Trong số trước, gã đã trình bày hình
ảnh về đờn bà con gái xưa và nay, bằng cách mượn kiểu diễn
tả của Linh mục Thiện Cẩm, đó là sự tiến hóa từ tam tòng
nhảy vọt sang tam…vòng. Cùng một thể thức ấy, hôm nay gã xin
đề cập đến sự chuyển biến từ tứ đức bỗng chốc trở thành
tứ…sắc nơi đờn bà con gái thời xưa và thời nay.
Khi được hỏi thế nào là cái đẹp, có
người đã đưa ra một câu định nghĩa xanh dờn như thế này :
- Đẹp, đó chính là con cóc cái dưới mắt
con cóc đực.
Câu định nghĩa méo mó này muốn nói lên
rằng : ở thế gian, chẳng bao giờ có được một cái đẹp khách
quan, mà chỉ toàn là những cái đẹp chủ quan mà thôi. Chủ
quan của từng người, cũng như chủ quan của từng thời.
Tại sao anh chàng “bô…giai” nọ lại vớ
ngay phải cô vợ xấu ơi là xấu ? Thế nhưng, xấu là xấu dưới
mắt bàn dân thiên hạ, chứ còn dưới mắt anh chàng “bô giai”
nọ, nhất là khi đã chịu đèn và say tình, thì cô nàng vẫn là
người đẹp nhất trên đời :
- Mũi em mười tám gánh lông,
Chồng yêu, chồng bảo : râu rồng trời
cho.
Đêm nằm thì ngáy o o,
Chồng yêu, chồng bảo : ngáy cho vui
nhà.
Đi chợ thì hay ăn quà,
Chồng yêu, chồng bảo : về nhà đỡ cơm.
Trên đầu những rác cùng rơm,
Chồng yêu, chồng bảo : hoa thơm rắc
đầu.
Cũng thế, tại sao cô nàng thuộc vào
hàng “lá ngọc cành vàng” lại quơ ngay phải một anh chàng
thuộc hàng “nông nãi, vũ phi chi cục mịch” ? Thế nhưng, nông
nãi và vũ phu chi cục mịch là đối với người ngoài, chứ còn
đối với cô nàng, thì anh chàng vẫn mãi mãi là…hoàng tử của
lòng em :
- Chồng ta áo rách ta thương,
Chồng người áo gấm, xông hương mặc
người.
Không phải chỉ mỗi người, mà hơn thế
nữa, mỗi thời cũng đều có những tiêu chuẩn riêng để xác định
cái đẹp. Ca dao đã diễn tả về người con gái đẹp ngày xưa như
sau :
- Một thương tóc bỏ đuôi gà,
Hai thương ăn nói mặn mà có duyên.
Ba thương má lúm đồng tiền,
Bốn thương răng nhánh hạt huyền kém
thua.
Năm thương cổ yếm đeo bùa,
Sáu thương nón thượng quai tua dịu
dàng.
Bảy thương nết ở khôn ngoan.
Tám thương ăn nói lại càng thêm xinh.
Chín thương cô ở một mình,
Mười thương con mắt có tình với ai.
Từ bài ca dao trên, gã thấy phảng phất
và bàng bạc tinh thần của Nho giáo. Thực vậy, xã hội Việt
Nam thời xưa đã mang nặng dấu ấn của Nho giáo. Người ta lấy
những lời giảng dạy của Khổng Tử làm khuôn vàng thước ngọc
cho cách cư xử, cũng như làm tiêu chuẩn hướng dẫn cho cuộc
sống của mình.
Đối với cánh đờn ông con giai, ngoài
việc tuân giữ “tam cương”, ba rường cột quan trọng trong
đạo làm người, ba mối dây liên hệ chính yếu trong xã hội, đó
là quân thần, phụ tử và phu phụ, đạo vua tôi, đạo cha con và
đạo vợ chồng, lại còn phải thực thi “ngũ thường”, năm nhân
đức quen thuộc của con người, đó là nhân nghĩa lễ trí tín.
Riêng đối với phe đờn bà con gái, ngoài
việc tuân giữ “tam tòng”, ba sự tùng phục chính yếu, đó là
tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử, khi còn
ở nhà thì theo cha, khi đi lấy chồng thì theo chồng và khi
chồng chết thì theo con, lại còn phải thực thi tứ đức, bốn
nhân đức đặc thù của người phụ nữ, đó là công, dung, ngôn,
hạnh.
