Đặc San Giáo Sĩ Việt Nam

 

 

 

ĐỰƠC CHỌN GIỮA LOÀI NGƯỜI
VÀ CHO LOÀI NGƯỜI  (x. Dt, 5.1)

 

GIÁO SĨ:

Xuất phát từ giáo dân, hiện diện vì giáo dân và cậy dựa vào giáo dân

 

ĐỂ CÙNG LÀM VINH DANH THIÊN CHÚA

 

www.conggiaovietnam.net                          giaosivietnam@gmail.com

Đặc San Điện Tử    Giáo Sĩ Việt Nam    Số 34, Chúa Nhật 11.02.2007


MỤC LỤC 

Có Thể Có Vaticanô III Không?             Lời Giới Thiệu Tổng Quát Về Công Ðồng (tiếp theo)

LINH MỤC VÀ VẤN ĐỀ GIA ĐÌNH - SỰ QUAN TRỌNG CỦA GIA ĐÌNH                          GSVN

NĂM MỚI NÓI CHUYỆN CŨ… CÒN MỚI !                                     GM. Antôn Vũ Huy Chương

LINH MỤC, NGƯỜI LÃNH ĐẠO CỘNG ĐOÀN                                 GM. Giuse Trần Xuân Tiếu

NGƯ ÔNG TRƯỚC BIỂN CẢ                                                                     Lm. Đỗ Vân Lực, op.

HÃY LÊN ĐƯỜNG ĐẾN NHÀ CHA CUỐI ĐƯỜNG                              Frère NGUYỄN TẤN KIỆT

MÙA XUÂN CHÍN                                                                            Lm Giuse Nguyễn Hữu An

Ngày Xuân, nói về những mê tín trong tôn giáo                                           Cư sĩ Xuân Thái

TÌNH CA SỐ MỘT                                                                                                   Vân Thanh

GIAI ĐOẠN CHỦNG VIỆN  ĐÀO TẠO VÀ TỰ ĐÀO TẠO THIÊNG LIÊNG   Lm. Micae-Phaolô TRẦN MINH HUY

Giảm Thiểu Cảm-Cúm mùa Ðông                                                         Bác Sỹ Nguyễn Ý Đức


Lời Giới Thiệu Tổng Quát Về Công Ðồng (tiếp theo)

  

II. Công Ðồng Vaticanô II

C. Một vài đặc điểm tiêu biểu của Công Ðồng Vaticanô II

Với mục đích giúp thấu triệt hơn Công Ðồng quan trọng này, chúng ta nêu ra đây một vài đặc điểm tiêu biểu:

1. Công Giáo tính

Chưa có một Công Ðồng nào đã tạo được tính cách "Công Giáo" đầy đủ như Vaticanô II. Hãy tạm miễn bàn vấn đề "giáo lý về công giáo tính" mà chỉ đề cập đến các sự kiện. Chưa có một Công Ðồng nào đã đề cập tới nhiều vấn đề phức tạp và phong phú cùng với những tầm mức rộng rãi như vậy. Chỉ cần nhìn vào những con số biểu trưng, chúng ta cũng có đủ lý do để xác nhận sự kiện này.

Trước hết chúng ta nói đến thành phần các Nghị Phụ. Ðây là lần đầu tiên trong lịch sử mà chúng ta có quyền quả quyết rằng toàn thế giới có mặt ở Công Ðồng. Con số các Nghị Phụ được triệu tập là 3,058, trong đó có 129 Bề Trên Tổng Quyền các dòng. Trong kỳ họp đầu tiên, có 2,449 Nghị Phụ tham dự trong số 2,904 vị được triệu tập, như vậy tỉ số tham dự là 84.34%. Ở kỳ họp thứ hai, có 2,488 Nghị Phụ đến tham dự, trong số 3,022 vị được triệu tập, tức 82.34% tham dự. Và trong số 3,074 vị được mời cho kỳ họp thứ ba, có mặt 2,466 Nghị Phụ, nghĩa là 80.23% tham dự. Cuối cùng ở kỳ họp thứ bốn, trong số 3,093 vị được triệu tập, có 2,625 Nghị Phụ đến Công Ðồng, và như thế tỉ số tham dự lên tới 84.88%. Như vậy chúng ta có thể kết luận rằng đại đa số thành phần Giám Mục Ðoàn đã tham dự Công Ðồng.

Nếu xét qua nguồn gốc địa dư, chúng ta thấy rằng các Nghị Phụ từ khắp năm châu trên toàn thế giới đều tựu về: 1,060 vị ở Âu Châu, 408 Nghị Phụ ở Á Châu, 351 ở Phi Châu, 416 ở Bắc Mỹ, 89 ở Trung Mỹ, 531 ở Nam Mỹ, và 74 vị ở Ðại Dương Châu.

Trong các phiên họp, có tất cả 695 Nghị Phụ lên tiếng tại nghị trường. Tổng cộng tất cả, các ngài đã nói tới 2,234 lần; trong đó các Nghị Phụ Pháp 231 lần, các Nghị Phụ Ðức 141 lần, các Nghị Phụ Ba Lan 75 lần v.v..., các Nghị Phụ Việt Nam lên tiếng 16 lần. Nghị Phụ được xem là hùng biện nhất là Hồng Y Ruffini, ngài lên tiếng 36 lần.

Trong thời gian họp Công Ðồng có 253 Nghị Phụ qua đời, và cùng lúc có 296 người được tấn phong Giám Mục.

Ngoài sự tham dự của các Nghị Phụ, chúng ta còn phải kể đến sự có mặt của những phần tử khác của Dân Chúa. Trước hết phải nói đến các nhà chuyên môn, vì họ đã tích cực góp phần cho công việc có kết quả. Ðược đề cử từ giai đoạn chuẩn bị Công Ðồng, các nhà chuyên môn này đã tham gia vào công việc của các Ủy Ban, trong việc soạn thảo các lược đồ, thăm dò ý kiến của các Giám Mục v.v... Con số các nhà chuyên môn lên tới 460 vị, gồm 235 linh mục giáo phận, 45 tu sĩ Dòng Tên, 42 tu sĩ Ða Minh, 15 tu sĩ Phanxicô, 12 đan sĩ Dòng Ðức Mẹ Vô Nhiễm, 6 tu sĩ Biển Ðức, 5 tu sĩ Dòng Don Boscô, với nhiều thành phần Tu Hội và giáo dân.

Công Ðồng cũng kêu mời nhiều Cha Sở, với tư cách là cộng tác viên thân cận của các Giám Mục. Thực sự họ chỉ được mời gọi sau các dự thính viên giáo dân. Trong kỳ họp thứ ba, có tất cả 39 vị, chia ra: Hoa Kỳ và Ý mỗi nước 5 vị; Tây Ban Nha, Pháp, Canađa, Ðức, mỗi nước 4 vị; Argentina, Úc, Brazil, Liban, mỗi nước 2 vị; Bỉ, Nhật, Mexicô, Hòa Lan, Palestina, mỗi nước 1 vị. Ở kỳ họp thứ bốn con số các cộng tác viên này lên tới 45 vị. Và ngày 27 tháng 10 năm 1965, cha sở Thomas Fall, thuộc giáo phận Philadelphia Hoa Kỳ, lên tiếng trước nghị trường.

Các giáo dân được mời tham dự với tư cách là những dự thính viên. trong thời gian chuẩn bị cho kỳ họp thứ hai, Ðức Giáo Hoàng đã đề cử một nhóm gồm 13 giáo dân cả nam lẫn nữ giới, được chọn lựa trong các tổ chức tông đồ quốc tế Công Giáo. Ở kỳ họp cuối cùng, số dự thính viên này lên tới 42. Ngoài ra, còn có sự tham dự của 10 nữ tu dự thính. sau cùng, để đại diện cho gia đình Kitô giáo hai vợ chồng Mexicô, J. Alvarez Icaza, được mời tham dự. Tất cả các dự thính viên giáo dân này đã lên tiếng 6 lần ở Công Ðồng, và đã góp ý kiến về nhiều vấn đề cho các Ủy Ban.

2. Tinh thần hiệp nhất

Một trong những ý tưởng chính yếu của Ðức Gioan XXIII khi ngài triệu tập Công Ðồng Vaticanô II là nỗ lực nối lại vòng dây thân ái giữa các Kitô hữu. Chúng ta nhận thấy Công Ðồng đã đạt được mục đích này, qua những văn kiện giáo lý và các cuộc gặp gỡ thân thiện từ bầu khí Công Ðồng.

Thật vậy, Sắc Lệnh về Hiệp Nhất, Tuyên Ngôn về Tự Do Tôn Giáo và Tuyên Ngôn về các Tôn Giáo ngoài Kitô giáo đều nhấn mạnh đến tinh thần hiệp nhất. Quan niệm mới mẻ này cũng xuất hiện ở Hiến Chế tín lý về Giáo Hội, nhất là ở Hiến Chế Mục Vụ về Giáo Hội trong thế giới ngày nay, khi Công Ðồng đề cập tới thái độ phải có của Giáo Hội đối với thế giới.

Tìm hiểu qua những ý kiến của các Nghị Phụ phát biểu ở nghị trường, chúng ta cũng thấy các ngài ý thức rõ rệt tinh thần này.

Sau hết, một sáng kiến đã tạo được thành quả tốt đẹp cho mối dây hiệp nhất, đó là việc mời các quan sát viên ngoài Công Giáo. Sáng kiến này do Ðức Hồng Y Ben khởi xướng và chính Ngài đã cố gắng can thiệp với Ủy Ban Trung Ương Chuẩn Bị Công Ðồng. Sau đó ít lâu, Hội Ðồng Thế Giới các Giáo Hội (CME) đã mời 5 quan sát viên Công Giáo đến tham dự Ðại Hội Quốc Tế ở Tân Ðề Ly, với sự chấp thuận của Giáo Triều Roma, mặc dầu gặp nhiều khó khăn. Dựa vào đó, Văn Phòng Hiệp Nhất gởi lời mời các quan sát viên ngoài Công Giáo đến tham dự Công Ðồng. Ban đầu, một số giáo hội từ chối; nhưng cuối cùng sau thời gian đắn đo, họ đã gởi các đại diện đến Công Ðồng. Như vậy, trong kỳ họp đầu tiên, con số quan sát viên ngoài Công Giáo được gởi tới là 46 người, cộng với 8 quan sát viên do Văn Phòng mời: họ đại diện cho 17 Giáo Hội và Cộng Ðồng Kitô Giáo. Ở kỳ họp thứ hai, có 59 quan sát viên đại diện và 9 vị do Văn Phòng mời. Trong kỳ họp thứ ba, có 70 quan sát viên đại diện và 13 do Văn Phòng mời. Ở kỳ họp cuối cùng, con số quan sát viên ngoài Công Giáo lên tới 90, cộng với 16 người do Văn Phòng mời; và họ đại diện cho 29 Giáo Hội và Cộng Ðồng Kitô Giáo.

D. Một vài con số tiêu biểu trong công việc của Công Ðồng

Ðể ý thức được công trình vĩ đại của Công Ðồng, chúng ta lược nhìn qua vài con số tiêu biểu nhất.

Trước hết, chúng ta nói đến các cuộc bỏ phiếu. Có tất cả 538 cuộc bỏ phiếu toàn phần hay từng phần: 33 lần được tổ chức ở kỳ họp đầu tiên, 94 lần ở kỳ họp thứ hai, 150 lần ở kỳ họp thứ ba và 261 lần ở kỳ họp cuối cùng.

Ủy Ban ấn loát của Tòa Thánh phải làm việc ngày đêm. Ở giai đoạn tiền chuẩn bị, họ đã phát hành 19 quyển sách và mỗi quyển gồm 2,000 bản. Tổng cộng các lần phát hành các lược đồ, câu hỏi thăm dò, các bản tường trình, các đề nghị tu chỉnh v.v... mỗi thứ 3,000 bản, lên tới 40 triệu trang. Ngoài ra có khoảng 16 triệu trang khác được in cho các Nghị Phụ sử dụng. Tổng cộng: 150 tấn giấy in. Ðài phát thanh Vaticanô cũng đã làm việc ngày đêm liên miên để thâu băng các phiên họp của Công Ðồng; và để hoàn tất, các chuyên viên đài đã tiêu thụ tới 712 cuốn băng, dài 284,000 mét.

Như vậy, các con số ghi được khả dĩ cho chúng ta thấy tầm mức khổng lồ của các công việc ở Công Ðồng.

E. Những ý hướng chính yếu của Vaticanô II

Bất cứ Công Ðồng nào cũng đều xoay quanh một trục ý thức hệ: hoặc lên án một lạc giáo, hoặc định tín một tín điều. Chẳng hạn ở Công Ðồng Calcedonia, trục ý thức hệ là Kitô học, và ở Vaticanô I là vấn đề tối thượng quyền của Ðức Giáo Hoàng. Vậy với Vaticanô II, đâu là trục ý thức hệ? Ðể có thể có câu trả lời chính xác, dĩ nhiên chúng ta phải chờ đợi lịch sử trong tương lai phê phán. Thế nhưng, hiện tại với những viễn ảnh trông thấy của giai đoạn hậu Công Ðồng, chúng ta cố gắng đưa lên vài điểm chính yếu và chắc chắn làm nền tảng cho Công Ðồng.

1. Vaticanô II: một Công Ðồng của Giáo Hội nói về Giáo Hội

Giáo Hội là trung tâm điểm cho mọi giáo lý của Vaticanô II. Thật vậy, đây là lần đầu tiên trong lịch sử một Công Ðồng bận tâm về đề mục này: Giáo Hội đi tìm định nghĩa cho chính mình.

Dĩ nhiên, như chúng ta đã biết, Ðức Gioan XXIII tha thiết lưu tâm tới vấn đề hiệp nhất các Kitô hữu. Nhưng đồng thời ngài cũng biết rằng Công Ðồng này chưa có thể là một Công Ðồng tái tạo sự hiệp nhất theo đúng nghĩa; vì trên bước đường hiệp nhất, Giáo Hội sẽ gặp không biết bao nhiêu chướng ngại vật và vượt qua được những chướng ngại vật ấy là một điều không thể thực hiện được một sớm một chiều.

Bởi thế, ngài đã quan niệm rằng trước hết phải đổi mới bộ mặt của Giáo Hội, làm tươi trẻ lại các cơ cấu và đem lại nhựa sống cho thân thể xem ra đã già nua của Giáo Hội, sao cho hợp với nhựa sống luôn mới mẻ của Phúc Âm. Lúc đó, theo Ðức Thánh Cha, chúng ta mới có quyền nói với các anh em ly khai rằng: "Ðây, Giáo Hội thật của Chúa Kitô, xin anh em hãy nhìn vào, hãy chiêm ngưỡng, vì đó cũng chính là Giáo Hội của anh em. Vậy chúng ta hãy hiệp nhất với nhau".

Bởi vậy, Thánh Công Ðồng đã lưu tâm đặc biệt tới Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội, không những vì tầm quan trọng của nó, nhưng Hiến Chế này còn là ánh sáng chiếu soi cho các văn kiện khác. Các văn kiện được công bố không theo lược đồ có sẵn của Ủy Ban soạn thảo, nhưng được kết tạo bằng những đề nghị của các Nghị Phụ mà đời sống nội tâm của Thánh Công Ðồng đã thôi thúc các Ngài chọn lựa và xếp đặt cho thích hợp theo suy tư của các ngài về Giáo Hội.

Giáo Hội do đó được định nghĩa dựa theo các hình ảnh khác nhau của Thánh Kinh. Giáo Hội trước tiên là Dân Thiên Chúa, định nghĩa này bao hàm các khía cạnh xã hội và lịch sử của Giáo Hội. Giáo Hội là Thân Thể Chúa Kitô, vì Giáo Hội muốn làm nổi bật khía cạnh Kitô học, và huyền nhiệm của mình. Giáo Hội là Nước Thiên Chúa để diễn tả tính cách cánh chung và nhiều hình ảnh khác được ám chỉ Giáo Hội như đoàn chiên của Chúa Kitô, cánh đồng, công trình kiến trúc, gia đình của Thiên Chúa, đền thờ của Chúa Thánh Thần. Sau hết, Giáo Hội được quan niệm như Hiền Thê của Chúa Kitô, để cho thấy sự khác nhau cũng như sự thân mật của Giáo Hội với vị Hôn Phu là Chúa Giêsu.

Chúng ta có thể nói tất cả những văn kiện của Vaticanô II xoay quanh vấn đề Giáo Hội. Hiến Chế về Giáo Hội là một văn kiện Công Ðồng còn lại, cách trực tiếp hay gián tiếp, đề cập tới đời sống của Giáo Hội. Thật vậy, Hiến Chế về Phụng Vụ Thánh nhằm diễn tả nhiệm vụ thánh hóa của Giáo Hội; các Sắc Lệnh về Nhiệm Vụ Giám Mục và các Giáo Hội Công Giáo Ðông Phương có mục đích minh định chức vụ điều khiển của Giáo Hội và Hiến Chế về Mạc Khải cũng như Tuyên Ngôn về Giáo Dục đều muốn giải thích quyền Giáo Huấn của Giáo Hội. Lại nữa, để phác họa các chức bậc cũng như cách sống khác nhau trong Giáo Hội, Công Ðồng đã ban hành nhiều văn kiện khác: hai Sắc Lệnh về đời sống và đào tạo Linh Mục đề cập đến các Linh Mục; các dòng tu có Sắc Lệnh về Dòng Tu và giáo dân có Sắc Lệnh về Tông Ðồ Giáo Dân. Cuối cùng, một số văn kiện khác đề cập tới sứ mệnh của Giáo Hội. Sắc Lệnh về Hiệp Nhất nhằm diễn tả mối liên lạc với các người ngoài Kitô giáo. Sau hết, với toàn thể thế giới nói chung, Công Ðồng ban hành Hiến Chế Mục Vụ về Giáo Hội trong thế giới ngày nay và Tuyên Ngôn về các phương tiện truyền thông xã hội.

Như thế, chúng ta không do dự khi nói rằng Giáo Hội là trung tâm điểm của Vaticanô II.

2. Vaticanô II: Công Ðồng của tự do và đối thoại

Nói lên điều này, chúng ta không muốn ám chỉ rằng những Công Ðồng khác thiếu tự do hoặc thiếu tinh thần đối thoại; vì thực ra Công Ðồng nào tự nó cũng đã là một cuộc đối thoại rồi. Ðiều mà chúng ta muốn nhấn mạnh ở đây là Vaticanô II được coi là Công Ðồng đầu tiên đã biết sử dụng sự tự do như một đề mục để dạy dỗ và lấy tinh thần đối thoại với người ngoài làm chương trình. Ở đây chúng ta cũng phải nhấn mạnh rằng sự tự do sung mãn này không phải là không có nền tảng Thánh Truyền; không một Nghị Phụ nào nghi ngờ các tín lý cổ truyền của Giáo Hội.

Nhiều nhà thần học chủ trương rằng sự bàn cãi lại một vài "chân lý", một số quan niệm và một số thái độ được coi là cổ truyền của Giáo Hội là một vấn đề không thể chấp nhận được nên khi soạn thảo các lược đồ, họ đã mặc nhiên đem tất cả vào bản văn vì coi như những điều chắc chắn. Thế nhưng các Nghị Phụ đã tự do bác bỏ chủ trương đó, vì đối với các ngài, một số các điều ấy vẫn phải được đem ra mổ xẻ lại. Hơn thế nữa, các Nghị Phụ cũng đã nhiều lần bác bỏ các đề nghị sửa đổi của chính Ðức Giáo Hoàng và ngay cả một lược đồ mà Ðức Giáo Hoàng khuyến khích chấp thuận.

Trong cuộc tranh luận về tự do tôn giáo, lần đầu tiên Thánh Công Ðồng đã minh chứng cho thế giới thấy rằng Giáo Hội không úp mở cũng như không e ngại khi phải đề cập tới tự do, bởi chính nhân phẩm của con người đòi hỏi điều đó. Giáo Hội cố gắng thoát ra khỏi "pháo đài" của mình, khỏi "chủ trương khép kín huy hoàng" của mình, để đối thoại và thông cảm với anh em Kitô hữu, với các tôn giáo khác và ngay với anh em vô thần. Giáo Hội nhìn nhận và kính trọng những giá trị, những nền văn hóa khác nhau cũng như các hệ thống chính trị khác nhau của thế giới.

Vaticanô II là Công Ðồng đầu tiên không có đề mục nào lên án tuyệt thông. Ðây là nét độc đáo của Công Ðồng này trong lịch sử Giáo Hội.

3. Vaticanô II: Công Ðồng Mục Vụ

Ðức Gioan XXIII mong mỏi Công Ðồng này sẽ là Công Ðồng "mục vụ". Ngài không muốn Công Ðồng dề cập tới vấn đề lên án tuyệt thông cũng như không bận tâm đến các tín điều. Thực tế, dầu Công Ðồng có hai Hiến Chế Tín Lý (Hiến Chế về Giáo Hội và về Mạc Khải), đó cũng chỉ là những điều được xác định lại, chứ không có một tín điều nào mới.

Dĩ nhiên, nếu cần, Thánh Công Ðồng phải nhắc lại những chân lý tín lý và phải bác bỏ các sai lầm trong các văn kiện. Nhưng hướng đi của Công Ðồng nhằm ở Mục Vụ. Thay vì đưa ra các qui tắc từ những suy luận tiên thiên nơi các "nguyên lý vĩnh cửu", Thánh Công Ðồng đã đi tìm những tiêu chuẩn hướng dẫn thuộc loại đoàn sủng mới nơi những trạng huống thực tại.

Trong tinh thần đó và để dung hòa các khía cạnh trái ngược nhau của các vấn đề, thay vì dùng công thức "hoặc là... hoặc là...", Thánh Công Ðồng chọn công thức "cả... cả...". Như vậy Công Ðồng có thể giảm bớt tình trạng chú trọng đến khía cạnh này mà lãng quên những khía cạnh kia, như Giáo Hội đã gặp phải trong quá khứ. Trong mức độ đứng đắn, Công Ðồng đã tìm dung hòa cả tối thượng quyền Giáo Hoàng cả cộng đoàn tính của các Giám Mục. Công Ðồng đã đặt đúng chỗ cả hàng giáo phẩm cả hàng giáo dân, đã giữ quân bình giữa cả Giáo Hội phổ quát cả Giáo Hội địa phương, giữa cả các giá trị tu trì cả các giá trị phàm trần...

Sau hết tinh thần mục vụ thể hiện rõ rệt nhất trong chiều hướng chung của Thánh Công Ðồng khi chủ trương không chống lại một phần tử nào nhưng nhằm lợi ích cho mọi người, khi Giáo Hội trình bày tất cả sứ mệnh của mình dưới ánh sáng tinh thần phục vụ, Giáo Hội nhận mình như nữ tì, như kẻ được sai đến đem ơn cứu độ cho nhân loại.

4. Vaticanô II: nguồn sáng mới

Công Ðồng không mang lại một tín điều nào mới. Thế nhưng, trong những văn kiện đã công bố, Công Ðồng tạo được một đặc điểm độc đáo khi nỗ lực xác định rõ một số khía cạnh của kho tàng chân lý. Ở đây chúng ta chỉ nêu lên một vài nét điển hình cho đặc điểm này.

Trước hết Công Ðồng đã trình bày một nền thần học về Chúa Thánh Thần, mà từ lâu hầu như bị lãng quên trong Giáo Hội Tây Phương. Việc này được xem là công lao của các Nghị Phụ Ðông Phương. Chẳng hạn ở các văn kiện về Giáo Hội (ví dụ các số 4, 19, 48) và về Truyền Giáo (ví dụ số 4), Công Ðồng đã trình bày rõ ràng quan điểm này. Thứ đến, trong thần học về Mạc Khải, Công Ðồng lại đưa ra một quan niệm mới về chân lý của Thánh Kinh và về linh ứng (x. MK 11).

Nhưng phải nhìn vào quan điểm thần học về Giáo Hội, chúng ta mới thấy rõ những ánh sáng huy hoàng của Công Ðồng. Sự trở về với cộng đoàn tính giám mục, quan niệm về Giáo Hội như bí tích cứu rỗi, như dân Thiên Chúa, hay thái độ mới đối với thế giới v.v... đều là những ánh sáng độc đáo. lại nữa, Công Ðồng cũng đã giải chiếu ánh sáng mới cho tính cách bí tích của hàng GiámMục, cho chức phó tế. Sau cùng, với các bí tích khác. Công Ðồng đã thực sự đem đến bộ mặt mới, sáng sủa. Công Ðồng đã quan niệm bí tích Giải Tội là sự hòa giải không những với Thiên Chúa mà còn với Giáo Hội. Bí Tích Hôn Phối được nhấn mạnh hơn ở khía cạnh tình yêu nhân loại và các mục đích chính yếu; Công Ðồng cũng đưa ra qui chế mới cho các cuộc hôn nhân tạp giáo v.v... Trong bí tích Thánh Thể, Công Ðồng đã khéo léo đổi mới các nghi thức Thánh Lễ. Còn về quan điểm thần học chủ trương giáo lý mới về "chức linh mục phổ quát nơi mọi giáo dân", thì chúng ta cần phải đợi thời gian mới thấy kết quả. Sau hết, tính cách cánh chung là một ánh sáng mới được đưa vào trong tất cả các lãnh vực thần học, ví dụ khía cạnh cánh chung của Giáo Hội lữ hành (x. GH ch 7), của hoạt động truyền giáo (x. TG 9) của đời sống dòng tu (x. GH 44) v.v...

 

III. Có Thể Có Vaticanô III Không?

 

Ðặt câu hỏi trên, chúng ta không nghĩ rằng Công Ðồng Vaticanô II đã lỗi thời. Nhưng ý kiến của chúng ta được nêu lên có mục đích tìm hiểu chỗ đứng hiện tại của Công Ðồng này trong lịch sử Giáo Hội.

