Đặc San Giáo Sĩ Việt Nam

 

 

 

ĐỰƠC CHỌN GIỮA LOÀI NGƯỜI
VÀ CHO LOÀI NGƯỜI  (x. Dt, 5.1)

 

GIÁO SĨ:

Xuất phát từ giáo dân, hiện diện vì giáo dân và cậy dựa vào giáo dân

 

ĐỂ CÙNG LÀM VINH DANH THIÊN CHÚA

 

www.conggiaovietnam.net                          giaosivietnam@gmail.com

Đặc San Điện Tử    Giáo Sĩ Việt Nam    Số 20, Chúa Nhật 30.7.2006


MỤC LỤC 

DUYỆT LẠI CÁC MÔN HỌC CỦA GIÁO HỘI                                                             Vatican 2

Người tu sĩ SỐNG ĐỨC KHÓ NGHÈO                                                                              GSVN

SUY TƯ VỀ MẦU NHIỆM NHẬP THỂ                                                + Gm. Phalo Bùi Văn Đọc

TÌNH BƠ  VƠ                                                                                          Lm. Đỗ Vân Lực, OP.

NƯỚC MẮT VÀ NGHỆ THUẬT SỐNG                                                          Lm. Vũ Xuân Hạnh

Hành trang đời sống                                                                          Lm. Nguyễn Ngọc Long

NHỮNG ĐIỀU CẦN THAY ĐỔI                                                    Phó tế JB. Nguyễn Văn Định

Tha thứ để chữa lành...                                 Dịch giả Lm. Micae-Phaolô Trần Minh Huy pss.

Tâm Tình Tòa Soạn Chân Lý                                                              Lm. Ngô Văn Thích, OP.

LỜI CHÚA TRONG CHA                                                                                        Kẻ Lữ Hành

“NGƯỜI CHẾT NỐI LINH THIÊNG VÀO ĐỜI...”                                                     Lm. Lê Quang Uy, DCCT

SỨC KHỎE TINH THẦN                                                                      Bác sĩ Nguyễn Văn Đích


Sắc lệnh về Đào Tạo Linh Mục OPTATAM TOTIUS

 

V. DUYỆT LẠI CÁC MÔN HỌC CỦA GIÁO HỘI.

Trước khi học các môn học riêng của Giáo Hội, các đại chủng sinh phải có một nền giáo dục về nhân bản và khoa học mà các thanh niên trong quốc gia họ phải đạt tới mới có thể theo học các bậc cao đẳng, ngoài ra, họ phải thâu thập một vốn liềng La ngũ để có thể thấu hiểu và sử dụng những nguồn khoa học và tài liệu của Giáo Hội. Việc học ngôn ngữ phụng vụ riêng của từng lễ chế phải được coi là cần thiết, lại phải hết sức cổ động cho chủng sinh học hỏi đầy đủ về các ngôn ngữ dùng trong Thánh Kinh và Thánh Truyền.

Việc duyệt lại các môn học của Giáo Hội trước hết, phẳi nhằm làm cho các môn triết và thần học được phối trí cách thích hợp hơn và cùng chung đường lối góp phần mỗi ngày mở rộng tâm trí chủng sinh đón nhận Mầu Nhiệm Chúa Kitô, một mầu nhiệm liên hệ đến toàn thể lịch sử nhân loại không ngừng ảnh hưỏng trên Giáo Hội, và nhất là không ngừng hoạt động qua chức Linh Mục.

Để các chủng sinh có được cái nhìn ấy, ngay từ bước đầu của cuộc đời tu luyện trước khi học các môn của Giáo Hội, họ phải qua một lớp dự bi kéo dài trong một thời gian thích hợp. Lớp nhập môn này sẽ trình bày Mầu Nhiệm Cứu Rỗi sao cho các chủng sinh nhận thức được ý nghĩa, chương trình và mục đích mục vụ của những môn học của Giáo Hội, đồng thời giúp họ lấy đức tin đặt nền móng và thấm nhuần cả cuộc đời mình, lại làm cho họ vững tâm theo đuổi ơn thiên triệu bằng một tâm hồn hân hoan tự nguyện hiến dâng cuộc đời mình.

Phải dạy các bộ môn triết học thế nào, để trước hết có thể dìu dắt các chủng sinh thâu thập được một kiến thức chắc chắn và có hệ thống về con người, về thế giới và về Thiên Chúa; hãy lấy di sản triết học giá trị ngàn đời làm điểm tựa, đồng thời hãy sử dụng những công trình biên khảo triết học hiện đại, nhất là những chiều hướng triết học đang ảnh hưởng mạnh nhất trong quốc gia mình cũng như những tiến bộ khoa học mới nhất. Được chuẩn bị đầy đủ như thế chủng sinh sẽ hiểu đúng được tâm thức của thời đại để đối thoại được với người đương thời.

Phải dạy môn triết sử sao cho các chủng sinh nắm được các nguyên lý tối hậu của các triết thuyết khác nhau, biết giữ lại những gì được minh chứng là chân thật, có thể khám phá và luận bác các căn nguyên sai lầm.

Trong cách thức giảng dạy, phải kích thích nơi chủng sinh lòng hâm mộ quyết liệt tìm kiếm, kháo sát và minh chứng chân lý, đồng thời cũng nhận chân những giớí hạn của trí óc con người. Phải cẩn thận quan tâm đến mối liên lạc giữa triết học và những vấn đề nhân sinh đích thực cũng như các thắc mắc làm giao động tâm trí chủng sinh, phải gìúp họ nhận ra các môi liên hệ giữa các lý luận triết học và mầu nhiệm cứu rỗì mà họ sẽ khảo sát trong ánh sáng đức tin khi học thần học.

Phải dạy các môn thần học  trong ánh sáng đức tin và dưới sự hướng dẫn của Giáo Hội để các chủng sinh chăm chú múc lấy học thuyết Công Giáo từ nguồn Mạc Khải của Chúa, thấu triệt rồi biến thành lương thực nuôi đời tu đức của họ, lại có thể rao giảng, trình bày cũng như bảo toàn học thuyết ấy trong khi thi hành chức vụ Linh Mục.

Phải đặc biệt chuyên lo dạy Thánh Kinh cho các chủng sinh, vì Thánh Kinh phải như linh hồn của toàn thể khoa thần học; sau phần nhập môn thích hơp, phải cẩn thận khai sáng cho họ phương pháp chú giải, cho họ thấu triệt các đại đề của Mạc Khải, cho họ có hứng thú đọc và suy gẫm Thánh Kinh hằng ngày làm của nuôi dưỡng.

Môn tín lý thần học phải được phân phối theo thứ tự này: trước hết, trình bày chính các chủ đề Thánh Kinh; phải tỏ cho các chủng sinh thấy các Giáo Phụ Đông và Tây Phương, cũng như diễn tiến lịch sử tín lý đã đóng góp gì trong việc trung thành lưu truyền và minh giải từng chân lý Mạc Khải - đồng thời cũng xét đến mối liên lạc của nó với lịch sử Giáo Hội tổng quát - thứ đến, để khai sáng các mầu nhiệm cứu rỗi cách thật đầy đủ, các chủng sinh phải học đào sâu và nhận thức được mối liên hệ giữa các mầu nhiệm đó, nhờ công việc suy tư thánh Tôma phải được kể là bậc Thầy, họ phải học hỏi cho thấy các mầu nhiệm ấy luôn luôn hiện diện và tác động trong các nghi thức Phụng vụ và trong toàn thể đời sống Giáo Hội: họ phải học cho biết cách giải đáp các vấn đề nhân sinh theo ánh sáng Mạc Khải, biết áp dụng những chân lý Mạc Khải vĩnh cửu vào hoàn cảnh đổi thay của những thực tại nhân loại và biết thông truyền các chân lý ấy cho thích hợp với con người thời đại.

Những bộ môn thần học khác cũng phải được canh tân nhờ tiếp xúc linh động hơn với Mầu Nhiệm Chúa Kitô và lịch sử cứu rỗi. Phải đặc biệt chú ý cải thiện môn luân lý thần học, với lối trình bày có khoa học và thấm nhuần giáo lý Thánh Kinh nhiều hơn, sẽ minh giải vẻ cao đẹp của ơn thiên triệu tín hữu trong Chúa Kitô, cũng như nhiệm vụ của họ phải mưu cầu lợi ích cho đời sống thế giới trong đức ái. Cũng vậy, phài trình bày Giáo Luật và dạy Giáo

Sử cho liên lạc với Mầu Nhiệm Giáo Hội, theo Hiện Chế tín lý “về Giáo hội” do Thánh Công Đồng này tuyên bố. Môn Phụng Vụ phải được coi là nguồn mạch thiết yếu số một của tinh thần Kitô giáo đích thực, nên phải được giảng dạy đúng theo tinh thần các khoản 15 và 16 của Hiến Chế về Phụng vụ.

Tùy theo hoàn cảnh từng miền, các chủng sinh phải được hướng dẫn để biết đầy đủ hơn về những Giáo Hội và những Cộng Đoàn Giáo Hội ly khai khỏi Tông Tòa Rôma, để có thể góp phần xúc tiến việc tái lập hiệp nhât giữa toàn thể Kitô hữu theo các chỉ thị của Thánh Công Đồng này.

Hơn nữa, phải mở đường cho họ hiểu biết các Tôn giáo khác hiện đang quảng bá trong mỗi miền, để họ nhận thấy rõ. Hơn những gì tốt lành và chân thật do Thiên Chúa an bài, đang tiềm tàng nơi các Tôn giáo ấy, để họ biết luận bác những sai lầm và để có thể thông truyền ánh sáng chân lý đầy đủ cho những kẻ chưa được đón nhận ánh sáng ấy.

Việc huấn luyện học thuyết không chỉ nhằm thông truyền một số khái niệm, nhưng phải nhằm huấn luyện chủng sinh cách đích thực và sâu xa, vì thế phải duyệt các phương pháp giáo dục về cách giảng dạy, thực tập, thảo luận, cũng như về việc khích lệ chủng sinh làm việc riêng rẽ hay từng nhóm. Phải liệu sao cho toàn thể chương trình huấn luyện được duy nhất và vững chắc; tránh gia tăng quá đáng các môn và giờ học, lại phải loại bỏ những vấn đề không còn quan trọng mấy, hoặc là những vấn đề phải dành cho các bậc cao đẳng sâu rộng hơn.

Các Giám Mục có nhiệm vụ gửi các chủng sinh có tư cách, nhân đức và trí thông minh tới học tại những Học Viện chuyên biệt, tại cac Phân Khoa hay Đại học, để chuẩn bị cho có những Linh Mục được học hành cao hơn và uyên thâm hơn về các khoa học đạo cũng như các khoa học đời xem ra thích hợp, khả dĩ có thể đáp ứng những nhu cầu tông đồ khác nhau; nhưng không bao giờ được xao lãng việc huấn luyện tu đức và mục vụ, nhất là khi họ chưa chịu chức Linh Mục.

VỀ MỤC LỤC

Người tu sĩ SỐNG ĐỨC KHÓ NGHÈO

      

Mỗi khi có dịp gặp gỡ, trong câu chuyện trao đổi, mấy cha dòng thường hay chê các cha triều như sau :

- Các cha cứ việc xây (nhà thờ), rồi sau đó cất (tiền) vào trong tủ. Như thế, xem ra cũng khó…mà nghèo.

Cũng giống như mấy ông cán bộ nhà nước : 

- Có làm thì mới có ăn,

Không dưng ai dễ mang phần đến cho.

Càng làm nhiều, thì lại càng có ăn nhiều, bởi vì mỗi dự án được thực hiện, thì mấy ông cán bộ cũng bỏ vào túi riêng của mình chí  ít là 30%.

Trong khi đó mấy cha triều lại trách các cha dòng như sau :

- Các cha cứ việc khấn cho thật nhiều, còn tụi này ở giữa đời thì phải lo mà giữ. Mặc dù bản thân các cha chẳng có gì cả, nhưng khi cần thì lại có mọi sự. Chẳng hạn các cha không có xe riêng, nhưng đi đâu, nếu cần xe hai bánh thì có xe hai bánh, nếu cần xe bốn bánh thì có xe bốn bánh. Hơn thế nữa, tiền xăng dầu khỏi phải lo vì đã có nhà dòng “bao cấp” mà chi ra. Sống như vậy, thì quả thực cũng “khó…mà nghèo”.

Nhìn vào xã hội, chúng ta thấy vấn đề “đầu tiên” bao giờ cũng vẫn là vấn đề “tiền đâu”. Nỗi ưu tư số một của nhiều người là gì nếu không phải là nỗi ưu tư về “cơm áo gạo tiền”. Tiêu chuẩn để đánh giá sự thành đạt của một người, ngày nay thiên hạ không còn dựa trên nhân đức hay kiến thức…mà lại dựa trên lương bổng người ấy nhận được. Càng kiếm được nhiều tiền thì càng được coi là thành công.

Và tiền bạc đã chi phối mọi lãnh vực, từ bản thân đến gia đình, từ tình cảm cá nhân đến chức tước ngoài xã hội, đúng như thiên hạ đã diễn tả :

- Tiền là tiên là Phật,

Là sức bật của người già,

Là cái đà của danh vọng,

Là cái lọng để che thân,

Là cán cân của công lý.

Thế nhưng, người môn đệ của Đức Kitô, dấn thân vào nếp sống tu trì, không được trôi theo dòng chảy, trái lại phải đi ngược với những trào lưu trên  bằng cách thực thi tinh thần  nghèo khó.

Như vậy, sống khó nghèo phải chăng là sự ngược đời thứ nhất mà người tu sĩ cần phải tuân giữ trong cuộc sống của mình ?

KHÓ NGHÈO THEO CÁI NHÌN CỦA ĐỨC KITÔ

Thực vậy, ai muốn trở nên môn đệ Đức Kitô, cần phải thoát ly của cải trần gian tới một mức nào đó. Bởi vì có những hoàn cảnh đòi buộc chúng ta phải chọn lựa giữa của cải trần gian và lòng trung thành đối với Thiên Chúa. Vì vậy, Chúa Giêsu đã nói :

“Ai trong các con không từ bỏ hết những gì mình có, thì không thể làm môn đệ Ta được.” (Lc 12,33).

Tuy nhiên, những trường hợp đối đầu, đòi chúng ta phải dứt khoát chọn lựa như thế cũng ít khi xảy ra. Bình thường người ta vừa có thể làm môn đệ Đức Kitô, mà vẫn còn giữ cho mình một số những tài sản riêng tư.

Dầu vậy, điều chúng ta cần phải lưu ý đó là không bao giờ được yêu thích của cải trần gian hơn Thiên Chúa và thánh ý của Ngài. Đúng như một câu danh ngôn đã bảo :

- Tiền bạc là một tên đày tớ tốt, nhưng lại là một ông chủ hà khắc.

Quá quyến luyến với của cải trần gian bao giờ cũng là một nỗi hiểm nguy, nhất là đối với những người có nhiều. Thực vậy, càng có nhiều của cải, họ càng tự tìm kiếm những vui thú đủ loại, họ càng tự củng cố thân thế và quyền lực để rồi đè bẹp và làm bá chủ người khác.

Ngoài ra, càng có nhiều của cải, họ càng cảm thấy được bảo đảm an toàn cho bản thân hôm nay cũng như ngày mai. Họ giống như ông phú hộ trong Phúc âm, sau khi đã phá những kho lẫm cũ và xây những kho lẫm mới để chất lúa thóc và tài sản của mình vào đó, thì đã nhủ thầm :

“Hồn ta hỡi, mình bây giờ ê hề của cải, dư xài nhiều năm. Thôi, cứ nghỉ ngơi, cứ ăn uống vui chơi cho đã!”

Nhưng Thiên Chúa bảo ông ta:

“Đồ ngốc! Nội đêm nay, người ta sẽ đòi lại mạng ngươi, thì những gì ngươi sắm sẵn đó sẽ về tay ai?” (Lc 12,19-20)

Chính vì thế, người giàu thường bị cám dỗ mạnh mẽ về sự quá yêu thích và gắn bó với của cải, về những cảm giác an toàn và thỏa mái do của cải đem lại, rồi từ đó quên lãng Thiên Chúa và những lợi ích thiêng liêng. Họ chẳng còn nhớ tới lời cảnh cáo của Chúa :

“Được lời lãi cả thế gian mà mất linh hồn thì nào có ích lợi chi.” (Mt 16,26).

Họ chỉ còn biết cắm đầu chạy theo hạnh phúc phù du mà của cải vật chất đã hứa ban cho họ. Vì thế, chúng ta hiểu được tại sao Chúa Giêsu đã xác quyết :

“Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn kẻ giàu vào Nước Thiên Chúa.” (Mt 10,25-27).

Dĩ nhiên, chúng ta không thể nào hiểu câu nói trên theo nghĩa đen, nhưng qua đó Chúa chỉ muốn nhắc cho chúng ta một sự thật : người giàu khó thắng vượt những trở ngại do tiền bạc gây nên, vì thế họ cũng khó mà kiính mến Thiên Chúa, cũng như khó mà ra sức tích lũy cho mình những tài sản thiêng liêng.

Tuy nhiên, nếu người giàu biết tiếp nhận ơn sủng, thì ơn sủng sẽ trợ giúp để họ được sức mạnh và quyết tâm kính mến Chúa cũng như gắn bó với những của cả trên trời, bởi vì đối với Thiên Chúa không gì là không có thể.

