(Bài II, tiếp theo kỳ
trước)
Trong bài trước đã trình bày về cuộc “Nổi
loạn Tính dục” trên thế giới gây nên tang tóc đổ vỡ trong các gia
đình, đặc biệt cuộc khủng hoảng đã xâm nhập cả nơi thánh thiêng, tu
trì, làm tiêu hao ngân quĩ của Giáo Hội, và giảm sút Ơn Thiên Triệu
Linh Mục, Tu Sĩ.
Để giúp hiểu biết và giải quyết vấn đề từ
nguồn gốc, ta đã tìm lời giải thích về ý nghĩa của Tính Dục, hay Phái
Tính,( Nam-Nữ).., khởi nguyên đã được Mặc Khải từ Kinh Thánh trong
Sách Sáng Thế và những Lời Giảng của Chúa Cứu Thế trong Sách Phúc Âm.
Ngoài ra, ta cũng hiểu rằng: số kiếp con người theo bản năng tự nhiên,
phú bẩm từ khi sinh ra, là một “hữu thể mang Phái Tính”(
a sexual person), không thể huỷ diệt Tính dục của mình được, cho đến
khi chết. Nhưng vì ý chí hùng mạnh của con người, -và dĩ nhiên cần Ơn
Trên phù giúp- con người có thể “Thăng Hoa, hay Siêu
Thoát”(Sublimation) Tính dục, như trong kinh nghiệm của các vị Thánh
đã sống nếp sống “Khắc Khổ, Thần Nhiệm”(Ascetic and Mystic), chẳng hạn
như gương Mẹ Chân Phước Teresa, Calcutta, hay Đức Cố Giáo Hoàng Gioan
Paulô I I. Sẽ bàn về khía cạnh Huyền Nhiệm, Thần Bí này, ở bài
khảo luận thứ ba , vì đây mới thực sự là phương cách Sống và
Huấn Luyện cao nhất, để giúp Giáo sĩ, Tu sĩ và những ai “tu tại gia”,
độc thân, góa bụa, hay có đôi bạn, muốn duy trì nếp sống Khiết Tịnh,
Kết Nghĩa với Chúa.
Sau đây, trong bài khảo luận hai
này, xin bàn thêm hai khía cạnh
khác: I/ Suy tư của các
vị hiền triết, đặc biệt của Văn Hóa Việt Nam, đã dùng Lý trí và Luơng
Năng, Lương Tri, để tìm hiểu “Con Tim” của con người ra sao ? I I/Mấy
Kinh Nghiệm và Thực hành
về Nếp Sống Tu trì , Độc Thân.
I. SUY LUẬN TRIẾT LÝ
VỀ BẢN NĂNG TÍNH DỤC CỦA CON NGƯÒI
Ngoài nguồn Mặc Khải trong Kinh Thánh của
Thiên Chúa Giáo, nhiều Tôn giáo khác trên thế giới, từ xưa tới nay, và
rất nhiều triết thuyết, triết gia, …cũng đã đề cập đến vấn đề Tính dục
của con người. Mỹ Nghệ như Điện ảnh, Hội họa, Điêu khắc, Âm nhạc, nhất
là Văn chương Thi Phú, tiểu thuyết,v,v thật phong phú vô tận, để ca
tụng Tình Ái giữa Nam-Nữ, Vợ-Chồng, vì như đã định nghĩa về yếu
tính của Con Người là:”Một Hữu Thể mang Tính Dục, Phái Tính”(
a sexual being, a sexual person). Mọi suy tư, cảm nghiệm, và hành
vi cử chỉ đều biểu lộ đặc tính của Phái tính riêng của mình.
Dùng Lý trí, Lương Tri, Tình cảm để phân
giải ý nghĩa về đời sống Tính dục của con người một cách vừa chân
thật, thanh cao, vừa quân bình, tế nhị, thì ta phải kể đến Minh Triết
ÂM-DƯƠNG, trong nền Văn Hóa Việt Nam.
MINH TRIẾT ÂM-DƯƠNG CỦA
VĂN HÓA VIỆT
Trong một bài báo viết trên tờ The New
York Times, và đăng lại trên tờ The Seattle Times( Dec/11/2005), nhan
đề” Ơn Thiên Triệu gia nhập Giáo Hội vẫn còn mạnh mẽ đối với một
số người”(The Call of Church remains strong for some) ký giả
Neela Banerjee, đại ý, đã có những
nhận xét khá xác
đáng về Ơn Thiên Triệu của chủng sinh gốc Việt Nam hiện đang tu luyện
tại các Chủng Viện tại Hoa kỳ. Họ chiếm tỉ lệ 12%, tức 397 chủng sinh,
trong tổng số 3.308. Được hỏi lý do tại sao, người Công giáo Việt nam,
và Cộng đồng Công giáo còn quí trọng Thiên Chức Linh Mục trong Giáo
Hội? Họ trả lời: Tội lạm dụng Tính dục làm hoen ố cá nhân, chứ không
giảm bớt giá trị của chính Ơn Gọi. Ơn Thiên Triệu vẫn là tuyệt đỉnh về
Phục vụ và Thành công. Đó là một Hồng Ân của Chúa ban cho gia đình.
