NHƯ MỘT LỜI MỜI:
- Kính mời quý vị vào trang web www.tinvui.org để đọc các bài viết khác
- Mọi thư từ cộng tác góp ý và giúp đỡ xin quý vị gửi về địa chỉ E-mail :bantreconggiao@yahoo.com
- Ban biên tập Tin vui rất mong nhận được sự đón nhận của quý vị độc gỉa gần xa
- Xin Thiên Chúa ban muôn ơn lành và đồng hành với quý vị trong hành trình đời sống Kitô hữu
Lễ Thánh Phêrô và Phaolô Tông đồ
Toàn Thể Huấn Từ của ĐTC Bênêđictô XVI trong Đại Hội Thánh Thể Quốc Tế lần thứ 49
Thánh Thể không phải là một bữa tiệc giữa bạn bè
Hàng ngàn tín hữu tham dự lễ bế mạc Đại Hội Thánh Thể lần thứ 49 tại Quebec (Canađa)
Năm Thánh Phaolô sẽ được khai mạc vào chiều ngày 28 tháng 6 năm 2008.
Ðức Thánh Cha Beneđitô XVI bổ nhiệm Ba Vị Chủ Tịch thừa ủy của Khoá Họp Thượng Hội Ðồng Giám Mục.
Chính phủ Ðông Timor dựng đài tưởng niệm Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II để tỏ lòng biết ơn.
Hội Dòng Gioan Tẩy Giả Taiwan Mừng Thánh Quan Thầy
Người Công giáo Việt Nam suy nghĩ về những thành quả của phái đoàn Tòa Thánh.
Đêm Thơ Nhạc Xuân Ly Băng Tại Giáo Phận Phan Thiết
Phêrô và Phaolô là hai vị thánh của lòng sám hối.
TƯƠNG QUAN GIỮA CÁC SÁCH TIN MỪNG
NHÂN GIỖ LẦN THỨ 13 ĐỨC TGM PHAOLÔ NGUYỄN VĂN BÌNH
THÔNG ĐIỆP THỨ HAI CỦA ĐỨC GIÁO HOÀNG BÊNÊĐICTÔ XVI
TÌNH YÊU – HÔN NHÂN – GIA ĐÌNH
Tại sao con cái tranh giành nhau?
“Cả cháu cũng chẳng chạy nhanh được”
PHÚC ÂM: Mt 16, 13-19
"Con là Đá, Thầy sẽ trao cho con chìa khoá nước trời".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, Chúa Giêsu đến địa hạt thành Cêsarêa Philipphê, và hỏi các môn đệ rằng: "Người ta bảo Con Người là ai?" Các ông thưa: "Người thì bảo là Gioan Tẩy Giả, kẻ thì bảo là Êlia, kẻ khác lại bảo là Giêrêmia hay một tiên tri nào đó". Chúa Giêsu nói với các ông: "Phần các con, các con bảo Thầy là ai?" Simon Phêrô thưa rằng: "Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống".
Chúa Giêsu trả lời rằng: "Hỡi Simon con ông Giona, con có phúc, vì chẳng phải xác thịt hay máu huyết mạc khải cho con, nhưng là Cha Thầy, Đấng ngự trên trời. Vậy Thầy bảo cho con biết: Con là Đá, trên đá này Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và cửa địa ngục sẽ không thắng được. Thầy sẽ trao cho con chìa khoá nước trời. Sự gì con cầm buộc dưới đất, trên trời cũng cầm buộc; và sự gì con cởi mở
Nói đến thánh Phêrô và Phaolô, chúng ta không khỏi ngạc nhiên và cảm động vì hai môn đệ của Chúa Giêsu được sinh ra giữa hai môi trường, hai gia đình khác nhau, hai nền giáo dục khác nhau. Tuy nhiên, đi theo Chúa Giêsu thánh Phêrô và thánh Phaolô đã trở nên hai tông đồ nhiệt thành, trung kiên đến giọt máu cuối cùng để làm chứng nhân cho Chúa phục sinh.
HAI CON NGƯỜI, HAI TÍNH KHÍ KHÁC NHAU:
Đọc lại Tin Mừng chúng ta không khỏi nửa cười nửa khóc, thánh Phêrô xuất thân từ
một gia đình thuyền chài, làm nghề đánh cá, tính tình nóng nảy, ăn nói không
xuôi, cục mịch, thánh Phaolô lại là một thư sinh, cha mẹ trí thức, Ngài là người
học cao hiểu rộng. Tuy hai vị tông đồ Phêrô và Phaolô xuất thân từ những giới
khác nhau và trình độ, tính khí cũng không giống nhau, nhưng các Ngài lại có
chung một mẫu số là yêu mến Chúa Giêsu hết mình. Ơn kêu gọi của hai Ngài cũng
hoàn toàn riêng biệt. Khi Chúa gặp Phêrô đang trên thuyền để cùng cha mình và
Anrê chuẩn bị lưới đánh bắt cá, Chúa gọi Phêrô, Ngài đã bỏ mọi sự mà theo chân
Chúa. Theo Chúa, Phêrô vẫn nóng nảy, bộc trực, ông nói đó nhưng lại không giữ
lời. Theo dõi cuộc hành trình của thánh Phêrô, chúng ta không khỏi buồn cười và
ngạc nhiên. Buồn cười vì con người bộc trực, nhưng lại rất mềm yếu của Phêrô.
Ngạc nhiên vì con người của Phêrô luôn biết nhận ra khuyết điểm, yếu đuối của
mình để sửa đổi, để quay lại. Chúa loan báo cuộc khổ hình Ngài sẽ phải chịu để
cứu rỗi nhân loại, Phêrô không tin, ông bịt tai không muốn nghe và phản kháng
lại Chúa Giêsu. Chúa mắng ông là satan.Để thử lòng ông, Chúa hỏi Phêrô tới ba
lần: ” Phêrô, con có yêu mến Thầy không ? “. Phêrô vốn nóng tính, nên Ông tỏ ra
bực tức, sao Thầy lại hỏi mình tới ba lần như thế! Chúa muốn cho Phêrô có cơ hội
để chuộc lỗi lầm của mình, ba lần hỏi của Chúa là ba lần để Phêrô nói lời yêu
thương và tuyên xưng lại niềm tin. Phêrô đã không bỏ lỡ cơ hội ngàn năm một
thuở, Ông đã thưa:” Thưa Thầy có, Thầy biết rõ mọi sự, Thầy biết con yêu mến
Thầy “ ( Ga 21, 17 ). Phêrô đã thực sự khám phá ra con người của Chúa Giêsu sau
ba lần phản bội. Còn thánh Phaolô, một con người trí thức, hăng say với việc bắt
bớ Giáo Hội, bắt bớ các môn đệ của Chúa vì Ông tưởng mình đang làm đúng. Phaolô
nhiệt tình truy lùng các môn đệ Chúa, nhưng Ông chỉ nhận ra Chúa khi Ông bị Chúa
làm cho Ông ngã ngựa và mù lòa hai mắt khi đang truy đuổi các môn đệ. Đối diện
với Chúa trên đường Đamas khi Ông đang nằm sóng xoài trên đường vì bị đánh ngã
khỏi con ngựa Ông đang cưỡi, với đôi mắt mù lòa, Ông nghe tiếng Chúa và Ông nhận
ra Người. Đây là cuộc gặp gỡ, một sự khám phá ra Chúa vô cùng lạ lùng và kỳ
diệu. Ông thưa với Chúa: ” Lạy Chúa, Chúa muốn con làm gì ?” . Sau đó, Phaolô đã
được chữa khỏi mù lòa, Ông trở nên môn đệ của Chúa và trở thành vị tông đồ cho
dân ngoại. Thánh Phêrô và thánh Phaolô đã gặp gỡ nhau và bổ túc cho nhau để xây
dựng Giáo Hội của Chúa.
THÁNH PHÊRÔ VÀ THÁNH PHAOLÔ MUỐN NÓI VỚI CHÚNG TA ĐIỀU GÌ ?:
Mừng lễ hai vị tông đồ Phêrô và Phaolô, chúng ta vẫn tự hỏi:” Tại sao Chúa lại
chọn các Ngài, những con người xem ra yếu đuối và hay sa ngã ? “. Để hiểu được
điều đó chắc chắn chúng ta phải tạ ơn Chúa vì chính bởi tình thương vô biên của
Chúa mà Chúa đã chọn các Ngài. Hai thánh Phêrô và Phaolô là hình ảnh phong phú,
đa dạng của Hội Thánh, là niềm tin và hy vọng của tất cả chúng ta. Chúa muốn cứu
rỗi mọi người. Chúa không loại trừ bất cứ người nào. Đọc Tin Mừng của Chúa
Giêsu, chúng ta thấy nhiều người được Chúa gọi, nhiều người được Chúa chọn. Ơn
gọi là do tình thương bao la của Chúa. Chúa muốn chọn ai tùy Chúa, không ai có
quyền bắt buộc Chúa phải chọn mình theo ý mình. Chúa gọi Lêvi người thu thuế,
Chúa gọi ông Giakêu và Ngài vào nhà ông cùng với các môn đệ để yêu thương và tha
thứ cho ông. Chúa tha thứ cho Mađalêna. Chúa yêu thương những người tội lỗi,
những người thu thuế, những kẻ nghèo hèn, những kẻ thấp cổ bé họng, những người
bị xã hội đẩy ra ngoài lề. Chúa yêu thương và yêu thương tất cả mọi người. Các
môn đệ đi theo Chúa, không phải tất cả đều tốt, Chúa biết điều ấy nhưng Ngài vẫn
gọi Giuđa Iscariốt.
- Qua ơn gọi của Phêrô và Phaolô, Chúa muốn dạy nhân loại, dạy mọi người: “ Chúa
đầy lòng xót thương và tình thương Chúa vượt qua mọi biên giới, vượt qua mọi rào
cản “.
- Chúa đã yêu thương đến nỗi tự hiến vì nhân loại, vì mỗi người:” Không tình yêu
nào cao vời bằng tình yêu của người hiến mạng sống vì người mình yêu”( Ga 15, 13
).
- Chúa cho chúng ta thấy không phải Phêrô không tin vào Chúa, nhưng vì Ông yêu
mến Chúa rất nhiều, nên Ông chống lại con đường khổ giá mà Chúa loan báo, bởi vì
Ông không hiểu hết về Chúa Giêsu. Chúa đã nói: ” Ai muốn giữ mạng sống mình thì
sẽ mất, còn ai liều mất mạng sống mình thì sẽ tìm lại được “.
- Phaolô đã lầm lẫn khi bắt bớ Giáo Hội của Chúa và Ông đã nhận ra điều đó khi
Chúa hỏi Ông: ” Tại sao ngươi bắt bớ Ta ? “. Đó là một mạc khải đối với thánh
Phaolô. Điều khác nữa Ngài viết trong thư gửi tín hữu Galata: ” …Thiên Chúa đã
dành riêng tôi ngay từ khi tôi còn trong lòng mẹ, và đã gọi tôi nhờ ân sủng của
Người. Người đã đoái thương mạc khải Con của Người cho tôi, để tôi loan báo Tin
mừng về Con của Người cho các dân ngoại “.
Thánh Phêrô và thánh Phaolô là mẫu gương tông đồ sáng chói để mọi người noi
theo.
Lạy Chúa, Chúa đã ban cho chúng con được vui mừng hoan hỷ nhân ngày đại lễ
kính hai thánh tông đồ Phêrô và Phaolô. Chính nhờ các ngài Hội Thánh đã bắt đầu
đón nhận đức tin, xin cho Hội Thánh cũng luôn trung thành tuân giữ lời các Ngài
giảng dạy ( Lời nguyện nhập lễ, lễ hai thánh Phêrô và Phaolô tông đồ ). Amen.
Lm Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT
Bài
chia sẻ trong thánh lễ kính thánh Gioan Baotixita,tại nhà nguyện Toà Giám Mục
Long Xuyên,
ngày 24/6/2008
Vâng lời Đức Cha Giuse, tôi xin chia sẻ trong thánh lễ kính thánh Gioan
Baotixita hôm nay.
Thánh Gioan Baotixita được Chúa sai vào đời, để dọn đường cho Chúa.
Theo tôi, dọn đường cho Chúa là dọn lòng người trong một chặng đường lịch sử
nhất định.
1/ Lịch sử tôn giáo thời thánh Gioan Baotixita đã xuất hiện thế nào?
Thưa, nó đã xuất hiện như một cơ chế tôn giáo ổn định.
Giai cấp lãnh đạo tôn giáo ổn định. Đó là các thượng tế, các kỳ lão, các
luật sĩ, tất cả đều giữ vững địa vị của mình.
Nếp sống đạo ổn định. Đó là giữ đạo theo luật và tục lệ, từ luật ngày Sabba đến
luật răng đền răng, tất cả đều vững bền.
Ranh giới đạo về lãnh thổ, về dân tộc, về đền thờ, tất cả đều rõ rệt,
không thay đổi.
Ổn định trên đây đúng là nguy hiểm. Có nhiều điều cần đổi mới mà không thay đổi.
Sự nguy hiểm này tạo nên một tâm lý chật hẹp và xơ cứng. Lòng người như bị trói
buộc, như bị chìm xuống, như bị cằn cỗi, thiếu lửa, thiếu hồn.
Trước tình hình như vậy, thánh Gioan đã dọn đường cho Chúa thế nào?
2/ Cụ thể là bằng cách nâng tâm hồn người ta lên
Lên đâu? Thưa là sám hối từ bỏ tội lỗi, để lên với Đức Kitô, để gặp Đức Kitô, để
đón nhận Đức Kitô, để sống với Đức Kitô, để cùng với Đức Kitô thực thi thánh ý
Chúa Cha.
Suốt đời, thánh Gioan Baotixita đã chỉ khuyên mọi người hãy nhìn lên và nâng tâm
hồn lên với Chúa Giêsu. Ngài nói: "Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xoá tội
trần gian" (Ga 1,29).
Thánh Gioan Baotixita xác tín: Chỉ bằng cách nâng tâm hồn người ta lên, để sẵn
sàng tin vào Đức Kitô như thế, thì mới thực sự dọn đường cho Chúa đến.
Nhưng, thánh Gioan Baotixita cũng biết: Để có thể nâng tâm hồn người ta lên, thì
chính Ngài phải nhờ vào một sức thiêng từ trên xuống. Tự mình không làm được.
Sức thiêng từ trên xuống, đó là ơn thánh hoá mà Đức Mẹ Maria đã dành cho Gioan,
khi Gioan còn trong lòng mẹ.
3/ Thánh Gioan Baotixita đã dọn đường cho Chúa như thế đó. Còn chúng ta thì
sao?
Tôi có cảm tưởng là cách chúng ta dọn đường cho Chúa hiện nay là đa dạng. Người
thì nhấn mạnh đến cách này. Người thì nhấn mạnh đến cách kia. Những cách đó có
thể tốt tuỳ theo hoàn cảnh cụ thể của lịch sử. Nhưng thiết tưởng, ta không nên
coi thường cách dọn đường của thánh Gioan Baotixita.
Riêng tôi, theo kinh nghiệm suốt đời mục vụ, tôi luôn nhận thấy cách dọn đường
của thánh Gioan Baotixita là hợp với Phúc Âm nhất, sinh hiệu quả nhiều
nhất.
Bỏ cách đó, tôi e rằng sẽ gặp nguy. Bởi vì hiện nay, lòng người ta và lòng chúng
ta dễ bị chìm xuống hố sâu chứa đựng những giá trị phù phiếm, hố sâu
những khát vọng của cái tôi xác thịt, hố sâu những áp lực của muôn vàn thế lực
phản Chúa.
Hơn nữa, hiện tình là rất phức tạp. Lòng người cũng rất phức tạp. Nhiều người hôm nay đang bị cám dỗ ngả lòng mình về những giá trị tưởng rằng sẽ có sức cứu độ. Một tình hình như thế càng đòi chúng ta phải tỉnh táo, phải luôn tin vào Đức Kitô là Đấng Cứu chuộc duy nhất, phải luôn nâng tâm hồn lên với Người. Người là kho tàng sống động, mà ta cần gắn bó. Ta sẽ nếm được ở kho tàng đó niềm vui cứu độ, không gì sánh được.
Nhiều khi chúng ta cảm thấy lòng mình nặng nề, đi xuống. Chúng ta hãy xin Đức Mẹ
giúp ta nâng tâm hồn lên với Chúa Giêsu, trong lời nói, trong việc làm, nhất là
trong cuộc sống toả sáng về sự từ bỏ tội lỗi
và về sức sống thiêng liêng.
Xin hết lòng cảm ơn Đức Cha Micae, Đức Cha Giuse, quý cha và tất cả anh chị em
về mọi nâng đỡ đã dành cho người đầy tớ hèn mọn của Chúa đây.
Xin thánh Gioan Baotixita bầu cử cho chúng ta.
ĐGM GB Bùi Tuần
Cảnh nghèo là một thời sự nhức nhối. Mấy tháng qua, nó trở nên nóng bỏng. Hiện nay, nó gây rất nhiều lo âu.
Ở đây, tôi chỉ xin nhắc đến thời sự này như một thao thức sống đạo.
1. Một thoáng nhìn về cái nghèo hiện nay
Cái nghèo đang chia rẽ các nước khác nhau, đang chia rẽ các tầng lớp khác nhau trong cùng một nước, đang chia rẽ các thành phần khác nhau trong một gia đình.
Cái nghèo là một khối lớn trong xã hội, nhưng khối lớn này thường ẩn hiện. Phần ẩn giấu thường nghiêm trọng hơn phần hiện hình.
Có những cái nghèo mới phát sinh. Đó là những người sinh ra khá giả, bây giờ trở nên nghèo. Hiện tượng trở nên nghèo thường được che giấu. Có những người trở nên nghèo trầm trọng, nhưng vẫn cố giữ sĩ diện bề ngoài như không có gì xảy ra. Đang khi đó, họ đã thực sự từ tình trạng khá giả đủ ăn rơi xuống cảnh nghèo thê thảm. Nợ nần chồng chất. Thiếu thốn nhiều mặt. Sợ mất tiếng, nhiều người trong họ tự lo lấy cho mình, dù bằng những cách không tốt.
Có những người bị đe dọa trở nên nghèo. Thực sự, họ chưa đến nỗi nghèo. Nhưng cái nghèo đang rình rập họ. Nguyên do chính là cuộc sống mong manh. Hôm nay kiếm được tiền. Vài ngày sau, kiếm được một việc làm tạm thời. Thỉnh thoảng kiếm thêm được chiếc áo mới, đồ dùng mới. Các thứ đó không đến cùng lúc. Và khi đến cũng chỉ chút ít thôi. Cuộc sống mong manh. Hạnh phúc tạm bợ. Mong manh này cộng thêm mong manh kia, hoặc mong manh này đẻ ra mong manh nọ, đó là một lộ trình dẫn tới cảnh nghèo.
Nếu không được ở trong môi trường xã hội và gia đình khá giả, những trẻ em và những người già sẽ mãi mãi ở trong cảnh nghèo. Thanh niên nghèo còn khả năng xoay xở. Còn trẻ em nghèo và người già nghèo thì hầu như vô phương. Họ hầu như không có lựa chọn nào. Nhầt là khi người già lại cô đơn, thì cảnh nghèo là một thảm họa rât đau thương. Họ như bị lọai trừ.
Người nông dân ít có trình độ bắt kịp nhịp đi của những bước tiến kinh tế, khoa học, kỹ thuật.
Người nông thôn dễ phải hứng chịu những hậu quả của bão giá, lụt lội, hạn hán, mất mùa, tăng giá.
Người nông thôn thường chỉ dám nuôi những giấc mơ nhỏ về hạnh phúc nhỏ. Ngay cạnh tranh về lý tưởng sống, họ cũng thường đứng sau những người thành thị.
2. Trước những diễn biến phức tạp của cảnh nghèo.
Trong cảnh nghèo, rất nhiều người đã sống cao thượng, đạo đức.
Nhưng, không vì thế mà cảnh nghèo không có những diễn biến theo chiều hướng xấu.
Nó ảnh hưởng đến việc học hành, giáo dục của con em.
No gây hại nhiều đến sức khỏe. Biết bao thứ bệnh đã chỉ thấy phát triển trong cảnh nghèo.
Nó cũng là môi trường thuận tiện cho nhiều thứ tệ nạn nguy hiểm.
Nó dễ tạo nên những cái nhìn xa cách, thậm chí bất mãn với những tầng lớp được ưu đãi, kể cả trong Hội Thánh.
Và còn nhiều diễn biến xấu khác.
Trước những diễn biến phức tạp của cảnh nghèo, Giáo hội địa phương vẫn quan tâm đến vấn đề người nghèo.
Có nơi, sự quan tâm ấy được thể hiện như một sinh hoạt phụ.
Có nơi, quan tâm đó được thực hiện như một sinh hoạt chính. Ưu tiên là phục vụ người nghèo. Trước hết là làm chứng cho Chúa bằng việc làm cho đời sống dân nghèo được mỗi ngày mỗi tốt hơn
Không thiếu nơi hiện nay, người ta thấy : Làm việc cho người nghèo, làm việc với người nghèo, lựa chọn đó được coi là dấu chỉ của Tin Mừng cứu độ.
Đó là tiếp nối việc khai mạc giai đoạn loan báo Tin Mừng của Chúa Giêsu, mà thánh Luca đã thuật lại :
“Đức Giêsu đến Nadarét là nơi Người sinh trưởng. Người vào hội đường như Người vẫn quen làm trong ngày Sabát, và đứng lên đọc Sách Thánh. Họ trao cho Người cuốn sách Ngôn sứ Isaia. Người mở ra gặp đoạn chép rằng :
Thần Khí Chúa ngự trên tôi,
và Chúa đã xức dầu tấn phong tôi,
để tôi loan báo Tin Mừng cho người nghèo khó.
Người đã sai tôi đi công bố
cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha,
cho người mù được biết họ được sáng mắt,
trả lại tự do cho kẻ bị áp bức.
Công bố một năm hồng ân của Thiên Chúa.
Đức Giêsu cuộn sách lại, trả cho người giúp hội đường, rồi ngồi xuống. Ai nấy trong hội đường đều chăm chú nhìn Người. Người bắt đầu nói với họ : Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe’ ( Lc 4, 16-21).
Với lời Chúa Giêsu quả quyết trên đây, Người cho mọi người thấy : Việc khởi sự việc rao giảng của Người là đem Tin Mừng đến cho những người nghèo.
Chúa Giêsu cũng đã xác định điều đó, khi trả lời cho những đầy tớ thánh Gioan Baotixita : ‘Thầy có đúng là Đấng phải đến không, hay là chúng tôi còn phải đợi ai khác. Đức Giêsu trả lời : các anh cứ về thuật lại cho ông Gioan những điều mắt thấy tai nghe : Người mù xem thấy, kẻ què được đi, người cùi được sach, người điếc được nghe, người chết sống lại, kẻ nghèo được nghe Tin Mừng” (Mt 11, 3- 6).
Bên cạnh đường hướng mục vụ trên đây, chẳng may đang xuất hiện những đường hướng khác, đẩy Tin Mừng cho người nghèo xuống hàng thứ yếu. Tôi thực sự lo cho diễn biến nguy hiểm đó.
