Đặc San Giáo Sĩ Việt Nam

 

 

 

ĐỰƠC CHỌN GIỮA LOÀI NGƯỜI
VÀ CHO LOÀI NGƯỜI  (x. Dt, 5.1)

 

GIÁO SĨ:

Xuất phát từ giáo dân, hiện diện vì giáo dân và cậy dựa vào giáo dân

 

ĐỂ CÙNG LÀM VINH DANH THIÊN CHÚA

 

www.conggiaovietnam.net                          giaosivietnam@gmail.com

Đặc San Điện Tử    Giáo Sĩ Việt Nam    Số 77, Chúa Nhật 05.10.2008


MỤC LỤC 

Vai Trò Ðức Nữ Trinh Trong Nhiệm Cuộc Cứu Rỗi                                      Lumen Gentium

HỌC THUYẾT XÃ HỘI, BÀI VI. KINH TẾ (202 – 250) tiếp theo               Br. Huynhquảng

XIN MẸ THƯƠNG NHỮNG ĐỨA CON CÔI CÚT                              Nhà Văn Trần Đình Ngọc

PHONG-KIẾN TÂM-LINH                                                                            Phạm Minh-Tâm

MỘT CHÚT TÂM TƯ                                                                       Bác sĩ Nguyễn Tiến Cảnh

VĂN HOÁ VIỆT NAM VỚI ĐẠO CÔNG GIÁO                                 Tiến sĩ Phạm Huy Thông

VĂN MINH MỲ GÓI VÀ ẢNH HƯỞNG CUỘC SỐNG TÂM LINH          Tiến sĩ Trần Mỹ Duyệt

CÓ THỂ CHIẾN THẮNG SỰ GIAN DỐI                                      Trần Duy Nhiên chuyển ngữ

CON PHẢI LÀM GÌ?                                                             Lm. Martino Nguyễn Bá Thông

Loan báo Tin MỪng                                     Lm. MICAE-PHAOLÔ TRẦN MINH HUY pss

BỆNH LO ÂU                                                                                        Bác sĩ Nguyễn Ý Ðức

ĐỜN ÔNG…ĐẤU TRANH                                                           Chuyện phiếm của Gã Siêu 


Vai Trò Ðức Nữ Trinh Trong Nhiệm Cuộc Cứu Rỗi

Thánh Công Ðồng Chung Vaticanô II

Hiến Chế Tín Lý Về Giáo Hội - Lumen Gentium 

Bản dịch Việt Ngữ của Giáo Hoàng Học Viện Piô X

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


 

Chương VIII

Ðức Nữ Trinh Maria Mẹ Thiên Chúa

Trong Mầu Nhiệm Chúa Kitô

Và Giáo Hội 67*

 

II. Vai Trò Ðức Nữ Trinh

Trong Nhiệm Cuộc Cứu Rỗi 72*

 

55. Mẹ Ðấng Cứu Thế trong Cựu Ước. Thánh Kinh, Cựu Ước cũng như Tân Ước, và Thánh Truyền đáng kính, trình bày ngày một sáng tò hơn vai trò của Mẹ Ðấng Cứu Thế trong nhiệm cuộc cứu rỗi và đưa vai trò ấy ra cho chúng ta chiêm ngắm. Thực vậy, các sách Cựu Ước thuật lại lịch sử cứu rỗi, trong đó ngày Chúa Kitô xuất hiện trên thế giới được chuẩn bị cách tiệm tiến. Các tài liệu tiên khởi này, như Giáo Hội vẫn đọc và về sau hiểu theo ánh sáng mạc khải trọn vẹn, dần dần cho thấy rõ ràng hơn hình ảnh người nữ, Mẹ Ðấng Cứu Thế. Theo ánh sáng mạc khải ấy, người nữ này đã được phác họa trước trong lời hứa chiến thắng con rắn, lời hứa mà Tổ Tông đã nhận được sau khi phạm tội (x. Stk 3,15). Cũng thế, Ngài là Trinh Nữ sẽ thụ thai và sinh con trai tên là Emmanuel (x. Is 7,14 so sánh với Mik 5,2-3; Mt 1,22-23). Ngài trổi vượt trên các người khiêm hạ và khó nghèo của Chúa, là những người tin tưởng, hy vọng và lãnh nhận ơn cứu độ nơi Chúa. Cuối cùng, sau đêm dài mong đợi lời hứa được thực hiện, với Ngài, người Thiếu Nữ cao sang của Sion, thời gian đã nên trọn và Nhiệm Cuộc mới được thiết lập: khi Con Thiên Chúa mặc lấy bản tính nhân loại nơi Ngài để giải thoát con người khỏi tội lỗi nhờ các mầu nhiệm của thân xác Chúa. 73*

56. Ðức Maria trong việc truyền tin. Nhưng Chúa Cha rất nhân từ đã muốn sự ưng thuận của người mẹ được tiền định trước khi Chúa Con nhập thể, để như một người nữ đã hợp tác cho sự chết, thì cũng một người nữ hợp tác cho sự sống. Ðiều đó đặc biệt thích hợp với Mẹ Chúa Giêsu, vì Ngài đem đến cho thế giới chính Nguồn Sống cải tạo mọi sự, và đã được Chúa ban cho nhiều ơn cân xứng với sứ mệnh cao cả như thế. Do đó, không có gì lạ, nếu các Thánh Giáo Phụ đã thường xưng tụng Mẹ Thiên Chúa là Ðấng toàn thánh, không vương nhiễm một tội nào, như một tạo vật mới do Chúa Thánh Thần uốn nắn và tác thành 5. Tràn đầy thánh thiện, có một không hai ngay từ lúc mới được thụ thai, Ðức Trinh Nữ thành Nazareth được Thiên Thần vâng lệnh Chúa đến truyền tin và kính chào là "Ðấng đầy ân phúc" (x. Lc 1,28). Và Trinh Nữ đã đáp lời Thiên Sứ rằng: "Này tôi là Tôi Tá Chúa, xin hãy xảy ra cho tôi theo lời Ngài" (Lc 1,38). Như thế, Ðức Maria, con cháu Adam, vì chấp nhận lời Thiên Chúa, đã trở nên Mẹ Chúa Giêsu. Hết lòng đón lấy ý định cứu rỗi của Thiên Chúa, vì không một tội nào ngăn trở Ngài, Ðức Maria đã tận hiến làm tôi tớ Chúa, phục vụ cho thân thể và sự nghiệp của Con Ngài, và nhờ ân sủng của Thiên Chúa toàn năng, phục vụ mầu nhiệm cứu chuộc dưới quyền và cùng với Con Ngài. Bởi vậy, các Thánh Giáo Phụ đã nghĩ rất đúng rằng: Thiên Chúa đã không thu dụng Ðức Maria một cách thụ động, nhưng đã để Ngài tự do cộng tác vào việc cứu rỗi nhân loại, nhờ lòng tin và sự vâng phục của Ngài. Thực vậy, Thánh Ireneô nói: "Chính Ngài, nhờ vâng phục, đã trở nên nguyên nhân cứu rỗi cho mình và cho toàn thể nhân loại" 6. Và cùng với thánh Ireneô còn có rất nhiều Thánh Giáo Phụ thời xưa cũng không ngần ngại giảng dạy rằng: "Nút dây đã bị thắt lại do sự bất tuân của Evà, nay được gỡ ra nhờ sự vâng phục của Ðức Maria; điều mà trinh nữ Evà đã buộc lại bởi cứng lòng tin, Ðức Trinh Nữ Maria đã tháo ra nhờ lòng tin 7; và so sánh với Evà, các ngài gọi Ðức Maria là "Mẹ kẻ sống" 8, và thường quả quyết rằng: "bởi Evà đã có sự chết, thì nhờ Maria lại được sống" 9. 74*

57. Ðức Maria và thời thơ ấu Chúa Giêsu. Sự liên kết giữa Mẹ và Con trong công cuộc cứu rỗi được tỏ rõ từ khi Ðức Maria thụ thai Chúa Kitô cách trinh khiết cho đến lúc Chúa Kitô chết. Thực vậy, trước hết, Ðức Maria vội vã đến thăm bà Elizabeth và được bà ấy chào mừng là người có phúc vì đã tin vào sự cứu rỗi Chúa đã hứa, trong lúc đó vị tiền hô nhảy trong lòng mẹ (x. Lc 1, 41-45). Rồi ngày sinh nhật, Mẹ Thiên Chúa đã vui mừng giới thiệu với các mục đồng và các nhà bác học đứa Con đầu lòng của mình, mà khi sinh ra đã không làm giảm bớt nhưng còn thánh hiến sự trinh khiết toàn vẹn của Ngài 10. Trong đền thánh, sau khi hiến lễ vật ấn định cho người nghèo, Ðức Maria dâng Con lên cho Thiên Chúa, và đã nghe Simeon báo trước Con mình sẽ là dấu chỉ sự phản kháng, và một lưỡi gươm sẽ đâm thấu lòng mẹ, nhờ đó tư tưởng trong lòng nhiều người sẽ được bày tỏ (x. Lc 2, 34-35). Khi trẻ Giêsu lạc mất, Cha Mẹ đã lo âu tìm kiếm và gặp lại Con trong đền thánh đang bận tâm lo việc của Cha Người. Các Ngài không hiểu lời Con nói; nhưng Mẹ Chúa Giêsu giữ lấy tất cả các điều ấy và suy gẫm trong lòng (x. Lc 2, 41-51). 75*

58. Ðức Maria và đời sống công khai Chúa Giêsu. Trong cuộc đời công khai của Chúa Giêsu, Mẹ Người cũng đã xuất hiện rõ ràng, và ngay từ đầu, trong tiệc cưới thành Cana xứ Galilêa, vì động lòng thương xót, Ngài đã cầu bầu, khiến Chúa Giêsu, Ðấng Thiên Sai, làm phép lạ đầu tiên của Người (x. Gio 2, 1-11). Trong thời gian Chúa truyền đạo, Ðức Maria đã đón nhận lời của Con Ngài, những lời nâng cao Nước Trời lên khỏi những lý do và liên hệ huyết nhục, và tuyên bố là có phúc cho những ai nghe và giữ lời Thiên Chúa (x. Mc 3,35 và song song; Lc 11,27-28) như chính Ngài hằng thực hành những điều đó cách trung tín (x. Lc 2,19 và 51). Như thế Ðức Nữ Trinh cũng đã tiến bước trong cuộc lữ hành đức tin, trung thành hiệp nhất với Con cho đến bên thập giá, là nơi mà theo ý Thiên Chúa, Ngài đã đứng đó (x. Gio 19,25). Ðức Maria đã đau đớn chịu khổ cực với Con một của mình và dự phần vào hy lễ của Con, với tấm lòng của một người mẹ hết tình ưng thuận hiến tế lễ vật do lòng mình sinh ra. Và cuối cùng chính Chúa Giêsu Kitô khi hấp hối trên thập giá đã trối Ngài làm Mẹ của môn đệ qua lời này: "Thưa Bà, này là con Bà" (x. Gio 19,26-27) 11. 76*

59. Ðức Maria sau khi Chúa lên trời. Vì Thiên Chúa không muốn tỏ bày mầu nhiệm cứu rỗi nhân loại cách long trọng trước khi Ngài đổ tràn Thánh Thần Chúa Kitô đã hứa, nên chúng ta thấy các Tông Ðồ trước ngày Hiện Xuống "đã kiên tâm hiệp ý cầu nguyện, cùng với các phụ nữ, với Ðức Maria, Mẹ Chúa Giêsu, và với anh em Người" (CvTđ 1,14). Ðức Maria cũng tha thiết cầu xin Thiên Chúa ban Thánh Thần, là Ðấng đã bao phủ lấy Ngài trong ngày Truyền Tin. Sau cùng, được gìn giữ tinh sạch khỏi mọi vết tội nguyên tổ 12, và sau khi hoàn tất cuộc đời dưới thế, Ðức Nữ Trinh Vô Nhiễm đã được đưa lên hưởng vinh quang trên trời cả hồn lẫn xác 13, và được Thiên Chúa tôn vinh làm Nữ Vương vũ trụ, để nên giống Con Ngài trọn vẹn hơn, là Chúa các Chúa (x. Kh 19,16), Ðấng đã chiến thắng tội lỗi và sự chết 14. 77*


Chú Thích:

(lưu ý: những số ghi chú nhỏ hơn đã được đăng vào những số báo trước)

 

72* Các số 55-59: Phần I - Ðịa vị và vai trò của Ðức Maria trong nhiệm cuộc cứu rỗi.

Bố cục phần này rất rõ ràng, vì dựa theo các dữ kiện lịch sử mạc khải về Mẹ Thiên Chúa trong Thánh Kinh, bắt đầu từ Cựu Ước tới thời kỳ Giáo Hội, qua sự kiện truyền tin, tới cuộc đời thơ ấu và công khai của Chúa Giêsu. Cứ như bản phúc trình chính thức đã nói, đây là phần chính yếu nhất trong Chương VIII.

73* Số 55: Trong Cựu Ước.

Thứ tự của số này theo sát lịch sử cứu rỗi như thấy trong Cựu Ước, để chúng ta thấy rằng người phụ nữ làm Mẹ Chúa Kitô trong Phúc Âm cũng là Mẹ Thiên Chúa mà chúng ta nhận biết qua thần học và qua việc tôn kính nơi các dân Kitô giáo. Như thế là Công Ðồng cho biết sự tiến triển của mạc khải về Ðức Maria và không ngần ngại chấp thuận phương pháp lịch sử cứu rỗi, một phương pháp mà một số người chuyên về Thánh Mẫu học không mấy tin tưởng. Không muốn gây ra cuộc bút chiến, nên Công Ðồng chỉ nhằm trình bày một "bản tiểu sử" về người Phụ Nữ, dựa trên toàn thể chứng từ được linh ứng của Mạc Khải trọn vẹn và trên chứng từ của đời sống Giáo Hội.

74* Số 56: Truyền tin.

Công Ðồng theo vết các Giáo Phụ, coi câu chuyện truyền tin rất quan trọng, vì nhìn thấy ở đó thái độ căn bản của mọi Kitô hữu. Giáo Hội thuở đầu đã bày tỏ lòng tin của họ vào thái độ chấp nhận này của Ðức Maria, vì là kết quả của đức tin và tình yêu của Mẹ. "Chấp nhận" không những là tiếng nói then chốt trong cả câu chuyện nhưng đồng thời còn là tiếng nói lược tóm tất cả viễn ảnh đời sống của Kitô hữu: ưng thuận khi Chúa đến và để ý định cứu rỗi hoàn tất trong ta, vừa biết quảng đại phục vụ cho công cuộc cứu thế; cũng như Ðứa Maria, chúng ta tích cực cộng tác mà không tự mãn, và qua việc chấp nhận ấy, ân sủng đem lại sự sống: trong Chúa Kitô, Ðức Maria đã ban cho thế giới Nguồn Sống đổi mới mọi sự.

75* Số 57: Ðức Maria và cuộc đời thơ ấu Chúa Giêsu.

Câu đầu tiên của số này nêu lên ý tưởng chỉ dẫn: Ðức Maria liên kết với Chúa Con trong công cuộc cứu thế từ lúc thụ thai Chúa Giêsu mà vẫn đồng trinh cho tới mầu nhiệm cuộc tử nạn của Chúa. Công Ðồng trình bày chân lý này rõ ràng hơn bao giờ hết. Chủ đề trở lại ba lần: lần Ðức Maria đi thăm bà Elizabeth, lần sinh Chúa ở Bêlem và lần dâng Chúa trong đền thờ. Câu chuyện tìm thấy Chúa trong đền thờ giúp chúng ta hiểu rõ hơn về sự liên kết ấy.

76* Số 58: Ðức Maria và cuộc đời công khai của Chúa Giêsu.

Một cách vắn tắt, Công Ðồng đóng khung hoạt động của Ðức Maria trong cuộc đời công khai của Chúa, vì theo thánh Gioan, lúc khởi đầu và kết thúc sứ vụ công khai đều có sự hiện diện của Ðức Maria. Trong hai lúc này Ðức Maria mới chỉ được gọi là "Bà". Ðó là lúc ở tiệc cưới Cana và khi đứng dưới chân Thánh Giá. Hai lời Chúa nói xem ra như hất hủi Ðức Maria. Việc can thiệp của Ðức Maria có nhiều ý nghĩa, nhưng lại nằm trong văn mạch mới đầu có thể coi là kỳ lạ. Ý tưởng chính là: Nước Thiên Chúa vượt quá mọi mối liên hệ xác thịt và hoàn toàn ở trên sự tính toán của con người. Câu chính trong số này trình bày một ý tưởng ít quen thuộc hơn: Ðức Maria cũng tiến tới trong cuộc hành trình Ðức Tin qua đau khổ và u tối.

77* Số 59: Ðức Maria sau khi Chúa lên trời.

Có hai vấn đề nói ở đây: 1) Lời cầu nguyện của Ðức Maria trước lễ Hiện Xuống cùng với các Tông Ðồ, các phụ nữ và các anh em Chúa. Ðức Maria ở giữa dân chúng chứ không ở trong số những người điều khiển cộng đoàn. Mẹ tham dự vào kinh nguyện chung. Mẹ thuộc thành phần Giáo Hội cầu nguyện đang chuẩn bị thi hành sứ mệnh của mình, và Mẹ cầu nguyện với tước hiệu duy nhất là Mẹ Chúa Giêsu (CvTđ 1,14). 2) Công Ðồng tái xác nhận hai tín điều đã được Giáo Hội tuyên bố khi lập lại những lời của các câu định tín liên hệ. Hai tín điều này có liên quan mật thiết với nhau. Ðức Maria được suy tôn làm Nữ Vương của vũ trụ, để trở nên giống với Con Mẹ là Chúa các Chúa một cách hoàn toàn hợn, và được suy tôn là Ðấng chiến thắng tội lỗi và sự chết.

còn tiếp

VỀ MỤC LỤC

HỌC THUYẾT XÃ HỘI, BÀI VI. KINH TẾ (202 – 250) tiếp theo

 

76. Trách nhiệm của nhà nước trong việc duy trì trật tự kinh tế như thế nào? 

Một trong những nhiệm vụ của nhà nước đó là giám sát và hướng dẫn việc thực thi nhân quyền trong lãnh vực kinh tế. Nhà nước có bổn phận dùy trị sự ổn định cho các hoạt động kinh doanh bằng cách tạo điều kiện để đảm bảo cơ hội nghề nghiệp cho người dân, đặc biệt trong những điều kiện khủng hoảng. Xa hơn, nhà nước có quyền can thiệp khi sự độc quyền làm cản trở hay chậm lại sự phát triển. Trong một vài trường hợp ngoại lệ, nhà nước có thể thực hiện chức năng thay thế khi một bộ phận kinh tế bị lũng đoạn. Những biện pháp can thiệp hổ trợ này chỉ nên thực hiện trong những trường hợp khẩn thiết và nhằm phúc lợi cho công ích, nên tránh việc can thiệp quá đà vào các lãnh vực đã ổn định; điều này làm tổn hại cả cho kinh tế và quyền tự do của công dân. (cf. Centesimus Annus, # 48). 

