Thư Ngỏ của  Lm. P. Đan-Minh Trần Minh-Công

 

Kính gởi

Đức Giám Mục

Phaolô Nguyễn Văn Hòa

Chủ Tịch HĐGM/VN

22, Trần Phú, TP. Nha Trang

Khánh Hòa, Việt-Nam

 

Đan-Viện Frauenthal, 2.7.2006

Trọng kính Đức Cha,

Con tên là Phêrô Đan-Minh Trần Minh-Công, linh mục Dòng Xitô, hiện đang làm linh hướng cho Cộng Đoàn nữ tu Xitô Frauenthal tại Thụy Sĩ.

Từ nhiều năm nay con có một thắc mắc về mấy danh từ Đạo Chúa rất quan trọng và đã được mọi người dùng thành thói quen không còn mấy ai ý thức về ý nghĩa của các danh từ đó.

Mới đây con đọc cuốn Nghi Thức Thánh Lễ xuất bản năm 2005 và nhiều bài phê bình góp ý về cuốn sách nầy. Con thấy đã đến lúc con phải viết lên những điều con ưu tư suy nghĩ về mấy danh từ đó và đồng thời cũng muốn đóng góp mấy ý kiến nhỏ mọn của con cho công việc dịch thuật kinh sách Đạo và sáng tác văn hóa phẩm Kitô giáo.

Vì muốn phổ biến bài viết dưới đây một cách rộng rãi trên các phương tiện truyền thông để nhiều người ý thức vấn đề, nên câu văn và lời nói trong bài viết có tính cách chung chung trong cách xưng hô... Con xin Đức Cha ban phép và thông cảm.

Với kiến thức hạn hẹp của con, có lẽ bài viết dưới đây còn có nhiều thiếu sót. Nhưng với lòng thành nghĩ sao nói vậy, và với ước muốn xây dựng sự nghiệp chung của Hội Thánh Công Giáo Việt Nam, con mạo muội viết lên một vài đề nghị về mấy danh từ nhà đạo quen dùng... Xin Đức Cha rộng lượng tha thứ cho những gì con nói không phải viết không đúng và bổ sung những gì còn thiếu. Xin hết lòng cám ơn Đức Cha .

Kính chúc Đức Cha tràn đầy hồng ân Đức Chúa Thánh Thần, sức khỏe và bình an của Chúa Kitô. Trân trọng kính chào Đức Cha.

Lm. Đan-Minh Trần Minh-Công

 
Abtei Frauenthal

6332 Hagendorn

Schwitzerland

Email:  p.dmc.tran@bluewin.ch

 

 

MỘT VÀI ĐỀ NGHỊ VỀ MẤY DANH TỪ NHÀ ĐẠO QUEN DÙNG

 

Trọng kính Đức Cha Chủ Tịch và Quí Đức Cha thuộc HĐGM/VN !

Từ mấy năm nay con cứ suy nghĩ không biết có nên viết những điều mình suy nghĩ về vấn đề sử dụng một số danh từ nhà đạo không. Bởi vì con không phải là nhà chuyên môn nên viết lách là chuyện rất ngại ngùng. Nhưng rồi mỗi khi đọc sách báo thấy các danh từ nhà đạo của mình được sử dụng một cách lộn xộn không thống nhất thì con lại cảm thấy bức xúc muốn viết lên điều mình đang suy nghĩ. Cũng đã đôi ba lần con muốn viết kiến nghị gởi HĐGM/VN, nhưng vì lý do nầy, lý do khác, con không đủ can đảm để viết. Hôm nay sau khi đọc kỹ cuốn sách Nghi Thức Thánh Lễ con quyết định viết bài góp ý nầy đệ trình Đức Cha và HĐGM/VN.

Vì muốn phổ biến bài nầy cho mọi người biết để chia sẻ suy tư, con xin Đức Cha ban phép dùng cách xưng hô chung chung trong bài viết nầy cho thích hợp.

