TIN VUIFlowchart: Document: Số 
127
09/03/2008
www.tinvui.org
bantreconggiao@yahoo.comTuần san

  

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 


 

MỤC LỤC

 

Chúa nhật V Mùa Chay A..

TIN CHÚA ĐỂ ĐƯỢC SỐNG..

Khai mạc Tổng Tu Nghị lần thứ 26 Dòng Salêdiêng Don Bosco tại Roma.

Úc tung ra đồng tiền vàng và tem kỷ niệm ngày Quốc Tế Giới Trẻ.

ÐTC tiếp kiến những tham dự viên Phiên Họp Khoáng Ðại của Hội Ðồng Toà Thánh "Ðồng Tâm".

Bài Diễn Từ Đức Thánh Cha Biển Đức XVI.

Soạn Dọn để nói trong dịp Khai Mạc Năm Học cho Đại Học Rôma La Sapienza.

SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC THÁNH CHA BÊNÊĐICTÔ XVI NHÂN NGÀY THẾ GIỚI CẦU NGUYỆN CHO ƠN GỌI LẦN THỨ

LỄ AN TÁNG CHA CỐ ANTÔN TRẦN VĂN BẬT TẠI NHÀ THỜ NAM THÁI.

CON SỐ MỘT..

TIN MỪNG CỨU SỐNG..

Rửa tay.

ĐỨC TIN VÀ MÔI TRƯỜNG XÃ HỘI.

Một Nền Nô Lệ Mới

Các Trẻ Em Việt Nam Bị Bắt Hành Nghề Mãi Dâm..

KHÔNG ĐÁNH MẤT HY VỌNG LÚC GẶP GIAN NGUY..

“CHỒNG NGOẠI” NHÌN TỪ GÓC ĐỘ GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN..

MỤC ĐÍCH CỦA  HÔN NHÂN KITÔ GIÁO..

Dạy trẻ lịch sự..

DẤU CHÂN CỦA THẦY..

 

 

SỐNG LỜI CHÚA

Chúa nhật V Mùa Chay A

Ga 11, 1-45

"Ta là sự sống lại và là sự sống".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi ấy, có một người đau liệt tên là Ladarô, ở Bêtania, làng quê của Maria và Martha. (Maria này chính là người đã xức dầu thơm cho Chúa, và lấy tóc lau chân Người. Em trai bà là Ladarô lâm bệnh). Vậy hai chị sai người đến thưa Chúa Giêsu rằng: "Lạy Thầy, người Thầy yêu đau liệt". Nghe tin ấy, Chúa Giêsu liền bảo: "Bệnh này không đến nỗi chết, nhưng để làm sáng danh Thiên Chúa và do đó Con Thiên Chúa sẽ được vinh hiển".

Chúa Giêsu thương Martha và em là Maria và Ladarô. Khi hay tin ông này đau liệt, Người còn lưu lại đó hai ngày. Rồi Người bảo môn đệ: "Chúng ta hãy trở lại xứ Giuđêa". Môn đệ thưa: "Thưa Thầy, mới đây người Do-thái tìm ném đá Thầy, mà Thầy lại trở về đó ư?" Chúa Giêsu đáp: "Một ngày lại chẳng có mười hai giờ sao? Nếu ai đi ban ngày thì không vấp ngã, vì người ta thấy ánh sáng mặt trời; nhưng kẻ đi ban đêm sẽ vấp ngã vì không có ánh sáng". Người nói thế, rồi lại bảo họ: "Ladarô bạn chúng ta đang ngủ, dầu vậy Ta đi đánh thức ông". Môn đệ thưa: "Thưa Thầy, nếu ông ta ngủ, ông sẽ khoẻ lại". Chúa Giêsu có ý nói về cái chết của Ladarô, nhưng môn đệ lại nghĩ Người nói về giấc ngủ. Bấy giờ Chúa Giêsu mới nói rõ: "Ladarô đã chết. Nhưng Ta mừng cho các con, vì Ta không có mặt ở đó để các con tin. Vậy chúng ta hãy đi đến nhà ông". Lúc đó Tôma, cũng có tên là Điđimô, nói với đồng bạn: "Chúng ta cũng đi để cùng chết với Người".

Đến nơi, Chúa Giêsu thấy Ladarô đã được an táng bốn ngày rồi. (Bêtania chỉ cách Giêrusalem chừng mười lăm dặm). Nhiều người Do-thái đến nhà Martha và Maria để an ủi hai bà vì người em đã chết. Khi hay tin Chúa Giêsu đến, Martha đi đón Người, còn Maria vẫn ngồi nhà. Martha thưa Chúa Giêsu: "Thưa Thầy, nếu Thầy có mặt ở đây thì em con không chết. Tuy nhiên, ngay cả bây giờ, con biết Thầy xin gì cùng Thiên Chúa, Thiên Chúa cũng sẽ ban cho Thầy". Chúa Giêsu nói: "Em con sẽ sống lại". Martha thưa: "Con biết ngày tận thế, khi kẻ chết sống lại, thì em con sẽ sống lại". Chúa Giêsu nói: "Ta là sự sống lại và là sự sống, ai tin Ta, dầu có chết cũng sẽ được sống. Và kẻ nào sống mà tin Ta, sẽ không chết bao giờ. Con có tin điều đó không?" Bà thưa: "Thưa Thầy, vâng, con đã tin Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống đã đến trong thế gian".

Nói xong bà về gọi Maria em gái bà và nói thầm với em rằng: "Thầy ở ngoài kia, Thầy gọi em". Nghe vậy, Maria vội vàng đứng dậy và đi đến cùng Chúa. Vì lúc đó Chúa Giêsu chưa vào trong làng, Người còn đang đứng ở nơi Martha đã gặp Người. Những người Do-thái cùng ở trong nhà với Maria và an ủi bà, khi thấy bà vội vã đứng dậy ra đi, họ cũng đi theo bà, tưởng rằng bà đi ra khóc ngoài mộ. Vậy khi Maria đến chỗ Chúa Giêsu đứng, thấy Người, bà liền sấp mình xuống dưới chân Người và nói: "Thưa Thầy, nếu Thầy có mặt đây, thì em con không chết". Khi thấy bà khóc nức nở và những người Do-thái theo bà cũng khóc, Chúa Giêsu thổn thức và xúc động. Người hỏi: "Đã an táng Ladarô ở đâu?" Họ thưa: "Thưa Thầy, xin đến mà xem". Chúa Giêsu rơi lệ. Người Do-thái liền nói: "Kìa, xem Ngài thương ông ấy biết bao!" Nhưng có mấy kẻ trong đám nói: "Ông ấy đã mở mắt người mù từ khi mới sinh mà không làm được cho người này khỏi chết ư?" Chúa Giêsu lại xúc động; Người đi đến mộ. Mộ đó là một hang nhỏ có tảng đá đậy trên. Chúa Giêsu bảo: "Hãy đẩy tảng đá ra". Martha là chị người chết, thưa: "Thưa Thầy, đã nặng mùi rồi vì đã bốn ngày". Chúa Giêsu lại nói: "Ta đã chẳng bảo con rằng: Nếu con tin, thì con sẽ xem thấy vinh quang của Thiên Chúa sao?" Thế là người ta cất tảng đá ra. Chúa Giêsu ngước nhìn lên và nói: "Lạy Cha, Con cảm tạ Cha đã nhậm lời Con. Con biết Cha hằng nghe lời Con, nhưng Con nói lên vì những người đứng xung quanh đây, để họ tin rằng Cha đã sai Con". Nói rồi, Người kêu lớn tiếng: "Ladarô! Hãy ra đây!" Người đã chết đi ra, chân tay còn quấn những mảnh vải, trên mặt quấn khăn liệm. Chúa Giêsu bảo: "Hãy cởi ra cho anh ấy đi".

Một số người Do-thái đến thăm Maria, khi được chứng kiến những việc Chúa Giêsu làm, thì đã tin vào Người.

Đó là lời Chúa.

TIN CHÚA ĐỂ ĐƯỢC SỐNG

Tin Chúa không những được sống hôm nay nhưng được sống đời đời. Đó là niềm tin của cô Mácta, và nó đã trở thành mẫu gương sống cho chúng ta.

 

Qua trình thuật Chúa Giêsu làm phép lạ, cho Ladarô chết sống lại, thêm một lần nữa Chúa Giêsu mở mằt cho mọi người thấy rằng : Ngài là Đức Kitô, Con Thiên Chúa, Đấng phải đến”. như lời tuyên xưng của cô Mácta. Và chắc chắn, Ngài là sự sống lại và là sự sống, bởi vì Ngài đã nói như thế.

 

Chính niềm tin vào Chúa của Mácta đã khiến cô bày tỏ và van xin cách tin tưởng tràn đầy hy vọng.

 

Và Chúa Giêsu đã không làm ngơ trước nỗi đau khổ buồn thương vì mất đi một người thân trong gia đình của hai chị em Mácta và Maria.

 

Chúa Giêsu đã thấy rõ lòng tin của cô Mácta nên Ngài đã cầu xin Thiên Chúa Cha và điều đó đã xảy ra như ước nguyện của Chúa Giêsu và của cô Mácta.

 

Khi con người có lòng tin, thì chính lòng tin  đó  là khởi điểm của nhiều điều kỳ diệu. Khi con người có lòng tin vào Chúa, thì lòng tin đó dẫn chúng ta đến gặp Ngài và Ngài luôn sẵn sàng thi ân, giáng phúc và cứu độ. Khi con người có lòng tin vào Chúa, thì chính lòng tin đó là một mở lối cho tình yêu để quyền năng Thiên Chúa đến và đỡ nâng chúng ta.

 

Niềm tin là món quà quý giá mà Thiên Chúa thương ban cho mỗi chúng ta để chúng ta biết tin yêu và phó thác cuộc đời chúng ta cho Ngài.

 

Niềm tin chỉ có thể hiện hữu khi chúng ta biết lắng nghe tiếng Chúa và biết nhận ra Ngài nơi Lời Chúa, nơi thánh lễ chúng ta tham dự, nơi những tha nhân mà chúng ta  gặp gỡ, giúp đỡ, quan tâm và chia sẻ.

 

Chúa Giêsu đã làm cho Ladarô chết được sống lại, giúp chúng ta sống niềm hy vọng hôm nay và mỗi ngày.

 

Hy vọng trong tin tưởng.

Hy vọng để phó thác tương lai.

Hy vọng vào một ngày mai hạnh phúc

Bởi Chúa là Đấng yêu thương.

Ngài là Đấng quyền năng và không ngừng cứu độ.

 

Ở bên Ngài, chúng ta luôn kiên vững tin yêu. Ở trong Ngài, chúng ta dồi dào sự sống. Sống với Ngài và cùng Ngài, đời Kitô hữu chúng ta ý nghĩa làm sao !

 

Hành trang theo Chúa của chúng ta chỉ có một tí Đức tin thật nhỏ bé ! Hành trang theo Chúa của chúng ta cũng chỉ là một chút Đức cậy mong manh yếu ớt. Hành trang theo Chúa  của chúng ta cũng chỉ là một tí Đức mến chẳng tới đâu ! Nhưng bám vào Chúa, kết chặt tương quan với Ngài bằng lòng tin yêu phó thác thì chúng ta có thể sống xứng đáng và làm rạng rỡ danh Ngài.

 

Mùa Chay mời gọi chúng ta kiểm tra niềm tin sống đạo của mỗi chúng ta. Và Đức tin của cô Mácta lại trở thành mẫu sống cho chúng ta. Ước gì mỗi chúng ta không thờ ơ lãnh đạm trong cuộc sống Đức tin của mình trở thành lời tuyên xưng và làm chứng cho Chúa là sự sống lại và là sự sống trước mọi người.

 

Lm. Simon Hồ Đức Minh, SVD

Mục lục

TU ĐỨC

ƠN SÁM HỐI TRỞ VỀ

 

 

Xã hội cần được cứu độ.

Hội Thánh cần được cứu độ.

Mọi người cần được cứu độ.

Bản thân cần được cứu độ.

 

Cứu độ được hiểu theo nhiều mặt khác nhau. Như cứu khỏi đói, cứu khỏi rét, cứu khỏi dốt, cứu khỏi tai hoạ, cứu khỏi bệnh tật, cứu khỏi lạc hậu, cứu khỏi tính mê nết xấu, cứu khỏi tội lỗi.

 

Ở đây, tôi muốn nói đến việc cứu khỏi tội và hình phạt bởi tội, để trở về với Chúa.

 

Mọi người có tín ngưỡng đều tin rằng :Ai phạm tội đều bị Đấng tối cao xét xử và luận phạt.

 

Riêng người công giáo, niềm tin tội đi đôi với hình phạt rất rõ. Tội nhẹ bị phạt nhẹ, tội nặng thì bị phạt nặng. Hình phạt nặng nhất là sa hoả ngục.

 

Để cứu khỏi hình phạt, thì một là người ta không phạm tội, hoặc lỡ phạm tội, thì phải sám hối.

 

Hầu hết chúng ta đều phạm tội. Do tư tưởng, do lời nói, do việc làm, do thiếu sót. Vì thế sám hối là việc tất nhiên ta phải làm, để được tha tội và được tha khỏi hình phạt bởi tội.

 

Ý thức điều đó, đạo chúng ta luôn nhắc nhở chúng ta phải sám hối trở về.

Chúa nhắc trong Kinh thánh.

Đức Mẹ nhắc trong mọi lần hiện ra.

Hội Thánh nhắc trong mọi lễ nghi phụng vụ.

 

Nhưng thực tế cho thấy sứ điệp sám hối vẫn bị coi thường,việc sám hối vẫn không được hết sức quan tâm. Cánh đó đáng dau buồn. Tình hình đó đang là mối đe doạ lớn cho sự bình an.

 

Nhưng đáng ngại nhất là : Việc sám hối không phải dễ thực hiện. Mấy lý do sau đây giúp ta hiểu phần nào.

 

1/Nhận mình có  tội là điều khó

 

Phúc Âm cho thấy : Chính Chúa Giêsu dạy người ta phải sửa mình, nhưng đâu có dễ.

 

Những người tội lỗi công khai thường dễ nhận tội. Các gái điếm, các người thu thế không cãi lại Chúa Giêsu. Đang khi đó, các biệt phái lại hay phản bác lại lời Người. Họ cho mình là người đạo đức. Họ mang nặng thiên kiến về họ. Họ chuyên môn bắt lỗi người khác. Kết án người khác được coi là thẩm quyền của họ. Họ luôn luôn cho mình thuộc hạng hơn người về hiểu đạo và sống đạo.

 

Có tội mà không nhận mình có tội. Đầy tội mà vẫn tưởng mình đạo đức. Những cảnh đó vẫn xảy ra rất thường.

 

Nhận mình có tội là điều khó. Bản tính tự nhiên con người hay tự mãn. Thế gian khuyến khích con người thêm tự ái. Quỉ dữ xúi giục con người coi tự kiêu là việc thiện.

 

Tôi thấy là : Để nhận mình có tội, thì phải khiêm nhường, rất khiêm nhường. Mà khiêm nhường không luôn dễ. Chỉ dễ khi con người có ơn riêng của Chúa. Vì thế, để sám hối , chúng ta nên cầu nguyện, xin Chúa ban ơn riêng cho ta, để lương tâm từ cứng được nên mềm, từ tối tâm được sáng lên. Cần khiêm nhường, cần rất khiêm nhường, cần rất mực khiêm nhường trong nhận biết.

 

Nhưng chưa đủ, còn một điều cần nữa, đó là ăn năn hối cải thực lòng.

 

2/ Ăn năn hối cải là điều không dễ

 

Luxiphe và các thần dữ có thể đã không nhận tội nhưng dù biết mình có tội, nhưnmg vẫn không ăn năn hối hận. Vì chúng quá kiêu.

 

Rất nhiều khi, người có tội hay đổ trách nhiệm cho người khác. Như trường hợp ông Ađam đổ trách nhiệm cho bà Evà, bà Evà lại đổ trách nhiệm cho con rắn. Đổ lỗi cho người khác là một cách làm cho việc ăn năn sám hối trở nên không thành thực.

 

Có những người chìm trong tội nặng lâu năm, hay phạm tội nặng thường xuyên mỗi ngày, mà chỉ ăn năn sơ sài, lầy lệ.

 

Có những người muốn ăn năn trở về, nhưng không tha thiết. Có những người gặp nhiều dịp, để làm mới lại đời mình, nhưng luôn bỏ qua.

 

Những trường hợp trên đây cho thấy :Ăn năn hối cải là việc không dễ. Chính Chúa bảo, bao người vẫn không nghe. Được Đức Mẹ hối thúc, bao người vẫn làm ngơ.

 

Được Đức Mẹ nhắc nhở, bao người vẫn dửng dưng.

 

Vì thế, chúng ta nên khiêm tốn cầu nguyên cho mình cho mình và cho kẻ khác được ơn ăn năn hối cải. Không những khiêm tốn nhận biết nhận biết mình có tội, mà còn khiêm nhường đau đớn vì tội, và khiêm nhường xin Chúa thứ tha tội lỗi và hình phạt bởi tội mà ra.

 

3/ Tin tưởng vào Tình Chúa xót thương là điều không dễ

 

Khinh nghiệm cho thấy : Được ơn nhận mình có tội là điều ngọt ngào. Được ơn ăn năn hối cải là điều an ủi.Được ơn gặp Thiên Chúa giàu lòng thương xót là điều sung sướng.

 

Điều sung sướng đó không phải hễ ai muốn có là tất nhiên được.

 

Người có tội thường phải đối đầu với nhiều cám dỗ khi muốn trở lại. Họ bị cám dỗ về sự thất vọng. Họ bị cám dỗ, vì những ray rứt xiềng xích họ vào con đường bế tắc. Họ bị cám dỗ, để cái tôi của mình trở thành trung tâm con đường trở về.

 

Một sự ăn năn hối cải thực sự bao giờ cũng đặt Chúa vào trung tâm.

 

Tôi trở về không nhờ sức của tôi, nhưng nhờ ơn của Chúa. Tôi sám hối, không phải vì tôi làm tôi mất danh dự, nhưng vì tôi đã mất lòng Chúa. Tôi được khỏi tội, không phải vì tôi lập công, nhưng vì tôi được Thiên Chúa tình yêu dẫn vào lòng Chúa vô cùng thương xót. Tôi trở về, không để tìm lại uy tín, nhưng để thuộc về Chúa hơn.

 

Lúc đó, sám hối trở thành nguồn hạnh phúc. Với hạnh phúc này, con người sẽ được Chúa dạy về sự tham gia vào kế hoạch của Chúa. Một kế hoạch cứu độ đặt việc sám hối lên hàng ưu tiên. Với sám hối, mọi chương trình cứu độ mới có ý nghĩa.

 

Để kết, tôi xin phép nhắc lại chuyện ông Abraham đã xin Chúa cứu thành Sôđôma khỏi bị huỷ diệt.

 

Chúa bằng lòng sẽ cứu thành, nếu trong thành có đủ 10 người lành. Nhưng tìm không ra (x. St 18, 16-33).

 

Chúng ta hãy dùng sự sám hối để nên người lành. Hy vọng ta và từng ngàn người sẽ được  Chúa cứu.

 

Xin hãy khiêm nhường cầu nguyện. Cầu nguyện bằng niếm tin và bằng đau khổ Chúa gởi cho hằng ngày.

 

ĐGM GB Bùi Tuần  

Mục lục

HIỆP THÔNG GIÁO HỘI

Niên giám Tòa Thánh 2008: Dân số Công Giáo gia tăng 1.4%

 

Tòa Thánh đã công bố Niên Giám năm 2008 cho thấy dân số Công Giáo đã gia tăng 1.4%


Đức Hồng Y Tarciscio Bertone, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, đã giới thiệu cuốn Niên Giám (Annuario Pontificio) lên Đức Thánh Cha Bênêđíctô XVI hôm 29/2/2008. Những thống kê trong cuốn Niên Giám này cho thấy dân số Công Giáo đã gia tăng từ 1.115 tỷ lên đến 1.131 tỷ từ năm 2005 đến 2006, là năm cuối cùng có những con số chính xác thu thập từ các giáo phận trên toàn thế giới.


Thống kê ghi nhận có sự gia tăng ở mức khiêm nhường trong con số các linh mục (0.21%), các chủng sinh (0.9%). Tại thời điểm cuối năm 2006, có 407,242 linh mục và 115,480 chủng sinh trên toàn thế giới.


Niên Giám cũng ghi nhận là trong năm 2007 có 8 giáo phận được hình thành cùng với một miền Giám Quản Tông Tòa, hai tổng giáo phận và một Miền Phủ Doãn Tông Tòa.


Trong năm 2007, có 169 Giám Mục được bổ nhiệm

Mục lục

 

 

Khai mạc Tổng Tu Nghị lần thứ 26 Dòng Salêdiêng Don Bosco tại Roma

 

ROMA -- Theo nguồn tin của Báo ANS (Agenzia Info Salesiana) - Thông Tấn Xã Salêdiêng, hôm nay Thứ Ba ngày 03 tháng 03 năm 2008 tại Nhà Trung Ương Dòng Salêdiêng Don Bosco Salesianum di Roma Via della Pisana 1111 Cha Pascual Chvez Villanueva Bề Trên Tổng Quyền cùng với hơn 232 Hội Viên Salêdiêng là những thành viên của Tổng Tu Nghị đã long trọng khai mạc Tổng Tu Nghị lần thứ 26 của Hội Dòng.

