Trong kinh cầu Đức Bà, chúng ta
thấy Giáo hội đã dùng :
- Nhiều tước vị khác nhau để ca
tụng Mẹ, chẳng hạn như : Rất thánh Đức Mẹ Chúa Trời, Đức Mẹ
Chúa Kitô, Đức Mẹ thông ơn Thiên Chúa, Đức Mẹ chỉ bảo đàng
lành, Đức Mẹ sinh Chúa Cứu Thế…
- Nhiều hình ảnh khác nhau để
ngợi khen Mẹ, chẳng hạn như : Đức Bà như hoa hồng mầu nhiệm
vậy, Đức bà như lầu đài Đavit vậy, Đức bà như tháp ngà báu
vậy, Đức Bà như đền vàng vậy, Đức bà như hòm bia Thiên Chúa
vậy…
- Và cũng rất nhiều mẫu gương để
tung hô Mẹ : Nữ Vương các Thánh Tổ tông, Nữ vương các Thánh
Tiên tri, Nữ Vương các Thánh Tông đồ, Nữ Vương các Thánh Tử
vì đạo, Nữ Vương các Thánh Hiển tu, Nữ Vương các Thánh Đồng
trinh…
Tuy nhiên trong thông điệp
“Ecclesia de Eucharistia”, (Giáo hội từ Thánh Thể), Đức
Thánh Cha Gioan Phaolô II đã dành cho Mẹ một danh hiệu khá
đặc biệt. Ngài gọi Mẹ là Người Nữ Thánh Thể.
Vậy giữa Mẹ Maria và Thánh Thể
có mối dây liên hệ với nhau như thế nào ? Và Người Nữ Thánh
Thể ấy có phải là một mẫu gương cho chúng ta nói chung và
cho các Linh mục nói riêng, để noi theo hay không ?
Đó là những điều chúng ta cùng
nhau tìm hiểu và chia sẻ hôm nay.
I- ĐỨC MARIA,
NGƯỜI NỮ THÁNH THỂ:
SỰ HIỆN DIỆN VÀ
THÁI ĐỘ NỘI TÂM CỦA MẸ
Nếu chỉ nhìn thoáng qua, chúng
ta thấy Phúc Âm chẳng hề đề cập tới vấn đề này. Và trong bài
tường thuật về việc Chúa Giêsu thiết lập Bí tích Thánh Thể
vào buổi chiều ngày thứ năm tuần thánh, các tác giả sách Tin
Mừng cũng đã không nói gì đến vai trò Mẹ. Thế nhưng, Đức
Thánh Cha đã xác quyết :
“Nếu chúng ta muốn khám phá lại
trong tất cả sự phong phú của Bí Tích Thánh Thể, mối liên hệ
thâm sâu nối kết Giáo Hội và Bí Tích Thánh Thể, chúng ta
không thể nào quên Đức Maria, là Mẹ và mẫu gương của Giáo
hội…Thực vậy, Đức Maria có thể hướng dẫn chúng ta đến Bí
Tích cực thánh nầy, vì giữa Mẹ và bí tích này có một mối
liên hệ sâu xa.” (GHTTT 53).
Sở dĩ Đức Thánh Cha gọi Mẹ là
Người Nữ Thánh Thể vì những lý do sau đây :
1- Sự hiện diện của Mẹ :
Ngay sau khi Chúa Giêsu về trời,
Mẹ đã hiện diện giữa các Tông Đồ để cùng với các ông cầu
nguyện và cử hành nghi thức Bẻ Bánh :
“Ai cũng biết là Mẹ đã có mặt
với các Tông Đồ, hiệp nhất “cùng một lòng trong lời cầu
nguyện” (x.Cv 1,14) trong cộng đoàn tiên khởi được qui tụ
sau khi Chúa lên trời, trong khi chờ đợi Chúa Thánh Thần
hiện xuống. Chắc chắn, không thể thiếu vắng sự hiện diện của
Mẹ trong những cử hành Thánh Thể giữa các tín hữu của thế hệ
đầu tiên rất chuyên cần “trong nghi lễ bẻ bánh.” (Cv 2,42).
(GHTTT 53).
