ĐÀO TẠO VÀ
TỰ ĐÀO TẠO THIÊNG LIÊNG CỦA CÁC LINH MỤC TƯƠNG LAI
TRONG BỐI
CẢNH VIỆT NAM HÔM NAY
Nguyên
bản tiếng Anh
Lm.
Micae-Phaolô TRẦN MINH HUY
Bản dịch
Việt ngữ
Lm. Vincentê
Trần Minh Thực, Lm. GB. Nguyễn văn Hào
CHƯƠNG IX
GIAI ĐOẠN CHỦNG
VIỆN ĐÀO TẠO VÀ TỰ ĐÀO TẠO THIÊNG LIÊNG
A. Chương Trình Tổng
Quát Trong Tiến Trình Đào Tạo Của Chủng Viện.
Hầu hết các Đại Chủng Viện tại Việt Nam
đều chia chương trình đào tạo chủng viện làm hai giai đoạn.
Trước tiên là giai đoạn triết học, giai đoạn này kéo dài 2
năm hoặc 3 năm tuỳ theo mỗi chủng viện. Cuối giai đoạn triết
học, chủng sinh được đánh giá để có thể được gửi đi thực tập
mục vụ tại mỗi giáo phận.
Tiếp theo là giai đoạn thần học, giai
đoạn này cũng được chia làm hai nữa. Sau hai năm đầu giai
đoạn thần học, chủng sinh có thể được gửi tới một giáo xứ
trong vòng một năm để có được nhiều kinh nghiệm mục vụ của
Linh mục. Việc phân chia thời gian như thế này thuận tiện
cho ba cuộc nhận định quan trọng về chủng sinh. Nhận định
thứ nhất xảy ra sau hai năm đầu giai đoạn thần học. Nhận
định thứ hai xảy ra sau khi đã đi thực tập mục vụ (năm giúp
xứ) trở về. Và nhận định thứ ba sẽ xảy ra trong hai năm tiếp
theo của giai đoạn thần học để chuẩn bị lãnh chức linh
mục.291
Việc đào tạo thiêng liêng nhằm đến con
người toàn diện và làm cho người linh mục tương lai có thể
đạt tới sự trưởng thành nhân bản, trưởng thành trong đời
sống kitô giáo và trưởng thành trong đời sống linh mục. Vì
thế, chủng sinh phải được đào luyện với đời sống thần học
kiên vững, tinh thần cầu nguyện, tinh thần khổ chế, đức vâng
lời đích thực và trưởng thành, tinh thần khó nghèo Phúc âm
và khiết tịnh vì Nước Trời. Chủng sinh cũng phải học và thực
hành những nhân đức nhân bản và xã hội vốn được dân chúng
ngưỡng vọng và đức ái đòi hỏi, chẳng hạn: lòng thành thật, ý
niệm về đức công bằng, trung thành giữ lời hứa, lịch thiệp
và tín cẩn, tinh thần phục vụ và dấn thân, khả năng làm việc
chung, có trách nhiệm, v.v…
Người ta nhấn mạnh đến sự tương tác
giữa việc đào tạo nhân bản và đào tạo thiêng liêng. Việc đào
tạo nhân bản cho ứng sinh được bắt đầu với sự trợ giúp của
gia đình và xứ đạo trước khi anh vào Chủng viện. Việc đào
tạo nhân bản không chỉ đem lại lợi ích cho ứng sinh trong
thời gian học tại chủng viện mà còn có một ảnh hưởng sâu xa
đến sứ vụ tương lai của anh nữa. Nó tùy thuộc phần lớn vào
sự trưởng thành, sự quân bình tâm lý và sức mạnh của ý chí
của ứng sinh. Vì thế, việc đào tạo nhân bản luôn phải hòa
quyện với đào tạo thiêng liêng.
B. Đào Tạo Thiêng
Liêng
1. Chuẩn Mực Của Đào Tạo Thiêng
Liêng.
Việc đào tạo thiêng liêng thích hợp
nhằm giúp các linh mục tương lai tái khám phá căn tính của
mình, từ “bệ thờ” đến tham gia, từ người rao giảng cổ điển
đến người mang trong mình các mầu nhiệm, từ kiểu cách đơn
độc đến sứ vụ hợp tác, từ linh đạo đan viện đến linh đạo
sống thánh giữa trần thế, từ việc cứu giúp các linh hồn đến
việc giải thoát con người,292 ở tất cả mọi cấp độ.
a. Cấp Độ Cá Nhân
Linh đạo của chủng sinh triều mang
chiều kích Chúa Ba Ngôi và lấy Chúa Kitô làm trung tâm, gắn
bó cá nhân với Ngài, vừa hoạt động vừa chiêm niệm, cam kết
sống đời cầu nguyện mà Thánh Thể là trung tâm điểm, noi
gương Đức Maria, canh tân đời sống nội tâm và biến đổi mình,
sống kỷ luật, sống đơn sơ, sống quân bình nhân cách (thiêng
liêng, tâm lý và giới tính).
b. Cấp Độ Giáo Hội Và Truyền
Giáo
Linh đạo của linh mục triều mang đặc
tính: giáo hội, mục vụ và tông đồ, tinh thần hiệp thông,
tập thể tính linh mục, ăn khớp với giáo huấn của Hội Thánh,
sẵn sàng đáp ứng các dấu chỉ thời đại dưới tác động của ơn
Chúa, lãnh đạo như tôi tớ phục vụ, thấm nhuần đức tin và
truyền giáo, liên đới với người nghèo hèn bé nhỏ, đối thoại
với các nền văn hoá, với những niềm tin khác, với những
người không tin, cả với người vô thần và cộng sản, thăng
tiến công bằng xã hội, hoà bình, quyền con người, văn minh
tình thương và sự sống, mở ra với thế giới nhưng không thuộc
về thế gian. 293
C. Việc Linh Hướng
1. Định Nghĩa
Linh hướng là một công tác mục vụ đặc
biệt nhằm giúp chủng sinh lớn lên trong tương quan với Chúa
Cha, cởi mở đáp lại Chúa Kitô và sẵn sàng để Chúa Thánh Thần
hướng dẫn, ngõ hầu biết phân định ơn gọi của mình và chuẩn
bị cho sứ vụ linh mục trong Giáo Hội.294
* Linh hướng là một tiến trình trưởng
thành liên nhân vị, qua đó tiếng gọi của Chúa được lắng nghe
và đáp lại trong đức tin.
* Linh hướng nhằm nuôi dưỡng một con
tim phân định can đảm đang tìm khám phá để đạt được ý Chúa.
* Linh hướng trước hết liên hệ với sự
trưởng thành toàn diện trong đức tin, trong khi đối mặt kịp
thời với các vấn đề và khủng hoảng. Nói cách khác, việc linh
hướng kích thích đức tin phát triển.
* Việc linh hướng sẽ hữu hiệu khi sự
trưởng thành được biểu lộ rõ nét trong sự gia tăng tình
thương, lòng trung thành và sự chăm sóc đầy trách nhiệm.
* Việc linh hướng cung cấp một bầu khí
yêu thương vô điều kiện. Môi trường này rập khuôn với bầu
khí cầu nguyện. Tiên vàn đó là công việc của Chúa Thánh
Thần, và vị linh hướng phải học biết làm cho dễ dàng, chứ
không cản trở hoạt động của ơn thánh.
* Dù có tính cách liên nhân vị, việc
linh hướng mang chiều kích cộng đồng và Giáo Hội rất cao. Nó
nuôi dưỡng viễn ảnh toàn cầu và cánh chung, nội tại lẫn siêu
việt.
2. Những Nguyên Tắc Chung
Việc linh hướng thường nhắm đến những
mục đích sau:
* Giúp chủng sinh biết sống tương quan
mật thiết với Chúa;
* Giúp chủng sinh biết trực tiếp thưa
chuyện với Chúa và lắng nghe những gì Ngài chỉ dạy;
* Giúp chủng sinh sống thân mật với
Chúa và biết đối thoại với Ngài;
* Giúp chủng sinh bi?t nh?n ra và biết
sống những kinh nghiệm thực tế trong tương quan với Thiên
Chúa: kinh nghiệm sống đạo đối với việc linh hướng cũng
giống như thực phẩm đối với việc nấu nướng;
* Giúp chủng sinh biết lưu tâm mà đáp
lại tiếng Chúa mời gọi để càng ngày càng sống thân mật với
Ngài hơn, và sống những hậu quả của mối tương quan ấy;
* Giúp chủng sinh biết luôn đặt mình
trước mặt Chúa bằng cả con người và suốt cuộc đời mình;
* Giúp chủng sinh ý thức trách nhiệm
của mình để duy trì và phát huy trong ánh sáng của Chúa
Thánh Thần, vốn là vị linh hướng đích thực;
* Giúp chủng sinh tìm được con đường mà
Chúa mời gọi, để chọn lựa phù hợp ý Chúa, với ý thức và tự
do nội tâm.295
Người ta nhấn mạnh rằng người thụ hướng
phải đi bước trước trong mối tương quan. Những đề tài thảo
luận phải đáp ứng được các nhu cầu của người thụ hướng. Một
chương trình đào tạo được thiết lập để giúp ứng sinh thực
hiện một quyết định đặc biệt, trong sự tôn trọng sứ vụ linh
mục trong Giáo Hội. Vì thế, một bản câu hỏi gợi ý296 được đề
nghị như một chỉ dẫn để thảo luận trong các lần gặp linh
hướng.
