Đặc San Giáo Sĩ Việt Nam

 

 

 

ĐỰƠC CHỌN GIỮA LOÀI NGƯỜI
VÀ CHO LOÀI NGƯỜI  (x. Dt, 5.1)

 

GIÁO SĨ:

Xuất phát từ giáo dân, hiện diện vì giáo dân và cậy dựa vào giáo dân

 

ĐỂ CÙNG LÀM VINH DANH THIÊN CHÚA

 

www.conggiaovietnam.net                          giaosivietnam@gmail.com

Đặc San Điện Tử    Giáo Sĩ Việt Nam    Số 25, Chúa Nhật 08.10.2006


MỤC LỤC 

Sắc Lệnh về Canh Tân Thích Nghi Đời Sống Dòng Tu (tiếp theo)                          Vatican 2

Người tu sĩ SỐNG TINH THẦN TÔNG ĐỒ TRUYỀN GIÁO                                              GSVN

Trả Lời thắc mắc về Dòng Tu tại Việt Nam                                                                   GSVN

KINH MÂN CÔI - LỜI KINH HÒA BÌNH                                                    Lm. Vũ Xuân Hạnh

PHỤC VỤ                                                                                                Lm. Đỗ Vân Lực, OP.

MỆNH LỆNH PHẢI HỢP LÝ !                                                                     Lm. Lê Văn Quảng

HỠI PHỤ HUYNH, HÃY ĐI DỰ LỄ VỚI CON CÁI...                             CVK NGUYỄN THẾ BÀI

Như Bông Hoa…                                                                                                    Joseph Vũ

Đã đến lúc cần san định lại kinh sách                                                        Nguyễn Thụ Nhân

GHVN VỚI CÁC CHỦNG VIỆN VÀ HÀNG GIÁO SĨ         Lm. Micae-Phaolô TRẦN MINH HUY

Cơn Ðau Thể Chất                                                                                 Bác sĩ Nguyễn Ý Đức


Perfectae Caritatis - Sắc Lệnh về Canh Tân Thích Nghi Đời Sống Dòng Tu (tiếp theo)

 

Những tu hội triều, tuy không phải là dòng tu, nhưng cũng có lời khấn thật sự và trọn vẹn được Giáo Hội công nhận để giữ các lời khuyên Phúc âm ở giữa đời. Lời khấn ấy tận hiến các hội viên nam cũng như nữ, giáo dân cũng như giáo sĩ hiện đang sống giữa đời. Bởi đó, chính họ phải trước hết quyết tâm tận hiến toàn thân cho Thiên Chúa trong đức mến trọn hảo; còn tu hội, phải giữ tính chất đặc thù của mình, là sống giữa đời, để dù ở đâu, họ cũng có thế chu toàn hữu hiệu việc tông đồ ở giữa đời và như phát sinh từ lòng đời theo như tu hội đã chủ trương khi thành lập.

Tuy nhiên, các tu hội ấy phải biết rõ rằng: chỉ có thể chu toàn nhiệm vụ lớn lao ấy một khi các hội viên được ân cần huấn luyện về đạo cũng như đời; sao cho họ thực sự là men giữa đời để làm cho Thân Thể Chúa Kitô được mạnh mẽ và lớn lên. Vì vậy, các Bề Trên phải thận trọng lo cho họ được huấn luyện nhất là về đường tu đức, lại phải cổ võ tăng thêm việc huấn luyện ấy sau này nữa:

Đức khiết tịnh “vì nước Trời” (Mt 1 9, 1 2), mà các tu sĩ khấn giữ, phải được quí trọng như một ân huệ cao cả của ơn thánh. Thật vậy, ơn ấy giải thoát lòng con người cách đặc biệt (x. 1Cor 7,32-35) để nồng nàn mến Chúa và yêu mọi người hơn; vì thế, đức khiêt tịnh là dấu chỉ đặc biệt của kho tàng trên trời và cũng là phương tiện thích hợp nhất cho các tu sĩ hân hoan hiến mình phụng sự  Thiên Chúa và làm việc tông đồ. Do đó, họ gợi ra trước mặt mọi Kitô hữu sự kết hợp lạ lùng do Thiên Chúa thi ết lập, và sẽ tỏ hiện đầy đủ ở đời sau, là Giáo Hội được nhận Chúa Kitô làm lang quân độc nhất của mình.

Vậy, các tu sĩ hãy trung thành giữ lời mình khấn, tin lời Chúa dạy, trông cậy vào ơn Người, đừng tự phụ vì sức riêng mình, lại phải siêng hãm mình và gìn giữ ngũ quan. Cũng đừng bỏ qua những phương thế tự nhiên giúp cho tinh thần và thế xác được lành mạnh. Như thế, họ sẽ không bị lung lạc vì những tà thuyết rêu rao rằng sự tiết dục trọn vẹn là việc không thể giữ được hoặc có hại cho sự phát triển con người; và như bởi một bản năng thiêng liêng, họ hãy khước từ tất cả những gì đe dọa đức khiết tịnh. Hơn nữa, hết mọi người, nhầt là các Bề Trên, đều phái nhớ rằng: đức khiêt tịnh được bảo trì an toàn hơn cả, khi trong đời sống cộng đoàn có tình huynh đệ đích thực giữa các tu sĩ.

Sự tiết dục trọn vẹn đụng chạm đến những khuynh hướng thâm sâu của bản tính con người, nên những người muốn khấn giữ khiết tịnh chỉ nên quyêt định và chỉ được chấp thuận sau một thời gian thử thách thực đầy đủ và đã thấy có sự trưởng thành tâm lý, tình cảm cần thiêt. Không những phải căn dặn họ về những nguy hiểm hay xẩy đến cho đức khiết tịnh, nhưng còn phải huấn luyện thế nào để họ đón nhận cuộc sống độc thân hiến dâng cho Thiên Chúa, mà đem lại lợi ích cho con người toàn diện của họ.

còn tiếp

VỀ MỤC LỤC

 Người tu sĩ SỐNG TINH THẦN TÔNG ĐỒ TRUYỀN GIÁO

      

Cách đây không lâu, tôi có đọc trên Vietcatholic chứng từ do một Đức cha Việt Nam kể lại như sau :

Tại thôn làng nhỏ bé ở miền thượng du Bắc Việt, tất cả đều là người công giáo. Thế nhưng, từ hơn hai mươi năm qua, họ không có linh mục coi sóc. Dầu vậy, họ vẫn tổ chức các buổi đọc kinh và hát thánh ca tại nhà thờ. Đây cũng là nơi họ tổ chức các lễ cưới và rửa tội một cách trọng thể. Tuy gặp nhiều khó khăn, nhưng họ vẫn sống trong an vui và bình thản.

Tiếng đồn về niềm vui của họ đến tai một làng sơn cước. Do đó, dân làng sơn cước này yêu cầu những người công giáo cho người đến dạy họ các bài kinh và thánh ca để họ cũng tìm được niềm vui.

Nhưng dân làng công giáo không tìm được ai : người lớn thì phải đi làm công việc đồng áng, trẻ em thì phải đi học, còn người già cả thì không đủ sức băng rừng leo núi để tới giúp dân làng sơn cước. Chỉ có một người thuộc kinh bổn, thánh ca và biết các nghi thức tôn giáo. Nhưng  đó lại là một người mù.

Sau khi bàn bạc với nhau, dân làng sơn cước đã đồng ý sai người dẫn hai con ngựa đi rước người mù. Người tín hữu tật nguyền này đã ở lại với dân làng bốn tháng. Cứ mỗi tối, sau khi làm việc trở về, dân làng tụ họp với nhau, nay nhà này, mai nhà khác, để tập đọc kinh và hát thánh ca. Sau một thời gian, người giảng viên giáo lý mù đã khảo sát và làm phép rửa cho người dân làng đầu tiên. Rồi người tân tòng này lại rửa tội cho những người khác và cứ như thế cho đến người cuối cùng.

Câu chuyện trên chúng ta đi vào tinh thần tông đồ truyền giáo mà người tu sĩ cần có và sống trong cuộc đời tận hiến của mình.

TÔNG ĐỒ TRUYỀN GIÁO DƯỚI CÁI NHÌN CỦA CHÚA

Ngày kia Chúa Giêsu và các môn đệ đang trên đường đi rao giảng Tin mừng, Ngài ngước nhìn đồng lúa chín vàng như trải dài đến tận chân trời. Ngài thở dài và nói với các ông :

- "Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít. Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về.” (Lc 10,2).

Sau hai mươi thế kỷ, lời cảnh báo trên vẫn còn mang tính cách thời sự nóng bỏng của nó, bởi vì cho tới ngày hôm nay, vẫn còn biết bao nhiêu người còn ngồi trong đêm tối, chưa được diễm phúc đón nhận Tin mừng của Chúa.

Theo bộ Truyền Giáo, thì dân số thế giới hiện nay là  6,055,049,000. Trong khi đó, dân số Công giáo là 1,056,920,000, tỷ lệ  17.4% . Nghĩa là cứ 100 người trên thế giới thì có 17 người là Công giáo.

Bởi đó, Đức Hồng Y Josef Tomko, tổng trưởng Thánh Bộ Đức Tin đã phát biểu như sau :

- "Đúng như Đức Thánh Cha đã nói, công việc truyền giáo chỉ mới ở giai đoạn bắt đầu và còn rất xa với sứ mệnh truyền giáo của Giáo Hội".

Đọc lại Phúc âm, hẳn chúng ta sẽ nhận ra nỗi ưu tư số một của Chúa Giêsu khi còn ở trần gian, đó là phải làm thế nào để người ta nhận biết tình thương của Ngài, nhờ đó mà được cứu độ. Chính vì nỗi khắc khoải ấy, Ngài đã chọn lựa các tông đồ, trực tiếp huấn luyện các ông để các ông trở thành những người thợ trên cánh đồng truyền giáo, tiếp tay với Ngài trong sứ mạng rao giảng Phúc âm :

“Không phải anh em đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn anh em, và cắt cử anh em để anh em ra đi, sinh được hoa trái, và hoa trái của anh em tồn tại, hầu tất cả những gì anh em xin cùng Chúa Cha nhân danh Thầy, thì Người ban cho anh em.” (Ga 15,16).

Riêng phần mình, các ông cũng đã mau mắn đáp trả lời mời gọi của Chúa, bằng cách từ bỏ mọi sự mà đi theo Ngài. Chấp nhận mọi hy sinh gian khổ, kể cả cái chết để đem ánh sáng Phúc âm chiếu tỏa cho muôn dân. Các ông xứng đáng được Chúa gọi là tông đồ. Thực vậy, tông đồ “apostolos” là người được sai phái, được cử đi làm đại diện cho Chúa để loan Tin mừng cứu độ, là người được sai đi để phục vụ lời của Thiên Chúa.

Trước khi về trời, Ngài đã thiết lập Giáo hội và đã ủy thác cho Giáo hội bổn phận phải tiếp nối sứ mạng cứu độ của Ngài cho đến tận cùng  thời gian :

“Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở nên môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy cho họ tuân giữ những điều Thày đã truyền cho anh em.” (Mt 28,19-20).

LỜI MỜI GỌI SỐNG TINH THẦN TRUYỀN GIÁO

Lời tạ từ trên không phải chỉ là một lời mời gọi, mà còn là một lệnh truyền cho tất cả những ai theo Chúa. Vì thế, việc loan báo Tin Mừng hay phúc âm hóa môi trường mình sống là bổn phận của mọi người Kitô hữu.

Thật vậy, trong việc cứu độ con người, Thiên Chúa không thể làm một mình, vì khi phạm tội, con người đã dùng tự do của mình để phản bội Ngài, thì để được cứu chuộc, con người cũng phải biểu lộ sự tự do chấp nhận của mình bằng sự cộng tác tích cực với Ngài. Vì thế, Thánh Augustinô đã viết :

“Để dựng nên chúng ta, Thiên Chúa không cần hỏi ý kiến chúng ta. Nhưng để cứu chuộc chúng ta, Ngài cần chúng ta ưng thuận và cộng tác với Ngài. Bởi vì Ngài sẽ không thể cứu chuộc chúng ta, nếu như chính chúng ta lại không muốn”.

Cứu chuộc loài người là sáng kiến của Thiên Chúa, và Ngài đã làm xong phần của Ngài là sai người Con duy nhất của Ngài đến giữa nhân loại, chịu chết đau khổ và nhục nhã trên thập giá để nói lên tình thương của Ngài đối với họ, đồng thời chỉ cho họ con đường phải đi nếu họ muốn được cứu khỏi tội lỗi và đau khổ.

Phần còn lại là phần của con người : con người phải tin vào Thiên Chúa, cũng như phải tin vào Con của Ngài là Đức Giêsu Kitô, và phải sống xứng đáng, phù hợp với niềm tin ấy.

Như vậy, mặc dù Thiên Chúa là Đấng toàn năng, nhưng trong công cuộc cứu chuộc con người, Ngài cũng đành bất lực, nếu con người không hưởng ứng, hay không  cộng tác với Ngài. Hình ảnh Chúa Giêsu tại Nazarét đã minh họa cho điều ấy :

“Ngài không làm nhiều phép lạ tại đó, vì họ không tin.” (Mt 13,58).

Sự việc trên cho  thấy : nếu người ta không tin Ngài, thì Ngài cũng phải bó tay không thực hiện nổi quyền năng của mình để cứu giúp họ.

Tương tự như thế, để được cứu độ, con người phải tin, và hơn nữa, phải sống niềm tin ấy. Thế nhưng, thánh Phaolô đã nói :

“Làm sao họ tin được Đấng mà họ không hề được nghe nói tới ? Nhưng làm sao được nghe nói tới nếu không có ai rao giảng ? nhưng làm sao có người rao giảng nếu không có ai sai họ đi ?” (Rm 10,14).

Như vậy, việc có những người được sai đi rao giảng hay loan báo Tin Mừng là điều kiện tối cần thiết để nhân loại tin và được cứu độ. Chính vì thế, rất nhiều lần Chúa Giêsu đã lên tiếng kêu goi :

“Thày đã ném lửa vào mặt đất, và Thày những ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên.” (Lc 12,49).

“Cả các anh nữa, hãy vào làm vườn nho cho tôi đi.” (Mt 20,4).

“Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin mừng cho tất cả loài người.” (Mc 16,15. Cf. Mt 28,16).

Lời mời gọi ấy không phải chỉ dành cho các vị chủ chăn, các linh mục, hay các tu sĩ nam nữ, mà còn dành cho mọi thành phần Dân Chúa. Bởi vì một khi đã được diễm phúc đón nhận Tin mừng, chúng ta có bổn phận phải loan báo và chia sẻ Tin mừng ấy cho những người chung quanh. Một khi đã được diễm phúc sống trong lòng Giáo hội, chúng ta có bổn phận phải làm cho Giáo hội được phát triển.

Sau cuộc thế giới đại chiến lần thứ hai, có một nhóm binh lính đồng minh đến giúp dân làng thu dọn ngôi nhà thờ bị đổ nát. Họ dựng lại tượng thánh giá. Nhưng tìm mãi tìm hoài mà vẫn chẳng thấy được đôi bàn tay Chúa trong đống gạch vụn. Cuối cùng viên sĩ quan đã viết hàng chữ sau đây bên dưới bức tượng :

- Dân làng hãy thay Chúa làm những công việc mà đáng lý ra đôi bàn tay Chúa đã làm.

Là người tu sĩ, chúng ta được Chúa kêu mời một cách đặc biệt cộng tác với Ngài trong công cuộc tông đồ truyền giáo.

NGƯỜI TU SĨ SỐNG TINH THẦN TÔNG ĐỒ TRUYỀN GIÁO

Trước hết việc tông đồ  truyền giáo phải là bổn phận của người tu sĩ.

Chúa Giêsu đã nói với chàng thanh niên giàu có :

"Anh chỉ thiếu có một điều, là hãy đi bán những gì anh có mà cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi." (Mc 10,21).

Khi tình nguyện sống khó nghèo, người tu sĩ không phải chỉ có được một kho tàng thiêng liêng trên trời, mà hơn thế nữa, khi dứt bỏ được những níu kéo của tiền bạc vật chất, người tu sĩ bước đi trên dấu chân của Chúa, làm những việc Chúa đã làm. Một trong những hoạt động nổi bật trong cuộc đời của Chúa là làm việc tông đồ truyền giáo. Vì thế, người tu sĩ không phải chỉ nhắm vào việc thánh hóa bản thân, mà còn phải nhắm tới việc tông đồ truyền giáo nữa.

Cũng thế, khi tình nguyện từ bỏ hôn nhân để sống một đời sống khiết tịnh “vì Nước trời” (Mt 19,12). Người tu sĩ không phải chỉ nhắm tới Nước trời ngày mai, tức là hạnh phúc thiên đàng, mà còn phải nhắm tới Nước trời  hôm nay, đó là Giáo hội, nước các linh hồn. Nước ấy cần phải được xây dựng và phát triển nhờ vào công cuộc truyền bá đức tin.

Sau cùng, với lời khấn vâng phục, người tu sĩ sẽ hiến dâng cho Chúa mọi khả năng của mình để phục vụ Ngài. Và một trong những việc phục vụ Chúa đúng nghĩa nhất đó là việc tông đồ truyền giáo.

Vì thế, Giáo hội mong muốn người tu sĩ phải hết sức cộng tác vào việc xây dựng và phát triển Nước Thiên Chúa như Công đồng Vaticanô đã viết :

“Những lời khuyên của Phúc Âm đưa đến đức ái, và nhờ đức ái, những lời khuyên ấy kết hiệp các tu sĩ cách đặc biệt với Giáo hội và với mầu nhiệm Giáo hội. Bởi đó, đời sống thiêng liêng của họ cũng phải mưu cầu lợi ích cho toàn thể Giáo hội. Do đó, mỗi người tùy sức và ơn gọi của mình, bằng kinh nguyện hay bằng hành động tích cực, có bổn phận làm cho Nước Đức Kitô ăn rễ sâu và vững mạnh trong các tâm hồn và bành trướng trên khắp vũ trụ. Vì thế, Giáo hội duy trì và nâng đỡ đặc tính riêng biệt của các tu hội”. (GH  44).

Tiếp đến, người tu sĩ phải hiểu việc tông đồ  truyền giáo như thế nào ?

Ngày xưa, truyền giáo thường được hiểu là Kitô hóa, nghĩa là làm sao rửa tội và đem vào Giáo hội  càng nhiều người càng tốt. Quan niệm như thế nhắm tới số lượng hơn là nhắm tới chất lượng và đã tạo nên những Kitô hữu “hữu danh vô thực”, nghĩa là chỉ mang tên gọi Kitô hữu, chứ chưa thực sự sống niềm tin của mình.

Cụ thể tại các xứ đạo, phần đông những người trở lại vì lý do hôn phối, cần phải rửa tội để lấy vợ lấy chồng, hay để hợp thức hóa hôn nhân, nếu không có sự hỗ trợ của những người thân yêu, thì khó mà sống đạo, nếu không muốn nói là sẽ bỏ đạo, như chúng ta thường bảo :

- Con quì lạy Chúa Ba Ngôi,

Con lấy được vợ, con thôi nhà thờ.

Còn hiện nay, truyền giáo chủ yếu được hiểu là phúc âm hóa, nghĩa là không chỉ nhằm đến việc rửa tội cho nhiều người, mà quan trọng hơn, đó là phải làm cho tinh thần yêu thương của Đức Kitô thấm nhập vào tâm hồn mọi người cũng như ảnh hưởng tới đời sống xã hội trong mọi lãnh vực, bằng chứng từ đời sống của mình.

Thực vậy, đưa người khác vào Giáo hội là điều cần thiết và quý hóa. Thế nhưng điều cần thiết và quí hóa hơn chính là làm sao để họ biết thực sự sống tinh thần của Đức Kitô. Rửa tội cho nhiều người mà thôi chưa đủ, mà còn phải giúp họ đáp trả lời mời gọi của Thiên Chúa.

Bởi đó, truyền giáo là truyền một nếp sống mới. Nếu chỉ lo dạy giáo lý và rửa tội, chắc chắn chúng ta sẽ không thể nào chạy đua với thời gian. Chẳng hạn chỉ tính riêng ở Việt Nam, với số dân gần 80 triệu, trong đó có khoảng 6 triệu là công giáo. Và mỗi năm có chừng 20.000 người theo đạo, thì chúng ta phải mất 3.300 năm nữa mới làm cho tất cả số đồng bào hôm nay được trở về cùng Chúa. Chính vì thế, Công đồng Vaticanô II đã nhấn mạnh tới việc truyền giáo trong môi trường. Sắc lệnh Tông đồ Giáo dân đã viết như sau :

“Làm tông đồ trong môi trường xã hội có nghĩa là cố gắng đem tinh thần Kitô giáo thấm nhuần tư tưởng, phong tục, luật lệ và cơ cấu của cộng đồng nơi họ sống.” (TĐ số 13).

Và sau cùng, người tu sĩ làm việc tông đồ truyền giáo bằng cách nào ?

