TIN VUI

Tuần san Bạn trẻ Công Giáo  -  Số 109 CN 28.10.2007

 

 

Web site www.tinvui.org E-mail : bantreconggiao@yahoo.com

 

Mục lục

 

Chúa Nhật XXX Thường Niên C.

HAI THÁI ĐỘ CẦU NGUYỆN..

Truyền Giáo trong thời sau hết

Ngày Khánh Nhật Truyền Giáo, ĐGH mở cuộc Hội Thảo về Hòa Bình với các vị Lãnh Đạo các Tôn Giáo.

Ðức Thánh Cha Biển Ðức 16 tuyên bố triệu tập công nghị bổ nhiệm 23 Hồng Y mới

Tóm lược tiểu sử 23 Tân Hồng Y.

7000 đến 20,000 người viếng mộ ĐGH Gioan Phaolô II mỗi ngày.

Đức Hồng Y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn trả lời câu hỏi về chuyến viếng thăm Trung Quốc (24-28. 9. 2007).

Tường thuật cứu trợ cơn bão lụt số 5, Lekima tại Nghệ An.

Lễ Giỗ Trăm Ngày Nhạc sĩ Linh mục Hoài Đức.

Bế Mạc Hội Thảo Quốc Tế về "Công Bình Xã Hội, Trách Nhiệm Xã Hội và Liên Ðới Xã Hội" tại Việt Nam.

Thành lập hai trung tâm nghiên cứu tôn giáo tại Hà Nội và Sàigòn.

NHÂN THÁNG CÁC LINH HỒN..

LỄ DÂNG CUỘC ĐỜI.

CÔNG BÌNH XÃ HỘI THEO QUAN ĐIỂM CÔNG GIÁO.

BỔN PHẬN LÀM CON CÁI.

RAU RĂM Ở LẠI.

Năm Chiếc Bánh và Hai Con Cá (tiếp theo và hết).

7. Con Cá thứ hai: Tôi chọn Chúa.

 

 

SỐNG LỜI CHÚA

 

Chúa Nhật XXX Thường Niên C

 

Lc 18, 9-14

"Người thu thuế ra về được khỏi tội".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, Chúa Giêsu nói dụ ngôn sau đây với những ai hay tự hào mình là người công chính và hay khinh bỉ kẻ khác: "Có hai người lên đền thờ cầu nguyện, một người biệt phái, một người thu thuế. Người biệt phái đứng thẳng, cầu nguyện rằng: 'Lạy Chúa, tôi cảm tạ Chúa vì tôi không như các người khác: tham lam, bất công, ngoại tình, hay là như tên thu thuế kia; tôi ăn chay mỗi tuần hai lần và dâng một phần mười tất cả các hoa lợi của tôi'. Người thu thuế đứng xa xa, không dám ngước mắt lên trời, đấm ngực và nguyện rằng: 'Lạy Chúa, xin thương xót con là kẻ có tội'. Ta bảo các ngươi: người này ra về được khỏi tội, còn người kia thì không. Vì tất cả những ai tự nâng mình lên, sẽ bị hạ xuống, và ai hạ mình xuống, sẽ được nâng lên".

Đó là lời Chúa.

 

 

HAI THÁI ĐỘ CẦU NGUYỆN

 

Suy niệm bài Tin mừng hôm nay, chúng ta có thể tưởng tượng khung cảnh trong dụ ngôn của Đức Giêsu về hai thái độ cầu nguyện của người Pharisêu và người thu thuế. Bước vào cửa đền thờ, chúng ta thấy người thu thuế ở phía cuối đứng đằng sau những người khác đang cúi mình xuống, vì thấy mình tội lỗi bất xứng, chỉ biết tin tưởng vào lòng thương xót Chúa và khiêm tốn xin ơn tha thứ. Trong khi đó, trước mặt ông ta là người Pharisêu, đang dâng lên Chúa lời cầu nguyện với một chuỗi những thành tích. Ông rất hài lòng về chính mình và cảm tạ Chúa về những việc ông làm hơn những người khác, đặc biệt là hơn người thu thuế đứng phía sau ông. Đó là hai thái độ cầu nguyện của một người đặt niềm tin nơi mình và một người đặt niềm tin nơi Thiên Chúa. Qua lời kết luận của Đức Giêsu : “Ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống, còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên”, chúng ta cùng phân tích về hai thái độ cầu nguyện này để rút ra một bài học về cầu nguyện cho chính mình.

 

Thái độ đặt niềm tin nơi mình của người Pharisêu.

 

Lúc này nghe lại lời cầu nguyện của người Pharisêu, chúng ta cảm thấy rất khó chịu, nhưng hằng ngày chúng ta có thể vẫn thường phản ánh lại tâm tình, thái độ và lời cầu của ông mỗi khi chúng ta tự hào nghĩ rằng :

 

Là một Kitô hữu đạo gốc và gia đình tôi đã giữ trọn lề luật Chúa và Giáo hội. Tôi đã dành nhiều thời giờ cầu nguyện trong ngày, tham dự thánh lễ và làm việc từ thiện bác ái, không như bao người khác đã bỏ đạo và sống bê tha tội lỗi.

 

Là người được giáo dục tốt, tôi có nghề nghiệp tốt, vợ chồng hoà thuận, con cái ngoan thảo thành công trên nhiều lãnh vực, gia đình tôi không ai sa vào tệ nạn xã hội như nhiều gia đình khác đang sống chung quanh tôi. Họ tham lam, bất chính, ngoại tình, bạo hành, ly dị nhau.

 

Là người khôn ngoan có lý tưởng, tôi sống chân thành với chính mình, không gian dối quanh co, giả hình như những người khác, luồn lách để có địa vị xã hội và danh tiếng trong Giáo hội.

 

Cũng như những người Pharisêu chúng ta có thể nghĩ rằng với đời sống nghiêm túc và công chính của mình  cũng như gia đình mình. Thiên Chúa đã mắc nợ chúng ta và đương nhiên Người sẽ chúc lành cho chúng ta. Nhưng theo nhận định của Chúa Giêsu, chúng ta đã vấp phải một lỗi lầm nghiêm trọng là lòng tự cao, thần tượng mình, không đặt niềm tin nơi Thiên Chúa và sống trong tương quan yêu thương với anh em. Chúng ta có thái độ so sánh, phê bình, xỉ nhục người có tội thay vì giúp họ phục hồi nhân phẩm, sống tình huynh đệ trong nhà của Cha.

 

Tất cả đã nói lên rằng : chúng ta có thói quen cầu nguyện chỉ dựa vào chính mình mà không dựa vào Thiên Chúa. Khi cầu nguyện chúng ta chỉ kể về công trạng của chính mình mà không xin gì cả. Vì thế, chúng ta đã cầu nguyện rất nhiều nhưng vẫn trở về với hai bàn tay không, không cảm được niềm vui, an bình và hạnh phúc của người được yêu thương và tha thứ. Thật đúng như cảm nhận của Yiddish : “ Một tội nhân biết mình có tội thì tốt hơn một thánh nhân biết mình là thánh.”

 

Thái độ tin tưởng vào Chúa của người thu thuế.

 

Người thu thuế sau một chuỗi dài cuộc sống mệt mỏi với công việc không mấy lương thiện, ông cảm thấy nhu cầu sống mối tương quan với Thiên Chúa nên đã vào đền thờ cầu nguyện, nhưng ông tự thấy mình bất xứng nên đã chân thành thưa với Chúa về thực trạng của mình : “ Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi”. Qua bài Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu xác nhận đây là lời cầu nguyện đẹp lòng Chúa và mời gọi chúng ta mặc lấy tâm tình khiêm tốn, thống hối và đơn sơ, tín thác vào Chúa của người thu thế mỗi khi cầu nguyện.

 

Lạy Chúa ! Xin thương xót con…Lời cầu nguyện của người thu thuế đơn giản quá !Ý thức được thân phận yếu hèn tội lỗi của mình, ông hoàn toàn cậy dựa vào lòng thương xót của Thiên Chúa. Đó là lời cầu nguyện của người ở trong sự thật và được sự thật giải thoát khỏi tội lỗi. Khi cầu nguyện, ông hiện diện trước Thiên Chúa toàn năng, thánh thiện, Đấng là ánh sáng, là nguồn Sống Cứu Độ, và ông xin lòng thương xót của Thiên Chúa thanh tẩy ông để ông được hiệp thông trong sự tốt lành viên mãn của Người. Khi đứng trước aự cao cả của  Thiên Chúa, ông không kể tội người khác (chẳng hạn như những lời của người Pharisêu mà Đức Giêsu đã vạch trần ra cho dân thấy) ông cũng không kể tội của ông một cách chi tiết, nhưng ông chân thành nhận mình là người có tội đang cần ơn tha thứ. Kết quả, ông được Thiên Chúa hài lòng, ông ra về và được ở trong ơn nghĩa của Thiên Chúa như lòng ông mong ước !

 

Quả thật, như Kinh Thánh đã viết : “ Lời cầu nguyện của người khiêm tốn xuyên thấu các tầng mây” (Hc 35, 17) sách SLCG số 1559 cũng dạy :“Khiêm tốn là thái độ căn bản phải có để đón nhận ơn cầu nguyện”. Vì thế, khi cầu nguyện chúng ta cần ý thức nhập vào hàng ngũ các tội nhân đang khao khát lòng thương xót của Thiên Chúa như đất khô chồi đang mong mưa xuống. Nhìn nhận mình là người tội lỗi không chỉ có nghĩa khi chúng ta làm điều bất chính, nhưng còn vì chúng ta chưa ý thức ở trong tình yêu cứu độ của Thiên Chúa, chưa thực thi lệnh truyền loan báo Tin Mừng, chưa tích cực tham gia vào sứ vụ cứu độ của Chúa Giêsu để giúp anh chị em trong gia đình nhân loại nhận ra Thiên Chúa là Tình yêu. Đây là điểm then chốt trong lịch sử cứu độ, là tin mừng mà chúng ta cần cảm nghiệm để có thể làm chứng nhân trong cánh đồng truyền giáo tại quê hương Việt Nam. Vâng, đây chính là tin mừng mà Chúa Giêsu đã tuyên bố : “Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi sám hối ăn năn” ( Lc 5, 32) vì “Con Người đến để tìm và cứu vớt những gì đã hư mất” ( Lc 19, 10).

 

Lạy Chúa Giêsu, trong ý nghĩa của Lời Chúa hôm nay, con nếm cảm được sự bình an tuyệt vời, vì Chúa đã nhận lời cầu nguyện thống hối chân thành của con mỗi khi con phạm tội hay chưa chu toàn việc bổn phận yêu thương phục vụ anh em như Chúa đã yêu thương phục vụ con. Đồng thời con cảm thấy hạnh phúc khi hiểu rằng : loan báo Tin mừng là chia sẻ kinh nghiệm của người được yêu, được thứ tha, được tín nhiệm, được sai đi nói về tình yêu bao dung và lòng xót thương của Thiên Chúa.

 

Nữ tu Têrêsa Phạm Thị Oanh

Dòng Đaminh Tam Hiệp

Mục lục

TU ĐỨC

 

Truyền Giáo trong thời sau hết


Trong thư thứ hai gởi giám mục Timôthê, thánh Phaolô đã tỏ lộ một tình yêu dạt dào của người cha sắp ra đi. Một là tình yêu đối với người môn đệ ngài tin cậy là Timôthê, hai là tình yêu đối với giáo đoàn đã trao phó cho Timôthê.


Trong thư, thánh Phaolô nhìn lúc đó như khởi sự những ngày sau hết. Sau hết đối với ngài, sau hết đối với Timôthê, sau hết đối với một giai đoạn lịch sử.


Trong thời gian sau hết này, ngài khuyên Timôthê nên để ý:


1/ Những gì xấu phải xa tránh


"Anh hãy biết điều này: Vào những ngày sau hết ấy sẽ có những lúc gay go. Quả thế, người ta sẽ ra ích kỷ, ham tiền bạc, khoác lác, kiêu ngạo, nói lộng ngôn, không vâng lời cha mẹ, vô ân bạc nghĩa, phạm thượng, vô tâm vô tình, tàn nhẫn, nói xấu, thiếu tiết độ, hung dữ, ghét điều thiện, phản trắc, nông nổi, lên mặt kiêu căng, yêu khoái lạc hơn yêu Thiên Chúa, hình thức của đạo thì còn giữ, nhưng cái chính yếu thì đã chối bỏ. Anh hãy xa lánh cả những người ấy" (2 Tm 3,1-6).


Trước đó, thánh Phaolô cũng đã đưa ra những lời khuyên phải xa tránh khác: "Còn những nhảm nhí, trống rỗng, anh hãy tránh xa, vì những kẻ nói những chuyện ấy sẽ tiến sâu vào con đường vô luân. Lời họ như một thứ ung nhọt cứ loét thêm ra" (2 Tm 2,16-17).


Thêm vào đó, thánh Phaolô cũng đã dặn dò: "Những tranh luận điên rồ và ngu xuẩn, anh hãy gạt ra một bên, vì biết rằng những thứ ấy sinh ra cãi cọ" (2 Tm 2,23).


Một điều rất nên để ý trong những lời khuyên xa tránh là đam mê trong chính mình: "Anh hãy tránh xa các đam mê của tuổi trẻ" (2 Tm 2,22).


Những điều cảnh báo trên đây cho ta thấy thánh Phaolô có một cái nhìn nhạy bén. Ngài thấy rất nhiều điều xấu trong nội bộ cộng đoàn, nên ngài khuyên phải xa tránh.


Theo tôi, xa tránh là một thái độ ôn hoà. Xa tránh điều xấu, nhưng phải tích cực làm điều lành.

2/ Những gì cần nhấn mạnh trong rao giảng


Thánh Phaolô quả quyết: "Từ thời thơ ấu, anh đã biết sách thánh, sách có thể dạy anh nên người khôn ngoan để được ơn cứu độ, nhờ lòng tin vào Đức Kitô. Tất cả những gì viết trong sách thánh đều do Thiên Chúa linh ứng và có ích cho việc giảng dạy, biện bác, sửa dạy, giáo dục để nên công chính" (2 Tm 3,15-16).


Phải giảng Lời Chúa thế nào? Thánh Phaolô dạy: "Tôi tha thiết khuyên anh, hãy rao giảng Lời Chúa, hãy lên tiếng, lúc thuận tiện cũng như lúc không thuận tiện. Hãy biện bác, ngăm đe, khuyên nhủ với tất cả lòng nhẫn nại và chú tâm dạy dỗ" (2 Tm 4,1-2).


Với những lời trên đây, thánh Phaolô nhấn mạnh đến vai trò của giám mục Timôthê là phải bền bỉ trong việc rao giảng Lời Chúa. Rao giảng Lời Chúa không phải chỉ là cắt nghĩa Lời Chúa, nhưng còn phải dùng Lời Chúa mà biện bác, ngăm đe, khuyên nhủ, nhờ lòng tin vào Đức Giêsu Kitô. Cứ mãi phải rao giảng Lời Chúa, cho dù "Họ sẽ ngoảnh tai không nghe chân lý, nhưng hướng về những chuyện hoang đường" (2 Tm 4,4).


Việc rao giảng của giám mục Timôthê và các người kế vị các tông đồ là một vinh dự và một trách nhiệm. Không vì lý do nào mà bỏ nhiệm vụ bênh vực Lời Chúa.


Nhưng không vì thế mà tránh được đau khổ.


3/ Những gì phải sẵn sàng đón nhận


"Phần anh, hãy thận trọng trong mọi sự, hãy chịu đựng đau khổ, làm công việc của người loan báo Tin Mừng và chu toàn chức vụ mình" (2 Tm 4,5).


"Hãy đồng lao cộng khổ như một người lính của Đức Giêsu Kitô..." (2 Tm 2,3).


Đau khổ là ơn gọi sau cùng của Timôthê. Với đau khổ, người môn đệ Timôthê sẽ được theo bước thầy mình là Phaolô, đấng đã viết cho ngài: "Còn tôi, tôi sắp phải đổ máu ra làm của lễ. Đã đến giờ tôi phải ra đi" (2 Tm 4,6).


Nhưng thầy trò sẽ không dừng lại ở đau khổ. Các ngài sẽ chịu đau khổ cùng với Chúa Giêsu, để mưu ích cho những người Chúa chọn, để họ cũng đạt tới ơn cứu độ trong Đức Giêsu Kitô và được hưởng vinh quang muôn đời. "Nếu ta cùng chết với Người, ta sẽ cùng sống với Người" (2 Tm 2,11).


Nội dung tóm lược lá thư của thánh Phaolô gởi môn đệ Timôthê cho ta thấy tinh thần truyền giáo của thánh tông đồ dân ngoại:


1. Nhà truyền giáo phải có một cảm quan sâu sắc về tình hình nội bộ cộng đoàn của mình. Tình hình, mà thánh Phaolô chỉ cho thánh Timôthê thấy, là rất u ám. Dù u ám, ngài vẫn cứ lấy lòng khiêm tốn mà nói sự thực từng chi tiết tỉ mỉ.


2. Tình hình u ám đó giúp cho môn đệ Timôthê ý thức được trách nhiệm của mình là rất nặng nề. Phải truyền giáo ưu tiên bằng đạo đức. Bằng nội tâm. Bám vào Lời Chúa. Gắn bó với mầu nhiệm thánh giá. Đặt trọng tâm vào Đức Kitô. Cầu nguyện rất nhiều. Bác ái thực sâu. Truyền giáo là sứ vụ, chứ không phải dịch vụ.


3. Trong việc truyền giáo, phải hết sức tránh bệnh hình thức, bệnh tự mãn và bệnh vô tâm. Nhà truyền giáo là người của Chúa Giêsu khiêm tốn, nhạy bén, luôn rao giảng sự sám hối, sự trở về, nhất là luôn tìm vâng phục thánh ý Chúa Cha.


Thiết tưởng nội dung tổng quát thư II gởi thánh Timôthê cũng là thời sự của nhiều nơi tại cánh đồng truyền giáo Việt Nam hôm nay.

 

+ ĐGM GB Bùi Tuần

Mục lục

 

HIỆP THÔNG GIÁO HỘI

Ngày Khánh Nhật Truyền Giáo, ĐGH mở cuộc Hội Thảo về Hòa Bình với các vị Lãnh Đạo các Tôn Giáo



Kinh Truyền tin chúa nhựt 21-10


Chúa Nhật 21/10/2007 là Ngày thế giới truyền giáo, dành để cầu nguyện cho công cuộc truyền bá Tin mừng, và bày tỏ tình liên đới với những nhân viên đang góp phần tích cực vào sứ mạng truyền giáo cũng như đóng góp cho việc đào tạo nhân sự cho các xứ truyền giáo. Đặc biệt năm nay cũng là kỷ niệm 50 năm thông điệp Fidei donum của đức thánh cha Piô XII kêu gọi các giáo sĩ giáo phận bên Âu Mỹ chia sẻ một thời gian ngắn đến phục vụ tại các miền truyền giáo. Đức Thánh Cha đã dành ngày chúa nhật để thăm viếng giáo phận Napoli, nơi mà giám mục là đức Hồng y Crescenzio Sepe nguyên tổng trưởng Bộ Loan Báo Tin mừng, và nơi diễn ra buổi hội thảo và cầu nguyện cho hoà bình thế giới do cộng đoàn thánh Egiđiô tổ chức hàng năm, nối tiếp buổi gặp gỡ các vị lãnh đạo tôn giáo hoàn cầu tại Assisi do đức Gioan Phaolô II triệu tập vào năm 1986. Vì thế chương trình viếng thăm Napoli của đức Bênêđictô XVI được chia làm hai phần. Phần thứ nhất vào ban sáng, dành cho cộng đoàn Dân Chúa với Thánh lễ và tiếp theo là buổi đọc kinh Truyền tin. Phần thứ hai là cuộc gặp gỡ các nhân vật tham dự cuộc hội thảo về hoà bình. Trong buổi phát hôm nay, chúng tôi xin tường thuật phần thứ nhất, và để dành phần thứ hai cho ngày mai.


Máy bay trực thăng chở đức thánh cha đã đáp xuống Napoli lúc 9 giờ 15. Ra đón tiếp ngài là đức hồng y Sepe, tổng giám mục giáo phận; về phía chính quyền Italia có thủ tướng Romano Prodi và bộ trưởng tư pháp Clemente Mastella, và các cơ quan lãnh đạo chính quyền địa phương. Mặc dầu trời mưa tầm tã, nhưng gần 30 ngàn người đã tham dự thánh lễ do đức thánh cha cử hành lúc 10 giờ sáng tại quảng trường Plebiscito, ở trước thánh đường kính thánh Phanxicô Paola, 70 hồng y và giám mục, 700 linh mục đồng tế, cùng với 200 phó tế phụ trách việc trao Mình Thánh Chúa.


Trong bài giảng, dựa theo các bài đọc Sách thánh của chúa nhựt 29 Thường niên, đức thánh cha đã nhấn mạnh đến sự cần thiết của việc cầu nguyện, nhờ đó các kitô hữu nuôi dưỡng niềm tin và hy vọng khi phải đương đầu với rất nhiều vấn đề và tệ nạn xã hội tại địa phương, tựa như bạo lực, nghèo đói, thất nghiệp, tạo ra một não trạng tự xoay xở bất chấp luật pháp. Thoạt tiên lời cầu nguyện chẳng ăn nhập gì với việc giải quyết các vấn đề xã hội. Tuy nhiên, khi nghĩ kỹ lại, chúng ta thấy rằng duy đức tin mới là sức mạnh có thể thay đổi thế giới và biến đổi nó trở thành Vương quốc của Chúa. Đức tin được diễn tả qua sự cầu nguyện. Một khi đức tin được chan chứa lòng yêu mến Thiên Chúa như là người Cha nhân lành, thì lời cầu nguyện trở nên tha thiết, thấm nhập trái tim của Chúa, nhờ vậy trở nên sức mạnh để hoạt động. Khi đối diện với những trở ngại, chúng ta dễ buông xuôi ngã lòng; vì thế cần nuôi dưỡng niềm hy vọng nhờ lời cầu nguyện không biết mỏi mệt.


Các bài đọc Sách Thánh không chỉ nói đến sự cần thiết của việc cầu nguyện mà còn trưng bày những khuôn mẫu cho việc cầu nguyện, tựa như bà goá trong Phúc âm, tựa như ông Mosê trong sách Xuất hành. Bà goá tượng trưng cho những hạng người thấp cổ bé miệng. Chúa Giêsu khuyên chúng ta hãy bắt chước bà và chắc chắn Thiên Chúa sẽ nhậm lời. Nhiều lần chúng ta thấy rằng lời cầu nguyện không làm thay đổi tình thế, và như thế chẳng công hiệu gì. Tuy nhiên, lời cầu nguyện thành thực có sức lực thay đổi diệu kỳ: trước hết là nó làm thay đổi con tìm của chúng ta, không cho phép chúng ta buông xuôi theo định mệnh, nhưng quyết tâm lật ngược tình thế: thay cho hận thù, phó mặc, chúng ta được mời gọi hãy biết tha thứ, làm chứng nhân cho tình yêu. Lời cầu nguyện cũng nuôi dưỡng hy vọng; biết khám phá ra những mầm tích cực trong xã hội, nơi các bạn trẻ, những người thiện chí; nhất là lời cầu nguyện ban cho chúng ta sức mạnh đến từ Thiên Chúa, giống như sự tích của ông Mosen trên núi. Nhờ lời cầu nguyện, người tín hữu sẽ nhận được nghị lực để làm chứng tá cho các giá trị của Tin mừng.


Thánh lễ kết thúc vào lúc 11 giờ rưỡi, và trước khi ban phép lành, Đức Thánh Cha đã nói đôi lời cám ơn cũng như dẫn vào kinh Truyền tin như sau:


Vào lúc kết thúc buổi lễ hôm nay, tôi muốn lặp lại lời chào thăm và lời cám ơn vì sự đón tiếp nồng hậu mà các bạn dành cho tôi. Tôi xin ngỏ lời chào đặc biệt đến các đại biểu đến từ các nơi trên thế giới để tham dự cuộc gặp gỡ quốc tế về Hoà bình, do cộng đoàn thánh Egiđiô cổ võ, với tựa đề: “Hướng đến một thế giới không còn bạo lực – các tôn giáo và các văn hoá đối thoại với nhau”. Ước mong rằng chương trình văn hoá và tôn giáo này sẽ đóng góp vào việc củng cố hoà bình trên thế giới.


