Đặc San Giáo Sĩ Việt Nam

 

 

 

ĐỰƠC CHỌN GIỮA LOÀI NGƯỜI
VÀ CHO LOÀI NGƯỜI  (x. Dt, 5.1)

 

GIÁO SĨ:

Xuất phát từ giáo dân, hiện diện vì giáo dân và cậy dựa vào giáo dân

 

ĐỂ CÙNG LÀM VINH DANH THIÊN CHÚA

 

www.conggiaovietnam.net                          giaosivietnam@gmail.com

Đặc San Điện Tử    Giáo Sĩ Việt Nam    Số 70, Chúa Nhật 29.06.2008


MỤC LỤC 

Chương IV: Giáo Dân   Hiến Chế Tín Lý Về Giáo Hội -                                Lumen Gentium

“DẤU LẶNG” GIỮA ĐỜI THƯỜNG                                                                Anmai, C.Ss.R.

… HAY LÀ SỰ BỎ MÌNH (NHÂN GIỖ  LẦN THỨ 13 ĐỨC TGM...)           Lm. Vũ Xuân Hạnh

«MỘT TRONG CÁC NGƯƠI LÀ ĐẤNG CỨU THẾ»           Nhà văn Hương Vĩnh chuyển ngữ

Học Hỏi về Học Thuyết Xã Hội Công Giáo (tiếp tục)                                   Br. Huynhquảng

VĂN MINH TÌNH YÊU                                                                     Bác sĩ Nguyễn Tiến Cảnh

CỔ VÕ SỰ TỰ LẬP (2)                                                                             Lm. Lê Văn Quảng

CHÙM THƠ 6-8-6:   MUỐI CHO ĐỜI                                                       Trầm Tĩnh Nguyện

Nỗi Buồn Chiều Chúa Nhật                                                         Bút Xuân TRẦN ĐÌNH NGỌC 

BÁO CHÍ ANH LOAN BÁO TỔNG THỐNG BUSH CÂN NHẮC SUY XÉT ĐẠO CÔNG GIÁO             BTGH So 89

Tác Phẩm CHÚA VẪN THƯƠNG                        Lm. MICAE-PHAOLÔ TRẦN MINH HUY pss

Ngộ Độc Thực Phẩm                                                                           Bác Sĩ Nguyễn Ý- Đức

CƯỜI                                                                                           Chuyện phiếm của Gã Siêu


Chương IV: Giáo Dân

Thánh Công Ðồng Chung Vaticanô II

Hiến Chế Tín Lý Về Giáo Hội - Lumen Gentium

 

Bản dịch Việt Ngữ của Giáo Hoàng Học Viện Piô X

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


 

Chương IV

Giáo Dân 40*

 

30. Giáo dân trong Giáo Hội. Sau khi xác định những chức vụ của các phẩm trật, Thánh Công Ðồng sẵn lòng đề cập đến bậc sống của những Kitô hữu được gọi là giáo dân. Mặc dầu tất cả những gì nói về Dân Thiên Chúa đều có liên quan đến giáo dân, tu sĩ cũng như giáo sĩ, nhưng có một số điều đặc biệt thuộc về giáo dân nam nữ, vì địa vị và sứ mệnh của họ; những điều mà hoàn cảnh đặc biệt của thời đại chúng ta đòi hỏi phải tìm hiểu nền tảng chung cách thấu đáo hơn. Thực thế, các chủ chăn của Dân Thánh ấy biết rõ giáo dân giúp ích rất nhiều cho toàn thể Giáo Hội. Các Ngài biết rằng Chúa Kitô không đặt các Ngài lên để một mình lãnh lấy tất cả sứ vụ cứu độ của Giáo Hội đối với thế giới; nhưng nhiệm vụ cao cả của các Ngài là chăn dắt tín hữu và nhận biết các phận sự và đoàn sủng nơi họ, để mọi người cùng góp phần vào công cuộc chung, tùy theo cách thức của mình. Vì thế, mọi người "phải lấy bác ái mà thực hành chân lý, nhờ mọi sự hãy lớn lên trong Ðấng làm đầu là Chúa Kitô; nhờ Người, toàn thân thể được phối hợp và kết tụ bằng sự liên lạc tương trợ nhau, tùy theo công dụng khả năng từng phần tử, khiến thân thể được tiến triển hầu xây dựng trong đức ái" (x. Eph 4,15-16).

31. Bản tính và sứ mạng giáo dân. Danh hiệu giáo dân ở đây được hiểu là tất cả những Kitô hữu không thuộc hàng giáo sĩ và bậc tu trì được Giáo Hội công nhận; nghĩa là những Kitô hữu đã được tháp nhập vào Thân Thể Chúa Kitô nhờ phép Thánh Tẩy, đã trở nên Dân Thiên Chúa, và tham dự vào chức vụ tư tế, tiên tri và vương giả của Chúa Kitô theo cách thức của họ; họ là những người đang thực hiện sứ mệnh của toàn dân Kitô giáo trong Giáo Hội và trên trần gian theo phận vụ riêng của mình.

Tính cách trần thế là tính cách riêng biệt và đặc thù của giáo dân. Thực vậy các phần tử trong hàng giáo sĩ dù đôi khi có thể lo những việc trần thế, hoặc hơn nữa, hành nghề giữa đời, nhưng vì ơn kêu gọi đặc biệt, sứ mệnh chính yếu và rõ rệt của họ vẫn là sứ vụ thánh. Phần các tu sĩ, do bậc sống của họ, làm chứng cách hùng hồn và cao quí rằng người ta không thể cải tạo thế giới và cung hiến nó cho Thiên Chúa được, nếu không có tinh thần các mối phúc thật. Vì ơn gọi riêng, giáo dân có bổn phận tìm kiếm nước Thiên Chúa bằng cách làm các việc trần thế và xếp đặt chúng theo ý Thiên Chúa. Họ sống giữa trần gian, nghĩa là giữa tất cả cũng như từng công việc và bổn phận của trần thế, giữa những cảnh sống thường ngày trong gia đình và ngoài xã hội; tất cả những điều đó như dệt thành cuộc sống của họ. Ðó là nơi Thiên Chúa gọi họ, để dưới sự hướng dẫn của tinh thần Phúc Âm, như men từ bên trong, họ thánh hóa thế giới bằng việc thi hành những nhiệm vụ của mình; và như thế, với lòng tin cậy mến sáng ngời, và nhất là với bằng chứng đời sống, họ tỏ lộ Chúa Kitô cho kẻ khác, vì thế, họ có nhiệm vụ đặc biệt soi sáng và xếp đặt những thực tại trần gian có liên hệ mật thiết với họ, để chúng không ngừng phát triển và bành trướng theo Thánh Ý Chúa Kitô, hầu ca tụng Ðấng Tạo Hóa và Ðấng Cứu Ðộ. 41*

32. Ðịa vị giáo dân trong lòng Dân Thiên Chúa. Giáo Hội do Chúa thiết lập được tổ chức và điều khiển theo nhiều thể thức khác biệt rất lạ lùng. "Vì như trong một thân thể, chúng ta có nhiều chi thể, nhưng mọi chi thể không có cùng một nhiệm vụ; cũng vậy, chúng ta tuy nhiều người song là một thân thể trong Chúa Kitô, nên mỗi người chúng ta là chi thể lẫn nhau" (Rm 12,4-5).

Thế nên chỉ có một Dân Thiên Chúa được Ngài tuyển chọn: "chỉ có một Thiên Chúa, một đức tin, một Thánh Tẩy" (Eph 4,5), cùng chung một phẩm giá của những chi thể vì đã được tái sinh trong Chúa Kitô, cùng một ân huệ được làm con cái, một ơn gọi trở nên trọn lành, một ơn cứu độ và một niềm hy vọng duy nhất và một đức ái không phân chia. Vì thế, trong Chúa Kitô và trong Giáo Hội, không còn có sự hơn kém vì nguồn gốc hay dân tộc, vì địa vị xã hội hoặc vì nam nữ, bởi lẽ "không còn là người Do Thái hoặc Hy Lạp, nô lệ hay tự do, nam hay nữ, vì anh em hết thảy đều là một trong Chúa Giêsu Kitô" (Gal 3,38, bản Hy Lạp; x. Col 3,11).

Vì thế, tuy trong Giáo Hội, tất cả không cùng đi một đường, nhưng tất cả vẫn cùng được mời gọi nên thánh, và đồng thừa hưởng đức tin trong sự công chính của Thiên Chúa (x. 2P 1,1). Mặc dù theo ý Chúa Kitô, có những người được chọn làm tiến sĩ, làm người phân phát các nhiệm tích hay chủ chăn lo cho kẻ khác, nhưng giữa tất cả mọi người vẫn có sự bình đẳng thực sự, bình đẳng về phương diện phẩm giá và hoạt động chung của mọi tín hữu để xây dựng thân thể Chúa Kitô. Thực vậy, nếu Chúa phân biệt những thừa tác viên có chức thánh với các thành phần khác của Dân Thiên Chúa thì sự phân chia này vẫn hàm chứa một sự hiệp nhất, vì chủ chăn và các tín hữu khác liên kết với nhau do những mối dây liên hệ chung. Các chủ chăn trong Giáo Hội noi gương Chúa phải phục vụ lẫn nhau và phục vụ các tín hữu khác; phần các tín hữu phải sẵn lòng hợp tác với các chủ chăn và những người giảng dạy. Như thế, tuy khác biệt nhau, nhưng tất cả đều làm chứng sự duy nhất kỳ diệu trong Thân Thể Chúa Kitô. Thực vậy, chính sự khác biệt về ân huệ, chức vụ và hoạt động lại là mối dây kết hợp con cái Thiên Chúa làm một, vì "mọi sự ấy là công trình của cùng một Thánh Thần duy nhất" (1Cor 12,11).

Vì thế, nhờ lòng ưu ái của Thiên Chúa, giáo dân được làm em Chúa Kitô, Ðấng đã đến không phải để được phục vụ, nhưng để phục vụ, dù Người là Chúa tể muôn loài (x. Mt 20,28). Cũng vậy, họ làm em những người đã lãnh nhận chức vụ thánh, những kẻ đang lấy quyền Chúa Kitô mà giảng dạy, thánh hóa và cai quản để chăn dắt gia đình Chúa, hầu mọi người chu toàn giới luật mới là luật bác ái. Thánh Augustinô đã dùng những lời tuyệt diệu này để nói lên điều đó: "Làm Giám Mục cho anh em, tôi rất sợ; là tín hữu với anh em, tôi rất an tâm. Giám Mục là một chức vụ, tín hữu là một ân phúc. Giám Mục là một danh hiệu nguy hiểm, tín hữu là danh hiệu đem ơn cứu độ" 1. 42*


Chú Thích:

(lưu ý: những số ghi chú nhỏ hơn đã được đăng vào những số báo trước)

 

40* Vị trí và cơ cấu của chương này cho ta thấy tầm quan trọng của nó. Lần đầu tiên trong lịch sử, Công Ðồng bàn nguyên một chương đặc biệt về giáo dân, và ở đây mới chỉ nhằm tới nền tảng thần học về cơ cấu Giáo Hội dưới khía cạnh ơn gọi của giáo dân. Những khía cạnh thực tiễn như về những hình thức tổ chức chẳng hạn, sẽ được đề cập trong sắc lệnh đặc biệt về Tông Ðồ Giáo Dân. Và những vấn đề trọng đại nói lên mối tương quan giữa Giáo Hội và các giá trị trần thế, sẽ được nghiên cứu tỉ mỉ trong Hiến Chế Mục Vụ về Giáo Hội Trong Thế Giới Ngày Nay.

Từ những cuộc tranh luận trong Công Ðồng và từ chính những nghị định, chúng ta có thể kết luận rằng, giáo dân không chỉ được định nghĩa một cách đơn giản như không phải là giáo sĩ, nhưng trước hết phải được công nhận là thuộc về Dân Chúa. Do đó, chúng ta sẽ nghiên cứu chương này dựa trên chương II, bởi vì những đặc điểm của giáo dân mô tả ở đây, có liên quan phần lớn tới phần tử Dân Chúa. (Xem tiếp các chú thích 41* - 49*).

41* Công Ðồng bắt đầu bằng số 31 để trả lời cho câu hỏi đã được đặt ra: giáo dân là gì trong viễn tượng một khoa thần học về Giáo Hội? Công Ðồng đưa ra ánh sáng những yếu tố tích cực biểu thị đặc tính của giáo dân, và yếu tố chính là tính cách trần thế, nghĩa là người đảm nhận qui hướng về Thiên Chúa những sự việc trần thế mà họ dấn thân. Vậy những đặc điểm của một giáo dân là:

- Sống giữa mọi người và trong xã hội nhờ dây liên lạc gia đình và nghề nghiệp.

- Thánh hóa trần gian như men bột qua việc minh chứng bằng đời sống trong khi thi hành nhiệm vụ riêng biệt trong nghề nghiệp của mình.

- Trách vụ làm cho những thực tại trần thế biết ca tụng Ðấng Sáng Tạo và Cứu Thế, những thực tại mà họ được nối kết chặt chẽ như Chúa Kitô muốn.

Ðó là tình trạng tạo nên một giáo dân, khiến họ có thể là chứng nhân tông đồ đích thực giữa trần gian.

1 T. Augustinô, Serm. 340 : PL 38, 1483.

42* Số 32 trình bày ý tưởng giáo dân là phần tử Dân Chúa có địa vị là con cái Chúa, được mời gọi nên thánh và lãnh nhận ơn Chúa. Về vấn đề này Công Ðồng quả quyết hai điểm:

- Phép Thánh Tẩy ban cho mọi người lãnh nhận sự bình đẳng căn bản.

- Mọi người phải liên kết với nhau: mục tử không những là thủ lãnh nhưng còn là người phục vụ Dân Chúa.

2 Xem Piô XI, Tđ. Quadragesimo anno, 15-5-1931 : AAS 23 (1931), trg 212t. Piô XII, diễn từ De quelle consolation, 14-10-1951 : AAS 43 (1951), trg 790t.

3 Xem Piô XII, diễn từ Six ans se sont écoulés, 5-10-1957 : AAS 49 (1957), trg 927.

 

VỀ MỤC LỤC
“DẤU LẶNG” GIỮA ĐỜI THƯỜNG

 Lời Ngỏ của BBT GSVN.

Nhờ lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa, Thầy phó tế Antôn Maria Vũ Quốc Thịnh, bút hiệu Anmai, C.Ss.R. cộng tác viên thường trực của Đặc san Giáo Sĩ Việt Nam sẽ được thụ phong Linh mục ngày 28.6.2008 tại DCCT VN.

Kính xin Quí Độc giả cầu nguyện cho Thầy, và BBT xin chân thành cám ơn Thày.

 

“DẤU LẶNG” GIỮA ĐỜI THƯỜNG

Chẳng hiểu sao trong những lần đi tĩnh tâm để khấn vĩnh viễn và lãnh sứ vụ thì tôi lại được dịp tiếp xúc với những cuộc đời thật đẹp. Và như thế, đó chính là cơ hội để nhìn lại bản thân của mình. Thật xấu hổ khi thấy có nhiều và nhiều cuộc đời dâng hiến thật là đẹp, còn mình, mình chẳng là gì cả.

Lần trước, khi tĩnh tâm để khấn vĩnh viễn, trong những ngày ấy có 3 thầy phó tế cũng tĩnh tâm để dọn mình lãnh sứ vụ linh mục. Trong 3 thầy ấy thì có 2 vị làm cho tôi cũng như anh em không thể nào mà không ngạc nhiên và thán phục. Sau ngày tĩnh tâm, hỏi thăm nhau mới biết rằng 2 trong 3 vị là người dân tộc thiểu số : K’Ho và Chu Ru. Chẳng cần phải dài lời, ai ai cũng biết rằng ngay cả người Kinh đi tu cũng thấy hiếm dần trong thời buổi kinh tế thị trường, vậy mà người dân tộc thiểu số đã can đảm, đã cố gắng vượt qua những rào cản để dâng mình cho Chúa.

