TIN VUI

Tuần san Bạn trẻ Công Giáo  -  Số 110 CN  04.10.2007

 

Web site www.tinvui.org E-mail : bantreconggiao@yahoo.com

 

Mục lục

 

Chúa Nhật XXXI Thường Niên C..

LÙN THẤP BÉ NHƯNG…...

Đọc Thư Chung HĐGMVN 2007.

GƯƠNG SÁNG..

Lễ phong chân phước cho 498 vị tử đạo Tây Ban Nha.

Công Bố Ðề Tài Ngày Thế Giới Truyền Thông Xã Hội 2008.

BẢN TƯỜNG TRÌNH HỘI NGHI CHUYÊN ĐỀ VỀ “ƠN GỌI TẠI Á CHÂU HÔM NAY”.

Lời chủ chăn tháng 11.2007.

XÂY DỰNG GIA ĐÌNH GIÁO PHẬN..

Sứ điệp từ những nấm mồ.

Tháng linh hồn – Nhớ về ông bà cha mẹ.

NGƯỜI VỪA CHẾT..

CÁC THÁNH NAM NỮ..

Thánh Martin de Porres và Thời Đại Hôm Nay ...

TỪ TỪ..

HÃY BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG XÃ HỘI & TINH THẦN..

Liên đới theo quan điểm Công giáo.

YÊU MÌNH, YÊU SỐNG VÀ YÊU THA NHÂN..

Cây roi của bố.

Khi trẻ có những hành vi lệch chuẩn.

Giọt nước mắt hồng :

CHƯA CHẮC LÙN ĐÃ THẤP..

 

 

SỐNG LỜI CHÚA

 

Chúa Nhật XXXI Thường Niên C

Lc 19, 1-10

"Con Người đến tìm kiếm và cứu chữa điều gì đã hư mất".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, Chúa Giêsu vào Giêricô và đi ngang qua thành, thì kìa, có một người tên là Giakêu, ông thủ lãnh những người thu thuế và là người giàu có. Ông tìm cách để nhìn xem Chúa Giêsu là người thế nào, nhưng không thể được, vì người ta đông quá, mà ông lại thấp bé. Vậy ông chạy lên trước, trèo lên một cây sung để nhìn xem Người, vì Người sắp đi ngang qua đó.

Khi vừa đến nơi, Chúa Giêsu nhìn lên và trông thấy ông ấy, nên Người bảo ông rằng: "Hỡi Giakêu, hãy xuống mau, vì hôm nay Ta phải lưu lại tại nhà ngươi". Ông vội vàng trụt xuống và vui vẻ đón tiếp Người. Mọi người thấy vậy, liền lẩm bẩm rằng: "Ông này lại đến trọ nhà một người tội lỗi".

Ông Giakêu đứng lên thưa cùng Chúa rằng: "Lạy Ngài, tôi xin bố thí nửa phần của cải tôi cho kẻ khó, và nếu tôi có làm thiệt hại cho ai điều gì, tôi xin đền gấp bốn". Chúa Giêsu bảo ông ấy rằng: "Hôm nay nhà này được ơn cứu độ, bởi người này cũng là con cái Abraham. Vì chưng Con Người đến tìm kiếm và cứu chữa điều gì đã hư mất".

Đó là lời Chúa.

 

LÙN THẤP BÉ NHƯNG…

 

Đọc câu chuyện ông Gia kêu có lẽ ai cũng phải nực cười xen lẫn cảm động. Cái nực cười thứ nhất là Gia kêu thấp bé, vóc người không giống ai. Cái nực cười thứ hai, ông Gia kêu làm trưởng ban thu thuế thời Chúa Giêsu. Gia kêu lúc nào xem ra cũng rổn rẻng với tiền bạc, với việc làm giầu vv…Con người bề ngoài khác thường về vóc dáng, nhưng thực tế lại là một con người đầy lòng nhân từ, biết sám hối, biết hối cải. Chúa Nhật 31 thường niên cho chúng ta một cái nhìn rất thực tế, đầy an ủi về lòng nhân từ bao la của Chúa :” Lạy Chúa, Chúa sẽ dạy con đường về cõi sống: Trước Thanh Nhan, ôi vui sướng tràn trề “( Tv 15, 11 ).

 

MỘT CÂU CHUYỆN TUYỆT VỜI :

 

Gia kêu nếu xét theo một nghĩa nào đó thực là một người đáng ghét, đáng khinh vì ông làm việc cho đế quốc Roma, làm nghề thuế vụ, làm trưởng ban thuế, làm cái nghề tiếp tay với ngọai bang bóc lột dân chúng. Gia kêu giầu có, có quyền lực vì ông làm việc cho đế quốc Roma. Dân Do Thái không ưa ông, ghét ông, xếp ông vào hàng tội lỗi và đặt ông ngang hàng với bọn điếm đàng. Đối với dân Do Thái, ông không thể ăn năn, không thể hối cải. Ông đáng sa vào hỏa ngục lửa thiêu. Thế nhưng, Chúa Giêsu lại chọn nhà ông Gia kêu để ghé thăm nhà ông. Gia kêu chỉ muốn nhìn Chúa Giêsu đi ngang chứ làm sao dám mời Chúa Giêsu ghé thăm nhà ông được. Chúa Giêsu đã làm một việc không ai ngờ được. Chúa đã chọn nhà ông Gia kêu. Chúa Giêsu đã chứng tỏ Người được Thánh Thần hướng dẫn khi thấy ông Gia kêu giữa đám đông. Chúa Giêsu minh chứng Người đã tới Giê-ri-khô để cứu một người giầu có.Tuy nhiên, người Do Thái vẫn dị nghị, vẫn hiểu lầm Chúa và hiểu lầm cả ông Gia kêu. Họ cho rằng “ Chúa lại vào ở nhà người tội lỗi “. Nhưng thực ra Chúa Giêsu hiểu mọi người và hiểu ông Gia kêu. Chúa đến nhà của Gia kêu không phải vì miếng ăn, vì bữa tiệc, vì chén rượu, chén trà, nhưng vì ơn cứu rỗi của ông và của gia quyến ông. Dịp này, ông Gia kêu và cả gia đình ông đã công khai thú tội trước mặt Chúa Giêsu và trước mặt mọi người dự tiệc, và hứa “ xin bán đi nửa gia tài, phân chia cho kẻ nghèo khó, và đền trả một gấp bốn cho những ai ông gây thiệt hại”( Lc 19, 8 ). Chúa Giêsu đã nói về ông:” Hôm nay, ơn cứu độ đã đến cho nhà này, bởi người này cũng là con cháu tổ phụ Áp-ra-ham”  (Lc 19, 9 ).

 

CON NGƯỜI ĐẾN ĐỂ TÌM VÀ CỨU NHỮNG GÌ ĐÃ MẤT :

 

Tự sức con người, con người không thể làm lành, nhưng Thiên Chúa có thể làm được tất cả. Chúng ta hãy đọc các đọan Tin Mừng như :” Con chiên lạc. Đồng bạc đánh mất. Người con hoang đàng. Người phụ nữ ngọai tình vv…” để thấy lòng nhân từ của Thiên Chúa như thế nào. Con người phản nghịch, con người tội lỗi nhưng Thiên Chúa không bao giờ bỏ rơi con người. Thiên Chúa yêu con người và không muốn để bất cứ ai bị hư mất. Ông Gia kêu dư biết thiên hạ ganh ghét ông và thèm được như ông. Gia kêu đâu có phải là người xấu bụng dù rằng ông đã nhúng tay vào việc thật xấu xa, nhưng trong cõi lòng sâu kín của ông vẫn còn chứa chất điều thiện, ông thầm tin tưởng và cám ơn Chúa Giêsu mà ông coi như một vị ngôn sứ lớn. Ông tha thiết muốn gặp gỡ Chúa Giêsu, do đó ông và cả gia đình ông đã được ơn cứu độ. Chúa đã giải thoát cho ông và gia đình ông khỏi tội lỗi, khỏi hư đi. Ân huệ cao vời Chúa ban cho ông khiến ông đã bộc lộ tất cả những gì là tốt lành, là nhân ái, còn chứa trong nỗi lòng sâu kín nhất của ông. Gia kêu đã trở nên mẫu gương cho những ai biết đón nhận ơn tha thứ bằng việc thật tâm hối cải, quay trở về với Chúa. Đúng thật, Chúa tới để tìm kiếm những gì đã hư mất.

 

CHÚA MỜI GỌI CON NGƯỜI XƯNG THÚ TỘI LỖI :

 

Bí Tích Giải Tội là Bí Tích do Chúa Giêsu thiết lập và là một hồng ân cao vời Chúa ban cho nhân lọai. Đây là phươn thế giúp chúng ta làm hòa với Chúa, với Giáo Hội và với anh chị em,là phương thế Chúa ban lại sự an bình tâm hồn cho con người và thêm sức mạnh cho tương lai, trả lại tình trạng trong sáng đã bị tội lỗi làm lu mờ. Bí Tích Giải Tội nối những gì tội lỗi đã làm con người xa lìa Thiên Chúa. Do đó, chúng ta phải yêu mến Bí Tích Giải Tội và luôn siêng năng lãnh nhận Bí Tích Giao Hòa để được gần gũi Thiên Chúa, gần gũi Giáo Hội và gần gũi anh chị em.

 

Lạy Chúa xin cho chúng con có tấm lòng như Chúa, có đôi mắt của Chúa để chúng con luôn biết cảm thông với những yếu hèn của người khác. Amen.

 

 

Lm. Giuse Nguyễn Hưng Lợi   DCCT

Mục lục

 

 

TU ĐỨC

 

 

Đọc Thư Chung HĐGMVN 2007

GƯƠNG SÁNG

Thư chung HĐGMVN 2007 mới vừa tới tay tôi. Tôi đã đọc và rất vui mừng. Nhiều điều trong thư đáng suy gẫm.

Riêng đối với tôi, cụm từ "Chấn chỉnh" ở cuối thư đã gợi ý nhiều.

Thực sự, có nhiều điều cần được chấn chỉnh trong giáo dục Kitô giáo tại Việt Nam hôm nay. Nhưng thiết nghĩ điều cần chấn chỉnh nhất sẽ là "làm gương sáng".

Tôi xin phép chia sẻ đôi chút suy tư của tôi. Mong suy tư nhỏ bé này cũng phản ánh tâm tư các vị chủ chăn.

1/ Trước hết, cần nhấn mạnh đến nhu cầu làm gương sáng trong sứ vụ yêu thương

Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu và các tông đồ luôn kêu gọi sống yêu thương. Vì yêu thương là đặc điểm của những người tin theo Chúa Giêsu.

"Thầy ban cho các con một điều răn mới là các con hãy thương yêu nhau, như chính Thầy đã yêu thương các con.

"Ở điểm này, mọi người sẽ nhận biết các con là môn đệ Thầy, là các con có lòng thương yêu nhau" (Ga 14,24-25).

Sống yêu thương là một thách đố lớn nhất trong đời tôi. Đời tôi phải trải qua những chặng đường lịch sử có nhiều mâu thuẫn, có nhiều xung đột, có nhiều hận thù.

Khi được sai đến địa phương này, tôi thấy dân địa phương này sống đạo rất đơn sơ. Họ đặt nặng đạo hiếu, tình liên đới tương trợ, và từ thiện đối với người nghèo. Những điều tôi thấy đã giúp tôi suy nghĩ nhiều về điều răn mới của Chúa Giêsu. Nếu tôi và những người công giáo của tôi không triệt để thực thi điều răn yêu thương, chỉ mãi lo chuyện khác, thì tôi sợ đạo Chúa sẽ mang một bộ mặt thiếu hấp dẫn.

Một lần, tôi đề cập đến vấn đề theo đạo công giáo với một tín đồ Phật giáo Hoà Hảo ở đây, tôi sửng sốt được nghe câu trả lời như sau "Ai dại gì lại bỏ cái tốt mà theo cái không tốt".

Lỗi tại họ chưa thấy hết vẻ đẹp của đạo ta, hay lỗi tại ta chưa đủ vẻ đẹp đạo đức để làm chứng cho đạo mình?

2/ Cùng với gương sáng về yêu thương, chúng ta cần quan tâm hơn nữa về gương sáng trong sứ vụ tu thân

Nhiều tín đồ tôn giáo bạn rất chú trọng đến việc sống tu thân. Sống đạo của họ rất nhẹ về cơ chế và tổ chức, thích đi vào tu thân.

Họ coi tu thân bên trong bên ngoài như một dấu chỉ đạo đức. Nhiều lần, trong những bữa cơm được mời, người ta thấy các vị tu bên Phật giáo thì giữ chay, các vị tu bên Tin Lành thì không uống rượu, còn các vị tu bên Công giáo thì hoà mình. Chọn lựa này chắc phải có lý do chính đáng.

Xưa Chúa Giêsu phán xưa: "Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo" (Mt 16,24). Chúa phán lời trên đây cho mọi người công giáo, nhưng nhất là cho các bậc tu trì. Nhiều người đã thực thi lời đó cả trong cả ngoài với tất cả lương tâm người tin theo Chúa. Tiếc thay là gương sáng về tu thân hiện nay có vẻ như đang trong thử thách.

Hiện nay, những chuyện lôi thôi về tiền bạc, về hưởng thụ, về tục hoá, về ghen tương, về hưởng thụ thoải mái xem ra đang có chiều hướng gia tăng, ngay cả trong giới nhà tu. Tuy không tràn lan, nhưng đủ để trở thành phản chứng. Đang khi tu thân vẫn được coi là một nhân đức xã hội rất cần cho việc chấn chỉnh đạo đức trong đạo ngoài đời.

3/ Sau cùng, rất cần có nhiều gương sáng trong sứ vụ truyền giáo

Đọc Tông đồ Công vụ, tôi thấy có ba trường hợp truyền giáo làm tôi rất kinh ngạc.

Một là trường hợp Chúa chọn ông Saolô là người đang hăng hái bắt bớ đạo Chúa trở nên tông đồ dân ngoại. Chúa phán bảo ông Khanania phải đi đến tìm Saolô. Khanania sợ hãi, không muốn vâng. Nhưng Chúa phán: "Con cứ đi, vì người ấy là lợi khí Ta chọn, để mang danh Ta đến trước mặt các dân ngoại" (Cv 9,15).

Hai là trường hợp thánh Phaolô thấy Chúa Thánh Thần xuống trên những người ngoại giáo đang nghe Ngài giảng. Thánh Phêrô nói: "Những người dân ngoại này cũng được Chúa Thánh Thần xuống, cũng như chúng ta" (Cv 10,47). Vì thế, thánh Phêrô đã làm phép rửa cho họ.

Bà là trường hợp thánh Phaolô ra đi truyền giáo cho những nơi Ngài biết là sẽ gặp khổ. Ngài nói: "Giờ đây, bị Thần Khí trói buộc, tôi về Giêrusalem, mà không biết những gì sẽ xảy ra cho tôi tại đó, trừ ra điều này là: Tôi đến thành nào, thì Thánh Thần cũng khuyến cáo tôi rằng xiềng xích và gian truân đang chờ đợi tôi" (Cv 20,22-23).

Trong truyền giáo, Chúa có những chương trình bất ngờ. Người truyền giáo cần khiêm tốn vâng phục ý Chúa. Dù hướng Chúa sai vào coi như quá mở, dù hướng Chúa sai đến phải nhận là quá khổ.

Thời nay là thời truyền giáo. Nhiều gương sáng đã được ghi nhận. Nhưng vẫn còn không ít những tính toán thế tục trong việc loan báo Tin Mừng.

Để kết bài chia sẻ này, tôi xin một lần nữa nói về cái nhìn riêng tư.

Đó là tôi tin: Chúa Giêsu đã phục sinh. Người đang sống giữa chúng ta. Người đang hoạt động giữa chúng ta lúc này. Chính Người lúc này đang gọi chúng ta hãy theo Người. Chính Người lúc này đang đợi chờ tình yêu chúng ta trả lời tình yêu của Người.

Chính lúc này, nhiều người đã đáp lại. Họ đang trở nên gương sáng. Gương sáng về sự khiêm tốn trở về. Gương sáng về sự âm thầm dấn thân. Gương sáng về sự quảng đại sống yêu thương. Gương sáng về sự can đảm chọn nếp tu thân. Gương sáng về đức tin khiêm nhường phó thác.

Nhờ vậy nhiều nơi, nền giáo dục Kitô giáo tại Việt Nam hôm nay đang gieo niềm vui và hy vọng.

Long Xuyên, ngày 21/10/2007

ĐGM Bùi Tuần

Mục lục

 

HIỆP THÔNG GIÁO HỘI

 

Lễ phong chân phước cho 498 vị tử đạo Tây Ban Nha

VATICĂNG: Lúc 10 giờ sáng Chúa Nhật 28-10-2007 Đức Hồng Y José Saraiva Martins, Tổng Trưởng Bộ Phong Thánh, chủ sự lễ phong chân phước cho 498 vị tử đạo Tây Ban Nha trước thềm đền thờ thánh Phêrô.

Cùng đồng tế thánh lễ có 75 Hồng Y Tổng Giám Mục và Giám Mục Tây Ban Nha với sự tham dự của hơn 30.000 tín hữu thuộc các đoàn hành hương chính thức của mọi giáo phận Tây Ban Nha, trong đó có 2.000 thân nhân của các vị tử đạo. Thánh lễ cũng được đài phát thanh truyền hình ”Lời Vĩnh Hằng” của Mẹ Angelica bên Hoa Kỳ chiếu trực tiếp cho tín hữu toàn Hoa Kỳ và Mỹ châu Latinh.


Đặc biệt đông đảo là phái đoàn tín hữu giáo phận Avila, vì trong số các vị tử đạo có 10 vị gồm 4 tu sĩ dòng Phanxicô, 3 tu sĩ dòng Agostino, một tu sĩ dòng Don Bosco, một tu sĩ dòng Đa Minh, và một nữ tu dòng Thờ lậy Mình Thánh Chúa. Các tu sĩ nói trên đã bị hành quyết trong các ngày mùng 5 và 16 tháng 8, mùng 10 và 30 tháng 11 năm 1936. Phái đoàn hành hương tham dự lễ phong chân phước do Đức Cha Jesus Garcia Burillo Giám Mục Avila, hướng dẫn.


Giảng trong thánh lễ chuẩn bị tinh thần cho tín hữu tham dự lễ phong chân phước cử hành tại nhà thờ chính tòa Madrid ngày 18 tháng 10 vừa qua, Đức Hồng Y Antonio Maria Rouco cầu mong biến cố này đem lại ba hoa trái cho Giáo Hội Tây Ban Nha là sự thánh thiện, lòng hăng say truyền giáo và sự hòa giải. Trong số 498 vị tử đạo có 3 vị người Madrid, 232 vị đã từng theo học tại Madrid và 176 vị bị hành quết tại Madrid. Các vị đã không có lỗi gì đối với những gì xảy ra tại Tây Ban Nha trong các năm đó. 498 vị tử đạo đã không chết vì các lợi lộc xã hội, chính trị hay nhân bản, mà chết cho Chúa Kitô, cho Giáo Hội và cho các anh chị em khác. Các vị đã hiến dâng mạng sống cho Thiên Chúa trong hình thức cao vời nhất và làm chứng cho sự tha thứ cho các lý hình sát hại các vị, cũng như hòa giải đích thật và hòa bình.

 

Trong các ngày qua có một số báo chí cho rằng lễ phong chân phước cho 498 vị tử đạo Tây Ban Nha ngày 28 tháng 10 có ý chống lại chính quyền của đảng xã hội, vì trùng với ngày kỷ niệm của đảng này.


Trả lời một cuộc phỏng vấn của nhật báo ”Cộng Hàa” Italia số ra ngày 26 tháng 10 vừa qua, Đức Hồng Y Julian Heranz, người Tây Ban Nha nguyên Chủ tịch Hội đồng Tòa thánh chuyên giải thích các văn bản luật khẳng định rằng lễ phong chân phước không có ý nghĩa chính trị nào. Vì thế ai gán cho nó ý nghĩa chính trị là xuyên tạc sự thật.


Trong thời nội chiến Tây Ban Nha 1936-1939 đã có 600.000 người bị sát hại, trong đó có hàng ngàn linh mục, tu sĩ nam nữ và giáo dân. Sau khi chiến tranh kết thúc nhà độc tài Francisco Franco cho biết có khoảng 100.000 người chống lại ông bị xử bắn và chôn trong các nấm mồ tập thể.


Linh Mục Juan Antonio Martinez Tổng thư ký Hội Đồng Giám Mục Tây Ban Nha cho biết hiện Giáo Hội cũng đang cho điều tra và thu thập hồ sơ liên quan tới 2.000 vụ tử đạo khác nữa. Lễ phong chân phước cho 498 vị tử đạo Chúa Nhật 28 tháng 10 là một biến cố lịch sử vì 3 lý do: thứ nhất vì chưa bao giờ trong một lần lại có đông các tân chân phước như vậy; thứ hai vì lễ tôn phong kết hiệp các vị tôi tớ của 23 án phong chân phước khác nhau; và thứ ba danh sách các vị tử đạo bao gồm tín hữu thuộc mọi giáo phận trên toàn nước Tây Ban Nha.


Hai bài thánh ca ”Hạt giống hòa bình” và ”Như các vị tử đạo” được hát trong thánh lễ hôm nay đã được Hội Đồng Giám Mục tuyển chọn trong số 25 bài thánh ca ứng thi trong dịp này (ACI 11.18.24.26-10-2007; KNA 26-10-2007)

 

Linh Tiến Khải

Công Bố Ðề Tài Ngày Thế Giới Truyền Thông Xã Hội 2008.

 

Vatican (SD 30-10-2007) - ÐTC Biển Ðức 16 đã chọn đề tài cho Ngày Thế giới truyền thông xã hội lần thứ 42 vào năm 2008 là: "Các phương tiện truyền thông xã hội: trước ngã ba đường giữa thái độ coi mình là diễn viên chính và sự phục vụ. Tìm kiếm chân lý để chia sẻ".

Ngày thế giới truyền thông xã hội tới đây sẽ được cử hành vào chúa nhật mùng 4 tháng 5 năm 2008. Trong thông cáo, Ðức Toông Giám Mục Claudio Celli, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh truyền thông xã hội, cho biết đề tài ÐTC chọn lựa "phản ánh vai trò của các cơ quan truyền thông, nhất là trong tương quan tới một nguy cơ ngày càng rõ rệt: đó là các phương tiện truyền thông ngày càng quy chiếu về mình và không còn là dụng cụ phục vụ cho sự thật nữa. Sự thật cần phải tìm kiếm và chia sẻ."

Hội đồng Tòa Thánh truyền thông xã hội đang chuẩn bị tài liệu nghiên cứu và tài liệu giúp cử hành phụng vụ nhân ngày Thế giới truyền thông xã hội năm tới. Và theo thông lệ, ngày 24-1-2008, lễ thánh Phanxicô đệ Salê, bổn mạng giới ký giả Công giáo, ÐTC sẽ cho công bố Sứ điệp nhân Ngày Thế giới truyền thông xã hội. 

