Đây là nhóm do chị Nguyễn Thị
Vinh thành lập. Chị là một giáo dân, vì xót thương
những bệnh nhân AIDS bị bỏ rơi, đã cùng với gia đình ra tay
giúp đỡ. Gương hy sinh của chị đã lôi cuốn nhiều giáo dân
khác – nam cũng như nữ, trẻ cũng như già, đủ mọi thành phần
xã hội – tham gia nhập cuộc để băng bó vết thương đau của
những nạn nhân xấu số nầy.
Nhóm được thành lập năm 1999, lúc đầu
chỉ có hơn chục người, không trụ sở, chẳng nguồn tài trợ.
Tài sản lớn nhất của nhóm là sự đoàn kết và những tấm
lòng đầy nhiệt huyết. Thế rồi tất cả cũng dần dần ổn
định, dù còn rất nhiều khó khăn.
Hiện tại, thành viên nhóm Tiếng Vọng độ
30 người, có người khỏe mạnh, có người nhiễm HIV. Nhưng tất
cả đều giống nhau một điểm là tấm lòng thương yêu đối với
bệnh nhân.
TIẾT MỘT
SỰ HÌNH THÀNH NHÓM TI ẾNG
VỌNG
Được cha Nguyễn Viết Chung giới thiệu,
tôi đã đến thăm chị Nguyễn Thị Vinh tại tư gia và tại hai
gian phòng nhỏ nằm khuất sau nhà thờ giáo xứ Phú Trung
là nơi chị săn sóc bệnh nhân HIV/AIDS mỗi buổi sáng, từ
thứ hai đến thứ bảy, để tìm hiểu nhóm “Tiếng Vọng”.
Tư gia chị Nguyễn Thị Vinh
Tôi đến thăm chị Vinh vào trưa Chúa
nhật tại đường Cách Mạng Tháng Tám (tức Lê Văn Duyệt
trước kia), vào hạ tuần tháng 10/2006. Đó là một căn nhà hai
tầng lầu, phía trước cho người ta mướn để sửa xe gắn máy.
Chúa nhật là ngày duy nhất trong tuần chị được nghỉ ngơi để
chăm lo việc nhà, vì những ngày khác chị bận săn sóc bệnh
nhân nhiễm HIV/AIDS.
Địa chỉ chị Nguyễn Thị Vinh:
876/27 CMT8 P.5
Q. Tân Bình TP HCM
ĐT: (08) 846 0494
DĐ: 0908 325899
Email:
echovinh@yahoo.com
Vừa bước vào nhà, sau khi chào hỏi
xong, chị mời tôi ngồi xuống ghế salon. Những cú điện thoại
tới tấp. Tôi phải đợi khoảng mười lăm phút, chị mới có thể
tiếp chuyện được.
Chị Vinh không có dáng dấp khác thường,
khiến người ta có thể đoán biết chị là một giáo dân được
ơn gọi đặc biệt như thế. Thấy chị có vẻ xông xáo, năng
động và còn nhiều năng lực, tôi có cảm tưởng chị là một
doanh gia nhiều hơn.
Ơn gọi của chị
Qua sự trao đổi với tôi, chị cho biết
cách đó khá lâu, chị làm ăn phát đạt, làm sở hữu mấy căn
nhà. Nhưng chị cũng nhận ra rằng của cải, tài sản
dù có nhiều đến đâu khi chết cũng không mang theo
được. Từ đó, chị cảm thấy ơn gọi phải phục vụ người khác
hơn là kiếm tiền.
Trước kia đã lâu, nhân tham dự một cuộc
tỉnh tâm ở Dòng Chúa Cứu Thế, chị cảm thấy ơn gọi dấn thân
phục vụ cho những nạn nhân xấu số đang mang căn bệnh thế
kỷ là HIV/AIDS. Chị may mắn được chồng vốn là một người
tu xuất, đã hổ trợ chị trong công tác nầy. Ngoài ra các con
của chị cũng giúp đỡ chị nữa.
Săn sóc tại gia
Trước khi thi hành công tác phục vụ
bệnh nhân HIV/AIDS, chị Vinh đã đi khắp nơi, từ trại cùi,
nhà trẻ mồ côi đến các vùng dân tộc thiểu số… làm công tác
xã hội - từ thiện, nhưng công việc phục vụ như bây giờ thì
quả thật chị chưa từng nghĩ tới. Tất cả như một sự xếp đặt
và khi chị đã dính vào rồi thì không thể dứt ra được nữa.
Khi bắt tay vào việc chăm sóc bệnh nhân
AIDS, trước tiên chị đi khắp hang cùng ngõ hẻm, lượm lặt
những kẻ đang cận kề cái chết để lau rửa vết thương, thay
quần áo, cho thuốc men... Nhặt được bệnh nhân đang trong cơn
nguy kịch là chị đưa ngay đến bác sĩ. Nhiều người từ chối
thẳng thừng, thậm chí còn mắng chị rỗi hơi, “ôm rơm nặng
bụng”, chỉ đến lúc biết chị là tham vấn viên, họ mới dịu
bớt.
Sức người có hạn, đất Sài Gòn lại rộng
mênh mông, chạy suốt ngày vẫn không xuể, chẳng còn cách nào
khác, chị bấm bụng thuê một căn nhà trên đường Lê Văn
Quới, huyện Bình Chánh làm nơi tá túc cho các bệnh nhân
để dễ bề chăm sóc. Được một thời gian, hết tiền, chị liều
mạng đưa luôn họ về nhà, nhưng nhà thì chật, lại còn chồng
con, hàng xóm... Nhà đó chính là nơi chị đang tiếp tôi.
Với vốn liếng y học ít oi, nhưng chị
vẫn xông xáo. Nhìn thấy gương hy sinh của chị, từ từ nhiều
tình nguyện viên tham gia và trở thành “nhóm Tiếng
Vọng”.
Năm 2002, chị có tham gia khoá học
chăm sóc người nhiễm HIV/AIDS do UNICEF tổ chức
tại Hà Nội và năm 2004, chị đã tham gia khoá huấn
luyện chăm sóc và điều trị HIV/AIDS do Uỷ Ban Phòng
Chống AIDS TP Saigon phối hợp với chương trình
ESTHER của Pháp tổ chức.
Tuy nhiên việc chị săn sóc bệnh nhân
nhiễm HIV/AIDS tại gia cũng đã khiến lối xóm phẫn nộ
chống đối. Chị cũng phải mất công phân giải để họ thông
cảm. Lúc bấy giờ chị quen biết một linh mục làm phó xứ và
ngài cũng cảm thông với công tác hoạt động tông đồ của chị.
Ít lâu sau, cha đó được bổ nhiệm làm
chánh xứ của một họ đạo. Đó là cha xứ nhà thờ Phú Trung,
Phường 11, Q.Tân Bình. Ngài cho chị mượn hai phòng
trong giáo xứ: thế là có chỗ để khỏi phải chạy đôn chạy đáo
khắp nơi, dù thời gian chỉ được sử dụng từ sáng đến trưa.
Trong lúc chị đang nói chuyện với tôi
khoảng hai tiếng đồng hồ thì những cú điện thoại thỉnh
thoảng cứ vang lên, chị phải ngưng lại để trả lời rồi nói
chuyện tiếp.
Yêu cho đến cùng
Vào năm 2004, nhóm “Tiếng Vọng” đã xuất
bản “Đặc San số 5”, với tựa đề “Yêu Cho Đến
Cùng” nhằm trình bày những công tác của Nhóm đã thực
hiện. Vào thời điểm đó, Nhóm được 5 tuổi. Nhân dịp đến thăm
chị, tôi được chị trao tặng một tập đặc san nầy mà nội dung
nói lên tính cách đa dạng của nhóm, quay chung quanh trọng
điểm “tình yêu”.
