Đặc San Giáo Sĩ Việt Nam

 

 

 

ĐỰƠC CHỌN GIỮA LOÀI NGƯỜI
VÀ CHO LOÀI NGƯỜI  (x. Dt, 5.1)

 

GIÁO SĨ:

Xuất phát từ giáo dân, hiện diện vì giáo dân và cậy dựa vào giáo dân

 

ĐỂ CÙNG LÀM VINH DANH THIÊN CHÚA

 

www.conggiaovietnam.net                          giaosivietnam@gmail.com

Đặc San Điện Tử    Giáo Sĩ Việt Nam    Số 62, Chúa Nhật 09.03.2008


MỤC LỤC 

Mầu Nhiệm Giáo Hội                                     Hiến Chế Tín Lý Về Giáo Hội - Lumen Gentium

Học Hỏi Học Thuyết Xã Hội Công Giáo                                                               Huynhquảng

NHƯ LỜI CẦU KINH -        Lm. ANTHONY DE MELLO     Nhà Văn  Hương Vĩnh chuyển ngữ

NGẮM BẨY SỰ THƯƠNG VÀ SỰ MỪNG KÍNH THÁNH CẢ GIUSE             Lm Giuse Hoàng Kim Đại Sưu tập  

MỘT THẾ GIỚI HOẢNG SỢ                                                           Bác Sỹ Nguyễn Tiến Cảnh

KHU VƯỜN Ô-LIU                                                             Nhà Văn Xuân Vũ Trần Đình Ngọc

NÓI THÊM VỀ VẤN ĐỀ LINH MỤC ĐỒNG TẾ và BỔNG LỄ                 Lm. PX. Ngô Tôn Huấn

BẰNG HÀNH ĐỘNG KHÔNG BẰNG LỜI NÓI (2)                                     Lm. Lê Văn Quảng

Vâng, con đồng ý                                                      Lm. Micae-Phaolô Trần Minh Huy, pss.

Bao Tử Với Sự Tiêu Hóa Thực Phẩm                                                   Bác Sỹ Nguyễn Ý-Đức

CHỌN LỰA -                                                                                Chuyện phiếm của Gã Siêu


Mầu Nhiệm Giáo Hội

Thánh Công Ðồng Chung Vaticanô II

 

Hiến Chế Tín Lý Về Giáo Hội - Lumen Gentium

 

Bản dịch Việt Ngữ của Giáo Hoàng Học Viện Piô X

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


 

Chương I

Mầu Nhiệm Giáo Hội 1*

 

1. Giáo Hội, bí tích trong Ðức Kitô. Ánh sáng muôn dân chính là Chúa Kitô, nên Thánh Công Ðồng đang nhóm họp trong Chúa Thánh Thần hết lòng mong ước soi dẫn mọi người bằng ánh sáng của Chúa phản chiếu trên dung nhan Giáo Hội, bằng việc rao truyền Phúc Âm cho mọi tạo vật (x. Mc 16,15). Vì Giáo Hội ở trong Chúa Kitô như bí tích hoặc dấu chỉ và khí cụ của sự kết hợp mật thiết với Thiên Chúa và của sự hiệp nhất toàn thể nhân loại, nên, dựa trên giáo huấn của các Công Ðồng trước, Giáo Hội muốn làm sáng tỏ bản tính và sứ mệnh phổ quát của mình cho tín hữu và toàn thế giới. Những hoàn cảnh hiện tại làm cho nhiệm vụ của Giáo Hội thêm khẩn thiết hơn, để ngày nay mọi người liên hệ chặt chẽ hơn bởi nhiều ràng buộc xã hội, kỹ thuật, văn hóa, cũng được hiệp nhất trọn vẹn trong Chúa Kitô. 2*

2. Ý định cứu chuộc phổ quát của Chúa Cha. 3* Bởi ý định khôn ngoan nhân lành, hoàn toàn tự do và mầu nhiệm, Chúa Cha hằng hữu đã tạo dựng vũ trụ; Ngài đã quyết định nâng loài người lên tham dự đời sống thần linh, và Ngài đã không từ bỏ con người sa ngã trong Adam, nhưng luôn ban sự trợ giúp để họ được cứu rỗi, nhờ Chúa Kitô, Ðấng Cứu Thế, "là hình ảnh Thiên Chúa vô hình, Con đầu lòng của tạo vật" (Col 1,15). Thực vậy, từ muôn thuở tất cả mọi người được tuyển chọn, Chúa Cha "đã biết trước và đã tiền định cho họ trở nên giống hình ảnh Con Chúa, hầu người Con đó được trở nên Trưởng Tử trong nhiều anh em" (Rm 8,29). Thế nên Chúa Cha muốn qui tụ những ai tin kính Chúa Kitô vào trong Giáo Hội. Từ nguyên thủy, Giáo Hội được phác thảo bằng hình bóng, được chuẩn bị kỳ diệu trong lịch sử dân Israel và trong giao ước cũ 1, được thành lập trong thời cuối cùng, và được biểu hiện lúc Chúa Thánh Thần ngự xuống, rồi đến ngày tận thế sẽ kết thúc trong vinh quang. Bấy giờ, như chúng ta đọc thấy nơi các Giáo Phụ, mọi người công chính từ Adam, "từ Abel công chính đến người được tuyển chọn cuối cùng" 2 sẽ được tập họp trong Giáo Hội phổ quát bên Chúa Cha.

3. Sứ mạng và công cuộc của Chúa Con. Thế là Chúa Con được phái đến do Chúa Cha, Ðấng đã tuyển chọn chúng ta nơi Người trước khi tạo dựng vũ trụ và tiền định chúng ta làm dưỡng tử, vì Ngài mong ước cải tạo tất cả trong Chúa Con (x. Eph 1,4-5 và 10). Bởi thế, để chu toàn thánh ý Chúa Cha, Chúa Kitô đã khai nguyên nước trời nơi trần gian, mạc khải cho chúng ta mầu nhiệm của Ngài, và thực hiện việc cứu thế bằng việc vâng phục Chúa Cha. Giáo Hội hoặc nước Chúa Kitô đã hiện diện cách mầu nhiệm, nhờ thần lực Thiên Chúa, phát triển trong thế gian cách hiển nhiên. Sự khai nguyên và phát triển đó được biểu thị bằng máu và nước chảy ra từ cạnh sườn Chúa Giêsu chịu đóng đinh (x. Gio 19,34) và được tiên báo qua lời Chúa nói về cái chết của Người trên thập giá: "Và Ta, khi bị treo lên khỏi đất, Ta sẽ kéo mọi người lên cùng Ta" (Gio 12,32, bản Hy lạp). Mỗi lần hy lễ thánh giá được cử hành trên bàn thờ, nhờ đó "Chúa Kitô, chiên vượt qua của chúng ta chịu hiến tế" (1Cor 5,7), thì công trình cứu chuộc chúng ta được thực hiện. Bí tích Thánh Thể cũng biểu thị và thực hiện sự hiệp nhất các tín hữu, là những kẻ hợp thành một thân thể, trong Chúa Kitô (x. 1Cor 10,17). Mọi người đều được mời gọi kết hiệp cùng Chúa Kitô như vậy. Người là ánh sáng thế gian. Chúng ta phát xuất từ Người, sống nhờ Người và hướng về Người.

4. Việc thánh hóa Giáo Hội của Chúa Thánh Thần. Khi công trình Chúa Cha trao phó cho Chúa Con thực hiện trên trần gian đã hoàn tất (x. Gio 17,4) Chúa Thánh Thần được phái đến trong ngày lễ Hiện Xuống để thánh hóa Giáo Hội mãi mãi, và như thế những ai tin sẽ được tới cùng Chúa Cha qua Chúa Kitô trong một Thần Khí duy nhất (x. Eph 2,18). Chính Ngài là Thánh Thần ban sự sống, là mạch nước vọt lên sự sống vĩnh cửu (x. Gio 4,14; 7,38-39), nhờ Ngài, Chúa Cha hồi sinh những kẻ đã chết vì tội lỗi, đợi đến khi phục sinh thân xác hay chết của họ trong Chúa Kitô (x. Rm 8,10-11). Chúa Thánh Thần ngự trị trong Giáo Hội và trong tâm hồn các tín hữu như ngự giữa đền thờ (x. 1Cor 3,16; 6,19). Trong họ, Ngài cầu nguyện và chứng nhận họ là dưỡng tử (x. Gal 4,6; Rm 8,15-16 và 26). Ngài dẫn đưa Giáo Hội trong hiệp thông và phục vụ. Ngài huấn luyện và dẫn dắt Giáo Hội bằng muôn ơn theo phẩm chức và đoàn sủng, trang điểm Giáo Hội bằng hoa quả của Ngài (x. Eph 4,11-12; 1Cor 12,4; Gal 5,22). Nhờ sức mạnh Phúc Âm, Ngài là tươi trẻ, không ngừng canh tân và dẫn đưa Giáo Hội đến kết hợp hoàn toàn với Phu Quân mình 3. Thực vậy, Chúa Thánh Thần và Hiền Thê nói cùng Chúa Giêsu rằng: "Xin hãy đến" (x. Kh 22,17).

Như thế Giáo Hội phổ quát xuất hiện như "một dân tộc hiệp nhất do sự hiệp nhất giữa Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần" 4.

5. Nước Thiên Chúa. 4* Mầu nhiệm Giáo Hội thánh thiện được biểu lộ trong chính việc thành lập. Thực thế, Chúa Giêsu đã khai sinh Giáo Hội bằng việc rao giảng Phúc Âm rằng Nước Thiên Chúa đã đến như đã hứa trong Thánh Kinh từ ngàn xưa: "Thời gian đã trọn, Nước Thiên Chúa gần đến" (Mc 1,15; x. Mt 4,17). Nước này chiếu sáng trước mặt mọi người qua lời nói, hành động và sự hiện diện của Chúa Kitô. Lời Chúa ví như hạt giống gieo trong ruộng (x. Mc 4,14): ai tin nghe lời Chúa và gia nhập đàn chiên nhỏ của Chúa Kitô (x. Lc 12,32), thì đã đón nhận chính Nước Ngài; rồi tự sức mình, hạt giống nẩy mầm và lớn lên cho đến mùa gặt (x. Mc 4,26-29). Các phép lạ của Chúa Giêsu cũng chứng minh rằng Nước Ngài đã đến thế gian: "Nếu Ta dùng ngón tay Thiên Chúa để trừ ma quỉ, ắt Nước Thiên Chúa đã đến nơi các ngươi rồi" (Lc 11,20; x. Mt 12,28). Nhưng trước tiên, Nước ấy biểu lộ trong chính con người Chúa Kitô, Con Thiên Chúa và Con loài người, Ðấng đã đến "để hầu hạ và hiến mạng sống mình làm giá chuộc thiên hạ" (Mc 10,45).

Vì sau khi chịu chết trên thập giá cho nhân loại, Chúa Giêsu đã phục sinh, nên Người được phong làm Chúa, làm Ðấng Kitô và làm Linh Mục muôn đời (x. CvTđ 2,36; Dth 5,6; 7,17-21); và Người đổ tràn Thánh Thần mà Chúa Cha đã hứa trên các môn đệ Người (x. CvTđ 2,33). Vì thế, với ân huệ của Ðấng sáng lập, và trong khi trung thành tuân giữ các giới răn bác ái, khiêm nhường và từ bỏ, Giáo Hội đã lãnh nhận sứ mệnh rao truyền và thiết lập Nước Chúa Kitô và Nước Thiên Chúa trong mọi dân tộc; Giáo Hội là mầm mống và khai nguyên Nước ấy trên trần gian. Ðang lúc từ từ phát triển, Giáo Hội vẫn khát mong Nước ấy hoàn tất và thiết tha hy vọng, mong ước kết hợp với Vua mình trong vinh quang. 5*


Chú thích:

1* Hai chương đầu của Hiến chế tín lý về Giáo Hội nhằm trình bày mầu nhiệm Giáo Hội trong ý định cứu rỗi của Thiên Chúa như Thánh Kinh đã mạc khải, trước khi phân tích cơ cấu phẩm trật (ch. III) và tác động siêu nhiên.

Sau khi đã xác định Giáo Hội khai sinh từ Mầu Nhiệm Ba Ngôi, chương I của Hiến Chế tìm hiểu những danh xưng và những hình ảnh khác nhau mà Thánh Kinh xử dụng để chỉ Giáo Hội, đặc biệt nhấn mạnh tới danh xưng của Thánh Phaolô gọi Giáo Hội là "Thân Thể Chúa Kitô" (các số 5-7), nhưng không tuyệt đối theo cách gọi đó. Sau cùng, chương I còn cắt nghĩa thực tại Giáo Hội trong tình trạng cụ thể (số 8).

2* Số 1: Nhập đề

Ðây là phần nhập đề tổng quát, nói lên chiều hướng riêng biệt của Hiến Chế. Công Ðồng quả quyết sứ mệnh cứu rỗi phổ quát của Giáo Hội đã được Chúa Kitô trao phó, qua ý niệm bí tích phổ quát của ơn cứu rỗi. Ở đây, sự cứu rỗi được quan niệm dưới hình thức hợp thông với Ba Ngôi.

3* Các số 2-4: Giáo Hội từ Mầu Nhiệm Chúa Ba Ngôi.

Các số này có sự thống nhất khá chặt chẽ về đề mục và cơ cấu, nói lên hoạt động của Ba Ngôi trong đời sống Giáo Hội. Giáo Hội khai sinh từ ý định tự do của Chúa Cha hằng hữu (số 2), ý định đó được thực hiện qua sứ mệnh của Chúa Con (số 3), và được bổ túc nhờ sự thánh hóa mà Chúa Thánh Thần đem đến (số 4). Như vậy chúng ta thấy rõ Giáo Lý Công Giáo về Giáo Hội được xây dựng trên tín điều căn bản của Kitô giáo. Công Ðồng nói theo kiểu nói của Thánh Kinh chứ không theo kiểu nói thần học. Và không muốn giải quyết vấn đề: phải hiểu những hoạt động của Ba Ngôi như thế nào. Câu sau cùng của số 4 bao gồm chủ đích và nội dung của số đó.

1 Xem T. Cyprianô, Epist. 64,4: PL 3,1017; CSEL (Hartel), III B, trg 720. T. Hilariô Pict., In Mt. 23,6: PL 9,1047. T. Augustinô, nhiều chỗ khác. T. Cyrillô Alex. Glaph. in Gen. 2, 10: PG 69, 110A.

2 T. Gregoriô Cả. Hom. in Evang. 19,1: PL 76,1154 B. Xem T. Augustinô, Serm. 341, 9,11: PL 39,1499t. T. Gio. Damascenô, Adv. Iconoct. 11: PG 96,1357.

3 Xem T. Ireneô, Adv. Haer. III, 24, 1: PG 7, 966 B; Harvey 2, 131; x. b. Sagnard, Sources Chr., trg 398.

4 T. Cyprianô, De Orat. Dom. 23 : PL 4, 553: Hartel, III A, trg 285. T. Augustinô, Serm. 71, 20, 33: PL 38, 463t. T. Gioan Damascenô, Adv. Iconocl. 12: PG 96, 1358 D.

4* Các số 5-7: Giáo Hội trong lịch sử cứu rỗi.

Các số này trình bày sự hiện diện và hoạt động siêu nhiên của Thiên Chúa qua Giáo Hội trong công cuộc cứu độ. Công Ðồng muốn giải thích ý định cứu rỗi của Ba Ngôi thực hiện qua Giáo Hội (các số 2-4) tiến triển như thế nào trong lịch sử cứu rỗi. Việc đó phải nhờ vào sự phân tích tỉ mỉ những cách diễn tả của mạc khải Thánh Kinh. Như thế trong số 5, Công Ðồng nói về Giáo Hội như một Nước Thiên Chúa ở trần gian; số 6 trình bày những hình ảnh và những hình bóng khác nhau mà Thánh Kinh xử dụng để mô tả Giáo Hội như là việc của Thiên Chúa; và sau cùng, trong số 7, Công Ðồng giải thích sâu xa hơn về Giáo Hội là Thân Thể Chúa Kitô, theo sát với giáo lý của Thánh Phaolô.

5* Số 5: Giáo Hội là Nước Chúa.