Thực tế cho thấy : người nghèo không bị chóng mặt và hoa mắt trước của cải trần gian như người giàu. Vì không có kinh nghiệm như người giàu về những sự xa hoa, tiện nghi và lạc thú…nên người nghèo dễ thoát ly của cải trần gian hơn.

Và khi đã thoát ly được như vậy, họ sẽ  vui mừng và hạnh phúc. Họ vui mừng và hạnh phúc không phải vì họ nghèo, nhưng vì tâm hồn họ đã không bị của cải trần gian ràng buộc và chi phối, nên dễ mở rộng  để đón nhận tình yêu Thiên Chúa và sản nghiệp Nước Trời.

Vì thế, Chúa Giêsu mới nói :

“Phúc cho những ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ.” (Mt 5,3).

Chúa Giêsu không phải chỉ giảng dạy, mà chính Ngài còn sống và tuân giữ sự nghèo khó ấy. Thực vậy, khi xuống thế làm người, Ngài đã tự chọn sự giàu sang, nhưng đã mang lấy sự khó nghèo làm thân phận cho mình ở trần gian.

Ngài đã không sinh ra ở Nagiarét, nơi Mẹ Maria và thánh Giuse ít ra cũng có được một mái nhà, dù đơn sơ nhỏ bé nhưng tạm đủ với những tiện nghi tối thiểu cho cuộc sống. Tuy nhiên, Ngài đã sinh ra tại Bêlem. Và vì không được một ai tiếp đón, nên Ngài đã phải mở mắt chào đời trong  hang đá, nơi trú chân cho súc vật và nằm ngủ trên máng cỏ giữa giá lạnh mùa đông. Như vậy, Ngài đã bắt đầu cuộc sống trần gian trong một hoàn cảnh cùng cực và trơ trụi.

Ngài lại còn tiếp tục nếp sống khó nghèo như một kẻ lưu lạc nơi đất khách quê người bên Ai cập, như một đứa bé con nhà túng cực ở Nagiarét, như một bác phó mộc phải đổ mồ hôi sôi nước mắt, dùng đôi bàn tay chai cứng của mình để tìm chén cơm manh áo.

Suốt quãng đời công khai, Ngài đã lang thang vất vưởng nay đây mai đó, đến nỗi Ngài đã nói được rằng :

“Con cáo có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người chẳng có lấy một chốn tựa đầu.” (Lc 9,58).

Một vài phụ nữ đạo đức đã “lấy tài sản của mình mà giúp đỡ Ngài.” (Lc 8,3). Như vậy, Ngài đã sống nhờ vào lòng hảo tâm giúp đỡ của người khác.

Sau cùng, Ngài đã chết tủi nhục trên thập giá. Bọn lính đóng đanh Ngài chỉ còn nước “chia nhau mấy tấm áo của Ngài.” (Ga 19,23-24).

Suốt dọc cuộc đời, Ngài chẳng hề  tìm kiếm tài sản trần gian, tâm hồn Ngài hoàn toàn siêu thoát.

Tiền bạc của cải thường là kết quả của những thủ đoạn độc ác và là nguồn sinh ra những bất chính khác (Lc 16,11).

Ngài chỉ nóng cháy một tình yêu mến đối với Cha Ngài và những người Ngài đến cứu chuộc.  Ngài chỉ tiêu hao năng lực để làm vinh danh Chúa Cha và cứu rỗi nhân loại.

Tóm lại, về cuộc đời của Ngài, chúng ta có thể mượn lời diễn tả sau đây của một tác giả đạo đức :

- Ngài đã sinh ra trong nghèo hèn, lớn lên trong nghèo hèn hơn và chết đi trong rất mực  nghèo hèn.

Tấm giường tuyệt vời Con Thiên Chúa nhập thể để lại hẳn đã làm cho những môn đệ nhiệt thành nhất của Ngài phải “tâm phục khẩu phục”, để rồi thúc đẩy họ noi theo trong cuộc sống của mình, bởi vì học trò bắt chước Thầy, môn đệ noi gương sư phụ, âu cũng là chuyện hợp tình và hợp lý.

LỜI MỜI GỌI TỰ NGUYỆN SỐNG KHÓ NGHÈO

“Đức Giê-su vừa lên đường, thì có một người chạy đến, quỳ xuống trước mặt Người và hỏi :

- "Thưa Thầy nhân lành, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp?"

Đức Giê-su đáp :

- "Sao anh nói tôi là nhân lành? Không có ai nhân lành cả, trừ một mình Thiên Chúa. Hẳn anh biết các điều răn: Chớ giết người, chớ ngoại tình, chớ trộm cắp, chớ làm chứng gian, chớ làm hại ai, hãy thờ cha kính mẹ."

 Anh ta nói :

- "Thưa Thầy, tất cả những điều đó, tôi đã tuân giữ từ thuở nhỏ."

Đức Giê-su đưa mắt nhìn anh ta và đem lòng yêu mến. Người bảo anh ta :

- "Anh chỉ thiếu có một điều, là hãy đi bán những gì anh có mà cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi." Nghe lời đó, anh ta sa sầm nét mặt và buồn rầu bỏ đi, vì anh ta có nhiều của cải.” (Mc 10,17-22).

Việc bán hết tài sản, làm phúc bố thí cho người nghèo, tạo nên cho chàng thanh niên cơ hội có được một kho tàng trên trời, nơi đó trộm cướp không thể đe dọa và mối mọt không thể đục khoét. Lúc ấy chàng có thể hướng lòng mình lên với Thiên Chúa và ngước nhìn về quê trời, như lời Chúa đã nói :

“Kho tàng của ngươi ở đâu, thì lòng ngươi cũng ở đó.” (Lc 17,33-34).

Hơn thế nữa, sự siêu thoát này sẽ giúp chàng theo sát Chúa, hiến trọn thân mình cho việc tông đồ cũng như cho việc hoàn thiện bản thân.

Đúng thế, bao lâu chúng ta còn quyến luyến và gắn bó với của cải trần gian, thì bấy lâu chúng ta vẫn chưa thể nào chuyên tâm vào việc tìm kiếm kho tàng thiêng liêng, mở mang Nước Chúa và mưu ích cho các linh hồn.

Bất kỳ ai còn để kho tàng của mình ở dưới đất, bấy kỳ ai còn gắn bó với tài sản mình chắt chiu gầy dựng, bất kỳ ai muốn hưởng thụ một mình hạnh phúc do tiền bạc cung cấp, đều không thể thuộc hẳn về Chúa. Muốn thuộc hẳn về Chúa, chúng ta phải từ bỏ mọi quyến luyến với của cải trần gian, như một tác giả đạo đức đã nói :

- Ai nói rằng mình hoàn toàn dâng hiến cho Chúa, mà còn giữ lại một xó góc con tim, cho dù xó góc ấy rất nhỏ bé, thì đó là dấu chỉ chắc chắn nhất chứng tỏ rằng người ấy chưa dâng cho Chúa một chút gì cả.

Chúa Giêsu mời gọi chàng thanh niên giàu tự nguyện sống nghèo, để được tự do bước theo Ngài và đạt tới đỉnh cao trọn lành mà lòng chàng vốn hằng mong ước.

Ở mọi nơi và trong  mọi lúc, vẫn có rất nhiều người tự thẳm sâu cõi lòng cảm thấy như được thúc giục theo sát bên Chúa, tận hiến đời mình cho Chúa, cũng như để tiến bước trên con đường trọn lành. Lời Chúa nói với chàng thanh niên ngày xưa, cũng như nói với họ hôm nay, là một lời mời gọi. Bởi vì sự tự nguyện nghèo khó là một phương tiện để theo sát  bên Chúa và đạt tới sự hoàn thiện.

ĐỨC KHÓ NGHÈO CỦA NGƯỜI TU SĨ

Lời khấn thứ nhất của người tu sĩ là lời khấn khó nghèo.

Khi khấn khó nghèo, chúng ta khước từ việc chiếm hữu, hay ít ra việc sử dụng và tự do hưởng dùng những tài sản trần gian. Trọng tâm của câu định nghĩa này chính là hành động khước từ, qua đó cho chúng ta thấy được hai khía cạnh : tiêu cực và tích cực.

Trước hết về phương diện tiêu cực :

Những người không theo lời khuyên của Chúa Giêsu, thì dầu có sống một cuộc sống tốt lành đi nữa, họ cũng vẫn còn duy trì quyền hưởng thụ những tài sản vật chất và thường khao khát có được nhiều của cải trần gian. Họ tự do quản lý, sử dụng và sinh lợi tùy theo như ý họ muốn, chỉ cần không vượt quá những giới hạn tự cho phép mà thôi.

Trái lại, bất cứ ai tuyên hứa lời khấn khó nghèo trong một hội dòng, đều có ý tuân giữ lời khuyên bảo của Chúa. Và do đó, khước từ việc chiếm hữu hay ít ra khước từ việc sử dụng và tự do hưởng thụ những tài sản mà họ có, trong hiện tại cũng như trong tương lai.

Đây cũng là điều dễ hiểu. Thực vậy, việc tận hiến của bậc tu trì là một việc hiến dâng hoàn toàn cho Chúa. Toàn thể con người chúng ta phải qui hướng về Ngài, chỉ nhìn ngắm Ngài và dấn thân trọn vẹn để chỉ phụng sự một mình Ngài mà thôi.

Chúng ta sẽ không thể nào thực hiện được lý tưởng đó, bao lâu chúng ta chưa khước từ những hướng chiều về trần gian và quyến luyến trong tiền bạc của mình.

Khi chưa dứt khoát từ bỏ những quyến luyến ấy, chúng ta giống như dân Do Thái, mặc dù đang cất bước trên con đường trở về miền đất hứa dưới sự lãnh đạo của ông Maisen, thế mà cõi lòng họ lại luôn tơ tưởng đến những củ hành củ tỏi của đất nước Ai Cập, để rồi cuối cùng lên tiếng kêu trách Thiên Chúa.

Tiến lên đỉnh trọn lành, chúng ta giống như người leo núi, chỉ được phép mang theo những vật dụng thật cần thiết mà thôi, chứ còn lỉnh kỉnh những nồi niêu xoong chảo và những tiện nghi khác nữa, thì làm sao mà leo lên cho được.

Cũng vậy, muốn hiến trọn thời gian, sức lực và khả năng của mình để phụng sự Thiên Chúa và Nước Ngài, hầu nhờ đó chiếm lấy một tài sản siêu nhiên, chúng ta cần phải dứt bỏ những núi kéo của trần gian, cũng như khước từ việc sử dụng của cải nhằm tìm kiếm cho mình những thoải mái và vui thú…

Tiếp đến về phương diện tích cực :

Chúa Giêsu đã nêu rõ mục đích của việc sống khó nghèo đó là :

       1- Theo sát bên Ngài.

       2- Hoàn thiện bản thân.

       3- Dấn thân trọn vẹn cho lợi ích Nước Thiên Chúa.

Trong sắc lệnh “Perfectae Caritatis” về canh tân và thích nghi đời sống dòng tu, Công Đồng Vaticanô II đã viết như sau :

“Tự nguyện sống khó nghèo để  theo Đức Kitô là một dấu chứng rất được coi trọng, nhất là ngày nay. Vì thế, các tu sĩ hãy miệt mài trau dồi và nếu cần, hãy biểu lộ sự khó nghèo ấy bằng những hình thức mới. Nhờ nhân đức này, họ được san sẻ sự nghèo khó của Đức Kitô, Đấng tuy giàu có, đã trở nên nghèo khó vì chúng ta, để chúng ta được giàu có nhờ sự nghèo khó của Người. (x. 2Cor 8,9. Mt 8,20). (DT 13).

Thực ra, chúng ta có thể theo Đức Kitô và tiến tới sự trọn lành mà vẫn duy trì việc sử dụng và hưởng dùng tài sản của mình. Tuy nhiên, trong những trường hợp đó, chúng ta khó đạt tới mức độ hoàn thiện vì hai lý do sau đây :

       1- Tâm hồn còn quyến luyến của cải trần gian sẽ ngăn cản không cho chúng ta thuộc hẳn về Chúa.

       2- Sự chiếm hữu và quản lý tài sản đòi hỏi chúng ta phải thận trọng, nên dễ xảy ra những lo lắng và bận tâm, để rồi quên lãng Chúa, hay ít nữa là giảm sút trong việc phụng sự Ngài.

Có lần Chúa Giêsu đã xác quyết :

"Không gia nhân nào có thể làm tôi hai chủ, vì hoặc sẽ ghét chủ này mà yêu chủ kia, hoặc sẽ gắn bó với chủ này mà khinh dể chủ nọ. Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa, vừa làm tôi Tiền Của được." (Lc 16,13).

Kinh nghiệm cho thấy : một khi đã có tài sản, dù nhiều hay ít, chúng ta đều gắn bó với nó, bởi vì : Đồng tiền thì liền với khúc ruột.

Ngoài ra, chúng ta còn mong ước và làm mọi cách, kể cả những cách bất công để có được nhiều hơn, bởi vì :

       - Lòng tham của con người thì không có đáy.

       - Đứng núi này trông núi nọ.

       - Được voi đòi tiên…

Người ta dành phần lớn thời gian và khả năng để tìm tiền kiếm bạc, vơ vét về cho thật nhiều, hầu thực hiện điều mình hằng mong ước.

Trong khi đó, để đạt tới mức độ toàn thiện, chúng ta phải siêu thoát với tiền bạc, hoàn toàn tin tưởng và phó thác vào quyền năng và tình thương của Chúa.

Chính trong lúc dứt bỏ mọi níu kéo của tiền bạc, tâm hồn chúng ta sẽ được tự do và hạnh phúc để qui hướng về Chúa, tận hiến cho Ngài và chỉ phụng sự một mình Ngài mà thôi.

Như vậy, việc việc tự nguyện sống nghèo khó là một phương tiện giúp chúng ta đạt tới sự hoàn thiện, cũng như giúp chúng ta dấn thân trọn vẹn cho Thiên Chúa và lợi ích của Nước Trời.

Công đồng Vaticanô đã xác quyết :

“Khó nghèo trong đời tu dòng không chỉ hạn hẹp vào sự lệ thuộc bề trên khi sử dụng của cải, nhưng là phải nghèo khó trong thực tế và trong tinh thần để chỉ lo thu tích một kho tàng trên trời. (x Mt 6,20).

Trong chức vụ riêng của mỗi người, các tu sĩ phải cảm thấy luật làm việc là luật chung cũng ràng buộc họ, và trong lúc nhờ đó mưu cầu những gì cần thiết để sống và hoạt động, họ hãy trút bỏ mọi lo âu quá đáng để cậy trông vào sự Quan phòng của Cha trên trời. (x Mt 6,25).

KẾT LUẬN

Để kết luận, tôi xin kể lại một mẩu chuyện như sau :

Một ông vua nọ sống trong cung điện, ăn những của ngon vật lạ, đầy đủ mọi phương tiện để vui thỏa xác thịt, muốn gì là được ngay…

Tuy nhiên nhà vua vẫn cảm thấy đau khổ và không có hạnh phúc. Tâm hồn nhà vua lúc nào cũng bứt rứt lo lắng. Các vị lương  y khắp nước được triệu tập, nhưng tất cả đều bó tay. Cuối cùng có một  vị lương y xin yết kiến. Sau khi xem xét bệnh tình, vị lương y này tâu  rằng :

- Đức vua sẽ hoàn toàn sung sướng và hạnh phúc nếu đức vua mặc được chiếc áo của người sung sướng và hạnh phúc nhất trên đời.

Lập tức một vị chỉ huy được lệnh đem binh đội đi khắp nước, tìm xem ai là người hạnh phúc nhất để xin chiếc áo về cho nhà vua mặc. Binh lính lục lạo khắp nơi, từ kinh đô náo nhiệt đến những thôn làng hẻo lánh. Nhưng họ đành thất vọng, không thấy một ai được hạnh phúc, từ người giàu có quyền thế, đến kẻ bần cùng khố rách áo ôm.

Các binh lính đành quay về chịu tội với nhà vua. Nhưng trên đường về, họ gặp một chú bé chăn chiên đang ca hát véo von với một giọng đầy vẻ sung sướng, chẳng mảy may một chút lo âu. Vị chỉ huy vô cùng mừng vui vì đã tìm được một người hạnh phúc nhất.

Thế rồi bất chấp phép lịch sự xã giao, đám lính xông vào, tóm cổ chú bé chăn chiên, định…lột áo.

Nhưng khi tới gần, tất cả đều chưng hửng vì chú bé ở trần,  nghèo đến độ chẳng có lấy được một chiếc áo để che thân…nhưng vì có Chúa làm gia nghiệp, nên chú bé lúc nào cũng hạnh phúc và sung sướng.

Câu chuyện trên làm tôi nhớ tới lời Chúa đã phán :

- Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước trời là của họ.” (Mt 5,3).

Lời chúc phúc của Chúa, phải chăng cũng chính là sự ngược đời mà người tu sĩ cần phải thực thi và sống trong suốt cả cuộc đời của mình.

GSVN

VỀ MỤC LỤC

SUY TƯ VỀ MẦU NHIỆM NHẬP THỂ

THEO LƯỢC ĐỒ THẦN HỌC CỦA CHALCÉDOINE

  

MẦU NHIỆM NHẬP THỂ

Chúng ta đã quá quen dùng từ ngữ “nhập thể” để chỉ mầu nhiệm Con Thiên Chúa đồng bản thể với Thiên Chúa, đã làm người và ở giữa loài người chúng ta.

