ĐÀO TẠO VÀ
TỰ ĐÀO TẠO THIÊNG LIÊNG CỦA CÁC LINH MỤC TƯƠNG LAI
TRONG BỐI
CẢNH VIỆT NAM HÔM NAY
Nguyên
bản tiếng Anh
Lm.
Micae-Phaolô TRẦN MINH HUY
Bản dịch
Việt ngữ
Lm. Vincentê
Trần Minh Thực, Lm. GB. Nguyễn văn Hào
CHƯƠNG X
GIAI ĐOẠN HẬU CHỦNG
VIỆN -
NĂM NĂM ĐẦU TIÊN
TRONG SỨ VỤ LINH MỤC: NHỮNG MỐI TƯƠNG QUAN HÀI HOÀ, QUÂN
BÌNH VÀ TRƯỞNG THÀNH TRONG ĐỜI SỐNG VÀ SỨ VỤ LINH MỤC.
Bằng việc giới thiệu ứng sinh lên chức
linh mục, chủng viện đã hoàn tất giai đoạn đào tạo khởi đầu
của mình, nhưng việc đào tạo linh mục không dừng lại ở đây.
Việc đào tạo linh mục phải được tiếp tục, bằng việc đào tạo
thường xuyên trong suốt cuộc đời của linh mục. Việc đào tạo
chủng viện chỉ cho biết phải làm sao và sống thế nào. Nhưng
bây giờ trong sứ vụ mục vụ, chính vị linh mục trẻ bắt đầu
làm và sống đời linh mục và sứ vụ linh mục của mình. Càng
sống đời linh mục càng trở nên linh mục tốt hơn và đích thực
là linh mục.
Theo Pastores Dabo Vobis, bản chất và
sứ vụ linh mục không thể được xác định, nếu không có những
tương quan bắt nguồn từ Chúa Ba Ngôi, được kéo dài trong sự
hiệp thông của Hội Thánh và của toàn thể nhân loại.396
Mục đích quan trọng nhất của việc đào
tạo thiêng liêng thường xuyên trong suốt năm năm đầu tiên
này là giúp vị tân linh mục chu toàn sứ vụ mình trong niềm
vui và trung kiên hy vọng, ý thức, chấp nhận và vượt thắng
những chiến đấu thiêng liêng, bằng việc thăng tiến các mối
tương quan hài hòa, quân bình và trưởng thành với Chúa, với
chính mình, với người khác và với thiên nhiên.
Những mối tương quan này đã được bắt
đầu và nuôi dưỡng ngay từ tiến trình đào tạo khởi đầu ở
trong chủng viện. Nếu ngày qua ngày, các tương quan này được
điều chỉnh và phát triển tốt đẹp thì mọi sự sẽ “thuận buồm
xuôi gió.” Nhìn thẳng vào những hoàn cảnh thực tế mà vị linh
mục trẻ dấn thân vào như là đáp án thích hợp, người ta sẽ
tin tưởng “canh tân và nuôi dưỡng chúng cách hữu hiệu
hơn.”397 Vì lý do đó, Đức Gioan Phaolo II đã nói rằng việc
đào tạo linh mục “đúng đắn và quân bình”398 là bảo đảm tốt
nhất cho tương lai.
A. Đối Mặt Thực Tế
và Những Nhu Cầu Căn Bản
1. Những
Thực Tế Không Mong Đợi
Đức Tổng Giám Mục Orlando B. Quevedo
(Philippines) nhận thấy rằng ngay sau khi thụ phong, các
linh mục trẻ đã bỏ cầu nguyện, Sách Nhật Tụng, Nguyện Gẫm
riêng, xét mình hàng ngày và lần chuỗi Mân côi. Ngài buồn
rầu kết luận: “linh mục trẻ bỏ cầu nguyện và những sùng kính
đạo đức là những cái đã giúp ngài giữ được ơn gọi sống động
trong chủng viện, và cũng chính những thứ đó sẽ còn giúp
ngài bền đỗ trong chức vụ linh mục.”399
Đâu là lý do khiến đời sống thiêng
liêng của các linh mục trẻ sa sút và đưa đến hậu quả không
đáng mong đợi như vậy? Một cách nào đó, điều này chứng tỏ họ
còn yếu kém và không trưởng thành đủ trong một đời sống
thiêng liêng sâu xa. Chúng ta không thể không biết đến tình
cảnh này của con người và của Hội Thánh… và cũng không thể
khám phá thấy hết được những hình thức khác nhau của cơn
“khủng hoảng” mà các linh mục ngày nay đang phải chịu đựng:
thiếu vâng lời và khó nghèo, lơ là việc linh hướng và xưng
