Đặc San Giáo Sĩ Việt Nam

 

 

 

ĐỰƠC CHỌN GIỮA LOÀI NGƯỜI
VÀ CHO LOÀI NGƯỜI  (x. Dt, 5.1)

 

GIÁO SĨ:

Xuất phát từ giáo dân, hiện diện vì giáo dân và cậy dựa vào giáo dân

 

ĐỂ CÙNG LÀM VINH DANH THIÊN CHÚA

 

www.conggiaovietnam.net                          giaosivietnam@gmail.com

Đặc San Điện Tử    Giáo Sĩ Việt Nam    Số 24, Chúa Nhật 24.09.2006


MỤC LỤC 

Sắc Lệnh về Canh Tân Thích Nghi Đời Sống Dòng Tu (tiếp theo)                          Vatican 2

HỘI ĐỒNG CÔNG LÝ HÒA BÌNH SẼ MỞ ÁN PHONG CHÂN PHƯỚC CHO  ĐHY FX. NGUYỄN VĂN THUẬN     LM. Trần Đức Anh, O.P

HÀNH TRÌNH HY VỌNG PHÚ                                                                                  Bùi Nghiệp

Đức Tin và Lý trí: Bài diễn văn của Benoît XVI tại Ratisbonne  Bản tóm lược và dẫn giải của Gs. Đinh Vinh Phúc

TRUYỀN THÔNG VÀ BẠO LỰC                                                                     Nguyễn Thụ Nhân

KHI NGÔN SỨ CÂM ÐIẾC                                                                       Lm. Đỗ Vân Lực, OP.

Một Nhà Thờ Hai Sơ                                                                                               J oseph Vũ

TÔN VINH NHỮNG ANH HÙNG TỬ ĐẠO                                                    Lm. Lê Văn Quảng

Ðức Thánh Cha Benedicto thứ 16. suy luận về dấu Thánh gía         Lm. Nguyễn Ngọc Long

Tác phẩm ĐÀO TẠO&TỰ ĐÀO TẠO THIÊNG LIÊNG...    Lm. Micae-Phaolô TRẦN MINH HUY

Nguy Cơ gây ra Bệnh Tim Mạch                                                             Bác sĩ Nguyễn Ý Đức


Perfectae Caritatis Sắc Lệnh về Canh Tân Thích Nghi Đời Sống Dòng Tu (tiếp theo)

 

Trong những hội dòng hoàn toàn chuyên lo chiêm niệm, các tu sĩ chỉ nhất tâm phụng sự một mình Thiên Chúa trong cô tịch và lặng lẽ, trong việc chuyên lo cầu nguyện và hân hoan hãm mình, cho dù nhu cầu hoạt động tông đồ có khẩn thiết đi nữa, thì những hội dòng ấy vẫn phái luốn giữ địa vị cao quí trong Nhiệm Thế Chúa Kitô, trong đó, “mỗi chi thể đều có một tác động khác nhau” (Rm 12, 4). Thực vậy, họ dâng lên Thiên Chúa hy lễ chúc tụng tuyệt hảo, làm vẻ vang dân Thiên Chúa bằng những hoa trái thánh thiện dồi dào, lấy gương lành lôi cuốn và làm cho dân ây thêm lớn mạnh bẳng một việc tông đồ âm thầm mà phong phú: Như thế, họ là vinh dự của Giáo Hội và là mạch tuôn trào các ơn thiêng. Tuy nhiên, cũng phải duyệt lại cách sống của họ theo những nguyên tắc và tiêu chuẩn về việc thích nghi canh tân như đã nói trên kia; dẫu vậy, vẫn phải kính cẩn bảo tồn sự cách biệt thế gian và những sinh hoạt riêng trong đời chiêm niệm của họ.

Trong Giáo Hội, có rất nhiều hội dòng dành cho giáo sĩ hoặc giáo dân dấn thân làm việc tông đồ khác nhau, tùy theo các ơn Chúa ban: ơn phục vụ để phục vụ hoặc ơn giáo lý để giảng thuyềt; kẻ được ơn khuyến cáo để dẫn dụ; ai ban phát thì ban phát cách đơn sơ, ai thương xót, hãy vui vẻ (x. Rm 12, 5-8). “Vả, các ân tứ dẫu khác nhau, tuy nhiên cũng cùng một Thánh Thần” (1 Cor 12,4).

Nơi những hội dòng này, bản tính đời sống tu trì nhằm hoạt động tông đồ và từ thiện như một chức vụ thánh, là công trình riêng của đức mến; do Giáo Hội ủy thác cho họ và phải được thi hành nhân danh Giáo Hội. Vì thế, toàn thể cuộc đời tu dòng của tu sĩ phải thấm nhuần tinh thần tông đồ, và toàn thể hoạt động tông đồ phải được linh động nhờ hình thành trong tinh thần tu dòng. Vậy, để các tu sĩ trước hết đáp lại ơn kêu gọi của họ là theo Chúa Kitô, và phục vụ chính Chúa Kitô trong các chi thể của Người, hoạt động tông đồ của các tu sĩ phải được phát sinh từ cuộc sông kết hiệp mật thiết với chính Chúa Kitô, nhờ đó, chính đức mến Chúa yêu người được triển nở.

Bởi thế, các hội dòng ấy hãy thích nghi luật lệ và tập tục riêng với các đòi hỏi của việc tông đồ mà họ chuyên lo. Nhưng, vì đời tu dòng chuyên lo hoạt động tông đồ mang nhiều hình thức khác nhau, nên trong việc thích nghi canh tân, cần xét đến tính cách khác biệt ấy, cũng như trong nhiều hội dòng khác, đời sống phụng sự Chúa Kitô của các tu sĩ cần được nâng đỡ bẳng những phương thế thích hợp riêng tùy mỗi hội dòng.

Phải trung thành duy trì và càng ngày càng làm sáng tỏ định chế đan viện khả kính trong tinh thần đích thực của nó, ở Đông Phương cũng như Tây Phương. Định chế ấy, qua bao thế kỷ, đã tạo được nhiều công nghiệp hiển hách trong Giáo Hội và cộng đồng nhân loại. Nhiệm vụ chính yêu của các đan sĩ là phục vụ Thiên Chúa Uy Quyền trong phạm vi đan viện, với sự khiêm tốn, nhưng đồng thời cao quí, hoặc hoàn toàn hiến thân phụng thờ Thiên Chúa trong đời sống ẩn dật, hoặc phụ trách cách hợp pháp một vài công cuộc tông đồ hay bác ái Kitô giáo. Vậy, tuy vẫn duy trì tính chất riêng của mỗi dòng, họ cũng cần canh tân những tập truyền tốt lành xưa và thích nghi chúng với những nhu cầu hiện đại của các linh hồn, để đan viện trở thành như trung tâm vun trồng dân Kitô giáo.

Cũng vậy, các dòng có hiến chương hay qui luật liên kết chặt chẽ đời sống tông đồ với việc đọc nhật tụng trong ca hội và những luật lệ đan viện, hãy hòa hợp cách sống với các đòi hỏi của những việc tông đồ thích hợp với họ, làm sao để trung thành giữ được lối sống của mình, mà đồng thời vẫn sinh nhiều ích lợi cho Giáo Hội.

Đời sống tu trì giáo dân, bất luận nam cũng như nữ, tự nó làm thành một bậc sống đầy đủ để khấn giữ các lời khuyên Phúc âm. Vì thế, Thánh Công Đồng quí trọng bậc sồng rất hữu ích này, hữu ích chọ sứ mệnh mục vụ của Giáo Hội trong lãnh vực giáo dục thanh thiếu niên, săn sóc bệnh nhân và chu toàn những nhiệm vụ khác; Thánh Công Đồng củng cố các tu sĩ ấy trong ơn gọi của họ và khuyến khích họ thích nghi cuộc sống với những đòi hỏi hiện đại.

Thánh Công Đồng tuyên bồ rằng: trong những dòng tu dành cho các Tu Huynh, không có gì trở ngại nếu có vài tu sĩ lãnh nhận các Chức Thánh để đáp ứng những nhu cấu cần đến chức vụ linh mục trong nhà mình, tùy Tổng Tu Nghị quyết định, nhưng vẫn phải duy trì tính chất giáo dân của tu hội.

Còn tiếp

VỀ MỤC LỤC
HỘI ĐỒNG CÔNG LÝ HÒA BÌNH

SẼ MỞ ÁN PHONG CHÂN PHƯỚC CHO ĐHY FX. NGUYỄN VĂN THUẬN

 

VATICAN. ĐTC Biển Đức 16 đã chấp thuận cho Hội đồng Tòa Thánh Công lý và Hòa bình đứng ra xúc tiến việc mở án phong chân phước cho Đức Cố HY Phanxicô Xavie Nguyễn Văn Thuận.

Trên đây là lời thông báo của ĐHY Renato Martino, người kế vị ĐHY Phanxicô Thuận, trong nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh Công lý và Hòa Bình, trong thánh lễ giỗ Đức Cố HY lần thứ tư, cử hành sáng hôm 16-9-2006, tại nhà nguyện của Hội đồng. ĐHY Martino tiết lộ rằng trước lời thỉnh cầu của ngài về việc này, ĐTC đã tỏ ra rất vui mừng và khích lệ. Ngoài ra, ĐHY Martino cũng đã thăm dò các Bộ và Hội đồng khác của Tòa Thánh, và tất cả đều phản ứng tích cực về dự án này.

Theo giáo luật, chỉ được mở án phong chân phước cho một tín hữu 5 năm sau khi qua đời, nhưng luật không cấm chuẩn bị cho công tác này.

Đức Ông Phanxicô Borgia Trần Văn Khả, Chủ sự tại Bộ phụng tự và kỷ luật bí tích đã thông báo tin trên đây vào cuối thánh lễ của cộng đoàn Việt Nam nhân lễ giỗ của ĐHY Nguyễn Văn Thuận, tại nghĩa trang Verano trước mộ của Đức Cố Hồng Y.

Thánh lễ do Đức Cha Võ Đức Minh, GM Phó giáo phận Nha Trang, chủ tế, cùng với 5 GM Việt Nam đang tham dự khóa bồi dưỡng 2 tuần ở Roma. Đồng tế thánh lễ còn có 20 LM Việt Nam, trước sự hiện diện của đông đảo các tu sĩ nam nữ, thuộc Liên tu sĩ Việt Nam ở Roma.

Đức Ông Khả kêu gọi mọi người cẩn thận gìn giữ các bút tích của ĐHY Phanxicô Thuận và cầu nguyện cho tiến trình mở án và tiến hành được đi tới kết quả tốt đẹp (TPN 16-9-2006).

 LM. Trần Đức Anh, O.P

VỀ MỤC LỤC
HÀNH TRÌNH HY VỌNG PHÚ

 

LTS: GSVN Hân hạnh giới thiệu vài nét về "Phú" và "Văn tế" nhân dịp kỷ niệm 4 năm ĐHY Fx. Nguyễn Văn Thuận ly trần. Quí bạn đọc có thể trao đổi thêm với ông Bùi Nghiệp, tác giả nhiều bài phú và văn tế đã được đăng trên www.chungnhanduckito.netwww.dunglac.net , theo địa chỉ email: peternghiep@yahoo.com 

Phú có nhiều thể lọai, nhưng Phú Đường luật là môt lọai khá phổ biến ở nước ta trước đây, không những phải vần phải đối, đúng mẹo luật và có khuôn khổ. Bài phú phải tùy chọn một trong các vần như:độc vận, liên vận, hạn vận, phóng vận. Về các lối đặt câu thì dùng tứ tự, bát tự, song quan, cách cú , hạc tất. Bố cục bài phú phải tuần tự: Lung, biện nguyên, thích thực, phô diễn, nghị luận và kết.Nhiều  bài phú Đường luật ở nước ta có giá trị văn học rất cao và...bất tử.

Thêm thể lọai nữa là Văn Tế, khi xưa văn tế mang ý nghĩa rất rộng, tế thần thánh, quỷ ma, vong hồn, tế người sống kẻ chết và cả chúc tụng nhau. Văn tế được làm dưới nhiều hình thức như văn xuôi, lối tán, song thất lục bát và phú Đường luật. quy tắc hiệp vần lọai văn tế viết theo thể phú đường luật cũng theo thể thức như trên, phần bố cục có mở bài, nhắc tiểu sử, đức tính công nghiệp, thương tiếc và kết bày tò.

Những năm gần đây, trên thi văn đàn quốc nội cũng như hải ngọai, hai thể lọai này ít xuất hiện, không hẳn là lỗi thời mà do tính công phu sắp xếp “con chữ”,nếu để mai một nát với cỏ cây  thì thật có lỗi với tiền nhân ...

 

HÀNH TRÌNH HY VỌNG PHÚ

(Bốn năm tưởng nhớ ngày ly trần 16-09-2002 của

Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận)

 

Cỡi sao Cơ – Vĩ!

Nương ánh Khuê Tinh.

Xe cưu mã  rước thần xuôi lạc cảnh!

Thuyền phúc ân nghinh phụ trẩy thiên đình.

Lòng thổn thức - dạ bồi hồi nhớ cha khả kính!

Trí tụng suy - tâm  ngưỡng vọng công đức anh linh.

 

Khi xưa:

Niên Thìn - can Mậu cắt rốn  hòa nhân lọai.

Đất Huế - Phú Cam chôn rau nhập thế sinh.

Danh xưng: Văn Thuận.

Thánh hiệu: Phan Sinh.

 

Giống dòng tử đạo.

Thế phiệt trâm anh.

Đầy một giáp biệt mẹ cha theo chân thiên triệu.

Đủ mười hai vào chủng viện dõi gót duy linh.

 

Mài miệt rừng nhu biển thánh,

Luận suy  bác cổ thông kim.

Mới tuổi hai lăm, chức thánh trao: thụ phong  đời linh mục,

Vừa sang hai tám, bề trên phán: trẩy du học đăng trình.

 

Trương thư pháp - làu làu Hán tự.

Gióng bút thần - thông thạo La-Tinh.

Thêm nghiên cứu chữ Nha – Bồ - Pháp,

Lại trau dồi âm Bỉ - Hy - Anh.

 

Xuất dương hải ngọai - tìm thâu tinh túy.

Hồi xứ sơn hà - truyền đạt môn sinh.

Trồng cây nhỏ, ươm mầm truyền giáo,

Gieo giống vàng, gặt hạt Lan Đình.

 

Ba mươi chín tuổi, trí đẫy tràn ơn thần khí.

Chưa đủ bốn mươi, tay quyền trượng dắt sinh linh.

Đồng Phú Khánh, tước chủ chăn đạt lý,

Đất Nha Trang, ngôi giám mục thấu tình,

 

Thời tao lọan, đông tây so bì cốt nhục,

Thuở điêu linh, nam bắc tán tận đệ huynh.

Dụng nhân trí vỗ về an chính đại!

Đem yêu thương ăm ắp nghĩa quang minh.

 

Từ Nha phận, vâng lời : nhận bài sai Tòa Thánh,

Đến Sài thành, tân nhiệm: Tổng Giám Mục kế quyền.

Ba mươi tháng tư - cơ trời vận nước.

Một chín bảy lăm – ngừng cuộc đao binh.

 

Thay cờ đổi chủ,

Quốc pháp gia hình.

Năm đinh mão chính ngày Mông Triệu!

Tiết trời thu đến khắc nộp mình?

 

Không bản án thế gian , mà cùm gông ngục thất?

Chẳng văn bài cáo trạng, sao xiềng xích  xà lim?

Không bị gậy hành trang, không áo xống!

Chẳng bạc tiền lương thực, chẳng thông tin.

 

Nơi lao lý rực tràn ân cứu độ.

Chốn đọa đày cháy bỏng lửa thần linh.

Một giọt nước hòa chung ba giọt rượu!

Hai bàn tay dâng tiến lễ hy sinh.

 

Trong vô vọng cha khai đường hy vọng”

Trước hận thù cha mở lối ân tình.

Bút thần khí, trào tuôn trang giấy ố,

Ánh hắt hiu, soi cửa sổ tụ hùynh.

 

Ba lượt lưu đày phát vãng!

Chín năm biệt lập ngục hình.

Thiên hạ thương tâm xứ,

Lao đao tống khách đình.

 

Này tù  Phú Khánh - Cây Vông - Giang Xá

Nọ ngục môn Nam – Trung – Bắc lưu trình.

Ủi an đồng nạn, vững vàng cam khổ.

Cảm hóa quân canh, thu phục lý hình.

 

Cận mặc giả hắc!

Cận hiền giả minh!

Cuộc nhân thế khi thường khi biến.

Lẽ tuần hòan lúc nhục lúc vinh.

 

Mười ba năm thấm thóat, trọng tù buông gông xóa án.

Năm ngàn buổi lao lung, ngục sĩ tháo cũi cởi xiềng.

Nhìn qúa khứ, đã sáu mươi: cây ngô đồng ngả bóng.

Nhủ tương lai, dù lục tuế: thần  hạc lão còn tinh.

 

Tại Hà Nội ba năm quản thúc.

Sang Rô Ma chạy chữa bệnh tình.

Nhà Hội Thánh , mẹ hiền an hòa ấp ủ,

Đức Giáo Tông , cha thánh chúc phúc an bình.

 

Trao nhiệm chức Hội Đồng Tòa Thánh!

Ủy thác vai Công Lý Hòa Bình.

Cả thế giới, vui chào người trung nghĩa,

Khắp trần hòan, mến mộ đức hy sinh.

 

Thiên niên kỷ mới, mũ hồng y ngời rực!

Thất thập cổ lai, đầu bạch phát khôi tinh!

Kìa bóng thỏ mờ dần khung chiều tắt,

Nọ bạch câu vèo thóang cửa phù sinh.

Bảy bốn tuổi cùng trần ai sánh bước.

Năm mươi năm dậy nhân thế công bình.

 

Đáo kỳ viên mãn!

Bách tuế quy linh!

Xác đã mất như hạt cây vùi xuống

Thần còn đây mầm nở sống hòan sinh.

Hoa kỳ diệu nức hương lan hòan vũ,

Trái tròn đầy thỏa ngọt khắp sinh linh.

Vọng tưởng.

Giai thành.

Bùi Nghiệp

VỀ MỤC LỤC
Đức Tin và Lý trí

 

Bài diễn văn của Benoît XVI tại Ratisbonne

Bản tóm lược và dẫn giải của Đinh Vinh Phúc

Bài diễn văn của Benoît XVI tại đại học Ratisbonne (Nước Đức, miền Bavière) ngày 12/9 vừa qua đã được tờ Le Monde và tờ La Croix phổ biến, độc giả tiếng Pháp có một cơ hội hiếm có để đọc chính văn bản để xem nó có xúc phạm (hay không xúc phạm) tới danh dự của người Hồi giáo, và nếu có thì ở chỗ nào.

Bài diễn văn bắt đầu bằng kỷ niệm của vị giáo sư đã dậy học ở đây, nhắc lại bầu khí cởi mở của Đại học giữa các ngành chuyên môn, và đặc biệt giữa hai ban thần học (Công giáo và Tin lành), mà đề tài nghiên cứu là Thiên Chúa, một đề tài xem ra không có căn bản gì hết, theo nhận xét của một giáo sư. Phủ nhận vai trò của thần học như vậy, loại Thiên Chúa ra ngoài lý trí, là một lập trường cực đoan sai lầm, theo diễn giả. Tất cả vấn đề là thế, và chỉ là thế. Benoît XVI vẽ một bức tranh rất hấp dẫn về quá trình liên hệ giữa Đức Tin và Lý Trí, bắt đầu bằng cuộc đàm thoại giữa một nhà vua và một học giả.

(Thế kỷ 16 là một thời chinh chiến. Byzance (Constantinople)  trung tâm của thế giới Thiên Chúa giáo ở  phương đông, duới quyền lãnh  của một hoàng đế (bazeus) tiếp nối sự nghiệp của Constantin đệ nhất. Byzance được bảo vệ bởi hệ thống tường thành rất vững chãi. Nhưng súng đại bác vừa xuất hiện trên chiến trường. Năm 1453, Mehmed II, một sultan, phá tan được tuờng thành và cùng một lúc tiêu hủy cả một đế quốc đã làm mưa làm gió ở vùng Địa Trung Hải hơn một thế kỷ.)

