MỤC LỤC
TOC \o "1-3" \h \z \u SỐNG LỜI CHÚA
VỀ CHUYẾN THĂM CỦA PHÁI ĐOÀN TÒA THÁNH
Chuyến viếng thăm Bạch Nga của ĐHY Bertone, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh
Lễ Trọng Kính hai Thánh Tông Ðồ Phêrô và Phaolô tại Roma
Chương Trình Sinh Hoạt của ĐTC Bênêđitô XVI trong mùa hè
Giới thiệu trang Web giao tiếp trên mạng cho tất cả các bạn trẻ Công Giáo trên khắp thế giới
Hội đồng Giám Mục Hàn Quốc gặp gỡ đối thoại Đại kết và Liên tôn với các tôn giáo
Phong trào Focolare đang chuẩn bị bầu người kế nhiệm vị sáng lập phong trào là Chị Chiara Lubich.
ĐỨC THÁNH CHA CÔNG BỐ ĐỀ TÀI NGÀY HÒA BÌNH THẾ GIỚI MÙNG 1 THÁNG GIÊNG NĂM 2009
Ký văn kiện lịch sử kết nghĩa Chị Em giữa hai Giáo hội Los Angeles và Saigòn
Thánh lễ truyèn chức Linh mục tại giáo phận Bắc Ninh
10 Tân linh mục và 1 phó tế được truyền chức tại Dòng Chúa Cứu Thế Saigòn
Lần đầu tiên Giáo Phận Ban mêthuột mừng Lễ Bổn Mạng.
Thánh lễ truyền chức linh mục tại Giáo phận Vinh
Vài nét nhìn về tình hình ơn gọi của Giáo hội Pháp
Trích tài liệu tỉnh tâm linh mục Phú Cường tháng 7.08
CHÚA DẠY TA NƠI “NGƯỜI CON CẢ”
TÌNH YÊU – HÔN NHÂN – GIA ĐÌNH
NHƯ MỘT LỜI MỜI:
- Kính mời quý vị vào trang web www.tinvui.org để đọc các bài viết khác
- Mọi thư từ cộng tác góp ý và giúp đỡ xin quý vị gửi về địa chỉ E-mail :bantreconggiao@yahoo.com
- Ban biên tập Tin vui rất mong nhận được sự đón nhận của quý vị độc gỉa gần xa
- Xin Thiên Chúa ban muôn ơn lành và đồng hành với quý vị trong hành trình đời sống Kitô hữu
Chúa Nhật XIV Thường Niên
PHÚC ÂM: Mt 11, 25-30
"Ta dịu hiền và khiêm nhượng trong lòng".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, Chúa Giêsu lên tiếng nói rằng: "Lạy Cha là Chúa trời đất, Con xưng tụng
Cha, vì Cha đã giấu không cho những người hiền triết và khôn ngoan biết những
điều ấy, mà lại mạc khải cho những kẻ bé mọn. Vâng, lạy Cha, vì ý Cha muốn như
vậy. - Mọi sự đã được Cha Ta trao phó cho Ta. Và không ai biết Con, trừ ra Cha.
Và cũng không ai biết Cha, trừ ra Con và kẻ Con muốn mạc khải cho. "Tất cả hãy
đến với Ta, hỡi những ai khó nhọc và gánh nặng, Ta sẽ nâng đỡ bổ sức cho các
ngươi. Hãy mang lấy ách của Ta và hãy học cùng Ta, vì Ta dịu hiền và khiêm
nhượng trong lòng, và tâm hồn các ngươi sẽ gặp được bình an. Vì ách của Ta thì
êm ái, và gánh của Ta thì nhẹ nhàng".
Ðó là lời Chúa.
“Con ngợi khen Cha vì Cha đã giấu không cho những người khôn ngoan và thông thái biết. Cha lại mạc khải cho những người bé mọn. Vâng lạy Cha, vì ý Cha muốn như vậy” (Mt 11, 25).
Trong lời cầu nguyện của mình, Chúa Giêsu nhắc đến những người “bé mọn”. Người “bé mọn” là ai mà lại được Chúa yêu thương tỏ mình để mạc khải cho họ ? Họ chính là người nghèo của Chúa. Họ là những người nhiệt thành đi tìm Chúa. Họ thấy mình cần Chúa, ước mong được Chúa ngự vào tâm tư mình. Vì thế, cái “bé mọn” mà Chúa ưu tiên tỏ mình không chỉ là nghèo vật chất, thiếu thốn cái ăn, cái mặc, mà còn bao gồm nhiều thái độ sống tốt như : sống siêu thoát trước vật chất, khước từ sự tham lam vật chất, khiêm nhường, đói tình thương, thiếu thốn đời sống tinh thần, bị cướp bóc văn hóa, bị tước đoạt từ vật chất, tình yêu đến nội tâm…Đúng hơn, họ là những người bé mọn trước thế gian, nhưng lớn lao trước Chúa.
Nếu người bé mọn trước thế gian được Chúa yêu thương mạc khải cho, thì ngược lại, người không bé mọn – họ được Chúa Giêsu gọi là “người khôn ngoan thông thái” – sẽ xa Chúa diệu vợi. Nói năng hơn, họ sẽ đui mù trước Chúa, bởi bị Chúa ‘che giấu” mầu nhiệm bản thân Người. Bằng câu chuyện cụ thể sau đây, ta có thể hiểu “người khôn ngoan và thông thái” mà Chúa Giêsu nói đến là ai.
Người đàn ông đến xin cho con trai ông được rước lễ trọng thể, nhân dịp giáo xứ chúng tôi tổ chức rước lễ trọng thể vào một ngày giữa tháng 7, dù con ông đang học giáo lý ở một giáo xứ khác. Tôi đồng ý với điều kiện, cha xứ nơi mà em đang học giáo lý cho phép. Nếu chuyện chỉ có thế thì không còn gì để nói. Nhưng lần thứ hai, đến gặp tôi, ông cho biết, con ông học trường tư, nột trú, có tiếng là nghiêm khắc trong vấn đề kỷ luật và học tập. Đầu tháng 7, con ông tựu trường để vào lớp 2. Bình thường, trường đã nghiêm khắc. Bây giờ lên lớp 12, chắc chắn trường sẽ còn nghiêm khắc hơn. Con ông không dám và cũng không được phép nghỉ học bất cứ ngày nào. Trong khi tuần đầu tháng 7 là tuần các em chuẩn bị rước lễ trọng thể ở giáo xứ chúng tôi tĩnh tâm. Nhưng vì luật của nhà trường như thế, người đàn ông đòi tôi phải cho em khỏi tĩnh tâm, và vẫn cho phép em cũng được rước lễ chung với các học viên khác.
Nghe xong câu chuyện, tôi buồn, thở hắt ra mà không biết phải nói lời nào. Chọn lựa của người Công giáo thời nay là như thế sao: Sự học hành thay Thiên Chúa. Kiến thức ở đời thay lý lẽ đức tin. Giá trị trần thế thay giá trị Nước Trời. Cái chóng qua thay cho vĩnh cửu. Kiến thức đức tin bị đạp xuống hảng thứ yếu, đẩy kiến thức học vấn của đời tạm bợ vượt lên hàng chủ yếu. Kiến thức đức tin là đường lối của Thiên Chúa, là phương hướng dẫn con người đến gặp chính thiên Chúa, lại bị đạp xuống hàng thứ yếu, có khác gì Thiên Chúa đã bị người ta đẩy xuồng để cuộc đời vượt lên. Hóa ra đời mới là “thiên chúa” của họ, còn Thiên Chúa lại bị họ biến thành một thứ xa xỉ phẩm nào đó, có cũng được, không có cũng không sao. Mà kẻ loại chính Thiên Chúa không ai khác hơn là chính con cái trong nhà, là người Công giáo chính hiệu, là chính con Thiên Chúa.
Đáng thương cho lối suy nghĩ nông nổi dẫn đến cả một quyết định, cả một chọn lựa sai lầm lớn không thể nói hết. Người ta chấp nhận hình thức và sẵn sàng phục vụ thứ hình thức ấy một cách giả trá thay cho thực chất, thay cho lòng yêu mến Chúa thật. Chỉ cần đánh lừa lương tâm rằng, con tôi đã lãnh bí tích rồi, thế là đủ, chẳng cần để ý đến việc nó có hiểu biết gì về bí tích mà nó lãnh nhận hay không.
Người đàn ông trong câu chuyện trên muốn trang bị cho con của ông giàu có về sự học hành, lớn lao về đường công danh, bảo đảm cho tương lai đời nó. Khi trang bị cho con mình, ông cũng đồng thời nghĩ tới ông, nghĩ tới gia đình ông bằng một giấc mơ thiên đàng trần thế về danh giá ở đời, về sự nổi nang, ngưỡng mộ trong ánh mắt mọi người xung quanh. Nhưng ông lầm. Tìm kiếm thông thái và khôn ngoan trần thế mà không tháp nhập trần thế vào sự cứu độ siêu nhiên, ông có thể tìm được thành công trần thế, nhưng chắc chắn đời đời vắng bóng siêu nhiên. Chỉ trong sự cứu độ siêu nhiên của Chúa, người ta mới đạt tới vĩnh cửu. Vì thế, nếu chỉ tìm kiếm trần thế, đó là sự đánh cắp đời mình, cắt đứt vĩnh cừu. Cắt đứt vĩnh cửu là làm ngắn đời mình. Chính ông đã gieo, cũng như đã gieo vào tâm tư của con ông lối suy nghĩ, lối sống làm ngắn đời mình. Ông đã đánh cắp đời mình đã vậy, lại còn đánh cắp đời con của ông. Nguy hiểm hơn khi sự đánh cắp này có dấu hiệu “di truyền”. Không biết có bị quan lắm không, nếu nói rằng, một khi con ông “thừa hưởng’ thái độ đánh cắp ấy của ông, thì nó sẽ còn bao nhiêu lần đánh cắp như thế đến bao nhiêu thế hệ con người. Siêu nhiên mà vắng bóng vĩnh cửu, vĩnh cửu mà bị đánh mất, Thiên Chúa bị đẩy xa đời người, thông thái và khôn ngoan vẫn cứ là dốt nát.
Qua lời cầu nguyện cùng Chúa Cha “Con ngợi khen Cha vì Cha đã giấu không cho những người khôn ngoan và thông thái biết. Cha lại mạc khải cho những người bé mọn. Vâng lạy Cha, vì ý Cha muốn như vậy”. Chúa Giêsu dạy ta phải có thái độ phó thác tuyệt đối của một người có tinh thần nghèo khó trọn vẹn. Bởi chỉ có trong tinh thần của một người nghèo. Ta mới thấy mình chẳng là gì. Tất cả là bởi Chúa, phát xuất từ Chúa. Đối với Kitô hữu, chúng ta cần biết rằng, chính bản thân ta cũng chỉ là bụi đất, rồi sẽ trở về bụi đất. Tất cả những hy vọng, những tìm kiếm, những bươm chải, những tranh giành, những vất vả, những hao mòn lặn lội mới có trong cuộc đời này… đều chỉ là hư không, tất cả chỉ là một trò ảo thuật. Ta không là chủ đời mình, càng không bao giờ là chủ những gì mình tạo ra. Cùng với sự tắt thở của thân xác, ngay lập tức, ta trở nên thối rữa, nhơ nhớp. Vì thế, Chúa Giêsu dạy ta phải có thái độ phó thác tuyệt đối cho Chúa như một người bé mọn, trước thế gian, chẳng có gì. Phó thác tuyệt đối cho Chúa là làm giàu Thiên Chúa cho đời mình. Thiên Chúa là Vĩnh Cửu. Ai làm giàu Thiên Chúa, người đó bước vào vĩnh cửu. Vì thế, chỉ những ai biết làm giàu Thiên Chúa cho đời mình mới là người thật sự khôn ngoan.
Cuộc đời mà ta đồng hành với nó, chỉ là một người bạn bạc bẽo. Lẽ nào ta lại chọn sự bạc bẽo làm chúa của mình thay Thiên Chúa đầy lòng xót thương, Đấng mà ta phải tôn thờ suốt đời. Đừng quên rằng, những người chỉ biết tìm kiếm sự thông thái, tìm kiếm khôn ngoan trần thế sẽ bị Chúa che giấu. Họ chỉ là những kẻ dại khờ, đui mù trước Chúa, Chúa chỉ mạc khải chính Chúa cho những người bé mọn. Đó là những người nghèo khó thật sự, là những người phó thác trọn đời mình trong tay Chúa thực sự.
Lạy Thiên Chúa là Cha chúng con. Chúng con xin lặp lại chính lời cầu nguyện của Chúa Giêsu mà Vinh danh Cha rằng : Chúng con ngợi khen Cha vì Cha đã giấu không cho những người khôn ngoan và thông thái biết Cha lại mạc khải cho những người bé mon. Vâng lạy Cha, vì ý Cha muốn như vậy, nên suốt đời, chúng con nguyện trở thành người nghèo của Cha, và là người bé mọn trong Nước Cha, biết phó thác đời mình trong tay Cha. Xin dẫn dắt chúng con đi tới, để chúng con hạnh phúc mãi mãi vì được ở trong nhà Cha.
Lm. GB Nguyễn Minh Hùng
Phái đoàn Tòa Thánh đã thăm và làm việc tại Việt Nam từ ngày 9 đến 15.6.2008. Đây là một sự kiện lịch sử. Mọi thành phần Giáo hội Việt Nam đều đón chờ tin tức. Phòng báo chí của Tòa Thánh đã đáp ứng bằng một thông cáo chính thức công bố ngày 17.6.2008.
Tôi đã đọc và rất vui mừng với từng chi tiết. Riêng mấy chi tiết sau đây đã khiến tôi suy nghĩ nhiều :
“Sự đóng góp của các tín hữu vào việc thăng tiến con người, sự phổ biến một nền văn hóa liên đới với những tầng lớp yếu thế nhất trong dân chúng, và việc giáo dục luân lý cho các thế hệ trẻ”.
Phái đoàn Tòa Thánh coi những chi tiết trên đây là ‘ thuộc đời sống và họat động của Giáo hội Việt Nam”. Nói thế là. Phái đoàn Tòa Thánh nhấn mạnh mấy chi tiết đó với xã hội Việt Nam, đồng thời cũng nhắc nhở cho chính Giáo hội Việt Nam.
Nhắc nhở này là rất quan trọng
Phúc âm đề cao bổn phận với những người đau khổ, Công đồng Vatican II nhấn mạnh đến phẩm giá con người. Thông điệp “Đấng Cứu chuộc con người” coi con người là con đường của Hội Thánh.
Thế nhưng, đối với nhiều người Công giáo Việt Nam, bổn phận quan trọng đó vẫn chưa được quan tâm đủ và đúng cả trên thực tế lẫn trên lý thuyết.
Có một thói quen dễ làm cho người ta hiểu việc giữ đạo chỉ đơn sơ trong một khuôn khổ nhỏ, như xem lễ, đọc kinh, tham gia việc chung họ đạo, vâng lời cha xứ, đóng góp cho nhà thờ.
Có một truyền thống dễ làm cho người ta hiểu gia đình thiêng liêng của người công giáo là một ranh giới hẹp, như cùng một đức tin, cùng một phép rửa, cùng một Thiên Chúa là Cha.
Những ranh giới đó đã ổn định rồi. Vượt ra những ranh giới đó là một mạo hiểm chưa quen. Bởi vì :
Thăng tiến con người là một chân trời mênh mông. Nên rất ngai
Văn hóa liên đới với những thành phần yếu thế nhất trong quần chúng là một cởi mở đòi nhiều dấn thân. Nên ngại.
Giáo dục luân lý cho giới trẻ điều đòi phải làm gương hơn nêu lý thuyết.Đòi hỏi như thế là một thách đố lớn. Nên ngại.
Trước tới giờ, truyền thống đạo là nhấn mạnh đến đức tin. Tin vào Chúa. Tin vào Hội Thánh Chúa.
Tất nhiên, tin vào Chúa và tin vào Hội Thánh Chúa đòi phục vụ con người, nhất là những tầng lớp yếu thế nhất, nhưng thực tế cho thấy hướng mở ra về con người vẫn bị trục trặc ở nhiều nơi, ở nhiều thời.
Trục trặc đó cũng dễ hiểu. Siêng năng đi lễ đọc kinh , đóng góp vào nhà thờ nhà chung, thì dễ làm, dễ thấy và dễ an lòng. Còn dấn thân cho tầng lớp nghèo khổ, bệnh tật, cô đơn, thì khó biết phải làm tới đâu, nhất là khó mà được cộng đoàn nhất trí khích lệ.
Rất cảm ơn Phái đoàn Tòa Thánh đã khuyến khích hướng sống đạo mở ra về con người.
Cũng rất cảm ơn Phái đoàn Tòa Thánh về nhắc nhở đó, vì hướng mở ra đó giúp Công giáo đối thoại với các tôn giáo bạn và với xã hội Việt Nam hôm nay.
Đã từ lâu, nhất là từ ngày dân chúng Việt Nam sống trong chế đệ mới, các tôn giáo tại Việt Nam đã dần dần ý thức về thời điểm mới. Thời điểm mới này có đối thoại về cuộc sống con người là cách khẳng định tốt nhất về giá trị tôn giáo của mình
Xin phép đưa ra một vài kinh nghiệm sống động riêng tư :
Giáo phận Long Xuyên nằm trong vùng đồng bằng song Cửu Long có nhiều tôn giáo. Trong đó, tôn giáo mạnh nhất là Phật giáo Hòa Hảo.
Được sống giữa các tín đồ Phật giáo Hòa Hảo, tôi thường xuyên có một sự đối thọai với các tín đồ tôn giáo bạn. Đối thoại này là đối thoại về cuộc sống con người. Đời sống con người ở đây có nhiều khó khăn về nhiều mặt. Chính đời sống đó là địa chỉ để chúng tôi gặp nhau.
Phải chân thành nói lên sự thực này là : các anh chị em Phật giáo Hòa Hảo thực hiện rất tốt một nền văn hóa liên đới với những người nghèo khổ, cô đơn, bệnh tật, gìà cả.
Người Công giáo chúng ta cũng thực hiện nền văn hóa liên đới với những thành phần yếu nhất trong xã hội. Nhưng đôi khi chưa nhiều bằng, chưa mau lẹ bằng, chưa bền bỉ bằng.
Có thể nói việc từ thiện vốn được coi là việc chính của đạo ta, nhưng đó là trên lý thuyết, chứ không trên thực tế.
Vì thế, sự nhắc nhở của Phái đoàn Tòa Thánh trong thời điểm này là rất quý giá. Việc truyền giáo sẽ sinh được hiệu quả nhiều hay ít, cũng tùy thuộc vào hướng phục vụ con người, nhất là bằng một nền văn hóa liên đới đối với những tầng lớp khác.
Năm 1937, Mahatma Gandhi, vị anh hùng dân tộc đã nói với các nhà truyền giáo : “Hãy để cho đời sống các ngài nói với chúng tôi như đóa hoa hồng không cần ngôn ngữ, mà chỉ đơn sơ để cho hương thơm của mình lan tỏa. Cả người mù không nhìn thấy hoa hồng mà cũng nhận ra được hương thơm của nó. Hãy để cho chúng tôi nghĩ tới sự cao cả của nhân dân các ngài, khi họ tỏa hưởng thơm đời sống. Đối với tôi, đó là tiêu chuẩn duy nhất. Tất cả những gì tôi muốn họ làm là sống đời sống Kitô hữu, chứ không phải chú giải nó”.
Mẹ Thánh Têrêsa Calcutta đã làm như vậy. Và Mẹ đã được dân tộc Ấn Độ tôn vinh. Ai cũng biết đời sống của Mẹ là âm thầm trong hy sinh phục vụ người nghèo và chiêm niệm lặng lẽ. Đó là đời sống đức tin đẹp lòng Chúa và được lòng dân. Nó đã ảnh hưởng rất lớn đến việc loan báo Tin Mừng giữa một vùng đất mênh mông không Công giáo.
Tại Ấn Độ là thế, còn tại Việt Nam ta thì sao ? Tôi thấy tại Việt Nam cũng thế thôi. Nhưng một hướng sống đạo khác đang lấn lướt. Đó là một hướng sống đạo ồn ào đặt nặng thành tích.