Chúng ta hãy cầu nguyện theo ý chỉ đó. Nhưng hôm này chúng ta cũng cầu nguyện cách riêng cho các nhà truyền giáo. Thực vậy hôm nay là ngày thế giới truyền giáo, với một khẩu hiệu đầy ý nghĩa “tất cả các Giáo hội cho tất cả thế giới”. Mỗi giáo hội điạ phương mang trách nhiệm liên đới trong công cuộc loán báo Tin mừng cho tất cả nhân loại, và việc hợp tác giữa các Giáo hội được củng cố kể từ đức thánh cha Piô XII với thông điệp Fidei donum cách đây 50 năm. Chúng ta đừng để cho những người đang hoạt động ở tuyến đầu của cuộc truyền giáo phải thiếu thốn sự nâng đỡ tinh thần và vật chất: các linh mục, tu sĩ và giáo dân nam nữ, những người thường phải đương đầu với nhiều khó khăn trong công việc của mình, và thậm chí sự bách hại nữa.


Chúng ta hãy ký thác những ý chỉ cầu nguyện này cho Đức Mẹ Maria, Đấng mà chúng ta kêu cầu trong tháng 10 này dưới tước hiệu Nữ Vương rất thánh Mân côi, được tôn kính tại một thánh điện ở Pompei gần đây. Chúng ta ký thác cho Mẹ những người di dân đang tham dự cuộc hành hương đến Caserta. Chúng ta cũng xin Mẹ che chở hết những ai đang dấn thân cho công ích và cho một trật tự xã hội tốt đẹp hơn, như được nêu bật trong tuần lễ Xã hội của người Công giáo Italia lần thứ 45 diễn ra vào những ngày này tại Pistoia và Pisa, để kỷ niệm 100 năm khai mạc Tuần lễ xã hội lần thứ nhất, do ông Giuseppe Toniolo, một nhà kinh tế công giáo lỗi lạc, khởi xướng. Rất nhiều vấn đề và thách đố được đặt ra trước mắt chúng ta, đòi hỏi sự dấn thân của hết mọi người, đặc biệt là các tín hữu giáo dân đang hoạt động trong lãnh vực xã hội và chính trị, ngõ hầu bảo đảm cho mỗi người công dân, cách riêng là các bạn trẻ, được hưởng những điều kiện tối thiểu để phát triển những tài năng tự nhiên, và chọn lựa những định hướng phục vụ gia đình và toàn thể cộng đoàn.


Giờ đây chúng ta hãy hướng về Đức Maria trong kinh Truyền tin.

Bình Hòa

Mục lục

Ðức Thánh Cha Biển Ðức 16 tuyên bố triệu tập công nghị bổ nhiệm 23 Hồng Y mới

Vatican (17/10/2007 15.21.33) -- ÐTC Biển Ðức 16 tuyên bố triệu tập công nghị vào ngày 24-11-2007 để bổ nhiệm 23 Hồng y mới, trong đó có 18 Hồng y cử tri thuộc 14 nước.

Lên tiếng vào cuối buổi tiếp kiến chung sáng 17-10-2007 tại Quảng trường Thánh Phêrô, ÐTC nói: "Giờ đây tôi vui mừng loan báo rằng ngày 24-11 (2007) sắp tới, áp lễ trọng Chúa Giêsu Kitô, Vua Vũ Trụ, tôi sẽ nhóm một công nghị trong đó, tôi chuẩn chước giới hạn do Ðức Giáo Hoàng Phaolô 6 ấn định, và đã được vị Tiền nhiệm đáng kính Gioan Phaolô 2 của tôi củng cố trong Tông Hiến Universi dominici gregis (n.33), và tôi sẽ bổ nhiệm 18 vị Hồng y.

ÐTC lần lượt công bố danh tánh của các Hồng Y được chỉ định:

 

1. Ðức Cha Leonardo Sandri, 64 tuổi, người Argentina, Tổng trưởng Bộ các Giáo Hội Công Giáo Ðông phương.

2. Ðức Cha John Patrick Foley, 72 tuổi, người Mỹ, Quyền Thủ Lãnh đoàn hiệp sĩ Thánh Mộ Jerusalem.

3. Ðức Cha Giovanni Lajolo, 72 tuổi người Ý, Chủ tịch Ủy ban Tòa Thánh đặc trách Quốc gia thành Vatican.

4. Ðức Cha Paul Joseph Cordes, 73 tuổi, người Ðức, Chủ tịch Hội Ðồng Tòa Thánh Cor Unum, Ðồng Tâm.

5. Ðức Cha Angelo Comastri, 64 tuổi, người Ý, Giám quản Ðền thờ Thánh Phêrô.

6. Ðức Cha Stanislaw Rylko, 62 tuổi, người Ba Lan, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh về giáo dân.

7. Ðức Cha Raffaele Farina, 74 tuổi, dòng Don Bosco người Ý, Thư viện trưởng của Tòa Thánh.

8. Ðức Cha Agustín García Gasco Vicente, 76 tuổi, người Tây Ban Nha, Tổng Giám Mục giáo phận Valencia.

9. Ðức Cha Sean Baptist Brady, 68 tuổi, Tổng Giám Mục giáo phận Armagh ở miền Bắc Ai Len.

10. Ðức Cha Lluís Martínez Sistach, 70 tuổi, người Tây Ban Nha, Tổng Giám Mục giáo phận Barcelona.

11. Ðức cha André Vingt-Trois, 65 tuổi, người Pháp, Tổng Giám Mục Paris.

12. Ðức Cha Angelo Bagnasco, 64 tuổi, Tổng Giám Mục Genova, Chủ tịch Hội Ðồng Giám Mục Italia.

13. Ðức Cha Théodore Adrien Sarr, 71 tuổi, người Sénégal, Tổng Giám Mục giáo phận Dakar.

14. Ðức Cha Oswald Gracias, 63 tuổi, Tổng Giám Mục Bombay Ấn độ.

15. Ðức Cha Francisco Robles Ortega, 58 tuổi, Giám Mục giáo phận Monterrey, Mêhicô.

16. Ðức Cha Daniel N. DiNardo, 58 tuổi, người Mỹ, Tổng Giám Mục giáo phận Galveston-Houston.

17. Ðức Cha Odilio Pedro Scherer, 58 tuổi, Tổng Giám Mục Sao Paulo Brazil.

18. Ðức Cha John Njue, 63 tuổi, Tổng Giám Mục giáo phận Nairobi, Kenya.

 

18 Hồng Y được chỉ định trên đây thuộc 13 quốc tịch, trong đó đông nhất là 4 vị người Ý. 3 vị trẻ nhất 58 tuổi, và vị cao tuổi nhất là Ðức cha Farina 74 tuổi. Có 6 vị thuộc các cơ quan trung ương Tòa Thánh, 10 vị người Âu, 5 vị Mỹ châu, 1 vị Phi châu và từ Á châu chỉ có một vị là Ðức Tổng Giám Mục Owald Gracias của giáo phận Bombay. Với 18 vị trên đây, tổng số Hồng Y cử tri là 121 vị.

ÐTC nói thêm rằng: "Tôi cũng muồn nâng lên hàng hồng y 3 vị Giám Mục đáng kính và hai giáo sĩ đặc biệt có công trong việc phục vụ Giáo Hội:

 

1. Ðức Thượng Phụ Emmanuel III Dely, 80 tuổi, Thượng Phụ Babilonia của các tín hữu Canđê, bên Irak.

2. Ðức Tổng Giám Mục Giovanni Coppa, 82 tuổi người Italia, cựu Sứ thần Tòa Thánh.

3. Ðức Cha Estanislao Esteban Karlic, 81 tuổi nguyên Tổng Giám Mục giáo phận Paranà, Argentina.

4. Cha Urbano Navarrete, dòng Tên, 87 tuổi, nguyên Viện trưởng Ðại hộc giáo Hoàng Gregoriana.

5. Cha Umberto Betti, dòng Phanxicô, người Italia, nguyên Viện trưởng Ðại học Giáo Hoàng Laterano.

"Trong số các vị sau này, tôi cũng muốn nâng lên hàng hồng y Ðức Cha Ignacy Jef, 93 tuổi, nguyên Giám Mục giáo phận Kosazlin Kolobrzeg, Ba Lan, nhưng hôm qua (16/10/2007), ngài đã qua đời. Chúng ta hãy cầu nguyện cho ngài."

 

ÐTC cũng nhận định rằng: "Các tân hồng y đến từ các nơi trên thế giới. Trong hàng ngũ của các vị có phản ánh đặc tính hoàn vũ của Giáo Hội với các sứ vụ đa dạng của các vị: bên cạnh các Giám Mục về hưu đầy công trạng vì phục vụ Tòa Thánh, còn có các vị Chủ Chăn đang xả thân tiếp xúc trực tiếp với các tín hữu.

"Các vị khác, mà tôi rất quí mến, cũng đáng được nâng lên hàng hồng y. Tôi hy vọng trong tương lai sẽ có cơ hội chứng tỏ với cùng một thể thứ, lòng quí mến của tôi đối với bản thân và đất nước của quí vị.

"Chúng ta hãy phó thác các vị mới được tuyển chọn cho sự bảo vệ của Mẹ Maria rất thánh, xin Mẹ giúp đỡ các vị trong sứ mạng liên hệ, để các vị biết can đảm làm chứng trong mọi hoàn cảnh lòng yêu mến đối với Chúa Kitô và Giáo Hội.

Với 23 tân hồng y, Hồng y đoàn sẽ có tổng cộng 202 vị.

 

Tóm lược tiểu sử 23 Tân Hồng Y.


 Sau đây là bản tóm lược tiểu sử 23 Tân Hồng Y


1. Đức Hồng Y tân cử Leonardo Sandri: Đức Tổng Giám Mục Leonardo Sandri sẽ mừng sinh nhận 64 tuổi vào ngày 18/11, đã được Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI bổ nhiệm làm Tổng Trưởng Bộ Giáo Hội Đông Phương vào tháng 6 vừa qua, sau một thời gian lâu dài làm việc cho bộ ngoại giao Tòa Thánh và giáo sĩ trong Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh.


Trong những năm gần cuối đời của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Đức Cha Leonardo Sandri thay thế Đức Giáo Hoàng đọc những bài diễn văn, hay sứ điệp mà Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô 2 chỉ đọc một đoạn đầu. Khi Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô 2 qua đời, trong lúc trống tòa Đức Tổng Giám Mục Leonardi Sandri với tư cách là Thường Vụ nên quán xuyến mọi điều hành và sinh hoạt trong Giáo Triều cho đến khi có vị tân giáo hoàng.


Leonardo Sandri sinh ngày 18/11/1943 tại Buenos Aire, nước Argentina, ông bà cố là người Ý, được thụ phong Linh Mục cho Tổng Giáo Phận Buenos Aires vào năm 1967. Sau khi tốt nghiệp và lấy bằng cử nhân giáo luật, Cha được mời vào làm việc trong Bộ Ngoại Giao Tòa Thánh vào năm 1974 và được bổ nhiệm làm Sứ Thần Tòa Thánh tại Madagascar. Từ năm 1977 đến năm 1989, Ngài được triệu về làm việc tại Phủ Quốc Vụ Khanh. Từ năm 1989-1991, Ngài được bổ nhiệm làm Sứ Thần Tòa Thánh tại Hoa Kỳ và rồi lại trở về phủ Quốc Vụ Khanh làm việc trong 6 năm. Năm 1997 được tấn phong Tổng Giám Mục và bổ nhiệm chức vụ Sứ Thần Tòa Thánh tại Venezuela. Năm Thánh 2000, được Đức Giáo Hoàng bổ nhiệm về làm Sứ Thần Tòa thánh là Mễ Tây Cơ và 6 tháng sau đó lại được triệu về Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh giữ chức chủ tịch trong Bộ Thường Vụ hầu xét duyệt các công việc hàng ngày của Tòa Thánh, liên kết các hoạt động của Giáo Triều, chuẩn bị các văn kiện của giáo hoàng, cố vấn cho các cơ quan truyền thông báo chí và Văn Phòng Thống Kê Trung Ương.


2. Đức Hồng Y tân cử John P. Foley : sẽ mừng sinh nhật 72 vào ngày 11/11, mới được Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI bổ nhiệm vào chức vụ Quyền Thủ Lãnh Đoàn Hiệp Sĩ Thánh Mộ Giêrusalem vào tháng 6/2007. Ngài đã từng giữ một chức vụ trong Hội Đồng Giáo Hoàng có lẽ là lâu năm nhất, thật vậy Ngài đã là Chủ Tịch Hội Đồng Giáo Hoàng Truyền Thông Xã Hội trong hơn 23 năm.


Nguyên quán tại Philadelphia Hoa Kỳ và tốt nghiệp Đại Học Columbia tại New York về ngành ký giả, được thụ phong linh mục vào năm 1962. Giữa thập niên 1960, Cha làm phụ tá biên tập của tờ báo Công Giáo Tổng Giáo Phận Philadelphia là tờ “The Catholic Standard & Times. Ngài đã được tu học tại Roma và đã tham dự Công Đồng Chung Vaticanô từ năm 1963 đến năm 1965.


Vào năm 1970, Cha được bổ nhiệm làm Chủ Biên Tập tờ “The Catholic Standard & Times”, cho tới năm 1984 khi được Đức Giáo Hoàng vinh thăng Tổng Giám Mục và đảm nhận chức Chủ Tịch Hội Đồng Giáo Hoàng Truyền Thông Xã Hội.


Là Đại Hiệp Sĩ Thánh Mộ Giêrusalem, Đức Hồng Y tân cử có nhiệm vụ trợ giúp các hiệp sĩ từ khắp nơi trên thế giới hoàn thành vai trò và cam kết của mình trong Đoàn Hiệp Sĩ, với mục đích tận hiến ủng hộ Tòa Thượng Phụ La Tinh tại Giêrusalem và đáp ứng các nhu cầu cho tín hữu Công Giáo tại Thánh Địa.

3. Đức Hồng Y tân cử Giovanni Lajolo: là vị người Italia, năm nay 72 tuổi là chủ tịch Ủy Ban Tòa Thánh đặc trách Quốc Gia Thành Vatican. Trước đây Đức Tổng Giám Mục là Bộ Trưởng Bộ Ngoại Giao từ năm 2003 đến năm 2006.


Sinh trưởng tại Novara, Italia và được thụ phong Linh Mục vào năm 1960. Sau khi tốt nghiệp bằng Giáo Luật, Cha đã làm việc trong Bộ Ngoại Giao Tòa Thánh vào năm 1970 và làm việc trong văn phòng Sứ Thần Tòa Thánh tại Đức và Phủ Quốc Vụ Khanh. Năm 1988 được vinh thăng Tổng Giám Mục và giữ chức vụ thư ký Văn Phòng Quản Trị Tài Sản Tông Tòa, lo quản lý các bất động sản của Tòa Thánh dưới sự chỉ đạo của các đại diện Giáo Hoàng. Ngài giữ chức vụ đó cho tới khi được Đức Thánh Cha bổ nhiệm làm Sứ Thần Tòa Thánh tại Đức vào tháng 12/1995.


4. Đức Hồng Y tân cử Paul Cordes: 73 tuổi người Đức là Chủ Tịch Hội Đồng Giáo Hoàng Cor Unum, Đồng Tâm, là văn phòng có nhiệm vụ hổ trợ và cộng tác với các hoạt động Bác Ái Công Giáo.


Sinh trưởng tại Kirchhumdem, Đức Quốc, Ngài đã theo học Y Khoa trước khi gia nhập Đại Chủng Viện. Được thụ phong linh mục cho Tổng Giáo Phận Paderborn vào năm 1961, lấy bằng tiến sĩ về mục vụ tại Đại Học Mainz và được Đức Giáo Hoàng Phaolô VI bổ nhiệm làm giám mục phụ tá tại Paderborn vào năm 1975.


Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã triệu ngài về làm việc tại Tòa Thánh Vatican vào năm 1980 với cương vị là phó chủ tịch Hội Đồng Giáo Hoàng về Giáo Dân, và giữ chức vụ đó trong 15 năm. Năm 1995, được bổ nhiệm làm chủ tịch Hội Đồng Giáo Hoàng Cor Unum, Đồng Tâm. Hội Đồng Giáo Hoàng này khuyến khích người Công Giáo biết rộng rãi giúp đỡ và phối họp cộng tác với các tổ chức Bác Ái Công Giáo nhằm xác định rõ ràng căn tính Công Giáo. Đức Hồng Y tân cử đã viếng thăm các quốc gia trên toàn thế giới trong vòng 12 năm qua, tới những vùng bị chiến tranh tàn phá hay những vùng bị thiên tai thảm họa, và Ngài cũng đã tới thăm Việt Nam. Mục đích của Ngài là mang lại những lời cầu nguyện và khuyến khích từ Đức Giáo Hoàng cũng như thay mặt Đức Giáo Hoàng giúp đỡ về vật chất.


5. Đức Hồng Y tân cử Angelo Comastri: 64 tuổi người Italia, Linh Mục Giám Quản Đền Thờ Thánh Phêrô và đại diện giáo hoàng tại Thành Vatican.


Sinh trưởng tại Sorano, Italia, được thụ phong linh mục vào năm 1967. Năm 1990 được bổ nhiệm làm giám mục tại Massa Marittima và Piombino, phục vụ được 4 năm. Năm 1994, được bổ nhiệm làm Giám Đốc Trung Tâm Ơn Gọi của Hội Đồng Giám Mục Ý và có chân trong Ủy Ban của Hội Đồng Giám Mục Ý chuẩn bị cho Năm Thánh 2000.


Năm 1996, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô 2 bổ nhiệm ngài lên làm Tổng Giám Mục đại diện Giáo Hoàng trông coi Đền Thánh Đức Mẹ Loreto. Tháng 2/2005, được bổ nhiệm làm chủ tịch Văn Phòng Bảo Trì Đền Thờ Thánh Phêrô, và làm Linh Mục Phó Quản Hạt đền thờ và phó đại diện Giáo Hoàng tại Thành Vatican. Ngài đã thay thế Đức Hồng Y Francesco Marchisano với chức vụ Quản Hạt Đền Thờ vào năm 2006.


6. Đức Hồng Y tân cử Stanislaw Rylko: năm nay 62 tuổi người Ba Lan, là Chủ Tịch Hội Đồng Giáo Hoàng về Giáo Dân.


Sinh trưởng tại Andrychow, Ba Lan vào năm 1945, được thụ phong Linh Mục tại Tổng Giáo Phận Krakow vào năm 1969 bởi Đức Hồng Y Karol Wojtyla, là vị Giáo Hoàng Gioan Phaolô II trong tương lai. Cha đã làm giảng sư thần học mục vụ tại Học Viện Thần Học Krakow.


Vào năm 1988, được bổ nhiệm phụ trách ủy ban giới trẻ trong Hội Đồng Giáo Hoàng về Giáo Dân, ngài đóng giữ vai trò hoạch định chương trình cho ngày Thế Giới Trẻ. Sau đó, cha đã về làm việc trong Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh trước khi Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô 2 bổ nhiệm Ngài lền làm thư ký Hội Đồng Giáo Hoàng về Giáo Dân vào năm 1995. Được tôn phong làm giám mục vào năm 1996 và vinh thăng lên Tổng Giám Mục vào năm 2003 cùng với chức vụ Chủ Tịch Hội Đồng Giáo Hoàng về Giáo Dân.

 

7. Đức Hồng Y tân cử Raffaele Farina : Tu sĩ Dòng Salêsiên Don Bosco người Italia, đã mừng sinh nhật thứ 74 vào ngày 24/9 vừa qua. Được Đức Giáo Hoàng bổ nhiệm kiêm cả hai: thư viện trưởng Vatican và Văn Khố trưởng.


Đức Tổng Giám Mục Farina đã giữ chức thư viện trưởng trong 10 năm qua. Sinh trưởng tại Buonalbergo, Italia, gia nhập tiểu chủng viện Don Bosco lúc mới 16 tuổi. Được thụ phong linh mục vào năm 1958. Sau đó 7 năm, Cha đã lấy bằng tiến sĩ Giáo Sử tại Đại Học Giáo Hoàng Gregorianô. Ngài làm giảng sư tại Học Viện Giáo Hoàng Salêsiên tại Roma trong nhiều năm trước khi đảm nhận chức khoa trưởng học viện thần học trong 2 nhiệm kỳ 1977-1983 và 1992-1997 và trở thành viện trưởng Học Viện. Trong những năm giữa đó Ngài được bổ nhiệm làm phó thư ký Hội Đồng Giáo Hoàng về Văn Hoá.

Cha Farina được Đức Gioan Phaolô II bổ nhiệm giữ chức vụ thư viện trưởng Vatican vào năm 1997 và được Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI bổ nhiệm lên hàng Giám Mục vào năm 2006.


8.Đức Hồng Y tân cử Augustin Garcia-Gasco Vicente: 76 tuổi, người Tây Ban Nha, nguyên là giám mục phụ tá tại Madrid trong 7 năm trước khi Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II bổ nhiệm làm Tổng Giám Mục Valencia vào năm 1992.


Sinh trưởng tại Corral de Almaguer vào năm 1931 và được thụ phong linh mục vào năm 1956. Ngài từng là tổng thư ký của Hội Đồng Giám Mục Tây Ban Nha và là giám mục đại diện của Caritas, tổ chức bác ái của Công Giáo.


Đức Cha đã mạnh mẽ lên án chính quyền Tây Ban Nha thống qua đạo luật được gọi là “bày tỏ ly dị”, và Đức Cha lên tiếng rằng quốc gia không có quyền “để đạp đổ hôn nhân tự bên trong”.


Đức Cha đã thành lập học viện thần học hàm thụ.


9. Đức Hồng Y tân cử Sean Brady: vị Tổng Giám Mục tại Tổng Giáo Phận Armagh, thuộc miền Bắc Ái Nhĩ Lan, Ngài sẽ là vị hồng y thứ 3 tại quần đảo Ái Nhĩ Lan này. Là vị giáo trưởng trên toàn nước Ái Nhĩ Lan, năm nay 68 tuổi. Sinh trưởng tại Quận Cavan, ngài theo học đại học St Patrick tại Maynooth vào năm 1957, được 3 năm Ngài sang Roma theo học Đại Học Giáo Hoàng Irish tại Roma. Thầy Brady được thụ phong Linh Mục vào năm 1964.


Sau khi tốt nghiệp tiến sĩ giáo luật, Cha đã tham gia vào ban giảng huấn của Đại Học St Patrick tại Canvan, và dạy tại đây trong 13 năm từ 1967-1980 cho tới khi được bổ nhiệm làm phó viện trưởng Đại Học Irish. Cha đã giữ trách vụ viện trưởng đại học này từ năm 1987-1993.


Năm 1994, Đức Giáo Hoàng Phaolô II đã bổ nhiệm ngài lên làm giám mục phụ tá với quyền kế vị tại Tổng Giáo Phận Armagh và trở thành Tổng Giám Mục cai quản Tổng Giáo Phận vào năm 1996.

Khi còn thời trai trẻ, Ngài là người cầu thủ bóng đá giỏi, và từng có chân trong ban trị sự của Hội Lực Sĩ Gaelic, chính vì thế sau này Đức Cha thường nói đùa rằng, đã từng chịu trách nhiệm có tính cách chính trị cho nên đã chuẩn bị đủ cho chức vị cao cấp trong giáo hội.


10. Đức Hồng Y tân cử Lluis Martinez Sistach: vị tổng giám mục người Tây Ban Nha, 70 tuổi cai quản Tổng Giáo Phận Barcelona. Đức Tổng Sistach sinh trưởng tại Barcelona và được thụ phong linh mục tại đây vào năm 1961. Sau khi thụ phong linh mục, Cha được gởi đi tu học tại Học Viện Giáo Hoàng Laterano và tốt nghiệp giáo luật và dân luật.Khi còn là linh muc. coi xứ, Cha Sistach đã phục vụ trong Tổ Chức Công Giáo Tiến Hành và cũng từng là công tố viện tại Tòa Ân Giải của Tổng Gíáo Phận. Được bầu lên làm chủ tịch của Hội Giáo Luật Gia vào năm 1983 và dậy Giáo Luật trong nhiều năm.

Năm 1987, Đức Gíáo Hoàng Gioan Phaolô II đã bổ nhiệm lên làm giám mục phó tại Barcelona, và sau đó đưọc bài sai lên cai quản Giáo Phận Tortosa vào năm 1991. Đức Cha được bổ nhiệm làm Tổng Giám Mục tại Tarragona vào năm 1997 trước khi lên cai quản Tổng Giáo Phận Barcelona vào năm 2004.

Đức Hồng Y tân cử hiện là thành viên trong Tối Cao Pháp Viện, là tòa án tối cao của Giáo Hội để giải quyết những việc liên quan đến thủ tục tố tụng, kiểm tra việc tuân thủ luật lệ, và cũng là thành viên trong Hội Đồng Giáo Hoàng về Giải Thích Văn Bản Giáo Luật.