Thực ra từ ngữ “nhập thể” còn nhiều khuyết điểm, chữ “nhập” gợi ra hình ảnh một vị thần linh nhập vào trong một người hay một thực tại nào đó. Đột nhập chứ không đồng hóa, không trở nên, nghĩa là vẫn còn khoảng cách hữu thể. Vả lại “nhập vào” là hành vi có tính cách nhất thời, vì nhập vào rồi sẽ xuất ra. Dù thời gian nhập vào kéo dài bao lâu đi nữa, thời gian ấy vẫn qua đi, và như vậy thì không diễn tả đúng mầu nhiệm Con Thiên Chúa làm người, trở nên một con người cụ thể là Giêsu Nazareth.

Đối với niềm tin của chúng ta, giữa Giêsu Nazareth và Con Thiên Chúa không còn một khoảng cách hữu thể nào nữa: Giêsu Nazareth là Con Thiên Chúa, và Con Thiên Chúa đã trở nên Giêsu Nazareth, Giêsu Nazareth là Con và mãi mãi là Con Thiên Chúa, và từ lúc làm người, Con Thiên Chúa không bao giờ rũ bỏ nhân tính của mình nữa.

Khi chúng ta tuyên xưng một Đức Giêsu Con Một Thiên Chúa, sinh bởi Chúa Cha từ trước muôn đời…Vì chúng ta…đã từ trời xuống thế và đã làm người, chúng ta tuyên xưng hai điều cốt yếu:

* Đức Giêsu là Thiên Chúa thật và là người thật.

* Thiên Chúa thật đã trở thành người thật.

Hiểu được Đức Giêsu Kitô vừa là Thiên Chúa thật vừa là người thật quả là một điều rất khó, là điều mà lý trí không làm nổi. Bởi lẽ Thiên Chúa thường được quan niệm là Đấng Tuyệt Đối, Vô Hạn, là Đấng trường sinh bất tử. Còn con người là tương đối, hữu hạn, là hữu thể thời gian, là vong nhân phải chết.

Khó khăn càng lớn vì ảnh hưởng của khoa siêu hình học Hy Lạp, khoa Thượng Đế học kinh viện, nhấn mạnh sự đồng nhất và bất biến nơi Thiên Chúa hay Thượng Đế. Thượng Đế không thể nào thay đổi, vì thay đổi là bất toàn.

Nhận định trên của các nhà thần học hiện đại nói chung là đúng, nhưng không giải quyết được vấn đề, vì khó khăn nội tại trong chính mầu nhiệm, trí tuệ con người không tài nào suy thấu: Thiên Chúa là tạo hóa, con người là thụ tạo. Thiên Chúa làm người có nghĩa là Tạo Hóa trở nên thụ tạo. Lời tựa Tin Mừng Gioan khẳng định “Ngôi Lời là Thiên Chúa”. Nhờ Người mà mọi sự được tạo thành và không có Người thì không có gì được tạo thành (Ga1,3). Và cũng theo Tin Mừng Gioan “Ngôi Lời đã trở thành xác phàm và ở giữa chúng ta” (Ga1,14), xác phàm là thụ tạo được Kinh Thánh ví như cỏ rả, một cơn gió thoảng đủ làm nó biến đi, nơi nó mọc không còn lại di tích.

Một chủ vị vừa là Tạo Hóa vừa là thụ tạo. Vừa là Đấng dựng nên vừa là người được dựng nên, là điều không thể hiểu đối với lý trí loài người chúng ta. Chính vì thế mà giáo phụ Tertullien đã thốt ra những lời táo bạo: “Tôi tin vì không thể tin được”.

Chính Đức Giêsu cũng đã thấy rõ khó khăn này nên Người vẫn thường xuyên tuyên bố: “Phúc cho những ai không vấp phạm vì Ta”, và khi muốn nhấn mạnh đòi hỏi đức tin, Người khẳng định: “Không có điều gì là không thể được đối với Thiên Chúa”, và khẳng định này là khẳng định hợp lý. Nếu tin Thiên Chúa là Thiên Chúa, thì không thể nghĩ rằng điều này hay điều kia không ở trong tầm tay của Người.

Khẳng định hợp lý này của Đức Giêsu  làm cho điều phi lý trở nên có lý, và điều nghịch lý ở đây không còn là nghịch lý nữa, mà trở thành điều nghịch thường: cứ sự thường không thể có như vậy, chưa từng có và không bao giờ có như thế. Đó là huyền nhiệm, điều mắt không hề thấy, tai không hề nghe, điều giấu kín từ muôn thuở nơi Thiên Chúa nay tỏ hiện. Kế hoạch hay chương trình không thể thực hiện được đối với con người, thì nay đã được Thiên Chúa thể hiện và hoàn tất nơi Đức Giêsu Kitô.

Việc Con Thiên Chúa và cũng là Thiên Chúa trở thành  xác phàm, làm một người cụ thể là điều có lý lẽ của nó. Theo toàn bộ Tân Ước, lý lẽ duy nhất đó là: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi ban Con Một Mình cho thế gian được sống” (Ga3,16). “Thiên Chúa yêu chúng ta đến nỗi phó nộp Con của Người cho chúng ta, thì Người không còn tiếc với chúng ta điều gì” (Rm 8,32).

Tình yêu là lý lẽ vượt trên muôn ngàn lý lẽ, là lý lẽ siêu lý lẽ. Như Pascal đã nói: “Tình yêu có những lý lẽ mà lý trí không có”. Trong lịch sử thần học đã có những cố gắng như thánh Anselmô giải thích lý do tại sao Thiên Chúa làm người. Nhưng những giải thích này vẫn khô khan vì là những giải thích thuần lý luận của con người, và hơn thế nữa mang nặng tính pháp lý.

Ngày nay, nếu có dùng trí tuệ để tìm hiểu thì cũng là để truy tầm cho đến tận cùng cái lý lẽ của “Tình yêu”. Thế nhưng, ai yêu thì kẻ đó mới có thể giải thích đúng nhất về tình yêu và con đường của tình yêu. Chính vì thế mà, nói theo kiểu  Hàn Mặc Tử: “Hãy để cho Trời giải nghĩa yêu, để cho mạc khải giải thích mạc khải”.

Mạc khải giải thích  bằng lời mời gọi: Hãy nhìn vào con người Giêsu để khám phá ra Thiên Chúa! Đừng có những tiền quan niệm về Thiên Chúa, đừng có định kiến về sự toàn năng, toàn tri và vô hạn của Thiên Chúa. Đừng định nghĩa Thiên Chúa  không như người tự giới thiệu. Thiên Chúa là Tình Yêu, và tình yêu không định nghĩa được, và tình yêu thường làm những chuyện bất ngờ.Tình yêu càng vĩ đại thì bất ngờ càng lớn lao. Tình yêu vô cùng thì bất ngờ cũng vô hạn. Dĩ nhiên đó là sự bất ngờ lý thú, bất ngờ mang đến niềm vui và hạnh phúc. Bất ngờ cho những kẻ được yêu, nhưng không bất ngờ đối với người yêu. Tình yêu có kế hoạch của tình yêu. Con Thiên Chúa là kế hoạch cứu độ của tình yêu Ba Ngôi.

Theo kế hoạch này, Chúa Con làm người  chứ không phải Chúa Cha hay Chúa Thánh Thần. Có người cho rằng: vì Chúa Con là Ngôi Lời, và nhân loại cần Ngôi Lời đến với họ để mạc khải cho họ biết Thiên Chúa. Điều này rất đúng, nhưng chúng ta chỉ có thể trả lời như vậy sau khi đã tin Đức Giêsu là Ngôi Lời xuống thế gian với sứ mạng mạc khải tình yêu của Chúa Cha, và như thế là đã để cho mạc khải giải thích mạc khải. Dựa trên điều mạc khải này, ngày nay chúng ta có thể suy tư rất nhiều để biểu lộ lòng yêu mến Thiên Chúa hết tâm hồn, hết sức lực, hết trí khôn. 

A. Tại sao Ngôi Lời đã làm người?

Vì Lời của Thiên Chúa là Lời yêu thương ngỏ với con người, mà lời yêu thương thì phải là lời hiểu được, nghe được, thấy được, sờ được, và cảm nghiệm đươc. Lời yêu thương ấy đã đi đến tận cùng  vai trò ngỏ  lời của mình. Vì yêu thương, Lời của Thiên Chúa đã trở thành lời của con người, mà Lời của Thiên Chúa là một chủ vị được thần học gọi là Ngôi Lời, nên khi đi vào thế giới con người, Lời đã trở thành một nhân vị.

B. Làm sao mà chủ vị thần linh trở nên chủ vị nhân linh?

Chúng ta cũng trả lời bằng mạc khải: do tác động của Chúa Thánh Thần trên con người Đức Trinh Nữ Maria. Không phải là Chúa Thánh Thần làm người hay đầu thai trong lòng Đức Mẹ, nhưng là Ngôi Lời đã đầu thai trong lòng Đức Mẹ  bởi quyền năng Chúa Thánh Thần (Lc 1,35). Sự hình thành của con trẻ Giêsu, vừa là người vừa là Thiên Chúa, nhịp cầu, gạch nối giữa đất với trời, sự hòa hợp trọn vẹn  giữa trời và đất, giữa tạo hóa  và thụ tạo, là công trình của Chúa Thánh Thần, là tác phẩm của tình yêu Thần Linh. Sức mạnh tình yêu của Thiên Chúa có tác dụng kỳ   diệu và lạ lùng: Đức Giêsu sinh ra từ hôn lễ giữa hai tình yêu: Tình yêu thần linh của Thiên Chúa và tình yêu nhân linh của Đức Mẹ. Điều này càng sáng tỏ hơn nếu được đặt trong khung cảnh “quan hệ phu thê” giữa Thiên Chúa với Dân Người trong Cựu Ước. Thiên Chúa mến yêu Dân Người lắm, tình yêu nồng cháy này đã được diễn tả bằng tình yêu nam nữ trong sách Diệu Ca. Hoa quả của tình yêu đó là Đức Giêsu Kitô, “Đấng vừa là con của Thiên Chúa vừa là con của Dân Người. Giêsu Kitô sinh từ dòng giống Đavít theo xác phàm, là Con Thiên Chúa quyền năng theo Thánh Khí” (Rm 1,3-4).

Nói theo kiểu Phaolô, nói Đức Giêsu có cả xác phàm, có cả Thần Khí; có nguyên vẹn xác phàm, có trọn vẹn Thần Khí, mà có Thần Khí trọn vẹn là có thần tính trọn vẹn. Trong thư Côlôsê, Phaolô đã quả quyết: “Sự viên mãn của thần tính đậu lại trên Ngài” (Cl 1,19).

Nói theo kiểu tín lý của công đồng Chalcédoine (451), nơi Đức Giêsu Kitô có nhân tính trọn vẹn và trọn vẹn thần tính. Công đồng Chalcédoine còn thêm bốn trạng từ cần ghi nhận để hiểu đúng mầu nhiệm Con Thiên Chúa làm người theo mạc khải: “Chỉ có một Đức Giêsu Kitô duy nhất, một con người duy nhất trong hai bản tính không lẫn lộn, không phân chia, không thay đổi, không tách rời”.

1. Không lẫn lộn

Thần tính là thần tính, nhân tính là nhân tính. Không thể có thần tính pha nhân tính, nhân tính pha thần tính. Đức Giêsu Kitô - Thần - Nhân, không phải là nửa người nửa Chúa, Chúa không ra Chúa, người không ra người, mà là Thiên Chúa thật và là người thật. Đức Giêsu Kitô là Thiên Chúa trọn vẹn như Thiên Chúa Cha và cùng với Thiên Chúa Cha; là con người thực sự như chúng ta và cùng với chúng ta. Bất cứ một sự pha trộn nào cũng đều làm hỏng cả thần tính lẫn nhân tính. Vả lại tình yêu không bao giờ chấp nhận pha trộn, vì pha trộn sẽ làm hỏng bản chất của tình yêu.Tình yêu thường đồng hóa mà không bao giờ  lẫn lộn.

2. Không phân chia

Tình yêu làm cho nên một hai thực thể hoàn toàn khác biệt, khác biệt mà vẫn là một, là một mà vẫn khác biệt. Đó là ý nghĩa của từ ngữ “không phân chia”. Chúng ta không thể chủ trương có hai người con như lạc giáo Nestorio: Con của Thiên Chúa và con Đức Maria, Đức Giêsu Kitô không là một chủ vị kép, gồm chủ vị thần linh  và chủ vị nhân linh cộng lại.

3. Không thay đổi

Trong mầu nhiệm làm người, Con Thiên Chúa không trở thành một chủ vị khác. Ngôi Lời đã trở nên xác phàm, trở nên một con người cụ thể là Giêsu Nazareth, nhưng không trở thành một chủ vị khác.

Không thể ứng dụng cho Đức Giêsu Kitô kiểu nói của triết gia Fichte: “Tôi đã trở thành không phải tôi”. Vẫn một ngôi vị là Ngôi Hai Thiên Chúa mà vẫn một chủ vị con người Giêsu Nazareth, chủ vị thực sự thì khai mở chứ không khai trừ: Ngôi Lời không khai trừ chủ vị con người Giêsu Nazareth, nhưng “khai mở”, “đảm nhận” chủ vị con người Giêsu Nazareth, đảm nhận có nghĩa là để cho chủ vị ấy nguyên vẹn, đồng thời vẫn là một với mình.

Chúng ta không thể chấp nhập quan niệm  ngôi vị thần linh nhập vào bản tính con người  và biến đổi bản tính ấy như lửa biến đổi thanh củi thành lửa.

Lạc giáo “nhất tính thuyết” chủ trương nhân tính của Đức Giêsu bị mất hút trong thần tính và như vậy Đức Giêsu không còn thực sự là người nữa.

4. Không tách rời

Đảm nhận không chỉ là tiếp đón, vì tiếp đón thì còn có ngày giã biệt. Chúng ta không thể quan niệm là Con Thiên Chúa  đã đến cư ngụ nơi con người Giêsu Nazareth trong thời gian 30 năm ở đất Palestine để rồi  khi hết đời Giêsu Nazareth, Con Thiên Chúa lại rời bỏ kiếp sống trần gian để trở về Thiên Quốc. Trái lại, dựa trên mạc khải và tín điều, chúng ta phải khẳng định: từ lúc Con Thiên Chúa làm người, không còn có thể tách rời con người Giêsu với Ngôi Hai Thiên Chúa nữa. Mãi mãi Ngôi Hai Thiên Chúa là Giêsu Nazareth, và mãi mãi Giêsu Nazareth là Ngôi Hai Thiên Chúa. Đó là ý nghĩa trạng từ “không thể tách rời” của tín lý công đồng Chalcédoine. Chúng ta không thể chấp nhận một thái độ giả vờ của Con Thiên Chúa như “Aûo thân thuyết” (Docétisme) của phái ngộ đạo.

Khi suy nghĩ thật kỹ về tín điều công đồng Chalcédoine, chúng ta nhận rằng Công Đồng đã thành công trong việc diễn tả mầu nhiệm Con Thiên Chúa làm người trên bình diện “tĩnh”. Công Đồng đã cho thấy rõ Đức Giêsu là Thiên Chúa thật và là người thật như trong Kinh Tin Kính và trong mạc khải Kinh Thánh. Nhưng Công Đồng đã không làm rõ nét phương diện “động” của mầu nhiệm Nhập Thể.

Tin Mừng Gioan đã dùng động từ “trở nên”  để diễn tả mầu nhiệm Nhập Thể. Ngôi Lời đã thành xác phàm: Con Thiên Chúa làm người, một số thần học gia đề nghị dùng chữ “nhân thành” thay mầu nhiệm nhập thể. Chúng ta nên dùng từ ngữ đơn sơ nhất là “làm người”. Chữ “làm người” bao hàm một số tiến trình một sắc thái động, một cuộc sống cụ thể, đồng thời cũng là một lý tưởng, một ơn gọi. Chữ “làm người”: còn cho thấy sự dấn thân trọn vẹn của Con Thiên Chúa, dấn thân đến mức cuối cùng của kiếp sống con người là phải đau khổ và chết. Khi suy gẫm về ý nghĩa cuộc khổ nạn của Đức Giêsu, có giáo phụ đã thốt lên: “Một trong Ba Ngôi đã chịu khổ hình”.

Nếu dừng lại ở các phạm trù của khoa Thượng Đế học kinh viện, hay khoa siêu hình học Hy Lạp, chúng ta sẽ không hiểu được điều các giáo phụ nói. Theo quan niệm Hy Lạp, thần linh bao giờ cũng bất biến, bất diệt, bất tử. Vậy làm sao trong Ba Ngôi có thể chịu khổ hình? Theo khoa Thượng Đế học cổ điển, phải phủ nhận sự đau khổ của Thượng Đế, nhưng đó không phải là quan điểm của Kinh Thánh. Nhờ Kinh Thánh, chúng ta hiểu được sự đau khổ vì tình yêu của Thiên Chúa. Chủ đề "đau khổ của Thiên Chúa" là một chủ đề hiện đại trong khoa thần học tín lý. Chúng ta phải trở lại với câu nói thời danh của Pascal: “Thiên Chúa của Abraham, Isaac và Giacop không phải là Thiên Chúa của các triết gia". Thiên Chúa của chúng ta là Thiên Chúa bao dung, huệ ái, đầy lòng nhân nghĩa tín thành, là Đấng giàu lòng thương xót. Lòng thương xót đã mang lại biết bao nhiêu đau khổ cho Thiên Chúa, và lòng thương xót của Thiên Chúa cuối cùng đươcï biểu lộ trọn vẹn nơi một con người chịu đóng đinh.

