Một nhà thám hiểm nọ lênh đênh trên
sóng nước. Trong những ngày tháng cô đơn ấy, anh rất thèm
được liên hệ với thế giới bên ngoài. Thế nhưng, chỉ có một
chú chim nhỏ, sáng nào cũng đến và đậu trên chiếc bè của
anh.
Rồi một ngày kia, chú chim nhỏ không
đến nữa và anh cảm thấy buồn khổ như mất đi một người bạn
thân thương nhất.
Không phải chỉ những nhà thám hiểm sống
trong hoàn cảnh đặc biệt như vậy, mà hơn thế nữa, tất cả
chúng ta, từ già tới trẻ, từ nam tới nữ, đều cảm thấy sợ hãi
trước sự cô đơn.
Đúng thế, một đứa bé mở mắt chào đời,
mà nếu thiếu vắng sự chăm sóc vỗ về đầy yêu thương của người
mẹ, thì nó sẽ chỉ là một đứa bé èo uột và yếu đuối mà thôi.
Vì thế, tại những nhà giữ trẻ, người ta thường hay cho phát
ra những tiếng đập nhẹ nhàng, như tiếng đập phát đi từ trái
tim người mẹ, làm cho những em bé sẽ ăn ngon hơn và ngủ kỹ
hơn.
Còn những người đã đứng tuổi, khi nghĩ
đến cảnh xế chiều của mình, thường rùng mình trước sự vắng
lặng cô đơn, nhất là những lúc đau yếu và bệnh tật, nên phải
cố đi tìm cho mình một người bạn đời để cùng chia sẻ và nâng
đỡ lẫn nhau, như tục ngữ đã bảo :
- Con nuôi cha không bằng bà nuôi ông.
Không phải chỉ con người, mà ngay cả
chính Thiên Chúa dường như cũng ngán ngẩm trước nỗi cô đơn.
Đúng thế, khi nằm trên thập giá, lúc bị treo lên giữa trời
và đất, Đức Kitô đã phải lớn tiếng kêu cầu :
"Ê-li, Ê-li, lê-ma xa-bác-tha-ni",
nghĩa là "Lạy Thiên Chúa, lạy Thiên Chúa của con, sao Ngài
bỏ rơi con?" (Mt 27,46).
Chính vì vậy, ngay từ thưở đời đời,
Thiên Chúa đã sống trong chan hòa yêu thương và cảm thông
giữa Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần như trong một mái
gia đình đầm ấm.
Từ những sự kiện trên, chúng ta thấy
con người là một con vật mang tính cách xã hội. Có nghĩa là
chúng ta không thể nào sống cô độc lẻ loi như một hòn đảo
giữa biển khơi, hay như một pháo đài biệt lập. Trái lại,
chúng ta sống là sống với người khác trong một cộng đoàn,
trong một xã hội.
Riêng chúng ta, những tu sĩ, hiện nay
chúng ta đang chung sống với nhau trong một cộng đoàn và
cộng đoàn ấy chính là hội dòng chúng ta đã đầu tư suốt bao
nhiêu năm trời. Để cho cộng đoàn ấy được tồn tại và phát
triển, thì chúng ta không thể không sống tình bác ái huynh
đệ.
TÌNH BÁC ÁI HUYNH ĐỆ
THEO CÁI NHÌN CỦA CHÚA
Thực vậy, đời sống tu trì sẽ không thể
nào tồn tại và phát triển, nếu chúng ta không thực thi tình
bác ái huynh đệ. Chính những sai lỗi về nhân đức này sẽ làm
cho cuộc sống chung trở nên ngộ ngạt , căng thẳng và nặng
nề.
Vì vậy, bác ái yêu thương là một bổn
phận rất quan trọng, không phải chỉ cho người tu sĩ, mà còn
cho bấy kỳ những ai muốn mang danh hiệu Kitô hữu. Đúng thế,
chúng ta hãy nhớ lại quang cảnh của ngày phán xét chung,
được thánh Matthêu mô tả như sau :
"Khi Con Người đến trong vinh quang của
Người, có tất cả các thiên sứ theo hầu, bấy giờ Người sẽ ngự
lên ngai vinh hiển của Người. Các dân thiên hạ sẽ được tập
hợp trước mặt Người, và Người sẽ tách biệt họ với nhau, như
mục tử tách biệt chiên với dê. Người sẽ cho chiên đứng bên
phải Người, còn dê ở bên trái. Bấy giờ Đức Vua sẽ phán cùng
những người ở bên phải rằng: "Nào những kẻ Cha Ta chúc phúc,
hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho các ngươi ngay từ
thuở tạo thiên lập địa. Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn;
Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã
tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu,
các ngươi đã thăm viếng; Ta ngồi tù, các ngươi đến hỏi han."
