Người ta hỏi một em nhỏ :
- Cháu muốn gì bây giờ ?
Em nhỏ trả lời ngay :
- Cháu muốn làm người lớn ?
Người ta hỏi tiếp :
- Tại sao cháu lại muốn làm người lớn ?
Em nhỏ đơn sơ trả lời :
- Cháu muốn làm người lớn để được thoải
mái nằm ngủ nướng mà không bị gọi dậy đi lễ, để được vô tư
chửi tục mà không bị la mắng, như…bố cháu ấy!
Câu trả lời của em nhỏ, tuy ngây ngô,
nhưng cũng phản ảnh được phần nào ước vọng của con người,
đó là muốn có tí chức, tí quyền để
được ra lệnh và không phải vâng phục.
Phải chăng đây cũng chính là một cơn
cám dỗ mà con người thường gặp phải ở mọi nơi và trong mọi
lúc. Ngày xưa nơi vườn địa đàng, ông bà nguyên tổ đã bị cám
đỗ muốn được trở nên ngang hàng với Thiên Chúa, nên đã không
vâng lời Ngài, giơ tay hái trái cấm mà ăn, để rồi phải cúi
đầu lãnh nhận án phạt của đau khổ và chết chóc.
Trong hoang địa, Chúa Giêsu cũng đã bị
cám dỗ về hai vấn đề này.
Trước hết, đó là về khát vọng quyền
bính. Phúc âm kể lại :
“Sau đó, quỷ đem Đức Giê-su lên cao, và
trong giây lát, chỉ cho Người thấy tất cả các nước thiên hạ.
Rồi nó nói với Người: "Tôi sẽ cho ông toàn quyền cai trị
cùng với vinh hoa lợi lộc của các nước này, vì quyền hành ấy
đã được trao cho tôi, và tôi muốn cho ai tuỳ ý. Vậy nếu ông
bái lạy tôi, thì tất cả sẽ thuộc về ông." Đức Giê-su đáp
lại: "Đã có lời chép rằng: Ngươi phải bái lạy Đức Chúa là
Thiên Chúa của ngươi, và phải thờ phượng một mình Người mà
thôi." (Lc 4,5-8).
Tiếp đến, đó là về sự không vâng phục.
Phúc âm cũng kể lại :
“Quỷ lại đem Đức Giê-su đến
Giê-ru-sa-lem và đặt Người trên nóc Đền Thờ, rồi nói với
Người: "Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì đứng đây mà gieo mình
xuống đi! Vì đã có lời chép rằng: Thiên Chúa sẽ truyền cho
thiên sứ gìn giữ bạn. Lại còn chép rằng: Thiên sứ sẽ tay đỡ
tay nâng, cho bạn khỏi vấp chân vào đá." Bấy giờ Đức Giê-su
đáp lại: "Đã có lời rằng: Ngươi chớ thử thách Đức Chúa là
Thiên Chúa của ngươi."(Lc 4,9-12).
Ngày nay, mỗi khi mùa tranh cử trở về,
người ta nhao nhao chạy đua vào dinh tổng thống, vào thượng
viện, vào hạ viện cũng như vào bất kỳ chức vụ nào. Người ta
tranh giành nhau chiếc ghế này hay chiếc ghế nọ. Chẳng hạn
mới đây, tại Mỹ, hàng trăm người đã ra ứng cử để chiếm lấy
chức thống đốc bang Cali. Cuối cùng, chiếc ghế này đã rơi
vào tay Arnol Schwarzenegger, một tài tử cơ bắp nổi tiếng
với những phim đấm đá.
Sở dĩ như vậy, quyền hành thường đi đôi
với bổng lộc, có quyền thì thường cũng có tiền. Và hơn thế
nữa, người có quyền thường ra lệnh và truyền khiến, chứ ít
khi phải vâng lời, đúng như Chúa đã diễn tả :
"Anh em biết: những người được coi là
thủ lãnh các dân thì dùng uy mà thống trị dân, những người
làm lớn thì lấy quyền mà cai quản dân. Nhưng giữa anh em thì
không được như vậy: ai muốn làm lớn giữa anh em thì phải làm
người phục vụ anh em.” (Mc 10,42-43).
