Đặc San Giáo Sĩ Việt Nam

 

 

 

ĐỰƠC CHỌN GIỮA LOÀI NGƯỜI
VÀ CHO LOÀI NGƯỜI  (x. Dt, 5.1)

 

GIÁO SĨ:

Xuất phát từ giáo dân, hiện diện vì giáo dân và cậy dựa vào giáo dân

 

ĐỂ CÙNG LÀM VINH DANH THIÊN CHÚA

 

www.conggiaovietnam.net                          giaosivietnam@gmail.com

Đặc San Điện Tử    Giáo Sĩ Việt Nam    Số 66, Chúa Nhật 04.05.2008


MỤC LỤC 

Tổ Chức Phẩm Trật Giáo Hội                                                                       Lumen Gentium

PHẢI HỌC LÀM DÂN ! PHẢI LÀM DÂN !                                             Lm. Vĩnh Sang, DCCT

TỰ DO CON CHÚA                                                                         Bác Sĩ Nguyễn Tiến Cảnh

NỖI NIỀM  (Ga 14:15-21)                                                                                   Vân Thanh

ĐỪNG HÀNH ĐỘNG THEO PHẢN ỨNG TỰ NHIÊN                                    Lm. Lê Văn Quảng

GIÁO SĨ,  TU SĨ  và GIÁO DÂN  KHÁC và GIỐNG NHAU RA SAO?  Lm. Px. Ngô Tôn Huấn

ĐỨC KITÔ, HI VỌNG CỦA CHÚNG TA                              Nhà Văn Xuân Vũ Trần Đình Ngọc

NỖI ĐAU TỘT CÙNG                                                                                       Anmai, C.Ss.R.

Nhân Danh Chúa Giêsu Con có thực sự yêu mến Thầy không?  Lm. Micae-Phaolô Trần Minh Huy, pss.

Phòng Tránh Bệnh Tim Mạch                                                                Bác Sĩ Nguyễn Ý-Đức

CƠM VÀ PHỞ                                                                               Chuyện phiếm của Gã Siêu


Tổ Chức Phẩm Trật Giáo Hội

 

Thánh Công Ðồng Chung Vaticanô II

 

Hiến Chế Tín Lý Về Giáo Hội - Lumen Gentium

 

Bản dịch Việt Ngữ của Giáo Hoàng Học Viện Piô X

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


Chương III

Tổ Chức Phẩm Trật Giáo Hội

Và Ðặc Biệt Về Chức Giám Mục 23*

 

18. Lời mở đầu. Ðể chăn dắt và phát triển Dân Thiên Chúa luôn mãi, Chúa Kitô đã thiết lập các chức vụ khác nhau trong Giáo Hội hầu mưu ích cho toàn thân. Thực vậy, các thừa tác viên xử dụng quyền bính thiêng liêng mà phục vụ anh em mình, để mọi người thuộc Dân Thiên Chúa và đương nhiên hưởng phẩm giá Kitô hữu sẽ đạt đến phần rỗi, nhờ nỗ lực tiến tới cùng một cứu cánh trong tự do và trật tự.

Bước theo dấu vết của Công Ðồng Vaticanô I, Thánh Công Ðồng này cũng giảng dạy và tuyên bố rằng: Chúa Giêsu Kitô, Mục Tử vĩnh cửu đã thiết lập Giáo Hội thánh thiện khi sai các Tông Ðồ như Chúa Cha đã phái Người (Gio 20,21), và Người đã muốn các đấng kế vị, tức các Giám Mục, làm chủ chăn trong Giáo Hội cho đến tận thế. Nhưng để Chức Giám Mục được duy nhất và không bị phân chia, Chúa đã đặt Thánh Phêrô làm Thủ Lãnh các Tông Ðồ khác, và trong Ngài, Chúa đã đặt nguyên lý cùng nền tảng vĩnh cửu và hữu hình của hiệp nhất đức tin và hiệp thông 1. Thánh Công Ðồng một lần nữa nêu lên cho mọi tín hữu tin vững vàng giáo lý về sự thiết lập, sự trường tồn, về quyền lực và quan niệm của quyền tối thượng nơi Giáo Hoàng Rôma cùng quyền Giáo Huấn bất khả ngộ của Ngài. Tiếp tục công trình đã khởi sự, Thánh Công Ðồng muốn công bố và giải thích cho mọi người giáo lý về các Giám Mục, những đấng kế vị các Tông Ðồ và cùng với đấng kế vị Thánh Phêrô, Ðại Diện Chúa Kitô 2, và là Thủ Lãnh của toàn thể Giáo Hội hữu hình điều khiển gia đình Thiên Chúa hằng sống. 24*

19. Kêu gọi và thiết lập nhóm 12 Tông Ðồ. 25* Chúa Giêsu, sau khi cầu nguyện lâu giờ cùng Chúa Cha, đã gọi đến với mình những kẻ Người muốn và thiết lập mười hai người để chung sống với Người, cùng sai họ đi rao giảng Nước Thiên Chúa (x. Mc 3,13-19; Mt 10,1-42); Người tổ chức (x. Lc 6,13) các Tông Ðồ này theo cách thức một cộng đoàn, nghĩa là một nhóm người kiên vững; Người chọn Phêrô, một người trong số họ, làm đầu cộng đoàn ấy (x. Gio 21,15-17). Người sai họ đến với con cái Israel trước tiên, rồi đến với tất cả các dân nước khác (x. Rm 1,16), hầu, nhờ tham dự vào quyền bính của Người, các Tông Ðồ làm cho mọi dân tộc nên môn đệ Người cùng thánh hóa và điều khiển họ (x. Mt 28,16-20; Mc 16,15; Lc 24,45-48; Gio 20,21-23), như thế, dưới sự hướng dẫn của Chúa, các Ngài mở mang và chăn dắt Giáo Hội bằng việc phục vụ mọi ngày cho đến tận thế (x. Mt 28,20). Ngày Lễ Hiện Xuống, các ngài được hoàn toàn kiên vững trong sứ mệnh này (x. CvTđ 2,1-36), như lời Chúa hứa: "Các con sẽ nhận lấy sức mạnh của Thánh Thần ngự xuống trên các con, và các con sẽ làm chứng về Thầy tại Giêrusalem, khắp xứ Giuđêa, Samaria, cho đến tận cùng trái đất" (CvTđ 1,8). Khi các Tông Ðồ rao giảng Phúc Âm khắp nơi (x. Mc 16,20) và có nhiều thính giả đón nhận nhờ tác động của Chúa Thánh Thần, các ngài qui tụ họ thành Giáo Hội phổ quát, Giáo Hội này đã được Chúa thiết lập trên các Tông Ðồ và xây dựng trên Thánh Phêrô, thủ lãnh của các ngài; và Chúa Giêsu Kitô là viên đá góc cao cả của Giáo Hội ấy (x. Kh 21,14; Mt 16,18; Eph 2,20) 3. 26*

20. Các Giám Mục, kế nghiệp các Tông Ðồ. Sứ mệnh thần linh được Chúa Kitô trao phó cho các Tông Ðồ phải tồn tại cho đến tận thế (x. Mt 28,20), bởi lẽ Phúc Âm mà các ngài có nhiệm vụ rao truyền là nguyên lý ban sự sống toàn diện cho Giáo Hội qua mọi thời đại. Vì thế, các Tông Ðồ đã quan tâm đặt người kế vị trong cái xã hội có phẩm trật này.

Thực thế, không những các ngài có nhiều phụ tá giúp thi hành chức vụ 4, nhưng, để sứ mệnh phó thác cho các ngài được tiếp tục sau khi các ngài qua đời, các Tông Ðồ còn ủy thác, như một di chúc, cho các cộng sự viên trực tiếp của mình, nhiệm vụ hoàn tất và củng cố công trình các ngài đã khởi sự 5, đồng thời căn dặn họ coi sóc tất cả các đoàn chiên, mà Chúa Thánh Thần đã đặt họ chăn dắt Giáo Hội Chúa (x. CvTđ 20,28). Bởi vậy các ngài đề cử những người như thế, rồi ban quyền chức cho họ, hầu khi các ngài qua đời, đã có những người xứng đáng nhận lãnh chức vụ của các ngài 6. Giữa những chức vụ khác nhau được thi hành trong Giáo Hội từ buổi sơ khai, theo chứng tá của truyền thống, chức vụ chính yếu là chức vụ của những vị đã được bổ nhiệm lên Giám Mục; nhờ liên tục kế vị từ buổi ban đầu, 7 các ngài vẫn có những mầm mống hạt giống tông đồ 8. Như thế, theo chứng tá của Thánh Irêneô, truyền thống tông đồ được biểu hiện trên khắp hoàn cầu 9 và được bảo tồn 10 nhờ những đấng được các Tông Ðồ đặt làm Giám Mục và các vị kế nghiệp các ngài cho đến ngày nay.

Nhờ thế, các Giám mục đã nhận lãnh việc phục vụ cộng đoàn với sự giúp đỡ của các linh mục và phó tế 11. Thay thế Thiên Chúa, các ngài đứng đầu đàn chiên 12 mà các ngài là chủ chăn, với tư cách là Thầy dạy giáo thuyết, tư tế lo phụng tự thánh và thừa tác viên lãnh đạo 13, cũng như chức vụ mà Chúa đã trao phó riêng cho Thánh Phêrô, Tông Ðồ Cả, và phải được trao lại cho các đấng kế vị Phêrô, chức vị đó luôn tồn tại, cũng thế, chức vụ chăn dắt Giáo Hội của các Tông Ðồ phải tồn tại và được thi hành liên tục do thánh chức Giám Mục 14. Vì thế, Thánh Công Ðồng dạy rằng, chính Chúa đã lập các Giám Mục kế vị Tông Ðồ 15 làm mục tử Giáo Hội. Bởi vậy, ai nghe lời các ngài là nghe lời Chúa Kitô, còn ai khinh dể các ngài là khinh dể Chúa Kitô và Ðấng đã phái Chúa Kitô đến (x. Lc 10,16) 16. 27*


Chú Thích:

(lưu ý: những số ghi chú nhỏ hơn đã được đăng vào những số báo trước)

 

23* Chương này rất quan trọng. Muốn hiểu rõ cần phải lưu ý mấy điểm:

a) Chương này lặp lại và hiệu chính cho hiến chế "Pastor Aeternus" của Công Ðồng Vaticanô I.

b) Bởi vậy, hầu hết là nói về chức Giám Mục, và cũng chỉ mới đề cập được một phần như Công Ðồng Vaticanô I, vì Công Ðồng này hầu như chỉ bàn về quyền tối thượng của Giáo Hoàng. Ðể có một cái nhìn toàn diện, có lẽ nên đề cập tới cả hai Công Ðồng. Còn khá nhiều vấn đề thần học chưa được giải quyết. Hy vọng một Công Ðồng mai hậu sẽ có thể đạt được một sự tổng hợp mà chúng ta không có.

Văn thể và bút pháp chương này khác xa với hai chương trước. Văn thể của hai chương trước bàng bạc Thánh Kinh, còn văn thể ở đây cứng chắc hơn, ít biểu tượng hơn và rõ rệt hơn theo quan điểm pháp lý. Vả lại, bản văn đã được bàn cãi nhiều khiến có thể nhận ra ngày nó đã được làm đi làm lại, đầy những chú thích và sửa chữa. Bởi vậy đôi khi bản văn trở thành nặng nề và rắc rối (khiến văn phòng Tổng Thư Ký của Công Ðồng đã phải thêm phần phụ trương sau cùng, tức phần "Chú thích sơ khởi").

Dầu vậy kết cấu nội tại cũng sáng sủa và bao gồm:

- Một phần nhập đề: cho biết nội dung của chương và xác định rõ rệt mục đích mà Công Ðồng muốn đề ra.

- Bốn tiểu mục về:

(1) Nguồn gốc chức Giám Mục (các số 19-21).

(2) Giám Mục Ðoàn, một vấn đề được thảo luận sôi nổi (các số 22-23).

(3) Thừa tác vụ Giám Mục và những quyền hành của Giám Mục (các số 24-27).

(4) Những thừa tác viên cấp dưới: Linh Mục và Phó Tế (các số 28-29).

Nội dung của chương này bàn về cơ cấu phẩm trật trong Giáo Hội. Dân Chúa là một dân có tổ chức, một cộng đoàn chứ không phải là một đám đông ô hợp, trong đó có quyền bính được thi hành trong Giáo Hội và trên Giáo Hội do các Tông Ðồ và các người kế vị hoặc các cộng tác viên tuyển chọn và chỉ định. Công Ðồng cũng xác định 3 đặc tính của quyền bính này:

a) Ðây là một thứ quyền bính được ủy thác: không chỉ thi hành nhân danh Chúa Kitô mà thôi, nhưng còn phải biểu lộ Chúa Kitô phục sinh hiện diện trong Giáo Hội của Người; quyền bính ấy phải được Thánh Thần Chúa Kitô hỗ trợ.

b) Quyền bính không phải là để thống trị, nhưng là để phục vụ cho cộng đoàn; việc phục vụ trước hết là giảng huấn Lời Chúa và thông ban ơn Ngài qua bí tích; còn việc điều hành và cai trị chỉ là phụ. Các vị thủ lãnh Giáo Hội là những người cha trong đức tin và là những thừa tác viên của bí tích.

c) Quyền bính là do Chúa ban, nhưng liên lạc mật thiết với cộng đoàn; và theo kiểu nói của Thánh Kinh, quyền bính có sứ mệnh "chăn dắt" cộng đoàn.