Nhưng trước khi sụp đổ, Byzance còn giữ nhiều vẻ huy hoàng với hoàng đế Manuel II( 1350-1425) một nhà thống thái, có dịp trao đổi với một học giả người persan (Iran), một nhà thần học Hồi giáo, vào năm 1391)

 Cuộc trao đổi này, do chính hoàng đế thuật lại, đã được giáo sư Theodore Khoury nghiên cứu, hết sức hấp dẫn, chung quanh vấn đề Đức Tin trong ba bộ sách, Cựu Ước (Do Thái), Tân Uớc (Thiên Chúa giáo) và Coran (Hồi giáo) cũng như mối liên hệ trong ba bộ sách. Nhưng Benoît XVI chỉ chú ý tới một khía cạnh ngoài lề,  Đức Tin và Lý Trí, và dùng tài liệu này để nhập đề.  Lập trường này rất quan trọng, vì chủ ý của diễn giả không phải là Hồi giáo cũng không phải là trình bày cuộc trao đổi năm 1391.)

Diễn giả dẫn giải như sau. Hoàng đế  thừa biết là trong sách Coran (Sourate 2, 256) nói rõ là « không  cưỡng bức  về đạo », nhưng có đoạn khác lại nói tới djihad, thánh chiến, như một dụng cụ truyền giáo. Vì thế, hoàng đế mới đặt câu hỏi tàn nhẫn : » « Vậy hãy chỉ cho tôi xem Mohammed đã đưa lại cái gì mới lạ, nếu không phải những điều xấu xa và vô nhân đạo. Thí dụ Mohammed ra lệnh phải truyền đạo của ông bằng gươm giáo. »

(Câu trích dẫn này là ngòi lửa cho cuộc phản đối của người Hồi giáo. Theo họ, nó xúc phạm đến Muhammed, và xuyên tạc Hồi giáo. Người trích dẫn chỉ có thể là là người không hiểu gì cả. Sự thực, theo các học giả, trong Coran có một sourate nói tới sự cuỡng bức, gọi là « câu lưỡi gươm » (verset de l’épée), Manuel II không nói sai. Còn Benoît XVI, khi trích dẫn, không có nghĩa là ông đồng ý. Ít nữa là lời phân trần của ông ngày 17/9 vừa qua. Dầu sao, đó chỉ khía cạnh phụ trong bài diễn văn, vì chủ đề của nó là nói tới lý trí, chớ không phải là djihad. Người Hồi giáo không đồng ý về ý niệm djihad: một cuộc chiến diệt dục vọng hay một cuộc chiến chống  ngoại đạo?  Cả hai được áp dụng trong lịch sử, tùy hoàn cảnh, xưa cũng như nay  (« Djihad is our war » như ta vừa thấy trong những biển ngữ chống lại Giáo hoàng). Phải nói thêm là trong Phúc Âm không có ý tưởng bạo động, sách này viết bằng tiếng Hy lạp, khác với cuốn Bible hébraïque (mà giáo dân gọi là Cựu Ước), viết bằng tiếng bản xứ,  trong đó có rất nhiều máu đổ.

Manuel II tiếp tục. » Máu đổ không có làm vui Thiên Chúa. Hành động vô lý trí là đi ngược lại bản tính của Thiên Chúa. Đức tin là trái cây của tâm hồn, không phải của thể xác. Vì vậy nếu muốn đưa ai vào đạo thì phải ăn nói và lý luận đứng đắn, không cưỡng bức hay đe dọa. Để thuyết phục một tâm hồn có lương trí, không cần dùng cánh tay hay roi vọt đánh đập nay cách nào khác đe dọa mạng sống. »

Hành động theo lý trí là hợp với Thiên Chúa, nguyên tắc hiển nhiên với một nhà vua sống trong truyền thống Hy lạp, khác với Hồi Giáo- theo giáo sư Theodore Khoury- thường nhìn Thiên Chúa tuyệt đối siêu việt, đấng  lấy những quyết định ngoài  lý lẽ của con người. Giáo sư trích Ibn Hazm : «  Thiên Chúa không bị ràng buộc bằng chính lời nói của mình. Không có gì bắt buộc ngài  biểu lộ chân lý cho ta. Nếu ngài muốn, con người phải thờ thần tượng. « 

(Cho đến đây Benoît XVI chỉ trích dẫn. Tất cả những nhận xét về Hồi Giáo hoàn toàn lặp lại các tác giả. Ông chỉ bắt đầu vào đề khi ông nói : Ở đây đặt ra một vấn đề liên hệ đến chúng ta ngày nay.)

Benoît XVI tự hỏi sự suy tư  về Thiên Chúa và đời sống đạo theo lý trí phải hiểu là một đòi hỏi riêng biệt của triết học Hy lạp hay là một nhu cầu có giá trị tự tại.  Ngay từ đầu có mối liên hệ  mật thiết giữa Phúc Âm và triết học Hy lạp «  Từ thời khởi nguyên, đã có Ngôn Từ « (Logos). Ngôn Từ ở đây vừa là lý trí vừa là lời nói. Lý trí có khả năng sáng tạo, có khả năng tham dự vào  sự nhận thức về  Thiên Chúa, theo nhu cầu tư tưởng Hy lạp, qua tất cả những hành trình suy tư khúc mắc. Đó chính là một cuộc gặp gỡ có nghĩa lý, không phải tình cờ, giữa Đức Tin theo Thánh Kinh và triết học Hy lạp. Và cuộc gặp gỡ mầu nhiệm này đã khởi hành từ lâu, từ thời Thiên Chúa, qua hình ảnh một đống lửa, tự xưng mình là Đấng Có Thực, không phải là một huyền thoại. Và sau đó thời Israël đi lưu đày, Thiên Chúa lại biểu lộ chân tướng ngài là Chúa tể  của vũ trụ, để con người đừng lẫn lộn Ngài với các thần tượng. Vượt qua được các huyền thoại, trong trường hợp này, không xa cố gắng suy tư của Socrate. Và dĩ nhiên niềm tin mới gặp sự phản kháng mãnh liệt của nhà cầm quyền đương thời, muốn áp đặt việc thờ phượng các thần tượng bản địa. Khó khăn đó không cản được tinh thần hòa hợp sâu sa với nền triết học Hy lạp, được thể hiện trong văn chương. Bản dịch Thánh Kinh sang tiếng Hy Lạp không phải đơn thuần là một công cụ ngôn ngữ. Nó đánh dấu một biến chuyển văn hóa quan  trọng cho phép Đạo Chúa được bành trướng rộng rãi. Từ đó Đức Tin và ánh sáng của Lý Trí đồng nghĩa với nhau, trong những gì cao siêu nhất. Chính  sự thực đó cho phép Manuel II khẳng định là từ chối hành động theo lý trí (Logos) tức là đi ngược với bản tính của Thiên Chúa.

Tuy nhiên sự tổng hợp Thánh Kinh- Hy Lạp đã bị thử thách ngay từ thời kinh viện trung cổ, với Duns Scot. Nhà tư tưởng này giới hạn khả năng của lý trí, chỉ có thể hiểu được thế giới cụ thể, khác với uy quyền của Thiên Chúa, không bị ràng buộc bởi nguyên tắc mâu thuẫn. Hành động của Thiên Chúa hoàn toàn tuỳ tiện, nay thế này mai thế khác, không nhất thiết phải hướng về chân lý hay tính thiện như kiểu nói của Ibn Hazm. Thiên Chúa cao vời vợi. Ý trời vượt trên mọi suy tư của con người.

Cách phân chia này hiển nhiên không thể chấp nhận được. Truyền thống đạo luôn giữ vững nguyên tắc căn bản là giữa Thiên Chúa và con nguời có sự tương ứng, tương hợp, diễn tả bằng Ngôn Từ (Logos) và Ơn Chúa, tất cả đều tác động đến tâm hồn con người. Thờ Chúa đi đôi với Lời Chúa và Lý Trí.

Về mặt lịch sử, mặc dầu có nguồn gốc ở trời Đông, Đạo Chúa đã nảy nở ở Âu Châu, đã trở thành nền tảng văn hóa cho miền đất này. Tuy vậy từ  thế kỷ 16, trào lưu Cải Cách  (La Réforme= Tin Lành) đặt lại vấn đề, phản ứng lại thần học Kinh Viện, một học phái triết học. Khẩu hiệu «  Chỉ giữ Thánh Kinh thôi «  (Scriptura sola= La Bible seulement) đi tìm lại nguồn gốc của Đức Tin, tức là Lời Chúa, và đặt Đức Tin ra ngoài thế giới siêu hình. Lúc đầu là như vậy, cho đến thời Kant chủ trương là phải gạt tư tưởng siêu hình ra một bên, để nhường chỗ cho Đức Tin, cần thiết cho đời sống cụ thể. Như vậy Đức Tin không còn khả năng tiếp cận toàn diện sự vật.

Thế kỷ 19 lại xảy ra một khủng hoảng mới. Một nền thần học tự do, với Adolphe von Harnack, chủ trương đi  tìm lại dấu vết của Jésus, nhìn như một nhân vật lịch sử bình thường, với thông điệp nguyên thủy, trước mọi xây dựng của thần học, và dĩ nhiên trước khi chịu ảnh hưởng Hy lạp. Cụ thể là loại tất cả phần Đức Tin nhìn nhận Jésus là Con Thiên Chúa và Thiên Chúa Ba Ngôi. Thần học trở thành một khoa sử học, lý luận theo các tiêu chuẩn khoa học. Tức là giới hạn khả năng của Lý Trí, từ chối suy nghĩ về Thiên Chúa, như cách lý luận của Kant.

(Benoît XVI đả động đến những đề tài nóng bỏng, nguồn gốc cho bao nhiêu cuộc tranh luận trong các ban thần học bên Đức, rồi lan ra bên Pháp. Diễn giả cũng như thính giả đều quen thuộc với những vấn đề  phiền toái, làm rối óc cả hai ba thế hệ sinh viên. Các nhà thần học ngày nay chia thành môn phái, năm này sang năm khác công bố một vài công trình mới lạ. Nhưng đó chỉ là những là những trào lưu nhất thời. Có một thời Bultmann chủ trương là ta không biết chi hết về lịch sử của Jésus. Ta chỉ có những bài giảng về ngài. Karl Barth, trái lại, muốn xây dựng một hệ thống tư tưởng để xếp đặt các tin lý. Nhưng thế hệ sau ông chỉ  nhìn Jésus như một người Do Thái sống vào một bối cảnh lịch sử nhất định, Jésus historique, không ăn nhằm gì với Chúa Jésus mà tin hữu tôn thờ trong thánh đường. Diễn giả không có thời giờ đi vào vấn đề, và có lẽ cũng muốn tránh tranh luận. Ông thừa biết là hiện nay có hiện tượng phá đạo, viện cớ là muốn đàm thoại với Israël, phải bỏ hẳn các ý tưởng về ơn Cứu chuộc, về mầu nhiệm con Chúa xuống trần, vân vân).

Sang lãnh vực thuần túy triết học, Benoît XVI nhận định là quan niệm về Lý Trí (La Raison) thời nay mang một sắc thái riêng, dựa vào toán học, tuy vẫn là một cố gắng dung hòa Platon với Descartes. Điển hình nhất là học phái positivisme, duy thực nghiệm. Hai nguyên tắc căn bản cho ta biết đâu là certitude, xác thực : Hình thức theo toán học, nội dung được kiểm chứng. Cả các ngành sử học, tâm lý học, xả hội học cũng phải tuân theo nguyên tắc scientificité, tính cách khoa học. Phương pháp lý luận này bỏ hẳn vấn đề Thiên Chúa và Đức Tin, được liệt vào thời tiền khoa học. Nếu lại chủ trương một nền thần học khoa học trong tinh thần đó, thì còn gì là bản chất của Đạo ?

Sự nghèo nàn, trong trường hợp này, không phải chỉ làm hại cho Đức Tin. Nó còn làm con người quyên đi sự cần thiết của chủ quan, đối với  đời sống tôn giáo và luân lý. Lương tâm là nơi  nhận định duy nhất cho các hành động đạo lý của mỗi cá nhân. Hậu quả tai hại cho nhân loại là tôn giáo trở thành tùy tiện, bất lực trong sứ mệnh hướng dẫn xã hội. Xã hội học, luân lý học, dựa vào các tiêu chuẩn thực nghiệm, sẽ không đủ để trả lời các đòi hỏi thiêng liêng của nhân loại.

Đến đây, diễn giả muốn nhấm mạnh đến một hiện tượng sau cùng trong trào ly khai với truyền thống Hy lạp, nghĩa là phủ nhận Lý Trí, phủ nhận ý niệm Ngôn Từ (Logos). Lý luận như sau : Sự gặp gỡ Thánh Kinh- Hy Lạp đã thuộc về dĩ vãng, không nên đặt nó làm khuôn mẫu cho các nền văn hóa đa dạng mà Đạo tiếp xúc qua kinh nghiệm của các cộng đoàn địa phương.

Chỉ giữ lại Thánh kinh nguyên thủy, để dễ hội nhập với mọi nền văn hóa.

Benoît XVI nói thẳng ngay là lập luận như thế không có căn bản. Lý do : Phúc Âm được viết tiếng Hy Lạp, và mang những mầm mống Hy Lạp ngay trong Cựu Ước.

Nói như vậy không có nghiã là trở về quá khứ. Sự đóng góp của thời Ánh Sáng (Les Lumières= Aufklärung) vẫn cần được tôn trọng. Nhưng vị trí của thần học không thể xóa bỏ được. Sứ mệnh thần học là suy nghĩ liên tục tới mối liên hệ Đức Tin- Lý Trí, và đàm thoại với khoa học. Với các nền văn hóa đặt trọng tâm vào truyền thống tôn giáo, nếu chỉ dựa vào positivisme  thì làm sao thông cảm với nhau được ?  Đâu có thể khinh miệt tôn giáo là một hiện tượng phổ quát ?

Dầu sao tình thần Platon nhìn nhận các cơ cấu của sự vật như những dữ kiện. Nhưng khi ta tự hỏi tại sao như vậy tức là ta đã vượt qua giới hạn của các khoa thực nghiệm, để đi vào lãnh vực triết học và thần học. Các truyền thống tôn giáo của nhân loại là một kho tàng kinh nghiệm cần cho sự hiểu biết đứng đắn.

Tây phương bị đe dọa từ lâu rồi, từ khi đã ruồng bỏ các suy tư về lý trí. Dành cho lý trí một viễn tượng rộng lớn, can đảm đảm nhiệm vai trò của thần học trong khuôn khổ Đại học. Là vì không làm thế, nói như Manuel II, là đi ngược với bản tính của Thiên Chúa.

Hết.

-----------------------------------------------------------------------------------------

Nhận xét 

-Benoît XVI, mà người công giáo chúng tôi gọi là Đức Thánh Cha, hay Đức Giáo Hoàng, là một nhà tư tưởng. Chỉ trong một bài thuyết trình dài hai trang báo, mà ngài đã trình bày bao nhiêu khía cạnh, liên hệ đến  lịch sử triết học và thần học bên Âu Châu. Tôi rất cảm động khi đọc bài thuyết trình của ngài. Nếu không có các phản ứng của người Hồi Giáo, thì có lẽ tôi đã chẳng chăm chú như vậy.

Đức Thánh Cha diễn thuyết với tư cách một học giả, trong khuôn khổ một Đại học. Ngày diễn thuyết là ngày thứ ba (12/9), phải chờ 48 tiếng đồng hồ sau các đài phát thanh nới đưa tin về sự bùng nổ ở các quốc gia Hồi giáo. Trong thời gian đó, thính giả, giới trí thức, không ai có sáng kiến báo động Toà Thánh hay sao, để Đức Thánh Cha có thể thanh minh trước đi ?

Nhưng thôi, việc đã rồi, chỉ xin Chúa ban phép  lành cho các cộng đoàn tín hữu rất cô độc và sống trong đe dọa ở Trung Đông, ở Phi Châu.

Làm người có đạo ngày nay ở nhiều nơi là mang vạ vào thân. Xin chịu vậy.

Tôi có nhiều dịp tiếp xúc với người Hồi Giáo. Trách móc họ hoàn toàn vô ích.

----------------------------------------------------------

-La raison, lý trí, một phạm trù  triết học, hiểu hai nghiã : khả năng suy tư của con người, đôi khi hiểu ngầm là không cần có sự soi sáng của thần linh (mặc khải) ; cách lý luận có căn bản về hình thức và nội dung.

Rationalité, cách lý luận và hành động theo lý trí.

Bài thuyết trình nói nhiều đến khả năng lý trí trong suy tư về Thiên Chúa, chớ không nói tới  lý trí trong cách sống đạo, la rationalité dans  la conduite religieuse.

Thiên Chúa có lẽ không thể lĩnh hội đươc (inconnaissable) nhưng vẫn có thể làm đối tượng cho suy tư (pensable). Không ai trông  thấy Thiên Chúa, nhưng sự hiện diện của Thiên Chúa lại ở khắp nơi, qua đời sống tôn giáo (thánh đường, tu viện, sách vở…). Các giáo sư triết học vẫn có thể làm ngơ trước hiện tượng như vậy, hay cho đó là di sản của thời mù tối (obscurantisme)…

Triết học bên Tây là một thế giới của từ ngữ. Một số phạm trù như Être, existence  néant, forme, substance, phénnomène, vân vân,  được coi như những dữ kiện để phân tách và xây dựng các học phái. Thiên Chúa, Đức Tin  ngày nay bị gạt ra ngoài thế giới quan  của nhiều triết gia. Nói theo kiểu Heidegger,  triết gia đâu có đặt vấn đề Đức Tin. Nhưng Heidegger lại chuyên suy từ về l’Être, coi phạm trù này là độc đáo của phuơng tây. Triết học kinh điển, trái lại, dựa vào chính ý niệm l’Être để đặt bàn luận về Thiên Chúa.

Muốn nói về triết học, xin bỏ giờ ra mà đọc sách. Đọc không xuể. Ở bên Pháp triết học thuộc chương trình trung học, nên mới có nhiếu sách giáo khoa về ngành triết. Cho vai trò triết học quan trọng như Benoît XVI đã làm, là  vì theo truyền thống kinh viện, thomisme, néothomisme.

 ------------------------------------------------

- Vừa đây chính phủ Tunisie  ban đạo luật gia đình, luật nhất phu nhất phụ. Với lập luận như sau : Sách Coran cho người đàn ông lấy nhiều vợ (Muhammed có tới mươi bà vợ,  một bà còn là con nít), nhưng đồng thời tuyên  bố là là phải tôn trọng sự công bình. Theo kinh nghiệm, làm sao ta có thể xử đối công bình với nhiều bà vợ ?  Như vậy đa thê, trong thực tế, phản lại tinh thần đạo !

Có thể dùng cùng một phương pháp dẫn giải (exégèse) như vậy để loại bỏ ý niệm djihad (điều này có trong Coran, nhưng  xuất hiện vào thời Muhammed đương vật lộn ở Médine) trong  khi sách Coran đã  có thái độ cởi mở (Không cưỡng bức về tôn giáo) được tuyên dương trước đó, khi Muhammed còn ở tại La Mecque) ?

Nhưng còn một phía cạnh nữa, ranh giới giữa tôn giáo và chính trị (giữa Thiên Chúa và César, từ ngữ của sách Phúc  Âm) phải được pháp luật nhìn nhận hay không, dù sách Coran không chủ trương như vậy ? Bên Pháp gọi là la laïcité, phạn trù pháp lý, chính thể Cộng Hoà Pháp gìữ  thái độ vô tư với các tôn giáo, với các Giáo hội. Nhưng ở miền Alsace –Lorraine cha xứ, mục sư, rabbin, đều ăn lương nhà nước. Bên Bỉ, chính phủ trả lương cho các giáo dậy Hồi giáo. Vừa đây một số mìển bên Đức cũng chủ trương như vậy. Bên Hoa Kỳ có những Tiểu ban không cho phép dậy thuyết tiến hóa (évolutionnisme của Darwin) vì đi ngược lại sách Cựu Ước. Mỗi nước có truyền thống riêng. Ngày nay tôn giáo được hiểu như một nền văn hóa, một sắc thái của dân tộc, nhiều hơn là một hệ thống tín ngưỡng (système de croyances).

Còn trong các nước Hồi Giáo, tôn giáo là nền tảng cho gia đình, học đường, xã hội và chính thể. Bên Arabie Saoudite, ai mà mang trong mình Kinh Thánh sẽ bị phạt. Bên Algérie, hành động truyền giáo (của người ngoại đạo) bị đem ra tòa... Tự do tôn giáo lệ thuộc vào xã hội, trước khi lệ thuộc vào các chính quyền.

