Có một
chàng văn sĩ, trong lúc ngẫu hứng, đã có một ý tưởng lạ đời.
Ý tưởng này luôn đeo đuổi và ám ảnh tâm trí anh ta. Đó là
phải viết một câu chuyện tình, thật lâm ly và thật bi đát.
Thế nhưng,
câu chuyện tình này chỉ gồm có một chương duy nhất. Và
chương duy nhất này chỉ gồm có một trang mà thôi. Tuy nhiên,
trang duy nhất này chỉ gồm có một giòng mà thôi. Và giòng
duy nhất này chỉ gồm có một danh từ mà thôi. Dầu vậy, danh
từ duy nhất này phải diễn tả một cách đầy đủ những tình tiết
của câu chuyện, phải gói ghém tất cả những tư tưởng mà anh
ta muốn trình bày.
Anh ta đã
phải bóp trán suy nghĩ, ngày cũng như đêm, mất ăn mất ngủ vì
cái ý tưởng lạ đời ấy, để rồi cuối cùng anh ta đành bó tay
chịu thua và nhận ra rằng : Ngôn ngữ loài người thì nghèo
nàn, không thể nào thực hiện được.
Thế nhưng,
điều mà ngôn ngữ loài người đã bất lực, điều mà chàng văn sĩ
kia đã không làm nổi, thì Thiên Chúa đã thực hiện được một
cách tuyệt vời và vô cùng tốt đẹp.
Danh từ
duy nhất gói ghém tất cả câu chuyện tình giữa trời và đất,
giữa Thiên Chúa và nhân loại, được trải dài qua hàng ngàn
vạn thế kỷ. Danh từ duy nhất đã nói lên tất cả màu nhiệm của
mạc khải, cũng như tất cả chương trình cứu độ của Thiên Chúa
được ươm mơ từ muôn ngàn thuở trước và được thực hiện qua
giòng thời gian. Danh từ duy nhất gồm tóm trọn vẹn số phận
của con người với mọi nỗi vui mừng và hy vọng. Danh từ duy
nhất được gạn lọc từ những biến cố lịch sử và kết tinh lại
thành niềm tin kiên vững của chúng ta.
Vậy danh
từ duy nhất ấy là gì ?
Tôi xin
thưa :
- Đó là thập giá.
Phải, thập
giá đã nói lên được tất cả những tình tiết, những uẩn khúc
mà tôi vừa mới nêu lên.
Hôm nay
chúng ta bắt đầu phần ba của tuần tĩnh tâm : Linh mục và
Thánh giá. Chúng ta sẽ tìm hiểu xem đâu là những cái đã kết
thành cây thập giá đời thường của linh mục.
Giờ đây,
chúng ta sẽ đi vào đề tài thứ năm : Như hạt lúa bị nghiền
nát với những đau khổ và khó khăn mà linh mục gặp phải. Thế
nhưng, trước hết chúng ta sẽ nói qua về thập giá trong cuộc
đời Đức Kitô.
I- ĐỨC KITÔ VÀ THẬP GIÁ
Suy gẫm về
thập giá Đức Kitô, chúng ta có thể rút ra được hai điểm
chính yếu :
1- Thập giá là dấu chỉ tình yêu của Đức Kitô đối với Chúa
Cha.
Thực vậy,
Đức Kitô đã xuống thế làm người “không phải để làm theo ý
Ngài, nhưng để làm theo ý Đấng đã sai Ngài” (Ga 6,39). Cũng
vậy, khi bước vào trần gian, Ngài đã nói :
- Lạy
Chúa, này con xin đến để thực thi ý Chúa.
Và thánh ý
của Thiên Chúa là gì nếu không phải là tất cả chúng ta được
thánh hóa và được cứu độ.
Vì thế,
ngay từ giây phút đầu tiên khi nhập thể, Đức Kitô đã sống
chết với ý định cứu độ của Chúa Cha :
- “Lương
thực nuôi sống Thầy là thi hành ý muốn của Đấng đã sai Thầy
và hoàn tất tốt đẹp công trình của Người”. (Ga 4,34).