3. Ba Vấn Đề Cơ Bản Và Quyết
Định
Trong giai đoạn đầu tiên ở Đại Chủng
Viện, ứng sinh phải được giúp ý thức và làm thế nào để trực
diện với ba vấn đề cơ bản mang tính quyết định ngõ hầu đạt
được một đường hướng dứt khoát hơn cho cuộc đời anh. Nếu ba
vấn đề này không được “giải quyết,” chúng sẽ ảnh hưởng mạnh
trên cách ứng xử của anh, mà hậu quả sẽ là một khủng hoảng
ơn gọi:
* Biết Mình
Tự biết mình là yếu tố rất quan trọng
để ứng sinh đạt được trưởng thành. Sau những năm học đại
học, có lẽ ứng sinh đã hiểu được mình là ai, với tất cả
những điểm mạnh và những điểm yếu. Nếu không có nhận thức rõ
ràng về mình này, ứng sinh dễ có khuynh hướng tự đề cao về
mình bằng sự phòng vệ. Sự kiện hầu hết chủng sinh không thể
trực diện chính mình để biết mình là ai giải thích tại sao
có quá nhiều sự không trưởng thành hay tự đánh giá thấp nơi
các thầy thần học, ngay cả nơi các linh mục mới chịu chức
nữa.
* Vấn Đề Sự Thân Mật Và Tính Dục
Là sinh viên tốt nghiệp đại học, nhiều
chủng sinh có thể đã có người yêu trong thời gian học đại
học; vấn đề sự thân mật và tính dục trở nên có thật. Chủng
viện sẽ xây dựng một lối sống khả dĩ ngăn ngừa cách hữu hiệu
các lối giải quyết cho những chiến đấu của họ. Chọn sống độc
thân là một chọn lựa tự do. Họ phải đương đầu và làm việc để
vừa thắng vượt các chiến đấu này, lại vừa thăng tiến chọn
lựa của mình. Nếu địa hạt này không được trực diện và giải
quyết, những vật lộn này sẽ trở lại với họ, ngay cả sau khi
đã thụ phong linh mục. Giáo Hội muốn tránh điều đó, nhưng
tiến trình khó khăn ấy cần có thời gian và những cố gắng
chân thành. Trong “Truyện Kiều,”297 Nguyễn Du diễn tả “dẫu
lìa ngó ý còn vương tơ lòng,” nghĩa là “tuy đã chia tay, sự
gắn bó dịu dàng vẫn còn.”
* Quyền Bính
Quyền bính quả là một cơn cám dỗ, đặc
biệt trong bối cảnh văn hoá tập trung quyền bính của Việt
Nam, do ảnh hưởng của Khổng Giáo và quyền bính phẩm trật của
Đạo Công giáo. Thật là ích lợi cho các chủng sinh khi được
đối mặt với những gương mặt quyền bính khác nhau, nhờ đó họ
có cơ hội xác định và điều khiển tự do của mình, hầu làm
phát triển một thái độ lành mạnh đối với quyền bính. Khả
năng tạo thế quân bình giữa phục tùng và tự lập nằm ở chính
đức vâng lời. Việc linh hướng phải giúp chủng sinh biết nhận
ra, đối diện và giải quyết các vấn đề này, hầu tránh được
các vấn đề về quyền bính có thể nổ ra sau này, gây nên các
mối liên hệ căng thẳng với Giám mục và giáo dân. Ngoài ra,
người ta cũng muốn vượt thắng ba loại tùng phục (quyền phục,
lý phục và tâm phục). Sự kính trọng thái quá đối với các
linh mục và chủng sinh của giáo dân Việt Nam có thể gây cớ
cho họ trở nên độc tài và quan liêu, hách dịch.
4. Đánh Giá Động Lực Nội Tâm
Vị linh hướng sẽ giúp chủng sinh phân
tích và đánh giá hai yếu tố này:
a. Tính Hấp Dẫn Của Ơn Gọi
Thiên Chúa có thể nói gián tiếp với
chủng sinh qua Kinh Thánh, qua Giáo Hội, qua gia đình và qua
những nhu cầu của cuộc sống con người. Ngài cũng có thể trực
tiếp đánh động con tim và làm cho sự lôi cuốn lớn lên thành
cốt lõi của ơn kêu gọi. Nhưng tính hấp dẫn này phải được
phân định qua việc linh hướng để nắm chắc rằng chủng sinh
đáp ứng được các khía cạnh thiêng liêng và tông đồ của một
cam kết dấn thân phục vụ Giáo Hội;
b. Biểu Lộ Cụ Thể Của Ý
Hướng Ngay Lành
Tự do lương tâm là điều cần thiết cho
quyết định làm linh mục. Vị linh hướng phải giúp chủng sinh
khám phá ra những gì Thiên Chúa thực sự kêu gọi anh trở
thành và thực hiện. Đáp trả tự do của anh sẽ là cốt lõi sự
cam kết của anh và động lực xứng hợp sẽ đóng một vai trò
quan trọng trong sự bền đỗ, khi anh cụ thể bày tỏ ý hướng
ngay lành muốn làm linh mục.
Trong năm thực tập mục vụ và hai năm
thần học cuối, chủng sinh phải tìm cho được lời khẳng định
rằng Chúa muốn anh quyết định trở thành linh mục. Theo
Thánh Ignatio, chủng sinh phải hiểu rõ sâu xa những điểm
mạnh cũng như những điểm yếu của mình. Anh phải được giúp
tìm biết cách ý thức chính mình, cũng như động lực vô thức
của anh, ngõ hầu anh thấy được anh phải biến đổi trong cái
gì. Chủng sinh phải đánh giá lại lời mời gọi của Chúa và sự
đáp trả của anh để có được một cam kết sâu xa hơn. Anh cũng
phải nội tâm hóa dấn thân của anh, cũng như cụ thể hóa đời
sống sứ vụ của một linh mục triều, qua việc anh gặp gỡ Chúa
Giêsu Kitô, Đấng là nguyên thuỷ và cùng đích của mọi ơn gọi
(x. Ga 15, 16).
Sau khi đã chú ý lắng nghe với biện
phân và khiêm tốn, vị linh hướng có thể khám phá được người
thụ hướng được Chúa gọi hay không. Nếu có, ngài xác định cho
anh tiếp tục đi tới với niềm vui tươi, hy vọng và hạnh phúc,
mặc dù anh sẽ gặp thấy những khó khăn và đen tối trong cuộc
sống lữ hành của anh. Nếu không, ngài nên gợi ý cho anh đổi
hướng sống trong bình an, đồng thời bước theo con đường Chúa
mời gọi anh đi với can đảm và hạnh phúc.
D. Đời Sống Cầu
Nguyện Và Đời Sống Nội Tâm
1. Định Hướng Căn Bản Cho Đời Sống
Thiêng Liêng Sâu Xa:
Yếu tố quan trọng nhất trong việc đào
tạo thiêng liêng là cầu nguyện, vì việc cầu nguyện nuôi
dưỡng đời sống thiêng liêng.
Trước khi vào Chủng viện, các chủng
sinh đã từng kinh nghiệmvề kinh nguyện Kitô giáo: cầu nguyện
cá nhân, cầu nguyện cùng cộng đoàn và cầu nguyện trong phụng
vụ. Họ đã được khai tâm bởi nhiều người và nhiều cách khác
nhau, tùy theo sự khác biệt trong hành trình và sự đa dạng
của các trào lưu đạo đức trong Giáo Hội Công giáo.298 Như
thế, ít nhiều chi họ cũng đã nếm trải được niềm vui và sự
khô khan trong việc cầu nguyện (x. Rm 8, 26). Do đó, việc
huấn luyện cầu nguyện, vốn là cách biểu lộ đặc biệt đức tin
và đức cậy của chúng ta nơi Chúa, sẽ không bao giờ kết thúc.
Cầu nguyện sẽ giúp mỗi người sống tiếp thông với Chúa. Việc
đổi mới đời sống nội tâm này là điều kiện không thể thiếu
của mọi cuộc canh tân hiệu quả của Hội Thánh.299
Theo truyền thống, việc huấn luyện cầu
nguyện là đối tượng được quan tâm đặc biệt, dựa trên hai
bàn tiệc Lời Chúa và Thánh Thể.300 Việc đào tạo này lưu ý
đến tâm thức đương thời, tâm lý đạo đức của chủng sinh, cách
thức họ sống đời tín hữu và ước muốn trở thành linh mục.
