Lời Ngỏ
Trong cuộc sống hằng ngày, người ta thường sánh ví đời là
những chữ T. Chẳng hạn đời là tình và đời là tiền. Thế
nhưng, hai chữ T này lại đem đến những hậu quả không mấy
phấn khởi, đó là tội và tù.
Vì tình mà người ta sẵn sàng đâm chém lẫn nhau, để rồi kết
thúc bằng tù và tội. Vì tiền mà người ta sẵn sàng tham nhũng
hối lộ, vơ vét về cho đầy túi tham của mình, để rồi cuối
cùng cũng kết thúc bằng tội và tù.
Thế nhưng, trong cuộc sống thiêng liêng sự thánh thiện của
chúng ta cũng phải được khởi đầu và cũng phải được dệt nên
bởi những chữ T. Vậy những chữ T ấy là gì ?
Xin thưa đó là : Thánh Kinh, Thánh
Thể, Thánh Giá và Thánh Mẫu.
Những chữ T này chắc chắn sẽ dẫn chúng ta tới đỉnh cao của
sự trọn lành.
Những chữ T này cũng chính là những đề tài chúng ta cùng
nhau suy gẫm và chia sẻ trong tuần tĩnh tâm.
Thánh Kinh, Thánh Thể, Thánh Giá và Thánh Mẫu là những đề
tài rất quen thuộc và được nghe nói tới rất nhiều. Sợ rằng
có người sẽ nhủ thầm : biết rồi, khổ lắm, nói mãi.
Vì thế, chúng ta chỉ ôn lại những nét chính, rồi sau đó để
cho Chúa Thánh Thần dẫn dắt chúng ta đi sâu vào trong thinh
lặng của chiêm niệm, cũng như làm trổ sinh những hoa trái
thiêng liêng cho tâm hồn chúng ta.
LINH MỤC KÍN MÚC NGUỒN SỐNG TỪ LỜI
CHÚA
Trong cuộc sống, chúng ta nhận thấy có những cuốn sách nắm
giữ một vai trò thật quan trọng, được coi như là kim chỉ
nam, được coi như là tiêu chuẩn hướng dẫn cho mọi hành động.
Chẳng hạn các nhà nho ngày xưa có Tứ thư, Ngũ kinh của Khổng
Tử. Ngay từ khi mua sắm “bút nghiên” tới nhà ông đồ, họ đã
phải học thuộc lòng những câu của Đức Khổng. Thí dụ :
- Nhân chi sơ, tính bản thiện…
Trong đời thường, hễ nói, hễ dạy hay hễ làm bất cứ điều gì,
họ đều trích dẫn lời Đức Khổng, và thường được bắt đầu bằng
câu : Tử viết...Mọi cung cách cư xử của họ đều được bắt
nguồn từ những chủ trương của Khổng Tử. Thí dụ :
- Trai thời trung hiếu làm đầu,
Gái thời tiết hạnh làm câu trau mình.
- Có trung hiếu nên đứng trong trời đất,
Không công danh thà nát với cỏ cây.
Chẳng hạn anh em Hồi Giáo có kinh Côran của Mahomet. Toàn bộ
đời sống và sinh hoạt của họ đều được xây dựng trên bộ luật
căn bản này. Ngay cả những cuộc khủng bố hiện nay trên thế
giới cũng được coi la những cuộc thánh chiến và những người
ôm bom tự sát cũng được coi là những vị anh hùng tử đạo.
Chẳng hạn Sách Đỏ của Mao Trạch Đông hay Chúc thư của Hồ chủ
tịch cũng đã có được một ảnh hưởng to lớn đối với đường lối
lãnh đạo của đảng Cộng Sản Trung Quốc và Việt Nam.
Riêng đối với chúng ta, những người Kitô hữu, thì cuốn sách
quan trọng nhất phải là cuốn Thánh Kinh.
Thực vậy, Thánh Kinh chính là chúc thư của Thiên Chúa, chính
là cuốn sách bởi trời, qua đó Thiên Chúa nói với chúng ta và
gửi đến cho chúng ta những chân lý, những sứ điệp soi dẫn
cho đời sống tôn giáo cũng như luân lý.
