HƯƠNG VĨNH
I.- ĐẠI HỘI THÁNH THỂ QUỐC TẾ THỨ 49
1.- Canada Thánh Thể
Đại hội Thánh Thể
Quốc tế (ĐHTT) lần thứ 49 với chủ đề “Bí tích Thánh
Thể là món quà Thiên Chúa ban để cho thế gian được sống”,
được tổ chức tại Thành Phố Québec, tỉnh bang Québec
(Canada), từ ngày 15-22/6/2008, nhằm tuyên xưng và đào sâu
đức tin vào Chúa Giêsu Thánh Thể qua các buổi cử hành thánh
lễ, tôn kính thờ lạy Thánh Thể trong 8 nhà nguyện thuộc khu
vực Thành Phố Québec, học hỏi giáo lý về Thánh Thể, cũng như
lắng nghe các chứng từ về Thánh Thể.
Năm 2008 cũng là năm
kỷ niệm 400 trăm năm thành lập Thành Phố Québec. Canada vẫn
được tiếng là “Canada Thánh Thể”, với lòng mộ mến
Thánh Thể đặc biệt.
Năm 1910, Canada đã
được vinh dự tổ chức ÐHTT quốc tế lần đầu tiên, ở ngoài Âu
Châu: đó là ÐHTT quốc tế lần thứ 21 tại Montréal. Trên bình
diện quốc gia, cho tới năm 1965, tại Canada đã có tới 152
ÐHTT: cấp quốc gia (1), cấp tỉnh (1), cấp giáo phận (30),
cấp vùng (99), cấp giáo xứ (21). Ngay tại Québec đã có ÐHTT
quốc gia năm 1938, và 95 Ðại hội Thánh Thể khác nữa.
2.- Thành quả Đại
Hội Thánh Thể Quốc Tế tại Québec
Theo hảng thông tấn
Zenit ngày 3-7-2008, trong cuộc họp báo hôm trước đó (ngày
2-7-2008), Đức Hồng Y Marc Ouellet, Tổng Giám Mục
Québec, đã tổng kết thành quả Đại Hội Thánh Thể Quốc Tế
Québec và ngài cho biết Đại Hội Thánh Thể Quốc Tế đã ghi đậm
nét trong lịch sử Québec.
Đã có gần 12.000
người chính thức ghi danh tham dự, trong đó có 55 Tổng Giám
Mục, 218 Giám Mục, gần 1300 Linh Mục, 160 Phó Tế, 180 chủng
sinh, 1300 nữ tu và 150 tu huynh.
Các phái đoàn tham
dự thuộc 70 quốc gia trong đó có 22 nước Âu châu, 19 nước
Phi châu, 10 nước Á châu và 3 nước Đại dương châu.
Các gia đình của
tổng giáo phận Québéc đã tiếp rước 5000 khách hành hương và
1000 gia đình đã tham dự Đại Hội Thánh Thể như là nhân viên
thiện nguyện.
Đã có 12.500 người
tham dự tất cả mọi sinh hoạt của đại hội, 68% đến từ khắp
nơi trên toàn quốc Canada, 5000 thuộc tỉnh bang Québec và
1500 thuộc tổng giáo phận Québec.
Mỗi ngày đã có
20.000 người thăm viếng thành phố triển lãm. Đã có 20.000
người tham dự cuộc kiệu Thánh Thể và trong Thánh lễ bế mạc,
số người tham dự lên tới 60.000 dưới cơn mưa tầm tã và bài
giảng của Đức Thánh Cha Bênêđitô XVI được trực tiếp loan
truyền qua hệ thống vệ tinh đến ĐHTT.
Trong Đại Hội Thánh
Thể được tổ chức lần đầu tiên năm 1881 chỉ có 300 tham dự
viên, đa số là các vị giám đốc các phong trào Thánh Thể Âu
châu. Trong 125 năm sau đó, các Đại Hội Thánh Thể đã thay
đổi nhiều, và số người tham dự xê xích giữa 12 tới 15 ngàn.
Trong các Đại Hội Thánh Thể Quốc Tế mới đây số tín hữu tham
dự có khi lên tới hàng trăm ngàn.
3.- Những chứng từ
trong thời gian Đại Hội
Điều quan trọng là
những chứng từ trong thời gian Đại Hội đã có một dư âm sâu
xa.
Tuần San “The
B.C. Catholic”,
Quyển LXXVIII, số 25 ngày 23-6-2008 của Tổng Giáo Phận
Vancouver B.C. Canada, đã thuật lại hai chứng từ quan trọng
của một linh mục là cha Nicolas Buttet và của một giáo dân
là giáo sư Jean Vanier. Hai chứng từ nầy được hai phóng viên
đài CNN ghi nhận.
Ngoài ra, cần nhắc
tới chứng từ của bà Nguyễn Thị Thu Hồng, người em gái út của
ĐHY Tôi Tớ Chúa F.X. Nguyễn Văn Thuận, đối với Bí Tích Thánh
Thể.