11. Đức Hồng Y tân cử Andre Vingt-Trois:Tổng Giám Mục Ba Lê, cũng là nơi quê hương của Ngài. Đức Vingt-Trois sẽ mừng sinh nhật 65 vào ngày 7/11.


Sau khi tốt nghiệp thần học luân lý tại Đại Học Công Giáo Ba lê, ngài được thụ phong linh mục vào năm 1969. Sau 5 năm làm việc mục vụ cho giáo xứ, Cha bắt đầu giảng dạy tại Chủng Viện Issy-les-Moulineauz. Năm 1981, Cha được chọn làm tổn đại diện của Tổng Giáo Phận Ba Lê và cũng là giám đốc ơn gọi.


Năm 1988, được Đức Gioan Phaolô II bổ nhiệm làm giám mục phó tại Ba Lê, rồi làm Tổng Giám Mục tại Tours vào năm 1999. Năm 2005, Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI bổ nhiệm Đức Cha lên làm Tổng Giám Mục tại Ba Lê thay thế Đức Hồng Y Jean-Marie Lustiger.


12. Đức Hồng Y tân cử Angelo Bagnasco: 64 tuổi Tổng Giám Mục cai quản Tổng Giáo Phận Genoa, mà vị tiền nhiệm của Ngài là đương kim Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, hiện cũng là Chủ Tịch Hội Đồng Giám Mục Italia. Đức Tổng Bagnasco là người mạnh mẽ dẫn đầu trong những tranh luận phản đối các dự án của chính quyền Ý công nhận các cặp vợ chồng sống ngoài hôn nhân, kể cả những người đồng tình luyến ái. Những lời mạnh mẽ phê bình chống lại các dự luật đã dẫn đến những lời lẽ hăm dọa đến tính mạng Ngài, khiến cho lúc nào đi đâu cũng phải có công an đi hộ tống bảo vệ sinh mạng.

Sinh trưởng tại Pontevico, Italy, được thụ phong linh mục cho tổng Giáo Phận Genoa vào năm 1966. Vào năm 1998, Được Đức Gioan Phaolô II bổ nhiệm làm giám mục tại Pesaro. 2 năm sau đó, giáo phận Pesaro được nâng lên thành Tổng Giáo Phận.


Năm 2003, Đức Tổng Giám Mục được bổ nhiệm làm Tuyên Úy cho Lực Lượng Quân Đội Ý và năm 2006 được bổ nhiệm cai quản Tổng Giáo Phận Genoa, thay thế Đức Hồng Y Tarcisio Bertone, đương kim Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh. Đức Tổng Giám Mục Angelo Bagnasco được bổ nhiệm lên làm Chủ Tịch Hội Đồng Giám Mục Italia bởi Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI, với cương vị là Giám Mục thành Roma, nên Đức Thánh Cha có quyền chỉ định vị chủ tịch Hội Đồng Giám Mục, mà lẽ ra đối với các quốc gia khác, chức vụ này không chỉ định nhưng được bầu trong Hội Đồng Giám Mục.


13. Đức Hồng Y tân cử Theoodore-Adrien Sarr: là người Senegal, cai quản Tổng Giáo Phận Dakar, là phó chủ tịch Hội Nghị Chuyên Đề của các Giám Mục tại Phi Châu và Madagascar. Đức Tổng Giám Mục Sarr cũng là chủ tịch Hội Đồng Giám Mục senegal, Mauritania, Cape Verde và Guinea-Bissau.


Sinh trưởng tại Fadiouth gần Dakar vào năm 1936, Đức Hồng Y tân cử sẽ mừng sinh nhật 71 vào ngày 28/11. Được thụ phong linh mục vào năm 1964. Được bổ nhiệm làm Giám Mục tại Kholack vào năm 1974 và lên hàng Tổng Giám Mục tại Dakar vào năm 2000, và Ngài vẫn tiếp tục công việc của vị tiền nhiệm là đối thoại giữa Hồi Giáo và Kitô Giáo.


Vào tháng 2 vừa qua, một đêm trước ngày bầu cử tổng thống, Đức Tổng Sarr và các vị lãnh đạo Giáo hội đã đứng ra để giúp không để các nhóm đối nghịch gây bạo động với lực lương quân đội của chính quyền. Đức Tổng cũng đã nhiều lần lập lại khẩn thiết kêu cầu dân Senegal khôn ngoan chọn lựa trong lá phiếu của mình cũng như kêu gọi các nhà chính trị đừng hô hào dân chúng đi vào vòng bạo lực

19. Đức Hồng Y tân cử Emmanuel-Karim Delly: 80 tuổi, Thượng Phụ Công Giáo Chalđê, là người đã mạnh mẽ gióng lên tiếng nói không chỉ dành cho tín hữu Kitô thiểu số, nhưng đến những khổ đau của tất cả cư dân Iraq, trong một quốc gia đang bị tàn phá sâu xé bởi vòng bạo lực khủng bố và chiến tranh.


Đức Hồng Y tân cử Delly đã xin về hưu khi còn là phó thượng phụ tại Baghdad- Iraq và đượ bầu Thượng Phụ Công Giáo Chalđê vào năm 2003, chỉ vài tháng sau khi lực lượng Hoa Kỳ và đồng minh đem quân xâm chiếm Iraq. Đức Thượng Phụ đã nhiều lần cảnh cáo đến sự cay đắng vì dân Iraq bỏ nước ra đi và không tìm cách thu xếp để cho họ trở về cố hương xây dựng đất nước mình.


Sinh trưởng tại Telkaif gần Mosul vào năm 1927, Đức Thượng Phụ Delly được thụ phong Linh Mục vào năm 1952 tại Roma. Ngài đã tốt nghiệp cao học triết lý tại Học Viện Giáo Hoàng Urbanian và lấy bằng tiến sĩ thần học vào Giáo Luật từ Học Viện Giáo Hoàng Lateranô.


Cha Emmamuel-Karim Delly được thụ phong giám mục vào năm 1963 và được bổ nhiệm lên hàng Tổng Giám Mục vào năm 1967. Từ năm 1963 cho đến khi về hưu vào tháng 10/2002 khi Ngài là phó thượng phụ tại Baghdad.


Qua việc bổ nhiệm Đức Thượng Phụ Delly vào Hồng Y Đoàn, cho thấy Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI đã lưu tâm đến tín hữu Công Giáo thiểu số tại Iraq một cách rất đặc biệt, đang trải qua một cuộc sống rất kham khổ và căm go.


20. Đức Hồng Y tân cử Gionvanni Coppa: sẽ mừng thượng thọ thứ 82 vào ngày 9/11. Sinh trưởng tại Alba, Italia và được thụ phong linh mục vào năm 1949. Sau khi tốt nghiệp Đại Học Công Giáo Milan, Cha bắt đầu về làm việc tại Vatican trong Ủy Ban Lưu Trữ Hồ Sơ Tông Tòa, là văn phòng lưu giữ các bản thảo bằng tiếng La Tinh, các hồ sơ văn kiện của Giáo Hoàng như những văn thứ công bố án phong Thánh và Chân Phước, tài liệu và bản văn thiết lập các tân giáo phận cũng như những văn kiện tuyên dương của giáo hoàng.


Ngài đã tham dự Công Đồng Chung Vaticanô với tư cách là chưyên viên về ngôn ngữ La Tinh, sau đó được triệu về làm việc trong Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, cũng là phủ đảm nhiệm luôn Ủy Ban Lưu Trữ Hồ Sơ Tông Tòa.

 

Cuối năm 1979, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II mới vừa đăng quang được một năm, đã bổ nhiệm Ngài lên chức Tổng Giám Mục và chính Đức Thánh Cha đã tấn phong Giám Mục cho Ngài. Được giao trọng trách cổ võ sự liên lạc giữa Tòa Thánh Vatican và các thừa tác vụ ngoại giao trên thế giới, trong cuốn tiểu sử chính thức của Tòa Thánh có viết “Đức Tổng Giám Mục đã viếng thăm tất cả Dinh Sứ Thần Tòa Thánh, đã đi vòng quanh thế giới đến 5 lần”.


Đức Tổng Giám Mục Coppa được bổ nhiệm lần đầu tiên làm Sứ Thần Tòa Thánh tại Czechoslovakia lúc đó là nước Cộng Hòa Czech từ năm 1990 đến khi về hưu vào năm 2001.


21. Đức Hồng Y tân cử Estanislao Karlic: 81 tuổi, Tổng Giám Mục từ nhiệm tại Parana- Argentina và nguyên là Chủ Tịch Hội Đồng Giám Mục Argentina. Từ năm 1986 đến năm 1992, Ngài là thành viên của ủy ban đã soạn cuốn Giáo Lý Công Giáo do Đức Giáo Hoàng Phaolô 2 chỉ định. Đức Tổng Giám Mục Karlic cũng làm việc gần gũi với đương kim Giáo Hoàng Biển Đức XVI, khi còn là Đức Hồng Y Joseph Ratzinger, Tổng Trưởng Bộ Giáo Lý Đức Tin.


Được thụ phong Linh Mục vào năm 1954, và giảng dạy tại Argentina trước khi đi tu học tại Roma. Tại đây, Ngài đã lấy bằng tiến sĩ thần học từ Học Viện Giáo Hoàng Gregorian. Vài năm 1977, được bổ nhiệm làm Giám Mục phụ tá tại Cordoba, được bổ nhiệm làm Giám Mục phụ tá với quyền kế vị cho Tổng Giáo Phận Parana và đã lên cai quản Tổng Giáo Phận này sau đó 3 năm.


Cùng với Tổng Giám Mục Francis E. George tại Chicago Hoa Kỳ, Đức Tổng Giám Mục Karlic là thư ký cho Thượng Hội Đồng Giám Mục Mỹ Châu vào năm 1997.


Với cương vị Chủ Tịch Hội Đồng Giám Mục Argentina, Ngài đã nỗ lực dẫn đưa giáo hội dấn thân cho hòa bình xã hội và đại kết trong cuộc khủng hoảng kinh tế vào năm 2002 tại quốc gia mình.


Khi viếng thăm Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II vào năm đó tức năm 2002, Ngài đã trình lên Đức Thánh Cha rằng các giám mục đã cùng với cư dân Argentina kêu gọi đến “một quốc gia mà có căn tính chân thật chứ không phải giả dối, yêu thương chứ không hận thù và làm việc để có mà ăn chứ không phải thất nghiệp và chết đói, gia đình không phải ở trong tình trạng đau thương ủ dột, được tự do và công lý, đại kết và hòa bình”.


Đức Tổng Giám Mục đã được Đức Giáo Hoàng chập thuận đơn xin từ nhiệm theo Giáo Luật vào năm 2003.

22. Đức Hồng Y tân cử Urbano Navarrete: không phải là Giám Mục hay Tổng Giám Mục nhưng là Linh Mục Dòng Tên người Tây Ban Nha 87 tuổi, là luật sư giáo luật, ngài vẫn còn tiếp tục phát hành sách và cố vấn cho Bộ Phụng Tư và Kỷ Luật Bí Tích, Hội Đồng Giáo Hoàng giải thích các văn bản luật và, Tối Cao Pháp Viện và Tòa Thượng Thẩm của Tòa Thánh.


Trong khi các vị cố vấn tại Vatican được triệu tập hội thảo một năm một lần, thì chính Cha Navarrete là người chịu trách nhiệm nghiên cứu hồ sơ cho Tòa Thánh về những chuyên đề và giúp giải thích những quyết định được công bố công khai. Những đề tài nghiên cứu thật hóc búa như tại sao Giáo Hội Công Giáo công nhận bí tích rửa tội của Giáo Phái Tin Lành nhưng lại không công nhận Bí Tích Rửa Tội trong Giáo Phái Đức Giêsu Kitô của Các Thánh Hậu Lai hay còn gọi nôm na là Giáo Phái Mormon. Hay giải thích tại sao Giáo Hội Công Giáo không thể thừa nhận những người thay đổi giới tính qua phẫu thuật vào thiên chức linh mục hay nhận lãnh Bí Tích Hôn Phối.


Linh Mục Dòng Tên Naverrete sinh trưởng tại Camarena, Tây Ban Nha, gia nhập Dòng Tên vào năm 1937 và được thụ phong linh mục trong Hội Nghị Thánh Thể tại Barcelona vào năm 1952.


Sau khi theo học giáo luật và thần học bí tích tại Học Viện Giáo Hoàng Gregorian ở Roma, Cha trở thành giảng sư tại đây và thành Khoa Trưởng Giáo Luật trong nhiều nhiệm kỳ. Cha cũng làm Viện Trưởng Học Viện Giáo Hoàng Gregorian từ năm 1980 đến năm 1986. Sau một nhiệm kỳ nữa làm khoa trưởng Khoa GiáoLuật, Cha đã xin về hưu vào năm 1995, nhưng trong năm đầu tiên sau khi về hưu, Cha là Chủ Bút Tờ Báo của Học Viện về Giáo Luật, Luân Lý và Phụng Vụ.


Khi được Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI công bố tên trong danh sách vào Hồng Y Đoàn hôm 17/10, một ngày sau đó theo chương trình Cha phải có mặt tại Madrid để trình bày cuốn sách mới của Ngài bằng tiếng Tây Ban Nha về tác động của Công Đồng Chung Vaticanô đối với hôn nhân theo Giáo Luật.


23. Đức Hồng Y tân cử Umberto Betti: không phải là giám mục cũng không phải là Tổng Giám Mục, nhưng là Linh Mục người Italia Dòng Phan Sinh, 85 tuổi là người đã cùng làm việc với Đương Kim Giáo Hoàng Biển Đức XVI cách đây 40 năm về trước trong Công Đồng Chung Vaticanô 2, khi cả 2 vị cùng là chuyên viên thần học và làm việc cho văn kiện công đồng “Dei Verbum”- Hiến Chế về Mặc Khải của Công Đồng Vaticanô 2.


Cha đã làm cố vấn cho Bộ Giáo Lý Đức Tin vào thập niên 1960 và tiếp tục làm cố vấn cho tới năm 1997, lúc đó Tổng Trưởng Bộ Giáo Lý Đức Tin là Đức Hồng Y Joseph Ratzinger được bổ nhiệm vào năm 1981 cho đến khi được bầu lên làm Giáo Hoàng vào năm 2005.


Sinh trưởng tại miền Trung nước Ý vào năm 1922, Umberto Bette được thụ phong linh mục vào năm 1946. Sau khi tốt nghiệp tiến sĩ về thần học tín lý, Cha bắt đầu giảng dạy trong Học Viện Giáo Hoàng Antonianum của các Cha Dòng Phan Sinh tại Roma và được bổ nhiệm làm viện trưởng học viện này từ năm 1975-1978.


Cha Betti tiếp tục làm giảng sư tại học viện cho đến năm 1991, khi Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II bổ nhiệm ngài làm Viện Trưởng Học Viện Giáo Hoàng Lateran, là học viện tại Roma thâu nhận các thầy trong Giáo Phận đến tu học. Khi hết nhiệm kỳ 4 năm, Đức Giáo Hoàng Phaolô II đã chính thức ra văn thư cám ơn ngài “ vì khả năng và lòng yêu mến mà cha đã cống hiến cho nhiệm vụ tinh tế và quan trọng này”.

Cha cũng là vị cố vấn cho Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh.


24. Đức Hồng Y tân cử Ignacy Jez: xin được phép gọi ngài là vị hồng y tân cử thứ 24 vì ngài đã có tên trong danh sách, nhưng Chúa đã gọi ngài về nhà Cha trên trời một ngày trước khi Đức Giáo Hoàng Biển Đức công bố danh sách tân hồng y. Đây không phải là biến cố đầu tiên trong triều Giáo Hoàng, nhưng đã có một trường hợp xảy ra tương tự trong triều Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Thật vậy vào năm 1998, khi Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô 2 công bố danh sách tân hồng y lần thứ 7, có tên trong danh sách là Đức Tổng Giám Mục Giuseppe Uhac là vị thư ký của Bộ Truyền Giảng Phúc Âm cho các Dân Tộc, nhưng Ngài đã qua đời vào đêm trước đó. Thay vì công bố tên, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô 2 đã loan báo Đức Tổng Giám Mục Uhac đã được Chúa gọi về nhà Cha trên trời.


Đức Giám Mục Ignacy Jez, là vị giám mục người Ba Lan đã về hưu, là người sống sót trong trại tập trung Nazi đã qua đời một ngày trước khi được công bố tên vào Hồng Y Đoàn.


Trong cuộc phỏng vấn dành cho Thông Tấn Xã Công Giáo KAI, một người bạn của ngài là Đức Tổng Giám Mục Marian Golebiewski tại Wroclaw đã cho biết: “Thật là lạc quan khi Giám Mục Jez đã sống sót trong những thời kỳ hiểm nguy nhất. Ngài là chứng nhân của một lá thư nổi tiếng đã được gởi đi bởi các Giám Mục Ba Lan tới các giám mục Đức vào năm 1965 và tới Đức Hồng Y Karol Wojtyla là Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô 2 và tới Đức Hồng Y Stefan Wysznski. Sự ra đi của ngài tượng trưng đến sự kết liễu cho một thời đại”.


Giám Mục Ignacy Jez là vị giám mục cao niên nhất tại Ba Lan, 93 tuổi đã qua đời vào ngày 16/10 tại bệnh viện Gemelli ở Roma khi đang tham dự chuyến đi hành hương. Ngài mới mừng kỷ niệm 70 năm thụ phong linh mục.


Vào buổi công bố danh sách tân hồng y vào ngày 17/10, Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI nói rằng Đức Thánh Cha đã dự tính tuyên dương “một vị giáo sĩ đáng được hưởng” nhưng đã qua đời.

 

Giám Mục Deward Dajczak tại Koszalin-Kolobrzeg cho biết Đức Cha đã nói với vị Giám Mục Jez về sự bổ nhiệm vào hồng y đoàn qua điện thoại theo sự yêu cầu của Tòa Thánh, lúc đó Đức Cha Jez đang đợi ở phi trường sửa soạn đáp chuyến bay đi hành hương Roma. Thông thường Tòa Thánh thông báo cho các vị được tuyển chọn khoảng 48 đến 72 tiếng đồng hồ trước khi Đức Giáo Hoàng công bố danh sách.

Khi vừa nghe tin, Đức Cha Ignacy Jez chỉ nói “Lạy Chúa Tôi, chuyện gì xảy ra đây?” Đức Cha Dajczak kể lại và nói thêm lời chúc mừng ngài “ từ nơi xa xôi con xin ôm lấy Đức Cha trong thâm tâm con”, thế rồi Đức Giám Mục Jez trả lời một cách khôi hài như ngài vẫn thường nói “ cẩn thận, hãy cẩn thận đấy... đừng ôm lấy một ông lão, vì Đức Cha sẽ làm tôi chết ngộp đấy!”


Sinh trưởng gần Tarnow vào năm 1914, Đức Giám Mục Zez được thụ phong linh mục vào năm 1937 và bị nhốt vào trại Nazi của Đức ở Dachau vào năm 1942 lúc đó ngài mới chịu chức được 5 năm vì cử hành lễ an táng cho Linh Mục chánh xứ của Ngài đã bị giết bởi Quốc Xã Đức đó là Chân Phước Jozef Czempiel.

Khi còn là linh mục bị tù, Cha Jez đã giúp tổ chức mục vụ và giúp đỡ y tế cho những bạn tù, trong đó những tù nhân trong trại Nazi bao gồm đến 1800 Linh Mục người Ba Lan, là những người chỉ còn biết sinh tử và đang bị dằn vặt để cứu vãn mạng sống mình”.


Cha Ignacy Jez được Đức Giáo Hoàng bổ nhiệm làm Giám Mục Phụ Tá tại Gniezno vào năm 1960, và 12 năm sau được bổ nhiệm làm giám mục tiên khởi cho Giáo Phận Koszali-Kolobrzeg, là một giáo phận mới được thành lập mặc dầu đã trải qua rất nhiều sự cố vì những khó khăn áp đặt do chính quyền cộng sản Ba Lan thời bấy giờ.


Mặc dầu được Đức Thánh Cha chấp thuận cho từ nhiệm vào năm 1992 theo Giáo Luật, lúc đó ngài đã 78 tuổi, thế nhưng Đức Cha vẫn tiếp tục mục vụ và du hành nhiều nơi, đã nhận được nhiều tuyên dương từ quốc gia Ba Lan và Đức vì những công việc xây dựng hòa giải giữa Ba Lan và Đức cho những gì xảy ra trong thời Đức Quốc Xã.


Vào ngày thứ Ba tuần tới 23/10, sẽ cử hành Thánh Lễ an táng cho Đức Cha Ignacy Jez và linh cửu sẽ được hỏa táng tại Koszalin.

 

Ngọc Loan

Mục lục

7000 đến 20,000 người viếng mộ ĐGH Gioan Phaolô II mỗi ngày


 Các giới chức quản trị đền Thánh Phêrô tại Tòa Thánh Vatican cho biết hàng ngày có tư 7 ngàn đến 20 ngàn khách hành hương đến viếng mộ của đức cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II.


Mộ của ĐGH Gioan Phaolô II tọa lạc dưới hầm đền thờ Thánh Phêrô tại Vatican. Dưới hầm này có các phần mộ của các đức Giáo Hoàng. Khách hành hương viếng thăm đền thờ thánh Phêrô xong, thường xuống hầm đền thờ để quan sát các phần mộ. Mỗi phần mộ chiếm một khoảng diện tích độ 15 đến 20m vuông., thường có một bức tượng của ĐGH đã quá cố trên phần mộ đó.


Theo các giới chức cai quản đền thờ, vì có quá đông khách hành hương đến viếng mộ ĐGH Gioan Phaolô II nên đền thờ sẽ đưa ra biện pháp mới nhằm giúp khách hành hương viếng thăm mộ được dễ dàng. Trung bình ngày thường có 7000 khách hành hương thăm mộ, nhưng vào các ngày có lễ lớn tại Công Trường thánh Phêrô, hoặc có buội tụ tập nào tại sảnh đường Giáo Hoàng Phaolô VI, số khách hành hương viếng mộ tăng lên đến mức quá 20,000 người.

 

(Tổng hợp các nguồn tin)

 

Mục lục

Đức Hồng Y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn trả lời 9 câu hỏi về chuyến viếng thăm Trung Quốc (24-28. 9. 2007)

 

Câu I.  Về Giáo Hội Công Giáo tại Trung quốc

 

      Đoàn chúng tôi gồm 3 Giám mục và 3 linh mục, đã đến thăm những nơi sau đây.

 

 1.  Trụ sở HĐGM. TQ tại Bắc Kinh.  Có 2 Giám mục, một già một trẻ và vài giáo dân đại diện Hội Yêu Nước tiếp chúng tôi. Chúng tôi trao đổi với nhau về lịch sử truyền giáo với 2 khuynh hướng truyền giáo khác nhau.  Nhóm một, tiêu biểu là Matteo Ricci và các linh mục dòng Tên, có lập trường và thái độ vừa tôn trọng truyền thống văn hoá bản địa vừa góp phần thăng tiến xã hội sở tại. Nhóm hai không có lập trường đó, trái lại cấm đoán thực hành Đạo hiếu với tập tục thờ ông bà tổ tiên.  Đây là một cản trở chính cho sự lớn mạnh của Giáo Hội tại Trung Hoa cũng như tại Việt Nam. 

 

      Tôi có phân tích hai cách yêu người của các nhà truyền giáo.  Cách thứ nhứt: yêu người vừa là tôn trọng dân tộc bản địa với truyền thống đạo đức và lối sống văn hoá lành mạnh của họ, vừa phục vụ cho sự sống và phẩm giá của họ.  Cách thứ hai: yêu người là áp đặt cho dân bản địa những gì mình nghĩ là tốt cho họ.  Với Vatican II, truyền giáo ngày nay đòi hỏi theo bước Con Chúa làm người, hội nhập văn hoá, yêu thương và phục vụ cho Tin Mừng cũng như cho sự sống và phẩm giá con người trong mọi xã hội theo mọi nền kinh tế…

 

 2.   Đại Chủng viện Bắc Kinh.  Cha Giám đốc, đã đi tu nhgiệp tại Đức quốc, tiếp chúng tôi, và mời chúng tôi nói chuyện với các Đại Chủng sinh.  Cha cũng dẫn chúng tôi đi tham quan Thư viện, nhà nguyện, quang cảnh thông thoáng với sân bóng rộng lớn.  Mới được xây dựng những năm gần dây, cơ sở ĐCV khang trang, tân tiến, đồng thời mang bản sắc dân tộc.  ĐCV còn là nơi thường huấn ngắn hạng, dài hạn cho linh mục, tu sĩ, huấn luyện giáo dân, với sự tham gia của các giáo sư từ nhiều nơi đến giảng dạy.