Hội đồng Giám mục Việt Nam nói chung và từng vị Giám mục Việt Nam nói riêng đã nhiều lần nhấn mạnh đến việc làm chứng cho đức tin bằng đời sống bác ái, cho dù âm thầm. Nay Phái đoàn Tòa Thánh nhắc nhở hướng đó, thực là quý.
Phái đoàn đến rồi đi. Còn Hội Thánh Việt Nam vẫn ở lại trên đất nước này một cách vui tươi trong niềm hy vọng vào Chúa.
Xin Chúa cho mỗi người tín hữu chúng ta biết thực hiện những gì Phái đoàn nhắc nhở.
Thực hiện là điều không dễ. Khó ở phía xã hội. Khó cũng ở phía chúng ta. Nhưng chúng ta cậy tin vào Chúa nhân lành giàu tình yêu thương xót.
ĐGM GB Bùi Tuần
Một số nhận định của Đức Hồng Y Tarcisio Bertone, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh về
chuyến viếng thăm Bạch Nga
Trong các ngày từ 18 đến 22-6-2008 Đức Hồng Y Tarcisio Bertone, Quốc Vụ Khanh
Tòa Thánh, đã viếng thăm Bạch Nga.
Trong 5 ngày viếng thăm Đức Hồng Y đã gặp gỡ Đức Cha Tadeus Kondrusiewicz, Tổng
Giám Mục Minsk, và vị tiền nhiệm là Đức Hồng Y Kazimierz Swiatek, cũng như thăm
các cộng đoàn công giáo địa phương. Đức Hồng Y Bertone cũng gặp gỡ các vị lãnh
đạo Giáo Hội Chính Thống có số tín hữu chiếm đa số tại Bạch Nga, và các vị lãnh
đạo cấp cao của chính quyền Bạch Nga.
Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn một số nhận định của Đức Hồng Y
Tarcisio Bertone, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, về chuyến viếng thăm Bạch Nga vừa
qua.
Hỏi: Thưa Đức Hồng Y, sau khi viếng thăm Cuba Đức Hồng Y đã thăm Bạch Nga. Hai
quốc gia này đã gây tranh luận giữa cộng đồng quốc tế. Tại sao Đức Hồng Y lại
quyết định viếng thăm Bạch Nga?
Đáp: Tòa Thánh đối thoại với tất cả mọi người, đặc biệt là với các quốc gia có
liên lạc ngoại giao với Tòa Thánh, và lượng định các tiêu chuẩn phán đoán từ
phía thứ ba một cách tự do. Các tiêu chuẩn đó có thể được chấp nhận hay có thể
được thảo luận. Đàng khác Bạch Nga là một quốc gia quan trọng, vì nằm ở biên
giới giữa Âu châu và nước Nga to lớn. Cũng chính vì thế đó là điều thuận lợi khi
Tòa Thánh có các liên hệ thân hữu với Bạch Nga để cho quốc gia này cũng có thể
rộng mở hơn với phần còn lại của thế giới.
Hỏi: Ngày 23-6-2008 hãng thông tấn Nga Interfax có viết rằng Đức Hồng Y phê bình
sự kiện Hoa Kỳ cấm vận Bạch Nga, có đúng thế không?
Đáp: Trong một cuộc phỏng vấn tôi đã chỉ hạn hẹp tái khẳng định rằng Tòa Thánh
chống lại tất cả mọi hình thức cấm vận kinh tế đối với bất cứ quốc gia nào, kể
cả Bạch Nga. Các cuộc cấm vận kinh tế luôn luôn khiến cho dân nghèo phải thiệt
thòi, và củng cố các chính quyền mà người ta muốn trừng phạt. Tôi nhớ tới các
can thiệp của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolo II đối với Irak và Cuba.
Hỏi: Như thế Tòa Thánh đã tiếp nhận tích cực tin Âu châu bỏ cấm vận đối với
Cuba?
Đáp: Chắc chắn rồi. Và chúng tôi cũng đã nói với Hoa Kỳ là chúng tôi không chia
sẻ việc Hoa Kỳ cấm vận quần đảo Caraibi.
Hỏi: Ngoài Bạch Nga, Đức Hồng Y cũng đã viếng thăm Ucraine, Armenia,
Azerbaigian. Đây là một kiểu bao vây đối với Nga hay thế nào thưa Đức Hồng Y?
Đáp: Không có chuyện bao vây nào cả. Nếu có thì chỉ là tìm tới gần nước Nga
thôi. Nhưng mà không có chương trình chọn lựa viếng thăm các nước này, mà chỉ có
lời mời từ các giới lãnh đạo đạo đời các nước nói trên, và chúng tôi quyết định
tích cực đáp trả lại lời mời đó. Đặc biệt là để cho các giáo đoàn công giáo địa
phương được ích lợi nhờ các chuyến viếng thăm này.
Chính vì thế tôi luôn luôn tìm cách viếng thăm nhiều giáo phận chừng nào có thể, cũng như các đại chủng viện và các trung tâm văn hóa đời, hầu có thể khiến cho cuộc đối thoại giữa lý trí và lòng tin, giữa lòng tin và văn hóa, giữa lòng tin và khoa học đem lại nhiều lợi ích. Tất cả đều là các đề tài định đoạt đối với Giáo Hội và thế giới ngày nay.
Hỏi: Trong chuyên viếng thăm Đức Hồng Y cũng đã hội kiến với tổng thống
Aleksander Lukashenko. Hai bên đã đề cập tới các vấn đề gì và có viễn tượng nào
cho một thỏa hiệp giữa Bạch Nga và Tòa Thánh hay không?
Đáp: Cuộc hội kiến đã kéo dài 1 giờ rưỡi. Nó đã rất hữu ích và hứa hẹn đối với
Giáo Hội, được coi là một tài nguyên đích thật của quốc gia. Một cách cụ thể
chúng tôi đã thảo luận về vài vấn đề, như việc xây các nhà thờ mới, xây Tòa Sứ
Thần mới, và xây một trụ sở cho HĐGM Bạch Nga.
Cũng đã có các nền tảng cụ thể cho thỏa hiệp giữa hai bên, và nó sẽ rất tích cực
đối với Giáo Hội cũng như Nhà Nước Bạch Nga.
Hỏi: Tổng thống Lukashenko không được báo chí Tây Phương nhìn với con mắt thiện
cảm. Ông ta có thực sự là người ”kinh khủng” như báo chí miêu tả hay không thưa
Đức Hồng Y?
Đáp: Cuộc hội kiến giữa chúng tôi đã rất là thân tình, cởi mở và chân thành.
Tổng thống đã trình bày rõ ràng các tư tưởng của ông, và tôi cũng đã nói lên các
tư tưởng của tôi. Cũng đã có các lời nói khôi hài trong buổi hội kiến.
Hỏi: Đức Hồng Y cũng đã hội kiến với Đức Tổng Giám Mục Filarete của Chính Thống
giáo. Đức Tổng Giám Mục Filarete có lo âu đối với hoạt động truyền giáo của Giáo
Hội Công Giáo hay không?
Đáp: Tuyệt đối là không. Trong buổi gặp gỡ chúng tôi đã đề cập tới sự cộng tác
cần thiết giữa Giáo Hội Chính Thống và Giáo Hội Công Giáo, trong việc giáo dục
lòng tin cho nhân dân Bạch Nga, sau bao thập niên phải sống dưới chế độ vô thần
tàn phá tâm linh. Chúng tôi cũng nói tới việc xây cất các nhà thờ mới cho cả hai
bên. Tôi đã cầu mong có sự đua tranh giữa hai Giáo Hội, làm sao để cho lòng tin
Kitô tại Bạch Nga ngày càng được phổ biến và đào sâu hơn.
Hỏi: Nhưng chính trong các ngày qua Đức Thượng Phụ Alexis II đã lại tái phê bình
phong trào chiêu dụ tín đồ của Giáo Hội Công Giáo tại Nga, tại sao vậy thưa Đức
Hồng Y?
Đáp: Tôi đã không đọc được các lời tuyên bố này. Dầu sao đi nữa, chúng tôi đã
giải thích rõ ràng lập trường của chúng tôi và có một ủy ban hỗn hợp làm việc để
giải quyết vấn đề này. Chúng tôi có các liên hệ tốt với Tòa Thượng Phụ Chính
Thống Nga. Tôi đã cho phát hành một tập sách nhỏ bằng tiếng Nga liên quan tới
thiện ích chung giữa hai Giáo Hội, với lời đề tựa của Đức Tổng Giám Mục Kyril,
là ”ngoại trưởng của Tòa Thương Phụ Matscơva”. Tôi nghĩ rằng các lời tuyên bố
của Đức Thượng Phụ Alexis II hướng tới các giáo phái và các nhóm tôn giáo khác
hơn là hướng tới Giáo Hội Công Giáo.
Hỏi: Thưa Đức Hồng Y vì các chuyến viếng thăm quốc tế của Đức Hồng Y nên báo chí
thế giới gọi Đức Hồng Y là ”Phó Giáo Hoàng” và nhiều người so sánh Đức Hồng Y
với Đức Pacelli, Đức Hồng Y nghĩ sao?
Đáp: Trước hết nó khiến cho tôi nghĩ rằng một vài so sánh là có ý giỡn chơi,
nhưng có lẽ cũng không phải là kết qủa của ý tốt. Dĩ nhiên sự kiện được làm việc
tại cùng cái bàn, mà tín hữu Đức đã gửi tặng Đức Hồng Y Pacelli khi người được
chỉ định làm Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, và là nơi người đã từng làm việc xưa kia
trước khi trở thành Đức Pio XII, là một vinh dự đối với tôi. Nhưng tôi không dám
so sánh mình với một vị lỗi lạc như người, đặc biệt trong một thời điểm định
đoạt với lịch sử Giáo Hội và lịch sử thế giới. Ngoài ra các chuyến viếng thăm
của tôi nằm trong quan điểm mục vụ và khung cảnh nhiệm vụ của tôi, và chúng luôn
luôn được thỏa thuận trước với Đức Thánh Cha và Đức Thánh Cha theo dõi với rất
nhiều chú ý.
Hỏi: Liên quan tới các chuyến công du của Đức Thánh Cha, ngày 21-6-2008 hãng
thông tấn APCOM có viết rằng năm 2009 Đức Thánh Cha sẽ viếng thăm Phi châu, có
đúng thế không thưa Đức Hồng Y, và có nước nào được chọn chưa?
Đáp: Các chương trình sinh hoạt năm 2009 của Đức Thánh Cha chưa được xác định.
Nhưng đó là một giả thiết, vì Phi châu và Giáo Hội tại Phi châu đáng được Đức
Thánh Cha viếng thăm. Tôi cũng phải nói thêm rằng đã có rất nhiều nước Á châu và
Arập mời Đức Thánh Cha viếng thăm.
Chưa có nước nào được chọn cả, vì đây là một lựa chọn tế nhị. Ngoài các yếu tố
địa lý chính trị, còn phải chú ý tới các nhu cầu an ninh đối với Đức Thánh Cha
và tín hữu cũng như dân chúng tiếp đón Đức Thánh Cha nữa.
Hỏi: Thưa Đức Hồng Y, nghi thức tiếp đón Tổng Thống Bush đã gây ra vài tranh
luận. Đức Thánh Cha không tiếp tổng thống ở Dinh Tông Tòa mà tại tháp thánh
Gioan và trong vườn Vaticăng. Đó có phải là cử chỉ cần thiết không?
Đáp: Đây đã là một lời đáp lễ cung cách tổng thổng Bush và phu nhân tiếp đón Đức
Thánh Cha trong chuyến công du Hoa Kỳ vừa qua. Chính tổng thống Bush đã xin được
tiếp đón không theo hình thức nghi lễ ngoại giao thông thường. Và dĩ nhiên lá
chúng tôi đã chấp thuận lời yêu cầu của tống thống.
Hỏi: Báo chí Tây Ban Nha và Italia có đề cập tới cuộc hội kiến của Đức Hồng Y
với Thủ tướng Jose Luis Rodriguez Zapatero của Tây Ban Nha trong hội nghị thượng
đỉnh của tổ chức Lương Nông Quốc Tế vừa qua tại Roma, có đúng thế không?
Đáp: Chúng tôi đã chỉ chào hỏi nhau ngắn gọn. Cũng như tôi đã chào tổng thống
Luis Ingacio Lula da Silva của Brasil. Tôi đã trao đổi lâu hơn với tổng thống
Giorgio Napolitano và với Phó tổng thống Cuba, cũng như tổng thống Sri Lanka và
bà tổng thống Argentina.
Hỏi: Với bà tổng thống Cristina Fernandes de Kirchner Đức Hồng Y đã nói chuyện
tới 40 phút, thời gian này có đủ để giải quyết các vấn đề giữa Argentina và Tòa
Thánh như vấn đề của vị tân đại sứ, vấn đề Giám Mục giám hạt quân đội và của các
giáo phận mới tại vùng Patagonia hay không?
Đáp: 40 phút không đủ để giải quyết tất cả mọi vần đề, nhưng đủ để giúp nhận
định ra các ánh sáng phải đi theo để có được giải pháp hòa bình. Đặc biệt liên
quan tới việc mừng kỷ niệm 25 năm chấm dứt xung khắc giữa Argentina và Chile vào
năm 2009 tới đây nhờ sự trung gian của Giáo Hội.
Hỏi: Trong hội nghị thượng đỉnh của tổ chức FAO tại Roma Đức Thánh Cha đã không
gặp vị quốc trưởng nào. Đây có phải là một kiểu ngoại giao để từ chối lời xin
của tổng thống Iran hay không?
Đáp: Tuyệt đối là không rồi. Những gì thông cáo của phòng báo chí tòa thánh viết
là sự thật đơn sơ. Tòa Thánh đối thoại với tất cả mọi người trong các hình thái
và cách thức như được ghi chép trong lễ nghi của Tòa Thánh.
Hỏi: Đức Hồng Y nghĩ gì về vụ bắt cóc Emmanuella Orlandi, con gái của một nhân
viên Vaticăng, mà trong những ngày qua báo chí, phát thanh và truyền hình gây
náo động lên?
Đáp: Tòa Thánh đã cho biết lập trường rõ ràng rồi. Những gì đã xảy ra trong các
ngày qua khiến cho người ta nghĩ tới một trường hợp xìcăngđan mùa hè cổ điển,
được giàn dựng lên để lôi kéo sự chú ý của độc giả hay khán thính giả đang lo đi
nghỉ hè. Tôi xin lợi dụng dịp này để cám ơn nhật báo Tương Lai của Hội Đồng Giám
Mục Italia đã bênh vực ký ức Đức Tổng Giám Mục Marcinkus. Tòa Thánh cũng gần gũi
và chia sẻ nổi khổ đau của gia đình Orlandi và cầu mong các giới chức tư pháp
mau chóng tìm ra tin tức liên quan tới Emmanuela Orlandi.
Đức Thánh Cha khai mạc Năm Thánh Phaolô Tông Đồ
ROMA - Lúc 6 giờ chiều 28-6-2008, ĐTC Biển Đức 16 đã chủ sự kinh chiều I trọng thể tại Đền thờ Thánh Phaolô ngoại thành để khai mạc năm kỷ niệm 2 ngàn năm sinh nhật của thánh Phaolô Tông đồ.
Hiện diện trong biến cố này đặc biệt có Đức Thượng Phụ Bartomomaios I, Giáo Chủ Chính Thống Constantinople, cũng là vị thủ lãnh danh dự chung của Chính Thống giáo, 70 chức sắc đại diện các Cộng đoàn Kitô khác, Anh giáo và đông đảo các tín hữu ngồi chật thánh đường. Nhiều tín hữu tham dự từ bên ngoài vì nhà thờ không đủ chỗ.
Mở đầu ĐTC cùng với Đức Thượng Phụ và đại biểu các Giáo Hội Kitô Anh Em, các Đan
sĩ Biển Đức và đoàn giúp lễ đi rước trong khuôn viên Thánh Đường, trong khi ca
đoàn hát kinh cầu các thánh. Khi đến trước tượng Thánh Phaolô, ĐTC đã thắp lên
ngọn đèn đầu tiên đặt trong một lồng kính trên một bình mầu gạch, và sẽ được giữ
cho cháy sáng trong suốt năm Thánh Phaolô. Tiếp đến, Đức Thượng Phụ Bartolomaios
và Đức TGM Drexel Wellington Gomez của giáo tỉnh Anh giáo West Indies, đại diện
Đức Giáo Chủ Anh giáo cũng thắp lên 2 ngọn nến trắng để đặt trong lồng kính như
vậy. Rồi đoàn rước vào bên trong Thánh Đường, qua cửa Thánh Phaolô, tiến lên
gian cung thánh. Tại đây, ĐTC và Đức Thượng Phụ xuống trước mộ thánh Phaolô dưới
bàn thờ chính và cầu nguyện trong thinh lặng rồi xông hương.
Trong gian cung thánh hai bên bàn thờ có hàng chục Hồng Y và đông đảo các Giám
Mục. Hai hàng ghế đầu tiên dành cho các vị đại sứ và chính quyền thành Roma,
đứng đầu là ông Đô trưởng Roman Alleman.
Trong bài giảng, sau thánh ca, 3 thánh vịnh và bài đọc trích từ đoạn mở đầu thư
thánh Phaolô tông đồ gửi tín hữu Roma (1,1-7), ĐTC đã nêu bật một số nét nổi bật
trong cuộc sống và hoạt động của Thánh Phaolô, ”Thầy của dân ngoại trong đức tin
và chân lý, tông đồ và là người loan báo Chúa Giêsu Kitô”.
ĐTC nhấn mạnh rằng thánh Phaolô, đối với chúng ta, không phải là một nhân vật
quá khứ mà chúng ta tưởng niệm và tôn kính. Thánh nhân còn là vị thầy hiện tại
của chúng ta, tông đồ và là người loan báo
Chúa Kitô cho chúng ta”.
ĐTC trưng dẫn 3 đoạn Kinh Thánh để trả lời câu hỏi: Phaolô là ai, Người đang nói
gì với tôi?”.
Trước tiên là câu thánh nhân viết trong thư gửi tín hữu Galát (2,20): ”Tôi sống
trong niềm tin Con Thiên Chúa, Đấng đã yêu thương và hiến mình vì tôi”. Tất cả
những gì Thánh Phaolô làm đều xuất phát từ trung tâm ấy. Niềm tin của ngài là
kinh nghiệm được Chúa Giêsu Kitô đặc biệt yêu thương, một tình yêu đánh động tận
thâm tâm và biến đổi thánh nhân. Niềm tin của Ngài không phải là một lý thuyết,
một ý kiến về Thiên Chúa và về thế giới. Niềm tin của thánh nhân là ảnh hưởng
của Thiên Chúa trên con tim của ngài”.
Cảm nghiệm được Chúa yêu thương đến cùng đã mở mắt thánh Phaolô về chân lý và về
con đường cuộc sống của con người. Tình yêu ấy nay trở thành ”luật” cho cuộc đời
của thánh nhân và cũng là tự do của ngài. Ai yêu thì sống hoàn toàn trong trách
nhiệm về tình yêu ấy và không coi tự do như một cái cớ cho sự hành động độc đoán
và ích kỷ.
Câu Kinh Thánh thứ hai là lời Chúa hỏi thánh Phaolô trên đường Damas: ”Saulo,
Saulo, tại sao ngươi bách hại Ta?”. Saulo hỏi: ”Lạy Chúa, Ngài là ai?”, Chúa
đáp: ”Ta là Giêsu mà người đang bách hại” (TĐCV 9,4ss). Chúa Giêsu đồng hóa với
Giáo Hội. Chúa Kitô không rút lui về trời, để lại một đoàn môn đệ tại thế mà
ngài sai đi thi hành chính nghĩa của Ngài. Giáo Hội không phải là một hội đoàn
cổ võ cho một chính nghĩa nào đó. Ở đây không phải là một chính nghĩa nhưng là
chính con người của Chúa Giêsu Kitô, có xương có thịt, dù đã sống lại. Chúa đang
hiện diện trong Giáo Hội của Ngài, Đầu và Thân Mình họp thành một chủ thể duy
nhất.