Lễ hy sinh
Đức Kitô dâng trên thập giá để “đền bù tội lỗi cả thế gian”
(1Ga 2,2) là cách diễn tả sự thông hiệp tình yêu với Chúa
Cha : “Sở dĩ Chúa Cha yêu mến tôi, chính vì tôi hy sinh mạng
sống mình” (Ga 10,17). “Thế gian phải biết rằng tôi yêu mến
Chúa Cha và làm đúng như Chúa Cha truyền cho tôi”. (Ga
14,31).
Ước muốn
sống chết với ý định yêu thương cứu chuộc của Chúa Cha là
động lực cho cả cuộc đời Đức Kitô, bởi vì thập giá và cuộc
khổ nạn cứu độ là lý do khiến Ngài nhập thể :
- “Lạy
Cha, xin cứu con khỏi giờ này ! Nhưng chính vì giờ này mà
con đã đến”. (Ga 12,27).
- “Chén
đắng Chúa Cha đã trao cho Thầy, lẽ nào Thầy chẳng uống ?”
(Ga 18,11).
Và trên
thập giá, trước khi “mọi sự đã hòan tất” (Ga 19,30), Ngài
còn nói :
- “Tôi
Khát !” (Ga 19,28).
Sau khi
chấp nhận ban phép rửa cho Đức Kitô giữa những kẻ tội lỗi,
Thánh Gioan Tiền hô đã long trọng giới thiệu Ngài cho dân
chúng :
- “Đây là
Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa bỏ tội trần gian”. (Ga 1,29).
Như vậy,
Thánh Gioan Tiền hô cho chúng ta thấy Đức Kitô vừa là Người
Tôi tớ đau khổ, im lặng chịu dẫn đến lò sát sinh (Is 53,7)
và gánh lấy tội lỗi muôn dân, vừa là Chiên Vượt Qua, biểu
tượng cho việc Israel được cứu chuộc trong cuộc Vượt qua lần
đầu (Xh 12,3-14).
Toàn bộ
cuộc đời của Đức Kitô diễn tả sứ mạng Ngài đã nhận lãnh nơi
Chúa Cha, đó là “hầu hạ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc
cho muôn người”. (Mc 10,45).
Chúng ta
có thể mượn lời thánh Phaolô trong bức thư gửi tín hữu
Philipphê như một kết luận : “Đức Giê-su Ki-tô vốn dĩ là
Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị
ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh
quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như
người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi
bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự. Chính vì thế,
Thiên Chúa đã siêu tôn Người và tặng ban danh hiệu trổi vượt
trên muôn ngàn danh hiệu. Như vậy, khi vừa nghe danh thánh
Giê-su, cả trên trời dưới đất và trong nơi âm phủ, muôn vật
phải bái quỳ; và để tôn vinh Thiên Chúa Cha, mọi loài phải
mở miệng tuyên xưng rằng: "Đức Giê-su Ki-tô là Chúa".(Pl
2,6-11).
2- Thập giá là dấu chỉ tình yêu của Đức Kitô đối với con
người.
Khi sống
chết với tình thương của Chúa Cha dành cho con người bằng
trọn trái tim nhân loại của mình, Đức Kitô “đã thương yêu họ
đến cùng” (Ga 13,1), “vì không có tình thương nào to lớn hơn
tình thương của người hy sinh mạng sống mình cho bạn hữu”.
(Ga 15,13).
Như vậy,
qua thập giá với những đau khổ và nhất là với cái chết của
mình, nhân tính của Đức Kitô đã trở thành dụng cụ tự do và
hoàn hảo cho tình yêu cứu chuộc của Thiên Chúa được thực
hiện.
Thực vậy,
Ngài đã tự do chấp nhận chịu nạn và chịu chết vì yêu mến
Chúa Cha và yêu mến loài người mà Chúa Cha muốn cứu độ :
- “Mạng
sống của tôi, không ai lấy đi được, nhưng chính tôi tự ý hy
sinh mạng sống mình”. (Ga 10,18).
