Đã là người thì ai cũng phải khóc.
Tiếng khóc xuất hiện ngay từ lúc ta mở
mắt chào đời :
- Thoạt sinh ra thì đà khóc chóe,
Đời có vui sao chẳng cười khì.
- Thảo nào khi mới chôn nhau,
Đã mang tiếng khóc, bưng đầu mà ra.
Đúng thế, mở mắt chào đời mà không
khóc, thì đó là một triệu chứng chẳng lành. Trong trường hợp
này, bà đỡ hay cô y tá thường phải phát đánh đét cho vài cái
để mà khóc, mới được yên lòng yên chí.
Rồi suốt dọc cuộc sống, rất nhiều lần
ta cũng đã khóc, ta cũng đã giọt ngắn giọt dài và ta cũng đã
có biết bao nhiêu nước mắt đầy vơi. Chẳng thế mà thiên hạ đã
bảo :
- Cuộc đời là một thung lũng nước mắt.
Nước mắt là một thứ nước hơi mằn mặn,
được sản xuất bởi hai tuyến nằm ở khóe mắt. Mấy người hay mơ
mộng như mấy ông thi sĩ đã gọi chúng bằng một cái tên rất mỹ
miều, đó là những giọt lệ.
Sau hết, tiếng khóc cũng đã vang lên
một cách não nùng và bi đát, khi ta nhắm mắt, buông tay, thở
hơi cuối cùng và thiên hạ chôn vùi thân xác ta vào lòng đất
lạnh, tiễn đưa linh hồn ta lên tàu suốt để sang thế giới bên
kia.
Tự điển “Petit Laruosse” của Pháp đã
định nghĩa :
- Khóc là chảy nước mắt.
Còn “Việt Nam tự điển” của Lê Văn Đức
thì xác quyết :
- Khóc là mếu miệng, chảy nước mắt, có
tiếng hoặc không có tiếng, khi bị đau đớn ngoài thân xác hay
trong tâm hồn.
Nếu đem so sánh, gã thấy câu định nghĩa
của ông “Phăng xe” thì quá trống trải. Còn câu định nghĩa
của ông “An nam ta” thì có phần chính xác hơn, nhưng cũng
vẫn chưa đủ.
Thực vậy, rất nhiều lúc người ta khóc
mà đâu có mếu miệng, đâu có nước mắt, cũng như đâu có phát
thành tiếng. Cái khóc thầm trong lòng xem ra còn đậm đặc và
cay đắng hơn cả cái khóc có mếu miệng, có nước mắt và có cả
những tiếng bù lu bù loa, nức nở hay thút thít.
Rất nhiều lúc người ta khóc mà đâu có
phải vì đau đớn ngoài thân xác hay trong tâm hồn, nhưng còn
khóc vì một niềm vui, vì một thành công nào đó, chẳng hạn
như khi ta đoạt huy chương vàng ở Thế vận hội, nhìn quốc kỳ
phấp phới tung bay, bỗng dưng nước mắt ta cứ trào dâng,
chẳng thể nào ngăn lại được.
Lúc đầu gã tưởng rằng khóc chỉ là một
hành động quá ư đơn giản, khiến cho thiên hạ phải chép miệng
mà kêu lên :
- Biết rồi khổ lắm nói mãi.
Thế nhưng, khi đi vào cụ thể, gã lại
thấy khóc chẳng giản đơn một tí nào cả, trái lại còn rất ư
là phức tạp. Với sự hiểu biết nông cạn, và kinh nghiệm ít
ỏi, gã bèn phải đánh bạo thử “ngâm kíu” xem cái khóc là như
thế nào và ai là những người…hay khóc ?
Những người
hay khóc tiên vàn phải kể tới quí vị con nít.
Thực vậy, có lẽ không tuổi nào hay khóc
cho bằng tuổi con nít. Vì thế, ta có thể gọi tuổi con nít là
tuổi…khóc nhè. Có cả một ngàn lẻ một lý do khiến cho qúi vị
con nít khóc. Vui cũng khóc mà buồn thì cũng khóc. Có ngày
khóc tới dăm bảy lượt.