Ngày hôm nay, hơn bao giờ hết, một Công Ðồng phải được quan niệm như là một bổ túc cho Công Ðồng trước và trở thành nhịp cầu để nối kết Công Ðồng mới trong tương lai. Thế giới tiến bộ nhanh chóng và Giáo Hội cần thích ứng không ngừng theo dòng lịch sử, nếu Giáo Hội không muốn lùi bước. Ðàng khác, ngay từ Công Ðồng Nicea, trong định thức số 5, Giáo Hội cũng đã đòi hỏi rằng các Giám Mục trong một giáo tỉnh phải họp nhau mỗi năm hai lần. Dĩ nhiên, nguyên tắc điều khiển giáo tỉnh theo thể chế Công Ðồng nói ở đây phải hòa hợp với tối thượng quyền của Giáo Hoàng trong những phạm vi thuộc toàn thể Giáo Hội: tuy nhiên tính cách cộng đoàn của Giám Mục được Vaticanô II cổ võ nói lên phương thức làm việc theo thể chế Công Ðồng từng thịnh hành trong nhiều thời đại trước.

Vào thế kỷ thứ XIX, vì quan tâm tìm kiếm một bảo đảm vững chắc cho giáo lý của Giáo Hội, Công Ðồng Vaticanô I lúc đó đã đi tới định tín quyền bất khả ngộ của Ðức Giáo Hoàng. Do định tín ấy, người ta đã lầm tưởng rằng thời đại Công Ðồng đã chấm dứt. Thế rồi, trong thời đại hiện tại của chúng ta, vì nhu cầu của tính cách cộng đoàn Giám Mục đòi hỏi, Giáo Hội đã thiết lập các Thượng Hội Ðồng Giám Mục rồi cũng vì đó, nhiều người hiện nay nghĩ rằng không cần thiết phải triệu tập các Công Ðồng Chung nữa. Họ đã lầm tưởng, một lầm tưởng sâu xa. Thực ra Công Ðồng Vaticanô II đã khai mào những viễn ảnh mới, báo hiệu cho một Công Ðồng trong tương lai để bổ túc, cũng như Vaticanô II đã làm nhiệm vụ bổ túc cho Công Ðồng trước.

Nhìn vào thực tại, chúng ta thấy rằng nếu Vaticanô II đã cố gắng dung hòa sự chia cách giữa Giáo Hoàng và Giám Mục thì cũng cần phải có một Công Ðồng trong những ngày sắp tới để tìm lại mức quân bình cho hàng Giám Mục với hàng linh mục mà thực tế đang cách biệt trầm trọng. Nói tổng quát hơn, cần đến một Công Ðồng trong tương lai để tìm ra những dây liên lạc chân thực giữa giáo sĩ và giáo dân, nghĩa là có mục đích tìm hiểu và đề cập đến các vấn đề liên quan tới linh mục và giáo dân, cũng như Vaticanô II đã đặt vấn đề ấy với các Giám Mục.

Hơn nữa, ý hướng hiệp nhất của Vaticanô II chỉ mới ở những bước đầu. Công Ðồng này đã rộng mở những cánh cửa mới để có lẽ với cố gắng của một Công Ðồng trong tương lai, những ai còn ở ngoài Giáo Hội sẽ vào trong Giáo Hội. Sự hiện diện của "các quan sát viên" ở Công Ðồng Vaticanô II tiên báo sự tham dự của toàn thế giới trong một Công Ðồng mới hoàn toàn hiệp nhất, ở đó tính cách Công Giáo sẽ đạt tới sung mãn. Rồi nếu các cộng đoàn anh em ly khai là những Giáo Hội chân thật, họ sẽ cần hiện diện thực sự với Giáo Hội chúng ta. Hơn thế nữa, bởi vì các Giám Mục các Giám Mục Chính Thống cũng là những người kế vị thật của các Tông Ðồ, không có lý do gì họ lại không có quyền đến họp vớ anh em thật của họ, với người kế vị Thánh Phêrô, trong một Công Ðồng thật sự hiệp nhất mà chúng ta mong ước.

Chúng ta đặt trọn niềm hy vọng vào sự hướng dẫn khôn ngoan của Chúa Thánh Thần, để tất cả chúng ta đều tiến theo con đường tươi đẹp nhất, cho dầu nẻo đường đó có thể không phù hợp với những tính toán nhân loại và giới hạn của chúng ta.

 

VỀ MỤC LỤC

LINH MỤC VÀ VẤN ĐỀ GIA ĐÌNH - SỰ QUAN TRỌNG CỦA GIA ĐÌNH.

 

LTS. Trong 7 số báo  liên tiếp kể từ hôm nay, Đặc San GSVN hân hạnh giới thiệu với Quí độc giả chủ đề lớn "LINH MỤC VÀ VẤN ĐỀ GIA ĐÌNH"

Trong thư chung năm 2001, Hội đồng Giám Mục Việt Nam đã đề cập đến gia đình như một chương trình mục vụ cần lưu tâm trong thiên niên kỷ mới. Còn năm nay 2002, Hội đồng  muốn  đáp lại lời kêu gọi của Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô II trong tông huấn về gia đình “Consortio Familiaris” ban hành năm 1981, đồng thời chào đón cuộc gặp gỡ quốc tế của các gia đình sẽ tổ chức tại Manila vào đầu năm tới, nên thư mục vụ đã được dành cho đề tài hôn nhân và gia đình, đồng thời chọn chủ đề  của năm 2003 là năm “Thánh hóa gia đình”.

Đây phải là một dịp thuận tiện để chúng ta, những linh mục và tu sĩ,  tìm hiểu và sống tinh thần gia đình, nhất là trong phạm vi giáo phận và giáo xứ, trước khi có những chương trình mục vụ cụ thể giúp đỡ cho các gia đình chúng ta  có nhiệm vụ chăm sóc và hướng dẫn, bởi vì :

- Các cha phải đi trước, thì làng nước theo sau.

Vậy tiên vàn gia đình là gì  ?

Mở cuốn “Tự điển Việt Nam” của Lê văn Đức, chúng ta thấy tác giả đã đưa ra ba định nghĩa như sau :

Trước hết, gia đình là một đơn vị, một nhà gồm hai vợ chồng và con cái mình. Đó là ý nghĩa chặt chẽ nhất chúng ta thường dùng để nói về gia đình.

Tiếp đến, gia đình là một dòng họ, gồm tất cả ông bà, cha mẹ, con cháu cùng chung một huyết thống. Đó là ý nghĩa rộng rãi hơn.

Từ đặc tính này, chúng ta đi tới một nghĩa bóng, một ám chỉ, gia đình là một đoàn thể, một tổ chức như khi chúng ta nói : gia đình giáo phận,  gia đình giáo xứ….

Theo tôi nghĩ thì gia đình là nơi qui tụ những người cùng sống dưới một mái nhà, liên hệ với nhau bằng sợi giây yêu thương.  Mỗi định nghĩa đều có lý và nói lên một góc cạnh nào đó. Nhưng điều quan trọng và cần thiết đó là gia đình nắm giữ vai trò nào trong đời sống ?

1- GIA ĐÌNH VÀ CÁ NHÂN.

Sống trong gia đình, nhiều lúc chúng ta cảm thấy bực tức khó chịu vì phải đụng chạm với người này, người khác. Thế nhưng, khi phải lìa xa, chúng ta thường nghĩ  về nó với những kỷ niệm, với những hình ảnh đẹp đẽ nhất của những người thân yêu.  Nói tới gia đình chúng ta cảm thấy có một cái gì êm đềm và đầm ấm, như thế đủ chứng tỏ gia đình có một chỗ đứng không thể thiếu vắng trong tình cảm cá nhân của mỗi người.

Hơn thế nữa, Công đồng Vaticanô II còn xác định : Gia đình chính là mái trường đầu tiên dạy cho chúng ta những bài học làm người.

Trước hết, gia đình là trường đầu tiên  dạy nhân cách.

Khi bàn về bổn phận của mọi người trong việc thăng tiến hôn nhân và gia đình, Công đồng Vaticanô II trong hiến chế “Gaudium et Spes”,bàn về Giáo hội trong thế giới hôm nay, đã viết :

- “Gia đình là một trường học phát triển nhân tính. Nhưng để gia đình có thể chu toàn sứ mệnh mình, cần phải biết hòa hợp tâm hồn : vợ chồng phải cùng nhau bàn định, cũng như cha mẹ phải ân cần cộng tác trong việc giáo dục con   cái “ (GS 52).

Tục ngữ Việt Nam đã bảo :

- Học ăn học nói học gói học mở.

Chúng ta phải học từ những việc đơn sơ và dễ dàng đến những việc phức tạp và khó khăn. Ngay từ tấm bé, cha mẹ đã dạy  cho chúng ta cách thức ăn uống, tắm giặt…Lớn hơn một chút, cha mẹ cho chúng ta cắp sách đến trường để được trang bị những kiến thức cần thiết. Và khi sắp đến tuổi trưởng thành, dạy cho chúng ta nghề nghiệp để có thể tự kiếm sống. Nhờ việc giáo dục của gia đình, chúng ta trở nên một người khả dĩ có thể sống tự lập.

Tiếp đến, gia đình là trường dạy về đời sống xã hội.

Khi con cái bắt đầu hiểu biết, không cha mẹ nào mà không dạy cho chúng biết phép lịch sự, biết cách xử thế. Rồi những bài học về đức công bằng, về tình bác ái …Tất cả chúng ta đã lãnh hội được  trong bầu khí yêu thương của gia đình. Chính vì thế, gia đình đã trở thành mái trường đầu tiên dạy cho chúng ta về đời sống xã hội.

Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô II đã viết như sau :

- “Trong một xã hội đã bị lung lay và phân hóa do những căng thẳng và xung khắc vì sự đối đầu khốc liệt giữa các chủ nghĩa cá nhân và ích kỷ đủ loại, trẻ em cần phải có được ý thức về sự công bằng đích thực, vì chỉ có sự công bằng ấy mới đưa đến sự kính trọng phẩm giá ngôi vị của từng người. Hơn thế nữa, chúng ta phải có ý thức về tình yêu đích thực, tình yêu dệt bằng mối quan tâm chân thành và việc phục vụ vô vị lời đối với kẻ khác, đặc biệt là đối với những người nghèo nhất và những người cần được giúp đỡ nhất. Gia đình là trường học đầu tiên, trường học căn bản về đời sống xã hội; như một cộng đồng yêu thương, gia đình nhận ra rằng tự hiến mình là qui luật hướng dẫn gia đình và làm cho gia đình tăng trưởng”. (CF 37).

Như vậy, gia đình đào luyện chúng ta trở thành một con người, con người ấy không phải chỉ biết sống tự lập, sống cho mình mà còn phải biết sống với người khác trong một cộng đồng, trong một xã hội.

Sau cùng,  gia đình là con đường  giúp chúng ta nên thánh.

Khi bàn về sự thánh thiện của hôn nhân, Công đồng đã viết :

- “Được cha mẹ hướng dẫn bằng gương sáng và kinh nguyện gia đình, con cái và tất cả những ai sống trong khuôn khổ gia đình sẽ gặp được con đường nhân ái, cứu độ và thánh thiện dễ dàng hơn.” (GS 48).

Làm sao có thể quên được những lời kinh bập bẹ mà người mẹ đã dạy chúng ta đọc. Làm sao có thể quên được cách làm dấu thánh giá bằng bàn tay vụng dại được người cha cầm lấy và đặt lên trán. Ngoài ra, biết bao nhiêu kỷ niệm êm đẹp của ngày rước lễ lần đầu, của ngày lãnh nhận bí tích Thêm sức sẽ theo chúng ta mãi trong suốt cả cuộc đời.

Như vậy, gia đình không phải chỉ giáo dục chúng ta trở nên một con người đúng với ý nghĩa của nó, mà còn hướng dẫn để chúng ta trở nên một con người thánh thiện, một Kitô hữu trưởng thành, một người con cái Chúa.

Không phải chỉ cha mẹ giúp con cái nên thánh, mà nhiều khi chính con cái cũng giúp cha mẹ nên thánh. Công đồng viết :

- “Con cái là những phần tử sống động trong gia đình nên cũng góp phần riêng vào việc thánh hóa cha mẹ. Thực vậy, con cái sẽ đáp lại công ơn cha mẹ với lòng tri ân, tâm tình hiếu thảo và tin cậy, và sẽ theo đạo làm con mà phụng dưỡng cha mẹ trong nghịch cảnh cũng như trong tuổi già cô quạnh…” (GS 48).

Trong  mái trường đầu tiên này, cha mẹ là những giáo viên chuyên cần, dạy bảo cho chúng ta từng li từng tí, sở dĩ như vậy  cha mẹ là những người gần gũi chúng ta hơn hết, hiểu biết chúng ta hơn hết và cũng yêu thương chúng ta hơn hết.

Một đứa trẻ mồ côi, sống trong cô nhi viện, dù được nuôi dưỡng đầy đủ thì  nó vẫn cảm thấy lạc lõng bơ vơ. Tại sao thế ? Vì nó thiếu vắng một tình thương chăm sóc và ủi an.

Bởi đó tục ngữ Việt Nam mới nói :

- Thà ăn bắp hột chà vôi,

Chẳng thà giầu có mồ côi một mình.

Giáo dục con cái cũng chính là một bổn phận quan trọng nhất của những bậc làm cha mẹ, bởi vì :

- Đẻ con chẳng dạy chẳng răn,

Thà rằng nuôi lợn cho ăn lấy lòng.

Trong Tuyên ngôn ”Gravissimum Educationis” về giáo dục Kitô giáo, Công đồng đã nhắc lại :

- “Vì là người truyền sự sống cho con cái, nên cha mẹ có bổn phận hết sức quan trọng phải giáo dục chúng, và vì thế, họ phải được coi là những nhà giáo dục đầu tiên và chính yếu của chúng. Vai trò giáo dục này quan trọng đến nỗi nếu thiếu sót sẽ khó lòng bổ khuyết được. Thật vậy, cha mẹ có nhiệm vụ tạo cho gia đình  một bầu khí thấm nhuần tình yêu cũng như lòng thành kính đối với Thiên Chúa và tha nhân, để giúp cho việc giáo dục toàn diện của con cái họ trong đời sống cá nhân và xã hội được dễ dàng.” (GE 3).

Đức Thánh Cha Goan-Phaolô II giải thích như sau :

- “Vì cha mẹ đã sinh ra con cái nên quyền và bổn phận giáo dục là một điều nằm trong yếu tính của họ; vì tương quan giữa họ với con cái là một tình yêu không thể thay thế được, nên quyền và bổn phận giáo dục của họ có tính cách độc đáo và cơ bản so với bổn phận giáo dục của những người khác, đó cũng là một cái gì không thể thay thế và không thể chuyển nhượng được, cho nên cũng không thể khoán trắng cho người khác hay bị người khác cưỡng đoạt.” (CF 36).

2- GIA ĐÌNH VÀ XÃ HỘI.

Người xưa đã bảo :

- Phải tu thân, tề gia trước đã, rồi sau đó mới trị quốc bình thiên hạ.

Xem đó chúng ta thấy : Gia đình không phải chỉ ảnh hưởng trên cá nhân, mà còn là nền tảng cho cả xã  hội nữa. Thực vậy, nhìn vào cách thức tổ chức, chúng ta sẽ nghiệm ra rằng : nhiều gia đình họp lại thành thôn ấp, và cứ thế đi lên tới xã, huyện, tỉnh, quốc gia và cộng đồng quốc tế.

Bởi đó, gia đình đã trở nên một yếu tố căn bản để xây dựng xã hội. Gia đình tốt làm cho cá nhân tốt đã đành, mà hơn thế nữa, gia đình tốt còn làm cho cả xã hội đều được tốt. Trái lại gia đình xấu, thì chắc hẳn xã hội cũng sẽ bị ung thối. Gia đình là con tim của nhân loại. Nếu như con tim mà đau, thì chắc chắn toàn thân sẽ bị bải hoải.

Một vài thí dụ để chúng ta hiểu được điêu đó .

Những năm về trước, tệ nạn  “đi bụi đời” bành trướng mạnh mẽ trong giới trẻ. Vậy những kẻ đi bụi đó là ai ?  Họ là những thanh thiếu niên không hẳn là nghèo túng, trái lại nhiều khi còn là những người thuộc gia đình giầu sang và tiếng tăm. Tiền nhiều bạc lắm, nhưng họ chỉ thiếu một điều, đó là thiếu tình thương trong gia đình. Theo các bản thống kê cho biết thì đa số họ không tìm thấy được niềm vui và hạnh phúc. Hoặc vì cha mẹ cãi cọ lục đục với nhau,  hoặc vì cha mẹ quá đam mê chạy theo tiền bạc, bắt mối “áp phe” mà quên mất việc chăm sóc giúp đỡ họ, hoặc vì cha mẹ cờ bạc, rượu chè, vợ nọ con kia mà không để ý đến họ.

Hay như một ông giám đốc, nếu không tìm thấy sự thoải mái trong gia đình, thì khi đến công sở, chắc hẳn sẽ cau có đối với nhân viên và dễ dàng đi đến những quyết định lệch lạc mà hậu quả nhiều lúc thật trầm trọng.

Ý thức được tầm mức quan trọng của gia đình, Công đồng đã viết như sau :

- “Gia đình trở thành nền tảng của xã hội vì là nơi mà nhiều thế hệ gặp gỡ và giúp nhau nên khôn ngoan đầy đủ hơn, cũng như giúp nhau hòa hợp những quyền lợi cá nhân với những đòi hỏi khác của cuộc sống xã hội.” (GS 52)

Đức Thánh Cha cũng xác quyết :

- “Bởi vì Đấng Tạo hóa đã đặt gia đình làm nguồn gốc và nền tảng cho xã hội con người, nên gia đình trở thành tế bào đầu tiên và sống động của xã hội.” (CF 42).

Như vậy, gia đình sẽ phục vụ cho xã hội :

- “Gia đình dù biệt lập hay kết thành hiệp hội, đều có thể và phải dấn thân cho nhiều công cuộc phục vụ xã hội, cách riêng là lo cho những người nghèo và trong mọi trường hợp, lo cho những người và những tình cảnh mà các tổ chức từ thiện và cứu tế công cộng không thể lo hết được.” (CF 44).

Và hơn thế nữa, gia đình sẽ làm cho xã hội được nhân bản hơn :

- “Chính những kinh nghiệm về sự hiệp thông và chia sẻ phải là đặc điểm cho đời sống thường nhật của gia đình, và tạo nên phần thiết yếu căn bản mà gia đình đóng góp được cho xã hội…Gia đình làm nên cái nôi và là phương tiện hữu hiệu nhất để nhân bản hóa và ngôi vị hóa xã hội : chính gia đình hoạt động cách độc đáo và sâu xa cho công cuộc kiến tạo thế giới, giúp đem lại được một đời sống thực sự nhân đạo, cách riêng là bảo tồn và truyền đạt các nhân đức và các giá trị”. (CF 43).

Từ những điều vừa trình bày, chúng ta có thể đi đến kết luận : gia đình là viên đá đầu tiên, làm nền móng cho xã hội. Nền móng có vững chắc, thì tòa nhà mới bảo đảm. Gia đình là một tế bào sống động của xã hôi. Nếu tế bào mà èo uột, thì chắc hẳn xã hội cũng sẽ không thể nào phát triển. Bởi đó, Đức Thánh Cha Lêô XIII đã nói :

- Gia đình nào, xã hội nấy.

Muốn đổi mới xã hội, thì việc đầu tiên cần phải làm ngay, đó là phải canh tân gia đình.

3- GIA ĐÌNH VÀ GIÁO HỘI.

Nhìn vào cơ cấu và tổ chức, chúng ta sẽ thấy được chỗ đứng không thể thiếu vắng của gia đình trong sinh hoạt của Giáo hội. Thực vậy, nhiều gia đình hợp lại thành giáo xứ. Nhiều giáo xứ hợp lại thành một giáo phận. Nhiều giáo phận hợp lại thành Giáo Hội toàn cầu. Và như  thế, gia đình cũng là nền tảng cho Giáo Hội.

Nếu vì hoàn cảnh, chúng ta không còn các linh mục, các tu sĩ hay nếu vì sinh kế chúng ta phải sống ở một nơi hẻo lánh, không có nhà thờ, không có họ đạo, thì lúc bấy giờ chính gia đình của chúng ta phải là một giáo xứ nhỏ bé, ở đó người gia trưởng sẽ đóng vai trò linh mục, có bổn phận cử hành phụng vụ như giờ kinh tối,  thực thi đức tin và loan truyền Tin Mừng bằng một đời sống đạo đức và thánh thiện, bác ái và yêu thương .

Thánh Augustinô đã viết :

- Gia đình là một Giáo Hội “cỡ nhỏ”, một Giáo Hội được thu hẹp, tại đây Chúa Giêsu tiếp tục hiện diện và sống động, tại đây Chúa Giêsu tiếp tục chịu chết và sống lại.

Cũng trong chiều hướng ấy, Đức Thánh Cha đã gọi gia đình là “Hội thánh tại gia” :

- “Ngoài ra, gia đình Kitô hữu còn được mời gọi cảm nghiệm một sự hiệp thông mới mẻ và độc đáo, củng cố cho sự hiệp thông tự nhiên và nhân bản. Thật vậy, ân sủng của Đức Giêsu Kitô “Anh Cả của một đàn em đông đúc” theo bản tính và sức mạnh nội tại của ơn ấy, là một ân sủng của tình huynh đệ” như thánh Tôma Aquinô vẫn gọi. Thánh Thần được đổ tràn xuống trong việc cử hành các bí tích chính là nguồn mạch sống động và lương thực vô tận cho sự hiệp thông siêu nhiên nối kết các tín hữu với Đức Kitô và qui tụ họ lại với nhau trong sự hiệp nhất của Hội thánh Thiên Chúa. Gia đình Kitô hữu là một mạc khải, một sự thực hiện đặc biệt mối hiệp thông trong Hội Thánh. Vì thế, gia đình Kitô hữu có thể và phải được gọi là “Hội Thánh tại gia”. (CF 21.

Gia đình là “Hội Thánh thu nhỏ” :

- Giữa các trách nhiệm căn bản của gia đình Kitô hữu, có một trách nhiệm có thể nói là có tính cách Hội thánh, vì trách nhiệm này đặt gia đình vào chỗ phục vụ cho việc xây dựng Nước Thiên Chúa trong lịch sử, bằng cách dự phần vào cuộc sống và sứ mạng của Hội Thánh. Để hiểu rõ việc tham dự ấy hệ tại ở đâu, bao gồm và có những đặc điểm nào, ta cần tìm hiểu những liên hệ rất nhiều và sâu xa nối kết Hội Thánh với gia đình Kitô hữu và làm cho gia đình này trở thành một “Hội Thánh thu nhỏ”, đến nỗi, theo cách của nó, gia đình là một hình ảnh sống động và là một biểu hiện lịch sử của chính mầu nhiệm Hội Thánh.” (CF 49).

Sở dĩ như vậy vì gia đình Kitô hữu cũng thi hành những công việc, những bổn phận của Hội Thánh :

- “Như một Hội Thánh “nhỏ”, gia đình Kitô hữu được mời gọi theo hình ảnh của Hội Thánh “lớn”, để làm một dấu chỉ hiệp nhất cho thế giới và để theo chiều hướng ấy mà thực hiện vai trò tiên tri, làm chứng cho vương quốc và cho hòa bình của Đức Kitô mà cả thế giới đang tiến tới.” (CF 48).

Gia đình là sự nối tiếp của Giáo Hội và làm cho Giáo Hội có mặt ở mọi nơi và trong mọi lúc. Gia đình là nơi kết nạp các phần tử lại với Đức Kitô. Gia đình có lên tới Chúa thì Giáo Hội mới được phát triển :

- “Gia đình Kitô hữu được mời gọi góp phần tích cực và có trách nhiệm vào sứ mạng của Hội Thánh với tư thế riêng biệt và độc đáo, bằng cách tự đặt mình phục vụ Hội Thánh và xã hội cả từ trong yếu tính lẫn trong hành động của mình với tư cách là một cộng đồng thân mật của sự sống và tình yêu.” (CF 50).

Tóm lại :  Gia đình Kitô hữu phải là một con đường dẫn người khác đến với Chúa bằng một cuộc sống ngập tình yêu thương của mình, nhờ đó góp phần xây dựng Giáo hội :

- “Tương lai việc Tin mừng hóa tùy thuộc phần lớn nơi Hội Thánh tại gia.” (CF 52).

KẾT LUẬN

Qua những điều vừa trình bày, chúng ta thấy được tầm mức quan trọng của gia đình đối với cá nhân, xã hội và Giáo hội, vì thế Công đồng đã kêu gọi :

- “Tất cả những ai có ảnh hưởng trên các cộng đoàn và tập thể xã hội phải góp công hữu hiệu  thăng tiến hôn nhân và gia đình.” (GS 52)

Cũng trong chiều hướng ấy, Đức Thánh Cha đã nêu rõ :

- “Những đổi thay dồn dập trong lòng hầu hết các xã hội tân tiến đòi hỏi không những chỉ gia đình mà cả xã hội và Hội Thánh đều phải dấn thân vào nỗ lực chuẩn bị tương xứng để các bạn trẻ có thể cáng đáng các trách nhiệm trong tương lai.” (CF 66).

Và như vậy, trong việc thăng tiến gia đình, chúng ta thấy :

Trước hết đó là trách nhiệm của Giáo hội :

- “Hội Thánh phải cấp bách can thiệp mục vụ để nâng đỡ gia đình. Cần phải cố gắng hết sức để ngành mục vụ gia đình được củng cố và phát triển, trở thành một ngành thật ưu tiên, vì chắc chắn trong tương lại, việc loan báo Tin mừng phần lớn tùy thuộc nơi Hội Thánh tại gia đình.” (CF 65).

Đặc biệt là vai trò của các linh mục :

- “Các ngài có bổn phận nâng đỡ ơn gọi của vợ chồng trong đời sống hôn nhân và gia đình bằng những phương tiện mục vụ khác nhau, như rao giảng Lời Chúa, lễ nghi phụng vụ hay những trợ lực thiêng liêng khác. Các ngài cũng phải nhân hậu và nhẫn nại nâng đỡ họ trong lúc gặp khó khăn, và khích lệ họ trong tình bác ái, tạo nên những gia đình thực gương mẫu rạng ngời.” (GS 52).