Lưu Nguyễn Thảo Vân là một nhóm
viên đã nói lên “Con đường tình yêu”
của nhóm Tiếng Vọng như sau: Tôi chợt nhớ đến câu: “Bạn
hãy cứ cho đi và đừng đòi hỏi sẽ nhận lại được gì vì bạn sẽ
nhận nhiều hơn những gì bạn đã cho đi…” Đúng là tôi (Thảo
Vân) đã nhận được rất nhiều từ những bệnh nhận. Tất cả
rồi cũng sẽ qua đi, cũng sẽ nhạt nhòa và tàn phai theo năm
tháng. Chỉ còn lại tình yêu, tình đồng loại giữa con
người với con người. Càng dấn thân vào con đường phục vụ mọi
người, tôi càng thấm thía bài thánh ca thuở nào: “Người
ơi hãy nhớ mình là tro bụi, một mai người sẽ trở về bụi tro…”
TIẾT HAI
PHÒNG KHÁM BỆNH TẠI GIÁO XỨ
PHÚ TRUNG
Săn sóc bệnh nhân tại giáo xứ
Trong một bài viết
gần đây, Ngọc Anh – Thanh
Thúy đã mô tả cảnh tượng săn sóc bệnh nhân AIDS
tại giáo xứ Phú Trung như sau:
Vài bệnh nhân được người nhà đưa đến khám, chỉ còn da bọc
xương, vật vờ như cái bóng. Nhìn không gian tĩnh lặng, ít ai
biết trong hai căn phòng nhỏ ấy có những thiên thần đang tất
bật, gồng mình giành giật từ tay tử
thần chút thời gian ít ỏi
cho các bệnh nhân AIDS.
Chị Vinh nhẹ nhàng dùng tay nắn khối hạch to như trái
cam, đỏ lừ dưới cổ cô gái, dịu dàng nói: “Con vẫn hút
thuốc à? Cô đã nói con đừng hút nữa, sao con không nghe?”.
“Bỏ thuốc khó lắm, nhưng từ giờ con sẽ cố” – cô gái
đáp lại bằng lời lẽ hết sức lễ phép, khác hẳn với gương mặt
lỳ lợm, nhuốm nét bụi bờ của cô.
Sau cô gái, từng người, từng người một,
hầu hết đều còn rất trẻ, đến ngồi cho chị khám. Với ai, chị
cũng ân cần hỏi kỹ tình hình tiến triển của bệnh: “Con
còn ngứa không? Có đau chỗ nào không?” rồi bắt há miệng,
xem nấm họng, mở áo xem những chỗ viêm loét.
Chị không phải là người thân của họ,
chẳng ai trả tiền cho chị làm công việc mà rất nhiều người
không dám làm này. Vậy mà cả chục năm nay chị đã gắn bó với
những con người bất hạnh ấy.
Có những kẻ vì hút chích, chơi bời mà
vướng bệnh, nhưng cũng không ít người là nạn nhân, bị lây
bệnh từ người thân hoặc do đạp phải kim tiêm, ống chích. Tất
cả họ đều mang án tử hình lơ lửng trên đầu và họ đến với chị
như chỗ dựa cuối cùng để bấu víu. Không phải bác sĩ cũng
chẳng phải dư ăn dư để, chị chỉ là một người dân hết sức
bình thường.
Đồng bệnh tương lân
Ngọc Anh –
Thanh Thúy kể tiếp:
Trong lúc chờ gặp chị Vinh, chúng tôi
thấy một thanh niên chừng 27 - 28 tuổi say sưa đọc sách.
Nhìn anh cũng khỏe mạnh như những người bình thường, hỏi ra
mới biết anh tên Hùng, một thành viên của nhóm Tiếng Vọng.
Chuyện đời của Hùng nghe thật buồn.
Hùng đã từng có một gia đình hạnh phúc, êm ấm với cha mẹ và
một cô em gái. Năm Hùng học lớp mười, rạn nứt giữa cha mẹ
bắt đầu xuất hiện và ngày càng không thể hàn gắn: hai người
đưa nhau ra tòa, Hùng bỏ nhà đi bụi. Trộm cắp, bảo kê...
việc gì anh cũng làm. Bạn bè rủ chơi ma túy, Hùng tham gia
rồi nghiện ngày càng nặng.
Những cuộc gặp gỡ giữa anh với mẹ và em
gái chỉ toàn nước mắt. Không thể nhìn những người thân đau
khổ mãi, Hùng quyết định tự cai và năm 2000, anh đã thật sự
đoạn tuyệt với “nàng tiên áo trắng”.
Những tưởng đó chỉ là một quãng đời lầm
lỗi và tất cả sẽ qua, nhưng năm 2004, Hùng bị viêm ruột thừa
phải nhập viện mổ. Kết quả xét nghiệm HIV dương tính đã
khiến anh như ngây dại. Suy sụp rất nhanh, khi đến với chị
Vinh, người Hùng chỉ còn da bọc xương, đi không vững.
Được những người bạn trong nhóm Tiếng
Vọng hết lòng chăm sóc, sức khỏe hồi phục. Hùng bắt đầu lo
cho những người cùng cảnh ngộ. Dù biết thời gian của mình
còn không nhiều, nhưng anh vẫn rất lạc quan. Hùng cho biết
dù đã bỏ học 12 năm, nhưng bây giờ anh đang đi học lại. Xong
cấp III, anh sẽ tham gia lớp điều dưỡng để giúp những người
cùng cảnh ngộ.
Đi thăm phòng khám bệnh giáo xứ Phú
Trung
Vào một buổi sáng thứ sáu trong tuần,
cha Nguyễn Viết Chung đi khám bệnh cho các bệnh nhân ở giáo
xứ Phú Trung, tôi đã xin phép cha cho tháp tùng đến đó. Cha
chở tôi đi xe gắn máy. Sau khi đi qua Lăng Cha Cả trước kia
– nay không còn dấu vết nữa – cha phải chạy thêm vài đoạn
đường khác mới tới giáo xứ đó. Tuy còn sớm mai, khoảng trên
tám giờ mà đường sá đã tấp nập xe cộ.
Khi băng qua sân giáo xứ Phú Trung để
vào phòng khám bệnh, tại một góc sân, vài xe gắn máy của
bệnh nhân đã đậu sẵn ở đó. Nhìn những anh chị mắc bệnh, thân
thể tiều tụy, nét mặt không vui, tôi cảm thấy đau lòng.
Bước qua một hành lang hơi tối, mới vào
một căn phòng chật hẹp, hơi thiếu ánh sáng và không được
sạch sẽ cho lắm, với những dụng cụ thuốc men ngổn ngang, tôi
cảm thấy một sự buồn nôn. Trông mấy anh chị bệnh nặng đang
nằm trên mấy chiếc giường củ kỷ ở phòng kế bên, đợi được
khám bệnh và cho thuốc, tôi không có đủ can đảm nhìn họ.
Thấy cha Chung bắt đầu sửa soạn khám
bệnh – ngài vẫn vui vẻ hồn nhiên – tôi cảm thấy mình lạc
lõng xa lạ. Nhìn quanh, tôi càng cảm thấy ớn lạnh hơn. Chỉ
trong năm mười phút thôi, tôi đành xin phép cha Chung ra về
trước, mặc dù chị Vinh chưa tới để tôi chào hỏi. Tôi không
đủ can đảm ở lại lâu hơn.
Ra đường, tôi vừa đi vừa nghĩ ngợi.
Giữa lúc xe cộ đang tấp nập chạy trên một đại lộ lớn thì
ngay bên lề đường, một người đàn ông khoảng ba mươi tuổi
đang nằm cựa quậy, hình như bị chếnh choáng hơi men hay bị
cơn ma túy dằn vật, tôi không rõ. Người qua kẻ lại, họ chỉ
liếc mắt nhìn rồi thanh thản đi qua. Hình như cảnh tượng đó
xảy ra rất thường, giống cơm bữa vậy.
Tôi đứng lại nhìn nạn nhân năm ba phút
rồi cũng đành lòng đi qua, biết mình bất lực, không làm gì
được.
TIẾT BA
CHỊ TRƯỞNG NHÓM
Một quản lý viên bảo hiểm cao cấp
Theo Tony Trần, chị trưởng nhóm
Nguyễn Thị Vinh là một phụ nữ có chồng và là mẹ của
ba người con. Trước kia chị là một quản lý bảo hiểm cao cấp
của công ty Prudential đang làm ăn phát đạt tại Việt
Nam. Ngoài việc chu toàn bổn phận người vợ và người mẹ trong
gia đình, chị còn là “sếp” của một nhóm tình nguyện viên
hoạt động từ nhiều năm nay, chuyên chăm lo cho những người
bị nhiễm HIV/AIDS ở giai đoạn cuối.
