TIN VUI

Tuần san Bạn trẻ Công Giáo  -  Số 117 CN  13.01.2008

 

Web site www.tinvui.org E-mail : bantreconggiao@yahoo.com

 

Mục lục

 

Chúa Nhật I Thường Niên A..

Lễ Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa.

BA DẤU HIỆU CỦA THỜI ĐẠI ÂN SỦNG..

QUY CHIẾU..

Đài thiên văn của Tòa Thánh được di chuyển đến một nơi khác.

ĐTC Biển Đức 16 tiếp kiến ngoại giao đoàn cạnh Tòa Thánh.

Thánh lễ khai mạc năm kỷ niệm 350 năm thành lập Hội Thừa Sai Paris.

Dòng Tên Khai mạc Tổng Hội lần thứ 35.

Cha Giuse Nguyễn Thanh Liêm - Chủ Tịch Liên Ðoàn Công Giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ - Ðến thăm Ðại Chủng Viện Thánh Giuse Hà Nội.

Chào mừng năm giáo dục Kitô giáo 2008 : Cho Niềm Tin Trổ Bông.

THINH LẶNG..

CÁC TẦNG TRỜI MỞ RA..

Trinh Nữ Vương.

KINH CẦU KHIÊM NHƯỜNG..

TÌM HIỂU VÀ ỨNG DỤNG THƯ CHUNG 2007 CỦA HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM VỀ GIÁO DỤC KITÔ GIÁO..

LỜI NGỎ..

VỀ LOẠT BÀI TÌM HIỂU VÀ ỨNG DỤNG THƯ CHUNG 2007.

CỦA HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM...

VỀ GIÁO DỤC KI-TÔ GIÁO..

BÀI MỘT..

TỰA ĐỀ, LỜI MỞ VÀ BỐ CỤC..

THƯ CHUNG 2007 CỦA HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM...

ĐẠO VỢ CHỒNG..

Gia trưởng - thuộc tính của đàn ông?.

CHUYỆN CỦA ANH..

 

 

SỐNG LỜI CHÚA

 

 

Chúa Nhật I Thường Niên A

Lễ Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa

Mt 3, 13-17

"Khi chịu phép rửa, Chúa Giêsu thấy Thánh Thần Chúa ngự xuống  trên mình Người".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, Chúa Giêsu bỏ xứ Galilêa mà đến với Gioan ở sông Giođan, để ông làm phép rửa cho. Nhưng Gioan can Người rằng: "Chính tôi phải được Ngài rửa, thế mà Ngài lại đến với tôi sao?" Chúa Giêsu liền đáp lại: "Không sao, vì chúng ta cần chu toàn bổn phận như thế". Và bấy giờ ông Gioan chiều ý Người. Chúa Giêsu chịu phép rửa, rồi bước lên khỏi nước. Này đây các tầng trời mở ra, và Người thấy Thánh Thần Chúa ngự xuống như một bồ câu và đậu trên Người. Và ngay lúc ấy, có tiếng từ trời phán: "Này là Con yêu dấu của Ta, Con đẹp lòng Ta". Đó là lời Chúa.


BA DẤU HIỆU CỦA THỜI ĐẠI ÂN SỦNG

 

 

Ở đời, khi người ta dựng vợ gã chồng cho con cái thường chọn nơi môn đăng hộ đối; khi chọn bạn mà chơi thì cũng chọn người hiền, bình thường ai cũng chọn cái tốt cái hay, không ai lại chọn cái xấu cái dở bao giờ.

 

Thiên Chúa là Đấng Thánh, nếu Người vào đời mà liên đới với những bậc Thánh Hiền, với những Người Công Chính thì chẳng ai phản đối. Nhưng không, Chúa Giêsu đã gắn bó thân phận mình với loài người tội lỗi.Trước khi bắt đầu công cuộc rao giảng Tin mừng, Chúa Giêsu đã làm một cử chỉ thật lạ lùng là Người tới bên bờ sông Giođan và xin Gioan làm phép rửa cho mình.

 

Dân chúng đến xin Gioan làm phép rửa thì chúng ta hiểu được, vì mọi người đều có tội, nên đã phải thú tội để biểu lộ lòng hoán cải và xin ơn tha thứ của Thiên Chúa. Còn Đức Giêsu, Người là Đấng vô tội, là Đấng Thánh, vì thế Gioan đã thốt lên: “Chính tôi cần phải được Ngài thanh tẩy cho, thế mà Ngài lại đến với tôi” (Mt 3,14). Gioan bối rối khước từ, bởi lẽ Đấng mà ông không đáng xách dép, Đấng là thẩm phán quyền uy, Đấng ban phép rửa trong Thánh Thần, Đấng ấy lại cúi mình xin ông làm phép rửa, thế nhưng Người đã trả lời: “Bây giờ cứ thế đã, vì chúng ta nên làm như vậy để giữ trọn đức công chính” (Mt 3,17).

 

Gioan đã kêu gọi dân chúng chịu phép rửa “để tỏ lòng sám hối và được ơn tha tội”.Chúa Giêsu là Đấng Thánh, Người không có tội gì để mà sám hối và Người cũng chẳng cần đến ơn tha tội. Vậy nếu Chúa Giêsu chịu phép rửa là chính bởi vì Ngài muốn dấn thân nhập cuộc liên đới với nhân loại, Người muốn đi tới cùng, chấp nhận mang vào thân kiếp người tội lỗi cần được thanh tẩy và đổi mới. Thánh Phêrô đã viết trong thư thứ nhất thật sâu sắc “ tội lỗi của chúng ta, Người đã mang lấy vào thân thể mà đưa lên cây thập giá” (1Pr 2,24). Chúa Giêsu không chỉ tha tội, xoá tội mà còn gánh lấy tội nhân loại, đem nó vào thân thể Người để biến đổi, gạn lọc, đổi mới thành hương thơm sắc đẹp. Người đã biến đổi ngay chính trong bản thân mình tất cả tội lỗi của trần gian, làm cho nó trở nên thánh đức.

Phép rửa mà hôm nay Chúa Giêsu lãnh nhận bởi tay Gioan Tẩy Giả chỉ là một hình ảnh báo trước phép rửa hoàn hảo và tuyệt đối hơn vì nó có khả năng tái sinh đổi mới con người. Khi chịu phép rửa của Gioan, Chúa Giêsu đã công khai liên đới thân phận mình là Thiên Chúa, là Đấng Thánh với thân phận con người tội lỗi. Người không bao giờ phạm tội, Người không vướng một vết nhơ tội lỗi nào, nhưng đã không ngần ngại đến sống giữa nhân loại tội lỗi, đồng hành, đồng bàn ăn uống với những người thu thuế và những người tội lỗi.


Kẻ tội lỗi là kẻ đáng ghét, không ai thương người đáng ghét, nhưng Chúa Giêsu lại thương người tội lỗi, vì đối với Chúa kẻ tội lỗi đáng ghét nên đáng thương, đáng được chữa lành. Chúa Giêsu ghét tội lỗi nhưng lại thương tội nhân, Người đã hoà mình sống giữa họ, chia sẽ thân phận với họ rồi laị chia sẽ cho họ niềm vui được làm con cái Thiên Chúa và sự thánh thiện của Người. Những Giakêu, Lêvi, Mađalêna, người phụ nữ Samaria bên giếng Giacop đã được Người hoán cải đổi đời. Đó là một thái độ, một lập trường đi ngược với quan niệm thông thường của tôn giáo cũng như người đời.


Tôn giáo thì luôn tách biệt cái thánh thiêng ra khỏi cái phàm tục. Người ta luôn tôn kính các bậc thánh hiền, ông thánh này bà thánh nọ, ghét bỏ người tội lỗi. Còn Chúa Giêsu thì coi việc đến với người tội lỗi là sứ mạng của Người vì Người quan niệm rằng “người mạnh khoẻ không cần đến thầy thuốc, người ốm đau mới cần”. Bởi đó, Người đã nói: “Ta đến không phải để kêu gọi người công chính, nhưng để kêu gọi người tội lỗi sám hối ăn năn”. Nhưng Chúa Giêsu không đứng ngoài hay đứng trên để kêu gọi sám hối mà người muốn cùng họ sám hối như thể thực sự Người cũng là một kẻ tội lỗi cần hoán cải. Do đó, Người đã xin chịu phép rửa của Gioan.


Nói theo Lão Tử, người sống 500 năm trước Chúa Giáng Sinh, thì việc làm của Chúa Giêsu khi chấp nhận dìm mình trong dòng nước sông Giođan chính là thực hiện lý tưởng “đồng kỳ trần” ( toả kỳ nhuệ, giải kỳ phân, hoà kỳ quang, đồng kỳ trần; nghĩa là làm bớt chỗ bén nhọn, bỏ phân chia, hoà ánh sáng, đồng bụi bặm. {Đạo đức kinh IV,2; LVI,2}. Ý nói: nếu muốn hoà giải, hoà hợp với người khác thì phải bỏ óc kỳ thị phân chia, giảm bớt những gì là sắc bén nơi mình có thể gây nguy hại cho người khác, hoà cái sáng của mình với cái sáng của tha nhân, và cũng chia sẽ thân phận ‘bụi bặm” với người ta. Nói tóm lại là đừng nghĩ mình hơn người mà xa cách kỳ thị, nhưng phải thấy được cái sáng của người, đồng thời cũng thấy được cái bụi bặm nơi mình. Trích dẫn theo: Trái chín đầu mùa,trang 133. Lm Thiện Cẩm).

 

Trước sự hạ mình thẳm sâu của Đức Giêsu, Chúa Cha đã tôn vinh Người bằng việc sai phái Thánh Thần hiện xuống và bằng lời tuyen bố: Đây là con Ta yêu dấu.


Ba dấu hiệu mà Phúc âm nêu lên không những tiên báo sự sống lại vinh hiển của Đức Kitô mà còn tiên báo thời đại ân sủng mà Người mang đến cho loài người.


- Dấu hiệu 1: Trời mở ra.

 

Sách Sáng thế đã nói: Ađam và Evà phạm tội, cửa thiên đàng đóng lại ( St 3,23-24). Qua biết bao thế kỷ, Dân Thiên Chúa đã thiết tha cầu nguyện “Ôi ước chi Ngài xé rách các tầng trời và ngự xuống” ( Is 64,1). Nhờ Chúa Kitô, từ nay trời mở ra, một kiểu nói của Thánh kính ngụ ý là con người từ nay được sống thông hiệp với Thiên Chúa.


- Dấu hiệu 2: Thánh thần ngự xuống như chim bồ câu.


Sách Sáng Thế có nói: Trước khi tạo dựng trời đất, thì “Thánh Thần Thiên Chúa bay lượn trên mặt nước” (St1,2) như để thông truyền sức sống. Khi Chúa Giêsu chịu phép rửa, Chúa Thánh Thần ngự xuống dưới hình chim bồ câu thì ngụ ý: Đức Giêsu là con người mới và trong Người nhân loại sẽ được tạo dựng lại, sẽ được đổi mới. Chính Thánh Phaolô xác định: “ Điều quan trọng chẳng phải là việc cắt bì hay không cắt bì, nhưng là trở thành tasọ vật mới” (Gal 6,15)

 

- Dấu hiệu 3: Lời của Chúa Cha: ” Con là con yêu dấu của Ta…”.


Qua lời tuyên bố này chúng ta nhận biết Đức Giêsu là con thật của Thiên Chúa, và sau này Đức Giêsu dạy cho chúng ta biết: những ai tin vào Ngươì và nhận phép rửa nhân danh Người thì cũng được thông phần vào địa vị làm con Thiên Chúa.

 

Ngày lễ hôm nay mời gọi chúng ta hãy ý thức tới ân huệ cao trọng mà Chúa Giêsu đã đem lại cho chúng ta nhờ Phép rửa của Người. Phép Rửa tội là cửa đưa chúng ta vào sự sống mới, vào Nước trời. Đó là bí tích đầu tiên của luật mới. Đó cũng là bí tích Chúa đã trao lại cho Giáo hội cùng với Tin mừng khi Người truyền cho các Tông đồ: “Các con hãy đi giảng dạy muôn dân, rửa tội cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần” ( Mt 28,19). Vì the, Thánh Tẩy là bí tích của đức tin, làm cho loài người được tham dự vào bản tính Thiên Chúa và được ơn làm nghĩa tử, khởi đầu cuộc sống mới trong Đức Kiô. Do vậy, trong nghi thức tiếp nhận, Giáo hội luôn hỏi người dự tòng: “Con xin gì cùng Hội Thánh ?”. “Thưa, con xin đức tin”. “Đức tin mang lại điều gì cho con ? ”. “ Thưa, sự sống đời đời”. Và trước khi nhận bí tích Thánh Tẩy, người dự tòng xác nhận công khai từ bỏ tội lỗi và tuyên xưng đức tin trước mặt cộng đoàn.


Người Kitô hữu được thánh hiến cho Thiên Chúa, đi vào đời sống hiệp thông với Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần qua bí tích rửa tội. Ý thức ân huệ cao trọng này để mỗi người chúng ta xây dựng đền thờ tâm hồn mình xứng đáng cho Ba Ngôi Thiên Chúa ngự trị bằng một đời sống công chính, đạo đức, trong sạch.

 

Lm. Giuse Nguyễn Hữu An

Mục lục

 

 

TU ĐỨC

 

 

 QUY CHIẾU

 

Thời gian này là đầu năm Tây và cuối năm Ta. Đây là những ngày kêu gọi hồi tâm. Hồi tâm để xem lại đời mình. Quá khứ một năm đời mình đã ra sao, và tương lai năm mới đời mình sẽ phải thế nào? Ra sao, thế nào là trong phương diện ổn định đạo đức.

 

Muốn thấy sự thật, tôi luôn quy chiếu. Tôi đem đời tôi quy chiếu vào Lời Chúa, xem tôi có sống theo Lời Chúa không?

 

Khi quy chiếu vào Lời Chúa, tôi luôn làm việc đó trong tâm tình cầu nguyện. Tôi cầu nguyện với Chúa Thánh Thần trong đức tin đơn sơ khiêm tốn.

 

1/ Quy chiếu vào Lời Chúa, khi chọn con đường tôi đi

 

Trước mắt tôi là vô số con đường. Thí dụ: Đường là một giai cấp, như nông dân, công nhân, doanh nhân; đường là một chủ nghĩa, như tư bản, cộng sản, dân tộc; đường là một nếp sống, như nếp sống tự do bất chấp, nếp sống khắc kỷ tôn ti; đường là một nhân vật, như nhân vật triết học, nhân vật chính trị, nhân vật kinh tế.

 

Tôi sẽ chọn con đường nào cho tôi? Thưa: Để chọn, tôi quy chiếu vào Lời Chúa. Lời Chúa giới thiệu rất rõ. Con đường tôi phải chọn chính là Chúa Giêsu Kitô.

 "Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống" (Ga 14,6).

 "Thầy là cây nho, các con là cành" (Ga 15,5).

 

Tôi tin những lời Chúa dạy trên đây. Với niềm tin vững vàng, tôi cam kết theo Người. Tôi năng đọc và suy niệm lời Người. Tôi tập trung lòng đạo vào gương sáng đời Người. Người là đường của tôi. Đường ấy không phải là một hệ thống giáo điều, nhưng là Đấng linh thiêng sống động. Người không xa tôi, Người gần gũi tôi.

 

Có thể nói: Đường của tôi là ở trong tôi. Đường đó có trái tim. Trái tim ấy chứa tình yêu lạ lùng. Đó là tình yêu khiêm tốn hiền lành, giầu lòng thương xót. Thương xót quá tưởng tượng của loài người. Vì xót thương mà chịu muôn vàn đau đớn để cứu chuộc nhân loại. Vì xót thương mà muốn đồng hoá mình với các kẻ khó nghèo khổ đau.

 

2/ Quy chiếu vào Lời Chúa, để nhận ra dấu chỉ của con đường đã chọn

 

Chúa sống trong tôi như một con đường. Đường ấy có những đặc điểm. Chúa Giêsu phán: "Thầy ban cho các con một điều răn mới là các con hãy yêu thương nhau. Các con hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương các con. Ở điểm này mọi người sẽ nhận biết các con là môn đệ Thầy là các con có lòng yêu thương nhau" (Ga 13,34-35).

 

Trái tim của Chúa giúp tôi nhìn ra dấu chỉ bề ngoài của những chặng đường nào thực sự là đúng. Đó là những chặng đường tôi sống Lời Chúa một cách sống động. Sống tình yêu chấp nhận khổ đau, để cộng tác với Chúa trong chương trình cứu chuộc.