 

Hiện diện trong buổi khai mạc có Đức Hồng Franc Rodé Tổng Trưởng Thánh Bộ các Dòng Tu Đời Thánh Hiến và các Hiệp Hội Đời Sống Tông Đồ, Đức Hồng Y Rafael Farina SDB Quản Thủ Thư Viện và các tài liệu của Tòa Thánh, Đức Hồng Y Joseph Zen Tổng Giám Mục Hong Kong, và Đức Hồng Y Miguel Obando Bravo Tổng Giám Mục emerito di Managua, Đức Cha Gianfranco Gardin Thư Ký Thánh Bộ các Dòng Tu Đời Thánh Hiến và các Hiệp Hội Đời Sống Tông Đồ, cùng tháp tùng ngài là Nữ Tu Enrica Rossana Phó Tổng Thư ký, Đức Cha Gino Reali Giám Mục Giáo Phận Porto và Santa Ruffina là nơi Dòng Sa lê diêng đặt Trụ Sở Trung Ương tại Giáo Phận này, Đức Cha Brugnaro Francesco Tổng Giám Mục Camerino - San Severino Marche, Đức Cha Angelo Amato SDB Tổng Thư Ký Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin, Cha Phêrô Trabucco Thư Ký Hi?p H?i Qu?c t? Cc B? Trn T?ng Quy?n, cùng nhiều Giám Mục Salêdiêng cũng như ngoài Sa lê diêng. Ban Sáng Cha Bề Trên Tổng Quyền đã chủ sứ Thánh Lễ đồng tế cùng với các Thành Viên của Tổng Tu Nghị tại Nhà Nguyện chính của Dòng, sau đó tại Hội Trường lớn (Aula magna) của Dòng là phần đón tiếp các Hồng Y, Giám Mục và các Khách mời danh dự, tất cả mọi người hiện diện đã cùng nhau sướng lên Bài Hát "Veni, Creator Spiritus" Lạy Thánh Thần sáng tạo xin ngự đến". Sau bài hát Cầu Xin Chúa Thánh Thần Cha Bề Trên Tổng Quyền Pascual Chvez đã đại diện tất cả mọi thành viên của Tổng Tu Nghị 26 đọc diễn văn chào đón các Đức Hồng Y, Giám Mục, Mẹ Antonia Colombo FMA Bề Trên Tổng Quyền Dòng Nữ Sa lê diêng, Ông Rosario Maiorano Chủ Tịch Hiệp Hội Cộng Tác Viên Thế giới. Đức Hồng Franc Rodé Tổng Trưởng Thánh Bộ các Dòng Tu Đời Thánh Hiến và các Hiệp Hội Đời Sống Tông Đồ đã tuyên đọc Sứ điệp của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI gửi cho Hội Dòng nhân ngày khai mạc Tổng Tu Nghị, nội dung Sứ điệp của Đức Thánh Cha nói đến "Đoàn Sủng Don Bosco chính là Quà Tặng trọn vẹn của Chúa Thánh Thần cho Dân Thiên Chúa, nhưng chỉ ở trong sự lắng nghe và dễ dạy, sẵn sàng với Chúa Thánh Thần thì mới có thể hiểu và sinh hoa kết quả"


Sau bài diễn văn của Đức Hồng Franc Rodé và của Cha Cha Bề Trên Tổng Quyền Pascual Chvez, Cha Francesco Cereda SDB điều hành viên của Tổng Tu Nghị 26 đã đọc lá thư của Đức Hồng Y Tarcisio Bertone Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh gửi đến cho Tổng Tu Nghị, trong thư Đức Hồng Y Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh cầu xin Chúa Thánh Thần đồng hành và ban muôn ơn lành xuống trên các thành viên của Tổng Tu Nghị trong suốt thời gian làm việc để cho thời gian này chính là thời gian của An Sủng và Thiên Chúa luôn hiện diện giữa tất cả mọi thành viên của Tổng Tu Nghị để hướng dẫn toàn Tu Hội đạt tới mục tiêu đó chính đam mê của Don Bosco "Da mihi animas coetera tolle" - Xin cho tôi các linh hồn, còn mọi sự khác cứ lấy đi".


Cuối cùng, Cha Francesco Cereda SDB đã tuyên bố khai mạc Tổng Tu Nghị lần thứ 26 của Tu Hội Salêdiêng Don Bosco năm 2008.

Mục lục

Úc tung ra đồng tiền vàng và tem kỷ niệm ngày Quốc Tế Giới Trẻ

 

Perth Mint, cơ quan chính phủ Úc, đặt trụ sở tại Tây Úc nơi có những mỏ vàng lớn nhất nước này, đã tung ra đồng tiền vàng và đồng tiền bạc kỷ niệm ngày Quốc Tế Giới Trẻ.

 

Trong buổi lễ long trọng được cử hành hôm thứ Hai tại Vương Cung Thánh Đường Đức Bà Sydney, ông Ed Harbuz, giám đốc Perth Mint đã trình lên Đức Hồng Y George Pell, Tổng Giám Mục Sydney, đồng tiền vàng và bạc mới được tung ra.


“The Perth Mint hân hoan trình lên Đức Hồng Y đồng tiền vàng ròng chính hiệu 1 oz và đồng tiền bạc 1

0z đã được Tòa Thánh Vatican phê chuẩn”.

 

“Ngày Quốc Tế Giới Trẻ là một biến cố long trọng trong lịch sử Úc Đại Lợi và Giáo Hội Công Giáo, và chúng con hy vọng là những đồng tiền kỷ niệm này sẽ giữ cho ký ức về biến cố này sống động trong những năm tháng sau này”.


Những đồng tiền này đều có hình Đức Thánh Cha Bênêđíctô XVI và huy hiệu ngày Quốc Tế Giới Trẻ tại Sydney.

Theo thông lệ, những đồng tiền này được sản xuất rất hạn chế để tăng thêm phần quý hiếm. Nếu muốn mua, quý vị phải mua ngay vì không thể biết khi nào thì không còn có thể mua được nữa hay là phải mua lại với giá mắc gấp nhiều lần.


Đồng tiền vàng ròng gần tinh chất: 99.99% nặng 1oz được bán với giá AUD $1,950.00 (USD 1815). Nếu thấy giá cả chóng mặt quá thì quý vị có thể mua đồng tiền bạc, cũng nặng 1 0z giá chỉ có AUD $95 (USD 88.35). Nếu muốn mua xin vào đây: The Perth Mint


Nếu vẫn còn thấy chóng mặt, quý vị có thể mua tem.


Bưu điện Úc Đại Lợi vừa mới tung ra một loạt tem ngày Quốc Tế Giới Trẻ. Loạt tem kỷ niệm này có gía từ AUD 0.6 trở lên. Có cả loại nội địa và quốc tế với viền vàng và viền bạc lóng lánh rất đẹp. Úc là một trong những nước rất thích làm tem và làm

 

Mục lục

 

ÐTC tiếp kiến những tham dự viên Phiên Họp Khoáng Ðại của Hội Ðồng Toà Thánh "Ðồng Tâm".

 

Tin Roma (Apic 29/02/2008) - Sáng thứ Sáu, 29 tháng 2 năm 2008, khi tiếp các tham dự viên Phiên Họp Khoáng Ðại của Hội Ðồng Toà Thánh "Ðồng tâm", ÐTC Beneđitô XVI đã nêu rõ rằng những hoạt động bác ái của Giáo Hội cung cấp "môi trường ưu tuyển" để thực hiện sứ mạng của Giáo Hội.

Ðược biết chủ đề của Phiên Họp Khoáng Ðại là: "những phẩm chất nhân bản và thiêng liêng của những ai hoạt động trong sinh hoạt bác ái của Giáo Hội".

ÐTC nói lêm niềm vui mừng vì có nhiều người kitô sẵn sàng dành thì giờ và năng lực, để không những cung cấp các trợ giúp vật chất, nhưng còn mang đến sự an ủi và niềm hy vọng cho những ai sống trong những hoàn cảnh khó khăn. ÐTC quả quyết rằng "hoạt động bác ái chiếm chổ trung tâm trong sứ mạng rao giàng Phúc Âm". "Những công việc bác ái là mãnh đất ưu tuyển để gặp gỡ, kể cả với những ai chưa biết Chúa Kitô, hoặc chỉ biết phần nào thôi.

Cũng như trong thông điệp đầu tiên "Thiên Chúa Là Tình yêu", công bố năm 2006, ÐTC quả quyết rằng: "những ai hoạt động trong nhiều hình thức khác nhau của sinh hoạt bác ái của Giáo Hội, không thể nào chỉ quan tâm đến phương tiện kỷ thuật, hoặc chỉ lo việc giải quyết những vấn đề và những khó khăn vật chất. Theo ÐTC, sự trợ giúp không bao giờ được rút gọn về như một hành động nhân ái mà thôi, nhưng như là một thể hiện hữu hình của tình yêu phúc âm.

Nhấn mạnh đến sự cần thiết huấn luyện một cách hữu hiệu và đáng giá dành cho những kẻ hoạt động bác ái, Ðức Bênêđitô XVI đã cầu chúc họ trở nên những chứng nhân cho giá trị sự sống, bằng cách bảo vệ sự sống của những kẻ yếu đuối nhất và của những bệnh nhân; trở nên những chứng nhân cho tình thương, và cuối cùng những chứng nhân cho Thiên Chúa, Ðấng là nguồn mạch của mọi hoạt động bác ái.

ÐTC tái xác nhận tầm quan trọng của việc cầu nguyện, đối lại với chủ thuyết duy hoạt động và duy thế tục, đang ảnh hưởng trên nhiều người kitô dấn thân trong công việc từ thiện bác ái.

 

Tổng hợp các bản tin Công Giáo Thế Giới

 Mục lục

 

 Bài Diễn Từ Đức Thánh Cha Biển Đức XVI

 Soạn Dọn để nói trong dịp Khai Mạc Năm Học cho Đại Học Rôma La Sapienza

 

“La Sapienza – Viện Đại Học Rôma … thuộc vào số những đại học đường nổi tiếng nhất trên thế giới.”

 

Kính Vị Viện Trưởng,

Quí Quan Chức Chính Trị và Dân Sự,

Quí Vị Giáo Sư và Nhân Viên Điều Hành,

Quí Bạn Trẻ Sinh Viên thân mến!

 

Thật là một nguồn vui rất lớn cho tôi được hội ngộ với cộng đồng La Sapienza – Viện Đại Học Rôma – nhân dịp khai mạc cho năm học này. Cho đến nay, qua nhiều thế kỷ, đại học này đã đánh dấu cuộc hành trình và sự sống của thành phố Rôma đây, khi làm cho những sinh lực về trí tuệ hảo hạng nhất trổ sinh hoa trái nơi hết mọi lãnh vực kiến  thức.

 

Cho dù ở vào giai đoạn nó trực thuộc vào quyền bính của giáo hội sau khi nó được thành lập theo chỉ thị của Đức Bonifacio VIII, hay cho dù sau đó cơ cấu “Studium Urbis” này được triển phát thành một học viện của quốc gia Ý quốc, thì cộng đồng hàn lâm của quí vị vẫn giữ được một mức độ cao về khoa học và văn hóa, một mức độ làm cho nó thuộc vào số những đại học đường nổi tiếng nhất trên  thế giới.

 

Giáo Hội ở Rôma bao giờ cũng nhìn tới trung tâm đại học này bằng một niềm ưu ái và mến phục, qua việc nhìn nhận việc nó dấn thân – đôi khi gian khổ và gay go – trong việc nghiên cứu cũng như trong việc hình thành các thế hệ mới. Cũng không thiếu những thời điểm hợp tác và đối thoại trong những năm  gần đây. Tôi muốn đặc biệt nhắc lại Cuộc Họp Quốc Tế của các Vị Viện Trưởng nhân dịp Mừng Lễ Kỷ Niệm của những Đại Học Đường được cộng đồng của quí vị đảm trách, không phải chỉ ở việc nghênh tiếp và tổ chức, mà trên hết là việc làm có tính cách ngôn sứ và phức tạp để công phu soạn ra “một nhân bản thuyết mới cho ngàn năm thứ ba”.

 

Nhân cơ hội này, tôi hân  hoan bày tỏ lòng biết ơn của tôi về việc quí vị mời tôi đến với đại học đường của quí vị để cống hiến cho quí vị một bài diễn từ. Về vấn đề này, trước hết tôi tự hỏi mình rằng: Một vị Giáo Hoàng có thể và cần phải nói gì vào dịp như thế này đây? Trong bài diễn từ của tôi ở Đại Học Đường Regensburg, tôi thực sự đã nói với tư cách là Giáo Hoàng, nhưng trên hết tôi nói như là một nguyên giáo sư của đại học đường của tôi ấy, khi cố gắng qui tụ những hồi niệm và các biến cố hiện đại lại với nhau. Tuy nhiên, ở La Sapienza, một viện  đại học cổ kính của Rôma, tôi được mời chính là vì tư cách của một vị Giám Mục Rôma, nên  bởi thế tôi cần phải nói với tư cách này. Thật sự thì La Sapienza đã từng là viện đại học của Giáo Hoàng, song ngày nay nó là một đại học đời có quyền biệt lập, một quyền mà căn cứ vào chính ý niệm hình thành của nó, bao giờ cũng là một yếu tố thuộc đại học đường, một yếu tố cần phải hoàn toàn gắn liền với thẩm quyền của sự thật. Với tính cách tự do không lệ thuộc vào các thẩm quyền đạo và đời, đại học đường nắm giữ phần hành riêng biệt của mình, một phần hành thực sự cho xã hội tân  tiến ngày nay, một xã hội bao giờ cũng cần đến một thứ cơ cấu tổ chức ấy.

 

 

“Chính vì là mục tử của cộng đồng của mình, Giáo Hoàng càng ngày càng trở thành một tiếng nói cho lý trí nhân  loại về đạo lý”

 

Xin trở lại với câu hỏi đầu tiên của tôi: Vị Giáo Hoàng này có thể và cần phải nói gì trong cuộc gặp gỡ với viện đại học của thành phố của mình đây? Suy nghĩ về câu hỏi này, tôi cho rằng nó bao gồm cả hai câu hỏi khác nữa mà vấn đề làm sáng tỏ chúng chắc chắn sẽ cống hiến được câu trả lời. Thật vậy, vấn đề cần phải đặt ra ở đây là: Bản chất và sứ vụ của vai trò Giáo Hoàng là gì? Và xa hơn nữa: Đâu là bản chất và sứ vụ của một đại học đường? Ở nơi đây, tôi không muốn cầm chân quí vị và tôi vào những bàn luận về bản chất của vai trò Giáo Hoàng. Chỉ cần một nhận định ngắn cũng đủ rồi.

 

Trươc hết Giáo Hoàng là vị Giám Mục Rôma, và bởi thế, với tư cách thừa kế Tông Đồ Phêrô, có một trách vụ giáo phẩm liên quan tới toàn thể Giáo Hội Công Giáo. Chữ “giám mục” – theo tiếng Hy Lạp là “episkopos”, chính yếu nghĩa là “giám thị”, trong Tân Ước đã được liên kết với ý niệm về mục tử theo thánh kinh: Ngài là vị trông coi toàn thể từ một vị thế cao cả, tỏ ra quan tâm tới đường lối đúng đắn cũng như tới tình trạng liên kết của toàn thể. Như thế, cái nội dung nơi công việc của ngài như thế hướng ngài trước hết tới tính cách toàn diện của cộng đồng tính hữu. Vị giám mục này – tức vị mục tử – là người coi sóc cộng đồng ấy; vị bảo trì mối hiệp nhất của nó và giúp cho cộng đồng ấy tiến bước trên con đường hướng tới Thiên Chúa, một con đường, theo đức tin, được vạch vẽ bởi Chúa Giêsu – chẳng những bởi Chúa Giêsu mà chính Chúa Giêsu là đường lối cho chúng ta.

 

Thế nhưng, cộng đồng được vị giám mục đích thân quan tâm ấy – dù lớn hay nhỏ – lại sống trong thế gian; tình trạng của nó, gương mẫu của nó và ngôn từ của nó chắc chắn ảnh hưởng tới toàn thể cộng đồng nhân loại. Nó càng lớn thì tình trạng tốt lành hay suy thoái khả dĩ của nó càng gây âm vang cho toàn thể nhân loại. Ngày nay, chúng ta thấy rất rõ ràng về cách thức mà những điều kiện của các tôn giáo cũng như về cách thức mà tình hình của Giáo Hội – những khủng hoảng của Giáo Hội và những canh tân của Giáo Hội – ảnh hưởng tới toàn thể nhân  loại ra sao. Thế nên, vị Giáo Hoàng, chính vì là mục tử của cộng đồng của mình, càng ngày càng trở thành một tiếng nói cho lý trí nhân  loại về đạo lý.

 

“Lý trí là gì? Làm thế nào một chủ trương – nhất là một tiêu chuẩn về luân lý – lại cho thấy là ‘có lý’?”

 

Tuy nhiên, đến đây liền xuất hiện một phản kháng, một phản kháng cho rằng Giáo Hoàng không thực sự nói theo căn cứ lý trí đạo lý mà nêu lên những phán đoán theo đức tin mà thôi, và vì thế ngài không thể cho rằng chúng có giá trị đối với những ai không có cùng một niềm tin ấy. Chúng ta cần phải trở lại với vấn đề này sau, vì ở đây câu hỏi cốt yếu trên hết được đặt ra đó là: Lý trí là gì? Làm thế nào một chủ trương – nhất là một tiêu chuẩn về luân lý – lại cho thấy là “có lý”?

 

Ở đây, tôi chỉ xin vắn tắt ghi nhận là John Rawls, mặc dù đối với toàn bộ những tín điều về đạo giáo chối bỏ tính chất của thứ lý trí “công khai”, nhưng ít là lại thấy nơi lý trí “không công khai” của những tín điều ấy một thứ lý trí không thể, vì một thứ hữu lý nặng trần tục, bị dễ dàng coi thường bởi những ai bênh vực nó.

 

Ông ta thấy được, ngoài những điều khác, một tiêu chuẩn cho tính cách hữu lý này ở chỗ, những tín điều tương tự xuất phát từ một truyền thống hữu trách và vững chắc, một truyền thống mà, qua một thời gian dài, đã phát triển được một lập luận tốt đẹp đủ để củng cố cho tín điều tương ứng. Điều tôi cảm thấy quan trọng nơi việc xác nhận này đó là việc nhìn nhận rằng kinh nghiệm và việc bày tỏ qua các thế hệ, tức bối cảnh lịch sử của sự khôn ngoan loài người, cũng là một dấu hiệu cho thấy tính cách hữu lý của nó và tầm quan trọng bền bỉ của nó.  Trước một thứ lý trí có tính cách lịch sử đang cố gắng tự hình thành nơi tính cách hữu lý về lịch sử, thì sự khôn ngoan của nhân loại như thế – một sự khôn ngoan của những đại truyền thống tôn giáo – cần phải được trân trọng như là một thực tại không thể nào bị quẳng một cách vô trách phạt vào thùng rác của lịch sử tư tưởng.

 

Chúng ta hãy trở lại với câu hỏi đầu tiên. Vị Giáo Hoàng nói như là một đại diện của một cộng đồng tín hữu, một cộng đồng qua các thế kỷ sinh tồn, đã chín mùi một thứ khôn ngoan quyết liệt về đời sống; ngài nói với tư cách là vị đại diện của một cộng đồng chất chứa một kho tàng kiến thức và kinh nghiệm về đạo lý đang trở thành những gì quan trọng đối với toàn thể nhân loại: như thế là ngài nói như là một đại diện cho lý trí đạo lý vậy.

 

 

“Đại học đường là gì? Đâu là công việc làm của nó?” – “Nơi lãnh giới của đức tin Kitô giáo, nơi thế giới Kitô giáo, đại học đường mới có thể – hay đúng hơn cần phải – được phát sinh”.

 

Thế nhưng, giờ đây chúng ta cần phải tự hỏi rằng: Vậy đại học đường là gì? Đâu là công việc làm của nó? Đây là một câu hỏi to tướng mà, một lần nữa, tôi cố gắng giải đáp một cách vắn tắt nhất mà thôi, với một số nhận định. Tôi nghĩ rằng nguồn gốc chân thực nội tại của đại học đường có thể nói ở nơi ước muốn hiểu biết là những gì bẩm sinh đối với con người. Họ muốn biết những gì chung quanh họ. Họ muốn sự thật. Như thế, chúng ta có thể thấy rằng việc tự vấn của Socrates là động lực phát sinh ra đại học đường Tây phương vậy.

 

Tôi nghĩ đến, chẳng hạn – chỉ cần đề cập tới một bản văn thôi – cuộc tranh cãi với Euthyphro, người bênh vực tôn giáo có tính cách huyền thoại và việc đạo đức của mình trước Socrates. Ngược lại, Socrates đã đặt vấn đề như thế này: “Anh có thực sự tin rằng các vị thần linh đánh đấm nhau hay chăng, và có những cuộc cãi lộn cùng những cuộc chiến tranh kinh khủng hay chăng?... Hỡi Euthyphro, phải chăng chúng ta thực sự cần phải nói rằng tất cả những điều ấy có thật?” ("Euthyphro," 6b-c). Nơi cái vấn nạn hiển nhiên là vô tín ngưỡng này – một vấn nạn nơi Socrates xuất phát ra một thứ tính cách tôn giáo sâu xa hơn và tinh tuyền hơn, một việc tìm kiếm Vị Thiên Chúa thực sự là thần linh – Kitô hữu thuộc các thế kỷ đầu tiên  đã nhận ra chính bản thân mình và đường lối của mình. Họ không hiểu đức tin của họ một cách thực chứng, hay như là một thứ thoát lý khỏi những ước vọng bất thành tựu; họ đã hiểu đức tin như là một thứ làm tan biến đi sương mù của thứ đạo giáo có tính cách huyền thoại hoang đường,  để nhường chỗ cho việc khám phá thấy một Vị Thiên Chúa là Lý Trí sáng tạo và đồng thời là Tình Yêu – Lý Trí.

 

Vì thế, việc lý trí tự vấn về Vị Thiên  Chúa cao cả hơn, như việc nó vấn nạn về bản tính chân thực cùng ý nghĩa thật sự của con người, không phải là một hình thức mơ hồ về việc thiếu tính chất đạo giáo đối với các Kitô hữu thời sơ khai ấy, mà thuộc về yếu tính của cách thức họ sống đạo. Bởi vậy họ không cần tống khứ hay gạt đi việc tự vấn kiểu Socrate, mà có thể – hay đúng hơn cần phải – chấp nhận nó như thuộc về căn tính riêng của họ việc tìm kiếm khó khăn của lý trí để đạt tới sự hiểu biết được tất cả chân lý. Như thế, nơi lãnh giới của đức tin Kitô giáo, nơi thế giới Kitô giáo, đại học đường mới có thể – hay đúng hơn cần phải – được phát sinh.