Từ ý tưởng trên đây, ĐTC nhắc đến nghĩa vụ tái tạo sự hiệp nhất của thân mình
Chúa Kitô, như thể chính Chúa nói ”làm sao các con có thể xâu xé thân mình của
Thầy?” Trước mặt Chúa Kitô, lời này đồng thời trở thành một lời kêu gọi cấp
thiết: chúng ta hãy cùng nhau loại bỏ mọi chia rẽ. Hãy làm sao để ngày hôm nay
thực tại mới này lại trở thành sự thực: Chỉ có một bánh, vì thế, chúng ta tuy
nhiều, nhưng chúng ta là một thân mình duy nhất”.
Câu nói thứ 3 của Thánh Phaolô được ĐTC nêu bật trong buổi hát kinh chiều hôm
qua là lời thánh nhân nhắn nhủ môn đệ Timothê từ trong tù, trước cái chết: ”Con
hãy cùng chịu đau khổ với Thầy vì Tin Mừng” (2 Tm, 1,8). ĐTC nói:
”Trách vụ rao giảng và lời kêu gọi chịu đau khổ vì Chúa Kitô đi song song không
thể tách rời. Lời kêu gọi trở thành Thầy dậy dân ngoại đồng thời trong nội tại
cũng là một lời kêu gọi chịu đau khổ trong niềm hiệm thông với Chúa Kitô, Đấng
đã cứu chuộc chúng ta qua cuộc Khổ Nạn của Ngài. Trong một thế giới gian dối
hoành hành mạnh mẽ, chân lý phải trả bằng đau khổ. Ai muốn tránh né đau khổ, đẩy
ra đau khổ ra khỏi mình, thì cũng đẩy xa chính sự sống và sự cao cả của sự sống;
họ không thể là người phục vụ chân lý và phục vụ đức tin. Không có tình yêu nào
mà không có đau khổ - đau khổ vì phải từ bỏ chính mình, vì phải biến đổi và
thanh tẩy cái tôi của mình để tiến tới tự do đích thực. Nơi nào không có gì đáng
giá để phải chịu đau khổ, thì chính sự sống cũng bị đánh mất giá trị”.
Và ĐTC kết luận rằng: ”Đau khổ mà thánh Phaolô phải chịu làm cho thánh nhân trở
nên đáng tin cậy như bậc thầy chân lý, ngài không tìm lợi lộc, vinh danh bản
thân và thỏa mãn cá nhân, nhưng dấn thân cho Đấng đã yêu thươgn và hiến mạng
sống mình vì tất cả chúng ta”.
Buổi hát kinh chiều kết thúc với kinh Magnificat và các ý nguyện cầu cho Giáo
Hội có thêm nhiều Thợ Tin Mừng để muôn dân được cứu độ, và bảo vệ Giáo Hội khỏi
mọi lo âu và sai lầm đang đảo lộn bộ mặt trái đất. Sau Kinh Lạy Cha, ĐTC và Đức
Thượng Phụ Bartolomaios đã ban phép lành cho mọi người. (SD 28-6-2008)
Lúc 9 giờ 30 phút, sáng Chúa Nhật 29 tháng 6 năm 2008, Ðức Thánh Cha Benêđitô XVI đã chủ tế Thánh Lễ bên trong Ðền Thờ Thánh Phêrô, để mừng kính hai Thánh Tông Ðồ Phêrô và Phaolô, và trao giây Pallium, --- tức giây Choàng Vai bằng da chiên, biểu tượng cho quyền tổng giám mục và sự hiệp thông giáo hội --- cho 40 Vị Tân Tổng Giám Mục đã được bổ nhiệm trong năm qua. Thật ra, đã có 42 vị tân tổng Giám Mục được bổ nhiệm, nhưng chỉ có 40 vị đến Roma để đích thân lãnh nhận dây Pallium từ tay Ðức Thánh Cha. Hai vị còn lại sẽ lãnh nhận dây Pallium tại chánh toà địa phương, qua trung gian các toà Sứ Thần.
Ðặc biệt có Ðức Thượng Phụ Bartolomêô I, Giáo Chủ Ðại Kết của Chính Thống Giáo Costantinopoli, tham dự Thánh Lễ do ÐTC chủ tế cùng với các Tân Tổng Giám Mục đến Roma để lãnh nhận dây Pallium. Sau bài Phúc Âm được công bố bằng hai thứ tiếng Latinh và Hy Lạp, ÐTC giới thiệu Ðức Giáo Chủ Bartolomêô I với cộng đoàn tín hữu hiện diện. Ðức Thượng Phụ Bartolomêô I đáp từ nói lên những tâm tình hiệp thông với Giáo Hội Công Giáo Roma; và sau đó là bài giảng của ÐTC.
Trước hết, khi giới thiệu Ðức Thượng Phụ Bartolomêô I, ÐTC đã nói như sau:
" Thưa anh chị em, Lễ trọng kính hai thánh tông đồ Phêrô và Phaolô, quan thầy của Giáo Hội Roma và, -- cùng với các thánh Tông đồ khác, --- nền tảng của Giáo Hội duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền, (lễ trọng này) hằng năm mang đến cho chúng ta sự hiện diện của phái đoàn anh em từ Giáo Hội Chính Thống Costantinopoli; năm nay, do trùng hợp với việc khai mạc Năm Thánh Phaolô, phái đoàn này do đích thân Ðức Thượng Phụ Bartolomêô hướng dẫn. Tôi xin kính chào ngài và nói lên niềm vui được dịp may một lần nữa trao đổi cái hôn bình an với ngài, trong niềm hy vọng chung được nhìn thấy "ngày hiệp nhất", "ngày của sự hiệp thông trọn vẹn" giữa chúng ta, đến gần. Tôi cũng xin chào mọi thành phần phái đoàn, chào những vị Ðại diện của các giáo hội kitô khác và của những cộng đoàn giáo hội, đã đến chúc mừng, và như thế nói lên dấu chỉ cho ý muốn gia tăng bước tiến đến sự hiệp nhất trọn vẹn giữa những môn đệ của Chúa Kitô. Giờ đây chúng ta hãy sẵn sàng lắng nghe những suy tư của Ðức Giáo Chủ Ðại Kết, lắng nghe những lời mà chúng ta muốn đón nhận với con tim rộng mở, bởi vì đây là những lời đến từ người anh em được Chúa yêu thương."
Sau những lời trên, Ðức Thượng Phụ Bartolomêô I chia sẻ những suy tư của ngài, và cầu chúc cho "công cuộc đối thoại thần học" giữa hai giáo hội công giáo và chính thống giáo, luôn tiến tới, mặc cho những khó khăn vẫn còn đó.
Ðức Thượng Phụ đã nói như sau:
"Công cuộc đối thoại thần học giữa hai Giáo Hội chúng ta, trong đức tin, trong sự thật và trong tình yêu thương, nhờ sự trợ giúp của Thiên Chúa, đang tiến tới, vượt qua những khó khăn đáng kể và những vấn đề. Chúng ta thật sự mong ước và chúng ta cầu nguyện nhiều cho ý chỉ này; ước gì những khó khăn được vượt qua và ước chi những vấn đề được giãm bớt đi càng sớm càng tốt, để đạt tới mục tiêu cuối cùng, và danh Chúa được cả sáng. Chúng tôi biết rõ quý Chư huynh cũng ao ước như vậy; chúng tôi biết rõ rằng Chư Huynh không bỏ qua bất cứ điều gì, qua việc làm của đích thân chư huynh và cùng với những cộng tác viên, theo một chương trình trọn vẹn về con đường tiến đến sự hoàn thành tích cực công cuộc đối thoại một cách đẹp lòng Thiên Chúa".
Về phần mình, Ðức Bênêđitô XVI đã nhấn mạnh trong bài giảng của ngài rằng Giáo Hội không bao giờ đồng hoá mình với chỉ một quốc gia, không bao giờ đồng hoá với chỉ một nền văn hoá; nhưng giáo hội là "giáo hội của tất cả mọi người" giữa những phân rẽ của thế giới. Bổn phận của Phêrô là sáng tạo sự hiệp nhất của Giáo Hội từ tất cả mọi dân nước. Ðó là sứ mạng thường hằng của Phêrô. Ước chi Giáo Hội được luôn là Giáo Hội của tất cả mọi người. Ước chi Giáo Hội quy tụ nhân loại vượt qua mọi ranh giới và làm cho hoà bình của Thiên Chúa, làm cho sức mạnh hoà giải của tình yêu Thiên Chúa, được hiện diện giữa những chia rẽ của thế gian này.
Sau đó, nhắc đến ý nghĩa của việc trao Dây Pallium cho các tân Tổng Giám Mục, Ðức Thánh Cha đã nói như sau: Khi chúng ta mang trên vai dây choàng Pallium này, chúng ta được nhắc nhớ đến Ðấng chăn chiên đã vác con chiên lạc trên vai và đưa nó về đàn chiên. Các giáo phụ ngày xưa đã nhìn thấy nơi con chiên nầy hình ảnh của toàn thể nhân loại, của bản tính con người bị lạc mất, không biết đường trở về nhà". Dây Pallium là "biểu hiệu của tình thương chúng ta đối với Ðấng Chủ Chăn là Chúa Kitô", và là biểu hiệu cho lời mời gọi hãy yêu thương tất cả mọi người, nhờ sức mạnh của Chúa Kitô, Chủ Chăn.
Một điểm đặc biệt khác nữa trong Thánh Lễ sáng Chúa Nhật 29 tháng 6 năm 2008, là Ðức Thánh Cha Bênêđitô XVI và Ðức Thượng Phụ Bartolomêô I đã cùng nhau đọc kinh Tin Kính bằng tiếng Hy Lạp, theo như truyền thống phụng vụ của các giáo hội đông phương Byzantines.
Sau Thánh Lễ, ÐTC nói thêm vài lời huấn đức, trước khi xướng kinh Truyền Tin và ban phép lành cho mọi người.
Phỏng vấn ĐHY Andrea Cordero Lanza di Montezemolo, Linh Mục trưởng Vương cung thánh đường thánh Phaolô ngoại thành, về Năm Thánh Phaolô
Lúc 6 giờ chiều thứ bẩy 28-6-2008 Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã chủ sự buổi hát
Kinh Chiều trong thể tại đền thờ thánh Phaolô ngoại thành, để khai mạc Năm Thánh
Phaolô, kỷ niệm 2000 năm thánh nhân sinh ra.
Tham dự lễ nghi khai mạc Năm Thánh Phaolô có Đức Thượng Phụ Bartolomaios I, Giáo
chủ Giáo Hội Chính Thống Constantinopoli kiêm Giáo chủ danh dự toàn Chính Thống
giáo, và 70 vị đại diện các Giáo Hội Kitô anh em khác, trong đó có Đức Tổng Giám
Mục Drexel Gomez, Giáo chủ Anh giáo miền Tây Ấn Độ, đại diện Đức Tổng Giám Mục
Cantebury, Đức Tổng Giám Mục Theophanis của Gerasa nguyên Thượng Phụ Bisantin
Giêrusalem, Linh Mục trưởng Ignatios Sotiriadis thuộc Giáo Hội Chính Thống Hy
Lạp, Đức Tổng Giám Mục Giorgios di Phapos đại diện Giáo Hội Chính Thống đảo
Chypre, Đức Tổng Giám Mục Valentin của giáo phận Orenburg và Buzuluk thuộc Tòa
Thượng Phụ Matscơva.
Giảng trong buổi Kinh Chiều Tam Nhật chuẩn bị mừng lễ hai thánh Phêrô Phaolô và
khai mở Năm Thánh Phaolô, tại đền thờ thánh Phaolô ngoại thành ngày thứ năm
26-6-2008, Đức Hồng Y Walter Kasper, Chủ Tịch Hội Đồng Tòa Thánh hiệp nhất các
tín hữu Kitô, khẳng định rằng Năm Thánh Phaolô là dịp tái đẩy mạnh nỗ lực đại
kết. Đối với mọi Kitô hữu nó là một thách đố ”trở thành các chứng nhân can đảm
của Chúa Kitô giống như thánh Phaolô”, ”trở thành một ngọn đuốc sáng chiếu soi
và định hướng cho thế giới và là mối dây nối kết các Kitô hữu chia rẽ với nhau”.
Chính cuộc sống của thánh Phaolô là một lời mời gọi đối thoại. Thánh nhân đã là
người quen sống trong thế giới do thái và hy lạp, đã từ Phương Đông sang Phương
Tây, từ
Giêrusalem tới Roma, và là chứng nhân tính cách đại đồng của Chúa Kitô, là Đấng
vượt lên trên mọi nền văn hóa, và cho tới nay là mối dây nối kết tất cả mọi Giáo
Hội Kitô.
Thánh Phaolô là vị tông đồ của sự hiệp nhất và của tất cả mọi người đã được rửa
tội. Còn hơn thế nữa, như là tín hữu do thái nhiệt thành, thánh nhân đã làm
chứng cho thấy rằng các tín hữu do thái và kitô đều là thành phần giao ước duy
nhất của Thiên Chúa. Phaolô cũng là chứng tá của phẩm giá bình đẳng của mọi
người. Đức Hồng Y Kasper cũng mời gọi mọi Kitô hữu trong Năm Thánh Phaolô này
chăm chỉ đọc và suy gẫm các thư của thánh nhân.
Phát biểu trong dịp này Đức Tổng Giám Mục Gennadios Zervós, thuộc Tòa Thượng Phụ
Constantinopoli đặc trách Giáo Hội Chính Thống miền nam Âu châu, ca ngợi thánh
Phaolô như là người rao giảng sự thật và bảo vệ sự hiệp nhất giữa các Kitô hữu.
Đức Tổng Giám Mục cầu mong mọi Giáo Hội Kitô có quan điểm đại kết coi thánh
Phaolô như là nền tảng.
Buổi hát Kinh Chiều bắt đầu Tam Nhật mở Năm Thánh Phaolô đã được linh hoạt bởi
các tu sĩ Biển Đức, các cộng đoàn chính thống hy lạp, các cộng đoàn tin lành
Methodist, Valdese và Episcopal cũng như cộng đồng thánh Egidio.
Trong Năm Thánh Phaolô các giáo phận toàn nước Italia cũng có các chương trình
khác nhau giúp tín hữu kỷ niệm 2000 năm thánh Phaolô sinh ra. Đặc biệt là các
giáo phận đã được thánh Phaolô đi qua như Siracusa, Reggio Calabria, khi thánh
nhân bị dẫn độ về Roma như là tù nhân của đế quốc.
Tổng giáo phận Siracusa đã cử hành Năm Thánh Phaolô 2006-2007 và tiếp tục suy tư
về thánh Phaolô trong năm 2008-2009. Đức Tổng Giám Mục Giuseppe Costanzo đã lấy
thánh Phaolô làm chủ đề cho bức thư mục vụ thứ hai gửi tín hữu giáo phận với tựa
đề ”Hỡi các người được chúc phúc, hãy chúc tụng” lấy hứng từ thư thánh Phaolô
gửi giáo đoàn Êphêxô.
Tổng giáo phận Reggio Calabria thì cử hành Năm Thánh Phaolô với các cuối tuần
đại phúc và hướng dẫn đọc hiểu các thư của thánh Phaolô cho tín hữu từng vùng và
các giáo xứ, cũng như các đại hội văn hóa và các cuộc hành hương sang Thổ Nhĩ
Kỳ. Trong thư mục vụ gửi tín hữu Đức Tổng Giám Mục Vittorio Mondello mời gọi mỗi
giáo xứ thành lập một trung tâm lắng nghe, giúp tín hữu đào sâu thế giới nhân
bản và tinh thần của thánh Phaolô cũng như tư tưởng của người.
Tại các giáo phận như Firenze, Pozzuoli, Palermo, Trani-Barletta-Bisceglie và
Napoli cũng đã có các thánh lễ trọng thể khai mạc Năm Thánh Phaolô, và nhiều
Giám Mục đã gửi thư mục vụ khích lệ tín hữu siêng năng đọc và suy gẫm các thư
của thánh Phaolô cũng như tham gia các sinh hoạt khác nhau trên bình diện giáo
xứ và giáo phận.
Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn một số nhận định của Đức Hồng Y
Andrea Cordero Lanza di Montezemolo, Linh Mục trưởng Vương cung thánh đường
thánh Phaolô ngoại thành, về Năm Thánh Phaolô.
Hỏi: Thưa Đức Hồng Y sự kiện Đức Thánh Cha Biển Đức XVI chủ sự lễ nghi khai mạc
Năm Thánh Phaolô xem ra là một ngạc nhiên đối với nhiều người. Tại sao lại có
việc cử hành này thưa Đức Hồng Y?
Đáp: Trước hết có lẽ cần phải đưa ra một tiền đề liên quan tới điều mà Đức Thánh
Cha Biển Đức XVI muốn nêu bật. Đây không phải là một Năm Thánh, như là Năm Thánh
mà theo truyền thống Giáo Hội cử hành từ vài thế kỷ nay, cứ 25 năm một lần, và
các Năm Thánh này gắn liền với việc mở các Cửa thánh của bốn vương cung thánh
đường chính tại Roma. Năm kính thánh Phaolô trái lại là một năm đề tài, như là
Năm Thánh Mẫu mà Đức Gioan Phaolô II muốn dành để biệt kính Đức Mẹ hồi thập niên
1980. Cách đây 2 năm chính tôi đã gợi ý xin Đức Thánh Cha mở năm kính thánh
Phaolô. Như qúy vị biết, chúng ta không biết chính xác thánh Phaolô đã sinh ra
vào năm nào, nhưng các chuyên gia nói là giữa năm thứ 6 và thứ 10 của kỷ nguyên
Kitô, và như thế đây là thời gian kỷ niệm 2000 năm thánh Phaolô sinh ra. Đức
Thánh Cha đã hứng khởi chấp thuận đề nghị của tôi và đã đề ra hai chiều kích cho
việc cử hành Năm Thánh Phaolô.
Hỏi: Hai chiều kích đó là hai chiều kích nào thưa Đức Hồng Y?
Đáp: Chiều kích thứ nhất là làm cho nhiều người, công giáo cũng như không công
giáo, biết thánh Phaolô. Thánh Phaolô đã là một người có tài truyền thông cho
người khác biết Lời Chúa, ơn cứu rỗi, và toàn bộ giáo lý Kitô, cả khi thánh nhân
đã không trực tiếp biết Chúa Giêsu Kitô, mà đã chỉ nhận được mặc khải trên đường
đến thành Damasco. Có lẽ thánh Phaolô đã là người thông truyền lớn nhất từ xưa
cho tới nay, và tiếp tục là người thông truyền lớn nhất trong lịch sử, qua các
bút tích của người. Vì thế nên thật là điều quan trọng việc làm cho thánh nhân
được biết đến nhiều hơn, đào sâu và học hỏi thánh Phaolô nhiều hơn.
Hỏi: Có người định nghĩa thánh Phaolô là ”người ghét phụ nữ”, người khác thì cho
rằng thánh nhân là ”ông tổ thứ hai của Kitô giáo”. Đó là hai định nghĩa chúng ta
thường hay gặp. Thực hư như thế nào, vì thế đây lại càng là một lý do khác nữa
khiến cho chúng ta phải tìm hiểu thánh Phaolô nhiều hơn. Tại sao gương mặt của
thánh nhân quan trọng như vậy, mà lại ít được các tín hữu biết tới như thế thưa
Đức Hồng Y?
Đáp: Chúng ta phải chú ý tới một điều. Thánh Phaolô đã hấp thụ được một nền giáo
dục hoàn toàn mang tính cách do thái. Thánh nhân đã là một rabbi do thái và là
một người thông hiểu luật lệ, vì thế đã trở thành người bách hại các Kitô hữu.
Thánh nhân đã là một người pharisêu tuân giữ luật lệ nghiêm ngặt và muốn rằng
tất cả mọi người phải tuân giữ luật lệ do thái, mà người hiểu biết một cách vẹn
toàn.
