Tổ Chức Phẩm Trật Giáo Hội Và Ðặc Biệt Về Chức Giám Mục
|
Thánh Công Ðồng Chung Vaticanô II
Hiến Chế Tín Lý Về Giáo Hội - Lumen
Gentium
Bản dịch Việt Ngữ của Giáo Hoàng
Học Viện Piô X
Prepared for Internet by
Vietnamese Missionaries in Asia
Chương III
Tổ Chức Phẩm Trật Giáo Hội
Và Ðặc Biệt Về Chức Giám Mục
27. Nhiệm vụ cai quản.
Là đại diện và sứ giả Chúa Kitô, các Giám Mục điều khiển
Giáo Hội địa phương mà Chúa đã ủy thách cho
58, nhờ lời khuyên bảo, khuyến khích, gương lành,
và còn bằng uy thế cùng quyền bính thánh thiện nữa. Thực
vậy, các ngài chỉ dùng quyền bính để xây dựng đoàn chiên
trong chân lý và thánh thiện, và luôn tâm niệm rằng: kẻ cao
trọng hãy nên như kẻ rốt hết, người làm chủ hãy nên như tôi
tớ (x. Lc 22,26-27). Quyền bính các ngài đích thân thi hành
nhân danh Chúa Kitô, là quyền bính riêng biệt, thông thường
và trực tiếp; nhưng việc thi hành cuối cùng còn lệ thuộc vào
quyền tối cao của Giáo Hội, và có thể bị giới hạn phần nào
vì lợi ích của Giáo Hội hay của các tín hữu. Với quyền bính
ấy, các Giám Mục có quyền thiêng liêng và trước mặt Chúa có
nhiệm vụ đặt ra các luật lệ cho những người thuộc quyền, xét
xử và qui định tất cả những gì liên hệ tới việc thờ phượng
và việc tông đồ.
Chính các
Giám Mục được trao phó trọn vẹn trách nhiệm mục vụ, tức là
thường xuyên và hàng ngày săn sóc con chiên mình. Không được
coi các ngài như những đại diện của Giáo Hoàng Roma, vì các
ngài thi hành quyền bính riêng của mình và thực sự là thủ
lãnh của các dân mà các ngài cai quản
59. Vì thế, quyền bính Giám Mục không bị quyền tối
cao và phổ quát làm giảm bớt, nhưng trái lại còn được nâng
đỡ, củng cố và bảo đảm
60, vì Chúa Thánh Thần hằng duy trì thể thức cai
quản do Chúa Kitô thiết lập trong Giáo Hội.
Ðược Chủ
sai đi cai quản gia đình mình, Giám Mục phải chiêm ngắm
gương mẫu Chúa Chiên Lành, Người đến để phục vụ chứ không
phải để được phục vụ (x. Mt 20,28; Mc 10,45) và hiến mạng
sống mình vì con chiên (x. Gio 10,11). Ðược chọn giữa loài
người và đầy yếu hèn, ngài có thể cảm thông nỗi đau khổ với
những ai dốt nát và lầm lạc (x. Dth 5,1-2). Giám Mục không
nên từ chối lắng nghe những kẻ thuộc quyền, nhưng hãy ân cần
săn sóc họ như những người con đích thực, và khuyên nhủ họ
hăng hái cộng tác với mình. Vì phải trả lẽ với Chúa về linh
hồn con cái mình (x. Dth 13,17), Giám Mục hãy cầu nguyện,
rao giảng và làm mọi việc bác ái săn sóc họ và cả những
người chưa thuộc đoàn chiên duy nhất mà ngài cũng phải coi
như được trao phó cho mình trong Chúa. Như Tông Ðồ Phaolô,
Giám Mục mắc nợ tất cả mọi người, cho nên hãy hăng hái rao
giảng Phúc Âm cho mọi người, (x. Rm 1,14-15) và khuyến khích
các tín hữu làm việc tông đồ và truyền giáo. Còn tín hữu
phải liên kết với Giám Mục như Giáo Hội gắn bó với Chúa
Giêsu Kitô, và như Chúa Giêsu Kitô gắn bó với Chúa Cha, hầu
nhờ sự hiệp nhất ấy tất cả mọi sự đều hòa hợp
61 và trở nên phong phú cho vinh quang Thiên Chúa
(x. 2Cor 4,15).
36*
28. Các linh mục trong mối tương
quan với Chúa Kitô, với các Giám Mục, với anh em Linh Mục và
với dân Chúa.
37* Ðược Chúa Cha thánh hóa và phái đến thế gian
(x. Gio 10,36), Chúa Kitô nhờ các Tông Ðồ, đã làm cho các
Giám Mục, những vị kế nghiệp các Tông Ðồ, có thể tham dự vào
việc cung hiến và vào sứ mạng của mình
62. Các Giám Mục lại giao nhiệm vụ thừa tác của
mình một cách hợp pháp cho nhiều phần tử trong Giáo Hội theo
từng cấp bậc. Như thế, thừa tác vụ do Thiên Chúa thiết lập
trong Giáo Hội được thi hành bởi những người có chức vụ khác
nhau mà từ xưa được gọi là Giám Mục, Linh Mục và Phó Tế
63. Linh Mục, dù không có quyền tư tế tối cao và
tùy thuộc Giám Mục khi thi hành quyền bính, cũng hiệp nhất
với Giám Mục trong tước vị Linh Mục
64. Nhờ bí tích Truyền Chức Thánh
65, linh mục được cung hiến theo hình ảnh Chúa
Kitô, thầy cả Thượng Phẩm vĩnh viễn (x. Dth 5,1-10; 7,24;
9,11-28), để rao giảng Phúc Âm, chăn dắt tín hữu và cử hành
việc thờ phượng Thiên Chúa với tư cách tư tế đích thực của
Tân Ước
66. Theo cấp bậc thừa tác của mình tham dự vào
nhiệm vụ Chúa Kitô, Ðấng trung gian duy nhất (x. 1Tm 2,5),
các linh mục loan báo lời Thiên Chúa cho mọi người. Nhưng
các ngài thực thi thánh vụ mình cách tuyệt hảo nhất là trong
Thánh Lễ hoặc cộng đồng tạ ơn, trong đó, các ngài thay thế
Chúa Kitô
67 công bố mầu nhiệm của Chúa, kết hợp với ước
nguyện của tín hữu vào hy lễ của thủ lãnh và trong hy tế
Thánh Lễ, hiện tại hóa và áp dụng hy lễ duy nhất của Tân Ước
68, là của lễ tinh tuyền đã một lần tự dâng hiến
lên Chúa Cha (x. Dth 9,11-28), cho tới ngày Chúa trở lại (x.
1Cor 11,26). Linh mục chu toàn cách tuyệt hảo chức vụ giao
hòa và an ủi đối với các tín hữu thống hối và bệnh tật. Linh
mục dâng lên Chúa Cha các nhu cầu và lời khẩn nguyện của các
tín hữu (x. Dth 5,1-3). Trong quyền hạn mình, linh mục thi
hành nhiệm vụ Chúa Kitô mục tử và thủ lãnh
69, tụ họp gia đình Thiên Chúa là cộng đoàn huynh
đệ có cùng một tâm hồn
70, và nhờ Chúa Kitô, trong Chúa Thánh Thần, dẫn
đưa cộng đoàn ấy về với Thiên Chúa Cha. Linh mục thờ lạy
Thiên Chúa trong tinh thần và trong chân lý giữa đoàn chiên
(x. Gio 4,24). Sau hết, vất vả truyền giáo và dạy dỗ (x. 1Tm
5,17), linh mục tin những gì ngài đã đọc thấy và suy niệm
trong lề luật Chúa, dạy dỗ những gì mình tin và thực hành
những điều mình dạy
71.
Là cộng sự
viên khôn ngoan, là phụ tá và là dụng cụ của hàng Giám Mục
72, linh mục được kêu gọi để phục vụ Dân Thiên
Chúa. Các ngài hợp với Giám Mục mình tạo thành linh mục đoàn
duy nhất với nhiều chức vụ khác nhau
73. Trong mỗi cộng đoàn tín hữu địa phương, linh
mục, là hiện thân của Giám Mục mà các ngài hằng liên kết với
lòng tin tưởng và quảng đại, lãnh nhận phần chức vụ cùng
chia xẻ nỗi lo lắng của Giám Mục và hằng ngày ân cần thi
hành chức vụ ấy. Dưới quyền Giám Mục, linh mục thánh hóa và
dẫn dắt một phần đoàn chiên Chúa trao phó cho mình, làm cho
người ta thấy được Giáo Hội phổ quát ngay tại địa phương
mình, góp phần hữu hiệu vào việc xây dựng toàn thân thể Chúa
Kitô (x. Eph 4,12). Luôn mưu cầu ích lợi cho con cái Thiên
Chúa, linh mục phải hăng hái tham gia công cuộc mục vụ của
cả giáo phận, hơn nữa của toàn thể Giáo Hội. Vì tham dự vào
chức linh mục và vào sứ mệnh của Giám Mục, linh mục phải
thực sự xem ngài như cha mình và phải kính cẩn vâng phục
ngài. Phần Giám Mục cũng phải coi sóc các linh mục cộng tác
với mình như con cái và bạn hữu, như Chúa Kitô không gọi môn
đệ là tôi tớ, nhưng là bạn hữu (x. Gio 15,15). Do đó, tất cả
các linh mục triều cũng như dòng, bởi chức thánh và thừa tác
vụ, được nối kết vào Giám Mục Ðoàn và phục vụ cho lợi ích
của toàn thể Giáo Hội tùy theo ơn gọi và ân sủng riêng.
Một tình
huynh đệ thắm thiết nối kết tất cả các linh mục với nhau vì
cùng tham dự một chức thánh và một sứ mệnh chung. Tình huynh
đệ đó phải bộc lộ một cách tự phát tự nguyện qua sự tương
trợ cả tinh thần lẫn vật chất, trong phạm vi mục vụ cũng như
trong phạm vi cá nhân, trong các buổi hội họp, cũng như
trong sự hiệp thông với nhau qua đời sống, việc làm và tình
bác ái.
Linh mục
phải săn sóc các tín hữu như những người cha trong Chúa
Kitô, vì đã sinh ra họ cách thiêng liêng nhờ phép Thánh Tẩy
và giáo huấn (x. 1Cor 4,15 và 1P 1,23). Nêu gương cho đoàn
chiên (1P 5,3), linh mục phải làm sao hướng dẫn và phục vụ
cộng đoàn địa phương của mình, để họ xứng đáng mang danh
hiệu Giáo Hội Thiên Chúa (x. 1Cor 1,2; 2Cor 1,1) là danh
hiệu riêng biệt của toàn thể Dân Thiên Chúa là Dân duy nhất.
Linh mục hãy nhớ rằng mình phải tỏ ra cho tín hữu và lương
dân, cho người công giáo và ngoài công giáo thấy gương mặt
của một thừa tác vụ thực sự tư tế và mục vụ, phải minh chứng
cho mọi người thấy chân lý và sự sống. Như mục tử tốt lành,
linh mục còn phải đi tìm (x. Lc 15,4-7) những người đã lãnh
nhận phép Thánh Tẩy trong Giáo Hội công giáo nhưng đã xao
lãng không lãnh nhận các bí tích hay nhất là đã mất đức tin.
Ngày nay,
vì nhân loại ngày càng hiệp nhất về dân sự, kinh tế và xã
hội, nên các linh mục càng phải loại trừ mọi mầm mống chia
rẽ, phải nối kết cố gắng và khả năng mình dưới sự hướng dẫn
của các Giám Mục và Giáo Hoàng, để toàn thể nhân loại hiệp
nhất trong gia đình Thiên Chúa.
38*
29. Các phó tế. Ở
bậc thấp hơn của hàng giáo phẩm, có các phó tế, những người
đã được đặt tay "không phải để lãnh nhận chức vụ linh mục,
nhưng là để phục vụ"
74. Thực vậy, được ân sủng bí tích bồi bổ, các phó
tế, hiệp thông với Giám Mục và Linh Mục Ðoàn, phục vụ Dân
Thiên Chúa bằng việc phụng vụ, giảng dạy, và bác ái. Khi
được những vị có thẩm quyền chỉ định, các phó tế được cử
hành trọng thể phép Thánh Tẩy, giữ và trao Mình Thánh Chúa,
nhân danh Giáo Hội chứng kiến và chúc lành hôn phối, mang
của ăn đàng cho kẻ hấp hối, đọc Thánh Kinh cho tín hữu, giáo
huấn và khuyên nhủ dân chúng, chủ tọa việc phụng tự và kinh
nguyện của tín hữu, cử hành các á bí tích, chủ tọa lễ nghi
tang chế và an táng. Ðược phong chức để lo việc bác ái và
việc quản trị, phó tế phải nhớ lời nhắn nhủ của Thánh
Polycarpô: "Hãy tỏ lòng nhân hậu, nhiệt thành, và hãy bước
theo chân lý của Chúa, Ðấng đã làm tôi tớ mọi người"
75.
Thực ra,
trong nhiều nơi, vì kỷ luật hiện hành của Giáo Hội La tinh
có thể làm trở ngại việc chu toàn những nhiệm vụ đó, những
nhiệm vụ rất cần thiết cho đời sống Giáo Hội, nên trong
tương lai, chức phó tế có thể được tái lập như một bậc riêng
và vĩnh viễn thuộc phẩm trật. Các nhóm Giám Mục địa phương,
dưới những hình thức khác nhau, với sự chấp thuận của chính
Ðức Giáo Hoàng, có đủ thẩm quyền để xét xem có nên bổ nhiệm
các phó tế ấy và bổ nhiệm ở đâu, để họ coi sóc các linh hồn.
Với sự đồng ý của Ðức Giáo Hoàng, các Ngài có thể phong chức
phó tế cho những người đàn ông đứng tuổi, dù đã kết hôn,
cũng như cho các thanh niên có khả năng, nhưng các thanh
niên này phải giữ vững luật độc thân.
39*
Chú
Thích:
(lưu ý:
những số ghi chú nhỏ hơn đã được đăng vào những số báo
trước)
36* Số 27: Quyền cai
quản.
Ðoạn này
còn được Sắc Lệnh về nhiệm vụ Giám Mục (số 16) bổ túc. Trong
số đó, Công Ðồng xác định chi tiết những bổn phận mục vụ của
người tông đồ, đặc biệt đối với linh mục, và cả với những
tín hữu ly khai cũng như những người chưa chịu phép Thánh
Tẩy. Công Ðồng đã giữ lại và lưu ý lời quả quyết này là: các
Giám Mục là đại diện và thừa phái của Chúa Kitô chứ không
phải đại diện Giáo Hoàng, vì lẽ các Ngài thi hành quyền năng
riêng biệt của các Ngài, và việc gọi các Ngài là thủ lãnh
phần dân các Ngài hướng dẫn, quả là điều xác đáng. Ở đây
Công Ðồng cũng nhấn mạnh đến ý tưởng phục vụ: quyền bính
Giám Mục không để thống trị; ngoài ra còn kín đáo ám chỉ tới
trách nhiệm của Giám Mục đối với những người chưa thuộc về
đoàn chiên duy nhất. Giám Mục không chỉ bận tâm riêng với
tín hữu, nhưng có trách nhiệm đối với mọi người; ngay trong
giáo phận, Ngài phải là một vị thừa sai. Câu sau cùng nhắc
nhở cho tín hữu phải biết liên kết với Giám Mục của mình như
Giáo Hội đã liên kết với Chúa Kitô và Chúa Kitô với Chúa
Cha.
37* Tiểu mục 4: Những
cộng tác viên của Giám Mục (các số 28-29).
Công Ðồng
biên soạn và khai triển đoạn này trong những cuộc bàn cãi
vào tháng 9 năm 1964. Về linh mục, số 29 còn được bổ túc và
minh định qua Sắc Lệnh về nhiệm vụ Giám Mục (các số 28-35).
Công Ðồng chưa có thời giờ quảng diễn một khoa thần học về
chức linh mục thừa tác, nên tạm thời chỉ nói sơ qua khi bàn
về chức Giám Mục. Sự liên lạc giữa hai bên khiến Công Ðồng
liệt kê được những quả quyết chính yếu trong những số này để
kết thúc cho một chương khá dài, đòi nhiều công phu.
62 Xem T. Inhatiô tử
đạo, Ad Ephes. 6,1: x.b. Funk I, trg 218.
63 Xem CÐ Trentô, khóa
23, De Sacr. ord., ch. 2: Dz 958 (1765) và đ. th. 6: Dz 966
(1776).
64 Xem Innocentiô I,
Epist. ad Decentium: PL 20, 554A; Mansi 3, 1029; Dz 98
(215): "Linh mục tùy thuộc và hàng tư tế bậc thấp, nên không
có quyền tư tế tối cao". T. Cyprianô, Epist. 61, 3: x.b.
Hartel, trg 696.
65 Xem CÐ Trentô,
n.v.t.: Dz 956-968 (1763-1778), và đặc biệt đ.th. 7: Dz 967
(1777). Piô XII, Tông hiến Sacramentum Ordinis: Dz 2301
(3857-61). )
66 Xem Innocentiô I,
n.v.t. - T. Gregoriô Naz., Apol. II, 22: PG 35, 432 B.
Dionysiô Giả, Eccl. Hier., 1,2: PG 3,372 D.
67 Xem CÐ Trentô, khóa
22: Dz 940 (1743). Piô XII, Tđ. Mediator Dei, 20-11-1947:
AAS 39 (1947), trg 553; Dz 2300 (3850).
68 Xem CÐ Trentô, khóa
22: Dz 938 (1739-40) - CÐ Vat. II, Hiến chế về Phụng Vụ
Thánh Sacrosancium Concilium số 7 và 47: AAS 56 (1964), trg
100-113.
69 Xem Piô XII, Tđ.
Mediator Dei, n.v.t., số 67.
70 Xem T. Cyprianô,
Epist. 11,3: PL 4,242B; x.b. Hartel II, 2,
trg 497.
71
Xem Pontificate Romanum, lễ truyền chức linh mục: lúc mặc áo
lễ.
72
n.v.t.: kinh tiền tụng.
73
Xem T. Inhatiô Tử đạo, Philad. 4: x.b. Funk I, trg
266. T. Corneliô I, trong T. Cyprianô, Epist. 48, 2: Hartel
III, 2, trg 610.
38* Số 28: Về Linh Mục.
Công Ðồng
không muốn đề cập đến những vấn đề thuộc khoa chú giải do
Tân Ước đặt ra, nhưng chỉ muốn xác định điều này: các linh
mục, vì là những thừa tác viên cộng tác với Giám Mục, nên
được tham dự vào quyền hành và sứ mệnh mà Chúa Kitô đã trao
ban cho các Tông Ðồ.
- Tương
quan giữa linh mục Chúa Kitô: tùy theo mức độ thừa tác vụ,
linh mục tham dự vào nhiệm vụ Chúa Kitô là Vị Trung Gian duy
nhất, nhiệm vụ được thi hành trong việc tế tự và trong công
hội: thừa tác vụ của ngài là dâng Thánh Lễ, dẫn dắt đoàn
chiên, dùng bí tích mà thánh hóa, rao giảng Lời Chúa.
- Tương
quan giữa linh mục và Giám Mục: lặp lại hình thức linh mục
đoàn ngày xưa, nghĩa là các linh mục tập trung quanh Giám
Mục để cùng lãnh trách nhiệm chung là truyền bá Phúc Âm.
Giám Mục phải sống tình cha con, còn linh mục phải vâng lời
và tuân phục. Chức tư tế của linh mục tùy thuộc và tham dự
vào chức tư tế của Giám Mục. Linh mục cộng tác vào công cuộc
truyền bá Phúc Âm có tính cách tập đoàn.
- Tương
quan giữa linh mục với nhau: Công Ðồng mời gọi các linh mục
cộng tác với nhau về mặt thiêng liêng, mục vụ và cả trong
những công việc trần thế.
- Tương
quan giữa linh mục và tín hữu: linh mục quan tâm đến việc
giúp đỡ các tín hữu trong Giáo Hội địa phương, nhưng cũng
không quên lo cho những người còn ở ngoài Giáo Hội, và những
Kitô hữu không còn sống đạo.
Ðể kết
luận, Công Ðồng ước mong mọi linh mục phải nỗ lực duy trì và
phát huy sự hiệp nhất với nhau và với Giám Mục, vì Phúc Âm
và thế giới hôm nay đòi hỏi như thế.
74 Const. Eccl.
Aegyptiacae III, 2: x.b. Funk, Didascalia II, trg 103. -
Statuta Eccl. Ant. 37-41: Mansi 3,954.
