MỘT SỐ NHẬN XÉT
VỀ CUỐN NGHI THỨC THÁNH LỄ 2005
Ấn bản mẫu thứ ba của Sách Lễ Rô-ma (SLR) bằng tiếng La-tinh Missale Romanum đã được công bố năm 2002. Thực ra phần Nghi Thức Thánh Lễ của ấn bản này không có nhiều thay đổi lớn so với ấn bản mẫu thứ nhất (1970) và thứ hai (1975), nhưng Uỷ Ban Phụng Tự (UBPT) trực thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam (HĐGMVN) đã muốn duyệt lại hoàn toàn bản dịch trong Sách Lễ Rô-ma tiếng Việt in năm 1992 (SLR 1992). Bản dịch mới của Nghi Thức Thánh Lễ đã được ấn hành năm 2005 và bắt buộc phải sử dụng thay thế những bản văn trước đây, kể từ lễ Phục Sinh 2006.
Ngay từ khi mới được công bố, bản Nghi Thức Thánh Lễ 2005 (NTTL 2005) đã gây nên nhiều phản ứng –thường là bất lợi– từ trong nước cũng như ngoài nước. Bên cạnh đó cũng có những bài của những người có trách nhiệm về bản dịch : Đức Cha P. Trần Đình Tứ, Chủ tịch UBPT ; cha Kim Long, Tổng thư ký UBPT ; cha Nguyễn Thế Thủ, thành viên UBPT. Những bài này cho biết về tổ chức và tiến trình dịch thuật NTTL 2005, đồng thời cũng giải thích cho biết lý do vì sao UBPT đã chọn một cách dịch nào đó.
Cho đến nay Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ (NPD/CGKPV) vẫn chưa lên tiếng. Lý do là vì nếu phê bình thì có thể sẽ được nhắc nhở là “nói thì dễ, làm mới khó”. Nhưng không nói thì không yên lương tâm, vì vấn đề dịch phụng vụ có liên hệ trực tiếp và lâu dài đến đời sống cầu nguyện của Dân Chúa, và cách riêng Nhóm chúng tôi đã có kinh nghiệm phiên dịch các bản văn Kinh Thánh và phụng vụ từ 35 năm nay, nên cảm thấy có trách nhiệm phải góp ý trong trường hợp này. Do đó, sau một thời gian suy nghĩ và nghiên cứu, chúng tôi xin đưa ra một số nhận xét, hy vọng có thể đóng góp phần nào làm cho các bản dịch phụng vụ đáp ứng mục tiêu là giúp Dân Chúa cầu nguyện.
Trong bài này trước hết chúng tôi sẽ đưa ra những nhận xét tổng quát về NTTL 2005, sau đó là những nhận xét chi tiết về một số chỗ trong bản dịch.
I. NHẬN XÉT TỔNG QUÁT
1. Ấn loát
NTTL 2005 được in và trình bày khá đẹp. Tuy nhiên có điều bất tiện là nếu dùng chung với SLR 1992 thì trong khi cử hành thánh lễ cứ phải chuyển từ sách nọ sang sách kia, khiến linh mục nhiều khi lúng túng và giáo dân cũng bị chia trí lo ra.
Một điều bất tiện khác : ở nhiều chỗ trong các Kinh Nguyện Thánh Thể (KNTT), một số lời kinh được in từ trang nọ sang trang kia, hơi khó đọc, như ở tr. 76-77, 80-81, 84-85 (lời truyền phép Máu Thánh bị cắt làm đôi), tr. 98-99. Bất tiện nhất là có nhiều kinh linh mục đang dang tay đọc lại phải lật trang, như ở tr. 75-76, 77-78, 85-86, 87-88, 89-90, 93-94, 95-96. Bất tiện này, SLR 1992 thường để ý tránh khi dàn trang.
Ngoài ra, ở KNTT 1 có các Kinh Hiệp thông riêng cho một số lễ (tr. 77-78), nhưng trình bày rất khó phân biệt, khiến linh mục lúng túng (kinh “Vì vậy, lạy Chúa” riêng của lễ Phục Sinh ở tr. 78 cũng vậy). Có lẽ nên trình bày như SLR 1992 tr. 485-486 : in chữ nhỏ hơn và đóng khung các kinh này, hay ít là đóng khung.
2. Bản dịch
Bản dịch SLR 1992 lưu ý đến âm thanh, tiết điệu và văn phong tiếng Việt nên nghe xuôi và dễ hiểu. Làm như vậy, các dịch giả trong UBPT khi ấy không làm theo ý mình, cũng không quá chú trọng đến hình thức, nhưng đã theo những hướng dẫn của Toà Thánh qua Huấn thị về việc phiên dịch các bản văn phụng vụ do Hội đồng Thực thi Hiến chế Phụng vụ ban hành ngày 25-1-1969 (bản dịch tiếng Việt trong tạp chí Phụng Vụ số 4, tháng 6-1971, tr. 35-45). Tưởng nên nói thêm là Huấn thị này đã là kim chỉ nam cho tất cả các bản dịch phụng vụ hiện đang tiếp tục được sử dụng trên thế giới, ngoại trừ bản dịch của UBPT Hoa Kỳ đang được biên soạn lại. Tại Việt Nam, Uỷ ban phiên dịch SLR, ngoài Huấn thị này, cũng tham khảo các bản dịch có được vào thời điểm ấy bằng tiếng Pháp, Anh, Ý, Đức, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Hà Lan. Các dịch giả đã không làm theo hứng, nhưng đã cân nhắc từng câu từng chữ quan trọng và đã giải thích lý do sự chọn lựa của mình trong tập Chú thích bản dịch Nghi thức Thánh Lễ 1992 của Uỷ Ban Phụng Tự dài 91 trang khổ A5 (tập này đã được đánh máy vi tính lại thành 118 trang cũng khổ A5, và sẽ được dẫn với ký hiệu CT và số trang của bản vi tính).
Trong khi đó NTTL 2005 chủ trương dịch sát tiếng La-tinh, theo Huấn thị 5 (HT 5) “Về việc sử dụng các ngôn ngữ địa phương khi xuất bản các Sách của phụng vụ Rô-ma”, do Bộ Phụng Tự ban hành ngày 28-3-2001. HT 5, số 20 viết :
“Chừng nào có thể, nguyên văn phải được dịch trọn vẹn và rất chính xác, nghĩa là không bớt không thêm xét về nội dung, không dùng những lối diễn nghĩa (paraphrases) hoặc giải thích (glossae)”.
Tuy nhiên, cũng ở chỗ đó, HT 5 nói là “được phép sắp đặt các từ ngữ, sử dụng cú pháp và văn phong, để soạn ra một bản văn trôi chảy và thích hợp với cách diễn tả của ngôn ngữ dân chúng.”
Như vậy, “để nội dung của nguyên văn vừa tầm cả với các tín hữu không được đào luyện trí thức đặc biệt, và họ có thể hiểu được, thì đặc tính của các bản dịch là dùng những từ ngữ dễ hiểu nhưng một trật cũng bảo tồn tính trang trọng, vẻ đẹp và nội dung đạo lý chính xác của nguyên văn” (số 25).
Có thế sẽ đạt được mục tiêu : “Các bản văn phụng vụ là phương tiện rất có hiệu lực để in sâu vào đời sống các tín hữu những ý niệm về đức tin và đời sống Ki-tô giáo” (số 26).
Ở đây cũng cần nhắc lại mục tiêu của việc cải tổ phụng vụ theo Hiến chế về Phụng vụ (PV) của Công Đồng Va-ti-ca-nô II :
“Việc cải tổ này phải sắp xếp các bản văn và nghi thức thế nào để diễn tả rõ ràng hơn những thực tại thánh mà các bản văn và nghi thức đó biểu thị, và để dân Ki-tô giáo có thể dễ dàng thấu triệt các thực tại ấy càng nhiều càng tốt, và có thể tham dự bằng việc cử hành đầy đủ, linh động và cộng đồng” (PV số 21).
“Giáo Hội hằng bận tâm lo sao cho các Ki-tô hữu đừng tham dự vào mầu nhiệm đức tin như những khách bàng quan thinh lặng, nhưng nhờ hiểu rõ mầu nhiệm ấy qua các nghi thức và kinh nguyện, sao cho họ tham dự việc cử hành thánh cách ý thức, đạo đức và linh động” (số 48).
Trong các yếu tố góp phần xây dựng một cử hành phụng vụ linh động, chắc hẳn các bản văn là một yếu tố quan trọng, với điều kiện là các bản văn phải vừa chính xác vừa dễ hiểu. Riêng đối với các bản dịch phụng vụ, HT 5 nhấn mạnh đến tính chính xác, nhưng không vì thế mà dịch giả được quên không lưu ý là bản dịch cần phải dễ hiểu, nhất là vì đại đa số tín hữu chỉ được tiếp cận với các bản văn phụng vụ qua việc nghe bằng tai chứ không đọc bằng mắt. Do đó phải liệu sao để họ có thể hiểu dễ dàng và hiệp thông với lời nguyện của chủ tế. Thiết tưởng có thể áp dụng vào trường hợp này lời thánh Phao-lô viết về việc cầu nguyện bằng tiếng lạ : “Nếu bạn chỉ chúc tụng bằng thần khí, thì làm sao người ở vị trí người dự thính có thể thưa ‘A-men’ lúc bạn dâng lời tạ ơn, vì người đó không biết bạn nói gì ?” (1 Cr 14,16).