Bấy giờ những người công chính sẽ thưa rằng: "Lạy Chúa, có
bao giờ chúng con đã thấy Chúa đói mà cho ăn, khát mà cho
uống; có bao giờ đã thấy Chúa là khách lạ mà tiếp rước; hoặc
trần truồng mà cho mặc? Có bao giờ chúng con đã thấy Chúa
đau yếu hoặc ngồi tù, mà đến hỏi han đâu?" Đức Vua sẽ đáp
lại rằng: "Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi làm như
thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là
các ngươi đã làm cho chính Ta vậy." Rồi Đức Vua sẽ phán cùng
những người ở bên trái rằng: "Quân bị nguyền rủa kia, đi đi
cho khuất mắt Ta mà vào lửa đời đời, nơi dành sẵn cho tên Ác
Quỷ và các sứ thần của nó. Vì xưa Ta đói, các ngươi đã không
cho ăn; Ta khát, các ngươi đã không cho uống; Ta là khách
lạ, các ngươi đã không tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi
đã không cho mặc; Ta đau yếu và ngồi tù, các ngươi đã chẳng
thăm viếng." Bấy giờ những người ấy cũng sẽ thưa rằng: "Lạy
Chúa, có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đói, khát, hoặc là
khách lạ, hoặc trần truồng, đau yếu hay ngồi tù, mà không
phục vụ Chúa đâu?" Bấy giờ Người sẽ đáp lại họ rằng: "Ta bảo
thật các ngươi: mỗi lần các ngươi không làm như thế cho một
trong những người bé nhỏ nhất đây, là các ngươi đã không làm
cho chính Ta vậy." Thế là họ ra đi để chịu cực hình muôn
kiếp, còn những người công chính ra đi để hưởng sự sống muôn
đời." (Mt 25,31-46).
Qua hoạt cảnh này, chúng ta nhận thấy
trong ngày sau hết, chúng ta sẽ bị Chúa hỏi về vấn đề gì,
nếu không phải là về tình bác ái yêu thương. Ngài không hỏi
chúng ta làm bề trên hay bề dưới. Ngài không hỏi chúng ta đã
lấy được mấy tấm văn bằng và đã viết được bao nhiêu cuốn
sách. Ngài không hỏi chúng ta đã thành công hay thất bại.
Nhưng Ngài hỏi chúng ta về tình bác ái yêu thương.
Tình bác ái yêu thương này phải được
biểu lộ bằng những hành động, những việc làm cụ thể, bởi vì
tư tưởng thì trừu tượng và khó kiểm chứng, còn lời nói thì
nhiều lúc trở nên bôi bác giả hình, chỉ có những hành động,
những việc làm cụ thể mới chứng thực tình bác ái yêu thương
của chúng ta mà thôi. Và như thế, Ngài sẽ hỏi chúng ta có
thực hiện những hành động bác ái yêu thương giúp đỡ những
người chung quanh hay không ?
Số phận đời đời của chúng ta sẽ được
Ngài ấn định chỉ dựa trên những hành động bác ái yêu thương
ấy :
"Nào những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến
thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho các ngươi ngay từ thuở tạo
thiên lập địa. Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát,
các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp
rước; Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các
ngươi đã thăm viếng; Ta ngồi tù, các ngươi đến hỏi han." (Mt
25,34-35).
Cái chết là một hành trình đơn côi, bởi
vì chúng ta sẽ phải bỏ lại sau lưng những người chúng ta
thương mến, cùng với tất cả những gì chúng ta đã ra sức gầy
dựng, chỉ những hành động bác ái yêu thương mới là những
người bạn trung thành nhất, theo chúng ta qua bên kia cái
chết và bào chữa cho chúng ta trước ngai tòa Thiên Chúa. Như
một câu danh ngôn đã bảo :
- Đứng trước cái chết :
Những gì chúng ta chắt trồng hôm nay,
thì người khác sẽ chiếm hữu.
Những gì chúng ta mua sắm hôm nay, thì
người khác sẽ hưởng dùng.
Chỉ những gì chúng ta cho đi hôm nay,
mới mãi mãi thuộc hẳn về chúng ta mà thôi.