 

 3.  Toà Tổng Giám mục và Nhà thờ Chánh toà Bắc Kinh.  Tiếp đoàn có Đức Tổng Giám mục Lý Sơn vừa mới nhậm chức tuần trước, có 2 linh mục, một già một trẻ, có 1 nữ tu Bề trên dòng Thánh Giuse.  Khi chia sẻ kinh nghiệm mục vụ cho nhau, Đức Cha Lý Sơn có hỏi tôi ngày nhậm chức có khóc không.  Tôi có trả lời là lúc đó tôi không có giờ để khóc.  Linh mục tóc bạc có kể cho chúng tôi rằng ông đã góp phần thu xếp để Bắc Kinh có Giám mục như ngày nay.  Linh mục trẻ, đã đi tu nghiệp tại Anh quốc, là cha sở Nhà thờ Chánh toà, hướng dẫn chúng tôi tham quan NT.CT, và cho chúng tôi cùng dâng lễ đồng tế với nhau.

 

 4.  Toà Tổng Giám mục và Nhà thờ Chánh toà Thượng Hải.  Tiếp chúng tôi, có Đức TGM, cha Chưởng An cũng là cha sở NT.CT, một linh mục trẻ đã đi tu nghiệp Pháp quốc.  Đức TGM, dòng Tên, năm nay 91 tuổi, song còn nhanh nhẹn, sáng suốt, đầy sức sống.  Chúng tôi trao đổi với nhau bằng tiếng Pháp.  Mấy tháng trước Ngài đã trao đổi thư từ qua lại với tôi, bày tỏ ước mong tôi đến thăm và ở lại với Ngài ít là 4 bốn hôm để tâm sự.  Nên vừa mới chào hỏi nhau, Ngài nói gặp nhau ngắn quá, phải trở lại lần khác và ở lâu hơn.  Tôi có mời Ngài sang thăm VN mà Ngài đã đến thăm trong thập niên 40.  Ngài cho biết vì lý do sức khoẻ, bác sĩ không cho Ngài đi máy bay.  Thật đáng tiếc.  Nên tôi có hứa, nếu Chúa cho, sẽ trở lại thăm Ngài lâu ngày hơn.

 

 Câu II và III.  Về bang giao Vatican-Trung quốc.  Chúng tôi nghe qua có mấy điều kiện như sau:  ngoài điều kiện Vatican chấm dứt bang giao với Đài Loan, mối bang giao cần được xây dựng với tầm nhìn của thời đại và lòng dũng cảm, với trí tuệ và tấm lòng.  Biến cố tấn phong 2 Giám mục trong tháng 9 vừa qua, một ở Quảng Đông vào đầu tháng 9.2007, một ở Bắc Kinh vào 21.9.2007, cả 2 đều có sự đồng thuận của Vatican và Nhà Nước Trung Quốc, là tín hiệu tích cực mở ra triển vọng bang giao.  Còn thời điểm thì tùy nỗ lực của đôi bên nhằm vượt qua những dị biệt.  Tôi có chia sẻ kinh nghiệm của VN, đồng thời cũng ghi nhận rằng TQ lớn hơn VN 15 lần, nên chắc những vấn đề cũng nhiều và phức tạp gắp 15 lần. 

 

 Câu IV và V.  Về Giáo Hội công khai và hầm trú.  Chúng tôi không có dịp tiếp cận với thực tế vấn đề nầy.  Vả lại trước khi đi, mọi người trong đoàn đã thống nhất với nhau là cần có một thái độ cư xử với mọi người như anh em một nhà, con một Cha, không phân biệt trên hầm hay dưới hầm, trong hay ngoài tổ chức yêu nước…Trước 1980, chúng ta cũng có GH miền Bắc và Giáo Hội miền Nam.  Chúng tôi cũng có chia sẻ kinh nghiệm về hành trình thống nhất và giải quyết nhiều tồn tại của thời đóng cửa, qua mối quan hệ 3 bên: HĐGM, Nhà Nước và Vatican.

 

 Câu VI.  Quãng trường Thiên An Môn.  Chúng tôi tham quan Quãng trường nầy vài ngày trước lễ Quốc Khánh 1.10.  Quang cảnh Quãng trường trang trí dịp lễ hội trọng đại để lại cho tôi sứ điệp nầy:   bước vào thời đại toàn cầu hoá với một phong thái giữ vững dân tộc tính, đừng để xu hướng toàn cầu hoá đánh mất dân tộc tính với những giá trị văn hoá, tinh thần, đạo đức, là những giá trị góp phần phong phú hoá cuộc sống các dân tộc khác đang cùng nhau trở thành dân cư của một thế giới đang được thu nhỏ thành một ngôi làng.

 

 Câu VII.  Thăm quan lăng mộ Matteo Ricci. Cùng chung một chỗ có nhiều lăng mộ khác, đa số là những nhà truyền giáo dòng Tên.  Sự trân trọng đối với các vị nầy nhắc nhở tôi về lòng yêu người theo cách thứ nhứt (xem câu trả lời I.1).

 

 Câu VIII.  Về ĐCV (xem câu trả lời I.2)

 

 Câu  IX.  Chuyến viếng thăm lần nầy cho  tôi bài học thực hành nầy: 

 

 -  (1)  bản chất của GH là hiệp thông, và sự hiệp thông cần được  cụ thể hoá, bước đầu là tiếp cận và trao đổi, đồng cảm và chia sẻ những kinh nghiệm mục vụ cho nhau…

 

-  (2)  sứ vụ của GH là yêu thương và phục vụ.   Phục vụ cho Tin Mừng Đức Giêsu Kitô và cũng là phục vụ cho sự sống và phẩm giá con người.  Con người nào ?  Cụ thể là con người được tạo thành theo hình ảnh của Thiên Chúa là Tình Yêu, con người trong cộng đồng dân tộc cũng như cộng đồng thế giới, với ý thức rằng con người và cộng đồng thuộc mọi chế độ và mọi nền kinh tế, trong tiềm năng, đều là anh em một nhà trong thế giới toàn cầu hoá ngày nay.

 

Theo BGCN

Mục lục

 

Tường thuật cứu trợ cơn bão lụt số 5, Lekima tại Nghệ An

 

Nghệ An, Việt Nam (16/10/2007) - Ngày 08/10/2007, chúng tôi đón đoàn đai diện Help the Poor từ Sài gòn đến sân bay Vinh, lúc 2 giờ chiều, gồm có anh Hùng, anh Thắng, anh Hải, sau khi tay bắt, mặt mừng, tôi hỏi: "các anh có đủ sức đi thêm môt chặng đường dài 170 km để vào trung tâm rốn lụt hay không?" Các anh đều hài lòng vì muốn chứng kiến cảnh lụt, chúng tôi rời khỏi phi trường và trực chỉ đến Huyện Quế Phong và Quỳ Châu, càng đi lên thượng nguồn của sông Hiếu càng cảm thấy sự tàn bạo của giòng sông lạnh lùng, các ống kính camera cố gắng hoạt động khi trời còn sáng, trước mặt là những cánh đồng đang ngập trắng, hầu hết hoa màu đang chìm trong giòng nước đục ngầu, nhiều đoạn đường sụp lở chúng tôi phải dừng lại chờ xe múc, nạo bùn mới qua được, đến được Quế Phong lúc 18 giờ lúc này trời đã tối, chúng tôi đi thăm một số gia đình có người chết trong trận lụt, sau cùng chúng tôi quyết định đến 2 buôn dân tộc thiếu số còn đang bi cô lập, nhưng không thể vào được vì phải lội bùn 5 km, không có một phương tiện gì ngoài lội bộ, khu vực này dân cư lại thưa thớt không người qua lại, trước hoàn cảnh này chúng tôi đành phải ngậm ngùi quay xe trở về. Về đến nhà vào lúc 21 giờ, ai cũng mệt, ăn uống qua loa để bàn phương án ngày mai.

Ngày 09/10/2007 trong lúc chờ nước rút, chúng tôi đi vào vùng Kỳ Anh, Hà Tĩnh và Quảng Trạch, Quảng Bình để chứng kiến cảnh đổ nát sau cơn bão, chúng tôi đã đi thăm những căn nhà bị sập, giúp trực tiếp những hoàn cảnh neo đơn, những gia đình bị thiệt hại nặng.

Vì chuyến công tác còn dài nên ngày 10/10/2007 đoàn từ biệt chúng tôi để đi Thanh Hoá & Ninh Bình.

Ngày 13/10/2007, chúng tôi đón các chị nữ tu dòng Nữ Tì Chúa Giêsu Linh mục đại diện cho Hội Conrad N. Hilton Fund For Sisters, Sr. Menkia Mai Hương, Josephin Ðào và Maria Nhàn tại sân bay Vinh lúc 15 giờ, cũng như lần trước, tôi hỏi quý Sr. có sức mà đi trược tiếp vùng lũ lụt không? Các Sr. đồng ý và tôi đã chở các Sr. trực tiếp lên huyện Thanh Chương Nghệ An, đầu tiên chúng tôi tìm đến gia đình có nạn nhân trong trong trận lụt vừa qua, đây là gia đình anh Ðinh thị Quyết và chị Nguyễn thị Mai một gia đinh nghèo có 4 con nhỏ đang tuổi học trò, em nhỏ này chết trong một trạng huống rất đau thương, mà nhắc lại trong gia đình ai cũng khóc, cùng trong buổi chiều bi thảm ấy, khi người cha trong gia đình lo việc di tản tìm nơi an toàn cho gia đình trú ẩn qua cơn bão, khi đồ đạc cần dùng và thức ăn tạm thời đã chất đầy thuyền thì anh chị và con cái, chèo thuyền ra giữa giòng, không ngờ nước xoáy đã làm thuyền chao đảo, đứa con út mới 4 tuổi bám không chặt đã văng ra ngoài rơi vào giòng nước lũ, anh đã lao xuống giòng nước lũ để cứu con, nhưng không kịp nữa, đứa con đã bị lũ dìm xuống sâu, mãi ngày sau mới vớt được xác. Chúng tôi tiếp tục lội trong bùn để thăm những gia đình khác, thật là một cảnh đìu hiu hút gió, chẳng khác gì cảnh trên Quế Phong nơi dân tộc ít người mà chúng tôi vừa thăm hôm trước, họ nghèo khổ, mà có lẽ chẳng có ai nghèo khổ hơn họ nữa. Chúng tôi đã trở về nhà trong cơn mưa ngậm ngùi cho thân phận.

Ngày 14/10/2007, chúng tôi cùng các chi nữ tu dòng Nữ Tì Chúa Giêsu Linh mục đại diện cho Hội Conrad N.Hilton Fund For Sisters đến huyện Hưng Nguyên với 4 tấn gạo, và 120 thùng mỳ tôm. Ra khỏi cảnh ồn ào của thành phố là cảm nhận được sự cách biệt của nhịp sống đời thường khổ cực của "dân đen". Giáo xứ Mỹ Dụ cách thành phố Vinh khoảng chừng 8 km, gồm có 5 giáo họ Phú Mỹ, Ðoài Yên, Dụ Thành, Nhân Hoà và Thành Công., tất cả bị cô lập đã 10 ngày, vùng này không có ai chết vì lũ lụt, nhưng sẽ chết nhiều vì bệnh dịch, khi chúng tôi đến họ đang đem bệnh nhân lên thuyền, chúng tôi đã đến và trao quà cho họ bằng thuyền. Họ chỉ một con đường là sống chung với lũ, không có bếp, không có củi, không cần nhà vệ sinh, và không có nguồn nước nào để dùng ngoài nước lụt để lắng xuống. Chúng tôi đã vào từng căn nhà, dừng thuyền trước bực thềm của họ, họ lạ lẫm khi thấy các nhà hảo tâm bơi bằng thuyền đến với họ. Có lẽ lòng họ sung sướng như những người hải đảo thấy người đất liền.

Thông tin cho biết, vùng này có hơn 50 căn nhà hoàn toàn bị đổ sập, khoảng 130 căn nhà hư hỏng nặng; 7 trường học bị ngập nước cho đén nay các em vẫn chưa tới trường; hơn 4 ngàn ha lúa và hơn 2 ngàn ha hoa màu bị ngập lụt, hư hại.

Ngày 15/10/2007, chúng tôi lại tiếp tục cuộc hành trình đến Giáo xứ Phù Long, Hưng Long, Hưng Nguyên cách thành phố Vinh khoảng 15 km gồm có 4 họ: họ trị sở, họ Bắc châu, Yên Thái và Hiệu Mỹ, tất cả đều bị cô lập 10 ngày, 3 chiếc thuyền đem đoàn đến vùng cô lập, một thuyền chở các linh mục & đoàn cứu trợ, một thuyền lớn chở 80 thùng mỳ tôm, và một thuyền chở quần áo. Ðến được vùng dân cư mọi người ra đón tiếp vui mừng và người bộc phát lên rằng: "giả như cả ba thuyền chở mỳ tôm thì hay biết mấy". cha trưởng đoàn nói: "vậy thì đổi một linh mục lấy một thuyền mỳ tôm nhé?".

Vùng này hầu hết là công giáo, nên công việc phân chia phần quà cứu trợ nhanh hơn, để đoàn có thời gian đi thăm những gia đình bị thiệt hại nặng, như nhà sập, những gia đình neo đơn...

Trên đường về, tôi chợt nghĩ đến một viễn tượng đen tối, rồi đây họ sẽ lấy gì để ăn trong những tháng tới? Vốn đâu để mua hạt giống, phân bón, thuốc trừ sâu? Tiền đâu để tiếp tục đi học?

Chúng tôi nhận thấy, nguồn cứu trợ đem đến cho dân thật sự không thấm vào đâu so với nhu cầu quá lớn của họ, nhưng chắc chắn rằng với sự giúp đỡ của quý vị, nhiều gia đình nạn nhân sẽ được an ủi rất nhiều về tinh thần lẫn vật chất, để họ có thể dần dần làm lại cuộc sống.

Một lần nữa chúng tôi gửi đến Mạng Lưới Truyền Thông Công Giáo, đặc biệt báo Vietcatholic, Radio Veritas Asia, lời chân thành cảm ơn sự mau mắn và nhiệt thành của quý vị, thật là một công cụ hữu ích cho sự quảng bá tin tức và nối vòng tay nhân ái đến với những tấm lòng quảng đại.

Qua mầu nhiệm hiệp thông, chúng tôi chân thành cảm ơn các Hiệp Hội, Hội Ðoàn, các Cộng Ðoàn quý vị Ân Nhân đã hưởng ứng lời kêu gọi tình thương, mở rộng vòng tay nhân ái đến với nhưng mảnh đời bất hạnh, chúng tôi vẫn biết rằng đồng tiền của quý vị làm ra bằng mồ hôi nước mắt.

Những nơi đã gửi tiền cho Ban Bác Ái Xã Hội qua tôi để giúp cơn bão lụt số 5, Lekima:

- Anh Chị Giuse Nguyễn Hy Vọng qua Anh Giuse Nghuyễn Thế Bài: 9,000,000 VND.

- Cộng đoàn thánh qua anh Nguyễn Hùng Lam: 2,200 USD.

- Hội Conrad N.Hilton Fund For Sisters, qua xơ Menkia Mai Hương: 70,000,000 VND

Thay mặt cho nạn nhân bão lụt, xin chân thành cảm tạ.

 

Lm. Raphael Trần Xuân Nhàn

Phó Ban Bác Ái Xã Hội giáo phận Vinh

Mục lục

Lễ Giỗ 100 Ngày Nhạc sĩ Linh mục Hoài Đức

 

Lễ giỗ trăm ngày cố linh mục nhạc sĩ Hoài Đức – Giuse Lê Đức Triệu, đã UB Thánh nhạc HĐGMVN, nhạc đoàn Lê Bảo Tịnh, cùng với gia đình linh tông huyết tộc của cố linh mục Giuse tổ chức tại nhà thờ giáo xứ Đaminh Ba Chuông.

Chương trình gồm :

1. Thánh lễ : do Đức cha Phaolô Nguyễn Văn Hòa chủ tế cùng với Đức cha Stêphanô Tri Bửu Thiên, Đức cha Giuse Vũ Duy Thống, khoảng 30 linh mục, đông đảo các tu sĩ nam nữ, thân nhân cha Giuse và cộng đoàn dân Chúa

Khởi đầu thánh lễ, Đức cha Phaolô đã đề cập đến sự nghiệp của linh mục nhạc sĩ Hoài Đức, một trong những con chim đầu đàn của nhạc đoàn Lê Bảo Tịnh, đã có những đóng góp lớn lao đặc biệt là giai đoạn đầu của nền thánh nhạc nước nhà. Chia sẻ trong thánh lễ, linh mục Kim Long đã nói đến những nỗ lực trong hoàn cảnh thiếu thốn của cồ nhạc sĩ linh mục Hoài Đức, để hòa với niềm vui của giáo hội qua mọi thời, được “Hát lên bài ca mới” để chúc tụng Thiên Chúa.

2. Tiếp đến là phần thánh ca tưởng niệm : với sự hướng dẫn của linh mục Tiến Lộc, và tiếng ca của ca đoàn tổng hợp Thủ Đức, ca đoàn tổng hợp giáo xứ Đaminh. Ngoài ra còn sự đóng góp của nhiều ca sĩ như Tuấn Đạt, Diệu Hiền, Thanh Sử, và Mai Thảo.

Ngoài những bản thánh ca đã trở thành rất quen thuộc với giáo dân Việt Nam, như : Cao cung lên, Mùa đông năm ấy, Giờ tử nạn, Dâng mẹ, Cung chúc trinh vương… cộng đoàn còn được cùng cầu nguyện qua các bản thánh ca sốt sáng khác, với nét nhạc bình ca đặc biệt của cha cố nhạc sĩ Giuse.

Cuối cùng, tất cả mọi người tham dự, còn có cơ hội chia sẻ với nhau những tình cảm của mình đối với cha cố Giuse, trong bữa cơm thân mật gia đình.

Được biết, tham dự buổi lễ hôm nay còn có cha giám tỉnh Đaminh tỉnh dòng Rất Thánh Mân Côi Mân Côi và cha giám tỉnh Giuse Ngô Sĩ Đình. Ước mong buổi lễ trở thành động lực để ngày càng có nhiều tâm hồn yêu mến và sáng tác thánh ca để phục vụ giúp mọi người thờ phượng Chúa và nâng cao tâm hồn.

Giáo xứ Đaminh

Mục lục

 

 

Bế Mạc Hội Thảo Quốc Tế về "Công Bình Xã Hội, Trách Nhiệm Xã Hội và Liên Ðới Xã Hội" tại Việt Nam.

 

Hà Nội, Việt Nam (17/10/2007) -- Cuộc hội thảo quốc tế về "Công Bình Xã Hội, Trách nhiệm Xã Hội và Liên Ðới Xã Hội" bế mạc vào lúc 18,15g ngày 16-10-2007.

Sau hai ngày hội thảo, các tham dự viên đã lắng nghe và thảo luận dựa trên 6 bài thuyết trình chung và 24 bài trình bày trong các tiểu ban. Nếu không kể các phát biểu của Ðức Cha Nguyễn Văn Nhơn, chủ tịch Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam và của Ðức Hồng Y Phạm Minh Mẫn, Tổng Giám Mục Saigon, trong buổi lễ khai mạc; của Tổng Giám Mục Werner Thissen và của Tổng Giám Mục Ngô Quang Kiệt trong buổi lễ bế mạc; thì phía Công giáo đã trình bày 4 thuyết trình chung và 10 tham luận trong các tiểu ban.

Sáu bài thuyết trình chung do các vị sau đây trình bày:

Về phía Nhà Nước:

- Giáo Sư Tiến Sĩ Trần Ðức Cường: Công bằng xã hội trong điều kiện kinh tế thị trường và kinh tế thị trường định hướng Xã Hội Chủ Nghĩa ở Việt Nam hiện nay.

- Giáo Sư Tiến Sĩ Lê Hữu Tầng: Một số vấn đề lý luận thực tiễn xung quanh việc thực hiện công bằng xã hội ở Việt Nam hiện nay.

Về phía Công Giáo:

- Ðức Ông Joseph Sayer: Liên đới Kitô giáo trong thế giới tòan cầu hóa.

- Ðức Giám Mục Bùi Văn Ðọc: Xây dựng xã hội công bằng theo học thuyết xã hội Công giáo.

- Ðức Hồng Y Keit O'Brien: Công bằng, trách nhiệm và liên đới trong sự cam kết xã hội của tòan thể giáo dân;

- Ðức Tổng Giám Mục Werner Thissen: Những giá trị và nguyên lý cơ bản của học thuyết xã hội Công giáo.

Buổi lễ bế mạc do Ðức Ông Joseph Sayer chủ tọa với bài phát biểu đặt biệt của Tổng Giám Mục Werner Thissen và Tổng Giám Mục Ngô Quang Kiệt, sau đó là ba bài lượng giá tổng kết của Giáo Sư Tiến sĩ Trần Văn Ðoàn, Tiến sĩ Martin Duetting và Giáo Sư Tiến sĩ Phạm Văn Ðức.

Tất cả đều đánh giá đây là một hội nghị thành công nhờ thái độ cởi mở của các tham dự viên, một mặt thẳng thắn trình bày quan điểm và lý luận của mình, và mặt khác lắng nghe trao đổi với nhau, mà mục tiêu là hướng đến việc phục vụ con người nói chung và người nghèo nói riêng.

Ðức Tổng Giám Mục Werner Thissen cho rằng ngay cuộc hội thảo này đã là hình ảnh cho trách nhiệm và tình liên đới, vì mọi người đều thao thức phục vụ phẩm giá con người, dưới nhiều đường lối cái nhìn khác nhau. Thêm vào đó, hội thảo diễn ra trong bầu không khí đầy tình người: "Người ta nói rằng con đường ngắn nhất nối liền hai trái tim là một nụ cười. Hai ngày vừa qua, tôi đã nhận rất nhiều nụ cười!"

Ðức Tổng Giám Mục Ngô Quang Kiệt nói rằng cuộc hội thảo này để lại 'những ấn tượng sâu sắc', vì đây là lần đầu tiên có một hội thảo tại Việt Nam, với sự tham gia đông đảo của các học giả và lãnh đạo cao cấp trong Giáo Hội và ngoài xã hội. Nhưng ấn tượng hơn nữa do chất lượng của hội thảo, vì đây là một hội thảo có ý nghĩa (tìm phục vụ con người), khoa học (tìm hiểu con người theo chiều sâu trong lịch sử, chiều rộng trong tương quan, chiều cao trong khát vọng), thực tế (đối chiếu với con người thực tế dựa trên thực tế Việt Nam) đối thoại (nhiều người đến từ nhiều nơi, nhiều quan điểm khác nhau được trình bày và lắng nghe).

Hiệu quả của cuộc hội thảo như thế nào thì đến giờ này chưa có thể thẩm định được, nhưng có lẽ nhiều người cũng đồng ý với nhận định của Ðức Cha Kiệt:

"Ðây là cuộc hội thảo đầu tiên mở ra một lộ trình mới. Lộ trình này sẽ không dễ dàng. Vì xây dựng một xã hội công bằng đã là khó. Xây dựng một xã hội có tinh thần trách nhiệm, có tình liên đới thật là một lý tưởng cao cả. Tôi hi vọng sẽ còn nhiều hội thảo kế tiếp giúp hiểu biết con người, hiểu biết xã hội và nhờ đó hiểu biết trách nhiệm và hiểu biết tình liên đới ngày càng sâu sắc. Những hiểu biết đó sẽ góp phần xây dựng một xã hội có những con người không chỉ biết sống công bằng mà còn biết sống bác ái trong tình liên đới nữa".

 

Trần Duy Nhiên

Mục lục

 

Thành lập hai trung tâm nghiên cứu tôn giáo tại Hà Nội và Sàigòn

Tin Hà Nội và Saigòn (20/10/2007) - Ngày 17-10-2007 và ngày 20-10-2007 Trường Ðại học Khoa học Xã hội và Nhân văn tại Hà Nội và Saigon lần lượt tổ chức lễ khai trương Trung tâm Nghiên cứu Tôn giáo Ðương đại (TTNCTG).

Việc thành lập các Trung tâm này nằm trong nỗ lực mở rộng thêm ngành học thiết thân với xã hội, đồng thời góp phần nâng tầm đại học nước nhà. Hai Trung tâm này sớm hình thành một phần cũng là nhờ sự yểm trợ tài chánh của Tổ Chức Công Giáo MISSIO và sự góp công tích cực của GSTS Trần Văn Ðoàn.