Thế rồi trên đường đến thành Damasco để bách hại các Kitô hữu thánh nhân đã được
thay đổi một cách bất thình lình. Khi đề cập tới thánh Phaolô cần phải chú ý tới
sự kiện được đổi đời này của thánh nhân. Mọi chuẩn bị giáo lý và văn hóa của
thánh nhân là do thái. Khi thánh nhân giải thích điều mà người được linh hứng
trực tiếp từ Chúa Giêsu Kitô, người giải thích bằng cách dùng nền văn hóa do
thái, dùng kiểu nói của người, và tất cả các tiền đề văn hóa của người như là kỹ
thuật. Đó là lý do giải thích tại sao đối với chúng ta thật là khó hiểu, vì
thánh nhân hoàn toàn chìm đắm trong thế giới do thái thời bấy giờ. Ngoài ra,
cũng cần phải nói rằng thánh Phaolô cũng hơi ngoắt nghéo trong tư tưởng của
người, vì thế nhiều người không hiểu thánh nhân. Nhưng đàng khác, chúng ta cũng
không được quên rằng Kitô giáo đã có gốc rễ nơi Do thái giáo. Có biết bao nhiêu
điều của Kitô giáo sẽ không thể nào giải thích được một cách tốt đẹp và hoàn
toàn, nếu không tìm về các gốc rễ đó.
Hỏi: Trên đây Đức Hồng Y đã nói Đức Thánh Cha nhắm hai chiều kích khi mở Năm
Thánh Phaolô. Thế chiều kích thứ hai là chiều kích nào thưa Đức Hồng Y?
Đáp: Đề tài thứ hai mà Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã nhấn mạnh rất nhiều đó là
khía cạnh đại kết. Hơn các đền thờ khác ở Roma, tự nó, đền thờ thánh Phaolô
ngoại thành đã có chiều kích đại kết này rồi. Chúng ta hãy nhớ đến biết bao
nhiêu sáng kiến, các lễ nghi, các buổi canh thức cầu nguyện, các đại hội đã được
tổ chức tại đền thờ thánh Phaolô này, và tất cả đếu hướng tới chỗ tái tạo sự
hiệp nhất của Giáo Hội, giữa các Kitô hữu thuộc các Giáo Hội Kitô khác nhau. Vì
thế với Năm Thánh Phaolô này Đức Thánh Cha Biển Đức XVI muốn đẩy mạnh việc tìm
về hiệp nhất qua lời cầu nguyên, qua việc học hỏi và đào sâu sự hiểu biết về
thánh Phaolô của tất cả mọi tín hữu Kitô.
(Avvenire 28-6-2008)
VATICAN - Sáng thứ tư mùng 2 tháng 7, sau buổi tiếp kiến chung, Đức Thánh Cha Bênêđitô XVI đã rời Vatican ra cư ngụ tại Nhà Nghỉ Mát ở Castel Gandolfo, cách phía nam Roma khoảng 30 cây số.
Được biết, buổi tiếp kiến chung vào sáng thư tư mùng 2 tháng 7, là buổi tiếp
kiến chung duy nhất của Đức Thaánh Cha trong tháng 7 này. Và các buổi tiếp kiến
chung khác bị đình lại, mãi cho đến thứ tư, 13 tháng 8, các lịch tiếp kiến chung
mới được bắt đầu.
Trong thời gian nghỉ hè, Đức Thánh Cha cũng không có các buổi tiếp kiến riêng và
đặc biệt nào cả.
Về việc đọc kinh trruyền tin vào Trưa Chúa Nhật, thì chỉ có hai Trưa Chúa Nhật,
mùng 6 và 27 tháng 7, Đức Thánh Cha đọc kinh Truyền Tin tại Sân Nhà Nghỉ Mát
Castel Gandolfo. Còn lại hai lần đọc Kinh Truyền Tin vào trưa Chúa Nhật 13 và 20
tháng 7, thì ĐTC sẽ đọc kinh Truyền Tin, bên Úc Châu, nhân ngày Quốc Tế Giới Trẻ
(QTGT).
Sau khi đi Úc Châu để tham dự và bế mạc ngày QTGT trở về lại Roma, thì từ ngày
28 tháng 7 cho đến 11 tháng 8, ĐTC sẽ đi nghỉ hè ở Bressanone, một thành phố nhỏ
với khoảng 20,000 dân cư trong tỉnh Bolzano, miền núi Alpes, miền bắc Italia.
Tại Bressanone, Đức Thánh Cha sẽ cư ngụ tại Chủng Viện.
Theo nguồn tin bán chính thức cho biết, Đức Thánh Cha sẽ dùng thời gian nghỉ hè
sắp tới để chuẩn bị thông điệp thứ III của ngài và soạn thảo phần thứ II của tập
sách “Chúa Giêsu quê làng Nazareth”.
SYDNEY, Úc.- Nhằm chuẩn bị cho Ngày Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới sắp tới tại Sydney, Úc Châu - một nhóm bạn trẻ Công Giáo nằm trong Ban Tổ Chức WYD 2008 vừa lập ra một trang Web có tên Xt3.com nhằm giúp các bạn trẻ Công Giáo trên khắp cả thế giới có được một môi trường giao tiếp lành mạnh hoàn toàn mang tính chất Công Giáo, để cho các bạn trẻ Công Giáo khắp nơi dễ dàng liên lạc, trao đổi, và chia sẽ kinh nghiệm về đức tin, về đời sống đạo, vân vân. .. với nhau, để tất cả cùng nhau mang ánh sáng đức tin của Chúa Kitô ra cho cả thế giới
Mục đích chính của Xt3.com là Mang Phúc Âm của Chúa Kitô vào Thiên Niên Kỷ Thứ 3
(Bringing the Gospel of Christ into the Third Millennium) và dựng xây một thế
giới tốt đẹp hơn.
Đức Giám Mục Anthony Fisher cho biết rằng:
"Cái tên Xt3 có được là xuất phát từ sự gợi hứng của Đức Cố Giáo Hoàng Gioan
Phaolô Đệ Nhị và nó tượng trưng cho dòng chữ 'Chúa Kitô trong Thiên Niên Kỷ Thứ
3' (Christ in the Third Millenium). Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô Đệ Nhị đã nói
về nhiệm vụ hết sức đặc biệt này của giới trẻ là hãy mang sứ điệp của Chúa Kitô
ra cho thế giới vào thiên niên kỷ thứ 3."
Cụ thể hơn, Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô Đệ Nhị đã nói ra những lời như thế này:
"Các con, hỡi những người bạn trẻ của Cha, các con được trao phó cho một sứ vụ
hết sức đặc biệt của việc làm chứng tá cho đức tin thời nay, và cam kết để mang
Phúc Âm của Chúa Kitô vào Thiên Niên kỷ Thứ Ba của Kitô Giáo để dựng xây một nền
văn minh mới."
Mời các bạn hãy ghé thăm trang Web
Xt3.com tại địa chỉ:
http://www.xt3.com/ để thấy được sự sinh
động, lòng nhiệt thành, và tính vui nhộn của các bạn Công Giáo trẻ ngày nay!
Connect with millions. Share the experience. Build a better world.
Seoul, Hàn Quốc (AsiaNews) - Hội đồng Giám Mục Công Giáo Hàn Quốc đã thực hiện một loạt các cuộc gặp gỡ liên tôn với Phật giáo, Nho giáo, Tin lành, Anh giáo, Chính Thống giáo và các tôn giáo truyền thống của Hàn Quốc.
Với tên gọi Một cuộc Hành trình với Hội Đồng Giám Mục Công Giáo về Đối thoại Đại
kết và Liên tôn, chuỗi gặp gỡ này được mở ra cho các thành viên của các niềm tin
tôn giáo khác nhau và được tổ chức hàng năm vào cuối tháng Sáu.
Để bắt đầu cho chương trình này, Cha Lee Jeong-ju và 20 chủng sinh Công Giáo sẽ
gặp gở Hội đồng Kitô giáo Hàn Quốc (Tin lành), Văn phòng Giáo phận Seoul của
Giáo hội Anh giáo Hàn Quốc, Văn phòng Giáo phận của Giáo hội Chính Thống Hàn
Quốc, Văn phòng Phật Giáo Jogyae và Seonggyungwan (Nho giáo).
Giáo Hội Công Giáo đã mở rộng mối quan hệ tốt đẹp với các tôn giáo khác cũng như
bày tỏ mối quan hệ thân thiện lẫn nhau giữa Đức Hồng y Stephen Kim Sou-hwan và
Hòa thượng Beupjeung của Phật giáo, cũng như đưa ra những lời cầu chúc tốt đẹp
nhân các dịp lễ tôn giáo.
Chương trình của các giám mục đã được các tôn giáo khác chào đón một các tích
cực, các vị lãnh đạo tôn giáo hy vọng những buổi gặp mặt sẽ gặt hái thành quả và
giúp cho công cuộc đối thoại và hòa hợp ở đất nước này.
Castel Gandolfo, Ý (Zenit) – Tổng nghị hội phong trào Focolare đang chuẩn bị bầu người kế nhiệm vị sáng lập phong trào là Chị Chiara Lubich.
Chị Chiara Lubich, thành lập phong trào năm 1943, mới qua đời hồi tháng Ba năm nay. Chị đã điều khiển phong trào trong thời gian hơn 60 năm.
Bà Chiara Cottignoli, một ủy viên truyền thông của phong trào Focolare, xác nhận với hãng thông tấn Zenit rằng: “theo nội quy của phong trào, một phụ nữ sẽ là người kế nhiệm Chị Chiara Lubich.” Bà nói thêm rằng trong số 500 người tham dự tổng nghị hội, có hơn phân nửa là phụ nữ.
Trong điện văn gửi các đại biểu tham dự tổng nghị hội họp tại Trung tâm
Mariapolis ở Castel Gandolfo từ nay đến hết ngày 13 tháng 7, Đức giáo hoàng
Bênêđictô XVI khuyến khích phong trào giáo dân này “tiếp tục làm nhân chứng có
hiệu quả cho Tin Mừng, theo tấm gương đầy lôi cuốn của con người được thương nhớ
khôn nguôi là Chị Chiara Lubich.”
Thông điệp của Đức thánh cha do Quốc vụ khanh Tòa thánh là Đức hồng y Tarcisio
Bertone ký, bày tỏ niềm hy vọng rằng “biến cố quan trọng này sẽ linh hứng nên
nhiều quyết định phong phú, hầu canh tân sự gắn bó thiết tha với Đức Kitô” cũng
như “thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa các hoạt động tông đồ nhằm đáp ứng với những thách
đố hiện nay.”
Ngày giờ bầu cử chưa được biết rõ. Vào lúc này, các đại biểu trong nhiều ủy ban
khác nhau đang họp bàn để giải quyết các vấn đề quan trọng liên quan đến những
hoạt động của phong trào tông đồ giáo dân này.
Hiện nay, phong trào Focolare có mặt tại 182 quốc gia, có 141 ngàn đoàn viên và
2.115.000 “thân hữu và cảm tình viên”, trong số này có 30 ngàn người không theo
Kitô giáo.
VATICAN -- Sáng 1-7-2008 văn phòng báo chí Tòa Thánh đã cho công bố đề tài Đức
Thánh Cha chọn cho Ngày Hòa Bình Thế Giới lần thứ 42 cử hành ngày mùng 1 tháng
Giêng năm 2009. Đó là ”Chống lại nghèo đói, xây dựng hòa bình”.
Thông cáo phòng báo chí Tòa Thánh viết:
Với đề tài này Đức Thánh Cha Biển Đức XVI cố ý nhấn mạnh sự cấp thiết cần tìm ra
câu trả lời cho nạn nghèo đói, được hiểu như vấn đề vật chất đói khát thực phẩm,
nhưng nhất là như vấn đề luân lý và tinh thần, đói khát của ăn thiêng liêng và
các giá trị siêu việt. Mới đây Đức Thánh Cha đã tố cáo sự vấp phạm của nạn nghèo
đói trên thế giới. Ngài viết trong sứ điệp gửi hội nghị quốc tế của tổ chức
Lương Nông Quốc Tế ngày mùng 2 tháng 6 vừa qua như sau:
"Làm sao có thể bất nhậy cảm trước các tiếng kêu của con người thuộc nhiều đại
lục, không có đủ lương thực để nuôi sống? Nghèo đói và thiếu dinh dưỡng không
phải chỉ là một số phận do các tình trạng môi sinh đối nghịch hay do các tai
ương thiên nhiên gây ra... các lượng định chỉ có tính cách triệt để kỹ thuật hay
kinh tế không được lấn át các bổn phận công bằng đối với những ai đang khổ đau
vì dói khát”.
Gương mù gương xấu của nạn nghèo đói cho thấy sự không thích hợp của các hệ
thống chung sống của con người ngày nay trong việc thăng tiến công ích (x. GS
69). Nó đòi buộc phải suy tư về các gốc rễ sâu xa của nạn nghèo đói vật chất và
cả sự bần cùng tinh thần, khiến cho con người vô cảm trước các khổ đau của người
khác. Như thế phải tìm giải pháp trước tiên trong việc hoán cải tâm lòng để con
người trở về với Thiên Chúa của tình bác ái (Deus caritas est) để chinh phục
được sự nghèo khó tinh thần theo sứ điệp cứu rỗi mà Chúa Giêsu đã loan báo trong
Diễn Văn Trên Núi: "Phúc cho những ai có tinh thần nghèo khó, vì nước trời là
của họ” (Mt 5,3).
Castel Gandolfo (Vat. 3/07/2008) - Sáng thứ Năm 3-7-2008 Ðức Thánh Cha đã tiếp kiến Ðức Hồng Y José Saraiva Martins, Tổng Trưởng Bộ Phong Thánh, và cho phép công bố các sắc lệnh nhìn nhận 4 phép lạ, sự tử đạo của 1 vị tôi tớ Chúa và các nhân đức anh hùng của 7 vị tôi tớ Chúa khác.
- Phép lạ thứ nhất do lời bầu cử của chân phước Damiano Giuseppe de Veuster, Linh Mục dòng Thánh Tâm Chúa Giêsu và Mẹ Maria, sinh tại Bỉ năm 1840 và qua đời trên đảo Molokai vì bệnh cùi năm 1889.
- Phép lạ thứ hai do lời bầu cử của chân phước Bernardo Tolomei, Viện phụ dòng Biển Ðức và là đấng sáng lập dòng Thánh Maria núi Oliveto, sinh tại Siena Italia năm 1272 và qua đời năm 1348.
- Phép lạ thứ ba do lời bầu cử của chân phước Nuno di Santa Maria Alvares Pereira, giáo dân thuộc dòng Các Tu huynh của Ðức Trinh Nữ diễm phúc Maria núi Camelo, sinh năm 1360 và qua đời năm 1431 tại Bồ Ðào Nha.
- Phép lạ thứ bốn do lời bầu cử của song thân thánh nữ Terexa Hài Ðồng Giêsu là Vị tôi tớ Chúa Louis Martin, sinh năm 1823 và qua đời năm 1894, và Vị tôi tớ Chúa Maria Zelia Guérin Martin sinh năm 1831 và qua đời năm 1877 tại Pháp.
Một sắc lệnh công nhận sự tử đạo của Vị tôi tớ Chúa Francesco Giovanni Bonifacio, Linh Mục giáo phận, sinh năm 1912 qua đời năm 1946 tại Italia.
Các sắc lệnh còn lại công nhận các nhân đức anh hùng của các vị tôi tớ Chúa: Stefano Douayhy, Thượng Phụ Maronit Antiokia, sinh năm 1630 qua đời năm 1704 tại Libăng; Bernardino Dal Vago da Portogruaro, Tổng Giám Mục Sardica dòng Anh em hèn mọn, sinh năm 1822 qua đời năm 1895 tại Italia; Giuseppe di Donna, Giám Mục Andria, thuộc dòng Chúa Ba Ngôi, sinh năm 1901 qua đời năm 1952 tại Italia; Maria Barbara della Santissima Trinità Maix, sáng lập dòng Các nữ tu Trái Tim Ðức Mẹ Vô Nhiễm, sinh năm 1818 tại Áo và qua đời năm 1873 tại Brasil; Pio Keller, Linh Mục dòng thánh Agostino, sinh năm 1825 qua đời năm 1904 tại Ðức; Andrea Hibernón Garmendia, tu huynh dòng La San, sinh năm 1880 qua đời năm 1969 tại Tây Ban Nha; Chiara Badano, nữ giáo dân sinh năm 1971 qua đời năm 1990 tại Italia.
SỨ GIẢ CỦA HÒA BÌNH VÀ TÌNH THƯƠNG
“Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi những điều cao cả…” (Lc 1, 49). Trước những lời ca tụng của Bà Elisabet về việc Đức Maria được diểm phúc làm Mẹ sinh ra Đấng Cứu Thế, Mẹ Maria đã khiêm tốn tạ ơn Chúa và thưa:“Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi những điều cao cả...”.
Ơn Gọi của Chúa thật là điều kỳ diệu đối với những người Chúa chọn để làm các
công việc đặc biệt của Chúa trong Giáo Hội. Đúng là “Không phải vì con Chúa chọn
con; nhưng là bí nhiệm tình yêu Chúa!”.
Khi Đức Gioan Phaolô II được bầu lên ngôi Giáo Hoàng (ngày 16-10-1978), cả thế
giới ngỡ ngàng. Một con người phải trải qua bao khó khăn thời niên thiếu để tự
sinh sống và việc học thật khó khăn, phải “tu chui”, lên được chức Linh Mục là
khá lắm rồi, thế mà Thiên Chúa đã dùng Ngài làm bao việc “trọng đại” qua bao
chức vụ khác nhau trong Giáo Hội cho đến ngôi vị Giáo Hoàng, và triều đại Giáo
Hoàng của Ngài thật dài lâu và thật tuyệt vời.
Áp dụng vào cuộc đời của Đức Đương Kim Giáo Hoàng Bênêđictô XVI, từ thời niên
thiếu cho đến Ngôi vị Giáo Hoàng, chúng ta cũng thấy Thiên Chúa đã dẩn dắt Ngài
một cách thật kỳ diệu. Bản tiểu sử thời niên thiếu của Ngài ghi lại: Vào một
buổi sáng ngày Thứ Bảy Tuần Thánh 16 tháng 4 năm 1927, tại làng quê Marktl am
Inn( thuộc Giáo phận Passau, miền Bavaria, nước Đức), bà Ratzinger, nhũ danh là
Maria Peintner, đã sinh hạ một người con trai mà hai ông bà đặt tên là Giuse
Alois Ratzinger và được chịu phép Thánh Tẩy vào chính ngày thứ bảy tuần thánh
hôm đó. Cậu là người con thứ ba và là cậu bé út trong gia đình. Anh đầu của cậu
là George Ratzinger, và chị gái tiếp theo là Maria Ratzinger. Hai anh em trai
đều được Chúa chọn lên chức Linh Mục. Còn người chị gái sống độc thân và đã đi
theo để giúp em cho đến khi qua đời vào năm 1991. Cha của cậu là Giuse
Ratzinger, Sr. Ông là một sĩ quan cảnh sát thuộc gốc một gia đình nông dân nghèo
miền quê vùng Bavaria. Mẹ cậu, trước khi kết hôn, đã làm người nấu ăn cho một số
khách sạn trong vùng. Cả hai ông bà đều thuộc gia đình công giáo tốt.
Gia đình Ratzinger đã phải sống rất khó khăn vào thời Đức Quốc Xã. Ông
Ratzinger, Sr. chống lại chế độ này, vì thấy nó rất tàn bạo, đi ngược hẳn với
đức Bác ái Công giáo. Tuy nhiên, hai người con trai của ông bà, khi lên 14 tuổi,
lần lượt vẫn phải bắt buộc ghi danh vào Đoàn Thiếu Niên của Hitler. Nhưng theo
tinh thần của bố, hai cậu bé này nhất định không hoạt động tích cực, và không
năng đi dự các cuộc họp của đoàn. Các cậu vẫn giữ vững đức tin công giáo và nuôi
ơn gọi làm Linh mục; kể cả khi phải bắt đi lính cho chế độ Hitler. Giuse
Ratzinger cũng đã bị bắt làm tù binh chiến tranh của quân đội Hoa Kỳ khi Đồng
Minh đến giải phóng nước Đức khỏi chế độ tàn bạo Đức Quốc Xã vào năm 1945.