II.- LINH MỤC NICOLAS BUTTET
1.- Tiểu sử linh mục
Nicolas Buttet
Cha Nicolas Buttet
là vị sáng lập Eucharistein Fraternity (Huynh
Đoàn Thánh Thể). Cha sinh năm 1961 ở Thuỵ Sĩ. Cha
vốn là một luật sư tập sự và là cựu thành viên Quốc Hội Quận
Hạt Valais.
Cha đã tham gia Hội Đồng Giáo
Hoàng về Công Lý và Hoà Bình ở Roma và năm 1992, cha đã lui
về sống ẩn dật tại
tu viện Notre-Dame du Scex, Valais.
Khi trở lại đời
thường năm 1997, cha đã sáng lập Huynh Đoàn Thánh Thể
(Eucharistein Fraternity) ở Saint-Maurice-d'Agone, toạ lạc
số 97 St. Maurice Thuỵ Sĩ. Đó là một trong nhiều tân cộng
đoàn được phát sinh sau Công Đồng Vatican II.
Cộng đoàn nầy hiện
có ba nhà: một nhà ở Epinassey trong thuở đất của Đan Viện
Saint-Maurice, một nhà ở Bourguillon (Fribourg) và ngôi nhà
thứ ba ở Pháp, tại làng La Martre, trên một thuở đất 115 mẫu
tây được Đức Giám Mục Fréjus-Toulon hiến tặng.
Vào ngày 22/06/2003,
Đức Cha Dominique Rey, giám mục giáo phận đã chính thức nhìn
nhận Huynh Đoàn, được thành lập như một hiệp hội công của
các tín hữu. Cũng vào ngày 22/06/2003, cha Nicolas được thụ
phong linh mục và thầy Jean Python là một cộng sự viên thân
cận được thụ phong phó tế.
Cộng đoàn là nơi tu
hội của chừng 20 nam nữ tu sĩ, những thỉnh sinh và tập sinh.
Họ sống đời tận hiến theo đường lối giản dị của Phúc Âm và
hoàn toàn phó thác cho Chúa theo cảm hứng của Thánh
Phan-xi-cô thành Assisi. Đời sống cộng đoàn đặt căn bản trên
Chúa Kitô Thánh Thể, được cử hành trong hy tế của Thánh Lễ
và được phụng thờ trong Bí Tích Thánh Thể.
Tu Hội cũng mời gọi
những người trẻ đến chia sẻ kinh nghiệm trong vòng một năm
nhằm suy tu, cầu nguyện và phục vụ theo chuyên môn riêng của
họ. Họ cũng đón tiếp nhiều người thuộc giới trẻ nghiện rượu
và nghiện ma tuý hay đang vật lộn với chứng suy thoái tinh
thần trong một thời gian đổi mới cá nhân.
Ngoài việc phục vụ
trong tư cách điều hợp viên của Tu Hội, cha Nicolas còn
hướng dẫn Nhóm Dorothée và Thánh Nicolas de Flue mà
cha là một diễn giả thường xuyên.
Thêm vào đó, năm
2004, cha còn ở trong lực lượng nòng cốt thành lập Viện
Đại Học Philanthropos – một trung tâm nghiên cứu về nhân
chủng học. Giáo sư của Viện không được trả thù lao nhưng
được đánh giá cao bởi những đại học uy tín nhất ở Âu châu.
Cha Buttet cũng tham
gia vào việc thành lập Ecophilos Foundation là một cơ
quan của Viện Đại Học trên, nhằm mục đích xem xét một cách
trung thực về con người khi hoạt động.
Cha đã xuất bản ba
quyển sách về Thánh Thể: Yêu mến và làm cho người ta biết
tình yêu (Aimer et faire connnaitre l’amour –
Nhà xuất bản Emmanuel). Đốt cháy dưới mặt trời của Chúa
(Brulé au soleil de Dieu – Nhà xuất bản Cerf) và
Thánh Thể ở nơi học đường các thánh (L’Eucharistie
à l’école des saints – Nhà xuất bản Emmanuel).
2.- Chứng từ của cha
Nicolas Buttet
Theo phóng viên
Laura Ieraci của đài CNN, ghi nhận từ Thành Phố Québec,
cuộc đời của cha Nicolas Buttet thật rạng rỡ. Trước kia cha
là một nghị viên trẻ tuổi nhất của Nghị Viện Thuỵ Sĩ và là
một người ở trong địa vị sẽ định hướng tương lai của đất
nước Thuỵ Sĩ. Nhưng rồi cha đã buông bỏ tất cả.
Vào năm 1988, những
vấn nạn xã hội và sự khổ đau của nhân loại mà cha phải chạm
trán khi còn là một nhà làm luật đã đòi hỏi cha phải tìm
kiếm những giải pháp đích thực là những giải pháp mà cha
không thể cung ứng như là một chính trị gia.
