TÔN THỜ NGÔI LỜI NHẬP THỂ,

CHÚA GIÊSU KYTÔ CON THIÊN CHÚA

 

NHÂN VỤ “THE DA VINCI  CODE”

 

 

 

Tiểu thuyết hư cấu (fiction) ”The Da Vinci Code” của Dan Brown  xuất bản, bán chạy và gần đây, đuợc hãng Phim Sony Pictures dựng thành phim, rất nhiều người hiếu kỳ đã đi coi để xem thực hư như thế nào. Dư luận báo chí, truyến thông, đã bình luận rất sôi nổi.  Một cuốn tiểu thuyết hư cấu, không phải là một cuốn sách  Lịch Sử, nhưng chỉ ghi lại một vài dự kiện (facts) lịch sử, như một số nhân vật, hay công trình nghệ thuật như các bức tranh, các thánh đường,..còn cách kết cấu dựng truyện, nối kết các tình tiết là do trí tưởng tượng của nhà viết tiểu thuyết. Nhưng tại sao tác giả Dan Brown lại công nhận trong cuốn sách tiêủ thuyết trinh thám, hư cấu của ông có nhiều “dự kiện”(facts), có thật, mà Hội Thánh Công Giáo đã dấu kín, hoặc đã giảng dạy xuyên tạc? Cũng nên biết: vì dư luận báo chí và các nhà chuyên môn về Lịch sử, và Nghệ thuật phê bình và chỉ trích cuốn tiểu thuyết của Dan Brown, một cách gắt gao là xuyên tạc lịch sử nên hãng làm Phim Sony Pictures, đã đồng ý ghi chú lên đầu đề cuốn phim DVC là thuộc loại hư cấu(fiction) mà thôi, không nhằm minh chứng sự thật lịch sử nào cả. Hãng phim đã nhượng bộ theo lời yêu cầu của Hội Opus Dei, vì cuốn tiểu thuyết hư cấu của Dan Brown đã trắng trợn vu khống cho Hội này đã liên quan đến “âm mưu che dấu bí mật “.

 

Ngày nay, trong các tiệm bán sách tại Hoa kỳ, người ta thấy bán nhan nhản những loại tiểu thuyết hư cấu, chẳng hạn như bộ sách bán chạy nhất , “Harry Potter”,  tác giả của bộ sách đó là J.K. Rowling, trước sau vẫn coi bộ tiểu thuyết này thuộc loại hư cấu. Trái lại, Dan  Brown, thì” tiền hậu bất nhất”: ông viết cuốn tiểu thuyết này thuộc loại hư cấu, nhưng  sau này, ông lại tin là chuyện “ có thật”! 

 

Trong bài thuyết luận này, xin đề cập đến :I/ Chủ ý của Dan Brown trong cuốn tiểu thuyết hư cấu là đả kích Thiên Chúa Giáo, đặc biệt Hội Thánh Công Giáo, và xuyên tạc những dự kiện lịch sử của Đạo; II/ Để chống lại khuynh hướng “phàm tục hóa”, ta phải “Tôn Thờ Ngôi Lời Thiên Chúa Nhập Thể, Chúa Giêsu KyTô”, đặc biệt trong các Kinh Nguyện và các Nghi Lễ Phụng Vụ.

 

I./ CHỦ Ý CỦA CUỐN TIỂU THUYẾT NHẰM ĐẢ KÍCH THIÊN CHÚA GIÁO

 

Gần đây, trong nghi thức trao “Pallium”(chỉ chức vụ và quyền mục tử) cho 27 vị Tổng Giám Mục, Đức Thánh Cha Bênêditô XVI đã nhắc nhở cho chúng ta biết: ngày nay Chúa Cứu Thế và Hội Thánh còn chịu nhiều đau khổ, phỉ báng, và bị xua đuổi ra khỏ xã hội loài người. Con Thuyền Hội Thánh luôn bị sóng gió của những ý thức hệ tư tưởng lay động , khiến nước lũ tràn vào, đe dọa làm đắm chìm. Trào lưu phàm tục hóa của xã hội vật chất vô thần, khá mạnh tại các nước Âu-Mỹ, chống lại nền Luân Lý của Thiên Chúa Giáo chẳng hạn như : phá thai, dùng tế bào gốc từ thai nhi, trợ tử, hôn nhân đồng tính.

 

Cuốn tiểu thuyết hư cấu(fiction) của Dan Brown là một điển hình. Lợi dụng sự thiếu hiểu biết  về Kinh Thánh, Giáo Lý, và Lịch Sử Hội Thánh, của các tín hữu, đặc biệt  của giới thanh niên nam-nữ, tác giả cuốn tiểu thuyết hư cấu đã gây hoài nghi, và  lừa dối các độc giả bằng cách pha trộn những dự kiện lịch sử với những tình tiết do trí óc tưởng tượng bày đặt ra. Những nhà chuyên môn về Kinh Thánh, Lịch sừ đã nhận ra tính chất mập mờ, gây hoang mang  với chủ ý xuyên tạc  giá trị linh thiêng siêu việt của Đạo Thiên Chúa, nhất là hạ gíá Chúa Giêsu KyTô, Con Thiên Chúa, Ngôi Lời Thiên Chúa Nhập Thể, xuống làm con người phàm tục, có gia đình, vợ con như mọi người khác. Suốt dòng lịch sử, Hội Thánh Công Giáo đã dấu kín những “dự kiện lịch sử”về Chúa Cứu Thế, vì thế, trong cuốn tiểu thuyết hư cấu này, tác giả sẽ lần luợt đưa ra ánh sáng những “dự kiện có thật”(facts) .

Sau đây, ta sẽ xem xét một số vấn nạn thắc mắc mà Dan Brown đã nêu ra, và trình bày những lập luận phản bác của các nhà chuyên môn về Kinh Thánh, Thần Học, Nghệ Thuật, đối với những lời xuyên tạc lịch sử của cuốn tiểu thuyết hư cấu.

 

1. Theo DVC của Dan Brown, thời gian đầu khi Hội Thánh mới được thành lập, các tín hữu không tin Chúa Giêsu Kytô là Con Thiên Chúa, và Chúa Giêsu không có Thiên Tính(Divinity). Mãi tới năm 325 A.D, thời  kỳ họp Công Đồng Nicea, vì hoàng đế Constantine làm áp lực, nên mới buộc phải tin Chúa Giêsu có Thiên Tính. Các nhà nghiên cứu Kinh Thánh đã mạnh mẽ phi bác ý nghĩ sai lạc này của Dan Brown phản lại Lịch sử Hội Thánh, vì ông đã không đọc Phúc Âm Tân Ước. Cuốn Phúc Âm theo Thánh Gioan đã được viết 200 năm trước Công đồng Nicea, đã ghi lời Thánh Tôma tuyên xưng Chúa Giêsu là Thiên Chúa, khi Chúa  hiện ra với ông và các Tông đố:” Lạy Chúa, Lạy Thiên Chúa của con”(Gioan, 20:28). Khởi đầu Phúc Âm,  Thánh Gioan viết:” Từ nguyên thủy đã có Ngôi Lời, và Ngôi Lời là Thiên Chúa..và Ngôi Lời thành Huyết Nhục( làm Người)( Gioan, 1,1:1,14).

 

2. Ông Brown tự ý gán cho họa sĩ Leonardo da Vinci là hội viên của một hội kín, có tên là “The Priory of Sion”, thành lập năm 1099 tại Âu châu, đã được ghi chép trong“Les Dossiers secrets”(Hồ sơ mật) lưu trữ tại Thư Viện Quốc gia tại Pháp. Vì là một hội viên của hội “The Priority of Sion”, nên Leonardo da Vinci có nhiệm vụ phải truyền lại “bí mật” về bà Maria Magdalena, khi ông vẽ bức danh họa “Bữa Tiệc Ly”( The Last Supper). Trong bức họa này, không thấy vẽ hình“Chén đựng rượu”(the grail) đặt trên bàn tiệc, vì “chén ấy” chính là bà Maria Magdalena, đang mang thai đứa con của Chúa. Hình một người trẻ, không để râu ngồi bên tay mặt Chúa, chính là Bà Madaglêna, chứ không phải hình vẽ người môn đệ yêu dấu là Thánh Gioan( Nếu đúng như Dan Brown tưởng tượng khi giải nghĩa bức danh họa, thì con số các vị tông đồ tham dự tiệc, không phải 12, nhưng là 13, vì thêm một phụ nữ, và nếu Bà Maria ngồi vào chỗ Thánh Gioan, thì Ông Thánh này ngồi ở đâu, chẳng lẽ ngồi nấp dưới đất! Chắc hẳn danh họa  Leonardo không dám vẽ một cách “bịa đặt”, phóng túng,  quá như vậy, vào thời đại đó). Vả lại, hội kín”The Priory of Sion” có thật không? Trong mục “60 Minutes”  đài TV NBC đã chứng minh : một người Pháp tên là Pierre Plantard đã bị bắt vào tù vì tội giả mạo”Les Dossiers secrets”(Hồ sơ mật), rồi tìm cách  đặt lén vào Thư Viện Quốc gia. Dan Brown  cho rằng Bà Maria Magdalena thay cho “chén đựng rượu”(the Grail), nhưng rõ ràng Ông đã không xem bức họa đó, vì người ta vẫn nhìn thấy một chiếc “chén” trên bàn tiệc, mà chẳng thấy Bà  Maria Magdalena ở đâu cả.  Ngoài ra, theo G.S Willam Kloss, nhà bình phẩm nghệ thuật Âu Châu giải nghĩa về cử chỉ của Chúa ngồi bàn ăn bữa Tiệc ly, vừa đơn giản, nhưng đầy ý nghĩa: “ Chúa dang hai cánh tay ra chạm vào bàn, để tạo thành hình Tam Giác, ám chỉ Mầu Nhiệm “Thiên Chúa Ba Ngôi”(The Trinity). Cánh tay mặt của Chúa vươn ra về phía Giuđa. Cánh tay của Thánh Gioan( không phải Bà Maria Magdalêna)khoanh lại, ở giữa Chúa Giêsu và Giuda: tay mặt Chúa  trỏ chén rượu, tượng trưng cho Máu dùng trong Thánh Lễ, tay trái Chúa chỉ vế phía đặt bánh, tượng trưng cho thân thể Chúa.

