TIN VUI

Tuần san Bạn trẻ Công Giáo  -  Số 112 CN  08.11.2007

 

 

Web site www.tinvui.org E-mail : bantreconggiao@yahoo.com

 

 

Mục lục

 

 

    Chúa Nhật XXIII Thường Niên C..

Kính trọng thể lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam..

NGÀY NHÀ GIÁO trong năm giáo dục Kitô giáo.

ĐTC vui mừng được cầu nguyện trước linh hài thánh nữ Terêxa Hài Đồng Giêsu.

Chương trình đại cương cuộc viếng thăm của Ðức Thánh Cha Biển Ðức 16 tại Hoa Kỳ.

Tường Thuật Lễ Khai Mạc Năm Thánh Yao Phu - Giáo Phận Kontum Kỷ Niệm 100 Năm Hội Yao Phu.

CHƯƠNG TRÌNH ĐẠI HỘI GIỚI TRẺ GIÁO PHẬN TP. HỒ CHÍ MINH..

MÙA VỌNG 2007.

CÔNG NGHỊ GIÁO HỘI CÔNG GIÁO TẠI VIỆT NAM NĂM 2010.

Đức TGM Huế dẫn phái đoàn đi cứu trợ khẩn cấp cho bà con lương giáo bị lũ.

Đại Hội Giới Trẻ Công Giáo Miền Bắc đã bế mạc và để lại ấn tượng sâu đậm đức tin với người tham dự..

HÃY THEO THÀY..

(Bài giảng khai mạc đại hội giới trẻ Công giáo miền Bắc)

TỬ ĐẠO LÀ CHẾT VÌ ĐỨC KITÔ.

AI NHÌN LÊN CHÚA SẼ VUI TƯƠI HỚN HỞ..

CHUẨN BỊ CÁI CHẾT.

MÓN QUÀ..

   ÂM DƯƠNG..

THOÁT CHẾT.

 

SỐNG LỜI CHÚA

 

 

Chúa Nhật XXIII Thường Niên C

 

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca (Lc 9, 23-26)

Khi ấy, Đức Giê-su nói với mọi người: "Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo. Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi, thì sẽ cứu được mạng sống ấy. Vì người nào được cả thế giới mà phải đánh mất chính mình hay là thiệt thân, thì nào có lợi gì? Ai xấu hổ vì tôi và những lời của tôi, thì Con Người cũng sẽ xấu hổ vì kẻ ấy, khi Người ngự đến trong vinh quang của mình, của Chúa Cha và các thánh thiên thần.

 

 

Kính trọng thể lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam

 

Tin Mừng đến với dân tộc Việt nam gần 500 năm, thì hết 300 năm, Giáo Hội Việt Nam thấm đẫm dòng máu các anh hùng tử đạo. Giai đoạn bách hại nặng nề nhất là vào thế kỷ 19, trong các triều vua Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức. Cuộc bách hại để lại một trang sử đầy nghiệt ngã cho dân tộc Việt Nam: những người Việt Nam tàng nhẫn sát hại nhau. Chính những đồng bào Việt Nam chung cội, chung nguồn lẽ ra phải yêu thương nhau, lại quay mũi kiếm giết nhau hàng loạt.

 

Thật vinh phúc cho Giáo Hội Việt Nam, một Giáo Hội còn non trẻ, nhưng lại căng tràn sức sống, đạp trên đầu sóng ngọn gió, vượt thắng mọi thử thách, mọi đau đớn, mà cho đến nay, dẫu đã qua đúng một thế kỷ, thời gian đủ bình tĩnh để suy niệm, sao vẫn còn nghe hãi hùng, vẫn còn nghe nhức nhối tâm can, làm lặng đi mọi tư tưởng, mọi lời nói, mọi thanh âm. Những người con đất Việt tưởng như gục ngã không thể gượng dậy nổi dưới bàn tay tàn bạo của làn kiếm, mã tấu, gông cùm, tù đày, lửa nung, bá đao, tùng xẻo, xiết cổ, chém bay đầu…, lại là sức mạnh ngàn đời của một đức tin không gì lay chuyển nổi. Bởi Thân xác các thánh Tử đạo dù bị giết, nhưng đức tin của các ngài thì không ai giết được.

 

Một Giáo Hội còn non trẻ đến thế, lại có sức chịu đựng sự giày xéo quá sức tưởng tượng của người đời. Giờ nhìn lại sự nhiệm mầu của sức chịu đựng, ta chỉ còn có thể bật thốt lên như thánh nữ Têrêsa: “Tất cả là hồng ân”. Hồng ân nhận được không chỉ là một quà tặng, nhưng còn là một quà tặng vinh dự, một quà tặng của niềm kiêu hãnh thánh thiện. Hồng phúc tử đạo không chỉ là một hành động dâng hiến tận cùng mà còn là một dâng hiến vinh thắng tận cùng. Đó không là một vinh phúc lớn lao lắm hay sao! Một vinh phúc lớn lao mà một Giáo Hội còn non trẻ như Giáo Hội Việt Nam, lại có thể cùng Giáo Hội hoàn vũ đã qua mấy ngàn năm, vẽ thêm vào đó một đường lịch sử của đức tin không bao giờ mệt mõi, không bao giờ dừng lại.

 

Các thánh Tử đạo đã viết sử bằng máu của mình. Còn chính Thiên Chúa, Người cũng đã làm cho Giáo Hội Việt Nam được khai sinh, lớn lên và phát triển nhờ dòng máu các thánh. Nếu  cuộc bách hại để lại một trang sử đầy nghiệt ngã cho dân tộc Việt Nam, thì đối với đức tin, đó lại là một trang sử hùng tráng cho Giáo Hội Việt Nam nói riêng và Giáo Hội hoàn vũ nói chung: Bởi những người con đất Việt càng yêu mến quê hương, yêu mến bản thân mình, luyến tiếc cuộc đời, luyến nhớ người thân… và điều đặc biệt: yêu mến các vua quan là những người bên trên mình, thì càng yêu mến đức tin khôn cùng. Chính cái chết của các thánh Tử đạo là một lời nói xác quyết và chung quyết cho mọi lời tuyên xưng đức tin rằng: Không có bất cứ cái gì có thể ngang bằng đức tin…

 

Hiểu rất rõ Chúa Giêsu, Đấng mà mình tôn thờ vượt trên tất cả, dẫu là chính bản thân các vua quan hay lệnh truyền của các vua quan đi nữa, không có gì sánh ví được với Đức Chúa mà lẽ ra các vua quan cũng phải tôn thờ, các thánh Tử đạo đã chối từ một cuộc sống dễ dãi.

 

Hiểu rất rõ Chúa Giêsu, Đấng mà mình tôn thờ là Đức Chúa của mình, vì thế, dẫu chỉ là hai que củi vắt chéo trên mặt đất, bình thường chỉ là hai que củi không hơn, không kém, nhưng để biểu lộ đức tin, thì bất cứ một bàn chân giẫm đạp nào, bất cứ lời lụy mạ nào, hay bất cứ một hành động nào đối lại đức tin khi đứng trước hai que củi ấy, tất cả đều là sự chà đạp đức tin, chà đạp Giáo Hội, chà đạp chính Đấng mà mình tôn thờ.

 

Ngược lại, bất cứ một hành động hay một lời nói nào để tuyên xưng đức tin mà phải tôn trọng hai que củi hình chữ thập ấy, điều đó không còn đơn thuần là hai que củi hình chữ thập nữa nhưng là hình tượng Thánh Giá, hình tượng của lòng tin, hình tượng của một tâm hồn quả cảm quyết một lòng tôn thờ Đức Chúa của mình! Hiểu rất rõ điều đó, cho nên dù chỉ là đối điện với hai que củi vắt chéo hình chữ thập, các thánh Tử đạo không chỉ đứng trước hai que củi, nhưng là đối diện  với nỗi giằng co mạnh bạo, đối diện với sự chọn lựa không khoan nhượng, nhưng dứt khoát: đức tin hay cuộc sống trần thế. Và cái giá phải trả cho sự chọn lựa đứng về phía đức tin là bị tước đoạt tất cả những gì đang có trong cuộc trần. Bị tước đoạt cả sự sống, cả đến giọt máu sau cùng.

 

Máu các thánh Tử đạo Việt Nam đã dệt đỏ thắm dòng lịch sử Giáo Hội Việt Nam, vì thế, các thánh Tử đạo mãi mãi vẫn xứng đáng sống trong lòng Giáo Hội và nơi từng người tín hữu Việt Nam.

 

Vượt trên tất cả mọi tấm gương, vượt trên tất cả mọi bài học, máu các thánh phải là chính cuộc sống của những người Việt Nam Công giáo hôm nay, khi làm người Việt Nam giữa dân tộc mình, và làm người giữa đời.

 

 

 Lm. VŨ XUÂN HẠNH

 

Mục lục

 

TU ĐỨC

 

NGÀY NHÀ GIÁO trong năm giáo dục Kitô giáo

 

Thư chung của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam năm nay, 2007, nói về Giáo dục Kitô giáo.

Vì thế, ngày Nhà Giáo (20/11) năm nay gợi ý cho tôi nhớ tới cách riêng những nhà giáo của nền giáo dục Kitô giáo tại Việt Nam hôm nay.


Họ là ai? Thưa là tất cả mọi người thuộc đủ mọi thành phần trong Hội Thánh đang góp phần tích cực vào nền giáo dục Kitô giáo tại Quê Hương này.


Nhưng trên thực tế, khi nói tới những thành phần được danh dự cao và nắm trách nhiệm lớn về giáo dục Kitô giáo, người ta thường đồng loạt nghĩ tới các người trên.

Ngày nhà giáo hướng về hàng giáo phẩm và giáo sĩ

Thực vậy, nếu ngày nhà giáo hướng về những nhà giáo cụ thể, thì ngày này trong Hội Thánh Việt Nam, các tín hữu cũng đang có định hướng cụ thể. Họ hướng lòng mình về hàng giáo phẩm và hàng giáo sĩ Việt Nam nói chung, và về những vị nào đang giáo dục họ trong giáo phận của họ, trong xứ đạo của họ nói riêng.

Họ nhìn các vị đó là những nhà giáo cao cấp, được sai đến với họ từ Đấng thiêng liêng. Cái nhìn đó là một cách phong thần, và cũng là một cách đợi chờ.

Những đợi chờ chính đáng của họ là những giá trị, mà thế gian không thể mang lại cho họ, nhưng lại rất cần cho họ, để họ sống cao thượng và hạnh phúc hơn ở đời này, nhất là để biết đường đi về cõi phúc đời sau.

Những giá trị như thế thường chìm ngủ trong con người, nhưng chúng sẽ được đánh thức nhờ những tiếp cận. Như được nghe một bài nhạc, bài viết có sức đánh động tâm hồn hướng về bác ái hy sinh, như được thấy một người toả hồn chân tu trong sáng, như được dự một cuộc lễ đầy bầu khí thiêng liêng có sức nâng tâm hồn lên cõi trời cao thẳm.

Đối với hầu hết người Việt Nam, những giá trị như thế cần được diễn tả cụ thể. Nhờ đó, lương tâm con người dễ tiếp thu. Họ thấy mình khao khát những gì là chân thiện mỹ đích thực. Đơn sơ thôi. Nhẹ nhàng thôi. Giống hình ảnh hồn nhiên của thiên nhiên. Ví dụ bông hoa nhỏ, cánh đồng cỏ xanh, dòng sông chảy, cây nến lung linh, làn gió nhẹ.

Giáo dục bằng gương sáng

Đã lâu rồi, khoảng năm 1980, tôi từ Long Xuyên đi Sài Gòn. Tới bắc Mỹ Thuận, tôi chen mình vào đám đông. Khi chiếc bắc đang trôi sang bờ bên kia, thì một người đàn ông lạ từ xa lách đám đông, lại bên tôi và hỏi: "Chú có phải là ông cha nhà thờ không? " Tôi thưa: Dạ đúng. Ông biết tôi sao? Người khách thưa: "Tôi thấy chú mặc áo Dòng thì đoán vậy thôi. Tôi có một điều muốn nói với chú là: Chú ráng sống tôn giáo cho thực tốt. Bởi vì đã đến thời: Ma giáo thì nhiều, còn tôn giáo thực thì ít".

Không bao giờ tôi được gặp lại người khách lạ đó. Nhưng những gì ông nói với tôi đã chìm lắng trong lòng tôi. Tôi thấy tôn giáo và ma giáo chen lẫn nhau. Cảnh đó là thực tế đau buồn. Nhiều nhà giáo của nền giáo dục Kitô giáo đã nhận ra thực tế xót xa ấy.

Để đẩy lùi những ma giáo trong tôn giáo, các ngài đã tăng cường giáo dục bằng gương sáng:

Có thể nói, giáo dục tôn giáo bây giờ là nêu gương sáng.

Gương sáng mà con người đang chờ đợi nhiều nhất bây giờ là những giá trị đẹp của một lương tâm tốt. Lương tâm tốt là lương tâm biết kính trọng sự thực. Sự thực là phải có thực chất trong việc thực hành bổn phận:

Hơn nữa, tôi thấy gương sáng mà người ta đang đòi hỏi rất nhiều nơi các nhà giáo của nền giáo dục Kitô giáo tại Việt Nam hôm nay còn là tư cách đẹp của người môn đệ Chúa Giêsu.


Xin hãy nêu gương sáng về hiền lành và khiêm nhường, như Chúa Giêsu đã dạy: "Hãy học với Thầy, vì Thầy hiền lành và khiêm nhường trong lòng" (Mt 11,29).

 

Xin hãy nêu gương sáng về sứ vụ tu thân, như Chúa Giêsu đã dạy: "Ai muốn làm môn đệ Thầy, hãy từ bỏ mình, vác thánh giá mình mà theo Thầy" (Mt 16,24).


Xin hãy nêu gương sáng về đức yêu thương, như lời Chúa Giêsu đã dạy: "Người ta cứ dấu này mà nhận biết các con là môn đệ Thầy, là các con thương yêu nhau" (Ga 13,35).


Nhà giáo có thể không thuộc hàng giáo phẩm, giáo sĩ


Cũng đã lâu rồi, tôi ngồi ở một quán lá nghèo bên vệ đường vùng quê xa ngoài giáo phận Long Xuyên, để được hớt tóc. Ông hớt tóc, khi biết tôi là một giám mục, đã thỏ thẻ với tôi đại khái thế này: "Cuộc sống ngoài đời khổ lắm. Chúng con không muốn các đức cha và các cha phải thiếu thốn như chúng con. Rất mong các đấng các bậc được tương đối đầy đủ. Đoàn chiên rất tự hào có những bề trên đạo đức, nhìn xa thấy rộng".


Tới bây giờ tôi không biết ông hớt tóc đó là ai. Nhưng tôi coi ông là một nhà giáo, đáng tôi kính phục. Thì ra, có những người tôi coi là được chúng tôi giáo dục lại là nhà giáo âm thầm, mà Chúa Thánh Thần gởi đến với chúng tôi. Họ nói rất ít, nhưng rất ít mà lại có đầy hồn Phúc Âm.


Với mấy tư tưởng trên đây, tôi muốn gởi lời cảm tạ đến mọi người đã là nhà giáo của tôi.


Tôi cũng muốn gởi lời kêu gọi các tín hữu: Hãy cầu nguyện cho các nhà giáo đã và đang góp phần vào nền giáo dục Kitô giáo tại Quê Hương Việt Nam này, cách riêng cho hàng giáo phẩm và giáo sĩ của chúng ta.


Tôi cũng nghe rất nhiều người nói: "Nền giáo dục Kitô giáo không phải là nền giáo dục truyền thống Việt Nam, nhưng hiện nay vẫn có rất nhiều tự do để biểu dương các thứ quyền lực hoành tráng của mình". Ý kiến đó xem ra đang hướng dẫn chọn lựa của xã hội Việt Nam. Sự kiện trên đây đáng chúng ta suy nghĩ sâu sa.

 

ĐGM GB Bùi Tuần

Mục lục

 

HIỆP THÔNG GIÁO HỘI

 

 

 

ĐTC vui mừng được cầu nguyện trước linh hài thánh nữ Terêxa Hài Đồng Giêsu.


VATICAN CITY, 14/11/07. - Đức Thánh Cha Benedict XVI đã rất vui mừng được cầu nguyện trước linh hài thánh nữ Têrêxa thành Lisieux. Linh Hài Thánh Nữ đã được đoàn hành hương của giáo phận Lisieux từ Pháp đem sang Roma


Vào lúc kết thúc buổi gặp gỡ khách hành hương hàng tuần vào ngày thứ Tư, ĐTC đã găp phái đoàn hành hương của giáo Phận Bayeux và Lisieux. Phái đoàn do ĐGM Pierre Auguste Pican, hướng dẫn, có đem theo linh hài của Thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu.


Trước linh hài thánh nữ, ĐTC đã nhắc lại cách đây 120 năm cô gái Terêxa ở Lisieux đã đến Roma để xin ĐGH Lêô XIII cho phép cô được vào tu ở dòng kín vì lúc đó còn quá trẻ. ĐTC cũng nhắc lại chuyện cách đây 80 năm ĐGH Piô XI đã tuyên phong thánh nữ Têrêxa Hài Đồng Giêsu là quan thầy các nhà truyền giáo và vào năm 1997, ĐGH Gioan Phaolô II đã tuyên phong thánh nữ Terêxa là Tiến Sĩ Hội Thánh.

Trong buổi triều yết hôm nay, ĐTC tuyên bố với khách hành hương “Cha rất sung sướng được cầu nguyện trước linh hài thánh nữ cũng như bao nhiêu người khác trong tuần này sẽ được nghênh đón linh hài thánh nữ tại các nhà thờ ở Roma”


Đức Thánh Cha đã nhắc lại gương thánh Têrêxa yêu mến việc đọc Phúc Âm và khuyến khích các giáo hữu năng đọc thánh kinh để kết hiệp với Chúa.

 

Tổng hợp các bản tin

Mục lục

 

 

 

Chương trình đại cương cuộc viếng thăm của Ðức Thánh Cha Biển Ðức 16 tại Hoa Kỳ.

Baltimore, Hoa Kỳ (CNS 12-11-2007) - Ðức Tổng Giám Mục Pietro Sambi, Sứ thần Tòa Thánh tại Hoa Kỳ, xác nhận ÐTC Biển Ðức 16 sẽ viếng thăm tại hai tổng giáo phận Washington và New York từ ngày 15 đến 20-4 năm 2008.

Lên tiếng hôm 12-11-2007 trong buổi khai mạc Ðại hội mùa thu của Hội Ðồng Giám Mục Hoa Kỳ nhóm tại thành phố Baltimore, Ðức Tổng Giám Mục Sambi cho biết danh hiệu chính thức cuộc viếng thăm của ÐTC là "Cuộc Tông Du tại Hoa Kỳ và trụ sở Liên Hiệp Quốc". Ngài sẽ đến thủ đô Washington ngày thứ Ba 15-4-2008 và được đón tiếp chính thức tại Tòa Bạch Cung hôm sau đó, 16-4-2008. Ban chiều cùng ngày, trùng vào sinh nhật thứ 81 của ngài, ÐTC sẽ gặp gỡ Hội Ðồng Giám Mục Hoa Kỳ.

Ngày thứ Năm, 17-4-2008, ÐTC sẽ cử hành thánh lễ tại Sân dã cầu (baseball) mới kiến thiết ở thủ đô Washington. Sau đó, ngài gặp các giáo sư viện trưởng các đại học và học viện Công Giáo cũng như các vị lãnh đạo ngành giáo dục của các giáo phận tại Ðại học Công Giáo Hoa Kỳ, rồi tham dự cuộc gặp gỡ liên tôn tại Trung tâm Văn Hóa Gioan Phaolô 2 cũng thuộc khu vực thủ đô.

Sáng thứ Sáu, 18-4-2008, ÐTC sẽ đến thăm và phát biểu tại trụ sở Liên Hiệp Quốc ở New York, và ban chiều ngài dự buổi cầu nguyện đại kết. Hôm sau, 19-4-2008, là kỷ niệm 3 năm ngài được bầu làm Giáo Hoàng, ÐTC sẽ cử hành thánh lễ tại Nhà thờ chính tòa thánh Patrick của giáo phận New York vào ban sáng, trước khi gặp giới trẻ và chủng sinh vào ban chiều.