Cảnh nghèo vẫn là một tiếng gọi tha thiết gởi tới các lương tâm những người rao giảng đức tin tại Việt Nam hôm nay. Xin mau đáp ứng kẻo sẽ quá chậm.
ĐGM GB .Bùi Tuần
Một số nhận định của Linh Mục Samir
Khalil Samir, dòng Tên, về cuộc đối thoại giữa Kitô giáo và Hồi giáo
Trong thời gian qua đã có nhiều khóa họp được tổ chức nhằm mục đích đẩy mạnh cuộc đối thoại giữa Kitô giáo và Hồi giáo. Điển hình như khóa họp thứ 6 giữa Hội Đồng Tòa Thánh đối thoại liên tôn và Trung tâm đối thoại liên tôn thuộc tổ chức Văn hóa và liên hệ Hồi giáo Teheran Iran. Khóa họp diễn ra tại Roma kéo dài 3 ngày và đã kết thúc hôm 30-4-2008.
Chủ tọa khóa họp có Đức Hồng Y Jean Louis Tauran, Chủ tịch Hồi Đồng Toà Thánh
đối thoại liên tôn và tiến sĩ Mahdi Mostafati, Chủ tịch tổ chức Liên hệ và văn
hóa Hồi giáo. Mỗi phái đoàn gồm 7 người, và 3 chuyên viên của mỗi bên đã lần
lượt trình bầy về các vấn đề ”đức tin và lý trí trong Kitô giáo và Hồi giáo”,
”đức tin và lý trí trước hiện tượng bạo lực”.
Trước đó trong các ngày từ mùng 3 đến mùng 5 tháng 3 cũng đã có cuộc họp sơ bộ
giữa hai phái đoàn Tòa Thánh và phái đoàn Hồi giáo tại Roma. Ngày 13-10-2007 138
giới chức Hồi giáo đã gửi thư ngỏ cho Đức Thánh Cha Biển Đức XVI và giới lãnh
đạo các Giáo Hội Kitô yêu cầu bắt đầu một cuộc đối chiếu giữa hai bên, khởi sự
từ đề tài Thiên Chúa duy nhất và giới răn mến Chúa yêu người.
Ngày 19-11-2007 Đức Hồng Y Tarcisio Bertone Quốc Vụ Khanh cho biết Đức Thánh Cha
đã chấp thuận lời đề nghị. Qua thư trả lời do Đức Hồng Y ký Đức Thánh Cha không
quên hay giảm thiểu các khác biệt giữa Kitô giáo và Hồi giáo, cũng như chỉ định
một lãnh vực chung cho hai bên là việc tôn trọng phẩm giá của mỗi một người,
hiểu biết khách quan niềm tin của người khác, chia sẻ kinh nghiệm tôn giáo và
thăng tiến sự tôn trọng và chấp nhận nhau giữa các người trẻ. Sau cùng Đức Thánh
Cha mời 138 giới chức hồi giáo tham dự một cuộc họp tại Vaticăng.
Ngày 12-12-2007 hoàng thân Ghazi bin Muhammad bin Talal, thủ lãnh nhóm 138 giới
chức hồi giáo nhận lời và cho biết gửi 3 đại diện hồi giáo tham dự cuộc họp sơ
bộ vào đầu tháng 3.
Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị một số nhận định của Linh Mục Samir Khalil
Samir, dòng Tên, về cuộc đối thoại giữa Kitô giáo và Hồi giáo. Cha Samir sinh
trưởng tại Ai Cập, nhưng từ 22 năm nay sống tại Beirut, thủ đô Libăng và dậy
khoa Hồi giáo học tại đại học thánh Giuse. Năm 2006 cha đã được Đức Thánh Cha
Biển Đức XVI mời diễn thuyết tại Castel Gandolfo trong cuộc gặp gỡ Đức Thánh Cha
tổ chức hằng năm với các cựu sinh viên của người.
Tuy là cuộc họp đầu tiên nhưng thật ra cuộc họp sơ bộ hồi đầu tháng 3 vừa qua đã
chỉ có mục đích đề ra một số đề tài để thảo luận trong tương lai, vì trong nội
bộ Hồi giáo có nhiều khuynh hướng và cảm quan khác nhau.
Hỏi: Thưa cha, có một loại ý niệm nào đó về đối thoại hướng tới chỗ để trong
ngoặc những gì chia rẽ, và chỉ nhấn mạnh trên những gì kết hiệp thôi. Đây có
phải là ý nghĩa lập trường của Tòa Thánh được Đức Hồng Y Bertone trình bầy trong
thư trả lời cho 138 giới chức Hồi giáo hay không?
Đáp: Lập trường của Tòa Thánh đã rất là rõ ràng trong thư trả lời: phía Kitô
giáo hiểu biết và không giảm thiểu các khác biệt giữa hai bên, nhưng như là tín
hữu Kitô và hồi giáo chúng ta có thể nhìn những gì liên kết chúng ta. Đây là một
lập trường thực tế và có lý: khi đối thoại cần phải nhìn người đối thoại trong
sự hoàn toàn của họ, chứ không tưởng tượng chúng ta thích họ phải như thế nào.
Tôi xin đơn cử một thí dụ: nếu tôi nói rằng Hồi giáo rất qúy trọng Đức Giêsu,
coi Ngài là một ngôn sứ lớn và Kinh Coran kể lại các phép lạ Ngài làm, thì tôi
nói lên một điều đúng, nhưng mà phiến diện. Thật thế, tôi cũng phải nói thêm
rằng Kinh Coran tố cáo các tín hữu Kitô là đã nâng Đức Giêsu lên phẩm giá Thiên
Chúa, đã chế tạo ra Chúa Ba Ngôi, và đã xuyên tạc các Phúc Âm. Đức Thánh Cha
Biển Đức XVI mời gọi chúng ta đi vào chiều sâu, chứ đừng dừng lại phần tích cực
và đừng để cho điều tiêu cực kìm hãm chúng ta: đó là đối thoại trong sự thật.
Hỏi: Thưa cha trong số những điểm chung, theo cha, đâu là những điểm mà sự đối
chiếu có thể giúp tiến lên?
Đáp: Việc tôn trọng phẩm giá của mỗi một người chắc chắn là yếu tố quan trọng
nhất, vì nó là nền tảng của sự chung sống và luân lý. Sự cởi mở mới đây của Đức
Tổng Giám Mục Cantebury đối với việc đưa các yếu tố luật Sharia của Hồi giáo vào
trong xã hội Anh, là con đẻ của ý tưởng cho rằng mỗi người có thể được phán xử
từ niềm tin tôn giáo của mình, trong khi phải tái khẳng định rằng tất cả mọi
người đều phải tôn trọng các nguyên tắc được chấp nhận một cách phổ quát và
không thể vi phạm, như phẩm giá con người.
Và bên trong khẳng định này cũng có cả sự tự do tôn giáo nữa. Và tự do tôn giáo
bao gồm khả thể theo một tôn giáo khác với tôn giáo mà một người được giáo dục
sống. Đây là đường gân hở rất đau đớn trong thế giới hồi giáo, trong đó ai rời
bỏ đạo Hồi thì bị tố cáo là phản bội và có nguy cơ bi giết, bị bách hại hay bị
kỳ thị.
Hỏi: Như thế chỉ khẳng định rằng chúng ta tin vào một Thiên Chúa duy nhất và vào
tình yêu đối với tha nhân, như khẳng định trong bức thư ngỏ của 138 học giả Hồi
giáo không thôi, là không đủ, có phải thế không thưa cha?
Đáp: Đó là một khẳng định quan trọng, nhưng phải được lồng khung trong hoàn cảnh
cụ thể, nếu không nó sẽ có nguy cơ chỉ là một lời cầu mong mơ hồ. Yêu thương tha
nhân một cách cụ thể có nghĩa là gì? Tôi có thể yêu thương kẻ thù không? Tôi có
thể yêu thương người tội lỗi, đã phản bội luật Chúa không? Tôi có thể yêu thương
người đã đổi đạo, người đã chối đạo không? Đó là những câu hỏi không phụ thuộc,
mà chúng ta phải trả lời.
Hỏi: Thưa cha, còn có một nút thắt nền tảng khác mà thư của Tòa Thánh nhắc tới:
đó là sự cần thiết hiểu biết một cách khách quan tôn giáo của người khác. Điều
gì khiến cho sự hiểu biết này là điều có thể làm được thưa cha?
Đáp: Ngày nay đang thắng thế một sự hiểu biết đựa trên các kiểu mẫu có sẵn và
trên các chờ mong mà người ta nuôi dưỡng liên quan tới người đối tác. Cần phải
thay thế nó bằng một sự hiểu biết dựa trên điều người khác nói về họ.
Trong nghĩa này thì điều nền tảng là coi lại các phỏng chừng xem chúng là thật
hay là những điều dối trá, được chứa đựng trong các sách giáo khoa Kitô cũng như
trong các sách giáo khoa hồi giáo nhằm nuôi dưỡng lòng thù hận, thành kiến và
gieo vãi thuốc độc trên con đường của một cuộc gặp gỡ có thể có giữa hai bên.
Hỏi: Có người đã định nghĩa tài liệu của 138 học giả hồi giáo là gây thất vọng,
vì không đối diện với nút thắt chính đối với Hồi giáo hiện đại: là sự chồng nhập
tôn giáo và chính trị lên nhau. Riêng cha thì cha nghĩ sao?
Đáp: Đây là phản bác có thể được chia sẻ. Tôi xin lập lại, vấn đề không phải là
lý thuyết hóa tình yêu thương đối với Thiên Chúa và đối với con người, mà đúng
hơn là phải hiểu xem làm sao chúng ta có thể sống chung với nhau mà vẫn khác
biệt, và làm sao có thể chấp nhận sự khác biệt mà không trừ qủy nó nhân danh
Thiên Chúa, làm sao có thể yêu thương người có lập trường đối nghịch với lập
trường của tôi.
Và đây chắc chắn là một dây thần kinh bị hở rất đau buốt trong thế giới hồi giáo
hiện nay, mà nhiều giới lãnh đạo tôn giáo đã lên tiếng nhưng lạm dụng lèo lái
nó, như đi đến chỗ dùng các câu trong Kinh Coran để trao ban lý do tôn giáo cho
các lập trường chính trị, cho tới chỗ biện minh cho các vụ mưu sát bằng bom
người. Người khác thì lại đi tới chỗ dùng các câu trong Kinh Thánh để trao ban
lý lẽ thần học cho các lập trường chính trị, đến độ biện minh cho việc chiếm hữu
đất đai hay sự cần thiết phải gây chiến với một dân tộc khác.
Hỏi: Tính cách đa điện của những học giả ký tên vào bức thư gửi cho Đức Thánh
Cha - họ thuộc các hệ phái Shiít, Sunnít, Ismailit, sufi thuộc 43 quốc gia khác
nhau - có bảo đảm cho sự đồng tình gây chấn động trong thế giới hồi giáo không,
hay vẫn để bỏ ngỏ vấn đề của một tôn giáo không có một phẩm trật được thừa nhận
một cách phổ quát, thưa cha?
Đáp: Các người ký tên vào bức thư thuộc 43 quốc tịch khác nhau, nhưng họ không
đại diện cho các quốc gia đó. Nhiều người là các nhân vật có quyền bính và uy
tín, nhưng như luôn xảy ra trong thế giới hồi giáo, họ không thể nói nhân danh
một tập thể. Có ai đó nhân danh Hồi giáo luôn có thể phản bác những điều họ nói.
Thế rồi cũng phải nói thêm rằng như có một vài vị kể lại với tôi: có những vị ký
tên vào bức thư mà cũng không đọc để biết nội dung của thư là gì. Họ tin tưởng
nơi uy tín của các người đề nghị mở cuộc đối thoại này với Kitô giáo, ở đây là
nhà vua Giordania.
Hỏi: Như thế có nghĩa là có nhiều lý do cho phép nghi ngờ cuộc đối thoại này...
hay sao thưa cha?
Đáp: Chúng ta phải thực tế, như Đức Thánh Cha yêu cầu. Thực tế và tin tưởng nơi
thiện chí của con người và hoạt động của Chúa Thánh Thần, sẽ soi sáng cho con
người. Mặc dù không che dấu được các khó khăn một cách bình thản, sự mới mẻ của
biến cố là điều không thể chối cãi và cần phải đánh giá cao nó: đây là lần đầu
tiên một nhóm các hiền nhân hồi giáo bầy tỏ sự đồng cảm với Kitô giáo. Và câu
trả lời của Tòa Thánh không chỉ là một biên nhận đơn sơ.
Chúng ta hy vọng và chúng ta cầu nguyện để hai bên có thể đồng hành với nhau
trên một đoạn đường. Điều quan trọng không phải là thảo luận một tài liệu, cũng
không phải từ đó soạn ra một tài liệu mới, mà là quyết định gặp gỡ nhau thường
xuyên hơn, ít nhất mỗi năm một lần, để cùng nhau thảo luận các vấn đề cụ thể
được chuẩn bị trước một cách nghiêm chỉnh và có tinh thần trách nhiệm. Phải tạo
ra một mối liên hệ lâu bền, chứ không phải chỉ một cách ngẫu nhiên mà thôi.
(SD 30-4-2008; Avvenire 27-2-2008)
Linh Tiến Khải - Vatican Radio
Dưới đây là bản dịch toàn thể bài huấn từ của Đức Thánh Cha trong Đại Hội Thánh Thể Quốc Tế lần thứ 49, được tổ chức tại Quebec từ ngày 15 đến ngày 22 tháng 6 năm 2008. Bài giảng được truyền đi bằng vệ tinh. Nguyên văn một phần bằng Tiếng Pháp và một phần bằng Tiếng Anh được đăng trong website của Tòa Thánh.
Kính thưa quý Đức Hồng Y,
Quý Giám Mục,
Anh chị em thân mến,
Trong khi anh chị em quy tụ tại Đại Hội Thánh Thể Quốc Tế lần thứ 49, tôi vui mừng được hợp cùng anh chị em qua phương tiện truyền thông bằng vệ tinh, và như thế được kết hợp cùng anh chị em trong lời cầu nguyện. Trước hết tôi xin kính chào ĐHY Marc Ouellet, TGM Quebec, và ĐHY Jozef Tomko, sứ thần đặc biệt của Đại Hội, cũng như tất cả các Hồng Y và Giám Mục có mặt ở đây. Tôi cũng xin gửi lời chào mừng thân ái đến tất cả những nhân vật của xã hội dân sự đã quyết định tham dự phụng vụ này.
Tôi cũng ưu ái nhớ đến các linh mục, các phó tế, và tất cả các tín hữu hiện diện nơi đây, cũng như tất cả mọi người Công Giáo ở Quebec, trên toàn thể nước Gia Nã Đại và các lục địa. Tôi không quên rằng quốc gia anh chị em năm nay mừng kỷ niệm 400 năm lập quốc. Đây là một dịp để mỗi người trong anh chị em nhớ lại những giá trị đã làm phấn khởi những vị tiền phong và các nhà truyền giáo trong quốc gia anh chị em.
“Bí Tích Thánh Thể là món quà Thiên Chúa ban để cho thế gian được sống,” đó cũng là đề tài được chọn cho Đại Hội Thánh Thể Quốc Tế này. Thánh Thể là kho tàng tốt đẹp nhất của chúng ta. Thánh Thể là bí tích tuyệt diệu nhất; bí tích này mở đầu trước chúng ta vào sự sống đời đời; nó chứa đựng toàn thể mầu nhiệm cứu độ của chúng ta; nó là nguồn mạch và tột đỉnh của hành động và đời sống Hội Thánh như Công Đồng Vaticanô II đã nhắc lại (“Sacrosanctum Concilium”, số 8).
Cho nên điều rất quan trọng là các mục tử và các tín hữu phải thường xuyên quan tâm đến việc hiểu biết thêm về mầu nhiệm cao cả này. Như thế mỗi ngưởi sẽ có thể xác tín về đức tin của mình và làm tròn sứ vụ của mình trong Hội Thánh cùng trên thế gian một cách tốt đẹp hơn bao giờ hết, bằng cách hồi tưởng lại một hiệu quả của Bí Tích Thánh Thể trong đời sống cá nhân của mình, trong đời sống Hội Thánh và trên thế gian. Thần Chân Lý làm chứng trong lòng anh chị em; anh chị cũng hãy làm chứng cho Đức Kitô trước mặt người ta, như đã được nói lên trong câu xướng ca của Allêluia trong Thánh Lễ hôm nay. Vậy, tham dự vào Thánh Thể không tách xa chúng ta khỏi những người đương thời với chúng ta; ngược lại, bởi vì Thánh Thể là cách diễn tả hay nhất của tình yêu Thiên Chúa, nó mời gọi chúng ta cộng tác với tất cả anh chị em mình để đương đầu với những thách đố hiện tại và làm cho hành tinh này thành một nơi tốt đẹp để sống.
Để đạt được điều ấy, chúng ta phải không ngừng tranh đấu để mỗi người được tôn trọng tử lúc thụ thai đến khi chết tự nhiên; để những xã hội giàu có của chúng ta đón chào những người nghèo nhất và cho họ được phép có chút nhân phẩm; để mọi người có thể tìm được lương thực và giúp cho gia đình họ tồn tại; để hòa bình và công lý có thể chiếu soi trên tất cả các lục địa. Đó là một vài điều trong số những thách đố mà chúng ta cần phải động viên tất cả mọi người đương thời với chúng ta, và các Kitô hữu phải rút sức mạnh của mình từ Bí Tích Thánh Thể để thực hiện điều ấy.
“Mầu Nhiệm Đức Tin”: đó là điều mà chúng ta công bố trong mỗi Thánh Lễ. Tôi muốn tất cả mọi người quyết tâm học hỏi về mầu nhiệm này, đặc biệt bằng cách coi lại và khám phá, từng cá nhân hay từng nhóm, bản văn của Công Đồng về Phụng Vụ, 'Sacrosanctum Concilium,' ngõ hầu can đảm làm chứng cho mầu nhiệm. Bằng cách này mỗi người sẽ đi đến việc hiểu biết hơn về ý nghĩa của từng bình diện của Bí Tích Thánh Thể, hiểu chiều sâu của mầu nhiệm này và sống mầu nhiệm cách mãnh liệt hơn. Mỗi câu nói, mỗi cử chỉ đều có ý nghĩa riêng của nó và tiềm ẩn một mầu nhiệm. Tôi thành khẩn hy vọng rằng Đại Hội này sẽ trở thành một lời yêu cầu mọi tín hữu cũng quyết tâm như thế trong việc canh tân giáo lý về Thánh Thể, để chính họ sẽ đạt được một ý thức thật sự về Thánh Thể, và đến lượt họ sẽ dạy các trẻ em và người trẻ nhận ra mầu nhiệm chính của đức tin, cùng xây dựng đời sống mình chung quanh mầu nhiệm này. Tôi van nài các linh mục đặc biệt tôn trọng cách nghi thức Thánh Lễ, và kêu gọi các tín hữu tôn trọng vai trò của mỗi cá nhân, cả linh mục lẫn giáo dân, trong các cử chỉ trong Thánh Lễ. Phụng vụ không thuộc về chúng ta mà là một kho tàng của Hội Thánh.
Rước Lễ, Chầu Mình Thánh Chúa -- bằng cách này chúng ta muốn đào sâu sự hiệp thông của chúng ta, sửa soạn cho sự hiệp thông này và kéo dài nó – cũng có nghĩa là để cho mình đi vào sự hiệp thông với Đức Kitô, và nhờ Người mà hiệp thông với toàn thể Ba Ngôi, ngõ hầu trở nên điều chúng ta lãnh nhận và sống trong sự hiệp thông với Hội Thánh. Chính nhờ việc rước Mình Đức Kitô mà chúng ta nhận được sức mạnh “của việc kết hợp với Thiên Chúa và với nhau” (Thánh Cyrillô thành Alexandria, In Ioannis Evangelium,11:11; x. Thánh Augustine, Sermo 577).
Chúng ta không bao giờ được quên rằng Hội Thánh được xây dựng quanh Đức Kitô và, như các Thánh Augustinô, Thoma Aquinô và Albertô Cả, đều nói theo Thánh Phaolô rằng, Bí Tích Thánh Thể là bí tích của sự hiệp nhất của Hội Thánh, bởi vì tất cả chúng ta hiệp thành một thân thể duy nhất của Hội Thánh mà Chúa là đầu. Chúng ta phải trở đi trở lại Bữa Tiệc Ly vào ngày Thứ Năm Tuần Thánh, là nơi chúng ta được Chúa ban cho một bảo chứng về mầu nhiệm cứu độ của chúng ta trên Thánh Giá. Bữa Tiệc Ly là nơi quy tụ của Hội Thánh sơ khai, là cung lòng chứa đựng Hội Thánh của mọi thời đại. Trong Bí Tích Thánh Thể, hy tế của Đức Kitô được luôn luôn phục hồi, Lễ Hiện Xuống được luôn luôn phục hồi. Chớ gì tất cả anh chị em trở nên ý thức sâu xa hơn về tầm quan trọng của Thánh Lễ Chúa Nhật, bởi vì Chúa Nhật là ngày thứ nhất trong tuần, là ngày mà chúng ta dành để kính Đức Kitô, ngày mà chúng ta lãnh nhận sức mạnh để sống ân sủng của Thiên Chúa mỗi ngày.
Tôi cũng muốn mời các mục tử và các tín hữu lại để tâm đến việc chuẩn bị Rước Lễ. Dù chúng ta yếu đuối và tội lỗi, Đức Kitô muốn ngự trong chúng ta, hãy xin Người chữa lành. Để thực hiện điều này, chúng ta phải làm tất cả những gì khả năng mình có thể làm để đón rước Người với một tâm hồn trong sạch, bằng cách, nhờ bí tích sám hối, không ngừng tìm lại được sự trong sạch mà tội lỗi đã làm cho ra nhơ bẩn, “bằng cách làm cho linh hồn và lời nói của mình hoà hợp với nhau” theo lời mời gọi của Công Đồng (x. Sacrosanctum Concilium, số 11). Thực ra, các tội lỗi, đặc biệt là những tội trọng, là chống lại hành động của ân sủng Thánh Thể trong chúng ta. Tuy nhiên, những ai không thể lên Rước Lễ vì hoàn cảnh của mình, vẫn có thể tìm được một cách Rước Lễ qua lòng muốn và qua việc thông phần vào sức mạnh và hiệu quả của Thánh Lễ.