Sở dĩ những hành động bác ái yêu
thương có một giá trị to lớn trước mặt Chúa như thế, vì Ngài
đã tự đồng hóa mình với những kẻ nghèo túng và bất hạnh, như
chính Ngài đã xác quyết :
"Mỗi lần các ngươi làm như thế cho một
trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã
làm cho chính Ta vậy." (Mt 25,40).
LỜI MỜI GỌI SỐNG
TÌNH BÁC ÁI HUYNH ĐỆ
Tới đây, chúng ta hãy âm thầm bước vào
phòng tiệc ly chiều thứ năm tuần thánh, tham dự bữa tiệc
cuối cùng của Chúa Giêsu, trước khi Ngài ra đi chịu chết.
Chính trong giờ phút riêng tư và xúc động ấy, Ngài đã gửi
đến các môn đệ, cũng như gửi đến mỗi người chúng ta lời mời
gọi sống tình bác ái huynh đệ.
Ngài coi tình bác ái huynh đệ chính là
giới luật mới của Ngài :
“Thầy ban cho anh em một điều răn mới
là anh em hãy yêu thương nhau; anh em hãy yêu thương nhau
như Thầy đã yêu thương anh em.” (Ga 13,34).
Trong Cựu Ước có rất nhiều lệnh truyền
và lệnh cấm, nhưng đối với Chúa Giêsu thì giới luật yêu
thương là quan trọng hơn hết, bởi vì tất cả những lời các tổ
phụ và các tiên tri dạy bảo đều qui hướng về đó.
Ngài coi tình bác ái huynh đệ chính là
dấu chỉ để nhận ra người môn đệ Ngài :
“Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn
đệ của Thầy ở điểm này: là anh em có lòng yêu thương nhau."
(Ga 13,35).
Như vậy, dấu chỉ để nhận ra người môn
đệ Chúa không phải là có tên trong sổ rửa tội của giáo xứ,
không phải theo đuổi một lý tưởng trong hội dòng, không phải
là làm dấu thánh giá và tham dự thánh lễ, nhưng là tình bác
ái huynh đệ. Nếu bây giờ thử gạt bỏ những phụ thuộc bên
ngoài để chỉ căn cứ vào tình bác ái huynh đệ, thì liệu chúng
ta có còn là người môn đệ đích thực của Ngài hay không ?
Và theo như Đức Cha Bùi Tuần đã diễn tả
trong cuốn “Giới luật yêu thương”, thì trong ngày sau hết sẽ
có một sự đảo lộn lớn : Kẻ vô thần không tin Chúa, chúng ta
bảo họ là dân vô đạo, còn chúng ta dù đã tin Chúa, nếu không
thực thi tình bác ái huynh đệ, thì cũng chỉ là một thứ dân
vô đạo mà thôi. Những người tin Chúa, tưởng mình là con cái
trong nhà, nhưng vì không sống tình bác ái huynh đệ, sẽ bị
loại trừ. Còn những kẻ vô đạo, chưa tin nhận Chúa, nhưng lại
sống tình bác ái huynh đệ, sẽ được Chúa đón nhận vào Nước
Trời, như chúng ta đã thấy trong hoạt cảnh ngày phán xét
chung.
Ngài tha thiết mời gọi các môn đệ hãy
yêu thương nhau. Yêu thương đến độ dám hy sinh mạng sống
mình vì nhau :
“Đây là điều răn của Thầy: anh em hãy
yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. Không có tình
thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính
mạng vì bạn hữu của mình… Điều Thầy truyền dạy anh em là hãy
yêu thương nhau.” (Ga 15,12-17).
Tình bác ái huynh đệ ấy phải được biểu
lộ qua những việc làm cụ thể, như chính Ngài đã thực hiện
trong buổi chiều ngày thứ năm tuần thánh, đó là quì xuống
rửa chân cho các môn đệ. Ngài muốn chúng ta cũng hãy bắt
chước Ngài mà làm như vậy :
“Khi rửa chân cho các môn đệ xong, Đức
Giê-su mặc áo vào, về chỗ và nói: "Anh em có hiểu việc Thầy
mới làm cho anh em không? Anh em gọi Thầy là `Thầy', là
`Chúa', điều đó phải lắm, vì quả thật, Thầy là Thầy, là
Chúa. Vậy, nếu Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho
anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau. Thầy đã nêu
gương cho anh em, để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh
em.” (Ga 13,12-15).