Khi nhận được cuốn sách Nghi Thức Thánh Lễ do một người bạn ở Sài Gòn gởi tặng, tôi có cảm giác vui mừng đặc biệt, bởi vì đã hơn 40 năm, tính từ ngày Công Đồng Chung Vaticanô đệ nhị ban phép sử dụng tiếng địa phương trong Phụng Vụ, tôi cũng như nhiều người nóng lòng mong đợi một bản dịch việt ngữ chính thức của HĐGM/VN. Cuốn sách Nghi Thức Thánh Lễ mới nầy tuy nhỏ về lượng, chỉ có 205 trang khổ giấy 23x15cm, nhưng là một công trình dịch thuật tốn kém và công phu. Tốn kém không những về tiền của mà nhất là thời gian và nhân lực. Đức giám mục Phêrô Trần Đình Tứ, chủ tịch Ủy Ban Phụng Tự, và linh mục Vinh-Sơn Nguyễn Thế Thủ, người phụ trách ban dịch thuật (?) , đã cho biết điều đó qua hai bài viết của các ngài đăng trên mạng thông tin điện tử. Mặc dù công trình dịch thuật đạt kỷ lục về thời gian và số lượng người làm việc như vậy, nhưng vẫn còn nhiều thiếu sót đáng tiếc như các tác giả đã nhận định và phê bình [1]. Cá nhân tôi nhận thấy cuốn Nghi Thức Thánh Lễ nầy dịch sát với nguyên bản La Tinh hơn và đã loại bỏ được một số khuyết điểm của cuốn Sách Lễ xuất bản năm 1992. Tuy nhiên dịch sát chỉ là một trong những yếu tố làm cho bản dịch có “chất lượng”. Dịch sát từ hay sát nghĩa? Đức Cha chủ tịch UBPT, cha Nguyễn Thế Thủ và các tác giả khác đã trả lời câu hỏi nầy. Trong bài viết nầy tôi không muốn nhắc lại những gì các tác giả đã góp ý phê bình, mà chỉ muốn nói lên một số đề nghị cụ thể khác liên quan đến một số từ ngữ nhà đạo đã quen dùng nhưng thiết nghĩ cần phải xác định lại và sửa chữa.

 

1. Nhận định về sự biến đổi của tiếng Việt

Bất cứ ngôn ngữ nào cũng có sự biến đổi theo thời gian. Trong nửa thế kỷ vừa  qua tiếng Việt đã biến đổi rất nhiều. Nếu đọc những tác phẩm cách đây sáu chục năm về trước, người ta thấy nhiều thành ngữ, nhiều chữ khá xa lạ vì ngày nay không còn được dùng nữa. Ngôn ngữ biến đổi do nhu cầu hoặc vì thói quen. Nhiều từ ngữ mới được sáng chế hoặc vay mượn từ tiếng nước khác, vì tiếng việt không có. Cũng có những tiếng vì ít khi dùng nên bị lãng quên. Một yếu tố khác cũng làm cho tiếng việt đã thay đổi và biến dạng đi rất nhiều, đó là các ý thức hệ chính trị. Đọc một cuốn sách, một bài báo với những từ ngữ được dùng trong đó người ta có thể biết tác giả thuộc thể chế chính trị nào hoặc sống trong vùng ảnh hưởng văn hóa nào. Sự biến đổi từ ngữ trong lối hành văn thường là do chính kiến, nhưng nhất là do thói quen. Ví dụ: để diễn tả sự khuyến khích, hiện nay người ta thường nói là “động viên”, hoặc để diễn tả sự đồng ý chấp nhận người ta nói “thống nhất”. Những ai đã học tại Miền Nam trước đây đều biết hai chữ đó có ý nghĩa như thế nào. Ở đây tôi không muốn dài dòng về sự biến đổi ngôn ngữ tiếng việt trong những năm gần đây.  Tác giả Chu Đậu đã viết một bài với tựa đề “Nổi buồn tiếng Việt” để bàn về những đổi thay đáng buồn trong ngôn ngữ Việt Nam hiện nay.