I-
NHỮNG CON ĐƯỜNG DẪN ĐẾN THIÊN CHÚA
Để nhận biết Thiên Chúa, chúng ta có hai con đường : Con
đường đi lên và con đường đi xuống.
1- Con đường đi lên.
Đây là con đường tự nhiên, xuất phát từ thụ tạo mà đi lên
tới Thiên Chúa.
“Hội Thánh, mẹ chúng ta khẳng định rằng : Từ những loài thụ
tạo, con người nhờ ánh sáng tự nhiên của lý trí, có thể nhận
biết cách chắc chắn về Thiên Chúa”. (GLHTCG 36).
Hai chữ thụ tạo ở đây phải được hiểu là thế giới vật chất và
chính con người chúng ta nữa.
Trước hết là thế giới vật chất :
Khi nhìn ngắm những kỳ công trong vũ trụ, nhờ trí khôn suy
luận dựa trên nguyên lý nhân quả : đã có hậu quả thì phải có
nguyên nhân, chúng ta sẽ khám phá ra những dấu ấn đầy quyền
năng của Ngài, để rồi đi tới kết luận : Phải có một Thiên
Chúa.
“Căn cứ vào vận hành và biến hóa của thế giới, tính cách vô
thường, trật tự và vẻ đẹp của nó, người ta có thể nhận biết
Thiên Chúa như là nguyên thủy và cùng đích của vũ trụ”.
(GLHTCG 32).
Sự chấp nhận đơn thuần chính này là khởi điểm cho một tâm
tình tôn giáo uyên nguyên nhất và chúng ta có thể xác quyết
: Con người là một con vật có tôn giáo. Hay : “Con người là
một hữu thể tôn giáo”. (GLHTCG 28).
Vì thế, cùng với tác giả Thánh Vịnh, chúng ta hãy lên tiếng
ngợi khen :
- “Trời xanh tường thuật vinh quang Chúa,
Không trung loan bác việc tay Ngài làm”. (TV 18).
Tiếp đến là con người :
Nơi thẳm sâu cõi lòng, ai trong chúng ta cũng cảm thấy có
một thứ tiếng nói tuy âm thầm nhưng lại rất mãnh liệt, thôi
thúc chúng ta làm lành tránh dữ.
Tiếng nói âm thầm ấy là tiếng nói của lương tâm và sự đòi
buộc phải làm lành tránh dữ ấy là luật tự nhiên. Tất cả đều
không lệ thuộc vào cá nhân, gia đình hay xã hội, nhưng luôn
có giá trị cho mọi người, ở mọi nơi và trong mọi lúc.
Vậy tiếng nói lương tâm và luật tự nhiên bởi đâu mà có, nếu
không phải bởi một Đấng thánh thiện tuyệt vời. Và Đấng ấy
phải là Thiên Chúa.
Ngoài ra, nơi thẳm sâu cõi lòng, ai trong chúng ta cũng đều
mang lấy những khát vọng : khát vọng về chân lý cũng như
khát vọng về hạnh phúc. Vậy ai có thể làm cho những khát
vọng ấy được no thỏa, nếu không phải là chính Thiên Chúa.
Tóm lại :
“Với tâm hồn cởi mở đón nhận sự thật và vẻ đẹp, với lương
tri, tự do và tiếng nói của lương tâm, với khát vọng vươn
tới vô tận và hạnh phúc, con người tự hỏi về sự hiện hữu của
Thiên Chúa. Qua những đặc tính trên, con người nhận ra những
dấu chỉ cho thấy mình có linh hồn. “Vì mầm sống vĩnh cửu mà
con người mang nơi mình, không thể giản lực chỉ duy vào vật
chất”, nên linh hồn con người chỉ có thể xuất phát từ Thiên
Chúa”. (GLHTCG 33).
2- Con đường đi xuống.
