TIN VUI

Tuần san Bạn trẻ Công Giáo  -  Số 116 CN  16.12.2007

 

Web site www.tinvui.org E-mail : bantreconggiao@yahoo.com

 

Mục lục

 

Chúa nhật III Mùa Vọng.

CÒN PHẢI ĐỢI AI KHÁC..

Họp báo công bố Sứ điệp Hòa Bình 2008 của Đức Thánh Cha.

THÁNH BỘ GIÁO SĨ LẬP TRANG ĐIỆN TỬ VỀ KINH THÁNH..

KHAI MẠC CÁC HOẠT ĐỘNG KỶ NIỆM 150 NĂM MẸ HIỆN RA Ở LỘ ĐỨC..

Văn kiện của Bộ Giáo lý Đức tin về một số khía cạnh của việc truyền giảng Tin Mừng.

Kỷ niệm 60 năm Tuyên Ngôn Nhân Quyền: Phẩm giá nhân vị ở trung tâm của nhân quyền.

Thông báo của Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam về ngày Thứ Tư Lễ Tro 6/2/2008.

Đề án: Cộng Đồng Dân Chúa Việt Nam cử hành NĂM THÁNH 2010.

Thời nào cũng sẽ có ánh sáng thích hợp cho thời đó".

GIÁ PHẢI TRẢ CHO LÒNG TIN..

TÂM TÌNH MÙA VỌNG..

Thánh Gioan Baotixita,Người làm chứng cho chân lý và ánh sáng.

Quần áo, một nhu cầu căn bản.

CHÚC MỪNG CÁC TÂN PHÓ TẾ DÒNG CHÚA CỨU THẾ VIỆT NAM...

TÀI LIỆU THƯỜNG HUẤN LINH MỤC GIÁO PHẬN ĐÀ LẠT 2007.

TỤC LỆ DỰNG VỢ GẢ CHỒNG TRONG CÁC CỘNG ĐỒNG KƠHO..

ĐỪNG THẤT HỨA ... GIỮ TRINH KHIẾT..

CHUYỆN GIA ĐÌNH DỄ, MÀ KHÓ..

Giáo dục giá trị sống còn bỏ ngỏ.

CHIA SẺ CÔNG TÁC MỤC VỤ GIÁO XỨ TRONG THỜI ĐẠI NGÀY NAY (tiếp theo)

 

 

SỐNG LỜI CHÚA

 

 

Chúa nhật III Mùa Vọng

Mt 11, 2-11

"Thầy có phải là Đấng phải đến chăng, hay chúng tôi còn phải đợi một Đấng nào khác?"

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, Gioan ở trong ngục nghe nói về các việc làm của Chúa Kitô. Ông sai môn đệ đến thưa Ngài rằng: "Thầy có phải là Đấng phải đến chăng, hay chúng tôi còn phải đợi Đấng nào khác?" Chúa Giêsu bảo họ: "Hãy về thuật lại cho Gioan những gì các ông nghe và thấy: người mù được thấy, người què đi được, người phong hủi được khỏi, người điếc được nghe, người chết sống lại, và tin mừng được loan báo cho kẻ nghèo khó; và phúc cho ai không vấp ngã vì Ta".

Khi những người được sai đến đã đi rồi, Chúa Giêsu liền nói với đám đông về Gioan rằng: "Các ngươi đi xem gì ở hoang địa? Một cây sậy phất phơ trước gió ư? Vậy các ngươi đi xem gì? Một người ăn mặc lả lướt ư? Nhưng những người ăn mặc lả lướt thì ở nơi cung điện nhà vua. Vậy các ngươi đi xem gì? Một tiên tri ư? Phải, Ta bảo các ngươi, và còn hơn một tiên tri nữa. Vì có lời chép về ông rằng: 'Này Ta sai sứ thần Ta đi trước mặt con, để dọn đường sẵn cho con'. Ta bảo thật các ngươi, trong các con cái người nữ sinh ra, chưa từng xuất hiện một ai cao trọng hơn Gioan Tẩy Giả; nhưng người nhỏ nhất trong nước trời còn cao trọng hơn ông". Đó là lời Chúa.

 

 

CÒN PHẢI ĐỢI AI KHÁC

 

Mới đây ở Mỹ, người ta xuất bản một số lá thư của Mẹ Têrêsa. Tập thư này đã khiến nhiều người sửng sốt. Mẹ Têrêsa là con người thánh thiện, vui tươi và bình an, nhưng qua các lá thư viết cho những người thân tín. Mẹ lại cho thấy mình là người sống trong khắc khoải, nghi ngờ và thất vọng. Mẹ chịu đựng bóng tối của đức tin gần 50 năm, cho đến ngày nhắm mắt : “Trong bão tố, tôi cảm thấy nỗi đau kinh khủng vì mất mát –vì Chúa không muốn tôi- vì Chúa không phải là Chúa- vì Chúa không thực sự hiện hữu.” Tập thư của Mẹ là những tiếng than ai oán, với nhiều gạch nối như những tiếng nấc nghẹn ngào “ trong tim tôi không có đức tin – không tình yêu – không lòng  cậy trông – có quá nhiều nỗi đau– đau vì mong ngóng, vì không được Chúa muốn – Tôi muốn Thiên Chúa với tất cả sức mạnh của hồn tôi”. Mẹ Têrêsa nhắc chúng ta bậc thánh nhân cũng như người thường đều có thể gặp khô khan, tối tăm hay ngờ vực trong đời sống thiêng liêng.

 

Cách đây gần hai mươi thế kỷ, Gioan Tẩy giả, một khuôn mặt lớn của Mùa Vọng, cũng đã có kinh nghiệm tương tự. Trong bài Phúc Âm Chúa nhật tuần trước chúng ta đã được chiêm ngắm khuôn mặt của Gioan Tẩy giả. Ông rao giảng Tin Mừng về Nước Trời gần đến (Mt 3, 2). Nhưng biến cố đó lại là ngày đáng sợ, ngày cơn thịnh nộ của Thiên Chúa giáng xuống (Mt 3, 7), ngày cái rìu đặt sát gốc cây, cây nào không sinh quả tốt đều bị chặt và quăng vào lửa ( Mt 3, 10). Gioan còn loan báo về một Đấng đến sau ông, cao trọng hơn ông và mạnh mẽ hơn ông. Đấng làm phép rửa trong lửa (Mt 3, 11) và đốt hết thóc lép trong lửa không hề tắt ( Mt 3, 12). Xem ra đối với Gioan, Đấng sắp đến là Đấng dữ dội, kinh khủng, Đấng thích dùng lửa để thiêu huỷ và thanh luyện mọi cái xấu.

 

Khi Gioan bị Hêrôđê Antipas tống ngục tại pháo đài Machaerus, nằm ổ phía Biển Chết, ông được nghe biết những việc Đức Giêsu làm. Ông hẳn ngỡ ngàng khi thấy chưa được thực hiện những gì mình đã nghĩ và loan báo về Người. Kẻ ác vẫn nhởn nhơ, bạo quyền vẫn thống trị, người ở tù như ông vẫn không được giải thoát ( Is 61,1). Trong bong tối của nhà tù và bóng tối của sự nghi ngờ, Gioan không còn tin chắc Đức Giêsu là Đấng Mêsia. Ông sai những môn đệ đi hỏi Đức Giêsu : “Thầy có phải là Đấng phải đến không, hay chúng tôi phải đợi ai khác ?”. Giêsu có thật là Đấng phải đến, Đấng Mêsia không ? Câu hỏi này hẳn làm cho Gioan ray rứt. Ông có thể làm chứng sai không ? Ông có thể bị lầm không ? Nếu thế, mọi cố gắng của ông  chẳng những là vô ích mà còn gây hại cho bao người đã nghe ông và tin vào Đức Giêsu. Nếu không phải là Đức Giêsu, thì ai mới là Đấng phải đến !

 

Dân Do Thái lại phải tiết tục chuỗi ngày đợi chờ Đấng Cứu Độ. Câu trả lời của Đức Giêsu gồm sáu dấu chỉ của thời thiên sai (Mt 11, 5).Đây là những phép lạ Người đã làm ở Matthêu chương 8-9. Đây cũng là những gì Ngôn sứ Isaia đã tiên báo qua Bài đọc thứ nhất : “ Bấy giờ mắ người mù mở ra, tai người điếc nghe được. Bấy giờ kẻ què sẽ nhảy nhót như nai, miệng lưỡi người câm sẽ reo hò” ( Is 35, 5-6). Việc người nghèo nghe Tin Mừng cũng đã được Isaia loan báo (61,1) Như thế Đức Giêsu muốn nói cho môn đệ của Gioan biết rằng Người đã làm ứng nghiệm những lời ngôn sứ Cựu Ước. Người quả là Đấng Mêsia, nhưng không phải là Mêsia kiểu Gioan chờ đợi. Người không phải là một Mêsia đến phát xét hay tiêu diệt ác nhân nhưng là một Mêsia khiêm nhu và đầy lòng thương xót.

 

Gioan đã nhận ra Đức Giêsu là Đấng Mêsia, nhưng bây giờ ông phải đổi cái nhìn của mình về Đấng Mêsia này. Ông có thể không chịu đổi và vấp ngã như nhiều người khác. Nhưng “Phúc thay người nào không vấp ngã vì tôi” ( Mt 11, 6) “Anh em ra xem gì trong hoang địa”. Khi môn đệ của Gioan đi khỏi để về gặp lại Thầy Gioan, Đức Giêsu ba lần đặt câu hỏi như thế với đám đông ( Mt 11, 7.8.9). Ở ven song Giođan có mọc những cây sậy cao. Gioan không phải là cây sậy như thế; mềm yếu, dễ lay động. Gioan cũng không phải là người mặc gấm vóc lụa là nơi cung cấm. Ông chỉ mặc áo lông lạc là và thắt lưng bằng dây da (Mt 3, 4). Với câu hỏi thứ ba, Đức Giêsu khẳng định rằng Gioan chính là ngôn sứ đích thực mà người Do Thái chờ mong từ lâu, một ngôn sứ lớn hơn những ngôn sứ khác trước đây vì là người trực tiếp giới thiệu cho dân Đấng Mêsia, Đấng Cứu Độ. Hầu chắc Mt 11, 10 đã trích dẫn rất thoáng Ngôn sứ Malaki 3, 1. Gioan chính là sứ giả được Thiên Chúa sai đi trước, để dọn đường cho Đức Giêsu. Gioan cao trọng vì ông nằm ở bàn lề của Cựu Ước và Tân Ước. Ông nằm ở khúc quanh của dòng lịch sử cứu độ. Nhưng ông không hoàn toàn thuộc về thời đại mới, trật tự mới, của vương quốc do Đức Giêsu thiết lập. Thời đại của lời hứa đã qua,  thời đại thực hiện viên mãn đã đến. Chính vì thế người cao trọng nhất của thời đại trước lại không bằng người kém nhất của thời đại do Đức Giêsu khai mở.

 

Mỗi lần đến Mùa Vọng, chúng ta lại gặp Gioan Tẩy giả người làm chứng khiêm hạ, người dọn đường tân tuỵ cho Đức Giêsu. Đức Giêsu hôm nay cũng cần những Gioan mới để làm nhịp cầu cho con người thế kỷ 21 gặp và tin vào Người. Chúng ta không thể mặc áo lông lạc đà hay ăn châu chấu. Chúng ta cũng chẳng vào sống độc thân nơi hoang địa. Nhưng lối sống của chúng ta phải khiến người khác đặt câu hỏi về Thiên Chúa, về những sự phù vân và vĩnh cửu.

 

Người ta đã lũ lụt kéo nhau đến hoang địa để gặp Gioan. Giới trẻ hôm nay đổ xô đến một sân vận động để nghe một ca sĩ. Có cách nào để tôi thu hút người chưa tin đến với Giêsu qua sự lôi cuốn của bản thân tôi, của giáo xứ, của nhóm bạn ? Ngay cả người làm chứng cũng có thể phải trải qua đêm đen của lòng tin, Đấng Cứu Độ đã đến từ lâu rồi, vậy mà kè ác vẫn thắng thế, bóng tối vẫn có lúc nuốt trửng ánh sáng. Dối trá, bạo lực, khổ đau, bất công, hận thù, bệnh tật vẫn thống trị.

 

Khi đứng trước máng cỏ, có khi chúng ta bị cám dỗ để hỏi như Gioan  : “Ngài có thật là Đấng Cứu độ không hay chúng tôi còn phải chờ Đấng khác ?”Ước gì chúng ta không mất niềm tin khi đứng trước Hài Nhi Giêsu, nhỏ bé và yếu ớt, lặng lẽ và khiêm hạ, vì chúng ta tin Người cứu độ thế gian bằng chính sự yếu đuối đó.

 

Theo Tài liệu Bài giảng Chúa Nhật

Giáo phận Tp. HCM

Mục lục

 

 

HIỆP THÔNG GIÁO HỘI

Họp báo công bố Sứ điệp Hòa Bình 2008 của Đức Thánh Cha

 

VATICAN. Sáng 11-12-2007, ĐHY Renato Martino, Chủ Tịch Tòa Thánh Công lý và Hòa bình đã mở cuộc họp báo để công bố Sứ điệp của ĐTC Biển Đức 16 nhân ngày Thế Giới về hòa bình lần thứ 41, 1-1-2008 với chủ đề ”Gia đình nhân loại: cộng đồng hòa bình”.

Cùng hiện diện trên bàn chủ tọa cuộc họp báo còn có Đức Cha Giampaolo Crepaldi, Tổng thư ký của Hội đồng Tòa Thánh Công lý và Hòa bình.

Đây là Sứ điệp Hòa bình thứ 3 của ĐTC Biển Đức 16, trong đó ngài đặc biệt bênh vực định chế gia đình trước những đe dọa ngày nay, và khẳng định rằng ”Kẻ nào, dù vô tình cản trở định chế gia đình, thì cũng làm cho hòa bình trong toàn thể cộng đoàn, quốc gia và quốc tế, trở nên mong manh, vì làm suy yếu tác nhân chính yếu của hòa bình.” (n.5). ”Tất cả những gì góp phần làm suy yếu gia đình dựa trên hôn nhân giữa một người nam và một người nữ, tất cả những gì trực tiếp hay gián tiếp ngăn cản sự sẵn sàng đón nhận sự sống mới trong tinh thần trách nhiệm, tất cả những gì cản trở quyền của gia đình làm người giáo dục đầu tiên đối với con cái, thì đều là một chướng ngại khách quan trên con đường hòa bình”.

ĐTC cũng nhận định rằng: ”Gia đình cần gia cư, công ăn việc làm và một sự công nhận đúng đắn đối với hoạt động nội trợ của cha mẹ, của trường học đối với con cái, trợ giúp y tế căn bản cho mọi người. Khi xã hội và chính trị không dấn thân giúp đỡ gia đình trong các lãnh vực ấy, thì bị thiếu một nguồn mạch thiết yếu để phụng sự hòa bình”. (n.5)

Từ phạm vi nhỏ hẹp của gia đình tự nhiên, ĐTC tiến sang phần thứ 2 của Sứ Điệp và nói đến gia đình nhân loại, với căn nhà chung là trái đất, và ngài nhấn mạnh đến nghĩa vụ phải bảo vệ môi sinh. Ngài viết:

”Để sống an bình, cộng đồng xã hội cũng được kêu gọi noi theo các giá trị làm nền tảng cho gia đình. Điều này có giá trị đối với các cộng đồng địa phương cũng như các cộng đồng quốc gia; điều đó càng có giá trị đối với cộng đồng các dân tộc, là gia đình nhân loại đang sống trong căn nhà chung là trái đất” (6).

”Chúng ta cần phải chăm sóc môi sinh: môi sinh được ủy thác cho con người bảo vệ và giữ gìn trong một tinh thần tự do trách nhiệm, luôn để ý tới công ích của mọi người như một tiêu chuẩn thẩm định”. (7).

”Để trái đất phục vụ tất cả mọi người, thì khi quản lý trái đất, cần chọn con đường đối thoại thay vì đơn phương đưa ra những chọn lựa.” (8)

ĐTC kêu gọi cảnh giác trước sự kiện ”Các nước đang vượt lên về kinh tế đang cần nhiều năng lượng, nhưng những nhu cầu ấy nhiều khi được thỏa mãn mà lại gây thiệt hại cho các nước nghèo, vì các nước này không đủ các cơ cấu hạ tầng về phương diện kỹ thuật, họ đàng phải bán với giá hạ các nguồn năng lượng mà họ sở hữu. Đôi khi, tự do chính trị của họ cũng bị thương tổn vì những hình thức bảo hộ hoặc ít là phải chịu những điều kiện thật là nhục nhã.” (8)

ĐHY Martino ghi nhận rằng trong toàn Sứ Điệp, ĐTC cho chúng ta thấy gia đình và hòa bình có liên hệ mật thiết với nhau, họp thành một trong những tiền đề có sức khích lệ mạnh nhất để đề cập đến các đề tài phức tạp có liên hệ tới việc thực thi hòa bình thời nay.

ĐHY cũng nhắc đến lập trường của ĐTC về việc vượt thắng các cuộc xung đột và củng cố tiến trình giải trừ võ trang. Ngài kêu gọi đừng dùng các tài nguyên tiên nhiên để sản xuất khí giới, và đàng khác cần đẩy mạnh các cuộc thương thuyết để tiến tới một cuộc giải trừ các võ khí hạt nhân một cách từ từ và có phối hợp. ĐTC nêu bật sự kiện trong năm 2006, chi phí quân sự trên thế giới là 1.204 tỷ mỹ kim, tức là tăng 37% trong thập niên 1997-2006, một mức độ chi phí chưa từng đó, kể cả trong thời kỳ chiến tranh lạnh. (SD 11-12-2007)

Mục lục

THÁNH BỘ GIÁO SĨ LẬP TRANG ĐIỆN TỬ VỀ KINH THÁNH

 “Đọc Lời Chúa với Hội Thánh” là khẩu hiệu cho Trang Điện Tử mới của Thánh Bộ Giáo Sĩ, được khai triển nhằm làm cho các sách Kinh Thánh sẵn sàng để sử dụng trực tuyến trong chín ngôn ngữ khác nhau, với những phê bình có tính thần học và khoa chú giải Kinh Thánh. Nội dung của trang điện tử có thể tải xuống dể dàng và luôn có CD dành cho những ai không mở Internet. Thánh Bộ đã gửi tài liệu cho hơn 140.000 linh mục và phó tế trên cả năm châu lục. Có thể tìm đọc bản tiếng Anh tại: http://www.clerus.org/bibliclerus/index.eng.html(CNA 12.12)

KHAI MẠC CÁC HOẠT ĐỘNG KỶ NIỆM 150 NĂM MẸ HIỆN RA Ở LỘ ĐỨC

Từ ngày 08.12.2007 đến 08.12.2009, ở Lộ Đức sẽ là NĂM THÁNH mừng 150 năm Đức Mẹ hiện ra ở hang đa Massabelle. Người ta trông đợi sẽ có hơn 8 triệu người ah2nh hương. Thông cáo Văn Phòng Báo Chí Vatican đề ngày 05.12.2007 xác định rằng những người giữ vai chính trong ngày khai mạc cac hoạt động kỷ niệm là các tình nguyện viên: 3.500 người tham gia vào Cuộc Gặp Gỡ Quốc Tế :”Giáo Hội truyền giáo với những người từ thiện”. Đức hồng y Paul Joseph Cores, chủ tịch Hội Đồng Giáo Hoàng “Cor Unum” sẽ cử hành thánh lễ cho họ vào ngày 07.12. Ngày 08.12,Ngài sẽ noi trong Phiên Họp Khoáng Đại về chủ đề :”Tông thư ‘Deus Caritas Est’ và sự tự nguyện’. Đức Thánh Cha Biển-Đưc đã khâng ban Ơn Đại Xá đặc biệt hằng ngày trong Năm Thánh Lộ Đức 08.12.2007 – 08.12.2008 cho những ai viếng Hang Đá Massabelle với lòng đạo đức và các điều kiện như thông lệ. (Fides 08.12)

Mục lục

 

Văn kiện của Bộ Giáo lý Đức tin về một số khía cạnh của việc truyền giảng Tin Mừng


VATICAN. Hôm 14-12-2007, Bộ Giáo lý đức tin đã công bố Văn kiện mới tái khẳng định quyền và nghĩa vụ của các tín hữu Kitô truyền giảng Tin Mừng, đồng thời bác bỏ những chủ trương sai lầm nhắm loại bỏ việc truyền giáo và việc đón nhận tha nhân vào Giáo Hội.


Văn kiện có hình thức một bản ”Chú thích đạo lý” (note doctrinale) và được công bố bằng 6 thứ tiếng: Ý, Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Bồ đào nha. Tài liệu này được giới thiệu trong cuộc họp báo tại Phòng báo chí Tòa Thánh do ĐHY William Joseph Levada, Tổng trưởng Bộ giáo lý đức tin, ĐHY Ivan Dias, Tổng trưởng Bộ truyền giáo và ĐHY Francis Arinze, Tổng trưởng Bộ phụng tự và kỷ luật bí tích. Ngoài ra có Đức TGM Angelo Amato, Tổng thư ký Bộ giáo lý đức tin.


Văn kiện đề ngày 3-12-2007, được ĐTC Biển Đức 16 phê chuẩn trong buổi tiếp kiến dành cho ĐHY Tổng trưởng Levada ngày 6-10 trước đó và truyền công bố.


Ngoài phần dẫn nhập và kết luận, ”Chú thích đạo lý” của Bộ giáo lý đức tin dài 19 trang, được chia làm 3 phần với tổng cộng 13 đoạn, lần lượt đề cập đến các khía cạnh nhân loại học đặc biệt là tự do và chân lý, khía cạnh Giáo Hội học, và đại kết của công cuộc truyền giảng Tin Mừng.


Nội dung tổng quát của Văn kiện


1. Trong phần dẫn nhập, Bộ giáo lý đức tin cho biết ”Chú thích đạo lý” này chủ yếu nhắm trình bày ý nghĩa sứ mạng truyền giảng Tin Mừng Kitô như được Giáo Hội Công Giáo hiểu, đó là loan báo Tin Mừng của Chúa Kitô; từ ” Tin Mừng ” dịch từ tiếng hy lạp ” Evangelion ” trong Kinh Thánh Tân Ước. ”Chúa Giêsu Kitô, được Chúa Cha sai đi loan báo Tin Mừng, đang kêu gọi mọi người hoán cải và tin. ”Các con hãy đi khắp thế gian, và rao giảng Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo. Ai tin và chịu phép rửa thì sẽ được cứu rỗi, ai không tin sẽ bị luận phạt” (Mc 16,15-16).


2. Văn kiện ”Chú thích đạo lý” trích dẫn thông điệp Redemptoris Missio (Sứ mạng của Đấng Cứu Chuộc), do ĐGH Gioan Phaolô 2 ban hành, nhắc nhớ rằng: ”Mỗi người đều có quyền được nghe ”Tin Mừng” của Thiên Chúa, Đấng tự mạc khải và hiến thân trong Chúa Kitô, để thực hiện trọn vẹn ơn gọi của mình”. Tương ứng với quyền lợi đó là nghĩa vụ phải rao giảng Tin Mừng” (n.2).

 

3. Ngày nay có một sự hỗn độn đang gia tăng về mệnh lệnh truyền giáo của Giáo Hội. Một số người cho rằng ”mọi toan tính thuyết phục người khác về vấn đề tôn giáo là áp đặt giới hạn cho tự do của tha nhân”, và họ đề nghị chỉ cần ”mời gọi người khác hành động theo lương tâm của đương sự” và “giúp tha nhân trở thành người trọn hảo hơn hoặc trung thành hơn với tôn giáo của họ, chỉ cần kiến tạo những cộng đoàn có khả năng hoạt động cho công bằng, tự do, hòa bình, liên đới”, chứ không nhắm hoán cải người khác trở về với Chúa Kitô và đức tin Công Giáo.


Có những người khác cho rằng không được cổ võ sự hoán cải về cùng Chúa Kitô vì người ta có thể được cứu độ ”mà không cần đích thị phải biết Chúa Kitô và không cần chính thức gia nhập Giáo Hội. Đứng trước những chủ trương ấy, Bộ Giáo lý đức tin thấy cần phải công bố Chú thích đạo lý này” (n.3).


I. Những hệ lụy về nhân loại học


4. Một số hình thức của chủ thuyết bất khả tri (agnosticisme) và thuyết duy tương đối phủ nhận con người có khả năng nhận biết chân lý. Thực ra tự do của con người không thể tách rời khỏi sự tham chiếu chân lý. Thiên Chúa đã ban cho con người trí tuệ và ý chí để có thể nhận biết và yêu mến những gì là thiện hảo và chân thật. Việc thực thi chung kết ơn gọi của con người hệ tại sự chấp nhận mạc khải của Thiên Chúa trong Đức Kitô như được Giáo Hội rao giảng.


5. Ta không thể dấn thân trong sự tìm kiếm chân lý mà chỉ cậy dựa vào sức riêng của mình. Điều không thể tránh được là sự tìm kiếm chân lý như thế bao hàm sự giúp đỡ của tha nhân và tín nhiệm nơi kiến thức đã nhận lãnh được từ tha nhân. Vì thế giáo huấn và sự đối thoại mà người ta thỉnh cầu từ một người khác, trong tự do hoàn toàn, để được biết và yêu mến Chúa Kitô không phải là ”một sự xen mình trái phép” vào tự do của tha nhân, ”trái lại, đó là một món quà hợp pháp và là một dịch vụ có thể làm cho quan hệ giữa con người với nhau được phong phú hơn” (5).