75 T. Polycarpô, Ad
Phil. 5,2: x.b. Funk I, trg 300: "Chúa Kitô tự hạ được gọi
là Ðấng Phó Tế mọi người". Xem Didachê 15,1: n.v.t., trg 32.
T. Inhatiô Tử đạo, Trall. 2,3: n.v.t., trg 242. Const.
Apostolorum, 8,28,4 : x.b. Funk, Didascalia I, trg 530.
39* số 29: Về Phó Tế.
Bản văn
công phu được lặp lại hầu như hoàn toàn trong kỳ họp thứ III
của Công Ðồng, gồm hai phần:
- Nhiệm vụ
của phó tế: Công Ðồng dè dặt khi nói đến bí tích tính của
chức phó tế, vì còn một số người phân vân chưa quyết định,
nên Công Ðồng không muốn làm cản trở cho công cuộc tìm hiểu
thêm. Ðặc điểm của chức phó tế là phục vụ Giám Mục và linh
mục đoàn. Phục vụ trong ba lãnh vực: phụng vụ, rao giảng lời
Chúa và thực thi bác ái.
- Tái lập
phó tế như một chức thường xuyên. Công Ðồng chỉ quả quyết là
có thể tái lập ở những nơi mà nhu cầu mục vụ đòi hỏi.
Việc tái
lập như thế có tính cách địa phương hơn là cho toàn thế
giới, và do quyết định của hội đồng Giám Mục địa phương với
sự chấp thuận của Giáo Hoàng. Về luật độc thân, phải phân
biệt hai trường hợp: người đứng tuổi có thể đã lập gia đình,
còn các thanh niên phải giữ luật độc thân. Bản phúc trình
giải thích quyết định này như sau: lược đồ không chủ trương
đòi các phó tế phải có gia đình, dù ở nơi nào cũng vậy,
nhưng chỉ muốn dễ dãi đối với việc truyền chức phó tế cho
người có gia đình khi xét ra cần thiết hay hữu ích.
|
VỀ MỤC LỤC |
|
TÔN
SƯ VÀ TRỌNG ĐẠO -
ĐỊNH HƯỚNG VÀ ĐỒNG HÀNH |
Quý độc
giả Ephata và Giáo Sĩ Việt Nam thân mến,
Những ngày
này hàng triệu em học sinh lớp 12 vừa mới thi xong kỳ thi Tú
Tài. Ngày xửa ngày xưa, nước ta cứ 3 năm lại có một kỳ thi
Hương, nếu đậu cao thì gọi là Cử Nhân, thấp hơn thì gọi là
Tú Tài. Rồi các Cử Nhân của các tỉnh lại tập họp về kinh đô
để dự kỳ thi Hội. Đậu thi Hội thì được gọi là Tiến Sĩ. Các
Tiến Sĩ lại được vào tận cung vua để thi tiếp kỳ thi Đình do
chính vua ra đề, ba người đứng đầu kỳ thi này sẽ được gọi là
Trạng Nguyên, Bảng Nhãn, Thám Hoa, vinh vang ghê lắm mà cũng
phải giỏi ghê lắm mới có thể lọt được vào đến đây.
Thời bao
cấp theo chính thể CS, người ta bỏ luôn cách gọi Tú Tài, Cử
Nhân, cho là... tàn dư của phong kiến, chỉ gọi là tốt nghiệp
phổ thông. Thế rồi đến lúc nào chẳng biết, hình như cũng chỉ
năm mười năm nay, người ta dùng lại các tên gọi cậu Tú, cô
Cử, lại dùng lại các nghi thức ra trường, áo mũ xênh xang.
Lại có cả những trò chơi lớn cho thiếu nhi mô phỏng thi Đình
ngày xưa để tìm ra những chú bé cô bé Trạng Nguyên, trao
giải của các nhà tài trợ quảng cáo tưng bừng.
Thế nhưng,
bên dưới tất cả những lễ hội xum xuê, những thành tích lẫy
lừng, dần dần thực chất ngành Giáo Dục mới lộ ra. Cả xã hội
bị báo động lao xao, các nhà giáo tâm huyết lên tiếng, báo
chí lập diễn đàn online. Ông lớn này, bà cán bộ kia nhận
chức với thật nhiều tuyên bố và hứa hẹn, có lúc đã gây được
niềm hy vọng nơi mọi người. Nhưng rồi thì người ta chỉ “nói
không” với một vài tiêu cực chứ không thấy nói “có” được với
những chuyển biến căn bản trong Giáo Dục. Coi như vô ích !
Những cái làm được chỉ là chuyện vụn vặt phụ thuộc, trong
khi những cái đã và đang mất đi mới khủng khiếp !
Thật
thương cho các bạn trẻ, rất trẻ, hiện tại là lứa tuổi 9X,
trải qua những năm học thật đẹp với trường lớp, với thầy cô,
với bè bạn, nhưng mức độ dung nạp, tích lũy, trang bị vốn
liếng sống làm người, lương tri để hành xử, tài năng để cống
hiến và tấm lòng để phục vụ cho đời thì lại bị thiếu trước
hụt sau. Tài chưa đủ để thi thố với thế giới mà Tâm thì
không biết theo chuẩn mực nào trong thiên hạ !?! Trách nhiệm
này không chỉ do cha mẹ, thầy cô, mà do chính những người
hoạch định chính sách Giáo Dục của cả nước đã gây “phá sản”
lần hồi từ mấy chục năm qua.
Sau một
thời gian dài trường học nào cũng treo toàn là “Vì lợi ích
mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người”
.
Thế rồi đến một thời điểm cách đây khoảng hơn 10 năm, bỗng
nhiên người ta thấy ví con người với cái cây, ví việc giáo
dục với trồng cây, nghe thì hay nhưng mà thực tế không ổn. Ừ
nhỉ, con người quý hơn cái cây nhiều, cây mà chăm sóc không
tốt, bất quá nhổ đi, chặt đi, đốn đi không uổng phí bao
nhiêu, chứ con người mà không được dạy dỗ cho tử tế thì nguy
to !
Thế là
người ta âm thầm họp bàn, lấy quyết nghị, rồi lẳng lặng đến
đầu năm học cho treo lên đồng loạt ở các trường câu khẩu
hiệu “Tôn sư trọng đạo” mà ngày xưa đã từng chửi bới lên án
là phong kiến với lại hủ nho. Cũng khá rồi đấy, xem ra có
thay đổi tư duy. Nhưng vẫn không ổn ! Nhiều người thức thời,
kể cả các bạn trẻ sinh viên lẫn mấy cô mấy cậu học sinh lớp
12 đều bật lên một thắc mắc: Tôn sư nhưng biết lấy sư nào mà
tôn đây ? Trọng đạo nhưng biết lấy đạo nào mà trọng bây giờ
?
Những
chuẩn mực đạo đức, những quy phạm lương tâm trong xã hội
hiện nay biết tìm ở đâu ? Trong khi đó, quyền lực, danh vọng
và lạc thú hưởng thụ, có thể gọi là một “tam giác vàng” quá
hấp dẫn, được đồng tiền bảo kê nên lại càng thu hút tâm trí
con người ta.
Các bạn
trẻ thoạt đầu lòng sục sôi nhiệt huyết cống hiến và lý tưởng
phục vụ, nhưng sau một thời gian ngắn phải đối diện với thực
tế cuộc sống phũ phàng đến mức tàn nhẫn, không ít bạn trẻ đã
nhắm mắt cho trượt dài theo đưa đẩy của dòng đời, tự an ủi
mình đó là khôn ngoan, là thực tế, là “thời thế, thế thời
phải thế”, không thể “quân tử Tàu” mãi được !
May quá,
dù sao, chúng ta cũng còn bắt gặp được ở đây ở đó những tín
hiệu vui. Chưa bao giờ chúng ta lại thấy nẩy sinh như “trăm
hoa đua nở” nhiều nhóm bạn trẻ đến như thế. Hóa ra đến một
lúc các mô hình Đoàn Đội Thanh Thiếu Niên CS không còn đáp
ứng được nỗi khao khát sống, khao khát được phục vụ, được
chia sẻ. Các bạn trẻ tự phát rủ nhau hình thành những đội
nhóm, chỉ mươi người, mấy chục là tối đa, họp bàn tranh cãi
rất người lớn, rồi đề ra được một chương trình hành động.
Chẳng cần
chức tước, ban bệ, không cần hô khẩu hiệu, không cần ra nghị
quyết, cũng chẳng cần báo cáo thành tích, phê và tự phê,
chẳng màng đến bằng khen và huân chương vớ vẩn gì. Đơn giản
các bạn trẻ có cái Tâm trong sáng chỉ cần được gặp gỡ nhau,
được gặp gỡ những mảnh đời.
Mà của
đáng tội, một khi nước ta chọn đường lối phát triển theo
kinh tế thị trường theo kiểu Tư Bản Chủ Nghĩa nhưng lại theo
định hướng chính trị theo Chủ Nghĩa Xã Hội, thì chính cái cơ
chế bạc nhạc, nửa nạc nửa mỡ ấy, thay vì xóa bỏ “chế độ
người bóc lột người” như vẫn luôn nêu cao như khẩu hiệu đấu
tranh, thì bây giờ lại đang đào sâu hố cách biệt giàu nghèo
trong xã hội, hình thành thêm một khối người nghèo thành thị
bên cạnh khối người nghèo nông thôn, vùng cao, vùng sâu,
vùng xa.
Vậy là
những nhóm nhỏ bạn trẻ nhiệt thành đầy thiện chí không bị...
thất nghiệp ! Thường cứ vào Chúa Nhật, đáng ra có thể đi
chat chit, đi câu cá, đi ăn kem, uống cà-phê, đi hát
Karaoke, đi nhảy đầm, đi chơi games ở Diamond Plaza, đi nhậu
bù khú với nhau, hoặc ít nhất cũng là nằm tưng tửng ở nhà
nghe nhạc, xem phim, thế mà các bạn ấy lại rủ nhau, kéo nhau
đến các Mái Ấm, đến các trường Mầm Non dành cho trẻ mồ côi,
đến các Nhà Tình Thương, Nhà hưu Dưỡng nội ngoại thành, hoặc
xa hơn, các bạn phóng Honda đến các trại phong, các trường
khuyết tật ở các tỉnh lân cận, có khi còn lên đến tận vùng
Tây Nguyên thăm những người anh em dân tộc thiểu số khốn
cùng..
Có lần
giúp Tĩnh Tâm cho một Nhóm bạn trẻ ở Vũng Tàu, chúng tôi có
hỏi các bạn cần anh em nam nữ Tu Sĩ và Linh Mục ở những mặt
nào, các bạn không cần phải nghĩ ngợi lâu lắc xa xôi gì, chỉ
hội thảo sôi nổi một hồi rồi bạn “thủ lĩnh” ( leader ) mạnh
dạn và thẳng thắn ngỏ ý: “Chúng con chỉ cần hai việc,đó là
các cha ĐỊNH HƯỚNG và ĐỒNG HÀNH với anh em chúng con!”
Vậy đó,
nghe thì đơn giản, có hai việc thôi ấy mà, ĐỊNH HƯỚNG và
ĐỒNG HÀNH, nhưng là cả một trọng trách Giáo Dục thế hệ trẻ
hôm nay đang kỳ vọng vào người lớn, cha mẹ, thầy cô, các vị
Giám Mục. Linh Mục, các Tu Sĩ nam nữ.
Còn đối
với các nhà lãnh đạo quốc gia xem ra cao quá, xa quá, mà
cũng hứa hẹn nhiều quá rồi, giới trẻ chẳng màng đặt niềm hy
vọng vào họ bao nhiêu nữa. Thế còn Hội Thánh chúng ta thì
sao ? Chúng ta có một đáp trả thích đáng về mặt Giáo Dục cho
các bạn trẻ hôm nay hay không ? Nếu chưa thì chí ít, xin
cũng đừng để họ phải thất vọng !
Đúng là
phải “Tôn Sư – Trọng Đạo”. Nhưng Sư nào đây ? Đạo nào đây ?
Hãy ĐỊNH HƯỚNG cho các bạn trẻ trực chỉ con đường mang tên
Giêsu, vốn là vị “Sư” cần được tôn, và hãy ĐỒNG HÀNH với họ
trên chính con đường ấy – cái Đạo cần được trọng...
Lm. QUANG
UY, DCCT, Chúa Nhật
|
VỀ MỤC LỤC |
|
Học Hỏi về Học Thuyết Xã Hội Công Giáo (tiếp theo) |
Bài 5
IV. Trật Tự Xã Hội
(118 - 177)
41. Giáo huấn HTXH
đề cập đến trật tự xã hội như thế nào?
Điểm then chốt của giáo huấn về trật tự
xã hội được hiểu như sau: “Mỗi cá nhân con người chính là
nền tảng, nguyên nhân và cùng đích của mọi hình thức thể chế
xã hội” (Mater et Magistra # 219). Trong các lĩnh vực
kinh tế và xã hội cũng vậy, phẩm giá và ơn gọi của mỗi con
người cũng như tất cả phúc lợi xã hội cần được tôn trọng và
phát triển. Vì con người là nguồn gốc, trung tâm và mục đích
của mọi hình thức đời sống kinh tế xã hội. Vì vậy, nền tảng
và mục đích của trật tự xã hội chính là con người. Con người
như là một chủ thể của tất cả các quyền mà không ai có thể
tước đoạt hay ban tặng, vì những quyền này được gắn chặt với
bản chất của mỗi cá nhân con người. “Không một quyền lực
loài người nào có thể bóp nghẹt sự nhận thức con người là
một nhân vị” (cf. World Day of Peace Message, 1988, #
1).
42. Dựa vào tính
chất nào để xây dựng nền tảng xã hội?
“Một xã hội dân sự được xem là ổn định,
trật tự, phúc lợi và tôn trọng phẩm giá con người, nếu xã
hội đó được xây dựng trên sự thật. Như Tông đồ Phaolô cổ vũ:
“Bởi thế, mỗi khi đã cởi bỏ sự gian dối, mỗi người trong anh
em hãy nói sự thật với người thân cận, vì chúng ta là phần
thân thể của nhau” (Eph 4:25). Điều này sẽ thành tựu khi mỗi
người nhận thức đầy đủ về quyền và bổn phận của họ và của
người khác” (Pacem in Terris, # 35).
43. Bằng cách nào để
xây dựng một xã hội hiệp nhất?
Để xây dựng một xã hội hiệp nhất, ĐGH
Gioan Phaolô II dạy rằng: “Trong tinh thần hiệp nhất và với
khí cụ đối thoại, chúng ta cần nhận thức rằng: tôn trọng
nhân vị nhau; tôn trọng những giá trị và văn hóa của người
khác; tôn trọng quyền tự trị và tự quyết của người khác; có
tầm nhìn vượt ra khỏi chính mình để hiểu và ủng hộ những
phẩm chất tốt đẹp nơi những người khác; góp phần của chính
mình trong tính hiệp nhất xã hội nhằm phát triển ý thức công
bình; xây dựng một cấu trúc bảo đảm rằng tính hiệp nhất xã
hội và đối thoại là hai đặc tính bất biến của thế giới loài
người chúng ta” (World Day of Peace Message, 1986, #
5).
44. Chúng ta cần
sống tính hiệp nhất trong xã hội ra sao ?
Việc thực thi sự hiệp nhất trong mỗi xã
hội là có cơ sở nếu mỗi thành viên trong xã hội nhìn nhận
nhau như những nhân vị. Đối với những ai có sự ảnh hưởng của
mình trên những người khác, bởi vì họ có khả năng chia sẻ
điều kiện vật chất và dịch vụ công ích nhiều hơn, thì họ
cũng có trách nhiệm đối với những người nghèo yếu và sẵn
sàng chia sẻ với người này những khả năng mình đang có. Về
phần những người nghèo yếu, vì cùng mang một tinh thần hiệp
nhất, họ không nên sống trong thái độ thụ động; dù đang khi
đòi hỏi những quyền cơ bản, họ cũng nên thực thi những điều
tốt đẹp vì mục đích chung. Đối với những người thuộc nhóm
trung bình, họ không nên chỉ lo cho bản thân mình bằng một
đời sống ích kỷ, nhưng cũng cần quan tâm những lợi ích cho
người khác nữa (cf. Sollicitudo Rei Socialis, # 39).
45. Làm thế nào để
vượt qua thành kiến cá nhân nhằm xây dựng một thế giới hiệp
nhất?
Để vượt qua thành kiến cá nhân đang lan
rộng trong thế giới hôm nay, điều chúng ta cần lưu lý là
phải có một quyết tâm cụ thể thực hiện sự hiệp nhất và bác
ái. Trước hết, điều này bắt nguồn từ trong gia đình qua sự
giúp đỡ lẫn nhau giữa vợ chồng và các thế hệ tiếp sau. Với ý
nghĩa này, chúng ta gọi gia đình là cộng đoàn nơi việc làm
và sự hiệp nhất được thể hiện (cf. Centesimus Annus,
# 49). Bên cận đó, để tiến tới sự hiệp nhất, chúng ta không
nên nhìn người khác, dân tộc khác hay quốc gia khác như là
những công cụ có khả năng làm việc nhằm cho phép chúng ta
khai thác và tận dụng với giá thấp sau đó lại bỏ đi. Nhưng
chúng ta cần nhìn họ như là người anh em của chúng ta, người
giúp đỡ chúng ta, người cùng chia sẻ với chúng ta trong bàn
tiệc cuộc đời một cách ngang bằng như nhau mà mỗi người đều
được Thiên Chúa mời gọi (cf. Sollicitudo Rei Socialis,
# 39).
Br. Huynhquảng
còn tiếp |
VỀ MỤC LỤC |
|
|
Lạy Chúa,
chiều nay, con chỉ có một mình. Những tiếng động trong
nhà thờ lần lần tắt im. Những người đi dự Chầu đã về
hết.
Và con, con
trở về nhà Xứ,
Con gặp
những người đi dạo chơi về.
Con đi qua
những rạp hát chật ních người ra vào.
Con thả
bước dài theo các quán cà phê đầy những người có vẻ buồn
chán đang gượng gạo kéo dài cuộc vui của ngày Chủ Nhật.
Con gặp
thấy nhiều trẻ con đang chơi trên các vỉa hè.
Những trẻ con, lạy Chúa, chúng là con trẻ của
người ta, chớ không bao giờ là của con.
Này con
đây, lạy Chúa, con chỉ có một mình,
Sự yên lặng
làm con khó thở,
Sự cô quạnh
đè nặng trên con.
Lạy Chúa,
nay con được 34 tuổi,
Con có một
thân thể như những người khác
Với những
bàn tay gân guốc để làm việc,
Với một quả
tim được dành để yêu thương,
Nhưng con
đã phó thác cho Chúa hết.
Thật ra
Chúa đang cần những thứ đó.
Con đã phó
dâng tất cả cho Chúa rồi, nhưng lạy Chúa, dâng vậy thật
đau khổ!
Thật đau
khổ khi con phải dâng thân xác cho Chúa, bởi vì thân xác
đó nó muốn tự hiến cho một người khác.
Thật đau
khổ khi phải yêu tất cả mọi người mà không được giữ
riêng lại một người nào.
Thật đau
khổ khi con bắt lấy một bàn tay mà con không được giữ
luôn.
Thật đau
khổ khi con gây được một mối tình mà rồi con phải trao
mối tình đó cho Chúa.
Thật là đau
khổ khi con không được sống cho mình chút nào mà phải
hòan toàn sống cho kẻ khác.
Thật là đau
khổ khi con phải đi với kẻ khác, mà không hề có một ai
sẽ tới với con.
Thật là đau
khổ để biết tội lỗi kẻ khác trong khi con không được từ
chối việc tiếp đón và nâng đỡ họ.
Thật đau
khổ khi con nhận biết những thầm kím của người ta mà
không được tiết lộ cho ai.
Thật đau
khổ khi thấy cả đời con phải lôi kéo kẻ khác mà không
khi nào được ai thúc đẩy con, dầu trong chốc lát.
Thật đau
khổ khi con phải luôn ra tay nâng đỡ những người yếu
đuối mà con thì không bao giờ được nương dựa vào một
người nào.
Xin cho con
được cao thượng đủ để nâng đỡ thế gian.
Xin cho con
trong sạch đủ để ôm ấp thế gian mà không hề muốn giữ nó
lại cho con.
Xin cho con
được nên như một môi trường gặp gỡ, nhưng là một môi
trường tạm thời; để con nên như con đường hướng đến với
Chúa, chứ không phải là con đường cụt.
