I. Nhập đề : hướng
nhìn người linh mục từ Trentô đến Vatican II
Thần học về
chức linh mục của Công Đồng Trentô đã kế thừa trực tiếp gia sản của
thần học kinh viện, nhất là của thánh Tôma, bằng cách khởi đi từ
chức tư tế và tương quan giữa chức tư tế và hy tế (sacerdoce et
sacrifice). Trong văn bản chính thức bằng tiếng La tinh, linh mục
được gọi là sacerdos và thỉnh thoảng mới được gọi là presbyter. Linh
mục được định nghĩa như là người cử hành Thánh Thể và tha tội [1].
Để hiểu lý
do tại sao Công Đồng Trentô có cái nhìn ưu tiên này về chức linh mục,
ta cần đặt Công Đồng này vào trong bối cảnh lịch sử, trong những
điều kiện và những ý hướng của Công Đồng, và phải áp dụng khoa chù
giải (herméneutiques) để lý giải Công Đồng này.
Trước hết,
Công Đồng đã bị hạn chế bởi cuộc tranh luận trực tiếp với nhóm Cải
Cách-Tin Lành. Nhóm này phủ nhận tính chất hy tế của Thánh Lễ và phủ
nhận chức linh mục hữu hình và công khai, vì thế, Công Đồng đã phải
phân chia công việc của mình thành hai lãnh vực song đối với nhau :
một mặt thuộc lãnh vực tín lý, mặt khác phải đề ra những cuộc canh
tân trong nội bộ Giáo Hội.
Khi các nhà
Cải Cách, đặc biệt là Luther, chỉ coi chức linh mục là thừa tác vụ
rao giảng Lời Chúa (ministère de la Parole), thì Công Đồng, vì phản
ứng lại, nên đã không muốn nói đến chức năng ấy trong Sắc lệnh tín
lý (Décret dogmatique) để tỏ ra không nhượng bộ đối phương. Nhưng
trong Sắc lệnh về việc canh tân Giáo Hội, (Décret de réformation),
Công Đồng lại thường xuyên nhắc rằng các giám mục, các cha quản xứ
và toàn thể các linh mục có bổn phận phải rao giảng Lời Chúa. Hơn
nữa, Công Đồng còn khẳng định rằng “rao giảng Tin mừng là trách vụ
chính yếu của các giám mục”[2]. Sắc lệnh canh tân của Công Đồng
Trentô đã diễn tả minh bạch ba nhiệm vụ của chức linh mục thừa tác
như sau :
“Huấn lệnh
của Thiên Chúa đòi buộc tất cả những ai được giao trách nhiệm chăm
sóc các linh hồn phải biết các con chiên của mình; phải dâng hy lễ
cho họ; phải nuôi dưỡng họ bằng việc rao giảng Lời Chúa, bằng việc
cử hành các Bí tích và bằng gương mẫu của các việc lành; phải chăm
sóc người nghèo và những người bất hạnh với tình phụ tử và phải chăm
chú vào những trách nhiệm mục vụ khác”[3].
Cũng trong
chiều hướng này, từ nay khả năng giáo huấn dân Chúa sẽ là một điều
kiện cần thiết để được phong chức.
Như vậy, vì
phải chống lại Tin Lành, nên trong Sắc lệnh tín lý, Công Đồng phải
ưu tiên bàn về quyền Bí tích của chức linh mục. Công Đồng giải thích
lý do Chúa Giêsu thiết lập chức linh mục là để cho Hy tế Thập giá
được hiện tại hoá trong Hy tế Thánh Thể, và vì có hy tế Thánh Thể,
nên phải có người cử hành : “Vì hy tế Thánh Thể hữu hình, nên phải
có chức tư tế hữu hình”[4].
Hướng nhìn
về chức linh mục như thế sẽ làm nổi bật lên quyền bính của linh mục
và sự khác biệt thuộc bản chất giữa linh mục và người giáo dân. Từ
đó, người ta nhìn linh mục như người cao trọng, người có quyền tế lễ,
có quyền làm cho bánh và rượu trở nên Mình và Máu Đức Kitô, có quyền
tha tội. Linh mục là “Chúa Kitô thứ hai” (Alter Christus), linh mục
“cao trọng hơn các thiên thần”.
Thừa tác vụ
rao giảng của linh mục không được bàn đến trong Sắc lệnh tín lý, vì
để chống lại các nhà cải cách. Như thế, Công Đồng đã muốn nói tới
cái tối thiểu bằng cách cho thấy những khẳng định của mình đối
nghịch lại với những khẳng định của các nhà Cải cách.
Như vậy,
nếu ngày nay ta muốn hiểu Công Đồng Trentô, thì ta phải đi xa hơn
việc tham chiếu Sắc lệnh tín lý. Với Sắc lệnh thành lập các chủng
viện, Công Đồng đã góp phần đào tạo khuôn mặt mới của người linh mục-
mục tử (prêtre pasteur), vì càng được huấn luyện thì càng có khả
năng loan báo Lời Chúa.
Khởi điểm
thần học về chức linh mục của Công Đồng Trentô là nhìn chức linh mục
trong tương quan với các Bí tích, đặc biệt là Thánh Thể, trong khi
đó, Công đồng Vatican II đã suy tư về chức linh mục trong một không
gian rộng lớn hơn, đặt chức linh mục trong mầu nhiệm Giáo Hội và sứ
vụ của Giáo Hội.