Trong khi đó, người môn đệ của Đức
Kitô, dấn thân vào nếp sống tu trì, không được trôi theo
dòng chảy, trái lại phải đi ngược với những trào lưu trên
bằng cách thực thi tinh thần vâng phục.
Như vậy, sống vâng phục phải chăng là
sự ngược đời thứ ba mà người tu sĩ cần phải tuân giữ trong
cuộc sống của mình ?
VÂNG PHỤC THEO CÁI
NHÌN CỦA CHÚA
Đọc lại Phúc âm, chúng ta thấy : sự
vâng phục không phải chỉ là điểm nổi bật nhất trong cuộc
sống của Ngài, mà hơn thế nữa, sự vâng phục còn chính là
phong cách của bản thân Ngài.
Thực vậy, Thánh Phaolô đã viết :
“Vì vậy, khi vào trần gian, Đức Ki-tô
nói: Chúa đã không ưa hy lễ và hiến tế, nhưng đã tạo cho con
một thân thể. Chúa cũng chẳng thích lễ toàn thiêu và lễ xá
tội. Bấy giờ con mới thưa: Lạy Thiên Chúa, này con đây, con
đến để thực thi ý Ngài, như Sách Thánh đã chép về con. Trước
hết, Đức Ki-tô nói: Hy lễ và hiến tế, lễ toàn thiêu và lễ xá
tội, Chúa đã chẳng ưa, chẳng thích, mà đó chính là những thứ
của lễ được dâng tiến theo Lề Luật truyền. Rồi Người nói:
Này con đây, con đến để thực thi ý Ngài. Thế là Người bãi bỏ
các lễ tế cũ mà thiết lập lễ tế mới.” (Dt 10,5-9).
Chính Ngài cũng đã xác quyết :
“Tôi tự trời mà xuống, không phải để
làm theo ý tôi, nhưng để làm theo ý Đấng đã sai tôi.” (Ga
6,38).
Chính vì thế, chúng ta có thể nói được
rằng nỗi ưu tư số một của Ngài ở trần gian là chu toàn thánh
ý Chúa Cha. Ở mọi nơi và trong mọi lúc, Ngài đều vâng phục
và Ngài có thể nói với chúng ta, như xưa Ngài đã từng nói
với các môn đệ bên bờ giếng Giacóp :
"Lương thực của Thầy là thi hành ý muốn
của Đấng đã sai Thầy, và hoàn tất công trình của Người.” (Ga
4,34).
Để thi hành thánh ý Chúa Cha, cũng như
chu toàn công việc Chúa Cha đã trao phó, Ngài đã vâng phục
Mẹ Maria và thánh Giuse trong suốt quãng đời ẩn dật. Thánh
Luca đã đúc kết về khoảng thời gian ấy như thế này :
“Sau đó, Ngài đi xuống cùng với cha mẹ,
trở về Na-da-rét và hằng vâng phục các ngài.” (Lc 2,51).
Sự vâng phục này là yếu tố rõ ràng nhất
tượng trưng cho tất cả cuộc hành trình của Ngài ở trần gian.
Trong những năm sống công khai, để thi
hành thánh ý Chúa Cha cũng như chu toàn công việc Chúa Cha
trao phó, Ngài đã hiến trót thân mình để rao giảng Tin mừng
và huấn luyện các môn đệ, không nề hà gian nan và thiếu
thốn, vất vả và mệt nhọc.
Khi đến giờ thử thách quyết liệt nhất,
lúc phải đối đầu với cái chết, trước những nhục nhã và đớn
đau chồng chất, tâm hồn Ngài như bị giằng co xâu xé, bản
tính nhân loại của Ngài đã lo lắng và run sợ, đến nỗi mồ hôi
máu chảy ra và nhỏ xuống đất, khiến Ngài như muốn tháo lui:
"Áp-ba, Cha ơi, Cha làm được mọi sự,
xin cất chén này xa con.” (Mc 14,36).