Chính xác và dễ hiểu : hai đòi hỏi nhiều khi rất khó dung hoà, và các bản dịch phụng vụ tiếng Việt luôn bị giằng co giữa hai bên.
II. NHẬN XÉT CHI TIẾT
Trong phần nhận xét chi tiết này, chúng tôi sẽ dẫn NTTL 2005 theo trang và theo số ; để dễ phân biệt, các lời của NTTL 2005 sẽ được in chữ nghiêng.
Tr. 4
Concordat cum originali và Imprimatur đều do Đức Cha Chủ Tịch UBPT ký, trong khi đó theo HT 5 thì Concordat cum originali do Đức Cha Chủ Tịch UBPT ký, còn Imprimatur phải do Đức Cha Chủ Tịch HĐGMVN.
Tr. 10, số 1
Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần.
SLR 1992 dịch là “Nhân danh Chúa Cha và Chúa Con và Chúa Thánh Thần” thay cho công thức quen dùng “Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần”, vì hai lý do (CT tr. 14-15) :
1) Những từ “Cha” và “Con” hàm hồ, không nhất thiết chỉ Thiên Chúa Cha và Thiên Chúa Con. Có lẽ vì thế xưa cha ông ta đã dịch kinh Sáng Danh là “Sáng danh Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con và Đức Chúa Thánh Thần”.
2) Khi nói chuyện với một người trẻ tuổi, linh mục thường xưng mình là “cha” và gọi người kia là “con”. Do đó, khi cử hành bí tích Rửa Tội, nếu linh mục đọc : “Cha rửa con, nhân danh Cha và Con và Thánh Thần” thì một người ngoại giáo có thể hiểu hai chữ cha và hai chữ con chỉ linh mục và người được rửa tội.
Có thể thêm một lý do nữa. Ở đầu thánh lễ, linh mục đọc : Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần, rồi nói tiếp : Chúa ở cùng anh chị em. Cộng đoàn thưa : Và ở cùng cha. Một người không thạo giáo lý có thể hiểu hai chữ cha cùng chỉ linh mục.
NTTL 2005 lấy lại công thức Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần, có lẽ để tránh cho hiểu rằng có ba Chúa. Nhưng xin trả lời : xưa nay ta vẫn đọc : “Sáng danh Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con và Đức Chúa Thánh Thần”, nhưng chưa thấy ai thắc mắc là đây nói về ba Chúa. Đàng khác, chính NTTL 2005 vẫn nhiều lần dùng Đức Chúa Cha, Đức Chúa Con, Đức Chúa Thánh Thần trong kinh Vinh Danh (tr. 15) và kinh Tin Kính (tr. 17-18).
Tr. 12, số 4
Cử hành mầu nhiệm thánh dịch tiếng La-tinh ad sacra mysteria celebranda, nhưng chưa sát lắm, vì mysteria ở số nhiều. Dầu sao cử hành mầu nhiệm thánh có lẽ hơi khó hiểu. Trong các tác giả thời xưa, “sacra / sancta mysteria celebrare” có nghĩa là “cử hành thánh lễ” (A. Blaise, Dictionnaire latin-français des auteurs chrétiens, 1854, tr. 547). Vì thế SLR 1992 (CT tr. 17-18) đã dịch là cử hành thánh lễ, dựa theo bản dịch tiếng Pháp và Hà Lan (“Eucharistie”), và tiếng Đức (“das Gedašchtnis des Herrn” : cuộc tưởng niệm Chúa).
Tr. 13, số 6
Thinh lặng giây lát, rồi linh mục nói. Câu chữ đỏ này dịch thiếu (SLR 1992 tr. 567 dịch đầy đủ hơn). Đúng ra phải dịch là : “Thinh lặng giây lát. Rồi linh mục, hoặc phó tế hoặc một thừa tác viên khác, xướng những lời kêu cầu sau đây, hoặc những câu khác, có Xin Chúa thương xót chúng con.” Như vậy chắc hẳn là được phép sáng tác những lời kêu cầu khác.
Tr. 14, số 8
KINH VINH DANH
1) Bình an dưới thế cho người thiện tâm. Câu này trích từ bài ca của các thiên thần trong đêm Giáng Sinh (Lc 2,14) ; cho người thiện tâm dịch theo bản La-tinh hominibus bonae voluntatis và hiểu là thiện tâm của con người.
Còn SLR 1992 hiểu là thiện tâm của Thiên Chúa nên đã dịch “cho loài người Chúa thương”, và đã giải thích ở CT tr. 21-22 lý do của cách dịch này. Ban dịch thuật đã tìm hiểu kỹ ý nghĩa của những từ ấy trong văn mạch về ơn cứu độ phổ quát trong Tin Mừng Lu-ca : sự bình an không do thiện tâm con người mà có, nhưng do tình thương Thiên Chúa ban tặng, khi “Ngôi Lời đã làm người (Ga 1,14), sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ (Lc 2,12) và sống giữa loài người chúng ta (Ga 1,14)”, nhờ đó “hết mọi người phàm sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa” (Lc 3,6 dẫn Is 40,6).
Các bản dịch phụng vụ khác cũng hiểu theo hướng này :
– Pháp : “aux hommes qu’il aime”
– Tây Ban Nha : “a los hombres que ama el Senõor”
– Bồ-đào nha : “aos homens por ele amados”
– Đức : “den Menschen seiner Gnade”
– Anh : “to his people”
– Trung Quốc
: “Chủ
ái đích
nhân”
(= những
người
Chúa yêu)
2) Ở cuối tr. 14, NTTL 2005 in : … vì vinh quang cao cả Chúa. Lạy Chúa là Thiên Chúa, là Vua trên trời, là Chúa Cha toàn năng. Như vậy câu cuối cùng này chỉ gồm những danh từ ở hô cách, mà không biết đưa về đâu. Trong khi đó bản La-tinh in dấu phẩy sau vì vinh quang cao cả Chúa, và như vậy hiểu Chúa Cha là đối tượng của tất cả những động từ ca ngợi, chúc tụng v.v… ở mấy dòng trên.
Do đó, phải chăng nên đưa hai dòng cuối cùng của tr. 14 lên trước chúng con ca ngợi Chúa, như SLR 1992 cùng với bản tiếng Anh và Bồ Đào Nha làm ? Như thế sẽ vừa hợp với cách thưa gửi trong tiếng Việt (CT tr. 23), vừa cho thấy rõ kinh Vinh Danh gồm hai phần : phần đầu dâng lên Chúa Cha, phần sau dâng lên Chúa Giê-su Ki-tô.
Tr. 16, số 14
Trong lời nguyện của linh mục đọc thầm trước khi đọc Tin Mừng, bản La-tinh không có competenter (đủ tư cách).
Tr. 17-18, số 18
KINH TIN KÍNH
Đây là bản tuyên xưng đức tin, có tính chất thần học nên rất khó dịch. Có nhiều ý kiến được đưa ra về bản dịch trong NTTL 2005. Bản CT tr. 34-44 phân tích khá kỹ kinh này (tuy rằng có một số đề nghị của Uỷ Ban đã không được đưa vào SLR 1992). Chúng tôi dựa vào bản CT này để nhận xét về một số điểm trong NTTL 2005.
1) Tôi tin kính một Thiên Chúa
Bản La-tinh của kinh này có bốn lần nhấn mạnh tính duy nhất khi nói về Thiên Chúa, Chúa (Giê-su Ki-tô), Hội Thánh và phép rửa, qua số từ unum / unam. Bản Hy-lạp gốc của kinh Tin Kính này cũng dùng các số từ hêna, mian và hên (Denzinger – Schošnmetzer, Enchiridion Symbolorum, 1963, số 150). Các bản dịch phụng vụ tiếng Pháp, Ý, Anh, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Đức, Hà Lan đều nhấn mạnh tính duy nhất này. SLR 1992 cũng dịch bốn lần : “một Thiên Chúa duy nhất”, “một Chúa duy nhất”, “một Hội Thánh duy nhất”, “một phép rửa duy nhất”. NTTL 2005 chỉ dùng duy nhất khi nói về Hội Thánh, còn dùng một cho ba chỗ kia : Tôi tin kính một Thiên Chúa. Tôi tin kính một Chúa Giê-su Ki-tô. Tôi tuyên xưng có một Phép Rửa. Thiết tưởng như vậy chưa diễn tả đủ tính duy nhất mà kinh Tin Kính muốn nhấn mạnh. Vì thế xin đề nghị lấy lại cách dịch của SLR 1992 ; hoặc nếu không muốn dùng “duy nhất” thì có thể dịch như sau (dựa theo đề nghị của Cha Norberto Nguyễn Văn Khanh ofm) : “Tôi tin kính chỉ có một Thiên Chúa… Tôi tin kính chỉ có một Chúa duy nhất là Đức Giê-su Ki-tô… Tôi tin chỉ có một Hội Thánh thánh thiện… Tôi tuyên xưng chỉ có một Phép Rửa…”
2) Từ trước muôn đời
Có lẽ nên đọc lại nhận xét của CT tr. 35-36 về kiểu nói này : giới từ “từ” biểu thị điểm xuất phát (trong không gian, ví dụ : “đi từ Hà Nội đến Hải Phòng), điểm khởi đầu (trong thời gian, ví dụ : “dậy từ sáng sớm”). Vì thế nói : Chúa Con sinh bởi Đức Chúa Cha từ trước muôn đời có thể gợi lên ý niệm sai lầm rằng sự Chúa Cha sinh ra Chúa Con có khởi điểm, có bắt đầu trong thời gian. Do đó có lẽ nên bỏ “từ”, mà chỉ nói “sinh bởi Đức Chúa Cha trước muôn đời”, nghĩa là trước khi có thời gian và muôn loài trong vũ trụ.