Không những chị tham gia mà còn lôi kéo
cả đại gia đình của chị tham gia một cách tích cực và vui vẻ
để phục vụ những bệnh nhân xấu số. Ngôi nhà của chị như là
một tổng đài điện thoại để giải đáp những thắc mắc và trở
thành điểm tập trung cho những trận “xung kích” của nhóm.
Tự bạch
Riêng chị Nguyễn Thị Vinh đã cho
biết về chị như sau: Chồng tôi bảo tôi là kẻ chuyên thương
vay khóc mướn. Mọi bạn bè đều nói tôi là đồ khùng. Nhưng tôi
cũng chẳng thấy tự ái.
Tôi bắt đầu công việc “khùng”
nầy từ cuối năm 1988. Lúc đó là buổi cuối cùng của ngày tĩnh
tâm tại Dòng Chúa Cứu Thế và cha Vũ Khởi Phụng đã kêu
gọi trong nhà thờ là có những bệnh nhân AIDS bị bỏ rơi trong
các bệnh viện, rất cần người giúp đỡ. Chính cụm từ “bị
bỏ rơi” nầy ám ảnh tôi, khiến tôi bức xúc, nên tôi
đã nhanh chóng ghi tên vào danh sách đầu quân tình nguyện.
Tôi được bác sĩ Nguyễn Đang Phấn
huấn luyện cấp tốc về chuyên môn. Nói thiệt, tôi chẳng hiểu
biết tí gì về y học và vốn liếng học vấn lại ít ỏi. Tôi chỉ
có được một ít hành trang để mang vào công việc phục vụ nầy:
đó là “tấm lòng, bầu nhiệt huyết và lòng kiên trì
của tôi”. Tất cả những gì Chúa trao ban cho tôi từ sức
khỏe, trí khôn, tiền bạc, học vấn, kinh nghiệm…tôi đều dốc
tâm sức ra để phục vụ Ngài. Tôi cảm thấy rất hạnh phúc được
phục vụ!
Có lần một người bạn hỏi tôi: “Em
còn khả năng để kiếm được nhiều tiền, sao em không làm mà
lại lao vào chuyện ‘ruồi bu’ nầy, vừa mất thời giờ vừa không
giống ai?” Tôi trả lời: “Với những con người bị mọi
người xa lánh, hất hủi nầy, họ cần đến sự ‘ấm áp tình người’
để ra đi thanh thản. Mình đã làm được điều họ cần và mình
cảm thấy hạnh phúc. Cuộc sống của con người là gì? – Là mưu
cầu hạnh phúc – vậy mình kiếm được hạnh phúc rồi, cớ gì lại
phải đi tìm một hạnh phúc khác, mà chắc gì mình toại nguyện?”
Vả lại tôi cũng nghĩ thêm là bây giờ
tôi còn khỏe mạnh, trí khôn còn minh mẫn để làm việc, sao
tôi lại không dốc tâm để phục vụ? Mai nầy tôi già, gối thì
mỏi, chân thì chồn, lúc đó tôi có muốn phục vụ thì cũng
không còn đủ sức để hoạt động nữa. Không biết với lối suy
nghĩ nầy – tôi có trở thành kẻ gàn dở hay không?
Tôi may mắn được người chồng luôn ủng
hộ tôi làm công tác nầy. Các con tôi cũng thế. Những lúc
không có ai đi cùng hoặc đêm hôm thanh vắng có những “ca”
gọi cấp cứu, tôi đành phải nhờ đến con và chồng tôi. Có
nhiều lúc bệnh nhân làm phiền hà gia đình tôi cả vào những
giây phút riêng tư tôi dành cho gia đình, nhưng có lẽ do sự
“đam mê” của tôi nên các thành viên trong gia đình tôi cũng
đành phải chấp nhận.
Đối với các nhóm viên Tiếng Vọng cũng
vậy, hình như họ cũng bị lây “cái khùng” của tôi. Tôi rủ họ
đi bất cứ nơi đâu, làm bất cứ việc gì cho dù dơ bẩn, hôi
hám…họ cũng đều làm một cách nhiệt tình hăng say mà lại còn
vui vẻ nữa mới chết chứ!
Trong khi tôi đang viết những dòng chữ
nầy thì em K. gọi điện về báo cho biết bệnh nhân tên B.
không còn lấy được “ven” nữa. Bây giờ lại một cú điện thoại
khác: chị T. báo cho biết em L. ở quận 2 vừa chết. Thêm một
cú gọi điện thoại khác của em T. báo cho biết anh T. hết
thuốc lao rồi, tới nhà lấy thuốc bây giờ được không?
Dẫu biết rằng tất cả đều là tình nguyện
viên, họ làm việc vì Chúa và cho chính bản thân họ, nhưng
nếu có chuyện gì bất trắc xảy ra cho họ trong khi đi làm
công tác thì tôi sẽ bị ân hận biết bao vì chính tôi là người
đã “xúi” họ đi.
Cuối cùng chị tâm sự với Chúa:
Lạy Chúa! Chúa biết tất cả mọi sự.
Chúa biết chúng con cần gì và muốn gì. Chúa biết những nỗi
ưu tư và băn khoăn của chúng con. Chúng con dấn thân vào con
đường phục vụ bệnh nhân AIDS với hoài bão làm giảm đi những
nỗi đau khổ cách nầy hay cách khác mà một số người phải chịu
đựng.
Với hoài bão ngăn chặn sự phát triển
của đại dịch thế kỷ nầy, chúng con làm với tinh thần hoàn
toàn vô tư. Chúng con không cần danh cũng không cần lợi.
Chúng con cũng chẳng dám nghĩ đến Chúa ban lại ơn cho chúng
con. Chúng con làm vì chúng con yêu mến Chúa thực sự và tình
yêu thương đồng loại của chúng con.
Như Chúa đã từng dạy bảo chúng con:
“Mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh
em bé nhỏ nhất của Ta đây là các ngươi đã làm cho chính Ta
vậy”. (Mt 25, 40)
TIẾT BỐN
NHÓM VIÊN
Đủ mọi thành phần
Ngày lễ Chúa Kitô Vua là mừng
sinh nhật và là bổn mạng của nhóm.
Năm tháng qua đi, có biết bao người từ
mọi thành phần như sinh viên, công nhân, tu sĩ,
bác sĩ…và cả những bệnh nhân đến với nhóm. Mỗi
người mỗi cung cách, mỗi hoàn cảnh, mỗi tuổi tác khác nhau
và ngay cả tín ngưỡng tôn giáo khác nhau nữa…nhưng
cùng chung một tinh thần.
Bác sĩ Nguyễn Đang Phấn
Tony Trần đã viết: Tôi vô cùng
cảm kích tấm lòng “lương y như từ mẫu” của bác sĩ
Phấn là người đã cưu mang và cứư giúp biết bao con người xấu
số. Vốn là một bác sĩ danh tiếng ở thành phố Saigon, ngoài
việc hành chánh ở hai bệnh viện, bác sĩ Phấn còn dành nhiều
thời giờ để giúp đỡ những bệnh nhân bất hạnh bằng chính nghề
nghiệp chuyên môn của mình.
Những bệnh nhân đã kéo dài thêm cuộc
sống và cảm thấy cuộc sống có ý nghĩa hơn với sự chăm sóc
tận tình và đầy tình yêu thương của cả hai vợ chồng bác sĩ.
Người ta cảm thấy vui và hãnh diện về những người Công Giáo
như vợ chồng bác sĩ Phấn đã sống đúng tinh thần của Chúa
Kitô.
Những tình nguyện viên
Tony Trần nhận xét về những tình
nguyện viên như sau: Họ là những người vô danh, những giáo
dân, những sinh viên còn rất trẻ, những cô thợ may duyên
dáng, những nhân viên của các công ty đầy hứa hẹn, những
chàng thợ hồ cục mịch, những giáo viên thanh lịch…sẵn sàng
ra đi khi có những ca nguy tử! Họ như là “hoa trong kẽ đá”,
một cách nói ví von tuyệt đẹp của một linh mục. Họ đang làm
cho vườn hoa cuộc đời phong phú thêm, tươi đẹp hơn nữa!