Trong địa hạt văn hóa tôn giáo nói chung và Công Giáo nói riêng, người ta cũng thấy xuất hiện nhiều từ ngữ mới, chẳng hạn: Phúc âm hóa, Giáo chủ, Thần khí, ngôn sứ, hòa giải, triều đại, Tin Mừng, trổi dậy v.v. Những từ ngữ mới thường được vay mượn từ tiếng Tàu tiếng Tây và ý nghĩa của chúng rất dễ bị hiểu lầm. “Bộ Phúc âm hóa” có giống “Bộ kỹ nghệ hóa” của nhà nước không? “Đức Giáo chủ” của Công Giáo có khác với Giáo chủ của một giáo phái nào đó chăng? Hỏi tức là trả lời. Ngày xưa cha ông chúng ta đọc kinh cầu xin cho khỏi “Thần khí mất mùa giặc giã”... thế mà bây giờ tiếng “Thần khí” lại được dùng thay cho Đức Chúa Thánh Thần, Ngôi Ba Thiên Chúa. Xưa kia dùng tiếng “Nước Chúa” (Regnum Dei) bây giờ có một số tác giả dùng tiếng “Triều đại” để thay thế! Trong bản dịch Bài Đọc Thánh Lễ mới, người ta thấy tiếng “Trổi dậy” được dùng thay cho từ “sống lại”. Có lẽ tác giả muốn dịch sát từ Hy-Lạp và không muốn lặp lại các bản dịch trước nên dùng tiếng “Trổi dậy” ? Nhưng ai cũng biết ý nghĩa hai từ ngữ đó khác nhau dường nào! Chỉ cần đưa các sách Kinh Bổn trước đây ra so sánh với bản dịch Thánh Kinh của Nhóm Dịch Thuật Giờ Kinh Phụng Vụ và cuốn Sách Lễ xuất bản năm 1994 thì thấy. Xưa kia trong kinh nguyện và các bài học giáo lý, tiếng Hội Thánh luôn luôn được dùng để chỉ Giáo Hội Rôma tức Hội Thánh Công Giáo, ngày nay tiếng Hội Thánh hầu như bị quên lãng, rất ít khi dùng. Điều đáng mừng là trong Sách Nghi Thức Thánh Lễ mới xuất bản dùng từ Hội Thánh (viết hoa) .

Có bốn từ quan trọng nhất của Thiên Chúa Giáo nói chung và Công Giáo nói riêng cũng bị sửa đổi và sử dụng một cách tự nhiên, thiếu ý thức ngay cả trong cuốn Nghi Thức Thánh Lễ mới. Đó là những từ Đức Chúa Trời, Đức Chúa Giêsu và Đức Chúa Kitô, Đức Chúa Thánh Thần.

 

2. Chúa Giêsu hay Đức Giêsu? 

Cái bức xúc trăn trở nhất của tôi từ mấy năm nay đó là câu hỏi đó. Tôi tin Giêsu Nadarét là Con Thiên Chúa, “đồng bản thể với Chúa Cha” mà tại sao trong cách xưng hô tôi dám đồng hóa Người với các nhân vật trần thế như Đức Phật, Đức Đạt-Lai-Lạt-Ma, Đức Mahomet, Đức Giáo hoàng, Đức Hồng Y, Đức Khâm sứ, Đức Giám Mục và Đức Ông? Cũng vì suy nghĩ như thế mà trong mấy cuốn sách tôi mới viết sau nầy và khi giảng dạy tôi không dám xưng hô với Người như thói quen nữa. Tôi luôn luôn xưng hô rằng Chúa Giêsu, Chúa Kitô và Chúa Thánh Thần. (Thú thật là tôi chưa có can đảm giữ lại từ Đức như trước kia). Khi xưng hô với Chúa Giêsu như vậy tôi tuyên xưng đức tin vào Người. Tôi tin nhận Người là Chúa của tôi. Nhưng rồi tôi lại cảm thấy mình lội ngược dòng, bởi vì hầu hết ai cũng xưng hô với Chúa Giêsu khác tôi, nghĩa là Đức Giêsu, Đức Kitô. Tôi phải xưng hô với Chúa Giêsu theo đức tin hay theo thói quen? Những câu hỏi đặt ra đó, tôi thiết nghĩ chỉ có HĐGM/VN và UBPT mới có thể trả lời được. Vì thế hôm nay tôi dám viết bài nầy đệ đạt lên các Ngài.