VỀ MỤC LỤC
TRUYỀN THÔNG VÀ BẠO LỰC
 

Trong mấy ngày qua, bản tin về những phát ngôn của Đức Giáo Hoàng về những vấn đề bạo lực và lý trí đã được báo giới và người đọc hết sức quan tâm với nhiều quan ngại.

BBC đăng tin Đức Giáo Hoàng "chính thức xin lỗi" người Hồi Giáo về bài diễn văn của Ngài trong chuyến công du nước Đức. Các báo ở Việt Nam cũng đăng tin này. Về phía những người Công giáo thì tỏ ra bán tín bán nghi về những tin tức đại loại như thế. Ngừơi giáo dân Công giáo, vốn coi vị Giáo hoàng là “người lãnh đạo tối cao”, một người “được Chúa chọn”, “ là dại diện của Đức Kitô ở trần gian” và dưới mắt tôi, Ngài còn là “nhà thần học lỗi lạc của thời đại”, không lý lại có những phát ngôn làm cho cả “thế giới Hồi giáo” tức giận. Sự thật thế nào?

Tôi xin đơn cử trích một đoạn mà giới truyền thông loan tin. Nội dung do BBC ( và một số báo ở Việt Nam cũng có những bản tin tương tự) loan tin,

 xin trích như sau

Nhận xét gây tranh cãi

Đức Giáo hoàng Benedict đưa ra nhận xét trong khi có chuyến thăm về bang quê nhà ở Đức là Bavaria.

Nói chuyện tại trường đại học Regensburg, nơi Ngài đã có thời dạy thần học, Giáo hoàng đã động chạm tới khái niệm Jihad, hay thánh chiến, của Hồi giáo.

Ngài mô tả ý tưởng về thánh chiến, theo lời Ngài, là mâu thuẫn với lý trí cũng như ý muốn của Thượng Đế.

Tuy nhiên, việc Ngài liên hệ tới Đấng Tiên tri Mohammed mới khiến cho nhiều nơi trong thế giới Hồi giáo tức giận.

Trích dẫn lời của một Hoàng đế Thiên Chúa giáo từ thế kỷ XIV, Giáo hoàng Benedict nói đại ý rằng hãy chỉ cho tôi những gì Mohammed đưa ra là mới và quý vị sẽ chỉ thấy ở đó sự độc ác và bất nhân.

Đây không phải là lần đầu tiên Đức Giáo hoàng nói về Hồi giáo.

Năm ngoái, Ngài đã cáo buộc các lãnh đạo cộng đồng Hồi giáo là đã không hướng các thanh niên của mình ra khỏi cái mà Ngài mô tả là "sự tăm tối của chủ nghĩa man rợ kiểu mới".

Tôi đã đọc toàn văn bài diễn văn (cả bản tiếng Việt và tiếng Anh) và thấy quan điểm của Giáo Hoàng hết sức đúng đắn, nhất là nhận định của Ngài về vấn đề bạo lực mà lại 'nhân danh tôn giáo". Quan điểm này được Thủ Tướng Đức Merkel chia sẻ. Bản thân tôi thấy tuyệt nhiên Giáo hoàng không có lỗi gì. Còn dư luận lại lên án Giáo hoàng, là do các phương tiện thông tin đại chúng, trong đó có BBC. BBC chỉ trích một câu ngắn như đã trích ở trên , và như thế là đã "cắt xén" diễn văn của Giáo Hoàng. Nguyên văn đoạn đó như sau

"Tôi đã hồi tưởng lại tất cả điều này gần đây khi đọc phiên bản của giáo sư Theodore Khoury (Muenster) về phần đối thoại diễn ra – có lẽ vào năm 1391 trong các trại lính mùa đông gần Ankara, giữa Đại Đế uyên thâm của Byzatine là Manuel II Paleologus và một học giả Ba Tư về chủ đề Kitô Giáo và Hồi Giáo, và chân lý của cả hai tôn giáo.

Có lẽ chính đại đế đã đề xướng cuộc thảo luận này, diễn ra trong thời kỳ Constantinople bị vây hãm từ năm 1394 cho đến 1402, và điều này giải thích tại sao lập luận của ngài được trình bày chi tiết hơn là những lý lẽ do học giả người Ba Tư đưa ra. Cuộc đối thoại đã bàn rộng rãi trên các cấu trúc của đức tin chứa đựng trong Thánh Kinh và trong Kinh Koran, và nhấn mạnh đặc biệt đến hình ảnh của Thiên Chúa và của con người, trong khi liên hệ thường xuyên với quan hệ của “ba Bộ Luật”: Cựu Ước, Tân Ước và Kinh Koran.

Trong bài thuyết trình này tôi chỉ muốn nhấn mạnh đến một điều duy nhất – tự nó có lẽ là ngoài lề cuộc đối thoại nêu trên, nhưng trong bối cảnh của vấn đề “đức tin và lý trí”, tôi thấy là lý thú và có thể dùng làm điểm khởi đầu cho những suy tư của tôi về vấn đề này.

Trong đoạn đối thoại thứ bẩy, do giáo sư Khoury biên soạn, vị đại đế đã đề cập đến chủ đề jihad (thánh chiến). Vị đại đế biết rõ ràng rằng đoạn sura 2:256 viết là: “Không có sự bó buộc trong tôn giáo”. Đó là một trong những đoạn sura của thời kỳ đầu khi Mohammed chưa có quyền hành trong tay và đang bị đe dọa đến tính mạng. Nhưng hiển nhiên vị đại đế cũng biết đến những chỉ thị, được phát triển sau này và được ghi vào Kinh Koran, liên quan đến thánh chiến.

Không đi vào những chi tiết, chẳng hạn sự phân biệt đối xử giữa những ai có “Sách” và “những kẻ vô đạo”, vị đại đế đã hướng người đối thoại với mình một cách bất ngờ về câu hỏi trọng tâm liên quan đến quan hệ giữa tôn giáo và bạo lực cách tổng quát, với những lời sau: “Hãy chỉ cho tôi thấy Mohammed đã mang lại điều gì mới, và ở đó anh chỉ thấy toàn là sự dữ và phi nhân bản, chẳng hạn như lệnh truyền của ông ta là phải dùng gươm giáo để truyền bá niềm tin ông ta đã rao giảng”. 

Vị đại đế tiếp tục giải thích chi tiết về những lý do tại sao việc truyền bá đức tin bằng bạo lực là điều vô lý. Bạo lực không phù hợp với bản tính Thiên Chúa và bản thiện của tâm hồn. “Thiên Chúa không hài lòng trước máu me, và không hành xử hợp lý là trái với bản tính Thiên Chúa. Đức tin được sinh ra bởi linh hồn chứ không phải bởi thân xác. Những ai muốn dẫn dắt người ta đến với đức tin cần có khả năng nói hay và lý luận xác đáng, không nạnh đến bạo lực và những đe dọa…Để thuyết phục một linh hồn có lý trí, ta không cần dùng đến cánh tay mạnh mẽ, hay vũ khí các loại, hay những phương thế đe dọa một con người bằng cái chết …” (Trích diễn văn của Đức Giáo Hoàng do Đặng Minh An dịch, Vietcatholic 17.9.2006)

Rõ ràng là, khi những lời của Đức Giáo Hoàng được giới truyền thông loan tin với cung cách ngắn gọn như thế, thì “sự tức giận” của người theo đạo Hồi là có thể hiểu được. Song theo ý tôi, sự tức giận này chỉ là một sự “ngộ nhận” . Một số tờ báo phương Tây cũng có nhận xét tương tự nhưng những tờ báo khác lại “im lặng” . Xin đơn cử một bản tin của tờ Lacroix như sau:

Bênêđictô XVI và Hồi giáo: một sự ngộ nhận

“ Đối mặt với những cuộc phản đối chống lại những hình ảnh mà Ngài đã đưa ra về đạo Hồi ngày 12.9, tại Ratisbonne, chính bản thân Bênêđictô XVI đã trở lại bài diễn văn vào ngày chủ nhật 17.9. Không xin lỗi (chúng tôi nhấn mạnh) , bản thân Ngài xác nhận là Ngài không muốn xúc phạm đến Hồi giáo”                          

Nguyên văn như sau

Benoît XVI et l'islam : le malentendu

Face aux protestations contre l'image qu'il aurait donnée de l'islam le 12 septembre, à Ratisbonne, Benoît XVI est revenu personnellement dimanche 17 septembre sur son propos. Sans s'excuser, il a personnellement affirmé qu'il n'a pas voulu offenser l'islam

(Lacroix, 17-09-2006 )

Ngày nay, vai trò của truyền thông là quan trọng. Nếu các phương tiện thông tin đại chúng trích đầy đủ hơn và nhất là khách quan hơn, thì người Hồi Giáo không có lý gì mà "phẫn nộ". Lại càng không có lỳ gì mà lại "tấn công nhà thờ", thậm chí "bắn chết một nữ tu “ vô tội ở Italia. Còn nếu cứ nổi giận mà trút sự thù hằn lên những người Thiên Chúa Giáo khi không hiểu đến nơi đến chốn bài nói của Giáo Hoàng tại Regensburg thì những người theo đạo Hồi có sống đạo đúng với bản chất của đạo Hồi được mệnh danh là tôn giáo của hoà bình không?

Trước vụ việc như thế, Đức Giáo Hoàng chỉ "hết sức đau buồn" (attristé) mà không hề thấy Ngài "xin lỗi" (s’excuser) hoặc “lấy làm tiếc” (désolé) như báo chí đã loan tin. Ở VN, Đài truyền hình TP HCM (HTV7) loan tin chính xác hơn là "Giáo hoàng không xin lỗi". (Bản tin 20h ngày 17.9.2006)

Bản thân tôi tán thành quan điểm của Thủ Tướng Đức, bà Merkel, là "người ta không hiểu đúng diễn văn của Ngài". Bà Angela Merkel cho biết, những người Hồi giáo đã ''hiểu nhầm mục đích của bài diễn văn vốn nhằm mục đích kêu gọi sự đối thoại giữa các tôn giáo''.

''Giáo Hoàng đã tỏ ý ủng hộ sự đối thoại giữa các tôn giáo. Đó là điều tôi ủng hộ và coi đó là cần thiết, cấp bách'', bà Merkel cho biết.

''Những gì Giáo hoàng Benedict XVI nhấn mạnh là chấm dứt dứt khoát mọi hình thức bạo lực nhân danh tôn giáo''.

“Trước đó, Tòa thánh Vatican khẳng định, Giáo hoàng Benedict XVI không có ý định xúc phạm đạo Hồi, sau khi Ngài có bài phát biểu động chạm tới khái niệm thánh chiến jihad.” (Vietnamnet 16.9.2006)

Tờ Lacroix cũng đưa ra một nhận xét về Đức Giáo Hoàng, “Đây không phải là lần đầutiên mà nhà thần học này, nổi danh la có tư tưởng sắc bén,  đã gây ra cú sốc. Một giáo sĩ cao cấp của Toà Thánh nhắc nhở: “ Joseph Ratzinger  luôn luôn là một bậc thầy”

“ Ce n’est pas la première fois que ce théologien, réputé pour sa pensée acérée, choque. Un prélat de la curie le rappelle : « Joseph Ratzinger a toujours été professeur. »”

( Lacroix, 17.8.2006)

Tuy nhiên, Giáo Hoàng cũng không phải là người bảo thủ mà “sẵn sàng đối thoại” với những nhà lãnh đạo Hồi Giáo. Chúng ta chờ xem những nhà lãnh đạo Hồi Giáo có đi đến đối thoại với Vatican hay không.

Nguyễn Thụ Nhân

Gia Lai 18.8.2006

VỀ MỤC LỤC
KHI NGÔN SỨ CÂM ÐIẾC

 

Phúc Âm Nhật Ký Ngày 10.09.2006

Mc 7:31-37

Tuần qua một tai nạn khủng khiếp đã xảy ra cho một gia đình tại làng Fatima, Houston, Texas, Hoa kỳ.  Ðịnh mệnh đã cướp đi người mẹ trong gia đình ấy.  Hoàn cảnh thật khó khăn.  Gia đình thuộc loại nghèo nhất làng. 

Tuy thế, khi còn sống bà đã làm một điều cả chồng con cũng không biết.  Nhiều lần bà đã vay tiền người khác để giúp đỡ người nghèo ở Việt Nam.  Nhiều lần bà vay cả hai trăm đô.  Sau đó, bà làm việc để trả nợ dần.  Tại sao bà làm như thế ?  Bà có phải là người bình thường hay không ?  Thực tế, bà bình thường.  Sống đạo rất sốt sắng.  Ðức tin rất mạnh.  Như thế, Lời Chúa đã biến bà thành ngôn sứ làm chứng cho Tin Mừng bằng hành động bác ái.  Nói khác, bà không phải là người câm điếc trước Lời Chúa. 

Bà góa trong Tin Mừng được Chúa ca ngợi vì đã cho tất cả những gì bà có.[1]  Còn người phụ nữ Fatima đó đã cho cả những cái mình không có.  Cả hai đều là người nghèo, nhưng đã trở nên những người giàu đức tin và thừa hưởng vương quốc Thiên Chúa hứa cho những ai yêu mến Người.[2]  Nếu đức tin không phong phú, họ đã không tạo được một môi trường để Chúa Thánh Linh hoạt động cho Nước Trời.

Nước Trời luôn là chủ đề chính trong mọi lời giảng của Chúa Giêsu (trong số120 lần, có tới 90 lần từ chính miệng Chúa).  Nước Trời chính là quyền lực Thiên Chúa. Bởi thế,  trong phép lạ hôm nay,[3] nếu có đức tin, người ta không thể không nhìn thấy quyền lực Thiên Chúa đang hoạt động trên thế giới.  Chúa hiện diện như một huyền nhiệm Nước Trời và như hồng ân tuyệt vời cho những ai yêu mến Người.[4]  Sống trong nguồn hồng ân đó, con người sẽ hoàn toàn hạnh phúc.  Hạnh phúc như người câm và điếc hôm nay.  Anh được trả lại quyền làm người và sống như mọi người.

Chỉ Chúa Giêsu mới có thể làm cho anh thấy Nước Trời đang hiện diện.  Ðúng hơn, “Chúa Giêsu là Nước Trời, không chỉ nhờ thân xác hiện diện, nhưng nhờ Thánh Linh như quyền lực tỏa sáng từ trái tim Người.  Khi hành động với Thần Khí đầy ắp,  Người bẻ gẫy xiềng xích ma quỷ trói buộc con người, Nước Thiên Chúa trở thành thực tại, Thiên Chúa nắm trong tay quyền điều khiển thế giới này.  Nên nhớ, Nước Thiên Chúa là một biến cố, chứ không phải là một thiên thể.  Hành động, lời nói, đau khổ của Chúa Giêsu đập tan quyền lực làm tha hóa con người đang đè nặng cuộc sống.”[5]  Bởi vậy, phép lạ Chúa làm hôm nay quả là một sự giải thoát hoàn toàn cho anh câm điếc.  Ðó là một biến cố có tính cách quyết định cho cả cuộc đời anh.  

Như thế, Chúa đã rao giảng Nước Trời cho anh và mọi người.  Nhưng không phải chỉ có thế.  Qua những phép lạ hay những dấu chỉ về Vương quyền Thiên Chúa, Chúa Giêsu còn muốn quy tụ mọi người chung quanh mình.  Nhất là trong mầu nhiệm Vượt qua vĩ đại – chết trên thập giá và Phục sinh – Người muốn làm cho Nước Thiên Chúa trị đến và loan báo cho mọi người, nhất là người hèn mọn và tội lỗi.[6]  Bởi đó, khi chữa người câm điếc, Chúa loan báo : Nước Trời đang mặc lấy chiều kích không gian và thời gian.  Ðó cũng là niềm hy vọng cánh chung đang sôi trào trong con tim Kitô hữu.[7] 

Ngay bây giờ niềm hy vọng đó đã hiện thực, vì lời hứa đã trở thành hiện tại.  Niềm hy vọng đã mang mầm mống tương lai trong chính mình.[8]  “Trong niềm hy vọng chúng ta được cứu độ.”[9]   Chúa đang đến rồi trong mọi biến cố lớn nhỏ hôm nay.  Bởi thế, sống trong niềm tin, Kitô hữu không có quyền thất vọng.  Họ luôn cầu xin cho Nước Cha trị đến trần gian.  Nói khác, họ khát vọng sống trong một thế giới tràn ngập sự công chính, bình an và tự do của con cái Chúa.

Làm sao có thể sống trong một thế giới như thế, nếu Chúa Giêsu không dấn thân trong đau khổ và tranh đấu cho những người nghèo hèn nhất.  Còn ai nghèo hèn bằng anh chàng câm điếc ?  Anh hoàn toàn mất khả năng tham dự vào sinh hoạt cao quý nhất của xã hội con người.  Nhưng anh đã được cứu chỉ vì Chúa yêu anh vô điều kiện.  Người đã đưa anh ra khỏi đám đông để săn sóc riêng cho anh.  Tình yêu hiện thân cụ thể nơi Ðức Giêsu Kitô nhập thể và nhập thế.  Như thế, Ðức Giêsu đã làm cho mọi người nghiệm thấy rõ  Thiên Chúa hiện diện và hành động trong việc con người quan tâm săn sóc cho nhau.[10] 

Nhìn những người đau khổ chung quanh, chúng ta thấy gì ?  Có dấu chỉ nào cho thấy Nước Thiên Chúa hiện diện chưa ?  Nước Thiên Chúa chỉ hiện thực khi nào con người được chữa lành, được giải thoát khỏi những hệ thống quyền lực đàn áp hay vô nhân đạo.[11]  Chúa Giêsu không vô tình đứng nhìn con người bị nghiền nát dưới những bộ máy xã hội khổng lồ bất công.  Trái lại, Người đã xắn tay áo đi cứu tất cả những ai đang chìm trong bóng tối thần chết. 

Giữa lúc đó, chẳng lẽ người môn đệ lại ung dung nhìn Thày mình mà tìm kiếm và tận hưởng quyền lợi cho mình và Giáo hội của mình ?   Thái độ “bình chân như vại” hay “giả điếc làm ngơ” trước những bất công hôm nay không thể biện minh bằng một thứ tương lai đầy ắp quyền lợi và bình an giả tạo.  Làm sao có thể yên tâm với một số những hoạt động bác ái trong khi xã hội còn tràn ngập bất công.  Bác ái chỉ xoa dịu.  Nhưng công lý mới thực sự là phương thuốc chữa trị tận gốc.  Tranh đấu và sống theo công lý không phải dễ.  Công lý đụng tới quyền lợi con người và tập thể.  Nhưng không có công lý, Nước Thiên Chúa không thể hiện diện.  Bình an và hạnh phúc cũng vắng bóng.[12]   Sự thật đang bị giam cầm.

Giữa một xã hội đầy bất công hôm nay, nhiều người không được nghe và nói sự thật.  Câm điếc làm sao biết sự thật ?  Công lý qua ngả nào ?  Chàng Rể Giêsu đã đến, nhưng Hiền thê Giáo hội đang ngủ say.  Có ai dám đánh thức không ?

Lạy Chúa, Chúa đã sai chúng con làm ngôn sứ của Chúa.  Nhưng chúng con đang câm điếc, làm sao có thể làm chứng cho chân lý ?  Làm sao  tranh đấu cho công bình ?   Xin Chúa sai Thần Khí  đến giải thoát chúng con khỏi mọi cơ chế bất công để Nước Chúa mau trị đến.   Amen.

lm đỗ vân lực, op. 

dzuize@gmail.com


[1] x. Lc 21:2-4; Mc 12:42-44.  [2] x. Gc 2:5.

[3] x. Mc 7:31-37 : Chúa Giêsu chữa người vừa câm vừa điếc.

[4] Encyclopedia of Catholic Doctrine, ed. Russell Shaw, Kingdom of God, Regis Martin, tr. 363.

[5] Joseph Ratzinger, Eschatology, tr. 34-35.

[6] x. Giáo Lý Công Giáo, số 542, 543-545.

[7] x. Encyclopedia of Catholic Doctrine, ed. Russell Shaw, Kingdom of God, Regis Martin, tr. 363.

[8] Joseph Ratzinger, Eschatology, tr. 44-45.      [9] Rm 8:24.

[10] Edward Schillebeeckx, Jesus, New York : Crossroad, 1981, tr. 153.

[11] Elisabeth Schussler Fiorenza, In Memory of Her, New York : Crossroad, 1985, tr. 123.

[12]x. Rm 14:17.