 

Có những khổ đau không thể tránh được, như các giới hạn về tuổi tác và sức khoẻ. Có những khổ đau nếu muốn tránh thì có thể tránh được, như các hình thức dấn thân, nhưng Chúa khuyên không nên tránh.

 

Khổ đau thì qua đi, nhưng đã khổ đau thì không qua đi bao giờ. Thương tích còn đó. Nhưng vết thương còn đó, để đào sâu mãi tình yêu. Chúa sẽ nhìn đến các thương tích như thế của mỗi người, để đánh giá từng người. Chính vì thế, mà giá trị mỗi người trước mặt Chúa sẽ không luôn giống như giá trị của họ trước mặt thế gian.

 

3/ Quy chiếu vào Lời Chúa, để thấy rõ Đấng sẽ phán xét tôi

 

Chúa Giêsu phán: "Khi Con Người đến trong vinh quang, có tất cả các thiên sứ theo hầu, bấy giờ Người sẽ ngự lên ngai vinh quang của Người. Các dân thiên hạ sẽ được tập họp trước mặt Người, Người sẽ tách biệt họ với nhau, như mục tử tách biệt chiên với dê" (Mt 25,31-32).

 

Những lời trên đây cho tôi thấy: Đấng sau cùng xét xử chúng ta là một Đấng ngoài lịch sử. Đấng ấy ở trên thế gian. Vì thế, phán đoán hoàn toàn xác thực sẽ không ở trong cái vòng người ta xét xử nhau.

 

Đấng phán xét mỗi người là chính Chúa Giêsu. Người sẽ phán xét không theo các phóng sự, các bút ký, các điều tra, các suy đoán, các nghiên cứu, các dư luận, các toà án. Nhưng Người sẽ xét xử theo tiêu chuẩn của Người, trong đó lòng nhân ái, bổn phận bác ái là tiêu chuẩn quan trọng nhất.

Người biết tất cả. Người biết rất rõ. Không ai che giấu được gì. Không ai có thể cãi lại phán quyết của Người.

 

4/ Quy chiếu vào Lời Chúa, để biết tôi đi về đâu

 

Chúa Giêsu phán: "Bây giờ Thầy về với Đấng đã sai Thầy" (Ga 16,5). "Lạy Cha, con muốn rằng con ở đâu, thì những người Cha đã ban cho con cũng ở đó với con" (Ga 17,24).

 

Với những lời trên đây, Chúa cho tôi biết: Tôi được về với Chúa Cha. Người Cha ấy hoàn toàn là tình yêu. Thư thánh Gioan quả quyết: "Thiên Chúa là tình yêu" (2 Ga 4,8).

 

Thời gian này, niềm tin trên đây đã trở thành rất sống động nơi tôi. Khi thức, tôi luôn nghĩ rằng tôi đang trên đường về Nhà Cha. Khi ngủ, tôi thường chiêm bao chuyến đi về với Cha đã gần kết thúc. Nhưng càng gần tới nhà Cha, tôi càng gặp nhiều gian nan trắc trở. Nhưng chuyến đi ấy không cô đơn. Một chuyến đi chưa đặt chân tới Nhà Cha,  nhưng tấm lòng như đã bên lòng Cha giàu tình thương xót.

 

 

Khi hồi tâm là chuỗi dài quy chiếu, tôi sẽ thấy phải làm gì sau hồi tâm. Trước hết tôi phải sám hối vì những khoảnh khắc lỗi lầm. Tiếp đến là những quyết tâm sẽ sống tốt hơn. Sau cùng là tôi tạ ơn Chúa vì tất cả.

 

Tôi biết lịch sử sẽ có nhiều bất ngờ. Nhất là lịch sử Hội Thánh. Mất mát bất ngờ. Khổ đau bất ngờ. Tang tóc bất ngờ. Phục sinh bất ngờ. Nên phải rất tỉnh thức và khôn ngoan. Trong mọi tình huống, tôi không ngừng bám chặt vào Đấng ở trên lịch sử.

 

Tôi cũng biết an bình của quá khứ không bảo đảm rằng tương lai cũng sẽ thế. Nhưng tôi tin Chúa luôn ở với tôi. Và đó là suối nguồn tình yêu, tôi luôn quy chiếu và tựa nương phó thác.

 

ĐGM. GB. Bùi Tuần

Mục lục

 

 

HIỆP THÔNG GIÁO HỘI

Đài thiên văn của Tòa Thánh được di chuyển đến một nơi khác

 

Castel Gandolfo, 4/1/08 – Đài thiên văn của Tòa Thánh ở Castel Gandolfo, nơi nghỉ hè của Đức Thánh Cha sẽ được di dời đi chỗ khác.

 

Các văn phòng và thư viện của đài thiên văn sẽ được di dời đến một tu viện, cách nơi cũ khoảng chừng 1.6 Km. Địa điểm cũ của đài thiên văn sẽ biến thành nơi đón tiếp khách.

 

Linh Mục José Funes, Giám Đốc đài thiên văn cho các ký giả biết việc di dời đài thiên văn không có nghĩa là Tòa Thánh “hạ cấp” cơ sở khoa học này, mà vì cơ sở mới có nhiều điều kiện thích hợp hơn.


Ngoài ra công tác nghiên cứu thiên văn của Tòa Thánh hầu hết được thực hiện tại đài thiên văn đặt trên núi Graham, tiểu bang Arizona, Hoa Kỳ là nơi có các phương tiện kỹ thuật tối tân nhất thế giới. Riêng đài thiên văn nơi đặt ống kính viễn vọng tại Castel Gandolfo sẽ trở thành bảo tàng viện.


Đài thiên văn của tòa Thánh Vatican đã được thành lập từ năm 1891

Mục lục

 

ĐTC Biển Đức 16 tiếp kiến ngoại giao đoàn cạnh Tòa Thánh

 

VATICAN. ĐTC Biển Đức 16 kêu gọi cấp thiết hòa giải tại Irak, tôn trọng quyền tự quyết của nhân dân Liban, kêu gọi Âu Châu đừng chối bỏ căn cội Kitô của mình, giải quyết bằng ngoại giao vấn đề chương trình hạt nhân của Iran...

 

Những điểm trên đây thuộc vào số những vấn đề được ĐTC Biển Đức 16 đề cập đến trong buổi tiến kiến sáng ngày 7-1-2008 dành cho các vị đại diện của 176 quốc gia có quan hệ ngoại giao với Tòa Thánh, đến chúc mừng ngài nhân dịp đầu năm mới. Buổi tiếp kiến này, theo thông lệ, là dịp để ĐTC kiểm điểm tình hình thế giới đồng thời bày tỏ lập trường của Tòa Thánh đối với các vấn đề thời sự.

 

Ngài cho biết đặc biệt ”nghĩ đến và cầu nguyện đặc biệt cho các dân tộc bị những thiên tai kinh khủng”, trong đó có Mêhicô, Bangladesh, Peru. Ngài tái khẳng định sự lo lắng của cộng đồng quốc tế về tình hình tại Trung Đông, và kêu gọi ”nhân dân Israel và Palestine hãy tập trung năng lực của mình vào việc áp dụng những cam kết đã đề ra trong dịp Hội nghị ở Annapolis và đàng chặn lại tiến trình đã khởi sự tốt đẹp.”


Về Irak, ĐTC khẳng định rằng ”sự hòa giải tại nước này là một điều cấp thiết. Hiện nay các vụ tấn công khủng bố, những đe dọa và bạo lực tiếp tục, đặc biệt chống lại cộng đoàn Kitô, và những tin tức gửi về đây hôm qua (6-1-2008) xác nhận sự lo âu của chúng tôi; điều hiển nhiên là mấu chốt một số vấn đề chính trị cần phải được giải quyết. Trong khuôn khổ này một sự cải tổ hiến pháp thích hợp phải bảo tồn quyền lợi của các nhóm dân ít người”.


ĐTC nhắc đến những điểm nóng tại Á châu: Pakistan, Afganistan, Sri Lanka và ngài nói thêm rằng: ”Tà tôi cầu xin Chúa cho Myanmar, với sự nâng đỡ của cộng đồng quốc tế, có một mùa đối thoại được mở ra giữa chính phủ và phe đối lập, đảm bảo một sự tôn trọng thực sự các quyền của mọi người và các tự do cơ bản.”


ĐTC ghi nhận tình hình an ninh và ổn định thế giới vẫn còn mong manh và ngài nhận xét rằng ”Nhưng luật pháp chỉ có thể là một sức mạnh hòa bình hữu hiệu nếu những nền tảng ấy được thả neo vững chắc trong luật tự nhiên do Đấng Tạo Hóa ban. Vì thế, ta không bao giờ có thể loại trừ Thiên Chúa ra khỏi chân trời của con người và lịch sử. Danh Thiên Chúa là một tên hiệu công lý; danh ấy là một tiếng gọi cấp thiết xây dựng hòa bình.”

Mục lục

 

Thánh lễ khai mạc năm kỷ niệm 350 năm thành lập Hội Thừa Sai Paris

 

Lễ khai mạc Năm Hồng Phúc, 2008, kỷ niệm 350 năm thành lập THỪA SAI HẢI NGOẠI PARIS, 1658-2008 tại nhà thờ Thánh Phanxicô Xaviê

 

Chủ nhật BaVua, 06 tháng 01 năm 2008


Ngày 29 tháng 07 năm 1658, Ðức Cha François Pallu và Ðức Cha Pierre Lambert de La Motte đã được Ðức Giáo Hoàng Alexandre VII phong chức Giám Mục và đặt làm Giám Quản Tông Toà Ðàng Ngoài và Ðàng Trong: Thừa Sai Hải Ngoại Paris được thành lập.


Chủ nhật Ba vua, ngày 06 tháng 01 năm 2008, thánh lễ khai mạc năm Hồng Ân, 2008, kỷ niệm 350 năm thành lập Thừa sai Hải Ngoại Paris, 1658-2008, đã được long trọng cử hành tại Nhà thờ Thánh Phanxic ô Xaviê, Paris.


Khai mạc Năm Hồng Ân vào ngày Lễ Ba Vua, lễ bổn mạng của mình, Các Thừa Sai Hải Ngoại Paris cố ý nhắc mình về sứ mệnh rao giảng Tin Mừng mà Chúa đã nhắn khi xưa: Vậy anh em hãy đi giảng dậy cho muôn dân, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ những điều Thầy đã truyền cho anh em. và đây, Thầy

ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế". (Math. 28, 16-20).


1. Lời cám ơn Cộng đoàn và Tạ Ơn Chúa của Cha Bề Trên Tổng Quyền

 

Mở đầu thánh lễ, cha Gioan Baotixita ETCHARREN, Bề trên Tổng Quyền Hội Thừa Sai Hải Ngoại Paris đã ngỏ lời cám ơn.


• Cám ơn Ðức Hồng Y André Ving-Trois đã nhân lời đến chủ tế Thánh Lễ Khai Mạc Năm Hồng Ân hôm nay và sẽ chủ tế lễ Tạ Ơn tại Nhà Thờ Ðức Bà Paris, ngày 08 tháng 06 sắp tới.


• Cám ơn các linh mục sinh viên Á châu đã đông đảo đến tham dự thánh lễ,

 

• Cám ơn các Ðức Giám Mục các địa phận Pháp đã gửi các linh mục đến Hội Thừa Sai Hải Ngoại Paris để tiếp tục công việc truyền giáo,


• Cám ơn Ông Thị Trưởng quận 7 đẵ đến tham dự thánh lễ,


• Cám ơn tất cả những ai, đã cách này cách nọ giúp làm cho đời sống và sinh hoạt của Hội Thừa Sai được tiếp tục và phát triển phong phú;

 

• Ðặc biệt cám ơn những vị đã góp công vào việc đào tạo linh mục tại Chủng Viện Thừa Sai và tại Ðại Học Công Giáo Paris


• Cám ơn cha sở xứ Thánh Phanxicô Xaviê đã cho phép Hội Thừa Sai dùng nhà thờ để cử hành Thánh Lễ Khai Mạc Năm Hồng Ân.


• Cám ơn toàn thể Cộng Ðoàn đã đến tham dự Thánh Lễ Khai Mạc Năm Hồng Ân hôm nay.

 

Ðồng thời Ngài cũng dâng Lời Tạ Ơn.


• Tạ Ơn Chúa đã gởi đến Hội Thừa Sai trên 4500 thanh niên, để dâng minh làm thừa sai hải ngọai,


• Tạ Ơn Chúa đã cho Giáo Hội Pháp trung thành với sứ mệnh truyền giáo


• Tạ Ơn Chúa đã cho Các Giáo Hội Á Châu dịp dâng cho Hội Thánh nhiều vị tử đạo.


• Tạ Ơn Chúa đã cho các thanh niên pháp cùng hiệp thông với những thanh niên kitô Á châu.

 

Và để kết thúc lời cám ơn và lời Tạ Ơn Chúa, Cha Bề Trên Tổng Quyền đã mời Ðức Hồng Y và toàn thể cộng đoàn hiện diện đi vào Thánh Lễ Tạ Ơn khai mạc năm Hồng Ân.


2. Lời chia sẻ Tin Mừng của Ðức Hồng Y Tổng Giám Mục Paris


Chia sẻ Tin Mừng ngày lễ Hiển Linh, Ðức Hồng Y André VINGT-TROIS phân tích hai thái độ tiếp đón Tin Chúa Sinh ra. Thái độ vui mừng, hy vọng của Ba vua và thái độ nghi ngại, sợ sệt của Vua Hêrođê. Ðáp lại dấu chỉ sao sáng của Chúa, Ba vua trả lời bằng sự đi đến, bằng sự hiện diện; Hêrodê đáp lại bằng lời thối thác. Chúng ta có cảm xúc thế nào trước những tiếng gọi, những dấu chỉ mà Chúa gởi đến cho ta ?


Ba vua đã nhận ra nơi vua dân Do thái này là vua của muôn dân. Niềm vui của Elisabét, của Maria khi hay tin Chúa giáng sinh đã biến thành niềm vui của cả địa cầu. Tình yêu Thiên Chúa đã phá bỏ hết các hàng rào biên giới, lãnh thổ. Niềm vui về Ðấng Cứu Thế đã lan tỏa khắp trái đất. Lời Chúa đã vang cùng khắp nhân trần. Cùng với Hài Nhi Cứu Thế, muôn lòng đều mở rộng ra để tiếp đón hết mọi dân tộc.


Từ Biển Ðịa Trung Hải, một chiều hướng mới, một kỷ nguyên công giáo đại đồng mới đã mở ra cho khắp các dân nước. Ðó là chiều hướng kitô, đó là kỷ nguyên Cứu Chúa. Rất nhiều thanh niên đã đáp lại tiếng Chúa gọi, dâng mình làm linh mục, đi khắp các nẻo đường, đến tận cả những nơi xa xăm, bất chấp hiểm nguy rao giảng Tin mừng. Từ 350 năm nay, trong Hội Thừa Sai Hải Ngoại Paris, họ đông trên hơn 4500 người !


Trong xã hội chúng ta hôm nay, như chúng ta sinh sống hôm nay, chúng ta có thể được gọi làm thừa sai bắng cách nào ? Làm sao chúng ta nhận ra tiếng gọi ? Chúng ta sẽ đáp lại tiếng gọi ấy thế nào ? Chúng ta có sẽ dám bỏ các tiện nghi không ? Chúng ta có sẽ dám vượt qua những khoảng cách để đến với người khác không ? Có dám bỏ qua những hố sâu chia cách chúng ta không ? Bây giờ và Ở đây. Hây tiếp đón nhau bây giờ và ở đây. Nếu bây giờ và ở đây, mà ta còn không tiếp đón được, thì làn sao dám cao vọng tiếp đón nơi khác, xa hơn, khi khác, lâu hơn ?


Chúng ta cùng cầu nguyện để có được niềm hy vọng, niềm tin hầu tiếp đón Ðấng Cứu Thế; để lòng chúng ta được mở rộng hầu tiếp nhận mọi anh em bây giờ và ở dây.


3. Tiệc mừng chia sẻ niềm vui chung


Sau thánh lễ, theo lời ca « Hãy đi khắp thế gian, giảng dậy Tin Mừng cho muôn dân, Alleluia. Hãy đi tận cùng trái đất, alleluia » ! Cộng đoàn linh mục thừa sai trên dưới 300 người, cùng với cộng đoàn tín hữu trên dưới 1000 người, cùng quây quần quanh Ðức Hồng Y André Vingt-Trois, Tỗng Giám Mục Paris và Cha Gioan Baotixita Etcharren, Bề Trên Tổng Quyền Hội Thừa Sai Hải Ngoại Paris, và cùng chung niềm vui kỷ niệm 350 năm thành lập Hội Thừa Sai, ở cuối Nhà Thờ.