Bí Tích Thánh Thể có một chỗ đứng hoàn toàn đặc biệt trong đời sống của các thánh. Chúng ta hãy cảm tạ Thiên Chúa vì lịch sử sự thánh thiện của Quebec và Gia Nã Đại, là nơi đã góp phần vào đời sống truyền giáo của Hội Thánh. Quê hương của anh chị em đặc biệt tôn kính các đấng Tử Vì Đạo người Gia Nã Đại, Jean de Brébeuf, Isaac Jogues cùng các đồng bạn, là những người đã có thể hiến mạng sống mình cho Đức Kitô, như thế kết hợp chính mình các ngài với hy tế của Người trên Thánh Giá. Các ngài thuộc vào thế hệ của những người nam và nữ đã thiết lập và phát triển Giáo Hội Gia Nã Đại, cùng với Marguerite Bourgeoys, Marguerite d'Youville, Marie de l'Incarnation, Marie-Catherine de Saint-Augustin, Đức Cha François de Laval, vị sáng lập giáo phận đầu tiên ở Bắc Mỹ, Dina Bélanger và Kateri Tekakwitha. Hãy gia nhập trường của các ngài; giống các ngài, không biết sợ; Thiên Chúa đồng hành với anh chị em và bảo vệ anh chị em; hãy làm mỗi ngày một của lễ dâng lên để vinh danh Thên Chúa Cha và tham gia vào việc xây dựng thế giới, bằng cách hãnh diện nhớ đến gia sản tôn giáo cùng xã hội và văn hóa rạng ngời của anh chị em, và cố gắng tỏa ra chung quanh mình những giá trị luân lý và tinh thần từ Chúa mà đến với chúng ta.
Thánh Thể không phải là một bữa tiệc giữa bạn bè, mà là một mầu nhiệm giao ước. “Các kinh nguyện và nghi thức của hy tế Thánh Thể không ngừng làm sống lại toàn thể lịch sử cứu độ trước mắt linh hồn chúng ta, trong chu kỳ phụng vụ, và làm cho chúng ta hiểu thấu hơn về ý nghĩa của nó” (Thánh Teresa Benedicta Thánh Giá, [Edith Stein], Wege zur inneren Stille Aschaffenburg, 1987, p. 67). Chúng ta được mời gọi đi vào mầu nhiệm giao ước này bằng cách làm cho đời sống mình mỗi ngày một thêm giống hồng ân mà chúng ta lãnh nhận trong Bí Tích Thánh Thể. Thánh Thể có một tính chất thánh, như Công Đồng Vatican II nhắc nhở: “Toàn thể cuộc cử hành Thánh Thể, bởi vì là hành động của Đức Kitô tư tế và của Thân Thể Người là Hội Thánh, là hành động thánh thiện nhất, mà không có hành động nào của Hội Thánh có thể có hiệu quả bằng, cả về danh hiệu lẫn cấp độ” (Sacrosanctum Concilium, n. 7). Bằng một cách nào đó, Thánh Thể là một “phụng vụ trên trời”, sự hưởng trước bữa tiệc trong Vương Quốc vĩnh cửu, qua việc loan truyền cái chết và việc phục sinh của Đức Kitô cho đến ngày Người đến (x. Cor 11:26).
Để cho Dân Thiên Chúa không bao giờ thiếu các thừa tác viên ban phát cho họ Mình Đức Kitô, chúng ta phải xin Chúa ban cho Hội Thánh hồng ân có những linh mục mới. Tôi cũng mời gọi anh chị em truyền lời mời gọi làm linh mục đến các thanh niên trẻ, để họ chấp nhận với niềm vui mà không sợ trả lời Đức Kitô. Họ sẽ không thất vọng. Xin cho các gia đình trở thành nơi khởi đầu và nôi của ơn gọi.
Trước khi chấm dứt, tôi vui mừng thông báo cho anh chị em cuộc gặp gỡ của Đại Hội Thánh Thể Quốc Tế lần tới sẽ được tổ chức tại Dublin, Ái Nhĩ Lan, vào năm 2012. Tôi xin Chúa giúp cho mỗi người trong anh chị em khám phá ra chiều sâu và vẻ hùng vĩ của mầu nhiệm đức tin. Nguyện xin Đức Kitô, hiện diện trong Bí Tích Thánh Thể, và Chúa Thánh Thần, được sai xuống trên bánh và rượu, đồng hành với anh chị em trên đường đi hằng ngày và trong sứ vụ của anh chị em. Chớ gì anh chị em, trong hình ảnh Đức Trinh Nữ Maria, mở lòng ra đón nhận những việc Thiên Chúa làm trong anh chị em. Trong khi phó thác anh chị em cho Đức Mẹ, Thánh Anna, quan thầy Quebec, và tất cả các thánh của đất nước anh chị em, tôi ưu ái ban Phép Lành Tòa Thánh cho anh chị em, cũng như cho tất cả những người có mặt, là những người đã đến đây từ nhiều quốc gia khác nhau trên thế giới.
Các bạn thân mến, trong khi biến cố quan trọng trong đời sống Hội Thánh này gần kết thúc, tôi mời tất cả anh chị em cùng tôi cầu nguyện cho Đại Hội Thánh Thể Quốc Tế kế tiếp, sẽ được tổ chức vào năm 2012 tại thành phố Dublin được thành công! Tôi cũng nhân dịp này chào mừng dân chúng Ái Nhĩ Lan, trong khi họ chuẩn bị tổ chức cuộc tập họp này của Hội Thánh. Tôi tin tưởng rằng họ, cùng với tất cả những người tham dự Đại Hội tới, sẽ tìm thấy nó là nguồn mạch canh tân tinh thần trường cửu.
Phaolô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ theo:
ĐTC Bênêđictô XVI
QUEBEC- Ngày 22 tháng 06 năm 2008, hàng ngàn tín hữu tập họp tại Quebec hôm Chúa Nhật để tham dự thánh lễ bế mạc Đại Hội Thánh Thể Quốc tế lần thứ 49, trong thánh lễ, ĐTC Beneđicto XVI công bố lời huấn dụ được truyền hình trực tiếp qua vệ tinh.
Mặc dù trời mưa, các tín hữu tụ họp đông đảo trên thảo nguyên Abraham, công viên
lớn nằm ở trung tâm Thành phố Quebec, theo nguồng tin truyền thông địa phương.
Hình ảnh ĐTC được truyền lên màn hình lớn, được đám đông tham dự lễ chào đón
bằng những tràng pháo tay hoan hô qua đường nối kết vệ tinh.
Khoảng 11.000 khách hành hương, 50 Hồng Y, hơn 100 Giám mục đã tham gia vào Đại
Hội Thấnh Thể quan trọng của Giáo Hội công giáo, khai mạc từ Chúa Nhật vừa rồi.
Giáo Hội công giáo Canađa đã mời ĐTC, họ ước mong sự hiện diện của ĐTC tại
Quebec, nhưng ĐHY Marc Ouellet, Tổng Giám mục Quebec, hôm tháng Giêng vừa qua
thông báo rằng ĐTC sẽ không đến được vì chương trình quá nặng.
Đại Hội Thánh Thể diển ra bốn năm một lần tại một Thành phố do ĐTC chỉ định.
Thánh Thể là Bí Tích chính yếu của Kitô giáo tưởng nhớ của lễ hy sinh của Chúa
Kitô.
Đại Hội Thánh Thể Quebec trùng hợp với năm nay kỷ niệm 400 năm thành lập thành
phố nước Pháp đầu tiên tại Bắc Mỹ ở thế kỷ XVII. Đây là thánh phố trung gian
truyền giáo quan trọng cho các Châu lục.
Thành phố Quebec là Toà Giám mục lâu năm nhất ở Bắc Mỹ, tuy nhiên ngoại trừ
Mêhicô.
Tin Vatican (Apic 23/06/2008) - Vào lúc 18giờ ngày thứ Bảy, 28 tháng 6 năm 2008, áp lễ trọng kính hai thánh tông đồ Phêrô và Phaolô, Ðức ThánhCha Bênêđitô XVI sẽ chủ sự giờ Kinh Chiều, trong Ðền Thờ Thánh Phaolô Ngoại Thành, ở Roma, để chính thức khai mạc Năm Ðặc Biệt dâng kính thánh Phaolô, Tông Ðồ của dân Ngoại.
Theo truyền thống, thì di hài của Thánh Phaolô Tông Ðồ còn được lưu giữ tại Ðền Thờ Thánh Phaolô Ngoại Thành này, một trong Bốn Ðại Vương Cung Thánh Ðường ở Roma (Ðền Thờ Thánh Phêrô, Ðền Thờ Thánh Gioan Lateranô, Ðền Thờ Ðức Bà Cả, và Ðền Thờ Thánh Phaolô Ngoại Thành).
Theo hãng tin công giáo Thuỵ Sĩ, (Apic), số phát hành ngày 23 tháng 6 năm 2008, thì Ðức Bartolomêô I, Giáo Chủ Ðại Kết của Giáo Hội Chính Thống Costantinopoli, sẽ đích thân tham dự giờ Kinh Chiều này, cùng với những đại diện của những giáo hội kitô khác.
Thứ Sáu, ngày 20 tháng 6 năm 2008, Ðức Hồng Y Andrea Cordero Lanza di Montezemolo, Tổng Kinh Sĩ Ðền Thờ Thánh Phaolô Ngoại Thành đã được Ðức Thánh Cha tiếp kiến, để trình lên ngài những chương trình được dự trù cử hành trong năm Thánh Phaolô sắp được khai mạc.
Trong số biết bao sáng kiến cử hành Năm Thánh Phaolô, hiện người ta có thể liệt kê ba sáng kiến nổi bật sau đây từ Roma: một trang Ðiện Tử chính thức (www.annopaolino.org), một nguyệt san, dày khoảng 60 trang, hoàn toàn dành cho các đề mục liên quan đến thánh Phaolô và công cuộc rao giảng tin mừng của ngài, và vấn đề đối thoại liên tôn, có tên gọi là Paulus, sẽ được phổ biến khoảng 45,000 ấn bản, và qua trang điện tử riêng (www.paulusweb.net). Văn Phòng Hành Hương Roma sẽ tổ chức những chuyến hành hương theo vết chân của Thánh Phaolô Tông đồ, đến các quốc gia Thổ Nhỉ Kỳ, Hy Lạp, Syri, Thánh Ðịa, Quốc Gia Ðảo Malta, Ðảo Chypre, và Các Ðịa Ðiểm tại Thủ Ðô Roma có liên quan đến thánh Phaolô tông đồ.
(Ðặng Thế Dũng)
Tin Vatican (Apic 25/06/2008) - Thứ Ba, ngày 24 tháng 6 năm 2008, Ðức Thánh Cha Bênêđitô XVI đã bổ nhiệm ba vị Chủ Tịch thừa ủy của Khoá Họp Thượng Hội Ðồng Giám Mục về Lời Chúa, sẽ diễn ra tại Roma, từ ngày mùng 5 đến 26 tháng 10 năm 2008.
Ðó là ba Vị sau đây:
1. Ðức Hồng Y William Joseph Levada, tổng trưởng bộ Giáo Lý Ðức Tin.
2. Ðức Hồng Y Oswald Gracias, Tổng Giám Mục Bombay, Ấn Ðộ.
3. Ðức Hồng Y Odilo Pedro Scherer, Tổng Giám Mục Sao Paolo, Brazile.
Ðây là ba vị "Chủ Tịch Thừa Ủy", luân phiên thay mặt Ðức Thánh Cha điều hành các buổi họp. ÐTC vẫn luôn là chủ tịch của Khoá Họp Thượng Hội Ðồng Giám Mục bàn về chủ đề: "Lời Chúa trong đời sống và trong sứ mạng của Giáo Hội."
Nhân dịp lễ trọng kính Hai Thánh Tông Ðồ Phêrô và Phaolô, ÐTC Bênêđitô XVI sẽ trao dây Pallium (dây choàng cổ biểu hiệu quyền Tổng Giám Mục và sự hiệp thông giáo hội với ÐTC) cho 41 vị Tân Tổng Giám Mục đã được bổ nhiệm trong năm qua, trong thánh lễ ngài cử hành vào sáng ngày Chúa Nhật 29 tháng 6 năm 2008. Ðúng ra, đã có tất cả là 43 vị Tân Tổng Giám Mục đã được bổ nhiệm trong năm qua, nhưng chỉ có 41 vị về Roma trong dịp lễ trọng này để nhận dây Pallium từ chính tay ÐTC. Hai vị còn lại sẽ nhận dây Pallium tại Toà Tổng Giám Mục của mình.
Theo thói quen đã có từ lâu, hằng năm vào dịp lễ trọng kính hai thánh tông đồ Phêrô và Phaolô, một phái đoàn của giáo hội chính thống Costantinopoli đến Roma tham dự thánh lễ. Năm nay (2008), Phái Ðoàn do chính Ðức Thượng Phụ Bartolomêô I, Thượng Phụ Giáo Chủ Ðại Kết Costantinopoli, hướng dẫn. Ngài đến Roma cũng để tham dự lễ nghi khai mạc Năm đặc biệt dành kính Thánh Phaolô, vào chiều ngày 28 tháng 6 năm 2008, tại Ðền Thờ Thánh Phaolô Ngoại Thành. Và trong thánh lễ kính hai thánh tông đồ Phêrô và Phaolô vào sáng ngày Chúa Nhật 29 tháng 6 năm 2008 trong Ðền Thờ Thánh Phêrô, Ngài sẽ cùng giảng trong thánh lễ với ÐTC Bênêđitô XVI. Sau đó, ÐTC và Ðức Giáo Chủ Chính Thống Giáo sẽ cùng đọc kinh Tin Kính, và sẽ cùng ban phép lành cuối lễ.
Dili (UCAN ET05204.1502 Ngày 18-6-2008) -- Chính phủ Timor Leste (Ðông Timor) vừa dựng tượng Ðức Thánh cha Gioan Phaolô II nhằm tôn vinh Ðức cố Thánh cha đã hỗ trợ mặt đạo đức cho quyền tự quyết của quốc gia.
Bức tượng bêtông cao sáu mét được khánh thành hôm 14-6-2008 tại Tasi Tolu, thuộc ngoại ô phía tây Dili, đúng nơi Ðức Thánh cha Gioan Phaolô II đã dâng lễ vào ngày 12-10-1989, trong thời gian Ðông Timor bị Indonesia chiếm đóng.
Tasi Tolu là nơi khét tiếng về vụ tình nghi binh lính Indonesia chất đống thi thể của nhiều người trẻ trong cuộc đấu tranh giành độc lập. Người Công giáo chiếm khoảng 96% trong một triệu người Timor Leste.
Bức tượng, nhìn xuống bờ tây của thủ đô và hướng ra biển, đứng bên cạnh một nhà nguyện dùng dâng lễ Chúa nhật, cũng được xây dựng để tôn vinh Ðức cố Giáo hoàng.
Tổng thống Timor Leste Jose Ramos-Horta đã khánh thành bức tượng trước sự hiện diện của Ðức Tổng Giám mục Leo Poldo Girelli, sứ thần Tòa Thánh ở Timor Leste, đặt trụ sở ở Jakarta.
Ông Ramos-Horta nói trong bài diễn văn: "Ðức Thánh cha Gioan Phaolô II là người đã cổ vũ hòa bình và công lý trên thế giới. Ngài còn đấu tranh cho người dân Timor có quyền được thế giới công nhận và trong cuộc đấu tranh giành quyền tự quyết".
Khoảng 1,000 người mặc tais, áo vải dệt bằng tay khoác bên ngoài, đã tham dự sự kiện này, trong đó còn có một Thánh lễ ngoài trời có múa hát nhạc truyền thống, và một nhóm dâng lễ vật gồm lương thực và trái cây địa phương.
Sứ thần Tòa Thánh, chủ tế Thánh lễ, nói chuyến viếng thăm Timor Leste của Ðức Gioan Phaolô chứng tỏ tình đoàn kết với nỗi đau khổ của người dân Timor. "Trong triều đại ngài, Ðức Gioan Phaolô hết sức chú ý đến công lý, nhân quyền và hòa giải", Ðức Tổng Giám mục Girelli nói với cộng đoàn. "Ðức Thánh cha Gioan Phaolô dạy chúng ta tôn trọng phẩm giá và sinh mạng con người".
Nhà ngoại giao Vatican còn đọc thư của thư ký của Ðức Thánh cha Bênêđictô XVI cám ơn chính phủ đã dựng tượng và xây nhà nguyện này. Bức thư chuyển lời Ðức Bênêđictô XVI hứa cầu cho hòa bình và công lý trong quốc gia này.
Ông Ramos-Horta giải thích rằng Ðức Gioan Phaolô II đã đóng góp to lớn cho tự do của quốc gia và đây là cách bày tỏ lòng biết ơn của người dân đối với vị cố lãnh đạo Giáo hội.
Tổng thống còn cám ơn cựu thủ tướng Mari Alkatiri, người đã đề xuất ý kiến dựng tượng tại Tasi Tolu khi Ðức Gioan Phaolô qua đời tháng 4-2005, sau 26 năm trị vì. Ông Alkatiri, người Hồi giáo, đã nói lúc đó rằng bức tượng này sẽ nhắc mọi người nhớ đến một con người gắn bó với nhân quyền và công lý. Năm 2007, ông đặt các nhà điêu khắc Indonesia làm bức tượng.
Filomena Soares, 35 tuổi, phát biểu với UCA News hôm 15-6-2008 rằng chị vui mừng khi nhìn thấy tượng Ðức Gioan Phaolô II. "Nó gợi cho tôi nhớ lại thời gian ngài tới đây. Tôi có thể nhớ việc ngài đến Ðông Timor và ủng hộ cuộc đấu tranh giành quyền tự quyết của chúng tôi". Chị nói thêm: "Người dân Timor nên tự hào về bức tượng này và cũng cần cầu nguyện và tạ ơn Ðức cố Giáo hoàng, vì ngài đã đem lại cho chúng ta lòng can đảm và hy vọng".
Trong chuyến viếng thăm của Ðức Thánh cha Gioan Phaolô II, cảnh sát đã bắt giữ nhiều thanh niên khi họ kéo đến bàn thờ lúc kết thúc Thánh lễ để thu hút sự chú ý của Ðức Thánh cha về cảnh khốn khổ của người dân địa phương dưới sự cai trị của Indonesia. Các phương tiện truyền thông quốc tế đưa tin những người biểu tình đã bị đánh đập trong vụ bạo động đó và bị tra tấn sau đó, các giới chức Indonesia phủ nhận cáo buộc này.
Ðức Giám mục Carlos Filipe Ximenes Belo, giám quản tông tòa của Dili từ năm 1988-2002, nói với UCA News hôm sau ngày Ðức Thánh cha Gioan Phaolô II qua đời rằng Ðức Thánh cha luôn giữ quan hệ thân thiết với người dân Ðông Timor từ khi ngài sang viếng thăm. Trong suốt những năm chiến tranh và bạo lực tiếp theo sau đó, Ðức Thánh cha đã phái các vị đại diện cũng như gửi thư an ủi người dân Ðông Timor, vị giám chức dòng Salesian nói.
Indonesia "sáp nhập" Ðông Timor, thuộc địa trước đây của Bồ Ðào Nha, làm một tỉnh của mình vào năm 1976, sau khi nắm quyền kiểm soát vào năm trước đó, khi chính quyền thực dân Bồ Ðào Nha rút đi giữa lúc tình trạng căng thẳng chính trị đang leo thang. Trong thời gian nằm dưới quyền cai trị của Indonesia, có tới 200,000 người Ðông Timor bị chết do đói khổ, chiến tranh và các vụ trả thù.
Ðại đa số người Ðông Timor đã bỏ phiếu đòi độc lập trong cuộc trưng cầu dân ý do Liên hiệp quốc tài trợ ngày 30-8-1999, sau đó nhóm lực lượng dân quân thân Jakarta đã tung hoành ngang dọc khiến hàng trăm người thiệt mạng. Chính quyền lâm thời do Liên hiệp quốc đứng đầu đã nắm quyền kiểm soát cho đến khi nước Dân chủ Cộng hòa Timor Leste chính thức ra đời vào tháng 5-2002.
Nhân đại lễ sinh nhật Thánh Gioan Tẩy Giả- bổn mạng Hội Dòng, ngày 24.6 vừa qua, toàn thể các Linh mục, Phó tế và Tu sỹ hiện đang mục vụ tại Taiwan quy tụ về Tổng viện để cùng với Đức Giám Mục Jos. Vương Dủ Vinh, Cha Bề trên Tổng quyền Benedictus, Cha Phó bề trên Tổng quyền Stanislaus, hai Cha Giám Tỉnh tỉnh dòng Trung Hoa, Cha Bosco và Tỉnh dòng ViệtNam, Cha Bonaventura long trọng cử hành Thánh lễ Tạ ơn để cầu nguyện cách đặc biệt cho Hội dòng.
Trong tinh thần sống Năm Thánh kỷ niệm 150 năm mảnh đất Taiwan đón nhận Tin
mừng, 80 năm thành lập Hội Dòng, đồng thời đáp ứng lời mời gọi “ra khơi” của Hội
dồng Giám mục Taiwan kêu gọi mọi thành phần dân Chúa hãy nổ lực loan báo Tin
mừng để trong Năm Thánh này, Giáo hội Taiwan sẽ đón nhận 15000 anh chị em dự
tòng gia nhập vào đại gia đình Giáo hội, Hội dòng đã cụ thể hoá bằng việc loan
báo Tin mừng ngay nơi môi trường mình đang hiện diện,. Thế nên, trong dịp đại lễ
này, Đức Giám Mục chủ tế đã rửa tội cho 9 anh chị em dự tòng để họ được chính
thức gia nhập Giáo hội. Được biết 6 trong số 9 anh chị em tân tòng này đều là
giáo viên trường Trung học Viator – trường trực thuộc quản lý của Hội Dòng, và 3
trẻ em là con cái của họ.
Tạ ơn Chúa và chúc mừng các tân giáo dân trí thức! Ước mong nhờ ơn Chúa giúp họ
sẽ là những cánh tay nối dài cho Giáo hội Taiwan, cho Hội Dòng Gioan Tẩy Giả
trên con đường rao giảng Tin mừng cứu độ. Xin Thánh Gioan Tẩy Giả nguyện giúp
cầu thay, để Hội Dòng chúng con luôn noi gương Người để cho danh Chúa không
ngừng được lớn lên giữa lòng nhân loại.
Lm Jos. Phạm Ngọc Ngôn, Csjb
Việt Ngữ được chọn là 1 trong 7 ngôn ngữ chính thức trong Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới 2008 Sydney
Trong tinh thần cảm tạ hồng ân Thiên Chúa và với
niềm hãnh diện là người Việt Nam, Ban Tổ Chức
WYD4VN Tổng Giáo Phận Sydney xin hân hạnh thông báo:
Việt Ngữ được chọn là 1 trong 7 ngôn ngữ chính thức trong Đại Hội Giới Trẻ
Thế Giới 2008 Sydney.
Việt Ngữ sẽ được thông dịch tại chỗ và phát thanh qua hệ thống Radio tại các
sinh hoạt chính yếu của Đại Hội, gồm có:
- Thánh Lễ Khai Mạc vào Thứ Ba 15/7 do Đức Hồng Y George Pell chủ tế
- Nghi lễ chào đón Đức Giáo Hoàng Benedict XVI vào Thứ Năm 17/7
- Chặng Đàng Thánh Giá vào Thứ Sáu 18/7
- Đêm Canh Thức vào Thứ Bảy 19/7
- Thánh Lễ Bế Mạc vào Chúa Nhật 20/7 do Đức Giáo Hoàng Benedict XVI chủ tế
Xin chia vui cùng tất cả đồng bào Việt Nam, đặc biệt là giới trẻ Việt Nam từ bốn
phương về Sydney tham dự Đại Hội.