 
VỀ MỤC LỤC
Một Nhà Thờ Hai Sơ

 

Tôi không thuộc về một đoàn thể Công Giáo Tiến Hành nào cả, không Liên Minh Thánh Tâm,  không Linh Thao,  cũng chẳng Thăng Tiến Hôn Nhân,  hay Bảo Trợ Ơn Thiên Triệu gì cả. Có nhiều lúc tôi thấy mình sống đạo tơ lơ mơ thật. Nhất là lại không thuộc về xứ đạo này.

Nhưng không hiểu nhân duyên nào cứ đưa tôi đến với xứ đạo này. Hôm thì đỡ đầu rửa tội cho đứa cháu. Hôm thì dự lễ thêm sức con của đứa bạn. Rồi thì đám tang, đám cưới, tân chức, thượng thọ, ra trường… Tất cả lại cũng ở nhà thờ này. Nói chung thì một năm tôi lui tới nhà thờ này cũng phải gần hai mươi lần dù nhà tôi cách nhà thờ cả 30 miles .

Đựơc cái là các cha quản nhiệm ở đây tôi cũng biết, không thân lắm thì cũng liên hệ khá gần gũi, nhất là những anh chị trong hội đồng giáo xứ cũng là những người quen nên mỗi lần ‘đi lễ’ ở nhà thờ này tôi đều nhận được những cái bắt tay rất ấm áp, có khi lại rất… thơm nữa. Có lần con trai tôi hỏi: ‘Sao chỗ nào bố cũng có friends vậy?’. Dĩ nhiên mẹ của cháu nghe thế thì không thích mấy, nhưng cũng chẳng nói gì.

Một điều khác làm tôi  thích ‘đi lễ’ ở đây là cái cảnh trí bên ngoài nhà thờ. Tượng thánh quan thầy trang trọng cuối nhà thờ, rồi cây tháp xinh xinh  vươn lên giữa những tàng cây cao to đầy bóng mát. Cho nên đi lễ mà được lợi cho cả linh hồn và tâm trí thì ai mà không thích. Rồi bên trong nhà thờ là một thiết kế trong sáng, trang nghiêm, và yên tịnh. Khô khan nguội lạnh như tôi khi vào đây mà không thấy tâm hồn lâng lâng thì cũng thấy lòng có đôi phần dịu lại.

Tôi muốn khen ban điều hành giáo xứ ở đây: GIỎI THẬT, nhưng lại sợ không đủ tư cách để khen hoặc lại mang tiếng ‘nịnh bợ’ mặc dù tôi đã thấy công việc làm của nhiều người trong nhóm họ, và cũng đã nghe những điều tốt về họ từ nhiều năm qua. Thôi để tôi khen giáo dân của giáo xứ này vậy: TỐT QUÁ.

Hôm nay có hội chợ hàng năm cho toàn xứ đạo để gây quĩ. Gian hàng thức ăn của Việt Nam to nhất so với gian hàng Đại Hàn, Phi, Mỹ, và Mễ bên cạnh. Và cũng có nhiều món ăn nhất: phở, bún thịt nướng, cơm chiên, xôi cúc, chả giò, bánh chuối chiên, bánh bò, bánh cam…nhiều nhiều lắm. Rồi bô-boa trà thái, cà phê Viêt nam, các loại chè…nhưng tôi không để ý thức ăn bằng quan sát những người giúp việc. Gần 30 người cứ thay phiên nhau làm việc đều đặn và vui vẻ. 

Trông mặt mà bắt hình dong.

Nhìn người giúp việc biết lòng ai thương/thương ai.  

Đã là ngày hội chợ thứ ba rồi mà mặt ai cũng tươi và tỉnh. Đáng khâm phục.

Thánh lễ chiều nay lại có cha khách. Tôi nói đùa với cha quản nhiệm ‘Cha quản nhiệm cứ dễ dãi thì chắc đỡ phải giảng’. Dĩ nhiên cha Hưng chỉ cười, và cười rất vui thay cho câu trả lời.

Thật vậy, mới tháng trước, được sự giới thiệu của anh Thục và anh Tuyến với sự đồng ý của cha quản nhiệm, tôi đã đưa cha Việt từ Việt Nam đến đây cùng dâng lễ và xin giúp đỡ. Cha Quản nhiệm và hội đồng giáo xứ vui vẻ đón tiếp cha khách, nhưng vì là mùa hè nên giáo dân đi lễ không nhiều, chưa đầy nửa nhà thờ. Vậy mà sự giúp đỡ lại cũng NHIỀU chẳng kém gì những lần trước. Tôi nói những lần trước là  vì tôi đã từng chở (chở thôi) các cha đến xứ này để ‘xin giúp đỡ’, nhiều lần đến nỗi có người phải lên tiếng căn dặn ‘anh đừng có mà lộ diện hoài’. Thực ra tôi cũng thấy hơi ngại nên đôi khi định dấu mặt, nhưng mỗi lần gặp cha quản nhiệm: cha Thỏa, cha Hưng, hay cha Quế, thầy Lộc… và các anh trong ban điều hành: anh Lành, anh Dũng, anh Động, anh Trung… các cha và các anh lại đều niềm nở như MỚI GẶP nên tôi lại cảm thấy an tâm và phấn khởi. Sau thánh lễ đồng tế với cha Viêt hôm ấy, cha quản nhiệm Hưng bảo: ‘Cha giáo Việt có tấm lòng nên giáo dân thưong’. Trong bài chia sẻ cha Việt đã nói đến những trẻ em khuyết tật, những trẻ em bụi đời, những học sinh có chí, học giỏi mà nhà lại nghèo ở miền đồng bằng Sông Cửu Long…

Hai tuần trước, tôi lại đến đứng lớp Giáo Lý Tân Tòng cho người bạn và lại ‘đi lễ’ nhà thờ này. Có hai Sơ dòng Đa-Minh cũng đến dự lễ và ‘xin giúp đỡ’. Một sơ từ Miền Nam và một sơ từ miền Bắc Viêt Nam. Cả hai Sơ đều được phép nói truyện hay nôm na là phát biểu trong nhà thờ. Sơ Miền Bắc: Nhà dòng chúng con  bây khá đông chị em tu sinh, chúng con lao động thì cũng tạm đủ ăn đủ mặc cho nhà dòng, nhưng chỉ khổ một nỗi là căn nhà đã quá cũ và mái đã nhiều chỗ giột lắm rồi. Con không dám xin nhiều, chỉ mong đủ sửa cái nhà này thôi.

Còn sơ Miền Nam thì: Nhà dòng chúng con trước đây thì lo chôn cất những thai nhi từ những vụ phá thai. Cho đến nay chúng con đã lập được một nghĩa trang và chôn được khoảng 6000 em. Nhưng chúng con muốn đi xa hơn một bước xa hơn nữa là thay vì chỉ chôn kẻ chết, chúng con muốn cứu kẻ sống, cứu những thai nhi sắp bị bố mẹ giết. Để làm được điều này chúng con cần phải có ngân quĩ…

Hôm ấy là lễ kính thánh nữ Monica quan thầy hội các Bà Mẹ Công Giáo. Lễ có thêm vài nghi thức, diễn vắn, và bài giảng của cha chủ tế hơi dài, lại thêm phần nói truyện của hai sơ. Vậy mà tôi không thấy một người giáo dân nào bỏ ra về sớm. Đây chẳng phải là điều tốt lành sao?

Chẳng biết giáo dân hôm ấy giúp hai sơ được bao nhiêu tiền, chỉ biết người ta bao quanh các sơ ở cuối nhà thờ rất đông và rất lâu. Tôi đợi mãi mà không thể nói truyện lâu được với Sơ Miền Nam dù đã quen biết sơ khi còn ở Da-Lat.

Hôm nay cha khách là cha Quang thuộc giáo phận Sai Gòn, dáng người nhỏ bé, nhanh nhẹn, và giọng nói trầm ấm truyền cảm. Ngài chia sẻ: Con làm việc cho những bệnh nhân nhiễm HIV và bệnh Si-da. Họ cần sự giúp đỡ lắm, cần một chút nương tựa, và cần sự bình an trước khi chết. Bài chia sẻ của cha rất cụ thể, Ngài kể đến trường hợp những bệnh nhân Si-da nhờ Ngài giúp đỡ an ủi nên không còn hận thù cuộc đời, không còn oán ghét những người thân, và được bình yên trở lại với Chúa trước khi nhắm mắt. Tha thứ và được thứ tha. Lại có những trường hợp bệnh nhân bị gia đình thân thuộc tránh xa, từ bỏ vì sợ hổ danh, ngay cả khi họ đã chết và xác được thiêu rồi người nhà cũng không dám nhận mẩu tro tàn của họ. Nghe cha khách chia sẻ, tôi liên tưởng đến Mẹ Têrêxa và nhớ lại câu hỏi của anh nha sĩ người ngoại giáo đã hỏi tôi mấy tuần trước: anh có biết mục đích công việc bác ái mẹ Têrêxa làm là gì không? Tôi trả lời không sai, nhưng không đúng lắm và lắng nghe anh giải thích rất thấm thía. Hôm nay trong nhà thờ này, không có Mẹ Têrexa, nhưng có một ông… gọi làm sao nhỉ? - Ông Giuse Arimathia nhỏ bé vậy-.

Nghe cha khách chia sẻ, tôi thấy buồn buồn cho thân phận người dân Việt Nam của tôi.

Một cha sang Mỹ xin tiền giúp trẻ tàn tật, nghèo khó, bụi đời.

Một sơ sang Mỹ xin tiền giúp nuôi những ‘unwanted children’, những đứa trẻ không phải mồ côi, mà là những đứa tẻ đáng lẽ đã bị giết.

Một cha sang Mỹ xin tiền giúp đỡ những con bệnh hiểm nghèo, tủi nhục bị xã hội không chỉ bỏ rơi mà còn ruồng bỏ tránh xa

Một sơ sang Mỹ xin tiền để huấn luyện những người sẽ thay thế cho lớp người đang làm việc những việc ở trên.

Buồn đấy, nhưng tôi lại thấy một hình ảnh đẹp. Hình của người xin và hình của người cho. Trong vòng hai tháng, nhà thờ này, cha quản nhiệm và giáo dân xứ đạo này đã góp nhiều đồng xu của bà góa thành Giê-ru-sa-lem trong công cuộc từ thiện. Toàn thể giáo xứ đã mở rộng vòng tay ôm những người ‘ăn xin’ của Chúa vào lòng. Tôi không đạo đức nên chỉ nghĩ được đến thế.

Việt Nam và nhiều nơi trên thế giới còn cần những góp công sức, góp tiền của để xóa dịu đau thương lắm. Cách đây mấy tháng, tôi đọc một bài báo thì được biết con số người nhiễm HIV và mắc bệnh Si-Da vùng Lạng Sơn cũng vào loại nhất nhì trong nước tính theo tỉ số dân, thế nhưng chỗ này lại bị quên lãng. Không biết có ai ‘sang Mỹ’ để xin giúp đỡ những người xấu số này không? Tôi không có tài nên chỉ nghĩ như thế.

Và tôi sẽ chia sẻ với cha Việt trước khi Ngài về Việt Nam thế này: Con có cảm tưởng các cha và các sơ như những người đi sau dọn rác trong sân thôi. Có lẽ các cha các sơ cần phải phối hợp với những tập thể khác để làm những điều tích cực hơn như dậy người ta bớt xả rác ra đường ra sân, phát bao rác cho mỗi nhà, rồi dậy người ta gom rác để tái sinh ra tiền…Con nghĩ công việc này rất lớn, rất nhiêu khê, nhưng cha cứ thử đánh lên tiếng chuông, thắp lên ngon đuốc xem sao… Biết đâu…Nếu người ta không chặn cơn lũ từ Hậu Giang, hoặc khai thông đường nước từ An Giang thì một khi nước lũ đổ về Kiên Giang, sự thiệt hại sẽ gấp bội và công việc cựu lụt thật khó khăn.   

Đến đây chắc bạn sẽ thắc mắc ‘Xứ đạo tôi đến xem lễ này tên gì? Ở đâu?’, nhưng thiết nghĩ tên tuổi chẳng quan trong đâu vì biết đâu xứ đạo của bạn cũng TỐT LÀNH như vậy hay có khi còn tốt lành hơn nữa. Và cha Hưng hay anh Dũng mà tôi đã chưa xin phép để kể tên ra ở trên lại chính là bạn đấy.

Nhưng nếu chưa/không phải là bạn thì sao? Thôi đời ngắn lắm, ta phải mua cái vĩnh cửu vậy, nhưng phải mua nhanh mới được.

Joseph Vu 09/12/2006

VỀ MỤC LỤC
TÔN VINH NHỮNG ANH HÙNG TỬ ĐẠO

 

Khi nói đến các thánh được giáo hội tôn phong để dân chúng chiêm ngưỡng và học hỏi  những gương lành của các ngài thì con số các thánh tử đạo phải nói là đáng kể. Rất nhiều ngày trong tuần, giáo hội đặc biệt hân hoan mừng kính, tôn vinh những vị anh hùng tử đạo, những người đã anh dũng sẵn sàng đổ máu đào bảo vệ đức tin để nói lên lòng trung thành của mình đối với Đấng đã tự nguyện hiến thân mình vì họ.

Với một người đang sống, việc chấp nhận một cái chết thay cho một người khác điều đó không phải là dễ. Hãy thử hỏi có được bao nhiêu người dám chết thay cho những người mình yêu. Lại càng khó hơn biết bao đối với việc dám chấp nhận một cái chết đau đớn, một cái chết nhục hình, một cái chết tủi hổ để dùng chính những giọt máu đào mình nuôi sống và bảo vệ lòng tin của những người tín hữu khác. Vì thế quả thật, họ là những con người thật anh hùng, thật can đảm đáng để chúng ta tôn vinh.

Những Anh Hùng Tử Đạo sở dĩ đã dám chấp nhận cái chết một cách can trường vì họ đã nhận thức được rằng chính cái chết và sự đổ máu của Đức Kitô đã phát sinh ra giáo hội gồm những người tin vào Ngài. Vì thế, sự tử đạo là điều kiện tiên quyết cho những ai muốn theo chân Ngài.

Khác xa với quan niệm các nuớc trần gian, phương cách để bành trướng nước Thiên Chúa không phải là quyền thế mà là phục vụ, không là hận thù mà là tha thứ, không là kiêu căng mà là khiêm tốn, không là văn hóa mà chính là máu. Do đó, tử đạo là một đòi hỏi tuyệt đối không chỉ với Đức Kitô mà còn cho mỗi người chúng ta những kẻ tin theo Ngài.

Thật vậy, không có con đường nào khác để theo Chúa ngoại trừ con đường thập giá mà Ngài đã vạch ra. Ngay từ lúc đầu, các tông đồ cũng đã hy sinh chính mạng sống mình để bảo vệ và phát triển giáo hội. Và rồi cha ông chúng ta cũng đã tiếp tục đi vào con đường đó. Bây giờ đến lược chúng ta, con đường thập giá, con đường tử đạo xem ra có khác đi, nhưng nó chỉ khác về hình thức.

Ngày nay, chúng ta không còn phải đối đầu với những cái chết một cách tàn bạo, dã man như cha ông chúng ta ngày xưa nữa. Nhưng có những cái chết nhẹ nhàng, có những cái chết từ từ nhưng quả thật không phải dễ cho chúng ta những con người đang sống trong thời đại hôm nay. Chính vì thế, chúng ta mới gọi nó là tử đạo. Và đó là con đường mà Thiên Chúa muốn chúng ta phải đi vào trong thế giới hôm nay nếu chúng ta muốn theo chân Ngài. Vậy thì chúng ta phải làm gì để có thể bành trướng nước Thiên Chúa bằng chính con đường tử đạo mà Thiên Chúa cũng như cha ông chúng ta đã đi xưa. Chúng ta không cần phải làm những điều gì khác lạ, phi thường nhưng hãy tập sống cuộc đời tử đạo ngay trong đời sống hằng ngày của chúng ta. Chẳng hạn, hôm nay chúng ta có thể khởi đầu cuộc sống tử đạo bằng cách từ bỏ đi một chút lối sống phù hoa, xa xỉ để lương tâm chúng ta có được sự an vui, vì sự phù hoa sẽ làm mất đi sự an bình trong tâm hồn nhất là khi chúng ta nhìn thấy những anh em đồng bạn đang đói khổ. Rồi ngày mai sự tử đạo của chúng ta có thể tiến xa hơn bước nữa. Chúng ta có thể nói với chính mình rằng: Đừng biến mình thành thần tượng. Hãy lấy tất cả những thần tượng trong con người chúng ta đi và chỉ còn lại một mình Thiên Chúa là Chúa duy nhất đáng tôn thờ mà thôi. Điều đó có nghĩa là chúng ta phải từ chối, phải khước từ những ý muốn riêng mình, không chìu theo những dục vọng trong con người chúng ta, nhưng cố gắng thể hiện thánh ý Thiên Chúa và hoàn toàn sống cho Ngài. Cứ như thế tiến trình tử đạo của chúng ta sẽ đi đến vô tận và ngày càng đi sâu vào tận đáy rễ trong con người chúng ta.

Vâng, bằng cách chết đi vì yêu chúng ta sẽ thành công trong việc giải thoát chính mình khỏi con người ích kỷ của chúng ta, khỏi những xiềng xích đam mê dục vọng của con người chúng ta. Chết vì yêu là con đường đi đến tự do, an bình và hạnh phúc.

Nhiều người trong chúng ta muốn biết tại sao có những kẻ vô tội phải chịu nhiều nỗi oan khiên, nhiều điều cay đắng lớn lao như vậy ? Lắm khi chính chúng ta cũng bị khủng hoảng khi nhìn thấy những người thân yêu chúng ta phải trả một giá rất đắt như bị chết oan hay phải chịu hết những tai ương nầy đến những hoạn nạn khác. Và chúng ta cho đó là vô phúc. Nhưng với tôi, đứa trẻ chết trong tình trạng vô tội là người có phúc. Người có phúc là người anh hùng dám chết thay cho những người khác bỡi họ đi chính con đường mà Chúa Giêsu đã đi. Nên ta có thể nói một cách xác tín rằng:

Phúc cho các bạn, hỡi những bạn trẻ thành Bêlem và những vùng phụ cận đã bị chết oan bỡi lệnh vua Hêrôđê.

Phúc cho các bạn, hỡi những bạn trẻ đáng yêu đáng kính. Các bạn đã không dùng lời nói nhưng dùng chính những giòng máu đào để minh chứng sự đến của Đức Kitô trên trần gian.

Phúc cho các bạn, hỡi những vị tử đạo của các thời đại, những người đã chọn lấy tình yêu thập giá và đã dám hiến thân mình cho tình yêu ấy.

Phúc cho các bạn, những người đang bị giam cầm, bắt bớ, hành hạ, sỉ nhục chỉ vì đã đi tìm sự công chính và nuớc Thiên Chúa.

Phúc cho các bạn, những người có tâm hồn trong sạch, những người đã hy sinh lạc thú trần gian để phụng sự Thiên Chúa và phụng sự con người.

Phúc cho các bạn, những người có tinh thần nghèo khó vì nước trời, những người dẫu có dư đầy của cải vật chất nhưng sẵn sàng khước từ để lòng mình nhẹ bỗng bay cao tự do phụng sự Thiên Chúa.

Phúc cho các bạn, những bậc làm cha mẹ, những người đã can đảm chấp nhận những thua thiệt, gian khổ, vất vả suốt đêm ngày để trở nên gương mẫu cho đoàn con thơ.

Và còn biết bao nhiêu lời chúc phúc khác cho những tâm hồn biết chết đi cho chính mình để phụng sự nước trời. Nhưng tại sao, tại sao họ lại đáng được chúc phúc ?

Vì nhờ sự hiện diện của họ, nhờ sự hy sinh cao cả của họ, nhờ giòng máu của họ, nhờ sự tử đạo của họ, họ đã thét lên con đường cứu độ của Đức Kitô cho những con người đang sống trên trần gian chưa nhận ra Ngài.