 

G. Trần Ðức Anh OP

 

Mục lục

 

BẢN TƯỜNG TRÌNH HỘI NGHI CHUYÊN ĐỀ VỀ “ƠN GỌI TẠI Á CHÂU HÔM NAY”



 

Do LIÊN HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC Á CHÂU (FABC) Tổ Chức Tại Trung Tâm Huấn Luyện Mục Vụ Baan Phu Waan Samphran, Thailand từ ngày 22 đến 27 tháng 10 năm 2007


1. Trung Tâm Huấn Luyện Mục Vụ Baan Phu Waan của Tổng Giáo Phận Bangkok nằm cách trung tâm thành phố Bangkok 30 km về phía tây. Trung tâm, rộng khoảng hơn 50 mẫu gồm có : Trung tâm Huấn luyện MụcVụ – Tiểu Chủng Viện Thánh Giuse – Trường trung học Thánh Giuse – Trung Tâm dạy Anh Ngữ – Nhà Hưu Dưỡng Các Linh mục và một cái hồ thật lớn ở giữa cùng với những khu vườn, bãi cỏ, sân thể thao xen kẽ giữa những khu nhà... Bên cạnh Trung Tâm là Nhà Thờ Lên Trời (The Ascension Church) và nghĩa trang của giáo phận Bangkok. Riêng về Trung tâm Huấn luyện MụcVụ bao gồm 3 tòa nhà 8 tầng liền nhau thành hình vòng cung, như một vòng tay giang ra tiếp đón. Ngoài nhà nguyện, phòng ăn, phòng hội thảo... Trung Tâm có 180 phòng dành cho khách. 2. Tham dự HỘI NGHI CHUYÊN ĐỀ VỀ “ƠN GỌI TẠI Á CHÂU HÔM NAY” gồm 158 thành viên thuộc 16 quốc gia, gồm 1 Hồng Y, 5 Tổng Giám Mục, 7 Giám Mục, 60 Linh mục, 49 nữ tu, 26 nam tu và chủng sinh, 10 giáo dân. Dưới đây là tên những thành viên quan trọng : - Đức Hồng Y Michael Michai Kitbunchu, Tổng Giám Mục Bangkok;


- 5 Tổng giám mục :


Đức TGM Salvatore Pennacchio, Sứ Thần Tòa Thánh tại Thailand; Đức TGM Orlando Quevedo, OMI, Tổng Thư Ký FABC; Đức TGM Nicholas Chia, Singapore; Đức TGM Leo Jun Ikenaga,S.J., Osaka, Nhật; Đức TGM Charles Bo, Myanmar;


- 7 Giám mục : 2 Thailand, 2 Malaysia, 1 Sri Lanka, 1 Vietnam, 1 Philippines


Đức GM George Yod Phimphisan, Chủ Tịch HĐGM Thái Lan; Đức GM Joseph Prathan Sridurunsil, SDB, Thái Lan; Đức GM John Lee, Malaysia; Đức GM Paul Tan, SJ, Malaysia; Đức GM Luis Antonio Tagle, Philippines; Đức GM Winston S. Fernando, Sri Lanka; Đức GM Peter Nguyen Van De, SDB, Viet Nam. - 2 Linh mục đại diện Tòa Thánh, đến từ Roma :

Cha Francis Bonnici, Giám đốc Ủy Ban Tòa Thánh phụ trách Ơn gọi; Cha Mario Llanos, SDB; Phái đoàn Việt Nam gồm 5 vị :


Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Đệ, Giám Mục Phụ Tá Địa Phận Bùi Chu, Phó Chủ Tịch Ủy Ban Tu Sĩ; Cha Tôma Vũ Quang Trung, Giám Tỉnh dòng Tên, đại diện Nam Tu Sĩ. Cha Giuse Đỗ Mạnh Hùng, Linh Hướng Đại Chủng Viện Thánh Giuse Sàigon, Tổng Thư Ký Ủy Ban Giáo Sĩ và Chủng Sinh, đại diện các Đại Chủng Viện. Cha G.B. Ngô Đình Tiến, linh mục phụ trách ơn gọi giáo phận Nha Trang. Sr. Mai Trinh, Giám Tỉnh Dòng Đức Bà Truyền Giáo, đại diện Nữ Tu Sĩ. 3. Mục tiêu của Hội Nghị Chuyên Đề là


* Trình bày bối cảnh văn hóa, xã hội, kinh tế đang ảnh hưởng trên ơn gọi tại Á Châu. * Nhấn mạnh đến bản chất của ơn gọi là theo Chúa Kitô một cách triệt để. * Làm nổi bật bản chất truyền giáo của ơn gọi. * Cung cấp những tìm hiểu sâu sắc và cập nhật về việc tuyển chọn và đào tạo. 4. Hội Nghị đã bắt đầu lúc 18g00 thứ hai 22-10-2007 trong bầu khí cầu nguyện với Thánh Lễ khai mạc do Đức TGM Salvatore Pennacchio, Sứ Thần Tòa Thánh tại Thailand chủ sự. Trong bài giảng Đức TGM Salvatore đã nhấn mạnh đến 3 đặc điểm của ơn gọi là : sự phục vụ theo gương Chúa Giêsu – lòng tin như tổ phụ Abraham đã đáp lời mời gọi của Thiên Chúa – sự từ bỏ như các tông đồ.

 

Sau Thánh Lễ là diễn văn khai mạc của Đức Hồng Y Michael Michai Kitbunchu, Tổng Giám Mục Bangkok, trong đó ngài đã nhắc lại 4 mục tiêu của Hội Nghị cùng với lời chào mừng đón tiếp của Tổng Giáo phận Bangkok.


Tiếp đến là diễn văn của Đức TGM Orlando Quevedo, OMI, Tổng Thư Ký FABC, trong đó ngài nói đến ý nghĩa của Hội Nghị Chuyên Đề về “ƠN GỌI TẠI CHÂU Á HÔM NAY” với một thực tại nổi bật là Á Châu và Phi Châu là hai lục địa hiện đang cung cấp nhiều ơn gọi cho Giáo Hội địa phương và Giáo Hội toàn cầu. Nhưng bối cảnh văn hóa, xã hội, kinh tế đang tác động rất mạnh trên ơn gọi tại Á Châu. Vì thế một Hội Nghị Chuyên Đề là cần thiết để cùng nhau suy nghĩ và tìm ra hướng đi mới trong việc chăm lo cho các Ơn Gọi tại Á Châu hôm nay. Trong thao thức ấy, Ban Tổ Chức đã chọn Thái lan, một đất nước đa văn hóa, đa tôn giáo để tổ Hội Nghị.


Cuối cùng là Sứ điệp của Đức Hồng y Zenon Grocholewski, Bộ Trưởng Bộ Giáo Dục Công Giáo gởi Hội Nghị, do Cha Francis Bonnici, Giám đốc Ủy Ban Tòa Thánh phụ trách Ơn gọi đọc. Trước hết sứ điệp nói đến việc tổ chức HỘI NGHỊ CHUYÊN ĐỀ VỀ ƠN GỌI TẠI Á CHÂU nằm trong chương trình chung của Bộ Giáo Dục Công Giáo phối hợp với Ủy Ban Tòa Thánh phụ trách Ơn gọi, nhằm tổ chức những công nghị (Congress) về ơn gọi tại các lục địa, ví dụ như : năm 1994 tại Châu Mỹ Latin; năm 1997 tại Âu Châu; năm 2001 tại Bắc Mỹ. Và giờ đây tới lúc tổ chức một Công Nghị về Ơn gọi tại Á Châu. Trong chiều hướng đó Hội Nghị Chuyên Đề (Symposium) với chủ đề “ƠN GỌI TẠI Á CHÂU HÔM NAY” đã được Liên Hội Đồng Giám Mục Á Châu tổ chức với sự hỗ trợ của Tổ Chức Serra Quốc Tế (một Tổ Chức của giáo dân nhằm cổ võ và nâng đỡ ơn gọi linh mục/tu sĩ).


Sứ điệp cũng nhấn mạnh đến việc tổ chức Hội Nghị Chuyên đề về ƠN GỌI TẠI Á CHÂU còn nằm trong bối cảnh Giáo Hội cổ võ ơn gọi linh mục nhằm loan báo Tin Mừng. Loan báo Tin Mừng là một thách đố lớn tại Á Châu, nơi mà Giáo hội chỉ là thiểu số. Trong bối cảnh tại Á Châu hôm nay, việc cổ võ, nuôi dưỡng ơn gọi là một nhiệm vụ quan trọng. Đặc biệt Giáo Hội có nhiệm vụ giúp cho các bạn trẻ biện phân ơn gọi, đồng hành giúp họ đáp trả ơn gọi và đào tạo họ lớn lên trong ơn gọi. Và sứ điệp đã kết thúc với điểm nhấn là phải cầu nguyện cho ơn gọi. 5. Chương trình hội nghị xoay quanh 3 chủ đề với 7 bài thuyết trình :

Chủ đề 1 (Thứ ba 23-10-2007): Trình bày Ơn gọi trong một thế giới nhiều đổi thay (Gợi ý từ chủ đề Sứ Điệp Ơn Gọi 2006 : Ơn gọi trong Mầu Nhiệm Giáo Hội) Chủ đề 2 (Thứ tư 24-10-2007): Giáo Hội Hiệp Thông, nơi ươm hạt giống ơn gọi (Gợi ý từ chủ đề Sứ Điệp Ơn Gọi 2007 : Ơn gọi phục vụ Giáo Hội Hiệp Thông) Chủ đề 3 (Thứ năm 25-10-2007): Tuyển chọn ứng sinh linh mục & đời sống thánh hiến Dưới đây là 7 Đề Tài của 7 bài thuyết trình :


Thuyết trình 1 : Bối cảnh ơn gọi tại Á Châu - do Đức TGM Orlando Quevedo, OMI, Tổng Thư Ký FABC


Thuyết trình 2 : Ơn gọi hướng đến Truyền Giáo – do Đức TGM Leo Jun Ikenaga, Nhật, Ủy Ban Đời sống Thánh Hiến


Thuyết trình 3 : Động lực chọn lựa ơn gọi linh mục & tu sĩ – do Sr. Judette Gallares, RC, Phi Luật Tân


Thuyết trình 4 : Sự khổ chế và ơn gọi (Sự triệt để và hy sinh) ( “Những cuộc mạo hiểm của tự do để hoàn tất điều không thể thực hiện” (“Adventures of Freedom to achieve the impossible”) – do Đức GM Paul Tan Chủ tịch, Ủy Ban


Đời Sống Thánh Hiến của FABC


Thuyết trình 5 : Gia đình : vườn ươm hạt giống ơn gọi – do Ong Bà Dr. Jeffrey & Angelina Goh, Malaysia


Thuyết trình 6 : Tiến trình tuyển chọn ơn gọi – do Cha Lawrence Pinto, Thư Ký điều hành Ủy Ban Giáo Sĩ của FABC


Thuyết trình 7 : Phương pháp toàn diện, hòa hợp trong đào tạo – do Đức GM Luis Antonio Tagle, Giám mục Địa phận Imus, Phi Luật Tân a) Trước hết qua bài thuyết trình về “Bối Cảnh Ơn Gọi tại Á Châu”, Đức TGM Quevedo đã trình bày ba phần : Phần thống kê về Giáo Hội từ 1978 đến 2004 trong đó ơn gọi của Au Châu, Mỹ Châu và Châu Đại Dương sút giảm, ngược lại ơn gọi tại Á Châu và Phi Châu gia tăng. Nhưng một vấn đề được đặt ra cho cả hai khối : các nước mà ơn gọi sút giảm sẽ gặp nhiều khó khăn khi đáp ứng những nhu cầu mục vụ, nhưng những nước có ơn gọi gia tăng (như tại Phi Châu và Á Châu), dưới những ảnh hưởng của bối cảnh kinh tế, xã hội, văn hóa, với những ơn gọi hiện nay, đã đáp ứng được những nhu cầu mục vụ như thế nào ?


Phần hai là bối cảnh kinh tế, xã hội, văn hóa hôm nay đang ảnh hưởng trên những ơn gọi tại Á Châu, một môi trường đa tôn giáo, đa văn hóa và đa số là người nghèo. Nhiều ơn gọi lớn lên trong những gia đình nghèo hay trong những môi trường nhiều xung đột. Thêm vào đó những ảnh hưởng của nền văn hóa vật chất, tục hóa, tiêu thụ, hưởng thụ… đã tác động trên những động lực chọn lựa ơn gọi. Từ đó việc tuyển chọn và đào tạo là một thách đố rất lớn.


Cuối cùng trong phần kết luận, Đức TGM Quevedo đã nhấn mạnh ơn gọi là một mầu nhiệm, một hồng ân đến từ Thiên Chúa và cho cộng đoàn, từ đó nổi bật lên bản chất truyền giáo của Ơn Gọi, hồng ân của Thiên Chúa cho Á Châu, nơi mà đại đa số chưa biết đến Thiên Chúa.


b) Về đề tài “Ơn gọi hướng đến Truyền Giáo”, Đức TGM Leo Jun Ikenaga đã nhận định : trong khi bối cảnh chung của Á Châu có nhiều ơn gọi, thì tại một số nước tại Á Châu như Nhật, Đài Loan, Hongkong, Macao… ơn gọi lại thấp. Từ đó, Ngài đề nghị những HĐGM tại các nước có nhiều ơn gọi hãy có chương trình đào tạo các thừa sai và gởi đến những nước Á Châu nơi thiếu ơn gọi. Và ngài nhấn mạnh, chương trình đào tạo và gởi các thừa sai này là một quan tâm lớn cho tương lai của toàn bộ Á Châu.


c) Tiếp đến Sr. Judette đã trình bày về “Động lực chọn lựa ơn gọi linh mục & tu sĩ” với những yếu tố “ý thức và vô thức”. Cần phải lưu ý đến những yếu tố này, nhất là “yếu tố vô thức”, khi giúp các ứng sinh nhận ra và xác tín về động lực chọn lựa ơn gọi của mình. Để từ đó, các ứng sinh sẽ có một dấn thân tích cực và trưởng thành dựa trên những giá trị của Phúc Am. Đây là một lời mời gọi tìm kiếm một cuộc sống gắn bó với Chúa Kitô và chia sẻ sứ mạng của Ngài trong ơn gọi linh mục, tu sĩ.


d) Để diễn tả về “Sự khổ chế và ơn gọi” (Sự triệt để và hy sinh), Đức Cha Paul Tan đã dùng một cách nói khác : Ơn gọi là tiếng gọi dấn thân vào “một cuộc phiêu lưu tìm kiếm tự do để đat được điều như thể không thể thực hiện được”. Đức Kitô đã trở nên một mẫu gương sống động của cuộc phiêu lưu này. Ngài đã tự nguyện dấn thân vào cuộc hành trình bày tỏ tình yêu vô biên cho con người, khi đồng hóa mình với thân phận tội lỗi của con người qua đau khổ và cái chết trên thập giá, để đem ơn cứu độ cho cả nhân loại.

e) Ông và Bà Dr. Jeffrey & Angelina Goh đã trình bày đề tài “Gia đình, vườn ươm hạt giống ơn gọi” với lời mời gọi : Gia đình, Hội Thánh tại gia, cần giúp các bạn trẻ khám phá tiếng Chúa mời gọi họ dấn thân cho tình yêu trong việc phục vụ con người theo gương chúa Kitô, giữa bao nhiêu tiếng gọi đầy cuốn hút khác của thế gian. Gia đình là vườn ươm ơn gọi, giúp các bạn trẻ hình thành những đức tính nhân bản và luân lý cần thiết, đồng thời cũng giúp họ loại bỏ những ảnh hưởng xấu của môi trường xã hội chung quanh trước khi họ dấn thân vào các chặng đường đào tạo tại Chủng Viện hay Dòng tu.


f) Về “ Tiến trình tuyển chọn ơn gọi”, Cha Lawrence Pinto đã nhắc đến giáo huấn của Bộ Giáo Dục Công Giáo và của các Đức Giáo Hoàng (Piô XII, Gioan Phaolô II) khi đề cập việc cần có những phương cách tuyển chọn ứng sinh, bao gồm cả trác nhiệm tâm lý, trước khi nhận họ vào Chủng Viện hay Dòng Tu. Tác giả trình bày những khả năng cần có nơi ứng sinh và cách thức tìm hiểu lịch sử bản thân, đời sống xã hội & tâm lý, thiêng liêng và tương quan nhân vị của ứng sinh. Nhưng chủ đích cách tuyển lựa này, với sự trợ giúp của Khoa Tâm Lý, không nhằm loại trừ ứng sinh, nhưng để giúp giúp ứng sinh biết mình, tự quyết định chọn lựa và tự phát triển cũng như giúp nhà đào tạo hướng dẫn ứng sinh biến đổi.


g) Đề tài cuối cùng là “Phương pháp toàn diện, hòa hợp trong đào tạo” do Đức Cha Luis Antonio Tagle trình bày. Cuộc sống và cấu tạo của con người bao gồm nhiều yếu tố : thể lý, tâm linh, xã hội, văn hóa… Vì thế không thể phân chia hoặc giản lược việc đào tạo vào khía cạnh này mà bỏ qua những khía cạnh khác. Tông Huấn Pastores Dabo Vobis đề cập và phân tích rất rõ việc đào tạo toàn diện với 4 chiều kích : nhân bản, thiêng liêng, tri thức, mục vụ. Những chiều kích này phải hỗ trợ và hài hòa với nhau. Đào tạo nhân bản nhằm để phục vụ, phải đưa đến việc hỗ trợ đời sống thiêng liêng. Đào tạo thiêng liêng cần có chiều kích tông đồ. Đào tạo trí thức phải nhắm mục đích và lợi ích truyền giáo. Đào tạo mục vụ phải hướng đến đức ái mục tử, và giúp kết hợp với Chúa Giêsu, với thao thức yêu thương đoàn chiên. Để đạt được việc đào tạo toàn diện, cần có sự đóng góp tích cực của ban Đào Tạo nơi Chủng Viện / Dòng Tu, của Giám mục / Bề Trên Dòng Tu, của các linh mục/tu sĩ ngoài Chủng Viện, của các cha xứ, của gia đình, của chính ứng sinh, của giáo dân và cả những người nghèo. Vì mọi thành phần trong Giáo Hội đều góp phần vào việc đào tạo đa diện và toàn diện của các ứng sinh. 6. Xen kẽ giữa các bài thuyết trình là các buổi họp thảo nhóm (có 10 nhóm), giúp khai triển và cụ thể hóa những lý thuyết được trình bày nhờ những suy tư và kinh nghiệm của các tham dự viên trong Hội Nghị. Ngoài những giờ chia sẻ nhóm, những gặp gỡ trao đổi riêng trong những giờ giải lao, trong những giờ giải trí “happy hours” vào buổi tối, tạo nên mối tương quan thân mật giữa những người có trách nhiệm trong việc cổ vũ và đào tạo các ơn gọi.


Ngoài ra, những buổi văn nghệ, hòa nhạc, ca múa của các em trường trung học hay của các tiểu chủng sinh Thái Lan cũng như những món ăn đặc sản của Thái Lan, đặc biệt cuộc tham quan Rose Garden với những màn biểu diễn mang đậm sắc thái dân tộc Thái (vào chiều thứ sáu sau khi đã bế mạc Hội Nghị) đã giúp các tham dự viên khám phá và thưởng thức những nét đẹp và hấp dẫn của nền văn hóa Thái Lan. 7. Ngày cuối cùng (thứ sáu 26-10), với buổi sáng dành để thảo luận về “Bản Tuyên Bố cuối cùng”. Cả hội nghị đã trao đổi, góp ý về bản văn. Hội Nghi đã nhất trí để Đức Tổng Giám Mục Quevedo, Tổng Thư Ký của FABC, sẽ sắp xếp các góp ý của Hội Nghị để đưa ra “Bản Tuyên Bố cuối cùng” hoàn chỉnh. Đức TGM Tổng Thư Ký sẽ gởi “Bản Tuyên Bố cuối cùng” này cho các tham dự viên trong những ngày gần đây. Sau phần góp ý và biểu quyết về “Bản Tuyên Bố cuối cùng”, Hội Nghị đã kết thúc với Thánh Lễ bế mạc do cha Cha Francis Bonnici, Giám đốc Ủy Ban Tòa Thánh phụ trách Ơn gọi (Vatican) chủ tế. 8. Tóm lại, Hội Nghị Chuyên Đề “Về Ơn Gọi Tại Á Châu Hôm Nay” đã diễn ra : trong bầu khí cầu nguyện như đặt tin tưởng vào sự hướng dẫn của Thiên Chúa, đặc biệt vào sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần là nhà đào tạo chính của ơn gọi; trong bầu khí yêu thương huynh đệ của những người có trách nhiệm, phụ trách về ơn gọi tại Á Châu; và trong bầu khí hiệp thông với Giáo Hội toàn cầu, qua những vị đại diện đến từ Roma. Ước mong những thành quả của Hội Nghị sẽ góp phần vào việc cổ vũ, bảo vệ, nuôi dưỡng và đào tạo ơn gọi tại Á Châu.


Ngày 27-10-2007


Lm. Giuse Đỗ Mạnh Hùng

Mục lục

 

 

TÌM HIỂU & SỐNG ĐẠO

 

 

Lời chủ chăn tháng 11.2007

 

XÂY DỰNG GIA ĐÌNH GIÁO PHẬN

 

1.                  Khi tôi mới về Giáo phận, đầu Tháng Tư năm 1998, Giáo phận được giới thiệu với tôi như một ngôi nhà gia đình có 100 gian. Từ đó đến nay, dần dần tôi khám phá ngôi nhà gia đình đó không những là ngôi đền thánh của sữ sống và tình thương, là ngôi trường đầu tiên giáo dục đức tin, song còn là cánh đồng, là thửa đất, nơi Chúa gieo nhiều hạt giống hồng ân cứu độ, hạt giống Lời Chúa, hạt giống ơn đức tin, hạt giống ơn gọi linh mục, tu sĩ…

 

2.                  Với những khám phá đó, tôi không ngừng tạ ơn Chúa thương ban cho gia đình giáo phận dồi dào hồng ân cứu độ. Đồng thời tôi cũng muốn nói lên lời chân thành cám ơn tất cả linh mục, tu sĩ, các gia đình giáo dân, những người thợ đang lao lực chăm sóc, vun phân tưới nước cho thửa đất gia đình trở nên phì nhiêu, cho hạt giống ơn Chúa mọc lên xanh tươi, hứa hẹn một vụ mùa bội thu.

 

 

3.                  Hoàn cảnh xã hội ngày nay với nền kinh tế thị trường đang góp phần phát triển đất nước, song cũng đang làm phát sinh tràn lan những tiêu cực và tệ nạn xã hội. Tôi gọi đó là nạn sâu rầy, dịch bệnh trên thửa đất gia đình, đe dọa huỷ diệt các mầm sống, các hạt giống ơn thánh mà Chúa đã gieo. Đức Gioan Phaolô II gọi là  văn hoá sự chết, một lối sống không dẫn đến sự sống dồi dào, song đưa gia đình và xã hội đến cảnh đau thương và tang tóc.

 

4.                  Để bảo vệ mùa màng khỏi sự tàn phá của nạn sâu rầy dịch bệnh, kinh nghiệm của nhà nông cho thấy cần phải có một sức mạnh tổng hợp. Và để có được sức mạnh đó, điều cần làm là chung sức xây dựng gia đình thành một cộng đoàn hiệp thông. Hiệp thông với Chúa là cội nguồn Sự Sống và Tình yêu. Hiệp thông với mọi người trong tình nghĩa đồng bào và đồng loại. Sự hiệp thông thân thiết sẽ mở đường cho sự đồng cảm, cho tình liên đới, cho hành động tưong thân, tương trợ… Tất cả sẽ tạo nên sức mạnh tổng hợp cần thiết cho sự tồn tại và phát triển.

 

 

5.                   Kinh nghiệm cho tôi thấy công cuộc xây dựng gia đình hiệp thông thường gặp phải những trở ngại. nguyên nhân sâu xa của trở ngại là lòng tư kỷ, là thái độ đối kháng đối với những dị biệt và bất đồng tất nhiên trong gia đình, trong cộng đoàn. Và hậu quả là những bất đồng kéo dài trở thành những mối bất hoà, rồi tạo ra tình trạng bất ổn trong gia đình và xã hội.

 

6.                  Nhằm mở đường cho ta vượt qua mọi trở ngại, tiến đến sự hiệp thông tròn đầy và sự sống dồi dào, Chúa Guêsu mời gọi ta bỏ mình, vác thập giá và bước theo Người. Bỏ mình chủ yếu là vượt qua lòng tư kỷ, lòng tham sân si, tính đối kháng cố hữu nơi bản thân mỗi thành viên trong gia đình. Vác thập giá là chấp nhận những gian khổ, những tủi nhục, những hy sinh, để biến gánh nặng thập giá thành biểu hiện của tình thương quảng đại cho đi đến cùng. Bước theo Chúa là hướng tâm trí lên đỉnh thái hoà, mặc lấy cái nhìn bao quát của Chúa, sống theo mẫu gương Chúa, nghe theo ánh sáng soi dẫn và sức mạnh thúc đẩy của Chúa Thánh Thần là nguồn lực yêu thương.

 

 

7.                   Chúng ta có thể đáp lời mời gọi của Chúa, nhờ ánh sáng và sức mạnh của Chúa Thánh Thần, nhờ chiêm ngắm Chúa Giêsu tỏ mình ra qua tương quan hiệp thông của Người với Chúa Cha, qua tương quan Người đồng hành với các môn đệ, với các gia đình trong mọi hoàn cảnh và mọi tình huống của cuộc sống. Chiêm ngắm Chúa qua đời sống đức tin với những sinh hoạt cầu nguyện, phụng vụ, bí tích, học hỏi và thi hành Lời Chúa dạy yêu thương và phục vụ. Chiêm ngắm với tâm hồn an bình và khiêm tốn mở ra, với ý thức và ý chí khao khát đón nhận.