2- Thái độ nội tâm của Mẹ :
Tuy nhiên, điều quan trọng hơn,
đó chính là thái độ nội tâm của Mẹ. Mẹ đã sống đức tin Thánh
Thể của mình ngay cả trước khi Bí tích này được thiết lập.
Thái độ nội tâm này được biểu lộ ở mọi nơi, trong mọi lúc và
qua mọi hoàn cảnh để rồi suốt dọc cuộc đời, Mẹ xứng đáng
mang danh hiệu là Người Nữ Thánh Thể.
Với biến cố Truyền tin :
Qua lời “Xin vâng”, Mẹ đã dâng
hiến cõi lòng của mình cho Ngôi Lời nhập thể và tin rằng
Người Con mình đang cưu mang chính là Con Thiên Chúa. Và
Người Con ấy sau này sẽ thực sự hiện diện trong Bí tích
Thánh Thể :
“Theo một nghĩa nào đó, Đức
Maria đã sử dụng đức tin Thánh Thể của mình ngay trước khi
Bí Tích Thánh Thể được thiết lập, bởi vì Mẹ đã hiến dâng
cung lòng trinh vẹn của Mẹ để Ngôi Lời của Thiên Chúa nhập
thể…Lúc truyền tin, Đức Maria đã thụ thai Con Thiên Chúa
trong chính thực tại thể lý thân xác và máu huyết, thực hiện
trước trong Mẹ, những gì được thực hiện một cách bí tích,
trong một mức độ nào đó, nơi mọi tín hữu được lãnh nhận dưới
hình bánh rượu, Mình và Máu Chúa.” (GHTTT 55).
Như vậy có một sự liên hệ rất
thâm sâu giữa lời “Xin Vâng” của Mẹ trong hoạt cảnh truyền
tin với tiếng “Amen” chúng ta thưa lên khi đón nhận Mình
Thánh Chúa :
“Chúa đã đòi hỏi Đức Maria phải
tin rằng Đấng mà Mẹ thụ thai “nhờ hoạt động của Thánh Thần”
là “Con Thiên Chúa” (Lc 1, 30-35). Tiếp nối đức tin của Đức
Maria, Chúa cũng đòi hỏi chúng ta tin rằng, trong Mầu Nhiệm
Thánh Thể, cũng Chúa Giêsu đó, Con Thiên Chúa và Con của Đức
Maria, hiện diện cách trọn vẹn gồm cả nhân tính lẫn thần
tính của Ngài dưới hình bánh và rượu.” (GHTTT 55).
Với biến cố thăm viếng :
Sau khi đã có Chúa trong cõi
lòng của mình, Mẹ đã vội vã đem Chúa đến cho người khác bằng
cuộc hành trình viếng thăm bà chị họ là Isave. Lời chào kính
của bà Isave : “Em thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực
hiện những gì Ngài đã nói với em,” (Lc 1,45), cho chúng ta
thấy trong mầu nhiệm Nhập Thể, Mẹ đã đi trước đức tin Thánh
Thể của Giáo hội.
“Lúc đi viếng (bà Isave), Mẹ đã
mang trong cung lòng Ngôi Lời làm người, Mẹ trở nên một “nhà
tạm” một cách nào đó – “nhà tạm” đầu tiên trong lịch sử -
trong đó Con Thiên Chúa, chưa thấy được với mắt loài người,
được bà Isave tôn thờ, như thể “chiếu tỏa” ánh sáng của Ngài
qua ánh mắt và tiếng nói của Đức Maria.” (GHTTT 55).
Và đặc biệt qua lời kinh
“Magnificat”, Giáo hội đã mặc lấy tinh thần của Mẹ, để được
kết hiệp hoàn toàn với Đức Kitô và hy tế của Ngài. Như thế,
chúng ta có thể đọc lời kinh tuyệt vời này trong chiều hướng
Thánh Thể.
Thực vậy, nếu Thánh Thể trước
hết là một lời ngợi khen và cảm tạ, thì lời kinh này cũng
chính là “thái độ Thánh Thể” của Mẹ :
“Khi Đức Maria thốt lên : “Linh
hồn tôi ngợi khen Đức Chúa và lòng trí tôi nhảy mừng trong
Thiên Chúa, Đấng Cứu Độ tôi”, Chúa Giêsu đang ở trong cung
lòng của Mẹ. Mẹ ngợi khen Chúa Cha “thay cho” Chúa Giêsu,
nhưng Mẹ cũng ngợi khen Chúa Cha “trong” Chúa Giêsu và “cùng
với” Chúa Giêsu. Đó chính là “thái độ Thánh Thể” đích thực.”