Nếu được hỏi: muốn con làm Tổng thống, làm Bác sĩ hay Linh Mục, thì
phụ huynh có thể sẽ trả lời: muốn con làm Linh Mục. Ký giả bài báo
trên đã kết thúc cuộc điều tra, đại ý viết: Sở dĩ một thiểu số người
Mỹ-Việt(chừng 1% tổng số người Công Giáo Hoa kỳ, hơn 50
triệu), đã cung cấp cho Giáo Hội một con số khá lớn về Ơn Gọi,
chứng tỏ người Việt-Mỹ vẫn còn bám vào Truyền thống, Gia đình, và Đức
Tin(the grip tradition, family, faith still have on many
Việtnamese-Americans).
Ở đây, xin nhấn mạnh đến hai yếu tố :
Truyền Thống và Gia đình, tức là đặc điểm thuộc VĂN HÓA
Việt. Về Đức Tin, Giáo Lý thì người Công Giáo bất cứ ở
đâu trên thế giới đều học và tin như nhau, tuy cách sống Đạo có khác
biệt tuỳ sắc thái địa phương.
Trong vấn đề tìm hiểu và huấn luyện về
Tính Dục cho các giáo sĩ, tu sĩ, ta không thể bỏ qua yếu tố Văn Hóa,
tức Truyền thống và Gia Đình của người dân Việt. Chính
Văn Hóa Việt đã giúp nẩy nở và nuôi dưỡng Ơn Thiên
Triệu, trong khi Văn Hóa sự Chết( lạm dụng dục tính, phá
thai.. ) đã làm đui chột mầm non Ơn Gọi nơi thanh thiếu niên.
Bởi vậy, việc nghiên cứu Triết Lý Âm-Dương
làm nền tảng cho mọi suy tư, sinh hoạt văn hóa của dân tộc Việt nam,
là hữu ích để giúp vào việc tìm cách huấn luyện Tính Dục cho các
chủng sinh. Vậy Minh Triết ÂM –DƯƠNG là gì? Những đặc tính và âm hưởng
của triết lý này trong đời sồng như thế nào? ( Xin đọc thêm sách:
“Thiên Chúa Giáo và Tam Giáo”, trang, coi Index: Âm-Dương ; và
sách“Đạo Thiên Chúa và Dân Nước Việt” , trang 188-191; 276-282
ÂM- DƯƠNG là gì?
Theo các nhà dân tộc học, và khảo cổ,
những chứng liệu khá vững chắc biện minh cho nguồn gốc Minh Triết
ÂM-DƯƠNG phát xuất từ dân Việt, chẳng hạn, những bài khảo luận trong
sách:” Tìm về Bản Sắc Văn Hóa Việt Nam”(Trần Ngọc Thêm). Ngày
nay, chẳng những người Á đông, mà cả thế giới đều quen thuộc với hình
vẽ”THÁI CỰC ĐỒ”, được trưng bày khắp nơi, trong nhà, trên bàn thờ,
ngoài cửa tiệm. Đó là hình vẽ một vòng tròn lớn bên ngoài; bên trong
vẽ một hình tròn nhỏ, chia ra hai phần bằng nhau, một bên màu
đen chỉ ÂM, một bên màu trắng chỉ DƯƠNG; trong
mầu đen, có một chấm Trắng; trong mầu trắng có một chấm Đen.
Hai phần Đen-Trắng luôn bằng nhau về diện tích, nhưng luôn vận chuyển,
đắp đổi cho nhau khi đầy, khi khuyết, nhưng vẫn giữ mực QUÂN BÌNH. Đây
chính là biểu tượng cho Triết Lý ÂM-DƯƠNG ĐIỀU HÒA , đã được Qui Nạp
thành Nguyên Lý, sau khi đã quan sát, và kinh nghiệm những hiện tượng
thiên nhiên trong vũ trụ, nhân sinh. Nguyên lý ÂM-DƯƠNG còn được trừu
tượng hóa bằng những nét gạch ngang: DƯƠNG là một nét gạch
ngang liền (____); ÂM biểu thị bằng nét gạch ngang đứt
(__ __).
Qua biểu tượng”Thái Cực Đồ”, trong Triết
Lý ÂM-DƯƠNG, ta có thể suy diễn những đặc tính sau đây, có thể đem áp
dụng để tìm hiểu đời sống Phái Tính, Dục Tính:
1/.