Lạy Chúa,
chiều nay trong khi mọi sự đều yên lặng và trong khi
trái tim con cảm thấy đau đớn vì khô quạnh.
Trong khi
mọi người đang dày vò hồn con và con cảm thấy con bất
lực để làm cho họ được thỏa mãn.
Trong khi
bao nhiêu khốn nạn và tội lỗi của thế gian là cả một sức
nặng đang đè trên vai con.
Thì con xin
nói lại với Chúa là con sẵn sàng hy sinh luôn; không
phải nói với một giọng cười diễu nhưng nói một cách chậm
rãi, suy nghĩ và khiêm nhường.
Lạy Chúa,
này con đang một mình trước mặt Chúa, trong sự yên lặng
của buổi chiều nay!
|
VỀ MỤC LỤC |
|
LINH MỤC LÀ NHỊP CẦU giữa CON NGƯỜI và THIÊN CHÚA |
Kinh
nghiệm thực tế cho thấy con người sống bằng cơm bánh,
nhờ có công ăn việc làm, có tiền bạc. Khó có một cuộc
sống xứng đáng, ấm no hạnh phúc, nếu thiếu những yếu tố
cần thiết đó. Nhưng con người không dừng lại ở đó, vì
nếu chỉ có như vậy, thì tầm thường quá! Mọi sự đều qua
đi, người giàu cũng như người nghèo rồi cũng chết.
Con
người sinh ra làm người để đi xa hơn, lên cao hơn. Con
người sinh ra để tham gia thế giới thần linh, vì được
sáng tạo theo hình ảnh của Thiên Chúa và giống Thiên
Chúa. Con người chỉ hạnh phúc thật sự, khi đạt tới mục
đích cuối cùng đó. Thiên Chúa dựng nên con người có nam
có nữ, có xã hội tính, để con người cùng nhau sống hạnh
phúc, cùng nhau đạt tới mục đích của đời mình.
Nhưng trong thực tế, tội lỗi đã làm cho con người bị mất
gốc, và mất cả hướng đi. Con người không còn biết mình
bởi đâu và đi về đâu, nên chỉ loay hoay với cuộc sống
trần gian. Làm việc, rồi hưởng thụ; hưởng thụ rồi làm
việc. Một thiểu số may mắn làm ít hưởng nhiều, người
nghèo thì làm nhiều hưởng ít. Vì lý do đó, con người
chưa thể hiện được bản chất của mình, chưa làm người
được cách trọn vẹn. Nhiều người vẫn thấy thiếu một điều
gì đó mà họ rất mong mỏi và rất cần, dù không biết rõ đó
là điều gì. Theo niềm tin kitô giáo, thì đó là sự sống
viên mãn, sự sống thần linh mà Chúa Giêsu mang đến cho
con người.
Chúa
Giêsu đã làm người, chia sẻ hoàn toàn kiếp sống con
người, ngoại trừ tội lỗi. Người đã chịu tất cả những nỗi
đắng cay của cuộc đời, đã phải đối diện với những kẻ thù
hung ác nhất, đã chịu sỉ nhục, vu oan, chịu những cực
hình ghê gớm nhất. Người đã bị phản bội, bị từ khước, bị
bỏ rơi và chết nhục nhã như một người tử tội. Không ai
có thể tưởng tượng nỗi những đau khổ nội tâm của Chúa
Giêsu khi Chúa nhìn thấy sự dữ, thần dữ chế ngự lòng
người, thấy cái ác thống trị khắp nơi. Người đã lớn
tiếng và rơi lệ, dâng lên cho Chúa Cha những lời cầu xin
và khẩn nguyện (x. Bài đọc II). Người đã cầu khẩn cho
nhân loại, vì đã được Chúa Cha đặt làm Thượng Tế, làm
nhịp cầu giữa thế giới thần linh và trần gian.
Người đã hiến mình làm của lễ hy sinh vô tì tích dâng
lên Thiên Chúa Cha, và đã được nhậm lời. Thiên Chúa đã
cho Người sống lại từ cõi chết, mang lại niềm hy vọng
cho loài người chúng ta. Quả thật Chúa Giêsu Phục Sinh
mang đến sự sống viên mãn cho nhân loại; đó chính là
Thần Khí Phục Sinh của Người, mà biểu tượng là Hơi Thở.
Người đã hiện ra cho các tông đồ và đã trao sứ vụ của
Người cho các ông: như Cha đã sai Thầy, Thầy sai các
con! Người cũng đã ban Thánh Thần cho các ông. Thật là
kỳ diệu vì Chúa Thánh Thần vừa là một ngôi vị Thiên
Chúa, vừa là Tình Yêu của Thiên Chúa, là Sự Sống mà Chúa
Giêsu đã lãnh nhận trong sự Phục Sinh và ban lại cho
chúng ta. Chúa Thánh Thần cũng là ơn cứu độ, là ơn tha
tội mà Chúa Giêsu đã ban cho nhân loại trong Giáo hội và
nhờ Giáo hội.
Các
con thân mến, làm linh mục là để thông phần vào sứ vụ
tông đồ của Giáo hội, tiếp nối sứ mạng của Chúa Giêsu,
làm Nhịp Cầu giữa Trời và Đất, giữa Thiên Chúa và con
người. Đây là một sứ mạng rất tế nhị, khó khăn, nhưng
rất lý thú đối với những người được kêu gọi. Thiết lập
tương giao giữa Thiên Chúa với con người, giữa con người
với nhau là điều chính yếu của sứ mạng linh mục. Linh
mục giúp cho con người tìm lại được cội nguồn của mình
là Thiên Chúa, giúp cho con người định hướng lại cuộc
đời.
Các
con phải biết rõ cội nguồn của mình, không ngừng tiếp
xúc với cội nguồn là Thiên Chúa, để có thể nói cho người
khác biết về Thiên Chúa. Các con cũng phải biết rõ về
con người, thì mới có thể thuyết phục con người. Linh
mục phải là người có khả năng mở đường cho các mối tương
giao nhân loại. Gần gũi với Thiên Chúa, gần gũi với mọi
người, đó là một linh mục lý tưởng. Gần gũi với Thiên
Chúa, với Chúa Kitô Phục Sinh, các con sẽ được đầy tràn
Thần Khí của Chúa, sức mạnh của Chúa, tình yêu của Chúa,
để lôi kéo con người đi lên cùng Thiên Chúa. Gần gũi với
con người, thân thiện với con người, thấm đẫm tình
người, các con mới thu hút được nhiều người.
Nếu
gần gũi với con người mà các con xao lãng tiếp xúc với
Thiên Chúa, thì sẽ là một đại hoạ, vì các con sẽ nói
những điều mình không biết, kết cuộc là một mớ lý thuyết
trừu tượng xa rời thực tế, kèm theo những ràng buộc về
luân lý, mà người đời không còn thấy ý nghĩa và không
còn muốn theo nữa. Lịch sử Giáo hội cho thấy những linh
mục thánh thiện, như cha sở họ Ars, cha thánh Gioan
Bosco, càng gần Chúa bao nhiêu, thì càng gần gũi với con
người bấy nhiêu. Thế giới hôm nay càng ngày càng bị tục
hóa, rất cần tới những con người như thế, những con
người thực sự có khả năng làm nhịp cầu giữa Thần linh và
trần thế.
Cha
hết lòng ước mong các con sẽ là nhịp cầu an toàn giữa
Thiên Chúa và Dân Người.
|
VỀ MỤC LỤC |
|
|
Phúc Âm: Mt 7, 21-27
Đã bao năm tôi
xây nhà trên cát
Tôi nghĩ rằng cát vẫn vững cho tôi
Đến một ngày mưa giông gió, cát trôi
Mái bị tốc, những vách nhà xiêu đổ!
Tôi ân hận vì lâm vào cảnh khổ
Tôi hoang mang không biết phải làm sao?
Bên tai tôi bỗng có tiếng thì thào:
“Muốn chắc chắn, con xây nhà trên đá!”
Lời Chúa nhủ theo đường Thập tự giá
Là xây nhà trên khối đá hoa cương
Lời Phúc âm Chúa để sẵn làm giường
Tôi học hỏi và tuân theo lời Chúa!
Yêu thương người, những cảnh đời nhầy nhụa
Đói cho ăn, người đau khổ ủi an
Giữ công bình, bác ái, chẳng tham lam
Kính mến Chúa cho hết lòng, hết trí!
Ngôi nhà này kiên cố và kỳ vĩ
Chúa đứng làm một viên đá góc tường
Gieo hân hoan và Công Lý, Tình thương
Trong nhà ấy suốt đời tôi đứng vững!
Kính lậy Chúa! Con cố công xây dựng
Một ngôi nhà trên khối đá hoa cương
Xin cho con biết chuyển tải Tình thương
của Chúa đến muôn người, muôn thụ tạo!
1-6-2008
Xuân Vũ TRẦN ĐÌNH NGỌC
|
VỀ MỤC LỤC |
|
SỰ BẤT HẠNH CỦA CON
SÒ |
Những
mẩu chuyện chiêm niệm
trong tác phẩm
NHƯ LỜI CẦU KINH
Lm. ANTHONY DE
MELLO Nhà
văn Hương Vĩnh chuyển ngữ
40.- SỰ BẤT HẠNH
CỦA CON SÒ
Một con sò thấy một hạt ngọc trai long
ra, rơi xuống khe đá dưới đáy biển. Sau khi cố gắng hết sức
nó tìm cách nhặt hạt ngọc trai lên và để ngay bên cạnh, trên
một chiếc lá.
Con sò biết người ta tìm kiếm ngọc
trai, nên nghĩ bụng: "Hạt ngọc trai này sẽ quyến rũ họ
nên họ sẽ nhặt hạt ngọc trai và để mình yên thân."
Tuy nhiên, khi một người thợ lặn kiếm
ngọc trai xuất hiện, đôi mắt ông ta quen nhìn vào các con
sò, chứ không phải hạt ngọc trai nằm trên các tàu lá.
Vì vậy, người đó chỉ nắm lấy con sò dù
không có hạt ngọc trai và để hạt ngọc trai thật lăn xuống
khe đá.
***
Bạn biết thật chính xác bạn cần
nhìn ở đâu.
Đó là lý do tại sao bạn thất bại
trong việc tìm gặp Thiên Chúa.
41.- NHẬN DIỆN MẸ MÌNH
Một người đàn bà vào ngân hàng, đưa một
tấm chi phiếu cho người thâu ngân để đổi sang tiền mặt cho
bà.
Theo đúng chính sách của ngân hàng,
người thâu ngân hỏi bà giấy tờ chứng minh.
Người đàn bà há hốc miệng kinh ngạc.
Cuối cùng, bà mới kiềm chế được để nói: "Nhưng, Danh
(Jonathan) ơi, mẹ là mẹ con mà!"
***
Nếu bạn thấy chuyện này buồn
cười,
làm thế nào mà bạn đã thất bại
không nhận ra Đấng Cứu Thế?
42.- CON CHÓ ĐI
TRÊN MẶT NƯỚC
Một người dẫn con chó săn mới mua đi
săn thử. Ngay sau đó, ông ta bắn hạ một con vịt rơi xuống
hồ. Con chó liền đi trên mặt nước, nhặt con vịt lên và mang
về cho chủ.
Ông ta rất đỗi ngạc nhiên! Ổng bắn hạ
một con vịt khác. Lại một lần nữa, trong khi ông ta dụi mắt
nghi ngờ thì con chó đi trên mặt nước và mang con vịt về.
Điều ông đã thấy thật khó tin, ông liền
kêu người hàng xóm cùng đi săn vào ngày hôm sau. Lại một lần
nữa, mỗi khi ông ta hay người hàng xóm bắn trúng một con
chim, con chó đều đi trên mặt nước và mang con chim về. Ông
không nói năng gì. Bạn ông cũng thế. Cuối cùng, không thể
nén lâu được nữa, ông ta buột miệng nói ra: "Bạn có nhận
thấy điều gì lạ thường nơi con chó đó không?"
Người hàng xóm dụi cằm, nghĩ ngợi và
cuối cùng nói: "Ừ nhỉ, để tôi suy nghĩ một tí… Tôi biết
rồi! Cái con khốn nạn đó không biết lội!”
***
Không phải là cuộc sống dường như
không có nhiều chuyện lạ.
Nhiều hơn thế nữa: cuộc sống đầy
sự nhiệm lạ
và bất cứ ai thôi xem thường nó
thì sẽ nhận thấy tức khắc. |
VỀ MỤC LỤC |
|
ISRAEL LIỆU
CÓ THỂ SỐNG CÒN ĐƯỢC KHÔNG? |
Israel là một nước rất nhỏ so với
diện tích thế giới, nhưng nó lại là mục tiêu tấn công của
rất nhiều kẻ thù. Một vài nước lại công khai đe dọa sẽ quét
sạch Israel khỏi mặt địa cầu. Tuy còn non trẻ, mới tái lập
quốc được 50 năm, nhưng Israel cho đến giờ vẫn tồn tại, có
thể nói, một cách rất oai hùng.
Chúng ta thử tìm hiểu xem Israel
còn sống được bao lâu nữa theo như những lời ghi chép trong
Kinh Thánh?
________________________
Adolf Hitler đã hoành hành phá hoại
phần lớn Âu Châu từ cuối thập niên 1930 cho đến 1945, nhưng
khi thăm dò ý kiến dân Âu Châu xem nước nào trên thế giới
hiện nay bị đe dọa hòa bình thế giới nhiều nhất thì có tới
60 % người trả lời nói là Israel.
Hiện nay vẫn còn rất nhiều nước, ngay
cả những nước đã từng bị Đức Quốc Xã chiếm đóng phá hoại
cũng từ chối, không chấp nhận Israel là một quốc gia hợp
pháp. Chúng ta có thể tìm thấy bằng cớ rất dễ dàng trên báo
chí, nơi hội nghị, những lời tuyên bố kêu gọi hủy diệt
Israel bởi những nước Ả Rập thù nghịch của Do Thái.
Tổng Thống Mahmound Ahmadinejad của
Iran có lẽ là người lớn tiếng nhất chống đối Israel. Hãy
nghe ông tuyên bố: “Israel phải bị quét sạch khỏi bản đồ
thế giới” (2005). “Chế độ / chủ nghĩa Zion là chủ
nghĩa đầu tiên cần phải hủy giệt….Israel như một cây khô đã
mục nát, chỉ cần một cơn bão là bị tiêu tan” (2006).
“Hoa Kỳ và chế độ Zion của Israel chẳng bao lâu nữa sẽ phải
chết” (2007), và “những cường quyền trên thế giới đã
tạo ra con vi trùng dơ dáy là cái chế độ Zion này, nó đang
bám vào những quốc gia ở trong vùng như một con hoang thú”
(2008).
ISRAEL CÓ THỂ TỒN
TẠI ĐƯỢC SAU TRẬN CHIẾN NGUYÊN TỬ KHÔNG?
Ngày 14-12-2001, trong một bài nói
truyện, ông Hashemi Rafsanjana, lúc đó còn là tổng thống
Iran, một vị lãnh đạo Hồi Giáo được coi là ôn hòa, cũng đã
công khai đe dọa tấn công Israel bằng nguyên tử: “ Nếu
một ngày nào đó thế giới Hồi Giáo có trang bị khí giới hạch
nhân như Israel hiện có bây giờ….thì chỉ cần một trái bom
nguyên tử là có thể quét sạch mọi sự ở Israel. Tuy nhiên nếu
bị đánh trả thì thế giới Hồi giáo sẽ chỉ bị tổn thương
thôi, không thể bị tận diệt được”.
Suzanne Fields, một nhà báo Hoa Kỳ, đã
tóm ý của Rafsanjani như sau: “Nếu có một cuộc chiến
nguyên tử qua lại giữa Iran và Israel thì Iran chỉ mất 15
triệu người, số người hy sinh này quá nhỏ đối với cả tỷ
người Hồi Giáo trên khắp thế giới để đánh đổi 5 triệu người
Do Thái Israel”. (“Confronting the New
Anti-Semitism,” The Washington Times, July 25, 2004).
Nói cách khác, ông ta tin rằng hy sinh
15 triệu người Hồi Giáo là một điều rất xứng đáng để đánh
đổi và quét sạch 5 triệu người Do Thái ở Israel khỏi mặt địa
cầu. Lúc đó Hồi Giáo còn cả tỷ người trên khắp thế giới,
nhưng Do Thái chỉ còn ít người sống sót ở những quốc gia
khác. Lúc đó không còn nước Israel nữa.
Thật chỉ những kẻ có máu lạnh mới dám
nghĩ và lý luận tính toán như vậy. Mà đúng ra chỉ một mình
Israel là nước không thể chịu đựng nổi một loại chiến tranh
hạch nhân như thế. Cuộc chiến như vậy dĩ nhiên cũng làm tổn
thương Iran, nhưng thế giới Ả Rập không thể bị hủy diệt hoàn
toàn được. Trái lại Israel thì không thể sống sót / tồn tại
được.
Nếu một cuộc chiến như vậy xẩy ra, chỉ
về mặt địa dư, thì giữa Iran và Israel đã có một bất cân
xứng quá lớn: 80 so với 1. Đây là một yếu tố rất quan trọng:
Diện tích Israel thì quá nhỏ và ngắn so với một diện địa
rộng mênh mông của các nước Ả Rập; tổng cộng lại thì diện
tích các nước Ả Rập lớn hơn Israel 650 lần.
Nói cho cùng ra chỉ cần một hoặc hai
trái bom nguyên tử là Israel trở thành bình địa, không một
sinh vật nào có thể sống sót, tất cả đều bị hủy diệt cho đến
cả nhiều thế hệ về sau. Thật là một thảm họa vô lương không
thể nào tưởng tượng được đã xẩy ra trên thế giới, đánh vào
một quốc gia đã đóng góp cho thế giới biết bao nhiêu là công
sức về văn hóa, khoa học, kỹ thuật và nhân bản !
Đó là một tư tưởng kinh tởm mong muốn
một thế giới không có Israel. Tuy nhiên đó chính là điều mà
nhiều người trong số những kẻ thù của Israel dòng dã trong
suốt chiều dài lịch sử đã cố công nhắm tới để đạt cho được.
Chúng ta hãy nghe bài ca kêu nài cầu khẩn lên Thiên Chúa của
nhạc trưởng Asaph của vua David được viết ra từ 3000 năm về
trước:
“Lạy Thiên Chúa!
Xin đừng yên lặng nữa,
“Xin hãy ra tay,
đừng làm thinh nữa, lạy Chúa!
“Vì kìa kẻ thù
Chúa đang gào thét,
“Những kẻ ghét
thù Chúa đang hung hăng,
“Chúng âm mưu
bàn kế hại dân Người…”
Chúng nói:“Nào, hãy đến, hãy trừ
diệt dân tộc chúng đi
Để cái tên Israel
chẳng còn ai nhớ đến” (Ca Vịnh 83: 1-4)
Kinh Thánh quả đã diễn tả đúng mục tiêu
và tình trạng của thế giới ngày nay.
Chỉ ít câu như vậy cũng đủ diễn tả bản
chất hung hãn và tàn bạo của kẻ thù đang bày binh bố trận
chống lại Israel. Đối chiếu với lịch sử hiện tại đang xẩy
ra, những ca vịnh này cho thấy những quốc gia láng giềng đều
là kẻ thù của Israel: “ Chúng âm mưu bàn kế với nhau để
hãm hại Người” (câu 5).
Sau trận chiến ở kinh đào Suez năm
1956, một Liên Hiệp Cộng Hòa Thống Nhất Ả Rập giữa Ai Cập và
Syria đã được thành lập, nhưng cũng không tồn tại được bao
lâu. Hiện nay thì lại có một Liên Hiệp những nước Hồi Giáo
thù nghịch đang bao vây chung quanh Israel?
Câu 6 và 7 trong ca vịnh 83 cho biết
tên cũ xa xưa của những dân tộc láng giềng của Israel. Rõ
ràng là Israel luôn luôn bị quấy phá, hãm hại bởi những quốc
gia láng giềng.
NHỮNG ÁP LỰC ĐÈ LÊN ISRAEL
Quốc gia Israel đang
ngày đêm phải cố gắng bảo tồn sự hiện diện của mình trước
những quấy phá bởi những lực lượng thù nghịch Ả Rập dưới
muôn hình vạn dạng khủng bố và gần đây thì liên tục lãnh
những trái rocket và đại pháo bắn vào miền Nam, bây giờ lại
bắn đến tận thành phố duyên hải Ashkelon nằm giữa Gaza
Strip và Tel Aviv.