Sáng chúa nhật 20-4-2008, cũng tại New York, ÐTC sẽ viếng thăm Ground Zero là di tích hai tòa nhà song song của Trung tâm Thương Mại thế giới, bị phá hủy trong vụ khủng bố ngày 11-9 năm 2001. Ðức Tổng Giám Mục Sambi cho biết "cuộc viếng thăm của ÐTC tại đây diễn ra trong tình liên đới với những người bị thiệt mạng và gia đình họ, cũng như tất cả những người muốn chấm dứt bạo lực, đồng thời kiến tạo hòa bình".

Chiều chúa nhật 20-4-2008, ÐTC sẽ cử hành thánh lễ tại Sân vận động Yankee trước khi lên đường trở về Roma.

Ðức Sứ Thần Tòa Thánh tại Washington mô tả cuộc viếng thăm của ÐTC tại Hoa Kỳ vào năm 2008 "như một dấu chỉ chứng tỏ Thánh Thần của Chúa đang ở với Giáo Hội", ÐTC cũng hy vọng cuộc viếng thăm này mang lại một "mùa xuân mới", và "một lễ Hiện Xuống mới" cho Giáo Hội Công Giáo tại Hoa Kỳ. Ðức Tổng Giám Mục Sambi đặc biệt ca ngợi các Giám Mục Mỹ đang giữ vững đức tin, và Giáo Hội tại nước này chứng tỏ sự hiệp nhất mạnh mẽ giữa các tín hữu và các vị chủ chăn của Giáo Hội.

Hội Ðồng Giám Mục Hoa Kỳ đang nhóm đại hội tại thành phố Baltimore từ ngày 12 đến 15-11-2007 với sự tham dự của các vị chủ chăn đến từ 200 giáo phận toàn quốc. Các vị đã đồng thanh đứng lên nhiệt liệt vỗ tay sau khi Ðức Sứ Thần Tòa Thánh kết thúc bài phát biểu.

Ðức Cha William Skylstad, Chủ tịch Hội Ðồng Giám Mục Hoa Kỳ, gọi cuộc viếng thăm của ÐTC sẽ là một thời điểm hồng phúc cho đất nước Mỹ và nói rằng "ÐTC Biển Ðức không phải chỉ là vị lãnh đạo của các tín hữu Công Giáo, nhưng còn là người gợi hứng cho tất cả những ai đang hoạt động cho hòa bình".

Ðức Hồng Y Edward Egan, Tổng Giám Mục giáo phận New York, cho biết các tín hữu Công Giáo tại New York rất vui mừng, biết ơn, và họ đang nóng lòng chờ đợi cuộc viếng thăm của ÐTC.

Ðức Cha Donald Wuerl, Tổng Giám Mục giáo phận thủ đô Washington nói: "Cá nhân tôi và nhân danh toàn thể hàng giáo sĩ, tu sĩ và giáo dân trong giáo phận, tôi bày tỏ sự chào đón nồng nhiệt nhất, đồng thời tái bày tỏ tâm tình kính mến và trung thành với ÐTC của chúng ta".

Mục lục

 

Tường Thuật Lễ Khai Mạc Năm Thánh Yao Phu - Giáo Phận Kontum Kỷ Niệm 100 Năm Hội Yao Phu.

Kontum, Việt Nam (14/11/2007) - Trong cuộc sống thường ngày, người ta thường mừng nhau, chúc nhau những dịp Xuân về: "Chúc Ông sống thọ trăm tuổi!"; ngày những đôi trai gái nên nghĩa vợ chồng người ta chúc: "Trăm năm hạnh phúc"... Con số 100 đầy ý nghĩa cho những nguyện ước của con người.

Giáo phận Kontum diễm phúc được mừng Kỷ Niệm Bách Chu Niên thành lập trường Yao Phu, cũng được coi như Ngày sinh nhật của Hội Yao Phu (Bôl de Yao Phu) cũng trong ý nghĩa ấy. Mừng cũng là để tưởng nhớ đến một quãng dài thời gian hào hùng của Hội Yao phu đã cống hiến cho Giáo Phận.

Với tinh thần dân Việt: "Uống nước nhớ nguồn" ấy, Giáo phận Kontum đã xin phép lành đặc biệt của Toà Thánh mở Năm Thánh, để nhờ Năm Thánh này vừa uống nước nhớ nguồn vừa thánh hoá con dân Thiên Chúa sống mỗi ngày đầy ân thánh hơn.

Theo chương trình của Ban Tổ Chức, sẽ diễn ra trong gần 3 ngày.

- Ngày 12.11.2007, các Yao Phu tập trung về tại nhà thờ Plei Rơhai để gặp gỡ giao lưu giữa các Yao phu thuộc các sắc dân Jrai, Bahnar, Sêđăng, Jeh, Triêng, Rơngao, Halâng... Tại đây, các Yao phu đã tập dượt chuẩn bị cho ngày Ðại Hội vào hôm sau.

- Ngày 13.11.2007, Ðại hội Yao phu, hướng tới năm thánh Yao Phu giáo phận Kontum.

- Ngày 14.11.2007, lễ kính Thánh Stêphanô Cuénot Thể - Khai mạc Năm Thánh Yao Phu.

 

I- Ngày 13.11.2007 "Ðại Hội Yao Phu Và Hướng Tới Năm Thánh Yao Phu Giáo Phận Kontum".

- 7h30: Tiếp đón.

- 9h00: Những lời chào mừng, và những lời ban huấn dụ của Ðức Cha Micae Hoàng Ðức Oanh, Giám mục Giáo Phận.Trọng kính Ðức Cha Phêrô.

 

Kính thưa Cha Tổng,... cùng cộng đoàn dân Chúa.

Trong bầu khí hân hoan chuẩn bị khai mạc Năm Thánh Yao Phu 1908-2008, tôi có đôi lời cùng anh chị em Yao Phu hôm nay.. Xin chào mừng và chúc mừng Gia đình Yao Phu về đây đông đủ để tham dự Thánh lễ khai mạc Năm Thánh Yao Phu (1,288 người).

2. Chúng ta mở Năm Thánh để cảm tạ, tôn vinh Thiên Chúa đã thương ban cho Miền Truyền Giáo Tây Nguyên một khí cụ tuyệt vời là Hội Yao Phu. Một trăm năm qua, anh chị em yao phu đã đồng lao cộng khổ với các vị cha anh để loan báo Tin Mừng cho đồng bào quê hương của mình.

3. Mở Năm Thánh để xin Chúa đổ tràn Thánh Thần Chúa xuống trên Gia đình Yao Phu và trên Giáo Phận để cùng nhau tiến bước lên phía trước, đến với anh chị em đồng bào của mình trong tâm tình và thái độ yêu thương phục vụ như cha ông, như Chúa đã truyền dạy. "Anh em hãy đi loan báo Tin Mừng cho muôn dân".

Vâng, tất cả là hồng ân Chúa. Tạ ơn Chúa. Tôn vinh Chúa. Amen. Alleluia!

 

- Kế đến là vài lời của Ðức Cha Phêrô.

- Kế đến là Cha hạt trưởng Giuse Ðỗ Hiệu đọc lá thư mục vụ của Ðức Giám Mục Giáo phận gửi cho các Yao phu:

 

Toà Giám Mục Kontum

56 Trần Hưng Ðạo - Kontum - Email abrahamvn@yahoo.ca

Số 03/MV/'7/Tgmkt

 

Mừng Năm Thánh Yao Phu

(1908-2008)

 

Kính thưa

Quý cha cùng toàn thể gia đình Giáo Phận,

Anh chị em thân mến,

Năm nay Giáo Phận xin mở Năm Thánh mừng Gia đình Yao Phu tròn 100 tuổi, tính từ ngày Ðức Cha Damien Grangeon lên làm phép khánh thành Trường Yao Phu Kuenot (1908-2008). Nhân dịp này, tôi xin gửi tới Gia đình Giáo phận vài gợi ý để cùng sống Năm Thánh cách tích cực.

I. Yao Phu, Người Là Ai?

Anh chị em thân mến,

I.1. Yao Phu, Một kiệt tác của Chúa Thánh Thần

Ý tưởng đào tạo các Yao Phu cho cánh đồng truyền giáo Tây Nguyên đã được manh nha từ lâu trước. Nhưng phải đợi tới năm 1908, công trình này mới được thừa nhận công khai và chúc phúc qua việc Ðức Cha D.Grangeon lên làm phép khánh thành Trường Kuenot cùng bổ nhiệm Cha Martial Jannin làm vị Giám Ðốc tiên khởi. Ðây được coi như là ngày sinh nhật của Hội Yao Phu. Nhìn lại 100 năm qua, Hội Yao Phu quả là một điều kỳ diệu, một kiệt tác của Thánh Thần Chúa. Vậy Yao Phu là ai? Sách Luật Yao Phu, xuất bản năm 1915, viết rõ:

"Chúng tôi lập Trường Kuenot, mục đích là muốn đào tạo các trẻ nhỏ người dân tộc Jơrai, Bahnar, Xơdang, muốn họ biết Chúa hơn mọi người khác, để sau khi ra trường, chúng tôi trông cậy vào họ sẽ giúp linh mục chúng tôi, mà đi giảng đạo cho các dân Jơrai, Bahnar, Xơdang" (Luật Hội Các Chú Yao Phu, Kontum 1915, Phần I, I).

I.2. Trường Kuenot, truờng đào tạo tuyệt vời với thành quả xuất sắc.

Lộ trình đào tạo Yao Phu khá dài và công phu. Khởi đi với các em dân tộc nam từ cấp 1 đến cấp 2, sau lên cấp 3. Tất thảy cũng hơn 10 năm. Ðây mới là giai đoạn ngồi ghế nhà trường. Tiếp đến là giai đoạn đào luyện qua thực tế! Theo 3 cấp. Mỗi cấp 3 năm. Tốt nghiệp ra trường, "học trò" được mang danh "chú Yao Phu" tập sự, rồi lên Chú Yao Phu bậc Nhì, Chú Yao Phú bậc nhất, sau cùng là Bok-Thầy Yao Phu.

100 năm qua, các Yao Phu đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giữa cộng đoàn, đặc biệt suốt 35 năm qua vắng bóng chủ chiên. Anh chị em đã tận tụy, hy sinh phục vụ cộng đoàn bất chấp mọi "bão tố của lịch sử". Các Yao Phu vẫn trụ được, vẫn là chỗ dựa tinh thần cho anh chị em đồng đạo.

II. Cùng Yao Phu Chúng Ta Tiến Lên Phía Trước.

Mừng 100 năm Yao Phu, ngoài những việc thiêng liêng, những hy sinh, những tìm hiểu, những chia sẻ, chúng ta làm được gì thiết thực và có ý nghĩa nhất cho các Yao Phu?

II.1. Phát huy đời sống người dân tộc.

II.1.1. Tìm hiểu và bảo tồn nền văn hóa dân tộc. Giúp nhau bỏ tệ nạn "say rượu".

Sách Sáng Thế ghi rõ: Mọi việc Chúa làm đều tốt đẹp! Tốt đẹp đó được cô đọng trong các nền văn hóa. Nhờ hiểu biết văn hóa, nhà thừa sai dễ chuyển đạt Tin Mừng; người nghe dễ đón nhận và không cảm thấy "mất gốc" hay bị dằn-vặt-dằng-co trong cuộc sống. Lịch sử cho thấy nhiều xung đột xảy ra không phải từ lòng tin mà từ "văn hóa". Thế kỷ 21 được coi như thế kỷ của văn hoá và tôn giáo. Văn hóa nơi mỗi dân tộc có thể được coi như một thứ Cựu ước Thiên Chúa mạc khải cho con người, nên cần được học hỏi, đào sâu và phát huy. Giúp anh chị em dân tộc bảo tồn và phát huy nền văn hoá của họ là một cách Mừng Năm Thánh Yao Phu thiết thực và bổ ích.

Nhưng có một điều đang "làm tê liệt" đời sống nhiều anh chị em dân tộc, trong đó có một số Yao Phu, đó là nạn uống rượu say sưa! Ðây có phải là một nét văn hóa hay phản văn hoá? Uống rượu không xấu, nhưng uống say sưa phải chăng là "tự sát", là "diệt chủng"? Một gương xấu tầy đình, một cản trở lớn cho việc loan báo Tin Mừng. Làm sao để loại trừ tệ nạn này?

Riêng anh chị em người kinh buôn bán trong các buôn làng, xin anh chị em hãy thương người dân tộc. Can đảm không bán rượu cho anh chị em dân tộc. Sao chúng ta có thể an tâm hưởng thụ lợi nhuận bằng cách bán rượu để dân tộc lâm cảnh "chết dần chết mòn" được?

II.1.2. Việc học của con em dân tộc & Hàng giáo sỹ bản địa.

Trong Năm Thánh Yao Phu, chúng ta quan tâm đặc biệt tới việc học hành của con em dân tộc. Ít lâu nay các cha, các tu sĩ, các ân nhân và nhiều cha mẹ đã quan tâm tạo điều kiện cho nhiều con em dân tộc tới trường. Cần đầu tư sức người và sức của hơn nữa, đặc biệt ở vùng sâu vùng xa. Làm được việc này vừa giúp anh chị em dân tộc có điều kiện phát triển, vừa góp phần phát triển Trường Yao Phu và nuôi trồng ơn gọi dâng hiến. Năm 1932, trường này đã cung cấp cho Giáo Phận 3 linh mục Bahnars đầu tiên. Nhưng đâu là hình ảnh người linh mục tu sĩ dân tộc thích đáng? Cần theo phương thức đào tạo nào?

II.2. Cùng nhau tiến bứơc loan báo Tin Mừng.

II.2.1. Loan báo Tin Mừng: Thăng tiến cuộc sống.

Loan báo Tin Mừng đầu tiên là cho chính mình, cho gia tộc, cho buôn làng mình được phát triển hài hoà toàn diện dưới ánh sáng Tin Mừng. Cuộc sống vật chất và tri thức của anh chị em dân tộc còn nhiều giới hạn, chúng ta có thể giúp gì và giúp như thế nào? Nguyên tắc Hiệp nhất và liên đới thể hiện dưới hình thức kết nghĩa tương trợ giữa các xứ đạo kinh thượng có thể là một lựa chọn thích hợp thăng tiến đời sống của người dân tộc, giúp con em dân tộc học hành đến nơi chốn hầu có khả năng cải thiện và nâng cao đời sống gia đình và buôn làng. Mô hình cùng sống và sống với nhau trong phụng vụ, trong xứ đạo cần được phát huy và làm nổi bật tính công giáo trong năm thánh này.

II.2.2. Loan báo Tin Mừng: .Ra Ði loan chứng Tin Mừng.

Lệnh truyền "Anh em hãy đi loan báo Tin Mừng cho muôn dân" (Mt 28,19) vẫn còn đó! "Khốn thân tôi, nếu tôi không loan báo Tin Mừng". Ðây là bản chất của đạo, của Giáo hội. Lơ là lệnh truyền này là một đại họa. Chu toàn lệnh truyền này là một hạnh phúc tuyệt vời. Cần đẩy mạnh công cuộc đào tạo Yao Phu trở thành những vị thừa sai đích thực. Thời mới, Yao Phu cũng phải mới. Mới trong nhận thức, trong đào tạo, trong phục vụ rao giảng!

Anh chị em thân mến,

Gia đình Yao Phu tròn 100 tuổi: Một hồng ân Chúa ban cho Giáo Phận Kontum. Xin dâng lời cảm tạ và tôn vinh Chúa. Xin Thánh Thần Chúa tiếp tục đào tạo các Yao Phu của Ngài. Xin phó thác gia đình Yao Phu trong vòng tay yêu thương của Mẹ Maria. Xin Thánh Tử đạo Kuenot tiếp tục đồng hành với các con cái ngài. Nhờ ơn Chúa giúp, chúng ta xin hứa làm tất cả những gì tốt đẹp và hữu ích cho việc đào tạo và nâng đỡ anh chị em Yao Phu trên hành trình phục vụ Tin Mừng Tạ ơn Chúa. Amen. Alleluia.

Kontum ngày 14 tháng 11 năm 2007

Ngày Khai Mạc Năm Thánh Yao Phu

+ Micae Hoàng Ðức Oanh

Giám Mục Giáo Phận Kontum.

 

- 10h30: Dựa trên lá thư mục vụ của Ðức Giám mục Giáo phận, các nhóm thảo luận và đưa ra những đúc kết cho đời sống người lãnh đạo cộng đoàn của mình.

- 11h30, mọi người dùng bữa ăn trưa với nhau.

- 14h45, Cha hạt trưởng Giuse Ðỗ Hiệu giúp các Yao phu xét mình và xưng tội# có hơn 20 cha ngồi toà giải tội.

- 16h15 chiều, "Thánh lễ cầu cho các Thừa Sai và Yao phu đã qua đời". Thánh lễ hôm nay do Ðức Cha Micae chủ sự, cùng đồng tế có Ðức Cha Phêrô và gần 30 linh mục, một số tu sĩ nam nữ, chủng sinh, anh chị em giáo dân và 1288 yao phu tham dự.

Khởi đầu, đoàn đồng tế rước kiệu tượng thánh Stêphanô Cuénot Thể từ Nhà Nguyện chủng viện Thừa Sai Kontum tiến về phía lễ đài Toà Giám Mục trong tiếng hát, diệu nhảy múa cồng chiêng của các sắc tộc... trong Giáo phận về tham dự đại hội Yaophu.

Thánh lễ hôm nay được dành riêng cầu cho các yao phu và các bậc tiền nhân có công truyền giáo trên Giáo phận Kontum đã qua đời.

 

Khởi đầu thánh lễ, Ðức Cha Micae đã nêu lên ý nghĩa ấy:

 

"Kính thưa Ðức Cha Phêrô,

Cha Tổng Ðại Diện, Quý cha Quản hạt, Quý Cha cùng cộng đồng dân Chúa.

Nhân dịp kỷ niệm 100 năm khánh Thành Trường Yao Phu cũng là mừng 100 năm ngày sinh của Hội Yao Phu, chúng ta quy tụ về đây để dâng lời tôn vinh và tạ ơn Chúa. Tạ ơn Chúa vì muôn hồng ân Chúa đã ban cho anh chị em Yao Phu và qua đó cho Giáo Phận. Tôn Vinh Chúa vì Chúa đã thể hiện quyền năng yêu thương của Người giữa cộng đồng dân Chúa cũng như giữa xã hội một kiệt tác của Người là chính anh chị em Yao Phu.

Trong niềm vui mở đầu Năm Thánh Yao Phu, chúng ta dâng thánh lễ đặc biệt này tưởng nhớ tới anh chị em yao phu đã ra đi về Nhà Cha trên trời. Chúng ta biết ơn anh chị em. Xin Chúa đón nhận anh chị em hưởng tôn nhan Chúa và bầu cử cho Giáo Phận, cách riêng anh chị em yao phu hiện đang phục vụ tại các cộng đoàn, tiếp tục hăng say phục vụ và loan báo Tin Mừng.

Ðược biết Giáo Phận thừa sai Kontum vẫn có truyền thống nhớ dâng lễ cầu nguyện cho tất cả các vị thừa sai và thân ân nhân của chúng ta vào ngày thứ ba sau Lễ các đẳng hằng năm. Nguyện xin Chúa thưởng công bôi hậu cho tất cả các vị.

Giờ đây chúng ta hãy nhìn nhận tội lỗi để xứng đáng cử hành thánh lễ tạ ơn và tôn vinh này."

Tiếp đến thánh lễ như thường lệ, sau khi nghe Tin Mừng Lc 17,7-10 bằng 2 thứ tiếng Bahnar và Jarai, Ðức Cha Phêrô Trần Thanh Chung chia sẻ ngắn gọn:

 

"Có nhiều khách từ phương xa đến thăm các vùng Kontum và Pleiku, đi đến đâu cũng thấy nhà thờ và gặp toàn dân có đạo, từ vùng Bahnar đến các vùng Xơđăng, Rơngao và cho đến các vùng Jarai, Halâng... họ hỏi vì đâu mà có sự lạ lùng vậy? Gần như ai cũng có đạo?