Khi đặt
chức linh mục trong mầu nhiệm Giáo Hội và sứ vụ của Giáo Hội, ngoài
chức năng thánh hoá, chúng ta thấy còn hai chức năng khác : chức
năng trong tương quan mục vụ mà trong đó người linh mục làm chứng
cho Tin mừng và chức năng phục vụ cho ân sủng nơi tâm hồn các tín
hữu, nhờ việc linh hoạt và đồng hành với cộng đoàn.
Thượng Hội
Đồng Giám Mục năm 1990 đã hướng những mối ưu tư và những suy nghĩ
của mình vào vấn đề gia tăng ơn gọi linh mục, vào việc đào tạo – sao
cho các ứng sinh hiểu biết và nối gót theo Chúa Giêsu, đồng thời học
tập cử hành và sống Bí tích Truyền Chức Thánh là bí tích làm cho họ
nên đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô là Đầu và Mục Tử, là Tôi Tớ và
Phu Quân của Giáo Hội – và vào việc xác định những đường hướng đào
tạo trường kỳ thích hợp để nâng đỡ cách thiết thực và hữu hiệu chức
vụ và đời sống thiêng liêng của các linh mục.
Đức Giáo
Hoàng Gioan-Phaolô II, trong Tông Huấn hậu Thượng Hội Đồng Giám Mục
“Pastores dabo vobis” đã nói đến cội nguồn của thừa tác vụ linh mục
là mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi, mục đích của thừa tác vụ linh mục
là phục vụ Giáo Hội và cứu độ thế giới với hướng đi truyền giáo thật
bao la, chứ không hạn hẹp, và quy chiếu về Chúa Kitô là chìa khoá
tuyệt đối cần thiết để có thể thấu hiểu thực tại linh mục[5].
Chức linh
mục ngày nay được nhìn từ một chân trời thật bao la, nhìn trong
tương quan với sứ vụ của Giáo Hội, và sứ vụ này tiếp nối sứ vụ của
Chúa Kitô. Hướng nhìn chức linh mục như vậy, vừa khởi đi từ giáo hội
học hiệp thông và Kitô học, nó không cho phép chúng ta “giảm thiểu
tối đa” căn tính của người linh mục chỉ còn lại như một nhân vật
“thánh thiêng” cử hành bí tích hay người “phân phát các bí tích”.
Qua con
đường lịch sử, chúng ta thấy rằng đối với Công Đồng Trentô, nội dung
của chức linh mục là “quyền tư tế”, là “quyền thánh chức” (potestas
ordinis), quyền cử hành Thánh Thể, linh mục là người tế lễ. Đối với
Vatican II, nội dung chức linh mục được lồng trong một không gian
rộng lớn hơn, đó là sứ vụ rao giảng Tin Mừng của Giáo Hội và rằng
tất cả công cuộc Tin mừng hoá hướng về Hy Tế Thánh Thể. Như vậy,
cùng một lúc, linh mục là thừa tác viên Lời Chúa, thừa tác viên các
bí tích và người lãnh đạo cộng đoàn.
Trong bài
chia sẻ này, chúng ta sẽ suy nghĩ về tương quan giữa linh mục và Lời
Chúa, hay nói khác đi, linh mục là thừa tác viên Lời Chúa.
II. LINH MỤC LÀ THỪA
TÁC VIÊN LỜI CHÚA
Trong ba
chức năng : rao giảng, thánh hóa và lãnh đạo của linh mục, Tông huấn
hậu Thượng Hội Đồng Giám Mục “Pastores dabo vobis” đã nói đến chức
năng đầu tiên của linh mục là rao giảng Tin Mừng :
“Trước hết,
linh mục là thừa tác viên Lời Chúa. Linh mục được hiến thánh và sai
đi để loan báo Tin Mừng Nước Trời cho mọi người, mời gọi mọi người
vâng phục đức tin và hướng dẫn các tin hữu, để mỗi ngày họ một hiểu
biết và thông hiệp sâu xa hơn vào mầu nhiệm của Thiên Chúa, đã được
Đức Kitô mạc khải và truyền đạt cho chúng ta”[6].
Linh mục,
thừa tác viên của Lời Chúa, nhưng không phải trong tư cách là “chủ”
mà là “tôi tớ”, “kẻ phục vụ” Lời. Đây cũng là ý nghĩa nguyên thủy
của chữ “thừa tác” (diakonia = ministeria = phục vụ) trong Tân ước
Các tông đồ
đã dạy cho Giáo Hội phải dứt khoát ngăn chặn nguy cơ muốn trở thành
“chủ” của Lời khi xưng nhận mình và những người kế vị chỉ là những
“tôi tớ của Lời Chúa” (Lc 1,2; Cv 6,4; Rm 1,1).
Là “tôi tớ
của Lời” có nghĩa là phải phục vụ Lời. Theo cha Raniero Cantalamessa
thì “công việc phục vụ Lời” đòi buộc những thừa tác viên Lời phải có
một số thái độ tinh thần cụ thể[7]:
Thái độ
trước nhất phải có là sự nhất quán giữa Lời Chúa được rao giảng với
đời sống người rao giảng. Đây là cách phục vụ Lời Chúa tiên quyết và
căn bản. Các tôi tớ của Lời Chúa phải là những người tuân theo Lời
Chúa. Nếu rao giảng mà không sống thì đâu có khác gì các ký lục và
biệt phái đã từng bị Chúa Giêsu quở trách khi Ngài căn dặn dân chúng
: “Những gì họ nói, anh em hãy làm, hãy giữ; nhưng đừng theo hành
động của họ mà làm, vì họ nói mà không làm. Họ bó những gánh nặng mà
chất lên vai người khác, nhưng chính họ thì lại không buồn động ngón
tay lay thử” (Mt 23,3-4).