Người tu sĩ có thể làm việc tông đồ truyền giáo bằng hai   cách : trực tiếp và gián tiếp.

Làm việc tông đồ truyền giáo cách gián tiếp là tạo nên những hoàn cảnh thuận lợi để người khác nhận biết và sống giáo lý Tin mừng của Chúa, hay nói cách khác, đó là giúp người khác nhận biết và sống tình yêu thương Thiên Chúa đã dành cho con người.

Chẳng hạn : có những tu sĩ dạy học, có những tu sĩ chăm sóc bệnh nhân, có những tu sĩ gíup đỡ người nghèo…Nếu như các tu sĩ ấy sống đời sống thánh thiện, chu toàn nhiệm vụ của mình một cách quảng đại và hăng say, thì tất cả những người tiếp xúc với họ, nhất là những người quan sát cách sống của họ, hay được hưởng nhờ những lợi ích do các việc họ làm, chắc chắn sẽ có những cảm nghĩ tốt về họ.

Và nếu suy nghĩ thêm một chút, những người ấy sẽ nhận ra chiếc chìa khóa của những dấn thân và phục vụ nơi người tu sĩ, đó chính là niềm tin và sự tận hiến cho Thiên Chúa. Cảm nhận này sẽ chuẩn bị tâm hồn những người ấy tới gần Thiên Chúa cũng mở rộng cõi lòng để đón nhận Tin mừng cứu độ.

Cùng với đời sống tận hiến, người tu sĩ còn có thể dâng lên Chúa những lời họ cầu, những việc họ làm và những hy sinh họ chịu để các linh hồn được ơn sám hối. Chính trong ý hướng này, Giáo hội đã đặt thánh nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu làm bổn mạng các xứ truyền giáo, mặc dù thánh nữ chỉ sống vỏn vẹn có hai mươi bốn tuổi đời, trong bốn bức tường của tu viện mà thôi.

Làm việc tông đồ truyền giáo cách trực tiếp là dẫn đưa các linh hồn trở về cùng Chúa, làm cho người chưa  biết Chúa nhận ra Ngài, thúc đẩy những Kitô hữu “hữu danh vô thực” biết sống đầy đủ và trung thành với giáo lý của Chúa, khuyến khích những người ngay lành để họ tiến tới trên đường thiêng liêng…Tất cả những việc ấy đều là những việc tông đồ truyền giáo cách trực tiếp, hết sức cần thiết để Giáo hội được liên tục phát triển.

Mỗi người tu sĩ đều phải chuyên tâm làm việc tông đồ truyền giáo tùy theo hoàn cảnh sống của mình, bởi vì hoàn cảnh sống của các tu sĩ rất khác biệt nhau.

Đối với những tu sĩ sống đời chiêm niệm, thì việc tông đồ truyền giáo thường mang tính cách gián tiếp. Bằng một đời sống  cầu nguyện và hy sinh, bằng một đời sống hoàn toàn quy hướng về Thiên Chúa và những thực tại siêu nhiên, những tu sĩ ấy không phải chỉ chứng thực được rằng có Thiên Chúa và những thực tại siêu nhiên ấy, mà còn phải biến cuộc sống ấy trở thành một phương tiện hoạt động tông đồ bằng cách cầu nguyện và dâng những hy sinh cho công cuộc truyền giáo.

Đối với những tu sĩ sống đời hoạt động, thì việc tông đồ truyền giáo thường mang tính cách trực tiếp. Họ vừa phải làm những việc đạo đức để kết hiệp mật thiết với Chúa và tiến triển trên con đường trọn lành, vừa phải dành một phần lớn thời gian để chu toàn những nhiệm vụ hội dòng đã trao phó. Chính đời sống gương mẫu của họ sẽ đem lại những kết quả tốt đẹp cho việc tông đồ truyền giáo,  bởi vì nếu nhìn thấy những sai lỗi của họ, những người tiếp xúc với họ sẽ ít sẵn sàng đón nhận những lời họ khuyên bảo, do đó cũng sẽ ít tiến lại gần Chúa hơn.

Ngoài việc cầu nguyện và dâng lên Chúa những hy sinh, họ còn phải trực tiếp làm việc tông đồ, giúp cho các tâm hồn nhận biết Chúa và xây dựng Giáo hội.

Trong khi làm việc tông đồ truyền giáo, họ cần phải khôn ngoan để vượt qua những trở ngại, tránh đi những va chạm…đồng thời phải khiêm nhường và kiên nhẫn, tin tưởng và phó thác vào Chúa để khỏi bị thất vọng, bởi vì :

“Phao-lô trồng, anh A-pô-lô tưới, nhưng Thiên Chúa mới làm cho lớn lên.” (1Cor 3,6).

Bản thân chúng ta chỉ là một dụng cụ tầm thường trong lòng bàn tay Thiên Chúa mà thôi.

KẾT LUẬN

Để kết luận, tôi xin kể lại một mẩu chuyện như sau : Ngày kia, thánh Phanxicô Assisi gọi một tu sĩ trẻ đến và bảo :

- Này thầy, chúng ta đi truyền giáo nhé.

Hai cha con ra đi. Sau khi rảo chân khắp phố, thánh nhân bảo thầy kia :

- Thôi, chúng ta hãy trở về.

Thầy kia ngạc nhiên hỏi :

- Thưa cha, bao giờ chúng ta mới đi truyền giáo ?

Thánh nhân trả lời :

- Truyền giáo rồi thầy ạ.

Thầy kia ngạc nhiên hỏi :

- Lạ thật, chúng ta có giảng giải gì đâu ?

Thánh nhân mỉm cười nói :

- Chúng ta đã giảng giải bằng sự nghiêm trang tề chỉnh của chúng ta đó.

Nếu con người thời nay cần những chứng nhân hơn là cần những thày dạy, thì cuộc đời đạo đức và thánh thiện, bác ái và yêu thương của người tu sĩ sẽ là một chứng từ hấp dẫn, khả dĩ lôi cuốn được nhiều người quay trở về cùng Chúa :

- Lời nói như gió lung lay,

Việc làm như tay lôi kéo.

Nếu người tu sĩ thực thi Tin mừng của Chúa một cách trọn vẹn, thì bản thân họ sẽ là một chứng từ nói lên rằng còn có những giá trị siêu nhiên, bên trên những tiền tài vật chất.

Nếu người tu sĩ  sống đời tận hiến một cách vô vì lợi, thì sự tận hiến này có khả năng làm sụp đổ những thiên kiến và làm cho những kẻ dửng dưng và xa lìa đức tin, hay thù địch cùng Thiên Chúa phải…suy nghĩ lại.

Và đó cũng chính là làm việc tông đồ truyền giáo rồi vậy.

GSVN

VỀ MỤC LỤC
Trả lời thắc mắc về Dòng tu tại Việt Nam

 

Con là một nguời Công gíao Vn, nhưng đã xa quê huơng lâu rồi. Hôm nay, biết đuợc đia chỉ email của trang web này.....con kính xin qúy vị hữu trách vui lòng cho con biết những tư liệu sau đây:

1. Dòng tu xuất hiện ở việt nam từ bao giờ ? ban đầu dưới hình thức tu trì thế nào ?

2. Sự khác nhau giữa dòng tu, tu đoàn, tu hội đời và tu đoàn tông đồ, ngoài ra còn hình thức tu trì nào nữa không ?

3. Dòng tu là gi ? có đặc điểm nào? tại sao có đặc điểm đó?

4. Vai trò của dòng tu, tu sĩ đối với giáo dân, giáo hội và chính quyền

5. Hiện nay Việt Nam có bao nhiêu dòng, hoạt động thế nào?

6. Dòng kín có tham gia hoạt động xã hội không ?

7. Hoạt động văn hoá của dòng tu có thay đổi so với thời kỳ trước cộng đồng Vatican II không ?

8. Cộng đồng Vatican II quy định về vấn đề này như thế nào ?

Những điều này con muốn biết, vì con đang tham dự khóa học vè Tu hội và các Dòng Tu nói chung....thế nên, con muốn biết nhuững số liệu cũng như những tư tuởng đáng tin cậy...để con làm bài luận chuẩn bị kết thúc khóa học của con.

chan thanh cam on.

Mot nguoi giao dan

Fx Tran Khanh Du

 

Thân ái chào ông Tran Khanh Du,

Hôm nay chúng tôi xin trả lời vắn gọn mấy câu hỏi của ông nêu lên như sau :

1- Dòng tu xuất hiện ở VN từ bao giờ? Ban đầu dưới hình thức tu trì thế nào?

   Dòng tu xuất hiện ở VN từ Thế kỷ XVI (năm 1550): Dòng Thánh Đaminh.

   Họ đã sống theo cộng đoàn với tinh thần Dòng Thánh Đaminh.

2- Sự khác biệt giữa Dòng tu, Tu đoàn, Tu hội đời, và Tu đoàn tông đồ, ngoài ra còn hình thức tu trì nào nữa không?

Các Dòng tu  mà ta cũng gọi là Tu hội dòng :

Dòng tu gọi tắt là Dòng, là một Hội dòng thuộc đời sống thánh hiến, trong đó các phần tử tuyên giữ các lời khấn công khai : Khiết tịnh- Khó nghèo- và Vâng lời; trọn đời hay tạm thời; nhưng lặp lại khi mãn hạn tuỳ theo luật riêng, và sống chung đời sống huynh đệ.

Việc các Tu sĩ làm chứng công khai cho Đức Kitô và cho Giáo Hội bao hàm sự xa cách thế tục, theo một hình thức riêng thích hợp với đặc tính và mục tiêu của mỗi Dòng (Giáo Luật số 607).

Các Tu hội đời :

Tu hội đời là một Hội dòng tận hiến, trong đó các tín hữu sống giữa đời nhắm tới sự trọn lành của Đứa ái và dấn thân mưu cầu sự thánh hóa đời ngay từ ở giữa đời (Giáo Luật số 710).

Các Tu đoàn tông đồ :

Các Tu đoàn tông đồ được coi như tương đương với Hội dòng tận hiến. Các phần tử của các Tu đoàn tông đồ, tuy không có lời khấn dòng, nhưng theo đuổi mục tiêu tông đồ riêng của Tu đoàn, và nhằm tới sự trọn lành của Đức ái do việc sống chung theo một nếp sống đặc thù và do việc tuân giữ hiến pháp (Giáo luật số 731).

Cũng nên biết: mỗi Tu hội dòng, Tu hội đời, Tu đoàn tông đồ  đều có 2 loại :

a) Dòng thuộc quyền Giáo Hoàng hay Tòa Thánh  (Dòng Giáo Hoàng), ví dụ Dòng Chúa Cứu  Thế…

b) Dòng thuộc quyền Giám Mục hay Giáo Phận  (Dòng Giáo Phận), ví dụ Dòng Đồng Công…

3- Dòng tu là gì? Có đặc điểm nào? Tại sao có đặc điểm đó?

Dòng tu nói chung là một Hội dòng gồm các tu sĩ sống theo những lời khấn hứa thường được xác định cách chung là : Độc thân, Khiết tịnh, Khó nghèo, Vâng phục, chuyên cần cầu nguyện và liên kết với nhau trong tình huynh đệ Bác ái. Rồi có mặt và hoạt động như những tổ chức có mục đích nhân đạo : Phục vụ đồng bào không những bằng việc hướng dẫn họ thờ phượng kính mến Thiên Chúa, mà còn bằng cả những việc nhân bản như giáo dục, chăm lo sức khỏe, cứu tế xã hội…v.v… Vì họ phải là những chứng nhân sống động của Tình Yêu Thiên Chúa ở giữa Trần gian này.

4- Vai trò của Dòng tu, tu sĩ đối với giáo dân, giáo hội và chính quyền?

 Vai trò của Dòng tu, tu sĩ đối với giáo dân:   giúp họ sống đúng con cái Chúa và giúp đỡ họ về giáo dục và y tế.

Đối với Giáo Hội :   vâng lời và phuc vụ Giáo Hội.

Đối với chính quyền :   làm tròn bổn phận của người công dân.

5- Hiện nay Việt Nam có bao nhiêu Dòng, hoạt động thế nào?

Hiện nay Việt Nam có  29 Dòng Nam   và   65 Dòng Nữ    theo cuốn Niên giám 2005 của Giáo Hội Công Giáo Việt Nam. Và họ đã sinh hoạt theo hiến pháp và luật của mỗi Hội dòng.

6- Dòng kín có tham gia hoạt động xã hội không?

Dòng kín : mục đích và hoạt động của Dòng kín là sống đời chiêm niệm thuần túy, phục vụ Giáo Hội bằng yêu mến, cầu nguyện và hãm mình trong cô tịch, thinh lặng, đặc biệt cầu cho Hàng Giáo phẩm và công cuộc truyền giáo của Giáo Hội, lao động theo khả năng.

7- Hoạt động văn hóa của Dòng tu có thay đổi so với thời kỳ trước Công đồng Vatican II không?

Công đồng Vatican II quy định về vấn đề này thế nào?

Công đồng Vatican II đã định nghĩa : “Văn hóa là tất cả những gì con người dùng để trao dồi và phát triển các năng khiếu đa diện của tâm hồn và thể xác…” (MV 53).

Hiểu như thế, thì mọi người, tu sĩ cũng như giáo dân đều có bổn phận cỗ võ và phát triển văn hóa. Đễ làm được việc này thì cần phải học hỏi, và nhất là học hỏi dưới sự soi dẫn của đức tin và tinh thần phúc âm, để tạo được một sự phối hợp giữa văn hóa nhân loại với Kitô giáo. (Xin xem Hiến chế Mục vụ “Giáo Hội trong thế giới ngày nay" từ số 53 đến số 62).

Thân ái chào ông và chúc ông thành công như ý,

Đặc san Giáo Sĩ Việt Nam.

VỀ MỤC LỤC
KINH MÂN CÔI - LỜI KINH HÒA BÌNH

 

(Trích tài liệu tĩnh tâm linh mục tháng 10.2006 của giáo phận Phú Cường)

Những năm gần đây, thế giới đã xảy ra quá nhiều những thương đau, mất mát. Chúng ta chưa thể nguôi ngoai được những đau đớn của nhân loại trong cuộc đánh úp mà chủ nghĩa khủng bố gây ra tại nước Mỹ ngày 11.9.2001, giết chết trên 3.000 người. Càng không thể nguôi ngoai trước cơn giận dữ của thiên nhiên đã gây nên trận cuồng phong động đất và sóng thần ngày 26.12.2004, giết chết gần 20 vạn người ở Nam Á. Đến lượt cơn bão Katrina năm 2005 tàn phá đến ba tiểu ban của nước Mỹ: Louisiana, Mississippi và Alabama, đã giết gần chục ngàn người. Và vô số các gia đình loạn lạc, nhà cửa, của cải mất trắng trong những thảm trạng ấy...

Chúng ta không thể ngờ được, thiên niên kỷ thứ III, mới bước vào thời kỳ khai mạc, lại ghi những dấu ấn nghiệt ngã đến thế. Chỉ tính riêng mùa hè năm 2006, cũng đã có quá nhiều đau thương. Chẳng hạn, hàng trăm ngư dân phải bỏ mạng trong trận bão Chinsu ở Việt Nam. Rồi lại một đợt sóng thần ở Inđônêxia giết hại thêm rất nhiều người nữa. Đang khi tôi viết bài suy niệm này, miền Trung Việt Nam vừa mới trải qua cơn bão số năm. Và một trận bão mới đang càn quét nhiều vùng ở Philipine, cũng đã đe dọa bờ biển Việt Nam…

Trong khi đó, sự đối đầu và chạy đua vũ trang vẫn không ngừng tiếp diễn. Đến nay, người ta vẫn còn đang chú ý đến việc thử một loạt vũ khí hạt nhân tại Bắc Triều Tiên. Mối lo ngại về sự đối đầu của Iran với một vài cường quốc lớn trên thế giới vẫn chưa chấm dứt. Đó đây, mọi hình thức khủng bố, nhất là cho nổ bom trên các phương tiện dân dụng, hoặc ở những nơi đông người… vẫn không ngừng tiếp diễn. Trong khi đó, như một thường lệ đầy bất công, các cường quốc kinh tế, nhóm G8, lại chỉ lo củng cố chính mình bằng những hội họp (mùa hè 2006, họ họp tại St. Peterbourg ở Nga), dĩ nhiên là không bao giờ thiệt hại cho nền kinh tế bậc nhất mà họ đang nắm giữ.

Ngay sau đó, cuộc chiến Trung Đông, một lần nữa lại lôi kéo không nhỏ sự chú ý của thế giới. Miền Trung Đông, vài chục năm qua, vốn chưa bao giờ kết thúc lòng hận thù, lại nỗ ra chiến sự gây gắt. Chỉ để trả thù cho việc Hamát bắt cóc một người lính và trả thù Hécbôla bắt cóc hai người lính, Israel đã không ngần ngại cùng lúc dội bom dữ dội trên dãi Gaza và tiến quân vây hãm Libăng, cài xới và phá hủy không biết bao nhiêu mà nói. Trận chiến Trung Đông đã giết hại nhiều sinh mạng con người, trong đó đã có quá nhiều phụ nữ và trẻ em…

Những ngày gần đây, cả Hội Thánh Công Giáo và thế giới giật mình vì sự phản bác của thế giới Hồi giáo dành cho những lời phát biểu của Đức Thánh Cha. Dù có giải thích cách nào đi nữa, thì sự căm tức của người Hồi giáo đang là một bằng chứng cho thấy nỗi cay đắng và căm ghét chất chứa bấy lâu trong lòng họ, nay như tìm được cớ để gây rối, nặng hơn, để chống lại niềm tin Kitô giáo đã quá vững vàng, mà văn hóa của niềm tin này đã thấm quá lâu, quá sâu trong cả thế giới phương Tây nói riêng và vẫn đang trên đà lan ra cả thế giới nói chung. Hóa ra, nhìn ở góc cạnh ảnh hưởng, ta nhận ra, thái độ đi tìm sự đối đầu của thế giới Hồi giáo, đúng là một cuộc nổi loạn trong ganh tỵ, chiến cuộc và bạo tàng. Nó tìm kiếm một sự loại trừ một đức tin đang cùng song hành với mình trong trần thế, hơn là một cuộc bênh vực niềm tin của mình…

Không chỉ những mất bình an vừa kể, tất cả những diễn biến trên thế giới, và trọn cuộc sống nhân loại, trọn sự sống của từng người đều gọi đến lòng nhân từ. Bởi lòng nhân từ quá đỗi quan trọng, vì thế, hơn bao giờ hết, nhân loại nói chung và từng người nói riêng, đặc biệt là mọi người con của Hội Thánh, hãy chạy đến Nguồn Cội của lòng nhân từ, từ đó học lấy bài học về lòng nhân từ ấy mà sống với nhau, sống cho nhau và vì nhau. Nguồn Cội của lòng nhân từ ấy là một Nguồn Cội muôn đời bền vững, tận trời cao đổ xuống trần thế, tận cung lòng Thiên Chúa đổ xuống trên từng cá nhân con người. Để cho mình thấm nhập lòng nhân từ từ Nguồn Cội là chính Chúa của mình, nhân loại sẽ bớt xâu xé nhau hơn, thế giới bình an hơn, lòng người bớt đớn đau hơn. Và dù còn đó những hiểm nguy giữa lòng thế giới tự nhiên, thì lòng nhân từ mà nhân loại giành cho nhau, vẫn vô cùng cần thiết, nhằm làm ấm lên những băng giá, những thương tật, những bất hạnh… của rất nhiều anh chị em phải lâm cảnh tai bay vạ gió ấy…

Chỉ có Thiên Chúa  mới là tình yêu và là kiểu mẫu của tình yêu đúng nghĩa. Chỉ có nơi tình yêu Thiên Chúa mới làm phát sinh lòng nhân từ trọn vẹn. Chỉ khi nào nhân loại tắm mình, để cho mình sống và ngụp lặn trong tình yêu nhân từ của Thiên Chúa, tình yêu nhân từ ấy sẽ luôn luôn đánh thức lương tâm nhân loại, luôn luôn nhắc nhở nhân loại rằng: Kiếp người tự nó đã có quá nhiều đau khổ, xin đừng gieo rắc thêm sự mất mát nào. Và rằng: Nếu thế giới thiếu yêu thương, thế giới chỉ hoàn toàn là một màu đen của nỗi đau hận thù…

Vậy có cách nào để gọi về lòng nhân từ của Thiên Chúa nơi tâm hồn con người? Nhất là nơi tâm hồn mỗi Kitô hữu nói chung, mỗi linh mục nói riêng? Có thể có nhiều cách mà mỗi người tự trang bị lấy cho mình. Nhưng chắc chắn có một cách mà không bao giờ các Kitô hữu được phép bỏ qua. Đó là SUY NIỆM và CẦU NGUYỆN.