Dân Việt, từ thượng cổ đã sinh sống gần thiên nhiên vì làm
nghề trồng Lúa-Nước, nên đã quan sát các hiện tượng thiên nhiên như
khí hậu, thời tiết trong trời đất, xoay vần nhịp nhàng điều hòa: Một
năm bốn mùa: Xuân, Hạ, Thu, Đông, ngày-đêm, nắng –mưa, nóng-lạnh, giúp
cho mùa màng, gặt hái được nhiều hoa quả. Mọi loài sinh vật: thảo
mộc, động vật, và cả Nhân loại, cũng bị chi phối bởi Luật Âm-Dương:
Nam-Nữ, Đực-Cái, Trống –Mái.. để truyền sinh và gây nòi giống
2/. Từ
hiện tượng thiên nhiên bước sang lãnh vực Nhân Sinh, Nhân Văn,
muốn cho đời sống được Điều Hòa, con người cũng cần áp dụng Luật
Âm-Dương trong cách giao tế xã hội, đặc biệt trong HÔN NHÂN như câu
thường nói: Có Âm –Dương, có Vợ-Chồng” . Theo Văn hóa
Việt Nam, Phái Tính Nam-Nữ, phải dẫn đến sự phối hợp vợ-chồng, thì đời
sống con người mới có sự Hòa hợp, Quân bình. Âm-Dương, Vợ-Chồng.. tuy
hai yếu tố khác nhau , nhưng bổ khuyết cho nhau, nâng đỡ nhau, và
không tiêu diệt nhau. Do đó, việc Hôn Nhân, tức sự kết duyên của một
Người Nam với Một Người Nữ, là việc Tự Nhiên theo bản năng con người.
Bởi vậy, Văn Hóa Việt Nam không thể chấp nhận “hôn nhân của hai người
đồng tính”(?), vì trái luật tự nhiên Âm-Dương Điều Hòa. Hơn nữa, Hôn
Nhân do Tạo Hóa an bài, xếp đặt, với mục đích để hai người khác nhau
về Phái Tính, về thể lý, về tâm lý, nhưng bổ túc và tương trợ cho nhau
trong cuộc sống lứa đôi: “Hai mà Một, Một mà Hai.”
3/.
Trong suốt dòng Lịch sử, từ khi lập quốc, Văn hoá Hài Hòa cùa dân
Việt, luôn ca tụng Tình Yêu Lứa đôi, tức Phái Tính trong đời
sống Hôn Nhân, bằng những câu Ca dao, Tục ngữ, hoặc truyện Cổ tích như
Trầu Cau, Sơn Tinh Thủy Tinh, Hòn vọng phu.., những bài Hát Quan họ
Bắc Ninh, Hát Trống quân, Ca trù với tiếng đàn, điệu vũ, thanh cao
thoát tục, nhưng không kém lưu luyến tình ái, để ca tụng đời sống vợ
chồng, gia đình.
4/.
Ngày nay, người Việt trong nước và ngoài nước, còn giữ được nếp sống
Điều Hòa Quân Bình trong đời sống Lứa-Đôi, Vợ-Chồng như Tổ
Tiên xưa kia không?
Tại hải ngoại, qua một thời gian
giao động khi mới tới định cư trên đất khách quê người, nhưng sau 30
năm, người dân Việt chẳng những không mất bản lãnh, mà còn bảo tồn và
phát huy Văn Hóa Truyền thống ngày càng tốt đẹp hơn, như bài báo của
ký giả Neela Banerjee đã trích dẫn ở trên về Ơn Thiên Triệu của các
Giáo sĩ tu sĩ. Phong trào trở về nguồn, học hỏi về Lịch Sử và Việt ngữ
cũng được cổ động khắp nơi. Về Văn Nghệ, đặc biệt về Âm nhạc,
nhiều buổi Trình Diển tân cổ nhạc, vũ điệu dân tộc được ghi thành
những CD, như: Thúy Nga Paris By Night, Asia,v,v giúp cho các
gia đình thưởng thức những giờ giải trí lành mạnh, và nhất là giúp
giáo dục thế hệ trẻ biết thông cảm với những tâm tình Yêu Mến Quê
Hương, Gia đình, đặc biệt là TÌNH YÊU LỨA ĐÔI, trong Hôn Nhân,
với hầu hết những bản tình ca, được các ca sĩ, nghệ sĩ trình
diễn một cách chừng mực, tế nhị, giầu tình tứ, nhưng không suồng sã,
“khiêu dâm”(sexy)như nhạc ngoại quốc giật gân.