Sau khi nhận được cuốn Nghi Thức Thánh Lễ, tôi đã đọc lướt qua một lượt để xem các Giám Mục Việt Nam và cụ thể là Ủy Ban Phụng Tự có nhận thức và suy nghĩ như tôi không. Tôi thất vọng, vì thấy các Ngài vẫn sử dụng Đức Kitô và Đức Giêsu theo thói quen của mọi người! Tuy nhiên cũng có một vài chỗ tuyên xưng là Chúa Kitô hoặc Chúa Giêsu, nhưng không dùng cách xưng hô mà các thừa sai trước đây đã nói về Ba Ngôi Thiên Chúa. Rất tiếc là bản văn chính thức nầy lại không quan tâm đến những từ ngữ thiết yếu đó của Mầu Nhiệm Chúa Ba Ngôi!

Thực vậy các thừa sai thời bấy giờ đã hiểu được sự khác biệt giữa hai nền văn hóa Đông – Tây. Đối với người phương Tây, khi xưng hô chỉ nói tên là đủ; nhưng người Phương Đông nói chung, và cách riêng là người việt, trong cách xưng hô phải luôn luôn kèm theo chức tước địa vị. Với những người đáng kính thì phải có từ Đức hoặc Ngài đứng trước. Vì thế khi chuyển ngữ từ Deus sang tiếng việt, các thừa sai đã dịch là Đức Chúa Trời. Để nói về Chúa Giêsu, Chúa Kitô và Chúa Thánh Linh, các thừa sai dùng những chữ đậm bản sắc văn hóa Việt Nam: Đức Chúa Giêsu, Đức Chúa Kitô và Đức Chúa Thánh Thần. Từ “Đức” nói lên sự tôn kính đặc biệt. Từ “Chúa” diễn tả đức tin vào Người. Chúa Giêsu không những được tôn kính như một Đấng sáng lập đạo, một vĩ nhân của loài người, nhưng hơn thế nữa Người là Con Thiên Chúa, là Đức Chúa Trời. Cha Đắc-Lộ và các thừa sai dùng những tiếng việt hết sức thâm thúy như thế để giảng Đạo Chúa và dạy bổn đạo là những bậc tiền bối trong đức tin của chúng ta. Tại sao ngày nay chúng ta lại loại trừ những tiếng đó và dùng chữ Hán là “Thiên Chúa” để thay thế? Tại sao chúng ta lại vất bỏ từ “Chúa” đi mà chỉ giữ lại từ “Đức” khi xưng hô với Đức Chúa Giêsu Kitô? Tôi sợ rằng một cách nào đó chúng ta vô tình xưng hô với Đức Chúa Giêsu như những người ngoại đạo! Chúng ta vô tình đặt Người ngang hàng với các danh nhân thế gian và không diễn tả đúng đức tin của chúng ta đối với Người!