Vào nhóm thế nào
Ngọc Bích cho biết đã quen với
nhóm Tiếng Vọng như sau: mình thì rất thích làm công tác xã
hội, nhưng không biết nhóm nào để gia nhập và cũng chẳng ai
rủ rê mình cả.
Tình cờ trong xóm mình ở có một cô gái
trước đây làm nghề cắt móng tay dạo, mọi người đều thấy càng
ngày cô ấy càng gầy gò xanh xao rồi lại mụt nhọt lở loét
nữa. Tất cả dân trong xóm đều bàn tán, xầm xì. Họ bắt đầu xa
lánh cô, không ai dám gọi cô làm việc nữa cả. Thế là cô bị
thất nghiệp, không công ăn việc làm và tinh thần cô suy sụp.
Cô nằm bất động trong căn nhà trọ với
đứa con trai năm tuổi. Thằng bé vô tư hồn nhiên, loanh quanh
trong xóm, vui đùa với các trẻ em khác. Biết mẹ bệnh, không
dậy nấu ăn được, nó bèn đi xin ăn ở các nhà chung quanh. Mọi
người tò mò vào nhà xem mẹ nó ra sao?
Lúc đó mình mới biết tin nầy cũng vào
thăm. Thật là tội nghiệp! Cô ấy nằm im trên nền đất, đầu tóc
rụng hết, miệng đầy những bợn trắng (sau nầy mình mới biết
đó là nấm). Mọi người đều đoán là cô ấy bị “sida” và tránh
xa cô.
Do ông xã mình có quen biết với một Sơ
ở Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm, mình bèn gọi điện thoại lại
trình bày hoàn cảnh của cô gái thì được một Sơ ở đây cho
biết có một nhóm tên là “Tiếng Vọng” chuyên giúp đỡ
các bệnh nhân nầy và họ cho địa chỉ, số điện thoại.
Mình mừng quá và liên lạc ngay với chị
trưởng nhóm. Được chị hướng dẫn tận tình, mình đem cô ấy đi
xét nghiệm và lo thuốc thang cho cô ấy. Mấy ngày sau cô ấy
ăn được và ăn rất nhiều. Sau đó chị trưởng nhóm đã liên hệ
với Trung Tâm Mai Hòa và xin cho mẹ con cô ấy vào Trung Tâm.
Ở đó cô ấy đã được các Sơ chăm sóc tận tình cho đến ngày cô
ấy về với Chúa.
Đáp lại Tiếng vọng
Chị Kim Anh cho biết đã đáp lại
Tiếng Vọng như sau: lúc đầu tôi chẳng thích cái nhóm nầy tí
nào, làm việc thì giờ giấc lung tung. Tôi thấy có những lúc
ông xã tôi mới đi làm về nhà hoặc có được ngày nghỉ thì khi
nghe điện thoại gọi tới, ông phóng đi liền, mấy tiếng đồng
hồ sau mới trở về, làm tôi phải đợi cơm muốn chết.
Khi về nhà, thì bụng đói, mồ hôi nhễ
nhại. Ấy vậy, nét mặt ổng tươi roi rói. Thấy ổng vui, tôi
tôn trọng chồng, không muốn nói ra những nỗi bực dọc của
mình. Ngồi ăn cơm chung, ông kể toàn những chuyện gớm ghiếc,
buồn nôn.
Tôi định bụng lúc nào đó sẽ gặp chị
trưởng nhóm hỏi cho ra lẽ, nhưng chưa có dịp…Rồi sau đó làm
quen và xin gia nhập nhóm. Một buổi chiều nọ, Chị Vinh
trưởng nhóm rủ tôi đi công tác lần đầu tiên. Hai chị em chở
nhau tiến vào con hẻm ngoằn nghèo ở quận 1, vào một căn nhà
ẩm thấp, tối thui, dơ bẩn…Một em trai đang nằm co người trên
chiếc ghế salon rách nát.
Chị Vinh tiến lại gần hỏi han. Tôi ngửi
thấy mùi tanh hôi từ cơ thể em bốc ra, chân tay sưng phù,
móng chân móng tay đầy mủ như sắp rụng đến nơi, đầu cũng
sưng to, tóc rụng hết trơn, da đen thâm và những vẩy ở da
của em rụng đầy trên nền nhà. Nhìn hình ảnh kinh tởm đó, tôi
khiếp quá chạy ra ngoài đường, đứng bịt mũi, tanh quá, chịu
không nổi…
Rồi chị Kim Anh kể tiếp một kinh
nghiệm khác:
Lần khác, tới nhà bệnh nhân ở quận 6
thì đã 19 giờ. Thấy người bệnh rên la, đau đớn, chúng tôi
tập trung vào việc: đứa nấu nước nóng cho uống thuốc, đứa lo
chuyền nước biển, đứa day huyệt trên đầu cho bệnh nhân bớt
nhức…Sau khi bệnh nhân êm êm, chị Vinh dặn dò người nhà ít
câu, chúng tôi rút lui.
Chị Kim Anh còn ghi lại một cảm
tưởng đau buồn khi đi thăm một bệnh nhân còn trẻ: chúng tôi
từ giã em và gia đình, em nhìn theo không chớp mắt. Khi bước
chân ra tới cửa, tôi ngoảnh lại vẫn thấy đôi mắt em nhìn
theo. Ánh mắt nầy làm tôi không sao quên được. Ra về, lòng
tôi muốn khóc. Tôi thấy em đáng thương quá! Em không muốn
chết, với cái tuổi còn quá trè: 19 tuổi!
Công tác của các nhóm viên
Nguyễn Huỳnh Linh Thảo mới 23
tuổi đời nhưng đã có một thời gian khá dài tiếp xúc và chăm
sóc những người bị nhiễm HIV. Là giáo viên, một buổi đi dạy,
buổi còn lại Thảo đến với Nhóm Tiếng Vọng để chăm sóc những
người bị nhiễm HIV.
Thảo là một cô gái nhỏ bé có đôi mắt
biết cười và đôi bàn tay dịu dàng khi chăm sóc bệnh nhân.
Trong căn phòng nhỏ của nhóm, Thảo như con thoi lui tới giữa
các giường bệnh: truyền nước biển, lau rửa vết thương, chích
thuốc... Công việc luôn tay, nhưng cô vẫn líu lo trò chuyện,
thỉnh thoảng trong phòng lại vang lên tiếng cười của bệnh
nhân dành cho cô tiên nhỏ bé.
Thảo tâm sự: “Không hiểu sao, cứ
giúp được gì cho người bệnh là thấy tâm hồn mình nhẹ hẳn.
Trước đây, vì bận công việc, em đã tính xin nghỉ, nhưng chỉ
được vài ngày nhớ không chịu nổi, phải quay lại làm!” Mẹ
và em trai Thảo không những ủng hộ việc làm của cô mà còn
tham gia nên Thảo rất yên lòng.
Thảo đã từng có bạn trai nhưng khi biết
Thảo tham gia làm tình nguyện viên chăm sóc những người
nhiễm HIV, gia đình người ấy đã ra sức cấm đoán tình yêu của
hai người. Không vượt qua được rào cản, người ấy đã chia tay
Thảo.
Nhắc lại chuyện cũ, buồn một chút rồi
Thảo lại vui ngay: “Từ thời sinh viên, em đã tham gia
công việc này rồi, đi học khi nào trong ba lô cũng có kim
tiêm, bông băng, nước biển và thuốc men, hễ có người báo ở
đâu có bệnh nhân cần giúp đỡ là em đón xe buýt đi liền. Có
lần một bạn học thấy trong ba lô em có kim tiêm, tưởng em
nghiện nên báo lên khoa. Năm đó dù là bí thư chi đoàn nhưng
em vẫn không được danh hiệu sinh viên ba tốt. Cũng may, sau
đó nghe em trình bày, thầy cô và các bạn hiểu nên quý em hơn”.
Chuông điện thoại đổ từng hồi như giục
giã, Thảo nghe xong rồi chuẩn bị túi thuốc tất tả lên đường.