Nói đến đây tôi nhớ ngay đến câu chuyện anh hùng của cha Maximilian Kolbe. Ngài là một cha dòng Phanxicô, một tông đồ nhiệt thành của Đức Mẹ Vô Nhiễm. Ngài vốn có ước nguyện được trở nên muối đất đèn trời để xây dựng nước Chúa nhờ Đức Mẹ Vô Nhiễm. Và Chúa đã để cho ước nguyện của ngài được thực hiện. Ngài là tù nhân người Balan mang số 16-670. Mặc dầu trại cấm của ngài được canh chừng rất cẩn mật, một số tù nhân cũng vẫn còn trốn thoát được, nên ban quản huấn đã cho ra một mệnh lệnh rất là nghiêm khắc: Một người trốn đi, mười người khác chết thay. Và rồi, vào một đêm kia, một tù nhân trong số họ đã trốn thoát. Ngay sáng hôm sau, lệnh ấy được thi hành. Mọi tù nhân đều phải rút thăm để lãnh lấy số phận oan nghiệt đó. Đến lượt trung sĩ Gajowrdiezek bị gọi. Anh thất vọng bước ra và kêu lớn: “ Ôi, vợ con tôi, tôi không bao giờ gặp lại nữa”. Cuộc rút thăm kết thúc thì tù nhân mang số 16-670 râu ria xồm xàm bước ra khỏi hàng ngũ và tiến thẳng đến trước viên quản trại. Viên sĩ quan vội vàng rút súng và nói: “Con chó Balan, ngươi muốn gì ?” Tù nhân đó trả lời: “Tôi già rồi và vô dụng… đời tôi không còn ích gì nữa. Tôi tình nguyện chết thay cho người mới la lên, để anh được trở về với vợ con anh”.

“Ông là ai ?” – “Linh mục công giáo”.

Ngày 14 tháng 8 năm 1941 sau mười ngày biệt giam cùng với các bạn tù xấu số đó, cha bị chích một mũi thuốc độc, miệng kêu lên Ave Maria rồi tắt thở. Ngày hôm sau là ngày lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời, xác ngài được hỏa táng để trở thành muối đất ướp mặn trần đời.

Ngài được Đức Phaolô VI phong chân phước ngày 17 tháng 10 năm 1971 và được tôn phong hiển thánh ngày 10 tháng 10 năm 1982 do một người đồng hương là Đức Gioan Phaolô II. Trong buổi lễ tôn phong, có sự hiện diện của hai vợ chồng Gajowrdiezek tóc đã bạc phơ, rất cảm động và khóc nức nở. Những giòng nước mắt của họ như muốn nói lên tấm lòng biết ơn sâu xa đối với người đã vì yêu sẵn sàng chết thay cho chính họ.

Thật vậy, chính nhờ sự tử đạo, nhờ những giọt máu đào của họ, họ đã thét lên cho thế giới biết sự bất công, sự bạo tàn, sự độc ác của con người trong xã hội hôm nay.

Chúng ta thường ngưỡng mộ, khâm phục và chúc phúc cho thánh Phanxicô khó khăn vì ngài đã hy sinh cuộc đời quyền quí xa hoa để đi phục vụ những con người phung cùi bất hạnh. Và chúng ta có quyền làm như thế. Nhưng có lẽ chúng ta cũng cần phải nói với những người phung hủi rằng: “Các bạn còn có phúc hơn nhiều bỡi lẽ các bạn đang đi vào con đường tử nạn mà Đức Kitô đã đi xưa”.

 Đến đây, chúng ta đừng lấy làm lạ tự hỏi nữa: Tại sao người lành chết oan, người vô tội cứ bị tai họa mãi ?

Đừng ngạc nhiên nữa khi nhìn thấy nhiều trẻ bị chết oan, những thường dân vô tội phải bị chèn ép, những người theo Chúa phải chịu nhiều nỗi oan khiên. Không có gì là đáng sợ khi phải chịu một chút đau khổ vì nó sẽ mang lại phần thưởng lớn lao cho cuộc đời chúng ta mai ngày như lời Chúa phán:

“Phúc cho các ngươi, những con người đang đau khổ, những người đang bị bách hại vì sự công chính, các ngươi thật có phúc vì nước trời là của các ngươi”. 

Lm.levanquang.  

VỀ MỤC LỤC
Ðức Thánh Cha Benedicto thứ 16. suy luận về dấu Thánh gía.

 

Hằng ngày chúng ta làm dấu Thánh gía trước và sau khi đọc kinh cầu nguyện trong thánh lễ, trước và sau bữa ăn, trước khi ngủ lúc ban tối, khi thức dậy lúc ban sáng và còn trong nhiều hoàn cảnh khác nữa trong đời sống.

Phải chăng dấu Thánh gía là một bùa phép bí hiểm gì?  Phải chăng dấu Thánh gía muốn nói lên điều gì về niềm tin của người Kitô giáo?

Ðức Thánh Cha Benedictô thứ 16. khi còn là Hồng Y Giuse Ratzinger đã viết suy tư về dấu Thánh gía như sau:

"Dấu Thánh Gía của người Kitô hữu trước sau luôn là lời cầu nguyện căn bản trong đời sống. Dấu Thánh gía là cách tuyên xưng tin nhận Chúa Giêsu Kitô bị đóng đinh trên thập gía qua cử chỉ biểu lộ ra bên ngoài trên thân thể. Lời tuyên xưng và cung cách đó phù hợp với chương trình niềm tin như Thánh Phaolô tuyên tín: „ Chúng tôi rao giảng một Chúa Kitô bị đóng đinh, điều mà người Do Thái coi là ô nhục không thể chấp nhận được, và người dân ngoại cho là điên rồ. Nhưng đối với những ai được Thiên Chúa kêu gọi, dù là Do Thái hay Hy Lạp, Ðấng ấy chính là Chúa Giêsu Kitô, sức mạnh và sự khôn ngoan của Thiên Chúa. (1 cor 1,23-24). Và „ Tôi đã không muốn biết đến chuyện gì khác ngoài Chúa Giêsu Kitô, Ðấng bị đóng đinh trên thập gía. (1 cor 2,2) 

Lấy Dấu Thánh gía làm ấn đóng, là dấu chỉ công khai tuyên xưng ưng thuận với Ðấng đã chịu khổ hình cho con người chúng ta với Ðấng đã sống làm chứng cho tình yêu Thiên Chúa bằng chính sự sống thân xác đời mình cho tới tận cùng; với Ðấng cai trị không phải bằng quyền năng năng sức mạnh hủy diệt, nhưng qua sự khiêm hạ vâng lời chịu đau khổ vì tình yêu.Chính tình yêu đó mạnh hơn tất cả quyền lực trần thế và khôn ngoan hơn mọi sự thông minh của con người.

Dấu Thánh gía là lời tuyên xưng đức tin: Tôi tin vào Ðấng đã chịu đau khổ cho tôi và đã sống lại; vào Ðấng đã biến đổi dấu hiệu của sự ô nhục khinh chê thành dấu chỉ niềm hy vọng và thành dấu hiệu tình yêu Thiên Chúa hiện diện giữa con người.

Lời tuyên xưng đức tin đó là lời tuyên xưng niềm hy vọng: Tôi tin Ðấng từ một người yếu đuối thành đấng toàn năng; Ðấng dường như vắng mặt và dường như không có sức mạnh quyền hành gì, nhưng lại có khả năng cứu độ tôi.

Khi chúng ta vẽ Dấu Thánh gía trên thân xác là chúng ta đặt mình dưới sự che chở bảo vệ của Thánh gía. Khác nào như một tấm hình hay lá chắn giúp ta trong những lúc gặp khó khăn và giúp thêm can đảm cố gắng tiến lên về phía trước. Thánh gía là người dẫn đường đi trước trong đời sống: Ai muốn theo Thầy phải từ bỏ mình vác thập gía mình mà theo Thầy. (Mc 8,24). Thánh gía chỉ đường trong đời sống làm môn đệ Chúa Giêsu.

Dấu Thánh gía nối kết chúng ta với niềm tuyên xưng mầu nhiệm Chúa ba ngôi: Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Mỗi khi dùng Nước Thánh làm dấu Thánh là nhớ lại phép Bí tích Rửa tội đã lãnh nhận trong Thánh gía ba ngôi Thiên Chúa.

Thánh gía là dấu hiệu sự khổ hình và đồng thời cũng là dấu hiệu sự sống lại.

Thánh gía cũng là chiếc gậy cứu độ của Chúa nâng đỡ dẫn dắt con người.

Thánh gía  là nhịp cầu giúp chúng ta bước qua bờ vực thẳm sự chết, bờ sự đe dọa của tội lỗi. Ðiều này được làm sống lại trong bí tích Rửa tội với Thánh gía chúa Giêsu Kitô và trong sự sống lại của Người. (Roma 6,1-14). 

Nên mỗi khi làm dấu Thánh gía, chúng ta nhắc nhớ làm mới lại bí tích rửa tội của mình, Chúa Giêsu Kitô qua đó kéo chúng ta lại với Người (Ga 12,32) và sống liên kết trong cộng đoàn với Thiên Chúa hằng sống.

Bí tích Rửa tội và dấu Thánh gía liên kết đan bện với nhau là một biến cố của Thiên Chúa: Chúa Thánh Thần dẫn đưa chúng ta đến với Chúa Giêsu Kitô, Chúa Giêsu Kitô mở cửa đến với Thiên Chúa Cha. Thiên Chúa không còn là người xa lạ nữa, nhưng là một người có tên. Vì thế chúng ta được phép kêu xin nói chuyện với Ngài.

Như thế có thể nói, dấu Thánh gía là lời cầu xin cùng Thiên Chúa Ba ngôi tóm tắt tất cả những gì chính yếu căn bản của niềm tin Kitô giáo…( 152-153)

……………………

Triết gia người Hy Lạp, Platon (v. Chr. 428 – 348) đã dựa theo truyền thống trường phái triết học Pythagor suy luận về vũ trụ được vẽ liên kết trong hình thánh gía (Timaios 34 A/B và 36 B /C) cộng thêm với những truyền thuyết bên vùng Ðông Phương. Suy luận của Platon trước hết về khoa học trong không gian: Hai ngôi sao lớn lưu chuyển trong vũ trụ không gian, như thế giới thiên văn thời ngày xưa biết, kết nên hình bầu dục ( trời không gian hình vòng tròn, trên đường vòng đó mặt trời luân chuyển theo) và đường luân chuyển của trái đất. Chúng luân chuyển qua lại cắt ngang nhau và cùng nhau tạo nên chữ Chi ( X) của vần mẫu tự Hy Lạp, vẽ nên hình chữ thập (X).

Dấu hiệu thánh gía được viết vẽ vào toàn thể vũ trụ. Platon đã dựa theo truyền thuyết cổ xưa để lại, nối kết trong một hình ảnh Thần Thánh: Ðấng Tạo Hóa (Demiurg), Ðấng đã với tay rộng dài đến linh hồn vũ trụ vượt qua mọi không gian. Justin, vị tử đạo ( + 165) cùng là nhà hiền triết đầu tiên vùng Palestina cùng thời với các Giáo phụ, đã khám phá ra suy luận này của Platon. Ông đã không ngần ngại đem lý thuyết này ra áp dụng diễn giải về Chúa Ba ngôi và về công việc cứu chuộc của Chúa Giêsu.

Ðiều Platon nói về linh hồn vũ trụ, với Justin là lời loan báo sự đến của Ngôi Lời Thiên Chúa, Chúa Giêsu Kitô, trong trần gian. Vì thế ông có thể nói rằng: Hình tượng của thập gía là dấu hiệu to lớn nhất về Ngôi Lời Thiên Chúa, không có dấu hiệu đó không có sự liên kết tương quan của toàn thể vũ trụ. Thập gía Chúa Giêsu ngày xưa trên đồi Golgotha là hình ảnh của cấu trúc vũ trụ đã được viết sáng tạo trong không gian.

Vũ trụ nói với chúng ta về Thập gía và thập gía khai mở những bí mật về vũ trụ.Thập gía là chiếc chìa khóa của mọi thực tế xảy ra trong vũ trụ. Lịch sử và vụ trụ gắn liền với nhau. Nếu chúng ta đưa mắt nhìn ra, chúng ta sẽ đọc được sứ điệp của Chúa Giêsu Kitô qua những dấu chỉ như ngôn ngữ viết sẵn trong không gian, và ngược lại: Chúa Giêsu Kitô trao tặng giúp chúng ta hiểu được sứ điệp trong công trình sáng tạo thiên nhiên.“ (tr. 155-156)

Joseph Kardinal Ratzinger, Der Geist der Liturgie, eine Einführung. Herder, Freiburg i. Br. 6. Auflage 2002, tr. 152- 153 và 155.

Lm. Nguyễn ngọc Long

VỀ MỤC LỤC
Tác phẩm ĐÀO TẠO VÀ TỰ ĐÀO TẠO THIÊNG LIÊNG CỦA CÁC LINH MỤC

LTS.

Trong khả năng rất giới hạn, Đặc San GSVN sẽ vinh dự được phổ biến nhiều kỳ liên tiếp vế tác phẩm hết sức giá trị và thiết yếu cho đời sống Hội Thánh Việt Nam:

ĐÀO TẠO VÀ TỰ ĐÀO TẠO THIÊNG LIÊNG CỦA CÁC LINH MỤC TƯƠNG LAI 

 

TRONG BỐI CẢNH VIỆT NAM NGÀY NAY

Nguyên bản tiếng Anh

Lm. Micae-Phaolô TRẦN MINH HUY

Bản dịch Việt ngữ

Lm. Vincentê Trần Minh Thực, Lm. Gioan Baotixita Nguyễn văn Hào

 

DẪN NHẬP

Thế giới hiện đại, với hiện tượng toàn cầu hoá và môi trường kỹ thuật của nó, có ảnh hưởng không nhỏ đối với cuộc sống mọi người trên mọi lãnh vực xã hội và tôn giáo. Bên cạnh những lợi thế tích cực, sự xâm nhập của phong trào tục hoá, với nền văn hoá duy vật và hưởng thụ, đã tác động vào tinh thần con người và tạo nên một cuộc khủng hoảng trầm trọng với nền văn minh. Vì thế, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã kêu gọi mọi thành phần trong Hội Thánh và xã hội cùng “xây dựng một nền văn minh tình thương, được đặt nền tảng trên những giá trị phổ quát là hoà bình, công lý, liên đới và tự do.”1

Những truyền thống tôn giáo cũng như những giá trị xã hội của Á Châu cũng không thoát khỏi những tác động tiêu cực ấy do bầu khí toàn cầu hoá và chủ nghĩa tiêu thụ. Xã hội Việt Nam cũng phải chịu chung bầu khí này với những ảnh hưởng hết sức phức tạp của ý thức hệ cộng sản. Đức Gioan Phaolô II cảm thông: “Trên những mảnh đất vốn vẫn được xem như là vùng đất của sự hài hoà, thì ý thức hệ này, rất hấp dẫn trên lý thuyết, vì nó có vẻ thật tốt khi muốn hoàn thiện lịch sử, hay xây dựng một thế giới tự do, bình đẳng và công bằng, nhưng trên thực tế lại chỉ có bất lương và tham nhũng. Và “người trẻ bị hụt hẫng (trong những thực tại như thế) khi nhìn về tương lai.”2 Những thực tại này đòi hỏi khẩn thiết phải canh tân đời sống và sứ vụ của Hội Thánh. Công đồng Vaticanô II xác tín rằng “công cuộc canh tân này phần lớn tuỳ thuộc sứ vụ linh mục đã được Thánh Linh Chúa Kitô thúc đẩy” và Công đồng “long trọng khẳng định tầm quan trọng đặc biệt của việc đào tạo linh mục.”3

Sứ vụ quan trọng nhất của Hội Thánh là sống, làm chứng và loan báo Tin Mừng cứu độ cho toàn thể nhân loại. Để thi hành sứ vụ này, Hội Thánh tại Á Châu buộc phải tổ chức và làm cho nhân sự của mình có khả năng giới thiệu Chúa Giêsu Kitô Cứu Thế với một gương mặt Á Châu, vì “chính Đức Kitô muốn là và muốn trở thành người Châu Á hơn.”4 Nhắc tới nguồn gốc Châu Á của Chúa Giêsu, Đức Hồng Y Paul Shan Kuo-hsi cũng đã nói rằng “Chúa Giêsu, Đấng đã sinh ra tại Châu Á, lại được giới thiệu với chúng ta, những người Châu Á, như là một người Châu Âu. Giờ đây là lúc chúng ta trả lại cho Ngài gương mặt Châu Á và giới thiệu Ngài như là người Châu Á cho những người Châu Á, qua những đường hướng và tư tưởng của Á Châu.”5

Trong cái nhìn Kitô học từ dưới lên, Đức Giêsu Nadarét được giới thiệu như là bậc thầy khôn ngoan, là “Thiên Chúa ở cùng chúng ta,” là tôi tớ đau khổ, là người thợ, người chữa bệnh, người an ủi, vị ngôn sứ của mọi người, và là người giải phóng,… những hình ảnh thật gần gũi và dễ hiểu, dễ được người Châu Á chấp nhận vì hầu hết họ là những người sống trong cảnh đói nghèo, thất học, bị coi thường, bị ngược đãi, bị đàn áp và trong chừng mực nhất định, họ bị bách hại, đặc biệt là phụ nữ.6

Thế gian có thể tìm thấy Gương Mặt Á Châu của Chúa Giêsu ở đâu? Người ta có thể nhận ra gương mặt ấy qua lối sống và chứng tá xuất phát từ lòng yêu mến say mê và tinh thần truyền giáo của các môn đệ Chúa: ưu tiên “Say mê Chúa Kitô và Say mê con người.”7 Chính Ngài là Đấng đã nói: “Xem quả thì biết cây” (Lc 6,44), hay “Cứ dấu này, mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy” (Ga 13,35). Khi người Kitô hữu bước đi trong ánh sáng và sống yêu thương, họ nên nhân chứng hùng hồn của Thiên Chúa Cha (x. Ga 15,18). Đối với những ai muốn phục vụ Dân Chúa thì điều này lại càng chân thực hơn nữa. Trở thành môn đệ Chúa Giêsu, nên đồng hình đồng dạng với Ngài trong hành động và sứ vụ, mặc lấy chính Ngài và ngày càng nên giống Ngài hơn trong đời sống hằng ngày chính là ý nghĩa và mục đích của việc đào tạo các linh mục tương lai. Trong công tác đào tạo này, “việc đào tạo thiêng liêng là quan trọng nhất.”8

Tìm kiếm một hướng đào tạo thiêng liêng thích đáng cho các chủng sinh trong bối cảnh Việt Nam hiện nay, người nghiên cứu được những tư tưởng sau đây của cha ông mình khích lệ: “Kế một năm không gì bằng trồng lúa, kế mười năm không gì bằng trồng cây, kế trăm năm không gì bằng trồng người.” Việc trồng người cũng như phương pháp trồng người trong Hội Thánh phải có thể đáp ứng được những nhu cầu và hoàn cảnh hiện tại ở Việt Nam.

Trong Tông Thư Hậu Công đồng Pastores Dabo Vobis (Những Mục Tử Như Lòng Mong Ước), Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã khẳng định rằng đối mặt với những biến đổi sâu xa và mau lẹ trong xã hội, với sự phong phú của các nền văn hoá và tính đa diện của các bối cảnh, trong đó Hội Thánh loan báo và làm chứng cho Tin Mừng, Hội Thánh cảm thấy được mời gọi, bằng sự dấn thân đã được canh tân, sống lại tất cả mọi điều Đấng là Thầy đã làm cùng các môn đệ và được thúc giục “bởi sự cấp thiết phải duyệt xét lại nội dung và phương pháp đào tạo linh mục.”9

Để đáp lại lời mời gọi này, mọi người đều nhận thức được rằng chất lượng của các linh mục tương lai tuỳ thuộc vào việc đào tạo khởi đầu các vị đó nhận được trong chủng viện, và cũng tuỳ thuộc vào việc đào tạo thường xuyên các vị đó tham gia trong đời sống linh mục tại môi trường giáo phận. Trong công tác đào tạo linh mục ấy, đời sống thiêng liêng bao gồm mọi thứ thực sự thuộc về con người được Chúa Thánh Thần hướng dẫn: “Đời sống thiêng liêng là đời sống nhân bản được sống trong Thánh Linh.”10

Đối diện với những đổi thay về văn hoá như thế, phong trào tục hoá và lối sống mới có ảnh hưởng sâu rộng trên đời sống và sứ vụ của nhiều linh mục giáo phận tại Việt Nam, phong trào và lối sống ấy đặt ra những vấn nạn sau: “Làm thế nào để các linh mục có thể sống và thực thi sứ vụ với con tim và tinh thần mạnh mẽ trong những thời điểm khó khăn ấy? Ngày nay, những khía cạnh nào trong đời sống linh mục cần được canh tân và củng cố? Đời sống linh mục thiếu điều gì trong bầu khí tục hoá và đa dạng hiện nay?”11

Mọi người đều tin rằng việc đào tạo thiêng liêng cho các chủng sinh sẽ góp phần giải quyết những vấn nạn đó. Sự tăng trưởng thiêng liêng thực sự về cơ bản sẽ giúp họ đương đầu với những thách đố mà họ gặp phải và sẽ khích lệ họ thực thi sứ vụ mục vụ trong tương lai cách xứng đáng. Vì vậy, có thể trình bày các vấn đề căn bản cho họ theo những câu hỏi sau đây:

1) Đâu là nền tảng, những thách đố và cơ hội khả dĩ ảnh hưởng đến đời sống thiêng liêng và việc đào tạo thiêng liêng của các chủng sinh ở Việt Nam hôm nay?

