Đặc San Giáo Sĩ Việt Nam

 

 

 

ĐỰƠC CHỌN GIỮA LOÀI NGƯỜI
VÀ CHO LOÀI NGƯỜI  (x. Dt, 5.1)

 

GIÁO SĨ:

Xuất phát từ giáo dân, hiện diện vì giáo dân và cậy dựa vào giáo dân

 

ĐỂ CÙNG LÀM VINH DANH THIÊN CHÚA

 

www.conggiaovietnam.net                          giaosivietnam@gmail.com

Đặc San Điện Tử    Giáo Sĩ Việt Nam    Số 81, Chúa Nhật 30.11.2008


MỤC LỤC 

Tuyên Ngôn về Giáo Dục Kitô Giáo                                                                         Vatican 2

HỌC THUYẾT XÃ HỘI (TIẾP THEO): CÔNG VIỆC VÀ TIỀN LƯƠNG             Br. Huynhquảng

FATIMA VÀ NHỮNG LỜI CẢNH BÁO RÙNG RỢN                                    Gs. Trần Duy Nhiên 

THÁCH ĐỐ (Chia sẻ về Truyền giáo, bài 5)                                  TGM. Jos Ngô Quang Kiệt

THÁI-QUÁ VÀ BẤT-CẬP                                                                               Phạm Minh Tâm

ĐỊA VỊ VÀ SỨ MỆNH CỦA NGƯỜI GIÁO DÂN                 Lm Giuse Hoàng Kim Đại (Trích dẫn và trình bày)

ĐỪNG XEN VÀO CHUYỆN NGƯỜI KHÁC (3)                                            Lm. Lê Văn Quảng

ĐEM CHÚA VÀO CUỘC ĐỜI MÌNH                                                              Không rõ tác giả

DẤU THÁNH GIÁ VÀ CÔ HOA HẬU.                                                                        Xuân Thái

SỰ cỘng tác cỦa CON ngưỜi                        Lm. MICAE-PHAOLÔ TRẦN MINH HUY pss

ÂM THANH ỒN: Ô NHIỄM VÔ HÌNH                                                      Bác sĩ Nguyễn Ý-Đức

LÀM CHỒNG                                                                                 Chuyện phiếm của Gã Siêu 


Tuyên Ngôn về Giáo Dục Kitô Giáo

 

Gravissimum Educationis

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia

 

Lời Giới Thiệu

 

Chú ý đọc bản Tuyên Ngôn về giáo dục, chúng ta sẽ cảm thấy những ấn tượng khá phức tạp buồn vui lẫn lộn, vừa sung sướng vừa thất vọng. Phân tích sơ qua ta cũng đủ thấy được những nguyên do rõ rệt gây ra những hậu quả trên.

Trước hết, bản Tuyên Ngôn có một chất liệu rất là phong phú, một luồng thanh khí sôi bỏng làm cho bản Tuyên Ngôn trở nên sống động, chứng tỏ rằng Cộng Ðồng đã ý thức đầy đủ tính chất quan trọng cũng như tầm mức diễn tiến của vấn đề. Nhất là người ta ngỡ ngàng trước mối thiện cảm chân thành và đáng phục của Giáo Hội đối với nỗ lực của những ai đang theo đuổi một lý tưởng trùng hợp với niềm ưu tư liên lỉ của mình là chu toàn sứ mệnh trần gian và vĩnh cửu của nhân loại.

Trong khi đó, cách bố cục lại thiếu cân xứng và vững chắc. Người ta mong thấy một kiểu trình bày khúc chiết hơn để độc giả có cảm tưởng đầy đủ và thoải mái như khi chiêm ngưỡng một lâu dài kiên cố với những chi tiết tỉ mỉ, mỹ thuật.

Lịch sử

Ấn tượng lưỡng diện trên thật dễ hiểu.

Ngày 17-11-1964 khi các Nghị Phụ thảo luận về lược đồ của bản Tuyên Ngôn này, đó chỉ là một bản văn ngắn gọn, không có giá trị tổng quát bao nhiêu. Một số Nghị Phụ muốn thu tóm thành một đoạn để đưa vào một sắc lệnh quan trọng khác; một số khác lại muốn khai triển tư tưởng của Giáo Hội về vấn đề này một cách rộng rãi hơn. Trước tình trạng tế nhị đó, đa số cố gắng đem sơ đồ ra biểu quyết để định hướng vấn đề, sợ rằng nếu bác bỏ lại gặp phải một lược đồ còn nghèo nàn hơn. Vì thế thà chấp nhận những cố gắng đáng kể về phương diện giáo dục do người đời đóng góp còn hơn là tông huấn Divini Illius Magistri quá tách biệt với các định chế nhân loại. Như vậy các ngài hy vọng có thể bổ túc thêm những gì cần thiết.

Ngày 20-11-1964, bản văn được thông qua với 1,457 phiếu thuận, 419 phiếu chống và 3 phiếu trắng trong số 1,879 Nghị Phụ hiện diện.

Tài liệu được hoàn lại cho Ủy ban đặc trách. Ủy ban lại chỉ định một tiểu ban gồm có cha Hoffer, thư ký ủy ban và nhiều vị thông thái khác như Robert Massi, Paul Dezza v.v...

Từ 23 đến 30 tháng 3 năm 1965, trong khi soạn thảo dự án, tiểu ban đã lưu ý tất cả những lời bình phẩm cũng như "gợi ý" của một số đông các Nghị Phụ gửi tới. Nhưng bản văn mới lại quá phong phú, xa hẳn bản cũ cả về lượng lẫn nội dung. Nhiều Nghị Phụ cho rằng làm như thế là không hợp pháp và cần duyệt xét lại cẩn thận.

Rất may là không xảy ra điều chi đáng tiếc cả và ngày 14-10-1965, văn kiện đã được chấp nhận với 1,912 phiếu thuận đối lại với 183 phiếu chống.

Sau cùng bản Tuyên Ngôn đã được công bố với 2,290 phiếu thuận, chỉ có 35 phiếu chống.

Phân tích

Giờ đây chúng ta hãy cùng nhau phân tích văn kiện trên:

1. Văn kiện này dựa trên nguyên tắc của luật tự nhiên: mọi người đều có quyền hưởng một nền giáo dục đầy đủ và xứng hợp với thiên chức làm người của mình, "mỗi ngày một tham gia vào đời sống xã hội nhất là về kinh tế và chính trị một cách tích cực hơn hầu có thể hưởng dụng di sản văn hóa thiêng liêng của nhân loại một cách dễ dàng hơn" hợp với chức vị của người con Thiên Chúa.

Quyền này đã được nhiều văn kiện chính thức của Liên Hiệp Quốc nhìn nhận, xác định và khai triển. Ðây là lần đầu tiên người ta dựa vào đó để bàn luận về các quyền hành của Giáo Hội trong lãnh vực giáo dục. Căn cứ trên nguyên tắc, người ta có thể tố cáo lập luận của Tông Huấn Divini Ilius Magistri là đã đặt nền tảng các hoạt động giáo dục của Giáo Hội trên thực tại thần linh thuộc sứ mệnh mình. Tuy nhiên một khi người ta chấp nhận ưu quyền tổ chức thiêng liêng của thế giới là lo lắng đến lợi ích toàn diện cho mọi phần tử, đồng thời cũng là những con người của xã hội dân sự, họ không thể chối bỏ quyền tối thượng của con người.

Một khi được hiểu biết và chấp nhận, quyền này sẽ đem lại những hậu quả thiết thực như: việc đào luyện những đức tính tự nhiên của một người công dân, phát triển những khả năng trí thức và óc phán đoán, khai tâm cho biết những giá trị luân lý, biết nhận thức và yêu mến Thiên Chúa, tiến tới ơn lãnh nhận đức tin, xây dựng xã hội trần thế và mở rộng nước trời. Tóm lại, không có gì thuộc sứ mệnh con người trong mọi thời đại mà lại ở ngoài phạm vi thực hành của quyền này.

Sau cùng, kể từ Thông Ðiệp Mater et Magistra và Pacem in Terris của Ðức Gioan XXIII cũng như Ecclesiam Suam của Ðức Phaolô VI, một âm điệu mới đã nhân tính hóa tiếng nói của Giáo Hội cho thích hợp với xã hội dân sự mà không còn ai phủ nhận nguồn gốc thần linh của nó.

2. Người ta hài lòng khi thấy Giáo Hội được bành trướng trên những hậu quả thuộc lãnh vực giáo dục nhờ vào "tiến bộ kỳ diệu về kỹ thuật, về các nghiên cứu khoa học", trên "những kinh nghiệm mới và sự phát triển về các phương pháp giáo dục và giáo huấn" và khi thấy Giáo Hội đòi hỏi mọi người phải được hưởng "một nền giáo dục xứng hợp với nhu cầu của tâm linh và phái tính, với truyền thống quốc gia hầu tiến đến một sự hợp nhất đích thực và một nền hòa bình trên thế giới". Người ta sung sướng khi thấy có một số điều cấm đoán và xác định tính cách bấp bênh của nhị nguyên thuyết từ lâu vẫn chủ trương tách biệt thể xác với linh hồn, cộng đoàn quốc gia với cộng đồng quốc tế.

Bởi đó, Giáo Hội không cón tự coi mình như là thẩm cấp duy nhất và là con đường độc nhất trong việc tìm cách chu toàn sứ mệnh của con người nữa, vì không những Giáo Hội chấp nhận những chiều hướng tuy khác mình nhưng cùng tiến tới một mục đích, mà còn sung sướng được trông thấy nhiều công cuộc đem lại lợi ích thực sự cho con người.

Trước kia Giáo Hội và thế giới dân sự vẫn cách biệt nhau, nhưng vì là con cái của cả hai xã hội đó, ngày nay chúng ta sung sướng khi thấy họ hòa hợp lại với nhau để cùng gánh vác những công việc nặng nề và cùng nỗ lực xây dựng một lâu đài độc nhất là sự thành công của con người nay ở đời này cũng như sửa soạn cho cuộc sống vinh hiển muôn đời.

3. Sau hết, văn kiện đề cập tới những tổ chức thuộc về các hoạt động giáo dục như là học đường, một "môi trường phát triển các khả năng, óc phán đoán và giúp khám phá những di sản văn hóa của các thế hệ trước, đề cao các giá trị, chuẩn bị cho cuộc sống chức nghiệp và biết thông cảm lẫn nhau".

Như thế học đường vượt trên những chiều hướng vật chất và bao gồm tất cả các hệ thống có ảnh hưởng trên chủ thể thụ huấn: gia đình "học đường đầu tiên dạy các đức tính xã hội" và cách riêng là môi trường học đường với mọi "yếu tố" trực tiếp ảnh hưởng ít nhiều như: thầy dạy, bạn bè, bản tín và phẩm chất của việc giáo dục, các phương pháp cũng như tất cả các điều kiện khác giúp cho việc giáo dục thành công: "trình độ học vấn, sức khỏe học sinh và qui chế học đường".

Trong quá khứ, vì sự va chạm giữa hai quyền bính tôn giáo và thế tục đã gây nên một cuộc tranh chiếm độc quyền học đường. Vì thế văn kiện nêu ra nguyên tắc tương trợ để loại bỏ tệ đoan đó và chấp nhận người công dân có quyền đòi hỏi ít ra trong trường hợp chính quyền thiếu sót, được tự do chọn lựa trường học cho con em hợp với tín ngưỡng của họ.

Những vị có trách nhiệm giáo dục chính thức trước hết phải kể tới các bậc phụ huynh. Nhưng trong thực tế, vì việc giáo dục đòi hỏi những điều kiện vượt quá khả năng của mỗi cá nhân, nên xã hội lại phải đảm nhiệm tổ chức "những gì cần thiết cho lợi ích chung của con người": bảo đảm quyền lợi và bổn phận của các phụ huynh, giúp đỡ họ, thiết lập các trường sở giáo dục.

Trên cương vị quốc gia, nhà nước cụ thể hóa quyền lợi và nghĩa vụ tự nhiên này bằng cách phân phối cho một cơ quan tối cao để tổ chức và điều hành đời sống của từng cá nhân trong các nhóm người.

Bản Tuyên Ngôn còn hàm chứa cả một ý niệm về giáo dục và huấn luyện những hoạt động nhằm thăng tiến con người, từ việc dạy A B C cho người lớn tuổi, chăm sóc các trẻ bất thường trong những cơ sở chuyên biệt, mở trường dạy văn hóa chuyên nghiệp và kỹ thuật cho tới những cơ sở vĩ đại quảng bá nền văn hóa phổ thông hay khoa học chuyên môn; những phân khoa thần học cũng có nhiệm vụ phải cố gắng giúp con người thành công mỹ mãn trong cả hai chiều hướng tư nhiên và siêu nhiên.

Ba khía cạnh của văn kiện chúng ta vừa phân tích tóm kết đại cương một cách khá trung thực ý hướng của Thánh Công Ðồng đề cập đến một trong những vấn đề trọng yếu của thế giới theo chiều hướng đầy đủ, phong phú và cao đẹp nhất.

Như vậy cũng đã tạm đủ để chúng ta lưu tâm tới khía cạnh hào hứng nhất của vấn đề đã hình thành tư tưởng của Giáo Hội về một điều kiện thiết yếu để cứu rỗi nhân loại.

Kết luận

Trước khi đọc nguyên bản, chúng tôi ước mong mọi người đọc nó với tất cả tinh thần mà Ðức Gioan XXIII, vị khởi xướng Công Ðồng, đã đề ra tức là chú ý đến những hiện trạng của thế giới ngày nay. Trong khi chú thích một vài tư tưởng, chúng tôi đặc biệt khai thác, duy trì và nhấn mạnh tới sự hòa hợp những viễn tượng hiện đang là mối bận tâm của Giáo Hội và thế giới hôm nay với niềm hy vọng sẽ đem lại cho nhân loại những thành quả thật mỹ mãn.

còn tiếp

VỀ MỤC LỤC
HỌC THUYẾT XÃ HỘI (TIẾP THEO): CÔNG VIỆC VÀ TIỀN LƯƠNG 

 

81. Kinh Thánh nói đến bản chất lao động như thế nào? 

Trang đầu Kinh Thánh đã nói đến lao động như là chiều kích nền tảng cho sự tồn tại của con người trên mặt đất. Phân tích kỹ những văn bản này, chúng ta thấy những văn bản này diễn tả những chân lý căn bản về con người trong mầu nhiệm sáng tạo. Những chân lý này mang tính quyết định cho con người ngay từ ban đầu. Thật vậy, vốn mang hình ảnh của Thiên Chúa, con người thông dự vào quyền của Đấng Tạo Hóa để chinh phục và cai quản mặt đất. Khi thi hành phận vụ này, con người đã phản ảnh trung thực hành động sáng tạo của Đấng Tạo Hóa (cf. Laborem Exercens, # 4). 

82. Vai trò của người lao động trong thế giới hôm nay ra sao? 

Trong thế giới hôm nay, người lao động ngày càng đóng vai trò quan trọng và trở thành như là nhân tố sản xuất cho cả hai lãnh vực: vật chất và phi vật chất. Và hơn nữa, vai trò này cho thấy bản chất liên đới trong công việc giữa con người với nhau cũng rõ ràng hơn. Hơn lúc nào hết, con người ngày càng nhận thức sự thật rằng: “Làm việc là làm với người khác và cho người khác” (cf. Centesimus Annus, # 31). 

83. Lao động có ý nghĩa như thế nào trong ơn gọi làm người?  

Trước hết, theo kế hoạch của Thiên Chúa, ngay từ đầu tiên con người được kêu gọi để hoàn thiện chính mình; đó là ơn gọi cho mọi người. Với lý trí và sự tự do, con người có trách nhiệm để hoàn thành sứ mạng này (Cf. Populorum Progressio, # 15). Theo GLCG, “Khi lao động, con người biểu dương các ân huệ của Ðấng Sáng Tạo và những tài năng Chúa ban. Lao động còn có giá trị cứu chuộc (x. St 3,14-19). Khi kết hợp với Ðức Giê-su, người thợ làng Na-da-rét và cũng là Ðấng chịu đóng đinh trên Ðồi Sọ, con người qua những vất vả lao động được cộng tác với Con Thiên Chúa trong công trình cứu độ” (GLCG 2427). Cuối cùng, con người phải làm việc vì đó là lệnh truyền từ Đấng Sáo Tạo. Con người phải làm việc nhằm không phải vì chỉ cho chính mình, nhưng còn nhằn phục vụ cho đồng loại, gia đình, quốc gia và xã hội mà mình đang sống (cf. Laborem Exercens, # 16). 

84. Nguyên tắc nào cần được áp dụng trong việc thanh toán tiền lương?  

Một trong những nhiệm vụ hàng đầu của người làm chủ là phải chi trả công bằng cho người lao động. Để thực hiện việc này một cách công bằng, chúng ta cần xem xét nhiều yếu tố. Tuy nhiên cách chung mà nói, người chủ phải luôn nhớ rằng không có bất cứ một luật lệ nào, dù là luật con người hay tôn giáo cho phép họ được quyền lợi dụng người khác để tích trử lợi nhuận cho riêng mình (cf. Rerum Novarum, # 20). Người thợ phải được chi trả một cách tuơng xứng nhằm đủ khả năng nuôi sống bản thân và gia đình. Bên cạnh tiền lương, người thợ còn đáng được hưởng những khoản trợ cấp tương xứng khác như chăm sóc y tế, nghỉ ngơi, du lịch và tiền hưu. Những quyền căn bản này sẽ tạo một mối liên hệ đúng đắn giữa người chủ và thợ và như thế cả hai sẽ được đền đáp một cách tương xứng (cf. Laborem Exercens, # 19). 

85. HTXH đề cập đến điều kiện công xưởng như thế nào? 

Công xưởng là nơi dễ dàng xuất hiện những tác động tiêu cực như tiền, quyền lực, thú vui, và sự ích kỷ. Tuy nhiên, công xưởng cũng là nơi phản triển ý thức nghề nghiệp, trách nhiệm và lòng vị tha với người khác. Ở nơi nào công xưởng được tổ chức có tính cách khoa học hơn, thì ở nơi đó mối nguy hại làm mất phẩm giá cho những người thợ được giảm thiểu. (cf. Populorum Progressio, # 28). Hơn nữa, vì công xưởng phải là nơi bảo vệ nhân phẩm của con người, nên không được phép xem những những người thợ như là những người phải cúi đầu thi hành mệnh lệnh như một đầy tớ, nhưng cần phải tôn trọng ý kiến cá nhân cũng như những nhiệm vụ họ được chỉ định.

Cuối cùng, cũng chính nơi tại công xưởng, người thợ cần có thời gian nghỉ ngơi phù hợp và được quyền nói lên chính kiến của mình mà không bị khinh thường. Thật vậy, công xưởng không chỉ là nơi trao đổi thương mại, nhưng phải là nơi người thợ được thể hiện chính mình. Nơi ấy, họ giúp phát triển văn hóa nghề nghiệp và cùng chia sẻ đời sống với người khác một cách thực thụ (cf. Centesimus Annus, # 15). 

Br. Huynhquảng

VỀ MỤC LỤC
FATIMA VÀ NHỮNG LỜI CẢNH BÁO RÙNG RỢN.
 

Những ngày vừa qua, hẳn nhiều người đã nhận được một file powerpoint bằng tiếng Pháp cùng với bản dịch tiếng Việt, dưới tựa đề là “Lời Tiên Báo thứ ba - Bí mật Fatima”.  Những lời trong văn bản gợi lên hình ảnh rất rùng rợn của một đại họa sắp xảy ra, tương tự như một ngày tận thế.

Ngay sau đó, nhiều người báo cho biết rằng đấy là một ‘lời tiên báo giả mạo’.  Cũng lưu ý rằng bản tiếng Pháp được thực hiện cách đây ba năm và bản dịch thì mới xuất hiện năm nay (từ 1917 đến nay là 88 năm trong bản tiếng Pháp so với 91 năm trong bản dịch tiếng Việt). 

Trước hết, không hề có ‘Lời tiên báo thứ ba’, mà chỉ có phần thứ ba của ‘bí mật’ Fatima mà thôi. Kế đến, phần thứ 3 này đã được Đức Gioan Phaolô II cho phép công bố. Ngày 26-06-2000, Thánh  Bộ Giáo Lý Đức Tin đã phổ biến văn kiện “Message of Fatima” (1), ghi lại toàn bộ ‘phần 3’ của bí mật Fatima, cùng với những bình luận thần học của bộ trưởng Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin, Đức Hồng Y Joseph Ratzinger, mà hiện nay là Đức Giáo Hoàng Bênêđitô XVI.  

I - Bí Mật Fatima: Phần 3. 

Sau đây là bản dịch nguyên văn phần thứ 3 của sứ điệp Fatima, do chính tay chị Lucia viết vào ngày 3-1-1944.  

“J.M.J. (Giêsu Maria Giuse)

Phần thứ ba của bí mật được mặc khải vào ngày 13-07-1917, tại Cova de Iria - Fatima. 

Con viết lại vì đức vâng phục đối với Chúa, lạy Chúa, là Đấng truyền lệnh cho con qua Đức Cha giáo phận Leira và qua Mẹ thánh của Chúa, cũng là Mẹ của con. 

Sau hai phần con đã trình bày, thì ở bên trái của Đức Mẹ và cao hơn một chút, chúng con thấy có một vị Thiên Thần cầm một lưỡi gươm lửa nơi tay trái; gươm lấp lánh và toát ra những ngọn lửa như muốn đốt cháy thế giới; tuy nhiên, những ngọn lửa ấy đã tắt đi khi chạm đến hào quang quanh bàn tay phải của Đức Mẹ hướng xuống thế gian. Vị thiên thần, tay phải chỉ xuống trái đất, kêu lớn tiếng rằng: “Ăn năn! Ăn năn! Ăn năn!”. Rồi chúng con thấy trong một ánh sáng mênh mông là Thiên Chúa  (giống như người ta nhìn thấy khi đi ngang qua một tấm gương) một vị giám mục mặc Áo Trắng (mà chúng con có linh cảm đó là Đức Thánh Cha). Nhiều Giám Mục, Linh Mục, Tu Sĩ nam nữ khác đang tiến lên một ngọn núi cheo leo, mà trên đỉnh có một cây Thập Giá lớn làm bằng những thân cây thô,  giống như cây điên điển với lớp vỏ bọc ngoài; trước khi đến đấy, Đức Thánh Cha đã băng qua một thành phố lớn, mà một nửa điêu tàn và một nửa đang sụp đổ; bước chân ngài xiêu vẹo, vì đau đớn và u sầu, Ngài cầu nguyện cho các linh hồn của những thi hài Ngài gặp thấy trên đường đi; khi lên đến đỉnh núi, ngài quì dưới chân cây Thập Giá lớn, bấy giờ Ngài đã bị giết, do một nhóm lính bắn nhiều phát bằng một vũ khi nả đạn và tên; rồi lần lượt các vị Giám Mục, Linh Mục, Tu Sĩ nam nữ cùng với giáo dân thuộc nhiều giai cấp và thành phần xã hội khác nhau cũng chết. Dưới hai cánh Thập Giá có hai Thiên Thần, mỗi vị cầm trong tay mình một bình tưới bằng pha lê để hứng lấy máu của các vị Tử Đạo và hai vị dùng máu ấy tưới lên những linh hồn tiến gần đến Thiên Chúa.

Tuy - 3 - 1 - 1944” 

Tiếp theo đây là một đoạn trích dẫn bài bình luận của Đức Hồng Y Ratzinger: 

“Vậy thì một câu hỏi được đặt ra: Ý nghĩa của ‘Bí mật Fatima’ trong toàn bộ (cả 3 phần) là gì? Bí mật ấy nói gì với chúng ta? Trước tiên, tất cả chúng ta phải khẳng định như đức Hồng Y Sodano: “… những sự kiện  mà ‘bí mật’ Fatima nhắc đến dường như đã thuộc về quá khứ”. Như thế, nếu xét theo các biến cố được mô tả, thì chúng đã thuộc về quá khứ rồi. Những ai chờ đợi các mặc khải cánh chung về ngày tận thế hoặc tiến trình tương lai của lịch sử buộc phải thất vọng thôi. Fatima không thoả mãn tính hiếu kỳ của chúng ta theo cách đó; cũng như đức tin Kitô giáo nói chung không thể giản lược thành một đối tượng của lòng tò mò mà thôi. Điều còn lại thì đã rõ ràng, khi ta bắt đầu suy tư về bản văn của ‘bí mật’ ấy: đó là lời kêu gọi cầu nguyện như một con đường ‘cứu rỗi các linh hồn’, và lời kêu gọi ăn năn hoán cải cũng nhằm mục đích đó. 

Cuối cùng, tôi muốn nói đến một câu trong ‘bí mật’ đã trở thành nổi tiếng một cách chính đáng: “Trái tim Vô Nhiễm của Mẹ sẽ thắng”. Câu này có nghĩa là gì? Một trái tim mở ra đối với Thiên Chúa, được tinh luyện nhờ chiêm ngắm Chúa, trái tim ấy thì mạnh hơn bất cứ loại súng đạn và vũ khí nào. Tiếng Fiat của Đức Mẹ, tiếng nói xuất phát từ trái tim Mẹ, đã thay đổi dòng lịch sử nhân loại, vì tiếng ấy đã đem Đấng Cứu Độ đến cho nhân loại - bởi vì, nhờ tiếng ‘Xin Vâng’ ấy, Thiên Chúa trở nên người phàm trong thế giới này và ở lại với chúng ta cho đến mãi mãi.” 