Riêng Chú ba cho biết công tác
của các nhóm viên như sau: chăm sóc, cung cấp thuốc men, đút
ăn uống, làm vệ sinh, thay quần áo, hớt tóc, cắt móng tay,
móng chân, quạt mát, ân cần hỏi thăm. Nếu ai có nhu cầu tâm
linh thì đã có vài linh mục sẵn sàng đáp ứng.
Nếu bệnh nhân trong đạo hấp hối lâm
chung thì chúng tôi đọc kinh trợ tử, tiễn đưa họ về nơi nhà
Chúa. Rồi chúng tôi cúi người, đặt lên trán họ một chiếc hôn
êm dịu, sau khi ghi dấu Thánh Giá với lời nguyện nầy: “Lạy
Cha, con xin phó thác linh hồn con trong tay Cha.”
Nếu bệnh nhân là lương dân thì chúng
tôi kín đáo ghi dấu Thánh Giá, kính cẩn hôn lên trán họ và
thì thầm với họ: “Nấy anh (nầy chị), xin chúc bạn thượng
lộ bình an. Cha từ ái của chúng ta đang chờ đón bạn và khi
gặp Ngài, xin hãy nói lại với Ngài rằng anh chị em chúng tôi
đây là kẻ còn ở lại nơi trần thế, chúng tôi đặt hết lòng
trông cậy vào Ngài.”
Nếu họ từ giả cõi trần trong nỗi cô
đơn, không người thân thuộc lo việc tống táng thì chúng tôi
cậy nhờ vào vài thân hữu để phụ lực với chúng tôi đưa họ về
nơi an nghỉ cuối cùng.
Năm năm trong sứ mệnh phục vụ
Peter Tâm đã nhìn lại
đoạn đường đi qua như sau: bước vào ngày khai giảng khóa học
kỹ năng chăm sóc bệnh nhân, với con số hằng trăm người, khóa
học hoàn tất còn lại con số vỏn vẹn 8, 9 người theo chân
Chúa. Trải qua năm tháng cho đến ngày hôm nay con số lên
được 25 anh chị em, đặc biệt chị trưởng nhóm bây giờ là
người hy sinh khai phá cho nhóm được thành tựu tới ngày hôm
nay.
Dừng chân trong một thoáng suy tư, nghĩ
lại con đường đến với các bệnh nhân, bao kỷ niệm thân thương
vui buồn của người thi hành sứ mệnh yêu thương nơi bệnh
nhân, để dệt thành bài ca dâng lên Thiên Chúa.
Vâng! Với hai từ “Tiếng Vọng”
làm cho các thành viên lăn lộn vào các bệnh viện, nơi công
viên, nơi những con hẻm quanh co… Có những con người nằm
lang thang vất vưởng, nơi đầu đường xó chợ, hoặc cả nơi
những căn nhà tồi tàn, không có cả cánh cửa mà đóng, nơi
chân cầu thang của các chung cư…
Nơi nào cần đến “tiếng” là các
chiến sĩ lên đường, sẵn sàng ra đi cho dù đêm khuya, mưa
gió. Cứ hai thành viên trên chiếc xe cà rịch cà tang, tay
trong tay, nào thuốc, nào băng…hối hả tất bật tiến thẳng về
phía đang “vọng”. Làm sao cho kịp xoa dịu những vết
thương, làm nhẹ đi những cơn đau, hoặc đem bình an đến cho
những bệnh nhân đang trong cơn hấp hối, sắp từ giã cuộc sống
nơi dương thế, để được an nghỉ trong lòng đất mẹ yêu dấu. Đó
là điều các bệnh nhân hằng mong ước khi biết mình mắc phải
căn bệnh thế kỷ…
Theo Chúa Kitô dễ hay khó
Quang Lê – một người bạn của
nhóm – đã viết: xét theo khía cạnh trần thế, mọi người làm
việc phải được thưởng công xứng đáng, không ai làm công
không cho ai bao giờ. Vậy các bạn đã được gì? Được bao nhiêu
đồng lương? Có chăng thì chỉ nhận được những lời chỉ trích
nơi những người thân của các bệnh nhân mà các bạn chăm sóc.
Quả thật, theo Chúa phải từ bỏ mình,
vác thập giá mình mà theo Chúa, không cần phải đắn đo nhiều,
mặc dù phải trả giá nhiều. Nhưng chúng ta phải xác tín rằng
Lời Chúa luôn là kim chỉ nam cho cuộc đời chúng ta: “Nhưng,
những gì xưa kia tôi cho là có lợi, thì nay, vì Chúa Kitô,
tôi cho là thiệt thòi. Hơn nữa, tôi coi tất cả mọi sự là
thiệt thòi, so với mối lợi tuyệt vời, là được biết Chúa Kitô
Giêsu, Chúa của tôi, vì Người, tôi đành mất hết, và tôi coi
tất cả như đồ bỏ, để được Chúa Kitô và được kết hợp với
Người…” (Pl 3, 7-9).
Tâm tình đối với bệnh nhân
Cỏ Mây đã thổ lộ những
tâm tình của mình khi tiếp xúc với bệnh nhân HIV/AIDS, như
sau:
Tôi đã biết: rơi những giọt lệ xót
thương khi nhìn thấy những người bạn mà tôi chăm sóc bấy lâu
đã nằm lại và yên nghỉ nơi giấc ngủ ngàn thu. Cuộc đời sao
mà ngắn ngủi đến thế và liệu rằng tôi đã sống xứng đáng là
một người Kitô hữu chưa?
Tôi đã biết: con tim mình thổn thức
khi nhìn thấy những cảnh đời éo le, cuộc sống lầm than không
nơi nương tựa, vậy mà đã có lúc tôi nhìn họ với cặp mắt
khinh thường.
Tôi đã biết: đưa bàn tay mình ra để
nắm lấy những bàn tay xương xẩu, khẳng khiu, run lẩy
bẩy…nhưng cũng chính nhờ cái nắm tay ấy mà tôi hiểu được sự
khác nhau giữa một cái bắt tay hững hờ mang tính chất xã
giao và một cái bắt tay chứa chan tình người.
Tôi đã biết: nụ cười của mình rất
quan trọng vì nó có thể đem lại một niềm hy vọng lớn lao cho
một bệnh nhân nào đó, những lời động viên an ủi của mình sẽ
thắp sáng lên niềm tin yêu cuộc đời trong những giờ phút
cuối cùng của họ.
Tôi đã biết: cuộc sống không hề kết
thúc khi ta ngưng hơi thở hay khi trái tim ta ngừng đập –
nhưng cuộc sống chỉ đổi thay từ một thế giới hữu hình sang
một thế giới siêu nhiên mà thôi.
TIẾT NĂM
BỆNH NHÂN
Số lượng gia tăng
Thúy Huyền bày tỏ nỗi niềm chua
xót như sau: giữa nơi thành thị phồn hoa đô hội và tráng lệ
nầy, vẫn còn rất nhiều mảnh đời cơ nhỡ, đơn côi.
Những bệnh nhân AIDS không chỉ là niềm
đau của xã hội nói chung mà còn là của từng gia đình có con
em mắc bệnh nói riêng. Nỗi đau ấy làm cho chúng tôi không
thể nhắm mắt làm ngơ. Các anh chị em nhóm Tiếng Vọng lại lên
đường đem tình yêu thương và những vốn liếng ít ỏi về y học
của mình đến với những bệnh nhân AIDS.
Những năm qua, số lượng bệnh nhân không
hề giảm đi, trái lại ngày càng gia tăng rất nhiều. Các anh
chị ngày càng phải đi nhiều nơi, đi xa hơn, phải tự mua
thuốc men để phát cho bệnh nhân nhiều hơn và bệnh nhân cũng
chết nhiều hơn. Danh sách những bệnh nhân qua đời mỗi năm
một dài thêm ra theo cấp số nhân, nhưng lực lượng của các
thành viên trong nhóm vẫn vậy.
Có những lúc các anh chị đã phải thốt
lên: “Chúa ôi! Chúng con phải làm sao đây? Bệnh nhân mỗi
ngày một đông, đủ mọi thành phần, đủ mọi lứa tuổi…mà sức
chúng con chỉ có hạn. Xin Ngài thêm sức mạnh, xin đừng bỏ
chúng con.”