Tuy nhiên, liền sau đó ý thức về sứ
mạng của mình trỗi dậy và Ngài đã kêu lên :
“Nhưng xin đừng làm điều con muốn, mà
làm điều Cha muốn." (Mc 14:36).
Cuối cùng, Ngài đã uống cạn chén cứu độ
và đã hy sinh cho đến giọt máu cuối cùng với cái chết tủi
nhục trên thập giá bằng một tình yêu vô hạn.
Thánh Phaolô đã diễn tả một cách tuyệt
vời về sự tự hạ và vâng phục của Đức Kitô trong bức thư gửi
tín hữu Philippê như sau :
“Đức Giê-su Ki-tô vốn dĩ là Thiên Chúa
mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với
Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy
thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế.
Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu
chết, chết trên cây thập tự. Chính vì thế, Thiên Chúa đã
siêu tôn Người và tặng ban danh hiệu trổi vượt trên muôn
ngàn danh hiệu. Như vậy, khi vừa nghe danh thánh Giê-su, cả
trên trời dưới đất và trong nơi âm phủ, muôn vật phải bái
quỳ; và để tôn vinh Thiên Chúa Cha, mọi loài phải mở miệng
tuyên xưng rằng: "Đức Giê-su Ki-tô là Chúa". (Pl 2,6-11).
Sự vâng phục của Ngài là một sự vâng
phục hoàn toàn tự nguyện, như lời Ngài đã xác quyết:
“Sở dĩ Chúa Cha yêu mến tôi, là vì tôi
hy sinh mạng sống mình để rồi lấy lại. Mạng sống của tôi,
không ai lấy đi được, nhưng chính tôi tự ý hy sinh mạng sống
mình. Tôi có quyền hy sinh và có quyền lấy lại mạng sống ấy.
Đó là mệnh lệnh của Cha tôi mà tôi đã nhận được." (Ga
10,17-18)
Đức Kitô hoàn toàn tự do khi chu toàn
thánh ý Chúa Cha. Ngài tự nguyện chấp nhận cái chết trên
thập giá để yêu thương và cứu chuộc nhân loại.
LỜI MỜI GỌI SỐNG
VÂNG PHỤC
Đọc lại Phúc âm, chúng ta thấy Chúa
Giêsu đã mời gọi các môn đệ ngày xưa cũng như mời gọi chúng
ta hôm nay :
“Anh em hãy hãy học với tôi…” (Mt
11,29).
Dĩ nhiên, chúng ta có thể và cần phải
học hỏi nơi Chúa Giêsu rất nhiều bài học khác nhau, thế
nhưng bài học đầu tiên và quan trọng nhất chính là bài học
vâng phục. Cũng chính trong chiều hướng ấy, người tu sĩ
tuyên khấn tuân giữ đức vâng phục trong hội dòng của mình.
Có lần Chúa Giêsu đã nói với các môn đệ
:
"Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính
mình, vác thập giá mình mà theo.” (Mt 16,24).
Theo tôi nghĩ ba lời khấn của người tu
sĩ : khó nghèo, khiết tịnh và vâng phục cũng chỉ là việc
thực hiện tinh thần từ bỏ Chúa đòi buộc những người muốn
bước theo Ngài mà thôi.
Trước hết, từ bỏ tiền bạc để sống một
cuộc sống khó nghèo đã là một việc khó khăn, khả dĩ làm tan
nát cõi lòng, bởi vì “đồng tiền thì liền với khúc ruột”.
Tiếp đến, từ bỏ những tình cảm riêng
tư, những gắn bó với người chúng ta thương mến để sống một
cuộc sống độc thân, thuộc trọn về Chúa, đã là một việc khó
khăn hơn, khả dĩ làm héo hắt tâm can, bởi vì tình yêu thì
gắn liền với con tim, như Trịnh Công sơn đã diễn tả :
“Tình yêu như trái phá con tim mù
lòa…tình yêu như đuốc sáng con tim tật nguyền”.