- Phận gái tứ đức vẹn tuyền,
Công dung ngôn hạnh giữ gìn chớ sai.
Đức thứ nhất là công. Vậy công là gì ?
Xin thưa rằng :
- Công là đủ mùi xôi thức bánh, giỏi
giang từ đường chỉ mũi kim, nói chung việc nhà phải khéo
léo.
Dường như Thượng đế đã ngấm ngầm thỏa
thuận và phân chia : đờn bà thì quán xuyến việc nhà, còn đờn
ông thì lo toan việc làng việc nước. Hai chữ “việc nhà”, mới
nghe qua, thấy nó thật nhẹ nhõm và đơn giản, nhưng bước vào
rồi, mới thấy nó thật nhiêu khê và rắc rối, cũng vất vả toát
cả mồ hôi hột, chứ chẳng nhẹ nhõm và đơn giản tí nào.
Trước hết, việc nhà chính là việc sắp
đặt và tổ chức trong gia đình.
Đúng thế, phải làm sao cho căn nhà được
sạch sẽ và đẹp đẽ, được thứ tự và ngăn nắp, biến nó trở
thành một tổ ấm dễ thương và dễ mến, để rồi sau những giờ
phút lao động mệt mỏi, sau những bươn chải kiếm tìm chén cơm
manh áo, thì ai cũng thầm mong sớm trở về, hầu được nghỉ
ngơi và thư giãn.
Thử tưởng tượng xem một anh chồng suốt
ngày quần quật trên ruộng đồng, đổ mồi hôi xôi nước mắt, hay
một ông xã ngồi nơi công sở, bị cấp trên chèn ép, bị cấp
ngang cạnh tranh và bị cấp dưới chống đối…mang cái đầu óc
căng thẳng về nhà, chỉ mong sao được khuây khỏa. Thế mà khi
bước chân vào nhà, thì ôi thôi, cả một bãi chiến trường ngổn
ngang và bầy hầy trước mặt. Áo quần vứt bừa vứt bãi, hay
giăng mắc lung tung. Thậm chí, có những thứ “nội y” cần cất
dấu, mà vẫn cứ được vô tư phơi bày ra trước mắt bàn dân
thiên hạ. Ly tách bẩn thỉu, bàn ghế mỗi cái một nơi. Thẹn đỏ
cả mặt, mỗi khi có bè bạn hay khách khứa ghé thăm.
Chính vì thế, thiên hạ thường gọi người
vợ là người nội trợ, tức là người trợ giúp những việc trong
nhà :
- Bề nội trợ việc trong xem xét,
Siêng năng thì trăm việc đều nên.
Nói là trợ giúp, chứ thực chất là quản
lý và điều hành tấr ráo cả mọi sự, như Tú Xương đã từng xác
quyết :
- Việc nhà phó mặc cho bu nó,
Quắc mắt khinh đời cái bộ anh.
Cái uy quyền “nội thất” này, không oai
phong lẫm liệt, không hét ra lửa khiến cho nhiều đầu gối
phải run lập cập, để rồi chỉ còn nước cúi gập mình xuống,
hay uốn cong người lên mà luồn lách lươn lẹo…nhưng âm thầm
và kín đáo, dầu vậy cũng vẫn có được một tác dụng ghê gớm.
Chính vì tác dụng ghê gớm này, mà thiên
hạ đã không ngần ngại phong cho các bà xã cái hàm…nội tướng.
Và khi vị nội tướng đã phán, thì tất cả đều phải thi hành,
hay khi vị nội tướng đã ra tay, thì mọi người đều phải răm
rắp vâng theo, từ ông bố cho chí đến đứa con. Chả thế mà
người xưa đã bảo :
- Lệnh ông không bằng cồng bà.
Phân tích câu tục ngữ này, gã nhận thấy
: lệnh là thứ chiêng đồng loại nhỏ dùng để đánh làm hiệu mà
xuất quân, đồng thời cũng có nghĩa là lời sai khiến. Còn
cồng là thứ chiêng đồng loại lớn dùng để đánh làm hiệu mà
lui quân. Như vậy khi cái lệnh của ông được đánh thì mọi
người sẽ vâng nghe mà ra đi. Nhưng nếu cái cồng của bà cũng
vang lên, hẳn sẽ át được tiếng lệnh của ông, khiến mọi
người phải nghe theo mà rút về.