Sau những ngày bình an trở lại trên quê hương, hai cậu con trai đều trở vào
Chủng Viện để học và tiếp tục cuộc đời tận hiến cho Chúa. Tạ ơn Chúa, cả hai anh
em đã cùng được chịu chức Linh mục vào cùng ngày 29 tháng 6 năm 1951 tại
Freising. Lúc đó, Linh mục Joseph Ratzinger mới vừa 24 tuổi. Sau khi chịu chức
Linh mục, Cha Giuse Ratzinger được cử làm giáo sư dạy trung học và tiếp tục học
hỏi thêm, và đã đậu bằng tiến sĩ Thần học vào năm 1953, rồi tiếp tục là Giáo sư
nhiều trường Đại Học nổi tiếng ở Đức để giảng dạy về triết học và thần học. Có
một thời gian Cha đã làm Khoa trưởng phân khoa Thần học và tiếp theo là Phó Viện
trưởng Đại học Rosensburg.
Ngài có đầu óc thật thông minh và ham học hỏi, đọc sách thật nhiều; nên đã viết
nhiều bài báo và tác phẩm rất giá trị, đặc biệt về Thần học và Giáo lý Công
giáo... Cũng như Đức Giáo Hoàng Phaolô II, Ngài có khiếu sinh ngữ. Ngài nói
thành thạo tiếng Ý, Pháp, Anh, Tây Ban Nha, Latinh; khá rành tiếng Bồ Đào Nha và
cũng giỏi về Cổ Ngử Hy Lạp và tiếng Do Thái cổ dùng trong Kinh Thánh. Là một nhà
trí thức nổi tiếng ở Âu Châu, Ngài đã được mời vào làm thành viên của nhiều Hàn
Lâm Viện Âu Châu. Ngài cũng được kể vào số những nhà trí thức Công giáo nổi
tiếng thời đó như Karl Rahner, Hans Kung, Hans Urs von Balthasar, Henri de
Lubac... Nhiều trường Đại học đã tặng Ngài Bằng Tiến Sĩ Danh Dự: Đại học Thánh
Tôma ở Saint Paul (Minesota, 1984); Đại học Công Giáo Lima (1986); Đại học Công
giáo Eichstatt (1987); Đại học Công giáo Lublin (1988); Đại học Công giáo
Navarre (1998); Đại học Wroclaw, Balan (2000). Ngài cũng có khiếu về âm nhạc,
chơi đàn Piano, và rất thích nhạc của Mozart và Bach.
Ngài cũng là “tư vấn” về Thần học trong Cộng đồng Vaticanô II từ 1962-1965 và
giữ các vai trò quan trọng trong Hội đồng Giám Mục Đức Quốc và Ủy Ban Thần Học
Quốc Tế.
Vào ngày 25/3/1977, Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đặt Ngài làm Tổng Giám Mục Munich
và Freising và ngày 27 tháng 6 cùng năm, lại ban cho Ngài phẩm chức Hồng Y. Sau
đó Ngài đã dự hai Mật nghị để bầu Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô I và Đức Giáo
Hoàng Gioan Phaolô II vào năm 1978.
Năm 1981 Đức Giáo Hoàng Phaolo II đặt Ngài làm Tổng trưởng Thánh bộ Đức Tin
(1981-2005). Từ đó Ngài từ chức Tổng Giám Mục Munich và trở về Giáo triều Rôma
để phục vụ cho đến khi lên Ngôi Giáo Hoàng. Trong thời gian này Ngài đã đóng góp
rất nhiều vào các công việc quan trọng của Giáo hội: Chủ tịch Ủy ban Soạn thảo
Giáo lý Công giáo và sau 6 năm làm việc (1986-1992), Ủy ban đã hoàn thành và
trình lên Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II cuốn Giáo Lý Công Giáo mới. Ngài cũng
được mời làm thành viên của các Bộ tại Giáo triều Rôma: như Bộ Giáo Hội Đông
Phương, Bộ Phượng tự và Kỷ Luật Bí Tích, Bộ Giám Mục, Bộ Rao giảng Tin Mừng cho
các dân tộc, Bộ Giáo dục Công giáo, Bộ Giáo sĩ, Bộ Phong Thánh, Hội Đồng Giáo
Hoàng về Văn Hóa, Tòa Hòa Giải Tối Cao, Hội Đồng Giáo Hoàng về Các Văn Bản
Luật... Ngày 30/11/2002, Ngài được bầu làm chủ tịch Hồng Y Đoàn.
Từ năm 1990, sức khỏe của Ngài bị suy giảm nặng vì làm việc quá nhiều; có những
lần bị trụy tim và mắt bị mờ. Vì thế, Ngài xin về hưu với ý định trở về ngôi
làng ở Bavaria để tĩnh dưỡng và viết sách. Đã ba lần Ngài đệ đơn xin từ chức;
nhưng cả ba lần Đức Giáo Hoàng đều xin Ngài ở lại. Vì vâng lời, Ngài tiếp tục ở
lại làm việc. Lạ lùng thay, ơn Chúa lại giúp Ngài hồi phục lại sức khỏe và tiếp
tục hăng hái đảm nhiệm các công việc được trao phó. Lạ lùng hơn nữa, khi Đức
Thánh Cha Gioan Phaolô II băng hà, nhiều tin đồn và báo chí đã đề cập đến tên
Ngài vào những vị sẽ được chọn. Phần Ngài chẳng tin rằng mình sẽ được chọn, vì
tuổi đã già và sức khỏe không khả quan. Anh của Ngài là Đức Ông George
Ratzinger, theo như ngừơi ta kể lại, cũng đêm ngày cầu nguyện xin Chúa đừng chọn
người em của mình. Thế nhưng “Chúa đã chọn Người mà Chúa muốn!” và Ngài đã được
chọn lên Ngôi Giáo Hoàng vào ngày 19/4/2005, lúc đã 78 tuổi ( Nhớ lại Đức Giáo
Hoàng Clêmentê XII, sinh năm 1652, đựơc Chúa chọn lên ngôi Giáo Hoàng cũng vào
lúc đã 78 tuổi, và ở ngôi Giáo hoàng đựơc 10 năm, 1730-1740; Đức Giáo Hoàng
Gioan XXIII, sinh năm 1881, được Chúa chọn lên Ngôi Giáo Hoàng lúc 77 tuổi, và ở
ngôi Giáo Hoàng được 5 năm, 1958-1963). Đức Bênêđictô XVI là vị Giáo Hoàng thứ
265 trong Giáo hội, và là vị Giáo Hoàng IX gốc người Đức.
Khi được bầu chọn xong, Ngài đã xin vâng theo ý Chúa và đã tâm sự với các vị
Hồng y hiện diện: “Tôi đã cầu xin Chúa đừng chọn tôi... nhưng Chúa đã không nhận
lời tôi cầu xin!”. Điều trùng hợp tốt lành, là ngày 19/4 lại trùng vào lễ Thánh
Leô IX, là vị Giáo Hoàng người Đức (1049-1054), được chọn lên ngôi Giáo Hoàng
lúc mới có 47 tuổi, và là vị Giáo Hoàng rất nổi tiếng thời Trung cổ, nổi tiếng
về sự thánh thiện và lòng nhiệt thành canh tân Giáo hội; dù Ngài chỉ ở ngôi vị
Giáo Hoàng có 5 năm và qua đời vào năm 1054.
Trong lời ngỏ đầu tiên khi vừa được bầu chọn, trước cộng đồng đông đảo đang chờ
đợi tại công trường Thánh Phêrô, vị Tân Giáo Hoàng 78 tuổi đã cảm động nói
(trước khi ban phép lành đầu tiên cho Thành Rôma và toàn thế giới): “Anh chị em
thân mến, sau vị Giáo Hoàng vĩ đại Gioan Phaolô II, các Đức Hồng Y đã chọn tôi,
một người thợ đơn sơ, khiêm hạ trong vườn nho của Chúa. Tuy nhiên tôi tự an ủi
rằng Chúa biết và Chúa hành động nơi những dụng cụ bất toàn; hơn nữa tôi hoàn
toàn phó thác vào lời cầu nguyện của anh chị em. Trong niềm vui Chúa Phục Sinh
và với niềm tin mạnh mẽ vào sự trợ giúp của Chúa, chúng ta hãy cùng nhau tiến
bước. Chúa sẽ nâng đỡ chúng ta. Mẹ Maria Chí Thánh của Chúa sẽ luôn ở bên cạnh
chúng ta. Xin cám ơn anh chị em!”.
Trong lời tâm tình đầu tiên với Dân Chúa vào ngày thứ Tư 27/4/2005, Đức Giáo
Hoàng nói lên lý do Ngài đã chọn danh hiệu Bênêđíctô (Trong tiếng Latinh chử
“Benedictus” có nghĩa là “người được chúc phúc” như trong câu “Benedictus qui
venit in nomine Domini! Chúc tụng đấng nhân danh Chúa mà đến!”). Đức Tân Giáo
Hoàng nói: “ Trong tâm thức vừa lo âu vừa tạ ơn Chúa, tôi xin bày tỏ cùng quý vị
tại sao tôi chọn danh hiệu Bênêđíctô: Trước là để nhớ đến Đức Giáo Hoàng
Bênêđíctô XV (1914-1922), là vị sứ giả đã rất can đảm trong sứ vụ rao giảng Hòa
Bình; Ngài đã khôn ngoan hướng dẩn Giáo Hội Chúa qua thời hỗn loạn của chiến
tranh (Thế chiến thứ nhất). Theo chân Ngài, tôi đặt trọng tâm sứ vụ của tôi vào
việc phục vụ sự hòa giải và hòa hợp giửa các dân tộc. Hơn nữa tôi chọn danh hiệu
Bênêđíctô cũng là để nhớ đến Thánh Bênêđíctô thành Nursia, đồng bổn mạng của Âu
Châu, cuộc đời Ngài nói lên cội nguồn Kytô giáo của Âu Châu. Tôi cầu xin Ngài
giúp chúng ta nắm vững được Chúa Kytô trong trung tâm điểm đời sống Kytô hữu của
chúng ta. Chớ gì Chúa Kytô luôn là điểm quan trọng nhất trong mọi tư tưởng và
hành động của chúng ta!”.
Qua Bài “Những lời tâm tình đầu tiên...” (Chúng tôi đã dịch ra và gửi đến quý vị
trước đây), chúng ta nhận thấy Ngài rất tôn trọng đường lối của Đức Tiền Nhiệm
Gioan Phaolô II, tiếp tục thi hành những chỉ thị của Cộng Đồng Vaticanô II cho
Giáo Hội trong thế giới hôm nay; đặc biệt tinh thần dấn thân phục vụ của các
tầng lớp giáo sĩ, tu sĩ và giáo dân; tinh thần tìm hiểu và liên kết với các anh
em “cùng tôn thờ một Chúa Kytô” (Ecumenical efforts); tinh thần hòa hợp và hòa
giải giữa các Tôn giáo (Đối thoại liên tôn). Chính vì thế, trong ba năm trên
ngôi vị Giáo Hoàng, Ngài đã tiếp tục đi đến gặp gở và cùng cầu nguyện với các
Tôn giáo bạn: Chính Thống Giáo, các ngành Tin Lành, Do Thái Giáo, Hồi Giáo, Phật
Giáo.v.v...
Tâm tình ‘Chủ Chăn’ của Ngài đặc biệt được biểu lộ trong hai ‘Tông Thư’
(Encyclicals) đã ra đời: Tông Thư ‘Thiên Chúa là Tình Yêu,’ ‘ God is Love’(Lấy
trong thơ I Gioan 4,8) ký vào dịp lễ Giáng Sinh 2005 (đặc biệt nhấn mạnh vào
tình yêu thương của Chúa với mọi người trong nhân loại ); Tông Thư “Niềm Hy Vọng
Cứu Rỗi” (Saved by Hope; lấy trong tư tưởng của Thánh Phaolô ‘Nhờ Đức Cậy, chúng
ta được cứu độ!”), đặc biệt nhấn mạnh vào niềm hy vọng cho thế giới “đầy thất
vọng” hôm nay, được gửi đi vào ngày 30 tháng 11 năm 2007. Người ta cũng đang chờ
đợi Tông Thư Thứ Ba trong triều đại Giáo Hoàng của Ngài: “Thành Thực Yêu Thương”
(Charity in Truth); đó là Tông Thư nhấn mạnh về các vấn đề toàn cầu hóa và công
bằng xã hội, và tinh thần yêu thương phục vụ.
Tiếp nối tinh thần của các vị Giáo Hoàng tiền nhiệm sau Công Đồng Vaticanô II,
đặc biệt Đức Gioan Phaolô II, Ngài đã dành khá nhiều thời giờ để “đến với các
Dân tộc”. Ngoài các cuộc viếng thăm mục vụ tại nhiều nơi trong nước Ý (như
Bari,2005; Manoppello ‘Pescara,’ 2006; Venora, 2006; Vigevano và Pavia, 2007;
Assisi, 2007; Loreto, 2007; Velletri, 2007; Naples, 2007; Savona và Genoa,2008),
Ngài đã thực hiện hai cuộc tông du đến Đức Quốc, một lần để chủ tọa Đại Hội Giới
TrẻThế Giới ở Cologne (18-21 tháng 8, 2005), một lần để viếng thăm những thành
phố nơi Ngài đã sống (9-14 tháng 9, 2006). Ngài đã kính viếng Ba Lan, Quê Hương
Đức Giáo Hoàng tiền nhiệm Gioan Phaolô II (25-28 tháng 5, 2006); Valantia (Tây
Ban Nha) dịp Đại Hội Thế Giới về Gia Đình Lần Thứ Năm (ngày 8-9 tháng 7, 2006);
Thổ Nhỉ Kỳ (ngày 28/11 đến ngày 01/12/2006); Brazil (ngày 9-14 tháng 5, 2007,
dịp Đại hội các Giám Mục vùng Châu Mỹ La Tinh và quần đảo Caribbê); nước Áo
(ngày 7-9 tháng 9, 2007, dịp Đại lễ kỷ niệm 850 năm Shrine of Mariazell); Hoa Kỳ
và đọc diễn văn tại Trụ sở Hội Đồng Liên Hiệp Quốc (ngày 15-21 tháng 4, 2008).
Mọi cuộc Tông Du của Ngài đều có những chủ đích đặc biệt và đều rất quan trọng,
nhưng đặc biệt quan trọng và được cả thế giới chú ý là cuộc viếng thăm Thổ Nhỉ
Kỳ và cuộc viếng thăm Hoa Kỳ và Liên Hiệp Quốc.
Cuộc viếng thăm Thổ Nhĩ Kỳ đã gây nên mối lo lắng cho cả Giáo Hội, vì những dọa
nạt, chống đối của những nhóm Hồi Giáo quá khích. Cả Giáo Hội đã dâng lời cầu
nguyện cho Ngài và mặc dầu nhiều trở ngại, nhưng Ngài cứ lên đường “nhân danh
Chúa” và với niềm tin phó thác hoàn toàn nơi Chúa. Tạ ơn Chúa, sau đó cả Giáo
Hội đã vui mừng khôn tả khi cuộc viếng thăm được hoàn tất một cách thật tốt đẹp
và Ngài trở về Rôma bình an sau khi đã nối lại được những tiến triển tốt đẹp với
anh em Hồi Giáo tại đây (chúng tôi đã tường thuật lại cuộc viếng thăm rất quan
trọng và đầy khó khăn này trong một bài viết trước đây: “Chiếc Thảm Thổ Nhĩ
Kỳ”).
Riêng cuộc viếng thăm Hoa Kỳ và Trụ Sở Liên Hiệp Quốc cũng mang ý nghĩa riêng và
thành công thật tốt đẹp, như báo chí và giới truyền thanh, truyền hình tại Hoa
kỳ và các nơi trên thế giới đã loan tin thật đầy đủ vào dịp đó.
Trước hết, cuộc viếng thăm và đọc diễn văn tại Trụ Sở Liên Hiệp Quốc của Đức
Giáo Hoàng đã được biết đến khi ông Tổng Thơ Ký Ban Ki Moon loan báo với ký giả
vào ngày 26 -4-2007 là trong dịp viếng thăm Đức Giáo Hoàng tại Vatican, ông đã
ngỏ lời mời Đức Giáo Hoàng đến thăm Liên Hiệp Quốc vào một thời điểm nào thích
hợp, và Đức Giáo Hoàng đã hân hoan nhận lời. Và thời điểm đó đã đến, Đức Giáo
Hoàng đã viếng thăm và đọc diễn văn tại trụ sờ Liên Hiệp Quốc vào ngày
18/4/2008. Trong bài diễn văn bằng tiếng Pháp và tiếng Anh, Đức Giáo Hoàng đã
ngỏ lời cám ơn ông Tổng thơ ký Liên Hiệp quốc đã mời Ngài và chào mừng toàn thể
quan khách đã đến dự. Ngài nói đến Liên Hiệp Quốc như “một Gia đình của các dân
tộc”(Family of Nations) mà vai trò là bảo vệ nhân quyền và nền công lý cho nhân
loại, cũng như dấn thân để giải quyết các vấn đề khó khăn đang xẩy ra trên thế
giới. Ngài cũng bày tỏ lòng ngưỡng mộ đối với những đóng góp vô giá của các nhân
viên làm việc cho Liên Hiệp quốc, và tưởng nhớ đến bao nhân viên đã hy sinh mạng
sống (nguyên trong năm 2007, đã có 42 nhân viên hy sinh) trong khi đến các nơi
để làm công tác nhân đạo và bảo vệ hòa bình. Chúng ta nhớ lại vị Giáo Hoàng đầu
tiên đến viếng thăm Liên Hiệp Quốc là Đức Giáo Hoàng Phaolô VI vào ngày 04-10-
1965, Ngài đã hô hào mọi người cùng với Liên Hiệp Quốc làm sao để “không còn
chiến tranh! Không còn Thế Chiến!.. Hòa Bình, Hòa bình phải đến với nhân loại!”
Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã viếng thăm Liên Hiệp Quốc vào ngày 5-10-1995
và đã nói đến “Liên Hiệp Quốc như một trung tâm tinh thần mà các nước trên thế
giới coi như ngôi nhà của mình và cùng chia sẽ trách nhiệm về sự hiện hữu của
Liên Hiệp Quốc như “một Gia đình của các Dân Tộc!”
Cuộc viếng thăm Hoa Kỳ của Đức Đương Kim Giáo Hoàng cũng đã được trù định rất
lâu và đã được loan báo trước nhiều tháng trời. Toàn thể Giáo hội Hoa kỳ đã tha
thiết cầu nguyện cho Ngài trong cuộc viếng thăm này. Hiệp Hội Côlômbô (Knights
of Columbus) đã in một bản kinh phía sau một tấm ảnh Đức Giáo Hoàng mặc phẩm
phục màu xanh (tượng trưng “niềm hy vọng” mà Đức Giáo Hoàng sẽ đem lại cho quê
hương và Giáo hội Hoa kỳ). Khẩu hiệu nói lên điều này là “Chúa Kitô, niềm Hy
vọng của chúng ta!” (Christ, our Hope). Các nhà thờ và các nơi hội họp cũng như
tại tư gia đã đọc kinh này nhiều tháng trời và chờ đợi ngày Ngài đến viếng thăm.