 

 

“Sự thật làm cho chúng ta thiện hảo và sự thiện hảo là những gì chân thực: Đó là tính cách lạc quan sống động nơi niềm tin Kitô giáo” – “đại học đường thời trung cổ với 4 phân khoa”

 

Cần phải thực hiện thêm một bước nữa. Con người muốn biết sự thật – họ muốn sự thật. Sự thật trước hết là một cái gì thấy được, hiểu được, “theoria” được, như truyền thống Hy Lạp quan niệm. Thế nhưng, sự thật không bao giờ chỉ là những gì lý thuyết. Thánh Âu Quốc Tinh, khi thực hiện việc tương quan giữa các phúc đức của Bài Giảng Trên Núi với những tặng ân của Thần Linh được đề cập trong Sách Tiên  Tri Isaia đoạn 11, đã khẳng định có một sự hỗ tương giữa “scientia” và “tristitia”: ngài nói, việc hiểu biết thuần túy làm cho con người ta buồn bã. Thật thế, những ai chỉ thấy và hiểu mọi sự đang xẩy ra trên thế giới này đều tiến đến chỗ trở thành buồn thảm. Thế nhưng, sự thật không phải chỉ có nghĩa là hiểu biết, ở chỗ, việc hiểu biết sự thật nhắm đến việc hiểu biết sự thiện. Đó cũng là ý nghĩa của việc tự vấn kiểu Socrate: Đâu là sự thiện làm cho chúng ta trở thành chân thực? Sự thật làm cho chúng ta thiện hảo và sự thiện hảo là những gì chân thực: Đó là tính cách lạc quan sống động nơi niềm tin Kitô giáo, vì nó chất chứa một quan niệm về Logos, về Lý Trí sáng tạo, nơi việc nhập thể của Thiên Chúa, một Lý Trí đã tỏ mình ra là Sự Thiện, là Đích Thân Thiện Hảo.

 

Vào thời thần học trung cổ đã xẩy ra một cuộc tranh cãi chính yếu về mối liên hệ giữa lý thuyết và thực hành, về mối liên hệ xác đáng giữa việc hiểu biết và việc tác hành – một cuộc tranh cãi chúng ta không thể khai triển nơi đây. Thật vậy, đại học đường thời trung cổ, với 4 phân khoa của nó, cho thấy mối tương quan này. Chúng ta hãy bắt đầu với phân khoa, theo sự hiểu biết vào thời bấy giờ, là phân khoa thứ tư, tức là y khoa. Cho dù nó được coi là một “nghệ thuật” hơn là một khoa học, nhưng, việc nó được đưa vào thế giới của các “universitas” hiển  nhiên cho thấy rằng nó được đặt vào môi trường của tính cách hữu lý, rằng nghệ thuật chữa trị ở dưới sự hướng dẫn của lý trí, và thoát khỏi môi trường pháp thuật. Việc chữa trị là một công việc càng cần đến lý trí giản dị hơn nữa, song chính vì thế mà nó mới cần đến mối liên hệ giữa việc hiểu biết và quyền lực, nó cần thuộc về lãnh giới của “ratio”.   

 

Nơi phân khoa luật học, vấn đề liên hệ giữa thực hành và lý thuyết, giữa việc hiểu biết và việc hành động, chắc chắn phải xẩy ra. Nó là một vấn đề của việc cống hiến hình thức đúng đắn cho tự do của con người, một thứ tự do bao giờ cũng là một thứ tự do của mối hiệp thông hỗ tương: Luật lệ là những gì giả định của tự do, chứ không phải là đối thủ của tự do. Đến đây nẩy lên  ngay một vấn đề là: Chúng ta làm thế nào nhận ra được những qui chuẩn của công lý giúp cho tự do có thể khả dĩ sống chung và phục vụ phúc hạnh của con người. Đến đây lại nẩy lên một vấn nạn nữa, đó là vấn đề làm thế nào có thể thiết lập được một thứ qui chuẩn về pháp lý kiến tạo nên một cấp trật của tự do, của phẩm giá con người và của các quyền lợi của con người. Nó là vấn đề liên quan tới chúng ta ngày nay nơi những tiến trình có tính cách dân  chủ trong việc hình thành ý nghĩ, đồng thời cũng khiến cho chúng ta lo âu như là một vấn đề về tương lai của nhân loại.

 

Theo quan niệm của tôi thì Jurgen Habermas bày tỏ một sự đồng thuận rộng lớn của luồng tư tưởng hiện nay, khi ông nói rằng tính cách hợp lý của một bản hiến chương pháp định, như một thứ giả định của hợp pháp tính, có thể xuất phát từ hai nguồn mạch: từ việc tham dự chính trị quân bình của tất cả mọi người công dân và từ hình thức hữu lý nhờ đó giải quyết được những xung khắc về chính trị. Về “hình thức hữu lý” này, ông ghi nhận rằng nó không thể chỉ là một cuộc đối chọi để chiếm được những gì là đa số theo toán học, mà nó cần phải có đặc tính của một “tiến trình luận chứng nhậy cảm với sự thật” ("wahrheitssensibles Argumentationsverfahren"). Điều n ày nói thì hay, song khó lòng để có thể biến thành một thứ thực hành về chính trị.

 

Thành phần đại diện cho “tiến trình luận chứng” chung ấy – như chúng ta biết – phần lớn là những đảng phái như thể họ có trách nhiệm hình thành ý muốn chính trị. Thật vậy, họ lúc nào cũng nhắm tới trước hết việc chiếm được những gì là đa số và do đó khó lòng mà tránh nổi việc bận tâm đến những lợi lộc được họ hứa hẹn làm thoả đáng; song những lợi lộc như thế thường là những gì riêng biệt và không thực sự phục vụ toàn thể. Tính cách nhậy cảm đối với sự thật cứ bị dập dụi đi bởi cảm thức về các thứ lợi lộc. Tôi thấy được tính cách quan trọng được Habemas nói đến  tính chất nhậy cảm đối với sự thật như là một yếu tố cần thiết cho tiến trình của việc luận chứng chính trị, nhờ đó đưa ý niệm về sự thật vào lại cuộc tranh luận về triết lý cũng như cuộc tranh cãi về chính trị. 

 

Thế nhưng vấn nạn của Philatô bởi vậy xuất hiện: Chân lý là gì? Làm sao nhận ra chân lý? Nếu nơi câu trả lời cho những vấn nạn này, người ta nói tới “lý trí chung”, như Rawls làm, thì một lần nữa vấn đề tiếp theo được đặt ra là: Đâu là những gì hợp lý? Làm thế nào lý trí cho thấy mình là lý trí đích thực? Dù sao đi nữa, theo đó vấn đề trở nên hiển nhiên là trong việc tìm kiếm luật lệ cho tự do, tìm kiếm sự thật của đời sống chung chân chính, thì cần phải lắng nghe cả những tiếng nói không phải của các đảng phái và của những nhóm quan tâm nữa, song không vì thế đối chọi với tầm quan trọng của những đảng phái và những nhóm quan tâm ấy. Chúng ta hãy trở về với cấu trúc của đại học đường thời trung cổ. 

 

“Chân lý là gì? Làm sao nhận ra chân lý? … Đâu là những gì hợp lý? Làm thế nào lý trí cho thấy mình là lý trí đích thực?” – “Phân khoa triết học và thần học”

 

Song song với phân khoa luật học là các phân khoa triết học và thần học, những phân khoa được trao phó cho việc nghiên  cứu về toàn diện hữu thể con người, theo đó, cả công việc giữ gìn cho cái cảm quan về sự thật được tồn tại. Thậm chí có thể nói rằng đó là ý nghĩa vĩnh viễn và đích thực của cả hai phân khoa này: đó là làm quản viên cảm thức về sự thật, không để cho con người bị cản trở việc tìm kiếm chân lý. Thế nhưng, làm sao hai phân khoa ấy có thể hoàn thành công việc này được đây? Đó là một câu hỏi cần phải bàn đi bàn lại chi tiết, và là một câu hỏi không bao giờ được v ĩnh viễn nêu lên hay giải quyết. Bởi thế, ở đây tôi cũng không thể thích hợp để đưa ra một câu trả lời, mà là một lời mời gọi hãy tiến bước trên con đường với vấn nạn ấy – một con đường mà dọc theo đó có những con người cao cả đã tranh đấu và tìm kiếm suốt giòng lịch sử, với những câu trả lời của họ cùng với niềm khắc khoải chân  lý của họ, một sự thật tiếp tục cho thấy vượt ra ngoài bất cứ một câu trả lời duy nhất nào.

 

Vì thế, thần học và triết học làm nên một cặp song sinh đặc biệt, không phân khoa nào có thể hoàn toàn tách khỏi nhau, song mỗi một phần  khoa vẫn phải bảo trì công việc thích đáng và căn tính thích đáng của mình. Đó là công nghiệp về lịch sử của Thánh Tôma Aquinas – so sánh với những đáp ứng khác nhau của các vị Giáo Phụ tùy theo môi trường lịch sử của các ngài – đã làm sáng tỏ tính cách biệt lập của triết học, và theo đó, cái quyền thích đáng và trách nhiệm của lý trí được tự vấn căn cứ vào khả năng của mình. Khác với những thứ triết lý Tân Plato là những triết lý tôn giáo và triết lý quyện lấy nhau bất khả phân ly, các vị Giáo Phụ đã trình bày đức tin Kitô giáo như là một thứ triết lý đích thực, cũng nhấn mạnh là đức tin này thích hợp với những nhu cầu khẩn trương của lý trí trong việc tìm kiếm sự thật;  đức tin là “đáp ứng” sự thật, so sánh với các tôn giáo huyền thoại là những gì đã trở thành thuần túy tục lệ.

 

Thế rồi, tuy nhiên, với việc xuất hiện  của đại học đường, những thứ tôn giáo ấy không còn tồn tại nơi Tây phương, mà chỉ còn duy Kitô giáo, bởi thế, cần phải nhấn mạnh một cách mới mẻ trách nhiệm thích đáng của lý trí, một thứ lý trí không bị đức tin nuốt mất. Thánh Tôma đã chứng tỏ việc làm của mình vào một thời điểm đặc biệt: Vì lần  đầu tiên toàn bộ các bản văn triết lý của Aristotle được phổ biến; các triết gia Do Thái và Ả Rập hiện diện như là những sở hữu và tiếp tục đặc biệt cho nền triết lý Hy Lạp. Nhờ đó, Kitô giáo, bằng việc đối thoại cách mới mẻ với lý trí của các tôn giáo khác, với những gì Kitô giáo giao tiếp với, đã phải đấu tranh cho cái hợp lý của mình. 

 

Phân khoa triết lý, một phân khoa, vốn được gọi là “phân khoa nghệ thuật”, cho đến bấy giờ mới chỉ làmột thứ propedeutic cho thần học, bấy giờ trở thành một phân khoa thực sự và thích đáng, một đồng bạn biệt lập của thần học và của đức tin nơi phản ứng ấy. Chúng ta không thể dừng lại nơi đây để thấu triệt cuôc chạm trán bởi đó mà ra. Tôi có thể nói rằng tư tưởng của Thánh Tôma về mối liên hệ giữa triết lý và thần học có thể được diễn tả theo công thức về Kitô học của Công Đồng Chalcedon thế này: triết lý và thần học cần phải liên hệ với nhau “mà không lẫn lộn cũng không tách biệt”. “Không lẫn lộn” nghĩa là cả hai vẫn bảo trì được căn tính thích đáng của mình. Triết lý cần phải thực sự tiếp tục công việc của lý trí theo tính cách tự do thích đáng của mình cũng như theo trách nhiệm thích đáng của nó; nó cần phải nhận thức được những giới hạn của mình, và chính theo chiều hướng ấy cũng nhìn nhận cả tính cách cao sang và bao rộng của nó. Thần học cần phải tiếp tục rút ra từ kho tàng của kiến thức không phải tự nó sáng chế, một kho tàng kiến thức luôn luôn vượt lên trên nó và, vì không bao giờ hoàn toàn triệt thấu được bằng việc suy tư, mà chính vì thế mới gợi ý để suy nghĩ.

 

Song song với việc “không lẫn lộn” cần phải hiệu lực hóa việc “không tách biệt”, ở chỗ, triết lý không bắt đầu lại từ số không nơi chủ thể suy tư riêng lẻ, mà là liên quan tới một cuộc đối thoại cả thể với sự khôn ngoan của lịch sử, một sự khôn ngoan tiếp tục vừa khôn ngoan vừa chân thành lãnh nhận và phát triển; thế nhưng nó cũng không được khép mình khỏi những gì các tôn giáo, đặc biệt là đức tin Kitô giáo, đã lãnh nhận và truyền lại cho nhân loại như là một dấu chỉ đường. Những gì khác nhau được các thần học gia nói trong giòng lịch sử và cũng là những gì được truyền đạt trong thực hành bởi các thẩm quyền của giáo hội, đã được lịch sử chứng tỏ là sai lầm và ngày nay những điều ấy làm cho chúng ta bối rối. Thế nhưng, đồng thời cũng đúng nữa, đó là lịch sử của các thánh nhân, lịch sử của chủ nghĩa nhân bản đã tăng trưởng trên nền tảng đức tin Kitô giáo, là những gì cho thấy sự thật của đức tin này nơi nguyên  tố thiết yếu của nó, nhờ đó, làm cho nó trở thành một thứ mô phạm cho lý trí quần chúng. Thật sự là nhiều điều thần học và đức tin nói chỉ có thể được chấp nhận trong đức tin và bởi đó nó không thể tỏ mình ra như là một thứ nhu cầu khẩn trương đối với những ai vẫn chưa thể chấp nhận đức tin ấy. Tuy nhiên, cũng xác đáng nữa khi sứ điệp của đức tin Kitô giáo lại không bao giờ chỉ là một “tín điều đạo giáo toàn diện” theo chiều hướng của Rawls, nhưng là một quyền lực thanh tẩy đối với chính lý trí, một quyền lực giúp cho lý trí trở thành lý trí hơn. Sứ điệp Kitô giáo, căn cứ vào nguồn gốc của mình, bao giờ cũng là một thứ phấn khích hướng tới chân lý và nhờ đó là một khả năng chống lại những áp đảo của quyền lực và những thứ lợi lộc.

 

 

“Ngày nay cái nguy hiểm của thế giới Tây phương đó là ở chỗ con người, chính ở vào lúc họ cho rằng kiến thức và quyền  năng của mình là cao cả, lại đầu hàng trước vấn đề về sự thật”.

 

Vậy là tôi mới đang nói về đại học đường thời trung cổ, dù sao cũng cố gắng để làm sáng tỏ cái bản chất vĩnh viễn của đại học đường cùng với công việc của nó. Trong những thời đại tân tiến, những chiều kích mới về kiến  thức đã được phát hiện, những chiều kích đã được coi trọng nơi đại học nhất là nơi hai lãnh vực lớn: trước hết nơi các khoa học tự nhiên, những ngành khoa học đã phát triển được phát triển theo mối liên kết giữa việc thí nghiệm và tính chất hữu lý giả định về vật chất; tiếp theo là nơi các khoa học về lịch sử và nhân  bản, những khoa học mà con người, khi cẩn thận xem xét tấm gương của lịch sử mình và làm sáng tỏ những khía cạnh về bản tính của mình, cố gắng hiểu biết về mình hơn nữa. Nơi việc phát triển ấy, mở ra trước nhân loại chẳng những cả một tầm mức mênh mông về kiến  thức và năng lực; mà còn tăng triển cả tầm hiểu biết và việc nhìn nhận các thứ quyền  lợi và phẩm vị của con người, làm chúng ta chỉ biết cảm tạ về điều này.

 

Thế nhưng, cuộc hành trình của con người không bao giờ tự cho mình là đã đi đến tận cùng, và mối nguy hiểm bị rơi vào những gì là phi nhân sẽ chẳng bao giờ dễ dàng thắng vượt nổi – như chúng ta thấy được nơi tất cả lịch sử hiện đại đây! Ngày nay cái nguy hiểm của thế giới Tây phương – xin chỉ nói theo bối cảnh này thôi – đó là ở chỗ con người, chính ở vào lúc họ cho rằng kiến thức và quyền  năng của mình là cao cả, lại đầu hàng trước vấn đề về sự thật. Như thế đồng thời cũng có nghĩa là lý trí, cuối cùng, phải cúi mình trước áp lực của các thứ lợi lộc cùng với cái mê hoặc của những gì là thực lợi, một lý trí phải bó buộc nhìn nhận áp lực ấy như là một qui chuẩn tối hậu. Áp dụng điều này vào quan điểm cấu trúc của đại học đường thì mối nguy hiểm là ở chỗ triết học, vì không còn cảm thấy mình có khả năng làm được công việc thực sự của mình nữa, đã bị suy thoái thành chủ nghĩa thực chứng; ở chỗ thần học, qua những gì nó nói với lý trí, đã bị giam hãm vào lãnh vực tư riêng của một nhóm lớn hay nhỏ. Tuy nhiên, nếu lý trí – khi chú ý tới cái tinh tuyền cần phải có của nó – trở thành điếc lác trước sứ điệp cao cả xuất phát từ đức tin Kitô giáo cũng như từ sự khôn ngoan của đức tin này, thì nó sẽ tàn úa đi như một thứ cây mà rễ của nó không còn vươn tới những giòng nước cung cấp cho nó sự sống nữa. Nó sẽ mất đi lòng can đảm đối với sự thật và vì thế nó sẽ không trở nên cao cả hơn mà là thấp hèn hơn. Áp dụng vào nền  văn hóa Âu Châu của chúng ta thì điều này có nghĩa là: Nếu châu lục này chỉ muốn kiến tạo mình trên nền tảng của lãnh vực lập luận riêng của mình và là những lập luận thu phục nó vào lúc này đây – khi tỏ ra lo toan về tính cách trần thế của nó – thì nó sẽ bị bật những gốc rễ làm cho nó sống còn; thế rồi nó sẽ không trở nên hữu lý hơn và tinh tuyền  hơn, mà là đổ bể và tan rã.

 

Theo đó, tôi trở về với điểm  khởi đầu. Giáo Hoàng cần phải làm hay phải nói những gì với đại học đường đây? Chắc chắn là ngài không được áp đặt đức tin trên kẻ khác theo thẩm quyền, vì đức tin chỉ có thể được ban tặng cách tự do mà thôi. Không kể đến vai trò là Mục Tử của Giáo Hội, và căn cứ vào bản chất nội tại của vai trò mục vụ này, ngài có nhiệm vụ phải gìn giữ cho cái cảm quan trước sự thật được tồn tại, phải tiếp tục kêu gọi lý trí tìm kiếm vị Thiên Chúa chân thực, thiện hảo, và theo đó, thôi thúc lý trí trong việc làm thoáng hiện lên những luồng ánh sáng hữu ích đang soi chiếu nơi lịch sử của đức tin Kitô giáo, nhờ đó, thấy được Chúa Giêsu Kitô là Ánh Sáng chiếu soi lịch sử và giúp chúng ta tìm thấy con đường cho tương lai.

 

Tại Vatican ngày 17/1/2008

 

Biển Đức XVI 

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu của Tòa Thánh Vatican

http://www.vatican.va/holy_father/benedict_xvi/speeches/2008/january/documents/hf_ben-xvi_spe_20080117_la-sapienza_en.html

(những tiểu đề do người dịch tự phân định)

 

Mục lục

SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC THÁNH CHA BÊNÊĐICTÔ XVI

NHÂN NGÀY THẾ GIỚI CẦU NGUYỆN CHO ƠN GỌI LẦN THỨ 45

 

 

 13 THÁNG TƯ 2008 - CHÚA NHẬT IV PHỤC SINH

 

 Chủ đề: “Ơn gọi phục vụ Giáo Hội trong việc truyền giáo”

 

 Anh chị em thân mến,

 

 1. Tôi đã chọn chủ đề: Ơn gọi phục vụ Giáo Hội trong việc truyền giáo cho Ngày Thế Giới cầu nguyện cho Ơn Gọi, được cử hành vào ngày 13 tháng Tư 2008. Chúa Giêsu Phục Sinh đã truyền lệnh cho các Tông Đồ: “Vậy các con hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Cha, và Con và Thánh Thần” (Mt 28, 19). Và Người hứa với các ông: “Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 29, 20). Giáo Hội là truyền giáo trong toàn thể cũng như trong mỗi phần tử của mình. Nếu qua bí tích Thánh Tẩy và Thêm Sức, mỗi Kitô hữu được kêu gọi làm chứng và loan báo Tin Mừng thì sứ mệnh truyền giáo càng gắn kết một cách đặc biệt và thâm sâu hơn với ơn gọi linh mục. Trong giao ước với Israel, Thiên Chúa đã ủy thác sứ mệnh làm tiên tri và tư tế cho một số người được Chúa kêu gọi và sai đến với đoàn dân nhân danh Người. Chẳng hạn, Người đã làm như thế với Môisê: “Bây giờ, ngươi hãy đi- Chúa nói với ông- Ta sai ngươi đến với Pha-ra-ô để đưa dân Ta…ra khỏi Ai Cập…khi ngươi đưa dân ra khỏi Ai Cập, các ngươi sẽ thờ phượng Thiên Chúa trên núi này” (Xh 3, 10. 12). Chúa cũng làm như vậy với các tiên tri.