II. Tận thế vào năm 2012 

Tài liệu ‘bí mật thứ ba’ kêu gọi chuẩn bị cho ngày ‘tận thế’ đó, và vì đấy là một lời phán của Đức Mẹ, nên không cần một lý chứng ‘khoa học’ nào. Cho đến nay, chưa thấy ai đưa ra luận cứ nào để biện minh cho những lời trên; tuy nhiên, ngay từ bây giờ tôi cũng muốn nêu trước những cái gọi là ‘bằng chứng khoa học’ mà mai này có người sẽ dựa vào mà bảo vệ cho cái ‘bí mật Fatima’ giả tạo đó, và làm cho tín hữu hoang mang. 

Cách đây vài năm xuất hiện một nguồn tin ở phương tây - và một ngày gần đây hẳn sẽ rộ lên ở Việt Nam - cho rằng tận thế sẽ rơi đúng vào ngày 21-12-2012, lúc 11g11. Nếu vào google mà đánh “Apocalypse 2012” thì sẽ tìm thấy 67.100 bài, còn “fin du monde 2012” thì có 11.300 bài nói về đề tài này.  

Chỉ cần click vào địa chỉ  http://www.2012fin.com  bạn sẽ thấy hiện lên chính xác số ngày, giờ, phút, giây còn lại cho đến ngày tận thế! Khi tôi viết bài này thì thời gian còn lại là 1486 ngày, 21 giờ, 08 phút, 31 giây; và khi bạn đọc bài này thì thời gian còn ít hơn nữa! 

Trong các tài liệu trên, nhiều ‘nhà khoa học’ đã dựa vào các nguồn khác nhau để biện minh cho biến cố ‘tận thế’ hoặc một biến cố rùng rợn tương tự như thế. 

1. Lịch Maya: Dân Maya - Trung Mỹ - có một bộ lịch được thực hiện cách đây gần 5000 năm. Lịch này tiên báo chính xác các nhật thực và nguyệt thực từ trước đến nay, đồng thời mô tả các chu kỳ vận chuyển của các hành tinh. Một trong các chu kỳ có thời gian là 5125 năm sẽ kết thúc vào ngày 21 tháng 12 năm 2012. 

Các nhà thiên văn cũng xác nhận rằng ngày ấy là một ngày hí hữu - chỉ xảy ra một lần trong vòng 52.000 năm - mà các hành tinh đều thẳng hàng và có thế gây những tác động rất lớn trên địa cầu, thậm chí nam cực và bắc cực có thể di dời, tạo ra những hiện tượng thiên nhiên khả dĩ phá hủy toàn bộ sự sống hiện nay trên địa cầu. 

2. Kinh Dịch: Từ 5000 năm qua, Kinh Dịch khởi sự để bói toán, dần dần trở thành một triết lý, rồi đến một khoa học có thể dự kiến những biến cố trên nhiều lãnh vực. Năm 1999, anh em Terrence and Dennis McKenna đã đưa các qui luật của Kinh Dịch vào vi tính và vẽ ra một biểu đồ về tiến trình lịch sử. Biểu đồ này xác định khá chính xác các biến cố lớn trong lịch sử quá khứ của nhân loại. Biểu đồ này cũng cho thấy rằng vào năm 2012 sẽ có một biến cố tồi tệ nhất chưa bao giờ xảy ra từ trước đến nay. 

3. Web-bot: Web-bot (viết tắt của Web Robot) thoạt đầu là một chương trình dùng Robot để tính toán về chứng khoán. Các Robot thu thập hàng trăm ngàn số liệu và dữ kiện thuộc nhiều lãnh vực khác nhau, rồi tính toán và đưa ra những dự kiến về thị trường chứng khoán. Web-bot đã tỏ ra rất chính xác trong lãnh vực này. Từ đó, Web-bot mở rộng phạm vi dự đoán của mình bằng cách thu thập hằng tỉ thông tin khắp nơi và đề ra những dự kiến tương lai cho nhân loại. Các tính toán của Web-bot cũng cho thấy một tai họa khủng khiếp sẽ đến với nhân loại vào năm 1012. 

Ngoài ra, người ta còn nói đến các lời tiên tri khác: của trinh nữ Sybille, ở Hy Lạp, cách đây hơn 4000 năm với sách Sybilian Oracles; của thánh Gioan, ở Palestine, vào thế kỷ thứ 1 với sách Khải Huyền; của thánh Malachy, ở Ireland, vào thế kỷ thứ 11 với những lời tiên báo về 112 vị giáo hoàng (mà vị cuối cùng là Đức Bênêđitô XVI); của Nostradamus, ở Pháp, vào thế kỷ 16 với nhiều lời đã được lịch sử kiểm chứng, vv… 

Tất cả những thông tin mơ hồ ấy, với cách trình bày khéo léo, sẽ trở thành luận cứ để nhiều người dùng mà chứng minh ‘một cách khoa học’ cho lời ‘bí mật thứ ba’ giả mạo kia.  

III. Tận thế đối với mỗi người. 

Những dữ kiện trên đây nhằm cho thấy rằng ‘bí mật Fatima thứ ba’ chỉ là một thư spam nếu không phải là tài liệu tào lao. Thế nhưng rồi đây cũng có nhiều người tin tưởng. Không ít người bàn ra tán vào: ‘Ờ biết vậy, nhưng rủi tận thế thật thì sao?’. Tin thì không tin, mà sợ thì vẫn sợ. Vậy thì chúng ta hãy xác định với nhau một điều: Tận Thế sẽ xảy ra. Bất cứ điều gì có một khởi đầu thì sẽ có một chấm dứt. Và thế giới vật chất này không phải là một ngoại lệ. Hẳn là tận thế không xảy ra như lời tiên báo trên slide show ‘Bí mật thứ ba’, hoặc vào ngày 21-12-2012 như lịch Maya xác định, nhưng tận thế chắc chắn sẽ xảy ra. Nó có thể xảy ra một triệu năm nữa nhưng cũng có thể xảy ra ngày mai; vì Chúa phán: “Trời đất sẽ qua đi... về giờ và ngày đó thì không ai biết được, ngay cả các thần sứ trên trời hay cả Người Con (nghĩa là chính Ngôi Hai) cũng không biết; chỉ một mình Đức Chúa Cha biết thôi. (Mt 24, 35-36). Vậy thì không cần phải đoán mò. Điều chắc chắn là tận thế đối với mỗi người đã bắt đầu. Đến năm 2110, thì không một người nào hiện đang sống sẽ còn có mặt trong vũ trụ này: mọi người sẽ lần lượt ra đi, chỉ trước hay sau mà thôi. Đó là điều ta cần suy nghĩ. Khi một người đã bị kết án tử hình thì giờ hành quyết có xảy ra ngay hôm đó hay sau vài tháng, đối với người ấy, cũng thế thôi. Khi con người thực sự hiểu rằng mình không bất tử thì phải suy nghĩ  để sống thế nào hầu đối diện với ngày tận cùng của cuộc đời mình. Và đó là lý do vì sao người Công Giáo sống Đức Tin. Nhưng Đức Tin Công Giáo không đặt nền tảng trên sự sợ hãi. Mọi sự đe dọa dưới bất cứ hình thức nào đều đi ngược với Đạo Tình Yêu. Phải mất 3.000 năm để cho Dân Chúa đi từ việc tôn thờ một Yavê thịnh nộ và thẳng tay trừng phạt đến một Thiên Chúa của Đức Kitô, Người Cha nhân từ và sẵn sàng tha thứ. Vậy thì những lời kêu gọi được gán cho Đức Mẹ trên kia đã vẽ lên một bức hí họa về Kitô giáo. Đã có quá nhiều người trên thế gian bôi nhọ Giáo Hội và Thiên Chúa rồi, không cần những người tự xem mình ‘sứ giả của Đức Mẹ’ góp phần nữa, để biến một Tôn Giáo của Yêu Thương, của xả kỷ, của hy sinh, của quên mình, thành một Tôn Giáo của mê tín, của ích kỷ, của sợ hãi, của ngây ngô. Phúc âm từng nhắc đến tận thế, và trước mắt ta nên hiểu đấy là tận thế của từng người. Vì vậy Giáo hội không ngừng kêu gọi ăn năn sám hối; nhưng sám hối để sống mầu nhiệm Tình Yêu, để biến cái thế giới còn bất công này thành một ngôi nhà của những người con cùng một Cha chung và biết đối xử với nhau trong tình huynh đệ, chứ không phải sám hối bằng cách bỏ tiền đi xin lễ, mua nến, mua bình đựng nước thánh với mục đích cho mình sống sót, hoặc ít ra là chuẩn bị một cái ghế hầu an vị ở thế giới bên kia, nếu ‘trời sập’ vào một ngày gần đây. 

Xin đừng nhân danh lòng tôn sùng Đức Mẹ mà biến Mẹ thành một ngẫu tượng, biến Đạo Công Giáo thành một tập tục nhảm nhí, biến sứ điệp Tin Mừng thành một thông báo Tin Lo. 

Chú thích:

(1) Tài liệu liên quan đến Sứ điệp Fatima của Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin:

Tiếng Anh:

http://www.vatican.va/roman_curia/congregations/cfaith/documents/rc_
con_cfaith_doc_20000626_message-fatima_en.html

Tiếng Pháp:

http://www.vatican.va/roman_curia/congregations/cfaith/documents/rc_
con_cfaith_doc_20000626_message-fatima_fr.html

Gs. Trần Duy Nhiên

VỀ MỤC LỤC
THÁCH ĐỐ (Chia sẻ về Truyền giáo, bài 5)
 

Lạng sơn được chính thức nghe Tin mừng vào năm 1913. Khi Toà thánh lập Phủ Doãn Tông Toà Lạng sơn và trao cho các cha Đa minh người Pháp thuộc tỉnh dòng Lyon. Đã gần 100 năm truyền giáo, nhưng số giáo dân vẫn chỉ khoảng trên dưới 5000 người. Trước khi di cư, số giáo dân đã lên tới 5000. Nhưng cuộc di cư đã kéo đi nửa số giáo dân của Lạng sơn. Và sau gần 50 năm, con số đã trở lại như xưa, không hơn. 

Thực ra số giáo dân đa số là người Kinh từ miền xuôi lên làm ăn sinh sống. Số người dân tộc thiểu số theo đạo rất ít. Có thể nói việc truyền giáo tại đây là thất bại. 

Người dân tộc ít theo đạo vì nhiều lý do. Trước hết họ coi đạo Công giáo là đạo Tây. Quả thực, những người đầu tiên truyền đạo tại vùng này là các cha người Pháp. Người Pháp lên công tác ở Lạng sơn ai cũng có đạo. Hầu như đó là đạo chung cho mọi người Pháp ở đây. 

Đạo Tây cũng bị coi là đạo phản động. Nhất là từ năm 1947 khi Pháp trở lại Việt nam. Năm 1945, Pháp đã bị Nhật tước vũ khí. Nhưng năm 1947 Pháp đã trở lại. Tại Lạng sơn, người dân hoảng sợ và coi Pháp là kẻ lọc lừa, xâm lăng. Trong khi đó đứng đầu giáo phận là các Đức cha và các cha người Pháp. Tại Lạng sơn, cao trào Cách mạng đẩy mạnh, việc kháng chiến chống Pháp đặt căn cứ tại vùng Lạng sơn. Chính ở Lạng sơn, quân Pháp thất trận Đông khê. Sau đó mới đến Điện Biên Phủ. Vì thế giáo dân bị coi là theo Tây, là phản bội. Mặc dù đã có nhiều giáo dân tham gia kháng chiến. Nhưng vẫn bị tiếng là theo Tây. 

Người dân tại Lạng sơn ít theo đạo vì tục lệ thờ cúng ông bà. Lạng sơn giáp Trung quốc. Những người dân tộc có nhiều người gốc Trung quốc, chẳng hạn như người Nùng, H’Mông… Vì thế tục lệ thờ cúng tổ tiên rất quan trọng. Thờ cúng tổ tiên không những là bổn phận hiếu thảo của con cháu đối với ông bà mà còn nói lên niềm tin của họ. Theo niềm tin này linh hồn người qua đời ở âm phủ vẫn sinh hoạt như trên trần gian : có ăn, có uống, có đi lại, có mua sắm, có nhà cửa. Có điều dưới âm phủ hồn người chết không tự làm ra được sản phẩm. Nên con cháu có bổn phận cung cấp mọi thứ cần thiết, nhất là thực phẩm. Nếu không có gì ăn, hồn trở thành con ma đói. Không chỉ lang thang vất vưởng kiếm ăn mà còn trở về phá phách làm cho gia đình xáo trộn. Đã có nhiều người học đạo. Nhưng khi biết theo đạo phải đập bát hương, phá bàn thờ tổ tiên, họ không dám theo đạo nữa.

Số người theo đạo đã ít. Số người có đạo cũng không giữ được trọn vẹn. Số người bỏ đạo khá đông. Có người bỏ đạo vì sợ hãi. Có người bỏ đạo vì thời cuộc. Có người bỏ đạo vì lâu ngày không có chủ chăn nên sinh ra xao lãng rồi quên hẳn. Có người bỏ vì lười biếng ngại đi đọc kinh, đi lễ. Có người bỏ vì công việc làm ăn. 

Những người còn lui tới nhà thờ chỉ giữ đạo theo truyền thống ông bà để lại. Thiếu hiểu biết giáo lý, Phúc âm vì từ nhiều thập niên, không có ai dạy dỗ. Thiếu lãnh đạo nên thường chia rẽ bất hoà. 

Chính sách kinh tế thị trường đang làm thay đổi mãnh liệt bản làng. Cùng với việc mở cửa, biết bao cái xấu chen lẫn cái tốt tràn vào. Thanh niên trong bản làng mới lớn, chưa được chuẩn bị, dễ bị sa ngã, thoái hoá trước những cái độc hại từ ngoài tràn vào. Một trong những tệ nạn đang hoành hành ở Lạng sơn là vấn đề ma tuý. Trong khi đó nhân sự của giáo phận kể như không có gì. Không biết làm cách nào để ngăn thanh niên đừng rơi vào cạm bẫy hưởng thụ. Việc truyền giáo trở thành thách đố lớn cho con và giáo phận Lạng sơn. 

Tình hình Lạng sơn là phản ánh tình hình Giáo hội toàn cầu. Thật vậy, từ 2000 năm qua Giáo hội vẫn là truyền giáo theo mệnh lệnh Đức Giêsu. Nhưng việc truyền giáo xem ra chưa có mấy kết quả. Trái lại cònn có những thất bại.

Louis Lochet trong quyển “Vers une Eùglise differente” kể ra những sự kiện được coi như thất bại của việc truyền giáo như sau : 

1)    Sự kiện Do thái giáo vững mạnh 

Đức Giêsu là người Israel, sống ở Israel, giảng tại Israel, chết tại Israel. Thánh Giuse, Đức Mẹ và các tông đồ đều là người Israel. Thế mà Israel không tin Chúa. 2000 năm qua dù đã nhiều lần tan tác họ vẫn tồn tại, vẫn trung tín với đạo cũ, đoàn kết với nhau và kiên quyết chống lại Công giáo. Hoạ hiếm mới có người Do thái theo đạo. Đức hồng y Lustiger bị Do thái khai trừ. Palestine theo đạo dễ hơn. 

2)    Sự kiện Hồi giáo phát triển mạnh 

Từ khi xuất hiện, Hồi giáo không ngừng phát triển và đã nuốt trửng nhiều vùng Công giáo. Ví dụ như Bắc phi, quê hương thánh Augustin. Thời đó Bắc phi có 350 Toà giám mục mà nay kể như toàn tòng Hồi giáo. Trong khi đó, việc truyền đạo Công giáo không thể xâm nhập vào thế giới Hồi giáo. Hiện nay số tín đồ Hồi giáo đã xấp xỉ 1 tỷ người. 

3)    Sự kiện các tôn giáo truyền thống Á châu 

Châu Á là lục địa đông dân nhất và có nhiều tôn giáo nhất. Có những tôn giáo lớn như đạo Phật, đạo Khổng, đạo Ấn, đạo Thiền, thờ tổ tiên. Chính Công giáo xuất phát từ châu Á nhưng lại rất xa lạ với người Á châu. Thế mà Công giáo chỉ khoảng 3 %. Hiện nay châu Á đang phát triển mạnh về kinh tế. Và các quốc gia đều tự hào về tôn giáo truyền thống. Ít có ai chú ý tới Công giáo. 

4)    Sự kiện Công giáo bùng nổ 

Từ 2000 năm nay, Công giáo có phát triển, nhưng có nhiều bùng nổ. Bùng nổ lớn gây chấn động dữ dội là các vụ ly giáo. Người trong Giáo hội bất mãn ra đi. Trước khi ra đi còn tố cáo, lên án lẫn nhau. Những ra đi lớn là Tin lành, Chính thống, Anh giáo. Còn những bùnh nổ nhỏ nhưng không kém đau lòng như Đức cha Lefèvre, các giáo phái lên tới cả hàng trăm. Và còn biết bao người bỏ Hội thánh ra đi. Cái đó mới đáng sợ. 

5)    Sự kiện người có đạo nhưng dửng dưng 

Từ vài thập niên nay, bên Âu Mỹ có hiện tượng dửng dưng. Những người đạo gốc, có rửa tội, có thêm sức, có hôn phối hẳn hoi nhưng không còn tha thiết với đạo, không còn đi lễ, đi nhà thờ, không còn cầu nguyện nữa. 

Nước Pháp có lẽ dẫn đầu tình trạng này. Chỉ còn dưới 10 % đi lễ ngày chúa nhật. Số người đi tu giảm nhiều. Nhà thờ phải bán đi. Nhiều chủng viện, nhiều dòng tu phải đóng cửa. Các tu viện chỉ còn những người già và đang biến thành các nhà dưỡng lão. Số linh mục giảm ghê gớm. Năm 70 nước Pháp có 40.000 linh mục, nhưng năm 2000 chỉ còn 28.000. tuổi trung bình là 68. Các linh mục quá tải vì phải chạy sô. Điển hình như Hội thừa sai Balê. Vào những năm 70, hội có hơn 1000 linh mục. Nhưng nay chỉ còn 400 linh mục đa số già yếu. Trước kia hội có cả một chủng viện để đào tạo. Nay đã phải bán đi vì chẳng còn chủng sinh. Cha Bề trên tổng quyền nói, mỗi lần đi công tác xa về, phải nhìn ngay lên bảng tin xem có ai chết không. 

6)    Sự kiện tục hoá 

Tục hoá là đem tinh thần đời vào những sinh hoạt đạo. Người tu trì và người tín hữu bị tục hoá mang nặng những toan tính suy nghĩ trần tục như ham tiền, ham của, ham danh vọng, chức quyền. Sinh hoạt đạo đức bị tục hoá vì chú ý tới hình thức hơn nội dung, chú ý tới điều phụ mà quên điều chính, phô trương hơn âm thầm, chạy theo người giàu mà hất hủi người nghèo, tìm hưởng thụ hơn hy sinh hãm mình, chia rẽ hơn đoàn kết, chấp nhất hơn tha thứ, dùng đời tu để trục lợi, mượn đạo tạo đời, cử hành bí tích một cách hời hợt thiếu đức tin. Đó là những biến chất, những suy thoái nhưng được ngang nhiên chấp nhận. Những ai hy sinh quên mình, nhịn nhục thì bị coi là dại dột, không tưởng… 

7)    Sự kiện Hội thánh không cải đổi được chính mình và xã hội nên tốt hơn 

Trong những lúc xã hội khủng hoảng, đạo đức xuống dốc, nhiều nơi mong tìm nơi tôn giáo một giải pháp cứu vãn, nhưng hầu như phải thất vọng. Có nhiều nơi, người ngoại đạo tốt hơn người có đạo. Xin kể một trường hợp. 

Cha Phạm Ngọc Oanh giáo phận Bùi chu kể lại. Dòng họ Phạm của ngài có hai chi. Một chi theo đạo, một chi bên lương. Vào thời Bùi chu tự trị, những người có đạo kéo sang bên kia sông đốt phá nhà cửa, cướp bóc của cải. Nhất là vào chùa phá phách tượng Phật. 1954 bên đạo di cư gần hết. Bên lương không đi. Lúc đó bên đạo rất sợ bên lương báo thù. Nhưng không có việc gì xảy ra. Sau năm 1975 người trong Nam ra, người bên Mỹ về ôn lại chuyện xưa, người bên đạo lấy làm xấu hổ. Năm 2000 vừa qua cả hai bên đã họp lại mừng ngày giỗ tổ. Bên đạo đã đứng ra xin lỗi. Và bên lương trả lời : Chúng tôi chờ đợi ngày hôm nay đã nửa thế kỷ rồi. 

Nhìn tình hình Giáo hội hoàn cầu rồi nhìn lại Giáo hội Việt nam ta thấy cũng đã có những bùng nổ. Tại một làng kia vốn đạo gốc, một ngày cả làng bàn nhau bán nhà thờ rồi bỏ đạo. Có mấy nơi khác, xứ đạo chia làm hai phe. Phe chống cha xứ. Phe bênh cha xứ. Sự việc cứ âm ỉ năm này qua năm khác. Rồi một ngày bùng lên. Hai bên đánh nhau to. Phe mạnh hơn kéo nhau đến phá sập nhà những người phe kia. Đánh nhau bị trọng thương. Hàng chục căn nhà bị phá sập. Hàng chục người bị thương nặng phải đưa đi cấp cứu. Công an không dám vào can. Chỉ giữ trật tự những người hiếu kỳ đến xem. Tại một nơi khác, hai bên tranh quyền chức trong cuộc bầu Ban hành giáo đưa đến chia rẽ nặng nề. Rồi một đêm lễ Giáng sinh, lúc mọi người tụ họp đông đảo. Trong số đó có rất nhiều người bên lương, hai bên đánh nhau vỡ đầu ngay trên bàn thờ. Năm ngoái, vụ án buôn bán ma tuý lớn nhất nước lại do mấy anh em con nhà đạo gốc chủ mưu. 

Việc truyền giáo tại Việt nam cũng chưa thể nói là thành công. Dù tỉ lệ người Công giáo tại Việt nam là khá cao so với các nước trong vùng. Thật vậy Tin mừng đã đến Việt nam được hơn 400 năm rồi. Các thánh Việt nam đông đảo có hạng trên thế giới. Nhưng chưa đến 10 % dân số được biết Chúa. Tại Việt nam tuyệt đại đa số không theo đạo Công giáo. Tệ hơn nữa, còn có nhiều người không ưa, và còn thù ghét đạo nữa. Việc đạo Công giáo tại Việt nam bị phê phán là đạo Tây, theo Tây là do những khúc mắc của lịch sử dẫn đến hiểu lầm thì còn có thể biện minh được. Nhưng việc người Công giáo chưa được người bên lương yêu mến, chưa gây được cảm tình và lòng kính trọng thì thật khó biện minh. 

Trong khi đó bên trong có nhiều người bỏ đạo sang đạo khác. Xin kể mấy trường hợp ở một giáo phận gần đây. Có hai thiếu nữ đạo gốc, con nhà đạo đức, thuộc dòng dõi các thánh tử đạo có lòng sốt sắng kính mến Chúa, nên xin vào tu trong một nhà dòng. Tuổi còn trẻ nên đi tu rồi mà còn ham chơi đùa. Một hôm bế con mèo trong nhà dòng thế nào lại để nó rơi vào bể nước. Bà Bề trên mắng chửi thậm tệ và đuổi về. Đứa kia thấy bạn bị đuổi cũng xin về theo. Hai đứa rủ nhau đi sang dòng khác. Nhưng bà Bề trên trình với Bề trên Giáo phận chỉ thị cho không dòng nào nhận nữa. Hai cô bé tức giận bỏ nhà đi sang Thái bình, xin vào tu trong một ngôi chùa. Nhà chùa cho người về cắt khẩu lúc nào không ai biết. Gia đình cứ yên trí con mình đang tu trong một dòng nào đó. Hơn năm sau mới khám phá ra, gia đình đến khuyên bảo thế nào cũng không được. Gọi về nhất định không chịu về. Nhưng đến ngày giỗ ngày tết, hai cô hiên ngang mặc áo ni cô cỡi xe máy chạy về thăm quê. Chẳng còn sợ ai nữa. 

Thật là những chuyện đáng buồn. Những chuyện buồn khiến lương tâm truyền giáo phải ray rứt. Những hoàn cảnh khiến nhiệt tình tông đồ phải băn khoăn. Những thất bại đặt chúng ta trước một trách nhiệm. Ta có trách nhiệm trong những thất bại đó. Ta có dự phần trong những suy thoái đó. Ta chưa dấn thân đủ. Ta chưa tích cực với việc truyền giáo. Hôm nay Lời Chúa vang lên trong lòng ta “Hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, làm chứng cho Thầy”. Lời Đức thánh cha tha thiết mời gọi ta “Thiên niên kỷ thứ ba là thiên niên kỷ của Châu Á”. Lời Giáo hội Việt nam thúc giục ta “Hãy ra khơi”. Ra khơi trong những khó khăn, thất bại, yếu kém thật là một thách đố lớn lao. Ta sẽ vượt qua hay lại đầu hàng trước những thách đố đó ?