Theo Tin Mừng Gioan, cái chết của Đức Giêsu là cao điểm củ tình yêu Nhập Thể: “Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của kẻ thí mạng sống vì bạn hữu" (Ga15,13). Tình yêu của Thiên Chúa đã trở thành tình yêu của con người. Vì yêu thương, Con Thiên Chúa đã phải học làm người. Nơi mầu nhiệm làm người của Con Thiên Chúa, chúng ta có thể chiêm ngưỡng vinh quang của Thiên Chúa ẩn mình trong xác phàm. Thực tại lớn nhất trở thành thực tại mỏng giòn. Hay nói theo kiểu của một số giáo phụ: "Vĩnh cửu trở thành thời gian, vô hạn trở thành hữu hạn, vô hình trở thành hữu hình, Đấng bất tử trở thành khả tử, cái lớn nhất trở nên nhỏ nhất để cho cái nhỏ nhất trở nên lớn nhất". Đó là con đường của tình yêu cứu độ. Thần linh đã trở thành con người để con người trở nên thần linh. Tiến trình này thể hiện tiên vàn nơi con người Đức Giêsu Kitô, để rồi từ đó trở nên con đường cho bất cứ ai muốn có sự sống thần linh. Nơi Đức Giêsu Kitô, con người và Thiên Chúa không đối lập nhau, trái lại càng là người bao nhiêu thì càng là Thiên Chúa bấy nhiêu. Là người tối đa biểu lộ tư cách là Thiên Chúa tối đa. Là Thiên Chúa tối đa trong mầu nhiệm nhân thành là làm người tối đa. Đức Giêsu Kitô là sự thật về Thiên Chúa và về con người. Vì Ngài là người thật và là Thiên Chúa thật. Vậy có người hỏi Thiên Chúa là ai, chúng ta chỉ vào Đức Giêsu Kitô. Đồng thời khi có người hỏi con người là ai, chúng ta cũng chỉ vào Đức Giêsu Kitô.

Mầu nhiệm con Thiên Chúa làm người là "sự biến thành", nếu chúng ta nhìn về phía Thiên Chúa và rồi hướng về phía con người, hay nói cách khác, chúng ta theo  một "Kitô-học từ trên". Nếu nhìn từ hai phía cùng một lúc, chúng ta có một sự  "gặp gỡ" . Một sự gặp gỡ kỳ diệu giữa Thiên Chúa và con người, thắm thiết đến nỗi là một thực tại duy nhất nơi Đức Giêsu Kitô. Kết hợp hai cách nhìn, chúng ta có mầu nhiệm Ngôi Hiệp: Thần tính và nhân tính kết hiệp với nhau trong cùng một ngôi vị Con Thiên Chúa: Đức Giêsu Kitô là Con Thiên Chúa Cha bất tử và con loài người khả tử.

Cả hai quan niệm tĩnh và động về mầu nhiệm Nhập Thể đều cần thiết để giữ thế quân bình trong Kitô học, không cho phép suy tư thần học đi trật hướng tín điều và mạc khải. Quan niệm tĩnh gìn giữ cho nội dung đức tin được rõ ràng, phân minh để mỗi người chúng ta có thể nói: "Tôi biết tôi tin vào ai". Nhưng quan điểm động cần thiết để tránh một cái nhìn đóng khung về mầu nhiệm làm mất đi sự sống động và cụ thể trong hành trình yêu thương của Thiên Chúa xuyên qua lịch sử cứu độ.

Mạc khải Kinh Thánh nhấn mạnh tối đa nhân tính của Đức Giêsu. Thậm chí còn bảo vệ nhân tính ấy bằng mọi giá. Các thư Gioan vạch mặt chỉ tên hạng người "phản Kitô", đó là những người không tuyên xưng Đức Giêsu Kitô đến trong xác thịt (1Ga 4,2-3; 2Ga 1,7). Các giáo phụ ngay từ những thế kỷ đầu cũng đã mạnh mẽ lên án những người chối nhân tính đích thực của Đức Giêsu Kitô như các lạc giáo ngộ đạo. Huấn quyền trong giáo hội đã quyết liệt bênh vực nhân tính của Đức Giêsu Kitô trong các Công Đồng Chalcédoine và Constantinople III (680-681) chống lại các lạc giáo "nhất tính thuyết" và "nhất ý thuyết".

Tại sao thế?

Đó là một bài học lịch sử có ý nghĩa thần học sâu xa: phủ nhận nhân tính của Đức Giêsu Kitô là phủ nhận chương trình cứu độ của Thiên Chúa trong Đức Giêsu Kitô, phủ nhận tình yêu tuyệt vời của Thiên Chúa. Đa số các giáo phụ đều suy tư dựa trên một nguyên tắc cứu chuộc vững chắc: Điều gì không được đảm nhận thì không được cứu độ. Nếu Đức Kitô không đảm nhận nhân tính cách trọn vẹn, thì tất cả những gì thuộc lãnh vực nhân loại  không được Thiên Chúa tiếp nhận và đưa vào quỹ đạo tình yêu cứu độ của Người. Điều đó hoàn toàn đi ngược với kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa, trái với tình yêu bao la của Người. Vì yêu thương là đảm nhận trọn vẹn chứ không là hủy bỏ, trái lại, khi nhân tính được Thiên Chúa đảm nhận trọn vẹn nơi Đức Giêsu Kitô đến nỗi làm một với Ngôi Lời, mãi mãi gắn liền với Ngôi Lời, thì toàn thể nhân loại với tất cả giá trị nhân sinh đều được đảm nhận trong nhân tính của Đức Giêsu Kitô. Nơi Đức Giêsu Kitô, Thiên Chúa say mê con người va thế giới; lịch sử loài người cũng được Thiên Chúa đảm nhận nơi sử tính của con người Giêsu. Lịch sử nhân loại không còn xa lạ đối với Thiên Chúa, nhưng rất gần gũi. Thiên Chúa thiết tha với lịch sử, Người muốn dùng lịch sử như môi trường cứu độ.

Khi dùng lịch sử, Thiên Chúa vẫn tôn trọng tự do của con người. Vì tự do là thành phần cốt yếu cấu tạo nên lịch sử. Ở đây chúng ta bước sang khía cạnh thứ hai của tình yêu Thiên Chúa dành cho nhân loại: yêu thương là kính trọng. Thiên Chúa đã dựng nên con người giống hình ảnh của Người, hình ảnh ấy bị hoen ố bởi tội lỗi, nhưng vẫn còn là hình ảnh, con người có tự do, có trí tuệ, có tình yêu như Thiên Chúa. Thiên Chúa muốn sửa chữa hình ảnh ấy, muốn tái tạo, làm cho hình ảnh ấy đẹp hơn lên và trở nên viên mãn. Thiên Chúa muốn cho chúng ta làm người một cách viên mãn. Tình yêu vô biên của Thiên Chúa không hủy hoại "bản chất người" của con người trong Đức Giêsu Kitô, tình yêu thần linh muốn biểu lộ qua tình yêu con người chứ không muốn mất tình yêu ấy. Thần tính không làm tiêu tan nhân tính nơi Đức Giêsu Kitô.

Theo một số nhà thần học hiện đại, mầu nhiệm Nhập Thể  của Đức Giêsu Kitô còn xác nhận sự độc lập của lãnh vực trần thế. Trần thế xét là một lãnh vực độc lập có những quy luật riêng, có giá trị lớn trước mặt Thiên Chúa. Những nỗ lực xây dựng trần thế, làm chủ vũ trụ và thiên nhiên, làm đẹp xã hội loài người chẳng những không ra ngoài mà còn nằm trong logic của mầu nhiệm Nhập Thể.

 + Gm. Phaolo Bùi Văn Đoc

VỀ MỤC LỤC
TÌNH BƠ  VƠ

Phúc Âm Nhật Ký Ngày 23.07.2006

TÌNH BƠ  VƠ

Mc 6:30-34

Chúa nhật vừa qua, thay cha xứ, tôi chủ tọa phiên họp Hội đồng Mục vụ.  Anh trưởng ban sinh hoạt giới trẻ trình bày rất hấp dẫn về kế hoạch sinh hoạt và quy tụ bạn trẻ trong giáo xứ.  Mọi người say sưa lắng nghe.  Tôi lên tiếng : “Xin các bạn lưu ý một thực tế : khi sinh hoạt giới trẻ, nhiều người cho rằng truyền thụ đức tin cho giới trẻ là điều quan trọng duy nhất.  Nếu giới trẻ chỉ hiểu giáo lý bằng tiếng Anh, chúng ta sẽ thất bại, nếu dạy bằng tiếng Việt.”  Anh trưởng ban phản pháo : “Từ nãy đến giờ con có nói gì về tiếng Anh hay tiếng Việt gì đâu.  Con chỉ muốn tìm mọi cách đáp ứng nhu cầu của giới trẻ thôi.”  Tôi đáp lại: “Ðúng vậy !  Nhưng khi hướng dẫn giới trẻ, nếu chỉ tìm mọi cách đáp ứng nhu cầu giới trẻ, mà không nêu lên được đường hướng, tôi sợ giới trẻ không biết đi về đâu.  Không phải vô tình Giáo hội Hoa kỳ chấp nhận cho thành lập giáo xứ Việt nam trên đất Mỹ.  Không thể coi nhẹ yếu tố văn hóa dân tộc trong việc duy trì và bảo vệ đức tin.  Trong tình thế hiện nay, tôi không kỳ vọng dạy giáo lý bằng tiếng Việt một trăm phần trăm.  Nhưng nếu nói tiếng Mỹ một trăm phần trăm như hiện nay cũng không ổn.  Nếu không sáng suốt, chúng ta có thể đi xa ý hướng ban đầu, đánh mất căn tính giáo xứ Việt Nam và tạo nên hai lớp giáo dân không thể nói truyện và làm việc được với nhau. ”

Lãnh đạo không phải là chạy theo thị hiếu quần chúng.  Không phải vì “chạnh lòng thương,” (Mc 6:34) mà Chúa mù quáng đến nỗi không còn phân biệt những nhu cầu muôn mặt của họ.  Cần một hướng sống chứ không cần tìm thỏa mãn những nhu cầu tầm thường.  Nhưng làm sao có thể tìm được một đường hướng tốt đẹp, nếu không “lánh riêng ra một nơi hoang vắng” (Mc 6:31.32) ?  Rút vào nơi hoang vắng không phải để khoe khoang thành tích (bệnh thành tích đã thịnh hành rất sớm và kết thúc rất trễ nơi các tông đồ !).  Như mọi người, các môn đệ cũng có những nhu cầu tự nhiên như “nghỉ ngơi” hay “ăn uống.” (x. Mc 6:31)    Nhưng khác mọi người, họ cần rút  vào nơi hoang vắng,  để múc lấy sức mạnh và ánh sáng từ Chúa Cha.   Sở dĩ Chúa Giêsu và các tông đồ hấp dẫn quần chúng (x. Mc 6:33.34) và thành công quá mức (x. Mc 6:30), vì các ngài đã biết tìm đến nơi vắng vẻ để tăng cường nội lực. 

Ðó là thời gian “dưỡng quân” vô cùng cần thiết.cho công cuộc cứu độ muôn dân.  Nếu không có thời khắc quý báu này, làm sao các môn đệ có thể học biết tại sao “Ðức Giêsu thấy một đám người rất đông thì chạnh lòng thương.” (Mc 6:34)   Dần dần con mắt môn đệ mới bừng sáng trước nguyên nhân sâu xa của lượng hải hà đó : “Vì họ như bầy chiên không người chăn dắt”  (Mc 6:34) !   Qua lịch sử đau thương của dân tộc, Chúa cho các môn đệ thấy rõ chính “những mục tử làm cho đoàn chiên Ta chăn dắt phải thất lạc và tan tác.” (Gr 23:1)   Họ cắm đầu vào lợi lộc vật chất.  Họ lo vắt hết sữa và xả thịt chiên.  Tự bản chất, họ là phường trộm cướp suốt ngày tìm mưu tính kế sát hại đoàn chiên (x. Ga 10:1.8.10).  Họ là những hạng lãnh đạo mất tinh thần.  Vô phương hướng.  Vô tổ chức.  Bè phái.  Kiêu căng.   Hợm hĩnh.  Bởi thế, đoàn chiên mới lạc lõng bơ vơ.  Trước tình cảnh , làm sao Chúa không chạnh lòng thương cho được chứ ?!

Nhưng nếu vì quá yêu thương, Chúa Giêsu và các tông đồ lăn xả vào đám đông, còn đâu thời giờ Chúa huấn luyện họ thành “các mục tử để lãnh đạo” ( Gr 23:4) đoàn chiên theo đúng “kế hoạch yêu thương” (Ep 1:9) của Thiên Chúa ?   “Kế hoạch yêu thương” này dần dần được mạc khải qua những nét vĩ đại của tình yêu khi thấy Thày “chạnh lòng thương” dân chúng.   Như vậy, “nơi thanh vắng” người môn đệ đón nhận cả chân lý lẫn tình yêu để có đủ khả năng “dạy dỗ họ nhiều điều” (Mc 6:34) về Nước Thiên Chúa.   Vào “nơi hoang vắng” không phải để xa rời quần chúng, nhưng để thấy rõ những vấn đề của họ và biết cách diễn tả tình yêu đối với họ.  Nhờ thế, người môn đệ mới có thể “quy tụ muôn loài trong trời đất dưới quyền một thủ lãnh là Ðức Kitô.” (Ep 1:10)   Mục đích cuối cùng là làm cho nhân loại  “hòa giải với Thiên Chúa trong một thân thể duy nhất” và “liên kết trong một Thần Khí duy nhất mà đến cùng Chúa Cha.” (Ep 2:16.18) 

Một phương hướng cao sâu như thế, thử hỏi vào “nơi thanh vắng” tới bao giờ mới có thể quán triệt được ?   Xét lại, tôi thấy mình đã dành thời giờ quá ít trong “nơi thanh vắng” để suy tư, cầu nguyện.  Lúc nào tôi cũng bận bịu với đám đông.  Cuối tuần, tôi lo chạy hết đám tiệc này đến bữa nhậu kia.  Trong tuần, tôi xoay sở với đủ mọi thứ giấy tờ và điện thư.  Suốt ngày “cắt gián” đủ mọi thứ kinh kệ, thông cáo, tin tức v.v.  Tôi quay cuồng trong mục vụ ở Mỹ.  Làm gì còn thời giờ đọc sách !  Năm này sang tháng khác, chỉ cần một cuốn sách soạn bài giảng đủ chuẩn bị món ăn tinh thần nuôi dưỡng đoàn chiên.  Ai cũng sợ vì tôi là người chỉ đọc một sách !   Không ngờ có “con chiên” dám phê bình bài giảng tôi thiếu chất lượng, vì không dành thời giờ soạn bài.  Tôi có dư lý lẽ biện bác.  Không cần suy nghĩ, tôi “gân cổ” cãi ngay : “Mỗi người giảng một cách.  Không nên lấy khuôn mẫu của người khác mà quàng lên đầu lên cổ tôi, bắt tôi phải theo.”  Thực tế, tôi không trầm lắng đủ để thấy rõ vấn đề.  Thay vì hướng dẫn đoàn chiên theo Mục tử nhân lành, tôi lại bị chính họ lèo lái theo những xu hướng và nhu cầu thời đại. Hoàn toàn bế tắc.  Làm sao tìm được lối thoát bây giờ ?! 

Ðầu óc tôi hoàn toàn trống rỗng.  Tài năng chỉ có hạn.  Nhưng mắc bệnh “thành tích” trầm trọng, nên tôi hay thích phóng đại mọi “công trình” của mình .  Gặp đám đông bao giờ tôi cũng thích khoe khoang mọi việc tôi đã làm “cho Chúa.”  Ðám đông càng lớn càng có dịp mọi người  biết đến tôi.  Tội gì không chụp ngay cơ hội vô cùng hiếm có và quý giá đó !   Nếu không, đợi tới lúc nào mọi người mới biết đến tôi ?!

Trước cơn gào thét của đoàn chiên, tôi không hề rung động. Con tim thành chai đá trước những khổ thống của đoàn chiên.  Cuối cùng là tình bơ vơ.  Tôi không thể hiểu tại sao “Ðức Giêsu chạnh lòng thương đám đông” tầm thường như vậy.  Dù có dư phương tiện, tôi vẫn không bao giờ mở rộng bàn tay.  Cứ cho mãi, tôi lấy gì trang trải cuộc sống ?  Tôi đang lo tích trữ tiền của cho những năm tháng hưu dưỡng của tôi đây.  Tôi không lo thì ai sẽ lo cho tôi bây giờ ? Không những không cho người nghèo, tôi còn tìm mọi cách ngăn cản người khác làm việc bác ái.  Trên tòa giảng, trang web hay báo chí, tôi vạch ra những lý do mạnh mẽ cho mọi người thấy làm việc bác ái mãi sẽ cạn kiệt và mỏi mệt.  Không ngờ có nhiều người đồng ý với tôi.  Thế là từ nay,  ai lăm le vác giỏ sang xin Mỹ xin xỏ cũng phải dè chừng tôi.  Sống chết mặc bay !  Không cần “chạnh lòng thương” ai cả !  Từ nay, tuyệt đối “an toàn trên xa lộ,” tôi phóng thẳng một mạch tới Thiên đàng !  Sẽ có rất nhiều “con chiên” theo tôi . . .