Việc đào tạo này nhằm giúp chủng sinh thanh luyện và sửa
chữa cách thức cầu nguyện của họ, đồng thời học lời cầu
nguyện tông đồ và mục vụ cho sứ vụ mai ngày của họ.
Một quan niệm tiên quyết và đích thực
phải có là cách cầu nguyện của linh mục triều khác với cách
cầu nguyện của linh mục dòng. Linh mục triều cầu nguyện bằng
sứ vụ của mình bất cứ giờ nào và bất cứ ở đâu. Gương mẫu của
họ là chính Chúa Giêsu, Đấng luôn sống thân mật với Chúa
Cha: Chúa Giêsu cầu nguyện với Chúa Cha, lúc ở nơi hoang
vắng hay khi ở giữa đám đông dân chúng, lúc ban ngày hay
suốt đêm khuya, sáng sớm tinh sương hay muộn màng lúc đêm
về, lúc vui mừng vì phép lạ hay khi đau khổ nơi vườn
Giêtsimani, hoặc trên thập giá trong giờ tử nạn. Linh mục
triều cầu nguyện theo đường lối đó và trong sự hiện diện của
Chúa.
Vì thế, chủng sinh phải học thiết lập
một kỷ luật cho mình, trong cả hai chiều kích của đời sống
cầu nguyện, cá nhân cũng như cộng đoàn. Anh nắm giữ kỷ luật
ấy, cả trong thời gian đang học ở chủng viện, và suốt cuộc
đời linh mục của anh trong tương lai. Hầu hết các linh mục
rời bỏ chức linh mục là vì đã sao lãng hay bỏ bê không cầu
nguyện nữa. Họ thi hành sứ vụ như là công chức vậy.
Việc huấn luyện cầu nguyện phải được
thực hiện tương tác với việc đào tạo thần học, trong các
khía cạnh đa dạng của nó, đời sống cộng đoàn, phụng vụ, khai
tâm tiệm tiến vào sứ vụ và đời sống linh mục, bằng khoa sư
phạm phù hợp với những con người, nơi chốn, thời gian và
thực hành khác nhau.301
Vì thế, Đức Gioan Phaolô II đã nhắc nhở
các linh mục phải lấy Chúa Giêsu làm trung tâm đời sống và
luôn kết hợp mật thiết với Chúa bằng cầu nguyện, suy niệm cá
nhân hàng ngày, Phụng vụ các Giờ Kinh và Thánh Thể. Rồi Ngài
kết luận : “Nếu anh em đầy Chúa, anh em sẽ là những tông đồ
đích thực của công cuộc truyền giáo mới, vì không ai có
thể cho cái mà họ không có trong tâm hồn.” 302
2. Ba Đặc Tính của Cầu Nguyện:
a. Lời Cầu Nguyện Kitô Giáo303
Lời cầu nguyện Kitô giáo giúp chúng ta
khám phá và gặp gỡ Thiên Chúa, Đấng làm cho ý hướng phàm
nhân được siêu thoát. Đó là một dấn thân cá nhân của con
người đáp trả lời mời gọi của Thiên Chúa trong mỗi phút
giây, nhờ Chúa Thánh Thần trợ giúp (x. Rm 8,26). Lời cầu
nguyện Kitô giáo được đồng hóa với lời cầu nguyện của Đức
Kitô, Đấng mang lấy cả loài người và dâng chính mình lên
Chúa Cha.
Trong hiệp thông với Hội Thánh, mỗi
người được mời gọi ca ngợi Thiên Chúa nơi các thánh, chiêm
ngắm mầu nhiệm thánh ý Chúa, nài xin thoát khỏi những lo âu
phiền muộn, giữ vững niềm tin, biết rằng mọi người trên thế
gian đều phải gánh chịu cùng một nỗi thống khổ; cầu xin ơn
cứu độ, xác tín rằng Thiên Chúa muốn mọi người được rỗi;
hiến dâng chính mình và tất cả nhân loại, nhờ công việc của
Chúa Thánh Thần; ăn năn thống hối (x. 1 Ga 1, 9); và cùng
với mọi loài thụ tạo, tôn thờ Đấng Tạo Hóa.
Sau Chúa Kitô, Đức Maria là mẫu gương
về đời sống cầu nguyện của mọi tín hữu. Mẹ đã ca ngợi những
kỳ công của Chúa, đón nhận mầu nhiệm cứu độ và giữ vững đức
tin sống động, cả dưới chân Thập Giá. Mẹ hằng cầu bầu cho
các tín hữu và trở thành gương mẫu cho các linh mục trong
đời sống cầu nguyện. Thật vậy, Tông Huấn Pastores Dabo Vobis
dạy: “Mọi chiều kích của việc đào tạo linh mục đều có thể
qui chiếu về Đức Maria … Nhờ gương mẫu và lời chuyển cầu của
Người, Đức Trinh Nữ luôn tĩnh thức dõi theo sự phát triển
các ơn gọi và đời sống linh mục trong Hội Thánh.” 304
b. Lời Cầu Nguyện Tông Đồ305
Nhờ hoạt động, người môn đệ Đức Kitô
loan báo Tin Mừng và khai mạc Nước Thiên Chúa. Nhờ cầu
nguyện, người môn đệ nhận ra và làm chứng rằng Nước Trời là
một quà tặng của Thiên Chúa, và ân huệ ấy phải được khẩn
khoản nài xin bằng lời cầu nguyện. Chính Chúa Giêsu đã dạy
các môn đệ của Ngài phải cầu nguyện cho Nước Thiên Chúa ngự
đến (x. Mt 6, 9-10).
Công Đồng Vaticanô II khuyên dạy người
Kitô hữu chúng ta cần để ý sâu xa hơn tới những khía cạnh
tông đồ. Mục đích của việc tông đồ là làm cho người khác
nhận biết và yêu mến Thiên Chúa, Đấng không ngừng qui tụ mọi
người từ khắp muôn phương. Như thế, chiều kích tông đồ thuộc
về kinh nguyện kitô giáo. Không thể có đối nghịch và phân rẽ
giữa cầu nguyện và hành động. Hành động là nơi người ta hao
tốn nhiều sức lực, có khi đến cạn kiệt; còn cầu nguyện là
nơi con người tái nạp lại năng lượng. Lời cầu nguyện tông đồ
bảo đảm và ghi nhận xác tín rằng Nước Thiên Chúa đến không
tùy thuộc hành động của con người, nhưng lệ thuộc vào hành
động của Thiên Chúa.
Vì thế, việc đào tạo sống đời tông đồ
và đào tạo cầu nguyện không thể tách rời nhau được. Khi linh
mục xác tín hơn rằng mình phải ký thác cho Chúa Thánh Thần
để trở thành dụng cụ mềm mại trong tay Thiên Chúa cho hoạt
động tông đồ, lúc ấy ngài sẽ xác tín hơn về nhu cầu của lời
cầu nguyện. Ngài sẽ hiểu rằng cầu nguyện không phải là một
bổn phận phải chu toàn, nhưng là mối tương quan cần thiết
với chính Thiên Chúa, Tác Nhân Chính Yếu của việc Nước Trời
đến. Ngài sẽ giao phó chính mình cho hoạt động của Chúa
Thánh Thần, ý thức rõ ràng hơn các dấu hiệu cụ thể của Nước
Trời đang đến và làm cho các dấu hiệu đó dễ dàng trở nên
chất liệu để chiêm ngắm.
c. Lời Cầu Nguyện Mục Vụ306
Lời cầu nguyện mục vụ là một trong
những bổn phận của người mục tử, cả khi giáo dân tham gia
vào các trách nhiệm mục vụ này. Những ai lãnh nhận trách
nhiệm phục vụ cộng đoàn sẽ mang lấy cộng đoàn ấy vào trong
lời cầu nguyện của mình.
Hoa trái của công tác mục vụ không phải
là kết quả của sức con người, của tổ chức đẹp và linh hoạt
tốt, nhưng là do công việc của Chúa Thánh Thần, Đấng hoạt
động cách nhiệm mầu trong cộng đoàn và trong từng thành viên
của cộng đoàn ấy.
Các mục tử phải để Chúa Thánh Thần
hướng dẫn chính họ, có thế thì các hoạt động của họ mới là
của Ngài. Họ cũng phải xin Chúa làm công việc của Ngài ở
trong cộng đoàn: mở lòng họ cho hoạt động của Ngài với tinh
thần tông đồ.