Nước phải hiểu theo nghĩa Thánh Kinh chứ không chỉ nguyên nghĩa xã hội, tức là phải hiểu như là một hành động cai trị (chính sự thống trị) hơn là sự nới rộng đất đai (hiệu quả của hành động thống trị). Trong viễn tượng ấy, Công Ðồng quả quyết có hai sự kiện tạo nên Giáo Hội, tức là Nước Thiên Chúa: hoạt động của Chúa Kitô trước Phục Sinh trong đó Nước Thiên Chúa (theo ý nghĩa đã giải thích) đã được biểu lộ, và việc Chúa thiết lập qua Mầu Nhiệm Phục Sinh. Như thế, ngay cả những yếu tố giúp Nước Thiên Chúa thực hiện cũng đã được phác họa:

a/ Yếu tố siêu nhiên: Là những hồng ân mà Vị Sáng Lập Giáo Hội ban cho (tổng kết: là ơn trọng đại của Chúa Thánh Thần);

b/ Yếu tố luân lý: Chấp nhận những đòi hỏi tinh thần về việc Chúa thống trị trên con người, một cách tự do và toàn vẹn;

c/ Yếu tố thừa sai: Giáo Hội lãnh nhận từ Ðấng Sáng Lập sứ mệnh loan báo và tạo lập sự thống trị này của Thiên Chúa trên mọi người;

d/ Yếu tố cánh chung: Việc thống trị ấy còn bất toàn trên trần gian, bởi vậy khuynh hướng cánh chung của toàn thể Giáo Hội hướng tới một Nước hoàn hảo phải được thực hiện trong thời sau hết (x. số 48c).

5 Xem Origenê, In Mat 16,21: PG 13, 1443 C. Tertullianô, Adv. Marc. 3,7: PL 2, 357 C; CSEL 47,3 trg 380. Về tài liệu phụng vụ, xem Sacramentarium Gregorianum: PL 78,160 B. Hoặc C. Mohlberg, Liber Sacramentorum Romanae Ecclesiae, Roma, 1960, trg 111, XC: "Thiên Chúa không bị ràng buộc đã ban cho ngươi nơi cư ngụ vĩnh cửu của các thánh...". Ca ngợi Urbs Jerusalem beata trong sách kinh nhật tụng đan viện, và Coelestis urbs Jerusalem trong sách kinh nhật tụng Roma.

còn tiếp

VỀ MỤC LỤC
Học Hỏi Học Thuyết Xã Hội Công Giáo

II. Con Người

A. Phẩm Giá, Sự Tự Do và Tính Xã Hội ( số 39 – 65) (tiếp theo)

16. Thế nào là tự do đích thực?

Chúa Giêsu đã phán: “Sự thật sẽ giải thoát các con” (Jn 8: 32). Như vậy, điều kiện tiên quyết để có sự tự do đích thực là con người phải gắn liền với sự thật. Vì chỉ trong sự thật thì sự tự do mới được viên mãn. Đồng thời, để có thể tiếp cận được sự thật, con người cần phải tránh mọi kiểu tự do hão huyền, giả tạo. Vì những kiểu tự do giả tạo này sẽ không dẫn ta vào sự thật về con người và về thế giới. (cf. Redemptor Hominis, # 12)

17. Không có tự do đích thực thì phẩm giá của con người có được tôn trọng không?

Thưa không. Trong thế giới ngày nay, con người dễ dàng lẫn lộn giữa sự tự do đích thực và tự do phóng túng. Nhân danh sự tự do, có nhiều người hành động một cách không có ý thức về luân lý, tức là coi thường phẩm giá con người. Vậy khi chúng ta không có tự do đích thực, nghĩa là chúng ta không sống trong sự thật, thì phẩm giá con người cũng không được tôn trọng.  

18. Con người có mang tính xã hội không?

Thiên Chúa là Cha, theo ý định yêu thương của Ngài,  đã tạo dựng loài người trong một gia đình nhân loại, vì thế con người nên cư xử với nhau theo tình anh em. Tính xã hội nơi con người được minh chứng cụ thể rằng: sự phát triển của mỗi cá nhân gắn liền với sự phát triển của xã hội; điều này luôn luôn hổ tương cho nhau. Thực tế cho thấy, mục đích ban đầu của các thể chế xã hội là nhằm phục vụ con người, và đây cũng là bản chất của xã hội loài người. Chính vì thế, xã hội tính nơi con người không phải là một đặc tính được thêm vào cho con người, nhưng là xuyên qua quá trình làm việc, trao đổi, đối thoại con người phát triển mọi khả năng của mình để cùng giúp nhau đi tới vận mệnh chung của mình. 

19. Nguyên nhân nào làm cho con người đánh mất tính xã hội để rơi vào chủ nghĩa cá nhân?

Ngày nay, nhiều cá nhân thường bị bóp nghẹt giữa hai cực: Nhà nước và thị trường. Sự hiện hữu của mỗi cá nhân như là những công cụ để sản xuất và tiêu thụ, hoặc như là đối tượng cho việc quản lý của nhà nước. Vì thế, nhiều người dễ dàng đánh mất sự thật rằng: mục đích đời sống xã hội không phải là nhà nước hay thị trường, nhưng tự bản chất, đời sống xã hội mang một giá trị độc đáo mà nhà nước và thị trường phải phục vụ cho giá trị ấy. Chính sự lầm lẫn nghiêm trọng này, con người mất khả năng nhận thức về sự liên đới trong cộng đồng nhân loại, dẫn đến hậu quả là đề cao chủ nghĩa cá nhân thay vì xã hội tính nơi mỗi người. 

20. HTXH đề cập đến trách nhiệm xây dựng xã hội của mỗi cá nhân như thế nào?

Mỗi một cá nhân là thành viên của gia đình nhân lọai. Tất cả mọi người đều được mời gọi đóng góp vào sự phát triển của nhân loại. Tất cả các nền văn mimh được sinh ra, phát triển và chết đi, nhưng loài người luôn phát triển theo dòng lịch sử. Mỗi chúng ta đều được thừa hưởng những di sản của tổ tiên và tiếp tục được hưởng những thành quả của xã hội đương đại. Ví lý do này, mỗi người phải có bổn phận xây dựng xã hội không phải chỉ vì cho chúng ta hôm nay, mà còn phải có trách nhiệm để lại những giá trị quí báu cho thế hệ mai sau.

Huynhquảng

VỀ MỤC LỤC
LỜI CẦU KINH CỦA CON ẾCH

 

NHƯ LỜI CẦU KINH - ANTHONY DE MELLO 

Hương Vĩnh chuyển ngữ

1.- LỜI CẦU KINH CỦA CON ẾCH   

Một đêm kia khi thầy Bruno đang cầu nguyện, thầy bị quấy rầy bởi tiếng ộp ộp của một con ễnh ương. Mọi cố gắng của thầy để phớt lờ âm thanh đó đều vô hiệu nên từ cửa sổ, thầy la lớn: "Im đi!  Ta đang cầu nguyện!

Vì thầy Bruno là một vị thánh nên lệnh của thầy được tuân hành ngay. Mọi sinh vật đều im hơi lặng tiếng, nhằm tạo sự thinh lặng thuận lợi cho việc cầu nguyện của thầy.

Nhưng giờ đây một âm thanh khác xâm nhập vào việc thờ phượng của thầy Bruno – một tiếng nói từ bên trong nói rằng: "Có thể Chúa cũng ưa thích tiếng ộp ộp của con ếch đó như tiếng hát những bài Thánh Vịnh vậy.” Thầy Bruno đáp lại với vẻ khinh miệt: " Tiếng ồp ộp của một con ếch có gì mà làm Chúa nghe lọt tai?"  Nhưng tiếng nói đó không chịu từ bỏ: "Con có nghĩ tại sao Chúa đã tạo nên âm thanh không?

Thầy Bruno quyết định khám phá cho biết tại sao. Thầy ngả người ra ngoài cửa sổ và ra lệnh: "Hát lên đi!" Tiếng ộp ộp đều đặn của con ễng ương tràn lan không trung cùng với sự phụ hoạ buồn cười của mọi con ếch ở xung quanh đó. Và khi thầy Bruno chú trọng vào âm thanh thì những giọng kêu của chúng không còn làm thầy chói tai nữa, bởi vì thầy khám phá ra rằng nếu thầy không còn kháng cự chúng nữa thì chúng thực sự đang làm phong phú hóa sự tĩnh mịch của đêm trường. 

Nhờ sự khám phá đó, con tim thầy Bruno đã hòa nhịp với vũ trụ và lần đầu tiên trong đời, thầy mới hiểu cầu nguyện nghĩa là gì.

 

2.- THẦY GIÁO TRƯỞNG DO THÁI NHẢY MÚA  

Một câu chuyện trong sách Ha-si đim (Hasidim)

Những người Do Thái ở một tỉnh nhỏ bên nước Nga rất nóng lòng chờ đợi thầy giáo trưởng tới. Đó sẽ là một biến cố hiếm hoi nên họ đã để nhiều thời giờ chuẩn bị những câu hỏi mà họ sẽ đặt ra cho con người thánh thiện đó. 

Cuối cùng khi thầy giáo trưởng đến và họ gặp thầy ở tòa thị chính, thầy có thể cảm nhận bầu khí căng thẳng khi mọi người sẵn sàng lắng nghe những câu trả lời mà thầy để dành cho họ.  

Trước hết, thầy không nói gì; thầy chỉ nhìn chằm chằm vào đôi mắt họ và ngậm miệng ngân nga một giai điệu lặp đi lặp lại. Rồi mọi người bắt đầu ngậm miệng ngân nga theo. Thầy bắt đầu hát và họ hát theo thầy. Thầy lắc lư và nhảy múa khoan thai, với những bước chân có chừng mực. Toàn thể giáo đoàn bước theo thầy như vậy.  

Chẳng bao lâu, họ dồn hết tâm trí vào cuộc nhảy múa cho đến nỗi họ bị cuốn hút vào những động tác mà quên đi những gì khác ở trên mặt đất. Vì vậy mỗi người thuộc đám đông đó làm thành một tổng thể được chữa lành khỏi sự rạn nứt từ bên trong đã cầm giữ chúng ta xa rời Chân Lý. 

Cũng phải mất gần một tiếng đồng hồ trước khi cuộc khiêu vũ chậm lại để rồi chấm dứt.  Với sự căng thẳng được gỡ khỏi nội tâm con người, ai nấy ngồi xuống trong sự an bình thinh lặng tràn lan căn phòng. Rồi vị giáo trưởng nói những lời duy nhất tối hôm đó: "Tôi tin chắc tôi đã trả lời các câu hỏi của quý vị rồi". 

Người ta hỏi một vị tu sĩ Hồi giáo tại sao ông ta thờ phượng Chúa bằng cách nhảy múa. Ông trả lời: "Vì thờ phượng Chúa có nghĩa là chết cho chính mình; sự nhảy múa giết chết cái tôi. Khi cái tôi chết, mọi vấn nạn chết theo với nó. Nơi nào vắng bóng cái tôi, ở đó có Tình Thương, ở đó có Thiên Chúa".

VỀ MỤC LỤC
NGẮM BẨY SỰ THƯƠNG VÀ SỰ MỪNG KÍNH THÁNH CẢ GIUSE
 

(Lm JB. Trần Đức Huyên)

- Thứ nhất: Khi Thánh Giuse đã đính hôn với Đức Mẹ, mà Người thấy Đức Mẹ mang thai, thì lòng người đau đớn bối rối biết chừng nào, nhưng chẳng dám hồ nghi sự trái cho Đức Mẹ; tuy nhiên khi được thiên thần báo tin cho biết: việc ấy là do quyền năng Chúa Thánh Thần, và Thánh Cả được chọn làm Cha nuôi Đấng Cứu Thế, thì Người rất đỗi vui mừng. Ta hãy xin cho được ơn trông cậy phó thác, và đừng cố tình nghĩ xấu cho ai bao giờ. Amen.

 - Một kinh Lạy Cha.

 - Một kinh Kính Mừng Giuse :

 “Kính mừng Giuse, đầy ơn Chúa, Đấng Cứu Thế được Ngài âu yếm dưỡng nuôi, và tận tình chăm nom săn sóc. Ngài thật diễm phúc hơn hết mọi người nam, và Giêsu Con Chí Thánh của bạn thanh khiết Ngài thật diễm phúc.

 Thánh Giuse, Cha nuôi Con Thiên Chúa, xin cầu cho chúng con trong những lo âu hồn xác hiện nay, và xin thương phù giúp chúng con trong giờ lâm tử. Amen.

- Một kinh Sáng Danh. 

 

- Thứ hai: Khi Thánh Giuse cùng Đức Mẹ về quê cha đất tổ là Belem để làm sổ kiểm tra, mà Đức Mẹ đã đến ngày sinh, nhưng không tìm được chỗ trọ, phải ra trú chân tại hang đá trống trải, thì Thánh Giuse buồn sầu khôn xiết; nhưng khi Chúa Con chào đời, Thánh Giuse đã được nghe ca đoàn các thiên thần hát mừng, thấy mục đồng và các đạo sĩ từ xa đến kính viếng, thì Người vui mừng vô hạn. Ta hãy xin cho được lòng tin mạnh mẽ, sống tốt lành, để sau này được hợp tiếng cùng các thiên thần ngợi khen Chúa muôn đời. Amen.        

(Lạy Cha, Kính Mừng Giuse và Sáng Danh.)   

 

 - Thứ ba: Khi đến ngày Chúa Giêsu chịu phép cắt bì, Thánh Giuse được chứng kiến những giọt máu đầu tiên Chúa Hài Nhi đổ ra, thì Người đau đớn lắm, nhưng khi Ngài được vinh dự đặt tên và được kêu tên cực trọng Giêsu Đấng Cứu Độ trần gian trước hết, thì Người cảm thấy hạnh phúc và vui mừng biết chừng nào. Xin cho ta biết hy sinh hãm mình, và trong giờ lâm tử, được sốt sắng kêu tên cực trọng ấy lần cuối cùng. Amen.    (Lạy Cha, Kính Mừng Giuse và Sáng Danh.)    

 - Thứ bốn: Khi làm lễ thanh tẩy trong đền thờ, Thánh Giuse được nghe ngôn sứ Si-mê-on tiên báo những đau khổ mà Chúa Giêsu và Đức Mẹ phải chịu sau này, thì Thánh Giuse đau đớn như bị gươm sắc đâm vào lòng; nhưng rồi lại được nghe báo trước về ơn cứu độ của Dân Chúa và ánh sáng Tin Mừng chiếu soi cho muôn dân, thì Người vui mừng khôn tả. Xin cho ta được kể vào số những người được ơn cứu độ và được hưởng ánh vinh quang của Chúa muôn đời. Amen.

 (Lạy Cha, Kính Mừng Giuse và Sáng Danh.) 

- Thứ năm: Khi thiên thần truyền cho Thánh Giuse phải trốn sang Ai-cập giữa đêm khuya, thì Người buồn sầu lo lắng cho Chúa Hài Nhi và Đức Mẹ; nhưng vì thấy Chúa Giêsu thoát khỏi tay bạo vương Hê-rô-đê, thì Người vui mừng hết sức. Xin cho ta biết xa lánh mưu chước ba thù là ma quỷ, xác thịt và thế gian, và được luôn sống với Chúa Giêsu, Đức Mẹ và Thánh cả Giuse. Amen.  
 (Lạy Cha, Kính Mừng Giuse và Sáng Danh.)  

 - Thứ sáu: Khi ông Thánh Giuse được lệnh đưa Chúa Giêsu và Đức Mẹ về xứ Giu-đê-a, nhưng lại sợ vua Hê-rô-đê A-kê-lao, nối quyền cha là kẻ đã tìm giết Chúa Giêsu, thì Thánh Giuse lo lắng băn khoăn trong lòng, nhưng khi thiên thần lại chỉ dạy về Na-da-rét, thì Người an tâm và vui vẻ thi hành lệnh truyền. Xin cho ta được thoát khỏi mọi lo âu hồn xác, và được bình an sống thân mật với Chúa Giêsu, Đức Mẹ và Thánh Giuse suốt đời. Amen.

 (Lạy Cha, Kính Mừng Giuse và Sáng Danh.)  

 - Thứ bảy: Khi Chúa Giêsu lên mười hai tuổi, đi dự lễ đền thờ Giê-ru-sa-lem, khi về Thánh Giuse và Đức Mẹ lạc mất người, thì Thánh Giuse đau lòng sầu não dường nào, nhưng sau ba ngày, Người đã tìm thấy Chúa Giêsu ở giữa các thầy thông luật trong đền thờ, thì Người vui mừng khôn xiết. Xin cho ta được phúc sống trong ơn nghĩa thánh đến hơi thở cuối cùng, và được chết lành trong tay Chúa Giêsu, Đức Mẹ và Thánh Giuse. Amen. 

(Lạy Cha, Kính Mừng Giuse và Sáng Danh.)   