Sau đó mọi người theo nhau kéo về phòng khánh tiết quận 7, tham dự tiệc mừng chung vui, trong đó có khoảng bốn năm chục linh mục sinh viên việt nam, vài chục tu sĩ nam nữ việt nam và vài chục giáo dân việt nam.


Xin cám ơn các cha thừa sai, đã từ 350 năm nay, góp phần xây dựng Giáo Hội Việt Nam ! Xin Chia vui cùng các cha mừng năm Hồng Phúc, kỷ niệm 350 năm thành lập Hội Thừa Sai Hải Ngoại Paris !


Paris, ngày 07 tháng 01 năm 2008

GS. Trần Văn Cảnh

Mục lục

 

Dòng Tên Khai mạc Tổng Hội lần thứ 35

 

ROMA (7.1.2007) – Tổng Hội thứ 35 của Dòng Tên đã được chính thức khai mạc bằng thánh lễ trọng thể do Đức Hồng Y Franc Rodé, Tổng trưởng Thánh bộ các Dòng Tu và các Tu hội Tông đồ, cử hành vào lúc 10 giờ sáng ngày 7 tháng 1 năm 2008 tại Nhà thờ Gesù. Cha Bề trên Cả Peter-Hans Kolvenbach, S.J. đã cùng đồng tế trên Cung thánh với sự tham dự của 225 thành viên tham dự Tổng Hội.



Trong bài giảng, Đức Hồng Y Rodé đã nêu lên những điểm nhấn quan trọng trong Hiến chương mà thánh I-nhã Loyola, Đấng sáng lập Dòng Tên, đã qui định ngay từ buổi đầu Dòng được phôi thai. Ngài cũng nhấn mạnh rằng sứ mạng của Tổng Hội lần này khi chọn ra một cha Bề trên Cả kế nhiệm là một nhiệm vụ có giá trị nền tảng ảnh hưởng đến sứ vụ và đời sống tương lai của toàn Dòng và vì thế ngài đã nguyện chúc cho Tổng Hội sẽ lựa chọn được “một vị sống kết hợp mật thiết với Chúa và gắn bó với cầu nguyện” như thánh Tổ phụ mong ước và qui ước (Hiến chương số 735).


Đức Hồng Y Rodé cũng đã nhấn mạnh về đặc sủng của việc huấn luyện thiêng liêng mà thánh I-nhã đã đúc kết bằng kinh nghiệm Linh Thao của thánh nhân. Ngày nay, Linh đạo I-nhã không chỉ có giá trị quan yếu trong việc huấn luyện của nội bộ Dòng Tên mà còn đóng góp những ảnh hưởng quan trọng đến việc huấn luyện của nhiều Dòng tu khác. Quá khứ cũng cho thấy Linh đạo I-nhã đã góp phần rất lớn trong việc đào luyện tông đồ và giáo dục thiêng liêng trong môi trường giáo dục Đại học mà Dòng dấn thân phục vụ. Vì thế, Đức Hồng Y Tổng trưởng cũng nhắc nhớ các tu sĩ Dòng Tên luôn cố gắng giữ gìn đặc sủng thiêng liêng mà Thiên Chúa đã ưu ái ban tặng cho Dòng qua thánh I-nhã; luôn cố gắng bảo vệ truyền thống vâng phục tuyệt đối mà di sản để lại trong việc sống lời khấn thứ tư “vâng phục Đức Thánh Cha” của các tu sĩ Dòng Tên; cố gắng thăng tiến đời sống tông đồ “hành động trong chiêm niệm” giữa lòng nhân thế, trong lòng giáo hội, và bằng sự sung mãn của sức sống rao giảng Tin Mừng.


Vào cuối thánh lễ, cộng đoàn hướng về bàn thờ kính thánh I-nhã. Bức tranh tuyệt tác của tu huynh Andrea Pozzo, SJ (1642-1709) nổi bật họa tiết mầu nhiệm Ba Ngôi, Ngôi Lời Nhập Thể, mẫu tự Thánh Danh HIS, biểu tượng sứ vụ Dòng Tên và linh đạo I-nhã hiện diện uy linh phía bên trên mộ phần của thánh nhân. Trong khoảnh khắc thinh lặng, bức danh hoạ rộ nét thiêng liêng đó dường như được 2 thiên thần từ vòm cao trang trọng ‘gieo’ xuống đất thấp để vén mở chân dung thánh I-nhã được công phu tạc đúc bằng bạc đang trang nghiêm hiện diện giữa Tổng Hội. Cha Bề trên Cả xướng lên Lời nguyện xin sự chuyển cầu của thánh Tổ I-nhã và cả cộng đoàn hiệp nguyện bằng Kinh Dâng Hiến:


Xin Chúa nhận lấy
tự do,
trí nhớ, trí hiểu,
cùng toàn vẹn ý chí của con –
tất cả những gì con đang có và sở hữu
Chúa đã ban tặng cho con,
là của Ngài, lạy Chúa, con xin trao lại,
tất cả là của Chúa;
xin dùng theo ý Chúa.
Xin chỉ ban cho con tình yêu và ân sủng của Chúa;
như thế là đầy đủ cho con.


 


Sau đó, cha Bề trên Cả thắp lên một ngọn đèn dầu và xông hương mộ thánh I-nhã. Ngọn đèn này được thắp sáng suốt cho đến khi kết thúc Tổng Hội 35. Ở các Tỉnh Dòng trên toàn thế giới, nhiều nơi cũng thắp lên một ngọn nến tương tự tại Nhà nguyện để thể hiện sự hiệp nhất và lòng hiệp thông.


Vào buổi chiều sau thánh lễ, Tổng Hội bắt đầu họp phiên đầu tiên. Nếu thánh lễ khai mạc đã mở cửa cho giới truyền thông được đăng kí tham dự để chứng kiến và phổ biến thì có thể nói trong những ngày cận kề sắp tới sẽ là những phiên “họp kín” vì chỉ có 225 + 1 (cha Peter-Hans Kolvenbach) đại biểu được chỉ định đại diện cho hơn 19,200 tu sĩ Dòng Tên trên toàn thế giới [Châu Phi (18 đại biểu), Châu Á và Châu Úc (64 đại biểu), Châu Âu (69), Châu Mỹ La-tinh (40 đại biểu), Bắc Mỹ (34 đại biểu)]. Theo nghị trình thì 4 ngày kế tiếp sẽ là những ngày tập trung cầu nguyện, bàn hỏi, và nhận định để tiến hành bầu chọn cha Bề trên Cả thứ 30 kể từ khi thánh I-nhã được Tổng Hội đầu tiên lựa chọn tín cử vào ngày 19 tháng 4 năm 1541. Cha Peter-Hans Kolvenbach đã được Tổng Hội thứ 33 tín cử ngay vòng phiếu đầu tiên vào ngày 13 tháng 9 năm 1983.


Theo Hiến chương của Dòng Tên thì cha Bề trên Cả không có giới hạn nhiệm kì, đây là lần thứ 2 trong lịch sử của Dòng Tên khi mà Tổng Hội được triệu tập họp bầu cha Bề trên Cả khi vị đương nhiệm còn sống; lần đầu tiên là lúc Tổng Hội thứ 33 được triệu tập (1983) trong hoàn cảnh khi cha Pedro Arrupe đột quị. Trong trường hợp của Tổng Hội 35 này, vào ngày 6 tháng 2 năm 2006, cha Bề trên Cả đã thông báo cho toàn Dòng về ý định từ nhiệm sau khi thỉnh ý và được Đức Thánh cha Benêđíctô XVI chấp thuận; Tổng Hội lần thứ 35 của Dòng Tên đã được triệu tập.

(Hình: Don Doll, SJ)

Vũ, sj

Mục lục

 

 

Cha Giuse Nguyễn Thanh Liêm - Chủ Tịch Liên Ðoàn Công Giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ - Ðến thăm Ðại Chủng Viện Thánh Giuse Hà Nội.

Hà Nội, Việt Nam (4/01/2008) - Vào hồi 18 giờ 30 ngày 3.1.2008, cha Giuse Nguyễn Thanh Liêm, Chủ tịch Liên Ðoàn Công Giáo Việt Nam (CTLÐCGVN) tại Hoa Kì, đã đến thăm và nói chuyện với chủng sinh tại hội trường Ðại chủng viện thánh Giuse Hà nội.

Trong buổi gặp gỡ, cha Chủ tịch chia sẻ hai vấn đề với chủng sinh: một là những kinh nghiệm mục vụ của ngài, hai là giới thiệu qua về tổ chức Liên Ðoàn ngài đang làm việc. Trước hết, với vai trò một người cha, người anh, ngài ân cần truyền lại cho các chủng sinh, những vị mục tử tương lai một số hàntrang cần thiết để làm việc sau này. Cha Giuse đặc biệt nhấn mạnh đến tính kiên nhẫn trong từng công việc... Với tư cách là vị tân Chủ tịch Liên Ðoàn Công Giáo Việt Nam tại Hoa Kì, ngài chia sẻ với anh em thành phần lãnh đạo cũng như tình hình hoạt động hiện nay trong Liên Ðoàn. Ðặc biệt, ngài cũng muốn anh em thấy rõ định hướng của ngài cũng như Liên Ðoàn trong bốn năm kế tiếp...

Sau buổi nói chuyện với chủng sinh tại hội trường, cha Giuse đã ở lại dùng bữa cơm tối thân mật cùng gia đình Ðại chủng viện.

Sáng sớm hôm sau (4/01/2008), vào lúc 5 giờ 30 cha Giuse đã chủ sự thánh lễ bằng Anh ngữ tại Nguyện đường. Cùng đồng tế với ngài có qúy cha trong ban giám đốc, ban giáo sư và toàn thể 144 chủng sinh.

Phần giảng sau bài Tin Mừng, ngài chia sẻ: Hơn 2,000 năm trước, Chúa Giêsu đã mời gọi các Tông đồ Hãy Ðến Mà Xem. Như vậy, chính Ngài là Người đã thành lập Chủng viện đầu tiên với mười hai tông đồ. Ðến mà xem không phải chỉ giúp thỏa mãn tính tò mò của con người nhưng đến xem một nhân vật hết sức quan trọng. Một nhân vật mà mới đây, Ðức Thánh Cha Bênêđichtô XVI đã đề cập đến trong cuốn Ðức Giêsu Thành Nagiarét của ngài. Nội dung cuốn sách cho chúng ta thấy Dung Mạo một Ðức Giêsu xuống thế làm người vì yêu thương nhân loại. Vì yêu thương mà Ngài đã chết trên Thập giá. Chúng ta hãy mỗi ngày đến gặp gỡ Ngài, ở lại với Ngài để khám phá ra Dung Mạo tuyệt vời cuả Ðức Kitô. Từ đó giúp anh em xác tín con đường đi của mình hơn nữa.

Ðược biết, sau khi thăm Ðại chủng viện Hà nội, cha chủ tich Liên Ðoàn Công Giáo Việt Nam tiếp tục viếng thăm giáo phận Huế và thành phố Saigòn... Nguyện chúc cha có một chuyến đi bình an, mang lại nhiều kết quả tốt đẹp cho sự hiệp nhất giữa những người công giáo trong và ngoài quốc gia.

 

Gioan Ðình Sơn

Mục lục

 

TÌM HIỂU & SỐNG ĐẠO

 

Chào mừng năm giáo dục Kitô giáo 2008 : Cho Niềm Tin Trổ Bông

 

Trong những ngày qua, trên toàn thế giới, và ngay ở Việt Nam cũng tưng bừng chào đón năm 2008. Riêng đối với Giáo hội Việt Nam đã chuẩn bị bước vào năm mới bằng cách dành trọn năm nay để hướng dẫn sinh hoạt, tập trung cho vấn đề giáo dục, nhất là giáo dục niềm tin. Thư chung 2007, số 7 viết:

“Trước khi về trời, Chúa Giêsu đã trao cho Giáo hội sứ mạng lên đường dạy dỗ muôn dân. Từ đó, giáo dục trở thành sứ mạng gắn liền với sự hiện diện của Giáo hội giữa lòng thế giới. Giáo hội chính là mẹ săn sóc toàn diện đời sống con người, kể cả đời sống trần thế, trong mức độ liên hệ với lời mời gọi của Thiên Chúa. Vì thế, Giáo hội thông phần vào việc mở mang và phát huy nền giáo dục (Tuyên ngôn giáo dục, Lời mở đầu). Sứ mạng của Giáo hội là tạo điều kiện để mọi người đều được hưởng một nền giáo dục Kitô giáo” (Tuyên ngôn giáo dục, số 2).

Và trong lời kết của thư chung 2007, số 39:

“Giáo dục Kitô giáo còn là lời mời gọi cấp bách. Sự thay đổi choáng ngợp của nền văn minh thời đại không cho phép chúng ta chần chừ, trì hoãn, nếu không muốn bị đẩy vào nguy cơ tụt hậu” (Thư chung, số 39).

I. Đời sống đạo đức trong cơn lốc thị trường

Nền kinh tế thị trường đang làm chao đảo nhiều giá trị tinh thần nói chung; giá trị đạo đức nói riêng. Phải thẳng thắn nhìn nhận là đời sống đạo đức đang bị tụt dốc.

1. Nền luân lý bị băng hoại

Trong thế giới đề cao lợi nhuận, có một số người đã đồng hoá thị trường tự do với một thứ “tự do phóng túng”, phi đạo đức và bất chấp luật lệ. Có những người khác lại phong tiền hay khách hàng làm “thượng đế” ! Thôi thì ai muốn làm gì thì làm, miễn sao kiếm được nhiều tiền và có nhiều cơ hội để hưởng thụ. Nếu không còn giá trị đạo đức, vắng bóng lương tâm, thiếu vắng lý tưởng xã hội và tình tự quốc gia dân tộc… con người biết lấy gì để lấp đầy sự trống vắng kinh hoàng đó? Trong hoàn cảnh đó, chúng ta hiểu được tại sao một số người trẻ đang choáng ngợp trước vẻ quyến rũ của xã hội tiêu thụ, sống buông thả phó mặc cho sức hấp dẫn của tiền, tình, rượu và ma tuý!

Mấy tháng vừa qua, dư luận xôn xao về scandal của diễn viên Hoàng Thuỳ Linh trong “Nhật ký Vàng Anh”. Bộ phim có tính giáo dục cho giới trẻ. Nhưng chính diễn viên Vàng Anh lại là một nạn nhân của xã hội, hưởng thụ, trác táng và phá hại lẫn nhau.

Chính vì vậy, bên cạnh hai đứa con hư của thời bao cấp là “đạo đức giả và vô trách nhiệm”, cơ chế thị trường hoang dã đang được áp dụng tại Việt Nam đã sinh thêm hai đứa con hư nữa : đó là nóng ruột kiếm tiền và cắm đầu hưởng thụ. Mọi nhược điểm và tệ nạn khác của xã hội Việt Nam hôm nay chỉ phát huy tác hại trong môi trường của bốn thói xấu này.

Phải chăng cũng vì vậy mà một số người vẫn tiếp tục hô to những khẩu hiệu lớn lao và đẹp đẽ, nhưng khi có cơ hội tiếp cận với những lợi lộc do hoàn cảnh mới mang lại… ít khi bỏ lỡ các dịp kiếm tiền và hưởng thụ ?

2. Cái nhìn trực diện vào vấn đề

Đã từ lâu, người ta quá say mê lối đạo đức cách mạng, mà quên mất thực tế cuộc sống. Trong bối cảnh đó, có lẽ Nguyễn Huy Thiệp là một trong những nhà văn đã tiên phong đối diện với cái xấu và cái ác trong xã hội này. Ông thẳng thắn nhận diện, phân tích và giải phẫu nó. Ba nhân vật chính Thuấn, Thuần và Thuỷ trong “Tướng về hưu”, chẳng hạn, có thể coi là ba khuôn mặt điển hình của thời đại.

Ông Thuấn, tướng về hưu và chủ gia đình, bản tính nhân từ và độ lượng. Những tưởng “việc lớn trong đời đã làm xong” về nghỉ hưu, nhưng xét kỹ ông chỉ làm được mỗi một việc lớn duy nhất là chôn ba nghìn người. Ông cứ nghĩ đã phụng sự con người, thật tình ông chỉ thạo việc chôn người. Lấy việc điều quân làm lẽ sống và chiến tranh làm dưỡng khí, nên trong hoà bình, ông thoi thóp, ngộp thở, vô tích sự. Khinh việc nhỏ như kiếm tiền, kiến trúc xã hội, làm kinh tế…, nhưng lại không ngại tiêu và thích cho tiền. Sau 58 năm phục vụ tổ quốc, trở về nhà ông thấy gì ? Ông thấy thai nhi được nấu lên cho chó và lợn ăn.