3) Tôi tin kính Đức Chúa Thánh Thần là Thiên Chúa và là Đấng ban sự sống
Bản La-tinh : Et in Spiritum Sanctum, Dominum et vivificantem. Về bản này nên lưu ý hai điểm : bản này không dùng Deum, “Thiên Chúa”, mà dùng Dominum, “Chúa” ; đàng khác có dấu phẩy sau Sanctum, như vậy từ Dominum được tách ra. Các bản phụng vụ cũng đều không dịch là “Thiên Chúa” và đều tách ra như vậy. Do đó, đề nghị dịch là : “Tôi tin kính Đức Chúa Thánh Thần, là Chúa và là Đấng ban sự sống”.
4) Người bởi Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con mà ra
Dùng từ mà ra có vẻ quá tầm thường, CT tr. 42 viết : “Đây là một tín điều quan trọng rút từ Ga 15,26, tuyên xưng nguồn gốc của Chúa Thánh Thần. Trong Ga 15,26, tác giả dùng động từ êkpôrêuômai (nghĩa thông thường là “đi ra”), và bản Phổ Thông dịch là procedere”. Động từ này trong thuật ngữ thần học tiếng Việt đôi khi được dịch là “nhiệm xuất”, nhưng từ ngữ này ít được dùng vì hơi khó hiểu. SLR 1992 đề nghị từ ngữ “phát xuất”, vừa dễ hiểu vừa trang trọng hơn kiểu nói mà ra của NTTL 2005.
5) Người đã dùng các tiên tri mà phán dạy
Theo cách hiểu thông thường, tiên tri là người “biết trước” việc sẽ xảy ra. Như vậy từ ngữ này không nói hết được ý nghĩa của từ propheta (La-tinh) hay prôphetes (Hy-lạp). Vai trò chính yếu của prôphetes không phải là biết trước và báo trước tương lai, nhưng là thay mặt Thiên Chúa mà nói ra ý của Chúa. Vì thế SLR 1992 đề nghị dùng từ “ngôn sứ”, nghĩa là người được sai đi để thay mặt Chúa (sứ) nói lên lời (ngôn) của Chúa (CT tr. 42-43).
6) Tôi trông đợi kẻ chết sống lại
NTTL 2005 ưa dùng những từ trừu tượng, nhưng ở đây lại dịch resurrectionem mortuorum thành kẻ chết sống lại, khiến người ta có thể nghĩ rằng chúng ta trông đợi những người chết sẽ sống lại, trở lại trần gian. Vì thế SLR 1992 dịch : “Tôi trông đợi ngày kẻ chết sống lại”. Trong Tin Mừng Gio-an hay nói về “kẻ chết sống lại trong ngày sau hết” (Ga 6,54 ; x. 6,39-40.44 ; 11,24). Vì thế thêm “ngày” ở đây làm cho câu văn không hàm hồ, mà vẫn đi sát với Kinh Thánh (CT tr. 43-44).
Tr. 19, số 23 và 25
Lạy Chúa là Chúa Cả trời đất
Trong sách in, từ Cả được in chữ hoa nên hiểu là đi với Chúa : Chúa Cả. Nhưng khi nghe đọc, người ta có thể hiểu là đi với trời đất : cả trời đất. Để tránh kiểu nói mập mờ, có lẽ nên lấy lại cụm từ “Chúa tể càn khôn” của SLR 1971 và SLR 1992. Hoặc nếu thấy từ ngữ “càn khôn” hơi khó hiểu, có thể dùng “Chúa tể trời đất” hoặc “Chúa tể vũ trụ”.
Chúng con dâng lên Chúa để trở nên bánh trường sinh
Chúng con dâng lên Chúa để trở nên của uống thiêng liêng
Theo ngữ pháp tiếng Việt, chủ ngữ của trở nên chỉ có thể là chúng con. Vì thế cần nói rõ chủ ngữ để khỏi hàm hồ. Ở tr. 84 số 101, tr. 87 số 109, tr. 94 số 118, tr. 149 số 3 v.v. cũng có vấn đề tương tự.
Tr. 19, số 24
Nhờ dấu chỉ nước hoà rượu này
Cụm từ trên dịch tiếng La-tinh per huius aquae et vini mysterium, một kiểu nói cao siêu, khó hiểu, do đó có nhiều cách dịch khác nhau. SLR 1971 : “Nhờ mầu nhiệm nước và rượu này” ; Anh : “By the mystery of this water and wine” ; Ý : “L’acqua unita al vino sia segno” ; Pháp : “Comme cette eau se mêle au vin pour le sacrement de l’Alliance ; SLR 1992 : “Cũng như giọt nước này hoà chung với rượu”. Thật khó mà tìm được cách dịch nào vừa diễn tả đầy đủ ý nghĩa vừa dễ hiểu.
Ngoài ra, kiểu nói của NTTL 2005 xin cho chúng con được tham dự vào thần tính có lẽ cũng chưa chỉnh, vì tham dự là dự vào một hoạt động cụ thể như “tham dự hội nghị, tham dự nghi lễ”, còn tham dự vào thần tính nghe không xuôi lắm.
Tr. 21, số 31
KINH NGUYỆN THÁNH THỂ
Từ Prex eucharistica đã được SLR 1992 dịch là “Kinh Tạ Ơn”. Nay NTTL 2005 lại trở về với SLR 1971 mà dịch là Kinh Nguyện Thánh Thể. Nghĩ gì về cách dịch này ? Chúng ta có thể xem lại CT tr. 87-88 để nhận xét như sau :
1) Dịch là Kinh Nguyện Thánh Thể dễ có thể bị hiểu sai là : “Kinh nguyện với Thánh Thể trước Nhà Chầu”, và thu gọn mầu nhiệm Thánh Thể vào sự hiện diện bí tích của Chúa Giê-su trong Bánh và Rượu đã được truyền phép thành Mình và Máu Thánh Chúa.
2) Tính từ La-tinh eucharistica là do danh từ Hy-lạp êukharistia (“sự tạ ơn, lời tạ ơn”), có ngữ căn là động từ êukharistêin (“biết ơn, cám ơn, tạ ơn”). Động từ này được chính Tân Ước dùng khi thuật lại việc Chúa Giê-su lập bí tích Thánh Thể : Chúa “cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn” (Lc 22,19 ; 1 Cr 11,23-24), “cầm lấy chén rượu, dâng lời tạ ơn” (Mt 26,27 ; Mc 14,23).
3) Chính Missale Romanum 2002 trong phần Quy chế tổng quát đặt ở đầu sách cũng viết : “Bây giờ bắt đầu điểm trung tâm và cao nhất của toàn bộ việc cử hành, là chính Kinh Tạ Ơn, nghĩa là kinh tạ ơn và thánh hiến (Prex eucharistica, prex scilicet gratiarum actionis et sanctificationis). Vị tư tế mời cộng đồng hướng tâm hồn lên Chúa để cầu nguyện và tạ ơn” (số 78).
Như vậy, dịch là “Kinh Tạ Ơn” thay vì Kinh Nguyện Thánh Thể thì vừa đúng với ý nghĩa Kinh Thánh và phụng vụ, vừa tránh hiểu theo nghĩa hạn hẹp.
Tr. 21
THÁNH ! THÁNH ! THÁNH !
X. CT 47-51. Ba dòng đầu của kinh này là lời tung hô của các Xê-ra-phim trong thị kiến của I-sai-a trong đền thờ (Is 6,3 ; phụng vụ thêm “trời”) và cũng là lời ca của bốn Con Vật trước ngai Thiên Chúa trên trời (Kh 4,8). Nhận xét về bản dịch NTTL 2005 :
1) Thánh ! Thánh ! Thánh !
Trong tiếng Híp-ri, lặp lại ba lần tức là nhấn mạnh (Gr 7,4 ; 22,29 ; Ed 21,32). I-sai-a nhiều lần dùng từ ngữ “Đức Thánh của Ít-ra-en” để chỉ Thiên Chúa (1,4 ; 5,19.24 ; 10,20 ; 12,6 v.v…), vì thế ở đây muốn khẳng định rằng Thiên Chúa là Đấng Chí Thánh. Do đó SLR 1992 đã dịch : “Thánh ! Thánh ! Chí Thánh !”
2) Chúa là Thiên Chúa các đạo binh
NTTL 2005 theo SLR 1971 hiểu Thiên Chúa các đạo binh là thuộc ngữ (attribut) của Chúa. Trong khi đó các bản dịch I-sai-a và phụng vụ đều hiểu Thiên Chúa các đạo binh là đồng vị ngữ (apposition) của Chúa. Thánh mới là thuộc ngữ của Chúa, nhưng vì dài (lặp lại ba lần) nên được đặt trước. Do đó bản phụng vụ tiếng La-tinh cũng như tiếng Ý, Anh, Đức không có dấu chấm hay phẩy giữa Thánh và Chúa ; bản Tây Ban Nha thêm động từ “là” : “Santo es el Senõor”. Vì hiểu như thế nên SLR 1992 đã dịch : “Thiên Chúa, Chúa Tể càn khôn là Đấng Thánh” (lặp lại “thánh” ở cuối cho rõ).