Quả thật tình Chúa cao sâu nhiệm mầu chẳng ai dò thấu.

Kỳ tĩnh tâm này anh em mới bước vào tuần phòng thì bỗng nhiên thấy có một chàng thanh niên dáng người nhẹ nhõm, thanh thoát. Để khỏi bị “hớ”, tôi cũng như anh em chào “Cha” nhưng khi hỏi ra thì được biết đó là “Thầy”.

Thật sự thì tôi bị “hút” ngay từ giây phút đầu tiên khi gặp Thầy. Thầy nhẹ nhàng, thanh thoát đến lạ thường. Sau những ngày tĩnh tâm, hỏi thăm thì được biết hiện Thầy đang là tập sinh của một Dòng kín ở tận trời Mỹ !

Sau đó, Thầy mới kể về cuộc đời và đặc biệt là hành trình ơn gọi của mình :

Sau khi tốt nghiệp đại học, Thầy làm việc tại bệnh viện Đại Học Y Dược và rồi Thầy sang Mỹ để tu nghiệp. Sang Mỹ, tu nghiệp xong chẳng hiểu sao Thầy lại tu luôn trong Dòng chứ không đi theo cái nghiệp mà mình chọn nữa. Thầy tìm đến với các Cha Dòng Tên. Sau khi trao đổi, các Cha Dòng Tên thấy Thầy thích hợp với đời sống chiêm niệm nên các Cha đã gửi Thầy đến dòng kín. Lạ thay là chỉ một khoảng thời gian ngắn tiếp xúc, các cha trong Đan Viện đã nhận Thầy vào và bắt đầu tiến hành việc xin thủ tục, hồ sơ từ Việt Nam gửi sang. Thế là Thầy ở lại luôn trong Đan Viện từ ngày ấy.

Non một tháng, bà cụ – thân mẫu của Thầy – được Chúa gọi về và Thầy được Đan Viện cho về Việt Nam để thọ tang Mẹ. Thọ tang Mẹ xong Thầy sẽ quay về Đan Viện để tiếp tục đời sống tu trì.

Ngược dòng thời gian một chút, Thầy cho tôi biết thêm là trước đây Đức Hồng Y đã gọi Thầy vào Chủng Viện, đưa hồ sơ cho Thầy nhưng Thầy cảm thấy Thầy thích hợp hơn với đời sống đan tu ! Ngày ấy, chỉ cần Thầy gật đầu thì giờ này Thầy đã lãnh sứ vụ linh mục được vài năm. Thế nhưng, Thiên Chúa đã mời gọi Thầy đi theo con đường chiêm niệm, con đường khổ hạnh.

Về đến nhà dòng, hình ảnh Thầy cứ ở trong trí tôi mãi. Tạm gọi là so sánh thì thấy sao mà mình hèn quá, yếu quá, kém quá. Giữa Thầy và mình hình như có cái gì đó cách xa vời vợi. Thầy là người có dư trình độ để hoà nhập với xã hội hiện đại nhưng rồi Thầy đã bỏ mọi sự để dâng mình cho Chúa và đặc biệt trong Đan Viện. Còn mình, nhiều lần nhiều lúc mình mang tiếng là đi tu đấy nhưng sao mình cứ muốn vun vén cho riêng mình càng nhiều càng tốt !

Giữa cuộc đời đầy bon chen, tranh giành này mà vẫn có những dấu lặng thật dễ thương dân mình cho Chúa trong các hội dòng đặc biệt là Đan Viện. Tưởng chừng như cuộc sống quá cao để rồi ơn gọi nói chung và chiêm niệm nói riêng bị giảm thiểu nhưng hình như Thiên Chúa vẫn thương, Ngài vẫn còn nhiều và nhiều chỗ dành riêng cho những con người tận hiến. Ngày nay còn và còn nhiều tâm hồn vẫn vui vẻ, hạnh phúc để tìm đến những chốn thanh vắng và bình an để cầu nguyện. Những “Dấu Lặng” này dâng hiến cuộc đời mình một cách âm thầm và hình như chẳng mong ai biết đến cả.

Những “Dấu Lặng” nhỏ bé đấy chắc cũng ít người biết đến nhưng thật sự Giáo Hội cần và cần lắm những con người sống lặng trong các Đan Viện. Giáo Hội vững mạnh và phát triển một phần cũng là do tâm tình cầu nguyện, ăn chay, hãm mình của các Đan Viện.

Cảm ơn những “Dấu Lặng” thi thoảng xuất hiện trong đời mình để mình có dịp nhìn lại cuộc đời dâng hiến của mình. Những “Dấu Lặng” này như là một tấm gương cho mình soi chiếu. Nhìn vào những “Dấu Lặng” này mình cảm thấy xấu hổ khi mình vun vén cho mình nhiều quá, trong khi đó những “Dấu Lặng” lại cứ ngày mỗi ngày tìm cách tan biến mình trong trời, trong đất và đặc biệt trong Thiên Chúa.

Anmai, C.Ss.R.

VỀ MỤC LỤC
… HAY LÀ SỰ BỎ MÌNH

 

NHÂN GIỖ  LẦN THỨ 13

ĐỨC TGM Saigon PHAOLÔ NGUYỄN VĂN BÌNH (1.7.1995 – 1.7.2008)

Sau năm 1975, cũng như các chủng viện, các dòng tu tại Việt Nam, chủng viện thánh Giuse Sài Gòn cũng bị ngừng hoạt động. Rồi đến khi chủng viện thánh Giuse Sài Gòn được hoạt động trở lại, chúng tôi, lúc ấy là chủng sinh của một trong ba niên khóa đầu tiên của Chủng viện, được may mắn sống gần cận Đức Tổng Giám mục Phaolô Nguyễn Văn Bình, Tổng Giám mục Sài Gòn trong nhiều năm, mãi cho đến ngày Đức Tổng về cùng Chúa (1.7.1995).

Chúng tôi còn nhớ rõ, kể từ mùa hè1992, sức khỏe của Đức Tổng vốn đã yếu, đột nhiên suy yếu nhiều. Ở tuổi 82, không còn đủ sức chống chọi với bệnh tật, Đức Tổng đã nhiều lần vào ra bệnh viện. Ngoài nhà nghỉ tĩnh dưỡng Bãi Dâu, Vũng Tàu, có thể coi bệnh viện Thống Nhất là ngôi nhà tĩnh dưỡng thứ hai của Đức Tổng.

Khoảng giữa tháng 8.1993, trong khi tất cả các chủng sinh còn đang nghỉ hè, thì chuyện bất ngờ xảy đến: Đức Tổng Giám mục Phaolô Nguyễn Văn Bình lâm trọng bệnh. Đức Tổng bị nhũn não, phải nằm liệt giường hơn một tháng tại bệnh viện Thống Nhất. Sau khi từ bệnh viện trở về Tòa Giám mục, tuy sức khỏe có hồi phục phần nào, nhưng Đức Tổng không thể làm việc được nữa. Kể từ đó, Tòa Thánh bổ nhiệm Đức Cha Nicôla Huỳnh Văn Nghi, Giám mục Phan Thiết làm Giám quản Tông tòa Tổng giáo phận Sài Gòn. Đối với Đức Tổng, tuy chức vụ vẫn là Tổng Giám mục chánh tòa của Giáo Phận, nghĩa là tòa đầy (sede plena), nhưng đây cũng chính là thời gian Đức Tổng hưu dưỡng. Gần hai năm cuối đời, Đức Tổng chọn chủng viện làm nơi nghỉ ngơi. Đức Tổng đã vào ở hẳn trong chủng viện. Đức Tổng bắt đầu một cuộc tĩnh tâm dài chuẩn bị cho ngày kết thúc hiến lễ đời mình…

Từ sau ngày Đức Tổng sống bên cạnh chúng tôi trong chủng viện, Đức Tổng đã để lại cho riêng tôi nhiều bài học quý giá cho đời tu của tôi. Những bài học này đã theo tôi từ khi còn là đại chủng sinh mãi đến bây giờ. Chắc chắn nó sẽ còn đi theo suốt cuộc đời linh mục của tôi. Bài học mà tôi thấm thía nhất, đó là sự chấp nhận bỏ mình của Đức Tổng.

Khuôn viên đại chủng viện thánh Giuse Sài Gòn ngày ấy thoáng mát, trong lành, có nhiều cây xanh, có những làn gió từ hướng sông Sài Gòn thổi tới. Nhất là vào mùa hè trời nóng bức, khuôn viên đại chủng viện cũng đỡ oi nồng.

Tuy dễ chịu là thế, nhưng để an toàn hơn cho sức khỏe của Đức Tổng, chủng viện lắp đặt một máy điều hòa nhiệt độ trong phòng ngủ của Đức Tồng…

Hôm ấy, vẫn như thường lệ, tiếng máy vẫn chạy rì rì, trời bỗng chuyển mưa, gió thổi mạnh. Không khí trong phòng trở nên man mát, lành lạnh. Sợ Đức Tổng bị cảm, chúng tôi định tắt máy lạnh. Để chắc ăn, dì Luca (dì phước được giao nhiệm vụ chăm sóc Đức Tổng) thưa với Đức Tổng: “Con tắt máy lạnh nghe Đức Cha?”. Đức Tổng hiền từ trả lời: “Ừ, tắt đi, lạnh rồi!”. Thế là chúng tôi tắt máy.

Rất lâu sau, trời vẫn chuyển và gió nhưng không mưa. Tôi lại gần thăm chừng Đức Tổng. Nhìn thấy những giọt mồ hôi lăn tăn trên trán Đức Tổng, tôi hốt hoảng. Vội đưa tay sờ vào áo Đức Tổng, tôi giật mình nhận ra, toàn lưng Đức Tổng mồ hôi thấm ướt áo. Tôi vội thưa: “Thưa Đức Tổng, Đức Tổng mồ hôi nhiều lắm. Chắc Đức Tổng khó chịu, con mở máy lạnh nghe?”. Đức Tổng nhìn tôi bằng một nụ cười hiền từ và bảo: “Ừ, con mở máy đi, nực rồi!”.

Tôi mở máy lạnh theo lời Đức Tổng mà lòng cứ dâng lên một niềm cảm mến và kính phục: Hình như Đức Tổng không những không muốn sống cho riêng mình, chỉ muốn sống vì người khác, mà còn là một sự bỏ mình!

Nhưng đâu chỉ là sự bỏ mình “cục bộ”. Càng suy nghĩ về nội tâm bình an đúng như tên gọi, về lối sống gần như chấp nhận dễ dàng hết mọi người, hết mọi hoàn cảnh (đến nỗi có người hằn học cho rằng Đức Tổng ba phải, nhu nhược…) của Đức Tổng, tôi càng nhận ra, sự bỏ mình ấy đã đi theo Đức Tổng từ lâu rồi. Nó dường như không còn chỉ là thói quen, nhưng đã thấm vào từng giọt máu, từng thớ thịt của Đức Tổng. Nói mạnh hơn, sự bỏ mình ấy đã từ lâu trở thành một phần sự sống của Đức Tổng.

Những năm tháng dài làm giám mục của một giáo phận không chỉ lớn, mà còn là một giáo phận giữa lòng một thành phố năng động, thành phố của sự hội nhập và phát triển mau chóng, một thành phố mà trong đó không ít phức tạp, nhất là những năm tháng phải sống cùng mọi thử thách của giáo phận, Đức Tổng đã hy sinh nhiều, đã chấp nhận nhiều. Chắc chắn, Đức Tổng cũng phải trút bỏ chính mình nhiều. Sự chấp nhận và chịu đựng lớn nhất có lẽ là chấp nhận và chịu đựng bị hiểu lầm nhằm giữ vững con thuyền giáo phận trong dòng chảy của đức tin, giữ vững việc sống và cao rao Lời Chúa giữa vô vàn khó khăn vây bũa. Sự trút bỏ chính mình giữa một hoàn cảnh đầy những bóng đêm, đã tạo nên nơi Đức Tổng nghị lực lớn, không chỉ cho Đức Tổng mà còn cho giáo phận đứng vững và vượt qua…

Có nghe Đức Tổng nói về sự mất mát, nào là nhân sự, đất đai, các cơ sở, rồi hoạt động tôn giáo, cũng như rất nhiều hoạt động khác…  của Hội Thánh tại miền Nam cũng bị mất mát sau biến cố 30.4, ta mới hiểu hết thế nào là sự chấp nhận trút bỏ của con người Đức Tổng để có được bình an nội tâm, có được sự hòa dịu hết sức có thể cho hoàn cảnh sống của tôn giáo mình nói chung, của giáo phận mình nói riêng: “Chúa lấy bằng tay này, nhưng Chúa lại cho bằng tay khác. Chúa lấy người, lấy của, Chúa hạn chế những hoạt động của chúng ta, nhưng Chúa cho chúng ta một Giáo Hội nghèo khó, thanh sạch hơn, khiêm tốn hơn”.

Hoặc nếu có lần nào, ta nghe một người thân thuộc nào đó kể về Đức Tổng, ta càng thấy rõ hơn khuôn mặt của con người sống một đời đầy sự trút bỏ này. Chẳng hạn, linh mục nhạc sĩ Kim Long có lần kể rằng, khoảng năm 1993, sau một lần cha phải giải phẫu khối u trong ruột, lúc đó cũng là lúc Đức Tổng đã rất yếu, phải đi tĩnh dưỡng một thời gian khá dài. Nhưng sau khi về lại Sài Gòn, nghe tin linh mục Kim Long đang dưỡng bệnh tại gia đình ở Tân Bình, Đức Tổng đã đến thăm. Linh mục Kim Long nói: “Hôm ấy, tôi thấy một xe hơi đậu trước nhà. Ngay lúc ấy, một cụ già đang lần bước men theo xe, bước chậm chạp. Tôi vội chạy ra. Tôi nhận ra Đức Tổng. Đức Tổng nói: ‘Tôi đi nghỉ ở Long Hải về, nghe tin cha bệnh, tôi thương quá. Tôi đang mệt lắm, nhưng tôi nghĩ phải đến thăm cha một chút vì tôi còn có thể đi được’”. Vì tuổi cao, sức yếu, lại đang bệnh tật, nếu Đức Tổng không đến thăm cha Kim Long, chắc cũng không ai dám trách. Nhưng nghĩ đến người anh em linh mục của mình, dù người anh em đó không thuộc giáo phận mình đang coi sóc, Đức Tổng đã bất chấp sự mệt nhọc của bản thân để thăm cha Kim Long cho bằng được.

Một sự bỏ mình lớn như thế, triền miên như thế, thì bây giờ, một chút hy sinh nóng hay lạnh, đối với Đức Tổng có đáng là gì. Bởi đã một đời chấp nhận, thì sự chấp nhận ấy đã trở thành chính lẽ sống của Đức Tổng mất rồi!

Vì thế, nhớ về Đức Tổng Giám mục Phaolô Nguyễn Văn Bình, tôi thấy Đức Tổng chính là bài học dạy tôi, sống với mọi người, không chỉ là chiều ý người khác, tìm làm đẹp lòng người khác, mà còn là sự bỏ mình để nên hữu ích cho danh Chúa và cho mọi người. Nhớ về Đức Tổng, tôi học bài học bỏ mình, để thêm sức mạnh, thêm can đảm giúp mình trưởng thành hơn, biết đương đầu để vượt qua khó khăn hơn…

(Có sử dụng “Chứng từ yêu thương” của Đại chủng viện thánh Giuse Sài Gòn, nhân kỷ niệm giỗ một năm Đức Cố Tổng Giám mục Phaolô Nguyễn Văn Bình).