Chúng ta
thử suy nghĩ thì sẽ thấy có một điều gì “bất ổn” khi một đàng những
người rao giảng Lời Chúa cao rao một lý tưởng cao đẹp nhưng đàng
khác bản thân lại sống mâu thuẫn, chẳng hạn như họ hô hào người khác
dấn thân “vào con đường hẹp”, còn chính họ lại vi vút giữa đại lộ
thênh thang. Nếu như thế thì làm sao con người ngày nay, những con
người khao khát sự trung thực có thể tin được, như Đức Giáo Hoàng
Phaolô VI đã cảnh giác những người rao giảng Tin Mừng trong Tông
huấn “Loan báo Tin Mừng” thời danh của ngài :
“Ngày nay,
người ta thường hay lặp đi lặp lại rằng : thế kỷ này khao khát sự
trung thực. Nhất là khi nói tới giới trẻ, người ta quả quyết rằng họ
ghê tởm những gì là giả tạo, giả mạo và tìm kiếm chân lý và sự trong
sáng trên tất cả. Chúng ta phải tỉnh táo trước những “dấu chỉ thời
đại” ấy. Âm thầm hay lớn tiếng, thiên hạ luôn luôn vặn hỏi chúng ta
: Các người có thực sự tin điều các người loan báo không ? Các người
có sống điều các người tin không ? Các người có rao giảng thực sự
điều các người sống không ? Hơn bao giờ hết, làm chứng bằng đời sống
đã trở thành một điều kiện thiết yếu để việc rao giảng có hiệu quả
thâm sâu. Bằng ngả này, chúng ta lại chịu trách nhiệm, đến một mức
độ nào đó, về bước tiến của Tin Mừng mà chúng ta công bố”[8].
Đối với con
người ngày nay thì Lời đã được sống, Lời đã trải nghiệm mới có một
sức mạnh thuyết phục những kẻ nghe.
Tuy nhiên,
nhìn vào bản thân, chúng ta đều mang một kinh nghiệm này là cuộc đời
chúng ta còn quá xa với Lời Chúa, còn có một hố sâu ngăn cách giữa
Lời và thân phận yếu đuối của con người, “chúng ta giữ kho tàng này
trong những bình sành dễ vỡ” (x. 2Cr 4,7). Nếu chưa có được sự nhất
quán giữa đời sống thừa tác viên và Lời Chúa thì trước tiên phải có
sự khiêm nhường. Đây là thái độ tinh thần thứ hai cần thiết cho
những “tôi tớ của Lời Chúa”. Họ phải tự xóa nhòa bản thân mình trước
sự hiện diện của Lời Chúa, phải khước từ vinh quang cho riêng mình.
Thừa tác viên Lời Chúa thực sự phải là người có lối suy nghĩ như
thánh Gioan Tẩy Giả, “tôi chỉ là tiếng kêu” (x. Ga 1,23), mãi mãi
chỉ là tiếng kêu của Lời Chúa mà thôi, và như thánh Phaolô, “không
rao giảng bản thân, nhưng rao giảng Đức Giêsu Kitô là Chúa”.
Đề cập đến
lòng khiêm tốn làm tôi liên tưởng tới thánh Augustinô. Ngài đã nhìn
chức giám mục của ngài thật khiêm tốn. Ngài luôn quy chiếu chức giám
mục vào Chúa Kitô, vị Mục Tử duy nhất và nhân lành, Tôi Tớ phục vụ
và hiến dâng mạng sống mình vì muôn người. Thầy Dạy và người Chỉ Đạo
duy nhất. Đối với thánh Augustinô, giám mục là người được Thiên Chúa
đặt lên làm mục tử để chăm sóc và bảo vệ dân Chúa, nhưng chỉ mình
Đức Kitô mới thực sự là Mục Tử và người Bảo Vệ dân, giám mục là thầy
dạy Lời Chúa, nhưng cả giám mục lẫn giáo dân đều ở dưới mái trường
duy nhất của Đức Kitô :
“Chúng tôi
làm việc để bảo vệ, nhưng lao khổ của chúng tôi cũng hoài công, nếu
Ngài, Đấng thấu suốt tư tưởng anh em, lại không gìn giữ. Nhưng dù
anh em thức hay anh em ngủ, Ngài vẫn hằng canh giữ anh em […]. Chúng
tôi quả là người bảo vệ anh em, xem đó như là bổn phận nằm trong
trách vụ của chúng tôi, nhưng chúng tôi muốn chính mình cũng được
gìn giữ cùng với anh em. Theo một nghĩa, quả thực chúng tôi là mục
tử cho anh em, nhưng dưới cây gậy của cùng một vị Mục Tử, thì chúng
tôi là con chiên cùng với anh em. Theo một nghĩa, từ chỗ đứng này,
chúng tôi là những người giảng dậy cho anh em, nhưng dưới sự hướng
dẫn của Vị Thầy duy nhất, thì tại đây, chúng tôi ở dưới cùng một mái
trường với anh em và chúng tôi là bạn đồng môn với anh em”.[9]
Thánh
Augustinô cho rằng một quan niệm về chức giám mục quá nhấn mạnh đến
quyền bính, uy tín, địa vị, lợi ích cá nhân, dưới bất cứ hình thức
nào, mà lơ là với những đòi hỏi phải hoàn toàn hiến thân cho chức
năng, rõ ràng đi ngược lại với cái nhìn về chức tư tế phát xuất từ
Thánh Kinh và Truyền thống Giáo Hội.