24* Số 18: Nhập đề.

Số này liên kết chương II và chương III lại với nhau. Chúa Kitô muốn thiết lập phẩm trật vì lợi ích cho toàn thể Giáo Hội. Phẩm trật vừa như là một trong những thừa tác vụ được Chúa Kitô thiết lập, vừa như là một công cuộc phục vụ huynh đệ cho tất cả Dân Chúa. Khác với Vaticanô I vì coi phẩm trật như một dữ kiện tiên quyết, Công Ðồng Vaticanô II lại khởi đầu từ Dân Chúa, sau đó mới cho biết phẩm trật là để phục vụ Dân ấy.

25* Tiểu mục 1: (các số 19-21) Về nguồn gốc chức Giám Mục.

26* Số 19: Sứ mệnh và việc thiết lập Mười Hai Tông Ðồ.

Nhóm Tông Ðồ được Chúa Kitô tuyển chọn là một nhóm có cá tính riêng mà Công Ðồng đã nêu ra những đặc điểm như sau: họ sống với Chúa, được Chúa sai đi rao giảng Nước Trời, họ liên kết thành một Tông Ðồ Ðoàn, và có một thủ lãnh. Khó khăn là ở điểm thứ ba này, vì người ta có thể hiểu từ ngữ Tông Ðồ Ðoàn theo nghĩa hoàn toàn pháp lý. Nhưng đây không phải thế, vì Công Ðồng không xử dụng từ ngữ theo nghĩa pháp lý, nhưng theo nghĩa là một nhóm cố định, do Chúa thiết lập (x. số 1 của phần "Chú thích sơ khởi"). Ðặc tính Tông Ðồ Ðoàn còn được biểu lộ qua sự kiện chỉ mình Phêrô là thủ lãnh của nhóm. Quả quyết sự hiện hữu của Tông Ðồ Ðoàn là để chuẩn bị quả quyết về Giám Mục Ðoàn (số 22).

27* Số 20: Công Ðồng dạy rằng do việc Chúa thiết lập mà các vị Giám Mục trở nên những người kế vị các Tông Ðồ, và với tước hiệu ấy, các ngài là những mục tử chăn dắt Giáo Hội. Trong đoạn này người ta đã cố gắng đưa ra những nhận xét để đánh giá trị một cách chính đáng bao nhiêu có thể những lời chứng của truyền thống. Lịch sử của truyền thống về sự kế vị và về các chứng tá chính yếu một khi được trình bày rồi, Công Ðồng mới quả quyết hai điểm quan trọng ở đoạn c:

a) Sự trường tồn của thừa tác vụ tông đồ nơi các Giám Mục để chăn dắt Giáo Hội Chúa.

b) Và kết quả của sự trường tồn ấy là: các Giám Mục là những người kế vị các Tông Ðồ. Công Ðồng không muốn định tín giáo lý này, nhưng giảng dạy một cách chắc chắn, vì xử dụng những kiểu nói chuyên biệt "Thánh Công Ðồng dạy rằng". Sự kế vị là do Chúa lập, nhờ đó mà các Giám Mục trở thành mục tử Giáo Hội. Công Ðồng không đi vào vấn đề xem các Giám Mục có được thừa kế các đặc quyền riêng biệt của các Tông Ðồ hay không, nhưng chỉ minh nhiên quả quyết tông vụ chăn dắt Giáo Hội Chúa được nối tiếp nơi các Giám Mục.

 

VỀ MỤC LỤC
PHẢI HỌC LÀM DÂN ! PHẢI LÀM DÂN !

 

Quý độc giả Ephata và Giáo Sĩ Việt Nam thân mến,

Tôi rất ngần ngại viết những hàng chữ này, vì câu chuyện xảy ra khá tế nhị, có thể mỗi người sẽ có một cảm thức và phản ứng khác hẳn nhau trước câu chuyện. Khác nhau là dĩ nhiên, nhưng cái khác ở đây có thể là mâu thuẫn nặng nề, thậm chí có thể gây hiểu lầm tai hại.

Thế nhưng Tin Mừng đòi hỏi chúng ta phải lên tiếng, nếu không, chúng ta sẽ có ngày phải đối diện với sự thật, lúc đó khó có thể cứu vãn và bộ mặt của Giáo Hội Thánh sẽ một ngày một xấu đi. Tất cả chúng ta đang đứng trước những thách đố của thời đại, cả Tin Mừng nữa, theo một cách nào đó hoàn toàn tùy thuộc vào cách sống của chúng ta.

Tôi được nghe một câu chuyện từ những người trong cuộc kể lại. Thật ra những câu chuyện tương tự như thế này bản thân tôi và quý độc giả có lẽ cũng đã thường nghe, thậm chí đích thân đã va chạm nữa. Chuyện là thế này...

Ông cụ chưa già lắm, khoảng trên 70 thôi, người ở vùng quê miền đông Nam bộ, vừa đau xót mất một người con trai trạc 50 vì tai biến, cụ kể cho tôi nghe về cách đối xử của cha xứ với gia đình cụ và với chính bản thân cụ. Ngay sau tang lễ, vì nhà xa nên cụ phải nhờ một người cháu chở Honda đến nhà xứ để cám ơn cha xứ, nhưng cha xứ đã không ra tiếp cụ già mặc dầu rõ ràng cha đang có ở nhà, không bận bịu chuyện gì hệ trọng cả !

Ông cụ chờ đợi hơn một tiếng đồng hồ, quá bức xúc, người cháu nội của cụ, là con trai của người vừa qua đời, đánh bạo vào thẳng trong nhà xứ, gõ cửa phòng cha xứ và nhắc rằng: “Ông nội con chờ cha đã quá một tiếng rồi ạ !” Lạnh lùng với hai chữ “được rồi !”, mười lăm phút sau cha xứ mới lững thững đi ra.

Giọng nhát gừng, cha xứ hỏi ông cụ: “Nhà tang có xin lễ cha khách không đấy ?” Cụ già đáp: “Thưa cha không, cha nhà con không nhận lễ”. Lại hai chữ lạnh lùng: “Được rồi !” Ngài quay mặt đi vào, không một lời chào hỏi. Bây giờ đang khi ông cụ kể lể than thở với tôi, anh cháu nội ấy buông một câu chêm vào: “Cha xứ thật là bất lịch sự !” Phản ứng như thế chúng ta thấy là chuyện dễ hiểu, anh ta tuy xuất thân từ “nhà quê” nhưng đã lên thành phố học và đang làm việc trong một công ty nước ngoài, anh dư khả năng để nhận định về thái độ không hay của cha xứ.

Thế còn chính vị Linh Mục là “cha nhà” trong câu chuyện thì kể thêm cho tôi nghe: Mình từ Sài-gòn về, trước hết vào chào cha xứ, ngài tiếp mình một cách hết sức lạnh lùng. Mình xin phép ngài được dâng lễ tang cho người trong gia đình mà mình hết sức thân thiết, thậm chí còn mang ơn họ đã từng giúp đỡ mình nữa, ngài trả lời: “Không dám, cha muốn dâng thì cứ dâng”. Mình ngỡ người nhà thông tin sai vì trước đó người nhà báo rằng cha xứ rõ ràng đã mời mình dâng lễ nên mình thưa rằng: “Thưa cha, con không chuẩn bị dâng lễ, con chỉ đến tham dự để cầu nguyện”. Lúc đó ngài mới đổi giọng lịch sự hơn để mời mình dâng lễ. Lễ xong đứng lại ở nhà xứ trao đổi, ngài than thở rằng cứ phải làm lễ an táng hoài, chán qua, cũng bằng đó người dự, giảng đi giảng lại hoài, không biết nói gì, có cha về dâng lễ thay cho đỡ quá !

Một chuyện thứ hai xin được kể với quý độc giả, chuyện đã khá lâu nhưng các chi tiết tôi vẫn không thể nào quên:

Một lần tôi đi giảng và dùng cơm chiều tại một nhà xứ nọ. Giữa bữa, một ông trùm vào thưa với cha xứ về việc có một gia đình cần gặp, ông trùm nói nhỏ với cha xứ điều gì tôi không nghe được, cha xứ khoát tay bảo với ông trùm: “Ra bảo với họ: cha xứ đang ăn cơm với cha khách”. Nghe vậy, tôi đã vội vàng thưa: “Xin cha đừng bận tâm về con, cha cứ giải quyết việc cho họ”. Mhưng ngài bảo: “Mặc kệ họ, cha mà ra tiếp, thì họ quấy rầy cả ngày”.

Thế rồi bữa cơm chậm rãi trôi qua, hơn một tiếng sau tôi chào ngài ra về. Ra đến cửa nhà xứ thì sao lại lố nhố đông người ngồi bệt xuống nền xi-măng mà chờ chực thế này ? Thấy tôi ra, họ vội vàng đứng lên, tôi hỏi họ, mới biết trong gia đình họ có người vừa qua đời, việc đầu tiên là phải vào trình cha xứ, vì cha xứ là người sẽ quyết định giờ và ngày cử hành tang lễ, tất tần tật ! Không xin ý kiến thì có mà chết !

Hôm ấy, ăn cơm ngon và no căng, nhưng tôi đã ra về với một cõi lòng hoang mang buồn bã, lẽ nào một ông cha khách là tôi mà lại là nguyên cớ làm cho tang gia người ta phải chịu khổ lụy phiền toái quá đáng như thế ư ?

Trong Dòng chúng tôi có cha Trần Sĩ Tín, một ngươi duy nhất còn lại trong bốn người lên Tây Nguyên theo chương trình loan báo Tin Mừng cho anh em dân tôc Jarai, bây giờ quanh ngài đã có hơn một chục Linh Mục trẻ, anh em ngược xuôi mọi nẻo đường rừng để nối bước cha anh. Bốn anh em đầu tiên lên Tây Nguyên đã chọn cách sống giữa bản làng dân tộc, học làm người dân tộc, lặng im thấm nhuần máu dân tôc, để từ đó máu dân tộc thấm nhuần Tin Mừng, khi Chúa Thánh Thần tuôn đổ mưa xuống thì những hạt giống âm thầm bộc phát nảy mẩm không gì ngăn cản nổi.

Nhiều lần trong các trao đổi, ngài trăn trở băn khoăn về cách đào tạo. Hình như nhìn chung người ta đã đào tạo một Giáo Sĩ để làm quan, làm cha mẹ người khác thay vì làm dân cùng với người dân ! Bởi thế mới có những lối ứng xử như hai câu chuyện kể trên. Làm thầy chỉ biết phán biết dạy thay vì chịu khó lắng nghe, mà như thế cũng sẽ không có khả năng nghe được tiếng Chúa nói trong và nói qua anh em mình.

Cha Sỹ Tín bảo chúng tôi hãy thử ngồi im một ngày nghe Giáo Dân của mình người ta trao đổi với nhau, kể chuyện với nhau về những gì Chúa làm cho họ. Người dân tộc trên Giáo Điểm của cha mỗi ngày thứ sáu họ kể chuyện về Chúa cho nhau nghe, họ làm chứng về quyền năng của Chúa cho nhau biết và cha đã ngồi nghe họ từ sáng đến chiều. Ngài cứ nhắc đi nhắc lại, phải học làm dân, phải làm dân !

Tôi xin kết thúc câu chuyện không vui ở đây, chỉ xin được nói rằng, đầu thế kỷ thứ 20, Giáo Hội đã đánh mất người nghèo, đánh mất nông thôn, đánh mất giới vô sản để gần gũi đi lại với giới quý tộc, gần gũi với giới nhà giàu, hậu quả như thế nào trong nhiều chục năm qua chúng ta đã thấy. Đến đầu thế kỷ 21 rồi, đừng để xảy ra điều đáng tiếc ấy nữa...

Lm. VĨNH SANG, DCCT, thứ sáu 25.4.2008

VỀ MỤC LỤC
TỰ DO CON CHÚA

 

 

Trong bài diễn văn đọc tại Vận động trường Yankee ở New York trước khỏang hơn 58.000 người trong buổi tiếp xúc cuối cùng của chuyến du hành mục vụ tại Hoa Kỳ, Đức Thánh cha Biển Đức XVI đã diễn giảng đặc biệt về ý nghĩa hai chữ TỰ DO.

 

Thế nào là tự do thực?

 

Đức Thánh Cha Biển Đức XVI nói:

 

Nếu tự ái chúng ta bị chạm khi nghe nói đến hai tiếng Uy quyền và  Tuân phục thì hãy ráng nghĩ về hai tiếng đó dưới ánh sáng chỉ dẫn của Chúa Kitô”.