Trong buổi lễ tại Hà nội, ngoài lãnh đạo Trường Ðại học và Ban Giám đốc Trung tâm, còn có sự hiện diện của Ông Nguyễn Hữu Oanh, Phó Ban Tôn giáo Chính phủ, Ông Nguyễn Hồng Dương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tôn giáo. Phía các tôn giáo, có sự hiện diện của đại diện Phật Giáo, Tin Lành và Công giáo. Trong số các đại diện Công Giáo thì có: Tân giám mục Ðặng Ðức Ngân, Giáo phận Lạng Sơn và Linh mục Nguyễn Văn Diễm, Phó Giám đốc Ðại chủng viện Hà Nội.

Trong buổi lễ tại Saigon, có sự hiện diện của Ông Hồ Minh Tâm, Phó Vụ trưởng Vụ Công tác Tôn giáo Chính phủ, Ông Phan Xuân Biên, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy, Ông Trần Ngọc Bảo, Phó ban Tôn giáo Thành phố cùng một học giả, nhà nghiên cứu thuộc các trường đại học và viện nghiên cứu. Ngoài ra, trong cả hai buổi lễ khai trương tại Hà nội và tại Saigon, đều có mặt Ðức Ông Nguyễn Văn Tài, đài Veritas-Asia; Giáo Sư Tiến Sĩ Nguyễn Thái Hợp, linh mục dòng Ða Minh và Giáo Sư Tiến Sĩ Trần Văn Ðoàn, Chủ tịch Liên Ðoàn các Triết Gia Á Châu.

Trong các phát biểu của mình, đại diện các tôn giáo đều hân hoan đón nhận sự ra đời của hai Trung tâm này và nói lên tinh thần sẵn sàng hợp tác. Phía Công giáo, Tân Giám mục Ðặng Ðức Ngân (tại Hà Nội) và Ðức Ông Nguyễn Văn Tài (tại Saigòn) cho rằng đây là một bước đột phá chứa đựng nhiều hy vọng cho việc đối thọai sâu sắc hơn giữa Công giáo và Nhà Nước nói riêng và giữa các tôn giáo nói chung, nhằm xây dựng một xã hội Việt Nam ngày càng tốt đẹp.

Tại cả hai buổi lễ, Giáo sư Richards Brosse, Ðại diện Viện Nghiên cứu Tôn giáo Missionwissenschaft Institute (MWI), nêu lên những thách đố của kỷ nguyên tòan cầu và gợi ý nghiên cứu về vai trò của tôn giáo theo viễn ảnh của "học thuyết ba chức năng" (La théorie de la trifonctionnalité hay La théorie des trois fonctions) của triết gia Pháp, Georges Dumézil. Ba chức năng này gồm các chức năng tư tế, chiến đấu và sản xuất (fonctions: sacerdotale, guerrière, productrice). Trong lịch sử, mọi xã hội đều được đặt trên thế quân bình của ba chức năng này, nghĩa là hai chức năng 'bảo vệ và xây dựng quốc gia' luôn được kết hợp với đạo đức tôn giáo. Trong quá trình toàn cầu hóa hiện nay, mà chủ yếu là toàn cầu hóa kinh tế, liệu tôn giáo còn giữ một chức năng chính yếu ngang bằng với hai chức năng bảo vệ và xây dựng xã hội chăng? Sự ra đời của Trung Tâm Nghiên Cứu Tôn Giáo tại Việt Nam hy vọng sẽ trả lại cho tôn giáo vai trò căn bản đó trong tiến trình hội nhập với thế giới.

Về phần mình, Bà Anette Meuthrath, đại diện MISSIO, đã tặng mỗi Trung tâm một cây nến. Bà nói lên rằng trên quê hương bà, để đánh dấu một biến cố quan trọng, người ta đốt lên một ngọn nến. Cây nến mà bà tặng được kết hợp bằng nhiều màu khác nhau, và khi đốt lên các màu ấy sẽ hòa hợp với nhau mà biến thành ánh sáng. Ðó cũng là lời chúc của bà cho hai Trung Tâm Nghiên Cứu Tôn Giáo Việt Nam.

Cả hai Trung tâm (Hà Nội và Saigon) đều đối tác với Viện Nghiên cứu Tôn giáo Missionwissenschaft Institute (MWI), Ðức quốc, Tổ chức MISSIO (Ðức) và Ðại học Quốc gia Ðài Loan (TNU). Trong quá trình buổi lễ, Ban Giám đốc của hai Trung tâm đã ký kết văn bản hợp tác với Viện Nghiên cứu Tôn giáo Missionwissenschaft Institute (MWI) về yểm trợ tài chính và về trao đổi nghiên cứu. Ðể cụ thể hóa văn bản hợp tác này, trong số 8 thành viên của Hội đồng Khoa học của Trung Tâm Nghiên Cứu Tôn Giáo, thuộc Trường Ðại học Khoa Học Xã Hội & Nhân Văn - Thành Phố Saigòn, thì phía Công giáo có ba vị là Tiến sĩ Richards Brosse; Giáo Sư Tiến Sĩ Nguyễn Thái Hợp O.P, và Giáo Sư Tiến Sĩ Trần Văn Ðoàn.

 Trần Duy Nhiên

Mục lục

 

TÌM HIỂU & SỐNG ĐẠO

NHÂN THÁNG CÁC LINH HỒN

Nhân tháng các linh hồn, tôi suy nghĩ: thế nào là cuộc đời thành tựu?

Những câu hỏi hệ trọng

Nhờ khoa hoc kỹ thuật, con người hiện đại được cung cấp dồi dào những phương tiện tối tân đề làm việc và những tiện nghi đủ loại để thụ hưởng. Dĩ nhiên, chưa phải mọi người hay mọi nhóm người đều đã  được như thế, nhưng đó vẫn là điều mà chung chung ai cũng hướng tới và hy vọng sẽ đạt được. Những khám phá kỳ diệu của khoa học kỹ thuật đã thay đổi cuộc sống và cả cách suy nghĩ của con người hiện đại một cách sâu xa. Bây giờ, một cách chung, trong các nước phát triển và cả trong những nước đang phát triển, người ta xa dần với những bận tâm tâm linh, tôn giáo hay những bận tâm về ý nghĩa cao cả của cuộc đời. Cuộc sống thực tế, cuộc sống vật chất hiện có hoặc những gì cuộc sống ấy đang hứa hẹn -một thiên đàng ở trần gian- đã đủ cho họ rồi. Ngoài ra, con người hiện đại có ý thức mãnh liệt về tài năng, về quyền lực của mình. Họ cảm nghĩ rằng mình muốn gì cũng được, làm gì cũng được, -chưa được bây giờ thì sẽ được trong một tương lai gần hay xa. Không ít người tưởng mình là “ông Trời”, không còn ai trên mình nữa, không phải “chịu lụy” ai nữa.

Nhưng thực tế cho thấy con người bao giờ cũng chỉ là con người mà thôi. Họ vẫn mong manh trước thiên nhiên; những trận thiên tai như động đất, sóng thần, bão lụt không hề giảm mà trái lại còn xảy ra nhiều hơn, tàn bạo hơn, một phần do chính con người gây nên.Thiên nhiên đặt cho ta những ranh giới phải tôn trọng, nếu không nó sẽ không để cho ta yên ổn, vô sự.Trước những trận lũ lụt hung hãn xảy ra liên tiếp ở miền trung nước ta trong tháng 10 này, báo chí viết rằng thiên nhiên đang trả thù. Một số bệnh tật ngày xưa hoành hành nay đã được khống chế hay tiêu diệt, nhưng rồi lại xuất hiện những thứ bệnh nguy hiểm và nan y hơn. Ngay này, ta có thể đi lại bằng xe máy, xe hơi, tàu lửa, máy bay, nhưng song song với những phương tiện hiện đại ấy số người chết do tai nạn giao thông càng gia tăng…

Và cuối cùng, dù văn minh đến dâu, con người vẫn không thắng nổi cái chết bằng sức mạnh của khoa học kỹ thuật. Giàu nghèo sang hèn, trí thức hay bình dân, văn minh hay lạc hậu …, ai ai rồi cũng pải chết. Đứng trước cái chết, mọi người đều bình đẳng.

Cho nên thời đại ta cũng như mọi thời đại, con người vẫn không tránh khỏi những câu hỏi: Thế thì sống để làm gì? Cuộc đời có ý nghĩa gì không? Phải sống như thế nào mới nói được là cuộc đời đáng giá, cuộc đời thành tựu? Có cái gì bên kia cái chết không? Sớm muộn, chỉ cần quay về mình và sống có chút chiều sâu thì người ta sẽ nghĩ tới những vấn đề trọng đại này.

Câu trả lời của Kitô giáo

Tất cả các tôn giáo bằng cách này hay cách khác, đều nhằm trả lời những vấn nạn như thế. Câu trả lời của Kitô giáo có lẽ là rõ ràng nhất, cụ thể nhất. Câu trả lời đó là chính Chúa Giêsu Kitô, Đấng là Thiên Chúa đã làm người chia sẻ kiếp người của chúng ta và đã chịu nạn chịu chết rồi phục sinh để cứu độ chúng ta, đem đến cho ta sự sống trường sinh sung mãn.

Bài tường thuật của thánh Gio-an về phép lạ Chúa làm cho anh La-da-rô sống lại mà phụng vụ thường trích đọc trong lễ an táng, là một minh họa tuyệt vời cho giáo lý này. Câu truyện diễn ra theo 5 hồi:

- Hồi 1.Khi Chúa Giêsu đến làng Bê-ta-ni-a  thì La-da-rô đã chết và được chôn cất bốn ngày rồi. Vừa được tin Chúa đến, cô Mác-ta ra đón Người. Cô nói với Chúa Giêsu: “Thưa Thầy, nếu có Thầy ở đây, em con đã không chết …” Nhưng bây giờ thì La-da-rô đã chết. Anh phải chết theo lẽ thường tình vì đó là số phận của mọi con người. Số phận mà chính Người cùng chia sẽ. Lát nữa, khi đi ra mộ La-da-rô, thấy cảnh người ta khóc, Người cũng “thổn thức trong lòng và xao xuyến”.

- Hồi 2. Nhưng Chúa Giêsu nói với Mác-ta: “Em chị sẽ sống lại!” Một khẳng định mạnh mẽ.

- Hồi 3. Lý do tại sao, hay bằng cách nào? Thì đây: “Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Thầy thì dù đã chết, cũng sẽ được sống. Ai sống và tin vào Thầy, sẽ không bao giờ phải chết.Chị có tin thế không?”

- Hồi 4. Cô Mác-ta tuyên xưng lòng tin. Đó là điều kiện Chúa đòi hỏi. Cô nói: “Thưa Thầy, có. Con vẫn tin Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa, Đấng phải đến thế gian”.

- Hồi 5. Phép lạ chứng thực lời Chúa phán là thật. Chúa Giêsu tiến đến ngôi mộ, cầu nguyện rồi kêu lớn tiếng: “ Anh La-da-rô, hãy ra khỏi mồ!” Và “người chết liền ra, tay chân còn quấn vải,và mặt còn phủ khăn…”

Phép lạ này báo trước sự phục sinh của chính Chúa Kitô trong một thời gian không còn xa. Và theo lời Người dạy, dù ai nấy đều phải chết, nhưng nếu ta tin vào Người, nếu ta đặt trọn niềm trông cậy vào Người, ta cũng sẽ được chia sẽ sự sống vinh quang bất diệt của Người. La-da-rô chỉ được hồi sinh một ít năm rồi lại chết. Nhưng cuộc hồi sinh của anh cũng loan báo sự sống lại của chúng ta trong quyền năng phục sinh của Chúa Kitô trong Nước Trời mai sau. Cuộc sống hiện tại phải hướng về và chuẩn bị cho Ngày đó.

Nhưng phải sống cuộc đời hiện tại như thế nào?

Người Kitô hữu sống cuộc đời mình ở thế gian này như xây một ngôi nhà. Mỗi người xây một cách, theo mẫu nhà mình muốn. Các vật liệu xây dựng cũng có thể khác nhau,- bằng gỗ, bằng đá, bằng sắt thép, kể cả “vàng, bạc, đá quý”, không loại trừ “cỏ và rơm” (x. 1 Cr 3:12). Nhưng thánh Phao-lô quả quyết, nền móng thì chỉ có một mà thôi, đó là Chúa Giêsu Kitô. Trong ngày phán xét, ngôi nhà mỗi người sẽ được nghiệm thu cũng bởi Chúa Kitô. Tất cả những gì chúng ta xây dựng sẽ được đem ra thử lửa, “công việc ai xây dựng trên nền (là Chúa Kitô), thì người ấy sẽ được thưởng; còn công việc của ai bị thiêu hủy, thì người ấy sẽ phải thiệt” ( 1Cr 3:14-15).

Hỏi: có cái gì không thể bị lửa thiêu hủy chăng? Có, đó là bác ái, là những công việc bác ái lớn nhỏ của ta. “Hiện nay đức tin, đức cậy, đức mến, cả ba đều tồn tại, nhưng cao trọng hơn cả là đức mến” (1Cr 13:13), và “đức mến không bao giờ mất được” (1 Cr 13:8), trong lúc tin và cậy sẽ không còn trong nước thiên đàng vì lúc đó nó không cần nữa. Đến ngày phán xét chung, Chúa Giêsu sẽ chỉ hỏi ta về cách ta thực hiện lòng bác ái yêu thương mà thôi (x. Mt 25:31-46).

Kết

Lòng bác ái, tình yêu dâng hiến và phục vụ là giá trị cao cả nhất trong thang giá trị của Kitô giáo, nó tiêu biểu cho Kitô giáo. Chúa Giêsu đã thể hiện tình yêu ấy tới mức cao cả nhất có thể có. Người ta thường gọi Đức Kitô là con-người-cho-kẻ -khác. Nhưng không được quên, sở dĩ Người làm được như thế là nhờ Người sống trọn tình con thảo với Chúa Cha. Cuộc đời mỗi người chúng ta cũng sẽ được đánh giá chung cuộc theo mẫu mực tình yêu này.

(21-10-2007)

Lm Nguyễn Hồng Giáo, dòng Phanxicô

Mục lục

LỄ DÂNG CUỘC ĐỜI

Câu truyện dòng nước

Có một dòng suối nước mát kia phát nguồn từ một khe đá trên ngọn núi cao. Nước chảy vào một chiếc hồ lớn. Người qua đường dừng chân bên hồ để nghỉ ngơi chốc lát rồi ra đi. Không ai có lời cảm ơn dòng nước mát. Cả những bông hoa tươi đẹp nở bên hồ cũng chẳng màng gì đến dòng nước. Nhưng một ngày nọ, cũng có một bông hoa nở gần đó thắc mắc : Sao chẳng có ai để ý cảm ơn bác vậy hỡi dòng nước?

Nước trả lời : Không có gì quan trọng cả hoa cúc ơi. Em đừng lo. Vì tôi được Thiên Chúa tạo dựng là để cho đi. Thế rồi nước vui vẻ tiếp tục chảy xuống thung lũng, thấm nhuần ruộng đất.

Ruộng đất khô cằn hân hoan đón nhận dòng nước với lòng biết ơn và quí mến: Nước ơi, nước muốn chúng tôi làm gì để đền ơn, vì nước đã đem lại cho chúng tôi sức sống dào dạt, ruộng đồng phì nhiêu, hoa trái thơm lành.

Nước thản nhiên trả lời: Không có gì cả. Tôi đã được Thiên Chúa dựng nên để đem lại phì nhiêu cho ruộng đất. Với lòng ước muốn bao giờ cũng làm ơn cho kẻ khác, nước không bao giờ đòi hỏi sự đền ơn và vẫn luôn đem đến cho kẻ khác sự mát mẻ vui tươi, và nhờ đó, nước có một sức thuyết phục làm nên những hoa trái thơm ngon, no thoả lòng người. Với lòng biết ơn, người ta đã có thể nói với nước: Nước ơi, biết lấy gì đáp ơn nước đây ?

Vẫn một thái độ điềm nhiên, nước sẽ nói: Không gì hết. Nước luôn sẵn sàng giúp đỡ những ai cần đến và tiếp tay với nước.

Sau cùng, nước len lỏi đến tận nhà thờ và tự hiến mình trong tay một vị linh mục đang dâng lễ trên bàn thờ. Nước nghe rõ từng lời nói của vị linh mục: "Như giọt nước này được hoà chung với rượu, xin cho chúng con được thông phần vào bản tính của Đấng đã đoái thương chia sẻ thân phận làm người với chúng con".

Thế là món quà của nước đã hoàn tất. Nước phát xuất từ nguồn và từ đây lại trở về với nguồn là chính Thiên Chúa, sau khi đã tự hiến mình và cho đi liên lỉ vì lợi ích và sự sống của kẻ khác. Chính vì thế mà nước luôn luôn giữ được vẻ trong sáng và đáng yêu của nó.

Lễ dâng cao đẹp nhất là hiến tế chính mình.

Chúa Kitô từ Thiên Chúa đến trần gian, qua cuộc vượt qua và hiến tế chính mình, Ngài trở về với Thiên Chúa.

Dòng nước từ Thiên Chúa lại trở về với Thiên Chúa sau chặng đường thăng trầm phục vụ con người, muông thú, hoa lá cỏ cây. Nhưng cách thức ra đi và trở về khác nhau. Nó trở nên hoàn hảo khi kết hợp với rượu để trở thành hy lễ tạ ơn kết hợp với hiến lễ của Chúa Kitô.

Chúng ta cũng thế, sinh ra từ Thiên Chúa, rồi lại trở về với Ngài. Và hành trình của ta cũng không có gì khác. Nghĩa là cũng phải chịu sát tế mỗi ngày, phải cùng chịu đau khổ như Chúa ta vậy thì mới đạt tới vinh quang giống như Ngài.

Với người thân yêu đã qua đời, chúng ta tin tưởng rằng khi trải qua chiều dài của cuộc sống, họ cũng đã làm nhiều cuộc vượt qua, đã hy sinh nhiều mà không cần cám ơn, đã chịu nhiều đau khổ như Đức Kitô.

Trước kia, người khác đưa người thân yêu tới nhà thờ để dâng hiến, gia nhập Giáo hội qua nghi thức phép rửa, thì rồi, người khác lại đưa họ đến nhà thờ để trả về cho Thiên Chúa. Ta cũng vậy.

Tất cả chúng ta có hãy luôn hiện diện trong tình hiệp thông đức tin, khi nhìn đến người thân yêu đã ra đi trước chúng ta mà hy sinh cầu nguyện, bác ái phục vụ nhiều hơn thì, cũng là những lễ dâng cao đẹp lòng Thiên Chúa.

Đến ngày cuối đời, mỗi người chúng ta sẽ lãnh nhận tất cả những gì mình đã cho đi trong cuộc sống, và khi chúng ta gặp gỡ Chúa, Ngài sẽ nói với chúng ta: Con có gì đem tặng Ta không ? Lúc ấy ta sẽ trả lời thế nào ?

Thanh Thanh

Mục lục

CÔNG BÌNH XÃ HỘI THEO QUAN ĐIỂM CÔNG GIÁO.


(Hội Thảo Quốc Tế về Công Bình Xã Hội, Trách Nhiệm Xã Hội & Liên Đới Xã Hội)


I. CÔNG BÌNH XÃ HỘI LÀ GÌ?


Đề tài được trình bày hôm nay là Công bình xã hội theo quan điểm Công Giáo. Vấn đề đầu tiên đặt ra là vấn đề từ ngữ. Thuật ngữ ‘Công bình xã hội’ sử dụng ở bài này được hiểu theo nghĩa phổ quát của Social Justice (Anh) hay Justice Sociale (Pháp). Trong các ngôn ngữ phương tây khái niệm Justice bao hàm cả Công Lý lẫn Công Bình. Như vậy công bình xã hội liên quan đến cả triết học lẫn chính trị và kinh tế. Ngoài ra, công bình xã hội là một khái niệm biến chuyển theo thời gian: một điều công bình trong xã hội ở thời điểm này thì có thể trở thành bất công khi bối cảnh xã hội đổi thay.


Tuy nhiên, điều chắc chắn là mọi người trên thế giới đều mong muốn sống trong một xã hội công bình. Khái niệm công bình xã hội được nêu lên như một phản ứng chống lại một xã hội bất công hơn là đơn thuần mong muốn cho luật pháp được áp dụng một cách công minh. Khái niệm này xuất phát từ quan điểm cho rằng xã hội có thể đối xử bất công với một cá nhân hay một tập thể, đồng thời những phúc lợi của xã hội cũng có thể được phân bổ một cách bất công. Muốn thấy rõ ‘công bình xã hội’ thì ta nên đối chiếu với quan niệm về ‘công bình’ trong những thể chế cực quyền trước kia, vào thời quân chủ. Ông vua là trên hết, và tất cả thứ dân đều hưởng ‘lộc’ của vua. Trong một thể chế như thế thì không thể nào có khái niệm về ‘bất công’, bởi lẽ người cai trị có toàn quyền, và không ai có quyền khác biệt chính kiến hoặc phê bình về sự bất công của chính quyền đó. Chỉ có một đức tính duy nhất có giá trị: chữ trung! Quân xử thần tử; thần bất tử bất trung.


Công bình hay công lý xuất hiện khi con người ở trong xã hội thấy mình có quyền đặt một giới hạn cho người cai trị, nghĩa là khi người ta xác định điều gì chính quyền làm là không công bình! Và như thế quan niệm về công bình xã hội cũng thay đổi theo hình thức chính quyền của một xã hội nhất định. Hiện nay trên thế giới, người ta đều cho là ‘bất công’ nếu một chính quyền nào đó tùy tiện bắt bớ hay giam cầm một người, ngược đãi một người vì tôn giáo hay vì lời phát biểu của họ, tịch thu tài sản của người ấy hoặc cấm cản người ấy đi lại. Làm như thế là vi phạm quyền căn bản của con người. Tuy nhiên, xin lưu ý rằng điều gây bất công không phải là một chính quyền làm những việc đó, mà là làm một cách tùy tiện. Nhưng thế nào là ‘tùy tiện xâm phạm quyền con người’ thì được quan niệm khác nhau từ một xã hội này sang một xã hội khác. Cũng vì thế mà có nhiều quan điểm về ‘công bình xã hội.’


II. CÁC QUAN ĐIỂM VỀ CÔNG BÌNH XÃ HỘI.


Về công bình xã hội thì, trong lịch sử, có bốn quan điểm rõ rệt xuất phát từ bốn học thuyết khác nhau, đó là học thuyết Marx-Engels, học thuyết John Rawls, học thuyết Hòa Bình Xanh, và học thuyết Giáo Hội Công Giáo; đấy là chưa nói đến quan điểm của Friedrich Hayek, người phủ nhận hoàn toàn khái niệm ‘công bình xã hội’.


Marx và Engels đã nêu lên bất công xã hội ngay từ những dòng đầu tiên của tập ‘Tuyên Ngôn của Đảng Cộng Sản’ (The Communist Manifesto). Hai ông viết: “Lịch sử tất cả các xã hội cho đến ngày nay chỉ là lịch sử đấu tranh giai cấp. Người tự do và người nô lệ, quý tộc và bình dân, chúa đất và nông nô,…nói tóm lại, những kẻ áp bức và những người bị áp bức luôn luôn đối kháng với nhau.”[1] Từ đó, hai ông đi đến một khái niệm về ‘công bình xã hội’ triệt để, vượt qua chủ nghĩa tự do (liberalism), mà hai ông cho rằng chỉ một hình thức bất công khác của những người tư sản đối với người vô sản. Theo hai ông, công bình xã hội chỉ có thể thực hiện trong một xã hội không giai cấp, vì trong xã hội ấy không còn bất bình đẳng về tài sản cũng như quyền lực.


Phần John Rawls, ông quan niệm công bình xã hội dựa trên khế ước xã hội[2] mà Locke đã đề ra. Nối dài tư tưởng đạo lý (deontology) của Kant, ông nêu ra nguyên tắc cơ bản về công bình trong tập A Theory of Justice như sau: “Mỗi người đều có quyền bất khả xâm phạm dựa trên công lý, đến nỗi mà ngay cả lợi ích của xã hội cũng không thể tước bỏ nó được”. Vì lý do đó, “công lý không chấp nhận rằng việc một số người phải mất tự do lại được xem là điều công bình, vì những người khác sẽ hưởng được nhiều thiện ích hơn”[3] Và đối với ông, công lý chính là công bình, và ông đã nêu lên như một công thức: “Justice as Fairness.”


Tuy nhiên, trong xã hội, một nhân vật X có thể đại diện cộng đồng, thì đồng thời cũng là người được cộng đồng ủy nhiệm. Vì thế, người dân chấp nhận rằng người ủy nhiệm đó có thể thực hiện những biện pháp cứng rắn trong một số tình huống, và công bình xã hội đòi buộc người dân phải tôn trọng quyết định người mình ủy nhiệm.