Việc lạ lùng ấy chính là bàn tay của Chúa làm, Chúa thương dân tộc nghèo khó bé nhỏ...

Chúa đã dùng đặc biệt các Yaophu, họ đi đến tận các hang cùng ngỏ hẻm buôn làng xa xôi đem Tin Mừng của Chúa 100 năm nay (1908 -2008); bất chấp gian nan đau khổ chết chóc.

Hôm nay chúng ta dâng thánh lễ cầu nguyện cho các giám mục, linh mục thừa sai và yao phu. Thánh Phaolô trong thư gửi cho Timôthê viết: 'Còn tôi, tôi sắp phải đổ máu ra làm lễ tế, đã đến giờ tôi phải ra đi. Tôi đã đấu trong cuộc thi đấu cao đẹp, đã chạy hết chặng đường, đã giữ vững niềm tin. Giờ đây tôi chỉ còn đợi vòng hoa dành cho người công chính; Chúa là vị thẩm phán chí công sẽ trao phần thưởng đó cho tôi trong Ngày ấy, và không phải chỉ cho tôi, nhưng còn cho tất cả những ai hết tình mong đợi Người xuất hiện...' (2Tm 4,6-8).

Chúng ta cầu nguyện cho họ, xin Chúa thương ban cho họ triều thiên vinh hiển... 'cho tất cả những ai mong đợi Ngài', nghĩa là cho tất cả những ai liều thân, liều mạng sống để cho Nước Chúa trị đến."

 

Sau lời nguyện hiệp lễ, mọi người đọc kinh Năm Thánh Yao Phu:

 

Kinh Năm Thánh Yao Phu

Lạy Chúa Giêsu,

Xưa kia, sau khi sai Mười Hai Tông đồ,

Chúa còn sai Bảy Mươi Hai Môn đệ,

cứ từng hai người,

đi loan báo Tin Mừng Nước Trời,

với quyền năng trừ quỷ và chữa bệnh.

Dõi theo đường lối Thừa Sai ấy,

các Tông đồ cũng chọn những người bé mọn,

đầy Thánh Thần và đức tin,

Khôn ngoan và có tiếng tốt

làm người cộng tác loan báo Tin Mừng.

Rồi khi các Thừa Sai đến Miền truyền giáo này,

các ngài đã mở trường đào tạo, lập Hội Yao Phu,

giữa người Bahnar, Jơrai, Xêđăng, Rơngao, Jeh, Triêng, Halâng,...

để họ cộng tác đem Tin Mừng đến cho đồng bào của mình.

Lạy Chúa Giêsu là Mục Tử Nhân Lành,

Chúng con chúc tụng và tôn vinh Chúa.

Suốt một trăm năm,

cách riêng trong hơn ba mươi năm qua,

Chúa tiếp tục cho thấy Chúa đang ở giữa chúng con,

đầy quyền năng cứu độ và sức sống sung mãn;

Chúa xây dựng Hội Thánh Kontum, qua một việc cụ thể

là gìn giữ và phát triển Hội Yao Phu

một cách lạ lùng không ai hiểu thấu.

Lạy Chúa Giêsu là Mục Tử Nhân Lành,

Chúng con chúc tụng và tôn vinh Chúa.

Vì thế, lạy Chúa,

chúng con dâng lên Chúa Năm Thánh Yao Phu này,

mừng kỷ niệm một trăm năm lập Trường Yao Phu,

để tôn vinh, chúc tụng, tạ ơn Chúa,

cùng để nhờ lời chuyển cầu của Thánh Stêphanô Kuênôt,

của Ðức Cha Mac-xi-an Gian-nanh-Phước,

Xin Chúa đổi mới các Yao Phu,

thành những chứng nhân đích thực.

Xin cho Trường Yao Phu được sớm mở lại,

và cho tất cả Giáo phận Kontum

nhận biết và quý trọng ơn gọi Yao Phu,

tích cực góp phần đào tạo, nâng đỡ,

hầu công cuộc loan báo Tin Mừng giữa đồng bào các sắc tộc

được kết quả như lòng Chúa muốn.

Lạy Chúa Giêsu là Mục Tử Nhân Lành,

Chúng con chúc tụng và tôn vinh Chúa.

Amen.

 

Imprimatur

Kontum ngày 14 tháng 11 năm 2007

+ Micae Hoàng Ðức Oanh

Giám Mục Giáo Phận Kontum.

 

- 19h00 đến 21h00, diễn nguyện của các Yao phu về một vài lịch sử truyền thống về giáo phận,... trong phần này có giới thiệu về các điệu cồng chiêng của các sắc tộc, một vài câu chuyện được dựng nên kịch bản về các thừa sai, các Yao phu thời đầu hình thành và truyền giáo thế nào trên "Phố Ðạo Kontum" này.

Một ngày trôi qua, với những giao lưu, học hỏi đầy ý nghĩa của Ðại Hội Yao phu đã khép lại cho một giấc ngủ "màn trời chiếu đất" nhiều sao hy vọng trong khuôn viên Nhà thờ Gỗ Kontum.

 

II- Ngày 14.11.2007 - Lễ Kính Thánh Stêphanô Cuénot Thể - Khai Mạc Năm Thánh Yao Phu Giáo Phận Kontum

- Thánh lễ khai mạc lúc 5h00 sáng ngày 14.11.2007, nhằm ngày lễ kính Thánh Stêphanô Cuénot Thể của Giáo phận Kontum.

Sáng hôm nay, Ðức Cha Micae chủ sự thánh lễ, cùng đồng tế có Ðức Cha Phêrô, đông đảo linh mục, tu sĩ nam nữ và gần 1288 Yao phu cùng đông đảo giáo dân tham dự. Nhiều anh chị em dân tộc tới từ vùng xa gần 250 km.

Sáng nay, trong bầu trời còn tối... sau lời dẫn, một hồi chuông ngân vang, tiếng cồng chiêng của các sắc dân cùng vang lên..., hai Ðức Cha, Cha Tổng, Hai cha Quản hạt niệm hương trước tượng thánh Ðức Cha Cuénot Thể. Sau bài hát của nhạc sĩ lm Giuse Phạm Minh Công viết về thánh Cuénot Thể... đoàn đồng tế tiến đến trước tiền sảnh nhà thờ gỗ chính Toà Kontum, trong tiếng chiêng của nhiều sắc dân nối dài từ một phần còn lại của khu nhà trường Cuénot Thể (còn hầu hết ngôi trường Nhà Nước đang sử dụng. Giáo Phận Kontum đã làm đơn xin Chính Quyền trả lại Ngôi nhà cổ kính này hơn một năm nay, nhưng chưa thấy Chính Quyền phúc đáp) .

Sau khi làm dấu thánh giá, Cha Tổng Ðại Diện Giuse Nguyễn Thanh Liên đã đọc sắc lệnh mở năm thánh:

 

Tòa Ân Giải Tối Cao

Số 538/07/I

Sắc Lệnh

Tòa Ân Giải Tối Cao, do năng quyền Ðức Thánh Cha Beneđictô XVI cai quản theo sự quan phòng của Thiên Chúa, ban cho mình một cách đặc biệt trong Chúa Kitô là Cha và là Chúa chúng ta, vui lòng ban phép cho Ðức cha Micae Hoàng Ðức Oanh, Giám mục Kontum, vào ngày 07 tháng 01 năm 2008, dịp kỷ niệm bách chu niên Thành Lập Trường Giáo Phu tại Kontum, sau khi đã cử hành Thánh Lễ, được quyền ban cho các tín hữu có mặt Phép lành dành cho Ðức Giáo Hoàng, kèm theo Ơn toàn xá, với các điều kiện thông thường (là xưng tội, rước lễ và cầu nguyện theo ý Ðức Giáo Hoàng), và vẫn giữ trọn quyền được ban Phép Lành nầy ba lần trong một năm, như luật chung đã định.

Các tín hữu khi lãnh nhận Phép lành nầy với lòng sốt sắng, nhưng vì lý do chính đáng không thể tham dự Thánh Lễ tại chỗ được, miễn là họ lấy lòng đạo đức theo dõi tham dự Thánh Lễ nầy qua các phương tiện truyền thông như truyền hình và truyền thanh, thì cũng được lãnh nhận Ơn Toàn Xá theo như những điều luật định.

Bất chấp các điều trái ngược.

Do sự uỷ nhiệm của Ðức Thánh Cha

Giám Mục Gioan Phanxicô Girotti, OFM. Conv.

Giám mục hiệu toà Meta

Trưởng Lục Sự Toà Án.

Linh Mục Gioan Maria Gervai

Nhân viên phục vụ tại toà

(Ðóng dấu và ký tên)

 

Khởi đầu thánh lễ, Ðức Cha Micae dẫn nhập lễ như sau:

 

Kính thưa Ðức Cha Phêrô... cùng cộng đoàn dân Chúa.

Anh chị em thân mến,

Hôm nay Giáo phận Kontum long trọng Mừng lễ Vị Thánh Tổ đã có công khai sáng Miền Truyền giáo Tây Nguyên, Ðức Cha Stêphanô Kuenot Thể. Hôm nay cũng là ngày khai mạc Năm Thánh Yao Phu (1908-2008): 14.11.2007-14.11.2008. Tạ ơn Chúa đã ban cho Giáo phận có một Hội Yao Phu tuyệt vời, có những anh chị em dân tộc tích cực và trực tiếp tham gia công cuộc truyền giáo và mục vụ của Giáo Hội địa phương. Cám ơn anh chị em Yao Phu.

Nguyện xin Chúa cho chúng ta sống Năm Thánh thánh thiện và biết góp phần tích cực vào công trình phát triển Hội Yao Phu hầu đáp ứng nhu cầu truyền giáo hôm nay.

 

Trong phần bài giảng, Ðức Cha Micae giảng bằng 3 ngôn ngữ Bahnar, Jarai, Kinh như sau:

 

B.1. Hallêluia - Hãy tạ Ơn Chúa,.

Loan Báo Giữa Muôn Dân (Tv 105,1)

Anh chị em thân mến,

Nếu phải kể ra một hai việc kỳ diệu Chúa đã làm cho Giáo phận chúng ta, tôi xin chọn sự kiện Yao Phu như 'là một kỳ tích Chúa đã làm trong và cho giáo phận chúng ta' để tạ ơn Chúa, để giới thiệu cho mọi người - cách riêng với các vị mục tử khắp thế giới.

Yao phu, một tổ chức đặc biệt: Quả thật, khi nói đến Giáo phận Kontum, không thể không nói đến Yao Phu. Ðó là một tổ chức tông đồ giáo dân đặc biệt chỉ Giáo phận Kontum mới có. đồng bào của mình, phụ giúp các linh mục thừa sai Loan Báo Tin Mừng, giảng dạy và chăm sóc đoàn chiên. Trường Yao Phu Kuenot được thành lập hằm mục đích ấy.

Tuy nhiên, Giá trị của Yao Phu không chỉ vì đây là một tổ chức "độc nhất vô nhị" mà nằm ở giá trị "đáp ứng nhu cầu" "hữu hiệu" trong suốt một thế kỷ, đặc biệt từ hơn 30 năm lịch sử vừa qua. Nhờ ơn Chúa thương, hàng trăm ngàn người sắc tộc vùng sâu vùng xa còn vững đức tin tới nay nhờ được các Yao Phu nâng đỡ, chỉ dạy, làm gương. Hàng mấy trăm làng, cộng đoàn còn sinh hoạt đến nay, là nhờ sự hiện diện tích cực của các Yao Phu. Ai dám nói đây là do tài trí của con người? Chính Chúa chăn dắt, gìn giữ đoàn chiên của Ngài qua các Yao Phu. Tôi xin mượn lời Tv 92,1-2 để mời gọi cả Giáo phận dâng lời ngợi khen Chúa: "Lạy Chúa, sự nghiệp Ngài khiến con mừng rỡ, thấy việc tay Ngài làm con phải reo lên".

Phải, "việc Chúa làm quả thật lớn lao, người mộ mến ra công tìm hiểu... (Tv111,2)

Càng tìm hiểu Yao Phu, càng thấy việc Chúa làm thật lớn lao kỳ diệu. Hiểu sau cho thấu? Trường lớp không còn, tổ chức không còn... thế mà Yao Phu Kuenot không bị "xóa sổ gạch tên", vẫn trung thành phục vụ. Lại thêm hàng trăm Yao Phu Pơlei không theo trường lớp nhưng "từ dân mà ra" theo kiểu "già làng" sắc tộc. Quả là việc Chúa làm!

Ðúng là trong công trình cứu nhân độ thế, Thiên Chúa vẫn tiếp tục con đường "nghèo khó -hèn mọn", mà Ðức Maria và các Tông đồ là những hình mẫu đặc biệt. Chúng ta hãy dùng lời Ðức Maria đã ngợi khen Thiên Chúa để tạ ơn với các Yao Phu và với Giáo phận: "Phận nữ tỳ hèn mọn, Người đoái thương nhìn đến. Từ nay hết mọi đời sẽ khen tôi diễm phúc".

B.2. "...Này con đây, xin Chúa sai con đi" (Is 6,8)

Mở đầu năm Thánh Yao Phu, xin mời anh chị em trong Giáo phận dâng lời tạ ơn và cầu xin Chúa tiếp tục "thực hiện những dấu lạ điềm thiêng" giữa chúng ta (x. Cv 4,30). Xin Chúa cho chỗi dậy những Yao Phu mới đúng như lòng Chúa mong ước, cũng như cho mọi người chúng ta trở nên tông đồ nhiệt thành. "Xin Chúa cho tái diễn những điềm thiêng và lại làm những dấu lạ khác. Xin cho cánh tay hùng mạnh Ngài, được vẻ vang hiển hách". (Hc 36,5).

Xin Chúa ban cho có những Yao Phu như lòng Chúa mong ước. Chúng ta thường nói nhiều về ơn gọi linh mục - tu sĩ, nhưng hầu như quên nói về các dặc sủng khác trong Giáo Hội mà Chúa. Yao Phu là một ơn gọi, một đặc sủng Chúa Thánh Thần ban cho Giáo phận Kontum. Ðặc sủng này cần được nhận biết, trân trọng, vun trồng và hợp tác để sử dụng cho hữu ích. Các Yao Phu Pơlei được Chúa "khơi dậy", được huấn luyện giữa lòng Dân Chúa, trong đau thương, thử thách và phục vụ, đã đem lại cho Hội Yao Phu một diện mạo mới, đã chỉ cho chúng ta thấy tinh thần tông đồ thừa sai đích thực. Ðây là công trình của ân sủng, của Chúa Thánh Thần. Cầu xin Chúa cho chúng ta biết phải "cùng với Chúa Thánh Thần" đào tạo họ ra sao. Vâng, xin mọi người cầu nguyện và tích cực góp phần vào công việc vĩ đại này.

Chúng ta vẫn cầu nguyện "Xin Chúa sai thợ đến gặt lúa" (Lc 10,2), nhưng hình như xin "sai ai đó" miễn không phải chính chúng ta? Khung cảnh của bài Tin Mừng cho ta hiểu Chúa bảo 72 môn đệ phải xin để Chúa sai họ đi. Hôm nay, tôi có 2 đề nghị với tất cả anh chị em trong Giáo phận:

1. Ðề nghị 1: Chúng ta, mỗi người, hãy khiêm tốn xin Chúa sai chính mình đi loan chứng Tin Mừng yêu thương.

2. Ðề nghị thứ 2: Lời ngôn sứ Isaia sẽ lời cầu nguyện của toàn thể Giáo phận trong Năm Thánh này: "Lạy Chúa, này con đây, xin Chúa sai con đi".

Kết: Xin tạ ơn Chúa vì Chúa đã ban cho Giáo phận Kontum chúng ta Hội Yao Phu quý báu. Xin Thánh Stêphanô Kuênot Thể cầu bầu để tổ chức Yao Phu được phát triển và tồn tại phục vụ cho công việc thừa sai. Xin cho Năm Thánh Yao Phu đưa Giáo phận Kontum chúng ta vào một giai đoạn mới nhờ một "Lễ Hiện Xuống mới". Amen.

 

Sau thánh lễ, Cha Tổng Ðại Diện đọc các điều kiện và ngày giờ để nhận Phép Lành Toàn Xá trong Năm Thánh Yao Phu của Giáo phận:

 

Tòa Ân Giải Tối Cao

Số 537/07/1

Kính lạy Ðức Thánh Cha,

Ðức Cha Micae Hoàng Ðức Oanh, Giám Mục Kontum, cùng với Ban Giám Ðốc, các giáo sư, học sinh và cựu học sinh Trừơng Giáo Phu tại Kontum, hết lòng kính dâng lên Ðức Thánh Cha tâm tình hiếu thảo kính tôn, và khiêm cung trình lên Ðức Thánh Cha như sau: để tạ ơn cách xứng đáng Thiên Chúa là Ðấng ban phát muôn ơn lành, vì ơn huệ ngôi trường được thiết lập để đào tạo các Giáo Phu, cho Giáo Phận Kontum vào năm 1908, và trong một ngày gần đây sẽ cử hành các lễ nghi trong Năm Thánh này, cũng như tổ chức việc rao truyền, học hỏi Lời Chúa, và các sáng kiến khác để tăng cường lòng đạo đức và đào sâu giáo lý, nhờ đó để có thể hy vọng tuyển chọn, huấn luyện và hướng dẫn các ơn gọi làm Giáo phu. Ơn Toàn Xá sẽ trợ giúp nhiều để kín múc ơn lành thiêng liêng, vì thế, con khiêm nhường xin Ðức Thánh Cha ban ơn xá này.

Và xin Thiên Chúa, Ðấng thấu suốt mọi sự củng cố tất cả các điều trên đây và làm cho được hoàn thành tốt đẹp.

Ngày 25 tháng 10 năm 2007

 

Tòa Ân Giải Tối Cao, theo sự ủy nhiệm của Ðức Thánh Cha, vui lòng ban ơn Toàn Xá với các điều kiện thông thường (là xưng tội, rước lễ và cầu nguyện theo ý Ðức Giáo Hoàng), cho các tín hữu thực lòng ăn năn thống hối đến Nhà nguyện Trường Giáo Phu này hay tại Nhà thờ Chính Tòa, nếu họ sốt sắng tham dự các nghi lễ phụng vụ, hay ít là đọc Kinh Lạy Cha và Kinh Tin Kính, với câu kêu cầu Ðức Trinh Nữ Maria và Thánh Thêôđôrô Cuenot, vào các ngày sau đây:

a. Ngày 14 tháng 11 năm 2007, lễ kính Thánh Thêôđôrô Cuenot, Giám Mục Tử Ðạo, Quan Thày các Giáo Phu, Ngày khai mạc trọng thể các lễ nghi kỷ niệm;

b. Ngày 7 tháng 1 năm 2008, mừng kỷ niệm Bách Chu Niên thành lập Trường Giáo Phu;

c. Mỗi lần tín hữu tham dự cuộc hành hương do lòng đạo đức tới các nơi này;

d. Ngày 14 tháng 11 năm 2008, bế mạc các lễ nghi mừng kỷ niệm.

Các tín hữu, vào cuối buổi giảng thuyết hay tĩnh tâm tổ chức cho đại chúng thì cũng được lãnh Ơn Toàn Xá, khi tổ chức tại các nhà thờ giáo xứ theo các điều kiện thông thường.

Sau nữa, các tín hữu, cũng có thể lãnh nhận Ơn Xá Từng Phần, mỗi lần và ít ra khi họ lấy lòng thống hối mà làm các việc từ thiện, thống hối, rao giảng Tin Mừng, do Ðức Giám Mục Giáo Phận chỉ định.

Ơn rộng này được ban cho Trường Giáo Phu tại Kontum trong suốt Năm Thánh.

Bất chấp các điều trái ngược.

+ Giám Mục Gioan Phanxicô Girotti, OFM.Conv.

Giám Mục Hiệu Tòa Meta

Trưởng Lục Sự Tòa Án.