Lạy Chúa, xin hãy biến  con tim chai đá của con thành con tim bằng thịt.  Xin cho con biết “chạnh lòng thương” như Chúa !  Xin Chúa  mau cứu lấy đoàn chiên của Chúa khỏi bao nhiêu mục tử đang làm đoàn chiên tan tác.  Xin cho các nhà lãnh đạo Giáo hội Việt nam hôm nay biết noi gương Chúa “hy sinh thân mình để phá đổ bức tương ngăn cách là sự thù ghét” (Ep 2:14) giữa các phe nhóm và “thiết lập hòa bình” (Ep 2:15) thực sự trên quê hương yêu dấu của con.  Chỉ Mục Tử tối cao và toàn năng như Chúa mới có thể giải thoát chúng con mà thôi ! Xin đừng để chúng con thất vọng vì đã tin vào Chúa.  Amen.

dzuize@gmail.com

VỀ MỤC LỤC
NƯỚC MẮT VÀ NGHỆ THUẬT SỐNG

   

I. VÌ ĐÂU NÊN NỖI.

Tôi còn nhớ như in, buổi chiều hôm ấy, mưa dữ dội. Mưa như người ta tháo cống. Tôi khá bất ngờ khi người gõ cửa phòng tôi là một cậu học trò đang tìm hiểu ơn gọi tu trì mà tôi đang chịu trách nhiệm linh hướng (hướng dẫn tâm linh). Bất ngờ vì cậu học trò của tôi có thể gặp tôi bất cứ lúc nào, nhưng đến với tôi giữa lúc mưa gió thế này, chắc chắn phải có chuyện!

Em học giỏi, là sinh viên năm cuối của một trường đại học, và đang là sinh viên năm thứ hai của một trường đại học khác. Em lạnh run, đôi môi xám ngắt. Nhưng hình như lòng em chẳng lạnh, ngược lại đang bừng bừng nóng nảy, giận hờn. Nét mặt và cả đôi mắt của em cho tôi hiểu như thế.

Tôi mời em ngồi và kiên nhẫn đợi em lấy lại bình tĩnh. Em kể cho tôi nghe về nỗi muộn phiền của em, về sự bất bình đối với một “người có quyền” lại nỡ đối xử tệ với em, khi cho rằng em có lỗi. “Người có quyền” ấy lại còn lôi cả lỗi lầm của gia đình em, của chính người cha ruột thịt của em đã vấp phạm từ gần hai mươi năm trước để quy chụp và kết luận trên chính trường hợp của em: “Cha nào con nấy. Đã sinh ra trong một gia đình thiếu nề nếp, thì cầm chắc, con cái của cái gia đình ấy làm sao nề nếp được!…”. Kể rồi em lại khóc. Khóc rồi em lại tức. Em tuyên bố: “Thưa cha, con nghỉ học, bỏ tu”.

Vẫn giữ thái độ bình tĩnh như từ lúc đầu gặp em, tôi im lặng ngồi nghe em trút hết tất cả niềm xót xa mà em đang gánh lấy. Em gục đầu trên chính đôi tay mình, khóc không biết bao nhiêu mà nói. Khóc cho nỗi oan ức mà “người có quyền” giáng xuống trên em, áp đặt em, không cho em có cơ hội bào chữa mình, hoặc chí ít là trình bày hoàn cảnh, trình bày sự thật…

Ngoài trời đang mưa to. Nhưng nước mắt uất hận của em là cả một trận mưa lòng còn lớn hơn tiếng mưa vỗ ngoài hiên...

Nửa giờ đồng hồ trôi qua, tôi vẫn hiện diện với em bằng tất cả sự đồng cảm, trân trọng và quý mến, trong khi vẫn thinh lặng, vẫn chăm chú theo em từng chi tiết của câu chuyện em kể. Có chăng khi phải nói thành lời, thì lời của tôi cũng chỉ là gợi hứng cho em trút hết vào tôi niềm bức xúc, sự suy nghĩ, cảm nhận và cả nội tâm nặng nề của chính em. Có một điều tôi không đồng ý với em khi em lặp lại chắc như đinh đóng cột quyết định của mình: “Con sẽ nghỉ học, bỏ tu”. Rồi để kết thúc dòng tâm tư đầy ngỗn ngang, đầy xáo trộn, bộn bề của mình, em yêu cầu tôi cho em một lời khuyên.

Thay cho một lời khuyên suông, tôi đã kể cho em nghe những nỗi niềm ai oán đã từng xảy ra dọc đường đời của tôi và xảy ra nơi những nhân vật mà em có thể biết mặt biết tên. Tôi muốn em đối chiếu chính hoàn cảnh của em nơi những câu chuyện rất thật ấy để thêm vốn liếng, thêm cơ sở mà tự quyết định chính tương lai, chính chọn lựa của mình. Tôi tha thiết xin em bốn điều tuy rất bình thường, nhưng chắc chắn sẽ mang lại hiệu quả lớn, đó là:

1. Đang trong cơn chao đảo, bấn loạn thế này, em đừng suy nghĩ, đừng quyết định bất cứ điều gì. Thời gian sẽ làm nguôi ngoai. Lúc đó em sẽ tỉnh táo. Khi thật sự tỉnh táo, mọi suy nghĩ, mọi quyết định mới có thể sáng suốt, đúng đắn.

2. Tôi xin em đừng nói gì về vấn đề này với ai nữa. Nói với một mình tôi, thế là đủ. Hãy để cho nó lắng xuống. Thậm chí, nếu cần, hãy chôn sâu nó vào nấm mồ quá khứ. Đừng đeo bám nó. Nếu em cứ cố níu kéo nó, rồi than thân, trách phận, thì đau khổ của em chỉ càng đau khổ thêm. Em sẽ càng bí lối. Em sẽ là kẻ tự đào bới chính vết thương lòng của mình. Lúc đó em sẽ càng đau đớn hơn. Nặng hơn, nếu em không thể vượt qua, nó sẽ gây trong em sự xáo trộn, nhẹ thì mất ăn, mất khủ, giảm sức khỏe… Nặng thì có thể sẽ biến chứng từ một người dễ mến trở thành kẻ luôn luôn nuôi mặc cảm căm hờn, không còn tin người, không còn tin đời, thậm chí muốn nổi loạn, muốn làm một cái gì đó, ngay cả cái tồi tệ nhất vừa để tự khẳng định mình, vừa như để trả thù. Lúc đó, sẽ rất nguy hiểm, vì chính em trở thành con người của sự nguy hiểm.

3. Em hãy cố gắng tha thứ cho người đã lỡ đối xử tệ với em. Vì chưa cần nói đến khía cạnh đức tin, tha thứ cho kẻ xúc phạm đến mình là đòi buộc của Tin Mừng. Chỉ cần nói đến khía cạnh có lợi cho chính mình thôi, thì tha thứ mới là cách tốt nhất để lòng ta bới trĩu nặng, tâm hồn ta thanh thản hơn, cuộc sống của ta sẽ thăng bằng hơn. Tha thứ cũng sẽ thêm sức mạnh để ta có thể đào mồ chôn sự mất mát này vào quá khứ. Tha thứ sẽ nâng đỡ em, giúp em vượt qua hoàn cảnh, nhờ đó, em sẽ không trở thành con người của sự nguy hiểm.

4. Trên hết vẫn là cầu nguyện. Tôi xin em hãy quỳ trước thánh giá Chúa Giêsu, quỳ trước nhà tạm, quỳ thật lâu, đừng nói gì, chỉ cảm nghiệm. Trong cô tịch của sự lắng đọng, em sẽ thấy bình an, sẽ khám phá ra tình yêu của Chúa, khám phá đến tận cùng nỗi đau của em cũng chính là nỗi đau của Chúa, không chỉ khi Chúa chết trên thánh giá, mà chính là nỗi đau của Chúa ngay hôm nay, lúc này. Bởi Chúa đang đồng cảm với em. Người đồng cảm còn lớn hơn cả việc tôi đang ngồi lắng nghe từng lời em nói đây. Chính lúc em chìm lắng hoàn toàn trong thinh lặng trước Chúa, là lúc em nói nhiều nhất, gào thét to nhất và cầu nguyện dữ dội nhất.

II. NÓI VỚI NGƯỜI TRONG CUỘC.

Người trong cuộc thứ nhất là chính tôi. Tôi muốn đặt mình trở thành người trong cuộc để tự mình dấn thân vào chính kinh nghiệm mà cậu học trò của tôi đang trình bày. Từ đó, tự nhắc mình về nhiều bài học của đời sống, của những tương quan, của sự khôn ngoan và chính chắn trong những quyết định, những chọn lựa. Bởi nếu không dấn thân vào những khúc mắc thế này, thì bình thường không dễ gì có thể có bài học cụ thể nào dạy mình nghệ thuật sống cách xác đáng. Bài học tôi nhận ra cho mình là:

1. Trên hết mọi sự phải là lòng yêu thương. Chỉ có lòng yêu thương mới là thước đo quyền lực. Không có lòng yêu thương, quyền lực trở thành bạo chúa. Bởi không có lòng yêu thương, quyền lực của bạo chúa sẽ phán xét anh em độc đoán, nhẫn tâm. Thậm chí cuộc phán xét đó trở thành bản án “tử hình” anh em.

2. Chỉ có bình tĩnh mới có thể có đủ thận trọng suy xét một hoàn cảnh, một biến cố, một con người, ngay cả nếp sống, nếp nghĩ của chính con người đó. Sự bình tĩnh và thận trọng mới chính là cách giải quyết khôn ngoan nhất của “người có quyền”. Bình tĩnh, thận trọng, khôn ngoan sẽ giúp “người có quyền” phân biệt được đâu là chân lý, đâu là dư luận, và dư luận ấy do thành phần nào tạo ra, nhằm mục đích gì, chính xác bao nhiêu phần trăm. Nếu không như thế, “người có quyền” chỉ đáng giá của một kẻ dưới mức tầm thường.

3. Dù là “người có quyền”, nhưng “người có quyền” trước hết hãy là người đồng hành. Chỉ khi nào biến mình thành người đồng hành, gác quyền lực sang một bên, “người có quyền” mới có thể có được một tinh thần khiêm tốn. Chỉ có khiêm tốn mới nghe được lời của trái tim con người. Chỉ khi nào đi vào được trái tim con người rồi, “người có quyền” mới được phép phán quyết về một hoàn cảnh, hay một con người mà mình đang đối diện. Nếu không như thế, “người có quyền” lộ nguyên khuôn mặt của mình là một kẻ sống theo bản năng quyền lực. Nhưng con người đâu chỉ có bản năng. Vượt trên bản năng là tình cảm, tình yêu, lý trí, sự sống động của nội tâm… Bởi thế, “người có quyền” mà chỉ biết đem bản năng của mình ra để đối xử, thì “người có quyền” ấy cần phải được xét lại xem, anh ta có còn là người nữa không!

4. “Bề trên” chỉ thành công trong việc giáo dục “bề dưới” bằng sự đồng cảm, chở che, yêu thương. Nếu giáo dục bằng quyền lực, “bề trên” chính là thủ phạm và là kẻ gánh trách nhiệm trước tiên về việc “bề dưới” phải sống dồn nén, khiếp đảm. Hoặc tệ hơn, “bề dưới” trở thành con người của sự lỳ lợm, luôn luôn muốn nổi loạn, muốn trả thù, muốn phá vỡ sự bình yên xung quanh… Nếu đúng như thế, thì “bề trên” chính là con rắn độc, kẻ chủ mưu của việc truyền nọc độc sang “bề dưới”. Lúc này, cần phải đem con rắn độc, nghĩa là đem đầu mối của sự dữ ra xử, thì hầu như người ta lại làm điều ngược lại: xử kẻ bị truyền nọc độc. Bởi người ta quá nông cạn chỉ thấy sự nổi loạn của “bề dưới”, mà không hề suy xét xem, ai đã làm cho “bề dưới” nổi loạn.

5. Để có được một mức độ quân bình hết sức trong cách cư xử, kẻ làm “bề trên” hãy nhớ rằng:

Vì mình là “bề trên”, cho nên làm “bề trên” của anh chị em thì dễ, bởi nó là lẽ đương nhiên, nhưng làm một người đồng hành với anh chị em thì rất khó. Mà người đồng hành mới cần cho sự trưởng thành nhân cách của anh chị em chứ không phải “bề trên”.

Vì mình là “bề trên”, cho nên đóng vai trò của một giám thị hay giám luật, mạnh hơn: quan tòa để kiểm tra, đôn đốc, phán xét, kể cả kết án, thậm chí bạo quyền trong việc kết án… thì dễ, nhưng làm một người bạn với anh chị em, để anh chị em có thể tin tưởng ngã vào tim mình, từ đó dạy anh chị em một trái tim bao dung, nhân hậu, từ tốn, mực thước… thì rất khó.

Tại sao ta cứ chọn cái dễ, mà không thử một lần đứng về phía cái khó? Dù biết rằng cái khó sẽ khó cho ta, nhưng nó mang lại hiệu quả của bình an, của tình yêu, của lòng biết ơn không nhỏ. Chính “bề trên” còn sợ khó, sợ khổ, thì tại sao áp đặt quyền hành trên chính những anh chị em của mình? Hay bề trên cũng chỉ tầm thường đến nổi chỉ biết giải quyết theo bản năng. Trớ trêu và nghịch lý làm sao, khi con người có mọi phương cách để giải quyết, thì lại chỉ giải quyết theo bản năng. Mà bản năng vốn không phù hợp với loài người…

Có thể, bạn sẽ cho rằng tôi “đao to búa lớn”. Nhưng có khi phải nhìn thẳng vào sự thật để can đảm rút ra những bài học thật cần thiết để sống trong đời. Bởi sống thành công là một nghệ thuật sống. Mà nghệ thuật sống có khi lại đến từ chính những lời hằn học, những chê trách nặng.

Chắc chắn, trong cuộc đời làm linh mục của mình, không ít lần tôi đặt bao nhiêu ách chồng chất trên đôi vai của biết bao nhiêu người. Thì thôi, một lần nói với chính mình như người trong cuộc, để từ nay thêm ý thức, càng tránh được sai sót nhiều bao nhiêu, càng tốt bấy nhiêu.

Mong ước trở thành ngọn đèn. Nhưng chưa thể trở thành ngọn đèn như mong ước, thì xin được ý thức từng chút, từng chút một, để hy vọng ngày qua ngày tiến gần đến niềm ước mong…

Và rồi thêm một lần chứng kiến giọt nước mắt của người, là thêm một cơ hội để tôi tích cóp bài học cho nghệ thuật sống trong đời tôi…

Lm. VŨ XUÂN HẠNH

VỀ MỤC LỤC
Hành trang đời sống

 

Mỗi khi đi đâu xa, hay dọn đến chỗ nào lập cuộc sống mới, thường ai cũng đều mang theo những hành trang vật dụng cần thiết, mang theo được bao nhiêu có thể. Ðiều này gắn liền trong đời sống và tốt cùng thiết thực, nhất là với những cha mẹ nặng lòng lo cho con cái, vợ chồng có trách nhiệm lo cho nhau... 

Mỗi buổi sáng đưa con đi học, cha mẹ thường làm gói bánh mì, nước uống cho con em mình để chúng ăn lúc giờ nghỉ.

Gia đình đi nghỉ hè, vợ chồng thường lo sắp xếp quần áo, đồ dùng cá nhân cho mọi người chất lên xe sao cho đủ dùng trong những ngày nghỉ, nhiều người còn lo mang theo cả nước, bánh, gạo, bún, mì gói, nước mắm nữa....

Chúa Giêsu sai các thánh tông đồ đi đến với con người, Ngài lo cho các Ông, lo cho con người. Nhưng Ngài dặn các ông đừng mang theo gì hết. Các Ông làm theo lời Chúa dặn bảo, và Tin mừng nứơc Chúa ngày nay làn tràn khắp nơi trên địa cầu.

Phải chăng chỉ như thế đủ là rồi?

Tôi còn nhớ nghe kể lại, mà có lẽ nhiều người đã đọc sách thuật lại, ngày xưa hồi thế kỷ thứ 17. các nhà truyền giáo từ Âu Châu sang Việtnam rao giảng tình yêu nước Thiên Chúa, họ có mang theo những hành trang vật dụng cần thiết, nhưng giữa đường bị mất cắp, bị chìm tầu thuyền mất thất lạc hết. Nên họ cũng chẳng còn vật dụng hành trang gì.

Thế nhưng các Ngài đã trở thành những người không những chỉ lo cho tinh thần con người biết đến Tin mừng đức tin vào Chúa, nhiều vị còn xây dựng những công trình như nhà thờ khang trang, trường học, nhà thương nữa, xây dựng thiết kế ra chữ Quốc Ngữ.

Có những người kể lại, ngày xưa đi lập gia đình, ngoài bộ quần áo họ chẳng có gì mang theo cả. Nhưng hai vợ chồng đã dần dần với thời gian năm tháng xây dựng nên tổ ấm gia đình lớn rộng cả về mặt vật chất nhà cửa của cải cùng con cháu. Ông Bà, Cha mẹ chúng ta những nhân chứng, là ví dụ sống động cụ thể giữa chúng ta về điều này.