TGM. Jos Ngô Quang Kiệt

VỀ MỤC LỤC
THÁI-QUÁ VÀ BẤT-CẬP  

 

Trong một bài viết của linh-mục Đỗ Xuân Quế thuộc dòng Đa-minh tại Việt-Nam với nhan đề “Sơ thảo đôi nét về hiện tình Hội Thánh tại Việt-Nam” trước đây đã làm nhiều đấng bậc phiền lòng. Nội-dung bài viết tuy đúng như tựa đề là chỉ có đôi nét sơ-thảo nhưng cũng đủ là một bản tường-trình, hay nói cho đúng là lời kinh cáo mình, để mọi người, nhất là các bậc thức-giả Công-giáo cũng như các giới chức trong đạo phải đối-diện với một sự thật về nhiều “tệ nạn” cần được chấn-chỉnh hoặc loại  trừ ra khỏi  cuộc sinh-hoạt thường nhật trong Giáo-hội Công-giáo Việt-Nam mà theo như linh-mục Đỗ Xuân Quế nhận xét và kết-luận  thì đó là “một số biểu hiện nguy hại có thể làm xói mòn sinh lực của Hội thánh chúng ta. Đó là:

·        thích phô trương,  chuộng hình thức

·        tính cả nể và óc phong kiến

·        khuynh hướng háo thắng

·        tính ù lỳ cứ muốn trước sao sau vậy cho khỏi phải thay đổi, rắc rối

·        Thiếu nhân bản trong cách giao tế

Một linh-mục mục cao niên, đã từng là “cha giáo” của rất nhiều linh-mục khác, không tả-khuynh và cũng không cấp-tiến mà đã phải mạnh dạn nói lên như vậy thì chắc chắn không phải là luận điệu chống cha, chống Chúa, chống Giáo-hội hay rối đạo rồi; song phải hiểu đây là những điều “đau lòng” mà chẳng đặng đừng mới phải viết ra.

Rồi tiếp đến trên nguyệt-san Diễn Đàn Giáo Dân, có tác-giả Mặc Giao với bài “Vài cảm nghĩ sau Đại-hội Giới Chức Công Giáo” đã ghi nhận “Nhưng qua những lời phát biểu, người ta thấy giáo dân có khuynh- hướng than phiền về thái độ và việc làm của một số linh mục, đòi hỏi sự tôn trọng chỗ đứng và trách-nhiệm của giáo dân trong Giáo Hội, cụ thể là được góp phần vào những quyết định từ cấp điạ phương tới những cấp cao hơn. Có một hai giáo dân phát biểu quá hăng say với lời lẽ thiếu tế nhị, gây phản ứng nơi một số linh mục hiện diện, khiến một vị đã lên máy vi âm trưng dẫn Giáo Luật để chứng minh con chiên phải phục tùng chủ chiên...Một nhận xét khác là sự hiểu biết của nhiều giáo dân về sự tương quan giữa giáo sĩ và giáo dân còn quá nông cạn...Người bênh hay người chống chỉ hành động vì cảm tính, không biết tới lý và tình, không biết luật lệ và đường lối của Giáo Hội thì chưa thể coi là giáo dân trưởng thành...”

Và bài viết này là sự suy nghĩ tiếp nối dựa trên những phân-tích và cảm-nghĩ vừa trích-dẫn từ hai bài của linh-mục Đỗ Xuân Quế và tác-giả Mặc Giao, rồi đối-chiếu với nhiều kinh-nghiệm thực-tế hơn như một sự đóng góp thêm về cái thực-trạng đáng buồn đã, đang và sẽ còn như đám mây đen u-ám làm lu mờ khuất lấp hơi nhiều luồng ánh sáng của Đức Ki-tô mà đúng lẽ ra cần phải được phong-quang chiếu rọi.  Đó là sự nghịch biến nguy-hiểm giữa những cái thái quá của đa-số giáo-sĩ, linh-mục và tu-sĩ đã lạm-dụng cơ-chế để  hành xử sai lạc quyền hạn của mình trong các nhiệm-vụ giáo-huấn, quản-trị và thánh-hoá như một số điểm trong bài của linh-mục Đỗ xuân Quế cùng những cái bất-cập của tuyệt-đại đa số giáo dân hiện nay trong hiện tình Giáo-hội Việt-Nam như vài cảm nghĩ của tác-giả Mặc Giao đã ghi nhận.

Trước hết là sự thái quá. Xưa nay không phải chỉ có phía đa-số giáo dân mê muội  nghĩ rằng các vị có chức thánh là thánh, là sáng-láng, tốt lành và thông suốt mọi sự mà ngay chính trong não-trạng của phần lớn những người mang chức thánh cũng tự cho mình là như vậy. Điều này rất dễ kiểm-chứng từ những đơn-vị nhỏ nhất nhưng là nền tảng nhất của Giáo-hội là những giáo-xứ, hoặc những nơi mà giáo dân  quy-tụ lại dưới danh nghĩa cộng-đoàn Công-giáo hay trung-tâm Công-giáo. Các “cha xứ” cũng như các “tuyên-úy” thường tự lạm quyền cũng như đuợc nhiều giáo dân cho là những nhân-sự bất-khả-ngộ và bất-khả-xâm-phạm theo kiểu những ông quan địa-phương thời phong-kiến để giữ quyền quyết-định mọi điều và nắm giữ mọi sự trong sinh-hoạt của tập-thể tín-hữu. Hội-đồng giáo-xứ hay mục-vụ có đuợc đặt ra thì cũng chỉ là những nhân-sự để “chạy việc” cho cha xứ hay cha tuyên-úy mà không phải là những người tự-do điều-hành các sinh-hoạt dưới sự hướng dẫn hoặc cố-vấn về tâm-linh và đạo-đức của linh-mục chánh xứ hoặc tuyên-úy. Chính các linh-mục trong trách-vụ đã quên mất nhiệm-vụ chính của mình là các sinh-hoạt về phụng-vụ thánh, mục-vụ và truyền-giáo liên-đới với ba nhiệm-vụ thánh-hoá, quản-trị và giáo-huấn. Thực-tế, ba nhiệm-vụ thiêng-liêng này đã không những không được hành xử  đúng mức mà còn bị lơ-là, lạm-dụng và tục-hoá.

Trước hết là nhiệm-vụ thánh-hoá. Linh-mục là cộng-sự-viên của giám-mục (Episcopi cooperatores) để thông chia nhiệm-vụ này với giám-mục trong việc “quản-lý ơn sủng của chức tư-tế tối-cao” (oeconomus gratiae supremi  sacerdotii). Như Công-đồng Vatican II qui-định “Trong khi hoàn thành công việc thánh hoá, các linh-mục chính xứ hãy lo lắng để việc cử-hành Hy-tế Thánh-thể phải là trọng-tâm và tuyệt-đỉnh của toàn-thể đời sống cộng đoàn Ki-tô giáo, phải nỗ-lực để tín-hữu đuợc lương thực thiêng liêng nuôi dưỡng nhờ sốt sắng siêng năng lãnh nhận các Bí-tích.” (In perficiendo opere sanctificationis curent parochi ut celebratio Eucharistici Sacrificii centrum sit et culmen totius vitae communitatis christianae; itemque adlaborent ut fideles spirituali pabulo pascantur per devotam et frequentem Sacramentorum receptionem). Thực-tế, Thánh-lễ đã bị một số linh-mục biến thành món “quà tặng” vô-tổ-chức tuỳ vào sự thân-thiết với những người các ông quý mến hay cần kết thân và cũng là chiêu-bài để đe-doạ hay trừng phạt những gia-đình hay giáo dân nào “không thuận ta”. Đã có nhiều trường-hợp khi giáo dân lên tiếng góp ý, can ngăn hay phê-bình về hành-vi  chẳng nên làm của cha xứ hay cha tuyên-úy thì liền bị các ông công-khai  nói trên toà là những giáo dân đó sẽ không đuợc ban các bí-tích khi cần thiết hoặc khi chết không đuợc đưa vào nhà thờ hay về trung-tâm cử-hành lễ an-táng.     

Tiếp đến là nhiệm-vụ quản-trị hay cai quản. Đây là trách-vụ mà linh-mục hành-xử quyền-bính một thừa-tác-viên của Hội-thánh để xây dựng cộng-đoàn tín-hữu trong chân-lý và thánh-thiện cũng như  hướng-dẫn cộng-đoàn, gây niềm hy-vọng cho các tín-hữu và khuyến-khích các tín-hữu làm việc tông-đồ và truyền giáo. Trong Sắc-lệnh về chức vụ và đời sống các linh-mục (Presbyterorum Ordinis) có nói thừa-tác-vụ này đòi hỏi linh-mục “thực-hành việc khổ chế riêng biệt của vị chăn dắt các linh-hồn, từ bỏ những tiện-nghi riêng, không tìm kiếm tư lợi nhưng tìm lợi ích cho nhiều người để họ được cứu rỗi” (communtatis rectores ascesim pastoris animarum propriam colunt, propriis commodis renuntiantes, non quod sibi utile est quaerentes sed quod multis, ut salvi fiant). Với tinh-thần này, chữ cai quản chính là coi sóc hay chăn dắt chứ không đồng nghĩa với cai-trị hay ôm-đồm hết mọi sư, nhất là của cải vật-chất, vào trong một tay che trời của linh-mục chính xứ hay tuyên-úy. Càng ngày người ta càng đếm đuợc rất ít con số các thừa-tác-viên (ministri) của Đức Ki-tô đúng với nghĩa như Sắc-lệnh của Giáo-hội nêu ra mà chỉ là những cha xứ mang cốt cách của các công hầu thời phong-kiến quan-liêu đuợc cắt đất phong vương. Còn ở hải-ngoại thì nhiệm-vụ tuyên-uý  - chữ dùng đúng nghĩa nhất cho linh-mục tại những đơn-vị không phải là giáo-xứ - đã được mang thêm một tính-từ nữa bên cạnh là “quản-nhiệm” để thành linh-mục tuyên-úy quản-nhiệm rồi dần dần bỏ rơi bớt đi chữ tuyên-úy là nghĩa chính để chỉ còn là linh-mục quản-nhiệm mà thôi.

Cuối cùng là nhiệm-vụ giáo-huấn. Đây là nhiệm-vụ trổi vượt trong các nhiệm-vụ chính yếu của hàng gíám-mục và các linh-mục tu-sĩ để chân-lý về Đức Ki-tô đuợc rao truyền. Tin Mừng Cứu-độ và các huấn-thị, quy-luật của Hội-thánh được dẫn giải và thông-truyền cho muôn dân qua nhiệm-vụ quan-trọng này chứ không phải ý riêng đem ra dạy tín-hữu phải theo hay uốn nắn họ thành những kẻ vâng lời tối mặt. Thực-tế, giáo dân Việt-Nam đã nhận đuợc những gì thuộc trách-nhiệm này nơi Giáo-hội? Số lượng linh-mục thì nhiều vô kể, song có bao nhiêu  linh-mục sau khi thụ-phong vẫn còn vừa lo mục-vụ vừa chuyên-tâm nghiên-cứu học hỏi thêm và nhất là con số các linh-mục viết sách nghiên-cứu hay nghị-luận về giáo-lý, thần-học, về tu-đức hay đời sống nội-tâm trong đức tin chẳng hạn thì lại càng khiêm-tốn. Chính vì vậy mà lâu dần phần đông đã biến thành tính ù-lỳ cứ muốn trước sao sau vậy cho khỏi phải thay đổi, rắc rối. Thậm chí những lời giảng trong Thánh-lễ Chủ-nhật là điều buộc mà cũng rất nhiều người không nghiêm-túc chuẩn-bị trước, rồi khi bước lên bục giảng thì chỉ giải-thích thêm đôi chút về bài Tin Mừng vừa đọc. Tuy nhiên, như vậy cũng còn đỡ hơn là có ông đem chuyện phim hay chuyện tình ra kể và tệ hơn nữa là dùng “toà giảng” để nói chuyện quyên góp tiền bạc, để nói xiên nói xéo những cá nhân nào đó làm ông mất vui hoặc chống đối các việc chẳng nên mà ông đã làm.

Trong những phân-tích của linh-muc Đỗ Xuân Quế có hai điểm cũng cần minh chứng thêm là thích phô trương, chuộng hình thức và thiếu nhân bản trong cách giao tế.

Có lẽ tính thích phô-trương và chuộng hình-thức là một trong những thói tục đáng phàn-nàn nơi phần lớn các giáo-sĩ, linh-mục, tu-sĩ. Trước hết, nếu như ngoài xã-hội Việt-Nam hiện nay người ta vọng ngoại như thế nào thì não-trạng này cũng nặng nề trong Giáo-hội không kém. Cũng có thái-độ ngó nhau về việc người này, người kia “được” đi nước ngoài hoặc phân biệt giữa việc được chịu chức tại  nước ngoài hay tại Việt-Nam làm chuẩn mức cho tài đức của một linh-mục hay giám-mục. Các dòng tu – phần nhiều là dòng nữ – đang có tệ-nạn đua nhau gửi người đi mở thêm nhà tại hải-ngoại và hãnh-diện cho đó là dấu chỉ của sự phát-triển mà không xét xem là đang phát-triển ra sao, Đức Ki-tô có được sự gì như ý Người mong đợi hay chỉ là cung cách của người kinh-doanh đi tìm thị-trường có nhiều lợi-nhuận theo thói “ruộng gần cỏ mọc không cày, chợ xa quà rẻ mấy ngày cũng đi”? Bởi vì, chỉ  một cánh đồng lúa chín với 80 triệu dân mà đã mấy thế-kỷ qua đi rồi con số phần trăm người tin vẫn còn ở mức quá khiêm-tốn thì sứ-mạng đã xong làm tròn đuợc bao nhiêu đâu, hà cớ phải vói tay mãi đâu đâu. Chẳng lẽ lại mang tham-vọng trở ngược hướng truyền-giáo với quá-khứ vì đã đến thời đến buổi giáo-sĩ và tu-sĩ Việt-Nam trở sang truyền-giáo cho hải-ngoại, cho Tây-phương hoặc chạy theo chăm sóc cho thiểu số người Công-giáo Việt-Nam tại hải-ngoại? Có người sau khi đi ngoại-quốc về liền bắt chước một vài điều đem thực-hiện trong xứ mình mà không cần suy xét xem có cận nhân-tình hay không. Đấy là trường-hợp một linh-mục coi xứ trên miền xa đã ra lệnh trong xứ khi gia-đình nào có tang thì không đuợc may tang-phục theo phong-tục cổ-truyền bằng vải xô gai mà tất cả phải  mặc Âu-phục đen như các nước Tây-phương. Rồi dòng này “lên mặt” hoặc mặc cảm với dòng kia khi có nhiều hay ít người đi học ở nước ngoài. Một linh-mục dòng đã nhập tu ở ngoại-quốc, có dịp về thăm nhà dòng ở Việt-Nam bị bề trên cũ trách “tôi thật là thất vọng về cha quá” ví lý-do ông không vận-động cách nào cho anh em trong nhà sang ngoại-quốc tu-học. Ông còn cho biết thêm là ông đuợc mời giảng về đức khó nghèo trong dịp lễ “mở tay” của một anh em trong dòng. Ông say sưa giảng như được ơn thần-hứng nhưng khi Thánh-lễ vừa xong thì  ông hoa mắt với bữa tiệc thật xa-xỉ  diễn ra ngay tại nhà dòng với mấy trăm thực khách khiến ông phải -theo lời ông kể - tránh đi cho khỏi xấu hổ. Rồi những tiệc-tùng rộn ràng mừng hết lễ vàng, lễ bạc đến sinh-nhật, quan thầy bổn mạng đã là hình ảnh méo mó quá quen thuộc và quá cách-biệt với bình dân bá tính về đức khó nghèo. Nếp sống xa-hoa, lễ-nghi phong-kiến hợp với quyền-bính cha chú đuợc diễn ý sai lạc đã dẫn đến tác-phong thiếu nhân bản trong cách giao tế là việc tất nhiên phải đến. Đức Ki-tô vì con người mà phải làm người ở trần thế ba muơi ba năm để rồi ngày nay một môn sinh của Người phải viết lên câu này thì đúng là tấm lòng can-đảm của ông đã đấm ngực thay cho cả tập-thể huynh-đệ trong Đức Ki-tô.    

Khi dựa trênTin Mừng của Đức Ki-tô và giáo-lý của Hội-thánh Chúa làm định mức để thấy Giáo-hội Công-giáo Việt-Nam có những biểu-hiện thái-quá như trên thì cũng từ nguồn chân-lý này mà nhìn ra đuợc những điều bất cập trong cộng-đoàn tín-hữu. Nếu thái quá là vuợt quá mức thường, là quá trớn quá đà dễ gây nhiều sai lạc trong đời sống đức tin bao nhiêu thì bất cập là không kịp, không bằng, không tới mức cũng nguy hại bấy nhiêu. Bằng chứng là như Mặc Giao ghi nhận là mức hiểu biết của nhiều giáo dân về sự tương quan giữa giáo sĩ và giáo dân còn quá nông cạn... Người bênh hay người chống chỉ hành động vì cảm tính, không biết tới lý và tình, không biết luật lệ và đường lối của Giáo Hội thì chưa thể coi là giáo dân trưởng thành...”. Đây chính là sự bất cập của giáo dân. 

Thực-tế, không phải chỉ có sự hiểu biết của nhiều giáo dân về sự tương quan giữa giáo sĩ và giáo dân còn quá nông cạn mà là sự hiểu biết về mọi lý lẽ trong tinh-thần Phúc-âm, nguyên-tắc và lề luật của Giáo-hội  để từ đấy dung-hoà được nếp sống đạo cũng nông cạn. Rất nhiều giáo dân theo đạo như thói quen, cũng mang tính ù lỳ cứ muốn trước sao sau vậy cho khỏi phải thay đổi, rắc rối; thậm chí không cần nhìn lên cao hơn khỏi nóc nhà thờ và không cần nghe lời ai ngoài cha xứ. Chúa ở trên trời cao và ngay cả Toà Giám-mục điạ-phận cũng xa hơn nhà xứ thì nói gì đến những huấn-thị, giáo-lý và giáo-luật loan đi từ Vatican. Họ vẫn nói cha thay mặt Chúa, lời cha là lời Chúa cho nên cha đã thay mặt Chúa còn được huống gì là thay cho cả  Hội-thánh với Hội-đồng Giám-mục thế-giới cho nên tất cả mọi sự đã nằm trong chức thánh của cha rồi, bây giờ cứ để cha phán dạy đời này, còn chuyện đời sau thì đã có những lễ đuợc “xin” bằng giá cao. Phần lớn giáo dân Việt-Nam sống trong hồng-ân cứu-độ của Chúa cách đơn giản như vậy đó. Đọc kinh nhiều, lai vãng quà cáp “dâng” các cha thường xuyên là thánh-thiện, gương mẫu rồi.

Tuy nhiên, không hẳn là họ đã yên bề như vậy. Họ cũng biết phân biệt thị-phi, phân biệt đen trắng song vì quen bị “cai-trị , cai quản” như vậy cho nên lại thêm mặc cảm có tội nếu đụng chạm đến các vị mang chức thánh, sợ lúc chết không đuợc ban các phép chẳng hạn nên không bao giờ dám đối-thoại thẳng với linh-mục tu-sĩ mà là đi rỉ tai, xì xèo to nhỏ với nhau. Chung cuộc thì tiếng lành đồn xa mà tiếng dữ  càng đồn xa hơn cho đến khi có dịp thì bung ra kiểu “tức nước vỡ bờ”, bất phân lý lẽ như  có một hai giáo dân phát biểu quá hăng say với lời lẽ thiếu tế nhị, gây phản ứng nơi một số linh mục hiện diện, khiến một vị đã lên máy vi âm trưng dẫn Giáo Luật để chứng minh con chiên phải phục tùng chủ chiên..

Tác-giả Mặc Giao góp ý là vấn-đề giáo-dục giáo dân cần phải được đặt ra một cách nghiêm-chỉnh. Nhưng ai giáo-dục ai đây khi mà những người mang trách-nhiệm giáo-huấn thực sự lại đang cố-thủ óc phong kiến, tính ù lỳ cứ muốn trước sao sau vậy cho khỏi phải thay đổi, rắc rối; nhất là khi giảng dạy cặn kẽ về lẽ đạo theo tinh-thần của Công-đồng Vatican II cùng những tài-liệu tiếp theo của Giáo-hội thì có khác gì đem quay ngược mũi giáo về mình? Bởi vì khi giáo dân họ trưởng thành thì “cha” cũng phải bắt tay từ đầu tu-luyện lại chứ  đâu còn được thong-dong tự-tại trên sự mê-tín của tín-hữu nữa. Thêm vào đó Giáo-lý của Chúa; Giáo-luật, giáo-huấn của Hội-thánh không phải chỉ để cho giáo-sĩ, linh-mục và tu-sĩ độc quyền nắm trong tay như những sợi dây trói buộc giáo dân theo ý suy-diễn riêng từng cá-nhân hoặc là cây roi của người chăn dùng lùa đàn thú. Tất cả chính là đèn soi, là chân-lý hướng dẫn cho cả mọi người mang danh hiệu Ki-tô hữu, bao gồm cả Ki-tô hữu mang chức thánh và Ki-tô hữu giáo dân. Tại sao giáo dân không chịu đọc Kinh Thánh nhiều hơn một chút, không tự tìm  cho bản thân và gia-đình một cuốn tài-liệu Công-đồng và một cuốn giáo-luật để thấy rõ sự phân-nhiệm cho từng thành-phần, từng chức-vụ rồi cứ thế mà đối-thoại thì đâu đến nỗi  phải đòi hỏi sự tôn trọng chỗ đứng và trách-nhiệm của giáo dân trong Giáo Hội, cụ thể là được góp phần vào những quyết định từ cấp điạ phương tới những cấp cao hơn? Không những thế, việc học hỏi để truy tìm chân-lý còn là bổn-phận của mỗi người tin Chúa nữa chứ không phải cứ lúp xúp như bầy cừu câm nín trong từng lúc, rồi đến lúc lại than phiền về thái độ và việc làm của một số linh mục cách ồn ào và quá trớn, không đúng tinh-thần và luật-lệ để bị bắt lỗi chỉ khiến cho số đông giáo dân vốn đã ù-lì câm nín càng tin rằng thái độ buông xuôi mọi sự để chỉ theo lời các cha dạy là đúng trong khi cả cái “thái quá của cha” lẫn cái “bất cập của con” đều đóng đinh Đức Ki-tô thêm lần nữa giữa thiên-niên kỷ thứ ba này.

Chẳng hạn khi những giáo dân của xứ đạo miền quê kia thay vì chỉ biết đi than thở  về lệnh của cha xứ cấm không cho mặc tang-phục cổ-truyền mà phải mặc Âu-phục mầu đen trong tang lễ thì tại sao không trực tiếp đặt vấn-đề với ông rằng đấy là phong-tục cổ-truyền thuộc lãnh-vực văn-hoá chứ không thuộc phụng-vụ và bí-tích cho nên không thể dùng chức linh-mục để cấm hay bãi bỏ mà chỉ nên có những đề nghị tế-nhị phù-hợp với hoàn-cảnh xã-hội.

Tóm lại, nếu hai thành-phần căn-bản của giáo-hội mà cứ ở hai cực thái quá và bất cập như vậy thì làm gì có tương-quan, làm gì có hiệp-nhất và làm gì có đồng-hành, đồng-tiến. Và con đuờng tương-lai đang hướng về đâu, quê trời hay chỉ là đi loanh-quanh đầy mỏi mệt?

Phạm Minh-Tâm

VỀ MỤC LỤC
ĐỊA VỊ VÀ SỨ MỆNH CỦA NGƯỜI GIÁO DÂN

  

LỜI MỞ ĐẦU

Hội Đồng Giám Mục VN đã viết trong thư mục vụ năm 2006 như sau:

“Chúng tôi “chọn chủ đề : Sống đạo hôm nay, để mời gọi mỗi người sống niềm tin bằng những hành động cụ thể, như thánh Giacôbê Tông đồ viết: Đức tin không có hành động quả là đức tin chết.” Gc 2,17). Quả thực, đời sống đạo vừa cần gắn bó với Thiên Chúa, vừa phải đi đến với anh em, như Chúa Giêsu, Ngôi Lời nhập thể và nhập thế đã nêu gương cho chúng ta.” (Thư MV số 1)

Để giúp anh chị em đáp ứng lời mời gọi của Hội đồng Giám mục, tôi gửi đến anh chị em tài liệu về : Địa vị và sứ mệnh của người giáo dân đã được Công đồng Vaticanô II quyết nghị và công bố từ năm 1965.   

Tôi hy vọng tài liệu trích dẫn từ Công đòng Vaticanô II này sẽ giúp anh chị em hiểu rõ hơn địa vị và sứ mệnh của mình trong Hội Thánh; đồng thời tích cực thi hành sứ mệnh đối với thế giới, nhất là với xã hội Việt Nam hôm nay.                                                                                                          

Chương một CÔNG ĐỒNG 

1. Công đồng là gì ?

Công đồng là một hội nghị gồm các giám mục cùng một số chức vị trong Hội Thánh, chính thức nhóm họp với mục đích bàn luận và quyết định những vấn đề thuộc giáo lý hoặc qui luật của Hội Thánh. 

2. Công đồng giữ thẩm quyền gì trong Hội Thánh ?

Công đồng giữ thẩm quyền tối thượng trong Hội Thánh. Nền tảng này dựa vào chính ý muốn của Chúa Kitô là Đấng đã ban quyền cho các tông đồ và những người kế vị các ngài, để dạy dỗ và điều khiển Hội Thánh. 

3. Công đồng có phải là cơ quan lập pháp của Hội Thánh không ?

Công đồng chung là cơ quan lập pháp và giáo huấn tối cao của Hội Thánh. Thực ra đó chính là Giám mục đoàn qui tụ về một nơi. Những sắc lệnh giáo lý của công đồng này giũ một gía trị giáo thuyết rất cao : với một vài điều kiện, chúng thành bất khả ngộ. 