 

8.                  Qua việc chiêm ngắm đó, mọi người trong gia đình dần dần sẽ nhận được sự bình an và niềm vui cứu độ, sẽ mặc lấy con người mới, một cái nhìn mới, một quả tim mới, theo hình mẫu của tình yêu cứu độ của Chúa. Tình yêu cứu độ của Chúa là tình yêu nhập thế vào đời hiến tế - phục sinh bất tử.

 

 

9.                  Tình yêu nhập thế là tình yêu tự khiêm tự hạ hiến thân thi hành ý Chúa Cha là Chúa Con đồng hoá với phận làm người, sống giữa loài người, mang lại bình an và niềm vui cứu độ cho nhà nhà.  Tình yêu vào đời là tình yêu đồng hành và đồng cảm với mọi vui buồn, lo âu và hy vọng của mọi gia đình, để phục vụ cho kế hoạch yêu thương cứu độ của Chúa Cha là mang lại sự sống dồi dào và hạnh phúc vừng bền cho người người. Tình yêu hiến tế là tình yêu chấp nhận khổ đau, tủi nhục, hy sinh, để toàn hiến cho sự sống, phẩm giá và hạnh phúc của con người. Tình yêu phục sinh bất tử là tình yêu chia sẻ sự sống mới phục sinh cho mọi người tin theo Chúa, và mời gọi họ tham dự vào vinh quang trong Nước Chúa là Nước yêu thương bất tận, là cõi phúc trường sinh

 

Gioan B Phạm Minh Mẫn

Hồng y – Tổng giám mục

Mục lục

 

 

Sứ điệp từ những nấm mồ

 

Khi còn sống với nhau trên trần gian, chúng ta chia sẻ với nhau những lo âu, những hy vọng, những kỷ niệm buồn vui, những thành công, thất bại, những lời chê trách hay những vỗ về, an ủi, phấn chấn nhau? nhưng khi một bên đã quá cố, sợi dây liên lạc đó không còn cụ thể hữu hình như khi xưa nữa. Người còn sống và người quá cố liên lạc với nhau qu tâm tình nhớ nhung thương mến. Ðó đây như vong linh người quá cố vẫn luôn vảng vất trong cuộc sống người còbn đang sống.

SỢI DÂY LIÊN LẠC

Người đã đi về thế giới bên kia nằm sâu dưới lòng đất hay đã tiêu tan ra tro bụi. Người còn sống trên mặt đất buồn sầu tưởng nhớ người đã vĩnh viễn ra đi không có ngày trở lại cuộc sống trên trần gian nữa.

Người còn sống lần giở lại những hình ảnh kỷ niệm xa xưa, những giờ phút năm tháng chung sống cùng nhau đã trải qua để nhớ về người đã quá cố. Những kỷ niệm này làm sống lại đời sống năm xưa hy vọng phần nào củng cố tinh thần nghị lực tiếp tục cuộc anh phải sống trên trần gian.

Tâm tình này rất nhân bản và cần thiết cho đời sống mỗi người. Tâm tình này nói lên lòng trung thành và lòng biếty ơn với nhau:khi còn chung sống với nhau hay đã ra người thiên cổ, chúng ta vẫn có nhau!

Tâm tình này sống động trong mọi dân tộc vào mọi thời gian. Ðâu đâu những nghĩa trang cũng được chăm sóc cẩn thận.

Người Công giáo hằng năm vào ngày 2-11 có tập tục đạo đức hiếu thảo tốt lành thăm viếng phần mộ người thân thuộc đọc kinh cầu nguyện cho họ. Ở các xứ đạo sau thánh lễ ngày 1 - 11 hoặc những ngày kế tiếp, cha xứ và giáo dân trong xứ tụ tập ở nghĩa trang đọc kinh và làm phép mồ mả. Vào ngày này thân nhân người quá cố dọn dẹp trang hoàng mồ mả với hoa nến, để nói lên lòng thành kính thương mến với người quá cố và cũng để nói lên niềm tin : tôi tin xác loài người ngày sau sống lại và sự sống đời sau !

SỨ ÐIỆP TỪ NHỮNG NẤM MỒ

Trên những phần mộ thường có cây Thánh giá. Cây Thánh giá nói lên niềm tin: Chúa Giêsu đã hy sinh chịu chết trên đó để cứu chuộc con người khỏi vòng liên lụy của tội lỗi. Thánh giá Chúa Giêsu là ơn cứu độ niềm hy vọng cho con người.

Trên đó cũng thường có tấm bia có khắc ghi di ảnh người quá cố với ngày tháng năm cùng nơi sinh ra và ngày tháng qua đời. Cũng trên tấm bia có khắc 3 chữ : R. I. P. Ðây là 3 chữ tắt của câu bằng Latinh : requiescat in pace - Ông, bà, anh, chị, em?an giấc ngàn thu !

Có những tấm bia trên phần mộ ghi lại câu kinh thánh hay những lời từ biệt lời cám ơn. Phải chăng chết đi về thế giới bên kia là hết, là chấm dứt mọi liên đới ?

Chúa Giêsu trong bữa Tiệc ly với các tông đồ đã nói với họ lời từ giã trước khi tự nguyện hy sinh chịu chết : Thày đi về cùng Cha Thày ! (Ga 14, 1-14). Lời từ biệt này nói lên mối dây ràng buộc niềm tin và tình yêu vào Thiên Chúa.

Người thân yêu đã ra đi, theo niềm tin của người Công giáo chúng ta, cũng như Chúa Giêsu : về cùng Thiên Chúa Cha. Như thế họ cũng để lại di chúc lời từ giã như sau :

Tôi ra đi bây giờ nằm sâu dưới lòng đất, nhưng tôi tin rằng tôi trở về cùng Thiên Chúa, Ðấng sinh thành ra tôi.

Tôi nằm sâu trong lòng nấm mồ này, nhưng tôi vẫn hằng hy vọng trông mong Thiên Chúa sẽ cứu độ tôi và sẽ cho tôi sống lại được hưởng đời sống bất diệt như Ngài đã cho Chúa Giêsu sống lại từ cõi chết.

Tôi bây giờ nằm chôn kín trong nấm mồ xây kín bằng ximăng cát đá, nhưng tôi hằng có tâm tình yêu mến Thiên Chúa của tôi, vì Ngài là Cha đời tôi. Và tôi biết Ngài hằng yêu mến tôi.

Ðứng trước nấm mồ người quá cố, tâm tình buồn thương nhớ tiếc làm sống lại những hình ảnh kỷ niệm buồn vui năm xưa. Thánh Giá Chúa Giêsu và cây nến cháy sáng trên phần mộ tựa như những lời nhắn nhủ của người quá cố nói với người thân còn sống : Tôi đi về cùng Thiên Chúa Cha, về cùng Ðấng là nguồn sự sống và nguồn tình yêu.

Lm Nguyễn Ngọc Long

Mục lục

 

Tháng linh hồn – Nhớ về ông bà cha mẹ

Hàng năm cứ đến tháng 11 người tín hữu công giáo lại đi sửa sang từng ngôi mộ cho người thân yêu. Đặc biệt vào ngày mồng 2 tháng 11 mọi người trong giáo xứ kéo nhau ra nghĩa trang, tham dự thánh lễ cầu nguyện cho ông bà, cha mẹ, anh chị và người thân của mình. Là người còn sống, tưởng nhớ và ghi ơn những kẻ đã qua đời, xin được chia sẽ đôi nét về tinh thần đạo hiếu - Người Việt Nam.

Người Việt Nam có lòng thờ kính ông bà cha mẹ đã lâu đời. Từ thời vua Hùng dựng nước, người Việt Nam luôn tự hào về nguồn gốc “Con Rồng cháu Tiên” và dành tình cảm, lòng tôn kính đặc biệt đối với ông bà, cha mẹ. Trải qua dòng lịch sử, truyền thống báo hiếu báo ân của người dân Việt đã trở thành Đạo mà dân gian gọi là Đạo hiếu hay Đạo Ông Bà. Bài ca dao ghi nhớ công ơn cha mẹ và tinh thần báo đáp của người con chẳng biết có tự thủa nào, nhưng ai đã là người việt Nam, thì bài ca dao ấy như đã tự khắc ghi vào trong cốt tủy :

“Công cha như núi Thái Sơn.

Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.

Một lòng thờ mẹ kính cha.

Cho tròn Chữ Hiếu mới là Đạo con”.

1. Chữ hiếu trong văn hoá Việt Nam

Người Việt Nam coi Hiếu là là cái gốc của Đức. Cốt tuỷ của Đạo hiếu là Đức Hiếu thảo được thể hiện qua hai điều : Tôn kính cha mẹ lúc còn sống và thờ kính cha mẹ, ông bà khi các ngài qua đời.

Nhiều bài ca dao, tục ngữ, nhiều bài hát, câu chuyện, đã kể về công cha nghĩa mẹ và răn dạy con cái cần sống đáp đền công ơn ấy :

“Công cha nghĩa mẹ cao vời

Nhọc nhằn chẳng quản suốt đời vì ta.

Nên người con phải xót xa


Đáp đền nghĩa nặng như là trời cao

Đội ơn chín chữ cù lao

Sinh thành kể mấy non cao cho vừa”.

Hay :

“Công cha nghĩa mẹ cao dày

Cưu mang trứng nước những ngày ngây thơ

Nuôi con khó nhọc đến giờ

Trưởng thành con phải biết thờ song thân”.

Bởi đó khi cha mẹ về già, con cái phụng dưỡng cha mẹ với của ngon vật lạ, sáng viếng tối thăm:
“Muốn cho gần mẹ gần cha

Khi vào thúng thóc, khi ra quan tiền.”

Nhiều cô con gái chẳng muốn rời cha mẹ nên nhiều lúc từ chối khéo với những chàng trai xa tới tán tỉnh :
“Chim đa đa đậu nhánh đa đa

Chồng gần không lấy, đi lấy chồng xa.

Mai sau cha yếu, mẹ già

Bát cơm đôi đũa, ly trà ai dâng?”.

Thậm chí có nhiều cô gái ở vậy chẳng chịu lấy chồng để phụng dưỡng cha mẹ già :

“Ơn hoài thai, to như trời bể

Công dưỡng dục, lớn tợ sông.

Em nguyện ở vậy không lấy chồng

Lo nuôi cha mẹ, hết lòng làm con”.

Dọc suốt dòng lịch sử, người Việt Nam chúng ta có những mẫu gương sáng ngời về đạo hiếu : Lục Vân Tiên đang trên đường đi thi, được tin mẹ mất, anh lập tức quay về chịu tang mẹ và khóc đến mù mắt :

“Thương thay chín chữ cù lao,

Ba năm nhũ bộ biết bao nhiêu tình !”

Hay nàng Kim Vân Kiều, người con gái tài sắc tuyệt vời, cũng vì yêu thương cha trong cảnh tù đày mà đã bán mình chuộc cha, dù phải bội ước với người yêu mà nàng đã nguyện thề “trăm năm tạc một chữ đồng đến xương!”

“Duyên hội ngộ đức cù lao,

Bên tình bên hiếu, bên nào nặng hơn ?

Để lời thệ hải minh sơn,

Làm con trước phải đền ơn sinh thành.

Quyết tình nàng mới hạ tình,

Rẽ ra cho thiếp bán mình chuộc cha”. (Kiều)

Đức hiếu còn đi sâu vào tâm thức của người Việt Nam qua giáo lý nhà Phật. Đức Phật dạy : “Thiện cùng cực không gì hơn hiếu, ác cùng cực không gì hơn bất hiếu” (trích từ Kinh Nhẫn Nhục). Ở Việt Nam Phật giáo hàng năm có tổ chức lễ Vu Lan vào ngày Rằm Tháng Bảy âm lịch, để con cái có dịp báo hiếu cầu siêu, thoát độ cho cha mẹ. Lễ này dần dần biến thành lễ hội văn hoá mang màu sắc dân tộc :

“Dù ai buôn bán nơi đâu,

Cứ rằm tháng bảy mưa ngâu là về”.

Trong ngày lễ báo hiếu này, người con ở xa cha mẹ cũng đã có lời nhắn gửi :

“Ai về tôi gửi buồng cau,

Buồng trước kính mẹ, buồng sau kính thầy.

Ai về tôi gửi đôi giầy,

Phòng khi mưa gió để thầy mẹ đi”.

Tinh thần báo hiếu của những người con đất Việt thể hiện càng rõ nét hơn vào những ngày Tết đến. Vào ngày Giao Thừa và những ngày đầu Xuân, con cháu chỉnh trang, bài trí lại bàn thờ tổ tiên và khấn mời hương hồn những người quá cố trong gia đình về hưởng Tết, đồng thời qua đó họ khấn xin hương hồn ông bà, cha mẹ phù hộ độ trì cho dòng họ, con cháu.

Đại đa số người Việt Nam có phong tục lễ gia tiên trong mọi tuần tiết, ngày kỵ giỗ, hiếu hỷ, tang chay hay những biến cố trong gia đình như : Sinh con, con đầy tháng, đầy năm, con bắt đầu đi học, sửa soạn đi thi, đỗ đạt, hay trong việc dựng vợ gả chồng cho con … Gia trưởng trong gia đình đều khấu trình lên tổ tiên để các ngài phù hộ.

Việc thờ kính ông bà tổ tiên, con cháu thường lập chung một bàn thờ hay từ đường và bài trí rất uy nghi, trang nghiêm. Những lễ vật dâng cúng tổ tiên cũng tuỳ thuộc vào từng gia cảnh, vào từng trường hợp mà tổ chức long trọng hoặc đơn sơ. Lễ nhỏ thì có chén trà, đĩa xôi, nải chuối, thắp vài nén nhang, ly nước … lễ lớn thường có con gà, heo quay, mâm quả…

2. Người kitô hữu sống thảo hiếu đối với ông bà cha mẹ

Người Kitô hữu sau việc tôn thờ Thiên Chúa là đến việc sống thảo hiếu với cha mẹ mình. Đây là lệnh truyền Thiên Chúa được khắc ghi ở Điều Luật Thứ Tư trong kinh Mười Điều Răn (X. Xh 20,12). Ở sách Lêvi, Đệ Nhị Luật cũng dạy làm con cái phải thờ kính cha mẹ (x. Lv 19,3 ; Đnl 5, 16). Lời khuyên nhủ trong sách Huấn Ca dành cho những người con đối với cha mẹ thật thấm thía làm sao : “Con ơi, hãy săn sóc cha con, khi người đến tuổi già ; bao lâu người còn sống chớ làm người buồn tủi. Người có lú lẫn con cũng phải cảm thông, chớ cậy mình sung sức mà khinh dễ người” (Hc 3,12-16).

Những người con sống tệ bạc đối với cha mẹ sẽ bị Thiên Chúa nguyền rủa : “Đáng nguyền rủa thay kẻ khinh dể cha mẹ” (Đnl 27,16). Kinh Thánh còn ví kẻ khinh rẻ cha mẹ là chọc giận Thiên Chúa : “ Ai bỏ rơi cha mình thì khác nào kẻ lộng ngôn, ai khinh rẻ mẹ, là chọc giận Đấng tạo thành ra nó” (Hc 3,16). Những người con sống thảo hiếu đối với cha mẹ sẽ được thứ tha lỗi lầm : “Việc nghĩa làm cho cha sẽ không bị xoá, nó sẽ đền thay các lỗi lầm” (Hc 3,14), và qua việc sống thảo hiếu đó, những người con sẽ được sống trường thọ : “kẻ trọng quý cha sẽ được dài ngày, người an ủi mẹ được công nơi Chúa” (Hc 3,6) vì : “Kẻ làm con, hãy vâng lời cha mẹ theo tinh thần của Chúa vì đó là điều phải đạo. Hãy tôn kính cha mẹ. Đó là điều răn thứ nhất có kèm theo lời hứa : để ngươi được hạnh phúc và hưởng thọ trên mặt đất này” (Ep 6,1-3).

Bởi đó lời khuyên nhủ trong sách Huấn Ca thật chí lý làm sao :

“Nghe lời cha là đi vào sinh lộ
Trọng kính mẹ là trích trữ kho tàng
Trọng kính cha sẽ được xoá lỗi lầm
Yên ủi mẹ sẽ được công nơi Chúa
Trọng kính cha được sống lâu muôn thuở
Rủa mắng mẹ tội nặng quá ngàn cân
Cha chúc lành cây đâm rễ sinh mầm
Mẹ chúc dữ cây hết còn nhựa sống
Săn sóc cha lúc tuổi già sức cạn
Chiều chuộng mẹ cho khỏi tủi khỏi sầu
Cha mẹ già khi trí tuệ về chiều
Đừng nhục mạ, hãy kính yêu nâng đỡ” (Hc 3, 1-6).


 

Trên đây là lời răn dạy của Chúa dành cho những kẻ làm con sống sao cho tròn chữ hiếu. Tiếp nối lời răn dạy ấy, Giáo Hội cũng thường xuyên nhắc nhở những người Kitô hữu cần phải luôn sống thân tình, trọng kính cha mẹ . Hoà quyện vào truyền thống đạo hiếu tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, người Kitô hữu cũng có những dịp đặc biệt sống báo hiếu với cha mẹ mình.

Vào những ngày đầu Năm Mới, Giáo hội Việt Nam dành trọn mồng 2 Tết để con cái dâng thánh lễ đặc biệt cầu nguyện cho ông bà, cha mẹ, tổ tiên . Vào ngày này, những người con thường nhắc lại công ơn trời bể cha mẹ đã dành cho con cái và hứa quyết tâm sống sao khỏi phụ lòng cha mẹ, ông bà. Và cũng trong ngày Mồng Hai Tết, từng gia đình, từng tín hữu, và cha quản xứ kéo nhau ra nghĩa trang viếng mộ những người thân yêu. Và tại nơi đây, nơi nghĩa trang giáo xứ này, một thánh lễ long trọng cũng được cử hành để cầu nguyện cho ông bà cha mẹ. Việc tưởng nhớ đến ông bà cha mẹ không chỉ giới hạn trong những ngày đầu năm hay trong tháng 11 – tháng linh hồn, mà con cháu luôn nhớ đến ông bà, tổ tiên qua lời kinh nguyện và qua thánh lễ mỗi ngày : “Xin thương cho ông bà tổ tiên, cha mẹ, anh chị em chúng con đã qua đời, và tất cả những ai đã ly trần trong ơn nghĩa Chúa, được vào Nước Chúa, nơi chúng con hy vọng sẽ tới…” (Kinh nguyện thánh lễ II) .

Ngoài ra vào những trường hợp đặc biệt như : Cha mẹ, ông bà qua đời, giỗ 100 ngày, giỗ 1 năm, 2 năm, 3 năm … con cái thường tổ chức đọc kinh gia đình, kinh xóm cho mọi người trong giáo họ, giáo xứ tham gia. Vào những dịp này con cháu trong gia đình thường xin lễ, đi dâng lễ cầu nguyện cho ông bà cha mẹ. Ngày hôm nay, ở nhiều giáo xứ chúng ta còn thấy những dịp đặc biệt của cha mẹ, ông bà như : mừng thượng thọ, mừng kỷ niệm kim khánh, ngọc khánh hôn phối, con cái cũng thường xin lễ và tổ chức tiệc mừng cho ông bà, cha mẹ mình.

KẾT

 

Bài ca dao :

“Công cha như núi Thái Sơn.

Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.

Một lòng thờ mẹ kính cha.

Cho tròn Chữ Hiếu mới là Đạo con”


thật đơn sơ, mộc mạc nhưng biểu lộ một giá trị bất hủ của Đạo hiếu trong lòng người Việt Nam. Điểm đậm nét lòng hiếu nghĩa của người Việt Nam là lòng biết ơn và sống báo đáp công sinh thành dưỡng dục của cha mẹ mình lúc còn sống và thờ kính cha mẹ lúc qua đời.

Quan niệm về những nét đặc trưng trong đạo hiếu đã được trình bày, làm nổi bật tính thiêng liêng trong tương quan huyết thống. Tương quan này là nền tảng nối kết con người trong gia tộc với nhau. Đặc biệt đối với Kitô giáo, tương quan này bắt nguồn từ Thiên Chúa vì chính Ngài là “nguồn gốc mọi gia tộc trên trời dưới đất” (Ep 3, 14), nên tương quan gia đình, dòng tộc được mở ra với tất cả mọi người vì mọi người cùng có chung một Cha trên trời.

Kitô giáo là Đạo đi từ con người tới Thiên chúa. Đạo hiếu Không có gì là mâu thuẫn, đối nghịch hay cản trở với Đạo Thiên Chúa mà còn là một điểm tựa, một bước khởi đầu thuận lợi, là một lối đi dễ dàng và gần gủi nhất có thể đưa ta vào Đạo Thiên Chúa. Tình yêu đối với ông bà cha mẹ tổ tiên không làm cho chúng ta xa cách tình yêu đối với Thiên Chúa mà còn đặt chúng ta vào trong tương quan nghĩa thiết với Thiên Chúa là nguồn gốc mọi gia tộc trên trời dưới đất.

Xin mượn lời thơ của một tác giả nào đó để kết thúc bài viết về Đức Hiếu Thảo :

“Đội ơn chín chữ cù lao
Sinh thành kể mấy non cao cho bằng
Thức khuya dậy sớm ân cần
Quạt nồng ấp lạnh giữ phần đạo con
Kính cha là sống trường tồn
Mến mẹ là có kho tàng hiển vinh
Yêu cha được xoá tội tình
Mến mẹ sẽ được phúc vinh Chúa Trời”.


 

Phao lô Nguyễn Văn Quý, OP.

Mục lục

 

 

NGƯỜI VỪA CHẾT

(Nén hương lòng dâng người quá cố…)

Mọi người sinh ra từ bụi tro rồi lại trở về tro bụi. Như mây hợp rồi tan, không một ai có thể thoát khỏi qui luật này đơn giản mà nghiệt ngã này. Mẹ tôi cũng thế, không thể thoát khỏi vòng sinh bệnh lão tử. Sau gần mười năm trời ốm đau liệt giường, mẹ đã trút hơi thở cuối cùng, linh hồn mẹ lìa khỏi xác. Mẹ đã nhắm mắt vĩnh viễn từ giã cõi đời này!

Mẹ ra đi, việc đầu tiên là gia đình con cháu họp nhau lại bàn việc lo tang ma cho mẹ. Mọi người đều đồng thanh nhất trí phải tổ chức đám tang cho mẹ thật to, thật linh đình. Phải sắm cho mẹ cỗ áo quan đẹp nhất, bằng gỗ quí nhất. Mẹ ơi, liệu mẹ có cảm nghiệm được lòng thảo hiếu của con cháu lúc này, khi mà mẹ chỉ còn là một “xác ma không hồn”? Xưa mẹ đau ốm, để đỡ phải giặt giũ nhiều, con cháu đã có “sáng kiến” khoác cho mẹ tấm nilon lạnh giá thay cho quần áo vải ấm áp. Nay mẹ chết, mẹ được nằm trong cỗ áo quan bọc nhung thắm, mẹ có thích không?! Hôm nay, mẹ mất, con cháu kéo đến đông đủ cả, không thiếu một ai, vòng trong vòng ngoài, khóc lóc vật vã thảm thiết, có đứa vì than khóc nhiều quá đến nỗi mất cả tiếng. Dân làng bảo: “Con cháu có hiếu quá! Có hiếu quá!” Xưa mẹ đau ốm, con cháu đùn đẩy nhau, đứa nào cũng ngại ngùng khi phải nuôi mẹ. Thế là chúng phải mở một cuộc họp, rồi bốc thăm, cắt phiên nhau nuôi mẹ. Có đứa đến phiên nuôi mẹ mà lại bận đi thẩm mỹ viện cả ngày, không nhờ ai được, vẫn lạnh lùng để mẹ nằm đói chỏng chơ. Kệ mẹ! Sắc đẹp muôn năm! Mẹ chết, hai con lợn cũng chết theo, lại còn bao nhiêu là xôi gà, măng miến nữa chứ. Chả ai tiếc tiền cả. Ông con trưởng tuyên bố: “Mẹ chết có một lần, phải làm cỗ thật to!” Vậy mà xưa mẹ đau ốm, có khi mẹ thèm một bát canh cũng không được. Con cháu bảo: “Cho mẹ ăn ít thôi, cho ăn uống lắm vào, cụ lại ỉa đái nhiều, chỉ tổ khổ công dọn dẹp!”.