Thuần, người con trai, 37 tuổi, đã du học Đông Âu, tốt nghiệp kỹ sư nhưng lại làm việc tại viện vật lý. Chính hiệu là một trí thức ăn bám, vô trách nhiệm và vô tích sự. “Không sống được một mình”, ông bố bảo thế, và cũng “không” dám lấy quyết định. Cái gì cũng phải hỏi và nhờ vợ. Ngay cả khi thấy vợ rúc rích với nhân tình ở ngay trong nhà, cũng “không” dám làm gì. Nhưng trước những khó khăn và những chuyện động trời xảy ra trong gia đình, anh vẫn điềm nhiên đọc Sputnich và hút thuốc Ga-lăng.

Dưới ngòi bút sắc bén và điêu luyện của Nguyễn Huy Thiệp, Thuần kể chuyện như sau : “Một tối, tôi đang đọc Sputnich, cha tôi lặng lẽ đi vào. Ông bảo : ‘Cha muốn nói chuyện với con’. Tôi đi pha cà phê, cha tôi không uống. Ông hỏi : ‘Con có để ý công việc của Thuỷ không con ?’ Cha cứ rờn rợn.”

“Vợ tôi làm việc ở bệnh viện sản, công việc là nạo phá thai. Hàng ngày các rau thai nhi bỏ đi, Thuỷ cho vào phích đá mang về. Ông Cơ nấu lên cho chó, cho lợn. Thực ra điều này tôi biết nhưng cũng bỏ qua, chẳng quan trọng gì. Cha tôi dắt tôi xuống bếp, chỉ vào nồi cám, trong đó có các mẩu thai nhi bé xíu. Tôi lặng đi. Cha tôi khóc. Ông cầm phích đá ném vào đàn cho béc-giê : “Khốn nạn ! Tao không cần sự giàu có này !” Đàn chó sủa vang. Ông bỏ lên nhà. Vợ tôi đi vào và nói với ông Cơ : “Sao không cho vào máy xát ? Sao để ông biết !” Ông Cơ bảo : “Cháu quên, cháu xin lỗi mợ”.

Để có thể phát triển toàn diện, con người cần môi trường lành mạnh, điều kiện vật chất, khoảng trống, tự do, thoáng khí và một tình yêu thương. Đời sống đạo đức cũng cần một số điều kiện nào đó để phát triển. Đạo đức là thứ xa xỉ trong một môi trường chật hẹp... Với một căn nhà 20 mét vuông, bảy mạng người chen chúc sống trong đó, mỗi người chưa được 3 mét vuông, sinh tồn, đồ đạc không có chỗ để, vậy đạo đức để vào đâu ?

Bằng câu văn ngắn gọn, sắc bén và hàm súc, Nguyễn Huy Thiệp bắn thẳng vào hồng tâm của xã hội Việt Nam hiện nay, làm vỡ mủ, toé máu. “Đạo đức thực ra cũng cần có môi trường... Con người bé nhỏ chúng ta ôm ấp đạo đức trong một môi trường vô luân thì sẽ bi kịch cả thôi” ?

Dù rằng kỹ thuật và kinh tế đóng vai trò chủ động trong xã hội hôm nay, nhưng không thể vắng bóng tiêu chuẩn đạo đức trong phát triển. Bất cứ một cuộc cải tổ kinh tế – xã hội nào cũng đòi hỏi những yếu tố tinh thần thích hợp để thành công. Chỉ khi nào những nhu cầu về tinh thần được phát triển và được thoả mãn thì con người mới hăng say đóng góp tim óc cho đất nước.

Nhìn lại các quốc gia sau thời chiến tranh, chúng ta thấy mẫu gương của dân tộc Nhật bản, Hàn quốc, họ cũng tìm mọi cách để giải quyết vấn đề kinh tế và đời sống, nhưng vẫn cố gắng phát huy văn hoá truyền thống, cố gắng bảo tồn các nền văn hoá truyền thống. Phải nói, đòi sống của họ vẫn giữ được nhịp độ thăng bằng những giá trị tinh thần và vật chất.

Rất buồn khi thấy hình như xã hội Việt Nam hôm nay đang thiếu hụt những điều kiện tinh thần và đạo đức ấy. Có người nghĩ rằng nước ta có thể thoát khỏi tình trạng khủng hoảng về kinh tế, nhưng xã hội ta lại phải đương đầu với một cuộc “tổng khủng hoảng về nhân cách”, khó thoát ra được. Đó là lý do tại sao, “kỷ nguyên thông tin đã làm cho trái đất như thu nhỏ lại, mà sao cái mảnh đất riêng đau thương đầy bom đạn của mình thì cứ doãng ra mãi !” (Hà Sĩ Phu, Thơ gởi Hoàng Minh Chính, tháng 2/1998).

II. Một số đề nghị cụ thể

1. Canh tân đời sống gia đình

Trước hết, trong phạm vi gia đình, chúng ta nhận thấy có nhiều triệu chứng của sự khủng hoảng. Gia đình là cái nôi sự sống và là nôi hoà bình (Thông điệp hoà bình, 2008). Gia đình là nơi cung cấp nền giáo dục đầu tiên và căn bản cho một con người. Vì chữ hiếu “lễ giáo gia phong” bị bỏ quên, thì người ta sẽ phải lãnh chịu những hậu quả, chẳng những trong chính gia đình, nhưng còn trong mức độ toàn xã hội.

Ngày nay có nhiều cha mẹ lao vào đời sống kinh tế, coi việc thăng tiến địa vị xã hội là quan trọng hơn đời sống gia đình. Bữa cơm gia đình mà mọi thành viên trong gia đình đều hiện diện ngày càng trở nên hiếm. Tương quan vợ chồng, cha mẹ, con cái... vì thế mỗi lúc một lỏng lẻo, suy yếu. Hậu quả là môi trường gia đình vốn được mệnh danh là “mái ấm”, không còn nồng nàn tình cảm như xưa. (Thư chung 2007, số 11)

Từ đó, chúng ta thấy tình trạng đổ vỡ trong đời sống hôn nhân càng gnày càng gia tăng, để lại những hậu quả nặng nề cho tâm hồn trẻ thơ và thanh thiếu niên. Tình trạng con cái hành hung, ngược đãi cha mẹ, anh em từ bỏ nhau, kiện tụng và tranh giành phần gia sản thấy nhan nhản trong xã hội hôm nay... Gia đình là tế bào nhỏ nhất, nền tảng của xã hội và Giáo hội, xem ra đã bắt đầu rạn nứt.

Gia đình là Hội thánh thu hẹp, nơi đó mọi người đều thượng tôn ý Chúa. Gia đình là cộng đồng tình yêu, mọi người đều quan tâm đến nhau, và cố tạo một khung cảnh thân thương, ấm áp. Mọi người dám hy sinh cho nhau, nhường nhịn nhau. Để giữ được mái ấm gia đình, đòi người ta phải nuôi dưỡng tình yêu và ưu tiên cho hạnh phúc gia đình. Dù có thành công trong việc giành cho mình vị thế xã hội cao, thành công trong việc gia tăng mức thu nhập, nhưng lại thất bại trong đời sống gia đình thì cũng coi như vô ích.

Hãy củng cố đời sống gia đình và coi hạnh phúc gia đình là trên hết. Do đó, có nhiều gia đình tổ chức tham dự thánh lễ một lúc, hoặc đọc kinh tối gia đình chung với nhau, để củng cố cho mỗi thành viên gia đình cảm thấy hạnh phúc. Ai cũng cảm thấy quí và mong ước có nhiều buổi họp mặt trong tuần.

2. Lưu ý đến khía cạnh tâm linh

Một cách đơn giản, ta có thể diễn tả : tâm linh là chân trời cảu những ứng xử trong cuộc sống đời thường. Không có chân trời, mọi hình ảnh đều trở nên mặt phẳng, không còn độ sâu và không còn diễn tả được khuôn mặt sống động của “nhân linh ư vạn vật”.

Đối với những người có niềm tin Kitô giáo, ăn uống, gặp gỡ, làm việc... không chỉ là ăn ngon, không chỉ là giao tiếp lịch sự, không chỉ là thăng tiến nghề nghiệp... nhưng còn là thể hiện lòng trung thành với Thượng Đế, với đạo giáo. Đối với tâm thức người dân Việt nói chung, đời sống luân lý luôn thấm nhuần mối liên hệ sâu xa với tổ tiên, ông bà, như là những người mà mình còn đang giao tiếp sống động, chứ không phải chỉ như một sự tưởng nhớ. Đối với người Nhật chẳng hạn, thiền thấm nhập vào hầu như tất cả mọi sự để mọi sự đều có thể trở thành “đạo”, đáng võ cũng là đạo, uống trà cũng là đạo, cắm hoa cũng là đạo, bắn cung cũng là đạo... Đó chính là chiều kích tâm linh của đời sống con người.

Trong tương quan của con người với nhau, khi không còn khung trời tâm linh, người ta cũng chỉ còn có một cách duy nhất là đối xử “tay đôi” với nhau mà mức độ cao lắm cũng chỉ là một sự tính toán “công bằng”. Không có tâm linh, người ta phải chọn lập trường sống với người khác theo kiểu “bạn ra bạn, và thú ra thù”.

Quả thật, tâm linh là chiều kích siêu việt làm nên chân trời của mọi thái cử trong cuộc sống con người. Con người nếu chỉ được hiểu , trong tính hiện thực của nó, như “tổng hoà các quan hệ xã hội”, hoặc như một định nghĩa truyền thống của chủ nghĩa Mác, “là một thực thể tự nhiên có tính chất người”, sẽ không thể có được một chân trời để định hướng và để được kêu mời vươn lên mãi.

Tóm lại, ta thấy có hai ý nghĩa của tâm linh :

* chân trời tâm linh mở cửa để đón nhận bước tiến không ngừng của con người; và

* chân trời tâm linh giúp con người có thể ướm những thái cử hàng ngày của mình vào đó, và tìm thấy thoả mãn nhu cầu siêu việt trong chính bản chất người của mình.

Phải chăng, trong cuộc khủng hoảng đạo đức hiện nay, chính khung trời tâm linh mới có thể trở thành một “lực lượng” có khả năng trụ vững để gìn giữ những yếu tố khác trong cơn lốc của nền kinh tế thị trường.

3. Cần lưu ý về lối sống đạo của Kitô hữu hôm nay

Cần có thái độ đồng hành, nâng đỡ và hướng dẫn Dân Chúa tìm về đời sống đạo đức chiều sâu. Cần lưu ý về lối sống đạo của Kitô hữu hôm nay :

Người Kitô hữu chỉ đón nhận ân sủng như là những sự vật, nghĩa là những món quà từ Thiên Chúa mà không còn khả năng nhận ra “món quà” chính yếu là chính Đấng Ban ân sủng, tìm kiếm “ân sủng thụ tạo” mà quên mất “ân sủng bất thụ tạo”.

Người Kitô hữu tham dự các bí tích như là đến với những “máy ban ơn phúc” chứ không phải sống lại giao ước ngôi vị giữa bản thân mình và chính Chúa;

Người Kitô hữu Công giáo đọc lời Chúa như là những bài học luân lý chứ không mấy khi nhận ra Lời Chúa là lời ngỏ với chính bản thân; và việc đáp lại lời ngỏ của Ngài làm nên một lịch sử nghĩa tình;

Người Kitô hữu giữ đạo chỉ là giữ giới răn, và giữ giới răn như một sự chịu vậy, nghĩa là không sống được thái độ tự do của con cái Chúa, nhưng là tinh thần nô lệ.

Người Kitô hữu cầu nguyện chỉ là xin ơn chứ không phải một sự trao đổi thân tình như hiến tặng cho Chúa chính tâm hồn của mình.

Đời sống đạo gắn liền với nếp sinh hoạt theo khuôn khổ nên ít tạo cho người tín hữu có tưong quan cá vị với Thiên Chúa, một nhu cầu gặp gỡ Chúa

Thay Lời kết: Đức Kitô “Vạn thế sư biển”

Hãy noi gương đời sống của Chúa Giêsu, Ngài đã làm người và ở giữa chúng ta, chính là để dạy chúng ta làm người như chính Ngài đã làm người, một con người tại thế, biết yêu thương, tôn trọng cả xác lẫn hồn, biết xây dựng đời sống tinh thần cũng như vật chất.

Đức Giêsu không chỉ loan báo Tin mừng nước Thiên Chúa, mà Ngài còn bẻ bánh cho họ ăn (Mt 14,15-21), và cũng lưu tâm đến niềm vui của người tham dự tiệc cưới Cana (Ga 2, 1-11). Do đó, với niềm tin soi dẫn, người tín hữu hôm nay dấn thân vào đời, và xây dựng Nước Chúa trong bình an, hạnh phúc. Mến Chúa và yêu người là hai mặt của vấn đề sống đạo hôm nay. Như Chúa Giêsu, người tín hữu hôm nay cũng phải sống và làm cho mọi người “được sống và sống dồi dào” (Ga 10,10), và đó chính là làm cho “thiên đàng chớm nở ngay dưới thế” rồi vậy.

-------------
1. Xc. Hồ Sĩ Quý, Mấy tư tưởng lớn của C. Mác về Con Người, Triết học 6/2003, Viện Triết Học, Trung tâm Khoa Học Xã Hội Và Nhân Văn Quốc gia, trang 12-18

Dom. Đinh Viết Tiên, OP

Mục lục

 

 

THINH LẶNG

 

Có những người tưởng tượng về Môsê thế này:

Trước khi được sai đi lãnh đạo cuộc giải phóng dân Do thái  khỏi ách nô lệ Ai cập, Môsê đến thụ giáo với một vị thầy nội tiếng tại vùng Mađian. Qui luật suy nhất là : Thinh lặng.

Ngày ngày thầy trò cùng nhau ngao du sơn thủy. Đứng trước núi non hùng vĩ và bao vẻ đẹp của thiên nhiên, Môsê cảm thấy không gì dễ dàng và thích thú cho bằng được ở thinh lặng.

Một hôm thầy trò đang đi dọc theo bờ biển, Môsê thấy một bé trai đang chới với trong nước và người mẹ kêu lên inh ỏi. Môsê không thể giữ thinh lặng trước cảnh tưởng đó, ông cất tiếng hỏi thầy: "Thưa thầy, thầy không làm gì để cứu đứa bé sao?"

Thầy thinh lặng rồi tiếp tục đi. Môsê bước theo thầy mà lòng không yên chút nào, ông cứ nghĩ miên man: "Tại sao thầy mình lại nhẫn tâm đến thế?".

Đi tiếp, Môsê bỗng dừng lại đưa tay chỉ ra biển và nói: "Thầy nhìn kìa, nguyên một chiếc thuyền chở đầy người đang bị đắm".

Thầy vẫn thinh lặng và tiếp tục đi, như thể họ không biết gì đang xảy ra trước mắt vậy.

Môsê, tâm hồn cảm thấy bối rối, rồi với Chúa để biết tại sao thầy mình lại như vậy.

Chúa nói thế này : "Thầy của con hoàn toàn có lý. Đứa bé chới với ven bờ biển chỉ là dàn cảnh để khai mào cho một cuộc chiến tranh khốc liệt giữa hai dân tộc, còn chiếc thuyền đang đắm ngoài khơi là thuyền của bọn cướp đang chuẩn bị tấn công ngôi làng ven biển. Thầy của con đã có lý để giữ con đứng bên ngoài những hành động tội ác ấy".

[sưu tầm]

 

Thiên Chúa : tư tưởng, ý định, lời nói, chương trình, hành động của Ngài thật khác con người. Như Môsê chẳng hạn : trong thời gian ở cung đình là thời gian cần thinh lặng. Thế rồi tại sao ông phải trốn lên núi. Đơn giản là không kiên nhẫn đủ, hành động trước cả Thiên Chúa.

Sống đức tin là một cuộc hành trình đi vào chương trình của Thiên Chúa, chấp nhận làm theo chỉ dẫn của Ngài. Để có thể dễ dàng đón nhận Thánh Ý, thì thinh lặng là điều rất cần thiết.

Thinh lặng giúp ta ra khỏi những ồn ào của cuộc sống, ra khỏi những đam mê sôi sục của cuộc đời, ra khỏi những tính toán ích kỷ, ra khỏi con người hạn hẹp nhỏ bé của mình để lắng nghe tiếng Chúa trong cõi lòng sâu thẳm, nhờ vậy ta mới có thể cảm nếm được sự khôn ngoan Ngài.