Thừa tác
viên Lời Chúa còn phải tạo được mối thân tình sâu sa với Lời Chúa
bằng một con tim mềm mại và cầu nguyện. Đó là thái độ tinh thần mà
mỗi ngày thừa tác viên Lời Chúa phải “nuốt lấy Lời”. Niềm vui hạnh
ngộ giữa thừa tác viên rao giảng và Lời Chúa thật mênh mông dạt dào,
tương xứng với nỗi nhọc nhằn phải chịu trong thời gian tìm tòi và
đợi trông. Ngôn sứ Giêrêmia đã mô tả phút giây đặc biệt này như sau
: “Các Lời của Người, vừa gặp được, tôi đã ngốn lấy; Lời Người là sự
sướng vui cho tôi, niềm hoan lạc của lòng tôi”. (Gr 15,16).
Thánh Kinh
đã sử dụng hình ảnh này nhiều lần để diễn tả giây phút Thiên Chúa
ban Lời Người cho các ngôn sứ của Người. Êzêchiel cũng sử dụng hình
ảnh này :
“Tôi nhìn,
thì kìa có bàn tay đưa về phía tôi, bàn tay đó cầm một cuộn sách,
rồi mở ra trước mặt tôi; sách được viết cả mặt trong lẫn mặt ngoài,
trong đó có viết những khúc ai ca, những lời than vãn và những câu
nguyền rủa." Đức Chúa phán với tôi : "Hỡi con người, thấy gì, cứ
việc ăn ! Hãy ăn cuộn sách này rồi đi nói với nhà Ít-ra-en.". Tôi mở
miệng ra, và Người cho tôi ăn cuộn sách ấy. Người lại phán với tôi :
"Hỡi con người, hãy ăn cho no bụng và nuốt cho đầy dạ cuộn sách Ta
ban cho ngươi đây." Tôi đã ăn cuộn sách, và nó ngọt như mật trong
miệng tôi” (Ed 2,9-3, 3).
Hình ảnh
này lại xuất hiện một lần nữa trong sách Khải Huyền với việc thêm
vào một yếu tố quan trọng khác: “cuốn sách nhỏ” thực sự vẫn “ngọt
ngào như mật” trong miệng, nhưng rồi biến thành “đắng đót” trong
lòng dạ của vị ngôn sứ :
“Rồi tiếng
tôi đã nghe từ trời, lại nói với tôi và bảo : "Hãy đi lấy cuốn sách
mở sẵn trong tay thiên thần đang đứng trên biển và đất.". Tôi đến
gặp thiên thần và xin người cho tôi cuốn sách nhỏ. Người bảo tôi :
"Cầm lấy mà nuốt đi ! Nó sẽ làm cho bụng dạ ông phải cay đắng, nhưng
trong miệng ông, nó sẽ ngọt ngào như mật ong.". Tôi cầm lấy cuốn
sách nhỏ từ tay thiên thần và nuốt đi. Trong miệng tôi nó ngọt ngào
như mật ong, nhưng khi tôi nuốt rồi, thì bụng dạ tôi cay đắng” (Kh
10,8-10).
Quyển sách
ở đây tượng trưng cho sứ điệp cụ thể mà vị ngôn sứ được mời gọi công
bố trong một hoàn cảnh cụ thể, nhưng rõ ràng cũng tượng trưng cho
Lời Chúa nói chung. Thiên Chúa nói với vị ngôn sứ : “Cầm lấy quyển
sách mà nuốt đi”. Giữa việc đọc hay nghiên cứu một quyển sách với
việc nuốt lấy nó có một sự khác biệt lớn lao. Trong trường hợp thứ
nhất, quyển sách vẫn còn ở bên ngoài, tương quan giữa thừa tác viên
và Lời Chúa vẫn còn là tương quan gián tiếp và còn ngăn cách. Lời
Chúa chỉ đi qua đôi mắt hoặc não bộ. Trong trường hợp thứ hai, Lời
Chúa được “nhập thể” trong thừa tác viên, “lời đã trở thành thịt”,
một lời sống động và hiệu năng.
Trong Tông
huấn “Pastores dabo vobis”, Đức Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II đã suy
niệm về mối tương quan này như sau :
“Vì thế,
chính linh mục trước tiên phải tạo được một mối thâm tình sâu đậm
giữa bản thân mình với Lời Chúa. Khía cạnh ngữ học hoặc chú giải mặc
dầu cần thiết, vẫn chưa đủ để gọi là hiểu biết Lời Chúa. Linh mục
phải đón nhận Lời Chúa với một tấm lòng mềm mại và nguyện cầu để cho
Lời Chúa thấm nhập đến tận sâu thẳm ý nghĩ và tình cảm của mình và
làm nẩy sinh nơi mình một tinh thần mới, làm nẩy sinh “tư tưởng của
Chúa” (1Cr 2,16)[10].