Tại quê nhà, theo tin tức lọt ra ngoài,
các giới đồng hương Việt nam cảm thấy thương xót cho tình trạng nghèo
đói, tham ô, vô thần của một xã hội xáo trộn, mất Điều Hòa, Quân Bình
trong đời sống Tâm Linh của cá nhân, hôn nhân, gia đình, nên mới gây
nên những thảm cảnh như:”lấy chồng Đài loan”, hoặc buôn bán trẻ gái
làm mãi dâm, ăn chơi trụy lạc, chuốc lấy bệnh HIV/AIDS đang lan tràn.
NÓI TÓM LẠI,
một cách không quá đáng: nhờ Minh Triết Âm-Dương Điều Hòa
soi sáng, ta có thể giải nghĩa tại sao một số lớn những giáo sĩ can
tội “lạm dụng tính dục” , mà nạn nhân phần lớn lại là trẻ con, con
trai, cùng phái tính với giáo sĩ. Vì người có khuynh hướng” đồng
tính luyến ái”, mang một tâm trạng bất bình thường, nhất là không
hiểu biết, không cảm nhận được giá trị của Hôn Nhân, của Cha-Mẹ,
của Vợ-Chồng, của Con-Cái. Trong Văn hóa Việt Nam, bất cứ ở
đâu, hầu hết dân chúng vẫn còn coi người có khuynh hướng “đồng tính”là
chuyện bất thường và là một “tai nạn” cho Gia đình. Bởi vậy, theo
quan điểm Văn Hóa Việt, việc Tòa Thánh không chấp nhận người có khuynh
hướng đồng tính nhận chức Linh Mục, là xác đáng để tránh hậu họa.
Không hiểu biết, không tôn trọng giá trị thánh thiêng của đời sống
Hôn Nhân, thì không thể sống nếp sống độc thân, Khiết tịnh được.
II. MẤY KINH NGHIỆM VỀ
VIỆC HUẤN LUYỆN TÍNH DỤC
Sau đây là mấy cách Tu Thân đã
thực hành, giúp cho con người giữ được thế Quân bình, Điều hòa trong
đời sống luân lý, và thể lý, đặc biệt để TIẾT DỤC, trong nếp sống Độc
Thân.
1/. Văn Hóa
Việt nam chịu ảnh hưởng giao lưu của Văn hóa Trung Hoa, đặc biệt là
Luân lý Khổng-Mạnh; do đó,
các nhà nho Việt nam đã áp dụng phương pháp Tu Thân của các bậc hiền
nhân quân tử, trong vấn đề chế ngự và điều hòa Dục Tính, nghĩa là muốn
gìn giữ sự Tiết Hạnh, thì cần phải tránh những cám dỗ và “hấp
dẫn”rất mạnh của luật Âm-Dương giữa người khác phái. Người bình dân
Việt có câu ca dao:” Lửa gần rơm, lâu ngày cũng bén”,
thì nhà nho cũng khuyên giới thanh niên cường tráng, muốn “kiêng
cữ”(abstinence) trước khi cưới nhau, trai -gái không nên có những cử
chỉ quá suồng sã, quá thận mật. Những câu khuyên răn khôn ngoan, đề
phòng sự yếu đuối dễ sa ngã, gọi là “cẩu hợp”như:”Nam-Nữ thụ thụ
bất thân”, hay câu:”Sắc bất ba đào, dị nịch nhân”(Sắc
đẹp không phải sóng nước, nhưng dễ làm ta chết chìm, chết đuối)
Hơn nữa, Khổng giáo đã được các vua quan
Việt nam noi theo làm khuôn mẫu cho việc tổ chức gia đình, làng Nước
và chương trình đào luyện cấp lãnh đạo. Vì thế mới có những khuôn vàng
thước ngọc phải noi theo như: Tam Cương, Ngũ Thường, tứ Đức tam
Tòng . Có thể một số lời khuyên răn đã lỗi thời, những mục đích
của việc Tu Thân, Tiết Dục vẫn không thay đổi. Vào thời buổi nào
cũng vậy, sự Tiết Hạnh của người con gái, hay con trai, trước khi cưới
nhau, vẫn là lý tưởng cao đẹp nhất
2.“NHÀ ĐỨC CHÚA
TRỜI” Là Gì?