Tiếp đến đó là trách nhiệm của xã hội :

- “Xã hội và đúng hơn là quốc gia, phải nhận rằng gia đình là “một xã hội được hưởng một quyền lợi riêng biệt và ưu tiên”, do đó trong những gì liên hệ tới tương quan giữa họ và gia đình, họ có nghĩa vụ trọng yếu phải theo đúng nguyên tắc hỗ trợ gia đình…Quốc gia phải hết sức tạo điều kiện thuận lợi và khơi động những sáng kiến có trách nhiệm của gia đình.” (CF 45).

Đặc biệt là vai trò của chính quyền :

- ”Chính quyền phải nhìn nhận, bênh vực và phát huy tính chất đích thực của hôn nhân và gia đình, phải bảo vệ nền luân lý chung và giúp cho gia đình được sung túc, vì đó là những bổn phận mà chính quyền phải coi như một sứ mệnh thiêng liêng phải chu toàn.” (GS 52)

Sau cùng đó là trách nhiệm của mọi thành viên trong gia đình, đặc biệt là vai trò của hai vợ chồng :

- ”Chính các đôi vợ chồng, được tạo thành giống hình ảnh Thiên Chúa và được ấn định trong cấp bực của các nhân vị, hãy kết hợp trong tình tương thân tương ái, đồng tâm hiệp ý và thánh hóa lẫn nhau, để trong khi theo Đức Kitô là nguyên lý sự sống, giữa những nỗi vui mừng và hy sinh của ơn gọi và qua tình yêu chung thủy, họ trở nên chứng nhân  của các mầu nhiệm tình thương mà Chúa đã tỏ ra cho thế giới qua sự chết và sống lại của Ngài.” (GS 52).

Tóm lại, tất cả những người thiện chí phải cộng tác với nhau để giúp gia đình thoát khỏi cơn khủng hoảng  như cuồng phong đang thổi đến, đồng thời thăng tiến gia đình theo đúng với ý định tuyệt vời của Thiên Chúa.

Đức Thánh Cha đã xác quyết :

- “Thế nên thật trọng yếu và cấp bách, tất cả những người thiện chí đều phải hết sức mình để bảo vệ và thăng tiến các giá trị và các đòi hỏi của gia đình.” (CF 86)

Bởi vì :

- “Tương lai của nhân loại sẽ đến qua gia đình.” (CF 86).

còn tiếp
 

VỀ MỤC LỤC

NĂM MỚI NÓI CHUYỆN CŨ… CÒN MỚI !

 

Một vị trong Ban biên tập đến thăm khi tôi đang nằn dưỡng bệnh tại Thánh phố và đề nghị tôi ghi lại vài cảm nghiệm của một người bệnh để đăng vào số tháng 02/2007 nhân ngày Quốc tế Bệnh nhân. Tôi vừa nằm trên giường bệnh vừa nhớ lại vài suy tư tản mạn và nhờ một “ thư ký” ghi lại để chia sẻ với bạn đọc.

Tôi bị đau thần kinh toạ cách đây hơn một năm, đi đứng rất đau đớn. Lúc đầu tôi uống  20 thang thuốc bắc thấy hết đau. Khoảng 6 tháng sau thấy đau lại, tôi đi điều trị theo Đông y nhưng không hết. Sau đó tôi đi bác sĩ Tây y tại Thành phố Hồ Chí Minh. Bác sĩ hỏi “Từ nhỏ tới lớn có gành vác gì nặng không ?’ bác sĩ bảo đi chụp X quang, biết là bị gai cột sống, rồi cho thuốc tây uống một tháng, nhưng không thấy thuyên giảm. Sau đó bác sĩ bảo đi chụp “em – rai” (MRI- Magnetic Resonance Images : cộng hưởng từ, mới biết là bị thoái vị đĩa đệm giữa hai đốt cột sống, cần phải phẫu thuật. Trước khi đi điều trị tại niềm Nam, một phần để tránh làm phiền nhiều người đến thăm, tôi nghe giáo dân quanh Toà giám mục Sơn Tây đến chào chúc có nói rằng : “ Tại Đức Cha gánh vác giáo phận nặng quá”. Thực ra, suốt hai năm đầu trong sứ vụ giám mục, tôi đã không điều độ giữa làm việc và nghỉ ngơi, đã ngồi nhiều, kể cả trên xe để đi nhiều nơi, mà không chịu tập thể dục và chơi thể thao đều đặn như hồi ở Đại chủng viện Cần Thơ, ngoài lý do tuổi tác, tôi nghĩ đó là nguyên nhân gây nên suy thoái cột sống.

Nghĩ đến “mổ’ cột sống thật đáng ngại, nhưng bác sĩ bảo nếu không ‘phẫu thuật’ thì sẽ bị liệt cơ và sẽ không đi lại được. Tôi đã quyết định chịu phẫu thuật trong niềm tín thác vào Thiên Chúa và Mẹ Maria, đồng thời xin nhiều người cầu nguyện cho. Nhờ đó tôi không thấy hồi hộp khi được đẩy vào phòng mổ, mà chỉ buồn cười  nhớ lại lời cô y tá vừa nói với vị linh mục họ Hoàng đã ký tên vào tờ cam kết phẫu thuật như người ‘ con” đưa người “cha” họ Vũ  nhập viện : “Chắc anh là con rể của bác ?”

Ca mổ đã diễn ra hơn ba tiếng đồ ngày 23/11/2006 tại bệnh viện Triều An. Sáng hôm đó tôi làm lễ ngoại lịch kính các Thánh Tử đạo Việt Nam vì sợ rằng ngày hôm sau mình  chưa tỉnh để dâng lễ được. Vậy mà chiều hôm sau tôi đã có thể “nằm đồng tế”  với linh mục họ Hoàng đã tháp tùng tôi trong suốt chuyến đi này. Năm ngày sau, thắt đai lưng bảo vệ, tôi có thể đi đứng chút ít, và xuất viện về nằm điều dưỡng tại trụ sở Hưng Hoá. Tự nhiên tôi nhớ đến lời Chúa Giêsu  nói với Phêrô : “ Khi anh còn trẻ, anh tự mình thắt lưng lấy, và đi đâu tuỳ ý. Nhưng khi về già, anh sẽ phải dang tay ra cho người ta thắt lưng và dẫn anh đến nơi anh chẳng muốn” ( Ga 21, 18).

Trước, trong, và sau thời gian điều trị tại bệnh viện, cũng như tại trụ sở Hưng Hoá, có những người gọi điện thại thăm hỏi, và vì bệnh thuộc loại có thể thăm được, nên cũng có những người biết tin đến thăm, chia sẻ cách chân tình, trong đó có Đức Hồng Y, quý Đức cha, quý cha, bạn bè xa gần, và những người thân, quên v. v… Tôi cảm thấy được an ủi nhiều, và “ giác ngộ” rằng “ làm lớn” mà sắp xếp được giờ đi thăm bệnh nhâm là một việc nên làm.  Sau một tháng  điều  dưỡng và đi lại được, ngày 28/12/2006 tôi đã cố gắng làm “ việc nên làm” này là đến bệnh viện Chợ Rẫy để thăm một người bạn là cha Giuse trần Trung Nghĩa, và ban bí tích Xức dầu theo yêu cầu của ngài. Hôm đó tôi cứ suy nghĩ lien mien về cuộc đời của một linh mục “ đang muốn dệt đời mình thì bị cắt đứt ngay hang chỉ” , nhưng rất cảm kích về thái độ “ xin vâng” của ngài.

Trở lại cảm nghiệm của tôi ; ba tuần đầu sau khi mổ , tôi phải “ ăn nằm” , nghĩa là phải nằm để người ta đút cơm cho ăn như  con nít; hay có lúc  thấy vui vui, nhưng thật là xấu hổ, và càng xấu hổ hơn khi nghĩ đến lời Chúa dạy “ phải trở nên như trẻ nhỏ” trong cuộc  sống và sứ vụ nữa. Càng “làm lớn”  càng thấy khó trở nên như trẻ nhỏ, nhất là khi quên lời căn dặn của Thầy mình : “ Những người làm lớn thì lấy quyền mà cai quản dân. Giữa anh em thì không được như vậy : Ai muốn làm lớn giữa anh em thì phải làm người phục vụ anh em “ ( Mt 20, 25 -26). Tôi thầm cầu xin Chúa giúp, vì thấy có dấu hiệu thiếu tinh thần “ trẻ nhỏ”, thái độ dễ la rầy người khác ! Tuy nhiên tôi vẫn cảm thấy bình an khi phó thác như trẻ nhỏ trong tay Chúa.

Nằm bệnh tuy không thể làm được những việc như ý mình muốn, nhưng khi viết lại những suy tư tản mạn này, tôi thấy dội lên tầm tình biết ơn mọi người, và tôi thầm tạ ơn Thiên Chúa, vì đã cho tôi có thời gian nghỉ ngơi và tạo điều kiện cho tôi suy nghĩ nhiều điều về cuộc sống mà tôi đã chia sẻ một vài điều, gọi là “năm mới nói chuyện cũ nhưng… còn mới?!”

GM. Antôn Vũ Huy Chương

 
VỀ MỤC LỤC
LINH MỤC, NGƯỜI LÃNH ĐẠO CỘNG ĐOÀN 

Trước khi họp HĐGM Việt Nam, các Đức Cha nhận được rất nhiều thư, email góp ý từ trong nước cũng như ngoài nước để góp ý với HĐGM xử trí cách này cách khác. Trước khi có cuộc tĩnh tâm này, tôi cũng nhận được một số thư và một số email góp ý làm sao để nói với các Cha về vấn đề này vấn đề khác, tôi coi đó là những dấu hiệu tốt, giáo dân quan tâm đến hàng linh mục chúng ta. Bởi vì, họ biết chúng ta là những nhà lãnh đạo, giống như ở ngoài đời có những góp của người dân cho các quan chức, các cán bộ. Đối với chúng ta, khi giáo dân họ có những cái góp ý cho chúng ta thì đó là điều rất tốt, bởi vì chứng tỏ họ yêu mến giáo hội và muốn cho mỗi người chúng ta tốt hơn để có thể phục vụ tốt hơn. Tôi cũng đã gom lại một số những điều mà người ta phàn nàn về anh em linh mục chúng ta. Có những cái thư rất hay như: có thư ca tụng Cha sở của mình đã sống với mình mấy chục năm và đã có công rất nhiều đã xây nhà thờ, làm việc này việc khác có ngôi nhà thờ lớn, nhiệt tình trong việc truyền giáo, bên cạnh những thư ca tụng thì không thiếu những thư phàn nàn, trách móc. Tôi dựa vào những thư đó đồng thời tôi dựa vào bài nói chuyện của Cha Trần Đình Quản ở đà lạt, Ngài đã nói rất hay về Đức Bác Ai Mục Tử của linh mục để trình bày với các Cha như trong gia đình vậy, bởi vì những điều người ta góp ý đó không phải chỉ dành riêng cho linh mục mà còn dành cho cà Giám Mục chúng tôi, chúng tôi cai quản giáo phận cũng như giáo xứ như thế nào cho hợp ý Chúa. Vậy, anh em biết rằng: năm nay 2007, qua bức thư phục vụ của hội đồng mục vụ thì mỗi người chúng ta đều được mời gọi để bước vào năm sống đạo, sống đạo tức là sống noi gương Chúa Giêsu là người mục tử yêu thương phục vụ mà các linh mục chúng ta là người đầu tiên phải thực hiện mục tiêu này, bởi vì cũng là mục tiêu kêu gọi để trở nên mục tử và đức tính căn bản của người mục tử đó là: Bác Ai Mục Tử hay cũng gọi là Bác Ai Mục Vụ. Ngay ngày đầu tiên chúng ta đã được nghe thế nào là Bác Ai Mục Vụ. Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II trong tông huấn số 23 nói rằng: “Nguyên lý nội tại thôi thúc và hướng dẫn đời sống của linh mục ”. Vậy, Đức Ai Mục Tử là nguyên lý nội tại thôi thúc hướng dẫn đời sống của linh mục tạo nên uy tín nội tại và động lực có thể thống nhất cái hoạt động phong phú và đa dạng của linh mục tưởng nó là một động lực chính yếu để thôi thúc cũng như hướng dẫn tất cả các hành vi các hoạt động mục vụ của chúng ta. Sách GLCG cũng nói rằng nó còn là phương thế thiết yếu để đưa con người vào đời sống dân dụng. Do vậy, linh mục cần phải quan tâm thực hành. Vì thế chúng ta sẽ tìm hiểu về ba điểm.

Điểm thứ nhất: Đâu là kiểu mẫu của Bác Ai Mục Vụ. Thứ hai, chúng ta phải thể hiện Đức Bác Ai Mục Vụ như thế nào. Thứ ba, phải dùng phương thế nào để vun trồng Bác Ai Mục Vụ. Có ba vấn đề chính: Trước hết, chúng ta xem đâu là kiểu mẫu của Bác Ai Mục Vụ? Trong Giáo Hội do Chúa Kitô thiết lập thì chỉ có một Mục Tử duy nhất đó là chính Chúa Kitô, chính Chúa Kitô là Mục Tử thôi không ai có thể tiến đến giống Ngài được. Tuy nhiên để chăn dắt và phát triển dân Chúa luôn mãi, Chúa Kitô đã thiết lập các thừa tác vụ khác nhau trong Hội Thánh hầu mưu ích cho toàn dân (Công đồng Vatican II số 18), không những thiết lập Ngài còn trao ban quyền hành và sứ mạng, phương hướng và cứu cánh cho thừa tác vụ Giáo Hội, trong số những người lãnh nhận tác vụ này có Giám mục và linh mục được đặt làm mục tử : hành động nhân danh Đức Kitô, đúng hơn là hành động với thần lực, và vai trò của Đức Kitô, không những nhân danh mà còn trong con người Đức Kitô. Chính nhờ Bí Tích truyền chức Thánh mà các linh mục trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô. Đồng hình, đồng dạng sẽ có hai phương diện, một là phương diện hữu thể học sau khi mà linh mục chịu chức Thánh sẽ làm cho linh mục trở nên hình đổng dạng với Chúa Kitô. Điều này có ý nghĩa, khi các linh mục đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô cả về phương diện luân lý và tu đức, nghĩa là trong cách sống và hoạt động của mình, Các ngài phải làm nổi bật cái hình ảnh Đức Kitô những nét khuân mẫu là Đức Kitô, cái tình yêu của Đức Kitô mục tử. Chính cái tình yêu này, làm cho việc chăn dắt đoàn chiên của Chúa trở thành  dịch vụ tình yêu. Chính cái tình yêu này, phải làm khuân mẫu và là động lực thúc đẩy các linh mục thi hành Bác Aí Mục Vụ. Bây giờ chúng ta hãy nhìn vào Chúa Kitô, vì Đức Kitô là khuân mẫu của chúng ta và Ngài đã thể hiện cái tình yêu đó như thế nào? Trước hết, Chúa tự xưng mình là mục tử tốt( phúc âm Gioan (10, 11)), từ tốt này theo tiếng Hylạp có nghĩa là đích thật chứ không phải là thật, đó là nghĩa căn bản. Nếu hiểu theo nghĩa luân lý có nghĩa là tốt lành, cũng là điều không sai nhưng có thể hiểu được, vì tốt lành là đặc điểm của mục tử đích thực ở nơi Chúa Giêsu mục tử. Khi tự xưng mình là mục tử tốt, Chúa muốn cho thấy rằng: Ngài đảm nhận hoàn toàn trách nhiệm về đoạn diện, đồng thời cũng cho thấy sự bảo đảm và đoan hứa mãi mãi  sẽ là mục tử tốt ở giữa đoàn chiên. 
 

Như các linh mục chúng ta hôm nay: cũng theo gương Chúa, cũng luôn luôn tỏ ra là mục tử tốt, đương nhiên chúng ta không thể nói như Chúa Giêsu: Tôi là mục tử tốt. Bởi vì chính sự tốt lành theo khuân mẫu Đức Giêsu, Đức Chúa Giêsu là mục tiêu để chúng ta vương tới, bằng cách không ngừng cải thiện đời sống và hoạt động thừa tác vụ của mình, sao cho mỗi ngày một tốt hơn. Chúng ta không tự xưng mình là tốt nhưng cũng cố gắng hết sức để cho đời sống, để làm sao theo mẫu gương của Chúa Kitô mỗi ngày một tốt hơn. Vậy, sự tốt  lành của Chúa Kitô nó có thể thể hiện qua bằng cách này: 
 

Đặc tính thứ nhất là: Chúa có lòng thương xót, theo phúc âm Matthêu(9, 36), Marcô(6, 34) có nói rằng: “trông thấy đám đông xin theo mình, Chúa chạch lòng thương xót họ vì họ lầm than vất vưởng như bầy chiên không có người chăn dắt ”. Chúng ta hãy nhìn vào những đặc tính này: “thương xót đoàn chiên ”. Linh mục chúng ta không phải là người chăn thuê, cũng không phải là một thứ công chức, sống theo một thứ chủ nghĩa công chức. Tuy vậy, trong thực tế cũng có một số linh mục có cái não trạng thu hẹp chức tư tế thừa tác, vào những khía cạnh thuần tuý công vụ, tức là chỉ làm việc bắt buộc mình phải làm như: làm lễ hay là đọc kinh, khi làm xong thì bỏ hết. Cái đó là một thứ công chức. Cái não trạng này có nguy cơ làm cho đời sống linh mục chúng ta trở thành trống rỗng, thường được bù trừ bằng những lối sống không phù hợp với cái thừa tác vụ của mình. Chúng ta đã tự nguyện nhận lãnh sức mệnh của Chúa, phải quan tâm đến những người được trao phó cho mình, phải gắn bó với đoàn chiên của mình, phải vun đúc cho mình một sự mẫn cảm đối với mọi người, nhất là những người đáng thương, những người đói khát chân lý, cần được thông truyền chân lý. Vì chúng ta được sai đến chủ yếu là cung ứng cho họ chân lý của Thiên Chúa. Cái điều này, anh em nên lưu tấm. Chúng ta không phải là người chăn thuê, mà là chủ chăn tức là mục tử, mục tử phải gắn bó với đoàn chiên. Chúng ta hãy suy nghĩ chỗ này sâu hơn, chúng ta hãy có sự gắn bó tha thiết với đoàn chiên của mình.  
 

Trong bài viết của Đức Cha Bùi Tuần nói : “mỗi người chúng ta cần luôn tỉnh thức tìm Thánh ý Chúa, ta phải làm những gì Chúa sai ta làm, ta phải đến đúng địa chỉ Chúa sai ta đến phục vụ, làm đúng việc, dấn thân đúng lúc”, đó là điều Chúa chờ đợi nơi ta, như những các công tác viên trung tín và khôn ngoan ”. Điểm nhấn mạnh là:“ Thánh ý Chúa chúng ta phải làm ”, là người mục tử phải thi hành Thánh ý Chúa. Thánh ý Chúa đối với mỗi người Chúng ta, đó là phải đến với điạ chỉ mà Chúa sai ta đến, làm những việc mà Chúa muốn chúng ta làm như vậy chúng ta là linh mục chánh xứ hay là phó xứ thì hãy luôn nhớ rằng: Chúng ta đã được sai đi đến với một địa chỉ rõ ràng, với những công việc rõ ràng, cho nên phải gắn bó với cộng đoàn được giao phó mình để chăm sóc và dốc hết sức lực cho những công việc chăm sóc ấy, đó chính là Thánh ý Thiên Chúa. Thế nhưng trong thực tế có nhiều người than phiền: có nhiều anh em linh mục có vẻ: không gắn bó tha thiết với đoàn chiên của mình. Chúng ta thường nghe có vị linh mục hai chấm bảy, tức là sáng thứ hai đi sớm còn thứ bảy về làm lễ ngày Chúa nhật, làm lễ ngày Chúa nhật xong thì thứ hai lại ra khỏi xứ. Bây giờ, cũng có vị ba chấm bảy hoặc năm chấm bảy thôi, có vị buổi sáng dâng lễ tại nhà thờ giáo xứ rồi biến mất, đi chơi đến tối mới về. Như vậy, Ngài chỉ lo chu toàn làm lễ mà thôi, còn những việc khác như: tiếp giáo dân, dạy giáo lý, chầu mình Thánh Chúa... thì không quan tâm, có vị thường xuyên đi đến một vài gia đình quen thuộc để nói chuyện, tán ngẫu cả buổi sáng đến trưa về ăn cơm, rồi chiều lại tiếp tục cuộc vi hành. Có vị tuy cả ngày ở nhà, nhưng luôn đóng kín cửa để nghe và nói điện thoại, làm việc với máy vi tính và truy cập Internet. Những vị này, coi như là đi vắng. Bởi vì, giáo dân khó gặp được các Ngài. Qua việc này, chúng ta cũng nên nhắc lại tật cư trú của linh mục, cư trú ở đây hiểu theo hai nghĩa: Nghĩa vật chất, có nghĩa là mình phải gắn bó với cái nơi được sai đến. Một linh mục khi nhận nhiệm vụ chính xứ, thì phải thi hành cái bổn phận cư trú theo giáo luận năm 533. Giáo luật đó như sau: Linh mục chính xứ có bổn phận để cư trú tại nhà xứ, gần nhà thờ. Tuy nhiên, trong những trường hợp đặc biệt, nếu có lý do chính đáng thì Thượng Quyền Sở Tại có thể ban phép cho Ngài nơi khác, miễn là làm sao để chu toàn các bổn phận giáo xứ một cách thích đáng và thuận lợi. Thứ hai: trừ khi có lý do quan trọng, linh mục chánh xứ được phép vắng mặt Giáo xứ tối đa là một tháng liên tục. Những ngày linh mục chánh xứ tĩnh tâm một lần hàng năm( không kể thời gian đi nghỉ ngày). Thế nhưng, hễ vắng mặt khỏi giáo xứ hơn một tuần lễ, linh mục chánh xứ phải báo cáo với vị Thượng Quyền Sở Tại. Điều này, tôi thấy các Cha già giữ một cách rất là chu đáo, các Ngài đi đâu xa một tuần, các Ngài luôn luôn điện thoại hoặc bằng cách nào đó để xin Cha Kim. Nhưng các Cha trẻ mới ra trường thì lại hay quên về điểm này hay chưa biết cái đó để giải quyết, bỏ đi mà không có phép tắc gì hết. Bởi vì, bổn phận linh mục chánh xứ phải hoà nhập với con người vào một cộng đoàn, nới Ngài được sai đến. Ngài phải hiện diện  để có thể bảo đảm cho những công việc của giáo xứ. Có một thư như sau: nhiều linh mục ngày nay dành nhiều thời giờ cho mình, mà dành ít thời giờ cho giáo dân, có linh mục làm lễ sáng sau rồi rúc lên lầu suốt ngày sống với máy vi tính và các thứ khác, lúc cân không thấy có mặt ở nhà, mọi việc trao cho văn phòng giáo xứ, khiến cho giáo dân nhiều người cần gặp mà không được gặp. 
 

Đặc tính thứ hai: Chúa Giêsu mục tử là người biết chiên và chiên biết Ngài. Điều này, chắc hẳn chúng ta đã biết, biết ở đây không phải chỉ là một thái độ thuần tuý nhất  và phải biết hồi hộp như biết một cái gì đó, như: Cha dạy tôi, đây là một cái biết về chiều sâu, diễn tả một cộng đoàn sinh mệnh vượt trên cả tri thức lẫn tình yêu. Chúa Giêsu biết rõ và Ngài thương con chiên như Ngài biết rõ và yêu mến chúng ta. Sự hiểu biết của Ngài về con chiên, bắt nguồn từ tình yêu của Ngài với Chúa Cha.  Nhưng, Ngài chỉ có thể là mục tử tốt như chính con chiên cũng biết để yêu mến Chúa Cha. Vị mục tử hôm nay, tức là các linh mục chúng ta dễ có khuynh hướng, biết rất nhiều thứ đoạn này đoạn nọ, nhiều thứ diễn ra trước mắt, qua cuộc sống cụ thể và những phương tiện thông tin hiện đại. Thế nhưng, nếu muốn là mục tử tốt, thì phải ưu tiên biết và yêu thương đoàn chiên được trao cho phó cho mình, không những như thế còn phải giúp họ biết và mến yêu Chúa Giêsu mục tử, nhờ Ngài mà họ biết và yêu mến Thiên Chúa, tức là tất cả giáo dân của mình phải là đối tượng để cho mình biết và yêu mến, chứ không phải chỉ là một số gia đình hoặc là một số những người giàu có, có quyền chứa, có tiền bạc …. 
 

Đặc tính thứ ba của người mục tử là Hy Sinh Mình Cho Đoàn Chiên (đây là nét đặc chưng nhất nơi một mục tử chân chính). Như Chúa Giêsu nói: Ta đến để cho chúng được sống và sống dồi dào, vì Chúa Giêsu là mẫu mục tử như vậy. Qua việc hiến mạng sống mình, Ngài bộc lộ tấm lòng chân thành và vô vị lợi tuyệt đối khi nhận chăm sóc đoàn chiên, những gì liên hệ với đoàn chiên thì cũng liên hệ với Ngài, mọi nguy hiểm đe doạ đoàn chiên đều làm cho Ngài lo lắng. Nhưng Chúa Giêsu mục tử không chỉ hy sinh để cung ứng những nhu cầu bên ngoài cho đoàn chiên, cái sự hy sinh cao quý nhất, độc đáo nhất nói lên tình yêu cao cả nhất chính là Ngài đã hy sinh mạng sống, đã tự nguyện chấp nhận hy tế thập giá, cái hình ảnh mục tử hoà lẫn với hình ảnh con chiên, hình ảnh người tôi tớ đau khổ mang lấy mọi tội lỗi của đoàn chiên, hy sinh thân mình để lôi kéo ơn tha thứ của Thiên Chúa, Chúa Giêsu vừa là mục tử tốt trong cái chết, Ngài còn là mục tử tốt trong sự sống lại. Nhờ sự sống lại này, Ngài đã hoàn tất công cuộc cứu độ đưa đoàn chiên trở về với Chúa Cha, làm cho họ sống vào sự sống vĩnh cưu của Ngài. 
 