 

3. Ngoài ra, Dan Brown chỉ trích sách Phúc Âm đã bỏ sót nhiều chi tiết, vì ông chỉ đọc những sách “Phúc Âm Ngụy Kinh”( apocryphal Gospels) của nhóm Gnostics( Ngộ Đạo). Đây là một giáo phái pha lẫn những giáo thuyết của Thiên Chúa Giáo và ngoại giáo. Họ không tin Chúa Giêsu đã chết, và đã sồng lại, loài thụ tạo là xấu. Giáo phái này xuất hiện hơn một trăm năm sau khi Chúa Phục sinh, và đã bị Hội Thánh phi bác vì phản lại  Chân Lý của Thiên Chúa Giáo.

 

Sau những tháng dư luận  lên cơn sốt về cuốn tiêu thuyết hư cấu và cuốm phim DVC, ngoài những món lợi kếch sù hàng triệu mỹ kim, do hành động man trá, phỉ báng Hội Thánh của Chúa,  đối với những tín hữu trung kiên tin tưởng Chúa Giêsu Con Thiên Chúa, Ngôi Lời Nhập Thể,  ta đã rút ra được những bài học nào để củng cố thêm ĐỨC TIN?

 

-                     4- Giới lãnh đạo trong Hội Thánh và các nhà giáo dục đã thẩm định: những âm mưu xuyên tạc lịch sử của  cuốn tiểu thuyết hư cấu này một phần nào đã gây hoang mang, nghi ngờ cho một số người thiếu hiểu biết về Kinh Thánh, Lịch Sử Hội Thánh và Giáo Lý, đối với niềm Tin chân chính. Cũng vì lý do đó, nhờ Ơn Chúa soi sáng, giới lãnh đạo đã cổ võ một phong trào HỌC HỎI, và GIẢI NGHĨA về Kinh Thánh và Giáo Lý, để tìm hiểu Sự Thật . Nhiều cuốn sách giá trị do các nhà chuyên môn đã viết như “The Da Vinci Deception”( Da Vinci Lừa Dối) của tác giả Mark Shea và Edward Sri ( Ascension Press), nhiều mạng lưới lập ra để thông tin, và  phản bác cuốn tiểu thuyết và phim DVC như www.jesusdecoded.com của HĐGM Hoa Kỳ…

-                      

-                     5- Đặc biệt nhiều buổi Hội Thảo, dùng chính những tài liệu xuyên tạc của cuốn tiểu thuyết và  phim để phản bác những điều sai lầm và khuynh hướng “Phàm Tục Hóa” đối với Đạo Thiên Chúa là Đạo Mạc Khải( Revelation), vì do chính Thiên Chúa soi sáng, và chỉ dẫn cho các vị Tiên tri viết ra những Chân Lý Siêu Việt về Thiên Chúa, về Lịch Sử Cứu Chuộc, và về vận mệnh của Nhân Loại. Xét về Nguồn Gốc, Giáo Thuyết và Đấng Sáng Lập, thì ĐạoThiên Chúa khác với các Đạo giáo khác trên thế giới được thành lập do các vị Thánh Nhân, Hiền Nhân Quân Tử như Đức Khổng Tữ hay Đức Thích Ca Mâu Ni, tự mình tu luyện nhiều năm, rồi  tự nguyện đi chu du thiên hạ, truyền bá tư tưởng đạo đúc, và  triết lý của mình. Các Ngài  không tự nhận đã lãnh sứ mệnh của Thần Thánh nào sai đi để cứu nhân độ thế. Trái lại, theo Kinh Thánh ghi chép, các vị tiên tri đã loan báo là: Chúa GiêSu, Con Thiên Chúa Giáng trần, để hy sinh chuộc tội cho nhân loại. Chính Chúa Giêsu đã  bị người Do thái lên án tử hình, vì xưng mình là “Con Thiên Chúa”(Maccô, 14:61-64). Và trong suốt dòng Lịch Sử Hội Thánh Công Giáo, trong hơn hai ngàn năm, các Thánh Tử vì Đạo, đã sẵn sàng chấp nhận cái chết để minh chứng và tuyên xưng Đức Tin vào Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa. Đây là một Chân Lý Tuyệt Đối, cũng là nét đặc thù của Thiên Chúa Giáo, cần phải cương quyết bảo vệ toàn vẹn,  không thể suy suyển, giảm bớt.

 

Sau đây, xin bàn về việc dùng Kinh Nguyện, và các Nghi Lễ Phụng Vụ để Tuyên Xưng Đức Tin, và Tôn ThờChúa Siêsu KyTô, Ngôi Lời Nhập Thể, Con Thên Chúa”.

 

II. TÔN THỜ CHÚA GIÊSU, NGÔI LỜI NHẬP THỂ, CON THIÊN CHÚA

                           TRONG  KINH NGUYỆN và  NGHI LỄ PHỤNG VỤ

 

Hiện nay trong Cộng Dồng Công Giáo Việt Nam tại quê nhà và hải ngoại, dư luận và phản ứng rất sôi nổi về cuốn “Nghi Thức Thánh Lễ”, bản dịch 2006. Đây là một phần nhỏ mới được sửa lại: Nghi Thức đầu Lễ, các Kinh Nguyện Thánh Thể, quan trọng nhất và dùng nhiều nhất trong bộ sách lớn :” Sách Lễ Rôma” gồm các Kinh nguyện, các bài đọc Kinh Thánh, các Nghi Lễ., các Bí Tích... của  Phụng Vụ. Đọc qua các bài viết trên báo chí và Internet khắp nơi, ta nhận thấy mấy điểm sau đây:

 

-                 a/ -Phản Ứng của Các vị Giáo Sĩ Tu sĩ và Giáo dân: đây là một mối quan tâm của mỗi cá nhân và của Cộng Đồng khi tham dự Thánh Lễ. Những phản ứng thuận/nghịch là điều đương nhiên phải có, vì liên quan đến đời sống tôn giáo của mỗi người. Cách đây mấy năm, khi Bản dịch NTTL 1992 ra đời, cũng đã gặp những phản đối mạnh mẽ, và nhiều thư khiếu nại gửi lên Tòa Thánh Rôma. Do đó, việc bày tỏ các lập trường, góp ý, đề nghị các sửa đổi của cá nhân hay của một nhóm người  mong ước hoàn chỉnh một bản dịch  tốt đẹp hơn trong tương lai, là điều hữu ích, và nên khuyến khích. Dĩ nhiên, cần tránh những phản ứng, hay thái độ “tiêu cực” như: tẩy chay, không mua bản dịch, in “lén” để phát, hoặc đề nghị :“tuỳ ý ai muốn dùng bản dịch 92,71..cũng được”, hay so sánh bản dịch này hơn bản dịch kia”, hoặc “đổi địa chỉ, e-mail,..để không ai làm phiền”… Làm như vậy, sẽ gây chia rẽ cộng đồng, và không tôn trọng quyền đại diện của Uỷ Ban Phụng Vụ toàn quốc. Bởi vì, kinh nghiệm sống chung trong một Cộng đồng cho thấy: luôn cần sự hy sinh quyền lợi, sở thích cá nhân hay địa phương để tạo sự đồng thuận , thì mọi công cuộc cải cách hay xây dựng qui mô mới có thể thành tựu được. Vì các Kinh Nguyện cùng đọc lớn tiếng trong Thánh Đường (theo thói quen của Giáo hữu Việt nam), Nghi thức Thánh Lễ, cùng dùng chung cho Cộng Đồng, các bài Thánh ca cùng hát,..nên cần một bản văn chính thức đã được HĐGM toàn quốc chấp thuận để thi hành , và mọi người cùng noi theo, ( cho đến khi, nếu cần, sửa đổi một bản văn khác). Ngôn ngữ là cái gì tương đối, luôn biến đổi, ý nghĩa không cố định. Những văn bản các Kinh đọc ngày xưa , ý nghĩa Tín Điều vẫn là một, nhưng ngôn từ khác với các Kinh đọc ngày nay. Các bản văn đã được HĐGM chấp thuận,  thì nên coi tác giả là“vô danh” hay “ẩn danh”, như ý kiến  chung của cả Cộng đồng, không thuộc địa phương, một nhóm hay một  cá nhân nào. Ngoài ra, có thể nhận xét: tính cách đại diện của bản dịch 2006 khá  đầy đủ , vì gồm đại biểu của các Giáo phận toàn quốc; bản dịch 92, vì thời thế khó khăn, phải làm gấp rút, (như phát hành trước khi được Tóa Thánh duyệt y), thiếu sự tham khảo toàn quốc; bản dịch 71 không đủ các Giáo phận miền Bắc tham gia; trước đó, từ khoảng thời gian 1950, bản dịch của nhà xuất bản “Hiện Tại”, do nỗ lực một nhóm Linh Mục, và Chủng Sinh Đại Chủng Viện  Xuân Bích, Hà nội, đồng thời với việc thành lập Nhạc đoàn Lê Bảo Tịnh, khi Công Đồng VaticanII cho phép dịch Sách Lễ Rôma sang tiếng bản xứ.( Coi: “Tiến Trình Thánh Nhạc Việt Nam” Nguyễn Khác Xuyên, Ziên Hồng, Houston, 91, trang 124-128) 

