng Adong và Evà trong địa đàng
thuở mới tạo thiên lập địa. Dù chỉ là lời của kẻ cám dỗ mang
hình ảnh con rắn xù xì, Evà và sau đó là cả Adong, đã sa
ngã, đã phạm tội thật. Bởi đâu như thế? Cộng với lời cám dỗ
ngon ngọt, đó là lòng thiếu cương nghị đã đưa nguyên tổ mon
men đến gần dịp tội, dù biết rõ nguy hiểm do lời Chúa cảnh
báo từ trước. Bởi đó nguyên tổ đã tự mình lao vào dịp tội.
Thêm nữa, Nguyên tổ thiếu cương nghị, thiếu dứt khoát đã đẩy
óc tò mò lên cao chiến thắng lòng tốt của mình. Óc tò mò lớn
đến nỗi, Evà chưa một lần sờ vào trái cấm, vẫn nghiệm thấy
một cách chắc chắn “trái cây đó ăn thì ngon, trông thì đẹp
mắt, và đáng quý vì làm cho mình tinh khôn”, để cuối cùng
vấp ngã thảm bại, khi “bà hái trái cây mà ăn, rồi đưa cho cả
chồng đang đứng đó với mình; ông cũng ăn” (St 3, 6).
Thật đáng tiếc cho Nguyên tổ, giữa một bên là lời yêu thương
nhắn nhủ của Thiên Chúa: “Hết mọi trái cây trong vườn, ngươi
cứ ăn. Nhưng trái cây cho biết điều thiện, điều ác, thì
ngươi không được ăn. Vì ngày nào ngươi ăn, chắc chắn ngươi
sẽ phải chết” (St 2, 16- 17). Còn bên kia là lời xảo quyệt
mưu mô của kẻ cám dỗ: “Các ngươi cứ ăn đi, Thiên Chúa cấm vì
Người biết ngày nào các ngươi ăn, các ngươi sẽ nên những vị
thần biết thiện biết ác. Các ngươi cứ ăn, không chết chóc gì
đâu” (St 3, 4- 5). Vậy mà cả hai ông bà đã đánh đổi chính
lời của Thiên Chúa để nghe lời xảo quyệt.
Trong sự đánh đổi, cho thấy không những Nguyên tổ nghi ngờ
Lời Chúa, hay đúng hơn, Nguyên tổ nghi ngờ chính Thiên Chúa,
mà còn hạ thấp lời Thiên Chúa, qua đó hạ thấp chính Thiên
Chúa là tác giả của lời ấy. Nhưng nếu suy nghĩ cho kỳ cùng,
khi so sánh giữa hai lời nói ấy và thái độ chọn lựa của
Nguyên tổ, ta còn thấy Nguyên tổ phạm một tội nặng nề hơn:
đó là khi chọn lựa nghe lời cám dỗ, vất bỏ Lời Thiên Chúa,
có khác gì Nguyên tổ đã chọn tên cám dỗ làm chúa của mình
thay cho Thiên Chúa.
Anh em thân mến, câu chuyện sa ngã tại địa đàng ngày xưa,
vẫn là bài học còn mới nguyên cho chúng ta hôm nay. Câu
chuyện sa ngã ấy cần cho anh em mình trong mọi dịp có thể
lôi kéo chúng ta sa ngã. Nó càng thích hợp hơn nhiều, để
giúp ta can đảm dừng sự kích thích của óc tò mò, can đảm
tránh xa những dịp lỗi đức khiết tịnh. Vì những lỗi xúc phạm
đến đức khiết tịnh luôn là những cám dỗ dữ dằn.
Hãy nhìn vào gương của Nguyên tổ mà thấy, chỉ một chút yếu
lòng, ông bà đã để vuột tất cả ơn Chúa ban cho mình, đồng
thời phạm tội nặng không dễ gì tự mình có thể chuộc lại, mà
phải nhờ đến chính Con Một Thiên Chúa, ơn cứu chuộc mới được
hoàn lại cho ông bà. Bởi vậy sự nguy hại của tội là sự nguy
hại khó lường. Anh em và tôi hãy can đảm lên, nhận lấy bài
học của Nguyên tổ làm bài học kinh nghiệm cho mình.