Không ai chối cãi có „bột mới gột nên hồ“ được. Nhưng không phải tất cả mọi thứ đều cần phải có vật liệu sẵn mới có thể làm nên xây dựng được. Như  Tình yêu vào Thiên Chúa, tình yêu vợ chồng, tình yêu con người với nhau đâu bắt buộc có phải có sẵn nước, bột, đường sữa, gỗ đá hay xi măng cốt sắt mới xây nặn làm ra tình yêu được!

Tình yêu của đôi vợ chồng trao gửi cho nhau không dựa trên vật dụng hành trang gì khác ngoài trái tim của họ.

Trên nền tảng trái tim luân chuyển sự sống cùng tình cảm đi khắp cùng thân thể, họ xây dựng mái nhà tổ ấm cho mình.

Trên nền tảng trái tim là trung tâm đời sống con người, họ cùng nhau xây dựng một trung tâm tình người cho con cái của họ, cho cha mẹ, anh chị em, họ hàng cùng bạn bè người quen biết.

Trên nền tảng trái tim là phần sâu thẳm cho đời sống tâm linh tinh thần đạo đức, họ muốn cùng nhau sống đức tin vào Thiên Chúa, Ðấng dựng nên và luôn cùng hằng đồng hành với trong suốt dọc đời sống. Và còn muốn rao truyền tiếp đời sống niềm tin đó cho con cháu trong gia đình sau này nữa.

Với trái tim, ngày xưa Chúa Giêsu sai các Tông đồ đi truyền giáo đến với con người trên khắp trái đất. Với trái tim các vị truyền giáo từ Âu châu sang rao truyền tin mừng nước Chúa thành công cho mọi người trên đất nước chúng ta. Với trái tim cha mẹ chúng ta đã sống xây dựng gia đình có nề nếp, sinh sản dậy dỗ giáo dục con cái là chúng ta nên người.

Với hành trang là trái tim, Ông Bà , cha mẹ, đôi vợ chồng trẻ nắm tay nhau xây dựng gia đình thành công tốt đẹp hôm qua, hôm nay và ngày mai! 

Lm. Nguyễn ngọc Long    

VỀ MỤC LỤC
NHỮNG ĐIỀU CẦN THAY ĐỔI

 

Từ xưa tới nay vẫn có nhiều Tín hữu muốn Thánh lễ họ xin phải long trọng cho Gia đình, Đoàn thể và Nhóm mình ở nhà thờ, nên gây mất nhiều giờ cho nhiều Tín hữu khác, thường thì Thánh lễ trong 1giờ, họ đã kéo dài đến 1 giỡ rưỡi hoặc 2 giờ đồng hồ..

A- Thánh lễ cho Hội đoàn:  Một Tín hữu kia kể rằng: Tháng trước tôi đi làm về, chưa kịp ăn uống gì, vội vã đi lễ Chúa Nhật để hôm sau phải đi làm cả ngày. Khi tôi đến đúng giờ lễ, nhưng Hội đoàn này đã xin Cha sở có rước long trọng, nên phải dời lại nửa tiếng để chuẩn bị, thành ra Thánh lễ bị trễ một tiếng. Cuối Thánh lễ lại có đến bốn người Đại diện Hội đoàn và Giáo xứ lên thay nhau cám ơn, chúc tụng nói đủ thứ, ít có liên quan gì đến đời sống hàng mấy trăm Tín hữu đang ngồi chờ để nhận phép lành ra về. Cha Sở cũng phải ngồi chịu đựng các hình thức đó cho đến cuối, nên mất hai tiếng đồng hồ mới xong lễ. Tôi ra xe về đến nhà trong một thân xác mệt mỏi!

B-Thánh lễ An táng: Một bạn trẻ chia sẻ: Cháu có đi tham dự một Thánh lễ An táng cho một cụ kia trong Cộng đoàn, Gia đình tang gia đã xin lễ nên có rất nhiều Linh muc, Phó tế y phục long trọng rất đẹp. Khác hẳn các lễ An táng của các Tín hữu bình thường, nghèo khó, cô đơn khác, cùng với hàng mấy trăm Tín hữu tới tham dự, mọi người lắng nghe Lời Chúa và cầu nguyện rất sốt sắng. Nhưng đến phần cám ơn , không thấy một Đaị diện tang gia lên nói vài lời, lại làm các hình thức khác mất thì giờ mà không nói cho Cộng đoàn biết. Tiếp đó Lm Chủ tế lại đứng nói một bài dài chừng 8 phút về công đức của cụ, rồi bốn, năm người trong nhà lên nói, mỗi người chừng 5 phút nữa. Tới đây, cháu thấy Thánh lễ đã một tiếng rưỡi…; nhưng vẫn chưa xong. Linh mục đoàn,… ngồi ngao ngán nhìn nhau, còn các Tín hữu từ từ lặng lẽ, đứng lên ra về nhẹ nhàng, cháu cũng theo ra luôn.!

C- Thánh lễ Hôn nhân : Một ca viên nhận xét: Năm ngoái, em đi lễ cưới chiều thứ bảy, thường một lễ cưới bắt đầu lúc 4 giờ, và kết lể lúc 5 giờ. Nhưng đám cưới của con vị này lại có chức sắc trong Giáo xứ, nên ông có rất nhiều hình thức dài dòng, không đếm xỉa gì đến Cộng đoàn, ông đã xin Cha Chủ tế ưu tiên, dễ dãi các cái, nên làm mọi người tham dự thấy chia trí và mệt quá! Tính ra mất 1 giờ 30 phút rồi, mà Thánh lễ chưa xong, sau đó họ chụp hình ồn ào, lâu la. Đến 6 giờ Thánh lễ Chiều thứ Bẩy rồi, mà họ còn đầy cứng trong nhà thờ. Ban Phụng vụ phải nhiều lần mời họ ra, nhưng cũng không được.! Lúc đó, các Tín hữu đi lễ chiều thứ bẩy đã quá đông!

THÊM BỚT HAY THAY ĐỔI:

A-Trong Thánh lễ của Hội đoàn:

1/ Chỉ cần một Đại diện lên nói cám ơn Cộng đoàn trong 2 phút. (ý Giám mục Địa phận).  Nếu cần xuống Hội trường chia sẻ tiếp sau.

2/ Tránh chúc tụng, khen tặng nhiều trong nhà thờ, kẽo mất phúc.

3/ Nên tôn trọng đúng giờ của Lm đoàn và mọi Tín hữu tới tham dự.

4/ Nên tổ chức mừng quan thầy riêng của Hội đoàn vào ngày thường.

5/ Không nên đòi hỏi Cha chủ tế làm theo ý của Đoàn thể nhiều quá.

 

B-Trong Thánh lễ An táng:

1/ Chỉ cần một Đại diện lên cám ơn Cộng đoàn trong hai phút thôi.

2/ Nên áp dụng lễ nghi bình đẳng cho mọi Tín hữu trong Cộng đoàn.

3/ Không nên tự do lên chia buồn, phân ưu kể lể dài trong Thánh lễ.

4/ Tôn trọng giữ đúng giờ của Lm đoàn và các Tín hữu đến tham dự.

5/ Tránh đòi hỏi Cha chủ tế phải dành ưu tiên này nọ cho nhà mình.

6/ Chia buồn, tâm sự, nhớ ơn,.. nói tại nhà quàn, không nói ở nhà thờ.

 

C- Trong Thánh lễ Hôn nhân:

1/ Quí vị chủ hôn giữ đúng giờ, và không trình bày nghi lễ dài quá!

2/ Lưu tâm giữ sức khoẻ thể xác và tinh thần của cô dâu chú rể.

3/ Tôn trọng thời gian của Linh mục đoàn và  bà con tới tham dự.

4/ Một Đại diện Gia đình cám ơn Cộng đoàn thật ngắn gọn(2phút)

5/ Mọi chia sẻ, chúc mừng,  và chụp hình nên để tới nhà hàng .

* Trên đây là những những điều mắt thấy, tai nghe được, và yêu cầu sửa đổi dần. Xin mọi Tín hữu Kitô cùng tích cực cộng tác.

Phó tế: GB Nguyễn Văn Định  *  johndvn@yahoo.com

VỀ MỤC LỤC

LÀM SAO THA THỨ ?

Tha thứ để chữa lành - Chữa lành để tha thứ

Tủ sách

CHO MỘT TƯƠNG LAI TỐT ĐẸP HƠN

2001 

Cha Jean Monbourquette OMI là giáo sư Mục Vụ ở Đại Học Saint-Paul ở Ottawa - Canada, Điều phối và huấn luyện viên Trung tâm Gia Đình và Cộng đồng. Cử nhân Thần học, Cao học Triết, Cao học về Giáo dục ĐH Ottawa, Cao học Tâm lý lâm sàng ĐH San Francisco, Tiến sĩ Tâm lý ĐH Los Angeles. Tác giả cuốn sách bán chạy nhất Aimer, Perdre et Grandir.  

Lời nói đầu

Làm người, ai mà chẳng có lúc lầm lỗi: lầm lỗi mình gây nên cho kẻ khác, lầm lỗi kẻ khác gây ra cho mình, hoặc vô tình hoặc cố ý ; và lầm lỗi nào cũng gây nên một vết thương. Lầm lỗi cần được tha thứ và vết thương cần được chữa lành. Nhưng LÀM SAO THA THỨ ? Làm sao chữa lành ? Đó là vấn đề. Nhất là khi sự xúc phạm đến từ những người thân yêu, những người mình tin tưởng, những người đáng ra phải đứng về phía mình..., thì vết thương lại càng đau đớn và sự tha thứ trở nên càng khó !

Phêrô hỏi Chúa Giêsu : "Thưa Thầy, khi anh em lỗi phạm đến con, thì con phải tha thứ cho họ mấy lần ? Có tới bảy lần chăng ?" Chúa Giêsu đáp : "Thầy không nói là bảy lần, nhưng là tới bảy mươi lần bảy" (Mt.18, 21-22). Chúa còn bảo : "Nếu mỗi ngày, anh em con xúc phạm đến con tới bảy lần, và bảy lần nó trở lại với con mà nói Tôi hối hận thì hãy tha cho nó" (Lc.17,4). Ngài còn đi xa hơn nữa : "Khi con đang dâng của lễ nơi bàn thờ mà sực nhớ người anh em lỗi phạm đến con, thì hãy để của lễ lại đó, đi làm hòa với người anh em trước đã rồi bấy giờ trở lại dâng của lễ của con" (Mt.5, 23-24).

Điều đó quả thật không dễ : Mình có lỗi mà đi làm hòa đã khó, huống chi khi người khác có lỗi với mình và mình là nạn nhân ! Vì "khi một người cảm thấy bị thương tổn, người ấy sẽ bị cám dỗ đầu hàng cơ chế tâm lý của sự tự ái và trả thù, bất chấp lời mời gọi của Chúa Giêsu" (Sứ điệp Mùa Chay 2001 của ĐTC Gioan Phaolô II). Khó, nhưng cần thiết biết bao, vì "tha thứ và xin thứ tha tạo ra một phẩm chất mới trong quan hệ giữa người với người, ngăn chặn vòng xoáy trôn ốc của thù hận và trả thù, trả oán, và bẻ gãy xiềng xích tội lỗi trói buộc trong tâm tư những người thù hận nhau.... không có con đường nào khác hơn là tha thứ và xin thứ tha" (Sứ điệp ...).

Cũng chính vì thế mà Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã chọn chủ đề cho Ngày Hòa Bình Thế Giới năm 2002 là "Không có tha thứ thì sẽ không có Hòa Bình". Trong thời gian qua, đã có hai chủ đề liên quan đến Tha Thứ. Đó là chủ đề của sứ điệp Hòa Bình năm 1975 : "Hòa Giải là con đường dẫn đến Hòa Bình"; và chủ đề của năm 1997 : "Hãy trao ban tha thứ, bạn sẽ nhận lại Hòa Bình". Trong lời mời gọi hãy tha thứ, ĐTC Gioan Phaolô II bàn về vài điều kiện cần được nhìn nhận và thực hiện, ngõ hầu hòa bình có thể có được. Những điều kiện đó là sự đối thoại thành thật và liên lỉ, sự chấp nhận trách nhiệm và sự nhìn nhận sự tự do con nguời. Giáo Hội đi theo con đường "thanh tẩy ký ức" cách can đảm và khiêm tốn, đặt hết niềm tin tưởng vào tình thương nhân từ của Chúa, và khuyến khích thế giới hãy tin tưởng vào sức mạnh của sự thật và tình thương.

Như thế tha thứ là một nổ lực vừa nhân bản vừa thiêng liêng, là một hợp tác không những giữa kẻ gây nên xúc phạm và người bị xúc phạm, mà còn giữa con người với Thiên Chúa. Tha thứ bao hàm cả lãnh vực thể chất, lẫn tâm lý và thiêng liêng, huy động mọi phần và mọi quan năng của con người mình, nên tiến trình tha thứ vừa dài vừa phức tạp và khó khăn, có khi phải luyện tập vòng lui vòng tới nhiều lần và can đảm bắt đầu trở lại ở một giai đoạn nào đó hoặc ngay cả từ đầu, mỗi khi thất bại, dù việc tập luyện đôi khi như đóng kịch !

 Việc nầy còn tùy thuộc một yếu tố quan trọng khác nữa là thời gian : phải có thời gian cho hạt cát biến thành ngọc trai, phải có thời gian cho việc tốt tích lủy thành nhân đức, phải có thời gian cho nỗi đau dịu xuống, vết thương liền sẹo và được lành, phải có thời gian cho tha thứ thành tự nguyện và thực hiện được, đốt giai đoạn là thất bại và hỏng việc.

 Thành thật thú nhận bản thân tôi đã trải qua nhiều kinh nghiệm khó khăn và thương đau trong lãnh vực nầy, nên khi  bạn thân từ Canada gởi cho cuốn LÀM SAO THA THỨ ? (Comment pardonner ?) của Jean Monbourquette o.m.i, do nhà xuất bản NOVALIS ấn hành, thì như "bao nhiêu năm mệt nhòa, mình tìm mà tìm không ra, thế nhưng bây giờ thành bại tùy ta", tôi đã đọc say mê từng dòng từng trang. Hưởng được nhiều lợi ích trong việc chữa lành và lớn lên nhờ tha thứ và được tha thứ, tôi xin được phỏng dịch, thích nghi và thay đổi một số chi tiết cần thiết để chia sẻ với người khác, như một ước vọng và một đóng góp cho Giáo Hội và Xã Hội của chương trình CHO MỘT TƯƠNG LAI TỐT ĐẸP HƠN. Nếu chỉ có một người cảm thấy được ích từ công việc nầy thôi, thì tôi cũng đã mãn nguyện lắm rồi, và hết lòng tạ ơn Ba Đấng.

Huế, lễ Đức Mẹ Dâng Mình 2001

Lm. Micae-Phaolô Trần Minh Huy pss

Quí vị có thể tìm đọc trọn vẹn tác phẩm tại www.chungnhanduckito.net/doithoai/thathu
 

VỀ MỤC LỤC
Tâm Tình Tòa Soạn Chân Lý
 

Bạn thân mến,

   Không có người trẻ, xã hội sẽ không tồn tại.

   Không có người trẻ, xã hội sẽ không phát triển.

   Vâng, người trẻ là tương lai của xã hội.

   Người trẻ là mầm non tươi xinh.

   Người trẻ là mùa xuân trong sáng.

   Người trẻ là sức sống tuôn tràn.

   Người trẻ là bình minh rạng rỡ.

   Người trẻ là bông hoa trinh nguyên.

   Người trẻ là hồng ân kỳ diệu.

   Tuổi trẻ thật tuyệt vời, phải không bạn.

   Nhưng, làm cách nào để cho người trẻ mãi mãi tuyệt vời giữa một thế giới đầy biến động, đầy cám dỗ vật chất.

   Trước hết, chính người trẻ có trách nhiệm can đảm cương quyết xây dựng cho chính mình một lối sống lành mạnh, một lương tâm trưởng thành, như Thánh Phaolô đã viết cho Timôtê, người môn đệ trẻ: “Ước gì đừng có ai coi thường anh vì anh còn trẻ” (1 Tm 4, 12). Thật đáng ca ngợi, vì người trẻ trong những năm gần đây, dám sống lại truyền thống tốt đẹp. Đó là gìn giữ sự trong trắng của mình đến ngày cưới qua dấu chỉ của “chiếc nhẫn bạc” họ đeo trên tay.

   Tuy nhiên, người trẻ lại thiếu kinh nghiệm sống và dễ bị lôi cuốn bởi những trào lưu mới của nền văn hóa hưởng thụ, cá nhân và vật chất.

   Do đó, người trẻ cần được sự giúp đỡ hướng dẫn của nhiều người, trước hết là của các bậc phụ huynh, thầy cô giáo, các vị lãnh đạo giáo xứ và giáo phận. Chính các vị này phải sống gương sáng và chuẩn bị cho mình có đủ khả năng để có thể đảm nhận trách nhiệm ấy một cách tốt nhất. Vì hơn bao giờ hết, người ta cần những chứng nhân hơn là các thày dạy.

   Xin gửi tới các bạn trẻ lời của Đức Giáo Hoàng Bênêđictô 16, trong sứ điệp cho ngày đại hội giới trẻ thế giới lần thứ 21 diễn ra tại các giáo phận vào ngày Lễ Lá 9-4-2006:

   «Sự hiện diện yêu thương của Thiên Chúa, qua Lời của Ngài, là ngọn đèn đánh tan bóng tối sợ hãi và soi sáng đường đi, ngay cả trong những lúc khó khăn nhất. Hãy xây dựng cuộc đời các con trên Chúa Kitô. Hãy hân hoan đón nhận Lời của Ngài và đem giáo huấn của Ngài ra thực hiện. Hỡi các bạn trẻ của ngàn năm thứ ba, đó phải là chương trình sống của các con! Các con đừng sợ. Hãy tin tưởng Ngài và các con sẽ không phải thất vọng!».