Thăm viếng bệnh nhân
Chị Trần Thị Huệ đã mô tả “một
buổi đi thăm bệnh nhân” như sau: đi đến gần Thủ Đức thì
trời tạnh mưa hẳn, chúng tôi đi lòng vòng mãi mà chẳng tìm
thấy nhà bệnh nhân, hỏi thăm ba bốn lần, người ta chỉ hết
vào ngõ lớn rồi lại quẹo vào hẻm nhỏ…Rồi chúng tôi cũng tìm
thấy nhà của bệnh nhân, chúng tôi gặp một thanh niên tuổi
đời còn rất trẻ, nhưng thân người xanh xao, gầy yếu và đang
trong cơn đau đớn vật vã, lòng tôi cảm thấy xót xa.
Mẹ của anh ngồi nói chuyện với chúng
tôi và cho biết anh là người con thứ ba trong gia đình
thường thích giao du và kết thân với bạn bè xấu nết rồi
chúng rủ anh lao vào con đường nghiện ngập. Cuối cùng anh bỏ
nhà đi bụi đời, sống rày đây mai đó, lang chạ với rất nhiều
cô gái. Người phụ nữ sau cùng đã có với anh một đứa con. Khi
cô ta biết anh đang bị nhiễm HIV thì đã bỏ anh, mang theo
đứa con ra đi.
Khi căn bệnh AIDS bước vào giai đoạn
cuối, anh lâm vào ngõ cụt của cuộc sống không lối thoát. Lúc
ấy anh chợt nghĩ đến gia đình của mình, một gia đình mà bao
năm qua anh đã bỏ rơi, không hề mảy may nhớ tới. Anh quay
trở về với gia đình trong một tình trạng thật bi đát, thân
hình tiều tụy, với căn bệnh đầy nguy hiểm, nhưng gia đình
anh vẫn đón nhận anh.
Trong những ngày tháng cuối cùng của
cuộc đời, anh đã được sống trong tình thương yêu của gia
đình, được cha mẹ chăm sóc ân cần. Chính tình thương đó đã
đánh thức lương tâm anh. Qua lời khuyên bảo của cha mẹ, anh
đã có những buổi nói chuyện với linh mục và đã lãnh nhận bí
tích hòa giải.
Ba ngày sau chuyến viếng thăm đó, mẹ
anh đã gọi điện thoại báo tin cho chúng tôi biết anh đã đi
về với Chúa, trong sự thanh thản và bằng an của tâm hồn.
Mang bệnh vì ra tay nghĩa hiệp
Chị Maria Trần Thị Phi cho biết
một trường hợp đau lòng như sau: tôi hỏi thăm anh Che nguyên
nhân nào khiến anh vướng phải căn bệnh nầy thì được biết là
anh bị lây qua vợ.
Khi ở Kampuchia, anh gặp vợ là Dung ở
trong nhà thổ khổ quá nên đã ra tay nghĩa hiệp bỏ 200 Mỹ kim
để chuộc cô ra. Sau đó hai người đã lấy nhau và sinh được
một đứa con trai nuôi được hai tuổi thì chết, nhưng họ cũng
chẳng biết chết vì lý do gì, chỉ biết thằng nhỏ rất khó
nuôi, bệnh hoài. Sau đó cả hai vợ chồng đi khám bệnh thì mới
biết họ đều bị nhiễm HIV/AIDS.
Bị thân nhân ruồng bỏ
Người nhiễm HIV/AIDS không những bị
người ngoài xa lánh mà còn bị ngay chính người thân của họ
bỏ rơi. Chị Vinh kể về bệnh nhân tên Hà, nhà ở Q3. Chị gặp
Hà trong Bệnh viện Nhiệt Đới khi Hà đã ở giai đoạn cuối của
căn bệnh quái ác. Những người xung quanh cho biết: Hà có mẹ
nhưng bà ta không nhìn nhận từ khi biết Hà nhiễm HIV.
Mỗi lần chị vào săn sóc, trong cơn đau
của một cơ thể chỉ còn thoi thóp, Hà vẫn tha thiết xin chị
tìm cách liên lạc cho Hà gặp mẹ lần cuối. Không cầm lòng
được trước sự ăn năn dù muộn màng của đứa con lầm lỗi, chị
tìm đến tận nhà năn nỉ mẹ Hà vào viện.
Đáp lại sự tận tình của chị là thái độ
hết sức lạnh lùng, tàn nhẫn của anh trai và mẹ Hà: “Cái
thứ đó cứ để nó chết đi chứ sống làm gì!” Sau đó vài
ngày Hà ra đi trong cô độc và đau đớn. Theo chị Vinh: “Đôi
khi bệnh nhân chết nhanh hơn không phải vì bệnh tật mà do sự
tàn nhẫn của chính người thân”.
Có trường hợp bệnh nhân bị người nhà bỏ
vất vưởng ngoài hiên, chị tìm đến lặng lẽ chăm sóc, tắm rửa,
lau chùi, cho ăn trước mặt gia đình và không chỉ một, hai
lần, chị tỉ tê khuyên giải: “Tôi là người dưng, tại sao
tôi chăm sóc được mà gia đình lại đẩy con ra đường? Tôi
không đẻ ra nó nhưng tôi xót xa mà sao chị dứt ruột sinh nó
ra lại có thể nhìn nó thân tàn ma dại như thế?”
Mềm lòng trước thành ý của chị, nhiều
gia đình đã mở rộng vòng tay đón nhận con em mình.
Cha mẹ muốn con chết
Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh. Có
hoàn cảnh đau lòng đến nỗi chị Vinh không bao giờ quên được.
Đó là bệnh nhân tên Luận, nhà ở Q4. Chị đến chăm sóc Luận
tại nhà và cho thuốc chữa các bệnh cơ hội nhưng sau vài ngày
thấy Luận vẫn không đỡ chút nào. Dò hỏi mãi, Luận mới cho
biết mẹ Luận không cho uống thuốc.
Hết sức bất bình trước sự nhẫn tâm ấy,
gặp bà ta chị chỉ muốn làm ầm lên, nhưng khi nhìn thấy người
đàn bà gầy gò, khắc khổ, chỉ lên bàn thờ với di ảnh một
người già, hai người trẻ rồi nấc lên không thành tiếng: “Uống
thuốc cũng chết mà không uống cũng chết! Chồng và cả ba
thằng con rủ nhau chích chung, Luận là đứa cuối cùng. Lòng
tôi chai đá rồi cô ơi”. Chị lại rơi nước mắt xót xa.
Một gia đình ở Gò Vấp có cả bốn đứa con
đều nghiện và dính HIV. Mỗi lần chị đến chăm sóc chúng,
người cha già hắt lên: “Trời ơi! Sao tôi khổ thế! Tôi cầu
xin cho chúng chết mà sao chúng không chết!” Cha mẹ nào
lại không thương con, nhưng với những người như thế, nỗi đau
của họ dường như đã quá sức chịu đựng!
Bán nhà đất và vay nợ để lo cho con
Nhưng cũng có những gia đình thương con
đến độ sẵn sàng bán hết đất đai nhà cửa, thậm chí đi vay
nặng lãi để lo cho con. Khi con chết, người phụ nữ đó điện
thoại cho chị Vinh nhờ bán nốt căn nhà nhỏ cuối cùng vì số
tiền bà nợ đã lên tới cả trăm triệu đồng.
Chồng chết sớm, bà ở vậy nuôi con.
Nhưng cả ba đứa con trai đều nghiện, nhiễm HIV rồi lần lượt
bỏ bà đi. Gia tài “đội nón” theo những cơn vã thuốc của
chúng. Đứa đầu bà còn lo ma chay được đầy đủ, đến thằng út
chỉ còn là chiếc khăn thấm đầy nước mắt của người mẹ đầy đau
khổ.