Để mang Lời
Chúa, thừa tác viên không những phải có sự nhất quán và khiêm
nhường, một tấm lòng mềm mại và cầu nguyện, mà còn phải đơn sơ và
khó nghèo. Thánh Phaolô mời gọi các tín hữu Thessalonica cầu nguyện
cho những người rao giảng Tin Mừng “để lời Chúa được phổ biến mau
chóng và được tôn vinh, như đã thấy nơi anh em” (2Tx 3,1).
Thánh
Phaolô có lần tâm sự với môn đệ Timôthê yêu dấu về việc ngài không
bao giờ để cho Lời Chúa bị xiềng xích, mặc dù bản thân ngài đang bị
xiếng xích : “Cha đang chịu đau khổ, cha còn phải mang xiềng xích
như một tên gian phi, nhưng Lời Chúa không bị xiềng xích” (2Tm 2,9).
Qua tâm sự này, thánh Phaolô có ý nói rằng điều quan trọng là đừng
để Lời Chúa bị xiềng xích, còn mọi chuyện khác đều không thành vấn
đề.
Một cách
nào đó, Lời Chúa bị xiếng xích, kềm hãm khi những người mang Lời cậy
dựa quá nhiều vào sự khôn ngoan loài người – theo cách nói của Chúa
Giêsu – là có quá nhiều áo khoác và hành trang quá nặng đè lên vai
người tông đồ (x. Lc 10,4), chẳng hạn như tham vọng thu quén hào
nhoáng cho bản thân, thói quan liêu và chủ nghĩa giáo sĩ, não trạng
thích dùng những từ ngữ tù mù, không sao hiểu được hay là cổ võ
những kinh nghiệm chủ quan làm lu mờ Tin Mừng. Những thứ này đã gâm
nhấm Lời Chúa, làm cho Lời Chúa xa vời với cuộc sống và không được
người nghe đón nhận.
Vì rao
giảng Lời Chúa không chỉ là một sự chuyển giao một sứ điệp trên bình
diện tri thức, nhưng là ‘quyền lực của Thiên Chúa để cứu rỗi những
kẻ tin’ (Rm 1,16) được thực hiện cho mọi thời đại trong Đức Kitô,
cho nên việc giảng dạy này nơi Giáo Hội đòi hỏi các thừa tác viên
phải có một nền tảng siêu nhiên hầu bảo đảm tính xác thực và hiệu
năng của sứ điệp, như cách diễn tả sau đây của Pastores dabo vobis :
“Bởi đó,
những lời nói và hơn nữa những lựa chọn, những thái độ của linh mục
phải làm sao để ngày càng nên trong suốt hơn đối với Tin Mừng, để
loan báo Tin Mừng và làm chứng cho Tin Mừng. Chỉ bằng cách “ở trong”
Lời Chúa mà linh mục có thể trở nên môn đệ hoàn hảo của Chúa, có thể
thấu triệt chân lý và có thể thực sự trở nên tự do, vượt qua mọi
trạng huống trái nghịch hoặc xa lạ với Tin Mừng. (x. Ga
8,31-32)”[11].
III. LINH MỤC, THÙA
TÁC VIÊN CỦA LỜI “NHÂN DANH ĐỨC KITÔ VÀ NHÂN DANH GIÁO HỘI”
Linh mục
loan báo Lời Chúa với tư cách là thừa tác viên của Lời “nhân danh
Đức Kitô (in persona Christi) và nhân danh Giáo Hội (in persona
Ecclesiae). Đây là một thừa tác vụ xuất phát từ bí tích Truyền Chức
và được thực hành nhờ quyền bính của Đức Kitô. Điều này có nghĩa là
khi loan báo Lời Chúa, linh mục tham dự vào quyền làm ngôn sứ của
Đức Kitô là Đầu và Mục Tử và của Giáo Hội trong tư cách là thừa sai
của Đức Kitô, “Như Chúa Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em”. (Ga
20,21).
Là thừa tác
viên của Lời “nhân danh Đức Kitô” có nghĩa là linh mục phải lệ thuộc
vào Đức Kitô theo cách diễn tả sống động sau đây của Pastores dabo
vobis :
“Linh mục
phải là người đầu tiên tin vào Lời Chúa với ý thức tròn đầy rằng
những lời lẽ trong thừa tác vụ của mình không phải là “của mình”,
nhưng là của Đấng đã sai mình. Linh mục không phải làm chủ Lời Chúa
: linh mục là người phục vụ Lời. Không phải linh mục là người duy
nhất chiếm hữu Lời Chúa : linh mục là người mắc nợ Lời Chúa đối với
dân Thiên Chúa”[12].