   Tòa soạn Chân Lý
 

VỀ MỤC LỤC
LỜI CHÚA TRONG CHA

 

Tôi đã nhiều lần được nghe Cha giảng …, nên diễm phúc được thấm nhuần tinh thần đời sống của người kitô hữu chúng ta , được lột tẩy từ từ những sai quấy nơi tư tưởng còn ấu trĩ của mình. Tôi cảm nhận được niềm vui sâu lắng giữa những bề bộn trong cuộc sống thường ngày , với biết bao truân chuyên bươn chải… lăn lộn giữa giòng đời nổi trôi . Tin có Chúa đồng hành đỡ nâng, hồn tôi tìm được sự bình an hạnh phúc như thuở còn ấu thơ   .

“Đừng nghe những gì họ nói , nhưng hãy nhìn xem những việc họ đã làm”  .  Tôi đã tận mắt được chứng kiến Cha sống Lời Chúa rất cụ thể bằng chính Đức Khiêm Nhường – Đức Bác Ái thật tinh tế qua các cuộc giao tiếp với nhiều thành phần trong xã hội và Giáo Hội . Nếu có dịp, các bạn hãy trò chuyện với Ngài , tất sẽ rõ.    Tôi thiết nghĩ: “Chúa đã đồng hành với Cha ” Ngài làm việc cùng Cha và trong Cha,  chính nhờ đó , đời sống của Cha  vẫn tốt đẹp đến ngày hôm nay , sở dĩ trước kia đã có những thành kiến xấu về Cha , bởi lẽ với cái nhìn cổ hủ lạc hậu của một số giáo dân chúng ta , đòi hỏi quá khắt khe về phía Linh Mục Việt Nam , với những truyền thống phải rất nghiêm nhặt… nhất là đối với phái nữ . Tôi nhớ có câu chuyện viết về một Nhà Sư đạo hạnh kia :

“Ngày nọ , lúc đi ngang bãi bùn lầy , Nhà Sư thấy có một thiếu nữ bị đau chân đang mếu máo vì không thể đi qua đó được . Ngài động lòng trắc ẩn , đến cõng cô gái đi qua khỏi bãi lầy ấy , rồi đặt cô xuống và Ngài tiếp tục lộ trình của mình . Không ngờ có người nhìn thấy đã phao tin bậy : “Ông Sư nọ dám dâm dê phụ nữ”. Nhà Sư nói: “ Tôi cõng giúp cô ta rồi tôi đi , chẳng còn nhớ gì cả , thế mà kẻ chỉ vô tình nhìn thấy , lại để lòng xấu xa của họ ở đó”.

Nhiều lúc chúng ta còn mang cái nhìn thiển cận, sai lầm khi phê phán theo chủ quan của mình, vô tình gây xúc phạm nặng nề đến uy tín của Linh Mục,Tu sĩ. ( Tội này nặng lắm đấy! )

Giáo dân chúng ta nên có cái nhìn trong sáng  và kính trọng hơn về phía các Linh Mục và Tu Sĩ , đừng vì “một con sâu” nào đó…, mà nỡ làm “rầu cả nồi canh”, danh ngôn Pháp có câu : “ Một Tu sĩ  dù tồi tới bậc nào, thì họ vẫn hơn một số đông người khác, vì họ không lấy vợ”. Và còn hơn thế nữa, chúng ta tôn trọng vì “Chức Thánh”do chính Chúa đã ghi khắc nơi các Ngài. Thánh Thoma Tiến sĩ đã nói : “ Tu sĩ không phải là đã trọn lành, nhưng cố gắng nên trọn lành”. Vậy thì tại sao giáo dân chúng ta lại không nâng đỡ họ bằng lời cầu nguyện sốt sắng với Chúa ? Như thế sẽ tốt đẹp hơn là nghĩ xấu về một số vị. Cũng như trong gia đình , con cái hiếu thảo thì phải luôn biết giúp đỡ cha mẹ, nói tốt cho cha mẹ, từ đó cha mẹ ắt hẳn cũng sẽ phải sống tốt để tạo mái ấm hạnh phúc cho gia đình mình .

LỜI CHÚA TRONG CHA và ĐỜI CHA TRONG CHÚA.

 Mỗi bài giảng của Linh Mục là một xác tín về Tin Mừng Phúc Am,là một cánh tay nối dài của Chúa để đem tình yêu thương đến cho mọi người, đặc biệt cho những ai biết lắng nghe và tuân giữ Lời Chúa dạy.

Chúng ta cảm thấy thật hạnh phúc phải không các bạn ?  Tôi cũng vậy ! Mặc dù tôi chỉ là một kẻ lữ hành ,  thường ngày vẫn hay lang thang nơi đầu đường góc phố , kết bạn với những kẻ nghèo hèn thấp bé nhất trong xã hội , họ đa phần chưa biết Chúa  , nhưng khi được giới thiệu  về LỜI CHÚA bằng chính hành động yêu thương cụ thể của nhóm tôi ,  tôi thấy họ rất vui đấy các bạn ạ ! 

LỜI CHÚA TRONG CHA và ĐỜI CHA TRONG CHÚA .

Tôi hết lòng cảm ơn Cha , cảm ơn dùm cho tất cả giáo dân .  Xin chân thành kính chúc các Ngài sẽ mãi là “Hiện thân của Thiên Chúa tình thương” , để qua chính các Ngài  , mọi người sẽ có thêm niềm tin sâu sắc về Chúa . Vì  “ Lạy Chúa , chỉ có tình thương mới thu hút được vũ trụ và con người , mà trong đó một kiếp người đầy thăng trầm và thử thách … Xin Chúa ban cho chúng con biết đóng đúng vai trò của mình trong xã hội và Giáo Hội , hầu có thể thu phục được nhiều ngươì , tìmvề cùng một chân lý đích thực là : THIÊN CHÚA TÌNH THƯƠNG”. 

- Kẻ lữ hành -  (Tân Định) 

VỀ MỤC LỤC
“NGƯỜI CHẾT NỐI LINH THIÊNG VÀO ĐỜI...”

 

Quý độc giả Ephata và Giáo Sĩ Việt Nam thân mến,

 

Trong công việc Bảo Vệ Sự Sống, dần dần trong anh em Linh Mục chúng tôi hình thành một sự phân công bất thành văn: cha Hồng Phước có ơn Chúa ban cho sự kiên nhẫn và nhạy bén để có thể mỗi ngày ngồi tư vấn liên tục 5, 6 ca có ý định phá thai; cha Xô Băng có khả năng đi nói chuyện đây đó với các bạn trẻ về tình yêu, về giới tính thật lôi cuốn và đạt hiệu quả chiều sâu; cha Vĩnh Sang có tài lo liệu các ngôi nhà Tình Thương để chăm sóc các thai phụ và các cháu sơ sinh; cha Đình Phương thì nghiên cứu để đi thuyết trình hoặc giảng dạy về mặt luân lý Bảo Vệ Sự Sống; thầy Minh Tân thì lãnh phần lo “hậu sự” cho các thai nhi mỗi ngày vẫn xin các nơi đem về trong suốt mấy năm qua ... Riết rồi thành ra được chuyên môn hoá, mỗi người một việc, khá ăn khớp nhịp nhàng, thỉnh thoảng nếu cần kíp, anh em cũng có thể hoán đổi gánh vác cho nhau...

Riêng bản thân chúng tôi thì trong chương trình Bảo Vệ Sự Sống, hình như Chúa lại muốn cho được nhiều cơ hội tiếp xúc với các trường hợp đã trót phá thai. Hầu hết là những người phụ nữ đáng thương do hoàn cảnh bị xô đẩy đến quyết định sai lầm là loại trừ chính sự sống đứa con của mình. Họ bị thương tổn ghê gớm trên thân xác, trong tinh thần và cả trong tâm linh mà thời gian mãi vẫn không là liều thuốc chữa lành hoàn toàn.  

Lại cũng có một số ít là những người đàn ông có thấy lương tâm bị cắn rứt khi đã ép buộc người bạn gái hoặc người vợ của mình đi phá thai, lại có anh là đồng loã mách nước cho bạn bè dắt người yêu đi phá thai... Và trong vai trò nào đi nữa, tất cả đều gánh chịu vừa cái tội vừa cái vạ của thảm kịch phá thai. Tội đã ăn năn sám hối, đã quyết chừa bỏ, đã đi xưng thú và lãnh nhận Bí Tích Hoà Giải của Thiên Chúa nhưng cái vạ thì vẫn cứ trĩu nặng đeo đảng mãi, tưởng như không bao giờ được giải thoát.

Rất nhiều trường hợp trong số những người trót phá thai không chỉ bị cắn rứt dày vò trong lương tâm mà còn là nỗi kinh hoàng khủng hoảng khi thấy các cháu bé vẫn tìm về trong giấc ngủ. Thoạt đầu, do đã được học một khoá Tâm Lý Gặp Gỡ Chiều Sâu với Nữ Tu lão thành Tô Thị Ánh, chúng tôi cứ nghĩ đây là lãnh vực của khoa Tâm Lý học, nhưng càng về sau này, chúng tôi thấy vấn đề không đơn giản như thế. Mà nếu có ai vặn hỏi chuyện này thuộc lãnh vực nào thì chúng tôi cũng đành bó tay, không giải thích và chứng minh cho thấu tình đạt lý. Chỉ biết chắc rằng đó là những sự việc có thật chứ không phải là trò mê tín dị đoan, không phải là chuyện hồn ma bóng quế vớ vẩn, tưởng tượng vẽ vời thêm để hù doạ đàn bà con nít ! Mà với chức Thánh Linh Mục, chúng tôi lại không bao giờ dám bịa chuyện, thêu dệt cho thêm phần ly kỳ giật gân theo kiểu báo chí lá cải. 

Xin phép được đơn cử một số trường hợp đích thân chúng tôi đã gặp gỡ. Chúng tôi xin phép giấu tên vì lý do hết sức tế nhị...

Một chị tìm gặp chúng tôi và kể rằng đã phá thai từ hơn 17 năm trước. Sau biến cố đáng tiếc thời con gái ấy, chị đã lập gia đình và may mắn còn sinh được hai đứa con. Nhưng chị không hoàn toàn hạnh phúc, đứa con đầu tiên đã bị chị khước từ, nó vẫn cứ thỉnh thoảng hiện về trong giấc ngủ chập chờn, khiến chị cứ sầu não héo hắt đi trong suốt bấy nhiêu năm. Chi tiết lạ lùng đặc biệt là: phá thai được 1 năm thì đứa bé hiện về khoảng 1 tuổi; phá thai được 5 năm thì thằng bé 5 tuổi chạy lon ton đến gặp mẹ; đứa bé vẫn cứ lớn lên dần theo thời gian, và theo lời chị: “Mới hôm qua nó lại về, bây giờ nó là một thanh niên cha ơi, nó đứng nhìn con cười cười hiền khô. Cái nét mặt, cái dáng dấp ấy, cái nụ cười ấy y như của ông nhà con, nó chính là đứa con mà con đã giết đi hồi 17 năm về trước cha ơi !” 

Chúng tôi dặn chị về nhà đêm nay cầu nguyện thật sốt sắng, xin với Chúa cho được... gặp chính hương hồn cậu thanh niên ngay trong lúc còn thức, hoặc trong giấc ngủ, quan trọng là chị nhớ nói với cậu ta một cách thật lòng rằng: “Mẹ xin lỗi con vì mẹ đã lỡ lầm từ chối không cho con được chào đời...” Sáng hôm sau, chị ta vội vàng tìm gặp chúng tôi cho bằng được, nét mặt vui mừng nhưng vẫn còn phảng phất cơn thảng thốt: “Con cám ơn cha, mọi sự xảy ra y như cha dặn dò. Con con nó chỉ nói: mẹ ơi, từ nay có ai hỏi ba mẹ có mấy người con, ba mẹ đừng có bảo là chỉ có hai đứa em của con, mà phải nói là đã có 3 con. Con cũng là con của ba mẹ vậy chứ bộ ! Rồi nó lại cười cười hiền khô và quay đi mất cha ạ !” 

Một trường hợp khác, ly kỳ gay cấn hơn. Lần này là một đôi vợ chồng tìm đến cầu cứu vì cô em vợ hình như bị... quỷ ám, cứ nói năng lung tung, tuổi hơn 40 mà cử chỉ, điệu bộ và giọng cười là của con nít. Chúng tôi trao cho anh chị một ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, dặn về nhà đưa ra trước mặt dì ấy, yêu cầu đọc Kinh Lạy Cha. Nếu dì ấy quay đi bỏ chạy thì ắt là ma quỷ, bởi ma quỷ thì chẳng tài nào dám gọi Thiên Chúa là Cha, nếu thế thì phải tìm một Linh Mục lớn tuổi, có đạo đức, có kinh nghiệm, ăn chay hãm mình đâu ra đấy, lại được phép Bề Trên cho đi trừ quỷ mới trừ được. Còn nếu dì ấy vẫn có thể nhìn ảnh Mẹ mà đọc kinh thì là chuyện khác, hoặc là bệnh tâm thần, hoặc là có oan hồn nào đây. 

Hai vợ chồng ra về lòng thầm hậm hực: ông cha này sao mà... chết nhát, chẳng dám ra tay cứu giúp con chiên bổn đạo ! Tuy nhiên vừa về đến nhà thì cô em gái lại “lên cơn” như mọi khi, họ sực nhớ đến tấm ảnh Mẹ Hằng Cứu Giúp và lời dặn dò của chúng tôi, họ nghĩ cứ thử xem sao, biết đâu ! Thật không ngờ, cô em cầm lấy ảnh Mẹ Ma-ri-a thật trân trọng rồi cười thật hiền lành: “Mấy đứa tụi con có phải là ma quỷ gì đâu, tụi con là con của bố mẹ đấy chứ. Bố mẹ đã lần lượt phá thai hai anh em tụi con, một con trai, một con gái, ngày này, tháng này, năm này đây nè.... Tụi con đi chơi lang thang gặp thêm hai đứa nữa cũng bị phá thai mà không biết cha mẹ là ai, tụi con rủ về đây, ở với dì Ba cho vui !” Đến lúc đó thì đôi vợ chồng ấy mới hết hồn, vội hỏi thế các con muốn gì ? Các cháu lại mượn miệng người dì ruột mà trả lời: “Tụi con chỉ muốn bố mẹ đặt tên Thánh, họ tên trong gia đình cho đầy đủ rồi đi tìm xin một cha rửa tội cho tụi con!”  

Hôm sau hai vợ chồng trở lại Trung Tâm Mục Vụ DCCT nhưng chúng tôi lại vừa đột xuất ra lo mục vụ ở miền Bắc. Anh chị đành hỏi han các nơi và tìm được đến cha Minh, Giáo Xứ Thánh Linh bên Thị Nghè, người nổi tiếng về mặt trừ quỷ và rửa tội cho người... cõi âm. Nửa tháng sau, khi chúng tôi về lại Sài-gòn, anh chị ấy đã mang đến cho chúng tôi mấy tấm bảng mi-ca ghi rõ “Xin cầu cho các linh hồn” có đầy đủ tên Thánh và họ tên của 4 cháu bé. Anh chị ấy kể rằng cậu lớn nhất nói phải làm bảng đàng hoàng như thế rồi đến xin đích danh ông cha Uy DCCT dâng cho một Thánh Lễ cầu siêu ! Thế là xong, các cháu vui vẻ cười nói một chút nữa rồi chia tay ra đi. Người dì ruột từ từ tỉnh lại và từ đó đến nay thôi không còn ngơ ngác ngớ ngẩn như trước nữa... 

Ngay hôm được biết chuyện, chúng tôi đã dâng ngay một Thánh Lễ thật sốt sắng. Và bây giờ thì chúng tôi vẫn đặt hai tấm bảng mi-ca xanh chữ trắng dưới chân tượng “Đức Mẹ, Mẹ các Thai Nhi” ở cuối hành lang văn phòng Trung Tâm Mục Vụ, nơi mỗi chiều các cộng tác viên nhóm Bảo Vệ Sự Sống vẫn xin được mấy chục thai nhi bị giết ở các bệnh viện thành phố Sài-gòn đem về để chúng tôi mang đi thiêu. Ắt là 3 chú và một cô bé hài nhi ấy cũng đã cầu bầu cùng Chúa cho chúng tôi rất nhiều hay sao ấy mà bao nhiêu là ca được đưa từ các trung tâm phá thai về cho cha Hồng Phước ngồi gần đấy mà tư vấn, tất cả đều thành công, đều cứu được các cháu bé...                        