Nhóm khủng bố Hamas
hiện nay đang kiểm soát Gaza thì dĩ nhiên phải chịu trách
nhiệm về những trận mưa rocket bắn vào Israel. Đây là một
phong trào kháng chiến Hồi Giáo được thành lập năm 1987, rất
“nổi danh” về ôm bom tự sát. Chủ trương của Hamas đã nêu rõ
ràng là: “Không có giải pháp cho vấn đề Palestine trừ phi nó
được giải quyết bởi thánh chiến / Jihad” và “Israel sẽ hiện
diện và sẽ tiếp tục hiện diện cho đến khi Hồi Giáo sẽ tận
diệt nó”. Rõ ràng là Hamas đã thề nguyện tiêu diệt Israel
cho bằng được.
Sử gia Anh Martin
Gilbert đã tóm lược những khó khăn mà Israel gặp phải từ
ngày tái lập quốc: “Cộng đồng Israel đã và đang phải đối
diện với đủ thứ áp lực chồng chất đến từ mọi quốc gia, một
thứ áp lực liên tục và nặng nề về di dân; đã phải chịu đựng
năm cuộc chiến tranh; những pha tấn công bất ngờ và tàn ác
của kẻ thù khủng bố, và gần đây nhất lại có trò ôm bom tự
sát; luôn luôn bị mặc cảm cô lập ám ảnh và nỗi khốn khổ của
một quốc gia nhỏ bé, mỗi thế hệ đều có người thân yêu ra đi
vì chiến tranh, chết vì khủng bố tấn công”.
“ Israel là quốc gia
duy nhất không phải là chỉ trong ba thập niên đầu từ khi lập
quốc đã bị bao vây bởi những kẻ tử thù, mà còn là một quốc
gia, mặc dù chiến thắng oai hùng trận chiến năm 1967, nhưng
vẫn phải chia đất cho những dân tộc khác, cho chính kẻ thù
của mình” (Israel: A History, 1999, p.xxi).
Israel còn là một quốc
gia mà người dân vẫn còn bị ám ảnh bởi những quá khứ kinh
hoàng của những lò sát sinh với sáu triệu người Do Thái đã
bị giết thảm bởi Đức Quốc Xã. Nhân dân Do Thái của quốc gia
này vẫn ngày đêm phải chứng kiến đồng bào mình cả nam lẫn nữ
cũng như con cháu họ chưa được diễm phúc nhìn ánh sáng mặt
trời đã phải ra đi không trở lại cùng với biết bao tài năng
và nguồn lực có thể cống hiến cho quốc gia đất nước họ trở
thành phồn vinh, dân tộc họ giàu sang hạnh phúc.
Đâu có phải tại lỗi của
họ mà họ cũng phải chịu cảnh kỳ thị ghét bỏ tàn ác cùng cực
nhất của thế kỷ 20 này. Sáu triệu cây (the “Forest of
Martyrs / Rừng Tử Đạo”) đã được trồng lại trên những ngọn
đồi ở Judea để đặc biệt tưởng nhớ đến những nạn nhân của
trại tập trung và lò sát sinh. Nhưng sự thù nghịch của Nazi
Đức Quốc Xã (1933-1945) thời đệ III đế quốc (Đức) lại được
tiếp nối bởi khối Ả Rập và Hồi Giáo thù hận cũng ác độc kinh
hồn không kém.
Barbara Tuchman, một sử
gia Hoa Kỳ cận đại đã viết: “ Ả Rập là một dân tộc có vẻ
duyên dáng, hấp dẫn, tính tình thân thiện và lịch thiệp đối
với khách lạ, con người có tư cách lại có tính khôi hài.
Nhưng đứng trước vấn đề Israel thì họ lại tỏ ra hoàn toàn
ngờ vực nghi kỵ. Hình thể quốc gia Israel không thấy hiện
diện trên những bản đồ của dân Ả Rập” (Practicing
History, 1981, p.128).
Israel đã và đang phải
đương đầu với nhiều cuộc chiến để sống còn với những quốc
gia Ả Rập ở chung quanh kể từ ngày lập quốc từ năm 1948 đến
nay. Ngày nay quốc gia nhỏ bé này vẫn còn phải thường xuyên
chống đỡ những cuộc khủng bố rất tàn nhẫn do phong trào
Hez-bollah ở Lebanon và Hamas ở Gaza.
Tuy nhiên Israel vẫn
tiếp tục sống mạnh và phát triển vượt bực.
NHỮNG LỢI ĐIỂM CỦA ISRAEL
Bàn về Israel thì không
nên chỉ có nói một phía. Barbara Tuchman đã nhận xét về lịch
sử Israel như sau: “Vì hàng ngày phải gánh chịu biết bao
nhiêu là bất ổn xáo trộn, Israel đã quyết tâm muôn người như
một luôn luôn tâm niệm điều duy nhất là SỐNG CÒN. Họ
luôn luôn bị truy nã theo đuổi mặc dù bị lưu đầy khắp bốn
phương trời, nhưng vẫn quyết tâm mong ngày trở về xum họp
làm thành một quốc gia độc lập góp mặt với thế giới, trên
cùng một mảnh đất quê hương của cha ông từ ngàn xưa, với
cùng một danh xưng (mặc dù tên Judah không còn được chính
xác cho lắm), với cùng một tôn giáo, cùng một ngôn ngữ mà họ
đã có từ ba ngàn năm trước.
“Họ đã ý thức quyết tâm phải hoàn
thành mệnh sử. Họ biết rằng bây giờ là lúc không thể lẩn
trốn mà phải chịu đựng” (p.134) It is conscious of
fulfilling destiny. It knows it must not go under now, that
it must endure. Thực vậy, Thiên Chúa đã có một mục đích
rất vĩ đại về một tân quốc gia Israel là để hoàn thành / ứng
nghiệm lời tiên tri trong Kinh Thánh về những ngày tận cùng
của thế giới.
Martin Gilbert đã nhận xét: “Mặc dù
phải đối diện với quá nhiều bất trắc và xáo trộn, Israel vẫn
quyết tâm giữ vững ý chí là phải thành công và hưng thịnh để
bảo tồn cuộc sống hàng ngày hùng tráng và đầy đủ, để đánh
tan những chỉ trích nhận xét đến từ cả bên ngoài lẫn bên
trong cho rằng những khó khăn đó là không thể giải quyết
được” (tr. xiii).
Chính quyền Hoa Kỳ vẫn luôn luôn yểm
trợ Israel trong suốt 60 năm lịch sử lập quốc. Nguyên Bộ
Trưởng Giáo Dục Hoa Kỳ William Benett đã viết: “Chúng ta ủng
hộ Israel bởi vì Israel là ngọn hải đăng của Tự Do và Hy
Vọng cho thế giới nói chung, và còn có một ý nghĩa rất quan
trọng đối với Trung Đông…..Israel đã giữ vững niềm tin và
lời hứa khi lập quốc vào năm 1948, một lịch sử lập quốc
giống Hoa Kỳ hơn bất cứ một quốc gia nào khác trên thế giới”
( “Why I Stand With Israel”, Alan Dershowitz, editor, What
Israel Means to Me, 2006, tr. 39).
Thủ Tướng đầu tiên của Israel khi mới
lập quốc là David Ben-Gurion (1886-1973) đã gọi dân Israel
là “dân tộc đầy tài năng”. Nhưng thế nào là Tài Năng?
Shulamit Aloni, phát ngôn viên về nhân quyền của Israel, cựu
nghị sĩ Israel (Knesset) đã nói về cái Tài Năng đó như là
một kho tàng về Luân Lý, Kiến thức, Văn hóa, Nghệ thuật,
Khoa hoc, Văn chương, Cởi mở, Lắng nghe và Kính trọng tất cả
mọi người nam cũng như nữ, cả trẻ nít là những con người
được sinh ra tự do và được cấu tạo giống như hình ảnh của
Thiên Chúa” (tr. 23).
NHỮNG KHÓ KHĂN TRỞ
NGẠI CỦA ISRAEL VỀ ĐỊA DƯ
Bennett đã đưa ra một khẳng định có giá
trị và khá chính xác “Chúng ta không thể không để ý đến vấn
đề là nếu Israel thua cuộc chiến khủng bố thì Israel sẽ
không thể tồn tại đươc” (tr.41).
Tuy nhiên không phải tất cả mọi kẻ thù
đều là những tên chuyên môn rình rập tấn công bất ngờ bằng
quân sự. Chỉ có vấn đề đất đai, vị trí và kích thước của
Israel là tối ư quan trọng mà các nhà lãnh đạo Israel đang
ưu tư rất nhiều. Cả về cái căn tính Do Thái cũng bị đe dọa
ở ngay trong chính quốc gia họ.
Israel Harel, sáng lập viên Hội Đồng
của Cộng Đồng Do Thái ở Judea cũng đã viết trên tờ Ha’aretz,
một tuần báo tiếng Do Thái rất đông độc giả nói về sự đe dọa
đó: “….Ở chính trong nội địa Israel cũng có một đám thiểu số
khá đông là dân Ả Rập, chừng 20% tổng số dân số, khoảng 30%
những người chỉ học tới lớp 1 tiểu học, cũng thù ghét giống
Do Thái, và đôi khi thù ghét ngay cả chính sự hiện hữu của
Israel là quốc gia của người Do Thái. Đám thiểu số này vẫn
nhận mình là một phần của dân tộc Palestine. Đa số dân Ả
Rập hiện sinh sống tại Israel vẫn xác nhận mình là giống Ả
Rập, cùng với dân tộc của họ đang chiến đấu một cuộc chiến
khủng bố tàn bạo không hạn chế chống lại Israel” (“The
Image and Significance of Contemporary Zionism,” Jewish
Quarterly, Winter 2007, tr. 52).
David Ben-Gurion, một nhà ái quốc có lẽ
vĩ đại nhất của Israel hiện đại cũng nhấn mạnh đến cái căn
tính Do Thái ở trên phần đất tổ. Ông đã nói tại buổi họp của
quốc hội đảng Do Thái Zionism lần thứ XX ở Zurich, Thụy Sỹ
năm 1937 là: “ Không một người Do Thái nào có quyền chịu
thua bỏ cuộc việc thành lập một quốc gia Do Thái trên phần
đất tổ của mình. Không một cá nhân, một đoàn thể Do Thái
nào, ngay cả toàn thể dân tộc Do Thái hiện đang sống còn này
cũng không có quyền nhân nhượng bất cứ một phần đất nhỏ nào
của đất tổ” (trích bởi Harel, tr.56).
Tuy nhiên Mortimer Zuckerman, chủ bút
báo US News and World Report đã cho ta biết “Chính Yasser
Arafat đã tuyên bố rằng tất cả phần đất Palestine trong đó
gồm tất cả đất đai hiện Israel đang nắm giữ đều là ‘đất
thánh’, tức là gia sản của Hồi Giáo bất khả phân chia và
không thể vất bỏ đí được” (“Denial and Hope in the Mideast,”
Oct.8,2007).
Vậy thì liệu chúng ta có thể nắm được
hết ý nghĩa của những sự tranh chấp đất đai này cùng với
những hậu quả có tính cách quyết định về lịch sử ở hiện tại
và tương lai không?
Nhà báo Melanie Phillips ở Luân Đôn đã
viết như sau: “Trước thời kỳ xẩy ra vụ lò sát sinh, thế giới
đã quyết định là dân Do Thái phải trở về quê cha đất tổ của
mình ở Palestine -gồm phần đất bây giờ thuộc Israel,
Jordan, West Bank và Gaza- bởi vì chủ quyền của họ trên
những phần đất này đã quá rõ ràng. Điều đó không phải chỉ
dựa vào những lời hứa đã ghi trong kinh thánh, mà vì nó đã
là quốc gia của người Do Thái cả hàng trăm năm rồi, nhiều
thế kỷ trước khi có sự hiện diện của Hồi Giáo” (The
Jewish Chronicle, Nov.11, 2007).
Nhưng nhiều nhà quan sát Âu Châu lại
muốn quốc gia Israel vứt bỏ cái căn tính Do Thái của mình
đi. Chẳng hạn, theo như bà Melanie Phillips thì “Đa số dân
chúng Anh không còn tin rằng dân Do Thái có quyền đòi lại
phần đất đó”. Theo cái nhìn của bà thì những ai còn tin
tưởng như vậy thì “cần phải điều chỉnh lại” (ibid).
Nhưng người ta tự hỏi dù đã phải nhượng
một phần đất quê hương như vậy, liệu Israel có thể có được
một nền hòa bình thực sự với những nước láng giềng hay
không?
NHƯỜNG ĐẤT VÌ HÒA
BÌNH
Những nhà lập quốc đầu tiên của Israel
như David Ben-Gurion và Levi Eshkol tất cả đều bắt đầu từ
quan niệm đó. Một nhà tân trí thức Israel đã đưa ra tư
tưởng là phải chứng tỏ cam kết ước muốn làm bất cứ điều gì
cần thiết để kiến tạo hòa bình. Nhường đất vì Hòa
Bình đã trở thành một khẩu hiệu mới. Từ bỏ Gaza xem ra
là một ý tưởng rất hay. Nhưng khi một chính thể được thiết
lập gọi là dân chủ ở Gaza thì đồng thời lại đẻ ra phong trào
kháng chiến Hamas, và bắt đầu từ đó liên tục mưa pháo
rockets vào dân Israel ở vùng biên giới phía Nam của Israel.
Yossi Klein Halevi, một hội viên kỳ cựu
của trung tâm Shalem ở Jerusalem đã viết trên tờ Los Angeles
Times rằng phong trào (Intifada 1987-19920) Palestine Ả Rập
ở Gaza, West Bank nổi lên phản đối Israel chiếm đất của họ
đã khiến “một khối dân Israel cảm thấy mình đã làm quá đáng
nên sẵn sàng chấp nhận bất cứ nguy hiểm nào miễn là có được
hòa bình”. Việc này dẫn đến tình trạng là “đa số dân Israel
nghĩ đến chuyện nhượng bộ mà trước kia không bao giờ có ai
dám nghĩ đến là rút lui ra khỏi West Bank và Gaza đồng thời
còn muốn phân chia cả Jerusalem nữa” (“The End of the Guilty
Israelis”, March 2, 2008).
Thế là vào cuối năm 2005 Israel rút lui
ra khỏi Gaza Strip đã chiếm được từ tay Ai Cập trong trận
chiến 6 ngày năm 1967 và trao trả cho chính quyền
Palestine. Nhưng vài tháng sau đó, phong trào kháng chiến
Hamas đã bất ngờ thắng trong cuộc bầu cử để rồi bắt đầu một
cuộc nội chiến chống lại quân đội trước kia của phong trào
giải phóng Palestine Fatah. Từ đó những tỉnh ở phía Nam
Israel gần đấy thường xuyên cứ bị pháo kích từ phần đất mà
Israel đã nhường trả lại cho Palestine.
Halevi mô tả Hamas là một nhóm khủng bố
mà chủ trương là kêu gọi tiêu diệt Israel và chiến đấu chống
lại Do Thái trên khắp thế giới, và những màn tấn công
khủng bố chỉ là những tác động nhỏ trong bước đầu tham vọng
diệt chủng của họ mà thôi…Gaza đã là trường hợp trắc
nghiệm về cuộc lùi bước của Israel, nhưng thử nghiệm đó đã
mang lại một tai họa cho Israel”.
Halevi cũng đưa ra nhận xét, “Nếu như
dân Gaza khi nhận được mảnh đất mới đã tự trị, tỏ ra có
thiện chí xây dựng hòa bình thì chắc chắn công luận Israel
cũng sẵn sàng yểm trợ những đàm phán cụ thể về việc rút lui
khỏi West Bank”. Nhưng khi trao trả Gaza thì lại được đáp
ứng bằng những đạn lửa từ đó nhả ra thì việc trao trả West
Bank xem ra không còn là “củ cà rốt” có hiệu quả trong việc
tìm kiếm một nền hòa bình lâu dài giữa hai dân tộc Israel và
Palestine nữa.
Cũng phải nhận thức rằng “từ thời đại
Kinh Thánh cho đến năm 1948, West Bank gồm có thị trấn
Jerusalem cũ (trong đó có Bức Tường ở Hướng Tây) và Hebron
(ở đó có mộ của các tổ phụ kinh thánh cả nam lẫn nữ) đã là
một phần lãnh thổ của Israel” (Gush Emunim, “West Bank
Versus Judea and Samaria,” Jewish Literacy, 2001,
p.343).
Xem vậy đủ biết Israel Do Thái đã làm
chủ biết bao nhiêu là đất đai. Họ đã nhận ra rằng West Bank
một khi đã nằm trong tay dân Palestine thì rất có thể sẽ trở
thành bàn đạp, căn cứ địa để phóng hỏa tiễn tấn công vào
thị trấn Jerusalem và những vùng phụ cận.
NHẬN ĐỊNH CỦA THỦ
TƯỚNG ANH TONY BLAIR
Mùa hè vừa qua, “Ủy Ban Hỗn Hợp 4 Bên”
gồm Liên Hiệp Âu Châu, Liên Hiệp Quốc, Hoa Kỳ và Nga Sô đã
chỉ định nguyên thủ tướng Anh Tony Blair làm đặc sứ ở Trung
Đông. Ông Blair đã phải mất rất nhiều thời giờ nghiên cứu
vấn đề tại chỗ mới có thể hiểu được những khó khăn trắc trở
và bất trị ở trong vùng một cách tường tận và sâu xa hơn.
Ông nói: “Bây giờ thì tôi hiểu rõ những
khó khăn ở đây nhiều hơn là khi tôi còn làm thủ tướng. Vì
cơn ác mộng kinh hoàng mà Israel đã phải chịu sau khi rút
khỏi Gaza, tôi rất ngần ngại đề nghị nhường West Bank cho
Palestine”.
Công thức “Nhường-Đất-Vì-Hòa-Bình”
dùng làm căn bản cho những cuộc đàm phán hòa bình giữa
Israel và Ả Rập đã cho thấy là thất bại qua vụ Gaza. Bây giờ
thì ông Blair đã nhận thấy rằng yếu tố quyết định để có hòa
bình là ở cái “đặc tính của phần đất dành cho dân
Palestine…….Sẽ không có được đặc tính đó nếu phần đất đó
không có một chính phủ để quản trị và điều hành…..Và nếu có
ai nói với anh khác đi là họ đã phỉnh gạt anh rồi đấy”
(trích bởi Mortimer Zuckerman, “The Elusive Mid-East Peace,
U.S. News and World Repart, Jan.17, 2008).
Một thủ tướng, nhất là thủ tướng nước
Anh khi nhận định về thế giới Ả Rập mà tuyên bố như vậy thì
thật quả là rất quan trọng.
ĐE DỌA TRẦM TRỌNG
NHẤT ĐỐI VỚI ISRAEL
Trong số những đe dọa hiện có do tổ
chức kháng chiến Hamas ở Gaza, Hezbollah ở Lebanon, dân
Palestine và cả Syria nữa thì đâu là mối lo ngại nhất đối
với chính quyền Israel?
Điều nguy hiểm nhất là Iran cương quyết
chế tạo khí giới nguyên tử và quyết tâm quét sạch Israel
khỏi bản đồ thế giới. Vào giữa tháng 2 vừa qua, thủ tướng
Israel Ehud Olmert đã gặp thủ tướng Đức Angela Merkel tại
Berlin để đàm luận song phương về chuyện nguyên tử của Iran.
Theo tờ International Herald Tribune thì ông Olmert đã nói
là “Iran vẫn còn đang tìm cách chế tạo khí giới hạch nhân
và ông đã kêu gọi thế giới hãy ngăn chặn Teheran đừng để
họ tiếp tục chế tạo khí giới nguyên tử nữa”. Ông còn cho
hay: “Israel ‘biết chắc’ rằng dân Iran đã đang ‘lén lút’
chuẩn bị chương trình sản xuất năng lượng nguyên tử ‘rất
quan trọng’”(Feb.13, 2008).
Điều đó có vẻ phù hợp với bản tin do cơ
quan tình báo Mỹ đã đưa ra nhiều tháng trước đây: “Chúng
tôi tiên đoán khá chính xác là vào mùa thu 2003, Teheran
đã gấp rút hoàn thành chương trình chế tạo khí giới
hạch nhân”. Nhưng báo chí lại tỏ ra nghi ngờ về
những bản tin như vậy.
Mới đây Hội Đồng An Ninh LHQ đã thông
qua một quyết định phản đối Iran về việc chế tạo võ khí
nguyên tử với số phiếu 14-0, nhưng đối với những nhà quan
sát chuyên nghiệp và kinh nghiệm thì đó chỉ là một loại
nhắc nhở / khiển trách nhẹ mà thôi.