Trân trọng,
BTC WYD4VN TGP SYDNEY
Ban Tổ Chức WYD 2008
Hà Nội (UCAN VT05212.1502 Ngày 20-6-2008) -- Người Công giáo ở Việt Nam có những suy nghĩ khác nhau về chuyến thăm làm việc trong tháng 6/2008 của phái đoàn Tòa Thánh tại Việt Nam.
Phái đoàn gồm ba thành viên do Ðức ông Pietro Parolin, thứ trưởng ngoại giao Tòa Thánh, dẫn đầu sang thăm Việt Nam từ ngày 9-15/6/2008. Người Công giáo ở đây hy vọng chuyến thăm thứ 15 này sau chuyến thăm đầu tiên năm 1990, sẽ bàn về việc trả lại tài sản cho Giáo hội, việc bổ nhiệm giám mục và thiết lập quan hệ ngoại giao.
Một giám mục ở miền bắc, yêu cầu không nêu tên, phát biểu với UCA News hôm 18-6-2008 rằng người Công giáo hy vọng phái đoàn Tòa Thánh sẽ làm việc với nhà nước đặc biệt về việc trả lại tòa khâm sứ cũ ở Hà Nội.
Tuy nhiên, ông Antôn Nguyễn Ðình Lộc, một lãnh đạo giáo dân ở thủ đô, nói với UCA News hôm 16-6 rằng phái đoàn Tòa Thánh và các giới chức nhà nước không thể đi đến thỏa thuận về các vấn đề Giáo hội, nhất là về việc trả lại tòa khâm sứ, bị tịch thu năm 1959, 5 năm sau khi cộng sản miền bắc đánh bại thực dân pháp. Nhà nước đã tịch thu hoặc "mượn" các cơ sở của Giáo hội, lúc đầu ở miền bắc và rồi trên khắp cả nước sau năm 1975.
Ông Lộc nói các lãnh đạo tổng giáo phận Hà Nội và các giới chức chính quyền trong những tháng gần đây đã nhóm họp và bàn cách giải quyết vấn đề tòa khâm sứ, nhưng không thành.
"Chúng tôi tiếp tục cầu nguyện cho công lý được thực hiện", ông nói, việc trì hoãn khiến người Công giáo nghi ngờ nhà nước có thực sự muốn trả lại tòa khâm sứ như đã hứa với các lãnh đạo tổng giáo phận Hà Nội hồi tháng Giêng 2008 không. Các giới chức chính quyền đã không giữ lời hứa và cố lãng tránh vấn đề này, trong khi phái đoàn Tòa Thánh kiên nhẫn đối thoại với họ, ông nói thêm.
Người Công giáo đã biểu tình ở Hà Nội vào tháng 12 năm 2007 và tháng Giêng năm 2008 yêu cầu trả lại tòa khâm sứ cũ cho Giáo hội địa phương.
Vị giám mục miền bắc được nói ở trên giải thích rằng các giám mục Việt Nam đã làm đơn yêu cầu nhà nước trả lại tòa khâm sứ để có thể dùng làm trụ sở, vì Giáo hội thiếu cơ sở. Nhưng nhà nước muốn giao cho Giáo hội một lô đất khác. "Chúng tôi nói với họ rằng điều quan trọng là công lý phải được thực hiện. Việc trả lại tòa khâm sứ không phải là vấn đề lớn", vị giám mục nói.
Trong khi đó, linh mục Emmanuel Nguyễn Vinh Gioang ở tỉnh Quảng Trị, nơi có Trung tâm Thánh Mẫu La Vang, hy vọng chuyến thăm của phái đoàn Tòa Thánh đến thánh địa này sẽ thúc giục nhà nước sớm trả lại phần đất thuộc về thánh địa.
Về vấn đề thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Tòa Thánh và Việt Nam, đức giám mục miền bắc cho biết các giới chức nhà nước nói họ "chưa sẵn sàng thiết lập quan hệ ngoại giao với Tòa Thánh bởi lúc này chưa thích hợp".
Hai bên đã thành lập một nhóm làm việc bàn về một "lộ trình" cho việc thành lập quan hệ ngoại giao sau khi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hội kiến Ðức Thánh cha Bênêđictô XVI tại Rôma tháng 1-2007, ngài nói.
Vị giám chức lưu ý hai bên có quan điểm khác nhau về tự do tôn giáo. Theo các giới chức nhà nước, tự do tôn giáo có nghĩa là các tín đồ tự do thực hành đức tin ở những nơi thờ tự trong khi Giáo hội cho rằng tự do tôn giáo còn kèm theo tự do ngôn luận. Hai bên cần gặp nhau và đối thoại để có thể đi đến thỏa thuận, ngài nói.
Bàn về việc Ðức Thánh cha sang thăm Việt Nam vào năm 2010, khi Giáo hội địa phương kỷ niệm 50 năm thành lập hàng giáo phẩm, thì "không ai biết được", đức cha nói, vì không ai biết khi nào quan hệ ngoại giao giữa hai bên sẽ được thiết lập.
Vị giám chức nói thêm rằng ngài ít hy vọng về việc sớm thông báo bổ nhiệm giám mục cho các giáo phận còn trống tòa Bắc Ninh và Phát Diệm ở miền bắc và Ban Mê Thuột ở tây nguyên. Nhiệm vụ chính trong các chuyến thăm làm việc là giải quyết việc bổ nhiệm giám mục trong nước.
Tuy nhiên, cha Gioang khẳng định chuyến thăm gần đây của phái đoàn Tòa Thánh là một dịp nữa để hai bên trao đổi quan điểm về quan hệ ngoại giao và các vấn đề khác, và đi đến hiểu nhau hơn.
Theo một bản tuyên bố chính thức do Phòng Thông tin Vatican phát hành hôm 17-6-2008, hai bên đã chú ý "đến việc bình thường hóa quan hệ song phương như mong đợi".
UCA News
Thái Bình, Việt Nam (23/06/2008) - Sau những ngày chuẩn bị, sửa sang quét dọn phòng ốc, sắp xếp lại bàn ghế, tủ giường, trang trí lại nhà nguyện, ngày thứ Hai, 23.6.2008, các thầy được vị cha chung của Giáo Phận Thái Bình về dâng thánh lễ đầu tiên, cầu nguyện cho các thầy. Chủ tế thánh lễ là Ðức cha P.X Nguyễn Văn Sang, Giám Mục Giáo Phận Thái Bình, đồng tế có cha Ðaminh Ðặng Văn Cầu, cha Giuse Phạm Thanh Quang, Dòng Chúa Cứu Thế, cha Giuse Lý Văn Thưởng, Dòng Ðaminh, tham dự có 33 thầy già lớp ôn thi vào khóa bồi dưỡng ở Chủng Viện và có khoảng 30 sơ Dòng Nữ Ðaminh Thái Bình.
Hôm nay trời nắng nóng oi bức đến khắc nghiệt, nhiệt độ có lẽ vào khoảng 35-37 độ C. Tuy nhiên, lúc 9 giờ thánh lễ vẫn diễn ra cách trang trọng, sốt sắng và ấm cúng trong tâm tình cảm tạ và tình yêu thương dạt dào của Thiên Chúa. Tình yêu của Thiên Chúa không dạt dào sao được khi mà sau mấy chục năm, Chủng Viện Mỹ Ðức (nay là Chủng Viện Thánh Tâm Chúa Giêsu) mới được mở lại. Mở lại để làm gì? Thưa để trước tiên là đón nhận các thầy già sau bao nhiêu năm tản mác đây đó, bị bỏ rơi không được học hành gì do hoàn cảnh, để được đào tạo làm Linh Mục; sau nữa trong tương lai sẽ tiếp tục đón nhận và đào tạo các thế hệ sau. Không cảm tạ Thiên Chúa sao được khi mà Thiên Chúa đã ban hồng ân lớn lao cho Giáo Phận Thái Bình có được một Chủng Viện khang trang - đáng lẽ ra hoạt động từ rất nhiều năm trước nhưng do hoàn cảnh khó khăn của Ðất Nước - để đào tạo các Linh Mục cho Giáo Phận, góp phần phục vụ Hội Thánh, giáo dân và mọi người trong Giáo Phận.
Trong thánh lễ, Ðức cha P.X. Sang đã chia sẻ hết sức chân tình và cảm động. Ngài nói lên tâm tình tạ ơn Thiên Chúa vì đã ban cho Giáo Phận Thái Bình cách đặc biệt ân huệ lớn lao là được mở lại Chủng Viện. Ngài chia sẻ tiếp: tại sao lại đặt lại tên cho Chủng Viện Mỹ Ðức là Chủng Viện Thánh Tâm Chúa Giêsu? Số là trước Thánh Tâm Chúa Giêsu, ngài luôn cầu nguyện xin Chúa thương ban cho Giáo Phận có thể mở lại Chủng Viện để chăm lo cho việc đào tạo các Linh Mục hầu có người "nối nghiệp" phục vụ Hội Thánh trong Giáo Phận Thái Bình. Thiên Chúa đã nhận lời ngài. Ðúng vào dịp lễ kính Thánh Tâm Chúa Giêsu 30.5.2008, ngay sau thánh lễ, ngài vừa về đến phòng và nhận được giấy quyết định của chính quyền Tỉnh Thái Bình cho phép mở lại Chủng Viện Mỹ Ðức (trước kia, Giáo Phận vẫn sở hữu và quản lý Chủng Viện này, chỉ có điều là không được hoạt động mà thôi). Ngài mừng quá và hứa sẽ lấy chính tên Thánh Tâm Chúa Giêsu để đặt lại cho Chủng Viện Mỹ Ðức, để tạ ơn Chúa. Cái tên Chủng Viện Thánh Tâm Chúa Giêsu bắt đầu ra đời từ đó. Nói đến đây, ngài khóc nức nở có lẽ vì thấy quá mừng, và cũng thấy Giáo Phận đã vượt qua những hoàn cảnh cực kỳ khó khăn, nay đã bước đến ngày đầy hứa hẹn sán lạn như thế này. Mọi người trong nguyện đường cũng không khỏi xúc động.
Ngài chia sẻ thêm, ngài cũng muốn sau này, trong "lò lửa mến" Thánh Tâm Chúa Giêsu, các thầy sẽ được đào tạo và tự đào tạo mình để trở nên các "Tâm Sĩ" giống Thánh Tâm Chúa đầy lửa mến, hầu đi đến mọi nơi gieo rắc tình thương của Chúa.
Nơi Chủng Viện Thánh Tâm Chúa Giêsu, dĩ nhiên các thầy sẽ được rèn luyện, đào tạo để trở thành những Linh Mục gương mẫu. Thật ra, tự sức con người không thể làm được mà cần cộng tác với ơn Chúa nhiều, cần cậy dựa vào Chúa luôn. Vì rằng ngay ở đời này tin cậy, mến cả ba đều tồn tại, nhưng đức cậy là hết sức quan trọng. Cậy dựa, bám víu vào Chúa thì mọi chuyện sẽ ổn thỏa. Ngài khuyên các thầy phải luôn cậy dựa vào Chúa.
Cuối cùng, ngài nêu lên nỗi ưu tư, bận tâm, lo lắng không chỉ của riêng ngài mà còn của nhiều người nữa. Ðó là mối bận tâm về việc đào tạo các thầy lớn tuổi. Khó! Ðây quả là vấn đề khó khăn. Hãy suy nghĩ thử sẽ thấy, các thầy tuổi tác đã lớn, có thầy tới 68 tuổi rồi, học hành quả là khó khăn, gian khổ đấy, sức khỏe cũng có hạn,... chỉ còn cậy dựa và phó thác cho Chúa thì ước mong mới có thể thành hiện thực được. Ngài khuyên các thầy hãy luôn trân trọng ơn Chúa ban lớn lao như thế này để không ngừng cố gắng nỗ lực mỗi ngày, trau giồi kiến thức, bồi bổ tâm linh để hoàn thiện mình.
Sau thánh lễ, các thầy đã nói lên lời cám ơn vị chủ chăn vì đã quan tâm và chăm lo cho các thầy. Các thầy còn hứa sẽ quyết tâm hoàn thiện mình mỗi ngày, chăm lo việc học hành, tuyệt đối vâng phục vị chủ chăn và các giáo sư. Nhìn cảnh các thầy (tuổi từ 31 đến 68, có những thầy với bộ tóc nhuốm màu bạch kim) đứng lên cám ơn Ðức cha và các cha đồng tế trong tư cách "thầy già về ôn thi vào lớp bồi dưỡng ở Chủng Viện", lòng tôi cảm thấy xúc động, bùi ngùi, thương cảm và rơm rớm nước mắt. Chắc chắn Chúa sẽ ở cùng và nâng đỡ các thầy.
Sau thánh lễ, Ðức cha P.X. Sang có một giờ huấn dụ, động viên, khích lệ các thầy. Ngài chỉ dạy thêm về các sinh hoạt hằng ngày, thời khóa biểu, nói sơ qua về các giáo sư sẽ ôn luyện, giảng dạy,...
Hôm nay như là một ngày ghi đậm dấu ấn vào trang sử vàng của Giáo Phận Thái Bình, mở ra một tương lai tươi sáng cho Giáo Phận. Rồi đây sẽ còn có các thầy khác tiếp tục tiếp nối bước chân của các "thầy già" bước qua "ngưỡng cửa hy vọng" là Chủng Viện Thánh Tâm Chúa Giêsu để được đào tạo trở thành các Linh Mục gương mẫu trong tương lai. Nguyện xin Chúa tiếp tục chúc phúc cho Giáo Phận Thái Bình và chúc phúc cho những người đã đang và sẽ học hành trong Chủng Viện Thánh Tâm Chúa Giêsu, để mai đây, họ ra đi xây đắp tình thương của Chúa trên khắp mọi nẻo đường.
Lm Giuse Phạm Thanh Quang, CSsR
PHAN THIẾT - Nhằm tôn vinh và tri ân những đóng góp của Đức Ông G.Baotixita Lê Xuân Hoa, Tổng Đại Diện Giáo Phận Phan Thiết tức thi sĩ Xuân Ly Băng cây đại thụ hiếm hoi còn lại trong văn học Công Giáo hiện nay, Tòa Giám Mục và Ban Thánh Nhạc Giáo Phận Phan Thiết đã tổ chức một đêm thơ nhạc thật long trọng và hoành tráng vào đêm 23.04.2008 trước ngày lễ Thánh Gioan Tẩy Giả. Đêm thơ nhạc với sự hiện diện của Đức Cha Phaolô Nguyễn Thanh Hoan Giám Mục giáo phận, các linh mục trong và ngoài giáo phận, còn có sự hiện diện của linh mục nhạc sĩ Kim Long Phó Chủ Tịch UBTN/HĐGMVN, Lm-Ns Mi Trầm, Lm-ns Tiến Lộc, linh mục Bề Trên Giám Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế Sài Gòn và cũng đã tiếp đón hơn 2.000 người từ khắp nơi của nhiều giáo phận Sài Gòn, Nha Trang, Ban Mê Thuộc, Bà Rịa...đến tham dự.
Từ chiều, khuôn viên Tòa Giám Mục (TGM) Phan Thiết đã rộn rã chào đón những đoàn
khách đến từ khắp nơi, nhiều nhất vẫn là phái đoàn của giáo xứ Thanh Xuân, hạt
Hàm Tân nơi mà Đức Ông-Thi sĩ Xuân Ly Băng đã gắn bó hơn 30 năm trời với chức vụ
hạt trưởng và chính xứ.
Thi sĩ Xuân Ly Băng sinh ngày 23.04.1926 thụ phong linh mục ngày 19.07.1959 là
Tổng Đại Diện Giáo Phận Phan Thiết từ năm 1987 cho đến nay. Ngài làm bài thơ đầu
tiên khi mới 12 tuổi, Thơ Kinh là tập thơ đầu tiên được xuất bản năm 1956 của
thế kỷ trước trong khi còn học ở Tiểu Chủng Viện và Đại Chủng Viện, bài Chuông
Chiều, Trong Tiếng Chuông Chiều, Say Noel, Nhạc Sầu Do Thái… là những bài thơ
được nhiều người yêu thích… Sau Thơ Kinh là Hương Kinh, Trầm Tư, Nỗi Niềm, Kinh
Sầu Trên Quê Hương, Quê Hương và Tình Đạo, Bài Ca Thương Khó, Như Trầm Hương
v.v… Những năm gần đây ngài cũng cho xuất bản và tái bản nhiều tập thơ và nhiều
CD Thơ.
Chương trình được bắt đầu lúc 19 giờ, người dẫn chương trình vẫn là MC quen
thuộc,nhà thơ Đình Bảng và nhạc sĩ Phanxicô phụ trách phần tọa đàm. Đức Cha
Phaolô ban huấn từ và tuyên bố khai mạc đêm thơ nhạc nhằm mục đính tôn vinh và
tri ân sự đóng góp rất to lớn của Đức ông- thi sĩ Xuân Ly Băng đối với giáo phận
Phan Thiết, linh mục Phêrô Nguyễn Văn Quang, Trưởng Ban Thánh Nhạc cũng đã đại
diện Ban Tổ Chức nói lên ý nghĩa tổ chức đêm thơ: 'Trong 82 năm của cuộc đời
và 50 năm trong sứ vụ Linh Mục của Chúa Giêsu đồng nghĩa với ngần ấy năm dùng
thi ca Việt Nam để Loan Báo Tin Mừng cho người Việt Nam mà nhất là cho cộng đòan
tín hữu Phan Thiết…” Ban Tổ Chức cũng đã đọc những lời chúc mừng của Đức
Giám Mục Phaolô Nguyễn Văn Hòa, Chủ Tịch UBTN/HĐGMVN và Đức Giám Mục Giuse Vũ
Duy Thống, Chủ Tịch UBVH/HĐGMVN.
Sau phần nghi thức khai mạc, những tiết mục ngâm thơ, hợp xướng, đơn ca, song
ca, kịch thơ… xen lẫn với phần tọa đàm về Thơ Xuân Ly Băng với các nhân vật nổi
tiếng như lm-ns Kim Long người đã phổ nhạc rất nhiều bài thơ của Xuân Ly Băng,
Lm-Thi sĩ Nguyễn Thiên Cung Giám đốc Chủng viện Nicolas Phan Thiết, thi sĩ Lê
Đình Bảng và mọi người cũng gặp gỡ và lắng nghe chính tâm tình của Đức Ông-Thi
sĩ Xuân Ly Băng qua phần hướng dẫn của nhạc sĩ Phanxicô mọi người được nghe
những cảm nhận về Thơ Xuân Ly Băng Trong Đời Sống Văn Hóa và Đức Tin, Bài thơ
Trong Tiếng Chuông Chiều do nghệ sĩ Kim Lệ diễn ngâm và lm-ca sĩ Lương Vĩnh Phú
(lm quản lý TGM Phan Thiết) với bài hát Hồng Ân Linh Mục thơ XLB do tu sĩ Jos
Hùng phổ nhạc cùng phần múa minh họa rất ấn tượng. Chương trình sôi động hẵn lên
khi MC giới thiệu tiết mục của hai chị em sinh đôi Minh Tú-Minh Thư trong nhóm
Tam Ca Áo Trắng với bài hát Sao Không? Thơ XLB nhạc do ĐGM Giuse Vũ Duy Thống
phổ nhạc với bút hiệu Thông Vi Vu, bài hát với những câu “Sao em không lần
chuỗi, khi trời mới rạng đông, khi sương mai ngọt bùi, tỏa ngát trên ruộng đồng…
Sao em không lần chuỗi, khi lặng ngắm hoàng hôn, khi cô đơn ngậm ngùi, lệ đắng
chảy vào hồn…”
Đêm thơ nhạc khép lại với bài hát và vũ khúc minh họa:”Ở Lại Với Con” nhạc Kim
Lệ phổ thơ Xuân Ly Băng như một lời chào lưu luyến của Ban Tổ Chức đồng thời như
lời cầu chúc mọi người luôn có Chúa đồng hành.
Xin được cầu chúc Đức Ông-Thi sĩ Xuân Ly Băng thêm nhiều sức khỏe để sáng tác
thêm cho đời những vần thơ đẹp và trích lại lời chúc của Đức cha Vũ Duy Thống
Chủ Tịch UBVH/HĐGMVN: ”Xin hợp ý cảm tạ vì hồng ân Chúa ban cho một nhà thơ;
cách riêng, xin hợp lòng ngưỡng mộ tôn vinh vì sự cống hiến không mỏi mệt của
tác giả vào kho tàng Thi Ca Công Giáo Việt Nam…”
Lê Kim
Lời Chủ Chăn tháng 7.2008
(Đề tài hội thảo cho CGVN tại Washington, DC, tháng 6.2008, tại Missouri, tháng 8.2008)
Giáo dục kitô giáo thăng tiến đời sống người công giáo và gia đình tín hữu Việt
Nam
1. Giáo dục kitô giáo là gì?
Giáo dục kitô giáo là nền giáo dục do chính Chúa Giêsu Kitô thiết lập nhằm mở
đường cho mọi người trở thành công dân Nước Chúa là Nước Tình Thương, nơi đó
người người sống dồi dào trong yêu thương, an bình, hạnh phúc vững bền bây giờ
và mãi mãi. Khi đồng hành với các môn đệ cốt cán, ngay từ đầu Chúa Giêsu đã tỏ
ra là Thầy dạy chân lý tròn đầy về Thiên Chúa và con người, là một nhà giáo dục
chân chính và mẫu mực.
2. Định hướng giáo dục kitô giáo
Chúa Giêsu là hiện thân Tình Yêu của Cha trên trời. Khi dạy các môn đệ: "Anh em
hãy yêu thương nhau như Thầy yêu thương anh em" (Ga 15,12), Chúa Giêsu xác định
phương hướng giáo dục kitô giáo là tạo khả năng và thuận lợi cho con người thể
hiện "tình yêu thương" theo hình mẫu của Cha trên trời là Tình Yêu.
3. Những thể thức Chúa Giêsu thực hành giáo dục
Chúa Giêsu tiến hành công cuộc giáo dục các môn đệ theo ba thể thức như sau:
(1) thể thức giảng truyền Lời Chúa. Chúa Giêsu giảng truyền Lời Chúa như ánh
sáng soi đường mở lối cho các môn đệ sống đạo làm người, và dẫn dắt họ tiến bước
đi đến sự sống dồi dào trong yêu thương, an bình và hạnh phúc;
(2) thể thức nêu gương sống yêu thương và dạy yêu thương. Chúa Giêsu giáo dục
bằng gương sống yêu thương và dạy yêu thương nhằm thuyết phục, khích lệ các môn
đệ sống đạo yêu thương. "Hãy yêu thương nhau như Thầy yêu thương anh em" , vì lẽ
anh em là con một Cha, là anh em một nhà;
(3) thể thức "cầu nguyện". Chúa Giêsu cầu nguyện và dạy các môn đệ cầu nguyện.