Hành trình tìm kiếm
của cha đã đưa dẫn cha tới việc khám phá Thánh Thể như là
suối nguồn của chữa trị và hoán cải. Giờ đây cha là một linh
mục, dâng hiến đời mình cho việc tôn thờ Thánh Thể và phục
vụ kẻ khác.
Với 47 tuổi đời,
cuối cùng cha Buttet đã sáng lập Huynh Đoàn Thánh
Thể, chuyên lo việc tôn thờ Thánh Thể. Cha đã thuật lại
câu chuyện đời mình hôm 17-6-2008, trong buổi họp khoáng đại
của Đại Hội Thánh Thể Quốc Tế lần thứ 49.
Theo cha, chủ đề của
Đại Hội “Bí tích Thánh Thể là món quà Thiên Chúa ban
để cho thế gian được sống” không chỉ đơn thuần là
một khẩu hiệu mà còn hơn thế nữa. Cha đã tuyên bố trước một
cử toạ nhiều ngàn người: “Thánh Thể là một thực tại!”
Cha nói: “Chúng
ta không luôn luôn phản chiếu Chúa Giêsu cho người khác,
nhưng một khi chúng ta nhận ra Chúa Giêsu Kitô trong hình
bánh, điều đó cho phép chúng ta nhận ra Chúa Giêsu trong anh
em chị em chúng ta” cho dù trong những thành phần
biến dạng nhất của xã hội loài người. Sự nhận chân như vậy
sẽ đòi buộc các tín hữu phục vụ và tự hiến mỗi ngày như là
quà tặng.
Cha thuật lại việc
hoán cải và chữa trị của cha trong một hành trình xuyên suốt
15 năm, đưa dẫn cha đến việc lãnh chức linh mục năm 2003.
Chặng đầu tiên mà
cha dừng chân sau khi rời bỏ chính trường là thành phố
Turin, nước Ý mà ở đó cha đã làm thiện nguyện viên cho một
cơ quan có tên gọi là “Ngôi Nhà Bé Nhỏ của Chúa Quan
Phòng” – một bệnh xá chuyên lo săn sóc những người tàn
tật về thể lý.
Sau khi trải qua một
hành trình vất vả từ Thuỵ Sĩ, cha được một tu sĩ mời làm
nhân viên của bệnh xá để săn sóc những người đến xin chửa
trị về đêm. Cha đã vui vẻ nhận lời và khi chứng kiến một
thời gian lâu dài rất nhiều người cần được tắm rửa, nên cha
đã phụ giúp tắm rửa những cơ thể khập khiểng tàn tật và cha
trở nên mệt mỏi rã rời trong công việc.
Khi xong việc, Cha
vào nhà nguyện để cầu nguyện trước Thánh Thể. Cha cho biết
chính ở đó, lần đầu tiên cha đã bắt đầu hiểu được sự hiện
diện đích thực của Chúa Kitô trong Thánh Thể. Cha nhận ra
rằng bánh Thánh Thể và những tấm thân mảnh khảnh, nằm liệt
giường mà cha vừa tắm rửa cũng chính là thân thể Chúa Kitô.
Về sau cha đã làm
thiện nguyện cho các “Thừa Sai Bác Ái” ở Calcutta, Ấn
Độ, rồi cha đã trải qua năm năm sống ẩn dật trong một tu
viện ở Thuỵ Sĩ. Một sự nhận thức sáng suốt đã đưa cha tới
việc thành lập “Huynh Đoàn Thánh Thể” (Eucharistein
Fraternity). “Eucharistein” là tiếng
Hy-lạp có nghĩa là tạ ơn hay một sự cảm tạ hướng đến Thiên
Chúa.
Cha cho biết nhiều
người tìm được sức mạnh trong Thánh Thể để tiếp tục vượt qua
những hoàn cảnh khó khăn. Cha thuật lại kinh nghiệm của cha
đối với một cộng đoàn nhỏ bé ở vùng quê bên Trung quốc mà ở
đó cha đã dâng Thánh lễ sau một chuồng trâu để chính quyền
không để ý tới. Cha nói: “Người ta có thể thấy sự đói
khát về Thánh Thể trong đôi mắt họ.”
Cha Buttet đã thuật
lại nhiều câu chuyện về những người trẻ đã chứng nghiệm sự
hoán cải và chửa trị trước Thánh Thể. Nhiều người đã đến với
tu viện của cha bên bờ tuyệt vọng, với chứng nghiện ngập
trầm trọng hay những vết thương sâu đậm về tâm lý và tâm
linh.
Sự loã lồ của Chúa
Kitô là câu giải đáp cho những vụ tai tiếng của trần gian.
Cha nói với các tham dự viên Đại Hội Thánh Thể như sau: “Chúa
Kitô loã lồ trong máng cỏ, loã lồ trên cây thập giá và loã
lồ trên bàn thờ nữa.”
Cha nói thêm: “Để
ra một ít thời giờ trước Mình Thánh Chúa cho phép người ta
học hỏi trực tiếp từ Chúa Giêsu.