 

Hiệp nhất trong Giáo hội là một hiệp nhất  “tông truyền”. “ Đây là một hiệp nhất hữu hình, được bắt rễ, có cội nguồn từ các thánh tông đồ, do chính Chúa Kitô đã chọn lựa và để cho các ngài chứng kiến sự kiện Chúa phục sinh. Sự hiệp nhất này đã được sinh ra và kinh thánh gọi là “sự tuân phục  niềm tin”.

 

Hai tiếng Uy Quyền và Tuân Phục, “nói thẳng ra…nó không phải là những tiếng có thể phát biểu được một cách dễ dàng ở thời đại ngày nay, nhất là ở một xã hội mà  tự do cá nhân được coi là quan trọng và được ưu tiên đặt lên hàng đầu”.

 

Tuy nhiên, dưới ánh sáng niềm tin vào Chúa Kitô –Đức Thánh cha nói tiếp- chúng ta có thể nhìn thấy nơi hai danh từ ấy một ý nghĩa đầy đủ và trọn vẹn,  một giá trị và một vẻ đẹp thực sự của nó.  Tin Mừng Phúc Âm dạy cho chúng ta biết là Tự Do thực, một loại tự do của con cái Chúa, chỉ có thể có được khi chúng ta tự nguyện hiến dâng. Đó là một phần của màu nhiệm tình yêu.

 

“ Chỉ khi nào chúng ta tự quên mình –Chúa nói- thì lúc đó ta mới thực sự tìm thấy ta. Tự Do thực sự sẽ bừng nở và phát triển khi chúng ta biết quay mặt xa lánh tội lỗi; nó như những đám mây mờ che lấp nhận thức của chúng ta, làm suy yếu quyết định chính đáng của chúng ta, không giúp chúng ta tìm thấy suối nguồn Hạnh Phúc cuối cùng của chúng ta nơi Chúa Kitô, đấng là Tình Yêu muôn đời, Tự Do vĩnh cửu và là Sự Sống vĩnh hằng”.

 

“Tự Do Đích Thực –Đức Thánh Cha nói- là tặng vật do ân sủng Chúa ban, là kết quả qui phục Sự Thật, Sự Thật làm cho chúng ta được tự do. Tự Do trong Sự Thật này sẽ giúp ta tìm ra phương cách giải phóng mới để nhận biết thực tế”.

 

Hiện diện trong buổi thánh lễ tại vận động trường Yankee gồm có các giám mục, linh mục, phó tế, tu sĩ và giáo dân đại diện tất cả các giáo phận tại Hoa Kỳ. Chung quanh bàn thánh có đấng kế vị thánh Phêrô, các giám mục huynh đệ, linh mục và phó tế, các nam nữ tu sĩ và các giáo dân đến từ 50 tiểu bang đã chứng tỏ một cách hùng hồn là chúng ta đã có  hiệp thông niềm tin công giáo, một sự hiệp thông đến với chúng ta từ các thánh tông đồ.

 

Đó là Tự Do thực của con cái Chúa. Một Giáo Hội hiệp nhất và Tông Truyền.

 

Suy ngẫm

 

Phải chăng ngày nay người ta đã dần dần đánh mất niềm tin vào Chúa Kito là nguồn tự do đích thực, đang xa lánh dần Giáo Hội để chạy theo tự do thế tục, nên Đức Thánh Cha mới nhắn nhủ chúng ta về Tự-Do-Đích-Thực, Tự-Do-Con-Chúa?

 

Florida  21-4-2008

Bác Sĩ Nguyễn Tiến Cảnh

 

VỀ MỤC LỤC

NỖI NIỀM  (Ga 14:15-21)

 

Khi nguồn ánh sáng xa dần

cõi lòng môn đệ bao năm theo Thày,

bóng đêm từng phút đong đầy

nỗi buồn gậm nhấm tháng ngày héo hon.

Thày đi để lại mình con,

giữa bày lang sói gọi hồn từng đêm.

từ đây hết cảnh ấm êm,

giã từ năm tháng trên miền phù du

Thày đi, một chuỗi ngục tù,

nỗi đau quay quắt thiên thu vắng Thày !

.................

“Con ơi, con hãy nghe đây,

Thày không để lại chuỗi ngày mồ côi,

Dù mai ngày có về Trời,

Thày luôn hiện diện bên người mình yêu,

Nhờ Thần Khí Chúa cao siêu,

Tháng ngày ta sẽ dập dìu bên nhau.”

 

“Ðường trần sao những cơ cầu,

Nẻo vào Chân lý qua bao hành trình ?!

Chúa Cha cùng Chúa Thánh Linh,

và Thày hòa nhịp ‘thiên đình’ trong con.

Từ bình minh tới hoàng hôn ,

muôn đời vẫn sống vẫn còn có nhau.”

 

«Trăm năm một cuộc bể dâu,»

Càng nhìn vào tận chiều sâu tâm hồn,

Càng chiêm ngắm Ðấng Chí Tôn,

Càng như ngụp lặn trong nguồn tình yêu.

Lâng lâng về cõi phiêu diêu ,

như làn mây trắng một chiều quan san.

 

Trong nguồn thánh sủng miên man,

biển khơi một chiếc thuyền nan bồng bềnh

vân thanh

27.04.2008

VỀ MỤC LỤC
ĐỪNG HÀNH ĐỘNG THEO PHẢN ỨNG TỰ NHIÊN

 

Mỗi lần cô bé Mỹ Hạnh mới sinh được 3 tuần khóc, bà mẹ liền chạy đến xem nó thế nào. Bà bồng nó lên, xem xét, ôm nó, và chờ nó ngủ lại, đoạn đặt nó trở lại trong nôi.

Cô bé khóc. Mẹ nó bồng nó lên. Cách thức đó được lập đi lập lại mỗi lần nó khóc. Như một kết quả, bất cứ khi nào nó muốn được bồng, nó khóc. Đó không phải là một chiến thuật thành công sao? Ngay cả một đứa bé sơ sinh cũng cảm thấy được môi trường của nó và cảm được điều nó có thể làm trong môi trường đó. Việc bồng nó mỗi lần nó khóc là khuyến khích nó cho việc đòi hỏi sự chú ý và phục vụ. Trẻ sơ sinh thích được ấp ủ và chúng ta có một cảm giác thích thú khi ôm ấp chúng đến nỗi rất dễ để đáp trả động lực tự nhiên ấy. Tuy nhiên, nếu chúng ta ý thức rằng chúng ta đang tước đoạt quyền nghỉ ngơi của nó và đang cho nó một ý tưởng sai lầm về cách tìm một chỗ đứng trên thế giới. Một thói quen nên được sắp đặt để thu xếp thời giờ cho sự nghỉ ngơi và thời giờ cho sự ấp ủ, giúp đứa trẻ khám phá luật lệ bình thường trong cuộc sống và sự thoải mái của trật tự được thiết lập. Vì thế, nên tránh hành động theo phản ứng tự nhiên thúc đẩy. Trái lại, hãy quan tâm nhu cầu của hoàn cảnh đang đòi hỏi sự gì? 

Ông bố, Minh Quân 8 tuổi, Mỹ Yến 6 tuổi, và Mỹ Nga 3 tuổi, đang đắp hình một người bằng tuyết. Cậu bé Minh Quân không còn thích thú nữa và bắt đầu trò chơi riêng: chạy chơi và trượt trên tuyết. Trong lúc ông bố vói tay để làm cái đầu người tuyết, cậu bé chạy chơi, lao người vào ông bố, làm nắm tuyết rơi khỏi tay ông. “Con xin lỗi bố. Con không cố ý”.  “Hãy ý tứ nhé”, bố đáp. Một ít phút sau, cậu bé lại lao đầu vào Mỹ Yến và làm cô bé ngã xuống. Chân cô bé giẫm lên bệ của người tuyết và làm hư nó. Cô bé khóc. “Minh Quân đi vào nhà! Bố và các em không thích con ở đây”. 

Ông bố hành động theo động lực tự nhiên, đã làm cách chính xác điều mà cậu bé muốn. Cậu bé hai lần xuống ngôi nghĩ rằng nó không còn chỗ đứng trong gia đình nầy. Đây là lý do nó mất đi sự thích thú trong sinh hoạt chung. Nó hành động trong cách thức nó có thể chứng tỏ cho chính nó sự chính xác của giả thuyết đó, dầu nó không ý thức về lý do cho hành động của nó. Nó xếp đặt để nó bị loại ra. Thật vậy, nó không được lịch sự trong hành động. Không lạ gì ông bố và các em nó không muốn nó ở đó.

Minh Quân cần có người hiểu và giúp đỡ nó. Nếu ông bố đã hiểu được nỗi lo âu của cậu bé về một chỗ đứng trong cuộc sống và biết tại sao nó tạo nên sự khước từ, ông đã có thể tránh được động lực xua đuổi cậu bé đi chỗ khác. Ông đã không dễ dàng rơi vào bẩy của cậu bé. 

Toàn thể tình cảnh lẽ ra phải làm cách khác. Vì cậu bé muốn chạy chơi chùi tuyết, ông bố có thể gợi ý: tất cả ngưng việc đắp tượng một lúc và cùng với Minh Quân chạy chơi chùi tuyết. Ông bố có thể phớt lờ sự thích thú của bé Mỹ Yến và gợi ý một cách cổ vũ rằng: “Minh Quân con hướng dẫn phái đoàn và chúng ta sẽ san bằng tuyết xuống vừa một lối đi để chúng ta có thể chùi trợt tuyết được‘. Hành đông như thế sẽ làm vô giá trị cố gắng để bị khước từ của cậu bé, trái lại khiến nó trở thành người lãnh đạo và làm gia tăng sự thích thú trong gia đình. Hành vi quậy phá có thể trở thành hoạt động hữu ích và xây dựng.

- Minh Quang, cổ con đau bao lâu rồi? Cô y tá hỏi đứa trẻ 4 tuổi.

- Nó bắt đầu phàn nàn từ sáng hôm qua. Bà mẹ trả lời cho nó.

- Nó thường kêu hay đau cổ lắm. Chị nó Vi Anh 8 tuổi xen vào.

- Con có cảm thấy sốt không? Cô y tá lại hỏi thẳng cậu bé.

- Nó xem ra không có sốt sáng nay. Mẹ nó trả lời.

- Con có ăn sáng chưa?

- Ăn một tí thôi, không nhiều lắm. Chị nó ăn nhiều và làm tôi phát điên lên. Bà mẹ cười. 

Cậu bé Minh Quang khéo léo để những người khác nói thay cho nó. Nó còn bé, không có cơ hội nói cho chính mình. Không được khuyến khích từ đầu, cậu bé đã khám phá ra rằng nó có thể ngồi phía sau, im lặng và không cần trả lời ngay cả diễn tả bằng nét mặt và để cho chị và mẹ nó nói thay. Nó có thể giận dữ, nhưng nếu nhìn người ta có thể thấy rằng nó để cho họ phục vụ nó.

Nếu bà mẹ muốn cho cậu bé lớn lên, bà phải im miệng đi để cho cậu bé nói. Phản ứng tự nhiên muốn nói thay cho nó làm nó và bà thêm rắc rối. Bà cũng phải phớt lờ những câu trả lời của chị nó thay cho nó. Chị nó có thể nghĩ rằng cô cho thấy sự trổi vượt của nó trên cậu bé, và thật vậy cô ta đã đặt mình trong sự phục vụ cho nó. 

Nếu mẹ nó hỏi: “Minh Quang con thích loại cereal nào?” Nó có thể trả lời nhưng nó chờ đợi có người trả lời cho nó. Và thật vậy, chi nó liền nói: “Nó muốn loại giống như bắp rang đó mẹ”. Cậu bé có thể nói cho nó. Tại sao chúng ta không chịu chờ cho tới khi nó nói điều nó muốn. Không có loại cereal nào cả cho tới khi cậu bé nói lên điều nó thích.

Mỗi khi chúng ta trả lời thay cho cậu bé do phản ứng tự nhiên, chúng ta có thể nói rằng chúng ta đang làm điều nó muốn chúng ta làm dầu đứa trẻ chính nó không ý thức về điều đó. Nếu nó thút thít hoặïc khóc khi chúng ta nói chuyện trên điện thoại, nó muốn chúng ta đáp lại ước muốn đòi sự chú ý hoàn toàn của chúng ta. Nếu chúng ta quở trách nó vì những vết bẩn thỉu vung vãi trên sàn, đứa trẻ đã thành công trong việc đưa chúng ta vào cuộc chiến. Nếu chúng ta cột áo khoát cho nó vì nó xem ra lúng túng, chúng ta tái xác nhận quan niệm vô dụng của nó và rồi chúng ta lại phục vụ nó. Đó là sức mạnh của đứa trẻ yếu. 