Lý do thứ nhất khiến qúi vị con nít
khóc là vì bị bắt ức. Chẳng hạn giờ chơi trong sân trường,
bị đứa bạn bắt nạt, đánh cho vài thoi. Chống cự lại thì
không nổi và thế là em òa lên mà khóc nức nở.
Lý do thứ hai khiến quí vị con nít khóc
là vì bị ghen tức. Chẳng hạn khi mẹ đi chợ về mà không dành
được phần quà to, thế là em vùng vằng đi xuống bếp mà khóc
rưng rức.
Lý do thứ ba khiến quí vị con nít khóc
là vì bị oan ức. Chẳng hạn đang ngồi nghiêm trang trong lớp,
bỗng dưng bị thầy cô phạt nhầm, thế là em cúi gầm mặt xuống
mà khóc tấm tức.
Lý do thứ tư khiến quí vị con nít khóc
là để vòi vĩnh, đòi hỏi cái nọ cái kia. Và khi nhu cầu được
thỏa mãn, thì lập tức những giọt nước mắt biến đâu mất tiêu
và được thay thế bằng những nụ cười toe toét và mãn nguyện.
Nhưng lý do thường xuyên hơn cả khiến
quí vị con nít khóc là vì bị ăn đòn. Đúng thế, mỗi khi sai
lỗi điều gì, bị thầy mẹ đét cho vài roi, thì bảo đảm chăm
phần chăm thế nào em cũng khóc.
Xem đó gã thấy cái khóc của quí vị con
nít cũng có dăm bảy kiểu khóc. Có những cái khóc là do kết
quả của một khổ tâm, của một đau đớn hay của một mong ước
chưa thành. Có những cái khóc là do ích kỷ hay do ghen
tương. Có những cái khóc tốt vì đem lại lợi ích cho bản
thân, như khóc vì những lầm lỗi của mình. Có những cái khóc
xấu, chẳng hạn như khóc nhè, động một tí là quác mồm ra, ai
can cũng chẳng nổi.
Tuy nhiên, không
phải chỉ quí vị con nít mới khóc, mà ngay cả người lớn cũng
khóc.
Thực vậy, người lớn cũng có những niềm
vui, những nỗi buồn của mình. Và nhiều lúc đã bật lên tiếng
khóc trước những niềm vui và nỗi buồn ấy, thậm chí đôi lúc
khóc mà chẳng có lý do nào sốt.
Thực vậy, người lớn khóc vì một niềm
vui.
Người ta kể lại rằng :
Tại thế vận hội ở Los
Angeles vào mùa hè năm 1984, một trong những giây phút cảm
động nhất đã bất ngờ xảy ra và đã được trình chiếu trên
truyền hình.
Số là võ sĩ Jeff
Blatnik của Hoa Kỳ, sau khi đánh bại võ sĩ Thomas Johansson
của Thụy Điển, để dành huy chương vàng về bộ môn đô vật, anh
ta đã không vui mừng nhảy lên nhảy xuống, không vung cao nắm
đấm, hay cúi chào đám đông cùng với một cái hôn gió, nhưng
anh ta chỉ đơn giản quì gối, làm dấu thánh giá, cúi đầu cầu
nguyện.
Khi máy thu hình tập
trung vào khuôn mặt của anh ta, thì hàng triệu khán giả đã
nhìn thấy những giọt nước mắt chảy xuống trên gò má. Anh ta
có đủ lý do để khóc. Khóc vì đã đọat huy chương vàng, mà
trước đây nước Mỹ chưa bao giờ đọat được. Khóc vì hai năm
trước đây anh ta đã bị ung thư và trước trận đấu mười tám
tháng, anh ta đã phải giải phẫu. Vậy mà giờ đây anh ta đã
đoạt được một chiến thắng lớn nhất trong đời mình.