tội (luôn luôn sẵn đó nhưng họ không dùng), không ưu tiên
cho đời sống cầu nguyện, thiếu tương quan thân mật với Giám
mục và linh mục đoàn, thiếu liên đới và hợp tác làm việc
chung, nhưng chỉ thích thi hành sứ vụ cách cá nhân, thiếu
tín nhiệm và tin tưởng lẫn nhau, quá tự tin, kiêu căng, lười
biếng, có vấn đề về đức trong sạch, thiếu trách nhiệm bản
thân trong việc tự đào tạo và phát triển đời sống thiêng
liêng.400
Ngoài ra, Bộ Giáo Sĩ cũng mô tả những
yếu tố nản lòng này: “thói quen đơn điệu, căng thẳng thể xác
vì quá nhiều việc, mệt mỏi tâm lý gây nên do đấu tranh chống
lại hiểu lầm và định kiến.”401 Và Bộ đề nghị một giải pháp:
“cần phải đưa ra vài lời khuyên cho một chương trình đào tạo
thường xuyên thích hợp có thể giúp các linh mục sống ơn gọi
của mình cách vui tươi và trách nhiệm.”402
2. Những
Nhu Cầu Cơ Bản Và Thường Xuyên Của Hội Thánh
Đáp lại các vấn đề đó, các thẩm quyền
Giáo Hội nhấn mạnh việc đào tạo thường xuyên. Thật vậy, Sứ
Vụ và Đời Đống Linh Mục dành trọn chương III (các số từ
69-92) để nói về việc đào tạo thường xuyên này, như “một bổn
phận và quyền lợi chính đáng của linh mục…. và của Hội
Thánh”, phù hợp với “mục đích cơ bản của sự trưởng thành
trong đời sống thiêng liêng,”403 mà “không ai có thể thay
thế được linh mục trong việc canh chừng chính mình” (x. 1 Tm
4, 16).404
Trong khi đó Tông Huấn Pastores Dabo
Vobis cũng dành trọn chương VI (các số 70-82) để nói về
việc đào tạo thường xuyên này của linh mục, như “sự tiếp tục
tự nhiên và tuyệt đối cần thiết của tiến trình xây dựng nhân
cách của linh mục, vốn đã được khởi sự và phát triển từ
trong chủng viện.”405
Còn Optatam Totius khuyến cáo rằng
“việc đào tạo linh mục, nhất là trong bối cảnh của xã hội
hiện đại, cần phải được tiếp tục và hoàn thiện hoá sau khi
đã hoàn tất chương trình đào tạo trong chủng viện.”406
Ngoài ra, Ratio Fundamentalis
Institutionis Sacerdotalis (chương XVII, số 100-101) mô tả
việc đào tạo hậu chủng viện: “cách riêng trong những năm đầu
tiên sau khi chịu chức …. để các linh mục mới ra trường có
thể được trang bị tốt hơn, ngõ hầu họ có thể gánh vác và
hoàn thiện các bổn phận của người tông đồ.407
Và Tông Huấn Ecclesia in Asia mở ra một
hướng rộng lớn: “Để phục vụ Hội Thánh như ý Đức Kitô, các
Giám mục và linh mục cần một đào tạo chắc chắn và thường
xuyên, có thể cung ứng những cơ hội khả thể cho một cuộc
canh tân thiêng liêng và mục vu.”408
Liên Hội Đồng Giám Mục Á Châu đã thực
hiện lời khuyên này sớm nhất, qua cuộc hội thảo số 5 mang
tựa đề “đào tạo tiếp tục cho các linh mục Á Châu.”409
Cuốn Gathered Around Jesus quan niệm
rằng đó là một cuộc khủng hoảng về đời sống thiêng liêng và
đưa ra một phương dược chữa trị, với ơn Chúa:
a. Ở Cấp Độ Cá Nhân
Kỷ luật tự giác và nỗ lực cá nhân, vào
sâu trung tâm nhân cách con người, dành thời gian để xét
mình, coi trọng đời sống cầu nguyện và dành giờ để chiêm
ngắm, phân định rõ ràng căn tính của mình, ngay thẳng với
chính mình, thành thật trong ơn gọi, giản dị trong cuộc
sống, cầu nguyện và làm việc không ngừng.