Thậm chí nhiều lúc còn :
- Lệnh vua thua lệnh bà.
Và như thế, trong phạm vi gia đình,
quyền bà thường lớn hơn quyền ông. Chả thế mà dân mánh mung,
cũng như dân áp phe áp chảo đã triệt để khai thác đặc điểm
trên.
Thực vậy, muốn cho công việc được thuận
buồm xuôi gió, nói với “tướng ông” xem ra có vẻ bị khó, thế
là họ bèn đi cửa sau, giãi bày tâm sự với “tướng bà”ø. Một
khi tướng bà đã gật đầu ô kê, thì mọi việc đều xong tuốt
luốt. Bởi vì, tướng ông nỡ lòng nào mà từ chối những lời thỏ
thẻ ngọt như đường cát, mát như đường phèn của tướng bà, dù
có phải tra chân vào cùm và bị thân bại danh liệt… cũng vẫn
một lòng chịu vậy !!!
Tiếp đến, việc nhà là việc bếp núc và
nấu nướng.
Cánh đàn ông con giai, xem ra anh nào
cũng thích ăn ngon. Đối với họ, bao tử đi trước, rồi việc
làng việc nước mới theo sau. Thậm chí những kẻ phàm ăn tục
uống còn phát biểu :
- Tình yêu đến qua ngả đường của bao
tử.
Ngay cả trong phạm vi tôn giáo, đằng
sau những việc đạo đức thiêng liêng cao cả, thì dường như
người ta đều thấy bóng dáng của mâm cỗ, của dạ dày phảng
phất :
- Trước là kính thánh, sau là…đánh
chén.
- Có thực mới vực được đạo.
Chẳng thế mà họ đã từng giải quyết
chuyện quốc gia đại sự, hay những phi vụ làm ăn trị giá bạc
tỷ bên bàn tiệc đó sao. Còn nói theo kiểu thánh Phaolô, thì
đôi lúc họ đã trót lấy …cái bụng của mình làm chúa.
Vì thế, người vợ “ngon lành” cũng phải
là người vợ thành thạo việc bếp núc và nấu nướng :
- Vắng đờn ông quạnh nhà,
Vắng đờn bà quạnh bếp.
- Xem trong bếp, biết nết đờn bà.
Nhiều bà mẹ đã khéo lo cho con gái,
bằng cách gửi con gái theo học một lớp cắt may và một khóa
nữ công gia chánh, là như một mớ hành trang cần thiết cho
chuyến đi về nhà…chồng.
Sau cùng, việc nhà còn là việc giáo dục
con cái.
Thực vậy, ông bố thường bận bịu với
chuyện cơm áo gạo tiền, lắm lúc bất đắc dĩ phải lấy “ngoài
đường” làm nơi thường trú, còn “trong nhà” chỉ là nơi tạm
trú mà thôi. Vì thế, người mẹ là người sống gần gũi con cái
hơn, hiểu biết con cái hơn và cũng được con cái yêu thương
hơn, nên cũng thường để lại nhiều dấu ấn sâu đậm trên con
cái. Chẳng vậy mà người xưa đã bảo :
- Con hư tại mẹ, cháu hư tại bà.
Việc giáo dục này cần phải được bắt đầu
ngay khi con cái còn là một bào thai và nhất là khi chúng
bắt đầu hiểu biết , bởi vì :
- Bé không vin, cả gẫy cành.
- Uốn cây thừ thưở còn non,
Dạy con từ thưở con còn đương thơ.
Một tên tướng cướp ngày kia trở về nhà
thăm mẹ già. Bà mẹ dẫn con ra một góc vườn, rồi hai mẹ con
cùng ngồi thủ thỉ và tâm sự với nhau. Bà mẹ ra sức khuyên
nhủ người con từ bỏ con đường lầm lạc và làm lại đời mình.
Nghe nói thế, người con bèn chỉ vào một cây to và nói :
- Liệu mẹ có còn uốn được cây này nữa
không ? Chắc chắn là không. Vậy tại sao mẹ không dạy con từ
lúc con còn nhỏ, bây giờ con đã là một cây to, thì không thể
uốn được nữa.