Hơn thế nữa cũng trong buổi chiều đáng
ghi nhớ ấy, Ngài còn khẩn khoản nguyện cầu cùng Chúa Cha cho
các môn đệ luôn biết yêu thương và hợp nhất cùng nhau :
“Lạy Cha chí thánh, xin gìn giữ các môn
đệ trong danh Cha mà Cha đã ban cho con, để họ nên một như
chúng ta.” (Ga 17,11).
Ngài không phải chỉ cầu cho các môn đệ,
mà còn cầu cho tất cả chúng ta, những người tin theo Ngài
trong dòng thời gian, cũng biết yêu thương và hợp nhất cùng
nhau :
“Con không chỉ cầu nguyện cho những
người này, nhưng còn cho những ai nhờ lời họ mà tin vào con,
để tất cả nên một, như Cha ở trong con và con ở trong Cha.
Như vậy, thế gian sẽ tin rằng Cha đã sai con.” (Ga
17,20-21).
TÌNH BÁC ÁI HUYNH ĐỆ
CỦA NGƯỜI TU SĨ
Như đã trình bày : chúng ta không thể
nào sống cô độc lẻ loi như một hòn đảo hay như một pháo đài,
trái lại chúng ta sống là sống với người khác trong một xã
hội, trong một cộng đoàn. Và trong cuộc sống chung này,
chúng ta không thể nào tránh đi cho hết những va chạm, những
bực bội, những buồn phiền…bởi vì nhân vô thập toàn, ai cũng
có những sai lỗi và khuyết điểm của mình. Hơn thế nữa, bá
nhân bá tánh, mỗi người đều có một tính tình riêng. Vì thế,
cần phải xây dựng cộng đoàn, cần phải xây dựng cuộc sống
chung trên tình bác ái huynh đệ. Tình bác ái huynh đệ này
cần phải được biểu lộ bằng những hành động cụ thể.
Trước hết là đối với những sai lỗi của
bản thân và của người khác, chúng ta phải có thái độ như thế
nào ?
Sống trong cuộc đời, chúng ta giống như
người đeo hai cái giỏ. Cái giỏ phía trước đựng những sai lỗi
của người khác, còn cái giỏ phía sau lưng đựng những sai lỗi
của bản thân. Vì thế, chúng ta thường nhìn thấy rất rõ những
sai lỗi của người khác để rồi lên tiếng phê bình chỉ trích
một cách gắt gao. Còn những sai lỗi của bản thân thì không
nhìn thấy và nếu có nhìn thấy thì cũng sẽ đưa ra một ngàn lẻ
một lý do để bênh vực vào bào chữa. Chúng ta thường cư xử
một cách nghiêm khắc với người khác mà khoan dung với chính
bản thân. Trong khi đó, Chúa dạy chúng ta phải khoan dung
với người khác mà nghiêm khắc với chính bản thân.
Đối với những sai lỗi của bản thân,
chúng ta cần phải nhận lỗi, xin lỗi và sửa lỗi, bởi vì chính
những sai lỗi ấy đã làm cho cuộc sống chung trở nên ngột
ngạt và nặng nề. Hơn thế nữa, có sửa lỗi, chúng ta mới thăng
tiến bản thân, để rồi mỗi ngày một trở nên tốt lành và thánh
thiện hơn. Đừng xét người, nhưng hãy xét mình. Đừng đấm ngực
người, nhưng hãy đấm ngực mình mà rằng :
- Lỗi tại tôi, lỗi tại tôi mọi đàng.
Đối với những sai lỗi của người khác,
chúng ta cần phải biết khoan dung và tha thứ, như lời Chúa
truyền dạy :
“Bấy giờ, ông Phê-rô đến gần Đức Giê-su
mà hỏi rằng: "Thưa Thầy, nếu anh em con cứ xúc phạm đến con,
thì con phải tha đến mấy lần? Có phải bảy lần không?" Đức
Giê-su đáp: "Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng là đến bảy
mươi lần bảy." ((18,21-22).
Nơi khác, Ngài cũng bảo :
“Dù nó xúc phạm đến anh một ngày đến
bảy lần, rồi bảy lần trở lại nói với anh: `Tôi hối hận', thì
anh cũng phải tha cho nó." (Lc 17,4).
Sở dĩ như vậy, bởi vì sự tha thứ cho
người khác chính là điều kiện để được Chúa thứ tha :
"Thật vậy, nếu anh em tha lỗi cho người
ta, thì Cha anh em trên trời cũng sẽ tha thứ cho anh em.