Lm. levanquang, tiến sĩ tâm lý

VỀ MỤC LỤC

GIÁO SĨ,  TU SĨ  và GIÁO DÂN  KHÁC và GIỐNG NHAU RA SAO?

 

Hỏi: Xin cha giải thích rõ vai trò và trách nhiệm của giáo sĩ, tu sĩ và giáo dân trong Giáo Hội và tại sao tu sĩ không được cử hành các bí tích như giáo sĩ? 

Trả lời: Nhờ công nghiệp cứu chuộc của Chúa Kitô và qua bí tích rửa tội, người tín hữu Chúa Kitô  trở nên “giống nòi được tuyển chọn, là hàng tư tế vương giả, là dân thánh, dân riêng của Thiên Chúa  để loan truyền những kỳ công của Người, Đấng đẵ gọi anh  em ra khỏi miền  tối tăm  vào nơi  ánh sáng diệu huyền. Xưa anh  em chưa phải là một dân. Nay anh  em đã là dân của Thiên Chúa; xưa anh  em chưa được hưởng lòng thương xót của Chúa, nay anh  em đã được xót thương.” ( 1 Pr 2: 9-10) 

Trên đây là vinh phúc và là danh hiệu cao quí nhất của người Kitô-hữu với tư cách là Dân mới của Thiên Chúa trong Giáo Hội theo Thánh Phêrô. Không có danh hiệu và vinh phúc nào cao trọng hơn nữa. 

Tuy nhiên, sống trong Giáo Hội, người tín hữu không có chung một chức năng và nhiệm vụ  như nhau. Ngược  lại, theo Thánh Phaolô thì: “anh  em là thân thể  Chúa Kitô, và mỗi người là một bộ phận. Trong Hội Thánh, Thiên Chúa đã đặt một số người, thứ nhất là các Tông Đồ, thứ hai là các ngôn sứ, thứ ba là các thầy dạy, rồi đến những người được ơn làm phép lạ, được những đặc sủng để chữa bệnh, để giúp đỡ người khác…” (x. 1 Cor 12: 27-28).

Tuy khác nhau về vai trò và trách nhiệm, nhưng mọi thành phần dân Chúa đều  bổ túc cho nhau và cùng nhau mở mang Nước Thiên Chúa và  xây dựng Giáo Hội là Thân Thể Nhiệm Mầu (Mystical Body) của Chúa Kitô giữa trần gian.  

Theo giáo lý , tín lý và giáo luật hiện hành của Giáo Hội thì Dân Chúa được khai sinh qua Phép Rửa được mời gọi sống trong ba ơn gọi  hay bậc sống khác nhau. Đó  là bậc giáo sĩ, bậc tu sĩ và bậc giáo dân. Phân chia như vậy vì  ơn gọi riêng biệt của từng người theo kế hoặch của Thiên Chúa chứ không có mục đích phân  biệt địa vị cao thấp, hay giá trị hơn kém  theo tiêu chuẩn người đời.  

Nói về ba bậc sống hay ba ơn gọi đặc biệt này, Giáo lý hiện hành của Giáo Hội dạy  như sau:Do sự thiết lập của Thiên Chúa, trong Giáo Hội có những tín hữu là thừa tác viên thánh mà theo luật được gọi là giáo sĩ, những tín hữu khác được gọi là giáo dân. Trong số các tín hữu thuộc cả hai loại này, có những tín hữu nhờ sự tuyên khấn các lời khuyên của  Phúc âm mà được thánh hiến cho Giáo Hội để phục vụ cho sứ mạng của Giáo Hội. (x. SGLGHCG, số 934) 

Nói khác đi, một số tín hữu  đươc mời gọi để sống và thi hành nhiệm vụ của hàng giáo sĩ, tức là được huấn luyện chuyên môn để nhận lãnh các chức thánh (Holy Orders) để phục vụ cho Dân Chúa trong Giáo Hội. Cụ thể như sau:

I.- Hàng giáo sĩ (clergy) bao gồm những người  được gọi để lãnh nhận các chức thánh như Phó tế, Linh mục và Giám mục.  Đó là thành phần của hàng giáo sĩ thừa tác (ministerial clergy).  

Nhưng chỉ có linh mục và Giáo mục được gọi là tư tế (sacerdos) vì có chức tư tế thừa tác (Ministerial Priesthood) và được quyền tế lễ mà thôi.  

Các Phó tế  là những thừa tác viên được truyền chức thánh để lo công tác phục vụ trong Giáo Hội, cụ thể là phục vụ  bàn thánh, công bố Lời Chúa và được năng quyền giảng lời Chúa,  chứng hôn, cử hành nghi thức an táng và  rửa tội cho trẻ  em (không cho người lớn mới gia nhập Đạo, vì người tân tòng  được lãnh 3 bí tích rửa tội, thêm sức và Thánh Thể một trật trong cùng thánh lễ. Do đó, Phó tế không được rửa  tội cho người tân tòng vì không được ban bí tích thêm sức ). 

II.- Hàng Tu sĩ (Religious).

Bậc sống thứ hai là bậc tu trì. Đây là ơn gọi đặc biệt dành cho các tín hữu nam nữ đã quảng đại đáp lời mời gọi của Chúa để tự nguyện khấn và sống ba lời khuyên của Phúc Âm là khiết tịnh (chastity) khó nghèo (poverty) và vâng phục (obedience) trong một Dòng Tu hay Tu Hội được thành lập hợp pháp  theo giáo luật. (x. cans. 573-76). Đây là bậc sống thánh hiến (consecrated life) dành cho những người có ơn gọi sống những linh đạo (spirituality) hay đặc sủng (charism) đặc biệt của nhiều  Dòng Tu hay Tu Hội khác nhau. 

Thí dụ:  Dòng Thuyết giáo (Order of Preachers , O.P) của Thánh ĐaMinh  chuyên về giảng thuyết.  Dòng Tên (Society of Jesus, SJ) của Thánh Ignatius Loyola, thành lập năm 1534,  với khẩu hiệu “Ad majorem Dei gloriam = Cho vinh danh lớn lao của Thiên Chúa”  chuyên giảng dạy ở Đại Học và hoạt động trong giới trí thức, nhưng  nay  cũng tham gia làm mục vụ cùng với nhiều  Dòng Tu khác để giúp các Địa Phận  thiếu linh mục Triều (Diocesan priests) coi sóc giáo xứ. 

Thật ra, bậc sống tu trì không phải là bậc sống ở giữa bậc giáo sĩ  và giáo dân mà là một bậc sống chuyên biệt dành cho những nam nữ Kitô hữu tự nguyện sống ba lời khuyên của Phúc Âm để bắt chước cách chính xác hơn và thực hiện liên tục trong Giáo Hội nếp sống Con Thiên Chúa đã sống khi Người xuống thế thi hành thánh ý  Chúa Cha và cũng là nếp sống Người đã đề ra cho các môn đệ theo Người. (x .LG. 44)

Các nam tu sĩ thuộc nhiều Dòng Tu hay Tu Hội,  ngoài 3 lời khấn Dòng,  còn có thể học và lãnh chức thánh để trở thành các giáo sĩ  có chức linh mục hay giám mục Dòng (đã có nhiều Hồng Y và cả Giáo Hoàng thuộc các Dòng Tu). Như vậy một linh mục có thể là một tu sĩ vì thuộc về một Dòng Tu  hay Tu Hội.  Thí dụ:  các cha Đa-Minh, Dòng Chúa Cứu Thế, Dòng Tên, Tu Hội Tân Hiến ... Nhưng một giáo sĩ  (phó tế, linh mục Giáo Phận hay còn gọi là Triều) thì không phải là tu sĩ  vì  không  thuộc về một  Dòng Tu  hay Tu Hội nào, mà thuộc một giám mục điạ phận. 

Liên can đến phần thứ 2 của câu hỏi trên, nếu tu sĩ không có chức thánh thì không được cử hành bất cứ bí tích nào, trừ bí tích  rửa tội trong trường hợp nguy tử khi không có giáo sĩ  có chức thánh (phó tế, linh mục, giám mục). Nghĩa là trong trường hợp bình thường thì tu sĩ (các Thầy, các Sư Huynh, và Nữ tu) không được phép rửa tội cho ai cả. Trường hợp nguy tử, khẩp cấp thì mọi tín hữu đều được phép rửa tội nhưng phải theo đúng công thức và mục đích của Giáo Hội. 

III.- Giáo Dân (Laity)

Theo định nghĩa trong  Hiến Chế Tin Lý Lumen Gentium của Thánh Công Đồng Vaticanô II,  thì “danh diệu giáo dân (laity) được hiểu là tất cả những Kitô-hữu không có chức thánh hoặc bậc tu trì  được Giáo Hội công nhận.” (x. LG. số 31) 

Nói rõ hơn, giáo dân là thành  phần Kitô hữu  đông đảo nhất không thuộc về hàng giáo sĩ  hay tu sĩ, như nói ở trên; nhưng nhờ phép rửa đã trở nên Dân Thiên Chúa  và tham dự vào  chức vụ tư tế, ngôn sứ và vương giả của Chúa Kitô theo cách thức của họ. Họ là những người đang thực hiện sứ mạng của toàn dân Kitô giáo trong Giáo Hội và trên trần gian theo phần vụ riêng của mình.” ( LG. 31)  

Không thuộc về hàng giáo sĩ hay tu sĩ, nhưng không có nghĩa là thua kém phẩm chất hay giá trị mà chỉ có nghĩa là không cùng có chung vai trò  và trách nhiệm  trong Giáo Hội mà thôi. Giáo Sĩ, do ơn gọi và năng quyền (competence) được lãnh nhận từ bí tích chuyên biệt là Bí Tích Truyền Chức Thánh, có nhiệm vụ thay mặt Chúa để  tế lễ, giảng dạy, cai trị và thánh hoá  qua việc cử hành các bí tích, đặc biệt là bí tích Thánh Thể và hoà giải.

Như vậy, trách nhiệm và đối tượng phục vụ của hàng giáo sĩ chính là giáo dân, tức đoàn chiên mà Chúa Giêsu ,Vị Mục Tử Nhân lành, đã trao phó nhiệm vụ chăn dắt cho các Tông Đồ xưa và  nay cho những  người kế tục sứ mạng này là các Giám Mục và hàng Linh mục, tức những cộng sự viên đắc lực của Giám muc. 

Về phần mình, giáo dân thi hành ba chức vụ tư tế, ngôn sứ và vương đế của Chúa Kitô chủ yếu bằng chính  đời sống chứng nhân của mình trước mặt người đời trong các môi trường sống. Cụ thể, khi người giáo dân, cũng là công dân trong một xã hội, sống công bình, thánh thiện, tha thứ và bác ái đúng mức với người khác thì đã  hùng hồn rao giảng Chúa Kitô yêu thương, tha thứ  và nhân hậu cho họ;  đồng thời cũng mang  vương quốc bình an, công lý và thánh thiện của Người đến những nơi còn đầy rẫy những bất công, tàn bạo,  tội ác và tha hoá. 

Đây là cách phúc âm hoá thế giới còn hữu hiệu hơn cả những lời rao giảng hùng hồn của giáo sĩ  trên  giảng đài trong nhà thờ, hay âm thầm cầu nguyện trong các tu viện,  mặc dù cầu nguyện cũng thật cần thiết cho sự thành công của sứ mạng Giáo Hội. 

***

Tóm lại, tuy khác nhau về địa vị và trách nhiệm nhưng cả ba thành phần giáo sĩ, tu sĩ và giáo dân đều chung sứ mạng loan báo Tin Mừng Cứu Độ của Chúa Kitô cho những người chưa nghe biết để tất cả đều được cứu độ  như lòng Chúa mong muốn. (x. 1Tim 2:4). 

Lm. Phanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn
 

VỀ MỤC LỤC

ĐỨC KITÔ, HI VỌNG CỦA CHÚNG TA


  

Chủ đề cuộc thăm viếng Hoa Kỳ

 của Đức Giáo Hoàng Benedicto XVI

từ 15 đến 20-4-2008

 

1- Đức Kitô - Ngài là nguồn hi vọng!

Là Công bình, là Công Lí, Tình Thương

Là ủi an, sự hướng dẫn trên đường

Là sự sống, là an hòa vĩnh cửu!

 

2- Là hi sinh cứu giúp người nghèo khổ

Người phong cùi, bệnh ết, điếc, mù, câm

Không vênh vang nhưng vẫn sống âm thầm

Đức khiêm nhường điểm tô đời sống đạo!

 

3- Lấy bác ái để thay cho  tàn bạo

Lấy nhún nhường mà đối với huênh hoang

Lấy kỉ cương che khuất mọi hoang đàng

Lấy hài hòa làm phương châm lẽ sống!

 

4- Theo Đức Kitô  để lòng mở rộng

Không chật hẹp, không ích kỉ, dối gian

Đem yêu thương cho những kẻ lầm than

Lấy hòa đồng thay bất hòa, tranh chấp!

 

5- Theo Đức Kitô, sẽ không hư mất!