Theo báo The Wall Street Journal thì:
“Trong khi đó, Iran vẫn coi thường khuyến cáo của Hội Đồng
An Ninh LHQ là phải ngưng chương trình phát triển Uranium.
Nên nhớ là sản xuất đủ số lượng chất liệu uranium là một
trong ba yếu tố chính và cần thiết của bất cứ một chương
trình chế tạo khí giới nguyên tử nào. Ba yếu tố này đã được
ghi ở phần chú thích ở cuối bài nhận định của Cơ quan An
Ninh quốc gia Hoa Kỳ (NIE) vào tháng 12 và nói rằng Iran đã
ngưng chương trình làm võ khí nguyên tử vào mùa Thu năm 2003
rồi.
“Bản nhận định của Cơ quan An Ninh quốc
gia Hoa Kỳ cũng không đả động gì đến yếu tố thứ hai của
chương trình chế tạo khí giới nguyên tử của Iran là chương
trình phóng hỏa tiễn. Thay vào đó lại nói là Iran đã ngưng
công tác nghiên cứu khí giới trên không weaponization mà
theo các chuyên viên thì đây là phần ít quan trọng nhất
trong chương trình chế tạo võ khí nguyên tử”.(“Irresolution
on Iran,” March 10, 2008).
Mặc dù tờ Nwesweek trong phần quan điểm
cho rằng Chủ nghĩa Phát xít Hồi Giáo không còn là mối đe dọa
nguy hiểm nữa, nhưng lại trích dẫn lời Tổng Thống Bush nói
là: “Chính quyền Iran đang cố gắng tiêu diệt Israel”.
Đồng thời cũng nhắc lại việc ông Tony Blair “so sánh Iran
với sức mạnh Phát Xít ở thập niên 1930”.
(Newsweek-Nov.19, 2007).
Dĩ nhiên đe dọa của Iran đối với Israel
sẽ nặng nề hơn là Hoa Kỳ và Anh Quốc, bởi vì Iran ở gần
Israel hơn và vì Israel chính là đất hứa như đã nói trong
Kinh Thánh.
CHIẾN TRANH SAU CÙNG
ĐANG SẮP SỬA TỚI SẼ GHÊ GỚM HƠN NHIỀU
Dĩ nhiên chúng ta cũng phải để ý đến
những lời trong kinh thánh để có một cái nhìn phổ quát về
Israel. Thực vậy, ta không thể bàn về lãnh thổ của Israel mà
không để ý đến lời Chúa phán. Ngay cả những người Do Thái
không tin Chúa cũng phải dựa vào Kinh Thánh để có những đòi
hỏi lịch sử và địa dư.
Cả Kinh Thánh lẫn lịch sử trần thế đều
cho biết lãnh thổ Israel, đặc biệt là Jerusalem là một trong
những địa danh có nhiều tranh chấp nhất trên thế giới. Lịch
sử cho thấy chính Jerusalem đã bị quân đội xâm lăng tấn công
hơn 20 lần. Nhưng không một cuộc xâm lăng nào đã thành công
kể từ khi quốc gia Israel được thiết lập năm 1948.
Kinh Thánh đã nói rõ ràng là lời tiên
tri về ngày tận thế sẽ ứng nghiệm khi dân Do Thái trở về tụ
họp đầy đủ trên quê hương đất tổ của họ.
Sách Zechariah cho biết Jerusalem sẽ là
trung tâm tranh chấp của thế giới ngay trước khi Chúa Kitô
giáng lâm trở lại lần thứ hai: “Đây, ngày Chúa đến, và thiên
hạ sẽ chia nhau chiến lợi phẩm ở trong ngươi. Bởi vì Ta
sẽ tụ tập tất cả các quốc gia lại để chiến đấu chống lại
Jerusalem” (Zechariah 14: 1-2).
Những biến cố tiên tri này sẽ không thể
xẩy ra nếu chi họ / quốc gia Judah (bây giờ được gọi là
Israel) không được tái thiết lập trở lại cách phi thường
trên Đất Thánh đúng trước ngày Chúa Kitô đến cùng với những
căng thẳng và xáo trộn trên khắp thế giới. Vậy phải chăng
khi quốc gia Israel được tái tạo và hiện diện thì thế giới
sẽ tràn ngập xáo trộn và điêu linh? Và ngày đó cũng là ngày
Chúa đến?
Jerusalem sẽ một lần nữa chứng kiến
những cảnh bạo động, xáo trộn kinh hoàng. Đọc tiếp câu 2
trong đoạn 14 Zachariah sẽ thấy: “ Thành sẽ bị chiếm, nhà
phố sẽ bị cướp, đàn bà sẽ bị hãm hiếp. Nửa thành sẽ bị
bắt mang đi làm tù binh, nhưng một nửa dân còn lại thì
không bị bắt mang đi”.
Vậy ngay cả sau khi Israel tụ tập thành
phố lại hồi chiến tranh 1967, lời tiên tri trong Kinh Thánh
cũng cho chúng ta biết là Jerusalem sẽ lại một lần nữa lâm
cảnh chiến tranh khói lửa và phân chia. Miền đất này của thế
giới được chỉ định làm trung tâm điểm của các biến cố sẽ xẩy
ra vào những ngày cuối cùng của thời đại này –Thời của
Amageddon và Chúa Kitô giáng lâm trở lại lần thứ hai.
Chúa Giêsu Kitô sẽ thực sự trực tiếp
can thiệp vào cảnh điêu linh này: “Bấy giờ Chúa sẽ xuất hiện
và chiến đấu chống lại những quốc gia này….Và trong ngày đó
Người sẽ đứng trên núi Cây Dầu mặt quay về Jerusalem ở hướng
đông…. Và Chúa là Thiên Chúa của tôi sẽ đến cùng với tất cả
các thánh” (câu 3-5).
Sách Zechariah 14:12 và sách Khải Huyền
19: 17-18,21 đều mô tả ngày tận cùng của các đạo binh đang
tụ tập chung quanh Jerusalem để chiến đấu chống lại đấng
Thiên Sai là Đức Kitô lúc Người giáng lâm trở lại lần II.
Điều này chứng tỏ rõ ràng là Chúa Kito đã can thiệp không
phải chỉ để cứu một mình dân Israel, mà còn cứu toàn thể
nhân loại khỏi bị diệt vong.
JERUSALEM SẼ LÀ THỦ
ĐÔ TƯƠNG LAI CỦA TOÀN THẾ GIỚI
Còn có những lời tiên tri khác cho
chúng ta biết là Jerusalem sẽ trở thành trung tâm Hòa Bình
của thế giới, của tất cả mọi quốc gia trên mặt đất này.
Zechariah còn thêm: “Vậy Chúa nói: ‘Ta sẽ trở lại Zion (ám
chỉ Chúa Kitô giáng lâm lần II) và sẽ ngự trị ở giữa
Jerusalem. Jerusalem sẽ được gọi là ‘Thành Tín Nghĩa’, Núi
của Chúa các cơ binh sẽ được gọi là ‘Núi Thánh’” (Zechariah
8: 3. Có thể coi Jeremiah 3: 17).
Hồi xa xưa Thiên Chúa đã hứa: “Những
ngày đó chắc chắn sẽ đến, Chúa nói, Ta sẽ làm cho David đâm
chồi nảy lộc (ám chỉ đấng Thiên Sai là Đức Kitô) và Người sẽ
ngự trị xứng đáng là vua khôn ngoan, Người sẽ thực thi công
lý và công bình” (Jeremiah 23: 5).
Tất cả mọi quốc gia trên thế giới, dù
xa xôi hẻo lánh đến đâu cũng sẽ gửi đại diện đến Jerusalem
để học hỏi đường lối của Thiên Chúa rồi đem về xứ sở mình
thông báo cho toàn dân. Isaiah nói: “Sẽ xẩy ra vào những
ngày sau này, núi nhà Thiên Chúa sẽ được thiết lập vững bền
trên các đỉnh đầu núi non và sẽ được nâng lên cao hơn các
đỉnh đồi; tất cả mọi quốc gia sẽ đổ về với Người” (Isaiah 2:
2).
Chữ “núi” và “đồi” theo nghĩa tiên tri
là ám chỉ các chính phủ và quốc gia. Ở đây có nghĩa là chính
phủ của Chúa Giêsu Kitô được thiết lập tại Jerusalem và sẽ
cai trị toàn thể thế giới.
Isaiah tiếp tục mô tả một thế giới được
biến đổi nhờ hiểu biết về cách sống của Thiên Chúa: “Rất
nhiều dân tộc sẽ đến và nói ‘Nào, ta hãy lên núi của Chúa,
nhà của Thiên Chúa Jacob; Người sẽ dạy ta đường lối của
Người và chúng ta sẽ bước đi theo đường lối của Người’. Vì
thánh chỉ được ban ra từ Zion và lời Chúa được phán ra từ
Jerusalem” (Isaiah 2: 3).
Dưới triều đại của Đức Kitô, hoàng đế
của hòa bình, mọi chinh chiến, võ khí, ngay cả những trung
tâm huấn luyện quân sự cũng bị hủy bỏ (câu 4) Hòa Bình Công
Lý đến từ Jerusalem sẽ ngự trị trên khắp thế giới cùng với
mọi dân tộc.
Buồn thay, những lời tiên tri này đã
chẳng được ai để ý đến. Nơi miền đất thánh này vẫn còn đầy
dẫy bạo động, tha hóa, tham nhũng, độc tài, sát máu và khủng
bố…Tuy nhiên những lời tiên tri được nói trước cả hàng ngàn
năm đã cho thấy sẽ có một hòa bình an vui tràn lan trên
Jerusalem. Chúa cơ binh phán: “…..sẽ có những ông già bà lão
ngồi trên hè phố Jerusalem, tay cầm gậy vì tuổi hạc cao. Có
cả con trẻ trai gái vui đùa trên đường phố” (Zechariah 8:
4-5).
Kinh Thánh đã vẽ ra hình ảnh một tương
lai huy hoàng, cuộc sống an bình trên miền đất đầy xáo trộn
và tranh chấp dai dẳng triền miên này này. Tất cả cuối cùng
sẽ được an toàn, thoát khỏi mọi hiểm nguy khi Chúa Kitô
quang lâm trở lại thống trị thế giới. Jeremiah hứa: “Vào
thời của Người, Judah sẽ được cứu thoát và Israel sẽ được
yên ổn, an cư lạc nghiệp” (Jeremiah 23: 6).
Ước mong Chúa ban ngày ấy mau đến!
Pace Islands, Florida 31-5-2008
NTC
P
H Ụ C H Ú:
1- PHÂN BIỆT GIỮA
NGƯỜI DO THÁI VÀ NGƯỜI ISRAEL.
Ngày nay hầu như hết mọi người đều đồng
hóa cái tên Israel với tên Do Thái, Jews. Đa số cho rằng Do
Thái hay Israel cũng chỉ là một. Đó là một sai lầm.
Về kỹ thuật thì người Do Thái là con
cháu của hai chi họ Israel là Judah và Benjamin cộng với một
phần đáng kể thứ ba là chi họ tư tế Levi.
Còn 10 chi họ khác trong dòng họ Israel
nhưng không được nhiều người biết tới nên chẳng bao giờ được
gọi là Do Thái. Về phương diện lịch sử và chính trị, các chi
họ ở phương Bắc này đã tách biệt ra khỏi các chi họ ở Phương
Nam tức người Do Thái. Những người anh em của chi họ phương
Bắc di chuyển về phương Nam và lập thành vương quốc Judah,
từ đó mới có cái tên Do Thái / Jews.
Liên minh các chi họ phương Bắc tức
vương quốc / nhà Israel đã trở thành một quốc gia độc lập,
tách ra khỏi nhà Judah vào lúc tên Jew / Do Thái xuất hiện
trong Kinh Thánh. Thực ra, khi mà tiếng Jews / Do thái xuất
hiện lần đầu tiên trong kinh thánh thì cũng là lúc Israel có
chiến tranh với Do Thái (2Kings 16: 5-6.
Vậy thì tất cả những người Israel có
phải là Do Thái không? Thưa, không phải. Do Thái –những công
dân và con cháu của vương quốc Judah- thực sự cũng là người
Israel, nhưng không phải tất cả những người Israel đều là Do
Thái. Bởi vì tất cả 12 chi họ, trong đó có Do Thái, đều là
con cháu của tổ phụ Israel là Jacob, nên chúng ta có thể
dùng tên Israel cho tất cả các chi họ. Tuy nhiên, tên Do
Thái / Jew chỉ chính xác đối với nhưng người đã chiếm cứ
phương Nam lập thành vương quốc Judah và các con cháu của
họ.
Chẳng may, ngày nay những người Do Thái
hiện sinh sống tại tân quốc gia Israel bây giờ lại thường
được gọi là dân Israel.
2- CHỦ NGHĨA CHỐNG
DO THÁI
BÂY
GIỜ QUAY RA CHỐNG QUỐC GIA ISRAEL
Thày cả chính Rabbi của
Anh quốc Sir Jonathan Sacks mới đây báo động thế giới là
hiện nay có một phong trào chống Do Thái kiểu mới. Trong một
bài thuyết trình ở Luân Đôn, ông đã tuyên bố: “Những người
chống Do Thái hiện đang tấn công cả tôn giáo lẫn dân tộc
chúng ta. Bây giờ họ quay ra chống quốc gia Do
Thái”.
Nói một cách khác, đây là một biến thái
của một căn bệnh tinh thần rất ác độc đang sống lại để phá
rối nhân loại. Ông Sacks diễn nghĩa như sau: “Không giống
như những người trước, những tên kỳ thị, chống Do Thái kiểu
mới đang nhắm vào không phải là Do Thái giáo với tính cách
tôn giáo, cũng không phải nhắm vào người Do Thái như là một
sắc dân, nhưng là nhắm vào người Do Thái như là một quốc
gia” (We Face a New Kind of Hatred,” The Jewish Chronicle,
Nov.16, 2007, p.30).
Một số người lại tin rằng dân Do Thái
chỉ là một nhóm chủng tộc không xứng đáng có một quốc gia
cho riêng họ. Nhắc lại lời của Amos Oz, một sử gia Israel,
Sacks viết: “Vào thập niên 1930, những người chống Do Thái
tuyên bố ‘Do Thái hãy trở về Palestine’. Ngày nay thì họ gào
thét ‘Do Thái hãy cút ra khỏi Palestine’….Họ không muốn
chúng tôi ở đó, họ không muốn chúng tôi ở đây; họ không muốn
có chúng tôi” (ibid).
Bác sĩ Nguyễn Tiến
Cảnh
|
VỀ MỤC LỤC |
|
CỔ VÕ SỰ
TỰ LẬP (1) |
Người Việt chúng ta có
câu” Con hư tại mẹ, cháu hư tại bà”. Các bà mẹ Việt Nam quá
cưng con cháu mình. Các bà hay chìu theo ý con cháu, làm hết
mọi sự cho chúng, để rồi khi lớn lên, chúng hoàn toàn hư
thân, không biết làm một chuyện gì nên thân. Hãy nhớ rằng:
“Đừng bao giờ làm cho một đứa trẻ điều mà tự nó có thể làm
cho nó!” Phương châm nầy rất là quan trọng đến nỗi nó cần
được lập đi lập lại nhiều lần.
Cô bé Mỹ Lệ 5 tuổi là
niềm tự hào của mẹ nó. Cô bé xinh đẹp tuyệt vời và mẹ nó cho
nó ăn mặïc rất xinh xắn. Mỗi ngày bà tắm rửa, mặc quần áo,
cột giày, chải tóc, và cột tóc cho nó. Cô bé trông như một
con búp bê, xinh đẹp, nhí nhảnh, dễ thương, và hồn nhiên. Cô
bé không biết cài nút, chưa biết mang tất, mặc áo chưa biết
phía nào là trước phía nào là sau, cũng như chưa biết chiếc
giày nào là bên chân mặt, chiếc giày nào là phía chân trái.
Một đêm kia, trong cuộc
họp nhóm của các bà mẹ, có người nêu lên điểm nầy: “Chúng ta
không nên làm cho đứa trẻ điều mà tự nó có thể làm được.”
Nghe thế, mẹ của Mỹ Lệ xem ra khó chịu. “Tôi muốn làm mọi sự
cho đứa con tôi. Tôi chỉ muốn lo lắng cho nó. Nó là vinh dự
của tôi,” bà nghĩ thế.
Nếu bà mẹ của Mỹ Lệ nhận
thức ra điều mà bà đang làm cho con bà, bà sẽ bị khủng
hoảng. Thật vậy, tình yêu mà bà dành cho con bà là yêu mình.
Bà thấy bà như một người mẹ mà đời sống bà hoàn toàn tận
hiến cho sự lo lắng cho đứa con. Nhưng thật ra không phải
thế, bé Mỹ Lệ đang được huấn luyện để trở thành một đứa bé
vô dụng, lệ thuộc, thiếu tự tin, và vô tích sự. Cô bé có thể
cảm thấy rằng nó chỉ có một chỗ đứng khi mình được chú ý và
mọi sự được làm để phục vụ mình. Nên nó rất ít đóng góp bằng
việc hành động. Tất cả đều do má nó cống hiến, và đó cũng là
ý muốn của nó. Nó hoàn toàn thụ động.
Chỉ còn một năm nữa thì
cô bé phải đi học. Bấy giờ mẹ nó không ở đó để làm mọi sự
cho nó và cô bé sẽ phải chiến đấu. Sự can đảm có thể bị xóa
mòn và sự vô dụng có thể sẽ tăng thêm. Bấy giờ cô bé sẽ phải
đối đầu với sự khủng hoảng mà nó hoàn toàn không được chuẩn
bị.
Khi chúng ta làm cho một
đứa trẻ điều mà nó có thể làm cho nó, chúng ta tỏ cho nó
thấy rằng chúng ta lớn hơn nó, như: tốt hơn, có khả năng
hơn, khéo léo hơn, kinh nghiệm hơn, và quan trọng hơn. Chúng
ta tiếp tục tỏ sự trổi vượt hơn của chúng ta và sự sút kém
của nó. Bấy giờ chúng ta lại lấy làm ngạc nhiên tại sao nó
cảm thấy bất tài và thiếu sót.
Làm cho một đứa trẻ điều
mà nó có thể làm cho tự nó là cực kỳ thất sách vì tước đoạt
nó khỏi cơ hội chứng tỏ khả năng của nó. Điều đó cho thấy sự
thiếu tin tưởng của chúng ta vào khả năng, sự can đảm, và sự
thích ứng của nó, lấy mất đi cái cảm giác “tự cảm thấy an
toàn” được căn cứ trên sự nhận thức về khả năng riêng của nó
để đối đầu và giải quyết những vấn đề rắc rối, và không cho
nó quyền phát triển cái cảm giác “tự cảm thấy đủ”, để giữ
mãi hình ảnh cũng như nhu cầu cần đến chúng ta. Như thế,
chúng ta tỏ cho thấy một sự thiếu kính trọng đối với đứa trẻ
như là một con người.
Bà mẹ, Bích Thủy 4 tuổi,
và Bích Vân 3 tuổi, đang mặc những bộ đồ để ra chơi tuyết.
Đây là một niềm vui thích cho các cô gái vì bà mẹ rất thích
thú đắp những tượng bằng tuyết với các con bà. Bích Thủy mặc
toàn bộ gồm cả đôi giày tuyết, không có vấn đề gì. Bích Vân
kéo dài thời gian và tỏ vẻ không vừa lòng. Cô bé chỉ đứng
nhìn bộ quần áo tuyết của cô, không cố gắng mặc vào. “Bích
Vân, nào! Hãy mặc đồ đi.” Bà mẹ thúc đẩy trong khi buộc chặt
đôi giày tuyết của bà. Bích Vân ngậm ngón tay trong miệng và
không nhúc nhích. “Con ơi, tại sao lại cứ như vậy? Ngồi
xuống và làm như mẹ đã dạy. “Con không thể,” cô bé khóc thút
thít. “Con mặc đi. Thôi đến đây.” Bà mẹ không đủ kiên nhẫn
nên mặc đồ cho cô bé trong khi Bích Thủy nhìn thấy tất cả
một cách thõa lòng.