Lm. VŨ XUÂN HẠNH

 

VỀ MỤC LỤC

«MỘT TRONG CÁC NGƯƠI LÀ ĐẤNG CỨU THẾ»  

 

Tác giả ANTHONY DE MELLO 

NHƯ LỜI CẦU KINH THE PRAYER OF THE FROG

Quyển sách gồm những mẩu chuyện chiêm niệm

Nhà văn Hương Vĩnh chuyển ngữ

 

Đang ngồi thiền trong hang động trên dãy Hi-Mã-Lạp-Sơn, Minh Sư mở mắt ra và trông thấy một vị khách bất ngờ đang ngồi trước mặt mình là viện phụ của một tu viện nổi tiếng. 

Minh Sư hỏi: "Ngài tìm kiếm gì?

Viện phụ thuật lại một câu chuyện bất hạnh. Có một thời, tu viện của ngài rất nổi tiếng khắp phương Tây. Các tu phòng tràn đầy những người dự tu trẻ trung và nguyện đường vang vọng tiếng cầu kinh của các tu sĩ. Nhưng thời buổi khó khăn đã xảy tới cho tu viện. Người ta không còn lũ lượt kéo tới để bồi dưỡng tâm linh, lớp người trẻ dự tu trở nên khan hiếm, nguyện đường trở thành vắng lặng. Chỉ còn sót lại một nhóm tu sĩ lo thi hành phận sự với con tim nặng trĩu. 

Và đây là điều mà vị viện phụ muốn biết: "Có phải vì tội lỗi nào đó của chúng tôi mà tu viện đã rơi vào tình trạng này?"

Minh Sư trả lời: "Đúng thế, đó là tội vô minh." 

"Và tội đó như thế nào?"

"Một trong số các ngươi là Đấng Cứu Thế trá hình mà các ngươi không nhận biết."  

Nói xong, Minh Sư nhắm nghiền mắt lại và tiếp tục thiền quán. 

Suốt hành trình nhọc nhằn trở về tu viện, con tim ngài viện phụ đập nhanh với ý nghĩ là Đấng Cứu Thế – vâng chính Đấng Cứu Thế – đã trở lại trần gian và đang sống ngay trong tu viện. Làm sao mà ngài viện phụ không thể nhận ra Ngài? Và ai có thể là Ngài đây? Thầy nhà bếp ư? Thầy lo việc bàn thờ ư? Thầy thủ quỹ ư? Thầy bề trên nhà tập ư? Không, không phải thầy đó: thầy có quá nhiều tính xấu, tiếc thay! Nhưng mà vị Minh Sư nói là Đấng Cứu Thế đã trá hình. Biết đâu những tính xấu đó là một trong những điều trá hình của Ngài? Thử nghĩ xem, mọi thầy trong tu viện đều có tính xấu. Và một người trong họ phải là Đấng Cứu Thế!  

Khi trở về tu viện, ngài viện phụ đã triệu tập các tu sĩ và thuật lại điều mà ngài đã khám phá. Họ nhìn nhau, bán tín bán nghi. Đấng Cứu Thế? Ở đây? Không thể tin được! Nhưng xem ra Ngài ở đây bằng cách trá hình. Vậy thì, có thể lắm. Biết đâu thầy này hay thầy kia thì sao? Hoặc giả tu sĩ khác nữa kìa? Hoặc là... 

Chắc chắn một điều: nếu Đấng Cứu Thế ở đó bằng cách trá hình, vị tất họ có thể nhận ra Ngài. Vì vậy, họ bắt đầu đối xử với hết mọi người với lòng kính trọng và quí mến. Họ tự nhủ mỗi khi bắt đầu tiếp xúc với nhau: "Biết đâu, Đấng Cứu Thế là người này."

Kết quả là không khí trong tu viện đã bừng lên niềm vui. Chẳng bao lâu hàng hàng lớp lớp những người dự tu đã xin nhập Dòng – và rồi nguyện đường lại bắt đầu vang vọng tiếng cầu kinh thánh thiện và sự mừng vui của các tu sĩ chiếu tỏa Đức Mến. 

* * * * *

 Có đôi mắt sáng được ích gì,

nếu con tim bị mù quáng?

VỀ MỤC LỤC
Học Hỏi về Học Thuyết Xã Hội Công Giáo (tiếp tục)

Bài 5 

IV. Trật Tự Xã Hội (118 - 177)

46. Nguyên tắc hổ trợ là gì?  

HTXH của Giáo hội rất chú trọng đến nguyên tắc hổ trợ này. Theo đó, ““một tập thể cấp cao không được can thiệp vào nội bộ tập thể cấp thấp đến độ tước mất các thẩp quyền của nó, nhưng đúng hơn phải nâng đỡ nó khi cần thiết, và giúp nó phối hợp hoạt động với những tập thể khác, để mưu cầu ích chung” (x. CA 48 - Pio XI). Thiên Chúa không muốn dành cho riêng mình việc thực thi mọi quyền hành. Người trao lại cho mỗi thụ tạo những phận vụ nó có thể thi hành theo khả năng của bản tính riêng. Xã hội loài người phải bắt chước cách lãnh đạo này. Cách Thiên Chúa cai trị thế giới cho thấy Người rất tôn trọng quyền tự do của con Người. Đó là đường hướng chỉ đạo cho những ai cầm quyền trong các cộng đồng nhân loại. Họ phải xử sự như những thừa tác viên của Chúa quan phòng. Nguyên tắc hổ trợ nghịch với mọi hình thức duy tập thể, xác định giới hạn cho việc can thiệp của nhà nước, hòa hợp các mối tương quan giữa cá nhân và xã hội, hướng tới việc thiết lập một trật tự quốc tế đích thực” (GLCG 1883 - 1885).

47. Giáo hội có nhắc nhở con cái mình về ý thức tham gia vào các vấn đề xã hội không?  

Thưa có, trong số 6 của Thông Điệp Hòa Bình cho Thế Giới năm 1999, ĐGH Phaolô II dạy rằng: Ngày nay, mọi người đều thừa nhận rằng, mọi công dân có quyền tham gia vào đời sống cộng đồng của họ. Nhưng quyền này sẽ thành vô nghĩa khi tiến trình dân chủ bị phá vỡ do bởi sự tham nhũng và thiên vị; điều này không chỉ ngăn cản việc chia sẻ quyền hành một cách hợp pháp mà còn ngăn chặn người dân không được hưởng những phúc lợi từ nguồn tài sản và dịch vụ chung của cộng đồng mà lẽ ra ai ai cũng có quyền được hưởng.

Mặt khác, “Mỗi cá nhân con người, thực ra họ không chỉ là những khách thể thụ động trong trật tự xã hội, nhưng họ phải là và tiếp tục là chủ thể của xã hội, là nền tảng và cùng đích của xã hội đó” (Pius XII, Christmas Eve Radio Message, 1944). Vì thế, công dân có quyền tham gia vào các vần đề xã hội và góp phần của họ vào lợi ích chung cho mọi người. Những nổ lực và quyết định của họ sẽ góp phần định hướng vận mệnh chung cho thế giới. Chiến tranh và bất công sẽ không thể tránh khỏi nếu quyền tham gia chọn lựa thế chế xã hội của người dân bị chối bỏ (cf. Peace Message, 1985, # 9). Cụ thể, mọi công dân có quyền tự do tham gia tích cực vào việc thiết lập các nền tảng pháp lý của cộng đồng chính trị, tham gia vào việc điều hành quốc gia, xác định mục tiêu và phạm vị của các cơ quan khác nhau cũng như tham gia vào việc lựa chọn người lãnh đạo (cf. GS # 75). 

48. Văn hóa và Phúc âm liên hệ với nhau như thế nào?  

Văn hóa là không gian sống động mà trong đó con người đối diện với Tin Mừng một cách trực tiếp. Vì văn hóa là kết quả của đời sống và hoạt động của một nhóm người, vì thế, những ai thuộc về nhóm người ấy, thì họ cũng được hình thành và lớn lên dưới sự ảnh hưởng của nền văn hóa mà họ đang sống. Khi con người và xã hội thay đổi, thì nền văn hóa cũng thay đổi. Cũng vậy, khi văn hóa biến chuyển, thì con người và xã hội cũng theo nó mà biến chuyển. Từ viễn cảnh này, chúng ta dễ dàng nhận thấy giữa việc rao giảng Phúc âm và hội nhập văn hóa có một mối quan hệ gần gũi và tự nhiên (cf. Ecclesia in Asia, # 21). Thực vậy, khi thực hiện việc truyền giáo giữa các dân tộc, Giáo hội gặp nhiều loại hình văn hóa khác nhau và dấn bước vào tiến trình hội nhập. Giáo hội thông truyền những giá trị của mình cho các dân tộc ấy và đồng thời thu lượm những giá trị cao đẹp có sẵn và cân tân những giá trị ấy (cf. Redemptoris Missio, # 52). 

49. Phát triển kinh tế có nghĩa là phát triển con người có phải không? 

Thưa không, thật đáng buồn khi thế giới hôm nay thâu hẹp ý nghĩa của sự phát triển chỉ đơn thuần được hiểu trong lĩnh vực kinh tế. Nên nhớ rằng, việc gia tăng tài sản cho mỗi cá nhân và quốc gia không phải là mục tiêu cuối cùng của con người. Ngày nay, chúng ta thấy có nhiều quả tim chai cứng và tâm hồn đóng kín khi có nhiều người không còn gặp gỡ nhau trong tình bạn nhưng chỉ là vì tư lợi, dễ dàng dẫn đến đối nghịch và bất đồng. Vì thế, việc thao thức kiếm tìm của cải đã trở thành chướng ngại vật để hoàn thành sứ mạng cá nhân và giá trị chân thật của con người (cf. Populorum Progressio, # 19). Như thế, phát triển kinh tế chỉ có ý nghĩa khi góp phần cho sự phát triển con người toàn diện. 

50. Giữa việc phát triển con người và rao giảng Phúc âm có liên hệ với nhau không? 

Thưa có, trung tâm của việc rao giảng Phúc Âm là sự phát triển toàn vẹn. Nghĩa là phát triển cho từng con người và cho mọi người, đặc biệt những con người nghèo khổ nhất và những cộng đồng bị lãng quên nhất. Thực vậy, giữa việc rao giảng Phúc âm và phát triển con người - thăng tiến và giải phóng, có một liên hệ sâu sắc. Đó chính là mối liên hệ nhân vị, bởi vì con người sắp được đón nhận Phúc âm không phải là một đối tượng trừu tượng nhưng là một chủ thể của những vấn đề kinh tế và xã hội (cf. Ecclesia in Africa, # 68). Rõ ràng, sứ mạng rao giảng Phúc Âm nhất thiết phải được gắn chặt với phát triển con người.

còn tiếp

VỀ MỤC LỤC
VĂN MINH TÌNH YÊU

 

Mỗi buổi sáng Chúa Nhật, sau thánh lễ, trước khi ra về, tôi thường xuống cuối nhà thờ bắt tay ông cha xứ của tôi và trao đổi vài ba câu chuyện. Chúa nhật vừa qua, ông giới thiệu và tặng cho tôi một cuốn sách và yêu cầu tôi đọc.

 

Chúa nhật sau, tôi xin gặp riêng ông để bàn về cuốn sách ông tặng tôi. Để đáp lễ ông, tôi trình bày cho ông về NHÂN HÒA theo kiểu Á Đông VIỆT NAM áp dụng vào Công Giáo. Nói đúng ra là những việc mà người Công Giáo có thể làm để cải đổi cộng đồng, biến cải thế giới. Tôi nói với ông về con người Nhân Chi Sơ Tính Bản Thiện của Khổng Tử; ở hiền gặp lành, ở dữ gặp ác, Ác giả ác báo và thuyết luân hồi của nhà Phật…Ông nói đó là một kiểu suy nghĩ lạ:

 

-         “Oriental thinking” có khác! Khác với kiểu suy nghĩ của người Tây Phương / người Mỹ.

-         Thưa cha, cũng vậy thôi. Con người cả. Nhưng cách diễn tả khác nhau thôi.

 

Ông yêu cầu tôi trình bày với hội Knight of Columbus của xứ tôi. Sau đó ông yêu cầu tôi viết ra giấy để cho nhiều người cùng đọc. Ông nói:

 

-    Hiểu mà không để cho người khác biết là một thiếu sót, hơn nữa có thể là ích kỷ hay phạm tội thiếu tình yêu.

 

Vậy xin chia sẻ với độc giả những điều tôi suy nghĩ về TÌNH YÊU. Đây là bản tiếng Việt để chia sẽ với người Việt.

 

 

Đức Thánh Cha Gioan Phaolo II đã nói: “Đời mà không có tình yêu thì đời đâu còn ý nghĩa gì”. Vậy thế nào là Tình Yêu? Tình Yêu đã được Đức thánh Cha Biển Đức XVI nói rõ ràng và thâm thúy trong tông thư đầu tiên của ngài: Thiên Chúa là Tình Yêu. Vậy phải chăng người Kitô hữu có bổn phận biến đổi cái tình yêu thế tục thành tình yêu Thiên Chúa, một thông điệp mà mỗi người Kitô hữu có bổn phận lan truyền cho toàn thế giới.

 

Vậy người Công Giáo có thể làm gì để biến đổi cái thế giới đầy rối loạn này?

 

Người Kitô hữu được kêu gọi để lan truyền thông điệp HY VỌNG mà Đức Giáo hoàng Gioan Phaolo II đã có lần nói ám chỉ về hai vấn đề  tương phản nhau là Văn Hóa Sự Sống và Văn Hóa Sự Chết.

 

Trong phạm vi bài này,  chúng tôi muốn giới hạn bàn về Tình Yêu, những điều mà người công giáo có thể làm để cải đổi cộng đồng, xã hội và thế giới. Một cách tóm gọn.

 

Ngày nay người ta thường hay nói về Văn Minh Tình Yêu, một loại Tình yêu cao quí của Chúa Kitô. Vậy văn minh Tình yêu có thể cống hiến gì cho nhân loại?  Đây không phải là một hoạt động dành riêng cho người công giáo nói riêng hay là người Kitô hữu nói chung, nhưng là bổn phận chung của tất cả mọi người không phân biệt màu da, tiếng nói, địa phương….Bổn phận này phải được thực thi như là một điều kiện tiên thiên về một cam kết như cam kết cho tự do tôn giáo, khoan nhượng và tôn trọng nhân phẩm. Nó đòi hỏi một sự đoàn kết, liên hiệp, hợp nhất với những người nghèo khó và những kẻ cần phải được giúp đở. Có vậy mới tránh được những va chạm, căng thẳng, đổ vỡ giữa các nền văn minh với nhau và với những thành phần thiểu số bị thiệt thòi.

 

Trách nhiệm thiết lập văn minh tình yêu phải được bắt nguồn từ giới răn của Chúa Kitô về tình yêu là “Các con hãy thương yêu nhau như Thày đã yêu thương  các con”. Điều này khác hẳn với những định kiến hay quan niệm mà những nhà lãnh đạo / thủ lãnh kỳ tài hay nhà xã hội học / đạo đức học thường đã có về nguyên tắc, giá trị của luân lý đạo đức mà  Đức Thánh Cha Biển Đức XVI trong cuộc du hành mục vụ tại Brazil hồi tháng 5 năm ngoái cũng đã nói: “Một xã hội mà vắng bóng Thiên Chúa thì không thể có được một sự đồng nhất về giá trị của luân lý đạo đức”.

 

Nhưng buồn thay, xã hội ngày nay lại được đánh giá bằng những tiến triển và thành công  về vật chất. Thêm vào đó, tự do lại được diễn nghĩa tùy theo quan niệm cá nhân hay tập đoàn và cho nó một giá trị tuyệt đối.