3) Thiên Chúa các đạo binh
Tiếng La-tinh là Deus Sabaoth. Sabaoth phiên âm một từ Híp-ri có nghĩa là “các đạo binh”, có thể hiểu là quân đội Ít-ra-en, hoặc đạo binh trên trời, nghĩa là các thiên thần, các tinh tú. Bản LXX (bản dịch cổ Cựu Ước ra tiếng Hy-lạp) dịch nhiều cách : “Chúa Sabaot”, “Chúa các quyền năng”, “Đấng toàn năng” (pantôkrator ; Kh 4,8 khi dẫn Is 6,3 cũng dùng từ này). Các bản dịch phụng vụ dịch là “Chúa vũ trụ” (“univers” : Pháp, Ý, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha), “Chúa của quyền năng và sức mạnh” (Anh, Đức). SLR 1992 đã dịch “Chúa Tể càn khôn”. Có lẽ nên theo hướng này, hoặc ít ra dùng “vũ trụ” thay các đạo binh.
Tr. 22
KINH TIỀN TỤNG
SLR 1992 để nghị dùng “Lời tiền tụng”. Lý do (CT tr. 46) là vì muốn dùng từ “kinh” cho toàn thể Kinh Tạ Ơn, và dùng từ “Lời” để chỉ các lời nguyện khác nhau trong Kinh Tạ Ơn ; Lời tiền tụng không phải là một kinh biệt lập, mà chỉ là phần đầu của Kinh Tạ Ơn.
Tr. 22-71, số 33-82
CÁC KINH TIỀN TỤNG
Chúng tôi không đi vào chi tiết bản dịch các Kinh Tiền Tụng (KTT), chỉ đưa ra một vài nhận xét tổng quát.
NTTL 2005 chủ trương dịch sát tiếng La-tinh, nên
– trong phần thân của KTT là phần đưa ra lý do để tạ ơn, nhiều khi để nguyên câu La-tinh dài, do đó hơi khó hiểu (ví dụ điển hình là KTT Chúa nhật Thường Niên VIII, phần thân dài 9 dòng là nguyên một câu, không có dấu chấm) ;
– dịch hết tên các “phẩm” thiên thần : Thiên thần, Tổng lãnh Thiên thần, Bệ thần, Quản thần, Quyền thần, thần Sốt mến (tuy nhiên ở tr. 31, số 42, còn để sót hai “phẩm” Caeli và Virtutes caelorum không dịch sát).
Trong khi đó SLR 1992, cũng như các bản dịch các thứ tiếng, thường cắt các câu dài, làm những câu ngắn cho dễ hiểu, đồng thời không dịch hết tên các “phẩm” thiên thần.
Tr. 75
KINH NGUYỆN THÁNH THỂ I
Trong các KNTT có vấn đề về cách xưng hô với Thiên Chúa. Về điểm này CT có bàn tới ở tr. 88-89. Vấn đề ở chỗ bản La-tinh xưng với Thiên Chúa khi thì “Cha” (Pater), khi thì “Chúa” (Domine), khi thì “Thiên Chúa” (Deus). Trong một kinh đọc liên tục mà thay đổi cách xưng hô như vậy, kể cũng lạ tai. Do đó, bản dịch tiếng Ý, ngoại trừ ở KNTT I thì theo La-tinh, còn trong KNTT II, III và IV thì dùng “Cha” hết (ngoại trừ một chỗ ở KNTT IV dùng “Thiên Chúa”).
Thay đổi cách xưng hô như vậy lại càng chói tai trong tiếng Việt. Vì trong tiếng La-tinh cũng như trong các ngôn ngữ chúng tôi được biết, sau khi xưng “Cha” hoặc “Chúa” ở đầu, các tiếng ấy chỉ dùng đại từ thay thế hoặc hiểu ngầm, hoặc dùng tính từ sở hữu. Ví dụ trong KNTT IV, ở đầu lời tiền tụng xưng Pater sancte, nhưng rồi, Pater được thay thế bằng đại từ tibi, te, hoặc được hiểu ngầm trong hình thức động từ es, fecisti, hoặc được diễn tả trong tính từ sở hữu tua (gloria tua).
Còn trong tiếng Việt, các từ “Cha”, “Chúa”, “Thiên Chúa” không thể được hiểu ngầm hoặc thay thế, mà cứ phải nói ra, lặp lại. Trong KNTT mà cứ phải thay đổi giữa các từ đó thì nghe cũng lủng củng, nhất là nội dung tình cảm của các từ đó khác nhau.
Vì vậy SLR 1992 chỉ xưng “Cha” trong tất cả các KNTT (kể cả trong các Lời tiền tụng).
Thế nhưng HT 5 lại chỉ thị là phải dịch Domine, Deus, Pater bằng những từ khác nhau (số 51) ! NTTL 2005 đã tuân hành đúng chỉ thị. Nhưng phải chăng UBPT có nên trình bày lên Bộ Phụng Tự, qua nhân viên cao cấp người Việt phục vụ trong Bộ, về trường hợp đặc biệt của tiếng Việt Nam ?
Tr. 75, số 84
Xin Cha… ban phúc cho những của lễ hiến dâng
Động từ benedicere thường được dịch là “làm phép” khi nói về những vật vô tri, như làm phép nhà thờ, làm phép ảnh tượng, làm phép xe… Khi nói về người thì dịch là “ban phép lành, ban phúc lành, ban phúc, giáng phúc”. Ở đây, NTTL 2005 dịch ban phúc cho những của lễ hiến dâng chắc không hợp ; ở số 88 cũng vậy.
Ở hai chỗ này SLR 1992 dịch benedicere là “thánh hoá” và giải thích (CT tr. 91) : “Trong văn mạch, từ benedicere có nghĩa là ‘làm cho thành của thánh dành riêng cho Thiên Chúa’. Vì thế Uỷ Ban dịch là : thánh hoá.”
Tr. 76 số 86
… cùng toàn thể các thánh,
vì công nghiệp và lời cầu khẩn của các ngài,
xin Chúa phù hộ chúng con trong mọi sự.
Để dễ đọc hơn, sau các thánh nên có dấu chấm (như SLR 1992, bản tiếng Anh và Pháp) hay chấm phẩy (như bản La-tinh, Ý, Tây Ban Nha). Lý do : câu này đã quá dài và đã sang ý tưởng khác.
Ngày nay, từ công nghiệp ít được hiểu theo nghĩa ta quen hiểu trước đây (meritum), nhưng thường được hiểu như “kỹ nghệ” (ví dụ : “phát triển công nghiệp”). Vì thế nên dùng “công trạng”, như SLR 1992.
Xin Chúa phù hộ chúng con. Tiếng La-tinh dùng dồn dập nhiều từ có nghĩa gần giống nhau : protectionis tuae muniamur auxilio. Vì thế nếu muốn “dịch sát” có lẽ nên nói dài hơn, như : “Xin Chúa che chở phù hộ chúng con”.
Tr. 78, số 88
Linh mục sáp hai bàn tay lại, đặt trên lễ vật
Kiểu nói sáp hai bàn tay còn được dùng ở nhiều chỗ khác tương tự (ở tr. 84, 87, 94, 143, 149, 155, 160, 165, 170, 185, 191). Chúng tôi thấy kiểu nói hơi lạ, nên đã đi tìm trong các từ điển tiếng Việt xuất bản trước cũng như sau năm 1975, thì thấy động từ “sáp” không được dùng một mình (ngoại trừ trong từ ngữ “sáp huyết” với nghĩa “uống máu để thề”), mà chỉ dùng với “nhập” thành “sáp nhập” tức là gom hai đơn vị hành chánh thành một. Các SLR 1971 và 1992 đều dịch là “đặt [hai] tay trên của lễ”. Vì thế có lẽ nên xét lại cách dịch sáp hai bàn tay lại.
Xin thương ban phúc…
Về việc dùng động từ ban phúc để dịch benedictam, xin xem nhận xét trên đây về tr. 75, số 84.
Tr. 79, số 89
LỜI TRUYỀN PHÉP BÁNH
Hướng về Chúa là Cha toàn năng của Người
Bản La-tinh là ad te Deum Patrem suum omnipotentem. NTTL 2005 quên dịch từ Deum. SLR 1992 đã dịch “hướng về Cha là Thiên Chúa và là Cha toàn năng của Người”.
CT tr. 51-62 trình bày rất kỹ những lý do của bản dịch lời truyền phép đề nghị cho SLR 1992. Ở đây chúng tôi chỉ xin nêu ra một số điểm.
Tất cả các con hãy nhận lấy
Động từ nhận lấy ở đây dịch động từ La-tinh accipite. Ở mấy dòng trên, cũng một động từ này accepit panem được dịch là Người cầm bánh. Trong các trình thuật về bữa tối sau hết, các sách Tin Mừng dùng cùng một động từ lambanêin cho cả hai trường hợp. Các bản dịch phụng vụ (Anh, Pháp, Ý, Đức, v.v..) cũng dùng một động từ. Vì thế bản tiếng Việt cũng nên dùng một động từ “cầm lấy” ; tuy nhiên có thể bớt từ hãy cho lời văn nhẹ nhàng hơn, mà ý nghĩa mệnh lệnh vẫn còn : Tất cả các con cầm lấy.