Cách thức của Chúa Giêsu trở thành
Thiên Chúa trong Thánh Thể tỏ rõ cho chúng ta cách thức làm
người của Ngài.”
III.- GIÁO SƯ JEAN VANIER
1.- Tiểu sử giáo sư
Jean Vanier
Cũng
giống như phụ thân theo đuổi binh nghiệp, lúc lên 13 tuổi,
trong thời Đệ Nhị Thế Chiến, giáo sư Jean Vanier theo học
trường Cao Đẳng Hải Quân Hoàng Gia ở Dartmouth. Ông
trở thành sĩ quan hải quân trên tàu chiến Vanguard
của Anh quốc, rồi một ít năm sau, ông được thuyên chuyển
sang hàng không mẫu hạm duy nhất của Canada là
Magnificent.
Lúc bấy
giờ giáo sư ở lứa tuổi đôi mươi và đã sinh sống qua nhiều
quốc gia trong đó có nước Pháp và nước Anh. Vào năm 1950,
ông từ chức khỏi ngành Hải Quân Hoàng Gia của Canada. Trong
vòng 6 năm sau đó, ông trở nên một thành viên rồi giám đốc
của cộng đoàn giáo dân ở gần kinh thành ánh sáng Paris là “Nước
Sống” (“L’eau vive”).
Kế đó,
giáo sư trải qua một năm ở Đan Viện Bellefontaine,
một năm ở một trang trại và hai năm ở Fatima. Năm 1962, ông
đạt được cấp bằng tiến sĩ triết lý và dạy học một thời gian
ngắn ở Toronto.
Năm 1964,
linh mục nổi tiếng là cha Thomas Philippe, dòng
Đa-minh, khuyến khích giáo sư định cư ở Trosly, kế cận
Paris, ở đó cha là linh hướng của một trung tâm dành cho
những người khuyết tật.
Từ khi
rời bỏ hải quân, giáo sư Jean Vanier đã suy tư rất nhiều và
đã du lịch nhiều nơi. Giáo sư đã nhận thấy chính xác là phải
thành lập một cộng đoàn giáo dân để sống và phục vụ những
người nghèo bị xã hội bỏ rơi. Do đó ông đã mua một căn nhà
hoang phế, đặt tên là “Cộng Đoàn Arche” và
được khánh thành ngày 5-8-1964.
Khởi đầu
từ cộng đoàn đầu tiên nầy, những cộng đoàn khác đã phát sinh
ở Úc châu, Bỉ, Burkina Faso, Canada, Ivory Coast,
Đan-mạch, Tây-ban-nha, Hoa-kỳ, Pháp, Haiti, Honduras, Ấn-độ,
Ái-nhĩ-lan, Ý, Anh và Thuỵ-sĩ. Hiện nay có 103 cộng đoàn
trên thế giới.
Năm 1968,
tiếp theo một cuộc tĩnh tâm mà giáo sư rao giảng ở Merylake,
tỉnh bang Ontario, đã phát sinh cộng đoàn “Đức Tin và
Chia Sẻ” (“Faith and Sharing”), một cộng đoàn
mà ở đó người ta gặp gỡ nhau trong một ngày mỗi tháng để cầu
nguyện và ở đó mọi người được chào đón.
Năm 1971,
cùng với chị Marie Héleine Matthieu, giáo sư Jean Vanier
thành lập cộng đoàn “Đức Tin và Ánh Sáng” (“Faith
and Light”), một phong trào qui tụ những người khuyết
tật, cha mẹ họ và thân bằng quyến thuộc để có những thời
gian chia sẻ, phụng vụ và cầu nguyện. Những cộng đoàn đó gặp
gỡ nhau một hay hai lần mỗi tháng. Hiện nay có trên một ngàn
cộng đoàn như thế trên thế giới.
Cho đến
năm 1981, giáo sư Jean Vanier chịu trách nhiệm đối với cộng
đoàn “Arche” ở Trosly-Breuil. Năm 1981, giáo sư đã nghỉ phép
một năm và hết trách nhiệm đó. Ông tiếp tục định cư
Trosly-Breuil, sinh sống và chia sẻ đời mình với những người
khác ở trong một nhà của cộng đoàn. Giáo sư tiếp tục thăm
viếng các cộng đoàn khắp trên thế giới và cũng thuyết trình
nữa.
2.-
Chứng từ của giáo sư Jean Vanier
Phóng
viên của đài CNN là Deborah Gyapong đã ghi nhận chứng
từ của giáo sư Jean Vanier từ Thành Phố Québec.
Vị sáng
lập những cộng đoàn dành cho những người khuyết tật tâm thần
cho biết những người nghèo và hạng cùng đinh đang kêu gào để
được yêu thương và được quan hệ tình cảm.