Nhóm Hoà Bình Xanh thì xem công bình xã hội là một trong 4 cột trụ của học thuyết của họ. Công bình xã hội còn được gọi là ‘bình đẳng xã hội và thế giới và công bình kinh tế’. Nói như thế có nghĩa là công bình xã hội đuợc họ quan niệm ở tầm mức quốc tế, và quan niệm đó chống lại mọi khuynh huớng phân biệt giai cấp, giới tính, sắc tộc và văn hóa. Muốn có công bình xã hội, thì phải thiết lập những cơ chế trên bình diện quốc tế để ngăn cản những nước giàu không cho họ càng ngày càng giàu hơn bằng cách làm cho các nước nghèo càng ngày càng nghèo hơn.


Đấy là ba quan điểm nổi bật về công bình xã hội trong hai thế kỷ qua. Vậy quan điểm của Giáo Hội công giáo là thế nào?


III. QUAN ĐIỂM CỦA GIÁO HỘI CÔNG GIÁO.


Trước tiên, ta thấy rằng các quan điểm trên, tuy rất khác biệt nhau về cách nhận định thế nào là bất công xã hội, nhưng có một điểm chung, ấy là thập trung vào cơ chế; nghĩa là muốn có công bình xã hội phải thay đổi cơ chế, vì họ quan niệm rằng chính cái cơ chế đó đã tạo ra bất công.


Trong khi đó quan điểm của Giáo Hội khởi hành từ một cái nhìn hoàn toàn khác. Quan điểm này được nêu rõ trong Học Thuyết Xã Hội Công Giáo, mà năm 2004 được cô đọng một cách có hệ thống trong một tập sách nhỏ: Bản Tóm Lược Học thuyết Xã hội của Giáo hội Công Giáo. Gọi là tập sách nhỏ, nhưng bản Tóm Lược ấy cũng dày trên 700 trang, bởi vì không thể nào rút gọn tất cả những vấn đề của nhân loại trong vòng mươi trang được.


Trong học thuyết này có hai nguyên tắc liên quan trực tiếp đến công bình xã hội.


1. Sự sống và phẩm giá của con người:


Nguyên tắc nền tảng của học thuyết xã hội này, ấy là sự sống của một con người có một giá trị tuyệt đối, và từ đó họ có một giá trị vô cùng cao cả hơn so với mọi của cải vật chất. “Giáo hội nâng cao phẩm giá con người bằng cách củng cố cấu trúc của xã hội và đem đến cho hoạt động thường ngày của con người một ý nghĩa sâu xa hơn, đồng thời đưa vào hoạt động ấy một ý nghĩa cao vời nhất”[4].


2. Của cải thì thuộc về mọi người.


Nguyên tắc thứ hai, ấy là mọi của cải thế giới thuộc về toàn thể nhân loại chứ không phải là sở hữu của một người hay một nhóm người nào. Nguyên tắc này “đòi hỏi phải quan tâm đặc biệt đến người nghèo và người ở trong hoàn cảnh bị gạt ra bên lề và, nói chung, đến những người mà điều kiện sống kìm hãm không cho phát triển một cách đúng mức. Về điểm này, cần phải khẳng định lại hết sức mình sự ưu tiên chọn lựa người nghèo. Đấy là một sự chọn lựa, hay một thứ tự ưu tiên đặc biệt trong việc thực thi bác ái, được thể hiện trong suốt truyền thống Giáo Hội.”[5] Nói như thế, Giáo Hội không quan niệm phải ‘cào bằng’, nhưng công nhận quyền tư hữu với điều kiện là những người chủ sở hữu biết chia sẻ một cách công bình.


Nhìn công bình xã hội theo quan điểm đó sẽ dẫn đến những phương thức hành động độc đáo, mà truyền thống 2000 năm cho phép Giáo Hội nói rằng đó là những phương thức hiệu quả. Thật vậy, cũng nên nhắc lại rằng không phải vì Karl Marx hay John Rawls đề ra vấn đề công bình xã hội mà Giáo Hội mới nêu lên học thuyết xã hội của mình. Thực ra, thuật ngữ ‘công bình xã hội’ là do linh mục Dòng Tên Luigi Taparelli D’Azeglio đặt ra vào cuối thập niên 30 của thế kỷ XIX và được sử dụng thường xuyên vào đầu thập niên 40, trước khi anh thanh niên Karl Marx sang Paris rồi gặp Engels để cùng viết lên bản thảo Tuyên Ngôn của Đảng Cộng Sản năm 1848. Trước đó, từ năm 1840, Taparelli đã đưa ra cả một đường lối công giáo để giải quyết những vấn đề đang sục sôi quanh cuộc cách mạng công nghiệp vào tiền bán thế kỷ XIX.


a/ Thông điệp Tân Sự (Rerum Novarum)


Năm mươi năm sau, khi chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa cộng sản đối chọi nhau quyết liệt để tìm cách đem lại công bình trong xã hội con người, thì một học trò của Taparelli là Giáo Hoàng Lêô XIII đã ban hành thông điệp Tân Sự (Những sự việc mới - Rerum Novarum), ngày 15 - 05-1891. Qua thông điệp này, ngài đã phê phán cả chủ nghĩa tư bản lẫn chủ nghĩa cộng sản. Ngài phê phán chủ nghĩa tư bản vì “việc gom góp của cải trong tay của một số người trong công nghiệp và thương mại đã biến một số nhỏ trở thành giàu sụ và đầu sỏ tài chánh để hầu như áp đặt ách nô lệ lên lưng của tuyệt đại đa số quần chúng vô sản.”[6] Ngài phê phán chủ nghĩa cộng sản vì chủ nghĩa này đề ra rằng muốn có công bình xã hội thì phải quốc hữu hóa mọi phương tiện sản xuất và phủ nhận quyền tư hữu của cá nhân trong xã hội. Ngài viết: “điều này là một điều rất nặng nề, vì phương thuốc đề ra thì đi ngược lại với công bình, bởi lẽ quyền sở hữu tài sản riêng tư và cá nhân là một quyền tự nhiên của con người’.[7]


Thế thì phải làm gì để đem lại công bình xã hội? Muốn như thế thì phải hòa giải người giàu với người nghèo bằng cách nhắc lại cho cả hai giai cấp nhiệm vụ của họ đối với nhau, và trên hết là các nhiệm vụ xuất phát từ công bình. Bởi lẽ: “hai bên đều cần nhau: không có lao động thì không thể có tư bản, mà không có tư bản thì không thể có lao động”.[8] Muốn hòa giải thì cần đến sự đóng góp của cả Nhà Nước lẫn Giáo Hội. Nhiệm vụ của Nhà Nước là nâng cao công bình xã hội qua việc bảo vệ các quyền con người, và nhiệm vụ của Giáo Hội là nói về những vấn đề xã hội để dạy dỗ và xác định các nguyên tắc xã hội hầu bảo đảm sự hòa thuận giữa các giai cấp. “Vì thế, do chức năng của mình, Nhà Nước cần phải phục vụ quyền lợi chung… Rõ ràng là càng gia tăng các phúc lợi xuất phát từ việc quản lý của công, thì càng ít cần dùng đến những biện pháp khác để nâng cao điều kiện sống của người lao động.”[9]


Ngoài ra, đối với tín hữu công giáo, ai đã đủ những gì cần thiết thì có bổn phận chuyển những cái dư thừa đến cho người nghèo. “Đây là một bổn phận, không chỉ đơn thuần thuộc lãnh vực công bình (trừ những trường hợp ngoại lệ) nhưng thuộc lãnh vực bác ái Kitô giáo, do đó, đây là một bổn phận có thể vượt ra khỏi cái khung của pháp lý.”[10]


Về phần các nhà cầm quyền, “họ có đủ thẩm quyền để đem lại lợi ích cho mọi giai cấp, trong đó có lợi ích của người nghèo”.[11] Vì thế, “trong các nhiệm vụ quan trọng của nhà cầm quyền khi mưu tìm phúc lợi cho quần chúng, thì nhiệm vụ hàng đầu là chăm sóc công dân thuộc mọi giai cấp giống như nhau, bằng cách hành động theo luật công bình với nghĩa hẹp, đó là công bình phân phối”[12]. “Giai cấp giàu thì có nhiều cách để tự bảo vệ mình, nên ít cần đến Nhà Nước hơn; trái lại, giai cấp nghèo khó, vì thiếu phương tiện để tự bảo vệ, nên cần được Nhà Nước bảo vệ nhiều hơn.”[13]


b/ Thông điệp “Bốn Mươi Năm” (Quadragesimo Anno)


Đúng 40 năm sau, ngày 15-05-1931, Giáo Hoàng Piô XI ra thông điệp “Bốn Mươi Năm” để khẳng định lại những vấn đề mà thông điệp Tân Sự đã nêu ra, và càng ngày các vấn đề ấy càng trở nên trầm trọng.

Ngài nêu lên sự kiện sau: “Một giai cấp, thuộc thiểu số nhỏ, đang hưởng hầu hết cách phúc lợi mà những phát minh hiện đại đã cung cấp dồi dào; còn giai cấp kia, gồm vô số người lao động, bị kìm kẹp trong cái nghèo cùng cực, đang tìm cách thoát khỏi tình trạng mà họ đang bị cầm tù[14]…. Mỗi người phải được lãnh phần phúc lợi của mình, (nhưng) việc phân phối phúc lợi hiện nay đang được thực thi một cách xấu xa vì sự cách biệt giữa một số ít người giàu có dư thừa và vô số người không tài sản; việc phân phối đó cần phải xét lại và đặt cho đúng tiêu chuẩn của lợi ích chung, nghĩa là công bình xã

hội.[15]

Như vậy, ngoài công bình giao hoán (commutative justice) và công bình phân phối (distributive justice) thông điệp này còn đòi hỏi công bình pháp luật (legal justice), mà ta gọi ngắn gọn là công lý. Liên quan đến công bình xã hội, học thuyết Giáo Hội nhấn mạnh như sau: Huấn Quyền về xã hội nhắc nhở rằng cần phải tôn trọng những hình thức công bình cổ điển, ấy là công bình giao hoán, công bình phân phối và công bình pháp luật. Trong số đó công bình xã hội ngày càng có chỗ đứng quan trọng hơn; đó là cách khai triển công lý nói chung một cách đúng đắn, qua việc điều hòa các tương quan xã hội dựa trên tiêu chuẩn tuân giữ pháp luật. Công bình xã hội, - một đòi hỏi gắn liền với vấn đề xã hội, mà hiện nay thể hiện ở tầm cỡ thế giới - liên quan đến các lãnh vực xã hội, chính trị và kinh tế, và nhất là liên quan đến cấu trúc làm nảy sinh các vấn đề và các giải pháp gắn liền với chúng.[16]


IV. CÔNG BÌNH XÃ HỘI TRÊN BÌNH DIỆN QUỐC TẾ.


Một nhận định đã trở thành quen thuộc: ấy là nền kinh tế theo cách điều hành hiện nay thì sẽ làm cho các nước giàu càng giàu hơn, và các nước nghèo càng nghèo hơn.


Số thống kê của OECD năm 2000 đã cho biết như sau về các năm 1950, 1973 và 1998:


Thu nhập bình quân đầu người của 83 nước đang phát triển lần lượt là 811, 1.420 và 2.730 USD; trong khi đó thu nhập bình quân đầu người của 21 nước giàu thì lần lượt là 5,668, 13.152 và 21.480 USD. Như thế sự sai biệt giữa một người ở nước đang phát triển và ở một nước giàu lần lượt là 4.875, 11.733 và 18.767; nghĩa là trong vòng 50 năm, con số sai biệt tăng lên gấp 4 lần.[17]


Bản báo cáo State of the Future, do Hội Đồng Hoa Kỳ của Đại Học Liên Hiệp Quốc phổ biến, cho biết rằng trong năm 2007: 2% người giàu nhất làm chủ 50% tài sản thế giới, trong khi đó 50% người nghèo nhất chỉ có được 1%; và thu nhập của 225 người giàu nhất thì bằng thu nhập của 2,7 tỉ người nghèo nhất (hay 40% dân số thế giới).[18]


Đối với vấn đề này, học thuyết xã hội của Giáo Hội nêu lên như sau: Quá trình toàn cầu hóa hiện nay đòi hỏi các tổ chức dân sự phải ý thức nhiều hơn về các bổn phận mới đối với toàn thể thế giới. Cần phải có những hành động kiên quyết để có thể đồng thời làm tăng trưởng kinh tế tài chánh trên thế giới mà vẫn bảo đảm được việc tôn trọng quyền của con người, cũng như phân chia phải lẽ các nguồn lợi, bên trong một nước và giữa các nước với nhau; bởi vì “Tự do trao đổi chỉ đúng đắn khi nào đáp ứng được những đòi hỏi của công bình xã hội”.[19]


Nói cách khác, mọi cơ chế từ quốc gia đến quốc tế đều phải nhằm gia tăng kinh tế như một phương tiện để phục vụ con người. Nếu người ta bỏ qua công bình xã hội, nghĩa là hy sinh con người vì lợi nhuận, thì xã hội này sẽ đi vào con đường lâm nguy, bởi lẽ người ta đã hy sinh mục đích để củng cố phương tiện.

V. CÔNG BÌNH XÃ HỘI TẠI VIỆT NAM


Công bình xã hội là điều mà truyền thống Việt Nam nâng lên thành một ‘đạo’, như trong câu nói đã biến thành tục ngữ: “Công bằng là đạo người ta ở đời.” Nhà Nước Việt Nam hiện nay cũng ưu tư về vấn đề này nên đề ra chủ trương: Thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước và từng chính sách phát triển. [20]


Từ nhận định này, thử nhìn lại một số thực trạng trên đất nước.


Kinh Tế - Xã Hội.


Ngày 11-09-2006, ông Lê Anh Sơn, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Phát triển, đã phát biểu như sau tại buổi họp báo trong khuôn khổ diễn đàn của Ủy ban Kinh tế APEC:


“Lấy hệ số bất bình đẳng làm trục tung, tăng trưởng kinh tế làm trục hoành thì VN có mức tăng trưởng cao và công bình xã hội tốt nhất APEC”[21]. Nhận định của ông đặt cơ sở trên số liệu. Nhưng những con số cũng có thể đánh lừa mình! Việt Nam có thể tự hào vì mức tăng trưởng kinh tế khoảng 8% và thu nhập bình quân đầu người năm 2006 đã lên đến trên dưới 700UDS…[22


Tuy nhiên nếu nhìn theo một khía cạnh khác thì lời phấn khởi trên lại làm cho ta lo ngại. Trong kỳ họp APEC, số liệu về thu nhập bình quân đầu người của 21 nước thành viên nêu lên nước cao nhất là Hoa Kỳ với 41.800 USD và nước thấp nhất là Việt Nam với 620 USD.[23] Với tốc độ tăng trưởng 8% so với Hoa Kỳ chỉ tăng trưởng 3,1%, thì Việt Nam cảm thấy hài lòng; mà không để ý là 8% và 3% của bao nhiêu. Và mục tiêu nhắm đến là thu nhập 875 USD vào năm 2010.


Nhưng thử làm một con tính. Vào năm 2010, khi Việt Nam đạt được 875 USD nhờ tốc độ phát triển đều đặn là 8%; thì với tốc độ 3%, Hoa Kỳ sẽ đạt 47.046 UDS. Nghĩa là trong khi người Việt Nam tăng được 230 USD thì người Mỹ tăng 5.346 USD.


Muốn đạt số thu nhập phụ trội đó (5.346) của Hoa Kỳ thì Việt Nam phải giữ tốc độ tăng trường 8% liên tục trong 19 năm nữa kể từ 2010, nghĩa là vào năm 2029 thì người dân Việt Nam mới có thu nhập là 5200 USD. Trong khi đó, với tốc độ 3% thì bấy giờ người dân Mỹ đã lãnh đến 82.500 USD.


25 năm nữa, thế hệ con em sẽ có hai cái nhìn trái ngược nhau: Một là tự hào tuyên bố rằng sau bao nhiêu năm giữ vững tốc độ tăng trưởng vào hàng đầu thế giới thì thu nhập của người Mỹ chỉ còn gấp 15 lần thu nhập người Việt (82.500/5.200), trong khi đó, 25 năm về trước, người Mỹ thu nhập cao hơn người Việt đến 67 lần (41.800/620). Hai là đau đớn thấy rằng 25 năm về trước thu nhập của người VN kém người Mỹ 41.000 USD mỗi năm, thế mà 25 năm sau người Việt kém người Mỹ đến 77.200 USD. Và tùy theo cách nhìn mà thế hệ con em sẽ ca ngợi hay trách móc thế hệ cha anh mình.

 

Ngay cả con số 700 USD bình quân đầu người cũng phải nhìn lại theo quan điểm công bình xã hội, để không bỏ qua cái thực trạng là thu nhập của người dân nghèo chỉ có 200 USD. Đối với giới công nhân lao động, thu nhập hàng tháng dưới 800.000 đồng, có khi xuống đến 500.000 đồng. Đối với một số nông thôn nghèo, thì có nơi giá một ngày công là 2.000 đồng, nghĩa là người lao động thu nhập dưới 60.000 đồng/tháng; trái lại, những người ‘ngồi mát ăn bát vàng’ thì xem 7 - 8 triệu hàng tháng là chuyện bình thường. Đấy là chưa kể đến số người thu nhập bất chính hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỉ, mà số này thì không ai có thể thống kê được.


Y Tế - Giáo dục.


Y tế và Giáo dục là hai vấn nạn thật lớn liên quan đến từng gia đình trong xã hội Việt Nam và đó là cũng ưu tư lớn nhất của mọi người khi nói đến công bình xã hội. Trong thời bao cấp, nhiều trì trệ về kinh tế xảy ra, chất lượng về chữa trị và giáo dục có thể yếu kém vì thiếu người, thiếu phương tiện, thế nhưng ít ra sự bất công không nổi lên rõ nét. Người giàu và người nghèo đều được đối xử như nhau, nghĩa là người có khả năng trang trải chi phí y tế hay giáo dục cũng không chi trả bao nhiêu, mặc cho Nhà Nước gánh hết. Đây hẳn cũng là một sự bất công của xã hội, vì nếu công bình xã hội không có nghĩa là thu nhập quốc dân được chia bằng cho nhau thì nó cũng không có nghĩa là mọi người phải chi trả hoặc hưởng phúc lợi xã hội bằng như nhau.


Tuy nhiên, cái bất công ấy lồ lộ ra cùng với sự thâm nhập của kinh tế thị trường. Kể từ đấy, Y tế và Giáo Dục trở thành nơi cung cấp hàng hóa dưới dạng dịch vụ. Không phải hiếm thấy cảnh một người vào bệnh viện cần phải giải phẫu nhưng chỉ có thể lên bàn mổ khi bác sĩ cầm được trong tay biên nhận đã đóng tiền xong. Có những trường hợp mà vì không thể chạy ra tiền, một gia đình nghèo đành phải để cho thân nhân mình mang thương tật suốt đời, thậm chí phải chết đi.


Người ta bảo mọi người đều bình đẳng trước cái chết, nhưng khi công việc chữa trị đã trở thành một dịch vụ, thì trước cái chết con người cũng không còn bình đẳng nữa. Giàu thì sống, nghèo thì chết! Ấy là chưa nói đến những người ở vùng sâu vùng xa, không có tiền nong đi đến bệnh viện mà chữa trị, nên đành phải chết chỉ vì nghèo. Điều nghịch lý, ấy sự bất công này lại xảy ra chính khi Nhà Nước muốn thực thi công bình xã hội, bằng cách xã hội hóa y tế và giáo dục. Y tế cần phải có một hiệu quả, không thể làm qua loa lấy có được. Không thể nào chữa bệnh nửa chừng, và điều này cần phải có tiền, mà ngân sách Nhà Nước thì không thể trang trải hết được.


Tuy Nhà Nước có chính sách cấp thẻ khám bệnh miễn phí cho những đối tượng nghèo, nhưng thực tế cho thấy rằng người cầm tấm thẻ ấy không được đối xử bình đẳng với một người đã đóng tiền, cả về nhân phẩm cũng như số lượng và chất lượng thuốc men. Đó là chưa kể tình trạng quan liêu ở nhiều nơi, khiến cho người có khả năng chi trả thì nhận được thẻ khám bệnh miễn phí, còn người thật sự nghèo thì không được cấp phát. Trước tình trạng đó, nhiều đoàn y bác sĩ đã tổ chức đến vùng sâu vùng xa để khám bệnh và phát thuốc, nhưng hiệu quả thì không cao, vì phương tiện và thời gian không cho phép họ can thiệp vào những bệnh đòi hỏi kỹ thuật cao hoặc thuốc men đắt tiền…


Trong lãnh vực giáo dục, thời gian vừa qua việc xã hội hóa học đường và việc tăng học phí cấp Đại Học đã gây nên cuộc tranh cãi về công bình xã hội đối với quyền được học hành. Để bảo vệ cho việc tăng học phí, những người có trách nhiệm nêu lên rằng ở Việt Nam, dù đã dành 18% ngân sách cho giáo dục, thì cũng không thể nào bảo đảm chất lượng giáo dục, khi phương tiện vật chất thiếu thốn và lương bổng giáo viên không đủ cho họ an tâm dạy học. Thế nhưng ngay cả khi một con em tại thành phố học tại một trường công lập, chứ không phải là trường tư, thì chi phí bình quân mà cha mẹ phải trang trải cho con mình mỗi tháng không dưới 400.000đ, gồm các món tiền cho cơ sở vật chất, học thêm tại trường hay tại nhà thầy cô, các sinh hoạt ngoại khóa…


Một thực tế khác, ấy là ngân quỹ Nhà Nước tập trung vào một số trường điểm, để thay vì cung cấp cho học sinh nghèo một phương tiện bình đẳng mà học tập, thì đấy chính lại là nơi mà con em nhà giàu mới có thể vào được! Vấn đề công bình xã hội vẫn còn đặt ra, khi mà không biết bao nhiêu em phải bỏ học, trong một nền giáo dục được xem là cưỡng bách và miễn phí. Quả như vậy, bởi vì thống kê Bộ Giáo Dục và Đào Tạo cho thấy rằng năm 2000, trên toàn quốc có 17.806.158 em học sinh, thì năm 2007 còn 16.371.049 em, trong khi dân số gia tăng từ 77.685.500 lên 84.158.800 người[24] và trường học cũng tăng từ 23.960 lên 27.595 trường.[25]


- Quyền con người.


Nói đến công bình xã hội, thì không thể không nói đến những quyền bất khả xâm phạm mà tất cả nhân loại đều công nhận.


Ngày 04-07-1776, tại Hoa Kỳ, bản Tuyên Ngôn Độc Lập (Declaration of Independence) khẳng định: Chúng tôi xem những chân lý này là hiển nhiên, ấy là mọi người được tạo dựng bình đẳng, rằng họ được Đấng Tạo Dựng ban cho họ một số quyền bất khả xâm phạm, trong đó có quyền Sống, quyền Tự Do và quyền theo đuổi Hạnh Phúc.


Ngày 26-08-1789, tại Pháp, bản Tuyên Ngôn Về Quyền Của Con Người Và Của Công Dân (Déclaration des droits de l’homme et du citoyen) cũng lặp lại ý đó với những từ ngữ khác: Con người có quyền sinh ra và sống tự do và bình đẳng… Mục đích của mọi hiệp hội chính trị là bảo vệ các quyền tự nhiên và bất khả xâm phạm của con người. Những quyền ấy gồm quyền tự do, quyền tư hữu, quyền an ninh, và quyền chống lại áp bức.


Ngày 02-09-1945, tại Việt Nam, Bản Tuyên Ngôn Độc Lập cũng mở đầu bằng những lời trong Tuyên Ngôn của Mỹ.


Nhưng quyền tự do ở đây không chỉ là tự do chính trị, theo nghĩa là không bị một dân tộc nào khác thống trị, mà còn là tự do theo nghĩa rộng nhất, được John Rawls tóm lược như sau:


Tự do tư tưởng - Tự do lương tâm để chọn một tôn giáo, một triết thuyết, một luân lý - Tự do về chính trị (ví dụ: tự do ngôn luận và tự do báo chí, tự do hội họp) - Tự do tổ chức hiệp hội - Tự do cần thiết để giữ toàn vẹn con người mình (nghĩa là tự do khỏi ách nô lệ, tự do đi lại và tự do chọn nghề nghiệp cho mình) - Quyền và tự do được luật pháp bảo vệ.


Tất cả những quyền tự do này, Việt Nam đều công nhận trong Hiến Pháp, tuy nhiên cách hiểu về thuật ngữ ‘tự do’ thì không đồng nhất giữa Việt Nam và các nơi trên thế giới.