Cô bé Bích Vân là đứa bé
đã học thấy rằng chính sự bất khả và vô tích sự mang lại sự
chú ý và phục vụ của bà mẹ, và cái khả năng của chị nó thêm
vào sự thất vọng của nó. Bích Thủy thích thú khi nhìn thấy
cô bé vô dụng vì điều đó khiến nó giữ vị thế ưu tú của nó
được an toàn. Bà mẹ trong sự mất nhẫn nại lại củng cố mục
đích của cả hai. Bà mở lối cho sự lười biếng của cô bé bằng
cách làm cho nó điều mà tự nó có thể làm. Cô bé sẽ không có
cơ hội để phát triển sự tự lập bao lâu bà mẹ còn làm những
điều như thế cho cô bé.
Cô bé Bích Vân cần nhiều
khích lệ. Cô bé cần một quan niệm mới về chính nó và một
phương pháp mới để tìm ra chỗ đứng cho nó. Sự phục vụ mà má
nó dành cho nó thật sự không cần thiết. Có thể cần thời gian
và sự kiên nhẫn để khuyến khích nó. Vì bà mẹ đã dạy cho nó
cách mặc bộ quần áo tuyết nên bà có thể phớt lờ và coi như
nó biết cách mặc. Bây giờ bà phải lùi bước để cho cô bé có
chỗ tự lo cho nó. Có thể là khôn ngoan hơn nếu để cho nó có
nhiều thời gian hơn để mặc quần áo của nó, bằng cách bảo nó
hãy bắt đầu sớm hơn và hãy khích lệ nó một cách kiên nhẫn,
không vội vàng. “Cưng ơi, con có thể làm được. Con là một
đứa con gái đủ lớn rồi.” Khi cô bé bảo rằng “Không thể”, bà
mẹ chỉ cần nhấn mạnh rằng “Con có thể làm được. Con cố gắng.
Khi nào con làm xong, chạy ra đi với mẹ.” Có thể là cô bé sẽ
đóng kịch. Cô có thể khóc cách thảm thương và không cố gắng
thêm. Lần nầy, có thể cô bé không tham gia với mẹ và Bích
Thủy. Bà mẹ phải tránh cảm giác thương hại là cái làm tăng
thêm sự vô dụng của nó bằng cách trở vào để giúp nó mặc quần
áo và mang nó ra để cùng tham dự với bà và Bích thủy. Khi cô
bé cảm thấy rằng không có ai thương hại cho hoàn cảnh của
nó, cô bé sẽ thay đổi đầu óc và sẽ quyết định giải quyết vấn
đề cho chính mình.
lm. le van quang, tiến sĩ tâm
lý |
VỀ MỤC LỤC |
|
Cho đến cùng |
Tác
phẩm: Cầu Nguyện Cá Nhân: Bí quyết tình yêu và vui sống
Lm. Micae-Phaolô
Trần Minh Huy, pss.
Phần thứ ba:
Cẩm Nang Chỉ Đường
sáu
Cho đến cùng
Cầu nguyện cho đến
cùng, chính là yêu cho đến cùng. Bạn đã bước đi trên đường
ánh sáng, và cuối đường, Thiên Chúa đang chờ đợi bạn. Như
một lữ hành không mệt mỏi, bạn phải kiên trì cho đến cùng,
nghĩa là cho đến chết. Đừng bao giờ thôi nhìn vào mục tiêu
vĩnh cửu và không ngừng tìm sống một tình yêu ngày càng hoàn
hảo, như thánh Phaolô diễn tả trong bài ca ngợi bác ái của
ngài (I Cor.13).
Tình yêu nhẫn nại
Những đức tính nào
bạn cần để đi cho đến cùng? Thưa hãy vất bỏ những gì làm bạn
vướng bận, rồi thay thế vào hành trang cái rất quan trọng,
tiên quyết, không thể thiếu nầy là
Sự Nhẫn Nại.
Nhiều người muốn
thấy mình đã đến đích, mà không chịu đi qua con đường dẫn
đến đích. Có những kẻ bắt đầu vào cuộc sống thiêng liêng quá
nôn nóng, muốn thấy mình ngày một ngày hai đã nên thánh
thiện rồi! Thánh Gioan Thánh Giá nói: “Trong số những kẻ ấy,
một số đông vạch ra những chương trình nên thánh lớn lao với
những kế hoạch tuyệt vời, nhưng vì thiếu khiêm tốn mà lại
quá tự phụ, họ vấp ngã nặng chẳng khác gì những bậc cao họ
muốn trèo lên. Những người đó không có lòng nhẫn nại chờ đợi
thời giờ của Chúa, Đấng sẽ ban cho họ nhân đức khi Ngài thấy
là tốt.’’
Thánh nữ Têrêxa Hài
Đồng Giêsu đã muốn đạt được vô địch thế giới về sự thánh
thiện. Mẫu gương anh hùng của cô bé là Jeanne d’Arc. Têrêxa
đã mơ làm những kỳ công cho Chúa và chết tử đạo, dường như
có thể chinh phục được sự thánh thiện bằng mũi gươm. Nhưng
Ngài sớm hiểu được rằng đó là lý tưởng sai lầm. Tuổi trẻ cần
theo đuổi một mộng ước, nhưng sớm muộn gì cũng phải khám phá
ra những định luật của thực tế. Tất cả chúng ta đều bắt đầu
thử mở cửa Nước Trời bằng cách cố hết sức đẩy, đẩy đến kiệt
lực, trong khi những người biết lưu tâm nhất khám phá thấy
rằng một ngày kia cửa sẽ tự mở ra... khi kéo nhẹ một cái.
Ngay khi Têrêxa vượt qua được giai đoạn đó, Ngài có thể làm
một cuộc chạy vĩ đại tiến đến một hình thức thánh thiện khôn
tả.
Bạn cũng thế, bạn
cũng đã khởi đầu cuộc mạo hiểm tìm kiếm một sự thánh thiện
mới mẻ: sự thánh thiện của bạn. Bạn hãy trang bị cho mình sự
nhẫn nại để tiến hành một cuộc chạy có nền tảng. Hãy nhắm
toàn thể cuộc sống bạn, không phải chỉ trong một thời gian
ngắn ngủi, mà là thời gian dài lâu. Bạn hãy học cho biết bản
thân đầy đủ để biết mỗi ngày, cho đến khi bạn có thể đi thật
xa... Sự quảng đại thôi không đủ. Điều quan trọng là phải
biết lượng sức để khỏi kiệt lực: tạm thời chịu đựng bất toàn
hơn là vội vượt lên sự thánh thiện không đạt tới được. Tâm
hồn cháy lửa tình yêu thì mềm mại, dịu dàng, khiêm tốn và
nhẫn nại. Như vậy rồi, bạn hãy tiến bước, luôn luôn chạy tới
trong cùng một hướng, không hề ngã lòng. Kẻ nào không tiến
tới là phải lùi lại.
Tình yêu là lưu
tâm
Chờ đợi thời giờ của
Chúa là chân trời của tình yêu nhẫn nại. Thời giờ đó không
phải là duy nhất trong cuộc đời bạn. Nó tương hợp với mỗi
giai đoạn biến đổi mà Chúa cho thấy hoạt động của Ngài. Bây
giờ tôi muốn nói đến giai đoạn bạn có quyền ước ao và chuẩn
bị: đi từ cầu nguyện đến chiêm niệm. Cho đến lúc nầy, tôi
mới chỉ cho bạn những lối suy niệm, đôi khi hướng tới lời
cầu nguyện sâu xa hơn. Bây giờ đến lúc phải rõ rệt hơn. Vì
tình yêu Chúa phải xâm chiếm cuộc đời bạn, bạn được mời gọi
cầu nguyện liên tục. Chúa nói với các môn đệ: “Các con hãy
cầu nguyện không ngừng’’ (Lc.18,1; 1Th.5,17). Các thánh mọi
thời và mọi kiểu đều đã thực hành mệnh lệnh đó.
“Các con hãy nên
trọn lành như Cha các con trên trời là Đấng trọn lành’’
(Mt.6,47). Chính Chúa Giêsu dư biết mục tiêu tối hậu đó con
người khó đạt tới được. Nhưng Ngài thêm ngay rằng không gì
là không thể đối với Thiên Chúa. Vấn đề là thực hiện cái
không thể với ân sủng của Chúa. Vậy làm thế nào để nhận lãnh
và sống ơn Chúa 100%? Câu trả lời căn bản có tên là Chiêm
niệm.
Khi bạn kiên trì lâu
dài trong việc cầu nguyện, bạn tìm được một sự chú ý có phẩm
chất làm cho bạn hiện diện với Chúa. Dần dần các suy nghĩ,
các câu nói được xóa đi khỏi trí bạn để nhường chỗ cho một
hiện diện thinh lặng. Sự hiện diện và gần gủi nầy luôn trở
nên thinh lặng hơn, như hai người yêu lặng lẽ ở bên nhau,
không cần nói với nhau một lời nào nữa, chỉ có ánh mắt và
con tim lên tiếng nói. Như thế, càng gần Chúa, ta càng hiểu
sâu xa, con tim rộng mở và hiến dâng...
Chiêm niệm không là
gì khác ngoài sự chú tâm tràn đầy tình yêu cho Thiên Chúa.
Ngay khi bạn bắt đầu sống chiêm niệm, bạn hãy bỏ rơi đi
những câu nói, những bản văn, những tình cảm. Chừng nào bạn
có thể, hãy ở bình an lặng lẽ, không làm gì, mà cũng chẳng
nói năng gì. Hãy để cho bạn được mang đi. Hãy để trí bạn
thanh thản, khỏi mọi tư tưởng, mọi lo âu, mọi hiểu biết. Bạn
hãy bằng lòng với một sự chăm chú đầy yêu thương cho Chúa.
Bạn hãy tự nhủ đó là thời khắc đặc ân cho công cuộc của ân
sủng Chúa ở trong bạn. Bạn không biết thế nào, nhưng Thánh
Thần Chúa thực hiện một sức mạnh nhiệm mầu trong linh hồn
bạn. Ngài vẽ chân dung mới của bạn và khi hết nguyện gẫm bạn
được thay đổi ở một mức độ tình yêu cao hơn.
Để cho thời gian
chiêm niệm trải rộng như vết dầu loang ra dần và biến đổi
tận căn đời sống hằng ngày của bạn, bạn cần yêu mến Chúa
trọn thời gian: Bạn nhớ Chúa buổi tối khi đi ngủ, buổi sáng
khi thức dậy, trong khi di chuyển, trước khi làm việc, lúc
ăn cơm... Kẻ nào yêu mến thật sự thì lúc nào cũng nghĩ đến
tình yêu, từ sáng đến tối, dù là những lúc bất ngờ nhất:
“Tôi ngủ, nhưng tim tôi vẫn thức’’ (Ct.5,2).
Tình yêu chịu
đựng tất cả
Không ai có thể đạt
tới tình trạng chiêm niệm ấy nếu không nhận được ơn Chúa.
Điều duy nhất mà Chúa xin bạn là chuẩn bị chính bản thân
bạn. Không phải chỉ bằng lời cầu nguyện càng lúc càng giản
dị và sâu xa, mà còn bằng một đời sống càng ngày càng được
hiến dâng: “Không có tình yêu nào lớn hơn là hiến mạng sống
vì người mình yêu’’ (Jn.15:13). Nhưng làm sao hiến mạng sống
bạn, nếu bạn không để mất đi tính ích kỷ và kiêu ngạo của
bạn? Chúa Giêsu năng nhắc cho các môn đệ rằng họ cần từ bỏ
nhiều thứ, ngay cả mọi sự, để theo Ngài. Mất đi tất cả để
được lại tất cả cách sung mãn.
Bạn không cần phải
vào sa mạc để sống nốt quảng đời còn lại của bạn đâu. Sa mạc
có thể có ngay trung tâm cuộc sống hằng ngày của bạn. Căn
bản là tình yêu kéo bạn đến với Chúa. Bạn hãy để chỗ tự do
trong trái tim bạn cho một ý muốn, một ảnh hưởng, một thỏa
mãn duy nhất là của Chúa mà thôi.
Muốn thế, trước hết
bạn hãy học không còn phàn nàn, nhưng phản ứng với bộ mặt
vui vẻ trong mọi hoàn cảnh vì tình yêu Chúa. “Không có gì
ghê tởm cho bằng những lời phàn nàn của kẻ chỉ mất chiếc
khăn tay trước mặt người phải mất tất cả, những lời phàn nàn
của kẻ đau ngón tay trước người sắp phải chết, những lời
phàn của kẻ nhàm chán cuộc sống tiện nghi bên cạnh người
rách rưới... mà không một chút phàn nàn.’’
Bạn hãy tập từ bỏ
tiện nghi, tính mê ăn... Mỗi khi bạn có thể, mà không bất
tiện chi và trong kín đáo, bạn hãy tự tước bỏ cái làm bạn
thích thú. Bạn hãy dâng sự hy sinh đó cho Chúa, để làm vui
lòng Ngài. Bạn sẽ sớm gặt hái được một niềm vui tồn tại lâu
dài. Nếu bạn luôn tìm bắt chước con đường nghèo hèn Chúa
Giêsu đã chọn, một ngày kia bạn sẽ tìm lại được tất cả những
gì bạn đã từ bỏ. Thánh Phaolô chia sẻ: “Thực ra tôi đã học
cho biết tự lấy làm đủ trong mọi hoàn cảnh. No hay đói, dư
dật hay túng bấn, tôi đã tập quen đi cả. Với Đấng ban sức
mạnh cho tôi, tôi chịu được tất cả’’ (Ph.4,12-13).
Tình yêu hy vọng
tất cả
Chiêm niệm và hy
sinh là hai cánh cho tình yêu bay đi đến tận cùng đường của
nó. Người chiêm niệm là con người của khát vọng mà sách Khải
Huyền nói tới (x. Kh.22:17). Thay vì sợ chết, người kêu gọi
nó, bởi vì nó là bạn đường bắt buộc để đi đến sự sống vĩnh
cửu. Tình yêu càng lớn lên trong trái tim người, người càng
để nó mang lấy thương tích mà chỉ có một cách chữa là khơi
sâu thêm vết thương. Như Maria Madalena đổ dầu thơm vào chân
Chúa Giêsu, người dám làm những sự điên rồ vì Chúa. Sự trọng
kính của con người không còn cản bước người khi phải bộc lộ
một tình yêu và hy vọng vượt quá lẽ thường. Người sống mỗi
ngày một hơn cái định nghĩa của sự thánh thiện nầy: “Một
trạng thái của con tim làm chúng ta nên khiêm tốn và nhỏ bé
trong tay Chúa, ý thức sự yếu đuối của mình và tin tưởng đến
táo bạo vào lòng tốt của Cha’’ (Thánh Têrêxa Hài Đồng
Giêsu).
Sự nghèo hèn và khao
khát của người càng khiến người van xin Chúa như ăn mày.
Nhưng sự van xin đó chứa đựng mọi hình thức của cầu nguyện:
ca ngợi, thờ lạy, tạ ơn. Nó hòa nhập với sự thinh lặng nội
tâm. Vì sự thinh lặng của một con người đã được thanh thoát
cũng chính là lời cầu nguyện. Bất cứ cử động nào của con tim
đều như một tiếng nói âm thầm và kín đáo ca ngợi Đấng Vô
Hình.
Bất cứ bạn ước mong
gì nơi Chúa, bạn sẽ nhận được như bạn hy vọng. Nếu bạn chỉ
có một niềm hy vọng nhỏ bé, bạn sẽ nhận lãnh được ít. Nếu
niềm hy vọng của bạn lớn lao, bạn sẽ lãnh nhận được nhiều.
Nếu niềm hy vọng của bạn triển nở trong lời cầu nguyện và hy
sinh liên tục, bạn sẽ lãnh nhận được tất cả. “Trông cậy như
thế, chúng ta sẽ không phải thất vọng, vì Thiên Chúa đã đổ
tình yêu của Người vào lòng chúng ta, nhờ Thánh Thần mà
Người ban cho chúng ta’’ (Rm.5:5). Bạn hãy hy vọng sự thánh
thiện của bạn. Bạn hãy hy vọng đời sống vĩnh cửu. Bạn hãy hy
vọng phần rỗi của anh chị em bạn. Bạn hãy hy vọng Chúa Kitô
trở lại trong vinh quang.
Niềm hy vọng kitô
hữu vượt quá mọi kỳ vọng nhân loại. Vì niềm hy vọng kitô
giáo đặt mọi sự nơi Mầu Nhiệm Phục Sinh, nó có thể đương đầu
với mọi thử thách thánh giá. Niềm hy vọng ấy sẽ cho bạn can
đảm để đi cho tới cùng sự hy sinh cao cả nhất. Bạn hãy nhớ
lại lời Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II nói với Giới Trẻ Thế
Giới ở Saint Jacques de Compostelle: “Các bạn đừng sợ trở
nên những vị thánh.’’
“Sứ điệp của tôi đơn
giản trong hai chữ thôi: Bình An và Hy Vọng! Bình An vì
chiến tranh đã dạy cho tôi rằng chỉ có hòa bình thật sự
trong tâm hồn, được chính Chúa Giêsu ban tặng. Hy Vọng là
khả năng nhìn thấy vô hình, khả năng đã cho Đức Maria sức
mạnh đứng vững trước cái mà mọi người gọi là Chấm Dứt: thật
ra đó chỉ là mới Bắt Đầu! Can đảm lên! Đời sống với Chúa
Giêsu thật đáng giá! Hãy cho Ngài tất cả... Không chậm trễ,
không lấy lại, không nếu, không nhưng, không trừ... Đó là
hạnh phúc đích thật!’’
Thinh lặng chiêm niệm
Bạn hãy
làm thinh đi
Chúa
Giêsu đang nói với bạn,
Nhưng
Ngài nói cách dịu dàng,
Ngài
thủ thỉ trong khi bạn lại la hét,
Nên bạn
chẳng nghe được Ngài.
Tuy
nhiên đã từ lâu,
Ngài cố
gắng làm cho bạn nghe được tiếng Ngài.
Nhưng
Chúa lịch sự và giản dị,
Ngài
chờ khi nào bạn thôi nói.
Để nói
với bạn, Ngài biết lắng nghe bạn.
Bây giờ
đến phiên bạn,
Bạn hãy
thử cố gắng lắng nghe Ngài.
Bạn hãy
đi vào sa mạc,
Hãy tạo
nên thinh lặng:
Chung
quanh bạn, và ở trong bạn.
Trong
sa mạc,
Không
thể nào mà không nghĩ đến Chúa.
Tình
Yêu thật lặng lẽ.
Nhưng
có những thinh lặng dồn nén,
Những
tiếng kêu bị chặn lại trong tim,
Những thinh lặng rộn ràng,
Những thinh lặng ích
kỷ.
Nhưng cũng có những
thinh lặng dâng hiến,
Những thinh lặng đón
mời,
Những thinh lặng lắng
nghe,
Những thinh lặng yêu
thương.
Vâng, lạy Chúa,
Con nín lặng và ngắm
nhìn Chúa.
Con nhìn Chúa và như
vậy là đủ cho con.
Hai cái nhìn gặp nhau
là thinh lặng,
Và lấy làm đủ cho nhau.
Bạn làm thinh và Chúa
nín lặng,
Bạn chiêm ngắm Chúa và
Chúa nhìn bạn,
Bạn yêu mến Chúa và
Chúa mến thương bạn.
Thời gian không còn
tính đếm nữa,
Không còn gì hiện hữu
quanh bạn,
Ngoài ra chỉ còn có
Chúa.
Và Chúa nói với bạn,
Có lẽ chỉ qua một cái
nhìn,
Một nụ cười trẻ thơ,
Sự nhỏ nhẹ của một
người không nhà,
Một cử chỉ tầm thường,
Hay là qua tạo vật.
Có
những thinh lặng rộn ràng,
Và có
những thinh lặng yêu thương,
Những thinh lặng lặng lẽ.
Tôi đói sự thinh lặng.
Nhưng thinh lặng nào?
Lạy Chúa,
Con
cám ơn Chúa về sự thinh lặng dưỡng nuôi con,
Sự thinh lặng con nhận
lãnh như quà tặng,
Và nó không ngừng nói
với con về Chúa,
Như miếng bánh thánh
nầy,
Mà con thưởng thức từng
chút một,
Và nó đã làm con dịu
cơn đói.
Lạy Chúa,
Trong rộn ràng và tiếng
động của cuộc sống,
Con chìm đắm, con mất
hút, con đi xa,
Và linh hồn con mệt lả.
Nhưng Chúa nhẹ nhàng
dẫn dắt con
Đến điều chính yếu:
Chúa ở trong con.
Sự sung mãn để Chúa ở
trong con,
Để con chỉ hiện hữu bởi
Chúa.