“Lý trí con người nhờ sức lực và ánh sáng tự nhiên của mình
có thể nhận biết cách xác thật và chắc chắn về một Thiên
Chúa hữu ngã, Đấng bảo vệ và điều khiển thế giới bằng sự
quan phòng, cũng như về luật tự nhiên mà Đấng Sáng tạo đã
đặt trong tâm hồn chúng ta”. (GLHTCG 37).
Tuy nhiên, sự nhận biết này còn hời hợt và phiến diện, hơn
thế nữa lại rất dễ bị lệch lạc, để rồi rơi vào tình trạng mê
tín dị đoan. Vì thế, để đi sâu vào mầu nhiệm Thiên Chúa,
cũng như để sống kết hiệp mật thiết với Ngài, chúng ta còn
có một con đường khác, đó là con đường đi xuống. Vậy con
đường đi xuống ấy như thế nào ?
Đây là con đường siêu nhiên, xuất phát từ Thiên Chúa mà đi
xuống tới con người. Nhờ việc Ngài mạc khải, nhờ việc Ngài
tỏ lộ, chúng ta sẽ nhận biết Ngài một cách sâu xa hơn.
“Còn có một lọai nhận biết khác, mà con người không thể đạt
tới bằng sức lực của chính mình, đó là lọai nhận biết nhờ
mạc khải của Thiên Chúa. Bằng một quyết định hòan toàn tự
do, Thiên Chúa tự mạc khải và ban chính mình cho con người”.
(GLHTCG 50).
Thực vậy, giả sử như đang ngồi trong một căn phòng mà cửa
đóng kín. Bỗng dưng chúng ta nghe thấy tiếng gõ cửa. Qua
tiếng gõ, chúng ta biết có một người nào đó đang đứng chờ
chúng ta ở ngoài cửa. Thế nhưng, chúng ta chưa thể biết
người đó là ai, cao hay thấp, mập hay gầy, trắng hay đen.
Chỉ khi nào mở cửa, chúng ta mới hay đó là một người bạn
lặn lội từ xa tới thăm chúng ta mà thôi.
Cũng vậy, vì yêu thương Thiên Chúa đã tự mạc khải, đã tự tỏ
lộ mình cho chúng ta, hay nói cách khác, chính Ngài đã vén
bức màn bí mật để chúng ta có thể nhận biết Ngài một cách
chính xác hơn.
“Thiên Chúa nhân lành và khôn ngoan đã muốn mạc khải chính
mình và tỏ cho mọi người biết mầu nhiệm thánh ý Ngài. Nhờ
đó, loài người có thể đến cùng Chúa Cha, nhờ Chúa Kitô, Ngôi
Lời nhập thể trong Chúa Thánh Thần, và được thông phần bản
tính Thiên Chúa”.(GLHTCG 51)
Sự mạc khải này đã được Ngài thực hiện một cách từ từ trong
thời gian, bằng lời nói cũng như bằng việc làm, từng bước
một Ngài thông ban mầu nhiệm chính bản thân Ngài cho chúng
ta.
II- THÁNH KINH LÀ LỜI CỦA THIÊN
CHÚA
Trong bức thư gửi tín hữu Do Thái, thánh Phaolô đã viết :
“Thuở xưa nhiều lần và nhiều cách, Thiên Chúa đã dùng các
tiên tri mà phán dạy cha ông ta; nhưng vào thời sau hết này,
Thiên Chúa đã phán dạy ta qua Con của Ngài”. (Dt 1.1-2).
Với lời xác quyết trên, chúng ta ghi nhận : trải qua giòng
thời gian Thiên Chúa đã nói với con người hầu tỏ lộ cho
chúng ta biết thánh ý tuyệt vời của Ngài.
Trước hết, Ngài đã mạc khải cho chúng ta qua các tổ phụ và
các tiên tri nơi dân Do Thái. Nhưng rồi sau đó, Ngài đã mạc
khải một cách trọn vẹn nơi Con Một Ngài là Đức Kitô.
Vì thế, chúng ta có thể xác quyết được rằng : Đức Kitô chính
là trung tâm điểm, chính là sự viên mãn của mạc khải. Hay
nói cách khác : Ngài chính là sợi chỉ xuyên suốt của mạc
khải.