2. Cái nhìn của vua David.
Như Evà ngày xưa phạm tội bắt đầu từ ánh mắt: nhìn thấy trái
cây đẹp rồi tưởng tượng nó ngon và quý, thế là sa ngã. Vua
David cũng phạm tội bắt đầu từ ánh mắt.
Thánh Kinh kể, vào một buổi chiều, khi nhà vua đang đi dạo
trên lầu thượng, bất chợt nhìn thấy bà Bat Seva, vợ của
Urigia, một viên tướng rất mực trung thành của David, đang
tắm. Nhà vua đã không thể kềm nỗi con thú dâm dục trong lòng
mình. Thế là phạm tội. Nham hiểm hơn, sau khi phạm tội với
Bat Seva, và biết đã có con ngoại hông với Bat Seva, David
đã rắp tâm đẩy người chồng của bà là tướng Urigia đi ra
tuyến đầu của chiến trận, lúc đó đang đánh nhau với quân
Ammon, mượn tay quân thù thủ tiêu ông.
Ánh nhìn của chúng ta như con dao hai lưỡi. Cũng ánh nhìn
ấy, nếu có lòng yêu mến Chúa, nhìn vào vũ trụ, anh em nhận
ra tình yêu của Người. Cũng là ánh nhìn, nhưng nếu anh em
tìm tòi những hình ảnh xấu xa, dâm ô, thô tục, nó sẽ đốt
cháy lòng anh em bằng những thèm khát đầy dục vọng xấu xa.
Nó cũng chính là động cơ thôi thúc ta nộp mình cho tội lỗi
nhanh chóng, dễ dàng. Đừng tò mò nhưng hãy tránh xa dịp tội.
Đó là nguyên tắc hàng đầu để anh em và tôi gìn giữ ơn gọi,
gìn giữ đời sống khiết tịnh cho ơn gọi ấy.
Cả Adong, Evà, lẫn David, mặc dù đã có thể lường được nguy
hiểm của tội mà họ dấn thân cho nó. Nhưng vì ánh nhìn đưa
tới sự tội đã thiêu đốt lòng họ, khiến lý trí tối tăm và
nhục chí, cuối cùng thỏa hiệp với tội. Từ đó cả ba bị tội
lỗi đè bẹp bằng sự thống trị tàn nhẫn của nó. Cả ba ngã nhào
vào tội một cách đớn đau. Dẫu đã có lòng ăn năn, nhưng dấu
vết của tội không dễ gì xóa nhòa. Cách riêng đối với David,
lửa dâm dục đã đẩy ông đi từ phạm tội tà dâm và ngoại tình
đến chỗ giết người không thương tiếc, dẫu người đó là trung
thần của mình. Tội ác ấy là một vết khắc sâu trong lòng,
khiến nhà vua ân hận suốt đời.
Anh em thân mến, ai đó đã từng nói thế này: “Biết mình yếu,
đừng ra gió”. Một hình ảnh rất đời thường, rất bình dị,
nhưng lại hàm chứa cả một kinh nghiệm khôn ngoan. Chúng ta
là những con người đầy yếu đuối. Chỉ cần sơ hở một chút là
phạm tội. Không biết tôi có bi quan quá không, khi nói với
anh em điều này: Hình như anh em mình phạm tội dễ hơn vươn
lên sống thánh thiện. Vì thế cảnh giác với cám dỗ, Nhất là
với những cám dỗ xúc phạm đức khiết tịnh, không bao giờ
thừa.
3. Đừng biến mình thành dịp
tội.
Có hai đối tượng cho dịp tội: chính bản thân và tha nhân. Cả
hai đối tượng này, ta đều phải tránh, để không gây nguy
hiểm, không tự nộp mình cũng như nộp anh em mình cho tội.
a. Đừng nên dịp tội cho chính
mình.