Chắc chắn rằng, người mục tử chúng ta hôm nay cũng phải noi gương Chúa Giêsu, biết hy sinh cuộc sống của mình vì đoàn chiên. Hy sinh, chấp nhận cái chết vì đoàn chiên thì ít, nhưng hy sinh những cái gì thuộc về đời sống của mình như là tiền bạc, thời giờ, tiện nghi, sở thích thì là việc chúng ta có thể làm và phải làm. Những hy sinh như vậy, cũng là một cách chết, chết dần chết mòn: “Yêu là chết ở trong lòng một ít”, thế nhưng cái chết đó là để sống, đặc biệt ở đây là làm cho đoàn chiên của mình được sống. Nói tới đây, tôi nghĩ đến một vị mục tử của chúng ta ở đây, có một mẫu gương về hy sinh cho đoàn chiên. Khi Ngài làm Cha xứ thì thấy đoàn chiên của mình, phải bỏ quê hương để đi nơi khác lập nghiệp, học hành hoặc là làm những cái công việc gì đó rời bỏ quê hương xứ sở. Ngài ưu tư lo lắng cho những người đó, cố gắng hết sức làm đủ mọi cách để cho những anh chi em đó không còn cô độc trên bước đường mưu sinh, mà giúp đỡ nhau học hành cũng như làm việc. Đây là một mẫu gương mà tôi thấy rất tốt. Ước gì mọi người trong chúng ta cố gắng hy sinh bản thân mình để giúp đỡ cho những anh chi em đó. Bây giờ, Ngài đang tiếp tục bỏ tiền ra để mua một cơ sở, làm thành một cái nhà để có thể nâng đỡ những em học sinh xa nhà có chỗ ăn học. Đây là một hình ảnh của người mục tử biết hy sinh cho con chiên của mình. 
 

Đặc tính thứ tư, người mục tử tốt thì đi tìm chiên lạc, họ quy tụ chiên thành một bầy chiên. Chiên lạc là hình ảnh của người tội lỗi, Chúa Giêsu sẵn sàng bỏ chín mươi chín con chiên còn lại để đi tìm con chiên xa bầy. Vì Ngài đến để kêu gọi và tìm kiếm những kẻ có tội. Đối tượng thứ nhất là chiên lạc, nhưng chiên lạc cũng có thể hiểu như những người khác chưa thuộc về đàn chiên của mình, Ngài cũng có sứ mệnh quy tụ những con chiên đó, đưa về làm thành một đoàn chiên duy nhất dưới sự chăn dắt của chủ chiên. Người mục tử hôm nay, cũng có trọng trọng trách đối với hai đoàn chiên này. Một đàng chúng ta phải quan tâm hết sức đến những người tội lỗi và những người khô khan nguội lạnh trong cộng đồng của mình, tìm cách đưa họ về đường ngay nẻo chính, không quan tâm đến cái ý nghĩa này: thôi sống chết mặc bay, kệ bay, mày không cần tao, tao cũng không cần mày. Đằng khác nữa không chỉ hài lòng với đoàn chiên được trao phó mà còn phải hướng tới những người ở ngoài đoàn chiên chưa được biết Chúa. Hướng truyền giáo luôn phải được khơi dậy nơi bất cứ mục tử nào.  
 

Tóm lại, mục tử tốt đều phải Sống Bác Ai Mục Vụ trên, theo gương Chúa Giêsu mục tử trong việc tự hiến mình phục vụ mọi người. Tôi đề nghị việc này, xin anh em cũng lưu tâm: nh?ng vũng cái sắn hầu hết là toàn đạo công giáo, được tổ chức rất là tốt, giáo dân đi nhà thờ, đi lễ thì cũng tương đối là tốt, nhung nhiều khi chúng ta còn quên đi nh?ng ngu?i ? cuối knh, d?u knh, chng ta c?n nên quan tm d?n h? n?a, cần tìm mọi cách để đưa họ về với đoàn chiên. 
 

Ðiểm thứ hai : Làm thế nào để thể hiện Bác Ái Mục Vuï. Linh mục là Thầy dạy lời Chúa, là thừa tác viên các bí tích và là người lãnh đạo cộng đồng. Đó là những hoạt động chuyên biệt của một vị mục tử, Ngài phải thể hiện Đức Bác Ái Mục Vụ trong các hoạt động chuyên biệt này. Chuyên biệt có ba tác vụ: tiên tri, thánh hoá và lãnh đạo cộng đoàn - đó là việc chuyên biệt của người mục tử, mà chúng ta phải thi hành. Thứ nhất: Linh mục là Thầy dạy lời Chúa, lời Chúa là lời thần linh, và là lời mặc khải, là lời đem lại sự sống đời đời cho những ai tin, lắng nghe và thực hành, lời đó được truyền đạt trong và qua Giáo Hội, là một phương diện mà nhớ đó Chúa Kitô hiện diện và hành động, lời Chúa khi được lắng nghe và đón nhận, giúp con người gặp gỡ một Thiên Chúa, đòi họ quyết định thay đổi đời sống. Bời vậy, Lời Chúa phải được loan báo và giảng dạy, theo công đồng Vatican II, nhiệm vụ hàng đầu của linh mục là Giảng Dạy. Cho nên, dùng lời Chúa để dạy dỗ các tín hữu là một trong số những việc làm thể hiện Đức Bác Ai Mục Vụ. Công viêc truyền đạt lời Chúa là: dạy giáo lý và giảng giải lời Chúa và ban các bí tích, nhất là trong Thánh lễ, nhưng thực tế việc dạy giáo lý, các Cha thường trao cho Giáo Lý Viên, chỉ còn công việc thứ hai dành cho mục tử, công việc chỉ có chức Thánh mới có quyền làm đó là: Giảng. Về vấn đề Giảng thì có nhiều phản ánh, có những việc không phù hợp với Đức Bác Ai Mục Vụ như: Có linh mục chửi mắng giáo dân trên toà giảng, thay vì giúp họ hiểu biết hơn về tình thương của Thiên Chúa, giúp họ được an ủi, được khích lệ, được can đảm để đi theo Chúa, thì là những lời con người trách móc con người( trực tiếp hoặc gián tiếp), những lời thay vì đem sự sống thì lại đem sự chết, không chết về thể xác mà lại chết về tinh thần, nếu như đó là những lời thậm tệ. Ở đời, người ta thường nói: “Trời đánh còn tránh bữa ăn”. Thế nhưng, Linh Mục thì không tránh. Lương thực lời Lời Chúa đã bị các Linh Mục thao túng một cách tệ hại, làm sao giáo dân nuốt chúng vô cho được. Có điều, thật sự cũng làm nhiều người khó hiểu như: có những vị Linh Mục còn rất trẻ, mới ra trường vài ba năm cũng đã mắc phải những tật này rồi. Các Cha già ngày xưa đương nhiên cũng  có thể có, nhưng mà nhiều khi các Cha còn rất trẻ mới ra trường mà đã mắc phải các tật này, tức là những Vị mà khi có uất ức trong lòng là cứ mang lên tòa giảng nói bậy nói bạ, không đụng chạm đến người này thì cũng đụng chạm đến người kia, điều này là điều không phải. Tôi tha thiết xin các vị ấy hãy xét mình vì điều này, phải sửa đổi lại. Hoặc có những vị được bề trên hoặc người này người khác góp ý, thì lại đem những lời đó lên tòa giảng để xem đứa nào lên TGM nói kiểu nói như vậy, hay tố cáo như vậy. Cái đó càng không đúng nữa. Người ta góp ý là vì thành thực, vì sự chân thành của họ. Nếu mình có thì sửa, không có thì thôi, chớ đem lên tòa giảng như thể là rao cho người khác biết, vậy thì không được tốt. 
 

Có những bài giảng không đụng chạm đến ai, thậm chí còn làm cho một số người cảm thấy thích thú. Thế nhưng lại không chứng tỏ bác ái mục vụ trung thực. Đó là những bài giảng mà nội dung chỉ là những chuyện tếu lâm, vui cười, đùa giỡn hay những sự khôn ngoan thần khí của con người hay của mình, chứ không phải khôn ngoan của Thiên Chúa. Thánh Agustinô nói rằng: “kiến thức của chúng ta là Đức Kitô, sự khôn ngoan của chúng ta là Đức  Kitô” . Thánh Phaolô cũng đã khẳng định trong thư gửi cho Côrintô : “Chúng tôi không dùng những lời lẽ đã học được nơi trí khôn loài người, nhưng dùng những lời lẽ học được nơi Thần khí. Chúng tôi dùng những lời lẽ Thần khí linh hướng để diễn tả thực tại thuộc về Thần khí ”. Cho nên, chúng ta cố gắng hết sức trong những bài giảng của mình, phải là lời Chúa, khôn ngoan của Thần khí chứ không phải của con người. Dĩ nhiên, nếu có thêm một vài câu chuyện minh họa để cho bài giảng đậm đà thì cũng tốt, có thể chấp nhận được. Thế nhưng, đừng làm người ta chỉ nhớ đến những câu chuyện mà không nhớ đến lời Chúa. Điều này cũng thường xảy ra, nhiều khi kể hai ba câu chuyện, người ta sau này chỉ nhắc đến chuyện mà không nhắc đến lời Chúa. Điều này thì không nên. Liên hệ hoàn cảnh cụ thể và vấn nạn thực tế của người nghe là điều nên làm và phải làm, tức là liên hệ với những chuyện nơi này nơi kia xảy ra, thì rất hay. Thế những, phải biết dùng Lời Chúa để cảm kích và soi sáng những điều đó. Dân Chúa đói khát Lời Chúa, họ không phải tìm đến tòa giảng để nghe những chuyện đâu đâu hoặc những việc ai cũng biết chi tiết qua các phương tiện thông tin hiện đại của ngày hôm nay, như Internet, người ta có thể truy cập nhiều thứ Website của nơi này nơi kia, rất nhiều bài giảng mà người ta có thể đọc. Nhưng khi đến Nhà Thờ, người ta muốn nghe chính Mục Tử nói lời Chúa, giảng lời Chúa. Bác Ai Mục Vụ đòi Linh Mục chúng ta cung cấp cho họ một của ăn đích thực có chất lượng, bồi bổ tâm linh để đời sống đạo của họ không bị suy dinh dưỡng. Của ăn này chính là Lời Chúa. Muốn vậy, chúng ta phải không ngừng học hỏi và nghiền ngẫm lời Chúa “không biết Kinh Thánh là không biết Đức Kitô”. Lười biếng trí thức, trong đó có lười biếng học hỏi Kinh Thánh là nguy cơ đáng báo động nơi không ít các Linh Mục. Có thể coi lười biếng thực sự, cũng có thể là do tự phụ. Cho rằng mình đã biết đủ rồi, không chịu học hỏi thêm. Dĩ nhiên, biết ở đây không chỉ thuần túy về tri thức nhưng còn biết bằng cả tấm lòng, yêu mến lời Chúa để lời Chúa thấm nhập và biến cải tâm hồn chúng ta qua những suy niệm cầu nguyện và thực hành. Phải suy niệm trước rồi mới nói  những đìều muốn nói. Có những vị, tối thứ ngày thứ 7 truy cập Internet để lấy bài giảng ở cái này một chút, lấy cái kia một chút làm thành bài giảng của mình, không chịu đầu tư, cầu nguyện riêng tư thì cũng không có hiệu quả. Khi đó, chúng ta sẽ trở thành những kẻ huyênh hoang rao giảng lời Chúa bằng môi miệng bởi đã không nghe lời Chúa ở trong lòng. Còn một điều khác, ngoài các điều chung đó, anh em Linh Mục cũng nên để ý tới những phương diện khác như: cái bề ngoài. Tức là để giúp cho việc giảng được có hiệu quả thì phải biết trao dồi hình thức giảng. Làm sao cho sứ điệp được trình bày một cách mạch lạc, hấp dẫn và bằng ngôn ngữ dễ hiểu nhưng không tầm thường, phù hợp với trình độ và não trạng người nghe. Điều này rất quan trọng. Chúng ta nói chuyện với nhà quê, thì nói bằng ngôn ngữ nào đó để người ta có thể chấp nhận được. Nói với những người trí thức, thì phải nói cách nào đó có phần trí thức để người ta chấp nhận. Ngôn ngữ cũng là điều quan trọng. Cách thức trình bày phải mạch lạc hấp dẫn, dễ chấp nhận. Có nhiều Linh Mục có bài giảng nội dung rất hay, nhưng khi trình bày hấp tấp, không mạch lạc, không có cấu trúc rõ ràng, nên khó chấp nhận. Vì vậy, anh em Linh Mục cần chú tâm những điều này: không những nội dung mà còn giọng nói, cách nói, cách diễn đạt như thế nào để người ta có thể dễ chấp nhận. Không phải ai cũng có thể trở thành nhà hùng biện, nhưng nếu yêu mến lời Chúa, yêu thương và tôn trọng người nghe, chuyên cần học hỏi cả về những điều phải giảng lẫn cách thức giảng, với thái độ chân thành và khiêm tốn thì Lời Chúa mà chúng ta truyền đạt vẫn có thể biến đổi tâm hồn họ. Có Linh Mục không chú trọng đến hình thức giảng, cứ cầm bài viết sẵn rồi đem ra đọc với sự truyền đạt buồn tẻ. Ngược lại, có Linh Mục quá “nổ”, làm như mình là nhà hùng biện, múa chân múa tay như nghệ sĩ ở trên sân khấu. Điều đó cũng là hình thức không được tốt. 
 

Tóm lại, Đức Bác Ai Mục Vụ đòi người mục tử phải rao truyền chân thực và trọn vẹn Lời Chúa, cố làm sao cho Lời Chúa đạt được hiệu quả tối đa nơi người nghe. 
 

Điều kế tiếp của người mục tử: Thầy dạy Lời Chúa, Thừa tác viên bí tích: 
 

Linh mục là người quản lí các mầu nhiệm của Thiên Chúa là những kho tàng ân sủng nuôi sống đời sống đức tin của Người Tín Hữu (đó chính là các Bí tích). Anh em nên lưu ý: Linh mục chỉ là người quản lí các mầu nhiệm của Chúa, chứ không phải là chủ nhân. Các bí tích có vai trò quan trọng trong đời sống của Người Kitô hữu, các Bí tích khai tâm đặc nền tảng cho toàn thể đời sống của họ, giúp họ nhận thức sâu xa hơn về đời sống thần linh và ngày càng tiến đến hoàn hảo, đồng thời đặt nền tảng các ơn gọi chung của người môn đệ Chúa Kitô. Các Bí tích thống hối, xức dầu bệnh nhân, giúp họ được chữa lành, đặc biệt được tha thứ tội lỗi. Các Bí tích truyền chức Thánh và Hôn nhân, nhằm xây dựng cộng đồng và giúp phần cứu rỗi bản thân. Được tham dự vào chức vụ Tư Tế của Chúa Kitô, và thừa tác viên của Ngài, nên Linh Mục chúng ta thi hành chức tư tế này, đặc biệt trong việc cử hành các nghi thức phụng vụ các Bí tích. Trong tất cả các Bí tích này, có các Bí tích sau đây được chú ý nhiều hơn: Bí Tích Thánh Thể và Bí tích Thống hối. Cho nên, Bác ái mục vụ của chúng ta cần phải ưu tiên cho các Bí tích này. Dĩ nhiên, các Bí khác cũng quan trọng nhưng nó không thường xuyên bằng hai bí tích trên. Đối với các Bí tích nói chung, bổn phận của Linh Mục là giúp cho giáo dân hiểu biết ý nghĩa của Bí tích, cũng như làm cho họ khi tham dự, biết yêu mến đón nhận và sống ơn Bí tích nhờ chức Tư tế cộng đồng của họ. Chính vì thế mà họ tránh được những ý tưởng sai lầm là: coi Bí tích là những ma thuật, nó có hiệu lực không liên quan gì đến đời sống Kitô giáo. Vì thế, nhiệm vụ của Linh Mục trước khi ban Bí tích, phải làm sao cho giáo dân họ hiểu được ý nghĩa, để người ta tránh đi được những sai lầm, coi Bí tích là những ma thuật. Riêng về Bí tích Thánh Thể, chúng ta đều biết bí tích Thánh thể có vai trò trung tâm là nguồn mạch và là tột đỉnh của toàn thể đời sống người Kitô hữu. Chính nhờ tác động của các Bí tích này mà cộng đồng được sống và trưởng thàn, như để cho thấy giá trị và hiệu quả của Thánh Lễ trong đời sống, ngoài việc chuẩn bị cho giáo dân như đã nói ở trên. Bác Ai Mục Vụ còn đòi hỏi chính Thừa Tác Viên phải góp phần vào việc cử hành qua việc tổ chức, thái độ, hành động của mình trong Thánh Lễ. Đây là đường hướng chỉ dẫn tổng quát của Thánh Lễ Rôma: “Phải hết sức lo cho việc cử hành Thánh Lễ được tổ chức thế nào để các Thừa Tác Viên và các Tín hữu khi tham dự, tùy theo địa vị của mình, được lãnh nhận các hiệu quả dồi dào hơn và điều này có thể đạt được nếu ta để ý đến bản chất và hoàn cảnh của cộng đoàn, mà thiết lập toàn bộ việc cử hành thế nào, để giúp các Tín hữu tham dự với cả xác hồn, một cách ý thức, tích cực, đầy đủ và với lòng tin cậy mến nồng nàn. Đó là việc tham dự mà Hội Thánh mong muốn và bản chất việc cử hành đòi hỏi lại cũng là quyền lợi và nghĩa vụ của giáo dân, phát xuất từ Bí Tích Thánh Tẩy”. Cho nên, chúng ta thấy việc đòi hỏi có Thánh Lễ là: không phải chúng ta muốn rao lúc nào thì rao, mà phải là quyền lợi của giáo dân đòi hỏi. Có nhiểu vị Linh Mục chỉ làm lễ sáng Chủ Nhật. Đó là điều không đúng, giáo dân có quyền đòi hỏi nghĩa vụ của linh mục. Nên chúng ta phải cố gắng hết sức để có thánh lễ cả sáng và cả chiều nữa. Ngoài ra, chúng ta cũng cần để ý đến Bác ái và Công bằng. Làm bác ái phải theo nghĩa công bằng, tức là mình phải ban các Bí tích cho họ. Trong thánh lễ, xin gợi ra những bác ái và công bằng như sau:  
 

Thứ nhất là giữ đúng giờ lễ. Nhiều người phàn nàn không chỉ vì lễ lâu, vi giảng dài mà còn nhiều thứ khác như: giảng dài trước lễ, trong lễ, sau lễ, làm lễ trễ giờ qui định. Trong cuộc sống hôm nay, thời giờ lẫn công việc thì rất xuýt xao. Ngày Chủ Nhật không đi làm việc hay đi học thì cũng có những công việc khác để làm.  Làm lễ trễ giờ có thể gây khó khăn cho công việc của họ, nhất là công việc làm ăn. Vả lại, dù không thực sự bận việc, tâm lý của người đi lễ sẽ khó chịu khi phải chờ đợi lâu, làm cho tâm hồn không được thanh thản.  
 

Thứ hai là phải giữ đúng qui luật phụng vụ. Một Giáo sĩ có nói rằng: “Trong số những khía cạnh khác  nhau của kỷ luật Giáo Hội, sự tuân phục đối với những luật lệ và qui định phụng vụ của Giáo Hội nghĩa là trung thành với các qui tắc, tổ chức việc phụng thờ Thiên Chúa theo ý Linh Mục thượng phẩm đời đời và nhiệm thể của Người. Việc ấn định các qui tắc phụng vụ thuộc phẩm quyền của Giáo Hội, tức là Tòa Thánh mà thôi và trong những điều Giáo Hội qui định thuộc phẩm quyền của Giám Mục không ai khác ngay cả Giám Mục, hay là Linh Mục không được thêm bớt thay đổi bất cứ điều gì trong phụng vụ theo ý mình ”. Nhiều khi các Cha không để ý lắm, cứ thấy nơi này nơi kia họ làm thì về bắt chước thì điều đó là sai lầm không đúng. Linh Mục chỉ là Thừa Tác Viên cử hành phụng vụ nhân danh Chúa Kitô và Giáo hội, phải thi hành những gì Chúa và Giáo hội dạy. Giáo dân có quyền được tham dự phụng vụ theo nghi thức của Giáo Hội. Linh mục có bổn phận cho họ được hưởng quyền đó chứ không phải những gì theo những ý  muốn riêng, sáng kiến riêng của mình. Cho nên, chúng ta cũng phải để ý đến chuyện này, đừng làm những gì theo sáng kiến riêng của mình, đừng gây thắc mắc chia rẻ nơi họ, có liên quan đến cử hành phụng vụ.  
 

Thứ ba là thái độ và cử chỉ của người của ngưởi chủ tế. Muốn cho giáo dân tham lễ một cách sốt sắng, chính chủ tế phải cử hành sao cho Thánh lễ sốt sắng qua thái độ, cử chỉ, lời mình đọc. Sự cẩu thả, vội vã, hời hợt, vô trật tự sẽ làm mất hết ý nghĩa, đồng thời làm suy giảm chức năng của phụng vụ là làm tăng trưởng đức tin. Cử hành Thánh lễ cẩu thả, chứng tỏ đức tin yếu kém và không thể dạy người khác đạt được đức tin. Ngược lại, cử hành tốt  là một huấn giáo đức tin. Các Cha khi cử hành Thánh lễ phải hết sức trang nghiêm, những lời mình nói, những cử chỉ mình làm, không làm theo ngẫu hứng. Điều đó là điều không được tốt.

 GM. Giuse Trần Xuân Tiếu

VỀ MỤC LỤC
NGƯ ÔNG TRƯỚC BIỂN CẢ
 

Phúc Âm Nhật Ký (Lc 5:1-11)

Cách đây hơn hai chục năm, chúng tôi bị giam trong một phòng kín tại Sóc Trăng, Việt Nam.  Phòng rộng chừng 16 thước vuông, nhốt tất cả 58 người.  Tất cả các việc ăn uống, ngủ nghỉ, vệ sinh, đều phải giải quyết trong phạm vi nhỏ hẹp đó.  Mỗi ngày chúng tôi chỉ được phép ra ngoài chừng năm phút tắm giặt tại một ao nước đục ngàu.  Phòng có một cửa cái trông sang bức tường phía sau của một trại tù bên kia con đường nhỏ. Suốt ngày chúng tôi chỉ nhìn thấy một bức tường trắng xóa.  Nếu không nhờ hai cửa sổ, mỗi cửa to bằng hòn gạch thẻ, chúng tôi hoàn toàn không thấy được ánh sáng mặt trời.  Nhưng phải thay nhau xếp hàng mới được diễm phúc đó, nhất là khi ngắm các bạn tù nữ từ phòng bên cạnh ra ngoài trời ...  

Nhờ có mảnh trời ló qua cửa sổ tí hon đó, chúng tôi còn may mắn hơn nhiều người trong thế giới hôm nay đang tự nhốt kín mình trong thế giới vật chất với những bức tường dầy đặc kinh nghiệm giác quan và niềm tin duy vật.  “Khi con người chỉ nghĩ tới vật chất và những vật khả nghiệm, họ tự đóng kín trước những vấn đề về sự sống, về chính mình và Thiên Chúa, tự làm cho mình ra nghèo nàn.  Phải nhận rằng khi chỉ coi những gì trong vòng kinh nghiệm là thực, người ta có khuynh hướng tạo một giới hạn cho lý trí và từ đó phát sinh một thứ bệnh phân liệt khủng khiếp, cho thuyết duy lý và duy vật, siêu kỹ thuật và các bản năng buông thả cùng tồn tại với nhau. ”[i]  Sống giữa bưng bít và hỗn độn đó, làm sao con người có đủ khả năng nhìn thấy tương quan sâu xa và phong phú nơi vạn vật ?   

Ngày xưa, các môn đệ Ðức Giêsu cũng đã sống trong một thế giới đóng kín với những kinh nghiệm và bận rộn với cuộc sống hằng ngày.   Bỗng dưng bao kinh nghiệm trên biển cả bỗng trở thành vô ích.  Ông Simon đã phải cay đắng thú nhận với Chúa : “Chúng tôi đã vất vả suốt đêm mà không bắt được gì cả.” (Lc 5:5)  Câu trả lời đó hoàn toàn dựa trên kinh nghiệm nghề nghiệp, lý luận và thực tại vật chất.  Nếu không may mắn gặp Thày Chí Thánh, chắc chắn các ông không bao giờ có thể ra khỏi khung trời nhỏ hẹp của mình.   Từ bao năm nay, các ông vẫn tin tưởng tuyệt đối vào những đồ nghề và tài năng đánh cá của mình.  Nhưng không ngờ những tin tưởng đó đã bị phá vỡ.   Không ngờ có thể có một cái nhìn khác đang chọc thủng niềm tin của mình.  Cả khối nước biển dầy đặc cũng không che khuất nổi những bầy cá trước cái nhìn đó. 

Cái nhìn đó đã bộc lộ tất cả sức mạnh qua lệnh truyền cho ông Simôn : “Chèo ra chỗ sâu mà thả lưới bắt cá.” (Lc 5:4)  Ðó là mệnh lệnh không phát xuất từ kinh nghiệm thực tế hay lý trí, nhưng là từ một quyền năng siêu nhiên tuyệt đối.  Ðiều duy nhất đòi hỏi ông là đức tin.  Thật là một thử thách ghê gớm đối với ông.  Ông không thể tin vào tai mình nữa.  Thày có nói đùa không ?    Trong tiếng thở dài, lòng ông như hoang mang, khi phải thưa “vâng lời Thày.” (Lc 5:5)   Câu trả lời phát xuất từ đức tin, tuy chưa trọn vẹn, nhưng cũng đủ cho Chúa làm một phép lạ.   Có thế mới hiểu tại sao ông cảm thấy tôi lỗi (x. Lc 5:8) sau khi chứng kiến quyền năng lạ lùng nơi Lời của Chúa Giêsu.