Bệnh mà không chạy chữa
Chị Anna Trần Thị Huệ đã chia sẻ
như sau: tôi và chị Thanh được phân chia công tác sang quận
II thăm gia đình chị Tuyết. Bước chân vào nhà chị, tôi nhìn
thấy chị đang ôm 3 đứa con vào lòng mà khóc. Được biết chị
đã mù do căn bệnh đưa đến. Chị không chạy chữa nữa vì chị
quan niệm chữa cũng chết mà không chữa cũng chết. Chị chấp
nhận ra đi để lại phần tiền đó cho con cái chị ăn học.
Con chị còn rất nhỏ, đứa lớn nhất lên 9
và nhỏ nhất mới có 3 tuổi. Rất may mắn là không có em nào bị
lây qua từ mẹ. Lúc nào chị cũng lo âu về số phận 3 đứa con
mình sẽ ra sao sau khi chị chết đi. Chị khóc lóc: “Cô Huệ
ơi! Em sợ chết lắm, các con của em chúng nó còn nhỏ quá”.
Tôi cầm nước mắt không được, cũng khóc theo chị, tôi đồng
cảm với chị, vì tôi cũng là một người mẹ.
Căn bệnh mà chị đang mang là do người
chồng chị lây qua cho chị. Chồng chị bị nghiện đã lâu, trước
khi cưới chị. Nhưng chị chủ quan, không để ý, nên sau khi
kết hôn được ít lâu chị mới biết thì chuyện đã rồi! Tuy
nhiên chồng chị rất yêu thương chị và các con. Anh ấy cũng
ham làm ăn, chỉ có mỗi điều là không thể bỏ ma túy được.
Chính sự việc nầy làm cho anh ấy bị nhiễm do chích chung với
người bạn nhiễm. Sau khi sanh đứa con thứ ba, chị mới phát
hiện ra mình bị nhiễm HIV.
Khi biết chính mình là nguyên nhân lây
bệnh cho người vợ thân yêu của mình, anh dằn vật ăn năn, hối
hận, lo buồn. Anh quyết tâm cai nghiện tại nhà và được một
linh mục ở Tây Ninh giúp đỡ. Sau khi thắng được con “ma
túy”, hai vợ chồng anh và cả ba đứa con được lãnh nhận bí
tích Rửa tội.
Người mẹ hết nước mắt khóc con
Chị Võ Thị Nhung cho biết câu
chuyện thương tâm như sau: tôi ngạc nhiên khi nghe tin con
mình sắp chết mà người phụ nữ nầy tỉnh bơ như không, chẳng
chút xúc động. Đáng lý ra bà ta phải rất đau khổ khi chứng
kiến cảnh sinh ly tử biệt với đứa con của mình, nhưng bà ấy
lại rất bình tĩnh.
Chúng tôi hỏi thăm hoàn cảnh của bà thì
được biết bà không còn nước mắt nữa. Bất hạnh đến với bà quá
nhiều làm cho lòng bà trở nên chai đá. Bà có chồng và ba đứa
con trai. Số kiếp của bà thật khốn nạn, chỉ gặp toàn những
chuyện khổ đau.
Chồng của bà dính vào ma túy, bị nhiễm
AIDS và đã chết được hai năm. Ba người con trai của bà cũng
sa chân vào ma túy, đều bị nhiễm HIV/AIDS. Đứa con út của bà
vừa mới chết cách đây vài tháng. Bà chỉ tay lên bàn thờ, nơi
hai di ảnh đang ở trên đó: một người lớn tuổi, còn người kia
thì mặt mũi non choẹt.
Bà chỉ vào người con trai đang hấp hối
nói tiếp: “Thằng nầy cũng sắp lên đó luôn!” Bà cho
biết đó là người con trai lớn nhất, còn người thứ hai thì
đang ở trong tù: “Nó cũng bị AIDS luôn rồi, cầu xin cho
nó chết luôn ở trong ấy”. Bà nói với vẻ mặt bình thản
lạnh lùng.
Chợt bà nói về người con đang hấp hối:
“Nó rất muốn theo đạo, các cô có thể gọi Cha tới giúp nó
được không?” Chúng tôi ngồi xuống bên cạnh người sắp ra
đi: “Em có muốn lên Thiên Đàng với Chúa không? Em có tin
Thiên Chúa sẽ cứu rỗi em và tha thứ cho em tất cả mọi tội
lỗi không? Em có tin…?” Chúng tôi hỏi và anh ấy gật đầu
với ánh mắt thiết tha, mong mỏi.
Rất tiếc đó là chiều thứ bảy, chị
trưởng nhóm đã gọi rất nhiều nơi nhưng tất cả các cha đều
bận mục vụ, không thể tới được. Mọi người cầu xin cho anh ấy
được sống đến 9 giờ sáng mai để chị trưởng nhóm có thể mời
được một cha mà chị quen biết. Nhưng anh ấy đã ra đi hai giờ
đồng hồ sau đó. Cũng còn may mắn là anh ấy đã nhận được ơn
cứu rỗi nhờ một số giáo dân giúp đỡ.
Lấy vợ cho con bị nghiện ngập
Chị Phạm Thị Xoa cho biết: có
những bậc cha mẹ có con em đã lỡ sa chân vào ma túy, nói
hoài, dạy bảo hoài vẫn không nghe, thôi thì lấy vợ cho nó,
biết đâu có vợ có con, nó sẽ…cải tà quy chánh, trở nên ngoan
ngoãn…Nhưng họ đâu biết là đằng sau đó xảy ra bao nhiêu cảnh
đau lòng, thương tâm và xã hội đang phải gánh biết bao hệ
lụy.
Đó là những người vợ đáng thương lấy
phải người chồng đã nghiện ngập, lại còn mắc thêm bệnh AIDS.
Thế là những người vợ trẻ nầy vô tình bị lây qua, rồi những
đứa con được sinh ra từ những bà mẹ nầy cũng mắc bệnh AIDS
luôn!
Chúa Hài Đồng trong những em bé bị
nhiễm HIV/AIDS
Khi thấy Noel trở về, Thảo Vân
xót xa: nhìn ngắm Chúa Hài Đồng hôm nay tôi hay tự hỏi phải
chăng những em bé bị nhiễm AIDS mà tôi có dịp gặp gỡ và chăm
sóc ấy chính là Chúa Hài Đồng? Nhìn những thân hình nhỏ xíu,
yếu ớt, trông thật tiều tụy và sự sống trong cơ thể mỗi em
bé quả là những chuỗi ngày đấu tranh với tử thần để giành
từng nhịp tim, từng hơi thở.
Chúa Hài Đồng – những em bé nhiễm AIDS
– khi cất tiếng khóc chào đời là đã mang sẵn trong người căn
bệnh của thế kỷ và đã được định đoạt sẵn tương lai sẽ đi đâu
và về đâu rồi. Thế mà các em không hay, không biết sự ấy,
các em vẫn vui tươi, vẫn cười đùa, còn sống ngày nào là các
em còn vui chơi, còn hồn nhiên ngày ấy.
Cũng có những em bé vừa mới sinh ra là
đã bị vứt ra ngoài lề xã hội, bị bỏ rơi không thương tiếc,
được đưa vào viện mồ côi…Chúa Hài Đồng – những em bé bị
nhiễm AIDS – nào có tội tình gì đâu? Hoàn cảnh của các em
còn tệ hơn những hang đá vô tri vô giác kia. Mọi người trang
hoàng hang đá đẹp đẽ lộng lẫy để nhìn để ngắm cho sướng con
mắt, nhưng còn các em nhỏ ấy thì lại bị nhắm mắt làm ngơ.
Tâm sự đời tôi
Anh Nguyễn Hoàng Tân – một bệnh
nhân – đã tâm sự như sau: tôi thích nhất lời của bài hát
nầy: “Khi Chúa thương gọi tôi về, hồn tôi hân hoan như
trong một giấc mơ, miệng tôi nức vui tiếng cười, lưỡi tôi
vang lời ca hát ngàn dân tung hô, tôi thật vĩnh phúc…”
Tôi sẽ mãi hát cho tôi, cho các bệnh nhân đang mang căn bệnh
giống như tôi và hát cho cả mọi người.