Ngày nay, cụm từ ”Nhà Đức Chúa Trời”,
ra như xa lạ ngay cả đối với người công giáo. Theo tài liệu của
“Lịch Sử Giáo Hội Việt Nam”, tổ chức”Nhà Tu” này có thể đã được
sáng lập từ thời các vị truyền giáo tiên khởi( Thời Cha Đắc Lộ..hay
ĐGM Lambert de la Motte). Tổ chức này vẫn hoạt động mạnh cho đến năm
chia đôi đất nước, năm 1954, tại các Giáo phận ngoài Bắc như: Hà Nội,
Phát Diệm, Thanh hóa, Vinh, Hưng Hóa, hoặc với một hình thức tương tự
như tại các Giáo phận: Bùi chu, Thái bình, Hải Phòng. Mục đích
của Nhà Tu này là qui tụ những người nam, tình nguyện dấn thân lo việc
truyền bá Phúc Âm trong Giáo Phận. Thành phần Nhà Đức Chúa
Trời(Domus Dei) gồm có: Đức Giám Mục, các Linh Mục, các Thày Giảng,
các Chủng sinh,( đang theo học tại các chủng viện) các Chú(giúp lễ cho
Cha Xứ), và các Bõ( các người lớn tuổi giúp việc trong nhà Xứ). Tại
các Giáo Xứ địa phương, mỗi Nhà Xứ gồm có: Cha Chính Xứ, một hay nhiều
Cha Phó, các Thày giảng già, trẻ, một số đông các Chú giúp Lễ, và một
số các Bô Bõ giúp việc.
Nếp sống tu trì như thế nào?
Họ cam kết sống theo lời Khuyên của Phúc Âm: Khiết Tịnh(Độc Thân),
Thanh bần, Vâng Lời. Mọi người sống chung trong một Nhà Xứ do cha
Chính xứ làm Quản nhiệm điều hành mọi hoạt động mục vụ trong một Giáo
Xứ. Mọi người cùng cầu nguyện chung, ăn chung, cùng ở chung nhà, và
cùng chia nhau các phận vụ để phục vụ Giáo xứ. Vị Giám Mục cai quản
toàn thể các Giáo Xứ trong Giáo Phận, cắt đặt hay thuyên chuyển các vị
Chánh Xứ. Vị Giám Mục ngụ tại một trụ sở trung ương, thường gọi là
“NHÀ CHUNG”, (ví dụ, Nhà Chung Hà Nội) nơi có Giám Mục cư trú, nhưng
cũng là trụ sở vãng lai của các Linh Mục hay Thày giảng,
chủng sinh, khi có việc cần nghỉ lại ít ngày.
Phương thức Huấn luyện nếp sống độc
thân như thế nào? Khi các phụ huynh muốn dâng con mình để
phụng sự Chúa và Hội Thánh, thì đem trình diện chú bé tuổi 12, 13 với
một Linh Mục nhận làm “Cha Bảo trợ”. Trong một Nhà Xứ, cha chính hay
cha phó được quyền “Làm cha quan thày” hay bảo trợ nhiều chú,
tuỳ hoàn cảnh tài chính cho phép. Nhiều giáo xứ giầu có thể nuôi hàng
chục chú bé cho ăn học, miễn phí. Cách thức bảo trợ, tuyển lựa này đã
tạo nên một hệ thống gia đình thiêng liêng, gọi là “Linh Tông”,
nghĩa là một Linh Mục từ khi chịu chức Linh Mục bắt đầu nhận bảo trợ
một số chú bé, sau này nếu chú trở thành Linh Mục cũng sẽ nhận bảo trợ
một số khác..thành ra có cha Cố, cha Bác, cha Chú và anh em cùng một
Cha Quan Thày. Ngoài ra, các Linh Mục cũng được phép giới thiệu các
thiếu nữ gia nhập các Dòng Nữ, nên hệ thống Linh Tông càng được mở
rộng thêm, có Nam, Nữ đề huề.
Từ khi bước chân vào Nhà Xứ, Chú bé 12
tuổi đã có thể tham dự đầy đủ vào nề nếp sinh hoạt của một Cộng đồng
tu sĩ. Chú được hoàn toàn tự do muốn ở lại tu hay xin trở về gia đình
bất cứ lúc nào. Cho đến khi Chú được lên chức Linh Mục, trong khoảng
thời gian thử thách và tu tập, chùng 15 năm(8 năm tiểu, trung học, 3
năm triết học, 4 năm Thần học), Chú có thể quan sát, chứng kiến nếp
sống Độc thân của các Linh Mục, và các Thầy. Theo luật lệ của Địa Phận
Hà Nội, được thi hành trong các Nhà Xứ, thì chỉ có người đi tu mới
được sống trong khuôn viên Nhà Xứ. Phòng khách đặt ở ngoài cổng chính.
Các Linh Mục không được phép tiếp phụ nữ trong phòng riêng-trừ bà mẹ
ruột mới được vào phòng ngủ-( khi một chị giúp việc dọn phòng, thì
Linh Mục phải ra khỏi phòng! Và ai sai lỗi luật này sẽ bị phạt vạ).