Giáo sư
Jean Vanier, vị sáng lập những cộng đoàn “Arche” trên
thế giới và là tác giả của nhiều cuốn sách về lòng mẫn cảm
và sự mỏng dòn của con người, đã phát biểu trong Đại Hội
Thánh Thể Quốc Tế ở Thành Phố Québec hôm 16-6-2008 là Kitô
hữu được mời gọi nên giống Chúa Kitô, với con tim mở rộng
cho hết mọi người nghèo và bất hạnh.
Giáo sư
cho biết mở rộng lòng ra để có quan hệ tình cảm với những
người ngoài lề xã hội thì thật khủng khiếp, bởi vì làm như
thế sẽ đập phá bức tường ngăn cách con người với nhau và lấp
đầy lỗ trống phân cách người giàu và kẻ nghèo.
Giáo sư
nói: “Trong thế giới chan chứa nhiều độ lượng, nhưng phải
có sự quan hệ tình cảm và lòng yêu thương.” Giáo sư còn
nói thêm: “Để nên giống Chúa Giêsu, chúng ta phải rửa
chân cho nhau.”
Giáo sư
là một trong nhiều chứng tá giáo dân đã ngõ lời trước một cử
toạ gồm những khách hành hương đến từ hơn 70 quốc gia khác
nhau như sau: “Bằng nhiều cách khác nhau, Giáo Hội đã
đánh mất người nghèo, bởi vì thiếu ơn gọi.”
Giáo sư
nói: “Chính phủ đã lấp đầy kẽ hở phân cách giàu nghèo,
điều đó không đến nỗi tệ, nhưng điều mà người nghèo cần hơn
bất cứ điều gì hết là có người nói với họ là tôi yêu anh,
yêu chị.”
Theo giáo
sư: “Sự hiện diện của Chúa Giêsu là ở trong người nghèo
và khi đón tiếp niềm nở người nghèo là người ta đón tiếp
Chúa Giêsu.”
Giáo sư
cho biết thêm: “Trở nên giống Chúa Giêsu sẽ làm cho người
ta nhu mì khiêm tốn, mẫn cảm và dấn thân và điều đó không
phải thường tình cũng không đơn giản.”
Giáo sư
thối thúc những người hiện diện là nên bước ra khỏi “phe
cánh” của mình khi tham gia phụng vụ và phải đón tiếp niềm
nở những người nghèo, những người đui mù và những kẻ bị gạt
ra ngoài lề xã hội.
Giáo sư
nói: “Sứ vụ của Chúa Giêsu là sai mỗi người đi phục vụ
người nghèo, để rồi qua mầu nhiệm Thánh Thể, họ biết là họ
được yêu thương.”
Giáo sư
Jean Vanier cũng tỏ bày niềm hy vọng là hết mọi Kitô hữu
được thánh tẩy sẽ có thể phân biệt minh bạch mầu nhiệm Chúa
Giêu trong Thánh Thể “để tất cả họ có thể nên một ngõ hầu
thế giới tin tưởng.”
IV.- ĐỨC CỐ
HỒNG Y NGUYỄN VĂN THUẬN
Trước khi
trình bày phần chia sẻ của bà Nguyễn Thị Thu
Hồng, người em gái út của ĐHY Tôi Tớ
Chúa F.X. Nguyễn Văn Thuận, thiết tưởng rất hữu ích
khi ôn lại chứng từ về Thánh Thể của Đức cố Hồng Y, qua hai
tác phẩm của ngài là “Đường Hy Vọng” và “Năm Chiếc
Bánh và Hai Con Cá”. Chính lòng sùng kính đối với Thánh
Thể đã ảnh hưởng sâu xa đến đời sống lao tù của ngài.
1.-
“Đường Hy Vọng”
Trong đề
mục 15: “THÁNH LỄ”, Đức cố Hồng Y Nguyễn Văn Thuận đã nhấn
mạnh hai điểm sau đây về Thánh Thể, phát sinh từ cuộc sống
lao tù của ngài:
- Dù
thiếu tất cả, dù mất tất cả, nhưng còn Thánh Thể là còn tất
cả vì con có Chúa thiên đàng dưới đất. (Đoạn
363)
- Dù cô
đơn nơi đèo heo hút gió, dù tăm tối trong ngục tù, con hãy
hướng về các bàn thờ trên thế giới, nơi Chúa Giêsu đang tế
lễ; con dâng và rước lễ thiêng liêng. An ủi và can đảm
sẽ tràn ngập lòng con. (Đoạn 364)
2.-
“Năm Chiếc Bánh và Hai Con Cá”
Qua tác
phẩm trên đây, trong đề mục 4 “CHIẾC BÁNH THỨ TƯ: SỨC MẠNH
ĐỘC NHẤT CỦA TÔI: PHÉP THÁNH THỂ”, người ta thấy Đức cố Hồng
Y Nguyễn Văn Thuận đã sống trọn vẹn Bí Tích Thánh Thể như
thế nào trong cuộc sống lao tù 13 năm của ngài, trong đó có
9 năm biệt giam.