Trải qua cả mùa hè với nhiều biến động của thế giới, Hội Thánh bước vào tháng mười, tháng Mân Côi. Vì thế, bước đi cùng với phụng vụ của Hội Thánh, chúng ta hãy cầu nguyện cho sự bình an của nhân loại, sự bình an của Hội Thánh, sự bình an của mỗi tâm hồn con người và kêu nài tình yêu nhân từ của Thiên Chúa bằng việc suy niệm và cầu nguyện với các mầu nhiệm kinh Mân Côi.

 

I. CHIÊM NGẮM CHÚA KITÔ VÀ ĐỨC MARIA.

Tháng Mười, tháng Mân Côi, đúng hơn, đó là tháng của chuỗi hoa hồng tình yêu kết tinh từ sự thánh thiện, không phải xuất phát từ lòng người, nhưng lại xuất phát từ sự thánh thiện của chính Thiên Chúa tuôn đổ, tặng ban trong lòng người, để lòng người hiến dâng về Thiên Chúa chính sự thánh thiện mà mình đã đón nhận.

Bởi thế, chuỗi Mân Côi không đơn giản chỉ là lời kinh của tâm hồn thánh thiện, nhưng là tràn hoa thiêng thánh của những tâm hồn được rót “đầy ơn phúc” của Thiên Chúa, giờ đây tiến về Thiên Chúa trong sự chìm lắng của suy niệm và cầu nguyện, nhằm sống chính cách sống của Chúa Kitô và đi trên chính con đường Chúa Kitô khai mở, theo khuôn mẫu của Đức Maria: Được ban “đầy ơn phúc” và hiến dâng một tâm hồn đầy ơn phúc ấy, suốt đời tiến về phía Thiên Chúa theo chân Người Con Một của mình, Chúa Kitô, Thiên Chúa làm Người.

Bởi thế, tháng Mười, chúng ta được mời gọi suy niệm và cầu nguyện bằng chuỗi Mân Côi để nhìn ngắm chân dung của một Người Con hoàn hảo tuyệt đối và một Người Mẹ thánh thiện vô song.

 Điểm đặt biệt của kinh Mân Côi là lời kinh Kính Mừng không ngừng được lặp đi lặp lại. Dù vậy, cái khung để làm điểm tựa cho lời kinh Kính Mừng lại là bản tóm tắt cả một mầu nhiệm lớn lao về cuộc đời Chúa Kitô. Bởi đó, kinh Mân Côi là lời kinh mang đậm nét Tin Mừng, vì thế cũng là lời kinh quy Kitô. Có một hình ảnh đẹp giúp ta dễ hiểu hơn chân dung của kinh Mân Côi, đó là: Một tràn chuỗi, mà trong đó kinh Kính Mừng như một khung cửi đan dệt các mầu nhiệm về Chúa Kitô.

Vì điểm nối kết các mầu nhiềm Mân Côi là chính cuộc đời Chúa Kitô, bởi thế, đọc kinh Mân Côi, Chúa Kitô mới là đối tượng chúng ta chiêm ngắm trước tiên.

Chính trong sự chiêm ngắm quy Kitô ấy, mà Đức Phaolô VI vui mừng reo lên: “Vì là một lời kinh dựa theo Tin Mừng, tập trung vào mầu nhiệm nhập thể cứu độ, kinh Mân Côi là lời kinh mang chiều kích Kitô một cách rõ nét…Thật thế, yếu tố đặc trưng nhất của kinh Mân Côi là một lời ca ngợi không ngừng dâng lên Chúa Kitô, Đấng là đối tượng tối hậu của cả lời truyền tin của thiên thần, lẫn lời chúc mừng của mẹ thánh Gioan Tẩy Giả: ‘Con lòng Bà gồm phước lạ’…Trong chuỗi Mân Côi, Chúa Giêsu mà mỗi kinh Kính Mừng nhắc đến, cũng chính là Chúa Giêsu được các mầu nhiệm tuần tự giới thiệu cho chúng ta lúc như là Con Thiên Chúa, lúc như con của Đức Trinh Nữ” (Tông huấn Marialis Cultus, số 46).

Ngoài ra, khi chiêm niệm và cầu nguyện bằng chuỗi Mân Côi, mỗi chúng ta cũng nâng tâm hồn mình để tỏ lòng kính yêu, tôn sùng Mẹ của Chúa Kitô, cũng chính là Mẹ thật của mỗi một người.

 

Tuy nhiên, trong từng suy tư riêng tư của mỗi người, tình mẹ mà mỗi người cảm nhận chắc chắn sẽ không đủ ngôn từ diễn tả. Cũng giống như tình mẹ trong câu chuyện mà người ta kể cho nhau nghe: “Trên bàn của một nhà văn có một cuốn sách dày tựa đề: Mẹ. Lật bên trong, chỉ toàn là giấy trắng. Người ta hỏi ông vì sao.         Ông đáp: “Tôi đã viết một tác phẩm nói về mẹ mình, dài hơn 1000 trang. Đọc lại, tôi thấy có nhiều điều thừa, tôi cô đọng lại xuống 100 trang, xuống 10 trang, rồi xuống 01 trang. Vẫn mãi còn thừa! Cuối cùng, tôi đã xóa hết mà chỉ giữ lại chữ ‘Mẹ’ thôi! Tiếng ‘Mẹ’ tự nó đã nói nhiều hơn mọi điều tôi có thể viết ra!”

Vâng, toàn bộ giáo huấn của Hội Thánh về Kinh Mân Côi, toàn bộ tâm tình được gợi lên trong hình thức cầu nguyện đơn sơ qua chuỗi Mân Côi, sẽ là một nét chấm phá mạnh cho những ai trung thành đọc và suy niệm nó, để tự bản thân, họ mạnh mẽ thốt lên trong chính nội tâm, trong cả cuộc đời, trong từng công tác của đời sống một chữ duy nhất: “Mẹ” Đầy kính yêu mà lòng họ dành cho Đức Maria.

Bởi lẽ cầu nguyện với Mẹ là con đường ngắn nhất để đến với Chúa Kitô, nên chúng ta cùng hiệp lời với Thánh Phanxicô Assisi để dâng lên Mẹ lời cầu xin của ngài: “Lạy Mẹ Thiên Chúa, Mẹ tuyệt mỹ và dịu hiền, xin Mẹ cầu bàu cùng Đức Vua bị xử án, là Con rất mực nhân từ của Mẹ, Chúa Giêsu Kitô, để nhờ lòng nhân từ và quyền năng nhập thể thánh thiện và tử nạn đắng cay, Ngài ban cho chúng con ơn tha thứ mọi tội lỗi của chúng con” (hạnh thánh Phanxicô).

Trên hết mọi người, bước theo Chúa Kitô trong đời tận hiến, mỗi linh mục phải là người biết gặp gỡ Chúa Kitô bằng sự chìm đắm của cả một đời cầu nguyện. Mỗi linh mục hãy học lấy tâm tình của Đức Maria mà chiêm ngắm Chúa Kitô, mà theo Chúa Kitô, sống cùng Chúa Kitô, hoạt động với Kitô.

Là linh mục của Chúa Kitô, mang Chúa Kitô đến cho trần thế, các linh mục phải chiêm ngắm mẫu gương và noi gương cưu mang Chúa Kitô không những trong lòng dạ mà còn trong chính tâm hồn của Đức Maria. Các linh mục phải làm bằng được điều mà thánh Phaolô đã từng trải nghiệm: “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là chính Chúa Kitô sống trong tôi” (Gl 2, 20). Chỉ như thế, các linh mục mới thực sự là chứng nhân, là sự thể hiện cách hiện thực lòng yêu thương nhân từ của Thiên Chúa giữa chốn nhân trần này. Có như thế, họ mới trở nên dụng cụ sắc bén khả dĩ gọi về lòng nhân từ của Thiên Chúa nơi lòng người. Bởi chỉ gọi về lòng yêu thương nhân từ của Thiên Chúa nơi lòng người, mới hy vọng một thế giới bình an, một Hội Thánh hiệp nhất, và cả nhân loại hạnh phúc.

II. LỜI KINH HÒA BÌNH.

Chiêm ngắm Chúa Kitô, và chiêm ngắm Đức Maria trong sự suy niệm và cầu nguyện bằng chuỗi Mân Côi, chúng ta càng nhận ra hai khuôn mặt của ơn bình an mà Thiên Chúa ban cho loài người. Chính vì toàn bộ kinh Mân Côi ngày càng làm lộ rõ hai khuôn mặt của ơn bình an, mà kinh Mân Côi và các mầu nhiệm Chúa Kitô nơi lời kinh này trở thành lời kinh giúp gọi về lòng nhân từ của Thiên Chúa nơi mỗi tâm hồn con người, nhằm thiết lập nền hòa bình trong nhân loại, trong đời người, mang lại ơn bình an cho mỗi chúng ta.

Chính Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã từng đề nghị Hội Thánh hãy đọc kinh Mân Côi để cầu nguyện cho ơn bình an: “Trước tiên, nhu cầu nài xin Thiên Chúa ban cho ơn bình an. Kinh mân côi đã được các vị tiền nhiệm của tôi và chính tôi nhiều lần đề nghị như một lời kinh cầu cho hoà bình. Vào lúc khởi đầu một ngàn năm mới với biến cố tấn công gây kinh hãi ngày 11.9.2001, chứng kiến mỗi ngày tại nhiều miền trên thế giới những cảnh đổ máu và bạo lực, khám phá lại Kinh mân côi có nghĩa là chìm sâu vào việc chiêm ngưỡng mầu nhiệm Đức Ki-tô Đấng là bình an của chúng ta, bởi vì Người đã liên kết đôi bên thành một, và phá đổ bức tường ngăn cách là sự thù ghét (Ep 2,14). Vì thế, ta không thể đọc Kinh mân côi mà không cảm thấy thôi thúc dấn thân cách cụ thể để kiến tạo hoà bình, đặc biệt tại quê hương Đức Giê-su, đang bị thử thách nặng nề và đặc biệt gần gũi trong trái tim của mọi Kitô hữu” (Tông thư Rosarium Virginis Mariae số 6).

Và bây giờ, chúng ta cùng đọc lại toàn bộ số 40 của Tông thư Rosarium Virginis Mariae, để cùng Đức Cố Giáo Hoàng, cảm nhận hơn nữa sự hiệu nghiệm của lời kinh mà Chúa ban cho chúng ta, kinh Mân Côi, lời kinh được mệnh danh là “lời kinh Hòa Bình”, để nài xin tình yêu nhân từ của Thiên Chúa tuôn tràn trên thế giới và trong tâm hồn mỗi con người, nhờ đó thế giới bình an, mỗi một người được thỏa niềm hạnh phúc.       

“Những thách đố nghiêm trọng mà thế giới phải đương đầu khi bước vào ngàn năm mới, khiến cho chúng ta nghĩ rằng chỉ có sự can thiệp từ trên cao, có khả năng hướng dẫn tâm hồn những người sống trong những hoàn cảnh xung đột và những người nắm giữ vận mệnh các quốc gia, mới có thể cho chúng ta lý do để hy vọng vào một tương lai tươi sáng hơn.        
Tự bản chất, Kinh Mân côi là lời kinh cầu cho hoà bình, vì nó hệ tại ở việc chiêm ngưỡng Đức Ki-tô, Hoàng tử Hoà bình, là sự bình an của chúng ta (Ep 2,14). Bất cứ ai đồng hoá với mầu nhiệm Đức Kitô - và rõ ràng đó là mục tiêu của Kinh mân côi - thì sẽ học được bí quyết của hoà bình và biến nó thành dự phóng của đời sống mình. Hơn nữa, nhờ tính chất suy niệm của nó, với sự tiếp nối thanh thản các Kinh Kính mừng, Kinh Mân côi đem lại sự an bình nơi người cầu nguyện, tạo điều kiện cho họ đón nhận và cảm nghiệm tận đáy lòng, và gieo vãi ra chung quanh, hoà bình đích thật vốn là quà tặng đặc biệt của Chúa Phục Sinh (x. Ga 14,27; 20,21).

Kinh Mân côi cũng là lời kinh cầu cho hoà bình, vì những hoa trái bác ái mà nó sản sinh. Khi được thực hiện tốt theo một thể thức suy ngắm đích thật, Kinh mân côi dẫn ta đến gặp gỡ Đức Kitô trong các mầu nhiệm của Người, và vì thế, ta không thể không quan tâm tới dung nhan Đức Ki-tô nơi những người khác, nhất là nơi những người đau khổ nhất. Làm sao ta có thể chiêm ngưỡng mầu nhiệm Hài nhi ở Bêlem trong năm sự vui, mà không có lòng khao khát đón nhận, bảo vệ và cổ võ sự sống, và mang lấy gánh nặng của các trẻ em đang đau khổ trên toàn thế giới? Làm sao ta có thể bước theo vết chân Đức Kitô, Đấng Mạc khải, trong các mầu nhiệm sự sáng, mà không cương quyết làm chứng cho các mối phúc lộc của Người trong đời sống hằng ngày? Và làm sao ta có thể chiêm ngưỡng Đức Kitô vác Thánh giá và chịu dóng đinh, mà không nhận thấy cần phải hành động như ông Ximong thành Xyrênê để nâng đỡ những anh chị em quằn quại đau đớn và ê chề thất vọng? Cuối cùng, làm sao ta có thể chiêm ngắm vinh quang của Đức Kitô Phục sinh và của Đức Maria, Nữ vương Thiên đàng, mà không khao khát làm cho thế giới này đẹp hơn, công bằng hơn và phù hợp sít sao hơn với kế hoạch của Thiên Chúa?      
Tóm lại, bằng cách hướng cặp mắt chúng ta về Đức Ki-tô, Kinh Mân côi cũng biến chúng ta thành những người kiến tạo hoà bình trên thế giới. Với bản chất là một lời khẩn nài của cộng đoàn, phù hợp với lời mời gọi hãy cầu nguyện không ngừng của Đức Kitô (Lc 18,1), Kinh Mân côi cho phép chúng ta hy vọng rằng, cả ngày hôm nay nữa, trận chiến cam go vì hoà bình có thể dành thắng lợi. Kinh Mân côi không hề tạo cho chúng ta cơ hội tránh né những vấn đề của thế giới, trái lại nó bắt buộc chúng ta phải nhìn thẳng những vấn đề ấy với con mắt của người có tinh thần trách nhiệm và quảng đại, đồng thời ban cho chúng ta nghị lực để đối diện với chúng, xác tín về sự trợ giúp của Thiên Chúa và quyết tâm vững vàng muốn làm chứng trong mọi hoàn cảnh cho tình yêu là mối dây kiên kết tuyệt hảo
(Cl 3,14) (Tông thư Rosarium Virginis Mariae số 40).

Hơn hết tất cả mọi người, linh mục được coi là con người của bình an, vì linh mục làm nhiệm vụ của người dọn đường cho “Hoàng Tử Bình An” đến trong lòng người thế, và đưa dẫn anh chị em trần thế đến gặp gỡ và lãnh nhận Nguồn Bình An cao cả nơi vị “Hoàng Tử” có một không hai, không ai và không có bất cứ cái gì có thể thay thế, đúng như lời sách Khải Huyền diễn tả: “Người là Anpha và Ômêga, là Đầu và là Cuối”.

Vì thế, mỗi lần suy niệm và cầu nguyện với kinh Mân Côi, Chúng ta nguyện xin cho chính chúng ta, những linh mục của Chúa luôn có một tâm hồn bình an để gieo rắc bình an trên trần thế. Xin cho chúng ta học nơi Chúa lòng bình an, để tiến tới sự bình an trong chính tâm hồn mình. Nơi người linh mục đã có bình an, mới mong ơn bình an ấy đủ sức chiếu giãi môi trường quanh mình.

Tháng mười, chắc chắn không vị mục tử nào không nói đến, không cổ vũ việc suy niệm và cầu nguyện với kinh Mân Côi. Vậy trước khi la to trên diễn đàn, từng người trong anh em linh mục chúng ta đây, hãy cố gắng mà sống chuỗi Mân Côi trong từng ngày sống của mình. Nhờ chuỗi Mân Côi, các linh mục cũng hãy cầu nguyện cho hòa bình thế giới, cho hoà bình trong chính cộng đoàn mà mình đãm trách.

Vì là lời kinh Hòa Bình, khi suy niệm và cầu nguyện bằng chuỗi Mân Côi, các linh mục cũng hãy cố gắng thiết lập trật tự bình an của nội tâm, để rồi từ đó, sẽ thiết lập trật bình an nơi tâm hồn anh chị em.

Trước viễn cảnh của các gia đình và của thế giới đang xảy ra nhiều mất mát, nhiều chiến cuộc, thêm vào đó, nhiều lần bị thiên tai đàn áp, các linh mục đừng quên xin anh chị em của mình hãy tiếp tay với mình kiến tạo và cầu nguyện cho sự bình an bằng việc lắng chìm trong các mầu nhiệm kinh Mân Côi.

Dõi theo Đức Maria, học lấy cuộc đời của Chúa Kitô, các linh mục hãy là người trước tiên ban phát sự bình an bằng cả một đời hiền từ, nhân ái, khoang dung, để lời chứng cho Tin Mừng bình an của mình không trở thành phản chứng.

VẤN TÂM.

1. Số 11 của Tông thư kinh Mân Côi cho biết: Hội Thánh công bố các mầu nhiệm Chúa Kitô trong kinh Mân Côi vì Hội Thánh muốn các mầu nhiệm của Chúa Kitô được chiêm ngưỡng, nhờ đó năng lực cứu độ của lời kinh này được lan tỏa, ơn hòa bình nội tâm nơi mỗi tâm hồn được thiết lập.

Vậy, tôi có ý thức kinh Mân Côi không chỉ đưa tới sự thánh thiện, mà còn có khả năng trao ban ơn hòa bình? Và do ý thức hay không, tôi đã đọc kinh Mân Côi qua lần chiếu lệ hay đọc một cách cẩn thận?

2. Số 14 của Tông Thư kinh Mân Côi dạy, nhờ Chuỗi Mân Côi, ta học nơi Đức Maria bài học của lòng khiêm tốn và sự vâng phục trong đức tin. Là linh mục, tôi không bỏ lần chuỗi bao giờ, nhưng có khi đó chỉ là thhói quen. Hoặc tôi cũng chưa từng khám phá một bài học nào từ kinh Mân Côi, vì thế lòng tôi còn nhiều gai góc, chẳng khiêm tốn và cũng chẳng muốn vâng phục bề trên.

3. Số 41 và 43 của Tông Thư kinh Mân Côi cho biết, kinh Mân Côi là lời kinh CỦA gia đình và CHO gia đình, và mời gọi các mục tử hãy dấn thân cổ võ kinh Mân Côi. Tôi đã nhận lãnh tránh nhiệm phổ biến lòng yêu mến kinh Mân Côi cho anh chị em tín hữu đến mức độ nào? Đã nhiều năm, tôi làm linh mục chánh xứ, phó xứ, nhưng anh chị em nơi tôi phụ trách, hiểu được bao nhiêu về sự cao trọng của mầu nhiệm Mân Côi? các gia đình trong giáo xứ mà tôi phụ trách có yêu mến chuỗi Mân Côi? Mọi thành phần trong gia đình có ngồi lạI đọc kinh, lần chuỗi chung với nhau chưa?

Đó là trách nhiệm của tôi. Đó là lòng vâng phục mà tôi dành cho Hội Thánh khi phổ biến kinh Mân Côi theo ý Hội Thánh. Tôi biết, tôi phải nỗ lực hơn và ý thức thật nhiều đối với đời sống đức tin của mỗi anh chị em giáo dân. Không chỉ cổ võ việc lần chuỗi mà còn giúp họ yêu mến Thánh Thể, yêu mến Lời Chúa, yêu mến các bí tích, yêu mến thánh lễ… và trên hết, yêu mến Chúa Kitô, cùng đích của mọi người, mọi sự.

Lm. VŨ XUÂN HẠNH

VỀ MỤC LỤC
PHỤC VỤ

 

Phúc Âm Nhật Ký Ngày 24.09.2006

PHỤC VỤ

Mc 9:30-37       

Ngày 17 tháng 9 năm 2006 vừa qua, Nữ tu Leonella Sgorbati đã bị ám sát khi đang phục vụ tại Somalia.  Toàn thân chị bị bắn bảy phát súng.  Chị đã trút hơi thở cuối cùng tại chính bệnh viện chị đang phục vụ.  Mặc dù được khuyên rời Somalia nhiều lần, chị vẫn cương quyết ở lại Làng SOS cùng với bốn chị Dòng Thừa Sai An Ủi để phục vụ người nghèo trong Bệnh viện SOS.  Giây phút cuối cùng, dù rất đau đớn, chị vẫn thốt lên:  “Tôi tha thứ, tôi tha thứ.”[1]  Ðó là tiếng vọng từ cây Thánh Giá cho nhân loại hôm nay.