         

THÁNH CẢ GIUSE TRONG THÁNH KINH

1. Mt 1,16-17 : Gia phả Đức Giêsu Kitô “Ông Giacóp sinh ông Giuse, chồng của bà Maria, bà là mẹ Đức Giêsu cũng gọi là Đấng Kitô.”  

2. Mt 1,18-25 : Sứ thần Gabrien truyền tin cho thánh Giuse. Ngài là người công chính.  

3. Mt 2,13-18 : Thánh Giuse đưa Đức Mẹ và Chúa Giêsu trốn sang Aicập.  

4. Mt 2,19-23 : Thánh Giuse đưa Đức Mẹ và Chúa Giêsu từ Ai cập về đất Israel.   5. Mt 13,55 : Thánh Giuse là thợ mộc .  

7. Lc 2,1-14 : Thánh Giuse về Belem khai sổ và phục vụ Chúa Giêsu gíáng sinh. 

 8. Lc 2,15-20 : Người chăn chiên đến Belem gặp mẹ Maria, thánh Giuse và Hài Nhi.  

9. Lc 2,22-32 : Thánh Giuse và mẹ Maria tiến dâng Chúa Giêsu vào Đền thờ. 

10. Lc 2,33-38 : Nghe ông Simêon tiên báo, cha và mẹ Hài Nhi ngạc nhiên. 

11. Lc 2,39-40 : Thánh Giuse và mẹ Maria trở về Nagiarét.  

12. Lc 2,41-50 : Thánh Giuse và mẹ Maria tìm Chúa Giêsu trong Đền thờ.  

13. Lc 2,51-52 : Người đi xuống cùng với cha mẹ, trở về Nadarét.  

14. Lc 3,23-38 : Gia phả Chúa Giêsu : “Thiên hạ vẫn coi Người là con ông Giuse”.

15. Lc 4,22 : Ông này không phải là con ông Giuse đó sao ?   
16. Ga 6,42 : Bài giảng về Bánh Trường Sinh : Ông này chẳng phải là ông Giêsu, con ông Giuse đó sao ? 

 

VIỆC TÔN SÙNG THÁNH CẢ GIUSE TRONG LỊCH SỬ HỘI THÁNH

* Hội Thánh chính thức tôn kính thánh cả Giuse vào thế kỷ XIV.

* Năm 1621 qui định các bài đọc trong thánh lễ : 2 Sm 7,4-5a.12.14a-16; Rm 4,13.16-18.22; Mt 1,18-25.    

* Cuối thế kỷ XVII, nguyên trong dòng Cát Minh người ta đã đếm được 150 nhà thờ mang thánh hiệu Giuse. (Phạm Đình Khiêm, Thánh Giuse Tuyệt Diệu, trang 44-48)    

* Ngày 8-12-1870, Đức giáo hoàng Piô IX đề nghị các nghị phụ Công Đồng Vatican I long trọng tôn phong Thánh Giuse là Bổn mạng của Hội Thánh; đồng thời quyết định ngày 19-3 lễ kính Thánh Giuse phải được mừng kính cách trọng thể. 

* Trong các văn kiện của Hội nghị giáo phận Bordeaux (Pháp) năm 1868, có ghi lại như sau: “Được hấp dẫn bởi gương sáng của Vị Chủ chăn tối cao, các tín hữu đã thi đua nhau trong việc sùng kính Thánh Tổ Phụ bằng những tâm tình bên trong và bằng cả những dấu hiệu bên ngoài nữa, như xây cất các đền thờ, lập các Dòng Tu, các Hội đoàn... kính nhớ Thánh Cả và đặt các giáo xứ, các gia đình dưới sự che chở của Ngài. Trong 32 năm Triều Giáo Hoàng của Đức Piô thứ IX đã có tới 65 Dòng Tu được thành lập mang tên Thánh cả Giuse hoặc theo Linh đạo của Ngài.”     

* Năm 1889, Đức giáo hoàng Lêô XIII truyền lấy tháng Ba hằng năm làm tháng tôn kính Thánh Giuse.     

* Năm 1955, Đức giáo hoàng Piô XII lập Lễ Thánh Giuse Thợ vào ngày lễ Lao Động 1-5. 

* Đức giáo hoàng Gioan XXIII đã đặt Công Đồng Vatican II, khai mạc ngày 11-10-1962, dưới sự bảo trợ của Thánh cả Giuse và ghi tên Thánh cả bên cạnh tên Đức Mẹ trong Kinh Nguyện Thánh Thể một.

Để như dấu hiệu cụ thể của lòng sùng kính, ngày 19.3.1961, Đức Gioan truyền tu bổ lại nhà nguyện và bàn thờ Thánh cả Giuse, bên phía tay mặt trong Đền thờ Thánh Phêrô, nơi cử hành Công đồng. Nơi thánh này phải trở nên như nơi gợi lên lòng đạo đức của mỗi tín hữu và của các đoàn hành hương.

Hai năm sau, cũng ngày 19.3.1963, ngài đã làm phép ảnh Thánh cả Giuse được trưng bày trong nhà nguyện này, nhân dịp mừng 38 năm tấn phong Giám mục.

Ngày 29.7.1961, ngài khuyên các Giám đốc chủng viện nhắn nhủ các chủng sinh hãy có lòng sùng kính cách riêng đối với Thánh Giuse. Và ngày 17.3.1963, trước lễ Thánh Cả, ngài khuyên các linh mục và anh chị em giáo dân của mọi thời đại hãy theo gương ngài trong việc sùng kính Thánh cả Giuse.   

* Huấn đức của Đức Gioan Phaolô II :

Anh chị em rất thân mến,

  Ngày 19 tháng 3, chúng ta cử hành Lễ Thánh Giuse. Vào trung tâm của Mùa Chay, Phụng Vụ trình bày cho chúng ta vị thánh vĩ đại nầy như là mẫu gương để noi theo, và như là Đấng bảo vệ để chúng ta cầu khẩn.   
 

Trước hết, thánh Giuse là mẫu gương sống Đức Tin cho chúng ta. Như Tổ Phụ Abraham, thánh Giuse đã luôn sống trong thái độ hoàn toàn phó thác cho sự quan phòng của Thiên Chúa; vì thế Ngài là mẫu gương khích lệ, nhất là khi chúng ta được mời gọi tin tưởng vào Chúa, dựa trên “lời ngài” đã phán, mà không nhìn thấy được rõ ràng Ý Định của Chúa. Hơn nữa chúng ta được mời gọi noi gương ngài, trong việc khiêm tốn thực thi sự vâng phục, một nhân đức chiếu sáng nơi ngài trong nếp sống thinh lặng và trong việc làm ẩn khuất. Trường học Nazareth là quý giá biết bao cho con người thời nay, bị bao vây bởi một nền văn hóa rất thường đề cao vẻ bề ngoài và sự thành công, đề cao sự độc lập và một quan niệm sai lầm về tự do cá nhân! Ngược lại, thật là cần thiết biết bao, việc phục hồi lại giá trị của sự đơn sơ và vâng phục, sự tôn trọng và yêu mến đi tìm thánh ý của Thiên Chúa!    

Thánh Giuse đã sống phục vụ cho vị hôn thê của mình và cho Con Thiên Chúa; và như thế, đối với các tín hữu, thánh Giuse trở thành chứng tá hùng hồn cho biết phải cai trị hay phục vụ như thế nào. Đặc biệt, tất cả những ai, trong gia đình, trong trường học và trong giáo hội, có trách vụ sống làm cha, làm người hướng dẫn, đều có thể nhìn về Thánh Giuse, để được huấn luyện sống tốt lành. Nhất là tôi nghĩ đến những người cha, mừng lễ của họ vào đúng ngày lễ dành cho thánh Giuse. Tôi cũng nghĩ đến tất cả những ai mà Thiên Chúa đã tuyển chọn trong Hội thánh để thực hiện “tình cha thiêng liêng”...  

Nguyện xin Thánh Giuse, vị thánh mà người tín hữu tin tưởng khẩn cầu, luôn hướng dẫn những bước tiến của đại gia đình Thiên Chúa. Xin thánh nhân hãy đặc biệt trợ giúp cho những ai đang chu toàn vai trò làm cha tự nhiên hoặc cha thiêng liêng.

Xin Thánh Giuse hãy cùng đồng hành với những lời khẩn cầu của chúng ta và xin Mẹ Maria khẩn cầu cùng Chúa cho chúng ta, Mẹ là vị hôn thê đồng trinh của Thánh Giuse và là Mẹ của Đấng cứu chuộc.”       

 

THÁNH GIUSE LÀ QUAN THẦY CỦA HỘI THÁNH TẠI VIỆT NAM 

1. Cha Đắc Lộ viết : Ngày 12-3, ngày lễ thánh Grêgôriô Cả, chúng tôi khởi hành từ Macao, và căng buồm theo chiều gió đưa chúng tôi đi qua kính chào mộ xưa kia chôn cất Thánh Phanxicô Xaviê ở đảo Tam Châu, rồi từ đó vào biển hải Nam. . . Đêm tới tàu chúng tôi bị một trận bão rất lớn, làm tàu lay chuyển rất hiểm nghèo và đồng thời trên không có sấm sét vạch thành những hình thù quái dị do ma quỷ gây nên làm cho thuỷ thủ sợ hãi. Mãi tới sáng, ngày lễ Thánh Giuse hiển vinh, trời trở nên quang đãng, hình quái dị tan và sóng hạ, chúng tôi khám phá ra một cửa biển, người Đàng Ngoài gọi là Cửa Bạng. Chúng tôi muốn gọi là Cửa Thánh Giuse, vì chúng tôi may mắn được vào bến đúng ngày lễ kính Người, và chúng tôi hy vọng Thiên Chúa để Ngài làm vị quan thầy bảo hộ và làm cha nuôi giáo đoàn Đàng Ngoài mới khai sinh này. . .

Trong những ngày này chúng tôi không ra khỏi Cửa Thánh Giuse ... Chúng tôi đi đàm đạo với rất nhiều người ở Xóm Thánh Giuse Chúng tôi ân cần dạy dỗ và chinh phục những thôn xã lân cận, và chúng tôi đã rửa tội được 32 người, là những hoa quả đầu mùa ờ Đàng Ngoài (Lịch Sử Vương Quốc Đàng Ngoài của Cha Đắc Lộ, bản dịch của Hồng Nhuệ, trích trong tập Thánh Cả Giuse của linh mục Hồng Phúc, trang 90-92).  

2. Đức cha Lambert de La Motte, giám mục tiên khởi Đàng Trong, trong chuyến thăm giáo đoàn Đàng Ngoài, ngài họp Công Đồng Đàng Ngoài tại Phố Hiến, Hưng Yên ngày 14-2-1670, đã long trọng xin Thánh Giuse làm Quan thầy của Giáo Hội Đàng Ngoài. Đức Thánh Cha Clêmentê X châu phê bằng Tông hiến Trách vụ Tông đồ ngày 23-12-1673. 

3. Đức Giáo hoàng Innôcentê XI đã ban hành Tông hiến Thánh vụ Tông đồ đề ngày 17-8-1678, tôn nhận Thánh cả Giuse là quan thầy các giáo phận truyền giáo Trung Hoa (với cả Đàng Trong, Đàng Ngoài, Lào, đại Hàn, Hung Nô).  

4. Hội đồng Giám Mục Việt Nam : Thư ngày 11-10-1997 của HĐGMVN gửi Công đồng Dân Chúa nhân dịp Hội nghị thường niên diễn ra tại Hà Nội ngày 6 - 11-10-1997, đã nhất trí xác nhận tôn vinh Thánh cả Giuse là Quan thầy Giáo Hội Việt Nam.  

5. Nhà thờ Chánh toà Sài Gòn gọi là Nhà thờ Đức Bà, còn Nhà thờ Chính toà Hà Nội gọi là Nhà thờ Thánh Giuse.

Hội Thánh và giáo dân Việt Nam từ trước tới nay vẫn tôn kính cách riêng Thánh cả Giuse.

Hằng năm các giáo xứ, các họ đạo, các gia đình vẫn dành cả tháng Ba để kính riêng Thánh cả. Rất nhiều người, nhiều giáo xứ, nhiều họ đạo đã nhận Thánh cả Giuse làm Quan Thầy.     

Lm Giuse Hoàng Kim Đại   Sưu tập  
 

VỀ MỤC LỤC
MỘT THẾ GIỚI HOẢNG SỢ

 

Trong lời nhắn nhủ đầu năm mới 2008, Đức Benedicto XVI đã kêu gọi mọi người hãy lấy lại HY VỌNG NƠI CHÚA KITO, bởi vì thế giới ngày nay đã suy vi và mất Niềm Tin trong cuộc sống. Ngài gọi đó là “Sự Dữ Mờ Tối”.

 

Dựa vào Thông Điệp Spe Salvi của Đức Thánh cha Biển Đức XVI, chúng ta thử tìm hiểu tại sao con người ngày nay lại không còn Hy Vọng và Tin Tưởng trong cuộc sống? Phải chăng vì người ta đã đánh mất đời sống nội tâm nên quá hoảng sợ vì những truyện viển vông trần tục?

 

THẾ GIỚI CẦN CÓ HY VỌNG

 

Ngày 2-12-2007, trong buổi xuất hiện trước công chúng nhân dịp Chúa Nhật đầu tiên Mùa Vọng, Đức Thánh Cha đã lược qua tông thư Spe Salvi và báo động: ngày nay dựa vào tinh thần khoa học hiện đại người ta đang có khuynh hướng cho rằng Hy Vọng và Niềm Tin thuộc phạm vi cá nhân.

 

Chính quan niệm đó đã lại làm cho con người mất hy vọng. Đức Thánh cha cả quyết: “Khoa học đã giúp cho đời sống con người rất nhiều điều, nhưng nó lại không thể cứu rỗi được nhân loại”.

 

Trong lời mở đầu bài nói truyện với dân thành Roma và thế giới “Urbi et Orbi” trước ngày lễ Giáng sinh, Đức Thánh cha đã gọi lễ Giáng Sinh là “Ngày đại lễ Hy Vọng, ngày Chúa Cứu Thế sinh xuống làm người”. Ngài nói thêm: “Khi con trẻ Giêsu sinh ra thì cũng là lúc mà Hy Vọng thực sự tràn đầy tâm hồn những ai đang chờ đợi Chúa”.

 

Điều đó không phải chỉ có một mình Đức thánh cha cảm nghiệm thấy và cho rằng thế giới ngày nay cần phải lấy lại Hy Vọng. Ngày 1-1-2008, tờ New York Times cũng đã đăng tải một bài nhan đề “Năm 2008, năm báo động 100%”.

 

Nhìn đầu đề bài báo, mọi người đều tưởng rằng tác giả sẽ nói về những điều cần thiết thực sự liên quan đến cuộc sống con người, nhưng lại chỉ thấy nói về những thay đổi thời tiết. Truyền thông báo chí lại chỉ chú trọng đến những báo động lạc quan nhất mà thôi. Cũng theo tác giả của bài báo thì có rất nhiều nhà báo và khoa học gia đặc biệt để ý đến thảm trạng môi trường bị ô nhiễm vì có quá nhiều thán khí. Điều này lại cho thấy là họ đã đi lạc đề quá xa. Tờ New York Times kể rằng đài khí tượng Anh Quốc ghi nhận năm 2007 là năm nóng bức nhất. Ngược lại đài BBC lại cho là năm ấm áp hơn bình thường. Có điều đặc biệt là các tờ  báo Times này đều không để ý đến hay không biết đến cái lạnh buốt ghê gớm chết người ở Nam cực với mức đá tảng cao hơn bình thường, trái ngược với tin tức đã phổ biến là ở Bắc cực mức đá tảng lại thấp hơn.

 

 

SỢ HÃI VÀ SỢ HÃI

 

Sự sợ hãi đó cũng rất phổ biến trong môi trường chính trị. Tuần báo Newsweek số ra ngày 24-12-07 đã dành 4 trang để phân tích “cái sợ” mà các ứng cử viên tổng thống đã nêu ra trong cuộc vận động tranh cử. Bài báo kết luận là “có một ứng cử viên, vì không hiểu rõ những yếu tố làm cho người ta sợ nên cứ thế mà nói không cần biết thực hư ra sao nữa.” Họ nói ra như để hù dọa cho mọi người hoảng sợ thêm.