Ngài cho
biết: nhiều người đã hỏi ngài: “Làm
sao cha kiếm ra rượu lễ, bánh lễ?”
Đây là
câu trả lời: hôm sau lúc bị bắt, tôi được phép viết về nhà
để xin đồ cần dùng…Hàng chữ đầu tiên tôi viết: “Xin gởi
cho tôi ít rượu thuốc trị bệnh đường ruột”. Bên ngoài,
giáo dân hiểu ngay. Hôm sau, ông trưởng ban chấp pháp cầm
đến một ve nhỏ bên ngoài có dán giấy đề chữ: “thuốc trị
bệnh đường ruột” (tức rượu nho) và bánh lễ thì xé nhỏ bỏ
trong một cái lọ chống ẩm.
Và ngài
bày tỏ cảm tưởng: không bao giờ tôi vui bằng hôm đó: từ đây
mỗi ngày với ba giọt rượu và một giọt nước trong lòng
bàn tay, tôi dâng thánh lễ.
Tuy nhiên
cách dâng lễ mỗi nơi một khác. Ngài đã thuật
lại như sau:
Dưới hầm
tàu thuỷ chở tôi ra miền Bắc, ban đêm tôi ngồi giữa mấy bạn
tù, bàn thờ là túi cói đựng đồ…
Lúc ở
trại Vĩnh Quang, tôi phải dâng lễ trong góc cửa ban sáng,
lúc người ta đi tắm, sau giờ thể dục.
Lúc đã
quen với thời khoá biểu của trại, tôi dâng lễ ban đêm, vì tù
nhân được chia thành từng đội 50 người, ngủ chung trên một
láng gỗ…Chúng tôi đã tự thu xếp để năm anh em Công giáo nằm
quanh tôi. Đến 9 giờ rưỡi đêm, nghe tiếng kẻng là tắt đèn và
mọi người phải nằm trong mùng muỗi cá nhân; tôi ngồi cúi
sát xuống để dâng lễ thuộc lòng. Tôi đưa tay dưới mùng
để chuyển Mình Thánh cho anh em chịu lễ. Chúng tôi nhặt giấy
nylon bọc bao thuốc hút để làm những túi nhỏ đựng Mình
Thánh.
……
Mỗi tuần,
sáng thứ sáu, có một buổi học tập, tất cả 250 anh em phải
tham dự. Đến lúc xả hơi, các bạn Công giáo thừa dịp đó mang
các túi nylon đựng Mình Thánh đến chia cho bốn đội kia,
mỗi người thay nhau mang trong túi áo một ngày.
Ai cũng
biết có Chúa Giêsu Thánh Thể đang ở giữa trại tù với họ.
Chính Ngài an ủi, xoa dịu những khổ đau thể xác và tinh
thần; chính Ngài thêm can đảm chịu đựng cho họ. Ban đêm, họ
thay phiên nhau làm giờ thánh. Sự hiện diện thinh lặng của
Phép Thánh Thể biến đổi họ cách lạ lùng.
……
Không có
gì cưỡng lại được tình yêu Chúa Giêsu. Đêm tối của ngục tù
trở thánh ánh sáng, hạt giống đã đâm chồi dưới đất đang lúc
dông tố phong ba. Những ơn trọng nầy do Chúa Giêsu Thánh
Thể, chứ không phải do sức loài người.
Trong 9
năm biệt giam, ngài dâng lễ một mình lúc 3 giờ chiều,
giờ Chúa Giêsu hấp hối trên Thánh giá.
……
Để kết
luận, ĐHY viết:
Các bạn
trẻ thân mến,
Mời các
bạn nghe lời Đức Thánh Cha (Gioan Phaolô II):
“Chúa
Giêsu sống giữa chúng ta, trong phép Thánh Thể, giữa những
sự bất trắc, những hoang mang trong cuộc đời mỗi ngày, các
bạn hãy noi gương hai môn đệ trên đường về Emmau…Hãy cầu xin
Chúa Giêsu, để dọc các nẻo đường về bao nhiêu xóm nhỏ Emmau
của thời đại ta, Ngài ở lại với các bạn. Ngài phải là sức
mạnh của các bạn, là trung tâm của các bạn, là hy vọng
trường cửu của các bạn.” (Gioan Phaolô II, Sứ điệp
NQTGT XII, số 7)
Lời kêu
gọi trên đây của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II trong quá khứ
chắc vẫn còn âm vang trong Ngày Quốc Tế Giới Trẻ XXIII đang
diễn ra ở Sydney, Úc châu, từ ngày 15-20/7/2008 do Đức Thánh
Cha đương kim là Bênêđitô XVI chủ toạ.