(GHTTT 58).
Qua lời kinh này, Mẹ không phải
chỉ nhắc đến những việc lạ lùng Thiên Chúa thực hiện trong
lịch sử cứu độ, như đã được phán hứa với các tổ phụ, mà còn
hướng đến khía cạnh quang lâm của Thánh Thể:
“Mỗi khi Con Thiên Chúa xuất
hiện cho chúng ta trong sự “nghèo nàn” của những dấu chỉ bí
tích, bánh và rượu, hạt giống của lịch sử mới, trong đó
những kẻ quyền thế bị “lật đổ khỏi ngai vàng” và những người
hèn mọn được “nâng cao” (x. Lc 1,52) đã được gieo trong thế
gian. Đức Maria hát lên “trời mới” và “đất mới”, chúng được
thực hiện trước trong Bí Tích Thánh Thể, và theo một nghĩa
nào đó, “dự định về chúng” đã được sắp đặt.” (GHTTT 58).
Nếu lời kinh “Magnificat” diễn
tả đường lối thiêng liêng của Mẹ, thì cũng sẽ là một linh
đạo giúp chúng ta sống mầu nhiệm Thánh Thể, để rồi cũng như
Mẹ, toàn bộ cuộc sống chúng ta sẽ trở nên một lời ngợi khen
và cảm tạ.
Với biến cố giáng sinh :
Mẹ đã xác tín Người Con do Mẹ
sinh ra, Hài Nhi nằm trong máng cỏ, chính là Con Thiên Chúa
:
“Và cái nhìn say đắm của Đức
Maria, chiêm ngắm khuôn mặt Chúa Kitô vừa mới sinh ra và
bồng ẵm Ngài trong vòng tay, phải chăng là mẫu gương tình
yêu khôn sánh gợi hứng cho ta mỗi lần ta rước Chúa?” (GHTTT
55).
Hơn thế nữa, sau mỗi biến cố xảy
ra, các Phúc Âm đều ghi nhận :
“Còn Maria, thì hằng ghi nhớ
những kỷ niệm ấy, và suy đi nghĩ lại trong lòng.” (Lc 2,19).
Đây cũng chính là thái độ chúng
ta phải có mỗi khi đến với Thánh Thể, nhất là trong những
việc tôn sùng ngoài Thánh lễ.
Với biến cố dâng Chúa trong
đền thờ :
Trong suốt cả cuộc đời, Mẹ đã
lấy chiều kích hy tế của Bí tích Thánh thể làm của mình.
Chẳng hạn như khi dâng Chúa trong đền thánh, Mẹ đã nghe cụ
già Simêon loan báo rằng Trẻ này sẽ là một “dấu hiệu chia
rẽ” và rồi một “lưỡi gươm” sẽ đâm thâu qua trái tim Mẹ :
“Như thế bi kịch của Người Con
chịu đóng đinh đã được tiên báo, và trong cách thế nào đó,
cảnh “stabat Mater” (Mẹ đứng đó) của Đức Trinh Nữ dưới chân
Thánh Giá, đã được hình dung trước.” (GHTTT 56).
Đối với Mẹ, mỗi ngày là một
“chuẩn bị lên đỉnh đồi Canvê”, và như vậy :
“Đức Maria đã sống một thứ
“Thánh Thể đã có trước” nào đó, đó là một cách “hiệp lễ
thiêng liêng” bằng ước muốn và hiến dâng. “Thánh Thể đã có
trước” này sẽ được hoàn tất bằng sự hiệp nhất với Con Ngài
trong cuộc khổ nạn. Điều đó sẽ được diễn đạt, sau Phục Sinh,
qua sự tham dự của Mẹ vào việc cử hành Thánh Thể mà các tông
đồ chủ sự để tưởng niệm cuộc Khổ Nạn của Chúa.” (GHTTT 56).