TIẾT SÁU
LINH MỤC VÀ NAM NỮ TU SĨ
Sự thân tình giữa linh mục và bệnh
nhân
Chị Vinh đã ghi lại sự giao tiếp giữa
một linh mục và bệnh nhân như sau:
Khi cha đến thăm, bệnh nhân nói thật
cảm động: “Cha mới đến hả Cha?” Cha cúi xuống gần anh
ấy, gật đầu nói: “Ừ, tôi đến thăm anh đây!” Anh nói:
“Con mong Cha mãi, con rất muốn được nắm tay của Cha, Cha
ơi! Cha nắm tay con đi!”
Một bệnh nhân khác, mới theo đạo được
ít ngày thì qua đời. Lúc ấy là bữa trưa, lẽ ra cha được
quyền nghỉ ngơi, nhưng khi được báo tin thì cha liền sốt
sắng cùng đi để làm nghi thức an nghỉ cuối cùng cho bệnh
nhân đó.
Sau khi đi lòng vòng, vào những con hẻm
nhỏ như cọng chỉ, họ đến nơi. Căn nhà nhỏ tí, có lẽ còn nhỏ
hơn cái “toa lét” của một gia đình bình thường, lại còn nằm
dưới gầm cầu thang của một ngôi nhà khác nên cái hòm của
người chết phải đặt ở ngoài sân, không thể mang vào trong
nhà.
Trời nắng chang chang và rất nực. Cha
mặc áo lễ dài đến chân, trông thật nực nội, nhưng cha vẫn
sốt sắng cử hành mọi nghi thức và cầu nguyện cho linh hồn
anh về nơi an nghỉ cuối cùng. Xong Thánh Lễ, cha cởi chiếc
áo trắng dài ra, mọi người thấy lưng áo của cha ướt đẫm mồ
hôi, trông thật tội nghiệp!
Thánh Lễ tại tư gia một Phật tử
Linh mục Dzu Mai Liên đã ghi lại
cảm tưởng của cha khi đi dâng Thánh Lễ an táng cho một bệnh
nhân tại tư gia của một Phật tử như sau:
Xế trưa hôm đó, một cú điện thoại của
chị trưởng nhóm Tiếng Vọng: “Cha ơi, em Thảo ở đường Phan
Văn Trị, Bình Thạnh, mới mất. Cha đến làm phép xác nhé, rồi
đưa đi hỏa tảng luôn, em đã rửa tội rồi, cả nhà đều Phật
giáo”.
Đầu giờ chiều hôm đó, chúng tôi đến nhà
em. Thật bất ngờ và xúc động khi được biết em tự nguyện theo
đạo qua đời sống đức tin của những anh chị em Công Giáo chăm
sóc em. Khi ở với gia đình, em vẫn luôn vững lòng trông cậy
và thành tâm sống đức tin của mình giữa mọi người không cùng
niềm tin với em. Và cảm động biết bao, khi bà ngoại của em,
một Phật tử sùng đạo, lại thỏa mãn mọi yêu cầu để em sống
đức tin của mình.
Em xin được đi lễ Chúa nhật hằng tuần,
thấy em bệnh, bà thuê Honda ôm mỗi tuần chở em đi lễ nhà
thờ. Trước khi em nằm xuống và khi đã ra đi, chính bà và
người thân đã chủ động liên hệ với các anh chị em trong nhóm
Tiếng Vọng và quý Sơ Dòng Phan Sinh để xin cầu kinh, giúp đỡ
phần hồn cho em.
Các thiện nguyện viên đã xin dâng lễ
ngay tại nhà của em rồi mới đưa đi hỏa táng. Gia đình đã
đồng ý và lấy khăn che hết các tượng Phật thờ trong nhà. Đó
là một ấn tượng khó phai mờ trong đời linh mục của chúng tôi
vì những anh chị em khác tôn giáo đã niềm nở đón tiếp Chúa
đến với họ.
Gương hy sinh của các linh mục và
nam nữ tu sĩ
Tony Trần tỏ ra rất thán phục
những gương hy sinh của các người sống đời thánh hiến như
sau:
Tôi rất khâm phục cha T. cha K. – những
linh mục đầy nhiệt huyết – vì các ngài, tuy
bận rộn, nhưng luôn dành nhiều thời giờ để thăm hỏi, giúp đỡ
và ban bí tích cho những bệnh nhân xấu số trong những giây
phút cuối đời. Các ngài sẵn sàng nói “có”, khi những tình
nguyện viên điện thoại đến hay gặp các ngài để xin giúp
trong những trường hợp nguy tử vào những giờ thật bất tiện
trong ngày.
Tôi nghiêng mình cảm phục các Sơ
L., T., Q….đang giúp các trại phong Qui Hòa, Bến Sắn và đặc
biệt là Trung Tâm Mai Hòa dành cho các bệnh nhân HIV/AIDS ở
giai đoạn cuối có được một sự thanh thản trước khi từ giã
cõi đời. Họ chăm sóc cho những bệnh nhân hoàn toàn bị người
đời và ngay cả những người thân bỏ rơi vì thân thể quá khủng
khiếp!
Nhìn các Sơ nắm tay, đút từng muỗng
cháo, mát-xa những chỗ đau nhức, chịu khó lắng nghe từng lời
của những bệnh nhân nói không nên lời vì miệng bị lỡ loét
trắng cả bên trong. Không còn lời nào hay hơn, đẹp hơn để
diễn tả những hành động nhân ái của những nữ tu đã từ bỏ
thiên chức làm mẹ theo xác thịt để hiến thân trọn vẹn cho
Chúa bằng cách trở nên những người mẹ thiêng liêng đối với
những đứa con đang thiếu vắng tình thương.
Tôi cũng muốn nhắc đến những nam
tu sĩ, những thanh niên được thánh hiến đang phục vụ
cách nầy hay cách khác để đồng hành với các nhóm tình nguyện
trong việc giúp đỡ các bệnh nhân xấu số. Họ không phải là
linh mục nên ít được mọi người tôn trọng theo phẩm vị, nhưng
người ta lại kính trọng họ trong việc dấn thân phục vụ. Họ
đã bước theo Chúa Kitô trong việc âm thầm phục vụ.
THAY LỜI KẾT
ĐƯỢC SAI ĐI
Thúy Huyền, trong bài thơ “Không
đề”, đã cầu xin được “sai đi” như sau:
Lạy
Chúa, nếu như Ngài muốn,
Nầy
con đây, xin Ngài hãy sai đi.
Con
mong sao đến chiều thứ bảy,
Khi
mọi việc hoàn tất ở công ty,
Con
chạy thật nhanh…thật nhanh,
Với
“ngựa sắt” dù đường đi vất vả,
Khi
trời buồn giăng mây đen.
Có
những chiều mưa, đường trơn ngập nước,
Con
suýt ngã, mắt hoen mưa.
Sẽ đi
vì anh chị em mong chờ,
Đang
rất cần đến sự giúp đỡ…
Có
những chiều khô nắng vàng héo úa,
Cây
bên đường ủ rũ, bụi đỏ lá xanh.
Đường
xa, con nào có ngại,
Đem
tình thương hâm nóng lại tình người.
Năm
năm sao thời gian trôi nhanh quá!
Xem
lại…con chưa làm gì cả?
Con
mong sao tới chiều thứ bảy,
Cảm
giác, ôi kỳ lạ làm sao!
Hồi
hộp - thấp thỏm và đợi chờ,
Như
cái hẹn ban đầu, thuở mới yêu.
Con
lại đến với anh chị em:
Những
khuôn mặt thật bơ phờ hốc hác,
Với
màu da xanh xao vì thiếu máu,
Với
thân hình gầy còm, thật đáng thương.
Họ
mừng vui khác hẳn ngày thường,
Như
được quà mỗi khi mẹ chợ về.
Chúa
ôi! Họ dễ mến làm sao!
Thế mà
người đời nhẫn tâm chối bỏ.
Lòng
nhói đau, con thấy mình nhỏ bé,
Xin
chỉ cho con biết đáp tình họ,
Trông
họ vui mà con cũng mừng theo.
Một
niềm vui đơn sơ và giản dị.
Họ tin
tưởng nơi mỗi người chúng con,
Tiếng Vọng
mãi luôn là người bạn tốt,
Luôn
phấn đấu làm nhiều điều hay,
Để
giúp đỡ anh chị em bệnh nhân!
………
|