-                

-                  [ Nguyên tắc và phương pháp dịch một bản văn Phụng vụ ra Việt ngữ để dùng cho đại chúng, đòi hỏi sự thận trọng, lòng tôn kính, theo đúng Huấn Thị số V,vì có thể “sai một li đi một dậm”, về các Tín điều trong Đạo. Nhưng không khó khăn, công phu như việc phiên dịch và sáng tác các”Danh Từ Khoa Học, Toán Lý Hóa” từ Anh Văn, Pháp Văn… sang Việt Văn như : năm 1945, GS Hoàng Xuân Hãn đã soạn ra một Phương Pháp dịch thuật khá đầy đủ; cuốn “Danh Từ Thần Học và Triết Học” của Trường Thần Học Bùi Chu, năm 1952;  cuốn  “Tự Điển Thần Học Tín Lý Anh Viêt” do nhóm Tu Sĩ V.N tại Đài Loan dịch từ nguyên tác Hán văn của Đại Học Phụ Nhân, Đài Loan, năm 1996].

 

b/-.Để giúp cho dân chúng dễ chấp nhận và tránh những phản ứng bực bội, “gay gắt” về những sửa đổi của bản dịch mới, cần hai điều kiện: Một là: trình bày những nguyên tắc chính  trong Huấn thị V của Tòa Thánh để bảo toàn sự Hiệp Thông trong Hội Thánh; Cùng với việc phát hành, UBPV nên công bố những nguyên tắc chính về Phiên Dịch những bản văn Phụng vụ từ nguyên bản Latinh sang Việt Ngữ: chẳng hạn, vì là Sách thuộc Đức Tin, nên bản Việt Ngữ không được nghịch lại ý nghĩa Giáo Lý của bản văn gốc La-tinh vì các tín hữu phải hiệp thông với toàn thể Hội Thánh khắp nơi trên thế giới. Đây không phải áng văn chương cầu kỳ văn hoa bóng bảy, nhưng dễ hiểu,  trang nghiêm, cung kính đối với những Mầu Nhiệm trong Đạo. Ngoài ra, càng đi sát với bản văn La ngữ càng tốt, tránh phỏng dịch lời văn, thêm hay bớt ý nghĩa của nguyên bản .Cách thức lựa chọn Từ ngữ  phải chính xác, thích đáng, và tôn trọng Ngữ Pháp trong Tiếng Việt; Hai là, cần  những lời GIẢI THÍCH, những LÝ DO tại sao thay đổi, để giúp cho độc giả HỌC HỎI thêm về Giáo Lý.  Chỉ cho biết tỉ lệ bỏ thăm, theo nguyên tắc “đa số thắng thiểu số”, không đủ; nhưng cần nêu ra những Lý Lẽ của các đại biểu, để giúp độc giả học hỏi, suy nghĩ và thẩm định giá trị của các lập trường. Chẳng hạn, khi bỏ thăm về : Tín Điều”Một Thiên Chúa, Ba Ngôi”,  khi làm Phép Rửa Tội và làm “Dấu Thánh Giá”khi ban phép lành: “Nhân Danh Cha và Con và Thánh Thần” ( in Nomine Patris et Filii et Spiritus Sancti”), UBPV chỉ cho biết tỉ lệ bỏ phiểu , nhưng không nêu ra các lý lẽ, giải thích các lập trường của hai bên.  Bỏ phiếu hai đợt : đợt 1, tỉ lệ 9/3: có 9 người chấp thuận bản dịch năm 71, còn 3 người theo bản dịch 92( thêm chữ “Chúa”, thành ra “Nhân Danh Chúa Cha, và Chúa Con, và Chúa Thánh Thần”; đợt 2, tỉ lệ: 17/29, tức 17 người chấp nhận công thức của bản dịch 71, sát với bản văn Latinh, không thêm chữ “Chúa”. Điều thắc mắc của độc giả mà không được giải thích là: tại sao có tới 12 đại biểu chấp nhận thêm chữ “Chúa” vào., chắc hẳn phải có lý do nào đó. Hoặc là bản văn La tinh thiếu sót, bản Việt ngữ không rõ nghĩa; hay là “có ba Chúa”,”tách biệt” nhau? Hoặc là vì đã quen dùng 12 năm nay,  nên không muốn thay đổi, mặc dầu biết dịch như thế là không sát với bản văn Latinh và các bản dịch sang các tiếng trên thế giới?  Hay là người dịch tự ý thêm chữ “Chúa” vào, vì lập dị, hoặc không phân biệt “công thức” (formula )lúc làm Dấu Thánh Giá, hay Bí Tích Rửa Tội, tức là khi cấn tuyên xưng Mầu Nhiệm ”Một Chúa Ba Ngôi”( The Trinitarian baptismal formula)và ở những chỗ khác, chỉ muốn nói về “hoạt động”, hay “thuộc tính”(attribute) cho từng Ngôi Vị, (Chúa Cha, Đấng  Sáng Tạo , Chúa Con, Đấng Cứu Thế, Chúa Thánh Thần, Đấng Thánh Hóa, ), vì thế, có thể thêm chữ “Chúa” như: “Nguyện xin Ân Sủng của Chúa Giêsu, Chúa chúng ta, và Tình Yêu của Chúa Cha, và Ơn Thông Hiệp của Chúa Thánh Thần”, ở cùng anh chị em”.

Độc giả vẫn còn thắc mắc nếu chưa được giải nghĩa. Trái lại, nhiều độc giả đã có dịp học hỏi thêm về Giáo lý, khi được giải nghĩa khá rõ ràng về ý nghĩa chữ:” bản tính” (Nature) là gì, Bản Thể (Consubstance) là gì, và tại sao chọn từ “đồng Bản Thể “(Consubstantialis”)` trong Kinh Tin Kính.

 

Sau đây, xin nêu ra một số những thành ngữ quan trọng, cách dịch sang Việt ngữ, và những lý do giải thích, tại sao nên sửa đổi. Đây không phải là bản chỉ trích một lập trường nào, hay bênh một ý kiến nào, vì thế không cần nêu danh tánh của cá nhân hay của nhóm nào, nhưng chỉ khách quan trình bày các Ý KIẾN khác nhau, để  độc giả so sánh, thẩm định giá trị và học hỏi thêm về Giáo lý của Hội Thánh.

 

c/-Những Ý KIẾN Khác Nhau về một số Từ Ngữ dùng trong”Nghi Thức Thánh Lễ”, 2006.

 

MỤC ĐÍCH của bài thuyết luận này, như đã trình bày ở trên, là  “Tôn Thờ Chúa Giêsu, Ngôi Lời Nhập Thể, Con Thiên Chúa”, để chống lại  khuynh hướng “phàm tục hóa” Đạo  Thiên Chúa, cũng gọi là “Đạo Chúa KyTô” (Christianity).  Người ta muốn hạ giá CHÚA CỨU THẾ xuống hàng các vĩ nhân của nhân loại, nhưng không có THIÊN TÍNH (Divinity), chỉ ngang hàng với các nhà sáng lập các tôn giáo khác, hay các “lãnh tụ cách mạng” khác. Tiểu thuyết hư cấu và “phim DVC”, là một ví dụ điển hình

 

PHƯƠNG THẾ để Tôn thờ NGÔI LỜI THIÊN CHÚA NHẬP THỂ là dùng các Kinh Phụng Vụ để tăng sự hiểu biết và tâm tình tôn thờ , TIN YÊU Chúa. Câu châm ngôn: Lex Orandi, Lex Credendi”, nghĩa là “Luật Cầu Nguyện là Luật Tin Kính”, cầu nguyện thế nào, thì niềm tin cũng vậy. Nhờ cầu nguyện mà thêm vững lòng tin những điều mình kêu cầu. Ngược lại, nếu cầu xin những điều sai lầm, trái ý Hội Thánh dạy, thì sẽ làm sai lạc Đức Tin.