Loại cầu nguyện này liên quan đến sứ vụ
của toàn thể Hội Thánh, nhưng đặc biệt cho những ai, do
nhiệm vụ, có trách nhiệm đối với cộng đồng Giáo Hội. Trách
nhiệm này xuất hiện rõ nét nơi sứ vụ chủ tọa Bí tích Thánh
Thể và cử hành Phụng Vụ các Giờ Kinh. Đối với vị mục tử,
việc cầu nguyện cho dân chúng là một phần trong toàn bộ
trách nhiệm mục vụ của ngài, một nghĩa vụ thường xuyên đích
thực, “một mối nợ trong sứ vụ.”307
Lời cầu nguyện mục vụ là một hình thức
của việc thực thi đức ái mục tử và của tình yêu Đức Kitô
dành cho Hội Thánh và hết thảy mọi người. Vì thế, lời cầu
nguyện mục vụ nhắm đến toàn thể nhân loại mà Chúa Kitô đã
hiến mình chịu chết, chứ không chỉ giới hạn vào cộng đoàn đã
được tập họp.
3. Phương Tiện Sư Phạm Trong Việc Huấn
Luyện Cầu Nguyện
a. Các Trách Nhiệm
Trách nhiệm đầu tiên của việc cầu
nguyện thuộc về Hội Thánh. Các nhà huấn luyện nhận lãnh
trách nhiệm hướng dẫn việc cầu nguyện của cộng đoàn, quan
tâm đến sự tham dự của cả cộng đoàn và của từng người. Các
ngài cũng phải ý thức giúp đỡ cộng đoàn Chủng viện và mỗi
chủng sinh đi vào tinh thần của kinh nguyện phụng vụ, ngõ
hầu ai nấy đều có tâm thức Giáo Hội, hơn là coi đó như những
thực hành hay những ưa thích cá nhân.
Dầu vậy, không có đối nghịch giữa cầu
nguyện cá nhân và cầu nguyện cộng đồng, bởi vì bất cứ buổi
cầu nguyện cộng đồng nào cũng đòi hỏi mọi thành phần tham
dự, và bất cứ lời cầu nguyện cá nhân nào cũng đều là sự kéo
dài của kinh nguyện phụng vụ và đều hướng tới kinh nguyện
phụng vụ. Nhưng cầu nguyện cộng đồng không chỉ đơn giản là
tổng số những lời cầu nguyện cá nhân. Mỗi người đều có trách
nhiệm về phẩm chất kitô và Giáo Hội của lời cầu nguyện cá
nhân cũng như của lời cầu nguyện của cộng đoàn mình: sự hiệp
nhất của các con tim đang cầu nguyện (x. Cv 2, 46). Và lời
cầu nguyện cộng đồng nâng đỡ lời cầu nguyện cá nhân: sự
khích lệ nhận được từ lời cầu nguyện cộng đồng sẽ giúp mỗi
người vượt qua những thử thách và những khó khăn mà mỗi
người không thể tránh khỏi trong cuộc sống, chủng sinh cũng
như linh mục.
b. Những Nơi Chốn
Việc linh hướng là một chỗ đặc ân, nơi
đó, với tin tưởng và tự do, mỗi chủng sinh có thể nói về đời
sống cầu nguyện của anh, về phẩm chất kitô và Giáo Hội của
lời cầu nguyện đó, kiểm chứng tính kiên trì của việc anh cam
kết cầu nguyện cộng đồng cũng như cầu nguyện cá nhân, đặc
biệt trong việc nguyện gẫm.
Việc linh hướng cũng là nơi huấn luyện
cầu nguyện, vì nơi đây chủng sinh có thể bày tỏ những khó
khăn, những tiến bộ hay thụt lùi, chiến đấu và niềm vui của
mình khi cầu nguyện. Trong chiều hướng này, vị linh hướng có
thể giúp người chủng sinh, bị xô đẩy chán nãn, tìm ra hay
tìm lại được con đường cầu nguyện, bằng cách khám phá ra và
thử nghiệm những phương pháp thích hợp nhất sẵn sàng nâng đỡ
anh và làm cho anh tiến bộ thực sự trong việc cầu nguyện cá
nhân.
Vị linh hướng cũng phải làm cho đời
sống cầu nguyện hội nhập hoàn toàn vào đời sống thiêng
liêng, nhờ đó mỗi chủng sinh càng ngày càng học được làm sao
đọc ra ý nghĩa thiêng liêng của các biến cố trong cuộc sống,
chẳng hạn như lời mời gọi cá nhân phải hoán cải, việc loan
báo Tin Mừng và tình hiệp thông huynh đệ …
c. Các Thời Khắc
Đây là điều rất quan trọng: giúp chủng
sinh ý thức sâu xa rằng đời sống thiêng liêng không thể chỉ
đơn giản giản lược vào những thời khắc đặc biệt dành cho
việc đọc kinh cầu nguyện, nhưng thời giờ cầu nguyện phải mở
rộng ra trong toàn bộ cuộc sống. Người ta phân biệt cầu
nguyện độc hữu và cầu nguyện liên lĩ. Giờ cầu nguyện độc hữu
là chỉ dành cho việc cầu nguyện mà thôi, không làm chi khác.
Còn cầu nguyện liên lĩ là cầu nguyện trong khi làm bất cứ
việc gì.
Như thế, cầu nguyện góp phần vào sự
thống nhất đời sống ơn gọi của chủng sinh, dù đôi khi cuộc
sống ơn gọi đó gặp phải những khó khăn và thử thách. Các
phương diện khác nhau của công cuộc đào tạo phải được tập
hợp nhắm tới việc thống nhất đời sống, được kích hoạt bởi
đức ái mục tử của Đấng Chăn Chiên Lành. Tất cả mọi người đều
được mời gọi giúp đỡ lẫn nhau để đón nhận từ Chúa Cứu Thế sự
phong phú nhiệm mầu của cuộc sống hiến dâng cho Chúa Kitô và
cho tha nhân.
4. Sự Thinh Lặng: Điều Kiện Thiết
Yếu Cho Đời Sống Nội Tâm
a. Ý Nghĩa và Mục Đích của
Thinh Lặng
Sự thing lặng không thể bị chia tách
bên ngoài và bên trong được.308 Thinh lặng bên ngoài vừa là
hy sinh hãm mình vừa là phương tiện bảo đảm sự yên tĩnh của
tâm hồn, để hồi tâm và sống thân mật với Thiên Chúa.
Thinh lặng nội tâm là sự bình an của
linh hồn, nghĩa là nỗ lực kiểm soát các đam mê, kiềm chế
những tưởng tượng viển vông, lo âu, kích động thái quá hay
những suy sụp chán nãn. Những tâm hồn tìm kiếm sự thánh
thiện phải luyện tập để có sự bình an ấy: nếu không có thói
quen tập luyện như vậy, thì cũng chẳng có thói quen tập nghĩ
đến sự hiện diện của Chúa.309 Thinh lặng nội tâm là thái độ
sâu xa của linh hồn tìm kiếm mọi sự từ Thiên Chúa và hoàn
toàn qui hướng về Ngài.
Thinh lặng nội tâm cần đến và nuôi
dưỡng thinh lặng bên ngoài, trong khi thinh lặng bề ngoài
phục vụ cho mục tiêu của thinh lặng nội tâm. Vì thế, luật
sống của Chủng viện phải coi thinh lặng bên ngoài như là ưu
tiên, vì ở đâu thinh lặng bên ngoài không hiện hữu thì thinh
lặng nội tâm cũng vắng mặt.310
b. Giá Trị của Thinh Lặng311
“Trong bối cảnh ồn ào và máy động như
của xã hội chúng ta, thinh lặng là bầu khí thiêng liêng và
sống còn để cảm nhận sự hiện diện của Thiên Chúa.”312 Do đó,
việc đào tạo thiêng liêng đòi hỏi sự thinh lặng của mỗi
người trong cuộc sống hằng ngày, trong đời sống phụng vụ, và
trong những dịp đặc biệt của những ngày tĩnh tâm hay cấm
phòng. Nhờ sự thinh lặng, người chủng sinh biết chỗ của mình
trước mặt Chúa, đồng thời tỏ lộ lòng khiêm tốn và khả năng
lắng nghe của anh khi Chúa nói.
Nhờ sự thinh lặng của thân xác, của trí
óc và con tim, anh mới có thể đạt tới sự hiệp nhất và hiệp
thông với Chúa: “Hãy lặng thinh và hãy biết rằng Ta là Thiên
Chúa” (Tv 46, 10). Như thế, “việc tìm kiếm thân mật với Chúa
thực sự bao hàm nhu cầu sinh tử về thinh lặng của toàn thể
con người.”313 Sự thinh lặng này không phải là một không
gian trống rỗng, bởi vì Thiên Chúa luôn có đó để lấp đầy.