Nói xong, tên tướng cướp lặng lẽ bỏ đi.
Đức thứ hai là dung. Vậy dung là gì ?
Xin thưa rằng :
- Dung hay dong là hình dáng, tướng mạo
bên ngoài, như người đời thường bảo :
- Xem mặt mà bắt hình dong,
Con lợn có béo thì lòng mới ngon.
Dung ám chỉ sắc đẹp của người phụ nữ.
Sắc đẹp này, trước hết được chú trọng vào khuôn mặt, vì thế
người ta mới gọi nhan sắc là vẻ đẹp của khuôn mặt nói riêng
và vẻ đẹp của toàn thân nói chung :
- Chồng em vừa xấu vừa đen,
Đã kém nhan sắc, lại hèn chân đi.
Người con gái đẹp là người con gái có
nét mặt tự nhiên, không tha thướt lả lơi. :
- Cổ tay em trắng như ngà,
Con mắt em liếc như là dao cau.
Miệng cười như thể hoa ngâu,
Cái khăn đội đầu như thể hoa sen.
Sắc đẹp ấy không phải chỉ được thể hiện
trên khuôn mặt, mà còn được thể hiện nơi thân hình :
- Những người thắt đáy lưng ong,
Vừa khéo chiều chồng, vừa khéo nuôi
con.
Thế nhưng, ngoài sắc đẹp trời ban cho,
người con gái còn phải biết kết hợp với việc ăn mặc, sử dụng
trang phục sao cho hài hòa, thích hợp với từng người, theo
từng tuổi, ở từng nơi và trong từng lúc :
- Áo đen ai nhuộm cho mình,
Cho duyên mình đậm, cho tình anh
thương.
Đức thứ ba là ngôn. Vậy ngôn là gì ?
Xin thưa rằng :
- Ngôn là biết trình thưa vâng dạ.
Lời nói vừa tế nhị lại vừa ôn tồn, vừa
lễ độ lại vừa khôn ngoan, biểu hiện được nhân cách của người
phụ nữ, đồng thời còn chứng tỏ mình là một con người có giáo
dục, có văn hóa :
- Chim khôn kêu tiếng rảnh rang,
Người khôn nói tiếng dịu dàng dễ
nghe.
Sau cùng, đức thứ tư là hạnh. Vậy hạnh
là gì ?
Xin thưa rằng :
- Hạnh là đường ngay thảo kính, nết na
đằm thắm.
Nói cách khác, hạnh chính là sự đạo
đức, nết na của người phụ nữ. Muốn được bàn dân thiên hạ coi
là đẹp, thì bản thân họ phải là con ngoan, vợ hiền và dâu
hiền, phải biết trung thực và nhân hậu, kính trên và nhường
dưới. Đây chính là yếu tố căn bản nhất tạo thành nét duyên
ngầm của người phụ nữ. Nét duyên ngầm này sẽ không bị tàn
phai với thời gian, trái lại ngày càng thêm đậm đà, khiến
cho mọi người phải cúi đầu tâm phục khẩu phục :
- Cái nết đánh chết cái đẹp.
Nếu phải chọn lựa giữa nhan sắc và đức
hạnh, người xưa không ngần ngại chọn ngay đức hạnh, bởi vì
như vừa trình bày, đức hạnh chính là nét duyên ngầm của đờn
bà con gái, không bị thời gian là cho nhạt nhòe :
- Tốt gỗ hơn tốt nước sơn,
Xấu người đẹp nết, còn hơn đẹp người.
Sách “Cổ học tinh hoa” có kể lại một
mẩu chuyện như sau :
Dương Chu sang nước Tống, đến ở trọ một
nhà kia. Chủ nhà trọ có hai người thiếp : một người đẹp, còn
một người xấu. Dương Chu thấy trong nhà ai cũng quí mến
người thiếp xấu mà khinh chê người thiếp đẹp, lấy làm lạ bèn
dò hỏi một thằng nhỏ giúp việc, thì nó trả lời rằng :
- Người thiếp đẹp tự coi là đẹp, nên
mất đẹp. Còn người thiếp xấu, tự biết là xấu, nên không còn
xấu nữa.