 

Bởi vậy, việc chuyển ngữ từ các bản văn chính bằng La ngữ sang Việt Ngữ, để dùng trong Phụng Vụ là một công  việc hệ trọng, vì giúp người tín hữu Việt nam học hỏi Giáo lý, nhất là  tăng thêm tâm tình yêu mến, tôn thờ “Ngôi Lời Thiên Chúa”. Do đó, điều đáng quan tâm là làm sao bản dịch Việt Văn luôn phải trung thực với ý nghĩa của nguyên bản Latinh của Hội Thánh toàn cầu. Việt Ngữ là một sinh ngữ rất phong phú, gồm những danh từ thuần tuý nôm, những danh từ gốc Hán-Việt, danh từ, tĩnh từ, đại danh từ… chuyên chở ý nghĩa và mầu sắc tình cảm tế nhị, khác nhau. Muốn diễn tả được sự tôn kính, trang nghiêm, cần tránh những chữ có ý nghĩa hàm hồ, những cách “nói lái”, hay dùng những chữ quá suồng sã, thân mật, tục ngữcó câu:

                                                    “Gần chùa gọi Bụt bằng anh” 

 

Sau đây, xin liệt kê một số những phản ứng, thắc mắc, góp ý của một số độc giả, sau khi các bản dịch “Nghi Thức Thánh Lễ”, 71, 92, và 2006 được chính thức dùng trong Thánh Lễ bằng Việt Ngữ. Chỉ xin kê khai trình bày các ý kiến khác nhau của cá nhân hay nhóm mà (không cần nêu danh tánh, coi như “vô danh hay “ẩn danh”) vì việc chấp thuận chung cuộc để thi hành là quyền quyết định của UBPV thuộc HĐGM toàn quốc.

 

A/. DẤU THÁNH GIÁ: “NHÂN DANH CHA và CON và THÁNH THẦN”

(Công Thức Làm Dấu Thánh Giá, khi Rửa Tội, ban Phép Lành).

 

a/ Bản văn gốc Latinh: “In Nomine Patris et Filii et Spiritus Sancti”.

b/ Bản dịch 92: “Nhân Danh Chúa Cha và Chúa Con và Chúa Thánh Thần”.

c/ Bản dịch 06, 72 và về trước: “Nhân Danh Cha và Con và Thánh Thần.”

Về lai lịch các bản dịch sang Việt ngữ: từ ngày mới Truyền Đạo vô Việt Nam, các Công đồng địa phương như Kẻ sặt, Kẻ Sở, Hà Nội… trong các Sách Kinh, sách Giáo Lý, cho đến bản dịch năm 1972(b), đều giống nhau sát với bản gốc Latinh(a) . Bản dịch năm 1992(b), thêm 03 chữ “Chúa” vào. Bản dịch 2006, trở lại bản dịch vẫn quen dùng từ xưa(c), bỏ 03 chữ ”Chúa”. Bản dịch 2006 chỉ nêu ra tỉ lệ; 19/27 thuận với bản dịch (c), nhưng  không giải thích những lý lẽ: thuận/nghịch. Phản ứng nghịch, khá mạnh dối với bản  dịch 1992(b), vì  đã gửi nhiều thư khiếu nại lên các Thánh Bộ bên Rôma.

 

Sau đây là một số Ý Kiến,  và các LÝ LẼ  đối với các bản dịch:

 

1/. Công thức(c) sát nghĩa với nguyên bản Latinh, để tuyên xưng Tín Điều cao trọng nhất trong Đạo, đó là: Mầu Nhiệm: ”Một Đức Chúa Trời Ba Ngôi” ( Thiên Chủ: Tam Vị Nhất Thể). Tất cả các bản dịch của các nước trên thế giới (như Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Đức…đều giống  công thức (c).

-                     2/.Công Thức (c), gọi là “Công thức Chúa Ba Ngôi Bí tích Rửa tội” (The Trinitarian Baptismal Formula), ĐTC Piô V( 1566-1572) đã công bố đêm Lễ Chúa Giáng Sinh năm 1570. Đây là Công thức trong Phụng Vụ dùng khi làm “Dấu Thánh Giá” ( The Sign of the Cross), và ban Phép Lành. Ở những chỗ khác trong Kinh Phụng vụ, hay bài đọc Sách Thánh, khi chỉ tuyên xưng  từng Ngôi Vị, thì được nói: Đức Chúa Cha, Đức Chúa Con, hay Đức Chúa Giêsu, Đức Chúa Thánh Thần.

-                     - Sách Giáo Lý yếu lược dạy: Hỏi: Có mấy Đức Chúa Trời?- Thưa, có Một Đức Chúa Trời mà thôi. Hỏi: Đức Chúa Trời có mấy Ngôi? (Persona)- Thưa, Đức Chúa Trời có Ba Ngôi. Hỏi: trong Ba Ngôi: có Ngôi nào trước Ngôi nào sau Ngôi nào hơn Ngôi nào kém chăng? –Thưa, Ba Ngôi cũng bằng nhau.

-Theo các Thánh Giáo Phụ như Thánh Âucơ Tinh và Thánh Tôma Aquinô..Thiên Chúa là Đấng Siêu Việt Tuyệt Đối: Vô Thủy Vô Chung, Vô Danh, Vô Hình Vô Tượng, Vô Thanh.., còn vũ trụ vật chất hữu hình này, kể cả nhân loại thuộc về thế giới tương đối, “hữu danh”. Thánh Âu cơ tinh viết: ”Si comprehendis, non est Deus”( Nếu hiểu được Chúa, thì Chúa không còn là Chúa nữa). Do đó, không thể dùng các danh tự của loài người là loài thụ tạo, tương đối, để đặt “Tên”cho Đấng Siêu Việt Tuyệt Đối.

 

Những Danh Tự như : Deus, God, Thiên Chủ, CHÚA TRỜI,  CHÚA CHA, CHÚA CON,  theo các nhà thần học, và triết học giải thích: đó là dùng theo “Phương Pháp Tương Tự (analogia, metaphor). Chẳng hạn, mối tương quan mật thiết nhất của nhân loại, cùng huyết thống (DNA) là Liện Hệ giũa Cha Mẹ-con cái. Để diễn tả một phần nào “Mối Tương Quan (Relationship) Vô Cùng Nhiệm Mầu HỢP NHẤT nên MỘT” giũa “Ba Ngôi Thiên Chúa Nội tại”(Immanent Trinity), (nên không thêm chữ “CHÚA”cho từng Ngôi Thiên Chúa), Kinh Thánh mượn ý nghĩa biểu tượng của Tương Quan: CHA, CON, để chỉ mối “TƯƠNG QUAN HỢP NHẤT” giữa Ba Ngôi Thiên Chúa, nhưng thực ra: ở nơi Thiên Chúa,”CHA-CON cũng bằng nhau, còn nơi loài người thì cha-mẹ sinh ra trước con cái. Cũng như để diễn tả Tình Thương vô cùng của Thiên Chúa đối với nhân loại, Chúa Cứu Thế đã “mượn “mối tình tự nhiên giũa Cha Mẹ-con cái, và cho phép chúng ta, những người “con nuôi” (adapted children) của Chúa được gọi Thiên Chúa là CHA: ”Lạy CHA chúng con ở trên trời”

 

[ Xin Tham khảo thêm về “Mầu Nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi”, mối Tương Quan CHA-CON, coi:”Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo”, số 238-248; Sách “Đạo Thiên Chúa và Dân Nước Việt”: coi:www.dunglac.net/caophuongky/ trang 69-75, 410-416; Coi: Karl Rahner, Dictionary of Theology: chữ Baptism: Phép Rửa  Tội, nhân Danh Thiên Chúa Ba Ngôi(Trinity) ] 

 

3/. Tính cách gây “ hoang mang” của bản dịch 92(b), vì thêm chữ “Chúa” vào Dấu Thánh Giá, và ban Phép lành. Người Việt sinh sống ở ngoại quốc, khi nghe một GM Việt làm dấu và ban Phép Lành cuối Thánh Lễ, một cách trịnh trọng:”Nhân Danh Chúa Cha, và Chúa Con và Chúa Thánh Thần”, nếu dịch từng chữ ra tiếng Anh: “In The Name of God The Father, and God  The Son and God The Holy Spirit”, thì người nghe, đặc biệt trẻ em Việt đã nghe  rõ ràng kể tên “Ba Đức Chúa Trời”, khác nhau. Người ta còn nhận ra tính cách “mập mờ”: tại sao bản dịch 92 thêm chữ “Chí” trong câu như: Thánh! Thánh! “Chí “Thánh! Theo một số người hiểu biết về Kinh Thánh, ba chữ :”Thánh! Thánh! Thánh! trong Cựu Ước có thể ám chỉ, “mạc khải” “Mầu Nhiệm: Một Chúa Ba Ngôi”.(Sanctus, Sanctus, Sanctus, Dominus Deus Sabaoth) Vả lại, theo kiểu nói trong tiếng Do thái, lập lại 3 lần chữ “Thánh” có nghĩa : “Chúa các đạo binh” là rất Thánh rồi, tại sao còn thêm một chữ “Chí” nữa vào chữ Thánh thứ ba?  Càng gây “nghi ngời”, vì  trong cuốn Niên Lịch Giáo Phận Sài gòn năm Canh Thìn và Tân Tị, đã dùng chữ “tách biệt”(separare) để chỉ “Tương Quan”(Relations) giữa Ba Ngôi Thiên Chúa. Theo Sách Giáo Lý số 254: “Ba Ngôi Thiên Chúa thật sự “PHÂN BIỆT”(distinct from one another). Số 255, còn nói thêm:Ba Ngôi Thiên Chúa Tương Quan Liên Hệ với nhau (Relative to one another). Vì hiểu sai , hoặc vì không thận trọng, cân nhắc ý nghĩa chữ Việt, nên đã “Tách biệt” riêng rẽ ra làm “Ba Đức Chúa Trời”chăng?