6. Sự thông truyền chân lý để người khác đón nhận cũng là điều phù hợp với ước muốn tự nhiên của con người là làm cho tha nhân được chia sẻ những gì mình có, sự chia sẻ này, đối với các tín hữu Công Giáo, bao gồm cả hồng ân đức tin trong Chúa Giêsu Kitô. Các phần tử của Giáo Hội dĩ nhiên mong ước chia sẻ với tha nhân đức tin mà họ đã nhận lãnh nhưng không. 7. Nhờ việc rao giảng Tin Mừng, các nền văn hóa được chân lý Tin Mừng tác động một cách tích cực. Cũng vậy, với việc rao giảng Tin Mừng các phần tử của Giáo Hội Công Giáo cởi mở đón nhận những món quà từ các truyền thống và các nền văn hóa khác, vì ”mỗi cuộc gặp gỡ với một người hoặc một nền văn hóa cụ thể có thể biểu lộ tiềm năng của Tin Mừng ít được diễn tả rõ ràng trước đó và những tiềm năng ấy sẽ làm cho đời sống cụ thể của các tín hữu Kitô và Giáo Hội thêm phong phú” (n.6).


8. Mọi biện pháp đối thoại bao hàm sự cưỡng bách hoặc xúi giục một cách sai trái, không tôn trọng phẩm giá và tự do tôn giáo của hai tác nhân trong cuộc đối thoại, thì không thể hiện hữu trong công cuộc truyền giảng Tin Mừng Kitô giáo.


II. Những hệ lụy về giáo hội học


9. ”Từ ngày lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống (...) Tin mừng, trong quyền năng của Thánh Linh, được rao giảng cho mọi người, để họ tin và trở thành môn đệ của Chúa Kitô và phần tử Giáo Hội của Chúa”. ”Hoán cải là một sự thay đổi não trạng và hoạt động”, biểu lộ cuộc sống mới của chúng ta trong Chúa Kitô; đó là một chiều kích của đời sống Kitô.


10. Đối với việc rao giảng Tin Mừng Kitô, ”sự tháp nhập các phần tử mới vào Giáo Hội không phải là bành trướng một nhóm quyền lực, nhưng là sự gia nhập một mạng thân hữu với Chúa Kitô, nối liền trời với đất, các đại lục và các thời đại khác nhau”. Theo nghĩa đó, ”Giáo Hội là một chiếc xe chuyển đạt sự hiện diện của Thiên Chúa và vì thế, Giáo Hội là một dụng cụ nhân bản hóa đích thực con người và thế giới” (n.9)


11. ”Chú thích đạo lý” của Bộ giáo lý đức tin trưng dẫn Hiến chế mục vụ về Giáo Hội trong thế giới ngày nay, Vui Mừng và Hy vọng, của Công đồng chung Vatican 2, khẳng định rằng sự tôn trọng tự do tôn giáo và sự thăng tiến tự do ấy không được làm cho chúng ta trở nên dửng dưng đối với sự thật và sự thiện. Trái lại chính tình yêu ấy thúc đẩy mọi môn đệ của Chúa Kitô loan báo sự thật cứu độ cho mọi người” (n.10). Sứ mạng yêu thương này phải được chu toàn qua việc loan báo bằng lời nói và cuộc sống chứng tá. ”Để ánh sáng chân lý được chiếu tỏa cho mọi người, trước tiên cần có chứng tá thánh thiện. Nếu lời giảng bị cuộc sống thực tế phủ nhận thì khó được người ta đón nhận”. Ngoài ra, Văn kiện cũng trích dẫn Tông huấn ” Evangelii nuntiandi ” về việc loan báo Tin Mừng, do ĐGH Phaolô 6 ban hành, khẳng định rằng ”cả chứng tá đẹp đẽ nhất cũng vô hiệu lực về lâu về dài nếu không được soi sáng, chứng minh và... diễn tả minh bạch bằng việc loan báo rõ ràng và không chút mơ hồ về Chúa Giêsu Kitô” (n.11).


III. Những hệ lụy về đại kết


12. ”Chú thích đạo lý” của Bộ giáo lý đức tin tái khẳng định vai trò quan trọng của phong trào đại kết trong sứ mạng truyền giảng Tin Mừng của Giáo Hội. Những chia rẽ giữa các tín hữu Kitô có thể làm thương tổn trầm trọng sự đáng tin cậy của sứ mạng truyền giáo của Giáo Hội. Nếu phong trào đại kết thực hiện được sự hiệp nhất rộng lớn hơn giữa các tín hữu Kitô, thì công cuộc truyền giảng Tin Mừng cũng nhờ đó được hữu hiệu hơn.


13. Khi công cuộc truyền giảng Tin Mừng của Công Giáo được thực hiện tại một nước trong đó có các tín hữu Kitô không Công Giáo sinh sống, thì các tín hữu Công Giáo phải hết sức để ý đến điều này khi chu toàn sứ mạng của mình, đó là ”phải thực sự tôn trọng truyền thống và những phong phú thiêng liêng của các tín hữu Kitô ấy” và phải có một tinh thần cộng tác chân thành với họ. Công cuộc rao giảng Tin Mừng có thể tiến triển bằng đối thoại chứ không phải bằng cách chiêu dụ tín đồ. Với các tín hữu Kitô không Công Giáo, các tín hữu Công Giáo phải thi hành sự đối thoại bác ái và sự thật trong tinh thần tôn trọng, một cuộc đối thoại không phải chỉ là trao đổi ý kiến, nhưng còn là một sự trao đổi các hồng ân, để sự sung mãn các phương thế cứu độ được trao tặng cho những người đồng bạn trong cuộc đối thoại. Như thế, có sự khích lệ họ hoán cải sâu xa hơn, về cùng Chúa Kitô.


”Về vấn đề này, cũng cần ghi nhận rằng nếu một tín hữu Kitô không Công Giáo, vì lý do lương tâm và vì xác tín về chân lý Công Giáo, họ xin được hiệp thông trọn vẹn với Giáo Hội Công Giáo, thì cần phải tôn trọng sự kiện ấy như một hoạt động của Chúa Thánh Linh cũng như một sự biểu lộ tự do lương tâm và tự do tôn giáo. Trường hợp đó, không phải là chiêu dụ tín đồ theo nghĩa tiêu cực được gán cho từ này” (12).


Kết luận


Văn kiện của Bộ giáo lý đức tin nhắc lại rằng mệnh lệnh truyền giáo thuộc về chính bản chất chân thực của Giáo Hội. Về vấn đề này, Văn kiện trưng dẫn lời ĐTC Biển Đức 16: ”Việc loan báo và làm chứng tá Tin Mừng là việc phục vụ đầu tiên mà các tín hữu Kitô có thể làm cho mỗi người và toàn thể nhân loại, họ được kêu gọi thông truyền cho mọi người tình yêu của Thiên CHúa, Đấng tự biểu lộ sung mãn trong Đấng Cứu Thế duy nhất là Chúa Giêsu Kitô”.


Phần kết luận của Văn kiện cũng trích dẫn câu của ĐTC Biển Đức trong thông điệp ”Deus Caritas est” (Thiên Chúa là tình thương): ”Tình thương đến từ Thiên Chúa liên kết chúng ta với Ngài và biến đổi chúng ta thành một ” Chúng Tôi ”, một cộng đoàn, vượt lên trên mọi chia rẽ của chúng ta và làm cho chúng ta được nên một, cho đến khi Thiên Chúa trở thành mọi sự trong mọi người” (1 Cor 15,28).

Mục lục

 

Kỷ niệm 60 năm Tuyên Ngôn Nhân Quyền: Phẩm giá nhân vị ở trung tâm của nhân quyền


Zenit : Ngày 10/12 vừa qua là Ngày thế giới về nhân quyền và LHQ cũng đang hướng đến kỷ niệm 60 năm bản Tuyên Ngôn Phổ Quát về Nhân Quyền (1948-2008). Trong bối cảnh đó, Đức Cha Tomasi, quan sát viên thường trực của Tòa Thánh tại LHQ, đã có bài tham luận tại đây. Vị đại diện Tòa Thánh đã tuyên bố : « Cuộc tranh luận quan trọng về tương quan giữa một bên là tự do ngôn luận, diễn đạt và bên kia là sự tôn trọng tôn giáo và các biểu tuợng tôn giáo, tìm thấy giải pháp của nó nơi phẩm giá của con người ». Đức Cha Tomasi đã yêu cầu thăng tiến « sự phát triển toàn vẹn của tất cả nhân vị » cũng như nhắc lại đặc tính trung tâm, phổ quát của « phẩm giá » nhân vị. Ngài khẳng định việc tôn trọng nhân quyền là nguồn của hòa bình, thế nhưng trên thực tế sau 60, nhân quyền bị vi phạm nhiều hơn nữa. Ngài kêu gọi quền và nghĩa vụ của mỗi người trong việc tôn trọng các quyền căn bản của con người, trong đó có quyền tự do tôn giáo.


Liên quan đến quyền tự do tôn giáo, Đức Cha Tomasi cho thấy mối tương quan nội tại của nó với phẩm giá con người như sau : « Cuộc tranh luận quan trọng về tương quan giữa một bên là tự do ngôn luận, diễn đạt và bên kia là sự tôn trọng tôn giáo và các biểu tuợng tôn giáo, tìm thấy giải pháp của nó nơi phẩm giá của con người. Tôi chỉ có thể gia tăng phẩm giá riêng của mình, nghĩa là được hưởng trọn vẹn những quyền con người, khi tôi tôn trọng phẩm giá của những người khác. Tự do tôn giáo cho hết mọ người, và giáo dục việc thực thi quyền này trở nên xa lộ của sự tôn trọng tất cả các niềm tin và mọi xác tín ».

 

Ngài nói thêm : « Quả thực, phẩm giá nhân vị là nền tảng của việc áp dụng mọi quyền con người, và đồng thời, là điểm quy chiếu để xác định những lợi ích quốc gia, nhằm tránh mối nguy cơ kép chủ nghĩa cá nhân cực đoan và chủ nghĩa tập thể. Phẩm giá nhân vị cũng là chuẩn mực của việc thông qua những biện pháp trong mọi lãnh vực, nơi mà nhân vị được bày tỏ : trong công việc, kinh tế, khoa học, an ninh, sức khỏe và những lãnh vực tương tự ».


Ngài cho thấy rằng Tuyên ngôn nhân quyền « vẫn là quy chiếu quan trọng nhất cho một cuộc thảo luận ngụ ý các nền văn hóa khác nhau trên thế giới về tự do và phẩm giá con người… » và ngài nhận xét rằng các quyền được tuyên bố trong Tuyên ngôn « không đựoc trao ban bởi các Nhà Nước hay các thẻ chế khác, nhưng được thừa nhận như là gắn liền với mọi nhân vị, cách độc lập, và thường như là kết quả của mọi truyền thống luân lý, xã hội, văn hóa và tôn giáo. »


« Phẩm giá nhân vị vượt quá mọi sự khác biệt và nó nối kết mọi người thành một gia đình duy nhất; với tư cách như thế, nó đòi hỏi rằng mọi thể chế, chính trị và xã hội, thằng tiến sự phát triển toàn diện của mọi nhân vị, như là các nhân và trong mối tương quan của nó với cộng đồng »

 

Ngài khẳng định : « Sự kiện chúng ta cung chia sẻ một phẩm giá nhân vị chung cung cấp nền tảng không thể thiếu nâng đỡ những mối liên hệ nội tại và đặc tính bất khả phân chia của nhân quyền trong các lãnh vực xã hội, dân sự và chính trị, văn hóa và kinh tế ».


Ngài kết luận : Các quyền được thừa nhận trong Tuyên Ngôn 1948 « không lệ thuộc vào những thăng trầm của lịch sử hay những lối giải thích chiều lòng người khác », nhưng « chúng tìm thấy sự quan bình của chúng nơi đặc tính trung tâm của nhân vị con người. »

 

Tổng hợp các nguồn tin Công giáo thế giới

Mục lục

 

Thông báo của Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam về ngày Thứ Tư Lễ Tro 6/2/2008.

 

Tòa Giám Mục Ðàlạt

9 Nguyễn Thái Học

Ðàlạt - Lâm Ðồng

 

Ðàlạt ngày 10 tháng 12 năm 2007

 

Kính thưa Ðức Hồng Y và Quý Ðức Cha,

Trong năm Phụng Vụ 2007-2008, ngày 06/02/2008 là Thứ Tư Lễ Tro khởi đầu mùa Chay Thánh nhằm ngày 30 Tết, có việc cử hành Lễ Tro cùng với nghi thức xức tro và ăn chay kiêng thịt. Sau khi tham khảo ý kiến Ðức Cha Chủ tịch Ủy ban Phụng tự và các Ðức Cha trong Ban Thường Vụ, con xin phân biệt: Cử hành lễ Tro và ăn chay kiêng thịt, vì hai việc này có thể tách rời nhau.

1. Về việc cử hành ngày Lễ Tro. Thiết tưởng không được dời sang ngày khác nếu không có sự ưng thuận trước của Tòa Thánh. Vì theo qui tắc tổng quát của Năm và niên lịch Phụng vụ số 50a, thì đây thuộc loại lễ nhằm diễn giải và suy tôn mầu nhiệm cứu chuộc trong năm phụng vụ, nên luôn phải giữ y nguyên lễ của lịch chung vì chúng có ưu thế hơn các lễ của địa phương. Ngoài ra, theo nguyên tắc chung, các lịch phụng vụ của các Giáo Hội địa phương, cần được Tòa Thánh phê chuẩn trước (ib. số 49).

Trong Sách Lễ Rôma, ngày Thứ Tư Lễ Tro có ghi: "Trong thánh lễ hôm nay, làm phép xức tro (...)", và ghi chú ở bản văn cuối lễ: "Cũng có thể làm phép và xức tro ngoài thánh lễ....".

2. Về việc ăn chay kiêng thịt. Có thể dời việc ăn chay kiêng thịt, vì đây là những việc tỏ lòng sám hối, và thuộc kỷ luật của Giáo Hội, vì thế các Giám mục giáo phận (Gl đ 87, 1), và thậm chí trong từng trường hợp, khi có lý do chính đáng, các bề trên của một Hội Dòng, các cha xứ có quyền miễn chuẩn và thay thế (Gl đ. 1245) cho những người dưới quyền, việc giữ ngày lễ, ngày sám hối, hay thay thế bằng những việc làm khác.

3. Vì vậy, năm nay, Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam thông báo như sau:

a) Thứ tư Lễ Tro, ngày 6 tháng 2 năm 2008, nhằm ngày 30 Tết, cử hành Lễ Tro với nghi thức xức tro, đọc Các Giờ Kinh Phụng vụ Lễ Tro;

b) Việc ăn chay, kiêng thịt của ngày thứ Tư Lễ Tro năm nay được ấn định vào ngày thứ sáu tuần I Mùa Chay, nhằm ngày 15 tháng 2 năm 2008, tức mùng 9 Tết Mậu Tý. Chọn ngày này là thích hợp để nhắc nhủ mọi người tính chất sám hối đền tội của Mùa Chay.

Kính chúc Ðức Hồng Y và Quý Ðức Cha Mùa Giáng sinh vui tươi và tràn đầy ơn thánh.

 

Kính thư,

 

+ Phêrô Nguyễn Văn Nhơn

Giám mục Giáo phận Ðàlạt

Chủ tịch Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam

Giáo Phận Kontum Mừng Lễ Ðức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội tại Tượng Ðài Ðức Mẹ ở Huyện Kon Plông, Tỉnh Kontum.

(Kỷ niệm một năm tìm lại tượng đài Ðức Mẹ 9.12.2006 - 9.12.2007)

Kontum, Việt Nam (10/12/2007) - Hôm Chúa Nhật 09.12.2007, Giáo phận Kontum kỷ niệm 1 năm tìm lại tượng đài Ðức Mẹ tại Măng Ðen, huyện Kon Plông, tỉnh Kontum.

Ðức cha Micae Hoàng Ðức Oanh chủ sự thánh lễ kính trọng thể Ðức Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội tại thánh địa Ðức Mẹ cùng với Cha Tổng Ðại Diện, Cha hạt trưởng Kontum và gần 10 linh mục, hàng chục tu sĩ - chủng sinh của Giáo phận và hơn 2,000 người tham dự.

Chúng tôi đến tượng đài Ðức Mẹ Kon Plông khoảng 9 giờ 30 sáng Chúa Nhật 09.12.2007. Trên con đường quốc lộ độc nhất (Quốc Lộ 24) từ Kontum đi Quảng Ngãi hôm nay chật nghẹt khách hành hương đi Ôtô và xe máy. Có lẽ chưa bao giờ con đường quốc lộ này đông xe như ngày hôm nay. Nhất là đoạn đường 1 km gần tượng đài Ðức Mẹ người xe nườm nượp, chen chúc. Gần tượng đài Ðức Mẹ chúng tôi thấy mấy anh cảnh sát giao thông đang chỉ đường cho xe máy của khách hành hương vào nơi để xe và dọn đường cho xe ôtô chở khách hành hương về dự lễ.

Vào lúc 10g30, Ðức cha Micae chủ sự thánh lễ kính trọng thể Ðức Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội tại thánh địa Ðức Mẹ ở huyện Kon Plông này. Trong thánh lễ còn có sự hiện diện của Cha Tổng Ðại Diện, Cha hạt trưởng Kontum và gần 10 linh mục, hàng chục tu sĩ - chủng sinh của Giáo phận và khoảng hơn 2,000 khách hành hương tham dự.

Ðược biết huyện Kon plông là một huyện phía đông-bắc của Giáo phận Kontum có rất ít tín hữu Công Giáo. Theo thống kê cuối năm 2006 vừa qua, thì huyện có gần 20,000 dân, trong đó chỉ vọn vẹn 188 tín hữu dân tộc, các tín hữu này sống trong các làng xã rải rác cách tượng Ðức Mẹ hơn 50 km đường rừng. Ðây là huyện ít tín hữu nhất.

Khởi đầu thánh lễ, nhìn hơn 2,000 khách hành hương về tham dự lễ, Ðức Cha Micae đã nghẹn ngào tạ ơn Chúa và Ðức Mẹ đã đưa đông đảo con cái Mẹ về dâng lễ với Mẹ. Ngài nói: "Thưa anh chị em, tôi nghĩ chỉ vài trăm người về dâng lễ hôm nay, không ngờ rất đông anh chị em về tham dự lễ kính Mẹ tại đây, chứng tỏ Mẹ đã quy tụ chúng ta lại, và cũng chứng tỏ lòng thành kính Mẹ của anh chị em khi đến đây". Ðược biết, Thánh lễ này không được thông báo rộng rãi trong giáo phận, nhưng đông đảo người tham dự như thế là một ơn ban mà Mẹ đã lôi kéo con cái Mẹ về đây; hầu hết giáo dân hành hương đến từ Giáo hạt Kontum, có một số giáo dân từ Giáo hạt Pleiku, một số giáo dân từ các tỉnh khác và cũng có nhiều anh chị em không Công Giáo đến dự.

Bắt đầu thánh lễ, Ðức Cha Micae đã nói:

"Kính thưa Cha tổng, Cha hạt trưởng, Quý Cha cùng cộng đồng dân Chúa,

Hiệp cùng các cha, các tu sĩ nam nữ, quý chức và anh chị em khắp Giáo Phận đang có mặt trên mảnh đất Măng Ðen này, chúng ta cùng dâng lời tạ ơn Chúa, cám ơn Mẹ Maria. Ðây là lần đầu tiên, có đông đủ đại diện Gia đình Giáo Phận đến đây để tỏ lòng tôn kính Mẹ Maria và cùng Mẹ tôn vinh Thiên Chúa. Tất cả đều là hồng ân Chúa ban. Tất cả đều là những điều kỳ diệu Chúa làm nhằm đem lại phần ích cho con người. Tìm lại địa danh này cách đây một năm cũng là một điều kỳ diệu đối với chúng ta. Tinh thần Mùa Vọng nhắc nhở chúng ta "tỉnh thức, sửa lại đời sống" để Chúa đến với chúng ta và qua chúng ta Chúa đến được với mọi người.

Giờ đây, chúng ta cúi đầu xin Chúa tha thứ mọi lầm lỗi, để chúng ta phần nào xứng đáng dâng thánh lễ tạ ơn hôm nay trên linh địa kính Ðức Mẹ Maria..."

Sau bài Tin Mừng Lc 1,26-38, Ðức Cha Micae đã giảng bằng 2 ngôn ngữ Kinh và Bahnar, trong bài giảng ngài nhấn mạnh đến 3 điểm then chốt:

- thứ nhất, Mẹ Maria là mẫu gương sống Lời Chúa, mọi tín hữu hãy bắt chước Mẹ sống thánh ý Chúa, dù gặp hoàn cảnh éo le thế nào đi chăng nữa. Tin tưởng vào Chúa mà tiến bước, phó thác hoàn toàn đời mình cho thánh ý Thiên Chúa;

- điểm thứ hai, ngài nêu cho thấy Ðức Mẹ Maria, là người Mẹ luôn đồng hành với mọi người. Hãy đến với Mẹ, Mẹ sẽ chỉ cho con đường gặp Chúa và cách sống thân tình với Chúa;

- điểm thứ ba, hãy cùng Mẹ loan báo Tin Mừng bằng chính đời sống gương mẫu chứng tá của mỗi người.

Cuối bài giảng là lời chân tình của Ðức Giám Mục xin Mẹ sớm thực hiện nơi đây một Trung Tâm Hành Hương kính Mẹ.

Thánh lễ kết thúc gần hơn 12 giờ trưa.

Trước khi Ðức Giám mục Giáo phận ban phép lành cuối lễ cho khách hành hương, Cha Tổng Ðại Diện đã thay mặt Ðức Cha cám ơn Ðại Diện Chính Quyền đã đến tham dự và tạo điều kiện để cảnh sát giao thông về điều khiển giao thông tại đây. Ðược biết trong Thánh lễ có ông phó Ban Tôn Giáo Tỉnh Kontum, các Vị lãnh đạo trong huyện Kon Plông cũng đích thân đến dự.

Ngoài những lời cảm ơn chính quyền, Cha tổng Ðại Diện còn nhắc nhở anh chị em hành hương đi về cẩn thận và chậm rãi vì đường đèo dốc nguy hiểm, ngài không quên xin anh chị em cầu nguyện cho Giáo phận được sớm tôn tạo lại tượng đài Mẹ, được có nơi chỗ đậu xe rộng rãi, được có những khu vực an toàn để dự lễ - chứ đứng bên vực đường đi rất nguy hiểm, được có những khoảng không rộng rãi để giáo dân đứng dự lễ, được có những khu vệ sinh phù hợp cho khách về hành hương kính Mẹ,.... tất cả những ý nguyện tha thiết xin Mẹ làm sao để có mặt bằng đáp ứng được những thánh lễ cấp giáo phận đông đảo như thế này và hơn thế này nữa.

Hiện nay, tại lễ đài chỉ là 1 khoảng đất nhỏ chưa được 300 m2, quá chật hẹp để khách hành hương dự lễ. Nhìn cảnh giáo dân đứng dưới đường, trong những lùm cây dự lễ hôm nay mà lòng người ai ai cũng cảm động. Một cảnh hành hương thật đặc biệt "đồng không mông quạnh". Ðược biết, cách đây gần 8 tháng, trong bản tin thuật lại việc "tìm lại bức tượng Ðức Mẹ tại huyện Kon Plông ngày 28.3.2007", nhân có phái đoàn Liên Hiệp Các Bề Trên Thượng Cấp Tu Sĩ tại Việt Nam ghé thăm Tượng Mẹ, bản tin có viết: "Toà Giám Mục Kontum ao ước có được một trung tâm hành hương kính Mẹ" vẫn chưa được thực hiện. Chúng tôi có hỏi các Vị cao cấp Giáo quyền Giáo phận, thì được biết chưa có nơi để hành hương kính Mẹ là vì, gần một năm nay Toà Giám Mục Kontum đã gửi văn thư xin 4 hécta đất để lập trung tâm hành hương kính Mẹ mà chưa thấy Chính Quyền trả lời.

Qua bản tin này, xin Quý Vị độc giả cùng quý bạn nghe đài trên thế giới cầu nguyện cho Giáo phận Kontum có một nơi hành hương kính Mẹ như lòng khách hành hương mong muốn.

Theo cảm nhận của người viết, nhìn đông đảo dân chúng lũ lượt về hành hương kính Mẹ bất chấp đường đèo dốc đá, đặc biệt là hiệp thông Thánh lễ giữa trời nắng chang chang của buổi trưa, từ Giám mục đến giáo dân không dù, không mũ... tỏ lòng thành hành hương dâng lễ trước thánh tượng của Mẹ như thế này, chắc hẳn Mẹ sẽ không nỡ từ chối nhận lời cầu xin.

Thật là một Cuộc Hành Hương đầy ý nghĩa.

Sau đây là nguyên văn bài giảng của Ðức Cha Micae Hoàng Ðức Oanh, trước thánh tượng Mẹ:

 

"Anh chị em thân mến,

Dưới ánh sáng Lời Chúa chúng ta vừa nghe và theo tinh thần Mùa Vọng chúng ta đang sống, tôi muốn chia sẻ với anh chị em đôi điều.

1. Mẹ Maria, mẫu gương sống Lời Chúa.

Anh chị em thân mến,

Chúng ta vừa nghe Thánh Luca thuật lại biến cố truyền tin. Hãy suy ngẫm xem Ðức Mẹ đã ứng xử như thế nào? Nếu ai trong chúng ta gặp những lúc "éo le như Mẹ", chúng ta ứng xử ra sao? Mặc dầu có bối rối khi nghe lời thiên sứ báo tin, nhưng đức tin đã soi sáng và giúp Mẹ tìm được lối thoát: hoàn toàn đặt niềm tin vào quyền năng Thiên Chúa. Mẹ tìm hiểu cặn kẽ để "hội ra ý Chúa" và đã mau mắn chấp nhận "bất chấp cả khi mình không hiểu". Ðâu là những lý lẽ để Mẹ tin và chấp nhận Lời Chúa?

1) Chúa là Ðấng nhân từ yêu thương. Mọi việc Chúa làm đều tốt đẹp cho chúng ta.