“Cũng như
vì một người duy nhất đã không vâng lời Thiên Chúa, mà muôn
người bị liệt vào hàng tội nhân, thì nhờ một người duy nhất
đã vâng lời Thiên Chúa, muôn người cũng sẽ được kể là công
chính”. (Rm 5,19).
Nhờ vâng
phục cho đến chết và chết trên thập giá, Đức Kitô đảm nhận
hoàn toàn vai trò Người Tôi tớ đau khổ, “hiến mạng sống mình
làm của lễ đền tội muôn dân”, khi làm cho họ nên công chính
bằng cách chính Ngài gánh lấy tội lỗi của họ. (Is 53,10-12).
Đức Kitô đã đền bù và đền tạ thỏa đáng cho Chúa Cha vì tội
lỗi chúng ta.
Để cứu
chuộc chúng ta, Đức Kitô chỉ cần phán một lời, hay đổ một
giọt máu mà thôi, nhưng Ngài đã không làm như vậy, Ngài đã
đổ ra cho đến giọt máu cuối cùng trên thập giá vì yêu thương
chúng ta :
“Khi đến
gần Đức Giê-su và thấy Người đã chết, họ không đánh giập ống
chân Người. Nhưng một người lính lấy giáo đâm vào cạnh sườn
Người. Tức thì, máu cùng nước chảy ra”. (Ga 19,33-34).
Và như
vậy, đối với chúng ta, thập giá Đức Kitô chính là cao điểm
tuyệt vời nhất của một tình yêu dâng hiến, của một tình yêu
trao ban, của một tình yêu cứu độ bởi vì : Không ai yêu hơn
người hiến mạng sống mình vì bạn hữu. (Ga 15,13).
Thập giá
Đức Kitô chính là nội dung của Tin mừng, chính là trọng tâm
của ơn cứu độ, chính là điểm quan trọng của niềm tin Kitô
giáo : Vinh dự của chúng ta là thập giá Đức Kitô, nơi Ngài
ơn cứu độ của ta, sức sống của ta và sự phục sinh của ta.
Với thập
giá, đã tới lúc Đức Kitô thực hiện sự tự hạ đầy khiêm cung
của mình : Ngài đã vâng phục cho đến chết và chết trên thập
giá.
Với thập
giá, đã tới lúc hy tế đền tội được hoàn tất : Ngài đã yêu
thương chúng ta và đã nộp mình chịu chết vì chúng ta như một
của lễ ngọt ngào dâng lên trước tôn nhan Thiên Chúa.
Với thập
giá, đã tới lúc tình yêu tuyệt hảo nhất được tỏ lộ : Căn cứ
vào điều này mà chúng ta biết được tình yêu của Thiên Chúa,
đó là Ngài đã dâng hiến mạng sống vì chúng ta.
Với thập
giá, đã tới lúc chúng ta phải suy nghĩ và đáp trả tình
thương vô biên của Thiên Chúa : Hãy kính mến Thiên Chúa hết
lòng, bởi vì Ngài đã yêu thương chúng ta trước.
Tóm lại,
thập giá chính là dấu chỉ của một tình yêu vô biên, một tình
yêu cứu độ mà Đức Kitô đã dành cho nhân loại chúng ta, bởi
vì nếu không có thập giá thì cũng chẳng có ơn cứu độ.
Vậy thập
giá là gì đối với chúng ta ? Thập giá nắm giữ vai trò nào
trong cuộc sống người linh mục ?
II- LINH MỤC VÀ THẬP GIÁ : NHƯ HẠT
LÚA BỊ NGHIỀN NÁT
Thập giá
là hy tế duy nhất của Đức Kitô. “Đấng trung gian duy nhất
giữa Thiên Chúa và loài người” (1Tm 2,5). Nhưng vì khi nhập
thể, Con Thiên Chúa “đã kết hợp với tất cả mọi người, nên đã
ban cho mọi người khả năng được thông phần vào mầu nhiệm
Vượt qua. Ngài mời gọi các môn đệ “vác thập giá mà theo
Ngài” (Mt 16,24). “Ngài đã chịu đau khổ vì chúng ta, đã để
lại một gương mẫu cho chúng ta dõi bước theo Ngài”. (1Pr
2,21).