Thật là một gương sáng tuyệt vời cho những ai đang phục vụ Ðức Kitô trong mọi người. Từ nay, phục vụ trở thành tiêu chuẩn đánh giá và xác định vị trí của người lãnh đạo.[2]  Ngay từ đầu, Giáo hội đã bước theo Thày Chí Thánh.  Ðiển hình là các phụ nữ đã theo giúp Chúa.  Các bà không màng địa vị, nhưng “đã lấy của cải mình mà giúp đỡ Chúa và các môn đệ.”[3]  Họ đã để lại một gương hy sinh lớn lao, không phải chỉ cho nữ giới, nhưng cho toàn thể  Giáo hội.

Trong khi đó, mặc dù bao năm tháng theo sát gót Ðức Giêsu, các môn đệ vẫn không thấu triệt đường lối Người.  Bằng chứng ngay khi Thày đang nói sự thật về thân phận đau khổ, các môn đệ vẫn “nhởn nhơ” và vô tư bàn chuyện chia chác miếng đỉnh chung.  Họ không hiểu mình đang theo ai và đang hướng về đâu.  Quyền trừ quỷ, chữa bệnh và rao giảng Nước Thiên Chúa cũng không thể xác định chỗ đứng của họ trong cộng đoàn.   Chỉ khiêm tốn mới tối cần cho người lãnh đạo Dân Chúa.   Ðịa vị càng cao, con người càng cần phải xả thân phục vụ.[4]   Nhưng làm sao phục vụ, nếu không khiêm tốn ?

Theo thánh nữ Têrêsa Avila,  khiêm tốn chỉ là “bước đi trong sự thật,” sự thật về Thiên Chúa và sự thật về con người.  Ðúng như thánh Âutinh nói : “Lạy Chúa, có biết chính mình, con mới biết được Chúa.”  Chỉ khi nào biết tin buồn của mình, con mới sẵn sàng, vui mừng và thoải mái đón nhận Tin Mừng của Chúa.[5]  Càng biết rõ mình, càng khám phá thấy rõ bộ mặt kẻ thù chống lại Tin Mừng là cái tôi.  Càng kiêu ngạo, càng chống báng và xa rời Thiên Chúa. 

Sống tự đắc như thế, con người sẽ chẳng cần ai, kể cả Thiên Chúa.  Bởi vậy, thánh Phêrô mới khuyên : “Anh em hãy lấy đức khiêm nhường mà đối xử với nhau, vì Thiên Chúa chống lại kẻ kiêu ngạo, nhưng ban ơn cho kẻ khiêm nhường.”[6]  Một khi đã bị Thiên Chúa chống đối, con người còn làm được gì ?  Bởi vậy, chỉ có người khiêm tốn mới có thể đón nhận được những ơn cần thiết để phục vụ mọi người, nhất là những người đau khổ và nghèo đói.

Nhìn vào chính mình, tôi thấy thực tế chưa phục vụ được những người nghèo khổ, chỉ vì chưa đủ khiêm tốn.  Khiêm nhường là một ơn trọng đại nhất và cũng là bài học lớn nhất tôi phải cầu xin suốt đời mới thấu hiểu được.  Thực vậy, không hăng say cầu nguyện và học biết Chúa Kitô, tôi không thể sống khiêm nhường.   Của cải, tài năng, địa vị dễ khiến tôi kiêu ngạo.  Có khi tôi tư phụ về cả những điều mình không có.  Thật là lố bịch !

Cần phải ý thức sâu xa về những giới hạn, thiếu thốn và tội lỗi của mình trước một Thiên Chúa toàn hảo và chí thánh, tôi mới biết mình lệ thuộc hoàn toàn vào Thiên Chúa và do đó mới nhiệt tình thi hành ý Chúa trong mọi sự.[7]  Có khiêm tốn mới nhận ra  mọi giá trị đều phát xuất từ Thiên Chúa.  Từ nhận định thực tế và sâu thẳm đó, tôi mới có thể dễ dàng quên mình cũng như quyền lợi và chức vị mà chia sẻ và phục vụ tha nhân.[8]

Có khiêm tốn mới có thể thấy được giá trị linh thiêng của cuộc sống con người và phẩm vị tha nhân.  Từ đó, mới có thể xây dựng một nền tảng luân lý cho xã hội.  Chính vì không đủ khiêm tốn, tôi không thể nhìn thấy giá trị đích thực của con người, và chỉ còn đòi hỏi những quyền lợi bất chính.  Tôi sẵn sàng hy sinh nhân mạng và nhân phẩm tha nhân cho những quyền lợi của mình.  Từ đó phát sinh những phong trào phá thai nhân danh nữ quyền.  Giá trị sự sống con người đang bị đe dọa vì những nhóm nhân bản, nghiên cứu tế bào gốc, đồng tính, án tử hình v.v. 

Nếu biết rõ về con người, tôi phải khiêm tốn nhìn nhận quyền Thiên Chúa trên cuộc sống.  Mỗi người là một giá trị cần được bảo vệ và phát triển. Từ chỗ khiêm tốn đó, tôi sẽ liên đới và đoàn kết với tha nhân để hoạt động ngăn ngừa xung đột, tránh chiến tranh và giải quyết mọi tranh chấp bằng những phương tiện hòa bình.

Rất nhiều vấn đề mới đang cần nhiều người tài năng giải quyết.  Tài năng thật sự không thiếu.  Nhưng vượt trên tài năng, cần có những con người khiêm tốn để nhìn thấy trách nhiệm liên đới với người khác trong công cuộc bảo vệ nhân phẩm và tạo lập một cộng đoàn lành mạnh.  Mỗi người đều có quyền sống, quyền làm việc, quyền được hưởng đồng lương xứng đáng và công bình, quyền tự do tư tưởng, báo chí, hội họp v.v.

Trong phạm vi xã hội rất cần đến sự hợp tác và liên đới trách nhiệm.  Trong thế giới nhỏ bé hôm nay, yêu tha nhân mang chiều kích toàn cầu.  Tôi trở thành những người gìn giữ anh chị em mình.  Nhưng làm sao có thể có cái nhìn và hành động cao đẹp đó, nếu ngay từ trong gia đình, tôi không đủ điều kiện giáo dục để trưởng thành về nhân cách.  Cuộc khủng hoảng hôn nhân và gia đình hôm nay cho thấy con người không khiêm tốn đủ để nhìn nhận thấy giá trị và vai trò của nhau.  Nhưng đồng thời, cũng tố cáo xã hội ít hỗ trợ và nâng đỡ gia đình.  Trong khi đó, nhiều phong trào đang hoạt động mãnh liệt để hạ giá hôn nhân và gia đình.

Nếu sống khiêm tốn, tất nhiên không thể không nhìn thấy địa vị và hoàn cảnh những người kém may mắn hơn mình.  Nhiều người ngày nay không còn biết đến công ích và phúc lợi của mọi người, nhất là những người nghèo khổ.[9]  Con người ngày càng ích kỷ và hưởng thụ nhiều hơn.  Vấn đề ngày càng lớn và rất khó giải quyết.  Phục vụ đang mất dần ý nghĩa.   

Lạy Chúa, xin cho con biết rõ con là ai.  Nhờ đó con sẽ sống khiêm tốn hơn và chân thành hợp tác  với mọi người.  Amen.

lm đỗ vân lực, op.

dzuize@gmail.com 


[1] Zenit 18.09.2006  [2] x. Mc 9:35.  [3] Lc 8:1-3.  [4] x. Mc 9:35.

[5] x. Giáo Lý Công Giáo, số 2540.  [6] 1 Pr 5:5.

[7] x. The New Dictionary of Catholic Spirituality, ed. Michael Downey, Humility, William Shannon, Minnesota : The Liturgical Press, 1993.

[8] Encyclopedia of Catholic Doctrine, ed. Russell Shaw, Humility, Our Sunday Visitor Publishing Division,  Indiana, 1997.

[9] x. Tóm Lược Học Thuyết Xã Hội của Giáo Hội, Hội Ðồng Giáo Hoàng Công Lý và Hòa Bình, Libreria Editrice Vaticana, 2005.

VỀ MỤC LỤC
MỆNH LỆNH PHẢI HỢP LÝ !

 

Chúng ta thường hay phàn nàn: con trẻ bây giờ cứng đầu khó dạy hơn chúng ta ngày xưa. Nhưng, chúng ta hãy thử phân tích một vài mẫu chuyện để xem: đâu là nguyên nhân của những vấn đề mà chúng ta đang gặp phải trong vấn đề giáo dục con cái của chúng ta.

Quốc Trung và bố mẹ đang đi thăm các bạn bè. Trong lúc những người lớn ngồi nói chuyện ở cữa trước, cậu bé Quốc Trung chạy rông. “Quốc Trung ! Con lại đây”, mẹ nó ra lệnh. Đoạn bà quay lại với bạn bè và tiếp tục nói chuyện. Cậu bé không nói gì, lẩn sang phía góc nhà và từ từ đi tới cái xích đu ở vườn sau. Bà mẹ xuất hiện ở lối đi sau vườn. “Quốc Trung ! Đến đây !” bà ra lệnh với sự cử động của ngón tay để chỉ điểm nó phải đến. Cậu bé quay lưng lại, nhấc cằm, nhắm mắt, và nhuếch miệng nhe răng cười rồi ngồi xuống trên chiếc xích đu, le lưỡi liếm môi. “Quốc Trung ! Mẹ bảo con đến đây bây giờ”, bà mẹ giận dữ quát tháo. Cậu bé phớt lờ, tiếp tục đu đưa chiếc xích đu. “Mẹ đi mách ba con”, bà mẹ nói to trong lúc bước ra khỏi đó. Không có gì xảy ra. Nó tiếp tục đu đưa. Cuối cùng, chán quá rồi, nó đi bộ trở lại cổng trước.

Cậu bé tỏ ra thiếu kính trọng đối với những mệnh lệnh của mẹ nó. Trong trường hợp nầy, bà mẹ đón nhận cái bà đáng nhận. Bà đã làm một yêu sách vô lý. Cậu bé đáp trả với sự kháng cự táo bạo đối với mệnh lệnh của bà. Trong giây phút đặc biệt nầy, có sự tranh chấp quyền hành giữa mẹ và con. Và cậu bé đã thắng. Không có lý do tại sao nó không được chơi trên chiếc xích đu. Bà mẹ đã cố gắng tỏ uy quyền, còn cậu bé thì vẫn ngồi yên, tỏ vẻ kháng cự. Bấy giờ, bà mẹ đành phải đầu hàng, nhưng tiếp tục dùng lời nói hăm đe như một khí cụ. Cuối cùng, bà đe dọa mách với ông bố. Nhưng, cậu bé biết rằng ông bố sẽ không làm gì như kết quả đã cho thấy. Đe dọa nói với ông bố luôn là một lời nhắn gởi không mấy kết quả. Ông bố không bao giờ bị đặt trong vai trò phải thực hiện một quyền bính, điều mà đối với ông không còn hiệu quả nữa cho công việc giáo dục con cái.

Những yêu sách hợp lý thường được xác định bỡi sự trọng kính của con trẻ và sự tuân phục của chúng đối với mệnh lệnh. Có nhiều bố mẹ trở nên giận dữ vì đứa trẻ không làm như họ bảo, lý do có thể là vì những yêu sách của họ không hợp lý mà chỉ cố gắng để điều khiển đứa trẻ mà thôi. Điều đó thường tạo nên một cuộc chiến về quyền hành để xem ai là ”Ông Chủ”. Những bố mẹ nầy đã không nhận ra điều quan trọng trong những cố gắng của họ là thiết lập một quan hệ tốt đẹp giữa kẻ trên và người dưới. Họ quên rằng đối với con trẻ ngày hôm nay, sự trên quyền của người lớn thì không còn được chấp nhận nữa. Vì thế, con trẻ nhất quyết không chịu vâng lời như một nguyên tắc sống để thoát khỏi sự thống trị. Một đứa trẻ cảm thấy mình bị xếp đặt hoặc bị làm chủ, sẽ có phản ứng phục thù với sự bất phục tùng. Chúng ta có thể tránh những xung khắc ấy nếu chúng ta chỉ làm những mệnh lệnh cần thiết và hợp lý trong một cách thế không tỏ ra quyền uy.

Cô bé Thanh Lan, 10 tuổi, đang chơi cách nhà một khoảng cách không xa. Bà mẹ muốn sai nó đến quày hàng mua một vài món hàng lặt vặt, vì thế bà ra gọi nó từ cổng trước. Cô bé cứ tiếp tục chơi, làm như cô bé không nghe tiếng mẹ gọi. Cô bé không trả lời, bà mẹ đành chịu thua. Vài phút sau đó, bà gọi nữa. Nhưng cô bé vẫn ra vẻ không nghe thấy gì. Sau cùng, một trong những bạn bè của cô nói: “Thanh Lan, mẹ mầy đang gọi mầy đó !” “Ô, tao biết, nhưng bà ta chưa la”. Thay vì la lối, bà mẹ đi ra, mang theo chiếc giây roi nho nhỏ. Bà đi đến chỗ cô bé. Cô bé nhìn ngạc nhiên. “Con không nghe mẹ gọi sao ? Đi về nhà, bà nhấn mạnh từng từ ngữ với tiếng kêu của sợi giây đập và chân cô bé. Cô bé nhảy lên và vội chạy về nhà. Vài phút sau, cô bé bắt đầu đi đến gian hàng.

Cô bé đã trở thành “Mẹ Điếc”( nghĩa là mẹ nói thì không nghe), một vấn đề đã xảy ra cho rất nhiều gia đình.

Dĩ nhiên, con cái phải làm một số những bổn phận giúp đỡ cha mẹ để đóng góp vào những lợi ích gia đình. Tuy nhiên, những công việc nầy phải là một cái gì được giáo dục, được ý thức bỡi đứa trẻ và nên được hoàn thành một cách bảo đảm.

Ở đây, bà mẹ nên cùng cô bé thảo luận trước một chương trình nho nhỏ có thể thõa đáp được những nhu cầu của gia đình và cũng để phản ảnh được nhận thức về quyền lợi chơi với bạn bè của cô bé. Chẳng hạn: vào lúc ăn trưa, bà mẹ có thể nói: mẹ cần mua một ít đồ từ tiệm tạp hóa trước 5 giờ chiều hôm nay. Mấy giờ con có thể giúp mẹ đi mua được ? Khi cô bé làm sự chọn lựa, bà mẹ có thể hỏi: mẹ sẽ gọi con vào lúc đó được không ? Bấy giờ cô bé biết cái gì được mong đợi nơi cô và cô có cơ hội để chọn thời gian thích hợp cho cô. Lúc đó, yêu sách xem ra là có lý và cô bé sẽ đáp lại với một cảm giác tự hào về bổn phận nó cần phải làm.

Một câu chuyện khác: Bà mẹ đang ngồi trong phòng coi Tivi, sửa chữa mấy cái quần áo lặt vặt trong lúc cô bé Mỹ Huyền, 8 tuổi, đang coi Tivi. “Mỹ Huyền, con lấy cho mẹ bao thuốc lá đi”. Cô bé nhảy xuống và đi lấy thuốc lá cho mẹ. Vài phút sau, bà lại gọi: “Cưng ơi, con lấy cuộn chỉ trắng cho mẹ”. Cô bé đi lấy cuộn chỉ. Sau đó không lâu, bà mẹ lại gọi:” Con ơi, con đi tắt bếp cho mẹ”. Cô bé lại phải chạy đi tắt bếp cho bà mẹ.

Bà mẹ đã đối xử với cô bé như một đứa đầy tớ. Cô bé cố gắng thõa đáp những yêu sách không hợp lý chút nào chỉ vì nó muốn làm vui lòng mẹ nó. Và chúng ta cho nó là cô bé ngoan, nhưng thật ra nó không học xử sự như một cá nhân tự quyết.

Một câu chuyện nữa: Bà mẹ và ông bố đang ngồi ở sân sau nói chuyện với những người bạn chợt đến bất thình lình. Thuý Hằng, 9 tuổi, đang chơi với hai đứa bạn gái ở gần đó. Minh Quang, 1 tuổi rưỡi, đang loay hoay vì đã đến giờ đi ngủ. Bà mẹ ôm nó một lúc, nhưng sự khuấy động của nó làm mọi người chia trí. “Thuý Hằng, con đến bế em bỏ vào trong chiếc giường của nó giúp mẹ đi”. “Ô, mẹ. Cô bé thở dài”. Nhưng rồi, cũng rời các bạn và làm như mẹ nó bảo.

Bà mẹ đã làm một sai bảo không hợp lý. Chúng ta không nên bảo một đứa trẻ làm một điều mà chúng ta không thích bị yêu cầu làm. Bà mẹ muốn ở với các bạn bà nên đã bảo đứa trẻ rời các bạn nó để chăm sóc cho cậu bé con. Điều nầy cho thấy sự thiếu kính trọng đối với quyền lợi của cô bé. Tốt nhất, bà mẹ nên cáo lỗi và tự mình đem cậu bé vào trong giường vì còn có ông bố tiếp chuyện với khách.

Khi chúng ta muốn làm một yêu sách hay ra một mệnh lệnh cho một đứa trẻ, chúng ta phải nhạy cảm đối với tình thế cũng như đối với khả năng của đứa trẻ nữa. Có những đứa trẻ thích nhiệm vụ chăm sóc trẻ nhỏ, nhưng cũng có những đứa không thích mấy. Vì thế, giao trách nhiệm phải tùy từng đứa, và tốt hơn nên có sự đồng ý trước, như khi nào trách nhiệm đó được thực hiện. Dĩ nhiên, nếu bà mẹ cần thêm sự giúp đỡ, bà có thể gọi đứa trẻ lớn hơn giúp bà.

Chúng ta có thể ngẫm nghĩ về những trường hợp, trong đó chúng ta đòi hỏi hay ra lệnh cho một đứa trẻ phải làm một cái gì ngay tức khắc. Đây là một cách thế tỏ ra uy quyền và thường là một đòi hỏi không hợp lý. Sự đáp trả của đứa trẻ:”Ô, bà luôn luôn la hét và bắt tôi phải làm một cái gì”, điều đó cho thấy một tương quan nghèo nàn, thiếu sự hòa hợp, thiếu sự cộng tác giữa hai bên. Muốn được sự cộng tác của đứa trẻ, chúng ta nên dùng những phương cách tế nhị, kính trọng, và khéo léo hơn là những mệnh lệnh, vì không một ai, ngay cả con trẻ, thích nhìn thấy quyền hành được lạm dụng trong xã hội hôm nay.

lm.levanquang. 

VỀ MỤC LỤC
HỠI PHỤ HUYNH, HÃY ĐI DỰ LỄ VỚI CON CÁI

LỜI DẠY CỦA CHỦ CHĂN GIÁO HỘI:

HỠI PHỤ HUYNH, HÃY ĐI DỰ LỄ VỚI CON CÁI,

TUẦN SỐNG SẼ NHỜ ĐÓ MÀ TỐT ĐẸP HƠN !

Hỡi các bậc làm cha làm mẹ, hãy đi tham dự Thánh Lễ với con cái quý vị: tuần sống sẽ nhờ đó mà nên tốt đẹp hơn ! Hãy cầu nguyện với các con cái ở nhà, thì gia đình sẽ được hiệp nhất hơn. Đó là lời Đức Thánh Cha Bê - nê-đi-tô XVI nói với các phụ huynh trong bài giảng của Người tại Nhà Thờ Chính Toà Munich.

Đức Thánh Cha đã muốn gặp không chỉ các em nhỏ Xưng Tội Rước Lễ lần đầu, mà cả các giáo viên và Giáo Lý Viên. Đức Thánh Cha khích lệ tất cả những người tham gia công việc đào tạo các em sống đời Ki-tô hữu. Người nói: ”Ba chỗ đào tạo – Gia Đình, Trường Học và Giáo Xứ – cùng đồng hành và giúp chúng ta tìm được con đường tới “những nguồn suối Sự Sống” và, các con thâân yêu, các phụ huynh quý mến, các nhà giáo dục thân mến, quả thật, tất cả chúng đều ước ao ‘một cuộc sống dồi dào”.

Đức Thánh Cha đặc biệt nói với các bậc phụ huynh, cổ vũ họ giúp đỡ con cái họ trên con đường này: ”Ta cầu xin quý vị: hãy đi với con cái tới Nhà Thờ để tham dự vào cử hành Thánh Thể ngày Chúa Nhật”.

Ngài hứa: ”Quý vị sẽ thấy rằng quý vị không mất giờ vô ích đâu ! Ngược lại điều ấy giữ cho gia đình thật sự hiệp nhất, bằng việc đem cho gia đình một trung tâm. Ngày Chúa Nhật trở nên đẹp hơn; suốt tuần lễ trở nên tốt đẹp hơn, nếu quý vị tham dự chung với nhau Phụng Vụ Chúa Nhật”.

“Và, xin quý vị cũng hãy cầu nguyện chung với nhau ở nhà, cầu nguyện trước sau khi dùng bửa và trước khi đi ngủ. Lời cầu nguyện không những dẫn quý vị đến cùng Thiên Chúa, mà còn đến với nhau. Đó là một sức mạnh Bình An và Hoan Lạc. Đời sống Gia đình trở nên vui nhộn hơn và có được hơi thở đầy đặn hơn, nếu Thiên Chúa hiện diện trong gia đình và người ta sẽ cảm nghiệm được Ngài kề cận trong Kinh Nguyện”.