2) Chúa là Ðấng quyền năng. Vượt trí hiểu của con người. Thiên sứ vừa nói "Có gì mà Thiên Chúa không thể...", Mẹ đầu phục liền. Mẹ không để cho lý trí áp đảo Mẹ.

3) Miễn sao "Danh Chúa được tôn vinh và ý Chúa được thực hiện". Vì thế, Mẹ mau mắn thưa "xin vâng". Tiếng xin vâng của Mẹ đã đưa cả nhân loại vào một khúc ngoặt quyết định, để Thiên Chúa thực hiện công trình cứu độ, đưa loài người trở lại địa vị con Thiên Chúa.

Nói theo kiểu Thánh Gioan Tiền Hô hay ngôn sứ Isaia, Mẹ đã san bằng mọi chướng ngại - gồ ghề, lũng sâu.... - để đến thẳng với Ý Chúa hay để Chúa đến thẳng với Mẹ. Nhờ đó Mẹ đọc ra được ý Chúa và Mẹ mau mắn đầu phục.

2. Mẹ Maria, đồng hành với chúng ta.

Anh chị em thân mến,

Hẳn Mẹ Maria, với kinh nghiệm của Mẹ, với tước phẩm của Mẹ, Mẹ luôn đồng hành với chúng ta. Ðến các nơi đền thánh Mẹ, chúng ta thấy Mẹ có từ chối một ai đến Mẹ đâu. Ðủ mọi người, thuộc mọi tình cảnh. Mẹ không từ chối một ai. Tất cả đều cảm tạ và tôn vinh Mẹ. Cảm tạ vì Mẹ đã thương và bầu cử cùng Chúa cho. Mẹ cảm thông và chia sẻ mọi giây phút cuộc đời chúng ta. Có khi nào anh chị em đã đọc hết các bảng ghi ơn tại các trung tâm hành hương chưa? Ngay tại đây, chúng ta cũng bắt gặp những tâm tình hân hoan, sung sướng, biết ơn Mẹ của các anh chị em đã đến đây kêu xin Mẹ. Mẹ đã thương đoái nhận. Phải, "Chưa từng có ai chạy đến kêu xin Mẹ mà Mẹ từ chối nhậm lời!". Hãy đến với Mẹ. Mẹ sẽ giúp chúng ta san phẳng lối đi để dễ dàng đến gặp Chúa và được sống trong ân tình của Ngài.

3. Mẹ Maria, loan chứng Tin Mừng.

Anh chị em thân mến,

Hôm nay, chúng ta đến đây để cảm tạ Mẹ và cùng Mẹ dâng lên Thiên Chúa quyền năng những tâm tình tôn vinh, chúc tụng. Chúng ta đến đây không chỉ để xin ơn. Mẹ biết rõ những nhu cầu của mỗi người và mọi người. Chúng ta đến đây để nhìn ngắm Mẹ, để lắng nghe Mẹ dạy dỗ bảo ban, để Mẹ uốn nắn, chữa lành các vết thương lòng, để được làm môn sinh trong ngôi trường truyền giáo của Mẹ.

Vâng, bản chất của Ðạo là "được sai đi", là được sai đi truyền giáo, sai đi loan chứng Tin Mừng yêu thương, sai đi giới thiệu Chúa Giêsu đã xuống thế làm người để đưa con người trở lại phẩm vị con Chúa, để nhận ra Thiên Chúa là Cha, Cha của mọi người, mọi người anh em với nhau.

Như xưa, sau biến cố truyền tin, Mẹ đã đon đả lên đường đem tin vui đến cho gia đình Zacaria. Suốt cuộc đời của Mẹ tại thế và ngày nay ở trên thiên quốc, Mẹ vẫn thi hành sứ mạng "loan báo Tin Mừng" theo cách thế thích đáng của mỗi nơi. Ðến đây với Mẹ để Mẹ dạy chúng ta biết chu toàn sứ mạng cao cả "loan chứng Tin Mừng yêu thương" cho hết mọi người. Ai đến đây khi trở về cũng phải là "người mới". Mới từ trong tâm tư tình cảm, mới trong cách ứng xử, mới trong công trình loan chứng Tin Mừng. Ðến đây để "được đổi mới" trở thành những con người anh em của hết mọi người. Hãy đến với Mẹ, tâm sự với Mẹ. Mẹ tiếp đón, lắng nghe, giúp đỡ mọi người.

Kết: * Lạy Mẹ Maria, chúng con cúi xin Mẹ dìu dắt chúng con trên đường sống làm con Chúa, làm anh em của hết và với hết mọi người. Xin Mẹ giúp chúng con biết san bằng mọi rào cản chúng con đến với Chúa cũng như đến với anh em.

* Lạy Mẹ Maria, nếu đẹp ý Mẹ, chúng con ước mong nơi đây sớm trở thành một trung tâm dâng kính Mẹ và để tất cả những ai đến đây cũng được Mẹ dạy dỗ, ủi an, khích lệ cùng dẫn dắt ra đi gieo rắc tình thương cho mọi người.

* Lạy Mẹ Măng Ðen, chúng con cảm tạ Mẹ. Xin Mẹ nhậm lời chúng con.

 

Kontum, ngày 10.12.2007.

Lm. Trung Tây Nguyên ghi nhận.

Mục lục

 

 

TÌM HIỂU & SỐNG ĐẠO

 

Đề án: Cộng Đồng Dân Chúa Việt Nam cử hành NĂM THÁNH 2010

 

 Kính gởi: Hội Đồng Giám Mục VN, quý Tổng Giám Mục và Giám Mục VN

Đồng kính gởi: Quý Linh Mục, Tu Sĩ, Giáo Dân thuộc Cộng đồng Dân Chúa VN ở các Châu lục

 

Đề án: Cộng Đồng Dân Chúa Việt Nam cử hành NĂM THÁNH 2010

 

Sau ba lần hội ý với nhóm Tư Vấn tại Giáo Phận và nhóm Tư Vấn tại Roma, nay tôi thấy việc Cộng Đồng Dân Chúa VN cử hành Năm Thánh 2010, trong đó có Đại Hội Dân Chúa VN thì tiện lợi và đem lại nhiều ơn ích hơn là tổ chức Công Đồng như đã dự kiến.  Tôi sơ thảo đề án này, xin gởi đến quý Đức cha, quý Linh mục, Tu sĩ, Giáo dân, để xin góp ý điều chỉnh, bổ sung.

1.  Ý nghĩa và mục đích cử hành Năm Thánh 2010

Cử hành Năm Thánh 2010 là cử hành Năm Thánh vào thời điểm kỷ niệm 50 năm thiết lập phẩm trật Giáo Hội Công giáo tại Việt Nam với 3 giáo tỉnh Hà Nội - Huế - Saigon (xem Sắc Chỉ Venerabilium Nostrorum 24.11.1960). Đề nghị thời gian cử hành: 24.11.2009 - 24.11.2010, hoặc 1.1.2010 – 31.12.2010, hoặc từ lễ Hiển Linh 2010 đến Lễ Hiển Linh 2011.

Việc cử hành Năm Thánh 2010 trước hết nhằm: (1)  nhìn lại quãng đường lịch sử gần 500 năm truyền giáo qua 3 thời kỳ: - 126 năm Bảo Hộ (1533-1659), - 300 năm Tông Toà (1659-1960), - và 50 năm Chánh Toà (1960-2010),  (2) nhìn lại đặc biệt thời kỳ 50 năm Chánh Toà và thẩm định đời sống yêu thương và phục vụ của Giáo Hội trong chức vụ ngôn sứ, tư tế, mục tử hôm nay,  (3) đồng thời cũng nhìn tới tương lai trong bối cảnh văn hoá xã hội đang đổi thay của những thập niên đầu thiên niên kỷ III. 

Nhìn lại lịch sử nhằm vận động cộng đồng Dân Chúa VN cùng chung lòng tạ ơn Chúa đã thương ban cho Dân Người được tồn tại và phát triển đặc biệt qua 50 năm gần đây đầy những biến động lịch sử với nhiều gian nan, khốn khó và thử thách. 

Nhìn lại với những thẩm định đời sống Giáo Hội nhằm rút ra những bài học lịch sử cho việc thi hành sứ vụ yêu thương và phục vụ cho Tin Mừng, phục vụ cho sự sống dồi dào trong cộng đồng dân tộc cũng như cộng đồng thế giới hôm nay.

Nhìn tới tương lai nhằm vận động cộng đồng Dân Chúa một lòng quyết tâm đáp trả tình thương của Chúa, và làm mới hình ảnh gia đình Giáo Hội tại Việt Nam theo hình mẫu mà Công Đồng Vatican II 1965 đã phác hoạ như sau:

(1)  Giáo Hội vì loài người.  Quyền bính và sứ vụ của GH là quyền và trách nhiệm yêu thương và phục vụ cho sự sống của mọi người trong cộng đồng dân tộc cũng như cộng đồng thế giới hôm nay;

(2)  Giáo Hội  hiệp thông.  Hiệp thông giữa các thành phần Dân Chúa, giáo sĩ, tu sĩ, giáo dân, trong mỗi GH địa phương, hiệp thông giữa các GH địa phương với nhau cũng như với GH toàn cầu;

(3)  Giáo Hội tham gia.  Mọi thành phần Dân Chúa, giáo sĩ, tu sĩ, giáo dân, đều có quyền và trách nhiệm tham dự vào  mầu nhiệm, hiệp thông và sứ vụ của Giáo Hội, mỗi thành phần theo đặc sủng của mình.

2.  Những việc cần làm để chuẩn bị và cử hành Năm Thánh 2010

(1)  Năm 2008. Trong Hội nghị tháng 3.2008, đề nghị HĐGM.VN thống nhất và xin Toà Thánh cho mở Năm Thánh 2010.  Đồng thời, HĐGM.VN phê chuẩn Ban Tổ Chức cử hành Năm Thánh, và hình thành những Tiểu Ban chuyên môn.  Trong năm 2008 nầy, các Tiểu Ban đó cần soạn xong tài liệu học tập, hội thảo, tổ chức lễ hội, cầu nguyện, hành hương theo những chủ đề giúp cho cộng đồng Dân Chúa trong các giáo tỉnh, giáo phận, giáo xứ, dòng tu, tu hội, ĐCV, các đoàn thể giáo dân, các phong trào tông đồ, ý thức tạ ơn Chúa, và quyết tâm cùng nhau làm mới hình ảnh Giáo Hội tại Việt Nam.  Đề nghị 3 chủ đề sau đây:

-  Giáo Hội mầu nhiệm, với chức năng ngôn sứ và tư tế (mục vụ Thánh Kinh, Lời Chúa, giáo lý đức tin, Phụng tự, Thánh nhạc, lòng đạo đức bình dân, kinh sách…)  Đề nghị Tiểu Ban đặc trách chuyên đề nầy gồm ĐC Tứ, ĐC Đọc, ĐC Võ Đức Minh.  Các Giám mục mời thêm 5-7 cộng tác viên linh mục, tu sĩ, giáo dân…

-  Giáo Hội hiệp thông, với chức năng mục tử (mục vụ tổ chức và điều hành giáo phận, giáo xứ, dòng tu, tu hội, các tổ chức mục vụ, các đoàn thể tông đồ giáo dân, tạo tương quan liên đới, đối thoại, hợp tác, đối nội, đối ngoại).  Đề nghị ĐT Kiệt, ĐC Linh, ĐC Tiệm, ĐC Chương… Mời thêm 5-7 LM, TS, GD cộng tác…

-  Giáo Hội sứ vụ, với chức năng thi hành sứ vụ yêu thương và phục vụ cho Tin Mừng và sự sống dồi dào trong cộng đồng dân tộc cũng như cộng đồng thế giới hôm nay (mục vụ truyền giáo, văn hoá giáo dục, y tế, bác ái xã hội, phát triển, truyền thông).  Đề nghị ĐT Thể, ĐC Oanh, ĐC Tri, ĐC Trinh. Mời thêm 5-7 cộng sự LM, TS, GD.

(2)  Năm 2009, các giáo tỉnh, giáo phận, giáo xứ, dòng tu, ĐCV, đoàn thể tông đồ giáo dân, tổ chức cho cộng đoàn Dân Chúa cử hành lễ hội, học tập, hội thảo, góp ý, đề xuất, cầu nguyện, hành hương vào một số dịp và theo chủ đề do HĐGM ấn định…Phát hành Kỷ Yếu 50 năm thiết lập phẩm trật Giáo Hội Công Giáo tại VN với 3 giáo tỉnh Hà Nội - Huế - Saigon, với phần nhìn lại các thời kỳ lịch sử truyền giáo, đặc biệt thời kỳ chánh toà…

(3)  Năm 2010, cử hành Thánh lễ tạ ơn và xin ơn toàn xá vào dịp một số lễ do HĐGM.VN ấn định.  Có thể tiếp tục lễ hội, học hội, góp ý đề xuất, cầu nguyện, hành hương theo những chủ đề nói trên… Đồng thời tổ chức Đại Hội Dân Chúa VN theo những chỉ dẫn dưới đây.  Năm 2010 hoặc năm 2011, phát hành Kỷ Yếu Đại Hội Dân Chúa VN năm 2010, với những nét phác hoạ hình ảnh Giáo Hội mầu nhiệm, hiệp thông, tham gia sứ vụ vì sự sống của mọi người anh em đồng bào và đồng loại.

 

Những chỉ dẫn về tổ chức Đại Hội Dân Chúa VN 2010

 

Phần I.  Tính chất và mục đích của Đại Hội Dân Chúa VN

1.  Tính chất và mục đích của Đại Hội

Mục đích là “trợ giúp” cho HĐGM, cho các Giám mục của 26 giáo phận thi hành mục vụ nhằm cổ võ lợi ích lớn hơn cho mọi người anh em đồng bào và đồng loại, nhờ những hình thức và những phương pháp phù hợp với hoàn cảnh xã hội văn hoá đương đại.

Như một trợ lực cho HĐGM, Đại Hội Dân Chúa VN cũng là cơ hội cho HĐGM kêu gọi mọi thành phần Dân Chúa chung lòng chung sức với hàng Giáo phẩm xây dựng Giáo Hội mầu nhiệm, Giáo Hội hiệp thông, Giáo Hội sứ vụ, trên đất nước VN, nhằm tạo thuận lợi cho việc thi hành cách có hiệu quả hơn sứ vụ yêu thương và phục vụ cho Tin Mừng, phục vụ cho sự sống dồi dào của mọi người trong cộng đồng dân tộc cũng như cộng đồng thế giới hôm nay.

2.  Tham dự Đại Hội Dân Chúa VN

Các tham dự viên, - giáo sĩ, tu sĩ, giáo dân, - “trợ giúp” HĐGM bằng cách đóng góp ý kiến hoặc biểu quyết những vấn đề mà HĐGM đề xuất. Việc biểu quyết đó mang tính tư vấn.  Sau khi lắng nghe, các Giám mục có bổn phận thẩm định, phân định và quyết định.  Cách thi hành tác vụ Giám mục bao hàm việc lắng nghe mọi thành phần Dân Chúa, và cổ võ họ cùng nhau tìm kiếm điều mà Chúa Thánh Thần đòi hỏi nơi gia đình Giáo Hội tại VN trong hoàn cảnh hiện tại.

3.  Hiệp thông và sứ vụ

Đại Hội Dân Chúa VN không những nhằm thể hiện sự hiệp thông trong GH Công giáo tại VN, song còn nhằm cổ võ mọi thành phần trong CĐDCVN tại các châu lục, linh mục, tu sĩ, giáo dân, tích cực tham gia thi hành sứ vụ của Giáo hội vì sự sống của mọi người anh em đồng bào và đồng loại.  Gia sản, đời sống, hình ảnh của Giáo Hội được Đại Hội xem xét, cập nhật, bổ sung, hoàn chỉnh, canh tân.  Nhờ đó, cùng với ơn Chúa phù trợ, dần dần hình ảnh của Giáo Hội tại VN sẽ biểu tỏ rõ nét hơn là một Giáo Hội mầu nhiệm, một Giáo Hội hiệp thông và tham gia, một Giáo hội thi hành sứ vụ vì sự sống của loài người, của cộng đồng dân tộc cũng như cộng đồng thế giới hôm nay.

 

Phần II.  HĐGM và các thành phần tham dự  Đại Hội Dân Chúa VN

4.  Thẩm quyền của HĐGM :

-  (1)  Triệu tập Đại Hội Dân Chúa Việt Nam.

-  (2)  Ấn định nơi tổ chức và tiến hành Đại Hội trong lãnh thổ quốc gia.

-  (3)  Bầu ra Chủ toạ đoàn, Ban Thư ký, các Tiểu Ban chuyên trách các lãnh vực mục vụ. 

-  (4)  Ấn định Nội quy tổ chức và tiến hành Đại Hội, và các vấn đề cần được thảo luận.

-  (5)  Tuyên bố ngày khai mạc Đại Hội, thời gian Đại Hội, triển hạn, bế mạc Đại Hội.

5.  Thành phần tham dự Đại Hội với quyền biểu quyết 

-  (1)  Các Giám mục giáo phận,

-  (2)  Các Giám mục phó và phụ tá,

-  (3)  Các Giám mục đang nghỉ hưu.

6.  Thành phần tham dự Đại Hội với quyền tư vấn

-  (1)  Các Tổng Đại diện, các Giám đốc ĐCV,

-  (2)  Các Bề trên cao cấp được các dòng tu, tu hội đề cử theo số lượng được HĐGM ấn định,

-  (3)  Một số linh mục và giáo dân được mỗi thành phần đề cử theo số lượng HĐGM ấn định,

-  (4)  Một số đại diện các cộng đoàn công giáo VN ở các Châu lục, mỗi Châu lục 5-7 người,

-  (5)  HĐGM mời một số thượng khách như Tổng Giám mục và Giám mục VN ở Châu lục khác.

 

Phần III.  Chuẩn bị Đại Hội

7.  Mục tiêu của công việc chuẩn bị Đại Hội

Công việc chuẩn bị ĐH, trước hết nhằm tạo thuận lợi cho HĐGM phát hiện những vấn đề cần được đưa ra bàn thảo.  Đồng thời còn nhằm làm cho mọi thành phần Dân Chúa trong các GH điạ phương cảm nhận rằng họ có liên hệ mật thiết với ĐH.  Đạt được mục tiêu trên, công việc của ĐH sẽ mở đường cho sự hiệp thông đi vào đời sống GH, nhờ đó mọi tín hữu được chuẩn bị sẵn sàng đón nhận những gì HĐGM sẽ quyết định với tư cách là mục tử của Dân Chúa.

8.  Thắp sáng niềm tin của Cộng Đồng Dân Chúa VN

Công việc chuẩn bị còn nhằm giúp mọi tín hữu xác tín rằng bí quyết thành công của mọi biến cố, mọi sáng kiến trong GH cũng như trong Đại Hội, là lời cầu nguyện.  HĐGM hãy mời gọi các tín hữu không ngừng cầu nguyện xin Thiên Chúa thương ban cho Đại Hội trở thành thật sự là một biến cố hồng ân cho Cộng Đồng Dân Chúa VN hôm nay.  Các cộng đoàn tín hữu, giáo xứ, dòng tu, tu hội, ĐCV, hãy cùng cử hành Đại Hội bằng học hỏi, cầu nguyện, góp ý đề xuất theo những chủ đề nêu trên.

9.  Tham khảo ý kiến mọi thành phần Dân Chúa

HĐGM qua Ban Tổ Chức Năm Thánh tạo thuận lợi cho mọi thành phần Dân Chúa trong các giáo phận, giáo sĩ, tu sĩ, giáo dân, bày tỏ suy nghĩ, nguyện vọng, nhu cầu, và đề xuất những phương thế đảm nhận những thách đố mục vụ.  Cần lưu ý đến sự hình thành những nhóm áp lực, và tránh tạo ra ảo tưởng rằng mọi vấn đề, mọi đề xuất của họ sẽ được đáp ứng thoả đáng.

10.  Xác định những vấn đề cần bàn thảo trong ĐH

Phương thế thích hợp giúp xác định những vấn đề là soạn ra những câu hỏi cho mỗi lãnh vực mục vụ .  Dẫn vào mỗi lãnh vực, trình bày vắn tắt ý nghĩa của mỗi lãnh vực dưới ánh sáng Lời Chúa và Giáo huấn của GH.  Ban Thư ký tổ chức Đại Hội, dựa vào tư liệu do các Tiểu Ban chuyên môn soạn ra, ngay trong năm 2008, soạn thảo một bản Đề Cương với những câu hỏi, và đầu năm 2009 gởi đến các tham dự viên Đại Hội, xin họ trả lời các câu hỏi trước tháng 6, 2009.  Thu thập lại các câu trả lời, đúc kết thành một Bản Tư Liệu Làm Việc, gởi đến các tham dự viên trước tháng 12, 2009.  Các bài phát biểu trong Đại Hội cần phải dựa vào Bản Tư Liệu Làm Việc đó, và gởi 1 bản đến Ban Thư Ký Đại Hội trước tháng 4, 2010.

11.  Nhiệm vụ của Ban Tổ Chức Đại Hội

     Ban Tổ Chức Đại Hội cũng là Ban Tổ Chức Năm Thánh, gồm có Ban Thư Ký Đại Hội và Ban Tài Chánh Đại Hội, có nhiệm vụ trợ giúp HĐGM trong những việc như sau:

-  (1)  Tổ chức và điều hành công việc chuẩn bị và tiến hành Đại Hội

-  (2)  Lên kế hoạch kinh phí, tìm nguồn tài trợ cho việc chuẩn bị cũng như tiến hành ĐH.

-  (3)  Tham khảo ý kiến và xác định những vấn đề cần bàn thảo trong ĐH.

12.  Nhiệm vụ của Ban Thư ký Đại Hội

     Ban Thư ký ĐH có thể là Ban Thư ký Năm Thánh cộng thêm Ban Thư ký của HĐGM.VN, có nhiệm vụ:

- Trước Đại Hội: (1) soạn nội quy Đại Hội

(2) lo thiết bị văn phòng phục vụ Đại Hội

(3) soạn đề cương và tư liệu làm việc (xem số 10 trên)

- Trong Đại Hội: (4) lo liên lạc thông tin, liệu đề phòng những giải thích thiếu chính xác,

thiếu trung thực

(5) lập biên bản các phiên họp, lo văn bản lưu trữ hồ sơ

- Sau Đại Hội:    (6) phụ giúp sọan văn kiện sau Đại Hội (xem số 19)

13. Nhiệm vụ của Ban Tài Chánh Đại Hội:

(1) Dự chi cho Đại Hội

(2) Dự thu cho Đại Hội

(3) Chuẩn bị cơ sở và kinh phí cho Đại Hội

14.  Soạn thảo Nội Quy

     Nội Quy Đại Hội gồm những quy định và điều lệ về những lãnh vực sau đây:

-  (1) Xác định thành phần tham dự ĐH, con số của mỗi thành phần,

-  (2) Xác định tiêu chuẩn đề cử tham dự viên giáo sĩ, tu sĩ, giáo dân,

-  (3) Hình thành những Tiểu Ban chuyên trách những lãnh vực mục vụ,

- (4) Quy định cách thức tiến hành Đại Hội (thời gian tham luận, thảo luận, đúc kết, biểu quyết…)

 

Phần IV.  Tiến trình của Đại Hội

15.  Cử hành lễ khai mạc, lễ bế mạc

Có thể cử hành long trọng và được mở rộng tại một nơi mà nhiều ngàn tín hữu tham dự được.

(x. Sách Nghi thức Giám mục, số 1169-1176;  Tông huấn Mirificus Eventus, 7.12.1965)

16.  Tuyên tín

Trước khi bắt đầu góp ý, các tham dự viên tuyên tín theo GL, 833, nhằm đánh động ý thức đức tin và lòng yêu mến đối với di sản thiêng liêng của GH.

17.  Những vấn đề cần bàn thảo

Cần ấn định trước qua bản Tư Liệu Làm Việc những vấn đề đưa ra cho các tham dự viên tự do góp ý trong Đại Hội.  Mỗi thành viên được tự do phát biểu về những vấn đề đã được đưa ra, trong thời hạn nội quy ấn định.  Sau những buổi phát biểu, cần có bản tóm tắt về mỗi vấn đề, mỗi lãnh vực mục vụ, nhằm tạo thuận lợi cho việc nghiên cứu và thảo luận kế tiếp.

18.  Phiếu kín

Các thành viên Đại Hội có thể được mời bày tỏ ý kiến qua phiếu kín.  Cần giải thích cho Đại Hội ý nghĩa hành vi này là nhằm xác minh mức độ đồng ý với những đề xuất, và kết quả của việc bỏ phiếu không có tính quyết định, vì lẽ chức năng của Đại Hội là trợ giúp HĐGM, không thay thế HĐGM.

Nhiệm vụ của HĐGM là thẩm định mọi sự trước mặt Chúa trước khi quyết định.  Thế nhưng HĐGM cần theo ý kiến đa số nếu xét thấy không có trở ngại trầm trọng. (Unitas in necessariis, Libertas in dubiis, Caritas in omnibus)

 

Phần V.  Soạn thảo và công bố văn kiện sau Đại Hội

19.  Soạn thảo văn kiện sau Đại Hội

Với chỉ dẫn cần thiết, HĐGM giao cho Ban Thư ký Đại Hội và các Tiểu Ban Đại Hội soạn ra bản thảo văn kiện.  Trong việc soạn thảo, cần tìm công thức chính xác, rõ ràng, nhằm làm cho văn kiện thành bản chỉ dẫn thực hiện chương trình mục vụ tương lai.  Do đó cần tránh dừng lại ở đại cương hoặc chỉ cổ võ.

20.  Công bố văn kiện

Văn kiện phải mang chữ ký của vị Chủ tịch và Tổng Thư ký HĐGM.  Văn từ được dùng phải biểu tỏ chính HĐGM là tác giả.