Phóng viên thể thao
Bill Lyons đã bình luận về những giọt nước mắt của anh ta
như sau :
“ Một trong những điều
đáng giá nhất của Thế vận hội này là nó cho chúng ta thấy
những giọt nước mắt khóc vì những lý do cao thượng, có giá
trị tẩy rửa và chữa lành…Khi các vận động viên đoạt huy
chương vàng bước lên đài vinh quang, quay mặt về lá quốc kỳ
và lắng nghe bản quốc ca của đất nước họ, thì ngay lúc ấy
mắt họ bắt đầu nhòa lệ…Dầu có khéo léo, khỏe mạnh hay nhanh
nhẹn đến đâu chăng nữa, cũng không ai ngăn chặn được những
giọt nước mắt. Và trong sự biểu lộ sự mềm lòng của bản tính
con người như vậy, họ càng trở nên hấp dẫn và lôi cuốn.”
Người lớn khóc vì một
nỗi buồn.
Đây là điều ta thường
thấy hơn cả. Sau trận chung kết bóng đá của một cái giải
quan trọng nào đó, ta thấy những cầu thủ bên thua thường
mang khuôn ủ rũ như treo cờ tang và không ít anh chàng đã
khóc lên cho màu cờ sắc áo của mình.
Một tác giả đã viết như
sau :
“Sở dĩ người ta khóc
là vì đã gặp phải những đau khổ và cơ cực. Đau khổ của con
người được biểu lộ qua tiếng khóc và những giọt nước mắt. Vì
vậy, khóc là tiếng nói của con người trong đau thương. Có
bao nhiêu đau thương thì có bấy nhiêu tiếng khóc : Tiếng
khóc của lo âu, tiếng khóc của nghèo đói, tiếng khóc của phụ
bạc, tiếng khóc của vô ơn, tiếng khóc của cô đơn, tiếng khóc
của mất mát, tiếng khóc của chia ly, tiếng khóc của mệt mỏi
chán chường…Tiếng khóc có mặt ở mọi nơi, trong mọi lúc và
mang nhiều ý nghĩa khác nhau.
Chẳng hạn : Khi một
người thân yêu chết, chúng ta khóc thảm thiết hay ngậm ngùi
vì thương tiếc. Nhưng cũng có thể, trước cái chết của người
thân, chúng ta khóc, chưa hẳn vì thương tiếc cố nhân. Nhưng
có khi vì thương chính mình, là kẻ còn lại, cô đơn, bơ vơ,
không còn chỗ nương tựa, nên khóc để nỗi lòng nhẹ vơi.
Tuy nhiên, rất nhiều
người chưa biết khóc đúng lúc và đúng việc : Có người khóc
khi mất của cải, nhưng lại chẳng khóc khi mất Chúa…Có người
khóc đi khóc lại, mà chẳng sinh ích lợi gì.
Chính vì thế, có
người khóc mà kẻ khác lại nói : Nước mắt của họ là nước mắt
cá sấu. Trái lại, có người khóc mà nước mắt của họ rất giá
trị, như nước mắt của những người mẹ. Chẳng hạn những giọt
nước mắt của thánh nữ Mônica đã tuôn rơi để cầu cho người
con trai là thánh Âu tinh được ơn hóan cải”.
Sau cùng, người lớn
khóc đôi khi chẳng có một lý do chính đáng nào cả. Nếu như
một ông thi sĩ nào đó đã viết :
- Hôm nay trời nhẹ lên
cao,
Tôi buồn không hiểu
vì sao tôi buồn.
Có những lúc, nhất là
vào đêm khuya thanh vắng, bỗng dưng nước mắt cứ trào dâng,
ướt cả gò má, mà chẳng biết được lý do căn nguyên của những
giọt nước mắt rơi hoang, sai địa chỉ ấy.
Thì gã cũng có thể nhái
:
- Hôm nay trời nhẹ lên
cao,
Tôi…nhè, không hiểu
vì sao tôi nhè.
Dĩ nhiên, không giống
với câu Thánh Vịnh mà cha An Sơn Vị đã dịch :
- Dòng châu lệ…tưới
giường ướt đẵm,
Mỗi đêm trường thấm
cả chiếu chăn.