CVK NGUYỄN THẾ BÀI, dịch từ Zenit ngày 11.9.2006

Halleluyah so 55

VỀ MỤC LỤC
Như Bông Hoa…

 

Khi học về Bí Tích Xức Dầu trong lớp Giáo Lý Tân Tòng hôm tuần trước, anh Đạt đã đặt câu hỏi: Thầy ơi, tại sao người ta sợ chết?”.

Tôi mạo muội trả lời:

Ừ, chết là cái sợ nghê gớm nhất, kinh hoàng nhất. Chẳng vậy mà người ta thường hay nói: ‘Sợ muốn chết luôn’ hoặc ‘Sợ thấy mồ tổ đi’ hoặc ‘sợ thấy ông bà ông vải đó’ …’CHẾT’, ‘MỒ MẢ’, ‘NGHĨA ĐỊA’ đều là những hình ảnh, những biến cố đáng khiếp vì có thật và chắc chắn…một ngày sẽ đến với… mỗi người.

Tất cả những cái sợ khác chỉ là sợ phụ thuộc và qua mau. Sợ thi cử không đậu, rồi phải vào lính, gọi là yêu tổ quốc đấy, nhưng thực tế là phải đối diện với cái chết. Sợ làm ăn lỗ lã, sợ mất việc, sợ mất bảo hiểm sức khỏe, sợ bệnh tật, sợ thiếu thốn, sợ không được tiền già, sợ trôm cướp, sợ đói khát, sợ rớt máy bay, sợ lật xe… ta sợ tất cả những điều này vì những điều này có thể dẫn đến sự mất mát, hoặc dẫn đến chính cái chết… Ngay cả khi sợ mất tình yêu hay mất tình bạn cũng vậy… Mất người yêu chính là mất chính mình một phần nên ta mới sợ.

Bây giờ tại sao sợ chết?

  1. Sợ chết vì lúc chết thường là lúc phải vật vã và đau đớn rất nhiều về thể xác. Chưa có kinh nghiệm chết, nhưng tôi nghĩ chắc phải đau lắm thì người ta mới tắt hơi thở và phải mệt lắm thì trái tim mới ngừng đập. Những tay anh chị khét tiếng,  trong người toàn máu lạnh, vậy mà khi ra pháp trường cũng vẫn toát mồ hôi hột, vẫn ngất xủi…Chẳng biết có phải vì linh hồn lìa khỏi xác khiến người ta đau đớn hay không, nhưng tôi đã thấy nhiều cảnh người sắp chết vật vã trước khi sinh thì. Chính Mẹ Têrêxa trước khi chết cũng đã có lúc giật những sợi dây trợ sinh ra khỏi người vì đau đớn. Chính Chúa Giêsu Con Người cũng đã than thở: ‘Lạy Cha, nếu đẹp ý cha xin cất chến đắng này khỏi con…’

 

  1. Sợ chết vì chết là mất đi tất cả: cha mẹ, vợ con, bạn bè, tình yêu, danh vọng, của cải, tài năng, sắc đẹp… Tất cả những gì ta có, những gì ta làm ra ở trên đời đều bỏ ta để thuộc về người khác, có khi thuộc về những người ta không yêu thương, hoặc thuộc về kẻ thù của ta nữa. Ngay cả thân xác của ta cũng vậy, ta không còn làm chủ được nữa, nói chi đến người yêu lý tưởng đang ngồi bên cạnh, tay trong tay tình tứ như các anh chị đây. Những đường eo quyến rũ, đôi mắt bồ câu đa tình, mái tóc huyền nhung thơm ngát, bàn tay búp măng ngọc ngà… Tất cả sẽ chìm trong lòng đất. Tiếng cười rạng rỡ, giọng nói truyền cảm, vòng tay nồng nàn, ánh mắt yêu thương… Tất cả sẽ tan biến.

 

  1. Sợ chết vì chết là chấm dứt những gì ta đang xây dựng, ta đang mơ ước: Một căn nhà xinh cho đứa con trai lớn. Một chiếc xe cho con gái út mới ra trường. Một chuyến du lịch Âu Châu với người yêu. Ngay cả đến những ước mơ đạo đức, bác ái, thánh thiện cũng vậy. Thần chết vô cùng tàn nhẫn, không bao giờ báo trước, cũng chẳng hỏi ý kiến ai cả. Giấc mơ trở thành một linh mục, một bác sĩ, một giáo sư… hay cả đến những giấc mơ hưởng thụ phàm trần cũng chấm dứt khi thần chết đến với ta. Tiếng chuông đã vang lên và bài thi phải nộp. Chết là dấu chấm cuối cùng của câu văn đời ta. Ta không có giờ để viết hay sửa lại câu văn ấy nữa. Tuyệt đối không còn thì giờ để ‘vớt vát’ nữa.

 

  1. Sợ chết vì chết là đi vào một cuộc hành trình vô định vì chưa mấy ai từ cõi chết hiện về để truyền lại kinh nghiệm cho người sống. Dù vô thần, người ta vẫn không thể chối bỏ sự hiện hữu của linh hồn. Dù không tin thượng đế người ta cũng tin có một loại sống nào đó sau khi nhắm mắt lìa đời. Dù không tin vào sự Chúa Phán Xét, Thiên Đàng, và Hỏa Ngục thì người ta cũng tin một loại nhân quả nào đó. Chết là lúc ta phải đối diện với kết quả công việc, hành vi ta đã làm khi còn sống, là lúc ta phải nhìn lại đời mình với lăng kính công bằng và khách quan, hay đúng hơn là với một lương tâm chân chính. Có thể nói đó là lúc ta phải ‘phán xét’ chính ta. Ai chẳng sợ.

 

  1. Cuối cùng sợ chết vì chết là một cuộc viễn du đơn đôc. Một mình ta với ta mà thôi. Không cha, không mẹ, không người thân thích. Ta phải đi một mình. Thần chết không cho ta rủ thêm ai cùng xuống mồ và  không cho ta tham vấn hội ý với ai cả.  Hãy tưởng tượng một mình lạc vào trong một Kim Tự Tháp hay một mình ta phải xoay xở trong con tầu dưới đáy biển là đủ thấy khiếp sợ rồi. Giữa ta và những người còn sống sẽ hoàn toàn cách biệt, hai thế giới khác nhau. Không ai giúp ta được gì khi ta sắp phải lên đường mà không một tí hành trang. Không ai cho ta được gì khi ta sắp ra khơi mà chưa biết chèo chống ra sao.

Nhưng không phải ai cũng sợ chết. Có những người coi cái chết tựa lông hồng vì một lý tưởng cao cả. Có những tướng quân tự vẫn vì danh dự với tổ quốc và với đoàn quân. Có những thuyền trưởng ở lại trong tầu vì trách nhiệm với những người dưới quyền và những người khách trong tầu. Có những anh hùng tử đạo vì niềm tin son sắt đã chon và đã sống. Có lẽ những vị anh hùng này cũng sợ chết đấy, nhưng cái lý tưởng cao quí mà họ theo đuổi đã giúp họ vượt qua sự sợ hãi ấy. Và có lẽ họ vượt qua được sự sợ hãi cái chết là vì họ biết mình sẽ ‘đi đâu và về đâu’: các thánh tử đạo biết và tin tưởng sau khi chết họ sẽ về với Chúa, về với Tiên Phật. Những anh hùng tổ quốc tin tưởng sau khi nhắm mắt họ sẽ sống mãi trong lòng dân tộc và trong lịch sử nhân loại...

Vừa viết đến đây thì một email có đề ‘TIN BUỒN’ hiện lên ở một góc màn ảnh computer. Tôi mở ra:

…Giuse Lộc Thành bị tao nạn giao thông, và đã qua đời lúc 2h30 tại bênh viện Việt-Pháp…

“Chúa ơi, lại thêm một người bạn nữa bỏ dở cuộc chơi. Thế là trong vòng 3 tháng, hai người bạn họ Phạm của tôi rủ nhau giã từ thế gian vào giữa tuổi 50”..

Và đây là bài văn tế được viết cho người vừa nằm xuống:

Anh Lộc Thành!

Phạm Phúc Lộc Thành!!

Xác là thể phách,

Hồn là tinh anh.

 

Kiếp phù thế, bóng câu vèo song cửa.

Cõi trần ai, sợi chỉ phất phơ mành.

Năm mươi sáu tuổi, đủ rồi hình thương khẩu.

Quá nửa hồng trần, dư nỗi bóng dâu xanh.

 

Khi xưa:

Làng Thành Đức, kỷ canh dần chào nhân lọai.

Đất Ninh Bình, mùa kiết hạ nhập nhân sinh.

Xa xứ Bắc tha phương tìm lẽ sống,

Ngụ trời Nam, cư trú đất An Giang.

 

Từ thơ trẻ hòai mong đường nhân đức.

Đến tráng niên hăng hái bước đăng hành.

Ngày lại ngày tu tâm dưỡng tính,

Đêm từng đêm nấu sử sôi kinh.

 

Nuôi chí  lớn thành người soi đuốc sáng,

Ước lòng son nên kẻ ướp men lành.

Tranh dâu bể, lao đao hình chinh chiến,

Bức phù đồ, nghiêng ngả họa đao binh.

 

Ngờ đâu:

Ngôi trường cũ đìu hiu tan tác.

Bạn bè xưa xa thác lạc ghềnh.

Trang sách khép, còn chong đèn lưu luyến.

Bút nghiên sầu,  nhủ dây mấy môn sinh.

 

Lập gia thất cho an lòng phụ mẫu.

Sánh vợ chồng hầu vui phận cửi canh.

Từ Thốt nốt - miền đồng xanh thôn dã,

Đến Sài Gòn - khu đô hội thị thành.

 

 Nhìn qúa khứ, ba chìm bảy nổi - thương hồ sấp ngửa

Gẫm tương lai, hai gái một trai - danh tọai công thành.

Chi bạn hữu trùng phùng: mặt mừng tay bắt,

Giao kim bằng hội ngộ: chén chú chén anh.

 

Tưởng đâu đấy qua hồi bĩ cực.

Ngỡ rằng đây đến lúc danh thành.

Ghen con tạo trêu ngươi nhà phúc ấm.

Hờn hóa nhi sanh nạnh kẻ may lành.

 

Than ôi:

Một đêm giông bão!

Dăm bước độc hành.

Cơn ách nạn trút thịt xương tan nát.

Họa tai ương tàn hơi thở mỏng manh.

 

Đường nhân thế một cơn Hồ điệp,

Nẻo phù hoa nửa giấc Trang sinh.

Thương vợ đảm xa chồng – đầu chửa bạc.

Cảm con khờ mất bố - tóc còn xanh.

 

Tình bằng hữu – đầy ly cay u uẩn,

Nghĩa bạn bè – vơi chén ngọt  buồn tênh.

Ngọn nến cháy, xác thân ơi an nghỉ,

Nén hương trầm, linh hồn nhé tràng sinh.

Hẹn ngày chung cuộc!

Hội ngộ Thiên đình.

Bùi Nghiệp

Đọc xong bài văn tế, lòng tôi như cũng chùng hẳn xuống. Và thật là một trùng hợp, đài phát thanh Little Saigon Radio trưa nay lại có người yêu cầu bài ‘Trở Về Cát Bụi’ của Lê Dinh và Anh Bằng (trưa ngày 2 tháng 10, năm 2006). Thấm thía quá. Các tác giả của bài hát đã diễn tả tuyệt vời ‘Bài Đáp Ca’ trong thánh lễ an táng, và cũng là ‘nhân sinh quan’ trong Đạo Công Giáo: “Đời sống con người chóng qua như cỏ, như bông hoa nở trong cánh đồng…”. Không một người tín hữu nào mà lại chẳng thuộc lời hát này. 

Còn bài hát Trở Về Cát Bụi thì có đại ý: “Sống trên đời này, người giầu sang…Lợi danh quyền quí cao sang. Bạc tiền gấm vóc nguy nga…Tài ba sắc đẹp…Có là chi… Nước trôi qua cầu…Người ơi, đừng vì bạc tiền đánh mất nghĩa anh em, đừng vì lợi danh đánh mất tình vợ chồng… ”

Người bạn tôi vừa qua đời có sức khỏe khá tốt, hai vợ chồng có tài kinh doanh và lại thích kinh doanh. Mười năm trước anh chị đã mua nhiều đất đai ở vùngh Hnạ Thông Tây, SaiGon. Bây giờ thì đất Saigon mắc hạng thứ năm trên thế giới, chắc hẳn bạn tôi lúc này phải giầu có lắm. Con cái thì hai đứa đã được bố mẹ lo sang Mỹ, còn một đứa thì đang du hoc bên Pháp. Cuộc sống của bạn tôi lúc này không phải tiên, nhưng chắc phải thoải mái lắm. Bạn tôi có quá đủ điều kiện để hưu non, để hưởng thụ, để ‘enjoy life’ bù lại những tháng năm vất vả. Còn gì bằng…

Đùng một cái anh ra đi không lời giã từ. Tôi nghẹn ngào xúc động gọi điện thoại về Viêt Nam hỏi thêm tin thì cũng chỉ được biết: 

“Đến giờ này, chưa ai trong gia đình biết rõ nguyên nhân tai nạn gây cái chết. Không biết đụng xe hay bị cướp. Lạy Chúa tôi, thật đau buồn. Cái thằng hiền lành dễ thương quá. Việc gì cũng có mặt với anh em. Bọn mình mất một thằng bạn tốt.”

 

HIỀN LÀNH DỄ THƯƠNG.

LUÔN CÓ MẶT  VỚI ANH EM.

MỘT THẰNG BẠN TỐT.

 

Đó là những điều bạn tôi đã để lại trên đời. Chỉ thế thôi. Không gì hơn.  

Đó là hành trang bạn tôi mang theo trong cuộc hành trình cô đơn. Chỉ thế thôi. Không gì hơn. 

Tôi cầu xin cho những điều ấy được Chúa Dủ Lòng Xót Thương. Chỉ thế thôi. Không gì hơn.

Khi chết, tôi cũng cầu mong cho mình được những điều ấy. Và chỉ thế thôi. Không gì hơn.

Joseph Vũ

VỀ MỤC LỤC
Đã đến lúc cần san định lại kinh sách

 

Đọc kinh lần hạt là một trong những thói quen trong cung cách sống đạo của người Công giáo Việt Nam. Kinh sách chắc chắn đã hình thành từ lâu và theo ý tôi thì hẳn là có ngay từ khi đạo Công giáo được truyền bá vào Việt Nam.  

Trong những dịp vui buồn sướng khổ của các gia đình công giáo, lời kinh tiếng hát lại có dịp vang lên. Trong những dịp vui lớn của gia đình như lễ hỏi, lễ cưới, trước bàn thờ gia đình lung linh rực rỡ ánh đèn, mọi người quây quần đọc vài kinh để cầu nguyện cho đôi uyên ương mãi mãi hạnh phúc bên nhau,  cho hai gia đình thông gia thắm tình nghĩa kết thân, cho họ hàng thân thuộc thay lời chúc tụng. Trong những dịp buồn như có người thân qua đời, mọi người cũng lại tề tựu trước bàn thờ gia đình cầu nguyện cho người quá cố sớm được Chúa cho hưởng phúc trường sinh, cho gia đình bớt đi khổ đau mất mát… Tóm lại là vui cũng đọc kinh, buồn cũng đọc kinh.

Lại nữa, trong lịch sử của Giáo hội Việt nam, trải qua nhiều thăng trầm và cấm cách trong quá khứ, giáo dân vẫn thường giữ đạo bằng cách đọc kinh. Sự kiện La Vang cách đây trên 200 năm tại Quảng Trị cũng ghi nhận Đức Mẹ đoái thương hiện ra yên ủi giáo dân đúng lúc họ đang đọc kinh giữa rừng. Hàng trăm hàng ngàn người trong đó có cả Giám mục. linh mục … bị bách hại vì đạo Chúa, bị giam cầm tra tấn trong chốn ngục tù nhưng không bao giờ rời xa kinh hạt.

Đấy là chưa kể đến những nơi vùng sâu vùng xa hiện nay mà cả năm không có bóng dáng linh mục, thậm chí 30 – 50 năm như một số giáo xứ miền Bắc sau năm 1954 khi đất nước còn chia đôi và kéo dài đến cả sau khi đất nước đã được thống nhất. Tại những nơi khó khăn đó, sống đạo của giáo dân chỉ còn nhờ vào kinh hạt trong khi tụ tập cầu nguyện cũng như trong chốn riêng tư.

Kinh hạt thay cho lời cầu nguyện và cầu nguyện bằng kinh hạt. Có thể nói mà không sợ sai là với giáo dân Việt Nam, đọc kinh chính là cầu nguyện.

Kinh sách Việt Nam thoạt đầu chắc là do các giáo sĩ truyền giáo dịch từ tiếng la tinh ra tiếng Việt, tất nhiên có sự giúp sức của những giáo dân theo đạo. Trải qua một lịch sử có thể nói là khá dài và vẫn còn giữ được những nét ngôn từ thuần tiếng Việt và ít khi sử dụng từ Hán Việt. Kinh sách đang dùng ngày nay được san định lần đầu tiên vào năm 1924 mà công đầu thuộc vể Đức cha Hồ Ngọc Cẩn, lúc ấy ngài chỉ là linh mục thư ký cho Hội đồng Giám mục hoàn toàn là người Pháp. 

Tuy nhiên, cho đến nay, những kinh sách ấy có vài chỗ cần phải xem lại vì ngôn ngữ hiện nay không còn dùng như thế nữa, hoặc là không còn phù hợp với tinh thần của thần học hiện đại xuất phát từ sau Công Đồng Vatican II, hoặc là lối diễn tả khó hiểu …

Tôi xin đơn cử vài ví dụ về những kinh thông dụng vẫn còn được đọc trong các nhà thờ và các gia đình dưới đây.

1.     Kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng có câu “Lạy Thánh Nữ Đồng Trinh Maria hãy hỉ hoan khoái lạc”. Chữ “ khoái lạc” nghe có vẻ trần tục, kém phần thanh nhã.

2.     Kinh Sấp mình có câu “xin Chúa rất nhân từ hãy đoái xem sự nghèo ngặt con”. Chữ “nghèo ngặt” xét về ngữ cảnh của cả lời kinh thì thấy ý nghĩa mơ hồ, không nói lên được “lý do tại sao”  phải “sấp mình”

3.     Kinh Đức Thánh Thiên Thần có câu “Con thân Đức Thánh Thiên Thần…”. chữ “ con thân”  dễ gây hiểu nhầm là “thân thiết, thân mật” không diễn tả được cách xưng hô, chắc là lời kinh muốn nói “Con lạy Đức Thánh Thiên Thần”

4.     Kinh Ông Thánh Phanxicô có câu “xin Chúa hãy nhớ lòng nhân từ Chúa mà che lấp lỗi những kẻ ấy xưa nay đã lạc đàng thờ lạy bụt thần”. Không cần phải lý giải thêm vì nó xúc phạm đến tín ngưỡng của tôn giáo bạn.

5.     Kinh Nghĩa Đức Tin có câu “ai chẳng thông công cùng Hội thánh ấy thì chẳng được rỗi linh hồn”.  Câu này cũng gần giống như một câu trong Kinh Ông Thánh Phanxicô ở trên và không còn phù hợp với tinh thần Công Đồng.

6.     Kinh Đức Chúa Giêsu rất nhân lành ( nhiều nhà thờ còn đọc sau khi rước lễ) có câu “Chúng nó đã lấy đinh sắt mà đóng qua chân tay Tao và kéo giãn cả mình Tao ra đến nỗi đếm được các xương”. Từ ngữ Tao không còn phù hợp.

7.     Kinh Cám ơn thông dụng có câu “Chúa trọng vô cùng cả và trời đất chứa chẳng đủ mà rày ở trong một hình bánh nhỏ làm vậy” và “Chúa các thiên thần hàng chầu trực trên trời mà rày muốn ở trong lòng người ta là loài hèn” và “Chúa rộng rãi vô cùng, hay thương kẻ hèn, hay đổi của trọng lấy của hèn” và “Vậy linh hồn con đã được rước Mình Thánh Chúa con tóm lại mọi sự lành, thì con chẳng còn ao ước sự gì vui vẻ dưới thế gian này làm chi” . Kinh này không còn phù hợp và rất khó sửa.

Tất nhiên là còn nhiều kinh nữa mà tôi không liệt kê thêm e rằng quá dài với một bài “Chia sẻ” vì đây không phải là một bài nghiên cứu tường tận có đầu có đuôi.

Tôi cũng rất mừng là cách đây vài tháng, nghe đâu một cuộc gặp mặt của đại diện giáo dân cả nước đã diễn ra tại Toà Giám mục Thanh Hoá mà một trong những mục tiêu  của cuộc gặp mặt đó là nhằm san định lại kinh sách.