b. Ở Cấp Độ Giáo Hội
Nhìn lại nơi chúng ta đã xuất phát,
chọn những con người có tinh thần siêu nhiên làm ứng viên
linh mục, tìm thứ linh đạo phù hợp với cá tính của mỗi
người, linh đạo này nên thúc đẩy và mở ra với thế giới, tiếp
tục đào tạo thiêng liêng và lớn lên nhờ một cuộc đào luyện
thiêng liêng quân bình, các khía cạnh nhân bản và đào tạo
thiêng liêng phải là một, thần học về đời sống độc thân, sự
hiện diện của vai trò gương mẫu, linh đạo về hiệp thông, dấn
thân vào cộng đoàn giáo xứ cầu nguyện, phân định cộng đoàn
và chấp nhận, ý thức về hoàn cảnh và khả năng trực diện với
chúng, hệ thống hổ trợ và tình huynh đệ bí tích, Giám mục
phải thiết lập tương quan cá nhân với các linh mục của
mình.410
3. Trách
Nhiệm và Đóng Góp của Chủng Viện
Chủng viện không muốn bị kêu trách là
“đem con bỏ chợ.” Chủng viện nên đồng hành với những người
mới ra trường ít nhất là trong năm năm đầu tiên làm linh
mục, với tiến trình này: “Dạy cho người ta làm, giúp người
ta làm, để cho người ta làm, cuối cùng rút lui, nhiệm vụ đã
hoàn tất.” Nhưng các nhà đào tạo của chủng viện phải cộng
tác với Giám Mục và linh mục đoàn của ngài trong việc đào
tạo thường xuyên, nhằm định hướng lại lối sống của hàng giáo
sĩ, với một quân bình thiêng liêng và tâm lý vững chắc.411
Mặc dù việc đào tạo thường xuyên là sự
nối tiếp việc đào tạo trong chủng viện, nhưng nó không phải
là lặp lại những kiến thức đã học, mà nó mang một nội dung
mới và phương pháp mới, vì đây được coi là một tiến trình áp
dụng và cập nhật hoá và thay đổi.412 Trong khía cạnh thực
hành, việc thực tập này nhằm mục đích giúp linh mục trẻ biết
thực hành và suy nghĩ về kinh nghiệm của mình như là thừa
tác viên bí tích, giảng dạy, khuyên răn và thăm viếng; ôn
lại giáo lý với cách thức đặc biệt, nhấn mạnh các vấn đề
luân lý và các trường hợp thuộc toà giải tội; nhìn thẳng vào
và suy nghĩ về các kinh nghiệm mục vụ, sức khỏe và đời sống
tình cảm, về giới tính và tâm lý: “Mọi yếu tố đều phải phù
hợp với mục đích căn bản của sự trưởng thành trong đời sống
thiêng liêng.”413
Thật vậy, khi còn là chủng sinh, họ học
và biết rất rõ phải cử hành bí tích như thế nào, nhưng đó
mới chỉ là lý thuyết; bây giờ là linh mục, họ cử hành chính
những bí tích ấy với nội lực và kinh nghiệm của mình. Thật
rất khác nhau, nên họ cần sự đồng hành của các nhà đào tạo
giúp họ hội nhập và sống đời sống bí tích của họ, với đường
lối cá nhân, tự do và ý thức, trong đời sống hiệp thông, yêu
thương, cảm nhận và thái độ của Đức Kitô,414 theo sự hướng
dẫn của Chúa Thánh Thần. Linh mục càng sống đời linh mục của
mình thì càng trở nên linh mục đích thực.
Mới đây, Tổng trưởng Bộ Giáo sĩ, Đức
Hồng Y Castrillon Hoyos mở một khoá tranh luận Thần Học
Truyền Thông bàn về “Đào tạo thường xuyên cho giáo sĩ” và
coi đây như một bổn phận và quyền lợi của Hội Thánh hoàn vũ,
cũng như của mỗi linh mục. Đào tạo thường xuyên của linh mục
là một lời mời gọi tiếp tục hoán cải và thánh hoá, một cuộc
tái khám phá hàng ngày cái nhu cầu tuyệt đối của sự thánh
thiện cá nhân của linh mục, cũng như nhu cầu thiết yếu của
đời sống và sự trưởng thành của Dân Chúa, vì họ có quyền
nhìn thấy và gặp được chính Đức Kitô nơi linh mục.415
B. Những Tương Quan
và Trợ Giúp
1. Tương
Quan Với Chính Mình
Trước hết, các linh mục mới phải luôn ý
thức về căn tính của mình (tôi là ai?) trong mọi chiều kích
của một đời sống quân bình và trưởng thành (nhân bản, thiêng
liêng, giới tính và tâm lý). Họ phải cố gắng để luôn trung
thành với lời cam kết và sứ vụ của mình, bởi vì “các linh
mục sẽ đạt tới sự thánh thiện trong con đường riêng biệt của
mình bằng cách thi thành sứ vụ của mình cách chân thành và
không mệt mỏi trong Thần Khí của Đức Kitô,”416 đặc biệt là
trong đời sống cầu nguyện: cầu nguyện thế nào thì sống thế
ấy, và sống thế nào thì cầu nguyện như vậy. Hầu hết các linh
mục rời bỏ chức linh mục đều là những vị đã bỏ đời sống cầu
nguyện. Vì thế, Chúa Giêsu đã nhắc nhở “hãy tỉnh thức và cầu
nguyện … tinh thần thì hăng hái nhưng bản tính nhân loại thì
yếu đuối” (x. Mc 14, 38; Mt 26,41).