Linh Mục Gioan Maria Gervai

Nhân viên phục vụ tại Tòa

(Ðóng dấu và ấn ký)

 

Cuối thánh lễ, một đại diện Yao phu cám ơn và tặng hoa cho quý Ðức Cha và Quý Cha Tổng, hạt trưởng.

Kết thúc thánh lễ là phép lành trọng thể của Toà Thánh do Ðức Cha Micae ban cho mọi người được lãnh ơn toàn xá.

 

Lạy Thiên Chúa là Cha hằng hữu,

Giữa lòng Hội Thánh Chúa đã khai sinh cho Giáo phận Kontum chúng con có Hội Yao Phu, Hội đã triển nở đặc biệt 100 năm qua, chính là nhờ tay Chúa đã trồng và chăm sóc. Xin Chúa tiếp tục nâng đỡ và chúc lành cho Hội được phát triển và không ngừng lớn mạnh khắp nơi để danh Chúa được cả sáng hơn. Amen.

 

Kontum, 14.11.2007.

Văn phòng Toà Giám Mục Kontum, Việt nam.

Mục lục

 

 

CHƯƠNG TRÌNH ĐẠI HỘI GIỚI TRẺ GIÁO PHẬN TP. HỒ CHÍ MINH

MÙA VỌNG 2007

 

Hiệp thông với Giáo Hội toàn cầu trong năm Phụng Vụ 2008

Giới Trẻ Giáo Phận Thành phố Hồ Chí Minh sẽ cử hành

Ngày Giới Trẻ Giáo Phận Mùa Vọng

Th ời gian : từ 15g00’ đến 21g30’ thứ bảy ngày 01 tháng 12 năm 2007

Địa điểm : Trung tâm Mục Vụ Tổng Giáo Phận Tp .H CM, 0 6 B is Tôn Đức Thắng, Q1

Ch ủ đề : “ L ỚN LÊN TRONG THÁNH T HẦN

 

Ý tưởng :

CHƯƠNG TRÌNH NGÀY ĐẠI HỘI

15g 0 0 : Đón tiếp

16g00 : Lớn lên trong Giáo Hội

17g30: Thánh lễ

1 9 g00:Lớn Lên Trong Tình Người

2 1 g 00 : Lớn Lên Trong Thánh Thể

21g30: Lớn Lên Khi Vào Đời

Bế mạc

 

CÔNG NGHỊ GIÁO HỘI CÔNG GIÁO TẠI VIỆT NAM NĂM 2010

Hà Nội, ngày 15. 10. 2007

 

 

Kính gởi quý Đức Cha, anh em linh mục, anh chị em tu sĩ, giáo dân,

Được HĐGM.VN giao nhiệm vụ chuẩn bị tổ chức CÔNG NGHỊ GIÁO HỘI CÔNG GIÁO tại VN năm 2010 (CÔNG NGHỊ GHCG.VN. 2010), kỷ niệm 50 năm GHCG tại VN bước sang thời kỳ Chánh Toà với sự hình thành Hàng Giáo Phẩm VN, tôi sơ thảo đề án chuẩn bị và gởi đến quý Giám mục, quý linh mục, quý tu sĩ , quý giáo dân, để xin mọi người góp ý bổ sung, điều chỉnh.   Concile=Công Đồng;  Synode=Công Nghị…

Hay có thể dùng từ nào khác?

 

I.  Ý NGHĨA MỤC ĐÍCH TỔ CHỨC CÔNG NGHỊ GHCG. VN. 2010 là gì ? 

(1)  Nhìn lại lịch sử gần 500 năm Truyền Giáo tại VN với  quá trình hình thành và phát triển của GHCG tại VN qua 3 thời kỳ : -  Bảo Hộ (1533-1659=126 năm), -  Tông Toà (1659-1960=300 năm),  - và Chánh Toà (1960-2010=50 năm). 2 thời kỳ trước như một dẫn nhập vào thời kỳ Chánh Toà.  Nhìn lại lịch sử với những việc làm và thành quả, những khó khăn và trắc trở, những  thách đố và thiếu sót trong bối cảnh văn hoá, xã hội, chính trị của mỗi thời kỳ… 

(2)  Nhìn lại với những nhận định và đề xuất, nhằm bổ sung, điều chỉnh, cập nhật chủ trương và đường hướng mục vụ sắp tới, đối nội cũng như đối ngoại, theo 2 tiêu chuẩn : -  trung thành với Lời Chúa dạy và giáo huấn của Giáo Hội, - đáp ứng những đòi hỏi của sứ vụ yêu thương và phục vụ cho sự sống dồi dào của cộng đồng dân tộc cũng như cộng đồng thế giới trong bối cảnh toàn cầu hoá ngày nay. 

(3)  Đồng thời nhằm tạo thuận lợi cho các giáo phận thực hiện chủ trương và đường hướng mục vụ trong tình hình mới, Công Nghị sẽ đề ra những CHỈ DẪN MỤC VỤ giúp các giáo phận thống nhất soạn ra :  -   QUY CHẾ các tổ chức mục vụ giáo phận, giáo xứ; - Quy Chế linh mục,  các tổ chức tông đồ giáo dân;  - QUY CHẾ đào tạo, huấn luyện nhân sự … Thống nhất các mẫu hồ sơ mục vụ quản trị giáo phận, giáo xứ, hồ sơ mục vụ bí tích.  Thống nhất mẫu tổ chức văn khố, công hàm giáo phận, giáo xứ… 

Ngoài ra, còn cần nhằm mục đích nào khác ?

 

II.  CÔNG VIỆC CHUẨN BỊ TỔ CHỨC CÔNG NGHỊ

Hình thành Ban Trù Bị gồm: 1. Ban Thư Ký; 2. Ban Tư liệu, Văn Bản, Thống kê;  3. Ban Tài chánh ( kế hoạch dự chi, tìm nguồn );  4 Các Ban Nghiên Cứu chuyên ngành …

.   Ban Thư Ký: Soạn Nội Quy Công Nghị, lo thủ tục pháp lý, đặt ra những câu hỏi tham khảo ý kiến các giáo phận, các giới chuyên môn, thu thập câu trả lời, đúc kết các ý kiến, nhận định, đề xuất…

.   Những lãnh vực nghiên cứu :

(1) -  công cuộc truyền giáo trên đất nước VN qua 3 thời kỳ lịch sử của GHCG với bối cảnh  văn hoá xã hội chính trị của từng thời kỳ;

(2) -  quá trình hình thành và phát triển  GHCG tại VN qua 3 thời kỳ…

(3) -  quá trình hình thành và phát triển những tổ chức mục vụ với những hoạt động, những  thành quả thuộc các lãnh vực mục vụ ngôn sứ, tư tế, mục tử và loan Tin Mừng.

 

Ngoài ra, còn có những gì cần làm để chuẩn bị chu đáo hơn?

 

Phụ chú 1.  Các Ban nghiên cứu thu thập tư liệu : 

(1)  Về 50 năm thời kỳ Chánh Toà  (1960-2010) : 

-  Hình thành và phát triển các giáo phận, cùng sự bổ nhiệm các Giám mục,  lập 2 Toà Hồng Y

-  HĐGM.VN, hình thành và thống nhất, với các Thư Chung, Thư Mục vụ, các văn bản pháp lý  

   (như về Thờ Oâng Bà Tổ Tiên…) …

-  Hình thành và phát triển các cơ sở tôn giáo, thờ tự, bác ái xã hội, đào tạo, huấn luyện, đặc

    biệt ĐCV từ đầu đến nay,

-  Hàng linh mục, cộng đoàn giáo xứ, các đoàn thể tông đồ giáo dân….

-  Dòng tu, Tu hội…

 

(2)  Về các lãnh vực mục vụ. 

1.  Lãnh vực NGÔN SỨ : - Mục vụ Thánh Kinh  (dịch thuật, phổ biến, học và hành…)

     -  Mục vụ  Giáo lý và giáo dục đức tin…, Thần học, Giáo luật…

     -  Mục vụ Lời Chúa….

 

2.  Lãnh vực  TƯ TẾ : -  Mục vụ Phụng tự, Nghệ thuật thánh, Thánh nhạc, Hội nhập văn hoá…

                               -  Mục vụ lòng đạo bình dân, Kinh sách, Thờ Oâng Bà…

                               -  ………………………………………………………

       

3.  Lãnh vực MỤC TỬ: - Mục vụ Quản Trị giáo phận, giáo xứ…

     -  Giám mục, linh mục, dòng tu, tu hội…

    -  Giáo dân, các đoàn thể tông dồ giáo dân, Giới Trẻ, Gia Đình, Bệnh nhân,

         Di Dân  (qua các thời kỳ thử thách, phân tán, và năm 1954, 1975…)

    -  Đào tạo, huấn luyện nhân sự…

 

4.  Lãnh vực LOAN TIN MỪNG :

   -  Mục vụ Truyền giáo, các Hội Thừa Sai xưa và nay, với những chứng nhân đức tin,

   -  Mục vụ Văn hoá, giáo dục, trường học, dạy nghề…

   -  Mục vụ Truyền thông, chữ quốc ngữ, sách báo xưa và nay, hội nhập văn hoá…

   -  Mục vụ Bác Aùi Xã hội, chăm sóc sức khoẻ bệnh nhân, người già, cô nhi, khuyết tật…

   -  Ngoài những hoạt động mục vụ trên, còn có thể làm gì để yêu thương và phục vụ  đặc biệt  người nghèo khổ, bất hạnh, bị bỏ rơi, trong cộng đồng dân tộc ngày nay?

Phụ chú 2.    Dự kiến :

-  Năm 2009,  phát hành tập KỶ YẾU 50 năm của thời kỳ Chánh Toà của GHCG tại VN với những bản thống kê đối chiếu, hình ảnh, địa chỉ… Thêm ấn bản Anh ngữ…

-  Năm 2011, phát hành  tập “ CÔNG NGHỊ GHCG tại VN năm 2010” với diễn tiến của Công Nghị  và các văn bản pháp lý xưa và nay, các Thư Chung, Thư Mục vụ…

-  Ngoài ra còn cần phổ biến những gì?

 

Hồng Y Gioan B. Phạm Minh Mẫn

Mục lục

 

Đức TGM Huế dẫn phái đoàn đi cứu trợ khẩn cấp cho bà con lương giáo bị lũ

 

HUẾ -- Ngay trong những ngày bão lụt của 3 cơn lũ xảy ra vào hạ tuần tháng 10 và đầu tháng 11-2007, Linh mục Đặc Trách Bác Ái Xã Hội TGP Huế, Giuse Dương Đức Toại đã điều động anh em thiện nguyện thân hành đem gạo và mì tôm đến với bà con Lương - Giáo trong vùng ngập lụt của các huyện: Hải Lăng - Quảng Trị, huyện Hương Trà, Quảng Điền và các vùng Cồn Hến, Phú Hậu, Bãi Dâu - Cố đô Huế để kịp thời cứu đói.

Trong buổi chiều cùng ngày, các anh em Hướng Đạo Liên Đoàn Lavang Huế, đã đến Dòng Thánh tâm để bàn thêm công việc cứu trợ của Địa phận. Có hai phương án : vừa xe, vừa thuyền để đến vùng Sịa và Tiên Nộn, nhưng bất thành, vì lúc này khắp vùng xứ Huế đâu đâu cũng mênh mông nước lũ, ngay cả canô và máy bay trực thăng của nhà chức trách cũng không vận hành được.

Sau nhiều lần liên lạc điện thoại đến các linh mục cai quản các địa sở nằm trong vùng nước lũ, Cha Simon Trương Quỳnh, Bề Trên Dòng Thánh Tâm mới liên lạc được với Cha Quốc, quản xứ Giáo xứ Thạch Bình, nhưng ngài cũng khắng định là không có cách nào, chỉ chờ nước rút; cuối cùng phải tính đến phương án ba : tiến hành cứu trợ bà con lương giáo vùng “rốn lũ” giáo xứ Phú Hậu.

 

Từ sáng sớm ngày 13-11-2007, trước khi về vùng Phú Hậu, Đức Tổng Thể đã thân hành đến thăm Đại Chủng Viện Xuân Bích Huế; Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm; Dòng Kín Carmel; Dòng Phao Lô; Phòng khám từ thiện Kim Long… là những cơ sở nằm liền cạnh bờ nam Sông Hương.

 

Trở về sau chuyến vi hành - an dân, vội vàng cơm nước, đúng 12g00 trưa, Đức Tổng Thể lại tiếp tục cùng anh em Hướng Đạo và quý Cha quý Thầy Dòng Thánh Tâm, trực chỉ về Cầu Gia Hội để lên thuyền, dọc theo đường lộ về vùng thấp trũng Phú Hậu – Bãi Dâu.


Sau bữa cơm trưa vội vàng, ngay áo quần mặc buổi sáng còn đẫm dòng nước lũ, tất cả lại phải lên đường; thầy Phaolô Đậu Quốc Khánh, Dòng Thánh Tâm đã “quan Tâm” Đức Tổng Thể trong khi cùng bước lên đò: “ Đức Tổng cả một buổi sáng ngược xuôi lo ‘an dân, an sinh’, giờ lại ra đi uỷ lạo đúng ngọ thế này, chắc là mệt lắm ?”. “ Mình mệt ăn thua gì … chỉ một liều thuốc cảm là khỏi… bà con sống trong vùng nước lũ kia mới thật xót xa”, Đức Tổng Thể nói.


Đò cập bến ngay sát hông nhà thờ Giáo xứ Phú Hậu, không kịp chào đón, Cha Tuyến quản xứ Phú Hậu đã vội vã cùng các ông trong Hội đồng giáo xứ thu xếp đưa đoàn đến uỷ lạo phần quà cho những gia đình nguy khốn nhất.


Tại các gia đình công giáo nghèo được nhận quà, Đức Tổng Thể cũng luôn nhắc : “Mình đã thực sự nghèo khổ, nhưng còn có quý Cha, quý Chị và Giáo phận quan tâm, không trước thì sau; chỉ tội anh em lương dân, đa phần phải thiệt thòi, nên chúng ta cần biết nhường nhịn cho những gia đình bà con lương dân nghèo khó hơn, quanh ta trước”. Cảm được tấm lòng của Vị Cha Chung, Ông Micae Trương Cao Quyền, đại diện cho Hội đồng giáo xứ Phú Hậu kính cẩn: “Mọi việc chúng con xin cám ơn Đức Tổng đã thương đến chúng con.”


Chia tay bà con vùng “rốn lũ” Phú Hậu, đoàn ra về trong tiếng cám ơn với theo của bà con. Riêng ông Nguyễn Văn Cảnh, một lương dân thốt được hai tiếng : “Mừng quá !” cùng với ánh mắt đỏ hoe.


Trận lụt lần này diễn ra trên toàn tâm điểm Miền Trung, nên mọi phương tiện thuyên chuyển hàng hoá và khách đường xa đều phải ngưng trệ (hơn 4.000 khách đi tàu lửa tuyến Bắc Nam phải nằm chờ tại ga Huế). Do đó, việc chạy tìm ra hơn 300.000 thùng mì cua lớn nhỏ và hằng tấn gạo để phát cho bà con nội trong ngày này cũng là một nỗ lực rất lớn từ Ban Bác ái, anh em Hướng Đạo và Dòng Thánh Tâm.


Ngoài điểm cứu trợ Phú Hậu, Toà Giám Mục Huế còn đặc trách cho anh em thiện nguyện và anh em Dòng Thánh Tâm lo cứu đói cho các sinh viên nghèo hiện sống chung với lũ tại các chung cư trong vùng ngập úng và bà con giáo dân vùng Cồn Hến, giáo xứ TânThuỷ.


Chung chia niềm lo lắng với Cha giáo Giuse Hồ Thứ Đại Chủng Viện Xuân Bích Huế, quản xứ Giáo Xứ Kim Long, anh em Đệ Tử Dòng thánh Tâm đã vận chuyển trên đôi tay của mình 68 thùng mì cua lớn nhỏ, lội ngược giòng nước lũ, gần 7 km để lên Trung Tâm Lưu Trú của các bệnh nhân tâm thần 39 Phạm Thị Liên, thành phố Huế, cứu đói cho các bệnh nhân.


Đến với các bệnh nhân tâm thần, anh em ai cũng nô nức, dẫu đã qua một buổi sáng lặn lội chân trần đến cứu trợ các sinh viên; thế nhưng, tại Trung tâm này, anh em Dòng Thánh Tâm chỉ được phát quà qua các đại diện của các bệnh nhân, nên mọi người đều không ưng ý, em Nam nói. Có lẽ bắt được điểm bất đồng này, nên Sr Bình Dòng Mến Thánh Giá - Huế, đã trấn an mọi người : “Ngay cả Cha Thứ mỗi khi vào thăm và uỷ lạo quà cho bệnh nhân thì cũng chỉ lén chụp hình mà thôi”.


Sau một ngày vất vả cứu đói khẩn cấp, nhưng ai nấy đều vui khi nghe Đức Tổng Thể giải bày : “ Tôi vui, khi anh em Hướng Đạo, Cha xứ, Hội đồng giáo xứ, những anh em thiện nguyện và nhà Dòng cùng đồng tâm hợp lực với Giáo Phận trong công việc ý nghĩa này”.


Cảm nhận được niềm hạnh phúc sau một ngày đồng lao với Đức Tổng Thể cùng các anh Hướng Đạo và Nhà Dòng, anh Trần Quang Vinh, chủ xe chuyên chở hàng cứu trợ đã phát biểu: “Ngày mai Toà Giám Mục cứu đói khẩn cấp cho bà con vùng Sịa, con sẽ chuyên chở miễn phí thêm một ngày nữa”.

 

Giuse Phan Tấn Hồ

Mục lục

 

 

 

Đại Hội Giới Trẻ Công Giáo Miền Bắc đã bế mạc và để lại ấn tượng sâu đậm đức tin với người tham dự




 

Bốn phương trời ta về đây chung vui


Không phân chia giọng nói tiếng cười


HẢI PHÒNG -- Trong hai ngày 8 và 9 tháng 11, Hải Phòng đã trở thành trái tim của Giới trẻ Công giáo miền Bắc. Từ miền sơn cước Lạng Sơn – Cao Bằng đến đồng quê năm tấn lúa Thái Bình; từ Thủ đô Hà Nội đến vùng rừng núi Hưng Hóa; từ Vinh, đến vùng Quan Họ Bắc Ninh; từ Bùi Chu, Phát Diệm, cái nôi của Giáo Hội Công giáo, đến miền quê Thanh Hóa, các Bạn Trẻ nô nức lên đường về Hải Phòng, điểm hẹn của Đại Hội Giới Trẻ các Giáo phận miền Bắc lần thứ sáu.


Với đề tài được chọn “Hãy Theo Thày” (Mc 1,17), Đại Hội đã được tổ chức tại Trung Tâm Hội Chợ và Triển Lãm Quốc Tế Hải Phòng, trên đường đi bãi biển Đồ Sơn. Nghi thức khai mạc Đại Hội được tổ chức long trọng, trang nghiêm, đồng thời mang nét đẹp và rất riêng của người Hải Phòng với vũ điệu và bài hát chủ đề “Hãy Theo Thày”. Thánh lễ khai mạc, hồi 9h00 sáng, do Đức Giám mục Hải Phòng chủ sự, với sự hiện diện của Đức Cha Giuse Nguyễn Chí Linh, Giám mục Thanh Hóa, Phó Chủ tịch Hội Đồng Giám mục Việtnam, Đức Cha Phaolô Cao Đình Thuyên, Giám mục Vinh, Đức Cha Phê-rô Nguyễn Văn Đệ, Giám mục phụ tá Bùi Chu. Cùng với các Đức Giám mục, còn có sự hiện diện của gần 100 Linh mục từ các Giáo phận về tham dự và đồng tế.


Buổi chiều, các đội tuyển từ các Giáo phận và các Bạn Trẻ cùng tham dự chương trình thi Giáo lý Thánh Kinh. Nội dung thi được chọn trong Tin Mừng Thánh Luca, từ chương 4 đến hết chương 9. Đội tuyển Thái Bình đã dành giải nhất trong cuộc thi này.