Nhiệm vụ quan trọng nhất là phải ý thức rằng ta luôn ở trong
sự hiện diện của Chúa và không thể tách khỏi Ngài.
c. Những Thách Đố của Thinh
Lặng314
Thinh lặng là một trong những thách đố
lớn nhất trong đời sống con người. Một số người tìm kiếm sự
thinh lặng, nhưng nhiều người khác lại làm mọi cách để tránh
nó. Nhưng thinh lặng hổ trợ lời nói, chuẩn bị lời nói và làm
cho lời nói nên phong phú. Nếu không có thinh lặng thì có lẽ
chẳng có ngôn ngữ. Lời nói cần thiết vì là phương tiện thông
tin. Ngôi Lời, chìm sâu trong mầu nhiệm lặng thinh của Thiên
Chúa để rồi giải thích và thông truyền Thiên Chúa cho con
người. Đòi hỏi của thinh lặng và lời nói phải được cân bằng.
Vì thế, văn kiện Đào Tạo Thiêng Liêng
Trong Chủng Viện mô tả rõ “thinh lặng nội tâm” - “thinh lặng
bên ngoài”, và đòi hỏi thinh lặng nội tâm như là bầu khí
đúng đắn của việc giáo dục tổng quát.315 Đức Gioan Phaolô II
ước mong rằng “chủng viện phải là nơi của thinh lặng, là nhà
cầu nguyện, nơi đó Chúa tiếp tục qui tụ các môn đệ riêng
ra, để họ sống cái kinh nghiệm mạnh mẻ của sự gặp gỡ và
chiêm niệm.”316 Thinh lặng là một thách đố cho bất cứ ai
muốn sống thật đầy ý thức, chăm chú, cảnh giác và hoàn toàn
hướng về Thiên Chúa. Mỗi người cần nhìn thấy và tìm ra được
những cơ hội khả dĩ cho thinh lặng và đem chúng vào trong
cuộc sống mình.
d. Những Phương Tiện Thuận Lợi
Cho Việc Giữ Thinh Lặng317
+ Thinh Lặng trong Phụng Vụ
Thinh lặng luôn là một phần của việc
thờ phượng. Ta nên dùng kinh nguyện cộng đồng để dạy về
thinh lặng. Phụng vụ cung cấp nhiều cơ hội để thinh lặng:
Ngưng nghỉ một khoảng thời gian thích hợp sau mỗi bài đọc;
nghỉ chốc lát để suy niệm sau bài giảng, hay sau lời kêu mời
“chúng ta dâng lời cầu nguyện.” Sau hiệp lễ, nên dành một
thời gian thinh lặng.
Trong Phụng vụ các Giờ Kinh cũng có
nhiều dịp để thinh lặng: Sau vinh tụng ca và trước điệp ca
của thánh vịnh kế tiếp, một chút ngưng nghỉ để cộng đoàn suy
niệm về thánh vị đó; sau bài đọc Lời Chúa và trước xướng
đáp, một lúc thinh lặng hợp lý để suy niệm.
Chúng ta chỉ chậm rải đi vào thinh lặng
sâu lắng khi chúng ta ý thức sự hiện diện bí ẩn của Thiên
Chúa. Cầu nguyện trở thành sự kết hợp những lúc thinh lặng
và lời nói trong một thái độ chiêm niệm, và đời sống thiêng
liêng được ẩn giấu với Chúa Kitô trong Thiên Chúa.318
+ Thinh Lặng Trong Nhà
Thật là quan trọng khi nhận ra rằng có
nhiều môi trường khác nhau trong nhà: Tầng trệt, sân chơi,
phòng ăn và phòng khách của chủng sinh là những nơi thích
hợp để chuyện vãn. Tuy nhiên, ở các hành lang trên lầu và
các phòng của chủng sinh thì nên kiềm chế việc nói chuyện.
Mọi người đều phải cẩn trọng để khỏi làm xáo trộn sự thinh
lặng của người khác. Radio, máy nghe băng, Tivi, âm lượng
trao đổi… phải được điều chỉnh để bảo vệ bầu khí chiêm niệm,
vốn phù hợp cho đời sống cầu nguyện và học tập. Không đòi
phải thinh lặng tuyệt đối, nhưng cuộc trao đổi phải được giữ
ở mức tối thiểu.
+ Thinh Lặng trong Những Ngày
Cấm Phòng hay Tĩnh Tâm
Đời sống thiêng liêng và sự trưởng
thành thiêng liêng được triển nở khi thinh lặng trở thành
một phần của đời sống con người. Các cuộc tĩnh tâm dành cho
việc đào tạo và bồi dưỡng thiêng liêng là những cơ hội khả
dĩ để trải nghiệm sự thinh lặng.
Những ngày cấm phòng và tĩnh tâm là
những kinh nghiệm căn bản trong việc tìm lại nguồn năng
lượng cho đời sống cầu nguyện và đức tin. Chủng sinh sẽ dần
dần khám phá ra những điều kiện của đời sống cầu nguyện đích
thực trong ơn gọi và đời sống thiêng liêng của mình.
Những ngày cấm phòng và tĩnh tâm còn là
dịp để lấy lại sức lực cho thể xác, cho trí khôn và linh
hồn. Càng cảm thấy dễ chịu khi sống thinh lặng trong nhà,
người ta càng dễ đi vào những giai đoạn thinh lặng dài lâu
hơn. Thinh lặng không có nghĩa đơn giản là không nói. Do đó,
người tĩnh tâm nên được khuyến khích loại bỏ những mối bận
tâm bên ngoài. Những thứ làm cho mình mất sự thinh lặng bề
ngoài như báo chí, truyền thanh, truyền hình … Tuy những
biến cố xảy ra trên thế giới là một phần của đời sống cầu
nguyện, chúng ta không cần phải quá chuyên môn để đem vào
hết mọi biến cố. Càng đi vào thinh lặng và càng thăng tiến
đời sống chiêm niệm, chúng ta càng có thể nghe tiếng Chúa
với những âm thanh khác nhau và mới lạ.
Thật là quan trọng khi nhận ra rằng
tĩnh tâm là thời gian để nâng cao ý thức. Người tĩnh tâm cần
ở vị trí “là” hơn là “làm.” Sự chú tâm sẽ đạt được bằng
cách học cho biết thụ động lắng nghe. Merton nói rằng mức
độ truyền thông cao nhất không phải là truyền thông nhưng là
hiệp thông. Vì thế, trong thinh lặng, trong không gian vắng
lời nói, người tĩnh tâm có thể trở nên một với Chúa. Nhiệm
vụ thiết thực là phải thuyết phục rằng ngay cả giữa cuộc
sống bận rộn và xôn xao, chúng ta vẫn có thể kết hợp nên một
với Chúa. Thái độ chiêm niệm này là thích hợp, không những
trong chủng viện, mà còn trải dài trong suốt cuộc sống sứ
vụ. Thái độ cầu nguyện này có thể còn sinh hoa kết quả dồi
dào hơn nữa.
5. Những Hình Thức Cầu Nguyện
a. Liên Quan Đến Lời Chúa
1) Lời Chúa
Trong sắc lệnh Chức Vụ và Đời Sống Linh
Mục, Công đồng Vaticanô II nêu rõ: “Nhiệm vụ đầu tiên của
linh mục là rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa cho mọi
người,”319 Kitô hữu cũng như không phải là kitô hữu; và Tông
Huấn Pastores Dabo Vobis (Những mục tử như lòng mong ước)
khẳng định “Linh mục trước tiên phải là thừa tác viên của
Lời Chúa.”320 Lương thực đầu tiên nuôi dưỡng đời sống thiêng
liêng của linh mục là Lời Chúa (x. Mt 4,4). Ai giữ Lời Chúa
thì sống trong Chúa và tình yêu của Chúa được trọn hảo nơi
người ấy (x 1Ga 2,5-6); và người ấy sẽ an toàn đi trên chính
lộ đến cùng Chúa Cha (x. Ga 14,6). Lời Chúa ban sự sống đời
đời (x. Ga 6, 68).
Suy niệm, sống và rao truyền Lời Chúa
là bổn phận và sứ vụ của mọi người kitô hữu, nhưng còn hơn
thế, đó là sứ vụ tiên quyết của linh mục (x. 1 Cr 9, 16).
Chính Lời Chúa làm cho đời sống và sứ vụ của linh mục được
triển nở và sinh hoa kết trái dồi dào trong chương trình cứu
độ của thánh ý Chúa (x. Is 55,10-11, vì Lời Chúa khám phá ra
điều bí ẩn trong linh hồn, chất vấn, sửa chữa, hoán cải, đổi
mới và thánh hoá con người, với “một tâm hồn mới và một tinh
thần mới” (x. Ezk 18,31), bằng cách làm cho đời sống và
hành động của con người được thấm nhuần những giá trị Phúc
Âm.