Bởi Cha Ngài đã hứa hẹn đời sau

Giáo lí Ngài được áp dụng toàn cầu

Để nhân thế hòa bình giầu ân sủng!

16-4-2008

Xuân Vũ  TRẦN ĐÌNH NGỌC

VỀ MỤC LỤC
NỖI ĐAU TỘT CÙNG

 

Mỗi một phận người đều có cái riêng của mình và rồi mỗi người có một hoàn cảnh, mỗi người có một nỗi niềm riêng chẳng ai giống ai cả. Với thân phận của căn bệnh AIDS cũng thế, mỗi người một hoàn cảnh, mỗi người một nỗi đau chẳng ai giống ai : người thì lây qua người tình, người thì lây qua tiêm chích, người thì rủi ro do nghề nghiệp ... Để rồi mỗi một trường hợp ấy khi ta tiếp xúc, ta nghe họ tâm sự ta mới thấu hiểu được hoàn cảnh mà họ nhiễm bệnh. Khi ta lắng nghe thì ta mới thấu hiểu được nỗi đau của họ. Đừng vội kết án những người đã cầm án tử trong tay. Phải tìm hiểu để thấu hiểu nỗi đau của từng người.

Vội vã :

... Em là người miền Tây lên Sài Gòn lập nghiệp. Mới quen nhau được 3 tháng, em vội vã tiến đến hôn nhân. Chồng em là tài xế xe tải đường dài. Sau khi cưới nhau được hơn năm, chồng em đã vội vã “ra đi”. Gia đình chồng hoàn toàn bưng bít nguyên nhân mà anh qua đời, gia đình chồng đã giấu hồ sơ bệnh án của chồng em. Sau đó một thời gian thấy sức khoẻ sa sút, em đi xét nghiệm mới biết mình nhiễm căn bệnh của thế kỷ !!!

Em trần tình với tôi một lời muộn màng : Vì em vội vã quá ! mới quen 3 tháng mà em đã quyết định.

Em trách gia đình sao không báo cho em biết mà lại cứ giấu em mãi. Tôi chỉ kịp khuyên em hãy bỏ qua tất cả ngay cả người chồng vắn số của mình, hãy đón nhận nỗi đau và hãy cố vươn vai lên mà sống. Chợt nhìn câu danh ngôn treo trên tường “Khi đời xô bạn xuống thì bạn hãy ngẩng đầu lên”. Và tôi đọc lại cho em câu danh ngôn ấy. Hãy cố lên em !

Vâng ! Đời, người có xô bạn xuống đi chăng nữa nhưng vẫn còn ai đó, vẫn còn một tấm lòng nào đó kéo bạn lên qua bàn tay của các nữ tu, của những tình nguyện viên.

Tôi chẳng trách em, tôi chỉ thầm trách những mối tình chóng vánh mà ngày nay nhiều và nhiều bạn trẻ đã quá vội vã để rồi phải gánh chịu những hậu quả khôn lường.

Không chỉ có em và còn mà còn rất nhiều bạn trẻ vội vã quyết định đời mình một cách chóng vánh không ngờ. Ước gì em là vết xe đổ cho các bạn trẻ “yêu cuồng sống vội”, ước gì em là bài học quý giá cho các bạn đồng trang lứa về quyết định đời mình.

Thiếu hiểu biết :

Em nằm ở Trung tâm AIDS giai đoạn cuối với thân hình tiều tuỵ, mắt em thâm lại vì chẳng hiểu tại sao hai hàng lệ cứ mãi tràn mi ...

Hỏi ra thì em nói gia đình ở Kiên Giang, hai vợ chồng cưới nhau được 8 năm. Chồng lên Sài Gòn phụ hồ ... em ở nhà quê làm việc đồng áng đắp đổi qua ngày ... Đến nay được tất cả 3 người con : đứa lớn 7 tuổi, đứa kế 5 tuổi, đứa nhỏ một tuổi rưỡi.

Chẳng hiểu sao chúng cứ gầy còm, ốm yếu. Em mới mang chúng đi xét nghiệm. Kết quả xét nghiệm đã làm suy sụp gia đình, họ hàng hai bên nội ngoại. 3 đứa trẻ nhiễm AIDS cả. 3 đứa trẻ nhiễm thì chắc chắn cha mẹ chúng cũng nhiễm thôi. Và rồi em cùng chồng đi xét nghiệm thì cũng phát hiện ra bị nhiễm!!!

Thế là gia đình của em có 5 thành viên thì 5 thành viên là nạn nhân của AIDS.

Em kể xong thì hai hàng nước mắt lại cứ trào ra.

Đau quá ! Lòng dạ chẳng còn lời nào để an ủi nỗi đau của em.

Tôi cũng chẳng dám trách em, trách chồng em. Chỉ cảm thấy đau cho sự thiếu hiểu biết của em và chồng. Ngày nay trước khi đi đến hôn nhân thường hay kiểm tra sức khoẻ thì sẽ biết được sức khoẻ. Nếu như chồng em và em kiểm tra thì đâu có xảy ra cớ sự như ngày hôm nay. 5 người đã cầm án tử quá sớm.

Và dường như không chỉ có em, hiện giờ còn nhiều và nhiều người chỉ vì thiếu hiểu biết để rồi nhìn đời mình trôi xuống vực thẳm mà đôi bàn tay phải buông xuôi.

Trách đời, trách người người hay trách em. Tôi chẳng dám trách ai cả, có chăng thì thương nhiều hơn là trách.

Chia tay em mà lòng cứ mãi ngậm ngùi, chẳng còn nỗi đau nào tột cùng bằng nỗi đau của em và gia đình đang gánh chịu.

Trả thù đời :

Em sinh ra và lớn lên trong một gia đình bất hạnh. Em bước vào đời cũng trong tủi nhục và bất hạnh. Người tình ăn chơi trác táng đã để lại cho em di chứng của căn bệnh thế kỷ. Lẽ ra em đón nhận nó như một biến cố không may cho cuộc đời. Vậy mà em đã trả thù, em đã trả thù cánh đàn ông bạc tình bạc nghĩa.

Kết quả là hơn ba chục thanh niên đã lây bệnh do em truyền sang. Hơn ba chục ấy đau đớn thay thì hơn một nửa là học sinh cấp II của một trường Trung Học Cao Su nọ ...

Em đã ra đi khỏi đời này nhưng em đã để lại cho cuộc đời này quá nhiều đau thương và tổn thất.

Tại sao em lại trả thù như thế ?

Tại sao hơn ba chục con người đã liều mình đánh đổi cuộc chơi chóng vánh để manh trong mình án tử.

            ...

Tất cả là nỗi đau, nỗi đau tột cùng của tôi, của bạn và của người.

Ước gì ta bớt vội vã, đừng thiếu hiểu biết và không trả thù đời để đời bớt đau hơn.

Anmai, C.Ss.R.

VỀ MỤC LỤC
 Nhân Danh Chúa Giêsu Con có thực sự yêu mến Thầy không? 

 

Tác phẩm: Cầu Nguyện Cá Nhân: Bí quyết tình yêu và vui sống 

Lm. Micae-Phaolô Trần Minh Huy, pss.

Phần thứ ba: Cẩm Nang Chỉ Đường 

ba 

Nhân Danh Chúa Giêsu Con có thực sự yêu mến Thầy không? 

Bạn biết Chúa Giêsu thế nào, nếu không phải là nhờ Phúc âm? Nhưng đọc tiểu sử không đủ để biết Ngài. Mầu nhiệm của Ngài chỉ được tiệm tiến mạc khải theo tỷ lệ tình yêu của bạn dành cho Ngài. Càng yêu Ngài, bạn càng khám phá thấy rằng bạn đến chậm: Chính Ngài yêu bạn, Ngài biết bạn, Ngài tìm kiếm bạn không ngừng, với một sự tế nhị làm bạn ngạc nhiên. 

Như Phêrô ba lần được hỏi “Con có thực sự yêu mến Thầy không?’’,bạn có thể thưa với Chúa “Lạy Chúa, Chúa biết con yêu mến Chúa’’, nhưng có lẽ bạn sẽ thêm ngay rằng “Chúa biết con yêu mến Chúa chưa đủ, con còn phải cố gắng rất nhiều nữa để có thể yêu mến Chúa trên hết mọi sự!’’ 

Trong Chúa Giêsu Kitô đang ẩn giấu mọi kho tàng của Thiên Chúa, của con người, của vũ trụ. Bạn hãy yêu mến Ngài trong niềm vui cũng như trong đau khổ. Ngày ngày bạn hãy dọn mình sống với Ngài, lúc thăng cũng như lúc trầm, tốt nhất cũng như tồi tệ nhất, mãi cho đến chết. Bạn sẽ không thất vọng đâu! Sớm muộn chi cũng sẽ tới lúc bạn sẽ nói lại những lời nầy: “Thay vì chết một cách ngu ngốc, tôi sẽ hiến dâng cái chết của tôi cho những người tôi yêu mến. Mọi sự luôn phải giúp ta đạt tới tình yêu Chúa Kitô.’’

Tên của Người Yêu Dấu

Giêsu nghĩa là “Thiên Chúa cứu’’ (Mt.1, 21). Thánh Matthêu cũng nói rằng tên nầy được ban cho con trẻ để lời tiên tri nên trọn: “Người ta sẽ đặt tên cho Ngài là “Emmanuel’’ nghĩa là “Thiên Chúa ở cùng chúng ta’’ (Mt.1, 23). Tên mang một ý nghĩa quan trọng. Chúng ta hay nói “tên là người’’. Tên đặt khi sinh ra thường chỉ định một ơn gọi, một chương trình sống. Thiên Chúa đổi tên một người khi Ngài muốn trao cho người đó một sứ mệnh mới (Abram thành Abraham, Jacob thành Israel, Simon thành Phêrô...). Có nhiều tên nghĩa là có nhiều nhiệm vụ phải chu toàn, như Salomon còn được gọi là “được Chúa thương’’ (II Sm.12, 25). 

Trên hết mọi tên là tên của Chúa, độc nhất, mầu nhiệm: “Đấng Tự Hữu’’ (Ex.3, 14). Thiên Chúa đã mạc khải cho Mô-sê từ giữa bụi gai cháy phừng và còn thêm rằng Ngài sẽ giải thoát dân Ngài khỏi khốn khổ. Chỉ Chúa Giêsu mới dám dùng lại cho mình cái tên ấy: “Trước khi chưa có Abraham, Ta đã hiện hữu’’ (Jn.8, 58). Giới lãnh đạo tôn giáo Dothái không hiểu nên kết án Ngài là phạm thượng, muốn ném đá Ngài và cuối cùng đẩy Ngài chết đóng đinh trên thập giá. 

Chính qua sự khinh miệt phi lý đó mà mầu nhiệm thâm sâu nhất của Danh được bộc lộ: một Tình Yêu khiêm hạ đến độ nhận lấy địa vị phạm nhân, tự tước bỏ hết mọi trổi vượt bên ngoài: “Chính vì thế, Thiên Chúa đã siêu tôn Người và tặng ban danh hiệu trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu. Như vậy, khi vừa nghe danh thánh Giêsu, cả trên trời dưới đất và trong nơi âm phủ, muôn vật phải bái quỳ; và để tôn vinh Thiên Chúa Cha, mọi loài phải mở miệng tuyên xưng rằng “Đức Giêsu Kitô là Chúa’’ (Ph.2, 9-11). 

Bây giờ bạn hiểu được quyền năng vô biên của Danh Giêsu, một quyền năng của Thiên Chúa làm người, đặt trong tầm vóc của những kẻ bé nhỏ nhất. Quyền năng của tình yêu và khiêm hạ. Vậy bạn không còn ngạc nhiên khi cầu nguyện lại kêu nhân danh Chúa Giêsu. Tất cả mọi lời cầu nguyện đều được kết thúc “Nhờ Đức Giêsu Kitô Chúa chúng con...’’ 

Bạn hãy luôn kêu cầu danh Chúa Giêsu, để dần dần danh Giêsu như được nối liền với nhịp tim của bạn: bạn yêu mến Chúa Giêsu trong tương quan với Chúa Cha và trong Chúa Thánh Thần. Như vậy, bạn vào trong mối hiệp thông tình yêu của Chúa Ba Ngôi. Cái chính yếu là sự trung thành với Chúa Giêsu, đến đỗi chính Ngài lưu lại trong trái tim bạn, trong hơi thở bạn, trong tư tưởng bạn, trong cử chỉ của bạn. Danh trở thành phương tiện truyền thông. Nó như là chiếc lăng kính nhận lãnh và hội tụ ánh sáng của Chúa Kitô. Lăng kính nầy giúp chúng ta thắp lên ngọn lửa đã được nói đến: “Thầy mang lửa vào thế gian và ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên’’ (Lc.12, 49).