Một Lời đã làm thay đổi con người.  Một Lời mời gọi ra khơi.  Một Lời thúc đẩy hành động : hãy thả lưới bắt cá !  Một Lời đầy hiệu lực làm mọi người kinh ngạc trước mẻ cá lạ lùng : ông này là ai mà có quyền phép khiến bắt được mẻ cá lớn như vậy ! 

Quả thực, từ lúc thưa “vâng lời Thày,” ông Simon đã thấy tất cả mọi sự đều biến chuyển.  Mặc dù đang chán nản và thất vọng, ông như bắt được làn sóng tình yêu Thiên Chúa.  Có lẽ ông thầm nghĩ, cứ theo Thày thả lưới một lần, có mất mát gì đâu.  Trong thái độ mạo hiểm đó, ông đã tỏ ra tin tưởng và phó thác vào quyền năng Chúa.  Niềm tin đó không ngăn cản hay thu hẹp tầm nhìn của ông.  Trái lại, niềm tin mở rộng tâm hồn và làm cho con người thấy rõ chân trời huyền nhiệm.  Nói khác, “lý trí con người không mất mát gì khi cởi mở đón nhận các nội dung đức tin.  Hơn nữa, đức tin còn mời gọi lý trí tham gia một cách tự do và ý thức.”[ii] 

“Hãy ra khơi !  Hãy thả lưới !  Tôi sẽ làm cho các anh thành những người lưới người như lưới cá !”   Một ai đó đưa đề nghị, mở ra những cái nhìn mới, biến đổi cuộc sống hằng ngày với một ý nghĩa mới, một sức năng động mới.  Phải chăng từ đó không gợi lên một khởi động mới, một cuộc đổi đời ?  Dù sao, rõ ràng trong cuộc hội ngộ này có một cái gì rất sâu xa.  “Từ bỏ mọi sự, các ông đi theo Người” để trở thành những người thu phục người ta.   Họ có hiểu ý nghĩa điều đó không ?  Không rõ.   Nhưng hiển nhiên, Người đã kêu gọi họ đổi đời để gặp gỡ mọi người. 

Từ một đêm dài không hiệu quả, họ đã có cơ duyên hội ngộ với con người ấy.  Vì Lời Người, họ lại quăng lưới, thay đổi hẳn thói quen và đặt vấn đề về tương lai.  Hôm nay phải chi Lời này còn sức mạnh đối với các cộng đoàn chúng ta !  Phải chi Lời này có thể khơi dậy nơi các bạn trẻ những phản ứng tích cực, tiếp bước ông Simon và các bạn đồng nghiệp, để trở thành các môn đệ Chúa Kitô cho Giáo hội và thế giới được nhờ !

Nhưng cũng như cộng đoàn Côrintô, có lẽ chúng ta còn nghi ngờ về tâm điểm của đức tin : Chúa Phục Sinh.  Bởi thế chúng ta không thấy cần phải kêu gọi nhân danh Chúa nữa.  Tuy nhiên, trong thư gởi giáo đoàn Côrintô, chứng từ đức tin của tông đồ Phaolô chắc chắn là lý do thúc đẩy ông thi hành sứ mạng truyền giáo.  Ðây là Tin Mừng độc nhất, là điều chúng ta loan báo trong thánh lễ : “Ðức Kitô đã chết vì tội lỗi chúng ta.  Ðức Kitô đã chịu mai táng trong mồ.  Ðức Kitô đã phục sinh và chúng ta mong chờ Chúa lại đến.”  Ðó là biến cố đổi đời thánh Phaolô, các Tông đồ và hằng trăm anh em.  Các cộng đoàn chúng ta thường quen nghe hát các câu đó, nhưng không cảm thấy thúc bách phải loan báo cho mọi người biết biến cố đó và cũng không thấy mình có sứ mệnh tìm kiếm giúp đỡ những ai đang loan báo Tin Mừng nữa.

Bởi vậy, vấn đề cấp thiết hôm nay là phải chọc thủng bức tường thế giới vật chất, và “tái khám phá một đường lối mới để lý trí nhân loại hướng mở về ánh sáng của ‘Ngôi Lời’ Thiên Chúa và mạc khải toàn hảo của Người là Ðức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa làm người.”[iii]  Ngay trong Giáo hội cũng không thiếu những tâm thức dán chặt vào thế giới vật chất và xác tín vào những năng lực trần thế mà thôi.  Quyền lực và tiền bạc khiến họ mờ mắt, không thể nhìn thấy tính Thiên Chúa nơi nhiệm thể Chúa Kitô là Giáo hội.  Họ không dám ra khơi theo lời mời gọi của Chúa, vì sợ phải rời xa những bờ bến họ đã bám trụ lâu đời.  Họ tin tưởng tuyệt đối vào những kiến thức, dư luận, phe cánh, không đủ can đảm ra khỏi lâu đài bê tông cốt sắt là chính cái tôi của mình mà đến với mọi người.  Họ sợ phải đối diện với những gì xa lạ và khác biệt với mình.  Từ nội tâm sâu thẳm đã không gặp gỡ Thiên Chúa, làm sao có thể đối thoại anh em  ?

Chỉ khi nào tin tưởng tuyệt đối vào Lời Chúa, chúng ta mới có thể mạnh dạn ra khơi.  Lời Chúa luôn thúc đẩy con người dấn thân, cởi mở và đối thoại với mọi người. Khi không trao đổi với anh em, chúng ta sẽ tin những điều mình nghĩ là sự thật.  Kết luận được đặt ra trước tiền đề.  Người ta cố tìm những dữ kiện hay dư luận phù hợp để củng cố kết luận đó.  Họ chỉ thấy những hiện tượng, chứ không tìm hiểu sâu xa nội dung các sự kiện.  Nhìn vào con người qua những ống kính phòng thí nghiệm, làm sao biết được thực tại tâm linh ?   Theo nữ sĩ Dương Thu Hương, nửa ổ bánh mì là bánh mì, nhưng một nửa sự thật không phải là sự thật.  Ðó là chưa kể nhiều trường hợp sự thật bị bẻ cong để phục vụ mục tiêu hay quyền lợi phe đảng.  Nhiều trường hợp sự thật đã phải hy sinh chỉ vì con người đam mê tìm kiếm chính mình.

Không có đức tin, không thể ra khỏi chính mình để mạo hiểm lao vào thực tế đầy  thách đố.  Ðức tin luôn bơm thêm khí thế dũng cảm cho con người.  Không có đức tin, làm sao ông Simon và các bạn đồng nghiệp có thể lao vào chỗ nước sâu mà thả lưới đánh cá ?  Ðức tin luôn cho con người sức mạnh khởi sự hành động và đi đến cùng nếu phải vác thập giá lên đồi Canvê với Chúa.  Không có đức tin, họ không thể tìm thấy ý nghĩa trong việc theo Chúa.  Nhiều người muốn thênh thang theo Chúa.  Bất cứ khổ giá nào đặt trên vai họ đều tạo nên những chống đối hay buồn phiền cay đắng.  Ông Phêrô đã trải qua kinh nghiệm đó sau khi rời vườn Cây Dầu vào trong dinh Philatô với Thày.

Simon được kêu gọi không phải đổi từ nghề bắt cá sang việc chinh phục nhân tâm bằng những phương tiện tự nhiên.  Sứ mệnh cứu độ là một kỳ công của ân sủng Thiên Chúa.  Nếu đó là công việc của Thiên Chúa, làm sao con người có thể thực hiện một mình ?   Xưa nay, người ta vẫn cứ tưởng mình “ngon” hơn người khác, đến nỗi quên mất vai trò Thiên Chúa trong công cuộc cứu độ.  Hành trình đem ơn cứu độ đến với mọi hạng người trong xã hội rất phức tạp.  Nhưng con đường dài đó cũng không khó bằng con đường trở về với chính mình để khám phá sự thật về mình. 

Những tương giao chồng chéo nhau trong xã hội đã đem lại bao hứa hẹn cũng như thất vọng.  Sự thánh thiện hay tội lỗi cũng từ những tương quan đó.  Nhưng nên nhớ “sự thánh thiện chủ yếu không phải là không bao giờ lầm lỗi hay phạm tội.  Sự thánh thiện tăng triển khi chúng ta có khả năng trở lại hay sám hối, khả năng sẵn sàng bắt đầu lại, và trên hết, khả năng hòa giải và tha thứ.”[iv]   Sự thánh thiện đó đã có nơi thánh Phaolô.  “Nhưng thánh Phaolô và Banaba đã có những bất đồng lớn ngay lúc khởi sự hành trình truyền giáo lần thứ hai và đã chia tay nhau.”[v] 

Ðó là những khác biệt trong quan niệm và đường lối, chứ không phải là những bất hòa.  Nhiều người lẫn lộn bất đồng với bất hòa.  Theo họ, bất cứ ai có tư tưởng khác biệt đều là kẻ phá hoại, bất hòa, chống đối.  Thực tế, “ngay giữa các thánh cũng có những khác biệt, bất đồng và các cuộc tranh luận.”[vi]   Các ngài rất sợ bất hòa, vì đó là phản chứng, lỗi đức bác ái.  Thích lên án người khác trước khi đối thoại để tìm hiểu sự thật, mới gây chia rẽ và bất hòa trong cộng đoàn.  Mất sự hiệp nhất, làm sao cộng đoàn có thể chu toàn sứ mệnh phúc âm hóa ?  Thời gian chỉ có một.  Nếu dồn hết sức vào việc “bới lông tìm vết,” chúng ta sẽ không còn khả năng đến với muôn dân.

Lạy Cha, khi vâng lời Cha xuống trần gian, Ðức Giêsu đã gọi ông Simon và các bạn đồng nghiệp từ bỏ nghề đánh cá để trở thành những người lưới người như lưới cá.  Xin cho chúng con luôn lắng nghe tiếng Con Cha mời gọi để dấn thân và can đảm thi hành sứ mệnh cứu độ trong niềm tin yêu tuyệt đối vào uy quyền toàn năng của Cha. Amen. 

đỗ lực   04.02.2007    

dzuize@gmail.com


[i] ÐGH Bênêđictô XVI, Zenit 28.01.2007.  [ii] ibid.   [iii] ibid.

[iv] ÐGH Bênêđictô XVI, CWNews.com, 31.01.2007.  [v] ibid.   [vi] ibid.

VỀ MỤC LỤC

HÃY LÊN ĐƯỜNG ĐẾN NHÀ CHA CUỐI ĐƯỜNG

 

1.      Trăm năm trước, chưa từng biết mặt

Trăm năm sau, còn gặp nhau chăng ?

Cuộc đời sắc sắc không không

Bên nhau hãy sống hết lòng với nhau !

 

2.      Hơn nhau chỉ một  CAÍ ĐẦU

Tư duy, hướng thượng. Dạt dào CON TIM.

MIỆNG CƯỜI : phương cách động viên.

ĐÔI TAY : phương thế xây nên nghĩa tình!

ĐÔI CHÂN : phương tiện lên đường

Tải chân lý lại đầu phương, cuối trời.

MẮT là công cụ tuyệt vời :

Thấy người quân tử, biết người dối gian.

Ấy là mấy thứ khả năng

Trời cho ta với lượng phần khác nhau :

Người hiền ngất ngưỡng trăng sao !

Người ngu chôn chặt vực sâu bùn lầy !

 

3.      Nhắm mắt gieo Thiện Hảo,

Mở mắt thấy đời vui .

 

4.      Mai đây từ giả cuộc đời

Đem theo gì những hôm nay người làm.

 

5.   Mai đây từ giả cuộc chơi

Đem theo gì những cuộc đời đã cho.

 

6.   Đời này vắn vỏi, mau qua

Hãy lên đường đến Nhà Cha cuối đường.

 

Tác giả : Frère NGUYỄN TẤN KIỆT

Sưu tầm và hiệu chĩnh : Thuận Châu PHAN VĂN KHẢI

Saigòn – Việt Nam, tháng 2/2007.

VỀ MỤC LỤC
MÙA XUÂN CHÍN
 

Hàn Mặc Tử là nhà thơ tài hoa nhưng đoản thọ. Oâng để lại cho đời không nhiều thi phẩm nhưng tác phẩm nào của ông cũng thật đáng trân trọng.

Mùa xuân về,  tiết trời nắng ấm, lộc non nhú mầm từ cây cỏ. Mùa xuân làm rộn rã tâm tư. Khí trời sắc xuân hoà quyện làm con người tươi trẻ đến lạ. Đọc bài thơ: Mùa xuân chín của Hàn Mặc Tử, cảm được nét tươi trẻ và đầy nhân văn của mùa xuân ngày Tết.

Mùa Xuân là mùa đẹp nhất trong năm, hương hoa bàng bạc cả đất trời, những ngày Tết đượm thắm sắc xuân.

Trong làn nắng ửng khói mơ tan.

Đôi mái nhà tranh lấm tấm vàng

Sột soạt gió trêu tà gió biếc,

Trên giàn thiên ly, bóng xuân sang.

 

Sóng cỏ xanh tươi gợi tới trời,

Bao cô thôn nữ hát trên đồi:

Ngày mai trong đám xuân sang ấy,

Có kẻ theo chồng bỏ cuộc chơi…

 

Tiếng ca vắt vẻo lưng chừng núi

Hổn hển như lời của nước mây…

Thầm thĩ với ai ngồi dưới  trúc,

Nghe ra ý vị và thơ ngây…

 

Khách xa gặp lúc mùa xuân chín

Lòng trí bâng khuâng sực nhớ làng

Chị ấy năm nay còn gánh thóc

Dọc bờ sông trắng nắng chang chang?

 

Câu chữ  trong thi ca của Hàn Mặc Tử luôn được chắt lọc, ngôn từ được  tìm tòi kỹ lưỡng.

Sột soạt gió trêu tà áo biết .

Trên giàn thiên lý, bóng xuân sang

Câu thơ thật gợi mở. Trên những mái nhà vách đất của làng quê ngày xưa điểm tô những nụ hoa thiên lý nở vàng, xen giữa màu xanh tươi của lá.  Lá và hoa thiên lý tạo nên nét đặc sắc của hương vị quê nhà như  lời ca dao:

Thương chồng nấu cháo le le.

Nấu canh hoa lý nấu chè hạt sen.

Gió trêu, gió đùa, gió mơn man làm bất chợt mùa xuân ùa tới.

Sóng cỏ xanh tươi gợn tới trời,

Bao cô thôn nữ hát trên đồi.

Ngày mai trong đám xuân xanh ấy

Có kẻ theo chồng bỏ cuộc chơi…

Mùa xuân từ trong nhà đã lan xa ra vùng đồi núi. Mùa xuân làm tươi cảnh vật mang niềm vui đến cho con người.

Con người của mùa xuân thật trẻ trung, hồn nhiên, đầy sức sống:

Bao cô thôn nữ hát trên đồi.

Các cô hát rằng:

Ngày mai trong đám xuân xanh ấy.

Có kẻ theo chồng bỏ cuộc chơi…

Ở lại làng để vui chơi với nhau thật là hạnh phúc. Nhưng ai đó được đi lấy chồng càng vui hơn. Mùa xuân như thêm đẹp, thêm tươi, thêm rực rỡ hơn..

  Tiếng ca vắt vẻo lưng chừng núi,

  Hổn hển như lời của nước mây…

Thi nhân dùng từ  vắt vẻo, hổn hển thật tài tình. Vắt vẻo ở câu trên chỉ sự thơ ngây, hổn hển ở câu dưới nói lên sư hồi hộp, đợi chờ trong trái tim  của những cô gái đang tràn trề sức sống. Ai đó đang ngồi dưới khóm trúc cũng phải rộn ràng:

Khách xa gặp lúc mùa xuân chín

Lòng trí bâng khâng sực nhớ làng.

Chị ấy năm nay còn gánh thóc

Dọc bờ sông trắng nắng chang chang ?

Thấy mùa xuân ở quê người lại nhớ tới cảnh làng mình.  Cảnh làng mùa hạ có nắng chang chang và bao nhiêu người thân đang oằn lừng lao động giữa trời nắng gắt. Người ta hay nói sông xanh, sông đỏ, còn Hàn Mặc Tử lại nói sông trắng “Dọc bờ sông trắng, nắng chang chang”. Nắng đến trắng cả sông,  diễn tả sự gay gắt của nắng làm chói chang bạc trắng.

Đây là nét rất nhân bản của người luôn nặng tình với quê hương xứ sở. Thi sĩ họ Mặc cảm xuân nhớ về quê mình nặng tình gởi hồn thơ bộc bạch nổi niềm.

Xuân về Tết đến. Mọi người có dịp để thể hiện tình yêu thương nhau. Gia đình sum họp, tưởng nhớ Oâng Bà Tổ Tiên, thăm viếng bạn bè người thân làng xóm. Con người rộng rãi, phóng khoáng hơn ngày thường từ cách bài biện trong nhà cho đến giao tiêp ứng xứ với nhau. Nhẹ nhàng thanh lịch như  tình xuân ấm áp. Đó cũng là giá trị nhân văn của ngày Tết.

Tết Nguyên Đán Việt Nam tiềm tàng những giá trị nhân văn thể hiện mối quan hệ giữa con người với thiên nhiên, vũ trụ qua bốn mùa xuân-hạ-thu-đông và quan niệm "ơn trời mưa nắng phải thì" chân chất của người nông dân cày cấy ở làng quê thanh bình.

Tết còn là dịp để mọi người Việt Nam tưởng nhớ, tri tâm tổ tiên, nguồn cội; giao cảm nhân sinh trong quan hệ đạo lý “ăn quả nhờ kẻ trồng cây” và tình làng nghĩa xóm  ...

Ông Táo hay thần bếp là người mục kích sự làm ăn của mọi nhà. Theo tập tục hàng năm ông Táo phải thu xếp lên trời vào ngày 23 tháng chạp để tâu bày mọi việc dưới trần thế với Ngọc Hoàng. Bởi thế nên, trong ngày này,  thường thì gia đình người Việt làm mâm cơm đạm bạc tiễn đưa "ông Táo ". Ngày ông Táo về chầu trời được xem như ngày đầu tiên của Tết Nguyên Đán. Sau khi tiễn đưa ông Táo người ta bắt đầu dọn dẹp nhà cửa, lau chùi đồ cúng ông bà tổ tiên, treo tranh, câu đối, và cắm hoa ở những nơi trang trọng để chuẩn bị đón Tết.

Cùng với tranh, hoa quả là yếu tố tinh thần cao quý thanh khiết của người Việt Nam trong những ngày đầu xuân. Miền Bắc có hoa Đào, miền Nam có hoa Mai. Hoa Đào, hoa Mai tượng trưng cho phước lộc đầu xuân của mọi gia đình. Ngoài cành Đào, cành Mai, mấy ngày Tết người ta còn "chơi" thêm cây Quất chi chít trái vàng mọng, đặt ở phòng khách như biểu tượng cho sự sung mãn, may mắn, hạnh phúc...

Ngày Tết,  trên bàn thờ tổ tiên của mọi gia đình, ngoài các thứ bành trái đều không thể thiếu mâm ngũ quả. Mân ngũ quả ở miền Bắc thường gồm có nải chuối xanh, quả bưởi, quả cam (hoặc quít), hồng, quất. Còn ở miền Nam, mâm ngũ quả là dừa xiêm, mãng cầu, đu đủ, xoài xanh, nhành sung hoặc một loại trái cây khác. Ngũ quả là lộc của trời, tượng trưng cho ý niệm khát khao của con người vì sự đầy đủ, sung túc.

Ngày Tết, dân tộc Việt nam có nhiều phong tục hay, đáng được gọi là thuần phong mỹ tục như khai bút, khai canh, hái lộc, chúc tết, du xuân, mừng thọ.

Năm cũ sắp qua, năm mới sắp đến, nên cần phải “tống cưụ nghênh tân”. Cuối năm quét dọn sạch sẽ nhà cửa, sân ngõ, vứt bỏ những thứ rác rưởi, lau giặt, cắt tóc, may sắm quần áo mới, trang trí bàn thờ, lau chùi bàn ghế ấm chén và mọi thứ thức ăn vật dụng.

Con cháu trong nhà từ phút giao thừa trở đi được nhắc nhở không được nghịch nghợm, cãi cọ nhau, không nói tục chửi bậy... anh chị, cha mẹ cũng không quở mắng, tra phạt con em, đối với ai cũng tay bắt mặt mừng, vui vẻ niềm nở, chúc nhau những điều tốt lành.

Hái lộc, xông nhà, chúc tết, mừng tuổi. Ai cũng hy vọng một năm mới tài lộc dồi dào, làm ăn thịnh vượng, mạnh khoẻ, thành đạt hơn năm cũ. Các Giáo xứ tổ chức hái Lộc Thánh Đêm Giao Thừa hoặc Sáng Mồng Một Tết. Gia đình Phật Tử hay bên Luơng thì đi hái lộc ở chốn đình chùa, nơi tôn nghiêm về nhà, tự xông nhà hay dặn trước người "nhẹ vía" mà mình thích đến xông nhà. Nhiều người không tin tục xông nhà nhưng cũng dè dặt, chưa dám đến nhà ai sớm, sợ trong năm mới gia đình người ta xảy ra chuyện gì không hay lại đổ tại mình "nặng vía". Chính vì vậy, sáng mùng Một lại ít khách.

Sau giao thừa có tục mừng tuổi chúc Tết. Trước hết con cháu mừng tuổi ông bà cha mẹ. Ông bà cũng chuẩn bị ít tiền để mừng tuổi con cháu trong nhà và con cháu hàng xóm láng giềng, bạn bè thân thích. Lời chúc tết thường là dồi dào Ơn Chúa, hạnh phúc, sức khoẻ, phát tài phát lộc. Những người năm cũ gặp rủi ro thì động viên nhau "tai qua nạn khỏi"hay "của đi thay người", nghĩa là trong cái hoạ cũng tìm thấy cái phúc, hướng về sự tốt lành. Nhưng nhìn chung trong những ngày đầu năm, người ta thường kiêng không nói tới điều rủi ro hoặc xấu xa.

Ngày Tết có biếu quà Tết cho nhau để tỏ ân nghĩa tình cảm. Học trò tết thầy giáo, bệnh nhân tết thầy thuốc, con rể tết bố mẹ vợ... Quà biếu, quà tết không đánh giá theo giá thị trường mà là tấm lòng dành cho nhau.

Vào dịp đầu xuân, con cháu thường tổ chức mừng thọ lục tuần, thất tuần, bát tuần, cửu tuần cho Oâng Bà Cha Mẹ. Ngày Tết ngày Xuân là dịp mọi người dành thời gian cho nhau, con cháu tụ tập đông vui bên gia đình dòng tộc.

Cũng vào dịp đầu Xuân, người có chức tước khai ấn, học trò, sĩ phu khai bút, nhà nông khai canh, người buôn bán mở hàng lấy ngày. Sĩ, Nông, Công, Thương "Tứ dân bách nghệ" của dân tộc vốn cần cù, ai cũng muốn năm mới vận hội hành thông, làm ăn suôn sẻ.

Mùa Xuân Đinh Hợi đang cận kề. Xuân đem hy vọng đến. Xuân đẩy lui mây xám cuộc đời. Những rủi ro, Xuân mang đi. Điều may mắn, Xuân chở về. Xuân tặng mỗi nhà một cành Mai may mắn, một cành Đào thủy chung. Bó hoa niềm vui, Xuân trao tất cả. Cành lá phúc lộc, Xuân gởi tặng không. Trái tim băng giá, Xuân hâm cho nóng lại. Ánh mắt hận thù, Xuân nhỏ giọt yêu thương. Xuân kết chặt bàn tay nhân loại, để truyền cho nhau hơi ấm tình người. Đôi môi con người, Xuân điểm hoa cười, để thốt nên lời: “Hạnh phúc nhé anh!” (x.Sequela Christi Số 2).

Những Ngày Lễ Tết đang tới gần. Người Kitô hữu quan niệm Tết là Một Hồng Aân.

Một Hồng Ân vì đó là cơ hội cho con người sống tâm tình tri ân, cảm tạ. Ngày đầu năm mới, con người hướng về Thiên Chúa, Đấng là cội nguồn của vũ trụ, cùng đích của muôn loài, hướng về để tạ ơn, ngợi khen và chúc tụng. Tạ ơn vì một năm đi qua trong ân sủng, tình yêu và bình an. Tạ ơn vì tình yêu đó vẫn tuôn tràn trên đời sống con người. Tạ ơn bằng việc dâng lên Thiên Chúa tất cả những thành công và những thất bại của một năm qua, cũng như trao phó vào tay Ngài năm mới sắp tới. Lời tạ ơn đầu năm sẽ được tiếp nối và kéo dài suốt cả hành trình đời người.

Một Hồng Ân vì đó là cơ hội để con người có thể dừng lại - dù chỉ là những khoảnh khắc ngắn ngủi, nhưng thật hữu ích - trên hành trình cuộc sống đầy những biến động, những bận tâm, những tính toán để mưu sinh. Dừng để nhìn lại một năm đã qua, cái gì tôi đã làm được cho bản thân, cho cộng đồng, cho xã hội, cái gì tôi cần phải khắc phục, biến đổi, cái gì cần phải phát triển, nhân lên… Dừng lại cũng là để chuẩn bị cho hành trình sắp tới, chuẩn bị để cho những dự tính trong tương lai được sáng sủa hơn, vững chắc hơn.

Một Hồng Ân vì đó là một cơ hội để con người trở về nguồn. Mỗi người đều có nguồn cội, tổ tiên, mỗi người đều có một truyền thống vốn được kết dệt từ cha ông tổ tiên. Nhưng suốt một năm dài, vì công việc, vì học hành, vì những lo toan khác do cuộc sống đưa đến, người ta ít có cơ hội để nhớ về cội nguồn và truyền thống đó. Ngày đầu năm mới, mọi người đều sắp xếp để trở về, gia đình sum họp đông đủ. Mọi người thắp nén hương cho tổ tiên, cho những người quá cố. Con cháu chúc tuổi ông bà, cha mẹ… Gia đình quây quần bên mâm cơm, cùng ôn lại truyền thống, cùng chia sẻ cho nhau những tình cảm, những suy nghĩ, thật ấm cúng, thật thân thương.