77. Nhà nước cần áp dụng nguyên tắc nào khi can thiệp vào lãnh vực kinh tế? 

Khi can thiệp vào các lãnh vực xã hội nói chung và kinh tế nói riêng, theo ĐGH Piô XI, nguyên tắc hổ trợ được xem là nguyên tắc căn bản được áp dụng. Tức là “một tập thể cấp cao không được can thiệp vào nội bộ tập thể cấp thấp đến độ tước mất các thẩp quyền của nó, nhưng đúng hơn phải nâng đỡ nó khi cần thiết, và giúp nó phối hợp hoạt động với những tập thể khác, để mưu cầu ích chung” (x. CA 48 – Pio XI). Như vậy, sự can thiệp quá mức sẽ đe dọa đến sáng kiến và tự do cá nhân. Vì các hoạt động xã hội theo bản chất tự nhiên là giúp đỡ các thành viên của nó, không bao giờ hủy diệt nó hay làm cho nó bị sát nhập. 

78. Người ta có lợi dụng khả năng làm việc để hạ phẩm giá của nhau không? 

Thật đáng buồn khi đức tính cao đẹp của con người bị lợi dụng cho việc này. Thật vậy, chăm chỉ làm việc là một đức tính tốt nhờ đó khi chăm chỉ làm việc con người sẽ trở nên con người tốt hơn. Nhưng có những nơi người ta dùng công việc như là những phương cách nhằm hạ thấp phẩm giá con người. Đặc biệt trong các trại cải tạo tập trung nơi mà người ta sử dụng sức lao động như là một hình phạt để bóc lột sức lao động con người. Việc hạ thấp phẩm giá này không chỉ nhắm tới việc làm hao mào thể chất của người lao động, nhưng xa hơn nữa, nó gây tổn hại đến phẩm giá của người lao động như là một con người chủ thể (cf. Laborem Exercens, # 9). 

79. HTXH khuyến khích quyền sáng kiến kinh tế ra sao? 

“Mỗi người có quyền sáng kiến trong sinh hoạt kinh tế, sử dụng chính đáng tài năng của mình để góp phần làm ra nhiều của cải cho mọi người được hưởng, và gặt hái những hiệu quả chính đáng do các nỗ lực của mình. Họ phải để tâm tuân theo các qui định do chính quyền hợp pháp đề ra vì công ích” (GLCG # 2429).

Thật đáng quan tâm khi thế giới ngày nay có những nơi quyền sáng kiến trong sinh hoạt kinh tế cũng bị cấp đoán. Quyền này không chỉ quan trọng cho mỗi cá nhân nhưng còn quan trọng cho lãnh vực công ích. Kinh nghiệm cho thấy, nhân danh “bình đẳng” để giới hạn hay tước đoạt quyền này, trong thực tế là đã hủy diệt tinh thần sáng kiến của chủ thể công dân. Và kết quả là, nó không mang lại sự “bình đẳng” thật sự mà còn đào thêm hố sâu ngăn cách giữa con người với nhau (cf. Sollicitudo Rei Socialis, # 15). 

80. HTXH nói đến “chủ nghĩa tiêu thụ” như thế nào? 

Sự phát triển thái quá đến mức thừa mứa của cải vật chất của một số bộ phận trong xã hội đã làm cho người ta dễ dàng trở nên nộ lệ cho những của cải ấy. Nền văn minh “tiêu thụ” hay “chủ nghĩa tiêu thụ” nghĩa là liên quan đến khái niệm “ném đi” hay “bỏ đi”. Nhưng cần hiểu rằng, khi ta sở hữu một tài sản, tài sản ấy chỉ có giá trị khi nó giúp người chủ sở hữu trưởng thành và làm cho mình phong phú hơn. Nhưng ngược lại, nếu tài sản ấy không đóng góp vào việc giúp nhận thức ơn gọi làm người, thì chúng sẽ không mang giá trị hữu ích gì cả. (cf. Sollicitudo Rei Socialis, # 28).

Thực ra, sẽ không có gì sai trái khi chúng ta muốn có một đời sống tốt hơn, nhưng sẽ sai khi người ta quan niệm một đời sống chỉ nhắm đến việc chiếm hữu; muốn có nhiều hơn để nhằm hưởng thụ và coi nó như là cùng đích thay vì nhìn nhận đời sống như nó là (cf. Centesimus Annus, # 36).
 

VỀ MỤC LỤC

XIN MẸ THƯƠNG NHỮNG ĐỨA CON CÔI CÚT

 

Mẹ ơi Mẹ! Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp!

Mẹ thông ban ơn Chúa tự trời cao

Mẹ Nữ vương thần thánh ở thiên trào

Mẹ rất xứng danh hiệu Hằng Cứu Giúp!

  

Xin Mẹ thương những đứa con côi cút!

Đang bị ba thù vây bủa xung quanh*

Chúng tấn công và múa vuốt nhe nanh

Chúng trù dập, làm những điều gian ác!

  

Cùng nguyện cầu, đàn con Mẹ ca hát

Xin Chúa thương ban ơn đánh động lòng

Cho Công bằng và Nhân ái, Bao dong

đến ngự trị nơi cuộc đời hung hiểm!

  

Phép lạ Mẹ làm, xưa nay không hiếm

Mẹ ban Bình an, Tương ái, Tương thân

Để Thiện căn và Bác ái nẩy mầm

Để danh Chúa Nhân Lành được cả sáng!

  

Để thế giới này thoát vòng mê loạn

Người trở nên chính trực, biết thương nhau

Để lời Chúa về thưởng phạt đời sau

Sẽ mãi mãi là phương châm cứu độ!

  

Mẹ ơi Mẹ! Xin Mẹ thương hỗ trợ

Chúng con dâng Yêu mến với lời kinh

Cho chúng con Nhẫn nhục, đức Hi sinh

Để xứng đáng đoàn con yêu của Me!

 

28-9-2008    

Xuân Vũ Trần Đình Ngọc

*thế gian, ma quỷ và xác thịt

VỀ MỤC LỤC
PHONG-KIẾN TÂM-LINH
 
Khi nhận-định về ảnh-hưởng của tôn-giáo trong sinh-hoạt tư-tưởng của con người, Karl Marx đã phê-phán rằng tôn-giáo chính là một thứ “ma-túy” làm mê-hoặc nhân-tâm hoặc làï “tiếng thở dài của thân-phận bị áp-bức”. Điều này có nghĩa là tôn-giáo bị lên án như là một tác-nhân gây băng-hoại sự thăng-tiến trong nhận-thức con người, như một cách-thế ru ngủ nhân-loại. Lối nhận-xét này sẽ chỉ có tác-dụng như một lời phiếm-luận mà ai cũng biết là để tuyên-truyền cho chủ-trương vô-thần khi đứng trên căn-bản nhận-thức từ giá-trị nguyên-ủy của các tôn-giáo. Thế nhưng nếu nhìn vào một vài khía cạnh mà khi tôn-giáo đã bị con người lạm-dụng để củng-cố quyền-lực và vinh-danh thân-phận mình thì lối định-nghĩa trên của Karl Marx cũng có phần đúng; song cái đúng ở đây không phải do ở bản-chất minh-nhiên của tôn-giáo đã có điều bất ổn khiến người ta có thể uốn nắn những nguyên-tắc đạo-đức thành ý-niệm méo mó như trên, mà đúng ở đây là vì những kẻ thừa-hành chức-năng rao truyền chân-lý hay hoằng-dương đạo pháp đã sai đường, lạc lối để "nên cớ cho người vấp phạm".
Tôn-giáo nào đến giữa đời cũng đều là để giúp con người tìm ra lẽ tự-thân của mình trong tư-thế của một tạo-vật tự-do và độc-lập để quyết-định cho mình một hướng sống phù-hợp nhu-cầu tâm-linh hướng-thượng. Có điều cái cách-thế độc-lập tự-do này không bao hàm ý-nghĩa về một sự tách rời đơn độc mà cần phải có sự liên-đới và hòa-đồng giữa những người cùng chung một ý-thức tôn-giáo khi niềm tin đã trưởng-thành. Các giáo-hội vì vậy ngay từ buổi đầu đã hình-thành những cơ-chế và rồi dần dần được hệ-thống-hóa trong chủ-trương giúp nhau, dẫn giắt nhau, hợp sức cùng nhau xây-dựng một thế giới tốt-đẹp như tâm-nguyện của các bậc giáo-chủ cao-minh đã vì đời mà dâng hiến.

Song le, thế-gian là một cõi ta-bà nên lòng người với ý trời càng ngày càng nghịch biến và đến bây giờ thì hầu như tôn-giáo nào cũng bị lâm nạn. Đó là cái nạn bị chính những môn-đồ của mình mưu hại bằng những cái cực-đoan, lạm-dụng quyền-bính quá độ rồi từ đó dẫn đến những ngộ-nhận  xuyên qua một số kẽ hở trong cơ-chế vì, cơ-chế nào – ngay cả cơ-chế tôn-giáo – cũng có những kẽ hở để con cái thế-gian như loài rắn đêm nguy-hiểm ẩn mình, để luồn lách bằng đủ mọi chiều kích của cái tính xác thịt, tính thế-gian. Những cái “tính” này cùng một lúc được kết-hợp với “năng quyền đã được ủy-thác” bị cố ý để trong nghĩa mập-mờ thì chúng sẽ trở thành tác-phong của kẻ thống-trị chứ không còn là hành-sự của thừa-tác-viên Hội-thánh và nhất là chiến-sĩ Nước Trời nữa. Đạo không xa người, nhưng chính người bỏ xa đạo là vì thế; xa đến độ không định-vị nổi tự-thân mình đang ở đâu và đang làm gì nữa mới là khốn khó cho Giáo-hội và cho chính Đức Ki-tô.

Trong chế-độ phong-kiến xa xưa, vua được tôn là thiên-tử, là đấng cửu ngũ chí-tôn lãnh mệnh trời để cai trị bàn dân thiên-hạ. Rồi cũng từ cái thế được làm “con trời “ này mà phát-sinh nhiều tội lụy và oan-khiên kiểu thuận ta thì sống mà nghịch ta thì nếu không chết cũng bị kết tội loạn-thần, cho nên người ta vội ngừng ngay ở ý-niệm này để lúp-xúp tung-hô vạn tuế cả minh-quân lẫn hôn-quân cho yên việc. Mà theo thói thường tự cổ chí kim thì minh-quân quá hiếm khi so với lượng số hôn-quân, bạo chúa trong đời cho nên nhìn đâu cũng chỉ thấy uy-lực và quyền hạn của “con trời” mà không mấy ai dám luận về sự hiểu biết trách-nhiệm làm con của trời thì cũng phải làm theo ý trời muốn là “dân vi quý, xã-tắc thứ chi, quân vi khinh”. Không những thế, cái bóng quyền-lực này còn tỏa lan đến một hệ-thống cơ-chế “ăn theo” rộng rãi để khuynh-loát xã-hội đến độ thất điên bát đảo vì những hành-vi vô-đạo, vô-pháp, của những cá-nhân vô kỷ, vô cương mà vẫn hống-hách dạy đời theo kiểu ta đây là dân chi phụ-mẫu mà theo quan-niệm của Nho giáo thì đó là những kẻ tiểu-nhân. Ngược lại với  những kẻ tiểu-nhân này là người quân-tử, đầu đội trời, chân đạp đất để sống bình-hoà, trung chính. “Quân-tử trung-dung, tiểu-nhân phản trung-dung. Quân-tử chi trung-dung giã, quân-tử nhi thời trung; tiểu-nhân chi  phản trung-dung giã, tiểu-nhân nhi vô-kỵ  đạn giã” (Trung-dung – Hữu đệ nhị chương); nghĩa là bậc quân-tử là những người có đạo-đức thì giữ được đức trung-dung. Còn kẻ tiểu-nhân là hạng kém đạo-đức thì trái với đức trung-dung. Người quân-tử giữ được đức trung-dung là bất kỳ giờ phút nào cũng giữ gìn được cái tâm chính-trực, không bị hoàn-cảnh lôi kéo làm cho lệch-lạc, nghiêng ghé; còn kẻ tiểu-nhân đi ngược lại với đức trung-dung nên tâm địa khuất-tất, lòng tư-dục mạnh hơn nhân-cách nên không màng tới tu-đạo mà chỉ mê chạy theo ngoại giới  thành ra chẳûng còn biết kiêng dè, sợ-sệt chi cả.

Khi xưa Đức Ki-tô thường dùng dụ-ngôn để giảng dạy và đám đông theo Người đã bị ý nghĩa của những dụ-ngôn đó lôi kéo càng ngày càng thêm số để chúng ta có một Hội-thánh đông đảo như hiện tại. Ngày nay, phần lớn những dụ-ngôn đó hình như đã bị người ta cho rằng chỉ còn giá-trị của loại truyện cổ-tích không hay lắm hay sao mà ít khi được các thầy giảng đem ra dẫn chứng hay phân-tích tỉ-mỉ mà thay vào đó là những chuyện tình, chuyện phim hay tiểu-thuyết với đầy đủ từng khía cạnh tâm-lý của mỗi nhân-vật.

Chẳng hạn dụ-ngôn về những nén bạc (Mt 25, 14-30: Lc 19, 11-27) thường khi đã chỉ được diễn-giải xuôi chiều kiểu hơi khoe khoang, tự mãn để người nghe phải suy ra như đấy chính là giấy chứng nhận khả-năng, đức-độ và quyền-hạn của những người được trao nhận mà không được thấy nhấn mạnh rằng đấy chính là những số lượng yêu-sách mà Chúa đòi phải được đáp trả đúng với sứ-vụ của Người đã giao cho. Ý nghĩa của việc làm cho các nén bạc sinh lời thật là tự-nhiên, dễ suy dễ luận nhưng lại cũng rất khó cho người đứng giảng dạy phải phân-tích và minh-chứng kết quả lời lãi qua việc thực-thi nếp sống tu-đức và đạo-hạnh hàng ngày của cả người nói lẫn người nghe. Thành ra người ta bỏ qua các dụ-ngôn hơi nhiều là vì vậy; bởi vì nếu nói phớt qua thì chỉ là sự lập lại thừa-thãi hoặc giải-thích sơ sài những ý nghĩa quá hàm súc, mà nói vào nội-dung thì phiền quá, vừa phải suy-nghĩ vừa dễ đụng chạm mà có khi còn là điều nhức-nhối cho chính cả người nói nữa.

Ngày xưa, sự uý kỵ mạnh nhất là đụng chạm đến ngôi vị thiên-tử. Từ một tứ thơ ngâm vịnh của kẻ sĩ hào-sảng nào đó đến một câu văn hay một điển-cố được nêu ra trong quyển thi, các sĩ-tử cũng phải cân nhắc để tránh bị suy diễn và bị kết tội  xúc-phạm đến chính đấng thiên-tử chí-tôn hoặc bất cứ những gì có liên-đới với quyền uy này. Tội danh nặng nhất bị cột buộc là mưu phản hoặc khi quân phạm-thượng. Ngày nay, con người đã trưởng-thành nhiều trong ý-thức về quyền-lực cai-trị cũng như vị-thế của những người lãnh-đạo cho nên các tội danh kiểu như vậy không còn nữa. Chẳng hạn cho dù có là vị tổng-thống một nước mạnh như Bill Clinton mà làm bậy cũng vẫn bị dân chúng chỉ-trích, phê-bình thẳng mặt và còn bị đàn-hặc hoặc chất-vấn nữa. Có tinh-thần dân-chủ như vậy thì nhân-quyền mới được tôn-trọng, cá-nhân người lãnh-đạo mới biết tự-chế để tránh lạm-dụng tước quyền mà lộng-hành, độc-đoán và đất nước mới đỡ được nạn thối nát, độc-tài để nhờ vậy mà uy-quyền quốc-gia có giá-trị và được tôn-trọng. Và vậy là kể như một thời phong-kiến đã qua, đỡ cho bao nhiêu người khỏi mắc vạ oan-khiên để yên thân làm một người công-dân tự-do.

Thế nhưng với những người công-dân tự-do Ki-tô hữu thì họ lại còn có thêm một vị-thế nữa là làm công-dân Nước Trời nên cũng phải liên-đới trong trách-nhiệm ngôn-sứ thiêng-liêng để như hai thánh Tông-đồ Phê-rô và Gio-an đã tuyên-bố với thượng-hội-đồng Sanhédrin của Do-thái rằng “Chúng tôi không thể làm gì khác hơn là chỉ nói về những gì đã thấy và đã nghe” (Tông-đồ Công-vụ 4, 20). Và sứ-vụ không-thể-làm-gì-khác-hơn-được  này sau hai ngàn năm vẫn còn phải tiếp-tục như lời Đức Giáo-hoàng Gio-an Phao-lô II trong Thông-điệp Ngày Truyền-thông Thế-giới lần thứ 34:“Dĩ nhiên, cục-diện và hoàn cảnh đã thay đổi một cách phi-thường trong hai ngàn năm qua. Thế nhưng nhu cầu rao giảng về Đức Ki-tô vẫn tồn-tại. Bổn phận chúng ta làm chứng tá cho sự chết và sự sống lại của Chúa Giê-su và làm chứng cho sự hiện diện cứu rỗi của Người trong chính bản thân chúng ta. Đây là một bổn phận thực và khẩn thiết giống như bổn-phận của các môn-đệ đầu tiên của Chúa vậy” và thông-diệp kết-luận bằng một lời chúc những người đang sinh-hoạt trong lãnh-vực truyền-thông là  “Ước nguyện Thiên-Chúa chúc lành muôn ơn của Người trên hết thảy những ai  tôn-vinh và loan truyền Con Thiên Chúa là Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta, trong thế-giới mênh mông của các phương tiện truyền thông đại chúng” (Thông-điệp Ngày Truyền Thông Thế-giới kỳ thứ 34).

Thực ra không phải đến bây giờ Giáo-hội mới đặt nặng vai-trò của truyền-thông trong việc rao giảng Tin Mừng. Trước đây gần nửa thế-kỷ, Công-đồng Vatican đã chinh-thức  côïng-nhận vai-trò, trách-nhiệm và hiệu-năng của ngành này bằng Sắc-lệnh về các phương-tiện truyền-thông xã-hội . Tuy nhiên hình như Sắc-lệnh này còn rất xa-lạ với Giáo-hội Việt-Nam, cho nên đa-số giáo-sĩ và tu-sĩ vẫn còn mang não-trạng thiếu cởi mở với những cơ-quan truyền-thông do giáo-dân phụ-trách. Mà nếu có thì sẽ bị mắc vạ từ tám hướng đưa hơi độc về tội danh “chống cha, chống Giáo-hội và chống Chúa” nếu như có chút nhận-định nào đó gây đụng chạm đến các vị có chức thánh. Đấy chính là cách kết tội kiểu bá-quyền, giống như những hôn-quân, bạo-chúa xưa kia cả đời ngồi trên ngôi thiên-hạ chí-tôn chỉ đọc một câu sách trị nước cắt đầu, bỏ đuôi là “quân xử thần tử, thần bất tử bất trung” mà không đọc những câu khác như “quân quân, thần thần” để làm vua cho ra cách làm vua. Có điều chẳng hiểu từ lúc nào và dựa trên cơ-sở gì mà cứ mỗi khi có một tiếng nói trung-thực nào đó được gióng lên về những chuyện chằng nên của từng cá-nhân linh-mục, tu-sĩ là bị ghép ngay vào cái tội “chống cha, chống Giáo-hội và chống Chúa”. Ba danh-xưng này không thể tách rời nhau vì một mối giây thiêng-liêng ràng buộc để thành một chữ “đạo” đẹp nét; nhưng nếu đem giản-lược cả ba lại thành một thực-tại bất-khả xâm-phạm thì rất ư là không ổn, không đúng tín-lý cũng như không có nguyên-tắc ăn theo như vậy bao giờ. Vả chăng, ai cũng hiểu rằng giữa thiên-chức linh-mục và người đang mang thiên-chức đó có sự tách-biệt rõ ràng.  Không ai phủ-nhận ý-nghĩa cũng như giá-trị của chức linh-mục, song ý-nghĩa và giá-trị này sẽ không bị đồng-hoá với  cá-tính hay nhân-cách của những người mang chức thánh này. Cho nên khi một bài báo lên tiếng phê-bình hay nhận xét về hành-sự của linh-mục nào thì chỉ có nghĩa là người viết muốn nói thẳng rằng cá-nhân ông linh-mục đó đã bất xứng với thiên-chức đang mang. Đồng thời để bảo toàn sự đáng tôn đáng quý của chức thánh này mà không thể làm ngơ để cho từng cá-nhân bất xứng hay lầm lạc làm “ố danh sự đạo và chức linh-mục”. Thành ra những luận-điệu cứ gom hết mọi sự vào một mối tội chống linh-mục, chống giáo-sĩ mà không minh-xác là linh-mục nào, giáo-sĩ nào với những hành-sự ra sao thì  thật tình không khác chi tác-phong của những hôn-quân, bạo-chúa thời phong-kiến có quyền “xuất-nhập nhân tội” hay“gắp lửa bỏ bàn tay” bất kỳ kẻ nào nói chạm đến mình.