 

2. Những lời Chúa hứa với cha ông chúng ta đã được thực hiện trọn vẹn trong Chúa Giêsu Kitô. Về vấn đề này, Công Đồng Vaticanô II tuyên bố: “Vì thế, Chúa Con được phái đến do Chúa Cha, Đấng đã tuyển chọn chúng ta nơi Người và tiền định cho chúng ta làm dưỡng tử…Để chu toàn thánh ý Chúa Cha, Chúa Kitô đã khai nguyên nước trời nơi trần gian và mặc khải cho chúng ta mầu nhiệm nước ấy, và thực hiện việc cứu thế bằng sự vâng phục Chúa Cha” (Lumen Gentium, 3). Khi rao giảng tại Galilê trong đời sống công khai, Chúa Giêsu đã chọn các môn đệ làm những cộng sự viên thân tín cho sứ vụ cứu thế của Người. Thí dụ, trong dịp hoá bánh ra nhiều, Người nói với các Tông Đồ: “Chính các con cho họ ăn đi” (Mt 14, 16) để khích lệ các ông đảm nhận nhu cầu của đám đông mà Người muốn ban lương thực, đồng thời cũng để mặc khải thứ lương thực “thường tồn đem lại phúc trường sinh” (Ga 6, 27). Chúa chạnh lòng thương dân chúng, vì khi rảo qua các thành thị và làng mạc, Người gặp thấy những đám đông kiệt quệ, không nơi nương tựa, như bầy chiên không người chăn dắt (x. Mt 9, 36). Từ cái nhìn yêu thương ấy xuất phát lời Chúa mời gọi các môn đệ: “Vậy các con hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về” (Mt 9, 38), và Người đã sai nhóm Mười Hai  trước tiên đến “với các chiên lạc nhà Israel” với những lời dặn dò kĩ lưỡng. Nếu dừng lại để suy niệm về đoạn văn Tin Mừng Mat-thêu này, thường được gọi là “diễn từ truyền giáo”, chúng ta có thể ghi nhận các khía cạnh nói lên hoạt động truyền giáo của một cộng đoàn Kitô: luôn tha thiết trung thành với gương sáng và giáo huấn của Chúa Giêsu. Đáp lại tiếng Chúa gọi nghĩa là phải đương đầu với mọi gian nguy, kể cả bách hại với sự khôn ngoan và lòng đơn sơ, bởi vì “môn đệ không hơn thầy, đầy tớ không hơn chủ” (Mt 10, 24). Được nên một với Thầy mình, các môn đệ không còn đơn độc trong khi loan báo Nước Trời, vì chính Chúa Giêsu họat động trong họ: “Ai đón tiếp các con là đón tiếp Thầy, và ai đón tiếp Thầy là đón tiếp Đấng đã sai Thầy” (Mt 10, 40). Hơn nữa, với tư cách là những chứng nhân đích thực, “được quyền năng từ trời cao ban xuống” (Lc 24, 49), họ rao giảng cho muôn dân “sự thống hối và ơn tha tội” (Lc 24, 49).

 

3. Bởi được chính Chúa sai đi nên nhóm Mười Hai được gọi là “Tông Đồ”, được gửi đi đến mọi nẻo đường của thế giới để loan báo Tin Mừng với tư cách là những chứng nhân về sự chết và sống lại của Chúa Kitô. Thánh Phaolô viết cho  các Kitô hữu thành Côrintô: “Chúng tôi – các Tông Đồ – rao giảng Chúa Kitô chịu đóng đinh” (1 Cr 1, 23). Sách Công Vụ Tông Đồ cũng dành một vai trò quan trọng trong việc loan báo Tin Mừng cho các môn đệ khác, mà ơn gọi truyền giáo của họ xuất phát từ những hoàn cảnh được Chúa Quan Phòng dự liệu, đôi khi rất đau khổ, như bị trục xuất khỏi quê hương vì tin theo Chúa Giêsu (x. 8, 1- 4). Chúa Thánh Thần biến thử thách ấy thành một cơ hội hồng phúc, Người dùng nó để rao giảng danh Chúa cho các dân tộc khác, và như vậy cộng đồng Kitô hữu được lan rộng. Như Luca viết trong Công Vụ Tông Đồ, những người nam nữ ấy “đã cống hiến cuộc đời vì danh Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta” (15, 26). Người đầu tiên trong số đó chắc chắn là Phaolô thành Tarsô được chính Chúa kêu gọi để trở thành một Tông Đồ thực sự. Tiểu sử của Phaolô, nhà truyền giáo vĩ đại nhất trong mọi thời đại làm nổi bật mối liên hệ dưới nhiều khía cạnh giữa ơn gọi và sứ mệnh truyền giáo. Bị những kẻ chống đối cáo buộc là không đủ thẩm quyền tông đồ, ngài thường viện dẫn chính ơn gọi mà ngài đã đón nhận trực tiếp từ Chúa (x. Rm 1, 1; Gl 1, 11- 12 và 15- 17).

 

4. Ngay từ đầu cũng như về sau, yếu tố “thôi thúc” các Tông Đồ (x. 2 Cr 5, 14) vẫn luôn là “lòng yêu mến Chúa Kitô”. Biết bao nhà truyền giáo, trải qua các thế kỉ đã tiếp nối bước chân của các môn đệ đầu tiên, trong vai trò là những tôi tớ trung thành, ngoan ngoãn vâng theo hoạt động của Chúa Thánh Thần. Công Đồng Vaticanô II ghi nhận: “Dù mọi môn đệ Chúa Kitô đều có bổn phận góp phần vào công cuộc gieo trồng đức tin, nhưng Chúa Kitô luôn gọi, trong số các môn đệ của Người, những kẻ chính Người muốn, để họ ở với Người và để Người sai đi giảng dạy muôn dân [x. Mc 3, 13- 15] ” (Ad Gentes, 23). Thật vậy, lòng yêu mến Chúa Kitô phải được thông truyền cho các anh chị em chúng ta qua gương sáng và lời nói, bằng trọn cuộc sống. Vị tiền nhiệm đáng kính của tôi, Đức Gioan Phaolô II đã viết: “Ơn gọi đặc thù của những nhà truyền giáo ‘trọn đời’ vẫn giữ nguyên giá trị của nó: là mẫu mực cho sự dấn thân truyền giáo của Giáo Hội, vẫn luôn cần đến những hi sinh toàn vẹn và triệt để, cần những động lực mới và quả cảm ” (Tđ. Redemptoris Missio, 66).

 

5. Trong số những người toàn hiến để phục vụ Tin Mừng có các linh mục, được kêu gọi để giảng dạy Lời Chúa, cử hành các Bí tích, nhất là Bí tích Thánh Thể và Hoà Giải, các ngài cũng dấn thân giúp đỡ những người phận nhỏ, các bệnh nhân, người đau khổ, người nghèo, và những người đang gặp những khó khăn thử thách tại nhiều nơi trên thế giới, nơi mà đôi khi có nhiều người vẫn còn chưa được thật sự gặp gỡ Chúa Giêsu Kitô. Các nhà truyền giáo rao giảng lần đầu tiên cho họ về tình yêu cứu chuộc của Chúa Kitô. Các thống kê cho thấy con số những người được rửa tội gia tăng hằng năm nhờ hoạt động mục vụ của các linh mục ấy, là những người hi sinh trọn vẹn cho phần rỗi của các anh chị em mình. Trong bối cảnh này, chúng ta đặc biệt cảm ơn “các linh mục fidei donum (hồng ân đức tin) đang tận tụy và quảng đại xây dựng cộng đoàn bằng việc rao giảng Lời Chúa và bẻ Bánh Sự Sống, bằng việc cống hiến mọi khả năng để phục vụ công cuộc truyền giáo của Giáo Hội. Chúng ta hãy cảm tạ Chúa vì các linh mục đã chịu đau khổ đến độ phải hi sinh mạng sống để phục vụ Chúa Kitô…Những chứng tá sống động của họ có thể thôi thúc nhiều người trẻ bước theo Chúa Kitô và hiến thân cho tha nhân, nhờ đó mà tìm được sự sống đích thực” (Tông thư Sacramentatum Caritatis, 26). Vì vậy, qua các linh mục của Người, Chúa Giêsu hiện diện giữa con người ngày nay, cả đến những miền xa xôi hẻo lánh nhất.

 

6. Trong Giáo Hội vẫn luôn có nhiều người nam nữ, được Chúa Thánh Thần thúc đẩy, đã quyết tâm sống Tin Mừng một cách triệt để, tuyên hứa các lời khấn khiết tịnh, thanh bần và vâng phục. Đoàn ngũ các tu sĩ nam nữ ấy, thuộc về rất nhiều Dòng tu chiêm niệm và hoạt động, vẫn còn giữ “vai trò chủ yếu trong việc rao giảng Tin Mừng cho thế giới” (Ad Gentes, 40). Nhờ cầu nguyện chung và liên lỉ, các tu sĩ chiêm niệm không ngừng cầu thay nguyện giúp cho toàn thể nhân loại. Còn các tu sĩ hoạt động, nhờ hoạt động bác ái đa dạng, đem đến cho mọi người chứng tá sống động về tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa. Vị tôi tớ Chúa là Đức Phaolô VI khi đề cập đến các vị tông đồ ấy của thời đại chúng ta, đã nói: “Nhờ ơn thánh hiến, họ sống cao thựơng và sẵn sàng từ bỏ mọi sự để ra đi rao giảng Tin Mừng, dẫu là đi đến tận cùng trái đất. Họ biết tháo vát, hoạt động tông đồ của họ thường mang tính sáng tạo, do bởi là người có tài, họ  khiến nhiều người nể phục. Họ quảng đại: họ thường ở tại những tuyến đầu của công cuộc truyền giáo và chấp nhận những rủi ro nguy hiểm nhất cho sức khoẻ và cả sinh mạng của mình. Giáo Hội đúng là phải mang ơn họ rất nhiều” (Tông huấn Evangelii Nuntiandi, 69).

 

7. Hơn nữa, để Giáo Hội có thể tiếp tục thi hành sứ mệnh Chúa Kitô uỷ thác và không thiếu những người rao giảng Tin mừng mà thế giới đang hết sức cần đến, các cộng đoàn Kitô phải không ngừng giáo dục đức tin cho cả trẻ em và người lớn. Cần phải duy trì nơi người tín hữu một cảm thức dấn thân trong trách nhiệm truyền giáo và liên đới tích cực với các dân tộc trên thế giới. Hồng ân đức tin mời gọi mọi Kitô hữu cộng tác vào công cuộc rao giảng Tin Mừng. Phải nuôi dưỡng ý thức này bằng việc giảng thuyết và huấn giáo, bằng phụng vụ và thường huấn trong cầu nguyện. Ý thức ấy phải tăng trưởng qua việc thực thi đón tiếp người khác với tinh thần bác ái và đồng hành thiêng liêng, qua suy tư và phân định, cũng như qua một chương trình mục vụ không được thiếu việc quan tâm đào tạo ơn gọi.

 

8. Ơn gọi làm linh mục thừa tác và sống đời thánh hiến chỉ có thể triển nở trong một thửa đất được vun trồng kĩ lưỡng về mặt thiêng liêng. Các cộng đoàn Kitô hữu sống sâu sắc chiều kích truyền giáo trong mầu nhiệm Giáo Hội sẽ không bao giờ co cụm vào mình. Sứ mệnh truyền giáo, như chứng tá về tình yêu của Thiên Chúa, đặc biệt trở nên hữu hiệu khi được chia sẻ trong một cộng đoàn, “để cho thế gian tin” (x. Ga 17, 21). Hằng ngày Giáo Hội cầu xin Chúa Thánh Thần ban nhiều ơn gọi. Như thuở ban đầu, cộng đoàn Giáo Hội quy tụ quanh Đức Trinh Nữ Maria, Nữ Vương các thánh Tông Đồ, để học hỏi nơi Mẹ cách thức cầu xin Chúa ban thêm nhiều tông đồ mới, biết sống trọn niềm tin và tình yêu mà sứ mệnh truyền giáo đòi hỏi.

 

9. Trong khi gửi những suy tư này đến tất cả các cộng đoàn Giáo Hội để họ đón nhận làm của họ hầu có thể rút ra những gợi ý để cầu nguyện, và để  khích lệ những người đang dấn thân phục vụ ơn gọi với lòng tin tưởng và quảng đại, tôi hết lòng gửi đến các nhà giáo dục, các giáo lí viên và mọi người, đặc biệt các bạn trẻ đang dấn thân trên hành trình ơn gọi, Phép Lành Tông Toà của tôi.

 

 Vatican ngày 3 tháng Mười Hai 2007

 

 BENEDICTUS PP. XVI

 

 Lm. Giuse Ngô Quang Trung dịch

 

Mục lục



 

LỄ AN TÁNG CHA CỐ ANTÔN TRẦN VĂN BẬT TẠI NHÀ THỜ NAM THÁI

 

SAIGÒN -- Lúc 8giờ 30 sáng 1.3.08 thánh lễ đồng tế an táng cha cố Antôn Trần văn Bật đã được cử hành rất trọng thể trong nhà thờ xứ Nam Thái, Ngã Ba Ong Tạ,Chí Hòa,Saigon. Nhà thờ Nam Thái chật chội, lại gần đường đông xe qua lại.


Những vòng hoa kính viếng để đầy từ đường cái vào tới cửa nhà thờ. Phát cho mỗi nguời một cành hoa phong lan. Trong nhà thờ chỉ dành cho gần 200 linh mục đồng tế,các tu sĩ nam nữ và một số thân tộc huyết tộc và linh tông.Giáo dân Nam Thái phải hy sinh ở ngòai và lo tổ chức,tiếp đón vàlàm trật tự… Các nghĩa tử cha cố phân công phụ trách:Đức cha Giuse Trần xuân Tiếu, giám mục Long Xuyên, chủ tế vì vừa là nghĩa tử vừa là đồng hương Phú Ốc. Có các Đức cha dồng tế:Đức cha Vũ duy Thống,Đức cha Hòang Đức Oanh,GM Kontum,là học trò CV Piô XII,Đức cha Nguyễn tích Đức,nguyên GM Ban mê Thuột,học trò CV Piô XII. Cha Vũ minh Nghiệp đại diện Giám Mục về giáo sĩ…Cha JB Trần Thanh Cao,cha sở Đồng Tiến Q,10 vừa là nghĩa tử vừa là đồng hương Phú Oc phụ trách tổ chức tổng quát.Cha Thủ,LM quản xứ Hàng Xanh,người con xứ Nam Thái,phụ tá tổ chức.Cha Trần văn Thụy vừa là nghĩa tử vừa đồng hương thân tộc Mỹ Lộc phụ trách các linh mục đồng tế.Cha JB Nguyền an KhangLM quản xứ Kađô Đơn Dương giới thiệu tiểu sử tóm tắt cha Cố:


Cố linh mục Antôn Trần văn Bật sinh ngày 19.2.1920 tại họ Mỹ Lộc,xứ Phú Oc,Nam Định,thuộc giáo phận Hanội(nghĩa tử cha già cố Trần hữu Quảng chính xứ Phú Oc cùng với cha Đỗ đạt Khóat).Vào trường thử: 1930-1934.Vào tiểu chủng viện Hòang Nguyên 1934-1941.Vào Đại chủng Viện Hànội(Xuân Bích)1941-1950.Thụ phong linh mục 23.12.1950(do Đức cha Giuse Trịnh như Khuê truyền chức,Giám mục VN tiên khởi của giáo phận Hànội,sau Đức cha Thịnh MEP:Gồm cha Bật,cha Lã thanh Lịch,cha Trần văn Mai,cha Đặng văn Doanh,cha Tỵ trong lúc thủ đô Hanoi lọan lạc,hầu như không có thân nhân tham dự)

 

Phó giám đốc Tiểu chủng viện Hòang Nguyên 1950-1953.Giáo sư Latinh của chủng viện Piô XII Quần Ngựa Hànội và Ngã Sáu chợ Lớn 1953-1965.


Tuyên úy trường sư huynh Lasan Tabert Saigon 1965-1967.Đại diện các linh mục gốcHànội tại miền Nam 1968(Năm Đc Nguyễn huy Mai đi làm Giám Mục Ban mê Thuột).Chính xứ Nam Thái,hạt Chí Hòa 1967-2001.Nghỉ hưu tại giáo xứ Nam Thái 2001-2008 (ở trên thượng tầng sát mái để cha Bùi văn Phổ làm quản xứ Nam Thái tiện bề phụng dưỡng và tòan quyền đìều hành giáo xứ thỏai mái,Ngài chỉ lo kinh sách và đánh vi tính chữ to sách lễ Roma cho mình và các cha già khác kém mắt dễ đọc).


An nghỉ trong Chúa ngày 25.2.08.Hưởng thọ 88 tuổi đời 58 tuổi Linh Mục.RIP

 

Cha NguyễnThực nghĩa tử gốc Nam Thái đọc các diện văn chia buồn của Đức Tổng Hànội Ngô quang Kiệt va Hồng Y Phạm đình Tụng và Giám Mục Lê Đắc Trọng,của Đc Fx Nguyễn văn Sang,Thái Bình.Đc Châu ngọc Tri,Đà Nẵng cùng Đc Nguyễn quang Sách vàĐc Nguyễn bình Tĩnh,của Đc Phaolo Nguyễn văn Hòa cựu chủ tịch HĐGMVN và Đc Võ Đúc Minh, Nha Trang,của Đc Bùi văn Đọc, Mỹ Tho…Đức Hồng Y Phạm minh Mẫn đã đích thân tới viếng xác chiều hôm trước…


Ca đòan Nam Thái hát lễ rất trầm hùng sốt sắng…


Đúc cha Giuse Trần xuân Tiếu giảng lễ chia sẻ tâm tình biết ơn cha già vừa là nghĩa phụ qúy mến vừa là bậc thầy tôn kính,tuy nghiêm khắc nhưng đào tạo nhiều thế hệ học sinh nên người,nhất là rất phù hợp với thư chung của HĐGMVN năm 2007 về Giáo dục kitô giáo hôm nay cho tương lai của Giáo Hội và xã hội ngày mai, mà vai trò của người Thày là quan trọng.Ngài xóay vào trọng tâm chủ điểm này rất tuyệt vời và tâm đắc….


Sau lễ Cha Bùi văn Phổ nghĩa tử và linh mục quản xứ Nam Thái đương nhiệm nói lên lời tri ân đối với các Đức cha, các cha Tổng Đại diện,các cha quản hạt,các linh mụcđồng tế,các tu sĩ nam nữ,bà con thân bằng quyến thuộc linh tông và hujyết tộc,các cựu hoc sinh và tòan thể giáo dân Nam Thái…


10g30 nghi lễ tiễn biệt cảm động và di quan về nghĩa trang Khiết Tâm Thủ Đức để an nghỉ ngàn thu và đợi chờ ngày sống lại.


Gần trưa nên chỉ sợ kẹt xe,ban trật tự giáo xứ Nam Thái điều phối rất trật tự và khoa học nên đòan xe rất dài đủ cho mọi người muốn tiễn đưa cha già cố tới nơi Đất Thánh ở ngọai thành…

Phú Mỹ

Mục lục

TIM HIỂU –SỐNG ĐẠO

CON SỐ MỘT

Có những thứ trên đời mình chỉ có thể có một.  Trăm ngàn triệu triệu số một chỉ tạo nên có một cuộc đời...

Chỉ có một người mẹ, một người ông, một người bà... để mà yêu thương.  Chỉ có một trái tim, một cái đầu, một bộ óc... để mà suy nghĩ, mà chứa đựng cuộc sống cả trăm điều vạn điều vào đó.  Chỉ có một lần đầu tiên chui ra từ bụng mẹ để bắt đầu một cuộc thăng trầm.  Chỉ có một lần được nghỉ ngơi một cách êm đềm nhất, bỏ hết những âu lo và cả những yêu thương lại phía sau.

Có những thứ trên đời tưởng chừng rất nhiều nhưng xét cho cùng cũng chỉ có một.  Thời gian là vô tận nhưng mỗi khoảnh khắc chỉ trôi qua một lần.  Chỉ có một ngày sinh nhật tuổi 15, một ngày sinh nhật tuổi 20...  Chỉ có một lần bước chân vào trường tiểu học, một lần đầu tiên gặp một ai đó, một lần sau cùng chia tay ai đó...  Dù là sau này có thể gặp rất nhiều lần đầu tiên nữa nhưng đã là với người khác mất rồi.

Có những thứ trên đời rất nhiều, nhưng chỉ có thể chọn một.  Người ta thường chọn món ăn xong rồi lại thèm món của người bên cạnh, vì một lần chỉ nên ăn một bữa ăn.  Dạ dày con người thường hẹp.  Trái tim con người vốn cũng rất hẹp, chỉ có thể chứa được một người.

Hoàng tử Bé [1] chỉ có một.  Trăm năm ngàn năm sẽ không bao giờ có một hoàng tử bé thứ hai.  Hoa hồng của hoàng tử cũng chỉ có một.  Dù trên thế gian có triệu triệu khu vườn, mỗi khu vườn có trăm ngàn đóa hồng giống hệt nhau, cuối cùng cũng chỉ có một đóa hồng cậu đã chăm sóc, đã yêu thương, đã giận hờn...

Thế gian thì vô cùng.  Ước mơ thì vô tận.  Hoàng tử bé đi chu du khắp các thiên hạ cuối cùng vẫn đau đáu nhớ về cái hành tinh bé nhỏ của mình.

Số một cũng có nghĩa là nhất.  Có cái nhất vì có nhiều.  Có cái nhất vì không thể đồng đều.  Mặc dù không phải lúc nào cũng dễ quyết định cái nào là nhất.  Có những cái nhất chỉ có trong một khoảnh khắc, bước sang khoảnh khắc khác đã phải nhường ngôi.  Vị trí cao nhất thường là vị trí bấp bênh nhất.

Bạn yêu thương điều gì nhất trong đời?

Cái làm cho tôi tò mò nhất từ bé đến giờ là lý thuyết về lỗ đen vũ trụ.  Cái gì phía sau đó?  Không ai biết.  Đã rơi vào đó, không thứ gì, kể cả ánh sáng, có thể thoát ra.

Giả sử, chỉ là giả sử thôi, có ai đó đoan chắc với bạn, rơi vào lỗ đen vũ trụ bạn sẽ không chết mà trở nên hạnh phúc nhất đời, cảm thấy được những niềm vui trên đời này không có, sống được một cuộc sống khác mà mỗi khoảnh khắc cũng đáng giá cả một cuộc đời. Chỉ có điều là vĩnh viễn không thể quay lại được.  Bạn có bước vào đó không?

99,99% sẽ trả lời là không.  Tôi cũng vậy, tôi trả lời không.  Mặc dù cuộc sống bây giờ chỉ tạm bình thường.

Giả sử ngược lại, bạn rơi vào đó người bạn yêu thương nhất sẽ được hưởng cuộc sống thần tiên ấy, niềm hạnh phúc bất tận ấy, bạn có bước vào không?

Tôi gật đầu.  Nhưng rồi tôi phải suy nghĩ xem chọn ai để làm người được hưởng hạnh phúc ấy.

Thật khó.  Hóa ra bạn không thể mang cả cuộc sống mà trao hết cho một người.

Số một là duy nhất, là độc đoán, là bướng bỉnh, là cố chấp.

Mọi thứ bắt đầu ở nó.  Nhưng không thể mãi là nó.

Có khi phải là nó. Có khi tự hỏi vì sao phải là nó.

Cuộc đời chứa đầy những số một.

Trăm ngàn triệu triệu số một chỉ tạo nên có một cuộc đời…...