 

4/. Phản ứng  “bênh “ bản dịch 92 về làm “Dấu Thánh Giá”, có thêm chữ “Chúa”

 

- UBPV chỉ cho biết tỉ lệ bỏ phiếu :19/27 , tức là có 19 phiếu thuận theo bản dịch 2006, còn 12 phiếu nghịch, chống lại. Nhưng không đưa ra càc lý lẽ tại sao thuận/nghịch.  Một “Bức Thư Ngỏ” gửi vị Tổng Thư ký UBPV, có nhiều ý kiến chống lại bản dịch 2006, đặc biệt chống lại bản dịch 2006 về làm“Dấu Thánh Giá , nguyên văn như sau:” Lời chào: “ Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần”. Con có cảm tưởng thiếu thiếu cái gì đó. Linh mục vừa gặp giáo dân, đọc câu này có thể gây hiểu lầm: Thưa anh chị em, nhân danh tôi (là cha, vì tôi vẫn xưng “cha” với anh chị em và anh chị em vẫn gọi tôi là “cha” mà) và con( từng anh chị em) và Thánh Thần. Trong Tông đồ Công vụ (15,28 )”Thánh Thần và chúng tôi đã quyết định”cho con có cảm tưởng lời đầu lễ mang ý nghĩa như thế hơn là nhân danh Ba Ngôi Thiên Chúa- “In nomine Patris et Filii et Spiritus Sancti” hay “Au nom du Père et du Fils et du Saint Esprit”- Latinh, và Pháp đọc như thế là đủ, còn tiếng Việt “Cha và Con và Thánh Thần” trống lổng quá, chưa nói lên được gì cả. Nhất là thường thì linh mục vừa ngó giáo dân vừa làm dấu thánh giá trên mình, vừa đọc”Nhân danh Cha”vừa chỉ tay trên trán trên đầu mình, vừa ngó giáo dân vừa nói”và con”…Quen lắm rồi mà con vẫn có ý nghĩ như thế đấy! Nói rõ ra”Nhân Danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần” thì có mất mát gì đâu! Tiếng Việt thích thêm hoa hoè hoa sói cho nó êm tai ấy mà! Hay lắm chứ”.

Đọc nguyên văn bức thư ngỏ ở trên, về phương diện thần học, giáo lý, độc giả không học hỏi được một lý lẽ nào, để thêm Đức Tin về một “Mầu Nhiệm cao cả nhất trong Đạo”, lại còn nhận thấy lời văn có vẻ gán những cảm tưởng sai lầm cho các bổn đạo Việt nam xưa nay vẫn quen làm Dấu Thánh Gíá khi dâng Lễ, đọc Kinh, ăn, uống thuốc, gặp tai nạn..mà không hiểu ý nghĩa chữ “Cha “ ”Con “ chỉ vào ai cả! Thật ra, không có tín hữu nào, dầu là “con nít ,  hiểu chữ “CHA, là “ông cha” và chữ “CON” là “con nít” đây, trong khi làm Dấu Thánh Giá, (vì bà cháu và mẹ cháu đã dạy từ nhỏ: “làm Dấu Thánh Giá” để tôn kính “Một Đức Chúa Trời Ba Ngôi”, chứ không phải “ông cha”, hay “ ông con”, nào ở đây! Ngoài ra, lời lẽ bức thư có vẻ khinh thường và thiếu trân trọng đối với tiếng Việt của tổ tiên để lại cho con cháu. Nếu không biết tôn trọng, và dùng những tinh hoa Văn Hóa và Tiếng Việt để giới thiệu Đạo Chúa cho đồng hương, thì chẳng ai muốn nghe. Lịch Sử Truyền Đạo đã minh chứng sự kiện đó.

UBPV cho biết tỉ lệ bỏ phiều chấp thuận bản dịch 2006 là: 17/29, nghĩa là có 17 phiếu thuận, tức 60%, còn phiếu chống, (hay phiếu trắng) là 12, tức 40%. Đây là một tỉ lệ đáng suy nghĩ và đáng quan ngại, vì số nguời chống quá cao. Vì lý do nào? Chưa có lời giải thích. Hoặc là không hiểu Giáo lý của Hội Thánh? Hoặc là vì đã quen dùng rồi, không muốn đổi nữa( mới xẩy ra hơn 10 năm nay)? Một tâm lý có thật nhưng cũng là điều đáng buồn cho “lòng dạ con người” (homo fallax=con người là dối trá). Vì đã có câu tuyên truyền như: cứ “nói dối đi!..bắt đầu không ai tin, nhưng  nếu c tiếp tục nói đi nói lại, nói hoài, hoài, thì thể nào cũng có người tin là s thật! Nguy hiểm lắm chứ! 

 

B/. KHÔNG NÊN DÙNG  đại tự  “NGÀI, NGƯỜI, ĐẤNG”

 thay chữ “THIÊN CHÚA, CHÚA CHA, CHÚA CON, CHÚA GIÊSU, CHÚA GIÊSU KYTÔ, CHÚA THÁNH THẦN

 

Như đã trình bày ở trên, và cũng theo tinh thần của Huấn Thị V, mục đích của bài thuyết luận này là: Tôn Thờ, Tôn Vinh Chúa Giêsu, Ngôi Lời Nhập Thể” đặc biệt trong các Kinh, và Bản văn Phụng Vụ, Thánh Lễ, để tăng Đức Tin và chống lại trào lưu phàm tục hóa Đạo Chúa Cứu Thế.

Cho đến nay, các Kinh, các Thánh Vịnh (Phụng Vụ các Giờ Kinh), Nghi Thức Thánh Lễ, cách xưng hô Danh Thánh của Chúa Cha, Chúa Con hay Chúa GiêSu (Cứu Thế), Chúa Thánh Thần, vẩn còn “lộn xộn, lủng củng”, nhất là, khi cả Cộng đồng cùng đọc lớn tiếng trong giờ cầu nguyện. Người tham dự,  đặc biệt các bạn bè ngoài Đạo lần đầu tiên đến Nhà Thờ, lấy làm ngạc nhiên, khó hiểu,  khi nghe kêu cầu  xướng danh  Thiên Chúa, Chúa, Cha..lúc lại dùng đại t: Ngài, Người, Đấng.., không phân biệt sự  “Thánh Thiêng” với “phàm tục”. Chẳng hạn, khi nghe đọc Kinh Tin Kính ( Kinh Tin Kính Nicea-Constantinopoli: lúc thì Chúa lúc thì người (13 lần); “Chính nhờ Người, với Người và trong Người” (chỉ Chúa Kytô).

 

Sau đây sẽ tìm hiểu ý nghĩa đại tự “ Người, Ngài, Đấng”, theo ngữ pháp Việt Ngữ có nghĩa gì? Ý nghĩa danh xưng “Chủ, Chúa”theo Cha Ricci và Cha Đắc Lộ. Ý nghĩa chữ “Đức” , và  chỉ nên xưng Danh Thánh  “Chúa Giêsu”, mà không được kêu “Đức Giêsu”(bỏ chữ Chúa)?

 

1/. Tôn Vinh Danh Thánh CHÚA GIÊSU, theo Thánh Phao Lô

           

Thánh Phao Lô đã Tôn Vinh Danh Thánh CHÚA GIÊSU Là CHÚA, một cách long trọng trong hai bản văn : -Thư gửi Côlôsê, 1:12-20 :…”CHÚA GIÊSU là hình ảnh Thiên Chúa vô hình và là Anh Trưởng mọi loài thụ sinh..Chúa có trước mọi vật và mọi vật tồn tại trong Chúa…Ví Thiên Chúa đã vui lòng đặt mọi ơn phúc nơi Chúa GiêSu…; ---Thư gửi giáo dân Philipphê, 2:6-11: “ Chúa GiêSu  đồng bản thể với Thiên Chúa, song chẳng coi Mình đồng hàng với Thiên Chúa. Nhưng  huỷ bỏ Mình, nhận làm tôi tớ, và nên giống như phàm nhân. Và khi đã mặc lấy hình thể phàm nhân rồi, Chúa còn tự hạ hơn nữa, Chúa đã vâng phục đế chết và chết trên Thập Giá. Vì thế, Thiên Chúa Cha đã Tôn Vinh Chúa Giêsu, và tặng ban Danh Hiệu trên mọi danh hiệu.Hầu khi nghe Danh Thánh Chúa Giêsu, mọi  loài cả trên trời, dưới đất và trong hỏa ngục, phải quì gối thờ lạy. Và mọi miệng lưỡi phải tuyên xưng: CHÚA GIÊSU KYTÔ Là CHÚA để Tôn Vinh Thiên Chúa Cha.”

 

2/. Những cách dùng Danh Xưng để Kêu Cầu Chúa KyTô, Ngôi Lời Nhập Thể.

 

Huấn Thị V, kê khai những Danh Xưng thường dùng đễ kêu cầu, thân thưa vời Chúa trong Phụng Vụ của Hội Thánh từ trước tới nay như: Domine, Deus, Omnipotens aeterne Deus, Pater . Đây là  danh từ(nouns), còn vể các đại từ(pronoun), thì không có gì đặc biệt. Đó cũng là trường hợp của các ngôn ngữ trên thế giới như Ý, Pháp, Anh, Tây Ban Nha…kể cả tiếng Trung Hoa. Chỉ riêng tiếng Việt dùng nhiều đại từ khác nhau để diễn tả cấp bậc sang hèn, và mực độ tình cảm . Sẽ bàn về vấn đề này ở đoạn sau, số 3.