Trong lời mời mở đầu Thông-điệp Ngày Truyền-Thông Thế-giới lần thứ 34, Đức Thánh Cha Gio-an Phao-lô II đã nói về sứ-vụ và ơn gọi làm truyền-thông là “Loan báo Chúa Ki-tô qua truyền-thông ngay từ buổi bình-minh của Thiên-niên mới. Đây là  lời mời gọi chúng ta nhìn về tương-lai đối-diện với những thách-đố mới, cũng như nhìn về quá-khứ trong buổi bình-minh của chính Ki-tô giáo chúng ta để tìm ra ánh sáng và sự can-đảm mà chúng ta cần đến. (Thông-điệp ngày Truyền-thông Thế-giới). Sự can-đảm này đối với Giáo-hội Việt-Nam phải chăng là phải thay đổi được não-trạng độc tôn hạn hẹp của phần lớn giáo-sĩ, tu-sĩ chỉ muốn giáo dân lúc nào cũng là những con cừu đần độn dễ bảo, dễ sai  cũng như mặc-cảm “phạm tội” sai trái của đa số tín-hữu thụ-động cứ nghĩ rằng giữ đạo tốt là “lạy cha” cho nhiều, cứ nghe cha mọi đàng là ngoan đạo mà quên rằng “cha” thì cũng là huynh-đệ của mình trong đoàn lữ-hành đức tin và cũng cần phải tỉnh-thức từng giây từng phút để thăng-tiến tâm-linh và trui rèn tu-đức. Giáo dân cũng phải có trách-nhiệm liên-đới với giáo-sĩ, tu-sĩ vì cùng chia-sẻ một nhiệm-vụ làm ngôn-sứ, cùng nhau ra khơi như Đức Ki-tô hằng mong muốn. Trong Hội-thánh Chúa, không có giai-cấp thống-trị  và cũng không có thành-phần bị trị mà là một cộng-đồng hiệp-thông trong ơn soi dẫn của Thánh-linh để mọi con cái Người vì đời mà dấn-thân và phục-vụ tuỳ vào những nén bạc đã nhận để làm sao chúng sinh được nhiều lợi ích.

Phạm Minh-Tâm

VỀ MỤC LỤC
MỘT CHÚT TÂM TƯ
 

Khi ông Adam và bà Eva cãi lời Chúa ăn trái cấm, đã bị thiên thần Chúa sai xuống đuổi ra khỏi vườn địa đàng là nơi hai ông bà đang hưởng mọi sung sướng, không biết đau khổ chết chóc là gì. Chúa đã quở mắng hai ông bà: Ngươi và con cháu ngươi sau này sẽ phải đổ mồ hôi máu mới có cơm ăn áo mặc, đau khổ sẽ luôn luôn ở bên cạnh ngươi như hình với bóng và đời đời ám ảnh ngươi. Ngươi sẽ phải chết.

 

Thực vậy, đời người không có gì kinh hãi cho bằng ĐAU KHỔ, dù là đau khổ thể xác hay tinh thần. Vì vậy bản tính con người là ham SỐNG sợ CHẾT, luôn luôn tìm kiếm sung sướng và tránh né  đau khổ nhưng vẫn bị đau khổ ám ảnh hành hạ. Con người ít ai được thỏa mãn với sung sướng hạnh phúc, trái lại đau khổ thì triền miên. Đau khổ và hạnh phúc trở thành những hiện tượng tâm lý triết học cho đến nay vẫn chưa một triết gia, một nhà đạo đức học, xã hội học hay tôn giáo  nào có thể cắt nghĩa một cách toàn bích và giải quyết thỏa đáng. Nó giống như SỰ SỐNG và SỰ CHẾT, chẳng ai có thể giải quyết được, ngoại trừ Thiên Chúa.

 

Đau khổ và hạnh phúc là những cái gì vô hình vô tượng, nó mờ ảo mung lung, lúc ẩn lúc hiện, lúc cùng cực thanh thản, lúc triền miên sâu thẳm, lúc nhởn nhơ hời hợt, đến ở vô lường. Nó luôn luôn ở những cực đối kháng của tận cùng tâm tư. Có những lúc con người tự mình muốn tìm cái chết / tự tử, phải chăng vì họ thấy rằng không thể trốn thoát khỏi đau khổ và lưỡi hái tử thần.

                                                                                  

*   *   *

 

Ông Lân được bác sĩ  C. cho nhập viện để điều trị bệnh ung thư từ hơn một tháng nay. Bây giờ thì tình trạng vẫn nhập nhằng không giảm không tăng, nhưng có chiều đi đến nguy kịch khó thoát khỏi tử thần. Đôi lúc ông rất tỉnh táo bình thản, đôi lúc hốt hoảng như người mất hồn, có lúc cười nói quá độ, có lúc sầu thảm không nói không rằng, có lúc hung dữ cáu kỉnh. Bất định.  Hạnh phúc, đau khổ, sự sống, sự chết đang quay lộn trong đầu ông. Ông thất vọng buồn nản đến điên khùng vì chẳng ai biết ông, chẳng ai hiểu ông, hiểu biết nổi tâm trạng ông, cái khốn cùng ghê rợn và đau đớn tận cùng của ông.

 

     -Đừng gọi tôi bằng LÂN nữa . Cô không có quyền gọi như vậy. Tôi là ông Lân, ông Nguyễn văn Lân.  

 

Anh bận bộ đồ nhà thương màu xanh lam đã ngả màu trắng nhạt. Anh ngồi yên bất động, thân tựa vô thành giường, nhưng lòng thì bồn chồn khôn tả,. Anh nóng lòng chờ bác sĩ đến khám. Hôm nay là ngày anh khám định kỳ bác sĩ chuyên môn ung thư máu. Cứ sáu tháng một lần.  Anh đã đợi ít nhất là mười lăm phút trong cái phòng này mà anh biết chắc nó giống y chang cái phòng mà ông Lân đang la hét trong đó. Tập hồ sơ bệnh lý dày cộm của anh có đánh dấu màu đặc biệt đã được bà y tá để sẵn trên cái kệ sắt ngay cửa phòng. Anh bước tới đứng trước tấm gương treo trên tường chỗ bàn rửa mặt, ngắm nhìn mặt mình lần chót xem có giống một người bình thường mạnh khỏe tráng kiện không. Trong phòng không có được một tờ báo, dù là nhật trình hay nguyệt san..., chỉ độc nhất có một tấm lịch với ngày tháng năm dần dần mỏng đi. Anh nhìn chăm chú vào tấm lịch, cố gắng tưởng tượng và nhớ xem bác sĩ C. và hắn sẽ hoạch định chương trình trị liệu hóa học ra sao, rồi anh như cái máy tự động đi đi lại lại quanh phòng không ngừng. Bất thần anh dừng lại, lắng nghe những tiếng động trong không gian, nơi bệnh viện và những phòng chung quanh đây đó. Anh muốn nghe lén xem thiên hạ đang bàn tán, truyện trò, than vãn, trách móc, uất hận hay buồn  phiền, chấp nhận  những gì.

 

Hình như có tiếng cô y tá trẻ đang nói.

   

    -Tôi thành thật xin lỗi ông. Chúng tôi thường kêu mọi người và bệnh nhân trống không bằng cái tên gọi cho nó thân mật. Thực tình tôi không cố ý coi thường ông đâu.

  

    -Cô đã làm tôi bực mình khó chịu. Cô không có quyền làm như vậy. Trong đời tôi, chỉ có một mình vợ tôi có quyền gọi tôi bằng tên trống không như vậy mà thôi. Không phải cô.

 

    Có tiếng một bệnh nhân đồng cảnh ngộ tiếp tục cằn nhằn gắt gỏng trách móc như vậy ở phòng số 3 thì phải ?

 

Được rồi, ông Lân, ông cứ tiếp tục ý kiến và lập trường của ông đi. Tôi muốn cùng với ông la hét lên như vậy. Đừng để cho họ hay bất cứ ai lấy đi một tý nhân phẩm nào của ông. Ông là một bệnh nhân. Ông bị ung thư. Ông là con người. Ông là một người có nhân trí. Người ta không biết, không hiểu và cũng không tài nào có thể hiểu biết nổi cái khốn cùng đớn đau của ung thư.  Không cần biết có bao nhiêu người như chúng tôi hàng ngày ra vào nơi bệnh viện này, trong những phòng khám và điều trị như thế này. Họ không tài nào hiểu nổi cái khốn cùng của con người khi phải cởi bỏ tất cả áo quần, thân xác trần  truồng để được khám xét cẩn thận từng ly từng tý trên thân xác. Chỉ một sự duy nhất còn lại là kinh hãi và bẽ bàng.

 

   -Ông Lân, tôi xin lỗi vì đã làm ông phật lòng. Tiếng bác sĩ C. nói khi cô y tá vừa đóng cánh cửa phòng lại.

 

Những bực bội khó chịu chớp nhoáng qua đi nhưng còn muôn vàn thứ đang chồng chất trong anh. Bây giờ anh ngồi tê cứng ở cuối bàn khám, hai chân bỏ thõng xuống, hai cánh tay ôm chặt lấy ngực như muốn che kín cả thân xác mà vẫn cảm thấy trống trải, lạnh lẽo, bẽ bàng. Anh thắc mắc phân vân nghĩ về dĩ vãng xa xưa năm năm trước lúc bác sĩ báo tin cho anh biết anh bi bệnh ung thư Hodgkin’s. Biết bao tiếng xì xào oán hận buồn rầu mà anh nghe được vừa phát ra từ những phòng chung quanh. Biết bao con mắt mất thần của những bệnh nhân còn sống sót mà anh nhìn thấy lúc ngồi bên cạnh họ trong phòng đợi và nơi hành lang bệnh viện. Anh quan sát và cảm thông. Biết bao mẩu chuyện đối thoại giữa các bệnh nhân từ lâu cất kỹ trong óc giờ đây đang dồn dập trở lại thao diễn trong đầu anh với mọi chi tiết tỷ mỉ và sáng chói sầu bi. Một bà trạc tuổi trung niên hôm đó ngồi bên cạnh anh đang đợi làm thủ tục nhập viện, bất thần thốt lên:

      -Tại sao lại xẩy ra cho tôi nhỉ? Con trai tôi chết vì ung thư máu; chồng tôi bị bệnh tim. Chúng tôi phải tự săn sóc giúp đỡ nhau.

 

Bà tiếp tục lẩm bẩm trong miệng điều gì không ai nghe rõ nhưng như muốn anh thốt ra những lời an ủi kỳ diệu có sức biến đổi thế giới và cuộc đời của bà thành bình thường như mọi người bình thường.

 

Ung thư, bệnh hoạn, đớn đau có thể nói nhưng không ngôn ngữ nào có thể diễn tả cho bạn hiểu được hết mọi ngóc ngách hãi hùng và sầu thảm của nó. Chỉ cách duy nhất để biết và hiểu, cảm nhận và chia sẻ cảm thông là chính kinh nghiệm bản thân mình. Hai người bị bệnh loét / ung thư bao tử ngồi nói chuyện với nhau, kể cho nhau nghe cái đau âm ỉ, lâm râm, lúc nhói quặn lúc tê tái. Họ hiểu nhau, cảm nhận cái đau của nhau và chỉ có họ mới hiểu nhau thấm thía cái bực bội, âm ỉ và chát chúa đau đớn ấy.

      -Đúng vậy, tôi cũng thế, tôi cũng thế.....

Câu nói bao hàm và đầy đủ trọn vẹn giữa hai người cùng cảnh ngộ với nhau mà thôi.

             “...Nỗi ấy, ai có qua cầu mới hay.” (ND)

 

Một cô gái trạc tuổi mười sáu ngồi thinh lặng ở một góc phòng, ánh mắt buồn vời vợi lơ đãng nhìn vào không gian vô định, mái tóc óng ả chảy dài xuống đôi vai gầy càng làm tăng vẻ đẹp liễu trai. Nhưng có ai biết rằng cô không còn tóc. Cô đội tóc giả. Cô đang mơ ước trở thành một cô gái bình thường, vui tươi hạnh phúc, nhởn nhơ hưởng thụ cuộc đời như trăm ngàn cô gái khác cùng lứa tuổi. Nhưng bỗng cô đanh mặt lại, nổi khùng như muốn đốt cháy bệnh viện, đập phá mọi sự và cả thế giới chung quanh cho quả địa cầu xụp đổ tan tành để mọi người cùng chết với cô. Cô mím môi, cắn răng, nắm chặt bàn tay như trút hết tất cả những nỗi buồn phiền uất hận, căng thẳng thần kinh ra ngoài, hiện trên làn da, móng tay khóe mắt. Cô đổi sắc từ buồn rầu ảm đạm thê lương qua hung tàn giận dữ. Bất thần cô hét lên một tiếng hãi hùng.

 

Bà y tá mở cửa đưa mắt ngó quanh phòng. Nhân viên nhà thương nhốn nháo chạy tới để xem chuyện gì xẩy ra. Mọi sự vẫn bình thường. Cô vẫn ngồi bất động như pho tượng. Các bệnh nhân trong phòng đợi chẳng ai thèm để ý đến tiếng cô gái la hét. Hình như mọi người đang theo đuổi tâm tư ý nghĩ riêng của mình . Có người ngước mắt nhìn cô rồi bỏ lơ. Có người vẫn cúi đầu thê thảm. Có người đang lẩm bẩm một mình hoặc thì thầm với người bên cạnh như phân trần than van, chấp nhận...Họ cảm thông nỗi xót xa  đớn đau của cô gái.-  Họ cũng như cô, đã qua những đoạn đời, những tâm tư sầu muộn, uất hận ấy. Một ông già ngồi trên xe lăn, da nhăn nheo, mặt xanh như tàu lá  màu áo nhà thương. Người ông chỉ còn da bọc xương như một cái xác không hồn, đôi mắt hết tinh anh, lơ đãng rảo quanh phòng, nhìn xuống đôi bàn tay gầy guộc bất động đặt trên hai cái đùi ốm tong teo run rẩy. Không biết động lực nào đã thúc đẩy ông tiếp tục đều đặn trở lại nơi đây để chữa trị khi ông coi như đã chết rồi.

 

Những con mắt đang ngước lên trời cao như khẩn cầu Thượng Đế ban ơn lành phép lạ. Những con mắt đang cúi gằm xuống sàn nhà như muốn đếm từng cọng chỉ của tấm thảm trong phòng đợi. Những gia đình đang bàn tán về vở kịch trên truyền hình đêm qua; không biết lát nữa họ có còn nhìn thấy đứa con yêu dấu của họ nằm trên giường tay lủng lẳng những giây, những kim, những thuốc đang từng giọt nhỏ chảy thấu vào mạch máu, lạnh lùng, đơn côi.  Cảnh tượng hai người còn đang lay lắt sống. Ông Lân đang la hét cô y tá.

 

Biết bao là vấn nạn, thắc mắc, ẩn khúc của cuộc đời đang chờ đợi chỉ một trả lời đơn giản. Sống hay Chết ?

 

Tôi là người quan sát, nhìn cuộc đời của những bệnh nhân ung thư, những người đã chết, những người đang chết và những người may mắn còn sống sót. Giống như một xã hội thần bí, tôi nhận biết họ trên những nẻo đường phố vắng bóng người, những nơi đô hội ồn ào bon chen. Những thành phố đồ sộ nhà trọc trời, đèn điện sáng trưng, xe cộ tấp nập ngày đêm, dân chúng ăn chơi hưởng thụ xa hoa, những thương gia đang bận rộn tính toán lời lỗ, những sinh viên đang cắp sách đến trường, những nhà truyền giáo đang hùng hồn thuyết pháp hay đang âm thầm nguyện cầu Chúa cho nhân loại, những nhà bác học đang cặm cụi trong phòng thí nghiệm. Những nơi bùn lầy nước đọng, nhà tranh vách đất, lụp xụp, ổ chuột tối tăm ẩm thấp, người dân cơ cực nghèo khổ bệnh tật, trẻ con thất học. Họ phải sống. Họ tranh sống. Yêu thương. Hận thù. Ức hiếp và chèn ép. Những ông thánh, ông tiên, ông phật, những thằng quỉ, những kẻ yếm thế, những người yêu đời, những nhà tranh đấu cho tự do dân chủ và nhân quyền, những nhà độc tài áp bức, người sang trọng quyền chức sung sướng hạnh phúc, kẻ nghèo hèn khốn cùng khổ đau. Ai là người đồng hành với những con bệnh, ngồi bên cạnh họ, sống với họ để cảm thông với họ, chia sẻ với họ một chút tình người, mong rằng có thể mở rộng tâm tư ý nghĩ, cõi lòng mình hầu hóa giải, góp phần xoa dịu một chút ít kiếp nhân sinh phù du mà mọi người chúng ta ai cũng phải một lần qua bằng cách này hay cách khác. Cái bí ẩn thâm sâu của tâm hồn. Hạnh phúc và đau khổ. Sống và chết.

 

Nghe tiếng ông Lân la hét như một dấu hiệu, không biết là đón chào hay giã từ, của một bộ lạc xa xưa vắng bóng lạc loài đâu đó từ ngàn năm trước. Họ là những hiệp sĩ đang can trường chiến đấu quyết liệt cho một giá trị tột cùng nào đó, hơn cả tấc đất mảnh đồi góc rừng của họ, quan trọng hơn cả những tín điều của mọi tôn giáo. Bộ đồ đồng phục nhà thương như cánh thiên thần bừng nở hoa trong bệnh viện; những mái tóc giả như những triều thiên sáng chói ánh hào quang; những nét mực đen vẽ trên thân xác như những bút thần hướng dẫn những tia phóng xạ có hiệu lực phi thường xóa bỏ mọi tật bệnh, đớn đau và sầu muộn. Tất cả những gì chúng tôi có thể làm được như đang cố tập trung lại, dàn trận phối hợp với những bộ lạc lạc loài ấy hầu quyết liệt một phen, làm sống lại những an vui hạnh phúc bình thường của con người. Nhưng hàng ngày họ vẫn thường xuyên nhận được những hung tin:

         -Tôi rất buồn phải báo tin...Ông, bà, anh, chị, cô...bị ung thư....