 

Trong một quyển sách mới xuất bản hồi tháng 11 năm 2007, tác giả Christopher Richard và Booker North đã nói về cái giá chúng ta phải trả cho cái sợ ghê gớm quá sức đó, đến độ người ta đã trở thành dị đoan, cho rằng sợ  đến nỗi làm chết người: “Từ bệnh bò điên (BSE) đến chuyện trái đất bị hâm nóng đã làm cho người ta sợ chết được: Tại sao chỉ vì hoảng sợ mà chúng ta lại có thể làm mất cả trái đất” (Continuum).

 

Cả hai tác giả đều công nhận là có những đe dọa thực sự. Nhưng thường thường vì dựa vào khoa học quá sơ khởi, người ta lại phóng đại nó lên rồi truyền thông báo chí thì thổi phồng những nguy hiểm, các chính trị gia thì đua nhau làm ra luật lệ này nọ tốn kém biết bao nhiêu là tiền bạc. Chẳng hạn năm 1966 khi bệnh bò điên (BSE) bộc phát, truyền thông báo chí tường thuật có cả trăm ngàn con bò chết. Một tờ báo lại đi quá xa đoán chừng cả nửa triệu con chết trong một năm. Nhưng cuối cùng tính sổ lại chính thức thì chỉ có vài trăm con chết mà thôi.

 

Trong phần kết luận của bài phân tích dày cả 500 trang về thực phẩm và những e ngại sợ hãi về môi trường trong những năm vừa qua, đã cho biết cái sợ hãi lo lắng đó một phần là vì cuộc sống con người ngày nay quá trần tục.  Một khi con người không có đời sống nội tâm và niềm tin tôn giáo, thì những giá trị cao quí của xã hội lại phụ thuộc vào  thực trạng vật chất xác thịt. Vì thế thay vì tìm kiếm những giá trị siêu nhiên tốt đẹp để thay thế cho tội lỗi và sự ác thì người ta lại khuyến khích và thích trình bày những ghê sợ nguy hiểm một cách huyền hoặc viển vông.

 

THÁI ĐỘ TIÊU CỰC

 

Có những tác giả khác khi bàn cãi về sự sợ hãi đã cho rằng nỗi hoảng sợ của thế giới ngày nay ngày càng gia tăng như nhà xã hội học Anh Quốc Frank Furedi đã báo động trong cuốn sách của ông vừa tái bản lần III năm 2005 nhan đề “Văn hóa sự sợ / Culture of Fear” (Continuum).

 

Furedi nhận đinh: cái nguy hiểm ở chỗ là chúng ta cứ nghĩ rằng chúng ta đang phải đối đầu với những sức mạnh ghê gớm có thể hủy diệt nhân loại như các hành tinh ở trên không bị bể ra từng mảnh rơi xuống trái đất, các vi trùng giết người rất nguy hiểm không có thuốc chữa và trái đất bị hâm nóng. Do đó đi đến chỗ là bây giờ người ta lại thích ca tụng chúc mừng các nạn nhân hơn là vinh danh những anh hùng; người ta thích khuyến khích nhau chứng tỏ mình là kẻ cần phải được an ủi, giúp đỡ và đền bù thay vì cổ động mọi người đưa ra những sáng kiến xây dựng tích cực để giúp đời.

 

Furedi còn tiếp tục đưa ra những phân tích và nhận định của ông trong một cuốn sách khác mới xuất bản sau này, năm 2005 nhan đề: “ Politics of Fear / Tính cách chính trị của sự sợ”. (Continuum). Ông cho biết: danh xưng Phe Hữu hay Phe Tả hiện không còn  thích hợp trong môi trường chính trị nữa. Thay vào đó là thái độ “Mất Niềm Tin / Đa Nghi, thuyết Tương Đối và Thích Phê Bình Chỉ Trích đã đưa đến một bầu khí chính trị mà Furedi gọi là  “Bảo Thủ Sợ Hãi”.

 

Loại bảo thủ này –ông lý luận- nó không giống như kiểu bảo thủ trước kia người ta tin tưởng vào đặc tính duy nhất và đặc thù của con người là có trí khôn và linh hồn bất tử, bảo thủ hiện thời lại bị ám ảnh bởi “tâm trạng chán đời”.  Sức chịu đựng, nguyên tắc cẩn trọng cần thiết, lối sống lý tưởng tự nhiên và theo thiên nhiên, tất cả đều cho thấy người ta đã thất vọng, chán đời, mất niềm tin, không còn tin tưởng vào ngay cả những ước nguyện và tham vọng của chính mình cũng như những kinh nghiệm thực tế đã có của con người.

 

BÓNG TỐI BAO PHỦ

 

Thêm vào những phân tích về chính trị và xã hội học như ở trên, chúng ta còn cần phải  để ý đến vấn đề thần học mà Đức Thánh cha Biển Đức XVI đã nói trong tông thư Spe Salvi gần đây của ngài. Khởi đầu tông thư Ngài đưa ra nhận xét về một đoạn trong thư thánh Phaolo gửi cho giáo đoàn Epheso nói về Hy Vong. “Các tín hữu Ephesians trước khi tiếp cận với Chúa Kito–Thánh Phao lô viết- họ là những người sống không có Hy Vọng và không có Chúa trong cuộc sống (Ephesians 2: 12). Tông thư của Đức Thánh Cha nói thêm: Các thần thánh của những người ngoại này lúc đó thì rất đáng nghi ngờ và thuộc loại thần thoại vô lý. Do đó, vì không có Chúa Kito, họ đã sống trong “một thế giới tối tăm  với một tương lai đen tối” (No 2)

 

Ngược lại, người tín hữu Kito giáo vì tin tưởng có Chúa ở bên cạnh, biết rằng đời sống của họ sẽ không kết thúc ở hư vô, cho dù họ không biết rõ ràng những chi tiết về cuộc sống đời sau của họ thế nào. Sự tin tưởng đó chắc chắn sẽ thay đổi cuộc sống của chúng ta và, do đó đoạn thư của thánh Phaolo –Đức Thánh cha tiếp tục diễn nghĩa- không những chỉ có tính cách giáo dục mà còn có tác dụng thay đổi lối sống của chúng ta nữa. Ngài nói:

   

-“ Ai có hy vọng thì sẽ sống một cách khác biệt; ai có hy vọng thì sẽ được phúc phần thưởng một đời sống mới”.

 

Đức Thánh cha còn cắt nghĩa:

   

-“  Cuộc khủng khoảng niềm tin trong xã hội ngày nay chính là “cuộc khủng khoảng Hy Vọng Kitô giáo” (No 17). Bức tông thư còn tiếp tục khuyến khích, thúc đẩy chúng ta, nhũng người tín hữu Kito giáo hãy đối thoại với  thế giới tân kỳ ngày nay về quan niệm  Hy Vọng của Kito giáo.

 

Trong phần đối thoại này, người tín hữu Kito giáo lại “phải học hỏi thêm nữa xem sự hy vọng của mình thực sự gồm có những gì, họ phải chia sẻ và không thể chia sẻ được  những gì với thế giới” (No 22). Về phần xã hội đương thời hiện tại, họ cũng cần phải xét lại xem sự tin tưởng của họ vào những tiến bộ khoa học và tiến bộ vật chất mà họ cho là không còn chỗ nào có thể chê được nữa, thực chất nó là thế nào. Đức Thánh Cha đã không phủ nhận những tiến bộ đó, nhưng ngài cho rằng nó vẫn còn mơ hồ.

 

TIẾN BỘ KHOA HỌC

 

Đức Thánh Cha nhận xét: “Không còn nghi ngờ gì nữa, tiến bộ của khoa học đã cho chúng ta những khả thi mới đem lại điều thiện, nhưng đồng thời nó cũng mở ra những khả thi khác tạo nên tội ác, những cái mà trước kia không thấy có”.

 

 Đức Biển Đức tiếp tục nói:

 

-“Tiến bộ cũng cần phải đi đôi với luân lý đạo đức, và nếu nó tạo ra được niềm tin thì nó cũng có thể phân biệt được giữa Thiện và Ác”.

 

Tông thư cũng không phủ nhận tiến bộ khoa học và tiến bộ vật chất. Thực vậy, Đức Thánh Cha công nhận cần phải có “hy vọng vào những tiến bộ khoa học dù nhiều hay ít để giúp chúng ta tiếp tục sống qua ngày”.(No 31). Tuy nhiên, tông thư cho biết những hy vọng này không đủ nếu không có một “Hy Vọng Vĩ Đại và thiết yếu” là Thiên Chúa.

 

KẾT LUẬN:

 

Đức Thánh Cha kết luận:

   

-“Thiên Chúa là nền tảng của Hy Vọng: Không có bất cứ một thần linh nào khác ngoài Thiên Chúa, đấng có diện mạo loài người và là đấng yêu thương chúng ta, mỗi một người chúng ta và toàn thể nhân loại cho đến phút chót và đời đời”.

 

Đức thánh Cha nhận xét xa hơn nữa:

   

-“Một thế giới mà không có Thiên Chúa là một thế giới không có Hy Vọng. Lúc đó chúng ta sẽ chẳng ngạc nhiên gì khi đứng trước một xã hội tân tiến hiện đại nhưng tràn ngập sợ hãi. Cùng với khoa học, nhân loại cần phải lấy lại niềm tin vào Thiên Chúa cho dù chỉ để làm lành những vết thương, hàn gắn lại những đổ nát tinh thần và sửa chữa những căn nguyên đã gây nên sợ hãi cũng được rồi”.

 

Pace Island, Florida 3 Feb. 2008

Nguyễn Tiến Cảnh

 
VỀ MỤC LỤC

KHU VƯỜN Ô-LIU

 I

Tôi đã thấy khu vườn cây xanh biếc!

Vườn ô-liu, đầy hoa trái xum xuê

Kìa đàn chim trong nắng lụa tràn trề

Làn gió thoảng hiu hiu mừng Xuân mới!

 

Tôi cũng nghe những hồi chuông vang dội

Thúc giục tôi nâng thần trí lên cao

Hồn lâng lâng, say đắm để tôi vào

chiêm ngưỡng Chúa đấng toàn năng cao cả!

 

Tôi ngồi đây, vườn ô-liu thanh nhã

Tôi lặng thinh để thần trí bay xa

Con người tôi nhẹ hẫng, bước chân ngà

Đang nếm thử trái ô-liu huyền diệu!

 

Cái ngã tôi đã trở về cực tiểu

Chỉ còn duy... đầy ắp  một linh hồn

Những  gió lành, ân sủng, nước mưa tuôn

Tôi no đủ, hồn tôi đầy sung mãn!

 

Vẫn lặng yên, không dám chi khinh động

Bởi phút này rất trân quí, hiếm hoi

Tôi ngồi đây, như nhắp chén men  say

Say, mê đắm lời Phúc Âm của Chúa!

 

Tôi còn vào vườn Ô-liu, đất Hứa

Nơi  tôi gặp một Đấng mãi thương tôi

Dù đã quen, tôi cảm  thấy bồi hồi

Khu vườn xanh, tôi vẫn ngồi suy tưởng!

 

22-2-2008

Bút Xuân TRẦN ĐÌNH NGỌC
 

VỀ MỤC LỤC
NÓI THÊM VỀ VẤN ĐỀ LINH MỤC ĐỒNG TẾ và BỔNG LỄ

 

Trong bài trước , nhân câu hỏi của một độc giả, tôi đã có dịp nói về vấn đề đồng tế (concelebration) của các linh mục. Tôi đã nói rõ là không có giáo lý, giáo luật hay luật phụng vụ nào cấm việc này. Có chăng chỉ có giáo luật cấm linh mục Công giáo “đồng tế với các thừa tác viên của các giáo hội hay giáo đoàn không hiệp thông trọn vẹn với Giáo Hội Công Giáo” mà thôi ( x. giáo luật số 908).

Trong bài trước, tôi đã nói đến việc giới hạn  hay cấm linh mục đồng tế trong các dịp lễ tang hay lễ cưới ở một số nơi,  nhưng luật cấm này đã không được áp dụng công minh, đồng đều ở địa phương nào đó,  khiến có sự ta thán, bất mãn của cả giáo dân và linh mục.

Hôm nay, xin được nói riêng về tình trạng đồng tế ở nhiều nơi bên ngoài ViệtNam, cụ thể là ở Mỹ này.

I-    Vấn đề linh mục đồng tế ở Mỹ:

Nói chung, ở Mỹ , không có nơi nào cấm hay giới hạn việc đồng tế của linh mục trong các dịp hôn phối, kỷ niệm thành hôn, tang lễ hay lể giỗ cả. Nhưng phải nói là chỉ có trong các cộng đoàn hay giáo xứ ViệtNam ở Mỹ mới có “hiện tượng đồng tế” đông đảo trong các dịp nói trên mà thôi. Ở các giáo xứ Mỹ, Mễ, thì  rất ít có linh mục đồng tế trong những dịp này. Ngay cả khi có một linh mục Mỹ, Mễ qua đời thì may lắm mới có được từ 25-40 linh mục đồng tế trên tổng số 500, 600 linh mục trong giáo phận ! Tôi chưa bao giờ thấy có đến 100 linh mục Mỹ đồng tế trong lể an táng  của một linh mục qua đời cả. Ngược lại, lễ tang hay lễ cưới của giáo dân ViệtNam thì đôi khi có trên 20 linh mục đồng tế là thường, ít ra cũng có 4, hay 5 linh mục đồng tế.

Thông thường thì  ỡ các nơi có đông người Công giáo ViệtNam như California, Houston, Dallas, New Orleans …. các linh mục đến đồng tế vì quen biết ít nhiều hay là thân thích họ hàng với các chủ hôn hay tang gia. Nhưng cũng có  trường hợp linh mục đến đồng tế vì được người khác mời hộ cho đông chứ không hẳn vì quen biết hay có liên hệ gì với gia đính có hôn lễ hoặc tang lễ. Vì thế mà trong giới linh mục ở một vài nơi,  đã có cụm từ “ đi sô” (show) để chỉ tình trạng các linh mục chậy từ nhà thờ này sang nhà thờ kia để đồng tế ít là 2 lễ cuối tuần !, giống như nghệ sĩ “ đi show”  vậy đó !

Đây là thực trạng đáng phàn nàn vì có sự lạm dụng hay dễ dãi không cần thiết về việc đồng tế để chiều thị hiếu của những người  muốn được vinh dự với cộng  doàn, giáo xứ địa phương khi  có lễ cưới hay lễ tang của gia đình họ. Nhưng điều này lại trái với giáo luật số 905, triệt 1, cấm linh mục  cử hành hay đồng tế nhiều lần trong một ngày, khi không có lý do chính đáng được phép làm. Hơn thế nữa, đồng tế quá dễ dãi như vậy  cũng gây phân bì hay không vui  cho những gia đình không quen biết nhiều cha hay mời thêm được nhiều linh mục đến đồng tế khi gia đình họ có việc vui, buồn.

Như vậy, linh mục cũng cần giới hạn việc đồng tế khi thực sự không phải là nhu cầu cần thiết.  Một khía cạnh không được đẹp mắt là người ta thường tặng “phong bì” cho các cha chủ tế và đồng tế ngay sau thánh lễ, trước mặt giáo dân đang rời nhà thờ sau thánh lễ. Theo thiển ý, đáng lẽ phải nói cho giáo dân biết là không nên làm việc này, vì linh mục đến đồng tế là vì thân tình  với các gia chủ có việc vui buồn chứ không phải đến  để nhận “phong bì”. Vả lại, làm như vậy khiến người ta có cảm tưởng là “trả công” đi đồng tế cho các linh mục.

Nhưng điều quan trọng hơn hết cần nói cho mọi người biết một lần nữa là: ơn Chúa ban cho đôi tân hôn hay cho linh hồn người quá cố hoàn toàn không lệ thuộc vào việc có nhiều hay ít linh mục dâng lễ trong những hoàn cảnh này. Càng không liên hệ gì đến số tiền gia chủ chi ra để trả hay tặng  cho các cha chủ tế và đồng tế trong các lễ cưới và lễ tang. Nghĩa là Chúa không căn cứ vào số linh mục hiệp dâng thánh lễ  và số tiền dâng cúng để ban ơn nhiều hay ít cho đôi tân hôn hoặc thưởng hay tha phạt một linh hồn mới ly trần. Chúa ban ơn vì lòng nhân hậu vô biên và công bằng tuyệt đối của Ngài, và vì công nghiệp cứu chuộc vô giá của Chúa Kitô cộng với thiện chí cộng tác của con người trong cuộc sống ở đời này

Nói khác đi, nếu không có cộng nghiệp cứu chuộc của Chúa Kitô thì không ai có thể được cứu rỗi. Nhưng nếu con người không cộng tác với ơn cứu chuộc này bằng quyết tâm yêu mến Chúa và sống theo đường lối của Ngài, thì Chúa cũng không thể cứu ai được. Vậy nếu ai ỷ lại vào công nghiệp cứu chuộc của Chúa Kitô để không làm gì hết , hoặc tệ hại hơn nữa, là sống ngược lại với Tin Mừng Cứu Độ  và khước từ tình thương của Thiên Chúa cho đến phút chót của đời mình, thì Chúa không thể cứu người đó được; cho dù sau khi chết có được hàng trăm linh mục đồng tế, và đã xin nhiều “lễ đời đời” hay “ mua hậu” với số tiền rất lớn của các nơi buôn thần bán thánh, thì cũng vô ích mà thôi. Chắc chắn như vậy.  Ngược lại, nếu một người đã thực tâm yêu mến Chúa và sống theo đường lối của Ngài, thì dù sau khi chết, không được linh mục nào đến đồng tế, và thậm chí xác còn không được mang vào trong nhà thờ như đã xảy ra ở nơi nào đó,  thì cũng không thiệt thòi gì trước mặt Chúa khi Người công minh phán xét.