 

3. Một vài nhận xét và đề nghị cụ thể

Sự tiến hóa từ ngữ của xã hội và văn chương Việt Nam trong mấy chục năm nay đã đạt kỷ lục. Dù muốn hay không ngôn ngữ tôn giáo cũng chịu ảnh hưởng rất nhiều. Từ ngữ biến đổi cùng với nếp sống con người. Văn chương nói chung và văn chương tôn giáo không thể cưỡng lại luật tiến hóa của loài người. Có những từ ngữ tôn giáo xuất hiện và thay đổi với bản văn chính thức và cũng có nhiều từ ngữ nhà đạo bộc phát trong nhân dân. Càng được nhiều người sử dụng thì từ ngữ càng mau lẹ trở thành quen thuộc. Mỗi khi đã trở thành thói quen thì rất khó từ bỏ dù cho từ ngữ đó chẳng hay ho gì. Một thí dụ cụ thể: Bản dịch Sách Lễ năm 1971 đã được vội vàng làm và thiếu tính cách khoa học chuyên môn, nên không được hoàn chỉnh về nhiều phương diện. Nhưng khi cuốn Sách Lễ xuất bản năm 1992 ra đời mặc dù được chuẩn bị kỹ lưỡng và làm việc khoa học, vẫn có nhiều người chê và luyến tiếc bản dịch Sách Lễ năm 1971. Lý do là vì đã quen với bản dịch trước và bản dịch mới có nhiều từ lạ lẫm không thích hợp. Bản dịch Thánh Lễ in năm 2005, với kinh nghiệm và phương pháp làm việc khoa học, theo sự thường thì phải khá hơn các bản dịch trước. Nhưng vẫn có nhiều người không hài lòng vì những thiếu sót không thể tránh được và vì luyến tiếc những bản bản dịch cũ. Giả như bản dịch Thánh Lễ năm 1971 dùng chính từ ngữ xưa để dịch “Dáu Thánh Giá” thế nầy: “Nhân Danh Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con và Đức Chúa Thánh Thần” và bản dịch mới năm 2005 cũng lấy lại y như vậy, thì đã không có những tranh luận vô bổ về Dấu Thánh Giá như hiện nay. Tôi thiết nghĩ dịch thuật các bản văn phụng vụ không nên loại trừ những tiếng quan trọng đã có trong truyền thống lâu đời, và cũng có thể dùng những tiếng mới đúng đắn và có ý nghĩa. Không nên câu nệ vào hình thức mà quên mất điều thiết yếu. Tại sao không dám sửa chữa những gì đã quen khi thấy cần phải sửa? Có những truyền thống không hay hoặc không đúng thì cần phải bỏ đi hoặc sửa lại. Những truyền thống tốt lành và có ý nghĩa ta phải tìm cách bảo tồn. Huấn Thị của Thánh Bộ Phụng Tự cũng cho phép như vậy [2].

Cái cần bảo tồn đó là mấy tiếng rất quan trọng và ý nghĩa đã có từ lâu đời trong các sách Kinh Bổn ngày xưa mà nay bị cắt xén sửa đổi: Đức Chúa Trời, Đức Chúa Giêsu,  Đức Chúa Kitô và Đức Chúa Thánh Thần... Không hiểu tại sao lại cắt bỏ chữ Chúa đi mà chỉ giữ lại chữ Đức, nghĩa là Đức Giêsu, Đức Kitô. Không biết ai đã dám sửa đổi bốn  tiếng ấy và chính thức sử dụng vào thời buổi nào. Chỉ đoán chừng là vào thập niên 1960-1970 theo phong trào bỏ chữ Nôm dùng chữ Hán của nhà nước bấy giờ nhiều người Công Giáo hay dùng chữ Thiên Chúa thay cho Đức Chúa Trời. Và cũng trong thời gian đó nhiều học giả Công Giáo bắt đầu dùng chữ Đức Giêsu, Đức Kitô thay cho Đức Chúa Giêsu và Đức Chúa Kitô như trước kia. Năm 1971 bản dịch Sách Lễ Roma ra đời đã chính thức chôn vùi mấy từ quan trọng đã có từ thời khai sinh đạo Công Giáo tại Việt Nam. Những năm sau đó các văn kiện chính thức của Hội Thánh Công Giáo Việt Nam đã sử dụng các từ Thiên Chúa, Đức Giêsu, Đức Kitô, Thánh Linh, và tệ hơn nữa là có người dùng từ “Thần khí”, vì thế mọi người đã nghe quen tai mà không đặt vấn đề. Bản dịch Kinh Thánh của Nhóm Phiên Dịch Giờ Kinh Phụng Vụ cũng như mới đây Ủy Ban Phụng Tự hiện nay đã dùng các từ đó một cách vô tư trong bản dịch gọi là chính thức được HĐGM/VN và Bộ Phụng Tự Giáo Triều Roma đóng ấn phê chuẩn ngày 10.05.2005.