 

Ông Lân, ông hãy la hét lên thật lớn cho nguôi cơn đau khổ. Nhưng ông không phải là kẻ cô đơn. Hãy la lên, la lên để tôi biết rằng tôi vẫn còn anh còn chị, còn cha còn mẹ, còn ông bà, còn bạn bè, còn những người anh em huynh đệ, còn gia đình xã hội quốc gia, còn tôn giáo, còn những cơ quan từ thiện, những người thiện chí như những hiệp sĩ đang chiến đấu can trường ngày đêm ở bên cạnh.

 

Bác sĩ, y tá, nhân viên bệnh viện có thể làm tất cả mọi sự để cứu bệnh nhân, bơm đủ mọi hóa chất, thuốc men vào người chúng ta, lột trần truồng chúng ta trong phòng khám, phòng điều trị, kêu anh bằng Lân, ông Lân, anh hay cô, cậu, ông hay bà....Nhưng, linh hồn của chúng ta thì phải gọi thế nào? Chúng ta có LINH HỒN bất biến, nhân tính và nhân vị nhân quyền.

 

Chúng ta là những hiệp sĩ đang ngày đêm tiếp tục trở lại chiến trận chiến đấu cho sự sống của chúng ta. Hãy cùng đi với tôi, ông Lân ơi. Hãy đi với tôi, hỡi ông anh bà chị, cụ ông cụ bà, những người anh em huynh đệ can đảm còn đang sống sót....

 

Có tiếng gõ cửa làm tôi giật mình trở lại với thực tế. Tôi vươn vai đứng thẳng người, nắn sửa bộ đồ nhà thương cho ngay ngắn. Tim tôi hồi hộp đập nhanh, miệng cố mỉm cười tự nhiên.

        -Xin mời vào.

 

Tôi vừa trả lời thì bác sĩ C. mở cửa phòng bước vào.

…………………………………………………………………………..

 

SAVI.

Pace Gardens, Florida    

Bác sĩ Nguyễn Tiến Cảnh

VỀ MỤC LỤC

VĂN HOÁ VIỆT NAM VỚI ĐẠO CÔNG GIÁO

 

Giống như lửa đốt cháy cây củi nhưng khi củi cháy lại làm cho ngọn lửa bốc cao lên, đạo Công giáo ảnh hưởng đến văn hoá Việt Nam thì văn hoá nước ta cũng tác động trở lại tôn giáo này. Chính quá trình tương tác hai chiều này vừa làm phong phú văn hoá dân tộc vừa làm biến đổi,  “Việt hoá” đạo Công giáo. Đường hướng “ Sống Phúc âm giữa lòng dân tộc” của Giáo hội Công giáo Việt Nam là kết quả của sự tương tác đó.

 

1. Văn hóa Việt Nam- một nhân tố góp phần làm biến đổi đạo Công giáo xa lạ thành một tôn giáo gần gũi với văn hóa dân tộc

 

Khái niệm “ Hội nhập văn hoá” ( Inculturation) được Giáo hội dùng vào những năm 70 của thế kỷ trước. Nội dung của nó là “nhập thể Phúc âm vào nền văn hoá bản xứ và cũng là việc dẫn nhập các nền văn hoá đó vào đời sống giáo hội”. Lúc đầu nó chỉ mang tính một chiều, có nghĩa là  “Tin mừng được tháp nhập vào nền văn hoá để sàng lọc và thanh tẩy nó”. Vì vậy mới có hiện tượng bắt giáo dân phải phá bàn thờ tiên tổ, cắt tóc ngắn, mang tên thánh  nước ngoài… Năm 1979, nó mới thêm chiều thứ hai là chọn lọc tinh hoa văn hoá các dân tộc đưa vào sinh hoạt của đạo như dùng các làn điệu dân ca, kiến trúc, nhạc cụ, ngôn ngữ dân tộc…

 

Những chống đối và cả thất bại buổi đầu truyền giáo đã buộc các giáo sĩ phải “ nhập gia tuỳ tục”. Trước tiên, để có thể giao tiếp với người dân và truyền giáo được thì phải biết tiếng Việt. Vậy là nhiều giáo sĩ đã học tiếng Việt, rồi tìm cách để ghi lại thứ tiếng “ như chim hót” này. Kết qủa là chữ quốc ngữ đã ra đời. Tiếp đó, nhiều kinh, sách của đạo được dịch ra tiếng Việt, tiếng dân tộc thiểu số như Banar, Chàm, Khơme, Cơ Ho từ khá sớm và ngày càng gần gũi với người dân. Tiếng Latinh được thay thế dần  bằng tiếng Việt hoặc chữ các dân tộc thiểu số ở Việt Nam. Để không trở thành xa lạ, người Công giáo Việt Nam đã sớm gọi tên các danh từ riêng hay kinh nhà đạo của mình theo ngôn ngữ Việt. Ví dụ: Xuân Bích, Biển Đức, Vinh Sơn  Đắc Lộ hay Đức Chúa Trời thay vì gọi là Sulpicien, Benedict, Vincent,  Alexandre de Rhodes hay Deus…

 

Về phong tục, điều may mắn là đối với Việt Nam, tinh thần hội nhập văn hoá đã có từ rất sớm. Ngay từ khi cử hai Giám mục đầu tiên là F.Pallu và Lambert de la Motte, năm 1659, Roma đã căn dặn: “Các ngài phải cẩn thận giữ mình, đừng ra sức bảo các dân tộc ấy từ bỏ nghi lễ, tập tục, phong cách của họ, miễn là điều đó không ngang nhiên ngược với đạo thánh và phong hoá tốt” . Thế nhưng trên thực tế, không hiểu vì quá nhiệt thành hay vì cứng nhắc mà một số giáo sĩ đã bắt người tân tòng  khi gia nhập đạo phải bỏ y phục truyền thống, cắt tóc ngắn, bỏ tên cúng cơm cha mẹ đặt cho, thậm chí phá bàn thờ tiên tổ… Một số giáo sĩ tiến bộ như Đắc Lộ đã phản đối cách làm này và ủng hộ các tập tục làm đám ma trọng thể, cắm cây nêu ngày tết của người Việt… Tinh thần canh tân của Công đồng Vatican 2 cùng với áp lực từ chính văn hoá của cộng đồng, giáo hội Việt Nam cũng dần chấp nhận cho người Công giáo được làm các nghi lễ theo truyền thống dân tộc qua Thông cáo ngày 14-6- 1965 và Quy định 6 điểm ngày14-11-1974 .

 

Quan sát một lễ hội Công giáo, người ta cũng thấy không khác đám rước làng bao nhiêu. Cũng trống cái, trống con, hội bát âm, cờ ngũ sắc. Nhìn một đám cưới hay đám tang người Công giáo cũng thế. Bây giờ người Công giáo không chỉ thắp hương trước di ảnh người quá cố mà có nơi còn ghi cả những ước nguyện ra giấy và đốt đi trước bàn thờ nữa.

 

Một ảnh hưởng của văn hoá Việt là góp phần làm thay đổi thái độ đối với các tôn giáo khác. Văn hóa Việt Nam vốn khoan dung về tôn giáo nên chấp nhận “tam giáo đồng nguyên”, “tam giáo đồng quy”. Khi đạo Công giáo xuất hiện đã coi tất cả các tôn giáo khác là ma quỷ, là đạo dối. Thái độ này bị phản ứng dữ dội của các tôn giáo khác và cả cộng đồng. Đạo Công giáo đã dần dần thay đổi quan niệm. Từ chỗ chỉ chấp nhận hôn nhân cùng đạo đến chỗ gọi các tôn giáo khác “là bạn”, khuyến khích các tín đồ đối thoại, thăm viếng nhau là một bước tiến dài (Thư chung 2003). Từ chỗ độc quyền “ơn cứu độ”, tranh luận để chứng minh Công giáo là đạo chính, lôi kéo tín đồ của các tôn giáo khác đến chỗ thừa nhận giá trị của các tôn giáo bạn, không đặt mục tiêu phát triển tín đồ thành ưu tiên hàng đầu là một thay đổi  lớn trong thái độ của đạo Công giáo với các tôn giáo khác. Đây là điều kiện thuận lợi để đồng bào các tôn gíao trong các làng “xôi đỗ” sống chan hòa với nhau. Những hình ảnh các nhà sư ngồi cạnh các linh mục, giám mục trong các buổi mit tinh hay đồng bào các tôn giáo cùng chung nhau xây nhà thờ, dâng hương trước bàn thờ Phật là minh chứng sinh động cho tình đoàn kết các tôn giáo ở Việt Nam.

 

Một ảnh hưởng nữa của văn hoá dân tộc là đã tạo ra một diện mạo mới, một bản sắc riêng cho đạo Công giáo ở Việt Nam trên nhiều bình diện từ  nghệ thuật kiến trúc, hội hoạ, thánh nhạc đến các nghi lễ trong  Phụng vụ.

 

Về kiến trúc, không ít nhà thờ Công giáo dù được xây dựng dưới thời Pháp thuộc, người phương Tây cai trị cả phần đạo lẫn phần đời nhưng vẫn mang đậm phong cách Việt. Có thể kể ra kiến trúc như Cam Ly ( Đà Lạt), Bảo Nham ( Nghệ An), quần thể Phát Diệm (Ninh Bình), … Tại Phát Diệm người ta sử dụng các vật liệu quen thuộc là gỗ, đá, các nét kiến trúc đình chùa truyền thống như cổng tam quan hay mái ngói cong, nhiều tầng. Còn tới thăm nhà thờ Cam Ly( Đà Lạt), người ta lại thấy thấp thoáng ngôi nhà sàn của đồng bào Thượng. Dĩ nhiên, ngay cả trong các kiến trúc  phỏng theo phương Tây như nhà thờ Đức Bà Thành phố Hồ Chí Minh hay Phú Nhai (Nam Định), nhà thờ lớn Hà Nội… người ta vẫn nhận ra bản sắc văn hoá dân tộc qua bàn tay thi công khéo léo của những người thợ Việt Nam. Tại rất nhiều nhà thờ, có các kiến trúc phụ như núi đá nhân tạo, hồ ao, cây xanh như một vũ trụ thu nhỏ theo quan niệm “thiên địa nhân nhất thể” của người phương Đông. Các bức chạm khắc quanh nhà thờ cũng đủ cả đào, cúc, trúc, mai, long, ly,  quy, phượng. Các gian nhà thờ cũng thường là số lẻ 5,7,9 còn chỗ ngồi thì chia ra “ nam tả, nữ hữu”. Nhiều nhà thờ mới xây dựng gần đây như nhà thờ Cửa Nam  (Lạng Sơn) cũng mang dáng dấp kiến trúc nhà ở của người dân tộc Tày, Nùng. Còn nhà thờ Pleichuet  (Gia Lai) lại thiết kế giống hệt ngôi nhà rông của người Jarai, Bahnar với chiếc mái cao 35m trông như một lưỡi rìu khổng lồ…

 

Về hội hoạ, từ trước tới nay, các tranh ảnh đạo hầu hết là do các hoạ sĩ phương Tây sáng tác nhất là giai đoạn Phục hưng và được coi là ảnh thánh. Thế nhưng, nhiều hoạ sĩ Công giáo Việt Nam vẫn băn khoăn, tại sao người Việt cũng được dựng lên theo hình ảnh Chúa mà tranh đạo toàn thấy gương mặt người châu Âu? Một số hoạ sĩ thử tìm tòi và đã thành công. Có thể kể ra Madalena dưới chân Thập giá của Lê Văn Đệ, bức tranh sơn dầu Đức Mẹ Việt Nam của Nam Phong,  Giáng Sinh của danh  hoạ Nguyễn Gia Trí, những tranh lụa về Đức Mẹ của hoạ sĩ Nguyễn Thị Tâm…Các nhân vật trong tranh thật gần gũi, cũng  nón lá, áo dài tứ thân, đầu chít khăn mỏ quạ. Xen vào đó là hình ảnh con trâu, khóm tre bên mái nhà tranh đơn sơ…Một số tác phẩm đã đoạt giải quốc tế và được trưng bày ở bảo tàng nước ngoài.

 

Theo con đường Việt hoá này, thánh nhạc Việt Nam đã gặt hái được khá nhiều thành công. Ngôn ngữ dùng trong nghi lễ, phụng vụ Công giáo trước đây là latinh vì vậy mới có câu: “Các thày đọc tiếng latinh/ Các cô con gái thưa kinh dịu dàng”. Nhưng trong điều kiện dân trí còn thấp làm sao người ín hữu có thể miệng đọc tâm suy được? Thế là một số nhạc sĩ đã thử dịch các bài thánh ca ra tiếng Việt, rồi dùng các điệu dân ca như lưu thuỷ hành vân, nam ai, hát đò để ghi lại. Nhạc đoàn Lê Bảo Tịnh với nhiều tên tuổi nổi tiếng như Hùng Lân, Tâm Bảo, Nguyễn Khắc Xuyên, Hoài Đức… đã ra đời chuyên viết thánh nhạc với phương châm “Về nội dung phụng sự Thiên chúa và Tổ quốc…Về nghệ thuật lấy dân ca cổ truyền làm cấu trúc âm thanh” . Một số tác phẩm đã nổi danh trên thế giới như  Đêm đông của Hải Linh, Kinh hoà bình của Kim Long… Giai điệu quen thuộc từ các làn điệu dân ca ở Bắc bộ đến hát then xứ Lạng, từ quan họ Bắc Ninh duyên dáng đến Jarai, Banar  bốc lửa…đều có thể tìm thấy trong các bản thánh ca.

 

Về văn học,  nếu ngay từ buổi đầu của đạo Công giáo ở Việt Nam đã có nhiều người dùng các thể loại thơ ca truyền thống để ghi lại sự tích Kinh thánh, giáo lý thì ngày nay cách làm này vẫn được duy trì. Các bản dịch Kinh thánh, sách lễ ngày càng sát và hay hơn với ngôn ngữ tiếng Việt và cả tiếng các dân tộc thiểu số nữa. Nếu trước đây việc xuất hiện một bản Các Thánh truyện của Majorica bằng chữ Nôm, một vở tuồng Thương khó của Giám mục Nguyễn Bá Tòng là rất hiếm thì ngày nay nhiều tác phẩm thơ văn, ca kịch cũng được viết bằng ngôn ngữ, phong cách dân tộc như các tập thơ của Hàn Mặc Tử, Xuân Ly Băng; các tác phẩm ký của Hồng y Trịnh Văn Căn, Giám mục Nguyễn Văn Sang…cũng đã được các Nhà xuất bản giới thiệu với bạn đọc.

 

Một nội dung mà bản Monita đã viết năm 1659 là phải đào tạo hàng ngũ giáo sĩ người bản xứ vì nếu Giáo hội Việt Nam vẫn do hàng giáo sĩ người nước ngoài điều hành thì khó có thể hội nhập văn hoá được. Tiếc rằng, điều này  thực hiện rất chậm chạp. Mãi sau 135 năm truyền giáo mới có 4 người Việt được phong chức linh mục (1668)  và 400 năm sau, năm 1933 mới có vị Giám mục đầu tiên là người Việt. Số liệu thống kê từ năm 1863 đến năm 1945 cho thấy chỉ có 153 tu sĩ Việt Nam được lên chức linh mục. Năm cao nhất là năm 1937 có 10 tân linh mục, còn các năm khác chỉ có 5- 6 vị. Nguyên nhân là do đầu óc kỳ thị người bản xứ của hàng giáo sĩ nước ngoài. Chỉ đến khi nước nhà độc lập, hàng giáo sĩ Việt Nam mới được tăng trưởng mau chóng. Năm 1960, Toà thánh đã thiết lập hàng giáo phẩm Việt Nam và đến cuối năm 2006 số linh mục Việt Nam đang sống và làm việc là 3404 vị và 43 Giám mục, 2 Hồng y.

 

2. Văn hóa Việt Nam góp phần hình thành và phát triển con đường “đồng hành cùng dân tộc” của Công giáo Việt Nam.

 

Khái niệm “đồng hành”  không phải mới xuất hiện từ Thư chung 1980 mà đã được danh nhân Nguyễn Trường Tộ nêu lên từ năm 1863 và chính bản thân ông cũng là chứng từ sống động cho con đường đồng hành cùng dân tộc. Theo tinh thần của đạo Công giáo thì “đồng hành cùng dân tộc” đó là: giáo hội cùng chia sẻ trách nhiệm với dân tộc và người tín hữu tốt phải là một công dân tốt. Tuy nhiên, trong một số văn kiện, khái niệm “đồng hành cùng (hay với) dân tộc” còn được giáo hội dùng theo nghĩa rộng hơn tức là bao gồm cả việc xây dựng lối sống, nghi lễ của đạo theo bản sắc dân tộc tức hội nhập  văn hoá( Tc 1980, số 9).

 

Yêu nước là truyền thống của người Việt Nam và là sợi chỉ đỏ xuyên suốt văn hóa Việt. Chính truyền thống quý báu này đã thôi thúc nhiều thế hệ người Công giáo đứng lên chống Pháp. Người đầu tiên đáng nêu tên là nhà cải cách Nguyễn Trường Tộ. Ông đã dâng lên vua 58 bản điều trần mà ngày nay vẫn còn làm ngạc nhiên giới nghiên cứu vì những tư duy táo bạo, đổi mới, vượt lên thời đại bấy giờ. Có những vấn đề ông nêu ra vẫn nóng bỏng tính thời sự đến hôm nay như vấn đề chống tham nhũng, sùng hàng ngoại, rồi “ làm cho dân giàu mà nước cũng giàu”… Nguyễn Trường Tộ cũng là một nhà tư tưởng, một triết gia lớn ở Việt Nam. Chẳng hạn ông viết: “ánh sáng cũng là vật chất trong vũ trụ”(1). Đây là quan điểm duy vật không chỉ mới lạ ở nước ta mà cả với thế giới hồi cuối thế kỷ XIX.

 

Còn Linh mục Đặng Đức Tuấn (1806- 1874) lại đưa ra  Hiếu sách bình Tây rồi  Minh đạo bình Tây sách tố cáo thực dân Pháp mượn tiếng bảo vệ đạo để xâm chiếm nước ta. Tại Yên Mô ( Ninh Bình), sĩ phu công giáo Đinh Văn Điền, năm 1868 cũng tâu lên vua một loạt kế sách “đặt doanh điền, khai mỏ vàng, đóng tàu thuỷ, mở cửa mời người nước ngoài, lập ra Ty bình chuẩn để lưu thông hàng hoá, tăng lương cho binh lính để chuyên cần tập luyện, khi lâm sự hậu thưởng phẩm vật, khi chết xét dùng con cháu, khi bị thương tật, cấp dưỡng suốt đời” (2). Nhiều người Công giáo cũng tham gia phong trào Cần vương để chống Pháp và trở thành những vị chỉ huy can đảm như Đội Vũ  (người Nghĩa Hưng Nam Định), Lãnh Phiên (người Quảng Bình)… Ngay cả những giáo sĩ đã được đào tạo, huấn luyện bởi người Pháp cũng tham gia các hoạt động chống Pháp. ở Nghệ An, đầu thế kỷ XX, nhiều  tên tuổi Công giáo yêu nước được nhắc đến như tu sĩ Mai Lão Bạng, Lê Khánh, các linh mục Nguyễn Văn Tường, Nguyễn Thần Đồng, Đậu Quang Lĩnh… Họ cũng bị bắt, bị đày Côn Đảo và có người đã chết trong tù ngục. Có một số người đã đi theo cách mạng và trở thành cán bộ cao cấp sau này như Trương Vân Lĩnh (1902-1946), Trần Tử Bình (1903-1967)…

 

Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công đã thổi bùng lên ngọn lửa yêu nước, tinh thần dân tộc của người Công giáo. Trong rừng người diễu hành qua quảng trường ngày 2-9-1945 có cả đoàn các linh mục, chủng sinh và giáo dân. Bốn giám mục Việt Nam lúc đó đã gửi hai điện văn cho Toà thánh và tín hữu toàn cầu, đề nghị ủng hộ chính phủ Hồ Chí Minh với lời lẽ rất cảm động.