Sưu tầm

 

Lạy Chúa Giêsu, con chỉ có một lần để sống, và cách sống của một lần duy nhất đó sẽ quyết định số phận đời đời của con, là hạnh phúc vĩnh cửu hay nghìn đời tiếc nuối ăn năn.  Cơ hội chỉ đến một lần, dù cuộc đời có nhơ nhuốc hoen ố, xin cho con được một lần biết ăn năn sám hối trở về cùng Chúa vì biết có ngày mai để tạ tội xin ơn thứ tha?  Biết ngày mai trái tim chai đá này có còn xúc động trước những lỗi tội của mình.  Xin cho con biết trân qúy những tháng ngày còn lại dù ngắn hay dài, dù sướng hay khổ.   Chúa ơi, xin nhắc con luôn nhớ rằng con chỉ có một Chúa, một Cha trên trời, một chủ, một quê hương, một mục đích duy nhất trong cuộc sống chỉ có một lần này và một số một vĩnh hằng không đổi chỉ có ở cuộc sống mai sau.  Amen!


[1] Hoàng Tử Bé (tên tiếng Pháp: Le Petit Prince), được xuất bản năm 1943, là một trong những tác phẩm văn học Pháp nổi tiếng thế giới của nhà văn và phi công Pháp Antoine de Saint-Exupéry.

Mục lục

TIN MỪNG CỨU SỐNG

Trong chuyến hành hương Đất Thánh cuối tháng 2 vừa rồi, tôi có đến thăm ngôi mộ Ladarô, mộ đục sâu vào đá, mấy chục bước tam cấp đi xuống, ánh sáng mờ ảo hắt lên những phiến đá lạnh lẽo nhập nhoà lung linh nơi Ladarô đã an nghĩ 4 ngày; thăm căn nhà 3 chị em Matta, Maria và Ladarô ở, viếng nhà thờ dâng kính cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giêsu và Matta trước khi Chúa làm phép lạ cho Ladarô sống lại. Bêtania ngày nay là vùng đất tự do, chẳng thuộc quản lý của Israel hay của Palestine. Từ Giêrusalem về Bêtania xe hơi chạy khoảng 1 giờ vì phải rẽ nhiều ngã quanh thành phố.

 

Đứng trước mộ Ladarô, tôi nhớ đến đoạn Tin Mừng Ga 11,1-45.

 

Matta và Maria sai người đến báo tin cho Chúa Giêsu hay:

- Ladarô, người Thầy thương mến đang đau nặng.

Chúa bảo: Bệnh này không đến nổi chết đâu, nhưng là dịp để bày tỏ vinh quang Thiên Chúa.

Cho dù Ladarô đã chết nhưng Chúa Giêsu vẫn nói với các môn đệ:

- Thầy mừng cho anh em, vì Thầy đã không có mặt ở đó để anh em tin.

Chúa Giêsu và các môn đệ lên đường tới Bêtania. Matta đón Ngài và biểu lộ niềm tin tưởng tuyệt đối của mình:

- Lạy Thầy, nếu Thầy có mặt ở đây thì em con không chết. Nhưng bây giờ con biết: bất cứ điều gì Thầy xin cùng Thiên Chúa, Người cũng sẽ ban cho Thầy.

Ladarô đã chết nhưng Matta tin tưởng chắc chắn Ngài có thể làm cho em trai mình được sống bởi vì Ngài là Đấng quyền năng. Chúa Giêsu đã trả lời cho Matta:

- Ta là sự sống lại và là sự sống. Ai tin Ta thì dù có chết cũng sẽ sống, và bất kỳ ai sống và tin Ta thì sẽ không phải chết bao giờ.

Với lời xác quyết vừa trang trọng, lại vừa lạ lùng này, Chúa Giêsu đòi hỏi Matta phải xác tín:

- Con có tin điều đó không?

Và Matta đã tuyên xưng:

- Lạy Thầy con tin, Thầy là Đức Kitô Con Thiên Chúa, là Đấng phải đến trong thế gian.

 

Matta biết Chúa Giêsu là Đấng quyền năng, Ngài có thể truyền lệnh cho sự chết cũng như Ngài đã truyền lệnh cho sóng gió phải im lặng. Và Chúa Giêsu đã thực hiện phép lạ, Ngài truyền cho Ladarô sống lại bước ra khỏi mồ, sau khi đã cầu nguyện và cảm tạ Chúa Cha.

 

Trước sự thật hiển nhiên này, một số người đã tin theo Chúa, thế nhưng một số người khác, nhất là các Biệt phái và các Thượng tế lại chống đối Ngài một cách quyết liệt hơn nữa. Họ hội họp với nhau và nhất trí kết án tử hình cho Chúa.

 

“Ta là sự sống lại và sự sống”, lời tuyên bố của Chúa Giêsu trước khi làm cho Ladarô sống lại, là một trong những lời “lạ tai” nhất đối với người thời đại cũng như bao người ngoài Kitô Giáo và những người vô thần ngày nay. Nhưng đối với chúng ta, lời tuyên bố đó là chính nền tảng, và là hy vọng của cuộc đời.

Là Kitô hữu, chúng ta tin có tội lỗi, tin vào thánh giá, tin có sự đau khổ và sự chết, tin vào ơn tha thứ, tin vào niềm vui, vào sự giải thoát, tin vào sự sống và sự sống lại.

 

Chính vì thế mà tất cả những lời chứa đựng trong Kinh thánh Tân ước được gọi là Tin mừng, Evangélion. Đó là Tin mừng cứu sống mà Chúa Kitô chính là nội dung; nói khác đi, chính Ngài là Tin mừng cứu sống (x.Mc 1,1). Thánh Phaolô thường gọi những lời thuyết giáo của Chúa là “Tin mừng Chúa Kitô” (x.1Tx 3,2;  1Cr 2,12; 4,4; 8,13; 10,14; Pl 1,27; Rm 15,19). Và chúng ta có thể tìm thấy trong thư gởi giáo dân thành Côrintô một toát yếu về Tin mừng ấy như sau: “Thưa anh em, tôi xin nhắc lại cho anh em Tin mừng tôi đã loan báo và anh em đã lãnh nhận cũng như đang nắm vững. Nhờ Tin mừng đó, anh em được cứu thoát, nếu anh em giữ đúng như tôi đã loan báo, bằng không thì anh em có tin cũng vô ích.

 

Trước hết, tôi đã trình bày lại cho anh em điều mà chính tôi đã lãnh nhận, đó là: Đức Kitô đã chết vì tội lỗi chúng ta, đúng như lời Kinh Thánh, rồi Người đã được mai táng, và ngày thứ 3 đã trỗi dậy, đúng như lời Kinh thánh. Người đã hiện ra với ông Kêpha, rồi với nhóm 12. Sau đó, Người đã hiện ra với hơn 500 anh em một lượt, trong số ấy phần đông hiện nay còn sống, nhưng một số đã an nghỉ. Tiếp đến, Người hiện ra với ông Giacôbê, rồi với tất cả các tông đồ. Sau hết, Người cũng đã hiện ra với tôi, là kẻ chẳng khác nào một đứa trẻ sinh non.” (1Cr 15,1-8)

 

Chúng ta còn có thể tìm được những câu toát lược hơn nữa về Tin mừng Chúa Kitô, nhưng trong đó bao giờ cũng nêu lên hai điểm chính yếu: Chúa Kitô đã chết và Ngài đã sống lại (x.1Tx 4,14; 2 Cr 13,4; Rm 4,24-25; 8,34; 14,9).

 

Tin Mừng Cứu Sống chính là Chúa Kitô đã chết và đã sống lại. Chết và sống lại đó là hai sự kiện căn bản không thể tách rời. Không thể có sống lại nếu không chết, trái lại, nếu Chúa Kitô chết mà không sống lại thì nói như Thánh Phaolô “đức tin của chúng ta chỉ là trống rỗng” (1Cr 15,14), nghĩa là vô giá trị, giả dối.

Hai sự kiện trên vì bất khả phân như thế nên thánh Gioan đã liên kết lại trong cái mà Van den BUSSCHE gọi là “biến cố bất khả phân”, biến cố đó là biến cố cuộc khổ nạn của Chúa Kitô trên thánh giá mà thánh Gioan coi như là chính sự “Thăng Thượng” (Elevatio) của Chúa Kitô (Ga 8,28; 12,32); nói khác đi là chính giờ phút vinh quang của Ngài (Ga 13,31).

 

Hai sự kiện, chết và sống lại đều cùng một mầu nhiệm Chúa Kitô. Lễ Vượt qua mới, hay là biến cố giải thoát, là môt biến cố bất khả phân. Tuy nhiên trong thực tế, biến cố này, tuy là một biến cố duy nhất nhưng rõ rệt phân làm hai đoạn chính: đó là chiều thứ 6 thụ khổ và sáng Chúa nhật Phục sinh. Vì thế, sự chết và sống lại của Chúa Giêsu là hai giai đoạn của cùng môt biến cố Cứu độ duy nhất.

 

Những bài Tin Mừng các Chúa Nhật Mùa Chay muốn chứng tỏ Chúa Giêsu vừa là Thiên Chúa vừa là con người, Ngài là Đấng Thiên Sai mà các ngôn sứ đã loan báo, người Do Thái trông chờ hàng mấy trăm năm. Chúa Giêsu chính là Con Thiên Chúa, là Đấng Mêsia, và cũng là con người như chúng ta.

 

Việc Chúa Giêsu chịu cám dỗ (Chúa Nhật thứ 1 mùa Chay) cho thấy Ngài là người đích thực, Ngài thông cảm với sự yếu đuối của con người.

 

Việc Đức Giêsu hiển dung (CN 2 mùa Chay) cho thấy thần tính của Ngài, cho thấy Ngài là Con Thiên Chúa, được chính Chúa Cha giới thiệu.

 

Câu chuyện về nước hằng sống với người phụ nữ Samari (CN 3 mùa Chay) cho thấy Ngài có khả năng đem lại sự sống vĩnh cửu cho con người, và Ngài tự xác nhận mình là Đấng Mêsia mà mọi người trông đợi.

 

Việc làm sáng mắt người mù từ khi mới sinh (CN 4 mùa Chay) cho thấy quyền năng đặc biệt của Ngài và cách Ngài hành xử theo tình yêu hơn là theo lề luật.

 

Quyền năng ấy lại còn đặc biệt hơn nữa với bài tường thuật Ngài làm cho Ladarô chết đã 4 ngày sống lại trong bài Tin Mừng CN 5 mùa Chay. Chúa Giêsu xác nhận Ngài “chính là sự sống lại và là sự sống, ai tin vào Ngài thì sẽ được sự sống đời đời”.

 

Cuối cùng, Chúa Nhật kế tiếp (CN Phục Sinh) thuật lại việc sống lại của chính Ngài sau khi chịu tử nạn làm hy tế đền tội cho nhân loại. Sự sống lại này là dấu chứng vĩ đại và chắc chắn nhất chứng tỏ Ngài là Con Thiên Chúa, là Đấng Mêsia.

 

Bài Tin Mừng Chúa nhật V Mùa Chay chứng minh một cách tổng hợp Chúa Giêsu vừa là Thiên Chúa vừa là con người, một con người đầy yêu thương. Ngài là Thiên Chúa, vì có khả năng làm cho kẻ chết sống lại. Là con người, vì khi đến thăm gia đình quý mến có người yêu thương đã chết, Chúa cũng “thổn thức trong lòng và xao xuyến”, Chúa đã khóc khi đứng trước mộ Ladarô. Chắc hẳn Chúa đã tỏ ra xúc động rất nhiều đến nỗi những người có mặt ở đó đã phải thốt lên: “Kìa xem! Ông ta thương anh Ladarô biết mấy!”.

 

Như vậy, Ngài không chỉ yêu thương chúng ta bằng thứ tình yêu đầy tính thần linh của một vị Thiên Chúa, mà còn yêu bằng chính tình cảm đầy tính người của con người. Và dù mang tính con người, tình yêu ấy vẫn rất bao la, rộng rãi, và triệt để: “Người vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và Người yêu thương họ đến cùng” (Ga 13,1b). “Đến cùng” ở đây là tới mức tận cùng của tình yêu con người, không ai có thể yêu hơn được nữa: “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15,13).

 

Sự chết và sống lại của Chúa Kitô không những đã chuộc lại những gì con người đã mất do tội lỗi nhưng còn là một cuộc sáng tạo. Nhờ sự chết và sống lại mà Ngài đã nối nhịp cầu hiệp thông liên kết giữa Thiên Chúa và con người, thiết lập một tương quan mới Cha con. Nhân loại từ đây không những được ơn tha thứ, được rột rửa sạch tội lỗi để khỏi án chết đời đời,nhưng còn được trở nên con cái Thiên Chúa, được gọi Người là Abba, Cha (Rm 8,15).

 

Sự sống mà Thiên Chúa ban cho con người khi sáng tạo là sự sống trong tương quan giữa Hoá Công và thọ tạo. Sự sống mà Chúa Kitô đem lại cho con người là sự sống trong tương quan giữa Thiên Chúa là Cha và loài người được nâng lên địa vị làm con. Sự sống “tự nhiên” là một thực tại khách quan. Sự sống mới hay sự sống”siêu nhiên” là một trạng thái ân tình mà con người phải đi vào để được thực sự thông hiệp với Thiên Chúa.

 

Tin và sống trong ân tình Chúa Kitô chính là chiến thắng sự chết, chính là đã mang trong mình mầm mống của sự sống đời đời. “Ai sống và tin vào Thầy thì sẽ không bao giờ chết”(Ga 11,26;1Ga,14). Không bao giờ chết là không bao giờ mất hiện hữu trong tương quan với Ba Ngôi Thiên Chúa, không bao giờ mất sự sống trong tương quan ân tình với Người.

 

Lm Giuse Nguyễn Hữu An

Mục lục

Rửa tay

 

Tay là một chi thể trong thân thể có nhiều đặc tính và nhiều ý nghĩa biểu trưng liên quan đến quyền lực nhất. Rửa tay, vì thế bao hàm một ý trốn tránh trách nhiệm một cách hèn mạt nhất và có dòng họ với họ Đổ tên Thừa gần nhất.


Bàn tay thể lý: Bàn tay con người là sự kỳ diệu của việc tiến hóa. Các lòai vật có tứ chi, bàn tay để phục vụ cho việc di chuyển, chịu lực cho một phần cơ thể, bàn tay các loài vật ấy có nhiệm vụ khá hơn bàn chân một chút xíu, nhờ có những hành vi ôm chặt, cào cấu. Việc cầm nắm của con vật linh trưởng khá hơn các loài động vật khác nhưng hạn chế nhiều hơn so với bàn tay con người. Bàn tay con người được giải phóng hòan tòan cho việc đi lại từ khi con người biết đứng và đi trên đôi chân của mình, hơn bàn tay con vật nhờ ngón tay cái dài hơn loài linh trưởng, giúp cho con người cấm nắm và điều khiển hoặc có thể chế tác vật dụng thiên nhiên một cách ngày càng điêu luyện. Bàn tay con người rảnh rỗi, không dùng cho việc di chuyển nên chuyển hướng cho những hành vi chế tác. Khi con người chế tác bằng tay, ý niệm về quyền lực cũng nằm trong bàn tay ấy, Người Phương Đông thường nói việc khởi sự một công việc và kết thúc một công việc bằng cách nói: “Bắt tay vào…Buông tay ra”, người Tây Phương nói: “bàn tay đưa nôi là bàn tay cai trị thế giới”. Bàn tay biểu lộ sức mạnh uy quyền, thể hiện việc làm chủ. từ lúc nguyên thủy, con người dùng tay để hái lượm, tiến xa hơn dùng để săn bắt, trồng trọt, làm nên những dụng cụ từ đồ đá, đồng thau, sắt, điện, Kỹ thuật điện tử, IC, Digital … Hàng loạt tiến bộ hiện đại bằng những bàn tay robot… Sự kỳ diệu của bàn tay là thực hiện các ý tưởng trong trí não. Trí não con người phát triển theo một gia tốc thật lớn nhờ vào việc thể hiện được ý tưởng trên bàn tay.

Bàn tay biểu trưng cho sức mạnh, trói tay một người là hành vi khóa chặt tự do, chế ngự sức mạnh, điều này dễ thấy nhất trong thời kỳ nô lệ, trói tay người nô lệ vào một dụng cụ làm việc, như cột chèo, cối xay…Sức mạnh biểu lộ nơi bàn tay mạnh nhất thường biểu hiện cho nhà vua, dấu chỉ của sự thống trị tòan vẹn. Từ Do Thái cổ là Iad có nghĩa là vừa là bàn tay vừa là thống trị. Bàn tay trái của Chúa được biểu trưng là bàn tay công lý, bàn tay phải của Chúa là biểu hiện lòng nhân từ. Ở Trung Hoa, trong Đạo Đức Kinh, bàn tay phải là bàn tay của hành động, bàn tay trái biểu hiện sự vô vi, liên hệ với sự hiển minh. Trong đạo Hindu, hay Phật Giáo, theo Burckardt, Benoist và nhiều nhà nghiên cứu khác, bàn tay chỉ nhiều Mudrâ (Ấn):


Abhaya: Là bàn tay giơ lên tất cả các ngón xòe ra, lòng bàn tay hướng về phía trước, biểu lộ sức manh của thần Kâli, nắm giữ vận mệnh thời gian tồn tại hay hủy diệt, ban sức mạnh giải thoát khỏi sợ hãi đối với những ai cầu khẩn.


Varada: Bàn tay hạ xuống, tất cả các ngón xòe ra, biểu thị cho sự ban phước, bố thí.


Tarjanĩ: Bàn tay đưa cao nắm lại, ngón trỏ chỉ lên trời, biều thị ấn đe dọa đồng thời cũng chỉ con đường giải thoát.


Anjali: Hai bàn tay chắp lại trong tư thế cầu nguyện.


Bhumisparsha: Bàn tay hạ thấp, các ngón tay chụm lại chạm đất, mu bàn tay hướng về phía trước. Đức Phật dùng ấn này để chỉ Đất chứng giam cho đức tính Phật ở trong ngài.


Dhyâna: Hai bàn tay xòe ra đặt lên nhau, lòng bàn tay ngửa, trong tư thế ngồi thiền.


Dấu chỉ của bàn tay nhiều nhất là trong các điệu múa, nhất là các nước trong vùng Đông Nam Á. Ở Việt Nam, nó là sự diễn tả trong hát bội, chèo, cải lương, ở Cambodia được biểu lộ qua điệu múa của nữ thần Apsara… Bàn tay trong các điệu múa này mang nhiều tính biểu trưng khi được diễn tả trong không gian, hoặc tư thế của tay so với các phần thân thể khác, hoặc tư thế của từng ngón tay. Trong cách diễn tả này có lẽ ứng dụng nhiều nhất nơi những người câm điếc, bàn tay là thay thế cho môi miệng của họ. Bàn tay cũng thấy nhiều trong các tranh ảnh tượng nghệ thuật, nó diễn tả nghệ thuật gợi hình, diễn ý, biểu đạt nội tâm.

Bàn tay bày tỏ thái độ cung kính: Tại Thái Lan, việc đưa tay lên chắp, cúi đầu tùy theo vị trí biểu lộ sự cung kính. Tại Châu Phi, đặt bàn tay trái nắm lại nằm trong bàn tay phải là biểu lộ sự vâng phục, nhún nhường, ở La Mã bàn tay đưa vào trong tay áo biểu lộ sự kính trọng.


Chạm bàn tay: Bàn tay thần lực, biểu dương sức mạnh, chữa lành, băng bó, nâng đỡ, chăm sóc, yêu thương… được diễn tả rất nhiều bằng hình thức chạm tay. Theo nghĩa Kinh Thánh, Thiên Chúa dùng bàn tay của Người chạm vào bàn tay của ai là truyền sức mạnh của Người cho họ. Như ta thấy, Bàn tay của Giavê đặt trên miệng Giêrêmia trước khi được sai đi làm ngôn sứ, dùng bàn tay của Moisê và của Aharon mà lãnh đạo đòan dân Chúa.


Đặt bàn tay mình vào tay vị phong chức hay trong ngày tuyên khấn của các nữ tu, là biểu lộ tính vâng phục trong lời tuyên khấn. Từ bỏ ý riêng để chu toàn ý Bề Trên liệu có khả thi không? Vấn đề ở đây, trong một hòan cảnh khác xưa, sự vâng phục không theo tính mù quáng, đặt tự do của mình trong tay người khác không có nghĩa là tự biến mình thành nô lệ. Thiên Chúa giải thoát con người khỏi ách nô lệ, bằng cách đưa tay của Moisê trên biển cả để mở ra một lối đi tự do. Tự do trong ý nghĩa là bước đi dưới sự hướng dẫn khôn ngoan của Thiên Chúa. Thiên Chúa đặt tay trên con người cũng là hành vi đặt niềm tin vào con người, cho dù con người có thể một ngày nào đó trở mặt, quay lưng, nhưng bàn tay của Thiên Chúa cũng là bàn tay chữa lành băng bó, tìm kiếm dẫn đưa về. Chính ở đây, chúng ta cần thấy hai bàn tay, một bàn tay công lý và một bàn tay nhân từ. Nhờ vào lòng nhân từ, nghĩa là bàn tay phải của Thiên Chúa, công lý được thực hiện ở bàn tay trái, đó là lối đường tự do trong vâng phục. Như vậy, đặt tay mình vào bàn tay Thiên Chúa là Thiên Chúa chấp nhận tất cả để tha thứ tất cả, tha thứ tất cả để con người được tha thứ ấy trở nên con người thực sự tự do.


Trong nhiều tác phẩm diễn tả một bàn tay của Chúa, thân mình ẩn trong mây, chạm vào bàn tay con người, ý nghĩa biểu trưng của hình ảnh này nói đến việc truyền ban sự sống cho con người, trao cho con người sức mạnh thần linh để chiến đấu, đồng thời con người yếu đuối cũng chạm vào được ngón tay thần diệu của Thiên Chúa, để con người được chữa lành. Về phía con người, bàn tay đưa ra biểu trưng sự bất lực, đang vươn tới để chạm vào bàn tay Thiên Chúa, con người có những giới hạn trong tầm tay của mình. Sự tự do của con người có thể bị sai lầm nhưng được chính Thiên Chúa hướng dẫn, đưa về nẻo chính. Tình yêu là chữa lành chứ không là hủy diệt người mình yêu, bàn tay đưa ra của Thiên Chúa là bàn tay cứu vớt.