Chúa Giêsu cũng đã cầu nguyện xin Chúa Cha gởi Chúa Thánh Thần đến soi sáng, dẫn
dắt, trợ lực, đổi mới các môn đệ (x. Ga 8,37-39; 17,12-17). Mục đích Chúa dạy
họ cầu nguyện là giáo dục và tập luyện họ mở rộng tâm hồn đón nhận hồng ân cứu
độ, nhất là các ơn Chúa Thánh Thần là nguồn lực yêu thương. Chúa Thánh Thần sẽ
là tác nhân chính trong công cuộc giáo dục kitô giáo, vì lẽ Ngài là nguồn lực
đổi mới lòng dạ và tâm trí con người, đổi mới con người và xã hội, trợ giúp mọi
người hợp lực xây dựng nền văn minh tình thương. Con người cần mở ra đón nhận
nguồn lực đó, cần theo sự soi sáng và dẫn dắt của Chúa Thánh Thần, vì lẽ các ơn
Chúa Thánh Thần tạo khả năng cho họ sống đạo yêu thương, sống đạo làm người
trong trời đất, tiến hành giáo dục kitô giáo trong gia đình và xã hội. Nhịp cầu
nối kết con người với Chúa Thánh Thần là đời sống cầu nguyện và học hỏi, tâm
niệm, thực hành Lời Chúa dạy.
4. Chúa Giêsu dạy "Kinh Lạy Cha" như mộtø thể thức và đường lối giáo dục con
người
Khi dạy "Kinh Lạy Cha" (x.Mt 6,7-14), Chúa Giêsu dạy cách cầu nguyện mở lòng ra
đón nhận mọi ơn lành Cha thương ban, cả các ơn Chúa Thánh Thần, và dạy cách đáp
trả lại tình yêu thương vô biên của Cha. Nói cách khác, mục đích Chúa dạy "Kinh
Lạy Cha" là giáo dục con người sống đạo làm con Chúa trong trời đất, và sống đạo
làm người trong thiên hạ.
5. Diễn giải Lời Kinh Chúa dạy như một thể thức và đường lối giáo dục kitô
giáo
. "Lạy Cha chúng con, Cha là Đấng ngự trên trời..." Lời kêu cầu cũng là lời
tuyên xưng đức tin : Chúng con tin Cha là Chúa Cả trời đất, tin Cha đã tạo thành
loài người theo hình ảnh của Cha là Tình Yêu, và tin mọi người trong thiên hạ là
con một Cha, là anh em một nhà.
. Ba ý nguyện:
"Nguyện danh Cha cả sáng..." :
Chúng con quyết tâm chu toàn bổn phận làm con hiếu thảo đối với Cha là làm cho
danh Cha là Tình Yêu toả sáng trong mọi gia đình trong cõi nhân sinh.
"Nguyện Nước Cha trị đến..." :
Nước Cha là Nước Tình Yêu vô biên vô tận. Đạo làm con và làm người trong trời
đất, là cùng với Chúa Giêsu quy tụ muôn dân muôn nước vào trong Nước Tình Yêu
của Cha trên trời. Quy tụ bằng cách bước theo Chúa Giêsu trên đường đem yêu
thương vào nơi oán thù, đem thứ tha vào nơi lặng nhục, đem thuận hoà vào nơi
tranh chấp, đem hợp nhất vào nơi bất đồng và chia rẽ, đem ánh sáng chân lý vào
chốn u ám gian dối, đem đạo lý vào chốn áp bức bất công... Đó cũng là góp phần
xây dựng Nước Cha là Nước Tình Yêu tại thế trần.
"Nguyện ý Cha thể hiện dưới dất cũng như trên trời..."
Ý Cha trước hết và trên hết là người người mến tin Cha và yêu thương nhau trong
cõi người ta cũng như trong cõi phúc trường sinh.
Mến tin Cha có nghĩa là trong mọi tình huống luôn tìm ý Cha và trung thành tuân
hành ý Cha, vì lẽ Cha là khởi nguyên và là cùng đích của vũ trụ và loài người,
vì Cha là Đấng giàu lòng xót thương và từ bi bao dung vô biên.
Yêu thương nhau có nghĩa là:
Là hiếu thảo với ông bà cha mẹ đã dày công sinh thành dưỡng dụcï,
Là chung thuỷ với nhau theo giao ước tình yêu,
Là từ bi bao dung đối với mọi người là anh em một nhà.
Trung thành, hiếu thảo, thuỷ chung, bao dung, bốn mối tình đó là bốn cột trụ xây
dựng ngôi nhà gia đình nhân loại an bình và hạnh phúc, xây dựng nền văn minh
tình thương cho xã hội loài người.
. Ba lời cầu
Cầu xin có nghĩa là ý thức và quyết tâm khiêm tốn mở ra đón nhận những điều mình
cần từ nơi Cha là nguồn mạch mọi ơn lành trên trời dưới đất.
"Xin Cha cho chúng con lương thực hàng ngày...".
Kỳ thực Cha đã tạo thành vũ trụ và trao cho con người nhiệm vụ quản lý vì sự
sống và phẩm giá của mọi người trong thiên hạ, của gia đình nhân loại. Cha cũng
đã ban cho thế gian Lời của Cha, là Lời ban ánh sáng chân lý và khôn ngoan, Lời
ban sức sống mới và sự hợp nhất trong gia đình và cộng đồng nhân loại. Lời của
Cha đang hiện diện trong Sách Thánh cũng như trong bí tích Thánh Thể, trong đời
sống Giáo Hội cũng như trong truyền thống văn hoá lành mạnh của các dân tộc.
Xin cho mọi người quản lý trong cõi người ta, không những quản lý với kiến thức
khoa học, song còn quản lý với con tim, với đạo làm người, theo đường lối yêu
thương và phục vụ của Chúa Giêsu Kitô.
" Xin Cha tha nợ cho chúng con..".
Xin Cha đối xử với chúng con theo lượng từ bi bao dung hãi hà, và thương ban cho
chúng con đầy lòng từ bi bao dung, cho chúng con đối xử với nhau như Cha đối xử
với chúng con. Đây là điều mà con người trong gia đình và xã hội thiếu nhất.
Nhiều đau thương, đổ vỡ, mất mát trong gia đình và xã hội bắt nguồn từ sự vắng
bóng lòng từ bi bao dung. Xin cho chúng con mở rộng tấm lòng đón nhận Đức Giêsu
là hiện thân Tình Yêu của Cha, đón nhận Chúa Thánh Thần là nguồn lực yêu thương
của Cha, đón nhận Lời của Cha là Lời yêu thương. Xin cho chúng con mở rộng tấm
lòng để đón nhận và chia sẻ cho nhau, cho mọi người anh em, mọi hồng ân Cha ban.
"Xin bảo vệ chúng con khỏi mọi sự dữ..".
Lời cầu nầy gây ý thức và nhắc nhở mọi người: Tình hiệp thông với Chúa, tình
liên đới huynh đệ tương thân tương trợ là sức mạnh giúp nhau, giúp cộng đồng
nhân loại vượt qua tình trạng nghèo đói và bệnh dịch, xoá dần những tiêu cực và
tệ nạn xã hội, khắc phục nguyên nhân gây tai nạn và hậu quả thiên tai xảy ra
trên mọi đất nước trong thế giới toàn cầu hoá ngày nay.
Amen: Ước mong Cha giàu lòng thương xót thương ban ơn trợ giúp cho người người
và nhà nhà nỗ lực sống như vậy.
Thay lời kết : Vài câu hỏi gợi ý cho mọi đoàn thể tông đồ, mọi giới công giáo,
mọi nhóm công tác mục vu,ï hội thảo, trao đổi với nhau kinh nghiệm giáo dục
trong gia đình, và hỗ trợ nhau tiến hành công cuộc giáo dục kitô giáo trong gia
đình, trong cộng đoàn, trong xã hội.
(1) Theo sự hiểu biết của bạn, hiện trạng giáo dục kitô giáo trong các gia
đình công giáo hôm nay như thế nào? Hiện trạng đó có những nét tích cực và tiêu
cực nào? Và đặt ra những vấn đề gì?
(2) Có chừng bao nhiêu phần trăm gia đình công giáo VN, cộng đoàn giáo xứ VN
hiện nay theo những thể thức và đường lối giáo dục của Chúa Giêsu? Có những
hiệu quả và giới hạn nào? Có những thuận lợi và khó khăn nào? Nguyên nhân?
(3) Chúng ta có thể cùng nhau làm gì giúp cải tiến công cuộc giáo dục kitô giáo
trong các gia đình công giáo ngày nay?
Gioan B. Phạm Minh Mẫn
Hồng Y Tổng Giám mục
1. Các ngài đã trải qua kinh nghiệm tội lụy.
Phêrô qua trang Tin mừng xuất hiện dưới bộ mặt dễ thương ở đỉnh cao tuyên tín đến nỗi đã được Chúa Giêsu khen tặng và tín nhiệm trao gởi chìa khóa Nước Trời. Nhưng đời sống của ngài cũng có những vực thẳm vấn vương tội lỗi. Chỉ sau phút tuyên xưng đức tin để đời, ngài đã bị Chúa Giêsu quở là “Satan hãy xéo đi” khi có ý ngăn cản Chúa Giêsu lên Giêrusalem thụ nạn. Rồi khi đang ung dung bước
trên ngọn sóng để đến với Chúa Giêsu thì vì yếu tin ngài đã bị ngập chìm. Nhất là trong thảm kịch Thương khó của Đấng Cứu Thế, Phêrô đã xuất hiện trong một dáng dấp khó thương hơn mọi tông đồ khác. Ngủ vùi trong vườn cây dầu lúc Chúa hấp hối, đó có phải là tội quên Chúa ? Rút gươm chém đứt tai tên đầy tớ vị thượng tế, đó có phải là tội không làm theo ý Chúa ? Sợ quá bỏ trốn nhìn Chúa bị bắt, đó có phải là tội xa Chúa ? Và chối Chúa 3 lần trước người đầy tớ gái là một điều mà truyền thống xem như phản bội Chúa. Rõ ràng Phêrô là người đã biết đến kinh nghiệm sa ngã.
Phaolô cũng thế, trước khi là tông đồ nổi tiếng, ông đã là một người khét tiếng
trong dư luận cộng đoàn tín hữu sơ khởi đến nỗi nghe đến tên ông mọi người phải
chạy trốn như chạy tà. Ông là kẻ bách hại đạo Công giáo trước bất cứ ai. Thời
trẻ ông săn lùng các tín hữu. Thế giá ông đe dọa họ và bàn tay ông đã từng vấy
máu thánh tử đạo tiên khởi. Ông ghét đạo đã đành lại còn tự nguyện xin lệnh đi
bắt đi ruồng đi bố ráp những người theo đạo nữa. Quả thật Phaolô cũng là người
trải qua kinh nghiệm tội lụy.
2. Các ngài đã quyết chí tìm về và hết mình sống cho sứ mạng được trao phó.
Nhưng điều quan trọng không phải là kể tội các ngài cho đủ cho nhiều cho nặng,
mà là khởi đi từ tình trạng tội lụy ấy, nhận ra một khi đã được Chúa đánh động,
các ngài đã quyết chí tìm về và hết mình sống cho sứ mạng được trao phó.
Phêrô sau biến cố Phục sinh dường như đã là một Phêrô khác hẳn. Được biến đổi.
Nên mới, nên mạnh ; nên lành, nên sạch ; nên đẹp, nên tốt hơn làm điều kiện cần
thiết để nên thánh hơn. Ông đã thể hiện vai trò tông đồ trưởng với một độ cao
của tinh thần trách nhiệm và đã chu toàn sứ mạng thủ lãnh Giáo hội Công giáo với
nét đẹp của dạ can trường. Để rồi cuối cùng chịu án đóng đinh tại Rôma làm sáng
lên hình ảnh của một niềm tin bất khuất vào Đấng Cứu Thế, Con Thiên Chúa hằng
sống. Nhờ sám hối Phêrô đã nên thánh.
Còn Phaolô thì sau biến cố xảy ra trên đường Damas, ông không còn giữ lại điều
gì cũ nữa, mà tất cả đã được biến đổi. Nếu trước đây lòng nhiệt thành và ngu dốt
về đạo đã trở thành phá hoại và gây khó khăn không ít cho Giáo hội thì sau này
chính lòng nhiệt thành ấy với ơn thánh và tìm hiểu, Phaolô đã trở nên mẫu người
không ai theo kịp về việc xây dựng Giáo hội. Nhiệt thành yêu Chúa, nhiệt thành
yêu mến Tin mừng và nhiệt thành đến ngổ ngáo trong việc truyền giáo. Tung hoành
ngang dọc trên những cánh đồng dân ngoại để mỗi ngày đem về cho Chúa các tâm
hồn. Cuối cùng, cũng tại Rôma, Phaolô đã bị xử trảm để mãi còn âm vang tiếng nói
của một lòng nhiệt thành đến sẵn sàng dâng hiến mạng sống vì Tin mừng. Nhờ sám
hối Phaolô cũng đã nên thánh.
3. Các ngài đã kêu gọi sám hối.
Nghiêng mình trước hai vị thánh đáng kính, người tín hữu bỗng hiểu ra rằng : cái
cao cả hai đấng có được hôm nay không phải là điều tất nhiên, nhưng đã được đánh
đổi bằng cả cuộc sống sám hối không ngừng : từ bỏ cái cũ và xây dựng cái mới.
Nếu trong thư, Phêrô có lần viết “Thiên Chúa chống lại kẻ kiêu căng nhưng ban ơn
cho người khiêm nhu”, thì đó là vì ông đã từng kinh nghiệm trong vai trò của nhà
lãnh đạo sám hối tự nhìn vào mình, và chắc chắn đó là rút ruột tâm sự của một
đời cầm chìa khóa Nước Trời, luôn tỉnh táo vật lộn với chính mình để vươn lên
trong ơn thánh của Chúa. Và nếu trong thư, Phaolô đã nhiều lần kêu gọi “hãy giũ
bỏ con người cũ để mặc lấy con người mới” thì đó chẳng phải là lời khuyến thiện
bờ môi chót lưỡi, nhưng chính là khởi đi từ một chuyện lòng rất riêng của một
con người đã kinh qua chặng đường sám hối đi từ cái cũ kỹ tội lỗi để bước sang
cái mới mẻ trẻ trung tuyệt vời.
Thì ra cái cao cả là cái phải trả giá bằng dò tìm trong sám hối, là cái phải khổ
công trong thắng vượt mà vươn lên, là cái phải kiểm tra xây dựng chỉnh đốn không
ngừng. Không biết có nên phát biểu rằng : Hôm nay Phêrô và Phaolô cao cả bao
nhiêu là vì hôm qua đã sám hối bấy nhiêu. Giống như những ngôi nhà cao tầng đứng
vững là vì móng đã được chôn sâu và những tòa nhà chọc trời không nghiêng ngả ắt
là vì móng phải sâu nền phải rộng…
Tạ ơn Chúa đã không gọi những vị thánh trong sạch hoàn toàn để đứng đầu Giáo
hội. Tạ ơn Chúa đã không gọi những vị thánh chưa kinh nghiệm tội lỗi để rao
giảng Tin mừng mà đã gọi Phêrô và Phaolô, hai vị thánh của lòng sám hối để hôm
nay nên hai thánh “cả” tuyệt vời.
4. Các ngài mãi gần gũi với đời kẻ tin :
Ý nghĩ ấy, những tâm tình ấy đã nên nguồn cổ vũ đời sống tín hữu :
- Để thêm tin tưởng : Tại sao tôi phạm tội hoài ? Tại sao trong Giáo hội vẫn đầy
dẫy những tội nhân ? –
Bởi vì bản chất Giáo hội là thánh, nhưng trong cuộc lữ hành vẫn cưu mang trong lòng mình những tội nhân. Điều quan trọng là biết sám hối tìm về vươn lên. “Không vị thánh nào mà không có dĩ vãng, nên chẳng tội nhân nào mà chẳng có tương lai”.
- Để thêm hy vọng : Tội lỗi quá làm sao nên thánh ? Đừng lo. Bằng dạn dày
kinh nghiệm, Phêrô và Phaolô sám hối đã “đầu xuôi” để ta hôm nay nếu biết sám
hối cũng “đuôi lọt” và nhờ lời chuyển cầu của hai vị cột trụ Hội thánh, ta thêm
chí bền mà thắng lướt. “Không phải vì mạnh mẽ mà người ta trỗi dậy, nhưng vì
biết trỗi dậy người ta trở nên mạnh mẽ”.
- Để thêm yêu mến : Phêrô và Phaolô hai gương mặt cao cả, nhưng không ở
cao ở xa ở ngoài để lạnh lùng nhìn vào đời sống tín hữu. Trái lại mãi mãi các
ngài vẫn ở trong Giáo hội để ân cần gần gũi với mọi tâm hồn.
Phêrô với chìa khóa miệt mài đóng lại những quá khứ tội lỗi để mở ra tương lai
ân sủng cho những ai chân thành muốn biến đổi đời mình trong niềm tin đạo giáo
và Phaolô với thanh gươm khai phá không ngừng khai quang tâm hồn cho kẻ thiện
chí đón nhận Phúc âm cứu rỗi.
Gm. Giuse Vũ Duy Thống
Tin
Mừng được truyền đến chúng ta dưới hình thức bốn cuốn sách nhỏ. Đọc qua, ai cũng
thấy sách Tin Mừng thứ tư, có những đặc tính cho phép đặt cuốn sách này riêng
ra. Ba sách Tin Mừng Mát-thêu, Mác-cô, Lu-ca là những lời chứng được biên soạn
trước sách Tin Mừng thứ tư. Tin Mừng Mác-cô hầu chắc phát xuất từ Rô-ma và có lẽ
được viết vào khoảng năm 65-70. Hai sách Tin Mừng Mát-thêu và Lu-ca được viết 15
năm sau, không phản ánh cùng một môi trường và nhằm những độc giả khác nhau. Tuy
vậy, cả ba cuốn sách đều trình bày giống nhau nên được gọi là nhất lãm nghĩa là
cùng nhìn một lúc vào ba bản văn, để thấy những chỗ giống nhau và khác nhau.
Nhất lãm là tên một cuốn sách xuất bản vào cuối thế kỷ XVIII. Sách chia làm ba
cột, mỗi cột in bản văn một cuốn sách song hành với nhau để tiện việc so sánh.
1. Sự kiện nhất lãm
Có các điểm giống nhau và khác nhau giữa ba sách Tin Mừng liên quan đến các tài
liệu được sử dụng, thứ tự các tài liệu cũng như cách thức diễn tả. Về các tài
liệu thì đây là bảng thống kê tổng số các câu chung trong hai ba sách.
Các câu Chung trong cả ba Phúc Âm
Mát-thêu |
Mác-cô |
Lu-ca |
330 |
330 |
330 |
Chung trong Mát-thêu và Mác-cô
Mát-thêu | Mác-cô
178 | 178
Chung trong Mác-cô và Lu-ca
Mác-cô |
Lu-ca |
100 |
100 |
Chung trong Mát-thêu và Lu-ca
Mát-thêu |
Lu-ca |
230 |
230 |
Riêng của mỗi tác giả
Mát-thêu |
Mác-cô |
Lu-ca |
330 |
53 |
500 |
Do đó, ngoài những phần chung còn có những phần riêng của mỗi Tin Mừng.
Về thứ tự thì các đoạn văn được xếp đặt thành bốn phần lớn:
A. Chuẩn bị các sứ vụ của Đức Giê-su
B. Sứ vụ tại Ga-li-lê
C. Hành trình lên Giê-ru-sa-lem
D. Sứ vụ tại Giê-ru-sa-lem, cuộc Thương khó và Phục sinh
Trong bốn phần này, Mát-thêu phân phối các đoạn văn theo một thứ tự riêng cho đến chương 14. Từ chương này trở đi, các đoạn văn được trình bày theo cùng một thứ tự như Mác-cô, Còn Lu-ca thì xen các đoạn văn riêng của mình vào, giống như Mác-cô. Tuy nhiên, phải công nhận rằng vẫn có khác biệt ngay cả trong những đoạn văn chung (như trong Lu-ca chỗ nói về việc Đức Giê-su chọn gọi các môn đệ hay chuyến về thăm Na-gia-rét).
Về các trần thuật cũng có liên lạc mật thiết giữa ba sách, như trong các trích
dẫn sau đây đều thấy dùng cùng một từ άφιεναι (aphienai): Mt 9,6; Mc 2,10; Lc 5,
22 hay chỉ có 2 trên 63 chữ là khác nhau trong Mt 3,7-10; Lc 3, 7b-9. Nhưng rồi
đột nhiên lại thấy xuất hiện sự khác nhau trong những đoạn nói chung rất giống
nhau, thí dụ cấu trúc thì cố định, nhưng chữ dùng lại rất khác nhau, hay chữ
giống nhau mà cấu trúc lại khác nhau.
2. Giải thích sự kiện nhất lãm
Muốn giải thích sự kiện này, cần phải lưu tâm đến những chỗ giống nhau và khác
nhau trong ba cuốn sách. Các nhà phê bình cũng đồng ý với nhau trên một số điểm.
Trước hết là về xuất xứ của các sách Tin mừng. Có hai yếu tố đã qui định tình
trạng hiện thời của các bản văn: vai trò của các cộng đồng đã tạo ra truyền
thống và vai trò của tác giả đã ráp nối các truyền thống đó lại với nhau. Những
chỗ khác nhau là tùy ở tầm quan trọng các nhà phê bình gán cho một trong hai vai
trò kia.
Còn về phương pháp, người ta có thể dựa vào ý hướng của các tác giả để giải
thích tại sao bỏ điều này thêm điều kia vào, và tại sao lại thay đổi cách diễn
tả. Nhưng giải thích như vậy dễ vấp phải tính chủ quan. Vấn đề này không thể
giải thích được trong phạm vi chất liệu và cách diễn tả mà thôi. Chỉ có cách
nghiên cứu cấu trúc mới tìm ra được giải pháp vững vàng. Muốn giải thích những
đoạn dài mà giống nhau, khó có thể không dựa vào một sự lệ thuộc văn chương trực
tiếp (lệ thuộc vào nhau), hoặc gián tiếp (lệ thuộc vào một nguồn chung). Để giải
thích những chỗ khác nhau, người thì nhấn mạnh vào vai trò của cộng đồng ở giai
đoạn trước khi các sách Tin Mừng được viết ra, người thì lại chú trọng đến vai
trò của các tác giả. Muốn cho xác đáng hơn phải nói rằng các nhà phê bình dồng ý
với nhau về điểm này là Mác-cô độc lập đối với Mát-thêu và Lu-ca, Mát-thêu và
Lu-ca lại độc lập đối với nhau.
Nhưng các nhà phê bình còn bất đồng ý kiến với nhau, khi phải giải thích tương
quan giữa Mác-cô với Mát-thêu và Lu-ca. Những điểm chung giữa Mát-thêu và
Mác-cô, giữa Lu-ca và Mác-cô là do Mát-thêu và Lu-ca lệ thuộc Mác-cô, hay cả ba
tùy thuộc một bản văn chung đã có, trước khi các sách Tin Mừng được biên soạn.