V.- CHIA SẺ
CỦA BÀ ELIZABETH NGUYỄN THỊ THU HỒNG
Trên
VietCatholic News (Thứ Sáu 20/06/2008
09:28), Anthony Lê đã trình
bày phần chia sẻ của người em gái út của Đức cố Hồng Y
Nguyễn Văn Thuận là bà Nguyễn thị Thu Hồng tại Đại Hội Thánh
Thể Thế Giới thứ 49 như sau, căn cứ theo tin tức trên Zenit.
org:
Rất nhiều người đã
đọc về đức tin của Đức Cố Hồng Y Phanxicô Nguyễn Văn Thuận ở
nơi Phép Thánh Thể qua những bài viết tự truyện của ngài.
Thế nhưng lần này tại Đại Hội Thánh Thể Quốc Tế, các tham dự
viên lại biết được một khía cạnh khác về ngài.
Bà Elizabeth Nguyễn
Thị Thu Hồng, em gái của Đức Cố Hồng Y, chính là một trong
những thuyết trình viên tại Đại Hội Thánh Thể Thế Giới lần
thứ 49, diễn ra tại thành phố Quebec ở Canada.
Bà đã dịch sang
tiếng Anh và tiếng Pháp những bài viết của Anh mình và những
lá thư mà Đức Cố Hồng Y đã viết cho gia đình trong suốt 13
năm tù đày tại Việt Nam. Ngài bị bắt vào ngày 15 tháng 8 năm
1975, 9 trong 13 năm tù, ngài hoàn toàn bị biệt giam.
Bà Elizabeth nói:
"Qua những bài
viết của anh tôi, cụ thể nhất là qua những lá thư mà anh tôi
viết từ trong ngục tù, một điều rõ ràng nổi trội lên đó là:
cuộc đời của anh tôi được cắm rễ rất sâu vào sự kết hiệp
tuyệt vời với Thiên Chúa hằng sống qua Phép Thánh Thể,
và đó cũng chính là sức mạnh duy nhất của anh tôi. Đối với
anh tôi, đó cũng chính là một lời nguyện hay nhất, và là
cách tốt nhất để tạ ơn và ca tụng danh Thiên Chúa."
Em gái của Đức Cố
Hồng Y quả quyết rằng:
"Chính đức tin
không hề lay chuyển vào Phép Thánh Thể mới luôn là
động lực hướng dẫn cuộc đời anh tôi, và đó mới chính là sức
mạnh và của ăn trong cuộc hành trình dài nơi tù ngục. Anh
tôi luôn kết thúc những lá thư bí mật đó gởi cho cha-mẹ của
mình bằng những dòng chữ như: Mẹ và Cha kính yêu,
đừng để cho con tim của Mẹ-Cha phải trĩu nặng đi vì nổi
buồn. Mỗi ngày con sống kết hiệp với cả Giáo Hội hoàn vũ và
với sự Hy Tế của Chúa Kitô. Mẹ-Cha hãy cầu nguyện cho con để
con có được sự can đảm và sức mạnh để mãi tín trung với Giáo
Hội và Phúc Âm, và để con thực thi ý định của Thiên Chúa."
Lòng Sốt Mến
Bà Elizabeth cho
biết lời chứng thực của Anh trai Bà:
"Chỉ
ra cho tất cả chúng ta rằng: Chúa Kitô đã hiến sự hy tế của
Ngài với lòng nhiệt thành sốt mến cao độ, và Ngài đã vâng
phục Chúa Cha ngay trong chính giờ phút chịu nạn và bị đóng
đinh, và thậm chí cho tới độ phải chết đi một cách nhục nhã
trên cây thập giá, để mang lại cho Chúa Cha một nhân loại
được cứu rỗi và một tạo vật được thanh tẩy.
Trong tù ngục, với
Phép Thánh Thể đang ngự giữa, những tù nhân Kitô Giáo
và không phải Kitô Giáo đã từ từ nhận biết được ơn huệ để
hiểu rằng mỗi một giờ phút hiện tại nơi cuộc sống của họ
trong những điều kiện dã man nhất, họ vẫn có thể kết hiệp
với sự hy tế cao cả của Chúa Giêsu, và tự nâng họ lên như là
một hành động của việc long trọng tôn kính dành cho Thiên
Chúa là Cha. Mỗi ngày cùng với họ, Đức cố Hồng Y Thuận luôn
tự nhắc nhở chính mình và khuyến khích mọi người cầu nguyện
rằng:
Lạy Chúa, hãy cho chúng con có thể dâng hiến lên sự hy tế
nơi Phép Thánh Thể với tình yêu, để chúng con chấp nhận mang
lấy thánh giá, và để được đóng đinh vào đó nhằm tuyên xưng
về danh Chúa, và để phục vụ cho tất cả anh-chị-em của chúng
con."
Và Bà Elizabeth kết
luận rằng:
"Tôi muốn kết
thúc những dòng suy niệm này với những ý nghĩ dịu dàng được
thâu lại trong ngày lễ Kinh Mân Côi vào ngày 7 tháng 10 năm
1976 ở tù ngục Phú Khánh, trong thời gian mà anh trai tôi bị
biệt giam, đó là: 'Con vui mừng ở đây, trong xà
liêm này, nơi mà những ngọn nấm trắng đang mọc lên trên tấm
chiếu ngủ của con, bởi vì Ngài cũng có mặt ở đây với con,
bởi vì Ngài muốn con sống ở đây với Ngài. Trong cuộc đời con
đã nói rất nhiều rồi. Giờ đây con không nói nữa. Đến lượt
Ngài hãy nói chuyện với con, hỡi Chúa Giêsu, con đang lắng
nghe Ngài nói đây.'