 

HOÀN TOÀN CON NGƯỜI

 

Theo Đức Gioan Phaolô II thì “Đời người không có tình yêu thì cuộc sống không còn ý nghĩa gì”. Như vậy phải chăng người Kitô hữu được kêu gọi hay đúng ra là có ơn gọi để Yêu, nhưng tình yêu đó không phải chỉ làm cho mỗi chúng ta thành “cá nhân” mà còn làm cho mỗi cá nhân thành “con người”.

 

Tình Yêu là khởi điểm của đời sống và là nguồn thủy của Kitô giáo nên Đức Thánh Cha Biển Đức XVI mới nhấn mạnh đến sự quan trọng của Tình yêu trong tông thư đầu tiên của ngài ‘Thiên Chúa là Tình Yêu’. Trong tông thư này, ngài đã đặc biệt nhấn mạnh là chúng ta phải vạch ra một “lối yêu” bắt nguồn từ nguyên thủy căn bản là Chúa Kitô: Người chết cho chúng ta vì Yêu.

 

Khi ta ngắm nhìn Chúa Kitô chịu chết treo trên thập giá thì chúng ta đã nhận biết ra  rằng Thiên Chúa là Tình yêu, một loại tình yêu tự do và trọn vẹn.

 

Hẳn rằng Kitô giáo đã cho thế giới một quà tặng độc nhất và độc đáo là đã đưa Tình Yêu vào trung tâm điểm của đời sống con người. Bình thường thì Tình Yêu luôn luôn hiện diện trong văn chương / văn hóa và triết học, nhưng nó lại chỉ có một giá trị tương đối giữa những cái đó với nhau mà thôi.

 

Nơi đa số những tôn giáo khác thì Tình yêu được mô tả như là một quyền lực có sức mạnh trội vượt bất thường, nhưng những quyền lực đó lại vô ngã, không có tính đặc thù cá nhân. Ngược lại, Kitô giáo đưa Thiên Chúa đặc thù / hữu ngã vào trung tâm điểm của con người và đời sống, một Thiên Chúa hiện hữu trong một nhất thể nhiệm màu có ba ngôi vị tức ba cá thể đã tạo dựng nên loài người có hình ảnh giống như Thiên Chúa.

Vậy thì chúng ta có thể nói rằng chính cấu trúc của con người hiện hữu là Tình Yêu đã được Thiên Chúa (là Tình yêu) ban cho.

 

Trọng tâm của Tình Yêu quan trọng ở chỗ là nó phát sinh ra những hiệu quả sống động là giúp chúng ta nhận biết, yêu quí, thương cảm con người nhân bản. Tình yêu đòi hỏi chúng ta phải vượt qua khỏi những giới hạn hẹp hòi của cá nhân mình để nhận biết giá trị và sự cao quí của con người. Tình Yêu  đòi hỏi chúng ta phải tôn trọng Tự Do và Nhân Phẩm của tha nhân.

 

Tình Yêu giúp chúng ta khám phá ra được ý nghĩa và mục đích của cuộc đời, nhận thức được sự cao quí của sự sống, bởi lẽ không phải chúng ta hay xã hội đã làm nên được cái giá trị đó mà là chính Thiên Chúa đã tạo ra.

 

ẢNH HƯỞNG VĂN HÓA

 

Thông điệp Tình Yêu này bắt đầu ở khởi điểm cá nhân; nó kêu gọi ta tuân theo những giá trị của đời sống. Nhưng nó không ngừng ở cá nhân. Nó phải được lan tỏa cho tha nhân. Mỗi Kitô hữu, từng người một, được mời gọi cộng tác vào công cuộc xây dựng Cộng Đồng Kitô giáo mà trong đó họ là thành viên. Từ đó họ ảnh hưởng trên toàn thể xã hội, biến cãi xã hội trở nên tươi sáng, tạo thành một nền văn hóa phổ quát của Kitô giáo. Muối ướp mặn môi trường. Ánh sáng xua đuổi bóng tối (Lc 11: 33; Mt 5:15)

 

Đây là một nhu cầu khẩn cấp cần phải có để xây dựng cộng đồng lành mạnh, bởi vì văn hóa hiện tại hôm nay đang trở nên èo uột vì tinh thần thế tục tràn lan, chủ nghĩa tương đối và luân lý khấp khểnh đang được cổ võ khuyến khích.

 

Trong việc kiến tạo nền văn minh tình thương này, người giáo dân phải giữ một vai trò chính yếu theo đúng như tinh thần Công Đồng Vatican II. Có lẽ việc làm của giáo dân sẽ hiệu quả hơn các linh mục vì họ là dân, ở gần dân, sống với dân và hiểu dân hơn…

 

Khi chịu phép thánh tẩy, mỗi người Kitô hữu đã bắt đầu hiệp thông với Chúa Kitô và một phần trong toàn bộ hiệp thông đó là sứ mệnh đem những người khác về cùng với Chúa. Điều đó có nghĩa là giúp đỡ những người cần phải được giúp đỡ không phải chỉ vì thương hại hoặc ham nổi danh là mạnh thường quân, nhưng là để đáp ứng hình ảnh tình thương của Chúa, thấy Chúa đang đau khổ nơi những người chung quanh chúng ta.

 

Một khía cạnh nữa của văn minh tình yêu là áp dụng Phúc Âm vào những sinh hoạt của thế giới. Nghiên cứu tông thư Thiên Chúa là Tình Yêu  về vấn đề xã hội, chúng ta có thể nói là hơn một thế kỷ qua, Giáo Hội Công Giáo đã thay đổi rất nhiều cách thức lề lối phát triển kinh tế.

 

Còn nhiều điều nữa cần phải làm, nhất là ảnh hưởng phong trào toàn cầu hóa đang lên cao và  nhu cầu khẩn cấp cứu đói giảm nghèo ở nhiều quốc gia trên thế giới. Thật là một lập luận sai lầm khi nói rằng cần phải có chọn lựa giữa tiến bộ vật chất và giá trị đạo đức. Thực vậy, đạo đức Kitô giáo buộc chúng ta phải làm việc một cách lương thiện, công tâm và đúng luật là những điều kiện cần phải có để phát triển kinh tế một cách toàn diện. Phát triển, tiến bộ vật chất hay khoa học phải đi đôi với đạo đức.

 

Những giáo dân trong giới thương mại sẽ có rất nhiều cơ hội thuận tiện để áp dụng tài năng sở thích của mình về kinh tế và tài chánh để thay đổi thế giới.  Nếu người Kitô hữu ở cả hai ngành thương mại và quản trị hành chánh biết tự hiến, xung phong phục vụ con người thì viễn tượng toàn cầu hóa có thể trở nên tươi sáng tốt đẹp hơn nhờ có những tiêu chuẩn luân lý đạo đức Kitô giáo hướng dẫn. Làm chính trị không phải vì Danh-Quyền-Lợi cá nhân hay bè phái nhưng để thi hành bổn phận người Kitô hữu, trách nhiệm đem Tình Yêu, sự hiện diện của Thiên Chúa nơi Cộng Đồng, Xã Hội, Quốc Gia và Thế Giới.

 

Chỉ biết áp dụng luật không thôi thì không đủ, bởi vì kinh nghiệm cho thấy có những người rất tinh khôn lão luyện chuyên lách luồn tránh né luật rất tài tình, dùng “lệ” để tránh “luật”, thành thử lại vi phạm chính cái tinh thần luật là luân lý đạo đức. Cũng như sự liên đới giữa chủ và thợ phải dựa trên sự tương kính và nể trọng nhân cách của tất cả mọi người đã cùng nhau hợp lực làm việc để cho công ty phát triển thành công.

 

VÌ SỰ SỐNG

 

Một áp dụng khác của văn minh tình yêu là phải cam kết phục vụ con người, có nghĩa là cho tất cả mọi người, không phân biệt già trẻ, giàu nghèo, khỏe mạnh hay ốm yếu tàng tật hoặc chưa sinh ra đời như là một con người có nhân vị và nhân cách như nhau.

 

Khi Đức Gioan Phaolo II diễn tả văn hóa sự chết là Ngài có ý ám chỉ cách suy tư về giá trị của sự sống; người ta chối bỏ cái đơn vị căn bản và chính yếu của đời sống gia đình với tất cả những yếu tố / điều kiện tốt đẹp của nó.

 

Cung cách suy tư này đã chính thức gây chiến, đánh lộn với sự thật, bởi vì nó tiếp tục hiện diện bằng cách chối bỏ, đôi khi dấu diếm sự thật là bản tính và nhân cách của con người.

 

Vậy thì, khi quyết định về những vấn đề như là Phá Thai hoặc Chết Êm Ái (Euthanasia), nó không đơn giản chỉ là sự bất đồng về “chọn lựa”, mà đã đi vào chính trung tâm điểm của cách suy tư về con người nhân bản và bản tính của xã hội. Hợp pháp hóa việc phá thai dưới danh nghĩa Quyền Tự Do đương nhiên sẽ dẫn đưa tới một nền văn hóa mà trong đó chính cái quyền tự do của con người bị lâm nguy và xâm phạm.

 

KẾT LUẬN:

 

Chúng ta không tìm cách để áp đặt Kitô Giáo lên xã hội, nhưng chúng ta xiển dương sự hiện diện sống động của Chúa Kitô trong xã hội qua tình liên đới giữa con người với con người. Một sứ mệnh mà tất cả mọi Kitô hữu đều được kêu gọi để tham phần cộng tác biến cải Tình Yêu, biến đổi thế giới. Một thế giới luôn luôn có Thiên Chúa hiện diện. Toàn cầu hóa sự hiện diện của Thiên Chúa.

 

Pace Island, Florida 5-6-2008

Bác sĩ Nguyễn Tiến Cảnh

VỀ MỤC LỤC
CỔ VÕ SỰ TỰ LẬP (2)

 

Cô bé Lệ Hoa 3 tuổi đang chơi ở chân mẹ trong khi bà mẹ đang ũi đồ. 

“Mẹ, con muốn mẹ đừng ũi đồ nữa.” 

“Cưng ơi, mẹ chỉ còn hai cái nữa là xong và bấy giờ sẽ rảnh rỗi.” 

“Nhưng con muốn đi vệ sinh” cô bé lè nhè. 

“Con có thể tự đi”, bà mẹ trả lời cách nhẹ nhàng. 

“Không, con không thể. Mẹ ơi, con muốn mẹ đi với con.”

“Mẹ xin lỗi, mẹ đang ũi đồ.”

“Nhưng con không thể đi một mình con.” 

Bà mẹ cười với đứa con gái mà không nói gì. Cô bé lăn lộn người trên sàn nhà giận dữ. Một lúc sau đứng dậy và đi vào nhà vệ sinh một mình. 

Bà mẹ đã được hướng dẫn ở “câu lạc bộ hướng dẫn con trẻ”. Cô bé Lệ Hoa là đứa con một nên được bà mẹ chăm sóc tử tế. Bà mẹ đang giải thoát bà khỏi những đòi hỏi không cần thiết của đứa con bà và để nó tự lập. Kinh nghiệm mới đây đã cho bé Lệ Hoa cảm nghiệm rằng nó không còn có thể đạt được điều nó muốn với một tính khí không tốt như vậy. Khi bà mẹ từ chối việc ngưng ũi đồ theo đòi hỏi của cô bé, cô bé đã cố gắng một cách vô ích như một cách thế để đưa mẹ nó trở về với việc phục vụ cho nó như trước. Bà mẹ yên lặng và nhẹ nhàng từ chối làm cho cô bé điều mà nó có thể tự làm cho nó. Bà cũng từ chối dấy mình vào việc tranh tụng với nó. Cô bé đang học lấy sự tự lập và một cảm giác tự chủ. 

Bà mẹ và cô bé Kim Chi 3 tuổi rưỡi đi vào cầu thang máy của chung cư. Cô bé vói tay lên và bấm vào số 5. Một người ở cùng chung cư cười nói: 

“Chúng ta sẽ ngừng ở hết mọi tầng lầu.” 

“Không, không, cô bé nhấn đúng số.” Bà mẹ bào chữa. 

Người kia hỏi trong sự ngạc nhiên: 

“Cô bé làm đúng hả?” 

“Vâng, cô bé biết.” 

Bé Kim Chi mỉm cười vui vẻ. 

Cô bé còn quá nhỏ nên bà mẹ phải đi với nó ra sân chơi của chung cư. Nhưng bà mẹ đã bắt đầu dạy cho nó sự tự lập bằng cách cho phép nó làm điều nó có thể làm. Cô bé lấy làm hảnh diện trong việc tỏ ra mình lớn đủ để vói tới nút thích hợp. Nó biết rằng nó có thể làm những điều cho nó. Và điều hồi hộp đối với nó là nhận biết rằng nó có thể khiến cầu thang nầy đi và ngừng lại. 

Từ tuổi ấu nhi, con trẻ chúng ta tỏ cho thấy rằng chúng muốn làm nhiều điều cho tự chúng. Đứa trẻ vói lấy cái muổng vì nó muốn tự nó phục vụ nó. Tất cả chúng ta thường cản ngăn những cố gắng của nó để tránh khỏi sự vung vãi lôi thôi bằng cách cản trở và tạo một quan niệm sai lầm về chính nó nơi đứa trẻ. Thật đáng tiếc! Hãy nhớ rằng lau sạch một đứa bé thì dễ hơn là khôi phục sự can đảm đã bị đánh mất. Khi đứa bé tỏ ra ước muốn làm những điều cho nó, chúng ta phải lợi dụng ngay thời cơ để khuyến khích nó làm bất cứ khi nào có thể. Thật vậy, có nhiều cơ hội cho đứa trẻ phục vụ chính nó và người khác hơn là chúng ta thường nghĩ. Nó có thể cần sự giúp đỡ, sự giám sát, sự cổ võ, và huấn luyện. Chúng ta phải cung ứng cho nó những điều đó. Chúng ta không có quyền làm mọi sự cho nó, cũng không được cản ngăn nó đóng góp những điều hữu ích mà nó nóng lòng muốn làm. 

Sự bé nhỏ của con trẻ thì rất thu hút. Thông thường phản ứng của chúng ta là giang tay giúp đứa trẻ khi chúng ta thấy nó có điều gì trở ngại với điều mà nó đang cố gắng làm. Nhưng chúng ta phải xem thử động lực phản ứng tự nhiên đó. Nếu không nhận thức được điều đó, thường chúng ta dễ cho phép chúng ta tiếp tục giúp con trẻ nhiều hơn nó cần thiết vì chúng ta thường có thói quen làm như thế. Con trẻ cảm thấy thích thú khi chúng ta làm cho nó. Chúng cảm thấy có uy quyền khi được phục vụ. Nhưng chúng cũng sung sướng thấy mình có khả năng nếu chúng có cơ hội để giúp đỡ. Khi một đứa trẻ lớn lên, khuynh hướng tự nhiên hướng dẫn nó làm nhiều điều cho nó và cho người khác. Tuy nhiên, khuynh hướng nầy có thể bị giết chết bỡi sự sợ, sự bảo vệ, và phục vụ của bố mẹ. Trong trường hợp như thế, đứa trẻ mất can đảm và nhanh chóng khám phá giá trị tích cực của khiếm khuyết của nó. Nó cho rằng nó không thể làm những điều ấy cho tự nó, cho rằng nó không thích hợp, và đánh giá thấp về khả năng của nó. Bấy giờ nó cảm thấy thoải mái tìm kiếm sự phục vụ từ người khác. Sự tự lập và tự tin sẽ bị xoi mòn dần. Một người bố mẹ biết thức tỉnh có thể tránh được những điều đó bằng cách theo đúng qui luật ngay từ đầu chương nầy. Nó rất đơn giản. Tuy nhiên, sự thực hành xem ra khó khăn khi chúng ta vội vã làm những điều đó hoặc có thói quen tự chúng ta làm những điều đó. Chúng ta có thể không ý thức rằng đứa trẻ đã có khả năng để tự làm điều đó. Hoặc là chúng ta đánh giá thấp khả năng của con trẻ. Chúng ta có khuynh hướng đánh giá thấp khả năng của chúng và tưởng tượng quá đáng sự vô dụng của nó. Chúng ta phải nhạy cảm đối với sự khác biệt tế nhị giữa sự mong đợi quá nhiều về một đứa trẻ để rồi đòi hỏi nhiều quá nơi đứa trẻ và niềm tin vào đứa trẻ, là cái đòi hỏi sự kính trọng.  

lm. le van quang

VỀ MỤC LỤC

CHÙM THƠ 6-8-6:   MUỐI CHO ĐỜI

 

NGÔI LỜI

(Ga 1,1-3)

Ngài là vô thuỷ vô chung,

Ngài là không-trước đến cùng không-sau.