Là thừa tác
viên Lời “nhân danh Đức Kitô” còn có nghĩa là, một cách nào đó, linh
mục được tham dự vào sứ mạng cứu rỗi của chính Lời, không những vì
các ngài nói về Đức Kitô, mà còn vì các ngài loan báo Tin Mừng cho
những kẻ nghe các ngài với chính quyền lực đã kêu gọi các ngài, một
quyền lực do việc các ngài tham dự vào sự hiến thánh và sứ mạng của
Đức Giêsu, Ngôi Lời Thiên Chúa nhập thể. Những lời này của Chúa vẫn
còn vang vọng trong tai các thừa tác viên “Ai nghe anh em là nghe
Thầy, ai khước từ anh em là khước từ Thầy”. (Lc 10,16)
Là thừa tác
viên của Lời Chúa “nhân danh Giáo Hội” trong tư cách là Mẹ và Thầy
(Mater et Magistra), linh mục là thầy dạy Lời Chúa. Tham dự vào chức
năng thầy dạy của Giáo Hội, linh mục được mời gọi chuyển đạt Tin
Mừng trong tính toàn vẹn của nó. Điều này mời gọi linh trau dồi nơi
mình một sự nhạy cảm, một trạng thái sẵn sàng và một sự gắn bó đặc
biệt đối với Truyền Thống sống động của Giáo Hội và đối với Huấn
Quyền của Giáo Hội. Tất cả mọi điều ấy không xa lạ đối với Lời Chúa
nhưng góp phần vào việc cắt nghĩa Lời Chúa được chuẩn xác hơn và bảo
vệ ý nghĩa trung thực cho Lời Chúa.
IV. LỜI CHÚA VÀ LỜI
CHÚNG TA : DUYỆT LẠI LỜI RAO GIẢNG CỦA CHÚNG TA
Ngôn sứ
Giêrêmia đã cho chúng ta nghe tuyên sấm của Giavê nói với Dân Israel
về các tiên tri giả :
“Đức Chúa
các đạo binh phán như sau : đừng nghe lời các ngôn sứ tuyên sấm,
chúng phỉnh phờ các ngươi; điều chúng nói chỉ là thị kiến do tưởng
tượng, chứ không phải do miệng Đức Chúa phán ra.
Ngôn sứ có
chiêm bao thì cứ thuật lại giấc chiêm bao, còn người đón nhận lời
Ta, thì hãy trung thành nói lại lời Ta !
Rơm với lúa
có gì chung nhau không ?
Sấm ngôn
của Đức Chúa.
Lời của Ta
lại chẳng giống như lửa, chẳng giống như búa đập tan tảng đá sao ?
Sấm ngôn
của Đức Chúa.
Vì thế, này
Ta chống lại các ngôn sứ ăn cắp lời của Ta phán với kẻ này người kia
Sấm ngôn
của Đức Chúa” (Gr 23,16. 28-30)
Một cách
nào đó, Thiên Chúa đã chất vấn các tiên tri giả về việc họ đánh tráo
Lời Chúa làm lời của họ và lời của họ làm lời của Chúa. Rơm với lúa
đâu có gì chung với nhau thì Lời Chúa và lời con người cũng đâu có
gì chung với nhau !
Các tiên
tri giả là những kẻ không trình bày Lời Chúa trong sự tinh ròng
nguyên tuyền, nhưng làm nhạt nhẽo và suy yếu Lời Chúa bằng bao nhiêu
hư từ, quá nhiều lời tầm thường và vô vị và từng ngàn lời phàm trần
phát ra từ tâm địa của họ. Họ “bóp méo” và “xuyên tạc” Lời Chúa, nói
theo ngôn ngữ của thánh Phaolô. (x. 2Cr 2,17; 4,2).
Chúng ta
hãy để cho Lời Chúa chất vấn chúng ta, biết đâu có lúc tôi đã tiên
tri giả ! Nhiều lúc người tín hữu giáo dân xin bánh nhưng họ chỉ
nhận được hòn đá (x. Mt 7,9), bởi vì các hư từ, các từ ngữ chết thì
lám sao có thể giảm được cơn đói Lời Chúa của người tín hữu, chữ
nghĩa suông mà không có cầu nguyện chiêm niệm thì làm sao có thể làm
vui lòng Thiên Chúa khi rao giảng Lời Người.
Thế giới và
con người thời đại đã quá ngán ngẩm các từ ngữ rỗng tuếch, các biểu
ngữ không có hồn. Chúng ta cần công bố “một thời kỳ chay tịnh” ngôn
từ. Lời của Môsê xưa kia kêu gọi dân Israel hãy đi vào trong cõi
tĩnh lặng để biết lắng nghe và đón nhận Lời của Giavê “Hãy im tiếng
đi, hỡi nhà Israel, hãy lắng nghe” (Đnl 27,9) như muốn gửi đến từng
anh em chúng ta rằng “Phải là người cầu nguyện trước khi làm người
rao giảng”[13].
Lời Chúa
sống động và hữu hiệu phát ra từ miệng lưỡi chúng ta để xây dựng đời
sống các tín hữu sẽ tỉ lệ thuận theo mối tương quan mật thiết giữa
con tim chúng ta với tâm hồn và ánh nhìn của Thiên Chúa như Đức giáo
hoàng Phaolô VI nhận định trong Tông Huấn “Loan báo Tin Mừng” :
“Thế giới
tuy có vô vàn dấu hiệu từ khước Thiên Chúa, nhưng một cách nghịch
thường vẫn tìm kiếm Ngài bằng những đường nẻo bất ngờ và vẫn xót xa
cảm thấy cần đến Ngài, thế giới ấy đòi có những sứ giả Tin Mừng nói
về một Thiên Chúa mà họ biết và gần gũi như thể họ đã từng thấy Đấng
không thể thấy (x. Dt 11,27). Thế giới đòi hỏi và chờ đợi ở chúng ta
đời sống giản dị, tinh thần cầu nguyện, lòng yêu thương đối với mọi
người nhất là đối với những kẻ bé mọn và nghèo khó, đức vâng phục và
khiêm tốn, sự siêu thoát và từ bỏ chính mình và mọi sự. Không có dấu
hiệu về sự thánh thiện như thế, lời chúng ta nói sẽ khó đi vào lòng
của con người thời nay. Nó có thể thành vô ích và vô hiệu”[14].