Tôi cầu mong uỷ ban đó sẽ làm việc hết sức cẩn trọng, đúng quy trình và sớm đưa ra những kinh được san định để thử nghiệm và cho giáo dân góp ý trước khi được Hội Đồng Giám Mục Việt Nam chấp thuận.

Nguyễn Thụ Nhân

Gia Lai 30.9.2006

VỀ MỤC LỤC
GIÁO HỘI VIỆT NAM VỚI CÁC CHỦNG VIỆN VÀ HÀNG GIÁO SĨ

 

Tác phẩm ĐÀO TẠO VÀ TỰ ĐÀO TẠO THIÊNG LIÊNG CỦA CÁC LINH MỤC TƯƠNG LAI TRONG BỐI CẢNH VIỆT NAM NGÀY NAY

Nguyên bản tiếng Anh   Lm. Micae-Phaolô TRẦN MINH HUY

Bản dịch Việt ngữ 

Lm. Vincentê Trần Minh Thực, Lm. Gioan Baotixita Nguyễn văn Hào

CHƯƠNG II

GIÁO  HỘI  VIỆT  NAM VỚI CÁC CHỦNG VIỆN VÀ HÀNG GIÁO SĨ

 

A.  Quan Điểm của Các Lãnh Đạo Giáo Hội Việt Nam

Trong quá khứ, theo triết lý chính trị và luân lý Khổng giáo, lòng trung thành với cha mẹ, việc cúng dỗ tổ tiên được xem là một luật lệ bó buộc đối với người Việt Nam. Phật giáo cũng đã có ảnh hưởng rất lớn trong cuộc sống và triết lý dân tộc. Công giáo được tiếp nhận như là một tôn giáo ngoại lai và phải chịu đựng một giai đoạn bách hại khốc liệt kéo dài. Trong suốt giai đoạn đen tối này, hơn một trăm ba mươi ngàn người Công giáo Việt Nam chịu tử đạo và một trăm mười bảy vị đã được phong thánh. Nhưng máu các vị tử đạo đó đã trở thành hạt giống sinh ra các Kitô hữu và đức tin đang đơm bông kết hạt thành tôn giáo lớn thứ hai tại Việt Nam, sau Phật giáo.

Trong hiện tại, đã có một số thay đổi trong mối liên hệ giữa Giáo Hội Công giáo tại Việt Nam và Chính Quyền Cộng Sản. Các Giám Mục Việt Nam, trong những Thư Mục Vụ, đã bày tỏ lòng tin kiên trung vào Thiên Chúa bằng những thái độ lạc quan và nhãn quan mới của mình. Các ngài không còn quá chăm chú vào quá khứ, nhưng nhìn về tương lai với lòng tin tưởng. Các ngài muốn dẫn dắt Dân Chúa hướng đến việc xây dựng cả Quê Hương và Giáo Hội. Trong Thư Mục Vụ 2001, các ngài lên tiếng: “Chúng tôi vui mừng tạ ơn Thiên Chúa Cha vì yêu thương đã ban Thánh Thần Sự Sống đến hoạt động không ngừng trên chúng tôi cũng như trên anh chị em, giúp chúng ta sống đức tin trong từng giai đoạn lịch sử của đất nước.”35

Ta có thể nói rằng các vị lãnh đạo Giáo Hội Việt Nam, theo truyền thống, chú tâm vào Chúa Giêsu, là Đầu của Hội Thánh. Lời khẳng định của sách Khải Huyền vọng lại lập trường của các ngài: “Này đây Ta đổi mới mọi sự” (Kh 21,5). Thánh Phaolô còn nói rõ hơn: “Phàm ai ở trong Đức Kitô đều là thọ tạo mới. Cái cũ đã qua, và cái mới đã có đây rồi” (2 Cr 5,17). Các vị lãnh đạo Giáo Hội Việt Nam muốn tiếp tục tiến trình thay đổi này: một sự thay đổi con tim, tâm thức, cuộc sống và lối sống. Nhưng không phải sự thay đổi, mà tinh thần theo Chúa Kitô mới là vấn đề chủ đạo.

Thực thế, mọi việc Chúa Kitô làm đều mang dấu ấn của thay đổi, thay đổi từ cũ sang mới, từ điều được trông đợi đến điều bất ngờ: Ngài ngồi ăn với người những tội lỗi, nói chuyện với người Xamari, vượt quá luật ngày Xabát, yêu thương kẻ thù, chìa má bên kia và Ngài hy sinh mạng sống vì người khác. Mọi hành động ấy đều là những thay đổi. Qua những thay đổi ấy, Hội Thánh được sinh ra, và hôm nay, cũng qua những thay đổi như thế mà Hội Thánh còn tồn tại và tiếp tục sống động. Luật của sự sống và sinh trưởng là thay đổi, và mỗi chặng đường sinh trưởng của con người đều được ghi dấu bằng những thay đổi quyết định, từ lúc được sinh ra cho đến lúc chết đi.36

Chính trong ánh sáng và tinh thần của sự phát triển mang tính lịch sử như thế mà mọi người có thể hiểu được lập trường của các vị lãnh đạo Giáo Hội Công giáo tại Việt Nam. Các ngài ý thức thực tại mang tính sinh tồn và ưa chuộng một chọn lựa tích cực hơn là một chọn lựa tiêu cực.

Tuy nhiên, người nghiên cứu mời gọi đọc giả nhìn lại những chặng đường lịch sử trên đây để có thêm thông tin về bối cảnh của việc đào tạo thiêng liêng đối với các chủng sinh tại Việt Nam hôm nay. Công việc đào tạo này, vừa khó khăn lại vừa tế nhị, thật quan trọng và có ý nghĩa sống còn đối với Giáo Hội địa phương.

B. Sáu Đại Chủng Viện Cho Giáo Hội Công Giáo Việt Nam

Dưới Chính Quyền Cộng Sản, mọi chủng viện ở miền Bắc, sau năm 1954, và ở miền Nam, sau năm 1975, đều bị đóng cửa: “Đời sống tôn giáo ở Việt Nam chịu sự kiểm soát của luật được thông qua vào năm 1977, được gọi là nghị quyết 297, được cập nhật năm 1986.”37 May thay, với chính sách ĐỔI MỚI, cải cách kinh tế vào năm 1986, người dân được hưởng đôi chút cởi mở, nhưng vẫn còn rất nhiều khó khăn: “Việc xem xét và chấp thuận cho các ứng viên chịu chức và việc chiêu sinh vào chủng viện bị các cơ quan chính quyền kiểm soát. Các cơ quan này cũng kiểm soát việc bổ nhiệm và thuyên chuyển các giáo sĩ.”38

Nhưng rồi, do lời yêu cầu của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, các chủng viện được Chính Quyền cho phép mở cửa trở lại trong những năm từ 1987 đến 1994. Nhưng chính quyền đã hạn chế Giáo Hội Việt Nam với sáu đại chủng viện, hai đại chủng viện cho mỗi giáo tỉnh: Hà Nội và Vinh ở miền Bắc, Huế và Nha Trang ở miền Trung, Thành Phố Hồ Chí Minh và Cần Thơ ở miền Nam. Các đại chủng viện chỉ được phép tuyển sinh hai năm một lần.

Năm 1993, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đã đệ trình đơn thỉnh cầu chính thức xin mở thêm hai đại chủng viện nữa ở Thái Bình, miền Bắc Việt Nam, và Xuân Lộc, miền Nam, nhằm san sẻ gánh nặng đào tạo của hai đại chủng viện tại Hà Nội (cho tám giáo phận) và Thành Phố Hồ Chí Minh (cho sáu giáo phận). Nhưng mãi tới năm 1997, Chính Quyền vẫn chưa trả lời cho lời thỉnh cầu này. Giáo Hội đã chờ đợi với lòng kiên trì và hy vọng, và liên tục lặp lại lời thỉnh cầu này trong nhiều năm.39

Năm 2000, các viên chức có thẩm quyền của Chính Quyền đã chấp thuận cho mở một chi nhánh của Đại Chủng Viện Thành Phố Hồ Chí Minh tại giáo phận Xuân Lộc (giáo phận đông nhất Việt Nam với khoảng một triệu tín hữu). Tuy nhiên, việc mở một đại chủng viện tại giáo phận Thái Bình, ở miền Bắc, như  là một phân hiệu của Đại Chủng Viện Hà Nội, vẫn chưa được chấp thuận. Việc này vẫn còn bị treo lại.40 Nhưng mãi tới năm 2004, chủng viện mới ở Xuân Lộc vẫn chưa được phép mở cửa. Những người có thẩm quyền ở tỉnh Đồng Nai lấy cớ rằng họ chưa quen với việc quản lý một trường tôn giáo như thế!

C.  Khó Khăn Trong Việc Tuyển Nhận và Đào Tạo

     1.  Tiến Trình Tuyển Nhận Chủng Sinh

Thông thường, Văn phòng Ơn gọi của mỗi giáo phận chịu trách nhiệm tuyển chọn các ứng viên tiến tới chức linh mục. Nhưng danh sách các ứng viên phải được Ban Tôn Giáo tỉnh thông qua. Thế nhưng, “sự chấp thuận của chính quyền tuỳ thuộc vào lý lịch cá nhân của ứng viên và quan điểm của ứng viên về đường lối chính trị của Đảng và Nhà Nước.”41 Các nhân viên An Ninh điều tra tỉ mỉ từng trường hợp, và hình thành một hồ sơ cá nhân gồm mọi người thân trong ba thế hệ của đương sự. Dĩ nhiên, thái độ chính trị của đương sự là yếu tố mang tính quyết định nhiều nhất. Có rất nhiều cuộc gặp mặt giữa ứng viên và các nhân viên an ninh, cũng như giữa nhân viên an ninh và gia đình ứng viên. Việc vào Đại Chủng Viện phụ thuộc vào thái độ và sự cộng tác của đương sự, của gia đình đương sự. Linh mục bảo trợ cho ứng viên đó cũng có ảnh hưởng đối với tiến trình này. Dựa vào kết luận của các nhân viên An Ninh, Uỷ Ban Nhân Dân Tỉnh sẽ quyết định “được” hay “không” và gửi cho Giám Mục văn thư về quyết định của họ. Chỉ những ứng viên được Chính Quyền chấp thuận mới được vào  Đại Chủng Viện.

       2. Các Nhà Đào Tạo Và Việc Đào Tạo

Cũng tương tự như vậy, tất cả những ai làm việc trong chủng viện, giám đốc, các nhà đào tạo và các giáo sư, thậm chí cả các giáo sư thỉnh giảng và các thuyết trình viên, cũng phải được Ban Tôn Giáo Trung Ương cho phép. Nội dung và chương trình đào tạo cũng phải được cơ quan này xem xét kỹ lưỡng và chấp thuận. Bên cạnh đó, viên chức chính quyền sẽ dạy cho các chủng sinh môn “Giáo Dục Công Dân,” bao gồm cả lịch sử Việt Nam và lịch sử Đảng Cộng Sản, Chủ Nghĩa Mác-Lênin, Chính Sách và Pháp Luật của Đảng và Nhà Nước.42 Môn giáo Dục Công Dân kéo dài suốt cả bảy năm của quá trình đào tạo, và tuỳ thuộc vào cả Giáo Hội và Chính Quyền địa phương: tối thiểu là trên một trăm hai mươi tiết, và tối đa là gần năm trăm tiết được dành cho môn “Giáo Dục Công Dân.”     

D. Hội  Nghị Các Đại Diện Chủng Viện Hai Năm Một Lần

      1. Hoạt Động Của Các Đại Diện Tại Các Cuộc Họp

Dù có nhiều khó khăn, việc đào tạo linh mục tại Việt Nam cho thấy có nhiều hứa hẹn. Các cấp chính quyền đã cho phép các đại diện thường trú của sáu đại chủng viện được tổ chức họp mặt hai năm một lần, luân phiên tại sáu đại chủng viện. Các cấp chính quyền cho những cuộc họp mặt này một  tầm quan trọng đặc biệt khi nhận ra rằng các chủng viện đang đào tạo những nhà lãnh đạo tương lai cho Giáo Hội.

Trong những cuộc họp mặt này, các vị đại diện chủng viện nhìn lại những gì đã diễn ra qua việc xem xét những báo cáo thường niên của mỗi chủng viện. Các ngài suy nghĩ và thảo luận về một trong bốn chiều kích của Pastores Dabo Vobis (nhân bản, thiêng liêng, tri thức và mục vụ). Các tham dự viên cũng chia sẻ một số những khó khăn mà các ngài trải nghiệm trong những khía cạnh khác nhau của việc đào tạo tại chủng viện. Qua những chia sẻ và những tương tác như thế, các ngài nâng đỡ và khích lệ lẫn nhau trong sứ vụ khó khăn này. Sau những cuộc họp mặt này, các nhà đào tạo nắm bắt và lượng định một cách rõ ràng hơn những nhu cầu cụ thể của việc đào tạo ở chủng viện đối với mỗi Giáo Hội địa phương. Những nhu cầu này sẽ được ưu tiên tuỳ theo mức độ cấp thiết.

         2.    Đề Nghị của Các Đại Diện Đối Với Chính Quyền

Trong những cuộc họp mặt này, một phái đoàn của Ban Tôn Giáo Trung Ương và Ban Tôn Giáo tỉnh tới thăm và nói chuyện với các tham dự viên. Các tham dự viên trình bày cho phái đoàn này những kiến nghị. Những kiến nghị đó bao gồm: giảm thời gian dành cho môn giáo dục công dân, xoá bỏ việc hạn chế con số các ứng viên vào chủng viện, và xoá bỏ việc thẩm tra lý lịch những chủng sinh tốt nghiệp chủng viện.

Các ngài cũng trình bày với phái đoàn của chính quyền một số đề xuất như: mỗi giáo phận được phép mở một nhà đào tạo tiền chủng viện; các giáo phận được phép tuyển lựa các ứng viên hằng năm thay vì hai năm một lần; có thêm một năm nữa cho tiến trình đào tạo tại chủng viện để dành cho việc thực tập mục vụ; cuộc họp mặt các nhà đào tạo mở rộng ra với cả đội ngũ giảng dạy không thường trú tại chủng viện; xoá bỏ việc những ai tới dạy chủng viện phải được chính quyền chấp thuận trước; và các linh mục và những vị dạy tại chủng viện được theo học những khoá dài hạn hoặc cập nhật ở ngoại quốc.

Các ngài cũng bày tỏ hy vọng thường xuyên nhận được các tài liệu của Toà Thánh; rằng thủ tục nhập cảnh sách vở và báo chí dùng trong chủng viện được đơn giản hoá. Các ngài cũng quan tâm lo lắng về sự trì hoãn chấp thuận cho mở phân hiệu của chủng viện Thành Phố Hồ Chí Minh, và cần tạo nhiều điều kiện thuận lợi để mời những người Việt Nam ở hải ngoại và các giáo viên người nước ngoài tới dạy hoặc thuyết trình tại các chủng viện.43

       3.   Đề Nghị Của Các Đại Diện Với Lãnh Đạo Giáo Hội

Đối với các vị lãnh đạo Giáo Hội, đại diện các chủng viện cũng trình lên những mong đợi. Các ngài xin các Giám Mục làm cho toàn thể mọi người Công giáo, đặc biệt là các cha xứ, ý thức được rằng mọi thành phần Hội Thánh đều có trách nhiệm trong công tác đào tạo các linh mục tương lai, bao gồm cả việc thực tập mục vụ của các chủng sinh.

Nhu cầu khẩn thiết hiện nay là cần nhiều nhà đào tạo chất lượng, và nhu cầu cho các nhà đào tạo nâng cao kiến thức của mình qua việc trao đổi giữa Giáo Hội Việt Nam với các Giáo Hội trong khu vực, và bằng các cuộc hội thảo cũng như các khoá đào tạo ngắn hạn, cũng được đề xuất.44

E. Then Chốt Của Vấn Đề Thiếu Người Đào Tạo

   1.  Thực Tế Đòi Hỏi Nhiều Nỗ Lực Hơn

Chất lượng của việc đào tạo linh mục phụ thuộc phần lớn vào chất lượng của các nhà đào tạo, đặc biệt là các nhà đào tạo thường trú trọn thời gian. Mọi Đại Chủng Viện ở Việt Nam đều đang cảm nghiệm sự thiếu hụt trầm trọng các nhà đào tạo thường trú trọn thời gian. Các thống kê năm 1997 đã cho thấy rằng tổng số các giáo viên và các nhà đào tạo trọn thời gian và bán thời gian tại sáu đại chủng viện thay đổi trong khoảng sáu mươi đến bảy mươi, bao gồm cả những vị thuộc các dòng tu. Hiện tại, hầu hết các giáo viên ở ngoài chủng viện, hoặc có trách nhiệm mục vụ tại các giáo xứ. Số lượng các nhà đào tạo thường trú trọn thời gian thật quá ít. Đại Chủng Viện Thành Phố Hồ Chí Minh có mười một vị, Huế và Cần Thơ mỗi nơi có bảy vị, Nha Trang có bốn vị, Vinh Thanh và Hà Nội mỗi nơi có ba vị.45

Hậu quả xa hơn của tình trạng thiếu hụt những nhà đào tạo có chất lượng ảnh hưởng tới cả kiến thức và công việc đào tạo thiêng liêng của các chủng sinh; đặc biệt, nhu cầu về mối tương giao và đối thoại giữa các vị thầy và chủng sinh bị xem nhẹ. Nghĩa là các vị thầy không có cả thời gian cũng như nghị lực để lắng nghe, để biết và cảm thông, và để cung cấp những ý kiến khôn ngoan cho các chủng sinh; rốt cuộc các chủng sinh bị tước mất nhu cầu chia sẻ và trình bày những vấn đề thực tế và phức tạp của họ.

      2. Giải Pháp Hiện Tại và Hy Vọng ở Tương Lai

Như ngạn nhữ Việt Nam có câu “Lá lành đùm lá rách, lá rách ít đùm lá rách nhiều hơn”: Các Đại Chủng Viện có nhiều giáo viên hơn gửi giáo viên tới giúp những chủng viện đang có nhu cầu lớn hơn. Chắc chắn vấn đề nhân sự sẽ được giải quyết trong tương lai gần. Khoảng năm mươi linh mục đang học tại Rôma, Paris, Philippines, Hoa Kỳ và những nơi khác. Hy vọng rằng các vị đó sẽ gia nhập đội ngũ giảng dạy ở các chủng viện khác nhau. Mọi thành phần Dân Chúa ở Việt Nam đều tri ân nhiều tổ chức, hiệp hội, đại học và học viện thuộc Hội Thánh Toàn Cầu vì sự nâng đỡ và trợ giúp quảng đại trong công tác sắp xếp nơi ăn chốn ở và tạo điều kiện thuận lợi cho công việc học tập của các nhà đào tạo chất lượng cao trong tương lai. Tác giả cũng xin được bày tỏ lòng biết ơn sâu xa đối với Học Viện Đời Sống Thánh Hiến tại Á Châu (Institute for Consecrated Life in Asia) và Ban Giám Đốc, vì sự  nâng đỡ đặc biệt đối với mình.

F.  Nhìn Tổng Quát về Các Chủng Sinh Việt Nam  

    1. Mong Chờ Và Hy Vọng Của Gia Đình Chủng Sinh

Người Việt Nam rất sùng đạo và nhiệt thành. Họ hết lòng kính trọng hàng giáo sĩ, các nam nữ tu sĩ, không chỉ trong phạm vị tôn giáo mà cả ngoài xã hội nữa. Ngay cả hôm nay, các quan chức cộng sản cũng nhận định rằng một linh mục là một công dân đặc biệt, vì vị linh mục có hàng ngàn tín hữu sau lưng mình.

Vì thế, chức linh mục trở thành một địa vị và một sự thăng tiến xã hội, không chỉ cho chính vị linh mục, mà còn cho cả gia đình và họ hàng thân thuộc. Vị linh mục sẽ được dân chúng kính trọng và vâng phục, được hưởng một cuộc sống an toàn và dễ dãi, v.v… Một khi người con trai chịu chức linh mục, gia đình của ngài sẽ được hưởng vinh quang và danh dự, nhờ vị linh mục mà gia đình ngài được kính trọng ở mọi nơi. Điều này đang là một thử thách đối với ơn gọi đích thực và sự bất lợi tai hại của lòng kính trọng thái quá này đối với hàng giáo sĩ và các chủng sinh là biến họ thành những kẻ quan liêu và độc đoán.46

Nhiều khi, những mối lợi mang tính cá nhân hay gia đình như thế thúc ép người thanh niên trẻ hướng tới chức linh mục. Một số các bậc cha mẹ vì không thành công trong việc theo đuổi ơn gọi tu trì hay ơn gọi linh mục, nên mong đợi được thấy lý tưởng và hình ảnh của mình được thực hiện nơi con cái. Họ gây áp lực buộc con cái dấn thân vào đời sống tu trì hay đời sống linh mục, dù con cái họ không có ơn gọi đó.