Nhờ Ngài muôn sự khởi đầu ./.

 

TÂM TRẠNG PHÊRÔ

Con thề sẽ chết theo Thầy.

Đi vài ba bước, con quay lại nhìn!

Cái gì níu kéo bàn chân?

 

HÃY THẢ LƯỚI BÊN PHẢI MẠN THUYỀN

(Ga 21,6)

Đâu là “bên phải mạn thuyền”

Để con thả lưới cho thuyền đầy khoang

Giữa lòng biển cả trần gian?

 

LADARÔ

(Ga 11,1-44)

Tôi đây chết đã bốn ngày,

Tình Yêu gọi dậy, tôi nay nói cười.

Nhanh chân trở lại với đời ./.

 

BÀ GOÁ XARÉPTA

(1V 17,7-16)

Vì tin hũ bột không vơi

Vò dầu chẳng cạn nên tôi sẵn sàng

Hễ còn thì cứ trao ban ./.

 

MUỐI CHO ĐỜI

(Mt 5,13)

Nước ốc thì nhạt đã đành,

Muối mà cũng nhạt, hỏi anh làm gì?

Làm gì? Đem ném phứt đi!

 

ÁNH SÁNG CHO TRẦN GIAN

(Mt 5,15-16)

Cái đèn có đế thật cao,

Tôi rót dầu vào, nó sáng thật xa.

Sáng mình, sáng cả người ta ./.

Trầm Tĩnh Nguyện

VỀ MỤC LỤC

Nỗi Buồn Chiều Chúa Nhật

 

Kính tặng Quý Giáo Sĩ Việt Nam.

 

Chúa nhân từ, con trở về nhà xứ!

Kinh nguyện chiều, buổi chầu cũng vừa xong

Giáo dân ra về, con cảm thấy cô đơn

Con thui thủi một mình trên đường vắng!

  

Xung quanh con, lúc này thật im lặng

Con ngang qua một quán bán cà phê

Dăm, bảy người đang hát krá-ô-kê

Đời  vui thú với những người tuổi trẻ!

  

Con cũng trẻ, mới băm tư năm lẻ!

Đôi tay con mạnh, gân guốc, dẻo dai

Ngực nở nang, chắc bắp thịt nơi vai

Con làm việc giờ lâu không biết mỏi!

  

Một đứa trẻ vừa bi bô giọng nói

Nó dường như mới chập chững biết đi

Đứa lớn hơn nắm tay mẹ nói gì

Rồi chúng gọi:”Bố ở đâu vậy bố?”

  

Người đàn ông từ đàng sau bước cố:

“Bố đây con! Để mẹ nắm tay nha!

Bố ghé mua xen-uých, mấy món quà

Để bố mẹ, các con ăn, ngoan nhé!”

  

Chúa nhân từ! Con thở dài thật nhẹ!

Có cái gì vừa  vướng vướng trong tim!

Con cũng người đàn ông có quả  tim

Kiếm  hạnh phúc nơi cuộc đời chao đảo!

  

Từ vào đời,  con ôm nhiều hoài bão!

Nhưng con dâng lên Chúa tự lâu rồi

Không giữ gì cho con cả, than ơi!

Dâng  lên Chúa mà đáy lòng đau khổ!

  

Thật thế Chúa, con phải yêu chung cả!

Không giữ riêng một đôi mắt bồ câu

Phải quên đi làn tóc mượt  mái đầu

Không thể giữ đôi bàn tay trắng muốt!

  

Không thể ngăn dòng lệ thơ cố  nuốt!

Vì yêu con, vì muốn mãi có con

Và Chúa ơi, nàng đã sống mỏi mòn!

Nhưng con mãi chỉ làm theo ý Chúa!

 

Chúa cần con và con từng tuyên hứa

Làm thợ gặt trên những cánh đồng xa

Lời gọi mời nơi Chúa vẫn thiết tha

Chúa cần con! Con sao đành bỏ Chúa?

  

Dù trái tim, thân thể này héo  úa

Xin cho con trong sạch để ấp ôm

thế gian này - Nhưng chẳng giữ riêng con

Mà con sẽ dâng lên Thầy  chí thánh!

  

Chúa nhân từ! Chiều Chúa nhật cô quạnh

Con đớn đau, nhức nhối cả trái tim!

Xin cho con kiên nhẫn nguyện lời kinh:

“Con dâng hết! Con hi sinh vì Chúa!”

  

Bút Xuân TRẦN ĐÌNH NGỌC 

(Một phần ý thơ lấy  từ bài:”Lời nguyện của  một LM chiều CN” tác giả LM  Michel Quoist   www.conggiaovietnam.net )
 

VỀ MỤC LỤC
BÁO CHÍ ANH LOAN BÁO TỔNG THỐNG BUSH CÂN NHẮC SUY XÉT ĐẠO CÔNG GIÁO
 

(CNA 15.06) Trong ngày Đức Táhnh Cha Biển-Đức tiếp kiến tổng thống Mỹ Bush,13.06, tờ The Telegraph đưa tin rằng TT bush có thể đang cân nhắc trở lại đạo Công giáo sau nhiệm kỳ tổng thống. Tờ The Telegraph cho biết nhiều nhật báo Ý cũng bình luận về tin tức nầy, đặc biệt là tờ Il Foglio. Cũng giống như nguyên thủ tướng Tony Blair, ”nếu có sự gì đó xảy ra, nó sẽ xảy ra sau khi ông chấm dứt nhiệm kỳ, chứ không phải là trước khi đó. Nó tương tự như trường hợp của ông Tony Blair, song với những tình huống khác biệt”. Một người bạn của TT Bush, Cha George William Rutler, đã trở lại Công giáo năm 1979, nhận định rằng ông Bush lưu tâm tính chất đáng tin cậy việc Chúa Kitô lập ra Đạo Công giáo ra sao và Người đã chỉ định Thánh Phêrô lam giáo hoàng tiên khởi thế nào. Ông đánh giá cao thần học có hệ thống, sự vững chắc và ổn định của Giáo Hội.

Hiện TT Bush thuộc Giáo Hội Tin Lành Giám Lý [Methodist] ở Texas và dự lễ tại một thánh đường thuộc Giáo Hội Tin Lành Tân giáo [Episcopal] ở Washington,  nhưng những năm vừa qua ông có quan hệ vững mạnh với Đức  giáo hoàng và có lòng kính trọng sâu xa đối với Đạo Công giáo. Cố vấn chính trị của ông đã mới các trí thức Công giáo đến giải thích các giáo huấn Giáo Hội cho ông ở Texas và TT Bush cũng đã chỉ định các thẩm phán Công giáo vào Tòa Án Tối Cao, tuyển chọn những người viết diễn văn và các tư vấn từ người Công giáo, nhất là ông đã đọc những sách thần học của Đức giáo hoàng.

Tờ Washington Post cho rằng TT Bush có thể trở lại Công giáo bằng việc trích dẫn lời những người thân cận vi nguyên thủ quốc gia nầy. Rick Santorum, cựu thưng nghị sĩ Mỹ, liệt ông Bush vào hàng  tổng thống Công giáo :”Tôi không cho là có vấn đề gì về việc ấy. Chắc chắn ông Bush Công giáo hơn là Kennedy”. Các lập trường của TT Bush về các vấn đề đạo đức học như hôn nhân đồng tính, nạo phá thai, nghiên cứu tế bào gốc đều cùng trong đường lối với Giáo Hội, trong khi Kennedy vẫn cân nhắc giữa giáo dục Công gíao và các chính sách của ông.

Trích từ Bản Tin Giáo Hội số 89

http://www.conggiaovietnam.net/BanTinGiaoHoi/BTGH.89.htm

VỀ MỤC LỤC
Tác Phẩm CHÚA VẪN THƯƠNG

 

Lm. MICAE-PHAOLÔ TRẦN MINH HUY pss

LỜI NÓI ĐẦU  

Thật ra đây là bản nhuận chính cuốn sách tôi đã soạn tại Paris, được gợi hứng từ cuốn “QUAND LE SEIGNEUR PARLE AU COEUR” của Cha Gaston Courtois do Agnès Richomme thu thập và trình bày, cách đây mười một năm mang tựa đề TÌNH YÊU LÊN TIẾNG GỌI III để mừng Ngân Khánh Linh Mục của tôi (18.6.1972 - 18.6.1997). Khi chịu chức linh mục tôi đã cảm kích chọn cho đời linh mục của mình khẩu hiệu “CHỈ VÌ LÒNG CHÚA THƯƠNG” và trải qua bao nhiêu thăng trầm của cuộc sống, cá nhân, gia đình, Giáo Hội và xã hội, với tất cả những giới hạn và yếu đuối nhân loại, tôi vẫn cảm nhận sâu sắc tình thương của Chúa, và tôi đổi lại tên sách này là “CHÚA VẪN THƯƠNG...” 

Tạ ơn Chúa đã chọn gọi tôi làm linh mục đã được 36 năm. Tôi xin chân thành cám ơn tất cả mọi người đã, đang và sẽ cộng tác giúp đỡ cho cuộc đời linh mục của tôi, nhất là hằng cầu nguyện cho tôi. 

Lạy Chúa,

Con ca ngợi Chúa, con chúc tụng Chúa, con cảm tạ Chúa, vì Chúa đã cho phép con, qua các thẩm quyền liên hệ, sau 24 năm dài phục vụ Mục vụ giáo xứ, được gia nhập Hội Các Linh Mục Xuân Bích và đi Pháp học chuẩn bị cho một giai đoạn mới của đời linh mục phục vụ ơn gọi. 

Con muốn phó thác tất cả mọi sự cho Ba Đấng. 

Xin Chúa cho con sống những năm đầy ân sủng này với lòng biết ơn và can đảm, để trong bầu khí thinh lặng tinh thần và cầu nguyện an bình, con suy nghĩ về chính cuộc đời của riêng con với những khuyết điểm, yếu đuối, khó khăn và hi vọng; xem xét lại con đường đã qua đi, hầu chuẩn bị cho một giai đoạn mới chọn phục vụ việc đào tạo các linh mục tương lai trong linh đạo Xuân Bích; lắng nghe một cách chăm chú và nội tâm Tiếng Chúa hầu  được Chúa Thánh Thần hướng dẫn qua các Thẩm Quyền Giáo Hội; đón nhận các dấu chỉ thời đại mà nới xa tầm nhìn và mở rộng cõi lòng, để thật tình thông cảm hoàn cảnh riêng của mỗi người, cùng chia sẻ, nâng đỡ, tha thứ và yêu thương. 

Xin cho con lướt thắng mọi do dự đáp lại tiếng Chúa gọi. Xin Chúa mở rộng tay ban cho con ơn để từng bước tiến tới trên con đường Chúa đã chuẩn bị cho con. Con cảm ơn Chúa đã ban cho con cơ hội giã từ những công việc bận rộn ở giáo xứ, đi một chuyến xa để có thời gian hồi tâm, cảm ơn và đền tạ, để được đào tạo và tự đào tạo cho một sứ mệnh cao hơn bản thân con. 

Dĩ nhiên con đang cảm thấy một khó khăn nào đó, một giới hạn nào đó… Vậy con hết lòng khiêm tốt cầu xin Chúa mở rộng Ơn Thánh Thần cho con, nhờ lời bầu cử mạnh thế của Trinh Nữ Maria mà Chúa đã ban làm hiền mẫu của con. 

Con đặt mình trước mặt Chúa và trực diện với chính bản thân con. Con hôm nay như thế nào, với tư cách một người đàn ông và là một linh mục? Con  cảm thấy con là chi và kinh nghiệm của con là gì? Đâu là đối tượng những ước mơ và tình cảm của con? Con xin Chúa điều gì ngoài tình yêu của Chúa? 

Lạy Chúa Giêsu, Chúa biết rằng con cũng cần được khích lệ, được nâng đỡ và được an ủi. Xin cho con biết đón nhận dồi dào sự bổ sức của Chúa, ngõ hầu đến phiên con, con có thể nâng đỡ và an ủi kẻ khác. Chúa đã nhẫn nại, lắng nghe, khích lệ và sưởi ấm cõi lòng hai môn đệ trên đường đi Emau, xin dạy con ngắm nhìn Chúa thật lâu, trong kinh nguyện và thờ phượng, để con có thể đủ khả năng cộng tác vào sứ vụ Chủ Chiên Nhân Lành của Chúa. 

Xin cho con biết chạy đến Chúa là thực tại lớn hơn con, lớn hơn tất cả, tất cả mọi người và tất cả mọi sự, kể cả tình yêu, đau khổ và cái chết. Xin cho con hiểu được ý nghĩa và đòi hỏi của những thực tại đích thực mà con đã được thánh hiến để phụng sự. Xin giúp con vượt qua sự chủ quan để luôn tìm lại được ý nghĩa lẽ sống vì thiện ích của mọi ngươì.

Lạy Chúa, xin giúp con nhớ lại sứ vụ đã sống trong những năm qua, với kinh nghiệm, vui mừng cũng như đau thương, thành công cũng như thất bại, mà Chúa đã cho con sống, với một hoài niệm không mặc cảm, quân bình và đầy lòng biết ơn. Xin cho con cũng ý thức về hiện tại của con và giúp con biện phân được con là chi, khi con đọc lại quá khứ của con, hay khi con đối mặt với những trọng trách đang chờ đợi con. 

Hơn nữa, xin Chúa giúp con biết biến những hoài niệm hay ý thức ấy thành những giải pháp thực hành cụ thể, trong sứ mệnh, dù con có thể gặp phải những thử thách và thất bại. Xin cho con hiểu được rằng Chúa cho phép những thử thách đó, để mắt chăm nhìn vào các dấu vết của Chúa, con sẽ trung kiên rảo qua con đường khổ nạn thập giá của Chúa, trong niềm hy vọng Phục Sinh. 

Lạy Mẹ Maria, xin Mẹ nâng đỡ con và những người đau khổ trên đường đời, mà thường con không thể chữa lành chỉ với những lời lẽ của con người. Xin Mẹ ban thêm sức cho những người đau khổ phần xác mà lắm lần con không thể làm gì hơn để cứu giúp họ. Xin Mẹ giúp con biết an ủi những người đau khổ trong tâm hồn, thường là những nỗi đau khổ thầm kín đè nặng bước chân của biết bao nhiêu người, đàn ông cũng như đàn bà, thanh niên cũng như thiếu niên, dâng hiến cũng như giữa đời, ở bình minh cuộc sống hay xế bóng tuổi đời. Lắm khi họ không dám bộc lộ những đau khổ của mình ra, tuy nhiên vẫn như chờ đợi ở người môn đệ của Chúa một lời nói hay một cử chỉ mang dấu hiệu hoạt động an ủi của Chúa Thánh Thần. 

Lạy Mẹ Maria là Mẹ của Chúa Giêsu Linh Mục, dưới chân thập giá, Mẹ đã nhận con làm con Mẹ. Mẹ biết tất cả, Mẹ thấy tất cả, Mẹ biết con hơn con biết mình. Mẹ biết con thiếu chi và cần chi, và Mẹ biết là Mẹ cần làm chi cho con, xin Mẹ uốn nắn và đào tạo con nên linh mục như lòng Chúa, Mẹ và Giáo Hội mong muốn, để rồi con cũng có thể làm được chút chi cho đàn em và con cái của con sau này, vì tương lai của Giáo Hội và quê hương Việt Nam thân yêu của con. Amen. 