Vậy đừng ai lầm tưởng rằng hễ có nhiều cha đồng tế,  nhất là được hồng y, giám mục chủ tế  và chi ra nhiều tiền cho nhà thờ thì bảo đảm phần rỗi hơn là không có cha nào dâng lễ và không dâng cúng đồng nào cho ai.

Thật ra, đây chỉ là vinh dự trần thế mà thôi chứ không hề là bảo đảm gì về  lợi ích thiêng liêng trước mặt Chúa cho ai sau khi lìa đời.

Tóm lại, cần sống đẹp lòng Chúa bây giờ thì đó mới là bảo đảm chắc chắn cho phần rỗi mai sau. Xin dâng nhiều lễ , cầu nguyện và làm việc lành chỉ có ích cho những linh hồn đã ra đi trong ơn nghĩa Chúa nhưng còn  chưa lành sạch đủ để  vào Nước Trời  hưởng Thánh Nhan Ngài  mà thôi. 

II-     Bổng lễ (mass stipends)

Vấn đề này tôi đã giải thích nhiều lần. Nhưng vì còn có người vẫn thắc mặc nên tôi xin nói lại một lần nữa.

Bổng lễ là số tiền tượng trưng linh mục được hưởng khi dâng một thánh lễ cầu nguyện theo ý người xin. Số tiền này do Tòa giám mục địa phương ấn định. Thí dụ ở Houston là 5 dollars cho mỗi thánh lễ. Như vậy, linh mục không được phép đòi hơn số tiền qui định này để dâng lễ cầu cho ai ( x. giáo luật số  952, triệt 1).

Nhưng nếu người xin lễ tự ý dâng số tiền lớn hơn thì linh mục được phép nhận  mà không có lỗi gì. Mặt khác,  nếu người xin lễ, vì nghèo túng, không có khả năng trả số tiền qui định đó thì linh mục cũng được khuyên nên dâng thánh lễ dù không có bổng lễ. ( giáo luật số 945, triệt 2).

Điều quan trọng cần hiểu là ơn Chúa ban qua thánh lễ không dính dáng gì đến số tiền to, nhỏ của người xin trả cho linh mục.  Ơn thánh của Chúa thì hoàn toàn vô giá (invaluable), nghĩa là không thể mua được bằng tiền bạc hay của cải vật chất. Tiền xin lễ theo qui định của giáo quyền chỉ có giá trị đãi ngộ cho linh mục dâng lễ theo tinh thần “ người lo cho các thánh vụ thì được hưởng lộc Đền Thờ, và kẻ phục vụ bàn thờ thì cũng được chia phần của bàn thờ..” như Thánh Phaolô đã dạy ( x. 1 Cor 9:13)

Do đó, sẽ mắc tội mại thánh ( buôn thần bán thánh) (simonia) nếu ai muốn dùng tiền của để mua ơn Chúa, hoặc đòi tiền để ban một bí tích hay gây cho người ta lầm tưởng rằng xin lễ với bổng lễ to thì được nhiều ơn ích thiêng liêng hơn lễ với bổng lễ nhỏ;  tất cả đều là những hình thức buôn thần bán thánh  bị nghiêm cấm trong Giáo Hội . (giáo luật số 947; 1380)

Sau hết, cũng liên quan đến bỗng lễ , linh mục không được phép gom tất cả ý lễ nhận được để hưởng trọn trong một thánh lễ. Ngược lại, phải dâng đủ lễ cho mỗi ý lễ, nghĩa là người ta xin bao nhiêu lễ thì linh mục phải làm đủ số ý lễ đó, dù bổng lễ là to hay nhỏ ( x. giáo luật số  948).

Mặt khác,  dù dâng nhiều thánh lễ trong một ngày, linh mục  cũng chỉ được hưởng một bỗng lễ mà thôi, ( trừ dịp lễ Giáng Sinh). Các bỗng lễ còn lại phải được chuyển về Tòa giám mục để phân phối cho mục đích khác. (giáo luật số 951).  Nếu có nhiều ý lễ nhận được trong một thánh lễ, thì muốn hưởng hết bổng lễ, linh mục phải làm bù lại vào các ngày khác cho đủ  ý lễ của người xin. Nhưng linh muc không được phép nhận nhiều ý lễ có bổng lễ đến mức không thể làm hết được trong vòng một năm. ( x. giáo luật số 953).

Đó là tất cả những điều cần thiết tôi phải nói lại một lần nữa về vấn đề đồng tế, và bổng lễ theo giáo luật. Ước mong những giải thích này thỏa mãn đưiợc mọi thắc mắc liên hệ.

Lm Phanxicô xaviê Ngô Tôn Huấn

VỀ MỤC LỤC
BẰNG HÀNH ĐỘNG KHÔNG BẰNG LỜI NÓI (2)

 

“Xuân Thi, con kéo quần lên. Con sẽ vấp té ngay bây giờ. Đi lên lầu ngủ đi”. Bà mẹ quay sang khách của bà và nói: “Tôi mua những bộ đồ ngủ bán hạ giá ngày hôm qua. Bộ đồ nầy rộng đối với nó, nhưng biết con trẻ thích cái gì mới. Nó chỉ muốn mặc bây giờ.Tôi muốn nó mặc cho cả sang năm nữa. Nó lớn lên là vừa”. Bây giờ mọi người đang nhìn cô bé đang đứng trên cầu thang mỉm cười cách vui vẻ với mọi người. Cô liếc nhìn xuống chân, đang bị phủ kín bỡi hai ống quần quá dài và rồi lại liếc lên nhìn mọi người mỉm cười hạnh phúc. Bà mẹ lại ra lệnh: “Xuân Thi, con kéo quần lên để vấp té đó. Đi lên lầu đi con”. Cô bé chậm rải xoay chiếc quần và từ từ kéo nó lên, đoạn quay lại nhìn mọi người. Bà mẹ quay lưng về phía nó. Nó đứng lại một lúc lắng nghe người lớn nói chuyện. Bà mẹ quan sát cái nhìn của người khách, quay lại và nói: “Xuân Thi, coi chừng té đó. Kéo quần lên và đi lên lầu! Anh ơi, xuống bế con lên”. Cô bé quay lại và bò nhanh lên lầu, vừa đến đỉnh cầu thang thì ba nó đến. 

Biết bao nhiêu lần chúng ta thấy nguy hiểm vây quanh con cái chúng ta và chúng ta cảnh cáo chúng ý tứ. Nếu chúng lắng nghe chúng ta, chúng sẽ cảm thấy sợ hãi không dám hành động. Bà mẹ nói quá nhiều. Bà dùng ngôn từ, sự sợ sệt để đe dọa. 

Cô bé biết cách điều khiển những ống chân của chiếc quần dài. Cử động của cô bé cho thấy sự nhuần nhuyễn, không để ý đến nguy hiểm liên quan. Cô bé có bộ đồ ngủ và mẹ nó dưới sự điều khiển của nó. Nó cảm thấy thích thú có mẹ nó tỏ ra quan tâm nhiều đến nó. Nó biết rằng lẽ ra nó đã lên giường ngủ, nhưng lợi dụng cơ hội để lôi kéo sự chú ý của mẹ nó khỏi người khách để chú ý đến nó. Tình thế càng đầy gian truân thử thách, chiến thăùng càng lớùn lao. Và mẹ nó đã làm đúng như nó nghĩ. 

Nhiều lúc, lẽ ra bố mẹ tốt hơn không nên nói gì cả. Có những bố mẹ đã làm thử lần đầu và cảm thấy những cố gắng đó quả thật có kết quả lớn. Họ cảm thấy có áp lực lớn lao phải làm một cái gì trước tình trạng đó. Nhưng không lâu, họ khám phá ra rằng sự yên lặng của họ làm giảm đi sự căng thẳng của tình thế và thường giữ gia đình có được sự hài hòa. Tuy nhiên, có một số bà mẹ thường hay quát to và hàm răng nghiến lại. 

Bà mẹ không nên nói nhiều với cô bé về bộ đồ ngủ. Điều bà nên làm là cho cô bé sự chọn lựa hoặc tự đi vào giường hoặc được bế vào giường. 

Vào một ngày chủ nhật, cậu bé Văn Nghi 5 tuổi đứng trong góc của lớp học khóc. Bà mẹ dỗ và năn nỉ nó nín: “Nếu con không nín, mẹ sẽ bỏ con ở đây và mẹ đi”. Thằng bé càng khóc to hơn. “Bây giờ thi mẹ thật sự đi”. Thằng bé thét và di chuyển dần dần về phía cữa theo sau mẹ nó. Bà ra khỏi cữa và quay trở lại trong khi cậu bé gào thét. “Văn Nghi, con phải ở đây và im ngay tức khắc”. Cô giáo bước vào. “Chị ơi, tại sao chị không tiếp tục đi làm công việc của chị? Cậu bé sẽ không sao!” “Tôi sợ nó rời khỏi đây. Chúng tôi vừa có chút lộn xộn trước khi rời khỏi nhà”. “Tôi bảo đảm cậu bé sẽ nhập cuộc với chúng tôi khi nó sẵn sàng. Chúng tôi rất vui mừng Văn Nghi cùng làm việc với chúng tôi, phải không Văn Nghi? Hãy nhớ chúng ta là bạn”. Bà mẹ rời đi và cậu bé cũng ngưng khóc, nhưng vẫn còn ở trong góc một chặp. Cô giáo đi vào lớp. Sau đó cậu bé cũng nhập bọn. 

Đối diện với một đứa bé khóc la, muốn làm loạn, bà mẹ cảm thấy bất lực và cố gắng áp lực con mình khuất phục bằøng lời nói và cuối cùng đe dọa là điều mà chính bà không có ý thi hành chút nào. Bà chỉ muốn làm cho nó ngưng khóc thay vì giải thoát chính mình khỏi áp lực của nó. Khóc thường được gọi là “thủy lực”. 

Cậu bé Vĩnh Phúc leo lên những chiếc xe đẩy đồ ăn trong siêu thị và rồi lại lên ngồi trên trục quay ở lối đi vào. “Vĩnh Phúc, xuống ngay nếu không con sẽ bị thương”. Cậu bé không chịu nghe mẹ và còn dùng đầu gối đu đưa vào thành sắùt. “Con ơi, xuống ngay trước khi con bị thương tổn”. Bà mẹ kéo chiếc xe ra khỏi hàng. Cậu bé đứng lên và chận bít lối đi, không cho một người nào vào được. Bà mẹ gọi: “Vĩnh Phúc, con tránh lối để người ta đi qua”. Cậu bé nhường lối nhưng lại leo lên những chiếc xe khác. “Con ơi, đi mau”, bà mẹ tiến bước về phía trước mà không có nó. Cậu bé tiếp tục chơi ở đó cho tới khi bà mẹ mua đồ xong và đi theo nó để nói với nó rằng bà chuẩn bị đi về nhà.

Biết bao nhiêu lần bố mẹ cảm thấy lời nói có hiệu lực trừng phạt. Khi đứa trẻ không chịu đáp lời, bố mẹ thường xếp đặt chiến thuật rút lui, bỏ đứa trẻ thành kẻ chiến thắng, không giáo dục, không cưỡng chế, không ràng buộc, nghĩa là không còn muốn làm gì nữa để giáo dục nó trong vấn đề cộng tác. Bố mẹ ý thức cách lờ mờ về vấn đề giáo dục nầy và chờ dịp khác cố gắng gấp đôi để dạy đứa trẻ bằng cách lý luận với nó, và rồi kết quả cũng chỉ như vậy thôi. 

Để đưa chúng ta ra khỏi khó khăn đó, chúng ta phải học dùng hành động thay cho lời nói. Chúng ta phải chấp nhận câu nầy: Trong lúc xung đột, hãy im lặng và hành động. 

Cậu bé Vĩnh Phúc là “mẹ điếc”. Với một đứa trẻ như vậy, bà mẹ nên giữ im lặng và hành động. Trái lại, ở đây bà hy vọng nó cộng tác với sự đe dọa về nguy hiểm. Cậu bé biết rõ hơn. Nó hoàn toàn ý thức về điều mà thân thể nó có thể làm và rất ít nguy hiểm liên quan. Rất ít trẻ bị thương khi leo lên những chiếc xe đẩy hay trục quay trong siêu thị. 

Khi bà mẹ thấy rằng lời nói của bà không có ấn tượng nào, bà rút lui, bỏ cậu bé thành kẻ chiến thắng, không kiềm chế được. Nhưng sau cùng bà đến nói với nó rằng bà đi về để nó không bị bỏ lại trong tình thế lạc lõng bơ vơ. Cậu bé có bà mẹ được huấn luyện để lo cho điều nó muốn hơn là bà có cậu bé được huấn luyện cho hành vi thích hợp.

 Lm. Lê văn Quảng. Tiến sĩ Tâm lý

VỀ MỤC LỤC
Vâng, con đồng ý

 

Tác phẩm: Cầu Nguyện Cá Nhân: Bí quyết tình yêu và vui sống 

Lm. Micae-Phaolô Trần Minh Huy, pss.

Phần thứ hai 

Đối thoại với Chúa thế nào? 

b  ả y 

Vâng, con đồng ý

Sau Chúa Kitô, chỉ có Mẹ Maria là người thực hiện sự đồng ý trọn vẹn: “xin ý Chúa được thể hiện.’’ Chúng ta dõi bước theo Mẹ, ước ao bắt chước lời ‘xin vâng’ của Mẹ mỗi ngày một hoàn bị hơn.

“Con muốn thánh ý Chúa.’’ 

Chắc bạn đã nhận thấy rằng biết bao lần bạn khó hoà hợp thời giờ cầu nguyện với phần còn lại của cuộc sống bạn. Đó là dấu hiệu sự bất đồng sâu xa với Chúa, với chính bạn và với người khác. Do tội lỗi, tất cả chúng ta đều phải trải qua sự mâu thuẫn giữa những gì chúng ta nói và những gì chúng ta làm. Chúa Giêsu đã cho ta một thí dụ rất đơn giản: 

“Một người kia có hai bạn trai. Ông đến nói với người con thứ nhất: ‘Nầy con, hôm nay con hãy đi làm vườn nho cho cha.’ Nó đáp: ‘Con không đi.’ Nhưng sau đó nó hối hận nên lại đi. Ông đến gặp người con thứ hai và cũng bảo như vậy. Nó đáp: “Vâng, con đi.’ Nhưng rồi nó lại không đi. Vậy trong hai người con đó, ai đã thi hành ý muốn của người cha?’ Họ trả lời: ‘Người thứ nhất.’ (Mt.21: 28-31). 

Nơi khác, Chúa Giêsu còn quả quyết hơn: “Không phải chỉ nói với Ta ‘Lạy Chúa, lạy Chúa’ là vào được Nước Trời đâu, nhưng phải thực hiện ý của Cha Ta ở trên trời’’ (Mt.7:21). Vì thế, bạn phải biết tự chất vấn: “Lời cầu nguyện của tôi có phù hợp với thánh ý Chúa và nối liền với cuộc sống thực của tôi không?’’ Rất nhiều người dành thời giờ cầu nguyện, nhưng lời cầu nguyện ấy chẳng làm thay đổi gì trong cuộc sống của họ cả. Lại có những người cho rằng không được pha trộn các thứ trong cuộc sống, họ xây tường ngăn cách lời cầu nguyện và cuộc sống của họ. Chớ gì họ nhanh chóng triệt hạ bức tường đó đi! 