Đây là hai giả thuyết được đưa ra:
2,1 Giả thuyết thứ nhất cho rằng các sách Tin Mừng nhất lãm không trực tiếp lệ
thuộc nhau, vì có nhiều nguồn tài liệu để tham khảo. Có lẽ các tác giả đã dùng
các bản văn sưu tập khá lớn mà ngay từ đầu người ta đã gom lại làm thành những
tập nhỏ, ghi chép các lời nói và việc làm của Đức Giê-su, khiến có thể giải
thích được các chỗ giống nhau trong Mát-thêu và Lu-ca mà không thấy có trong
Mát-thêu và Mác-cô.
2,2 Giả thuyết thứ hai thì cho rằng ngoài các truyền thống riêng biệt, lại có
hai tài liệu quan trọng mà một đã có cấu trúc vững vàng và một còn đang lỏng
lẻo, khi cả hai được các tác giả sách Tin Mừng nhất lãm sử dụng.
Tuy nhiên, phần đông các nhà phê bình tán thành thuyết hai nguồn gốc. Theo giả
thuyết này thì Mát-thêu và Lu-ca trực tiếp lệ thuộc Mác-cô và một nguồn gốc
chung khác goi là Q (bởi chữ Quelle nghĩa là nguồn trong tiếng Đức).
Trừ các truyền thống riêng của mỗi sách Tin Mừng, Mác-cô và tài liệu Q là hai
nguồn gốc chính yếu của Mát-thêu và Lu-ca. Ngày nay giả thuyết này được trình
bày cách linh động hơn là lúc mới được đưa ra. Nó có cái lợi lớn này là giúp cho
việc nghiên cứu Mát-thêu và Lu-ca được dễ dàng, khi công nhận mỗi tác giả đều tự
do và độc lập trong việc thêm bớt hay thay đổi thứ tự các sự kiện. Nhưng giả
thuyết này không dám quả quyết rằng tài liệu chung cho Mát-thêu và Lu-ca là một
tài liệu đã thành văn hay chỉ là một tài liệu truyền khầu. Ngoài ra, những người
theo giả thuyết này, không ai dám nói chắc là bản văn Mác-cô được Mát-thêu và
Lu-ca dùng, có phải là bản văn đang được sử dụng bây giờ hay là bản văn nào
khác.
Dù sao thì việc nghiên cứu nguồn gốc văn chương của các sách Tin Mừng không phải
là công việc duy nhất để hiểu được các sách đó hơn. Nguồn gốc, ảnh hưởng, truyền
thống của môi trường, cách dùng các tài liệu để biên soạn… tất cả đều là những
yếu tố cần thiết để gíúp chúng ta hiểu thứ văn chương độc đáo của Tin Mừng và từ
đó hiểu được ý nghĩa và giáo huấn chứa đựng trong đó.
Lm An-rê Đỗ Xuân Quế, OP
Tất cả mọi người đều là BẠN của ta? Đúng, rất có thể. Nhưng ai mới là bạn đích thực, và dựa vào đâu để đánh giá, chọn lựa ? Chắc chắn là có nhiều cách : ví dụ :
"Lúc khó khăn mới biết rõ ai là bạn đích thực của ta". "Bạn là người dám nói lên điều mà người kia không muốn nghe".
Sách Huấn ca 6, 14 ví người bạn như một viên ngọc quý : "Người bạn trung thành là một nơi nương tựa vững chắc, ai gặp được người bạn như thế, là gặp được kho tàng".
Cách khác, theo tôi, Bạn là người cùng giúp nhau thăng tiến. Thăng tiến về đời sống tinh thần. Thăng tiến về đời sống vật chất. Thăng tiến về đời sống nhân bản. Thăng tiến về đời sống trí thức. Thăng tiến về đời sống đạo đức. Nói chung là phải giúp nhau phát triển toàn vẹn con người.
Thật khó tin nếu ai nói rằng mình thân người này, tín người kia mà lại chẳng hiểu gì về họ.
Thật khó tin nếu ai nói rằng tình bạn bền vững vì đã sống chết có nhau, đã trải qua một thời gian dài, mà lại luôn chỉ biết đòi hỏi bạn mình phải đáp trả chỉ cho những việc mình đã phục vụ.
Quả thực, để có một kết quả chín mùi, dĩ nhiên đòi phải có thời gian, phải trải qua thử thách mới biết rõ người bạn thực sự của mình. Nhưng dựa vào đâu để nói rằng mình luôn quan tâm, yêu thương bạn.
Nếu mình có những suy nghĩ như biết bao người khác là, thôi, ta cứ chơi thế thôi, nói làm gì, góp ý làm chi, biết đâu người ấy lại hiểu lầm thì sao, tránh mất lòng, cứ thinh lặng là hay nhất. Hay người bạn đang gặp khó khăn về vật chất, đang khó khăn về tình cảm, tinh thần bị giảm sút… có thể nói là sắp đi "mò tôm" rồi mà mình cũng chẳng hay, hoặc mình không dám nói sự thật để xây dựng cho bạn mình thì, phải chăng đó là một tình bạn đáng được trân trọng.
Ngược lại, nếu dám chấp nhận nhau, dám hy sinh cho nhau vì tình yêu thương chân thành, chắc chắn mình sẽ có những cách thức để quan tâm, để phục phục vụ, nhằm xây dựng, nuôi dưỡng tình bạn ngày càng thắm thiết thiết hơn, ngày càng thăng tiến hơn về mọi mặt trong đời sống, để mỗi ngày một vui hơn, bình an hạnh phúc hơn, sống có nhân bản, có trí thức, có đạo đức hơn.
Mỗi người đều có một cách suy nghĩ, một các nhận định và chọn lựa cho mình những người bạn, song, ai trong ta cũng phải công nhận rằng tình bạn thật cao quý, thiêng liêng, thánh thiện làm sao. Thật không có gì đổi lấy được một người bạn trung thành, và giá trị của người bạn ấy, không cân nào lường được. Người bạn trung thành là phương thuốc xoa dịu cuộc đời. Có thể ví tình bạn như là bí tích vậy.
Ước rằng ai trong chúng ta đều có những người bạn tâm giao, để luôn sẵn sàng nâng đỡ, dìu dắt nhau vượt qua những gian gian thử thách trong cuộc sống hằng ngày.
Mong sao ai đã có, xin cố gắng giữ gìn, biết trân trọng, nâng niu, sẵn sàng bảo vệ, và luôn hưởng được sự ngọt ngào của tình bạn.
Nguyện rằng ai chưa quan tâm đủ đến tình bạn, xin cùng tôi dấn thân xây dựng tình bạn, để cuộc sống mỗi ngày một nhiều bạn hơn, mỗi ngày một sống yêu hơn để thời gian trôi qua, ta có thể tung cánh bay trong khoảng không sự tốt lành của người bạn. Yêu thương là nhìn thấy được cái đẹp của người khác, càng yêu và càng được yêu, thì ta càng lĩnh hội được những cái đẹp, và chúng ta ngày càng được lớn lên, càng phát triển. Vì thế đối với tất cả chúng ta : Tình Yêu Thương là Tất Cả.
Nào chúng ta cùng can đảm lên đường.
Thanh Thanh
Trong nghi lễ Bí tích Thêm sức, sau khi Đức Giám Mục chủ tế đặt tay đọc lời cầu
nguyện xin Ơn Đức Chúa Thánh Thấn xuống trong tâm hồn người lãnh nhận phép Bí
tích, ngài xức Dầu Thánh trên trán người lãnh nhận Bí tích nữa: ….Hãy nhận ấn
tín ơn Chúa Thánh Thần.
Ấn tín Dầu Thánh mang ý nghĩa gì?
Việc đóng dấu ấn tín có nguồn gốc trong Kinh Thánh, như Thánh Phao viết „ Trong Đức Ki-tô, một khi đã tin, anh em được đóng ấn Thánh Thần, Đấng Thiên Chúa đã hứa.Thánh Thần là bảo chứng phần gia nghiệp của chúng ta, chờ ngày dân riêng của Thiên Chúa được cứu chuộc, để ngợi khen vinh quang Thiên Chúa.“ ( Epheso 1, 13-14).
Trong thời thượng cổ, người Hy lạp và người Rôma cũng được đóng con dấu ấn chìm lặn trên thân thể. Dấu hiệu này nói lên họ thuộc về Thần Thánh, và như thế được Thần Thánh che chở gìn giữ.
Người Do Thái cũng biết đến cùng công nhận dấu ấn là dấu hiệu của gin giữ bảo vệ.
Người tín hữu Chúa Kitô thuở ban đầu đã nhận Thánh gía là dấu ấn của mình. Nhiều người vẽ khắc ghi hình Thánh gía trên trán, để cho biết họ thuộc về Thiên Chúa, không ai là con người có uy quyền sức mạnh gì trên họ nữa.
Cũng vậy với dấu ấn Chúa Thánh Thần của Bí tích Thêm Sức là một dấu chỉ nói lên, người đã nhận lãnh Bí tích Thêm sức thuộc về Thiên Chúa, và Thiên Chúa qua dấu ấn của Chúa Thánh Thần củng cố tâm hồn đức tin họ thêm vững mạnh, gìn giữ cùng giúp tinh thần vượt qua những thử thách cám dỗ nghiêng hướng về sự dữ, sự xấu trong đời sống.
Ấn tín ngày chịu phép Bí tích Thêm sức được khắc ghi trên trán, trong tâm hồn bằng Dầu Thánh Chrisam.
Dầu Thánh Chrisam được pha trộn chung của dầu cây Oliu và chất Balsamum.
Dầu oliu dùng cho việc nấu nướng chiên xào, trộn rau sống sàlát thức ăn. Dầu Oliu cũng còn được dùng làm chất thuốc chữa bệnh vết thương.
Trong Kinh Thánh thuật lại, người Samaritano nhân lành giữa đường gặp người bị đánh trọng thương, ông ta lấy dầu oliu và rượu đổ xức trên vết thuơng cho cầm máu lại.
Trong thời thượng cổ những người luyện tập chơi thể thao cũng lấy dầu oliu xoa trên chân tay thân thể, để trở nên dẻo dai, sức lực được nâng cao hầu đạt thành tích tốt khi thi đấu.
Những hiệu qủa như thế cũng có ý nghĩa sâu đậm với việc xức dầu thánh trong Bí tích Thêm sức. Qua ơn đức Chúa Thánh Thần đời sống nhận được hương vị mới. Những vết thương tâm hồn của lịch sử đời sống được chữa lành, sức mạnh cho tâm hồn được củng cố thêm vững mạnh trước những thử thách cám dỗ.
Dầu Oliu được trộn chung với Balsamum. Chất Balsamum là tinh chất hương thơm lấy từ nhiều loại thảo mộc. Chất Balsamum trong thời thượng cổ trộn chung với dầu oliu trở thành một chất để trang điểm sắc đẹp (Kosmetikum).
Dầu Oliu trộn chung với Balsamum có tên chữ mới „Chrisam“. Chữ này nhắc nhớ đến Chúa Giêsu Kitô (Christus).
Dầu Chrisam nhắc tưởng nhớ đến hương thơm tình yêu của Chúa Kitô chiếu tỏa trong tâm hồn đời sống người được xức dầu Chrisam.
Và qua đó đời sống đức tin của người lãnh nhận Bí Tích Thêm sức có niềm vui tươi phấn khởi làm chứng cho Thiên Chúa đến mọi biên giới bờ cõi trong đời sống: “ Anh em sẽ nhận được sức mạnh của Thánh Thần khi Người ngự xuống trên anh em. Bấy giờ anh em sẽ là chứng nhân của Thầy tại Giê-ru-sa-lem, trong khắp các miền Giu-đê, Sa-ma-ri và cho đến tận cùng trái đất." (Công vụ các Tông đồ 1,8).
Kỷ niệm lễ Bí tích Thêm sức ngày 22.06.2008
Lm. Đaminh Nguyễn Ngọc Long
Sau năm 1975, cũng như các chủng viện, các dòng tu tại Việt Nam, chủng viện thánh Giuse Sài Gòn cũng bị ngừng hoạt động. Rồi đến khi chủng viện thánh Giuse Sài Gòn được hoạt động trở lại, chúng tôi, lúc ấy là chủng sinh của một trong ba niên khóa đầu tiên của Chủng viện, được may mắn sống gần cận Đức Tổng Giám mục Phaolô Nguyễn Văn Bình, Tổng Giám mục Sài Gòn trong nhiều năm, mãi cho đến ngày Đức Tổng về cùng Chúa (1.7.1995).Chúng tôi còn nhớ rõ, kể từ mùa hè1992, sức khỏe của Đức Tổng vốn đã yếu, đột nhiên suy yếu nhiều. Ở tuổi 82, không còn đủ sức chống chọi với bệnh tật, Đức Tổng đã nhiều lần vào ra bệnh viện. Ngoài nhà nghỉ tĩnh dưỡng Bãi Dâu, Vũng Tàu, có thể coi bệnh viện Thống Nhất là ngôi nhà tĩnh dưỡng thứ hai của Đức Tổng.
Khoảng giữa tháng 8.1993, trong khi tất cả các chủng sinh còn đang nghỉ
hè, thì chuyện bất ngờ xảy đến: Đức Tổng Giám mục Phaolô Nguyễn Văn
Bình lâm trọng bệnh. Đức Tổng bị nhũn não, phải nằm liệt giường hơn
một tháng tại bệnh viện Thống Nhất. Sau khi từ bệnh viện trở về Tòa
Giám mục, tuy sức khỏe có hồi phục phần nào, nhưng Đức Tổng không
thể làm việc được nữa. Kể từ đó, Tòa Thánh bổ nhiệm Đức Cha Nicôla
Huỳnh Văn Nghi, Giám mục Phan Thiết làm Giám quản Tông tòa Tổng giáo
phận Sài Gòn. Đối với Đức Tổng, tuy chức vụ vẫn là Tổng Giám mục
chánh tòa của Giáo Phận, nghĩa là tòa đầy (sede plena), nhưng đây cũng
chính là thời gian Đức Tổng hưu dưỡng. Gần hai năm cuối đời, Đức Tổng
chọn chủng viện làm nơi nghỉ ngơi. Đức Tổng đã vào ở hẳn trong chủng
viện. Đức Tổng bắt đầu một cuộc tĩnh tâm dài chuẩn bị cho ngày kết
thúc hiến lễ đời mình…
Từ sau ngày Đức Tổng sống bên cạnh chúng tôi trong chủng viện, Đức
Tổng đã để lại cho riêng tôi nhiều bài học quý giá cho đời tu của
tôi. Những bài học này đã theo tôi từ khi còn là đại chủng sinh mãi
đến bây giờ. Chắc chắn nó sẽ còn đi theo suốt cuộc đời linh mục của
tôi. Bài học mà tôi thấm thía nhất, đó là sự chấp nhận bỏ mình của
Đức Tổng.
Khuôn viên đại chủng viện thánh Giuse Sài Gòn ngày ấy thoáng mát,
trong lành, có nhiều cây xanh, có những làn gió từ hướng sông Sài Gòn
thổi tới. Nhất là vào mùa hè trời nóng bức, khuôn viên đại chủng
viện cũng đỡ oi nồng.
Tuy dễ chịu là thế, nhưng để an toàn hơn cho sức khỏe của Đức Tổng,
chủng viện lắp đặt một máy điều hòa nhiệt độ trong phòng ngủ của
Đức Tồng…
Hôm ấy, vẫn như thường lệ, tiếng máy vẫn chạy rì rì, trời bỗng
chuyển mưa, gió thổi mạnh. Không khí trong phòng trở nên man mát, lành
lạnh. Sợ Đức Tổng bị cảm, chúng tôi định tắt máy lạnh. Để chắc ăn,
dì Luca (dì phước được giao nhiệm vụ chăm sóc Đức Tổng) thưa với Đức
Tổng: “Con tắt máy lạnh nghe Đức Cha?”. Đức Tổng hiền từ trả lời:
“Ừ, tắt đi, lạnh rồi!”. Thế là chúng tôi tắt máy.
Rất lâu sau, trời vẫn chuyển và gió nhưng không mưa. Tôi lại gần thăm
chừng Đức Tổng. Nhìn thấy những giọt mồ hôi lăn tăn trên trán Đức
Tổng, tôi hốt hoảng. Vội đưa tay sờ vào áo Đức Tổng, tôi giật mình
nhận ra, toàn lưng Đức Tổng mồ hôi thấm ướt áo. Tôi vội thưa: “Thưa
Đức Tổng, Đức Tổng mồ hôi nhiều lắm. Chắc Đức Tổng khó chịu, con mở
máy lạnh nghe?”. Đức Tổng nhìn tôi bằng một nụ cười hiền từ và bảo:
“Ừ, con mở máy đi, nực rồi!”.
Tôi mở máy lạnh theo lời Đức Tổng mà lòng cứ dâng lên một niềm cảm
mến và kính phục: Hình như Đức Tổng không những không muốn sống cho
riêng mình, chỉ muốn sống vì người khác, mà còn là một sự bỏ mình!
Nhưng đâu chỉ là sự bỏ mình “cục bộ”. Càng suy nghĩ về nội tâm bình
an đúng như tên gọi, về lối sống gần như chấp nhận dễ dàng hết mọi
người, hết mọi hoàn cảnh (đến nỗi có người hằn học cho rằng Đức
Tổng ba phải, nhu nhược…) của Đức Tổng, tôi càng nhận ra, sự bỏ mình
ấy đã đi theo Đức Tổng từ lâu rồi. Nó dường như không còn chỉ là
thói quen, nhưng đã thấm vào từng giọt máu, từng thớ thịt của Đức
Tổng. Nói mạnh hơn, sự bỏ mình ấy đã từ lâu trở thành một phần sự
sống của Đức Tổng.
Những năm tháng dài làm giám mục của một giáo phận không chỉ lớn,
mà còn là một giáo phận giữa lòng một thành phố năng động, thành
phố của sự hội nhập và phát triển mau chóng, một thành phố mà trong
đó không ít phức tạp, nhất là những năm tháng phải sống cùng mọi
thử thách của giáo phận, Đức Tổng đã hy sinh nhiều, đã chấp nhận
nhiều. Chắc chắn, Đức Tổng cũng phải trút bỏ chính mình nhiều. Sự
chấp nhận và chịu đựng lớn nhất có lẽ là chấp nhận và chịu đựng
bị hiểu lầm nhằm giữ vững con thuyền giáo phận trong dòng chảy của
đức tin, giữ vững việc sống và cao rao Lời Chúa giữa vô vàn khó khăn
vây bũa. Sự trút bỏ chính mình giữa một hoàn cảnh đầy những bóng
đêm, đã tạo nên nơi Đức Tổng nghị lực lớn, không chỉ cho Đức Tổng mà
còn cho giáo phận đứng vững và vượt qua…
Có nghe Đức Tổng nói về sự mất mát, nào là nhân sự, đất đai, các cơ
sở, rồi hoạt động tôn giáo, cũng như rất nhiều hoạt động khác… của
Hội Thánh tại miền Nam cũng bị mất mát sau biến cố 30.4, ta mới hiểu
hết thế nào là sự chấp nhận trút bỏ của con người Đức Tổng để có
được bình an nội tâm, có được sự hòa dịu hết sức có thể cho hoàn
cảnh sống của tôn giáo mình nói chung, của giáo phận mình nói riêng:
“Chúa lấy bằng tay này, nhưng Chúa lại cho bằng tay khác. Chúa lấy
người, lấy của, Chúa hạn chế những hoạt động của chúng ta, nhưng
Chúa cho chúng ta một Giáo Hội nghèo khó, thanh sạch hơn, khiêm tốn
hơn”.
Hoặc nếu có lần nào, ta nghe một người thân thuộc nào đó kể về Đức
Tổng, ta càng thấy rõ hơn khuôn mặt của con người sống một đời đầy
sự trút bỏ này. Chẳng hạn, linh mục nhạc sĩ Kim Long có lần kể
rằng, khoảng năm 1993, sau một lần cha phải giải phẫu khối u trong
ruột, lúc đó cũng là lúc Đức Tổng đã rất yếu, phải đi tĩnh dưỡng
một thời gian khá dài. Nhưng sau khi về lại Sài Gòn, nghe tin linh mục
Kim Long đang dưỡng bệnh tại gia đình ở Tân Bình, Đức Tổng đã đến
thăm. Linh mục Kim Long nói: “Hôm ấy, tôi thấy một xe hơi đậu trước nhà.
Ngay lúc ấy, một cụ già đang lần bước men theo xe, bước chậm chạp. Tôi
vội chạy ra. Tôi nhận ra Đức Tổng. Đức Tổng nói: ‘Tôi đi nghỉ ở Long
Hải về, nghe tin cha bệnh, tôi thương quá. Tôi đang mệt lắm, nhưng tôi
nghĩ phải đến thăm cha một chút vì tôi còn có thể đi được’”. Vì tuổi
cao, sức yếu, lại đang bệnh tật, nếu Đức Tổng không đến thăm cha Kim
Long, chắc cũng không ai dám trách. Nhưng nghĩ đến người anh em linh mục
của mình, dù người anh em đó không thuộc giáo phận mình đang coi sóc,
Đức Tổng đã bất chấp sự mệt nhọc của bản thân để thăm cha Kim Long
cho bằng được.
Một sự bỏ mình lớn như thế, triền miên như thế, thì bây giờ, một
chút hy sinh nóng hay lạnh, đối với Đức Tổng có đáng là gì. Bởi đã
một đời chấp nhận, thì sự chấp nhận ấy đã trở thành chính lẽ sống
của Đức Tổng mất rồi!
Vì thế, nhớ về Đức Tổng Giám mục Phaolô Nguyễn Văn Bình, tôi thấy
Đức Tổng chính là bài học dạy tôi, sống với mọi người, không chỉ là
chiều ý người khác, tìm làm đẹp lòng người khác, mà còn là sự bỏ
mình để nên hữu ích cho danh Chúa và cho mọi người. Nhớ về Đức Tổng,
tôi học bài học bỏ mình, để thêm sức mạnh, thêm can đảm giúp mình
trưởng thành hơn, biết đương đầu để vượt qua khó khăn hơn…
(Có sử dụng “Chứng từ yêu thương” của Đại chủng viện thánh Giuse Sài
Gòn, nhân kỷ niệm giỗ một năm Đức Cố Tổng Giám mục Phaolô Nguyễn Văn
Bình).
Lm. VŨ XUÂN HẠNH
Lm. Giuse Maria Nhân Tài,
csjb.
sưu tầm từ tiếng Hoa.
------------------------------------
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://360.yahoo.com/jmtaiby
jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb
Lm. Phanxicô Xaviê BẢO LỘC
I. TỔNG QUAN
Sau thông điệp đầu tiên về đức Mến, Thiên Chúa là Tình yêu[1], vào ngày lễ kính thánh Anrê, thứ sáu 30.11.2007, Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI đã gửi đến toàn Dân Chúa thông điệp về đức Cậy.
Cùng ngày, thông điệp được giới thiệu bởi hai hồng y : Georges Cottier, O.P, nguyên thần học gia phủ Giáo hoàng (Pontifical Household/Maison pontificale) và Albert Vanhoye, S.J, nguyên giáo sư chú giải Tân ước của Học viện Thánh kinh Giáo hoàng (Pontifical Biblical Institute /Institut biblique pontifical).