 

Nhờ chính sách đúng đắn và mềm dẻo của Nhà nước ta do Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo, đa số người Công giáo Việt Nam đã tin tưởng đi theo cách mạng. Những ngày đầu kháng chiến gian khổ, giám mục Hồ Ngọc Cẩn (Bùi Chu) đã ủng hộ cả dây chuyền vàng cho chính phủ Việt Minh. Trong nhiều chức vụ quan trọng của Chính phủ, Quốc hội, người ta thấy có mặt người Công giáo như Phạm Bá Trực, Ngô Tử Hạ, Nguyễn Mạnh Hà, Vũ Đình Tụng…Tại miền Nam có nhà cả 3 linh mục, 2 nữ tu đều theo kháng chiến như gia đình linh mục liệt sĩ Nguyễn Bá Luật. Liên đoàn công giáo kháng chiến Nam bộ đã ra đời sau đó là Uỷ ban liên lạc Công giáo kháng chiến đã tập hợp nhiều tên tuổi như các linh mục Võ Thành Trinh, Hồ Thành Biên, luật sư Nguyễn Thành Vĩnh… ở miền Bắc, nhiều cá nhân, tập thể đông người Công giáo đã được tặng danh hiệu anh hùng lao động, anh hùng lực lượng vũ trang… Chiến thắng vĩ đại ngày 30- 4- 1975 đã đem lại cho người Công giáo một cơ hội mới và  thổi sinh khí vào lá Thư chung năm 1980 với đường hướng “Sống Phúc âm giữa lòng dân tộc”.

 

Vì  xác tín đồng hành cùng dân tộc nên nhiều vấn đề bức xúc của xã hội đã được giáo hội hướng dẫn thực hiện như vấn đề học hành ở vùng giáo, ngăn chặn các tệ nạn như cờ bạc, ma tuý, kêu gọi giáo dân tham gia bầu cử, chấp hành luật giao thông hay quyên góp ủng hộ các nạn nhân bị thiên tai…Có những vấn đề thuộc loại tế nhị như vấn đề dân số, các giám mục cũng mạnh mẽ phê phán  quan  niệm  trời “sinh voi trời sinh cỏ” và cho rằng, quan niệm đó chỉ thích hợp với hoàn cảnh nông nghiệp “ đất rộng người thưa”, còn bây giờ phải “sinh đẻ có trách nhiệm và giáo dục con cái”  (Tc 1992, số 11).

 

Khi xã hội bước vào nền kinh tế thị trường, nhiều mặt trái gây ra những bức xúc cho dư luận như đạo đức bị xói mòn, tệ nạn xã hội gia tăng… giáo hội Công giáo đã chủ động đẩy mạnh những hoạt động từ thiện, bác ái. Giới Công giáo khắp nơi đã đứng ra tổ chức nhiều  lớp học tình thương, phòng khám bệnh miễn phí, những nhà săn sóc trẻ em lang thang và người già cô đơn… Mặc dù luật pháp hiện hành vẫn chưa cho các tôn giáo trong đó có Công giáo tham gia vào các chương trình y tế, giáo dục, từ thiện một cách độc lập và không bị giới hạn. Đây là một thiệt thòi lớn không chỉ cho công giáo mà cả cộng đồng dân tộc vì công giáo vốn có thế mạnh về các lĩnh vực này. Trước năm 1975, đạo công giáo ở miền Nam đã quản trị 1030 trường tiểu học vơi 258409 học sinh công giáo và 97347 học sinh ngoài công giáo, 226 trường trung học với 82827 học sinh công giáo và 70101 học sinh ngoài công giáo, 41 bệnh viện, 239 nhà phát thuốc, 36 nhà hộ sinh, 9 trại phong cùi, 82 cô nhi viện, 29 trại dưỡng lão (3).

 

Tóm lại, nhờ gắn bó với văn hoá dân tộc, đạo Công giáo đã có những biến đổi về chất để trở thành  Công giáo Việt Nam chứ không phải là đạo Công giáo ở Việt Nam.

 

Chú  thích:    

1- Trương Bá Cần: Nguyễn Trường Tộ, con người và di thảo, Nxb T.pHCM 1999, tr419;

2- Đại Nam thực lục chính biên,Nxb  KHXH 1974, tr.262-263

3- Theo Linh mục Nguyệt san, Sài Gòn 1970, số 105, tr.618-619

 

Tiến sĩ Phạm Huy Thông

 
VỀ MỤC LỤC
VĂN MINH MỲ GÓI VÀ ẢNH HƯỞNG CUỘC SỐNG TÂM LINH

 

Trong loạt bài “Văn Minh Mỳ Gói”, kỳ trước người viết đã đề cập đến ảnh hưởng của nó liên quan đến đời sống hôn nhân gia đình. Lần này xin được đề cập đến ảnh hưởng của văn minh này trong đời sống tâm linh. 

Dĩ nhiên, đời sống thể lý gắn liền với loại văn minh mỳ gói, mỳ ăn liền hơn, bởi vì những thứ ấy đi liền và gắn bó hơn với thể lý và những nhu cầu tự nhiên của con người. Nhưng vì con người gồm đời sống tự nhiên (thể lý), tâm lý, và tâm linh, nên những gì ảnh hưởng đến đời sống này đều liên quan đến đời sống kia. Bởi vì con người là một sự kết hợp khăng khít bất khả phân ly giữa ba đời sống thể lý, tâm lý và tâm linh. 

Khi đề cập đến những ảnh hưởng của nền văn minh mỳ gói, điều trước hết phải kể đến, đó là ảnh hưởng của sự dồn nén, vội vàng, hấp tấp, và hưởng thụ trên đời sống tâm linh của con người. Thí dụ, trong việc cử hành các bí tích, trong đời sống cầu nguyện, và trong nếp sống đạo thường ngày.

1. ĐỜI SỐNG BÍ TÍCH: 

Khi đề cập đến đời sống nội tâm, điều quan trọng nhất chính là sức sống và năng lực của các Bí Tích; đặc biệt là Thánh Lễ. Nhưng đời sống bí tích hiện nay đang bị ảnh hưởng của văn minh mỳ gói chi phối. Sự chi phối này không những xâm chiếm và tác dụng đối với các tín hữu, mà còn ảnh hưởng một cách mạnh mẽ nơi thành phần giáo sỹ và tu sỹ nữa. 

Thật vậy, suốt một tuần lễ, người tín hữu bận bựu với công việc sinh nhai, việc gia đình và việc xã hội đến nỗi phần đông như “quên” Chúa. Cũng may, còn có ngày Chúa Nhật – ngày của Chúa  - để mọi người quây quần bên bàn thánh dâng lời chúc tụng, tạ ơn, và cầu xin. Xin ơn tha thứ lỗi lầm, tội khiên, và xin mọi ơn cần thiết cho cuộc sống tâm linh và vật chất. Cốt lõi của ngày họp mặt gia đình này là việc học hỏi, lắng nghe và suy tôn Lời Chúa và việc Bẻ Bánh. Nói một cách gọn gàng là tham dự Thánh Lễ Chúa Nhật. 

Nhưng than ôi! Trong nhiều thánh lễ linh mục giảng giải cho có lệ. Nói rông rài, đôi khi còn văn chương, thơ phú bóng bẩy, và ca hát theo kiểu tài tử. Trong những thánh lễ như vậy, giáo dân cứ thế mà chịu trận, cho đến một lúc, nhìn đồng hồ quá 30 phút. Và thế là phần còn lại, trong tất cả các lễ qui, lời nguyện, và kể cả lời Truyền Phép, linh mục đọc như một cái máy, đọc nhanh và đọc lướt qua, liến thoắng đến nỗi những giáo dân lớn tuổi và già cả không nghe kịp và cũng chả hiểu “cha” đọc và làm gì nữa. 

Cũng một cách thức tương tự, nhiều linh mục ngồi tòa, ban các Bí Tích như thói quen máy móc. Và đó là lý do tại sao khi được hỏi về sức thu hút và hấp dẫn của đời sống tôn giáo, của Giáo Hội, phần lớn giới trẻ Công Giáo đã cho là không thuyết phục và hấp dẫn. Thống kê dưới đây cho biết: 

-                           39% đối với thành phần không hoặc hiếm hoi đến thánh đường cho rằng sinh hoạt của Giáo Hội quá buồn tẻ.

 

-                           41% bạn trẻ lâu lâu mới đến với thánh đường một lần cũng cho rằng Giáo Hội và sinh hoạt Giáo Hội buồn nản.

 

-                           29% bạn trẻ thường xuyên đến thánh đường cũng đã cho rằng Giáo Hội và sinh hoạt Giáo Hội thiếu hấp dẫn và buồn chán.

 Đó là chưa kể đến những giáo lý và luật lệ mà tuổi trẻ cũng như phần lớn Kitô hữu ngày nay đều cho rằng khó khăn, không hợp thời, hoặc cần phải đặt lại vấn đề. Thí dụ, luật cấm ngừa thai. Luật cấm phá thai. Luật cấm ly dị. Luật đối với thành phần đồng tính và hôn nhân đồng tính. Luật độc thân của linh mục... 

Ảnh hưởng của văn minh mỳ gói, văn minh vật chất, văn minh sự chết thật sự đã tác dụng và chi phối đời sống tâm linh của những người nhẽ ra qua họ, người ta nhìn thấy Chúa Kitô như các linh mục, tu sĩ nam nữ, và giáo dân.   

2. ĐỜI SỐNG CẦU NGUYỆN:

“Không cầu nguyện thì không cần phải ma quỷ cám dỗ. Tự mình ta, ta sẽ gieo mình xuống hỏa ngục” (Thánh Têrêsa D’avila). Chúa Giêsu cũng bảo Kitô hữu phải cầu nguyện không ngừng: “Hãy cầu nguyện luôn để khỏi sa chước cám dỗ”.   

Trong thế giới chạy đua với tốc lực, với sức mạnh của tiền bạc, câu “thời giờ là vàng bạc” quả rất đúng. Nó đúng đến độ người ta không còn giờ để đọc kinh, không còn giờ để cầu nguyện. Nhất là không còn giờ để cùng cầu nguyện với nhau trong gia đình. Cầu nguyện giữa vợ chồng. Cầu nguyện giữa cha mẹ và con cái. Tại các nước văn minh nhất thế giới như Hoa Kỳ, con số những gia đình còn giữ được tập quán cầu nguyện có thể nói là một con số ít ỏi và hiếm hoi. 

Nhưng nếu thời giờ cùng nhau cầu nguyện không có, thì ngược lại, thời giờ gia đình quây quần bên chiếc TV, xem truyền hình, nghe tin tức, xem thể thao, hát karaoke hoặc xem phim chưởng lại luôn luôn có và có rất dồi dào. Nhiều người còn có thời giờ cho những buổi hò hẹ, xem xinê, tham dự các cuộc vui văn nghệ, và đi vào các sòng bài. Đó là những lý do người ta thiếu giờ cầu nguyện. Thiếu giờ dành cho đời sống tâm linh. 

Một trong những lý do là Chúa “chậm chạp” quá. Cầu nguyện sốt ruột lên mà Chúa vẫn chưa trả lời. Cầu một ngày, cầu một tuần, cầu một năm. Có khi cầu đến chục năm mà Chúa vẫn chưa nghe. Sốt ruột quá! Mất thời gian tính quá! Và có lẽ vì Chúa chậm nghe, chậm trả lời, nên con người phải tự tìm cách giải quyết những vấn nạn của đời mình, nếu không thời giờ qua đi mà không làm gì được. 

Do ảnh hưởng của mỳ ăn liền, càphê uống liền, fast food ăn liền đã tạo nên một tâm thức rất nóng nẩy, rất bất an và bất nhẫn, và rất dễ sốt ruột. Mà vì Chúa không biết sốt ruột, nên khi thấy mình sốt ruột, con người đã tìm cách tự giải quyết lấy. Chúa không cho tiền để sinh sống. Được! Phá thai. Vì sinh con nhiều mà không có tiền để nuôi nấng, dậy dỗ thì thà đừng sinh ra còn hơn. Chúa không cho tiền. Được! Con tìm vào casino, ở đây dễ kiếm tiền và mau làm giầu hơn. Chúa không cho ly dị. Được! Không lấy vợ, không lấy chồng nữa. Lấy rồi thì khó bỏ. Ở vậy có nhiều bồ hơn mà muốn bỏ lúc nào cũng được. 

Trong cái lẫn lộn và hoang mang giữa thiện và ác. Giữa đời và đạo. Giữa vật chất và tinh thần ấy, phần đông con người nghiêng về những gì là vật chất, là thực tế, và dễ dãi để rồi bỏ cầu nguyện. Bỏ kết hợp với Chúa. 

3. SỐNG ĐẠO THƯỜNG NGÀY: 

Cũng như con số thống kê mà chúng ta vừa tìm thấy nơi các bạn trẻ. Phần đông người Kitô hữu lúc này xem ra cũng không muốn sống đạo với lời giảng dậy, mặc dù Chúa Giêsu đã nói cách rõ ràng: “Ai bền đỗ đến cùng mới được cứu rỗi” (Mt 10:22). Và câu hỏi là đến cùng là bao lâu? 

Một vị linh mục thân từ Pháp qua chơi thăm Hoa Kỳ, đã tâm sự rằng tại Pháp lúc này các linh mục được cho đi “vacation” dài dài. Lý do vì chẳng ai tham dự thánh lễ, xưng tội, và họa may có đôi trường hợp xin rửa tội, rước lễ lần đầu, và làm phép xác. Điều này đã được Đức Gioan Phaolô II hết sức hô hào để Giáo Hội Pháp lấy lại vị thế Trưởng Nữ của Giáo Hội. Một Giáo Hội mà từ đó Kitô Giáo được mang đi truyền thụ hầu khắp thế giới, nhưng nay lại nghèo nàn, co cụm, và già nua. Nếp sống đạo này chắc chắn có chịu phần ảnh hưởng của văn minh mỳ gói. Người trẻ không tham dự đứng đắn đời sống hôn nhân gia đình. Không có con, đến tuổi già sức yếu, cảm thấy cô đơn và buông xuôi. Lòng đạo đức không được hun đúc và tập luyện ngay trong bầu khí gia đình, lớn lên vào đời bị lôi cuốn và chi phối bởi những lý thuyết và triết lý sống ngoại lai lấy văn minh sự chết, lấy cá nhân, lấy những hào nhoáng và sự thoả mãn vật chất làm nền tảng, tự nhiên đời sống tâm linh bị đẩy lùi, và bị xóa nhòa. 

Ai cũng biết, dù hô hào, dù cố tình phủ nhận, thì tâm thức đạo đức và ý thức về Thiên Chúa vẫn có đó trong lương tâm con người. Nếu không vậy, Thiên Chúa sẽ không có cơ sở và căn bản để thưởng phạt. Nhưng vì lương tâm ấy không được tinh luyện và làm cho sống động bằng những việc làm tôn giáo, do đó, sẽ dần dà bị lu mờ. Và đó là ảnh hưởng tai hại của thứ văn minh mỳ gói. Thứ văn minh mà dù những căn bản đời đời, dù những vấn đề thuộc lãnh vực tâm linh cũng muốn mang ra để giải quyết cấp thời, nhanh và gọn. Một lối sống và suy tư như không còn tin vào ngày mai, phủ nhận quyền vạn năng của Thiên Chúa. 

Nhân loại ngày nay đang đi về đâu trong niềm tin của mình? Câu trả lời thật khó khăn nhưng cũng rất dễ. Tuy nó bị gằng co bởi rất nhiều những yếu tố phần lớn là do trí khôn con người, do ham muốn, và do những đam mê thôi thúc. Dĩ nhiên, Satan và bọn quỷ thần chúng đang cố tình gieo vào lòng trí con người những triết lý và suy tư ấy, mà một trong những triết lý sống đang làm đảo lộn niềm tin của nhiều người là triết lý và lối sống mỳ gói, mỳ ăn liền. 

Con người ngày nay thật ra không có giờ cho nhau trong một bữa ăn gia đình đầm ấm. Không có giờ cho nhau trong một buổi trà đàm thân mật. Không có giờ cho nhau bằng những buổi thăm viếng, an ủi, và gần gũi nhau. Không có giờ cầu nguyện. Không có giờ sống niềm tin của mình. Nhưng ngược lại, họ có tất cả mọi giờ giấc cho những đòi hỏi quay cuồng đến chóng mặt. Họ muốn loay hoay tự mình giải quyết mọi chuyện để rồi nóng lòng muốn có ngay kết quả. Họ đã quên hay không muốn dành cho mình ít phút để đọc và niệm lời Chúa Giêsu đã nói với Martha: “Martha, con lo lắng, bối rối nhiều chuyện quá” (Luca 10:41).

Tiến Sĩ Trần Mỹ Duyệt

VỀ MỤC LỤC
CÓ THỂ CHIẾN THẮNG SỰ GIAN DỐI.  

Ngày 3 tháng 8 vừa qua, đại văn hào Nga Aleksandr Isayevich Solzhenitsyn qua đời; và ngày 6, lễ nghi an táng của ông được cử hành rất long trọng  tại đan viện Donskoy, Maskva, thủ đô nước Nga. Ông là người từng bị đày đọa tột cùng và cũng từng hưởng vinh dự rất cao ngay trên quê hương mình. Ông đã được trao giải thưởng Nobel văn học vào năm 1970, thời mà nước Nga còn do Đảng Cộng Sản lãnh đạo.  

Diễn từ ông gửi đến hội đồng Nobel cách đây gần 40 năm vẫn còn nóng bỏng chất thời sự, đối với thế giới hôm nay, và đặc biệt đối với nước Việt Nam thân yêu của chúng ta trong những ngày vừa qua. Vì thế tôi dịch lại phần cuối cùng để chúng ta - nhất là những người cầm bút ở bất cứ môi trường nào -  đọc lại mà thấm thía. Ai muốn xem trọn văn bản bằng tiếng Anh, xin vào địa chỉ: http://nobelprize.org/nobel_prizes/literature/laureates/1970/solzhenitsyn-lecture.html 

Tác giả: Alexandr Solzhenitsyn.