2) Đâu là những nguyên tắc chỉ đạo được Giáo Huấn của Hội Thánh trình bày, cả phổ quát lẫn địa phương, liên quan đến công tác đào tạo thiêng liêng cho các ứng viên linh mục?

3) Làm thế nào để có thể đặt công tác đào tạo thiêng liêng trong bối cảnh cụ thể của Việt Nam, khi làm hài hoà và hội nhập tiến trình đào tạo thiêng liêng với đào tạo nhân bản, đào tạo và tự đào tạo, đồng thời vẫn giữ được căn tính bất di bất dịch của chức linh mục?

4) Về mặt đào tạo thiêng liêng, đâu là những yếu tố đặc thù giúp chủng sinh trở thành những thừa tác viên hữu hiệu cho Dân Chúa?

Một chương trình đào tạo thiêng liêng thích đáng cho các chủng sinh sẽ không chỉ tái khẳng định lời mời gọi và những thách đố cho chương trình đào tạo toàn vẹn, mà còn chỉ ra hướng đi và những kỹ năng cần thiết cho các nhà đào tạo và linh hướng trong sứ vụ cung cấp một chương trình đào tạo toàn diện tại chủng viện. Chất lượng đời sống các linh mục phụ thuộc rất nhiều vào việc đào tạo ban đầu được hấp thụ tại chủng viện, và vào việc đào tạo thường xuyên12 được đảm nhiệm và tăng cường trong đời sống thừa tác vụ. Vì lý do đó, Đức Gioan Phaolô II đã nói rằng các linh mục nên tạo ra thói quen sống thân mật với Chúa Kitô như là người bạn trong mọi chi tiết đời sống mình và sống mầu nhiệm phục sinh của Chúa để biết cách khai tâm cho những người được trao phó cho mình coi sóc.13

Mặc dù công trình nghiên cứu này chỉ giới hạn vào việc đào tạo thiêng liêng, nó cũng giúp ích cho các khía cạnh khác của công cuộc đào tạo linh mục. Nó hữu ích theo nhiều cách khác nhau cho cả chủng sinh lẫn các nhà đào tạo, khi đưa ra vai trò nền tảng, chắc chắn và cốt yếu của việc đào tạo thiêng liêng tại chủng viện. Như vậy, công trình nghiên cứu này chắc chắn sẽ giúp ích cho Hội Thánh tại Việt Nam.

Hơn nữa, mặc dù các Giáo Hội ở các địa phương khác nhau có những nền tảng và những thách đố khác nhau, công trình này cũng hữu ích cách nào đó đối với các Giáo Hội tại Á Châu trong chương trình đào tạo của các Giáo Hội này.

Công trình này cũng có giá trị với những ai muốn tăng triển kiến thức và hiểu biết về tính phức tạp của Hội Thánh Công Giáo tại Việt Nam, nhằm yêu mến và giúp đỡ Hội Thánh tại Việt Nam cách tốt hơn.

Tuy nhiên trước hết, công trình này giúp ích cho chính người nghiên cứu trong khi tìm tòi để giúp đỡ các chủng sinh được ủy thác cho mình một cách hữu hiệu hơn.

Công trình nghiên cứu này nhằm khám phá và phát triển những yếu tố trong chương trình đào tạo thiêng liêng, một chương trình sẽ thích ứng với các chủng sinh Việt Nam đang sống và sẽ thi hành sứ vụ trong một bối cảnh luôn luôn biến đổi.

Công trình này cũng giúp họ có khả năng đối diện với những thách đố của phong trào tục hoá, duy vật, hưởng thụ và chính sách cộng sản, với bình an nội tâm như Chúa Giêsu từng khích lệ (x. Ga 14,27; 16,33).

Như thế, các chủng sinh sẽ được trang bị những phương tiện tự nhiên và siêu nhiên cần thiết14 để sống trọn vẹn đời sống chủng sinh hiện nay, và tiếp tục lớn lên trong đời sống phục vụ của linh mục trong tương lai.

Người nghiên cứu phải tuân theo những nguyên tắc chỉ đạo do Huấn Quyền Hội Thánh đưa ra. Đồng thời  cũng phải cố gắng thích nghi những nguyên tắc chỉ đạo này với hoàn cảnh lịch sử đặc thù và cụ thể của Hội Thánh Việt Nam. Nghĩa là chương trình đào tạo phải đáp lại và bắt nguồn từ một nhận thức về tính phức tạp của văn hoá, não trạng, lối sống, các điều kiện sống và những nhu cầu thuộc thừa tác vụ của con người Việt Nam.

Với những kinh nghiệm sống đa dạng và phong phú, người nghiên cứu sẽ phân tích nhiều văn kiện của Hội Thánh nhằm nhận dạng những yếu tố của việc đào tạo thiêng liêng. Công trình này cũng sẽ tìm cách kết hợp lý thuyết và thực hành. Điều này sẽ được diễn tả theo nhiều cách. Người Việt Nam, với kiểu nói “Học hành”, muốn nói rằng việc học và việc thực hành phải đi đôi với nhau. Nghĩa là nếu ta chỉ trình bày chương trình đào tạo cho các chủng sinh, nhưng nếu chính họ lại không tiếp thu chương trình đó thành của mình, thì họ vẫn chưa được dào tạo đầy đủ. Người Việt Nam ta còn có một kiểu nói khác phản ánh khó khăn này: “Nước đổ lá môn” nói lên sự thiếu hiệu quả, như nước rơi xuống lá môn không thấm nước. Ta cũng tìm thấy một kiểu nói tương tự trong thư của thánh Giacôbê về đức tin và những hành động chứng minh đức tin (x. Gc 2,18). Điều này nhấn mạnh đến công việc tự đào tạo của chủng sinh.

Công trình nghiên cứu này không đặt trọng tâm vào toàn bộ chương trình đào tạo các linh mục tương lai, nhưng chỉ giới hạn vào công tác đào tạo thiêng liêng cho các chủng sinh, bao gồm cả việc linh hướng và đời sống cầu nguyện. Dĩ nhiên, việc cho rằng mình có thể xem xét kỹ càng mọi khía cạnh của công tác đào tạo thiêng liêng sẽ là quá kiêu căng. Vì thế, người nghiên cứu chỉ tự giới hạn trong những khía cạnh hàng đầu của tiến trình này, chương trình mà người nghiên cứu diễn tả bằng hạn từ Đào Tạo và Tự Đào Tạo Thiêng Liêng theo ba thời kỳ: Tiền Chủng viện, Chủng viện và Hậu Chủng viện, đặc biệt là trong năm năm đầu tiên của đời linh mục.

Bối cảnh của tiến trình đào tạo thiêng liêng này là theo nhãn quan Giáo Hội học của Công đồng Vaticanô II, về Truyền Giáo, về Hợp Tác với Giáo Dân, và về Đối Thoại, nhằm định hình cho các chủng sinh nên giống Chúa Giêsu Nadarét, mẫu gương tuyệt đối của mọi linh mục.

Cuối cùng, người nghiên cứu sẽ đề cập đến lòng sùng kính đặc biệt đối với Chúa Giêsu Thánh Thể và với Đức Trinh Nữ Maria,15 như là yếu tố quyết định cho sự thành công và lòng trung thành của các linh mục tương lai.

  

LƯỢC TÓM

Một bản tóm lược của công trình nghiên cứu này sẽ cho thấy một cái nhìn khái quát nhằm giúp đọc giả dễ hiểu hơn.

Trước hết, ở phần đầu, người nghiên cứu giới thiệu hoàn cảnh của Hội Thánh Việt Nam và việc đào tạo linh mục tại đây trong tương quan với hoàn cảnh xã hội Việt Nam, trải qua những hiểu lầm và bách hại của các triều đại phong kiến, rồi những khó khăn và hạn chế về mặt tôn giáo dưới chế độ cộng sản.

Hoàn cảnh sống và thi hành sứ vụ trong hiện tại của các linh mục Việt Nam, cũng như việc đào tạo thiêng liêng hiện nay cho các chủng sinh cũng sẽ được đề cập tới.

Những bối cảnh nền tảng, những thách đố và cơ hội khả dĩ này chính là bối cảnh trong đó các chủng sinh hôm nay được đào tạo và các linh mục tương lai sẽ thi hành sứ vụ.

Công tác đào tạo thiêng liêng và những nỗ lực trong công tác này, những nỗ lực đáng kể, cần được tiếp cận cách thích đáng và phù hợp với thế giới đang thay đổi và với sứ mệnh tân Phúc Âm hoá của Hội Thánh.

Phần thứ hai làm nổi bật những chỉ dẫn chính yếu trong những giáo huấn của Hội Thánh liên quan tới việc đào tạo thiêng liêng cho các linh mục tương lai, việc đào tạo khởi đầu và đào tạo thường xuyên. Những tư tưởng chủ đạo và quyết định xuất phát từ Công đồng Vaticanô II. Những giáo huấn này được củng cố và soi sáng nhờ những văn kiện của Toà Thánh và các bài diễn văn của các Đức Thánh Cha, đặc biệt là Đức Gioan Phaolô II. Những giáo huấn ấy được cụ thể hoá và áp dụng theo những đường hướng của Liên Hiệp Hội Đồng Giám Mục Châu Á và theo những chỉ dẫn của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam.

Hơn nữa, những suy tư thần học làm sáng tỏ một số mặt trong hình ảnh các linh mục Châu Á, những người vừa đượm nhuần nhân bản vừa đượm nhuần thiêng liêng, dựa trên mẫu gương của mọi linh mục, là Chúa Giêsu Nadarét, hôm qua, hôm nay và mãi mãi. Căn tính linh mục là bất biến giữa một thế giới không ngừng biến đổi và còn tiếp tục biến đổi thật mau lẹ.

Ở phần thứ ba, việc đào tạo và tự đào tạo thiêng liêng của các linh mục tương lai trong bối cảnh Việt Nam hôm nay được bối cảnh hoá theo quan điểm của Giáo Hội học của Vaticanô II, về Truyền Giáo, về Hợp Tác với Giáo Dân và về Đối Thoại.

Bên cạnh việc đối thoại với các nền Văn Hoá, với các Tôn Giáo khác và với Người Nghèo, hoàn cảnh đặc thù của Việt Nam đòi hỏi phải có cuộc đối thoại thứ tư, Đối Thoại với những người Cộng Sản.

Phần thứ tư miêu tả đầy đủ và chi tiết việc đào tạo và tự đào tạo thiêng liêng theo ba giai đoạn: Tiền Chủng Viện, Thời kỳ Chủng Viện và năm năm đầu tiên trong đời linh mục của thời Hậu Chủng Viện.

Giai đoạn đào tạo Tiền Chủng Viện là nền tảng tiên quyết trong mối tương tác giữa đào tạo nhân bản, đào tạo Kitô và đào tạo linh mục: nếu không là người tốt, không thể là Kitô hữu tốt; và nếu không là Kitô hữu tốt, không thể là linh mục tốt được.

Giai đoạn đào tạo thiêng liêng ở Chủng Viện là giai đoạn chính yếu và toàn bộ. Giai đoạn này được triển nở qua việc linh hướng, đời sống cầu nguyện và đời sống nội tâm, thông qua việc thực hành hài hoà giữa toà ngoài và toà trong, nhằm giúp các chủng sinh có đủ tự do lương tâm trong việc quyết định đời sống của mình.

Việc đào tạo và tự đào tạo thiêng liêng như thế được thực hiện bởi một số nhân tố đào tạo, cụ thể là cộng đoàn giáo dục của chủng viện, chính bản thân ứng viên, các nhà đào tạo, vị linh hướng, vị giám đốc và hội đồng chủng viện, nhóm nhỏ bạn hữu và môi trường hoạt động mục vụ.

Trong suốt giai đoạn này, có một số việc lượng định và tự lượng định, đặc biệt là sự lượng định cuối cùng để giới thiệu các ứng viên nhận Chức Thánh.

Năm năm đầu tiên đời linh mục thời Hậu Chủng Viện nhằm kích hoạt việc đào tạo đã hấp thụ ở chủng viện, nhằm giúp các linh mục trẻ sống đời sống linh mục và thực thi kỹ lưỡng sứ vụ của mình giữa lòng Dân Chúa.

Để đạt được mục tiêu này, ta cố gắng giúp các linh mục trẻ đẩy mạnh những mối liên hệ hài hoà, quân bình và trưởng thành với chính mình, với người khác, với thiên nhiên và một cách mật thiết với Thiên Chúa. Người ta chú ý đặc biệt đến mối liên hệ của họ với các phụ nữ và nữ tu, trong viễn cảnh những mối liên hệ và cách ứng xử của Chúa Giêsu.

Lòng sùng kính nhiệt thành đối với Chúa Giêsu Thánh Thể và Đức Maria được giới thiệu như là nơi nương tựa và bảo đảm cho sự thành công và ơn trung thành trong đời sống và sứ vụ của mọi linh mục.

  

PHẦN I

BỐI CẢNH NỀN TẢNG, NHỮNG THÁCH ĐỐ, CƠ  HỘI  KHẢ DĨ CỦA VIỆC ĐÀO TẠO THIÊNG LIÊNG CHO CÁC  LINH MỤC  TƯƠNG LAI TẠI  VIỆT  NAM

Thiên Chúa thường kêu gọi các linh mục của Ngài từ những môi trường nhân sinh và môi trường Giáo Hội cụ thể. Dĩ nhiên các ngài chịu ảnh hưởng của những môi trường ấy, và rồi các ngài cũng được sai tới chính những môi trường ấy để phục vụ Tin Mừng của Chúa Kitô.16

Điều quan trọng nhất trong cuộc sống con người là bài học mà họ đã tiếp thu từ quá khứ. Không ai thay đổi được quá khứ, nhưng từ quá khứ, người ta có thể tạo ra và xây đắp một tương lai tốt đẹp hơn.17 Những khó khăn và thách đố có thể trở thành những cơ hội cho một công trình bền vững và chắc chắn.

Đó là nền tảng của niềm hy vọng trong việc giáo dục, nhất là việc đào tạo thiêng liêng, vốn là công việc liên quan trực tiếp đến ân sủng Thiên Chúa và sự biến đổi. Thiên Chúa có thể rút ra điều tốt lành từ điều xấu, điều tích cực từ cái tiêu cực, và có thể biến đổi điều tốt thành điều tốt hơn.

Trong tinh thần như thế, tác giả muốn xem xét nền tảng và những thách đố trong bối cảnh Việt Nam. Như thế những cơ hội tích cực sẽ được khám phá và những cơ hội tích cực ấy sẽ dẫn đến việc đào tạo thiêng liêng thích hợp cho các chủng sinh hôm nay; và mai ngày, những nhà lãnh đạo tương lai ấy sẽ đảm nhận vai trò quan trọng trong việc xây đắp Nước Thiên Chúa trong xã hội Việt Nam.

  

CHƯƠNG I

XÃ HỘI VIỆT NAM

Nước Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam là một nước nhỏ ở Đông Nam Á. Dải đất có hình chữ “S”, với chiều dài 1.500 dặm. Phía bắc Việt Nam tiếp giáp với Trung Quốc, phía đông và phía nam tiếp giáp với Thái Bình Dương, và phía tây tiếp giáp với Campuchia và Lào. Diện tích toàn bộ đất nước khoảng 127.600 dặm vuông, với 2.500 hải lý bờ biển. Dân số tại Việt Nam khoảng bảy mươi tám triệu, với khoảng hai triệu người Việt phân tán trên khắp thế giới. Khoảng tám mươi phần trăm dân số là người Kinh, số còn lại thuộc năm mươi tư nhóm thiểu số riêng rẽ.18

Nước Việt Nam đã chịu ách đô hộ của Trung Quốc trong khoảng một ngàn năm, ách thực dân Pháp trong một trăm năm, và một cuộc nội chiến kéo dài ba mươi năm,19 với sự can thiệp của ngoại bang ở cả hai bên chiến tuyến sau cuộc chia đôi đất nước vào năm 1954.

Lịch sử dài phải đấu tranh để tồn tại như thế đã khuôn đúc nơi dân tộc Việt Nam một tính cách phức tạp, thậm chí mâu thuẫn. Họ kiên nhẫn và yêu hoà bình, nhưng đôi khi lại hiếu chiến và phản đối người ngoại quốc. Họ vừa sùng đạo lại vừa chống tôn giáo. Tâm thức phức tạp này, cùng với quan điểm tôn giáo – chính trị của họ đã tạo nên một bối cảnh tế nhị và nền tảng đa dạng dẫn đến nhiều thách đố và cơ hội khả dĩ trong mọi lãnh vực của cuộc sống.

Điều này đúng cho người Việt Nam, cũng như người ngoại quốc, là khi nhìn lại quá khứ không nên hàm ý phàn nàn, nhưng đúng hơn là ước muốn sử dụng bài học quá khứ nhằm xây đắp một tương lai tốt đẹp hơn.

      

A. Bối Cảnh Lịch Sử Liên Hệ Đến Thời Phong Kiến

1.     Nguyên Do  Gây Hiểu Lầm Và Bách Hại Tôn Giáo

            a. Ý Nghĩa Đích Thực Của Đạo Ông Bà

Đạo Ông Bà bắt nguồn từ thủa ban đầu trong lòng dân tộc Việt Nam. Lòng tôn kính ông bà tổ tiên là biểu hiện tôn giáo quan trọng đối với họ.20 Họ tin rằng nếu như sông có nguồn, cây có cội, thì nguồn cội của con người là tổ tiên, và việc tôn kính tổ tiên là bổn phận quan trọng nhất của họ. Đó là lòng kính trọng tri ân và tình con thảo của con cái đối với tổ tiên, ông bà cha mẹ, còn sống cũng như đã qua đời. Mỗi gia đình đều có bàn thờ tổ tiên.

Tâm điểm của sự tôn kính này là Ông Trời, tương đương với Đấng mà chúng ta gọi tên là Thiên Chúa. Ngài là hữu thể tối cao, là vị chỉ huy lớn nhất của mọi thụ tạo hữu hình và vô hình. Mọi người đều phải tôn kính Ngài với lòng biết ơn. Người Việt Nam tin rằng Trời là tuyệt đối và vô biên. Mọi bàn thờ trong nhà đều không xứng đáng để Trời ngự ở đó. Nhưng có một bàn thờ nhỏ đặt ở bên ngoài được gọi là Vọng Thiên, có nghĩa là hướng về Trời. Trên bàn thờ này, người ta dâng hoa trái, để từ trời cao, Ông Trời sẽ nhìn thấy và chấp nhận lòng thành của con người.

Bên dưới Ông Trời là Vua, Thầy, và Cha Mẹ. Người ta cũng ý thức điểm khác biệt sau đây: Đức Vua cai trị và thần dân của ngài tuân hành luật lệ của ngài với lòng tri ân; người Thầy dạy dỗ và học trò thực hành lời giáo huấn của Thầy với lòng biết ơn. Không có bàn thờ cho Đức Vua và Thầy. Chỉ có tổ tiên và cha mẹ là có bàn thờ trong nhà, nhờ thế tổ tiên và cha mẹ được con cháu tôn kính. Chính việc tôn kính tổ tiên như thế khiến con cháu hiệp nhất với nhau. Như thế, con cháu có thể theo đuổi và duy trì di sản, vật chất cũng như tinh thần, mà tổ tiên truyền lại. Ý thức về tổ tiên như thế giúp mỗi thành phần sống tốt hơn lên theo nhiều chiều kích.21

Sau này, Nho giáo, Lão giáo và Phật giáo du nhập vào Việt Nam và đã được người Việt Nam dễ dàng chấp nhận, là vì những tôn giáo này có nhiều yếu tố gần gũi với việc tôn kính tổ tiên. Dần dần, những tôn giáo này trở nên đồng hoá với văn hoá và tâm thức người Việt Nam.