Nhưng nếu anh em không tha thứ cho người ta, thì Cha anh em
cũng sẽ không tha lỗi cho anh em.” (Mt 6,14-15).
Chúng ta không phải là quan tòa, nên
đừng vội kết án người khác :
“Anh em đừng xét đoán, thì anh em sẽ
không bị Thiên Chúa xét đoán. Anh em đừng lên án, thì sẽ
không bị Thiên Chúa lên án. Anh em hãy tha thứ, thì sẽ được
Thiên Chúa thứ tha.” (Lc 6,37).
Tha thứ cho nhau chưa đủ, chúng ta còn
phải tìm dịp thuận tiện, dùng những lời nói thành thực để
giúp nhau uốn nắn sửa đổi những sai lỗi ấy :
"Nếu người anh em của anh trót phạm
tội, thì anh hãy đi sửa lỗi nó, một mình anh với nó mà thôi.
Nếu nó chịu nghe anh, thì anh đã chinh phục được người anh
em.” (Mt 18,15).
Người sống tình bác ái huynh đệ sẽ
không làm gương mù gương xấu, cũng như không làm điều ác cho
người khác đã đành, còn phải cầu nguyện và ước mong cho họ
được những điều tốt lành, cũng như giúp đỡ họ bằng những
việc làm cụ thể.
Người sống tình bác ái huynh đệ sẵn
sàng lấy ơn đền cho oán, lấy tình thương xóa bỏ hận thù,
không mong gì nơi người khác cũng như không chờ họ đền ơn
đáp nghĩa. Hơn thế nữa, tình bác ái huynh đệ ấy phải lan
rộng đến với cả những kẻ thù địch, như lời Chúa truyền dạy :
"Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Hãy yêu
đồng loại và hãy ghét kẻ thù. Còn Thầy, Thầy bảo anh em: hãy
yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em. Như
vậy, anh em mới được trở nên con cái của Cha anh em, Đấng
ngự trên trời, vì Người cho mặt trời của Người mọc lên soi
sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người
công chính cũng như kẻ bất chính.” (Mt 5,43-45).
Trong trường hợp xảy ra bất đồng, người
sống tình bác ái huynh đệ phải đi bước trước tiến đến sự hòa
giải :
“Vậy, nếu khi anh sắp dâng lễ vật trước
bàn thờ, mà sực nhớ có người anh em đang có chuyện bất bình
với anh, thì hãy để của lễ lại đó trước bàn thờ, đi làm hoà
với người anh em ấy đã, rồi trở lại dâng lễ vật của mình.”
(Mt 5,23-24).
Nếu bị kẻ khác làm cho phải khổ đau
buồn phiền, người sống tình bác ái huynh đệ sẽ không nóng
giận và mất kiên nhẫn, để rồi lấy ác báo ác :
"Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Mắt đền
mắt, răng đền răng. Còn Thầy, Thầy bảo anh em: đừng chống cự
người ác, trái lại, nếu bị ai vả má bên phải, thì hãy giơ cả
má bên trái ra nữa.” (Mt 5,38-39)
Muốn được như vậy, người tu sĩ cần phải
đặt tình bác ái huynh đệ của mình trên căn bản của lòng mến
Chúa, hay nói cách khác, người tu sĩ cần phải yêu thương
người khác vì Chúa. Có như vậy, tình bác ái huynh đệ mới
thực sự bền vững và vượt qua được những khó khăn và thử
thách.
Chính lòng mến Chúa sẽ biến tình bác ái
huynh đệ của chúng ta trở thành một nhân đức siêu nhiên,
đồng thời cũng chính lòng mến Chúa sẽ là như chiếc đũa thần,
biến những hy sinh nhỏ bé của chúng ta trở thành những sợi
chỉ vàng, dệt nên tấm vải cuộc đời, làm cho cuộc đời âm thầm
và khiêm tốn của chúng ta thực sự có được một giá trị trước
mặt Chúa.
Hơn thế nữa, với lòng mến Chúa, cuộc
sống chung trong cộng đoàn sẽ đem lại cho chúng ta những lợi
ích to lớn trong việc thánh hóa bản thân. Chẳng hạn, Chúa
cho chúng ta sống bên cạnh một người có tính nóng nảy là để
chúng ta tập cho mình được kiên nhẫn và dịu hiền…Khuyết điểm
của người khác có thể gây nên đau khổ, nhưng cũng có thể đem
lại lợi ích. Vì thế, chúng ta cần phải nhẫn nại, tránh kêu
ca và lẩm bẩm, phê bình và chỉ trích.