Theo thống kê, từ khi làm Chú Bé cho đến khi chịu chức Linh Mục, tối
đa chỉ được 4% , 5% là bền đỗ đến cùng. Khi sống trong Nhà Xứ với cha
bảo trợ hay sau này chú bé vào học tại các Chủng Viện, câu châm ngôn
làm khôun vàng thước ngọc là:”Nunquam duo, semper tres”( nghĩa
là: không bao giờ “Cặp đôi”, nhưng luôn“Cặp ba”, trong khi giao
thiệp, chơi hay nói chuyện với bạn bè, để tránh dan díu” Đồng tính
luyến ái”. Ngoài ra, để tập luyện và tự lượng sức mình có thể sống độc
thân trinh khiết suốt đời được chăng, mỗi chủng sinh phải đi thực tập
hai ba năm tại các Giáo Xứ :một năm sau khi mãn Trung Học, một hai
năm sau khi tốt nghiệp Trường Triết học.
NÓI TÓM LẠI,
Hệ thống “Nhà Đức Chúa Trời”, tại các Giáo Phận Miền Bắc Việt
Nam, là một tổ chức mang nhiều sắc thái Văn hóa Việt, và chịu ảnh
hưởng của các đạo giáo địa phương như Khổng giáo, Phật giáo, chẳng hạn
danh từ: Cụ,(Cha) Thày, Cha Bác , Cha Chú , Chú (chủng sinh), thì bên
Nhà Phật có: Sư Cụ, Sư Ông, Sư Bác, và Chú Tiểu..). Các Linh Mục trong
Giáo Hội Công Giáo gồm có: các Linh Mục Dòng (như
ĐaMinh, Phan Sinh, Dòng Tên, Dòng Chúa Cứu Thế..), và các Linh
Mục Địa Phận(diocesan Priest, tiếng bình dân gọi là “Cha
Triều”). Các Cha Dòng do Nhà Dòng đào tạo, nâng đỡ, và sống
chung trong Tu Viện của Dòng. Còn các Cha Địa Phận do Giám Mục
huấn luyện trong các Chủng viện, và sai đi quản nhiệm trong các Giáo
Xứ. Như tình trạng hiện nay, tại Hoa kỳ, Pháp..các Linh Mục Địa phận
sống trong các Giáo Xứ, vừa lẻ loi, cô độc, không có cộng đoàn
“Nhà Tu”( như kiểu: NHÀ ĐỨC CHÚA TRỜI”)nâng đỡ về nếp sống độc
thân, cho nên dễ sa ngã. Bởi vậy, Kinh Nghiệm Tu Thân Tu Đức về Đức
Trinh Khiết của NHÀ ĐỨC CHÚA TRỜI, -dầu cần cải tiến về
nhiều phương diện cho hợp thời-, là một Nếp Sống Độc Thân của các Linh
Mục Việt Nam, rất đáng trân trọng, vì giúp bảo tồn, nuôi dưỡng và phát
triển Ơn Thiên Triệu cho các Giáo Phận hiện nay đang thiếu các Linh
Mục coi các Giáo Xứ.
3. HUẤN LUYỆN NẾP SỐNG
ĐỘC THÂN TRONG CHỦNG VIỆN XUÂN BÍCH
1. Hội các Linh Mục Xuân Bích
(Dịch từ: Society of Priests of Saint Sulpice) là gì?
Hội này do Linh Mục Jean-Jacques OLIER
(1608-1657) sáng lập, năm 1641 tại “Giáo Xứ Saint Sulpice ở
Paris(Pháp), hiện vẫn còn hoạt động. Gần 400 năm nay, Mục đích
của Hội, là qui tụ một số Linh Mục đồng chí hướng, để cùng nhau, vừa
làm việc mục vụ trong các Giáo Xứ, vừa chuyên chú vào việc huấn luyện,
đào tạo các Linh Mục cho các Giáo Phận . Khẩu hiệu của Hội là”PER
MARIAM AD JESUM( Nhờ Mẹ Maria, đến cùng Chúa Cứu Thế). Hiện nay,
Hội Các Linh Mục Xuân Bích, quản trị và giảng dạy tại các Đại Chủng
Viện trên thế giới như: tại Pháp; tại VIỆT NAM( từ
năm1930, ở Hà Nội; năm 1954, ở Vĩnh Long, và Thị Nghè(Sàigòn), từ năm
1960, ở HUẾ, và Đà Nẵng. Tại Trung Hoa(ở Côn Minh, năm 1930, đóng cửa
năm 1949); tại HOA KỲ(ở Baltimore, ở Washington D.C, Saint
Patrick’Seminary, ở Menlo Park, CA,.: tại Nhật(Fukuoka), tại Canada,
Columbia, Venezuela, Brezil(Nam Mỹ), Benin, Congo, Zambia(Phi Châu),
Tahiti( Polynesie)
(Xin Lưu Ý: Quí Vị muốn biết
thêm về Hội các Linh Mục Xuân Bích, tại HOA Kỳ, xin liên
lạc Địa chỉ: Rev. Thomas R. Ulshafer.S.S. Phone: 410-323-5972)
2. Hiện nay, các
Chủng Viện Xuân Bích, tại HOA KỲ, huấn luyện các chủng sinh về Tính
Dục trong Nếp Sống Độc Thân, Khiết Tịnh, như thế nào?