4. Trong lịch sử Hội Thánh có bao nhiêu Công đồng ?

Trong lịch sử của Hội Thánh, ngay từ thời Hội Thánh sơ khai, các tông đồ đã tổ chức Công đồng Giê-ru-sa-lem đã được ghi trong sách Công vụ tông đồ chương 15. Các tông đồ đã họp lại để giải quyết vấn đề : Có nên cắt bì cho người ngoại (không phải Do Thái) khi họ gia nhập Hội Thánh không ? Sau khi đã bàn luận, các tông đồ đã quyết định : Không cắt bì cho người ngoại, khi họ gia nhập Hội Thánh.

Ngoài Công đồng tiên khởi trên đây, Hội Thánh đã tổ chức 21 Công đồng.  

5. Công đồng Vaticanô II là gì ?

Công Đồng Vaticanô II là Công đồng thứ 21, họp tại Vaticanô lần thứ hai. Công đồng khai mạc ngày 11-10-1962 và bế mạc ngày 08-12-1965. Công đồng đã quyết nghị nhiều vấn đề liên quan đến các thành phần trong Hội Thánh và mối tương quan với thế giới.

Mục đích của Công đồng Vat. II là trở về với Chúa Kitô để canh tân Hội Thánh theo ý Chúa và tích cực gia tăng việc tông đồ và truyền giáo theo lệnh truyền của Chúa cứu thế.  

6. Công đồng Vaticanô II đã thông qua mấy văn kiện ?

Công dồng đã thông qua 16 văn kiện nhu sau :

          A- HIẾN CHẾ :                                                      Viết tắt

          1. Tín lý về Giáo Hội                                               - GH

          2. Tín lý về Mạc Khải của Thiên Chúa                       - MK

          3. Về Phụng Vụ                                                      - PV

          4. Mục Vụ về Giáo Hội trong thế giới ngày nay        - MV

          B- SẮC LỆNH :

          1. Nhiệm vụ mục vụ của các Giám mục                  - GM

          2. Chức vụ và đời sống các Linh mục                      - LM

          3. Đào tạo Linh mục                                               - ĐT

          4. Canh tân thích nghi đời sống Dòng tu                  - DT

          5. Tông đồ giáo dân                                               - TĐ

          6. Hoạt động Truyền giáo của Giáo hội                    - TG

          7. Hiệp nhất                                                           - HN

          8. Các Giáo hội Công giáo Đông Phuơng                 - ĐP

          9. Các phương tiện Truyền thông Xã hội                  - TT

          C- TUYÊN NGÔN :

          1. Tự do Tôn giáo                                                   - TD

          2. Liên lạc của GH với các tôn giáo ngoài Kitô giáo  - NK

          3. Giáo dục Kitô giáo                                              - GD

  

Chương hai

ĐỊA VỊ CỦA NGƯỜI GIÁO DÂN 

1. Công đồng Vaticanô II đã nói gì về người giáo dân ?

“Sau khi xác định những chức vụ của các phẩm trật, Thánh Công Đồng sẵn lòng đề cập đến bậc sống của những Kitô hữu được gọi là giáo  dân. Mặc dầu những gì nói về Dân Thiên Chúa đều có liên quan đến giáo dân, tu sĩ cũng như giáo sĩ. Nhưng có một số điều đặc biệt thuộc về giáo dân nam nữ, vì địa vị và sứ mệnh của họ : những điều mà hoàn cảnh đặc biệt của thời đại chúng ta đòi phải tìm hiểu nền tảng chung cách thấu đáo hơn.” (GH số 30) 

2. Giáo dân có giúp ích gì cho Hội Thánh không ?

“Thực thế, các chủ chăn của Dân Thánh ấy biết rõ giáo dân giúp ích rất nhiều cho toàn thể Hội Thánh. Các ngài biết rằng Chúa Kitô không đặt các ngài lên để một mình lãnh lấy tất cả sứ vụ cứu độ của Hội Thánh đối với thế giới; nhưng nhiệm vụ cao cả của các ngài là chăn dắt các tín hữu và nhận biết các phận sự và đoàn sủng của họ, để mọi người đều góp phần vào công cuộc chung, tùy theo cách thức của mình.”

“Vì thế, mọi người “phải lấy bác ái mà thực hành chân lý, nhờ mọi sự hãy lớn lên trong Đấng làm đầu là Chúa Kitô; nhờ Người, toàn thân thể được phối hợp và kết tụ bằng sự liên lạc tương trợ nhau, tùy theo công dụng khả năng từng phần tử, khiến thân thể được tiến triển hầu xây dựng trong đức ái.”  (Ep 4,15-16) (GH số 30) 

3. Vậy người giáo dân là ai ?

Danh hiệu giáo dân ở đây được hiểu là tất cả những kitô hữu không thuộc hàng giáo sĩ và bậc tu trì được Hội Thánh công nhận; nghĩa là những Kitô hữu đã được tháp nhập vào thân thể Chúa Kitô nhờ phép Thánh Tẩy, đã trở nên Dân Thiên Chúa, và tham dự vào chức vụ tư tế, tiên tri và vương giả của Chúa Kitô theo cách thức của họ; họ là những người đang thực hiện sứ mệnh của toàn dân Kitô giáo trong Hội Thánh và trên trần gian theo phận vụ riêng của mình.” (GH số 31) 

4. Tính cách riêng biệt và đặc thù của giáo dân là gì ?

“Tính cách trần thế là tính cách riêng biệt và đặc thù của giáo dân. Thực vậy các phần tử trong hàng giáo sĩ dù đôi khi có thể lo việc trần thế, hoặc hơn nữa, hành nghề giữa đời, nhưng vì ơn kêu gọi đặc biệt, sứ mệnh chính yếu và rõ rệt của họ vẫn là sứ vụ thánh. Phần các tu sĩ, do bậc sống của họ, làm chứng cách hùng hồn và cao quý rằng người ta không thể cải tạo thế giới và cung hiến nó cho Thiên Chúa được, nếu không có tinh thần các mối phúc thật.” (GH số 31) 

5. Ơn gọi riêng của người giáo dân là gì ?

Vì ơn gọi riêng, giáo dân có bổn phận tìm kiếm Nước Thiên Chúa bằng cách làm các việc trần thế và xếp đặt chúng theo ý Thiên Chúa. Họ sống giữa trần gian, nghĩa là giữa tất cả cũng như từng công việc và bổn phận của trần thế, giữa những cảnh sống thường ngày trong gia đình và ngoài xã hội; tất cả những điều đó như dệt thành cuộc sống của họ.”

“Đó là nơi Thiên Chúa gọi họ, để dưới sự hướng dẫn của tinh thần Phúc Âm, như men từ bên trong, họ thánh hóa thế giới bằng việc thi hành những nhiệm vụ của mình; và như thế, với lòng tin, cậy, mến sáng ngời, và nhất là với những bằng chứng đời sống, họ tỏ rõ Chúa Kitô cho kẻ khác, vì thế, họ có nhiệm vụ đặc biệt soi sáng và xếp đặt những thực tại trần gian có liên hệ mật thiết với họ, để chúng không ngừng phát triển và bành trướng theo thánh ý Chúa Kitô, hầu ca tụng Đấng Tạo Hóa và Đấng Cứu Độ.”  (GH số 31) 

6. Người giáo dân có được kêu gọi nên thánh không ?

“Tất cả mọi người trong Hội Thánh đều được kêu gọi nên thánh, như lời thánh Phaolô dạy : “Vì Thiên Chúa muốn anh em được thánh hóa” (1 Tx 4,3; Ep 1,4); sự thánh thiện này của Hội Thánh luôn được biểu lộ và phải được biểu lộ qua những hoa trái ân sủng mà Thánh Thần đã kết sinh nơi các tín hữu; sự thánh thiện ấy được diễn tả dưới nhiều hình thức nơi tất cả những ai đang cố đạt tới Đức ái trọn hảo trong bậc sống của mình trong khi xây dựng kẻ khác.” (GH số 39)

“Quả vậy, mọi người đều thấy rõ rằng tất cả các Kitô hữu, bất cứ theo bậc sống hay địa vị nào, đều được kêu gọi tiến đến sự viên mãn của đời sống Kitô giáo và đến sự trọn lành của Đức ái. Ngay trong xã hội trần thế sự thánh thiện này cũng giúp người ta sống nhân đạo hơn.” (GH số 40) 

7. Người giáo dân có phải là chi thể của Chúa Kitô không ?

Hội Thánh do Chúa thiết lập được tổ chức và điều khiển theo nhiều thể thức khác biệt rất lạ lùng. “Ví như trong một thân thể, chúng ta có nhiều chi thể, mọi chi thể không có cùng một nhiệm vụ; cũng vậy, chúng ta tuy nhiều người song là một thân thể trong Chúa Kitô, nên mỗi người chúng ta là chi thể lẫn nhau.” (Rm 12,4-5)

“Thế nên chỉ có một Dân Thiên Chúa được Ngài tuyển chọn; “chỉ có một Thiên Chúa, một đức tin, một phép Thánh Tẩy,” (Ep 4,5) cùng chung một phẩm giá, những chi thể vì đã được tái sinh trong Chúa Kitô, cùng một ân huệ được làm con cái, một ơn gọi trở nên trọn lành, một ơn cứu độ và một niềm hy vọng duy nhất và một đức ái không phân chia. Vì thế, trong Chúa Kitô và trong Hội Thánh, không còn có sự hơn kém vì nguồn gốc hay dân tộc, vì địa vị xã hội hoặc vì nam nữ, bởi lẽ “không còn là người Do thái hoặc Hy lạp, nô lệ hay tự do, nam hay nữ, vì anh em hết thảy đều là một trong Chúa Giêsu Kitô.” (Gl 3,28; Cl 3,11)

“Vì thế, tuy trong Hội Thánh, tất cả không cùng đi một đường, nhưng tất cả vẫn cùng được mời gọi nên thánh, và đồng thừa hưởng đức tin trong sự công chính của Thiên Chúa.” (2 Pr 1,1) (GH số 32) 

8. Người giáo dân có phải là em Chúa Kitô ?       

“Nhờ lòng ưu ái của Thiên Chúa, giáo dân được làm em Chúa Kitô, Đấng đã đến không phải để được phục vụ, nhưng để phục vụ, dù Người là Chúa tể muôn loài (Mt 20,28). Cũng vậy, họ làm em những người lãnh nhận chức vụ thánh, những kẻ đang lấy quyền Chúa Kitô mà giảng dạy, thánh hóa và cai quản để chăn dắt gia đình Chúa, hầu mọi người chu toàn giới luật mới là luật bác ái.”

“Thánh Au-gus-ti-nô đã dùng những lời tuyệt diệu này để nói lên điều đó : “Là giám mục cho anh em, tôi rất sợ; làm tín hữu với anh em, tôi rất an tâm. Giám mục là một chức vụ, tín hữu là một ân phúc. Giám mục là danh hiệu nguy hiểm, tín hữu là một danh hiệu đem ơn cứu độ.” (GH số 32)  

9. Người giáo dân có được tham dự vào chức vụ tư tế của Chúa Kitô không ?

“Chúa Giêsu Kitô linh mục thượng phẩm và vĩnh cửu, vì cũng muốn giáo dân tiếp tục công việc chứng tá và việc phục vụ của mình, nên đã nhờ Thánh Thần ban cho họ sự sống và không ngừng thôi thúc họ thực hành những điều thiện hảo.”

“Thực vậy, những kẻ mà Người đã cho tham dự mật thiết vào sự sống và sứ mệnh Người, Người cũng cho họ dự phần vào chức vụ tư tế, để họ thực hành việc phụng thờ thiêng liêng, hầu tôn vinh Thiên Chúa và cứu rỗi loài người. Bởi thế, vì giáo dân đã được hiến dâng cho Chúa Kitô và được Thánh Thần xức dầu, nên họ được mời gọi và được ban ơn cách lạ lùng để Thánh Thần sinh hoa trái nơi họ ngày càng phong phú hơn.”

“Thật vậy, mọi hoạt động và kinh nguyện và công cuộc tông đồ, đời sống hôn nhân và gia đình, công ăn việc làm thường ngày, việc nghỉ ngơi thể xác và tinh thần, nếu họ chu toàn trong Thánh Thần, và cả đến những thử thách của cuộc sống, nếu họ kiên trì đón nhận, thì tất cả trở nên của lễ thiêng liêng đẹp lòng Thiên Chúa, nhờ Chúa Giêsu Kitô (1 Pr 2,5), vì những của lễ ấy được thành kính dâng lên Chúa Cha cùng với Mình Thánh Chúa khi cử hành lễ Tạ ơn.”

“Như thế giáo dân cung hiến thế giới này cho Thiên Chúa nhờ biết phụng thờ Ngài bằng những hành động thánh thiện khắp nơi. (GH số 34) 

10. Người giáo dân có tham dự vào chức linh mục của Chúa Kitô không ?

Theo Công đồng Vaticanô II, thì người giáo dân cũng tham dự vào chức linh mục duy nhất của Chúa Kitô, nhưng theo cách thức riêng của mình. Công Đồng xác định như sau :

“Chức linh mục cộng đồng của các tín hữu và chức linh mục thừa tác hay phẩm trật tuy khác nhau không chỉ về cấp bậc mà còn về bản chất, song cả hai bổ túc cho nhau. Th?c vậy, cả hai đều tham dự vào chức linh mục duy nhất của Chúa Kitô theo cách thức riêng của mình.”

“Linh mục thừa tác, nhờ có quyền do chức thánh, đào tạo và cai quản dân tộc tư tế, đóng vai trò Chúa Kitô, cử hành hy tế tạ ơn và dâng của lễ ấy lên Thiên Chúa nhân danh toàn thể dân chúng.”

“Phần tín hữu, nhờ chức linh mục vương giả, c?ng tác dâng thánh lễ, và thi hành chức vụ đó trong việc lãnh nhận các bí tích, khi cầu nguyện và tạ ơn, bằng đời sống chứng tá thánh thiện, bằng sự từ bỏ và bác ái tích cực.” (GH số 10) 

11. Người giáo dân có tham dự vào chức ngôn sứ của Chúa Kitô không?

Dân thánh Thiên Chúa cũng tham gia vào chức vụ ngôn sứ của Chúa Kitô bằng cách phổ biến chứng tá sống động về Người, nhất là qua đời sống đức tin và đức ái; và dâng lên Thiên Chúa của lễ ca tụng, hoa trái của những miệng lưỡi ngợi khen thánh danh Người. (Dt 13,15) toàn thể tín hữu được Chúa Thánh Thần xức dầu (1 Ga 2,20.27), không thể sai lầm trong đức tin, họ biểu lộ đức tính ấy nhờ cảm thức siêu nhiên về đức tin của toàn thể dân Chúa, khi “từ các giám mục cho đến người giáo dân rốt hết” đều đồng ý về những điều liên quan đến đức tin và phong hóa.”

“Thật vậy, nhờ cảm thức về đức tin được Thánh Thần chân lý khơi d?y và duy trì, dưới sự giáo huấn thần linh của Hội Thánh mà họ trung thành tuân theo, dân Thiên Chúa nhận lãnh không phải là lời nói của loài người nữa, mà thật sự là lời của Thiên Chúa. (1 Tx 2,13); họ gắn bó hoàn toàn “với đức tin chỉ một lần được ban bố cho các thánh” (Gđ 3), họ tiến sâu hơn trong đức tin nhờ phán đoán đứng đắn, và sống đức tin cách hoàn hảo hơn.” (GH số 12)   

 

Chương ba

SỨ MỆNH CỦA NGƯỜI GIÁO DÂN 

1. Việc tông đồ là gì ?

« Hội Thánh được khai sinh là để làm cho nước Chúa Kitô rộng mở trên khắp hoàn cầu, hầu làm vinh danh Thiên Chúa Cha : tức là làm cho mọi người tham dự vào việc chuộc tội và cứu rỗi, để rồi nhờ họ, toàn thể vũ trụ thực sự để qui hướng về Chúa Kitô. Mọi hoạt động của nhiệm thể hướng về mục đích này gọi là việc tông đồ, công việc mà Hội Thánh thực hiện nhờ tất cả các chi thể, tùy theo những cách thức khác nhau.”

«Bởi vì ơn gọi làm Kitô hữu tự bản chất cũng là ơn gọi làm tông đồ. Cũng như toàn bộ một cơ thể sống động, không chi thể nào hoàn toàn thụ động, nhưng cũng tham dự vào đời sống và công việc của toàn thân. Cũng thế, trong nhiệm thể Chúa Kitô tức Hội Thánh, toàn thân “tùy theo công dụng khả năng từng phần tử khiến thân thể được tiến triển” (Ep 4,16). Hơn nữa, các chi thể trong thân thể này gắn bó và liên kết chặt chẽ với nhau (Ep 4,16), đến nỗi chi thể nào không hoạt động đúng tầm mức của mình trong việc tăng triển toàn thân đều bị coi là không dụng ích đối với Hội Thánh cũng như với chính mình.” (TĐ số 2) 

2. Người giáo dân có phải là tông đồ của Chúa Kitô ?

Giáo hữu được qui tụ trong dân Thiên Chúa và cấu tạo thành thân thể duy nhất của Chúa Kitô dưới quyền của một Đầu duy nhất; dù họ là ai, họ vẫn được kêu gọi dùng hết sức lực đã nhận lãnh do lòng từ ái của Đấng Tạo Hóa và do ân huệ của Đấng Cứu Thế để như những chi thể sống động, phát triển và thánh hóa Hội Thánh không ngừng.”

“Vì thế, giáo dân làm tông đồ là thông phần vào chính sứ mệnh cứu độ của Hội Thánh; nhờ lãnh nhận phép Thánh Tẩy và Thêm Sức, mỗi tín hữu đều được Chúa đề cử làm tông đồ; đàng khác các bí tích, nhất là bí tích Thánh Thể thông ban và nuôi dưỡng trong họ đức ái đối với Thiên Chúa và đối với loài người, nhân đức này là linh hồn của mọi hoạt động tông đồ. Nhưng giáo dân được đặc biệt kêu mời làm cho Hội Thánh hiện diện và hoạt động nơi và trong những hoàn cảnh mà nếu không có họ, thì Hội Thánh sẽ không trở thành muối của thế gian.”

Như thế, vì những ân huệ đã lãnh nhận, mọi giáo dân vừa là chứng nhân vừa là dụng cụ sống động do chính sứ mệnh Hội Thánh, “tùy theo độ lượng ân sủng Đức Kitô ban cho.” (Ep 4,7) (GH số 33) 

3. Người giáo dân có quyền làm tông đồ không ?

“Giáo dân có bổn phận và quyền làm tông đồ do chính việc kết hiệp với Chúa Kitô là Đầu. Họ được chính Chúa chỉ định làm việc tông đồ, vì phép Rửa Tội sát nhập họ vào nhiệm thể Chúa Kitô, phép Thêm Sức làm cho họ nên mạnh mẽ nhờ quyền năng của Chúa Thánh Thần. Họ được thánh hiến vào chức vụ tư tế, vương giả và dân tộc thánh (1 Pr 2,2-10), hầu trong mọi việc họ dâng những lễ vật thiêng liêng và làm chứng cho Chúa Kitô ở mọi nơi trên hoàn cầu.” (TĐ số 3) 

4. Có mấy hình thức làm tông đồ ?

- “Giáo dân có thể thực hiện việc tông đồ hoặc từng ngu?i hoặc liên kết thành cộng đoàn hay hội đoàn.” (TĐ số 15)

- “Việc tông đồ của giáo dân, cá nhân hay tập thể, phải được đặt vào đúng chỗ trong công cuộc tông đồ của toàn thể Hội Thánh. Hơn nữa điều cốt yếu của việc tông đồ Kitô giáo là liên kết với những ngu?i đã được Chúa Thánh Thần đặt lên cai trị Hội Thánh Chúa. (Cv 20,28). Vả lại, việc cộng tác giữa các tổ chức tông đồ khác nhau cũng cần thiết và phải được Hàng Gíao Phẩm điều hành thích đáng.” (TĐ số 23) 

a) “Việc tông đồ cá nhân rất hiệu quả ở bất cứ nơi nào và thời nào. Hơn nữa, trong một số hoàn cảnh chỉ có hoạt động này mới thích hợp và mới có thể thực hiện được. Mọi ngu?i giáo dân, dù thuộc thành nào đi nữa, dù không có cơ hội hay khả năng để cộng tác trong các hội đoàn đều được kêu gọi và hơn nữa phải làm việc tông đồ cá nhân.”

“Hình thức đặc biệt của hoạt động tông đồ cá nhân là giúp giáo dân làm chứng bằng cả đời sống phát xuất từ đức tin, đức cậy, đức mến. Đó là dấu chỉ rất thích hợp trong thời đại chúng ta để biểu lộ Chúa Kitô sống động trong các tín hữu của Ngài. Cùng với việc tông đồ bằng lời nói mà trong một số hoàn cảnh lại rất cần thiết ngu?i giáo dân rao giảng Chúa Kitô, cắt nghĩa và phổ biến giáo lý của Ngài tùy theo hoàn cảnh và tài năng của mỗi ngu?i, đồng thời họ cũng trung thành tuyên xưng giáo lý của Ngài nữa.” (TĐ số 16)     

b) “Hoạt động tông đồ tập thể rất phù hợp với đòi hỏi của các tín hữu dưới khía cạnh con ngu?i cũng như dưới khía cạnh Kitô hữu. Đồng thời nó cũng biểu lộ được dấu chỉ hiệp thông và hiệp nhất của Hội Thánh trong Chúa Kitô, Đấng đã phán : “Vì ở đâu có hai, ba ngu?i họp nhau nhân danh Thầy, thì Thầy sẽ ở giữa họ.” (Mt 18,20)

“Hoạt động tông đồ rất quan trọng, vì trong các cộng đoàn Hội Thánh, cũng như trong các môi trường khác nhau, hoạt động tông đồ thường đòi hỏi phải được chu toàn do một hoạt động chung. Bởi vì các hội đoàn được thành lập nhằm hoạt động tông đồ tập thể, nâng đỡ và huấn luyện các hội viên làm tông đồ, phối hợp và hướng dẫn hoạt động tông đồ của họ để có thể hy vọng nơi họ những kết quả phong phú hơn là từng ngu?i hoạt động riêng rẽ.”

“Vậy trong những hoàn cảnh hiện tại, nơi nào có giáo dân hoạt động thì hoạt động tông đồ nhất thiết phải được củng cố dưới hình thức tập thể và có tổ chức.” (TĐ số 18)   

5. Người trẻ và trẻ em có bổn phận làm tông đồ không ?

- “Nguời trẻ phải trở nên những tông đồ đầu tiên và trực tiếp của giới trẻ trong khi chính họ hoạt động tông đồ giữa ngu?i trẻ và nhờ ngu?i trẻ tùy theo môi trường họ đang sống.”

- “Trẻ em cũng có hoạt động tông đồ riêng của chúng. Tùy khả năng, chúng có thể thực sự là những chứng nhân giữa các bạn hữu.” (TĐ số 12) 

6. Người giáo dân làm tông đồ bằng cách nào ?

“Giáo dân thực sự thi hành việc tông đồ bằng công việc của mình để rao giảng Phúc Âm và thánh hóa nhân loại, đem tinh thần Phúc Âm thấm nhuần và hoàn hảo hóa những việc thuộc phạm vi trần thế, sao cho công việc của họ thuộc lãnh vực này làm chứng tỏ tường về Chúa Kitô và góp phần vào việc cứu độ nhân loại. Vì bản chất riêng biêt của người giáo dân là sống giữa đời và làm việc đời, nên chính họ được Thiên Chúa mời gọi để một khi tràn đầy tinh thần Kitô giáo, họ làm việc tông đồ giữa đời như men trong bột.” (TĐ số 2)

“Người giáo dân có rất nhiều cơ hội làm việc tông đồ : rao giảng Phúc Âm và thánh hóa. Chính chứng tá của đời sống Kitô và những việc lành được làm với tinh thần siêu nhiên có sức lôi kéo người ta đến đức tin và đến với Thiên Chúa, vì Chúa phán : “Sự sáng các con phải soi trước mặt người ta, như vậy để họ xem thấy việc lành các con mà ngợi khen Cha các con trên trời.” (Mt 5,16)

“Tuy nhiên việc tông đồ này không chỉ ở tại việc làm chứng bằng đời sống. Người tông đồ đích thực còn tìm dịp loan truyền Chúa Kitô bằng lời nói hoặc cho người chưa tin để đưa họ đến đức tin, hoặc cho tín hữu để giáo huấn họ, củng cố và thúc đẩy họ sống sốt sắng hơn “vì tình yêu Chúa Kitô thôi thúc chúng ta” (2 Cr 5,14), và trong lòng mọi người phải âm vang lời thánh Phaolô : “Thật khốn cho tôi, nếu tôi không rao giảng Phúc Âm.” (1 Cr 9,16)  (TĐ số 6)   

7. Người giáo dân hoạt động tông đồ trong những môi trường nào ?

Gíao dân thi hành việc tông đồ muôn mặt của mình trong Hội Thánh cũng như giữa đời. Trong cả hai lãnh vực này, nhiều môi trường hoạt động tông đồ khác nhau được khai mở. Ở đây chúng tôi muốn nhắc tới những môi trường chính yếu hơn cả là : các cộng đoàn Hội Thánh, gia đình, giới trẻ, môi trường xã hội, các lãnh vực quốc gia và quốc tế. . .

          a- Giáo xứ  : “Giáo xứ là một hình thức tông đồ cọng đồng kiểu mẫu, vì đó là nơi qui tụ đủ mọi hạng ngu?i thành một cộng đoàn và đem họ vào tinh thần đại đồng của hội Thánh. Giáo dân nên tập thói quen cộng tác chặt chẽ với các linh mục của mình đ? hoạt động trong giáo xứ. Họ cũng nên có thói quen trình bày với cộng đoàn Hội Thánh những vấn đề riêng của cộng đoàn mình hay của cả thế giới hoặc những vấn đề liên quan đến phần rỗi của mọi người đ? cùng nhau góp ý kiến, nghiên cứu và giải quyết. Họ cũng phải tùy sức mà cố gắng đóng góp vào mọi công việc tông đồ và truyền giáo của Hội Thánh địa phương.”

          b- Giáo phận : “Giáo dân phải luôn nuôi dưỡng ý thức về giáo phận, vì giáo xứ như là một tế bào của giáo phận. Họ phải luôn mau mắn đáp lại tiếng gọi của chủ chăn, và tùy sức tham gia những công cuộc chung của giáo phận. Hơn nữa, để đáp ứng những nhu cầu nơi thành thị cũng như ở thôn quê, họ không chỉ hạn hẹp sự cộng tác của mình trong giới hạn trong giáo xứ hay giáo phận nhưng họ cố gắng mở rộng phạm vi tới cả lãnh vực liên xứ, liên giáo phận, quốc gia hay quốc tế.”