Sau giờ cơm chiều, Nghi thức chầu Mình Thánh Chúa là đỉnh cao của Đại Hội. 10,000 cây nến được phân phát cho các Bạn Trẻ. Dưới ánh sáng lung linh huyền diệu của những ngọn nến sáng, lời cầu nguyện của Đức Giám mục và của 6 Bạn Trẻ được cất lên, trong bầu khí nghiêm trang và thiêng thánh. Những bài hát, những cử điệu, đã thực sự giúp mọi người tham dự vươn lên gặp gỡ và tâm sự với Đấng Vô Hình. Vâng, Ngài đã trở nên hữu hình và hiện diện giữa chúng ta qua Bí Tích Thánh Thể. Những tâm tư, những băn khoăn trăn trở, những lo âu bức xúc trong cuộc đời các Bạn Trẻ được dâng lên Đức Giêsu, với lòng cậy trông và phó thác sâu xa, hòa với lời ca du dương, nhẹ nhàng và sâu lắng của nhạc phẩm “Niềm xác tín của con”


Sau giờ chầu Thánh Thể, các Bạn Trẻ được tham dự chương trình thắp đèn trời thật ngoạn mục và ấn tượng. Trên 200 chiếc “đèn trời” được thả lên không trung, mang theo những lời cầu nguyện của các Bạn Trẻ, hòa vào vũ trụ với mong ước rằng những lời cầu nguyện ấy sẽ lên tới Chúa và được Ngài đoái thương nhận lời. Những chiếc đèn trời bay xa, bay xa theo chiều gió, trở thành những điểm sáng chói trên bầu trời Hải Phòng.

 

Chương trình Dạ Hội Thánh ca được khai mạc từ 21h00 tối 8-11. Các phái đoàn Giới trẻ đều đem đến Hải Phòng những tiếc mục đặc sắc, chuẩn bị công phu để giới thiệu và giao lưu trong chương trình này. Những chiếc áo màu chàm của xứ Lạng, những điệu múa mang đậm tính dân gian từ Hưng Hóa, Thái Bình, Bùi Chu, Phát Diệm, hòa điệu với làn quan họ của các liền anh liền chị đến từ xứ Bắc đã làm nên vẻ phong phú đa dạng của Đại Hội. Phải kể đến những tác phẩm hợp xướng rất công phu do các Bạn Trẻ của ba Giáo hạt Hải Phòng, Quảng Ninh và Hải Dương. Mối tiết mục mang một sắc màu, một nội dung, một phong cách trình bày, nhưng đều được thể hiện với trọn vẹn niềm tin cậy yêu mến đối với Thiên Chúa, với Giáo Hội và tha nhân. Chương trình được kết thúc vào quá nửa đêm và còn tiếp tục với màn bắn pháo hoa rất sinh động.



Tuy vậy, có lẽ nào các Bạn Trẻ lại ngủ trong đêm nay? cuộc gặp gỡ đầy ấn tượng này đã làm cho họ biết nhau và trở nên thân tình. Và thế là những điệu múa điệu hò, những vũ điệu, những bài ca vang lên từng nhóm giao lưu với nhau. Dù chưa mang tính chuyên nghiệp, nhưng không sao, điều quan trọng là mọi người cùng vui, cùng hò, cùng hát, cùng vũ điệu trong tình thân thương tuyệt vời. Những điệu hò, tiếng hát ấy còn vang cho đến khoảng 3 giờ sáng 9-11.


Và, khi mặt trời mọc báo hiệu một ngày mới, những sinh hoạt của Đại Hội lại tiếp tục. Mặc dù nhiều người thức trắng đêm, nhưng không hề mệt mỏi. Sau khi ăn sáng, mọi người tập trung tại Hội trường của Trung Tâm để cử hành lời cầu nguyện ban mai với bài hát xin ơn Chúa Thánh Thần, lời cầu nguyện dâng ngày mới và kinh Lạy Cha.

 

Sau lời nguyện ban mai là chương trình giao lưu chứng nhân. Sáu bạn trẻ tại một số Giáo phận đã chia sẻ với Đại Hội những cố gắng của bản thân, với ơn Chúa và sự đồng hành của những người thân, và đã vượt qua những khó khăn. Đây không phải là những chuyên viên đến để thuyết trình về một đề tài, nhưng là chính người trong cuộc, chính những nạn nhân đã vượt lên số phận để giữ vững đức tin nơi Chúa và niềm tin nơi tha nhân:


-Giáo phận Hànội: một bạn trẻ khiếm thị đã kiên trì trở thành một nghệ sĩ violon, làm cho cuộc đời đen tối đã trở nên đượm màu xanh của hy vọng và tin yêu. Một bạn trẻ khác của Hànội cũng chia sẻ kinh nghiệm về bảo vệ sự sống. Anh và vợ mình dứt khoát không phá thai theo đề nghị của một số người và nay, thai nhi ấy đã trở thành một cậu bé khỏe mạnh, thông minh và thương cha mẹ.

 

-Giáo phận Thanh Hóa: một bạn trẻ nghiện ma tuý, nhờ sự giúp đỡ của Cha xứ và của những người bạn tốt, đã cai nghiện và đã lập gia đình, sinh 2 con trai. Hiện nay anh có một gia đình hạnh phúc bên người vợ hiền.


-Giáo phận Bắc Ninh: một bệnh nhân cùi đã vượt lên mọi mặc cảm của bản thân và thành kiến của xã hội, tìm lại sự tự tin và được mọi người thương mến.


-Giáo phận Bùi Chu: một cặp gia đình trẻ đã vượt qua nhiều trục trặc trong tình cảm vợ chồng. Họ đã quảng đại tha thứ, đã tận tình nâng đỡ nhau và cuối cùng hạnh phúc và tiếng cười đã trở lại.


-Giáo phận Hải Phòng: một phụ nữ trẻ mắc HIV do người chồng truyền bệnh. Người chồng đã chết vì SIDA. Thê thảm hơn, chính đứa trẻ duy nhất, là kết quả tình yêu của hai người, cũng đã mắc HIV dương tính. Người vợ trẻ ban đầu định kết liễu cuộc đời. Sau đó, chị đã vươn lên, vì biết rằng chỉ có Thiên Chúa mới có quyền làm chủ sự sống. Hiện nay chị vẫn lạc quan yêu đời chăm sóc đứa con bất hạnh,.


Sau chương trình “Giao lưu chứng nhân” là Thánh lễ Tạ ơn do Đức Tổng Giám mục Hànội chủ sự. Có khoảng 13,000 (mười ba ngàn) Bạn Trẻ tham dự Thánh lễ. Chủ giải Tin Mừng Thánh Mc 16,14-18, Đức Tổng Giám mục đã căn dặn các Bạn Trẻ về sứ mạng truyền giáo, cụ thể qua việc làm nhân chứng Tin Mừng qua đời sống cầu nguyện và những hoạt động bác ái. Ngài cũng trưng dẫn những việc làm cụ thể để chăm sóc người cùi do các chủng sinh Đại Chủng viện Hànội thực hiện. Việc bác ái này đã có sức thuyết phục các cán bộ cũng như bệnh nhân. Nhờ đó họ có thiện cảm với Giáo Hội.


Với lời thỉnh cầu của Đức Giám mục Hải Phòng, các tham dự viên Đại Hội Giới Trẻ đã được Đức Thánh Cha ưu ái ban ơn Tòan Xá. Không những thế, mọi tín hữu Việtnam, bất luận ở đâu, mà trong thời gian Đại Hội Giới Trẻ, dâng lên Thiên Chúa những lời cầu nguyện thiết tha, xin cho các bạn trẻ được vững lòng tuyên xưng Đức tin và sống đời thánh thiện, thì được ơn Tiểu xá, miễn là có lòng sám hối”(Trích nguyên văn Sắc Lệnh của Phủ Xá giải Tông Tòa số Prot. 584071). Đức Tổng Giám mục chủ tế và các Giám mục đồng tế đã cùng ban phép lành cho cộng đoàn tham dự, với ơn Toàn Xá của Đức Thánh Cha.


Sau phép lành với ơn Toàn Xá là nghi thức trao Thánh Giá cho Giáo phận sẽ tổ chức Đại Hội lần thứ VII. Đức Giám mục Hải Phòng đã tâm tình với các Bạn Trẻ qua kinh nghiệm một năm cung nghinh Thánh Giá trong toàn Giáo phận. Ngài ngỏ lời cám ơn đến Đức Tổng Giám mục Hànội, Quý Đức Cha, Quý Linh mục và Tu Sĩ. Sự thành công của Đại Hội là do lòng nhiệt thành của mọi thành phần Dân Chúa trong Giáo phận, nhất là các Linh mục phụ trách và thành viên các Tiểu Ban. Ngài cũng nhắc đến sự cộng tác của các Ban Hành Giáo, các Hội Đoàn. Có những công việc âm thầm và đòi hỏi hy sinh như dọn vệ sinh, trật tự, ẩm thực, trang trí, đón tiếp. Có những công việc đòi hỏi phải đầu tư trí tuệ, công sức và thời gian như dạ hội Thánh Ca, Phụng vụ, sắp xếp và dẫn chương trình, thi Giáo lý Thánh Kinh, phỏng vấn và cảm thông với những chứng nhân đức tin. Tất cả những công việc đó đều được thực hiện trong tình mến đối với Giáo Hội.


Đức Giám mục Hải Phòng nói tiếp: “Sự thành công của Đại Hội cũng nhờ tình ưu ái của Quý Đức Cha, Quý Cha và các Bạn Trẻ đến từ Giáo phận. Chính sự hiện diện và tham dự nhiệt tình của Quý Đức Cha, Quý Cha, Quý Vị đã là nguồn động viên lớn lao và sâu sắc cho Ban Tổ chức. Đại Hội Giới Trẻ các Giáo phận miền Bắc lần thứ VI đã diễn ra trong ơn Chúa, với sự nỗ lực cộng tác của mọi người. Thật là “THIÊN THỜI ĐỊA LỢI VÀ NHÂN HÒA”. Ngài nói tiếp: “Chúng tôi không tuyên bố bế mạc Đại Hội Giới Trẻ lần thứ VI, nhưng Đại Hội chỉ tạm khép lại để cho tinh thần “Hãy Theo Thầy” được lắng đọng nơi các Bạn Trẻ và thể hiện qua đời sống. Và tôi xin hân hạnh tuyên bố, Đại Hội Giới Trẻ các Giáo phận miền Bắc lần thứ VII năm 2008 là sẽ được tổ chức tại Bùi Chu”.

Giữa những điệu vũ, những tiếng hoan hô, những lời ca rộn ràng, Đức Cha Phê-rô Nguyễn Văn Đệ, Giám mục Phụ tá Bùi Chu đã ngỏ lời với Cộng đoàn và mời mọi người hãy đến với Bùi Chu năm 2008. Thánh Giá được các Bạn Trẻ và các Linh mục Bùi Chu cung nghinh trọng thể, trước sự lưu luyến của Giới Trẻ Hải Phòng, trong điệu ca dìu dặt của bài hát chia tay, lên đường do ca sĩ Gia Ân với vũ đoàn Hải Phòng trình bày: “Này giờ phút lên đường,tạm biệt nhau trong Chúa… này Bạn hỡi xin tạm biệt, lòng tràn bao mến thương. Xin dâng lên những tháng năm qua, tình bằng hữu chúng con chan hòa, nguồn hồng phúc Chúa luôn tuôn tràn, này Bạn hỡi yên tâm lên đường…” Thật tuyệt vời ! thật lắng đọng ! thật sâu xa !


Vâng, Đại Hội đã khép lại,nhưng tinh thần của Đại Hội “Hãy Theo Thày” thì còn mãi. Thánh Giá luân lưu Giới Trẻ đã được rước về Bùi Chu, nhưng sứ điệp của Thánh Giá thì còn lắng đọng. Đó là sứ điệp của tình yêu thương, tha thứ, quảng đại, bao dung để trở nên những môn đệ chân chính của Đức Giêsu.

 

Tòa GM Hải Phòng

Mục lục

 

 

TÌM HIỂU & SỐNG ĐẠO

 

 

HÃY THEO THÀY

 

(Bài giảng khai mạc đại hội giới trẻ Công giáo miền Bắc)

(Mc 1,16-20)

 

Các Bạn trẻ thân mến, câu nói của chàng trai Giêsu một chiều nọ tưởng như câu nói đùa cho vui. Bởi những người nghe câu nói ấy là những người dân chài chất phác, đang vất vả quăng lưới xuống biển để bắt cá. Lời mời gọi “Hãy theo Thày” xem ra là câu nói không đúng lúc, vì đối với những người dân chài này, cái mà họ đang tìm kiếm không phải là một triết lý sâu xa, không phải những ước mơ cao đẹp, nhưng làm sao để kiếm sống qua việc đánh bắt cá ngoài khơi.

 

Tiếp đến, một nhóm thứ hai cũng được mời gọi như vậy, đó là anh em Ông Gia-cô-bê và Gio-an, hai người là con của Ông Bà Giê-bê-đê. Hai người này đang miệt mài vá lưới sau một ngày làm việc vất vả.

 

Và thật kỳ diệu, những người dân chài này đã “lập tức bỏ chài lưới mà theo Người” (Mc 1,18). Một cuộc ra đi không tính toán. Một cuộc lên đường không nghi ngại. Thánh Sử Marco đã dùng từ “lập tức” để nói lên sự dốc quyết của những môn đệ đầu tiên. Vâng, nếu so sánh, chúng ta sẽ thấy những dân chài này còn hơn chàng thanh niên Giêsu ở chố họ có chài lưới, có nghề nghiệp, có gia đình, có người làm công. Tóm lại là xem ra họ còn có một tương lai. Trong khi đó chàng thanh niên Giêsu chẳng có gì làm bảo đảm về vật chất cho ngày mai.

 

Lời mời gọi “Hãy theo Thày” quả là có sức thu hút diệu kỳ. Những dân chài bên bờ hồ Ti-bê-ri-a đã theo Thày mình, đã bỏ những gì họ cậy dựa vào để kiếm sống, đã bỏ gia đình, con cái, bỏ mọi sự.

 

Simon, An-rê, Gia-cô-bê và Gioan, hai cặp anh em này đã trở thành những môn đệ đầu tiên theo Thày Giêsu. Tên họ sẽ còn được nhắc đến nhiều lần trong Tin Mừng. Có những lúc họ đã bị cám dỗ bởi hình ảnh một vị Messia thế gian, nên họ đã hiểu sai sứ mạng của Đức Giêsu (trường hợp Gia-cô-bê và Gioan). Có những lúc họ đã yếu đuối sợ sệt đến nỗi chối Thày mình (trường hợp của Simon Phê-rô). Nhưng họ vẫn trung thành. Họ vẫn kiên tâm theo Ngươi. Kể cả những lúc có nhiều người chán nản không muốn theo Đức Giêsu nữa, khi đó Phê-rô mạnh mẽ tuyên bố “Lạy Thày, bỏ Thày thì con sẽ đi với ai, vì Thày mới có Lời ban sự sống đời đời?”.

 

Không chỉ có 4 môn đệ đầu tiên sẵn sàng từ bỏ đi theo Thày Giêsu, thưa các Bạn Trẻ thân mến.  Cộng đoàn Giáo Hội của Đức Kitô đã được thiết lập từ con số 12 Tông đồ. Con số 12 ấy đã như một mồi lửa, như một luồng sáng lan toả trong khắp trần gian này. Đã 20 thế kỷ, biết bao người nam cũng như nữ, già cũng như trẻ, trí thức cũng như bình dân,  thành thị cũng như thôn quê, người chủ cũng như nô lệ, những người này đã sẵn sàng theo Chúa Giêsu. Chúa Giêsu là lý tưởng, là lẽ sống của họ. Có những người theo Đức Giêsu, trung thành với Người đến mức sẵn sàng đổ máu đào, hy sinh mạng sống để làm chứng cho Đấng mà họ yêu mến tôn thờ. Đã 20 thế kỷ, Danh Đức Giêsu đã là niềm tự hào, là nguồn sống, là nguồn hy vọng và là sức mạnh cho biết bao tín hữu. Danh Đức Giêsu mời gọi con người sống nhân ái với nhau hơn. Cùng nhau xây dựng một thế giới hòa bình, một nhân loại bác ái yêu thương. Danh Đức Giêsu đã là điểm gặp gỡ của nhiều nền văn hóa, đưa nhân loại đến với nhau để làm cho trái đất này trở thành một căn nhà chung. Bởi lẽ mọi người cùng là con cái của Cha trên trời. Đã 20 thế kỷ, lời mời gọi “Hãy theo Thày” đã làm nổ tung thế giới, phá tan những hàng rào ngăn cách, làm cho con người xích lại gần nhau trong tình tương thân tương ái.

 

Và, các Bạn Trẻ rất thân mến, chính để đáp lại lời mời gọi “hãy theo Thày” mà các bạn tụ hội nơi đây tại Hải Phòng. Hơn bao giờ hết, lời mời gọi ấy đang thôi thúc chúng ta. Lời mời gọi của Thày Giêsu không để chúng ta ngủ yên trong vỏ bọc của sự ích kỷ, nhưng thúc bách chúng ta dấn thân phục vụ.  Lời mời gọi của Thày Giêsu không để chúng ta buông xuôi theo những phong trào sống tự do, ngược với Chân lý Tin Mừng và nghịch với đạo lý làm người, nhưng nhắc nhở chúng ta hãy hành động để xây dựng cuộc sống lành mạnh tốt đẹp và an vui. Lời mời gọi của Thày Giêsu nhắc nhở chúng ta hãy chung vai xây dựng Giáo Hội và xã hội Việt Nam hôm nay, “vì quê hương này là nơi chúng ta được Thiên Chúa mời gọi để sống làm con của Người, đất nước này là lòng mẹ cưu mang chúng ta trong quá trình thực hiện ơn gọi làm con Thiên Chúa, dân tộc này là cộng đồng mà Chúa trao cho chúng ta để phục vụ với tính cách vừa là công dân vừa là thành phần Dân Chúa” (Thư chung HĐGMVN 1980, số 9). Người thanh niên công giáo phải nhiệt thành dấn thân trong những hoạt động nhằm xây dựng một xã hội tốt đẹp, công bằng và hạnh phúc. Và sau cùng, Anh Chị Em thân mến, lời mời gọi “Hãy theo Thày” đem lại cho chúng ta niềm hy vọng lớn lao. Vì theo Thày Giêsu không phải theo một thần tượng trần gian. Theo Thày Giêsu sẽ dẫn chúng ta đến hạnh phúc và sự an bình. Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, vị Giáo Hoàng của niềm hy vọng đã luôn luôn nhắc nhở các bạn trẻ: đừng sợ, nhưng hãy phó thác nơi Chúa. Đức Giáo Hoàng Bê-nê-đi-tô, trong ngày chính thức  lên ngôi Giáo Hoàng, đã ngỏ lời với thế giới: “Các Bạn đừng sợ trước một thế giới biến đổi hôm nay. Hãy theo Đức Giêsu, các bạn sẽ không phải thiệt thòi. Hãy theo Người”.

 

Các Bạn Trẻ thân mến, cám ơn các bạn đã đến với Hải Phòng. Các Bạn muốn chứng tỏ nhiệt tâm theo Thày Giêsu qua việc vượt qua quãng đường dài để đến tham dự ngày Đại Hội này. Chúng ta hãy theo Đức Giêsu, không phải chỉ bằng lời nói, nhưng bằng chính cuộc đời mình. Như những môn đệ đầu tiên bên biển hồ Ti-bê-ri-a đã sẵn sàng bỏ mọi sự mà theo Chúa, xin chúc các Bạn, trong những ngày Đại Hội này, được tiếp thêm nghị lực và niềm vui để chúng ta cùng theo Chúa trong suốt cuộc đời. Xin cám ơn.

 

 

+ Giám mục Giuse  Vũ Văn Thiên

 

TỬ ĐẠO LÀ CHẾT VÌ ĐỨC KITÔ.