Bản kinh tuy ngắn, nhưng đã nói lên đầy đủ khát vọng của Giáo hội Hoa kỳ trong
cuộc viếng thăm này của Đức Gíao Hoàng: “Lạy Cha Toàn Năng, Đấng hằng rộng ban
muôn ơn lành cho chúng con, chúng con khiêm tốn cầu xin Cha soi sáng, hướng dẩn
và che chở Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI trong cuộc viếng thăm mục vụ của Ngài
trên Đất nước Hoa Kỳ. Xin chúc lành cho Đức Thánh Cha, Ngài đến như vị “Sứ Giả
của Hòa Bình và Tình Thương” cho mọi người có niềm tin và thiện tâm. Xin cho sự
hiện diện của Ngài tại Hoa kỳ giúp xây dựng sự liên đới giữa chúng con, những
con người đã được dựng nên giống Chúa và theo hình ảnh của Chúa; xin cho lời
giảng dạy của Ngài tăng thêm sức mạnh đức tin cho Dân Chúa. Lạy Cha, chúng con
xin âu yếm phó thác cuộc viếng thăm của Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô cho sự chăm sóc
của Đức Mẹ Guadalupe, Nữ Vương Lục địa Mỹ Châu. Nhờ lời chuyển cầu của Đức Mẹ,
xin cho Đức Giáo Hoàng được gìn giữ khỏi mọi hiểm nguy, và xin cho Ngài chiếu
tỏa được Chân Lý Phúc Âm mà Ngài rao giảng, và xin cho sự hiện diện của Ngài
giữa chúng con đem lại sự canh tân cho Giáo Hội trên quê hương chúng con. Chúng
con nguyện xin nhờ Chúa Kitô Chúa chúng con. Amen”.
Chúa đã thường chúc lành cho cuộc viếng thăm này của Đức Giáo Hoàng và đem lại
những thành quả tuyệt vời. Dù chương trình 6 ngày viếng thăm thật bận rộn và
phải di chuyển nhiều; nhưng ơn Chúa thương Đức Giáo hoàng vẫn đầy đủ sức khỏe
(dù ở tuổi 81) để hoàn thành mỹ mãn.
Cuộc đón tiếp thật long trọng tại Tòa Bạch Ốc ( và nhân dịp cũng mừng sinh nhật
81 của Đức Giáo Hoàng), lúc đầu báo chí nói đến số người là 9 ngàn, nhưng thực
tế số quan khách tham dự đã lên đến 13, 500. Ngoài cuộc họp mặt riêng với Tổng
Thống Bush, rồi các cuộc tiếp xúc với các chính giới Hoa kỳ, Đức Giáo Hoàng đã
lần lượt tiếp xúc và nói chuyện với hàng Giám Mục Hoa kỳ tại Vương CungThánh
Đường Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội (Washington, DC), với các nhà gíao dục Công
Giáo tại trường Đại Học Công Giáo Hoa kỳ (Catholic University of America), cùng
cầu nguyện với các đại diện các Tôn Giáo tại John Paul II Cultural Center
(Washington, DC), gặp gỡ Cộng đồng Do Thái Giáo tại Hội Đường Park East (New
York), cầu nguyện Đại kết (Ecumenical prayer service) chung với các đại diện của
các cộng đồng Kitô Giáo toàn quốc Hoa Kỳ tại Gíao Xứ Thánh Giuse (New york), rồi
những cuộc tiếp xúc với giới trẻ tật nguyền, với các Chủng sinh, với các giới
trẻ tại Đại Chủng viện Thánh Giuse (New York), cầu nguyện cho các nạn nhân tại
địa điểm bị tàn phá bình địa (Ground Zero). Chưa kể đến những Bài giảng và những
Thánh Lễ trọng thể Ngài dâng tại Công viên quốc gia (National Park, New York,
17-4-2008), tại Nhà Thờ Chánh Tòa Thánh Patrick (New York, 19-4-2008), đặc biệt
tại Yankee Stadium (New York, 20-4-2008) trước khi chào từ biệt trở về Tòa
Thánh. Trong mọi dịp Đức Gíao Hoàng đã cố gắng đem Phúc âm Tình thương và niềm
Hy Vọng đến cho mọi người thuộc mọi từng lớp xã hội, và mới gọi mọi người thuộc
các Chủng tộc và Tôn giáo khác nhau biết đối thoại để sống hòa hợp và yêu thương
nâng đỡ lẫn nhau trong cuộc sống.
“Nói chung, cuộc viếng thăm của Đức Giáo Hoàng Bênêdictô XVI đến với đất nước Hoa kỳ và Liên Hiệp quốc đã đem lại nhiều thành quả tốt đẹp. Những thành quả đó chắc chắn sẽ bền vững trên Quê hương và Giáo Hội Hoa Kỳ, và đem lại ‘một Mùa Xuân mới’ chẳng những cho Giáo Hội Hoa Kỳ, mà cho cả dân tộc Hoa Kỳ. Sau cuộc viếng thăm đã có những tiếng vọng rất tốt đẹp từ các tầng lớp khác nhau tại đất nứớc đa chủng tộc, đa tôn giáo này: Trước khi Ngài đến, nhiều người Hoa Kỳ nói họ không biết gì nhiều về Đức Giáo Hoàng này. Khi Ngài ra về, nhiều người đã nhìn thấy được Ngài như lời Ngài đã tự diễn tả về mình khi mới đến ‘như một người bạn, một người rao giảng Tin Mừng và như một người đầy lòng ngưỡng mộ một xã hội rộng lớn và đa chủng này!”(Catholic news Service).
Hiện nay mọi người lại đang chờ đợi và cầu nguyện cho cuộc tông du của Đức Giáo
Hoàng sang Úc Châu vào dịp Đại Hội Giới trẻ từ ngày 16-20 tháng 7 năm nay
(2008). Cuộc viếng thăm này cũng mang một tầm quan trọng thật đặc biệt chẳng
những cho giới trẻ thế giới mà cho bao người, đặc biệt tại Úc Châu, Á Châu. Tiếp
theo là cuộc tông du của Ngài sang Pháp ( từ ngày 12-15/9/2008) và sang Mexicô,
được dự trù vào năm tới (2009).
Đức Giáo Hoàng luôn sẳn sàng dấn thân ra đi các nơi mà Chúa muốn và làm những gì
mà Chúa muốn để đem Tin Mừng của Tình thương và niềm Hy vọng đến cho các Dân
tộc, đến cho mọi người. Ngài muốn chung tay với các nhà lãnh đạo thế giới để xây
dựng tình thương giữa các Dân tộc, giữa các Tôn Giáo, và đem lại nền Hòa bình
bền vững cho thế giới, để “trái đất này trở nên một nơi ở tốt đẹp hơn cho mọi
người!”(Thông Điệp ‘Hòa Bình Trên Trái Đất’).
Nhưng tất cả là nhờ ơn Chúa giúp. Nên ngay từ lời ngỏ đầu tiên trong ngày nhậm
chức vụ Giáo Hoàng Ngài đã nói và chúng ta nên ghi nhớ để luôn dâng các hy sinh
hàng ngày cầu nguyện cho Ngài: “... Tôi xin phó thác chính con người của tôi vào
lời cầu nguyện của anh chị em!”.
Linh Mục Anphong Trần Đức Phương
LOS ANGELES – Vào lúc 9 giờ sáng hôm nay (1-07-2008), ĐHY Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn của TGP Saìgòn đã tới nhà thờ Chính tòa Nữ Vương Các Thiên Thần của Los Angeles thăm ĐHY Roger Mahony của TGP Los Angeles để ký kết một văn kiện lịch sử giữa hai Tổng giáo phận.
Cùng tháp tùng ĐHY Phạm Minh Mẫn có Cha Nguyễn văn Khảm, giám đốc Trung tâm Công
giáo Saigòn, Cha Nguyễn Duy, trưởng ban Thánh nhạc, Cha Trần Công Nghị, giám đốc
VietCatholic, Ông Nguyễn Hợp và Nguyễn Định thuộc VietCatholic Media, và ông
Phạm văn Phổ.
Tiến sĩ Michael Downey, giáo sư Đại chủng viện Saint John, là Cố vấn thần học
của ĐHY Manhony và cũng đã từng sang Saigòn nhiều lần, đã chờ sẵn trước văn
phòng của ĐHY giáo phận Los Angeles khi phái đoàn TGP Saigòn đến. Và sau đó ĐHY
Mahony ra tận cửa đón phái đoàn vào văn phòng làm việc của Ngài.
Sau những thăm hỏi thân tình, ĐHY Mẫn nói lên lòng biết ơn sâu xa với ĐHY Mahony
vì đã tiếp nhận và chăm lo chu đáo cho linh mục và giáo dân Việt Nam trong Tổng
giáo phận. ĐHY Mahony đáp lại rằng sự hiện diện của người Việt Nam trong giáo
phận là một ân huệ Chúa gửi tới cho Giáo hội tại đây và giáo phận được chúc lành
thêm vì sự hiện diện này.
Sau đó, hai Đức Hồng Y nói lên những nhu cầu thực tế mà hai giáo phận có thể
hiệp thông, hơp tác, chia sẻ, và trao đổi với nhau về những điều cụ thể như việc
huấn luyện chủng sinh, trao đổi mục vụ và bổ túc cho nhau về giáo dục,v.v…
Đắc biệt ĐHY Mahony có nhắc tới biến cố năm 1989, lần đầu tiên một phái đoàn do
Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ muốn sang thăm Việt Nam, trong đó có ĐHY Mahony, TGM
McCarrick và một vị giám mục khác nữa. Đó là lần đầu tiên mà các Giám mục Việt
Nam được tiếp xúc với thành phần lãnh đạo Giáo hội hải ngoại từ sau khi Cộng Sản
lên cầm quyền. Cũng là lần đầu tiên ĐHY Nguyễn Văn Thuận khi đó còn là Đức cha
vừa được thả ra và bị chỉ định cư trú tại Hà Nội đã gặp được ĐHY Mahony và đã
trao một tín hiệu bí mật ra thế giới bên ngoài. Chính tôi còn nhớ, khi đó, trước
khi đi Việt nam ĐHY Mahony có đôi lần đã hỏi tôi cho biết về phong tục tập quán
và viễn tượng của Giáo hội Việt Nam. Chính ngài cũng đã nhờ tôi triệu tập một số
chừng 20 người lãnh đạo giáo dân trong vùng Nam California đến gặp gỡ và nói
truyện với Ngài, với mục đích là minh định ý muốn của Ngài muốn sang thăm Việt
Nam và cho để giáo dân có dịp trình bầy những thắc mắc hay đóng góp ý kiến.
Với câu truyện ngày hôm nay Ngài kể lại còn hứng thú hơn nhiều, và rất nhiều
tình tiết ngoạn mục và hồi hộp về chuyến đi năm 1989, những màn qua mắt công an,
những khó khăn vượt thắng được về mặt giao tế, giấy tờ đình trệ, và những hồi
hộp và những niềm vui bất ngờ... Trong một dịp khác tôi sẽ có dịp trở lại câu
truyện này.
Tiếp đó, ĐHY Mahony mời tất cả dung điểm tân và tiêp tục cuộc trao đổi kinh
nghiệm và những nhu cầu mục vụ và giáo dục.
Sau bữa điểm tâm, ĐHY Roger Mahony và ĐHY Phạm Minh Mẫn đã ký Văn kiện kết nghĩa bao gồm những điểm chính mà hai Giáo hội sẽ trao đổi và giúp nhau trong tình nghĩa anh em một nhà, nâng đỡ nhau về mọi mặt, (Xem phần Video có đọc văn kiện chính thức này). Hai người chứng nhân cùng ký là Cha Khảm và giáo sứ Michael Downey. Cha Khảm và Giáo sư Downey cũng sẽ có những hợp tác về mặt đào tạo và giáo dục, đặc biệt giữa Trung Tâm Công giáo Saigòn và các Trung Tâm giáo dục trong TGP Los Angeles.
Theo như lời ĐHY Tổng giáo phận Saigòn cho biết, trọng tâm chính của chuyến đi
lần này là kết nối tình thân hữu và cộng tác giữa hai giáo phận kể là lớn nhất
tại Hoa Kỳ và lớn nhất tại Việt Nam. Văn kiện lịch sử kí kết ngày hôm nay sẽ là
bước tiến mới cho sự hợp tác lâu dài trong tương lai mà tiềm năng về nhân sự và
khả năng rất khả quan để bù trừ cho nhau.
Theo Tiến sĩ Downey cho biết thì đây cũng là "Văn kiện kết nghĩa" đầu tiên mà
Tổng giáo phận Los Angeles ký với một giáo phận khác. Về phía Tổng giáo phận
Saigòn thì đây cũng là lần đầu tiên có một bước đi mới mẻ như vậy trong chiều
hướng này. Những tràng pháo tay và những nụ cười vui mừng đánh dấu cho thời điểm
rất hi hữu và có thể nói là lịch sử của ngày hôm nay.
Sau đó vào lúc 11:00 g ĐHY Mahony xin cáo lỗi vì Ngài phải ra phi trườnglấy máy
bay đi Roma vì có cuộc họp Hội Đồng Cố Vấn của Đức Thánh Cha Benedictô XVI, mà
ngài là một thành viên.
Tiếp đến phóng viên tờ Tidings của TGP Los Angeles có cuộc phỏng vấn với ĐHY
Phạm Minh Mẫn.
Sau cùng, tại khuân viên nhà thờ chính tòa Los Angeles, LM Trần Công Nghị đã có
cuộc phỏng vấn nối tiếp với ĐHY Phạm Minh Mẫn về văn kiện vừa ký kết và những ưu
tư mục vụ của Ngài cũng như của Việt Nam.
LM Trần Công Nghị
Vietcatholic News
BẮC NINH - Sáng ngày 03/07/2008, ngày lễ kính thánh Tôma Tông Đồ, tại nhà thờ chính toà giáo phận Bắc Ninh đã diễn ra thánh lễ truyền chức linh mục cho thầy phó tế: Giuse Đặng Văn Trọng. Chủ sự do Đức Tổng Giám Mục Giuse Ngô Quang Kiệt cùng hơn 60 linh mục đồng tế từ khắp nơi trong và ngoài giáo phận.
Thầy Giuse Đặng Văn Trọng sinh ngày 23 tháng 01 năm 1970 tại thôn Bá Cầu, xã Sơn
Lôi, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc. Học tại Đại Chủng Viện Hà Nội Khoá VIII:
(2000 – 2007) Được phong chức Phó Tế ngày 30/12/2007 tại nhà thờ chính toà giáo
phận Bắc Ninh.
Từ sớm tinh sương đã có những cơn mưa nhẹ, làm cho không khí oi bức của mùa hè
được dịu mát đi rất nhiều. Cây cối, màu lá như xanh tươi hơn. Những tán lá trong
khuôn viên Toà Giám mục như đang lô đùa với làn gió nhẹ. Những ánh nắng vàng
tươi roi rói đang nhô lên từ phía trời Đông, như muốn báo hiệu một ngày mới chan
chứa hồng ân cho giáo phận Bắc Ninh. Những đoàn người khắp nơi từ từ kéo về. Chỉ
trong chốc lát, khắp nơi trong khuôn viên Toà Giám Mục đã nhộn nhịp người qua
lại cười cười, nói nói.
Đúng 7h 30, đoàn rước đoàn nghi lễ từ trong Toà Giám mục tiến dần vào lòng nhà
thờ chính toà, hoà vang cùng ca đoàn trong tiếng bài ca nhập lễ vừa thiết tha
vừa hân hoan, tin tưởng mãnh liệt: "Tình yêu, ôi cao siêu là tình yêu Thiên
Chúa, đã đoái thương con từ ngàn đời…" bài Tình Yêu Thiên Chúa của linh mục nhạc
sĩ Kim Long.
Mở đầu thánh lễ, Đức Tổng Giám Mục Giuse đã kêu mời cộng đoàn hãy noi gương nhân
đức của thánh Tông Đồ Tô Ma xưa. Ngài không phải như người ta vẫn thường nói:
một con người cứng lòng, nhưng là một con người luôn gắn bó, theo sát với Chúa
trên mọi nẻo đường, một người khao khát Chúa. Đặc biệt, ngài kêu gọi cộng đoàn
cùng cầu nguyện cho ứng viên sắp lãnh nhận thừa tác vụ linh mục, cho các linh
mục cũng học biết và nên giống thánh Tô Ma trong sứ mạng của mình.
Thánh lễ diễn ra theo từng phần: phụng vụ Lời Chúa, Nghi thức phong chức và
phụng vụ Thánh Thể. Trong lòng nhà thờ chính toà hôm nay trật ních những người,
nhưng bầu khí vẫn thật trang nghiêm sốt sắng.
Lúc 9h 30, thánh lễ kết thúc. Tân linh mục đã bày tỏ tâm tình tri ân lên Thiên
Chúa, quí bề trên, Đại Chủng Viện Hà Nội- nơi đào tạo, cùng quí cha giáo, những
thân nhân, ân nhân và cộng đoàn đã đến hiệp nguyện với ngài trong thánh lễ.
Cánh đồng truyền giáo của giáo phận Bắc Ninh kể từ hôm nay đã chính thức có thêm
một thợ gặt mới, thợ gặt lành nghề, trẻ trung, đầy nhiệt huyết. Biết bao nhiêu
linh hồn đang chờ mong ơn lành của Chúa sẽ được tuôn ban qua bàn tay của vị thợ
gặt này. Hy vọng và cầu chúc cho tân chức sẽ luôn là người linh mục nhiệt thành,
khao khát Chúa như thánh Tô Ma Tông Đồ xưa, để ngài luôn chu toàn sứ mạng của
Chúa và Giáo Hội uỷ thác.
Dom. Thành Công
SAIGÒN - Ngày 28.06.2008 Đức cha Phaolô Tịnh Nguyễn Bình Tĩnh đã chủ tế thánh lễ trao ban thánh chức linh mục cho 10 thầy và trao ban thánh chức phó tế cho 1 thầy. Đồng tế với ngài còn có Đức cha Giuse Đặng Đức Ngân và khoảng 120 linh mục.
Đông đảo các tu sĩ, giáo dân, đặc biệt là các thân nhân, ân nhân, bạn hữu từ nhiều miền đất nước và cả từ ngoại quốc, đã về tu viện DCCT Sài Gòn để tham dự thánh lễ cầu nguyện cho các tân chức và chúc mừng các ngài. Có cả một đoàn các anh chị em J'rai đến từ Pleiku và một đoàn các anh chị em K'ho đến từ Lâm Đồng.
Trong bài giảng, Đức Giám mục Chủ phong nói: DCCT đã sống tinh thần truyền giáo
của Giáo Hội và các tân chức cần phải kế thừa và phát triển tinh thần này. Ngài
cũng nhấn mạnh rằng để có thể chu toàn sứ mạng sứ mạng tông đồ đã được trao phó,
các tân chức cần phải trở nên một Chúa Kitô khác bằng đời sống cầu nguyện, kết
hợp thâm sâu với Chúa Kitô.
Kết thúc thánh lễ, cha Giám tỉnh Vinh Sơn Phạm Trung Thành đại diện Tỉnh Dòng, đại diện các tân chức và gia đình của các tân chức, đã cám ơn quý đức cha, quý cha nghĩa phụ, quý cha xứ, cùng quý thân nhân, ân nhân, bạn hữu của các tân chức. Theo ngài, chính nhờ sự vun trồng, chăm sóc và trợ giúp trong những năm qua của những người trên đây mà hôm nay DCCT có thêm được 11 thừa sai.
Nhân sự kiện Đức Giám mục Chủ phong nói đến tinh thần truyền giáo, Cha Giám Tỉnh
DCCT cung chia sẻ cho cộng đoàn hiện diện biết rằng 11 tân chức sẽ nhân bài sai
ngay chiều nay: 6 vị được cử đến các miền truyền giáo, 3 vị phục vụ trong sứ
mạng truyền thống của Dòng là giảng đại phúc, 2 vị phục vụ các nạn nhân
HIV-AIDS, các cô gái lỡ lầm, những người xa quê tại Sài Gòn, etc.
Trong số các vị được cử đi đến các vùng truyền giáo, có 2 vị được gửi đến vùng
rừng núi Đông Bắc Việt Nam theo lời mời của đấng bản quyền địa phương này. Trước
mặt cộng đồng hiện diện, Cha Giám Tỉnh đã giới thiệu và bàn giao ngay hai thừa
sai này cho Đức cha Giuse Đặng Đức Ngân, Giám mục Lạng Sơn; đó là tân linh mục
Giuse Trần Văn Hưng và tân phó tế Giuse Lương Văn Long.