Cũng như
Đức Kitô đã vâng phục cho đến chết và chết trên thập giá,
trong mọi công việc mục vụ của mình, linh mục bao giờ cũng
phải sẵn sàng tìm ý muốn Đấng đã sai mình, chứ không phải
tìm ý riêng của mình.
Thực vậy,
những công việc bổn phận linh mục hoàn thành, thường vượt
quá khả năng và tầm mức của mình, bởi vì “Thiên Chúa đã lựa
chọn những gì yếu hèn trong thế gian để bêu xấu những gì
mạnh mẽ”. (1Cor 1,27). Ý thức sự yếu hèn của mình, linh mục
khiêm tốn làm việc trong khi tìm xem điều gì đẹp lòng Thiên
Chúa. Chính trong lúc chu tòan trách nhiệm của mình, linh
mục thường gặp phải những khó khăn, những khổ đau. Chính
những khó khăn và những khổ đau này đã kết thành cây thập
giá đời thường Chúa muốn chúng ta vác lấy để bước theo Ngài.
Trong buổi
chia sẻ kinh nghiệm sống, một linh mục trẻ đã được mấy bà
hiền mẫu góp ý…nhẹ nhàng như sau : Đi tu như các cha, các
thầy, các dì thế mà sướng, chứ còn đèo bòng như tụi con, khổ
lắm cha ơi. Nghe vậy, ngài cũng chỉ biết nhún vai, mỉm cười
và nói : Có ở trong chăn mới biết chăn có rận và đoạn
trường ai có qua cầu mới hay. Các bà cứ thử đi tu làm…cha mà
coi xem có nổ đom đóm mắt ra không ?
Đúng thế,
bông hồng nào mà chẳng có gai, cuộc đời nào mà chẳng có
những đắng cay của nó. Định luật này được áp dụng cho mọi
người, ở mọi nơi và trong mọi lúc, chẳng miễn trừ cho một
ai, kể cả linh mục.
Nếu chỉ
nhìn thoáng qua, chúng ta thấy con người và cuộc đời của
linh mục được phủ đầy hào quang, thậm chí có kẻ còn liệt các
ngài vào hàng : Ngồi nhà mát, mà ăn bát vàng. Muốn nói ngoa,
thì làm cha mà nói. Hằng ngày chẳng phải bon chen với vấn đề
cơm áo gạo tiền. Thấy vậy ai mà chẳng ham.
Tuy nhiên,
nếu vào sâu hơn một chút, thi con người và cuộc đời linh mục
cũng không thiếu những gian nan và thử thách. Yếu tố căn bản
tạo nên tấm bi kịch của thân phận linh mục, chính là những
mâu thuẫn chồng chéo. Có những mâu thuẫn từ bên ngoài, do
hoàn cảnh mang tới. Nhưng cũng có những mâu thuẫn từ bên
trong, do chính bản chất của linh mục gây nên.
1- Những mâu thuẫn từ bên ngoài, xuất phát bởi những hoàn
cảnh của cuộc sống.
Trong
chủng viện, ngoài những sinh hoạt đạo đức, ngài được trau
dồi về triết học và thần học, nghĩa là được tìm hiểu về
những sự cao siêu. Sau khi lãnh nhận chức vụ linh mục và
bước chân xuống cuộc đời, thì những sự cao siêu ấy bỗng biến
đi đâu mất tiêu, để rồi phải đối đầu với những sự việc cụ
thể dưới đất.
Ngày xưa,
ngài chỉ được học qua quít về… nghệ thuật giảng thuyết, thế
mà bây giờ, giảng thuyết lại trở nên một trong những hoạt
động chính yếu của ngài. Nếu ngài giảng về những sự cao
siêu, giáo dân sẽ ngáp lên ngáp xuống. Họ đòi hỏi bài giảng
của ngài phải cụ thể và xúc tích. Vậy phải làm thế nào để
đáp ứng nhu cầu trên ?