Và rồi tin báo tử được loan đi đã làm thay đổi cả bầu khí gia đình và thái độ của mọi người đối với mẹ. Mọi người đến phúng viếng đông quá; dòng người cứ nối đuôi nhau hết đoàn thể này đến hội đoàn kia, ai cũng thành kính đốt nhang vái mẹ. Mẹ ơi, mẹ bất động nằm đó, mắt nhắm nghiền, mẹ có thấy gì chăng? Cả đời mẹ gian lao vất vả. Gần mười năm trời nằm ốm liệt trong nhà, mẹ thèm có người nói chuyện, mà nào có mấy người đến thăm. Thỉnh thoảng có người đến, nhưng lại nhanh chóng rời khỏi, có lẽ họ không thích thú gì khi ngồi bên người ốm liệt giường, mùi mẽo tanh hôi. Có người vào thăm mẹ mà cứ nhăn mũi, nhăn mặt lại. Con nhớ có lần, đứa cháu nội lân la đến vuốt tóc bà và định hôn má bà, thì mẹ nó nhanh tay kéo giật nó lại. Mẹ nó sa sầm nét mặt, lầm bầm: “Ngu quá con ạ! Mày muốn lây bệnh hả?!”

Mọi người mang đến phúng viếng mẹ nhiều hoa qúa, gần 100 vòng hoa, đủ các loại, đủ kích cỡ to nhỏ, có thể nói là cả một rừng hoa. Mẹ ơi, mẹ bất động nằm đó, mắt nhắm nghiền, mẹ có thưởng thức được hoa không? Khi còn sống, mẹ thích hái những đoá hoa dại cài mái tóc; mẹ cùng bạn bè đi hái những đóa hoa dại nhỏ xinh về dâng kính Mẹ Maria. Thế nhưng, cả đời mẹ quê, chưa ai tặng mẹ một đoá hoa nào. Mẹ thấy cuộc sống sao cằn khô quá!

Đoàn thể nào đến viếng mẹ cũng có người đại diện đọc điếu văn phân ưu. Bài điếu văn nào cũng bảy tỏ niềm tiếc thương vô hạn, ca ngợi mẹ hết lời, mong sao giá mà mẹ còn sống. Mẹ ơi, mẹ bất động nằm đó, mắt nhắm nghiền, mẹ có nghe thấy gì không? Lúc mẹ còn sống, người khen mẹ nào có mấy ai, chỉ thấy người chê là nhiều. Cái người đang ao ước mẹ sống lại cũng chính là người xưa đã từng nguyền rủa mẹ, mong cho mẹ sao không chết sớm đi! Ôi, mẹ cảm thấy mình bị chết ngay khi còn sống bởi sự cay độc của người đời.

Mọi người còn phúng viếng mẹ phong bì nữa chứ. Cơ man nào là phong bì. Mẹ ơi, mẹ bất động nằm đó, mắt nhắm nghiền, mẹ có còn tiêu được tiền nữa không? Xưa mẹ đau ốm, nhà mình nghèo túng, nhưng chẳng có ai giúp đỡ. Mẹ bảo con liều đi vay xem sao, nhưng ai cũng nói khó khăn, ngại ngần né tránh. Họ không muốn cho vay vì sợ mình đau ốm thế này lấy gì mà trả. Mẹ con chỉ còn biết nghẹn ngào nhìn nhau, khóc thương cho thân phận.

Ôi, “nghĩa tử là nghĩa tận” - người ta thường nói thế. Nhưng tại sao chúng ta không sống tốt với nhau ngay từ khi còn sống mà cứ phải đợi đến khi chết mới đối xử tử tế với nhau? Sao ta không sống yêu thương nhau, giúp đỡ nhau ngay khi còn sống, nhất là trong những lúc khó khăn, cô đơn, đau ốm mà cứ phải đợi đến khi chết rồi mới đến phúng viếng? Liệu người đã chết rồi, ta có thực sự yêu họ được nữa hay không?

Xin hãy cho nhau một nụ cười, một lời thăm hỏi, khích lệ động viên. Hãy sẵn lòng thực thi những nghĩa cử yêu thương cụ thể để giúp nhau ngay khi còn sống. Chứ đợi đến khi chết rồi thì cả một rừng hoa phúng viếng cùng những điếu văn ca ngợi cũng chẳng có nghĩa gì.

Ước chi, mọi người hãy đối xử tử tế, hãy sống hết mình với nhau như đối xử với NGƯỜI VỪA CHẾT.

Nguyễn Xuân Trường

Mục lục

 

CÁC THÁNH NAM NỮ

 

1/. Thánh Nhân trong quan niệm và ngôn ngữ đời thường :


Trước khi đi tìm những câu định nghĩa mang tính thần học truyền thống, chúng ta có thể mượn một số hình ảnh biểu tượng và ngôn ngữ của đời thường nhân loại để nói về các Thánh :


Các Thánh là những người làm nhiều phép lạ : Thánh Antôn, Thánh Martinô de Borres...


Các Thánh là những người ăn chay hãm mình quá sức : Thánh Gioan Maria Vianey, Thánh Simon Cột...


Các Thánh là những người đồng trinh vẹn sạch, trinh khiết rạng người : Thánh Cecilia, Têrêsa Hài Đồng Giêsu, Louis Gonzaga...


Các Thánh là những người dấn thân băng rừng vượt biển đi hàng trăm ngàn cây số để rao giảng Tin Mừng, loan truyền Phúc Âm : Phaolô, Thánh Phanxicô Xavie...


Các Thánh là những người suy niệm cao sâu, hiểu biêt tường tận thần học đã viêt ra bao tác phẩm để đời cho Hội Thánh và con người : các thánh tiến sĩ như Thánh Tôma Aquinô, Thánh Anphongsô...


Và có lẽ dễ nhận thấy nhất, các Thánh là những người chịu chết vì Chúa, vì Đạo : Các Thánh Tử đạo Việt nam, Á Thánh Anrê Phú Yên....


Cũng có một lối định nghĩa mang tính biểu tượng đượm chất thi ca khi gọi các Thánh là “những vì sao lấp lánh trên bầu trời”


“Khi nhìn lên bầu trời vào đêm tháng Mười Một và nhìn thấy một khoảng trời đầy sao lấp lánh, bạn hãy nghĩ đến vô số các Thánh trên thiên đàng đang sẵn lòng giúp đỡ bạn” (R.A. Knox, Bài giảng 1.11.1950)


Chính Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu, trong một đêm sao, khi nhìn thấy chòm sao có hình chữ T, đã hân hoan thốt lên : “Kìa tên con đã được viết trên trời”.


Nếu Các Thánh là những người “siêu quần bạt chúng” như một số đại biểu chúng ta vừa nêu, thì chắc mỗi người chúng ta ở đây đành “bó tay” trước con đường nên thánh mà Đức Kitô đã đề nghị : “Các con hãy nên hoàn thiện như Cha trên trời là Đấng hoàn thiện”


Không, nên thánh là con đường phổ quát, là ơn gọi chung cho hết mọi người cơ mà ! Chúng ta thử đi tìm các câu định nghĩa của Thánh kinh xem sao.

 

2. Thánh Nhân theo định nghĩa của Thánh Kinh :


Các Thánh là những người “được đóng ấn trên trán như những tôi trung của Thiên Chúa” (Kh 7,3-9)


Các Thánh là những người “đứng trước Con Chiên, mình mặc áo trắng, tay cầm nhành lá thiên tuế” (Kh 7,9)

Các thánh là những người : “đã đến, sau khi đã trải qua cơn thử thách lớn lao” (Kh 7,14a)


Các Thánh là những người đã giặt sạch và tẩy trắng áo mình trong Máu Con Chiên” (Kh 7,14b)


Các thánh là những Môn đệ của Chúa Kitô : “Người ta cứ dấu nầy mà nhận biết các con là môn đệ của Thầy : là các con yêu thương nhau” (Ga 13,35)


Các Thánh là những người có tâm hồn thơ bé : “Nếu anh em không hoán cải mà nên như trẻ nhỏ, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời” (Mt 18,3).


Các Thánh là những người chiếm hữu Nước Trời nhờ thực thi con đường Tám Mối Phúc Thật : “Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó vì Nước Trời là của họ...” (Mt 5,3-10)


Các Thánh là những người ăn ở công chính : “Vậy Thầy bảo cho anh em biết, nếu anh em không ăn ở công chính hơn các kinh sư và biệt phái, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời” (Mt 5, 20)


Các Thánh là những người thực thi ý muốn của Thiên Chúa : “Không phải bất cứ ai thưa với Thầy : “Lạy Chúa ! Lạy Chúa !” là được vào Nước Trời cả đâu ! Nhưng chỉ những ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi” (Mt 7,21)


Các Thánh là những người dám từ bỏ mọi sự để dấn thân theo Đức Kitô : “Thầy bảo thật anh em : anh em là những người đã theo Thầy, thì đến thời tái sinh, khi Con Người ngự tòa vinh hiển, anh em cũng sẽ được ngự trên mười hai tòa mà xét xử mười hai chi tộc Ít-ra-en. Và phàm ai bỏ nhà cửa, anh em, chị em, cha mẹ, con cái hay ruộng đất, vì danh Thầy, thì sẽ được gấp bội và còn được sự sống đời đời làm gia nghiệp” (Mt 19,27-29)


Qua những câu định nghĩa của Thánh Kinh nêu trên, chúng ta nghiệm ra rằng : Làm Thánh tức là được vào Nước Trời, là thuộc trọn về Đức Kitô, là chu toàn Thánh ý Chúa, là thực thi rốt ráo những đòi hỏi của Tin Mừng, đặc biệt Tin Mừng Tám Mối Phúc Thật. Và như thế, việc Nên Thánh chẳng qua là “cách diển tả khác” của việc sống Phúc Âm, việc thực thi Lời Chúa, chu toàn các giới răn...hay gần gũi nhất, đó là việc thực hành sống đạo.


Như vậy, Thánh Nhân, Các Thánh Nam Nữ hôm nay Hội Thánh mừng kính, đa phần trong hàng hàng lớp lớp đó, là những “anh hùng vô danh”, là những Kitô hữu bình thường nhưng đã sống phi thường các đòi hỏi của Lời Chúa. Và đó chính là cách định nghĩa về các Thánh của Giáo Hội hôm qua và hôm nay :


3. Thánh Nhân trong niềm tin và cái nhìn của Giáo Hội :


Các Thánh là những người được thông phần bản tính Thiên Chúa qua nhiệm tích Rửa tội : “Được Thiên Chúa kêu gọi và được công chính hóa trong Chúa Kitô, không phải vì công lao riêng, nhưng vì ý định và ân phúc của Ngài, các môn đệ Chúa Kitô, nhờ lãnh nhận phép rửa, bí tích đức tin, đã thực sự trở nên con cái Thiên Chúa và được thông phần vào bản tính Ngài, và do đó thực sự đã nên thánh” (CĐ VAT. II, LG 40)

Các thánh là tất cả những ai sống Đức Ái cách trọn hảo : “Vì thế, mọi người đều thấy rõ ràng là các Kitô hữu, bất cứ theo bậc sống hay địa vị nào, đều được kêu gọi tiến đến sự viên mãn của đời sống Kitô giáo và đến sự trọn lành của Đức Ái” (Sđd 40)


Các Thánh là những người thợ khiêm tốn trong vườn nho của Chúa : “những con người nam nữ qua việc không mệt mõi thực thi những công việc hằng ngày trong vườn nho Chúa. Sau khi đã sống cuộc đời âm thầm chẳng được ai biết đến, và có thể còn bị những người quyền cao mạnh thế hiểu lầm, các Ngài đã được Thiên Chúa đón nhận. Các Ngài là những người thợ khiêm tốn, nhưng vĩ đại, đối với công cuộc phát triển Nước Chúa trong lịch sử” (ĐGH G.P. II, Tông Huấn “Kitô hữu giáo dân”, 30.12.1988)


4. Tìm được gì nơi Các Thánh hôm nay ?

 

Là một bài học ư ? Có quá nhiều những bài học và là những bài học cụ thể Các Thánh nam Nữ để lại, rất gần gũi, rất đời thường và cũng rất cần thiết cho cuộc sống chúng ta hôm nay :


Ai đang sống một cuộc đời phóng túng, lạc đạo thì hãy tìm về những giọt nước mắt thống hối của Thánh Cả Phêrô, Thánh nữ Maria Mađalêna, Thánh Tiến sĩ Giáo Phụ Augustinô...


Ai đang đam mê của cải vật chất và bị vật chất cuốn trôi trong cơn thác của sự giàu có thế gian thì hãy chạy đến với đôi chân ăn mày của Phanxicô thành Assisi, hay đến với ngai vàng của Vua Thánh Louis, kẻ sẵn sàng cho Chúa và Hội Thánh tất cả mà không hề tiếc nuối.


Ai, nhất là các bạn trẻ, đang bị cuốn hút vào con sóng dục vọng đồi trụy kiểu “Yến Vi” hay “Hoàng Thùy Linh”...thì hãy chiêm ngưỡng trái tim anh hùng của cô bé Thánh thiện Maria Goretti, sẵn sàng đón lấy mấy chục mũi dao cho đến chết để bảo vệ tới cùng đức khiết trinh.


Ai là những người mẹ người vợ đang phải âu sầu, lao tâm khổ tứ vì chồng vì con, vì gánh nặng gia đình luôn chồng chất...thì hãy noi gương Thánh nữ Monica, dành cả một đời để hy sinh và cầu nguyện cho chồng và cho con cho tới khi đem cả hai về với Chúa.


Ai là những người kiêu căng tự mãn thích nâng mình lên và hạ thấp kẻ khác thì hãy học cho biêt thế nào là “con đương thơ ấu thiêng liêng” của Thánh nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu để noi gương Ngài hoán cải trở nên như trẻ nhỏ để được vào Nước Trời.


Ai là những người sống ích kỷ và yếu hèn, không dám bước ra khỏi cái tôi, cái biên giới gia đình để dấn thân phụng sự Hội Thánh thi hãy học hỏi cuộc đời truyền giáo của Thánh Phanxicô Xavie, hay thánh Anrê Phú Yên của quê hương chúng ta đã can đảm “lấy tình yêu đáp trả tình yêu hiến dâng mạng sống báo đền mạng sống” để Danh Chúa được tôn vinh và con người nhận biết Tin mừng.


Ai là người chỉ thích sung sướng, ngại hy sinh và không dám đánh mất một chút gì trong cái tôi vị kỷ thì hãy tìm về với Mẹ Thánh Têrêsa thành Calcutta, người nữ tu muốn ôm trọn cả người nghèo và kẻ đau khổ của thế giới trong vòng tay già nua yếu ớt của mình; hoặc chạy đến cùng 117 Vị Thánh Tử Đạo Việt nam, để nhận được nơi các Ngài lòng can đảm tín trung với Chúa Kitô cho dẫu phải đánh đổi cả mạng sống...


Trong vườn hoa thánh thiện của Hội Thánh còn nhiều lắm nhiều lắm những mẫu gương lành thánh trong hàng hàng lớp lớp các Thánh Nam Nữ mà hôm nay chúng ta mừng kính.

Nhưng không chỉ là “gương sáng” không thôi. Ngày đại lễ kính nhớ Các Thánh Nam Nữ hôm nay còn nhắc cho chúng ta tuyên tín lại niềm tin “Các Thánh Thông Công”, để chúng ta một lần nữa xác tin mạnh mẽ mối quan hệ thân thương giữa trời và đất, giữa Hội Thánh lữ hành dương thế với Cộng đoàn Hội Thánh vinh quang là các Ngài, nhất là sự chuyển cầu mạnh thế của các Ngài dành cho chúng ta trên cuộc lữ hành trần thế : “Những anh chị em của chúng con là các Thánh giờ đây đang chúc tụng Cha muôn đời quanh ngai tòa Cha và vinh quang của các Đấng ấy làm cho chúng con chan chứa niềm vui. Sự hợp nhất của chúng con với các ngài qua Giáo Hội Cha đem lại cho chúng con niềm phấn khởi và sức mạnh khi chúng con vội vã trên đường lữ thứ đức tin, hăm hỡ được gặp gỡ các Đấng ấy” (Kinh Tiền Tụng).


Và điều cuối cùng nhắc nhau trong Thánh lễ hôm nay cũng chính là lời hiệu triệu của Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II trong dịp Đại Hội Giới trẻ thế giới tại Torontô năm 2002 :


“Các bạn hãy trở thành những vị thánh của thiên niên kỷ mới”, hãy trở thành “dân tộc của các mối Phúc”, cùng với lời cầu xin của chính Ngài [1]:


Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã gọi “chúng con” nên "muối đất và ánh sáng thế gian". Xin tiếp tục dạy bảo “chúng con” sự thật và vẻ đẹp của viễn kiến mà Chúa đã công bố trên Núi xưa. Xin biến chúng con thành những người nam, người nữ của các Mối Phúc! Xin để ánh sáng của thượng trí Chúa chiếu soi trên chúng con, để trong lời nói và việc làm, chúng con có thể gieo rắc ánh sáng và muối của Tin Mừng cho thế gian.


Xin biến toàn bộ đời chúng con thành một phản ánh rực rỡ của Chúa, Đấng là ánh sáng thật đã đến trong thế gian để hễ ai tin vào Chúa sẽ không chết nhưng sẽ được sự sống đời đời (x. Jn 3:16)!



[1] Phỏng ý Bài giảng của Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II dịp Đại Hội Giới Trể thế giới tại Torontô năm 2002

 

Lm. Giuse Trương Đình Hiền

Giáo phận Quy Nhơn

Mục lục

 

Thánh Martin de Porres và Thời Đại Hôm Nay ...

Trong giới Công Giáo, có lẽ không ai cảm thấy xa lạ với tên Martin de Porres vào thế kỷ XVI. Từ khi chào đời, ngài đã không được nhìn nhận bởi người cha đẻ của mình vì ngài có nước da đen như mẹ, vốn xuất thân từ vùng quê hẻo lánh nghèo nàn tại Panama. Mẹ ngài là người nô lệ mới được phóng thích, còn người cha thuộc dòng dõi quý tộc da trắng, vậy thì làm sao giới quý tộc ấy có thể chấp nhận được trong dòng tộc lại có một thành viên da đen xuất hiện. Thật là một điều sỉ nhục! Sau khi biết chồng tìm cách xa lánh và tẩy chay mình và đứa con vô tội, mẹ của Martin đành phải đưa con đi tìm nhà mướn sống qua ngày. Hai mẹ con trong căn lều lụp xụp đã nương tựa nhau mà tồn tại. Cuộc sống bây giờ thật khó khăn đối với hai mẹ con nghèo nàn và khổ nhục, và đây cũng là cuộc đời tiêu biểu của biết bao người dân da đen thời bấy giờ tại thủ đô Lima, nước Pêru, vốn đang trong cảnh đô hộ và đàn áp tàn nhẫn.

Thiên Chúa vẫn làm nên những điều kỳ diệu từ những gì là tầm thường nhất, nếu không muốn nói là từ hư không nữa ! Mặc dù gặp bao thử thách và sỉ nhục vì là đứa con hoang da đen, Martin đã trở nên một vị thánh vô cùng tuyệt vời cho nước Pêru nói riêng và cho Hội Thánh Công giáo nói chung. Và, có thể nói được rằng, Martin de Porres cũng chính là vị thánh của thời đại hôm nay, một thời đại phát triển tột bực về mọi mặt của đời sống vật chất nhưng cũng lại xuống dốc trầm trọng về khía cạnh luân lý và tinh thần. Xét về mặt nào đó, xã hội tân tiến ngày nay cũng không khá hơn gì so với xã hội của thánh Martin xưa kia. Thời Martin là thời của nô lệ, áp bức, phân biệt khinh khi, nghèo đói, cô độc buồn tủi… thì ngày nay, xã hội máy móc và tin học đã tưởng chừng đưa con người lại gần nhau hơn, thế nhưng… thực tế không như vậy!

Người nghèo đâu cả rồi ?

Nói về cuộc đời Đức Phật Tất-đạt-đa, chuyện kể lại rằng, hoàng tử sống trong đại điện rất lộng lẫy cao sang. Đời sống ngài thật êm đềm hạnh phúc, nhất là với công chúa Da-du. Vua Tịnh-Phạn yêu thương hoàng tử Tất-đạt-đa đến độ tôn thờ. Vua chăm sóc hoàng tử chu đáo đến nỗi không hề muốn con mình có bất cứ điều chi phiền lòng. Vua xây cho hoàng tử ba cung điện nguy nga, một cho mùa đông, một cho mùa hè và một cho mùa mưa. Tất-đạt-đa đã tận hưởng tất cả mọi hương vị lạc thú trần gian, và vẫn hồn nhiên tận hưởng khoái lạc trong đại điện cho đến khi chàng chứng kiến những cảnh tượng ông cụ lụ khụ chống gậy, người đau bệnh, và người chết. Tất-đạt-đa suy nghĩ rất nhiều… Và, chàng nghiệm ra chân lý của cuộc đời là bể khổ.

Vô tri bất mộ. Vâng ! Chỉ khi con người chứng kiến và trải nghiệm thì mới biết. Tất-đạt-đa sẽ không thể biết được chân lý của của cuộc đời nếu như chàng không can đảm bước chân ra khỏi cung điện cao sang. Thế giới bên ngoài chúng sanh không như thế giới bên trong cung điện mà chàng đã từng hưởng nếm. Vui thì sẽ có buồn. Khoẻ mạnh thì ắt phải có đau bệnh. Có sáng vì rằng có bóng đêm hiện hữu. Có mặt trăng ắt phải có mặt trời. Cuộc đời không đơn diện như chàng nghĩ. Thời đại hôm nay cũng thế. Người nghèo khổ sẽ biến đâu mất nếu chúng ta cũng sống trong “cung điện.” Thường xuyên tiếp cận với giới trí thức và giàu sang cũng sẽ làm cho chúng ta quên bẵng đi tầng lớp mù chữ và không có miếng ăn đầy đủ mỗi ngày. Riêng tại nước Mỹ, một trong những nước giàu có nhất trên thế giới, theo nhà nghiên cứu xã hội học là Robert E. Rector, ông cho biết riêng năm 2005 đã có hơn 37 triệu người dân Mỹ không có tiền mua thức ăn, áo mặc, nơi cư ngụ… Vậy, cứ trong 8 người Mỹ thì có 1 người nghèo đói. Ứng cử viên tổng thống là ông John Edwards gọi cái nghèo tại Mỹ này là một “nạn dịch” kinh hoàng. Cung điện mà chúng ta “có thể” đã và đang sống sẽ che khuất hoặc làm ngơ trước những thực tế của con người. Người nghèo thì mặc cảm, rụt rè và lẩn tránh.

“Người vững thì đứng lại được, còn người yếu thì sẽ bị cuốn trôi đi.” Người yếu bị cuốn trôi đi, nhưng họ không biến mất. Có chăng là khả năng nhận biết sự hiện diện của họ nơi chúng ta biến mất mà thôi. Người khon khổ vẫn có đó, họ ở ngay bên cạnh Tất-đạt-đa nhưng chàng lại không nhận biết. Không nhận biết là do chưa can đảm bước ra khỏi chính mình, mà cũng có thể do sự ích kỷ hay sợ bản ngã mình bị đe doạ đã che lấp một cách khôn khéo.

Thánh Martin rất nhiệt thành với người nghèo khổ, đến nỗi ngài có biệt danh là “bạn của người nghèo.” Thầy làm việc không ngơi nghỉ với những người da đen nghèo khốn và bệnh tật, rồi phải chu toàn bổn phận trong tu viện Santo Rosario hàng ngày, thậm chí chăm lo cho cả những súc vật nữa, từ con chuột đến con chó, nhất là những con ghẻ lở hay những con có “vấn đề”. Thầy còn có thêm biệt danh nữa là “ông bang trưởng loài chuột” ... Những bệnh nhân nào nghèo quá không người thân, thì chính thầy sẽ tự lo liệm xác và chôn cất. Cuộc đời thầy luôn luôn bên cạnh người nghèo và với người nghèo, vì chính thầy vốn xuất thân từ cuộc sống tủi nhục nghèo hèn vậy. Thầy không cảm thấy mình thieu thốn, nên cuộc sống thầy rất giản dị và tin yêu. Dù thầy sống trong bậc trợ sĩ, nhưng sự biết của thầy trổi vượt lên rất cao. Biết ở đây không phải biết thuộc về trí não duy lý, nhưng là thuộc về tri giác. Biết này không nhất thiết được thủ đắc qua việc học hành nghiên cứu, trường lớp, nhưng cái biết này xuất phát từ tận đáy sâu tâm khảm thầy, tâm khảm của yêu thương vô điều kiện vô phân biệt, vốn bắt nguồn từ sự Khôn Ngoan của Thiên Chúa. Thật thế, thầy Martin sống một đời sống thật siêu thường trong cái bình thường và thực tế nhất của kiếp hạn giới.