Chúa Giêsu
chẳng bao giờ nói những lời hư từ. Những Lời Ngài nói đều là “những
lời đem lại sự sống đời đời” (Ga 6,68) như thánh Phêrô đã tuyên xưng
sau diễn từ về Bánh hằng sống. Ngài chỉ ban phát “những Lời Thiên
Chúa” (Ga 3,34) và chỉ nói những điều đã nghe dạy từ Chúa Cha (Ga
12,49).
Hiểu được
như thế, chúng ta sẽ không bao giờ dám dùng Lời Chúa để phục vụ lợi
ích của chúng ta hay phục vụ bất cứ một dự án nhân loại nào. Thiên
Chúa không chịu để cho Lời toàn năng của Người bị lạm dụng để làm
đẹp cho các bài diễn văn dịp này dịp khác hay để tôn vinh cá nhân.
Người cũng chẳng ban quyền năng linh thánh của Lời Người cho các bài
giảng đã được soạn sẵn nực mùi nhân loại. Trong thời gian gần đây,
Phúc âm đã bị khai thác một cách lạm dụng để làm chỗ dựa cho đủ thứ
dự án của con người, từ đấu tranh giai cấp đến thần học giải phóng,
từ thần học nữ quyền (feminist theology) đến chủ trương xác định
Thiên Chúa đã chết. Phúc âm có những lúc đã bị uốn cong để giảng sao
cũng được miễn là phù hợp về mặt xã hội với một giai đoạn nào đó.
V. HƯỚNG TỚI VIỆC RAO
GIẢNG LỜI CÓ HIỆU QUẢ
Mặc dù hiệu
năng của thừa tác vụ Lời tùy thuộc thiết yếu vào sự trợ giúp của
Chúa, nhưng nó cũng đòi hỏi sự hoàn hảo thuộc bình diện nhân loại ở
trình độ cao nhất có thể. Tài liệu của Bộ Giáo Sĩ “Linh mục và ngàn
năm Kitô giáo thứ ba : Thầy dạy Lời Chúa, Thừa tác viên bí tích và
người lãnh đạo cộng đoàn” ngày 19.3.1999 đã suy nghĩ về một số điều
kiện để rao giảng Lời có kết quả như sau[15]:
Việc giảng
dạy đòi hỏi linh mục phải đặc biệt lưu ý đến tầm quan trọng của sự
chuẩn bị xa. Việc chuẩn bị này được cụ thể hóa qua việc học hỏi và
tìm tòi những gì có thể giúp các linh mục trong khi chuẩn bị.
Là thầy dạy
Lời Chúa, linh mục phải có tính nhạy cảm mục vụ để nhận thức các vấn
đề thế giới ngày nay đang quan tâm và còn có thể đề ra những giải
pháp cho họ, như Sác Lệnh “về thừa tác vụ và đời sống linh mục” của
Công Đồng Vatican II đã nêu ra : “Ngoài ra, để trả lời thỏa đáng
những vấn đề do người thời nay nêu lên, các linh mục phải hiểu cho
thấu đáo những tài liệu của Huấn Quyền, nhất là của các Công Đồng và
của các đức giáo hoàng, cũng như phải tham khảo những tác giả thân
học thời danh nhất và đã được thừa nhận[16]” cũng như “sách Giáo Lý
Hội Thánh Công Giáo”.
Là thày dạy
Lời Chúa, ngoài việc chuẩn bị xa như chúng ta vừa nói, linh mục còn
cần chú ý đến sự chuẩn bị gần, một sự chuẩn bị cần thiết cho việc
giảng dạy Lời Chúa, điều này có nghĩa là trước khi giảng dạy phải
hỏi xem : “tôi đã sửa soạn kỹ lưỡng chưa ?” và “tôi định giảng dạy
những gì ?”.
Nguồn tài
liệu chính để giảng giải đương nhiên là Lời Chúa trong Kinh Thánh,
nhưng là Lời Chúa đã được nghiền ngẫm trong kinh nguyện cá nhân và
hấp thụ nhờ học hỏi cũng như tiếp xúc đầy đủ với những tài liệu xứng
hợp.
Kinh nghiệm
mục vụ cho thấy rõ rằng bản văn Kinh Thánh có sức mạnh thuyết phục
đánh động tâm hồn người nghe. Các Giáo Phụ và những tác giả lớn khác
của truyền thống Giáo Hội dạy chúng ta cách thức để thâm nhập ý
nghĩa Lời Mạc Khải và thông truyền Lời đó cho người khác. Điều này
rất khác xa với mọi hình thức của “thuyết duy văn tự Kinh Thánh”
(biblical fundamentalism) hay là của việc cắt xén làm thiệt hại đến
sứ điệp thần linh.
Linh mục
cũng phải trau dồi về các hình thức giảng giải. Chúng ta sống trong
thời buổi thông tin được đánh dấu bằng sự truyền thông nhanh chóng.
Sứ điệp của linh mục phải được trình bày một cách hấp dẫn.