Đức tin là một ân sủng. Nhờ đức tin ta mới có thể hiểu được thế nào là ân sủng. Và nhờ ân sủng ta mới có thể biểu lộ đức tin.

Nhiều khi con người không đủ kiên nhẫn, không đủ sáng suốt để suy nghĩ trước mọi biến cố trong cuộc sống. Lại còn bị những lề thói, tập tục truyền thống của xã hội, của tôn giáo, của gia tộc, của xóm làng ảnh hưởng hay che phủ khiến ta không còn nhận ra sự thật.

Vì thế, nhiều người dễ dựa vào một vài dữ kiện, một vài biểu hiện bề ngoài rồi phán quyết người ấy thế này thế nọ, người kia như thế là không đúng. Phải như mình mới đúng, mới chấp nhận. Như ăn uống phải giống mình, nói năng, đi đứng giống mình, quần áo… Nói chung cứ phải giống và hợp với suy nghĩ của mình, thì đó mới là đúng, là hay. Còn khác thì sai.

Không phải, khác đơn giản chỉ là khác. Đẹp đơn giản nó là đẹp. Chân lý đơn giản nó là chân lý, không phải cứ giống mình mới là đúng.

Nếu khiêm tốn, biết quan sát và chú ý những điều khác trong cuộc sống, ta sẽ thấy và học được nhiều điều mới trong cuộc sống.

Thanh Thanh

Mục lục

CÁC TẦNG TRỜI MỞ RA

Nhớ lại năm 2004, khi niềm vui Giáng sinh còn đang náo nức trong lòng người thì biến cố động đất và sóng thần làm hơn 250.000 người thiệt mạng, và còn nhiều hơn nữa do dịch tễ và bệnh tật đi kèm sau tai nạn, đã hằn sâu trong lòng nhân loại một vết thương đau đớn, nhưng chính cái thiên tai khủng khiếp đó lại làm sáng lên hơn bao giờ hết cái tinh thần của Mùa Giáng sinh, còn được gọi là Mùa Trao tặng (Season of Giving) :

Một bài viết trên báo Tuổi Trẻ ngày 31.12.2004 thuật lại tiến trình cứu hộ tại Inđônêsia : “Hai giờ sáng, chương trình truyền hình vẫn tiếp tục trực tiếp những nỗ lực của chính quyền và các tổ chức nhân đạo tại Banda Aceh. Hình ảnh những cô gái, chàng trai, người đẫm mồ hôi, chuyển thực phẩm đến cho từng người bị nạn trong đêm tối, chợt làm sáng lên bầu không khí ủ dột của thành phố này”.

Tại những nơi không phải chịu đựng thảm hoạ cũng không thiếu những trái tim yêu thương : không thể kể hết được những cánh tay đưa ra cứu giúp nạn nhân của sóng thần. Đó là DiCaprio, diễn viên chính của bộ phim Titanic, đã đóng góp cho  UNICEF  một món tiền không được tiết lộ, và thiết lập một đường nối kết trên trang web của mình cho những ai muốn đóng góp; là Sandra Bullock, một nữ diễn viên nổi tiếng, đã trao cho Hội Hồng Thập tự Hoa kỳ một triệu đôla; là tổ chức các bác sĩ không biên giới …; tại Việt nam, chỉ riêng báo Tuổi Trẻ, tính đến ngày 06.01, đã quyên góp được hơn một tỉ đồng cứu trợ cả từ những con heo đất nhỏ xíu.

Bà Marissa Buckanoff, phát ngôn viên của UNICEF đã phải thốt lên : “Chúng tôi chưa bao giờ thấy điều gì tương tự như vậy trước đây”.

Một biến cố khác tuy đã quá quen thuộc với cả thế giới nhưng mãi mãi còn làm cả đất trời ngạc nhiên là việc Ngôi Hai Thiên Chúa nhập thể.

Cứ xem người ta làm cho những đồng tiền vô hồn mang được một hồn sống ra sao mới hiểu được đôi chút về điều Thiên Chúa đã ban tặng cho nhân loại khi trở nên một người như mọi người : Đấng vô cùng đã bước vào bản tính hữu hạn để mở cửa trời cho con người vươn lên vô hạn. Đức Kitô đã để mình chịu tuỳ thuộc vào mỗi quyết định nhỏ nhất của con người khi thụ thai trong lòng Đức Maria, khi sinh hạ tại Bêlem, khi theo thánh Giuse trốn sang Ai cập … để chính trong cái hữu hạn của một hài nhi yếu đuối mà người ta thấy và sống được cái vô hạn của Thiên Chúa.

Thiên Chúa là tình yêu! Vì thế, Ngài không thể bị ràng buộc. Càng bị hạn chế, tình yêu càng có dịp toả sáng : trong biến cố Truyền tin, khi Ngôi Hai Thiên Chúa chịu đóng đinh vào bản tính con người thì trời mở ra : “Không ai đã lên trời, ngoại trừ Con Người, Đấng từ trời xuống” (Ga 3,13); lúc bắt đầu rao giảng Tin Mừng, khi Đấng vô tội chịu đóng đinh vào thân phận tội lỗi đó đứng xếp hàng với các hối nhân xin chịu phép rửa ở sông Gio-đan thì “các tầng trời mở ra” (Mt 3,16); và trong giờ kết thúc sứ vụ trên đồi Canvê, khi Đấng xét xử muôn dân chịu đóng đinh trên thập giá giữa hai kẻ trộm thì bức màn trướng trong đền thờ đã xé làm hai từ trên xuống dưới.

Lòng yêu thương của Chúa đã mở ra, không gì có thể cản trở người ta đến với Chúa, vì “đến như chính Con Một, Thiên Chúa cũng chẳng tha, nhưng đã trao nộp vì hết thảy chúng ta. Một khi đã ban Người Con đó, lẽ nào Thiên Chúa lại chẳng rộng ban tất cả cho chúng ta?” (Rm 8,32).

Một kỷ niệm sống động với ĐGH Gioan-Phaolô II mà Đức Giám mục G.B. Bùi Tuần nhiều lần kể lại là lần đầu tiên được gặp Đức Giáo hoàng tại trường Truyền giáo ở Vatican vào tháng 10 năm 1980 :

“Ngài đi chậm, tươi cười, vẫy tay chào bên phải, bên trái, thỉnh thoảng nói vài lời với những người quen biết mà ngài bất chợt gặp thấy đứng gần.

Khi đến chỗ tôi đứng, đột nhiên ngài dừng lại. Ngài nhìn tôi và hỏi :

‘Đức cha là giám mục nước nào?’

Tôi sung sướng thưa : Con là giám mục Việt Nam mới qua’.

Vừa nghe ‘Việt Nam’, ngài lộ vẻ vui mừng rõ rệt trên nét mặt.

Ngài hỏi tiếp : ‘Đức cha chưa tới tôi, phải không?’

Tôi bình tĩnh trả lời : ‘Con đã xin vào bái yết Đức Thánh Cha. Và mỗi ngày mỗi đợi”.

Ngay ngày hôm sau, Đức Thánh Cha đã gửi giấy báo giờ tiếp riêng với Đức Cha Bùi Tuần. Rồi Đức Cha kể tiếp về những cảm xúc của mình sau cuộc tiếp riêng đó : “Những gì đã xảy ra trong lần yết kiến đầu tiên này đã gây nơi tôi những ấn tượng sâu sắc”, mà điều đầu tiên được Đức Cha nhắc đến là lòng nhân ái : “Nhân ái ngay từ giây phút đầu tiên. Tôi cảm thấy ngài cho tôi một sự gần gũi, cởi mở thân mật …”

Là người Việt nam, tôi thấy vui cùng với Đức Cha Bùi Tuần! Niềm vui đó còn được nhân lên nhiều lần nữa khi nhớ đến tình thương mà Chúa Trời Đất dành cho tôi, một kẻ tội lỗi, khi Ngài đứng cùng hàng với tôi mà nói : “Thầy gọi anh em là bạn hữu”.

Còn tôi, sao còn một ai đó mà tôi chẳng muốn gọi là bạn?!     

Lm. HK

Mục lục

 

Trinh Nữ Vương

Maria xứng muôn lời chúc tụng bởi Mẹ đã cưu mang Con Thiên Chúa làm người ở giữa nhân loại. Mẹ Trinh Vương bởi Mẹ tiếp nhận Đấng Vô Cùng Thánh Thiện cư ngụ trong lòng Mẹ. Bằng những dòng chia sẻ này con kính dâng lên Mẹ. Mẹ cua nhân loại, Mẹ Hoà Bình.

Trạng thái trinh nguyên chỉ cái chưa hiển hiện, chưa phát lộ, đó là tình trạng nguyên thủy.
Ngày đầu Sáng thế, Thiên Chúa là Đấng Hằng có, tất cả đều còn chưa khai sinh. Cõi hỗn mang trong Kinh Thánh diễn tả là tình trạng nguyên thủy ấy. Đây là một trạng thái hỗn mang nguyên thủy, không phải là rối loạn, mà là sự chưa có hình thể. Những dạng nước trinh nguyên ấy sẽ trở thành phong nhiêu, tức là mang sự sống, nhờ (Thánh Thần) “Thần Khí Thiên Chúa bay là là trên mặt nước”, dường như phủ lên chúng, làm cho cõi không, bộc lộ, biểu hiện.

Một tấm lòng trinh trắng. Người ta cũng sẽ nói về linh hồn rằng nó còn trinh, khi nó còn trống không; nó mang hình hài thưở nguyên sơ, chưa nhuốm màu tội lỗi làm nhơ uế, sự trinh tiết, tinh khôi của ngày đầu sáng thế, sẵn sàng đón nhận hạt giống Lời của Thiên Chúa. Lời Thiên Chúa là Lời sáng tạo Lời làm nên những cái mới. Giống như rượu thiêng rót vào chén rỗng làm đầy hương vị ấm áp, theo nghĩa Angélus Silesius viết trong (Pèlerin Chérubinique): “Linh hồn chưa biết gì, chưa ước muốn gì.. . từ nay trở thành người vợ của Phu Quân vĩnh hằng”. Theo Meister Eckhart thì tâm hồn trinh tiết là tâm hồn không hề mang những hình ảnh lạ lẫm, cũng trống không như khi nó chưa ra đời.

Trinh khiết, trong trắng không chỉ là hình ảnh của cõi không vô tận như Phật Giáo hướng về cõi vô. Trinh khiết, đơn sơ, trong trắng là một trạng thái sẵn sàng để Thiên Chúa đổ đầy. Thiên Chúa đổ đầy niềm vui của ngày sáng thế: Trời đất reo vui với nắng mai và ánh chiều hôm. Vạn vật tung tăng trên những thảo nguyên bát ngát và mênh mông thảo mộc. Con người trong ngày đầu tiên của sáng thế cũng là con người ngập đầy hạnh phúc. Sáng thế là một hành vi cứu độ của Thiên Chúa, đưa con người từ cõi không sang hiện hữu. Đó là đêm đầu tiên của trái đất hướng về bình minh.

Đón nhận để sinh hạ là một sự biến đổi làm nên sự khai sinh. Linh hồn trinh tiết trở thành người vợ khi tiếp nhận ánh sáng thiên khải của Phu Quân. Vì thế mà Meister Eckhart viết: “nếu con người mãi mãi còn trinh, thì nó sẽ không sản sinh ra được cái gì chỉ để có khả năng sinh sản, nó phải trở thành người đàn bà. Đàn bà mới là danh hiệu cao quý nhất mà ta có thể phong cho linh hồn, cao quý hơn danh hiệu trinh nữ. Hãy để cho con người tiếp nhận Chúa Trời vào trong mình; Chúa Trời ở trong nó là điều tốt; và trong cái khả năng tiếp thụ ấy, nó vẫn trinh nguyên. Chúa Trời biểu lộ khả năng sản sinh trong con nguời, điều ấy còn tốt hơn, bởi vì có được khả năng sinh sản do Chúa ban cho, tức là biết ơn về sự ban thưởng”.

 

Đức Maria trong lịch sử của con người là một hình ảnh tuyệt diệu về khuôn mẫu đón nhận và trạng thái trinh nguyên. Không tỳ tích, không vết nhơ, tâm hồn trong trắng vô ngần và sự trinh nguyên tuyệt hảo trở thành cung điện huy hòang của Thiên Chúa nơi trần thế. Được mời gọi đón nhận trở nên Mẹ Chúa Trời cũng cần sự đáp trả tự nguyện với hết tấm lòng để “Xin vâng”. So sánh với Eva cũ cũng đáp lại lời mời gọi đầy quyến rũ, để lao vào một quyến rũ bằng Thiên Chúa, Eva đã vấp ngã; sự đón nhận của Eva mới hòan tòan ngược lại với tâm hồn đơn sơ đón nhận: “Này tôi là nữ tỳ Chúa”, không phải đề ngang bằng Thiên Chúa mà để cho ý Người được thực hiện trên cuộc đời phận nhỏ. Thánh Trinh Nữ, Mẹ của Chúa Trời với tư cách Théotokos (I), chỉ linh hồn mà trong đó Chúa Trời tự tiếp nhận lấy mình, bằng cách tự sinh ra mình trong mình, bởi vì Chúa là duy nhất. Đức Mẹ Đồng Trinh đại diện cho linh hồn thống hợp hoàn hảo nhất, Chính Thánh Thần Đấng làm nên những cái mới, rợp bóng trên Mẹ. Đức Mẹ sẽ mãi mãi là trinh nữ, bởi vì bà sẽ mãi mãi là nguyên vẹn trong năng lực sinh hạ mới mẻ này. Một kỷ nguyên mới được khai sinh nhờ sự tiếp nhận này từ nơi Đức Maria, một kỷ nguyên sống sự sống mới, sự sống trong Đức Kitô mà mọi người Kitô hữu cần đón nhận Thiên Chúa để hạ sinh Đức Giêsu Kitô trong tâm hồn những người khác.

Người Mẹ đồng trinh của Con Thiên Chúa làm người, tượng trưng cho Đất hướng về Trời, thứ đất đã hóa hình, đất của ánh sáng, đất hướng về ngày mới. Từ đó mà có vai trò quan trọng của Đức Mẹ: Trong tư tưởng Ki tô giáo, như là một mẫu mực và một cầu nối giữa trần gian và thiên gian, hạ giới và thượng giới.

 

Đức Maria là nhịp cầu nối thiên quốc và trần thế, một con người trung gian cần thiết để nhân loại có được Đấng Cứu Thế. Vai trò trung gian của ngôi Đền Thờ, vừa là nơi hình thành bởi vật chất vừa là nơi linh thiêng để Thiên Chúa ngự đến, tâm hồn người tín hữu cũng cần được dọn thanh sạch để Thiên Chúa ngự đến. Trong lời kinh cầu Đức Mẹ, người tín hữu cũng ca ngợi: “Đức Mẹ là Đền vàng Thiên Chúa ngự”. Thiên Chúa cư ngụ nơi trần thế, nơi những tâm hồn trong sạch và từ đó Thiên Chúa thực thi ơn cứu độ nhờ sự đón nhận của những người công chính, tay sạch, lòng thanh.

Vai trò trinh nữ là một vai trò cần thiết và vai trò trinh tiết để hạ sinh cũng là vai trò cần thiết hơn, vì thế trong hôn nhân Kitô giáo cũng mời gọi sống thanh sạch để hạ sinh những người con thánh cho trần thế. Đức Maria đồng trinh khi sinh hạ nhờ “Xin Vâng” việc Thiên Chúa làm; những bà mẹ công giáo sinh hạ để lời hứa chúc phúc được thực hiện.

Hòa bình được xây dựng bằng những tâm hồn trong sạch, vương quốc bình an được xây dựng bằng những tấm lòng ngay.

Trong hạ sinh của Thiên Chúa, hài nhi Giêsu đã ra đời mà không có vai trò nào của người đàn ông. Đây là ước mơ cao nhất trong lịch sử của con người được diễn tả trong nhiều huyền thoại thời Cổ đại nói về sự sinh hạ kỳ diệu của các bán thần.

Trong các nền văn hóa: Các trinh nữ đen tượng trưng cho đất chưa khai thác, chưa được làm cho thụ thai, nêu bật yếu tố thụ động của trạng thái trinh nguyên. Vào cuối thời Trung đại, người ta chuộng tô đen, bắt chước màu sẫm của các bình phương Đông, biểu lộ của màu sẫm là màu của đất còn hoang sơ, chưa được gieo trồng và mọc lên các thứ cây, đất còn nguyên sơ.