Trong con mắt Martin, bạn nghèo của thầy hiẹn diện khắp nơi. Có lần thầy Martin mang về người hành khất rách rưới và hôi hám, mình đầy ghẻ chốc vào trong phòng của mình tại tu viện để chăm sóc, một tu sĩ thấy thế rất bất mãn vì không thể chấp nhận khi Martin cho người dơ bẩn ấy nằm trên giường của thầy. Thấy vậy, Martin ôn tồn đáp: “Mền chiếu của tôi có dơ bẩn thì chỉ dùng một chút xà phòng là có thể sạch ngay, thế nhưng cả một suối nước mắt nhân loại cũng không tài nào rửa sạch được vết thương do xã hội bất công và ích kỷ gây ra.” Chúng ta có thể có vô số lý do rất hợp lý để chối từ không chạm đến người nghèo, cũng như các môn đệ xưa kia nói với Chúa Giêsu rằng: “Có bao giờ chúng con thấy Ngài đói rách, mình trần….. đâu!” Phải chăng người nghèo thường chỉ làm phiền hà đến chúng ta? Phải chăng người nghèo không có gì để trả ơn? Phải chăng người nghèo làm cho chúng ta thấy mình bị mất mát cái gì đó…? Hầu hết những người nghèo đều có một cảm nhận như thế. Họ thấy mình như là một gánh nặng đối với những người xung quanh. Càng mặc cảm, họ càng phản kháng mãnh liệt đối với xã hội: ngạo mạn, nổi loạn, chè chén say xỉn, trộm cắp, … Một cách tự nhiên, họ sẽ thu vào trong thế giới riêng của chính mình, và thế là, chúng ta có thể tưởng chừng như họ đã… biến đâu mất rồi!

Cuộc đời Martin đã bị chối từ ngay khi thầy lọt lòng mẹ. Sau đó, vì mang màu da đen và mang vào đời mình tầng lớp nô lệ hèn hạ, thầy đã hiểu và thấm đượm sự khinh miệt và tủi hổ. Hẳn như bao người khốn khổ khác, người ta sẽ “trả thù đời,” bất mãn, và sống lê lết quậy phá cho vui hết đoạn đường đời bất công và khốn khiếp này. Nhưng Martin không làm thế. Tiêu biểu là khi được tám tuổi, cậu đã gặp lại cha đẻ của mình, nhưng người cha vẫn hất hủi và không đón nhận cậu. Ông khinh miệt và làm ngơ như ông chẳng biết gì. Tuy vậy, cậu vẫn không khóc, tuy buồn lắm, nhưng cứ mỗi lần đau đớn như thế, Martin lại chạy đến với Chúa tình thương và trao tat cả cuộc đời mình cho Ngài. Hơn nữa, Martin mỗi lúc càng để tâm đến người khổ đau nhiều hơn, và chăm lo cho họ như người cha nhân hiền vất vả vì đàn con nheo nhóc trong đói khát và bệnh tật. Martin luôn luôn đi bước trước đến với họ và giang rộng vòng tay ôm ấp với hết sức mà thầy có thể.

Phục vụ là hạnh phúc, như mẹ Têrêsa Calcutta đã từng nói. Martin làm việc không ngơi nghỉ, nhưng nét mặt vẫn vui tươi và trong sáng. Nơi những người khốn khổ bệnh tật, Martin đã thấy Chúa Giêsu khó nghèo ở đó. Và, Martin đã sống giữa lòng người nghèo, với người nghèo và trong người nghèo, qua mọi sinh hoạt hằng ngày, từ lúc đi nguyện kinh, khi đi ngủ và khi đi chữa bệnh.

Ý nghĩa hiện sinh

Ý nghĩa cuộc đời là gì ? Trong guồng máy xã hội tân tiến ngày nay không lúc nào dừng nghỉ, con người cứ mãi tần tảo ngược xuôi như đang giăng một màng nhện thật lớn vô hình. Họ đang làm gì? Đi đâu và về đâu? Tìm kiếm rồi đạt được, rồi lại kiếm tìm? Tìm cái gì và đạt được điều chi? Ai điên và ai tỉnh giữa sự ồn ào của guồng máy đang rầm rầm hoạt động? Tìm không được rồi lại bất mãn và buồn đau. Đạt được thì lại khao khát muốn đạt nữa…? Đạt đến khi nào mới ngưng nghỉ? Hay là đến vô cùng…?

Ắt hẳn những câu hỏi trên xem ra ngớ ngẩn trong thời đại hôm nay. Một câu hỏi không thực tế và trên trời !!! Với thế giới công nghệ thông tin, không ai không công nhận sự phát triển liên tục của nó. Những vi mạch trong mọi máy móc từ công nghiệp cho đến đồ gia dụng trong nhà mỗi lúc một phong phú, đa dạng và vô cùng tiện lợi đến không ngờ. Hầu như những nhu cầu vật chất của con người đều được đáp ứng và thế là… những câu hỏi ở trên dĩ nhiên không còn hợp thời và thiết yếu nữa. Thiên Chúa không còn chỗ đứng nào trong họ.

Ý nghĩa cuộc đời là chi… Tại sao và tại sao… được thay thế cho sự suy tính và ra chiến lược cho công việc của mình ngày mai. Thế nhưng, không may thay con người không thể sống như vậy mãi được. Cuối cùng, đến một thời điểm nào đó, con người cũng sẽ chạm đến sự vô thường của cuộc đời trong cái sự thật tam vô : vô duyên, vô vị và vô nghĩa. Chạy ngược chạy xuôi sáng tối để rồi cuối cùng thấy tóc mình bỗng dưng chuyển màu muối tiêu, da mặt không còn mịn màng và trơn láng như thời xuân trẻ nữa. Sáng thức dạy bỗng dưng thấy xương cốt nạng nề nhức mỏi, thậm chí có nhiều đêm trằn trọc mất ngủ mà không rõ nguyên nhân. Đôi mắt bỗng dưng phải đưa xa xa tờ báo mới đọc được, đọc một chút rồi lại bỏ xuống vì nhức mỏi... Tiến trình lão hoá tự nhiên của con người đang dần dần hiện rõ nét. Để ngăn cản tiến trình này, con người chạy theo biết bao mỹ phẩm để phủ một lớp trẻ trung như ngày nào. Đau đớn thay, tóc muối tiêu cứ thế xuất hiện, muối nhiều hơn tiêu, hàng tháng vẫn nhuộm đen mà sao chân tóc cứ bướng bỉnh nhú ra trắng toát đến thế! Thế rồi da mặt cũng hiện lên những ngõ hẻm đan chéo nhau mỗi lúc một nhiều hơn… Đôi khi, tự ngẫm lại mình, thấy sao mình mà vô duyên thế! Và lấy làm thương thay cho phận trớ trêu của mình ! Rồi lặng lẽ thở dài ngao ngán… Chưa hết, đến ngày hôm sau, bỗng dưng phải cẩn thận với những đồ ăn thức uống, vì bị tăng huyết áp, gan nhiễm mỡ hay cholesterol… gì đó. Thời gian dần dần trôi qua, lòng bỗng tự hỏi : “Cuộc đời là chi và ta sống để làm gì ?” Nhà cao cửa rộng với garage cứ lặng im một cách vô hồn đến thế sao ? Bắt đầu lòng dần dần trở nên trầm lặng… đăm chiêu và dõi mắt nhìn vào cõi không… Cuộc đời sao mà vô duyên, vô vị, và giờ đây… trở nên vô nghĩa quá ! Hơn lúc nào hết, ngày nay càng nhiều người làm bạn với Internet nhiều hơn. Đồng loại không còn tin vào nhau nữa. Đụng đến tương quan là chạm đến tiền bạc, địa vị… Mệt mỏi quá ! Thế giới ảo của chát chít đang bùng nổ khủng khiếp cho thấy con người ngày nay đang đi vào cô độc và trống vắng nhiều hơn.

Đó là những người nghèo trong xã hội hiện đại hôm nay: Nghèo về tình bạn, về tình người, và tình nhân loại. Cuộc sống vật chất càng đầy dư thì con người càng khó cảm thông và xích lại gần nhau hơn. Chương trình truyền hình trên kênh Discovery, người ta cho biết rằng diễn viên nổi tiếng Hoa Kỳ thập niên Marylyn Monroe chết không phải vì bị ám sát, nhưng mà cô đã tự tử vì cảm thấy cuộc đời thật vô nghĩa, cho dù cô có cả sắc đẹp lẫn tiền của. Cô cần tình người đích thực, nhưng người đời đến với cô không vì nhan sắc thì cũng vì tiền của. Lạc lõng. Chán chường. Tự tử.

Cuộc đời tưởng chừng như đơn giản làm sao, nhưng cũng vô cùng sâu thẳm lắm thay. Sâu thẳm đến nỗi con người không thể hiểu thấu được. Một em bé vô tội vừa sinh ra đã phải tắt thở, một bà mẹ goá phụ nghèo khổ tần tảo sáng tối với ruộng rẫy bỗng dưng lăn đùng ra chết để lại đàn con nhỏ ngây ngô cho cuộc đời đầy cạm bẫy… Có một anh trí thức nọ hỏi một vị đạo sĩ Ấn Độ: “Xin chỉ cho tôi biết đâu là bí mật của cuộc đời ?” Vị đạo sĩ ôn tồn đáp : “Có bí mật gì đâu mà ông phải khốn khổ đi tìm đến thế !” Vâng ! Có gì bí mật đâu, có gì khó hiểu đâu trên cõi đời này. Bí mật hả ? Đó, đàn chim đang bay tìm mồi nuôi con kìa, hoa huệ đang toả ngát hương thơm đó, đàn cá đang vui đùa dưới dòng suối trong kìa, bà mẹ đang cho con bú mớm… Anh có thấy không ? Và, có một anh chàng da đen tên là Martin đang chăm sóc những người cùi hủi và bệnh hoạn đó !

Bí mật cuộc đời chính là những gì tầm thường nhất trong cuộc sống hàng ngày, là những cử chỉ hành động của một anh chàng Martin hèn hạ đang dâng hiến cả cuộc đời mình cho người xấu số bất hạnh. Bí mật trong những tiếng chổi xào xạc lặng lẽ trong sân tu viện Santo Rosario mỗi ngày. Bí mật trong những bước chân lang thang thăm hỏi những người da đen nghèo khổ, và trong những lần thay băng và lau chùi vết thương lở loét hôi hám của vùng đất Lima…

Rao Giảng sự trần trụi của Đức Kitô

Càng nghịch lý hơn nữa, càng bí nhiệm hơn nữa, đó là Vua vũ trụ, là vị cứu tinh nhân loại đã và đang đớn đau và trần trụi trên cây thập giá: “Nếu ông là con Thiên Chúa, thì hãy...”, “hắn đã cứu người khác, thì cứu lấy mình đi…” Con đường của Chúa Giêsu là vậy. Thực thế, trong thời đại ngày nay, thế giới vẫn không thể thoát khỏi hấp lực về chủ nghĩa vật chất và hiệu quả. Nền kinh tế cạnh tranh dần dần mỗi lúc một lớn mạnh thì đồng thời làm cho người nghèo cảm thấy mình không còn chỗ đứng nữa. Thầy Martin vẫn phải gặp nhiều thử thách và chiến đấu với lòng mình rất nhiều khi đến với người nghèo và đưa họ vào ngay trong tu vien để chăm sóc. Có một đêm tối nọ, đang trên đường trở về tu viện, thầy gặp một người da đen đang nằm quằn quại trên vũng máu vì bị cướp đánh đập tàn nhẫn. Vội vàng, thầy băng bó vết thương và cõng anh ta về tu viện của mình. Thầy nghĩ rằng, anh ta cần được chăm sóc cho thoát khỏi cơn nguy kịch rồi mới chuyển đến nhà chị để nghỉ ngơi. Không may cha bề trên biết được và trách mắng vì tội không vâng phục. Sống đời sống tu trì, Martin và các tu sĩ dòng Đa Minh đã chọn con đường khiêm nhu và khó nghèo là một lẽ, nhưng Martin còn thực hiện trọn vẹn hơn nữa. Martin luôn luôn dùng đôi chân của mình làm phương tiện để đi đến với người nghèo, áo mặc chỉ có hai bộ rách rưới chắp vá. Mỗi lần tu viện phát đôi giày cho Martin, Martin đều cho người khác mượn cho đến khi cũ mòn thì Martin mới lấy về mà đi. Trong phòng chỉ có một cái chõng để nằm nghỉ và mấy ảnh tượng cho những khi Martin cầu nguyện. Đi đâu, Martin cũng mang theo một số đồ đạc, không phải cho bản thân mình, nhưng là những thứ đưa đến cho người nghèo, như cơm áo, thuốc men, và vài đồ cần thiết mà Martin có được, Martin đều chia sẻ hết cho họ.

Trong khoa truyền nhiễm HIV/AIDS tại một bệnh viện nọ ở Việt Nam, có cây thập giá được treo trong phòng bệnh nhân. Thập giá trông rất giản dị và không có gì đặc biệt cả, nhưng là một lời mời gọi trở về. Trở về sự trần trụi và tình yêu trong Đức Kitô, Người đã từng làm người, chịu khổ đau, xỉ nhục và chết. Người bệnh chính là người nghèo, nhất là bệnh thế kỷ nữa. Có một anh thanh niên nọ 34 tuổi ở khu vực chợ Bến Thành, quận 1, bị Aids. Ngày ngày hai chị thuộc tu hội nọ đạp xe đạp đến viếng thăm. Anh là con một, trong gia đình khá giả. Cha mẹ đều là giám đốc công ty lớn của thành phố. Lúc trước, một mình ôm chiếc tivi ngày đêm, anh lặng lẽ thấm thía nỗi đau bản thân, và từ khi có sự hiện diện của hai chị nữ tu, bầu khí gia đình nhẹ nhàng hơn và mỗi lúc một gần nhau hơn. Giữa một thành phố xem ra sang trọng nhất, và một gia đình tương đối khá giả, có hai chị trong bộ áo giản dị của nữ tu đạp xe lọc cà lọc cạch…!

Một dấu chỉ cho Thiên Chúa nghèo khó và yêu thương vô điều kiện ngay trong thực tại trần gian này. Chính qua sự nghèo hèn mà mọi người có thể liên kết lại cùng nhau trong duy nhất tính của Đức Kitô, Người đã chọn sống nghèo và chết nghèo. Chỉ khi Hội Thánh đồng hành trong niềm tin Kitô giáo với kẻ nghèo khổ thì mới có sự hiệp nhất ấy. Sự hiện diện của hai chị nữ tu là sự hiện diện cho sự hiệp nhất, giữa một xã hội tiêu thụ và công nghệ vốn dần dần đưa đồng loại xa cách nhau. Chị nữ tu ấy sống nghèo qua thái độ và cách sống giản dị của mình. Cha Albert Nolan, O.P, trong cuốn Jesus Before Christianity, cho biết : “Thiên Chúa không muốn được chúng ta phục dịch, mà chính Thiên Chúa lại muốn phục dịch chúng ta; Thiên Chúa chẳng muốn chỗ đứng hay địa vị cao nhất trong xã hội, mà trái lại, Ngài muốn ở chỗ thấp nhất và hèn hạ nhất. Ngài không muốn có vị thế nào, chỗ đứng nào cả. Thiên Chúa không muốn được sợ hãi và tùng phục, nhưng Thiên Chúa muốn chính mình được nhận diện trong chính những nỗi đớn đau kẻ nghèo hèn. Thiên Chúa không phải là kẻ sống thờ ơ lãnh đạm và hoàn toàn xa cách chúng ta, nhưng Ngài đã tham dự một cách bất khả thay thế trong công cuộc giải phóng nhân loại, vì Thiên Chúa đã chọn bị đồng hoá với mọi người trong tinh thần liên đới và lòng thương xót. ”

Giữa một xã hội phân biệt màu da và giai cấp, Martin đã hiện diện trọn vẹn tính nghèo khó, đây là dấu chỉ sự hiệp nhất trong Đức Kitô. Sự hiện diện của Martin cho thấy ngài đang đồng hành với người khốn cùng trong hy vọng và trong tình thương. Martin đã hiểu được rằng, Chúa Giêsu không chỉ chết một lần trên cây thập tự, nhưng Người đang chết dần chết mòn nơi những con người đang bị khinh khi và chối từ. Chúa Giêsu vẫn còn bị đóng đinh và điệu ra pháp trường cho đến ngày Chung Cuộc. Martin cảm nhận được rằng để trở thành môn đệ Đức Kitô, không gì khác hơn là đón nhận chính cuộc sống như Đức Kitô đã từng sống. Có nghĩa là, Martin vui vẻ đón nhận khổ đau, sự khinh miệt và nghèo hèn để Martin có thể chiến thắng đau khổ trên cuộc đời này, tiêu diệt khổ đau bằng chính sự đau khổ cùng với người nghèo và nhân danh người nghèo. Thực thế, chúng ta sẽ không thể nào hiểu được Đức Giêsu Kitô nếu chúng ta không biết đến đau khổ, của chính chúng ta và nhất là của đồng loại. Đây là con đường đầy thách đố, nhưng chỉ qua con đường đau khổ này, con người mới có thể hiểu được đỉnh cao của ơn huệ mà Thiên Chúa ban cho phận hữu sinh – đó là, con người Đức Giêsu Kitô chịu chết và Phục Sinh. Đây như là món quà diệu vợi, món quà này cần phải kiên nhẫn nguyện xin, và là cánh cửa cần phải gõ hoài gõ mãi. Món quà này thật đắt giá vì sự vô giá của nó. Đắt giá, vì nó phải trả bàng cả cuộc đời chúng ta!

Vì Đức Giêsu đã trọn vẹn làm người, nên cuộc đời của Người không được “miễn nhiễm” khỏi khổ đau của thân phận, Người đã nếm mùi vinh thắng của con người, sống với những thất bại, thua cuộc và sự chết của giới hữu sinh. Cuối cùng trong vũ trụ vạn thể này, Người đã tỏ hiện mầu nhiệm sâu thẳm nhat của tình yêu Thiên Chúa. Người được sinh ra chẳng phải nơi nhà thương hay nhà cửa nào đó đàng hoàng, nhưng mà là trong nơi súc vật thường lui đến trú ngụ. Thế là, suốt quãng đời làm lụng vất vả của nghề mộc thủ công và rồi lang thang rày đây mai đó... Môn đệ có theo đó, nhưng cũng chẳng hiểu gì Thầy của mình. Thậm chí còn chối từ và bán đứng Thầy mình cho kẻ khác. Chúa Giêsu đã chạm đến và sống trong hố sâu hút thẳm của thân phận hữu sinh. Vì thế, rao giảng Tin Mừng ngày hôm nay, hơn lúc nào hết, chính là rao giảng sự thua cuộc, thất bại, mong manh, dễ vỡ của tất cả phận người chúng ta; để qua đó, anh chị em nghiệm thấy được Tình Yêu Thiên Chúa và khao khát Phúc Lạc Nước Trời.

Từ thiên giới, Ngôi Lời đi đã xuống và trở thành kiếp nhân sinh của giới hạn thể. Vô Tận đã trở nên hữu hạn. Thiên Chúa đã trở thành con người trong thế giới vô tâm và hận thù, tranh dành và ngấu nghiến cắn xé. Vô Tận đi vào hữu hạn để mời gọi phận hữu sinh về cõi Vô Tận, là Nguồn Cội từ đó vạn vật vũ trụ được sinh ra. Còn Martin được sinh ra như là dấu chỉ tỏ bày cho con người khổ đau biết là họ rất đáng được trân trọng và yêu thương.

Tất cả những khổ đau nhân thế Đức Kitô đã và đang ôm trọn hầu dẫn đưa chúng ta vào trong cung lòng của Người. Người chính là sợi dây liên kết giữa đất và trời, giữa vạn thể hạn hữu với Cõi Phúc Lạc Tuyệt Đối. Vì thế, trong mỗi bước đi dù có khập khễnh trên cuộc đời này, cho dù “đời ta một vở kịch dài, một mình ta đóng cả hài lẫn bi” thì Đức Kitô vẫn muốn chúng ta đừng quên điều cốt lõi này: “hãy ở lại trong Thầy, như Thầy ở lại trong anh em” (Ga 15,4), để tất cả nên một trong Cha (Ga 17,21). Tất cả nên một, mà trong cái tất cả đó, có người anh chị em của tôi, trong căn nhà của tôi, trong làng của tôi, trong đất nước của tôi… và trên trái đất của tôi. Tôi đã đau với nỗi đau của người anh em người chị em tôi trong cơn bão tố vừa qua, nạn lụt lội ở miền Trung miền Bắc, trong cơn sóng thần tại Indonesia, trong cuộc chiến tại Palestine, trong cơn đói khát tại Phi Châu, trong nỗi cô đơn và cuồng loạn tại Mỹ, trong tiếng Scandal của anh chị em tôi, trong căn bệnh thế kỷ của đồng loại,… Vì, “…như Cha ở trong con và con ở trong Cha để họ cũng ở trong chúng ta” (Lời Nguyện của Đức Giêsu với Cha : Ga17,2). Đó là lời gọi mời và tha thiết cho hết thảy chúng ta đi vào cung lòng yêu thương của Cha.

Martin từ lúc chào đời đến khi lìa thế, thầy đã vui vẻ đón nhận phận hữu sinh trong hy vọng và tín thác; Có nghĩa là, Martin khao khát muốn tất cả người khốn cùng đón nhận lời gọi mời của Đức Kitô, và chìm sâu vào trong mầu nhiệm tình yêu Thiên Chúa. Khi chúng ta sống kiên trung trọn vẹn cùng và với mầu nhiệm khổ đau và cũng là mầu nhiệm Tình Yêu trong suốt cuộc đời này, thì chúng ta cũng đang làm cho tất cả những hạn giới trở thành vô tận, và đang được kết hiệp vào trong sợi dây nối kết giữa đất và trời là Đức Giêsu Kitô, Đấng trung gian đã và đang làm cho vạn thể nên một.

Nguyện xin thánh Martin cầu thay nguyện giúp cho tất cả chúng ta can đảm và vui tươi hầu đón nhận anh chị em không phân biệt sang hèn mạnh yếu, đón nhận tất cả những gì đã, đang và sẽ xảy đến cho mỗi chúng ta trong niềm hy vọng và tin tưởng vào Tình Yêu Thiên Chúa. Đồng thời, bạn và tôi, không sợ hãi để lặn sâu vào mầu nhiệm đớn đau của Đức Kitô, nơi anh chị em bên cạnh chúng ta, vốn đang nghèo về vật chất, trí tuệ, tình bạn, tình yêu thương,... Lặn sâu vào trong Đức Kitô đang bị đóng đinh là ngụp lặn vào Đức Kitô phục sinh, Đấng vẫn không ngừng gọi mời chúng ta cách thầm lặng đi về Cõi Phúc trong tình thương vô tận.

Martin, vẫn còn đó, thầy đang cứu giúp những con người bệnh tật và bỏ rơi;

Martin, vẫn hiện diện đó, thầy đang lắng nghe những tiếng rên la và gào thét của những người cô độc và trống vắng;

Và, Martin, đang âm thầm nhắc nhở con cái thầy hãy tiếp nối công việc yêu thương của thầy… trong Đức Giêsu Kitô.

Vì thế, trên hành trình đức tin, cho dù biết bao cơn sóng ngầm và trớ trêu của cuộc đời hôm nay, bạn và tôi hãy cùng nắm tay nhau và khích lệ nhau đi về Nước Trời, trong niềm hy vọng và tình thương yêu đại đồng. Mong thay!

Tu Viện Martin, Hố Nai

01.11.2007

Martin Nguyễn Thanh Tuyền, O.P

Mục lục

 

 

 

 

TỪ TỪ

Từ từ là một trong những chiến thuật của ma quỷ dùng để tấn công con người. Chúng  không dại gì đưa ra một đề nghị như : bạn hãy chửi cha mẹ; hãy chống đối, nguyền rủa, tù bỏ Thiên Chúa; hãy giết người, hãy trộm cắp; hãy làm chứng gian, hãy ngoại tình…vì như thế nó sẽ thất bại.

Điều nó làm được là mời mọc con người làm quen với điều xấu từ từ và rất nhỏ. Nhỏ đến nỗi con người không cảm thấy thế là xấu, là tội. Ví dụ :

- Đâu ai tự nhiên khô khan với Chúa, nhưng bắt đầu từ không đọc kinh, thiếu cầu nguyện, ít đi lễ, thiếu sốt sắng khi tham gia các việc đạo đức. Bắt đầu từ ao ước gặp Chúa, đến việc trễ nải, ngồi xa và dần xa nhà thờ; bắt đầu từ đi sớm, đến đúng giờ, rồi trễ và trễ đến bỏ lễ ít dần đến bỏ lễ nhiều…

- Đâu ai tự nhiên lại chửi cha mắng mẹ, nhưng bắt đầu từ chuyện nghĩ xấu về, giận trong lòng, chửi thầm trong lòng… Rồi dần thể hiện ra ngoài miệng, cãi một câu, hai, rồi cãi tay ngang, chửi bới, nặng lời với các ngài.