Có một câu chuyện người ta kể rằng: trong một khu rừng nọ có
một con thỏ cái sống bên cạnh một đàng thỏ con. Ngày nọ, khi
các con đã lớn, thỏ mẹ dẫn chúng ra đồng tìm mồi. Bỗng dưng
từ đàng xa, xuất hiện một tiếng rống nghe rất dữ tợn. Tức
khắc, gương mặt thỏ mẹ hiện rõ nét lo sợ. Nó vội làm hiệu
cho các con về hang ẩn núp. Tuy nhiên, có một chú thỏ con tò
mò và hiếu kỳ, muốn biết tiếng rống to đó là gì. Nó tách
khỏi đàng, trốn mẹ, trốn anh em nấn ná ở lại để xem cho bằng
được. Tiếng rống mỗi lúc một gần hơn. Chẳng bao lâu sau, từ
phía tiếng rống ấy, không chỉ có tiếng rống mà còn xuất hiện
một con hổ to. Thỏ con không biết là hổ nhưng bắt đầu cảm
thấy sợ, khi chứng kiến một bộ mặt đầy sát khí, mắt và miệng
thật to, hàm răng lởm chởm và những chiếc răng nanh thật dài
trông khủng khiếp. Thỏ con quá sợ hãi, co chân chạy thật
nhanh. Nhưng chính lúc thỏ con di động, là lúc nó gây sự chú
ý cho con hổ. Chỉ cần một cú nhảy thật mạnh của con hổ độc
ác, thỏ con đã nằm gọn trong miệng nó.
Đối với anh em, có lẽ biến mình thành dịp tội cho chính bản
thân là khả năng lớn nhất có thể xảy ra. Khẳng định điều
này, chắc tôi không chủ quan lắm, vì không có gì dễ cho bằng
tự quay quắt, thỏa hiệp, dung túng cho bản thân. Không có gì
kín đáo cho bằng tự dẫn mình vào lối mòn của tội lỗi. Tôi
lấy ví dụ: Chúng ta đang sống trong thời buổi mà các phương
tiện truyền thông trở nên phổ biến, dễ dàng lôi kéo mình vào
ảnh hưởng của sự xấu. Anh em có thể đóng cửa phòng, tự thỏa
mãn với một bộ phim không lành mạnh, với một trang web thiếu
đứng đắn. Anh em có thể tìm thấy một cách quá dễ dàng những
hình ảnh, sách báo khiêu dâm, hay những lá bài đầy thô tục…
Tự tìm tòi để thỏa mãn óc tò mò là dịp lớn vô cùng để anh em
tự băng mình vào tội. Chú thỏ con đã không cưỡng lại óc tò
mò của nó, vì thế nó nằm gọn giữa hai hàm răng của con hổ
đói. Ta cũng có thể coi tội lỗi là một con hổ đói. Nếu không
biết tránh xa dịp tội, ngược lại liều bán mình cho nó, tội
cũng sẽ chụp lấy và thống trị ta. Vì nếu anh em coi xong một
bộ phim, đưa tay tắt bộ phim, nhưng trong đầu anh em có tắt
được không? Những hình ảnh tồn tại trong suy nghĩ ấy, nếu là
những hình ảnh gợi dục, sẽ là những cơn cám dỗ triền miên
đổ về thiêu đốt lòng anh em. Trong anh em đang hiện diện đây
có ai dám chắc, những hình ảnh ấy sẽ không có khả năng xô
ngã mình? Bởi vậy anh em và tôi hãy quyết tâm không dung
túng cho mình, để không trở nên dịp tội cho chính bản thân.
b. Đừng nên dịp tội cho tha
nhân.
Tôi cứ tin rằng anh em không tệ đến nỗi đã làm, hay mưu toan
làm điều này. Nên dịp tội cho tha nhân là một gương mù không
thể tả. Đặc biệt làm gương mù đối với trẻ con trong vấn đề
khiết tịnh, đó là một tội ác. Chúa Giêsu đã từng lên án việc
làm tồi tệ này: “Ai làm cớ cho một trong những kẻ bé mọn
đang tin Thầy đây phải sa ngã, thì thà treo cối đá lớn vào
cổ nó mà xô cho chìm xuống đáy biển còn hơn” (Mt 18, 6. Mc
9, 42. Lc 17, 1-2). Có nhiều hình thức để một người nào đó,
làm gương mù cho người khác. Chẳng hạn: lời nói, việc làm
xấu, xúi giục, rũ rê, khuyến khích, giới thiệu những nơi,
những điều thiếu đứng đắn, lạm dụng tình dục trẻ em, quan hệ
tình dục bừa bãi… Tất cả những điều đó, đều là những việc
rất xấu, phải tránh xa.