Cuốn sách này không giống như những cuốn sách khác. Cuốn sách này không phải để đọc, để biết, để lý luận, để phê bình… Cuốn sách này để sống, để cầu nguyện, vì thế xin bạn đừng đọc nó với lý trí, mà hãy đọc với con tim. Mới đọc một câu mà ý tưởng đánh động lòng bạn, giúp bạn cầu nguyện, thì bạn hãy dừng lại đó để cầu nguyện, để nói với Chúa và nghe Chúa nói. Nhưng nếu từng lời, từng ý, từng đoạn mà bạn cảm thấy dường như Chúa Giêsu đang nói, thì xin bạn hãy tế nhị đừng ngắt lời Ngài. Bạn chỉ ngừng lại khi hết giờ quy định. Đó cũng là một dịp tập ý chí và hi sinh làm quà kèm theo lời cầu nguyện, vì lời cầu nguyện kèm hy sinh luôn luôn có hiệu quả. 

Nếu quả thật bạn thích thì xin bạn tìm nhiều dịp để đọc và để ngừng, ngõ hầu có thêm nhiều hy sinh, nhiều của lễ. Đọc đi rồi đọc lại và ghi lại những ý tưởng nào đánh động lòng bạn nhiều, giúp bạn cầu nguyện sốt sắng, nhất là giúp bạn sống, giúp bạn canh tân cách nghĩ, cách nhìn, cách sống, với mình và với tha nhân… Nếu bạn làm như vậy, với ơn Chúa, bạn sẽ thấy những điều kỳ diệu không ngờ. Nếu được thế thì người viết đã làm xong nhiệm vụ và đã được tưởng thưởng rồi. Xin chân thành cảm ơn bạn. 

Bùi Chu, Tháng Đức Mẹ 2008

Micae-Phaolô Trần Minh Huy pss

LỜI MỜI GỌI

Thánh Tâm Chúa Giêsu muốn chúng ta phổ biến việc tôn sùng Trái Tim Ngài. Mỗi người chúng ta hãy làm một người phu trạm mới, chuyển đạt tín thư yêu thương của Thánh Tâm cho người khác.  

Thánh Tâm Chúa Giêsu là Lò Lửa Yêu Mến, Ngài muốn mỗi người chúng ta trở thành một mồi nuôi lửa mới, đem tiếp lửa và nhen thêm những bếp lửa mới. 

Thánh Tâm Chúa Giêsu ban cho chúng ta Ánh Sáng, Niềm Vui, Tình Thương và Ơn Cứu Độ. Ngài không muốn ai giữ riêng kho tàng ấy, Ngài muốn chúng ta chia sẻ… 

Vậy xin bạn vui lòng chia sẻ với người khác những cảm nghiệm thiêng liêng, những lay động, những suy tư, những ý thức, những ân huệ, và những quyết tâm dấn thân…. Bằng cách đó, bạn  sẽ là chứng tá, là lời loan báo sống động, là phu trạm mới chuyển tín thư, là mồi nuôi lửa đi nhen thêm những bếp lửa mới cho Thánh Tâm.

I. Hỡi người kém tin, tại sao mà nghi ngờ? 

Thiên thần đến báo tin cho Zacharia rằng ông sẽ có một con trai. Zacharia đã không tin. Ông đã nhìn vào chính ông: “Chúng tôi đã già…” Đó cũng là cơn cám dỗ của tất cả chúng ta: Chúng ta cứ chăm nhìn vào những khó khăn của mình, thay vì trông cậy vào Chúa. 

Phêrô đã có một hành vi đức tin  táo bạo: “Xin truyền cho tôi đi trên mặt nước mà đến với Ngài.” Phêrô bước đi trên mặt nước. Nhưng rồi Phêrô đã nhìn vào cơn gió mạnh thay vì nhìn vào Chúa Giêsu. Do đó, Phêrô sợ và đã bắt đầu chìm xuống. Và Chúa Giêsu đưa tay ra ngay cho ông.  

Lỗi lầm của Phêrô - và cũng là lỗi lầm của chúng ta - là chăm nhìn vào trở ngại, khó khăn của chúng ta và chỉ còn thấy có chúng, thay vì nhìn vào sự toàn năng của Thiên Chúa. Chúa ở rất gần, nhưng chúng ta hay quên điều đó!

II. Đc Tin của chúng ta ảnh hưởng trên các biến cố. 

Chúa Giêsu thường nói: “Đức Tin của con đã cứu con.” Chính Đức Tin của chúng ta sẽ cứu chúng ta. Chúa Giêsu trở về Nazareth và Ngài ngạc nhiên vì dân chúng thiếu lòng tin. Rõ ràng là Chúa Giêsu không thể làm ở đó phép lạ nào, vì họ thiếu Đức Tin. Chúa toàn năng, nhưng Ngài cần Đức Tin của chúng ta để hành động.

Người đàn bà bị bệnh loạn huyết nghĩ rằng nếu bà đến sờ vào gấu áo Chúa Giêsu thì bà sẽ được khỏi bệnh. Và Chúa Giêsu đã nói với bà: “Đức Tin của bà đã cứu bà” vì bà đã tin. 

Cũng tương tự như thế với viên bách quản. Ông đã nói với Chúa Giêsu: Tôi biết Ngài đầy quyền năng, Ngài có thể chữa cho đầy tớ của tôi được lành, cũng như khi tôi bảo các binh sĩ của tôi “hãy làm cái này…” thì họ làm ngay. Chúa Giêsu thán phục một lòng tin như mạnh mẽ như thế. Và người đầy tớ được lành ngay lúc đó. 

Chúa Giêsu hỏi cha đứa trẻ bị kinh phong: “Nó bị như vậy từ bao giờ? - Thưa, từ hồi nó còn bé… nhưng nếu Ngài có thể làm được gì thì xin giúp tôi với... Chúa Giêsu nói: sao lại nói - Nếu Ngài có thể…? Cái gì cũng có thể đối với người có lòng tin.” 

Đức Tin chuyển núi dời non: “Kẻ nào xin mà trong lòng không chút nghi ngờ, nhưng tin rằng lời mình xin sẽ được thực hiện thì kẻ ấy sẽ được phép lạ.” “Tất cả những gì các con cầu xin, hãy tin chắc chắn rằng các con sẽ được, thì điều đó sẽ được ban cho các con.”

III. Đức Tin đạt được những đổi thay trong chương trình của Thiên Chúa 

Mẹ Maria ở tiệc cưới Cana.

Chúa Giêsu chưa làm phép lạ. Đức Mẹ đã nói với Chúa: “Họ hết rượu rồi…” Chúa Giêsu trả lời Đức Mẹ hai điều:

·  Mới khởi đầu đời sống công khai của con. Bây giờ con phải lo công việc của Cha con. Có gì giữa Mẹ và con?

·  Giờ con chưa đến. Chưa phải ý Cha con muốn con làm phép lạ. 

Chuyện thật phi thường: Đức Mẹ dặn trước các người giúp việc: “Ngài bảo gì thì hãy làm theo.” Mẹ đã dọn đường trước. Mẹ đã có một Đức Tin không thể tưởng được. Đức Tin của Mẹ Maria đã làm thay đổi thời giờ của Chúa. Đức Tin của Đức Mẹ là gương mẫu cho mỗi người chúng ta. 

Người đàn bà Canaan

Bà la lên để cho người ta nghe. Bà có lắm vấn đề với con gái bà (cũng như tất cả chúng ta đều có những vấn đề của mình). Con gái bà bị quỷ ám. Chúa Giêsu không trả lời. Bà nài nỉ. Bấy giờ Chúa Giêsu mới nói: “Ta chỉ được sai đến cho chiên Israel thôi. Không nên lấy bánh của con cái mà ném cho chó.” Bà đáp ngay: “Nhưng những mảnh vụn từ bàn ăn rớt xuống…” Bấy giờ Chúa Giêsu nói: “Hỡi bà, bà đã có lòng tin mạnh. Bà được như bà muốn.” Chúa Giêsu “bị lung lay” trước đức tin của bà. Ngài đã thay đổi chương trình. Chúng ta phải xác tín điều đó. Đức Tin có hiệu lực bên cạnh Chúa Giêsu. Ngài không cưỡng lại Đức Tin của chúng ta.

Con được như con tin

Đó là một lời rất mạnh mẽ đối với mỗi người chúng ta. Chương trình của Chúa có thể được thay đổi khi Đức Tin có mặt. 

Chúng ta đang sống Mùa Lễ Hiện Xuống Mới. Chúng ta đã nhận ơn Chúa Thánh Thần cũng như các Tông Đồ đã nhận hơn 2000 năm qua trong Lễ Hiện Xuống Đầu Tiên. Các Tông Đồ đã dấn thân lên đường. Các ngài đã mạnh bạo loan báo Lời Chúa, và đã có những dấu chứng kèm theo lời rao giảng của các ngài. Bây giờ Chúa gọi chúng ta cũng cùng một việc: hãy bạo dạn đi tới và cầu xin những dấu chứng kèm theo chứng tá và lời cầu nguyện của chúng ta. 

Thánh Thần thúc đẩy chúng ta đến Đức Tin.

còn tiếp nhiều kỳ

VỀ MỤC LỤC
Ngộ Độc Thực Phẩm 

 

Trong mấy tuần lễ vừa qua, thực khách của các tiệm hamburger thấy như thiêu thiếu một món quen thuộc nào đó trong chiếc bánh mà mình vẫn thường ăn. Đó là mấy lát cà chua sống đỏ tươi với nhiều chất nước ngòn ngọt, chua chua, ăn vào mát miệng, thịt mềm mềm, dễ nuốt…

Vâng, cà chua đã tạm thời vắng bóng vì có nhiều báo động của giới chức y tế là cà chua tươi sản xuất tại một nông trại nào đó bị vi khuẩn nguy hại xâm nhập, gây bệnh cho người tiêu thụ.

Thực vậy, từ ngày 10 tháng 4 năm 2008 đã có trên 228 trường hợp ngộ độc thực phẩm vì ăn cà chua sống tại 28 tiểu bang và 43 bệnh nhân phải nhập bệnh viện điều trị.

 Để bảo vệ sức khỏe dân chúng, cơ quan Thực Dược Phẩm Hoa Kỳ đã yêu cầu ngưng bán cà chua và lưu ý dân chúng vể rủi ro ngộ độc khi ăn cà chua chưa nấu chín.

Theo bác sĩ David Acheson, chuyên gia dinh dưỡng cơ quan FDA, cà chua xuất xứ từ Mexico và Florida có thể bị nhiễm với loại vi khuẩn Salmonella hiếm có tên là St Paul.

Năm 2004, một vụ nhiễm độc tương tự do cà chua đã xảy ra với 560 người bị bệnh và nhiều người đã kiện đòi bồi thường. 

Ngộ độc thực phẩm là danh từ được dùng để chỉ một số bệnh gây ra do nhiều tác nhân khác nhau như vi khuẩn, ký sinh trùng, hóa chất, thực phẩm có sẵn chất độc hại hoặc do môi trường.

Ngộ độc là chuyện thường xảy ra với trên 250 loại khác nhau đã được mô tả.  

1- Ngộ độc do độc tố của vi sinh vật.

Từ vi khuẩn có hai loại độc tố tổng quát với độc tính khác nhau được sản xuất:

- Nội độc tố có trong màng tế bào, ít độc, chống lại với nhiệt. Khi vi khuẩn chết, độc tố thoát ra và gây bệnh.

- Ngoại độc tồ do vi khuẩn tiết ra trong khi còn sống, rất độc nhưng dễ bị nhiệt hủy hoại.

Trong ngộ độc thực phẩn vì độc tố, có hai loại được lưu ý nhất là Clotridium botulinum và Staphylococcus.

a- Vi khuẩn Clotridium botulism

Đây là các vi khuẩn yếm khí (anaerobic) có bào tử, tiết ra độc tố thần kinh rất mạnh và gây ra bệnh botulism.

Độc tố chỉ sản xuất trong điều kiện không có không khí, như thực phẩm đóng hộp hoặc trong túi nhựa gắn kín. Bệnh được diễn tả lần đầu ở nước Đức vào năm 1878 với tên là “ngộ độc xúc xích” (sausage poisoning)

Đa số trường hợp ngộ độc là do bất cẩn trong khi đóng hộp để dành thực phẩm tại nhà, đôi khi đồ hộp chế biến sẵn. Thịt, rau, thủy sản đóng hộp đều có thể nhiễm vi khuẩn C Botulism.

Trong thực phẩm đông lạnh, C Botulism vẫn còn sống nhưng không tăng trưởng được. Do đó thực phẩm đông lạnh không gây ra botulism.

 Độc tố botulism rất mạnh.

Chỉ cần o.35 mcg độc tố để giết chết một người hoặc 1gr để gây tử vong cho 3 triệu sinh mạng. Theo một chuyên gia về độc chất, sức mạnh gây tử vong của botulism loại A mạnh hơn nọc rắn hổ mang (cobra) tới 10,000 lần, mạnh hơn các hóa chất strychnine, cyanur cả triệu lần.

 May mắn là độc tố có thể bị tiêu hủy khi nấu thực phẩm ở nhiệt độ 80 C trong 10 phút.

Dấu hiệu ngộ độc xuất hiện từ 12 tới 36 giờ sau khi ăn trúng.

Nạn nhân cảm thấy mệt mỏi, suy nhược, chóng mặt, nhìn một hóa hai, nói, nuốt khó khăn, khó thở. Khi hoành cách mô và các cơ ở ngực bị tê liệt, hô hấp ngưng và tử vong xảy ra.

Vì tính cách nguy hiểm, thực phẩm gây ngộ độc botulism đứng đấu trong ba hạng thực phẩm cần phải được thu hồi tức thì trên thị trường.

Để tránh ngộ độc này, cần đun nóng đồ hộp khoảng 10 phút trước khi ăn, không ăn thực phẩm đã đổi mầu và cấu trúc. Đốt bỏ hộp thực phẩm có dấu hiệu gas phồng lên ở góc hộp để tránh súc vật ăn phải và lây bệnh.

b- Vi khuẩn Staphylococcus

Tại Hoa Kỳ, đây là ngộ độc thực phẩm thường xảy ra nhiều nhất và do độc chất của vi khuẩn Staphylococcus hiện diện trong thực phẩm trước khi người tiêu thụ. Độc chất chống lại với nhiệt.

Thực phẩm dễ bị nhiễm là thịt nguội nướng (baked ham), gà vịt, sữa, pho mát, món ăn có kem.

Phòng tránh bằng cách nấu chín thực phẩm và giữ thực phẩm ở nhiệt độ lạnh. 

2- Ngộ độc do các vi khuẩn khác

a- Vi khuẩn Salmonella

Salmonella đang là phủ phạm gây ra ngộ độc vì tiêu thụ cà chua sống tại Hoa Kỳ.

Vi khuẩn này gây ra ngộ độc thực phẩm khắp nơi trên thế giới, nhưng được báo cáo nhiều hơn ở Bắc Mỹ và Âu châu. Người bệnh thường ít khi khai báo, thử nghiệm, chữa trị. Tại Hoa Kỳ, Salmonella là thủ phạm của 15% các trường hợp ngộ đôc thực phẩm.

Salmonella có mặt ở nhiều loại thực phẩm, đặc biệt là trong thịt sống hoặc nấu chưa chín, thịt gà vịt, trứng không cất trong tủ lạnh hoặc nứt vỏ, sữa chưa khử trùng hoặc để ngoài không khí, tôm cá từ vùng nước có nhiễm Salmonella.