Những chuyện vãn thành
tiếng động
Sẽ xóa đi dần khỏi ký
ức con.
Và thinh lặng đổ đầy
cho con:
Bây giờ, con xin Chúa
hãy ở lại. |
VỀ MỤC LỤC |
|
Sau Thiên Tai,
Bão Lụt, Động Đất |
Con người
thường hay “lạc quan tếu” khi nghĩ rằng trái đất thuộc quyền
sở hữu của mình. Thực ra, họ chỉ ăn nhờ ở đậu trên đó mà
thôi, vì trái đất là của Thiên Nhiên, Tạo Hóa.
Tại mỗi nơi
loài người sống thì thiên tai đều có thể xảy ra. Đây là
những hoàn cảnh khẩn cấp gây ra do biến cố của môi trường
hoặc thời tiết khắc nghiệt. Thiên tai có thể là động đất,
cháy rừng, núi lửa, bão lụt, sóng thần, hạn hán, cơn giông,
sấm sét mà các khoa học gia cho đó là những sinh hoạt tự
nhiên của trái đất. Và những biến cố này cũng chứng tỏ cho
con người thấy rằng, Mẹ Thiên Nhiên luôn luôn có nhiều quyền
lực. Khi quyền lực này ra tay thì con người trở nên yếu
đuối, chịu trận, nếu không biết cách phòng tránh, tự vệ.
Hậu quả
của thiên tai là các đe dọa trầm trọng cho sức khỏe cơ thể,
cho sự hài hòa xã hội và cho nền kinh tế tại địa phương.
Sẽ có cả
ngàn tử vong, thương tích, nhiều loại bệnh truyền nhiễm xảy
ra. Thực phẩm nước uống trở thành hư hỏng, nguy hại. Nạn
nhân không nơi trú mưa tránh nắng và rất nhiều người rơi vào
tâm trạng bất an, trầm cảm.
Tử vong
trực tiếp do thiên tai đột ngột đa số là vì chấn thương thể
chất, chết đuối, sức ép. Ấy là chưa kể thiệt hại về mùa
màng, gia súc, chim muông, cầm thú. Mỗi thiên tai đều để lại
những vết sẹo lâu ngày mới xóa nhòa, hồi phục.
Điều đáng
ghi nhớ là tại các quốc gia đang phát triển, sự thiệt hại do
thiên tai nhiều gấp bội vì thiếu các cơ sở hạ tầng, nguồn hỗ
trợ, cứu giúp cũng như phương thức dự đoán, phòng tránh
thiên tai.
Năm 1500
BC, một cơn sóng thần đã hoàn toàn xóa bỏ nền văn minh Minoa
của Hy Lạp cổ xưa. Năm 1138, động đất ở Syria đưa tới
230,000 tử vong. Từ năm 1330-1351, dịch Tử Thần Đen (Black
Death) với vi khuẩn Yersinia Pestis đã lấy đi mạng sống của
75 triệu người trên thế giới, trong đó có gần 30 triệu từ Âu
châu, vì bệnh dịch hạch. Lũ lụt Hoàng Hà năm 1931 khiến cho
từ trên dưới 3,7 triệu tử vong vì chết đuối, bệnh tật, đói
khát và hạn hán. Sóng thần Nam Dương năm 2004 giết hại
225,000 người. Hurricane Katrina tại New Orleans năm 2005
tuy gây thiệt hại nhân mạng nhẹ (1,800 người) nhưng thiệt
hại vật chất quá lớn, cho tới thời điểm này vẫn chưa hồi
phục.
Mới đây,
ngày 2 tháng 5, 2008, bão lụt tại Myanmar đưa tới 78,000 tử
vong, 57,000 mất tích, số người bị thương chưa biết rõ và cả
2 triệu người cần giúp đỡ.
Liền sau đó
là động đất ở tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc ngày 12 tháng 5,
2008. Theo thông tin chính thức từ chính quyền Trung Quốc,
cho tới ngày 2 tháng 6, 2008, có trên 69,000 tử vong,
khoảng 400,000 thương tích, gần 20,000 người mất tích và
trên 15 triệu cư dân không nơi cư trú, phải di tản.
Với quyết
định 44/236, ngày 22 tháng 12 năm 1989, Đại Hội Đồng Liên
Hiệp Quốc đã chỉ định ngày thứ Tư của tuần lễ thứ hai mỗi
tháng 10 là ngày Quốc Tế Giảm Thiểu Thiên tai trong thời
gian 10 năm, 1990-1999.
Tới ngày 21
tháng 12 năm 2001, với quyết định số 56/165, Đại Hội Đồng
quyết định duy trì ngày này là ngày toàn cầu ý thức thiên
tai bao gồm phòng tránh, giảm thiểu thiệt hại, và chuẩn bị
sẵn sàng đối phó với thiên tai. Khi mọi người có hiểu biết
về thời gian thiên tai có thể xảy ra, biết phải làm gì trước
và sau thiên tai thì thiệt hại về nhân mạng và tài sản sẽ
bớt xuống rất nhiều.
Bài viết
giới hạn ở lãnh vực bệnh tật xảy ra sau thiên tai, nhất là
các bệnh truyền nhiễm.
Bệnh truyền nhiễm sau thiên tai
Có nhiều
loại bệnh có thể xuất hiện sau thiên tai. Nạn nhân bị thương
tích và dễ dàng nhiễm trùng. Nạn nhân không chạy thoát khỏi
hiện trường vì bệnh hoạn có nhiều nguy cơ bệnh nhiễm hơn.
Khi tập trung ở nơi tạm trú chen chúc, thiếu vệ sinh, bệnh
nhiễm cũng dễ dàng xảy ra.
1-
Bệnh truyền nhiễm do nguồn nước uống bị pha lẫn các vi sinh
vật gây bệnh như tiêu chẩy, dịch tả, kiết lỵ, viêm gan A,
bệnh leptospirosis.
Thường
thường, sau một thiên tai, hệ thống cung cấp nước sạch đều
bị phá hủy. Việc cung cấp nước an toàn cần thời gian để thực
hiện. Nạn nhân đành phải dùng bất cứ loại nước nào sẵn có,
mà nước này đa số đều bị ô nhiễm với đủ loại vi khuẩn đến từ
xú uế cống rãnh, phế thải công kỹ nghệ.
Các vi
khuẩn Vibrio Cholerae, E Coli là tác nhân chính của bệnh
dịch tả và tiêu chảy. Chúng đến từ phân của người và súc vật
tràn đầy trong nước lũ lụt.
Viêm gan A
và E lan truyền do đường phân-miệng vì thiếu nguồn nước an
toàn và kém vệ sinh cá nhân.
Viêm gan A
hầu như xảy ra thường xuyên (endemic) tại đa số các quốc gia
đang phát triển và rất nhiều trẻ em đều đã mắc bệnh và trở
nên miễn nhiễm với bệnh. Do đó, ở các nơi này số người bị
bệnh rất ít.
Ở các địa
phương có dịch viêm gan E, bệnh xảy ra sau mưa, lụt. Bệnh
không trầm trọng, tự hết nhưng với phụ nữ có thai thì tử
vong có thể lên tới 25%.
Leptospirosis là bệnh về da, niêm mạc miệng gây ra do tiếp
xúc trực tiếp với nước, đất, bùn chứa vi khuẩn leptospires.
Xuất xứ của các vi khuẩn này là từ nước tiểu động vật gậm
nhấm như chuột, sóc. Lũ lụt tạo cơ hội thuận tiện cho vi
khuẩn lan rộng. Bệnh bắt đầu với cơn sốt và có thể ảnh hưởng
tới gan, màng não, thận.
Ngoài ra,
khi cơ thể tiếp xúc trực tiếp với nước ô nhiễm, một số bệnh
khác cũng thường xảy ra như vết thương làm độc trên da, viêm
da, bệnh tai mũi họng, bệnh viêm mắt.
2-
Bệnh do côn trùng chuyển-tải (vector-borne diseases)
Côn trùng
chuyển-tải thường thấy nhất là muỗi.
Sau biến cố
thời tiết như giông tố, bão lụt, vùng nước ngưng đọng là môi
trường thích hợp cho côn trùng sinh sản và tăng rủi ro lây
truyền bệnh. Ban đầu, bão lụt đẩy vi sinh vật đi xa nhưng
sau đó, nước ổn định, nằm lại, chứa nhiều vi khuẩn.
Tại đây,
nạn nhân thiên tai cũng như nhân sự cấp cứu dễ dàng mắc các
bệnh Sốt rét định kỳ (malaria), sốt đập lưng (dengue), viêm
màng não, Sốt West Nile. Rủi ro mắc bịnh gia tăng nếu dân
chúng sống chen chúc chật hẹp và ăn ngủ ngoài trời, muỗi
đốt.
Sốt rét do
các ký sinh trùng nhóm Plasmodium xâm nhập hồng huyết cầu.
Bệnh do muỗi anopheles truyền sang người và thường thấy ở
các vùng có khí hậu nhiệt đới và bán nhiệt đới.
Bệnh sốt
đập lưng là bệnh virus truyền sang người do muỗi Aedes
aegypti với các triệu chứng như sốt, đau nhức xương khớp,
đau đầu, chẩy nước mắt. Bệnh ít gây chết người nhưng bệnh
nhân suy nhược rất nhiều và cần thời gian lâu để phục sức.
3-
Bệnh gây ra do quá đông dân chúng
Vì nhà ở bị
thiên tai phá hủy, dân chúng phải ăn ngủ trong các nơi tạm
trú chen chúc đông người. Thêm vào đó là các tiện nghi căn
bản nhà tắm cầu tiêu, bếp núc đều hết sức giới hạn, kém vệ
sinh. Theo sự quan sát của các nhà chuyên môn John T.
Wastsonm, Maire A. Connolly của Cơ Quan Y tế Thế Giới (WHO),
đây là những hoàn cảnh thuận lợi cho sự lây lan một số bệnh
truyền nhiễm như bệnh đường hô hấp, bệnh ban sởi, bệnh viêm
màng não.
Thiếu dinh
dưỡng là chuyện thường xảy ra trong thời gian đầu sau thiên
tai, đặc biệt đối với dân chúng tại các địa phương có sự
xung đột, bất ổn.
Theo các
nhà quan sát, sau bão lụt Nargis ở Myanmar, có cả nhiều chục
ngàn người đang phải đối mặt với đói khát vì không có thực
phẩm nước uống, nhất là mùa mưa sắp diễn ra trong những ngày
sắp tới. Thiếu dinh dưỡng đưa tới suy nhược cơ thể và nạn
nhân dễ dàng mắc bệnh truyền nhiễm.
4-
Các rủi ro vì nước lụt như chết đuối, giảm thân nhiệt nhất
là đối với trẻ em chìm mình trong nước quá lâu, tăng viêm
phổi vì tiếp xúc với nước lụt ô nhiễm và nước mưa giá lạnh
cũng là những điều cần được lưu ý.
5-
Bệnh do
gián đoạn các dịch vụ thông thường như cung cấp điện nước.
Nước uống
dễ dàng bị nhiễm vì hòa lẫn chất dơ, vi khuẩn đưa tới bệnh
tiêu hóa.
Không có
điện khiến cho việc cất giữ thực phẩm, vaccin gặp trở ngại.
Thực phẩm hư thối gây ra bệnh nhiễm như tiêu chẩy.
Thiếu điện
cũng khiến cho không khí tù hãm, tăng lây lan bệnh nhiễm
trùng tại khu tạm trú đông đúc người tị nạn.
6-
Ảnh hưởng tinh thần sau thiên tai
Sau mỗi
thiên tai, nạn nhân sống sót ở trong tâm trạng rất căng
thẳng, sợ hãi, lo âu. Họ sẽ có một số phản ứng như:
- Băn
khoăn, không hiểu nổi tại sao lại có chuyện bất hạnh này;
- Lo sợ cho
tương lai không biết sẽ như thế nào;
- Bối rối,
mất định hướng, không tập trung, quyết định được việc gì;
- Có những
cơn ác mộng, nhớ lại thảm cảnh đã qua;
- Thay đổi
tính tình, dễ tức giận, buồn rầu;
- Cảm thấy
trở nên bất lực, tuyệt vọng;
- Người mệt
mỏi suy nhược
- Nhức đầu,
đau mình, đau bụng
- Rối loạn
giấc ngủ,
- Ăn uống
bất thường, mất khẩu vị.
Giải quyết
các khó khăn tâm lý này là vấn đề lâu dài, đặc biệt là đối
với nạn nhân ít tuổi, tương lai còn dài.
Các
biện pháp phòng tránh
Để phòng
tránh các bệnh truyền nhiễm, những biện pháp như sau cần
được áp dụng:
1-
Trong vòng
48 giờ sau thiên tai cần có một toán đặc nhiệm tới tận nơi
để ước lượng tình hình thiệt hại, rủi ro y tế có thể xảy ra.
2-
Thiết lập một hệ thống báo động, khám phá dịch bệnh.
3-
Cung cấp nguồn nước sạch cho nạn nhân càng sớm càng tốt vì
nước là một nhu cầu cấp bách. Nước có thể được khử trùng
bằng hóa chất chlorine, ít tốn kém lại nhiều hiệu lực.
4-
Chăm sóc sức khỏe ban đầu. Nếu được cung cấp sớm, chăm sóc
sức khỏe ban đầu giúp khám phá ra bệnh rồi điều trị ngay như
vậy sẽ tránh được bệnh bộc phát, lây lan. Các bệnh dịch tả,
tiêu chẩy, nhiễm hô hấp, sốt rét có thể trở thành dịch nếu
không bị dập tắt ngay từ đầu.
5-
Hướng dẫn nạn nhân về giữ gìn vệ sinh cá nhân, an toàn thực
phẩm, sớm đi khám bệnh nếu thấy có dấu hiệu bệnh, dùng
thuốc đuổi muỗi.
6-
Theo dõi, phát hiện dịch bệnh để tránh lây lan.
7-
Chủng ngừa một số bệnh như bệnh sởi.
8-
Loại bỏ điều kiện thuận lợi cho sự sinh sản của sinh vật
chuyển-tải bệnh như muỗi tại các vùng nước ứ đọng; phát
thuốc đuổi muỗi, phát mùng tẩm thuốc.
Nhân viên
cứu trợ cũng cần lưu ý ở mấy điểm căn bản để tự bảo vệ:
- Coi xem
chủng ngừa phong đòn gánh (tetanus) có còn hiệu lực không.
Thường thường vaccin có hiệu lực bảo vệ khoảng 10 năm.
- Không
dùng nước tại nơi có thiên tai cho tới khi nhà chức trách
tuyên bố nước an toàn.
- Dự trữ
một số nước sạch để tắm rửa, nấu nướng.
- Lưu ý và
đề phòng nước bị nhiễm hóa chất thải từ các cơ sở nông, công
kỹ nghệ.
- Cẩn thận
khi dùng dụng cụ điện hoặc hóa chất.
- Vứt bỏ
thực phẩm, nước uống nghi bị nhiễm trùng, hư hao.
- Khám bác
sĩ ngay nếu bị côn trùng, súc vật cắn đốt.
Kết
luận
Các nhà
chuyên môn đều có cùng ý kiến là thi thể nạn nhân chết trực
tiếp vì thiên tai không là rủi ro đưa tới các bệnh truyền
nhiễm.
Trái lại,
bệnh gây ra do sự thiên cư, lánh nạn của dân chúng vào các
không gian chật hẹp, thiếu vệ sinh, thiếu dịch vụ y tế,
thiếu thực phẩm, nước uống an toàn. Chính các hoàn cảnh này
tạo điều kiện thuận lợi cho bệnh truyền nhiễm xảy ra và đôi
khi trở nên nguy hiểm chẳng thua gì chính thiên tai.
Tuy nhiên
tử thi có thể trở nên rủi ro lây lan trong một số trường hợp
như thiệt mạng vì các bệnh dịch hạch, dịch tả, thương hàn,
lao, nhưng bệnh không tồn tại lâu trong cơ thể sau khi chết.
Trong các trường hợp này, phân của nạn nhân chứa vi khuẩn
dịch tả sẽ nhiễm vào nguồn nước và gây ra lây lan bệnh đường
tiêu hóa. Thiên tai có thể góp phần lây lan các bệnh vừa kể,
với điều kiện là tác nhân gây bệnh đã có sẵn tại môi trường.
Sự thực này
là để nhắc nhở mọi người không nên vội vàng “hỏa thiêu, mồ
chôn tập thể” tử thi nạn nhân, vì hoang sợ gây bệnh.
Thân xác
tuy đã vô tri bất động, nhưng vẫn cần được thân nhân nhận
diện khâm liệm, chôn cất.
“Nghĩa
tử là nghĩa tận” mà.
Bác sĩ Nguyễn Ý-Đức
Texas -Hoa
Kỳ |
VỀ MỤC LỤC |
TIỀN…BẠC Chuyện phiếm của Gã Siêu |
Chuyện rằng :
Có một nhà thám hiểm lênh đênh trên
sóng nước. Trong những ngày tháng cô đơn ấy, anh ta rất thèm
được liên hệ với thế giới bên ngoài. Thế nhưng, chỉ có một
chú chim nhỏ sáng nào cũng bay tới và đậu trên chiếc bè của
anh ta. Rồi một ngày kia, chú chim nhỏ ấy không còn bay tới
nữa và anh ta cảm thấy buồn bã như mất đi một người bạn thân
thương nhất.
Từ câu chuyện này, gã mới “ngộ” ra rằng
một trong những nỗi đớn đau nhất mà con người thường gặp
phải, đó là sự cô đơn.
Cũng vì sợ nỗi cô đơn với những bước
chân âm thầm, vò võ đi sớm về khuya một mình, mà những cô
gái bước vào “tuổi băm” hằng mong ước có được một mảnh tình
vắt vai.
Cũng vì sợ nỗi cô đơn với những đau yếu
bệnh tật, mà những cụ già gần đất xa trời cũng cố vớt vát
cho mình một chút tình trong cảnh hoàng hôn cuộc đời, bởi vì
“con nuôi cha không bằng bà nuôi ông”.
Kinh nghiệm cho thấy chúng ta không thể
nào sống cô độc lẻ loi như một hòn đảo giữa biển khơi, hay
như một pháo đài biệt lập. Trái lại, chúng ta sống là sống
với người khác trong một cộng đoàn hay trong một xã hội.
Trong cuộc sống chung này, chúng ta
phải nương tựa và cậy dựa vào nhau. Thực vậy, nơi chính bản
thân, chúng ta đã mang dấu ấn của biết bao nhiêu người góp
phần xây dựng. Suốt dọc cuộc đời, chúng ta cũng đã nhận lãnh
biết bao nhiêu nâng đỡ và trợ giúp của những người chung
quanh. Thiếu vắng người khác, e rằng chúng ta khó có thể
sống và tồn tại.
Đã sống chung cùng nhau, thì đương
nhiên là phải trao đổi, phải có qua có lại, bởi vì chẳng ai
dám vỗ ngực tự hào rằng mình đầy đủ mọi sự, chẳng cần tới
người khác. Sự trao đổi ở đây được hiểu về phương diện tinh
thần cũng như vật chất. Tuy nhiên, trong khuôn khổ của mục
chuyện phiếm hôm nay, gã chỉ bàn tới phương diện vật chất mà
thôi.
Trước hết, gã xin cả tiếng lại dài hơi
mà thanh minh thanh nga rằng gã chẳng phải là một chuyên
viên kinh tế, cũng như chưa bao giờ “ngâm kíu” sâu xa về vấn
đề này, nên những điều được viết ra dưới đây, nếu có chi
không đúng thì cũng xin bàn dân thiên hạ…sửa giùm và bổ túc
thêm.
Bây giờ, gã xin cài số de, lùi về thời
đại ban sơ. Lúc bấy giờ con người tụ họp thành những bộ lạc
du mục, nay đây mai đó. Họ sinh sống bằng cách săn thú và
hái trái cây trong rừng. Như vậy, họ trao đổi cho nhau những
gì mình đã săn hay đã hái được. Chẳng hạn tôi trao cho anh
một con thỏ rừng, thì anh sẽ đổi lại cho tôi một con gà
rừng… Thế là vui vẻ, huề cả làng.