Chúa Giêsu cầu nguyện trong bạn

Đối với đời sống kitô hữu, lời cầu nguyện đích thực chính là lời cầu nguyện của chính Chúa Giêsu. “Tôi có cảm tưởng từ bao nhiêu năm qua tôi mang trong lòng mình lời cầu nguyện mà tôi chẳng hề hay biết. Lời cầu nguyện ấy giống như một suối nguồn bị một tảng đá đậy lại. Tới một lúc, Chúa Giêsu đã cất đi tảng đá. Bấy giờ, dòng suối bắt đầu chảy, và từ đó nó tiếp tục chảy mãi.’’ 

Tôi sẽ trở lại với lời cầu nguyện liên tục nầy, nhưng bây giờ hãy tìm ý nghĩa của việc “cầu nguyện nhân danh Chúa Giêsu’’. Ba lần trong Phúc âm theo thánh Gioan, Chúa Giêsu đã bảo các môn đệ cầu nguyện nhân danh Ngài và Ngài hứa với họ là họ sẽ được nhậm lời: “Tất cả những gì chúng con xin nhân danh Thầy, Thầy sẽ làm cho, để Cha được vinh hiển trong Con. Nếu các con xin điều gì nhân danh Thầy, Thầy sẽ làm cho các con’’ (Jn.14:13-14; 15:7-16;16:23-24.26). Cầu nguyện nhân danh Chúa Giêsu phải kèm theo sự thông hiệp với Ngài: Nhờ Ngài, với Ngài và trong Ngài. 

Chúa Giêsu là lời cầu nguyện trọn hảo. Trong suốt cuộc đời trần thế của Ngài, bạn thấy Ngài cầu nguyện luôn. Thánh Luca không bỏ qua cơ hội nào mà không chỉ cho chúng ta thấy. Chẳng hạn trước khi chọn mười hai tông đồ, nền tảng của Giáo Hội: “Chúa Giêsu đi lên núi để cầu nguyện và Ngài đã thức suốt đêm để cầu nguyện cùng Thiên Chúa’’ (Lc.6, 12). Lúc chịu phép rửa, lúc biến hình, khi hấp hối, trên thánh giá, Chúa Giêsu cầu nguyện. Ngài là lời cầu nguyện sống động và phổ quát, vì vinh danh Cha Ngài và vì phần rỗi nhân loại. 

Lời cầu nguyện của Ngài là một cuộc kịch chiến chống lại Sự Dữ. Ngài đã nói như thế nầy với Phêrô: “Simon, Simon, kìa Satan đã xin được sàng các con như sàng gạo. Nhưng Thầy đã cầu nguyện cho con để con khỏi mất lòng tin. Phần con, một khi đã trở lại, con hãy làm cho các anh em của con được nên vững vàng’’ (Lc.22, 31-32). Và bây giờ, đã phục sinh từ kẻ chết, Ngài vẫn tiếp tục cầu nguyện: “Thật vậy, Ngài hằng sống để chuyển cầu cho họ’’ (Dt.7, 25). 

Lời cầu nguyện nghèo hèn của chúng ta sẽ được nhậm lời, nếu được trung thành liên kết với lời cầu nguyện của Chúa Giêsu. Đàng sau Danh của Ngài là chính con người của Chúa Giêsu mà bạn đón nhận ở trong bạn: tình cảm, ý muốn, tư tưởng và Trái Tim của Ngài. Bạn càng cầu nguyện với Ngài và bắt chước Ngài, bạn càng được biến đổi trong Ngài và được Ngài ở trong bạn. Chúa Kitô muốn truyền thông sức mạnh vô biên của lời cầu nguyện của Ngài cho chúng ta. Dù bạn chưa cảm nhận được sức mạnh nội tại đó, bạn hãy bắt đầu tham gia vào mọi chiều kích lời cầu nguyện của Ngài với đức tin. Một ngày kia bạn có thể nói theo kiểu thánh Phaolô rằng “không còn phải là tôi nữa, mà là chính Chúa Kitô cầu nguyện trong tôi.’’ 

Chúa Kitô muốn lời cầu nguyện của Ngài vang lên khắp vũ trụ, từ xích đạo tới bắc cực, từ cực đông cho tới cực tây. Ngài muốn mọi người đều có thể chiếm lấy lời cầu nguyện của Ngài làm của mình và dâng nó lên cho Thiên Chúa.
 

VỀ MỤC LỤC
Phòng Tránh Bệnh Tim Mạch

 

Mỗi năm bệnh tim mạch gây thiệt mạng cho hơn 17 triệu người trên thế giới. Tại Hoa Kỳ số tử vong cũng xấp xỉ con số 700.000 người.

Tuy được coi như “bệnh của người già” trên 65 tuổi, nhưng bệnh tim mạch cũng thường thấy ở lớp tuổi trẻ hơn

Có nhiều loại bệnh tim, nhưng thông thường nhất vẫn là bệnh của động mạch tim (Coronary Heart Disease) với các “cơn đau tim”(Heart attack).

Động mạch tim hoặc động mạch vành là mạch máu chính cung cấp dưỡng khí và các chất dinh dưỡng cho cơ tim. Các nhánh của động mạch bao phủ toàn bộ trái tim như một cái vương miện. Máu đến từ động mạch chủ.

Khi máu lưu thông trong động mạch vành bị cản trở, sự nuôi dưỡng tim gặp trở ngại. Tế bào tim không đủ oxy để làm việc. Trái tim báo động bằng những cơn đau xuất hiện trên phía trái của lồng ngực. Cơn đau kéo dài vài ba phút rồi chấm dứt nhưng sẽ trở lại. Cơn đau lan tới cánh tay, lưng, cổ, mặt, bụng. Bệnh nhân cũng cảm thấy khó thở, toát mồ hôi lạnh, buồn nôn, chóng mặt. 

May mắn là bệnh tim có thể phòng tránh được và mọi người có thể tự mình giảm thiểu các rủi ro đưa tới bệnh tim cũng như cơn suy tim.

Sau đây là các rủi ro có thể gây ra bệnh tim mạch và các phương thức phòng tránh. Các phương pháp này đã được chứng minh là rất công hiệu:

1. Cao cholesterol

Cholesterol là chất giống như sáp do gan sản xuất hoặc có trong một vài loại thực phẩm mà ta tiêu thụ.

Khi lượng cholesterol trong máu lên quá cao, chúng sẽ bám vào thành động mạch, kể cả động mạch vành. Lòng động mạch hẹp lại, lưu thông máu giảm, đưa tới bệnh của tim cũng như các biến chứng khác.

Mức độ cholesterol trung bình là dưới 200mg/dl.

Để duy trì mức độ cholesterol ở mức trung bình, cần sắp đặt một chế độ dinh dưỡng có ít chất béo bão hòa và cholesterol, có nhiều chất xơ, duy trì sức nặng cơ thể bình thường và vận động cơ thể đều đặn.

Mổi năm năm, người trưởng thành nên thử nghiệm mức độ cholesterol trong máu một lần. Nếu cholesterol cao, bác sĩ có thể cho dùng dược phẩm để hạ cholesterol. 

2. Bệnh cao huyết áp

Huyết áp trung bình là ≤120/80mmHg

Khi huyết áp quá cao, trái tim phải làm gắng sức nhiều hơn để đưa máu nuôi cơ thể. Tim sẽ mau suy yếu, nhất là khi động mạch vành bị tắc nghẽn, không cung cấp đủ  oxy và các chất dinh dưỡng. 

Có thể duy trì huyết áp ở mức trung bình với nếp sống lành mạnh, dinh dưỡng hợp lý, bớt muối, không hút thuốc lá, vận động cơ thể, tránh mập phì.

Nên đo huyết áp theo định kỳ, vì bệnh cao huyết áp xảy ra từ từ, đôi khi không có dấu hiệu báo trước. 

3. Bệnh tiểu đường

Đường huyết quá cao (trung bình từ 70mg/dl-125mg/dl) làm các mạch máu cứng, thoái hóa, kể cá động mạch tim. Có tới ¾ số người bị tiểu đường thiệt mạng vì bệnh tim mạch

Phòng tránh bệnh tiểu đường bằng cách duy trì sức nặng cơ thể trung bình, với chế độ dinh dưỡng cân bằng và với sự vận động cơ thể.

Lưu ý là 80% bệnh tiểu đường loại 2, ở người trưởng thành là do mập phì mà ra. 

4. Hút thuốc lá

Thuốc lá tăng rủi ro bị bệnh tim và cơn suy tim.

Chất nicotine trong thuốc lá làm mạch máu co hẹp, cản trở sự lưu thông của máu, làm huyết áp tăng. Nicotine cũng tăng lượng thán khí và giảm oxy trong máu.

Khói thuốc lá làm tăng rủi ro vữa xơ động mạch và tăng các yếu tố làm đông máu. Hậu quả là các bệnh tim mạch, tai biến động mạch não dễ dàng xảy ra.

Đã có nhiều bằng chứng khoa học là hít khói thuốc thụ động của người hút thuốc lá cũng đưa tới các bệnh tim.

Đã biết tác dụng xấu của thuốc lá như vậy thì xin hãy không hút hoặc đang hút thì ngưng. Chỉ cần một sự quyết tâm với sự hỗ trợ của gia đình là ta có thể bỏ thói quen ghiền thuốc lá.

5. Bia rượu

Tiêu thụ bia rượu vừa phải có thể chấp nhận được. Vừa phải là khoảng 60cc rượu mạnh, 160cc rượu vang, 360cc bia, hai lần một ngày cho nam giới, một lần cho nữ giới.

Nhưng quá nhiều rượu sẽ đưa tới tăng huyết áp, tăng lượng chất béo triglyceride, giảm chất béo tốt HDL, tăng rủi ro vữa xơ động mạch. Hậu quả là bệnh tim mạch, tai biến não, cơn suy tim.

Do đó, nếu chưa uống rượu thì không nên uống vì nghe nói rằng uống một chút rượu tốt cho tim. Lý do là khi đã uống thì khó mà tự kiểm soát, rồi nghiện rượu lúc nào mà không biết.

6. Mập phì

Mập phì khiến cho tim phải làm việc nhiều hơn để nuôi khối tế bào to lớn của cơ thể. Lâu ngày, tim sẽ suy yếu.

Sức nặng được tính theo Chỉ số Sức Nặng Cơ Thể (Body Mass Index). Chỉ số từ 18- 24.9 là tốt. Chỉ số càng cao thì số lượng chất béo trong cơ thể càng nhiều. Để tính BMI, chia sức nặng cơ thể Kg cho bình phương chiều cao metre. BMI =Kg/(m)².

Dinh dưỡng đúng nhu cầu, vận động cơ thể giúp duy trì BMI ở mức bình thường. 

7. Không vận động

Không vận động cơ thể đưa tới cao huyết áp, tiểu đường, mập phì là những rủi ro của bệnh tim mạch. Vận động giảm thiểu các rủi ro này. Mỗi ngày chỉ cần 30 phút tập luyện là đạt được ích lợi.

8- Dinh dưỡng không hợp lý

Dinh dưỡng không hợp lý là ăn quá nhu cầu cơ thể, ăn những chất mà khi quá nhiều có tác dụng xấu. Hậu quả là cơ thể sẽ quá kí, cholesterol, đường huyết và huyết áp lên cao. Tất cả đều tác động xấu tới hệ tuần hoàn.

Để tránh các rủi ro này, nên ăn uống vừa đúng nhu cầu cơ thể với chế độ thực phẩm cân bằng, nhiều loại khác nhau.

9- Stress

Đòi sống luôn luôn có những căng thẳng, nhưng không phải là căng thẳng nào cũng có tác dụng xấu tới sức khỏe.

Riêng với bệnh tim mạch, đã có cả ngàn chứng minh khoa học cho hay stress là một rủi ro lớn của bệnh này, đặc biệt là khi stress mạnh mẽ, kéo dài.

Từ năm 1950, bác sĩ Hans Selye có so sánh như sau: “Khi gặp một gã say rượu hung hổ nhục mạ ta, nếu ta tỉnh bơ rảo bước bỏ qua thì mọi sự không sao. Nhưng nếu ta bực tức đáp lời, một cuộc đấu khẩu, thượng cẳng chân hạ cẳng tay sẽ xảy ra và ta có thể bị gã đó đả thương cộng thêm các rối loạn trong cơ thể do phản ứng của ta gây ra. Nhịp tim sẽ nhanh hơn, huyết áp lên cao, hóa chất trong cơ thể mất cân bằng, tất cả có khả năng đưa tới bệnh tật”. Bác sĩ Hans Selye  là người đặt nền móng cho việc tìm hiểu về các bệnh do căng thẳng gây ra.

Thực vậy, trong phản ứng với stress, tuyến thượng thận sẽ sản xuất nhiều adrenalin để giúp cơ thể tự phòng. Nhưng nếu stress tiếp tục, cơ thể sẽ suy yếu trong đó có trái tim.

Ngược lại, giảm lo âu căng thẳng sẽ giúp giảm thiểu cơn đau tim hoặc tử vong.