- Đâu ai tự nhiên lại ngang nhiên trở thành kẻ trộm cắp, nhưng bắt đầu từ việc lấy cắp trái ổi, quả cam, cuốn tập, cây viết, rồi đến tiền, xe đạp, xe gắn máy, và lớn dần, nhiều lên…

- Đâu ai tự nhiên ngoại tình, dâm dục, nhưng bắt đầu từ nghe, nhìn, nghĩ, ước ao rồi hành động chiều theo xác thịt….

- Đâu ai tự nhiên lại có lời lẽ độc địa, nhưng bắt đầu từ chuyện nói xấu, thêm điều đặt chuyện, rồi đến bịa chuyện; bắt đầu từ nói quanh, đến nói dối, rồi sang nói gian ngoa….

- Đâu ai tự nhiên xấu bao giờ, nhưng luôn bắt đầu từ việc không chú ý quan tâm đến những mưu mô của ma quỷ, khiến ta nghĩ là thường. Thực sự chẳng thường chút nào.

Điều đáng buồn và nguy hiểm là con người được làm quen dần với tội một cách nhẹ nhàng đến nỗi lương tâm ta dường như không phát hiện gì, thế rồi ta dần sa chân lạc lối mà chính mình cũng không biết. Đến lúc biết thì lại muốn quá.

Câu truyện minh hoạ

Hoạ mi là một trong những giống chim đẹp nhất, thích ăn sâu. Lũ trẻ muốn bắt chim này nên đặt một đĩa sâu để nhử. Hoạ Mi thấy sâu liền bay qua lượn lại, tỏ vẻ thèm thuồng.

Lũ trẻ gọi : “Hoạ Mi ơi, nếu muốn ăn sâu thì mi cứ đổi cho chúng ta mỗi con sâu là một sợi lông thôi”.

Hoạ Mi bằng lòng vì nghĩ có một sợi lông thì chẳng ăn thua gì.

Thế rồi, cứ mỗi một con sâu, đám trẻ lại nhổ một sợi lông trên lưng. Sau một lúc lâu, Hoạ Mi vừa đau vừa thấy thân thể mình mất khá nhiều lông; thế nhưng nó vẫn thèm ăn những con sâu hấp dẫn và ngon miệng.

Cứ thế, lũ trẻ nhổ cho đến khi trên mình Hoạ Mi không còn một sợi lông nào. Hoạ Mi lúc này tuy no bụng nhưng không bay được nữa, vì không còn sợi lông nào, đành phải để cho lũ trẻ bắt lấy.

 

 

Thanh Thanh

Mục lục

 

HÃY BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG XÃ HỘI & TINH THẦN

I. Vấn đề môi trường không hề là vấn đề mới mẻ, nhưng gần đây lại trở thành thời sự nóng bỏng trên thế giới. Từ lâu người ta đã  nói tới nguy cơ của việc phá hoại thiên nhiên và làm ô nhiễm môi trường đối với trái đất và đời sống con người. Chẳng hạn việc phá rừng đưa tới những trận lũ lụt ngày càng nhiều và hung hãn hơn, kéo theo sạt lở đất cũng như hiện tượng sa mạc hóa do đất bị xói mòn và xuống cấp; phá rừng không thương tiếc cũng  là một nguyên nhân của tình trạng thiếu nước sinh hoạt và nước uống tại nhiều quốc gia, do nguồn nước ngầm bị giảm và các dòng sông bị ô nhiễm. Nói gì xa xôi, hãy cứ nhìn vào nước ta thì thấy ngay.

Nhưng hiện nay, nguy cơ đang được Liên Hiệp Quốc, các chính phủ, các tổ chức bảo vệ môi trường và các đảng xanh báo động ở mức khẩn cấp là sự biến động chưa từng có về khí hậu. Mới đây ông Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki Moon đã  cảnh báo: “Nếu chúng ta không hành động bây giờ, hậu quả của tình trạng thay đổi khí hậu sẽ rất thảm khốc.” Trái đất đang nóng lên do chính con người gây ra, đó là điều không thể chối cãi. Theo Tổ Chức Khí Tượng thế giới, “nhiệt độ bề mặt toàn cầu từ tháng 1 đến tháng 4 năm 2007 gần như được xếp vào mức ấm nhất kể từ … năm 1880.” Nhiệt độ tăng lên thì cái gì xảy ra? Mực nước biển sẽ dâng cao hơn do lớp băng trên Bắc Băng Dương tan giá. Hiện nay người ta đã tính toán cho thấy từ năm 1953-2006, lớp băng này đã suy giảm khoảng 7,8% mỗi thập niên. Nếu không làm gì để ngăn chận tình trạng này, nước biển sẽ có thể dâng lên 0,5m đến 1m vào năm 2100 (hiện nay đã là 0,4m rồi). Cao hơn 1m, nhiều nước sẽ mất đi nhiều vùng lãnh thổ, nhiều thành phố lớn nhất thế giới sẽ biến mất, hàng triệu người lâm nguy.

Bây giờ đáng lý tất cả các nhà họach định chính sách kinh tế của mọi nước phải thấy rõ là không thể tăng trưởng kinh tế với bất cứ giá nào, không thể hy sinh môi trường cho kinh tế. Vả lại, việc bảo vệ môi trường thiên nhiên có liên quan trực tiếp tới kinh tế. Nhất là nó liên quan tới sức khỏe, tới chất lượng cuộc sống và cả  tính mạng của con người. Ngoài ra, nó còn mang ý nghĩa đạo đức nữa. Trái đất và các nguồn tài nguyên thiên nhiên không thuộc riêng về các thế hệ hiện tại, nhưng các thế hệ tương lai cũng có quyền thụ hưởng như họ.Người ta phải khai thác và giữ gìn nó trong tinh thần trách nhiệm. Đối với người Kitô hữu, đó còn là một sứ mạng do chính Chúa Tạo Hóa giao phó cho. Nhà văn Pháp Saint-Exupéry nói: “Chúng ta không thừa hưởng trái đất này từ cha mẹ chúng ta, mà vay mượn nó từ con cháu chúng ta.”

II. Việc bảo vệ môi trường thiên nhiên, như thế, là vô cùng quan trọng. Nhưng bảo vệ môi trường xã hội và môi trường tinh thần (đạo đức) cũng rất quan trọng, còn quan trọng hơn. Vật chất, tiện nghi, tăng trưởng kinh tế, tăng trưởng GDP …chỉ là một điều kiện, nói cho cùng là rất tương đối, không thể là yếu tố quyết định hạnh phúc con người, không thể tự nó làm tăng chất lượng cuộc sống, nói gì tới việc gia tăng “tính người”, “chất người” cho ta. Việt Nam mở cửa hội nhập thế giới, lấy kinh tế thị trường thay cho kinh tế bao cấp vô hiệu, đó là điều đáng mừng. Chúng ta đang được hưởng bao nhiêu điều tốt đẹp do chính sách mới đó. Nhưng đồng thời cũng không được coi thường sự suy thoái của môi trường xã hội và đạo đức hiện đã rất trầm trọng. Nhiều mảng văn hóa, nhiều mảng truyền thống tốt đẹp của dân tộc đang bị đe dọa, thậm chí đã rơi rụng trước ảnh hưởng xấu của nền văn minh vật chất hưởng thụ và thực dụng đang tràn vào mà xem chừng khó có gì ngăn chặn hữu hiệu.

Tôi xin nhắc tới cuộc tranh luận thời sự nóng hổi trên báo chí Việt Nam hiện nay, về hiện tượng được gọi là “cuộc giải phóng tình dục” trong giới trẻ (hay một bộ phận của giới trẻ?). Những người trẻ này coi việc quan hệ tình dục dễ dàng, tự do, trong tình yêu hay ngoài tình yêu, trong hôn nhân hay ngoài hôn nhân là một chuyện tự nhiên, thoải mái, không nhất thiết phải kín đáo, lại còn cho như thế là hiện đại, hợp thời. Qua theo dõi trên báo chí, tôi thấy số đông (ngay trong giới trẻ) không đồng tình với quan niệm trên. Những bậc cha mẹ, những nhà giáo dục nên lên tiếng chống lại hiện tượng trên khi mới manh nha nhưng đang muốn được xã hội coi là nhu cầu bình thường của tuổi trẻ. Xin đừng ngại bị coi là cổ hũ, lỗi thời. Không phải tất cả cái “mới” đều là tốt cả, không phải tất cả những cái có “xưa nay” đương nhiên là xấu hay lạc hậu cả. Cái lập luận coi nhu cầu sinh lý giống như việc ăn, việc uống, việc ngủ nghỉ v.v. là hoàn  toàn  sai. Ta không ăn, không uống lâu ngày ta sẽ chết, nhưng không ai chết vì không có quan hệ tình dục cả. Chỉ có tình yêu thì ai cũng phải có, không thể thiếu. Vả lại, ngay cái ăn, cái uống, cái mặc, việc giải trí, v.v. không còn là cái đơn thuần bản năng, mà là văn hóa. Ăn không phải chỉ để no bụng, mặc không phải chỉ cho ấm, nhưng ăn gì, ăn thế nào, nấu nướng ra sao, bày biện thế nào, ngồi ăn với ai, cầm đũa hay cầm xiên muổm hay bốc bằng tay …đều là văn hóa và nhu cầu của con người cả. Rồi trong mỗi dân tộc, mỗi nền văn hóa còn có những nét riêng nữa. Về  các nhu cầu căn bản khác cũng vậy.Truyền thống văn hóa không bất di bất dịch, nhưng những giá trị đích thực thì không có tân, có cổ gì hết.

Cái gọi là giải phóng tình dục đã xảy ra bên phương Tây nhiều thập kỷ rồi. Nó có thực sự giải phóng con người không thì lại là chuyện khác. Lạ thay, sau khi được sống hoàn toàn thoải mái theo cuộc giải phóng tình dục, nhiều người trẻ vẫn thấy trống rổng, cô đơn, chán chường, và ở một ít nước, trong một thời gian, có hiện tượng người trẻ tự tử gia tăng. Khi sự tự do trong đời sống tình dục đã trở thành phổ biến và bình thường (không bị xã hội đặt vấn đề nữa), người Tây phương dần dần nhận ra những mặt trái của nó, và nhiều giá trị truyền thống như gia đình, lòng trung thủy, sự hy sinh cho con cái… lại được đề cao.

Người Việt Nam ta đang say sưa với sự phát triển kinh tế, chưa ý thức về nguy cơ của nạn ô nhiễm môi trường thiên nhiên; còn về ô nhiễm xã hội và tinh thần, họ có biết đến nh ưng hình như rất ít quan tâm. Nhưng sự tàn phá của thứ ô nhiễm này còn  đáng lo sợ hơn!

(29-10-2007)

Lm Nguyễn Hồng Giáo, dòng Phanxicô

Mục lục

 

 

Liên đới theo quan điểm Công giáo

 

Nghĩa đồng bào và tình huynh đệ phổ quát là một trong những ý tưởng đã gây tác động sâu đậm trên nếp nghĩ và nếp sống của con người. Trong văn chương bình dân của Việt Nam cũng đầy dẫy những câu ca dao tục ngữ nói về tình liên đới. Chính tình liên đới này đã giúp dân tộc ta không những đối phó thành công với thiên tai lụt lội, mà còn đánh thắng tất cả các cuộc ngoại xâm.


Các tôn giáo luôn rao truyền lòng trắc ẩn, bác ái, từ bi, nhân hậu... đối với mọi người, đặc biệt đối với những người bất hạnh, nghèo khổ, bị bỏ rơi và bị bóc lột.


Trong bài tham luận này, tôi xin trình bày đề tài: Liên đới theo quan điểm Công giáo. Đức Giáo chủ Gioan Phaolô II gọi liên đới là một “nhân đức Kitô giáo”. Trong một mức độ nào đó, chúng ta có thể coi “liên đới” như một hình thức hiện đại hoá của bác ái Kitô giáo hay trần tục hoá tình yêu thương phổ quát (1).


1- Quan niệm liên đới


Liên đới (solidarité, solidarity, solidariedad) xây dựng trên căn bản triết lý quan niệm con người như một hữu thể xã hội, một thành phần của nhân loại và nhất là một nhân vị. Vận mệnh của mỗi người được nối kết và gắn chặt với vận mệnh của bao nhiêu người khác. Tương quan và liên đới, vì vậy, là chiều kích sâu thẳm của con người sống với nhau trong xã hội.


Ở đây, tình liên đới bao hàm ý tưởng hiệp nhất, chia sẻ cảnh ngộ, cảm thương những phận đời hẩm hiu và tự cảm thấy một thứ trách nhiệm nào đó trước những nỗi bất hạnh xảy đến cho đồng loại. Vì vậy, cố gắng tiếp tay giải quyết vấn đề, bằng những công tác xã hội, tương thân tương ái hay đấu tranh nhằm thực hiện công bằng xã hội và cải tố cơ cấu bất công.


Chúng ta gặp thấy nguồn gốc của ý niệm liên đới nơi nhiều tôn giáo và văn hóa... . Tuy nhiên, quan niệm liên đới được sử dụng trong triết lý xã hội hiện đại chỉ khai sinh vào giai đoạn cách mạng Pháp 1789 và phổ biến rộng rãi ở thời hậu cách mạng để đề cao sự nhạy cảm đối với công bằng xã hội và ý thức tình huynh đệ, nghĩa đồng bào giữa người dân trong cùng một nước hay giữa các thành viên của cùng một tổ chức, nghiệp đoàn, giai cấp...


Hạn từ “liên đới” trước tiên được sử dụng trong lãnh vực pháp lý để diễn tả sự ràng buộc pháp lý chặt chẽ giữa chủ nợ và con nợ. Trách nhiệm này có thể được thay thế bởi một người khác, nếu chính đương sự không có khả năng để chu toàn lời cam kết của mình. Khi quan niệm này được áp dụng sang lãnh vực nhân học và xã hội học thì càng làm rõ nét hơn ý nghĩa nhân bản của “sợi dây liên đới” : không còn là một thứ vị tha chủ nghĩa hay thái độ quảng đại trong tương quan đối với người khác, mà trước hết là một trách nhiệm mang dáng dấp bổn phận đối với tha nhân. Chính bản tính con người và ý thức đồng bào, cùng một giống nòi hay cùng đồng hành trên con thuyền nhân loại, đòi hỏi chúng ta phải có tâm tình, hành vi, trách nhiệm liên đới với nhau.


Trong lãnh vực đạo đức xã hội, hạn từ liên đới đã vượt qua hàng rào pháp lý để đi vào môi trường rộng lớn của thực tại nhân loại. Nó trở thành một “hạn từ biểu tượng” , một thứ “chìa khoá” , một “diễn ngữ đầy ấn tượng” để diễn tả mối dây liên kết chặt chẽ và linh thiêng của thực tại nhân loại: Xét như là con người, chúng ta kết thành một khối, một thực tại bền vững và một gia đình nhân loại. Chúng ta có trách nhiệm với nhau và đòi hỏi ứng xử với nhau theo quy luật liên đới: ý thức, cảm nhận và chấp nhận điều kiện nhân loại như một thân phận chung, trong đó mọi người liên đới và đồng hành với nhau (2).


Quan niệm liên đới dẫn chúng ta đến vấn đề trung tâm của đạo đức học hiện đại: Đặc biệt đề cao mối tương quan giữa chủ thể và tha tính. Triết gia Emmanuel Levinas và Paul Ricoeur là hai người tranh đấu không mệt mỏi cho chiều kích liên đới này. E. Levinas đề nghị làm triết học theo hướng khác: Thay vì khép kín trong “tự thân” để rồi rơi vào cá nhân chủ nghĩa, cần mở rộng cánh cửa cho tha nhân. Thay vì hữu thể học về “hữu thể thuần túy” theo lối nhìn của Heidergger, nên thay thế bằng mối tương quan sinh động mới, trong đó không giản lược tất cả vào tương quan giữa chủ thể với đối tượng, mà nhằm hướng tới một lối tiếp cận khác và một tương quan mới với tha nhân (3).


Dưới nhãn quan của Levinas, “tha tính” chính là một cách thế khác để hiện hữu, cho phép con người thực hiện chính mình một cách phong phú và tốt hơn. Nói cách khác, để đạt tới việc thực hiện “tự thân” đích thực thì cần đến việc thực hiện “tự tha” . Levinas thú nhận: “Tương quan với Tha nhân bắt buộc tôi phải đặt lại vấn đề về chính mình. Nó lột trần chính bản thân tôi và không ngừng lột trần tôi, giúp tôi luôn khám phá trong mình những nguồn năng lực mới” (4).


“Tha tính” của Levinas là một “cái tôi khác” . Nó vượt ra ngoài chiều kích thuần tuý hữu thể, đoạn tuyệt với tính tự túc và tự lập của một lý trí xây dựng trên cái tôi tuyệt đối, cô đơn và khép kín để đặt mình trong chiều kích tương quan của viễn tượng đạo đức liên đới.


Bén rễ nơi triết lý xã hội, liên đới luôn giả thiết công lý, nhưng đi xa hơn công lý hay công bằng xã hội. Một mặt, như Victoria Camps đã ghi nhận, “lòng chung thuỷ đối với bạn bè, lòng cảm thương đối với một người bị ngược đãi, việc hỗ trợ người bị bách hại, hành động dấn thân vào những chuyện coi như thất bại hoặc không được đại chúng ái mộ, không thể tạo thành một bổn phận đích thực của công bằng, nhưng chắc chắn là bổn phận của liên đới” (5).


Mặt khác, với cuộc cách mạng kỹ thuật và toàn cầu hoá hiện nay, sự phát triển của các nước giàu lệ thuộc nhiều ở khả năng sáng tạo và sự biến đổi kỹ thuật nội tại hơn là hành động trấn lột các nước nghèo. Chính vì thế, không thể dễ dàng đồng hoá những người bị loại trừ trong nền kinh tế tri thức với những người bị bóc lột, hiểu theo quan niệm cổ điển. Lý do giản dị là trong hệ thống kinh tế hiện nay, đặc biệt là nền kinh tế tri thức, những người nghèo không hẳn là những người bị bóc lột, mà đúng hơn là những người bị loại trừ. Bởi vì họ chỉ là những lao động phổ thông hay bị thất nghiệp, nên đã trở thành những cánh tay thừa thãi trong một nền kinh tế ngày càng chuyên nghiệp và cần nhiều chất xám. Do đó, không dễ dàng dựa trên công bằng xã hội để đòi hỏi quyền lợi cho họ, nhưng luôn luôn vẫn có thể nêu lên những yêu sách đạo đức từ viễn tượng liên đới với những người ít may mắn, bị thiệt thòi hay bất cứ vì lý do bất hạnh nào khác.


2- Quan điểm của Giáo huấn xã hội


Đối với giáo huấn xã hội của Công giáo, nguyên tắc liên đới cùng với nguyên tắc công thiện công ích, vận mệnh phổ quát của tài sản và ưu tiên chọn lựa người nghèo định hướng mối tương quan giữa người với người, cũng như giữa các xã hội với nhau.


Thể theo nguyên tắc nhập thể của Đức Kitô, Công đồng Vatican II long trọng cam kết mối liên đới của Giáo hội với con người và thế giới hôm nay: “Nỗi vui mừng và niềm hy vọng, những buồn khổ và âu lo của con người hôm nay, nhất là của những người nghèo và của những ai đau khổ, cũng là vui mừng và hy vọng, buồn khổ và âu lo của các môn đệ Đức Kitô. Không có gì đích thực nhân loại mà lại không có âm vang nơi cõi lòng người môn đệ Đức Kitô” (6).


Công đồng đặt nguyên tắc liên đới trên căn bản thần học về tạo dựng: “Thiên Chúa đã muốn rằng tất cả mọi người làm thành một gia đình và đối xử với nhau bằng tình huynh đệ. Thật thế, mọi người được dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa, Đấng đã “tạo thành họ từ một người duy nhất và cho họ ở trên khắp mặt đất” (Cv 17,26) và họ cũng được gọi tới cùng một cứu cánh duy nhất là chính Thiên Chúa” (7).


Nhân danh tình huynh đệ đại đồng này, Công đồng kêu gọi mọi người quảng đại chiến thắng cá nhân chủ nghĩa và vụ lợi chủ nghĩa để mưu cầu công thiện công ích, đặc biệt cần nghĩ đến nhu cầu của những người nghèo. Hiến chế “Hội Thánh trong thế giới hôm nay” quả quyết: “Mỗi người phải nhìn nhận và tôn trọng liên đới xã hội như một trong những nghĩa vụ chính yếu của con người thời nay. Bởi vì thế giới càng hợp nhất thì hiển nhiên những bổn phận của con người càng vượt lên trên những nhóm riêng rẽ và dần dần sẽ lan rộng tới toàn thế giới” (8).


Đức Giáo chủ Phaolô VI cũng ước mong một trật tự mới và một thế giới phát triển, an bình, hạnh phúc hơn. Nhưng để cho ước mơ đó thành hiện thực thì liên đới phải là một bổn phận và hơn nữa một bổn phận khẩn thiết đối với mọi người. Ngài viết: “Sự sống của bao trẻ em vô tội và hy vọng của biết bao gia đình nghèo khổ mong muốn có được những điều kiện sống xứng đáng với con người, đang bị đe doạ. Hoà bình của thế giới và tương lai của nền văn minh đang lâm nguy. Tất cả mọi người và mọi dân tộc phải đảm nhận trách nhiệm của mình” (9).


Thông điệp nhìn rõ tính chất “lưỡng diện” nơi tăng trưởng kinh tế: “Đối với một dân tộc cũng như đối với một cá nhân, có nhiều của cải hơn không phải là mục đích sau cùng. Tất cả các tăng trưởng đều có hai mặt: Nó cần thiết để con người được nên người hơn, nhưng một khi nó trở nên giá trị tối thượng thì nó sẽ giam hãm con người, không cho phép họ nhìn xa hơn. Lúc đó, lòng người trở nên chai đá và tinh thần khép kín lại, con người không còn đến với nhau vì tình nghĩa, mà chỉ vì lợi lộc. Lợi ích dễ làm cho con người chống đối và chia rẽ nhau. Vì thế, nếu chỉ tìm kiếm của cải mà thôi thì không những cản trở sự phát triển của con người, mà còn chống lại sự cao cả đích thực” (10).


Đức Phaolô VI xác quyết rằng tăng trưởng kinh tế và tiến bộ kỹ thuật không đủ để trái đất này trở nên nhân đạo và dễ sống hơn. Muốn đạt tới phát triển đích thực thì phát triển kinh tế phải đồng hành với phát triển xã hội. Nhìn từ quan điểm Kitô giáo, “không thể chỉ giản lược phát triển vào tăng trưởng kinh tế. Bởi vì phát triển đích thực phải toàn diện, nghĩa là thăng tiến con người toàn diện và tất cả mọi người. Một chuyên viên lỗi lạc đã nói rất đúng về điều đó: “Chúng tôi không chấp nhận tách rời kinh tế khỏi vấn đề của con người, phát triển khỏi những nền văn minh liên hệ. Đối với chúng tôi, điều quan trọng là con người, mỗi người, mỗi nhóm người, cho đến toàn thể nhân loại” (11).


Thông điệp “Phát triển các dân tộc” muốn giới thiệu với nhân loại một mô hình phát triển tương xứng với con người hơn. Theo thông điệp, “đây là một tiến trình đi từ những điều kiện ít nhân bản hơn đến những điều kiện nhân bản hơn, cho mỗi người và cho mọi người (…). Nhân bản hơn có nghĩa là tiến từ cảnh lầm than đến tình trạng sở hữu những gì cần thiết, loại trừ các tệ đoan xã hội, mở mang kiến thức, hấp thụ văn hóa. Nhân bản hơn cũng có nghĩa là tôn trọng nhân phẩm của tha nhân, hướng tới tinh thần khó nghèo, mưu cầu công ích, ước muốn hòa bình. Nhân bản hơn còn có nghĩa là nhìn nhận những giá trị tối cao và nhìn nhận Thiên Chúa là căn nguyên và cùng đích của mọi giá trị” (12).