Vì này là Mình Thầy
Mệnh đề này có năm dấu huyền, nghe không hay lắm, nhất là đây là cao điểm của thánh lễ. Có lẽ nên thay này bằng đây như CT tr. 58 đề nghị, câu văn dễ nghe mà vẫn đúng nghĩa.
Tr. 79, số 90
LỜI TRUYỀN PHÉP RƯỢU
Cùng một thể thức ấy dịch La-tinh simili modo. Theo các từ điển, thể thức là “cách thức và thể lệ”, là “cách thức đã quy định”, vì thế gợi lên một khuôn mẫu có sẵn. Trong khi đó, từ Hy-lạp hosautos (Lc 22,20 ; 1 Cr 11,25) có nghĩa đơn giản là “cũng như vậy, cũng thế”. Do đó ở đây nên dịch là “cũng thế”.
Sau bữa ăn tối
Theo CT tr. 62, nếu dịch như trên, người ta có thể hiểu là Đức Giê-su truyền phép rượu ngoài bữa ăn, hoặc trong một bữa ăn khác với bữa ăn trong đó Người truyền phép bánh. Trong khi đó, động từ Hy-lạp dêipnesai dùng trong Lc 22,20 và 1 Cr 11,25 chỉ có nghĩa là “dùng bữa”. Vì thế SLR 1992 dịch là “vào cuối bữa ăn”.
Người cầm chén
Đề nghị : “Người cầm lấy chén rượu”. Lý do : “cầm lấy”, vì cũng là động từ Hy-lạp lambanêin như ở trên khi nói về bánh ; “chén rượu”, vì trong tiếng miền Nam “chén” còn có nghĩa là “chén để ăn cơm”, do đó ở đây nên nói rõ là “chén rượu”.
Tất cả các con hãy nhận lấy. Theo nhận xét trên đây về bánh, ở đây chúng tôi cũng đề nghị dịch là “Tất cả các con cầm lấy”.
Và nhiều người được tha tội
[Cho] nhiều người dịch La-tinh pro multis lấy ở Mt 26,28. CT tr. 63-64 có bàn đến cách dịch từ này. Chỗ này bản TOB dịch là “pour la multitude” và chú thích : [Jésus] “proclame la valeur universelle de son sacrifice pour la multitude, c’est-à-dire, selon le sens sémitique de la formule, pour l’ensemble des hommes (cf. Es 53,12).” Bản BJ dịch là “pour une multitude” và chú thích : “Jésus s’attribue la mission de rédemption universelle assignée par Isaðe au ‘Serviteur de Yahvé’, Is 42,6 ; 49,6 ; 53,12.” Nhiều bản dịch phụng vụ cũng dịch theo nghĩa đó : “pour la multitude” (Pháp), “for all men” (Anh), “per tutti” (Ý), “por todos los hombres” (Tây Ban Nha), “por todos os homens” (Bồ Đào Nha), “fušr alle” (Đức), “chúng nhân” (Trung quốc).
Uỷ ban phiên dịch SLR 1992 đã đề nghị hai kiểu dịch : “mọi người” hoặc “muôn người”, nhưng nghiêng về “muôn người”. “Muôn” có nghĩa đầu tiên là “mười ngàn”, nhưng cũng được “dùng để chỉ con số lớn lắm không sao đếm xuể, hoặc đến bao nhiêu cũng được, bao quát toàn bộ” (Từ điển Tiếng Việt), như trong các từ ngữ “muôn dân, muôn đời, muôn kiếp, muôn loài, muôn năm, muôn sự, muôn thuở”, v.v… Dùng “muôn người” trong lời truyền phép có lợi là vừa gần với multi, vừa không có nghĩa giới hạn như “nhiều người’ (hàm ý có những người ở ngoài số “nhiều”).
Mà nhớ đến Thầy
In meam commemorationem (Lc 22,19) dịch như trên có lẽ hơi nhẹ. Uỷ ban phiên dịch trước đây (CT tr. 64-65) đã đề nghị “để tưởng nhớ đến Thầy”, vì “tưởng nhớ” là “nhớ đến, nghĩ đến với tình cảm thiết tha”. Các bản dịch phụng vụ dùng “mémoire”, “memory”, “memoria”.
Một nhận xét khác : ở số 89-90, trong lời tường thuật truyền phép, có đến năm chữ mà, nghe kể cũng hơi nặng (ở các chỗ tương đương trong các KNTT khác cũng vậy).
Tr. 80, số 91
LỜI TUNG HÔ SAU TRUYỀN PHÉP
Trong bản La-tinh chỉ có một lời xướng của linh mục cho ba mẫu lời tung hô của giáo dân. UBPT trong biên bản đề ngày 1-6-2003, số 32 (tr. 13-14) đã đề nghị ba lời xướng : “Đây là mầu nhiệm đức tin”, “Chúng ta hãy tuyên xưng mầu nhiệm đức tin” và “Cao cả thay mầu nhiệm đức tin”, lý do là “nhằm giúp cho cộng đoàn dễ dàng đáp lại khi chọn mẫu nào tương ứng”. Chính vì lý do mục vụ này mà bản Pháp, Tây Ban Nha và sau đó SLR 1992 (tr. 572) cũng đã đề nghị ba lời xướng khác nhau của linh mục (x. CT tr. 65). Rất tiếc là trong NTTL 2005 chỉ còn một lời xướng duy nhất. Kết quả thực tế, theo kinh nghiệm 35 năm (từ khi có SLR 1971), là cộng đoàn thường chỉ tung hô theo một mẫu duy nhất.
Trong bản dịch các lời tung hô, NTTL 2005 đã bỏ mấy từ “việc” cho bớt nặng nề, thành Chúa chịu chết, Chúa sống lại. Nhưng có lẽ nên thêm từ “đã” như SLR 1992 : “Chúa đã chịu chết, Chúa đã sống lại” cho rõ thì quá khứ, và như vậy nêu rõ : thánh lễ hiện tại tổng hợp quá khứ và tương lai (cho tới khi Chúa đến).
Ngoài ra, vì trong các số đi liền trước và sau số 91, Chúa chỉ về Chúa Cha, nên Domine trong các câu tung hô nên dịch là “Lạy Chúa Ki-tô” cho rõ nghĩa.
Trong mẫu lời tung hô thứ 3, NTTL 2005 dịch Chúa đã dùng thánh giá và sự phục sinh của Chúa để giải thoát chúng con. Câu văn hơi nặng và trừu tượng do các từ dùng và sự. Vì thế SLR 1992 đã đề nghị : “Chúa đã chịu khổ hình thập giá và sống lại vinh quang để giải thoát muôn người”. Có lẽ một phần nào nên theo hướng đó.
Tr. 80, số 92
Vì vậy, lạy Chúa
Đây là một trường hợp cho thấy tầm quan trọng của việc xưng hô. Ở trong các lời tung hô sau truyền phép, lạy Chúa hướng về Chúa Ki-tô, còn ở đây lạy Chúa lại hướng về Chúa Cha ! Thật khó hiểu.
Bánh thánh ban sự sống vĩnh cửu và chén cứu độ muôn đời…
Để ý nghĩa rõ hơn, đề nghị theo SLR 1992 : “là Bánh thánh ban sự sống vĩnh cửu và Chén đem lại ơn cứu độ muôn đời.” Lý do : “là” giải thích lễ vật vừa nói là gì ; thêm “đem lại” cho cân với “ban” (cũng đã thêm). Bánh và Chén có thể viết hoa theo bản La-tinh.
Tr. 80, số 93
Abel tôi trung của Chúa
Tôi trung có lẽ chưa dịch hết nghĩa của pueri tui iusti : theo 1 Ga 3,12, Ca-in đã giết em “bởi vì các việc nó làm thì xấu xa, còn các việc em nó làm thì công chính (iusta)”. Vì thế SLR 1992 đã dịch “của tôi tớ cha là A-ben, người công chính”. Các bản Ý, Pháp, Tây Ban Nha cũng dịch “A-ben, người công chính”.
Tr. 81, số 95
Đặc biệt các bậc tổ tiên, ông bà cha mẹ
và thân bằng quyến thuộc chúng con
Những dòng này được thêm vào theo tinh thần “hội nhập văn hoá” : rất hay ! Nhưng vì được thêm vào, nên cần thêm dấu phẩy sau chúng con để phân biệt với bản chính và cho thấy rõ chủ ngữ của đã an nghỉ là mọi người. Ở những chỗ tương tự trong một số KNTT khác cũng cần thêm dấu phẩy như vậy, ví dụ : tr. 86 (số 106), tr. 91 (số 115), tr. 146 (số 7), tr. 152 (số 7).
Tr. 82, số 96
Các Thánh Tử Đạo… và toàn thể các thánh
Hai lần dịch thiếu tuis : “các Thánh Tử Đạo của Chúa… toàn thể các Thánh của Chúa”.
Xét theo công nghiệp
Về từ công nghiệp, xin xem nhận xét trên đây về số 86, tr. 76. Ở chỗ này SLR 1971 và SLR 1992 đều dịch là “công trạng”.