21.  Chuyển đạt văn kiện

Những nơi cần chuyển đạt văn kiện sau ĐH:

-  (1) Các Giám mục Việt Nam

-  (2) Các tham dự viên Đại Hội

-  (3) Các đại diện các thành phần Dân Chúa Việt Nam

22.  Thể thức và thời điểm thi hành những quyết định của ĐH

Sau Đại Hội, HĐGM có nhiệm vụ xác định thể thức và thời điểm toàn thể GHCG tại VN thi hành những quyết định được ghi trong văn kiện sau Đại Hội.

 

Phụ trương I

Một số điểm quan trọng liên quan đến Đại Hội Dân Chúa VN năm 2010

1.  HĐGM.VN thống nhất thông qua Nội Quy

Bản Nội Quy Đại Hội cần được HĐGM.VN xét duyệt và thống nhất thông qua trong Hội Nghị tháng 3.2008.

2.  HĐGM.VN xác định địa điểm và thời điểm triệu tập Đại Hội

2.1  Địa điểm dự kiến là Đại Chủng viện Thánh Giuse và Trung Tâm Mục vụ Tổng giáo phận  

        TP.HCM,   Số 6 đường Tôn Đức Thắng, TP.HCM. 

2.2  Thời điểm:  dự kiến là trung tuần tháng 7, mùa hè năm 2010, từ Chúa nhật trung tuần tháng 7 (khai mạc)  đến Chúa nhật sau (bế mạc)

3.  Chủ tọa đoàn của Đại Hội Dân Chúa VN

Vào Hội nghị tháng 3 năm 2008,  HĐGM bầu Chủ toạ đoàn của Đại Hội.  Đề nghị Chủ toạ đoàn gồm  7 vị, một Chủ tịch và 6 vị đại diện cho 3 giáo tỉnh, luân phiên nhau điều phối các ngày Đại Hội.

4.  Thành phần tham dự

     Có thể dự kiến số lượng là 30 cho mỗi thành phần tu sĩ, linh mục, giáo dân…

     Dự kiến ngoài Ban Thư ký và các Tiểu Ban chuyên môn, tổng số tham dự viên là       36GM + 26 TĐD + 7GĐ.ĐCV + 30 TS + 30LM + 30GD + đại diện các cộng đoàn CG.VN các Châu lục,  mỗi châu 5-7 đại diện + một số khách mời ?

     Tiêu chuẩn…?

5.  Cách thức tiến hành Đại Hội

5.1  Mỗi bài phát biểu trong Đại Hội cần dựa vào nội dung Tư Liệu Làm Việc, và dài tối đa 5 phút.  Không khéo dài thêm sau khi nghe tiếng chuông.  Cần gởi cho Văn phòng Ban Thư ký Đại Hội 1 bản bài phát biểu ít là 4 tháng trước Đại Hội.

5.2  Sau các buổi phát biểu, Ban Thư ký trình bày bản đức kết các ý kiến phát biểu.  Sau đó là 3 buổi thảo luận nhóm, mỗi buổi thảo luận một lãnh vực mục vụ (Giáo Hội mầu nhiệm, Giáo Hội hiệp thông, Giáo hội sứ vụ…).  Ban Thư ký lo liệu phân nhóm với trưởng phó nhóm, 2 thư ký, và chỉ định chỗ cho mỗi nhóm thảo luận.  Mỗi nhóm tối đa là 20 người.

5.3  Sau các buổi thảo luận nhóm, tại hội trường, các thư ký nhóm trình bày bản đúc kết ý kiến của nhóm. Sau đó tùy theo thời giờ,  các tham dự viên có thể góp ý bổ sung.

6.  Chuẩn bị cho cộng đoàn dân Chúa cùng cử hành biến cố Đại Hội

6.1  Cần gây ý thức và tạo thuận lợi cho các cộng đoàn tín hữu trong các giáo phận, các giáo xứ, các dòng tu, các tu hội, các ĐCV, các đoàn thể tông đồ giáo dân, các giới công giáo, các phong trào tông đồ gia đình, công giáo tiến hành, cùng chuẩn bị tiến hành Đại Hội, bằng cách tổ chức học tập, hội thảo, góp ý, đề xuất, và cầu nguyện, hành hương, theo những chủ đề đã được HĐGM.VN thống nhất nêu ra.

6.2   Đề nghị các UBGM về Giáo Lý Đức Tin, Thánh Kinh, Phụng Tự, Thánh Ca phối hợp biên soạn những tài liệu cử hành lễ hội, hành hương và cầu nguyện  theo những chủ đề nêu trên.

7.  Soạn thảo các văn kiện hậu Đại Hội Dân Chúa Việt Nam 2010

Sau thời gian Đại Hội, Tổng Thư ký HĐGM.VN cùng các UBGM liên hệ và các Ban Thư ký phối hợp soạn thảo các văn kiện sau Đại Hội, trình cho HĐGM xét duyệt, thống nhất, phê chuẩn và ban hành trong Hội Nghị tháng 10 năm 2010, hoặc trong Hội Nghị tháng 3 năm 2011.

 

Phụ trương II

Cần có những người, những Ban chuyên môn nghiên cứu về những lãnh vực như sau:

I.   Về lịch sử Giáo Hội Công Giáo tại VN qua 3 thời kỳ Bảo Hộ, Tông Toà và Chánh Toà:

1.   công cuộc truyền giáo trên đất nước VN qua 3 thời kỳ lịch sử của GHCG trong bối cảnh          văn hoá xã hội chính trị của từng thời kỳ; thuận lợi và khó khăn, thành quả và những gì          cần điều chỉnh, bổ túc…

2.    quá trình hình thành và phát triển GHCG tại VN qua 3 thời kỳ; thuận lợi và khó khăn,        thành quả và những gì cần điều chỉnh, bổ sung…

3.    quá trình hình thành và phát triển những tổ chức mục vụ với những hoạt động, thuận lợi       và khó khăn, những thành quả và những gì cần điều chỉnh, bổ sung trong các lãnh vực:

           -  Giáo Hội mầu nhiệm với chức năng ngôn sứ và tư tế,

           -  Giáo Hội hiệp thông với chức năng mục tử,

           -  Giáo Hội hiệp thông với chức năng mục tử, của mọi người trong cộng đồng dân tộc cũng như cộng đồng nhân loại…

 

II.  Về 50 năm thời kỳ Chánh Toà  (1960-2010):

-  Hình thành và phát triển các giáo phận, cùng sự bổ nhiệm các Giám mục, lập 2 Toà Hồng Y

-  HĐGM.VN, hình thành và thống nhất, với các Thư Chung, Thư Mục vụ, các văn bản pháp lý (như về Thờ Ông

Bà Tổ Tiên…) …

-  Hình thành và phát triển các cơ sở tôn giáo, thờ tự, bác ái xã hội, đào tạo, huấn luyện, đặc biệt ĐCV từ đầu đến nay,

-  Hàng linh mục, cộng đoàn giáo xứ, các đoàn thể tông đồ giáo dân….

-  Dòng tu, Tu hội…

-  Đào tạo, huấn luyện, thường huấn…

Những thành quả, những gì cần được điều chỉnh, bổ sung….?

 

III.  Về các lãnh vực mục vụ

      Những thành quả, và những gì cần được điều chỉnh, bổ sung…theo 3 tiêu chuẩn: GH vì loài người, GH hiệp thông, GH tham gia

1.  Lãnh vực Giáo Hội mầu nhiệm:

1.1  với chức năng NGÔN SỨ :

     - Mục vụ Thánh Kinh  (dịch thuật, phổ biến, học và hành…)

     - Mục vụ  Giáo lý và giáo dục đức tin…, Thần học, Giáo luật…

     - Mục vụ Lời Chúa….

     -  …………………………………………………….

1.2  với chức năng TƯ TẾ :

-  Mục vụ Phụng tự, Nghệ thuật thánh, Thánh nhạc, Hội nhập văn hoá…

-  Mục vụ lòng đạo bình dân, Kinh sách, Thờ Ông Bà…

-  ………………………………………………………

2.  Lãnh vực Giáo Hội hiệp thông với chức năng MỤC TỬ:

- Mục vụ Quản Trị giáo phận, giáo xứ…

- Giám mục, linh mục, dòng tu, tu hội…

- Giáo dân, các đoàn thể tông dồ giáo dân, Giới Trẻ, Gia Đình, Bệnh nhân,                           Di Dân  (qua các thời kỳ thử thách, phân tán, và năm 1954, 1975…)

-  Đào tạo, huấn luyện nhân sự…

-  ………………………………………….

3.  Lãnh vực Giáo Hội sứ vụ với chức năng thi hành sứ vụ yêu thương và phục vụ

cho Tin Mừng và sự sống con người :      

-  Mục vụ Truyền giáo, các Hội Thừa Sai xưa và nay, với những chứng nhân đức tin……

-  Mục vụ Văn hoá, giáo dục, trường học, dạy nghề…

-  Mục vụ Truyền thông, chữ quốc ngữ, sách báo xưa và nay, hội nhập văn hoá…

-  Mục vụ Bác Aùi Xã hội, chăm sóc sức khoẻ bệnh nhân, người già, cô nhi, khuyết tật…

-  Ngoài những hoạt động mục vụ trên, còn có thể làm gì để yêu thương và phục vụ  đặc biệt người nghèo khổ, bất hạnh, bị bỏ rơi, trong cộng đồng dân tộc hôm nay?

 

Lễ Thánh Anrê Tông Đồ, 30.11.2007

Gioan B. Phạm Minh Mẫn

Hồng Y Tổng Giám mục

Mục lục

Thời nào cũng sẽ có ánh sáng thích hợp cho thời đó"

 

Bài phỏng vấn Đức Giám mục GB. Bùi Tuần nhân dịp kỷ niệm 45 năm thành lập Hàng Giáo phẩm Việt Nam (8-12-1960/8-12-2007)

 

Bài được đăng trong tuần báo Công Giáo & Dân tộc

 

Hỏi : Ba năm nữa, Giáo Hội Công giáo Việt Nam sẽ kỷ niệm 50 năm thành lập Hàng Giáo phẩm Việt Nam (8-12-1960/8-12-2010). Hội đồng Giám mục Việt Nam, trong kỳ Đại hội lần thứ X hồi tháng 10 vừa qua, cũng đã có những chuẩn bị cho dịp kỷ niệm này. Nhưng trước hết, xin Đức Cha cho biết đâu là ý nghĩa của việc thành lập một hàng giáo phẩm địa phương?

 

 ĐGM. GB. BT: Theo tôi, việc Toà Thánh thiết lập Hàng giáo phẩm công giáo tại một quốc gia mang ý nghĩa của một sự công nhận mức độ trưởng thành nhiều mặt của một Giáo Hội địa phương. Cho nên, thiết lập Hàng giáo phẩm tại một Giáo Hội địa phương là thiết lập một tổ chức mang sự sống vừa hữu hình vừa vô hình; hữu hình về mặt cơ cấu và vô hình về mặt sức sống của Đức tin. Tổ chức này rất quan trọng cho Giáo Hội địa phương.

 

 Hỏi: Và nhìn lại lịch sử của gần 50 năm qua, Hàng Giáo phẩm Việt Nam đã mang sự sống đó một cách đặc biệt, trong một giai đoạn lịch sử khó khăn?

 

 ĐGM. GB. BT: Có thể nói như vậy, nhưng tôi nghĩ cũng không phải là không có những yếu tố mang ý nghĩa của hồng ân Chúa. Ngày 8-12-1960, Hàng Giáo phẩm Việt Nam được thiết lập do Sắc chỉ Venerabilium Nostrorum của Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII. Lúc đó Việt Nam đang còn trong tình trạng chia cắt Bắc, Nam. Bắc sống đạo theo tình hình miền Bắc; Nam sống đạo theo tinh thần miền Nam. Cả hai miền Nam Bắc đều có cùng chung một sự sống Đức tin như nhau, nhưng mỗi bên có hoàn cảnh và đặc điểm riêng của mình.

Sau biến cố 30-4-1975, Đất nước thống nhất, hai miền Bắc Nam của Giáo Hội Việt Nam có thể chia sẻ cho nhau sự sống hữu hình và vô hình của mình.

 

 

 Hỏi: Và biến cố 30-4-1975 cũng là một cột mốc quan trọng về vị trí của Đức Cha trong Hàng giáo phẩm Việt Nam.

 

 ĐGM. GB. BT: Vâng. Biến cố đó cũng là thời điểm tôi được Toà Thánh chỉ định làm Giám mục. Qua việc bổ nhiệm này, tôi được chính thức tham gia vào Hàng giáo phẩm Việt Nam.

 

 Hỏi: Là một người trong cuộc, Đức Cha có nhận định gì về vai trò của Hàng giáo phẩm Việt Nam trong giai đoạn đó?

 

 ĐGM. GB. BT: Lúc đó, hoàn cảnh đất nước đã hoàn toàn thayđổi, đặc biệt đối với miền Nam. Có thể nói, rất nhiều tín hữu công giáo hoang mang trước thời cuộc mới. Nhưng Hàng giáo phẩm đã là nguồn ánh sáng soi dẫn cho họ.

Hàng giáo phẩm không thay đổi được lịch sử. Nhưng Hàng giáo phẩm giúp cho các tín hữu thay đổi cái nhìn của mình. Cái nhìn được thay đổi không do sáng kiến tự ý, nhưng do nền tảng Kinh Thánh. Hàng giáo phẩm không đưa ra một lúc, nhưng dần dần tuỳ dịp, tuỳ vào những chuyển biến của thời cuộc, nhưng luôn đặt nền tảng trên Tin Mừng của Đức Giêsu và Giáo huấn của Hội Thánh.

 

 Hỏi: Nhìn lại, trong giai đoạn mới mẻ và đầy khó khăn, đó, Hàng giáo phẩm Việt Nam có những khuôn mặt lớn đã góp phần rất quan trọng trong việc đề ra những đường hướng mục vụ cần thiết cho Giáo Hội Việt Nam?

 

 ĐGM. GB. BT: Tôi cũng nghĩ như vậy. Và, theo con mắt Đức tin, chúng ta có thể coi đó là sự quan phòng của Chúa đối với cộng đoàn bé nhỏ của Người tại Đất nước này.

 

 Hỏi: Xin Đức Cha nêu lên một số những thay đổi cái nhìn mà Hàng giáo phẩm Việt Nam đã giúp cho các tín hữu của mình?

 

 ĐGM. GB. BT: Đã có rất nhiều thay đổi. Nhưng theo tôi, có bốn thay đổi đáng được nêu lên. Đó là:

 1. Sám hối và bám chặt vào Chúa hơn trước.

2. Giới thiệu vinh quang của Chúa một cách khác trước.

3. Thực hiện việc nên thánh một cách khác trước.

4. Tìm nghị lực ở những nguồn khác trước.

 

Hỏi: Xin phép Đức Cha để đi sát hơn vào bốn thay đổi mà Đức Cha vừa nêu lên. Trước hết, "Sám hối và bám chặt vào Chúa hơn trước ". Đây là một thái độ sống Đức tin của người công giáo phải luôn sống!

 

 ĐGM. GB. BT: Đúng vậy, trước kia người theo đạo có quan tâm đến sám hối, đến đời sống nội tâm. Nhưng sau biến cố 30-4-1975, hai miền đạo Bắc Nam thấy mọi sự xảy tới không như mình tưởng, nên đã quay về với Chúa sâu hơn, trọn vẹn hơn. Họ thực hiện triệt để các lời Chúa Giêsu phán: "Hãy sám hối trở về, vì Nước Trời đã gần" (Mt 4,17); " Nước Trời không đến như điều có thể quan sát được. Và người ta sẽ không nói: Ở đây này, hay: Ở kia kìa, vì này Nước Trời đang ở giữa anh em" (Lc 17,20-21).

Tôi còn nhớ những cuộc tĩnh tâm cho linh mục giáo phận sau 30-4-1975. Hoàn cảnh vật chất lúc đó rất eo hẹp, nhưng tất cả các linh mục đều rất sốt sắng. Các ngài chỉ lo cầu nguyện, sám hối, bám chặt vào Chúa. Không đủ giường chiếu, nhiều linh mục trẻ về tĩnh tâm tình nguyện nằm đất. Lúc đó, tôi cảm thấy bầu khí tĩnh tâm chìm ngập trong lửa Chúa Thánh Thần.

 

 CGvDT: Và với một thái độ như thế, sẽ dẫn đến thay đổi thứ hai mà Đức Cha nêu lên: "Giới thiệu vinh quang của Chúa một cách khác trước", "Một cách khác trước" phải chăng là sự từ bỏ cơn cám dỗ triền miên về quyền và vinh quang bên ngoài mà Giáo Hội thường gặp?

 

 ĐGM. GB. BT: Trước đây, nhiều nơi có thói quen giới thiệu vinh quang của Chúa qua những hoành tráng, đắc thắng của Giáo Hội. Nhưng sau khi Giáo Hội Bắc Nam gặp gỡ nhau, chia sẻ kinh nghiệm cho nhau, Hàng giáo phẩm Việt Nam đã không ngần ngại giới thiệu vinh quang của Chúa được tỏ hiện ở sự khiêm nhường, khó nghèo của Chúa tại hang đá Bêlem và sự hy sinh đau đớn của Chúa trên thánh giá tại núi Canvê.

Mọi tín hữu được Chúa gọi hãy giới thiệu vinh quang Chúa qua đời sống khiêm tốn, khó nghèo và hy sinh. Tất nhiên, họ sẽ phải chịu nhiều đau khổ, hy sinh. Nhưng nhờ nhìn lại gương Chúa Giêsu xưa, họ được an ủi và bình an.

 

 Hỏi: Từ đó, người công giáo Việt Nam sẽ "Thực hiện việc nên thánh một cách khác"?

 

 ĐGM. GB. BT: Trước đây, không thiếu người cứ tưởng nên thánh là phải làm những việc lớn lao. Nhưng hoàn cảnh cụ thể của giai đoạn mới kêu gọi người ta nhớ lại việc nên thánh chỉ đơn sơ là thực thi ý Chúa. "Không phải những ai kêu 'lạy Chúa, lạy Chúa', là được vào Nước Trời, nhưng chỉ những ai thực thi ý Cha Ta là Đấng ngự trên trời" (Mt 7,21).

Thánh ý Chúa về mỗi người là chu toàn bổn phận bình thường của mình, nhưng một cách khác thường. Lúc đó, "Nước Chúa không phải là chuyện đồ ăn, thức uống, nhưng là công lý, bình an và hoạn lạc trong Chúa Thánh Thần" (Rm 14,17).

Công lý, bình an và hoan lạc trong Chúa Thánh Thần sẽ đến với ta, khi ta sống Tám Mối phúc. Đây là những liên đới xã hội rất thường, nhưng rất khó. Tuy nhiên, nhờ ơn Chúa, bao người sống Đức tin trong giai đoạn khó khăn đã thực hiện được.

Tôi đã chứng kiến rất nhiều cảnh sống vâng phục thánh ý Chúa trong đời thường. Đời thường là cuộc sống làm ăn, cuộc sống gia đình, cuộc sống tham gia vào văn hoá và sinh hoạt xã hội, ngay cả những cảnh chịu bệnh tật, chịu oan ức, sỉ nhục. Họ đã vâng phục thánh ý Chúa một cách khác thường, nghĩa là với động lực thiêng liêng cao cả.

 

 Hỏi: ...và "Tìm nghị lực ở những nguồn khác trước"?

 

 ĐGM. GB. BT: Trước đây, nhiều tín hữu để mình trôi theo trào lưu tìm nguồn nghị lực ở những đối tượng khác nhau như: Thế lực chính trị, thế lực kinh tế, thế lực danh vọng. Nhưng sau những thử thách đau đớn, nhiều người đã tập trung tìm nguồn nghị lực ở cầu nguyện, thánh lễ, suy niệm và phục vụ yêu thương. Nói tắt là lúc khó, họ thực hiện triệt để hơn lời Chúa Giêsu phán xưa: "Hãy tìm Nước Trời và sự công chính của Chúa trước, rồi mọi sự khác sẽ được ban cho chúng con sau" (Mt 6,31).

 

 Hỏi : Vâng, nhưng theo Đức Cha, những "ánh sáng thích hợp" cho tương lai của cộng đoàn Dân Chúa tại Việt Nam sẽ là gì?

 

 ĐGM. GB. BT: Tôi không ngần ngại đưa ra một hình ảnh trong Phúc Âm, mà Đức Thánh Cha Bênedictô XVI đã dùng làm tựa đề cho một cuốn sách của Ngài: "Chúng con hãy là muối của đất" (Mt 5,13).

Rõ ràng đất chiếm đại đa số. Muối luôn giữ một địa vị thiểu số rất nhỏ, rất âm thầm. Nhưng nó lại có sức mang lại sự sống cho đất.

Người công giáo Việt Nam phải rất mặn về tình yêu đối với Chúa và đối với tha nhân. Chúa muốn như vậy, để họ có thể góp phần đem tình yêu cứu độ cho thế giới hôm nay.

Theo hướng suy nghĩ đó, tôi thấy ánh sáng thích hợp cho Giáo Hội Việt Nam hiện nay sẽ là đào tạo người công giáo Việt Nam nên muối của đất.

 

 Hỏi: Cuối cùng, là một trong những Giám mục, tuy gia nhập Hàng giáo phẩm Việt Nam chỉ từ tháng 4-1975, nhưng lại là thời điểm khởi đầu của một giai đoạn đổi thay lịch sử quan trọng, và hiện nay đã về hưu và được nhiều người coi là một trong những trụ cột của Hàng giáo phẩm Việt Nam trong giai đoạn sau 1975, Đức Cha nghĩ gì về vai trò của Hàng giáo phẩm Việt Nam hiện nay?

 

 ĐGM. GB. BT: Tôi luôn bé nhỏ. Bây giờ càng nhỏ bé hơn, do tình trạng về hưu và tuổi cao sức yếu.

Cảm nghĩ của tôi đối với Hàng Giáo phẩm Việt Nam lúc này là: Mọi người trong mọi địa vị khác nhau đều hiệp thông trong sứ vụ "Kẻ được sai đi ".

Là những nhà lãnh đạo, Hàng Giáo phẩm Việt Nam hôm nay luôn cố gắng nhìn sâu trong hiện tại và nhìn xa trong tương lai.

Hiện tại không đơn giản. Tương lai không dễ dàng. Với tinh thần trách nhiệm cao, Hàng Giáo phẩm Việt Nam đi lên phía trước trong ý thức sâu xa về mầu nhiệm thánh giá: "Vinh dự của chúng ta là thập giá Đức Kitô. Nơi Người ơn cứu độ ta, sức sống của ta và sự phục sinh của ta".

 Năng động và khiêm tốn, Hàng Giáo phẩm Việt Nam hôm nay luôn làm chứng niềm tin nơi Thiên Chúa giàu lòng thương xót.

 

 Hỏi: Xin chân thành cám ơn Đức Cha về cuộc phỏng vấn này.

 

Mục lục

 

 

GIÁ PHẢI TRẢ CHO LÒNG TIN

 

Đi theo Chúa, trung thành thờ phượng Chúa, là nhiệm vụ của con người. Hãy biết rằng, chỉ vì Thiên Chúa là Đấng Phải được tôn thờ mà tôi tôn thờ Người, chứ không phải vì bất cứ một lý do nào khác. Bởi đó, nếu ai nghĩ rằng thờ phượng Chúa để được một cuộc sống dễ dàng, một sự bình an bảo đảm cho cuộc đời này, hay thoát khỏi những vây bũa của bệnh tật, của đói nghèo…, người đó thất bại. Chúa không hứa ban hạnh phúc trần gian. Ngược lại, Chúa mời gọi hãy vác thập giá đời mình theo Chúa, nghĩa là hãy chấp nhận mọi hoàn cảnh, mọi biến cố trong cuộc đời mà vẫn trung thành giữ vững đức tin.

Cuộc đời thánh Gioan Tẩy giả là bằng chứng. Suốt đời mình, Thánh Gioan đã trung thành thờ phượng Chúa, trung thành với sứ mệnh tiên tri Chúa trao phó. Ngài đã trung thành với ơn gọi đến nỗi bất chấp mọi nguy hiểm, bất chấp mọi quyền hành đe dọa mạng sống mình, dám lên tiếng phản đối cả tội lỗi của vua chúa, phản đối cả hoàng triều Hêrôđê Antipas. Ngay đầu bài Tin Mừng, thánh Mathêô đã ghi nhận: “Lúc bấy giờ ông Gioan đang ở trong tù”, nghĩa là thánh Gioan đang phải nếm trải khổ ải bởi sự bị giam cầm gây ra. Thánh Gioan phải ngồi tù vì Hêrôđê Antipas muốn bịt miệng ngài, vì ngài dám chống lại việc nhà vua sống loạn luân với người chị dâu của mình.

Một con người trung thành với Thiên Chúa, với đức tin, với lề luật như thánh Gioan, lẽ ra phải được bình an, phải sống trong hạnh phúc, phải được cảm nhận về sự nâng đỡ của Thiên Chúa, thì ngược lại, thánh Gioan lại có một cuộc sống trần gian không bảo đảm chút nào. Bài Tin Mừng cho biết thánh Gioan Tẩy giả đang bị cầm tù. Giống như chúng ta nhiều lần bị giao động khi đối diện với đau khổ, trong lao khổ của nhà tù, hình như thánh Gioan đã bị giao động. Qua các môn đệ của mình, thánh Gioan đã phải nặng lòng cất tiếng hỏi Chúa Giêsu: “Thầy có phải là Đấng phải đến không, hay chúng tôi còn phải đợi ai khác?”. Như bao nhiêu người Dothái cùng thời, thánh Gioan đang mong mỏi Đấng Cứu Chuộc trần gian đến giải thoát con người. Đến khi Chúa Giêsu xuất hiện, mọi người đều hy vọng Chúa sẽ cứu dân của Người khỏi bàn tay bạo quyền, khỏi mọi áp bức, khỏi cảnh bị đô hộ. Nhưng càng chờ đợi, càng hy vọng nơi Chúa, người ta càng mỏi mòn, bởi Chúa không làm một hành động nhỏ nào để giải thoát cuộc đời trần thế của dân chúng, mà chỉ hứa ban hạnh phúc xa xôi nào đó chỉ có ở đàng sau cái chết. Nhất là đối với bản thân, sống một đời yêu mến Chúa, bây giờ lại phải ngồi tù, mạng sống cũng đang bị đe dọa từng ngày, đã khiến thánh Gioan chới với hơn, chao đảo hơn.