Họ có thể cảm thấy an ủi và chán nản
trong cầu nguyện. Vì thế, họ phải ý thức rằng họ cầu nguyện
không phải để thoả mãn những gì họ sẽ nhận được, nhưng để
tìm gặp Chúa, mà Chúa thì đôi khi được thấy trong sự trần
trụi và không ích kỷ. Không ai biết được lúc nào Chúa đến.
Thái độ chờ đợi trong cầu nguyện phải là thái độ ý thức và
tỉnh táo. Vì thế, Tân Ước đã nhiều lần nhắc nhở kiên trì
trong cầu nguyện. Họ phải trung thành với thời gian mà chính
họ đã ấn định cho việc cầu nguyện: luôn trung thành với lời
cầu nguyện hằng ngày và kiên trì trong suốt thời gian cầu
nguyện. Điều này dẫn đến một lời cầu nguyện sâu xa. Họ cũng
nên kiên trì tìm gặp gỡ với Chúa ở bất cứ nơi nào và vào bất
cứ lúc nào. Vị linh hướng vốn hiểu họ có thể giúp họ và trấn
an họ những lúc khó khăn và hoang mang trong tương quan của
họ với Chúa.417
2. Tương
Quan Với Người Khác
a. Tương Quan với Giám Mục
Bản Quyền
Trong vương quốc này của Thiên Chúa,
người ta kể đến trước hết mối tương quan của linh mục với
Giám Mục của mình.418 “Một cách bí tích, linh mục đi vào
hiệp thông với Giám mục và các linh mục khác để phục vụ Dân
Chúa.”419 Đức Gioan Phaolô II đã khuyên các Giám Mục Việt
Nam hãy luôn gần gũi hơn với các linh mục, quan tâm tới đời
sống hàng ngày của họ để nâng đỡ họ và đồng hành cùng họ,
nhất là khi họ gặp thử thách vì thi hành sứ vụ; cung cấp cho
họ một sự đào tạo thiêng liêng thích nghi với những thách đố
trong việc truyền giáo mà họ phải đối diện.420 Chương trình
đào tạo linh mục của Giáo Hội Philippines năm 1972 đưa ra đề
nghị rằng các Giám mục nên đi bước trước trong cuộc đối
thoại thân hữu và thường xuyên với các linh mục trẻ, để họ
có thể cởi mở và chân thành bàn cải cách riêng tư, với sự
hướng dẫn từ phụ của Giám Mục, về công việc, thành công và
thất bại, kế hoạch và vấn đề, và về đời sống thiêng liêng
của họ nữa.421
Với sự hiểu biết đầy yêu thương và sự
trợ giúp từ phụ của Giám mục, linh mục sẽ đứng vững trong
mọi hoàn cảnh, bởi vì mọi cuộc khủng hoảng đều đến từ cuộc
khủng hoảng quyền bính. Thái độ của các linh mục đối với
Giám Mục phải là hợp tác, vâng lời, tình bạn, và nhìn thấy
nơi ngài một người cha thực sự và vâng phục ngài với tất cả
kính trọng. Sự vâng lời càng đến từ con tim (không phải bởi
quyền lực hay lý lẽ), thì mối tương quan giữa Giám mục và
linh mục càng trở nên gần gũi và rồi mọi sự đều tốt đẹp.422
b. Tương Quan Giữa Linh Mục
Với Nhau
Mối tương quan và đối thoại của một
“tình huynh đệ bí tích”423 giữa các linh mục già và linh mục
trẻ có thể đưa tới hiểu biết lẫn nhau và cùng nhau giải
quyết các vấn đề và khó khăn trong sứ vụ linh mục của họ.424
Sắc lệnh về Sứ vụ và Đời sống linh mục đã mô tả rõ ràng:
Các linh mục nhiều tuổi hãy đón nhận những linh mục trẻ như
những người em thực sự và giúp đỡ họ trong những công tác và
gánh nặng đầu tiên của sứ vụ linh mục; gắng hiểu tâm trạng
của họ và theo dõi các dự tính của họ với thiện chí. Và các
linh mục trẻ phải biết kính trọng tuổi tác và kinh nghiệm
của các vị lớn tuổi; bàn hỏi với các ngài và sẵn lòng cộng
tác với các ngài trong việc chăm sóc các linh hồn.425
Tình huynh đệ bí tích này còn “hơn cả
tình yêu của phụ nữ” (hãy xem tình bạn của David và
Gionathan trong 2 Sm 1,26) và tình huynh đệ ấy trở thành bảo
đảm cho đời độc thân của mọi linh mục trong tất cả cuộc sống
và sứ vụ của họ. “Ngọt ngào tốt đẹp biết bao, anh em được
sống vui vầy bên nhau” (Tv 132, 1). Thượng Hội Đồng Giám Mục