Đức Phaolô VI coi việc phát triển mọi chiều kích của con người và phát triển mọi người chính là hành trình thực hiện nền nhân bản liên đới. Đây là một thứ nhân bản rộng mở, giúp con người vượt khỏi chính mình, để chấp cánh bay cao hơn nữa, bởi vì như Pascal đã nói một cách chí lý: “con người vượt trên con người một cách vô cùng tận” (13).


Nhân dịp kỷ niệm 20 năm ban hành thông điệp “Phát triển các dân tộc” (1967), đức Gioan Phaolô II đã dành cả một thông điệp cho vấn đề sôi bỏng này. Liên đới đã được thông điệp “Quan tâm tới vấn đề xã hội” (1987) định nghĩa như sau: “Liên đới không phải là một thứ cảm thương mơ hồ hay xúc động hời hợt trước những khổ đau của bao nhiêu người xa gần. Ngược lại, đó là quyết tâm chắc chắn và bền vững dấn thân cho công ích, nghĩa là cho lợi ích của mọi người và của từng người, bởi vì tất cả chúng ta đều có trách nhiệm về mọi người. Một quyết tâm như vậy dựa trên xác tín vững chắc rằng việc phát triển toàn diện đang bị cản trở bởi lòng ham muốn lợi nhuận và khát khao quyền lực. Chỉ có thể chiến thắng những thái độ và những “cơ cấu tội lỗi” ấy –dĩ nhiên là với ơn Chúa– nhờ một thái độ hoàn toàn đối nghịch: dấn thân phục vụ lợi ích của tha nhân, sẵn sàng chết, theo tinh thần Tin Mừng, cho người khác thay vì bóc lột họ và “phục vụ” thay vì đàn áp họ để mưu cầu tư lợi”

(14).

Dưới nhãn quan của Gioan Phaolô II, liên đới không những cần thiết cho công cuộc phát triển con người toàn diện, mà hơn nữa phải là một “thái độ luân lý” và “một nhân đức Kitô giáo” (15). Sau khi đề cập đến điểm tương đồng giữa bác ái và liên đới, ngài viết những dòng sâu sắc và thâm thuý về liên đới. Vì tính chất độc đáo của bản văn, chúng tôi xin được phép trích dẫn hai đoạn chính sau đây:


“Dưới ánh sáng đức tin, liên đới tiến tới việc vượt qua chính mình, để mặc thêm những chiều kích đặc thù của Kitô giáo về thái độ hoàn toàn vô vị lợi, thứ tha và hoà giải. Như vậy, tha nhân không chỉ là một hữu thể nhân loại, có những quyền lợi và sự bình đẳng nền tảng với mọi người, nhưng trở thành hình ảnh sống động của Thiên Chúa(...). Do đó, tha nhân phải được yêu mến, ngay cả khi họ là thù địch, bằng chính tình yêu mà Chúa đã yêu thương họ, và phải sẵn sàng hy sinh cho họ, ngay cả với hành động cực độ: “Thí mạng sống vì anh em mình”..


“... Liên đới phải góp phần vào việc thực hiện kế hoạch của Thiên Chúa, ở phạm vi cá nhân cũng như trên bình diện quốc gia và quốc tế. Các “cơ chế đồi truỵ” và các “cơ cấu tội lỗi” chỉ có thể bị đánh bại bằng việc thực hành liên đới nhân bản và Kitô giáo. Chỉ bằng cách đó mà nhiều năng lực mới có thể được tận dụng một cách trọn vẹn cho công cuộc phát triển và hoà bình” (16).


Yêu thương tha nhân là một giới răn căn bản của Kitô giáo và tha nhân nói đây là tất cả những ai người tín hữu gặp gỡ trên đường đời, đặc biệt những người đang cần được hỗ trợ. Không một Kitô hữu nào có thể nói mình yêu mến Thiên Chúa, mà lại không yêu thương và liên đới với tha nhân. Nếu một tư tưởng gia nào đó đã gọi người là lang sói của người hay gán cho tha nhân nhãn hiệu “địa ngục”, thì, đối với người Công giáo, tha nhân vừa là người anh em, vừa là thành phần của bản thân tôi.


3- Trên lãnh vực quốc tế


Đề tài liên đới này được áp dụng một cách đặc biệt trong lãnh vực kinh tế – xã hội. Đây là lãnh vực khó khăn và nan giải nhất, nhưng cũng chính ở nơi đây tình liên đới mới mang tính chất hiện thực và hữu hiệu. Trong phạm vi quốc gia, “việc thi hành tình liên đới trong mỗi xã hội chỉ hiện thực khi các thành viên nhìn nhận nhau như nhân vị. Những người có nhiều của cải, cần ý thức trách nhiệm đối với những người yếu kém hơn và sẵn sàng chia sẻ với họ tài sản của mình. Trong cùng một chiều hướng liên đới, những người kém may mắn, không được chọn lựa thái độ thuần tuý thụ động hoặc phá huỷ mối tương quan xã hội. Ngay cả khi tranh đấu cho những quyền lợi chính đáng của mình cũng cần thực hiện trách nhiệm của mình đối với công ích. Về phần mình, những nhóm trung gian không được nhấn mạnh một cách ích kỷ quyền lợi riêng của mình, mà cần tôn trọng quyền lợi của những người khác” (17).


Theo truyền thống cố cựu của Kitô giáo, nguyên tắc liên đới nối kết một cách sâu thẳm với nguyên tắc công thiện công ích và định mệnh phổ quát của tài sản. Chính vì vậy, sau khi đã tỉ mỉ phân tích ý nghĩa của liên đới, thông điệp “Quan tâm tới vấn đề xã hội” viết thêm: “Thiết tưởng cần nhắc lại một lần nữa nguyên tắc đặc biệt của giáo huấn xã hội Kitô giáo: Ban đầu, tài sản của thế giới được trao phó cho mọi người. Dù quyền tư hữu hợp pháp và cần thiết đến đâu đi chăng nữa, cũng không huỷ bỏ giá trị của nguyên tắc nói trên. Thật vậy, trong quyền tư hữu đã khắc ghi một “cầm cố xã hội”, nghĩa là được nhìn nhận, như phẩm chất nội tại, một trách nhiệm xã hội được xây dựng và biện minh một cách thực sự nơi nguyên tắc định mệnh phổ quát của tài sản” (18).


Cũng chính trong viễn tượng này mà đề tài liên đới trên bình diện quốc tế, giữa các quốc gia và các dân tộc, trở thành đề tài trung tâm. Ngay trong thông điệp “Mẹ và Thầy”(1961), đức Gioan XXIII đã đặc biệt nhấn mạnh đến tương quan liên đới giữa các nước phát triển với các nước đang phát triển. Ngài viết: “Chiều kích liên đới, một chiều kích hôm nay đang nối kết tất cả mọi người trong một gia đình duy nhất, đòi hỏi những nước được hưởng sự sung túc về tài sản kinh tế có nghĩa vụ không được hờ hững đối với những nước, mà người dân đang phải vật lộn trong tình trạng khốn cùng và nghèo đói, chưa được hưởng những quyền lợi căn bản của nhân vị. Trách nhiệm này ngày càng lớn mạnh do sự ý thức ngày một rõ hơn về mối tương quan đồng lệ thuộc giữa các dân tộc, bởi vì không thể nào có được một nền hoà bình dài lâu và phong phú, nếu sự chênh lệch về kinh tế và xã hội giữa các dân tộc quá sâu thẳm” (19).


Thông điệp “Phát triển các dân tộc” đặc biệt cổ võ sự phát triển toàn diện của mỗi người và của mọi người trên thế giới. Và dĩ nhiên sự phát triển toàn diện này phải gắn liền với sự phát triển của nhân loại. Chính vì vậy, đức Phaolô VI đề cập đến mối liên đới giữa các dân tộc và trách nhiệm của các nước giàu. Trách nhiệm này bao gồm ba khía cạnh: “Trước hết, vì bổn phận liên đới, các nước giàu phải trợ giúp các nước đang phát triển; thứ đến, vì bổn phận công bằng xã hội, cần cải thiện mối quan hệ thương mại giữa các nước mạnh và các nước yếu; sau hết, vì bổn phận bác ái phổ quát, cần cổ võ một thế giới nhân đạo hơn cho mọi người, trong đó mọi người vừa cho vừa nhận, và tăng triển của người này không còn cản trở phát triển của người kia” (20).


Trong thông điệp “Quan tâm đến vấn đề xã hội” , liên đới quốc tế cũng được xây dựng trên nguyên tắc căn bản về vận mệnh phổ quát của tất cả tài sản trên mặt đất. Do đó, các nước giàu và mạnh hơn có trách nhiệm đạo đức đối với các nước kém phát triển hơn. Ý thức mới về tương quan liên đới này là “một con đường dài và khó khăn. Ngoài ra, thường xuyên còn bị đe doạ bởi tính mong manh nội tại của các dự án và việc thực hiện của con người, cũng như bởi sự thay đổi khôn lường của hoàn cảnh ngoại tại. Tuy nhiên, cần nhất quyết dấn thân thực hiện và ở nơi nào đã thực hiện được một vài bước, hoặc đã được một phần, phải tiếp tục đi đến cùng” (21).

Ngỏ lời với các tham dự viên trong Phiên họp khoáng đại lần II của Hàn lâm viện Giáo hoàng về Xã hội học, đức Gioan Phaolô II tuyên bố: “Cuộc cạnh tranh chính đáng đang năng động hóa đời sống kinh tế không được chống lại quyền lợi căn bản của con người là có việc làm để nuôi sống gia đình. Thật vậy, làm sao gọi một xã hội là giàu có, nếu trong đó nhiều người không có điều kiện cần thiết để sống? Bao lâu một con người bị tổn thương và biến dạng vì nghèo đói, thì chính xã hội, trong một nghĩa nào đó, cũng bị tổn thương”.


Trong viễn tượng liên đới này, mặc dù giáo huấn xã hội của Giáo Hội công nhận toàn cầu hoá kinh tế và tài chánh là một thực tại lịch sử, nhưng vẫn không ngừng nêu lên những câu hỏi sâu thẳm: Phải chăng mô hình toàn cầu hoá hiện tại sẽ đem lại phúc lợi và vận may cho mọi người? Có chăng một toàn cầu hóa không loại trừ hay bớt loại trừ hơn?


Dĩ nhiên, xây dựng một toàn cầu hóa bớt loại trừ và một xã hội liên đới là trách nhiệm của mọi người. Nhưng trước hết và trên hết, đây là trách nhiệm của các nhà lãnh đạo. Chính vì vậy, Giáo chủ Phaolô VI đã trân trọng ngỏ lời với các quý vị lãnh đạo như sau: “Nghĩa vụ của quý vị là làm cho quý quốc liên đới chặt chẽ hơn với mọi người; thuyết phục họ bằng lòng trích một phần xa hoa và hoang phí của họ để xúc tiến công cuộc phát triển các dân tộc và bảo vệ hòa bình. Lệ thuộc rất nhiều ở quí vị, những vị đại diện trong các cơ quan quốc tế, để có thể thay thế những cuộc đụng độ bằng vũ lực nguy hiểm và vô bổ bằng sự hợp tác thân hữu, ôn hòa và vô vị lợi, ngõ hầu nhân loại đạt tới một phát triển liên đới, trong đó mọi người có thể triển nở” (22).


4- Tại quê hương Việt Nam

 

Do tính thời vụ của nghề trồng lúa nước, lại phải thường xuyên chống chọi với thiên tai và lụt lội nên tinh thần làng xã của người Việt Nam ngày xưa rất sâu đậm, đến độ “phép Vua còn thua lệ làng” . Vượt khỏi tình liên đới làng xã, người Việt ý thức rõ rệt tinh thần dân tộc và nghĩa đồng bào. Không người dân Việt nào mà lại không nằm lòng những câu ca dao nói về tính cộng đồng, liên đới và đoàn kết giữa người dân cùng một nước:


Bầu ơi thương lấy bí cùng


Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn


Nhiễu điều phủ lấy giá gương


Người trong một nước phải thương nhau cùng.


Hoặc ngắn gọn và trực tiếp hơn:


Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ. Chính nhờ tinh thần đoàn kết và liên đới này mà người Việt đã thành công trong việc dựng nước và bảo vệ đất nước chống lại các đạo quân xâm lược mạnh hơn mình gấp nhiều lần. Hôm nay, chắc chắn chúng ta phải vận dụng tình liên đới, tinh thần đoàn kết và ý thức quật cường của dân tộc để sớm đưa đất nước thoát khỏi tình trạng nghèo đói, lạc hậu, chậm tiến.


Như một thí dụ khiêm tốn, những dòng dưới đây chỉ muốn đề cập đến ba lãnh vực: giáo dục, y tế và công tác hỗ trợ những người có hoàn cảnh đặc biệt.


a)- Giáo dục


Trong thời gian gần đây, người ta nói nhiều đến sự xuống cấp và lạc hậu của nền giáo dục hiện tại của chúng ta. Có người ví nó như căn nhà tập thể cổ lỗ xây dựng khoảng bốn mươi năm trước, không theo qui củ thông thường, càng sửa chữa, cơi nới càng dị dạng. Thành ra, càng phát triển càng đòi hỏi đầu tư phi lý, mà chất lượng càng kém. Kết cục, bỏ thì thương vương thì tội (23).


Ông Michael Marine, cựu Đại sứ Mỹ tại Việt Nam, đã đưa ra một số nhận định rất đáng để chúng ta suy nghĩ. Sau khi ca ngợi những thành quả mà Việt Nam đã gặt hái trong lãnh vực phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế, ông nhận xét như sau về nền giáo dục của chúng ta:


“Ở khắp nơi, người ta thấy tiềm năng, phấn khởi vaø hy vọng. Nhưng đối nghịch với nhiều thaønh coâng của mình, Việt nam đang đối diện với những thách đố quan trọng, mà thánh đố về hệ thống giáo dục không phải là nhỏ. Nếu tăng trưởng kinh tế đã quá mức dự đoán, và người dân Việt Nam tiếp tục đặt tiáo dục làm ưu tiên hàng đầu, thì hạ tầng cơ sở cung cấp nguồn nhaân lực và vật lực tại đây đã không phát triển đủ để hỗ trợ cho nhu cầu tăng trưởng. Điều đó đúng ở mọi cấp bậc trong hệ thống giaùo dục, nhưng tình trạng giáo dục cấp đại học tại Việt nam đặt ra những quan ngại đặc biệt (...).


Theo ý kiến chung, các đại học Việt nam đã không làm tròn được các đòi hỏi thiết yếu này. Bản “Báo cáo về Phát triển trên Thế giới" năm 2006 của Ngân hàng Thế giới cho thấy Việt nam tụt lại phía sau rất xa các nước khác trong khu vực và chỉ có 2% dân số được đi học đủ 13 năm hoặc hơn nữa. Cũng theo báo cáo này thì Việt nam đứng chót trong khu vực vì chỉ có 10% thanh thiếu niên trong hạng tuổi từ 20 đến 24 ghi danh vào các trường đại học hoặc cao đẳng. Trái lại, Trung quốc có 15% sinh viên trong hạng tuổi này đã ghi danh, Thaùi lan có 41% và Nam Hàn có con số thật ấn tượng là 89%”.


Đó là mới chỉ đề cập đến số lượng. Nếu so sánh về chất lượng thì càng thấy rõ tình trạng tụt hậu của Việt Nam so với các quốc gia lân cận: “Nam 2006, các giáo sư và sinh viên Đại học Quốc gia Seoul (Hán thành) công bố 4,556 ấn phẩm khoa học. Trường Đại học Bắc kinh có gần 3,000. Để so sánh ta thấy cả Đại học Quốc gia Hà nội và trường Kỹ thuật Quốc gia Hà nội chỉ thực hiện được 34 ấn phẩm. Số đơn xin bằng sáng chế là thước đo hữu dụng để biết khả năng phát minh của một quốc gia. Báo cáo của năm 2006 của Ngân haøng Thế giới cho biết Trung quốc có 40,000 đơn xin bằng sáng chế, trong khi ở Việt nam chỉ vỏn vẹn 2 đơn” (24).


Hội nghị tổng kết năm học khối Đại học và Cao đẳng, tổ chức tại Hà Nội ngày 16 tháng 8 năm 2007, cũng cung cấp cho chúng ta những số liệu tương tự. Theo báo cáo của Vụ Đại Học và sau Đại Học, trong năm học 2006-2007, số giáo viên đạt trình độ thạc sĩ và tiến sĩ tăng thêm 11,9%. Tuy nhiên, con số giáo viên mới chỉ có trình độ Đại Học lại tăng quá cao (hơn 3500 người), thành thử rốt cuộc tỉ lệ giáo viên có trình độ thạc sĩ và nhất là tiến sĩ lại thấp hơn năm trước. Hơn 55% số GS, PGS và khoảng một nửa số tiến sĩ đều tập trung ở 14 trường Đại Học trọng điểm, còn ở những trường khác lực lượng Giáo sư có trình độ tiến sĩ và thạc sĩ rất mỏng. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn chưa có một trường Đại học nào ngang tầm với những trường Đại học khá trong khu vực Đông Nam Á.


“Tư bản nhân văn” ngày càng giữ vai trò quan trọng trong phát triển. Đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho tương lai. Nhưng chương trình giáo dục hiện tại ở Việt Nam chỉ đáp ứng được yêu cầu trên ở mức độ rất thấp. Hiện nay, Nhà Nước đang khuyến khích người nước ngoài, kể cả Hoa Kỳ, đầu tư vào giáo dục và mỗi năm các gia đình khá giả phải tốn bao nhiêu tiền để gởi con đi học ở nước ngoài.


Hôm nay, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã chính thức công nhận “tôn giáo là vấn đề còn tồn tại lâu dài. Tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân” . Tuy nhiên, Nhiều người vẫn băn khoăn thắc mắc: Tại sao vẫn chưa cho phép các tôn giáo trong nước, những người cùng chung một giòng máu và một tình tự dân tộc được trực tiếp tham gia vào lãnh vực giáo dục? Tại sao chưa để cho các tu sĩ có cơ hội đóng góp tim - óc của mình cho tương lai dân tộc?


Về vấn đề này, phải chăng đã đến lúc “cần nhận thức lại” như Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân đã thổ lộ khi trình bày về nội dung “sứ mạng và những bài toán của giáo dục Đại học Việt Nam” tại lớp học dành riêng cho các hiệu trưởng Đại học?


b)- Y tế


Ngành y tế chúng ta cũng đang gặp khủng hoảng, cả về chất lượng lẫn số lượng. Tại Tp HCM chẳng hạn, để thực hiện công tác điều trị bình thường, mỗi ngày cần khoảng 14.000 giường cho bệnh nhân. Thế nhưng, tất cả bệnh viện công và tư ở thành phố mới có khoảng 8000 giường, nghĩa là chỉ mới đạt tới hơn một nửa nhu cầu. Vì thế tình trạng 2 bệnh nhân một giường sẽ còn tiếp diễn trong những năm tới.

Nếu Tp HCM là đầu tàu kinh tế của cả nước mà còn xảy ra tình trạng thiếu hụt ở trên, thì những vùng sâu, xa và cao của đất nước sẽ sao? Trong quá khứ giới Công giáo đã đóng góp nhiều cho lãnh vực y tế. Bao giờ mới được tái nhập cuộc để xoa dịu nỗi đau và nỗi khổ của đồng bào?


c)- Những người kém may mắn


Trong một thập niên qua, kinh tế Việt Nam tăng trưởng mạnh và ổn định với chỉ số hơn 8% mỗi năm, liên tiếp trong một thời gian dài và đứng thứ nhì trên thế giới. Cuộc sống của người dân được nâng cao, nhất là người dân ở thành thị và những thành phần ưu đãi. Nhưng chúng ta biết rằng, tại các nước đang phát triển, tăng trưởng kinh tế nhanh thường kéo theo bất quân bình xã hội và hố phân cách giàu nghèo. Ngay từ thập niên 50’ của thế kỷ XX, Simons Kuznet (25) đã cho thấy hệ số Gini (26) của một nước ở giai đoạn đầu của tiến trình phát triển thường thấp và cứ tăng dần theo đà tăng trưởng kinh tế, nhưng khi đạt tới đỉnh cao và được bổ túc bởi phát triển xã hội, cũng như những luật lệ hợp lý về thuế khóa và an sinh xã hội, thì hệ số này lại bắt đầu giảm dần. Người ta thường dùng chữ U ngược để diễn tả hiện tượng này.


Với hiện tượng toàn cầu hóa và nền kinh tế tri thức, khoảng cách thu nhập giữa các thành phần xã hội và hố phân cách giàu nghèo ngày càng sâu rộng hơn (27). Những người có chuyên môn, nhất là hoạt động trong lãnh vực công nghệ mũi nhọn, thu nhập vừa cao, vừa tăng nhanh hơn mức bình quân của dân chúng. Bất quân bình về thu nhập giữa thành thị và nông thôn ngày càng rõ nét hơn. Lao động phổ thông, nhất là những người có hoàn cảnh đặc biệt (khuyết tật, khiếm thị, khiếm thính, trẻ em đường phố, mồ côi, bệnh nhân HIV/AIDS) ngày càng bị thua thiệt hơn.


Không ai có thể phủ nhận khuynh hướng và tiến trình chung này. Và cũng chẳng có một chính phủ nào có thể tự mình giải quyết hoàn toàn vấn đề trên. Tuy nhiên, tại nhiều nước độ cao của chữ U ngược nói trên đã được giảm nhẹ, cũng như phần thua thiệt của những người có hoàn cảnh đặc biệt... được giảm bớt nhờ sự cộng tác của xã hội dân sự, nghĩa là của các tổ chức thiện nguyện, tổ chức phi lợi nhuận, các tôn giáo, các hiệp hội, đoàn thể v.v (28). Thiết tưởng, đã đến lúc Nhà nước Việt Nam nên tạo cơ hội để “bàn tay liên đới” của xã hội dân sự cọng tác hài hòa với “bàn tay pháp lý” của Nhà nước và “bàn tay vô hình” của thị trường. Có như vậy, phát triển kinh tế sẽ đi song đôi với phát triển xã hội. Giới Công giáo tương đối có nhiều kinh nghiệm trong công tác bác ái xã hội. Một số nơi đang tiếp tục làm công tác từ thiện “chui” và mong ước sớm được hợp thức hóa.


Lương và chi phí nhân công thấp đã được coi là một lợi thế để thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Năm 2006, xuất khẩu của Việt Nam đạt tới tỷ lệ 65,2% so với GDP, đứng thứ 5 trong khu vực Đông Nam Á và thứ 8 trên thế giới. Định hướng kinh tế xuất khẩu dựa trên các mặt hàng thô và công nhân rẻ tiền đã giải quyết được hàng triệu lao động phổ thông, nhất là những lao động nữ đến từ vùng nông thôn. Nhiều nhà đầu tư nước ngoài nhắm tới Việt Nam có lẽ cũng vì lực lượng lao động phổ thông dư thừa và giá cực rẻ.


Theo khảo sát của Viện Công nhân và Công đoàn (thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) tại “60 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ở các địa bàn Tp Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu, Hà Nội, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, hải Dương với khoảng 80.000 lao động, đã cho thấy những con số rất đáng lưu ý: Thu nhập bình quân hàng tháng của người lao động các doanh nghiệp FDI chỉ trên dưới 1 triệu đồng, trong đó dưới 1 triệu đồng chiếm gần một nửa tổng số la động (dưới 800 nghìn đồng chiếm 14,7% ở ngành dệt may, da giày còn chiếm 17,7%, ở ngành xây dựng giao thông vận tải còn chiếm tới 27,4%), thậm chí còn có một bộ phận không nhỏ có thu nhập bình quân 1 tháng dưới 600 nghìn dđồng” (29).


Muốn tiến tới một nước có thu nhập trung bình, Việt Nam không thể tiếp tục dựa trên lợi thế cạnh tranh do nhân công giá rẻ. Ngoài ra, tiêu chuẩn “Công bằng xã hội, trách nhiệm xã hội và liên đới xã hội” cũng đòi hỏi chúng ta phải đãi ngộ công bằng và xứng đáng hơn đối với các lao động phổ thông này.


Qua “Thư Mục Vụ 1980”, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam long trọng cam kết sống Phúc âm giữa lòng Dân tộc. Người Công giáo quyết tâm cùng chia sẻ một cộng đồng sinh mạng với Dân tộc mình, vì quê huong này là nơi chúng ta được Thiên Chúa mời gọi để sống làm con của Người, Đất nước này là lòng Mẹ cưu mang chúng ta trong quá trình thực hiện ơn gọi làm con Thiên Chúa, Dân tộc này là cộng đồng mà Chúa trao cho chúng ta để phục vụ với tính cách là công dân và là thành phần Dân Chúa.