 

-                     DANH TỰ (Nouns) chỉ về Thiên Chúa trong tiếng Việt, có những Thánh Danh như sau: từ thời mới khai sáng Đạo Thiên Chúa tại Việt Nam, đặc biệt LM. Đắc Lộ(1593-1660) đã đặt ra Danh Xưng:”ĐỨC CHÚA TRỜI”để phiên dịch chữ DEUS( Latinh). Ngoài ra, cũng dùng chữ ”Thiên Chúa”, gốc tích do LM Matteo RICCI(1552-1610) giảng đạo bên Trung Hoa ghép hai chũ nho THIÊNCHỦ , thành “ Thiên Chủ”, nghĩa là  Vị Chủ Tể của Trời Đất.   Như vậy, theo Lịch Sử Truyền Giáo tại Trung Hoa và Việt Nam, Danh  Xưng”Thiên Chủ, hay Chúa Trời”đã được Thần học Giáo Lý định nghĩa để chỉ Thiên Tính, Thần Tính(Divinity). ( Xin lưu ý: cách viết theo chữ Hán(Nho), và chữ Nôm (Việt Nam), chữ Chủ, Chúa, viết giống nhau, gồm chữ vương=vua, và một chấm trên đỉnh đầu(………, theo nghĩa CHÚA là CHỦ TỂ vũ trụ, vượt trên mọi quyền lực, trên Tam Tài.).

-                     [ Tham khảo thêm:Sách“Thiên Chúa Giáo và Tam Giáo”, trang 422-426, coi: www.dunglac.net/caophuongky/]

-                      

-                     Theo truyền thống , đối với Mầu Nhiệm ”Ba Ngôi Thiên Chúa”, thì xưng với Ngôi Nhất Thiên Chúa  là:  “CHÚA CHA“, hay “CHA”( vì Chúa Giêsu cho phép);  xưng với Ngôi Hai Thiên Chúa là: CHÚA, CHÚA CON, CHÚA GIÊSU, CHÚA GIÊSU KYTÔ; xưng với Ngôi Ba Thiên Chúa là: CHÚA THÁNH THẦN. Nếu muốn nói chung về “Thiên Chúa Ba Ngôi”, thì xưng: THIÊN CHÚA, CHÚA TRỜI. ĐỨC CHÚA TRỜI.

 

3/. Vấn Đề: có được dùng ĐẠI TỰ: NGÀI, NGƯỜI, thay cho” CHÚA”không?

 

Việc dùng các đại tự (pronouns) trong các ngôn ngữ như La Tinh, Ý, Pháp, Tây Ban Nha..kể cả Trung Hoa, không gây rắc rối phiền phức, nhưng trong Việt Ngữ, thật sự là một “vấn đề” cần bàn giải, vì là một nét đặc thù trong Văn Hóa Việt Nam. Theo các nhà ngữ học, các đại tự trong Ngữ Pháp tiếng Việt, chẳng những chỉ thay danh tự, nhưng còn để biểu lộ các sắc thái tình cảm như kính trọng, khinh bỉ, yêu, ghét.

Chẳng hạn, cách xưng hô biến thái theo mức độ tình cảm như: Giữa một cô bán tiệm và ông khách mua hàng. Khi chưa quen biết, lần đầu gặp khách, cô bán tiệm, chào khách: thưa “ông hay bác, hay chú’ (tuỳ tuổi) cần gì, tôi có thể giúp?- Tương quan: Ông-Tôi. Sau một thời gian dài, nếu khách thường lui tới ghé tiệm, cô chủ tiệm có thể đổi sang  cách gọi khách một cách thân tình hơn:“anh”(nếu trẻ), hay “bác, ông, chú và xưng “em”. – Tương quan: Anh-Em . Trong trường hợp “phải lòng nhau,” rồi cưới nhau, thì gọi nhau là “MÌNH”: Tương quan: Vợ-Chồng? Nhưng sau một thời gian, nếu “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt”, thì  mức độ tình cảm, cách xưng hô cũng đổi chiều xuống cấp tình cảm liên hệ, trở về  : “ông-tôi”; xuống một cấp nữa: mày-tao; và hạ cấp là: “con này- thằng kia”. Và chiến tranh đĩa bay có thể xẩy ra bất cứ lúc nào! Cũng vì tính chất tế nhị, mức độ tình cảm trong cách xưng hô của tiếng Việt, nên..cấn phải xét lại việc dùng đại tự: Ngài, Người thay thế Thánh Danh “CHÚA”, đã được định nghĩa để chỉ “Thiên Tính”Divinity) của Thiên Chúa.

 

4/. Theo nhà ngữ học cận đại, Linh Mục Tiến sĩ LÊ VĂN LÝ ( 1913- 1992), đại từ “Ngài, Người” có nghĩa gì? Đại từ này dùng chung  cho mọi người, có xứng hợp để thay thế ý nghĩa “Thiên Tính” (Divinity) của  Danh Thánh “CHÚA “ không? 

 

[xin nhắc lại vài dòng kỉ niệm đã đọc trong Thánh Lễ An Táng, năm 1992, tại Carthage, MO. về đời sống và văn nghiệp của vị Linh Mục tài đức, khiêm nhu này. Vào năm 1950, tại thủ đô Hà Nội, đồng hương và báo chí Việt, Pháp, tưng bừng hoan nghênh vị Tân Tiến sĩ vinh qui về  quê cha đất tổ. Thật vậy, L.M Lê văn Lý, thuộc Địa Phận Hà Nội, đã du học lâu năm tại Pháp, Anh. Ngài tinh thông ngôn ngữ, văn hóa Âu-Mỹ, nhưng vẫn nặng tình yêu thương Tiếng Mẹ. Do đó, Ngài đã nghiên cứu các phương pháp về ngữ học của Tây Phương để áp dụng vào việc khảo sát tiếng Việt, và viết ra cuốn “Ngữ Pháp”( quen gọi là Văn Phạm, grammaire), theo phưong pháp ngữ học công năng (linguistique fonctionnelle). Từ thời Cha Đắc Lộ, viết cuốn Văn Phạm tiếng Việt đầu tiên, cho đến ngày nay, chưa có tác giả nào, ngoại quốc cũng như bản xứ, chuyên khảo về ngữ học Việt Nam, có thể làm hơn được Linh Mục họ Lý! Ngài đã làm Giáo sư ban Ngữ học Việt Nam, gần 30 năm, tại Đại Học Văn Khoa Hànội, Sàigòn, và là Viện Trưởng  Đại Học Đà lạt. Trong cách tiếp nhân xử thế, các bạn đồng nghiệp, các môn sinh, và khi về hưu dưỡng tại Dòng Đồng Công, Hoa kỳ, mọi người đều nhìn nhận đức tính hiền hòa, vui vẻ và rất khiêm nhu của vị Linh Mục khả kính. Đối với trào lưu tục hóa củ thế giới, vì được giao tiếp với nhiều tầng lớp xã hội, nhất là giới trẻ,  Ngài thường than thở một câu của Chúa Cứu Thế trong Phúc Âm:” Khi Con Người trở về, liệu có còn  thấy Đức  Tin trên mặt đất này nữa không?”  ( Luca, 18, 8)]

 

Linh Mục LÊ Văn Lý đã trình: Luận án  Tiến sĩ Quốc gia , Pháp (Doctor d’État):”Le Parler Vietnamien. Sa structure phonologique et morphologique fonctionnelle. Esquisse d’une grammaire Vietnamienne. Huong Son, Paris, 1948: và cuốn: “Sơ Thảo Ngữ Pháp Việt Nam” do Bộ Giáo Dục, xuất bản, và Hội đồng duyệt sách gồm: các học giả như: Nguyễn Khắc Kham,( thuyết trình) Lê Ngọc Trụ (giới thiệu), Bùi Xuân Bào, in lại do Dân Chúa, Lousiana ),

-Theo sách ”Sơ Thảo Ngữ Pháp Việt Nam”, trang 95-99: “Khi là Hư tự “NGƯỜI” (hay  là biến thể của nó là NGÀI) được dùng thay cho một Ngôi tự chỉ ngôi thứ ba số ít. NGƯỜI là một Ngôi tự tôn trọng thay cho Nó, một Ngôi tự khinh bạc. Khi nói về một nhân vật đáng tôn kính, chẳng hạn nhu một vị Quốc Trưởng, người ta sẽ nói: Người đón tiếp ngoại giao đoàn,..NGƯỜI với tính cách là Ngôi tự chỉ được dùng ở số ít. Khi cần phải dùng Ngôi tự tôn trọng NGƯỜI ở số nhiều người ta sẽ nói:các NGÀI, chứ không nói các NGƯỜI; hay là người ta sẽ sử dụng những kiểu nói khác, nhu: Các vị ấy, các Đấng ấy..(Chú ý: Hư tự NGƯỜI bởi  Danh tự NGƯỜI mà ra, coi só 174, trang 96}

 

-                     Theo cách phân tích và xếp loại tự ở trên, chữ “NGƯỜI” vốn là một Danh tự, khi dùng làm Hư tự, chỉ để tỏ sự tôn kính đối với các vị trưởng thượng, chứ tuyệt nhiên không chỉ một vị có “Thiên Tính”, Siêu Việt hơn mọi loài thụ tạo. Vì thế, rõ ràng không thể áp dụng cho Ngôi Vị Thiên Chúa được! Nếu dùng lẫn lộn, không phân biệt Thiên Chúa là Ngôi Vị Tuyệt Đối, nhân loại là hữu hạn, tương đối, thì chẳng hóa ra người ta đã hạ giá CHÚA xuống hạng phàm nhân hay sao?( Lưu ý: chữ “Người”nếu viết theo chữ Nôm :…….., gồm có bộ nhân…….là người). Đạo Thiên Chúa là Đạo Mạc Khải(Revelation):”Đạo Xuất ư Thiên”. Do đó, cần phải giới thiệu, rao giảng ĐẠO với đặc điểm này, khác với các Đạo khác. Chấp nhận hay không là tùy thiện tâm, thiện chí của người nghe, nhưng cần phải nói lên Niềm Tin vào Chúa KyTô, Ngôi Lời Nhập Thể.