Tiếp đến, những người hay khóc phải kể tới qúi vị đờn bà con
gái.
Đúng thế, khóc chính là
nghề của…phe ta ấy mà. Sở dĩ như vậy, vì phe ta có thể khóc
một cách vô tư và dễ dàng. Hình như phe ta luôn có sẵn cả
một hồ nước mắt để xả đập cho tuôn rơi bất cứ lúc nào. Ức
một tí cũng khóc. Tủi một tí cũng khóc. Nước mắt phe ta rớt
rơi trên từng cây số. Ở mọi nơi và trong mọi lúc, bất cứ một
giao động nhỏ nhoi nào cũng đủ làm cho cặp mắt phe ta đỏ
hoe.
Có lần gã đã chứng kiến
mấy bà đang ngồi nói chuyện vui vẻ với nhau. Bỗng bà nọ nhắc
tới bà bạn mới chết :
- Bằng giờ năm ngoái bà
ấy còn ngồi với chúng mình, thế mà bây giờ…
Thế là cả đám bỗng khóc
hu hu, như một giàn hợp xướng.
Cũng như quí vị con
nít, rất nhiều lần phe ta đã dùng những giọt nước mắt để mà
“mần duyên”, để mà nhõng nhẽo với người tình hay với những
người thân yêu, hầu đạt được những đòi hỏi, những nhu cầu
riêng của mình.
Vì thế, gã không lấy
làm lạ khi thấy bàn dân thiên hạ vốn thường gọi phe ta
là…dân “mít ướt”, hay như một câu danh ngôn đã bảo :
- Một giọt nước mắt đờn
ông có thể pha chế thành mười lít nước mắt đờn bà con gái.
Đồng thời, kinh nghiệm
cũng xác quyết :
- Không gì mau khô cho
bằng nước mắt của đờn bà con gái.
Trước những giọt nước
mắt của người tình bé bỏng, thì dù trái tim có chai cứng như
trái tim sỏi đá của một tên tướng cướp, thì cũng sẽ trở nên
mềm nũn như con chi chi, chẳng thế mà thiên hạ đã bảo :
- Lệ rơi thấm đá.
Vị mặn của nước mắt là
như một chất acít, làm cho sắt cứng cũng phải tiêu tan. Vì
vậy, nhiều ông chồng không cầm lòng nổi trước những tiếng
khóc ri rỉ ấy, đã nhắm mắt làm liều, lắm khi đi đoong cả
cuộc đời. Vì thế, người đời thường bảo :
- Nước mắt của đờn bà
con gái là một chiếc đập, nhưng cũng có thể là một cơn lũ
giật sập tất cả.
Đặc biệt là đối với
người Việt Nam, bất cứ đám tang nào cũng phải có tiếng khóc.
Tiếng khóc trở nên như một phương tiện để biểu lộ tình cảm
thương nhớ. Vì thế, những gia đình quá neo đơn đã phải thuê
người khác đến để mà khóc, kẻo bị miệng thiên hạ cười chê là
bất hiếu.
Tiếng khóc trong một
đám tang mang nhiều cung giọng, cũng như mang nhiều ý đồ
khác nhau.
Thực vậy, có những
tiếng khóc chỉ để mà chào khách. Khi người thân mất đi, mấy
bà mấy cô thường được phân công ngồi trong một góc gần quan
tài để…khóc.
Lúc đầu họ khóc với tất
cả tình cảm thương tiếc của mình. Nhưng khóc lắm thì cũng
mỏi miệng và còn nước mắt đâu nữa để mà tuôn ra. Thế là tụm
đầu đấu hót vung vít. Lắm khi còn cười nói oang oang.
Thế nhưng khi vừa nghe
thấy tiếng chó sủa, hay có người nhà báo khách đến, lập tức
họ bèn xõa tóc, phủ khăn xô xuống và một, hai, ba…chúng ta
cùng khóc. Khi khách ra về, họ lại tụm đầu đấu hót vung vít
và cười nói oang oang.