Dĩ nhiên nhiều gia đình Công giáo dâng hiến con trai con gái mình cho Thiên Chúa thông qua Hội Thánh mà không hề thèm muốn danh vọng, và nhiều ứng viên quảng đại đáp lại lời mời gọi của Thiên Chúa.

Là nền tảng của xã hội, là cái nôi của sự sống và là nhà sư phạm đầu tiên, gia đình có thể là một nguồn nước trong lành và cũng có thể là trở lực đối với những ơn gọi đích thực. Do vậy, trách nhiệm của Giáo Hội là biện phân và thanh luyện những động lực ấy, vào thời điểm thu nhận cũng như trong tiến trình đào tạo.

      2. Chủng Sinh Ngoại Trú hoặc Không Chính Thức

Vì thiếu tiểu chủng viện, công tác chuẩn bị và chất lượng của ơn gọi linh mục gặp phải nhiều vấn đề. Chú tâm vào vấn đề này, cuộc họp mặt các đại diện chủng viện vào năm 1996 đã đề nghị mở những trung tâm đào tạo tiền chủng viện nhằm chuẩn bị kỹ càng hơn cho các ứng sinh vào đại chủng viện.47 Tiếc thay, cho tới nay, đề nghị này chưa nhận được lời đáp từ phía Chính Quyền.

Một số giáo phận đã tiến hành công việc này một cách không chính thức. Những giáo phận này đã có những nỗ lực đáng khâm phục nhằm đào tạo các ứng sinh tiền chủng viện, những người được gọi là các chủng sinh ngoại trú hoặc không chính thức. Họ thuộc trách nhiệm của một hoặc vài linh mục giáo phận. Những vị này cùng đồng hành với họ. Các chủng sinh như thế sống tại các thành phố nơi có những trường đại học, nhờ thế họ có thể theo học, ví dụ như các giáo phận Kontum, Hưng Hoá.48 Những nỗ lực này đã mang lại những kết quả khả quan cho tiến trình đào tạo. Mọi nhà đào tạo đều nhận thấy rằng các chủng sinh này trưởng thành hơn về phương diện cá nhân cũng như cộng đoàn.

    3. Đòi Hỏi Của Giáo Hội Và Khó Khăn Của Ứng Sinh

Các giáo phận có một số tiêu chuẩn đối với các ứng sinh chủng viện. Họ phải tốt nghiệp trung học, đã tham gia vào nhóm tu sinh giáo phận, và ghi danh vào danh sách chờ đợi lâu dài. Các giáo phận cũng yêu cầu các ứng sinh trải qua thời gian vài năm đào tạo tiền chủng viện tại giáo phận trước khi vào đại chủng viện. Các bạn trẻ này cũng phải tốt nghiệp đại học, có bằng cấp. Đòi hỏi này gây ra một số thử thách cam go cho các ứng sinh và gia đình ứng sinh. Nhiều người trong số họ xuất thân từ các giáo xứ nông thôn, nhưng lại phải sống ở thành phố đề có bằng đại học. Phần đông các ứng sinh sống trong các căn phòng đông người tại thành phố. Số khác sống với các gia đình Công giáo hoặc không Công giáo tại đô thị.

Tất cả những nhân tố này gây ra những khó khăn về tài chính cho nhiều ứng sinh xuất thân từ các gia đình nghèo. Nhiều gia đình nông thôn phải bán đi bất cứ sản phẩm nào có thể nhằm duy trì ơn gọi của con trai mình.49 Nhiều ứng sinh phải tự mình đảm đương gánh nặng tài chính bằng cách đi dạy kèm, hoặc tìm kiếm người bảo trợ. Lối sống và việc có ân nhân riêng này thường gây nên những vấn đề tế nhị và hậu quả bất lợi.50

Số phận của họ cũng không chắc chắn do sự hạn chế của chính quyền đối với việc tuyển sinh vào chủng viện. Nhiều người trong số họ chờ đợi với niềm hy vọng và lòng kiên trì để vào đại chủng viện một cách chính thức; nhiều người không thể chờ đợi lâu hơn nên lập gia đình. Ngày nay, nhiệm vụ chuẩn bị cho các chủng sinh tiến tới chức linh mục ở Việt Nam quả là không dễ dàng gì!       

  4.  Vấn Đề Tuyển Sinh Và Thủ Tục Vào Chủng Viện

        a.  Số Chủng Sinh Bị Hạn Chế

Thật đáng mừng là con số các bạn trẻ khao khát trở thành linh mục vẫn không ngừng gia tăng. Một con số lớn các tu sinh hy vọng có tên trong danh sách chờ đợi để rồi được Đức Giám Mục giáo phận lựa chọn. Nhưng sau cùng chỉ một nhúm nhỏ được chọn lựa vào chủng viện, vì mỗi giáo phận chỉ được chấp nhận mười ứng sinh, con số này do Chính Quyền cho phép.

           b. Chất Lượng Thấp về Trình Độ Trí Thức

Một vấn đề nữa là chất lượng của các dự tu. Ở Việt Nam có rất nhiều ơn gọi hướng tới đời sống linh mục và tu trì, đó là một dấu chỉ hứa hẹn đối với việc canh tân sứ mạng của Hội Thánh. Nhưng ngày nay cũng có ít ơn gọi nơi những thành phố giàu có; phần đông các dự tu xuất thân từ những vùng nông thôn. Nhiều người trẻ ở nông thôn không thể thường xuyên đến trường do hoàn cảnh nghèo khổ hoặc họ phải lao động để giúp đỡ gia đình. Họ có thể học bổ túc để đạt được bằng cấp tương đương, nhưng chất lượng của việc học hành như thế thường là thấp. Điều đó làm cho họ mất cơ hội vào đại học để có bằng đại học như Giáo Hội địa phương đòi hỏi.

       c. Vấn Đề Mối Liên Hệ và Đời Sống Độc Thân              

Các ứng sinh buộc phải có một nền tảng gia đình tốt đẹp, một sức khoẻ tốt và khả năng sống đời độc thân, khi sống với hoặc sống gần cha xứ, cha xứ biết rõ về họ nhằm giúp họ đạt được một sự trưởng thành nhất định trong đời sống thiêng liêng.51 Điều này thật dễ dàng nơi chính giáo xứ của đương sự, nhưng lại khó khăn và không hiệu quả nơi các thành phố đông người, nơi mà ngoài các bức tường nhà mình không ai biết ai. Tình trạng này đặt ra nhiều vấn đề và nhiều biến động cho các ứng sinh khi họ hoàn tất chương trình đại học. Tình trạng khó kiểm soát này tạo nên nhiều đấu tranh và nhiều vấn đề cho các công dân trẻ mới tới đô thị, đặc biệt là trong mối liên hệ với người khác phái.

Ngạn ngữ Việt Nam có câu “Lửa gần rơm lâu ngày sẽ cháy.” Không ai đi trách lửa hay rơm về chuyện chúng đốt cháy hay bị đốt cháy, đúng hơn phải trách kẻ đặt rơm gần lửa. Nhiều trường hợp cần một sự biện phân chặt chẽ về lương tâm. Đối với một số ứng sinh, để tiến bước trong con đường ơn gọi cần phải có lòng can đảm, nhưng dừng lại và thay đổi hướng đi trong cuộc sống còn đòi hỏi can đảm nhiều hơn. “Buộc phải có một sự lưu tâm đặc biệt trong việc biện phân ơn gọi của những trường hợp này.”52

Tuy nhiên, may thay, cuộc sống giữa muôn màu phức tạp của xã hội trần thế cũng khiến cho các ứng sinh khác lớn lên trong việc xác định ơn gọi của mình, cả về đời sống nhân bản lẫn tình cảm.

      d. Khiếm Khuyết Mang Tính Xã Hội: Gian Lận và Thiếu Lương Thiện

Một khiếm khuyết, một hiện tượng tiêu cực đang phổ biến trong các trường học là tính gian lận và thiếu lương thiện trong thi cử, thậm chí còn có cả chuyện mua bán bằng giả. Dưới sức ép này, nhiều sinh viên phải vật lộn với chuyện học hành và nhiều sinh viên tốt nghiệp phải đối mặt với nạn thất nghiệp.

Bên cạnh hạn chế do chính quyền áp đặt, các ứng sinh tốt nghiệp đại học trong một danh sách dài của những người chờ đợi còn phải qua một kỳ thi viết để được Giáo Hội lựa chọn. Khát vọng này đưa đẩy một số ứng sinh vào con đường phạm lỗi (gian lận và thiếu lương thiện) bằng việc dùng những tài liệu tham khảo bị cấm khi viết bài thi vào chủng viện. Lương thiện là một đức tính quan trọng nhất đối với một linh mục và ta không thể dung thứ một thói xấu như thế nơi các ứng sinh, những người trong tương lai sẽ là những nhà lãnh đạo tôn giáo. Do vậy, vị phụ trách ơn gọi của giáo phận loại bỏ một số ứng sinh ra khỏi danh sách những ứng sinh đã vượt qua kỳ thi để trình lên chính quyền chấp thuận, mặc dù con số chủng sinh bị chính quyền hạn chế và tình trạng thiếu hụt linh mục trầm trọng.53 Đây là một giải pháp hay. Nhưng còn bao nhiêu ứng sinh đã phạm những lỗi lầm tương tự mà không bị bắt quả tang?

     e. Thương Lượng Tế Nhị

Một vấn đề khác nảy sinh từ việc chính quyền đòi hỏi các ứng sinh phải được họ đánh giá là chấp nhận được. Sự chấp nhận của chính quyền tuỳ thuộc vào lý lịch cá nhân và quan điểm chính trị của ứng viên. Có những điều kiện tế nhị nào như là lý do dẫn đến việc từ chối hay chấp thuận không? Các vị có thẩm quyền trong Giáo Hội đã làm gì để bảo vệ các ứng sinh của mình bằng mọi giá? Phải làm gì đối với những ứng sinh được Giáo Hội đánh giá là phù hợp, nhưng lại bị Nhà Nước từ chối không chấp thuận?  Liệu Giáo Hội có thể tìm cách “xuất khẩu” họ tới những nước Công giáo đang cần ơn gọi, như kiểu Chính Quyền xuất khẩu lao động hay không?

      f. Chủng Sinh Tốt Nghiệp Và Chức Linh Mục

Các Giám Mục phải có giấy phép của Uỷ Ban Nhân Dân Tỉnh mới được truyền chức cho các chủng sinh đã tốt nghiệp. Trước khi được chấp thuận, mỗi ứng viên lại bị thẩm tra lại. Đòi hỏi hiện nay là Giám Mục phải đệ trình Chính quyền một danh sách những người ngài muốn truyền chức linh mục. Một vài ứng viên trong số này không nhận được giấp phép cần thiết; một số khác phải chờ đợi lâu dài.

Vì thế, các đại diện chủng viện yêu cầu các phái đoàn chính quyền “xoá bỏ việc thẩm tra lý lịch những người đã tốt nghiệp chủng viện để xác định tính thích hợp của họ đối với việc truyền chức linh mục.”54 Hy vọng rằng Pháp Lệnh mới về Tôn Giáo,55 có hiệu lực từ 15-11-2004, hứa hẹn sẽ làm cho vấn đề này trở nên dễ dàng hơn. Hãy chờ xem. 

G. Tình Trạng Hiện Nay của Các Linh Mục Việt Nam

      1. Cái Nhìn Tổng Quát

Các linh mục ở Việt Nam hôm nay hoà điệu hơn với cuộc sống và những vật lộn của người bình thường, nhưng họ phải giữ khoảng cách với những lôi cuốn của thế gian, ngay cả khi cố gắng hiện diện giữa trần gian. Theo Đức Cha Gioan Bùi Tuần, họ có thể đối diện nhiều hơn với cô đơn, stress, cám dỗ, áp lực và phê bình. Có thể họ còn phải đương đầu với sự gia tăng những vui thú thế tục, những thứ có thể phương hại tới đời sống nội tâm và đời sống tôn giáo của họ. Nền kinh tế phát triển theo định hướng thị trường và nền văn hoá tiêu thụ cũng đang ảnh hưởng tới đời sống linh mục. Người giáo dân có học, cách riêng là người trẻ, không còn kính trọng linh mục như trước đây. Điều này phần lớn là do lối sống của một số linh mục với kiểu cư xử hách dịch và tìm kiếm quyền lực.56

      2. Những Khía Cạnh Tích Cực

Theo Đức Cha Phaolô Tịnh Nguyễn Bình Tĩnh, một đàng, họ ý thức rõ hơn về những giá trị dân chủ và những quyền lợi công dân. Họ có cảm thức mạnh mẽ về tình huynh đệ và liên đới với mọi người, dù cho khoảng cách giữa ý thức và đời sống hằng ngày vẫn còn đó. Dù sao, họ cũng sống gần gũi với quần chúng hơn lớp linh mục đàn anh. Hiện nay họ sống và phục vụ trong một môi trường có nhiều quyến rũ và cám dỗ hơn trước đây. Đồng thời, mọi người mong đợi họ cố gắng hết sức để góp phần thánh hoá thế giới, và làm cho thế gian tốt đẹp hơn, nhân bản hơn, một thế giới nơi con người đối xử tốt hơn và tôn trọng lẫn nhau vì lẽ công bằng.

Đàng khác, họ ý thức rõ hơn rằng loan báo Tin Mừng không còn là trách nhiệm của riêng họ, vì thế họ phải được huấn luyện để làm việc cùng giáo dân và các linh mục khác. Họ cần học lắng nghe người khác, chia sẻ trách nhiệm với người khác, và hành động như những nhà lãnh đạo với tinh thần phục vụ được Tin Mừng hướng dẫn. Họ cần tránh làm thay nhiệm vụ người khác hay áp đặt ý mình trên người khác. Họ cần phải học cách đối thoại với   Giám Mục của mình, không phải là miễn cưỡng như trước đây. Họ cũng phải học đối thoại với con người thuộc mọi lĩnh vực cuộc sống: không Kitô giáo, các tôn giáo khác, ngay cả những người thù ghét tôn giáo.57

      3. Những Khía Cạnh Tiêu Cực

Nhưng có một số hiểm nguy đe doạ cuộc sống của các linh mục ở Việt Nam hôm nay. Đề cập tới những vết đen nghĩa là nhằm làm cho các linh mục và những ai đang tiến tới chức linh mục ý thức rõ hơn những hiểm nguy này.

Một vết đen là cơn khát quyền lực. Điều này được biểu hiện trong thái độ độc đoán trong những tác vụ mục vụ và những việc làm đầy tham vọng. Khi tìm kiếm quyền bính, một linh mục có thể dựa trên một nền tảng quyền lực nào đó. Tuy nhiên, sau khi đã đạt được quyền lực đó, ngài lại sợ rằng quyền bính của ngài sẽ bị chia sẻ  hay giảm bớt, vì thế ngài chiếm độc quyền công việc và từ chối chia sẻ trách nhiệm với bất cứ ai khác.

Một vết đen khác có thể là xu hướng tìm kiếm đời sống tiện nghi, dễ dãi và giàu sang cách thái quá. Sự thật là ngày nay một số linh mục không thể chịu đựng được cuộc sống thiếu tiện nghi vật chất, vì thế các ngài kiếm tiền và tích luỹ cho tương lai. Dĩ nhiên, chúng ta không vui gì khi một linh mục phải chịu đựng những điều kiện sống quá nghèo khổ, thậm chí không thể thoả mãn những nhu cầu thiết yếu. Nhưng các linh mục không được phép quên rằng chức linh mục không bao giờ được xem như là một nấc thang tiến thân.58 Hầu hết hàng giáo sĩ xuất thân từ những gia đình khiêm tốn trong xã hội. Lòng tham và keo kiệt sẽ làm khô cứng trái tim linh mục trước ân sủng của Thiên Chúa và nỗi khốn cùng của người khác.

Hơn nữa, hàng giáo sĩ ngày nay đang mở ra với xã hội và dấn thân vào xã hội, vì thế họ có nhiều cơ hội cùng làm việc với phụ nữ. Xu hướng tìm kiếm cuộc sống dễ dãi và tiện nghi có thể dẫn đến việc lo tìm sự thoải mái và lạc thú, đặc biệt khi họ vẫn còn mang một quan niệm kém phát triển về những đòi hỏi của đời sống độc thân. Một số linh mục xem chuyện quan hệ với phụ nữ là chuyện bình thường; những hình ảnh khoả thân và tài liệu khiêu dâm không còn là khu vực cấm kỵ nữa. Đến nay người ta còn tin tưởng các linh mục vì chức thánh và bản chất các ngài như là những con người đức hạnh và những con cái mẫu mực của Thiên Chúa. Trong những trường hợp mà các linh mục phạm lỗi trầm trọng, người tín hữu đến với các ngài vì bó buộc, chứ không phải vì họ tin các linh mục đó. Các linh mục đó chỉ được xem như là những “công chức” phân phát các ân huệ bí tích của Thiên Chúa.

Nhờ ơn Chúa, hầu hết các linh mục Việt Nam vẫn sống theo tinh thần của đời sống độc thân.59 Những vấn đề chỉ trích phê bình hiện tại mà các linh mục phải đối mặt thẳng thắn sẽ thử thách sự trưởng thành thiêng liêng, lòng khiêm tốn, đức thanh bần và vâng phục của các linh mục hiện tại và tương lai.

    4. Viễn Ảnh Đào Tạo Chủng Sinh

Bằng lòng tin tưởng vào ơn Chúa, ta mang trong tâm tưởng mình tầm nhìn mang tính đào tạo đối với các chủng sinh. Vì tất cả những lý do trên đây, các chủng viện phải đào tạo nơi các ứng sinh cả các đức tính tự nhiên và thiêng liêng. Một cách cụ thể, công cuộc đào tạo phải giúp họ phát triển một cá tính mạnh mẽ, và trở nên những con cái nhiệt tình của Thiên Chúa, những người sống đúng theo những giáo huấn của Chúa Giêsu.

Về mặt nhân bản, các ứng sinh có thể đưa ra những phán đoán lành mạnh, có thể lắng nghe và đối thoại với mọi người, và có ý chí mạnh mẽ. Họ cũng có thể hướng dẫn mọi người trong tinh thầnh phục vụ mọi người, tôn trọng mọi người, và mở ra với mọi giá trị tốt đẹp (bất kể nguồn gốc).

Về đời sống thiêng liêng, họ cần phải ngoan ngoãn đối với Thiên Chúa qua cầu nguyện, và cần sẵn sàng thi hành ý Chúa trong mọi biến cố lớn nhỏ của đời sống tôn giáo, của xã hội và của thời đại. Họ cần cư xử nhẹ nhàng và kỷ luật, chăm chỉ và vui vẻ. Đặc biệt, họ cần có mối liên hệ mật thiết với Chúa Giêsu mọi nơi mọi lúc. Không hề có ảo tưởng, họ cậy dựa vào lòng nhân từ và ân sủng của Thiên Chúa, hoàn toàn lệ thuộc vào sức mạnh của Chúa Thánh Thần.

Cón tiếp nhiều kỳ
 

VỀ MỤC LỤC
Cơn Ðau Thể Chất

 

Câu Chuyện Thầy Lang

Bác sĩ Nguyễn Ý-Ðức

Tại Hoa Kỳ, có nhiều tổ chức y khoa chuyên nghiên cứu về vấn đề Ðau Nhức Cơ Thể vì đây là một trong mấy rối loạn sức khỏe thường xẩy ra. Các tổ chức này đã phát động một chiến dịch để thỉnh cầu chính quyền các tiểu bang thừa nhận tháng 9 mỗi năm như là thời gian để mọi người ý thức được sự trầm trọng của niềm đau thể chất.  Ðồng thời họ cũng khuyến khích người cung cấp dịch vụ y tế gia tăng các phương thức điều trị để giảm khó khăn cho bệnh nhân.

Cùng khi đó, vào tháng 3 năm 2005, dân biểu Mike Rogers đã đệ trình Hạ Viện Hoa Kỳ dự luật HR 1020 National Pain Care Policy Act of 2005, nhằm thúc đẩy chính quyền thành lập một Trung Tâm Quốc Gia về Ðau Nhức cũng như tăng cường sự hướng dẫn, nghiên cứu, điều trị Cơn Ðau. Dự Luật được thảo luận vào ngày 14 tháng 9 năm 2005.

Coi vậy ta thấy những cơn Ðau Thể Chất vẫn là một một ám ảnh lớn của người bệnh. Vấn đề rõ ràng hơn nhất là trong thời gian vừa qua, một vài loại thuốc chống đau đã được rút khỏi thị trường sau khi có những nhận xét nghiêm khắc về tác dụng xấu của chúng.

Ngoài ra, đã có một thời kỳ, giới y tế cũng như công chúng đã không để ý nhiều tới sự điều trị và nghiên cứu về cảm giác đau của cơ thể khi bệnh hoạn thương tích. Nhiều trường họp đau vì ung thư hoặc đau cận tử đều không được chữa tới nơi tới chốn.Ðây là một thiều sót lớn của y giới vì điều trị Ðau Nhức một cách hữu hiệu là một phần rất quan trọng trong việc chăm sóc bệnh nhân.