Trong các thần thoại: Các vị bán thần được hạ sinh không nhờ đến người cha thường hay được nhắc đến bằng cách: Người mẹ dẫm lên dấu chân lạ, hoặc trong lúc tắm ở dưới sông, hoặc trong giấc mơ. Những giấc mơ thần thoại này muốn nói lên điều mong ước sâu xa của nhân loại: Ước mong trở về thiên đường đã đánh mất. Một thiên đường mà những người con của nhân loại đựơc sinh ra mà không nhuốm màu tội lỗi.

 

Vai trò của Đức Maria, thực hiện trong lịch sử nhân loại một thực tại hóa Lời của Thiên Chúa, không chỉ là giấc mơ trở về thiên đường mà là sanh hạ Đấng Cứu Thế. Không khép lại bằng con đường trở về như người ta vẫn thường quan niệm: Trở về là sự hòan nguyên, giống như bốn mùa thay đổi nối tiếp: Xuân, Hạ, Thu, Đông. Trở về với tình trạng nguyên thủy hẳn không phải là thiên đường bị đánh mất. Trở về, hòan nguyên, làm nên tâm thức nuối tiếc thiên đường bị đánh mất, không nói được vai trò quan trọng của Đức Maria. Việc Đức Maria trong sự trinh khiết hòan tòan là một thực tại, được Thiên Chúa tặng ban cho lịch sử của nhân loại, chuẩn bị cho trái đất có một người nữ hòan tòan để sẵn sàng đón nhận Đấng Cứu Thế. Việc cộng tác của con người trong việc hạ sinh này là: “Xin vâng” để Thiên Chúa thi hành ý định của Người. Vai trò sinh hạ của Đức Maria đưa nhân loại sang một lãnh vực khác vượt xa cõi thiên đường năm xưa đánh mất: Một nhân loại mới được sinh ra trong tư cách người con trong Người Con của Thiên Chúa. Đó là một mầu nhiệm biến đổi mà thánh Irênê đã viết: “Con Thiên Chúa làm người để con người trở thành con Thiên Chúa”. Nhân loại mới nay trở thành “con trong Người Con”. Đây là một cuộc bứt phá vượt xa công trình sáng tạo tự ban đầu.

Không chỉ thể hiện ước mong của các nền văn hóa mà còn là một thực hiện quá ước mong, vượt xa mọi khả năng có thể tưởng tượng. Thấy được điều này, mới thấy vai trò quan trong của Đức Maria được Thiên Chúa chuẩn bị và tặng ban cho lịch sử của nhân loại. Đức Maria là hoa trái tuyệt diệu nhất trong nhân loại, xứng đáng danh hiệu Mẹ của nhân loại, Mẹ của muôn loài thọ sinh, để nhờ Mẹ mà một nhân loại mới được hạ sinh.

LM Giuse Hoàng Kim Toan

Mục lục

 

 

KINH CẦU KHIÊM NHƯỜNG

 


 

Lạy Đức Chúa Giêsu, rất hiền lành và khiêm nhường trong lòng, con thờ lạy Chúa. Nhờ lời chuyển cầu của Đức Trinh Nữ Maria, nguyện xin Chúa lắng nghe lời con khẩn cầu.

           

LẠY CHÚA GIÊSU,

XIN GIẢI THOÁT CON

 

Khỏi ước muốn được người kính nể:

Lạy Chúa Giêsu, xin cứu con.

Khỏi ước muốn được người mến yêu:

Lạy Chúa Giêsu, xin cứu con.

Khỏi ước muốn được người ca tụng

Lạy Chúa Giêsu, xin cứu con.

Khỏi ước muốn được người tôn vinh

Lạy Chúa Giêsu, xin cứu con.

Khỏi ước muốn được người khen ngợi

Lạy Chúa Giêsu, xin cứu con.

Khỏi ước muốn được người ưa chuộng

Lạy Chúa Giêsu, xin cứu con.

Khỏi ước muốn được người tìm cố vấn

Lạy Chúa Giêsu, xin cứu con.

Khỏi ước muốn được người chấp nhận

Lạy Chúa Giêsu, xin cứu con.

Khỏi lo sợ bị người nhục mạ

Lạy Chúa Giêsu, xin cứu con.

Khỏi lo sợ bị người ghét ghen

Lạy Chúa Giêsu, xin cứu con.

Khỏi lo sợ bị người la mắng

Lạy Chúa Giêsu, xin cứu con.

Khỏi lo sợ bị người chê bai

Lạy Chúa Giêsu, xin cứu con.

Khỏi lo sợ bị người chửi bới

Lạy Chúa Giêsu, xin cứu con.

Khỏi lo sợ bị người chỉ trích

Lạy Chúa Giêsu, xin cứu con.

Khỏi lo sợ bị người bôi nhọ

Lạy Chúa Giêsu, xin cứu con.

Khỏi lo sợ bị người nói xấu

Lạy Chúa Giêsu, xin cứu con.

Khỏi lo sợ bị người gièm pha

Lạy Chúa Giêsu, xin cứu con.

 

 

Khỏi lo sợ bị người khinh khi

Lạy Chúa Giêsu, xin cứu con.

Khỏi lo sợ bị người quên lãng

Lạy Chúa Giêsu, xin cứu con.

Khỏi lo sợ bị người ruồng rẫy

Lạy Chúa Giêsu, xin cứu con.

Khỏi lo sợ bị người bỏ rơi

Lạy Chúa Giêsu, xin cứu con.

Khỏi lo sợ bị người nhạo cười

Lạy Chúa Giêsu, xin cứu con.

Khỏi lo sợ bị người xúc phạm

Lạy Chúa Giêsu, xin cứu con.

Khỏi lo sợ bị người nhạo báng

Lạy Chúa Giêsu, xin cứu con.

Khỏi lo sợ bị người nghi oan

Lạy Chúa Giêsu, xin cứu con.

 

LẠY CHÚA GIÊSU RẤT NHÂN ÁI,

 

Xin cho người khác được yêu mến hơn con

Cho con được khiêm nhường

Xin cho người khác được kính trọng hơn con

Cho con được khiêm nhường

Xin cho người khác được tôn vinh, còn con bị sỉ nhục

Cho con được khiêm nhường

Xin cho người khác được trọng dụng, còn con bị phế thải

Cho con được khiêm nhường

Xin cho người khác được ca tụng, còn con bị quên lãng

Cho con được khiêm nhường

Xin cho người khác được quý chuộng, còn con bị gạt bỏ

Cho con được khiêm nhường

Xin cho người khác được thánh thiện, còn con được nên thánh tùy theo ý Chúa an bài

Cho con được khiêm nhường

 

Lạy Chúa Giêsu, xin cho con ơn can đảm, thật lòng ước ao những điều ấy. Con nguyện xin, vì Danh Thánh Đức Giêsu, Chúa chúng con. Amen. 

 


 

 

Mục lục

 

GIÁO DỤC HÔM NAY
XÃ HỘI VÀ GIÁO HỘI NGÀY MAI

TÌM HIỂU VÀ ỨNG DỤNG THƯ CHUNG 2007 CỦA HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM VỀ GIÁO DỤC KITÔ GIÁO

 

 

LỜI NGỎ

VỀ LOẠT BÀI TÌM HIỂU VÀ ỨNG DỤNG THƯ CHUNG 2007

CỦA HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM

VỀ GIÁO DỤC KI-TÔ GIÁO



Loạt bài ĐÀO SÂU VÀ ÁP DỤNG THƯ MỤC VỤ 2006 CỦA HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM tuy xuất hiện rất trễ và trong phạm vi giới hạn (1), nhưng cũng đã nhận được sự cổ võ của một số Giám Mục, Linh Mục và nhiều giáo dân. Điều đó khiến tôi có ý định sẽ tiếp tục thực hiện một loạt bài về Thư Mục Vụ của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam (HĐGMVN) vào cuối năm 2007, khi Hội Nghị các Giám Mục cho công bố Thư Mục Vụ hay Thư Chung 2007 theo truyền thống tốt lành của các vị Chủ Chăn của Giáo Hội Công Giáo tại Việt Nam.


Ngày 12 tháng 10 vừa qua, sau Đại Hội lần thứ 10 được tổ chức từ ngày 8 đến 12.10.2007 tại Hà Nội, HĐGMVN đã công bố một Thư Chung về Giáo Dục Ki-tô Giáo mang tựa đề: “Giáo Dục Hôm Nay, Xã Hội và Giáo Hội Ngày Mai”


Chúng ta nên biết trong Đại Hội lần này các Giám Mục đã:


“Nhìn lại một năm qua, các Giáo phận đã có nhiều sáng kiến thực hành Thư Mục vụ 2006 của HĐGM, đặc biệt qua việc học hỏi, thực hành bác ái và đẩy mạnh truyền giáo. Tuy còn nhiều khó khăn, các Giáo phận đã có những phấn đấu đáng kể để phát triển Giáo hội về các mặt: đào tạo nhân sự, xây dựng cơ sở, dấn thân phục vụ người nghèo, người dân tộc….” (2).


Đại Hội đặc biệt ghi nhận:


“Nỗ lực làm việc không biết mệt mỏi của các Uỷ ban. Điển hình, Uỷ ban Linh mục và Chủng viện với chương trình đào tạo cho các Chủng viện được soạn thảo rất công phu; Uỷ ban Bác ái Xã hội đã hoạt động tích cực cứu giúp nạn nhân thiên tai hàng chục tỷ đồng; Uỷ ban Phụng tự đã hoàn thành thêm bản dịch sách Bài đọc Mùa Chay, sách lễ Rôma phần Mùa Vọng, Mùa Giáng sinh và Mùa Chay, nhất là có thêm bản dịch sách Lễ Rôma bằng tiếng K'Ho.” (3)


Và trước tình hình giáo dục hiện tại, Đại Hội:


“Quyết định gửi thư chung cho Cộng đồng Dân Chúa để gây ý thức về một nền giáo dục toàn vẹn, đào tạo những công dân tương lai tốt đẹp cho xã hội và cho Giáo hội.” (4).

 

 



"Vô tri bất mộ" là câu nói của cha ông ta. Không hiểu, không biết, thì làm sao yêu mến? Không hiểu, không biết, không yêu mến thì làm sao thực hành được những điều các vị chủ chăn lấy quyền và trách nhiệm lãnh đạo mà giáo huấn, chỉ bảo cộng đồng Dân Chúa? Vì thế mà Thư Chung 2007 cần được phổ biến và giảng dạy một cách sâu rộng cho mọi thành phần Dân Chúa. Để góp phần vào việc làm nặng nề và vinh quang ấy, trong Tập Sách nhỏ mang tựa đề GIÁO DỤC NGÀY NAY XÃ HỘI VÀ GIÁO HỘI NGAY MAI - TÌM HIỂU VÀ ỨNG DỤNG THƯ CHUNG 2007 VỀ GIÁO DỤC KITÔ GIÁO CỦA HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM này, tôi sẽ tuần tự trình bày từng vấn đề theo thứ tự được nêu lên trong Thư Chung 2007:


- Tựa Đề, Lời Mở và Bố Cục Thư Chung 2007 (bài 1)

- Nền Tảng Giáo Dục Kitô Giáo - Thiên Chúa Ba Ngôi: Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần (bài 2)
- Nền Tảng Giáo Dục Kitô Giáo - Giáo Hội và Sứ Mạng Giáo Dục (bài 3)

- Hiện Tình Giáo Dục Kitô Giáo Tại Việt Nam - Những Dấu Hiệu Lạc Quan (bài 4)

- Hiện Tình Giáo Dục Kitô Giáo Tại Việt Nam - Những Mối Quan Ngại (bài 5)

- Ðịnh Hướng Giáo Dục Kitô Giáo - Một sứ mạng mang tính phổ cập (bài 6)

- Ðịnh Hướng Giáo Dục Kitô Giáo - Đối tượng ưu tiên (bài 7)

- Ðịnh Hướng Giáo Dục Kitô Giáo - Môi trường giáo dục (bài 8)

- Ðịnh Hướng Giáo Dục Kitô Giáo - Tính toàn diện của Giáo Dục Kitô Giáo (bài 9)
- Lời Kết (bài 10).


Rất mong thiện chí và nỗ lực cá nhân này được nhiều người đón nhận và cùng góp sức để việc tìm hiểu và ứng dụng Thư Chung 2007 của HĐGMVN được lan rộng khắp nước.



Giêrônimô Nguyễn Văn Nội

Seattle (WA/USA) 25.10.2007



...................Ghi chú:

(1) Các bài được viết và phổ biến trên đặc san (điện tử) Thăng Tiến Giáo Dân từ số 29 (01.12.2006) đến số 37 (01.04.2007). Tập sách được photocopy và phổ biến tại Sài gòn, Long Xuyên, Xuân Lộc…. vào cuối tháng 2.2007.


(2), (3), (4) Trích bản đúc kết Đại Hội HĐMVN lần thứ 10

 

Mục lục

 

BÀI MỘT

TỰA ĐỀ, LỜI MỞ VÀ BỐ CỤC

THƯ CHUNG 2007 CỦA HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM

 

I. VÀO ĐỀ

Cha ông ta có câu: “Miếng trầu là đầu câu truyện” để nói lên cách tiếp cận trong xử thế giữa người với người của người xưa (1). Miếng trầu mà Thư Chung 2007 Hội Đồng Giám Mục Việt Nam (HĐGMVN) đã mời tất cả cộng đồng Dân Chúa Việt Nam, và có thể cả người ngoài Công giáo, là tựa đề của Thư Chung 2007 “Giáo dục ngày nay, Xã hội và Giáo hội ngày mai” Phải nhìn nhận miếng trầu này thật hấp dẫn, vì ai cũng quan tâm đến nó, ai cũng muốn trao đổi, thảo luận về nó, ai cũng muốn đóng góp cho nó được tốt hơn. Vậy chúng ta hãy bắt tay ngay vào việc TÌM HIỂU và ỨNG DỤNG Thư Chung 2007 về Giáo Dục Kitô Giáo của HĐGMVN để đáp lại lời mời và ước nguyện của các Giám Mục khả kính của chúng ta.

II. TRÌNH BÀY NỘI DUNG

Thư Chung 2007 của HĐGMVN  có tựa đề độc đáo, một Lời Mở xúc tích và một Bố Cục chặt chẽ. Chúng ta đọc bản văn của Thư Chung trước khi tìm hiểu và ứng dụng.

2.1 Bản văn về Tựa Đề, Lời Mở và Bố Cục của Thư Chung 2007 của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam   

A. Tựa Đề   

          Thư Chung 2007 của HĐGMVN mang tựa đề: “Giáo dục ngày nay, Xã hội và Giáo hội ngày mai.”

          Phải nhìn nhận đó là một tựa đề rất có ý nghĩa và khéo chọn. Trong 11 chữ ngắn ngủi ấy chứa đựng cả một tầm nhìn bao quát hiện tại và tương lai, một định hướng xuyên suốt Đạo Đời về Giáo Dục Kitô giáo tại Việt Nam và cho Việt Nam.

B. Lời Mở

Dưới đây là nguyên văn Lời Mở của Thư Chung 2007:

“Kính gửi: Cộng đồng Dân Chúa Việt Nam.

1. Từ Ðại Hội Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam lần thứ X tổ chức tại Toà Tổng Giám Mục Hà-nội từ 08 đến 12-10-2007, chúng tôi, Hồng Y, Tổng Giám Mục, Giám Mục thuộc 26 giáo phận Việt Nam, xin gửi lời chào thân ái và lời chúc bình an đến toàn thể cộng đồng Dân Chúa Việt Nam, trong nước cũng như hải ngoại. Ðặc biệt, trong tình hiệp thông liên đới và lời cầu nguyện, chúng tôi bày tỏ niềm cảm thông và phân ưu sâu sắc đối với các thân nhân và nạn nhân vụ sập cầu Cần Thơ ngày 26-09-2007 và cơn bão số 5 (Lekima) ngày 02-10-2007.

2. Anh chị em thân mến,

Với các thư trước, chúng ta đã đào sâu việc thực hành đức tin qua phong cách sống mầu nhiệm Thánh Thể (2004), sống Lời Chúa (2005) và sống Ðạo (2006). Tiếp tục theo đuổi định hướng đó và trong viễn ảnh chúng ta đang chuẩn bị kỷ niệm 50 năm thành lập hàng Giáo phẩm vào năm 2010, Thư Chung năm nay lấy giáo dục Kitô giáo làm chủ đề. Ðiều đó thật đúng lúc khi mà khắp nơi trên thế giới, giáo dục đang là một vấn đề thời sự nóng bỏng và đặc biệt hơn nữa, tại Việt Nam, nhiều người cho rằng đã đến lúc cần phải cương quyết nói không với tiêu cực và bệnh thành tích trong giáo dục.