“Thầy có phải là Đấng phải đến không, hay chúng tôi còn phải đợi ai khác?”. Nghe lời hỏi này, làm gợi nhớ trong ta tất cả những lời rao giảng của thánh Gioan đã từng rao giảng rất mạnh mẽ, rất dứt khoát, rất xác tín: Ngài coi biến cố Chúa đến là một biến cố biểu dương sức mạnh đến nỗi như người cầm rìu đốn ngã thân cây không sinh lợi ích và ném vào lửa (Mt 3, 10); hoặc hình ảnh một người sàng sảy sân lúa và ném lúa xấu vào lửa (Mt 3, 12); hoặc “Người (Đấng Thiên Sai) đến sau tôi, nhưng mạnh hơn tôi, tôi không đáng xách giày cho Người” (Mt 3, 11); khi Đấng Thiên Sai đến, Người sẽ thanh tẩy tâm hồn con người “trong Thánh Thần và lửa” (Mt 3, 11). Đối với thánh Gioan, Đấng Thiên sai, quả thật, rất đáng sợ. Người không những mạnh mẽ, mà còn uy quyền, còn cao cả vô cùng.

Sự gợi nhớ này cho ta thấy, nơi nội tâm thánh Gioan đang diễn ra một cuộc chiến đấu đầy mâu thuẫn. Đó cũng là một nội tâm trăn trở, dằn co, xung khắc. Một nội tâm hình như cũng không có bình yên như chính sự ngồi tù của thánh Gioan. Một mặt, thánh Gioan vẫn biết và biết rất rõ, Đấng Thiên Sai là Đấng quyền năng, là Đấng xuất phát từ Thiên Chúa, là Đấng thống trị toàn dân, là Đấng được Thiên Chúa xức dầu phong vương trên trời dưới đất, vì thế không có bất cứ sức mạnh nào có thể sánh ví. Mặt khác, nhìn vào thực tế, ngài cũng nhận ra Chúa Giêsu là chính Đấng Thiên sai của Thiên Chúa. Nhưng những gì đang diễn ra thì không như thánh Gioan hiểu: Chúa Giêsu như chẳng có quyền hành gì, Chúa vẫn giữ im lặng trước bao nhiêu bất công, trước tình trạng một đất nước và một dân tộc là chính đất nước và dân tộc của mình đang bị đô hộ. Đặc biệt hơn, nhiều người công chính, mà thánh Gioan là đại diện, bị cầm tù, bị tiêu diệt… Nỗi hoang mang của thánh Gioan có lý do: Tại sao Đấng Thiên sai, Đấng Cứu tinh trần thế đã đến rồi, mà nhân loại vẫn cứ còn đó bao nhiêu thống khổ, bao nhiêu nghi nan, bao nhiều tối tăm giăng mắc và đè bẹp… Phải chăng còn phải chờ đợi Đấng cứu tinh trần thế nào khác, chứ không phải Người, Chúa Giêsu Kitô?

Những năm đầu mới lãnh nhận đức tin, tôi ngay thơ nghĩ rằng, các thánh là những người biết rõ thánh ý Chúa. Họ là những người mà khi cần, Chúa sẽ dùng trung gian, có khi là những trung gian rất thế giá (thiên thần chẳng hạn), mạc khải cho họ. Với suy nghĩ ấy, đối diện cùng đau khổ của chính mình, tôi đã không ít lần ghen với các thánh. Nhưng trải qua năm tháng trong đời sống đức tin, nhất là đọc nhiều mẫu gương các thánh, tôi càng hiểu ra rằng, các thánh không tự nhiên trở thành thánh. Các ngài là những anh hùng của đức tin, các ngài dọi sáng một đức tin kiên cường trong mọi cảnh huống của đời mình, dù trải qua và hứng chịu không biết bao nhiêu thăng trầm của đời sống. Đặc biệt, khi phải vật lộn cùng thử thách đeo bám cả đời, các thánh vẫn một mực tin tưởng vào lòng thương xót của Chúa, dám ngã vào vòng tay Chúa để đi đến cùng của cuộc chiến đầy thương tích giành lấy đức tin.

Thánh Gioan Tẩy giả mà bài Tin Mừng nêu gương và chúng ta đang suy niệm về ngài, cũng không là trường hợp ngoại thường. Như các thánh của Hội Thánh, thánh Gioan đang bị thử thách. Và cuộc thử thách của thánh Gioan là cuộc thử thách liên quan trực tiếp đến chính mạng sống của ngài. Ngài biết rất rõ, kẻ thù có thể đi xa hơn, chứ không chỉ giam cầm trong nhà tù, trong cuộc bịt miệng ngài đối với lời chân lý mà ngày đã anh dũng loan báo. Đúng như thế, trong cuộc thử thách này, ngài sẽ bị giết chết bởi âm mưu của bà Hêrôđia (chị dâu của vua Hêrôđê mà vua lấy làm vợ) và bàn tay vấy máu của Hêrôđê, một ông vua nhu nhược đã để cho người chị dâu, kẻ lăn loàn với mình, giật giây.

Ngoài ra, còn một yếu tố nữa, đó là dân tộc Dothái đang nô lệ dưới gót giày Lamã. Vì thế, sự nhiễu nhương của thời đại, cũng có thể là yếu tố tác động không nhỏ lên chính nội tâm của thánh Gioan. Hiểu như thế, ta thấy câu hỏi “Thầy có phải là Đấng phải đến không, hay chúng tôi còn phải đợi ai khác?” của thánh Gioan không đơn giản chỉ là câu hỏi cho cá nhân mình, nhưng còn phản ánh nỗi nhục nhằn, lời than thở của dân tộc, của tất cả những ai tin tưởng vào Chúa. Đặc biệt, dân tộc Dothái, không những là dân của giao ước, của lời hứa, mà còn là dân riêng Thiên Chúa đã tuyển chọn. Dân Thiên Chúa tuyển chọn mà lại đày ải như thế sao? Còn đâu là quyền năng của Thiên Chúa, của Đấng “nhân danh Chúa mà đến”? Quả thật, nỗi hoang mang của thánh Gioan không nhỏ chút nào.

Câu hỏi “Thầy có phải là Đấng phải đến không, hay chúng tôi còn phải đợi ai khác?”của thánh Gioan, cũng chính là câu hỏi của chúng ta. Nhiều lần mất bình an, chúng ta đã nghi ngờ Chúa, trách móc Chúa: “Có Chúa không? Tại sao Chúa lại để tôi phải khổ sở thế này?”. Đành rằng, chúng ta yếu đuối, dễ sa ngã, nhưng hãy nhớ rằng, theo Chúa không là nhung là lụa, là gấm vóc, nhưng theo Chúa là vác thập giá đời mình. Hiểu như thế, chúng ta sẽ bắt chước thánh Gioan sống tiếp cuộc đời của mình và can đảm đón nhận tất cả những biến động trong cuộc đời ấy. Nếu thánh Gioan đã đổ máu cho đức tin, chúng ta cũng hãy sống cuộc sống tử đạo từng ngày, suốt đời mình.

Không chỉ thánh Gioan, nhiều anh chị em chân chính trong thời đại chúng ta, cùng là anh em với chúng ta, cùng mang lấy thánh giá như thánh Gioan và như chúng ta. Chẳng hạn, vào khoảng gần giữa thế kỷ XX, khi mà nỗi đau diệt chủng của Đức Quốc xã đang lan tràn, thì nhiều tấm gương của nhiều anh chị em Công giáo sáng lung linh. Người ta ghi nhận trường hợp của cha Gapp. Ngài là người Đức, đã bị cầm tù và chịu tử đạo trong nhà tù phátxit. Trọn một lòng trung thành với Thiên Chúa, ngài đã để lại những dòng chữ cuối cùng vào buổi sáng hôm bị hành quyết: “Nơi đây, tôi đã chiến đấu đến cùng. Tôi đã bị bắt tám tháng qua chỉ vì bảo vệ đức tin Công giáo. Vào dịp lễ Thánh Tâm, họ đã tuyên án tử hình tôi. Tôi đã làm hết sức mình, chỉ vì một mục đích duy nhất là: mọi người được tự do đến với ơn cứu độ. Tôi đã chiến đấu cho đức tin bằng lời nói và hành động. Giây phút định đoạt đã đến với tôi để hành động một lần cho cả đời. Hôm nay là ngày hành quyết. Vào lúc 7 giờ, tôi sẽ trình diện trước mặt Đấng Cứu chuộc tôi, Đấng mà tôi đã hết lòng yêu mến. Xin đừng thương tiếc tôi. Mọi sự sẽ qua đi, chỉ có Nước Trời tồn tại… Tôi đã sống, không chút nghi ngờ, từng giây phút từ khi bị bắt cho đến nay… Tôi đã trải qua những ngày chìm ngập trong nỗi buồn âm u; nhưng tôi đã có cơ hội để chuẩn bị cho cái chết của tôi tốt hơn. Đổ máu cho Đức Kitô và cho Hội Thánh của Ngài là niềm khao khát của tôi” (Sách đã dẫn, Vietcatholic News, linh mục Phêrô Phạm Ngọc Lê).

Các thánh cũng như mọi Kitô hữu chấp nhận hiến dâng đời mình cho Chúa, là những anh chị em của chúng ta. Họ được vẻ vang trong ánh sáng rạng ngời của chân lý, thì vẻ đẹp đó, không phải tự nhiên mà có, nhưng vẻ đẹp đó đã được mua với giá đắc là chính cuộc đời đầy bất ổn của họ. Hãy bắt chước họ mà tiến lên trong tinh thần vâng phục và phó thác. Đừng tìm an thân, nhưng hãy lao vào cuộc chiến dành lấy phần thắng cho đức tin thêm lung linh, thêm tỏa sáng. Hãy luôn tâm niệm rằng, theo đạo, giữ đạo và sống đạo là nhiệm vụ cao cả của mọi tín hữu, để trung thành với Thiên Chúa, Chủ tể đời mình. Một khi theo Chúa, thì cũng sẽ nên giống như Chúa, hoàn thành cây thập giá không phải trong một ngày, một buổi, nhưng là suốt chiều dài của đời mình. Bởi thế, chúng ta sẽ thất bại nặng nếu nghĩ rằng, đạo sẽ mang lại sự an thân cho ta trong cuộc sống này. Nhưng trên hết, ta phải hiểu rằng, sự trả giá nào cũng đau đớn. Cuộc trả giá cho đức tin đòi ta chấp nhận sự đau đớn bằng nỗi đau thập giá, một nỗi đau khó có đủ lời diễn tả. Ta hãy xác tín rằng, đạo là đường dẫn ta đi qua thử thách của đời này để vinh hiển bước vào đời vĩnh cửu.

Lạy Chúa, xin cho chúng con can đảm đón nhận thánh ý Chúa. Xin cho chúng con đừng nghi nan nhưng luôn tin tưởng và phó thác cho Chúa mọi hoàn cảnh của đời sống chúng con. Xin thánh Gioan, đấng đã trung thành gìn giữ đức tin suốt đời mình, cầu bàu cho chúng con trong mọi cuộc chiến bảo vệ đức tin của chính chúng con. Amen.

Lm. VŨ XUÂN HẠNH

Mục lục

 

TÂM TÌNH MÙA VỌNG

 

Mùa vọng đến, gợi lên trong tôi nhiều tâm tình phấn khởi.

 

Đối với người công giáo, mùa vọng khởi đầu một năm mới, -năm phụng vụ của Giáo Hội. Cái gì mới cũng thường gây nên ít nhiều phấn khích và kỳ vọng. Tôi lại hăm hở cùng Giáo Hội bắt đầu chặng đầu tiên của một cuộc hành trình mới về Nhà Cha trong vòng một năm, qua việc "cử hành mầu nhiệm Đức Kitô Nhập Thể, Phục Sinh, Thăng Thiên đến ngày Hiện Xuống cho tới nỗi chờ mong niềm hy vọng hồng phúc là ngày Chúa ngự đến [?].Giáo Hội rộng mở cho (tôi) kho tàng phong phú các nhân đức và công nghiệp của Chúa, làm cho các mầu nhiệm ấy hiện diện một cách nào đó để (tôi) tiếp xúc được với chúng và được đầy tràn ơn cứu độ" (Công đồng Va-ti-ca-nô II: Hiến chế về Phụng vụ, số102). Đó chẳng phải là một niềm hạnh phúc lớn lao sao?

 

Cuộc đời tôi trên thế gian này, cũng như cuộc đời của mọi người, có một khởi đầu tuyệt đối, là lúc tôi sinh ra, và một kết thúc tận cùng là lúc tôi sẽ nhắm mắt lìa đời. Giữa hai cột mốc ấy, có những khởi đầu và kết thúc tương đối, tạm thời, chẳng hạn lúc tôi bắt đầu đi học, khi tôi rời gia đình vào tu viện Phan-xi-cô ở Vinh, rồi theo nhà dòng vô Nam năm 1954, qua Pháp vào nhà tập năm 1960, khấn dòng, vào đại học, chịu chức linh mục, trở lại Việt Nam, v.v. Sau đó có một khởi đầu thật "triệt để" là ngày 30-4-1975 kết thúc chiến tranh đưa tôi vào sống trong một xã hội và một chế độ chính trị hoàn toàn mới mẻ. Bước vào tuổi già cũng là một chặng đường rất đặc biệt trong cuộc đời một con người. Mỗi cuộc khởi đầu đều đặt tôi trước những hy vọng và chờ đợi mới, cùng với những ái ngại, âu lo--ít nhiều tùy từng trường hợp. Dù vượt qua các chặng đường ấy thành công hay thất bại như thế nào thì tôi vẫn biết và cảm thấy rằng trên bình diện tự nhiên, tôi sẽ chẳng bao giờ đạt tới một đích điểm làm cho mình được hoàn toàn toại nguyện, một đích điểm thực sự là cuối cùng và sung mãn mà mình luôn ấp ủ trong lòng. Nhưng Giáo Hội dạy cho tôi biết có một đích điểm như thế nơi Thiên Chúa. Và hằng năm mùa vọng nói lại cho tôi về điều đó, cho tôi sống mãnh liệt hơn hướng về đích điểm đó. Chính nó mở rộng các niềm hy vọng và chờ mong ngắn hạn của tôi đến vô tận và mang lại tính thống nhất cho cuộc đời tôi. Tôi tin rằng mỗi chặng đường đời tôi đi qua đều đưa tôi tiến dần về đích điểm đó. Trong cái vô tận của thời gian và không gian, tôi chẳng là gì cả, nhưng trước mặt Chúa, tôi là độc nhất vô nhị vì được Chúa muốn có tôi, được Chúa yêu mến và mời gọi đích danh đến với Người.

 

Mùa vọng là một lời mời gọi tôi lại lên đường, nhìn về phía trước. Đời sống Giáo Hội có một chiều hướng cánh chung, và do đó chờ đợi là một yếu tố thuộc về bản tính sâu xa của Giáo Hội. Đời tôi cũng thế. Mà cả vũ trụ cũng đang được ân sủng biến đổi tự thâm sâu và hướng tới cùng đích Thiên Chúa muốn, tức là ngày Chúa Kitô trở lại vinh quang, dâng trả Vương Quyền cho Thiên Chúa Cha để "Thiên Chúa nắm trọn quyền trên muôn loài" (x.1 Cr 15:24-28 và Rm 8:14-23). Lễ Chúa Kitô Vua cuối năm phụng vụ nhắc lại niềm tin và hy vọng này. Cha Romano Guardini viết: "Ta sẽ chỉ biết được khuôn mặt thật của con người và vạn vật sau khi Chúa trở lại. Tất cả mọi sự hiện tại đều được đóng dấu ấn hy vọng, đều hướng về sự mặc khải cuối cùng đó. Bề ngoài thế giới có vẻ rõ ràng lắm, dễ hiểu lắm, chắc chắn lắm và hoàn toàn trần tục, nhưng thực ra thế giới khác hẳn như thế. Nó là đối tượng cho một cuộc biến đổi mà Thiên Chúa là tác giả. Dưới lớp vỏ của thế giới cũ kỹ, qua các biến cố, qua những gặp gỡ và những hành vi thường nhật, đang hình thành cái thế giới tương lai mà ngày kia Đức Kitô sẽ đến kiện toàn".

 

Cùng đích đó thật là hấp dẫn nhưng cũng rất dễ bị sao nhãng hay bị cạnh tranh quyết liệt. Đường đi tới còn dài, đầy chông gai thử thách. Trong thực tế, thế gian vẫn có sức hấp dẫn, nhiều khi còn hấp dẫn mãnh lịêt hơn; một cánh hoa dại bên đường mà thôi vẫn có thể níu kéo chân người lữ khách mệt mỏi quên mất mục tiêu của chuyến đi. Cám dỗ "an toạ" thường là rất lớn?. Mùa vọng mời tôi nhìn lại cuộc hành hương của mình: tôi đang đứng ở chặng nào? niềm hy vọng cánh chung có tác động trên các chọn lựa, các dự tính và hoạt động hiện tại của tôi hay không? các chờ đợi và hy vọng "ngắn hạn" của tôi có ăn khớp với mục tiêu cuối cùng không? Hy vọng của đời tôi thực sự là gì? Các phương tiện tôi sử dụng có thích hợp không? Phải chăng phương tiện đã che khuất mục tiêu? ?Mùa vọng không chỉ là lúc tôi điểm điểm lại mình để tự điều chỉnh, nhưng hơn nữa là chính phương thế mà Giáo Hội khôn ngoan đề nghị cho tôi để tăng cường, nuôi dưỡng niềm hy vọng cánh chung của tôi về cuộc sống mình cũng như cuộc sống của Giáo Hội, của nhân loại và của cả vũ trụ vật chất nữa. Nào, mời bạn cùng lên đường với Hội Thánh!

 

(8-12-2007)

 

Lm Nguyễn Hồng Giáo, dòng Phanxicô

Mục lục

 

Thánh Gioan Baotixita,Người làm chứng cho chân lý và ánh sáng.

 

A. Chứng nhân chân lý.

 

Trong “Thao thức 3” Đức Cha Bùi Tuần đã suy tư về sứ mạng chứng nhân cho chân lý của Gioan Baotixita (x. thao thức 3, trang 393).


Chúa Giêsu đã quả quyết về sứ mệnh của chính mình: "Tôi đã sinh ra và đến trong thế gian vì mục đích này. Đó là để làm chứng cho chân lý" (Ga, 19,37).

Lời Chúa trên đây đã ứng nghiệm nơi Gioan Baotixita, vị Tiền Hô được sinh ra và được sai đi để làm chứng cho chân lý.

 

Chân lý là một vũ trụ bao la, gồm nhiều lãnh vực. Lãnh vực Ngài được sai vào để làm chứng là lãnh vực cứu độ. Chân lý căn bản là chính Chúa Giêsu.

 

1. Chân lý cứu độ.

 

Suốt đời, thánh Gioan Baotixita ý thức mình được sai đi dọn đường cho Đấng Cứu Thế. Ông Dacaria đã hiểu như thế về con mình: "Hài nhi hỡi, con sẽ mang tước hiệu là ngôn sứ của Đấng Tối Cao. Con sẽ đi trước Chúa mở lối cho Người" (Lc 1,76).

 

Thực vậy, Gioan Baotixita đã đi trước và đã giới thiệu Chúa Giêsu Một hôm, Gioan Baotixita thấy Chúa Giêsu tiến về phía mình, liền nói: "Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xoá tội trần gian. Chính Người là Đấng tôi đã nói tới, khi bảo rằng: Có người đến sau tôi, nhưng trổi hơn tôi, vì Ngài có trước tôi" (Ga 1,29-30). Như thế, chân lý cứu độ là chính Chúa Giêsu. Ngài là Đấng mà Gioan Baotixita tôn thờ, kính yêu.

 

Thái độ khiêm tốn của Gioan Baotixita trong chức vụ dọn đường đã được Ngài bộc lộ nhiều cách: "Tôi chỉ là tiếng kêu trong sa mạc: Hãy sửa đường cho thẳng, để Đức Chúa đi" (Ga 1,23)."Người phải nổi lên, còn tôi phải lu mờ đi" (Ga 3,30). "Tôi không đáng quì xuống cởi dây giày cho Người" (Mc 1,7).

 

Khi giới thiệu Chúa Giêsu là chân lý cứu độ, thánh Gioan Baotixita không đưa ra một học thuyết nào của Chúa Giêsu để khuyên  người ta tin theo học thuyết đó. Nhưng Gioan chỉ khuyên người ta hãy đến gặp Chúa Giêsu, hãy tiếp xúc với Chúa Giêsu. Cách giới thiệu như thế coi như đơn sơ mà lại rất sâu sắc. Bởi vì đến một lúc nào Chúa muốn, người gặp gỡ Chúa sẽ cảm nghiệm được sự thực về Ngài như thánh Phaolô xưa: "Những gì xưa kia tôi là cho là có lợi, thì nay, vì Đức Kitô, tôi cho là thiệt thòi. Hơn nữa, tôi coi tất cả mọi sự là thiệt thòi, so với mối lợi tuyệt vời là được biết Đức Kitô, Chúa của tôi. Vì Ngài, tôi đành mất hết, và tôi coi tất cả như rơm rác, để được Đức Kitô, và được kết hợp với Người" (Ph 3,7-8). Thực không gì hạnh phúc bằng gặp được Chúa Giêsu, Đấng đã phán: "Chính Thầy là con đường, là chân lý và là sự sống" (Ga 14,6).

 

2. Chân lý kêu gọi sám hối.

 

Chúa Giêsu chú trọng rất nhiều đến sám hối. Trước khi Chúa Giêsu rao giảng sự sám hối, thì Gioan đã dọn đường bằng việc sám hối. Gioan coi đó là một sự thực quan trọng. Gioan xuất hiện trong hoang địa, rảo quanh các thành, khuyên bảo mọi người bỏ đàng tội trở về đàng lành. Gioan làm phép Rửa cho những ai thống hối, như một dấu chỉ tha tội. Sở dĩ uy tín của Gioan về việc rao giảng sám hối được dâng cao, một phần cũng do uy tín con người và cuộc sống của Ngài. Ngài rất khó nghèo, rất từ bỏ, rất khắc khổ, nhất là chìm sâu vào cầu nguyện chiêm niệm. Như có một thứ phản ánh nhiệm mầu đến từ Đức Kitô.

 

Thánh Gioan tông đồ viết về Gioan Baotixita: "Có một người được Thiên Chúa sai đến, tên là Gioan. Ông đến để làm chứng và làm chứng về ánh sáng, để mọi người nhờ ông mà tin. Ông không phải là ánh sáng. Nhưng ông đến để làm chứng về ánh sáng" (Ga 1,6-8).

 

Sự sám hối, mà Gioan Baotixita khuyên mọi người hãy ráng thực hiện, là hãy ăn năn về thói quen làm hại người khác, do phạm đến công bình bác ái, bê trễ với bổn phận, lối sống nông nổi, không chịu đi tìm chân lý, nhất là chân lý về mục đích đời mình.

 

Thực là dại dột, nếu tưởng mình biết nhiều sự thực đủ loại, nhưng sự thực về chính mình thì lại không biết rõ, không biết đúng và không biết đủ. Những thiếu sót đó mới đáng sợ. Cần phải sám hối về những lỗi lầm đó. Bởi vì những lỗi lầm đó có thể sinh ra những trái xấu, gây tai hại khủng khiếp cho chính mình, đời này và đời sau. "Cái rìu đã đặt sát gốc cây, bất cứ cây nào không sinh quả tốt đều bị chặt đi và quăng vào lửa" (Mt 3,10).

 

3. Chân lý đem lại sự sống dồi dào.

 

Có lúc Gioan Baotixita muốn cho các môn đệ của mình hiểu thêm về Chúa Giêsu, nên đã sai họ đến hỏi Người rằng: "Thưa Thầy, Thầy có đúng là Đấng phải đến không, hay là chúng tôi còn phải đợi ai khác. Chúa Giêsu trả lời: "Các anh cứ về thuật lại cho ông Gioan những điều các anh đã mắt thấy tai nghe. Người mù xem thấy, kẻ què được đi, người cùi được sạch, kẻ điếc được nghe, người chết sống lại, kẻ nghèo được nghe Tin Mừng" (Mt 11,3-5).

 

Với những chi tiết đó, Chúa Giêsu đã cho Gioan thêm một hình ảnh về Người. Đó là hình ảnh chân lý mang lại sự sống, sự sống dồi dào.

 

Đây là một hình ảnh mà chính Đức Kitô đã đưa ra để làm chứng về mình. Hình ảnh này sẽ là một bổ túc cần thiết cho sứ mạng giới thiệu của Gioan. Gioan lúc đó sắp bước vào giai đoạn kết thúc đời mình. Khi nhận được một hình ảnh đẹp như thế về Đấng Cứu thế, Gioan được an ủi nhiều. Ngài có thể an tâm ra đi, vì Đấng Cứu thế mà Ngài giới thiệu, chính là tình yêu thương xót. Những ai gánh nặng có thể đến với Người (Mt 11,28). Những ai như những con chiên không được ai chăm sóc, có thể tin tưởng vào Người (Mt 9,37).