Nghe vậy, Dương Chu bèn gọi học trò lại
và bảo :
- Các con hãy nhớ lấy câu này : người
giỏi mà bỏ được cái thói ”tự cho mình là giỏi”, thì đi đến
đâu ai mà chẳng trọng kính, ai mà chẳng yêu mến.
Sau khi đã tìm hiểu về tứ đức của đờn
bà con gái thời xưa, bây giờ chúng ta hãy nhìn vào xã hội
hôm nay, để xem tứ đức ấy còn tồn tại, hay chỉ là một kỷ
niệm buồn của dĩ vãng, một chuyện đã xưa rồi Diễm ơi mà
thôi.
Theo sự diễn tả của linh mục Thiện Cẩm,
thì ngày nay thế gian bỗng tự nhiên ra khác. Vậy thế gian ra
khác như thế nào, nhất là trong lãnh vực đờn bà con gái ?
Theo các nhà tâm lý, hoàn cảnh bên
ngoài nhiều lúc đã ảnh hưởng sâu xa đến tâm tính bên trong.
Đờn bà con gái ngày nay, không còn bị nhốt trong căn nhà
bếp, suốt ngày bầu bạn với nồi niêu xoong chảo, mà đã nhảy
phóc ra ngoài xã hội. Cũng lao động và sản xuất, cũng quản
lý và điều hành, cũng bươn chải và đôn đáo chạy ngược chạy
xuôi chẳng kém gì đờn ông con trai. Nhiều bà nhiều cô đã gặt
hái được những thành quả sáng chói, làm tới giám đốc, bộ
trưởng, thủ tướng…chẳng kém gì, mà có khi còn vượt trội hơn
cả cánh đờn ông con giai với mức lương thu nhập khá cao.
Gã không phải là chuyên viên kinh tế,
nhưng kinh nghiệm đời thường cho gã thấy : trong bất cứ tổ
chức nào, từ gia đình cho đến xã hội, ai nắm được tài chánh,
thì người ấy cũng nắm quyền chỉ huy, nghĩa là được quyền ra
lệnh, đồng thời chi phối mọi hoạt động của người khác.
Vì cũng phải góp mặt với đời và hơn thế
nữa, không còn bị lệ thuộc vào đờn ông con giai trong lãnh
vực tiền bạc, nên đờn bà con gái ngày nay bỗng trở thành một
thứ bề trên, nên đâu còn thời giờ lo toan chuyện tẹp nhẹp
bếp núc, thành thử lắm khi “việc nhà phó mặc cho bố nó”. Như
vậy, chữ “công” được tạm cất vào ngăn kéo của dĩ vãng.
Thật tội nghiệp cho những đức ông
chồng, mặc dù đang sống phây phây giữa đời, thế mà cứ như
ông thầy dòng sống trong tu viện. Mặc dù chẳng khấn chẳng
hứa, thế mà vẫn cứ phải tuân giữ ba nhân đức khó nghèo,
khiết tịnh và vâng phục. Thứ nhất không được giữ tiền riêng,
vì đồng lương phải nộp cả cho vợ Thứ hai đừng có dại mà tơ
tưởng lung tung, hay mèo chuột linh tinh vì phải tuyệt đối
trung thành với vợ. Bà mà biết được thì chết với bà. Thứ ba
phải luôn chiều ý vợ, thậm chí nếu phải tham nhũng hối lộ vì
vợ thì cũng hồ hởi thưa lên hai tiếng “xin vâng”.
Ai nắm tiền bạc trong gia đình, thì
người ấy có quyền phán bảo. Và một khi đã quen với cung cách
phán bảo, thì cứ việc ăn to nói lớn, chả cần phải để ý tới
ai, vì lẽ phải và công lý luôn nằm trong lòng bàn tay của
mình. Nương theo cái đà ấy, mấy cô em gái nho nhỏ dễ thương
mà tụ lại với nhau, thì cũng phát ngôn theo kiểu đao to búa
lớn, đủ mùi chanh chua. Họ sẵn sàng gọi người yêu của mình
là cái lão ấy, cũng như gọi cha mẹ của mình là cái ông ấy,
cái bà ấy. Hơn nữa, những đề tài được trao đổi, người ngoài
mà nghe thấy cũng phải toát cả mồ hôi lạnh và quỉ thần cũng
phải phát kinh, phát khiếp lên ấy chứ. Như vậy, chữ “ngôn”
cũng được mời đi chỗ khác chơi.