Cứ mỗi lần tôi đọc
những lời này, tôi không thể nào có thể tưởng tượng được anh
trai của tôi, đang ngồi trong ổ ngục tù đen tối, phải đối
diện với sự trống vắng hoàn toàn, thế nhưng lại nhẹ nhàng
mĩm cười như là anh ấy vẫn thường như vậy, thậm chí trong
suốt những ngày cuối đời của anh,
anh đã nắm giữ
thật chặt và đầy yêu thương túi áo của anh là nơi mà Thiên
Chúa của nước thiêng đàng đang ngự trị.
Nguyện cho người cựu
tù nhân này – người đã cảm nghiệm được sự hài hòa, tình yêu,
và cuộc sống của nước thiêng đàng đến mức độ trọn vẹn nhất
nơi sự hiu quạnh của ổ ngục tù, tiếp tục hướng dẫn tất cả
chúng ta để chúng ta có thể trở nên giống với các môn đệ của
làng Emmau xưa kia – những người lớn tiếng thốt lên rằng,
'Lạy Thiên Chúa, xin hãy ở lại với chúng con và dưỡng
nuôi chúng con bằng chính mình Ngài.'"
THAY LỜI KẾT: THÁNH LỄ NỐI DÀI
Trong một Đại Hội
Thánh Thể Quốc Tế cách đây trên hai thập niên, một chứng
nhân đã đưa ra quan điểm phê phán khá nặng nề về Thánh Thể
của một tín hữu Tin Lành như sau: “Nếu những tín hữu Công
giáo tin có Chúa Giêsu ngự trong Thánh Thể thì hằng ngày họ
sẽ tuôn đến để thờ lạy Ngài và không còn cảnh tượng hoang
vắng như đang xảy ra hiện nay trong rất nhiều thánh đường ở
Âu châu và Mỹ châu.”
Thoạt mới nghe qua
chứng từ đó, người ta không khỏi bàng hoàng khi thấy các tín
hữu Công giáo có thái độ thờ ơ và thiếu tin kính đối với
Thánh Thể. Nhưng khi đi vào đời sống của những chứng nhân
Thánh Thể trên đây như cha Nicolas Buttet, giáo sư
Jean Vanier, Đức cố Hồng Y Nguyễn Văn Thuận và vô
số những chứng nhân thầm lặng khác, người ta mới lãnh hội
được chiều sâu đích thực của đời sống Thánh Thể nơi các tín
hữu.
Đời sống Kitô hữu
phải múc lấy nguồn mạch thiêng liêng từ nơi Thánh Thể mỗi
ngày hay mỗi tuần để rồi trở về với cuộc sống đời thường,
ngõ hẫu sống một “Thánh Lễ nối dài”.
Trong chiều hướng
đó, Giáo Hội bắt buộc các tín hữu phải tham dự Thánh Lễ ít
nhất vào mỗi Chúa nhật để Thánh Thể luôn được hiện thực và
tiếp nối trong cuộc sống thường nhật ngõ hầu “đời ta
là một thánh lễ nối dài” trong những thuận cảnh cũng
như nghịch cảnh, nhằm gặp gỡ Chúa Giêsu khắp mọi nẻo đường
trần thế, như được trình bày qua “tâm tình chia sẻ”
dưới đây của một bạn trẻ từ “Ðại Hội Giới Trẻ 117 tại
NewYork” trước đây:
Lạy Chúa Giêsu!
Xin cho con một tâm hồn theo
hình ảnh tấm Bánh
Thánh
Một tâm hồn trong
trắng,
cố tránh cả những ô
uế nhỏ mọn để luôn xứng đáng với Chúa.
Một tâm hồn khiêm
hạ,
Tìm chiếm chổ nhỏ
bé, nhưng luôn luôn muốn bày tỏ một tình yêu lớn lao,
Một tâm hồn đơn
sơ,
Không biết đến phức
tạp của ích kỷ và tìm hiến dâng mà không đòi lại.
Một tâm hồn lặng
lẽ,
Hạnh phúc khi thấy
sự quãng đại của mình không được người khác biết đến.
Một tâm hồn nghèo
khó,
Chỉ làm giàu cho
chính mình nhờ chiếm được chính Chúa.
Một tâm hồn hướng
về tha nhân,
quan tâm đến những
nhu cầu và ước muốn của họ.
Một tâm hồn luôn
kết hiệp với Chúa
và múc lấy nguồn
sống từ nơi Chúa.
(Vancouver B.C. Canada 19-7-2008) |