3. Mục đích của nền giáo dục Kitô giáo không chỉ là rèn luyện nhân cách con người thành hữu ích đối với bản thân, gia đình và xã hội, mà còn là giúp con người sống xứng đáng với tư cách con Thiên Chúa để mai sau trở thành công dân nước trời. Sứ mạng đó được khơi nguồn từ Chúa Cha, được thực hiện nơi Chúa Con và được kiện toàn nhờ Chúa Thánh Thần.” (2).

C. Bố Cục

Ngoài LỜI MỞ và LỜI KẾT, Thư chung 2007 có ba phần chính. Bố cục toàn Thư chung như sau:

Lời mở (số 1-3)

Phần thứ nhất: Nền tảng Giáo Dục Kitô giáo (số 4-7)

Chúa Cha và công trình tạo dựng (số 4)

Chúa Con và Tin Mừng Cứu Độ (số 5)

Chúa Thánh Thần và Vai Trò Tác Thánh (số 6)

Giáo Hội và Sứ Mạng Giáo Dục (số 7)

Phần thứ hai: Hiện tình Giáo Dục Kitô giáo tại Việt Nam (số 8-15)

Những dấu hiệu lạc quan (số 8-10)

Những mối quan ngại (số 11-15)

Phần thứ ba:  Định hướng Giáo Dục Kitô giáo (số 16-38)

Giáo Hội VN muốn dấn thân trong sự nghiệp giáo dục (số 16)

Một sứ mạng mang tính phổ cập (số 17-21)

Các đối tượng ưu tiên (số 22-25)

Môi trường giáo dục (số 26-31)

Tính toàn diện của Giáo dục Kitô giáo (số 32-38).

Lời kết (số 39)

2.2 Tìm Hiểu và Ứng Dụng liên quan tới Tựa Đề, Lời Mở và Bố Cục của Thư Chung 2007 của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam   

A. Tìm Hiểu

Lời Mở gồm 3 số 1,2 và 3:

- Số 1 là lời chào và lời chúc bình an của HĐGMVN gửi đến mọi thành phần dân Chúa, ở trong nước và ở hải ngoại. Sau đó là lời cầu nguyện và chia sẻ với các nạn nhân trong vụ sập đường dẫn vào cầu Cần Thơ ngày 26-09-2007 và trong cơn bão Lekima ngày 02-10-2007.

- Số 2 nhắc lại đường hướng mục vụ của HĐGMVN trong mấy năm liền của Giáo Hội Việt Nam: từ 2004 với chủ đề Sống Bí Tích Thánh Thể, sang 2005 với chủ đề Sống Lời Chúa, đến 2006 với chủ đề Sống Đạo. Và năm nay 2007, chủ đề Giáo Dục Kitô giáo là tiếp nối các chủ đề của 3 năm trước. Trong suy nghĩ và ý hướng của HĐGMVN thì chuỗi các chủ đề sống đức tin trên không chỉ nhằm xác định chiều hướng sống đạo cho từng năm mà còn nhằm chuẩn bị mừng kỷ niệm 50 năm Hàng Giáo Phẩm Việt Nam (1960-2010).

- Số 3 tóm tắt mục đích của Giáo dục dục Kitô giáo: không chỉ là rèn luyện nhân cách con người mà còn giúp con người sống xứng đáng tư cách làm con Thiên Chúa và làm tròn sứ mạng công dân Nước Trời là sứ mạng được khơi nguồn từ Chúa Cha, được thực hiện nơi Chúa Con và được kiện toàn nhờ Chúa Thánh Thần.

B. Ứng Dụng

Ứng dụng đầu tiên mà HĐGMVN trông đợi là người người/nhà nhà/xứ xứ tìm hiểu nội dung của Thư chung. Tìm hiểu bằng cách đọc đi đọc lại và nghiền ngẫm Thư ấy. Cũng bằng cách học hỏi, thảo luận chung trong các nhóm nhỏ, các hội đoàn, giáo xứ, giáo phận, nhất là trong các thành phần nòng cốt (như Hội đồng Mục vụ giáo xứ, giáo phận), các Nhóm tông đồ chuyên biệt (như giáo chức, trí thức công giáo).

III. THAY LỜI KÊT

Thư chung 2007 của HĐGMVN về Giáo dục Kitô Giáo ra đời thật đúng thời đúng lúc. Thư chung ấy được tăng thêm giá trị sau bản tin của Thông Tấn Xã Zenit, về bài tham luận của Đức Cha Francesco Follo, quan sát viên thường trực của Tòa Thánh tại tổ chức UNESCO, trong khóa họp thứ 34 Tổng Công Nghị của UNESCO tại Paris ngày 22 tháng 10 vừa qua:

“Sẽ chẳng có gì thay đổi thật sự trong thế giới của chúng ta chừng nào các cư dân thế giới không được tiếp xúc với một hệ thống giáo dục có chất lượng tốt…

“Cần phải coi việc đào tạo và giáo dục người trẻ và người trưởng thành là một trong những ưu tiên của Cộng Đồng Quốc tế.

“Giáo dục là một trong những phương diện cốt yếu của việc thăng tiến con người và các dân tộc, cũng như của sự phát triển văn hóa và việc xây dựng hòa bình.

“Sự phát triển đích thực của con người và của các dân tộc chỉ thành hiện thực khi con người được nhìn nhận và phát triển toàn diện, cùng với phẩm giá và sự tôn trọng mà con người đáng được thừa hưởng” (3).

...................

Ghi chú:

(1) Ngày nay chẳng còn mấy người lấy miếng trầu làm đầu câu truyện nữa. Có một thời gian người ta lấy điếu thuốc lá, lấy ly rượu, lon bia để thay thế miếng trầu. Nhưng rồi người ta cũng lại bỏ cả điếu thuốc lá, ly rượu và lon bia.

(2) Thư Chung 2007 của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam về Giáo dục Kitô giáo , Lời Mở số 1,2 và 3.

(3) Trích bản tin Zenit, ZF 071024, ngày 24 tháng 10 năm 2007.


CHIA SẺ//THẢO LUẬN NHÓM NHỎ

1. Ông/Bà, Anh/Chị có cảm nghĩ gì về tựa đề “Giáo dục ngày nay, Xã hội và Giáo hội ngày mai” của Thư chung 2007 của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam?

2. Ông/Bà, Anh/Chị có suy nghĩ gì về việc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đã chọn Giáo Dục Kitô giáo làm chủ đề cho Thư Chung năm nay?

Seattle (WA/USA) 25.10.2007

Mục lục

 

TÌNH YÊU – HÔN NHÂN – GIA ĐÌNH

ĐẠO VỢ CHỒNG

 

I. TÌM  HIỂU LỜI CHÚA.                                                

 

            Chúng ta đọc : Mt 19,3-9 ; Mc 10,1-12.

 

            Người biệt phái luôn luôn chống đối Chúa Giêsu, họ tìm mọi dịp gài bẫy Ngài để cho Ngài phải mất mặt với dân chúng. Vì thế, hôm nay những người biệt phái đến chất vấn Chúa Giêsu về vấn đề ly dị, vì đây là vấn đề gay go khó giải quyết :”Thưa Thầy, có được phép rẫy vợ mình  vì bất cứ lý do nào không” (Mt 19,3) ? Họ hỏi như vậy vì theo luật ông Maisen thì người ta được phép ly dị (Đnl 24,1-4).

 

            Chúng ta nên biết rằng thời đó ở Do thái có hai lập trường. Lập trường của trường phái Hillel thì rộng rãi, cho phép ly dị một cách dễ dàng ví dụ như khi người vợ nấu món ăn không ngon, cũng có đủ lý do để ly dị. Còn lập trường của trường phái Shammai thì khắt khe hơn, chỉ chấp nhận ly dị trong ít trường hợp như khi người vợ ngoại tình. Cái bẫy này tạo ra sự gay go cho Chúa Giêsu. Do đó,  Ngài trả lời thế nào cũng có thể bị kết án : hoặc quá rộng hoặc quá hẹp.

 

            Để trả lời cho vấn nạn này, Chúa Giêsu đã trả lời bằng cách trích hai đoạn trong sách Sáng thế (St 1,27 và 2,24). Đó là những lời thiết lập  định chế đơn hôn vĩnh hôn. Như thế, dứt khoát là không được ly dị. Bởi vì :”Sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly” (Mt 19,6).

 

            Những người biệt phái chưa chịu thua. Họ trích một câu trong sách Đệ nhị luật (Đnl 24,1), nội dung là cho phép ly dị với điều khiện phải viết chứng thư đưa cho người bị ly dị.  Đức Giêsu đã trả lời cho họ biết : sở dĩ có tình trạng đó là vì ly dị là một thể chế loài người tạo ra “vì các ông lòng chai dạ đá, nên ông Maisen cho phép các ông rẫy vợ, chứ thuở ban đầu không có như thế đâu”. Điều này cho thấy rằng con người vì ích kỷ, nghĩa là đặt sự thỏa mãn của lòng mình trên hết, trên tất cả ý muốn của Thiên Chúa, và vì vậy, họ bất trung với nhau trong đời sống hôn nhân.

 

            Nhìn vào những tai hại do hậu quả của việc ly dị trong hôn nhân, chúng ta nhận thấy Thiên Chúa đã khôn ngoan đặt luật đơn hôn và vĩnh hôn cho hôn nhân, để bảo vệ hạnh phúc cho hôn nhân và gia đình, đồng thời đem lại trật tự cho xã hội loài người.

 

II. TÌNH HÌNH HÔN NHÂN HIỆN NAY.

 

            Ai cũng phải công nhận gia đình ngày nay đang sa sút trầm trọng, hôn nhân bị tan vỡ, xã hội bị lung lay. Ai cũng biết gia đình là nền tảng của xã hội mà nếu nền tảng không vững thì ngôi nhà xã hội  đứng vững thế nào được.

 

            Lý do của sự sa sút ấy là do người ta khinh thường hôn nhân, hoặc đầu độc hôn nhân bằng những tư tưởng phóng khoáng, bằng những phim ảnh đồi trụy khiến người ta coi hôn nhân như chiếc áo, muốn thay đổi lúc nào tùy ý theo nguyên tắc : hay thì ở, dở thì đi.

 

            Nhận thấy mối nguy hiểm đó, Liên hiệp quốc đã chọn năm 1994 làm năm quốc tế về gia đình. Giáo hội cùng đồng hành với Liện hiệp quốc trong vấn đề này.

            Hôn nhân tại Việt nam chúng ta xưa nay được trân trọng, nhưng ngày nay, theo nếp sống Tây phương, hôn nhân đang đà tuột giốc. Tệ nạn ly dị lan tràn, càng ngày càng tệ hại hơn.

 

III. HÔN NHÂN VỚI NGƯỜI VIỆT NAM.

 

            Đa số người Việt nam vẫn còn nhìn hôn nhân bằng cái nhìn mang nhiều tính chất thần thiêng và thánh thiêng.  Khi bàn về hôn nhân, phần đông người Việt nam cho rằng hôn nhân của họ là do trời cao đã xếp đặt, thúc đẩy, và tạo cơ hội để họ nối kết với nhau.

 

            Theo quan niệm của nhân gian, ông Tơ bà Nguyệt là hai vị thần lo việc cưới hỏi. Vị thần lấy dây xích thằng buộc vào ai thì người ấy chịu, không thể cưỡng lại được. Do đó, ông Tơ bà Nguyệt là những hình ảnh thực tế hóa của suy luận tâm linh về ý nghĩa tiền định trong hôn nhân đối với người Việt nam.

 

            Từ quan niệm Trời xếp đặt, người Việt nam mới dùng từ như định mệnh, thiên duyên, duyên phận hay duyên kiếp.

 

IV. ĐẠO VỢ CHỒNG.

 

            Bên ngoài những thủ tục, hình thức nặng nề, phiền toái của người Việt nam mà họ cho là đạo đức, hôn nhân của người Việt nam có rất nhiều điểm tương đồng với quan niệm hôn nhân của những dân tộc chịu ảnh hưởng Kitô giáo.

 

            Khi đề cập tới hôn nhân theo nhãn quan tôn giáo, phần đông người Việt nam  tuy không dùng từ ngữ “bí tích” hoặc “ơn gọi” để nói về cuộc sống này, nhưng vẫn coi hôn nhân như một sự ràng buộc tinh thần.

 

            Ngoài ra, những hành động của đời sống hôn nhân được coi như một đạo lý sống, gọi là ĐẠO VỢ CHỒNG, ĐẠO PHU THÊ, giống như đạo TRUNG với vua, HIẾU với cha mẹ.

 

            Đạo là đường, đường thì dẫn tới đích. Vậy đạo vợ chồng là đường đưa con người đến đích, mà đích điểm của hôn nhân là HẠNH PHÚC. Đúng như văn hào Honoré de Balzac nói :”Hôn nhân là đường đưa ta tới thiên đàng hay địa ngục”.

 

            Ta có thể tìm thấy tính cách thánh thiêng hay tính chất tôn giáo trong bất cứ đám cưới nào tại Việt nam. Trong ngày thành hôn, cô dâu chú rể đến nhà thờ, đến chùa, thánh thất hay bàn tờ tổ tiên tại tư gia để nhờ cả người chết về chứng giám cho lời hôn thê của đôi bạn trẻ và được các ngài chúc phúc cho (ta gọi là lễ Gia tiên). Oâng bà tổ tiên luôn nhắc nhở chúng ta hãy giữ trọn đạo vợ chồng, không được chồng chung vợ chạ, không được lìa bỏ nhau khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan. Hãy theo lời khuyên của người xưa :”Tào khang chi thê bất khả hạ đường”.

 

            Đạo lý hôn nhân của người Việt nam  nếu được phân tích một cách kỹ lưỡng và khách quan, nó cũng diễàn đạt cùng một tư tưởng mà Kitô giáo đã quan niệm về hôn nhân :

 

                                    Đạo vợ chồng không phải cá tôm,

                                    Đang mua mớ nọ lại chồm mớ kia.

Theo Kitô giáo, cuộc sống hôn nhân bắt nguồn từ Thượng Đế. Thánh Kinh Kitô giáo kể rằng : trong buổi đầu tạo dựng, Thượng Đế đã tạo dựng con người bằng bùn đất, thổi sinh khí vào và làm cho sinh động. Sau đó, Ngài cho Adong ngủ say, lấy một xương sườn của ông  làm nên Evà, rồi dẫn đến trước mặt Adong, khiến ông sửng sốt thốt lên :”Đây là xương của xương tôi, thịt của thịt tôi”(St 2,23). Thượng Đế đã chúc phúc cho sự kết hợp giữa hai người khi nói với họ :”Hãy sinh sản ra nhiều trên mặt đất và hãy thống trị trái đất”(St 1,28). Có lẽ do lời chúc phúc này mà người Việt nam cho việc đông con, nhiều cháu là hoa trái tốt của hôn nhân.  Vì vậy, ngày xưa, trong ngày đầu năm người ta thường chúc nhau : đa tử, đa tôn, đa phú quí.

 

            Bức tranh sáng tạo, và đôi vợ chồng đầu tiên của lịch sử nhân loại đó, sau này đã được Đức Kitô  vẽ lại khi trả lời những tranh biện của người Do thái đương thời về luật ly dị. Lợi dụng dịp này, Ngài đã tái xác định giá trị tinh thần của hôn nhân, và nói với họ rằng từ đầu Thượng Đế đã không có ý định cho phép con người ly dị. Rồi Ngài khẳng định :”Sự gì Thiên Chúa đã kết hợp, con người không được phân ly”(Mt 19,6).

 

            Điều Đức Kitô trả lời cho người Do thái, cũng chính là tư tưởng về đạo sống vợ chồng  của người Việt nam, đó là “nhất phu nhất phụ” – một vợ một chồng.

                        (x. Trần mỹ Duyệt, Bí quyết hạnh phúc của hôn nhân, tr 26-29)

 

                                                Truyện : Thủy chung với vợ.

Vua Cảnh Công có cô con gái yêu, muốn gả cho Aùn Tử. Một hôm vừa đến ăn tiệc nhà Aùn Tử, thấy vợ Aùn Tử, hỏi :

            - Phu nhân đấy phải không ?

            Aùn Tử thưa :

            - Vâng phải đấy.

            Vua nói :

            - Ôâi ! Người trông sao vừa già, vừa xấu ! Quả nhân có đứa con gái trẻ đẹp muốn cho về hầu, khanh nghĩ sao ?