Trải qua thời gian, việc tôn kính tổ tiên đã bị pha trộn và kết hợp thành một số yếu tố thuộc về những thói quen của niềm tin và tôn giáo bình dân, và thậm chí mê tín. Chính thứ thói quen phức tạp sau này mà nhiều người ngoại quốc hiểu lầm đó là việc tôn kính tổ tiên. Sự nhầm lẫn lớn tới mức ngay cả một số đông người Việt Nam hiện nay vẫn còn hiểu lầm như thế.

            b.    Vai Trò Tối Cao Của Ông Trời

Theo suy nghĩ truyền thống của người Việt Nam, Ông Trời có vai trò tối cao và vượt trên tất cả. Chính Ông Trời cai trị mọi người và mọi vật: “Lưới Trời lồng lộng, thưa nhưng khó lọt.” Đối mặt với khoảng cách giàu nghèo quá lớn, người nghèo phàn nàn: “Trời sao Trời ở không cân, kẻ ăn không hết người lần không ra.” Người ta thường kêu xin Trời giúp, hay kêu xin công lý.

Chỉ có Ông Trời mới đáng hưởng sự tôn thờ cao nhất. Đức Vua được coi là “Thiên Tử” (Con Trời), là đại diện của Trời, và cai trị dân chúng. Chính Đức Vua cũng phải thờ Trời. Bằng chứng của điều này là bàn thờ ngoài trời tại Nam Giao, Huế, Việt Nam, cũng giống như Điện Kính Thiên tại Bắc Kinh, Trung Quốc. Nơi được dành cho Trời như thế cũng tương tự như nơi trọng nhất dành cho Thiên Chúa trong Kitô giáo.

Ông Trời ở trên tổ tiên chứ tổ tiên không ở trên Ông Trời. Tổ tiên rất được kính trọng và tôn kính một cách gần gũi, nhưng việc thờ kính tổ tiên không được xem giống hệt với việc tôn thờ Thiên Chúa.22

           c. Lối Hiểu Nguy Hại

Trái lại, vì sự hiểu lầm về việc thờ kính tổ tiên giống như là việc “thờ ngẫu tượng,” các thừa sai Châu Âu đã phân biệt một cách hợp lý và hợp với thần học rằng chỉ một mình Thiên Chúa mới xứng đáng được thờ phượng. Vì vậy, họ hủy bỏ, hoặc yêu cầu các Kitô hữu tân tòng địa phương hủy bỏ bàn thờ tổ tiên tại nhà mình. Hành động này gây ra một phản ứng rất mạnh nơi dân chúng và giới quan quyền Việt Nam, dẫn tới một kết luận đến nay vẫn còn, và ngăn cản bước tiến của Tin Mừng. Người ta nói rằng “theo đạo Công giáo là từ bỏ tổ tiên.”23 Hậu quả là đạo Công giáo bị nhiều người bác bỏ và các Kitô hữu bị bách hại. Đây là một lý do rõ ràng giải thích tại sao người Công giáo ở Việt Nam chỉ là một thiểu số, dù đạo Công giáo đã được các thừa sai từ Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và Pháp đưa đến đây bốn trăm bảy mươi năm trước đây (1633).

            d.    Đường Hướng Mới và Cơ Hội Mới

Đối diện với hoàn cảnh như vậy, Hội Thánh Công giáo phải điều chỉnh và tự mở ra một đường hướng mới trong cách nhìn và cách liên hệ với nền văn hoá Á Châu, để khởi đầu cho công cuộc Tân Phúc Âm hoá. Khi Hội Thánh ý thức được những sắc thái ấy, Hội Thánh đã thay đổi lập trường của mình và bắt đầu kính trọng việc tôn kính tổ tiên tại Trung Quốc với Huấn Thị Plane Compertum Est (8-12-1939), và sau này tại Việt Nam từ năm 1964.24 Trong chiều hướng ấy, Hội Thánh có một quan điểm mới về việc hội nhập văn hoá. Đó là một quyết định tốt đẹp và thích đáng, nhưng tự nó, quyết định này không thể chữa trị thái độ thù địch vẫn còn tồn tại nơi một số người Việt Nam. Sai lầm quá khứ cần được trình bày trong phần đào tạo Kitô đối với các chủng sinh. Một diễn đàn phù hợp cho vấn đề này chính là định hướng dẫn tới đối thoại và hội nhập văn hoá.

         e.    Ly Do Chính Trị Của Những Căng Thẳng, Xung Đột Và Bách Hại 

Bên cạnh những lý do mang tính văn hoá và tôn giáo được nêu ra trên đây, cũng như những xung đột do ảnh hưởng của một số thực hành của Phật giáo và của một số truyền thống và giá trị của Khổng giáo, còn có những căn cớ khác dẫn đến sự căng thẳng thường xuyên giữa các nhà thừa sai và giới quan quyền địa phương trong các lãnh vực chính trị, kinh tế và xã hội.

Trong thời gian người Pháp chiếm Việt Nam làm thuộc địa, thật khó phân biệt giữa các vị thừa sai Kitô giáo và những kẻ chinh phục, những kẻ đã biến nước Việt Nam thành một thuộc địa của nước Pháp. Giới quan quyền người Việt, vốn hoạt động trong hệ thống phong kiến, đồng hoá các vị thừa sai ngoại quốc với những kẻ chinh phục và những tên thực dân. Do đó người Pháp, dù họ là ai đi nữa, được xem là những kẻ tước đoạt chủ quyền quốc gia. Vì thế, giới quan quyền địa phương coi các Kitô hữu bản địa như những kẻ bán nước và phản bội; và họ bị kết tội là cổ vũ cho sự tha hoá và mất bản sắc dân tộc về mặt văn hoá. Sự hiểu lầm này dẫn đến hậu quả là cuộc bách hại các Kitô hữu, và thái độ thù nghịch giữa các Kitô hữu và lương dân. Điều này lại càng đúng hơn dưới triều đại Nhà Nguyễn,25 giai đoạn thuộc ba triều đại Minh Mạng, Thiệu Trị và Tự Đức.

Sứ mạng của thế hệ Kitô hữu mới tại Việt Nam, đặc biệt là các vị lãnh đạo Giáo Hội, là khích lệ việc đối thoại bằng chứng tá và bằng lối sống, nhằm tạo nên sự hiểu biết giữa mọi thành phần dân tộc. Đó là con đường Phúc Âm hoá đặt trọng tâm vào ơn cứu độ của toàn thể nhân loại. Đó là sứ mệnh và mục đích cái chết và phục sinh của Chúa Giêsu, vị Linh Mục Thượng Phẩm. Vì thế, việc đào tạo toàn diện cho linh mục tương lai phải đặt nền tảng trên những nhận thức này, nhằm thúc đẩy sự hiểu biết và chấp nhận lẫn nhau, nhờ những cuộc gặp gỡ và trao đổi. Mọi người sẽ nhận ra rằng thành kiến cũ là vô căn cứ và xuất phát từ bối cảnh chính trị lẫn lộn và phức tạp của lịch sử đất nước.

  

B.    Bối Cảnh  Lịch Sử Liên Hệ với Giai Đoạn Cộng Sản

1.    Những Mối Liên Hệ Giữa Giáo Hội Việt Nam và Chính Quyền Cộng Sản

            a. Giai Đọan Đối Đầu

Đảng Cộng Sản được khai sinh ngày 3-2-1930, trong cuộc chiến chống lại chủ nghĩa đế quốc, và nhắm đến độc lập dân tộc. Do ý thức hệ vô thần của Chủ Nghĩa Cộng Sản, một Tuyên Bố của hàng Giám Mục tại Hà Nội năm 1951 đã kết án chủ nghĩa cộng sản và ra vạ tuyệt thông những ai vào đảng.26 Do đó, mối liên hệ giữa Hội Thánh Công giáo và Chính Quyền Cộng Sản ngày càng trở nên căng thẳng.

Thất bại của nước Pháp tại chiến trường Điện Biên Phủ năm 1954 đã kết liễu chế độ thực dân tại Việt Nam, nhưng đất nước bị chia đôi tại vĩ tuyến mười bảy theo Hiệp Định Giơnevơ. Ở miền Bắc, người cộng sản cai trị với sự ủng hộ của Trung Quốc và Nga. Miền Nam theo chủ nghĩa quốc gia với sự ủng hộ của Hoa Kỳ và các đồng minh. Cuộc phân tranh này gây ra một cuộc nội chiến đẫm máu kéo dài tới ngày 30-4-1975 với chiến thắng của miền Bắc, đánh dấu một khởi điểm mới trong lịch sử đất nước. Kết quả của chiến thắng này là việc thống nhất đất nước. Người Cộng Sản Việt Nam rất tự hào về thắng lợi của họ đối với Mỹ, một nước vẫn được xem là đế quốc hùng mạnh nhất. Nhưng thực ra, thắng lợi thuộc về cả dân tộc Việt Nam; Đảng Cộng Sản chỉ là nhà tổ chức và lãnh đạo dân tộc thành công trong cuộc chiến.

Mối liên hệ giữa người Công giáo với Chính Quyền Cộng Sản trong một thời gian dài mang tính chất đối đầu. Người cộng sản rất nhạy cảm và tỏ ra nghi ngờ đối với người Công giáo. Mọi thứ liên quan đến Giáo Hội đều bị Công An kiểm soát gắt gao. Giáo Hội bị buộc phải sống dưới chế độ hạn chế và kiểm soát khắt khe. Ví dụ chỉ được dạy về tôn giáo trong nhà thờ; các bài giảng bị giám sát; việc xưng tội bị ngăn cản. Sách vở và các tạp chí thường kỳ bị đình bản hoặc đặt trong chế độ kiểm soát gắt gao. Đất đai thuộc sở hữu của Giáo Hội và nhà cửa bị trưng thu, bao gồm cả các trường học, bệnh viện, trại trẻ mồ côi và một số nhà thờ, tu viện. Người trẻ Công giáo không được tham gia phục vụ trong quân đội, không được vào trung học hay đại học. Tại nhà trường, sinh viên bị nhồi nhét những kiến thức đối kháng với đức tin Công giáo.

      b.    Giai Đọan Hiểu Biết Và Cộng Tác

Không ai có thể phủ nhận những điều đã xảy ra trong quá khứ. Nhưng thật may mắn là mối liên hệ đã chuyển sang hướng hiểu biết và cộng tác: ngay sau khi đất nước thống nhất, Giáo Hội Công giáo tại Việt Nam đã bắt đầu canh tân nhãn quan của mình: Trong thư mục vụ năm 1976, các Giám Mục Miền Nam Việt Nam đã cố gắng đem đến sự hoà giải với sự lãnh đạo của người cộng sản, và kêu mời người Công giáo đón nhận diễn biến lịch sử và cộng tác. Những đường hướng ấy được tóm tắt trong câu: “Tích cực sống đạo bằng cách dấn thân và phục vụ giữa lòng Dân tộc Việt Nam hôm nay.”27

Các vị lãnh đạo Giáo Hội địa phương đã khích lệ các Kitô hữu trở nên thành phần của cộng đồng dân tộc, chung tay “với mọi người để xây dựng đất nước, và làm những gì lợi ích chung cho cộng đồng dân tộc mà không nghịch với đức tin và lương tâm Kitô giáo.”28

Từ 24 đến 30-4-1980, Hội Nghị Các Giám Mục Việt Nam tại Hà Nội đã ra Thư Mục Vụ kêu gọi người Công giáo “sống Phúc Âm giữa lòng dân tộc để phục vụ hạnh phúc của đồng bào.”29 Và Thư Mục Vụ năm 2001 khẳng định: “Ta phải tiếp tục đường hướng đồng hành với dân tộc, đồng cảm, chia sẻ hy vọng và lo âu của dân tộc trong tiến trình phát triển xã hội và thăng tiến con người.”30

Trong khi đó, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II khuyên nhủ: “Hội Thánh tin vào một sự cộng tác lành mạnh với chính quyền nhằm xây dựng một xã hội công bằng nhắm đến lợi ích của mọi công dân, được dẫn dắt bằng tinh thần đối thoại huynh đệ.”31

Hằng năm, một phái đoàn của Toà Thánh viếng thăm Việt Nam để thảo luận về những vấn đề của Giáo Hội địa phương với các quan chức Việt Nam. Và trong thư mục vụ năm 2003, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đã thúc giục người Công giáo công bố Tin Mừng qua lời cầu nguyện, gương sống, và đối thoại với những người không Công giáo.

       c. Những Trăn Trở Mâu Thuẩn Do Hoàn Cảnh Mới Gây Nên

Có những ý kiến đối lập trong nội bộ cộng đồng Công giáo. Thực ra, nhìn vào một vật, hai người có thể thấy nó một cách khác nhau.

Quả thế, năm 1986 là một bước ngoặt quan trọng đối với Việt Nam, bước ngoặt được gọi là Đổi Mới, do yêu cầu cải cách kinh tế mà các hoạt động chính trị và thái độ của Chính Quyền Cộng Sản đối với các Tôn Giáo cũng chịu ảnh hưởng tích cực. Nhưng vấn nạn “Có hay Không có tự do tôn giáo tại Việt Nam” là một vấn nạn khó có câu trả lời dứt khoát. Mọi chuyện tuỳ thuộc vào các mối liên hệ giữa vị lãnh đạo Giáo Hội địa phương và các quan chức Chính Quyền địa phương. Với những mối liên hệ tốt đẹp, mọi chuyện đều có thể. Với những mối liên hệ không tốt, hầu như không có gì cả hoặc có làm được gì cũng rất ít.

Sự phân biệt đối xử như thế cũng gây ra những đánh giá không chính xác trong nội bộ Giáo Hội Địa Phương. Người “cấp tiến”, hay “những người Công giáo có vẻ được ưu đãi”, được gắn cho nhãn hiệu “quốc doanh” hay “giáo gian.” Điều này phá vỡ sự hiệp nhất sống động của Hội Thánh, Thân Thể Chúa Kitô. Tại sao những người của Thiên Chúa lại không vượt qua được những thành kiến bất công này ngay trong nội bộ Giáo Hội?

Thật tuyệt vời khi ta biến thù thành bạn và thật tồi tệ khi ta biến bạn thành thù. Một chương trình đào tạo thiêng liêng thích hợp tại Việt Nam hôm nay không được phép quên những nhân tố ấy trong đường hướng “sống Phúc Âm giữa lòng dân tộc, xây dựng một nếp sống và một lối diễn tả đức tin phù hợp với truyền thống dân tộc.”32

           d.    Dấu Chỉ Của Niềm Hy Vọng

Dưới cái nhìn toàn diện, hiện nay có một sự cởi mở đáng kể so với thời điểm người cộng sản bắt đầu cai trị. Mốc son quan trọng nhất là sự  tái lập sáu Đại Chủng Viện trên toàn quốc với  trên tám trăm chủng sinh từ hai mươi lăm giáo phận. Viễn tượng này càng trở nên lạc quan theo số thống kê năm 2003 về con số chủng sinh: một ngàn không trăm tám mươi lăm đang học trong các chủng viện, hai trăm bốn mươi mốt đã mãn trường (trong số đó, một trăm đã được truyền chức linh mục) và một ngàn bảy trăm mười hai đang chờ đợi.33

 

2. Độc  Quyền  Giáo  Dục  Tại  Việt  Nam

Giáo dục được xem là nhân tố quan trọng nhất, vì giáo dục xây dựng con người và tác động tới mọi chiều kích của cuộc sống cũng như các hoạt động trong xã hội. Giáo viên được định nghĩa là kỹ sư  tâm hồn.

Trước năm 1954, Việt Nam chịu ảnh hưởng của hệ thống giáo dục Nho giáo, và rồi chịu ảnh hưởng hệ thống của Pháp. Sau năm 1954, miền Nam sử dụng hệ thống của Hoa Kỳ và miền Bắc đặt nền tảng hệ thống giáo dục của mình trên các học thuyết của Karl Marx và Vladimir Lenin nhằm xây dựng xã hội Cộng Sản Chủ Nghĩa.

Vào năm 1975, miền Nam bị chinh phục, và hệ thống Cộng Sản lan  ra khắp đất nước. Đảng Cộng Sản chống lại  nền giáo dục do những người không cộng sản, và muốn thay thế bằng nền giáo dục của riêng họ. Do vậy, hầu hết các trường sở và các đại học của các Giáo Hội do các tu sĩ điều hành đều bị giải tán. Nhiều trại tập trung và trung tâm học tập cải tạo được mở ra để biến đổi người miền Nam thành “con người mới” xã hội chủ nghĩa. Vì thế, nền giáo dục hiện nay được định hình theo ý thức hệ cộng sản: một kiểu độc quyền về giáo dục tại Việt Nam.

Tuy nhiên, ta cũng không được phủ nhận nỗ lực tốt đẹp này: Chính Phủ Việt Nam đã nhập cuộc để mở rộng cơ hội học hành cho các trẻ em trong nước. Dù vẫn còn là một đất nước nghèo với thu nhập theo đầu người thấp, Việt Nam cũng đã không ngừng đạt được những thành tựu lớn lao trong giáo dục, và đã đạt được những tỷ lệ đến trường rất cao, so với các quốc gia cũng có cùng thu nhập tính theo đầu người thấp như thế.   

 

3.    Một Kiểu Tôn Giáo Mới

Trên bình diện toàn cầu, chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa tiêu thụ dẫn tới hiện tượng thờ ơ với tôn giáo, hết quan tâm tới những gì liên quan đến Thiên Chúa, và bỏ việc thực hành tôn giáo, được gọi là “vô thần thực tế.” Trong bối cảnh này, một điều không được mong đợi đã xảy ra tại Việt Nam: dường như có một kiểu tôn giáo mới, thứ tôn giáo có thể được gọi là “tôn giáo Chính Quyền.” Thực ra, hầu như mọi quan chức và các nhà lãnh đạo trong xã hội Việt Nam đều là thành viên của ý thức hệ cộng sản. Đảng Cộng Sản dường như thành công trong nỗ lực áp đặt ý thức hệ cộng sản thông qua độc quyền giáo dục, và tôn vinh Chủ Tịch Hồ Chí Minh như  vị anh hùng và người cha già của đất nước. Tượng Chủ Tịch Hồ Chí Minh được tôn kính ở những nơi công cộng quan trọng nhất. Ở một vài nơi trên đất nước, người ta xây dựng những đền thờ Hồ Chủ Tịch như là ngôi đền dành cho một vị thần của một kiểu tôn giáo mới. Không ai có thể phủ nhận công lao của Chủ Tịch Hồ Chí Minh trong công cuộc giải phóng đất nước, nhưng kiểu hoạt động như thế mang một ý nghĩa mới và khác biệt.

      

4.   Phục Hồi Tôn Giáo Bình Dân

Một hiện tượng khác cũng đáng được ghi nhận. Khi đã nắm quyền trên toàn cõi Việt Nam, các viên chức chính quyền cộng sản phá huỷ mọi am miếu như là những nơi mê tín dị đoan. Nhưng bây giờ, nhằm đáp lại những phản ứng tiêu cực đối với những gì họ đã làm chống lại các tôn giáo, và nhằm đáp lại nhu cầu mạnh mẽ đòi hỏi tự do tôn giáo, họ đang lập lại những lễ hội và sự sùng bái nhân gian. Các lễ hội và sự sùng kính bình dân là điều mà dân chúng vốn quen thuộc. Việc trở lại với lối hành đạo truyền thống của tôn giáo bình dân là một thách thức mới đối với những cố gắng nhằm hội nhập của Hội Thánh. Công tác đào tạo chủng sinh cần cân nhắc và phân tích một cách trực tiếp vấn đề này.

            

5. Phản Ứng Bằng Niềm Cậy Trông Thành Tín

Đối diện với những sự kiện này, nhiều người băn khoăn về việc mất cân bằng giữa thái độ đối với những chuyện thế tục và thái độ tôn giáo của người trẻ. Những người chỉ nhìn vào những khả năng của con người thì sợ hãi cho tương lai. Nhưng công tác đào tạo thiêng liêng cho các chủng sinh dĩ nhiên phải trang bị cho họ những suối nguồn mà họ đang cần để trả lời cho những thách đố này.

Và điều quan trọng hơn là phải nhớ rằng công tác đào tạo thiêng liêng là việc của Thiên Chúa dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, chứ không chỉ giản đơn là việc phàm nhân của các nhà đào tạo. Điều này không có nghĩa là chúng ta bỏ qua nhu cầu đào tạo sự thánh thiêng và khôn ngoan cho con người. Điều này giúp chúng ta đi tới trong đức tin và đức cậy, hơn là lo âu sợ sệt.