Thiết tưởng đã đến lúc HĐGM/VN và UBPT phải quyết định giữ lại những tiếng  quan trọng đó trong bản văn phụng vụ vì những lý do như đã trình bày trên đây. Nếu không muốn giữ đúng trạng thái ban đầu thì ít ra phải giữ lại chữ Chúa, nghĩa là Chúa Giêsu, Chúa Kitô và Chúa Thánh Thần. Riêng từ Thiên Chúa vì đã quá quen và xét cho cùng ý nghĩa của từ đó cũng có thể chấp nhận được.

 

4.  Thêm vài kiến nghị thiết thực

Những điều phải viết tôi đã viết. Nhưng tiện dịp nầy tôi cũng muốn đệ đạt lên HĐGM/VN và UBPT một vài kiến nghị nữa. Đó là vấn đề làm sao có thể thống nhất cách dùng và viết một số danh từ nhà đạo quan trọng và thông dụng.

Trong những năm gần đây có một số danh từ thần học và nhà đạo xuất hiện trong sách vở và báo chí một cách lộn xộn. Ở đây tôi xin nêu lên mấy tiếng nhớ được lúc nầy, chẳng hạn: Kinh Thánh, Thánh Linh, Giáo Hội, Giáo chủ ...

Từ Kinh Thánh ngày nay được nhiều người sử dụng và đã thành thói quen, nhưng cũng có nhiều tác giả nói là Thánh Kinh mới đúng. Trong sách Nghi Thức Thánh Lễ 2005, trang 17, trong Kinh Tin Kính, từ Thánh Kinh được chính thức sử dụng, nhưng ở nơi khác (trang 160 và 170) lại dùng Sách Thánh và trong Sách Bài Đọc thì dùng từ Kinh Thánh. Tại sao lại bỏ từ Thánh Kinh mà tổ tiên ta đời xưa đã dùng để đổi ngược lại là Kinh Thánh? Tôi có nêu lên thắc mắc nầy với một người bạn và anh bạn tôi đã bông đùa trả lời: “Thì cũng như bây giờ người ta nói “đảm bảo” thay vì “bảo đảm” thế thôi!

Đức Chúa Thánh Thần: Từ nầy đã có từ thời các thừa sai Âu Châu sang Việt Nam giảng đạo. Trong sách Nghi Thức Thánh Lễ từ nầy được thu gọn lại là Chúa Thánh Thần hoặc Thánh Thần. Trong các sách đạo xuất bản trước đây, đặc biệt là cuốn Kinh Thánh Trọn Bộ của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ, người ta thấy xuất hiện nhiều từ mới nói về Đức Chúa Thánh Thần: Thánh Linh, Thần khí, Thần Linh Ngôi Ba... Ở đây tôi không muốn dài giòng về mấy ngôn từ mới được sáng chế sau nầy, vì đã có nhiều tác giả phân tích phê bình rồi [3]. Ước mong rằng  HĐGM/VN và UBPT từ nay nên dùng từ Đức Chúa Thánh Thần để có sự thống nhất trong văn học Công Giáo.