Chuyện nóng hôi hổi mới mấy hôm nay: anh Minh Hoàng, nhân viên Trung Tâm Mục Vụ có việc cần về quê ở Nha Trang, chúng tôi nhờ chuyển một số tiền chia sẻ với công việc Bảo Vệ Sự Sống ở Nha Trang. Anh Hoàng đã gặp được các anh chị trong nhóm, được đưa đến tận chân núi Hòn Thơm, xã Vĩnh Ngọc, tỉnh Khánh Hoà, thuộc Giáo Xứ Phù Sa để viếng thăm nơi nhóm đã chôn cất được khoảng 5.000 thai nhi. Khi về lại Sài-gòn, anh Hoàng kể cho chúng tôi nghe chuyện mà người vẫn còn muốn... nổi da gà ! Anh bảo khi đang đi còn một khoảng xa, anh nghe có tiếng rất đông trẻ em lao xao ca hát, khóc nhè, kêu réo nhõng nhẽo, tất cả văng vẳng cứ như có một nhà trẻ hoặc một trường mẫu giáo nào ở gần đấy vậy. Anh Hoàng hỏi người dẫn đường, ông ta bảo có nghe thấy gì đâu vì ở đây cách biệt với khu dân cư. Ông đoán: “Chắc là các cháu thai nhi đấy!” 

Thế nhưng khi đến nơi, đứng ngay trước một bàn thờ toạ lạc trước hàng hàng dãy dãy những nấm mộ be bé, tiếng ồn ào lao xao của trẻ con hoàn toàn biến mất, im ắng, quạnh hiu, chỉ có tiếng gió rì rào giữa các tàng cây, đâu đây một con chim lạ đang hót véo von... Anh Hoàng đã cầu nguyện ngay trước bàn thờ, không quên trò chuyện thật chân tình với các cháu. Anh bảo: “Thiêng quá ! Vậy mà sao người ta vẫn cứ dám cả gan phá thai !” 

Lại mới chiều hôm nay, khách đến xin tư vấn là một chị 38 tuổi, quê ở Đà Nẵng, đã trót phá thai một lần cách nay 16 năm tại một phòng mạch tư, chị đã xin được lấy bào thai rồi trao cho anh người yêu đem đi chôn. Thế rồi đã không có đám cưới, hai bên chia tay. Bốn năm sau chị không nguôi được nỗi dằn vặt, đã cố đi tìm lại người xưa để hỏi nơi anh ta đã chôn cháu bé con của hai người. Anh ấy chỉ chỗ chôn ở quận Tân Bình, lại tả chi tiết là gần bên có một con lạch nho nhỏ. Nhưng chị ấy đã đến đúng địa chỉ mà tìm không ra tăm tích.  

Dạo ấy đến nay chị đã trải qua hai cuộc tình nhưng đều dở dang gãy gánh. Chị bảo thỉnh thoảng trong đêm trằn trọc không ngủ được, cứ nhắm mắt là chị lại thấy một thằng bé khoảng 3 tuổi, trần trụi không manh quần tấm áo. Nó cứ nhìn chị, im lặng, nụ cười buồn buồn. Chị thổn thức khóc với chúng tôi, chị bảo chị sẽ chẳng thể nào có được hạnh phúc trong đời nếu như chị không tìm ra được phần mộ để lo liệu chu đáo cho con của mình. Lần này, chị từ Đà Nẵng vào lại Sài-gòn, đến Đền Đức Mẹ Kỳ Đồng, khóc trước hang đá Mẹ Lộ Đức. Ông già bảo vệ thấy người thiếu phụ cứ khóc thảm thiết mãi thì hỏi thăm sự tình, biết là chuyện liên quan đến Bảo Vệ Sự Sống, ông chỉ chỗ đi tìm văn phòng của chúng tôi. 

Chị không phải là người Công Giáo nên chúng tôi không ban Bí Tích Giải Tội nhưng lại tặng cho chị một mẫu ảnh Mẹ Hằng Cứu Giúp. Chúng tôi dặn dò rất kỹ để chị có thể trò chuyện nếu chị lại thấy con trai hiện về. Ánh mắt chị bừng sáng, miệng chị đã nhoẻn nụ cười tươi khi nghe chúng tôi đề nghị hãy chọn luôn tên Quang Uy của chúng tôi cho cậu bé với họ Nguyễn của chị.

Và mới tức thì, đang ngồi đây viết mấy trang cho báo Ephata số ra tuần này, đã khá khuya, một cú điện thoại gọi đến, thì ra là người phụ nữ ban chiều. Chị đang ở nhà trọ. Chị khóc run lên, chị bảo chị sợ lắm, chị có linh cảm đêm nay chị sẽ lại gặp con của chị và sẽ phải nói chuyện với nó thật nhiều, thật lâu, thật trọn vẹn tất cả như chúng tôi đã hướng dẫn. Chị xin chúng tôi chịu khó thức thật khuya đêm nay và luôn ở bên chiếc điện thoại vì: “Cha ơi, nếu sợ quá là con gọi di động cho cha ngay, cha đừng bỏ con một mình cha nhé !” 

Chúng tôi nhắc lại cho chị điều ban chiều đã phân tích: các thai nhi là những Anh Hài, chúng có thể nghịch ngợm, ranh mãnh, nhưng vẫn luôn hồn nhiên dễ thương, chúng không ác, không muốn trả thù, không muốn gieo tai hoạ cho bất cứ ai, cho dù đó là những người đã xua đuổi từ khước chúng. Chúng là những bé thơ, là những thiên thần nhỏ, hoàn toàn thuộc về Chúa, thuộc về Nước Trời. 

Gõ vi tính đến đây, trong đầu chúng tôi chợt vọng lên một bài hát rất quen thuộc trong các dịp sinh hoạt giới trẻ, bài “Nối Vòng Tay Lớn”. Đây có lẽ là bài hát duy nhất của Trịnh Công Sơn mà người ta có thể nhớ trọn vẹn từ đầu đến cuối, không sót, không sai một từ một chữ nào. Ấy vậy nhưng người ta, thuộc thì làu làu đấy nhưng có thể khi hát vẫn không đủ lắng mà ngẫm nghĩ cho thấu hết ý nghĩa sâu xa anh Sơn đã như vô tình gửi gấm trong từng câu, từng lời của bài hát. Và câu hát hôm nay chúng tôi vừa ngộ được trong “Nối Vòng Tay Lớn”, ấy là một câu nghe mà rùng mình: “Người chết nối linh thiêng vào đời...”  

Vâng, các cháu bé đã không được sinh vào đời làm người như mọi người, thế nhưng các cháu vẫn còn kịp nối được cái anh linh, cái thể phách thiêng liêng của sự sống Thiên Chúa cho cõi người ta đang quá thiếu vắng tình yêu và lương tri nhưng lại đầy rẫy những mầm mống sự chết !  

Anh Sơn hát tiếp: “...và nụ cười nở trên môi !” Chị người Đà Nẵng thân mến, chúng tôi tin đêm nay chị sẽ không còn sợ hãi hốt hoảng nữa, chị sẽ được giải thoát khỏi cái vạ, cái hệ luỵ suốt 16 năm qua. Rồi chị cũng sẽ “nụ cười nở trên môi” bởi chị sẽ được chính đứa con thân yêu bé bỏng của chị hôn lên khuôn mặt đầm đìa nước mắt của chị một chiếc hôn của thứ tha trìu mến.

Lm. LÊ QUANG UY, DCCT Sài-gòn Chúa Nhật 23.7.2006

VỀ MỤC LỤC
SỨC KHỎE TINH THẦN  
 

Câu Chuyện Thầy Lang

Bài Bác sĩ Nguyễn Văn Đích

® Phải có sự đồng ý của tác giả cũng như ghi rõ nguồn "www.khoahoc.net" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này

Xin mời quý thân hữu đọc một bài viết của người bạn đồng khóa, bác sĩ Nguyễn Văn Ðích, đề cập tới một khía cạnh quan trọng của sức khỏe mọi người: Sức khỏe Tinh Thần.

Bs Nguyễn Ý Ðức

* * *

Một hôm tôi gặp một bệnh nhân người Algeria. Ông đến với tôi vì chúng tôi có thể nói với nhau một ít tiếng Pháp. Ông bị cao áp huyết, cao mỡ trong máu.

Khi bàn về điều trị, tôi khuyên ông bỏ thuốc lá. Ông cười, tỏ vẻ hiểu bịết nhưng lại xin kể một chuyện vui vui. Ông nói: “có người khuyên bạn rằng nếu anh không hút thuốc lá thì anh có thể sống đến 60 tuổi, nếu không uống rượu thì có thể sống đến 70 tuổi, nếu không “chơi bời” thì có thể sống đến 80 tuổi. Người bạn hỏi lại rằng nếu sống đến 80 tuổi mà không hút thuốc lá, không uống rượu, không làm..., thì sống để làm gì”? 

Tôi biết rằng ông đang ở giai đọan lưỡng lự giữa bỏ hút thuốc hay tiếp tục, nên tìm cách chống chế. Vì theo ông, ăn, ngủ, tình dục là những điều quan trọng; tìm cảm giác dễ chịu tự nó không xấu nhưng làm thế nào cho phù hợp với đời sống mới là điều cần phải cân nhắc, xem xét...

Con người là động vật có bộ não rất phát triển, do đó con người có thể nhận biết và suy nghĩ, nghĩa là có ý thức. Vì có ý thúc nên chúng ta vui, giận, buồn, yêu, ghét, và ham muốn.

 Sự ham muốn đầu tiên là muốn sống: bản năng sinh tồn là bản năng mạnh nhất, sau đó là bản năng sinh dục, nhờ vậy mà nhân lọai tồn tại. Nhưng con người không chỉ sống bằng bản năng. Loài vật sống thành bầy, săn mồi, sinh sản theo mùa, trôi nổi theo sự ngẫu nhiên của môi trường. Người nguyên thủy cũng ăn lông ở lỗ, nhưng nhờ biết suy nghĩ, làm ra dụng cụ nên săn bắt có hiệu quả.Từ khi tìm ra lửa, cuộc sống được nâng lên một bậc cao hơn,  người ta có thể sưởi ấm và không còn ăn thịt sống. Từ những bộ lạc du mục, quen phá rừng đốt rẫy, người ta dừng lại chung sức, xây dựng làng mạc, trở thành xã hội có tổ chức.

Khoa học kỹ thuật phát triển làm cho cuộc sống sung túc hơn. Văn học nghệ thuật phát triển làm cho người ta hiểu nhau hơn, biết chuộng cái hay, cái đẹp, xây dựng nên những phong cách cư xử khiến cho sự tiếp xúc giữa người với người được dễ dàng. Tìm sự thật, yêu cái hay cái đẹp, bênh vực lẽ phải, tìm sự hài hòa trong các mối quan hệ, bảo vệ sự sống là sinh họat tinh thần.  

Nhiều người cho rằng tinh thần và vật chất là hai yếu tố riêng biệt.Nhưng tinh thần và vật chất cùng ở trong một người. Ta có thể nhận thấy tác dụng giữa tinh thần và vật chất qua kinh nghiệm hàng ngày. Khi một người giận, mắt trợn ngược, nét mặt căng thẳng, thở dồn dập, nói to, áp huyết tăng, đường trong máu tăng; khi một người sợ, tim đập nhanh, đổ mồ hôi, tay run rẩy, nói không ra hơi; khi một người bình tĩnh, thở đều hòa, tim đập chậm, áp huyết hạ. Khi cháu bé khỏe, cháu sẽ vui vẻ ăn uống, chạy nhảy... Khi cháu bị bệnh, cháu sẽ gắt gỏng, khóc vòi, kém ăn, khó ngủ.... 

Khoa học cũng chứng minh có sự tương quan giữa đời sống tinh thần và bệnh tật.

Đời sống tinh thần bao gồm thái độ đối với người và ngọai vật kể cả hệ thống tin tưởng và tôn giáo. Theo bác sĩ Koenig HG và  CSV (Handbook of religion and health: a century of research review. New York; Oxford University Press, 2000) hai phần ba trong số 1200 báo cáo cho thấy có sự liên quan giữa sinh họat tôn giáo với sức khỏe tinh thần và vật chất.

Theo Mathews DA và CSV (Religious commitment and health status: a review of the research and implications for family medicine. Arch Fam Med 1998; 7; 118-24) đời sống tâm linh (họat động tôn giáo) có tác dụng trong việc:

Ngừa bệnh tâm lý và sinh lý. Người thường dự các lễ nghi tôn giáo, ít bị lo âu, trầm cảm, it bị cao áp huyết, và sống lâu hơn. Có thể vì người hay dự các lễ nghi tôn giáo chú ý đến cách sống, không làm điều gì thái quá, cũng có thể họ thăm hỏi, nhắc nhở nhau giữ gìn sức khỏe tốt hơn

Giúp đối phó với bệnh tâm thần và cơ thể. Những người có lòng tin, từ sự tự tin ở bản thân, tin ở thầy thuốc, tin ở khoa học  hay tin ở tôn giáo sẽ an tâm do đó sẽ hợp tác với điều trị nên điều trị có kết quả tốt hơn;

Giúp sự bình phục. Người có tin tưởng sẽ có thêm nghị lực do đó sẽ cố gắng để phục hồi. Trầm cảm tuy là bệnh tinh thần nhưng làm giảm khả năng miễn dịch nghĩa là giảm sức chống lại sự xâm nhập của vi trùng. Cùng bị tai biến mạch máu não nhưng người buồn bã chán nản sẽ nằm một chỗ do đó sẽ không chịu tập luyện để khôi phục lại khả năng đã mất, lâu ngày sẽ bị biến chứng như lở lóet ngoài da, nhiễm trùng từ vết lóe...Ngược lại người có tin tưởng, sẽ phấn đấu, cố gắng ngồi dậy, tập đi vv…, do đó sẽ phục hồi tốt hơn.  Người đó cũng cẩn thận dùng thuốc đúng hơn, do đó sẽ ít bị tái phát hơn, nên sẽ sống lâu hơn. 

Y khoa coi các báo cáo về đời sống tâm linh và sức khỏe là những sự kiện cho thấy có  liên hệ giữa tinh thần và bệnh tật và giải thích các sự kiện này một cách khách quan trên cơ sở khoa học.

Để giữ gìn sức khỏe tinh thần, mỗi người cần có cái nhìn thực tế về bản thân mình, cần chú ý đến các lãnh vực sau đây:

Cơ thể. Cần làm việc, ngủ, nghỉ đầy đủ, cần tập luyện cơ thể, ăn cân bằng các chất dinh dưỡng, khám sức khỏe định kỳ. Sự làm việc không những mang lại cho ta tiền bạc, nhưng còn giúp cho cơ thể vận động, là cơ hội để hợp tác với người khác và cho ta ý niệm về giá trị của sức lao động .

Tâm trí. Cần có thái độ lạc quan, yêu đời, cần thư dãn, tu thiền, bỏ qua những thất bại đau buồn trong quá khứ, cần biết ơn và biết tha thứ, không hận thù dằn vặt. Những người lớn tuổi mà tôi gặp đều vui vẻ, sống đơn giản, không mưu mô xảo quyệt, không dùng người khác làm phương tiện phục vụ cho bản thân mình.

Xã hội. Cần giao tiếp với người khác, hòa nhã, tôn trọng, không lấn át người khác, chia sẻ sự lo âu buồn phiền với thân nhân hoặc bạn bè. Sự cô độc làm cho ta suy thoái về vật chất và tinh thần. Khi nàng Kiều bị giam hãm ở lầu Ngưng Bích, than rằng: “Giết nhau chẳng cái Lưu Cầu, giết nhau bằng cái Ưu Sầu, độc chưa?!”.

Tâm linh. Cần họat động tinh thần tùy theo sở thích và khả năng như trồng hoa, nuôi súc vật, nghe nhạc, làm văn nghệ, nuôi dạy trẻ,  làm việc từ thiện, sống có mục đích, có niềm tin, hãy cầu nguyện nếu có tín ngưỡng.

Vật chất.  Cần có việc làm ổn định, có thu nhập vì sự an toàn vật chất giúp an tâm duy trì sức khỏe tòan diện.

Nói chung, ta cần có thái độ tích cực, dấn thân và luôn luôn tìm tòi học hỏi.

Ðể có một sức khỏe tinh thần tốt đẹp!

Bác sĩ Nguyễn Văn Ðích

Atlanta-Georgia 

VỀ MỤC LỤC

- Mọi liên lạc: Ghi danh, thay đổi địa chỉ, đóng góp ý kiến, bài vở..., xin gởi về địa chỉ

giaosivietnam@gmail.com

- Những nội dung sẽ được đề cao và chú ý bao gồm:

Trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm thực tế trong việc mục vụ của Giáo sĩ;  Những tài liệu của Giáo hội hoặc của các Tác giả nhằm mục đích Thăng tiến đời sống Giáo sĩ; Cổ võ ơn gọi Linh mục; Người Giáo dân tham gia công việc “Trợ lực Giáo sĩ” bằng đời sống cầu nguyện và cộng tác trong mọi lãnh vực; Mỗi  Giáo dân phải là những “Linh mục” không có chức Thánh; Đối thoại trong tinh thần Bác ái giữa Giáo dân và Giáo sĩ… (Truyền giáo hay xây pháo đài?)

- Quí vị cũng có thể tham khảo những số báo đã phát hành tại

www.conggiaovietnam.net

Rất mong được sự cộng tác, hưởng ứng của tất cả Quí vị

Xin chân thành cám ơn tất cả anh chị em đã sẵn lòng cộng tác với chúng tôi bằng nhiều cách thế khác nhau.

TM. Đặc San Giáo Sĩ Việt Nam

Lm. Luca Phạm Quốc Sử  USA

 

 

Được chọn giữa loài người và cho loài người; GÍAO SĨ: Xuất phát từ gíao dân, hiện diện vì gíao dân và cậy dựa vào gíao dân, để cùng làm VINH DANH THIÊN CHÚA

*************