Được biết, hiện tại, DCCT Việt Nam có 280 tu sĩ, bao gồm 173 linh mục, đang phục
vụ tại 20/26 giáo phận ở Việt Nam, trải đều từ Bắc chí Nam và tại 6 quốc gia
khác trên thế giới từ châu Đại Dương cho đến châu Á, châu Phi, Bắc Mỹ và châu
Âu. Vùng tập trung nhiều thừa sai nhất là Sài Gòn - nơi đặt trụ sở chính của
Tỉnh Dòng, nơi đào tạo các tu sĩ-linh mục, cũng là nơi có nhiều sinh họat mục vụ
đa dạng. Tiếp theo là vùng tuyền giáo cho người J'rai ở Gialai và Buôn Mê Thuột,
vùng truyền giáo cho người K'ho Lâm Đồng và vùng truyền giáo cho người Kinh ở
Cần Giờ và Quảng Ngãi. /.
LM Phêrô Nguyễn Văn Khải, DCCT
Long Xuyên, ngày 06 tháng 06 năm 2008
Anh chị em thân mến,
Tôi xin thân ái gửi đến quý cha, quý tu sĩ, các chủng sinh và toàn thể cộng đồng dân Chúa lời chào và lời chúc bình an trong Chúa Kitô.
Xét về bản chất của ơn gọi linh mục, việc “được sai đi bởi Đức Giám Mục giáo phận” qua sự bổ nhiệm và thuyên chuyển là một trong những yếu tố thiết yếu làm nên căn tính của linh mục thuộc giáo phận. Vì, việc bổ nhiệm và thuyên chuyển là cơ hội đặc thù cho các linh mục triều trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô, “Đấng đã đến không phải để làm theo ý ta mà là làm theo ý Đấng đã sai ta”.
Ngoài ra, xét về mục vụ và tu đức, việc bổ nhiệm và thuyên chuyển các linh mục trong giáo phận nhằm đáp ứng nhu cầu mục vụ và tu đức; vì lý do mục vụ, cần phải sắp xếp nhân sự cho phù hợp và có hiệu quả cho chương trình chung của giáo phận; vì lý do tu đức, cần thuyên chuyển các linh mục, để linh mục cũng như cộng đoàn tiếp tục triển nở trong cuộc hành trình đức tin và ơn gọi.
Việc bổ nhiệm và chuyển đổi của các linh mục giáo phận được quy định theo giáo luật (Gl số 538, 1740, 1748). Tuy nhiên, trong thực tế, trước đây vì nhiều lý do tôn giáo và xã hội, nên việc chuyển đổi trở thành hạn chế trong giáo phận Long Xuyên. Nay, giáo hội và xã hội đã có nhiều thay đổi, nên việc chuyển đổi các linh mục trong giáo phận phải được coi như một sinh hoạt bình thường trong việc tổ chức và điều hành của giáo phận.
Vì những lý do trên, với tư cách là giám mục giáo phận, sau khi đã cầu nguyện và bàn bạc với các vị có trách nhiệm và với chính các linh mục liên hệ, tôi quyết định một số bổ nhiệm các tân linh mục và thuyên chuyển một số các linh mục trong giáo phận như sau:
DANH SÁCH BỔ NHIỆM CÁC TÂN LINH MỤC
ĐƯỢC PHONG CHỨC TẠI NHÀ THỜ NGỌC THẠCH NGÀY 30.5.2008
1) Lm Giuse Nguyễn Thanh Bình 2) Lm Giuse Nguyễn Công Chính 3) Lm Giosaphat Hoàng Hữu Đạo 4) Lm Phanx. Nguyễn Trường Hải Đăng 5) Lm Gioakim Nguyễn Minh Đăng 6) Lm GB. Trần Hữu Hạnh 7) Lm Phêrô Cao Văn Hoành 8) Lm Vicente Nguyễn Đình Kiên 9) Lm Phêrô Nguyễn Văn Kiệt 10) Lm Matthia Nguyễn Văn Oai 11) Lm Vincente Đỗ Chí Quang 12) Lm Phêrô Trần Văn Quắn 13) Lm Phêrô Vũ Quang Tấn 14) Lm Tôma Nguyễn Văn Thảo 15) Lm Phêrô Nguyễn Minh Trí 16) Lm Giuse Nguyễn Trọng Trí 17) Lm Giuse Nguyễn Hữu Tường 18) Lm GB. Nguyễn Văn Tươi 19) Lm Stêphanô Lê Thái Vũ |
Phó Xứ Bò Ót, Thới Thuận, Thốt Nốt, CT Phó Xứ Bình Minh, Thốt Nốt, CT Phó Xứ Đồng Công, F2, V.Thạnh, CT Phó Xứ Hưng Văn, Phú Quốc, KG Phó xứ Giuse, K.7b, Tân Hiệp, KG Dòng Thánh Gia Cần Xây Phó xứ An Châu, Châu Thành, An Giang Phó xứ Thánh Gia, Thày Ký, V.Thạnh, CT Phó xứ Ngọc Thạch, Vĩnh Thạnh, CT Dòng Thánh Gia Cần Xây Phó xứ Môi Khôi, Thạnh Quới, V.Thạnh. Phó xứ Núi Tượng, Thoại Sơn, AG Phó xứ Mỹ Luông, Chợ Mới, AG Phó xứ Đài Đức Mẹ Tân Hiệp, KG Phó xứ Cù Lao Giêng, Tấn Mỹ, CM Phó xứ Hòa Giang, K. Lương, KG Phó xứ Rạch Giá Phó xứ Lộ Đức K.8b, Tân Hiệp, KG Phó xứ Nhà thờ Chính Tòa Long Xuyên |
DANH SÁCH CHUYỂN ĐỔI LINH MỤC
GIÁO PHẬN LONG XUYÊN THÁNG 06/2008
I. HẠT LONG XUYÊN VÀ HẠT CHỢ MỚI
1/ Lm Antôn Võ Ngọc Thâu 2/ Lm Giuse Bùi Trung Châu 3/ Lm GB Hồ Văn Khang 4/ Lm Phêrô Nguyễn Thanh Dũng 5/ Lm Phêrô Mai Đức Vượng 6/ Lm Phêrô Nguyễn Tấn Khoa 7/ Lm Giuse Đinh Công Oánh 8/ Lm Micae Phạm Đức Tường |
Phó xứ Cái Đôi, phụ trách Cái Gia Chánh xứ Tân Châu Phó xứ Châu Đốc Chánh xứ Nhơn Mỹ Chánh xứ Cần Xây Chánh xứ Châu Đốc Chánh xứ An Sơn E2, Vĩnh Thạnh, CT Phó xứ Cần Xây |
II. HẠT VĨNH THẠNH
1/ Lm Hoàng Đình Mai 2/ Lm Đaminh Đặng Văn Trung |
Tòa Giám Mục Chánh xứ Kim Long, D2, Vĩnh Thạnh, CT |
III. HẠT TÂN HIỆP
1/ Lm Phêrô Nguyễn Văn Vũ 2/ Lm Antôn Nguyễn Minh Chương 3/ Lm Giuse Trương Trung Hưng 4/ Lm Giuse Phạm Xuân Hoàng 5/ Lm Giuse Vũ Đức Thận 6/ Lm GB. Trần Hữu Thịnh 7/ Lm Đaminh Hoàng Cao Khải 8/ Lm Gioakim Đặng Văn Phàn 9/ Lm Đaminh Phạm Khắc Bạo 10/ Lm Giuse Nguyễn Đức Chính 11/ Lm Antôn Hoàng Văn Tấn 12/ Lm Gioan Nguyễn Quang Huy 13/ Lm Lôrensô Vũ Đình Chung 14/ Lm Phêrô Trần Kim Phong 15/ Lm Phêrô Phạm Văn Hào 16/ Lm Vinhsơn Nguyễn Duy Khánh 17/ Lm Giuse Nguyễn Thanh Bình |
Phụ trách Thái An (Biệt lập) Chánh xứ Hiệp Tâm, K.O, Tân Hiệp Chánh xứ Tân Bùi 4a Chánh xứ Trinh Vương A1 Chánh xứ Trung Thành, K8, Tân Hiệp Chánh xứ Bình Châu 8a Chánh xứ Hải Châu 7b Phụ trách Trái Tim 4a (Biệt lập) Chánh xứ Tân Long 2a Chánh xứ Lạng Sơn 3a Chánh xứ Tân Thành 4b Vẫn làm Chánh xứ Đồng Phú (Pt. Họ Giuse 2b) Phó xứ Đồng Phú 2b Chánh xứ Kitô Vua 2b Chánh xứ Thức Hóa 5a Phụ trách Giáo họ Vinh Sơn 4b Phó Tân Chu 5a |
IV. HẠT RẠCH GIÁ
1/ Lm Vinh Sơn Nguyễn Thế Khanh 2/ Lm Tôma Aq. Nguyễn Hoàng Phượng |
Chánh xứ Phú Hòa Chánh xứ Hòa An |
Anh chị em thân mến,
Với linh mục đoàn, tôi xin quý cha đón nhận những quyết định và bổ nhiệm của Đức Giám Mục trong sự hiệp thông của linh mục đoàn hiệp nhất và yêu thương.
Với quý cha liên hệ trong việc bổ nhiệm và thuyên chuyển, tôi thiết tha xin quý cha đón nhận những quyết định trên với tinh thần tự hủy của Đức Kitô, “Đấng đã vâng lời cho đến chết và chết trên thập giá” (Phil 2, 11).
Với các cộng đoàn dân Chúa có liên hệ đến việc bổ nhiệm và chuyển đổi, tôi rất ước mong anh chị em đón nhận những quyết định của Đức Giám Mục giáo phận với một đức tin trưởng thành, được phiên dịch thành những tâm tình phó thác và những thái độ yêu thương.
Xin anh chị em giúp các linh mục của anh chị em thực hiện lời thề hứa vâng phục Đức Giám Mục trong thánh lễ truyền chức.
Xin anh chị em đón nhận các linh mục được sai đến với anh chị em như những sứ giả của Thiên Chúa đến hiện diện giữa anh chị em, và như những vị đại diện của Đức Giám Mục được sai đến để phục vụ anh chị em.
Và tôi xin toàn thể cộng đoàn dân Chúa thể hiện nền tu đức của Hội Thánh Long Xuyên với niềm xác tín “Chúa Kitô trong anh em – Christus in Vobis”, với động lực “Giới răn mới – Mandatum Novum” và với định hướng “Hiệp Nhất – Ut Sint Unum” trong các bổ nhiệm và thuyên chuyển này.
Xin Thánh Tâm Chúa Kitô chúc lành cho chúng ta.
+ Giuse TRẦN XUÂN TIẾU
Giám Mục Giáo Phận Long Xuyên
Ngày 04/9/2007, Đức cha Phaolô Nguyễn Văn Hòa, Giám mục Giám quản Tông tòa, đã chấp thuận lời đề nghị của Hội đồng Linh mục giáo phận BMT, chọn Các Thánh Tử Đạo Việt Nam làm Bổn mạng của giáo phận Banmêthuột, và được mừng lễ hằng năm vào ngày 22/ 6 tại nhà thờ chính tòa BMT- kỷ niệm ngày Đức Giáo Hoàng Phaolô VI ký sắc chỉ Qui Dei Benignitate, thành lập Giáo phận Banmêthuột ngày 22/6/1967. Nếu ngày 22/6 trùng vào ngày thứ 7, Chúa nhật hay thứ hai, lễ mừng sẽ được dời sang ngày khác trong tuần, để mọi thành phần dân Chúa trong giáo phận có thể tham dự được. Theo thông báo tòa Giám mục, năm nay toàn thể giáo phận dành trọn tháng 6, đặc biệt ba ngày Chủ nhật ngày 8, 15, 22.6 làm tuần tam nhật đọc kinh kính Các Thánh Tử đạo VN và tìm hiểu lược sử giáo phận Banmêthuột.
Đúng 9 giờ sáng ngày 25/6/2008 Đức Giám mục Giám quản và hơn 100 linh mục trong giáo phận long trọng rước hài cốt các Thánh tử đạo Việt nam, hài cốt được đặt trên bệ rồng do nhóm tráng niên g/x Thánh Tâm, trang phục lính thú ngày xưa, cung nghinh tiến về tiền đường chính tòa, với cờ xí đầy màu sắc dân tộc, giữa tiếng nhạc hoành tráng, trang trọng của hai đội kèn đồng g/x Thánh Tâm và g/x Châu Sơn, hay tiếng cồng chiêng âm vang của các anh em dân tộc. Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Hòa vái hương trước linh sàng hài cốt các thánh tử đạo VN và chủ sự Thánh lễ đồng tế mừng Bổn mạng giáo phận lần đầu tiên sau 50 năm thành lập . Tham dự có tu sỹ nam nữ các dòng tu trong giáo phận, các đoàn thể và đông đảo giáo dân, vì nhà thờ không đủ chỗ, nên đa số giáo dân tham dự Thánh lễ qua hai màn ảnh rộng. Các bài đọc, lời nguyện giáo dân và các bài thánh ca được sử dụng bằng tiếng Kinh và tiếng Êđê.
Trong bài giảng Đức Giám quản ca ngợi cách “tử đạo” đầy tính nhân bản của các Thánh, các Ngài đã theo tinh thần của Đức Kitô, tuy chịu cực hình và sau cùng là cái chết, các Ngài vẫn luôn là những chứng nhân đầy tình bác ái, ĐGM nói nếu không có bác ái thì việc tử đạo của các Ngài không đem lại công nghiệp gì. Đức Giám quản kêu gọi mọi người trong giáo xứ, giáo họ, dòng tu, noi gương các Thánh tử đạo VN làm chứng cho Chúa bằng chính đời sống bác ái hằng ngày của mình, trung thành với lời cam kết trong bí tích hôn phối, cũng như kiên trì giữ lời khấn trong bậc tu trì để sinh lợi cho cuộc sống Đức tin. Sống Bác ái với mọi người tùy theo khả năng, vì Thiên Chúa sẽ bù đắp thêm những gì còn thiếu…
Ranh giới Giáo phận Banmêthuột trải rộng trên các tỉnh Daklak, Daknông và một phần tỉnh Bình Phước với hơn 300.000 giáo dân gồm 270.279 người Kinh và 58.420 người Sắc tộc, chiếm 12,40% dân số, với khoảng 120 Linh mục. Từ năm 1967 đến nay giáo phận qua ba đời Giám mục: ĐGM Phêrô Nguyễn Huy Mai, giám mục tiên khởi (1967-1990), ĐGM Giuse Trịnh Chính Trực (1990-2000), ĐGM Giuse Nguyễn Tích Đức (2000-2006). Từ đó đến nay ĐGM Phaolô Nguyễn Văn Hòa được cử làm Giám quản Tông tòa giáo phận Banmêthuột.
“Lạy Chúa, xin hãy dùng con như khí cụ bình an của Chúa”. Lời cầu nguyện của thánh Phanxicô Assisi được Ban tổ chức dùng làm câu khẩu hiệu của buổi lễ như đã khơi thúc thêm lòng sốt sắng, hăng say cho 26 Phó tế và cộng đoàn trong Thánh lễ truyền chức linh mục hôm nay - 29/06/2008.
Thiệp mời dự lễ Phong chức linh mục đã được gửi đi trước đó nhiều ngày và ghi rõ là thánh lễ sẽ bắt đầu vào lúc 7giờ. Thế nhưng từ sau trưa hôm qua - 28/06/2008, những chiếc xe ca đã lần lượt đưa khách về trung tâm Toà giám mục Xã Đoài.
Dưới khí trời oi bức, lắc rắc đôi hạt mưa và phải ngồi trên xe ca chật chội hai ba tiếng đồ hồ - như những người ở miệt Quảng Bình - vậy mà ai ai cũng tươi nở nụ cười. Niềm vui của giáo phận sẽ có thêm 26 Tân linh mục, trong đó có linh mục là người thân quen của họ, đã làm cho đoàn người về đây quên hết mọi vất vả, mệt nhọc, không bận tâm đến chuyện ăn ngủ. Có những người mang theo vài ổ bánh mì và một bình nước, trải nilon dưới các tán cây trong quảng trường Toà giám mục Xã Đoài hay nép mình dưới hai cái dù trước lễ đài để nghỉ qua đêm chờ giây phút Thánh lễ truyền chức diễn ra.
Và rồi giây phút đó đã đến. Trong tiếng trống rộn ràng, hùng tráng của Đoàn nhạc dân tộc của giáo xứ Chính toà hoà với tiếng kèn Tây của Đoàn nhạc hơi giáo xứ Thuận Nghĩa, giữa khoảng 15.000 người, đoàn rước nhập lễ từ phòng khách Toà giám mục tiến ra lễ đài trong khu vực quảng trường nằm giữa Toà giám mục và giáo xứ Chính toà. Khi đoàn rước đến bậc tam cấp của lễ đài, dù bầu không khí đang rất nghiêm trang và ca đoàn đang cất vang bài ca nhập lễ hết sức sốt sắng, thế nhưng những tràng vỗ tay giòn giã bỗng vang lên chào đón 26 Phó tế, gần 200 linh mục cùng Đức giám mục Phaolô Maria Cao Đình Thuyên, vị chủ sự các nghi thức phong chức trong Thánh lễ.
Như thường lệ, phần phụng vụ Lời Chúa được cử hành trước hết. Do hôm nay là ngày lễ kính trọng thể hai thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô, nên các bài đọc đều phải lấy theo lịch phụng vụ dành riêng. Dù thế, sứ điệp lời Chúa của ngày lễ rất phù hợp với ý nghĩa Thánh lễ truyền chức. Bởi phong chức linh mục cho các Phó tế không gì khác hơn là cất nhắc những người ở cấp cuối cùng trong hàng giáo sỹ lên một bậc trong việc tiếp nối sứ vụ của các Tông đồ.
Sau khi làm nổi bật lòng tin, sự nhiệt thành và tình yêu của Hai vị thánh Cột trụ Giáo Hội đối với Chúa Giêsu và công cuộc cứu độ của Người, Đức cha Phaolô nhấn mạnh: “Trong thế giới giải thiêng này, người tín hữu cần phải có Đức tin vững chắc và thực hành. Trong thế giới đầy dẫy bạo lực và bất công hôm nay, các tông đồ của Chúa hãy mang tình yêu, sự công chính và hoà bình đến cho nhân loại. Vẫn còn đó 80% dân số thế giới chưa đón nhận Tin Mừng. Những người nói về Chúa thì rất nhiều, nhưng chưa có được bao nhiêu tín hữu sống Chúa Kitô. Vì vậy, cần biết bao những tín hữu cưu mang Người trong trái tim của mình. Chỉ khi son sắt, trung kiên và trọn vẹn trao hiến cho Chúa như Phêrô và Phaolô thì người ta mới có thể làm cho người khác đón nhận được Tin Mừng. Hãy là một Phêrô, một Phaolô cho thời đại!”
Ai sẽ là những Phêrô và Phaolô cho thế giới hôm nay? Một cách nào đó, trước hết là hàng giáo sĩ, mà thông thường nhất người ta hiểu đến đó là các linh mục. Vì vậy, để có thêm những Phêrô và Phaolô thời đại cho cánh đồng truyền giáo tại Nghệ Tĩnh Bình, một vùng đất không phải là còn 80% mà gần 90% dân số chưa đón nhận Tin Mừng, linh mục FX. Võ Thanh Tâm, Tổng Đại diện giáo phận, đã gọi tên 26 Phó tế và giới thiệu lên Đức cha Phaolô Maria để xin ngài truyền chức linh mục cho các thầy.
Sau khi cha Tổng đại diện khẳng định, qua việc tham khảo ý kiến giáo dân và sự biểu quyết của các vị hữu trách, chứng nhận các Phó tế này xứng đáng lãnh nhận chức linh mục, Đức cha đã thẩm vấn về tự do và lòng quyết tâm của các Phó tế.
Biết được các Phó tế muốn chu toàn thừa tác vụ Lời Chúa, trung tín trong việc phân phát các mầu nhiệm của Thiên Chúa, liên kết Đức Kitô Thượng Tế để dâng hiến chính mình cho Thiên Chúa và nhân loại, cũng như kính trọng và vâng phục giám mục giáo phận, Đức cha công bố quyết định phong chức cho các thầy.
Cả việc chọn lựa của các Phó tế lẫn quyết định của Đức cha đều hết sức quan trọng. Vì vậy, để những quyết định đó nằm trong chương trình của Thiên Chúa và được sự nâng đỡ của Giáo Hội đã vinh thắng, toàn thể cộng đoàn tha thiết nguyện xin các thánh cầu bầu.