Sau khi phát hiện cuộc khủng hoảng về lạm
dụng Tính dục nơi các giáo sĩ trong các Giáo phận tại Hoa Kỳ, Toà
Thánh và Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ đã làm việc tích cực để đối phó với
các vụ kiện, và bồi thường cho các nạn nhân. Hội Các Linh Mục Xuân
Bích quan tâm đặc biệt về tình trạng khủng hoảng này, vì Hội trực tiếp
tham gia việc huấn luyện, và giáo dục các chủng sinh cho các Giáo
phận. Hội đã mở những buổi Hội thảo, huấn luyện cho các hội viên và
bắt buộc các hội viện ký nhận cam kết thi hành “Chính Sách đối
với Hành Vi Cử Chỉ Xấu về Tính Dục”( Policy on Sexual
Misconduct)
a/ Sau đây chỉ xin trích dẫn
một số cách thức đề phòng, hoặc tránh những cử chỉ, thái độ
suồng sã, “khiêu gợi”, khi tiếp xúc với giới phụ nữ, thanh
thiếu niên nam nữ, vị thành niên, hay trẻ nhỏ, (dưới 18 tuổi,
Minors).Cũng kể vào loại”Minors” là những người lớn, nhưng chậm tiến,
mắc bệnh thần kinh, hay khuyết tật.
-
Mọi người cộng tác với Hội Xuân Bích trong các Chủng Viện,
Chương Trình Huấn luyện.. đều bắt buộc phải tham dự chương trình dạy
cách phòng ngừa những Hành vi cử chỉ xấu về Tính dục. Mọi Hội viên
trong Hội Xuân Bích phải ký một tờ Cam Kết chịu Trách Nhiệm( an
Affidavit of Responsibility), thi hành Chính Sách của Hội.
-
Hội Xuân Bích cam đoan tích cực giáo dục các chủng sinh, đặc
biệt các chủng sinh làm việc mục vụ với trẻ nhỏ(Minors), cần phải
tránh những Hành vi Cử chỉ xấu về Tính dục, Sách nhiễu Tính dục, Động
chạm, Khai thác, Lạm dụng Tính dục.
-
Hành vi Cử chỉ Xấu về Tính dục (Sexual
Misconduct) là: những lời nói bất hợp pháp, bất xứng hay những cách cư
xử khiêu gợi dục tính- Sách nhiễu Tính dục (Sexual
Harassment) là dùng lời nói hay hành động khiêu gợi kích dâm để tống
tình, hay yêu cầu được chiều đãi thỏa mãn Dục Tính, để được tăng
lương, lên chức, thi đậu. .Sách nhiễu Tính dục sẽ tạo nên tình trạng
đe dọa, sợ sệt nơi sở làm việc, và phá rối công việc học hành, hay tu
trì.- Động chạm khêu gợi (Sexual Contact)l à những hành
vi động chạm với mục đích kích dâm, khêu gợi như sờ mó vào đùi, cơ
quan sinh dục, mông hay ngực..- Khai thác Dục Tính (
Sexual Exploitation) là những đụng chạm kích dâm giữa một vị giáo sư,
Linh hướng, cố vấn..với sinh viên, bất kể ai khêu gợi trước.-Lạm
Dụng Tính Dục một Trẻ Vị thành Niên (Sexual Abuse of a Minor)
là dùng bạo lực, đánh lừa, quyến dũ một thiếu niên làm Hành vi động
chạm khiêu dâm, bất kể ai khởi sự việc xấu đó.- Hành Vi Liên Hệ
đến việc Lạm Dụng Tính Dục đối với Trẻ vị thành niên (Related
Acts of Misconduct with a Minor) là những hành vi cử
chỉ, tự nó không phải là hành vi khiêu dâm, nhưng có liên hệ, trong
một bối cảnh mục vụ, giảng dạy, làm việc, chẳng hạn như: đánh tát,
phát vào mông, nói chuyện tiếu lâm gợi dục, cho dùng dụng cụ khiêu
dâm, khỏa thân, hôn môi, đấm bóp, vật lộn, ngủ chung giường, hay chỗ ở
chật hẹp, ngủ qua đêm không có phép của phụ huynh, cố chấp trao đổi
những hành vi, lời nói về ái tình, nhưng gây khó chịu bất mãn cho
người khác, cho phép hoặc cung cấp rượu mạnh, cần sa ma tuý, hoặc giám
sát thiếu niên khi đang say rượu, say thuốc phiện.-Những Cử Chỉ
tỏ Tình Âu Yếm đối với Trẻ Nhỏ( Certains signs of affection or
approval in relation to a minor) vì không bất xứng, nên không cấm như:
vỗ vai, vỗ lưng, bắt tay, đập vào tay, khen ngợi, quàng vai, và dắt
tay em bé đi dạo chơi, cúi xuống ôm em bé. Trong hoàn cảnh này, cần
lưu ý đặc biệt đến sắc thái Văn Hóa, phong tục tập quán của các sắc
tộc
b/ Huấn luyện chủng sinh hay nhân
viên có trách nhiệm coi sóc các Trẻ Nhỏ
Hội Xuân Bích đặc biệt lưu tâm, và khuyến
khích những chủng sinh hay nhân viên tham dự những lớp huấn luyện
chuyên môn do các Giáo phận địa phương tổ chức. Ngoài ra, dầu chưa có
lý do để tin là đã xẩy ra việc “Lạm Dụng Tính dục đối với Trẻ
Nhỏ”, nhưng nếu ai khám phá thấy những dấu hiệu khả nghi về
cách giao thiệp không lành mạnh của một Hội Viên Xuân Bích, thì phải
lập tức báo cáo cho vị Bề Trên địa hạt hay Tỉnh Dòng biết liền.