Thực phẩm đã nấu chín mà để ngoài tủ lạnh trong vài giờ là điều  kiện thuận tiện cho vi khuẩn tăng sinh.

Vi khuẩn cũng có trong phân và có thể lan từ tay người mang mầm bệnh khi sửa soạn thực phẩm.

Dấu hiệu bệnh xuất hiện 1-2 ngày sau khi tiêu thụ thực phẩm có Salmonella và gồm có nóng sốt, buồn nôn, mửa, đau bụng, tiêu chảy.

Bệnh thường tự hết sau 5-7 ngày.

Để tránh ngộ độc, cất giữ thực phẩm ở nhiệt độ dưới 4ºC (40ºF), rửa tay với nước-xà bông; cọ rửa dao thớt, tránh dùng trứng nứt vỏ ngoại trừ sau khi nấu thật chín, không để ruồi, gián, chuột tiếp xúc với thức ăn đã nấu.

Sức nóng trên  60ºC (140ºF) trong 15 phút đủ để tiêu diệt vi khuẩn.

b- Clostridium perfringents

C. Perfringent tăng trưởng mạnh trong môi trường ít oxy. Chúng có nhiều ở đất, cống rãnh và các cơ sở chế biến thực phẩm kém an toàn vệ sinh. Khi vào cơ thể, vi khuẩn thường trú trong ruột và theo phân ra ngoài.

Vi khuẩn gây ngộ độc khi thịt gà thịt heo nấu chưa chín, hoặc đã nấu chín mà bỏ nguội nhiều giờ ngoài bếp.

Dấu hiệu bệnh xuất hiện sau khi ăn trúng từ 8-12 giờ với ngầm ngầm đau bụng, tiêu chẩy nhưng không nóng sốt hoặc ói mửa.

 Bệnh tự hết sau 24 giờ.

c- Streptococcus

Loại vi khuẩn này thường xâm nhập vào thịt gà vịt, đôi khi vào các loại thịt động vật khác và thực phẩm nướng, bỏ lò (bakek product).

Sở dĩ gà vịt dễ bị nhiễm vi khuẩn là vì có nhiều bàn tay của con người tiếp xúc trực tiếp với món ăn khi chuyên chở, sửa soạn, nấu nướng. Mà bàn tay này thường thường cũng có khá nhiều vi sinh vật gây bệnh bám vào, trong đó có vi khuẩn Streptococcus. Món gà, ngỗng nhồi là rất dễ bị nhiễm, nhất là khi gà vịt nặng quá 9 kg.

d- Vi khuẩn E.Coli

E.Coli là một trong nhiều vi khuẩn sống đông đúc ở ruột và được loại ra khỏi cơ thể qua phân, một ít trong nước tiểu. Do đó, vi khuẩn lan vào thực phẩm là do ruồi truyền từ phân hoặc bàn tay không rửa sau đại tiện của người sửa soạn thức ăn. Chế biến thức ăn cho con thơ mà không áp dụng vệ sinh cũng dễ dàng đưa tới ngộ độc thực phẩm cho các cháu.

Nước uống cũng có thể bị nhiễm với E.Coli.

Bệnh xảy ra khắp mọi nơi trên thế giới, đôi khi được gọi là tiêu chẩy du lịch (Traveler’s diarrhea)

 Dấu hiệu gồm tiêu chẩy ra máu trầm trọng, đau bụng, sốt nhẹ.

Để tránh ngộ độc, không tiêu thụ thức ăn, nước uống nhiễm vi khuẩn.

Nhớ câu nói “Không nấu chín, không rửa sạch, không bỏ vỏ, không ăn”.

3- Ngộ độc do ký sinh trùng

Trichinosis là bệnh gây ra do ấu trùng của ký sinh trùng Trichinella spiralis, đa số có trong thịt heo. Bệnh còn khá phổ biến tại nhiều quốc gia trên thế giới.

Ấu trùng tá túc trong ruột heo rồi chuyển vào các cơ bắp của con vật và sống ở đó cả chục năm. Khi ăn phải thịt này, người bị trúng độc.

Bệnh có các dấu hiệu như đau bụng, buồn nôn, ói. Vài tuần lễ sau là nóng sốt, đau bắp thịt khi bào tử di chuyển trong cơ thể.

Ký sinh trùng bị tiêu hủy khi nấu chín hoặc đóng đá ở nhiệt độ 18º C trong một ngày.

4- Ngộ độc do hóa chất như muối nitrite, niacin, thuốc trừ sâu bọ, hóa chất từ dụng cụ nấu thực phẩm quá cũ.

5- Ngộ độc thực phẩm do môi trường

Người Mỹ có kinh nghiệm là ăn một số thủy sản vào các tháng mà tên viết theo tiếng Anh không có chữ “R”: May, June, July, August có thể bị bệnh Ngộ Độc Tôm Cua Sò Hến (Shelfish Poisoning).

Theo các nhà nghiên cứu, sinh vật đơn bào Goynyaulax catanella có thể xuất hiện rất nhiều ở vài bờ biển, làm cho nước óng ánh đỏ (red tide). Tôm cua sò hến ăn các vi sinh vật này. Vi sinh vật tiết ra một độc tố gọi là saxitoxin mà nhiệt không hủy hoại được.

Khi tiêu thụ các thủy sản này, người bị trúng độc với các dấu hiệu xảy ra trong vòng 30 phút, gồm có mất cảm giác trên mặt, khó thở, cơ bắp suy yếu.

Duy trì an toàn thực phẩm ở nhà

Trước khi tới tay người tiêu thụ, thực phẩm trải qua nhiều giai đoạn như trồng trọt, thu hái, chế biến, cất giữ, chuyên chở, bày bán…

Nếu các giai đoạn này được bảo vệ cho thực phẩm không bị nhiễm với tác nhân độc hại, thì khi được mua về nhà người tiêu thụ, ngộ độc vẫn có thể xảy ra. Đó là khi ta không áp dụng những phương thức phòng tránh căn bản như vệ sinh cá nhân, sạch sẽ bếp núc, cất giữ an toàn.

Một việc làm hết sức giản dị nhưng cũng hết sức hữu hiệu để phòng tránh Ngộ Độc Thực Phẩm mà ta hay quên là loại bỏ thói quen đưa vi khuẩn từ người vào thực phẩm.

Trước hết là mọi người liên can tới thực phẩm cần rửa tay với xà phòng và nước trước khi đụng vào thực phẩm, đặc biệt là sau khi đi vệ sinh, thay tã cho con, đưa tay lên miệng, mũi, tóc.

Thực phẩm cần được rửa sạch sẽ với nước an toàn.

Tránh để lẫn lộn các loại thực phẩm như thịt, cá sống và rau trái cây với nhau

Nấu chín thịt, cá, gà vịt, trứng. Nhớ đừng nếm thức ăn với một cái thìa đã dùng rồi.

Sau khi nấu mà chưa ăn, cất ngay thức ăn trong tủ lạnh.

Cất thực phẩm chưa nấu ở tủ lạnh nhiệt độ dưới 4ºC (40ºF) là nhiệt độ mà vi khuẩn không tăng sinh được.

Không tiêu thụ thực phẩm quá hạn, gói thực phẩm bị rách, đồ hộp phồng lên hoặc bẹp lõm.

Không tiêu thụ thực phẩm có mùi vị bất thường.

Không ăn nấm độc.

Khi đi du lịch, chỉ ăn thực phẩm tươi, mới nấu chín, uống nước đã đun sôi. Không ăn rau sống hoặc trái cây khi không biết nguồn gốc. 

Với mọi sự đề phòng mà chẳng may vẫn bị ngộ độc thực phẩm với nóng sốt, máu trong phân, ói kéo dài, dấu hiệu khô nước cơ thể như giảm tiểu tiện, khô miệng, chóng mặt khi đứng lên, tiêu chẩy quá 3 ngày thì cần đi bác sĩ để được khám nghiệm, điều trị.

Bác sĩ Nguyễn Ý-Đức Texas-Hoa Kỳ.

VỀ MỤC LỤC
CƯỜI, Chuyện phiếm của Gã Siêu

 

Nếu gã nhớ không lầm, thì hình như Phạm Quỳnh có viết trên “Nam Phong Tạp Chí” như sau:

- Dân An Nam ta cái gì cũng cuời. Vui cũng cuời, mà buồn cũng cuời.

Ăn theo chiều hướng ấy, gã bèn suy ra rằng :

- Dân An Nam ta cái gì cũng cười. Động một tí là vén môi cuời tồ tồ.

Đây cũng có thể là một điểm khác biệt giữa ta và tây.

Ngày nọ, có một linh mục người Canada trịnh trọng thông báo cho đám học trò của mình như sau :

- Tôi rất lấy làm đau buồn báo tin cho các anh hay, cha Bolumburu của chúng ta mới qua đời…

Vừa nghe tới đây đám học trò bèn cười ồ lên, khiến cho vị linh mục người Canada ấy giận tới mức đỏ mặt tía tai, bỏ cái một về phòng của mình :

- Tôi không hiểu được tại sao các anh lại vô duyên đến thế. Trong khi tôi báo một tin buồn thì các anh lại cười ồ.

Đám học trò bèn phải cả tiếng lại dài hơi cắt nghĩa cho vị linh mục người Canada ấy hiểu rằng :

- Chúng con cười, không phải vì tin buồn được cha loan báo, nhưng chúng con cười chỉ vì tên gọi Bolumburu nghe kỳ quá…

Miết rồi vị linh mục người Canada ấy mới hiểu và cảm thông cho cái cười của người An Nam mình.

Mở tự điển tra cứu, gã ghi nhận được hai nghĩa chính của động từ cuời :

Nghĩa thứ nhất theo “Việt Nam tự điển” của Lê Văn Đức, thì cười là động tác nhích môi, hé miệng, nhe răng, phát ra tiếng hay không phát ra tiếng, để bày tỏ sự vui mừng hay một một ý tứ gì đó. Tuy nhiên, hai chữ “nhe răng” ở đây xem ra bất ổn vì còn đâu nữa vẻ đẹp của những nụ cười mỉm chi, chẳng hạn như cái mỉm cười đầy vẻ bí ẩn đã được Léonard de Vinci diễn tả qua tác phẩm “La Joconde”. Gã thấy nàng Monna Lisa đâu có…nhe răng.

Còn theo tự điển “Larousse” của Pháp, thì cười là hành vi biểu lộ niềm vui bằng cách chuyển động môi miệng và thường phát ra tiếng.

Tiếng Việt Nam của chúng ta rất phong phú, để diễn tả ý nghĩa thứ nhất này, gã đếm được cả thảy 80 kiểu cuời khác nhau, như cười duyên, cười giòn, cười khúc khích, cười chúm chím, cười ruồi, cười toe toét, cười tủm tỉm, cười xòa…

Nghĩa thứ hai cũng theo “Việt Nam tự điển” của Lê Văn Đức, thì cười là chê bai, chế nhạo, khinh khi, đe dọa, thái độ có khi tỏ ra bên ngoài bằng tiếng cười và vẻ mặt, có khi lại dấu kín trong lòng :

- Cười người chớ có cười lâu,

  Cười người hôm trước, hôm sau người cười.

Cũng trong ý nghĩa thứ hai này, gã đếm được gần hai mươi kiểu cười khác nhau, như cười gằn, cười khảy, cười mỉa, cười nhạo, cười thầm…

Trong khuôn khổ bài viết hôm nay, gã chỉ xin bàn tới hành động cười với ý nghĩa thứ nhất mà thôi.

Trong một bài viết mang tựa đề “Chuyện lạ về cười” được đăng trên báo “Kiến thức ngày nay”, tác giả cho biết :

Vào ngày 03 tháng 01 năm 1962, một dịch cười kỳ lạ đã bộc phát trong một trường học do các nhà truyền giáo phụ trách tại một ngôi làng gần Bukoba, thuộc nước Tanzanie, gần hồ Victoria.

Những triệu chứng đầu tiên là cười và khóc xuất hiện ở những học sinh nam và nữ trong độ tuổi thiếu niên. Bệnh phát ra đột ngột với những tràng cười dài từ vài phút đến nhiều giờ, thậm chí kéo dài đến 16 ngày, bị ngắt quãng bởi những đợt lắng dịu tạm thời. Ngay cả khi không cười, các bệnh nhân cũng tỏ ra kích động, không thể tập trung ý chí. Những tiếng cười cuồng loạn gây xáo trộn đến độ trường học phải đóng cửa vào cuối tháng sáu.

Khi trở về làng, các bệnh nhân nữ lây truyền bệnh cười cho bạn bè và người thân. Chỉ  những người đàn ông trưởng thành và dân làng có học vấn cao mới chống lại được sự lây nhiễm này. Dù không làm chết người, căn bệnh cười ấy lan tràn khắp vùng trong khoảng hai năm rưỡi.

Do không tìm ra một triệu chứng nào thuộc về thể xác, những viên chức thuộc cơ quan y tế công cộng loại bỏ nguyên nhân nhiễm trùng và đầu độc qua thực phẩm. Họ kết luận cơn bệnh mang nguồn gốc tâm lý : có thể đây là trường hợp cuồng loạn tập thể.

Những bệnh dịch tương tự từng bộc phát vào thời trung cổ ở châu Âu. Liệu chúng ta có được miễn dịch chống lại sự lây nhiễm của tiếng cười ? Hầu như không ai có thể nín cười trước một màn trình diễn hài hước hay một vở kịch vui trên truyền hình. Cái cười tước đi lớp vỏ bọc xã hội và văn hóa, khiến chúng ta để lộ ra nền tảng sinh học đầu tiên trong những họat động xã hội.

Những “dịch cười” như trên thật là họa hiếm và rất ít khi xảy ra. Trong đời thường, hằng ngày chúng ta vẫn cười và vẫn chiêm ngắm những nụ cười của bàn dân thiên hạ. Vậy nụ cười đem lại những hậu quả nào và chúng ta phải cười ra làm sao ? Đó là những vấn đề gã xin đề cập đến.

Trước hết, gã có thể xác quyết được rằng :

- Người là một con vật biết cười.

Hay như Rebelais đã nói :

- Cười là đặc tính của con người.

Thực vậy, để biểu lộ những tình cảm, con vật thường sủa, thường hót, thường gầm gừ, thường vẫy đuôi hay thường…nhảy cẫng lên. Chỉ con người mới biết biểu lộ tình cảm của mình qua tiếng cười mà thôi.

Cũng trên báo “Kiến thức ngày nay”, thì cách đây không lâu, Jaak Pansepp và Jeffrey Burdorf, hai nhà tâm lý tại trường đại học Bowling Green State, bang Ohio bên Mỹ, đã dành phần lớn thời giờ để làm một công việc khá ngộ nghĩnh, đó là gãi nhẹ lông các chú chuột ở phòng thí nghiệm để làm cho chúng…cười.

Họ đã sử dụng một máy khả dĩ ghi lại được những âm thanh có tần số cao như của loài dơi và họ sửng sốt khi thấy con chuột  được “cù léc” thoạt đầu phát ra một tiếng kêu la như khi bị kích thích tình dục. Nhưng sau khi cù hàng trăm lần và ghi lại thì họ lại cho rằng đó là tiếng cuời khúc khích vì khoái trá và vui thích. Sở dĩ như vậy vì họ muốn chứng minh cho bàn dân thiên hạ thấy rằng loài chuột cũng biết cười rúc rích.

Thế nhưng, báo chí và mọi người thì lại cho đó là một trò đùa để cười cợt. Vì thế cho tới bây giờ, nụ cười và tiếng cười vẫn là một nét đặc sắc của con người, bởi vì chỉ con người mới biết cười mà thôi.

Tiếp đến là giá trị của nụ cuời. Người xưa đã bảo :

- Nhất tiếu thiên kim. Một nụ cuời đáng giá ngàn vàng.