Lý tưởng là sống lời cầu nguyện và cầu nguyện bằng chính cuộc sống của mình. Có nhiều người thú nhận rằng họ đã không làm những gì họ phải làm và có thể làm. Đó là phản ánh một nền văn hóa cổ vũ việc buông trôi. Bạn đừng để sự dễ dãi đó xâm lấn tâm hồn bạn. Bạn hãy không ngừng thức tỉnh hành động trên bản thân bạn và để Thiên Chúa hành động trong bạn. Bạn phải tập nói ‘tôi muốn’ cách cương quyết. Đó là cuộc chinh phục đầu tiên để thành công: từ do dự đến ý chí cương quyết, từ rụt rè đến bạo dạn, từ mềm yếu đến tự chủ. Cuộc chinh phục thứ hai là hòa hợp ý bạn với ý Chúa, đến đỗi có thể thẳng thắn nói rằng: “Con muốn Thánh ý  Chúa.’’

 Cuộc đời bạn trong ánh sáng

Để giúp bạn nối liền lời cầu nguyện với cuộc sống, tôi đề nghị bạn sử dụng những phút cuối buổi suy niệm. Như người chơi đàn so giây xem âm thanh có chuẩn không, bạn hãy xem xét cuộc sống bạn dưới ánh sáng Thánh ý Chúa. Khi xin ơn Chúa giúp đỡ và lấy ít ra một quyết định, bạn sẽ hòa hợp ý bạn với ý Chúa.  

Phương pháp tôi khuyên bạn là ‘’kiểm tra hiện diện’’, nghĩa là xem xét mọi khía cạnh đời bạn trên căn bản sự hiện diện của Chúa. Mục tiêu của cuộc kiểm tra nầy nhằm đặt bạn trong cuộc kiếm tìm khuôn mặt thực và danh tánh thực của bạn. Như đối với mọi người, Thiên Chúa kêu mời bạn đến một ơn gọi độc đáo duy nhất ở trên đời: ơn gọi cá biệt của bạn. Bạn chỉ tìm thấy hạnh phúc khi khám phá ra ơn gọi ấy, xuyên qua mọi chọn lựa lớn nhỏ của cuộc đời bạn. Vấn đề không phải là chỉ chọn lựa giữa cái tốt và cái xấu, mà còn là chọn lựa giữa cái tốt tự nó và cái tốt hơn cho bạn: việc nầy hay việc nọ, hôn nhân hay độc thân và đời sống tu trì... 

  • Bạn hãy xin ánh sáng Chúa Thánh Thần như là khởi điểm đầu tiên của cuộc kiểm tra để xem bạn thế nào dưới cái nhìn của Chúa: “Xin Chúa ban cho bạn thấy rõ cái gì bạn phải làm và sức mạnh để chu toàn.’’  

  • Tiếp đến là cám ơn Chúa về mọi ân huệ đã lãnh nhận. Bạn hãy cám ơn Chúa cả về những yếu đuối và khốn cùng của bạn, vì qua đó mà Chúa hiện diện cho bạn. Bạn hãy nhớ rằng mọi sự đều là hồng ân, vì ‘tất cả mọi sự đều dẫn tới lợi ích cho những ai yêu mến Chúa’ (Rm.8:28).  

  • Bước thứ ba khó hơn là biện phân cái gì đang xảy ra trong bạn, trong trái tim bạn, giữa những hoạt động trong ngày. Tìm xem những tình cảm nào thực sự phù hợp với lời mời gọi của Chúa và những tình cảm nào nghịch lại: vui mầng, bình an, dịu dàng, bực tức, lo âu, mệt mỏi... Nếu bạn có được sự lắng nghe nội tâm, trong yên tĩnh và tước bỏ, bạn sẽ đoán biết được những thúc đẩy của Chúa Thánh Thần  hướng dẫn việc phải theo.  

  • Xin lỗi Chúa về những tình cảm hay hoạt động nào Chúa không bằng lòng. Đó là lúc quan trọng để được giải thoát, trở lại, và quay về với Cha trên trời. Bạn hãy nhớ lại lời cầu nguyện của người thu thuế và hưởng nếm lòng thương xót dịu dàng của Chúa.  

  • Nhờ cuộc gặp gỡ cá nhân với thánh ý Chúa, bạn khám phá được cái gì phải thay đổi trong cuộc đời bạn. Dĩ nhiên bạn biết không thể một sớm một chiều mà được. Tuy nhiên, bạn không kết thúc buổi cầu nguyện trước khi lấy một quyết định, một giải pháp cụ thể rõ ràng. Không nên chạy theo nhiều cái một lúc. Bạn phải xác định một nỗ lực ưu tiên, rất cụ thể.

Cuối cuộc kiểm tra hiện diện nầy, bạn trở nên ‘con ánh sáng’ hơn. Bạn có thể nói lại: “Vâng, lạy Chúa, con đồng ý làm theo ý Chúa. Con đồng ý không ngừng trở về cùng Chúa và nhận lãnh nơi Chúa sự hướng dẫn cho cuộc sống thường nhật của con.’’ 

Những chớp đèn trong đêm tối 

Khi chưa hoàn toàn ăn khớp với Thánh ý Chúa, đời sống chúng ta phần nào còn trong đêm tối. Bạn hãy vạch ra những vệt sáng trong ngày, như những chớp đèn, bằng các lời nguyện tắt. Việc nầy có thể làm bất cứ lúc nào và bất cứ ở đâu. Tôi có kinh nghiệm lần chuỗi, nhất là trong khi di chuyển: từ phòng ở xuống nhà cơm, nhà nguyện, cuốc bộ tới Đại Học hay ngồi trên métro... Gặp ai thì cứ chào hỏi, trao đổi chuyện vãn, nhưng một mình thì lần chuỗi, như vậy cuộc sống trở nên lời cầu nguyện. Mẹ Maria như có mặt và đồng hành với bạn trong cuộc sống. Bạn dùng tràng chuỗi như sợi dây buộc chặt bạn với Mẹ, bạn sẽ không sợ ngã, sợ lạc...Bạn có thể dùng lời nguyện tắt tự đặt ra, hay những lời có sẵn trong Kinh Thánh hoặc của kẻ khác mà bạn thấy thích hợp cho bạn: 

  • Chúa là nguồn sống và là ánh sáng cho con.

  • Con chúc tụng Chúa trong mọi lúc mọi nơi.

  • Con không có hạnh phúc nào ngoài Chúa.

  • Không bao giờ Chúa bỏ rơi kẻ tìm kiếm Chúa.

  • Lạy Chúa, xin đến giúp con.

  • Lạy Chúa, xin thêm sức cho đức tin yếu kém của con.

  • Con phó linh hồn con trong tay Chúa.

  • Chúa là tất cả cho con.

  • Lạy Chúa, con yêu mến Chúa, con tôn thờ Chúa.

  • Chúa biết tất cả về con, con thế nào Chúa yêu con thế ấy.

  • Lạy Chúa, xin hướng dẫn con trong đường lối đời đời.

  • Giêsu Maria Giuse lòng con yêu mến, xin thương cứu các linh hồn.

  • Lạy Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi.

  • Nếu Chúa muốn điều đó: xin vâng.

Nếu bạn năng lặp đi lặp lại một trong những lời ấy trong suốt ngày, dần dần bạn sẽ cảm nhận được lòng bạn tỉnh thức với sự hiện diện của Chúa. Như những mũi tên tình yêu, các lời nguyện tắt ấy sẽ đi thẳng vào Trái Tim Chúa. Đó là những hạt giống mặt trời giữa đêm tối. 
 

Ánh sao mai

Người nào muốn làm cho cuộc sống mình thành lời cầu nguyện liên lĩ, phải học sống giây phút hiện tại. Mỗi giây phút hiện tại mang lại một ý muốn cụ thể của Chúa. Vì thế điều quan trọng là luôn chú ý phụng sự Ngài. Dù bạn làm gì, hãy làm cho tử tế, ngằn nào bạn có thể, vì tình yêu Chúa. Hãy chu toàn nhiệm vụ bạn với lòng trọng kính và chăm chú, như bạn cử hành phụng vụ. Khi bạn tắm rửa, sao bạn lại không thấy được hình ảnh của sự thanh tẩy thiêng liêng? Khi nhổ tận gốc cỏ dại, sao lại không nghĩ rằng cũng cần nhổ tật xấu như thế? Tất cả đều trở nên ngôn ngữ thiêng liêng cho ai biết mở mắt đức tin: gà mẹ ấp con dưới cánh, hạt lúa mì rơi xuống đất, cuộc chạy đua của lực sĩ... Một thanh niên tập điền kinh chia sẻ: “Từ khi biết suy niệm, tôi khám phá ra ý nghĩa của một cách chạy khác: tôi nghĩ là tôi đang chạy đến với Chúa Kitô.’’ 

Nếu bạn tập quen sống được giây phút hiện tại, bạn không lo lắng gì trước, vì ơn Chúa được ban cho bây giờ, lúc nầy, luôn luôn trong hiện tại. Tôi cầu chúc bạn đi vào, với tất cả tấm lòng, trong cuộc phiêu lưu luôn đáp lại tiếng xin vâng hiện tại với Chúa. Con đường còn dài, nhưng nó sẽ dẫn bạn vào ánh sáng. Thánh ý Chúa được trao gởi cho bạn ‘’như ngọn đèn chiếu sáng trong tối tăm, cho đến khi ngày mới bắt đầu và sao mai mọc lên trong lòng bạn’’. 

Hãy mở ra

“Người ta đem một người vừa điếc vừa câm đến với Chúa Giêsu và xin Người đặt tay trên anh. Chúa Giêsu kéo riêng anh ta ra khỏi đám đông, đặt ngón tay vào lỗ tai anh và nhổ nước miếng mà bôi vào lưỡi anh. Rồi Người ngước mắt lên trời thở dài mà nói: Hãy mở ra! Lập tức tai anh ta mở ra, lưỡi như hết bị buộc lại và anh ta nói được rõ ràng’’ (Mc.7:32-35). 

Bạn thấy mở ra hai thứ, mở tai và mở miệng, cần thiết để nghe và nói. Đó là mở cuộc đối thoại. Nếu bạn chấp nhận lùi riêng ra với Chúa, xa khỏi đám đông và dâng cho Ngài mọi ‘’phế tật’’ của bạn, Ngài sẽ đáp ứng lại lòng tín nhiệm của bạn, Ngài sẽ thực hiện cho bạn nghi thức mở ra đó. Thần Khí Chúa sẽ tác động mạnh mẽ cho bạn, “không ai biết gió từ đâu tới và gió sẽ đi đâu’’. Nhưng không thiếu người do dự mở ra cho Chúa, sợ ‘cua-răng- đe’! Phần bạn, tôi xin bạn đừng sợ, bạn sẽ khám phá được hạnh phúc bao la. Hãy mở ra, kho tàng có đó, trong tầm tay bạn. Và Nước Trời cũng đang được ẩn giấu trong bạn. 

          Lạy Chúa, chúng con đang sống

          Trong một thế giới đóng khóa rất kỹ.

          Mỗi người có khóa của mình:

          Khóa nhà, khóa xe, khóa bàn viết, khóa tủ sắt. 

          Chúng con còn tìm một chìa khóa khác:

          Để mở thành công, mở hạnh phúc,

          mở quyền lực, mở mộng ước... 

          Còn Chúa,

          Chúa đã mở mắt mù, tai điếc, miệng câm... 

          Xin cho chúng con chìa chúng con thiếu:

          Chìa khóa mà không khóa, nhưng lại giải thoát,

          Chìa không đóng mà đưa tới tình yêu của Chúa,

          Chính là chìa mà Chúa đã giao

          Vào đôi bàn tay mỏng dòn của Giáo Hội,

Để mở ra cho mọi người những cửa của Nước  Trời. 

 

còn tiếp

VỀ MỤC LỤC
Bao Tử Với Sự Tiêu Hóa Thực Phẩm

 

Do một sự tình cờ ngàn năm một thuở mà quân y sĩ William Beaumont và người bệnh bất đắc dĩ của ông ta đã đóng góp rất nhiều cho y học về vai trò tiêu hóa thực phẩm của bao tử.

Số là vào một ngày đẹp trời của mùa hè tháng 6 năm 1822, bác sĩ William Beaumont (1785-1853) được khẩn cấp mời tới đảo Mackinac, Chicago, để cấp cứu cho một nạn nhân mới bị thương. Ông đang phục vụ tại một đồn binh cách xa đó khoảng 300 dặm.

Bệnh nhân là một thanh niên Gia Nã Đại gốc Pháp chuyên nghề bắt thú lấy lông da bán làm áo. Anh đang giao hàng tại cửa tiệm đông khách của doanh nhân John Jacob Astor thì bị trúng viên đạn cướp cò từ súng của một khách thương. Viên đạn xuyên qua thành bụng vào bao tử.

Khi tới nơi, bác sĩ Beaumont đã tận tâm làm công việc của một y sĩ là cấp cứu băng bó vết thương và điều trị người bệnh một cách chu đáo với phương tiện rất eo hẹp. Bệnh nhân Alexis St Vincent được cứu sống, nhưng phần trên của bao tử lộ miệng ra ngoài da. Bệnh nhân từ chối không tới bệnh viện để bác sĩ khâu kín. May mắn là khi lành, một miếng thành bao tử lòi ra ngoài, phủ kín miệng bao tử lộ thiên, trành được sự xâm nhập của tác nhân có hại.

Bác sĩ Beaumont đề nghị St Martin về giúp việc nhà với mình để được tiếp tục chăm sóc, vì vết thương rất dễ biến chứng, ảnh hưởng trầm trọng tới toàn cơ thể. Bệnh nhân đồng ý.

Trong tám năm, St Vincent đã đóng vai một phòng thí nghiệm sống cho các nghiên cứu quan sát của bác sĩ Beaumont. Ông đã có nhiều cơ hội ghé mắt qua lỗ dò (fistula) nhìn rõ mọi sự việc xảy ra trong bao tử, từ sự co bóp tiêu hóa thức ăn tới việc tiết ra các dịch vị. Ông thấy thành bao tử có màu đỏ nhạt mịn như nhung với lớp chất nhờn óng ánh phủ lên trên. Bỏ miếng bánh mỳ vào đó, ông thấy từ thành bao tử tiết ra cả trăm giọt chất lỏng.

Nhúng từng miếng vải vào bao tử, bác sĩ Beaumont lấy ra một dung dịch lỏng để phân tích và thấy có chất acid chloric rất mạnh. Bỏ một miếng thịt vào dung dịch rồi hâm nóng lên bằng nhiệt độ trong bao tử St Vincent, ông thấy sau 40 phút, mặt miếng thịt bắt đầu tái đi. Sau 2 giờ các mô liên kết tan rã, các thớ thịt tách rời và sau 10 giờ, miếng thịt hoàn toàn biến dạng. Bỏ một miếng xương sườn heo vào dung dịch, miếng xương tan rã sau một tháng.

Ông cũng thấy khi St Vincent giận dữ thì sự thức ăn nằm lại trong bao tử lâu hơn. Đây là nhận xét đầu tiên về tâm trạng ảnh hưởng tới sự tiêu hóa.

Bác sĩ Beaumont đã ghi lại 238 kết quả nghiên cứu trong tác phẩm “Experiments and Observations on Gastric Juice and the Physiology of Digestion”, phát hành năm 1833. Một thế kỷ sau, sách được danh y Mỹ quốc Harvey W. Cushing (1869-1939) ca ngợi là tác phẩm y khoa cổ điền rất có giá trị cho nền y học Hoa Kỳ.

Bác sĩ Beaumont thất lộc vào năm 1853. 

St Vincent sống với bác sĩ Beaumont trước sau gần 8 năm rồi về đoàn tụ với gia đình ở Canada. Ông sống bình an tới tuổi 80, có 17 người con, rất mạnh khỏe làm nghề chặt củi và vẫn mang lỗ rò bao tử mà 48 năm về trước tưởng như đã lấy đi mạng sống của ông trong vòng 20 phút. Chắc là khi đó chẳng bao giờ ông nghĩ rằng tên tuổi của ông lại được nhắc nhở tới trong lịch sử y học với chiếc bao tử có cửa sổ. Chiếc bao tử độc đáo đó đã giúp con người hiểu rõ vai trò của đồng bạn trong sự tiêu hóa thực phẩm. 

Thực ra bao tử không những chỉ tiêu hóa mà còn tạm thời dự trữ thực phẩm. Nhờ vai trò dự trữ này mà con người chỉ cần ăn mỗi ngày ba bữa, mặc dù cơ thể liên tục cần được cung cấp chất dinh dưỡng.