“Vì thế, người giáo dân phải quan tâm đến những nhu cầu của Dân Thiên Chúa ở rải rắc trên khắp hoàn cầu. Nhất là họ phải coi những công cuộc truyền giáo như việc của chính mình, bằng cách đóng góp về vật chất hay cả về nhân sự. Vì chưng nhiệm vụ và vinh dự của ngu?i Kitô hữu là trả lại cho Thiên Chúa phần của cải họ đã nhận nơi Ngài.”  (TĐ số 10)

          c- Môi trường xã hội : “Làm tông đồ trong môi trường xã hội là cố gắng đem tinh thần Kitô giáo thấm nhuần tư tưởng, phong tục, luật lệ và cơ cấu của cộng đồng nơi họ đang sống : đó là bổn phận và trách nhiệm của ngu?i giáo dân mà không ai có thể thay thế họ cách đầy đủ.

Trong lãnh vực này, ngu?i giáo dân có thể làm tông đồ cho ngu?i đồng cảnh ngộ với mình. Ở đó, họ lấy lời nói bổ túc cho bằng chứng của đời sống. Cũng ở đó, họ dễ dàng giúp đỡ anh em trong môi trường làm việc hay nghề nghiệp, môi trường học vấn, cư ngụ, giải trí cũng như trong sinh hoạt địa phương.”

“Việc tông đồ này phải nhắm tới hết mọi ngu?i trong môi trường hoạt động và không được loại bỏ bất cứ lợi ích thiêng liêng hay vật chất nào có thể làm cho họ. Nhưng ngu?i tông đồ đích thực không chỉ hài lòng với hoạt động này, mà họ còn phải quan tâm đến việc rao giảng Chúa Kitô cho anh em bằng cả lời nói nữa. Bởi vì nhiều ngu?i chỉ có thể nghe Phúc Âm và nhận biết Chúa Kitô nhờ những ngu?i giáo dân sống gần họ.”  (TĐ số 13) 

8. Gia đình có phải là môi trường hoạt động tông đồ của người giáo dân không ?

- “Có một bậc sống rất có gía trị để thể hiện nhiệm vụ đó, bậc sống được một bí tích đặc biệt thánh hóa, đó là đời sống hôn nhân và gia đình. Gia đình là môi trường hoạt động và trường học tuyệt diệu cho việc tông đồ giáo dân.”

“Từ gia đình, Kitô giáo thấm nhập vào tất cả các tổ chức cuộc sống và dần dần biến đổi các tổ chức ấy; nơi gia đình, vợ chồng tìm thấy ơn gọi riêng của mình là làm chứng cho nhau và cho con cái : lòng tin và tình yêu Chúa Kitô.”

“Gia đình Kitô giáo lớn tiếng loan truyền sức mạnh của Nuớc Thiên Chúa và niềm cậy trông vào một đời sống hạnh phúc. Như thế, bằng gương lành và chứng tá, gia đình Kitô giáo làm cho thế gian nhận biết tội lỗi mình, đồng thời sáng soi những kẻ đang kiếm tìm chân lý.” (GH số 35)

- “Tất cả những việc ngày xưa vốn là bổn phận vợ chồng, thì ngày nay còn phải coi là phần quan trọng nhất của việc tông đồ. Đó là : phải biểu lộ và chứng minh bằng đời sống tính cách bất khả phân ly và sự thánh thiện của dây hôn phối. . .”

“Chính gia đình đã lãnh nhận từ Thiên Chúa sứ mệnh trở nên tế bào đầu tiên và sống động của xã hội. Gia đình sẽ chu toàn được sứ mệnh đó nếu gia đình tỏ ra như một đền thờ của Hội Thánh trong nhà mình nhờ yêu thương nhau và cùng nhau dâng lời cầu nguyện lên Thiên Chúa, nếu tất cả gia đình cùng tham dự vào việc phụng vụ của Hội Thánh; sau cùng nếu gia đình tỏ ra hiếu khách và cổ võ đức công bằng cũng như những việc thiện khác giúp các anh em đang túng thiếu.”

          “Trong công việc tông đồ của gia đình cần phải kể đến những việc như:

          - nhận làm con những đứa trẻ bị bỏ rơi,

          - ân cần tiếp đón những khách lạ,

          - cộng tác với học đường,

          - khuyên bảo và giúp đỡ thanh thiếu niên,

          - giúp những ngu?i đã đính hôn chuẩn bị cho việc hôn nhân của họ được tốt đẹp,

          - giúp dạy giáo lý,

          - nâng đỡ những đôi vợ chồng cũng như những gia đình khi họ gặp khó khăn về vật chất hay tinh thần,

          - lo cho ngu?i già cả không những có những điều kiện cần thiết, mà còn cung cấp cho họ những tiện nghi chính đáng của tiến bộ kinh tế. . .

          Để dễ dàng đạt tới những mục đích tông đồ này, các gia đình nên qui tụ thành những nhóm.” (TĐ số 11) 

9. Bác ái có phải là linh hồn của công việc tông đồ không ?

“Đức ái như là linh hồn của tất cả việc tông đồ, được chuyển thông và nuôi dưỡng nhờ các bí tích, nhất là bí tích Thánh Thể.” (TĐ số 3)

“Thật vậy, mọi hoạt động tông đồ phải bắt nguồn và lấy sức mạnh từ đức bác ái. Nhưng một vài công việc tự bản chất của chúng có thể biểu lộ tình yêu cách sống động. Chúa Kitô đã muốn những việc đó là dấu chỉ cứu độ.” (Mt 11,4-5)

“Giới răn quan trọng nhất trong lề luật là yêu mến Thiên Chúa hết tâm hồn và yêu tha nhân như chính mình (Mt 22,37-40). Thật vậy, Chúa Kitô đã làm cho giới răn bác ái đối với tha nhân thành một giới răn riêng của Ngài và mặc cho nó một ý nghĩa mới phong phú hơn, khi Ngài muốn đồng hóa mình với anh em như chính đối tượng của bác ái, Ngài  nói : “Bao nhiêu lần các ngươi làm những việc đó cho một trong những người hèn mọn là anh em Ta đây, tức là các ngươi làm cho chính Ta vậy” (Mt 25,40).

“Bởi vì khi nhận lấy bản tính nhân loại, chính Ngài đã nối kết toàn thể nhân loại với Ngài thành một gia đình bằng một tình liên đới siêu nhiên, và Ngài đã dùng đức ái làm dấu hiệu riêng của các môn đệ Ngài, khi Ngài nói : “Nếu các con yêu thương nhau, thiên hạ cứ dấu ấy mà nhận biết các con là môn đệ Thầy.” (Ga 13,35)

“Trong thời sơ khai, Hội Thánh đặt bữa ăn thân tình “agapê” đi liền với bữa tiệc Thánh Thể để biểu lộ sự hợp nhất hoàn toàn trong tình yêu thương chung quanh Chúa Kitô. Như vậy, bất cứ thời đại nào, người ta cũng nhận ra Hội Thánh nhờ dấu hiệu tình yêu này và Hội Thánh đã tự đảm nhận những công cuộc bác ái như là nhiệm vụ và quyền lợi bất khả di nhượng của mình, dầu Hội Thánh vẫn hân hoan trước những khởi công của người khác.” 

“Vì thế, Hội Thánh đặc biệt đề cao lòng xót thương đối với người nghèo đói, bệnh tật, cũng như những công cuộc mệnh danh là từ thiện và tương trợ để xoa dịu mọi nỗi thống khổ của nhân loại.” (TĐ số 8) 

10. Việc bác ái phục vụ những ai ?

“Ngày nay, công cuộc bác ái có thể và phải nhằm tới tất cả mọi người và mọi như cầu. Ở đâu có người thiếu ăn, thiếu uống, thiếu mặc, thiếu nhà ở, thiếu thuốc men, thiếu việc làm, thiếu giáo dục, thiếu những phương tiện cần thiết để sống xứng danh con người; ở đâu có người bị đau khổ vì nghịch cảnh, ốm yếu, chịu cảnh lưu đầy, tù ngục, thì ở đó bác ái Kitô giáo phải tìm gặp, ân cần săn sóc, ủi an và xoa dịu họ bằng những trợ giúp thích đáng.”

“Thi hành bổn phận này trước hết là bổn phận của những người giàu và các dân tộc giàu.” (TĐ số 8)    

11. Bác ái thực sự là thế nào ?

Để thực thi bác ái mà không bị chỉ trích và để tỏ ra là bác ái đích thực, cần phải :

          1- Nhìn nhận nơi tha nhân hình ảnh Thiên Chúa, vì họ đã được dựng nên giống hình ảnh Ngài và nhìn nhận nơi họ chính Chúa Kitô, bởi vì bất cứ sự gì được tặng cho người nghèo là đã thực sự được dâng cho Ngài.

          2- Hết sức tế nhị tôn trọng tự do và nhân phẩm của người được trợ giúp. Đừng làm hoen ố ý hướng ngay lành và mưu cầu tư lợi hay vì một tham vọng thống trị nào.

          3- Thỏa mãn những đòi hỏi công bình trước đã, kẻo những tặng phẩm đem cho tưởng là vì bác ái, mà thực ra phải đền trả vì đức công bằng. Phải loại trừ không những hậu quả mà cả nguyên nhân gây nên sự dữ.

          4- Tổ chức giúp đỡ sao cho những người được trợ giúp dần dần thoát khỏi sự lệ thuộc người khác và có thể tự túc.”

“Vậy người giáo dân phải quý trọng và tùy sức giúp vào các việc từ thiện và những công cuộc cứu trợ xã hội của tư nhân, cũng như của quốc gia, kể cả quốc tế.”

“Nhờ những công cuộc đó, người ta mới trợ giúp hữu hiệu cho mỗi người và mỗi dân tộc đang lâm cảnh khốn cùng. Trong việc này, giáo dân cần cộng tác với mọi người thiện chí.” (TĐ số 8)       

12. Người tín hữu không sống bác ái, có được cứu rỗi không ?

Bất cứ người tín hữu nào, “dù được tháp nhập vào Hội Thánh, nhưng nếu không kiên trì sống trong đức bác ái, thì vẫn không được cứu rỗi, vì tuy “thể xác” họ thuộc về Hội Thánh, nhưng “tâm hồn” họ không ở trong Hội Thánh.”

“Nhưng các con cái của Hội Thánh phải nhớ rằng : Địa vị cao trọng của họ không phải do công đức riêng mình, nhưng do đặc ân của Chúa Kitô; nếu họ không đáp lại h?ng ân ấy bằng tư tưởng, lời nói và việc làm, thì không những họ không được cứu rỗi mà còn bị xét xử nghiêm khắc hơn.” (GH số 14)      

13. Người giáo dân có phải là chứng nhân của Chúa Kitô không ?

“Chúa Kitô, vị tiên tri cao cả, Đấng đã dùng chứng tá đời sống và sức mạnh của Lời nói để công bố Nước Chúa Cha; Ngài chu toàn chức vụ tiên tri, cho đến lúc sự vinh hiển của Người tỏ ra trọn vẹn; Ngài chu toàn chức vụ đó không những nhờ hàng giáo phẩm, là những người nhân danh và lấy quyền Ngài mà giảng dạy nhưng cũng nhờ các giáo dân; sở dĩ Ngài đã đặt họ làm chứng nhân, đồng thời ban cho họ cảm thức đức tin và ơn dùng ngôn ngữ nữa (Cv 2,17-18; Kh 19,10) là để sức mạnh Phúc Âm sáng ngời trong đời sống hằng ngày, trong gia đình và ngoài xã hội.”

“Nếu giáo dân vững lòng trông cậy mà lợi dụng thời gian hiện tại (Ep 5,16; Cl 4,5) và kiên trì trông đợi vinh quang một ngày kia sẽ đến (Rm 8,25), họ sẽ tỏ ra là con cái của lời giao ước; nhưng niềm hy vọng đó, họ không nên dấu kín trong lòng, trái lại họ phải diễn tả nó qua những cơ cấu của cuộc sống trần gian, bằng cách hoán cải không ngừng và chiến đấu chống lại “bá chủ của thế gian tăm tối này và bọn tà thần” (Ep 6,12).

“Như những bí tích của luật mới, là của ăn nuôi dưỡng đời sống và hoạt động tông đồ của tín hũu, tiên báo trời mới và đất mới thế nào (Kh 21,1), thì giáo dân cũng mạnh mẽ loan báo lòng tin vào điều mình trông đợi như thế (Dt 11,1), nếu họ không ngần ngại nối kết đời sống đức tin với việc tuyên xưng đức tin làm một.”

“Trong cuộc rao giảng Phúc Âm đó, nghĩa là sự loan báo Chúa Kitô bằng đời sống, chứng tá và lời nói, mang một sắc thái và hiệu qủa đặc biệt vì được thể hiện trong những hoàn cảnh chung của trần gian.” (GH số 35)  

14. Người giáo dân có nhiệm vụ truyền bá Phúc Âm cho thế giới không ?

“Người giáo dân có thể và phải có một hoạt động cao qúy là truyền bá Phúc Âm cho thế giới, cả lúc họ bận tâm lo lắng những viêc trần thế. Dù khi thiếu thừa tác viên có chức thánh hoặc khi các ngài bị ngăn trở vì bách hại, có những giáo dân thay thế các ngài thi hành một vài phận vụ thánh tuỳ theo khả năng của họ; dù có một số giáo dân đã dốc toàn lực vào việc tông đồ, tất cả vẫn phải cộng tác vào việc mở mang Nước Chúa Kitô trên trần gian.”

“Vì vậy, giáo dân phải khéo léo tìm hiểu sâu xa hơn chân lý Chúa mạc khải, và tha thiết nài xin Chúa ban ơn khôn ngoan cho mình.” (GH số 35)

“Thực thế Chúa cũng muốn nhờ cả giáo dân để mở rộng nước Ngài, nước của chân lý và sự sống, của ân sủng và thánh thiện, của công lý, tình yêu và hòa bình; trong nước này, chính tạo vật cũng được giải thoát khỏi thân phận làm nô lệ sự hư đốn, để được hưởng tự do rạng ngời của con cái Thiên Chúa.” (Rm 8,21) (GH số 36)

15. Người giáo dân có phải là chứng nhân của Chúa Giêsu Phục Sinh không ?

“Trước mặt nhân loại, mỗi giáo dân là chứng nhân của sự phục sinh và sự sống của Chúa Giêsu, đồng thời là dấu hiệu của Thiên Chúa hằng sống. Tất cả và mỗi người góp phần nuôi dưỡng thế giới bằng những hoa trái thiêng liêng (x Gl 5,22), và truyền bá cho thế gian tinh thần của những người nghèo khổ, hiền lành và hiếu hòa, những người mà Phúc Âm Chúa đã tuyên bố là có phúc.” (x Mt 5,3-9).

Tóm lại “người Kitô hữu hãy làm cho thế giới sống như linh hồn làm cho thân xác sống.” (Th Gioan Kim Khẩu) (GH số 38) 

16. Người giáo dân có nhiệm vụ canh tân trật tự trần thế không ?

Người giáo dân phải đảm nhận việc canh tân trật tự trần thế như là nhiệm vụ riêng, và trong nhiệm vụ đó, được hướng dẫn nhờ ánh sáng Phúc Âm và theo tinh thần của Hội Thánh, với bác ái Kitô giáo thúc đẩy, họ phải trực tiếp và cương quyết hành động.”

“Với tư cách là công dân, họ phải đem khả năng chuyên môn cùng với tinh thần trách nhiệm để cọng tác với các công dân khác. Họ phải tìm sự công chính nước Thiên Chúa ở mọi nơi và trong mọi sự. Phải canh tân trật tự trần thế cách nào để vẫn tôn trọng toàn vẹn các định luật riêng của nó mà vẫn làm cho trật tự đó phù hợp với các nguyên tắc cao cả của đời sống Kitô giáo, cùng thích nghi với các hoàn cảnh khác nhau của các địa phương, các thời đại và các dân tộc.”

“Trong những công cuộc của việc tông đồ này nổi bật hơn cả là hoạt động xã hội của người Kitô hữu. Thánh Công Đồng ước ao hoạt động đó lan đến mọi lãnh vực trần thế, kể cả lãnh vục văn hóa.” (TĐ số 7) 

17. Người giáo dân có thể góp phần vào công cuộc tông đồ của hàng giáo phẩm không ?

“Ngoài việc tông đồ này, mọi việc có liên quan đến mọi Kitô hữu không trừ ai, giáo dân có thể còn được mời gọi góp phần trực tiếp hơn và bằng nhiều cách vào công cuộc tông đồ của hàng giáo phẩm, giống như những tín hữu nam nữ đã chịu vất vả vì Chúa Kitô để giúp đỡ tông đồ Phaolô rao giảng Phúc Âm. (Pl 4,3; Rm 16,3 tt). Đằng khác, họ có những khả năng mà hàng giáo phẩm có thể dùng một số phận vụ thuộc hàng giáo sĩ có mục đích thiêng liêng.”

“Bởi vậy, nhiệm vụ cao cả của mọi giáo dân là làm cho ý định cứu độ của Thiên Chúa ngày càng lan rộng tới tất cả mọi người ở mọi nơi và mọi thời đại. Vì thế, khắp nơi phải mở đường cho họ tham gia vào công cuộc cứu độ của Hội Thánh, tùy sức lực họ và tuỳ nhu cầu của thời đại.” (GH số 33)

Lm Giuse Hoàng Kim Đại (Trích dẫn và trình bày)

VỀ MỤC LỤC
ĐỪNG XEN VÀO CHUYỆN NGƯỜI KHÁC (3)

 

Cô bé Mai Liên phàn nàn với mẹ: “Con ghét cô giáo Bích vân. Cô ta là một cô giáo khờ khạo, và vì thế không công bằng.” “Cái gì xảy ra vậy? Cô bé ơi.” “Cô ấy luôn luôn chọc con trước mặt cả lớp. Cô luôn tạo nên những chú ý không được đẹp về việc con không thể đánh vần, và cô không bao giờ gọi con khi con giơ tay. Hôm nay cô lấy tờ giấy đánh vần của con và đọc tất cả những chữ sai cho cả lớp nghe. Con ghét cô ấy và muốn cô ấy chết đi.” Sự giận dữ và sự cảm thấy nhục nhã của cô bé đã khiến cô bé phát điên và nó đã bật khóc. Bà mẹ cũng nổi giận. “Mẹ sẽ đi nói chuyện với cô giáo. Đó không phải là cách đối xử với một đứa trẻ.” 

Bà mẹ nói đúng. Trẻ con không học bỡi sự bị làm nhục mạ. Tuy nhiên, bà mẹ không thể làm gì được về việc tái huấn luyện cô giáo đó. Sự giận dữ của bà được biểu lộ hoàn toàn đối với cô giáo chỉ đổ thêm dầu vào lửa. Nếu toàn thể sự thật đều được biết, chắc chắn cô bé cũng góp phần trong việc gây nên thái độ của cô giáo. Cái nhún vai hoặc cử chỉ đưa mắt xuống cho thấy cảm giác của nó về cô giáo không mấy tốt đẹp. 

Chắc chắn, tương quan giữa cô bé và cô giáo xem ra nhạt nhòa. Nhưng việc thay đổi cô giáo thì không phải là công việc của bà mẹ. Công việc của bà mẹ là giúp cô bé tìm ra phương cách để góp phần một cách tích cực vào trong liên hệ nghèo nàn đó, và đề nghị một lối hành động mà cô bé có thể chấp nhận để làm cho chính nó cảm thấy thoải mái hơn trong lúc ở trường. Phải làm cho cô bé thấy được sự góp phần của nó trong cách gián tiếp. “Con có nghĩ rằng cô giáo cảm thấy hạnh phúc khi một học sinh không thích cô không? Hoặc con sẽ làm gì nếu con là một nhà giáo có một trong các học sinh của con ghét con? Đi xa hơn, cô giáo đó có thể là khờ khạo như con nói. Mẹ không biết. Nhưng không ai có thể hoàn toàn tốt về mọi sự trong hết mọi lúc. Chúng ta cố gắng làm tốt hết sức về cái chúng ta có. Mẹ bảo đảm con không cảm thấy thoải mái với cái hiện đang có. Vì thế, chúng ta hãy cố gắng tưởng tượng ra điều mình có thể làm để mình cảm thấy dễ chịu hơn.” 

Bà mẹ không thách thức sự định giá của cô bé vì điều đó làm tăng sự chống đối của nó và chỉ làm cho cô bé bảo vệ thái độ của nó mà thôi. Nếu bà mẹ về phía cô giáo, bà càng mang lại sự chống đối cho cô bé nhiều hơn. Nhưng nếu bà đứng về phía đứa trẻ, bà tỏ ra ủng hộ thái độ kích động trong trường. Nêu lên sự khó chịu của cô bé và thành thật bàn thảo vấn đề, sẽ giúp cô bé có được sự cộng tác hơn trong hành vi để làm giảm bớt sự căng thẳng và cảm thấy dễ chịu hơn. 

Thế Cường, đứa con duy nhất, học kém ở trường nên bị bó buộc làm bài ở nhà. Mỗi buổi tối, sau giờ ăn tối, ông bố ngồi xuống với nó để thấy nó hoàn tất bài làm. Ông bố hỏi và tra vấn cậu bé về mỗi bài. Nhiều lúc cậu bé kết thúc bằng một trận khóc oà và thất vọng về ông bố. Công việc của cậu bé vẫn không tiến. 

Thật ra, ông bố thì đang làm công việc giáo dục, còn đứa con mỗi đêm cho thấy rằng không ai có thể bắt nó học được. Bao lâu ông bố nhất quyết rằng con ông phải học giỏi ở trường và ông phải kèm nó làm bài tập ở nhà, bấy lâu nó vẫn tiếp tục học kém. Ông bố nên để ý việc của ông. Ông nên hướng dẫn nó trong việc học hành chứ không thể bắt ép được nó. 

Theo truyền thống, nhiều thầy giáo yêu cầu bố mẹ theo dõi xem con cái có làm bài tập ở nhà không. Tuy nhiên, nếu chúng ta làm như thế, chúng ta sẽ tạo nên một cuộc tranh chấp quyền hành. Nếu chúng ta tham khảo ý kiến với con trẻ và cùng nhau thiết lập với chúng thời gian khi nào chúng sẽ học và giúp chúng giữ được trật tự đó, chúng ta có thể cung cấp một sự khích lệ cần thiết. 

Nếu đứa trẻ đang có những khó khăn bất thường về vấn đề học vấn, chúng ta nên tìm người dạy kèm. Ngay cả khi một trong cha mẹ là nhà giáo, vì sự không muốn học của đứa trẻ, không muốn nhận lấy trách nhiệm, không muốn làm một công việc mà nó cảm thấy không được thích thú, những điều đó thường cho thấy sự liên hệ không mấy tốt đẹp giữa bố mẹ và con cái. Hơn nữa, nó còn chống lại sự áp lực của bố mẹ, những người không chấp nhận việc nó không chịu học hoặc vì lo sợ cho tương lai của nó hoặc muốn tỏ cho nó thấy rằng nó phải gánh lấy trách nhiệm của nó. Dưới những hoàn cảnh như thế, sự ép buộc của bố mẹ chỉ làm tăng thêm sự tranh chấp quyền hành. Chúng ta có thể giúp một đứa trẻ như vậy bằng cách giải thoát chúng ta khỏi sự tranh chấp, tìm một người dạy kèm, và nói rõ với nó rằng nếu nó không chịu học, không ai có thể làm gì được: “Điều đó tùy con, chính con tự quyết định là con có muốn học hay không?” 

Một vấn đề như thế cũng xảy ra với đứa trẻ không chịu thực tập bài học nhạc lý. Nhiều trẻ muốn chơi một nhạc cụ nhưng hy vọng làm điều đó mà không phải thực tập. Sự xen vào và áp lực của bố mẹ khiến sự thích thú về âm nhạc trở thành chán nản đáng ghét. Đây, một lần nữa chúng ta nên để ý công việc của chúng ta. 