Ví dụ về tự do lương tâm:


Ngày 11 tháng 3 năm 2004, ông Lê Dũng, người phát ngôn bộ Ngoại Giao, đã trả lời một phóng viên như sau: Là một dân tộc đã trải qua đấu tranh gian khổ để giành những quyền tự do cơ bản nhất của con người là được sống trong độc lập, tự do; hơn ai hết, nhân dân Việt Nam hiểu rõ giá trị của quyền con người. Ở Việt Nam, các quyền công dân được ghi nhận trong Hiến pháp và được tôn trọng trên thực tế.[26]

Ngày 07-11-2006, Việt Nam được chính thức gia nhập WTO; ngày 09-12, Thượng viện Mỹ đã thông qua dự luật Quan hệ thương mại bình thường vĩnh viễn (PNTR); và trước đó, ngày 14-09, Quốc hội Mỹ đã đưa Việt Nam ra khỏi danh sách nước cần được đặc biệt quan tâm (CPC) do vi phạm tự do tôn giáo.


Ngày 17-03-2007, Đức ông Pietro Parolin, Thứ trưởng Ngoại giao Tòa Thánh, trưởng phái đoàn Toà Thánh đến Việt Nam từ 5 đến 11 tháng 3, đã phát biểu như sau, khi Radio Vatican phỏng vấn ngài về tình trạng tự do tôn giáo tại Việt Nam:


Tôi nghĩ rằng thông tri của Văn Phòng Báo Chí Tòa Thánh, phát hành sau khi Thủ Tướng viếng thăm Vatican, đã phản ánh đúng đắn tình trạng tự do tôn giáo tại Việt Nam. Thông tri đó nói đến ‘những không gian đã mở ra’ và tôi có thể bảo đảm rằng, dựa trên chứng từ các giám mục, một số vấn đề đã được giải quyết và một số khác đang được giải quyết.. [27]


Thế nhưng, ngày 08-03-2007, Văn phòng Cao ủy LHQ về Quyền Con Người (UN HRC) phổ biến tờ trình của Liên Đoàn Quốc Tế về Quyền Con Người (FIDH: Fédération Internationale des Ligues des Droits de l’Homme). Tờ trình này khởi đầu bằng câu:


“FIDH... lưu ý Hội Đồng Nhân Quyền về những vi phạm lặp đi lặp lại đối với quyền tự do ngôn luận và tôn giáo của Nước Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam.”[28]


Và ngày 18-09-2007, Hạ viện Hoa Kỳ đã thông qua Dự Luật Nhân Quyền đối với Việt Nam (gọi là Dự luật HR 3096), với 414 phiếu thuận so với 3 phiếu chống. Và thông qua dự luật này là một cách gián tiếp nói rằng Việt Nam chưa tôn trọng quyền tự do lương tâm của người dân mình một cách đúng mức.


Trên những lãnh vực khác thì cũng có hai mặt như thế: về tự do ngôn luận thì báo chí đã nêu lên nhiều hành vi tiêu cực lên đến tận cấp trung ương, và phê bình thẳng thắn những hạn chế trong nhiều lãnh vực nhạy cảm. Thế nhưng, cho đến nay, tất cả mọi cơ quan ngôn luận đều trực tiếp hay giáng tiếp thuộc về chính quyền, mà không có một tờ báo nào do tư nhân đứng ra làm chủ, ngoại trừ một vài tờ thông tin nội bộ như tờ Hiệp Thông của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam. Về quyền và tự do được pháp luật bảo vệ, thì bao nhiêu vụ án đã được xử để bảo vệ quyền dân sự cho người dân, thậm chí xử phạt những vụ tham nhũng lên đến cấp thứ trưởng; thế nhưng cũng còn bao nhiêu vụ tồn đọng khắp các tỉnh thành mà không biết đến bao giờ mới giải quyết. Về quyền tự do thiết lập hiệp hội thì đến bây giờ chỉ có những hiệp hội trực thuộc Đảng hay Nhà Nước mới có tư cách pháp nhân, còn những hội khác, ngay cả Hội Thánh Công Giáo Việt Nam, thì cũng không có tư cách pháp nhân để góp phần tích cực vào chương trình xây dựng công bình xã hội.


VI. KẾT LUẬN.


Trước những vấn đề đáng ưu tư trên, hẳn các lãnh đạo quốc gia đã hay đang tìm một giải pháp thỏa đáng để thiết lập công bình xã hội theo hướng kinh tế, chính trị, luật pháp… Đây là vấn đề đòi hỏi sự nghiên cứu tường tận của các chuyên viên.


Đối với công cuộc này, Giáo Hội nhắn nhủ: Các chuyên viên khoa học kinh tế, những người làm kinh tế và những nhà lãnh đạo chính trị cần phải cấp bách nhìn lại nền kinh tế, bằng cách xem xét, một mặt, cái nghèo vật chất bi đát của hàng tỉ người, và mặt khác, sự kiện là ‘các cơ chế kinh tế, xã hội và văn hóa hôm nay khó mà quan tâm đến những đòi hỏi của một sự phát triển chân chính’. Những đòi hỏi của một sự phát triển kinh tế chân chính cần phải được dung hòa nhiều hơn với những đòi hỏi của chính trị và của công bình xã hội. [29]


Những lãnh vực đó vượt ra ngoài giới hạn học thuyết của một tôn giáo. Tuy nhiên, học thuyết xã hội của Giáo Hội công giáo cũng có đề ra một hướng giải quyết, ấy là công bình xã hội phải được đặt trong một nền văn minh mới, một nền văn minh mà người công dân công giáo có bổn phận góp phần xây dựng. Giáo Hội gọi là nền văn minh ấy là nền Văn Minh Tình Yêu:


“Tình yêu phải hiện diện trong mọi tương quan xã hội và thấm nhuần chúng. Đặc biệt, những ai có bổn phận phục vụ lợi ích nhân dân cần phải chuyên cần nuôi dưỡng trong bản thân mình và làm nảy sinh trong người khác, từ người cao trọng nhất đến người thấp hèn nhất, lòng bác ái, nữ hoàng và chủ nhân của mọi đức hạnh khác… Tình yêu đó có thể gọi là ‘bác ái xã hội’ hay ‘bác ái chính trị’ và phải được thông truyền đến toàn thể nhân loại. “Tình yêu xã hội’ là đối cực của chủ nghĩa ích kỷ và chủ nghĩa cá nhân.” [30]


Và cũng vì thế mà Đức Piô XI, qua thông điệp Bốn Mươi Năm, xem công bình xã hội vừa là một đức hạnh cá nhân vừa là một nền tảng cho trật tự xã hội: xã hội chỉ có thể công bình ngày nào các cá nhân và thể chế trở nên công chính mà thôi.



 

--------------------------------------------------------------------------------

[1] Tuyên Ngôn của Đảng Cộng Sản; C. Mác - Ph. Ăng-ghen.; NXB Sự Thật, 1976, tr. 42

[2] Khế ước xã hội hay hợp đồng xã hội là cụm từ tôi dùng để dịch social contract hay contrat social, một thuật ngữ của Jean Jacques Rousseau từ trước đến nay được dịch là Xã Ước.

[3] A Theory of Justice; John Rawls: Harvard University Press, 1971

[4] Compendium of the Doctrine of the Church, # 51

[5] Compendium of the Doctrine of the Church, # 182

[6] Rerum Novarum # 3

[7] Rerum Novarum; # 6

[8] Rerum Novarum # 19

[9] ibid # 32

[10] ibid # 21

[11] ibid #32

[12] ibid # 33

[13] ibid # 37

[14] Quadragesimo Anno # 3

[15] ibid. # 58

[16] Compendium of the Social Doctrine… # 201

[17] L'Économie mondiale : une perspective millénaire; Angus Maddison, OCDE tr. 166

[18] 2007 State Of The Future Report: World Faces Bright Future - New Heaven New Earth, số 13 tháng 09 - http://www.nhne.org/news/

[19] Compendium of the Social Doctrine #366

[20] Nghị quyết Đại Hội X của Đảng CSVN. Chương IV Phần A Đoạn 1

[21] VNN Tuesday, April 3, 2007 - http://my.opera.com/xahoihoc/blog/show.dml/881698

[22] Số liệu về thu nhập bình quân đầu người năm 2006 được ghi nhận khác nhau trong các văn bản. Số ấy dao động từ 620 USD/năm đến 750 USD/năm.

[23] Phòng Thương Mại và Công Nghiệp Việt Nam (VCCI), bản tin ngày 14-11-2006.

[24] Cục Thống Kê - Dân số và Lao Động - http://www.gso.gov.vn/default.aspx?tabid=387&idmid=3&ItemID=6156

[25] Sở Giáo Dục và Đào Tạo - Thống kê - http://www.moet.gov.vn/?page=11.10&view=9264

[26] Ministry of Foreign Affairs - http://www.mofa.gov.vn/vi/tt_baochi/pbnfn/ns040818152525154

[27] Zenit, March 26, 2007 - http://www.zenit.org/article-15039?l=french

[28] A/HRC/4/NGO/106 - 08/03/2007: Situation des Droits de l’Homme au Vietnam.

[29] Compendium of the Social Doctrine # 564

[30] ibid. # 581

Trần Duy Nhiên

Mục lục

 

 

 

 TÂM SỰ VỚI NGƯỜI ĐÃ KHUẤT…

 

Sau khi chiếc quan tài của bạn lạnh lùng được hạ sâu xuống lòng đất xong, mọi người ra về mà lòng không khỏi bùi ngùi, xót xa và thương tiếc. Bởi đó là cuộc chia tay vĩnh viễn, để không bao giờ có thể nhìn thấy bạn nữa !…

 

 Chúng tôi không thể hiểu được tại sao ngày hôm trước mới gặp nhau nhưng rồi ngày hôm sau bạn đã âm thầm lặng lẽ ra đi. Hình ảnh đau xót nhất có lẽ là khi chúng tôi phải chứng kiến cảnh tượng bạn nằm đó mà nghìn trùng xa cách… 

 

Xưa nay mọi người vẫn thường tự hỏi “Không lẽ kiếp người lại bi đát đến thế sao ?”. Vâng, sự ra đi của bạn hiển nhiên là một quy luật bất di bất dịch của kiếp nhân sinh. “Sinh, bệnh, lão, tử ”.

 

Nhưng hôm nay chính sự ra đi của bạn đã phục sinh tâm trạng và ý nghĩ của chúng tôi - những người còn “lang thang cõi trần” – về định mệnh của mình.

 

Bạn ra đi nhưng bạn vẫn còn đó. Chúng tôi tin như  thế. Bạn nhắm mắt xuôi tay nhưng đó không phải là sự khép lại của cuộc sống, mà chính là sự chấm dứt của hữu hạn để mở ra vô hạn. Cái chết được nhìn nhận như một bản lề của cuộc sống. Sự im lặng của bạn chính là sự thăng hoa đã đạt đến tột đỉnh. Bạn đã về nhà Cha, ở chốn cao hơn, xa hơn…

 

Chúng tôi chạnh lòng nghĩ đến một nghịch lý này, đó là trong khi chúng tôi đang than khóc, tiếc nuối cho bạn thì bạn lại đang thương xót cho chúng tôi. “Sinh ký tử quy ”, bạn đã đến được chỗ phải đến, đã kết thúc cuộc hành trình “Một cõi đi về ”. Ngày hôm nay, sở dĩ bạn  im lặng là vì cuộc sống và con người của bạn đã biến đổi. Bạn đã vượt qua không gian và thời gian để đi vào thực tại mênh mông diệu vợi của vĩnh cửu, của vô tận.

 Bạn đang cao hơn, xa hơn…là chúng tôi tưởng !

 

 Chính vì bạn cao hơn, xa hơn, kỳ diệu hơn nên chúng ta không thể “nói với nhau” bằng những cách thông thường. Nhưng bạn vẫn có “tín hiệu” đấy chứ ? Trong im lặng thẳm sâu của lòng mình, chúng tôi đã nghe được “tín hiệu” của bạn. Bạn không còn sử dụng những hoạt động bình thường như nói, nghe, suy nghĩ, cười, khóc…nữa mà duy nhất giữa chúng ta hiện hữu một sự “giao cảm” đặc biệt. Đó cũng là một sự “thông hiệp” kỳ diệu, gần gũi và sâu xa vô cùng.

 

Trong sự thông hiệp này, điều cần thiết và quan trọng là chúng tôi không “nói” gì mà trái lại cần “nghe” bạn nhiều hơn. Lý do chính là vì bạn đã quá hiểu cuộc sống này rồi. Phần chúng tôi, chúng tôi hoàn toàn chưa có một chút kinh nghiệm nào về cuộc-sống-sau–cái-chết cả !

 

Bởi vậy, bắt được “tín hiệu” của bạn để “nghe” bạn “nói”, quả thực, là một điều hấp dẫn và thú vị vô cùng. Vì bạn là một Kitô hữu đích thực nên chúng tôi tin rằng bạn đang hiện hữu và hiện diện như Đức Kitô, bởi vì bạn đã ở trong Ngài, đã thuộc về Ngài . Mà Đức Kitô thì hằng sống. Vậy bạn cũng đang sống và hoạt động với Ngài, trong Ngài.

 

Thông điệp của bạn không gì khác hơn là sứ điệp của Đấng Phục Sinh và của Thiên Chúa.

 

Bạn sẽ nhắc bảo chúng tôi rằng “Về Thiên Chúa chỉ có một điều cần và đủ để nói, đó là YÊU THƯƠNG ”. Bí mật của Thiên Chúa mà bạn muốn thông chia cho chúng tôi cũng là lời mạc khải của thánh Gioan : “Thiên Chúa là Tình Yêu”(Deus Caritas est ).

 

Thật là đơn giản nhưng chắc chắn bạn đang hạnh phúc tràn đầy với  “thực tại đơn giản” ấy. Hiện tại, chúng tôi chỉ có thể chạm vào sự thật đơn giản ấy bằng lòng tin yêu và hy vọng, còn bạn, bạn đã “chiếm” được rồi. Thiên Chúa như thế nào, bạn đã “xem thấy” như vậy.

 

Đôi lúc, vì còn trong thân xác, nên chúng tôi không hiểu rằng sở dĩ bạn “im lặng”, có khi đến lạnh lùng, chỉ vì bạn đã ở trong cõi vĩnh hằng của Thiên Chúa. Bạn vô hạn còn chúng tôi hữu hạn. Bạn tuyệt đối còn chúng tôi tương đối. Bạn bất tử còn chúng tôi đang hành trình vượt qua.

 

Hiện tại, khoảng cách giữa bạn và chúng tôi, xa mà gần, gần mà xa. Nhưng có một điều chắc chắn là bạn đang hút chúng tôi về với bạn. Bởi vì bạn muốn chúng tôi cùng chia sẻ hạnh phúc vĩnh cửu với bạn. “Phúc cho những ai đã chết, mà chết trong Chúa” (Kh 14,13)./.  

 

 * Aug. Trần Cao Khải  - GX TMT (Tp HCM)

 

Mục lục

TÌNH YÊU – HÔN NHÂN – GIA ĐÌNH

BỔN PHẬN LÀM CON CÁI

 

Tháng 11 là tháng được Giáo hội chọn để cầu cho tổ tiên ông bà, cha mẹ còn sống cũng như đã mất. Trong cuộc sống có những khi vì miếng cơm manh áo, vì nhu cầu cuộc sống mà đôi lúc chúng ta quên đi nguồn gốc của mình “ăn quả nhớ kẻ trồng cây” hay “uống nước nhớ nguồn…””Vì ai mà có ta ?“.. là những câu ca dao tục ngữ mà chúng ta đã từng được nghe và phải sống như thế nào trong bổn phận làm con cái. Cùng hợp ý chọn của Giáo hội, xin gởi đến quý vị bài viết như một sự chia sẻ của tác giả Trầm Thiên Thu

 

Kinh Phật dạy: “Tột cùng của THIỆN, không gì hơn HIẾU. Tột cùng của ÁC, không gì hơn BẤT HIẾU.” Còn Kinh Thánh dạy: “Phải thảo kính Cha Mẹ”. Vật gì thì cũng phải có xuất xứ, có chủ. Chim có tổ, người có tông. Cha mẹ có gì cũng là người sinh thành, dù cho không dưỡng. Vì thế, đã là ĐẠO con người thì phải biết ĐẠO làm con, đừng bao giờ để các ngài phiền muộn, và phải biết tạo niềm vui khi các ngài ở tuổi xế bóng, vì người già thường cảm thấy cô độc. Chúng ta có thể tóm gọn trong 2 điểm.

 

 1. Quan tâm – An ủi

 

Biết quan tâm cha mẹ là một phương diện của “hiếu thảo”. Quan tâm bằng cách hỏi han, quà cáp, chăm sóc, dù chỉ là những động thái rất đơn giản. Có quan tâm, con cái mới biết được cha mẹ đang vui hay buồn, nếu có uẩn khúc thì cũng tìm hướng giải quyết. Thời điểm thuận tiện là lúc cha mẹ đang ngồi một mình, hãy đến gần để “thủ thỉ”. Nên nhớ, dù đã trưởng thành, con vẫn là con, vẫn là đứa trẻ trước mặt cha mẹ. Vả lại, khi gần gủi, cha mẹ rất hạnh phúc vì được con cái quan tâm, không cảm thấy bị lạc lỏng.

 

 2. Chịu đựng

 

 Cuộc sống nhiêu khê và vất vả nên dễ làm con người bực tức. Có thể bị la mắng dù chúng ta không “quá đáng” khiến  cha mẹ buồn lòng. Đừng vội “phản ứng” mà hãy giữ thái độ đúng đắn của cương vị làm con. Tuyệt đối tránh thái độ bất kính, vẫn ngoan ngoãn làm việc để chứng tỏ “đạo làm con”. Đợi khi thuận tiện, nhẹ nhàng phân tích để cha mẹ hiểu. Tốt nhất là nói vào lúc cha mẹ vui vẻ để tránh sự hiểu lầm. Tục ngữ đã có luật tuyệt vời: “Im lặng là vàng”.

 

3. Trọng tài

 

 Ai cũng có lúc “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt”. Cha mẹ chúng ta cũng không ngoài quy luật thường tình đó. Khi “chiến tranh” xảy ra giữa cha mẹ, con cái có trách nhiệm quan yếu là làm “nhịp cầu”, làm “trọng tài” để giải hòa. Đã làm trọng tài thì không được thiên vị. Có thể mua một món quà cho mẹ dịp sinh nhật nhưng nói của cha tặng và ngược lại, hoặc tổ chức một bửa tiệc để thiết lập bình thường hóa quan hệ sau những ngày “cấm vận tình cảm”.

 

Công lao cha mẹ rất cao dầy, không gì sánh kịp và đền đáp, dù con cái có làm đủ “nhị thập tứ hiếu”… Như vậy, tùy theo tuổi và điều kiện mà tích cực sống sao cho cha mẹ vui lòng. Nếu lở sai lỗi, hãy xin lỗi càng sớm càng tốt, vì lời xin lỗi muộn màng thì không còn giá trị cao bằng lời xin lỗi đúng hoặc kịp lúc.

Cha mẹ nào cũng luôn yêu thương và hãnh diện về con cái. Dù bạn đã từng sai trái với các ngài, thậm chí là hắt hủi, nhưng chỉ cần bạn biết nhận lỗi thì cha mẹ tha thứ ngay. Tuyệt vời làm sao tình cha nghĩa mẹ! Anh chị em với nhau mà không biết nhường nhịn, đó là làm khổ chính các đấng sinh thành. Các ngài không cần con cái đáp đền công lao-gọi là báo hiếu-mà chỉ cần con cái thành nhân, trước khi thành tài. Nếu còn nhỏ, con cái hãy đáp đền chữ hiếu bằng cách học tập chăm chỉ. Nếu đã trưởng thành, hãy phụng dưỡng cha mẹ cho phải đạo, đừng ỷ lại vào đồng tiền mình làm ra mà gây phiền lòng cha mẹ.

 

Có người dùng từ FAMILY để diễn tả câu nói con cái dành cho cha mẹ là: “Father And Mother, I Love You!” Thật là ý nghĩa! Tưởng cũng rất cần thiết để những ai đã, đang và sẽ làm con cái suy ngẫm về câu nói:

 

 Cha mẹ nuôi con biển trời lai láng.

Con nuôi cha mẹ tính tháng tính ngày.

 

 Cố gắng trân quý những gì mình đang có! Thiếu cha, vắng mẹ thì khổ lắm! Không ít người đã phải hối hận vì lỡ cư xử bất hiếu với cha mẹ nhưng đã quá muộn. Vì: “Cha mẹ đâu dễ ở đời với ta.”

 

 

 Trầm Thiên Thu

 

Mục lục

RAU RĂM Ở LẠI

 

Trong những ngày tháng qua, cả nước đón nhận một tin rất buồn, đó là tai nạn sập cầu Cần Thơ khiến 129 người gặp nạn, trong đó có hàng chục người chết. nỗi đau lớn đang được cộng đồng chia sẻ, nhưng một điều chắc ai cũng biết : nỗi đau mất người thân của những người dân chẳng ai có thể hiểu hết và chẳng có gì có thể bù đắp được, nhất là khi tai nạn đến quá bất ngờ. Nhân sự việc đau lòng này xảy ra, trang gia đình xin nói về việc đón nhận chung sự mất mát người thân của người ở lại.

 

Tại nạn luôn luôn bất ngờ.

 

Điều đó thì dĩ nhiên ! Cuộc sống chất chứa những bất ngờ thú vị thì cũng ẩn chứa những bất ngờ đau lòng. Hàng trăm gia đình các công nhân làm cầu Cần Thơ như bao buổi sáng khác khi tiễn người thân của mình đi làm chắc chắn đều không nghĩ rằng buổi sáng 26.9.2007 lại là ngày tang thương nhất trong đời họ. Tại nạn sập cầu Cần Thơ dù nguyên nhân thế nào thì cũng rất bất ngờ với những nười dân cả nước, đặc biệt người dân ở xã Mỹ Hòa, Bình Minh, Vĩng Long.

 

Anh Nguyễn Phú H. (Kiên Giang) cũng cho rằng nếu mình biết trước chuyện gì xảy đến cho mình thì (dĩ nhiên!) đã không xảy ra sự mất mát. Anh Phú H. có hai đứa con trai. Thằng con út của anh vừa tốt nghiệp đại học kinh tế xong thì người thân của anh ở nước ngoài ngỏ ý muốn cho nó ra ngoại quốc du học nhưng anh đã không đồng ý. Anh nghĩ rằng để cho thằng út đi làm trong nước một hai năm cho có chút kinh nghiệm thực tế rồi đi du học sau cũng được. Chuyện đời chẳng ai ngờ, trong một lần đi chơi tối mừng hoàn tất hợp đồng đầu tiên với đồng nghiệp về, thằng út con anh H. đã gặp tai nạn giao thông và vĩnh viễn ra đi. Anh Phú H. tâm sự : “ Nghe bạn bè đi cùng kể lại rằng nó nhất quyết đòi về vì nó nói không có thói quen ngỏ lang. Chẳng biết sao chiếc xe gắn máy trên đường nó chạy về nhà vừa lên ga thì bị kẹt ga và không thể kìm lại được. Khi dừng lại thì nó đã bị văng xuống đường và đầu bị đập mạnh…Vợ chồng tôi nửa đêm khi nghe tin đó cứ mong rằng mình đang gặp cơn ác mộng chứ không phải sự thật. Nhưng sự thật vẫn là sự thật mà không thể tránh né được.

 

Điều xui xẻo không thể tránh né

 

Người ta lìa xa cuộc đời là do bệnh tật hoặc tai nạn khác nhau. Tại nạn thì đúng là không thể biết trước và thường gây bất ngờ cho nhất. Trong khi, một bệnh nhân từ khi nhiễm bệnh cho đến khi lìa đời thường là trải qua một thời gian nhất định để những người thân có những bước chuẩn bị tâm lý. Tuy nhiên thực tế không phải như vậy. Do nhiều lý do, rất nhiều người dân Việt Nam không có thói quen đi kiểm tra sức khoẻ định kỳ. Nhiều người chỉ khi nào đau chịu không nổi mới chạy đến bệnh viện. Trong số đó có nhũng người lâm phải căn bệnh nặng nhưng đáng tiếc là bệnh của họ đã rơi vài giai đoạn cuối của chu kỳ bệnh tật. Tất nhiên khi ấy việc chữa trị rất khó khăn và phần nhiều trong số họ phải chết vì bệnh trong khoản thời gian khá ngắn. Gia đình của bệnh nhân cũng thường nhìn nhận việc phát hiện ra bệnh tật của người thân trong giai đoạn cuối là một xui xẻo. Số người bản lĩnh lắm thì cũng coi đó là việc “trời kêu ai nấy dạ”. Tất nhiên trong mối quan hệ con người chẳng ai nỡ tranh luận đúng sai nhưng nếu nhìn ở mức độ khoa học thì rõ ràng chúng ta có thể kéo dài sự sống của người thân, bên cạnh đó có những bước chuẩn bị tâm lý hơn. Vậy mà đa phần chúng ta rất rơi vào tình trạng bị động.