Nhiều người cứ đinh ninh là bao tử nằm phía sau lỗ rún nhưng thực ra nằm cao hơn. Phần đầu của bao tử ở ngay dưới trái tim, phần còn lại nằm sau mấy xương sườn cuối, dưới hoành cách mô, về phía trái của bụng.

Khi trống rỗng, bao tử có hình dạng một trái bong bóng xẹp hơi hoặc hình chữ J dài khoảng 40 cm, treo trên cuống thực quản. Khi căng thực phẩm, bao tử phình như hạt đậu, dài 20 cm, rộng 10cm và có thể chứa 1.2 lít thực phẩm.  

Bao tử được cấu tạo bằng nhiều lớp mô bào với nhiệm vụ khác nhau:

- Lớp trong cùng là những màng nhầy (mucous membranes) với dịch nhầy để bảo vệ và làm cho lòng bao tử trơn tru.

- Lớp kế tiếp có mạch máu nuôi dưỡng bao tử và hệ thông dây thần kinh kích thích, điều khiển các tuyến bao tử.

- Lớp thứ ba gồm nhiều cơ sắp hàng ngang, dọc và chéo để co bóp di chuyển thức ăn.

- Ngoài cùng là lớp phúc mạc (peritoneum) che chở bao tử. 

Từ thực quản, thực phẩm xuống bao tử qua tâm vị với cơ vòng, không cho thực phẩm dội ngược trở lên.

Ở phía dưới, bao tử thông với tá tràng (duodenum) qua cơ thắt môn vị (pyloric sphincter), chặn thực phẩn quay lại bao tử.

Bao tử có các tế bào đặc biệt tiết ra nhiều hóa chất khác nhau nhưng hòa lẫn với nhau gọi là dịch vị bao tử.

Thành phần chính của dịch vị là:

- Acid hydrochloric, một acid rất mạnh có thể làm mềm các mô liên kết của thức ăn và để tiêu diệt vi sinh vật có hại khiến cho bao tử hầu như không nhiễm trùng.

- Diếu tố pepsin, một loại men có tác dụng phân hóa chất đạm

- Yếu tố nội tại glycoprotein cần thiết cho sự hấp thụ sinh tố B12 để tạo hồng huyết cầu và hỗ trợ các chức năng của hệ thần kinh.

- Lipase giúp phân hóa chất béo thành acid béo và glycerol.

- Gastrin giúp nhồi nặn thức ăn thành khối chất nhão.

- Chất nhầy mucous bảo vệ niêm mạc dạ dầy. Nếu không có chất nhầy, acid hydrochloric sẽ ăn mòn bao tử, đưa đến loét dạ dày.

Acid hydrochloric rất mạnh. Như Bác sĩ Beaumont và một vài khoa học gia trước đó đã chứng minh, acid này có thể làm tan một lưỡi dao cạo râu mỏng hoặc hủy hoại nhiều tế bào. Nhưng trong bao tử thì acid này lại không gây ra tổn thương nào. Có nhiều lý do:

- Trước hết là nhờ có lớp màng niêm với chất nhầy bao che. Chất nhầy có độ kiềm nên dễ dàng trung hòa acid.

- Thực phẩm ăn vào cũng làm loãng nồng độ của acid, khiến tác dụng ăn mòn của acid giảm đi.

- Tế bào thành bao tử thay đổi liên tục rất mau mỗi 3 ngày cho nên dù có bị acid ăn mòn thì lớp tế bào khác mọc ra ngay để thay thế tế bào chết. 

 Mỗi ngày có chừng 2000-2500 phân khối dịch vị bao tử được sản xuất. Chỉ với ngửi hoặc nhìn thấy món ăn hấp dẫn là não bộ đã gửi tín hiệu cho bao tử để bắt đầu tiết ra dịch vị. Và dù không tiếp nhận thực phẩm, cơ quan này tiếp tục co bóp một cách không chủ động mỗi vài ba giờ và tạo ra cảm giác đói.

Tiếp tay với dịch vị trong việc tiêu hóa thực phẩm là ba lớp cơ ở thành bao tử. Sự hiện diện của thực phẩm khiến các cơ nhịp nhàng co duỗi, nhè nhẹ ở phía trên nhưng mạnh mẽ phía dưới để bao tử nhào trộn thực phẩm với dịch vị.   

Thời gian lưu lại trong bao tử của mỗi loại thực phẩm không giống nhau, thường là từ 2 đến 6 giờ.

Thực phẩm thuộc nhóm carbohydrates (tinh bột, đường) lưu lại bao tử ngắn nhất, tiếp đến là nhóm các chất đạm và lâu nhất là nhóm chất béo.

Thức ăn lỏng tiêu hóa mau hơn thức ăn đặc. Nước uống hầu như chỉ lướt qua ghé thăm bao tử một lúc rồi chẩy xuống ruột. 

Nhịp độ thực phẩm rời bao tử cũng được một loại hormone của tá tràng điều hợp, nhờ đó thực phẩm xuống tá tràng từ từ tùy theo khả năng hấp thụ của ruột non.

Ngoài ra, nhịp độ này cũng chịu ảnh hưởng của một số yếu tố như thời tiết, độ nóng lạnh của món ăn, nước uống, tâm trạng con người.

- Trước đây, bác sĩ Beaumont đã trực tiếp nhìn thấy rằng mỗi khi St Vincent bực mình thì thực phẩm nằm trong bao tử lâu hơn vì sự tiêu hóa chậm lại.

- Thời tiết nóng ẩm làm dịch vị bao tử tiết ra ít hơn và đó là lý do để ta ăn ít hơn vào mùa hè. Trái lại, với mùa đông giá lạnh, lại thấy đói nhiều hơn vì cơ thể cần nhiều nhiệt năng bù lại nhiệt thất thoát do khí hậu lạnh.

- Khi chứa quá nhiều thực phẩm, sự tiêu hóa ở bao tử cũng chậm lại vì số lượng dịch vị có giới hạn.

Sau khi tiêu hóa ở dạ dày, thức ăn chuyển thành dạng bán lỏng rồi xuống tá tràng, phần đầu của ruột non. 

Nhiều người thấy bụng sôi ùng ục thì cho là đang đói nhưng thực ra đó là do hơi chạy trong hệ tiêu hóa, nhất là ở ruột.

Bao tử không cần thiết để tạo ra cảm giác đói, vì nhiều người bệnh cắt bỏ bao tử vẫn có những cơn đòi ăn, đòi uống. Não bộ luôn luôn theo dõi mức độ glucose, chất đạm, chất béo trong cơ thể. Khi mức độ các chất này xuống thấp thì não bộ phát ra tín hiệu cho hay là đã đến giờ để ăn uống. Dấu hiệu đầu tiên của sự đói là cảm giác bồn chồn, nóng nảy, hơi căng thẳng rồi cồn cào gậm nhấm trong bao tử. 

Thường thường, cơ thể cảm thấy đói khi có nhu cầu thực phẩm. Tuy nhiên nhiều người đau ốm, cần thức ăn nhưng lại không thấy đói. Cũng vậy, có người lấy ăn để quên nỗi buồn bực hoặc ăn vì thói quen muốn ăn. Hoặc ăn không phải vì đói bụng mà vì đói con mắt (No bụng đói con mắt). Nhưng đa số đều có một thói quen ăn vào thời điểm nào đó trong ngày.  

- Bao tử có thể bị loét. Mới đây đã có chứng minh là loét do loại vi khuẩn H.Pylori gây ra. Loét cũng do tâm thần giao động căng thẳng khiến cho acid hydrochloric tiết ra nhiều hơn. Loét thường thấy nhiều hơn ở tá tràng vì nơi đây không có niêm mạc nhầy bảo vệ với nhiều acid từ bao tử chảy xuống.

- Khó tiêu cũng là một bệnh của bao tử. Bệnh nhân bị buồn nôn, ợ hơi, ậm ạch bao tử đôi khi tiêu chảy hoặc táo bón. Khó tiêu thường do ăn quá nhiều hoặc ăn quá nhanh, ăn nhiếu chất béo hoặc do căng thẳng lo âu.

- Một rối loạn khác của bao tử mà tiếng Anh gọi là “heartburn”, nhưng chả có liên quan gì tới trái tim.

Bệnh do chất chua từ bao tử trào ngược lên thực quản, gây ra cảm giác cháy bỏng phía sau xương ức.

Ợ chua thường xẩy ra khi ta cong mình cúi xuống hoặc khi nằm.

Rủi ro đưa tới ợ chua là ăn quá no, bực mình bất mãn, mặc quần áo quá chặt, uống nhiều rượu, cà phê, hút nhiều thuốc lá, ăn nhiều hành tỏi… 

Kết luận

Cổ nhân nói “Có thực mới vực được đạo”

Thiên tài khoa học Albert Einstein lại có ý kiến thêm là “Bụng đói làm sao mà cố vấn tốt được”-An empty stomach is not a good polical advisor.

Nhưng không phải cứ nhét cho đầy bao tử là làm vừa lòng bao tử. Điều quan trọng là “Thực phẩm giúp sống lâu, có đạo đức, mạnh khỏe, hạnh phúc phải là những chất dịu ngọt thích hợp với bao tử” như đã được ghi nhận trong kinh điển Ấn Độ giáo Bhagavad-Gita từ hơn 5000 năm về trước.

Vì bao tử mà bất dung, không tiêu hóa được những món ăn khó tiêu hoặc khi tâm trạng con người giận hờn, bất an thì ăn vào cũng như không.

Cho nên, xin hãy nhẹ nhàng với nàng bao tử.

Bác sĩ Nguyễn Ý-Đức   Texas Hoa Kỳ

VỀ MỤC LỤC
CHỌN LỰA - Chuyện phiếm của Gã Siêu
 

Có thể nói được rằng  : chúng ta đang sống trong một thời buổi lạm phát những khẩu hiệu.

Này nhé, bước ra ngoài đường ngước mắt nhìn lên trời, liền thấy ngay những tấm biểu ngữ giăng ngang với những khẩu hiệu hô hào cho chính sách của nhà nước.

Bước vô trường học là thấy ngay trên tường vách những khẩu hiệu khuyến khích đám học trò siêng năng và chăm chỉ, lễ phép và lịch sự.

Chẳng hạn trước tình trạng xuống cấp về phương diện đạo đức, trò dám thượng cẳng chân hạ cẳng tay với thầy, người ta liền viết câu tục ngữ của người xưa :

- Tiên học lễ, hậu học văn.

Riêng với các thầy cô, nhiều người thầm nghĩ trong bụng rằng :

- Tiên học võ, hậu dạy văn.

Chẳng hạn trước tình trạng chất lượng giáo dục ngày một kém, người ta lo cải cách lên, cải cách xuống, đồng thời để đám học trò giảm bớt đi sự sa sút, người ta luôn nhắc nhở :

- Ngày nay học tập, ngày mai giúp đời.

Chẳng hạn để mọi người ý thức tầm mức quan trọng của việc giáo dục, người ta bèn “anh dũng” trích lời bác Hồ :

- Kế trăm năm trồng người.

Sự thực thì bác Hồ cũng đã mượn đỡ tư tưởng trên của Quản Trọng  mà phát biểu cho oai. Quản Trọng cũng gọi là Quản Tử, tên là Di Ngô, sống đời Xuân Thu, làm đến chức Tể tướng giúp Tề Hoàn Công lập nên nghiệp bá. Vì thế, được vua Tề tôn lên bậc Trượng phụ, coi như cha. Quản Trọng  đã từng bảo :

- Nhất niên chi kế, mạc như thụ cốc.

  Thập niên chi kế, mạc như thụ mộc.

  Chung thân  chi kế, mạc như thụ nhân.

Có nghĩa là :

- Kế một năm, không gì bằng trồng lúa.

  Kế mười năm, không gì bằng trồng cây.

  Kế trọn đời, không gì bằng trồng người.

Chính vì vậy, trước năm 1975, Viện Đại Học Công Giáo Đalat đã chọn cho mình cái tên là “Thụ Nhân”, “Trồng người”.

Về đến nhà, bật truyền hình lên xem, thi  ôi thôi đầy rẫy những khẩu hiệu. Thượng vàng hạ cám, lãnh vực nào cũng có. Vậy khẩu hiệu là cái chi chi ?

Trước hết, khẩu hiệu là lời hô to của đám đông. Chẳng hạn mỗi khi xuống đường đi biểu tình, người ta không ngần ngại gân cổ lên mà hô vang những khẩu hiệu, đại khái như :

- Hoan hô.

- Đả đảo.

Tiếp đến, khẩu hiệu là những câu viết ngắn hay những lời nói gọn, nhưng hàm xúc, được dùng để nhắc nhở và kích thích lòng người.

Như trên gã đã nói : khẩu hiệu dường như đang bị lạm phát và có mặt ở mọi nơi và trong mọi lúc, đặc biệt về phương diện nhà nước và quảng cáo.

Thực vậy, nhà nước thường hay dùng những khẩu hiệu để tuyên truyền cho đường lối và chính sách của mình.

Chẳng hạn để dân chúng hiểu biết về chính sách dân số mà…cai đẻ, người ta bèn viết :

- Dù gái hay trai, chỉ hai là đủ.

Tuy nhiên, nếu người ta triệt để áp dụng khẩu hiệu này vào cuộc sống, thì đôi khi lại xảy ra những tình huống…cười ra nước mắt.

Thí dụ như một số nước bên phương tây, số người già mỗi ngày một nhiều, còn số người trẻ mỗi ngày một ít và như vậy xã hội đang gặp phải nguy cơ bị…”lão hóa”.

Thí dự như Trung quốc, số con trai thì nhiều mà số con gái thì ít, nên không thiếu gì những chú ba tàu, chịu khó lặn lội sang tận Việt Nam để tìm…vợ, hay mua…vợ.

Chẳng hạn để dân chúng hiểu biết và phòng ngừa về sự lây lan  của cơn bệnh thế kỷ HIV-AID, người ta cổ động :

- Hãy nói không với ma tuy và mãi dâm.

Và sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, hình như đi tới đâu gã cũng thấy xuất hiện một khẩu hiệu khuyến khích cho việc sản    xuất :

- Lao động là vinh quang.

Mấy tên bợm nhậu đóng chốt ở mấy quán cóc bên vỉa hè, nhân lúc trà dư tửu hậu bèn ngứa miệng mà bồi thêm vào cho đậm đà ý vị :

- Lang thang thì chết đói,

  Hay nói thì ở tù,

  Lù khù thì sống lâu.

Còn trong lãnh vực quảng cáo, khẩu hiệu như gặp được một vùng đất màu mỡ và phì nhiêu cho trăm hoa đua nở. Khi lên những mẫu quảng cáo, bao giờ người ta cũng muốn đánh mau, đánh mạnh vào đầu óc của kẻ tiêu dùng, nên đã đưa ra những khẩu hiệu ngắn gọn, dễ hiểu và dễ nhớ.

Nếu gã không lầm, thì hồi trước năm 1975, nói tới thuốc bổ, người ta nghĩ ngay tới Activit, thuốc bổ gan bò tươi Hòa Lan. Nói tới xe gắn máy, người ta nghĩ ngay tới Suzuky an toan trên xa lộ, thanh lịch trên đường phố. Nói tới kem đánh răng, người ta nghĩ ngay tới anh bảy chà Hynos…

Bây giờ cũng thế, mỗi sản phẩm đều được gán cho một khẩu hiệu để dễ dàng đi vào lòng người. Gã chỉ xin đưa ra một vài khẩu hiệu điển hình mà thôi :

- Nước giải khát 7 Up  với khẩu hiệu : mở lối đi riêng.

- Sữa Milo với khẩu hiệu : Cả ngày tràn đầy năng lực.

- Cà phê Trung Nguyên với khẩu hiệu : khơi nguồn sáng tạo.

-Dầu gội đầu Sunsilk với khẩu hiệu : Nuôi tóc chắc khỏe.

Và có cả những khẩu hiệu đọc lên như muốn nổi da gà và toát cả mồ hôi hột, như những khẩu hiệu quảng cáo cho băng vệ sinh phụ nữ!!!

Trong cuộc sống thường này, gã cũng ghi nhận được rất nhiêu những khẩu hiệu, đúc kết từ biết bao nhiêu kinh nghiệm quí giá, được đưa ra làm tiêu chuẩn hướng dẫn cho mọi hành động, hay làm kim chỉ nam xác định đường đi nước bước trong cuộc đời. Chẳng hạn :

- Sống là tranh đấu.

Đúng thế, sống trong cuộc đời chúng ta giống như người bơi ngược dòng nước. Nếu không cố gắng bơi, thì chắc chắn sẽ bị dòng nước cuốn trôi. Không tiến tức là lùi. Trong khi người khác đang hăm hở tiến lên, còn mình cứ giậm chân tại chỗ, thì chắc chắn sẽ bị kể là bị thụt lùi, bị tụt hậu, bị đẩy về phía sau mất rồi.