1. Tên gọi
Tên gọi của thông điệp trích từ hai chữ đầu của câu thứ nhất: “Spe salvi facti sumus” (Saved by / in Hope, Sauvé par l'espérance / en espérance), chúng ta đã được cứu độ trong hy vọng. Ý tưởng nền của câu này dựa trên lời thư thánh Phaolô gửi cho tín hữu thành Rôma : "chúng ta đã được cứu độ, nhưng vẫn còn phải trông mong" (Rm 8, 24).
Charles Péguy (1873-1914) đã nói : "Tôi có thể hiểu được niềm tin và tình yêu. Nhưng còn hy vọng ? Hy vọng là một kỳ công, một phép lạ, một huyền nhiệm, một tia sáng giữa lòng thế giới trong đó sự điên dại của con người dường như phá hủy tất cả nền tảng cho phép tin rằng thế giới này có khả năng được cải thiện"[2]. Nhà văn và thi sĩ Pháp này cũng so sánh ba nhân đức đối thần với hình ảnh ba chị em : em Cậy bước đi giữa hai chị của mình, nhưng trái với vẻ bề ngoài, không phải chị Tin và chị Mến dẫn dắt em Cậy, mà chính đức Cậy lôi kéo hai nhân đức đối thần kia. Nếu đức Cậy dừng lại, thì tất cả sẽ khựng lại[3].
Dịp Năm Thánh 2000, Đức Tổng Giám mục Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn từng chia sẻ tại Vatican rằng: “Bên châu Âu, các Kitô hữu sống đức tin bằng đức ái, còn tại Việt Nam, chúng tôi sống đức tin bằng đức Cậy”.
Chủ đề hy vọng cánh chung không xa lạ với thần học gia Joseph Ratzinger, tác giả cuốn Eschatology: Death and Eternal Life, xuất bản vào năm 1977. Hơn nữa, tác giả từng là chứng nhân của một nền thần học giải phóng đã khiến cho niềm hy vọng trong thế giới châu Mỹ La Tinh bị chính trị hóa; rồi ngài cũng kinh nghiệm bản thân trong bối cảnh của một châu Âu mà niềm hy vọng đã đánh mất đi chiều kích cộng đồng và mang nặng tính cá nhân. Đó là những động lực khiến Đức Thánh Cha viết Spe salvi.
“Cống hiến thông điệp thứ hai cho suy tư về hy vọng, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã nêu lên một trong những vấn đề khẩn cấp và quan trọng nhất của thời đại chúng ta, nhưng ngài không dừng lại nơi một sự mô tả dễ dàng về niềm hy vọng phổ biến trong thế giới, mà đúng hơn bằng sự khiêm tốn và can đảm, ngài đương đầu với một chuỗi những vấn nạn khó khăn. Đức Giáo hoàng không chạy trốn, trái lại, ngài tìm cách làm cho những vấn nạn và nghi ngờ của con người thời đại tiếp xúc trực tiếp với những giải đáp của đức tin”[4].
2. Những ý tưởng chủ yếu
Theo John L Allen Jr., thông tín viên thường trực của tờ National Catholic Reporter, thì Spe salvi được xem như hợp tuyển “vĩ đại nhất” về những ý tưởng chủ yếu mà nhà thần học Joseph Ratzinger đã suy tư trong gần 60 năm qua, nay được diễn tả qua ngòi bút và văn phong của Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI.
Chân lý không đặt giới hạn cho tự do, nhưng là điều kiện để tự do đạt tới tiềm năng thật sự của mình;
Chân lý khách quan chỉ được xem là sự hạn chế thực sự đối với ý thức hệ và lòng ham muốn quyền lực một cách mù quáng mà thôi.
Đức tin và lý trí cần phải hổ trợ lẫn nhau : đức tin mà không có lý trí sẽ trở nên chủ nghĩa quá khích, trong khi đó lý trí mà không có đức tin sẽ dẫn đến sự tuyệt vọng;
Những nguy hiểm của ảo tưởng về sự tiến bộ trong thời đại mới, được phát sinh cùng với các ngành khoa học mới mẻ của thế kỷ thứ XVI, chỉ được áp dụng vào chính trị thông qua cuộc Cách mạng Pháp và chủ nghĩa Marxít mà thôi[5];
Nếu không có quan hệ với Thiên Chúa, thì khó có thể xây dựng được một trật tự xã hội công bằng[6];
Cần phải phân biệt học thuyết cánh chung, nghĩa là niềm mong đợi "Trời mới và Đất mới", ra khỏi thế giới chính trị thời nay;
II. NỘI DUNG
Thông điệp gồm 18.942 từ trong bản dịch Anh ngữ; 20.103 từ theo bản dịch Pháp ngữ. Bản dịch Việt ngữ của Ủy Ban Giáo lý Đức Tin trực thuộc HĐGMVN, có 26.061 từ, không kể ghi chú. Tuy Spe salvi là một tài liệu huấn quyền tương đối ngắn, nhưng bao gồm các chiều kích lịch sử, triết học, thần học và cả khoa học nữa.
1. Bố cục:
Thông điệp thứ hai này không được phân chia rõ ràng và cân đối như Deus caritas est, Spe salvi gồm 50 đoạn, chỉ có những tiểu tựa, đề cập đến những nội dung chính sau đây:
Dẫn nhập: tương quan giữa cứu chuộc và hy vọng, một niềm “hy vọng khả tín” (1)
Đức tin là hy vọng (2-3)
Ý niệm hy vọng trong Tân ước và Giáo hội sơ khai (4-9)
Sự sống đời đời (10-12)
Chiều kích cộng đoàn của niềm hy vọng Kitô giáo (13-15)
Tính chất hàm hồ của sự tiến bộ (16-23)
Dung mạo đích thực của niềm hy vọng Kitô giáo (24-31)
“Môi trường” học hỏi và thực tập hy vọng: cầu nguyện, hành động và đau khổ cùng suy tư về cuộc Phán xét (32-48)
2. Các từ-chìa khóa (key word):
Những ý tưởng chủ lực được biểu hiện nơi các từ ngữ then chốt mà tác giả thường xuyên đề cập đến. Các từ-chìa khóa được sử dụng nhiều nhất trong Spe salvi làm nổi bật mối tương quan về nội dung giữa các quan niệm chính yếu trong sứ điệp của Kitô giáo, điển hình là quan hệ giữa ba nhân đức đối thần với sự sống và đau khổ: “hy vọng” (196 lần); “đức tin” (73 lần); “tình yêu”, “yêu thương”, “yêu mến” (80 lần); “sự sống” (133 lần), trong đó “sự sống đời đời” [eternal life/ vie éternelle] (12 lần); “đau khổ” (59 lần).
Ngoài ra, những từ sau đây cũng cho thấy yếu tính, hiệu quả và cứu cánh của niềm hy vọng Kitô giáo: “cứu chuộc” [redemption / rédemption] (7 lần); “cứu độ": động từ (5 lần); danh từ [salvation / salut] (19 lần); sự chết [death / mort] (15 lần); “chân lý”, “sự thật” (27 lần); “lý trí” (28 lần); “gặp gỡ” [meeting, meet / rencontre(r)] (21 lần); “trách nhiệm” (12 lần); “biến đổi” [transform / transformer] (9 lần) và “tự do” [liberty / liberté] (6 lần).
3. Các vấn nạn
Nếu trong Deus caritas est, ta tìm thấy 22 vấn nạn chủ yếu về bản chất của tình yêu, về tình yêu Thiên Chúa và tha nhân, thì nơi Spe salvi, Đức Thánh Cha nêu lên tất cả 55 câu hỏi. Thực vậy, người Kitô hữu có thể tìm được giải đáp và giải thích của Đức Bênêđictô XVI cho nhiều vấn nạn liên quan đến yếu tính của sứ điệp Kitô giáo. Chúng ta hãy thử đưa ra câu trả lời cá nhân của mình cho các vấn nạn này, rồi đối chiếu với những suy tư của Đức Thánh Cha trong thông điệp.
* Đối với chúng ta ngày nay, đức tin Kitô giáo có còn là một niềm hy vọng có sức biến đổi và nâng đỡ đời sống không ?
* Đối với chúng ta, niềm hy vọng đó có mang tính “tác động”, nghĩa là một sứ điệp định hình cuộc sống của ta theo một hướng mới hay không ? Hay nó chỉ mang tính “thông tin” mà đến lúc nào đó, chúng ta không còn quan tâm nữa, và thông tin ấy xem như đã lỗi thời vì có những thông tin mới mẻ hơn ? (SS 10)
* Đâu
là điều cốt yếu trong niềm hy vọng Kitô giáo, điều mà Kitô hữu phải cống hiến
cho thế giới và những gì họ không thể mang lại cho
nó ? (SS 22)
* Thế nào là sự sống đời đời ? Chúng ta có thực sự muốn được sống đời đời không ? (SS 10-12)
* Đâu là ý nghĩa Kitô giáo về đau khổ, sự chết và luyện ngục (45) ?
“Đối với Thiên Chúa, con người có giá trị lớn lao đến độ chính Thiên Chúa đã làm người để có thể đau khổ thực sự với con người, trong xác thịt và máu huyết, như trình thuật về cuộc Khổ nạn của Đức Giêsu cho chúng ta thấy. Từ đó, trong mọi khổ đau của con người, có một Đấng kinh nghiệm và chia sẻ đau khổ với chúng ta; từ đó, sự an ủi (con-solatio) trải rộng trong mọi nỗi đau khổ, sự ủi an từ tình yêu đồng cảm của Thiên Chúa và như thế ánh sao hy vọng đã bừng lên” (SS 39).
Cuộc Phán xét cánh chung được hiểu như thế nào ?
Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI giải thích: “Cuộc phán xét của Thiên Chúa là hy vọng bởi lẽ cuộc phán xét đó vừa là công bình vừa là ân sủng. Nếu phán xét chỉ là ân sủng làm cho những gì diễn ra trên trần thế thành vô nghĩa mà thôi, thì Thiên Chúa vẫn còn mắc nợ chúng ta câu trả lời cho vấn nạn liên quan đến sự công bình, vấn nạn mang tính quyết định đối với ta khi đối diện với lịch sử cũng như với chính Thiên Chúa. Nếu phán xét chỉ là công bình thuần túy thì cuối cùng đối với tất cả chúng ta, phán xét sẽ chỉ còn là động cơ gây sợ hãi. Sự nhập thể của Thiên Chúa trong Đức Kitô đã nối kết công bình và ân sủng chặt chẽ đến nỗi công bình được thiết lập cách vững vàng: tất cả chúng ta mong đợi ơn cứu độ “trong sự sợ hãi Thiên Chúa và run rẩy” (Pl 2, 12). Dù vậy chăng nữa, ân sủng cho phép tất cả chúng ta hy vọng và bước đi đầy lòng tín thác, đến gặp gỡ vị Thẩm phán mà ta biết là “trạng sư” của ta (parakletos) (x. 1 Ga 2, 1)” (SS 47).
III. NHẬN ĐỊNH
1. Cảm tưởng
Liên hiệp Thệ phản Pháp quốc[7]
Thông điệp chỉ trao gửi đến thành viên của Giáo hội Công giáo, tuy nhiên Đức Bênêđictô XVI xứng đáng gặt hái được một sự thành công nơi những người Công giáo, Giáo hội Cải cách, Luther, Tin Lành, là những người cũng thừa kế sứ điệp tông đồ và những người giải thích Thánh kinh xuyên suốt lịch sử.
Spe salvi mang nặng tính giáo huấn, có nhiều điểm nhấn của thời “hậu hiện đại” trong phê bình của Đức Bênêđictô XVI về thời hiện đại; sự tái tập trung vào cốt lõi của căn tính Kitô giáo trong chiều kích hiện sinh (Mục sư Gill Daude).
Thông điệp mới của Đức Bênêđictô XVI là một tài liệu phong phú và mang tính thách đố. Chúng ta không thể dễ dàng tiếp thu tất cả khi chỉ đọc một lần. Nhưng một trong những dòng quan trọng nhất có thể được tìm thấy trong các câu mở đầu. Đức Thánh Cha nhắc cho các Kitô hữu rằng đức hy vọng giúp cho chúng ta đối diện với những gánh nặng của đời sống hằng ngày, dù cho chúng có nặng nề đến đâu đi nữa. Niềm tin vào Đức Kitô dẫn chúng ta đến niềm hy vọng nơi sự sống vĩnh cửu. Đời sống của Đức Kitô làm cho cuộc sống của chúng ta có ý nghĩa. Nếu chúng ta thực sự tin Đức Giêsu Kitô, chúng ta sẽ tin tưởng vào tương lai, dù cho có những ngày xem ra ảm đạm và có vấn đề. Vì cuối cùng, Đức Giêsu đã dành cho chúng ta ơn cứu độ và hạnh phúc với Người (Charles J. Chaput, O.F.M. Cap., TGM Denver).
Vào mùa Vọng năm 2007, trong bài giảng thứ ba cho giáo triều Rôma, tựa đề là “Spe gaudete” (vui mừng trong hy vọng), linh mục Raniero Cantalamessa đã nhận định rằng dù ta ít đề cập đến đức cậy hơn là đức tin và đức mến, nhưng chính đức cậy mới lôi kéo hai nhân đức đối thần kia. “Chúng ta cần hy vọng để sống cũng như cần khí oxy để thở”[8].
Nói chuyện với các giới chức ngoại giao cạnh Tòa Thánh, ngày 13.1.2008, cha Lombardi tuyên bố : “Một nền ngoại giao bảo vệ sự sống và những xác tín của con người là nguồn hy vọng (…) Qua thông điệp của mình, Đức Bênêđictô XVI mời gọi tất cả chúng ta hy vọng: ngành ngoại giao và chính trị cũng tìm được ý nghĩa cao thượng và quý báu nhất của chúng trong viễn ảnh này” (Lm. Federico Lombardi, s.j., Giám đốc Phòng Báo chí Tòa Thánh và Trung tâm Truyền hình Vatican)[9].
2. Đặc điểm
Suy tư triết học
Qua Spe salvi, Đức Giáo hoàng mở cuộc đối thoại có phê phán với các triết gia từ cổ chí kim: từ Platon (428-348), Francis Bacon (1561-1626) đến Immanuel Kant (1724-1804), Friedrich Engels (1820-1895), Karl Marx (1818-1883) và hai triết gia của trường phái Frankfurt: Max Horkheimer (1895-1973), Theodor W. Adorno (1903-1969). Đức Thánh Cha đã thẳng thắn phê bình chủ thuyết Marxít, vô thần, duy tâm và vạch rõ sai lầm cũng như hệ lụy của chủ nghĩa duy vật, duy khoa học cũng như ảo tưởng về sự tiến bộ.
Nguồn suối Thánh kinh
Suy tư vững chắc và hệ thống của Đức Thánh Cha về hy vọng được đâm rễ sâu nơi Thánh kinh qua việc khai triển và chú giải các đoạn sách Cựu ước lẫn Tân ước: Thánh vịnh (9 trích dẫn), Tin Mừng Gioan (10 lần), các thư thánh Phaolô (8 lần = Eph [4]; Rm [2]; 1 Th [2]), thư Do Thái [4]).
Ngài đã chú giải các từ hypostasis / substantia (La Tinh) trong Dt 11, 1 (SS 7); hyparchonta trong Dt 10, 34 (SS 8); hypomone và hypostole trong Dt 10, 36) và Dt 10, 39 (SS 9).
Gắn bó với Thánh truyền
Không những thông điệp cho thấy một hiểu biết sâu sắc của tác giả về Thánh kinh, mà còn chứng tỏ một sự khai thác tài tình kho tàng truyền thống của Giáo hội. Đức Thánh Cha đã nối kết dòng suy tư Kitô giáo của mình với Thánh truyền, khéo kín múc và làm cho sống động giáo huấn của các giáo phụ: Grêgôriô thành Nazian (325-389), Ambrôsiô (340-397), Augustinô (354-430), Maxime le Confesseur († 662), Tôma Aquinô (1225-1274) v.v…
Thần học hy vọng
Là thần học gia, Đức Bênêđictô XVI cung cấp cho chúng ta những quan niệm chủ chốt theo dòng lịch sử, với nền tảng Thánh kinh và Thánh truyền cũng như ứng dụng mục vụ của một nền thần học hy vọng và cánh chung học Kitô giáo.
Độc giả không ngạc nhiên khi thấy tư tưởng của thánh Augustinô được trưng dẫn nhiều lần trong Spe salvi, vì đây là giáo phụ mà thần học gia Ratzinger đã dày công nghiên cứu và ĐGH Bênêđictô XVI thường xuyên tham chiếu. Điều này chứng tỏ một sự gần gũi về thần học và linh đạo giữa hai vị. Thực vậy, chủ đề luận án tiến sĩ của ngài vào năm 1953 là: “Dân tộc và nhà của Thiên Chúa trong giáo huấn của thánh Augustinô về Giáo hội”. Tháng 4 năm 2007, Đức Giáo hoàng cũng đã đến viếng mộ thánh nhân ở Pavie. Ngày 9.1.2008, Đức Bênêđictô XVI đã cho biết lý do ảnh hưởng của vị giáo phụ này đối với ngài, khi trích dẫn lời của Đức Phaolô VI nói về thánh Augustinô: “Ta có thể nói rằng tất cả tư tưởng của thời cổ đại đổ dồn về tác phẩm của thánh nhân và từ tác phẩm của ngài tuôn chảy ra các trào lưu tư tưởng lan đến tất cả các truyền thống học thuyết của những thế kỷ tiếp theo”[10].
- Hy vọng được Đức Bênêđictô XVI trình bày như sự nhận biết và gặp gỡ Thiên Chúa: “Nhận biết Thiên Chúa, Thiên Chúa đích thực, nghĩa là nhận lãnh niềm hy vọng”. Và Kitô hữu là người “nắm giữ một niềm hy vọng phát sinh từ cuộc gặp gỡ thực sự với vị Thiên Chúa này” (SS 3).
- Đó là “niềm hy vọng khả tín như một ân huệ có tính quyết định” đối với ý thức của các Kitô hữu (SS 2).
- Niềm hy vọng của Kitô hữu không hề mang tính cá nhân chủ nghĩa, nhưng hàm chứa chiều kích cộng đồng. Vì “chủ yếu là hy vọng vì người khác, và chỉ như thế mới thực sự là niềm hy vọng cho tôi[11]. Trong tư cách Kitô hữu, chúng ta đừng bao giờ chỉ biết hỏi : làm thế nào để tôi có thể cứu được chính mình ? Nhưng chúng ta còn phải hỏi : tôi phải làm gì để tha nhân có thể được cứu độ, và để ngôi sao hy vọng có thể toả sáng trên họ ? Đó cũng là lúc tôi làm hết sức cho ơn cứu độ của mình” (SS 48).
Những chứng nhân của niềm hy vọng
Vừa là mục tử, thầy dạy và chứng nhân, Đức Thánh Cha không chỉ đưa ra những minh giải Thánh kinh và luận chứng thần học về niềm hy vọng Kitô giáo, mà còn giới thiệu các gương mặt Kitô hữu cụ thể thuộc nhiều châu lục khác nhau, như những chứng nhân của niềm hy vọng, để người Kitô hữu noi theo: từ thánh Phanxicô thành Assisi (1181-1226) sinh sống tại Âu châu, thánh nữ Bakhita (1869-1947) gốc Phi châu, đến hai người Việt Nam thân yêu của chúng ta: thánh Phaolô Lê Bảo Tịnh (1793-1857) và Hồng y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận (1928-2002) thuộc Á châu. Ngài gọi “những ngôi sao đích thực trong cuộc đời chúng ta là những người đã biết sống ngay lành” (SS 49). Vì thế, chứng nhân nổi bật nhất chính là Trinh Nữ Maria “Ngôi sao hy vọng”.
Một Kitô học thấm nhuần hy vọng
Đâu là Kitô học của Spe salvi ? Trước hết, Đức Bênêđictô XVI "giải độc" những hình ảnh sai lạc về Đức Giêsu. Đức Giêsu không phải là một nhà cách mạng-xã hội như Spartacus (120-70 tcn), một võ sĩ giác đấu, chỉ huy cuộc của nô lệ vào giữa những năm 73-71 tcn. Đức Giêsu Kitô cũng chẳng chiến đấu để giải phóng chính trị giống như Barrabas hay Bar Kobeka khởi nghĩa chống đế quốc Roma. Điều mà Đức Giêsu mang đến hoàn toàn khác : đó là cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa hằng sống, với một niềm hy vọng mạnh hơn những thử thách hay tình trạng nô lệ, hy vọng có sức biến đổi cuộc sống từ bên trong, dù cho cơ cấu bên ngoài vẫn y nguyên.
Tiếp đến, ĐTC đã trình bày Đức Giêsu Kitô bằng nhiều hình ảnh năng động, hiện sinh (rút ra từ hạnh tích thánh nhân, kiến trúc và suy tư về mầu nhiệm thập giá - phục sinh), vì “chính Thiên Chúa đã mang lấy một “hình ảnh” (SS 43) để đồng cam khổ với con người và trở nên suối nguồn hy vọng cho mọi người.
* Đức Kitô là “Paron”, Chủ nhân của mọi chủ nhân, “lớn hơn mọi chủ nhân, Chúa của các chúa, và Chúa tốt lành, hiện thân của lòng nhân từ. Bakhita nhận ra rằng Thiên Chúa cũng biết cô, Người đã tạo dựng nên cô, và còn yêu thương cô nữa. Cô được yêu thương bởi chính “Paron” tối cao, mà so với Người, tất cả mọi chủ nhân khác chỉ là những đầy tớ thấp hèn. Bakhita được nhận biết, yêu thương, và được chờ mong. Hơn nữa, chính bản thân Chủ nhân này đã phải chấp nhận một thân phận bị đánh đập và hiện đang chờ đợi cô “bên hữu Thiên Chúa Cha” (SS 3).
* Đức Kitô là triết gia và mục tử, “Đấng chỉ cho chúng ta biết thế nào là sự sống và nơi đâu có sự sống ấy” (SS 8).
“…hình ảnh Đức Kitô như một triết gia chân chính, một tay cầm sách Phúc Âm, tay kia mang gậy lữ hành của triết gia. Với cây gậy của mình, Người là đấng chiến thắng tử thần; còn sách Phúc Âm đem lại chân lý mà các triết gia trước đó đã luống công tìm kiếm. Nơi hình ảnh đã tồn tại trong nghệ thuật bia mộ suốt một thời gian dài này, rõ ràng là cả người học thức lẫn người bình dân đều có thể nhận biết Đức Kitô: Người nói cho chúng ta biết thực sự con người là ai và họ phải làm gì để đích thực là con người. Người chỉ cho chúng ta con đường, và con đường này là sự thật. Chính Người vừa là đường vừa là sự thật, và vì đồng thời là đường và sự thật, nên Người cũng là sự sống mà tất cả chúng ta đang tìm kiếm. Người cũng chỉ cho chúng ta con đường ở bên kia cái chết; chỉ có ai làm được điều này mới là người thầy chân thực về sự sống” (SS 6).