            Aùn Tử đứng dậy thưa rằng :

            - Nội tử tôi nay thật già và xấu, nhưng lấy tôi và cùng tôi ăn ở đã lâu kể từ lúc còn trẻ và đẹp. Xưa nay đàn bà lấy chồng lúc trẻ cốt để nhờ cậy lúc già, lúc đẹp lấy, cốt để nhờ cậy lúc xấu. Nội tử tôi thường nhờ cậy tôi mà tôi cũng đã nhận sự nhờ cậy ấy. Nhà vua tuy muốn ban ơn  chắc cũng không nỡ để cho tôi ăn oở bội bạc với những điều nột tử tôi đã nhờ cậy tôi bấy lâu nay.

            Nói đoạn, Aùn Tử lậïy hai lậy, xin từ không lấy.

                        (Nguyễn văn Ngọc, Cổ học tinh hoa, quyển hạ, tr 87-88).

 

            Aùn Tử là cái gương chung thủy cho mọi người soi, ông đã thực hiện được lời khuyên bất hủ của người xưa :Tào khang chi thê, bất khả hạ đường”.  Ông đã thực hiện được cái đạo vợ chồng một cách tốt đẹp :

                                                Đạo vợ chồng khó lắm ai ơi,

                                    Chẳng dễ như ong bướm đậu rồi lại bay.

                                                Đạo vợ chồng chẳng dễ đổi thay,

                                    Dẫu làm võng giá hay rủi ăn mày cũng cứ theo nhau.

 

Lm Giuse Đinh lập Liễm

Đà lạt

Mục lục

 

 

Gia trưởng - thuộc tính của đàn ông?

 

Bất cứ gia đình nào cũng cần gia trưởng để duy trì nề nếp, gia phong? Cái nhìn thú vị về gia trưởng từ lăng kính của một người đàn ông...

Ngày nay nhiều người cho rằng đàn ông hơi bị... nữ tính hóa từ việc biểu lộ cảm xúc đến cách thức thể hiện hành vi! Tuy nhiên không ít người quan tâm đến một khía cạnh "độc quyền" xưa nay của nam giới, đó là tính gia trưởng trong nhận thức và ứng xử.

Gia trưởng... gia truyền!

Gia trưởng được hiểu đơn giản là chủ nhà, là thủ trưởng gia đình, là nhà quản trị dòng họ, vậy có gì phải săm soi, có gì để "lớn tiếng" với những người gia trưởng chứ? Nhưng mọi việc có thể sẽ đơn giản hơn khi chức vụ gia trưởng được "bầu bán" một cách công khai hoặc được ai đó "bổ nhiệm". Đằng này gia trưởng thường được một cá nhân tự ứng cử và trúng cử đương nhiên mà không có bất kỳ đối thủ tranh cử nào!

Phải chăng vì trong hầu hết các hộ gia đình, chức chủ hộ đều được mặc định chỉ dành riêng cho đàn ông, người phụ nữ ít có cơ hội đảm nhận vai trò này nếu vẫn còn đó... dấu vết của người đàn ông, dù họ có phải là đàn ông "thứ thiệt" hay không! Điều này có thể tạo tâm lý "ta là một, là riêng, là thứ nhất", và đôi khi ngộ nhận về vai trò của mình nên người đàn ông sẽ gia trưởng một cách hết sức tự nhiên mà không cần biết người xung quanh có chấp nhận hay không.

Có người lại cho rằng vì con trai từ nhỏ đã được giáo dục phải mạnh mẽ, phải cứng rắn cho ra dáng đàn ông nên điều đó đã hun đúc tính gia trưởng của họ rồi. Tính gia trưởng đã được bật đèn xanh ngay từ trong gia đình chứ đâu có xa xôi gì? Có người cho rằng vì ở các nước phương Đông, tư tưởng trọng nam khinh nữ vẫn còn nặng nên gia trưởng vẫn như là một... đặc điểm trang sức của cánh đàn ông. Ngay chính người phụ nữ cũng xem trọng con trai hơn con gái. Do đó tính gia trưởng của đàn ông vừa có tính gia truyền, vừa có tính lịch sử của cả một hệ ý thức tồn tại biết bao đời nay!

Gia trưởng "biết điều" trong xu thế mới?

Trong thực tế, phải chăng chỉ có người đàn ông mới tỏ ra gia trưởng? Những quan hệ gọi là gia trưởng không chỉ xuất hiện trong gia đình mà còn trong cả sinh hoạt cơ quan... Một số nhà quản lý khi điều hành công việc đã thể hiện sự quyết đoán của mình đến mức thiên hạ gọi đó là tính gia trưởng.

Mặt khác, ở nhiều gia đình, không ít người đẹp lại hết sức quyền uy như một chủ nhân tuyệt đối của gia đình hay của đơn vị công tác. Mặc dù có vẻ gia trưởng nhưng những phụ nữ ấy vẫn hết sức duyên dáng và quyến rũ như thường, tính gia trưởng chẳng hề làm suy giảm nét phụ nữ đặc trưng của họ! Phải chăng ngày nay tính gia trưởng không còn là đặc tính riêng của nam giới? Phải chăng ngày nay nhiều phụ nữ đã trở nên gia trưởng, hay có thể cho rằng tính gia trưởng đã bắt đầu chuyển đổi vị trí từ người đàn ông sang người phụ nữ?

Dù ở nam hay nữ, tính gia trưởng là tích cực hay tiêu cực trong quá trình giao tiếp, thiết lập quan hệ hiệu quả với người xung quanh? Trong gia đình có cần chút gia trưởng để "làm chủ tình hình" hay... giành thế áp đảo không? Khi cha hoặc mẹ có tính gia trưởng thì con cái sẽ gìn giữ được gia phong hoặc những nét truyền thống tốt đẹp đã có của gia đình? Nếu không gia trưởng thì gia đình có nhiều nguy cơ đánh mất sự gắn bó, tôn ti và giềng mối họ hàng?

Đã có nhiều người chấp nhận tính gia trưởng. Họ cho rằng thà có người chủ xướng mạnh mẽ dứt khoát, còn hơn là cứ mãi băn khoăn chẳng biết xác định hướng đi và đi như thế nào để không bị lạc đường trong một bàn cờ chằng chịt lối. Trong trường hợp này, gia trưởng không có vẻ độc đoán mà chỉ là sự thể hiện một cá tính mạnh mẽ, một phong cách đặc trưng của người sẵn sàng chấp nhận vai trò trụ cột.

Tuy nhiên gia trưởng kiểu này lại cần phải có sự uyển chuyển hơn, mềm mỏng hơn để "cấp dưới" chấp nhận và an tâm hơn về tính gia trưởng "biết điều" trong xu thế mới!

Ở góc độ khác, một số người tỏ ra gia trưởng chỉ để chứng minh giá trị của mình hoặc để phản ứng thực tế nào đó. Một vài người đàn ông cố tình thể hiện tính gia trưởng khi cảm thấy mình bị...cạnh tranh giá trị trong gia đình. Có thể đó chỉ là những phản ứng vô thức nhưng dẫu sao vẫn phản ánh sự bất phục của họ khi ai đó có vẻ... xem thường mình.

Nhiều người tự hỏi tại sao các quí ông lại cứ phải "phát xít" thế?

Mọi người đàn ông khi chứng minh được năng lực, giá trị của mình sẽ đương nhiên được gia đình thừa nhận và có thể trở thành người "người dẫn đường" đáng kính, mà không cần phải cố chứng tỏ mình là người gia trưởng như thế nào!

Tiến sĩ ĐINH PHƯƠNG DUY

Web site www.tuoitre.com.vn

Mục lục

 

ĐỌC SÁCH

 

CHUYỆN CỦA ANH 

Anh lớn hơn Nó đến 10 tuổi, khi Nó lớn lên thì Anh đã lớn rồi, Nó chẳng biết nhiều về tuổi thơ của anh, chỉ biết rằng anh là anh lớn trong nhà nên thiệt thòi hơn Nó rất nhiều. Ngày ấy đất nước còn khó khăn, cánh cửa đại học không mỉm cười với anh, học hết 12 là anh phải bương chải với đời để phụ cha mẹ nuôi em ăn học, anh làm hết nghề này đến nghề khác, vất vả lắm… nhưng anh em nhà Nó sống vô tâm với nhau, chẳng hề quan tâm xem cuộc sống của nhau thế nào, vì thế Nó chẳng biết gì về chuyện của anh.

Cho đến một ngày kia, Nó thấy anh đưa bạn gái về nhà ra mắt cha mẹ và tính chuyện hỏi cưới gì đó. Chị ấy là người làm chung hãng với anh, chắc quen nhau lâu rồi mà Nó không biết. Đùng một cái nghe nói chuyện hỏi cưới, Nó ngỡ ngàng, một cảm giác mất mát… Trước giờ anh chị em Nó vẫn đùa với nhau: không ai được lập gia đình trước, chờ đến năm 2000, khi Nó ra trường, sẽ làm đám cưới tập thể cho sáu cặp luôn một lúc… thế mà bây giờ, hổng lẽ anh lại không giữ lời??? Ghét! Nó quyết tâm phá cho biết. Ngày ra mắt chị với gia đình, mẹ làm cơm đãi chị, chị cũng lăng xăng xuống bếp phụ mẹ, chị tình cờ nói với Nó câu gì đó làm Nó không hài lòng, Nó bực mình, quăng đồ đó, không thèm phụ mẹ nữa, bỏ vào phòng, đóng cửa lại, bỏ cả bữa cơm của gia đình, ai bảo gì Nó cũng không chịu ra, mẹ vào năn nỉ, Nó bảo: Nó ghét chị kia… !!! Làm cả nhà mất vui. 

Sau ngày đó, chẳng biết anh chị có chuyện gì với nhau không mà thấy anh có vẻ trầm tư, anh không đi làm một tuần. Sau này Nó mới được nghe kể lại về chuyện của anh:

Thời anh còn học trung học, anh có quen với một chị trong lớp, hai người chơi với nhau dễ thương lắm, chị T lo cho anh đủ thứ, tập của anh thấy toàn chữ của chị T, hai anh chị cũng sinh hoạt chung một giáo xứ, chị bên ca đoàn, anh bên lễ sinh, chơi với nhau cũng khá lâu, cũng thương nhau… Rồi cuộc sống đẩy anh ra đời, đến khi anh làm chung với chị L, anh bận rộn với công việc ở chỗ làm nhiều hơn ở nhà, thời gian về giáo xứ cũng vơi dần, phần vì công việc, phần cũng do chị L không thích lắm vì chị không cùng tôn giáo nên chẳng hiểu những việc anh làm. Thương chị L, anh cũng không nói gì, cho đến khi hai bên tính đến chuyện hôn nhân, cha mẹ anh cũng đã sang nhà chị L để nói chuyện định ngày hỏi cưới. Chẳng biết lý do gì làm anh cảm thấy bất an. Anh quyết định nghỉ làm một tuần, để lấy thời gian suy nghĩ cho chín chắn. Anh cho Chúa một tuần để hỏi Chúa một số việc về cuộc đời anh, trong đó có cả… chuyện hôn nhân. Trong tuần đó, anh không liên lạc với chị L, ngày nào anh cũng đến nhà thờ, rồi còn đến nhà thờ Fatima để cầu nguyện thêm với Đức Mẹ để xin thấy được ý Chúa. 

Sau một tuần, anh thấy như được Chúa soi sáng rất nhiều vấn đề, anh quyết định hoãn lại chuyện hôn nhân để lấy thêm thời gian, quyết định quay trở lại việc tông đồ nơi giáo xứ mà anh đã bỏ bấy lâu nay, và vài quyết định gì nữa cho cá nhân anh. Chính quyết định của anh đã làm cho chị L giận hờn và đòi chia tay… Không ngờ, một chuyện tình lại kết thúc vội vã như thế! Anh buồn lắm, nhưng thấy bình an vì đã làm theo ý Chúa. Quay trở lại với gia đình, với việc tông đồ và những tương quan trong giáo xứ, anh thấy vui và lòng nhẹ nhàng thư thái dù cuộc sống vẫn còn đó với những khó khăn. Ai cũng mừng vì sự trở lại của anh, trong đó, có lẽ mừng nhất là chị T. Sau này chơi lại với chị, anh mới được biết trong suốt thời gian qua, chị T vẫn âm thầm cầu nguyện cho anh, mỗi tối đều dành hai kinh cho sự trở lại của anh, không phải trở lại với chị nhưng là để anh trở lại với Chúa, và chị đã kiên trì đều đặn như thế trong suốt bốn năm… cho đến khi anh thật sự trở lại. Anh rất khâm phục tấm lòng và tình thương của chị T dành cho anh, rồi anh quay lại với chị T. Thời gian bên nhau chẳng được bao lâu thì chị lại theo gia đình xuất ngoại… hai anh chị vẫn giữ liên lạc với nhau dù xa cách nửa vòng trái đất (ngày đó chỉ có viết thư và gọi điện thoại, chứ chưa có chat và e-mail như bây giờ). Nghe nói đâu chị cũng đặt vấn đề bảo lãnh anh sang, nhưng anh không muốn sang đó, chị thì không thể quay về… Cuối cùng, hai anh chị quyết định: sẽ mãi là bạn! 

Với quyết định đó, cả hai cùng buồn… Anh hứa sẽ trả cho chị đúng bốn năm mà chị đã kiên nhẫn cầu nguyện cho anh bằng cách: anh sẽ dành đúng bốn năm để làm theo ước nguyện của chị: toàn tâm phục vụ các sinh hoạt trong giáo xứ, sẽ không quen ai trong thời gian này mà chỉ lo phục vụ Chúa. Và anh đã làm được chuyện đó. Còn chị, sau một thời gian, nghe tin đám hỏi của chị, chị đã chọn ngay ngày sinh nhật của anh để làm đám hỏi, rồi đúng một năm sau, cũng ngay ngày sinh nhật của anh, là ngày đám cưới. Chị đã có một gia đình hạnh phúc… Và họ… vẫn là bạn nhau.

Trả cho chị đúng bốn năm mà anh hứa, anh cũng bắt đầu nghĩ đến tương lai của mình, cũng để ý người này người kia, nhưng dường như sự lựa chọn của anh sao quá khó khăn, hay tại duyên số mà mãi chẳng thấy ai tiến tới được với ai. Thấy anh buồn buồn, Nó thấy cũng tội nghiệp. Lần đó, Nó đi Linh Thao với đám bạn sinh viên, hỏi bâng quơ xem anh muốn đi không, ai ngờ đang buồn đời, anh đi thật. Nó giật mình, vì anh đã … “quá đát” rồi, đâu còn tuổi sinh viên nữa, mà cũng lỡ rủ rồi, nói lại sao được… Cuối cùng Nó cũng ráng xin Thầy phụ trách để anh được tham gia, may mà Thầy đồng ý. Sau lần Linh Thao ấy, bỗng thấy anh trầm ngâm nhiều hơn, rồi có lần, lần đầu tiên Nó thấy anh khóc, anh nói : “Chả biết Chúa muốn gì nữa, ý Chúa nhiệm mầu quá !!!” Nghe xong, Nó cũng chẳng hiểu gì luôn…

Rồi Nó là người đầu tiên rời gia đình. Gia đình Nó đã quen lối sống “mạnh ai nấy sống, việc ai nấy làm”. Nên việc Nó rời gia đình cũng chẳng quan trọng gì, chẳng ai hỏi thăm Nó sống ra sao? Nó cũng chẳng hỏi thăm gì gia đình cả, mấy dịp lễ Tết về nhà gặp nhau ăn uống nói chuyện bâng quơ vui vẻ rồi Nó lại đi…

Hai năm sau, anh báo tin cho Nó là anh vào một nhà dòng kia, nghe tên lạ lắm. Anh nói: “anh có đến một vài nhà dòng để hỏi, nhưng anh đã lớn tuổi và cũng chẳng có bằng cấp gì nên chẳng đâu nhận anh, và đây chính là “lỗ chó” Chúa dành cho anh sau khi các cánh cửa đều đóng…”

Giờ thì Nó đã hiểu “ý Chúa nhiệm mầu” là thế nào! Đúng là mầu nhiệm thật. Chỉ có Chúa mới có thể nghĩ ra và làm được những chuyện như thế…

Sau nhiều năm sống trong nhà dòng ấy, đến nay anh vẫn thấy “happy” với ơn Chúa dù hành trình của anh đầy chông gai… Chẳng biết nơi nửa vòng trái đất kia, chị T có còn dành hai kinh mỗi tối để cầu nguyện cho anh nữa không, nhưng Nó, Nó quyết thay chị, dành một kinh mỗi tối để cầu nguyện cho ơn gọi của anh…

Tuyệt vời thay, huyền nhiệm một ơn gọi…!!!

Sưu tầm

Mục lục