Ngày xưa,
ngài đâu có được học về kiến trúc, thế mà bây giờ ngài phải
nhúng tay vào hết mọi công trình, xây từ nhà thờ cho đến nhà
bếp, xây từ nhà xứ cho đến nhà sinh hoạt, thậm chí đến cả
chuồng heo, chuồng gà, bằng không thì sẽ bị chê là cù lần,
chỉ biết cất mà không xây.
Và còn rất
nhiều lãnh vực khác nữa, mặc dù hiểu biết còn rất lơ mơ và
kinh nghiệm tích lũy chẳng bao nhiêu, thế mà ngài vẫn cứ
phải dấn thân. Thôi thì ông cha đi trước, làng nước theo
sau.
Một khó
khăn nữa cũng đến từ bên ngoài, đó là cách cư xử. Ngài phải
làm sao để dung hòa được những hoạt động của mình, luôn đứng
ở giữa, không nghiêng bên nọ, cũng không ngả bên kia, bởi vì
thái quá thì bất cập. Nếu vui vẻ thì bị hiểu là quá thân
mật, còn nếu nghiêm nghị thì bị mang tiếng là khó tính, nếu
bình dân ăn nói như mọi người thì bị chê là không có tác
phong đứng đắn, còn nếu áo quần tề chỉnh thì bị khép vào
hạng người quan liêu và cách biệt, nếu hăng hái lao động thì
bị kêu là kẻ ham mê của cải vật chất, còn nếu ít làm việc
tay chân thì bị trách là con nhà trưởng giả… Thật đúng như
cha ông chúng ta đã nói : Ở sao cho vừa lòng người, Ở rộng
người cười, ở hẹp người chê.
2- Những mâu thuẫn từ bên trong, phát xuất bởi bản chất của
linh mục.
Con người
linh mục thì yếu đuối, nhưng lại mang lấy một chức vụ cao
cả, chức vụ trung gian giữa Thiên Chúa và nhân loại.
Nói theo
kiểu thánh Phaolô thì chức vụ ấy chính là một kho tàng quý
giá. Nhưng kho tàng quý giá này lại được đựng trong một
chiếc bình sành dễ vỡ là thân xác linh mục. Gìn giữ chiếc
bình này sao cho không bị bể vỡ cũng là chuyện rất cam go
trong suốt cả cuộc đời linh mục.
Là trung
gian giữa Thiên Chúa và nhân loại, nên linh mục vừa là tôi
tớ của Thiên Chúa, nhưng đồng thời cũng phải là tôi tớ của
con người. Dung hòa được hai điều này không phải là chuyện
dễ. Vì thế, trong khi thi hành bổn phận, linh mục càng dấn
thân vào đời bao nhiêu, thì lại càng phải gắn bó mật thiết
với Chúa bấy nhiêu.
Ý thức
mình chỉ là một con người yếu đuối, trong tay không có những
phương tiện chính trị, những nguồn tài chánh, hay những vũ
khí quân sự, thế nhưng linh mục lại chất chứa một sức mạnh
vô song, sức mạnh của tình yêu và thập giá, hay nói đúng hơn
là sức mạnh của chính Thiên Chúa, như thánh Phaolô đã viết :
Chính lúc tôi yếu lại là lúc tôi mạnh.
Linh mục
không phải chỉ là một con người vừa yếu lại vừa mạnh, nhưng
còn là một con người vừa được yêu lại vừa bị ghét.
Thực vậy,
trong cuộc sống, linh mục thường được trọng kính, nhưng
đồng thời cũng lại là người bị thù oán, bị chỉ trích nhiều
hơn cả. Cũng như Đức Kitô, linh mục trở nên bia cho người ta
chống đối. Bernanos, một nhà văn công giáo, đã có lý khi
thốt lên : Phải bị ghét bỏ mới chính là linh mục đích thực
của Đức Kitô.