Sơ sử ở Việt Nam chỉ thực sự mở đầu từ văn hoá Đông Sơn, cách đây khoảng 2.500 năm. Nước Văn Lang của các Vua Hùng là một sự thật của lịch sử Việt nam. Sách “Đại Việt Sử Ký Toàn Thư” là bộ chính sử đầu tiên của nước ta ghi chép về nước Văn Lang và theo đó thì nước Văn lang “Đông giàp Nam Hải, Tây giáp Ba Thục, Bắc giáp Hồ Động Đình, Nam giáp nước Hồ Tôn”. Nước Văn Lang chỉ tồn tại trước sau trong khoảng 300 năm và con số 18 đời Hùng Vương cho đến nay vẫn là con số của huyền sử. Tiếp đến là nước Âu Lạc của An Dương Vương, rồi đến các triều đại Đinh, Lê, Lý, Trần, Hậu Trần, Hồ, Hậu Lê, Mạc, Nguyễn… Lãnh thổ Việt Nam nhỏ bé chỉ đến Châu Cực nam là Hoan châu, Hà Tĩnh ngày nay. Biên giới phía nam của An Nam là núi Hoành Sơn. Từ Đèo Ngang, Quảng Bình, Quảng Trị đến Bình Thuận là đất nước Chiêm Thành với kinh đô Trà Kiệu. Miền Nam, Miền Tây thuộc vương quốc Phù Nam, Stiêng, Chu Nại, Lục Chân Lạp, Thuỷ Chân Lạp. Việt Nam thực hiện Cuộc Nam Tiến bắt đầu từ thời Lê Đại Hành mở mang bờ cõi về phía nam. Thời nhà Trần, Vua Trần Nhân Tông gả Công Chúa Huyền Trân cho Vua Chiêm là Chế Mân để đổi lấy 3 châu (Quảng Bình, Quảng Trị, Huế). Thời nhà Hồ tiến vào Quảng Nam, Quảng Ngãi. Thời Trịnh Nguyễn phân tranh, Nguyễn Hoàng vượt biên giới núi Thạch Bi tiến về phía Nam, cho đến năm 1697 đặt phủ Bình Thuận. Năm 1757, tháp nhập Hà Tiên vào Đại Việt, chấm dứt Cuộc Nam Tiến. Việt Nam với bản đồ chữ S đã hình thành. Như thế chỉ dài chừng nửa đầu thế kỷ 18, người Việt đã hoàn thành cuộc bành trướng của dân tộc từ Bình Thuận chiếm trọn Nam kỳ ( theo Lm Aug Nguyễn Văn Trinh, Lịch Sử Giáo Hội Việt Nam, tập I, 1994) Trong bối cảnh lịch sử xã hội đó, Thiên Chúa đã cử các nhà truyền giáo đến để gieo trồng hạt giống đức tin trên quê hương Việt Nam. Lịch sử Giáo hội Việt Nam gắn liền với những thăng trầm của lịch sử dân tộc. Các Họ Đạo phát triển cùng với Cuộc Nam Tiến và các cuộc bách hại. Từ khi vị thừa sai Phanxicô Buzômi có công thiết lập cơ cấu Giáo xứ đầu tiên ở Việt Nam năm 1615 cho tới khi Hàng Giáo Phẩm Việt Nam được thiết lập 1960, thời gian đó kéo dài 300 năm. Hơn 3 thế kỷ phát triển cùng với các cuộc bách hại dưới các thời đại Vua Lê Chúa Trịnh, Tây Sơn, Minh Mạng, Thiệu Trị và Tự Đức. Hạt giống Nước Trời cứ phát triển khi được gieo xuống đất. Chúng ta thấy được hồng ân Thiên Chúa tuôn tràn để sức sống Nước Trời nở rộ trên nước Việt thân yêu. Giữa những bách hại tàn khốc, Giáo hội vẫn lớn mạnh không ngừng. Như một Linh mục Giáo sư đã nói : Giáo hội Công giáo ngoài bốn đặc tính Duy nhất Thánh thiện Công giáo Tông truyền còn có thêm một đặc tính thứ năm, đó là bách hại, càng bị bách hại càng lớn lên. Các bậc Tổ tiên đã gieo trong nước mắt và đau thương nhưng hào hùng và can trường. “Đẹp thay những bước chân gieo mầm cứu rỗi” (Is 52,7) để hôm nay Giáo hội Việt Nam vững mạnh sánh vai cùng các Giáo hội trên hoàn vũ. Nhìn những thành quả hiện tại như những bó lúa nặng hạt, là con cháu các Thánh Tử Đạo, người Công giáo Việt nam không bao giờ quên ơn những Bậc Tiền Bối đã xây đắp nên Giáo hội yêu dấu của mình.

Chúng ta có thể khẳng định : Lịch sử của các Giáo hội cũng là lịch sử những cuộc bách hại. Bắt bớ, bách hại luôn đi liền với những kẻ tin nhận Đức Giêsu Kitô là Chúa. Ngay từ trong Cựu ước, những người tin vào Thiên Chúa Giavê cũng đã phải trải qua những cơn gian nan thử thách vì niềm tin.

Tại sao người tín hữu thường bị bắt bớ và bách hại?

Lịch sử cho thấy người tín hữu bị bắt bớ và bách hại thường vì một trong hai hoặc vì cả hai lý do là : bị người đời hiểu lầm và ghen ghét. Chính Đức Giêsu là một minh hoạ tuyệt vời về sự kiện ấy. Đức Giêsu bị nhà cầm quyền Do thái và Rôma kết án loại trừ, vì họ cho rằng Người là mối nguy hiểm cho địa vị, chức quyền của họ. Thế nhưng, qua cuộc khổ nạn và thập giá mà Đức Giêsu bày tỏ lòng hiếu thảo, vâng phục, yêu mến Chúa Cha và tình thương đối với loài người. Cuộc Khổ nạn là con đường dẫn tới Phục sinh.

 Gian nan thử thách gắn liền với thân phận của Giáo hội. Bách hại là một phần của đời sống Giáo hội.

Đức Giêsu đã tiên báo cho các môn đệ: Người ta sẽ ghét bỏ các con, sẽ bắt bớ và xua đuổi các con ra khỏi nhà hội, sẽ đánh đập và nhốt các con vào ngục tù, và sau cùng họ sẽ giết các con, vì môn đệ không trọng hơn Thầy. Lời tiên báo của Đức Giêsu đã được thực hiện. Trải dài theo dòng thời gian, hàng triệu triệu các tín hữu đã theo dấu chân các Tông đồ, chấp nhận hy sinh mạng sống để làm chứng cho niềm tin vào Đức Kitô. Giáo hội lớn lên trong máu và nước mắt. Ở mọi nơi mọi thời, Giáo hội đều gặp những hiểu lầm và ghen ghét, chịu bắt bớ và bị cấm cách.

Các Thánh Tử Đạo của Giáo hội, 117 Thánh Tử Đạo Việt Nam và hàng ngàn hàng vạn vị Tiền Bối Việt Nam cũng là những người đã chết vì Đạo mà nguyên nhân chính là do hiểu lầm và ghen ghét. Các vị ấy đã kiên cường và anh dũng chứng minh lòng tin của mình đối với Đức Giêsu Kitô, bất chấp gông cùm, tù tội, bá đao hay tùng xẻo, trảm quyết hay lăng trì.

 Vì thế, ngày Lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam chính là dịp để Giáo hội hoàn vũ chiêm ngắm suy tôn 117 Thánh Tử Đạo Việt Nam, các chứng nhân trung kiên của Đức Kitô. Đặc biệt là dịp mà mỗi tín hữu Công Giáo Việt Nam ca tụng Thiên Chúa đã làm những việc vĩ đại trên quê hương mình. Mừng kính trọng thể các Ngài để cùng nhau chiêm ngưỡng, tự hào, học hỏi nơi những chứng nhân đức tin trung kiên, ý chí quật cường của các chiến sĩ Đức Kitô. Từ đó giúp nhau phát huy truyền thống hào hùng bất khuất, dám hy sinh mạng sống cao quý để giữ vững đức tin nơi các thế hệ con cháu Các Thánh Tử Đạo.

Chính trong ánh sáng cùa Đức Kitô, Vị Tử Đạo tiên khởi mà chúng ta có thể nói về Các Thánh Tử Đạo Việt Nam bằng câu Phúc âm : Đầy tớ không lớn hơn chủ(Ga 15,20); Nếu chúng đã bách hại Thầy, chúng sẽ bách hại các con. ..Đây Thầy sai các con như con chiên đi vào giữa sói rừng… Hãy coi chừng người đời, họ sẽ nộp các con nơi toà án. Khi họ bắt bớ, các con đừng lo phải nói thế nào, vì không phải các con, nhưng Thánh Linh của Thầy sẽ nói trong các con… Các con sẽ bị mọi người ghét bỏ vì danh Thầy. Nhưng ai bền đỗ đến cùng người ấy sẽ được cứu độ. (Mt 10,16 -25).

Các Thánh Tử Đạo không tìm đến cái chết mà chỉ tìm nên giống Thầy, giống đời sống của Thầy Giêsu, nhất là giống cử chỉ yêu thương tột cùng đã đưa Thầy đến cái chết. Các Thánh Tử Đạo là những vĩ nhân của nhân loại. Các Ngài đã chết dưới ngọn đao phủ là chết cho Đức Kitô như chính Đức Kitô đã chết cho các Ngài. Các Thánh Tử Đạo hiên ngang vì đã đáng được chịu đau khổ cho Đức Kitô. Các Ngài chẳng màng chi đến việc nhân loại trao tặng huy chương, huân chương, chiến công. Các Ngài chết tử đạo là chết vì Đức Kitô, đơn thuần và tinh khiết, trong sáng và huyền diệu, can trường và khiêm nhu. Các Thánh Tử Đạo có chung một chọn lựa lựa khoát : theo Đức Kitô hay theo vua quan? Theo Đức Kitô là sống trong gông cùm và chết trong đau thương. Theo vua quan là thừa hưởng vinh hoa phú quý nơi trần gian. Các Ngài có chung một quyết định tối hậu là theo Đức Kitô. Giây phút quyết định ấy chỉ có các Ngài với Thiên Chúa, chỉ có linh hồn với cõi phúc vô biên. Giây phút ấy không bị ảnh hưởng bởi gia đình, tổ quốc, nhân sinh. Người chết trong máu tử đạo đã coi nhẹ nghĩa phu thê, đã xem thường đường phụ tử. Họ khao khát một tình yêu vô biên mỹ lệ như giải ngân hà sao sa vời vợi, như vầng nhật nguyệt huy hoàng khôn tả. Các Ngài đã hoan hỉ chấp nhận chết để được sống một cuộc đời mà không mỹ từ nào diễn tả nổi, không bút hoạ nào vẽ thành và không hùng biện nào tuyên dương cho trọn. Người chết trong gông cùm mòn mỏi đã đặt tổ quốc đàng sau những giá trị vĩnh cửu. Ước vọng của họ không phải là được người đời tưởng niệm, được hậu thế tôn phong. Họ chết là vì đức tin thúc đẩy. Họ chỉ muốn thực hiện điều đã từng nghe biết : “Ai tuyên xưng danh Ta trước mặt trần gian, Ta sẽ tuyên danh nó trước mặt Cha Ta trên trời” (Mt 10,32). (x.Thiên Hùng Sử trang 4).

Chân dung Các Thánh Tử Đạo Việt Nam được tô điểm bằng muôn ngàn vạn nét. Nhưng nét đẹp nhất trong chân dung các Ngài là Niềm Tin Phục Sinh. Trong nhà tù vẫn cầu nguyện và hát thánh ca, thánh vịnh. Ra pháp trường vẫn cầu nguyện và hát khúc khải hoàn Alleluia, luôn hướng về trời cao với niềm Hy Vọng Phục Sinh và cất cao hát mãi cho đến khi đầu rơi khỏi cổ.

 Cái chết chẳng có giá trị gì, chính sự sống mới làm nên muôn điều huyền diệu. Sự sống đó chính là tình yêu với tất cả những gì cao thượng và chân thật. Tình yêu đó bừng lên mãnh liệt trong mầu nhiệm tự huỷ và hiến dâng. Chết là mất tất cả, nhưng 117 hiến tế tình yêu cũng là 117 chứng từ niềm tin của những con người xác tín rằng: chết vì Đức Kitô, chết đi là sống lại trong cuộc sống muôn đời; chết là chiến thắng; chết là để đi về sự sống vĩnh cửu; chết là cánh cửa im lìm được mở ra để về với Đấng là Sự Sống vĩnh hằng.

Bài học của các vị tử đạo không phải là khơi lên máu nóng tìm đến cái chết, mà chính là sống hiến thân từng giây từng phút của đời mình cho Thiên Chúa và tha nhân. Sự sống đó luôn kêu mời chúng ta : mỗi ngày chết đi những yếu đuối tầm thường, để can đảm làm chứng và đấu tranh cho Chân lý. Sự sống đó hứa hẹn với chúng ta một ngày sau rạng rỡ, ngày đoàn tụ với cha anh chúng ta trên cõi bất diệt.( x. Thiên Hùng Sử, trang 495).

 Niềm Tin Phục Sinh mãi mãi là ánh sáng soi dẫn từng suy nghĩ từng lời nói từng việc làm của người tín hữu trong cuộc sống hàng ngày.

Lm. Giuse Nguyễn Hữu An

Hướng lên trời cao

Khi bước vào nhà thờ, ta thường không chỉ nhìn thẳng lên phía trước cung thánh bàn thờ, nhưng còn ngước mắt lên trần nhà nữa.

Mỗi thánh đường có kiểu trang trí trình bày trần nhà theo nghệ thuật khác nhau. Trên trần những nhà thờ cổ ngày xưa, như đền thờ Thánh Phero, nhà nguyện Sixtina, nhà thờ Đức Bà cả ở Rôma … có những hình vẽ hay chạm khắc theo gợi hứng lấy từ Kinh Thánh rất nghệ thuật sống động, cùng tỏa ra vẻ đẹp huyền bí lộng lẫy.

Cũng ở Roma có một ngôi thánh thường rất cổ kính, trần nhà được trang trí xây dựng khác thường: khi nhìn lên trần nhà, ta nhìn thấy không trung nền trời ngay. Trên trần nhà có một lỗ hổng. Người ta có thể, qua lỗ hổng đó nhìn thấy mây bay trên nền trời, và khi trời mưa, nước mưa cũng rơi cả xuống nền nhà thờ.

Nhà thờ đó không có cửa sổ chung quanh. Nên ánh sáng mặt trời ban ngày chiếu sáng cả nhà thờ thông qua lỗ hổng đó. Ngoài ra nhà thờ chỉ được chiếu sáng bằng ánh cây nến và ánh sáng đèn điện thôi.

Ngôi nhà thờ cổ kính này, ngày xưa người Rôma xây dựng để thờ kính các Thần Thánh có tên gọi là đền thờ Pantheon. Lỗ hổng hình tròn trên trần đền thờ hướng lên trời cao muốn vẽ ra hình ảnh vòm trời trong ý nghĩa nói về sự hài hòa trong vũ trụ. Nơi đó là trung tâm điểm thu nhận ánh sáng mặt trời. Và qua lỗ hổng vòm trời đó ánh sáng mặt trời chiếu dọi tỏa vào trong đền thờ.

Sau này khi đức tin đạo Công giáo lan truyền ăn rễ sâu vào đời sống trong thành Roma, đền thờ Pantheon này đã được „rửa tội“ trở thành ngôi thánh đường dâng kính Đức Mẹ Maria và các Thánh, nhưng cũng vẫn giữ nguyên cấu trúc cùng ý tưởng, như các kỹ sư lúc khởi đầu xây dựng, nói về sự hài hòa trong vũ trụ.

Ý nghĩ về ánh sáng chiếu tỏa còn được mở rộng thêm theo nguồn Kinh Thánh, như lời Chúa Giêsu đã nói: „Thầy là ánh sáng trần gian“ ( Gioan 8,12).

Chúa Giêsu là con Thiên Chúa, Đấng là ánh sáng trần gian, là trung tâm cho toàn thể thế giới. Đức Mẹ Maria và các Thánh, qua đời sống nhân đức thánh thiện tốt lành, chỉ phản chiếu lại ánh sáng của Thiên Chúa. Họ ca ngợi chúc tụng quyền năng của Thiên Chúa và cầu nguyện cùng Người, cùng chung hợp với các Thiên Thần ở trên trời cao.

Khi bước vào ngôi đền thờ Pantheon này, con người cảm thấy mình là một phần, một tạo vật trong công trình sáng tạo vũ trụ của Thiên Chúa. Và mỗi người cũng được mời gọi cùng ca tụng quyền năng của Thiên Chúa, như Đức Mẹ Maria và các Thánh bây giờ ở trên trời hằng làm.

Không chỉ ngôi đền thờ „ Pantheon“ ở Roma với lối kiến trúc mở vòm hướng lên trời cao mới nói lên ý nghĩa sự hài hòa của vũ trụ, nhưng ý nghĩa đó còn ở khắp mọi ngôi thánh đường khác. Cho dù trần nhà thờ xây kín, được vẽ hay chạm hình Đức Mẹ, các Thiên Thần, các Tiên Tri hay các Thánh đi chăng nữa.

Hơn thế nữa, chính chúng ta cũng là tạo vật trong công trình sáng tạo vũ trụ của Thiên Chúa . Người tín hữu Chúa Giêsu Kitô qua làn nước Bí tích rửa tội là thành phần trong Giáo Hội Chúa Giêsu Kitô trên trần gian, và chính Giáo Hội đó cũng là một phần của trời cao.

Nên mỗi khi cử hành lễ nghi phụng vụ kính thờ Thiên Chúa trong thánh đường, ta cảm nhận ra được một phần nhỏ trời cao đang ở giữa ta, đang khi cùng với mọi người tín hữu Chúa Giêsu, cùng với các Thiên Thần, với các Thánh đọc kinh hát mừng chúc tụng Thiên Chúa.

Lễ các Thánh 01.11.2007

Lm. Nguyễn ngọc Long

Mục lục

 

 

AI NHÌN LÊN CHÚA SẼ VUI TƯƠI HỚN HỞ

Trong một buổi thảo luận, có người hỏi tiến sĩ Parker :

“Thiên Chúa đã làm gì khi Stêphanô bị ném đá chết?”

Tiến sĩ Parker bối rối giây lát, ông thầm thì cầu nguyện, và với ơn soi sáng của Thánh linh ông đã nói : “Tôi tin rằng Chúa Toàn năng đã làm cho Stêphanô nói điều vượt quá sức con người, Ngài không hề sai một thiên thần nào đến giải thoát ông trong giây phút đau đớn, nhưng đã ban cho ông có thể nói được câu này : ‘Lạy Chúa, xin đừng chấp tội họ”.

Đức Kitô đã chiến thắng sự chết, và đã trở nên Đấng Cứu độ của mọi người vì bất cứ ai tin vào Đức Kitô cũng sẽ chiến thắng cái chết.

Chiến thắng ở đây không có nghĩa là họ không còn phải chết nữa, nhưng sự chết chẳng những không còn đe doạ được họ, mà lại trở nên ngôi sao mai báo trước một ngày tươi sáng, trở thành một bông hoa thắm nở tình yêu làm cho một chút bụi tro của kiếp người rực sáng lên vẻ đẹp thiên cung.

Đúng thế, hạnh phúc Nước Trời là gì nếu không phải là sự nở rộ của hoa yêu thương? Ngay từ đời này, ai cũng có thể tìm thấy một người cha vui vẻ chịu đựng mọi thua thiệt, miễn là thấy con mình được sống hạnh phúc; ngược lại, không gì làm khổ tâm một lòng mẹ hơn khi biết con mình đang đau nặng mà lại không thể ở bên để chăm sóc.

Người ta có thể thấy rõ điều ấy khi nhớ đến những gì Đavít đã dành cho Ápsalôm, người con chống lại ông, khi nghe tin con chết trận : “vua Đavít run rẩy, đi lên lầu trên cửa thành và khóc. Vua vừa đi vừa nói : ‘Ápsalôm con ơi, con ơi, Ápsalôm con ơi! Phải chi cha chết thay con! Ápsalôm con ơi, con ơi!” (2Sm 19,1).

Nếu Ápsalôm thấy được tình yêu mà vua cha đã dành cho anh thì dù có phải chết ngàn lần anh vẫn thấy chưa đủ để đáp lại tình cha.