IV. LIÊN QUAN GIỮA HAI ĐIỀU RĂN VI,
IX VỚI ĐIỀU RĂN V.
Một khi người ta liều mình nhảy vào trong sự dâm ô, tội giết
người là điều có thể xảy ra. Nói theo kiểu bình dân một
chút, giết người để “bịt đầu mối”. Vua David giết chết
Urigia để tự do đoạt vợ của Urigia. Nhưng rất may, nhà vua
đã nghe lời tiên tri Nathan, nên đã ăn năn thật lòng. Tương
tự, vào thời Chúa Giêsu, vua Hêrôđê vì lăng loàn với vợ của
anh mình là bà Hêrôđia, bị thánh Gioan Tẩy Giả phản đối.
Thay vì có một nghĩa cử sám hối như David, Hêrôđê lại nghe
lời Hêrôđia, giết chết thánh Gioan. Tất cả những hàng động
ấy chỉ nhắm một điểm duy nhất: “bịt đầu mối” để tự do vùng
vẫy trong tội, cả đến tội loạn luân.
Hành vi “bịt đầu mối” đó vẫn xảy ra trong cuộc sống đương
đại này. Có khi không ai biết nhưng rất nhiều lần các phương
tiện truyền thông, luật pháp và cả đạo đức xã hội đã vạch
trần những bộ mặt sát nhân ấy.
Dẫu cho chuyện giết người không phải là điều lạ, hay khó
hiểu. Vì từ xưa nhân loại đã sát hại nhau quá nhiều. Nhưng
chúng ta cảm thấy đau đớn lòng mình khi biết được những cuộc
mưu sát cá nhân; những mưu đồ giết người được phác thảo, bàn
bạc; những tính toán hoặc đã chà đạp mạng sống tập thể những
con người, chẳng hạn những cơn diệt chủng hàng loạt…, nhẹ
nhàng cứ như giết chết một con gà vậy!
Nổi cộm lên trong vấn đề sát hại đồng loại, là chính cha mẹ
giết chết con mình. Phá thai là một bằng chứng. Nếu một ai
đó bị sát hại đã là một nỗi đau đớn, thì chính cha mẹ nhẫn
tâm loại trừ đứa con là máu, là thịt của mình, ngay khi nó
còn chưa biết gì, chưa vướng mắc bất cứ một tội vạ nào, đó
không là nỗi đau đớn khôn cùng hay sao!
Dù là thái độ dâm đảng, cuồng loạn, chơi bời phóng túng, rồi
“bịt đầu mối” hoặc chỉ vì kế hoạch hay vì lý do nghèo không
nuôi con nổi, tất cả đều không biện minh được cho vấn đề sát
hại đứa con đang lớn dần trong lòng mẹ nó. Vì đây là sự sống
con người. Sự sống con người là lý do ưu tiên hàng đầu,
ngoài Thiên Chúa, không có bất cứ cái gì có thể sánh ví
được. Không thể nào chấp nhận được hành vi tội lỗi của cha
mẹ gây nên kết quả là chính đứa con trong lòng mình, lại
quay ra trút tất cả hậu quả lẽ ra thuộc về mình lên chính
mạnh sống của đứa con, ngay khi nó còn chưa kịp sinh ra.
Ngày xưa, vào thời Chúa Giêsu mới sinh, vua Hêrôđê, để chắc
chắn rằng, mình đã giết chết Hài Nhi Giêsu, Vua dân Do thái
mới sinh, đã ra tay giết chết hàng loạt trẻ em Do thái.
Chuyện ngày xưa ấy, Hêrôđê là kẻ đã giết chết vô vàng trẻ em
là con của dân lành, thần dân của mình. Nhưng chuyện của
ngày hôm nay, Hêrôđê bây giờ không phải là Hêrôđê giết con
của người khác, mà khủng khiếp hơn, đó chính là cha mẹ thủ
tiêu con của mình ngay khi nó còn trong trứng nước. Nếu
Hêrôđê ngày xưa hiện nguyên hình là con ác quỷ vô lương tâm,
thì Hêrôđê của hôm nay, anh em chúng ta còn biết phải gọi là
gì? Giết chết con người là một ác quỷ. Còn giết chết chính
đứa con của mình thì thế nào đây? Biết nói làm sao, thưa
anh em! Bởi vậy, khi nghe tôi trình bày những suy nghĩ như
thế, anh em có thấy đau đớn như những gì tôi trình bày
không? Lương tâm của chúng ta phải xót xa tận cùng như thế
mới được anh em ạ.