năm 1971 ước mong rằng các hiệp hội linh mục phải được cổ vũ
và phát triển để cung ứng cho họ sự trợ giúp huynh đệ.426
c. Tương Quan Với Giáo Dân
Nam Cũng Như Nữ
Theo sắc lệnh về Chức vụ và Đời sống
linh mục, các linh mục phải nhớ rằng mọi người đã được rửa
tội đều phải cùng nhau làm việc cho Nước Chúa, vì tất cả là
thành viên của cùng một thân thể Đức Kitô. Các ngài phải
nhìn nhận và thăng tiến phẩm giá và sứ vụ của giáo dân, sẵn
lòng lắng nghe họ, coi trọng những ước mong của họ, nhìn
nhận kinh nghiệm và chuyên môn của họ trong các lãnh vực
khác nhau của hoạt động nhân loại, tin tưởng vào phận vụ của
họ trong việc phục vụ Giáo Hội, để họ có đủ tự do và lãnh
vực hoạt động, và cho họ cơ hội thích hợp gánh vác công việc
theo sáng kiến của họ. Các linh mục cũng phải dẫn dắt giáo
dân đi đến hiệp nhất, sự thật và công ích, hoà giải những
khác biệt về tâm thức để không ai cảm thấy mình xa lạ ở
trong cộng đoàn tín hữu.
Còn về phía mình, giáo dân phải nhận
biết bổn phận đối với các linh mục của mình, và bằng chia sẽ
ân cần, họ giúp các ngài bằng lời cầu nguyện và công việc,
ngõ hầu các ngài có thể sẵn sàng vượt qua những khó khăn mà
chu toàn sứ vụ cách hiệu quả hơn.427
d. Tương Quan Với Phụ Nữ:
Trợ Lực Hay Là Vấn Đề Cho Cuộc Sống Và Sứ Vụ Của Linh Mục?
Theo sách Sáng Thế (St 2, 18-24) và
theo quan niệm Á Đông về Âm-Dương,428 người nam và người nữ
rất gắn bó nhau, hấp dẫn nhau và bổ túc cho nhau. Người nam
không thể là một con người nếu không có người nữ và ngược
lại. Điều này đã khởi sự ở trong gia đình và ngay từ thời
niên thiếu: người nam và người nữ bổ túc cho nhau và sự
sống, cả nhân bản và thiêng liêng, vẫn tiếp tục trải ra và
phát triển.
Sự việc cũng như thế với các linh mục
và phụ nữ, nữ tu hay nữ giáo dân. Trong những mối tương quan
này, có nhiều phương diện của cuộc sống thật ý nghĩa và đẹp
đẽ và có nhiều công việc thật tuyệt vời. Tuy nhiên, họ không
luôn luôn là trợ lực, nhưng lắm khi cũng là vấn đề và sa lầy
không lối thoát,429 cho một số linh mục.
Mọi thân xác đều mang giới tính. Quà
tặng độc thân của linh mục có thể bị nguy hiểm, nhất là khi
một người nam đơn độc ở với một người nữ đơn độc lâu giờ
trong một nơi cửa khóa chặt, mà không có bất cứ khoảng cách
nào, cùng với những biên giới cần thiết về thể lý, tâm lý và
thiêng liêng. Và, vì một người đàn bà, một số linh mục đã từ
bỏ thừa tác vụ, nhất là trong bối cảnh hiện nay của nền văn
minh lấy cái tôi làm trọng tâm, vật chất, hưởng thụ, khoái
lạc, phim con heo và nhục dục.
Vì thế, đời sống độc thân linh mục cần
được bảo vệ cách ý thức bằng việc đặc biệt giữ cảnh giác cảm
xúc và toàn bộ cách cư xử của mình, với ý thức rằng “chúng
ta gìn giữ kho tàng ấy trong những chiếc bình sành” dễ vở (2
Cr 4,7). “Cách thực tế, một lối sống phù hợp với chức linh
mục không thể được phát triển, nếu chủng sinh dấn thân vào
một mối quan hệ độc hữu với một phụ nữ.”430
Đối diện với những vấn đề này, người ta
được thúc đẩy thiết lập một mối tương quan trưởng thành,
lành mạnh, hài hoà và quân bình giữa cả hai phái. Các chủng
sinh tốt nghiệp có thể tự hỏi về quan niệm của mình đối với
người khác phái, về cách quan hệ với phụ nữ và về những ảnh
hưởng hổ tương của họ thế nào? Họ có mối quan hệ riêng biệt
nào với một số phụ nữ hay với một số phụ nữ sống đời thánh
hiến không? Đâu là nguyên nhân của mối quan hệ này? Có cảm
nhận gì hay triệu chứng nào đáng nghi không ?