Để ý công việc của chúng ta không có nghĩa là chúng ta bỏ lơ đứa trẻ cho nhạc cụ và thầy giáo nó. Chúng ta có thể cho nó một sự khích lệ, không phải bằng cách áp lực hoặc phê bình, nhưng là cung ứng cho nó những cơ hội, những hoàn cảnh ở đó nó có thể trình diễn cho một nhóm nhỏ khán giả gồm người lớn hoặc bạn bè của nó. Chúng ta cũng có thể xếp đặt để cho nó có dịp cùng chơi nhạc với những đứa trẻ khác. Có như vậy, việc học nhạc mới trở thành hữu dụng và không trở thành một sự thực tập đáng ghét nữa. Trong những tình cảnh như vậy, chúng ta cần ý thức cách chính xác về cái gì là công việc của đứa trẻ và hãy giao trách nhiệm đó cho nó. 

Bà mẹ và Huệ Mỹ làm ra một chương trình chi tiêu cho đứa con gái. Bà mẹ góa chồng và phải nuôi dưỡng những đứa con. Những nhu cầu của Huệ Mỹ được lưu ý. Cô được cho đủ tiền để ăn trưa, tiền xe buýt và sách vở, thỉnh thoảng đi coi phim, và những chi dùng cần thiết khác. Một ngày kia, Huệ Mỹ về nhà với người bạn thân của cô, và bà mẹ thấy rằng cả hai cô gái đều mang vòng lách mới ở tay. Bà hỏi Huệ Mỹ: “Đâu mà có vậy?” “Con để dành từ tiền chi tiêu của con.” Bà mẹ không nói gì cho tới khi người bạn nó rời khỏi đó. Bấy giờ, bà quở mắng Huệ Mỹ rằng bà làm việc vất vả để nuôi chúng, tự mình không mua sắm cho mình nhiều thứ để có số tiền đủ cho Huệ Mỹ ăn học, và bà thật là buồn khi thấy Huệ Mỹ dùng tiền của bà cho những thứ không cần thiết. 

Bà mẹ muốn kiểm soát tất cả mọi sự mà Huệ Mỹ làm ngay cả cách cô ta tiêu dùng. Khi cha mẹ cho con cái tiền, tiền đó thuộc về chúng. Điều chúng làm với số tiền đó không phải là công việc của bố mẹ. Dĩ nhiên, Huệ Mỹ dùng đồng tiền bà mẹ cho không hợp với ý muốn của bà, nhưng cô ta cũng phải hy sinh nhiều để dành dụm được số tiền như thế. Điều bà mẹ giận dữ là có phải bạn bè đã cố gắng ép nó tiêu số tiền của nó như bạn bè nó muốn? Bà mẹ cảm thấy rằng bạn nó thúc nó làm một điều mà không phải là công việc của cô ta. Thật ra, bà mẹ nên để ý đến công việc của mình và để Huệ Mỹ chi dùng tiền của cô như cô thấy là thích hợp. Trách nhiệm của bà mẹ là giữ vững số tiền cung cấp đó, và không trả thêm cho cô Huệ Mỹ nếu cô ta không khôn ngoan trong việc chi tiêu số tiền của cô. 

Dĩ nhiên, nếu chúng ta thấy con cái phát triển giá trị sai lầm, chúng ta có thể có sự thảo luận thân thiện. Tuy nhiên, điều nầy phải được làm trong cách thế không có sự phê bình, vì sự phê bình chỉ làm cho đứa trẻ càng bám chặt vào sự đánh giá của nó mà thôi. “Bố mẹ lấy làm lạ không biết con đã suy xét kỹ lưỡng chưa? Hoặc con đã suy nghĩ cẩn thận về điều đó chưa? Hoặc làm cách nào con dám tin rằng nó sẽ thành công?” Hãy cung cấp một lối mở cho sự thảo luận mà không làm cho đứa trẻ có phản ứng nổi loạn tức khắc. Điều quan trọng là trình bày tất cả những bộ mặt, cho dầu nhiều cái không được chấp nhận đối với chúng ta, vì sự khách quan thì thiết yếu đối với bất cứ sự đánh giá nào. Vậy, cùng với con cái, chúng ta có thể khám phá ra những giá trị có lợi ích lớn lao cho bây giờ và trong tương lai. 

Lm. Lê văn Quảng, tiến sĩ tâm lý

VỀ MỤC LỤC
ĐEM CHÚA VÀO CUỘC ĐỜI MÌNH

Sau biến cố 11tháng 9 năm 2001 tại Mỹ, con gái của một vị giảng thuyết nổi tiếng được mời trả lời phỏng vân trên truyền hình và người hướng dẫn chương trình đã hỏi cô ta như sau:

Tại sao Thiên Chúa lại có thể để xảy ra một thảm họa khủng khiếp như vây ?

Câu trả lời của thiếu nữ này thật là thâm thúy.

“Tôi nghĩ là Thiên Chúa rất buồn vì điều đó, ít nhất là Ngài cũng buồn bằng chúng ta.

Từ bao năm nay, chúng ta đã yêu cầu Ngài đi ra khỏi trường học, khỏi chính phủ và khỏi đời sống của chúng ta.

Ngài là người 'quân tử' nên đã lẳng lặng rút lui.

Làm sao chúng ta có thể mong Chúa ban ơn lành và che chở chúng ta khi chúng ta đã khẩn thiết xin Ngài để mặc chúng ta một mình ?

Về những biến cố mới xảy ra như tấn công khủng bố, bắn giết trong trường học, chiến tranh ..., tôi nghĩ rằng mọi sự đã bắt đầu với Madeleine Murray O’Hare, khi bà ấy than phiền là không nên đọc kinh trong trường học nữa. Và chúng ta đã đồng ý.

Rồi lại một người khác lại có ý  kiến là chúng ta không nên đọc Kinh Thánh nơi trường học, cũng chính quyển Kinh Thánh trong đó dạy chúng ta:  'Chớ giết người, chớ trộm cắp, yêu thương tha nhân như chính bản thân mình, v.v.', và chúng ta cũng đã đồng ý.

Sau đó bác sĩ Benjamin Spock lại nói là chúng ta không được đánh con cái mình khi chúng làm gì xấu, vì chúng ta có thể làm sai lệch nhân cách bé nhỏ của chúng và làm cho chúng không biết tự quý trọng bản thân mình nữa. Con trai của chính vị bác sĩ ấy khốn thay đã tự tử. Người ta lại nói rằng một chuyên viên chắc chắn phải biết mình nói gì, còn ông ấy nói với chúng ta điều gì thì chẳng quan trọng, và chúng ta cũng đồng ý luôn.

Bây giờ chúng ta lại tự hỏi là tại sao con chúng ta lại không có lương tâm, tại sao chúng không phân biệt được thiện ác, và tại sao chúng ta có thể nhẫn tâm giết chết một người lạ, một người thân hay chính mình.

Có thế sau khi suy nghĩ chín chắn, chúng ta đi đến kết luận : chúng ta gieo nhân nào thì sẽ gặt quả ấy.

Thật kỳ lạ là con người có thể vứt bỏ Chúa một cách dễ dàng rồi sau đó lại tự hỏi tại sao thế giới biến thành địa ngục. 

Thật kỳ lạ là chúng ta lại có thể tin những gì báo chí nói mà lại nghi ngờ những gì Kinh Thánh nói.

Thật kỳ lạ là chúng ta gửi cho nhau những chuyện vui cười qua email và chúng được truyền đi tiếp như lửa rơm, nhưng khi gửi những thông điệp về Chúa thì chúng ta lại đắn đo suy nghĩ trước khi gửi đi tiếp. 

Bạn cười à?

Thật kỳ lạ là khi bạn gửi đi thông điệp này, có thể bạn không gửi đi cho nhiều người lắm trong danh sách của bạn, vì bạn không biết họ có tin Chúa không hoặc họ sẽ nghĩ gì vể bạn.

Thật kì lạ khi chúng ta lại lo sợ người đời nghĩ sao về chúng ta hơn là những gì Thiên Chúa nghĩ về chúng ta. Hãy chia sẻ thông điệp này nếu bạn nghĩ nó đáng đáng gửi đi. Nếu không, bạn cứ vứt nó đi, cũng chẳng ai biết đâu.

Nhưng nếu bạn cắt đứt chuỗi suy nghĩ này, thì đừng than phiền về tình trạng tồi tệ của thế giới chúng ta đang sống nhé!

Không rõ tác giả

VỀ MỤC LỤC
DẤU THÁNH GIÁ VÀ CÔ HOA HẬU.

 

Nhan sắc là do Chúa ban, tôn vinh nhan sắc chính là tôn vinh những công trình sáng tạo của Thiên Chúa.

Buổi tôn vinh nhan sắc trong đêm chung kết 14/7 của Hoa hậu hoàn vũ 2008 ở  Nha Trang đã khép lại từ lâu, nhưng nhiều ấn tượng đẹp đẽ vẫn còn đọng lại.

Chiếc vương miện bằng vàng 18K được kết với 1000 viên đá quý trị giá 120.000 USD đã có chủ, đó là người đẹp Dayana Mendoza, 22 tuổi, quốc tịch Venezuela, một đất nước của những Hoa hậu, vì trước Dayana đã có 4 người đẹp đăng quang vào các năm 1979, 1981, 1986 và 1996.

Hoa hậu của đại diện chủ nhà Việt nam Nguyễn thuỳ Lâm đã được xếp hạng trong tốp 15, những người đẹp nhất thế giới. Đây quả là một thắng lợi lớn, vì lần đầu tiên có mặt ở một giải danh giá, lại chỉ có chưa tới nửa tháng để chuẩn bị, đang khi người ta phải có hàng năm trời để tập tành và rèn luyện các kỹ năng. Như thế, làm sao tránh được những lúng túng, cập rập. Chưa nói đến sự chênh lệch khá rõ về sắc vóc và hình thể, so với thí sinh các nước.

Đêm thi chung kết với 80 người đẹp. Quả thật mỗi người mỗi vẻ, nhưng chắc chắn không thể 10 phân vẹn mười, vì dù đang ngồi xem Hoa hậu hoàn vũ trình diễn, nhưng vẫn nghe có những tiếng chép miệng phê bình : “ Sao xấu thế mà cũng là Hoa hậu”. Nhưng đó chỉ là chép miệng cho vui vui, thế thôi, vì ai cũng biết cái Đẹp luôn là một cái gì rất tương đối, tuỳ cảm nhận mỗi người và cũng tuỳ theo từng nền văn hoá khác nhau. Và thực tế họ đang là những người đẹp nhất, xứng đáng nhất để đại diện cho đất nước của mình.

Với 80 người đẹp cùng với 80 truyền thống và 80 nền văn hoá khác nhau đã cùng tụ lại một điểm, để cùng giao lưu gặp gỡ và cũng là cùng tranh tài phân định ngôi vị thấp cao. Một dịp như thế quả là hiếm, vì dễ tạo ra sự háo hức cùng với nhiều niềm vui. 

Lần đầu tiên, hình ảnh con người, đất nước và văn hoá Việt nam được quảng bá đến 174 nước và vùng miền thế giới. Quảng bá chỉ trong vòng 9 phút trên kênh truyền hình NBC, những hình ảnh ấy đã được chiếu xen kẽ và lập lại nhiều lần cho hơn 1 tỷ người xem. Chỉ có 9 phút thôi, nhưng đành phải tạm hài lòng vậy, vì đến lúc này, vẫn còn rất nhiều người không biết Việt nam ở chỗ nào trên trái đất.

Đăng quang của Hoa hậu Dayana được giới truyền thông ca ngợi là chiến thắng của nhan sắc và trí tuệ. Quả thật, trước đó cô đã bị mất điểm trong 2 vòng thi trang phục dạ hội và áo tắm. Nhiều người đi theo để ủng hộ cô đã tỏ ra bồn chồn lo âu, dù trước đó, cô luôn được đánh giá rất cao từ  phía khán giả và Ban tổ chức.

Và thật bất ngờ, cô đã có một sự bứt phá ngoạn mục trong phần thi ứng xử đầy thuyết phục. Vị Giám khảo khó tính đã hỏi cô :

“ - Đàn ông hay phụ nữ có cuộc sống dễ dàng hơn. Và tại sao ?”.

     Cô đã trả lời một cách thật hồn nhiên và đầy hình ảnh :

“ - Thượng đế đã tạo ra chúng ta để chia sẻ những khó khăn, nên khó thể nói ai sống dễ hơn ai. Chỉ có những khác biệt mà thôi. Trước khó khăn, đàn ông thường đi đường thẳng, nhằm giải quyết nhanh nhất. Còn phụ nữ hay chọn đường vòng, rồi chia nhỏ những khó khăn ấy ra, và do vậy, có khi phụ nữ  lại là người tỏ ra thực tế hơn”.

Ngay lập tức, câu trả lời thông minh và sinh động ấy đã nhận được những tràng pháo tay đầy phấn khích và nồng nhiệt tán thưởng  của không chỉ Giám khảo, nhưng của toàn thể rất đông cử toạ trong khán phòng lúc ấy.

Câu trả lời đã giúp cô có một chiến thắng thật xứng đáng và đầy ấn tượng.

Nhưng ấn tượng đẹp nhất mà nhiều người còn giữ về cô Hoa hậu khả ái này, chính là Dấu Thánh giá cô đã làm trước khi Ban giám khảo công bố kết quả sau cùng. Trả lời phỏng vấn sau buổi tiệc mừng đăng quang, cô cho thấy một tư chất rất thông minh và đầy cá tính của mình .

- Cô có bất ngờ không, khi đoạt được danh hiệu Hoa hậu hoàn vũ ?

Xúc động thì nhiều, nhưng bất ngờ thì không, vì chúng tôi đã chuẩn bị cho cuộc thi này hết sức chu đáo, và tôi luôn tin rằng, sẽ đạt được một điều gì đó với cuộc thi này. Điều gì đó có được, chính là nhờ những chuẩn bị chu đáo ấy.

Cô đã có một sự tự tin thật hiếm hoi, nhưng mọi người đều thấy cô đã cầu nguyện…. (?!)

- Đúng ! tôi đã làm dấu Thánh giá cầu nguyện, vì quá xúc động và cũng vì chiến thắng đang đến quá gần. Tôi và cô bạn cùng cầu nguyện (lúc đó chỉ còn lại 2 người). Các bạn có biết chúng tôi đã cầu nguyện điều gì không ? 

Rồi cô cười rất hồn nhiên và nói 1 tràng tiếng Tây ban Nha để nói lên điều đã cầu nguyện ấy (mà không tự dịch lại tiếng Anh, như  những câu trả lời trước.)

Nhân danh Cha và Con và Thánh thần.

Chỉ giản dị như thế, nhưng không phải ai làm dấu thánh cũng chỉ để cầu xin được chiến thắng một cách ích kỷ tội nghiệp, vì niềm vui chiến thắng của tôi lại chính là nỗi buồn thất bại của anh, nụ cười của tôi sẽ là nước mắt nơi người khác.

Song dấu thánh giá chính là sự phó thác sau khi đã làm hết sức, nhằm vượt qua bản thân để chiến thắng chính mình, còn chuyện được thua hoặc còn mất thì xin phó thác cho Thượng đế trên Trời cao..

Dấu Thánh giá là một tuyên xưng niềm tin qua một cử chỉ đơn sơ. Tuyên xưng ấy có thể công khai cả triệu triệu người nhìn thấy, nhưng cũng có thể âm thầm kín đáo chẳng ai hay, song chỉ cần Chúa biết đã là quá đủ. Tuyên xưng niềm tin là điều luôn cần, song cũng phải tuỳ nơi, tuỳ người và tuỳ vào hoàn cảnh nữa.

Dấu thánh giá cũng chính là sức mạnh, một sức mạnh chỉ có từ sự hiệp thông đồng cảm . Đồng cảm giữa con người. Hiệp thông với cả Trời cao.

Xin cám ơn nhiều lắm cô Hoa hậu Dayana, nhưng phải cám ơn nhiều nhất về Dấu thánh giá mà cô đã thể hiện trước hàng tỷ người thế giới.

Một dấu thánh giá đã làm nhiều người hãnh diện và chợt thấy lòng mình rất ấm . 

Cuộc thi Hoa hậu đã qua từ lâu lắm, nhiều ấn tượng đã để lại, cả ấn tượng đẹp và không đẹp, cả danh tiếng và tai tiếng, song hôm nay vẫn muốn ghi lại, vì thấy chúng ta đang có quá nhiều cuộc thi nhan sắc, nhưng phần ứng xử của các người đẹp trong các cuộc thi này, nó ngô nghê, buồn cười và nhiều khi biến thành tội nghiệp.

Nếu chẳng may, những nhan sắc kia mà trúng tuyển để đại diện Việt Nam đi đó đi đây, thì tội nghiệp người Việt Nam biết mấy .

Xuân Thái .

VỀ MỤC LỤC
SỰ cỘng tác cỦa CON ngưỜi 

Tác Phẩm CHÚA VẪN THƯƠNG

Lm. MICAE-PHAOLÔ TRẦN MINH HUY pss

Phần hai

BẠn cỘng tác vào Chương trình CỨu ĐỘ cỦa Thiên Chúa

3. SỰ cỘng tác cỦa CON ngưỜi 

Chúa chờ đợi sự cộng tác của bạn

Bạn hãy xem bạn như một chi thể của Chúa và hành động như chi thể của Chúa, với ý thức những giới hạn cá nhân, những bất lực của bạn. Bạn hãy cầu nguyện, hiến dâng và lãnh nhận như chi thể của Chúa. Cái quan trọng là sự nối kết trung thành và quảng đại với Chúa. Bạn nghĩ thế nào nếu tia sáng cắt đứt với mặt trời, dòng sông quay đi khỏi nguồn, ngọn lửa tách ra khỏi bếp lửa?

Bạn hãy làm việc cho Chúa, bạn là tôi tớ của Chúa và tốt hơn thế, bạn là chi thể của Chúa. Nhưng thực tế ra thì bạn làm việc cho bạn nhiều hơn là bạn hành động cho Chúa. Không có gì làm cho Chúa phải mất đi.

Bạn hãy thông hiệp với tư tưởng của Chúa. Ý tưởng Chúa có về con người và các biến cố đầy chú trọng và yêu thương sẽ giúp bạn thêm lòng kính trọng và quí mến chúng. Một ngày kia bạn sẽ đánh giá con người và sự vật khác sự đánh giá của bạn bây giờ. 

Nhiệm thể của Chúa lớn lên nhờ tình yêu. Bằng gương sáng, lời nói và viết lách, bạn hãy nỗ lực đem yêu thương vào trái tim con người mỗi ngày một hơn. Hãy luôn coi điều đó là đối tượng lời cầu nguyện, hy sinh và hoạt động của bạn. Chúa điều khiển mọi sự, nhưng Chúa cần sự cộng tác tích cực của bạn và sự tự do đón nhận của con người.

Chúa chờ đợi thế gian tự do đến với Chúa, chấp nhận gặp Chúa và nối kết khổ đau không rời của thân phận làm người với khổ đau Chúa đã chịu vì nó trong chuỗi ngày trần thế, nhất là trong Vườn Dầu và suốt cuộc khổ nạn. Chúa chờ đợi nó kết hợp lời cầu nguyện của nó với lời cầu nguyện của Chúa, tình yêu của nó với tình yêu của Chúa. 

Cái gì ngăn cản thế gian đến với Chúa, nghe Chúa đang dịu dàng kiên trì kêu gọi nó? Chính tội lỗi đã làm chậm bước chân nó. Chính là đầu óc ham chuộng hình thức bề ngoài, thiếu chú tâm, vắng suy nghĩ, quay cuồng của cuộc sống, những công việc, những tin tức, những liên hệ. Chính sự thiếu tình yêu mà thế gian đang khát. Miệng nó nói luôn đến tình yêu, nhưng thường tình yêu của nó chỉ là nhục dục, ích kỷ và hận thù.

Chúa chờ đợi thế gian để chữa lành nó, thanh tẩy nó và thiết lập lại nơi nó ý niệm đích thực về các giá trị. Nhưng Chúa cần đến những trợ lực. Vì vậy mà Chúa cần đến bạn. Chúa cần những con người chiêm niệm giúp Chúa nhận chìm tội lỗi bằng cách kết hợp đời sống cầu nguyện, làm việc, yêu thương và đau khổ của họ với đời sống và hiến tế cứu độ của Chúa. Chúa cần những người chiêm niệm biết kết hợp ơn gọi của mình với lời cầu nguyện của Chúa, để xin cho được những nhà truyền giáo, những nhà đào tạo thiêng liêng tràn đầy Thánh Thần mà thế gian đang khao khát một cách vô ý thức. 

Điều quan trọng không phải làm nhiều mà là làm tốt

Và để làm tốt thì cần phải yêu nhiều. Muốn nên thánh cần phải can đảm và khiêm tốn, vì Chúa chẳng muốn làm gì không có bạn và nếu không có Chúa thì bạn chẳng làm được gì. Chúa là dòng sông thanh tẩy, thánh hóa và khi đổ vào đại dương Ba Ngôi, lại thuần hóa tất cả những gì tốt đẹp hơn trong con người được tình yêu cải hóa.

Chính vì vậy, bạn phải đổ vào trong Chúa tất cả những cái gì bạn làm, tất cả những gì là bạn. Và bạn cũng phải dẫn đến Chúa tất cả anh chị em của bạn: tội lỗi của họ để Chúa tha thứ, niềm vui của họ để Chúa thanh tẩy, lời cầu nguyện của họ để Chúa quan tâm, công việc của họ để Chúa thêm giá trị chúc tụng Chúa Cha và đau khổ của họ để Chúa thông cho sức mạnh cứu độ. 

Chúa đang ở trong tình trạng tăng trưởng liên tục, xét về phẩm cũng như về lượng. Nơi một số người, ơn thánh của Chúa phong phú, hiện diện của Chúa mạnh mẽ, họ sống thân mật với Chúa và làm chứng tình yêu Chúa cho anh chị em mình. Nơi số khác đông hơn, Chúa phải chờ đợi lâu mới được họ tỏ dấu ưng thuận, nhưng lòng nhân hậu của Chúa vô tận và Chúa sẽ vào ngay khi tìm được ở đó, dù chỉ một chút lòng tốt và khiêm tốn. Vì vậy mà Chúa hài lòng là bạn không lo âu về những “lộn xộn” trong Giáo Hội. Có những cái rõ ràng ra bên ngoài như dòng sóng để lại sau đuôi tàu trên đại dương, có những cái thầm lặng sâu xa hơn trong lương tâm con người, với những hoàn cảnh giảm khinh biện minh cho thái độ chống đối của họ. 

Hãy gieo rắc tinh thần lạc quan ở chung quanh bạn

Chúa muốn bạn làm việc, chiếu tỏa ánh sáng của Chúa bằng lời nói, viết lách và nhất là bằng chứng tá một cuộc sống biểu lộ một Thiên Chúa Tình Yêu và quy tụ lại trong Ngài hầu đi đến sự sống hạnh phúc vĩnh cửu. Nhưng trước hết và trên hết, hãy có lòng Trông Cậy. Chúa luôn luôn có mặt là Đấng chiến thắng vĩnh viễn. 

Bạn đừng làm phức tạp đời sống thiêng liêng của bạn

Bạn hãy dâng mình cho Chúa một cách hết sức đơn sơ, đúng thực trạng của bạn. Hãy ở với Chúa không mây che, không bóng tối. Bấy giờ Chúa sẽ lớn lên trong bạn và đi qua bạn một cách dễ dàng hơn. 

Thế gian đang đau khổ lắm, vì thiếu những nhà đào tạo thiêng liêng, nhất là những người phải hướng dẫn và huấn luyện. Nhưng nhà đào tạo thiêng liêng đích thực phải là người khiêm tốn chạy đến xin Ánh Sáng Chúa trợ giúp và đem Phúc âm vào trong tất cả cuộc sống mình bằng sự miệt mài chiêm ngắm các mầu nhiệm của Chúa. Chúa cần nhiều những tông đồ và những chứng tá hơn là những nhà xã hội học hay thần học mà không cầu nguyện bằng cái thần học của mình và không sống phù hợp với điều mình giảng dạy. 

Quá nhiều người, nhiều linh mục hiện nay kiêu ngạo tưởng rằng mình được giao quyền canh tân Giáo hội Chúa thay vì canh tân chính bản thân và khiêm tốn huấn luyện chung quanh họ những môn đệ trung thành, không phải với cái họ suy nghĩ, mà phải với cái Chúa suy nghĩ. Chúa đã chiến thắng thế gian, sự dữ, tội lỗi, hỏa ngục, nhưng để chiến thắng của Chúa được thừa nhận, nhân loại được tự do chấp nhận ơn cứu rỗi Chúa mang đến. Điều đó còn tùy thuộc sự sẵn sàng của các linh hồn Chúa tuyển chọn. 

Chúng ta hãy cùng nhau tập trung mọi nỗ lực và mọi bước đi chập chễnh của nhân loại hướng về Chúa. Hãy liên kết lời cầu nguyện, những cố gắng dù không rõ rệt, những hành động tốt dù không hoàn hảo, những niềm vui ít nhiều pha trộn, những đau khổ được đón nhận nhiều hay ít của họ khi Giờ Sự Thật điểm, và nhất là cái chết của họ nối kết với cái chết của Chúa. Và chúng ta hãy cùng nhau xin thêm cho họ lòng khao khát chạy đến với Đấng duy nhất ban cho họ bí quyết bình an và hạnh phúc đích thực. 