Thế nhưng, từ bỏ tiền bạc vật chất và
từ bỏ người mình yêu thương gắn bó, vẫn còn là một việc
tương đối dễ dàng, bởi vì tiền bạc vật chất và người mình
yêu thương gắn bó, dẫu sao cũng chỉ là những đối tượng ở bên
ngoài chúng ta.
Trong khi đó, từ bỏ chính mình với
những ý nghĩ, những ước muốn riêng tư để chu toàn thánh ý
Thiên Chúa, một phần nào được biểu lộ qua những lệnh truyền
của bề trên, mới thực sự là một vệc cam go, bởi vì những ý
nghĩ và những ước muốn riêng tư ấy đã bén rễ sâu trong tâm
hồn. Ngoài ra, nhiều khi nó còn làm nên cá tính và con
người, làm nên cái “mình” của chúng ta. Vì thế, đánh bật
được gốc rễ của nó không phải là chuyện dễ dàng một chút
nào.
Hơn thế nữa, Đức Kitô là đường, (Ga
14,6), con đường một chiều dẫn chúng ta đến cùng Thiên Chúa,
nguồn sự thật và sự sống. Vì thế, chúng ta cần phải vâng
phục Ngài nếu muốn đến với Chúa Cha.
Đức Kitô là ánh sáng, (Ga 8,12), thứ
ánh sáng gìn giữ chúng ta khỏi lầm lạc. Vì thế, chúng ta cần
phải vâng phục Ngài, nếu không muốn bước đi trong tăm tối.
Do đó, muốn theo Đức Kitô và trở nên
môn đệ của Ngài, chúng ta cần phải từ bỏ chính mình. Sự từ
bỏ này có nhiều mức độ khác nhau. Phần đông người ta chỉ
bằng lòng từ bỏ bằng cách xa tránh tội lỗi, khước từ những
vui thú vẩn đục và bất chính, miễn cưỡng chấp nhận những tai
ương hoạn nạn không tránh khỏi mà thôi.
Tuy nhiên cũng có những người theo sát
bên Chúa một cách hoàn thiện hơn, bằng việc từ bỏ chính
mình.
Họ hiểu rằng được độc lập và tự do,
thực hiện những điều mình mong ước là một cách khẳng định
mình chính xác nhất, cũng như là một cách đứng trên đôi chân
của mình.
Nhưng đồng thời họ cũng hiểu rằng sự từ
bỏ chính mình để vâng phục và làm theo ý người khác, là một
việc rất cam go, nhưng lại vô cùng quí giá, nhất là khi
người ta biết từ bỏ chính mình vì những mục đích siêu nhiên.
Ngoài ra, họ cũng hiểu rằng Chúa Giêsu
rất mong muốn có nhiều môn đệ thực thi sự từ bỏ chính mình
bằng cách chọn lựa bậc sống tự nguyện vâng phục, để bắt
chước chính sự vâng phục của Ngài, hầu hoạt động hăng say
như Ngài để làm vinh danh Cha trên trời.
Chính vì muốn đáp lại lời mời gọi âm
thầm của Đức Kitô, cũng như để được trở nên giống Ngài,
Đấng đã vâng phục thánh ý Chúa Cha cho đến chết và chết trên
thập giá, mà trong hội dòng, các tu sĩ tuyên hứa lời khấn
vâng phục.
Công đồng Vaticanô II đã viết như sau :
“Theo gương Đức Kitô, Đấng đã đến để
làm theo ý Chúa Cha (x Ga 4,34; 5,30; Đúng thế 10,7; Tv
39,9), “tự nhận thân phận tôi tớ” (Phải 2,7) và đã học tập
đức vâng lời với những điều phải chịu đựng (x Đúng thế 5,8).
Cá tu sĩ, được Chúa Thánh Thần thúc đảy, lấy đức tin tùng
phục các vị bề trên, đại diện Thiên Chúa, và nhờ các ngài
hướng dẫn, họ phục vụ mọi anh em trong Đức Kitô, như chính
Đức Kitô, vì tuân phục Chúa Cha, đã phục vụ anh em và hiến
mạng sống để cứu chuộc mọi người (x Mt 20,28; Ga 10,14-18).