Chuyển ngữ: Trần Duy Nhiên   

Tôi đã hiểu và cảm nhận rằng văn học thế giới không còn là một tuyển tập trừu tượng, hoặc một  tổng hợp do các nhà phê bình văn học tạo nên; nhưng đúng hơn đấy là một thân thể và một tinh thần chung, một sự thống nhất tình cảm phản ánh sự hiệp nhất ngày càng lớn lên giữa các thành phần nhân loại. Biên giới giữa các nước vẫn còn đỏ rực, hừng hực vì dây điện và những tràng súng liên thanh; và nhiều bộ nội vụ vẫn nghĩ rằng văn học cũng là ‘nội vụ’ đặt dưới quyền điều khiển của mình; các tít báo vẫn còn chạy: “Không được can thiệp vào chuyện nội bộ chúng tôi!”. Thế nhưng không còn chuyện gì là CHUYỆN NỘI BỘ trên cái thế giới đất hẹp người đông của chúng ta hiện nay! Và cách duy nhất để giải cứu nhân loại hệ tại ở mọi công việc mà mỗi người làm trong lãnh vực mình; ở việc những người phương đông thực sự quan tâm đến những gì mà người ta suy nghĩ tại phương tây, và người phương tây thực sự quan tâm đến nhưng gì đang xảy ra tại phương đông. Và văn chương, với tư cách là phương tiện nhạy cảm và đáp ứng kịp thời nhất mà loài người có được, là một trong những nhân tố đi hàng đầu để tiếp thu, hòa nhập và nắm bắt được cái cảm thức về sự hiệp nhất ngày càng lớn mạnh của cộng đồng nhân loại.  Vì thế, tôi tin tưởng ngỏ lời với thế giới văn chương hôm nay - với hằng trăm bạn hữu mà tôi chưa bao giờ gặp được con người bằng xương bằng thịt và có thể tôi sẽ không bao giờ gặp được. 

Hỡi các bạn! Chúng ta hãy cố gắng giúp đỡ, nếu chúng ta còn một giá trị nào đó! Từ thời xa xưa đến nay, ai làm nên sức mạnh hiệp nhất, chứ không phải chia rẽ, trên các đất nước chúng ta,  những đất nước bị xâu xé bởi các đảng phái, phong trào, đẳng cấp và phe nhóm chống đối nhau? Tự bản chất, người cầm bút có một vị trí: họ là những người thể hiện tiếng mẹ đẻ của mình, là lực lượng liên kết chính yếu của một quốc gia, của chính mảnh đất mà người dân cư ngụ và - ở mức cao nhất - của tinh thần quốc gia. 

Tôi tin rằng thế giới văn học tự mình có sức mạnh giúp đỡ nhân loại, trong những giờ phút nhiễu nhương này, để nhân loại tự nhìn ra rõ chính mình, bất chấp sự tuyên truyền của những người và những đảng phái đầy định kiến.  Thế giới văn học có sức mạnh để chuyển tải kinh nghiệm tích lũy ở một miền đất này sang một miền đất khác, hầu cho chúng ta không còn bị chia cắt và đui mù, hầu cho các bậc thang giá trị khác nhau được mọi người đồng thuận, và một quốc gia nhất định sẽ học được một cách đúng đắn và cô đọng lịch sử chân chính của một quốc gia khác, với tinh thần thừa nhận và với cảm thức đớn đau như thể chính mình đang trải qua kinh nghiệm đó; và như thế,  quốc gia ấy sẽ tránh phải lặp lại những sai lầm thảm khốc tương tự. Có lẽ trong những điều kiện hiện nay, văn sĩ chúng ta có thể vun xới trong bản thân mình mảnh đất cho một tầm nhìn bao quát  TOÀN THỂ THẾ GIỚI: tại trung tâm thì quan sát như một người khác ở bên cạnh mình, tại ngoài viền thì chúng ta bắt đầu kéo về những gì xảy ra từ mọi nơi trên thế giới. Và chúng ta sẽ nối kết, sẽ tôn trọng sự cân bằng của thế giới này. 

Nếu không phải là những người cầm bút, thì ai sẽ đánh giá, không chỉ về việc quản lý thiếu hiệu quả trên đất nước mình, (mà trong nhiều nước thì đây là cách kiếm ăn dễ nhất, một công việc mà bất cứ người nào không làm biếng cũng có thể làm), mà còn đánh giá về chính người dân, về sự nhẫn nhục đê hèn hoặc về sự yếu kém đầy tự mãn của họ? Ai sẽ đánh giá về cuộc chạy đua nhẹ dạ của thế hệ trẻ, và về những tên ăn cướp trẻ đang chìa dao găm ra? 

Người ta sẽ hỏi: văn học thì có thể làm gì để chống lại sự tấn công khốc liệt của bạo lực công khai? Vậy thì chúng ta đừng quên điều này: bạo lực không sống một mình và không có khả năng sống một mình; nó buộc phải đan xen với dối trá. Giữa chúng có một mối dây liên kết tự nhiên, mật thiết và sâu đậm nhất. Bạo lực lấy gian dối làm nơi trú ẩn, gian dối lấy bạo lực làm chỗ nương tựa.  Người nào từng một lần tuyên bố lấy bạo lực làm PHƯƠNG PHÁP thì người đó buộc phải chọn dối trá làm NGUYÊN TẮC. Khi mới ra đời, bạo lực hoành hành một cách công khai và thậm chí vênh vang. Nhưng khi nó mạnh rồi, có ghế ngồi vững vàng rồi, nó cảm thấy bầu không khí quanh mình loãng ra nên không thể sống được nếu không hạ xuống mà nấp vào lớp mây của gian dối, ngụy trang mình bằng những lời đường mật. Không nhất thiết là lúc nào nó cũng công khai cắt cổ người ta đâu, mà thường thường nó đòi buộc dân đen của mình thề trung thành với dối trá, đồng lõa với dối trá. 

Bước đi bình thường của người can đảm bình thường là không tham gia vào dối trá, không ủng hộ dối trá. Cứ để NÓ xâm nhập vào thế giới, thậm chí cai trị thế giới này - mà không có sự trợ lực của mình. Nhưng văn sĩ và nghệ sĩ thì có thể làm hơn như thế: họ có thể CHIẾN THẮNG SỰ GIAN DỐI! Trong cuộc chiến chống lại gian dối thì nghệ thuật đã từng chiến thắng và sẽ chiến thắng mãi. Một cách rõ ràng và không thể phủ nhận được, vì mọi người! Gian dối có thể khuất phục nhiều thứ trên thế giới này, nhưng không thể khuất phục nghệ thuật được. 

Và ngày nào gian dối bị xua tan thì bạo lực trần trụi sẽ tỏ lộ thân hình gớm ghiếc - và bạo lực, thối rữa, sẽ đổ nhào.

VỀ MỤC LỤC
CON PHẢI LÀM GÌ?
 

 

Tôi ngồi đối diện với bà.  Giữa khu rừng vắng.  Nhưng tôi thấy lòng mình càng vắng hơn.  Tôi trống rỗng, nhìn vào khoảng không trước mặt, không biết phải nói gì.  Ngoài tiếng cây lá rung rinh, vẫn chỉ là tiếng nấc của bà.  Tôi thấy mình nhỏ bé – không biết phải làm gì.  Cuối cùng tôi cũng lên tiếng: “ngày mai cha sẽ vào tù thăm chồng bà, sẽ nói chuyện với ông xem sao?”
 

************************
 

Hôm nay là một ngày khá buồn trong đời Linh Mục của tôi. 

9:00 AM sáng dâng lễ với giáo dân. 

10:00AM thăm, cầu nguyện và sức dầu một giáo dân bị ung thư giai đoạn cuối tại tư gia.

11:00AM tham dự nghi thức an táng tại nghĩa trang của một linh mục trong giáo phận.   12:30PM ghé thăm hai người giáo dân bị “căng thẳng” tinh thần phải nhập vào bệnh viện dành riêng cho người có triệu chứng “tâm thần.”

3:00 PM ghé McDonald ăn trưa

3:30 PM ghé thăm một vợ ông D.  Bà đang bị khủng hoảng về mọi mặt- tinh thần lẫn vật chất. 
  

********************* 
 

Tôi quen biết ông D từ những ngày đầu tiên tôi về giáo xứ này - thỉnh thoảng tôi thấy ông đi lễ với vợ - một người phụ nữ bị tật ở chân.  Nhưng có vẻ ông không hiểu tôi nói gì!  Sau này tôi mới biết ông bị điếc.  Bà vợ của ông cho tôi biết là ông bắt đầu đi lễ lại từ ngày tôi về nhận xứ vì… “cha là người Việt Nam!” 
 

Câu chuyện chỉ dừng lại ở đó – và tôi vẫn cứ miệt mài công việc và tìm hiểu “đoàn chiên” mới của mình.  Cho đến một hôm cũng đã sau 5 giờ chiều.  Tôi vừa rời văn phòng bước và bước vào cửa nhà xứ, trút bỏ bộ quần áo chuẩn bị tắm thì điện thoai reo.

- Cha ơi, có ông D nói muốn gặp cha. Bên kia là giọng nói của bà thư ký.

- Có chuyện gì gấp không, vì ông ta không có hẹn với cha hôm nay.

- Dạ có, ông ta nói cần phải nói chuyện với Cha ngay.

- Nói ông ta đợi một tí, cha phải mặc đồ lại rồi trở lại văn phòng ngay.

Tôi mời ông vào văn phòng, thế là ông bắt đầu kể:

- Con đã giữ điều này từ lâu lắm rồi nhưng hôm nay con muốn nói chuyện với cha. Trước đây con ghét người Việt Nam lắm.  Trước hhi nghe cha về giáo xứ này là con đã bỏ không đi lễ. Sau đó vợ con thuyết phục mãi con mới đi lại. Vợ con bảo “Cha tốt và vui lắm chứ không phải như những người Việt Nam mà anh đã gặp đâu.”

- Cám ơn ông, nhưng cha chỉ cố gắng làm những gì trong khả năng của cha và phục vụ với chính con người thật của cha thôi.

- Đó là điều làm cho con phục nhất – Con người thật của cha. Chính vì vậy hôm nay con mới tới đây. Và câu chuyện ông bị điếc 100% bắt đầu như sau.

Ông gia nhập quân đội Mỹ khi còn là một thanh niên trẻ. Năm 1967 ông được gởi qua chiến trường Việt Nam và làm người giữ khẩu súng máy bắn tỉa từ cửa trực thăng (helicopter door gunner) trong không đoàn Airborn 101. Và ông có mặt trong trận chiến “đồi thịt băm – Hamberger hill” năm 1968, mà sau này đã được dựng thành phim. Ông đã bị thương rất nặng và được đưa đi cấp cứu. Lúc tỉnh dậy ông thấy đầu và cổ mình được giữ rất chặt bằng những thanh sắt và khi ông nhìn lên trần thì thấy một hàng chữ được gián để cho ông đọc “learn how to read lips”, xin được tạm dịch là:  Anh cần phải bắt đầu tập học nhìn môi người đối thoại để có thể hiểu họ nói gì.” Thế là từ hôm đó, từ năm 1968 đến nay, đã 40 năm ông không còn nghe được tiếng nói hay tiếng động chung quanh. Và cũng đã 40 năm nay ông căm ghét người Việt Nam.

Sau khi bình phục ông trở về Mỹ và bắt đầu những bước đi chập chững của một cuộc đời mới.  Của người điếc nhưng không câm. Ông bảo có những lần ông muốn nổi điên và “giết chết” ai đó khi họ biết ông điếc và phải nhìn môi người đối diện để biết người ta nói gì, và họ cứ nhấp môi liên tục nhưng thực ra không nói gì. Tuy vậy số phận cũng không quá tệ với ông, một năm sau khi trở về từ Việt Nam ông đã có người yêu và 3 tháng sau đã nên duyên vợ chồng.

- Cha biết không, ngày 1 tháng 5 vừa qua là kỷ niệm 38 năm ngày cưới đó. Có lúc vui, lúc buồn; lúc giận, lúc hờn; lúc ghét, lúc thương, nhưng đó là 38 năm hạnh phúc đó cha! Ông nói chắc như đinh đóng cột với nụ cười rạng rỡ.

- Cha xin chúc mừng ông bà!

- Cám ơn cha, nhưng hôm nay con đến đây là không phải vì vậy mà muốn giải toả những “đè nén” của hận thù của gần 40 năm qua với người Việt Nam. Con muốn nói với cha và với họ một lời xin lỗi.

- Không, ông không có lỗi gì. Khi có chiến tranh chắc chắn có những hoàn cảnh riêng của nó.

- Con hiểu, nhưng con vẫn muốn xin lỗi cho tâm hồn con được thanh thảnh!

- Vậy thì cha xin thay mặt cho những người Việt Nam nhận lời xin lỗi của ông.

- Cám ơn cha! Ông ta nói 3 chữ đó bằng tiếng Việt trơn tru. Đã 40 năm nay, con thuộc lòng ba chữ đó bằng tiếng việt, nhưng hôm nay mới nói với cha lần đầu đó!

Tôi tiễn ông ra cửa rồi quay trở về nhà xứ.  Những bước nặng nhọc nhưng đầy niềm vui! Cảm ơn ông D, và cảm tạ hồng ân Chúa. Tôi không bị điếc như ông, nhưng có lẽ đã lâu lắm rồi tôi chưa nghe được những tiếng xin lỗi từ chính miệng tôi nói ra. Có lẽ vì tôi đã bị điếc tâm hồn! Hôm nay một người điếc đã mở tai tôi, một người không điếc để có thể nghe rõ hơn tiếng gọi của Thiên Chúa trong lòng đời hôm nay! 
 

*********************** 
 

Tưởng rằng mọi sự sẽ vui sau câu chuyện đó, nhưng - cuộc đời lại đưa đẩy và ông đã trở về với những cơn say mèm.  Tiền chính phủ cho ông mỗi tháng hơn 3 ngàn cũng không đủ cho ông uống rượu.  Những cơn say khướt; những lời lẽ nặng nề với vợ; những lúc không kìm chế được bản thân, ông đã đánh vợ; và cuối cùng thì căn nhà cũng bị ngân hàng… đòi lại.  Ông và vợ thuê apartment để ở.  Nhưng vẫn không yên, trong một cơn say mèm, ông đã “vô tình” nổi lửa và đốt căn hộ đó.  Thế là từ hôm đó ông và vợ đã trở thành “lữ khách” của khu rừng gần giáo xứ của tôi. 
 

Đã nhiều lần, ông đến “thăm” tôi để xin chút đồ ăn hay một vài đồng lẻ.  Cũng đã nhiều lần tôi đi bộ vào rừng tìm ông để mang đồ ăn cho ông.  Lần nào cũng thế, ông vẫn say mèm.  Tuy vậy ông vẫn rất tôn trọng tôi.  Tôi đã khuyên bảo ông, cũng như tìm mọi cách giúp đỡ ông, nhưng… đâu lại hoàn đó.   Ông bà vẫn “nội trú” trong khu rừng đó.  Và ông vẫn là khách hàng ngày của quán rượu.  Rồi có những lần ông bị cảnh sát bắt, tôi lại đến thăm ông.  Khi được thả ra, ông lại vẫn thế. 
 

************************ 
 

Rồi đến chiều hôm nay.  Một buổi chiều ảm đạm.  Tôi đã đến “khu rừng” quen thuộc để gặp bà.  Ông không có ở đó.  Bà bảo, “ông đã bị cảnh sát câu lưu – do vi phạm probation.”  Lần này có thể ông sẽ bị nhốt cho đến tháng 3 năm 2009.  Có nghĩa là khoảng 10 tháng.   
 

Bà thì tá túc ở khu rừng này nhưng không có tiền để sống.  Số tiền hơn 3 nghìn mỗi tháng được chính phủ deposit trực tiếp vào ngân khoản của ông.  Và bà thì không có quyền để lấy tiền ra.  Những giọt nước mắt của bà tuôn dài trên má.  Tiếng khóc đó, tuy nhẹ nhàng, nhưng vang vọng cả một khu rừng vắng.  Bà khóc cho ông.  Bà khóc cho chính bà.  Khóc cho một quá khứ.  Và khóc cho cả tương lai mù mịt. 
 

Tôi ngồi đối diện với bà.  Giữa khu rừng vắng.  Nhưng tôi thấy lòng mình càng vắng hơn.  Tôi trống rỗng, nhìn vào khoảng không trước mặt, không biết phải nói gì.  Ngoài tiếng cây lá rung rinh, vẫn chỉ là tiếng nấc của bà.  Tôi thấy mình nhỏ bé – không biết phải làm gì.  Cuối cùng tôi cũng lên tiếng: “ngày mai cha sẽ vào tù thăm chồng bà, sẽ nói chuyện với ông xem sao?”
 

Sau đó tôi chào bà, lê những bước nặng nhọc ra khỏi khu rừng.  Miên man suy nghĩ.  Dừng lại giữa khu rừng vắng lặng, tôi ngước mặt lên trời và… than với: “Lạy Chúa, con phải làm gì?”

Ân sủng và bình an,

 

LM. Martino Nguyễn Bá Thông

www.hayyeuthuongnhau.org 

 
VỀ MỤC LỤC
Loan báo Tin MỪng

Tác Phẩm CHÚA VẪN THƯƠNG

Lm. MICAE-PHAOLÔ TRẦN MINH HUY pss

7. Loan báo Tin MỪng

Bình an cho chiên của Chúa, Chúa gởi cho bạn sự dịu dàng của tình yêu Chúa. Chúa ở với bạn, bạn đừng sợ chi hết, bạn hãy coi xem cần thiết cái gì, nhất là bạn hãy ở trong niềm vui, Chúa muốn đưa bạn đi thật xa để loan báo Danh Chúa. Bạn sẽ luôn đi cùng đường với Chúa. Bạn hãy để Thần Khí Chúa tác động. Bạn hãy ở trong niềm vui, vì phần thưởng của bạn sẽ lớn lao ở trên trời. Bạn hãy sẵn sàng cho những gì Chúa xin bạn trong khiêm tốn. Bạn đang có những phương tiện quá hạn chế, nhưng bạn sẽ thấy sự vinh hiển của Chúa. 

Bạn hãy quy tụ bạn hữu bạn lại, bạn hãy dẫn họ tới, đôi khi bạn hãy nài nỉ họ, vì sự sống của họ, vì hạnh phúc của họ. Đối với một số người trong họ, đây là cả vấn đề Sống - Chết nữa đó. 

Bạn có thực sự chờ đợi ở Thánh Thần Chúa không? Bạn có thực sự muốn đón Thánh Thần Chúa không? Hãy cho Chúa sự lo âu sợ hãi của bạn, Chúa sẽ làm những điều kỳ diệu ngang qua bạn. 

Bạn hãy đi khắp tứ phương thiên hạ loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo. Bạn đừng tưởng rằng bạn có thể tồn tại mà không loan báo về Chúa. Loan báo về Chúa là một điều thiết yếu. Bạn đừng ở yên đó với Tin Mừng đã nhận lãnh. Như vậy chẳng khác gì một hồ nước đọng, chẳng tốt đâu, bạn hãy đi tới trước mà loan báo về Chúa.

Người đầu tiên được hưởng lợi sự loan báo này chính là bạn. Bạn sẽ ngỡ ngàng về niềm vui và hạnh phúc mà bạn sẽ rút ra được từ lời loan báo ấy, mặc dầu điều đó làm cho bạn sợ dấn thân. Bạn hãy biết rõ điều đó, không có chọn lựa nào khác. Đó là điều thực sự chính yếu, cho bạn và cho toàn thế giới: “Vô phúc cho tôi, nếu tôi không rap giảng Phúc Âm.” 

Chúa đã ban sức mạnh của Chúa cho bạn chẳng để làm gì sao? Chẳng để làm gì mà Chúa đã mạc khải Chúa cho bạn sao? Không phải chỉ để riêng cho bạn mà thôi đâu. Bạn không có quyền giữ lại kho tàng ấy cho riêng mình.