e. Tương Quan Với Các Nữ Tu:
Phải Khôn Ngoan Và Tỉnh Thức
Đối với các nữ tu, kể cả các nữ giáo
dân tình nguyện và tông đồ, linh mục phải giữ trong trí óc
và tâm hồn sự lệ thuộc của họ và chính sự lệ thuộc của mình
đối với Chúa, và “trả cho Thiên Chúa những gì thuộc về Thiên
Chúa” (x. Mc 12,17). Linh mục cũng phải tôn trọng các nữ tu
vì họ là “những cộng tác viên - chứ không phải những thuộc
hạ hay người giúp việc - luôn sống trong sự bổ túc, hài hoà
và liên đới.”431
Nhưng, vì với lý tưởng chung là dâng
hiến trọn vẹn đời sống cho Chúa và Dân Chúa như là những
cộng tác viên, người ta có thể có mối tương quan thân mật,
bằng sự cởi mở tâm sự cho nhau, bằng sự hiểu nhau và chia sẻ
sứ vụ, những thành công cũng như những khó khăn, tin tưởng
nhau, cảm thông với nhau, dịu dàng và ân cần chăm sóc. Chính
từ sự thân mật này, một cảm nhận “yêu thương” có thể dễ dàng
phát sinh và phát triển, rồi tình trạng có thể trở nên nguy
hiểm hơn, với những hình thức được bộc lộ ra như muốn chiếm
hữu, ghen tuông, và muốn độc quyền. Linh mục đừng quên lời
khuyên của Chúa Giêsu (x. Mt 26,41; Mc 14,38): là những con
người thánh hiến, nhưng họ vẫn không thôi là những con người
với những yếu đuối nhân loại.
Các linh mục cũng phải ý thức rằng sự
thân mật là nhu cầu của con người, nhưng sự thân mật trong
đời sống độc thân không cần (và không được) được biểu lộ có
tính cách phái tính và đồng hóa với hoạt động truyền sinh.
Sự thân mật độc thân có mức độ thích
hợp của nó. Chính mức độ riêng biệt này cung ứng cho họ đủ
tự do để yêu thương mọi người và không vượt qua các giới hạn
của nó. Họ có thể khuôn đúc mối tương quan nam nữ của họ
theo gương mẫu đời sống của Chúa Ba Ngôi và kêu xin Chúa ban
can đảm để thăng tiến, vượt thắng và thánh hoá “tiếng gọi
nhân loại” này, ngõ hầu giúp nhau sống và chu toàn những gì
đã cam kết trong ơn gọi và sứ vụ của mỗi người.
Để dễ dàng thực hiện điều đó, họ phải
biết tôn trọng nơi chốn, thời gian, khoảng cách và giới hạn
cần thiết, về thể lý cũng như tâm lý, của các cuộc gặp gỡ.
Họ phải rõ ràng và thành thật với chính mình, với người khác
và với Thiên Chúa, bởi vì sự “hẹn hò” yêu thương thường được
che giấu dưới những cớ hợp pháp và xứng đáng của các công
tác và hoạt động mục vụ, nhưng “thực tế đó là những nghiêng
chiều nguy hiểm của con tim.”432 Thật vậy, “bất cứ linh đạo
đích thực nào cũng phải nghiêm khắc và mạnh mẻ, đòi hỏi
thường xuyên cảnh giác và thức tỉnh.”433 Vì thế, mô hình đào
tạo của ICLA với môi trường hổn hợp có thể là một chuyển
tiếp tốt và thích hợp từ mô hình cũ tách biệt thế giới đàn
ông và thế giới đàn bà, sang một nếp sống gần gủi, thân mật
và tự nhiên như hiện nay.