Như thế, họ được liên kết chặt chẽ hơn với sứ mệnh phục vụ
của Giáo hội và nỗ lực đạt đến mức tuổi sung mãn của Đức
Kitô (x Eph 4,13).” (DT 14).
ĐỨC VÂNG PHỤC CỦA
NGƯỜI TU SĨ.
Khi tuyên hứa lời khấn vâng phục, người
tu sĩ dâng hiến trọn vẹn ý chí cùng với những khả năng hoạt
động của nó, để tuân phục các bề trên chính thức của hội
dòng trong tất cả những điều các vị ấy truyền dạy, miễn là
phù hợp với qui luật và hiến pháp của hội dòng. Công đồng
Vaticanô cũng viết :
“Nhờ khấn giữ đức vâng lời, các tu sĩ
tận hiến ý muốn mình như của lễ bản thân dâng lên Thiên
Chúa, nhờ đó được kết hợp với ý muốn cứu rỗi của Ngài cách
kiên trì và chắc chắn hơn.” (DT 14).
Một trong những hoạt động chính yếu của
ý chí là yêu thương. Như vậy, lời khấn vâng phục có một liên
hệ chặt chẽ với lời khấn khiết tịnh. Tuy nhiên, trong cuộc
sống còn rất nhiều sự việc chúng ta được tự do định đoạt. Và
sự định đoạt này liên hệ trực tiếp đến ý chí của chúng ta.
Do đó, khi khấn giữ đức vâng phục,
chúng ta dâng hiến cho Thiên Chúa ý chí của chúng ta. Và
cùng với ý chí là tất cả những hoạt động trong cuộc sống.
Khi tặng biếu một cây ăn trái cho
người nào đó, chúng ta cũng tặng biếu cho họ tất cả hoa quả
mà cây đó sẽ trổ sinh. Cũng vậy, khi dâng hiến cho Thiên
Chúa ý chí, xét như là một khả năng hoạt động, chúng ta cũng
dâng hiến cho Ngài tất cả những công việc chúng ta làm.
Những công việc này là như những sợi chỉ vàng, dệt nên tấm
vải cuộc đời mỗi người chúng ta, như hoa quả của một cây ăn
trái.
Qui luật và hiến pháp của hội dòng chỉ
rõ cho chúng ta biết phải vâng phục ai và phải sử dụng khả
năng hành động như thế nào.
Trước hết, chúng ta không tuyên hứa
vâng phục bất kỳ ai, nhưng tuyên hứa vâng phục những bề trên
chính thức, do qui luật và hiến pháp xác định. Công đồng
Vaticanô II đã viết :
“Các tu sĩ hãy khiêm tốn vâng phục bề
trên của mình theo tiêu chuẩn qui luật và hiến pháp,trong
tinh thần tin kính và yêu mến đối với thánh ý Chúa.” (DT
14).
Tiếp đến, chúng ta phải đem trót cả khả
năng hành động để phụng sự Chúa và chỉ sử dụng nó vào những
mục đích tốt lành và thánh thiện. Tuy nhiên trong khi hoạt
động, có rất nhiều việc lành làm cho chúng ta say mê, có rất
nhiều mục đích riêng tư chúng ta âm thầm đeo đuổi.
Chính qui luật và hiến pháp sẽ xác định
rõ tinh thần của hội dòng chúng ta phải vâng nghe, những
cách sống chúng ta phải thực thi, những mục đích chúng ta
phải nhắm tới…Nói tóm lại, chính qui luật và hiến pháp sẽ
xác định những giới hạn chúng ta phải tuân giữ, cũng như chỉ
rõ phương hướng chúng ta phải theo trong khi hành động.
Thiết tưởng sự vâng phục là một điều
rất dễ hiểu, bởi vì con người là một con vật mang tính cách
xã hội. Nó không thể nào sống cô độc, lẻ loi. Trái lại, nó
sống là sống với người khác trong một cộng đoàn, trong một
xã hội.