 

C.    Nhân Tố Văn Hoá Trong Tâm Thức Dân Tộc

1. Từ  Ngữ  Uyển Chuyển Ẩn Giấu Cảm  Xúc  Chân  Thật

Tốt nhất là đừng quên tâm thức của người Việt Nam. Có sự khác biệt đáng kể giữa phương Đông và phương Tây trong cách nói và tiếp cận vấn đề.

Người phương Tây có xu hướng tự bày tỏ một cách thẳng thắn, dứt khoát, và đầy đủ về một vấn đề đang tranh cãi. Họ thấy những mâu thuẫn và phản ứng lại với những mâu thuẫn ấy. Ví dụ, vì thấy mâu thuẫn giữa việc thờ kính tổ tiên với việc thờ phượng Thiên Chúa, họ yêu cầu bất cứ người Việt Nam nào theo Công giáo cũng phải bỏ việc thờ kính tổ tiên và phá hủy bàn thờ dâng kính tổ tiên. Những khuynh hướng này dễ gây ra xung đột và căng thẳng.

Trái lại, người phương Đông, trong đó có người Việt Nam, lại hết sức tránh xung đột và căng thẳng, nhưng tìm cách duy trì sự hài hoà. Họ có xu hướng nói và phản ứng không trực tiếp. Họ chỉ trình bày một phần hoàn cảnh, nếu như phần còn lại gây ra bất thuận hay căng thẳng. Họ duy trì tính uyển chuyển trong lời nói và trong sự  im lặng. Vì thế, họ có thể hoặc ngoan ngoãn, hoặc rất ngoan cố. Những kiểu ứng xử như vậy khiến người phương Tây thật khó mà hiểu được. Có thể họ rất phản đối một quyết định, nhưng rồi họ sẽ nói “ĐƯỢC”, hay “VÂNG”, hoặc “CÁM ƠN.” Lời nói của họ có thể trái ngược với suy nghĩ của họ. Đối với người phương Tây, đó là một lời nói dối; nhưng đối với người Việt Nam, đó là sự thận trọng đối với người khác. Chúng ta có thể  thấy rằng để hiểu được điều mà một người phương Đông thực sự muốn nói, ta phải giải mã “gương mặt,” ngôn ngữ và cử chỉ của người ấy. Và hầu hết người phương Tây thiếu sự nhạy cảm đối với việc giải mã như thế.

 

2.    Phân Biệt Giữa Phục Tùng Miễn Cưỡng Và Vâng Lời  Thật  Lòng

Quả thực, cần phân biệt ba loại tùng phục: “Quyền phục, lý phục và tâm phục” (tùng phục do quyền lực, tùng phục do lý lẽ, và tùng phục do con tim). Trong ba thứ, tùng phục do con tim (tâm phục) là quan trọng nhất, bởi vì có thể có sự tùng phục do quyền lực và do lý lẽ, nhưng không có sự tùng phục do con tim. Người Việt Nam có thể vâng lời một cách miễn cưỡng những người có quyền lực hay giỏi lý lẽ, nhưng rồi khi những người ấy không còn quyền lực hay nhữnng lý lẽ áp đặt nữa, thì cũng sẽ không còn sự tùng phục nữa! Họ nhận định: “Tức nước vỡ bờ”, nghĩa là sức mạnh âm ỷ của dòng nước có thể phá vỡ con đê. Trong những trường hợp như thế, phản ứng khôn ngoan là “đào sâu lòng sông và khơi dòng cho nước chảy” (ở đây muốn nói tới lòng người và những bức xúc của con người). Nếu như ta chiếm được trái tim họ, họ sẽ hoàn toàn vâng phục và trung thành với ta, dù ta có thêm hay bớt quyền lực và lý lẽ.

Đó là hệ quả do ách đô hộ một ngàn năm của người Tàu và một trăm năm của người Pháp. Dân Việt hiểu rất rõ “lý của kẻ mạnh” và họ ý thức được sự yếu kém của mình, nên họ phải kiên trì chờ đợi đến một thời điểm thích hợp để vùng lên. Người khoẻ dùng sức, kẻ yếu dùng mưu. Họ phản kháng một cách nhẹ nhàng trước uy quyền nhằm tìm kiếm lòng trắc ẩn. Nếu không thay đổi được gì, họ phản ứng một cách tiêu cực hoặc thụ động. Rút cuộc họ sử dụng biện pháp bất bạo động và bất hợp tác: “Kính nhi viễn chi.”

 

3.   Đặc Điểm Địa Phương Trong  Quê Hương

Về mặt tâm lý của người Việt Nam, thậm chí có những khác biệt mang tính địa phương: Người miền Nam có khuynh hướng dễ đón nhận và nhạy cảm hơn đối với những giá trị tôn giáo, nhưng họ lại thiếu năng động. Người miền Trung có cả hai khuynh hướng sâu sắc và năng động, nhưng họ lại thường bảo thủ khép kín, và thường mang định kiến. Mặc dù người miền Bắc có khuynh hướng vừa năng động, vừa có đầu óc cởi mở, nhưng họ lại nghiêng về mặt nghi thức, tức là họ thường nhấn mạnh đến các việc sùng kính và thực hành tôn giáo.34

 

4. Khuyến Cáo Hữu Ích Cho Việc Đào Tạo Thiêng  Liêng

Thật may mắn là nhiều nhân tố, chẳng hạn như những cuộc tiếp xúc đa văn hoá, những thay đổi trong lãnh vực kinh tế và giáo dục, v.v… đã giúp biến đổi những phản ứng thụ động và tiêu cực. Tuy nhiên, để xây dựng được cả sự tin cậy và cởi mở  của các chủng sinh trong tiến trình đào tạo, những người hữu trách trong việc đào tạo thiêng liêng, cũng như đào tạo toàn diện, cần phải để tâm đến những khó khăn này. Siêu nhiên không xa lạ hay trái ngược với tự nhiên; đúng hơn, siêu nhiên ở ngay trong tự nhiên để nâng cao và hoàn thiện tự nhiên.

Còn tiếp nhiều kỳ

VỀ MỤC LỤC
Nguy Cơ gây ra Bệnh Tim Mạch.

 

Câu Chuyện Thầy Lang

Bác sĩ Nguyễn Ý Ðức 

Thực tội nghiệp cho trái tim nhỏ bé..

Tim chỉ nhỉnh cỡ bàn tay nắm, nặng khoảng 1 lb, nằm khiêm nhường ở góc trái lồng ngực. Tim rất hiền lành, chăm chỉ làm việc. Mỗi ngày tim co bóp cả 100,000 nhịp, bơm ra gần 7500 lít máu để nuôi dưỡng cơ thể. Tim cũng dạt dào những tình cảm thương yêu, được mọi người nâng niu ca ngợi...

 Vậy mà biết bao nhiêu khó khăn giông tố cứ rình rập, đe dọa làm tan nát một đời tim với bệnh này, tật nọ...

Thực vây, bệnh tim mạch là nguyên nhân số một về tử vong tại nhiều các quốc gia trên thế giới. Riêng tại Hoa Kỳ,  năm 2004 có trên 60 triệu người bị bệnh tim mạch với rất nhiều thiệt hại nhân mạng.

Bệnh Tim Mạch là bệnh của trái tim và bất cứ một huyết quản nào

Bệnh gồm có nhiều loại khác nhau như cao huyết áp, bệnh động mạch vành, bệnh các van của tim, tai biến động mạch não, phong thấp tim, suy tim, bệnh tim bẩm sinh, loạn nhịp tim, phình động-tĩnh mạch, tắc nghẽn động mạch, bệnh động mạch cảnh...

Bệnh của động mạch tim là dạng thông thường nhất. Động mạch này cung cấp máu có nhiều oxygen và dưỡng chất để nuôi các tế bào của trái tim. Nếu vì một lý do nào đó mà sự lưu thông máu tới tim bị gián đoạn, thì tim sẽ bị tổn thương và không hoạt động được.

Những rủi ro đưa tới các bệnh Tim Mạch.

Trong y khoa, nguy cơ hoặc rủi ro là những yếu tố có thể làm cho cơ thể bị đau yếu suy nhược. Tuy nhiên, có rủi ro không phải là đương nhiên bị bệnh, mà chỉ là “có thể”, nếu ta không tìm cách thay đổi, xa lánh các rủi ro đó.

Vì vậy, khi đi khám bệnh, bác sĩ thường hỏi y sử cá nhân và gia đình người bệnh cũng như nếp sống để xem người đó có thể mắc phải một bệnh. Rồi cùng nhau thảo luận, quyết định các phương thức phòng ngừa và điều trị thích hợp cho từng trường hợp.

Có nhiều loại rủi ro mà một số ta có thể thay đổi, điều trị và tránh được, một số khác ta đành bó tay. Các rủi ro đó là:

a- Giới tính.

Nói chung thì nam giới hay bị cơn suy tim hơn là nữ giới. Tuy nhiên, ở tuổi mãn kinh thì tỷ lệ bệnh ở đôi bên sấp sỉ bằng nhau. Lý do được giải thích là tim mạch của quý bà được kích thích tố nữ che trở khi còn trong tuổi mầu mỡ, sinh đẻ. Tới tuổi mãn kinh, các kích thích tố này giảm xuống rất nhiều.

b- Di truyền.

 Bệnh tim mạch thường xẩy ra cho người trong cùng một gia đình. Quan sát cho thấy nếu bố mẹ hoặc anh chi em bị bệnh tim thì tới tuổi 55, con cái cũng có nhiều nguy cơ mắc bệnh đó.

c- Tuổi tác.

Tới tuổi cao, tim thường yếu đi, vách tim dầy hơn, động mạch  cứng lại và khả năng bơm máu của tim ra động mạch trở nên khó khăn. Do đó, cao tuổi là một nguy cơ dẫn tới bệnh tim mạch. Theo thống kê thì cứ năm người thiệt mạng vì bệnh tim thì 4 vị ở tuổi ngoài 65.

Trên đây là ba nguy cơ mà ta đành bó tay chịu đựng, không thay đổi được. Còn những hoàn cảnh mà ta có thể kiểm soát và tránh được là:

d- Cao huyết áp.

Thành động mạch của người bị cao huyết áp thường cứng và kém co giãn khiến tim phải co bóp mạnh hơn để đưa máu vào huyết quản. Lâu ngày, cơ tim sẽ dầy lên và cứng hơn. Nếu liên tục cố gắng, tim sẽ suy yếu, bệnh hoạn và tăng nguy cơ tai biến động mạch não, suy nhược thận. Huyết áp lý tưởng là dưới 120/70.

e- Cao cholesterol trong máu

Cholesterol là một loại chất béo có trong thực phẩm như mỡ gà, heo, bò hoặc dầu dừa. Gan sản xuất hầu hết cholesterol mà cơ thể cần.

 Trong cơ thể, cholesterol phân phối ở mọi tế bào và có nhiều công dụng quan trọng. Tuy nhiên khi mức độ cholesterol trong máu lên cao (trên 200mg/100ml máu) thì nguy cơ bệnh động mạch tim cũng tăng theo. Cholesterol sẽ đóng thành miếng nhỏ ở thành mạch máu, đưa tới vữa xơ động mạch, cản trở sự lưu thông của máu. Hậu quả là tim sẽ thiếu chất dinh dưỡng, tế bào tim bị hủy hoại và ta có cơn đau tim.

g- Bệnh tiểu đường..

Theo Hội Tim Hoa Kỳ thì 65% người bị tiểu đường có thể thiệt mạng vì một bệnh tim mạch nào đó. Vì thế, người bị tiểu đường nhất là loại II cần điều trị đúng đắn để tránh rủi ro này. Người Việt Nam nói riêng, dân Á châu nói chung đều có tỷ lệ mắc bệnh tiểu đường khá cao.

h- Béo phì.

Béo phì được coi như làm tăng cholestetrol, cao huyết áp và là nguy cơ đưa tới bệnh động mạch tim.

i- Hút thuốc lá.

Nghiên cứu cho hay chất nicotine trong thuốc lá làm tăng nhịp tim, tăng huyết áp, giảm dưỡng khí nuôi tim, tăng huyết cục, gây tổn thương cho tế bào lòng mạch máu, làm chất béo kết tụ trong động mạch... Trái tim phải cố gắng làm việc nhiều hơn để đưa máu đi nuôi cơ thể. Tất cả các yếu tố đó đều là nguy cơ đưa tới bệnh tim mạch.

k- Không hoạt động cơ thể.

Người không vận động đều có nhiều rủi ro bị cơn đột quỵ tim hơn là người tập luyện cơ thể đều đặn.

Vận động cơ thể tăng tiêu dùng năng lượng, giảm cholesterol, đường huyết và có thể làm hạ huyết áp. Vận động cũng tăng sức mạnh của bắp thịt tim và làm mạch máu bền bỉ hơn.

l- Căng thẳng tâm thần.

Rủi ro của stress trong bệnh tim mạch chưa được xác định vì mỗi người đối phó với căng thẳng theo cách khác nhau. Với người này thì stress là khó khăn nhưng với người khác cũng cùng stress đó lại là một thách thức mà nếu vượt qua được thì cảm thấy phấn khởi, vui vẻ.

Tuy nhiên nếu liên tục xẩy ra, stress có thể nâng cao nhịp tim và huyết áp, tim sẽ cần nhiều dưỡng khí hơn. Người đã bị bệnh tim mà liên tục bị stress quấy rầy sẽ hay bị cơn đau thắt ngực (angina pectoris);

Trong khi bị stress, thần kinh tiết ra nhiều kích thích tố, đặc biệt chất adrenaline. Các hóa chất này làm tăng huyết áp, đưa tới tổn thương thành động mạch mà khi lành, sẽ cứng, cholesterol dễ dàng đóng vào đó.

Stress cũng làm tăng chất làm máu đóng cục, làm nghẹt mạch máu và đưa tới cơn đau tim.

Ngoài ra, đôi khi người ở trong tâm trạng căng thẳng  cũng ăn nhiều (dễ béo phì), hút thuốc lá và uống rượu nhiều hơn thường lệ.

m- Kích thích tố

Nhiều nghiên cứu cho hay nữ giới ở tuổi mãn kinh thường hay bị bệnh tim nhiều hơn vì kích thích tố estrogen của họ giảm rất nhiều. Estrogen được coi như làm tăng cholesterol lành HDL và giảm cholesterol dữ LDL, do đó bảo vệ trái tim.

n- Rượu.

Uống nhiều và uống lâu năm, rượu có thể đưa tới mập phì, tăng huyết áp và tăng chất béo triglicerides, với hậu quả là suy tim và tai biến động mạch não. Uống vừa phải dường như lại có tác dụng tốt cho tim.

Vừa phải là khoảng 60 cc rượu mạnh, 160 cc rượu vang và 360 cc bia, hai lần một ngày. Nữ giới thì một lần thôi. Nhưng nếu chưa bao giờ uống rượu thì cũng chẳng nên uống, vì tác dụng tốt này cũng chưa được mọi khoa học gia đồng ý.

Vậy thì ta nên làm gì để giảm nguy cơ bị bệnh tim mạch?

Thay đổi nếp sống đã được các nhà y khoa học đồng ý là phương thức hữu hiệu để giảm thiểu các nguy cơ dẫn tới bệnh tim mạch.

Sau đây là những điều ta có thể thực hiện:

a- Ngưng hút thuốc lá nếu đang hút vì người hút thuốc bị cơn suy tim heart attack nhiều gấp đôi người không hút thuốc. Nên cương quyết ngưng tức thì chứ đừng lần nữa giảm hút dần dần.

b- Kiểm soát mức cholesterol trong máu. Cholesterol cần cho các chức năng của cơ thể, nhưng nếu quá cao thì lại có hại. Nên cố gắng giữ mức cholestetol dưới 200mg/100ml; cholesterol xấu LDL dưới 130mg/100ml và cholesterol lành HDL trên 40mg/100ml hoặc cao hơn. Ðể đạt được mục đích này, nên giảm tiêu thụ thực phẩm động vật có nhiều cholesterol và chất béo bão hòa, ăn nhiều rau và  trái cây có chất xơ.

c- Ðừng để huyết áp lên quá cao. Cao huyết áp là bệnh rất thường xẩy ra và là nguyên do thứ nhất đưa tới bệnh tim mạch. Giữ huyết áp khoảng 120/70 mmHg bằng chế độ ăn uống hợp lý, vận động cơ thể đều đặn, giảm béo phì và nếu cần bằng dược phẩm.

d- Giữ đường huyết ở mức trung bình. Ðường là nguồn cung cấp năng lượng quan trọng cho cơ thể, nhất là với não bộ. Nhưng nếu quá cao, đường sẽ gây tổn thương cho nhiều cơ quan bộ phận của cơ thể như là suy thận, hư tim, rối loạn thần kinh ngoại vi, giảm thị giác...Nên giữ đường huyết ở mức 80 tới 120mg/100ml trước bữa ăn và 100-140mg/100ml buổi tối truoc khi đi ngủ.

e- Năng vận động cơ thể giúp giảm nguy cơ bệnh tim mạch rất nhiều.

Ta chỉ cần đi bộ mỗi ngày khoảng 30 phút, làm mươi vòng vùng vẫy trong nước quanh hồ bơi hoặc thong thả cùng người bạn đường song hành đạp xe đạp mỗi buổi sáng còn hơi sương gió mát. Khiêu vũ cũng là cách vận động cơ thể tốt đối với nhiều người.

Nên hỏi ý kiến bác sĩ gia đình trước khi áp dụng chương trình vận động, để tránh “cố quá” mà thành “quá cố”

g- Dinh dưỡng cân đối, hợp lý vừa đủ cho nhu cầu các hoạt động của cơ thể. Giảm muối, đường; giảm thực phẩm có chất béo bão hòa, cholesterol, ăn nhiều thực phẩm gốc thực vật. Ta có thể dùng thêm sinh tố, khoáng chất hoặc các chất chống oxy hóa, đặc biệt là đối với quý cụ “tóc bac da mồi”.

h- Tránh béo phì để trái tim nhỏ bé khỏi phải quá sức  bơm máu nuôi dưỡng cho tấm thân nặng chừng nửa tạ.

Và cố gắng giảm thiểu những quá mức của hỉ nộ ái ố lạc, đố kỵ ghen tương, cường điệu  vọng ngữ, những stress, những căng thẳng trong đời sống hàng ngày. Bằng kinh nghiệm “Ðắc nhân tâm” xưa nay:

“Chín bỏ làm mười”,

Ở đời muôn sự của chung”,

“Gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau”,

“Quảng gánh lo đi và vui sống”

“Cười là mười thang thuốc bổ”....

Và suy gẫm bài kệ của Vạn Hạnh Thiền sư :

Thân như bóng chớp chiều tà

Cỏ Xuân tươi tốt, Thu qua rụng rời

Sá chi suy, thạnh việc đời

Thạnh, suy như hạt sương rơi đầu cành.

(Thích Mật Thể dịch)

Bác sĩ Nguyễn Ý Ðức Texas-Hoa Kỳ

VỀ MỤC LỤC

- Mọi liên lạc: Ghi danh, thay đổi địa chỉ, đóng góp ý kiến, bài vở..., xin gởi về địa chỉ

giaosivietnam@gmail.com

- Những nội dung sẽ được đề cao và chú ý bao gồm:

Trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm thực tế trong việc mục vụ của Giáo sĩ;  Những tài liệu của Giáo hội hoặc của các Tác giả nhằm mục đích Thăng tiến đời sống Giáo sĩ; Cổ võ ơn gọi Linh mục; Người Giáo dân tham gia công việc “Trợ lực Giáo sĩ” bằng đời sống cầu nguyện và cộng tác trong mọi lãnh vực; Mỗi  Giáo dân phải là những “Linh mục” không có chức Thánh; Đối thoại trong tinh thần Bác ái giữa Giáo dân và Giáo sĩ… (Truyền giáo hay xây pháo đài?)

- Quí vị cũng có thể tham khảo những số báo đã phát hành tại

www.conggiaovietnam.net

Rất mong được sự cộng tác, hưởng ứng của tất cả Quí vị

Xin chân thành cám ơn tất cả anh chị em đã sẵn lòng cộng tác với chúng tôi bằng nhiều cách thế khác nhau.

TM. Đặc San Giáo Sĩ Việt Nam

Lm. Luca Phạm Quốc Sử  USA

 

 

Được chọn giữa loài người và cho loài người; GÍAO SĨ: Xuất phát từ gíao dân, hiện diện vì gíao dân và cậy dựa vào gíao dân, để cùng làm VINH DANH THIÊN CHÚA

*************