Câu nói này bắt nguồn từ một điển tích cũ như sau :

U Vương đời nhà Châu là một ông vua hoang dâm vô độ, lại rất say mê nhan sắc của Bao Tự. Thế nhưng, Bao Tự suốt ngày buồn bã, chẳng bao giờ cười lên được một tiếng. Vì thế, ông rất băn khoăn lo lắng, sẵn sàng làm đủ mọi  trò và mọi cách cốt sao đem lại cho Bao Tự một nụ cười.

Nghe nói Bao Tự thích nghe tiếng lụa xé. Thế là ông liền truyền cho nội thị mở kho và mỗi ngày lấy ra hàng trăm tấm lụa mà xé cho Bao Tự nghe, nhưng Bao Tự vẫn chẳng cười.

Thất bại nhưng không tuyệt vọng, ông truyền cho bá quan văn võ trong triều, ai có cao kiến chi làm cho Bao Tự cười, dù chỉ một lần mà thôi, cũng sẽ được trọng thưởng ngàn vàng. Quách Công bèn hiến kế : đốt lửa ở Ly Sơn và nổi trống dối gạt các chư hầu, thế nào Bao Tự cũng cười.

Số là để phòng ngừa giặc Hung nô và rợ Khương Nhung ở phía bắc tràn xuống kinh thành quấy nhiễu, các đời vua trước đã cho xây những phong hỏa đài ở Ly Sơn và đặt những cỗ trống lớn. Mỗi khi thấy lửa ở phong hỏa đài đốt lên và nghe tiếng trống nổi dậy, các chư hầu biết đó là hiệu lệnh báo động ở kinh đô có loạn, phải đến tiếp cứu.

Nghe theo lời Quách Công, U Vương đã phế bỏ cả luật lệ của cha ông ngày trước, làm nhục chư hầu, để cốt được tiếng cười của Bao Tự, lại còn đem ngàn vàng thưởng ban cho Quách Công, kẻ đã bày kế giúp cho Bao Tự cười. Nhưng rồi sau này, khi bị rợ Khương Nhung tấn công, U Vương truyền đốt lửa và nổi trống ở Ly Sơn, nhưng chẳng chư hầu nào chịu đến tiếp cứu. U Vương bị giết, còn Bao Tự thì bị bắt.

Có lẽ rút ra từ chuyện trên mà người xưa còn bảo :

- Nhất tiếu khuynh thành, tái khuynh quốc.

Có nghĩa là cười…một phát thì nghiêng thành, cười thêm…một phát nữa thì nghiêng nước, để nói lên rằng đờn bà đẹp thường làm cho hư nhà hại nước là thế !!!

Nói như vậy thì chắc chắn sẽ bị coi là tiêu cực và bôi bác, nếu không muốn nói là sẽ bị kết án là báng bổ phe đờn bà con gái.

Thế nhưng, kinh nghiệm cũng cho thấy nụ cười có khi còn đáng giá hơn cả ngàn vàng. Vì thế, người ta đã mở những trường lớp để dạy…mỉm cười, để dạy…mần duyên.

Một thiếu nữ dự thi hoa hậu, nếu không có được một nụ cuời tươi như nụ hồng thì khó mà được lọt vào những cặp mắt cú vọ của ban giám khảo. Một cô gái phục vụ tại siêu thị, mặt mũi lúc nào cũng nhăn nhó, không biết chiêu đãi “các thượng đế” bằng những nự cuời của mình, thì làm sao bán được hàng. Một trong những lý do khiến Thái Lan hấp dẫn được du khách vì người Thái nào cũng sẵn sàng mỉm cười trước những người ngoại quốc và đất nước họ thường được tuyên truyền và quảng cáo là “Xứ sở của những nụ cười”.

Một kinh nghiệm khác cụ thể hơn đã được cha ông chúng ta phát biểu như sau :

- Một nụ cười bằng mười thang thuốc bổ.

Kinh nghiệm này đã được giới y khoa từ cổ chí kim, từ đông sang tây xác nhận. Thực vậy từ thời cổ đại, nụ cười đã được coi như là một liệu pháp, một phương pháp trị liệu. Hippocrate, ông tổ của ngành tây y, đã dùng nụ cười để chữa trị cho những cái đau của thể xác và tinh thần.

Vào thế kỷ thứ hai, danh y Galien đã nhận xét :

- Những phụ nữ vui tính lành bệnh nhanh hơn những phu nữ u sầu.

Vào thời trung cổ Henri de Mandeville cũng dùng nụ cười để chữa bệnh. Ông đánh giá nụ cười làm tăng thêm sức khỏe cho cơ thể, trong khi sự buồn phiền làm cho sức khỏe bị suy yếu.

Hiện nay, những nhà sinh lý học thừa nhận một số tác dụng tích cực của tiếng cười như thư giãn, xoa bóp nội tạng…Vì vậy, “liệu pháp cười” có thể giúp các bệnh nhân tìm lại sức khỏe thể chất và tinh thần.

Bác sĩ người Pháp Pierre Vachet dùng nụ cười làm phương pháp chữa bệnh cho các thân chủ của mình và ông nhận thấy họ mau khỏi hơn những bệnh nhân khác. Thời xưa, những anh hề thường chiếm một vị trí quan trọng bên cạnh các vị vua. Vai trò của họ là mua vui cho triều đình.

Gần đây, nhà báo Mỹ Norman Cousins, tổng biên tập tờ Saturday Riview, khẳng định nhờ những màn hài hước. ông được chữa khỏi bệnh viêm khớp đốt sống, một chứng bệnh được coi như không chữa được. Ông nhận thấy rằng 10 phút cười giòn mang lại cho ông 2 giờ ngủ ngon không đau đớn và ông đã kết luận :

- Nụ cười là một liều thuốc mạnh tác động tích cực đến tinh thần, thể xác và cảm xúc của chúng ta.

Người ta cũng thừa nhận một cách khoa học rằng nụ cười kích thích các endorphine, một thứ morphine tự nhiên sinh ra từ hệ thần kinh của chúng ta và có tác dụng chống đau nhờ vào hậu quả gây tê…Ngoài ra, nụ cười còn ảnh hưởng tới việc hô hấp, làm giãn nở phế nang, kích thích sự tiêu hóa, trừ tiệt chứng táo bón. Nụ cười làm phát sinh adrénaline, giúp chúng ta nhanh nhẹn và nhạy cảm, chống lại chứng trầm uất và mất ngủ…

Ngày no, gã đi khám bệnh và phát hiện mỗi trái thận đều có một cục sạn nhỏ. Gã bèn hỏi :

- Liệu có phải mổ để lấy ra hay không ?

Bác sĩ trả lời :

- Vì nó nhỏ, nên không cần phải mổ.

Gã hỏi thêm :

- Vậy tôi phải làm gì ?

Bác sĩ trả lời :

- Có ba việc cần phải làm ngay : Thứ nhất là uống thuốc theo toa, thứ hai là uống nhiều nước vì nước chảy đá mòn, thứ ba là đừng lo nghĩ nhưng hãy…cười nhiều.

Chính vì thế có người đã nói :

- Một ngày không cười là một ngày vô ích nhất.

Và :

- Người hay vui cười mới thực sự là người hiền lành.

Gã xin kể ra những lợi ích của nụ cười bằng một sưu tầm như sau :

1- Cười là một thần dược trị được cả bệnh thể xác lẫn bệnh tâm hồn.

2- Cười làm cho ta cởi mở bao dung và có một tinh thần lạc quan yêu đời.

3- Cười làm tăng hồng huyết cầu và lá lách hoạt động tích cực hơn.

4- Cười làm tăng sinh lực, khiến ta vui vẻ lanh lợi và thêm lòng yêu thương.

5- Cười làm cánh cửa cảm thông rộng mở thật dễ dàng với mọi người.

6- Cười mím, cười nụ, cười ra tiếng làm khuôn mặt chúng ta dễ mến hơn.

7- Cười làm thư giãn các bắp thịt trên mặt, tan biến những căng thẳng.

8- Cười làm toàn thân được nhẹ nhàng thanh tịnh, thư thái và an lạc.

9- Cười giúp ta tránh được tâm trạng cay đắng khổ đau, phản ứng kịp thời.

10- Cười giúp cho tâm hồn lành mạnh và thêm khả năng sáng tạo mọi việc.

11- Cười nhiều giúp ta biết tự kỷ có trách nhiệm và thực tế hơn.

12- Cười nhiều tránh được buồn nản, dễ thành công vì tiếng cười là trí tuệ.

13- Cười là khoảng cách ngắn nhất giữa hai tâm hồn, là biết nghệ thuật sống.

14- Cười dễ vui theo cái vui của người khác, hoan hỉ như mình thành đạt vậy.

15- Cười có thể làm tan di nỗi bực mình, buồn phiền của người đối diện.

16- Cười giúp ta vui sống hiện tại, quên hết quá khứ và lo lắng về tương lai.

17- Cười giúp ta trở về với chính mình, tức là thực sự trở về đời sống mới.

18- Cười có nhiều lợi ích cho ta về sức khỏe, tinh thần và cảm xúc tâm linh.

19- Cười giúp hồn nhiên tươi sáng,có nhiều khả năng chống lại bệnh tật.

20- Cười giúp các tế bào loại T trong máu tăng lên, có sức đề kháng mạnh.

21- Cười làm giảm phong thấp, các khớp xương đỡ bị sưng và chống sưng.

22- Cười làm giảm các chất hóc môn (Cortisone) trong thận, sẽ sống khỏe hơn.

23- Cười tránh được nhức đầu, đau tim, cao huyết áp và mỡ trong máu.

24- Cười giúp tống khứ các khí dơ, thêm nhiều dưỡng khí cho bộ não thông minh.

25- Cười làm tăng máu, chống viêm khớp, làm con người luôn tỉnh táo.

26- Cười tạo điều kiện cho ánh sáng nội tâm thể hiện, thấu suốt mọi sự vật.

27- Cười giúp những nét phiền muộn tan biến, gương mặt trở nên tươi trẻ ra.

Cũng trong chiều hướng ấy mà rải rắc khắp nơi trên thế giới, người ta đã bắt đầu tổ chức những “festival cười”.

Tại Đan Mạch, cứ đến Chúa nhật thứ hai của tháng giêng là mọi người lại tụ tập về quảng trường Town Hall của thành phố Copenhagen để…cười sảng khóai.

Câu lạc bộ cười lần đầu tiên được sáng lập ở Bombay năm năm trước đây bởi bác sĩ tâm lý Ấn Độ Madan Kataria. Tiếng tốt về câu lạc bộ này đã nảy sinh ra một ý tưởng tương tự ở anh công nhân quảng cáo thất nghiệp Đan Mạch, Jan Thygesen Poulsen. Và anh ta đã trở thành người khởi xướng câu lạc bộ cười ở đất nước này.

Tại Québec bên Canada, từ nhiều năm nay đã xuất hiện “festival chỉ để cười”. Tại festival này, mọi người đều có đủ thời giờ để lập cho mình một kiểu cười chẳng giống ai. Tại Pháp cũng rộ lên “Festival hóm hỉnh” ở  Seine-et-Marne. Và mới đây hồi cuối tháng 6 năm 2005 tại Hồng Kông, người ta cũng đã tổ chức đại hội…cười.

Tuy nhiên, có một điều khác cũng không kém phần quan trọng, đó là hãy đem lại cho người khác những nụ cười lành mạnh, bởi vì chính những nụ cười này sẽ đem lại cho họ niềm an ủi trong những khi đau khổ và niềm khích lệ trong những lúc tuyệt vọng.

Trong một trại phong nọ, các bệnh nhân hầu như bị quên lãng. Họ sống lầm lũi trong đau khổ cả thân xác lẫn tâm hồn. Những tháng ngày còn lại trên trần gian chỉ là khoảng thời gian vô vọng, buồn tẻ và cô đơn. Duy chỉ có một người đàn ông luôn mỉm cười vui tươi.

Vị nữ tu chăm sóc bệnh nhân hết sức ngạc nhiên và cố tìm hiểu nguyên nhân. Cuối cùng vị nữ tu này cũng khám phá ra được lý do, đó là mỗi ngày đều có một phụ nữ thập thò ngoài hàng rào chờ người đàn ông đến và bà nở một nụ cười thân ái, trìu mến, đầy yêu thương dành cho ông. Người đàn ông ngày ngày ra gần đó để đón nhận nụ cười ban sức mạnh và tạo niềm hy vọng như hoa xuân đón ánh mặt trời, như cây cỏ hứng giọt sưong mai. Khi vị nữ tu đến gần, người đàn ông   nói :

- Vợ tôi đấy.

Sau một lúc yên lặng, ông ta nói tiếp :

- Trước khi vào đây, cô ấy đã cố chạy chữa cho tôi. Một thầy lang đã cho tôi một loại dầu và mỗi ngày cô ấy thoa lên mặt tôi. Cô ấy cũng không quên chừa lại một khoảng nhỏ để đặt vào đó một nụ hôn. Nhưng rồi tất cả đều vô hiệu, người ta đã đưa tôi vào đây. Cô ấy đã không bỏ tôi đơn độc, trái lại mỗi ngày cô ấy đều đến để mỉm cười với tôi, mang lại cho tôi sinh khí để sống. Nhờ thấy cô ấy mỗi ngày mà tôi còn ham sống và như sơ đã thấy đấy, tôi đã sống rất vui tươi.

Để kết luận gã xin kể lại một mẩu chuyện nho nhỏ :

Có một anh hề chết đi và được đưa lên trước tòa Chúa để chịu phán xét. Chúa hỏi :

- Anh đã làm được những gì trong cuộc sống ở trần gian.

Anh ta lo toát cả  mồ hôi hột vì thấy mình chẳng làm nên trò trống chi cả. Anh ta bèn thưa lên :

- Lạy Chúa, con chỉ làm cho người ta cười mà thôi.

Chúa liền phán :

- Này con, hãy vào lãnh nhận phần thưởng đã được sắm sẵn cho con, vì khi con làm cho người ta cuời và vui sướng, thì đó là con đã làm cho chính Ta cười và vui sương rồi đó.

Như vậy, muốn được hạnh phúc ở đời này cũng như ở đời sau, chúng ta hãy cười…và cười luôn mãi, đồng thời cũng đừng cố gắng đem lại cho người khác những nụ cười trong sáng.

Gã Siêu    gasieu@gmail.com
 

VỀ MỤC LỤC

- Mọi liên lạc: Ghi danh, thay đổi địa chỉ, đóng góp ý kiến, bài vở..., xin gởi về địa chỉ

giaosivietnam@gmail.com

- Những nội dung sẽ được đề cao và chú ý bao gồm:

Trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm thực tế trong việc mục vụ của Giáo sĩ;  Những tài liệu của Giáo hội hoặc của các Tác giả nhằm mục đích Thăng tiến đời sống Giáo sĩ; Cổ võ ơn gọi Linh mục; Người Giáo dân tham gia công việc “Trợ lực Giáo sĩ” bằng đời sống cầu nguyện và cộng tác trong mọi lãnh vực; Mỗi  Giáo dân phải là những “Linh mục” không có chức Thánh; Đối thoại trong tinh thần Bác ái giữa Giáo dân và Giáo sĩ… (Truyền giáo hay xây pháo đài?)

- Quy vị cũng có thể tham khảo những số báo đã phát hành tại

www.conggiaovietnam.net

Rất mong được sự cộng tác, hưởng ứng của tất cả Quí vị

Xin chân thành cám ơn tất cả anh chị em đã sẵn lòng cộng tác với chúng tôi bằng nhiều cách thế khác nhau.

TM. Đặc San Giáo Sĩ Việt Nam

Lm. Luca Phạm Quốc Sử  USA

 

 

Duoc chon giua loai nguoi va cho loai nguoi; GIAO SI: Xuat phat tu giao dan, hien dien vi giao dan va cay dua vao giao dan, de cung lam VINH DANH THIEN CHUA

*************