Với biến cố tiệc cưới trại
Cana :
Mẹ sẽ nâng đỡ và hướng dẫn chúng
ta sống trọn vẹn niềm phó thác vào Chúa. Thực vậy, khi nghe
đọc lệnh truyền của Chúa : “Hãy làm việc này mà nhớ đến
Thầy,” (Lc 22,19) trong khi cử hành Thánh thể, chúng ta
đón nhận cùng một lúc lời Mẹ mời gọi chúng ta vâng phục Chúa
không chút do dự :
“Hãy làm những gì Ngài bảo.” (Ga
2,5).
Và như vậy, Mẹ cũng muốn nói
với chúng ta :
“Đừng do dự, hãy tin vào những
lời của Con Mẹ, Ngài có thể biến nước thành rượu ngon, Ngài
cũng có thể biến bánh và rượu trở nên Thịt và Máu Ngài,
thông truyền cho các tín hữu, trong mầu nhiệm này, việc
tưởng nhớ sống động cuộc Vượt Qua của Ngài để trở nên “bánh
sự sống.” (GHTTT 54).
Với biến cố thiết lập Bí tích
Thánh Thể :
Mặc dù không có mặt trong lúc
Chúa Giêsu thiết lập Bí tích Thánh Thể, nhưng Mẹ luôn hiện
diện với các Tông Đồ khi cử hành nghi thức Bẻ Bánh. Vì thế,
khi nghe từ miệng các Tông Đồ những lời trong bữa Tiệc ly :
“Này là Mình Thầy sẽ bị nộp vì các con,” (Lc 22,19), chắc
hẳn Mẹ phải xác tín rằng thân mình được dâng lên làm lễ tế
và được biểu thị bằng dấu chỉ bí tích, cũng là thân mình của
Đấng mà Mẹ đã cưu mang trong cung lòng. Hơn nữa, đối với Mẹ
:
“Nhận lấy Bí Tích Thánh Thể như
là đón nhận một lần nữa trong cung lòng Mẹ quả tim đã đồng
nhịp với quả tim của Mẹ và như sống lại những gì Mẹ đã đích
thân cảm nghiệm dưới chân Thập Giá.” (GHTTT 56).
Với biến cố Thập giá :
Nếu Thập giá là đỉnh cao cuộc
đời Chúa Giêsu, thì đối với Mẹ cũng vậy, giây phút quan
trọng nhất chính là giây phút Mẹ đứng dưới chân cây Thập
giá, kết hiệp những đau khổ của Mẹ với hy tế của Chúa Giêsu,
để trở thành Đấng Đồng Công Cứu Chuộc nhân loại :
“Như thế Đức Trinh Nữ cũng đã
tiến bước trong cuộc lữ hành đức tin, trung thành hiệp nhất
với Con cho đến bên Thập giá, là nơi mà theo ý Thiên Chúa,
Mẹ đã đứng ở đó (Ga 19,25). Đức Maria đã đau đớn chịu khổ
cực với Con Một của mình và dự phần vào hy lễ của Con, với
tấm lòng của một người mẹ hết tình ưng thuận hiến tế lễ vật
do lòng mình sinh ra.” (GH 58).
Những gì Đức Kitô đã thực hiện
trong cuộc khổ nạn và cái chết của Ngài, thì ngày hôm nay
đều hiện diện trong Thánh lễ, tưởng niệm hy tế trên đỉnh đồi
Canvê. Và như vậy, trong Thánh lễ Mẹ cũng nắm giữ vai trò mà
ngày xưa Mẹ đã nắm giữ khi đứng dưới chân cây Thập giá.
Với tất cả những biến cố kể
trên, Đức Thánh Cha thật có lý khi tuyên xưng Mẹ là Người Nữ
Thánh Thể.
II- MẸ MARIA,
MẪU GƯƠNG CHO CÁC LINH MỤC
Những gì ngày xưa Chúa Giêsu đã
hoàn tất đối với Mẹ, thì hôm nay Ngài cũng hoàn tất cho
chúng ta. Thực vậy, nếu ngày xưa Ngài đã trao phó người môn
đệ yêu dấu là thánh Gioan cho Mẹ, thì hôm nay trong người
môn đệ ấy, Ngài cũng trao phó mỗi người chúng ta cho Mẹ :
“Này là con bà!” Cũng thế, Ngài sẽ nói với mỗi người chúng
ta : “Này là mẹ con.” (Ga 19,26-27).