Trong hoàn cảnh tế nhị này, sự hiện
diện yêu thương và đời sống cộng đoàn sẽ mang lại sự trợ
giúp cần thiết. Bởi tình bạn dâng hiến và nhiệt tình, mỗi
người có thể là sự trợ giúp lớn lao cho người khác, trong
việc soi sáng và khích lệ lẫn nhau, khi phải chịu đựng những
hoàn cảnh nguy hại khác nhau, cũng như sự lây nhiễm một thứ
tinh thần thế tục nào đó.434 Người ta cũng không được quên
nhu cầu cầu nguyện, khổ chế, ăn chay và chiêm niệm: “Người
ta không thể đi theo con đường khó nếu không có một thứ khổ
chế đặc biệt.”435
Nhưng trên hết, mỗi người phải tin rằng
tình yêu của Thiên Chúa lớn hơn tình yêu nhân loại (một tình
yêu lớn hơn vượt thắng tình yêu nhỏ hơn và những hấp dẫn của
nó); rằng chỉ có Thiên Chúa mới làm thoả mãn được con tim
chúng ta và chúng ta thế nào thì Ngài yêu thương chúng ta
thế ấy, và Ngài yêu thương chúng ta cho đến tận cùng; và
rằng chúng ta đã “chọn phần tốt hơn.”436 Chúa luôn hiện diện
trong cuộc đời chúng ta như là “người canh giữ”, như là
“bóng mát” của cột mây ban ngày và cột lửa ban đêm để soi
đường trong sa mạc, và như là “cánh tay uy quyền” của người
bảo vệ.437
f. Tìm Những Con Đường
Tương Quan Tốt
1) Linh Mục Trong Tương Quan
Với Mẹ Và Chị Em Của Mình
Mối quan hệ đầu tiên và cơ bản nhất của
linh mục với các phụ nữ phải kể cụ thể là mối quan hệ với
chính mẹ và chị em của mình. Mẹ của ngài là người phụ nữ mà
ngài đã nhận được sự sống, và nhờ mẹ mà ngài có được ơn kêu
gọi. Sự dịu dàng và chăm sóc yêu thương của tình mẹ nâng đỡ
và bảo vệ ngài, giúp ngài lớn lên trong đời sống nhân bản
cũng như đời sống thiêng liêng. Mẹ và chị em luôn tiếp tục
đồng hành với ngài, với tình yêu thương, cầu nguyện, với
chăm sóc canh phòng nhưng đầy kính trọng. Một linh mục tốt
luôn giữ mối liên hệ mật thiết với mẹ và các chị em mình,
đặc biệt trong thời gian dao động tình cảm và bị cám dỗ.
2) Hãy đối xử với các Cụ Bà
như là mẹ mình, và với các thiếu nữ như chị em mình với tấm
lòng trong sạch” (1 Tm 5,2):
Từ thời niên thiếu về sau, linh mục nào
cũng đều đã gặp gỡ các thiếu nữ và đàn bà, trong hàng xóm
láng giềng hay tại trường phổ thông, và đại học. Để sống
hồng ân quí giá là đời sống độc thân vì Nước Trời trong con
đường trưởng thành và trong sáng, điều xem ra đặc biệt quan
trọng là linh mục phải phát triển cách sâu xa trong chính
mình, hình ảnh của các phụ nữ như mẹ và chị em mình, với
cùng một lòng yêu thương và kính trọng như đối với mẹ và chị
em mình.
Trong thời đại hôm nay, linh mục phải
biết “khám phá ra phẩm giá và ơn gọi của phụ nữ trong Giáo
Hội và trong thế giới.”438 Sự thăng tiến này làm cho người
nam và người nữ cảm thấy bình đẳng và biết tôn trọng nhau
trong mọi khía cạnh. Nhưng, Đức Phaolô VI cũng nhắc Dân Chúa
trách nhiệm của họ là cầu nguyện và chân thành trợ giúp các
linh mục vượt qua mọi nỗi khó khăn, tận tình yêu thương các
ngài với tình con thảo và sẵn sàng cộng tác với các ngài,
với kính trọng và tế nhị dè giữ, khích lệ và an ủi, vì các
ngài là những người hoàn toàn tận hiến cho Chúa Kitô và Giáo
Hội.439
3) Nhìn Vào Cách Ứng Xử Của
Chúa Giêsu Và Mối Tương Quan Hài Hoà Của Ngài Với Phụ Nữ
Phúc Âm cho chúng ta biết rằng thái độ
ứng xử của Chúa Giêsu mang lại tự do và hòa điệu giữa Ngài
và các phụ nữ. Chúng ta hãy xem vài khuôn mặt chính:
* Mẹ Maria, người mà Ngài đã tỏ lòng
yêu thương của một người con và hết lòng kính trọng vâng
phục; và Mẹ đã trở nên bản đối chiếu mật thiết của Ngài
trong việc lắng nghe và thực thi ý Chúa;
* Mattha và Maria ở Bethania nơi mà
Chúa thường ghé qua trong cuộc hành trình truyền giáo; và
Ngài đã trở nên rất gần gũi với họ;
* Người phụ nữ xứ Samaria, được hoán
cải và đổi mới, đã giới thiệu Chúa Giêsu cho dân chúng vốn
không biết đến căn tính đích thực của Ngài;
* Maria Madalena, người được cứu sống
và hoàn toàn biến đổi nhờ Chúa Giêsu; cô đã thấy Chúa Phục
Sinh và nhận lãnh trực tiếp từ Ngài sứ vụ loan báo sự sống
lại;
* Người phụ nữ vô danh mà Chúa đã dạy
cho biết hạnh phúc lớn lao là lắng nghe và thực hành lời
Chúa;
* Các con gái thành Giêrusalem đã theo
Chúa trên con đường thánh giá.