Không có gì là tầm thường, là nhỏ bé khi bạn làm việc hay đau khổ kết hợp với Chúa. Chúa nhìn thấy mọi linh hồn liên kết với bạn. Chúa thấy những khổ đau của họ, những nhu cầu họ cần Chúa giúp đỡ qua bạn. Chúa thích nghi cuộc sống bạn trong kế hoạch của Chúa cùng với những cần thiết hiện tại của nhân loại, để rút ra điều tốt từ trong cái xấu và tỏa chiếu tình yêu, ngay cả ở những nơi sự ác hay sự dốt nát của con người gây cản trở. 

Thế giới của người kitô hữu quá máy động, quá hướng ngoại, ngay cả nơi nhiều linh mục và tu sĩ. Tuy nhiên trong mức độ người ta tiếp đón Chúa, ước ao Chúa, cố gắng mở rộng lòng cho tình yêu Chúa mà đời sống kitô hữu và đời sống tông đồ được đầy niềm vui và phong phú. 

Mỗi người có một con đường riêng cho mình

Nếu bạn trung thành, Chúa sẽ cùng bước đi với bạn. Nếu bạn mời Chúa ở lại với bạn, bạn sẽ nhận ra Chúa qua những chi tiết tầm thường nhất của cuộc đời bạn và lòng bạn sẽ cháy lửa yêu mến Chúa và tha nhân. Bạn hãy đem vào trong bạn cả nhân loại đau khổ và hãy ném vào Chúa những khốn cùng của thế gian. Bạn sẽ giúp Chúa sử dụng chúng để mở nhiều con tim bị đóng kín mít. Chúa có nhiều phương thế giúp làm việc đó, nhưng cái Chúa cần là sự thầm lặng kết hợp với Chúa, trong niềm vui cũng như trong đau khổ. 

Có nhiều khả năng làm điều thiện giữa những người trẻ mà người ta không ngờ. Cái mà họ đang cần là được lắng nghe và làm việc nghiêm túc.

Biết bao nhiêu khiếm khuyết trong việc đào tạo họ! Số đông trong họ đang đặt ra những vấn đề, họ muốn suy nghĩ và họ sung sướng khi được hiểu, được cảm thông. Hãy nghĩ đến hàng triệu triệu người trẻ sẽ làm nên thế giới ngày mai, họ đang tìm kiếm Chúa, dù ý thức nhiều hay ít. Bạn hãy năng dâng họ cho hoạt động của Chúa Thánh Linh. Dù họ không biết Ngài mấy, nhưng hoạt động chiếu sáng và dịu dàng của Ngài xâm nhập vào họ và hướng dẫn họ xây dựng một thế giới huynh đệ hơn. 

Thời gian sáng tạo, tổ chức và thực hiện không còn cho bạn nữa. Nhưng Chúa dành cho bạn một sứ mạng kín đáo mà nhiều người trẻ sẽ được hưởng nhờ và múc lấy sức mạnh hăng hái. Sứ mệnh bên trong và vô hình này là làm cái gạch nối hiệp thông giữa Chúa và họ, là mang lại cho họ những ơn cần thiết để làm việc tông đồ hữu hiệu.

VỀ MỤC LỤC
ÂM THANH ỒN: Ô NHIỄM VÔ HÌNH  

 

Ngày 22 tháng 8 năm 2007, tập san kỹ thuật khoa học New Scientist có bài viết như sau:

 

“Cụ Frank Parduski có lẽ là liệt sĩ đầu tiên trên thế giới chống lại với âm thanh quá ồn. Cụ mất ngày 5 tháng 6 tại Landcaster, tiểu bang Pennsylvania, trong khi cố gắng làm giảm tốc độ xe gắn máy của một thanh niên 19 tuổi lượn qua lượn lại trước căn nhà cụ đang trú ngụ. Bị xe đụng, hất ra xa tới 10 thước, lão nhân 82 tuổi thiệt mạng tại chỗ với nhiều thương tích.

 

Cái chết của cụ là hậu quả của sự bất mãn với những âm thanh không muốn.

 

Theo cơ quan Y tế Thế Giới, cả nhiều ngàn người khác khắp thế giới sớm mệnh một hoặc không chống nổi với bệnh tật vì hậu quả kín đáo của các loại tiếng động.

 

Qua nghiên cứu sơ khởi, cơ quan Y tế Thế giới gợi ý rằng tiếp xúc lâu ngày với tiếng động trên trục lộ giao thông có thể là nguyên nhân đưa tới 3% tử vong vì nhồi máu cơ tim ở Âu châu, tiêu biểu là cơn suy tim (heart attack)”. 

 

Từ Việt Nam, ký giả Văn Dũng, điện báo Dân Trí ngày 3 tháng 5, 2008 loan tin:

 

“Tại trường Trung học Hương Khê, Hà Tĩnh, ve đậu kín cây bàng và phượng. Tiếng ve kêu quá mức đã ảnh hưởng ít nhiều đến cả thầy và trò.

 

Một giáo viên cho biết, đúng thật là chúng tôi đang khổ vì tiếng ve, vào lúc cao điểm tiếng ve kêu to hơn cả giọng giảng bài của thầy cô.

 

Nhiều cư dân thị trấn Hương Khê cũng bày tỏ sự mệt mỏi vì tiếng ve.

 

Bà Lê Thị Thảo, một người bán nước giải khát bên hồ Bình Sơn than: “Đau đầu qúa, cứ mở mắt ra là nghe tiếng ve. Chúng kêu suốt ngày”.

 

Một người khác cho biết “Có tiếng ve cũng vui tai, nhưng cứ mật độ như chúng kêu hiện nay thì thật sự rất đau đầu. Có hôm nghỉ trưa không được, bực bội quá bọn tôi phải dùng gậy xua đuổi”.  

 

Đây là vài tin tức đáng để mọi người lưu tâm.

 

Họa sĩ kiêm nhà soạn nhạc tài danh nước Ý Luigi Russolo (1885-1947) đã kêu lên “Vào thời cổ đại, chỉ có sự tĩnh mịch.Tới thế kỷ thứ 19, với sự phát minh cơ khí, Tiếng Ồn xuất hiện. Ngày nay, Tiếng Ồn đã chiến thắng và ngự trị trong sự nhạy cảm của loài người”.

 

Thực vậy, kể từ khi có cuộc cách mạng kỹ nghệ vào đầu thế kỷ trước, âm thanh phiền nhiễu, không muốn đã thường xuyên xâm nhập, quấy rầy đời sống con người hơn bao giờ hết.

 

Hai ba giờ sáng đang mơ màng giấc điệp là bừng tỉnh vì tiếng chó hàng xóm sủa ma om sòm, tiếng rồ máy xe của ai đó đi làm sớm.

 

Rồi tiếng xe quần quật chạy trên đường phố, tiếng rầm rầm từ nhà máy, tiếng xé bầu không khí của phản lực cơ cất cánh, tiếng chọc thủng lỗ tai của nhạc rock, nhạc rap…

 

Tối về căn nhà êm ấm thì đã vang lên tiếng TV, tiếng máy giặt, máy hút bụi, sấy tóc.

 

Ôi thì đủ thứ tiếng ồn ào tự do lên bổng, xuống trầm.

 

Liên Hiệp Quốc cũng như nhiều quốc gia đã nghiên cứu hậu quả này và đưa ra các biện pháp để đối phó. Như là đã đối phó với ô nhiễm hóa chất, với khói thuốc lá do người khác hút…

 

Tiến sĩ Alan Gertner, giáo sư về đối thoại và khiếm khuyết thính giác Đại học Kean, New Jersy có ý kiến: “Tiếng ồn là âm thanh mà ta không lựa chọn để nghe. Ngoài sự quấy rầy, tiếng ồn còn là mối đe dọa cho thính giác, sức khỏe thể chất và bình an tinh thần”.

 

Vậy thì xin cùng tìm hiểu về câu chuyện âm thanh không muốn này. Vâng, chỉ nhấn mạnh ở chữ “không muốn” mà cứ “vô tư” ra vào lỗ tai.

 

Và chỉ lướt qua một mẩu nhỏ xíu trên phần nổi của núi băng trôi tiếng ồn. Vì có quá nhiều nghiên cứu về vấn nạn.

 

Âm thanh là gì?

 

Âm thanh là một sự xáo trộn sức ép xuất phát từ một vật rung động và truyền lan qua các phân tử của môi trường đàn hồi như nước, không khí, chất đặc. Sự rung động này làm các phân tử không khí ở xung quanh xô đẩy tới lui, tạo ra các đợt sóng âm thanh mà khi tới tai ta có thể nghe được. Rung động sẽ được các tế bào lông ở tai trong chuyển thành kích thích điện năng, theo dây thần kinh thính giác lên não để nhận diện ra loại âm thanh.

 

Sự rung động càng nhanh thì âm thanh càng cao và ngược lại khi rung động chậm, âm thanh nhỏ hơn.

         

Đơn vị đo cường độ âm thanh là decibel (dB).

 

Âm thanh của cuộc nói chuyện thân mật là 50dB. Hoàn toàn tĩnh lặng là 0dB mà 130dB là âm thanh ồn ào tới mức độ có thể gây ra đau đớn, khó chịu cho tai.

 

Âm thanh hậu trường trong thành phố thường là 70dB, còn một ban nhạc rock có âm thanh trung bình 110dB.

 

Phản lực cơ cất cánh, tiếng còi xe cứu hỏa có cường độ tới trên 140dB.  

 

Hơi thở có cường độ kín đáo là 10dB trong khi đó tiếng lá thu sào sạc rơi là 20dB.

 

Trong nhà, tiếng động bình thường là 40dB, nhưng khi hút bụi âm thanh lên tới 75dB, gây ra trở ngại cho mọi cuộc đối thoại.

 

Âm thanh lên tới 160-170 dB gây điếc hoàn toàn, dù chỉ một lần nghe.

 

Âm thanh cũng cần có tần số thích hợp, đo bằng đơn vị Hertz. Đây là số lần mà sóng âm thanh đi qua một điểm trong 1 giây đồng hồ.

 

Khi sinh ra, con người nghe được từ 16,000-30,000 hertz. Tới tuổi 12, thính lực giảm xuống 20,000 hertz. Từ tuổi 50 trở đi, thính lực còn lại khoảng 400 hertz và âm thanh có tần số cao thường bị ảnh hưởng trước. Đó là sự thoái hóa tự nhiên của thính giác.

 

Ngoài cường độ lớn nhỏ và chu kỳ của tiếng động, thời gian, nơi xuất phát, kéo dài lâu hay mau và tâm trạng người nghe lúc đó.

 

Chẳng hạn đang ngủ ngon giấc vào 2 giờ sáng mà nghe tiếng nhạc rên rỉ, dù rất nhỏ, rất “mùi mẫn” xuyên qua bức vách mỏng từ nhà bên cạnh, chắc là bực mình lắm.

 

Tiếng cười trẻ em nô đùa ngoài sân trường khiến nhiều người vui nhưng nếu chúng ồn ào chạy vào thư viện thì nhiều người sẽ cau mày, nhăn mặt.

 

Muốn nghe được, rung động phải có một môi trường để di chuyển từ nguồn xuất phát tới tai. Nước là môi trường truyền mang âm thanh rất tốt nhưng đa số âm thanh ta nghe truyền trong không khí.

 

Âm thanh có thể nhẹ nhàng, thanh thoát như tiếng nói êm dịu, tiếng “nhạc vàng” rót vào tai nhưng cũng có thể ồn ào, chát chúa gây khó chịu như tiếng phi cơ bay, búa đập trên kim loại.

 

Ô nhiễm tiếng động có tính cách giai đoạn vì sau khi không còn nguồn gây ra tiếng động thì không gian trở lại im lặng. chứ không phảng phất tồn tại như hóa chất, hơi độc.

 

Ý nghĩa của tiếng động cũng thay đổi tùy người.

 

Với tay đua xe hơi thì tiếng dộng cơ rú mạnh tạo ra cảm hứng phấn khởi, kích thích nhưng với người khác thì lại cho là ồn ào.

 

Cùng ban nhạc kích động, người ưa thích thì nhún nhẩy thưởng thức mà người khác lại bịt tai kêu nhức đầu. Riêng với Moliere (1622-1673) thì “Trong số các tiếng ồn mà con người biết, opera là tiếng ồn cao giá nhất”

 

Âm thanh mang lại sinh động cho sự sống.

 

Không có tiếng nói, tiếng cười, giai điệu âm nhạc, tiếng chim kêu vượn hót thì con người sẽ rơi vào tâm trạng mất định hướng, lạc lõng xã hội, buồn tẻ.

 

Nhưng quá ồn, âm thanh lại gây ra nhiều rủi ro.

 

Hậu quả của âm thanh quá ồn

 

Theo nghĩa thông thường, Tiếng Ồn (Noise) là âm thanh không muốn. Đây là một loại ô nhiễm, những kích thích độc hại, không muốn, xâm nhập vào môi trường sinh sống của con người.

 

Tiếng Anh Noise có nguồn gốc Latin NOXIA, nghĩa là tổn thương hoặc đau đớn

 

Tiếng động không cần phải mạnh khiến kính vỡ, mái nhà tung nhưng ầm ì liên tục như tiếng của xe hơi di chuyển, tiếng từ nhà máy cơ khí, tiếng âm nhạc oang oang…

 

Theo Cơ quan Y tế Thế giới, các rủi ro của tiếng ồn là cảm giác đau và khiếm khuyết thính giác kể cả ù tai; khó chịu bực bội trong lòng; rối loạn cho hành vi xã hội như gây gổ, chống đối, cảm thấy bất lực; cản trở các cuộc đối thoại; rối loạn giấc ngủ với hậu quả lâu dài; tác hại tim mạch; tăng sản xuất hormon, ảnh hưởng tới hệ miễn dịch, sự tiêu hóa và ngay cả tới việc học của trẻ em, việc làm của người lớn.

 

Các ảnh hưởng này có thể xảy ra âm thầm, từ từ hoặc tức thì, tùy theo cường độ lớn nhỏ của tiếng ồn và thời gian tiếp xúc lâu, mau.

 

1- Ảnh hưởng tới tai

 

Ảnh hưởng của tiếng ồn lên thính giác đã được biết tới từ thuở xa xưa, khi người thợ rèn, thợ hầm mỏ hoặc người giựt chuông nhà thờ làm việc lâu năm với nghề của mình. Thính giác của họ giảm dần, rồi đưa tới “điếc đặc cán mai”.

 

Ngày nay, nguy cơ bị điếc vì tiếng động nghề nghiệp, môi trường gia tăng nhiều hơn.

 

Theo nhà nghiên cứu A.J. Hudspeth, Đại học Y khoa California, sự tiếp xúc lâu ngày với tiếng ồn mạnh sẽ “đẵn, cắt, gọt” tan hoang những tế bào lông ở tai trong -(chop, dice, hack apart)-. Các tế bào này sẽ bị bứng gốc, hủy hoại. Đây là những tế bào có nhiệm vụ thu nhận các đợt sóng âm thanh, chuyển lên não bộ để được nhận rõ đó là âm thanh gì và từ đâu phát ra.

 

Tiếng động mạnh cũng gây tổn thương cho dây thần kinh thính giác, đưa tới điếc tức thì và vĩnh viễn với cảm giác ù tai.

 

Tiếp xúc với tiếng động đột ngột và liên tục có thể gây ra mất thính lực tạm thời, nhưng thường thì thính lực trở lại bình thường sau 16-18 giờ khi không còn tiếng động.

 

Chỉ vì tiếng ồn quấy phá mà tại Hoa Kỳ, có khoảng 22 triệu người mất thính giác trong khi đó toàn thế giới có khoảng 120 triệu nạn nhân.

 

Ảnh hưởng của tiếng động lên tai tùy thuộc ở cường độ của tiếng động và số lượng thời gian tiếp cận với chúng. Hậu quả có thể tạm thời hoặc vĩnh viễn.

 

Nhiều khi cần nghe một tiếng động cực mạnh cũng đủ bị điếc vĩnh viễn, trong khi đó, nếu liên tục nghe những âm thanh trên 80-90 dB trong một thời gian lâu có thể gây ra giảm thính lực dần dần. Âm thanh càng to thời gian đưa tới điếc càng ngắn.

 

Tác hại của âm thanh khởi sự với cường độ 75 dB tương đương với tiếng ồn ào ở ngã tư nhiều xe cộ lưu thông. Theo cơ quan Bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ, cường độ 75dB là âm thanh cao nhất mà đa số người trưởng thành có thể chịu đựng được mà không sợ bị hư hại tai khi tiếp xúc 8 giờ một ngày trong 40 năm làm việc.

 

Lại còn những tiếng ồn mà ta tự ý tiếp nhận như là ngồi nghe nhạc hòa tấu ầm ầm tới 129dB thì chỉ 10 phút đã bị tổn thương thính lực; mang bộ nghe sát tai (headphone hoặc earphone), tiếng ồn có thể lên tới 135 dB dội trực tiếp vào màng nhĩ thì màng này phải mau rách.

 

Mất thính giác vì tiếng động thường xảy ra từ từ, không đau đớn. Mới đầu, không nghe được âm thanh có cường độ cao như tiếng chim hót, tiếng nói của phụ nữ hoặc trẻ thơ. Nếu tổn thương tiếp tục thì nghe âm thanh trầm như tiếng nói đàn ông bắt đầu bị ảnh hưởng.

 

Ngay sau khi nghe tiếng động cực mạnh, ta có cảm giác lờ mờ như hơi ù tai, đầy đầy, tiếng nói như xa ra. Cảm giác này kéo dài mươi phút rồi hết đi. Tuy nhiên, nếu tiếp tục nghe những tiếng động như vậy, thì điếc sẽ trở thành vĩnh viễn.

 

iPod, một sản phẩm thời trang hiện nay, cũng được chiếu cố vì “với cường độ gần 100dB, dụng cụ này dễ dàng đưa tới hư hao thính giác.

 

Một số dấu hiệu báo động:

 

- Cảm thấy ù tai, tai như đầy đầy khi rời nơi có nhiều tiếng ồn.

- Nếu vì tiếng động mà ta phải lên cao giọng để có thể nghe được.

- Nếu ta không nghe và hiểu điều mà một người đứng cách mình nửa thước nói

- Nếu người nào đó đứng cạnh mình mà nghe được âm nhạc phát ra từ bộ máy áp tai của ta

 

2- Ảnh hưởng tinh thần

 

Tiếng ồn gây bực mình tức giận, đôi khi sợ hãi vì đã chúng xâm lấn vào đời tư của con người.

 

Theo bác sĩ Tâm bệnh Jack C Westman, Đại học Wisconsin, tiếng quá ồn gây ra căng thẳng trong gia đình và là nguyên nhân của những gấu ó, cãi cọ. Điều này rõ ràng nhất là ở người làm việc nơi ồn ào, về nhà để tìm sự yên lặng thư giãn thì lại gặp những hỗn độn ồn ào gia dụng.

 

Và đang tỉ tê tâm sự mà tiếng máy bay như xé không gian, tiếng nhạc từ hàng xóm ong ỏng chĩa sang thì chắc là phải bực tức tràn hông

 

3- Rối loạn giấc ngủ

 

Nhiều nghiên cứu chứng minh tiếng ồn từ 35dB trở lên đã đủ để gây ra rối loạn cho giấc ngủ bình thường.

 

Tiếng động ban đêm tạo ra những cơn thức giấc bất thường và thay đổi chu kỳ các giai đoạn của giấc ngủ và gây khó khăn đi vào giấc ngủ.

 

Nhiều thức giấc bất thường sẽ đưa tới thiếu ngủ và hậu quả là sự mệt mỏi, bải hoải, buồn chán vào ngày hôm sau.

 

Tiếng ồn liên tục xẩy ra sẽ đưa tới tình trạng xấu cho sức khỏe, đặc biệt là với người tuổi cao, người đau ốm, mất ngủ kinh niên, hay bị trầm cảm, căng thẳng, phụ nữ có thai, người làm việc theo ca và trẻ em.

 

Tiếng động trong khi ngủ cũng làm tăng huyết áp, nhịp tim, co mạch máu ngoại vi và các cử động của cơ thể như dằn dọc giở mình, co chân duỗi tay.

 

Một điểm đáng lưu ý là trẻ em dường như có một cơ chế bảo vệ với tiếng động khi ngủ ban đêm, nên các cháu vẫn ngủ ngon, ít bị quấy rối thức giấc như người lớn. Tuy nhiên hệ thần kinh các cháu vẫn dễ bị ảnh hưởng và phản ứng.

 

Và cũng có nhiều người chỉ ngủ được khi có tiếng ồn. Họ bừng tỉnh, ngơ ngác khi tiếng ồn chấm dứt.

 

4- Với bệnh tim mạch

 

Tiếp xúc lâu ngày với tiếng ồn đưa tới thay đổi chức năng của hệ thần kinh tự chủ, làm tăng nhịp tim, huyết áp, sức cản mạch máu ngoại vi.

 

Khoa học gia Ying Ming Zhao và đồng nghiệp, Đại học Bắc Kinh, đã nghiên cứu hậu quả của tiếng động đối với hơn 1000 công nhân dệt vải và thấy rằng sau 5 năm tiếp cận, huyết áp của họ lên cao đáng kể.

 

Nghiên cứu của tiến sĩ Wolfgang Babisch, Đức Quốc,  cho thấy liên tục nghe tiếng ồn giao thông ở mức độ 70dB có thể tăng rủi ro bệnh nhồi máu cơ tim.

 

5- Với cơ quan nội tiết

 

Tiếng ồn xí nghiệp tăng sản xuất noradrenaline và adrenaline ở công nhân nhưng khi họ mang vật bảo vệ tai thì adrenaline trở lại bình thường. (A Cavatorta, Falzoi M).

 

Nghiên cứu tại Việt Nam do Nguyễn An Lương, Ayako Sudo, Hoàng Minh Hiển cũng tìm thấy kết quả tương tự ở công nhân xưởng dệt.

 

Thử nước tiểu ở người tiếp cận lâu ngày với tiếng xe cộ giao thông, Tiến sĩ Wolfgang Babisch, cơ quan bảo vệ môi trường Đức quốc và cộng tác viên nhận thấy lượng catecholamine tăng cao.

 

6- Ảnh hưởng trên sự học hỏi của trẻ em

 

Mặc dù chưa có bằng chứng xác đáng nhưng nhiều nhận xét, nghiên cứu cho thấy tiếng ồn ảnh hưởng tới sự học hỏi của con em.

 

Theo Sheldom Cohen, Đại học Oregon, trẻ em sống trong các căn phòng ở tầng thấp trong một cao ốc gần trục lộ giao thông có khó khăn tập đọc, làm toán, phân biệt chữ có âm tương tự, so với các em sống ở tầng trên cao, xa tiếng ồn.

 

Nghiên cứu do khoa học gia Peter Lercher, Đại học Innsbruck, Austria công bố trên tạp san Occupational and Environmental Medicine, học sinh các trường gần xa lộ ồn ào đều gặp khó khăn trong việc học hỏi, vì các em chia trí, bận tâm tìm cách gạt bỏ tiếng ồn khó chịu.

 

Nghiên cứu cho hay, tiếng ồn có thể ảnh hưởng tới bào thai còn trong lòng mẹ và thai nhi đáp ứng bằng tăng nhịp tim và chuyển động thân mình.

 

Một nghiên khác cho hay bà mẹ sống gần phi trường có tỷ lệ sanh non cao hơn.

 

7- Trên sự tiêu hóa

 

Donald Eric Broadbend, Anh Quốc, nhận thấy tiếng ồn cũng ảnh hưởng tới sự tiêu hóa với giảm co bóp của dạ dày, giảm dịch vị bao tử và nước miếng. May mắn là ta có thể quen với sự ồn ào đó và không gây ra thương tổn gì.

 

Chụp x-quang bao tử tại Ý Quốc cho thấy 65% những người tiếp cận lâu ngày với tiếng bị thương tổn dạ dày.

 

Etienne Grandjean, Viện Kỹ Thuật Thụy sĩ, cho hay tỷ lệ dân chúng sống gần phi trường lạm dụng thuốc cấm, dùng nhiều các loại thuốc như thuốc ngủ, chống acit bao tử, cao huyết áp nhiều hơn.

Nghiên cứu tại Anh nhận thấy dân chúng sống gần phi trường Heathrow nhập bệnh viện nhiều hơn.

 

8- Ảnh hưởng lên sự thi hành công việc

 

Tại nơi làm việc, tiếng ồn gây khó khăn cho sự đối thoại, giảm tập trung vào công việc và giảm sản xuất, tăng thương tích tai nạn. Theo Ci7 Quan An Toàn Nghề Nghiệp Hoa Kỳ (NIOSH), tiếng ồn tại nơi làm việc là rủi ro lớn cho sức khỏe

 

Kết quả nghiên cứu thực tế và trong phòng thí nghiệm cho thấy tiếng ồn nghề nghiệp có ảnh hưởng lên khả năng làm việc của công nhân. Họ sẽ bị chia trí, không tập trung vào các công việc có nhiều chi tiết hoặc công việc cần nhiều trí nhớ.

 

Nghiên cứu khác cho thấy tiếng ồn có thể giảm sự chính xác của công việc hơn là số lượng việc làm.

 

Theo giáo sư Stephen A. Stanfeld, Đại học Queen Mary-Luân Đôn, tiếng ồn ảnh hưởng tới sinh hoạt hàng ngày của con người: họ phạm lỗi lầm nhỏ trong khi làm việc, hay quên, đánh rơi vật dụng.

 

Theo Viện Quốc gia Sức khỏe và An toàn nghề Nghiệp Hoa Kỳ, công nhân tiếp xúc với âm thanh cường độ 75dB trong 3 năm sẽ làm tăng nhịp tim và nhịp thở và trong tương lai có thể gây ù tai, cao huyết áp, loét bao tử, tâm trạng bất ổn vì căng thẳng. Họ trở nên bẳn tính, khó chịu, hay gây gổ hơn là người làm việc nơi yên tĩnh. Họ cũng hay vắng mặt tại sở làm và tai nạn lao động cũng thường xảy ra.