Tới một lúc nào đó trong giòng lịch sử,
con người từ bỏ kiếp sống du mục, để định cư thành làng mạc,
phát triển về nghề nông và trồng tỉa. Lúc bấy giờ hiện vật
được đem ra trao đổi là lúa thóc và hoa trái, kết quả của
biết bao nhiêu lao công vất vả, cũng như của biết bao nhiêu
giọt mồ hôi và nước mắt đổ xuống trên ruộng đồng. Chẳng hạn
tôi trao cho anh một thúng lúa, thì anh sẽ đổi lại cho tôi
một thúng khoai…
Cùng với thời gian, cuộc sống con người
không ngừng phát triển và người ta bỗng nghiệm ra rằng trao
đổi bằng hiện vật quả là bất tiện vì nó cồng kềnh, khó mang
và khó vác. Chẳng hạn khi phải đổi hai ba trăm thúng lúa lấy
hay ba trăm thúng khoai. Thật là nhiêu khê và phúc tạp. Vì
thế, người ta đã chọn những hiện vật quí hiếm làm phương
tiện cho những cuộc trao đổi ấy.
Những hiện vật quí hiếm này thường thay
đổi theo quan niệm của từng dân tộc. Chẳng hạn có những nơi
người ta dùng vỏ sò vỏ ốc làm đồ trang sức, vì thế người ta
đã chọn vỏ sò vỏ ốc làm phương tiện trao đổi và qui định cứ
bao nhiêu chiếc vỏ sò và vỏ ốc thì sẽ đổi được một thúng
lúa. Tuy nhiên, hiện vật quí hiếm được nhiều dân chọn lựa
hơn cả đó là vàng và bạc.
Cuộc sống định cư đã dần dần kiện toàn
cơ cấu và tổ chức của xã hội. Các thể chế chính trị bắt đầu
hình thành. Trong thời gian đầu, hầu hết các dân tộc trên
thế giới đều theo chế độ quân chủ. Nhà vua là người đứng đầu
và cai trị dân chúng.
Khuôn mặt nhà nước cũng xuất hiện với
đầy đủ mọi quyền hành trong tay. Và thế là nhà nước nhảy vào
lãnh vực kinh tế và tài chánh để ấn định và kiểm soát việc
trao đổi cũng như buôn bán, bằng cách độc quyền phát hành
tiền bạc, bởi vì ai nắm giữ tiền bạc là nắm giữ uy quyền,
khả dĩ ảnh hưởng và chi phối được người khác. Chẳng thế mà
kinh nghiệm cho thấy :
- Chữ tiền liền với chữ quyền.
Hay như người Pháp đã bảo :
- Kẻ không có tiền bạc giống như một
con chó sói không có răng.
Thuở ban đầu, tiền bạc thường được đúc
bằng kim loại như vàng, bạc, đồng hay một thứ hợp chất nào
đó. Nhưng rồi đồng tiền kim loại xem ra cũng bất tiện vì
trọng lượng của nó, mỗi khi phải trao đổi nhiều, hay mỗi khi
phải buôn bán lớn và thế là người ta bèn cho lưu hành tiền
giấy, tiền “po-ly-me” như chúng ta thấy hiện nay.
Trên đây mới chỉ là những nét chấm phá
đại cương về lai lịch và gốc gác của tiền bạc, chắc hẳn còn
rất nhiều thiếu sót, mong được bàn dân thiên hạ cảm thông vì
sự hạn hẹp của gã.
Tra cứu thêm một chút bằng cách mở tự
điển ra, gã thấy người ta đã định nghĩa như sau :
Tiền là vật được đúc bằng kim lọai hay
in trên giấy do nhà nước phát hành để dùng trong việc mua
bán.
Còn bạc là một thứ kim loại sắc trắng,
lấy ở núi, thường được dùng để làm đồ trang sức cũng như
thường được dùng để đúc tiền. Vì thế, bạc cũng có nghĩa là
tiền.
Và khi người ta ghép hai chữ tiền bạc
lại với nhau để cho mạnh nghĩa hơn, thì tiền bạc được dùng
để chỉ chung mọi thứ tiền.
Hẳn rằng ai trong chúng ta cũng đã hiểu
được giá trị của tiền bạc, bởi vì :
- Có tiền mua tiên cũng được.
Hay như một câu “ca dao thời đại mới”
vốn được cả và thiên hạ hiện nay loan truyền :
- Tiền là tiên là phật,
Là sức bật của tuổi trẻ,
Là sức khỏe của tuổi già,
Là cái đà của danh vọng,
Là cái lọng để che thân,
Là cán cân của công lý.
Marcel Pagnol đã viết như sau :
“Tiền bạc vạn năng. Nó cho phép tất cả.
Nó cho tất cả. Nếu tôi muốn có được một ngôi nhà tiện nghi
hay một chiếc răng giả, nếu tôi muốn được khen tặng trên báo
chí hay có được một người đàn bà trên giường…tôi có thể được
tất cả những thứ ấy không phải bằng lời cầu khẩn, bằng thái
độ siêng năng hay đạo đức. Chỉ cần mở tủ ra và hỏi : “Bao
nhiêu ?”
Một tác giả khác cũng đã viết trên báo
Tuổi Trẻ Cười như sau :
- Ông Tiền, ông Phật, ông Tiên,
Ba ông đứng lại, ông Tiền cao hơn.
Tiền nhiều : mặc kệ…vẫn hơn,
Dẫu cho nhân sự ngả nghiêng tứ bề.
Tiền nhiều chẳng ngán chẳng lo,
Phất tay một cái nhằm nhè gì ông.
Hẳn rằng ai trong chúng ta cũng cần đến
tiền, bởi vì kinh nghiệm cho thấy : đứng trước mọi công
việc, thì vấn đề đầu tiên bao giờ cũng vẫn là vấn đề…tiền
đâu.
Hẳn rằng ai trong chúng ta cũng đều
thích tiền. Đưa cho đứa bé một tờ giấy bạc và một tờ giấy
quảng cáo cho thuốc cao đơn hoàn tán, cũng in hình người,
cũng màu sắc rực rỡ chẳng khác chi tờ giấy bạc, thế mà đứa
bé vẫn cứ giơ tay ra chộp vội lấy tờ giấy bạc.
Với các cụ già cũng thế, mỗi khi được
ai cho tiền, xem ra mắt các cụ sáng hơn và nụ cuời các cụ
tươi hơn. Chẳng thế mà người Trung Quốc đã nói :
- Ngay cả thằng mù cũng thấy được tiền.
Hẳn rằng ai trong chúng ta cũng đều
phải vất vả, bươn chải ngược xuôi để tìm tiền kiếm bạc, đem
về nuôi sống bản thân và gia đình. Nhiều khi làm lụng đầu
tắt mặt tối và vẫn thiếu hụt, giật gấu vá vai, khiến gia
đình lâm vào cảnh nheo nhóc và bất ổn.
Thế nhưng, tiền bạc vẫn mãi mãi vẫn là
một con dao hai lưỡi, biết sử dụng thì đem lại lợi ích, bằng
không thì chỉ đem lại những hậu quả thảm khốc, đúng như một
câu danh ngôn đã bảo :
- Tiền bạc là một tên đầy tớ tốt nhưng
lại là một ông chủ hà khắc.
Thực vậy, nếu chúng ta tìm tiền kiếm
bạc một cách quang minh chính đại và tiêu dùng tiền bạc một
cách hợp tình hợp lý, thì tiền bạc giống như một tên đầy tớ
trung thành giúp chúng ta trong nhiều công việc.
Trái lại, nếu chúng ta quá quyến luyến
với tiền bạc và nhất là nếu chúng ta để cho nỗi đam mê tiền
bạc chi phối, lúc bấy giờ tiền bạc sẽ trở thành một ông chủ
hà khắc, giết chết những tình cảm tốt đẹp của chúng ta đối
với những người chung quanh, bằng những hành động bất công :
nào hối lộ, nào trộm cắp, nào bóc lột sức lao động của người
khác…chúng ta sẵn sàng làm mọi việc, kể cả đạp lên người
khác, để vơ vét về cho đầy túi tham của mình, nhưng làm sao
nhét cho đầy, bởi vì lòng tham chính là một cái túi không
đáy.
Chính vì thế, các cụ ta ngày xưa đã có
lý khi ghép chữ tiền vào với chữ bạc. Chữ bạc ở đây không
phải chỉ có nghĩa là tiền, mà còn có nghĩa là mỏng, kém, ít,
không có lòng, không biết ơn. Chẳng hạn :
Bạc bẽo là cách ăn ở với người thân
không ra gì.
Bạc nghĩa là kém nhân nghĩa, bội bạc,
phản lại người làm ơn cho mình.
Bạc tình là kém tình yêu, thiếu chung
thủy, không đoái hoài tới người yêu của mình nữa.
Và như vậy, tiền là một trong những
nguyên nhân làm cho bạc tình bạc nghĩa, hay nói cách khác
làm mất đi tình nghĩa giữa chúng ta với những người chung
quanh. Điều này hẳn đã được chứng thực qua kinh nghiệm
thương đau của cuộc sống thường ngày với rất nhiều những sự
việc đầy cay đắng.
Trước hết là trong phạm vi gia đình.
Thứ nhất, tiền đã làm bạc mất tình
nghĩa giữa cha mẹ và con cái.
Có một anh chàng ca sĩ nọ rất thành
công với tiếng đàn tiếng hát của mình. Anh ta kiếm được rất
nhiều tiền và trở thành một “siêu sao” trên bầu trời ca
nhạc. Đi tới đâu anh ta cũng được những người ái mộ vây
quanh. Tiếng lành đồn xa, vọng về tới tận thôn làng hẻo lánh
nơi cha mẹ anh đang sống âm thầm trong cảnh nghèo túng. Hai
ông bà dành dụm được một chút tiền còm và quyết định làm một
chuyến lên thành phố để được chiêm ngắm đứa con mình đã đứt
ruột cưu mang và nuôi dưỡng.
Hai ông bà đứng chờ ngoài cổng rạp chờ
gặp đứa con sau giờ trình diễn. Khi đứa con đi ngang qua,
hai ông bà giang rộng đôi vòng tay và nói :
- Ôi con tôi.
Thế nhưng anh ta đã lạnh lùng quay mặt
đi và nói :
- Ông bà mà là ba má của tôi sao ?
Anh ta không muốn cho mọi người biết
được cái gốc gác “hai lúa” của mình. Thế nhưng, nếu không có
những hạt lúa mà cha mẹ anh ta đã chắt chiu để gửi cho anh
ta ăn học thì làm sao anh ta có được như ngày nay.
Thứ hai, tiền đã làm bạc mất tình nghĩa
giữa anh chị em ruột thịt với nhau.
Nguyên Huy, trong mục “truyện ngắn 100
chữ” kể lại mẩu tâm sự của một đứa cháu như sau :
Bà mất sớm. Mẹ cháu nuôi cậu học xong
đại học mới lấy chồng. Cậu thành đạt, giỏi giang. Mẹ cháu
luôn tự hào về cậu.
Cậu đi nước ngoài về, quà cho đồng
nghiệp, cho cấp trên thật ê hề. Chỉ thiếu quà cho mẹ con
cháu.
Cháu không cần quà, rụt rè sang xin cậu
tiền học phí, sắp đến kỳ thi rồi. Tháng qua mẹ ốm, cháu
không dạy kèm được, lại phải tiêu nhiều.
Cậu khó chịu :
- Đến khổ với mẹ con mày. Cái thân cũng
lo không xong, cứ ám tao mãi thế này.
Cháu rơi nước mắt, nhớ lời ru xưa :
- Tò vò mà nuôi con nhện…
Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, nhiều
người ở thành phố vì sợ nhà nước giải tỏa, đã trở về miền
quê. Nhiều người ở miền quê có nhiều ruộng cũng vì sợ nhà
nước tịch thu, sẵn sàng cho ruộng và để những người thân ở
thành phố sống trên phần đất của mình.
Sau một thời gian, tình hình trở nên
lắng dịu và không thấy nhà nước “đấu tố hạng phú nông” như ở
ngoài Bắc. Thêm vào đó, ruộng vườn lại có giá. Thế là người
ta liền nói bóng nói gió, nói xa nói gần cốt ý đòi lại phần
đất đã lỡ cho. Tới nước này thì tình nghĩa chẳng còn đẹp đẽ
và đầm ấm như hôm nào.
Trong những năm gần đây nhà cửa và đất
đai ở thành phố cũng như ở ngoại ô tăng giá ào ào. Không
phải tấc đất tấc vàng mà nhiều khi còn hơn thế nữa. Một
miếng đất nhỏ hay một căn nhà lụp xụp ngày xưa chẳng đáng
giá bao nhiêu, thế mà bỗng dưng trở thành một gia tài to
lớn.
Cũng chính vì thế, trên báo chí gã đã
từng chứng kiến biết bao nhiêu vụ án. Anh em đâm chém nhau
chỉ vì miếng đất hay căn nhà. Cha mẹ và con cái lôi nhau ra
tòa cũng chỉ vì căn nhà hay miếng đất. Miếng đất và căn nhà
đã hủy diệt tình nghĩa gia đình.
Thứ ba, tiền đã làm bạc mất tình nghĩa
vợ chồng.
Thực vậy, có tiền, anh chồng bắt đầu ăn
chơi sa đọa, đèo bồng bồ nhí. Có tiền chị vợ bắt đầu khinh
bỉ anh chồng, coi anh chồng chẳng còn tì “gờ ram” nào cả. Đó
là những chuyện vốn thường xảy ra như cơm bữa trong xã hội
hiện nay. Gã xin đưa ra một trường hợp điển hình được đăng
tải trên báo “Phụ Nữ Chủ Nhật” :
Ngày anh Châu xách va li ra khỏi nhà,
chị Loan uất ức nói trong nước mắt :
- Để coi ổng ngon đến cỡ nào, nhiêu đó
rồi cũng ba bảy hai mươi mốt ngày thôi.
Anh Châu và chị Loan ngày xưa học cùng
lớp, lấy nhau được 15 năm, có hai mặt con. Vợ chồng đều là
công chức. Cuộc sống thay đổi làm con người cũng thay đổi
theo. Từ ngày nghỉ làm công sở, theo bạn bè đi nuôi tôm, anh
Châu bắt đầu đổi khác.
Trúng tôm, anh Châu bồ bịch, ăn chơi xả
láng. Khi mọi chuyện đến tai chị Loan thì anh Châu đã sống
như vợ chồng với một cô gái bán bia ôm và họ sắp có con. Vợ
chồng anh ra tòa ly dị, chia đôi tài sản là căn nhà. Chị
Loan dành phần nuôi con. Đễ giữ lại căn nhà, chị Loan phải
vay mượn đưa cho anh Châu phân nửa tiền trị giá căn nhà.
Ly dị xong, anh Châu dọn đến sống với
cô gái bán bia ôm. Một thời gian sau, chị Loan xin được công
việc làm khá hơn. Nếu việc làm của chị thuận lợi bao nhiêu,
thì anh Châu ngược lại. Số tiền chia đôi căn nhà, anh Châu
bung ra làm ăn lớn. Không may cho anh, càng làm càng thua
lỗ. Vốn liếng chẳng những không còn mà nợ nần chồng chất.
Nhà cũng chẳng có, vợ chồng con cái phải trú tạm trong trại
tôm giữa đồng không mông quạnh. Nhìn cuộc sống thảm hại của
anh bây giờ và cuộc sống khá giả của chị Loan ai cũng xót và
tiếc cho anh.
Anh Châu mặc cảm chẳng dám về thăm con,
thậm chí ngày con thi đậu vào trường chuyên anh cũng chẳng
dám gọi điện thoại chúc mừng, càng lúc anh càng thấy mình
thấp kém so với vợ cũ và mối quan hệ cha con ngày càng xa.
Lúc này chị Loan bắt đầu hả hê :
- Quả báo nhãn tiền, gieo nhân nào, gặt
quả ấy.
Mang tâm trạng của người chiến thắng
trước sự thất bại của người chồng cũ, gặp ai chị Loan cũng
kể lể với giọng điệu như trả thù được người đã gieo cho mình
nhiều đau khổ trong quá khứ. Ngay cả với con cái, lúc nào
chị cũng chì chiết :
- Ba chúng mày chắc sáng mắt ra rồi, vợ
đẹp con ngoan không chịu, đi theo cái đồ tào lao, giờ chẳng
ra sao, thật đáng kiếp.
Chị đâu có biết rằng dù anh Châu có phụ
rẫy chị đi chăng nữa, anh cũng vẫn là ba của các cháu. Sự hả
hê của chị làm cho các con đau lòng.
Tiếp đến là trong phạm vị xã hội.
Thứ nhất, tiền đã làm bạc mất tình
nghĩa thày trò.
Vì tiền, người ta sẵn sàng lừa thày.
Một câu chuyện quá quen thuộc mà nhiều người trong chúng ta
đã biết, đó là câu chuyện của Giuđa.
Giuđa là một người môn đệ được Đức Kitô
tuyển chọn, yêu thương và đặt vào trong nhóm 12 tông đồ, là
những người thân cận với Ngài. Thế nhưng, vì lòng đam mê
tiền bạc, Giuđa đã bán Ngài bới giá 30 đồng bạc, giá mua một
tên nô lệ, để rồi Ngài đã bị đóng đanh vào thập giá như một
tên tội phạm.
Thứ hai, tiền đã làm bạc mất tình nghĩa
bè bạn.
Vì tiền, người ta sẵn sàng phản bạn.
Đúng thế, bạn bè một thời đã đồng lao cộng khổ, đã nằm gai
nếm mật để cùng nhau theo đuổi một lý tưởng, một mục đích
nào đó, thế nhưng chỉ vì những quyền lợi riêng tư người ta
sẵn sàng quay lưng chống lại nhau. Hay chỉ vì chia chác
không đều những lợi nhuận, người ta cũng sẵn sàng đấm đá và
cấu xé lẫn nhau.
Nhất là khi người bạn sa cơ thất thế,
người ta bèn quay phắt 180o, biến bạn thành thù để tránh đi
những liên lụy, như ca dao đã diễn tả :
- Trong
tay có sẵn đồng tiền,
Dẫu
lòng đổi trắng thay đen khó gì.
Tiền bạc
có uy lực riêng của nó. Tuy nhiên, uy lực ấy không phải là
vô song và tuyệt đối như người ta vốn thường sánh ví :
Tiền bạc
có thể mua được một ngôi nhà, nhưng không mua được một mái
ấm.
Tiền bạc
có thể mua được một chiếc giường êm ấm, nhưng không mua
được giấc ngủ ngon lành.
Tiền bạc
có thể mua được chiếc đồng hồ, nhưng không mua được thời
gian.
Tiền bạc
có thể mua được sách vở, nhưng không mua được kiến thức.
Tiền bạc
có thể mua được địa vị, nhưng không mua được lòng tin phục.
Tiền bạc
có thể mua được thuốc men, nhưng không mua được sức khẻo.
Tiền bạc
có thể mua được tình dục, nhưng không mua được tình yêu….
Và để kết
luận, gã xin kể lại một mẩu chuyện như sau.
Anh kia
cho người bạn vay một số tiền. Tới hẹn, người bạn không có
khả năng chi trả, nên tìm cách lẩn trốn. Ngày nọ anh ta bỗng
nhìn thấy người bạn đang đi trên hè phố. Anh ta vội chạy
tới, khiến người bạn không thể lánh mặt. Anh ta nhìn người
bạn và nói :
- Này bạn,
tôi thà mất tiền còn hơn là mất bạn.
Gã Siêu
gasieu@gmail.com
|
VỀ MỤC LỤC |
|
- Mọi liên lạc:
Ghi danh, thay đổi địa chỉ, đóng góp ý kiến, bài vở..., xin
gởi về địa chỉ
giaosivietnam@gmail.com
- Những nội dung sẽ được đề cao và chú ý bao gồm:
Trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm thực tế trong việc mục
vụ của Giáo sĩ; Những tài liệu của Giáo hội hoặc của các
Tác giả nhằm mục đích Thăng tiến đời sống Giáo sĩ; Cổ võ ơn
gọi Linh mục; Người Giáo dân tham gia công việc “Trợ lực
Giáo sĩ” bằng đời sống cầu nguyện và cộng tác trong mọi lãnh
vực; Mỗi Giáo dân phải là những “Linh mục” không có chức
Thánh; Đối thoại trong tinh thần Bác ái giữa Giáo dân và
Giáo sĩ… (Truyền giáo hay xây pháo đài?)
- Quy vị cũng có
thể tham khảo những số báo đã phát hành tại
www.conggiaovietnam.net
Rất mong được sự
cộng tác, hưởng ứng của tất cả Quí vị
Xin chân thành
cám ơn tất cả anh chị em đã sẵn lòng cộng tác với chúng tôi
bằng nhiều cách thế khác nhau.
TM. Đặc San Giáo Sĩ Việt Nam
Lm. Luca
Phạm Quốc Sử
USA
|
|
*************
|
|