Đây là kết quả mới được bác sĩ Yinong Young-Xu, Massachusett, và các cộng sự viên công bố tại Đại hội lần thứ 57 vừa qua của hội Tim Mạch Hoa Kỳ họp tại Chicago ngày 29-3 tới 1 tháng 4, 2008.

Họ đã quan sát 516 bệnh nhân mắc bệnh động mạch vành. Ở các bệnh nhân này, cholesterol đóng vào thành động mạch khiến cho máu lưu thông tới tim giảm và đưa tới thiếu dinh dưỡng cho tế bào tim. Hậu quả là họ có nhiều nguy cơ bị cơn đau tim và tử vong.

Bệnh nhân được yêu cầu trả lời các câu hỏi liên quan tới tâm trạng như là có khó khăn về giấc ngủ, có cảm thấy lo sợ về bệnh tim của mình, vể đại tiện, tiêu hóa thực phẩm… Sau hơn ba năm theo dõi, tác giả nhận thấy nhóm bệnh nhân nào giảm lo âu hoặc giữ tâm trạng thư giãn thì có 65% ít bị cơn đau tim hoặc tử vong hơn là những bệnh nhân luôn luôn lo âu, sợ hãi về căn bệnh của mình. Rõ thực là “Giết nhau chẳng cái lưu cầu, Giết nhau bằng cái u sầu, độc chưa”.

Bác sĩ Young-Xu khuyên là nếu có bệnh lo âu, nên đi điều trị để được trường thọ trong khỏe mạnh.  

Trên đây là các rủi ro đưa tới bệnh tim mạch mà ta có thể tránh được. Ngoài ra còn phải kể tới mấy rủi ro khác như:

- Yếu tố di truyền: Con cái người có bệnh tim dễ mắc bệnh này hơn.

- Tuổi tác: Trên 83% người thiệt mạng vì bệnh tim mạch đều ở tuổi từ 65 trở lên.

- Phái tính: Nam giới thường có nhiều rủi ro bị cơn đau tim hơn nữ giới  và các cơn đau tim này xảy ra sớm hơn trong đời sống.  

Với những nguy cơ này, ta đành bó tay chấp nhận, không thay đổi được. May mắn là tỷ lệ gây bệnh của chúng rất thấp. 

Tuy nhiên, như cổ nhân đã nói :“Phòng bệnh hơn chữa bệnh”. Phòng tránh được rủi ro nào thì ta cứ kiên nhẫn áp dụng. Giảm thiểu càng nhiều rủi ro thì càng có nhiều triển vọng sống lâu trong khỏe mạnh, hạnh phúc.

Bác sĩ Nguyễn Ý-Đức

Texas-Hoa Kỳ.

VỀ MỤC LỤC
CƠM VÀ PHỞ    Chuyện phiếm của Gã Siêu.

 

Trong một số báo gần đây, gã đã phân tích lời các cụ ta ngày xưa đã bảo :

- Ông ăn chả, bà ăn nem.

Đại khái có nghĩa là :

- Nếu ông có bồ nhí, thì bà cũng phải có kép nhỏ.

Nói như vậy, thì hơi bị oan cho quí bà quí cô một tí, bởi vì người phụ nữ thường sống bằng cả trái tim của mình và tình yêu đối với họ bao giờ cũng chiếm địa vị số một. Do đó, họ thừơng chung thủy và ít khi đi hoang trong tình yêu.

Còn đờn ông con giai thì khác. Tục ngữ cũng đã bảo :

- Đờn ông những tám lá gan.

  Lá ở cùng vợ, lá toan cùng người.

Vì thế, chuyện ăn nem của các ông chồng  xem chừng có vẻ như khí bị nhiều. Thực vậy, khung cửa đầu tiên để cho tình yêu đi vào người đờn ông thường là con mắt. Người đờn ông dễ bị h?p h?n bởi vẻ đẹp bên ngoài. Chẳng thế mà “ranh ngôn thời nay” đã bảo :

- Lập gia đình giống như đi ăn nhà hàng với bạn bè. Bạn gọi món bạn muốn, nhưng khi nhìn thấy những gì người khác gọi, bạn lại u?c chi mình đã gọi giống như vậy.

Câu ranh ngôn này thực đúng với kinh nghiệm, với qui luật của muôn đời :

- Vợ người thì đẹp, văn mình thì hay.

Trong những năm gần đây, báo chí tại Việt Nam không còn dùng cái phạm trù “chả và nem” nữa, bởi vì nó đã xưa rồi Diễm ơi, nhưng lại thích dùng cái phạm trù “cơm và phở”. Cơm ám chỉ bà xã, còn phở ám chỉ bồ nhí.

Gã xin ghi lại nơi đây những lời phát biểu thật hăng tiết vịt trong cuộc đấu láo vung vít tại một câu lạc bộ “bồ nhí”. Mấy ông to gan lại bạo phổi, muốn thiết lập phòng nhì, đã vuốt chòm râu dê của mình mà xuất khẩu thành thơ. Ông thì ngâm nga :

- Vợ là địch,

  Bồ bịch mới là ta.

  Khi chiến sự xảy ra,

  Ta buộc về với địch,

  Nằm trong lòng địch,

  Ta vẫn nhớ đến ta.

Có ông lại cười khà khà mà ví ví von von :

- Sáng :

  Chở cơm (vợ) đi ăn phở.

  Trưa :

  Chở phở (bồ) đi ăn cơm.

  Chiều :

  Cơm về nhà cơm,

  Phở về nhà phở.

  Tối :

  Nằm với cơm,

  Mà vẫn mong về phở.

Nói thế thì nói, nhưng vẫn phải luôn luôn đề cao cảnh giác :

- Vợ là…”cơm nguội” của ta,

   Nhưng là…”phở tái” của cha láng giềng!!!

Hôm nay, gã xin dựa vào một tài liệu bất ngờ chộp được ở đâu đó để phân tích về những cái lợi và những cái hại của cơm và của phở.

Nhận định thứ nhất, đó là cơm thường được ăn khi đói, còn thường được ăn khi…thích. 

Thực vậy, thiên hạ thường bảo :

- Con người ăn để mà sống, chứ không sống để mà ăn.

Như một chiếc máy, muốn chạy tốt thì cần phải nạp đủ nhiên liệu, con người cũng vậy, chính khi ta ăn là lúc ta nạp nhiên liệu vào cho cơ thể, nhờ đó cơ thể mới có thể lao động : ăn để mà sống.

Như thế, ăn trở thành một sinh hoạt chính yếu nơi con người. Ta phải vất vả, bới đất nhặt cỏ, đổ mồ hôi sôi nước mắt mới tìm được chén cơm manh áo cho bản thân và gia đình.

Tuy nhiên, nếu nghĩ rằng : sống để mà ăn, thì chuyện đời lại mang một ý nghĩa khác. Lúc bấy giờ, người ta sẽ ăn cho khoái khẩu, hay ăn cho thỏa mãn…nhục dục, như một số nhà đạo đức đã lên tiếng chỉ trích. Và thánh Phaolô cũng đã diễn tả :

- Họ lấy cái bụng của mình làm chúa.

Bình thường, nếu đói thì phải ăn, bẵng không, tay chân sẽ bủn rủn, thậm chí con ruồi đậu vào mép cũng chẳng buồn xua. Lúc ấy, bỗng cảm thấy mình là “người Việt mắt hoa” chính hiệu con nai vàng ngơ ngác, hay lại cảm thấy như có cả một sư đoàn kiến đang lổm ngổm bò trong bụng.

Đối với người Việt Nam, thực phẩm được nhồi nhét vào cái bao tử rỗng tuếch lúc bấy giờ thường là cơm. Chín hột gạo mới được một hột cơm :

- Ai ơi bưng bát cơm đầy,

   Dẻo thơm một hột, đắng cay muôn phần.

Tóm lại, cơm thường được ăn khi đói, còn phở thì khác. Phở thường được ăn khi…thích. Cũng vậy, khi hứng tình nổi lên, nhất là trong túi lại rủng rỉnh có một nắm tiền, anh chồng chán cơm bèn đi tìm…phở để xơi cho đã thèm, hay nói cách khác, chán bà xã bèn đi tìm…bồ nhí để mà hú hí nơi phòng khách sạn, nơi quán bia ôm hay cà phê đèn mờ.

Nhận định thứ hai, đó là cơm thì thường đơn giản, còn phở thì thường đa dạng. 

Thực vậy, chỉ việc vo gạo và cho vào nồi, rồi đổ nước và đun lên, thế là xong ngay một nồi cơm. Đơn giản chỉ có vậy.

Hơn thế nữa, ngày nào ta cũng xơi cơm, ít là hai lần, thành thử cơm trở thành một thứ thực phẩm quá quen thuộc. Thậm chí, đôi lúc vì quá quen thuộc mà hóa ra nhàm chán. Trong lúc nhàm chán, “ngấy đến tận cần cổ”, thấy cơm mà nuốt chẳng vô, người ta bỗng thèm phở.

Đi qua một tiệm phở, chỉ cần ngửi thấy cái hương vị thơm tho bốc lên từ thùng nước lèo, là nước miếng đã đầy tràn cả miệng. Phở thật tuyệt vời và đa dạng.

Trước hết, phở đa dạng về chủng loại.

Ở miền Nam gã thấy có phở gà, phở bò. Riêng về phở bò, thì có phở tái và phở chín. Nhưng ở miền Bắc, có lần đi chơi vịnh Hạ Long, bất ngờ ghé vô một quán bên đường để ăn sáng, gã còn thấy có cả phở vịt và phở ngan nữa. Có lẽ vì sợ bị lây nhiễm bệnh cúm gà, mà thiên hạ đã chế biến thành những thứ phở “tương cận” chăng ?

Trước năm 1975, tại Saigon có những tiệm phở thật nổi tiếng, đã từng…chui vào văn học sử, vì được ngòi bút của mấy ông văn thi sĩ đá động tới. Thậm chí báo Văn Học còn phát hành cả một số đặc biệt, để chỉ nói về phở mà thôi.

Điểm qua những tiệm nổi tiếng, gã thấy người ta ca tụng phở gà ở đường Hiền Vương, phở Tàu Bay ở đư?ng Lý Thái Tổ, phở Quyền và phở 94 hình như ở đường Võ Tánh, Phú Nhuận…Tại những tiệm nổi tiếng này, người ta phải xếp hàng và chờ đợi tới phiên của mình, mới có được một tô phở nóng.

Tiếp đến, phở còn đa dạng về khẩu vị.

Bước vào một tiệm phở, ta có thể gọi tái hay chín. Mà tái thì còn có thể là tái nạm gầu, rồi cộng thêm với nước béo.

Trước một tô phở nóng hổi như đang bốc khói, tùy sở thích ta có thể  nêm  tương đậu và tương  ớt, vắt thêm một vài miếng chanh, rồi lại còn ngắt mấy cọng rau thơm mà bỏ vô. Quả thực là đậm đà khó quên. Chẳng thế mà phở đã trở thành một món ăn đặc sắc của người Việt Nam ở trong nước cũng như ở ngòai nước. Và ông Clinton, tổng thống nước Mỹ, khi sang thăm Việt Nam, đã đi bát phố và cũng đã xơi một tô phở.

Từ Saigon ra Hà Nội, ban sáng ghé vô tiệm phở mà cảm thấy tức anh ách, bởi vì phở Hà Nội không có tương ớt và rau thơm, mà chỉ có bột ngọt, nên nó có vẻ nhạt nhẽo vô duyên sao ấy.

Chính vì những lý do trên, phở thường thơm tho và hấp dẫn hơn cơm, ấy là gã chưa nói tới những trường hợp gặp sự cố, nồi cơm bị trên sống, dưới khê, tứ bề nhão nhoét…thật là chán mớ đời.

Cũng thế, bà xã suốt ngày ở với ta, sáng tối đụng đầu nhau theo kiểu :

- Đi ra chỉ mình với ta,

  Đi vào thì cũng chỉ ta mới mình.

Miết rồi hóa nhàm hóa chán. Ấy là gã chưa nói tới trường hợp có những bà vợ, một khi đã “đưa chàng về dinh” thì không còn lo lắng tới ngoại hình của mình nữa.

Trước kia chải chuốt bao nhiêu, thì bây giờ lại lôi thôi lếch thếch bấy nhiêu. Mặt mũi thì lem luốc chẳng còn hình tượng người ta. Áo quần thì xốc xếch ống cao ống thấp.

Trong khi đó, bồ nhí thì lại đa dạng về cách thức ăn mặc và chiều chuộng, thành thử “cuốn hút” hơn, khiến ông chồng cứ chết mê chết mệt, chứ chẳng phải bùa mê thuốc lú nào cả. 

Nhận định thứ ba, đó là cơm thường được ăn ở nhà, còn phở thường được ăn ở quán, mà bầu không khí ở quán thường thì vui hơn ở nhà. 