Muôn ngàn lần cao đẹp hơn tình yêu Đavít dành cho con là tình yêu Chúa dành cho ta, những người con phản bội : Dù là Thiên Chúa, Chúa không hề vui chút nào khi thấy một tội nhân bị phạt như nó đáng phải chịu, con đường Chúa chọn là chịu chết thay cho tội nhân :  “Đức Giêsu đã phải nếm sự chết, là để cho mọi người được cứu độ” (Dt 2,9).

Dù có phải chết, nhưng là chết vì yêu nên giữa mọi gian truân, khốn cực, trái tim Đức Kitô vẫn sáng lên niềm vui và sự bình an : Ngài đã thốt lên lời kêu cứu nói giữa nỗi đau khổ cùng cực nhưng liền sau đó là lời hát đến từ niềm tin : “Phần con đây, thật khốn cùng đau khổ, lạy Chúa Trời, xin cứu vớt đỡ nâng. Tôi sẽ hát bài ca chúc mừng Danh Thánh, sẽ dâng lời cảm tạ tán dương Người” (Tv 69,30-31).

Không có gì đẹp và mạnh hơn là chết vì yêu!

Thánh giá của Đức Kitô toát lên vẻ đẹp và sức mạnh có sức thu hút mọi người của Đấng đã chết vì yêu, như một lời thánh ca : “Không có tình yêu nào trọng đại cho bằng chết vì yêu. Nhìn Chúa đẫm máu trên đồi cao, từng đoàn người anh dũng tiến lên pháp trường”.

Các thánh tử đạo có được sự bình an đến từ niềm tin nơi hạnh phúc đời sau : “Thà chết vì tay người đời đang khi dựa vào lời Thiên Chúa hứa mà hy vọng sẽ được Người cho sống lại” (2Mcb 7,14).

Sự bình an đó không ai là người chỉ tìm nơi hạnh phúc chóng qua của đời này có thể thấy được : “nếu tôi nhìn nấm mồ mà nói: ‘Đây là cha tôi!’ và nhìn giòi bọ: ‘Đây là mẹ, đây là chị tôi!’, thì hy vọng của tôi ở chỗ nào, hạnh phúc của tôi, ai là người nhìn thấy?” (G 17,14-15).

Hơn cả sự bình an, thánh Phaolô còn thấy được trong mọi thử thách cái diễm phúc có dịp đền đáp tình yêu Chúa : “Quả thế, nhờ Đức Ki-tô, anh em đã được phúc chẳng những là tin vào Người, mà còn được chịu đau khổ vì Người” (Pl 1,29). Dù khổ vẫn vui khi biết mình chết để đáp lại tình yêu của Đấng đã chết vì yêu mình!

Ngày 09 tháng 12 năm 1858, Nữ Tu viện Đức Mẹ Vô nhiễm nguyên tội, Dòng Mến Thánh giá Cái mơn, bị chiếm đóng. Các nữ tu chạy trốn, nhưng còn bà bề trên Matta Lành và một nữ tu tên là Isave Ngọ không chạy kịp chị em nên bị binh lính bắt trói và dẫn lên thị trấn Vĩnh long cùng một số viên chức, sau khi vơ vét sạch nhà dòng.

Quan trấn đã lầm khi tưởng rằng sẽ dễ dàng thắng được hai người phụ nữ yếu đuối. Bà Matta bị nhiều trận đòn, chịu đến gần 200 roi mây đầu bịt sắt, hai lần tưởng chết, mà vẫn không chịu chối đạo; chị Isave Ngọ thì phải chịu một trận đòn dã man đến độ lính tưởng là chị đã chết nên báo cho quan trấn biết. Quan ra lệnh kéo chị qua thập giá. Không ngờ khi vừa nghe thế, chị liền nhổm dậy, gắng sức lê mình đến thập giá, kính cẩn hôn thập giá và hô to : “Vạn tuế Đức Giêsu, vạn tuế Thánh giá!” Quan trấn xấu hổ thẹn thùng còn mọi người đều có chút thắc mắc xen lẫn cảm phục trước cái sức mạnh của Đức Kitô.

Giáo phụ Tertulianô đã nói : “Máu các thánh tử đạo là hạt giống nẩy sinh các Kitô hữu”. Ngay cả lương dân cũng có thể đọc thấy được niềm vui và sự bình an đi theo niềm tin của các vị tử đạo, và thấy mình bị thu hút bởi sức mạnh bởi trời nơi những ai vững vàng với niềm tin giữa trăm ngàn thử thách : “Ai nhìn lên Chúa sẽ vui tươi hớn hở”.

“Nay muôn vàn cay đắng đã hoá nên an bình” (Is 38,17) Sức mạnh và chiến thắng của tình yêu là thế đấy!

Lm. HK

Mục lục

 

CHUẨN BỊ CÁI CHẾT

Vào hồi đầu tháng Mười Một 2007, các tỉnh cao nguyên Trung Phần VN đã bị lụt nặng nề, số người chết lên đến 66 người và 10 người mất tích, gần 90,000 người phải đi lánh nạn.

Vào cuối tháng Mười 2007, trận cháy rừng ở tiểu bang California kéo dài trong hai tuần lễ đã thiêu hủy trên 2,000 căn nhà kéo dài từ phía bắc Los Angeles cho đến phía nam San Diego. Tổng số thiệt hại được ước lượng khoảng $1.6 tỉ đô la.

Vào đầu tháng Mười Một 2007, mưa lớn đã gây ra lụt lội ở Mễ Tây Cơ trong hai tiểu bang Chiapas và phía bắc tiểu bang Tabasco. Khoảng nửa triệu người phải chứng kiến căn nhà của mình bị thiệt hại hay tiêu hủy. Một ngôi làng trong vùng San Juan Grijalva bị chôn vùi sau lớp bùn vì mưa lớn và đất lở.

Những biến cố vừa kể dường như nhắc nhở chúng ta về lời tiên đoán của Chúa Giêsu trong bài phúc âm chúa nhật hôm nay (Lc 21:5-19), là chúa nhật thường niên sau cùng, chuẩn bị kết thúc niên lịch phụng vụ năm C.

Khi sắp sửa chấm dứt niên lịch phụng vụ, Giáo Hội cũng sắp xếp các bài đọc trong vài chúa nhật tuần trước để nhắc nhở chúng ta về sự kết thúc sự sống đời này—có thể là cái chết riêng từng người, hay cái chết chung của toàn thể vũ trụ, đó là ngày tận thế.

Nói về sự chết, có lẽ không ai trong chúng ta muốn nghĩ đến cái chết của chính mình, dù chúng ta đã được chứng kiến những cái chết của người thân yêu, của bạn hữu, hay được nhìn thấy trên truyền hình những hình ảnh thê lương đau khổ của nạn nhân chiến tranh hay thiên tai. Thực tế thì không ai thoát được cái chết, dù muốn hay không, và cái chết đến rất bất ngờ. Câu hỏi được đặt ra là giả như chúng ta biết trước được cái chết sẽ xảy ra cho chúng ta vào tuần tới hay tháng tới thì chúng ta sẽ chuẩn bị những gì?

Điều đầu tiên là chúng ta chuẩn bị mất tất cả những gì thuộc đời này: của cải, sự nghiệp, gia đình thân yêu. Đó là lời cảnh báo của Chúa Giêsu trong phần đầu bài phúc âm hôm nay khi dân chúng trầm trồ sự giầu sang của đền thờ mà vua Hêrốt đã xây, Chúa nói: "Những gì các ngươi đang chiêm ngưỡng đó sẽ có ngày bị tàn phá hết, không còn tảng đá nào trên tảng đá nào". Và lời tiên đoán của Chúa Giêsu đã thành sự thật. Vào khoảng năm 70, đền thờ Giêrusalem bị tiêu hủy hoàn toàn.

Chuẩn bị thứ hai là chuẩn bị đức tin vì Chúa Giêsu đã cảnh cáo: "Các ngươi hãy coi chừng kẻo bị lừa gạt, vì sẽ có nhiều người mạo danh Ta đến nói rằng: 'Chính ta đây', và 'thời giờ đã đến'. Các ngươi đừng có theo họ!"

Nói về những người mạo danh Chúa Kitô thì ngày nay cũng không thiếu. Trong danh sách những người tự xưng là Mêsia có Mục Sư Đại Hàn Sun Myung Moon, ông sáng lập giáo phái Unification Church trong thập niên 1940. Ông ta hiện vẫn còn sống và tự xưng là "Đức Kitô Tái Thế". Số tín đồ theo ông được ước lượng từ 250,000 đến 3 triệu người rải rắc trên 50 quốc gia, phần lớn ở Đại Hàn và Nhật.

Ngay ở Texas, có lẽ chúng ta còn nhớ ông David Koresch, người tự xưng là Mêsia và đã thu hút được nhiều người theo ông ta thành lập một trung tâm sinh hoạt ở Waco, Texas. Vào tháng Hai năm 1993, qua một số cáo buộc về tội đa thê cũng như hãm hiếp thiếu nữ vị thành niên, Cục Kiểm Soát Rượu, Thuốc Lá và Vũ Khí của chính phủ Hoa Kỳ đã bao vây trung tâm kêu gọi ông ra trình diện nhưng ông đã kháng cự. Sau 51 ngày vây hãm và cuộc chạm súng sau cùng đã gây thiệt mạng 76 người, kể cả giáo chủ David Koresch (theo www.wikipedia.com).

Trong một thế giới tự do và dồi dào phương tiện truyền thông, làm thế nào để chúng ta khỏi bị lừa gạt về đức tin như Chúa Giêsu đã cảnh cáo?

Câu trả lời được thấy ngay là hãy tìm hiểu Kinh Thánh. Vào đầu tháng Mười Một, trong cuộc tiếp kiến với khoảng 40,000 người ở quảng trường Thánh Phêrô, ĐGH Bênêđíctô nói rằng Kinh Thánh không chỉ là văn bản trong quá khứ, nhưng là lời Chúa chứa đựng ở trong đó để nói riêng với mỗi một người tín hữu Kitô.

Sau đó, ngài nói thêm "Chúng ta cũng phải nhớ rằng lời Chúa ban cho chúng ta để xây dựng sự hiệp thông, để kết hợp chúng ta trong chân lý trên con đường tiến đến Thiên Chúa… Bởi đó, chúng ta phải đọc Kinh Thánh trong sự hiệp thông với Giáo Hội sống động" (theo Zenit ZE07110711). Nói cách khác, nếu chúng ta không muốn bị lừa gạt, không muốn chạy theo các tiên tri giả thì chúng ta phải tìm hiểu Kinh Thánh khiêm tốn chấp nhận sự dẫn giải của Giáo Hội.

Mục Sư Moon, ông David Koresch cũng như nhiều giáo chủ khác đều đọc Kinh Thánh nhưng họ dẫn giải theo ý riêng. Những người theo ông David Koresch tin rằng ông sẽ "trở về trái đất" vào tháng Tám năm 2000, nhưng rồi không thấy đâu và họ lại cho rằng ngày "tái giáng lâm" của David Koresch sẽ là tháng Ba 2012. Còn giáo chủ Moon như thế nào, có thật là "Đức Kitô Tái Thế" hay không thì thời gian là câu trả lời tốt nhất cho mọi người. Riêng với người Công Giáo, chúng ta đã có Ủy Ban Kinh Thánh của Bộ Giáo Lý Đức Tin thì chúng ta không cần phải tìm câu trả lời ở đâu xa, không cần phải chạy theo những tin tức giật gân nói rằng Chúa hay Mẹ hiện ra ở đâu đó. Chúng ta chỉ cần theo dõi tin tức, giáo huấn của Tòa Thánh Vatican. Điều quan trọng và khó khăn là chúng ta phải thực sự tin tưởng vào Giáo Hội và vâng lời Giáo Hội. Tôi cho rằng sự tin tưởng và vâng lời Giáo Hội là điều khó khăn vì thực tế đời sống cho thấy có nhiều người mang danh là Công Giáo nhưng thích theo ý riêng của mình để cổ võ cho những sự kiện được gọi là "hiện ra" của Đức Mẹ đây đó mà Tòa Thánh không công nhận hay chưa công nhận. Ngay trong hàng giáo sĩ Công Giáo cũng có người giải thích mệnh lệnh Fatima theo ý riêng của mình, và họ cho rằng Toà Thánh chưa thực hiện lời Đức Mẹ dậy để họ khích động giáo dân lên tiếng đòi hỏi, nhất là những người sùng mộ Đức Mẹ. Hành động này chỉ đưa đến sự chia rẽ chứ không phải sự hợp nhất trong Giáo Hội.

Khi tin tưởng và vâng lời Giáo Hội Công Giáo, là một tổ chức có đặc điểm là tông truyền, thì chúng ta sẽ không bị lầm lạc đức tin.

Chuẩn bị thứ ba là chúng ta sẽ bị bắt bớ, tù đầy, bách hại khi theo Chúa Kitô. Sự tiên đoán này thật đúng trong các quốc gia không chấp nhận tự do tôn giáo ngày nay như ở Trung Cộng, Pakistan, Bangladesh, Ấn Độ, Ai Cập, Saudi Arabia, Việt Nam, v.v. Trong các quốc gia này vẫn còn các tín hữu tử vì đạo. Tổ chức Christian Solidarity International ước lượng khoảng 160,000 tín hữu Kitô bị tử đạo hàng năm, và trong các quốc gia nói trên, có khoảng 200 triệu tín hữu Kitô luôn sống trong sự lo sợ bị bách hại. Còn ở những nước tây phương thì sao? Có phải người tín hữu Kitô được ung dung thoải mái giữ đạo hay không?

Ông Michael Horowitz, một tín đồ Do Thái Giáo nổi tiếng và là thành viên kỳ cựu của Viện Hudson, viết rằng người tín hữu Kitô "ngày càng trở nên người Do Thái của thế kỷ 21", vì ông nhìn thấy một khuôn khổ loại trừ Kitô Hữu đang hình thành ngày nay giống như người Do Thái bị loại trừ ngày xưa, nhất là trong giới truyền thông. Sau đây là một vài thí dụ:

Trong các quốc gia văn minh, chúng ta không bị cầm tù bách hại vì đức tin, nhưng cũng không dễ sống đức tin một khi nhà cầm quyền ban hành các đạo luật trái ngược với luân lý Kitô Giáo. Thí dụ, chính phủ ra lệnh mọi tiệm thuốc tây phải bán thuốc phá thai thì một dược sĩ Công Giáo sẽ gặp khó khăn khi hành nghề. Một là họ đi ngược với lương tâm Công Giáo để bán thuốc phá thai cho khách hàng, hai là họ sẽ bị sa thải nếu từ chối không bán thuốc đó. Hoặc luật lệ quốc gia buộc phải đưa vấn đề đồng tính luyến ái vào học trình của các trường học thì những trường Công Giáo sẽ gặp khó khăn khi giảng dậy về hôn nhân.

Một vài thí dụ trên cho thấy nhận xét của ông Michael Horowitz là sự thật, người tín hữu Kitô đang bị loại trừ khỏi sinh hoạt xã hội. Nhiều cơ sở thương mãi trong mùa Giáng Sinh không còn dùng chữ "Christmas" nữa, thay vào đó họ dùng chữ "Holiday" hay chữ nào khác.

Chúng ta phải làm gì? Thái độ đầu tiên là chúng ta không thể thụ động, ngồi chờ người khác làm giùm cho mình mà phải tích cực phản đối, tích cực vận động các nghị sĩ dân biểu, hoặc ít nhất chúng ta phải đóng góp tài chánh cho những tổ chức Kitô Giáo tranh đấu cho quyền lợi của chúng ta. Tuy nhiên, tất cả những công việc này đều dễ dàng, vì nói cho cùng, thái độ bài trừ Kitô Giáo hiện nay chưa thực sự làm chúng ta đau khổ. Cho đến một ngày nào đó, khi chúng ta bị bắt bớ, bị giam cầm thì lúc bấy giờ, điều Chúa Giêsu nói trong bài phúc âm hôm nay là một thách đố ghê gớm cho chúng ta. Chúa nói, khi bị bắt bớ, bị ngược đãi "đó là cơ hội để các con làm chứng cho Thầy". Chúa đòi hỏi chúng ta phải sống đức tin. Chúa muốn chúng ta chứng tỏ đức tin của mình bằng lối sống can đảm, và hãy coi đó là một cơ hội hơn là một bất hạnh.

Chúng ta tin rằng Chúa Giêsu là Đường và là Sự Thật thì những gì Chúa đã tiên đoán sẽ xảy ra. Và câu sau cùng của bài Phúc Âm hôm nay là điều chúng ta phải suy nghĩ, "Có kiên trì, các con mới giữ được mạng sống của mình."

Xin Thiên Chúa giúp chúng ta đừng coi thường vấn đề đức tin để mọi người chúng ta sẽ chuẩn bị cái chết ngay tự bây giờ.

Pt Giuse Trần Văn Nhật

Trích Nguoitinhuu.com

 

CÂU CHUYỆN SUY TƯ

 

MÓN QUÀ

Tôi bước vào nghề giáo đã gần 20 năm. Ngần ấy thời gian đã cho tôi thêm trưởng thành và thêm kinh nghiệm trên bục giảng. Cũng ngần ấy thời gian, mái tóc cha tôi bắt đầu chớm bạc lại càng bạc thêm. Cha về hưu mà không nguôi tiếc nuối chiếc bục giảng đã từng ngày gắn bó. Tôi biết cha buồn, rất buồn !

Buổi chiều nay, không khí mát mẻ, gió hiu hiu ngát mùi hương của lúa non mới trổ thật dễ chịu. Tan trường về, tôi chưa muốn về nhà vội, tạt qua khu chợ thị trấn, tôi định vào tiệm vải mua một xấp hàng may áo. Bất chợt, tôi thấy thấp thoáng phía trước, ngay trong cửa tiệm, cái dáng thẳng thẳng, khoan thai, đầu ngẩng cao quen thuộc. Ôi, cha tôi đây mà !

Tôi dừng lại, nép ở góc chợ đưa mắt nhìn. Thì ra cha tôi cũng đi mua vải. Cha nói gì đó với cô bán hàng và trao một mảnh giấy nhỏ. Cô ta cẩn thận đặt mảnh giấy vào xấp vải, gói lại bằng giấy hoa có buộc nơ ruy-băng rất đẹp, rồi mới trao cho cha tôi. Tôi thắc mắc, lạ nhỉ, cha tôi đang dự định làm gì vậy ? Tôi cứ tần ngần suy nghĩ mãi, đến khi bóng cha tôi vụt qua, tôi mới xực tỉnh trở về với thực tại. Ngập ngừng bước vào cửa tiệm, tôi chọn mua một xấp vải ka-tê Mỹ trắng tinh, gói cẩn thận, ghi địa chỉ rồi đem ra bưu điện nhờ gửi đi...

Lễ Nhà Giáo 20 tháng 11 năm nay trường tôi tổ chức khá long trọng, học trò tặng hoa và chúc mừng thầy cô. Tôi ngây ngất với niềm hạnh phúc, và rồi tôi đã khóc trên những đóa hoa học trò cài lên chiếc áo dài tuy cũ nhưng vẫn còn rất đẹp của mình. Tôi nghe như lòng tự nhủ: Nghề giáo là một nghề cao quý trong tất cả các nghề cao quý !”

Buổi trưa, về đến nhà, mẹ tôi chạy vội ra đón, mắt ánh lên tia hạnh phúc làm rạng rỡ cả khuôn mặt đã già nua vì nhọc nhằn. Trên tay mẹ là 2 gói quà vẫn còn thắm màu mực của con dấu bưu điện. Bên ngoài gói quà có hàng chữ ghi trên một trang giấy nhỏ: Kính tặng thầy Trần Văn Diệp... Mẹ bảo: “Cha con về hưu rồi mà học trò cũ vẫn còn nhớ, thật là quý !” Tôi cảm động đến trào nước mắt khi nhận ra 1 trong 2 gói quà đúng là cái mà cha tôi đã mua hôm nọ. Bên trong là một xấp vải trắng. Cha tôi bảo mẹ: “Em may nó đi, loại vải rũ này dành cho phụ nữ hợp hơn !”