“Đức Kitô, Con Thiên Chúa làm người, là Lời duy nhất, hoàn
hảo và dứt khoát của Chúa Cha. Nơi Ngài, Thiên Chúa phán dạy
mọi sự, và sẽ không có lời nào khác ngoài Lời đó”. (GLHTCG
65).
Thánh Gioan Thánh Giá đã quảng diễn những tư tưởng trên như
sau :
“Một khi đã ban cho chúng ta Chúa Con, là Lời của Ngài,
Thiên Chúa không còn lời nào khác để ban cho ta, Ngài đã nói
hết trong một lần vả cùng một trật, trong Lời duy nhất đó,
và không còn gì để nói nữa. Những gì Ngài chỉ nói từng phần
với các tiên tri, thì Ngài đã nói hết trọn vẹn trong Con của
Ngài bằng cách ban cho chúng ta điều trọn vẹn ấy là Con của
Ngài. Do đó, ai còn muốn gạn hỏi Ngài hoặc ao ước có một thị
kiến mạc khải, người ấy chẳng những làm một sự điên rồ, mà
còn xúc phạm đến Thiên Chúa, bởi không nhìn vào Đức Kitô mà
lại đi tìm những gì khác hay những điều mới lạ”. (GLHTCG
65).
Với Đức Kitô, một Giao Ước mới và vĩnh viễn đã được ký kết
trong máu của Ngài. Đồng thời, với Đức Kitô, Lời tối hậu của
Thiên Chúa đã nói với loài người và sự mạc khải đã đạt tới
tình trạng viên mãn, vì thế sau Ngài, không còn một mạc khải
nào khác nữa.
Tất cả những điều Thiên Chúa mạc khải cho con người đã được
ghi lại trong một bộ sách, mà không một người tín hữu nào
được phép quên lãng, đó là bộ Thánh Kinh.
Và như chúng cũng đã biết : bộ Thánh Kinh chia ra làm hai
phần, đó là :
- Cựu Ước gồm 46 cuốn, ghi lại lịch sử dân Do Thái cùng với
những điều Chúa phán dạy qua các Tổ phụ và các Tiên tri, nhờ
đó chúng ta nhận biết một Thiên Chúa duy nhất, hằng hữu và
luôn yêu thương chúng ta, đồng thời chuẩn bị cho Đấng Cứu
Thế xuất hiện.
- Tân Ước gồm 27 cuốn, ghi lại cuộc đời Chúa Giêsu cùng với
giáo lý do Ngài truyền dạy và được các môn đệ quảng diễn,
nhờ đó chúng ta biết Thiên Chúa chính là một người Cha nhân
từ, hằng yêu thương, chăm sóc và tha thứ cho chúng ta. Đồng
thời, chúng ta cũng biết được những việc cần phải làm để trở
nên môn đệ Ngài và xứng đáng được thừa hưởng niềm hạnh phúc
Nước Trời.
Tóm lại :
“Để mạc khải chính mình cho loài người, Thiên Chúa đã đoái
thương dùng ngôn ngữ loài người mà nói với họ : Lời của
Thiên Chúa, diễn đạt bằng ngôn ngữ nhân loại, trở nên giống
tiếng nói loài người, cũng như khi xưa Ngôi Lời của Cha hằng
hữu đã trở nên giống như con người khi mặc lấy xác phàm yếu
đưối của chúng ta. (MK 13).
Qua tất cả các lời ở trong Thánh Kinh, Thiên Chúa chỉ nói có
một Lời là Ngôi Lời duy nhất, trong Ngài Thiên Chúa nói hết
về mình cho nhân loại (Dt 1,1-2) :
Anh em hãy nhớ rằng Lời duy nhất của Thiên Chúa được trải
dài trong toàn bộ Thánh Kinh, chính Ngôi Lời duy nhất vang
trên môi miệng của tất cả các tác giả Thánh Kinh. Vì chính
Ngài, ngay từ đầu là Thiên Chúa ở bên Thiên Chúa, chẳng cần
đến chữ với lời, bởi Ngài không lệ thuộc vào thời gian”.