Rửa tay nói đến việc vô tội trong khi thi hành quyền lực như trường hợp Philatô là một hành vi kém nhất, phi nhân bản nhất trong lịch sử của con người. Thiên Chúa không rửa tay nhưng chấp nhận để đôi bàn tay ấy mang lấy tất cả tội lỗi của chúng ta trên vai Ngài, để chịu đóng đinh vào Thập Giá. Bàn tay thi hành quyền lực của con người cần chịu đóng đinh như thế, để thấy rằng bàn tay có quyền lực cao nhất là bàn tay chịu trách nhiệm nhiều nhất. Rửa tay trong trách nhiệm này là kẻ hèn mạt, và biểu lộ tính quái đản nhất trong quyền lực của con người, biểu lộ sự lạm quyền để giết chết, bóp nghẹt, kềm hãm tự do người thuộc quyền. Thao túng quyền lực là cách minh chứng kẻ yếu kém nhất về mặt lãnh đạo, càng dùng quyền để lãnh đạo, người ta càng minh chứng rõ rệt hơn chính người lãnh đạo không có khả năng, thiếu mất một cánh tay, một bàn tay, là một người khuyết tật, chỉ mang trên thân mình một bàn tay thép, một cánh tay hủy diệt.


Trong Thánh Kinh việc Thiên Chúa đặt tay trên một người cũng là trao cho họ một uy quyền và trách nhiệm. Việc tiếp nhận sự ủy quyền đó, các Tông Đồ nhận từ nơi Chúa Giêsu, đến lượt các Tông Đồ chuyển giao cho các thế hệ tiếp theo, và cứ thế chuyển giao làm nên tính tông truyền.


Chúng ta tiếp nhận quyền nhưng quyền này dùng để thực hiện yêu thương và trở nên người phục vụ, chứ không để thống trị, giết chết. Người có quyền lực cao nhất là người mang trách nhiệm lớn nhất, không rửa tay trong trách nhiệm này.

 

LM Giuse Hoàng Kim Toan

Mục lục

ĐỨC TIN VÀ MÔI TRƯỜNG XÃ HỘI

Trong Tin Mừng thánh Gio-an, có hai bài tường thuật mà tôi thấy tuyệt vời nhất, đó là câu chuyện về người phụ nữ Sa-ma-ri (4,7-42) và về người mù từ thuở mới sinh (9,1-38). Cả hai bài đều được dùng trong phụng vụ Mùa Chay. Qua dẫn dắt câu chuyện thật khéo léo, thánh Gio-an mô tả tài tình bước tiến của đức Tin, như một sự tăng trưởng dần dần từ tiếp xúc bên ngoài đến gắn bó bên trong; từ biết “khách quan” bằng trí khôn đến biết bằng cảm nghiệm thâm sâu với trọn con người mình, hoặc biết nhờ nghe kẻ khác đến tự mình tuyên xưng và gắn bó với Chúa Giêsu như một chọn lựa của bản thân. Trong tiến trình đức tin này, môi trường sống chung quanh cũng có một vai trò quan trọng. Trong trường hợp người mù từ thuở mới sinh, vai trò ấy đặc biệt “lý thú”, cung cấp nhiều chất liệu cho ta suy nghĩ.

Môi trường xã hội: quần chúng

Câu chuyện người mù được Đức Giêsu chữa lành gây một tiếng vang lớn. Chuyện lạ đời quá đến nỗi điều vốn là sự kiện hiển nhiên nhưng dư luận vẫn không thể nhất trí là có thật. Người nghi vấn: “Kẻ được chữa lành phải chăng là chính anh mù trước kia vẫn quen thấy ăn xin?” Kẻ quả quyết chắc chắn: “Đúng nó!” Nhưng những người khác lại nói: “Không phải đâu! Nhưng là một đứa nào đó giống hắn thôi!” Trước dư luận chia rẽ như thế, người mù được chữa lành quả quyết: “Chính tôi đây.” Bà con muốn biết anh ta được sáng mắt như thế nào. Anh liền kể lại đầu đưôi sự việc một cách khách quan, không thêm một chi tiết nào cho thấy anh cảm thấy thế nào hay nghĩ gì (chủ quan) về sự lạ xảy đến cho mình hoặc về con người đã chữa lành mình, anh nói: “Người tên là Giêsu” đã làm “như thế”, đã nói với tôi  “như kia”, và tôi đã làm “như vầy” v.v. Họ muốn biết thêm “ông ấy” bây giờ ở đâu, có lẽ là để có dịp “kiểm tra” trực tiếp lời nói của  anh “cựu  mù” có đúng không, nhưng anh này đáp: “Tôi không biết.”

Ở mức độ thứ nhất này, ta thấy: dư luận “chất vấn” anh mù chỉ vì tò mò mà thôi nên anh ta không bị bó buộc phải bày tỏ THÁI ĐỘ riêng của mình ra; vả lại, căn cứ vào câu trả lời cho dư luận thì anh ta cũng còn mù mờ về Đức Giêsu, và không cảm thấy phải tìm hiểu thêm về Người.

Môi trường gia đình

Nhưng chuyện của anh mù (xin được gọi như thế cho gọn) sắp trở nên gay cấn vì nhóm Pha-ri-sêu đã vào cuộc. Lâu nay càng lúc họ càng phải điên đầu với cái ông Giêsu này, bây giờ lại thêm một chuyện lạ này nữa khiến thiên hạ khắp nơi bàn tán, không khéo rồi người ta sẽ đi theo ông ta hết! Vì thế họ đã quyết định trục xuất ra khỏi hội đường kẻ nào dám tuyên xưng Đức Giêsu là Đấng Kitô. Mà nhìn nhận Đức Giêsu đã mở mắt cho người mù, tức là gián tiếp tuyên xưng Người là Đấng Kitô, Đấng Thiên Sai. Đối với bất cứ người Do-thái nào biết rõ Kinh Thánh, thì lý luận này là hoàn toàn hợp lý, hoàn toàn “lô-ghích”. Vậy người Pha-ri-sêu muốn dập tắt dư luận bất lợi cho mình bằng cách chặn nó ngay từ gốc, nghĩa là từ chính anh mù và từ gia đình anh mù. Hai cuộc chất vấn sẽ được họ tổ chức với anh ta và một cuộc với cha mẹ anh.

Với hai ông bà này, họ hỏi anh bị mù từ khi mới sinh có phải là con của họ không, và làm sao bây giờ anh lại nhìn thấy được? Câu hỏi đầu không khó để trả lời: “Đúng, nó là con của chúng tôi, và nó thật sự bị mù từ khi mới sinh ra”; nhưng câu sau, họ cảm thấy có cái bẫy gài trong đó. Tất nhiên, họ đã nghe con kể lại đầu đuôi sự việc rồi, nhưng họ sợ, nếu thuật lại cho mấy ông Pharisêu này mà không khéo thì sẽ bị liên luỵ vào và sẽ rắc rối lắm! Thế là họ nói: “Làm sao bây giờ nó thấy được, chúng tôi không biết, hoặc có ai đã mở mắt cho nó, chúng tôi cũng chẳng hay. Xin các ông cứ hỏi nó; nó đã khôn lớn rồi, nó có thể tự khai được.” Câu trả lời thượng sách! Chúng tôi không biết. Thật ra thì chúng tôi biết, nhưng chúng tôi sợ mấy ông!

Tôi tự hỏi: anh mù nghĩ gì về bố mẹ mình khi biết các đấng sinh thành đã tìm cách lẩn tránh sự thật và không dám công khai đứng về phía mình như thế, lại còn cố tình đẩy mình vào vòng nguy hiểm? Không phục họ, đó là cái chắc rồi! Nhưng khi bị buộc phải tự mình chịu trách nhiệm về mình trước mặt người Pha-ri-sêu quyền thế và đe doạ, anh cũng buộc phải có một thái độ rõ ràng, dứt khoát hơn, hoặc nói theo Kinh Thánh, anh ta sẽ “có dịp làm chứng” (x.Lc 21,13) … Theo cách nhìn này, thì thái độ hèn nhát của cha mẹ cũng vẫn có ích cho anh.

Đứng trước quyền bính

Ra trước những người Pha-ri-sê là ra trước quyền bính,--quyền bính phần đạo nhưng thực tế cũng là quyền bính phần đời, vì nhà cầm quyền Rô-ma ít khi can thiệp vào những chuyện dù là ngoài phạm vi tôn giáo nhưng không mang ý nghĩa chính trị lớn.

Lần thứ nhất, người Pha-ri-sêu cũng hỏi anh ta một câu gần giống như những người láng giềng và những kẻ trước kia thường thấy anh ngồi ăn xin: làm sao anh nhìn thấy được? Và câu trả lời của anh cũng không có gì mới lạ, cũng mô tả sự việc một cách vô tư bình thản. Nhưng tác giả Gio-an thêm một chi tiết: việc Chúa chữa lành người mù xảy ra trong ngày sa-bát, ngày hưu lễ, ngày cấm người ta làm việc. Và đó là yếu tố quan trọng để người Pha-ri-sêu kết luận: “Ông ta không thể là người của Thiên Chúa được, vì không giữ ngày sa-bát”. Nhưng cũng có người trong nhóm họ thắc mắc: “Một người tội lỗi sao có thể làm được những dấu lạ như thế?” Thế là họ đâm ra chia rẽ. Họ lại hỏi người mù:” Còn anh, anh nghĩ gì về người đã mở mắt anh?”.

Bây giờ thì không thể an toàn núp vào trong những sự kiện khách quan nữa rồi. Câu hỏi đặt anh mù vào cái thế phải chọn lựa: chọn lựa sự thật hay sự gian dối; lòng tự trọng hay sự hèn nhát, bày tỏ lòng biết ơn đối với người đã cứu giúp mình và chứng thực cho ngài hay phủ nhận ân huệ đã nhận được. Câu hỏi đã cho anh dịp để hiểu về Đức Giêsu cách chính xác hơn: trước đây anh chỉ nói “người tên là Giêsu”, nay anh tuyên xưng: “Người là một vị Ngôn sứ”. Một tiến bộ trong sự nhận biết và cả trong thái độ của anh mù về Đức Giêsu. Chắc người Pha-ri-sêu khó chịu lắm, nhưng họ không nói gì thêm, có lẽ vì giữa họ ngay lúc đó còn có sự bất đồng, đàng khác chính dân chúng đôi lúc cũng tuyên xưng Đức Giêsu là ngôn sứ.

Đã thất bại với cha mẹ anh mù, rồi cuộc chất vấn đương sự lần thứ nhất cũng chưa có kết quả mong muốn, nên lần thứ hai họ nhất quyết làm cho xong. Chủ ý của họ là tìm cách để buộc anh ta nói ra được câu: “Ông ấy là người tội lỗi”. Chỉ cần như thế thôi. Vì nếu ông ấy là người tội lỗi thì ông ta không đến từ Thiên Chúa, không phải là người của Thiên Chúa, không được Thiên Chúa nhận lời, và do đó không thể làm được dấu lạ. Chuyện của anh mù chỉ là chuyện tào lao, bịa đặt.

Trong cuộc chất vấn, người Pha-ri-sêu luôn coi mình là “kẻ bề trên” và rất tự phụ: “chúng ta đây, chúng ta biết ông ấy là người tội lỗi” (câu 24), “chúng ta đây, chúng ta là môn đệ ông Mô-sê” (câu 28). Nhưng anh mù cũng tỏ ra rất lý sự và vững vàng. Anh luôn quay về với sự kiện không thể chối cãi: tôi bị mù và nay tôi được thấy nhờ Đức Giêsu. Các vị giải thích thế nào đây? Một người làm được như thế không thể là người tội lỗi. Cuộc chất vấn trở thành cuộc tranh luận tay đôi, chính anh mù cũng đặt những câu hỏi cho những người tra vấn mình. Và càng lúc họ càng tỏ ra đuối lý và phải sử dụng tới đòn mắng nhiếc, nhục mạ phủ đầu: mày thế này, mày thế kia. Đó là cái “lý cùn” quen thuộc của kẻ có quyền thế, có sức mạnh. Và cuối cùng, họ trục xuất anh.

Về phía người mù, cuộc đối mặt này đã tạo cho anh cơ hội hiểu biết và gắn bó với Đức Giêsu hơn rất nhiều. Anh đã chấp nhận bị trục xuất để làm chứng cho Người. Thế nên, khi Đức Giêsu gặp lại anh và hỏi anh có tin Người không, anh đã mau mắn trả lời: “Thưa Ngài, TÔI TIN”. Rồi anh sấp mình xuống trước mặt Người (câu 38).

Kết luận

Thử hỏi nếu không bị cật vấn, liệu sự hiểu biết và lòng gắn bó của người mù từ thuở mới sinh đối với Đấng đã cứu chữa mình có trở nên sâu sắc và thiết thân hơn không, liệu anh ta có trở thành môn đệ Đức Kitô không? Một môi trường sống thờ ơ lãnh đạm hay quá dễ dãi không bao giờ tốt cho đời sống Kitô hữu cả. Chúng ta luôn cần có sự cật vấn, thách thức và thậm chí chống đối cách này hay cách khác từ bên ngoài để giúp mình thức tỉnh và nỗ lực đi vào chiều sâu của đức tin.

02-3-2008

Lm Nguyễn Hồng Giáo, dòng Phanxicô

Mục lục

Một Nền Nô Lệ Mới

Các Trẻ Em Việt Nam Bị Bắt Hành Nghề Mãi Dâm

 

Savannah, Georgia ngày 1 tháng 3 năm 2008, 

 

Qúy đọc giả thân mến, đã hơn 7 năm, bắt đầu từ mùa hè năm 2000 đó, tôi vẫn cứ mang trong lòng những nỗi đau mà không biết tỏ cùng ai.  Những nỗi đau đó cứ gặm nhấm tôi, gặm con người, gặm khối óc, gặm cả vào trong giấc ngủ (với những kinh hoàng) và quan trọng hơn hết là gặm cả vào trong con tim của tôi.  Đã có những lúc tôi muốn thét lên, thét lên thật to - nhưng bao nhiêu người lại cản, vì sợ những tiếng thét đó sẽ ảnh hưởng đến đời sống tu trì của tôi - thế là tôi lại dằn lòng đau nhói.   

 

Dĩ nhiên họ cũng có lý của họ.  Tôi đang là một tu sĩ, (rồi sau này, năm 2004 trở thành Linh Mục) thì ai lại nói tới những chuyện “tầy trời” đó.  Ai sẽ tin tôi đây?  Mà nếu có tin, đôi khi họ còn hỏi ngược lại tôi: “Đã đi tu còn “mò” vào những chỗ đó làm gì?”   

 

Nhưng bạn thân mếm, đến hôm nay thì tôi đã không thể dằn lòng được nữa rồi, tôi phải thét lên – thét lên đến tới những ai muốn nghe những sự thật “kinh hoàng” và “ghê tởm” ấy.  Sự thật của một nền nô lệ mới tại Việt Nam, của các trẻ em người Việt Nam bị BÁN - BẮT và ÉP làm nô lệ tình dục tại các nhà thổ ở Campuchia và Malaysia.

 

************* 

Trước khi bắt đầu “thét lên những câu chuyện có thật đó, xin cho tôi dài dòng một tí để bạn có thể hiểu những gì sảy ra.   

 

Chuyện bắt đầu từ năm 1997.  Năm đầu tiên tôi thu xếp kỳ nghỉ hàng năm để làm việc và sống với các trẻ bụi đời và cứ thế đến nay đã 11 năm – mà tôi đã có lần chia sẻ với các bạn trong những câu chuyện của “Một Chuyến Đi.” 

 

Rồi chuyện lại bắt đầu vào mùa hè năm 2000, tôi trở về Việt Nam để sống với các trẻ em cơ nhỡ, và “tình cờ” trong một bữa ăn, được một người bạn giới thiệu một “phóng viên” sắp sửa đi Camphuchia để tìm hiểu tình hình các trẻ em Việt Nam bị đưa vào các nhà thổ làm nô lệ tính dục.  Thế là tôi, một tu sĩ – năm thứ nhất Thần Học - “tình nguyện” xin được đi theo.  Và bắt đầu từ đó, năm nào tôi cũng trở lại Campuchia.  

 

Mỗi lần tôi trở về Campuchia, tôi vào vai của một thương gia người Singapor giàu có, chỉ biết nói tiếng anh (không hề biết tiếng Việt), thuê 4 hay 5 em từ 3 đến 5 ngày và “sống chung” với các em. 

 

Câu chuyện mà tôi luôn kể để lấy lòng tin của các em về “gia cảnh” của tôi là:  “Tôi đã có vợ, (dĩ nhiên là tôi luôn đeo trên ngón tay một nhẫn cưới giả).  Vợ chồng tôi đang có xích mích và tôi muốn đi chơi cho khuây khoả.  Tôi rất yêu vợ, nên không thể “ăn ở” với người khác, mà chỉ muốn có người “accompany,” và đi chơi vài ngày cho đầu óc được thảnh thơi.”

 

Để chứng minh “câu chuyện” tôi bịa là sự thật, và cũng là để tôi ÍT bị cám dỗ, tôi luôn tìm những điểm đến của du khách (tourist destinations) hay các bãi biển đông người để dẫn các em đi chơi cả ngày – và tối mịt, khi thân xác đã rã rời, mới quay trở về khách sạn và lăn đùng ra… ngủ! 

 

Trong những ngày ở chung với các em đó, tôi đã hiểu được các em rất nhiều, hiểu được những nguyên nhân và con đường đưa các em vào cái chỗ “ghê tởm” này; hiểu được tại sao các em muốn thoát ra mà không dám; hiểu được những kinh hãi về thân xác mà các em phải gánh chịu; và hiểu được những bệnh hoạn thú tính của những con người tìm vào chốn này.  Bên cạnh những  nỗi kinh hoàng cả về thân xác lẫn tinh thần do những kẻ ăn chơi gây ra, các em còn phải chịu những trận đòn đến ngất xỉu, những ngày liên tục bị bỏ đói, chỉ có nước mà không có cơm của những tay “đầu gấu” được các tú ông, tú bà, thuê để dằn mặt các em khi các em làm gì sai hay không chịu tiếp khách.   

 

Những gì tôi nghe được tôi sẽ bắt đầu kể hầu qúy đọc giả.  Tôi tin những điều đó là SỰ THẬT vì tôi nào có hỏi các em về những chuyện đó đâu.  Với lại các em có hiểu tôi nói gì đâu.  Tôi nói 10 chữ tiếng Anh, may ra các em hiểu được 1.   Nhưng vì các em không biết là tôi nghe và hiểu được tiếng Việt nên các em “tự do” nói chuyện với nhau bằng tiếng Việt (và dĩ nhiên tôi còn khuyến khích.)  Và những gì tôi sẽ kể ra sau đây là những CƠN ĐAU và những DẰN VẶT mà các em tự kể cho nhau nghe, để chia xẻ, để cảm thông, và để giúp nhau… TRÁNH nếu có điều tương tự sảy ra.

 

*************** 

Tôi vẫn biết rằng, sau khi tôi “thét” lên những điều này thì tính mạng tôi có thể sẽ nguy hiểm hơn, ngay cả khi tôi trở về VN, vì những “mắt xích” cổ thụ của “dường dây” buôn bán các em là ở VN, nhưng kệ tôi vẫn phải thét lên – Chỉ nguyện xin cho các em được bình an.  Còn tôi thì đã có … Chúa lo!  

 

Bạn thân mến, đọc tới đây nếu bạn không muốn biết những sự thật tôi sắp kể, xin đừng đọc tiếp – Còn nếu bạn muốn, xin mời theo tôi, chúng ta đi vào chuyện thứ nhất:  

Chuyện “Tao Không Vô Nhà Thờ Đâu”

 

(Tên của các em đã được thay đổi để bảo vệ an toàn và danh dự cho các em) 

Để tìm được cái nhà thờ Công Giáo ở đất nước Chùa Vàng – Campuchia này không phải là chuyện dễ.  Mà tìm nhà thờ để làm gì bạn nhỉ?   

Thì bạn vẫn biết đấy, tôi cũng là một Tu Sĩ Công Giáo.  Đã là một tu sĩ thì không có cớ gì tôi bỏ lễ Chủ Nhật được.  Nói thật, bỏ đọc kinh sáng tối thì… đôi khi tôi cũng có, nhưng bỏ lễ Chủ Nhật thì không; không đời nào; không có lý do gì; và không có gì quan trọng hơn Thánh Lễ ngày Chủ Nhật.  Tôi lớn lên đã được gia đình giáo dục thế - Giờ đây là một tu sĩ thì tôi càng TIN vào nền giáo dục đó hơn.   

 

Thế là chiều thứ 6, tôi và 4 em bé gái (mà tôi thuê) leo lên chiếc Camry và bắt anh tài xế đi tìm nhà thờ.  Sau nhiều lần dừng lại hỏi đường và lạc vào hai cái nhà thờ tin lành, thì xe dừng trước cửa một nhà thờ Công Giáo.  Nói là nhà thờ, nhưng thực ra nó còn bé hơn cái nhà nguyện dùng làm lễ hàng ngày của giáo xứ tôi. 

 

Tôi mở cửa xe, bước ra bước ra khỏi cái ghế trước, vươn vai hít thở không khí trong lành và… làm dấu.  Đó cũng là thói quen của tôi - mỗi khi đi ngang qua nhà thờ thì làm dấu.  Bốn cô bé cũng bước ra khỏi xe, vẫn cười nói hồn nhiên.  Mặc kệ các em, cứ để các em tự nhiên.  Tôi đưa mắt tìm xem có tấm bảng nào ghi giờ lễ không.  Chẳng tìm thấy thấy bảng hiệu tiếng Anh, tiếng U gì cả, toàn là tiếng Campuchia, tôi quay lại hỏi người tài xế:  

-         Do you know, what time is Sunday mass?  (Anh có biết lễ Chủ Nhật mấy giờ không)

-         Eight!  Anh ta đọc một lần qua tấm bảng viết bằng tiếng Campuchia, và trả lời cộc lốc.

-         Thank you! Tôi trả lời.   

 

Sau đó tôi đứng thả hồn, miên man suy nghĩ và bắt đầu so sánh những ngôi Chùa được đúc bằng vàng và “nhà thờ” của Chúa – Hoá ra Chúa lúc nào cũng nghèo.  Đang miên man, thì tiếng các em gái đã kéo tôi về với thực tại. 