Ăn theo những mẫu quảng cáo trên, hôm nay gã xin bàn đến một khẩu hiệu rất đơn giản, nhưng lại có một tầm mức khá quan trọng đối với mỗi người chúng ta. Khẩu hiệu ấy như thế này :

- Sống là chọn lựa.

Kể từ khi rời ghế nhà trường, để bước chân xuống cuộc đời, những kiến thức thu lượm được qua sách vở suốt những năm dài học tập, cứ dần dần bị rơi rụng tả tơi. Nay một tí và mai một tí, thành thử cho đến bây giờ chẳng còn đọng lại được bao nhiêu. Thậm chí có những thứ ngày xưa đã in đậm vào trong đầu óc, thế mà bây giờ  cũng đã bị quên béng đi mất từ hồi nào cũng chẳng hay.

Hình như có một ông triết gia nào đó đã trình làng một định đề của mình như sau :

- Tôi suy tư, tức là tôi hiện hữu.

Cùng một thể thức ấy, gã cũng có thể nói được rằng :

- Tôi chọn lựa, tức là tôi hiện hữu.

Thực vậy, con người được Thượng đế trao ban cho sự tự do. Chính nhờ sự tự do mà con người có thể chọn lựa. Và sự chọn lựa luôn theo sát chúng ta từng giây từng phút, để rồi làm nên nét đặc thù của con người.

Có một con trâu, sau một buổi lao động cật lực trên đồng ruộng, về tới nhà thì mệt nhoài. Vừa đói lại vừa khát. Ông chủ liền thưởng công, ưu ái đem tới một bó cỏ non và một thau nước mát. Con trâu định ăn miếng cỏ, nhưng rồi lại đưa mắt nhìn thau nước. Định uống ngụm nước nhưng rồi lại đưa mắt nhìn bó cỏ. Phân vân không dám chọn lựa, đành phải chịu đói và chịu khát, khi cỏ non và nước mát ở ngay trước miệng.

Kinh nghiệm cũng cho thấy, tự thẳm sâu cõi lòng luôn vọng lên một tiếng nói tuy âm thầm nhưng quyết liệt, thôi thúc chúng ta làm việc tốt và tránh việc xấu. Vì thế, trước mỗi hành động, chúng ta đều phải chọn lựa : làm hay không làm. Rồi nếu đã chọn làm, thì làm điều lành hay điều dữ. Như vậy, cuộc đời chúng ta được dệt nên bởi những chọn lựa không ngừng.

Tuy nhiên, có những chọn lựa không phải chỉ ảnh hưởng tới một khoảng khắc nào đó, mà còn ảnh hưởng tới toàn bộ cuộc sống chúng ta bởi vì đã vạch ra cho chúng ta một con đường phải đi suốt dọc cuộc đời.

Chẳng thế mà một ông người Pháp đã xác quyết một cách rất chí lý như sau :

- L’avenir d’un homme dépend de quelque “oui” ou de quelque “non” prononcés de 16 à 20 ans.

Có nghĩa là :

- Tương lai mỗi người tùy thuộc vào một vài câu “có” hay một vài câu “không”, được thốt lên ở lứa tuổi từ 16 đến 20.

Nói cách khác :

- Tương lai mỗi người tùy thuộc vào một vài chọn lựa được thực hiện từ thời niên thiếu.

Gã chỉ xin nêu lên hai chọn lựa điển hình, có tính cách định hướng, làm nên một lối đi cho cuộc đời.

Chọn lựa thứ nhất, đó là chọn lựa cho mình một bậc sống.

Đúng thế, trước ngưỡng cửa cuộc đời chúng ta có hai ngã rẽ. Một là dấn thân vào nếp sống tu trì, theo đuổi lý tưởng phục vụ Chúa và người khác. Hai là dấn thân vào nếp sống lứa đôi, xây dựng một mái ấm gia đình.

Nếu chọn nếp sống tu trì, thì cũng phải lựa cho mình một  hướng đi, đó là tu triều hay tu dòng.

Nếu chọn tu dòng, thì cũng phải lựa cho mình một linh đạo, hay nói một cách cụ thể hơn, phải lựa cho mình một dòng tu để mà đầu tư công sức vào đó.

Bởi vì trong lòng Giáo hội, có rất nhiều dòng tu và mỗi dòng tu lại theo đuổi một lý tưởng khác nhau, như một thửa vườn với muôn hoa khoe sắc. Tuy cùng phục vụ Chúa và người khác, nhưng mấy sư huynh Lasan lại chuyên về dạy học, mấy thầy Gioan Thiên Chúa lại chuyên về bệnh nhân, mấy cha Don Bosco lại chuyên về giới trẻ…Và nhất là các dòng nữ.

Hỏi rằng trên thế gian này có bao nhiêu dòng nữ ? Một người có óc khôi hài và cũng được liệt vào hạng thích đùa, đã trả lời như sau :

- Đức Chúa Trời là Đấng thông minh sáng suốt vô cùng, thế mà Ngài cũng đành phải bó tay, không biết đích xác được hiện nay trên thế gian có bao nhiêu dòng nữ!!!

Còn nếu chọn nếp sống lứa đôi, thì cũng phải lựa cho mình một anh chàng hay một chị nàng nào đó, để mà yêu thương, kết tóc xe tơ, thành vợ thành chồng và gắn chặt đời mình lại với nhau.

Thực vậy, trong quá trình giao tiếp, một anh chàng có lẽ đã gặp gỡ và làm quen với cô này cô khác, chẳng hạn như cô Cam, cô Quít, cô Mít, cô Bưởi…

Đây là lúc phải nhìn cho rõ chiếc xương sườn cụt của mình. Đây là lúc phải nhận ra cái “nửa kia của mình”.

Một khi đã chọn cô Mít, thì cũng phải có can đảm khước từ cô Quít, cô Cam, cô Bưởi…chứ không được bắt cá hai tay, vơ đũa cả nắm, hay đứng núi này trông núi nọ.

Chọn lựa thứ hai, đó là chọn lựa cho mình một nghề nghiệp.

Thực vậy, nghề nghiệp sẽ theo mình trong suốt cả cuộc sống, vì đó là một chiếc cần câu cơm, đem lại ấm no cho bản thân và gia đình, cũng như đóng góp cho xã hội.

Vì thế, phải lựa cho mình một nghề nghiệp phù hợp với sở thích và khả năng. Chẳng có nghề nghiệp nào xấu cả, mà chỉ có những con người xấu, lạm dụng nghề nghiệp của mình để làm những điều xằng bậy mà thôi.

Một khi đã có được sự chọn lựa, chúng ta cần phải cố gắng thực hiện cho bằng được sự chọn lựa ấy, có nghĩa là phải đầu tư công sức của mình vào con đường đã chọn và đã lựa.

Đúng thế, nếu chọn nếp sống tu trì, thì cần phải ra sức tu học, chấp nhận mọi kỷ luật, nhờ đó thăng tiến bản thân, đổi mới cuộc đời, mỗi ngày một trở nên đạo đức và thánh thiện hơn, nhờ đó việc phục vụ sau này sẽ gặt hái được  những thành quả tốt đẹp.

Nếu chọn nếp sống lứa đôi, thì cần phải ra sức làm cho tình yêu được phát triển mỗi ngày một trở nên đằm thắm, bằng cách dám chấp nhận những hy sinh cho nhau và vì nhau, nhờ đó gia đình sẽ trở thành một mái ấm ngập tràn hạnh phúc.

Nếu chọn một nghề nào đó, thì cần phải ra sức trau dồi để tay nghề được vững, bởi vì như người xưa đã bảo :

- Trăm hay không bằng tay quen.

- Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh. Có nghĩa là chuyên sâu một nghề cho giỏi, thì chắc chắn bản thân sẽ được vinh quang và sung sướng.

Còn nếu nghề nào cũng biết tí ti, cũng biết chút đỉnh, cũng biết qua quít…thì rồi sẽ chẳng biết được một nghề nào cả. Nhất là thời buổi hiện nay, một thời buổi đòi hỏi phải chuyên môn trong mọi lãnh vực. Kiến thức lơ mơ, tay nghề xoàng xĩnh, không sớm thì muộn cũng sẽ bị đào thải.

Và cuối cùng, một điều không thể bỏ qua, đó là phải trung thành với sự chọn lựa của mình.

Thực vậy, nếu chọn đời sống tu trì thì phải trung thành với ơn gọi của mình. Dĩ nhiên, trong phạm vi ơn gọi, Thiên Chúa đóng vai trò chủ động, bởi vì như lời Ngài đã nói ngày xưa :

- Không phải các con đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn các con và sai các con đi.

Tuy nhiên, chúng ta cũng cần phải cộng tác với ơn Chúa, bằng cách quảng đại đáp trả và trung thành với ơn gọi Chúa đã dành cho mình.

Vốn biết rằng thân phận con người thì yếu đuối và có thể sa ngã vấp phạm bất cứ lúc nào. Vì thế, cần phải cậy dựa vào sự nâng đỡ và trợ giúp của Chúa. Đồng thời cũng phải làm hết sức mình để gắn bó với Ngài. Chúa cũng đành bó tay chịu vậy khi chúng ta quay lưng phản bội Ngài.

Đây cũng là một hiện tượng đáng buồn vì nhiều linh mục và tu sĩ giữa đường đứt gánh, cởi bỏ chiếc áo nhà dòng và thiên chức của mình, để trở về thế gian, làm một phó…giáo dân, bằng không thì cũng kéo lê cuộc sống, bố đạo chẳng ra bố đạo, mà bố đời cũng chẳng ra bố đời, láo nháo như cháo với cơm.

Còn nếu chọn đời sống lứa đôi, thì phải trung thành với người bạn đường của mình. Thực vậy, một khi đã tiến đến hôn nhân, chúng ta chính thức công bố sự chọn lựa của mình. Mà chọn lựa vừa có nghĩa là chấp nhận, lại vừa có nghĩa là từ  bỏ. Phải chấp nhận người mình yêu với tất cả sở trường và sở đoản, với tất cả ưu điểm và khuyết điểm. Khuyết điểm thì giúp nhau khắc phục. Ưu điểm thì giúp nhau phát triển. Đồng thời phải từ bỏ tất cả những gì khả dĩ làm cho tình yêu bị sứt mẻ và rạn vỡ.

Rất nhiều người đã lên tiếng về cuộc khủng hoảng gia đình hiện nay. Số các cặp vợ chồng lôi nhau ra tòa để ly dị mỗi ngày một gia tăng đến chóng cả mặt, làm cho gia đình bị đổ vỡ, vô phương cứu chữa. Và một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng bi đát này, đó là người ta đã không trung thành với nhau. Người ta đã chia sớt tình yêu của mình một cách thầm lén và vụng trộm với một kẻ thứ ba. Người ta đã sống theo kiểu : Ông ăn chả, thì bà cũng ăn nem. Chỉ khổ đau và tội nghiệp cho những đứa con còn nhỏ bé và thơ ngây mà thôi.

Sau cùng, nếu đã chọn cho mình một nghề để sinh sống, thì cũng cần phải kiên nhẫn và trung thành với nghề nghiệp ấy. Dù gặp phải khó khăn hay gian nan thử thách cũng vẫn kiên nhẫn, bởi vì lắm khi :

- Thất bại là mẹ thành công.

Nhờ thất bại mà chúng ta tích lũy được những kinh nghiệm quí giá, hứa hẹn những kết quả to lớn hơn :

- Chớ thấy sóng cả mà lo,

  Sóng thời mặc sóng, chèo cho có chừng.

Hầu hết những người thành công trên đường đời đều là những người đã từng gặp phải những thất bại đắng cay, nhưng họ biết trung thành và kiên nhẫn, vươn lên từ những thất bại và đắng cay ấy. Vì thế người xưa đã từng khuyên nhủ :

- Hữu chí sự cánh thành. Nghĩa là có chí thì sự nghiệp được thành.

Sách “Cổ học tinh hoa” kể lại một mẩu chuyện như sau :

Nước Trịnh có người học nghề làm dù che mưa, ba năm mới thành nghề. Trời đại hạn, không ai dùng đến dù, anh ta bèn bỏ nghề làm dù, đi học nghề làm gầu tát nước.

Lại học ba năm mới thành nghề làm gầu, thì trời mưa luôn mãi, không ai dùng đến gầu. Bấy giờ anh ta lại quay về nghề làm dù như trước.

Không bao lâu, trong nước có giặc, dân gian nhiều người phải đi lính, mặc đồ nhung phục, không ai cần đến dù. Anh ta xoay ra nghề đúc binh khí thì đã già quách rồi.

Úc Ly Tử thấy anh ta, thương tình mà nói rằng :

- Than ôi ! Bác chẳng đã già mất rồi ư ! Già hay trẻ không phải là tự người, mà là tự trời, điều ấy cố nhiên. Nhưng nghề nghiệp thành hay bại, dù lỡ thời không gặp dịp, cũng không nên đổ cả cho trời, tất có mình ở trong. Ngày xưa nước Việt có một người làm ruộng, cấy lúa chiêm ba năm đều hại vì lụt cả. Có người bảo anh ta nên tháo nước mà cấy lúa mùa, anh ta không nghe, cứ cấy chiêm như trước.  Năm ấy nắng to, mà nắng luôn ba năm, vụ chiêm nào cũng được, thành ra anh ta kéo lại hòa cả mấy năm mất mùa trước. Cho nên có câu rằng :

- Trời đại hạn, nghĩ đến sắm thuyền,

  Trời nồng nực, nghĩ đến sắm áo bông.

Đó là một câu thiên hạ nói rất phải.

Tác giả sách “Cổ học tinh hoa” cũng đã góp thêm một lời bàn như sau :

Người ta làm nghề gì, ai chẳng muốn cho nghề ấy được phát đạt, thịnh vượng. Song gặp thời thì hay, lỡ thời hóa dở. Như thế thì cái thời cũng quan hệ với nghề của mình lắm.

Khốn nỗi cái thời là tự ở đâu đâu, chớ không tự mình gây lấy được, cho nên có lắm người làm nghề, không thành nghề, thường nói rằng :

- Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên.

Nghĩa là người chỉ mưu tính công việc, còn công việc nên hay không nên, là do tại trời. Song người có gan, dù cho lỡ thời cũng cứ vững dạ mà giữ lấy nghề, vì nghề chắc đã thành, thì tất cũng có chốn dụng, chẳng chóng thì chầy, chẳng nhiều thì ít.

Cứ nay làm nghề này, mai xoay nghề khác, như hòn đá lăn mãi không bao giờ mọc rêu, thì chỉ nhọc xác, già người mà vẫn không ăn thua gì cả.

Cho tới lúc này, gã cảm thấy mỗi người cũng cần phải kiểm điểm lại xem  đã thực hiện sự chọn lựa cho đời mình như thế nào ?

Gã Siêu    gasieu@gmail.com

VỀ MỤC LỤC

- Mọi liên lạc: Ghi danh, thay đổi địa chỉ, đóng góp ý kiến, bài vở..., xin gởi về địa chỉ

giaosivietnam@gmail.com

- Những nội dung sẽ được đề cao và chú ý bao gồm:

Trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm thực tế trong việc mục vụ của Giáo sĩ;  Những tài liệu của Giáo hội hoặc của các Tác giả nhằm mục đích Thăng tiến đời sống Giáo sĩ; Cổ võ ơn gọi Linh mục; Người Giáo dân tham gia công việc “Trợ lực Giáo sĩ” bằng đời sống cầu nguyện và cộng tác trong mọi lãnh vực; Mỗi  Giáo dân phải là những “Linh mục” không có chức Thánh; Đối thoại trong tinh thần Bác ái giữa Giáo dân và Giáo sĩ… (Truyền giáo hay xây pháo đài?)

- Quy vị cũng có thể tham khảo những số báo đã phát hành tại

www.conggiaovietnam.net

Rất mong được sự cộng tác, hưởng ứng của tất cả Quí vị

Xin chân thành cám ơn tất cả anh chị em đã sẵn lòng cộng tác với chúng tôi bằng nhiều cách thế khác nhau.

TM. Đặc San Giáo Sĩ Việt Nam

Lm. Luca Phạm Quốc Sử  USA

 

 

Được chọn giữa loài người và cho loài người; GÍAO SĨ: Xuất phát từ gíao dân, hiện diện vì gíao dân và cậy dựa vào gíao dân, để cùng làm VINH DANH THIÊN CHÚA

*************