Tiếp kiến các Giám mục Việt Nam nhân dịp Ad Limina 2002, đức Gioan Phaolô II đã đề nghị một định hướng mục vụ tích cực: “Đối thoại chân thành và hợp tác lành mạnh” . Đó cũng là một cách thức thể hiện sứ vụ “men trong bột” và dấn thân phục vụ của Kitô giáo. Phải chăng trong mấy thập niên vừa qua, Hội Đồng Giám mục Việt Nam đã cố gắng thể hiện định hướng đó bằng những hình thức và cách thế riêng? Nhưng có bao nhiêu cơ hội để thể hiện nó?


Chiến tranh đã chấm dứt từ hơn 30 năm. Đất nước cũng đã đổi mới và chính thức hội nhập vào cộng đồng thế giới. Phải chăng, như nguyên thủ tướng Võ Văn Kiệt đã đề nghị, đã đến lúc cần xóa bỏ chia rẽ và hiềm khích để cùng nhau đưa dân tộc đi lên: “Tất cả những ai đã vì lòng yêu nước, thương nòi, bằng nhiều con đường khác nhau, từng đóng góp vào cái chung, và không đòi hỏi gì cho riêng mình thì đều có quyền tự hào về những đóng góp đó và hãy tiếp tục cống hiến nhiều hơn nữa nhằm xây dựng tổ quốc của mọi người Việt Nam chúng ta trong giàu mạnh, văn minh, dân chủ và hạnh phúc” (30).


Hy vọng vì tiền đồ dân tộc và lợi ích của mọi người, đặc biệt những người bị thua thiệt, con đường hòa giải, hòa hợp và liên đới giữa các thành phần của dân tộc Việt Nam ngày một rộng mở.


Chú thích:

 

(1) Nếu muốn tìm hiểu sâu hơn giáo huấn xã hội của Công giáo, xin coi Nguyễn Thái Hợp, Giáo huấn Xã hội Công giáo, Đức tin & Văn hóa, 2007.

(2) Marciano Vidal, « La solidariedad : Nueva frontera de la teologia moral », in Studia Moralia, XXIII/1, (1985), 117.

(3) Xem E. Levinas, Difficile liberté. Essais sur le judaisme, Paris, 1963, tr. 376; Autrement qu’être ou au delà de l’essence, La Hay, 1974; P. Ricoeur, Soi-même comme un autre, Seuil, Paris, 1990, tr. 226.

(4) E. Levinas, Umanesimo dell’altro uomo, Genova, 1985, tr. 68.

(5) V. Camps, Virtudes públicas, Madrid, 1990, tr. 36.

(6) Vatican II, Gaudium et Spes, số 1.

(7) Ibidem, số 24.

(8) Ibidem, số 30.

(9) Phaolô VI, Phát triển các dân tộc, số 80.

(10) Ibidem, số 19.

(11) L.J. Lebret, Dynamique concrète du développement, Paris, 1961, p. 28.

(12) Phát triển các dân tộc, 20-21.

(13) Pascal, Pensées, Ed. Brunschvicg, n. 434; Xem Phaolô VI, Phát triển các dân tộc, 42.

(14) Gioan Phaolô II, Quan tâm tới vấn đề xã hội, số 38.

(15) Ibidem, số 40.

(16) Ibidem, số 40.

(17) Ibidem, 39.

(18) Ibidem, 42.

(19) Gioan XXIII, Mẹ và Thầy, số 157.

(20) Phaolô VI, Phát triển các dân tộc, số 44.

(21) Gioan Phaolo II, Sollicitudo rei socialis, 38.

(22) Phaolo6 VI, Phát tiển các dân tộc, số 84.

(23) Xem Gs Hoàng Tụy, « Ba biện pháp cấp bách đưa giáo dục ra khỏi nguy kịch », Tuổi Trẻ Chủ nhật, ngày 28-12-2003, tr. 8.

(24) Bài diễn văn đọc tại Phân khoa Kinh tế Shidler, thuộc Đại học Hawai, Tp. HCM, ngày 6-8-2007.

(25) S. Kuznets, “Economic Growth and Income Inequality”, American Economic Review 45, March 1955, 1-28.

(26) Hệ số diễn tả tình trạng phân phối lợi tức, theo đó hệ số càng lớn bất bình đẳng càng cao.

(27)Theo báo cáo "Trạng thái tương lai" năm 2007 của Trường đại học Liên Hiệp Quốc, trụ sở tại Tokyo, công bố hôm 10-9, thì khoảng cách giàu nghèo trên thế giới ngày càng tăng cao: thu nhập của 225 nguời giàu nhất thế giới tương đương thu nhập của tổng cộng 2,7 tỉ nguời, nghĩa là bằng 40% dân số thế giới.

(28) Xem chẳng hạn Pierre Vilain, L’avenir de la terre ne tombera pas du ciel, DCLI, Paris, 2007; Nhiều tác giả, Rethinking Solidarity in Global Society . The Challenge of Globalisation for Social and Solidarity Movements, DCLI, 2007.

(29) Ngọc Minh, Tiền lương thảm hại của người lao động ở các doanh nghiệp FDI, báo Thanh Niên, 3-9-2007.

(30) Võ Văn Kiệt, Những đòi hỏi mới của thời cuộc, Tuần báo Quốc tế, 17-4-2005.

 

Lm Nguyễn Thái Hợp, O.P.

Mục lục

 

 

SỐNG CHỨNG NHÂN

 

YÊU MÌNH, YÊU SỐNG VÀ YÊU THA NHÂN

Nadine, người Pháp, 48 tuổi. Nadine chào đời với thân hình lành mạnh như bao trẻ sơ sinh khác. Nhưng rồi năm lên 8 tuổi, cô bé bắt đầu làm quen với tật bệnh và với 23 lần giải phẫu. 23 lần giải phẫu đã từ từ biến cô bé lành mạnh trở thành phụ nữ tàn tật thể xác. Điều đáng nói, Nadine tàn tật thể xác nhưng không tàn tật tâm trí và càng không bị ảnh hưởng đến tình cảm. Nadine vẫn có thể yêu người khác và vô cùng yêu sống.

Hiện tại bà Nadine sống với người chồng - cũng bị tàn tật thể xác nhưng không trầm trọng lắm. Bà cho biết rất hài lòng với cuộc sống này. Bà nói.

Trong cuộc đời tàn tật, may mắn thay, tôi không bao giờ bị mặc cảm và đau khổ về cái nhìn của người khác. Trái lại tôi bị đau khổ kinh khủng về cái đau khổ của người khác, đặc biệt là của người thân, của Cha Mẹ và của em gái. Trong tuổi thơ, cô em gái phải chiến đấu không ngừng để bảo vệ tôi.

Cuộc sống tôi sẽ dễ dàng biết bao nếu tôi không bị ngồi xe lăn, nếu tôi co thể đi đứng bình thường như bao nhiêu người khác. Đây là nỗi đau khổ lớn lao nhất của tôi trong thời niên thiếu, lúc ở lứa tuổi dậy thì. Tôi thấy rõ mình không thể sống như bao bạn trẻ cùng lứa tuổi.

Càng lớn và càng ý thức về tình trạng tàn tật thể xác, tôi tự nguyện sẽ tìm kiếm người bạn đời cũng tàn tật như tôi. Và tôi đã được như lòng ước nguyện. Cách đây 20 năm tôi kết hôn với một thanh niên tàn tật, nhưng tàn tật nhẹ hơn tôi. Cuộc hôn nhân mang đến cho tôi nhiều hạnh phúc, nhất là, cho phép tôi cảm thấy mình cũng giống như bao phụ nữ khác.

Tuy nhiên, vì bị tàn tật thể xác, chúng tôi quyết định không sinh con cái, bởi lẽ tôi không thể tự mình chăm sóc con. Thiếu sót này không mảy may làm giảm bớt niềm hạnh phúc lứa đôi của chúng tôi. Tôi vẫn cảm thấy cuộc đời thật đẹp và thật đáng sống. Tôi luôn luôn dâng lời ca ngợi và tri ân THIÊN CHÚA.

Tôi may mắn vô cùng vì được sinh ra trong một gia đình tràn đầy tình yêu. Tuổi thơ tôi trôi qua giữa những cái nhìn trìu mến, chan chứa tình thương. Tâm hồn bạn, cuộc sống bạn sẽ trở nên trôi chảy - mặc dầu bạn phải chịu tật bệnh thể xác - khi cái nhìn của bạn luôn gặp được những ánh mắt yêu thương.

Đối với tôi, tình yêu không phải là cái gì được sáng nghĩ ra, cũng không phải học hỏi được, nhưng cần phải được vun trồng. Tôi xin giải thích. Tự chấp nhận mình và chấp nhận người khác với những khác biệt của họ, chính là sự kiện tự nhìn mình và nhìn người khác với cái nhìn yêu thương. Yêu thương chân thành đích thật chứ không phải thứ tình thương trắc-ẩn hoặc xót-thương!

.. Chứng từ thứ hai của Cha Pierre Pythoud, Linh Mục dòng Thừa Sai Thánh Tâm.

Tuổi thơ tôi đúng vào cái thời kỳ mà nền giáo dục thật khe khắt. Người ta luôn nhắc nhở chúng tôi phải nhớ mình là kẻ tội lỗi, phải tránh phạm tội để khỏi bị Chúa phạt và để khỏi rơi xuống hỏa ngục.

Từ những ý nghĩ ấy tôi bước vào tập viện. Nơi đây người ta lại dạy tôi phải sống vô-danh và tự xem mình là kẻ vô-tích-sự. Có thế, tôi mới đạt đến nhân đức khiêm nhường và trở thành vị đại thánh. Nền tu đức của Dòng Thừa Sai Thánh Tâm còn khẳng định:

- Trái Tim Đức Chúa KITÔ luôn dõi mắt nhìn bạn. Ngài nhìn bạn bằng ánh mắt trìu mến, với điều kiện là bạn không được mất thời giờ chiêm ngắm mình.

Giáo huấn này không hoàn toàn tiêu cực bởi lẽ nó giúp tôi lý luận:

- Nếu Chúa nhìn tôi với tình thương thì đây là dấu chỉ tôi không phải là kẻ hư-không mà là đứa con của Ngài!

Đi từ lý luận này tôi suy tư thêm:

- Nếu Chúa thương tôi như con của Ngài thì tôi không có quyền không yêu thương chính mình tôi.

Các suy tư và lý luận trên đây từ từ chữa lành nơi tôi các ý nghĩ tiêu cực về chính mình và về người khác. Tôi sống thoải mái, tự chấp nhận mình và chấp nhận người khác. Tôi yêu thương người khác với trọn các ưu và khuyết điểm của họ. Tôi không có gì để hối tiếc. Trái lại, tôi cảm tạ THIÊN CHÚA đã đưa đến tôi đến chỗ hiểu biết và yêu thương chính mình cũng như hiểu biết và yêu thương người khác. Một cuộc hành trình đáng giá biết bao!

(”Annales d'Issoudun”, Septembre/2005, trang 8-9).

Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt

Mục lục

 

 

TÌNH YÊU – HÔN NHÂN – GIA ĐÌNH

 

Cây roi của bố

khu vườn học tập của trường Đại học Quốc gia thật tuyệt. Dưới tán cây keo mát rượi tôi thường tâm sự với nàng nhiều điều. Những buổi trò chuyện dường như không có hồi kết. nàng hỏi :” nhà anh ở miền tây có cây gì không nè?” tôi hóm hỉnh trả lời: ”một cây bố anh rất quý mà anh rất sợ là cây…cây roi” Nàng bật cười thật duyên dáng, từ tâm khảm nàng toát lên một sự thánh thiện. Và từ lâu nụ cười ấy đã ăn đứt các cô gái khác ở trong lòng tôi.

Quả thực, cây roi của bố đã đồng hành cùng thời thơ ấu của tôi. Những lúc tôi ngang bướng không chịu đi học, chính cây roi ấy cho tôi một bài học nên thân. Vào những buổi sáng mùa đông se lạnh, tôi chỉ muốn ngủ nướng cho thật đã. Chính cây roi của bố đã đánh thức tôi dậy đi nhà thờ. Cây roi tre bằng ngón tay cái, nó có nhiều mấu đầu mặt, cây roi vàng óng ả được treo ở đầu giường. Anh em tôi đều sợ cây roi ấy. Những ngày đi chơi quên bữa anh em tôi đều bị ăn vài hèo. Những tiếng :”véo …véo” của nó làm tôi sợ đến bây giờ. Dường như bố tôi chưa bao giờ nặng tay, vì sau mỗi lần đánh thẳng tay như thế, mẹ tôi chỉ xoa xoa vào là mọi cơn đau đều tan biến. vào một buổi trưa hè nóng nực anh em tôi lẻn đi tắm sông, bắt cá về nướng. Thế là bọn tôi được một trận đòn đáng đời. Tôi con nhớ đã đếm lươn trên mông ông anh tội nghiệp cả thảy bảy con. Những con lươn nổi lên bằng ngón tay và rươm rướm máu. Còn những con lươn của tôi thì phỏng rộp lên đau điếng cả người. Tôi nhìn trộm bố, trên mặt ẩn hiện sau những nếp nhăn là một nỗi buồn vời vợi. Bố tôi nhắc đi nhắc lại một điệp khúc:”Tụi bay muốn ăn roi đến bao giờ?” sau những lần như thế bọn tôi hối hận rất nhiều. Tôi nằm co ro trên giường trùm chăn cả đầu thầm khóc một mình vì đau và cảm thấy hối lỗi. Ngày một lớn bố tôi không dùng cây roi ấy nữa, bố tôi dùng những lời nhỏ nhẹ mà răn dạy bọn tôi. Những lời khuyên ngọt ngào ấy vẫn còn vang vọng đâu đây.

Ngày hôm nay, anh em tôi không còn bên gia đình, không còn được nghe những lời nghiêm nghị của bố. Bọn tôi như những cánh chim chập chững giang sải đôi cánh trên đất phố thị Sài Gòn. Anh em tôi đã trưởng thành rất nhiều. Mỗi lần nghĩ lại cây roi của bố thưở nào, anh em tôi như sống lại một thời thơ ấu. Một tuổi thơ vụng trộm, một tuổi thơ ngang bướng…cây roi ấy bố tôi vẫn treo đâu đó trong nhà. Cây roi đóng bụi vì đã lâu rồi không dùng đến. Đêm Sài Gòn mưa rả rích, tôi chợt cảm thấy nhơ nhớ một thời cây roi của một ông bố, đã làm việc hết công suất vì tương lai của con mình…

Khai Nguyên

Mục lục

 

Khi trẻ có những hành vi lệch chuẩn

 

Khi trẻ có vấn đề, có những hành vi ngỗ ngược, nghịch phá như: trêu chọc bạn bè, nói chuyện riêng, không làm bài tập v.v… Phản ứng thông thường của đại đa số các bậc cha mẹ là quát tháo ầm ĩ, dùng các biện pháp đe doạ buộc đứa trẻ phải tuân theo và thường xuyên than thở với mọi người về sự hư đốn của bé trước mặt chúng.

Những phản ứng tiêu cực đó chẳng những không giúp cải thiện tình hình mà còn làm vấn đề trở nên căng thẳng hơn.

Một mặt đứa trẻ cảm thấy bí bức, gò ép, mặt khác khi bạn thường xuyên than phiền với người ngoài về sự không nghe lời của bé trước mặt chúng sẽ dần hình thành những định kiến không tốt về bản thân.

Khi đã nghĩ mình là một đứa trẻ hư, mọi người đang nhìn mình với thái độ không thiện cảm lập tức đứa trẻ sẽ nhụt chí, không muốn cố gắng, buông xuôi.

Thế nên, thay vì lên án trẻ, ép buộc chúng phải làm theo điều này điều kia, bạn hãy tạo điều kiện khích lệ sự hợp tác của trẻ với cha mẹ và thầy cô giáo. 

Giải thích vấn đề

Muốn đứa trẻ có thái độ hợp tác, trước hết bạn phải làm cho trẻ hiểu vấn đề. Ví dụ: trẻ hay nói chuyện riêng trong lớp học. Bạn hãy giải thích cho trẻ biết nếu tiếp tục có những hành động như thế thì hậu quả sẽ như thế nào? Ảnh hưởng đến người khác ra sao. Tuy nhiên cũng phải khẳng định rằng, hành động của trẻ là có thể hiểu được. Rằng việc ngay lập tức hoàn toàn không nói chuyện nữa là điều không thể. Nhưng nếu cố gắng trẻ sẽ làm được. 

Khích lệ tiềm năng đứa trẻ

Hãy trò chuyện với trẻ để tìm hiểu suy nghĩ, cảm nhận về vấn đề mà trẻ đang gặp phải. Cho trẻ có cơ hội bộc lộ quan điểm, ý kiến về cách giải quyết vấn đề. Trẻ đang dần lớn lên và có những suy nghĩ của riêng mình. Bạn hãy học cách để ý đến ý kiến của trẻ và tôn trọng những điều đó.

Chuẩn bị cho trẻ trước sự thay đổi

Khi trẻ bắt đầu đến trường thường phải đối mặt với rất nhiều sự thay đổi: thay đổi chương trình, đối lớp học, giáo viên, trường v.v… Những sự thay đổi này người lớn thường nghiễm nhiên áp đặt cho trẻ mà không quan tâm đến trẻ sẽ đón nhận nó như thế nào? Suy nghĩ ra sao? Trẻ sẽ thích ứng với sự thay đổi đó như thế nào?

Hãy chuẩn bị tâm lý cho trẻ khi có sự thay đổi bằng cách thông báo trước, tạo cơ hội để trẻ tham gia thử nghiệm đồng thời đánh giá nhu cầu, xúc cảm, suy nghĩ của trẻ trước những thay đổi đó.

Mỗi đứa trẻ là một tâm hồn non nớt, nhưng điều đó không có nghĩa nó không có gì. Ngày hôm nay bé sẽ khác với ngày hôm qua, bạn hãy chú ý quan sát, theo dõi để có những cách tiếp cận và hướng giáo dục tốt nhất phù hợp với đặc điểm tâm lý theo lứa tuổi của bé.

Theo Web site Cha mẹ Tài năng

Mục lục

 

ĐỌC SÁCH

Giọt nước mắt hồng :

CHƯA CHẮC LÙN ĐÃ THẤP

 

Không là người Việt Nam, nên không chắc Chúa Giêsu đã biết câu tục ngữ : Đừng chơi nhà thằng lé, đừng ghé nhà thằng lùn.

 

Nghiêm chỉnh lại mà nói. Về bản tính Thiên Chúa, thì Chúa thừa biết câu yấy. Nhưng về bản tính con người, thì có lẽ Chúa không biết câu ấy.

 

Nhưng một sự thật đã xảy ra. Hôm nay, Chúa không những đã ghé, mà còn ở lại ăn cơm, ở nhà một người rất lùn, tên là Giakêu.

 

1. Duyên tình gặp gỡ

 

Sao Ngài lại gặp Giakêu, hay đúng hơn, sao Giakêu lại gặp được Ngài.

 

Giakêu gặp được Chúa, bởi ông đã ước mơ đi tìm “Ông ta tìm cách để xem cho biết Chúa Giêsu là ai”. Ông đã nghe nhiều người nói với ông về Chúa Giêsu, nhưng ông không chịu vậy. Ông muốn đích thân ông phải đi tìm, đi gặp Ngài. Tìm hiểu và gặp gỡ Thiên Chúa phải là việc làm của chính mình. Bởi đây là việc vô cùng hệ trọng, không thể là phong thanh được. Hành trình đi tìm Chúa, phải khởi đi, từ nỗi khát vọng trong trái tim, được nối kết bằng sự kiên trì để vượt qua được những khó khăn thử thách trên đường đi.

 

Giakêu ước mong tìm xem Chúa, nhưng biết mình thấp bé, nên ông đã phải tìm giải pháp. Phải có một quyết tâm cao. Ông leo lên một cây sung. Thế đấy, để gặp Chúa, người ta phải biết vượt cao hơn cái trần tục của mình, leo cao, bao giờ cũng đòi phải cố gắng. Ông leo cao để tìm Chúa.

 

Vừa ngay lúc ấy, Chúa đến nơi, và Người nhìn lên, bốn mắt gặp nhau, Chúa đọc được cái khát vọng trong lòng ông Giakêu. Chúa thương thiện chí của ông. Chúa cảm động trước cố gắng của ông. Và rồi Chúa gọi ông xuống, Chúa chưa vào nhà ông, nhưng Chúa đã cho ông vào lòng Chúa rồi. Ông vẫn còn đứng trên cây, nhưng Chúa đã đưa ông vào trong trái tim Chúa rồi.

 

“Này Giakêu, xuống mau đi, vì hôm nay tôi phải ở lại trong nhà ông.”

 

Cài gì thế này ? Mình tỉnh hay mình mơ? Chúa đã gọi đúng tên mình. Thân thương quá. Chúa gọi ông xuống với Chúa. Xuống mau đi. Hạnh phúc quá ! Mình là người tội lỗi, sao Chúa lại gọi mình. Sao Chúa  không đuổi mà lại gọi ?

 

Thế là ông vội vã tụt xuống, để đến với Chúa. Khó có ngôn từ nào, để có thể diễn tả được khuôn mặt ngỡ ngàng, pha lẫn với sung sướng của ông lúc này. Ông nhìn Chúa, và Chúa nhìn ông. Ông thấy Chúa thật lạ lùng. Không xa cách ông như những người quanh ông đã làm. Chúa nhân từ quá, không kết án, mà lại muốn gần gũi với ông.

 

Còn với Chúa, Giakêu không thấp. Thân xác thì lùn thật, nhưng tầm hồn ông không thấp. mà giá trị một người, nằm ở tâm hồn, chứ không phải ở thân xác bên ngoài. Và ông mừng rỡ ra đón rước Ngài. Ông lùn thật, nhưng ý thức chiều sâu còn cao hơn ối người. Đầy người, không hề bao giờ, biết hân hoan đón Chúa vào nhà mình.

 

2. Và rồi trong lòng bừng nắng hạ

 

Và rồi, bữa tiệc được mở ra. Được chung mâm, chung bàn với Chúa. Hồn Giakêu chao đi vì hạnh phúc. Nhìn thấy Chúa, ngồi bên Chúa, ngồi gần ánh sáng, tự nhiên Giakêu lại nhìn rõ khuôn mặt nhơ nhớp của hồn mình.

 

Tôi xin lấy nửa gia tài của tôi mà cho người nghèo.

 

Ô hay, sao lạ thế. Việc đầu tiên lại là nghĩ đến người nghèo? Phải chăng, đưới ánh sáng của Chúa, ông đã chợt nhận ra rằng : suốt những tháng năm qua, ông đã là kẻ ích kỷ. đóng khung. Ông đã không hề biết đến ‘Tình nười”. Sống mà không biết đến người khác, là tự huỷ cái tính đồng loại của mình. Ông chỉ là một kẻ ích kỷ. Kẻ ích kỷ là kẻ cô đơn nhất trong cuộc đời. Bởi không bao giờ, có một chỗ đứng trong con tim người khác.

 

Bây giờ ông muốn trở lại, hội nhập lại với cộng đồng, ông muốn san sẻ, ông muốn mình thành kẻ hữu ích cho cuộc đời.

 

Và nếu tôi đã chiếm đoạt của ai cái gì, tôi xin đền gấp bốn.

 

Trước đây, hẳn với nghề nghiệp thu thuế của mình, nhiều lúc ông đã là kẻ gian tham, nhưng sao những lúc ấy, ông vẫn thấy cứ tỉnh bơ. Giờ này gặp được Chúa, ông đã thấy những bất công ấy là tội ác. Ông nghiệm ra rằng : Sự gian dối luôn là một gánh nặng, đè trĩu linh hồn con người. Chỉ có sự công bằng, mới làm hồn con người thanh thản và bình an.

 

 3. Một con người mới hiện ra

 

Trước mặt Chúa, vẫn còn là Giakêu thấp bé. Nhưng trong con mắt Chúa, Giakêu, giờ này, đã là cao cả.

 

Vì cái gánh nặng của tội lỗi, đã được cất bỏ. Chúa Giêsu đã cứu độ ông.

 

Ông trở thành cao cả, bởi ông đã biết sống có tình người.

 

Ông trở thành cao cả, bởi hồn ông bây giờ thênh thang, trắng trong, không bận vướng.

 

Chiều cao thân xác ông vẫn thấp,  nhưng chiều cao linh hồn ông giờ ngất cao.

 

Bởi vậy, lùn chưa chắc đã thấp.

 

Lm. Đaminh Đỗ Văn Thiêm

Mục lục