-                      

-                     [Như đã thấy ở trên, trong Ngữ Pháp, ngữ vựng tiếng Việt, không có đại tự chỉ về “CHÚA”, theo nghĩa Tuyệt Đối, Siêu Việt hơn mọi thần thánh, nên Thần học và Phụng Vụ Công giáo cần sáng tạo ra một từ ngữ mới dùng làm Hư tự riêng biệt, có ý nghĩa “Thiên Tính”: đó là chữ “CHÚA” ( vừa dùng như Danh Tự, vừa dùng làm Hư tự), theo gương các vị tiền bối: Cha M.Ricci sáng tạo ra Danh Tự“Thiên Chủ”, và Cha Đắc Lộ lập ra từ “Đức Chúa Trời”, và theo phương pháp công năng trong ngữ pháp Viêt Namcủa L.M.Lê văn Lý.]

 

5/. Một Số  Từ Ngữ  làm Hạ Giá CHÚA  GIÊSU, Xuống Hàng Phàm Nhân như:

Kiểu nói: “Đức Giêsu”, thay vì phải long trọng Tôn Vinh Danh Thánh “CHÚA GIÊSU” hay ĐỨC CHÚA GIÊSU”, “CHÚA KYTÔ”, CHÚA GIÊSU KYTÔ”như Thánh Phao Lô đã dạy.

Theo nhà ngữ học, L.M.Lê văn Lý, trong sách đã dẫn, :số 79: Có hai loại tự chung chỉ người là : NGƯỜI , ví dụ:  Người làm ruộng, Người đánh cá; và KẺ: ví dụ:  Kẻ Liệt, Kẻ sống, Kẻ chết. Số 80: Loại tự tôn trọng: Có nhiều loại tự tôn trọng: ĐỨC: được đặt trước những tên người có những chức vị cao trọng: Đc Vua, Đức Khổng Tử, Đức Phật..; ĐẤNG: là loại tự tôn trọng tương đương với loại tự Kẻ: Đấng thánh Nhân, Đáng bề trên; THÀY: là loại tự tôn trọng được đặt trước những danh tự chỉ người đàn ông có một chức vụ đáng kính trong xã hội: Thày đồ( dạy chữ nho), Thày ký, Thày đội, Thày cai.

 

Bởi vậy, nếu muốn dịch cho đúng tinh hoa tinh thần Ngôn ngữ Việt, để tỏ lòng Tôn Thờ Ngôi Lời Thiên Chúa, Nhập Thể,” không được nói, viết một cách “hạ giá” Chúa Giêsu, xuống hàng phàm nhân, như kiểu nói; “Đức Giêsu”, nhưng luôn phải tuyên xưng với Danh Xưng “CHÚA” chỉ Ngôi Vị Thiên Chúa , như Thánh Phao Lô dạy, không bao giờ được bỏ chữ CHÚA, vì nguyên chữ “Đức”, thiếu ý nghĩa  về Thiên Tính (Divinity). Cũng có thể tuyên xưng: “CHÚA GIÊSU” là :”CHÚA CỨU THẾ”. Danh Từ “Cứu Thế” dịch nghĩa của chữ Jesus ( Yehoshua, Joshua, Josue,nghĩa là [ Yahweh là Cứu Rỗi= Yahweh is salvation].

Thiết tưởng Danh Xưng:” Chúa Cứu Thế’, đã được Việt hóa, rất trang trọng và đễ hiểu đối với người đồng hương. [ Một danh xưng khác, những người chống Đạo Công Giáo dùng để  chế nhạo Đạo Công Gíáo : là âm Tên Chúa “Jesus”, theo giọng đọc Trung hoa ra như: “GiaTô”,” Đạo Gia tô”]

 

6/. Một số Kinh Phụng Vụ Quan Trọng Cần Điều Chỉnh lại cho Đúng với Thần Học,  Giáo Lý và Ngữ Pháp Việt Nam:

 

-                     Theo sách “Nghi Thức Thánh Lễ,” 2006: bản Kinh Sáng Danh, Kinh Tin Kính các Thánh Tông Đồ: có thể nói là hoàn hảo, và là mẫu mực về cách xưng Thánh Danh Thiên Chúa, Chúa Giêsu, Chúa Thánh Thần.

-                     - Kinh Tin Kính Nicea-Constantinopoli, lập đi lập lại 13 lần chữ ”Người” thay vì xưng Thánh Danh “Chúa Giêsu”. Có ý kiến phản ứng nhận xét rằng: bản văn viết chữ hoa ”Người”,(chỉ Chúa Giêsu,  nhưng khi nghe đọc Kinh chung thì chỉ nghe những “người, người, người.. mà thôi! Nhiều câu  ý nghĩa trái ngược nhau, mập mờ, nếu đọc theo mặt chữ như: “Người đã từ trời xuống thế”Người đã nhập thể trong lòng Trinh Nữ Maria, và đã làm người” ( Trên thế giới hiện có hơn 11 tỉ người, và không có người nào trên các hành tinh khác, vậy ai là người đã từ đất lên trời, rồi lại xuống thế? Do đó, phải thay chữ ”CHÚA”, thì mới rõ nghĩa:

-                     Ngôi Thứ Hai (Thiên Chúa, Chúa Giêsu) xuống thế làm người, và ở cùng chúng tôi” (Kinh Truyền Tin)

-                      

-                     - Khi Linh Mục cầm đĩa thánh có bánh thánh và chén thánh, nâng cả hai lên đọc:

-                     Bản dịch 72: Chính nhờ Người, với Người và trong Người…..

-                     Bản dịch  92: Chính nhờ Đức Kytô, với Đức Kytô và trong Đức Kytô……

-                     Bản dịch 2006: lại trở lại bản dịch 72: Chính nhờ Người, với Người và trong Người…

-                     Có ý kiến cho rằng các bản dịch trên, đều hạ giá CHÚA GIÊSU KYTÔ, bằng cách xưng hô:Người, Người, Người, không đúng Sách Giáo Lý dạy vế “KYTÔ HỌC( Christology”

-                     Đáng lẽ phải long trọng tuyên xưng Thánh Danh CHÚA GIÊSU:

-                      

-                     Chính nhờ CHÚA  KYTÔ ( hayCHÚA GIÊSU), với CHÚA KYTÔ và trong CHÚA KYTÔ, mà mọi Danh Dự và Vinh Quang đều qui về (THIÊN CHÚA) CHÚA là CHA toàn năng, trong sự Hợp Nhất cùa CHÚA THÁNH THẦN đến muôn đời. Amen.”

 

-Các độc giả cũng đọc thấy một ý kiến, giải nghĩa rằng:” Chúng tôi cũng dùng từ Ngài để chỉ Chúa Cha và Chúa Thánh Thần theo vị cách ngôi thứ ba. Ít khi chúng tôi dùng từ Ngài để thân thưa với Chúa, vì thấy có vẻ xa lạ quá! Chúng tôi không dùng từ Người để chỉ Ngôi Cha và Ngôi Thánh Thần, vì theo một lối phân tích mà chúng tôi cho là có lý, các Ngài không thuộc loài người, nhưng có thể dùng để chỉ Chúa Giêsu vì Chúa Giêsu cũng là người như chúng ta”

Căn cứ vào nền tảng Ngữ Pháp tiếng Việt và Sách Giáo Lý thì những lời giải nghĩa trên không được “chỉnh “lắm, về cách dùng hư tự :Ngài , Người”, áp dụng vào Ba Ngôi Thiên Chúa(Trinity). Theo Ngữ Pháp Việt Nam, hư tự Người(và biến thể Ngài) cũng đều tỏ sự tôn kính cả. Tại sao lại hiểu chữ “ngài” khác chữ “người” và phân biệt cách áp dụng khác nhau cho Ba Ngôi Thiên Chúa,” cùng một Bản Thể” và luôn luôn”cũng bằng nhau”? Vả lại hư tự “người, ngài”, dầu tỏ sự tôn kính nhưng không có ý nghĩa “Thiên Tính”, (Divinity)dành riêng cho Đức Chúa Trời mà thôi.