 

Chị Phúc Nghi ( Q. Phú Nhuận) hay kể với bạn bè về sự ra đi của chồng như sau : “ Thấy ảnh họ hoài, tôi và ba má kêu đi khám thì ảnh cứ chần chừ, còn tự giải thích do hút thuốc lá nhiều và nơi làm việc bị ô nhiễm gì đó… Rồi đến khi chịu hết nổi đi khám thì phát hiện ung thư phổi giai đoạn cuối rồi. Phải như thiếu hiểu biết thì không sao, đàng này là một kỹ sư mà phải ra đi ở lứa tuổi bốn mấy. Dẫu cho rằng anh ấy bị bệnh hiểm nghèo nhưng nếu phát hiện sớm anh ấy đã còn sống với tôi một thời gian nữa…”

 

Người ở lại phải sống.

 

Tình cảm của những người cha, người mẹ, người vợ, người con… khi bị mất người thân chắc còn nhức nhối mãi về sau. Nếu ai đã từng một lần mất mát người thân sẽ thấu hiểu rằng đó là giai đoạn khó khăn nhất. Người nằm xuống càng giữ vai trò quan trọng về kinh tế hoặc tình cảm thì niềm thương tiếc càng lớn. Nhưng có khi người chẳng đóng vai trò gì quan trọng lắm, nhưng khi nằm xuống cũng tạo cho người còn sống sự đau khổ  vô cùng. Tại khá nhiều đám tang người ta chứng kiến nhiều người thân do tiếc thương thân nhân của mình đã không kìm được cảm xúc mà kêu lên rằng : “Làm sao tôi có thể sống nổi ?”Nhưng rồi cuộc sống vẫn tiếp diễn nên người sống sẽ vẫn phải sống phần đời còn lại của mình.

 

Sự suy sụp tinh thần và những ảnh hưởng dây chuyền đến cuộc sống là điều rất có thể xảy ra cho người còn sống. Mẹ của chi Bích Ng. ( Q. Bình Thạnh, TPHCM) từ khi ba chị Ng. bất ngờ qua đời đã trở nên không thiết sống nữa. Chi Ng. cầu cứu với với chuyên viên tư vấn : “Mẹ tôi ăn còn không muốn ăn chứ đừng nói chi đến làm. Bà như người mất hồn rồi…Mọi sinh hoạt của gia đình tôi bị ngừng trệ hết. Làm sao giúp mẹ tôi quên ba tôi đây !”

 

Có lẽ sống ở trên đời chẳng ai muốn mình có kinh nghiệm từ biệt người thân mãi mãi. Nhưng rõ ràng, việc cái chết có thể đến với bất cứ ai trên đời hoặc trong đời thường một vài lần người ta phải vĩnh biệt một ai đó thân thích. Vì thế, chẳng có gì là tàn nhẫn nếu có ai đó đề nghị bạn trang bị kỹ năng sống để bạn có khả năng vượt qua nỗi đau khi mất mát người thân. Tất nhiên cung bậc tình cảm của con người dành cho nhau không thể nói một cách tỉnh táo như vậy, nhưng rõ ràng thực tế vẫn là người nằm xuống đã ra đi và người ở lại vẫn phải sống.

 

Tôi nhớ đâu đó có một cân nói rấy hay đại ý là người chết thực sự chết khi họ không còn nằm trong trái tim của người đang sống. Riêng người Công giáo thì vẫn tin rằng “… sự sống này chỉ thay đổi mà không mất đi. Lúc con người im giấc ngủ, mắt nhắm lại rồi là thấy tương lai …”.Nếu chúng ta nghĩ được như thế thì xem ra việc đón nhận sự ra đi của người thân sẽ nhẹ nhàng hơn rất nhiều.

 

Duy Mạnh

 

Mục lục

 

ĐỌC SÁCH

Năm Chiếc Bánh và Hai Con Cá (tiếp theo và hết)

 

7. Con Cá thứ hai: Tôi chọn Chúa

Các bạn trẻ hôm nay, 

Các bạn được mời gọi để đón nhận một sứ điệp, và lớn tiếng loan báo sứ điệp ấy cho bạn bè cùng lứa tuổi: 

“Loài người được Thiên Chúa yêu thương! 

Thiên Chúa yêu thương con người vô hạn! 

Đó là sứ điệp đơn giản nhất,

Mà Hội thánh có nhiệm vụ chuyển đến cho nhân loại”. 

(Tông huấn “Người tín hữu giáo dân”, số 34,

trích lại trong Sứ điệp NQTGT XII, số 9) 

 Các bạn trẻ thân mến, 

      Tôi đã chia sẻ với các bạn kinh nghiệm sống của tôi trên bước đường theo Chúa Giêsu, để gặp Ngài, sống bên Ngài, để rồi ra đi, mang sứ điệp của Ngài cho mọi người. 

      Các bạn hỏi tôi:  “Làm sao thực hiện được sự kết hiệp với Chúa Giêsu cách toàn vẹn trong một cuộc sống lắm biến động trong cũng như  ngoài?”  Tôi đã không giấu giếm các bạn, tôi đã viết ra trong sách “Đường Hy Vọng”. 

      Trong đời tôi, giai đoạn gian lao nhất là thời gian hơn mười ba năm lao tù.  Với cuốn “Năm Chiếc Bánh và Hai Con Cá” này, tôi đã chia sẻ với các bạn, làm sao Chúa đã giúp tôi vượt qua mọi khó khăn và sống đến ngày nay. “Năm Chiếc Bánh và Hai Con Cá” là lương thực nuôi đời sống thiêng liêng của tôi.  Nhiều bạn muốn tôi nói rõ ràng chi tiết của bí quyết theo Chúa Giêsu đến cùng cách vững vàng.  Tôi xin các bạn hãy nhìn lên 24 ngôi sao đang chiếu sáng con đường hy vọng của các bạn.  Dưới đây, bạn lưu ý sẽ thấy đánh số phía tay phải, từ số 1 đến số 24.  Tôi muốn cho 24 số đối lại với 24 giờ trong ngày.  Rất thực tế, nếu ta sống 24 giờ trên 24  hoàn toàn theo Chúa Giêsu, chúng ta sẽ làm thánh. 

      Trong 24 số ấy, tôi nhắc đến tiếng “một” 24 lần.  Ví dụ, một cuộc cách mạng, một chiến dịch, một đường lối tông đồ, một khẩu hiệu, v.v... một là cao quí nhất. 

      Đó là 24 ngôi sao, tôi không cần phải giải thích, tôi mời các bạn bình tĩnh suy niệm các tư  tưởng ấy, như  chính Chúa Giêsu dịu dàng nói với bạn, thân mật lòng bên lòng.  Bạn đừng sợ nghe Ngài, nói với Ngài.  Bạn đừng ngần ngại, mỗi tuần bạn hãy đọc lại một lần.  Bạn sẽ thấy ơn thánh tỏa sáng ra và biến đổi cả đời bạn. 

      Thời gian ở biệt giam, mỗi năm mấy lần tôi nhận thư  mẹ hoặc em tôi.  Nhưng đặc biệt một hôm tôi được thư  của bà Chiara Lubich, người sáng lập Phong trào Focolare (Bác ái Hiệp nhất).  Lạ lùng thật, tôi hay nhớ một câu bà nói:  “Tôi không nghĩ đến việc lôi kéo ai theo tôi; tôi chỉ biết hết lòng theo Chúa Giêsu, rồi người khác sẽ theo tôi”. 

Hai mươi bốn ngôi sao 

      * Con muốn thực hiện một cuộc cách mạng:  canh tân thế giới.  Hoài bảo lớn lao đó, sứ mệnh cao đẹp đó, Chúa trao cho con; con thi hành với “quyền lực Chúa Thánh Thần”.  Mỗi ngày con chuẩn bị lễ Hiện Xuống mới quanh con. 

1     * Con xúc tiến một chiến dịch:  làm cho mọi người hạnh phúc.  Con hy sinh mình từng giây phút với Chúa Giêsu, để đem an bình trong tâm hồn, phát triển thịnh vượng cho các dân tộc.  Đường lối tu đức thầm kín và thiết thực! 

2     * Con nắm vững một đường lối tông đồ:  “Thí mạng vì anh em”, vì không có tình yêu nào lớn lao hơn (x. Ga 15, 13).  Con hao mòn từng giây phút và sẵn sàng tiêu hao để chinh phục anh em về với Chúa. 

3     * Con hô một khẩu hiệu:  “Tất cả hiệp nhất”, hiệp nhất giữa các người Công giáo, hiệp nhất giữa các Kitô hữu, hiệp nhất giữa các dân tộc.  Như  Chúa Cha và Chúa con là một (x. Ga 17, 22-23). 

4     * Con tin một sức mạnh:  Thánh Thể.  Thịt máu Chúa sẽ làm cho con sống, “Ta đã đến, là để chúng được có sự sống và có một cách dồi dào” (Ga 10, 10).  Như  manna nuôi dân Do Thái đi đường về Đất hứa, Thánh Thể sẽ nuôi con đi cùng đường Hy vọng (x. Ga 6, 53). 

5     * Con mang một đồng phục, nói một ngôn ngữ:  Bác ái.  Bác ái là chứng tích để biết con là môn đệ Chúa (x. Ga 13, 35), là dấu hiệu rẻ mà khó kiếm nhất.  Bác ái là sinh ngữ số một mà thánh Phaolô cho là cao trọng hơn tiếng nói của loài người và các thiên thần, là ngôn ngữ độc nhất sẽ tồn tại trên thiên đàng (x. 1 Cor 13, 1). 

6     * Con nắm một bí quyết:  Cầu nguyện.  Không ai mạnh bằng người cầu nguyện, vì Chúa đã hứa ban tất cả.  Khi các con hiệp nhau cầu nguyện có Chúa ở giữa các con (x. Mt 18, 20).  Cha tha thiết khuyên con ngoài giờ kinh, hãy cầu nguyện mỗi ngày tối thiểu một giờ, nếu được hai giờ càng tốt.  Không phải là mất mát vô ích đâu!  Trên quãng đường cha đi, cha đã thấy lời thánh Têrêxa Avila ứng nghiệm:  “Ai không cầu nguyện, không cần ma quỉ lôi kéo, sẽ tự mình sa xuống hỏa ngục”. 

7     * Con giữ một nội qui:  Phúc âm.  Đó là hiến pháp trên tất cả mọi hiến pháp, là hiến pháp Chúa Giêsu đã để lại cho các tông đồ (x. Mt 4, 23).  Hiến pháp ấy không khó khăn, phức tạp, gò bó như  các hiến pháp khác; ngược lại, linh động, nhân hậu, làm phấn khởi tâm hồn con.  Một vị thánh ngoài Phúc âm là “thánh giả”. 

8     * Con trung thành theo một vị lãnh đạo là Chúa Kitô và đại diện của Ngài:  Đức Giáo Hoàng, các Giám mục, kế vị các thánh tông đồ (x. Ga 20, 22-23).  Hãy sống và chết vì Hội thánh như  Chúa Kitô.  Đừng nghĩ chết vì Hội thánh mới hy sinh.  Sống vì Hội thánh cũng đòi hỏi nhiều hy sinh. 

9     * Con có một tình yêu:  Mẹ Maria.  Thánh Gioan Maria Vianney đã nói:  “Mối tình đầu của tôi là Mẹ Maria”.  Nghe Mẹ sẽ không lầm lạc, hoạt động vì Mẹ sẽ không thất bại, làm vinh quang Mẹ sẽ được sống đời đời. 

10    * Con có một sự khôn ngoan:  Khoa học Thánh giá (x. 1 Cor 2, 2).  Nhìn Chúa Giêsu trên thánh giá, con giải quyết ngay được vấn đề đang khiến con xao xuyến.  Thánh giá là tiêu chuẩn để chọn lựa và quyết định, tâm hồn con sẽ bình an. 

11    * Con có một lý tưởng:  Hướng về Chúa Cha, một người Cha đầy yêu thương.  Cả cuộc đời Chúa Giêsu, mọi tư  tưởng, hành động đều nhắm một hướng:  “   Để cho thế gian biết là Ta yêu mến Cha, và như  Cha truyền dạy Ta sao, Ta làm như  vậy” (Ga 14, 31), “Ta hằng làm những sự đẹp lòng Người” (Ga 8, 29). 

12    * Con chỉ có một mối lo sợ:  Tội lỗi.  Triều đình hoàng đế Hy Lạp đã nhóm họp để bàn cách trả thù thánh Gioan Kim Khẩu bởi ngài đã khẳng thắn khiển trách bà hoàng hậu. 

      Kế hoạch I:  Bỏ tù. 

      Nhưng ông ấy sẽ được dịp cầu nguyện, chịu khó vì Chúa như  ông hằng mong muốn. 

      Kế hoạch II:  Lưu đày. 

      Nhưng đối với ông ấy, đâu cũng là đất Chúa. 

      Kế hoach III:  Tử hình. 

      Ong sẽ được tử đạo, chúng ta sẽ thỏa mãn nguyện vọng của ông:  được về với Chúa. 

      Tất cả kế hoạch I, II, III, không làm cho ông khổ đau, ngược lại ông sẽ vui sướng chấp nhận. 

      Kế hoạch IV:  Chỉ có một điều ông khiếp sợ nhất, gớm ghét nhất là tội lỗi, nhưng bắt ông phạm không được. 

      Nếu con chỉ sợ tội, thì không ai mạnh hơn con. 

13    * Con ôm ấp một ước nguyện:  “Nước Cha trị đến, ý Cha được thành sự, dưới đất cũng như trên trời” (Mt 6, 10). 

      Dưới đất lương dân biết Chúa như  trên trời.  Dưới đất mọi người khởi sự yêu nhau như  trên trời.  Dưới đất đã bắt đầu hạnh phúc như  trên trời.  Con sẽ nỗ lực thực hiện nguyện vọng ấy.  Khởi sự đem hạnh phúc thiên đàng cho mọi người ngay từ trần thế. 

14    * Con chỉ thiếu một điều:  “Có gì đem bán mà cho kẻ khó, và ngươi sẽ có một kho tàng trên trời, đoạn hãy đến theo Ta!” (Mt 10, 21), nghĩa là con phải dứt khoát.  Chúa cần hạng tình nguyện thoát ly! 

15    * Con dùng một phương pháp tông đồ hữu hiệu:  tiếp xúc để hòa mình, nhập thể với mọi người để hiểu, để nghe, để yêu mọi người.  Tiếp xúc hữu hiệu hơn giảng, hơn viết sách.  Tiếp xúc giữa người với người, lòng bên lòng, bí quyết bền đỗ, bí quyết thành công. 

16    * Con chỉ có một việc quan trọng nhất, Maria đã chọn phần tốt nhất:  “Ngồi bên Chúa (x. Lc 10, 41-42).  Nếu con không sống nội tâm, nếu Chúa Giêsu không phải là linh hồn các hoạt động của con thì ...  Con thấy nhiều, hiểu nhiều rồi, cha miễn nói. 

17    * Con chỉ có một của ăn:  “Thánh ý Chúa Cha” (x. Ga 4, 34), nghĩa là con sống, con lớn lên bằng ý Chúa, con hành động do ý Chúa.  Ý Chúa như  thức ăn làm con sống mạnh, vui; ngoài ý Chúa con chết. 

18    * Con chỉ có một giây phút đẹp nhất:  Giây phút hiện tại (x. Mt 6, 34; Gc 4, 13-15).  Sống tron tình yêu Chúa cách trọn vẹn, đời con sẽ tuyệt đẹp nếu kết tinh bằng từng triệu giây phút đẹp nhất.  Con thấy đơn sơ, không phải khó! 

19    * Con chỉ có một tuyên ngôn:  “Phúc thật tám mối”.  Trên núi, Chúa Giêsu đã tuyên bố:  “Bát phúc” (x. Mt 5, 3-12).  Hãy sống như  vậy, con sẽ nếm được hạnh phúc rồi rao truyền cho mọi người con gặp. 

20    * Con chỉ có một công việc quan trọng:  Bổn phận, không kể lớn hay nhỏ, vì lúc ấy “con làm việc của Cha con” trên trời.  Ngài chỉ định cho con thực hiện chương trình của Ngài trong lịch sử (x. Lc 2, 49; Ga 17, 4).  Làm bổn phận là đường lối tu đức chắc chắn nhất.  Nhiều người bày vẽ một lối tu đức rắc rối, rồi phàn nàn là khó! 

21    * Con chỉ có một cách nên thánh:  Ơn Chúa và ý chí con (x. 1 Cor 15, 10).  Chúa không bao giờ thiếu ơn; con có đủ ý chí không? 

22    * Con chỉ có một phần thưởng:  Thiên Chúa (x. Mt 25, 21, 23; 2 Tim 4, 7-8; Kh 2, 26-28; 3, 21-22).  Khi Chúa hỏi Tôma Aquinô:  “Con viết rất đúng về Ta, con muốn phần thưởng nào? - “Con chỉ muốn Chúa!” 

23    * Con có một Tổ Quốc. 

Tiếng chuông ngân trầm,

Việt Nam nguyện cầu.

Tiếng chuông não nùng,

Viêt Nam buồn thảm.

Tiếng chuông vang lừng,

Việt Nam khởi hoàn.

Tiếng chuông thanh thoát,

Việt Nam hy vọng.

Con có một tổ quốc:  Việt Nam,

Quê hương yêu quí ngàn đời.

Con hãnh diện, con vui sướng.

Con yêu non sông gấm vóc,

Con yêu lịch sử vẻ vang,

Con yêu đồng bào cần mẫn,

Con yêu chiến sĩ hào hùng.

Sông cuồn cuộn máu chảy cuộn hơn.

Núi cao cao, xương chất cao hơn.

Đất tuy hẹp nhưng chí lớn.

Nước tuy nhỏ, nhưng danh vang.

Con phục vụ hết tâm hồn,

Con trung thành hết nhiệt huyết.

Con bảo vệ bằng xương máu,

Con xây dựng bằng tim óc.

Vui niềm vui đồng bào,

Buồn nỗi buồn của dân tộc.

 

Một nước Việt Nam,

Một dân tộc Việt Nam,

Một tâm hồn Việt Nam,

Một văn hóa Việt Nam,

Một truyền thống Việt Nam.

 

Là người Công giáo Việt Nam

Con phải yêu Tổ quốc gấp bội.

Chúa dạy con, Hội thánh bảo con,

Cha mong giòng máu ái quốc,

Sôi trào trong huyết quản con.

 

Viết xong tại Cây Vông, Phú Khánh,

nơi quản thúc, ngày 8-12-1975.

Lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên tội

 

24 

Kết luận 

Để kết luận, chúng ta sẽ cầu nguyện với kinh “Con chọn Chúa”. 

Cuộc đời Chúa Giêsu tóm tắt:  Tử nạn và Phục sinh, 

Bạn hãy lưu ý 14 bước của Chúa Giêsu trong kinh này: 

      - Bước lang thang, bước hồi hộp, bước bồn chồn. 

      - Bước phấn khởi, bước vất vả, bước yêu thương, 

      - Bước thao thức, bước xót xa, bước cô đơn, 

      - Bước ê chề, bước thất bại, bước khải hoàn, 

      - Bước khổng lồ, bước liều mạng. 

Cầu Nguyện 

(14 bước theo Chúa Giêsu) 

Con Chọn Chúa. 

Lạy Chúa Giêsu, 

Trên đường hy vọng suốt 2,000 năm nay,

Tình thương Chúa như  một lượn sóng

Đã lôi cuốn bao người lữ hành.

Họ đã yêu Chúa với một mối tình sống động,

Thể hiện qua tư  tưởng, lời nói, việc làm,

Với một tâm hồn mạnh mẽ hơn mọi cám dỗ,

Mạnh hơn mọi đau khổ, hơn cả sự chết,

Họ đã là lời Chúa ở trần gian,

Đời họ là một cuộc cách mạng,

Đổi mới cục diện của Hội thánh. 

*     *     * 

Nhìn những tấm gương sáng ngời ấy,

Từ tấm bé con đã mang một ước vọng:

Bước toàn hiến đời con,

Cuộc đời duy nhất con đang chiếm hữu,

Cho một ý tưởng bền vững không bao giờ sụp đổ.

Và con cương quyết

...   ...   .... 

Nếu chúng con làm theo ý Chúa,

Thì Chúa sẽ hoàn tất ý định đó,

Và con lăn xả vào cuộc mạo hiểm mầu nhiệm này.

Con đã chọn Chúa,

Và con không bao giờ hối hận.

 

Con nghe Chúa bảo con:

“Hãy ở trong Thầy, trong tình yêu Thầy”.

Làm sao ở trong người khác được?

Chỉ có tình yêu Chúa mới làm được sự lạ này,

Con hiểu Chúa muốn trọn cuộc đời con:

“Tất cả vì yêu mến Chúa”. 

*     *     * 

Con theo từng bước của Chúa trên đường hy vọng:

Bước lang thang ra chuồng bò ở Bêlem,

Bước hồi hộp trên đường trốn sang Ai cập,

Bước bồn chồn trở về trú ngụ Nagiarét,

Bước phấn khởi lên Đền thánh với Mẹ Cha,

Bước vất vả suốt 30 năm trời lao động,

Bước yêu thương ba năm rao giảng Tin mừng,

Bước thao thức kiếm tìm chiên lạc,

Bước xót xa vào Giêrusalem đam đìa nước mắt,

Bước cô đơn ra trước tòa không một người thân,

Bước ê chề vác thánh giá lên đồi tử nạn,

Bước thất bại chết chôn mồ kẻ khác,

Không tiền không bạc,

Không manh áo, không bạn hữu,

Chúa Cha cũng xem chừng bỏ rơi Chúa,

Nhưng Chúa phó thác tất cả vào tay Cha. 

*     *     * 

Lạy Chúa, quỳ trước Nhà Chầu,

Một mình con với Chúa,

Con hiểu rồi:

Con không thể chọn con đường khác,

Đường khác sung sướng hơn,

Bên ngoài vinh quang hơn,

Nhưng không có Chúa, người Bạn muôn năm,

Người Bạn duy nhất của con trên đời.

Nơi Chúa là tất cả thiên đàng với Chúa Ba Ngôi,

Tất cả trần gian với toàn nhân loại.

Khổ đau của Chúa là của con,

Của con, nỗi khốn khổ của những tâm hồn sát cạnh,

Của con,tất cả những gì không phải an hòa,tươi vui,đẹp đẽ, sung sướng, dễ thương...

Của con, tất cả sầu muộn, thất vọng, chia ly, bỏ rơi, khốn nạn...

Những gì là chính Chúa, vì Chúa đã gánh hết;

Những gì nơi người anh em, vì có Chúa trong họ. 

*     *     * 

Con tin vững vàng,

Vì Chúa đã cất bước khải hoàn sống lại:

“Hãy vững lòng, Thầy đã thắng thế gian”. 

*     *     * 

Vì Chúa dạy con:

Hãy bước những bước khổng lồ:

“Đi khắp thế gian rao giảng Tin mừng”.

Con lau sạch nước mắt ưu phiền

Và những con tim chán nản;

Con sẽ đưa về xum họp

Những tâm hồn xa cách;

Con sẽ đốt cháy trần gian bằng lửa tình yêu,

Thiêu sạch những gì cần phải hủy bỏ.

Để chỉ còn lại chân lý, công bình và yêu thương. 

*     *     *

Nhưng lạy Chúa!  Con biết con yếu đuối lắm!

Xin giúp con bỏ tính ích kỷ, yêu an nhàn;

Cho con đừng sợ kham khổ dày vò,

Không xứng tông đồ của Chúa;

Cho con sẵn sàng mạo hiểm,

Mặc cho thiên hạ khôn ngoan;

Con xin làm “đứa con điên”

Của Chúa, Mẹ Maria và Thánh cả Giuse;

Con muốn lăn xả vào thử thách,

Chấp nhận mọi hậu quả,

Vì Chúa đã dạy con liều mạng.

Nếu Chúa dạy con bước lên thánh giá nằm mãi đó,

Vào trong Nhà Chầu thinh lặng cho đến ngày tận thế,

Con cũng xin liều mạng bước theo.

Con sẽ mất tất cả,

Nhưng Chúa vẫn còn!

Tình thương Chúa vẫn còn!

Tràn ngập quả tim con,

Để yêu thương tất cả.

Và chừng ấy đủ hạnh phúc cho con.

Vì thế con xin lập lại:

“Con chọn Chúa!

Con chỉ muốn Chúa!

Con chỉ muốn vinh danh Chúa”.

ĐHY Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận

Mục lục