Hỡi bạn, nếu bạn không loan báo Tin Mừng, Chúa sẽ mạnh mẽ chất vấn bạn: bạn có thực sự tin vào Chúa? vào Tin Mừng? vào tình yêu Chúa dành cho bạn? Phải chăng bạn không tin rằng sức mạnh sự dữ đang lồng lộn lên? Bạn có tin không? Nếu bạn tin thì bạn không thể làm thinh được. 

Bạn hãy để Thánh Thần tràn ngập bạn. Bạn hãy để Chúa làm việc trong bạn, đó là một sự cần thiết sống chết, một mất một còn. Chúa đã chọn bạn làm chứng nhân cho Chúa, trong lời nói cũng như trong hành động.

Bạn không thể làm thinh được. Chớ gì bạn biết được tất cả những gì Chúa muốn dẫn bạn đến! Chớ gì bạn biết được tất cả những gì Chúa muốn tỏ cho bạn, mạc khải cho bạn, làm cho bạn sống! 

Hỡi bạn, Chúa đã muốn liên kết bạn vào chương trình yêu thương lớn lao của Chúa, chương trình kỳ diệu mà bạn không thể tự mình nắm bắt được, và Chúa muốn liên kết bạn vào nhiều hơn nữa. Chớ gì bạn biết được Chúa muốn liên kết bạn dường nào! Chúa muốn bạn liên kết với Chúa. Bạn đang ở trong nhà Chúa,  bạn hãy dùng thời giờ mà thờ phượng, rồi bạn sẽ hiểu. 

Chính Thần Khí mới làm cho sống, Lời Chúa đã nói với bạn là Thần Khí và là Sự Sống, nhưng có một số người không tin. Làm sao bạn muốn đánh động lòng họ, nếu bạn không nói với họ về Chúa. Bạn đợi gì mà không nói về Chúa cho họ? Bạn chậm nói về Chúa quá!

Hỡi bạn, bạn có tin đó là Tin Mừng bạn phải loan báo không? Những lời bạn sẽ loan báo là những lời ban sự sống, nhờ Thần Khí của Chúa. Hãy lên đường, hỡi bạn, mùa gặt của Chúa lớn lắm, bao la vô cùng! Chúa sẽ ở với bạn và bạn sẽ ở trong niềm vui, một niềm vui lớn lao, và bạn sẽ làm những điều kỳ diệu nhân Danh Chúa. Chúa muốn dẫn bạn đi thật xa để loan báo Danh Chúa. Và điều Chúa xin bạn, chính là hãy để Chúa làm việc trong bạn và qua bạn. 

Hãy ra đi, hỡi bạn, Chúa chờ bạn nói về Chúa. Chúa ở với bạn và Chúa sẽ nhìn bạn. Chúa sẽ ở bên cạnh bạn. Bạn hãy mau lên đường. 

Chúa biết rằng bạn kém cỏi, không quả quyết, bập bềnh… Nhưng chẳng hề chi, Chúa yêu bạn. Chúa đặt kho tàng trong bạn, những kho tàng đến từ Chúa, từ công cuộc sáng tạo của Chúa, những kho tàng mà bạn không biết được, những kho tàng mà Chúa rất muốn mạc khải cho bạn. 

Chúa biết bạn được làm nên bằng gì, Chúa biết lịch sử của bạn. Có những cái bạn phải chịu trách nhiệm, có những cái khác bạn không phải lãnh trách nhiệm. Bạn đừng xấu hổ, đừng sợ hãi. Chính Chúa làm tất cả công việc, chính Chúa mạc khải cho bạn biết được bạn. Chính Chúa mạc khải cho bạn biết được những kho tàng, nhưng bạn hãy đến đụng vào Chúa, níu lấy tay Chúa. Chúa yêu bạn, đó là cái quan trọng nhất.

VỀ MỤC LỤC

BỆNH LO ÂU

Lo âu là chuyện thường thấy trong đời sống của con người và là phản ứng bình thường khi có một khó khăn, căng thẳng, một hoàn cảnh ngang trái, đe dọa.

Hàng ngày, đa số mỗi người chúng ta không nhiều thì ít ai cũng có chuyện này chuyện kia để mà lo nghĩ. Lo âu đôi khi cũng có lợi. Nó giúp ta vượt qua khó khăn hoặc đề phòng hoàn cảnh hiểm nguy có thể xảy ra.

Nhưng nếu quá lo âu, nghĩ ngợi đến nỗi mất ăn, mất ngủ, không làm công việc hàng ngày được thì là bất thường và có thể là bị bệnh: Bệnh Lo Âu (Anxiety Disorder).   

Lo âu là một bệnh rất phổ biến.

Tại Hoa Kỳ, Lo âu đứng hàng đầu trong số các tâm bệnh nhưng chỉ 25% bệnh nhân được chẩn đoán và điều trị.

Bệnh lo âu thấy ở mọi người, mọi giới, mọi tuổi nhưng nữ giới thường bị bệnh nhiều gấp đôi. 

Nguy cơ đưa tới bệnh lo âu

 Bệnh có thể gây ra do yếu tố di truyền, thừa kế gia đình, do tác dụng phụ của vài loại thuốc, hoặc do hậu quả một số bệnh thể chất.

1- Di truyền:

Đã có nhiều bằng chứng là bệnh lo âu có thể xảy ra cho nhiều thành viên trong một gia đình.

Nghiên cứu cho thấy nếu một bé sinh-đôi đồng-tính (identical-twin) bị bệnh thì bé kia có nhiều khả năng bị lo âu hơn là ttruong72 hợp sinh-đôi-anh-em (Fraternal twins).

2- Thay đổi hóa chất ở não bộ

Vì dấu hiệu của bệnh lo âu thường thuyên giảm với dược phẩm có tác dụng thay đổi hóa chất ở não, nên các khoa học gia tin là hóa chất ở não có vai trò vào sự thành hình bệnh này.

3- Cá tính con người

Nghiên cứu cho thấy hành vi cá tính có thể gây ra bệnh lo âu, đặc biệt là những người kém tự tin và kém khả năng đối phó với sự việc.

Ngược lại thì lo âu xảy ra ở tuổi niên thiếu có thể đưa tới kém tự tin, tự chủ khi lớn lên.

4- Kinh nghiệm đời sống

Chịu đựng những lạm dụng bạo hành, bất công nghèo khó trong thời gian lâu dài cũng có liên hệ tới việc phát sinh bệnh lo âu.

Đôi khi lo âu cũng là hậu quả của lạm dụng thuốc gây ghiền như amphetamines, LSD hoặc Ectasy, thuốc “lắc”.

Ngay cả khi tiêu thụ quá nhiều caffeine cũng tạo ta cảm giác hồi hộp, lo âu.

Diễn tiến bệnh

Bệnh nhân có cảm giác lo sợ rất mạnh, kèm theo nhiều thay đổi về tâm trạng, về sự suy nghĩ và vế các hành vi của mình.

Nếu không được điều trị, bệnh trở nên trầm trọng và gây khó khăn cho đời sống.

Bệnh nhân sẽ liên tục bị những cơn hoảng sợ ám ảnh, hành hạ, có những ý nghĩ không hợp lý, những hành vi kỳ quặc, những cơn ác mộng, hồi tưởng cũng như nhiều dấu hiệu thể chất đáng ngại.

Cơn hoảng sợ có thể đi đôi với nhiều bệnh cấp tính như cơn đau tim, cơn suyễn, cơn kinh phong, giảm đường huyết hoặc cường chức năng tuyến giáp...       

 Phân loại: Bệnh Lo Âu được chia ra làm nhiều loại: 

1- Bệnh hoảng sợ (Panic disorder).

Bệnh nhân có nhiều cơn hốt hoảng (panic attack) với sợ hãi tột độ, tim đập nhanh, đau tức ngực, đổ mồ hôi, người run rẩy, khó thở, chóng mặt, nghẹt cuống họng, cảm giác tê liệt, mất định hướng, tưởng như sắp chết...

Mỗi cơn kéo dài có khi tới cả 10 phút, đôi khi lâu hơn.

Người hay bị cơn hoảng sợ có thể gặp nhiều khó khăn trong đời sống.

Chẳng hạn nếu cơn hoảng sợ xảy ra ở một nơi công cộng thì họ sẽ sợ đám đông, không dám bén mảng, lai vãng.

Hoặc cơn hoảng sợ xẩy ra trong cầu thang máy, thì không bao giờ họ sử dụng phương tiện lên xuống này.

Bệnh nhân thường cũng hay bị trầm cảm, buồn phiền, xa lánh mọi người. Lâu ngày, họ sẽ rơi vào vòng lạm dụng rượu, cần sa ma túy, để mong thoát sự lo âu.

Bệnh có thể điều trị bằng dược phẩm, liệu pháp tâm lý hoặc liệu pháp nhận thức. Bệnh nhân được hướng dẫn tìm hiểu về bệnh tình  của mình và thay đổi hành vi, suy nghĩ. 

2- Bệnh lo âu toàn diện (Generalized Anxiety Disorders)

Người bệnh luôn luôn ở trong tình trạng căng thẳng, sợ hãi mà không có nguyên nhân.

Chẳng hạn họ sợ rằng thiên tai bão lụt sẽ sẩy ra trong khi thời tiết rất tốt. Họ cứ cho là sức khỏe của họ rất kém, mặc dù họ vẫn sinh hoạt, ăn ngủ bình thường.

Bệnh nhân không nghỉ ngơi thư giãn được, dễ giật mình, rối loạn giấc ngủ, cảm thấy mệt mỏi, đau nhức toàn thân, ăn không ngon, buồn nôn, tay chân run rẩy, đổ mồ hôi, chóng mặt, khó thở…

Không điều trị, bệnh không những gây ảnh hưởng xấu cho đời sống mà còn gây khó khăn trong công việc làm ăn.

Thuốc chống lo âu, liệu pháp tâm lý có nhiều công hiệu để điều trị bệnh lo sợ toàn diện này. 

3- Bệnh ám ảnh sợ hãi (Phobia).

Người bệnh có những nỗi sợ quá đáng với các hoàn cảnh thường nhật, những sự việc thường xảy ra và những nơi thường tới. Họ trở nên thu mình, không dám đi ra ngoài.Có người sợ đi xe hơi, máy bay vì nghĩ tới tai nạn có thể đến.

Ám ảnh sợ hãi đáp ứng tốt với tâm lý trị liệu. 

4- Bệnh ám ảnh cưỡng bức (Obsessive-compulsive disorder).

 Bệnh nhân có những ý nghĩ hoặc hành động cố chấp và tái diễn.

 Vì sợ hãi một sự kiện nào đó, họ nghĩ rằng có thể kiểm soát được sự việc bằng cách làm đi làm lại cùng một động tác.

Chẳng hạn vì ám ảnh với sợ bị lây bệnh, họ rửa tay liên tục nhiều lần.

Hoặc đã khóa cửa trước cửa sau trước khi đi ngủ, nhưng họ vẫn chưa yên tâm, trở lại kiểm soát cửa ngõ nhiều lần.

Tâm lý trị liệu và một vài dược phẩm có thể được dùng để điều trị sự ám ảnh này. 

5- Hậu chấn thương căng thẳng (Post traumatic stress disorder)

Bệnh xẩy ra sau khi bệnh nhân là nạn nhân hoặc chứng kiến những biến cố trầm trọng gây ra thương tích thể chất và tinh thần. Các biến cố có thể là chiến tranh, khủng bố, tù đầy, bắt cóc, hiếp dâm, mất việc, mất người thân yêu...

Bệnh nhân trở nên lạnh nhạt với mọi người, tránh không muốn nghe những hoàn cảnh có thể gợi lại biến cố cũ, nhưng ban đêm lại hay có ác mộng về biến cố. Tính tình của họ thay đổi, trở nên nóng nẩy, khó tính, hay gây sự đôi khi hung giữ.

Bệnh có thể chữa được bằng dược phẩm và liệu pháp hành vi. 

Ðiều trị

Bệnh lo âu có thể điều trị được bằng dược phẩm và tâm lý trị liệu. Bệnh nhân được hỗ trợ, giải thích để có thể kiểm soát các phản ứng sợ hãi với hoàn cảnh hoặc sự việc

Nếu cho là đang có bệnh lo âu, nên nói cho bác sĩ gia đình biết  các triệu chứng bệnh và yêu cầu giới thiệu tới một bác sĩ chuyên khoa tâm lý. Vị bác sĩ này sẽ chẩn đoán bệnh và chữa trị cho mình.

Ngoài ra, có nhiều cơ quan tư vấn hoặc đường dây điện thoại cấp cứu mà người bệnh có thể sử dụng, nhất là khi cơn lo âu, hoảng sợ đưa tới ý định quyên sinh tự tử hoặc bạo động, hành hung.  

Bác sĩ Nguyễn Ý Ðức,  Texas –Hoa Kỳ

VỀ MỤC LỤC
ĐỜN ÔNG…ĐẤU TRANH  Chuyện phiếm của Gã Siêu 

 

Tình cờ đọc một tờ báo, gã thấy một bài thơ hay hay của một tác giả tên là Hà Hà, bèn ghi lại để bàn dân thiên hạ cùng đọc cho vui. Bài thơ ấy mang tựa đề “Phụ nam…ngâm khúc” :

- Trăm năm trong cõi người ta,

  Ai không cưới vợ thật là đại…khôn.

  Chiều về ghé quán dùng cơm,

  Tối rà quán nhậu thảo thơm bạn hiền.

  Khuya về lăn ngủ…như tiên,

  Một mình xài hết trọn tiền kiếm ra.

  Chẳng cần phải nộp cho bà,

  Chẳng cần lấm lét vào ra hỏi trình.

  Khi nào quần áo hôi rình,

  Nước hoa xịt…xịt, thì mình lại thơm.

  Khi nhà đầy những rác rơm,

  Mở cho quạt thổi…tinh tươm tức thì!

  Alô! Em út vu vi,

  Chờ mong đến hẹn đến thì lại lên!

  Lỡ mà trong túi hết tiền,

  Mạnh tay ký nợ căng-tin sáng chiều.

  Một mình sung suớng bao nhiêu.

Có lẽ tác giả đã nghiền ngẫm thân phận nghiệt ngã của kẻ làm chồng, để rồi viết ra cái “ngâm khúc” trên, mà tán tụng kiếp sống “phòng không”, trăm năm cô đơn của mình. Cạch cho đến già cũng chẳng dám hó hé hay tơ tưởng đến “cái ghế” làm chồng của mình nữa :

- Kiếp sau xin chớ làm chồng,

  Thà làm một gốc cây thông trong rừng!!!

Gã còn nhớ có lần gã đã bàn rộng tán dài về sự hẩm hiu của cánh đờn ông con giai. Bây giờ chỉ xin tóm tắt lại trong một vài điểm chính yếu.

Trước hết, xã hội đã cư xử tệ bạc với anh ta, coi anh ta chẳng có một gờ ram nào trong bậc thang giá trị, bởi vì :

- Thứ nhất con nít, thứ hai đờn bà và thứ ba là con chó.

Cũng giống như ông bố đã tuyên bố thật hách xì xằng trước mặt cậu con giai :

- Thà rằng làm con chó nhà Đức Chúa Trời, còn hơn làm vương làm tướng ngoài thế gian!

Tiếp đến, xã hội đã cư xử bất công đối với hắn ? Trong khi phe đờn bà con gái được dành cho biết bao nhiêu lễ hội để mà tôn vinh cũng như tưởng nhớ công ơn, nào là ngày tình yêu, ngày mẹ hiền, ngày quốc tế phụ nữ, ngày phụ nữ Việt Nam…thì anh ta lại chẳng có một lễ hội nào cả.

Trong những ngày thê lương và ảm đạm ấy, anh ta chỉ biết móc cái ví vốn dĩ đã xẹp lép, mà mua quà cáp. Anh ta mà lỡ quên, thì chắc chắn chiến tranh lạnh sẽ xảy ra và không chừng cục diện thế giới sẽ bị lật nhào.

Ngay tại Việt Nam, chỉ thấy ông nhà nước ra rả ca tụng những bà mẹ anh hùng, mà chẳng thấy dành được một lời cỏn con nào để tán dương những ông bố anh hùng cả.

Vì thế, thời gian đã chín mùi. Đây là lúc phe đờn ông con giai phải vùng lên mà đòi quyền sống, phải giải phóng mình khỏi gánh nặng cuộc đời cũng như khỏi cơn ác mộng về công danh sự nghiệp, phải đấu tranh để đòi quyền được đối xử bình đẳng ít nữa cũng phải ngang với đờn bà con gái.

Bàn về sự đấu tranh, cũng như về sự giải phóng cho phe đờn ông con giai, gã thấy có rất nhiều lãnh vực cần phải điều chỉnh lại cho hợp tình và hợp lý. Tuy nhiên, trong phạm vi hạn hẹp của mục chuyện phiếm, gã chỉ xin đưa ra hai lãnh vực nho nhỏ mà thôi.

 

Thứ nhất, đờn ông con giai phải được giải phóng khỏi gánh nặng của công danh và sự nghiệp. 

Thực vậy, từ ngàn xưa và ngay cả cho tới ngày hôm nay, phe đờn ông con giai vốn được coi là phái khỏe, phái mạnh, cho nên phải xốc vác, phải cáng đáng những công việc ngoài xã hội.

Sống trong cuộc đời, anh đờn ông con trai đầu phải đội trời và chân phải đạp đất. Muốn xứng đáng với cái bản mặt của một đấng mày râu hay của một bậc tu mi nam tử, thì cần phải có công danh và sự nghiệp.

Quan niệm này, gã thấy nổi bật trong thơ văn của Nguyễn Công Trứ, mà hồi xưa gã đã từng phải học thuộc lòng.

Thực vậy, đã là anh đờn ông con giai, thì phải ươm mơ giấc mộng lớn và phải quyết tâm thực hiện giấc mộng lớn ấy trong cuộc đời mình, chứ không thể sống tầm thường, chịu mục nát như cỏ cây :

- Trót sinh ra thì phải có chi chi,

  Chẳng lẽ tiêu lưng ba vạn sáu!

Đối với anh đờn ông con giai, sự nghiệp và công danh là như một món nợ cần phải dứt khóat thanh toán :

- Vòng trời đất dọc ngang ngang dọc,

  Nợ tang bồng vay trả trả vay.

- Tang bồng hồ thỉ nam nhi trái,

  Cái công danh là cái nợ nần.

- Đã mang tiếng ở trong trời đất,

  Phải có danh gì với núi sông.

  Trong cuộc trần ai ai dễ biết,

  Rồi ra mới tỏ mặt anh hùng.

Vì thế anh ta phải dồn mọi thời giờ, mọi công sức cho vấn đề công danh và sự nghiệp. Đây là vấn đề “số một” đối với anh ta. Chuyện công danh sự nghiệp phải đi trước, rồi chuyện gia đình, vợ con mới bước theo sau :

- Cũng có lúc mưa dồn sóng vỗ,

  Quyết ra tay buồm lái với cuồng phong.

  Chí những toan xẻ núi lấp sông,

  Làm nên đấng anh hùng đâu đấy tỏ.

Ngoài ra, trong bất kỳ xã hội nào cũng đều có một sự phân công. Chẳng hạn như trong gia đình, đã bế em thì khỏi phải rửa bát. Hay nói cách khác đã rửa bát thì khỏi phải bế em.