Giống như
cách thức của Đức Kitô, bài giảng của linh mục phải tích cực, hào
hừng và lôi cuốn những người nam nữ tới chân, thiện, mỹ của Thiên
Chúa. Phải trau dồi một giọng nói vui tươi và sử dụng thứ ngôn ngữ
dễ hiểu đối với mọi người thuộc các tầng lớp xã hội khác nhau và cần
phải tránh thứ ngôn ngữ tầm thường vô vị.
“Chìa khóa’
nhân loại để giảng Lời cho hữu hiệu hệ tại việc các linh mục phải
biết những điều mình cần nói và luôn luôn có sự hỗ trợ do nghiêm túc
chuẩn bị xa hay gần. Điều này khác xa sự ứng biến của kẻ tài tử.
Khi giảng
dạy, linh mục phải biết những người đang nghe mình là ai, cũng như
hiểu biết đúng về thực tại hiện sinh và văn hóa của các giáo đoàn
mình phục vụ. Cần phải luôn tránh những lý thuyết và những điều tổng
quát trừu tượng.. Bởi đó, các linh mục phải biết đoàn chiên của mình
và dùng một kiểu nói hấp dẫn đánh động lương tâm hơn là làm tổn
thương dân chúng, cũng như không sợ phải nói đúng sự thật.
Cuối cùng,
các linh mục còn phải lưu tâm đến phong cách và sự hợp lý về thời
gian bài giảng cũng như việc sử dụng đúng tòa giảng.
VI. THAY LỜI KẾT
Trước khi
kết thúc bài chia sẻ này, chúng ta hãy cùng nhau đọc lại một lời
kinh thật đẹp của thánh Augustinô xin cho được ơn hiểu biết Lời Chúa
trong cuốn Lời Tự tình (Confesssions) của ngài :
“Xin hãy để
Lời Chúa nên nguôn vui thanh khiết cho con. Xin đừng để con bị lừa
lọc trong đó hay lấy đó mà lừa lọc người khác…Xin lắng nghe hồn con
và nghe tiếng than thở từ vực sâu kêu lên đến Chúa…Xin rộng ban cho
con thời giờ để suy ngắm các điều kín nhiệm của luật Chúa và đừng
đóng luật Chúa khi con gõ tìm. Vì chẳng phải vô cớ mà Chúa đã muốn
có ngần ấy trang sách viết đầy dẫy những điều kín nhiệm như thế… Ôi
lạy Chúa, xin hoàn tất việc Chúa nơi con và soi sáng những trang ấy
cho con ! Này đây tiếng Chúa là niềm hoan lạc của con; tiếng Chúa
vượt qua mọi niềm vui. Xin ban cho con điều con yêu mến… Đừng khước
từ thứ cỏ rả của Chúa khi nó đang đói khát Chúa… Chớ gì các điều bí
nhiệm trong Lời Chúa mở toang cho con khi con gõ tìm. Con nài xin
Chúa nhờ Đức Giêsu Kitô, …nơi Ngài tàng chứa mọi kho tàng khôn ngoan
và thông hiểu (Cl 2,3). Đây là những kho tàng mà con tìm trong các
sách của Chúa”[17]
Dường như
trong lời kinh này, thánh Augustinô đã sánh ví cơn đói khát Lời Chúa
của ngài giống như cỏ rả đang khao khát nước và hướng lời cầu xin
vào việc dành nhiều thời giờ để suy gẫm và cầu nguyện, bời vì, theo
ngài, nếu “Lời Chúa không được lắng nghe từ trong lòng thì họ (những
người rao giảng) sẽ thành kẻ huênh hoang rao giảng Lời Chúa ngoài
môi miệng”[18].
Việc suy
gẫm Lời Chúa trong kinh nguyện cá nhân của linh mục sẽ làm cho lời
rao giảng của các ngài có tinh thuyết phục, mạch lạc, xác tín, và
cũng từ nguồn mạch này, các ngài kín múc được lòng nhiệt thành hằng
ngày để rao giảng Tin Mừng.
--------------------------------------------------------------------------------
[1] Công đồng Trentô, khoá 23, Décret dogmatique, ch. 1 : Les
Conciles oecuméniques, Décrets (COD), Paris, Cerf, 1994, II-2, tr.
1509
[2] Công đồng Trentô, Décret de Réformation, can. 9 : COD II-2, tr.
1363. Khẳng định này được lập lại vào phiên họp 24, Décret de
Réformation, can. 4 : sđd, tr. 1551
[3] Công đồng Trentô, khoá 23 (nghĩa là chính khoá họp mà trong đó
ban hành sắc lệnh tín lý về Bí tích Truyền Chức), Décret de
Réformation, can. 14 : COD II-2, tr. 1513.
[4] DS 957
[5] PDV 12
[6] PDV 26
[7] Raniero Cantalamessa, The mystery of God’s Word (bản dịch Việt
ngữ của Matthia M. Ngọc Đính, CMC, Mầu nhiệm Lời Chúa, 2001, tr.
39).
[8] [8] EN 76
[9] Thánh Augustinô, Giải thích các Thánh vịnh 126,3
[10] PDV 26
[11] PDV 26
[12] PDV 26
[13] Thánh Augustinô, De doctrina christiana 4, 15, 32 : PL 34, 100
[14] EN 76
[15] Chương II, 2
[16] LM 19
[17] Thánh Augustinô, Lời Trần Tinh, 11, 2, 2-4
[18] Thánh Augustinô, Bài giảng 179, 1 : PL 38, 966
LM. Antôn Trần Đức
Khiết