2) Lectio Divina
Ngày nay người ta tái khám phá ra giá
trị và hiệu quả của việc đều đặn đọc và cầu nguyện Thánh
Kinh, quen gọi là Lectio Divina. Nhiều linh mục và giáo dân
làm chứng rằng họ đã tìm được nguồn lương thực nuôi dưỡng
đời sống thiêng liêng trong việc đọc và suy gẫm Lời Chúa
hàng ngày hay hàng tuần. Bằng cách đặt cuộc sống mình dưới
sức mạnh của Lời Chúa, người ta bộc lộ thái độ của người môn
đệ lắng nghe, của người tôi tớ vâng lời, của Người Con đến
để thi hành thánh ý của Cha. Lời Chúa đổi mới cái nhìn của
chúng ta về mọi sự. Lời Chúa soi sáng trí khôn, mời gọi tới
đức tin, mở lớn niềm hy vọng, thức tỉnh và đổi mới tình yêu.
Trong chủng viện, Lectio Divina được để
cho sáng kiến của chủng sinh, với sự giúp đỡ của vị linh
hướng. Khoa chú giải Thánh Kinh và Lectio Divina là hai bước
biệt lập: qua việc chú giải Thánh Kinh, người ta học làm sao
để thực sự đọc một bản văn với sự chú ý và khách quan, trong
khi Lectio Divina gợi lên lòng khao khát học toàn bộ Kinh
Thánh để khám phá và sống mỗi ngày một hơn sự phong phú bất
tận của Lời Chúa.
3) Phụng Vụ Các Giờ Kinh
Phụng Vụ Các Giờ Kinh là lời cầu nguyện
của Hội Thánh. Nhịp điệu và cấu trúc của nó không ngừng
hướng con tim và ý tưởng chúng ta về Chúa, Đấng là nguồn mọi
thiện hảo. Đối với một số người, nguy cơ của việc cử hành
cộng đồng Phụng vụ các Giờ Kinh là để cho mình bị lôi đi
cách máy móc hời hợt, thiếu nội tâm hóa đầy đủ sự phong phú
của lời kinh này. Nhưng việc đọc riêng Thần vụ này còn khó
khăn hơn, song đây lại là cái thông thường trong đời sống
của đa số các linh mục triều sau khi chịu chức.
Vì thế, trong các buổi gặp linh hướng,
người ta phải lưu ý “trắc nghiệm” các chủng sinh trong những
kỳ nghỉ và thời gian thực tập mục vụ: Sống xa chủng viện,
lại nhiều ít ở một mình, đâu là chỗ họ dành cho Kinh Nhật
Tụng? Khuyến khích các linh mục tương lai trung thành với
Phụng vụ các Giờ Kinh được nhìn nhận như là một bổn phận,
hoặc đề nghị họ thực hành cộng đồng thì chưa đủ. Cần làm cho
họ có thể hiểu rõ sự phong phú và ý nghĩa của việc thực hành
này, ngõ hầu họ đảm nhận nó như một bổn phận quan trọng của
sứ vụ tương lai của họ, trong sự hiểu biết và xác tín.
4) Nguyện Gẫm
Nguyện gẫm cá nhân hằng ngày là một
thực hành cổ điển trong các chủng viện. Các chủng sinh được
khuyến khích và giúp đỡ do được dạy cho biết nhiều phương
pháp nguyện gẫm của nhiều trường phái linh đạo khác nhau. Họ
có thể đi sâu vào một phương pháp thích hợp và khám phá ra
cách thức riêng của mình để nguyện gẫm, vượt quá các phương
pháp trên.
Hình thức cầu nguyện bằng trí khôn này
là một cuộc tìm kiếm đầy đủ và sâu xa sự hiện diện và hoạt
động của Thiên Chúa, như được mạc khải nơi các bản văn họ
đọc. Họ đem hết trí tưởng tượng, tình cảm, trí khôn và ý
muốn để chiêm ngắm những lời nói và việc làm của Chúa Giêsu
trong Tin Mừng. Những khám phá như thế dẫn tới những biến
đổi trong thái độ nội tâm và các động lực, ảnh hưởng đến
cách ứng xử và làm phong phú mối tương quan của họ với Chúa
(x. Lc 24,32).
Việc nguyện gẫm được hướng dẫn bởi các
nhà đào tạo có thể giúp những người bắt đầu đi vào thực hành
nguyện gẫm và làm cho họ có thể tự do chấp nhận một cách
thức cụ thể để vượt qua các giai đoạn của thời gian cầu
nguyện này. Thời gian tĩnh tâm và cấm phòng là những thời
khắc đặc ân để tập luyện thực hành nguyện gẫm. Nhờ vào bầu
khí lắng nghe, trao đổi và khích lệ của các buổi gặp linh
hướng, chủng sinh có thể nói và đánh giá những niềm vui và
những khó khăn họ gặp phải, nhịp độ và những khám phá đã
thực hiện. Đời sống nhóm cũng là nơi để trao đổi và chia sẻ
hữu ích.
Nguyện gẫm phải là thời gian và nơi
chốn không gì có thể thay thế. Nó là một niềm vui và một
trắc nghiệm lòng trung thành với Chúa, trong sự hiện diện
đầy yêu thương của Ngài. Sự khô khan không thể tránh khỏi và
sa mạc là những cuộc tập luyện tốt để khỏi dính bén các ảo
tưởng cho rằng mình trực tiếp nắm bắt được Chúa.
Sau cùng, nguyện gẫm là nơi tiếp nhận
và tái khám phá Thiên Chúa, Đấng không ngừng tự hiến mình
cho những ai hằng tìm kiếm Ngài. Nhờ việc nguyện gẫm hằng
ngày, người ta hiệp thông với Chúa và kín múc được nghị lực
phục vụ tha nhân.
5) Đọc Sách Thiêng Liêng
Cùng với Lectio Divina, phải kể đến
thực hành đọc đều đặn sách thiêng liêng của các Giáo phụ, để
có thể làm quen trong đức tin sứ điệp Tin Mừng được các
chứng nhân sống động chuyển tải và phiên dịch. Việc đọc sách
thiêng liêng được coi là suối nguồn rất giá trị giúp chủng
sinh lớn lên trong tương quan với Thiên Chúa và vận dụng cho
các cuộc gặp linh hướng. Đọc sách thiêng liêng là một con
đường đức tin được chia sẻ trong kinh nghiệm của người khác.
Điều quan trọng là sống làm sao. Tốt
hơn là đọc ít đoạn rồi dừng lại để suy gẫm, thay vì đọc
nhiều trang mà không để cho những điều đã đọc giúp mình
tương quan thân mật với Chúa. Các sách thiêng liêng cổ thời
hay hiện đại đều có thể giúp chúng ta lớn lên trong đời sống
thiêng liêng mỗi ngày. Điều quan trọng không phải là đọc một
bản văn, nhưng là tìm ra từ bản văn ấy cái giúp phát triển
mối tương quan của một con người với Thiên Chúa.
b. Biểu Tượng và Nghi Thức
1) Bí Tích Thánh Thể
Thánh Thể là “nguồn suối và chóp đỉnh
của đời sống Kitô hữu, đồng thời là trung tâm của tất cả đời
sống chủng viện.”321 Nhờ Thánh Lễ, tất cả và từng người tham
dự vào lời cầu nguyện của Chúa Kitô. Thánh Lễ không phải là
một lời đáp trả cá nhân đối với tình yêu của Chúa Cha, nhưng
là đại dương vô tận của những lời cầu khẩn, ca khen và dâng
hiến của Chúa Kitô. “Thánh Thể nối kết trời với đất, ôm lấy
và thấm nhuần tất cả tạo thành.”322 Điều thiết yếu là học
cho biết làm sao để được Chúa Kitô “bắt lấy”, nên một với
Ngài, nhờ đó trọn vẹn đời sống chúng ta là một lễ vật.
Do đó, cử hành cách xứng đáng theo đúng
luật phụng vụ thôi chưa đủ, cần phải có mối hiệp thông tâm
hồn, nghĩa là sự tham dự sống động của tất cả mọi người.
Trong chủng viện, đề nghị nhiều hình thức khác nhau là điều
tốt: từ việc “viếng Mình Thánh Chúa” ngắn ngủi đến việc “thờ
phượng” thường xuyên, như “đêm thờ phượng”, “Giờ Thánh”,
“chầu Thánh Thể liên tục”… Chúa Kitô được tôn thờ dưới dấu
chỉ khiêm tốn của miếng bánh là Đấng đã tự hiến chính mình
vĩnh cửu cho Chúa Cha và đã trở nên lương thực cho tín hữu.
Việc tôn thờ Thánh Thể thường xuyên giúp canh tân và xây
dựng các cộng đoàn Giáo Hội trên khắp thế giới. Việc tôn thờ
này mang lại nhiều nghị lực và hăng say cho các nhà truyền
giáo, vì Thánh Thể là dấu chỉ thường xuyên của tình yêu
Thiên Chúa.323
2) Bí Tích Sám Hối
Việc cử hành Bí Tích Hối Sám luôn là
một cử hành phụng vụ, ngay cả với hình thức riêng tư của nó.