Vậy xin cùng tìm hiểu về những Cơn Ðau Thể Chất này.

Ðau là gì?

Tự điển tiếng Việt định nghĩa Ðau là “trạng thái khó ở, nhức nhối về thể chất gây ra do thương tích và bệnh tật”.

Năm 1968, tác giả M. McCaffery định nghĩa “Ðau là bất cứ cái gì khó chịu mà nạn nhân nói ra và ở nơi nào mà họ chỉ”

Năm 1979, Hội Quốc Tế Nghiên Cứu về Ðau định nghĩa: “Ðau là một kinh nghiệm khó chịu về cảm giác và xúc động gây ra do thương tích của tế bào hoặc được biểu lộ qua tình trạng hư hao của các tế bào”.

Còn Plato phát biểu bao quát hơn “Ðau là cái gì liên can tới thể chất nhưng cũng nói lên kinh nghiệm khó khăn về tinh thần”.

Về y học, Ðau là phản ứng của cơ thể trước một kích thích.

Kích thích được dây thần kinh ngoại vi tiếp nhận, truyền vào tủy sống rồi đưa lên phần Thalamus của não bộ, nơi mà cảm giác đau được phát hiện. Sau đó Thalamus lại chuyển tín hiệu đó tới vùng não trách nhiệm về cảm giác thể chất, cảm giác xúc động và sự suy tư. Não sẽ đưa ra biện pháp đối phó, thích nghi, cũng như tiết ra những hóa chất làm dịu cơn đau hoặc báo động sự  hiểm nguy. Do đó con người có phản ứng khác nhau với sự đau.

Có người đau nhiều, người đau ít, có người tức giận có người thản nhiên. Cơn đau của Thiên Ðầu Thống chắc làm ta chú ý và phản ứng nhiều hơn là đau khi cắt quả táo mà lưỡi dao sắc lẹm nhẹ vào da.

Cường độ cảm giác đau cũng thay đổi tùy theo nhiều yếu tố.

Yếu tố từ con người như tâm trạng, thái độ đối với đau; kỷ niệm đau trong quá khứ; trình độ học vấn và giai tầng trong xã hội, tuổi tác và giống tính.

Một em bé chưa đi nha sỹ bao giờ mà chỉ nghe bạn bè kháo nhau “ông ấy khoan răng tao đau quá trời chúng mày ơi”, thì chắc sẽ khóc thét khi chỉ mới nhìn thấy ông bà nha sĩ.

Một lực sĩ chú tâm biểu diễn chắc có thể tỉnh bơ, cắn răng chịu đựng khi mũi giầy vấp vào vật cứng. Tâm trạng sợ hãi, mệt mỏi trầm buồn làm tăng cảm giác đau. Cũng như câu nói ‘Công chúa đứt tay khóc la như thợ cầy bị sừng trâu nhọn hoắt húc lòi ruột ra ngoài”.

Các sự việc này khiến ta liên tưởng tới khái niệm “ngưỡng cửa ” về cảm giác đau (Pain Threshold), một giới hạn dưới đó ta tỉnh bơ với kích thích, với tác nhân gây đau.

Người có tín ngưỡng mạnh coi sự đau đớn như trừng phạt của Thương đế với tội lỗi của mình thì cũng chịu đựng được sự đau đớn.

 Rồi lại còn yếu tố tập tục văn hóa khích lệ con người trai lỳ, ngậm bồ hòn làm ngọt “Bite the Bullet” trước cơn đau để biểu dương nhân cách cang cường.

Cảm giác Ðau hoàn toàn có tính cách cá nhân, chủ quan, không đo lường được nên chỉ có đương sự mới diễn tả được đau ở đâu, đau khi nào, đau nhiều hay ít. Do đó không ai có thể cảm thấy cái đau của người khác cũng như cơn đau của mỗi người mỗi khác. Và người chăm sóc phải luôn luôn coi lời than phiền là có thực, mà chẳng nên phủ nhận “rõ thực chỉ giả vờ” hoặc đánh giá thấp khó khăn của người bệnh.

Ðã có nhiều đề nghị thêm cảm giác Ðau vào Bốn Dấu Hiệu  Sinh Tử Vital Signs được y học dùng từ nhiều thế kỷ để xác định tình trạng sức khỏe xấu tốt. Ðó là huyết áp, nhịp tim, nhịp thở và nhiệt độ. Theo các giới chức này, Ðau là một dấu hiệu của bệnh tật và có thể được y giới dùng để ước lượng sự khỏe mạnh hoặc đau yếu của con người.

Với người lớn tuổi, hiện nay có một Thang Số Number Scale đánh số từ số 0 là không đau đến số 10 là đau nhiều nhất. Bệnh nhân sẽ được hỏi và ghi mức độ đau theo bảng này.

Ngoài ra còn Thang Nét Mặt Face Scale với nét bình thản, hơi nhăn nhó và đau phát khóc hoặc Thang với hàng chữ từ không đau tới đau vừa, đau nhiều hơn và đau lắm. Các Thang này giúp xác định cường độ đau cũng như để theo dõi kết quả điều trị.

Ðau nhức là một khó khăn rất thường xẩy ra. Cứ mười người thì có đến tám người than phiền đau nhức đâu đó trên cơ thể và là lý do đi khám bệnh nhiều nhất, đặc biệt là với các vị tuổi cao.

Nào là đau lưng, nhức xương, thoái hóa cột sống, đau răng, đau mình, đau vì ung thư, đau sau giải phẫu, đau của người già, đau kinh kỳ phụ nữ. Thôi thì trăm thứ.Theo thăm dò ý kiến thì chỉ 1 trong 4 người bị đau với các hậu quả như giảm sinh hoạt hàng ngày, đời sống khó khăn, lo ngại, trầm buồn, bực tức, vắng mặt nơi làm việc được là  điều trị tới nới tới chốn. Số còn lại triền miên nhăn nhó với cơn đau.

Các loại Ðau

Về sinh hóa học, khi bị tổn thương, tế bào sẽ tiết ra mấy hóa chất đưa tới cơn đau, như Prostaglandins, Histamine, Serotonin, Cytokin. Hóa chất Endorphin lại làm bớt đau

Ðau có thể là mãn tính hoặc cấp tính tùy theo thời gian cơn đau kéo dài lâu mau và cũng tùy theo nguyên nhân gây ra Ðau.

a- Ðau cấp tính.

Ðây là một hỗn hợp nhiều cảm giác và xúc động khó chịu với mấy đặc tính như sau:

-Xuất hiện khi tế bào bị tổn thương và tan biến khi vết thương lành;

-Nhẹ thoảng qua nhưng đôi khi kéo dài vài tuần vài tháng;

-Khởi sự đột ngột, rất mạnh kèm theo vài phản ứng của cơ thể như la làng khóc lóc, đổ mồ hôi, huyết áp lên cao, tim đập nhanh, tức giận. Cũng có người thản nhiên như không có chuyện gì xẩy ra.

Các nguyên nhân thông thường của Ðau này là do thương tích, phỏng, gẫy xương, bong gân, giải phẫu, sanh đẻ, bệnh hoạn ở tình trạng nghiêm trọng.

Ngoài sự khó chịu, cơn đau cấp tính còn có vài tác dụng khác: báo hiệu, bảo vệ cho con người về nguy cơ và mức độ hư hao tế bào. Từ đó sẽ có một số phản ứng tự vệ như rút tay chân về, co bắp thịt hoặc thay đổi vị trí cơ thể để giảm đau như ôm bụng, nằm ngửa nằm nghiêng.

b- Ðau kinh niên.

Ðau kinh niên kéo dài khá lâu, sau thời gian lành của thương tích, bệnh hoạn hoặc có thể hết đi rồi tái xuất hiện. Ðau này nhiều khi khó trị vì không chữa dứt được nguyên nhân gây ra đau;

 Trước đây đau kinh niên được hiểu như đau kéo dài dăm ba tháng. Bây giờ ngoài thời gian lâu mau, đau này còn bao gồm các hậu quả như gây ra mất ngủ, khó khăn trong nếp sống, suy sụp tinh thần, thể chất.

Nguyên nhân có thể là do chấn thương, hậu giải phẫu, ung thư, viêm xương khớp, bệnh dây thần kinh.

Ngoài ra ÐAU còn được phân chia làm nhiều nhóm tùy theo nguyên nhân thể chất:

a- Ðau do thương tích hoặc bệnh hoạn ở ngoài hệ thần kinh như hơi nóng, độ lạnh, va chạm mạnh hoặc do hóa chất kích thích. Gẫy xương, bong gân, phỏng, cóng giá, viêm vì nhiễm trùng, viêm khớp...là những thí dụ.

 Ðau này có tính cách bảo vệ vì nó báo cho ta hay có rủi ro xẩy ra mà ta phải tránh.

Cơn đau thường ngầm ngầm và tiêu tan khi vết thương lành.

b- Ðau do tổn thương tế bào dây thần kinh ngoại vi hoặc trung ương như đau sau khi bị bệnh zona, tai biến não, trong bệnh tiểu đường, ghiền rượu kinh niên, ung thư, Hội chứng Ðường Hầm Cổ Tay,  dây thần kinh bị u bướu đè lên...

Ðau thường kéo dài cả tháng, đôi khi nhiều năm dù sau khi vết thương đã lành.

c- Ðau hỗn hợp với thương tích trong ngoài thần kinh như với chứng thiên đầu thống, đau bắp thịt trên mặt.

d- Trường hợp Ðau Chi Ma Quái  Phantom Limb Pain cũng rất đặc biệt. Người bệnh cảm thấy đau ở phần chân tay đã bị cắt cụt giống như cái đau ở phần chi đó trước khi được lấy đi. Ðây là một loại đau rất khó hiểu trong y học. 

Ðặc tính cơn đau

a- Nơi đau.

Ðau có thể tại chỗ như trên da, khớp xương, gân; thương tổn chỗ này mà đau chỗ khác như cơn đau tim angina lại đau ở cánh tay trái; viêm ruột dư góc dưới bụng bên phải lại đau nơi chấn thủy; đau dọc theo dây thần kinh như bệnh Zoster; đau toàn thân fibromyalgia.

b- Thời gian lâu mau.

Ðau chớp nhoáng như kim châm; đau nhịp nhàng trong trường hợp thiên đầu thống migraine hoặc hư răng; từng cơn kéo dài khi đau ruột; đau tăng dần tới tột điểm, kéo dài một lúc rồi giảm như trong cơn đau tim angina; đau liên tục của viêm xương khớp; cơn đau kịch phát paroxysmal như tổn thương dây thần kinh.

c- Mức độ đau

Nhẹ ngoài da; đau dát; đau ngầm ngầm; đau quặn; đau như cắt, vặn ép; đau chớp nhoáng như điện giựt.

d- Ðau kèm theo các khó khăn khác như buồn nôn, ói mửa, nổ đom đóm mắt, ù tai

Hậu quả Ðau không điều trị.

Khi cơn đau kéo dài, cơ thể có một số đáp ứng sinh học để bảo vệ nhưng nếu kéo dài lâu hơn thì lại không tốt.

Chẳng hạn như khi đau tim không chữa thì tăng nhịp tim, huyết áp, sức cản thành mạch máu, sử dụng dưỡng khí, độ đông đặc máu. Hậu quả là mất cân, nóng sốt, tim phổi suy, kích xúc.

Ðau cơ quan hô hấp kinh niên thì ta sẽ giảm nhịp thở và phổi sẽ bị viêm hoặc sưng.

Ðau bao tử ruột thì các cơ quan này giảm nhu động để bớt đau khiến cho tiêu hóa chậm và đưa tới táo bón, kém dinh dưỡng, mất cân.

Cơ thể đáp ứng với đau xương khớp bằng co cứng bắp thịt, giảm cử động để bớt đau. Hậu quả là bất động, suy yếu, mệt mỏi.

Ngoài ra nếu không điều trị đúng đắn thì đau có nhiều nguy cơ trở thành kinh niên, đưa tới  không hoàn tất được các công việc thường nhật như ăn uống tắm rửa, vận động cơ thể hoặc trở nên buồn phiền lo âu mất ngủ, cô lập, khó khăn trong việc làm tình.

Ðau kinh niên cũng đưa tới giảm sản xuất, kém lợi tức, vắng mặt tại sở làm, trường học, thất nghiệp.

Khó khăn điều trị

Ðau là những khó khăn chủ quan nên chưa xác đinh được bằng đo lường khách quan, máy móc. Người bệnh diễn tả nhiều ít ra sao thì y giới theo đó mà sắp đặt phương thức điều trị, gia giảm liều lượng dược phẩm.

Nhiều vị nhất là cao niên không nói hết sự đau đớn vì sợ, vì không muốn cho là lắm chuyện hoặc vì thói quen chịu đựng hoặc không diễn tả được chi tiết, ngôn ngữ bất đồng.

Ngày 7 tháng 5 năm 2005 vừa qua, hệ thống thông tin ABC công bố kết quả một thăm dò do Bác sĩ Carmen R. Green thực hiện Kết quả cho thấy nhiều bác sĩ cung cấp ít điều trị cho nữ giới hơn là nam giới mặc dù họ có cùng một thứ đau.

Ði Khám Bác sĩ

Ðể giúp bác sĩ trị liệu, bệnh nhân nên để ý mấy điểm như sau:

a- Khi đi khám bệnh lần đầu vì Ðau Nhức, nên ghi rõ thời gian  và hoàn cảnh đưa tới khó chịu, các giải phẫu bệnh tật đã có, phương thức điều trị đã áp dụng.

b- Mang tất cả thuốc men đã dùng, kết quả thử nghiệm, hình quang tuyến

b- Tả rõ đặc tính của cơn đau như là  đau kéo dài bao lâu, bắt đầu từ chỗ nào, lan ra đâu, đau nhiều hay ít, các yếu tố làm đau tăng hoặc giảm...

d- Các phương thức chữa đau hiện thời hoặc trong quá khứ, kết quả điều trị;

e- Trong gia đình có ai bị đau như vậy không?

g- Ảnh hưởng đau vào các sinh hoạt hàng ngày cũng như vào các chức năng cơ thể;

h- Ghi những điều muốn hỏi bác sĩ như nguyên nhân gây đau, chữa thế nào, tác dụng ngoại ý của điều trị, tương lai đau sẽ ra sao, mình phải làm gì, bác sĩ sẽ làm gì, có cần khám bác sĩ chuyên môn nào khác, bao giờ tái khám, các ước vọng của mình với điều trị.

Ðiều trị

Có nhiều cách điều trị các đau nhức:

1-  Dược phẩm.

     a- Thuốc chống đau không á phiện và không steroid

     b- Thuốc chống đau có á phiện;

    c- Các thuốc giảm đau hỗ trợ như thuốc trị bệnh kinh phong, trầm cảm, thuốc gây tê tại chỗ.

2- Không dùng dược phẩm như tâm lý trị liệu, phản hồi sinh học biofeedback, thư giãn, thôi miên, châm cứu, cây con thiên nhiên, vật lý trị liệu,  xoa bóp, chườm nóng lạnh, tập luyện, bó bất động

Các phương thức này có vai trò phụ trợ chứ không thay thế cho dược phẩm, giải phẫu. Ngoài công dụng giảm đau, phương thức này còn giúp người bệnh bớt lo lắng, tăng khả năng kiểm soát, đối phó với cảm giác đau, giúp ngủ ngon, thư giãn cơ thịt, vui sống hơn.

3-  Giải phẫu.

Thường thường thì các phương thức điều trị kể trên đều có thể giảm đau đớn cho người bệnh. Tuy nhiên đôi khi cũng phải sử dụng tới phẫu thuật như thay khớp, cắt bỏ cung sau (lamicectomy) để giảm áp suất trên dây thần kinh, kết nối đốt sống (spinal fusion ), cắt dây thần kinh dẫn cảm giác đau...

4- Các kỹ thuật tân tiến: Một máy kích thích điện tử được cài vào cơ thể người bệnh để chặn không cho cảm giác đau lên não bộ; một máy bơm giỏ từng giọt thuốc giảm đau vào chỗ đau vừa tiết kiệm thuốc vừa tránh tác dụng ngoại ý.

5- Việc dùng cần sa, nicotine để giảm đau đang là đề tài tranh cãi. Theo một số nhà y học, cần sa công hiệu với các đau kinh niên ung thư. Nhưng mới giữa tháng Tư năm 2006 vừa qua, Cơ Quan Thực Dược Phẩm Hoa Kỳ không đồng ý việc hợp thức hóa dùng cần sa để giảm đau  vì “cần ngiên cứu thêm”. Riêng nicotine thì nghiên cứu tại Ðại Học Columbia cho biết có thể giảm cảm giác đau..

6- Bác sĩ Harold Koernig, Ðại Học Duke cho hay trong đau đớn có nhiều yếu tố liên hệ khác như lo sợ, trầm buồn, bực tức, mất hy vọng, cô đơn. Niềm tin tôn giáo giúp giải tỏa các cảm xúc này thì cũng giảm các cơn đau. Thăm dò của ABC News và nhiều bệnh nhân cũng đồng ý như vậy.

Tâm lý trị liệu cũng giúp bệnh nhân có kiến thức cặn kẽ về cơn đau và biết cách đối phó bằng thư giãn toàn thân.

Người bệnh cũng nên có một kế hoạch đối phó, thích nghi với khó khăn đau nhức. Họ cần hợp tác với thầy thuốc có kinh nghiệm để cùng tìm phương thức giảm thiểu; để ý tới các xúc động gây ra do đau nhức; nghỉ ngơi đầy đủ nhưng cũng không quên vận động cơ thể, dinh dưỡng cân bằng, nếp sống lành mạnh; không tự sống cô lập vì lý do đau mà nên gia nhập nhóm cùng cảnh ngộ để chia xẻ hỗ trợ lẫn nhau.

Ngoài ra có một vài ngộ nhận về điều trị đau kinh niên của giới cao niên mà ta cần để ý:

a- Ðau nhức không phải là một thành phần trong tiến trình hóa già như nhiều người tưởng. Nhưng tuổi cao thường dễ có những đau lưng, nhức gối vì lý do khác nhau như thời tiết, hoặc từ các bệnh kinh niên và đều có thể điều trị được, bằng cách này hay cách khác.

b- Nhiều người cứ ngại khi dùng thuốc chống đau có thuốc phiện vì sợ bị ghiền. Thực ra dùng lâu có thể khiến bệnh nhân tùy thuộc vào thuốc nhưng không phải lúc nào cũng ghiền thuốc. Trước khi cho các thuốc này, bác sĩ thường cân nhắc kỹ càng từng trường hợp.

Kết luận

Ðau Nhức không những là vấn đề sức khỏe cá nhân mà còn ảnh hưởng tới tình trạng kinh tế, xã hội của đất nước. Theo viện Quốc Gia Hoa Kỳ về An Toàn và Sức khỏe Nghề nghiệp thì hàng năm Ðau Nhức đã đưa đến thất thoát cả trăm tỷ mỹ kim vì đau khiến công nhân không làm việc được, vì phí tổn chăm sóc điều trị.

Người bị đau nhức kinh niên có thể trở thành xa cách, cô lập với gia đình, bạn bè cũng như không chu toàn chăm sóc được con cái, vợ chồng. Và đó mới là điều đáng buồn, đáng quan tâm.

Bác sĩ Nguyễn Ý Ðức  Texas-Hoa Kỳ

VỀ MỤC LỤC

- Mọi liên lạc: Ghi danh, thay đổi địa chỉ, đóng góp ý kiến, bài vở..., xin gởi về địa chỉ

giaosivietnam@gmail.com

- Những nội dung sẽ được đề cao và chú ý bao gồm:

Trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm thực tế trong việc mục vụ của Giáo sĩ;  Những tài liệu của Giáo hội hoặc của các Tác giả nhằm mục đích Thăng tiến đời sống Giáo sĩ; Cổ võ ơn gọi Linh mục; Người Giáo dân tham gia công việc “Trợ lực Giáo sĩ” bằng đời sống cầu nguyện và cộng tác trong mọi lãnh vực; Mỗi  Giáo dân phải là những “Linh mục” không có chức Thánh; Đối thoại trong tinh thần Bác ái giữa Giáo dân và Giáo sĩ… (Truyền giáo hay xây pháo đài?)

- Quí vị cũng có thể tham khảo những số báo đã phát hành tại

www.conggiaovietnam.net

Rất mong được sự cộng tác, hưởng ứng của tất cả Quí vị

Xin chân thành cám ơn tất cả anh chị em đã sẵn lòng cộng tác với chúng tôi bằng nhiều cách thế khác nhau.

TM. Đặc San Giáo Sĩ Việt Nam

Lm. Luca Phạm Quốc Sử  USA

 

 

Được chọn giữa loài người và cho loài người; GÍAO SĨ: Xuất phát từ gíao dân, hiện diện vì gíao dân và cậy dựa vào gíao dân, để cùng làm VINH DANH THIÊN CHÚA

*************