Hơn ai hết, các Linh mục cần
phải noi gương thánh Gioan, đó là đưa Mẹ về nhà. Điều ấy có
nghĩa là chúng ta phải cố gắng để trở nên giống Đức Kitô,
bằng cách học với Mẹ và để cho Mẹ hướng dẫn chúng ta. Hay
nói cách khác Mẹ chính là mẫu gương tuyệt vời cho các Linh
mục noi theo và bắt chước, đặc biệt trong phạm vi Bí tích
Thánh Thể, bởi vì như Đức Thánh Cha đã viết :
“Nếu Giáo Hội và Bí Tích Thánh
Thể làm thành một cặp song đôi không thể tách rời, thì giữa
Đức Maria và Bí Tích Thánh Thể cũng vậy. Chính vì thế việc
kính nhớ Đức Maria trong cử hành Bí Tích Thánh Thể được thi
hành đồng loạt, từ thời xa xưa trong các Giáo Hội Đông
Phương và Tây Phương.” (GHTTT 57).
Vậy chúng ta sẽ học nơi Mẹ những
gì ? Tôi chỉ xin đưa ra một vài điểm chính yếu để chúng ta
cùng nhau suy nghĩ và bắt chước :
1- THÁI ĐỘ SUY NIỆM
Thực vậy, thái độ suy niệm là
một thái độ chính yếu và nổi bật trong cuộc sống thầm lặng
của Mẹ.
Sau khi nghe các mục đồng kể lại
những điều được nói về Hài Nhi, thì Mẹ “hằng ghi nhớ những
kỷ niệm ấy và suy đi nghĩ lại trong lòng.” (Lc 2,19).
Sau khi tìm thấy Chúa trong đền
thờ và chẳng hiểu gì về những lời Chúa nói, Thánh Giuse, Mẹ
Maria cũng như con trẻ Giêsu đều trở về Nagiarét. Và thánh
Luca đã ghi nhận : “
Riêng Mẹ Người thì hằng ghi nhớ
tất cả những điều ấy trong lòng.” (Lc 2,50).
Chúng ta cũng có thể nói được
rằng sau mỗi biến cố xảy đến trong cuộc đời, Mẹ đều ghi nhớ
và suy gẫm trong lòng.
Đây cũng chính là thái độ các
Linh mục phải có trước Thánh Thể. Thực vậy, chúng ta không
phải chỉ tôn thờ Thánh Thể trong Thánh lễ, mà còn phải tôn
thờ Thánh Thể ngoài Thánh lễ :
“Việc tôn sùng Thánh Thể ngoài
thánh lễ mang một giá trị vô song trong đời sống Giáo Hội.
Việc tôn sùng được phối hợp chặt chẽ với việc cử hành Hy tế
Thánh Thể.” (GHTTT 25).
Các Linh mục có bổn phận không
những phải khuyến khích mà còn phải làm gương cho mọi người.
Thái độ thinh lặng để suy gẫm hay chiêm niệm chiếm một chỗ
đứng thật quan trọng trong việc tôn thờ Thánh Thể ngoài
Thánh lễ :
“Trò chuyện thân mật với Ngài,
và nghiêng mình vào lòng Ngài như môn đệ yêu dấu (Ga 13,25),
xúc động trước tình yêu vô biên của trái tim Ngài là một
điều thiện hảo. Quả thật vào thời đại chúng ta, Kitô giáo
phải trổi vượt nhất là trong “ nghệ thuật cầu nguyện”, làm
sao ta không cảm thấy lại có nhu cầu mới được ở lại lâu giờ,
trò chuyện thiêng liêng, tôn thờ im lặng, trong thái độ yêu
thương, trước mặt Chúa Kitô hiện diện trong bí tích thánh ?”
(GHTTT 22).
Công đồng cũng khuyên nhủ :
“Phải dạy họ biết tìm gặp Đức
Kitô trong việc trung thành suy gẫm Lời Chúa, trong việc
thông hiệp tích cực các mầu nhiệm chí thánh của Giáo hội,
nhất là bí tích Thánh thể và kinh nguyện thần vụ ?” (ĐT 8).
Như Mẹ, chúng ta cũng hãy biết
thinh lặng để suy gẫm, để chiêm niệm trước Thánh Thể Chúa.