Một Hồng Ân vì đó là một cơ hội để con người gặp gỡ, chia sẻ. Ngày đầu năm, người ta dành thời gian để đi thăm nhau, gặp gỡ nhau, trao cho nhau những lời chúc tốt đẹp, chân thành, những nụ cười thiện cảm. Đó là dịp để làm lớn mạnh tình người, làm đậm đà tình làng nghĩa xóm, và làm lớn lên cái nhạy bén với những nhu cầu của tha nhân.

Một Hồng Ân vì đó là cơ hội để con người cật vấn mình. Tết chính là cái “cột mốc” làm cho người ta nhận ra cuộc đời đang trôi đi, thời gian đang qua mau. Cứ mỗi khi thêm một cái Tết, người ta thấy mình già hơn, và thời gian phía trước như rút ngắn lại. Có người nói: “Tổng số quá khứ và tương lai của một đời người là một hằng số”, thêm vào quá khứ thì giảm bớt tương lai. Có lẽ vì vậy mà khi sống tâm tình những ngày Tết, người ta cũng giật mình về quãng đới đã qua, và nảy sinh  nơi người ta cái thao thức về ý nghĩa cuộc đời, cật vấn về bản thân mình, về thái độ sống của mình, “vì thời gian đang qua mau, tôi đã tận dụng nó như thế nào hay tôi để nó trôi qua một cách uổng phí.” .(x.Sequela Christi Số 2).

Người Việt nam Công Giáo gìn giữ những nét đẹp văn hoá của ngày Tết cổ truyền và làm cho những nét đẹp ấy thành những trang Tin Mừng sống động. Khi sống tâm tình biết ơn trong ngày Tết, là ta sống lòng tri ân sâu xa vì nhìn thấy ơn Chúa ban qua mọi ân huệ nhận được. Khi cho đi trong ngày Tết là ta cho đi với tâm tình yêu mến, kính trọng thực sự. Khi đón tiếp khách thăm viếng là ta như đón tiếp chính Chúa viếng thăm.

Khi sống tinh thần Tin Mừng trong những phong tục ngày Tết, người Kitô hữu góp phần xây dựng một mùa Xuân mới, một mùa Xuân dân tộc, một mùa Xuân tình thương. Mùa Xuân ấy sẽ vĩnh cửu vì sẽ dẫn đến mùa Xuân Nước Trời.

Đón Tết và xem Tết như là Một Hồng Ân của Thiên Chúa, sống đầy đủ cái ý nghĩa của những ngày Tết thì chính mỗi người sẽ tràn trề hạnh phúc, tươi trẻ tình xuân, có được một “Mùa Xuân Chín”  như Thi sĩ Hàn Mặc Tử.

Lm Giuse Nguyễn Hữu An

VỀ MỤC LỤC

Ngày Xuân, nói về những mê tín trong tôn giáo

 

Nói nôm na, mê tín nghĩa là tin sai lầm, tin theo thói quen ai sao tôi vậy. Tin không cần suy nghĩ, tin không cơ sở vào một điều gì đó.

Tôn giáo nào cũng có những yếu tố thần linh, dù không ai chứng minh được thần linh bằng khoa học thực nghiệm, nhưng tôn giáo không phải là mê tín, vì có nhiều cơ sở đủ để tin vào những điều không thể chứng minh.

Nhưng cũng vì tôn giáo mang yếu tố thần linh, nên đã có nhiều điều “ăn theo” tôn giáo,  để trở nên buôn thần bán thánh hoặc có những mê tín đáng tiếc. Những điều đáng tiếc này chẳng những không giúp cho đời sống tâm linh phát triển, mà chỉ đóng khung nhận thức và làm sơ cứng các khả năng suy tư của con ngươiø. Từ đó, sẽ dẫn đến một cung cách sống đạo theo thói quen, ai sao tôi vậy và không cần suy nghĩ, vì đã có người khác suy nghĩ thay cho rồi.

Điều đáng buồn này không mới, vì thời nào cũng có, nơi nào cũng có và tôn giáo nào cũng có. Sách vở, báo chí và cả kinh sách cũng đã nói đến rất nhiều, nhưng hiệu quả cũng chỉ phần nào, và xem ra vẫn luôn có nhiều hạn chế.

Người Công giáo trong cộng đồng Việt Nam chỉ là thiểu số từ khoảng 7 đến 8 %. Phật giáo và các tín ngưỡng dân gian là phần đông và luôn chiếm phần đa số. Ta sẽ tự cô lập mình và trở nên lạc lõng ngay trên địa bàn ta đang sống, nếu không hiểu biết, không hoà đồng với xung quanh, một môi trường không có hoặc đang có rất ít Công giáo.

Ngày Xuân đi lễ chùa và hái lộc đầu năm. Hình ảnh truyền thống này thật đẹp đẽ và rất thi vị. Bài thơ Đi lễ chùa Hương của Nguyễn nhược Pháp, nói về cảnh này đã sống trong lòng mọi người qua bao thế hệ. Nhưng đến chùa để xin xăm bói quẻ và đốt vàng mã cho nhiều, thì quả thật, chỉ là những chuyện “ăn theo” nhưng lại được gán cho là của Phật giáo, mà không phải là Phật giáo đích thật.

Xin xăm bói quẻ chỉ là một hình thức của bói toán, mà bói ra ma quét nhà ra rác. Nhiều khi chỉ chuốc lấy lo lắng, và sợ hãi buồn phiền vì xăm quẻ nếu “thầy”đoán quẻ phán những điều bất lợi. Rõ ràng,  thày đã vận dụng những lời của Thần Phật để diễn tả theo ý của mình.

Đốt vàng mã cũng thế. Hàng năm trong những dịp này, trên cả nước, bao nhiêu tỷ đồng đã biến thành khói than vì đốt vàng mã thì không ai thống kê cho nổi. Nhưng khổ nỗi, không đốt thì không an tâm. Sợ người thân của mình dưới cõi âm bị túng thiếu khổ sở. Không đốt thì sợ Thần Phật sẽ giận, sẽ không ban phước lộc cho mình và gia đình. Họ làm như Thần linh cũng có thể mua chuộc, cũng có thể lấy lòng và hối lộ bằng vật phẩm và tiền bạc trần gian.

Thật tội nghiệp cho thần linh.

Cũng tội nghiệp cho những niềm tin lầm lạc như vậy .

***

Phải dài giòng như thế, để trông người mà nghĩ đến ta, vì ta cũng có những điều, không phải giống hệt như thế, nhưng cùng phát xuất từ sự lầm lạc. Nói điều này, có thể gây xốc đối với nhiều người, nhưng thật đáng tiếc, đây lại là một thực tế.

Không ít giáo dân đã lầm lạc khi thần thánh hoá linh mục, “bắt” các ngài phải là những con người lý tưởng, nghĩ các ngài phải thế này, phải thế khác. Khi các ngài không giống như mình nghĩ, hoặc có va chạm mâu thuẫn gì đó, thì họ bỏ lễ, hoặc không đi lễ xứ mình. Trầm trọng hơn, nhiều người đã bỏ cả đạo. Con số này tuy không nhiều, nhưng đang là một thực tế đã xảy ra nơi các xứ đạo. Hoặc nếu không bỏ đạo, thì những liên hệ và sự cộng tác với các vị chủ chăn, cũng có những trở ngại và không thuận lợi nhất định nào đó. Những trở ngại đã phát khởi từ việc thần thánh hoá, lý tưởng hoá các bậc chủ chăn.

Từ lâu, người ta đã nói nhiều về những khoảng cách giữa linh mục và giáo dân. Khoảng cách vì nhiều lý do, cả khách quan và chủ quan đều có. Linh mục là người tinh thông mọi sự, vì các ngài học trường lý đoán, La tinh và mang bảy chức thánh. Nhiều giáo dân đã được nghe dạy và vẫn luôn tin như vậy . Các ngài được học 2 năm Triết học và 4 năm Thần học, là những môn học mà ít giáo dân nào đủ thời gian và có điều kiện để học. Đó là một vài lý do, khiến giáo dân thường lý tưởng và thần thánh hoá những người anh em của mình.  Điều đó cũng dễ hiểu.

Thực ra, triết học là gì ? nếu không phải là khoa học để dạy về sự khôn ngoan hiểu biết ? Như thế, bao thế hệ cha ông ta, dù chẳng học ngày nào về triết học, nhưng vẫn đầy khôn ngoan hiểu biết và còn lưu truyền mãi đến ngày nay. Có khác chăng, triết học đã giúp ta biết hệ thống, biết sắp xếp các suy nghĩ  lý luận và hành vi đời sống để trật tự hơn, nhờ thế, sẽ hạnh phúc hơn cho người và cho mình .

Còn Thần học là gì ? nếu không phải là môn học về Thiên Chúa, là những suy tư dựa trên Lời Chúa và được xây dựng thành hệ thống, nhằm làm sáng sủa hơn, dễ hiểu hơn về một đối tượng vốn trừu tượng khó nhận biết là Thiên Chúa thần linh . Và nếu như vậy, thì mỗi giáo dân đều đã có sẵn thần học tính trong người, khi tuyên xưng Đức Giêsu Kitô là Thiên Chúa của mình.

Xem như thế, ai cũng thấy Thần và Triết là những điều gần gũi và cần thiết biết bao đối với mọi người. Gần gũi và quen thuộc, nhưng nói thế nào để không trở thành xa lạ, viết ra sao để không biến thành khó hiểu là điều không phải ai và lúc nào cũng làm được. Vì ngay cả Thần học Kinh Viện cũng đã vướng phải điều này. Thần học Kinh viện với bao nhiêu ngôn từ chuyên môn, và đầy tính bác học của các thuật ngữ mà muốn hiểu rõ phải tra nhiều loại tự điển. Những điều ấy đã khiến nhiều người nản chí, hay ít ra, cũng e ngại khi muốn tiếp cận với loại Thần học này. Giáo Hội đã nhận ra và từng bước, đang có những chấn chỉnh phù hợp.

Đức Giêsu là bậc thày của các bậc thày, khi Ngài nói về những điều cao siêu huyền nhiệm, Ngài đã dùng những hình ảnh của dụ ngôn một cách tuyệt vời, và nhờ thế, đã giúp người nghe có thể hiểu ngay ý Ngài muốn truyền đạt. Dùng lời để diễn ý, dùng hình ảnh để minh hoạ, Ngài muôn đời vẫn là mẫu gương trọn hảo. Chẳng hạn, khi muốn diễn tả sự gắn bó mật thiết giữa con người với Thiên Chúa, Ngài đã nói : “Thầy là cây nho, các con là ngành. Ngành nào kết hợp cùng cây, sẽ trổ sinh hoa trái. Ngành nào lìa cây, sẽ bị héo khô”. Chỉ một câu này thôi, nhưng có nhiều tác giả đã viết thành những tác phẩm dày cả trăm trang.

Một câu nói thật gần gũi vì mang đầy tính dân gian quen thuộc. Nhưng lại đầy tính Triết, đầy tính Thần trong câu nói giản dị này. Còn biết bao những câu nói đơn sơ như thế, đầy rãy trong Kinh Thánh.

Xem như thế, Triết và Thần là những môn cần thiết và hấp dẫn biết bao. Nhưng không hiểu từ lúc nào, nó đã biến thành những gì khô khan khó nuốt và chỉ dành riêng cho một số người nào đó muốn học , hoặc bị học. Ai cũng biết rằng, ngôn ngữ loài người là hạn chế không thể nào nói đủ, nói hết được những thực tại thiêng liêng. Nhưng dù sao đi nữa, nói mà không ai hiểu, thậm chí còn hiểu sai thì đây là một sự thất bại của những ai học Thần và Triết.

Sau cùng, không phải ai học Triết, học Thần cũng đều trở thành các Triết gia hoặc nhà Thần học. Và ngay cả khi đã là các Triết gia và nhà Thần học, cũng chẳng có gì bảo đảm các vị ấy sẽ không sai lầm hoặc sẽ không vấp ngã. Ta đã chẳng thường nghe Giáo hội cảnh báo về các triết gia này chệch hướng, hoặc nhà thần học kia lạc đường đó hay sao ???

Và nữa, bảy chức thánh đâu đã phải là thánh. Nhưng 7 chức thánh chỉ để thi hành các tác vụ thánh mà Giáo hội đã tín nhiệm uỷ thác. Vậy thôi, và ngoài những điều này ra, các ngài vẫn là những con người tự nhiên với tất cả những điều tự nhiên bình thường.

Vì thế, xin đừng thần thánh hoá các ngài, kẻo tội nghiệp.

Tội nghiệp cho các ngài, nhưng phải tội nghiệp cho chính mình trước hết, vì mình đã hiểu sai, tin lầm.

Linh mục, dù mang 7 chức thánh nhưng vẫn là con người với đầy đủ các mảng sáng tối như bất cứ ai. Sáng tối nơi thân xác, tối sáng trong tâm hồn và cũng không thiếu cả những linh mục vô tín. Vô tín nghĩa là không tin. Điều này nghe hơi lạ tai. Nhưng ta sẽ hiểu ra ngay, khi biết một tông huấn của Giáo hội đã nói với các chủ chăn đại ý rằng : “ Các con hãy rao giảng điều con tin. Hãy tin lời con rao giảng và thực hành những điều con đang rao giảng”.

Một khi không thực hành chính điều mình đã rao giảng thì đúng là một kẻ vô tín. Khi ấy đã tự biến mình thành những thợ giảng, những kẻ chỉ bán nước bọt nhưng cái giá lại quá cao.

Xin cũng đừng lý tưởng hoá các ngài, đúng hơn phải nói rằng,”bắt” các ngài phải sống một cách lý tưởng như  ý mình muốn và theo suy nghĩ của mình. Điều này thật tệ hại và quá xa rời với tinh thần Tin mừng, vì Đức Giêsu luôn tôn trọng mọi người. Với ngay cả kẻ sắp hãm hại mình là Giuđa, Ngài đâu có dùng quyền phép của mình mà thay đổi ông ta, hoặc ép buộc ông ta phải theo ý muốn của Ngài.

Khi đọc Kinh thánh, ai không biết chuyện này, sao Bạn lại quên ?

Thần thánh hoá linh mục là một sai lầm, sai lầm dẫn đến mê tín.

Không đi lễ, bỏ đạo là một cực đoan.

Cộng cả mê tín và cực đoan lại, liệu tâm hồn Bạn có còn sự bình an ?

Hỏi là đã trả lời rồi vậy . Thêm nữa, Giáo hội đâu chỉ có một người, sao không hỏi ý kiến và tham khảo nơi nhiều bậc khôn ngoan và đạo hạnh trong Giáo hội, trước khi đi đến quyết định liên quan đến vận mệnh của cả đời mình ?

****

Những ngày Xuân cũng là những ngày của thăm viếng, chúc tuổi. Đặc biệt, đi thăm viếng chúc tuổi các  vị chủ chăn, các cha linh hướng và các vị lãnh đạo là không thể thiếu. Con đến thăm Cha và Cha cũng sẽ đến thăm con.

Nguyện xin, trong các dịp đầy ý nghĩa này, sự cảm thông và yêu mến sẽ nhiều hơn, nhờ đó, những ngày Xuân sẽ có thêm nhiều ý nghĩa mới. Khi không còn những lấn cấn trong lòng vì lầm lạc mê tín, mỗi giáo dân sẽ là những cánh tay nối dài đích thực của các vị chủ chăn. Khi mọi người đã nhận ra nhau là huynh đệ anh em, những cánh tay nối dài kia thực sự sẽ là những người cộng tác, mà không phải là các gia nhân, để thực thi Lời Chúa đã nói trước khi Ngài về Trời :

“ Từ nay, Ta không gọi các con là tôi tớ, vì tôi tớ không biết việc của chủ làm. Nhưng Ta gọi các con là bằng hữu thân tình, vì mọi việc Ta làm, Ta đã tỏ hết cho các con biết”.

Chúa Giêsu rất thân mến của con ơi !

Làm bằng hữu thân tình với Chúa thì dễ, nên nghe câu này con thấy vui vì có nhiều an ủi. Làm bạn với Chúa dễ, vì Chúa vô hình và nếu có phiền trách con điều gì, Ngài cũng nhẹ nhàng kín đáo nói riêng với con trong lòng. Làm bạn với Chúa lại càng dễ hơn, vì Ngài chẳng bao giờ gây khó khăn hoặc xúc phạm con bao giờ. Ai mà không mong có được người Bạn tuyệt vời như vậy ?

Nhưng làm bằng hữu thân tình với anh em con thì trăm lần khó hơn với Chúa. Vì, trước tiên là con ngại họ và họ cũng ngại con. Ngại vì nhiều thứ, những người hơn con, họ sẽ ngại con làm phiền khi con đến với họ. Những người kém con, con cũng e dè ngại ngùng, sợ họ sẽ làm phiền mình khi họ tìm đến với con. Và còn bao nhiêu điều khác nữa đã làm cho con khó thân với anh em của mình .

Nhưng ….rồi, con chợt giật mình và nhận ra rằng, nếu không thể thân với anh em mình, cũng là không thể thân với chính Chúa.

Chúa Giêsu rất thân mến của con ơi !

Con đã đón bao nhiêu mùa Xuân trong đời, xin hãy giúp con, mùa Xuân này mỗi ngày, con sẽ có thêm nhiều bằng hữu thân tình. Vìø chỉ như thế, lòng con mới có được mùa Xuân viên mãn tràn đầy, và nhờ vậy, con sẽ luôn có được nụ cười thanh thản an vui. Chính sự thanh thản an vui này, sẽ lan toả ra xung quanh và làm chứng rằng con đang có Chúa trong lòng.

 Amen.

Cư sĩ Xuân Thái

 

VỀ MỤC LỤC

TÌNH CA  SỐ MỘT

 

Mỗi khi con nguyện  “Lạy Cha …”  

nghe trong huyết quản chan hòa niềm vui.

Con tim thổn thức bồi hồi,

nhớ về năm tháng đất trời hư không.

Trước khi tạo dựng càn khôn,

Cha là Thân Phụ Chúa Con muôn đời.

Tình Yêu nguồn mạch tuyệt vời,

Kết duyên Một Chúa Ba Ngôi vĩnh hằng.

 

Cha là Thiên Chúa trọn lành,

cho con một chiếc thuyền tình ra khơi,

một nền công chính Nước Trời,

muôn người hạnh phúc sống đời tự do,

Cha từng sai Ðức Kitô,

vào đời chia sẻ căn cơ cuộc trần.

vâng theo Thánh Ý dấn thân,

mở đường cứu độ muôn dân an lành.

 

Xin thương cho mọi phàm nhân,

biết Cha là Chúa khôn ngoan vô cùng,

trong muôn lối Chúa quan phòng,

hồng ân trải ngập bước đường trần gian.

Cha là Thiên Chúa toàn năng,

thương ban mạc khải kho tàng tình yêu,

sao cho mau đến Vương Triều,

Ý Cha thể hiện phong nhiêu đất trời.

 

Xin Cha lương thực hằng ngày,

cho bao cuộc sống tương lai tươi màu.

cuộc đời chớ để hư hao,

vì bao cám dỗ thét gào con tim.

Cha ơi, cứu vớt chúng sinh,

khỏi bao sự dữ nhận chìm bể dâu.

Vì tình yêu Chúa nhiệm mầu,

xin tha tội lỗi ngập đầu chúng con.

thánh ân mở rộng tâm hồn,

bài ca đức ái dập dồn bốn phương.

 

Cha là mạch suối trào tuôn

Tình Yêu dào dạt tận nguồn thiên ân.

 

vân thanh

VỀ MỤC LỤC
GIAI ĐOẠN CHỦNG VIỆN  ĐÀO TẠO VÀ TỰ ĐÀO TẠO THIÊNG LIÊNG

ĐÀO TẠO VÀ TỰ ĐÀO TẠO THIÊNG LIÊNG CỦA CÁC LINH MỤC TƯƠNG LAI

TRONG BỐI CẢNH VIỆT NAM HÔM NAY

Nguyên bản tiếng Anh   Lm. Micae-Phaolô TRẦN MINH HUY

Bản dịch Việt ngữ  Lm. Vincentê Trần Minh Thực, Lm. GB. Nguyễn văn Hào

CHƯƠNG IX

GIAI ĐOẠN CHỦNG VIỆN  ĐÀO TẠO VÀ TỰ ĐÀO TẠO THIÊNG LIÊNG

E. Cơ Cấu Của Việc Đào Tạo Thiêng Liêng

     1. Việc Đào Tạo và Toà Trong/Toà Ngoài335

         a. Định Nghĩa Từ  Ngữ 

“Toà” là một từ gốc Latinh và là một thuật ngữ luật pháp, có nghĩa là một nơi công cộng mà ở đó sự công bằng được xác lập. Trong quá khứ, người ta phân biệt toà trong như nơi phán xử lương tâm của một người và toà ngoài như toà án của người đời, chẳng hạn như chính quyền hay công an. Trong việc biện phân ơn gọi, toà được quan niệm như “quyền” phê phán ơn gọi của một chủng sinh hướng tới chức linh mục. Ở đây cũng có hai mức độ, toà ngoài và toà trong, nhưng đối tượng của phê phán không hoàn toàn như nhau, tùy theo từng toà.          

         b.  Toà Trong

Khi nói về toà trong, người ta có ý nói về việc phán xét trong lương tâm của chủng sinh. Anh quyết định tự trình diện với Hội Thánh để trở thành một linh mục, vì anh cảm thấy được Chúa gọi. Chính anh phân định ơn gọi của anh, dưới sự hướng dẫn của vị linh hướng. Việc này theo sau một thời gian suy nghĩ chín chắn, từ đó, theo sự phán đoán của chính mình, anh đánh giá rằng  anh có khả năng phục vụ Hội Thánh như linh mục. Việc suy nghĩ này được tiến hành dưới hình thức một phân định thiêng liêng về thực tại khách quan của tác vụ linh mục và thực tại chủ quan của lời mời gọi cá nhân và duy nhất của anh, qua đối thoại với một vị linh hướng. Chính với vị linh hướng mà việc phân định ơn gọi được hoàn tất.

Mặc dù toà trong là lương tâm của chủng sinh, nhưng không có nghĩa là vị linh hướng không có vai trò gì trong tiến trình này. Thường thường vị linh hướng đi vào trong tiến trình này bằng cách cống hiến ý kiến riêng  làm sao ngài kinh nghiệm rằng chủng sinh ấy được Chúa gọi. Vị linh hướng có lý mạnh để can thiệp, nếu ngài cảm thấy người thụ hướng đang làm một lầm lỗi nghiêm trọng. Nhưng trong mọi trường hợp, chủng sinh không thể được bảo phải làm gì, ngoại trừ  khẳng định rằng đó là đánh giá, phán đoán, và quyết định của anh. Sự hiện hữu của tòa trong vẫn cần thiết trong nhiều con đường Chúa gọi một con người. Quả vậy, tòa trong là nơi một chủng sinh nắm lấy tiếng gọi, một cách nội tâm và tự do, qua bất cứ con đường nào mà lời mời gọi ấy đạt tới anh.

          c.  Toà Ngoài

Toà ngoài là quyết định và phê phán  của người khác hơn là của chủng sinh. Trong trường hợp đánh giá một thanh niên có thích hợp với chức linh mục hay không, trách nhiệm cao nhất thuộc về Giám Mục. Trách nhiệm này thường được ngài uỷ cho những người thích hợp. Tại Việt Nam, đó là những thành viên thuộc hội đồng chủng viện. Hội đồng này phải phán quyết một thanh niên có thích hợp hay không để trở thành linh mục. Trong tiến trình đánh giá cuối cùng, hội đồng sẽ giới thiệu ứng viên lên Giám Mục xin ngài phong chức.

       2. Tiến Trình và Sự Tương Tác Giữa Hai Tòa

            a. Khác Biệt Nhưng Bổ Túc Cho Nhau 

Toà trong đóng vai trò bổ túc, nhưng lại hoàn toàn khác biệt với toà ngoài. Thật vậy, điều mà vị  linh hướng khám phá về chủng sinh ở toà trong sẽ không được tiết lộ ra ở toà ngoài. Dữ kiện này có cùng một qui chế như của toà giải tội.336 Điều này không chỉ để bảo vệ   chủng sinh, mà còn cống hiến cho anh sự tín nhiệm và tin tưởng rằng điều gì anh đã bộc lộ ở tòa trong vẫn được giữ kín.

Trong quá trình phân định ơn gọi, mối quan tâm của cả hai người, chủng sinh và vị linh hướng, là lợi ích của Hội Thánh. Chủng sinh không tìm phân định ý riêng hay ước vọng cá nhân của mình. Đúng hơn, anh tìm khám phá ý muốn của Chúa cho anh, bằng cách phân tích các khả năng và động lực của anh đối với những kỳ vọng và nhu cầu của Hội Thánh. Do đó, ở toà trong, vị linh hướng không chỉ là người thụ động lắng nghe, song ngài phải sẵn lòng và có khả năng thách đố và đối đầu, khi sự việc đòi hỏi, để giúp chủng sinh trải qua một tiến trình phân định ơn gọi đích thực.

Thông thường ở toà ngoài, vị Giám đốc chủng viện có trách nhiệm hàng đầu trong việc đánh giá tính thích hợp hay không của chủng sinh với chức linh mục. Vì thế, ngài không thể đóng một vai trò nào ở toà trong. Sự hiểu biết có được về chủng sinh ở toà ngoài đều do nhận xét của nhiều nhà đào tạo. Vì toà ngoài không trực tiếp nghiên cứu sâu vào nội tâm của chủng sinh, nên sự hiểu biết có được thường có một mức độ chắc chắn khác và ít hơn sự chắc chắn có được ở tòa trong.