Quả thế, thực hành bí tích sám hối là một yếu tố trong đời
sống cầu nguyện của cả hai người, người xưng thú lẫn người
nghe xưng thú. Trong chủng viện, các vị linh hướng luôn là
thừa tác viên thường xuyên của bí tích này. Các ngài không
chỉ khuyến khích các chủng sinh đều đặn thực hành bí tích
này, mà còn giúp họ hiểu biết tốt hơn và cử hành nghiêm túc,
vì bí tích này cũng là “một tập luyện tuyệt vời về nhân đức,
đền tội… là trường tu đức không thể thay thế, là một sự trợ
giúp thực sự trên con đường thánh hóa và linh hướng.324
3) Lòng Sùng Kính Đức Maria
Đa số chủng sinh đều tự phát có lòng
sùng kính Đức Maria với con tim chân thành. Trách nhiệm của
các nhà huấn luyện là giúp họ biết sống lòng tôn sùng ấy một
cách sâu xa. Lòng tôn sùng đích thực Đức Trinh Nữ Maria được
đặc trưng qua thái độ sống đơn sơ và khiêm tốn theo gương
của Ngài. Lòng sùng kính này được phát sinh từ việc chiêm
ngắm mầu nhiệm Ngôi Lời Nhập Thể. Lòng sùng kính này hướng
dẫn sống đời nội tâm và việc dâng hiến đời mình theo gương
mẫu của Đức Maria, trong lễ Mẹ Dâng Mình. Người ta sẽ không
thể quên đặt lên hàng đầu chiều kích truyền giáo của lòng
sùng kính Đức Mẹ.
Cách đơn giản, vô số tín hữu đã ưa
thích việc lần hạt mân côi như là phương thế kết hiệp với
Chúa qua kinh nguyện. Chuỗi mân côi là bản tóm lược của Phúc
Âm. Cầu nguyện chuỗi mân côi là tham dự vào đời sống và sứ
vụ của Chúa Cứu Thế và Mẹ Người, Đấng đã trở nên mẹ của hàng
linh mục cách đặc biệt. Mẹ dẫn dắt mọi người đến với Chúa
Giêsu và Chúa Giêsu sẽ đưa họ tới Chúa Cha. Đây hẳn là hành
trình đức tin chắc chắn theo gương Đức Trinh Nữ Maria.
6. Những Cách Cầu Nguyện Của Người
Á Châu Và Việt Nam
a. Từ Những Kinh Nghiệm Cầu
Nguyện Trong Quá Khứ
Người ta cố gắng tập trung vào cả hai
cách, cầu nguyện cộng đồng và cầu nguyện cá nhân. Vì thể xác
có thể trở nên căng thẳng, sự chú tâm bị phân tán và dao
động, người ta có thể dùng Kinh Thánh, các bài hát, đọc
kinh, lần chuỗi để cầu nguyện và suy gẫm. Người ta cảm nhận
được mối tương quan tốt với Chúa, nhưng đôi khi cũng bị chia
trí, đôi khi rất căng thẳng và mệt mỏi, và thường làm theo
thói quen như bổn phận phải làm. Với cầu nguyện cá nhân, đặc
biệt là cầu nguyện thinh lặng và suy gẫm trong tâm trí,
nhiều sự chia trí chiếm lấy đầu óc và cản trở cầu nguyện.
Nhiều lúc người ta kết thúc giờ cầu nguyện với khô khan
trống rỗng, quên đi rằng nếu tinh thần có đi đâu đâu thì
thân xác vẫn luôn có đó ở trước mặt Chúa.
b. Đến Cầu Nguyện Trong Bối Cảnh
Của Á Châu325
Khám phá ra sự hiện diện của Thiên Chúa
hằng sống: Cách thức tín đồ Lão giáo, Khổng giáo và Phật
giáo tọa tĩnh tòa sen tụng niệm có thể giúp chúng ta tái
khám phá các hình thức chiêm niệm của cầu nguyện trong
truyền thống kitô giáo và hội nhập chúng, bằng cách hướng
chúng ta chú ý hơn nữa tới tư thế thân xác khi chúng ta cầu
nguyện.326 Các thực hành Zen hay Yoga có thể được dùng để
giúp chủng sinh làm quen với ý thức sự hiện diện của Chúa.
Đó là một cảm nhận chính mình như một toàn thể
tinh-thần-thân-xác trong tương quan với Chúa. Dần dần người
ta sẽ đắc thủ được thói quen ý thức, bằng cách tập sống sự
hiện diện của Chúa, nghĩa là thường xuyên hướng chú ý của
mình về sự hiện diện đầy yêu thương và sống động của Chúa ở
trong và quanh mình. Thời gian thinh lặng của những ngày
tĩnh tâm hay cấm phòng cống hiến những cơ hội thuận lợi để
phát triển sự ý thức này ở một mức độ sâu hơn.
Một cách tốt để các chủng sinh khởi đầu
là họ bỏ ra 15 hoặc 20 phút, hay lâu hơn nếu họ muốn, để tạo
một tư thế thư giản bằng cách kiểm soát hơi thở (hít vào và
thở ra thật sâu); đồng thời tẩy bỏ khỏi đầu óc bất cứ bận
rộn hay suy nghĩ nào, và để chìm sâu trong sự hiện diện của
Chúa ở trong và ở quanh họ.
Sau một lúc, họ được nhắc nhở đi vào
một cuộc đàm thoại đơn sơ, sâu lắng với Chúa đang hiện diện,
về bất cứ cái gì đang chất chứa trong tâm hồn họ lúc đó. Có
lẽ họ chẳng có gì để nói mà chỉ thích ngồi lắng nghe Chúa.
Giây phút thinh lặng này thật bình an và thoải mái. Nếu cứ
tập luyện mỗi ngày, họ sẽ khám phá được rằng dần dần họ trở
nên càng ngày càng chú tâm vào Chúa hơn, và rằng họ đang lớn
lên trong hiểu biết, nhẫn nại và yêu thương đối với những
người xung quanh.327
c. Ích Lợi của Cách Cầu Nguyện Á
Châu
Các tôn giáo Á Châu giới thiệu nhiều
cách thức cầu nguyện đưa dẫn và thúc đẩy trọn vẹn con người
vào cầu nguyện: thể xác, trí khôn, con tim, trí nhớ, trí
tưởng tượng, hơi thở, tư thế thân xác và ngay cả môi trường
bên ngoài đều được sử dụng cho việc cầu nguyện, và người ta
gọi đó là “thân xác cầu nguyện.” Phương pháp này nâng cao
phẩm chất của cầu nguyện, cũng như phẩm chất của người cầu
nguyện.
* Việc thực tập lắng nghe này làm
chủng sinh dễ dàng đi vào tiếp xúc và hiệp thông với Chúa.
Sự ý thức thụ động này giúp họ mở rộng lòng và “phó mặc” cho
ơn Chúa hoạt động. Thái độ đón nhận thụ động này mang lại sự
thinh lặng nội tâm cần thiết cho việc cầu nguyện, nhờ đó họ
được Lời Chúa Kitô và ơn Chúa Thánh Thần đánh động và biến
đổi.
* Thực hành thư giãn tạo nên bình an
nội tâm và sự hài hòa làm cho tiến trình cầu nguyện được dễ
dàng, trong khi thực hành tập trung cao độ lại rất hữu ích
cho đời sống cầu nguyện. Nhịp thở có thể giúp gia tăng sự
chú ý, tập trung và ý thức, là những cái làm cho tiến trình
cầu nguyện của con người được dễ dàng.328
d. Cầu Nguyện Tập Trung Và Niềm
Vui Thiêng Liêng
Các bậc thầy Zen hay Yoga có thể cầu
nguyện (suy niệm và chiêm niệm) liên tục nhiều giờ. Họ cầu
nguyện bằng tâm trí hay chính xác hơn là bằng cách tập trung
tư tưởng.329 Đây là một hình thức cầu nguyện rất đơn giản,
thường không dùng lời nói (cầu nguyện bằng lời). Để đi vào
cầu nguyện tập trung, ta phải để mình hoàn toàn lệ thuộc vào
Chúa và để cho tình yêu của Chúa Thánh Thần chi phối. Hãy
lặn xuống trong sâu thẳm cõi lòng, nơi đó Thiên Chúa đang
thực hiện những điều kỳ diệu; và hãy mở lòng cho Chúa Thánh
Thần đang cư ngụ trong ta.