Hội Thánh: Tiếng nầy được chính thức dùng trong cuốn Nghi Thức Thánh Lễ năm 2005. Đó là điều rất đáng vui mừng. Nhưng trong các văn kiện và thư chung cũng hay dùng từ Giáo Hội. Ngày nay hầu hết các tác giả đều sử dụng tiếng Giáo Hội để nói về Hội Thánh Công Giáo. Nhưng cũng có không ít tác giả dùng từ giáo hội không viết hoa, và vì thế trong nhiều trường hợp độc giả rất khó phân biệt giáo hội tác giả nói là giáo hội nào! Mong sao từ nay mọi người có ý thức khi phải sử dụng từ nầy để có sự thống nhất và diễn tả đúng ý nghĩa.

Giáo chủ: Nếu tôi không lầm thì tiếng nầy và tiếng Thiên Chúa Giáo đã xuất hiện sau biến cố 30 tháng 4 năm 75. Thời đó người ta thường đọc thấy hai tiếng nầy trong những bài báo đăng trên báo CG và DT và thường nghe trên đài truyền hình và phát thanh của nhà nước. Và từ thời đó tới hôm nay vẫn có người dùng tiếng “giáo chủ” để chỉ Đức Giáo Hoàng và tiếng “Đạo Thiên Chúa” để chỉ đạo Công Giáo. Họ là những người hoặc chủ ý với mưu đồ, hoặc vô tình không phân biệt được ý nghĩa. Không thể đồng hóa Đức Thánh Cha với một giáo chủ của giáo phái nào đó, và cũng không thể thay thế đạo Công Giáo bằng Thiên Chúa Giáo được. Công Giáo không phải là đạo của nhà nước như người ta lầm tưởng. Cha ông chúng ta đã dùng từ Công Giáo để dịch chữ Catholique theo ý nghĩa thần học.

Còn nhiều từ khác nữa, nhưng thiết tưởng chỉ nêu lên mấy tiếng năng dùng nhất đó cũng đã đủ rồi. Ước mong rằng HĐGM/VN với hai Ủy Ban trực thuộc (Ủy Ban Văn Hóa và Ủy Ban Phụng Tự) soạn thảo một cuốn Tự Điển Danh Từ Thần Học và Tôn Giáo, hay ít ra một thông tư chi tiết chỉ dẫn về một số từ ngữ quan trọng thông dụng.

Sau cùng tôi có một ước mơ mong sao UBPT soạn thảo một cuốn sách Kinh Nguyện Công Giáo thống nhất cho tất cả các giáo phận Việt Nam. Cuốn sách nầy có hình thức và nội dung giống như cuốn Gotteslob của Hội Thánh Công Giáo nước Đức, hoặc giống như cuốn Katholisches Gesangbuch của Thụy Sĩ. Trong hai cuốn sách nầy có tất cả những gì cần cho việc cử hành phụng vụ và cầu nguyện cá nhân cũng như cộng đoàn. Nếu Hội Thánh Việt Nam thực hiện được một cuốn sách như thế thì sẽ tránh được phần nào cái cảnh “bát nháo hát xướng trong nhà thờ hiện nay” như nhiều người nhận định và đồng thời là viên đá đặt nền tảng cho sự thống nhất (hợp nhất) giữa các giáo phận và toàn thể Dân Chúa tại Việt Nam và ở hải ngoại. Nhờ cuốn sách nầy và các sách phụng vụ dịch thuật có phẩm chất, người Công Giáo Việt Nam khắp nơi sẽ cùng chung tiếng hát lời kinh chúc tụng Thiên Chúa là Cha trên trời. Ước gì được như vậy!

 

Lm. P. Đan-Minh Trần Minh-Công

[1] Xin kể sơ qua mấy tác giả : Linh mục Nguyễn Văn Khanh, linh muc Trần Văn Bảo, linh mục Cao Vĩnh Phan, Giuse Nguyễn An  v.v.

[2]  Huấn Thị  thứ  5 (Instructio Quinta) Về dịch thuật các bản văn Phụng Vụ, số 6 và 20.

[3]  Tác giả Trà Lũ Trần Trung Lương trong bài viết Lời Hát Nhà Thờ“ bàn về mấy danh từ nhà đạo, đặc biệt là tiếng Thần khí.