Một câu hỏi căn bản là: Người này có được Chúa kêu gọi không? Tất cả các nhận xét đều nhằm trả lời câu hỏi này. Trong khi tìm trả lời câu hỏi này, các nhà đào tạo sẽ thừa nhận với tất cả khiêm tốn rằng Chúa kêu gọi người yếu đuối để làm xấu hổ kẻ hùng mạnh! (x. 1Cr 1, 26-29). Không phải Giáo Hội kêu gọi ứng sinh, nhưng là chính Thiên Chúa. Vai trò của Giáo Hội là đánh giá lời kêu gọi ấy và rồi chấp nhận ứng sinh với vui mừng và tạ ơn Thiên Chúa.      

       b. Thực Hành Chuyên Biệt

Vị linh hướng không bao giờ được nói về những người ngài tháp tùng, không nói với hội đồng và cũng chẳng nói riêng với ai ngoài hội đồng, không được lên tiếng để kết án mà cũng chẳng được lên tiếng để bảo vệ: ngài phải im lặng khi hội đồng nói về người thụ hướng của mình. Chỉ vị Bề Trên nói lại cho chủng sinh ý kiến của hội đồng và đại diện cho hội đồng chủng viện bên cạnh Giám Mục. Một cách rõ ràng, sự bảo mật này là bảo đảm cho tự do nội tâm của chủng sinh. Nhưng vị linh hướng có thể nghe trong hội đồng những quan điểm khác quan điểm của ngài về người thụ hướng của ngài. Như thế, vị linh hướng có thể được thông tin về những yếu tố khác, nhờ đó ngài sẽ phân định tốt hơn phán đoán của ngài và chọn lựa sự giúp đỡ thích hợp mà ngài có thể mang lại cho người thụ hướng của ngài.

Toà ngoài sẽ hình thành phán quyết của mình về các chủng sinh từ sự hiểu biết trong việc tháp tùng hằng ngày của tiến trình đào tạo, bởi vì cuộc sống hàng ngày mạc khải trọn vẹn tất cả con người. Như thế, cả hai toà trong và toà ngoài không đối nghịch nhau, nhưng bổ túc cho nhau để phục vụ một công việc của Hội Thánh.

         c. Khác Biệt

Rõ ràng vì có hai toà cùng trong một tiến trình phân định ơn gọi, nên luôn có khả năng là kết quả không đồng ý được với nhau.

Một đàng, có thể xảy ra là một người đã tự trình diện với Giáo Hội như một người đã được kêu gọi, nhưng anh lại nhận thấy rằng cảm thức được gọi của anh là sai lầm. Thế mà, vị giám đốc và hội đồng có thể đã đi tới quyết định rằng người này rất xứng đáng và có khả năng theo đuổi việc chuẩn bị chịu chức linh mục. Trong trường hợp này, vị giám đốc và hội đồng chỉ có thể chấp nhận sự chân thành trong nhận định mới của người đó, tin tưởng rằng Chúa sẽ sử dụng anh cách tốt lành cho lợi ích của Giáo Hội.

Trường hợp khác biệt thứ hai không dễ giải quyết. Đó là trường hợp khi vị giám đốc và hội đồng  đều đồng ý rằng, trong thời gian này, không nên cho chủng sinh này tiếp tục ở trong chủng viện nữa, trong khi đó anh ta lại xác tín rằng anh được Chúa kêu gọi làm linh mục. Tiến trình phân định ơn gọi và những quyết định của chủng sinh này không thể phủ nhận. Tuy nhiên, căn bản của quyết định tòa ngoài phải được giải thích cho ứng sinh, để anh có thể cố gắng hiểu và chấp nhận quyết định đã được đưa ra ở tòa ngoài. 

Tòa ngoài có thể đồng ý rằng chủng sinh này có một đặc tính, hay một thái độ có thể làm thiệt hại việc anh thực thi phận vụ với tư cách linh mục, nhưng có thể sửa chữa được. Trong trường hợp này, nên yêu cầu ứng sinh rời khỏi chủng viện và ra sống ở ngoài chủng viện cho tới khi vấn đề đã được sửa chữa. Như thế, cánh cửa chủng viện không hoàn toàn đóng lại đối với anh. Anh được khuyến khích tiếp tục tương quan linh hướng, ngõ hầu khám phá ra Chúa kêu gọi anh thế nào để phục vụ Hội Thánh Chúa và Dân Người.

Thông thường hơn, toà ngoài đạt tới một quyết định rằng người nọ quả thực không thích hợp để được chấp nhận là ứng sinh linh mục. Chắc chắn điều đó phải được giải thích cho anh cách tế nhị và tình cảm. Ở Việt Nam, quyết định rời khỏi chủng viện chịu ảnh hưởng sâu xa bởi gia đình và áp lực của xã hội, cũng như bởi cảm thức xấu hổ, ân nghĩa và tình bạn bè. Chủng viện nên hướng dẫn anh làm một chọn lựa đúng đắn và giúp họ vượt qua các khó khăn. Trong việc này, Giám Mục nên ủng hộ quyết định của chủng viện.337

F. Những Tác Nhân Đào Tạo

       1. Cộng Đoàn Giáo Dục

“Việc đào tạo linh mục được hiệu quả nhất ở trong cộng đoàn, được hiểu như một mạng lưới hữu cơ của mối tương quan liên nhân vị.”338 Vì thế, chủng viện phải được quan niệm như một cộng đoàn giáo dục,339 nơi mà chủng sinh được hướng dẫn “không chỉ tới chức linh mục, song còn khám phá và sống đời sống của Chúa Giêsu.”340

Cộng đoàn giáo dục này gắn liền với việc thực thi tập thể trách nhiệm của các nhà đào tạo trước tiên. Nó cũng mời gọi các chủng sinh đảm nhận trách nhiệm hàng đầu của việc đào tạo chính họ, và cộng tác vào việc đào tạo các bạn của họ, nhờ đời sống chung của chủng viện.341 Yếu tố căn bản của việc đào tạo linh mục là kiến tạo bầu khí kiên định, trước sau như một, thích hợp cho việc phát triển tâm lý và thiêng liêng. Sự thật và tính  đơn sơ trong mối tương quan dẫn đến việc chỉ bảo lẫn nhau, chấp nhận lẫn nhau, ý thức chung về lợi ích chung và niềm vui chung trong việc tìm kiếm và phục vụ Chúa.

Những nhóm nhỏ cống hiến nhiều cơ hội chia sẻ đức tin, kiểm điểm đời sống và kinh nghiệm cầu nguyện sẽ góp phần làm phát triển cộng đoàn giáo dục ấy. Cộng đoàn giáo dục này cũng mở ra với các cơ chế cộng đoàn của Giáo Hội địa phương, nơi mà các ứng sinh sẽ lãnh nhận được kinh nghiệm mục vụ phục vụ đoàn chiên Chúa. Những kinh nghiệm về Giáo Hội này lớn hơn kinh nghiệm mà cộng đoàn chủng viện cống hiến cho họ. Các kinh nghiệm ấy sẽ đào tạo ý thức mục vụ và tinh thần tông đồ của chủng sinh, đồng thời giúp họ khám phá ra cách cụ thể tính cấp bách của việc loan báo Tin Mừng, ý nghĩa và những đòi hỏi của cuộc đời họ, được trọn vẹn hiến dâng cho việc phục vụ Dân Chúa. Nhưng những kinh nghiệm ấy chỉ sinh hoa kết quả nhờ một suy tư thần học và tu đức được các nhà đào tạo tốt gợi lên và hướng dẫn.342

     2. Chính Ứng Sinh343

Việc đào tạo sẽ mất đi hiệu quả của nó, nếu nó không bao hàm sự tham gia cá nhân của ứng sinh, nghĩa là sự tự đào tạo của anh. Chính vì thế, Đức Gioan Phaolo II đã nhắc nhở rằng chính ứng sinh là nhân tố cần thiết và không thể thay thế được trong việc đào tạo của chính anh: “Tự đào tạo là tối quan trọng trong tất cả mọi công cuộc đào tạo, kể cả đào tạo linh mục. Không ai có thể thay thế chúng ta trong sự tự do có trách nhiệm mà chúng ta có được như là những nhân vị độc đáo.”344

Vâng, tự đào tạo là yếu tố quyết định đưa tới thành công trong việc đào tạo thiêng liêng. Mặc dù Chúa Thánh Thần là tác nhân tuyệt hảo trong việc đào tạo này, ứng sinh phải hoàn toàn tự do đón nhận tác động định hình Ngài. Cũng thế, hoạt động của các nhà đào tạo khác nhau sẽ chỉ “trở nên thực sự và đầy đủ hiệu quả, nếu ứng sinh này cống hiến sự cộng tác chân thành và xác tín của chính anh vào công cuộc đào tạo này.”345

Quan niệm Á Châu “không thầy đố mầy làm nên” ngày này đã được thay đổi: nếu không có sự thực hành của trò thì những giáo điều và lý thuyết của thầy chỉ là những lời hoa mỹ thôi. Điều rất quan trọng là việc đào tạo phải cung cấp cho ứng sinh cách suy nghĩ mới, cách sống mới, cách hành động mới, cách yêu thương mới và cách làm chứng mới cho Tin Mừng. Nhưng điều còn quan trọng hơn nữa là việc tự đào tạo này phải đem sự hiểu biết hữu ích đó ra thực hiện. Sự cộng tác chặt chẽ giữa hai phía, đào tạo và tự đào tạo, là điều kiện tiên quyết cho mọi thành công, và dĩ nhiên với ơn Chúa nữa. Vì thế, Pastores Dabo Vobis đòi hỏi: “Các ứng sinh linh mục phải hết sức ý thức chuẩn bị chính mình để đón nhận ơn Chúa và đem ra thực hành, biết rằng Giáo Hội và thế giới đang rất cần đến họ.346

    3. Các Nhà Đào Tạo347

        a. Chúa Giêsu, Gương Mẫu Của Nhà Đào Tạo

Để đồng hành với chủng sinh và giúp họ trở nên linh mục đích thực, các nhà đào tạo phải là những người đầu tiên bước theo mẫu gương hoàn hảo là Chúa Giêsu, Đấng đã dạy dỗ với ví dụ cụ thể bằng cách rửa chân cho các môn đệ (x. Ga 13,12-15). Ngài yêu thương họ và đối xử với họ như bạn hữu. Ngài sống với họ và đồng hành với họ trên hành trình trưởng thành đức tin và   thiêng liêng bằng tình yêu thương, kiên nhẫn, săn sóc, và sự tận tâm của Ngài. Ngài biết rõ họ từng người một: tính tình, phẩm chất và những điểm yếu của họ. Ngài bao dung trước sự yếu đuối, khuyết điểm, những tham vọng trần thế, cứng đầu cứng cổ, yếu lòng tin và chậm hiểu mầu nhiệm Nước Trời của họ, và Ngài kiên nhẫn chờ đợi sự giáo dục bổ túc của Chúa Thánh Thần cho họ (x. Ga 16,12). Ngài cầu nguyện cho họ và trao họ cho Cha trên trời gìn giữ và bảo vệ (x. Ga 17,15).

Vâng, không ai có thể cho điều mình không có. Để đào tạo chủng sinh trở thành linh mục, các nhà đào tạo phải luôn qui chiếu về Chúa Giêsu và trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Giêsu là mẫu gương vĩnh cửu của mọi linh mục, hôm qua, hôm nay và mãi mãi.348 Họ phải trở nên những chứng nhân đích thực của Chúa Giêsu, đôi khi cả chứng tá câm nín bằng cuộc sống. Những ai dấn thân vào công cuộc đào tạo, nhất là đào tạo thiêng liêng, phải được liên tục cập nhật và đào tạo. Sự hiện diện đồng hành và chứng tá của các nhà đào tạo phải được gia tăng vì lợi ích của chủng sinh. Các ngài nên tỏ lòng yêu thương hơn đối với họ, như các bậc cha mẹ vốn làm khi nuôi lớn con cái, trong vai trò cố vấn hay hướng dẫn vì sự phát triển toàn diện của họ.

         b. Vai Trò và Sự Hiệp Nhất của Đội Ngũ Đào Tạo

Đội ngũ đào tạo phải thực hiện thực hành trách nhiệm tập thể, cùng với sự cộng tác của các ứng sinh, của hàng giáo sĩ giáo phận, và của các thành viên khác của cộng đoàn Kitô, vì sự phát triển toàn diện của các ứng sinh linh mục. Những Chỉ Dẫn Liên Quan Việc Chuẩn Bị Các Nhà Đào Tạo Chủng Viện quả quyết rằng việc chọn lựa và đào tạo các nhà giáo dục, ngay cả khi họ rất giỏi, là “không đủ, nếu họ không có khả năng thiết lập ‘đội ngũ giảng dạy’ thực sự và thích hợp, mà mọi thành viên đều hợp nhất tinh thần và cộng tác huynh đệ.”349 Họ phải cùng với các ứng sinh xây dựng một cộng đoàn giáo dục bằng việc chia sẻ đời sống và đối thoại chân thành.

Cộng đoàn giáo dục này cho phép sự đồng trách nhiệm, đối chất khi cần thiết, phân định và đánh giá tốt hơn các ơn gọi, qua việc tiếp xúc cá nhân, gương sáng và linh hướng đều đặn. Việc tham dự các cuộc họp của hội đồng chủng viện biểu lộ rõ nét trách nhiệm tập thể này.350 Tất cả các nhà đào tạo làm việc chung với nhau dưới sự lãnh đạo của vị giám đốc, bắt nhịp với những thực tại của Giáo Hội và của thế giới.

Các ngài phải đào sâu các nguyên tắc của đời sống thiêng liêng và sự hiểu biết tâm lý cần thiết cho vai trò hướng dẫn và cố vấn. Tự do thiêng liêng của ứng sinh là một mối quan tâm lớn hơn, được nhấn mạnh bởi một sự phân biệt rõ ràng về trách nhiệm giữa toà trong và toà ngoài. Sự hiệp nhất với Chúa Kitô là khuôn mẫu của việc thống nhất đời sống của các ngài và những khía cạnh đào tạo khác nhau (nhân bản, thiêng liêng, tri thức, cộng đoàn và mục vụ). Các ngài nên làm cho chính mình trở nên dễ dàng cho những ai đến với các ngài để xưng tội và linh hướng. Vai trò quan trọng nhất của các ngài là đào tạo nơi chủng sinh lòng quí trọng và yêu thích sự thật, óc phê bình thực sự với sự sáng suốt, quân bình và khiêm tốn.

Các ngài phải phát huy khả năng giảng dạy và cập nhật hoá kiến thức của mình bằng việc cải tiến phương pháp, cùng thực hiện những cập nhật cần thiết đối với những nhu cầu hiện tại của Giáo Hội, giữa một thế giới đang đổi thay nhanh chóng, trong sự trung thành với Mạc Khải và Huấn Quyền.

          c. Cần Những Nhà Đào Tạo Có Phẩm Chất

Phẩm chất và đức tính của các nhà đạo tạo là hết sức quan trọng. Họ phải là những con người của đời sống cầu nguyện sâu xa, khiêm tốn và khôn ngoan. Họ cần “được tuyển chọn giữa những người ưu tú, được chuẩn bị kỹ lưỡng bởi một nền giáo lý vững chắc, một kinh nghiệm mục vụ thích hợp, được huấn luyện đặc biệt về thiêng liêng và sư phạm.”351

Đức Gioan Phaolô II đã ký thác cho các Giám Mục “trách nhiệm nặng nề đào tạo những người sẽ được giao phó nhiệm vụ giáo dục các linh mục tương lai.”352 Ngài còn căn dặn rằng “họ cần nhận được một đào tạo chuyên biệt chú trọng về linh đạo linh mục, nghệ thuật linh hướng, và những khía cạnh khác của nhiệm vụ khó khăn và tế nhị đang chờ đợi họ trong việc giáo dục các linh mục tương lai.”353

       4. Vị Linh Hướng

            a. Vai Trò Thiết Yếu của Chúa Thánh Thần 

Chúa Thánh Thần luôn hoạt động trong Hội Thánh, trong thế giới và trong từng con người. Mỗi người phải để cho Chúa Thánh Thần hướng dẫn và nắn đúc con tim, tình cảm và đời sống nội tâm của mình ngõ hầu sống giống như Đức Giêsu Nagiaret đã sống: là sự kéo dài của Đức Giêsu trong lịch sử và hoàn toàn hiến mình cho Thiên Chúa như của lễ toàn thiêu.354 Sức mạnh của Chúa Thánh Thần luôn luôn “có đó để soi sáng, tăng sức và hoàn thiện sứ vụ của chúng ta.” 355

Đào tạo thiêng liêng là công việc của Chúa Thánh Thần và Ngài là vị linh hướng đích thực. Vị linh hướng chỉ là dụng cụ của Chúa Thánh Thần: vị linh hướng hướng dẫn chủng sinh, nhưng chính ngài cũng được hướng dẫn bởi Chúa Thánh Thần và vị đồng hành thiêng liêng của ngài. Chỉ có Chúa Thánh Thần mới biết đầy đủ và có thể biến đổi một con người: “Bất cứ sự thay đổi đích thực và bền lâu nào cũng đều chỉ đến từ Chúa Thánh Thần, Đấng hoạt động trực tiếp trên dân chúng và trong mọi hoàn cảnh.”356 Ngài sẽ soi sáng cho chúng ta vào lúc thích hợp những gì phải nói và nói thế nào (x. Mt 10,19-20). Nhưng, “một thừa tác viên được hướng dẫn tốt của Chúa (họ có thể là giáo sĩ, tu sĩ hoặc giáo dân), sẽ hướng dẫn người khác cách hữu hiệu trong hành trình thiêng liêng.”357 Nếu vị linh hướng luôn luôn “ngoan ngoãn vâng theo những linh hứng của Chúa Thánh Thần,”358 người có thể làm việc cùng với Ngài: “Thánh Thần và chúng tôi” (Cv 15,28).

         b. Vai Trò Quan Trọng của Vị Linh Hướng

Các vị linh hướng phải là những người có khả năng hiểu được hoạt động của Thánh Thần Thiên Chúa nơi những người thụ hướng và giúp họ “phân định các đường lối Chúa.”359 Họ phải là những chứng nhân bằng chính con người và toàn bộ đời sống đức tin - nhân bản của họ để người được đào tạo lắng nghe và tuân giữ.360 Họ phải khơi dậy lòng tín nhiệm nơi người thụ hướng bởi thái độ đón tiếp niềm nở và chân thành, đồng thời nuôi dưỡng một tinh thần tin cậy nhờ sự cẩn mật của họ, có thế thì những người thụ hướng mới có thể tự do nói lên những trăn trở riêng tư, đặc biệt trong lãnh vực giới tính.

Các vị linh hướng phải cập nhật các kỹ năng linh hướng, những hiểu biết về tâm sinh lý, khả năng tư vấn và các đề tài thích hợp khác để có thể nâng cao chuyên môn của mình: “những khám phá của khoa tâm lý học, những gợi ý từ  y học hiện đại và những điều tra về xã hội học, được áp dụng vào bối cảnh nền tảng của con người, đều rất hữu ích.”361 Họ có thể rút ra được một chương trình linh hướng có hệ thống và dễ hiểu qua con đường trao đổi với các đồng nghiệp. Họ nên tham dự các khoá bồi dưỡng định kỳ dành cho các vị linh hướng, cả hai hạng, vừa huấn luyện các vị linh hướng mới, vừa cập nhật hoá cho các vị linh hướng cũ, nhờ đó khả năng của họ có thể tiến bộ liên tục hầu đáp ứng nhu cầu của người thụ hướng. Thật là lợi ích khi thỉnh thoảng có cuộc tĩnh tâm dành riêng cho các vị linh hướng thuộc các chủng viện khác nhau.362

       c. Nguyên Tắc Khi Cần Thay Đổi Vị Linh Hướng

Có thể xảy ra trường hợp thiếu hoặc mất tín nhiệm, thì “việc đổi linh hướng là luôn có thể và đôi khi đáng ao ước nữa.”363 Chủng sinh có thể đề nghị trước. Đôi khi, vị linh hướng sẽ yêu cầu chủng sinh đi linh hướng với người khác, bởi vì ngài nghĩ rằng ngài sẽ không thể tiếp tục trách nhiệm nữa.”364

Vì lợi ích của người thụ hướng, những nguyên tắc sau đây giúp anh phân định xem có nên hay không tiếp tục gặp một vị linh hướng cá biệt. Anh thẳng thắn xem xét các động lực khiến anh muốn thay đổi vị linh hướng của anh: Có phải do mâu thuẫn cá nhân không? Có phải anh muốn thoát khỏi bị thách đố? Có phải anh đang phóng chiếu những đức tính tiêu cực như hách dịch, vô cảm, thiếu thông cảm và hiểu biết lên vị linh hướng của anh ? Có những mong đợi không thực tiễn chăng? Có phải vì vị linh hướng từ chối cung cấp thêm ảo tưởng của anh ? Anh cần tranh luận với vị linh hướng về những khó khăn mà anh đang trải nghiệm trong giao tế? Anh có tiếp tục nhận được ích lợi thiêng liêng từ việc hướng dẫn này không? Có vị linh hướng khác mà anh bị lôi cuốn chăng?  Đâu là những lý do? 

Người thụ hướng cần phải có đủ thời gian để suy nghĩ về toàn bộ vấn đề trước khi đưa ra một quyết định. Anh không nên vội vả, nhưng nên bàn hỏi vấn đề này với một người trung lập. Có phải đó là sự chấm dứt tự nhiên, vì sự hướng dẫn tìm kiếm đã được thực hiện? Liệu đây có phải là thời gian để thay đổi vì hoàn cảnh của người thụ hướng hay của vị linh hướng, hoặc của cả hai?: thay đổi sự bổ nhiệm, chuyển sang giai đoạn huấn luyện khác? Hay còn những việc khác xem ra gặp phải trên đường tương quan linh hướng như: thời gian, lòng tín nhiệm, hấp dẫn giới tính, đổ vở giá trị?365       

     5. Vị Giám Đốc và Hội Đồng 

Ratio Fundamentalis Institutionis Sacerdotalis khuyên Giám Mục bổ nhiệm vị giám đốc “sau khi tham khảo cẩn thận.”366 Như là trung tâm của chủng viện, vị giám đốc phải là mẫu mực đức tin và bác ái trong sứ vụ và đời sống linh mục, với một viễn ảnh rõ ràng về Giáo Hội của tương lai. Ngài phải được cập nhật cách triệt để và quen thuộc với những văn kiện của Giáo Hội liên quan tới việc đào tạo linh mục. Ngài cũng phải rõ ràng về khoa Giáo hội học của Giáo Hội và có khả năng xây dựng một đội ngũ đào tạo hiệp nhất và làm việc cho một viễn ảnh chung của chủng viện. Ngài phải vô tư, không thiên vị và có thể đưa ra những quyết định đúng đắn và công bằng.

Ngài cũng nên liên kêt với các vị giám đốc và các nhà đào tạo thuộc các chủng viện khác ở Việt Nam cũng như ở các nước Á châu, trong tinh thần của một cuộc trao đổi huynh đệ và hiệu quả. Ngài cần can đảm và thận trọng trong việc tuyển chọn các ứng sinh, lúc chiêu sinh cũng như trong thời gian đào tạo, nhấn mạnh đến chất lượng hơn số lượng. Ngài nên có một sự hiện diện hữu hiệu trong chủng viện. Sự chia sẻ đời sống hằng ngày trong chủng viện, tính đều đặn và gương sáng của ngài là hết sức quan trọng đối với chủng sinh. Ngài nên soạn thảo một chương trình cho các linh mục mới chịu chức trong vòng năm năm đầu tiên sau khi thụ phong, với sự chấp thuận và giúp đỡ của Giám Mục.367

      6. Nhóm Nhỏ Các Bạn Đồng Môn

Ngày nay người ta nhấn mạnh nhiều đến tính năng động của nhóm đào tạo. Dưới Ban Giám Đốc, một Ban Đại Diện, được anh em bạn bầu lên, tham gia vào việc điều hành chủng viện. Cộng đoàn chủng viện được phân chia thành nhiều nhóm nhỏ, nhằm thăng tiến việc làm việc nhóm và đời sống cộng đoàn.368

Các nhóm nhỏ chủng sinh được hình thành theo các trình độ khác nhau hoặc theo năm đào tạo. Một người trong ban đào tạo được chỉ định làm linh hoạt viên của nhóm, để duy trì thế quân bình giữa đời sống cấp nhóm và đời sống cấp chủng viện. Phải nhắm đến cả hai, các cá nhân và nhóm, như một toàn thể, ngõ hầu bảo đảm được sự trưởng thành của cả hai, cá nhân và tập thể.

Đời sống trong nhóm gồm có những lúc cầu nguyện, gặp gỡ hàng tuần về một đề tài thuộc đời sống thiêng liêng (chia sẻ đức tin), những giờ giải trí, các hoạt động mục vụ, trách nhiệm phụng vụ và các dịch vụ hàng ngày.369 “Sự tương tác trong những nhóm như thế giúp phát triển sự tin tưởng lẫn nhau, truyền thông và chia sẻ, góp phần xây dựng một cộng đoàn đúng nghĩa.”370

Nhóm nhỏ này có thể trở thành một nhóm bạn thân có thể dễ dàng thực hành việc “chỉ bảo huynh đệ.”371 Thường người ta không dám sửa lỗi người khác, phần vì con người ai cũng yếu đuối và bất toàn, phần vì tế nhị hay sợ phản ứng tiêu cực từ phía người kia, hay ít nhất để tránh hiểu lầm nhau, mâu thuẫn và xung đột có thể có. Vậy, cách tốt hơn và dễ hơn là mọi người đồng ý thỏa thuận với nhau rằng “nếu một người trong nhóm thấy người khác có lỗi, thì người này sẽ nói với người đó về lỗi ấy.”

Trong bối cảnh cuộc gặp gỡ hàng tuần chia sẻ Phúc Âm và kiểm điểm đời sống, mỗi người có thể góp ý phản hồi cho người khác và giúp nhau tiến bộ hơn trong tiến trình đào tạo chủng viện và tự đào tạo, hy vọng tiến tới “tình huynh đệ bí tích” của chức linh mục (x.Tv 133, 1). Tiến trình này đòi hỏi phải có ý ngay lành, sự sẵn sàng để thay đổi, lòng can đảm, tình bác ái, và nhất là ơn Chúa.

Trong cấp độ đời sống nhóm này, mỗi người phải học biết chăm chú lắng nghe và cho người khác ý kiến phản hồi cách thích hợp. Mỗi người cũng phải học biết chấp nhận chính mình và chấp nhận người khác: càng biết nhìn nhận lỗi lầm, thiếu sót, giới hạn, yếu đuối và bất lực của mình, ta càng trở nên khiêm tốn hơn; càng biết chấp nhận những bất lợi đó của người khác, ta càng trở nên độ lượng và cảm thông hơn.