Có những tiếng khóc để
thương tiếc cho người nằm xuống, nhưng cũng có những tiếng
khóc để thương tiếc cho chính thân phận mình vì từ nay sẽ
phải lạc lõng bơ vơ.
Nhà xứ họ đạo kia là
tòa nhà gồm một trệt và một lầu. Cha sở ở trên lầu, bà bếp
già ở dưới trệt. Chẳng may cha sở bị trúng gió và qua đời.
Không biết vì thương tiếc cha sở hay vì thương tiếc cho bản
thân mình, mà bà bếp đã khóc nức nở như sau :
- Cha ơi cha, khi còn
sống thì cha ở trên còn con ở dưới, bây giờ cha chết đi thì
con ở với ai. Ối cha ơi!
Nghe bà bếp khóc thế,
ông chánh trương vội quắc mắt và quát :
- Im đi, không thì
người ta cười cho bây giờ.
Và người ta thì đã cười
mất rồi.
Có những tiếng khóc ghi
nhớ công ơn của người nằm xuống, nhưng cũng có những tiếng
khóc kể lể sự vất vả khổ cực của mình để chửi xéo kẻ khác.
Chẳng hạn như tiếng
khóc của người con gái út trong gia đình :
- Ba ơi ba, khi ba còn
sống thì chẳng một ai đoái hoài nhìn đến ba, chỉ một mình
tay con đã nuôi nấng phụng dưỡng. Thế mà bây giờ người ta
kéo nhau về chỉ để chia chác cái gia tài của ba. Ba ơi là
ba.
Có những tiếng khóc
thật vu vơ, chẳng biết người khóc muốn diễn tả tình cảm ở
mức độ nào.
Một đứa em trai bị đụng
xe chết ngắc và bà chị đã khóc như sau :
- Em ơi! Thế là hết
thật rồi, em ơi! Thế là hết thật rồi, em ơi!...
Chỉ có mỗi một câu “thế
là hết thật rồi, em ơi!” được lặp đi lặp lại trong tiếng nấc
nghen ngào, như một điệp khúc buồn ơi là buồn.
Tuy nhiên, không phải chỉ quí vị đờn bà con gái mới khóc, mà
ngay cả cánh đờn ông con giai cũng khóc.
Đờn ông con giai cũng
có những niềm vui và những nỗi buồn của mình, nên đôi lúc họ
cũng đã khóc. Cái khóc của họ thường là cái khóc mà miệng
không mếu, mắt không mờ lệ và môi cũng chẳng phát ra thành
tiếng. Đó là một cái thầm trong bụng.
Tuy nhiên cũng có những
trường hợp họ bỗng òa khóc , khóc nấc lên từng cơn, chẳng
khác chi quí vị con nít, nhất là khi đã say xỉn. Đây chính
là tiếng khóc của đám đệ tử Lưu Linh đại…đế.
Chẳng hạn mấy tên bợm
nhậu ngồi vào bàn với nhau. Sau khi đã ngoắc cần câu, thì
bỗng dưng một tên cất tiếng khóc hu hu, ai can cũng chẳng
được, thật đúng với kinh nghiệm được lưu truyền trong dân
gian :
- Một xị thì mở mang
trí hóa.
Hai xị thì giải bớt
cơn sầu.
Ba xị thì mũi chảy
đầy râu.
Bốn xị thì ngồi đâu…
khóc đó.
Nếu cứ phân tích theo
kiểu này, gã còn khám phá ra được nhiều loại người hay khóc
nữa. Chẳng hạn : Kẻ nghèo khóc đã đành, mà ngay cả người
giàu cũng khóc. Những bà vợ khóc đã đành mà ngay cả những bà
xơ cũng khóc….Gã xin “xì tốp” tại đây để đụng tới những
người không khóc.
Thực vậy, trong cuộc
sống có những người chẳng còn biết khóc là gì nữa. Sở dĩ họ
không khóc được, vì trái tim họ đã trở nên băng giá và cõi
lòng họ đã hóa thành chai đá, không còn biết xúc động trước
những khổ đau và những bất hạnh của kẻ khác.