Linh mục
không phải chỉ bị những kẻ thù của Giáo hội hạ nhục mà còn
bị chính con cái mình quay lưng chống đối. Bằng chứng là
những đơn kiện cáo các linh mục nơi phần đời cũng như nơi
phần đạo tại Việt Nam hình như mỗi ngày một gia tăng.
Sau cùng,
trong khi thi hành chức vụ, linh mục thường gặp phải một
loại mâu thuẫn khác nữa, đó là mâu thuẫn giữa nhiều và chẳng
có chi.
Đúng thế,
đôi khi linh mục cầm trong tay cả một đống tiền, thế mà nếp
sống vẫn cứ đơn giản, vẫn cứ đạm bạc, bởi vì đống tiền ấy
chẳng phải là của riêng mình, nhưng là của chung và được
tiêu dùng cho những công việc đem lại lợi ích cho mọi
người, thật đúng với cốt cách : có cũng như không.
Đặc biệt
trong lãnh vực tình cảm, linh mục phải có một trái tim rộng
mở để chia sẻ và cảm thông với hết mọi người, từ những đứa
con nít cho đến những ông già bà cả, từ những kẻ giàu nứt
khố đổ vách đến những người nghèo túng khố rách áo ôm. Tình
yêu của ngài phải là một tình yêu không biên giới, không
loại trừ, không phân cách. Tình yêu ấy phải được trải dài,
trải rộng trên mọi người, nhưng lại không được phép đóng lại
trên một ai cả. Ngài chẳng phải là của riêng một ai và chẳng
một ai là của riêng mình ngài. Ngài yêu rất nhiều, nhưng
cuối cùng lại chẳng được bao nhiêu. Ngài là bạn của mọi
người, nhưng rốt cục lại là người cô đơn nhất. Cô đơn trong
trách nhiệm và bổn phận. Cô đơn trong khó khăn và thử thách.
Cô đơn trong đau yếu và tuổi già.
Khó khăn
là như thế, và cay đắng bẽ bàng cũng là như thế.
KẾT LUẬN
Như hạt
lúa phải được xay xát để làm nên tấm bánh, như trái nho phải
được nghiền nát để làm nên chén rượu, cuộc đời linh mục cũng
cần phải được xay xát, cũng cần phải được nghiền nát bởi
muôn vàn khổ đau để làm thành một lễ vật dâng tiến Chúa.
Như người
môn đệ, linh mục cũng phải biết chấp nhận và vác lấy cây
thập giá đời thường mà bước theo Chúa.
Như Đức
Kitô, linh mục cũng phải biết biến đời mình trở nên một hy
tế đẹp lòng Chúa.
Tuy nhiên,
chúng ta hãy can đảm ra khơi vì Chúa luôn ở bên cạnh chúng
ta. Ngài sẽ nâng đỡ chúng ta ở mọi nơi và trong mọi lúc. Vì
có Chúa thì có tất cả, bằng không thì chẳng có gì hết, có
Chúa thì màng nhện cũng sẽ trở nên tường thành. Bằng không
thì tường thành cũng chỉ là màng nhện mà thôi.
Để kết
luận, tôi xin nêu lên ở đây cuộc đời của cha “Piô Năm dấu”,
như một chứng tá sống động cho mầu nhiệm thập giá :
“Cha luôn
khao khát được thông phần đau khổ với Đức Kitô để cứu chuộc
nhân loại. Cha thường nói: "Ai bắt đầu yêu thương, phải
chuẩn bị đau khổ." Và quả thật, trong 50 năm trường, Cha đã
phải đau khổ, không những về thề xác mà còn về tinh thần, vì
những nghi ngờ, dèm pha, chống đối của chính anh em linh
mục. Nhưng cha đã can đảm chịu đựng, vâng phục mọi mệnh lệnh
của Tòa Thánh. Để có được sự khiêm tốn, cũng như sức mạnh để
chịu đựng đau khổ, nguồn ơn sủng duy nhất mà cha luôn luôn
tìm đến, đó là bí tích Thánh Thể trong Thánh Lễ mỗi ngày”.
GSVN |