Đời sống nhóm giúp mỗi thành viên khám phá và phát triển những tài năng, tài năng tự nhiên và tài năng đạt được từ kinh nghiệm cuộc sống. Mọi người đều được Thiên Chúa kêu gọi và trao cho một số ân huệ để mở rộng Nước Thiên Chúa. Mỗi người có trách nhiệm tìm  biết và phát triển những ân huệ ấy. Chẳng ai sở hữu được mọi ân huệ của Thiên Chúa, nhưng những ân huệ cần thiết cho sứ mạng luôn hiện diện trong cộng đoàn, và cộng đoàn là nơi cần thiết để nhận ra các ân huệ của mỗi thành viên (x. 1Cr 12-14).

Tuy nhiên, nhiều khi người ta phải chịu đựng những khó khăn và xung đột do ý niệm sai lầm hoặc đặt không đúng chỗ đức khiêm nhường, sợ hãi, ghen tị hay thèm muốn ân huệ của người khác (x. Gal 5,26). Nếu biết chú ý tới những khác biệt của tha nhân, đánh giá sự độc đáo của người khác với sự hiểu biết tích cực, coi những xung đột chỉ là một phần cần thiết trong tiến trình sáng tạo, chứ không phải là vấn đề, thì mọi sự sẽ được giải quyết, cộng đoàn sẽ tiến triển tốt đẹp,372 và sứ mạng loan báo Tin Mừng của Hội Thánh sẽ được hiệu quả hơn (Gal 6,2).         

     7. Môi Trường Thực Tập Mục Vụ

“Bổn phận nuôi dưỡng các ơn gọi thuộc về toàn thể cộng đồng kitô.”373 Do đó, “toàn thể Dân Chúa phải cầu nguyện và làm việc không mệt mõi cho các ơn gọi linh mục.”374 Giáo xứ nhà quê của chủng sinh hay giáo xứ mà chủng sinh được gửi tới giúp theo chương trình kỳ hè hoặc thực tập mục vụ là môi trường cần thiết và lý tưởng để mở rộng việc tự đào tạo của chủng sinh, cũng như việc đào tạo linh mục của Hội Thánh.

Trong suốt thời gian nghỉ ở môi trường này, chủng sinh tham gia vào đời sống và sứ vụ của các linh mục, được bao nhiêu tốt bấy nhiêu. Các ngài có cơ hội để biết, làm việc với và trở nên một phần trong việc đào tạo chủng sinh, mà một ngày kia họ sẽ hội nhập với các ngài trong sứ vụ linh mục. Môi trường này sẽ cung ứng cho chủng sinh nhiều cơ hội thuận lợi:

* Anh được kinh nghiệm và tham dự vào sứ vụ giáo xứ;  

* Anh sẽ phát triển đời sống cầu nguyện của anh ngay trong bối cảnh đời sống giáo xứ, vì đó sẽ là cuộc sống thực sự của anh sau này;

* Anh sẽ học hỏi với cha xứ mà anh đang sống với ngài như người tập sự; 

* Anh được làm quen với nhiều giáo xứ khác nhau trong Giáo phận; 

* Anh đem những gì đã học và kinh nghiệm trong chủng viện vào hành động, trong những hoàn cảnh thực tế;

* Anh kinh nghiệm được cuộc sống nhà xứ.375

Chương trình đào tạo linh mục tại các chủng viện Việt Nam bao gồm một hoặc hai năm thực tập mục vụ tại giáo xứ. Việc thực tập mục vụ này tùy theo yêu cầu của chủng viện và nhu cầu của giáo phận.376 Ngoài ra, việc thực tập mục vụ này mang lại những lợi ích sau:

* Sự hiện diện hữu hình của các chủng sinh ở trong giáo xứ sẽ thăng tiến việc phát triển các ơn gọi;

* Qua việc phục vụ và cộng tác với giáo dân, chủng sinh có thể học được nơi họ rất nhiều điều: “học biết giáo dân chiến đấu và sống thế nào là một chuẩn bị tuyệt vời cho sứ vụ của anh sau này.”377 

Sau sáu mươi sáu năm tuổi đời và ba mươi bốn năm làm linh mục, người viết nhận thấy rằng có sự tương tác rất hữu ích giữa giáo sĩ và giáo dân, và người được trợ giúp, nâng đỡ và đào luyện rất nhiều bởi các giáo dân được trao phó cho người chăm sóc mục vụ. Thật vậy, nếu chúng ta hỏi ý kiến giáo dân và lắng nghe ý kiến phản hồi của họ, chúng ta sẽ biết thực hiện làm sao các thay đổi cần thiết trong đời sống và sứ vụ của mình, đồng thời biết làm sao đáp ứng thực sự nhu cầu của giáo dân.” 378

Cha xứ (hoặc Văn phòng Ơn gọi của Giáo phận) sẽ gửi về chủng viện một bản nhận xét góp thêm vào hồ sơ đào tạo của chủng sinh. Đôi khi nếu các ngài chia sẽ với chủng sinh sự đánh giá của các ngài trước khi gửi về chủng viện sẽ có ích hơn. Vì nếu có gì sai hoặc hiểu lầm, chủng sinh có thể bàn cải hoặc giải thích để vấn đề được giải quyết, thỏa mãn ích lợi đào tạo trong chân lý và tình thương: “cây lau bị dập, Người không nỡ bẻ gãy, tim đèn leo lét khói, Người không nỡ tắt đi. Ngài sẽ làm cho công lý xuất hiện trong chân lý” (Is 42, 3).

còn tiếp

VỀ MỤC LỤC
Giảm Thiểu Cảm-Cúm mùa Ðông
 

Câu Chuyện Thầy Lang

Bác sĩ Nguyễn Ý Ðức

Cảm- Cúm, mà dân gian gọi là “Bệnh Thời Khí”, thường xảy ra nhiều hơn vào những ngày Ðông tuyết lạnh, mưa bay.

Cúm hoành hành từ tháng 11 tới tháng 3 dương lịch, đôi khi quyến luyến tới đầu Xuân.

Cảm Lạnh có quanh năm nhưng cũng hay xuất hiện vào mùa lạnh. Trung bình mỗi người mỗi năm có thể bị cảm lạnh ba, bốn lần.

Thời tiết lạnh không gây ra Cảm Cúm, nhưng vào thời điểm này, có nhiều lễ hội nên người ta thường gặp gỡ nhau và cũng vì mưa lạnh nên họ sống ở trong nhà nhiều hơn, tạo cơ hội tốt cho Cảm Cúm lây lan.

Cảm-Cúm đều là bệnh của cơ quan hô hấp và do virus gây ra. Virus khác với vi khuẩn (bacteria).

Vi khuẩn là các sinh vật có một tế bào, có thể tự nuôi dưỡng, tăng trưởng và tăng sinh.

Virus là những hạt acid nucleic chứa gen di truyền, bao bọc trong một cái vỏ bằng chất đạm và chất béo. Các hạt này có thể tăng sinh nhưng phải là ở trong tế bào sống của động vật hoặc thực vật. Chúng cũng biến hình đổi dạng dễ dàng như Tề Thiên Ðại Thánh: mỗi mùa cúm một loại virus, mỗi người bị cảm lạnh với virus khác nhau.

Virus gây Cảm Lạnh có cả trăm giống, vì vậy không có thuốc chích ngừa. Với Cúm thì chỉ có dăm loại virus thay phiên nhau gây ra Cúm vào mỗi mùa Ðông, nên hàng năm cần phải tiêm ngừa.

Kháng sinh có thể tiêu diệt vi khuẩn nhưng không có tác dụng gì với virus.

Cảm Cúm là bệnh của cơ quan hô hấp phía trên, ảnh hưởng tới niêm mạc của miệng, mũi, cuống họng và phổi. Cảm-Cúm rất dễ lây lan. Ngay từ một ngày trước khi có triệu chứng, người bệnh đã có thể truyền virus cho người khác và tiếp tục truyền lan dăm ngày kế tiếp.

Các dấu hiệu của Cảm Cúm đôi khi trùng hợp nên khó mà biết khi nào bị Cúm, khi nào bị Cảm. Sau đây là mấy điểm khác biệt để tiện bề so sánh:

 

        Triệu chứng                    Cảm Lạnh                           Cúm

Nóng sốt

Ít khi có

Thường có

Đau nhức

Nhẹ thôi

Thường có, nặng

Ớn lạnh

Ít có

Thường có

Mệt mỏi

Nhẹ

 Từ nhẹ tới trầm trọng

Xuất hiện

Từ từ

Khá nhanh, trong 2-3giờ

Ho

Ho ra đàm

Ho khan

Hắt hơi

Thường có

Ít khi có

Nghẹt mũi

Thường có

Ít khi có

Ðau cuống họng

Thường có

Ít khi có

Nặng ngực

Nhẹ tới vừa phải

Thường rất nặng

Nhức đầu

Ít khi có

Thường có

 

Cảm Cúm thường tự hết trong thời gian từ mười ngày tới hai tuần lễ, nếu không có các biến chứng như viêm phế quản, sưng phổi. Chính những biến chứng này mới khiến cho người bệnh phải nhập viện và mới gây ra một số tử vong, đặc biệt là ở người tuổi cao, có bệnh mãn tính.

Phòng ngừa Cúm hữu hiệu nhất vẫn là tiêm ngừa. Cho tới hôm nay thì chắc là hầu hết mọi người đều đã làm rồi. Nói hầu hết vì cũng có một số người vì lý do này lý do khác hoặc quên chưa kịp chích, thì nên đi chích ngay. Bây giờ mới tháng Giêng, Flu còn hoành hành vài ba tháng nữa.

Cảm lạnh thì vẫn chưa có vaccin ngừa. Cho nên để tránh bệnh, ta cần phải áp dụng các phương thức phòng chống ngăn ngừa giống như với Cúm.

Virus Cảm Cúm có rất nhiều trong mũi trong miệng người bệnh. Khi họ ho hoặc hắt xì hơi là virus theo nhau bay ra không khí từng đàn. Chúng sống trong không khí, bám trên bàn ghế, vật dụng người bệnh dùng cả mấy tiếng đồng hồ, có khi cả vài ngày. Ðụng chạm vào các vật này, hít phải không khí đó là nhiễm bệnh dễ dàng.

Nếu người bệnh lịch sự đưa tay che miệng che mũi mỗi khi hắt hơi hoặc ho thì bàn tay của họ sẽ phủ kín những virus Cảm, Cúm. Bàn tay đó cầm chiếc điện thoại đưa cho người khác hoặc bắt tay đón tiếp bạn bè là bạn bè lãnh đủ tác nhân gây bệnh.

Kết quả nghiên cứu của Ðại học Y tế Virginia được công bố vào tháng 9 năm 2006 tại Ðại hội Vi Trùng Học họp ở San Francisco, cho hay, bệnh nhân bị cảm lạnh, rời khách sạn sau vài ngày trú ngụ, đều để lại nhiều virus trên vật dụng trong phòng như điện thoại, nắm cửa, nút điều chỉnh TV...Khách vãng lưu kế tiếp có thể dễ dàng nhiễm bệnh, nếu sờ mó vào các vật dụng đó rồi đưa tay lên dụi mắt, lau mũi..

Vì thế gìn giữ vệ sinh cá nhân là điều cần ưu tiên áp dụng.

-Xin tạo ra thói quen rửa tay mỗi khi thấy cần để có thể ngăn ngừa truyền bệnhnhận bệnh.

Theo kết quả quan sát của Hội Vi Trùng Học Hoa Kỳ, thường thường người ta chỉ rửa tay trước khi dọn cơm, ăn uống, sau khi đại tiểu tiện, thay tã cho con...chứ ít ai rửa tay sau khi che miệng che mũi để ho để hắt hơi. Nhất là ở người đang có Cảm Cúm ngự trị. Bàn tay là yếu tố lớn trong việc lan truyền bệnh tật, nếu người bệnh không che miệng mũi khi ho hoặc hắt hơi với khăn giấy dùng một lần rồi vứt bỏ vào nơi không ai đụng chạm tới.

Vậy thì xin chịu khó rửa tay mỗi khi thấy cần. Chỉ mười lăm giây đồng hồ xoa vò đôi bàn tay trong nước ấm với chút xà bông là trăm phần trăm công hiệu phòng chống lây lan Cúm Cảm. Có người gợi ý vừa rửa tay vừa lẩm bẩm vui vẻ hát hết mấy câu của bài “Happy Birthday To You”là vừa đủ sạch sẽ đôi bàn tay mà khỏi phải nhìn đồng hồ...Ðây cũng là ý kiến hay hay, ngộ nghĩnh nên theo.

Có thể lau tay với dung dịch có chất cồn khi không có xà phòng.

- Người thân chẳng may bị Cảm Cúm thì ai cũng sẵn lòng chăm sóc, thuốc thang. Nhưng nên cẩn thận giữ gìn khi tiếp xúc. Chẳng nên chung chiếu chung giường, bắt tay ôm hôn từ biệt. Mang khẩu trang khi phải tới gần phục vụ người bệnh. Lau rửa vật dụng người bệnh dùng, buồng tắm, cầu tiêu, bàn ghế với nước sát trùng mua ngoài chợ hoặc pha một phần chất tẩy mầu sát trùng (chlorox), mười phần nước lã là có dung dịch loại trừ virus.

- Tránh đưa bàn tay dù ngà ngọc nhưng dính chùm virus Cảm Cúm lên mũi, lên miệng, lên mắt.

- Khi bắt đầu thấy có dấu hiệu Cảm Cúm thì nên ở nhà, vừa để nghỉ ngơi vừa để tránh truyền lan bệnh cho bạn đồng sở, cho học sinh cùng trường. Cảm Cúm lây lan mạnh nhất vào mấy ngày đầu sau khi nhiễm bệnh.

Có bệnh là phải kiếm thầy kiếm thuốc chữa trị.

Ngày xưa thì đi cúng đi bái:

Tôi lậy ông Cúm bà Co

Ông ở xứ Nghệ ông bò sang đây

Khôn thiêng có mâm cỗ này

Ông sơi cho sạch, ông rày tha tôi”

Mâm cỗ gồm có một đĩa sôi trắng, mấy miếng đậu phụ, một chén mắm tôm chanh ớt. Ấy vậy mà cúng xong là bệnh nhân khỏi liền. Các cụ nói vậy.

Ngày nay, y khoa học tiến bộ nên chẳng thiếu gì thuốc, từ thuốc tây đến thuốc ta, thuốc mua theo toa bác sĩ, thuốc bán tự do.

Nhiều người tự động ra tiệm mua thuốc về uống. Các thuốc này có thể giảm thiểu các triệu chứng của Cảm-Cúm chứ không chuyên trị virus.

Thuốc gồm có mấy loại như:

- Thuốc làm giảm đau nhức vì viêm cuống họng, nhức đầu và để hạ nóng sốt. Các thuốc thông thường là  ibuprofen(Advil, Motrim), acetaminophen (Tylenol), Naproxen (Aleve), aspirin.

- Thuốc chống triệu chứng của dị ứng, giảm chẩy nước mắt nước mũi như diphenydramine, chlorpheniramine.Thuốc thường gây ra khô miệng, cuống họng, mũi, chóng mặt, khó chịu dạ dày, buồn nôn, nhức đầu, mờ mắt, buồn ngủ...Không nên uống khi đang bị nghẹt mũi: Thuốc làm chất nhờn trong mủi đặc lại và khó thoát ra ngoài.

- Thuốc thông đàm như chất guaifenesin (Guaifed, Anti-Tuss, Dristan Cold and Cough..),  làm loãng đàm và chất nhờn ở hệ hộ hấp. Tác dụng phụ của thuốc là ói mửa, tiêu chảy, khó chịu dạ dày, nhức đầu, nổi ngứa trên da.

- Thuốc giảm ho với hoạt chất thông thường dextromethorphan ( DimatappDM, Vicks 44 cough, Coricidin .). Thuốc khá an toàn và công hiệu nếu dùng đúng theo hướng dẫn của bác sĩ hoặc nhà sản xuất. Ðôi khi, sự lạm dụng thuốc có thể đưa tới ảnh hưởng xấu như chóng mặt, nhìn một vật thành hai, gọng nói lơ lớ, đau bụng, tim đập nhanh, mất định hướng, hoang tưởng...

- Thuốc chống nghẹt mũi với hoạt chất chính pseudoephedrine ( Contact, Sudafed) hoặc phenylephrine (sudafed PE), dưới dạng thuốc viên, xịt mũi.Thuốc có tác dụng làm xẹp các mạch máu bị giãn sưng ở trong mũi.

Thuốc có thể làm tim đập nhanh, chóng mặt,hồi hộp, tính tình nóng nẩy, khó ngủ, tăng huyết áp.Cần hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng nếu có các bệnh kinh niên như cao huyết áp, tiểu đường, bệnh tim, thận, tuyến giáp, cao áp suất mắt hoặc tiểu tiện khó khăn vì nhiếp tuyến sưng. Tránh thuốc có chất phenylpropanolamine vì thuốc này gây tác dụng nguy hại cho tim, đã bị cấm bán.

Một dung dịch rẻ tiền, khá công hiệu và sẵn có trong nhà để hết nghẹt mũi là pha một chút muối ăn trong nước lã, nhỏ vài giọt là mũi thông thoáng ngay.

Xúc miệng với dung dịch muối ấm cũng làm nhẹ đau rát cuống họng.

Với các thuốc kể trên, xin lưu ý mấy điểm:

- Thuốc Cảm Cúm có thể chứa nhiều hoạt chất với tác dụng khác nhau, như là vừa chống ho, vừa chống nghẹt mũi, sổ mũi.

- Lựa mua thuốc đúng với triệu chứng bệnh của mình. Nếu chỉ sổ mũi, nghẹt mũi thì đâu có cần phải uống loại thuốc để chữa ho.

- Ðọc kỹ nhãn hiệu, coi thành phần hoạt chất trong thuốc, để tránh uống nhiều chất thuốc một lúc. Chẳng hạn chất acetaminophen (Tylenol) có trong nhiều chế phẩm chữa cảm cúm khác nhau. Nếu uống hai ba thuốc có cùng hóa chất này thì mình đã tiêu thụ một lượng quá lớn, có thể có tác dụng bất lợi.

- Với các cháu bé bị cảm lạnh hoặc thủy đậu, không bao giờ cho uống thuốc giảm sốt chống đau có chất aspirin. Chất này có thể gây ra hội chứng Reye với hậu quả trầm trọng là tổn thương não bộ.

- Không nên dùng thuốc xịt chống nghẹt mũi quá 3 ngày, để tránh tổn thương cho niêm mạc của mũi cũng như nghẹt mũi gia tăng.

- Một vài loại thuốc cảm cúm có thể làm cho các bệnh đang có trầm trọng hơn: thuốc chống ngẹt mũi làm tim đập nhanh, huyết áp lên cao, thuốc chống dị ứng gây ra chóng mặt, buồn ngủ ảnh hưởng tới việc lái xe hơi.

- Ðể ý tới ngày hết hạn dùng ghi trên chai thuốc.

Câu hỏi thường được nêu ra là bị Cảm Cúm có cần đi bác sĩ để khám bệnh điều trị hay không?

Bác sĩ chuyên khoa gia đình Jerry Rogers, tiểu bang Minnesota, cho hay là các bác sĩ ít khi điều trị Cảm Cúm, trừ khi bệnh nhân có các biến chứng như viêm cuống phổi, sưng phổi, viêm tai, viêm xoang do bội nhiễm vi khuẩn. Cảm Cúm thường thường tự khỏi sau vài tuần lễ.

Nhiều người thấy bị cảm cúm là vội vàng kiếm thuốc kháng sinh để uống. Nhưng xin nhớ là thuốc kháng sinh không tiêu diệt được virus. Vì vậy, uống kháng sinh không những vô ích, tốn tiền mà còn gây ra nhiều hậu quả không tốt như tạo ra sự nhờn thuốc đối với một số vi khuẩn, gây ra dị ứng, nhiễm khuẩn cơ quan sinh dục nữ, tiêu chẩy, khó chịu bao tử.

Sau một tuần lễ mà bệnh không thuyên giảm hoặc thấy đau ngực, nóng sốt cao, ho ra đàm có mầu xám thì nên đi bác sĩ để được kiểm tra thêm. Có thể là mình đã bị viêm sưng phổi và lúc này mới cần điều trị với kháng sinh.

Cũng xin nhớ là:

- Ta không “bắt cảm lạnh” (Catch a cold) vì nằm gần cửa sổ gió lùa.

- Không “bắt cảm lạnh” khi ra ngoài trời với đầu tóc ướt.

- Không “bắt cảm lạnh” vì thời thiết giảm nhiệt độ bất thình lình.

Các thuốc đặc nhiệm để phòng ngừa và điều trị các virus cúm A và B là hai loại thường gây ra bệnh Cúm, gồm có Tamiflu, Relenza, amantadine và rimantadine. Thuốc có một số giới hạn như sau:

- Chỉ công hiệu nếu được uống trong vòng hai ngày đầu sau khi có triệu chứng bệnh.

- Không làm bệnh bớt ngay mà chỉ thu ngắn thời gian bị cúm khoảng một ngày.

- Không thay thế cho vaccine tiêm ngừa cúm

- Không công hiệu với vi khuẩn.

- Không loại trừ các biến chứng của cúm như viêm phổi, viêm tai..

- Có một vài tác dụng phụ như buồn nôn, khó chịu dạ dày...

 

Ngoài ra, trong thời gian Cảm Cúm, nên:

- Nghỉ ngơi trên giường vài ngày để thư giãn cơ bắp.

- Uống nhiều chất lỏng như nước lã, nước cam, nước chanh, húp bát súp khoai tây cà rốt hoặc cháo hoa hành tây nóng hổi...

- Gối đầu hơi cao để mũi đỡ nghẹt.

- Hỉ mũi nhè nhẹ trong khăn giấy mềm để loại bỏ chất nhờn

- Ðể máy phun hơi nước (humidifier) trong phòng để không khí khỏi quá khô.

- Hít hơi ấm từ một bát cháo nóng, một ly nước trà mới sôi hoặc tắm nước nóng để giảm nghẹt mũi.

 Theo kết quả của một số nghiên cứu, uống sinh tố C với liều lượng lớn, dùng viên kẹo ngậm có chất kẽm (zinc), ăn  tỏi tươi.. có thể ngăn ngừa và giảm thiểu bệnh trạng cũng như thời gian bị Cảm Cúm. Nhưng các ý kiến này chưa được sự chấp nhận của các khoa học gia vì chưa có bằng chứng rõ rệt. 

 Cũng trong mục đích giảm thiểu Cảm Cúm, nên:

- Hàng ngày duy trì chế độ dinh dưỡng đầy đủ, cân bằng hợp lý để đáp ứng nhu cẩu năng lượng của cơ thể cũng như để tạo ra tính miễn dịch mạnh, phòng chống bệnh tật. Nếu cần có thể dùng thêm vài viên sinh tố, khoáng chất.

- Ngủ nghỉ đầy đủ. Mỗi đêm cần ngủ khoảng 8 giờ. Thiếu ngủ làm suy yếu hệ miễn nhiễm, mở đường cho bệnh hoạn.

- Vận động cơ thể đều đặn.

- Bớt uống rượu, hút thuốc và

- Bớt căng thẳng buồn bực vu vơ trong đời sống.

Kết luận nghiên cứu vào năm 2003 của Tiến sĩ Sheldon Cohen, Ðại học Carnegie Mellon, Pennsylvania, cho hay: “Người nhiều sinh lực, yêu đời, thư giãn đều tăng sức đề kháng của cơ thể, tăng miễn dịch tính và ít bị cảm lạnh trong khi đó người hay cau có, buồn rầu, nóng nẩy lại dễ dàng bị virus cảm viếng thăm”. .

Bác sĩ Vikki Burns, Ðại Học Burmingham bên Anh cũng có cùng ý kiến: “Người có nhiều căng thẳng trong đời sống đều có ít đáp ứng với vaccin ngừa Cúm, do đó họ dễ bị bệnh”.

Vậy thì xin hãy cùng nhau

Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui
Cùng với anh em tìm đến mọi người
Tôi chọn nơi này cùng nhau ca hát
Để thấy tiếng cười rộn rã bay xa”

-Trịnh Công Sơn.

Và nhớ rửa tay, khi thấy cần!

Bác sĩ Nguyễn Ý Ðức  Texas-Hoa Kỳ

VỀ MỤC LỤC

- Mọi liên lạc: Ghi danh, thay đổi địa chỉ, đóng góp ý kiến, bài vở..., xin gởi về địa chỉ

giaosivietnam@gmail.com

- Những nội dung sẽ được đề cao và chú ý bao gồm:

Trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm thực tế trong việc mục vụ của Giáo sĩ;  Những tài liệu của Giáo hội hoặc của các Tác giả nhằm mục đích Thăng tiến đời sống Giáo sĩ; Cổ võ ơn gọi Linh mục; Người Giáo dân tham gia công việc “Trợ lực Giáo sĩ” bằng đời sống cầu nguyện và cộng tác trong mọi lãnh vực; Mỗi  Giáo dân phải là những “Linh mục” không có chức Thánh; Đối thoại trong tinh thần Bác ái giữa Giáo dân và Giáo sĩ… (Truyền giáo hay xây pháo đài?)

- Quí vị cũng có thể tham khảo những số báo đã phát hành tại

www.conggiaovietnam.net

Rất mong được sự cộng tác, hưởng ứng của tất cả Quí vị

Xin chân thành cám ơn tất cả anh chị em đã sẵn lòng cộng tác với chúng tôi bằng nhiều cách thế khác nhau.

TM. Đặc San Giáo Sĩ Việt Nam

Lm. Luca Phạm Quốc Sử  USA

 

 

Được chọn giữa loài người và cho loài người; GÍAO SĨ: Xuất phát từ gíao dân, hiện diện vì gíao dân và cậy dựa vào gíao dân, để cùng làm VINH DANH THIÊN CHÚA

*************