Cũng vậy, một khi anh đờn ông con giai đã lăn xả vào những công việc bên ngoài, đã kề vai gánh lấy trách nhiệm về phương diện xã hội, thì đương nhiên, mọi công việc trong gia đình, từ chuyện nuôi dưỡng và dạy bảo con cái, đến chuyện bếp núc và nồi niêu soong chảo, nghĩa là toàn bộ công việc tề gia nội trợ đều được anh ta đá sang phần đất phía đờn bà con gái. Chẳng thế mà bàn dân thiên hạ  đã ưu ái phong tặng  cho người vợ danh hiệu là…nội tướng!

Tuy nhiên, cùng với những năm tháng dài, thế gian đã ra khác và quan niệm trên cũng đã bị đổi thay. Phong trào giải phóng đờn bà con gái hay cũng nói cách khác, phong trào đờn bà con gái vùng lên đòi quyền…sống đã khuyến khích chị em lăn xả vào những hoạt động xã hội, bên ngoài ngưỡng cửa gia đình. Và các chị em cũng đã gặt hái được những thành quả to lớn, không thiếu gì những người đã làm tới tổng thống và thủ tướng, dân biểu và nghị sĩ, bộ trưởng và giám đốc này kia kia nọ…

Vậy thì chuyện gia đình sẽ phải đá sang phần đất của ai ? Chẳng lẽ lại như chim tu hú hay sao ? Thực vậy, tu hú là một loại chim  lông hơi vàng, và không biết làm tổ nên phải đẻ nhờ trong tổ quạ:

- Tu hú sẵn tổ mà đẻ.

Sau đó, lại còn phó mặc cho quạ mẹ ấp trứng và nuôi dạy đàn con tu hú. Thành thử việc nuôi dạy này không thể nào đạt được chất lượng cao, khiến bàn dân thiên hạ đã phải phê bình :

- Nuôi như quạ nuôi tu hú.

Con nhà có đạo thì nhận ra bàn tay quan phòng tuyệt vời của Thiên Chúa qua sự việc này. Số là tu hú được trao cho trọng trách canh giữ các khu rừng, để khỏi bị sâu bọ tàn phá. Nếu tu hú cũng làm tổ và ấp trứng như những loài chim khác, thì rất có thể chỉ trong một thời gian ngắn sâu bọ sẽ làm cho những cánh rừng trở nên xơ xác. Vì thế, tu hú phải nhờ tới loài quạ giúp đỡ.

Cũng vậy, một khi chị đờn bà con gái đã đội mũ bước ra khỏi ngưỡng cửa gia đình, thì đương nhiên anh đờn ông con giai phải chui đầu vào bếp, nếu muốn giữ lấy cái thế cân bằng cho gia đình khỏi sụp đổ.

Mà đã chui đầu vào bếp thì cũng đương nhiên phải giảm bớt những công việc và trách nhiệm ngoài xã hội. Chứ nếu phải đảm đương cả hai lãnh vực,  thì e rằng ép người quá đáng, ngoài cả sức tưởng tượng, anh đờn ông con giai chắc chắn sẽ không chịu đựng nổi, chỉ còn nước thở hắt ra mà chết.

Tuy nhiên, có rất nhiều chị đờn bà hơi bị tham lam, muốn anh chồng của mình phải được cả danh lẫn lợi, nghĩa là vừa có địa vị cao ngoài xã hội, được mọi người nể trọng, lại vừa kiếm được lắm của nhiều tiền, mang về nuôi sống vợ con  :

- Chàng đi cho thiếp đi cùng,

  Ấm no thiếp ở, cơ hàn thiếp…lui.

Thế nhưng, một khi anh ta đã “tung cánh chim tìm về tổ ấm”, nghĩa là đã bước vào ngưỡng cửa nhà mình và trở về với vợ con, thì phải anh ta phải để cho chị vợ toàn quyền xử dụng và sai bảo theo kiểu một bài thơ của Bắc Tiếu :

- Vợ tui là khéo nhất nhà,

  Rất hay sai vặt, nhưng mà sai hay.

  Anh ơi giúp em tí này,

  Mang hộ cái đấy vào đây anh à!

  Cái này giùm em mang ra,

  Mang vào cái đấy, mang ra cái này!

  Vào ra, giúp hộ tối ngày,

  Cái tai vẫn khóai, cái tay vẫn đều.

  Vợ tui đúng thật là siêu,

  Sai mà sai khéo, sai yêu, sai tình.

Cách đây khoảng 15 năm, một tờ báo bên Nước Anh mở một cuộc thi tuyển có tên là “Người chồng gương mẫu nhất nước”. Kết quả là ông John Lavangham đã dành được cái tước hiệu này.

Không ai phàn nàn về sự tuyển lựa này vì mỗi sáng ông đều mang cà phê vào tận giường cho vợ. Giúp vợ rửa chén bát, đi chợ giùm vợ và nếu có chuyện gì vợ lên tiếng mắng chửi thì ông không bao giờ hé môi nói lại nửa lời.

Chỉ có thế cũng đủ khiến ông hạ đo ván 569 đối thủ khác ngon lành. Ngoài tước hiệu “Người chồng gương mẫu nhất nước” ông còn được một giải thưởng bằng Anh kim tương đương 570,000 đô la Mỹ.

Thế nhưng oái oăm thay, vừa lãnh tiền xong thì ông đã điện thoại cho một vị luật sư giỏi để làm một lá đơn ly dị vợ. Sở dĩ như vậy vì ông ta đã sống 16 năm trời trong áp bức, khổ sở mà hôm nay ông mới hy vọng thoát ra khỏi đó.

Thành thử theo gã nghĩ, cái thế trung dung vẫn là cái thế cần phải được áp dụng. Nghĩa là cả vợ lẫn chồng, cả đờn bà lẫn đờn ông đều phải chia sẻ trách nhiệm chăm lo cho gia đình, cũng như phải tham gia những hoạt động ngoài xã hội. Điều cần thiết là đừng quá chú trọng bên này và coi thường bên kia, hay dành cho bên này trọn vẹn thời giờ để rồi chểnh mảng và nhếch nhác đối với bên kia, bởi vì :

- Phàm cái gì thái quá cũng đều bất cập.

Chính trong chiều hướng ấy, tác giả Trịnh Trung Hòa, trong một bài đăng trên báo “Kiến Thức Ngày Nay”, đã viết như sau :

“Có thể nói, với đàn ông hiện đại, sự nghiệp và gia đình quan trọng như nhau. Thành công trong sự nghiệp mà gia đình không ấm êm hạnh phúc, thậm chí tan vỡ mỗi người một nơi, con cái ly tán thì như thế cùng lắm mới chỉ thành công một nửa. Vì thế, theo quan niệm mới, gia đình hạnh phúc là một trong hai mục tiêu chính của đời người đàn ông, là thành công quan trọng không kém gì sự nghiệp. Chỉ như thế, đàn ông mới dành thời gian công sức cho gia đình, tạo điều kiện cho vợ tham gia công việc xã hội. Không những thế nỗ lực xây dựng một gia đình hạnh phúc và phấn đấu để có một sự nghiệp phải được coi như hai quá trình tương hỗ, được tiến hành song song, cái nọ thúc đẩy cái kia, chứ không đối nghịch nhau, triệt tiêu nhau như nhiều người lầm tưởng”.

 

Thứ hai, đờn ông con giai phải kiên quyết đấu tranh đòi cho mình quyền được đối xử bình đẳng, ngang hàng với đờn bà con gái. 

Không phải chỉ trong lãnh vực lễ hội, mà hầu như trong mọi lãnh vực phe đờn bà con gái luôn được ca tụng. Nào văn chương, nào hội họa, nào điện ảnh…Làm sao kể ra cho hết những tác phẩm nghệ thuật đề cao hình ảnh người mẹ, người vợ, người chị, người em gái…Còn những tác phẩm đề cao hình ảnh người cha, người chồng, người anh thì thật là họa hiếm, lơ thơ như tơ liễu buông mành.

Gã rất lấy làm tâm đắc với một vài nhận xét của tác giả Trịnh Trung Hòa trên báo Kiến Thức Ngày Nay, và xin mượn tạm để rồi dựa vào đó mà bàn rộng bàn dài, tán hươu tán vượn cho thỏa chí toại lòng.

Hình như bàn dân thiên hạ không tiếc lời ngợi khen đối với phe đờn bà con gái, nhưng lại rất hà tiện đến độ sẻn so đối với cánh đờn ông con giai. Quả là bất công hết chỗ nói. Và đau hơn nữa, những kẻ to miệng hơn cả lại thuộc cánh…đờn ông con giai. Đúng là đâm sau lưng chiến sĩ.

Dĩ nhiên gã cũng rất ủng hộ việc ca tụng và ngợi khen những người mẹ và  những người vợ đã giãi nắng dầm mưa, một sương hai nắng vì chồng vì con. Thậm chí cả những người chị đã cam chịu số kiếp cô đơn  để  nuôi dạy đàn em nên người, khi cha mẹ chẳng may mất sớm.

Thế nhưng, bàn dân thiên hạ cũng cần phải mở to đôi mắt để nhìn nhận, rồi lên tiếng ca tụng và ngợi khen những  gian khổ và mệt mỏi, những đắng cay và chua xót của người cha và người chồng. Không thiếu gì những người cha đã can đảm chấp nhận cảnh gà trống nuôi con, theo đúng bài bổn  “hy sinh đời bố, để củng cố đời con”. Và những hy sinh to lớn này cũng đáng đồng tiền bát gạo lắm chứ.

Không thể chỉ nói tới nỗi khổ của đờn bà con gái, mà quên béng nỗi khổ của đờn ông con giai, bởi rất nhiều khi họ cũng xất bất xang bang vì vợ vì con. Nếu chị vợ bực bội trước thói rượu chè và đèo bòng bồ nhí của anh chồng, thì anh chồng cũng bực bội không kém trước tật ghen bóng ghen gió và tiêu xài vung vít theo kiểu con nhà lính tính nhà quan của chị vợ.

Không thể chỉ nói tới những khó khăn của đờn bà con gái mà lờ tít những khó khăn của đờn ông con giai, bởi rất nhiều lần họ cũng ba chìm bảy nổi và chín cái lênh đênh vì vợ vì con. Gã cảm thấy Thiên Chúa thật công bằng trong lãnh vực này.

Thực vậy, sách Sáng Thế Ký kể lại rằng : Sau khi hai ông bà nguyên tổ là Adong Eva phản bội cùng Thiên Chúa bằng cách giơ tay ngắt trái cấm mà ăn, thì Ngài đã hiện ra và công bố án phạt.

Với Eva, Ngài phán :

- Ta sẽ làm cho ngươi phải cực nhọc thật nhiều khi thai nghén; ngươi sẽ phải cực nhọc lúc sinh con. Ngươi sẽ thèm muốn chồng ngươi, và nó sẽ thống trị ngươi.

Với Adong, Ngài phán :

- Vì ngươi đã nghe lời vợ mà ăn trái cây mà Ta đã truyền cho ngươi rằng : Ngươi đừng ăn nó, nên đất đai sẽ bị nguyền rủa vì ngươi; ngươi sẽ phải cực nhọc mọi ngày trong đời ngươi, mới kiếm được miếng ăn từ đất mà ra. Đất đai sẽ trổ sinh gai góc cho ngươi, ngươi sẽ ăn cỏ ngoài đồng. Ngươi sẽ phải đổ mồ hôi trán mới có bánh ăn, cho đến khi trở về với đất, vì từ đất, ngươi đã được lấy ra. Ngươi là bụi đất, và sẽ trở về với bụi đất.

Gã rất lấy làm tâm phục khẩu phục sự phân minh của Thiên Chúa. Nếu chị vợ phải mang nặng đẻ đau, thì anh chồng cũng phải đầu tắt mặt tối mới tìm được chén cơm manh áo. Thật đúng với một câu nói đã được xếp vào hàng “ranh ngôn” :

- Phía sau hình ảnh của một chị đờn bà chưng diện là bóng dáng của một anh đờn ông đang…kéo cày, nhễ nhãi đổ mồ hôi sôi nước mắt.

Trong xã hội Việt Nam ngày xưa, dĩ nhiên là có chuyện “trọng nam khinh nữ”, đề cao đờn ông con giai để rồi chèn ép và áp bức đờn bà con gái. Nhưng thực ra đại đa số đờn ông con trai thời bấy giờ cũng là những nạn nhân, bị chèn ép và áp bức bởi một số ít đờn ông của giai cấp thống trị.

Một trong những vấn đề nổi cộm đang được mọi người chú trọng tới trên thế giới cũng như tại Việt Nam, đó là vấn đề bạo lực trong gia đình.

Có những anh chồng nổi tiếng là vũ phu, đã thượng cẳng chân hạ cẳng tay, sút gọn chị vợ vào góc tủ như đá trái banh lọt tỏm vào cầu môn, hay đánh đập chị vợ đến thâm tím cả mặt mày. Những trường hợp trên cần được xử lý nghiêm khắc.

Thấy hai anh chồng cũng thuộc vào hàng cục mịch, suốt ngày chỉ tìm cách gây sự để mà đánh vợ. Ông hàng xóm bèn tìm cách khuyên nhủ.

Với anh chồng thứ nhất, ông ta nói :

- Đờn bà con gái là phái yếu, ta không nên đánh đập họ. Và nếu cần phải đánh thì hãy dùng cành hoa mà đánh.

Và anh chồng thứ nhất đã trả lời :

- Chẳng cần phải hoa với hoét, tôi cứ dùng ngay cái búa tạ mà phang là…xong tuốt.

Với anh chồng thứ hai, ông ta nói :

- Đờn bà con gái là những bông hồng, ta không nên vùi dập họ.

Và anh chồng thứ hai đã trả lời :

- Tôi đâu có vùi dập họ, mà chỉ bẻ bớt những gai nhọn của bông hồng nhà tôi mà thôi.

Thế nhưng, dường như bàn dân thiên hạ chỉ nhìn thấy những vết bầm tím, nghĩa là chỉ nhìn thấy sự bạo hành ngoài thân xác mà anh chồng đã ưu ái ghi lại cho chị vợ, mà lại chẳng bao giờ nhìn thấy những “vết thương lòng đang rỉ máu”, nghĩa là chẳng bao giờ nhìn thấy sự bạo hành trong tinh thần mà chị vợ đã tức tối mang đến cho anh chồng.

Chị vợ có thể thực hiện sự bạo hành trong tinh thần đối với anh chồng bằng những lời lẽ từ cay nghiệt đến độc ác, bằng những thái độ cư xử từ lạnh lùng đến tàn tệ. Mỗi lời nói và mỗi thái độ cư xử như thế chẳng khác gì một lưỡi lam khía vào trái tim anh chồng. Những vết thương rỉ máu trong cõi lòng cũng đau đớn không kém, và thậm chí nhiều khi còn đau đớn hơn cả những bầm tím ngoài thân xác.

Gã xin kể lại một trường hợp điển hình đã được tăng tải trên tuần báo “Gia Đình” như sau :

“Phát hiện ra anh chồng có bồ nhí, chị vợ đã rình bắt quả tang, rồi đánh ghen ầm  ĩ và tìm mọi cách để giành lại chồng. Thế nhưng khi anh chồng quay về, thì cũng chị vợ là người đẩy anh chồng xa lìa tổ ấm một cách bất đắc dĩ.Chị vợ quá cố chấp và luôn soi mói, nghi ngờ anh chồng. Chị vợ yêu cầu anh chồng không được giao du với bạn bè khác giới “kẻo ngựa lại quen đường cũ, sa ngã lúc nào không hay”. Chị vợ còn kiểm soát chặt chẽ tiền lương và thời gian làm việc của anh chồng. Anh ta đi đâu mà về muộn là lập tức bị lục vấn, tra khảo căn kẽ và chưa kịp nghe lời giải thích, chị vợ đã gán luôn cho anh ta cái tội “hú hí với con nào”. Mỗi lần vợ chồng giận nhau, thì chị vợ bèn nhắc lại chuyện phản bội này  ngay cả trước mặt con cái và nguyền rủa anh chồng là “thằng chồng thiếu chung thủy, là đồ tồi, là tên ba lăng nhăng…”Anh chồng chán đời vì muốn đem tất cả thiện chí của mình để chuộc lỗi lầm mà cũng không xong. Tuyệt vọng, anh la cà quán xá với bè bạn, không muốn trở về ngôi nhà lúc nào cũng bao phủ không khí ngột ngạt, não nề…”

Rồi sự gì phải đến ắt sẽ đến. Và họ đã chia lìa nhau.

Ngoài ra lại còn một sự bất công khác nữa, đó là khi đờn bà con gái và nhất là chị vợ chẳng may bị bạo hành, chẳng may bị ngược đãi, thì họ có thể báo cảnh sát và lập tức mấy “thầy phú lít” đến can thiệp liền tù tì. Họ cũng có thể vác đơn trình ba tòa quan lớn mà kiện. Và những vị quan tòa “chí tư vô công” này dường như lúc nào cũng sẵn sàng bênh vực, và ủng hộ cho họ. Nếu tình huống xấu nhất xảy ra như chuyện tan đàn xẻ nghé, thì họ cũng được thừa hưởng chí ít là 50% tài sản.

Ngược lại, khi đờn ông con giai và nhất là anh chồng chẳng may bị bạo hành, chẳng may bị ngược đãi thì biết làm sao bây giờ. Nói ra thì chẳng ai thèm tin. Muốn báo thì báo ở đâu ? Muốn kiện thì kiện ở đâu ? người ta chẳng cười vào mũi cho ấy. Mà nếu có kiện thì cũng mất cả chì lẫn chài, không chừng còn bị thân bại danh liệt nữa là đàng khác.

Thôi thì hãy mau mắn lắng nghe theo lời xúi dại sau đây của  gã :

- Hỡi tất cả đờn ông con giai,

  Hãy đoàn kết lại.

Ta phải đấu tranh.

Ta phải giải phóng mình khỏi gông cùm xiềng xích.

Cho dù đó chỉ là những gông cùm êm ái,

và những xiềng xích nhẹ nhàng.

Gã Siêu    gasieu@gmail.com
 

VỀ MỤC LỤC

- Mọi liên lạc: Ghi danh, thay đổi địa chỉ, đóng góp ý kiến, bài vở..., xin gởi về địa chỉ

giaosivietnam@gmail.com

- Những nội dung sẽ được đề cao và chú ý bao gồm:

Trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm thực tế trong việc mục vụ của Giáo sĩ;  Những tài liệu của Giáo hội hoặc của các Tác giả nhằm mục đích Thăng tiến đời sống Giáo sĩ; Cổ võ ơn gọi Linh mục; Người Giáo dân tham gia công việc “Trợ lực Giáo sĩ” bằng đời sống cầu nguyện và cộng tác trong mọi lãnh vực; Mỗi  Giáo dân phải là những “Linh mục” không có chức Thánh; Đối thoại trong tinh thần Bác ái giữa Giáo dân và Giáo sĩ… (Truyền giáo hay xây pháo đài?)

- Quy vị cũng có thể tham khảo những số báo đã phát hành tại

www.conggiaovietnam.net

Rất mong được sự cộng tác, hưởng ứng của tất cả Quí vị

Xin chân thành cám ơn tất cả anh chị em đã sẵn lòng cộng tác với chúng tôi bằng nhiều cách thế khác nhau.

TM. Đặc San Giáo Sĩ Việt Nam

Lm. Luca Phạm Quốc Sử  USA

 

 

Duoc chon giua loai nguoi va cho loai nguoi; GIAO SI: Xuat phat tu giao dan, hien dien vi giao dan va cay dua vao giao dan, de cung lam VINH DANH THIEN CHUA

*************