c/ Xử dụng Internet Hội viên
Xuân Bích, ban giáo sư, và chủng sinh phải dùng máy computer thuộc
Chủng Viện, hay của riêng cá nhân hay người khác, một cách hợp
pháp và hợp luân lý. Hội Xuân Bích không dung thứ cho việc
dùng Internet, e-mail vào những Hành vi xấu về Tính dục, vô luân hay
bất hợp pháp. Hội Xuân Bích dành quyền khám xét
các tài liệu dự trữ (files) của các nhân
viên Văn phòng và các chủng sinh, khi xét thấy cần phải làm, để bảo vệ
sự an toàn, và lành mạnh của một Cộng đoàn hay là để điều tra về những
lời cáo buộc về Hành vi xấu về Tính dục.
d/ Hội Xuân Bích cam kết hợp tác thi
hành những Điều Luật của Liên Bang, của Tiểu Bang, của Địa phương và
của Giáo Luật và các thủ tục đã phác họa trong Chính Sách của
Hội Xuân Bích. Mỗi hội viên Xuân Bích có nhiệm vụ phải tránh những
hành vi xấu về Tính dục, lại phải phòng ngừa và bảo vệ các nạn nhân
của Lạm dụng Tính dục.
ĐỂ TẠM KẾT,
Cổ nhân đã nói:” Thời thế nào , kỷ cương nấy”. Ngày
trước, xã hội Việt nam tương đối được an hòa, nề nếp, nhờ Minh Triết
Âm-Dương Điều Hòa:”Thuận Vợ thuận Chồng tát Biển Đông cũng cạn”.
Người “xuất gia tu hành”cũng được xã hội trọng vọng, không gặp nhiều
khó khăn, nhiều trở ngại, cám dỗ. Tổ chức”Nhà Đức Chúa Trời”
đã là nơi nương náu, tu trì của bao tâm hồn khát vọng đi tìm Nguồn
hạnh phúc chân thật nơi Nhà Chúa. Ngày nay, trong một thế giới tục
hóa, với cơn bão”cách mạng Dục Tính”làm tan hoang, xáo trộn đến cả nơi
thánh thiêng. Do đó, muốn cứu vãn tình thế, cần những luật lệ chặt
chẽ, nghiêm minh để bảo vệ Nếp sống tu trì, độc thân khiết tịnh.Trên
đây là những cố gắng và ưu tư của Hội các Linh Mục Xuân Bích
giúp huấn luyện hàng Giáo sĩ đối phó với cuộc khủng hoảng về Tính dục.
Những biện pháp thực hành, những lời chỉ giáo rất hữu ích để nâng đỡ
những ai muốn cam kết chấp nhận nếp sống Khiết Tịnh Độc thân, vì Tình
Yêu Thiên Chúa và Tha Nhân.
Như đã trình bày ở trên, nhờ Ơn Chúa phù
giúp, với ý chí tự do kiên trì, các vị Chân Tu, Thánh nhân đã có thể
“Siêu Thoát”, hay “Thăng Hoa” đời sống Tính dục tự nhiên, lên “Nếp
Sống Khiết Tịnh” , chính là nếp sống Khắc Khổ, Thần Nhiệm( Ascetic and
Mystic) để kết nghĩa hoàn toàn với Chúa.
Xin đón đọc
bài 3:” Huấn Luyện Tính Dục và Nếp Sống Khắc Khổ, Thần Nhiệm”
LỄ CHÚA CỨU THẾ
GIÁNG SINH 2005
L.M. Jos. Cao Phương Kỷ
|