2- CỬ HÀNH THÁNH LỄ HẰNG NGÀY
Ngay từ những tháng ngày đầu
tiên khi Giáo hội vừa mới được khai sinh, Mẹ luôn có mặt
cùng các Tông Đồ để cầu nguyện và cử hành nghi thức Bẻ Bánh
như sách Công vụ Tông Đồ đã ghi nhận. Sự hiện diện của Mẹ
phải là một mẫu gương đáng cho các Linh mục noi theo trong
việc cử hành Thánh lễ.
Thực
vậy, hiện nay một số Linh mục đã không cử hành Thánh lễ
trong những ngày nghỉ của mình. Các Linh mục này
cho rằng trong những ngày nghỉ thì mình cũng giống như một
người giáo dân, chỉ buộc phải tham dự Thánh lễ ngày Chúa
nhật mà thôi.
Quan niệm
trên là không đúng với chủ trương của Hội Thánh, bởi vì Giáo
luật đã qui định :
“Các Linh mục luôn nhớ rằng công
trình cứu chuộc được liên tục thực hiện trong mầu nhiệm Hiến
tế Thánh Thể, nên các ngài phải năng cử hành; hơn nữa, các
ngài được khẩn khoản kêu mời cử hành hằng ngày, việc cử hành
này mặc dầu không thể có các tín
hữu hiện diện, vẫn là hành động của Đức Kitô và
Giáo hội; cử hành như vậy là các Linh mục chu toàn nghĩa vụ
của mìnnh.” (GL 903).
Đức Thánh Cha cũng đã lặp lại
đường lối trên khi viết :
“Vì thế, người ta hiểu được tầm
quan trọng cho đời sống thiêng liêng của Linh mục, cũng như
cho lợi ích của Giáo Hội và thế giới, của việc thực thi lời
khuyên của Công Đồng là cử hành Bí Tích Thánh Thể hằng ngày,
“dù việc cử hành không thể có giáo dân hiện diện , vẫn là
hành động của Chúa Kitô và Giáo Hội.” (GHTTT 31).
3- SỐNG TINH THẦN HY TẾ
Trong suốt cả cuộc đời, Mẹ đã
mang lấy chiều kích hy tế của Bí tích Thánh Thể làm của
mình. Mỗi ngày đối với Mẹ là một chuẩn bị tiến lên đỉnh đồi
Canvê. Mẹ đã sống một thứ “Thánh Thể đã có trước” nào đó, Mẹ
đã “hiệp lễ thiêng liêng” bằng ước muốn và hiến dâng.
“Thánh lễ đã có trước” này sẽ được hoàn tất khi Mẹ đứng dưới
chân cây Thập giá, kết hiệp những đớn đau của mình vào cuộc
khổ nạn của Đức Kitô. (GHTTT 56).
Vì thế, noi gương Mẹ chúng ta
cũng phải chấp nhận những hy sinh gian khổ trong cuộc sống
vì lòng yêu mến Chúa, bởi đó chính là cây Thập giá đời
thường Chúa muốn chúng ta vác lấy để bước theo Ngài.
Đồng thời hãy kết hiệp những hy
sinh gian khổ ấy với hy tế trên bàn thờ mà dâng lên Chúa,
nhờ đó biến cuộc sống chúng ta trở thành một Thánh lễ nối
dài, cũng như trở thành một của lễ đẹp lòng Chúa.
KẾT LUÂN
Nói tới đây, tôi xin mượn lời
khuyên của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II trong Tông thư
“Mane nobiscum Domine”, (Lạy Chúa xin ở lại với chúng con)
, nhắn gửi các Linh mục như một kết luận :
“Các linh mục thân mến, hằng
ngày các con lặp lại lời thánh hiến, làm chứng nhân và người
loan báo phép lạ tình yêu vĩ đại xảy ra ngay trên bàn tay
các con, hãy luôn tự vấn, nhờ hồng ân của Năm đặc biệt này,
để cử hành Thánh Lễ mỗi ngày với niềm hân hoan và sốt sắng
như cử hành Thánh lễ đầu tiên, và các con hãy sẵn lòng dành
nhiều thời giờ cầu nguyện trước nhà tạm.” (LCXOLVCC 30).
GSVN |