 

Thánh Gioan Baotixita không để lại của cải gì cho các môn đệ . Ngài chỉ để lại một hình ảnh đẹp nhất, dễ thương nhất, mà mọi người đang rất cần. Hình ảnh ấy là hình ảnh Chúa chiên lành nơi Đức Giêsu. Chúa chiên có trái tim đầy tình thương xót. Với trái tim ấy, Chúa Giêsu kêu gọi: "Nếu ai khát, hãy đến cùng Ta. Ai tin vào Ta, hãy đến mà uống. Như Kinh Thánh đã nói: Từ trái tim Người sẽ tuôn chảy những dòng nước hằng sống" (Ga 7,38).

 

 B. Chứng nhân ánh sáng

 

Trên đời có nhiều thứ ánh sáng: ánh sáng vật lý, ánh sáng văn hoá, ánh sáng khoa học, ánh sáng tâm linh. Để nhìn ra ánh sáng, cần có một khả năng nào đó. Để thấy ánh sáng vật lý, chỉ cần có đôi mắt bình thường. Nhưng để nhìn thấy ánh sáng khoa học, phải có một số vốn kiến thức cần thiết. Để thấy ánh sáng văn hoá, cần được khai tâm mở trí. Và để thấy được ánh sáng tâm linh, cần có các chứng nhân chiếu dọi. Thánh Gioan Baotixita là chứng nhân của Đức Kitô ánh sáng. Ngài làm chứng cho Đức Kitô bằng chính cuộc đời trong sáng của Ngài. Nhìn vào cuộc đời Ngài, ta thấy toả ra các làn ánh sáng sau đây:

 

1.Ánh sáng của sự khiêm nhường.

Ngài khước từ mọi vinh quang người ta phủ quanh Ngài. Ngài thành thực nhận mình không phải là Đấng Cứu Thế toàn dân mong chờ, không phải là Êlia vĩ đại, cũng không phải là một tiên tri cao cả. Ngài tự nhận mình chỉ là một "tiếng kêu trong sa mạc". Ngài khiêm nhường nói rằng Ngài không xứng đáng xách giày cho Đẫng Cứu Thế. Thật là khiêm nhường tự hạ. Đức khiêm nhường ấy chiếu lên dung mạo Ngài một làn ánh sáng. Ánh sáng ấy khiến cho lời chứng của Ngài càng có sức thuyết phục. Ánh sáng ấy phản chiếu dung mạo đích thực của Đấng Cứu Thế, Đấng tuyệt đối khiêm nhường.

 

2. Ánh sáng của sự khổ hạnh.

Phần lớn đời Ngài ẩn dật trong sa mạc. Sống trong sa mạc đồng nghĩa với sống khổ hạnh. Ngoài sự khắc nghiệt của thời tiết, sự hoang vu cô tịch, sự đe doạ của thú dữ, thánh Gioan Baotixita còn tự nguyện sống khó nghèo, đơn sơ, đạm bạc. Y phục của Ngài chỉ là mảnh da thú quấn quanh thân thể. Thức ăn của Ngài là châu chấu và mật ong rừng. Sự khổ hạnh không chỉ loé sáng lên một ý chí mạnh mẽ biết vượt thắng chính bản thân mình, mà còn chiếu ánh sáng hy vọng vào tương lai. Người lệ thuộc vào vật chất là người bị trói buộc trong hiện tại. Người khổ hạnh là người đặt niểm hy vọng ở tương lai. Niềm hy vọng ấy chiếu sáng vào cuộc đời hiện tại vì làm cho cuộc sống có một ý nghĩa cao đẹp và sâu xa. Tương lai tươi sáng mà thánh Gioan Baotixita chờ đón chính là Đức Giêsu Kitô mà Ngài loan báo.

 

3. Ánh sáng của sự trung thực.

Trung thực trong những lời nói về chính mình, nên Ngài không dám nhận những vinh quang người đời tưởng lầm Ngài có. Ngài chỉ nhận những sự thực rất khiêm nhường, rất bé nhỏ của mình. Trung thực với lòng mình, nên Ngài sống một cuộc sống khổ hạnh, không phô trương, không giả dối. Trung thực trong những phán đoán về người khác, nên Ngài đã thẳng thắn khuyên vua Hêrôđê không đựơc phép lấy chị dâu. Chính sự trung thực này đã phải trả giá bằng cái chết chẳng toàn thây. Nhưng sự trung thực ấy đã làm sáng lên cuộc đời chứng nhân. Làn ánh sáng ấy cho ta thoáng thấy ánh sáng đích thực của Đấng là Sự Thật, là chính Đức Giêsu Kitô.

 

4. Ánh sáng của sự quên mình.

Biết mình chỉ là người đưa tin, thánh nhân luôn xoá mình đi, để cho Đấng là chính Tin Mừng được nổi bật. Biết mình chỉ là người mở đường, thánh nhân luôn tự hạ để cho Đấng là Đường được mọi người nhận biết. Làm chứng cho sự thật, thánh nhân đã tự nguyện hy sinh để cho Đấng là Sự Thật được trân trọng. Khi mọi người tuôn đến với Ngài, Ngài đã không giữ lại cho mình, nhưng đã giới thiệu họ đến với Đức Giêsu, nên Ngài nói: " Người đến sau tôi, nhưng tôi không đáng cởi dây giầy cho Người" (Ga 1, 27). Nhiều môn đệ đã theo Ngài, nhưng Ngài giới thiệu để họ theo làm môn đệ Đức Giêsu. Khi thấy đám đông đã bỏ Ngài để đi theo Đức Giêsu, Ngài hài lòng vì thấy nhiệm vụ đã hoàn tất, nên Ngài nói: "Chúa phải nổi bật lên, còn tôi phải lu mờ đi" (Ga 3, 30 ).

 

Thánh Gioan Baotixita thật là một chứng nhân tuyệt hảo. Ngài đã biết tự hạ mình xuống để Chúa được nổi bật lên. Ngài đã biết ẩn mình trong bóng tối để Chúa được xuất hiện trong ánh sáng. Ngài đã biết tự huỷ mình đi để Chúa được nhận biết. Ngài đúng là người đi mở đường cho Chúa. Ngài thực là chứng nhân của ánh sáng.

 

Mùa Vọng này, mọi người đang chờ đón Chúa đến. Chúa muốn tôi hãy đi mở đường cho Chúa. Chúa muốn tôi làm chứng cho Chúa. Chúa muốn tôi giới thiệu Chúa cho anh em. Nhưng rất nhiều khi, thay vì mở đường cho Chúa, tôi chỉ lo mở đường cho tôi. Rất nhiều khi thay vì làm chứng cho Chúa, tôi chỉ lo làm chứng cho tôi. Rất nhiều khi thay vì giới thiệu Chúa, tôi chỉ giới thiệu bản thân mình.

Hôm nay, Chúa mời gọi tôi hãy soi mình vào tấm gương của thánh Gioan Baotixita để biết cách dọn đường cho Chúa ngự đến.

 

Xin thánh Gioan Baotixita giúp chúng con sống trong sáng để trở nên chứng nhân của chân lý, chứng nhân của ánh sáng.

 

 Lm Giuse Nguyễn Hữu An

 

Mục lục

 

 

Quần áo, một nhu cầu căn bản

 

Kinh Thánh thuật lại, từ khi Ông Bà Nguyên tổ Adong Evà phạm tội lỗi giới răn Thiên Chúa, lúc đó con người mới cần đến quần áo mặc để che thân xác mình cho khỏi xấu hổ.

Quần áo trở thành nhu cầu cho cuộc sống con người, nhu cầu bảo vệ sức khoẻ, nhu cầu vệ sinh, để khỏi bị gió lạnh hay bị dơ bẩn gây ra bệnh tật.

Theo dòng thời gian, tùy theo nhu cầu cùng tiến trình văn hóa, văn minh thời đại càng ngày con người càng chế biến ra nhiều kiểu thức cùng mầu sắc quấn áo khác nhau cho tiện cùng đẹp.

Quần áo trở thành không chỉ để đáp ứng nhu cầu căn bản. Nhưng đã dần trở nên kiểu cách thời trang, cùng biểu hiện đặc điểm của một dân tộc, một thời đại sinh sống, một hội đoàn, một tổ chức đạo cũng như đời trong nếp sống qua quần áo trang phục!

Trong đời sống đức tin, người tín hữu Chúa Kitô có nhu cầu quần áo gì?

Quần áo thời xa xưa làm bằng da thú vật hay lá cây bện đan lại. Nhưng ngày nay may bằng vải dệt, bằng da thuộc hay do hỗn hợp hóa học biến chế ra.

Thánh Gioan tẩy gỉa sống cách đây hơn hai nghìn năm, xuất hiện là một Tiên Tri giảng về nước Thiên Chúa, mặc áo lông lạc đà.

Quần áo ông mang mặc bằng lông thú vật, theo Phúc âm thuật lại và hình vẽ ông còn lưu lại, nói lên điều gì là nguyên thủy đậm nét chân thật cùng đơn giản.

Đặc tính đó phản ảnh nếp sống con người cùng sứ vụ Ông: người dọn đường cho Chúa Giêsu, Đấng cứu thế đến trong trần gian. Đấng đó là “original” Thiên Chúa đầy quyền năng và tình yêu mến.

Quần áo bằng lông thú vật Ông mang mặc trên người còn nói lên lòng yêu mến thiên nhiên do Thiên Chúa đã tạo dựng nên.

Người tín hữu Công giáo không cần phải mặc áo da thú lông đã như Thánh Gioan tẩy gỉa. Nhưng từ ngày nhận lãnh làn Nước Bí tích Rửa tội, họ đã được mặc chiếc áo trắng Chúa Giêsu Kitô trong tâm hồn.

Chiếc áo trắng Rửa tội như Thánh Phaolô diễn tả: Bất cứ ai trong Anh em được rửa tội thuộc về Chúa Kitô, đều mặc chiếc áo Chúa Kitô. ( Gal 3,27).

Hình ảnh chiếc áo Rửa tội, mà Thánh Phaolô diễn tả, hướng tâm trí tới chiếc áo trên trời đã dành dọn sẵn cho con người được Chúa Giêsu Kitô cứu độ.

Chiếc áo này nhắc nhở họ là người thuộc về Giáo Hội Chúa Giêsu Kitô. Nhưng không tách biệt đem họ ra ngoài cuộc sinh sống trong xã hội con người.

Chiếc áo trắng rửa tội họ mang trong tâm hồn là dấu chỉ nhắc bảo phải sống sao trở nên người công chính, yêu mến sự trong sáng, và xa tránh sự dữ bóng tối tăm tội lỗi.

Chiếc áo trắng rửa tội còn là nhắc nhớ về một kỷ niệm đức tin: tôi đã được rửa tội. Tôi thuộc về Chúa Giêsu Kitô. Ngày xưa, trong lúc gặp khủng hoảng đức tin, Martin Lutherô, Ông thủy tổ của đạo Tin lành Lutherô, đã lấy phấn viết lên bảng dòng chữ “ Ich bin getauft – Tôi là người đã được Rửa tội”, để nhắc nhớ lại chiếc áo trắng rửa tội đang mang trong tâm hồn mình.

Chiếc áo trắng rửa tội là dấu hiệu nói lên sự trong trắng vô tội. Vì thế, khi trao chiếc áo trắng Rửa tội, Giáo Hội khuyên nhủ: “Con hãy mang chiếc áo này tinh tuyền luôn mãi”.

Người đời có câu ngạn ngữ “ chiếc áo không làm nên thầy tu”. Nhưng không có “ y phục xứng kỳ đức” cũng chẳng giúp phát triển cùng xây dựng gì cho đời sống làm người trong cộng đồng xã hội, cũng như trong đời sống đức tin.

Như Thánh Gioan tẩy gỉa mặc áo lông thú lạc đà nguyên thủy loan báo làm chứng cho Đấng là nguyên thủy cội nguồn của sự sống. Chiếc áo rửa tội người Công giáo mang mặc trong tâm hồn không là chiếc áo để trang điểm. Nhưng chiếc áo đó diễn tả điều nguyên thủy: ánh sáng trong trần gian.

LM. Nguyễn Ngọc Long

Mục lục

 

 

 

 

CHÚC MỪNG CÁC TÂN PHÓ TẾ DÒNG CHÚA CỨU THẾ VIỆT NAM

 

“Đường đi lên nhà Chúa, Chúa ơi cung thánh Ngài ngời bao huyền diệu, ngất ngây trong cõi lòng lạy Chúa con mơ ước ngày đêm ...”.

Vâng ! Với lòng ngây ngất, hạnh phúc các tiến chức bước vào Đền Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp sáng nay để nhận sứ vụ phó tế. Toàn thể cộng đoàn dân Chúa ngày hôm nay cùng hoà chung niềm vui với các Thầy, gia đình, bà con thân thuộc và Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam.

Thánh lễ sáng nay làm tôi suy nghĩ về sứ vụ phó tế mà các tiến chức lãnh nhận.

Trở về nguồn hay nói đúng hơn là phù hợp với lòng “dân” hơn nên từ các vị có trách nhiệm đến những ai có liên quan trong Thánh Lễ sáng hôm nay đã ý thức sâu sắc nhiệm vụ của phó tế. Phó tế chính là những người phục vụ bàn tiệc Lời Chúa và bàn tiệc Thánh Thể.

Có lẽ do quá trân trọng hay vì thuộc là “hàng hiếm” nên rồi giáo dân đã vô tình hay cố ý gắn cho các tiến chức một câu nghe rợn óc : “từ bụi tro Chúa nâng con lên hàng khanh tướng !”. Hơn một lần tôi nghe người nào đó đùa cợt sửa một câu trong bài hát ấy thật mỉa mai và đau lòng “Từ bụi tro Chúa nâng con lên hàng khinh tướng !”.

Cũng không phải là không có lý khi họ sửa lời bài hát đấy. Khinh tướng có thể đến từ hai phía chứ khổng phải là lỗi của ai cả :

Giáo dân quý trọng hàng giáo sĩ quá, trân trọng hàng giáo sĩ quá để rồi trong bất cứ việc gì từ lễ cho đến lạc đều dành cho hàng giáo sĩ cả. Còn ngược lại, giáo sĩ do được hưởng nhiều “chế độ ưu đãi” quá nên đôi lúc đã quên quá khứ của mình.

Thôi ! Hãy dừng lại và quay về với cái sứ vụ thực từ Hội Thánh tiên khởi chứ đừng làm bóp méo đi cái hình ảnh đẹp thuở ban đầu ấy.

Lời bài hát Hiệp lễ trong Thánh lễ hôm nay như là lời nhắc nhở các “tân chức” : “... Sao Chúa lại gọi con làm nhân chứng cho Ngài trong cuộc đời này ? Sao Chúa lại gọi con mang tin mừng cho người mọi nơi, vì đời con đáng gì đâu, có đáng gì đâu để đem Tin mừng, biết rằng con nhỏ bé mà thôi nhưng vững tin nơi Ngài ...” Xin các thầy nhớ những dòng nhạc dễ thương này và mang nó theo trong hành trình sống của mình : “Vì đời con có đáng gì đâu” thì xin nhớ để đừng bao giờ huyên hoang. Mà huyên hoang cũng chẳng giải quyết được chuyện gì cả. Càng khiêm nhượng bao nhiêu thì càng được yêu mến bấy nhiêu, đó là quy luật của cuộc sống tự ngàn xưa.

Cũng xin thưa với các “tân chức” thân yêu rằng sau những giây phút thánh thiêng của cử chỉ đặt tay của Giám mục để trở thành người được thánh hiến cho Thiên Chúa, sau những giây phút vui mừng với ông bà cha mẹ và mọi người thân thương, sau cái ôm hôn thắm thiết của qúy cha quý thầy trong dòng Thánh, sau những tiếng vỗ tay chúc mừng và sau những tấm hình in đậm kỷ niệm của ngày trao sứ vụ thì quý thầy lại trở về với một cuộc đời thường và rất là thường. Và phải nói rằng biết bao nhiêu khó khăn trước mắt đang chờ đón các thầy, biết bao nhiêu cạm bẫy bày ra trước mắt các thầy và các thầy phải vượt qua. Khi và chỉ khi bám vào Chúa thì may ra các thầy mới có thể vượt qua được, bằng không với sức của mình, với những toan tính của mình chẳng chóng thì chầy các thầy cũng sẽ ngã mà thôi.

Và đôi khi mãi mê với “thế sự thăng trầm” mà quý thầy lại quên đi lời thỉnh vấn hết sức quan trọng trong nghi thức mà Giám mục thỉnh vấn : “Con hãy nhận lấy Phúc Âm của Chúa, tin điều con đọc, dạy điều con tin, sống điều con dạy”. Tin điều gì đã đọc thì dễ, dạy điều mà mình đã tin thì cũng còn dễ nhưng sống điều mình dạy thì chẳng có mấy ai thực hành một cách nghiêm túc cả.

Đây quả là một điều thách thức với các thầy. Ngày hôm nay người ta thích hoa mỹ hơn là chân thành đơn sơ, người ta chạy theo xu hướng của xã hội nên thích bề ngoài hơn bề trong, thích hình thức hơn nội dung để rồi khi đứng trên bục giảng, thính giả vẫn thích nghe những lời hoa mỹ, bóng bẩy hơn là những lời chân tình thốt ra tự con tim, tự đáy lòng. Thế nên một lần nữa, quý thầy cũng phải dìm cuộc đời mình vào trong Chúa để rồi mình mới có thể dám sống điều mình nói. Nếu không tất cả những lời hoa mỹ ấy chỉ là xáo ngữ, chỉ là hình thức bên ngoài mà chẳng có một chút gì là nội dung, là chất, là lượng cả.

Đời mà các thầy sống phải là một cuộc đời trao hiến thật sự chứ không phải để ăn trên ngồi chốc như khá nhiều người lầm tưởng. Đời mà các thầy sống đấy vẫn là những cái gì hết sức bình thường nhưng các thầy phải sống hết sức khác thường. Khác thường ở đây không phải là sống ở “cõi trên” hay là “chiếu trên” hay “chổ nhất trong Hội Đường” ... nhưng phải ý thức được sứ mạng mà Thiên Chúa và Nhà Dòng trao phó.

Từ hôm nay, 12 tháng 12, Nhà Dòng nói riêng và Hội Thánh nói chung có thêm 10 giáo sĩ, có thêm 10 vị để phục vụ Tin mừng cho Chúa ở trần gian. Xin chúc mừng Nhà Dòng, xin chúc mừng quý thầy.

Hoà chung niềm vui với Dòng Chúa Cứu Thế và gia đình bạn bè thân hữu, xin cầu chúc các thầy luôn cảm thấy vui và hạnh phúc trong sứ vụ mới. Xin Chúa thương ban cho các thầy nhiều ơn cần thiết để hoàn thành sứ vụ của một người đầy tớ trung tín và khôn ngoan như lòng Chúa mong ước.

Mục lục

 

TÀI LIỆU THƯỜNG HUẤN LINH MỤC GIÁO PHẬN ĐÀ LẠT 2007

 

TỤC LỆ DỰNG VỢ GẢ CHỒNG TRONG CÁC CỘNG ĐỒNG KƠHO

 

Tục lệ vốn được người Kơho gọi bằng một cụm từ đặc trưng dễ nhớ của họ là lăp klau tam bau ùr, nghĩa là dựng vợ gả chồng, là tục lệ rất nền tảng chi phối mọi sinh hoạt cưới xin trong các dòng tộc người Thượng.

Cho đến nay khi tiếp xúc với các nền văn hóa khác thì tục lệ này có bị ảnh hưởng tại một số nơi, do những ý tưởng mới được gọi là nếp sống văn hóa và văn minh mới, vấn đề này nảy sinh do vấn đề hội nhập trong bối cảnh xã hội mới. Tuy nhiên có thể thấy tại những vùng Kơho – Sre thì tính truyền thống vẫn còn nguyên vẹn về mặt nội dung, chỉ thay đổi chưa đáng kể một ít hình thức bên ngoài.

Vì chuyện hôn nhân và gia đình là nghĩa vụ bảo tồn nòi giống cho cộng đồng (jơi nòi mơ bòn lơgar), nên trong cách thức tổ chức và xếp đặt việc ấy người Thượng cũng vận dụng tất cả kho tàng khôn ngoan hiểu biết trong cái thế giới riêng của họ để nói lên ý nghĩa và tầm quan trọng của hôn nhân, cũng như để vun đắp và bảo toàn cho cái cơ chế đầu tiên ấy của loài người (jơi kòn-bơnus).

Nói chung, đã có cả một truyền thống văn hóa, tục lệ và nghi lễ về chuyện dựng vợ gả chồng.

Một số cách nói sau đây được họ nói lên sự suy nghĩ của họ về lĩnh vực quan trọng này.

Khi đề cập chuyện dựng vợ gả chồng là chuyện tự nhiên của tạo hóa, nên cũng là lẽ đương nhiên trong đời người, thì thường họ có câu nói ví von cửa miệng rằng :

Rơpu dờng să gen jòi tơnao,

Cau kuăng gen să jòi anih.

(Con trâu tới lúc kiếm cái vũng để nằm.

Con người cũng tới lúc kiếm cái nơi để độ thân).

Khi muốn dùng hình ảnh tạo vật khác để sánh ví về hôn nhân thì họ nói :

Sềm tam trồ geh yô,

Tơ-ài lah he kòn bơnus.

(Chim trời cũng có đôi,

huống hồ chúng ta là con người)

Khi phải nại tới cội nguồn của hôn nhân thì họ nói :

Yàng bơrkuăt che sŏ,

Tơrbo che cing,

Pơnring che jền.

(Ông trời se duyên kết tóc,

làm nên tình nghĩa vợ chồng)

Khi phải nói về hôn nhân hạnh phúc, chẳng những chỉ có sự ưng thuận của đôi nam nữ mà thôi, mà còn đặt trên cả sự đồng thuận của cha mẹ và bà con dòng tộc thì họ nói :

Ring khi ring he,

ring me ring bàp.

(Thuận gái thuận trai,

thuận cha thuận mẹ)

Ngược lại, trong trường hợp hôn nhân bị sóng gió vì gặp sự phản đối của gia đình thì họ có câu :

Di tồr he tồr mè bơlhŏ,

Di tồr he tồr lo bơsàp,

Di tồr he tồr bàp bơtăng.

(Thuận gái thuận trai

mà không thuận chị,

thuận mẹ thuận cha).

Đó chỉ là một vài cách nói đặc trưng trong muôn vàn cách nói khác nhau về hôn nhân và gia đình, có thể gọi đó là văn hóa cưới xin, bởi vì nơi đây thể hiện cái bản sắc đặc thù của người Thượng bằng những kiểu nói truyền thống được rút ra từ trong kho tàng văn hoá cổ xưa của họ, nhằm mục đích răn dạy mọi người về hôn nhân.

Ca dao tục ngữ có thể được coi là thuộc bình diện văn hóa, nên trong thực tế được coi như kim chỉ nam có ý nghĩa sâu xa, có sức mạnh thuyết phục mọi người tin và sống, bởi vì đó là kinh nghiệm ngàn đời để lại.

Cũng qua đó nói lên ý nghĩa và tầm quan trọng của đời vợ chồng trong nghĩa vụ bảo tồn và làm cho phát sinh nòi giống.

I. NHỮNG CÁCH THỨC TIẾN TỚI HÔN NHÂN

Có những cách thức đã hình thành từ xa xưa trong việc tiến tới đời sống hôn nhân và gia đình của người Thượng, cho đến nay những hình thức này vẫn chưa bị mai một, nhất là trong những cộng đồng lớn.

Những cách thức sau đây cho đến nay vẫn còn khá thịnh hành tại nhiều nơi :

1.                                    Bao bic :

Là cách thức mà đôi nam nữ tự chọn, cách thức này hay có trong những cộng đồng lớn, nơi tập trung nhiều dòng họ sống chung trong một làng, giới trẻ có điều kiện tiếp xúc và giao du với những người không cùng họ hàng với mình, (jòi kòn jòi bau) nên có cơ hội chọn bạn đời trong khung cảnh xã hội rộng lớn hơn.

Sau một thời gian quen nhau, gặp gỡ và tự quyết định, thì đôi nam nữ mới cho gia đình biết để hai bên định liệu qua tục lệ gọi là hào hìu,  nghĩa là bên gái chính thức đến hỏi chồng, và bên trai chính thức trả lời chấp nhận hay không cuộc hôn nhân ấy, nếu chấp nhận thì bên nhà trai làm nghi thức gọi là jơrkă khà (bẻ cái thẻ tre), trong nghi thức này bên nhà trai đưa ra những điều kiện về của hồi môn họ gọi là phan kơt mà nhà gái phải trả cho nhà trai.

Trong tục lệ này, bên nhà gái có thể đư khà có nghĩa là chấp nhận tất cả mọi điều kiện được đưa ra, hoặc điều đình xin giảm xuống (tam dăn) vì hoàn cảnh bên nữ không cáng đáng nổi, trong hoàn cảnh này thì mọi sự hoàn toàn nhờ cậy vào tài khéo của người điều đình, thường là người cậu lớn trong họ mà họ gọi là cau kồn-pàng dờng, người này đòi hỏi phải là người có tài đối đáp trong cách ăn cách nói, kể cả bằng thơ ca, bằng ca dao tục ngữ, nghĩa là làm thế nào để gia đình bên trai nghe và thấy có lý mà trở nên mềm lòng với bên nhà gái.

Trong trường hợp bao bic, thì chữ bic có thể được hiểu là đã sống chung trước khi có sự thỏa thuận của gia đình hai bên, các thủ tục về sau liên hệ đến của hồi môn là sự hoàn tất và công khai hóa trước mặt gia đình, họ hàng và cộng đồng.

Bao bic là lối cưới nhau của thời kỳ đời sống còn quá tự nhiên, và chuyện quan hệ nam nữ trước khi cưới theo tục lệ được dư luận cộng đồng đánh giá là chuyện tự nhiên và không quá đặt nặng vấn đề luân lý.