 

Tuy nhiên cũng có nghiên cứu cho hay, âm thanh vừa phải kích thích sự hứng khởi khi đang làm một công việc có tính cách đơn điệu, đều đều.

 

9- Tương tác với căng thẳng, khó khăn khác

 

Hậu quả của tiếng ồn có thể gia tăng bởi vài rủi ro của sức khỏe đồng thời cũng có thể làm tăng ảnh hưởng của rủi ro này. Các rủi ro có thể là hóa chất, vật thể, hoàn cảnh xã hội môi trường.

 

10- Ảnh hưởng lên hành vi con người trong cộng đồng

 

Sống trong khu xóm ồn ào, nhiều tiếng động, con người trờ nên bực bội, giận giữ, khó chịu, hay gây gổ, ít giao thiệp với lối xóm.

 

David Glas và Jerome Singer cho biết tiếng ồn có ảnh hưởng rất nhiều lên con người dù là sau khi không còn tiếng ồn. Tiếng ồn bất ngờ có tác hại nhiều hơn biết trước.

 

Tiếng ồn dường như cũng khiến con người giảm đặc tính giúp đỡ và tăng sự hung hổ, gây hấn. Một quan sát cho thấy, khi đang định giúp nhặt một vật rơi cho người khác mà có tiếng ồn dội tới, thì động tác giúp đỡ này ngưng lại.

 

Kết luận

 

Văn hào Albert Camus có nhận xét: “Thế giới không bao giờ im lặng. Dù trong sự tĩnh mịch vĩnh cửu vẫn vang lên cùng nốt nhạc qua những rung động thoát khỏi tai ta. Với các rung động mà tai nhận được, chúng mang âm thanh đến cho ta, đôi khi là hợp âm nhưng không bao giờ là giai điệu du dương”.

 

Đối phó với các khách mời không muốn này là ngoài tầm tay của con người. Tuy nhiên, có một vài phương thức để bớt hậu quả ô nhiễm này cho bản thân, cho gia đình. Như là:

 

- Giảm thiểu tới tối đa sự tiếp xúc với tiếng động.

 

- Mang vật bảo vệ tai như cục bít tai (earplug) bằng vật liệu mềm. Nom giản dị nhưng các cục này giảm được tới 25dB. Luôn luôn mang earplug khi cắt cỏ, thổi lá, sử dụng máy khoan…

 

- Không nên sử dụng động cơ phát ra nhiều tiếng động cùng một lúc

 

- Nhắc nhở con em vặn nhỏ âm nhạc trong các máy cá nhân và giới hạn số giờ nghe

 

- Bảo vệ trẻ thơ đối với tiếng động quá lớn.

 

- Tránh âm thanh quá to và quá gần hoặc kéo dài quá lâu.

                             

Rồi hãy cùng nhau tránh gây ra tiếng động làm phiền lòng người khác:

 

- Âm thanh xé tai của chiếc điện thoại di động gây khó chịu cho nhiều người đang cần sự yên tịnh, vậy thì hãy xin điều chỉnh âm thạnh nhẹ hơn một chút

 

- Ráng đừng đánh thức hàng xóm láng giềng quá sớm với tiếng máy cắt cỏ, tiếng đóng đinh, tiếng quát mắng để họ được ngủ nghỉ thoải mái

 

- Huấn luyện để chú khuyển đừng gâu gâu không lý do, kẻo mà hàng xóm bực mình

 

- Nhiều người không thích nhạc mà mình đang nghe, vậy xin đóng cửa phòng để âm thanh đùng bay ra ngoài, gây khó chịu

 

- Trồng nhiều cây quanh nhà để vừa đẹp nhà vừa ngăn cách tiếng động.

 

Nếu nghi là bị giảm thính giác, đi khám bác sĩ chuyên môn ngay để được đo thính lực và khám bệnh

 

 Và lưu ý tới tiếng ồn mà mình có thể gây ra. Để tôn trọng cái quyền được sống trong tĩnh lặng, bình an của người khác.

 

Bác sĩ Nguyễn Ý-Đức

 
VỀ MỤC LỤC
LÀM CHỒNG  Chuyện phiếm của Gã Siêu 

 

Ối giời ơi là giời !

Tại sao trên cõi đời này, người ta lại bỏ ra nhiều công sức, nhiều thời gian, nhiều bút giấy để mà ca tụng phe đờn bà con gái đến thế ? Cánh đờn ông con giai thấy vậy mà phát thèm. Có nằm mơ cũng chẳng bao giờ được.

Và hầu hết những kẻ đao to búa lớn, cả tiếng lại dài hơi, phùng má trợn mắt lên để ca tụng lại thuộc giới mày râu, tu mi nam tử hẳn hoi. Thế mới đau. Ai lại ngu si đi chơi cái trò đâm sau lưng chiến sĩ. Phe mình không khen, cứ nhè phe địch mà khen.

Vào những ngày như ngày quốc tế phụ nữ, ngày tình yêu, ngày tưởng nhớ công ơn mẹ hiền…là các thứ thơ văn được tuôn ra rông rổng để bốc thơm và nâng phe địch lên tới tận trời cao, mà đại biểu nặng ký nhất chính là các chị vợ.

Gã xin ghi lại nơi đây một bài tượng trưng cho khuynh hướng bốc thơm ấy. Rất tiếc là gã đã quên mất tên tác giả rồi : 

Vợ là hơi ấm bếp lò

Vợ là nhường nhịn so đo làm gì

Vợ là giám khảo trường thi

Mỗi khi về muộn, mỗi khi xa nhà

Vợ là trưởng ban giải hoà

Giữa hai thái cực cha và các con

Vợ là cơm ngọt canh ngon

Vợ là mái ấm khi còn hàn vi

Vợ là sóng gió bất kỳ

Khi dữ như cọp, khi thì như nai

Vợ là hơi ấm ban mai

Vợ là nửa mảnh thứ hai phải tìm

Vợ là máu chảy về tim

Vợ là rượu ngọt môi tìm về môi

Vợ là gió mát khí trời

Vợ là san sẻ đầy vơi vui buồn

Vợ giận người như mất hồn

Vợ cười nắng lại gặp cơn mưa rào

Vợ khen sung sướng làm sao

Vợ ghen sư tử vái chào chạy xa

Vợ là bài hát dân ca

Vợ là sóng gió đầy nhà bão giông

Vợ là nhờ đó lên ông

Vợ là hoàng đế mất không cơ đồ

Vợ là phẳng lặng mặt hồ

Vợ là con sóng vỗ bờ đại dương

Vợ là thời tiết thất thường

Vợ là khi giận đầu hàng xin tha

Nếu như không có đàn bà

Lấy ai hát bản trường ca giống nòi ? 

Đọc xong bài này hẳn các bà các cô lấy làm mát lòng mát ruột, hả dạ lắm lắm.

Lỡ sinh vào kiếp đờn ông con trai, khi đến  tuổi trưởng thành, thì như người đứng trước ngã ba đường. Một ngã là đi lấy vợ. Hai là ở vậy độc thân.

Con đường ở vậy độc thân được dành cho bậc tu trì, hiến dâng đời mình cho Thượng Đế hay hiến dâng đời mình cho một lý tưởng cao đẹp nào đó. Tuy nhiên, đây lại là con đường hẹp, ít người bước vào. Hiện nay con số những người đi tu tại nhiều nơi đã bị giảm sút thê thảm, tạo nên một cuộc khủng hoảng lớn cho các tôn giáo.

Còn phần đông bàn dân thiên hạ đều đi vào con đường lập gia đình. Nói một cách cụ thể đối với cánh đờn ông con giai, đó là đi lấy vợ. Thế nhưng, trước khi quyết định đi lấy vợ, thì cần phải nhìn cho rõ vợ là gì, đồng thời cũng cần phải cân nhắc những “hệ lụy” do việc lấy vợ đem lại cho bản thân mình. 

Vậy trước hết vợ là gì ? 

Gã xin thưa vợ chính là người đờn bà. Và người đờn bà này đã được một tác giả minh họa như sau : 

Đờn bà thật giống con gà !

Chỉ ăn với đẻ, càng già càng đông.

Đờn bà thật giống con công !

Mắt xanh, mỏ đỏ, xòe lông cả ngày.

Đờn bà thật giống con cày !

Nhe nanh, múa vuốt, dọa mày yếu tim.

Đờn bà thật giống con chim !

Nay đây, mai đó, biết tìm ở đâu ?

Đờn bà thật giống con trâu !

Nhai rồi, nhai lại, ít câu lắm lời.

Đờn bà thật giống con dơi !

Không trông bằng mắt, nhìn đời bằng tai.

Đờn bà thật giống con nai !

Nhác trông ngơ ngác, nhưng tài thả câu.

Đờn bà thật giống con sâu !

Ăn tàn, phá hại, chẳng sầu chẳng vương.

Đờn bà mưa nắng thất thường,

Mà sao ta lại cứ thương đờn bà. 

Các rắc rối của sự đời hệ tại việc “mặc dù ta đã biết đờn bà là như rứa, thế mà ta lại vẫn cứ thương đờn bà”. Thành thử ta như con thiêu thân lao mình vào lửa, ta bỗng chui đầu vào rọ, tự nộp mình làm thân trâu ngựa. 

Vậy thì việc lấy vợ mang lại những hệ lụy nào ? 

Trong một bài viết ngăn ngắn trên báo Phụ Nữ Chủ Nhật, số 9 ra ngày 05 tháng 3 năm 2006, tác giả Trọng Giáp đã tham khảo đúng một trăm “quí anh” đang sống trong cảnh “cá chậu chim lồng”. Quí anh này đã nói về vợ bằng chính kinh nghiệm “xương máu” của mình và rút ra từ đó những kết luận cụ thể. Gã xin dựa vào những kết luận cụ thể ấy để bàn rộng tán dài hơn một chút. 

Trong một trăm anh chồng, thì có hai mươi lăm anh cho vợ là…kế toán viên xuất sắc, dù họ không qua một trường lớp đào tạo nào cả, bởi vì lương tháng ta lãnh bi nhiêu, nộp lại cho vợ và chi tiêu hết bi nhiêu, trong bóp ta hiện còn…bi nhiêu, đều hiển thị rõ mồn một trong…bộ nhớ của vợ. 

Trước hết, chị vợ nào cũng có một bộ nhớ trên cả tuyệt vời, bao nhiêu chi tiêu của anh chồng đều được lưu giữ, chẳng hề sai trật một đồng xu cắc bạc nào cả. Thử xem chị ta tính toán như thế nào nhé : 

Tiền lương mau hết qúa đi,

Anh tiêu những gì ? Em tính không ra !

Để xem…sắm sẵn trong nhà,

Bánh trà, thuốc lá với cà phê ngon.

Nào là rượu thuốc bia lon,

Đủ tiêu chuẩn ấy lo tròn cho anh.

Trong nhà sẵn món ngon lành,

Sao anh còn khoản tiêu nhanh ngoài luồng.

(Linh Cơ) 

Tiếp đến, chị vợ còn là một thứ ngân hàng đặc biệt, chỉ biết đầu vào mà chẳng biết đầu ra. Thu vào thi vui vẻ, bao nhiêu cũng nhận. Còn phát ra thì bủn xỉn, xẻn so từng đồng  

Cuối tháng tui mới lãnh lương,

Vợ tui bỗng chốc dễ thương vô cùng.

Về tới nhà, “bả” ôm ‘hun”,

Bả nói lòng bả nhớ nhung quá trời,

Xong rồi bả mới mở lời :

Tiền lương cuối tháng em coi xem nào.

Dứt lời, túi trước túi sau,

Hai tay bả móc, tui đau…đớn lòng.

Chỉ vài ba phút là xong,

Tiền trong tay bả, tui không còn gì.

Thế rồi bả cất bước đi,

Nét duyên khi nãy còn gì nữa đâu.

Tháng qua hai chín ngày sầu,

Ngày vui duy nhất, trôi mau quá trời.

(Trần Thành Nghĩa) 

Ngoài ra phần lớn các chị vợ còn mắc phải chứng bệnh than, nào là thời buổi gạo châu củi quế, nào là vật giá leo thang, nào là gạo đường tăng lên vùn vụt… 

Anh ạ, bình ga đã hết rồi,

Cộng dồn hai cái trả gấp đôi.

Đây nữa, nhà đèn đưa giấy báo,

Hẹn ổng cuối tuần phải đóng thôi.

Còn cái “a lô” nữa anh à,

Chuyện này không hoãn được đâu nha,

“Ầu ơ ví dặm là ổng…cắt,

Hóa đơn em nhận mới chiều qua. 

Và thế là chồng bèn phải bất đắc dĩ điều chỉnh những chi phí của mình sao cho phù hợp với hoàn cảnh : 

Từ nay anh sẽ cữ kiêng,

Bớt phần giao tiếp, liên miên gọi mời.

Để em khỏi phải than ôi,

Nâng khăn sửa túi…thủng rồi lại lo.

(Linh Cơ) 

Trong một trăm anh chồng, thì có hai mươi ba anh ca cẩm rằng họ đã lấy phải những bà vợ mang dòng họ…So! Bởi vì các chị vợ chỉ chăm lo…liếc trộm qua nhà hàng xóm, rồi…so sánh, chì chiết nặng nhẹ nọ kia. Nếu chẳng may hàng xóm có chiếc xe gắn máy rồi, mà mình vẫn cứ phải lọc cọc với chiếc…xe đạp. 

Hội chứng so sánh này còn được gọi là hội chứng đứng núi này trông núi nọ, được voi đòi tiên, chẳng bao giờ biết bằng lòng với số phận của mình :

- Chồng người ta thì…thế lọ thế kia, còn anh thì cứ…thế lày. Thế lày nghĩa nà nàm thao ?

Cái điệp khúc trên được rỉ rả suốt cả ngày và được rù rì suốt cả đêm, đến độ quỷ thần cũng không chịu nổi, huống lọ là anh chồng. Ấy là chưa nói tới cái danh dự, cái tự ái to bằng cái rế của anh chồng bị xúc phạm năng nề, vì dù sao mình cũng là thằng đờn ông kia mà. 

Trong một trăm anh chồng, thì có hai mươi hai anh lại ví vợ như…sư tử Hà Đông, bởi vì mỗi khi các “chiến hữu” muốn rủ anh ta đi nhậu, thì cứ phải thậm thà thậm thụt, nhìn trước nhìn sau, chứ lỡ để sư tử nhà biết được, thì có mà tan nát cuộc đời. 

Nơi gã mở mắt chào đời là cái làng Tụy Hiền, huyện Mỹ Đức, tỉnh Hà Đông. Vì thế, ngày xưa cứ  mỗi lần thò tấm giấy khai sinh, hay giơ phiếu lý lịch cá nhân ra, mấy thằng bạn trời đánh thánh vật không chết, bao giờ cũng hỏi móc lò gã một câu :

- Ê, mày sinh ra ở Hà Đông, thì chắc chắn má mày phải dữ tợn và chị mày phải bạo lực lắm. Đúng vậy không ?

Gã bèn lớn tiếng thanh minh thanh nga :

- Các bà các cô ở Hà Đông bên Tàu mới hung dữ, chứ còn các bà các cô ở Hà Đông bên ta thì hiền khô à. Suốt ngày chỉ biết ngồi dệt lụa cho bàn dân thiên hạ làm đỏm làm dáng. Bộ chúng mày không biết tới áo lụa Hà Đông à. Quê tao đó.

Cho dù gã đã dài cổ ra mà phân bua, và đã nói văng cả nước miếng, thì chúng nó vẫn cứ cuời khẩy. Thế mới đểu không cơ chứ.

Theo điển tích thì cụm từ “sư tử Hà Đông” được dùng để ám chỉ người vợ hay ghen và có tính hung dữ.

Nếu tại các khu rừng rậm thuộc châu Á, cọp là vua của loài thú, thì ở châu Âu, sư tử là chúa sơn lâm. Khi nghe sư tử rống lên, các loài thú khác đều hoảng sợ, cụp đuôi chạy trốn mất.

Trần Quí Thường là bạn của thi hào Tô Đông Pha. Ông ta có một người vợ nổi tiếng là hay ghen và hung dữ. Mỗi lần Tô Đông Pha đến chơi, đều nghe tiếng bà ta la hét ầm ĩ. Thấy vậy, họ Tô mới làm một bài thơ cám cảnh mà chế diễu ông bạn có người vợ hung dữ như sau : 

Thùy tự Long Khâu cư sĩ  hiền,

Đàm không thuyết pháp dạ bất miên.

Hốt văn Hà Đông sư tử hống,

Trụ tượng lạc thủ tâm mang mang.

 

Có nghĩa là :

Ai hiền hơn cư sĩ Long Khâu,

Đọc kinh giảng đạo suốt canh thâu.

Bỗng nghe sư tử Hà Đông rống,

Tay run gậy rớt lòng hoang mang. 

Những chị vợ hung dữ như sư tử Hà Đông bên Tàu, thì quả là hiếm hoi, nhưng không phải là không có. Bởi vì trên đời này, đôi khi cũng vẫn xảy ra cảnh “gà mái đá gà cồ”. Chẳng tin thì xin nghe thử tâm sự của “Người mặt sẹo” như sau : 

Nắng Sài Gòn anh đi mà lạnh ngắt,

Bởi vì em sinh quán ở Hà Đông.

Bao lần anh khiếp hãi sợ vô cùng,

Và trên mặt vẫn còn lằn vết sẹo.

 

Anh vẫn nhớ em ngồi đâu quát đấy,

Cầm khúc cây dài lắm chỉ đe anh.

Anh kinh hồn vội vã né lung tung,

Chờ sơ hở phóng ra đường rồi dông tuốt.

 

Gặp một bữa anh đã rầu một bữa,

Gặp hai hôm thành rầu rĩ cả tâm hồn.

Bao lâu rồi ăn uống chẳng thấy ngon.

Và đôi mắt mơ màng đau bầm tím.

 

Em chưa hét đã vang lừng khắp xóm,

Em chưa gầm mà đã động rừng xanh.

Bao lần anh toan tính muốn làm hòa,

Lòng run sợ, làm sao anh dám nói….

 

Lúc em đánh, anh chỉ nhìn em lấm lét,

Giận điên lên, nhưng nói chẳng nên lời.

Em đi rồi, ôi khoái trá sướng mê tơi,

Những ngày tháng cuộc đời anh bầm dập.

 

Em ở đâu bên này hay bên đó,

Hời người em sinh quán ở Hà Đông.

Anh vẫn run vì khiếp hãi vô cùng,

Xin gửi em bài thơ tình sẹo chém.

(Hội râu quặp, Sao Mai) 

Trong một trăm anh chồng, thì có mười chín anh đề bạt vợ giữ chân…kiểm sát viên, bởi vì mọi “tiền án”, “tiền sự”, liên quan tới chuyện lăng nhăng “chim chuột” trước hoặc sau ngày cuới đều được chị vợ đưa vào “hồ sơ tội trạng” và thường xuyên được lôi ra…truy tố, cho đến lúc lìa dời mới thôi. 

Đây chỉ là chuyện rất bình thường, không có chi là khó hiểu. Thực vậy, phe đờn bà con gái sống bằng trái tim. Đối với họ, tình yêu là tất cả và chi phối mọi sinh hoạt. Vì thế, những lỗi phạm tới tình yêu trở nên như một vết chém, không bao giờ nguôi ngoai trong cõi lòng họ. Tình yêu của họ giống như bát nước đầy, một khi đã bị hắt xuống đất, thì không thể nào hốt lên được. Bởi đó, anh chồng đừng tơ tưởng vung vít. Một khi đã  bị lưu vào hồ sơ tội trạng, thì chẳng thể nào bôi xóa hết. 

Sau cùng, trong một trăm anh chồng, thì có mười một anh cho rằng vợ là một siêu cường quốc, mà hễ mỗi khi một nước nhỏ bé lỡ bất tuân thượng lệnh, y như rằng họ sẽ tiến hành biện pháp…cấm vận ngay lập tức. 

Trong lãnh vực chính chị chính em, các nước mạnh thường áp dụng biện pháp cấm vận đối với các nước khác, khi những nước này không chịu vâng theo đường lối, chính sách của họ. Lúc bấy giờ, những nước mạnh sẽ đắp tai ngoảnh mặt làm ngơ, chẳng đoái hoài hay đếm xỉa gì đến những nhu cầu của những nước bị liệt vào hàng cứng đầu cứng cổ ấy : không trao đổi, không buôn bán, không viện trợ, không liên hệ…

Trong phạm vi vợ chồng cũng vậy. Khi anh chồng làm điều gì sai trái, thì lập tức chị vợ bèn sử dụng biện pháp cấm vận, như một thứ vũ khí lợi hại  để cho anh chồng biết thế nào là sức mạnh của đờn bà con gái, cũng như để dạy cho anh chồng một bài học nhớ đời.

Sự cấm vận ở đây được hiểu là : không nhìn, không nghe, không nói. Nếu gia đình khá giả thì phòng ai người ấy ở, giường ai người ấy nằm. Còn nếu không có điều kiện, thì vẫn nằm chung giường, nhưng mền ai người ấy đắp, làm thành một bức tường vô hình ngăn cách, khiến anh chồng ở vào cái thế việt vị, bất nhóc nhách.

Một anh chồng bị cấm vận đã tâm sự như sau : “ Cứ ba bữa, nửa tháng, cô ấy lại quay mặt vào vách một lần vì về trễ, vì không cùng đi dự sinh nhật, vì không giữ lời hứa…Khi tôi thanh minh, giải thích những sơ sót của mình, thay vì thông cảm, thì cô ấy lại vênh váo tuyên bố : không nghe lời, thì ráng mà chịu. Thôi, mền ai nấy đắp, đừng chung đụng gì với nhau nữa” (Phụ Nữ Chủ Nhật, số 6, ra ngày 12 tháng 2 năm 2006).

Tuy nhiên, phải công bằng mà nói chính nhờ những hệ lụy trên mà nhiều anh chồng đã trở nên tốt lành hơn. Chẳng thế mà đối với những cậu con trai ba bứa , các cụ ta ngày xưa đã khuyên :

- Cứ lấy cho nó con vợ là xong tuốt. Chỉ có vợ nó mới trị được nó mà thôi.

Có những anh chàng trước kia ngang tàng, thì nay đã trở thành những anh chồng ngoan hiền, mềm nhũn như con chi chi : 

Hầu con từ thuở còn thơ,

Hầu vợ đến thuở bạc phơ mái đầu.

Muốn cho vợ khỏi càu nhàu,

Bếp dọn sạch bếp, nhà lau sạch nhà.

Sinh nhật phải nhớ tặng quà,

Nấu ăn ngày tám tháng ba khỏi bàn.

Vợ ngủ thì phải buông màn,

Ngày hè quạt mát, đông sang đắp mền.

Vợ giận thì phải cười duyên,

Vợ vui mới được huyên thuyên hát hò.

Đêm nằm vợ ngáy o o,

“Mình cứ thoải mái ngáy cho vui nhà”.

Đi chợ vợ thích ăn quà,

“Mình xơi cho đã về nhà đỡ cơm”.

Chở vợ thì lái cho ngon.

Mắt luôn nhìn thẳng, chớ dòm ngó ngang.

Đi đâu báo cáo đàng hoàng,

Vơ khen “chồng tớ rất ngoan” thì mừng.

(Minh Thu, Vũng Tàu) 

Để kết luận, gã ghi nhận hầu như tất tật một chăm phần chăm các anh chồng đều thò tay ký vào bản “Tuyên ngôn…nam quyền” rất oách như sau :

“Mọi tên đờn ông con giai sinh ra trên cõi đời này đều được huởng những quyền lợi và bình đẳng như nhau. Nhưng rồi một số tên đã phản phé mà đi…lấy vợ”.

Gã Siêu  gasieu@gmail.com

VỀ MỤC LỤC

- Mọi liên lạc: Ghi danh, thay đổi địa chỉ, đóng góp ý kiến, bài vở..., xin gởi về địa chỉ

giaosivietnam@gmail.com

- Những nội dung sẽ được đề cao và chú ý bao gồm:

Trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm thực tế trong việc mục vụ của Giáo sĩ;  Những tài liệu của Giáo hội hoặc của các Tác giả nhằm mục đích Thăng tiến đời sống Giáo sĩ; Cổ võ ơn gọi Linh mục; Người Giáo dân tham gia công việc “Trợ lực Giáo sĩ” bằng đời sống cầu nguyện và cộng tác trong mọi lãnh vực; Mỗi  Giáo dân phải là những “Linh mục” không có chức Thánh; Đối thoại trong tinh thần Bác ái giữa Giáo dân và Giáo sĩ… (Truyền giáo hay xây pháo đài?)

- Quy vị cũng có thể tham khảo những số báo đã phát hành tại

www.conggiaovietnam.net

Rất mong được sự cộng tác, hưởng ứng của tất cả Quí vị

Xin chân thành cám ơn tất cả anh chị em đã sẵn lòng cộng tác với chúng tôi bằng nhiều cách thế khác nhau.

TM. Đặc San Giáo Sĩ Việt Nam

Lm. Luca Phạm Quốc Sử  USA

 

 

Duoc chon giua loai nguoi va cho loai nguoi; GIAO SI: Xuat phat tu giao dan, hien dien vi giao dan va cay dua vao giao dan, de cung lam VINH DANH THIEN CHUA

*************