Thực vậy, bầu không khí ở nhà thường tẻ nhạt, nhất là khi bà vợ mắc phải chứng bệnh…than. Ông chồng suốt ngày vất vả làm việc để kiếm tí tiền còm, như cánh chim tha mồi về tổ. Và khi về tới tổ, thường mong muốn được nghỉ ngơi, được chiều chuộng cho bõ công sức  lao động của mình. Thế nhưng, vừa chui đầu vào nhà là đã phải nghe những điệp khúc buồn. Nào là thời buổi gạo châu củi quế. Nào là vật giá leo thang. Nào là con cái ngang bướng ngỗ nghịch. Nào là bệnh tật đau yếu…Thôi thì trăm thứ bà giằng.

Bầu không khí tẻ nhạt đã đành, mà nhiều lúc nó còn trở nên căng thẳng và ngột ngạt. Chẳng hạn như khi người ta còn đang bất đồng ý kiến với nhau về chuyện mua sắm hay về chuyện dạy bảo con cái. Chẳng hạn như khi người ta  còn đang giận hờn với nhau về chuyện ông xã đi phố với một bóng hồng lạ lẫm hay về chuyện bà xã bị bể hụi, vay mượn tùm lum nên nợ nần cứ giáng xuống trên đôi vai gầy.

Trong khi đó, ở quán người ta được tự do ăn, tự do nói, tự do cười, nhất là khi gặp được mấy tên bạn chí cốt nữa, tha hồ mà “xả sú bắp”, cộng thêm vào đó mấy cô chiêu đãi viên cứ lượn qua lượn lại trong bộ áo quần quá nghèo đến độ thừa da thiếu vải.

Còn cô bồ nhí thì lại sẵn sàng gắp giùm mồi để bỏ vào miệng, sẵn sàng nâng hộ cốc để đổ bia vào mồm, sẵn sàng cho mượn bờ vai để tựa đầu, cũng như sẵn sàng cho mượn cặp đùi để gếch chân, rồi lại còn khăn nóng khăn lạnh…Thảo nào mấy ông xã cứ vắt óc đưa ra một ngàn lẻ một lý do để dối gạt bà xã, nào hội họp, nào chiêu đãi, nào tiếp khách…tha hồ mà ghé quán.

Cho tới lúc này thì phở đang chiếm phần ưu thế, dầu vậy cuộc đời bao giờ cũng có những chữ “nhưng” chết tiệt của nó. Chính vì những chữ nhưng chết tiệt này mà cơm dần dần lấy lại được vị trí số một của mình. 

Nhận định thứ tư, đó là cơm thường được bảo quản kỹ nên nguy cơ bị ngộ độc thấp, còn phở thường không được bảo quản kỹ nên nguy cơ bị ngộ độc cao. 

Thực vậy, cơm được nấu chín và để trên bếp, tới khi ăn mới bắc xuống, nên bữa ăn trong gia đình bao giờ cơm cũng nóng và canh cũng sốt, cho nên rất an toàn và bảo đảm cho sức khỏe. Trong khi đó phở thì khác.

Cách đây không lâu, báo chí tại Việt Nam đã phanh phui hầu hết những cơ sở làm bánh phở, tại Hà Nội và Saigon, vì muốn cho bánh phở được dẻo, dai và dòn, người ta đã dùng hàn the và thậm chí còn dùng cả “phoọc môn” ướp xác ch?t, mà cho vào bột gạo. Tất cả đều là những chất độc hại cho cơ thể.

Thêm vào đó, thịt dư từ ngày hôm qua, bây giờ được tái phối trí bằng cách mấu lại cho thực khách xơi. Hay thịt được thái ra, để khơi khơi giữa trời và đất, mặc cho bụi bậm từ xe cộ và những người qua lại trên đường được cơn gió thổi tới mà bám vào.

Rồi trong tiệm, ngổn ngang trên sàn những giấy lau bát, những giấy chùi miệng, những cọng rau không còn lá và cả những  nước miếng, đờm rãi người ta khạc nhổ mà tương xuống.

Có lần gã quan sát thấy vì đông khách, nên ông đầu bếp mồ hôi mồ kê nhễ nhại, thậm chí có cả những giọt mồ hôi vô tư rớt vào thùng nước lèo hay vô tư rơi xuống đống thịt đã được thái sẵn.

Sống trong gia đình với bà xã, ta không sợ bị lây nhiễm bệnh tật, mà hơn thế nữa, còn được o bế về sức khỏe một cách tận tình và chu đáo :

- Dù không sinh đẻ ra ta,

  Nhưng công nuôi dưỡng thật là lớn lao.

  Khi ta đau ốm xanh xao,

  Vợ lo chăm sóc hồng hào khỏe ngay.

Chẳng thế mà để chống lại với những chứng bệnh do tệ đoan xã hội gây nên, người ta đang hô hào trở về nếp sống chung thủy, một vợ một chồng. Chứ còn lang bang hết cô này tới cô kia, không sớm thì muộn cũng sẽ rơi vào tình trạng liệt kháng nặng nề và trầm trọng.

Ngày xưa người ta thường nói đến những chứng bệnh nguy hiểm như phong tình, hoa liễu, giang mai…Vi trùng “gồ nô”được phe chị em ta trao ban cho ta, để rồi bây giờ ta lại đem về tặng lại cho bà xã ta và gây nên hệ lụy đớn đau cho con cho cháu ta.

Tuy nhiên, những chứng bệnh đã từng vang bóng một thời, đã từng làm mưa làm gió ấy, dường như đã chìm vào dĩ vãng, bởi vì hiện nay người ta đang ngán ngẩm trước cơn bệnh thế kỷ, cơn bệnh Sida vốn chưa có thuốc chữa và một trong những con đường lây nhiễm HIV, đó là quan hệ tình dục một cách bừa bãi. 

Nhận định thứ năm đó là khi ăn cơm, ta muốn ăn bao nhiêu cũng được và lại  đỡ tốn tiền. Còn khi ăn phở, ta chỉ được ăn theo một chế độ nào đó và luôn  phải…xùy tiền ra. 

Đúng thế, cuối tháng lĩnh lương, ta chỉ việc hân hoan đem về giao nộp cho bà xã, còn mọi sự lỉnh kỉnh khác như tính toán cộng trừ nhân chia…bà xã sẽ phải lo tất tật.

Lúc bấy giờ ta có thể vểnh chòm râu cá chốt lên mà phán :

- Thế sự thăng trầm quân mặc vấn. Chuyện đời lên xuống anh hỏi làm gì.

Hay rít một điếu thuốc lào rồi “quắc mắt khinh đời cái bộ anh”.

Đến bữa, ta chỉ việc xơi, xơi bao nhiêu cũng được. Thậm chí xơi cho đến độ căng rốn cũng chẳng ai bảo sao.

Trong khi đó, lỡ đèo bòng bồ nhí ta phải lo toan mọi sự từ A cho tới Z, từ nơi ăn cho tới chốn ở, từ những nhu cầu chính yếu của kiếp người cho tới cả những phụ tùng lỉnh kỉnh của đờn bà con gái. Tất cả đều lệ thuộc vào cái vấn đề “đầu tiên”. Nếu không có những thủ tục đầu tiên này, thì e rằng ta sẽ bị bồ nhí đá văng cái rụp. Và nếu ví ta yếu, thì đường ai người ấy đi, bởi vì tình nghĩa đôi ta chỉ có thế mà thôi.

Tóm lại, khi không có tiền ta vẫn có thể về nhà ăn cơm, chứ đừng dại dột vác cái bản mặt tới tiệm phở. Hay nói cách khác, vì phở tốn tiền hơn cơm, nên ta chỉ có thể ăn phở khi ví ta đã căng phồng mà thôi.

Phở làm cho ta tốn tiền hao bạc đã đành, mà nhiều lúc phở còn làm cho ta thân bại danh liệt. Không thiếu gì những ông tai to mặt lớn, chỉ vì nghe theo những lời đường mật của bồ nhí, hay chỉ vì không đủ khả năng cung phụng cho những nhu cầu của bồ nhí, nên đã can đảm ăn hối lộ, anh dũng biển thủ công quĩ, để rồi bây giờ âm thầm nằm trong nhà đá bóc lịch, “vắt chân lên trán” mà ngẫm nghĩ  chuyện đời. 

Và sau cùng, nhận định thứ sáu đó là cơm thì ta phải ăn thường xuyên, còn ph?  thì không nhất thiết phải là như thế. 

Như trên gã đã xác quyết : Cơm chính là thức ăn thường xuyên, mỗi ngày ta đều phải dùng tới hai ba lần ở nhà. Còn phở thì khác, xuân thu nhị kỳ ta mới đến tiệm. Thậm chí có người cả đời vẫn  chưa biết mùi phở là như thế nào.

Cũng thế, bà xã ở cạnh ta hai mươi bốn trên hai mươi bốn, ngày cũng như đêm. Còn bồ nhí thì khác, chỉ những lúc ta rửng mỡ và thừa tiền, hay những lúc ta thất bại chua cay, bị đời đá lên đá xuống, ta mới tìm chỗ giải khuây để trút bầu tâm sự hay để trả thù cuộc đời đen bạc.

Chính vì thế, ta có thể kết luận một cách mạnh mẽ như sau :

- Dù phở hấp dẫn hơn cơm, nhưng ta chỉ có thể ăn cơm trừ phở, chứ chẳng thể nào ăn phở trừ cơm.

Đúng thế, nếu thử ăn phở dăm bữa liền, thế nào ta cũng cảm thấy xót ruột và nóng cả người, nóng âm ỉ từ trong lục phủ ngũ tạng, để rồi tìm về với cơm là món ăn truyền thống.

Cũng vậy, sau những bước chân đi hoang, cặp kè với bồ nhí, thế nào cũng có lúc lương tâm thức giấc, ta bỗng nhớ tới vợ tới con. Ấy là gã chưa nói tới tình huống ta bất đắc dĩ phải ở ngoài vòng phủ sóng vì hết tiền, vì ốm đau hay vì thân bại danh liệt…Không sớm thì muộn, những ông chồng bạc bẽo ấy cũng sẽ ca bản :

- Tung cánh chim tìm về tổ ấm.

Chả biết lúc bấy giờ bà xã có còn đủ khoan dung mà tha thứ  cho hay không mà thôi.

Ý thức được những tình huống não nùng và bi đát do phở gây nên, không chi bằng bây giờ , hỡi những ông chồng “yêu rấu”, ta hãy quyết tâm trở thành những ông xã….ngoan :

- Chồng em không thích ăn quà,

  Đi đâu cũng thích về nhà ăn cơm.

  Con bò trọn kiếp nhai rơm,

  Chồng em trọn kiếp ăn cơm…ở nhà.

Tới đây gã xin mượn m?y dòng thơ…thẩn của một tác giả tên là Linh Cơ, như một kết luận :

 

- Hạnh phúc thay đời ta có “cơm”,

  Những người chồng tốt được danh thơm,

  Đều nhờ “cơm” cả, yêu “cơm” lắm,

  Đi đâu xa cũng nhớ về “cơm”.

 

  Mấy ông hư chẳng thiết gì “cơm”,

  “Ăn bánh trả tiền”, “phở” ngọt thơm,

  Đã “quen mui thấy mùi ăn mãi”,

  Đầy bụng về nhà chán bỏ “cơm”.

 

  Mong ai cũng một dạ cùng “cơm”,

  Ăn mãi ngon lành, mãi ngọt thơm,

  “Cơm” tẻ no, “phở” cho chả thiết,

  Đi đâu xa cũng nhớ về “cơm”.

Gã Siêu    gasieu@gmail.com
 

VỀ MỤC LỤC

- Mọi liên lạc: Ghi danh, thay đổi địa chỉ, đóng góp ý kiến, bài vở..., xin gởi về địa chỉ

giaosivietnam@gmail.com

- Những nội dung sẽ được đề cao và chú ý bao gồm:

Trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm thực tế trong việc mục vụ của Giáo sĩ;  Những tài liệu của Giáo hội hoặc của các Tác giả nhằm mục đích Thăng tiến đời sống Giáo sĩ; Cổ võ ơn gọi Linh mục; Người Giáo dân tham gia công việc “Trợ lực Giáo sĩ” bằng đời sống cầu nguyện và cộng tác trong mọi lãnh vực; Mỗi  Giáo dân phải là những “Linh mục” không có chức Thánh; Đối thoại trong tinh thần Bác ái giữa Giáo dân và Giáo sĩ… (Truyền giáo hay xây pháo đài?)

- Quy vị cũng có thể tham khảo những số báo đã phát hành tại

www.conggiaovietnam.net

Rất mong được sự cộng tác, hưởng ứng của tất cả Quí vị

Xin chân thành cám ơn tất cả anh chị em đã sẵn lòng cộng tác với chúng tôi bằng nhiều cách thế khác nhau.

TM. Đặc San Giáo Sĩ Việt Nam

Lm. Luca Phạm Quốc Sử  USA

 

 

Được chọn giữa loài người và cho loài người; GÍAO SĨ: Xuất phát từ gíao dân, hiện diện vì gíao dân và cậy dựa vào gíao dân, để cùng làm VINH DANH THIÊN CHÚA

*************