Người con trai phải bồi thường thiệt hại cho người con gái, nếu không giữ lời hứa tiến tới hôn nhân.

Trong các thế hệ trước, tập tục bao bic chưa bị phê phán là một tập tục suy đồi và không trong sáng, giảm hạ phẩm giá hôn nhân.

2.                                    Bao lăp : là lối cưới xin do cha mẹ bên gái chủ động đứng ra hỏi chồng cho con gái mình.

Trong cộng đồng Kơho - Sre thì lối cưới xin này vẫn khá thịnh hành.

Thường thì người Thượng có những bước tiến hành như sau :

Bước đầu tiên gọi là srào, nghĩa là nhờ một trung gian nào đó ngỏ ý trước để xem phản ứng của đối tượng ra sao, nếu thấy có sự thuận lợi thì mới tiến hành những bước cụ thể hơn, nói chung trong rất nhiều trường hợp đây không phải là những bước quá dài phải chờ đợi trong nhiều năm.

Bước tiếp theo là lòt lăp (đi hỏi), cha mẹ bên gái nếu thấy thuận lợi ở bước thăm dò, thì đi bước tiếp theo là nhờ một người trung gian đến hỏi bên nhà trai, người này được gọi là kòn gùng, có nghĩa là người làm đường giữa đôi bên, người này phải là một con người dày dặn kinh nghiệm, biết ăn biết nói, thậm chí phải biết đối ứng bằng thơ ca, bằng ca dao tục ngữ, nghĩa là vận dụng tất cả tài khéo để nối kết đôi bên thành vợ thành chồng, do đó mà người trung gian mai mối phải là một tay lão luyện trong giao tế, cách riêng trong chuyện này.

Rất thường thấy xảy ra tại những cộng đồng Kơho–Sre cha mẹ thu xếp cách cưới hỏi này giữa con cô con cậu mà họ gọi là bao lŏ kòn kồn, kể cả con cô con cậu ruột, trong trường hợp này nếu người con trai từ chối thì phải trả một món nợ cho bên gái, dù anh ta không hề dan díu với người con gái trước đó.

Theo tập tục thì từ ngày đó họ chính thức nhận nhau làm anh làm em mà họ gọi là lơh lŏ lơh să, và sẽ không bao giờ là đối tượng cho việc dựng vợ gả chồng nữa.

Người Thượng Kơho - Sre, đặc biệt không bao giờ chấp nhận cho con chú con bác lấy nhau, họ gọi chuyện đó là còng, abă-abañ nghĩa là chuyện trời đánh và tối kỵ, nên nếu có một số trường hợp này xảy ra thì phải cúng chuộc tội  (cràs) rất nặng trước tổ tiên và bà con họ hàng để được chuẩn chước cho.

Trước đây cũng thấy hay xảy ra nhiều bậc cha mẹ ép duyên con gái mình, chúng bị buộc phải ưng thuận trước những áp lực quá nặng nề của gia đình, nhưng đổi lại thì gia đình sẽ bảo hộ toàn diện về của cải vật chất cho chúng.

Có thể nói, trừ một số ít trường hợp, còn hầu hết hôn nhân bao lăp thường khó xảy ra nạn ly dị, vì được bao bọc chung quanh bởi cả một hệ thống dòng tộc, nên nhiều thực tế cho thấy cũng có khả năng họ gắn bó sống đời vợ chồng sau khi đã chung sống trong một thời gian.

Có thể thấy một số lý do để người Thượng biện minh cho chuyện xếp đặt cách dựng vợ gả chồng theo lối này, đặc biệt có ba lý do chính như sau :

·         Cưới người trong họ để về thừa kế tài sản mà gia đình đã dày công gây dựng bao nhiêu đời qua, tốt hơn là để quyền ấy cho người xa lạ.

·         Nếu cưới người xa lạ thì sợ lây dòng quỉ (gơtờp cà), trong tâm thức cũ thì người ta rất sợ và rất kỵ chuyện này, nên cưới nhau giữa người trong họ thì bảo đảm hơn.

·         Người ta cũng sợ nạn bạo hành và ly dị trong hôn nhân, khi cưới phải một người con trai không đàng hoàng, (cau ờ ngăn ngồn), thường những bậc làm cha mẹ đã quá nhiều kinh nghiệm đau khổ bản thân và về nhiều cặp hôn nhân, nên tìm cách xếp đặt cho chúng cưới nhau theo ý mình muốn.

3.                                    Bao lăp rò : lối cưới xin này trong thực tế có vẻ hiếm hơn, đây là hình thức mà cặp nam nữ đã có sự yêu thương trước, thường được dư luận cho là tự nhiên mà lành mạnh, do hai đương sự giữ mình và tránh xảy ra trường hợp của bao bic, nghĩa là xảy ra vấn đề sống chung hiểu theo nghĩa chung chạ gái trai.

Xét về bản chất thì lối cưới hỏi này tiến bộ và đạo đức, nó tránh được những khuyết điểm của lối bao bicbao lăp, nghĩa là tự do mà vẫn trong sáng, bảo toàn được ý nghĩa cao đẹp của hôn nhân.

Chính nền giáo dục là môi sinh cho hôn nhân loại này, người trẻ nào được giáo dục tốt và có hiểu biết thì họ sẽ không chấp nhận cái tiếng xấu của lối bao bic và tục hào hìu,  đồng thời cũng không chấp nhận áp lực của cha mẹ như trong bao lăp, họ ý thức quyền lợi và nghĩa vụ của mình trong hôn nhân, những người khác không thay thế họ trong quyết định mà chỉ hướng dẫn và nâng đỡ họ sáng suốt trong chọn lựa và trung thành về sau mà thôi.

4.                  Bao mă bao ròng : đây là hình thức Tảo hôn trong xã hội Thượng.

Vẫn còn xảy ra những trường hợp cha mẹ bắt rể trước khi con gái mình đủ tuổi để cưới nhau theo lệ thường, ở đây hiểu là con gái dưới 14 tuổi trọn, trong khi con trai có thể nhiều tuổi hơn.

Chuyện cưới nhau trước khi đủ tuổi theo luật định là di sản của quá khứ và có nhiều lý do, một trong những lý do ấy là cha mẹ con gái lo lắng cho con mình càng lớn tuổi thì càng khó khăn hơn trong việc chọn chồng, họ gọi là kòn ùr tào loàng, nghĩa là sợ con gái lớn sẽ bị ế chồng nên liệu trước cho chúng thì hơn.

II.    MỘT SỐ TỤC LỆ VÀ NGHI LỄ TRONG HÔN NHÂN

Gọi là tục lệ, bởi vì nó giống như một loại thủ tục và điều kiện cần phải hội đủ trước khi cưới nhau, và gọi là nghi lễ vì đây là những nghi thức trong chuyện cưới xin.

Có một số tục lệ và nghi thức cho đến nay vẫn còn được thực hành trong các cộng đồng, nó quan trọng vì qua đó vợ chồng được thừa nhận bởi dòng tộc và cộng đồng, gồm có như sau :

1.                              Tục Jơrkă khà : là tục bẻ cái thẻ tre để định của hồi môn. Việc này do nhà bên trai thực hiện trước mặt nhà gái sau khi đôi bên đã ưng thuận kết hôn, trong tục lệ này người ta thương lượng với nhau về những thứ của cải mà bên nhà trai có quyền hưởng do việc con mình về làm rể bên nhà gái.

Người có quyền trong việc này bên nhà trai là ông cậu lớn mà họ gọi là cau kồn dờng,  chính ông là người có tiếng nói mạnh nhất quyết định mọi chuyện, tất yếu cũng có tiếng nói của cha mẹ và bà con họ hàng.

Còn phía bên nhà gái thì cũng có nhân vật đối xứng là ông cậu lớn trong họ, chính ông ta cũng là người có tiếng nói mạnh nhất giống như phía bên kia, để chấp nhận hay xin giảm xuống cái giá mà nhà trai đưa ra (đư khà mơ tam dăn), thường khi người ta phải chấp nhận theo hình thức, để sau đó có thể trả dần với khả năng của cải hiện có của bên nhà gái.

2.                              Bơcik bồ : có thể gọi tục bơcik bồ là một nghi lễ, cụng đầu là sự tỏ dấu ưng thuận chính thức trước mọi người.

Người con trai và con gái được một người thế giá nhất trong họ làm nghi thức cụng đầu nhau để nói lên sự ưng thuận ấy. Nghi lễ này diễn ra một thời gian ngắn sau tục jơrkă khà diễn ra bên nhà trai và nhà trai khoản đãi bằng một bữa tiệc nhỏ trong phạm vi gia đình và bà con họ hàng gần.

Cũng có khi người ta làm nghi lễ khác để thay thế là nghi thức đeo cái còng tay (pơndò kòng) giữa hai vợ chồng mới, từ đó hai người sẽ luôn ràng buộc nhau trong nghĩa vợ chồng.

Từ sau nghi lễ bơcik bồ hay pơndò kòng thì theo tục lệ đôi nam nữ đã chính thức trở thành vợ chồng, có quyền lợi và nghĩa vụ trên nhau như mọi đôi vợ chồng khác, nghĩa là đã có quyền sống chung từ khi ấy.

Chính từ nghi lễ này mà nếu về sau phải quyết định ly dị, thì người ta phải làm nghi thức gọi là tà kòng, nghĩa là tháo cái kòng ra và hết ràng buộc trong nghĩa vụ vợ chồng.

Cũng có chỗ khi ly dị thì người ta làm nghi thức gọi là tuh phe, nghĩa là đổ gạo để phân chia đường ai nấy đi, không ràng buộc nhau nữa.

Ngoài ra trong ngày cưới bên nhà trai còn có nghi lễ gọi là giựt đứt dây xui (kơltăc che rềs), là nghi thức mà đôi vợ chồng mới thực hành ở nhà cha mẹ bên trai trong ngày lễ cưới.

Nghi thức này được thực hiện như sau  :

Đôi vợ chồng mới theo nhau đi vào đi ra nơi cánh cửa chính đủ ba vòng, sau đó giựt cho đứt cái sợi chỉ, nơi đuôi sợi chỉ ấy có buộc với khúc ruột già của con gà được cột sẵn nơi cánh cửa ra vào chính, sau đó thì ném đi phía sau lưng.

Ý nghĩa của nghi thức này để nói lên sự trừ khử những chuyện xui xẻo trong đời sống vợ chồng về sau, những chuyện ấy bị giựt bỏ và ném đi xa như vợ chồng mới ném cái sợi dây xui xẻo.

Tiếp theo đó thì vợ chồng mới làm nghi thức gọi là sa piăng păt, vợ chồng ngồi giữa nhà và được trùm đầu bằng cái khăn mới, họ cùng ăn với nhau một nắm cơm vắt để nói lên sự hiệp nhất vợ chồng, từ nay họ nên một trong mọi sự theo cái nghĩa rằng :

Bơh ndo hìngnau

ồi dùl păng, piăng dùl glah.

(Từ nay về sau,

 nằm chung một chăn, ăn cơm một niêu)

3.                              Jun bau : nghĩa gốc của chữ này là đưa chàng rể về nhà cô dâu, đây là tục ăn cưới được tổ chức sau đó một thời gian không quá lâu, lần đầu diễn ra bên nhà trai là chính, nhà trai chịu  chịu mọi phí tổn.

Trong các cộng đồng Kơho–Mà, người ta thích nói là nô-bau nghĩa là uống cưới, chứ không nói jun bau như trong các cộng đồng Kơho–Sre.

Bên nhà trai có tục lệ giết heo (peh sur) cho tiệc cưới, nhà trai mời đại diện bên nhà gái đến chứng kiến con heo và được trao lại một nửa con để về làm tiệc cho ngày cưới ngày tiếp theo bên nhà gái, tục lệ này người ta gọi là trao cái đầu heo (jào bồ sur).

Trong cái tục này nhà trai muốn nhắc nhà gái rằng :

-                                  “Chúng tôi đã giết heo cỡ này thì nhà bên đó cũng phải giết một con heo tương xứng để khoản đãi chúng tôi trong tiệc cưới lần hai.” (Tơ-a jun bau).

Người ta cũng có câu nhắc nhau về chuyện này rằng :

Bồ sur be ne, bồ be be dă.

(Đầu heo cỡ này thì đầu dê cũng phải xứng, nghĩa là phải bằng nhau, ít hay nhỏ hơn thì không được !)

Khách mời trong đám cưới thì gồm có bà con họ hàng gần xa và cả bầu bạn xa gần nữa, theo tục lệ xưa khách không cần mang bất cứ món quà cáp để tặng cho đôi vợ chồng mới, và nhà cưới cũng không có cái lệ nhận quà, mọi phí tổn cho tiệc cưới nhà cưới sẽ hoàn toàn lo liệu.

Chính trong cái ngày jun bau này mà bên nhà gái chính thức đem của hồi môn sang trao cho nhà trai, việc này diễn ra trước mắt đại diện bên nhà trai và là phần chính trong lễ cưới.

Cũng trong ngày cưới này, họ hàng bên nhà trai phân phát của hồi môn cho các thành viên trong họ mình, phần lớn nhất được dành cho cha mẹ, sau đó có phần các cậu lớn nhỏ và bà con gần, kể cả các cháu nhỏ trong họ cũng có phần tượng trưng cho chúng bằng một số tiền để ăn quà, tục lệ này họ gọi là wăn nòng jun bau,  nghĩa là đeo cái chuỗi của chàng rể, những người trong họ hàng bên trai được hưởng quyền lợi này.

4.                              Tơ-a jun bau : là lễ cưới lần thứ hai, thường diễn ra nhiều năm sau khi ăn cưới lần đầu, trong nghi lễ này bên nhà gái và đặc biệt là chính đôi vợ chồng hoàn tất nốt những cái còn lại trong chuyện của hồi môn phải trả, trong lễ cưới lần hai này đôi vợ chồng là người chủ sự, và là người đứng ra mời khách dự tiệc cưới.

III. CHẾ ĐỘ MẪU HỆ

Người con trai về làm rể bên nhà gái, hay nói cách khác là người con gái lấy chồng.

Trong một lịch sử dài không thể phủ nhận chuyện người chồng trong gia đình có ít quyền hành hơn người vợ, thậm chí phải nói rằng đó là cái luật tục, nhưng trong thực tế mọi sự còn tùy ở con người cụ thể, vì đối với một người chồng mạnh mẽ và khôn ngoan thì người vợ cũng như họ hàng bên nhà vợ không thể lấn át được cái quyền tự nhiên và hữu lý của người chồng, nhờ đó mà người chồng điều hành công việc và con cái trong gia đình theo cái quyền của mình.

Từ một góc độ khác thì có thể thấy rằng, người vợ có quyền lớn hơn người chồng là do đã trả của hồi môn về nhà chồng, với của cải ấy thì người vợ hẳn có quyền hơn người chồng, trong khi người chồng không thể phủ nhận tính cách mình bị mua, và trở thành cau rê dí, nghĩa là người về phục dịch cho nhà vợ, đương nhiên ở đây không hiểu theo nghĩa nô lệ như thường hiểu mà là nô lệ theo nghĩa vợ chồng, người con trai bỏ cha mẹ mình mà về nhà vợ. 

Đối với các người chồng Thượng hầu như không quan tâm đến những thất thế về danh xưng và quyền hạn, mà chỉ quan tâm đến chuyện cưới vợ, họ có đem cả cuộc đời mình trả giá cho việc ấy thì không thành vấn đề, miễn họ được một người bạn đời.

Tuy nhiên, trong trường hợp phía nhà gái không đủ số của cải làm của hồi môn cho nhà trai thì tục lệ chấp nhận cho người con gái về nhà con trai trong một thời hạn là ba năm, tục lệ gọi trường hợp này là rê ơm bơnhă, nghĩa là về phục dịch cho bên nhà chồng để trả ơn cho cha mẹ bên chồng, đủ thời gian ba năm ấy thì người con gái có quyền dắt chồng con về nhà cha mẹ đẻ của mình kèm theo một số của cải cha mẹ bên chồng ban phát cho mà họ gọi là phăn pơndăp sơ.

Thời nay chế độ mẫu hệ vẫn tồn tại, và chính trong cộng đồng Thượng thì chưa ai đặt vấn đề này, người ta cho rằng chuyện người con trai theo vợ là chuyện tự nhiên không cần bàn cãi.

Còn chuyện người vợ có quyền trong gia đình cũng là chuyện đương nhiên, bởi vì người vợ hay người mẹ là người trực tiếp coi sóc con cái và tài sản gia đình, nên họ có quyền để định đoạt là hữu lý và chính đáng.

Người chồng có vai trò quan trọng trong việc làm ra của cải, nhưng không phải là người quản trị, và cũng do rất nhiều thực tế lịch sử nên chế độ mẫu hệ trong xã hội Thượng vẫn luôn đứng vững qua các thời đại cho đến thời nay.

Tuy nhiên, thời nay người cũng thấy có những bước đổi mới, nghĩa là cái quyền của người chồng cũng đã được nhìn nhận, đặc biệt trong vấn đề tài sản ông có quyền hưởng một phần trong trường hợp người vợ chết và phải tái giá với một người vợ khác, riêng về phần con cái thì vẫn hoàn toàn thuộc về bên họ hàng vợ quá cố.

Kết luận

Nói tới chuyện hôn nhân và gia đình người Thượng thì cũng cần đi từ cái nhìn tổng quan đến phân tích, làm như thế là cần thiết để khám phá ra những giá trị truyền thống cần bảo toàn, những tập tục và những nghi lễ cần duy trì và mặc cho chúng một ý nghĩa hoàn bị hơn.

Làm như thế cần thiết cho sự thừa nhận của cộng đồng, trước khi tiến tới được sự thừa nhận về mặt pháp lý dân sự.

Sự nhìn nhận về mặt tôn giáo cũng cần dựa trên những giá trị truyền thống, thiếu nền tảng của những giá trị truyền thống thì Bí tích sẽ trở nên lạc lõng.

Bên cạnh những tập tục đẹp cũng cần khám phá ra những hình thức tục lệ suy đồi hay còn đáng gọi là những hủ tục, do những thói tục ấy trong thực tế đi ngược lại luân thường đạo lý, và do đó thực sự làm giảm hạ phẩm giá của hôn nhân.

Nói chung, chuyện dựng vợ gả chồng vừa là nét văn hoá lớn, vừa là thuần phong mỹ tục và những nghi lễ mang ý nghĩa xây dựng đời phu thê, bên cạnh đó luôn tồn tại những thói tục suy đồi không thể phủ nhận được.

Lm. Phanxicô Xaviê K’Brel

 

Mục lục

 

 

SỐNG CHỨNG NHÂN

 

ĐỪNG THẤT HỨA ... GIỮ TRINH KHIẾT

 

Ngày 6-12-1726, tại đan viện kín Cát-minh ”Chúa Ba Ngôi” ở Munich (Đức Quốc) nữ tu Anne-Josèphe de Jésus Lindmayr, trút hơi thở cuối cùng, hưởng thọ 69 tuổi. Ngay năm sau - 1727 - giáo phận Munich mở cuộc điều tra lập hồ sơ xin phong thánh cho Chị.

Trước khi vào tu, Chị Anne-Josèphe de Jésus đã nổi tiếng đạo đức, dưới tên gọi Marie-Anne Lindmayr. Chị được đặc ân tiếp xúc với các Linh Hồn nơi Lửa Luyện Tội, hay nói đúng hơn, các Linh Hồn hiện về xin Chị ăn chay, hãm mình đền tội, và cầu nguyện cho họ sớm được giải thoát khỏi nơi giam cầm, về hưởng tôn nhan Chúa. Xin trích dịch một đoạn trong ”Nhật Ký” của Chị.

Từ vài năm qua, con nhận dấu hiệu từ phía các Đẳng Linh Hồn bằng nhiều cách thức khác nhau, thể theo đà con tiến tới trong đàng nhân đức. Con luôn luôn xin Chúa đừng để chuyện này xảy vì sợ rằng quỉ dữ có thể xen vào và lừa gạt con chăng. Cứ mỗi lần con nghi ngờ về điều gì, con khẩn khoản van xin THIÊN CHÚA trợ giúp. Con cũng kêu cầu Chúa đừng dẫn con đi trên các nẻo đường - xem ra khó hiểu đối với Cha Linh Hướng - đồng thời trở nên nguy hiểm cho con.

Mối liên hệ chặt chẽ với các Đẳng Linh Hồn nơi Lửa Luyện Hình bắt đầu ngay sau khi thân phụ con qua đời. Một thiếu nữ tên Marie Pecher nhắn người nói với con rằng cô rất tin tưởng nơi con và ước ao hầu chuyện với con. Tuy nhiên, cô đang đau liệt giường nên không thể đến tận nhà gặp con.

Cho đến lúc ấy, con không có liên hệ thân tình nào với cô. Trước đó, con nghe nói cô muốn gặp con, nhưng bị thân mẫu cản ngăn vì bà mẹ sợ con lôi cuốn con gái bà vào con đường quá đạo đức hoặc vào đời sống tu dòng. Sau khi mẹ qua đời, cô Marie Pecher tiếp tục cuộc sống đức hạnh, đáng nêu gương cho các thiếu nữ đồng tuổi. Cô cũng đính hôn với chàng trai tên Hufnagel.

Con nhờ người cáo lỗi với cô Marie Pecher: con không thể đến thăm cô trước khi đám tang Ba con hoàn tất, nhưng con hứa sẽ đến thăm cô ngay trong tuần lễ ấy. Thế là vào thứ bảy ngày 25-11-1690, nhằm lễ thánh Catarina trinh nữ, con đích thân đến nhà thăm cô Marie Pecher. Cô thẳng thắn trò chuyện và xin con cầu cho cô được chết khi vẫn còn giữ mình trinh khiết. Ba hôm sau, ngày 28-11, sau khi thu xếp mọi chuyện phải làm và lãnh nhận đầy đủ các bí tích, cô Marie Pecher trút hơi thở cuối cùng.

Vừa nghe tin, con thật sự kinh hoàng. Tuy nhiên, con không bao giờ tưởng tượng được rằng, cô sẽ đến nhà con sau khi cô chết! Do đó, mặc dầu trông thấy nhiều dấu hiệu chứng tỏ sự hiện diện vô hình của cô, con vẫn không để ý, nên không đặc biệt cầu nguyện cho cô.

Vài hôm sau, nhằm ngày thứ sáu 1-12, lúc đang đọc Kinh Chiều trước ảnh Đức Mẹ trong phòng, con bỗng nghe tiếng nói lớn: ”Hãy cầu nguyện cho em!” Con có cảm tưởng như nghe một bản thánh ca cầu hồn. Rồi cô quạt gió lạnh vào mặt con và kéo áo con. Sau đó, khi con cầm đèn dầu đi lại trong nhà, con như thấy một bóng người đi trước mặt con. Nhưng vì chưa có kinh nghiệm nào về chuyện các Đẳng Linh Hồn hiện về, con không hề nghĩ ngợi gì ráo trọi!

Phải đợi mãi đến ngày 8-12-1690, lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, con mới bắt đầu hiểu đầu đuôi mọi sự. Số là, vào các dịp lễ Đức Mẹ, con có thói quen thức dậy thật sớm và đi tham dự Thánh Lễ lúc 4 giờ hoặc 4 giờ rưỡi sáng. Một mình, con xách đèn dầu đến nhà thờ. Khi tới đường gọi là ”Lối đi Các Cha dòng Cát-Minh” con bỗng trông thấy một người mặc áo trắng đi trước mặt con. Người này có vóc dáng giống như cô Marie Pecher. Rất may, con vẫn không nghi ngờ gì, nếu không chắc con sẽ sợ đến chết đi được! Bóng trắng cứ đi trước con, suốt trọn con đường dẫn đến nhà thờ các Cha dòng Tên. Tại đây, lúc con muốn giơ đèn xem tỏ mặt ai đi trước mình thì bóng trắng biến mất. Chỉ khi vào đến nhà thờ, lúc quì cầu nguyện, con mới hồi tâm lại và hiểu rằng: bóng trắng ấy không ai khác là Linh Hồn cô Marie Pecher!

Tối hôm ấy, con nghĩ về cô Marie Pecher với nhiều thương yêu trìu mến. Khi quì gối cầu nguyện trước ảnh Đức Nữ Trinh Rất Thánh MARIA, con tha thiết thưa:

- Nếu quả thật vì vinh quang THIÊN CHÚA và vì phần rỗi của Linh Hồn, xin Linh Hồn hãy đến và cho biết danh tánh, hầu tránh cho con khỏi bị lầm lẫn.

Vậy là chính hôm ấy - đúng nửa đêm - một Linh Hồn xuất hiện. Con có cảm giác bị một người lấy ngón tay nóng như thiêu - giống mũi kim đốt trong lửa - đè lên chân con. Con đau đớn như thể chân con bị bỏng. Con liền chỗi dậy và đến quì trước bàn thờ. Ngay lúc ấy, THIÊN CHÚA đưa con vào trạng thái không còn làm chủ được, nhưng vẫn tỉnh táo. Tình trạng ấy diễn ra trong vòng ba tiếng đồng hồ. Con được chỉ cho xem thấy những gì còn thiếu sót nơi Linh Hồn cô Marie Pecher. Con cũng hiểu rằng, Linh Hồn này được gọi sống bậc đồng trinh, nhưng lại đính hôn. Đó là lý do khiến THIÊN CHÚA đưa Linh Hồn ra khỏi thế gian sớm như vậy. Bởi vì, Linh Hồn phải chết trong bậc đồng trinh. Con không bao giờ tưởng tượng rằng, bên kia thế giới, người ta lại tỏ ra khe khắt đến như thế! Không, không ai có thể hiểu điều ấy. Nhưng nhờ Linh Hồn giải thích rõ ràng con mới hiểu được. Nếu không, có lẽ con không thể nào tin những điều ấy.