Xã hội nào, cộng đoàn nào cũng có thể
được sánh ví như là một thân thể. Thân thể nào cũng có một
bộ óc để lãnh đạo, chỉ huy và thống nhất toàn thân. Sự sống
còn và phát triển của toàn thân tùy thuộc vào sự lãnh đạo
sáng suốt của bộ óc, và quan trọng hơn nữa là sự vâng phục
của mọi chi thể đối với bộ óc.
Nếu các chi thể không chịu vâng phục
lệnh truyền của bộ óc, thì dù bộ óc có lãnh đạo sáng suốt
tới đâu, toàn thân cũng không thể tồn tại, thống nhất và
phát triển một cách tốt đẹp được. Và các chi thể như thế
đương nhiên sẽ không tránh khỏi một số phận hẩm hiu đang chờ
đón.
Đối với Giáo hội và hội dòng, sự vâng
phục cũng cần thiết như vậy. Không có sự vâng phục, Giáo hội
và hội dòng ấy sẽ không thể tồn tại và phát triển tốt đẹp.
Chính vì thế, tất cả những ai muốn tận
hiến cho lý tưởng sống trọn lành, cần phải tuyên hứa lời
khấn tự nguyện vâng phục, như một nhân đức căn bản của đấng
bậc mình. Công đồng Vaticanô cũng xác nhận :
“Đức vâng phục là sức mạnh đặc biệt của
thùa tác viên Đức Kitô, Đấng đã dùng sự vâng phục để cứu rỗi
nhân loại.” (TD 2).
Như người ta vốn thường bảo :
- Kỷ luật là sức mạnh của quân đội.
Chúng ta cũng có thể nói :
- Đức vâng phục chính là sức mạnh của
Giáo hội cũng như của hội dòng.
Trong ba nhân đức của sự trọn lành và
của đời sống tận hiến, hai nhân đức khiết tịnh và khó nhèo
mang nhiều tính cách cá nhân, nên chúng ta có thể gọi chúng
là “tư đức”. Còn nhân đức vâng phục mang nhiều tính cách
Giáo hội và cộng đoàn, nên chúng ta có thể gọi là nó “công
đức”. Nó là một yết tố quan trọng quyết định sự sống còn của
Giáo hội và hội dòng.
Tới đây, chúng ta thấy được rằng cốt
lõi của đức vâng phục chính là thánh ý Chúa và tình yêu
chúng ta dành cho Ngài.
Trước hết là thánh ý
Chúa.
Trong một nước, quyền lãnh đạo quốc gia
được ủy thác cho vị nguyên thủ, là ông tổng thống hay ông
chủ tịch. Trên nguyên tắc, mọi người đều phải tuân lệnh vị
nguyên thủ đó. Nhưng dân nước thì đông và việc nước thì
nhiều, làm sao vị nguyên thủ đó có thể ra lệnh trực tiếp
cho từng người và từng việc ? Ông phải phân quyền cho những
người trung gian, đại diện cho ông, như thủ tướng, bộ
trưởng, tỉnh trưởng…Ngay cả những người lãnh đạo cấp thấp
nhất cũng đều nhận quyền hướng dẫn dân chúng từ vị nguyên
thủ. Vì thế, người dân tuân lệnh họ là gián tiếp tuân lệnh
vị nguyên thủ, trái lệnh họ là gián tiếp trái lệnh vị nguyên
thủ và có thể bị luật pháp trừng trị.
Quyền bính từ Thiên Chúa xuống trên các
vị bề trên của chúng ta cũng như thế. Vì vậy, vâng phục cac
ngài là vâng phục Chúa, là tuân theo thánh ý Ngài. Mọi hành
vi vâng phục, rốt cuộc đều qui về sự vâng phục Chúa, thi
hành thánh ý Ngài. Nếu không có mục đích này, thì sự vâng
phục đó không phải là nhân đức vâng phục.