(GLHTCG 101-102).
III- LINH MỤC KÍN MÚC NGUỒN SỐNG TỪ
LỜI CHÚA
Đối tượng của đức tin không phải là một số những giáo điều
khô cằn sỏi đá, hay là một số những giới luật mang nặng tính
cách cấm đoán. Trái lại, đối tượng của đức tin chính là Đức
Kitô, Đấng đã sống giữa chúng ta và đã chết vì yêu thương
chúng ta.
Vì thế, sống đức tin là sống gắn bó mật thiết với Đức Kitô.
Trái đất xoay quanh mặt trời thế nào thì con người và cuộc
đời chúng ta, từ tư tưởng và lời nói cho đến việc làm, tất
cả đều phải xoay quanh Đức Kitô như vậy, để rồi chúng ta có
thể nói lên như thánh Phaolô : “Tôi sống, nhưng không còn
phải là tôi, mà là Đức Ki-tô sống trong tôi”. (Gl 2,20).
Đối với chúng ta, mặc dù Đức Kitô đã sống lại và lên trời,
nhưng Ngài vẫn yêu thương và hiện diện giữa chúng ta qua
Thánh Thể cũng như qua lời Ngài.
Vì thế, từ ngàn xưa và cho đến ngày hôm nay, Hội Thánh luôn
coi Thánh Kinh là nguồn đem lại cho chúng ta sức sống thiêng
liêng.
Trong hiến chế Dei Verbum, về sự Mạc khải của Thiên Chúa,
Công đồng Vaticanô II đã viết :
“Hội Thánh luôn tôn kính Kinh Thánh như chính Mình Thánh
Chúa. Hội Thánh không ngừng lấy Bánh ban sự sống từ bàn tiệc
Lời Chúa và từ bàn tiệc Thánh Thể để ban phát cho các tín
hữu (MK 21).
Sở dĩ như vậy vì qua Thánh Kinh, chúng ta sẽ tìm thấy lương
thực nuôi sống và bổ dưỡng cho tâm hồn. Với Thánh Kinh,
chúng ta “không chỉ đón nhận một lời phàm nhân, nhưng thực
sự là lời của Thiên Chúa (1Th 2,13). Thật vậy, trong các
Sách Thánh, Chúa Cha, Đấng ngự trên trời, âu yếm đến với con
cái của Ngài và đối thoại với họ”. (GLHTCG 103-104).
Cũng trong chiều hướng ấy, Công Đồng còn nhấn mạnh :
“Lời Chúa có sức mạnh và quyền năng có thể nâng đỡ và tăng
cường Hội Thánh, ban sức mạnh đức tin, là lương thực linh
hồn, nguồn sống thiêng liêng, tinh tuyền và trường cửu cho
con cái Hội Thánh”. (MK 21).
Đồng thời qua Thánh Kinh, chúng ta sẽ tìm thấy thánh ý Chúa
và những tiêu chuẩn hướng dẫn cho chúng ta trong mọi cảnh
huống của cuộc đời. Hay nói cách khác chúng ta sẽ tìm thấy
con đường Chúa muốn chúng ta phải đi để bước theo Ngài.
Thực vậy, lời Chúa không phải là một tiếng nói đã bị chìm
vào dĩ vãng và đã bị quên lãng. Lời Chúa cũng không phải là
một tiếng nói của nhân vật nào đó đã qua đi trong giòng lịch
sử, chẳng còn gây được một âm vang hay một ảnh hưởng nào đối
với chúng ta ngày hôm nay.
Trái lại, lời Chúa luôn mang tính cách hiện tại bởi vì Ngài
đang nói với chúng ta trong từng trường hợp cụ thể. Vì thế,
trước mỗi biến cố, chúng ta hãy tự hỏi xem Chúa muốn nói gì
với chúng ta.
Hay như thánh Phaolô, sau khi bị quật ngã trên đường đi
Đamas, đã thưa lên cùng Chúa :
- “Lạy Chúa, Chúa muốn con làm gì ?” (Cv 9,6).