Đúng thế. Con không hiểu sai. Chính bà mẹ cô Marie Pecher hiện về đêm hôm sau đã khẳng định những điều trên. Bà ta đốt chân con còn đau đớn hơn con gái bà nhiều. Con phải quì cầu nguyện bên cạnh bà suốt trong ba tiếng đồng hồ và ghi lại những gì còn thiếu sót nơi Linh Hồn bà.

Con được tỏ cho hiểu rằng, chính bà mẹ cô Marie Pecher cũng bị chết sớm chỉ vì đã làm mọi cách để ngăn cản con gái chọn đời sống tu dòng. Rồi cũng chính vì lý do đó mà bà phải chịu nhiều đau đớn trong Lửa Luyện Hình. Linh hồn còn cho con biết những lỗi bà phạm trong khi ăn uống quá độ, không biết kềm hãm tính mê ăn uống. Ngoài ra, lúc còn sống bà không thích làm việc bố thí nên bà nói với con rằng chồng bà sẽ gởi cho con ít tiền và xin con phân phát cho người nghèo trong vùng. Số tiền này đến tay con thật. Linh hồn bà khiến con phải trả giá rất cao. Vì bà, con phải ăn chay phạt xác bằng bánh mì khô và nước lã. Bốn tuần lễ sau, con vẫn còn nhìn thấy vết cháy bỏng trên bàn chân con. Bởi vì, hình dạng bàn tay và ngón tay bà chạm trên chân con vẫn còn dấu rõ ràng. Càng được an ủi khi trông thấy hai Linh Hồn hiện về bao nhiêu, con càng phải trả giá cao cho hai Linh Hồn bấy nhiêu.

Khi con đền bù tất cả những gì còn thiếu sót nơi hai Linh Hồn, cả hai mẹ con hiện về trong phòng con một lần nữa. Đêm ấy là 13-12-1690, lễ kính thánh Luxia, trinh nữ tử đạo. Con nghe tiếng hát tuyệt diệu bản thánh ca trích từ Thánh Vịnh 122:

- Vui dường nào khi thiên hạ bảo tôi: “Ta cùng trẩy lên đền thánh Chúa!” Và giờ đây, Giêrusalem hỡi, cửa nội thành, ta đã dừng chân. Giêrusalem khác nào đô thị được xây nên một khối vẹn toàn. Từng chi tộc, chi tộc của Chúa, trẩy hội lên đền ở nơi đây, để danh Chúa, họ cùng xưng tụng, như lệnh đã truyền cho Israel. Cũng nơi đó đặt ngai xét xử, ngai vàng của vương triều Đavít. Hãy nguyện chúc Giêrusalem được thái bình, rằng: ”Chúc thân hữu của thành luôn thịnh đạt, tường trong lũy ngoài hằng yên ổn, lâu đài dinh thự mãi an ninh”. Nghĩ tới anh em cùng là bạn hữu, tôi nói rằng: ”Chúc thành đô an lạc”. NghĨ tới đền thánh Chúa, THIÊN CHÚA chúng ta thờ, tôi ước mong thành được hạnh phúc, hỡi thành đô.

Nghe tiếng hát, lòng con dâng lên một niềm vui khôn tả.

(”Mes relations avec les Âmes du Purgatoire”, Marie-Anne Lindmayr, Éditions Christiana, 1986, trang 28-31)

Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt

Mục lục

 

SỐNG CHỨNG NHÂN

CHUYỆN GIA ĐÌNH DỄ, MÀ KHÓ

 

Người ta kể, có một đôi vợ chồng mới cưới, anh chồng làm công tác theo dõi khí tượng trên núi, chị vợ làm việc tại một cơ quan ở chân núi.

 

Mỗi tháng, anh chồng được nghỉ ba ngày, 27 ngày trông mong dài như cả thế kỷ. Vừa tới ngày 28, anh vội vàng khăn gói xuống núi. Chị vợ cũng cả tháng nôn nóng chờ chồng.

 

Gặp nhau, cả hai ôm nhau thắm thiết, hôn nhau nồng nàn, rồi dắt dìu đi về tổ ấm.

 

Khi chuẩn bị bữa ăn, chồng nhặt rau, vợ nấu cơm, chẳng ai tị nạnh, đùn đẩy cho nhau cả. Trong bàn ăn, vợ rót rượu cho chồng, chồng gắp thịt cho vợ, cả hai đều chăm chút cho nhau. Tối đến, họ chuyện trò thân mật, thì thầm to nhỏ, tâm hồn và thể xác cả hai, như hòa trộn thành một.

 

Đến lúc phải chia ly, thì sụt sùi, giọt vắn giọt dài, rồi lại thấp thỏm chờ đợi đến lần gặp nhau sau đó. Cứ tình trạng này tiếp diễn, chắc hết làm việc nổi, vì nhớ nhung. Bởi đó, họ cậy cục, “Ô dù”, để xin cho cả hai được làm việc gần nhau.

 

Khi được toại nguyện, họ sung sướng như vớ được vàng. Tháng đầu quấn quýt với nhau hơn cả rắn. Tháng thứ hai đã có nhiều lỏng lẻo, những cuộc cãi vã nho nhỏ thỉnh thoảng đã nổ ra. Tháng thứ ba thì bão tố ào tới, chiến tranh bùng nổ, cố gắng mấy, cũng không thể lấy lại hòa khí nồng nàn như ngày đầu.

Cuối cùng, cả hai phải đi đến giải pháp. Vì hạnh phúc, vì gia đình của chúng ta, cách tốt nhất, là anh lại trở lên núi, còn em lại tiếp tục cuộc sống dưới núi như cũ.

 

Đấng Tạo Hóa đã dựng nên con người, có nam có nữ, và phối hợp họ thành vợ thành chồng. Trong mái ấm gia đình, Ngài rất công bình, khi trao cho đàn ông lo một nửa, đàn bà lo một nửa. Đàn ông lo việc xã hội, đàn bà lo chuyện trong nhà. Cả ngoài cả trong, vì thế, ổn thỏa. Nhưng rồi chuyển biến xã hội nhanh tới mức chóng mặt, đàn bànhảy ra xã hội, đàn ông, có vị lại rút êm về nhà. Đàn bà nhảy lên lèo lái con tàu, đàn ông nhảy xuống rửa bát, quét nhà, bế con. Trong trường hợp trên, cả hai chẳng được phú bẩm năng hướng để làm việc đó. Đàn ông bế con, con khóc, lấy sữa đâu cho con bú. Mình không có, đành phải mua sữa bò thế vào. Nhưng sữa bò chỉ thích hợp cho bê, chứ đâu phải cho người, con thuyền đã “Lệch pha” thì không thể thuận buồm suôi mái được.

 

Gia đình, thoáng nhìn bề ngoài, có vẻ rất giản đơn. Một ông một bà và mấy đứa con, chứ có to tát gì đâu mà rắc rối. Nhưng thực tế chẳng như mơ đâu, bé thì bé thật, nhưng khủng hoảng, nhiều lúc, chẳng thua gì cấp bậc quốc gia. Sự rối rắm ấy chẳng khác gì mớ bòng bong, gỡ không ra, chặt không đứt, sắp xếp mãi vẫn rối tung lên. Bởi thế, có ông triết gia đã dám nói: “Lập gia đình với nhau, là đã lấy cả linh hồn mình ra làm vật thế chấp”.

 

Trước khi lấy nhau thì mơ nhiều hơn thực. Nhưng khi đã thành vợ thành chồng, thì thực sẽ nhiều hơn mơ. Bởi đó, phải dám chấp nhận thực tế và đương đầu với nó.

 

Vợ là âm, chồng là dương. Am dương đụng nhau là phải phát hỏa. Cái quan trọng là biết chuyển hóa lửa thành năng lượng thắp đèn và nhiều tiện nghi khác.

 

Đó là âm, là phải thực hiện sứ mạng của âm. Am là dấu trừ, nhưng không trừ mà lại cộng, thì bài toán sẽ sai hết. Đời sống cũng thế. Bởi vậy, vợ phải ra vợ, chồng phải ra chồng. Chồng có trách vụ riêng, vợ có trách vụ riêng. Lấn chiếm sang lãnh vực của nhau, là nhất định có lộn xộn.

 

Cầu chúc anh chị, ngay từ ngày hôm nay, ý thức được điều đó và cố gắng đem nó ra thực hiện trong cuộc sống.

 

Hãy xin Chúa, hằng ngày, cho mình nghị lực làm được điều đó, để gia đình anh chị sẽ như một cỗ máy, mọi bộ phận ăn khớp với nhau thật chặt chẽ, hầu có thể chạy đều và chạy tốt.

 

 

Lm. Hồng Nguyên

 

Mục lục

 

 

Giáo dục giá trị sống còn bỏ ngỏ

TT - Vì sao có một bộ phận giới trẻ sống vội, sống "thoáng"? Đó là vì họ bị bao vây ngày đêm bởi những hình ảnh cổ vũ cái đẹp thể xác, sự "tự tin" bằng chiếc xe đời mới hay chiếc điện thoại di động đa chức năng.

Người ta thường hay đổ thừa cho văn hóa phương Tây. Thật ra phương Tây đã sụp đổ từ lâu nếu không xây dựng được những giá trị rất tích cực để chống đỡ khủng hoảng mấy thế kỷ qua. Ta thường nói "tiếp thu có chọn lọc", nhưng hình như cái đầu lọc nó chạy ngược, nên chỉ thấy những cái xấu của phương Tây lọt vào: lối sống hưởng thụ vật chất, khêu gợi xác thịt...

Khủng hoảng xã hội do phát triển kinh tế, hiện đại hóa đã diễn ra hàng trăm năm trước ở các nước phát triển, và họ đã có nhiều kinh nghiệm ứng phó với cuộc khủng hoảng này. Đó là sự hình thành các ngành khoa học cơ bản và ứng dụng để tác động cụ thể vào các đối tượng xã hội là cá nhân, gia đình, tổ chức. Nếu ta biết đi trước đón đầu mà chữa bệnh bằng những liều thuốc sẵn có thì đỡ biết bao.

Những chuẩn mực xưa là nhằm bảo vệ trẻ trong bối cảnh cũ. Ngày nay, cha mẹ vẫn phải biết bảo vệ mà không "cầm tù” trẻ; tình thương của cha mẹ vẫn cần thiết như thức ăn để trẻ lớn lên, nhưng phải biết cách thương mà không làm con ngạt thở.

Còn ở VN? Đã có nhiều công trình nghiên cứu, bài giảng, dịch vụ tham vấn cho gia đình nhưng còn mang tính rời rạc, lẻ tẻ. Nên cái gọi là "Chiến lược gia đình" của Chính phủ chỉ là cái sườn nằm trên giấy ít ai biết tới. Những người có trách nhiệm tính sao đây?

Giáo dục giới tính hay sức khỏe sinh sản không chỉ là dạy sinh lý hay phòng tránh thai. Giáo dục giới tính còn là giáo dục nhân cách, là dạy người. Chính qua đây bạn trẻ nhận ra giá trị con người, sự khác biệt và bổ sung nhau giữa nam và nữ, tình yêu có trách nhiệm. Ngoài ra, cần giúp các em gái vượt mặc cảm tự ti, nhầm lẫn tình yêu với việc tìm một chỗ dựa, nghĩ rằng phải "cho" để giữ người yêu. Riêng các em trai, phải dạy để các em thoát khỏi tư tưởng phong kiến, biết tôn trọng bạn mình, không lợi dụng lợi thế đàn ông để lạm dụng bạn gái.

Giáo dục trẻ ngày nay không nhằm dạy các em vâng lời ngoan ngoãn mà giúp các em tự chủ, tự lực. Giáo dục kỹ năng sống để các em biết tự chọn lựa, tự quyết định. Nhưng không thể chọn lựa mà thiếu cơ sở là hệ thống giá trị sống phù hợp. Vấn đề giáo dục giá trị sống còn bỏ ngỏ.

Rất mong những "người lớn" ngồi lại với nhau để lên một chương trình hành động ngay!

Ý thức về giá trị bản thân, nền tảng của một nhân cách sung mãn và lành mạnh không thể học như học sách vở. Nó hình thành từ nhỏ trong mối tương tác với người lớn ở gia đình và học đường. Nhiều thầy cô không làm tròn trách nhiệm cũng dễ hiểu vì họ đâu được chuẩn bị để dạy người. 

NGUYỄN THỊ OANH

Theo Web site www.tuoitre.com.vn

Mục lục

 

ĐỌC SÁCH

 

CHIA SẺ CÔNG TÁC MỤC VỤ GIÁO XỨ TRONG THỜI ĐẠI NGÀY NAY (tiếp theo)

 

 b. Giới trẻ và tri thức

Khoa học ngày càng phát triển, tri thức rất cần thiết cho mọi người, và nhất là các linh mục là những người lãnh đạo giáo dân, và lớp trẻ thì ngày càng thông minh và hiểu biết hơn nhiều, do đó mà các linh mục trẻ cần phải biết tế nhị trong hạn chế của mình, dù rằng các bạn trẻ rất kính trọng các linh mục của mình nhưng không phải vì thế mà các linh mục trẻ coi thường họ.

Giới trẻ ngày nay có rất nhiều việc phải lo phải làm hơn một cha phó ở giáo xứ, đó là chuyện có thật mà chúng ta cần phải nhạy bén trong việc huấn luyện và giáo huấn : các bạn trẻ phải lo học mà giờ học của họ thi dày đặc cả tuần, rảnh rỗi là họ đi thư viện hoặc đi học thêm, vì thế mà họ rất ít có thời giờ để đến nhà thờ sinh hoạt. Vì thế mà các linh mục trẻ phải làm thế nào để khi quy tụ lớp trẻ lại thì làm cho họ thấy mình là một người cha, người bạn, người anh rất biết thông cảm và sẵn sàng chia sẻ với họ về các vấn đề tâm linh cũng như những vấn đề khác.

Nhu cầu hiểu biết của giới trẻ ngày càng nhiều, trình độ của họ ngày càng cao, cách sống của họ ngày càng phức tạp, mà nếu không có kiến thức căn bản thì không thể lãnh đạo và thu hút họ được.

Có một vài linh mục trẻ cứ nghĩ rằng mình đã “đỗ” chức linh mục rồi nên không cần đọc sách đọc vở gì nữa, có đọc chăng là hể gần đến ngày chủ nhật thì lấy sách lễ ra coi Phúc Âm và chuẩn bị bài giảng rồi thì chấm hết, còn biết bao nhiêu là thời gian rảnh rỗi mà các ngài không đọc sách đọc báo, không sưu tầm tài liệu, không coi một quyển sách để mở thêm kiến thức của mình. Các bạn trẻ sẽ thích đến nhà thờ hơn khi các cha sở biết thông cảm và hiểu được những bức xúc của họ, để an ủi và hướng dẫn họ đi theo lý tưởng của mỗi người mà không đánh mất đức tin của mình, đó chính là điều mà mỗi linh mục đều hiểu rõ ràng hơn những người khác.

Linh mục không phải là quyển tự điển bách khoa cái gì cũng biết, nhưng các ngài có thể nói cho các bạn trẻ những vấn đề thời sự của ngày hôm nay đang xảy ra ở trong nước cũng như ở ngoại quốc, các ngài cũng có thể bàn luận với các bạn trẻ về vấn đề cái lợi và cái hại của internet đang xảy ra đối với các bạn trẻ... Đó là những việc mà chỉ cần các linh mục trẻ chịu khó mỗi ngày “để mắt” đến vài tờ báo khoa học, hoặc vài tờ báo thời sự thì biết ngay chứ khó khăn gì đâu.

Các bạn trẻ trong giáo xứ có người thì đang học phổ thông, có người đang học đại học, có người tốt nghiệp đại học, và có người đang làm thầy giáo, bác sĩ, kỷ sư.v.v... cho nên các linh mục trẻ cần phải trang bị cho mình vốn liếng kiến thức, mà kiến thức hay nhất chính là các ngài sống gương mẫu phù hợp với lời giảng của các ngài, điều này làm cho các bạn trẻ thích thú và hãnh diện về các linh mục của mình.

Thiên Chúa không chọn linh mục để các ngài hạch sách nạt nộ giáo dân, Ngài cũng không chọn linh mục để khinh dể người nghèo, nhưng Thiên Chúa chọn linh mục để thay mặt Ngài dạy dỗ và hướng dẫn giáo dân đi trên con đường trọn lành đến với Ngài, và nhất là các ngài giới thiệu khuôn mặt hiền hậu của Chúa Giêsu cho mọi người. Giới trẻ cũng là thành phần của dân Thiên Chúa, tức là dân được tuyển chọn bởi bí tích Rửa Tội, nên giới trẻ cũng đáng được Giáo Hội coi trọng, và như thế, các linh mục cũng phải coi trọng các bạn trẻ, đừng bao giờ nghĩ rằng chúng nó –các bạn trẻ- là con nít, là thành phần hạng thứ trong giáo xứ, nhưng phải yêu thương và nâng đỡ các bạn trẻ khi họ cần lời khuyên bảo của các ngài, giúp cho họ thấy rằng được làm người Kitô hữu thì hạnh phúc vô cùng, và chỉ cho họ thấy rằng, Giáo Hội đang cần đến họ cộng tác để Nước Trời được rộng mở ở trần gian này và viên mãn trên trời mai sau.

3. Thiếu nhi

Một kinh nghiệm nho nhỏ xin chia sẻ với các linh mục trẻ về công tác thiếu nhi trong giáo xứ của mình.

Các em thiếu nhi là mầm non của Giáo Hội, là những đoá hoa làm cho giáo xứ rộn rã tiếng vui cười và sinh động hẳn lên, nhất là vào những ngày chủ nhật khi các em đến nhà thờ để theo học các lớp giáo lý của mình.

a. Các lớp giáo lý.

Hồi tôi còn giúp xứ ở một nhà thờ tại Saigon, trong giáo xứ chỉ có cha sở và tôi làm hết mọi công việc, vì nhà thờ nghèo, giáo dân cũng nghèo mà đa phần là dân vùng kinh tế mới trở về, tệ nạn là số một của Saigòn nên việc dạy giáo lý cho các em là một vấn đề lớn, quy tụ các em lại thì càng khó hơn, bởi vì không có sân chơi, không có các điều kiện để các em sinh hoạt, nhưng cha sở vẫn cứ tin tưởng mà giao cho tôi dạy tất cả các lớp giáo lý từ lớp giáo lý vỡ lòng cho đến lớp giáo lý hôn nhân, tôi đều phụ trách, sau này các em lớn đã trở thành giáo lý viên phụ giúp tôi dạy các lớp nhỏ, tôi vẫn còn nhớ cha sở đã nói với tôi như thế này : “Có hai lớp giáo lý quan trọng nhất mà thầy phải đích thân dạy, đó là lớp giáo lý vỡ lòng và lớp “giáo lý bao đồng”, bởi vì lớp vỡ lòng là các em bắt đầu làm quen với Chúa Giêsu và giáo huấn của Ngài, lớp bao đồng là vì các em đã lớn dễ dàng bị cám dỗ với những thói xấu của xã hội, nên thầy phải đích thân dạy để giúp các em trong hai giai đoạn này”.

Giáo lý cho trẻ em, đó là điều quan trọng bậc nhất của cha sở; giáo lý cho trẻ em, đó là chìa khoá mở tâm hồn trong sáng của các em đón nhận Chúa Thánh Thần, cho nên cha sở đừng tiếc công tiếc của đầu tư vào các “ngân hàng” rất có ích cho tương lai sau này của xã hội và Giáo Hội . Đừng coi thường việc dạy giáo lý cho trẻ em, nhưng hãy tôn trọng Chúa Thánh Thần đang ở trong tâm hồn của các em, vì chính Ngài chứ không ai hết, sẽ là Đấng làm cho các em dễ dàng đón nhận những điều mà Chúa Giêsu đã dạy qua Giáo Hội và –quan trọng hơn- qua cha sở và những người cộng tác với ngài trong việc dạy dỗ cho các em.

Mà quả thật như thế, sau này làm linh mục đến giáo xứ nào tôi cũng chú trọng đến hai lớp giáo lý này, dù cho đã có các giáo lý viên, nhưng không phải khoán trắng cho họ, bởi vì chính họ -các giáo lý viên- cũng không muốn như thế, cái họ muốn là cha sở thường xuyên ghé đến họ ít nữa là một tháng một lần.

b. Thánh lễ trẻ em.

Đa phần các linh mục trẻ đều nói : giảng lễ cho tụi nhỏ khó hơn giảng cho người lớn. Đó là một thực tế mà nếu không “khổ tâm” nghiên cứu thì khó mà thu hút trẻ em để cho chúng đó không xầm xì trò chuyện lúc tham dự thánh lễ.

Thánh lễ cho trẻ em là một vấn đề quan trọng của cha sở, bởi vì hầu như chúng ta chỉ chú tâm đến những thánh lễ dành cho người lớn mà quên đi, hoặc không chuẩn bị gì cho thánh lễ trẻ em, như thế là một thiếu sót lớn không thể chấp nhận được.

Đành rằng chúng ta có đội ngũ giáo lý viên giỏi, đành rằng chúng ta có nhiều phương tiện để giảng dạy Lời Chúa, nhưng chúng ta –cha sở, cha phó- không trực tiếp đứng lớp để dạy giáo lý cho các em thiếu nhi, cho nên chúng ta cần phải lợi dụng thánh lễ trẻ em này, để giáo huấn và truyền đạt những việc cần làm của thiếu nhi trong giáo xứ chúng ta, để thống nhất một chương trình từ người lớn đến trẻ em.

Thánh lễ trẻ em, thì xin giao hoàn toàn cho các giáo lý viên chuẩn bị, và cha sở chỉ can thiệp khi các giáo lý viên lúng túng trong các lễ nghi hay giáo lý mà thôi, ngoài ra còn phải để cho các giáo lý viên hướng dẫn các em, và trong thánh lễ cha chủ tế đừng làm gì ngoài chương trình mà các giáo lý viên đã chuẩn bị, cũng đừng “cắc cớ” hỏi các em về những gì mà các em chưa học hay chưa biết, bởi vì như thế là làm “bẻ mặt” các giáo lý viên và hạ giá các giáo lý viên trước mặt các em. Cứ hồn nhiên đưa ra những câu hỏi mà các em đã thuộc và đã biết để hướng dẫn các em thực hành trong cuộc sống, đó chính là điều cần thiết hơn là đem kiến thức thần học của linh mục ra hỏi trẻ em...

Tôi đã thấy một linh mục trẻ nọ (học chưa xong chương trình nhưng được chịu chức chui) được cha sở của tôi mời phụ trách dâng thánh lễ cho trẻ em mỗi chủ nhật lúc tám giờ sáng, khi giảng thì ngài khoe với các em rằng ngài học rất giỏi biết ba thứ ngoại ngữ, nào là tiếng La Tin, tiếng Pháp và tiếng Anh, rồi sau đó thì chọc cho các em cười mà không nghe ngài nói gì về nội dung của bài Phúc Âm hoặc đưa các em đi vào nội dung của thánh lễ...

Giảng cho trẻ em không phải là việc dễ làm, cho nên nếu thấy mình không thích hợp với các em thì cha sở (cha phó) nên mời một linh mục khác có năng khiếu giảng cho trẻ em đến dâng lễ, đừng để thánh lễ trẻ em thành một lớp thần học hay một buổi cầu nguyện theo kiểu của các tu sĩ... bởi vì như thế các em sẽ không phấn khởi tham dự thánh lễ của các em.

Theo kinh ngiệm của tôi, các linh mục trẻ (tốt nhất là lúc đang còn học trong chủng viện) nên tham dự các khoá huấn luyện của hướng đạo sinh, các khoá huấn luyện về sinh hoạt trong các đoàn thể như Thiếu Nhi Thánh Thể.v.v... thì các ngài sẽ gặt được nhiều thành quả trong cách sinh hoạt với thanh thiếu niên, và như thế thánh lễ thiếu nhi sẽ sinh động và thu hút các em hơn.

Một kinh nghiệm nho nhỏ nữa xin chia sẻ với các linh mục trẻ là đối với các em đừng bao giờ chấp tay sau lưng trợn mắt nạt nộ các em, đừng bao giờ làm ra vẻ đạo mạo với các em khi chúng nó đang đùa giỡn, nhưng hãy làm cho các em thấy cha sở là người hiền hoà như Chúa Giêsu, yêu thương và chăm lo cho các trẻ em.

Ở Việt Nam chúng ta, có những nơi trẻ em sợ cha sở hơn sợ...ông kẹ, bởi vì chúng nó thấy cha sở bặm môi bạt tai các thanh thiếu niên, chứ chúng nó chưa thấy cha sở của mình có thái độ thân thiện với trẻ em mà chỉ có nhéo tai và hăm doạ, có em thấy cha sở đi đường kia thì lo chạy trốn, không phải các em làm sự tội mà trốn, nhưng các em chạy trốn vì sợ cha sở, dù cái sợ này các em cũng không hiểu tại sao mà sợ. Một ngày nọ, tôi đi đến một nhà thờ lớn để coi người ta trang hoàng như thế nào nơi bàn thờ thánh cả Giuse để bắt chước, khi dắt xe đạp vào trong sân nhà thờ rộng lớn thì thấy một tốp các em nhỏ khoảng 10, 12 tuổi ôm cặp sách chạy tán loạn, vừa chạy vừa la to : “Ông cha ra đó, ông cha ra đó...” và quả thật tôi nhìn vào thì thấy cha sở của nhà thờ đang vừa đi vừa chỉ tay về phía các em hăm doạ không cho chúng nó vào sân nhà thờ chơi giỡn...

Giáo dục trẻ em thì có rất nhiều cách, nhưng cách hay nhất vẫn làm là dịu dàng và vui vẻ với các em, các em rất dễ thân thiện nhưng đồng thời cũng khó quên những cái bạt tai và những cái nhéo tai của người lớn không phải là bố mẹ của các em.

 

Mục lục