Chúng ta cần phân biệt giữa sự vâng
phục thông thường và nhân đức vâng phục. Sự vâng phục của
tên ăn cướp đối với chủ tướng của hắn không phải là đức vâng
phục. Cũng vậy, một tu sĩ vâng phục bề trên chỉ vì sợ hãi,
chỉ vì muốn lấy lòng hay muốn được tiếng khen…đều không phải
là đức vâng phục. Đức vâng phục đòi hỏi người vâng phục phải
có ý hướng muốn thi hành thánh ý Chúa. Thiếu ý hướng này thì
hành vi vâng phục không phải là nhân đức vâng phục.
Tiếp đến là tình yêu
đối với Chúa.
Cốt lõi của đức vâng phục là thực thi
thánh ý của Chúa. Mà thánh ý Chúa cuối cùng cũng chỉ làm sao
để tình yêu được thể hiện, bởi vì như thánh Gioan đã định
nghĩa :
“Thiên Chúa là Tình yêu.” (1Ga 4,8).
Vì thế, yếu tố làm cho hành vi vâng
phục trở thành nhân đức cũng chính là tình yêu. Hành vi vâng
phục nào phản lại tình yêu cũng không phải là nhân đức.
Chính trong cái nhìn ấy, thánh Augustinô đã nói :
- Cứ yêu đi, rồi muốn làm gì thì làm.
Nghĩa là : hễ hành động nào do tình yêu
sáng suốt thúc đẩy, thì luôn phù hợp với thánh ý Chúa. Tình
yêu luôn là yếu tố quan trọng nhất để làm cho một hành động
có giá trị trước mặt Chúa. Thánh Phaolô viết :
“Giả như tôi có đem hết gia tài cơ
nghiệp mà bố thí, hay nộp cả thân xác tôi để chịu thiêu đốt,
mà không có đức mến, thì cũng chẳng ích gì cho tôi.” (1 Cr
13,3).
Tương tự như vậy, cho dù tôi có tuân
giữ giữ kỷ luật từng ly từng tí như bọn biệt phái ngày xưa,
cho dù tôi có thi hành lệnh truyền của bề trên một cách
tuyệt đối, nhưng nếu không có tình yêu, thì những hành động
ấy chẳng có giá trị bao nhiêu trước mặt Chúa. Ngài thèm lòng
chứ đâu thèm thịt, như lời tiên tri Osê đã nói :
“Ta muốn tình yêu chứ đâu muốn lễ tế.”
(Mt 12,7; Hs 6,6).
Do đó, vâng phục chỉ thực sự là nhân
đức khi có tình yêu đối với Chúa bên trong. Người tu sĩ, một
khi đã tuyên khấn tuân giữ đức vâng phục, thì trọn cuộc sống
cùng với mọi hành động đều quy hướng về Chúa, thuộc trọn về
Ngài và có được một giá trị thiêng liêng to lớn, bởi vì đã
được dâng hiến cho Ngài.
KẾT LUẬN
Để kết luận, tôi xin kể lại một mẩu
chuyện như sau :
Chị Josepha vào dòng tu. Ngày kia, chị
nghe Chúa hỏi :
- Con có yêu Cha không ?
Chị trả lời :
- Lạy Chúa, con yêu Chúa lắm.
Chúa hỏi tiếp :
- Con làm thế nào để tỏ cho Cha biết là
con yêu Cha lắm ?
Chị trả lời :
- Con sẽ vâng lời một cách vui vẻ.
Ngày nọ, mẹ bề trên sai chị đi kiếm củi
để nấu bếp. Đang khi còn dùng dằng một chút, thì chị bỗng
nghe Chúa phán :
- Này con, dù thích hay không, con cũng
hãy làm tất cả vì lòng yêu mến Cha.
Từ đó, mỗi lần cảm thấy cái ách vâng
phục đè nặng, chị liền nhớ tới lời Chúa đã dạy :
- Dù thích hay không, con cũng hãy làm
tất cả vì lòng yêu mến Cha.
Câu chuyện trên làm tôi nhớ tới lời
Chúa đã phán :
- Vâng lời trọng hơn của lễ.
Lời phán dạy của
Chúa, phải chăng cũng chính là sự ngược đời mà người tu sĩ
cần phải thực thi và sống trong suốt cả cuộc đời của mình.
GSVN. |