Chúng ta cũng có thể nói lên như Thánh Vịnh 119 :
- Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước,
Là ánh sáng chỉ đường cho con đi.
Nhưng quan trọng hơn cả, đó là qua Thánh Kinh chúng ta sẽ
tìm gặp được Chúa, cũng như sẽ được sống trong sự kết hiệp
mật thiết với Ngài.
Thực vậy, trước khi ra đi chịu chết, Đức Kitô đã tha thiết
mời gọi chúng ta, những môn đệ của Ngài, là hãy thực thi lời
Ngài, để được ở lại trong tình thương của Ngài.
Chính Ngài đã phán :
- “Nếu anh em giữ các điều răn của Thầy, anh em sẽ ở lại
trong tình thương của Thầy, như Thầy đã giữ các điều răn của
Cha Thầy và ở lại trong tình thương của Người”. (Ga 15,10).
Và Ngài cũng đã xác quyết :
- “Nếu anh em ở lại trong Thầy và lời Thầy ở lại trong anh
em, thì muốn gì, anh em cứ xin, anh em sẽ được như ý”. (Ga
15,7).
Lời Chúa có thể ở lại trong chúng ta, tùy theo mức độ chúng
ta khám phá ra tình yêu của Ngài đối với chúng ta. Lời Chúa
có thể ở lại trong chúng ta nếu chúng ta để cho lời ấy thấm
vào tâm hồn chúng ta, cũng như bén rễ sâu trong cuộc đời
chúng ta, để rồi sẽ biến đổi con người chúng ta, như thể
chúng ta được mặc lấy những tâm tình của Đức Kitô.
Một khi lời Chúa đã ở lại trong chúng ta, thì chắc chắn lời
ấy sẽ lôi kéo chúng ta không phải chỉ đến với Đức Kitô, mà
còn lôi kéo chúng ta đến với Chúa Cha và ở lại trong tình
thương của Ngài. Chính tình thương này sẽ nhào nặn chúng ta
trở thành những người con đích thực của Ngài. Và chúng ta có
thể kêu lên với Ngài :
- “Áp-ba, nghĩa là Cha ơi”. (Rm 8,15).
KẾT LUẬN
Để kết luận, tôi xin mượn lời của Công đồng Vaticanô II,
trong hiến chế Dei Verbum về sự Mạc khải của Thiên Chúa, để
nói lên tầm mức đặc biệt quan trọng của Thánh Kinh như sau :
“Cùng với Thánh Truyền, Thánh Kinh đã và đang được Giáo hội
xem như là quy luật tối cao hướng dẫn đức tin, được Thiên
Chúa linh ứng và đã được ghi chép một lần cho muôn đời,
Thánh Kinh phân phát cách bất di bất dịch lời của chính Chúa
và làm vang dội tiếng nói của Chúa Thánh Thần qua các Tiên
Tri cùng các Tông Đồ. Bởi vậy, mọi lời giảng dạy trong Giáo
hội cũng như chính đạo thánh của Đức Kitô phải được Thánh
Kinh nuôi dưỡng và hướng dẫn”. (MK 21).
Là linh mục, chúng ta hãy tìm đến với lời Chúa, để kín múc
nguồn sức sống cho tâm hồn, để tìm thấy con đường phải đi,
cũng như để được ở lại trong tình yêu thương của Thiên Chúa.
Tuy nhiên, chúng ta cũng cần phải hồi tâm xét mình, kiểm
điểm lại thái độ của chúng ta đối với lời Chúa :
- Chúng ta đã đọc hết trọn bộ Thánh Kinh hay chưa ? Và chúng
ta đã đọc như thế nào?
- Chúng ta có bao giờ học hỏi thêm để được hiểu đúng lời
Chúa hay không ?
- Chúng ta có bao giờ băn khoăn về việc thực thi lời Chúa
trong cuộc sống hằng ngày hay không ?
- Chúng ta đã giảng lời Chúa như thế nào ?
Đó cũng chính là những điều chúng ta sẽ cùng nhau chia sẻ
qua đề tài thứ hai : Linh mục hiểu, sống và giảng lời Chúa.
GSVN |