“Người mục tử đích thực là Đấng biết cả con đường băng qua thung lũng sự chết"; Đức Kitô là Người đồng hành, vì là “Đấng bước đi với tôi ngay cả trên nẻo đường cô độc cuối cùng, nơi mà không ai có thể đồng hành với tôi và hướng dẫn tôi vượt qua: chính Người đã đi qua con đường này, Người đã xuống tận vương quốc của tử thần, Người đã chiến thắng sự chết và giờ đây trở lại để đồng hành với chúng ta và cho chúng ta niềm xác tín rằng, với Người, chúng ta tìm ra được một lối vượt qua. Nhận thức rằng có Đấng đồng hành với tôi ngay cả trong sự chết, và “với côn trượng Ngài bảo vệ, tôi vững dạ an tâm”, đến độ “tôi không còn sợ chi” (x. Tv 23 [22],4), đó là niềm “hy vọng” mới mẻ xuất hiện trong đời sống của các tín hữu” (SS 6).
* Đức Kiô là "Đấng chịu đóng đinh", (…) một con người đau khổ, đang chia sẻ thân phận của con người bị Thiên Chúa bỏ rơi bằng cách đảm nhận chính thân phận ấy. Đấng vô tội mà phải chịu đau khổ này đã trở thành sự xác thực cho niềm hy vọng" (SS 43).
* Đức Kitô là Thẩm phán chủ tọa cuộc phán xét, nhưng cũng chính là “trạng sư” (parakletos) và Đấng Cứu độ của chúng ta. Thực vậy, “cuộc gặp gỡ với Người là hành động quyết định của việc phán xét. Tất cả mọi giả dối đều tan biến trước cái nhìn của Người. Chính sự gặp gỡ Người vừa thiêu đốt lại vừa biến đổi và giải thoát chúng ta để làm cho ta trở nên thực sự là mình. Khi ấy, tất cả những gì được xây dựng trong cuộc đời có thể chỉ còn là rơm rạ, là lời huênh hoang trống rỗng và bị sụp đổ. Tuy nhiên, trong nỗi đau của cuộc gặp gỡ này, khi những uế tạp và thiếu lành mạnh của ta lộ diện rõ ràng, thì ta cũng tìm được ở đó ơn cứu độ” (SS 47).
* * *
“Văn là người”. Đọc Spe salvi, Kitô hữu cũng gặp gỡ, khám phá và cảm nhận được con người của Đức Bênêđictô XVI. Ngài giống như người am tường về Nước Chúa mà Đức Giêsu đã so sánh bằng hình ảnh: “… bất cứ kinh sư nào đã được học hỏi về Nước Trời, thì cũng giống như chủ nhà kia lấy ra từ trong kho tàng của mình cả cái mới lẫn cái cũ” (Mt 13, 52).
Đồng cảm với tác giả Spe salvi, người môn đệ của Chúa Giêsu không dừng lại ở niềm vui tri thức, vì trong lòng họ vang dội lại xác tín của Công đồng Vatican II: “Vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của con người ngày nay, nhất là của người nghèo và những ai đau khổ, cũng là vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của các môn đệ Chúa Kitô, và không có gì thực sự là của con người mà lại không gieo âm hưởng trong lòng họ” (Gaudium et spes 1)[12].
Vui mừng và hy vọng cùng tiến bước với toàn thể Giáo hội trong cuộc lữ hành đức tin, người Kitô hữu Việt Nam còn cảm thấy mình được mời gọi cách đặc biệt dấn thân, tiếp bước hai chứng nhân hy vọng của quê hương, thực tập sống, diễn tả và gieo niềm hy vọng trong xã hội hiện tại, để “những ánh sáng hy vọng” ngày càng tỏa sáng.
“Cả Giáo hội tại Việt Nam, dưới sự hướng dẫn của các chủ chăn, hồng y, tổng giám mục, giám mục và linh mục, hãy mạnh dạn loan báo Tin Mừng Phục Sinh cho mọi người trên đất nước Việt Nam và cả ngoài Việt Nam nữa. Tin Mừng Phục Sinh đó cũng chính là Tin vui hy vọng: vì niềm hy vọng của chúng ta, chính là Chúa Kitô Phục Sinh. Anh chị em hãy đặt hy vọng vào Chúa! Chúng tôi chỉ là những dấu chỉ hữu hình của Chúa, là những thừa tác viên và tôi tớ phục vụ Tin Mừng của Chúa cho niềm hy vọng của thế giới ”[13].ª
[1] Ban hành ngày 25.01.2006.
[2]
Juan José Tamayo, A propos de Spe Salvi :
religion, raison, esepérancea, in
http://www.culture-et-foi.com/dossiers/benoit_xvi/juan_jose_tamayo.htm,
ngày 4.4.2008.
[3] x. Agence Fides, 30.11.2007.
[4] Federico Lombardi, sj, “Spe salvi”: Qu’est-ce que les chrétiens ont a offrir au monde ? in zenit.org, ngày 3.12.2007.
[5] "Không phải khoa học cứu chuộc con người. Con người được cứu chuộc bởi tình yêu (…) Nếu có tình yêu tuyệt đối này, với sự vững chắc tuyệt đối, thì bấy giờ - và chỉ khi ấy - con người mới được "cứu chuộc", dù cho chuyện gì sẽ xảy đến với họ trong từng hoàn cảnh cụ thể" (SS 26).
[6] "... đúng là ai không biết Thiên Chúa, dù cho có bao thứ hy vọng đi nữa, thì cuối cùng cũng không có niềm hy vọng, không có hy vọng lớn lao nào nâng đỡ toàn bộ cuộc sống (x. Ep 2, 12). Niềm hy vọng thật sự và cao cả của con người, niềm hy vọng vững vàng bất chấp mọi nỗi thất vọng, chỉ có thể là Thiên Chúa - Đấng đã yêu thương chúng ta và yêu thương "đến cùng", "đến khi mọi sự được hoàn tất" (SS 27).
[7] La Fédération protestante de France.
[8] x. Zenit, 21.12.2007.
[9] x. Zenit.org, ngày 13.1.2008.
[10] x. Zenit.org, ngày 9.1.2008 (AAS, 62, 1970, tr. 426).
[11] Xem GLHTCG, số 1032.
[12] Hiến chế Mục Vụ về “Giáo Hội trong thế giới ngày nay”, ban hành ngày 7.12.1965.
[13] Gm. Phaollô Bùi Văn Đọc, Bài giảng thánh lễ tạ ơn 10 năm nhậm chức TGM. TGP. Tp. HCM của Đức Hồng y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn
Gia đình, một không gian tốt đẹp nhất vẫn được ca tụng. Nhưng có thể những sự cố đáng tiếc giữa cha mẹ và con cái xảy ra do không hoặc chưa hiểu nhau. Phải chi những kênh đối thoại được quan tâm xây dựng ở mọi gia đình. Nhưng ai là người làm việc đó?
Từ những lần khi buồn là nghĩ đến cái chết.
Những đứa con trong những gia đình không được cha mẹ hiểu sẽ cảm thấy bực bội, khó chịu, một số thì phản ứng lại bằng cách bỏ nhà đi hoặc làm những điều bộc phát dại dột, hoặc một số nhỏ khác lại tự hủy hoại bản thân mình vì thấy chết còn sướng hơn…
Trước đây, T. luôn là một học sinh giỏi. Đứng đầu lớp luôn là mục đích của T. và T. luôn đạt được như thế. Nhưng, đấy là những năm cấp I, cấp II. Lên đến cấp III, sức học của T. đuối dần theo không kịp, dần dần T. mất dần đam mê học hành như trước. Thêm vào đó những lý do khác nữa như: T. được nhiều bạn trai để ý, nhiều bạn gọi điện, rủ T. đi chơi…Những điều đó cũng làm T. chỉ cỏn là một học sinh mà cũng phải vất vả lắm. Tệ nhất lại là môn Anh văn mà ba mẹ đã cho T. đi học thêm từ năm lớp một. Vì vậy, mỗi lần làm kiểm tra kết qua không như mong muốn của ba mẹ, T. lại bị ba mẹ nói: “Con đã học cả núi tiền của ba mẹ rồi, con có biết không?”. Và tiếp sau đó có khi là những bữa “cháo lươn” ngoài ý muốn. Như T. tâm sự với tôi: “Thú thật, ba mẹ la thì mình còn thấy có lỗi, nhưng la quá thì mình cảm thấy khó chịu. Sao ba mẹ không tìm hiểu tại sao học sút đi học tệ đi thì tôi là người buồn trước tiên chứ. Tôi đâu có muốn như vậy. Mình cảm thấy cha mẹ không hề nghĩ đến mình và cảm giác của bản thân mình, mà chi nghĩ đến những đồng tiền đã bỏ ra cho mình thôi. Buồn quá, nên có lần mình đã uống hơn 20 viên thuốc cảm… để chết quách cho xong”. Thật may mắn khi những viên thuốc mà T. uống là loại thuốc cảm nhẹ thông thường (paracetamol) chỉ khiến T. ngủ li bì trong ba ngày liền.
Thế nhưng, T. là một trường hợp may. Có bạn trẻ - như L. là một ví dụ - đã phải trả một giá rất đắt cho sự sống của L. bị cha mẹ chi chiết la mắng “Mày làm tao xấu hổ với xóm làng”. Nhất là khi em trai của L. cũng cố gắng rất nhiều để mình khá lên và không thua kém em mình, nhưng cái mà L. nhận được không phải là những lời động viên của mẹ mà lại là những bài ca “không tên” “Mày chỉ có bày đặt, cho đi học thêm, học kèm mà chưa lên thân, huống hồ… Còn em mày có cần ai kèm đâu mà cứ giỏi. Bời cái thứ học dốt như mày có đầu tư cùng như không…”Từ đó, L. luôn tự dằn vặt và cho mình là một kẻ vô tích sự. Và L. đã tìm lối thoát cho mình bằng cách thắt cổ tự tử. may mắn lần đó mẹ L.phát hiện kịp thời và cứu L. Nhưng cho đến vài tháng sau (tháng 2/2005), chờ mọi người đi vắng L. lại tìm đến gõ cửa tử thần một lần nữa…
Trên đây là hai câu chuyện buồn của một số bạn trẻ. Và tôi chợt cảm thấy hãi hùng khi nhận thấy: Sao các bạn trẻ hiện nay lại dễ dàng từ bỏ cuộc sống của mình một cách đơn giản và đầy tiêu cực đến vậy?
Nổi lòng biết tỏ cùng ai?
Có thể nói, cùng với thời đại, các bạn trẻ, lứa tuổi thanh thiếu niên, đang phải đối mặt với những áp lực: của chính lứa tuổi, gia đình, việc học hành, việc làm, người khác phái, tương lai… Trong các sức ép đó, một trong những nguyên nhân chính gây xung đột gia đình là cha mẹ đã quá đòi hỏi con cái phải biết hành động hợp lý và có trách nhiệm. Đây là một đòi hỏi chính đáng nhưng có khi do không được thấu hiểu lẫn nhau lại trờ thành một trong những yếu tố gây những cơn khủng hoảng (stress) nơi bạn trẻ
C h a r m a i n e Saunders – tác giả của một số sách viết về tâm lý thanh thiếu niên đã đưa ra lời khuyên cho các bậc cha mẹ như sau: “Không nên tiếc lời khen ngợi con cái trước bất cứ dấu hiệu nào chứng tỏ nỗ lực và tiến bộ của chúng trong việc học tập. Chính thái độ cha mẹ dành thời giờ để lắng nghe, khích lệ, và đặt ra những câu hỏi thú vị đối với con cái, những yếu tố tích cực góp phần đem lại niềm vui, thành quả học tập tốt cho con cái”. Hiện nay tồn tại ở nhiều gia đình, khi con cái phạm lỗi các bậc cha mẹ còn la lắng và phạt đòn đề can răn. Nhưng liệu lối giáo dục bằng những lời la mắng, những “con lươn” có còn phù hợp và mang lại hiểu quả tích cực hay không? Bởi trong thâm sâu của các bạn trẻ cũng có nỗi niềm muốn tỏ bày, những tâm sự cần được lắng nghe. T., đã nhắc đến ở đầu bài viết tâm sự: “Mình biết cha mẹ đã rất cực khổ để nuôi cho mình ăn học. Vì vậy, mình cũng đã cố gắng rất nhiều. Và mình rất cần sự thông cảm, những lời động viên khuyến khích của cha mẹ”. Còn đối với Vân một bạn trẻ ở Gx. Tân Sa Châu tỏ bày: “Em rất mong có một người nào đó nói chuyện với em, ủng hộ em. Nhưng, làm sao em dám lại gần, tâm sự được khi ông bà, cha mẹ đều là những “lão gia” “mẫu hậu” và “phụ vương”…độc đoán”. Đồng cảnh ngộ với Vân Ngọc Anh nói: “Ở trong lớp mấy đứa bạn em gọi em là gà công nghiệp vì em chẳng biết gì ngoài việc học và nghe lời ba mẹ. Thậm chí, mặc quần áo cũng phải được… “lệnh” thông qua của ba mẹ. Thật ra, ngoài thời gian học hành em còn thích được xem phim, nghe nhạc, thèm đọc những tạp chí thời trang và những câu chuyện lãng mạn… phù hợp với lứa tuổi. Nhưng đối với ba mẹ tất cả những thứ đó đều là trò “nhố nhăng, rẻ tiền”.
Kênh đố thoại xây dựng từ phía nào?
Nhiều bậc cha mẹ không có thói quen đối thoại với con cái một cách chân tình, gần gũi. Thật ra việc gần gũi con cái như một người bạn khó có thể làm cha mẹ mất đi sự kính trọng nơi con cái, mà có khi hiệu quả của việc gần gũi con cái lại đem đến hiểu quả tích cực hơn ta tưởng. Yêu thương một ai thì người ta thường muốn biết rõ về người đó là một chuyện tự nhhiên. Vậy sao cha mẹ yêu thương con cái nhất lại không tìm hiểu con cái mình bằng một con đường không khó khăn lắm: đối thọai với con cái mình. Thật sự việc đối thoại mang lại lợi ích cho cả hai phía để tình yêu thương gia đình ngày càng đậm đà hơn. Những bạn trẻ khi tôi tiếp xúc để viết bài này đã tỏ bày với tôi một ước muốn rất giống nhau: “Em biết mọi chuyện cha mẹ làm cho em là muốn tốt cho em, nhưng mà cha mẹ có thể lắng nghe chúng em nhiều hơn…”. Kênh đối thoại nếu không được xây dựng từ cha mẹ, thì nếu có nhu cầu tại sao chúng ta không là người chủ động. Chúng ta sẽ làm được điều đó để ba mẹ hiểu mình và mình hiểu ba mẹ, phải không các bạn.
T.B
Anh chị em trong nhà tranh giành nhau là chuyện phổ biến đến nỗi các tâm ly gia đều cho rằng đó là điều bình thường. Tìm hiểu thêm, chúng ta có thể thấy 6 nguyên nhân khả dĩ đưa đến sự tranh giành nhau giữa con cái
Mỗi đứa trẻ có một nhu cầu tình cảm cơ bản để cảm thấy được yêu thương và được đánh giá đúng. Dù cá tính như thế nào thì việc tranh giành xảy ra là do một đứa nào nó cảm thấy “không an toàn” về mối quan hệ của nó với cha mẹ.
Đa số các bậc cha mẹ hay so sánh đứa này với đứa kia. Hãy đánh giá mỗi đứa con theo khả năng riêng của nó, đừng đánh giá nó bằng cách so sánh với đứa khác, nếu không thì cơn giận sẽ ngầm hình thành
Nhà càng ngày càng đông hơn vì con cái lần lượt ra đời. Điều đó có nghĩa rằng “khoảng riêng” của trẻ bị “thu hẹp”. Như vậy sự kiên nhẫn “ngắn” hơn và dẫn đến con cái tranh giành nhau.
Trẻ con chưa có đủ trực giác để nghĩ tích cực về nhau. Cha mẹ cần nhắc nhở từng đứa con vể ưu điểm của chính nó và của anh chị em khác.
Bất kỳ điều gì chúng cũng hỏi ý kiến: Xem phim gì, đọc chuyện gì, mang theo đồ chơi nào, đi chơi với ai, làm cách nào,…Vì thế chúng dễ “nôi quạu” với nhau khi cảm thấy “bị loại” ra khỏi các quyết định, dù rất nhỏ, đối với các sinh họat của riêng chúng.
Nghe có vẻ mơ hồ. Nhưng cụ thể trong gia đình, thường đứa lớn luôn ưu tiên có quần áo mới. Nhưng đứa nhỏ cũng muốn quần áo mới. Khi bị từ chối, nó sẽ phân bì và gây gỗ với anh chị em của nó.
Dẫu biết rằng “gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau”, nhưng bản tính ích kỷ của con cái là tự phát. Chúng chưa hiểu rõ để khả dĩ phân biệt “phải, trái”. Trách nhiệm của cha mẹ là phải khéo léo hướng dẫn và phân tích theo trình độ hiểu biết của từng lứa tuổi. Nhất là hãy giữ thái độ ôn hòa, đừng quắt mắng hoặc đừng áp đặt bất kỳ đứa con nào. Tuy “trẻ người non dạ”, nhưng chúng rất nhạy cảm với cách đối xử của cha mẹ.
Trầm Thiên Thu
Một tiệm bán thú cảnh quyết định khuyến mãi với khách hàng trẻ con cho nên cho dựng lên một tấm bảng quảng cáo trước cửa hàng như sau : Tại đây có bán chó con với giá rẻ. Không bao lâu có một câu bé đến và hỏi giá : “Xin cho biết giá của một con chó bán rẻ là bao nhiêu. Người chủ tiệm trả lời : “Mỗi con giá từ 30 đến 50 mỹ kim”. Nghe vậy cậu bé liền đưa tay vào túi quần móc ra từng đồng xu và nói.: “Hiện cháu chỉ có 2 đồng 37 xu. Bác có thể cho cháu xem mấy con chó con bán rẻ không ? “Người chủ tiệm mĩn cười. Ông huýt gió đi gọi mấy con chó co. Một lúc sau, một con chó mẹ và một đàn năm con chó con chạy ra trình diện. Chúng chạy chơi đùa giỡn xung quanh cửa tiệm. Nhưng trong đàn chó con có một con luôn bị bỏ lại đằng sau. Cậu bé chỉ vào con vật có vẻ bị tật và hỏi ông chủ tiệm : “Con chó này có sao không thưa bác”. Người chủ tiệm giải thích rằng : “Lúc mới sinh con vật bị dị tật ở một bên hông cho nên nó phải chịu khuyết tật suốt đời”. Nghe thế, cậu bé như vui hẳn lên, cậu nói : “Vậy thì cháu muốn mua con chó bị tật này”. Nhưng người chủ tiệm lắc đầu : “Không được đâu cháu, cháu đừng mua con này. Nếu cháu muốn, bác biếu không cho cháu một con khác”. Cậu bé tỏ vẻ thất vọng. Nó nhìn thẳng vào mắt người chủ tiệm và nói một cách cương quyết : “Cháu xin bác đừng biếu không con vật này cho cháu. Mặc dù khuyết tật, con chó cũng vẫn có giá trị như những con khác. Cháu sẽ trả tiền theo đúng giá. Nhưng hiện tại cháu chỉ mới có 2 đồng 35 xu mà thôi, mỗi ngày cháu sẽ trả 50 xu cho đến khi trả hết”. Người chủ tiệm lắc đầu một lần nữa : “Cháu ơi, cháu đừng mua con này, nó không thể chạy nhanh được, nó cũng không thể nhảy và chạy chơi như những con khác”. Cậu bé đứng thinh lặng một hồi lâu rồi vén quần lên cho ông chủ tiệm nhìn. Từ phía sau người chủ tiệm nhận ra rằng. Cậu bé cũng có hai chân bị khuyết tật. Cậu nhìn vào mắt người chủ tiệm rồi nói : “Thưa bác cả cháu cũng chẳng chạy nhanh được. Chính vì vậy mà cháu biết con chó khuyết tật này cũng cần có một người cảm thông được với nỗi đau của nó. Nước mắt bỗng từ từ lăn trên gò má của người chủ tiệm. Ông nói với cậu bé : “Bác sẽ cầu nguyện mỗi ngày để những con chó này đều có thể gặp được những người tử tế như cháu.
Chúng ta vẫn thường nói : “Đọan trường ai có qua cầu mới hay”. Có trải qua đau khổ con người mới dễ cảm thông trước nỗi khổ của người khác. Có vấp ngã con người mới dễ dàng tha thứ cho những bất toàn và yếu đuối của người khác. Tựu chung, trong cơn hoạn nạn con người dễ xích lại gần nhau. Phải chăng đó không phải là lý do mà để cứu độ con người Thiên Chúa đã hóa thân làm người. Làm sao con người có thể cảm nhận được tình yêu lòng nhân từ của Thiên Chúa nếu Ngài không đến với con người trong chính thân phận con người. Và khi làm người, Thiên Chúa đã trở nên giống con người trong tất cả mọi sự ngoại trừ tội lỗi. Kinh Thánh Cựu Ước đã mượn hình ảnh người tôi tớ đau khổ để nói lên khuôn mặt đích thực của Thiên Chúa làm người. Thiên Chúa không chỉ làm người mà còn làm một con người đau khổ. Tất cả là để bày tỏ sự gần gũi và cảm thông với con người. Ngài đã ngồi đồng bàn với những người tội lỗi, những kẻ bị đẩy ra bên lề xã hội. Tựu chung, Ngài đã vác trên vai tất cả gánh nặng khổ đau của con người. Ơn cứu độ đã được thể hiện bằng sự cảm thông. Thiên Chúa đã hóa thân làm người không chỉ để chịu đau khổ mà còn để đồng khổ đau với con người. Tương lai của nhân loại thuộc về sự cảm thông. Nhân loại có thực sự trưởng thành và tồn tại hay không là tùy mức độ của sự cảm thông. Sta- lin một trong những người đồ tể tàn bạo nhất trong lịch sử nhân loại đã từng tuyên bố : Khoa học là vị cứu tinh của con người. Nhưng với hai cuộc thế chiến, với không biết bao nhiêu lò sát sinh, với không biết bao nhiêu trại tập trung, nhân loại đã thấy rõ ràng khoa học và kỹ thuật đã không hề là vị cứu tinh của nhân loại. Ngày nay, với sự tiến bộ của khoa học và kỹ thuật, cuộc sống con người ngày càng được lấp đầy bằng nhiều tiện nghi hơn, nhưng có một điều chắc chắn là, mãi mãi con người không thể nào vượt qua được số phận bất toàn và mong manh của mình, mãi mãi khổ đau vẫn còn đó và khổ đau vẫn có đó để không ngừng mời gọi con người biết sống cảm thông với nhau hơn.
Lạy Chúa Giêsu, Chúa cảnh báo chúng con ngày nào có nỗi khổ của ngày ấy. Chúa cũng dạy chúng con hãy vác lấy thập giá mỗi ngày và đi theo Chúa. Xin cho chúng con biết đón nhận cuộc sống với tinh thần tin tưởng và phó thác và nhất là biết luôn tỏ ra cảm thông trước nỗi khổ đau của người đồng loại. Bởi vì chỉ với thái độ ấy chúng con mới có thể đi vào mầu nhiệm vượt qua của Chúa. Amen
Radio Veritas