Phương pháp của cầu nguyện tập trung
là:
* Ngồi yên lặng, tư thế thoải mái và
thư giãn;
* Nghỉ ngơi trong lòng khao khát Chúa;
* Hướng vào trung tâm bản ngã của mình;
* Trong yên lặng, ý thức sự hiện diện
của Chúa và bình an hấp thụ tình yêu của Ngài.330
Ngày nay, nhiều người công giáo học
theo phương pháp cầu nguyện này. Các nhà đào tạo có thể thực
hành và dạy chủng sinh áp dụng phương pháp này trong đời
sống cầu nguyện của họ. Nếu kiên trì tập luyện thì ngày qua
ngày, cầu nguyện tập trung sẽ giúp họ đi vào hiệp thông với
Chúa ở mức độ sâu thẳm nhất của chính họ. Họ sẽ cảm thấy
bình an hơn và càng ao ước mối tương quan yêu thương này với
Chúa. Họ sẽ được thúc đẩy tìm kiếm sự kết hiệp chiêm niệm
sâu xa hơn nữa, mà bất cứ người sống đời dâng hiến nào cũng
đều được mời gọi.
Nếu nguyện gẫm được mô tả như lời cầu
nguyện của tâm trí tìm biến đổi con tim, thì chiêm niệm là
lời cầu nguyện của con tim sẽ biến đổi tâm trí. Cầu nguyện
tập trung có thể giúp những người tìm kiếm Chúa kinh nghiệm
được lợi ích tuyệt vời này. Thay vì dùng nhiều lời, ta có
thể bắt đầu cầu nguyện tập trung bằng cách chọn một lời
thôi: một lời thánh thiêng mang một ý nghĩa đặc biệt, có thể
là một danh hiệu của Chúa, hay một lời rút ra từ Thánh
Kinh.
Sau khi đã ổn định được tư thế thoải
mái và thư giãn để cầu nguyện, hãy để nhịp thở nhẹ nhàng và
đều đặn, hãy nhắm mắt lại và nói lên trong thinh lặng lời
thánh thiêng đó, chú tâm vào sự hiện diện của Chúa và biểu
lộ lòng ưng thuận của mình cho hoạt động của Ngài nơi bản
thân mình. Khi những tư tưởng hay cảm nhận, những hình ảnh
và kỷ niệm nổi lên làm chia trí, hãy nhẹ nhàng quay trở lại
với lời thánh thiêng đó và để nó chiếm lĩnh hiện trường của
ý thức. Không cần phải làm gì nhiều hơn thế. Không có gì đặc
biệt để phấn đấu hay bất cứ kết quả rõ ràng nào để đạt cho
được. Khi thời giờ cầu nguyện đã hết, từ sâu thẳm cuộc đối
thoại thinh lặng với Chúa, hãy từ từ trở về cùng thế giới
bên ngoài và những hoạt động thường nhật của mình.331
e. Vượt Qua Những Khó Khăn và Kiên
Trì Trong Đời Sống Cầu Nguyện332
Người ta phải nhắc các chủng sinh nhớ
những thực tế này: Họ có thể gặp nhiều khó khăn trong suốt
hành trình cầu nguyện của mình. Cầu nguyện không chỉ gồm
toàn những kinh nghiệm vui mừng và thích thú. Khô khan và
tăm tối cũng là một phần thiết yếu trong quá trình trưởng
thành và biến đổi. Tự biết mình không phải luôn luôn là một
kinh nghiệm vui thích, nhưng thông thường là một quá trình
đau đớn của sự chấp nhận chính mình để được chữa lành. Họ
phải học sống khiêm nhường, siêu thoát, từ bỏ và quên mình
để chiến đấu chống lại tính kiêu căng tự mãn với tất cả
những sức kháng cự tiềm ẩn của nó. Chỉ với lòng khiêm tốn và
sự cởi mở với ơn Chúa, họ mới có thể đương đầu trong cuộc
chiến đấu này.
Cách cầu nguyện Á Châu này thúc đẩy
trọn vẹn con người vào trong mối tương quan với Chúa và làm
biến đổi con người cách lớn lao trong mọi chiều kích (thể
lý, tâm lý và thiêng liêng): Siêu nhiên không phá hủy tự
nhiên, nhưng thăng tiến tự nhiên. Vậy, một khi áp dụng cách
thực hành lắng nghe, thư giản và tập trung, người ta càng
trở nên ý thức hơn mình là ai và phải làm gì, không chỉ
trong lời cầu nguyện mà còn trong đời sống hằng ngày của
mình nữa.
7. Để Thành Người Lãnh Đạo Cầu
Nguyện
a. Học Làm Sao Chủ Sự Cầu
Nguyện
“Linh mục chỉ có thể huấn luyện người
khác trong trường cầu nguyện của Chúa Giêsu, nếu chính Ngài
đã được huấn luyện trong trường đó và tiếp tục nhận được sự
đào luyện này.”333 Một khía cạnh căn bản trong chiều kích
mục vụ của cầu nguyện là việc chủ sự cầu nguyện, phụng vụ và
các bí tích, đặc biệt là Bí tích Thánh Thể.
Các chủng sinh luân phiên với các nhà
đào tạo trong việc hướng dẫn giờ Kinh Sáng và giờ Kinh
Chiều. Những cơ hội này cung cấp cho họ kinh nghiệm hướng
dẫn cầu nguyện, là một trách nhiệm hàng đầu của linh mục.
Một trong những vai trò của việc cử hành là giúp cộng đoàn
cầu nguyện, bằng cách làm cho cộng đoàn có thể đi vào trong
chính mầu nhiệm đang cử hành. Tất cả những tác viên khác của
cử hành phụng vụ đều có vai trò của họ, nhưng vai trò của
linh mục có tầm quan trọng hàng đầu. Sự hiện diện, những lời
suy niệm và phẩm chất các bài giảng của ngài đều mang tính
thúc giục quyết tâm.
Tuy nhiên, linh mục chủ sự đôi khi có
cảm giác mình không thể cầu nguyện sốt sắng được. Ngài
thường bị chi phối bởi tiến trình cử hành, bởi những chi
tiết của việc tổ chức và bởi những phản ứng của cộng đoàn.
Đôi khi ngài cảm thấy không hài lòng.
Vì thế, các linh mục tương lai cần phải
được chuẩn bị cho lời kinh phụng vụ mà họ sẽ chủ sự, về
phương diện kỹ thuật cũng như phương diện thiêng liêng, để
họ sống những gì họ nói và thấy. Nếu được chuẩn bị thực sự,
vị chủ sự sẽ cảm thấy tự do hơn để cầu nguyện và qui tụ lời
cầu nguyện của cộng đoàn lên Chúa. Vị chủ sự luôn nói “chúng
ta:” ngài không thể cầu nguyện giống hệt như các thành viên
khác của cộng đoàn cầu nguyện, họ vốn không có một trách
nhiệm đặc biệt gì. Ngài phải hướng dẫn cộng đoàn cầu nguyện,
bằng cử chỉ và lời nói, và ngài cầu nguyện nhân danh toàn
thể cộng đoàn. Vị chủ sự phải chú tâm đến những lúc suy niệm
trong phụng vụ, đúng theo nghi thức. Như thế, khi vị chủ sự
cầu nguyện trong vai trò của mình và đúng theo vai trò của
mình, ngài sẽ cầu nguyện cách cá nhân.
Trong thời gian ở chủng viện, việc huấn
luyện phụng vụ phải cung ứng cho chủng sinh một sự chuẩn bị
tốt cho việc cử hành, không chỉ về mặt kỹ thuật, mà nhất là
về mặt thiêng liêng. Phải quan tâm cho các chủng sinh có cơ
hội lên tiếng trong cử hành phụng vụ (chẳng hạn vào lúc bắt
đầu Thánh Lễ). Việc đó khiến họ cố gắng giúp cộng đoàn đi
vào cầu nguyện. Trong việc thực thi sứ vụ của mình, các phó
tế được chủ sự bí tích Thánh Tẩy, bí tích Hôn Phối và nghi
thức An Táng. Đừng quên tiếp tục đồng hành giúp họ khám phá
ra phận vụ của họ.
b. Học Hướng Dẫn Dân Chúa Trong
Hành Trình Thiêng Liêng của Họ
Các ứng sinh linh mục phải chuẩn bị
chính họ để trở thành Thày dạy Lời Chúa, Thừa tác viên Bí
tích, và Người Lãnh Đạo Cộng đoàn. Nói cách khác, họ phải
học làm sao hướng dẫn cộng đoàn Dân Chúa trong đời sống
thiêng liêng, đặc biệt trong việc linh hướng. Trong lãnh vực
này, ta phải điều chỉnh lại quan niệm cho rằng mọi linh mục
đều có thể trở thành vị linh hướng, vì ngày nay việc linh
hướng và xưng tội có thể tách biệt nhau. Những ai muốn và
được cắt cử làm linh hướng phải được Chúa Thánh Thần kêu gọi
và phải được đào tạo kỹ lưỡng. Do đó, tất cả các chủng sinh,
nhất là các thày trong năm phó tế, phải học nghệ thuật và kỹ
năng làm linh hướng.334
còn tiếp |