Đồng phận với các ngài
Từ ngữ đồng phận không thấy có trong các từ điển tiếng Việt. Các bản dịch trước đều dịch theo nghĩa : SLR 1971 “nhận vào đoàn thể các thánh” ; SLR 1992 “cho được chung hưởng hạnh phúc với các ngài”.
Tr. 82, số 97
Chúa hằng sáng tạo, thánh hoá, ban sinh lực, giáng phúc
và phân phát cho chúng con tất cả những lễ vật này
Bản dịch lấy lại SLR 1971. Những dòng này khó hiểu vì không thấy đâu là bổ ngữ (túc từ) của chuỗi động từ này. Các động từ sáng tạo, thánh hoá, phân phát có thể có bổ ngữ trực tiếp là những lễ vật. Nhưng ban sinh lực, giáng phúc chỉ có bổ ngữ gián tiếp : ban sinh lực, giáng phúc cho những lễ vật (riêng động từ giáng phúc cũng có vấn đề như động từ ban phúc, đã nói về số 84, tr. 75 trên đây). Chính vì lý do đó mà SLR 1992 đã phải nói vòng : “Cha không ngừng sáng tạo những của lễ tốt đẹp này, lại thánh hoá và làm cho trở nên nguồn sinh lực và ân phúc để ban cho chúng con.”
Tr. 82, số 98
Chính nhờ Người, với Người…
Đây là câu vinh tụng ca kết thúc các KNTT, đồng thời ý nghĩa cũng súc tích, vì thế khó mà dịch sao cho đúng và hay (CT tr. 67-68). Ở đây xin nêu ra vài ba điểm :
1) Chính nhờ Người, với Người và trong Người
Bản La-tinh chỉ dùng đại từ Per ipsum, et cum ipso, et in ipso. Nhưng SLR 1992 đã dịch “Chính nhờ Đức Ki-tô, cùng với Đức Ki-tô, và trong Đức Ki-tô” : lặp lại “Đức Ki-tô” ba lần (theo bản Ý và Bồ Đào Nha) cho câu văn thêm long trọng. Đồng thời, vì đại từ ipsum ở đầu số 98 hơi xa danh từ Christum ở cuối số 96, nên nhắc lại “Đức Ki-tô” cho rõ hơn.
2) In unitate Spiritus Sancti
Các chuyên gia phụng vụ không nhất trí về cách hiểu cụm từ này (CT tr. 67-68) : a) hoặc muốn nhấn mạnh đến sự hợp nhất trong Thiên Chúa Ba Ngôi, như trong câu kết dài của lời nguyện nhập lễ ; b) hoặc hiểu là “trong sự hợp nhất do Chúa Thánh Thần”, nghĩa là Chúa Thánh Thần hợp nhất chúng ta thành một thân thể là Hội Thánh để chúng ta có thể nhờ Đức Ki-tô mà dâng lên Thiên Chúa mọi lời tôn vinh chúc tụng ; ý niệm về việc Chúa Thánh Thần liên kết chúng ta nên một cũng được nói đến ở KNTT 2 (số 105, tr. 85), KNTT 3 (số 113, tr. 89) và KNTT 4 (số 122, tr.96). Dù sao, dịch trong sự hợp nhất của Chúa Thánh Thần cũng hơi nặng và khó hiểu.
3) Đến muôn đời
SLR 1992 dịch “đến muôn thuở muôn đời” ở chỗ này, cũng như ở câu kết lời nguyện nhập lễ. Lý do : tiếng La-tinh có lặp lại per omnia saecula saeculorum, vì thế, dịch dài hơn thì vừa đúng vừa làm cho lời kết thúc thêm long trọng và phong phú về âm điệu.
KINH NGUYỆN THÁNH THỂ II
Tr. 83, số 99
Nhờ Con yêu quý của Cha là Chúa Giê-su Ki-tô
chúng con tạ ơn Cha mọi nơi mọi lúc
Đảo vị trí của hai dòng này, như SLR 1992, câu văn sẽ tự nhiên hơn, dễ hiểu hơn (đồng thời cũng “sát tiếng La-tinh” hơn !)
Để chu toàn thánh ý Cha…
Trong dòng này và ba dòng tiếp theo có đến ba chữ để : có lẽ hơi nặng. SLR 1992 đã tìm cách tránh cái bất tiện này (CT tr. 100-101).
Tr. 84, số 101
Dùng ơn Thánh Thần Chúa
Bản La-tinh : Spiritus tui rore. Dịch như trên thì quá nhẹ vì làm mất đi hình ảnh ơn Chúa Thánh Thần ví tựa “sương sa” (ros). SLR 1992 đã cố gắng giữ phần nào hình ảnh này (CT tr. 101) : “Xin Cha đổ ơn Thánh Thần xuống”. Các bản Ý, Tây Ban Nha, Pháp cũng dùng những từ tương tự, còn bản Đức dịch “durch den Hauch deines Geistes” (“nhờ hơi thở của Thánh Thần của Chúa”).
Để trở nên cho chúng con
Một lần nữa, chúng ta lại gặp vấn đề đã nêu trên đây về tr. 19, số 23 và 25) : đâu là chủ ngữ của trở nên ?
Tr. 84, số 102
Khi tự nguyện nộp mình chịu khổ hình
Bản La-tinh : Qui cum Passioni voluntarie traderetur gồm hai ý tưởng quan trọng (CT tr. 101-102) :
1) “Bị trao nộp” (traderetur). Đức Giê-su bị Giu-đa trao nộp (Mt 26,15-16), bị Phi-la-tô trao để bị đóng đinh vào thập giá (Mt 27,26), nhưng đó cũng là thánh ý Chúa Cha : “Đến như chính Con mình, Thiên Chúa cũng chẳng tiếc, nhưng đã trao nộp vì hết thảy chúng ta” (Rm 8,32).
2) “Tự hiến thân” (voluntarie). Tuy bị trao nộp, Đức Giê-su không miễn cưỡng, mà chính Người còn tự trao nộp, tự hiến thân vì chúng ta (Ga 10,17-18 ; Gl 2,20 ; Ep 5,25).
Các bản dịch phụng vụ Anh, Pháp, Đức, Hà Lan, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha đều phân biệt rõ hai ý tưởng ấy. Uỷ ban phiên dịch cũng đã đề nghị cho SLR 1992 : “Khi bị nộp và tự hiến thân chịu khổ hình”.
NTTL 2005 dịch : Khi tự nguyện nộp mình chịu khổ hình. Cách dịch này diễn tả được ý tưởng 2) trên đây ; nhưng chưa nói lên được ý tưởng 1) : Đức Giê-su “bị trao nộp”.
Tr. 85, số 105
Được quy tụ nên một nhờ Chúa Thánh Thần
Từ nhờ quá nhẹ, chưa diễn tả hết giới từ a của tiếng La-tinh : Chúa Thánh Thần không phải chỉ là phương tiện “nhờ đó” chúng ta được quy tụ, mà chính Ngài có vai trò chủ động quy tụ chúng ta. Vì thế có thể dịch theo dạng thụ động : “Xin cho chúng con được quy tụ nên một bởi Chúa Thánh Thần” (như bản Pháp, Anh). Nhưng trong tiếng Việt kiểu này có lẽ hơi nặng, vì thế SLR 1992 đã dịch theo dạng chủ động : “Xin cho Thánh Thần liên kết chúng con nên một.”
Tr. 86, số 105
Xin ban cho kẻ đã chết như Con Chúa,
thì cũng được sống lại như Người
Bản La-tinh : ut, qui complantatus fuit similitudini mortis Filii tuui, simul fiat et resurrectionis eius. Câu này lấy ý từ Rm 6,5 : “Si enim complantati facti sumus similitudini mortis eius, sed et resurrectionis erimus”. Văn mạch Rm 6,1-11 nói về bí tích thánh tẩy trong đó người tín hữu được chết và sống lại với Đức Ki-tô cách mầu nhiệm. C.5 có thể dịch : “Thật vậy, nếu chúng ta đã nên một với Đức Ki-tô nhờ cái chết giống như cái chết của Người, thì chúng ta cũng sẽ nên một với Người nhờ sự sống lại giống như sự sống lại của Người.” Do đó, ở chỗ này cũng như ở lời nguyện tương đương trong Kinh Tạ Ơn 3 (số 115), các bản dịch phụng vụ Đức, Pháp, Anh, Trung Hoa, Ý đều nói rõ đến phép thánh tẩy. SLR 1992 cũng dịch : “Nhờ bí tích thánh tẩy, người tín hữu này đã cùng chết với Chúa Ki-tô, xin Cha cho được cùng sống lại với Người” (CT tr. 103-104). Dịch như thế, không phải là “không sát nguyên bản La-tinh” như có người có thể trách, nhưng chỉ là nói rõ ra tất cả chiều sâu Kinh Thánh và thần học của bản văn !
KINH NGUYỆN THÁNH THỂ III
Tr. 87, số 109
Nhờ cũng một Chúa Thánh Thần
Dịch thế này có thể là “diễn tả rõ tiếng La-tinh ‘eodem Spiritu’ hơn” (theo biên bản ngày 1-6-2003 của UBPT số 36), nhưng nghe cũng hơi nặng. Trong các bản dịch, chỉ có bản Tây Ban Nha dịch “cũng một”, các bản khác không dịch. SLR 1992 dịch, nhưng nhẹ nhàng hơn : “cũng nhờ Chúa Thánh Thần”.