Tính ích kỷ đòi mọi người phục vụ cho
mình, còn tình bác ái huynh đệ đòi mình phải phục vụ cho mọi
người. Phải vượt qua tính ích kỷ, chúng ta mới đạt tới mức
độ trưởng thành trong cuộc sống tu trì.
Thiết tưởng một mẫu gương đáng cho mọi
hội dòng noi theo và bắt chước, đó là mẫu gương của cộng
đoàn Giêrusalem vào thời Giáo hội mới được khai sinh. Sách
Tông đồ Công vụ kể lại như sau :
“Các tín hữu chuyên cần nghe các Tông
Đồ giảng dạy, luôn luôn hiệp thông với nhau, siêng năng tham
dự lễ bẻ bánh, và cầu nguyện không ngừng. Mọi người đều kinh
sợ, vì các Tông Đồ làm nhiều điềm thiêng dấu lạ. Tất cả các
tín hữu hợp nhất với nhau, và để mọi sự làm của chung. Họ
đem bán đất đai của cải, lấy tiền chia cho mỗi người tuỳ
theo nhu cầu. Họ đồng tâm nhất trí, ngày ngày chuyên cần đến
Đền Thờ. Khi làm lễ bẻ bánh tại tư gia, họ dùng bữa với lòng
đơn sơ vui vẻ. Họ ca tụng Thiên Chúa, và được toàn dân
thương mến. Và Chúa cho cộng đoàn mỗi ngày có thêm những
người được cứu độ.” (Cv 2,42-47).
Công đồng Vaticanô II cũng khuyên chúng
ta :
“Đời sống chung được nuôi dưỡng bằng
giáo lý Phúc Âm, Phụng vụ Thánh và nhất là Bí Tích Thánh Thể
phải được kiên trì trong lời cầu nguyện, trong sự hiệp thông
cùng một tinh thần (x Cv 2,42), theo gương Giáo hội sơ khai,
trong đó các tín hữu chỉ có một tấm lòng, một tâm hồn (x Cv
4,32). Là chi thể của Đức Kitô, các tu sĩ hãy mang lấy gánh
nặng của nhau (x Gal 6,2) và trọng kính lẫn nhau trong tình
giao hảo huynh đệ ( x Rm 12,10). Thực vậy, khi được tình yêu
của Thiên Chúa nhờ Chúa Thánh Thần tràn đầy trong mọi tâm
hồn (x Rm 5,5), cộng đoàn nên như một gia đình thực sự, đoàn
tụ nhân danh Chúa, được hưởng sự hiện diện của Ngài (x Mt
18,20). Yêu mến là chu toàn luật pháp (x Rm 13,10) và là dây
liên kết sự trọn lành (x Col 3,14); nhờ đức mến mà chúng ta
biết rằng mình được chuyển từ cõi chết sang cõi sống (x 1Gio
3,14). Hơn nữa, sự hiệp nhất huynh đệ loan báo Đức Kitô đã
đến (x Ga 13,35; 17,21) và phát sinh một năng lực tông đồ
mãnh liệt” (DT 15).
KẾT LUẬN
Để kết luận, tôi xin kể lại một mẩu
chuyện như sau :
Một ký giả, sau khi được dẫn đi tham
quan thiên đàng và hỏa ngục, đã viết một bài báo và cho biết
:
Thiên đàng và hỏa ngục đều giống nhau,
nghĩa là những người ở hai nơi ấy đều được ngồi trước một
bàn tiệc thịnh soạn, cao lương mỹ vị, nhưng với một đôi đũa
dài những hơn một mét…
Tuy nhiên, có một điểm khác biệt duy
nhất, đó là những người ở dưới hỏa ngục thì cố gắng gắp và
đút vào miệng của mình, nhưng vì đôi đũa quá dài, thành thử
họ chẳng ăn được gì cả.
Trái lại, những người trên thiên đàng
thì cũng cố gắng gắp, nhưng sau đó, người này đút vào miệng
của người kia, nên tất cả đều được ăn no.
Cộng đoàn chúng ta cũng vậy. Tình bác
ái huynh đệ sẽ biến cộng đoàn chúng ta đang sống trở thành
một thiên đàng dưới trần gian. Bởi vì Thiên Chúa là tình
yêu, nơi nào có tình yêu, nơi ấy có Thiên Chúa. Và nơi nào
có Thiên Chúa, nơi ấy chính là thiên đàng vậy.
GSVN |