-         Ông này chắc là người có đạo đó.  Tiếng của bé Châu13 tuổi cất lên.

-         Sao mày biết?   Nga, cô bé 16 tuổi, “với thâm niên” 3 năm làm nô lệ trong nhà thổ - là “chị hai” của nhóm 4 cô gái này, hỏi chen vào.

-         Nếu hỏng có đạo ổng tìm nhà nhờ làm gì?  Châu trả lời.

-         Coi chừng ngày Chúa Nhật này ổng bắt tụi mình đi với ổng vô nhà thờ đó.  Hoa, cô bé 15 tuổi bình phẩm.

-         Tao hỏng nghĩ vậy đâu.  Đi chơi thì đi, chứ đi nhà thờ thì đi làm gì.  Tao đâu có đạo đâu mà đi.  Dzậy là sáng Chúa Nhựt được ngủ đã rồi.  Nga nói chắc như đinh đóng cột.

-         Hỏng dám đâu.  Hoa phản bác.  Hồi trước giờ ổng đi đâu ổng cũng bắt tụi mình đi theo hết.  Tao nghĩ là Chúa Nhựt này cũng dzậy thôi.

-         Tao bảo đảm là ổng không bắt mình đi nhà thờ.  Châu một lần nữa khẳng định. 

 

Tụi mày không nhớ ban sớm với ban khuya ổng cầu nguyện, ổng bắt tụi mình phải im lặng cho ổng cầu nguyện sao?  Cho nên Chúa Nhựt này ổng đi nhà thờ cầu nguyện, ổng cũng sẽ muốn được im lặng. 

 

Nghe tới đây là tôi hiểu được các em này không phải là người Công Giáo và cũng chưa bao giờ bước chân vào nhà thờ tham dự thánh lễ.  Vì nếu đã đi lễ, thì biết chắc là Thánh Lễ đâu có “im lặng để cho ổng cầu nguyện.”  Thế là tôi muốn dẫn các em vào bên trong nhà thờ. 

 

Vừa bước lên những bậc thềm trước cửa nhà thờ, tôi vừa khoát tay ra hiệu cho các em đi theo tôi.  Các em bỏ dửng câu chuyện và chạy theo tôi.  Nhưng riêng bé Thoa 12 tuổi, mới bị đưa qua từ Việt Nam được gần 1 năm, này giờ vẫn im lặng - giờ lí nhí lên tiếng: 

-         Tao không vô nhà thờ đâu.

-         Trời, giỡn hoài – nhõng nhẽo nữa hả má - “Chị hai” Nga vừa cười vừa chọc.

-         Không, tao không muốn vô nhà thờ.  Vẫn lí nhí nhưng có vẻ cứng rắng hơn, Thoa trả lời.

-         Thôi đi má, tụi con bế má vô.  Châu vừa dứt lời thì cả ba chạy xuống những bậc tam cấp để “bế” Thoa lên.

-         Bỏ tao xuống, tao không vô nhà thờ.  Thoa lớn tiếng.  Tao đã nói là tao không muốn vô trong đó mà.  Tụi mày đi đi, đừng có làm phiền tao.  Kèm theo những câu nói đó là một tràng ngôn ngữ tục tĩu được phóng ra từ miệng của Thoa.

-         Mày mà hỏng vô coi chừng ổng đuổi mày dzề đó.  Đi với ổng xướng vầy, giờ tự nhiên giở chứng không dzô.  Nga nói như dạy đời.

-         Ổng đuổi thì đuổi, tao không dzô là không dzô.  Thoa cứng rắn trả lời. 

Thấy tình hình căng thẳng qúa, tôi giả lơ và nói to:

-         The Church is closed.  Let’s go home!  (nhà thờ đóng cửa rồi, thôi đi về)

Nói xong tôi bước lên xe và kêu các em cùng lên xe.  Vẫn với vẻ mặt “giả nai” như không hiểu các em mới tranh luận điều gì, tôi vừa béo vào mặt bé Thoa vừa hỏi: 

-         Are you ok?  What is going on?  (Em có sao không?  Chuyện gì vậy) 

Nhưng em có hiểu tôi hỏi gì đâu mà trả lời.  Em chỉ nhìn tôi và nhúm miệng cười, tuy gương mặt vẫn còn rất khó chịu và lấm lét với nhiều lo lắng. 

Thế là bắt đầu từ hôm đó tôi quyết tâm tìm cách gợi chuyện, hay vẽ chuyện để cho các em nói với nhau về đề tài… nhà thờ.  Tôi quyết tâm phải biết được cái lý do tại sao Thoa nhất quyết không vào nhà thờ, dù em biết rằng có thể bị tôi đuổi về và không thuê nữa. 

 

****************** 

Nói tới đây, tôi xin đi ra ngoài câu chuyện một tí để giải thích cho qúy đọc giả biết tại sao các em “thích” đi với tôi.   

Sau hơn 3 năm “làm việc” ở Campuchia, tôi đã phần nào xây dựng được chữ TÍN.  Chữ tín không phải chỉ ở nơi các em, mà còn đến từ các tú ông, tú bà, ngay cả những tay anh chị được cử đi theo dõi tôi và bảo vệ các em, sợ tôi dẫn các em trốn.   

Các tú ông tú bà tin tôi vì tôi … “sòng phẳng” với họ, chưa bao giờ kỳ nèo bớt giá.  Tôi luôn “trả” các em về cho họ đúng giờ.  Tôi luôn trả các em về cho họ trong một trạng thái vui vẻ, không mệt mỏi, và không “sứt mẻ” điều gì. 

Các tay anh chị tin tôi, vì tôi chưa bao giờ làm cho họ phải lo lắng.  Họ chưa bao giờ phải mất công theo dõi tôi.  Vì khi tôi đi chơi với các em, tôi thường vẫn cho họ đi theo.  Họ vừa làm việc của họ, lại vừa được đi chơi thì còn gì xướng bằng.  Không những chỉ được đi chơi miễn phí, các bữa ăn của họ cũng được tôi trả tiền.  Thỉnh thoảng tôi còn thuê phòng ngay đối diện phòng của tôi cho họ ngủ để … canh tôi – tránh cho họ phải vật vờ trước cổng khách sạn theo dõi.  Thế còn gì bằng. 

Các em tin tôi đơn giản là vì các em rất… xướng khi được tôi thuê.  Các em truyền miệng cho nhau về “ông thương gia người Singapor, mỗi khi giận vợ lại tìm người đi chơi chung.  Ông ta chưa bắt ai phải “phục vụ” ổng bao giờ - đã không phải làm những điều dơ dáy đó, lại được ổng cho đi chơi và đôi khi còn mua quần áo mới cho nữa!  Đó là lý do chính tạo sao các em “thích” được tôi thuê và đôi khi còn giành nhau nữa.  Dài dòng ra ngoài lề câu chuyện như vậy cho bạn hiểu, bây giờ chúng ta trở lại câu chuyện nhé.

 

*********************** 

Sau thêm ba ngày nữa sống với các em thì câu chuyện dẫn đến lý do tại sao Thoa quyết định không vào nhà thờ đã có màn kết của nó. 

Thoa sinh ra và lớn lên trong một gia đình công giáo nghèo tại tỉnh An Giang.  Như những gia đình công giáo và những đứa bé khác sống ở làng quê, em đi lễ mỗi Chủ Nhật; đi học Giáo Lý tuần 2 ngày và siêng năng tham dự lễ ngày thường.  Em đã được học giáo lý, học về Thiên Chúa yêu thương, học về sự hiện diện của Chúa trong thế giới hôm nay.  Và cũng như những đứa trẻ khắc em TIN rằng Thiên Chúa thương em và thương gia đình của em lắm.  Và không dừng lại ở niềm tin đơn giản đó, em cũng bắt đầu biết cầu nguyện; cầu nguyện cho em và cho gia đình em thoát khỏi cái cảnh nghèo nàn; cầu nguyện cho ba em bỏ uống rượu và cầu nguyện xin Chúa che chở em và mẹ em tránh được những trận đòn chí tử mỗi khi ba em say sỉn. 

Và hình như Chúa đã nhận lời em.  Một người thân của má em, sau khi lên thành phố lập nghiệp trở về quê và hứa đưa em lên đó giúp việc nhà, cô sẽ cho em chỗ ăn và chỗ ở, trả em 700 ngàn một tháng, và còn ứng trước cho em 3 tháng tiền lương.  Một số tiền mà gia đình em không bao giờ dám nghĩ tới.  Em mừng thầm trong bụng, em cám ơn Chúa.  Em nhẩm tính, “vậy là em có thể giúp gia đình em thoát khỏi cái nghèo!”  Chỉ cần hai tháng lương của em là đã bằng thu nhập của gia đình em một năm!  Nhưng rồi những nhẩm tính đó cùng với những hy vọng thoát nghèo của em mau chóng tan thành mây khói.   

Thành phố đâu em không thấy, tiền lương đâu em không biết, chỉ thấy mình nằm trong cái “cũi nhốt người” này đã gần một năm.  Những ngày đầu em còn chưa biết chuyện gì sảy ra nên khóc lóc và la hét mỗi khi có… khách.  Và rồi những trận đòn nhừ tử, những ngày được bỏ đói đã dạy em cắn răng làm những điều không thể chấp nhận được trong cái tuổi của em, tuổi 12.   Có những ngày trong vòng 24 tiếng em phải tiếp cả hơn 10 người đàn ông.  

Tuy trong tận cùng của tăm tối cuộc đời đó em vẫn tin Chúa và vẫn cầu nguyện.  Em cầu nguyện xin Chúa đưa em ra khỏi nơi này – nơi quy tụ những con qủy trần gian – nơi địa ngục trần gian.  Em xin Chúa cho em được về với gia đình – cho dù em có đói, em có bị ba đánh đập nhưng vẫn không thể so sánh được với nơi này.   

Nhưng em đã thôi không cầu nguyện cách đây vài tháng.  Em đã quyết định chắc chắn là không có Thiên Chúa nào cả.  Chính vì thế em không cần cầu nguyện.  Em lý giải với bạn bè của em:  “Cho dù có ông Chúa đi chăng nữa, ông ta cũng không nghe lời tao.  Ông ta không thèm để ý tới những lời tao nói.  Ông ta không thương tao, nên tao cũng không thèm ổng….”   

Bạn thân mến, những lời đó đã như lưỡi đòng đâm qua tim tôi.  Tôi là một Linh Mục, cả cuộc đời tôi cố gắng mang mọi người tới Chúa, giúp họ nhận ra Thiên Chúa, giúp họ tin vào Chúa, thế mà giờ đây……..  Thật sự, chính tôi cũng đang phân vân không biết có sự hiện diện của Thiên Chúa không?  Em nói có lý quá, cái lý của một đứa trẻ 12 tuổi đã làm cho tôi phải câm nín và … hoang mang.  Không những em có lý, mà cái lý đó còn có cái tình nữa chứ.  “sao Chúa không thương em, em thương Chúa lắm mà?  Sao Chúa không nghe em, em vẫn nói chuyện với Chúa mà Chúa ơi!” 

Và bạn thân mến, với những lý do đó em đã sẵn sằng bảo vệ cái “luận lý” không có Thiên Chúa của mình bằng cách quyết định không bước vào nhà thờ, cho dù có thể bị tôi đuổi về với các “con qủy” trong cái “điạ ngục trần gian.” 

Chút suy tư:   

Tôi đã đọc ở đâu đó một câu chuyện của một bà mẹ dạy con của mình khi hai người cầu nguyện trước một tượng chúa Kitô Vua đã bị bom đạn tàn phá và bể nát.  Đứa bé hỏi mẹ:  

-         Tại sao mẹ lại cầu nguyện trước tượng Chúa không có tay chân, và mắt cũng như miệng này. 

Và bà mẹ đã đã lời:

-         Vì mẹ đang xin Chúa cho mẹ ơn can đảm để chính mẹ sẽ trở nên con mắt của Chúa, lỗ tai của Chúa, miệng của Chúa, trái tim của Chúa và cánh tay của Chúa.  Mẹ và còn, mình sẽ là con mắt của Chúa để NHÌN thế giới với một cái nhìn nhân hậu; là lỗ tai của Chúa để NGHE và CẢM THÔNG những niềm vui cũng như những đau khổ của con người; là miệng của Chúa để AN ỦI những ai cần được ủi an; là trái tim của Chúa để YÊU THƯƠNG những người không ai yêu thương; và là cánh tay của Chúa để NÂNG ĐỠ những người không ai nâng đỡ. 

Bạn thân mến, đời sống đạo đức thánh thiện và những công việc bác ái, không phải là đời sống chỉ dành riêng cho những giám mục, linh mục, hay tu sĩ mà dành cho tất cả mọi người chúng ta. Xin giúp mỗi người chúng ta biết nhận ra “ơn gọi trở nên thánh” của mình, biết ý thức được mình là men cho bột, là muối cho đời, là ánh sáng cho thế gian, là môi miệng, là tay chân, là trái tim của Chúa Giêsu ở trần gian này, để qua đó khắp nơi và mọi người trên trái đất nhận ra được sự hiện diện đích thực của Thiên Chúa; của mầu nhiệm Ngôi Lời nhập thể và ở giữ chúng ta; để nơi nơi vang lên lời chúc tụng ngợi khen Thiên Chúa là cha chúng ta ở trên trời.  Amen.

 

Linh Mục Martino Nguyễn Bá-Thông

Nếu muốn kiểm chứng những câu chuyện này, bạn có thể liên lạc với tôi qua trang web http://www.hayyeuthuongnhau.org/ trong đó bạn sẽ có đầy đủ email, số điện thoại và giáo xứ tôi đang phục vụ. 

 

Mục lục

 

KHÔNG ĐÁNH MẤT HY VỌNG LÚC GẶP GIAN NGUY

 

Cách đây 10 năm, ngày 18-5-1998 là đại lễ tại Betio và Nawerewere: hai Cộng Đoàn mừng cuộc trở về của hai tu huynh Maristes Asema và Ikenasio. Cả hai bị mất hướng ngoài biển cả khi đi đánh cá cho Cộng Đoàn. Hai tu huynh sống tại quần đảo Kiribati, nằm trong Đại dương châu.

19 ngày lênh đênh trên biển với số lương thực ít ỏi, hai tu huynh vẫn giữ vững lòng tin cậy phó thác nơi sự quan phòng của THIÊN CHÚA. Tu huynh Asema kể.


Thứ bảy ngày 7-3, chúng tôi quyết định đi đánh cá. Chúng tôi biết nhau nhiều mặc dầu không cùng quê quán. Thầy Ikenasio thuộc đảo Tonga còn tôi thuộc đảo Samoa. Nhưng chúng tôi thường đi biển chung, chài cá đem về nuôi sống Cộng Đoàn .. Như thường lệ, chúng tôi mang theo hai lít nước, một bình xăng và hai áo nổi cấp cứu.

Đánh cá xong, lúc quay xuồng máy trở về, chúng tôi mới nhận ra mình bị lạc hướng. Chúng tôi tắt máy để tiết kiệm xăng và tìm đường vào đất liền. Bỗng một con cá voi xuất hiện, tiến đến lởn-vởn gần xuồng. Chúng tôi vội cho nổ máy và đưa xuồng tránh càng xa càng tốt. Chúng tôi phải mất đến 2 giờ mới thoát khỏi vòng nguy đe dọa của chú cá voi! Thật hú hồn!

Lương thực cạn dần. Nước quá ít. Chúng tôi giới hạn mỗi ngày chỉ uống một ngụm nước. Một buổi sáng, một con chim đến đậu trên xuồng. Thầy Ikenasio nhanh tay túm được chim. Thế là chúng tôi có lương thực cho hai ngày. Ban đêm trời quá lạnh, còn ban ngày trời quá nóng. Trong xuồng chỉ có một tấm ván, giúp che đỡ nắng mưa. Thỉnh thoảng trời mưa. Chúng tôi hứng nước mưa để dành. Đôi khi đại dương nổi sóng lớn, khiến con xuồng bé nhỏ trở thành một đồ chơi trôi dạt giữa ba đào! Một ngày, sóng to đến độ chúng tôi phải mặc áo cấp cứu và cho xuồng nổ máy, kiếm tìm vùng biển khác, yên lành hơn.


Một buổi chiều, thầy Ikenasio mặc áo nổi và buộc áo vào dây cột với xuồng, rồi nhảy xuống biển. Thầy nằm im không bơi, vì quá yếu nhược. Nằm dưới nước, thầy cảm thấy thoải mái vì nước mát, giảm cơn khát. Khi trở lên xuồng, thầy khuyên tôi cũng nên làm như vậy. Tôi miễn cưỡng nghe lời. Nhưng khi xuống nước rồi, tôi thấy thầy Ikenasio có lý. Thế là mỗi ngày, chúng tôi xuống biển tắm một lần. Rồi chúng tôi uống một ngụm nước biển, bồi thêm cho chút lương thực nghèo nàn của chúng tôi.

Thời gian nặng nề trôi qua. Chúng tôi cùng cầu nguyện chung và khích lệ nhau giữ vững niềm HY VỌNG. Để giết thời giờ, chúng tôi kể cho nhau nghe giấc mơ của mỗi người. Ngày 19-3, tôi kể cho thầy Ikenasio nghe về giấc mơ của tôi. Đêm đó, tôi nằm mơ thấy thân phụ tôi. Hôm ấy cũng là ngày lễ bổn mạng của Ba tôi. Tên thánh của người là Giuse. Tôi thấy người đang lần hạt Mân Côi với chúng tôi.

Suốt trong 19 ngày trôi dạt trên đại dương, không bao giờ chúng tôi đánh mất niềm HY VỌNG. Bởi vì chúng tôi biết rõ rằng trên đảo: Cộng Đoàn, gia đình và bạn bè cầu nguyện cho chúng tôi và với chúng tôi.

Ngày 25-3, lễ Truyền Tin. Ban sáng, chúng tôi cùng đọc Kinh Sáng. Xong, chúng tôi nằm im trên thuyền vì quá yếu nhược. Khoảng gần trưa, thầy Ikenasio như thoáng thấy cái gì đó ở xa xa. Tôi chăm chú nhìn kỹ thì thấy một chiếc tàu. Đó là tàu đánh cá Đại Hàn Sajo Olympia. Chiếc tàu tiến lại gần và vớt chúng tôi lên tàu. Người ta dìu chúng tôi vào nhà bếp và đề nghị cho chúng tôi uống sữa ..


Thủy thủ đoàn gồm có người Triều Tiên, Phi luật tân và Trung Hoa. Tất cả tỏ ra ân cần chăm sóc chúng tôi. Vì ngôn ngữ bất đồng nên chúng tôi thường ra hiệu cho nhau. Khi ăn uống lại sức rồi, chúng tôi giúp việc nơi nhà bếp. Lênh đênh trên biển từ mấy tháng qua, chiếc tàu Sajo còn cần bắt thêm cho đủ lượng cá. Khi tàu vớt chúng tôi thì họ mới bắt được 1 phần ba số lượng ấn định. Nhưng rồi sau đó, tàu bắt được vô số cá, gần như một phép lạ! Mọi người tỏ ra hân hoan và cho rằng:


- Chính sự hiện diện của chúng tôi mang phúc lành đến cho họ!

Ngày chúng tôi đặt chân lên đất liền, trở lại với Cộng đoàn và gia đình, là ngày hội lớn. Mọi người tay bắt mặt mừng, khóc vì vui và vì cảm động. Tất cả chúng tôi vào ngay Nhà Nguyện cất tiếng hát Kinh MAGNIFICAT, dâng lời cảm tạ THIÊN CHÚA Từ Bi và Đức Mẹ MARIA Nhân Lành.


Kinh nghiệm đau thương của 19 ngày trôi dạt trên biển cả giúp chúng tôi lớn lên trong Đức Tin và lòng trông cậy phó thác. Riêng thầy Ikenasio và tôi, chúng tôi cảm nhận cách cụ thể quyền lực của kinh nguyện, sự gần gũi của THIÊN CHÚA và sự bảo trợ của Đức Trinh Nữ Rất Thánh MARIA, trong cuộc chiến hàng ngày của đời sống. Muôn vàn cảm tạ THIÊN CHÚA.

... ”Con đừng nhút nhát khi cầu nguyện, và đừng coi thường việc làm phúc bố thí. Đừng cười nhạo ai đang cay đắng trong lòng, vì có Đấng vừa hạ xuống vừa cất nhấc lên. Đừng dùng lời gian dối mà hại anh em, đối với một người bạn cũng không nên làm như thế. Đừng chủ ý bịa đặt điều gian dối nào, vì cứ như thế sẽ chẳng đưa tới gì tốt đẹp. Giữa đông đảo các bậc lão thành, con chớ ba hoa, và khi cầu nguyện thì đừng lải nhải. Đừng chán ghét những việc vất vả nhọc nhằn, cũng như việc đồng áng Đấng Tối Cao đã định. Đừng nhập bọn với phường tội lỗi, hãy nhớ rằng cơn thịnh nộ không chậm trễ đâu! Hãy khiêm nhường hạ mình xuống, vì lửa và giòi bọ là hình phạt dành cho kẻ vô đạo” (Huấn Ca

7,10-17).

(”Annales d'Issoudun”, Novembre/1998, trang 30-31
)

Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt

Mục lục

 

CÙNG ĐỌC & SUY NGHĨ

“CHỒNG NGOẠI” NHÌN TỪ GÓC ĐỘ GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN

 

Ở đây, tôi không đề cập tới những hôn nhân bình thường giữa phụ nữ VN  và những đàn ông khác sắc tộc do có sự thu hút lẫn nhau, tìm hiểu nhau cận kẽ, đi đến tình yêu và quyết định kết hôn.

 

Chúng ta đang hãnh diện cho rằng vài năm nữa chúng ta sẽ thoát khỏi tình trạng kém phát triển, nhưng tôi nghi ngờ về sự lạc quan này, vì phát triển phải toàn diện về cả hai mặt kinh tế và xã hội. Chuyện nhiều cô gái VN lấy chồng ngoại vì mục đích kinh tế hay bị buôn bán để làm nô lệ tình dục cho thấy ta còn rất chậm phát triển, bởi là chuyện của xã hội chứ không phải của riêng  các cô gái tội nghiệp này.