Tr. 89, số 113
Khi kính nhớ cuộc khổ hình sinh ơn cứu độ,
sự sống lại và lên trời vinh hiển của Con Chúa
Một chuỗi danh từ trừu tượng với cuộc, ơn, sự, của nghe hơi nặng. SLR 1992 chuyển thành động từ : “tưởng nhớ Con Cha đã chịu khổ hình để cứu độ muôn người, đã sống lại diệu huyền và lên trời vinh hiển”, nghe tự nhiên hơn trong tiếng Việt.
Chúng con nài xin Chúa
… và một tinh thần trong Đức Ki-tô
Một câu La-tinh phức tạp mà dịch thành một câu tiếng Việt dài bảy dòng với những mệnh đề chằng chịt nên thật khó hiểu. SLR 1992 đã dịch thành hai câu với kết cấu sáng sủa hơn.
Khi Chúa nhận đây chính là Của Lễ
mà Chúa muốn hiến tế để nguôi lòng Chúa
Bản La-tinh agnoscens Hostiam, cuius voluisti immolatione placari thật khó dịch. NTTL 2005 chủ yếu dựa vào SLR 1971, nên chúng ta có thể dựa vào CT tr. 107 để nhận xét về bản dịch trên đây :
– Theo ngữ pháp, voluisti đi với placari, chứ không phải với immolatione, nên không thể dịch là Chúa muốn hiến tế để nguôi lòng Chúa.
– Chúa muốn hiến tế : theo cách dịch này, chủ ngữ của hiến tế là Chúa. Vậy là Chúa Cha hiến tế Chúa Con cho mình sao ?
– Nguôi lòng Chúa : động từ “nguôi” thường được hiểu là một tình cảm có tính tiêu cực đã dịu đi, như “nguôi nỗi buồn, nguôi nỗi nhớ, nguôi cơn giận”. Dịch như trên làm cho người đọc có thể hiểu là : Chúa Cha muốn hiến tế Con của mình để cơn giận của Chúa được nguôi đi.
Chính vì khó diễn tả ý nghĩa của bản La-tinh, nên các bản phụng vụ đã dịch nhiều kiểu khác nhau. SLR 1992 cũng đã dịch : “Xin Cha… nhận đây chính là hy lễ Con Cha đã dâng tiến để nhân loại được giao hoà với Cha.”
Xin cho chúng con được bổ dưỡng bởi Mình và Máu Con Chúa
Dịch như trên thì người nghe sẽ hiểu là chúng ta “xin được bổ dưỡng”, trong khi phải hiểu là chúng ta “xin được trở nên một thân thể…” ; nhưng mệnh đề này ở quá xa !
Được bổ dưỡng bởi Mình và Máu
Trong tiếng Việt, ta không nói : “bệnh nhân được bổ dưỡng bởi thịt và trứng”, nhưng nói : “bệnh nhận được thịt và trứng bổ dưỡng”. Vì thế SLR 1992 dịch : “Khi chúng con được Mình và Máu Con Cha bổ dưỡng”.
Tr. 90, số 113 (tiếp)
Vì chúng con tin tưởng các ngài
luôn chuyển cầu cùng Chúa cho chúng con
Bản dịch quên mất động từ La-tinh adiuvari.
Trên đường lữ thứ trần gian
Lữ thứ là một từ ít dùng, có nghĩa “nơi xa quê hương”. Còn “lữ hành”, một từ thông dụng ngày nay, có nghĩa “đi đường xa”. Vì thế SLR 1992 dịch “trong cuộc lữ hành trần thế”.
Xin Chúa thương nhậm lời cầu của gia đình
mà Chúa đã muốn tụ họp trước tôn nhan Chúa đây.
Lạy Cha nhân từ, xin thương đoàn tụ mọi con cái Cha
đang tản mác khắp nơi về với Cha.
Một số nhận xét về mấy dòng này :
– Nhậm có nghĩa là “nhận”. Nhưng trong tiếng Việt ngày nay, chỉ còn dùng trong từ ngữ “nhậm chức”, ít thấy dùng nhậm lời (ngoại trừ trong các kinh của ta).
– Chúa đã muốn tụ họp. Theo ngữ pháp thì chủ ngữ của tụ họp là Chúa, nhưng nếu vậy thì không xuôi tiếng Việt, vì người ta quen nói “giáo dân tụ họp”, chứ không nói “cha xứ tụ họp giáo dân”.
– Xin thương đoàn tụ mọi con cái Cha. Trong hai dòng mà có hai chữ tụ, một điều nên tránh. Đàng khác, người ta quen nói “con cái đoàn tụ quanh cha mẹ”, chứ không nói “cha mẹ đoàn tụ con cái”.
Chúng tôi xin bỏ qua KNTT IV và nói ngay đến phần Nghi thức hiệp lễ.
NGHI THỨC HIỆP LỄ
Tr. 98 số 124
Vâng lệnh Chúa Cứu Thế và theo thể thức Người dạy
Lời dẫn vào kinh Lạy Cha, trong các bản dịch phụng vụ, thấy dịch nhiều cách khác nhau, qua đó chúng ta có thể thấy hai ý chính : Chúa ra lệnh phải cầu nguyện và Chúa dạy cho biết cầu nguyện. Vì thế SLR 1992 đã dịch “Vâng lệnh Chúa Cứu Thế, và theo lời Người dạy.” Còn NTTL 2005 theo SLR 1971 và dịch phần sau là theo thể thức Người dạy. Một lần nữa chúng ta lại gặp từ thể thức, đã gặp trước lời truyền phép rượu : cùng một thể thức ấy, ở tr. 79, số 90, và chúng tôi đã bàn tới. Ở đây cũng vậy, nếu như tìm được cách diễn tả nào khác thay cho theo thể thức có lẽ cũng hay hơn.
KINH LẠY CHA
NTTL 2005 theo SLR 1971, tức là kinh Lạy Cha cổ truyền có sửa hai câu : “Vâng ý Cha dưới đất bằng trên trời vậy. Xin Cha cho chúng con hằng ngày dùng đủ”, thành : Ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời. Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày. Về ý nghĩa kinh Lạy Cha, có rất nhiều vấn đề, vì thế Uỷ ban phiên dịch SLR 1992 đã đề nghị một bản dịch hoàn toàn mới và đã giải thích rất kỹ ở CT tr. 69-83, nhưng bản dịch này không được HĐGM chấp nhận, và SLR 1992 vẫn theo SLR 1971. Tuy nhiên chúng tôi cũng xin in lại đây bản dịch đề nghị này như một tài liệu tham khảo :
“Lạy Cha chúng con là Đấng ngự trên trời,
xin làm cho danh Cha hiển thánh,
vương quyền Cha mau đến,
ý Cha thành tựu dưới đất cũng như trên trời.
Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực cần dùng,
xin tha tội cho chúng con
như chúng con cũng tha
cho những người có lỗi với chúng con,
xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ,
nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ.”
Có lẽ một ngày nào đó Giáo Hội Việt Nam cũng nên có can đảm tra tay vào việc dịch lại kinh Lạy Cha, là kinh quan trọng vào bậc nhất bởi vì chính Chúa Giê-su đã dạy chúng ta.
Tr. 98, số 125
Lạy Chúa, xin cứu chúng con
Đây là một trường hợp cho thấy tầm quan trọng của cách xưng hô trong tiếng Việt. Trong kinh Lạy Cha, cộng đoàn vừa thưa với Cha cách rất tình nghĩa, bây giờ trong kinh này, là kinh quảng diễn lời xin cuối cùng của kinh Lạy Cha và vì thế có tính liên tục với kinh Lạy Cha, lại “sang số” xưng Chúa, một từ dù sao cũng có âm hưởng xa cách hơn. Do đó người đọc (linh mục) và người nghe (cộng đoàn) cảm thấy có sự hụt hẫng nào đó.
Đang khi chúng con mong đợi niềm hy vọng hồng phúc
và ngày trở lại của Chúa Giê-su Ki-tô.
Câu này phụng vụ La-tinh mượn một phần của Tt 2,13 :
Exspectantes beatam spem
et adventum Salvatoris nostri Iesu Christi
Theo ý của câu này, chúng ta không trông đợi hai điều khác nhau, nhưng, như SLR 1992 đã dịch : “chúng con đợi chờ ngày hồng phúc, ngày Đức Giê-su Ki-tô Đấng cứu độ chúng con ngự đến” (La-tinh là adventum nên không dịch là trở lại như NTTL 2005).
Vì vương quyền, uy lực và vinh quang
là của Chúa đến muôn đời.
Câu này dịch sát tiếng La-tinh nhưng tiếng Việt Nam nghe “nó làm sao ấy”, không tự nhiên (cũng như câu trong sự hợp nhất của Chúa Thánh Thần ở tr. 82, số 98). SLR 1992 đã dịch thành một câu tung hô trang trọng gồm ba vế với đầy đủ ý nghĩa :
“Vì Cha là Vua,
là Chúa quyền năng,
là Đấng vinh hiển muôn đời.”