Rồi cha trang trọng mở gói quà thứ hai: “A, vải ka-tê Mỹ màu trắng ! Cha thích lâu lắm rồi nhưng đắt quá, chưa hề dám mơ tới !” Cha trầm tư suy nghĩ, cố lục lọi trong tiềm thức một kỷ niệm nào đó. Quay sang tôi, cha hỏi khe khẽ như hỏi chính mình: “Nguyễn Thị Loan, Loan nào nhỉ ? Sao cô bé học trò này cha không nhớ nổi là ai ?”

Một lần nữa, nước mắt tôi lại ứa nhòe. Phải, cha làm sao mà nhớ được. Làm gì có học trò nào tên Loan ? Chỉ có con gái Ngọc Hồng của cha thôi ! Tôi lặng lẽ ra sau nhà rửa mặt, lòng tràn ngập tình yêu thương đằm thắm. Tôi chợt nhận ra, tôi với cha có một sự đồng cảm thật sâu xa: đó là hãy làm tất cả mọi điều tốt đẹp cho người thân yêu của mình được vui ! Ngày 20 tháng 11 năm nay đối với tôi có ý nghĩa biết bao !

TRẦN THỊ NGỌC HỒNG, báo PHỤ NỮ CHỦ NHẬT, 22.11.1998

Mục lục

 

TÌNH YÊU – HÔN NHÂN – GIA ĐÌNH

 

ÂM DƯƠNG

 

Ở quê tôi, vào những ngày đầu mùa mua, trời rất nhiều sấm sét. Tính tôi hay giật mình, cho nên, tôi rất sợ hãi, mỗi khi nghe sấm và nhất là sét nổ.

Tôi hỏi : Sét là gì ? Thưa là sự va chạm nhau giữa khhí âm và khí duơng. Hoá ra, trong vũ trụ có hai thứ khí âm dương.

Nhà tôi có một gàn dưa tây. Mỗi sáng, sau thánh lễ, tôi thường ra đó, để làm một công việc rất thú vị, mà vui vui, tôi gọi là công việc của ông tơ bà nguyệt. Ấy là lấy miếng bôn gòn, chấm lên phấn của nhuỵ đực, bôi lên phần nhuỵ cái. Nhờ thế, giàn dưa tây, vô cùng sai trái. Tôi khám phá thấy, thực vật cũng có âm dương.

Rồi cao hơn nữa, ở thế giới động vật. Tôi thấy là những con vật nhỏ bé như con ruồi, con muỗi đến những con lớn hơn heo, gà, cọp, beo …Tất cả cũng có âm duơng ,có con đực, con cái. Chúng vẫn thường đi cặp với nhau. Có rất nhiều loại, thuỷ chung với nhau đén hết đời.

Rồi tới sinh vật thượng đẳng là âòi người chúng ta, cũng nằm trong qui luật của muôn đời ấy. Có nam, có nữ, có đàn ông, có đàn bà.

Nhưng nếu chỉ xuôi theo suy nghĩ tự nhiên, rồi sống theo bản năng sinh vật : là thấy mình đã đến tuổi dậy thì, nam nữ thấy nhau, mê nhau, rồi theo đuổi lẫn nhau, rồi về chúng sống với nhau, làm như thế, là tự hạ thấp cái nhân phẩm con người. Tự đồng hoá mình với các động vật khác.

Ta nhớ, Thiên Chúa dựng nên các sinh vật, trong vũ trụ, chỉ bằng một lời nói : " Hãy có…" là liền có mọi sự. Nhưng khi dựng nên con người, Thiên Chúa đã phải trải qua ba giai đoạn :

* Giai đoạn 1 : lao động bằng trí óc : " Ta hãy dựng nên con người, giống hình ảnh Ta". Điều ấy có nghĩa, là Thiên Chúa đã phải suy nghĩ nhiều trước khi dựng nên con người. Dựng nên con người, nhưng theo mẫu nào đây ? À, hay quá. Theo mẫu của chính ta : giống hình ảnh ta .

* Giai đoạn 2 : lao dộng bằng chân tay :

Thánh Kinh viết : " Rồi Thiên Chúa lấy bui đất, để dựng nên con người". Chính Thiên Chúa dã tham dự trực tiếp, trong việc hình thành của con người.

* Giai đoạn 3 : Thiên Chúa chuyển giao sự sống,

Thánh Kinh viết : ' Rồi Thiên Chúa thổi hơi vào lỗ mũi, và thế là có con người". Một sự quan tâm đặc biệt ; một sự can thiệp gần gũi. Thiên Chúa trao ban cho con người, chính sự sống của Ngài.

Sự tạo dựng một cách vô cùng đặc biệt, mà Thiên Chúa dành cho con người, điều ấy muốn nói lên rằng con người hãy nhớ, mình có một nhân phẩm vô cùng cao quí.

Bởi vậy, chuyện hôn nhân của con người, pahỉ mang một ý nghĩa cao cả hơn tiếng gọi ái tình theo bản năng các sinh vật trên thế giới.

Do đó, khi bước vào hôn nhân, chúng ta phải nhìn thấy hai ý nghĩa cao cả này của đời hôn nhân, theo ý muốn của Thiên Chúa.

 

Hôn nhân là một bí tích.

Hai người lấy nhau, không phải là hai con người lấy nhau, mà là hai người con Thiên Chúa kết hôn với nhau. Trong tiệc cưới ở Cana, ta thấy, có đông đủ các tông đồ, có Đức Mẹ, và có cả Chúa Giêsu và toàn thể Giáo Hội đã có mặt, để chúc phúc và ban ơn cho đôi tân hôn ấy. Ngài đã chứng kiến, chấp nhận cho tình yêu hai người.

Lấy nhau là vì tình yêu, một tình yêu trong suốt, chứ không phải vì lý do sắc dục. Như Tôbia, đã cầu nguyện với Chúa : " Lạy Chúa, con cưới lấy cô em đây, không phải vì lý do sắc dục, mà vì dòng dõi những kẻ kính sợ Thiên Chúa".

Hai người lấy nhau, là bí tích, bởi vì, trong việc sỏ nhẫn, mà hai ngưòi vừa làm, và lời thề hứa mà hai người vừa nói lên bằng cả trái tim, là dấu hiệu bên ngoài, nhưng bên trong truớc mặt Thiên Chúa, Thiên Chúa đã chấp nhận lời thề hứa ấy, và đã nối kết hai người trở thành một. Và đổ đầy tràn hồng ân của Ngài xuống cho mối tình mới này.

Hôn nhân là một ơn gọi

Tất cả mọi con người, khi đến trần gian, đều có một ơn gọi đặc biệt, là trở nên " thánh". Nhưng thực tế cho thấy, mỗi người có một phận đời khác nhau. Và vì thế, việc nên thánh trong mỗi phận đời cũng khác nhau.

Có người sống trong phận đòi đi tu, dâng hiến, đấy là ơn gọi trong bậc hiến dâng.

Có người sống trong phạn đời độc thân, một mình.

Đa số, sống trong phận đời hôn nhân. Và như thế, hôn nhân cũng là ơn gọi, của đời vợ chồng.

Đó là một ơn gọi ; và hai ngưòi bước vào đời hôn nhân, để giúp nau nên thánh. Thánh hoá bản thân và thánh hoá lẫn nhau. Cố gắng để làm cho gia đình, thành một gia đình thánh. Và gia đình của họ, phải là một mih hạo, cho tình yêu cao đẹp và nhiệm mầu của tình yêu giữa Chúa Kitô và Hội Thánh.

Nói một cách khác, bước vào đời sống lứa đôi, là hai người được Thiên Chúa trao cho một nhiệm vụ chung vô cùng cao cả, là thay mặt Chúa, và giống nhaư Chúa, là kiến tạo một thế giới mới, một thiên đàng mới. Nếu trong vũ trụ, Thiên Chúa đã dùng âm dương là hai yếu tố để cấu tạo một thế giới. Thì trong gia đình mới, Chúa cũng trao ban âm dương và tình yêu, để đôi vợ chồng bắt đầu xây dựng một thế giới mới, một thế giới nồng nàn tình yêu, và chứa chan hạnh phúc.

Lm. Đaminh Đỗ Văn Thiêm

Mục lục

 

ĐỌC SÁCH

 

THOÁT CHẾT

Hôm đó là ngày 30.8.2007.  Tôi đi làm về.  Chiếc xe của tôi chạy bon bon trên quãng đường được cho phép chạy ở tốc độ 50miles/giờ.  Khi chỉ còn cách nhà khoảng 5 phút nữa thình lình tôi thấy đầu óc choáng váng rồi không còn biết và thấy gì.  Tiếp đó tôi nghe tiếng va chạm mạnh giữa chiếc xe của tôi với một vật gì đó.  Lúc này tôi biết tai nạn vừa xảy ra và tôi cũng đoán biết vật mà chiếc xe của tôi vừa đụng chạm là một chiếc xe chạy ngược chiều.  Tôi ngồi bất động nhìn chiếc xe của mình đang lao xuống bờ đường bên tay phải.  Khi chiếc xe đã ngừng lại tôi thấy mình vẫn ngồi an toàn trên ghế. Tôi ngước mắt lên trời cảm tạ Chúa và Đức Mẹ đã cho tôi được bình an.

Ngay lúc đó một người phụ nữ Mỹ mà tôi đoán là bà ta lái xe ngay sau chiếc xe của tôi chạy đến và với vẻ mặt có vẻ lo lắng bà hỏi tôi có sao không.  Tôi cám ơn bà rồi trả lời rằng tôi không sao, chỉ bị rát nơi mặt vì sức bung mạnh của chiếc túi không khí (air bag) đánh vào mặt và bàn chân trái bị đau.  Vừa nói với người phụ nữ Mỹ tôi vừa hơi cúi xuống xem nguyên do nào khiến cho bàn chân trái của tôi bị đau. Nhưng qua ô cửa mà kính đã bị bể nát và bằng một động tác rất nhanh người phụ nữ Mỹ đưa tay ngăn tôi lại rồi đẩy cho người tôi dựa vào thành ghế.  Vừa làm động tác này bà vừa căn dặn tôi phải ngồi yên không được cử động cho đến khi xe cứu thương tới.  Nghe lời bà, tôi ngồi yên không động đậy.

Tựa lưng vào thành ghế tôi nhắm mắt lại và một lần nữa thầm thĩ tạ ơn Chúa và Đức Mẹ đã che chở tôi trong tai nạn vừa qua.  Tự nhiên nước mắt trào ra hai bên khóe mắt.  Tôi không hiểu vì sao nước mắt chảy ra nhưng người phụ nữ Mỹ tưởng tôi khóc vì đang lo nghĩ về điều gì đó.  Bà an ủi tôi rằng mọi sự rồi sẽ OK không cần phải nghĩ ngợi gì.  Người phụ nữ tốt bụng đã có mặt giúp đỡ tôi ngay khi tai nạn vừa xẩy ra cho tới khi có nhân viên cứu thương đến nơi.

Trong thời gian nằm trong xe cứu thương trên đường tới bệnh viện cũng như trong lúc ở trong phòng cấp cứu chờ đợi gặp bác sĩ tôi đã suy nghĩ thật nhiều về biến cố vừa trải qua.  Tôi đã đặt ra nhiều câu hỏi mà không trả lời được.  Nguyên nhân nào làm cho tôi không hay biết gì trong giây lát khiến tai nạn xẩy ra?  Tại sao tôi vẫn được bình an trong một tai nạn như vậy?  Với mức độ hư hại của chiếc xe không ai nghĩ tôi còn sống sót chứ đừng nói đến chuyện được bình an.  Thế mà tôi vẫn được bình an.  Cuối cùng tôi chỉ có thể giải thích rằng Chúa chưa muốn tôi chết.                                                        

Đêm hôm đó nằm trên giường bệnh nhân tôi mơ thấy mình đã chết.  Tôi thấy mình đang nằm trong một quan tài được đặt trong một căn phòng của một Nhà Quàng nào đó trong thành phố.  Ở đó tôi nghe được những tiếng khóc, nghe được những tiếng thở dài cùng những ngôn từ buồn thảm.  Tôi nhìn thấy những cặp mắt đỏ hoe, đầm đìa nước mắt.  Cũng ở đó tôi còn nghe được những lời kinh sốt sắng để cầu nguyện cho người vừa qua đời.  Trong lúc đó thì linh hồn thì đã ra đi để đến trình diện trước tòa phán xét.

Trên đường đến tòa phán xét tôi biết rõ sau khi bước ra khỏi tòa phán xét thì linh hồn tôi sẽ đến một trong ba nơi như lời kinh bổn mà tôi đã thuộc nằm lòng ngay từ khi còn bé.  Theo đó thì linh hồn tôi “Hoặc lên Thiên đàng, hoặc xuống Hỏa ngục hay là vào lửa Luyện tội”.  Trong lúc chờ đợi đến phiên mình vào gặp vị thẩm phán, tôi đã tự trấn an để đừng quá lo sợ.

Tôi nhủ thầm rằng suốt một đời theo Chúa và ngày ngày nài nỉ “ Lạy Chúa Giêsu xin tha tội cho chúng con, xin cứu chúng con khỏi sa hỏa ngục...” tôi hy vọng sẽ được Chúa thương xót cho tôi tránh khỏi hỏa ngục nhưng lên thẳng thiên đàng thì tôi không bao giờ dám nghĩ tới.  Vì trước mặt Chúa là đấng toàn thiện, toàn hảo thử hỏi ai là người được coi là tinh tuyền để được vào thẳng nước thiên đàng mà không phải trải qua thời kỳ thanh luyện?  Nói cách khác là đền tội nơi luyện ngục.

Tôi đang suy nghĩ thì có lệnh triệu vào trình diện trước tòa.  Vị chánh thẩm nhân lành nhưng công minh trao cho tôi một cuốn sổ.  Vừa trao cuốn sổ cho tôi Người vừa nói với tôi rằng tất cả công, tội của tôi cũng như thời gian phải ở luyện ngục đều được ghi đầy đủ ở trong đó.  Tôi nhận cuốn sổ bước ra vừa đi tôi vừa mở cuốn sổ.

Tôi xem lướt qua phần ghi công và tôi thật ngạc nhiên vì thấy có những việc rất nhỏ nhặt nhưng đã được ghi ở phần công phúc.  Tôi chưa muốn mở đến phần ghi tội vì nóng lòng muốn biết thời gian tôi phải đền tội ở luyện ngục là bao lâu.  Tôi lật tiếp ít trang nữa và hồi hộp khi nhìn thấy hàng chữ:  THỜI GIAN ĐỀN TỘI Ở LUYỆN NGỤC……

Vừa lúc đó thì có ai đó vỗ vỗ vào vai tôi.  Tôi mở choàng đôi mắt và thấy người y tá đang đứng bên cạnh đầu giường với dụng cụ đo áp huyết.  Người thanh niên trẻ mỉm cười nói xin lỗi đã làm gián đoạn giấc ngủ của tôi nhưng đã đến giờ anh ta phải đo huyết áp cho tôi.  Tôi đưa cánh tay để anh ta làm nhiệm vụ trong lúc đầu óc tôi vẫn còn nghĩ đến giấc mơ.

Khi người y tá đã ra khỏi phòng tôi trở lại với giấc mơ.  Tôi cảm thấy tiếc vì chưa biết được thời gian phải đền tội ở luyện ngục thì người y tá đã đánh thức tôi dậy.  Câu chuyện trong giấc mơ lại được tiếp nối trong thực tại với những suy tư của một người còn đang sống.  Tôi nghĩ đến Luyện ngục.

Theo giáo lý Công giáo thì vào luyện ngục cho dù thời gian là bao lâu cũng có ngày được về Thiên đàng không như hỏa ngục là chốn bị án phạt đời đời không bao giờ được ra khỏi.  Giáo lý cũng dậy rằng từ khi vào luyện ngục thì bản thân các linh hồn không thể làm gì để tự cứu mình.  Nhưng thời gian ở luyện ngục có thể giảm bớt nhờ lời cầu nguyện, thánh lễ hay việc lành phúc đức từ người còn sống.

Những linh hồn ở luyện ngục hoàn toàn trông cậy vào người còn sống.  Nếu người còn sống quan tâm và năng cầu nguyện cho họ thì thời gian thọ hình sẽ được rút ngắn còn nếu người còn sống lơ là với họ thì họ phải chịu hình phạt đúng với thời gian như phán quyết đã định.  Ai đã đọc qua những sách nói về luyện ngục hẳn không khỏi giật mình vì trường hợp các linh hồn phải đền tội mấy chục năm ở luyện ngục không phải là hiếm.  Thậm chí những có linh hồn còn phải đền tội lâu hơn nhiều.

Sau tai nạn, ngày ngày tôi vẫn lái xe qua lại và nhìn những dấu tích còn sót đọng trên đoạn đường này.  Hôm nay nay sau gần hai tháng kể từ khi gặp nạn, tôi không còn nhìn thay dấu tích nào nữa.  Đoạn rào sắt bị sập đã được sửa chữa.  Bỗng dưng nhớ lại chuyện cũ tôi cảm thấy bồi hồi rồi đặt ra cho mình một chữ “Nếu”.

Nếu Chúa định cho tôi chết trong tai nạn ngày hôm đó thì thân xác tôi nay đã nằm yên dưới lòng đất lạnh.  Thân xác tôi giờ đây đang ở trong giai đoạn hư thối để rồi từ tro bụi lại trở về với tro bụi.  Nỗi nhớ thương dành cho tôi có lẽ nay cũng đã vơi bớt và rồi với thời gian, tên tuổi của tôi sẽ dần dần biến mất khỏi ký ức của mọi người.

Tôi không phải là người giàu có, không phải là người học rộng tài cao, không có quyền cao chức trọng trong xã hội….  Nhưng cho dù có thì những thứ ấy cũng chẳng có giá trị gì trong cuộc sống ở thế giới mới.  Tai nạn đã nhắc nhở tôi cuộc sống trần gian chỉ là tạm bợ, chẳng có gì là bền vững.

Đó là nói về phần xác còn phần linh hồn cứ tạm coi giống như giấc mơ thì linh hồn tôi đang đền tội ở luyện ngục.  Ở luyện ngục tôi trở thành bất lực không còn có thể làm được gì để giúp mình mà chỉ hoàn toàn trông cậy vào những người còn sống.

Nhưng những người còn sống có sẽ thường xuyên cầu nguyện cho tôi không hay là những lời cầu nguyện của họ sẽ thưa dần theo năm tháng?  Tôi tin là sau thời gian dài chung sống và với tình nghĩa thâm sâu, người bạn đời của tôi chắc chắn sẽ không ngừng cầu nguyện cho tôi.  Còn con cháu? Tôi không hề nghi ngờ lòng hiếu thảo của con cháu nhưng tôi hiểu lối sống trong xã hội ngày nay ở Mỹ.  Với những bận rộn của cuộc sống, nhiều khi người ta còn không có thì giờ để nghĩ đến chính mình thì làm sao có thì giờ để nghĩ đến người khác cho dù là người thân.  Hơn nữa với khuynh hướng giữ đạo ngày càng hời hợt của thời đại hôm nay có mấy ai còn quan tâm và ý thức được sự quan trọng của việc cầu nguyện cho người đã chết.

Tôi không bi quan nhưng quả thật để linh hồn được cứu rỗi, để giảm bớt thời gian đền tội ở luyện ngục.  Nói cách khác để chuẩn bị cho cuộc sống đời sau là việc của chính mình chứ không thể trông cậy vào bất cứ ai.  Chính ở điểm này tôi càng thấy vui mừng và phải cảm tạ Chúa đã cho tôi còn được sống sau tai nạn.

Còn được sống không có nghĩa là sẽ sống mãi.  Lazarô chết bốn ngày được Chúa cho sống lại rồi cũng phải chết.  Còn được sống không phải để kéo dài tuổi thọ, cũng không phải để có thêm thời gian an hưởng tuổi già.  Nhưng Chúa cho tôi còn được sống để tôi có thêm ngày giờ để làm việc lành phúc đức, phụng sự Chúa, làm những việc có ích cho Giáo hội và tha nhân….. trước khi quá trễ.


Tháng Các Linh Hồn 2007

Lại Thế Lãng

Mục lục