 

Không co bình đẳng giới thì không có phát triển, mà bình đẳng giới không chỉ bó hẹp ở khía cạnh chính trị như ta đang tập trung vào, nghĩa là đặt phụ nữ ở những vị trí quyền lực. Thực tế vấn đề không bình đẳng giới thể hiện ở nhiều góc độ.

 

Khi một số lớn các em gái không được học chữ và học nghề để có thể sống độc lập về kinh tế (một điều kiện không thể thiếu để có bình đẳng)

 

Khi các em không được phát triển nhân cách riêng của mình, để đến tuổi trưởng thành có thể tự lựa chọn và quyết định tương lai của mình.

 

Khi đời sống tinh thần của các em nghèo nàn đến độ không dám ước mơ có tình yêu ít nhiều lãng mạn, ước mơ gặp một người con trai phù hợp với mình…Nói chung là ước mơ được hạnh phúc như mọi người bình thường.

 

Không thể không đau lòng và xấu hổ khi sống trong một đất nước độc lập, tự chủ, nhưng các em bị xem như một món hàng, được chở hàng loạt tới công viên, khách sạn để người ta “xem giò, em cẳng”

 

Khi cha mẹ xem con cái như vật sở hữu có thể đem bán khi cần.

 

Khi xã hội bị chi phối bởi một lực lượng ngầm mà vô cùng được việc là dám “có người” ở khắp nơi”.

 

Khi trong những giây phút lo lắng, lưỡng lự, các em không có nơi chạy đến để nhận được giúp đỡ. Cụ thể là những phòng tham vấn tâm lý, công tác xã hội… mà các nước (ngay cả đang phát triển khác) được bố trí ở tận cơ sở để giúp trẻ em, phụ nữ và mọi gia đình với những cán bộ được đào tạo chính quy. Chỉ có lực lượng này mới có thể giúp các em chống nổi với sức mạnh rỉ tai của “cò”

 

Ta thường hô hào về một sự phát triển toàn diện của đất nước, tuy có nhắc đến khía cạnh con người và xã hội, nhưng trong thực tế quản lý, ta chỉ nặng về làm chính trị và hành chính. Cũng dễ hiểu, bởi ta vẫn còn xa lạ với các khoa học dẫn đến phát triển xã hội. Những chuyện đau buồn gần đây liên quan bạo lực đối với trẻ em, những câu chuyện nói hoài về “chồng ngoại”, và gần đây là sự gia tăng của tệ nạn buôn bán phụ nữ và trẻ em là những vết thương đang kêu cứu của đất nước, một biến tướng tệ hại của chế độ nô lệ kiểu mới mà chúng ta chưa giải quyết được.

 

Các nước lân cận VN như Philippines, Thái Lan, Maalaysia đã phải đối phó với chuyện “ chồng ngoại” và buôn bán phụ nữ làm nô lệ tình dục từ vài thập niên trước. Họ đã hành động rất quyết liệt, chủ yếu là các tổ chức phi chính phủ trong và ngoài nước, nhất là các tổ chức phụ nữ đảm trách công việc này. Không chỉ có những chương trình phát triển cộng đồng để xoá nghèo một cách bền vững, mà cán bộ xã hội còn đến từng nhà.

 

Tôi còn nhớ mãi một quyển sách nhỏ thập đẹp nói về chuyện thật ở Thái Lan trước đây.  Sách thì rất đẹp nhưng nội dung  rất đau lòng, kể về 5-6 em gái bị cha mẹ bán lân Bangkok làm mại dâm. Rủi thay, một hôm căn nhà các em ở bị cháy rụi, các em chết hết. Nhiều triệu bản sách được in và phát miễn phí. Nhờ đó, nhiều thiếu nữ đã quyết tâm tự bảo vệ và tự quyết định tương lai của mình. Nhiều bậc cha mẹ hối hận vì đã bán con mình để đổi lấy cái tủ lạnh, chiếc máy giặt.

 

Chẳng lẽ VN không thể làm một cách quyết liệt để chấm dứt hay giảm đến mức tối đa tệ nạn này ?

 

Thạc sĩ Nguyễn Thị Oanh

Mục lục

TINH YÊU – HÔN NHÂN – GIA ĐÌNH

MỤC ĐÍCH CỦA 
HÔN NHÂN KITÔ GIÁO

Mục đích của hôn nhân Kitô giáo là để cho hai người phối ngẫu giúp nhau trở thành những con người như Chúa đã tạo dựng và mong muốn. Thiên Chúa không những thiết lập Bí tích Hôn Phối để hai người nam nữ yêu thương nhau. Ngài thiết lập Bí tích này là để hai người phối ngẫu giúp nhau khám phá và sống bản sắc của họ trong Chúa Kitô. Nói cách khác, hôn phối Kitô là một cuộc sống chung, trong đó hai người phối ngẫu thực hiện ơn gọi và định mệnh Kitô của họ.

Trong thư gởi cho giáo đoàn Rôma, thánh Phaolô xác quyết rằng: “Dù sống hay chết chúng ta đều thuộc về Chúa” (Rm14, 8). Qua hôn phối, Chúa ủy thác cho chúng ta một trách nhiệm cao cả là chuẩn bị cho người phối ngẫu của chúng ta được sống mãi với Chúa trên Thiên đàng.

Đây chính là ý nghĩa của lời khuyên dành cho hai người phối ngẫu trong ngày thành hôn. Mỗi người phải trở thành một Chúa Kitô cho nhau. Tựu trung, Chúa nói với mỗi người kết hôn trong Giáo Hội như sau: “Ta chọn con để đóng một vai trò nồng cốt trong sự thánh hóa của người phối ngẩu của con. Con hãy nhớ rằng người bạn đời của con sẽ không thể nên thánh nếu không có con”.

Thật ra, thánh hóa là mục đích của mọi Bí tích, cho nên khi lãnh nhận hay đúng hơn cử hành Bí tích Hôn Phối, hai người phối ngẫu được trao phó cho trách nhiệm là thánh hóa lẫn nhau. Khi bạn kết hôn trong Nhà thờ hay đúng hơn trong Giáo Hội, bạn không chỉ nói chúng tôi yêu nhau hay chúng tôi trở thành đôi bạn ăn đời ở kiếp với nhau. Dĩ nhiên, những mục đích ấy rất chính đáng, nhưng có điều quan trọng hơn là khi kết hôn trong Nhà thờ bạn nhìn nhận rằng, kể từ ngày hôm nay cho đến khi nhắm mắt lìa đời bạn đă được Chúa trao cho một trách nhiệm trọng đại là giúp cho người bạn đời của mình trở thành con người như được Chúa tạo dựng và mong muốn.

Vậy, Chúa đã tạo dựng và mong muốn ta trở thành người như thế nào? Thưa, chúng ta được tạo dựng theo và giống hình ảnh của Thiên Chúa. Chúng ta chưa từng thấy Thiên Chúa nhưng chúng ta thấy Ngài mỗi ngày qua sự cảm thông, lòng thương xót, công lý, sự thật, lẽ khôn ngoan và nhất là tình yêu.

Chính những nhân đức này là một phản ảnh của Thiên Chúa. Thiên Chúa trao cho một chút thượng trí của Ngài để chúng ta suy nghĩ và lý luận. Ngài đặt để trong chúng ta một chút tình yêu của Ngài để chúng ta yêu thương nhau..

Phép Rửa tội là nền tảng của bản sắc Kitô của chúng ta. Khi chúng ta chịu phép Rửa, Chúa ban cho chúng ta những hồng ân vô giá. Cùng với việc tẩy xóa linh hồn chúng ta khỏi vết nhơ tội Nguyên tổ. Ngài ban cho chúng ta ơn thánh hóa. Ngài thông truyền cho chúng ta ba nhân đức đối thần là Tin-Cậy-Mến. Ngài đổ tràn xuống tâm hồn của chúng ta các ơn Chúa Thánh Thần.

Có một bản sắc trong Chúa Kitô là sống các ơn và những nhân đức đó trong mọi tình huống của cuộc sống. Có một bản sắc Kitô trong Chúa Kitô cũng là biết và đeo đuổi lý do tại sao Chúa đã tạo dựng và đặt để chúng ta vào trong trần thế. Đâu là sứ mệnh chúng ta trong trần thế? Những chọn lựa và cư xử hằng ngày của chúng ta càng phản ảnh những giá trị và nhân đức mà Thiên Chúa đã ban thì bản sắc của chúng ta trong Chúa Kitô càng vững chắc.

Mục đích của Bí tích Hôn Phối là để nâng đở, nuôi dưởng, cổ võ chúng ta trong việc đeo đuổi và sống bản sắc Kitô ấy. Một cách cụ thể là những người bạn đời có cùng một bản sắc Kitô, có nghĩa là khi người bạn đời của bạn đòi hỏi bạn nhiều hơn thì bạn buộc phải trao ban nhiều hơn. Bạn phải trao ban nhiều hơn không nhất thiết là vì người phối ngẫu của bạn đáng được bạn trao ban một cách quảng đại, mà bởi vì bạn có trách nhiệm đối với Chúa là phải chứng tỏ lòng quảng đại ấy. Có lẽ bạn không muốn tỏ ra tình tứ với người phối ngẫu, nhưng qua những cử chỉ âu yếm ấy, bạn tham dự vào chương trình của Chúa bằng cách làm cho người phối ngẫu của bạn biết được họ là người đặc biệt với Chúa là dường nào.

Khi hai người giao hợp với nhau bạn cũng hãy giúp cho người phối ngẫu cảm nhận được rằng, qua hành động này cả hai đang thực sự mở ngõ cho tình yêu vĩnh hằng của Thiên Chúa. Mỗi khi bạn không sống trọn những cam kết của bạn trong đời sống hôn nhân là mỗi lần bạn ngăn cản Chúa yêu thương người phối ngẫu của bạn theo cách thế người đó được Chúa yêu thương. Bạn hãy nhớ rằng, Chúa đòi hỏi bạn phải trở nên một Chúa Kitô cho người phối ngẫu của bạn. Mỗi lần bạn xúc phạm đến người phối ngẫu của bạn là mỗi lần bạn cũng khước từ chính Chúa Kitô và không để cho Chúa Kitô được thể hiện nơi bạn. 
Đối với một người tín hữu Kitô, tất cả mọi nghệ thuật trong đời sống hôn nhân đều là một phản ảnh của chính tình yêu Thiên Chúa. Trong đời sống hôn nhân Kitô giáo, tất cả đều có giá trị Bí tích, một nụ hôn, một cánh hoa, một lời nói yêu thương, một cử chỉ thu hút, tất cả đều là một phản ảnh của tình yêu mà Thiên Chúa đã chuẩn bị cho họ trong cuộc sống mai hậu.

Giúp cho người phối ngẫu được lên Thiên đàng là một trách nhiệm đòi hỏi nhiều hơn cả cố gắng đi lễ ngày Chúa nhật hay lần chuỗi Mân Côi. Mọi Bí tích đều là một phương tiện thánh hóa. Mỗi Bí tích đều ban cho chúng ta những ơn đặc biệt để chu toàn trách nhiệm của mỗi người trong đời sống Kitô. Riêng qua Bí tích Hôn Phối Chúa ban cho chúng ta những ơn đặc biệt để chu toàn hai trách vụ là tái lập sự hiệp nhất nguyên thủy đã có giữa hai người nam và người nữ và mang lại sự sống mới.


Mai Hương

Radio Veritas

Mục lục

Dạy trẻ lịch sự

 

  1. Hãy nói với trẻ tại sao phải lịch sự với mọi người. Trẻ không chú ý phép lịch sự nếu như trẻ không hiểu tầm quan trọng của nó. Hãy nói cho trẻ biết rằng nếu con đối xử không tốt, không lịch sự với bạn bè, với mọi người xung quanh thì họ sẽ cảm thấy không thoải mái, không yêu thích, không muốn chơi chung với con nữa, và chơi mà không có bạn bè chơi chung thì thật là buồn chán.

 

  1. Thừa nhận thực tế nhưng cần giáo dục trẻ. Thừa nhận rằng cháu có thể cười to vì bạn Toàn luôn có cái mũi ửng đỏ, bạn Lan quá mập…nhưng hãy nói thêm với con rằng nếu như đều đó trở thành thói quen thường xuyên thì các bạn có thể xa lánh mình.

 

  1. Hãy làm gương tốt. Bạn đừng mong cô con gái 5 tuổi của mình có hành vi tốt nếu  như bạn làm đều xấu trước mặt trẻ. Nếu như bạn ngắt lời ai đó một cách tô lỗ thì đừng ngạc nhiên khi thấy con bạn hành vi cũng giống như bố mẹ vậy.

 

 

  1. Cần có thái độ đúng đắn,kiên quyết. Bạn hãy tỏ thái độ cho con bạn biết bạn không tán thành những hành vi xấu của con, hãy làm cho nó chú ý không hài lòng của bạn.

 

  1. Hãy bình tĩnh. Trong những trường hợp con cái làm “mất mặt” bạn, cần kiên quyết với chúng nhưng phải hết sức bình tĩnh.

 

 

  1. Hãy tạo tình huống cho con tập luyện thường xuyên. Vì con trẻ rất hay quên. Nhắc con các nguyên tắc ứng xử và yêu cầu nó lặp lại…

 

  1. Hãy tìm hiểu nguyên nhân. Khi trẻ có hành vi xấu, hãy tìm hiểu nguyên nhân vì sao, đừng vội vàng la mắng chỉ trích chúng.

 

  1. Hãy báo trước cho trẻ. Trước khi bạn có cuộc họp mặt gia đình hay với bạn bè, hãy nói với con cái rằng bạn mong chúng được vui vẻ, cư xử lịch xử với mọi người.

 

  1. Khuyến động viên trẻ. Hãy chỉ cho con thấy nếu như lịch sự với mọi người thì được mọi người yêu mến, chia sẻ…điều đó giúp con bạn nhận thức tốt hơn về hành vi của mình đối với mọi người xung quanh.

 

 

(Theo Internet)

Mục lục

 

ĐỌC SÁCH

DẤU CHÂN CỦA THẦY

 

 (Mc 4,1-20)

 

Thầy kính mến,

 

Máccô bảo rằng Thầy chỉ dùng dụ ngôn mà giảng cho dân (Mc 4,34). Dường như dụ ngôn “Người gieo giống” là dụ ngôn đầu tiên được các thánh ký ghi lại. Hỏi tại sao Thầy chỉ dùng dụ ngôn mà giảng, thì Thầy mượn lời của Sứ ngôn Isaia mà trả lời ngang như cua: “Hãy làm cho lòng dân này ra đần độn, cho tai nó điếc, cho mắt nó mù; kẻo mắt nó thấy, tai nó nghe và lòng nó hiểu, mà nó trở lại và được chữa lành” (Is 6,10). Như vậy là có nhiều vấn đề.

 

1. Thầy chỉ dùng dụ ngôn mà giảng. Ngày nay người ta đánh giá Thầy là một nhà lập đạo và truyền đạo tuyệt vời, vì Thầy biết dùng những hình ảnh dân gian và cuộc sống đời thường để hướng dẫn tín đồ đi vào thế giới cao siêu và thần linh. Cây nho, cây vả, đồng lúa, con trừu, con lạc đà … là những vật liệu thông thường được Thầy sử dụng để mô tả mối tương quan kỳ diệu giữa Thượng đế và con người, lòng sám hối là cần thiết và khẩn trương, lòng từ bi nhân từ của Chúa Cha đối với tội nhân, sự nguy hiểm khủng khiếp của tiền bạc …

 

Dụ ngôn là loại văn chương vừa rất hấp dẫn, vừa giúp thính giả dễ hiểu, dễ nhớ và nhớ dai. Đặc tính của dụ ngôn rõ ràng là vậy. Thế mà …

2. Thầy bảo rằng, Thầy dùng dụ ngôn mà giảng để người ta không hiểu; sợ rằng người ta hiểu rồi sám hối, thì mất công tha thứ. Rõ ràng là hờn dỗi. Thầy mà cũng biết hờn dỗi sao? Quê quá chừng! Nhưng Thầy không hờn dỗi, ngàn lần không phải vậy, vì Thầy không phải là người phàm nhỏ nhoi, tẹp nhẹp như chúng con. Thầy chỉ muốn nói lên một sự thật đau lòng là dân Do Thái ngoan cố không muốn tin vào ơn cứu độ của Thầy. Buồn lắm! Vậy thôi.

 

3. Dụ ngôn “Người gieo giống”.

 

Thầy kính mến. Con đã đọc dụ ngôn này cho lớp giáo lý dự tòng. Chẳng ai hiểu ý của Thầy. Thậm chí còn có người chê: “Cái người gieo giống này khùng thấy mồ. Gieo gì mà cứ tùm lum, bạ đâu gieo đấy …” Mà trớ trêu thay, người gieo ấy lại chính là Thầy! Tội nghiệp! Con xin được phép mổ xẻ cả tác giả lẫn dụ ngôn và thính giả.

 

Thầy giảng mà không ai hiểu. Cả các tông đồ cũng mù tịt. Những thính giả có trình độ mà không hiểu thì tự ái và tức tối lắm. Các tông đồ càng tự ái hơn … Tối đến, trò mới dám hỏi Thầy về ý nghĩa của dụ ngôn. Không dám hỏi công khai vì sợ mất mặt. Khi được Thầy khai sáng rồi, các ông sẽ hăng say đi cắt nghĩa cho bà con. Đi cắt nghĩa là đi khoe cái hiểu biết của mình. Thế là Tin Mừng được loan báo rộng rãi nhờ cái tánh hiếu thắng của người dốt nát. Trong công tác loan báo Tin Mừng cũng có những chuyện phù phiếm như vậy. Đó cũng là chiến thuật của bậc thầy cao tay. Trong thiên nhiên Chúa Cha cũng sử dụng chiến thuật ấy. Ngài lấy phân dơ để tô điểm cho muôn hoa. Hoa thì đẹp mà phân thì thôi dơ. Tuyệt vời!

 

Tuyệt diệu!

 

Hạt giống là LỜI của Thầy. Quý giá vô cùng! Quý hơn cả “lời vàng ý ngọc”. Thế mà … than ôi, số phận của nó đáng buồn vô cùng.

 

Chim trời đến lượm đi. Chân người đạp bẹp dí. Ngọc quý mà như cát bụi. Lòng người vô tâm vô tình.

Lời của Thầy lọt vào trong tim của nhiều thính giả. Mừng quá! Lời Thầy như nụ hoa mở cánh. Đẹp xinh. Lung linh. Nhưng … một cơn bão phũ phàng ập tới. Tan tành! Hơn xác pháo. Cái căn “thiện” của con người mỏng manh quá, yếu đuối quá, không đủ sức để đương đầu với cái “ác”. Người đang tốt đấy, bỗng dưng lại xấu đấy. Người đang hiền lành như bé thơ, thế mà bỗng dưng lại thành quỷ dữ. Oi, nhân tình thế thái! Đau quá!

 

Lời của Thầy vẫn còn ba chìm bảy nổi. Nó rơi vào lòng người chất chứa đam mê. Nào danh, nào lợi, nào thú. Có danh để kiếm lợi. Lấy lợi để mua danh. Danh – Lợi là một cặp vợ chồng không hôn thú, đẻ ra một dòng chảy lạc thú. Tanh tưởi quá chừng! Vô cùng vô tận! Danh, lợi, thú là kẻ thù ngàn kiếp của LỜI. LỜI đành chịu chết nghẹt như cây lúa không trổ bông. Hỡi ôi!

 

Nhưng hạnh phúc vô cùng khi LỜI của Thầy rơi vào lòng người thiện chí. Y như cây mai của ngày đầu xuân. Ngàn hoa. Rực rỡ. Người thiện chí là cái đập kiên cố chặn dòng thác lũ, biến lũ thành điện năng. Người thiện chí là triều thiên của LỜI. LỜI là nguồn sống vô biên nuôi người thiện chí. Sung sướng quá chừng! Thầy quên hết ưu phiền.

 

4. Thầy là người rao giảng tuyệt vời. Vậy mà Thầy không thành công rạng ngời. Lạ thật!

Con quan sát thấy quần chúng theo Thầy lũ lượt, triền miên. Thấy mà ham. Nhưng …

Hằng bảy ngàn người đi nghe giảng. Nghe giảng thì ít, mà đi chơi thì nhiều. Thậm chí hôm ấy còn có một chú bé đi bán bánh mì. Chú đi để bán bánh, chứ đâu phải đi để nghe giảng. Còn có bao nhiêu người nữa đi để coi phép lạ, đi để dò xét bắt bẻ, đi để giết thì giờ, đi để trốn việc nhà …

“Hội trường” của Thầy là một sườn đồi, một cánh đồng mênh mông. Gần chục ngàn người ngồi rải rác trên một diện tích rộng hằng chục ngàn mét vuông như thế thì làm sao Thầy chuyển ý và tâm đến thính giả được.

 

Không có loa phóng thanh, thì dù Thầy có gào lên, cũng chỉ có thể nói lọt tai chừng bốn trăm người là cùng. Nghĩa là chỉ có chừng năm phần trăm thính giả chăm chú nghe và nghe được LỜI của Thầy. Chẳng lạc quan chút nào.

 

Chính vì thế Thầy tự đánh giá lời của mình chỉ sinh hoa kết trái một cách thật khiêm tốn thôi. Có những hạt rơi trên lộ. Có những hạt rơi trên đá sỏi. Có những hạt rơi vào bụi gai. Tất cả đều có gieo mà không thu hoạch. Buồn chết được!

 

Thầy kính mến.

 

Thầy thì thế. Còn con thì sao? Bi quan hơn nhiều. Thế mới biết, công trình cứu độ loài người không dễ chút nào. Người gieo phải đổ mồ hôi, sôi nước mắt, mà bó lúa vẫn không đầy tay. Đôi khi người gieo còn phải đổ cả máu đào, mà bó lúa trên tay vẫn chưa nặng trĩu. Tại sao vậy? Cũng chỉ vì:

 

“Con cái thế gian” khôn ngoan hơn “Con cái của ánh sáng”.

Tinh thần thì nhẹ tênh, mà thân xác thì nặng trịch.

“Cỏ lùng” thì nhiều hơn “lúa mì”.

Thầy ơi, LỜI ơi, xin hãy cứu ĐỜI.

 

Lm. Piô NGÔ PHÚC HẬU

 

Mục lục