Linh mục cần học từ Chúa Giêsu, là Thầy
và Chủ của mình, cách thức quan hệ và ứng xử thế nào cho
đúng mực với các phụ nữ.
3.
Tương Quan Với Thiên Nhiên
Trong thời đạo đức sinh học của chúng
ta hôm nay,440 linh mục cần thiết lập một mối tương quan
lành mạnh với toàn thể thế giới được tạo thành, nơi mà Chúa
Thánh Thần hằng hoạt động. “Thiên Chúa ở trong tất cả” là
lối hiểu nền tảng của mối tương quan giữa Thiên Chúa và thụ
tạo:441 Thiên Chúa không ở ngoài thụ tạo và Ngài tiếp tục
sáng tạo, canh tân tạo vật của Ngài cho đến kiện toàn viên
mãn theo kế hoạch yêu thương của Ngài (2 Cr 5,19; 1 Cr 8,6;
Eph 1,3-14; Cl 1,15-29; Ga 1,1-3; Kh 21,5), và cứu chuộc nó
(Rm 8,19). Chúng ta được kêu gọi tham dự vào công trình sáng
tạo này của Thiên Chúa (St 1, 28) như một trách nhiệm tôn
giáo. Thật vậy, đời sống thiêng liêng là toàn thể cuộc sống
được sống trong Thần Khí, nên khi chăm sóc thụ tạo, chúng ta
cũng làm cho trách nhiệm này hoà nhập vào chính đời sống
thiêng liêng của chúng ta.
Để chu toàn đời sống và sứ vụ linh mục
của mình, linh mục phải nhìn vào đời sống và giáo huấn của
Chúa Giêsu liên quan tới tạo vật: hạt giống, hoa cỏ, chim
trời, cá biển, cây nho, vườn tược, cánh đồng, mùa gặt, sa
mạc, núi non, v.v.… Chúa Giêsu được Thần Khí hướng dẫn và
Ngài thường ra đi vào sáng sớm tinh sương hay muộn màng khi
trời đã tối, ngay cả giữa đêm khuya thanh vắng, một mình,
vào sa mạc hay lên núi, ở đó sứ mạng và sự hiệp thông thân
mật của Ngài với Chúa Cha được thử thách, khẳng định và củng
cố (x. Mc 6,31).
Linh mục nên tìm thư giãn trong các môi
trường thiên nhiên, để nuôi dưỡng đời sống thiêng liêng và
gia tăng hiệp thông thân mật với Thiên Chúa, bằng cách để
cho trí óc và con tim ngưỡng mộ và thưởng thức vẻ đẹp của
tạo vật. Ngài có thể dành thời gian để suy ngắm và cầu
nguyện ngay trên bờ biển lúc rạng đông lên hay khi hoàng hôn
xuống, dưới ánh trăng sao dịu mát ban đêm giữa cánh đồng bao
la bát ngát hay trong rừng sâu giữa mùa hè …. Ngài có thể
lắng nghe tiếng sóng vỗ của đại dương, tiếng reo của suối,
của cây cối, của chim chóc, của hoa cỏ …. như là nghe thấy
Chúa Thánh Thần442 nói trong trí khôn, trong con tim và
trong linh hồn vậy.
Ngài sẽ cảm nhận rõ sự hiện diện thân
tình của Thiên Chúa nơi thiên nhiên, đồng thời ngài cảm nhận
được sự cao cả của Chúa và sự thấp hèn của mình. Ngài sẽ học
thực hành sống khiêm nhường trong tương quan với Thiên Chúa,
với tha nhân và với tạo thành. Ngài cũng thực hành thư giãn
thân thể nhờ nhịp độ của hơi thở: Khi hít vào, ngài tưởng
tượng rằng năng lực của Chúa Thánh Thần đang chuyển vào
trong mình ngài để chữa lành, thánh hoá và tăng thêm sức
mạnh, và trong khi thở ra lại tưởng tượng rằng Chúa Thánh
Thần đang đẩy những điều xấu ra khỏi cuộc sống mình. Một
tinh thần lành mạnh trong một thân thể tráng kiện. Nếu chúng
ta biết vun trồng và bảo vệ thiên nhiên, thì thiên nhiên sẽ
bảo vệ và tăng sức lực cho chúng ta.443
còn tiếp |