Tr. 99, số 129
Xin cho việc hoà Mình và Máu Đức Giê-su Ki-tô,
Chúa chúng con mà chúng con sắp lãnh nhận
đem lại cho chúng con sự sống muôn đời.
Câu này khó hiểu. Trước hết, ta quen nói “hoà mình” theo nghĩa “xen lẫn trong đám đông để chia sẻ tình cảm với mọi người” ; còn việc hoà Mình và Máu nghĩa là gì ? Tiếp đó, mà chúng con sắp lãnh nhận ; khó mà biết được bổ ngữ của động từ lãnh nhận là gì. Sau cùng, cũng khó mà thấy được đâu là chủ ngữ của động từ đem lại. Lý do là vì cụm từ việc hoà Mình và Máu có tính trừu trượng. Trong khi đó SLR 1992 dịch :
“Xin Mình và Máu Chúa Giê-su Ki-tô hoà lẫn với nhau
mà chúng con sắp lãnh nhận
cho chúng con được sống muôn đời.”
Cụm từ “Mình và Máu Chúa hoà lẫn” có tính cụ thể, do đó dễ thấy đó là bổ ngữ của “lãnh nhận” và là chủ ngữ của “cho”.
Tr. 100, số 131
Nhờ sự hợp tác của Chúa Thánh Thần
Có lẽ nên dịch như SLR 1992 “nhờ Chúa Thánh Thần hợp tác”, vừa gần tiếng La-tinh cooperante, vừa nhẹ nhàng hơn nhờ sự hợp tác của.
Xin dùng Mình và Máu… cứu con
SLR 1992 dịch (giống bản Pháp) “xin Mình và Máu… cứu con”, nghe tự nhiên hơn.
Giới răn Chúa
Trong ngôn ngữ tôn giáo, nhất là Phật giáo, “giới” có nghĩa là “cấm”, ví dụ : giới luật, ngũ giới, giớt sát, giới sắc, v.v… Trong khi đó, các mandata của Chúa có điều cấm (chớ giết người, chớ tà dâm, v.v…), mà cũng có điều dạy phải làm (giữ ngày Chúa nhật, thảo kính cha mẹ, v.v…), vì thế nên dịch là mệnh lệnh Chúa truyền, điều răn, v.v…
Tr. 100, số 132
Lạy Chúa, con chẳng đáng Chúa ngự vào nhà con,
nhưng xin Chúa phán một lời, thì linh hồn con sẽ lành mạnh
Câu này là lời viên đại đội trưởng thưa với Đức Giê-su ở Mt 8,8. Phụng vụ mượn lại, nhưng đổi “đầy tớ tôi” thành “linh hồn con”. NTTL 2005 dịch thiếu tantum “chỉ”, đàng khác chữ thì nếu đổi thành “là” có lẽ nghĩa sẽ mạnh hơn.
Các bản tiếng Pháp, Anh, Hà Lan dịch khá uyển chuyển : thay vì nhà con và linh hồn con thì chỉ dùng “con”. Vì thế Uỷ ban phiên dịch đã đề nghị cho SLR 1992 : Lạy Chúa, con chẳng đáng Chúa ngự đến cùng con, nhưng xin Chúa chỉ phán một lời, là con được lành mạnh.”
Tr. 103, số 144
Lễ xong, chúc anh chị em đi bình an
Dịch như trên, lễ xong chỉ là một mệnh đề phụ cho mệnh đề chính chúc anh chị em đi ; theo bản Anh và Ý, đây là một mệnh đề độc lập : “The Mass is ended, la Messa è finita”, vì thế nên dịch là “thánh lễ đã xong” (dùng “thánh lễ” cho trang trọng vào lúc kết thúc).
Đi bình an. Bình an không có trong tiếng La-tinh, nhưng tất cả các bản dịch đều thêm vào. Động từ đi, thay cho “về” hay “ra về” trước đây, rất có ý nghĩa, vì không phải chỉ là lễ xong ai nấy về nhà, nhưng là cộng đoàn còn được sai đi chia sẻ và loan báo Tin Mừng.
*
* *
VÀI ĐIỂM TỔNG KẾT
Trong bài này, chúng tôi chỉ mới nêu một số nhận xét về một số trang trong phần đầu cuốn NTTL 2005. Còn rất nhiều điều phải nói, nhưng không thể nào nói hết được. Qua những gì đã nói, thiết tưởng có thể đưa ra một vài điểm tổng kết sau đây :
1. Về SLR 1992
Các dịch giả NTTL 2005 đánh giá thấp SLR 1992, chê là làm theo hứng, dịch quá thoáng, không theo sát tiếng La-tinh. Thực ra Uỷ ban phiên dịch SLR 1992 gồm khá đủ các chuyên viên về Kinh Thánh, thần học, phụng vụ, thánh nhạc, và ngôn ngữ có thể quy tụ vào thời điểm đó. Uỷ ban cũng đã làm việc rất nghiêm túc, có nghiên cứu các sách vở tài liệu của các nhà chuyên môn về Kinh Thánh và phụng vụ, đồng thời tham khảo các bản dịch phụng vụ bằng nhiều thứ tiếng, như ghi rõ trong các trang Chú thích bản dịch Nghi thức Thánh lễ 1992 chúng tôi đã nhiều lần dẫn trên đây. Những công việc ấy nhằm tìm ra ý nghĩa của bản văn phụng vụ.
Để diễn tả ý nghĩa đó, Uỷ ban đã cố gắng dùng những lối nói phù hợp với cách diễn tả trong tiếng Việt, cả về lời văn trang trọng cả về âm thanh tiết điệu sao cho dễ nghe. Uỷ ban cũng đã lưu ý rằng các bản văn phụng vụ chủ yếu là đọc cho cộng đoàn nghe, vì thế phải nói sao cho người nghe có thể hiểu được dễ dàng. Do đó các câu La-tinh dài, phức tạp, gồm nhiều mệnh đề chằng chịt thường được cắt ra thành những câu ngắn tiếng Việt.
2. Về NTTL 2005
Trong khi đó, các dịch giả NTTL 2005 đã làm việc thế nào ? Vì là những người bên ngoài, chúng tôi không dám nói về thành phần các dịch giả cũng như về phương thức làm việc, chỉ phê phán qua kết quả, thức là bản NTTL 2005 đã được in ra.
Trước hết, chúng tôi thông cảm với các dịch giả là vì các vị đã phải tuân theo Huấn thị 5 “Về việc sử dụng các ngôn ngữ địa phương khi xuất bản các Sách của phụng vụ Rô-ma”, do Bộ Phụng tự và Kỷ luật các Bí tích công bố ngày 28-3-2001. Phải công nhận rằng Huấn thị nhấn mạnh nhiều đến việc phải theo sát tiếng La-tinh khi dịch các bản văn phụng vụ. Tuy nhiên, trong khi theo sát ngôn ngữ gốc, thiết tưởng người dịch cũng cần lưu ý đến ngôn ngữ của bản dịch, sao cho người tham dự phụng vụ không phải nghe một bản văn lủng củng, khó hiểu. Mục tiêu của phụng vụ là giúp người tín hữu nâng tâm hồn lên cầu nguyện với Chúa. Nhưng làm sao họ cầu nguyện được nếu họ phải nghe những bản văn trúc trắc, khó hiểu ? Chúng tôi trộm nghĩ có lẽ các người dịch NTTL 2005 đã bị Huấn thị 5 gò bó, nên đã phần nào quên mất mục tiêu của phụng vụ nói trên. Và kết quả là chúng ta có tập NTTL 2005.
Không biết những góp ý của chúng tôi, cũng như của nhiều người khác, sẽ đi đến đâu ? Có thể có người sẽ nói : “Chó cứ việc sủa, đoàn người cứ đi qua” (theo tục ngữ Pháp : “Les chiens aboient, la caravane passe”) ; hoặc : “Đừng áp đặt ý kiến của mình, bắt người khác phải theo, rồi nếu không được thì la làng lên !” (đây là chính lời phát biểu của một vị hữu trách cấp cao trong Uỷ ban Phụng tự). Và câu trả lời sau cùng sẽ là : “Toà Thánh đã phê chuẩn rồi, nên dù thích hay không thích, cũng cứ phải áp dụng !”
Nhưng có lẽ không nên quá bi quan. Chúng tôi hy vọng những ý kiến của nhiều người đưa ra từ nhiều phía sẽ không chỉ là “tiếng kêu trong sa mạc”, nhưng sẽ làm cho các vị hữu trách suy nghĩ lại và tìm cách điều chỉnh những gì đã làm ra. Nhất là mong rằng các vị sẽ lưu ý hơn, trong tất cả những bản dịch phụng vụ sẽ đưa ra, đặc biệt là trong những phần còn lại của Sách Lễ Rô-ma (các lời nguyện và các bài đọc) và trong các nghi thức Bí tích, để diễn tả sao cho vừa sát ý bản gốc vừa xuôi ngôn ngữ Việt Nam. Như vậy giáo dân Việt Nam sẽ được nhờ và Giáo Hội Việt Nam sẽ muôn đời ghi nhớ công ơn các vị.
Ngày 8 tháng 9 năm 2006
Lễ Sinh Nhật Đức Trinh Nữ Ma-ri-a
Tm. Nhóm Phiên Dịch
CÁC GIỜ KINH PHỤNG VỤ
An-be-tô Trần Phúc Nhân
Mi-ca-en Nguyễn Hữu Phú