Theo Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo (số 465, 464-69, 480-82): CHÚA GIÊSU, CON THIÊN CHÚA là ‘đồng bản thể(homoousius) với CHÚA CHA. Vậy tại sao dùng chữ “người”cho Chúa Giêsu? Khi xuống thế làm người, Chúa Giêsu mặc lấy “NhânTính”, nhưng có mất”Thần Tính “ chăng ? Theo Giáo Lý dạy: CHÚA GIÊSU KYTÔ có hai Bản Tính(Natures): “Bản Tính Đức Chúa Trời” và “bản tính loài người,” hai bản tính không trộn lẫn,(confused mixture) làm mất đặc tính riêng của nhau,  nhưng hợp nhất trong Một Ngôi Vị Thiên Chúa  là NGÔI CON THIÊN CHÚA. Vì thế , có thể gọi: Đức Bà MARIA là Mẹ Thiên Chúa( Công Đồng Ephesô, năm 431). CHÚA GIÊSU là NGƯỜI THẬT, nhưng cũng là THIÊN CHÚA THẬT, vậy tại sao “hạ giá”CHÚA GIÊSU”, bằng cách phân biệt Hư tự Người chỉ  áp dụng cho Chúa Giêsu. Trong Ngôi Hai Thiên Chúa,  “Nhân Tính “của Chúa Giêsu không hề làm giảm bớt “Thiên Tính”, nhưng “Nhiệm Hợp” (hypostatic union) trong Một Ngôi Vị Thiên Chúa.

 Ngoài ra, cũng cần giải nghĩa cho rõ hơn, nhất là trong bối cảnh ”phàm tục hóa”Đức Tin”của Đạo Mạc Khải của Chúa Kytô, câu ở trên: “Vì theo một lối phân tích mà chúng tôi cho là có lý, các Ngài không thuộc loài người, nhưng có thể dùng để chỉ Chúa Giêsu vì Chúa Giêsu cũng là người như chúng ta.”. Cần  giải giải nghĩa cho rõ hơn cụm từ: “Có lý”ở đây , theo nghĩa nào? Có phải “Có Lý “ hiểu theo tinh thần của khoa học thực nghiệm duy lý của thời đại này,  như các lý lẽ để chứng minh Chúa Giêsu chỉ là người thường như mọi người khác, trong DVD của Dan Brown? Đối với Mầu Nhiệm: “Một Chúa Ba Ngôi”,và “Ngôi Thứ Hai xuống thế làm Người”, dầu lý trí nhân loại không thể hiểu được, nhưng nhờ Thánh Sủng Chúa ban, ta TIN những Lời Chúa dạy trong Kinh Thánh là Chân Lý.

 

7/.Vấn Đề: Xưng Hô Danh Thánh của  Thiên Chúa Ba Ngôi.

 Dùng các Thánh Danh Thiên Chúa Ba Ngôi, theo đúng với Ngữ Pháp Việt nam là vấn đề phức tạp hơn các ngoại ngữ khác như Latinh, Anh ngữ…Do đó, nguyên tắc chung là: người dịch các Kinh Nguyện, nếu sợ hiểu lầm, nên giải thích các  Danh Tự (dùng làm Hư tự), nhằm dâng lên NGÔI VỊ nào. Khi thì dâng lời cầu nguyện lên cả Ba NgôiThiên Chúa, khi khác lại thân thưa với Chúa Cha, nhờ công nghiệp Chúa Giêsu, hoặc cầu xin cùng Chúa Thánh Thần.

Thói quen trong Kinh Nguyện:- Khi dâng lời nguyện chung lên”THIÊN CHÚA BA NGÔI: thì Xưng Danh: Lạy Thiên Chúa, Lạy Chúa, Lạy Đức Chúa Trời hằng có đời đời;- Khi dâng lời nguyện lên Ngôi I: Lạy CHÚA  CHA, Lạy CHA chúng con ở trên Trời, Lạy Chúa;- Khi dâng lời nguyện lên Ngôi II: Lạy CHÚA GIÊSU,  CHÚA  KYTÔ, CHÚA GIÊSU KYTÔ, CHÚA CỨU THẾ;- Khi xưng  Danh Thánh Ngôi III: Lạy CHÚA THÁNH THẦN.( Xin bỏ kiểu dùng chữ: Thánh Linh)

 

Vấn Đề: Lập Đi Lập Lại các Thánh Danh CHÚA, nhiều lần trong các Kinh Nguyện.

 

Đây cũng là nét đặc thù trong Việt Ngữ, không thấy ở các ngoại ngữ. Theo Ngữ Pháp, như trong “Sơ Thảo Ngữ Pháp Việt Nam”, có nhiều Loại Tự chỉ người (số 78-83, và Hư tự Người, Ngài số 181), nhưng cách sử dụng  rất khó: cần phải luyện tập, theo thói quen đúng với phép lịch sự Việt nam, đúng với địa vị của người nói, người nghe, và của người ám chỉ đến. Như đã trình bày, cũng vì trong Việt Ngữ thiếu Danh Từ chỉ Vị Thần Tuyệt Đối, nên các nhà Truyền Giáo tiên khởi như L.M.M.Ricci, L.M Đắc Lộ đã đặt ra Danh Từ: Thiên Chủ, Đức Chúa Trời, theo nghĩa Tuyệt Đối là : Chúa của mọi sự mọi loài. Do đó,  chúng ta không thể dùng các loại tự, hư tự tôn kính khác được như: Người, Ngài, trừ ra chữ CHÚA, theo nghĩa Tuyệt Đối.

 

Trong Kinh Nguyện, nếu phải lập đi lập lại một chữ“CHÚA”, thì chỉ là điều phải làm, vì không có chữ nào thay thế được. Trong các Thánh Vịnh, Kinh Tin Kính, người ta đã nhắc đi nhắc lại một chữ”Người” cả mấy chục lần, bây giờ thay vào chữ “CHÚA” để tỏ lòng Tôn Thờ, với tâm tình thiết tha cầu xin, thì vẫn hơn đọc một chữ tầm thường:”người, người, người.. . Vả lại, lời văn trong Phụng Vụ. thuộc loại ca vãn, tán tụng, than thở, khẩn cầu..không thuộc loại văn xuôi cần tránh những điệp ngữ.

Theo các nhà nghiên cừu về tôn giáo, nhiều đạo giáo, như Thiền trong Phật giáo, Ấn Giáo, ..người ta dùng “Mantra”( các câu thần chú) để “niệm”, lập đi lập lại nhiều lần một tên, hay một chữ có ý nghĩa linh thiêng cho đến khi”ngất trí”(ecstasy). Trong Đạo Thánh Chúa, lúc đau đớn, gần chết, kiệt sức, thở chẳng ra hơi, một bệnh nhân chỉ còn đủ sức phều phào, than thở một tiếng: CHÚA ơi! CHÚA ơi!, CHÚA ơí, CHÚA ơi!...rất nhiều lần, nghe  thảm thiết, phát xuất từ Niềm Tin Yêu, và Phú thác Hồn Xác trong Tay Chúa!

 

   Xin mỗi quí vị độc giả, tự mình thử nghiệm khi đọc các bản văn Phụng Vụ, nhất là đọc các Thánh Vịnh, có pha trộn ba từ ngữ: Người, Ngài, Chúa, dùng làm “Hư Tự”, như :Thánh Vịnh 64 (PVCGK, đếm được 11 chữ “Ngài”), “Cúi xin Ngài, nghe tiếng tôi, lạy Chúa, Tôi hết lòng tin tưởng ở lời Ngài”:Xướng đáp). Khi ta dâng  trí khôn, tình cảm và  than thở, phú thác nơi Quyền Năng của CHÚA, thì âm hưởng của từ “Người, Ngài” xen vô, tựa như những nốt nhạc ”lạc cung, ngang điệu”. Trong Việt Ngữ, tuy hai từ ngữ “Người, Ngài” tuy tỏ vẻ tôn kính đấy, nhưng ý nghĩa của từ “Người” đôi khi gây cảm tưởng như xa cách với người mình đối thoại, và từ ”Ngài” có vẻ kênh kiệu, nịnh bợ như: ”Trong tay Ngài, lạy CHÚA, Tôi xin phó thác hồn tôi”. Do đó, nếu ta thay thế tất cả các từ ”Người Ngài”, trong các Kinh Nguyện, bằng từ “CHÚA” dành để Tôn Vinh Danh ”CHÚA”, và chỉ nhắc đi nhắc lại một từ CHÚA càng nhiều lần càng tố t(như một lời Niệm), ta sẽ được tăng lòng Tin,  Cậy, và  khơi dậy Lửa Mến Chúa , nhất là được Ơn Bình An trong tay CHÚA. Cầu chúc Quí Vị được Chúa ban như lòng mong ước! 

 

Xin TẠM KẾT  bài thuyết luận này, sau khi gom góp được một số ý kiến và phản ứng về các Bản Dịch “Nghi Thức Thánh Lễ”. Chắc hẳn còn nhiều bản góp ý  khác nữa, vì đó là diều dĩ nhiên phải xẩy ra.  Chủ đích của bài này nhằm giúp hoàn chỉnh một bản dịch Việt Ngữ xứng đáng để Tôn Vinh CHÚA CỨU THẾ, NGÔI LỜI THIÊN CHÚA , trong Phụng Vụ, và Kinh Nguyện. Ước mong UBPV lằng nghe và thu thập các ý kiến khác nhau, làm tài liệu nghiên cứu để sửa đổi, và kiện toàn một Bản Dịch tồt đẹp hơn trong tương lai. 

 

 

L.M. Cao Phương Kỷ