Nếu ngày xưa người ta chủ trương : Cái
nết đánh chết cái đẹp, thì đờn bà con gái thời nay nhiều
người lại cho rằng :
- Cái đẹp đè bẹp cái nết.
Rất nhiều cô đã biết tận dụng cái vốn
trời cho này mà hốt bạc tỉ, hay leo lên đài danh vọng, mà
chẳng phải tốn đồng xu cắc bạc nào cả, khiến cho phe đờn ông
con giai phát thèm, phát khát, có nằm mơ cũng chẳng thấy.
Thành thử chữ “hạnh” bị xếp vào hàng thứ yếu. Thậm chí,
người đạo đức nết na lắm khi còn bị liệt vào hàng “ngớ ngẩn
ngây ngô khù khờ ngu ngơ”
nữa là khác.
Điều mà đờn bà con gái thời nay chú
trọng hơn hết, có lẽ là chữ “dung”, tức là nhan sắc, tức là
vẻ đẹp. Và thế là tứ đức của Nho giáo nghiễm nhiên trở thành
tứ…sắc. Sắc đẹp của khuôn mặt, sắc đẹp của bộ ngực, sắc đẹp
của cặp giò và sắc đẹp của áo quần.
Để phục vụ cho nhu cầu làm đẹp này, các
thẩm mỹ viện mọc lên như nấm, ăn nên làm ra, phất lên như
diều gặp gió. Mấy ông bác sĩ giải phẫu, cắt chỗ nọ vá chỗ
kia, hút chỗ này bơm chỗ khác, cứ ung dung ngồi hốt bạc vì
phen này ắt hẳn trúng mánh lớn. Thậm chí nhiều bà nhiều cô
lặn lội từ bên Mỹ về Việt Nam cốt chỉ để xẻ cái cằm, xâm bờ
môi hay cấy hàng lông mi…vì tiền công ở Việt Nam rất rẻ.
Rồi trên thị trường, từ các siêu thị
hiện đại cho đến các tiệm tạp hóa nơi hang cùng ngõ hẻm,
cũng đã bày bán biết bao nhiêu thứ mỹ phẩm. Nguyên dầu gội
đầu, phục vụ cho mái tóc thì cũng đã có biết bao nhiêu loại,
đến quỉ thần cũng không thể nào nhớ cho hết. Nguyên kem phục
vụ cho làn da, thì cũng đã có biết bao nhiêu thứ : kem dưỡng
da, kem tẩy da, kem trắng da, kem chống nắng, kem chống
nhờn, kem chống khô…vì nhất dáng nhì da cơ mà. Và rồi còn
biết bao nhiêu mặt hàng, biết bao nhiêu đồ phụ tùng lỉnh
kỉnh khác nữa, từ bên ngoài cho đến bên trong, nhằm tăng
thêm vẻ đẹp cho quí bà quí cô. Gã đành phải bó tay, xin chào
thua.
Thế nhưng, qui luật của muôn đời cho
thấy :
- Có tuổi trẻ nào mà không già, có nhan
sắc nào mà không bị tàn phai với thời gian.
Và khi nhan sắc đã tàn phai, thì hỡi ôi
:
- Còn duyên kẻ đón người đưa,
Hết duyên vắng ngắt như chùa bà Đanh.
- Còn duyên kén những giai tơ,
Hết duyên ông lão cũng vơ làm chồng.
Vì thế, trong khi điểm tô và làm đẹp
cho cái nhan sắc bên ngoài, cũng đừng quên điểm tô và làm
đẹp cho cái nhan sắc bên trong :
- Người xấu, duyên lặn vào trong.
Bao nhiêu người đẹp, duyên bong ra
ngoài.
Để tạo được vẻ đẹp hài hòa như thế,
không bì bằng trở về với truyền thống dân tộc, bởi vì bốn
chữ “công dung ngôn hạnh” vừa tạo được cái đẹp bên ngoài, mà
cũng không sao lãng cái đẹp của phẩm chất bên trong.
Với chủ trương như vậy, chắc chắn gã sẽ
bị mấy cô gái choai choai bây giờ bĩu môi, trề miệng ra mà
phán :
- Rõ thật đồ cù lần cù lèo!!!
Gã Siệu
gasieu@gmail.com
|