Bản thân họ không khóc
đã đành, mà hơn thế nữa, chính họ lại còn làm cho người khác
phải khóc, phải khổ vì những hành động bất nhân của họ.
Chẳng hạn một ông chồng
đam mê cờ bạc. Ai cũng thấy rằng hòan cảnh kinh tế hiện nay
đang gặp phải rất nhiều khó khăn. Làm không đủ ăn, lo không
đủ mặc. Thế nhưng, ông chồng ấy vẫn cứ vô tư ném tiền vào
sòng bạc. Không có thì vay mượn. Vay mượn không được thì về
nhà đánh vợ chửi con và làm đủ mọi cách để moi móc cho ra
tiền, hầu tiếp tục cuộc chơi, để ngoài tai những tiếng khóc
nỉ non của vợ con.
Có một thời, đã lâu lắm
rồi, gã say mê chụp hình. Hôm đó, gã đã giơ tay tát cho đứa
em nhỏ một cái đau điếng, khiến nó phải khóc thét lên, thế
là gã vội vàng bấm máy, chộp ngay lúc nó đang mếu máo. Bức
hình rất đẹp, nhưng gã thì hối hận mãi.
Nhiều nhà đạo đức đã
cho rằng những giọt nước mắi cao đẹp và quí giá nhất chính
là những giọt mắt ăn năn sám hối, khóc cho quãng đời tội lỗi
của mình để được tha thứ, chẳng hạn như những giọt nước mắt
của Phêrô, của Mađalêna…
Phêrô đã không nói gì
với Chúa, khi Ngài nhìn ông, ông chỉ biết đấm ngực ăn năn
khóc lóc mà thôi. Mađalêna cũng không nói gì với Chúa, bà
chỉ biết đổ những giọt nước mắt xuống đôi bàn chân Chúa.
Những giọt nước mắt này đã nói lên tất cả. Những giọt nước
mắt này đã làm nhạt nhòe đôi mắt, nhưng lại làm rực sáng tâm
hồn.
Có một tên tướng cướp,
sau khi đã tung hoành ngang dọc, bỗng cảm thấy mệt mỏi, muốn
trút bỏ gánh nặng tội lỗi và làm lại cuộc đời.
Anh ta tìm đến với một
vị linh mục để xưng tội. Vị linh mục đã bảo anh ta làm một
việc đền tội khác thường, đó là hãy đi chôn cất tất cả những
người chết mà anh ta gặp, đồng thời hãy khóc lóc như thể đó
chính là những người thân yêu của mình. Và để làm bằng
chứng, vị linh mục trao cho anh ta một cái chai nhỏ để hứng
những giọt nước mắt ấy.
Anh ta ra về và nghe
bất cứ nơi nào có đám tang, thì cũng tìm đến, nhưng mắt anh
ta luôn ráo hoảnh, chẳng nhỏ được một giọt nước mắt nào. Cho
tới một hôm, anh ta tình cờ đứng trước cây thập giá, trên đó
Chúa Giêsu chịu đóng đinh. Anh ta liền than thở với Chúa về
nỗi khổ đau là anh ta không thể nào khóc được.
Thật là bất ngờ, anh ta
nhìn thấy từ khóe mắt Chúa có những giọt nước mắt long lanh
chảy xuống. Chính lúc ấy, tự nhiên nước mắt anh ta cũng trào
dâng và rơi đầy cái chai nhỏ mà vị linh mục đã trao cho anh
ta.
Anh ta đã hiểu được thế
nào là sám hối và quyết tâm làm lại cuộc đời bằng cách ăn
ngay ở lành và sống lương thiện.
Để kết luận, gã xin ghi
lại một lời khuyên như sau :
- “Con ơi, ngày con
mở mắt chào đời, mọi người nhìn con mỉm cười còn con thì lại
khóc. Con hãy sống thế nào để trong ngày sau hết, khi mọi
người bật khóc, thì con lại thanh thản mỉm cười ra đi.”
Gã Siêu
gasieu@gmail.com
|