Lời Thiên Chúa từ rất xa xưa, mãi còn đó như nỗi oan khuất
của bao nhiêu người vô tội: “Tiếng máu của em ngươi từ dưới
đất, đang kêu thấu đến tai Ta” (St 4, 10). Tiếng máu ấy là
tiếng máu của người bị sát hại. Chính Cain đã sát hại Abel,
người em ruột vô tội của anh ta. Giết chết em, cứ tưởng đã
dứt được một mối thù, nào ngờ Cain lại phải đối diện với
Thiên Chúa quyền năng và công thẳng của mình.
Hóa ra đụng chạm đến sự sống của con người, người ta không
chỉ đụng chạm đến chính bản thân người ấy, nhưng là đụng
chạm đến chính Thiên Chúa, Đấng là chủ tể sự sống. Vì chỉ có
mỗi một mình Thiên Chúa mới có quyền quyết định trên sự sống
của con người mà thôi. Tiếm quyền Thiên Chúa, giết chết con
người, người ta xúc phạm nặng đến Thiên Chúa của mình.
Bởi vậy, không tự chủ để bảo vệ đức khiết tịnh, đã là một
nguy hiểm lớn. Nhưng để xảy ra việc thủ tiêu một con người,
nhất là khi con người ấy hoàn toàn vô tội, đúng là một tội
ác khủng khiếp.
Nói những điều này với anh em, có vẻ xa lạ phải không? Tôi
vẫn tin rằng, anh em là những người sống thánh thiện rất
mực. Nhưng điều đó không có nghĩa là anh em không cần phải
biết. Ngược lại, trong trách nhiệm của chúng ta, anh em rất
cần học biết để đào tạo lương tâm của mình. Đàng khác, anh
em cũng phải giúp cho nhiều người mà anh em gặp gỡ, hoặc có
trách nhiệm với họ, hoặc khi họ cần đến anh em…
V. KẾT LUẬN
Tuy là vật mọn phàm hèn, nhưng thân xác lại được Thiên Chúa
mặc cho vinh quang lớn lao: Đó là đền thờ của Chúa Thánh
Thần. Chính Thiên Chúa làm người đã nhận lấy cho mình một
thân xác để nên một con người. Người đã phục sinh thân xác
ấy, đồng thời ban vinh quang phục sinh cho tất cả mọi thân
xác của mọi con người. Và thân xác sẽ mặc lấy sự phục sinh
của Chúa, cũng sẽ đi vào vĩnh cửu để sống trong sự sống của
Thiên Chúa.
Thân xác con người cao quý là thế. Thiên Chúa tôn trọng thân
xác con người là thế. Chỉ có chúng ta mới là kẻ dại khờ đánh
đổi vinh quang tuyệt vời Thiên Chúa ban với lối sống tầm
thường trong đam mê dục vọng mà thôi. Bởi vậy, anh em chúng
ta hãy chiến đấu để bảo vệ cái đẹp vẹn toàn của thân xác
bằng chính đời sống thanh khiết của mình. Vì bảo vệ cái đẹp
vẹn toàn của thân xác, không có nghĩa chỉ là của thân xác,
nhưng qua đó, chính là nét đẹp lộng lẫy của tâm hồn.
Nét đẹp của đức khiết tịnh trong tâm hồn luôn luôn là một
nét đẹp vượt trội. Nét đẹp ấy đưa con người vươn tới sự
thánh thiện, và vươn tới chính Thiên Chúa là Đấng Thánh. Vì
thế, đức khiết tịnh, dù là biểu hiện của thân xác, lại là
của cải quý giá trên mọi thứ quý giá. Vì nó chính là châu
báu trang xức cho linh hồn.
Lm. VŨ XUÂN HẠNH
|