Bên cạnh lời bầu cử của chư thánh, các Phó tế còn được Đức giám mục và linh mục đoàn đặt tay cầu xin ơn Chúa phù trợ trong chức vụ mới.
Phần lời nguyện phong chức đã thực sự cho các Phó tế thấm sâu vai trò của một linh mục. Linh mục là như các tư tế thời cựu ước hỗ trợ cho các vị lãnh đạo để hướng dẫn dân chúng đi đúng đường lối Chúa, là như những người được các Tông đồ tuyển chọn để rao giảng Tin Mừng và tiếp tục công cuộc cứu độ của Chúa Giêsu khắp cả trần gian, để liên kết chặt chẽ với các giám mục trung tín phân phát các mầu nhiệm của Thiên Chúa.
Linh mục làm các cộng việc vừa nói không gì khác hơn là để thánh hoá dân Kitô giáo nói riêng và nhân loại nói chung. Đôi bàn tay, phần cơ thể sẽ biểu lộ cụ thể nhất cho những hành động thánh hoá nhân loại. Vì vậy các Tân chức tiến đến trước Đức giám mục để ngài xức dầu thánh lên hai bàn tay.
Công việc thánh hoá nhân loại của các linh mục trước hết phải nhờ vào hiến tế của Chúa Kitô. Do đó, Đức giám mục đã trao chén thánh cho các Tân chức, để từ nay, ngày ngày các ngài sẽ tái diễn hiến tế trên núi Sọ, ngõ hầu nhờ công việc đó, cũng như nhờ sự kết hợp của mỗi Tân linh mục với Chúa Kitô chịu khổ nạn mà công việc thánh hoá thế gian được thực hiện hữu hiệu hơn.
Với 26 Phó tế được lãnh tác vụ linh mục hôm nay, không chỉ là kỷ lục lần thụ phong đông nhất từ trước tới nay trong giáo phận, mà trong đó còn có một kỷ lục khác nữa đó là có một Tân linh mục… già nhất - 84 tuổi! Ngoài ra, cùng với 26 Tân chức, đây là lần thứ hai trong lịch sử giáo phận có số linh mục đông nhất: 179 vị (lần đầu tiên đông nhất vào năm 1945: 192 vị).
Làm linh mục là để truyền giảng đạo lý của Chúa Kitô. Một trong những điểm đầu tiên mà giáo huấn của Chúa nhắm đến đó là dạy cho mỗi người sống đúng với nhân cách của một con người. Nhân cách hay thái độ làm người căn bản nhất đó là biết ơn. Do đó, các Tân chức không thể không sống thái độ này trước hết. Vì vậy, trong bài cảm ơn cuối lễ, đại diện cho các Tân linh mục bày tỏ lòng tri ân đến mọi người đã giúp cho các ngài đạt được thành quả ngày hôm nay.
Cũng tâm tình đó, Ban Tổ chức long trọng cám ơn đến hết những người đã cùng mình lo cho Thánh lễ được thành công tốt đẹp.
“Ta sẽ ban cho các ngươi những mục tử như lòng mong ước” (Gr 3,15). Cả Chúa và cộng đoàn Giáo Hội đều mong muốn các Tân linh mục hôm nay sẽ là những mục tử như lòng Chúa mong ước. Thậm chí chính các Tân linh mục cũng mong muốn điều đó. Vì thế, chúng ta hãy cầu chúc cho các Tân linh mục luôn ghi nhớ những quyết định hôm nay, luôn dâng tràn những cảm xúc của giây phút lãnh nhận tác vụ thánh này, để các ngài ngày một nên giống Chúa Kitô Mục Tử hiến mình vì đoàn chiên. Có như thế ước nguyện “Lạy Chúa, xin hãy dùng con như khí cụ bình an của Chúa” mới trở thành hiện thực, và phép lành đầu tay mà các ngài ban cuối Thánh lễ mới lưu lại lâu dài trên mỗi người về dự lễ hôm nay.
Web sire Giáo phận Vinh
Dòng Thánh Tâm “tiếp sức mùa thi”
Huế - Việt Nam - một mùa tuyển sinh lại bắt đầu với bao lo toan vất vả hiện lên trên từng khuôn mặt thí sinh ngay trong những ngày đầu đến Huế. Cùng với sự giúp đỡ của bao người thiện chí và sinh viên tình nguyện, Hội Dòng Thánh Tâm cũng hào hứng “tiếp sức mùa thi” theo cách của riêng mình.
Thức cùng sĩ tử
Mùa thi năm nay Hội Dòng đã dành riêng hai dãy nhà cao tầng thuộc nhà khách và
nhà Đệ tử viện với sức chứa trên 500 người để tiếp đón các thí sinh dự thi trong
hai đợt từ ngày 30 tháng 6 đến ngày mùng 10 tháng 7. Ngay sau khi gửi thông báo
tới các Giáo phận trong cả nước về chương trình mục vụ hè, ban mục vụ mùa thi do
Tu sĩ Giuse Trần Sĩ Chung làm trưởng ban đã liên tiếp nhận được những cuộc điện
thoại và những dòng Email của các thí sinh từ Kon Tum, Thanh Hóa, Nam Định, Nha
Trang… gửi về xin được ghi danh. Song song với việc hướng dẫn các thí sinh đăng
kí danh sách, cộng đoàn Dòng cũng “rục rịch” chuẩn bị về chỗ ở, sinh hoạt, lắp
đặt thêm hệ thống điện thắp sáng… Đến ngày 30 tháng 6 mọi thứ đã sẵn sàng.
Để phục vụ thí sinh đến dự thi một cách hiệu quả nhất, Ban mục vụ mùa thi của
hội Dòng đã bố trí các tu sĩ thay phiên nhau (mỗi phiên hai thầy) túc trực 24/24
để tiếp đón các thí sinh, đặc biệt là các thí sinh ở xa hoặc lỡ tầu xe… “Chỉ lo
có em lỡ xe đến Huế vào ban đêm, đã đất khách quê người lại đêm hôm nữa không
biết sẽ ra sao? Nghĩ thế nên dù phải thức trắng đêm chúng tôi cũng thức” - Một
thầy trong ban mục vụ mùa thi giải thích. Tính đến hết ngày mùng 4 tháng 7 Hội
Dòng đã tiếp đón trên 195 thí sinh và 42 phụ huynh đến Huế dự thi. Được biết đây
là lần thứ hai Hội Dòng tổ chức chương trình mục vụ hữu ích này. Cũng trong kì
thi Đại học năm 2007 vừa qua Dòng Thánh Tâm đã hỗ trợ được trên 400 thí sinh dự
thi tại Huế trong cả 3 đợt.
Tất cả vì thí sinh
Bên cạnh việc tạo điều kiện cho các thí sinh tranh thủ trao dồi thêm kiến thức
trong giai đoạn “nước rút”, Hội Dòng đặc biệt quan tâm đến sức khỏe các thí sinh
trước ngày “ứng thí”. Ngoài việc hướng dẫn về đảm bảo an toàn thực phẩm, Hội
Dòng cũng chuẩn bị thuốc men cho các thí sinh. Cùng cộng tác trong việc chăm lo
sức khỏe cho các sĩ tử có bạn Trần Thị Hường – sinh viên trường ĐH Y Khoa - Huế.
Với vốn kiến thức học được từ trường đại học, Hường đã tận tình chăm sóc cho các
thí sinh như một bác sĩ chuyên nghiệp. Khi được hỏi, Hường cười: “Em cảm thấy
vui khi được góp một phần nhỏ vào việc tiếp sức…cho các bạn thí sinh trước kì
thi”. Nằm trên giường bệnh, bạn Hoàng Thị Bé – thí sinh dự thi trường ĐH Kinh Tế
- nói với chúng tôi: “May quá các anh ạ! Nếu không ở trong Dòng thì em không
biết mần răng cả. Được các thầy quan tâm thế này em thấy mình mang ơn nhiều qúa
!”
“ Tất cả vì thí sinh” đó là phương châm của Hội Dòng trong mục vụ hè 2008 này.
“Chúng tôi luôn đặt tinh thần trách nhiệm của mình lên trên hết để phục vụ các
thí sinh với mong muốn tạo cho thí sinh sự an tâm nhằm giảm bớt phần nào những
căng thẳng cho các em trước kì thi”- Tu sĩ Trần Sĩ Chung – trưởng Ban mục vụ nói
với chúng tôi. Anh cho biết thêm, có được kết quả hiện tại chính là nhờ sự cộng
tác của anh em trong Hội Dòng trong Mục vụ hè này.
Nhằm giúp các thí sinh tự tin hơn khi bước vào kì thi, tối ngày mùng 3 tháng 7,
tại Nhà nguyện Đệ tử viện, Cha Simon Trương Quỳnh, Bề trên Tổng quyền của Hội
Dòng đã dâng thánh lễ cầu bình an cho các thí sinh. Trong thánh lễ, ngoài việc
dâng lên Thánh Tâm Chúa và Mẹ La Vang những lời nguyện cho các thí sinh tự tin
bước vào kì thi đầy cam go, Cha cũng nhắn gửi thêm: “Chúng ta đã nỗ lực hết mình
nhưng chúng ta cũng phải biết cậy trông vào Chúa. Các bạn đã có Chúa ở trong
mình, Chúa chính là người bạn, người thầy giúp các bạn có thêm điểm tựa để vượt
qua kì thi sắp tới”.
Cùng con đi thi
Trước một kì thi quan trọng, không chỉ các sĩ tử lo lắng cho việc “vượt vũ môn”
mà các bậc phụ huynh cũng “khăn gói” lên đường “tiếp lửa” cho con. Bác Phêrô Lê
Xuân Khánh, giáo xứ Kon-Trang, Giáo Phận Kon-Tum đã cùng cậu con trai vượt hàng
trăm cây số đường đồi dốc của núi rừng Tây Nguyên đến Huế dự thi. “Thú thật nhà
tôi ở vùng sâu, vùng xa chẳng biết đến phố là gì. Lúc chưa ra Huế, thấy lo lắm
Nhưng bây giờ thì ổn rồi, được Hội Dòng cưu mang giúp đỡ lại tạo mọi điều kiện
cho các thí sinh trọ học thế này, tôi thấy phấn khởi lắm” – Bác Khánh tâm sự.
Còn bác Giuse Nguyễn Văn Bàn, Giáo xứ Kiến An, giáo phận Thanh Hóa kể: “Lần đầu
vào Huế thấy bỡ ngỡ nhiều quá; lo cho mình một, lo cho con mười, mình có thi đâu
chú, ăn ở sao cũng được cả, còn em nó thì … là niềm hy vọng của cả nhà. Tôi chỉ
lo điều kiện sinh hoạt không đảm bảo, em nó sinh bệnh thì tôi về không biết ăn
nói thế nào với người ở nhà. May mà được ở trong nhà Dòng, vệ sinh, nề nếp tôi
thấy may mắn và mừng quá chú ạ”.
Đưa con đi thi và được sự hỗ trợ từ nhà Dòng, chị Phạm Thị Yến (lương dân) quê
Nga Sơn – Thanh Hoá, nói với chúng tôi: “ Nhà Dòng thật tốt quá. Nhận được sự
giúp đỡ này đến bây giờ tôi vẫn ngỡ như đang mơ vậy. Hai mẹ con tôi chân ướt
chân ráo đến Huế chưa biết làm thế nào thì được người giới thiệu đến đây. Thật
là may!”
Không ít phụ huynh đã thức cùng con như một sự động viên, một niềm mong mỏi: Dù
sướng khổ thế nào cha mẹ cũng luôn ở bên con, tất cả vì tương lai của con.
Các sĩ tử nói gì?
Đến với Huế trước một kì thi quan trọng sự căng thẳng hiện rõ trên từng khuôn
mặt của thí sinh. Thế nhưng khi trọ học tại Hội Dòng không ít bạn đã tìm lại
được cho mình những nụ cười hồn nhiên của tuổi học trò. Bạn Maria Trần Thị Bích
quê Giáo xứ Tam Tổng, Giáo phận Thanh Hoá tâm sự: “là con gái lần đầu xa gia
đình em thấy lo quá; may mà có sự giúp đỡ của các Thầy. Nhìn các Thầy thật dễ
mến dễ gần như người anh, người cha của em vậy. Được các Thầy chăm lo kĩ lưỡng
trước một kì thi lớn em thấy thật an tâm! Cùng tâm trạng với Bích, bạn Phạm Thị
Oanh (lương dân), thí sinh đăng kí dự thi trường ĐH Sư Phạm, nói: “Em thấy các
Thầy ở đây vui tính thiệt đó, hổng giống như em tưởng, các thầy luôn mang lại
cho tụi em những nụ cười”.
Rời Dòng Thánh Tâm hiện lên trong tôi là hình ảnh các Tu Sĩ với nụ cười thân
thiện trên môi đang tận tâm chăm sóc cho các thí sinh trước kì thi. Cầu chúc cho
các thí sinh sẽ “vượt được vũ môn” và chúc cho Hội Dòng có được những thành công
trên bước đường phục vụ. Dòng Thánh Tâm sẽ là nơi đến của các sĩ tử và cũng sẽ
là hình ảnh đẹp nhất trong tâm trí mỗi thí sinh và phụ huynh khi đến Huế.
Josephus Nguyễn
(Bài viết của Phêrô Anh, đại
diện nhóm Chủng sinh Gp. Thanh Hóa đang tu học tại Pháp)
Giáo hội Pháp luôn được coi là một trong những giáo hội
giàu truyền thống nhất trên thế giới. Là một trong những giáo hội được đón nhận
Chúa Kitô đầu tiên và đã có một truyền thống vững mạnh ngay từ thời cổ đại. Hơn
nữa Pháp lại có những vị Thánh mà hầu như người công giáo nào cũng biết đến như:
Têrêxa Hài Đồng, Phan-xi-cô Pao-la, Gio-an Thánh giá, Cha thánh Jean-Marie
Vianney... Pháp cũng là nơi xuất phát nhiều dòng tu lớn và có mặt ở hầu hết các
nước như: dòng Biển Đức, dòng Đa Minh, dòng Xitô, rồi cả những Hội truyền giáo
lớn như Hội Thừa Sai Paris mà đã giao rảng Đạo Thiên Chúa Giáo đến Việt Nam.
Những ơn sủng đặc biệt mà không phải nước nào cũng có
này chứng tỏ cho chúng ta thấy rằng giáo hội Pháp nhận được rất nhiều hồng ơn,
ân huệ đặc biệt của Thiên Chúa ban. Tuy nhiên trong những năm gần đây, nước Pháp
lại là một giáo hội đang có chiều hướng giảm nghiêm trọng về nhiều mặt, đặc biệt
về số người đi lễ ngày Chúa nhật và số lượng ơn gọi tận hiến.
So với những năm trước đây số ơn gọi hiện nay của Pháp đã giảm đi rất nhiều. Nhiều điạ phận hiện nay rất khan hiếm về ơn gọi: Địa phận Autun, nơi mà con đã trải qua hơn một năm học, được coi là một địa phận giàu truyền thống ở Pháp vì được hình thành từ đầu thế kỉ thứ ba, tổng số linh mục hiện tại là khoảng 250 linh mục, song số các linh mục trên 60 tuổi chiếm đến 70% tổng số linh mục và đặc biệt kể từ bốn năm trở lại đây chỉ có một ơn gọi.
Những địa phận lân cận thủ đô Paris cũng vậy, theo số
liệu năm nay của báo La Vocation thuộc Tổng Địa Phận Ils-de-France: năm nay địa
phận Meaux và Créteil mỗi địa phận có hai ứng sinh vào Chủng viện. Địa phận
Nanterre và Pontoise, mỗi địa phận có một ứng sinh. Trong khi đó cách đây khoảng
hơn chục năm, các địa phận này hàng năm gửi khoảng 10 người vào chủng viện.
Những địa phận khác trên nước Pháp cũng mang một tình hình chung như vậy, trung
bình mỗi năm một địa phận chỉ có từ 1-2 ơn gọi.
Tuy số lượng ơn gọi giảm mạnh như vậy, nhưng ngược lại
những ứng sinh hiện tại lại có một cơ sở học vấn rất vững vàng và trưởng thành
về đời sống cũng như những yếu tố nhân sinh cần thiết. Số tuổi trung bình của
những ứng sinh này hiện nay là 28 tuổi, con số này đã thay đổi rất nhiều so với
thời kì cách đây 20 năm, khi đó số tuổi trung bình là 20 tuổi. Các chủng sinh có
kinh nghiệm sống có thể vững vàng hơn, trưởng thành hơn về con người, kinh
nghiệm «trường đời» từ đó sẽ có một quyết định vững vàng hơn.
Đa số ứng sinh đều đã học xong trương trình Đại học hay
Cao học, với trình độ kiến thức sâu rộng. Hay một số đã trải qua một thời gian
làm việc bên ngoài xã hội như công viên chức với các ngành như: tin học, kinh
tế, tâm lý học rồi cả các ngành như công an, cảnh sát, luật sư, những ngành mà
ai cũng có thu nhập ổn định, và một mức sống cao. Nơi mà con đang tu học hiện
tại là chủng viện Paris, theo số liệu thống kê của chủng viện, tỉ lệ những người
đã đi làm trước khi vào trường chiếm đến 60% tổng số chủng sinh.
Cùng khoá học với con, chỉ có một thầy là mới học hết
tú tài, phần đông, số tuổi trung bình từ 26 đến 30, đa số đều đạt bằng cấp cao,
và đã đi làm được vài năm. Có thầy đã từng là kiến trúc sư, chỉ đạo hàng chục
công viên chức, đầy đủ phương tiện vật chất. Thầy thì từng làm Chánh án Tòa án
Thành phố Paris hơn chục năm, với một mức sống rất cao, có nhà và xe hơi riêng.
Thầy thì đã đi làm trong quân đội đến gần 15 năm, với một mức lương khá thoải
mái và một cuộc sống tự lập, ổn định. Và không những chỉ có khoá học của con là
như vậy nhưng những khóa khác cũng vậy.
Điều đó đồng nghĩa với việc quyết định vào chủng viện của các ứng sinh này là đã trải qua rất nhiều những khó khăn, thử thách. Đang sống một cuộc sống ổn định và có thể thăng tiến cao trong xã hội, có đầy đủ phương tiện và vật chất, đặc biệt trong một lối sống hưởng thụ của Tây phương, họ đã chấp nhận từ bỏ tất cả những điều kiện sống thuận lợi đó để theo con đừơng của Chúa. Họ cũng chấp nhận một cuộc sống đơn giản, kỉ luật nề nếp, một cuộc sống cộng đoàn mà đòi hỏi có những sự từ bỏ nơi cá nhân và hy sinh.
Điều gì mà làm cho những người này lại quyết định từ bỏ
một cuộc sống tiện nghi, đầy đủ vật chất như vậy để đi tu? Đa phần chỉ có một lý
do, những người này luôn ấp ủ tìm một cái gì đó mang lại cho họ niềm hạnh phúc
đích thực. Tuy sống trong một môi trường sống vật chất đầy đủ, nhưng họ khám phá
ra rằng những của cải đó không mang lại cho họ hạnh phúc. Mà trái lại họ luôn bị
lo âu, cuộc sống cảm thấy thiếu ý nghĩa. Có thể chỉ trong mộ buổi đi cầu nguyện
với bạn của mình, hay một khoá tĩnh tâm, một lần đi nhà thờ... họ được nhận biết
Thiên Chúa và họ khám phá ra rằng chính Chúa Giêsu mới có thể mang lại cho họ
niềm hạnh phúc mà họ tìm kiếm đấy. Tất nhiên cũng có những ơn gọi bắt nguồn từ
những gia đình đạo đức, sốt sắng nhưng số người này hiện nay là rất ít.
Nhiều người khi đi theo con đường tận hiến còn bị gia
đình, bạn bè phản đối mạnh mẽ. Trong một buổi họp cộng đoàn về chủ đề gia đình
của chủng viện, có rất nhiều chủng sinh đã kể rằng khi họ quyết định đi tu, bố
mẹ họ không có đồng ý với quyết định của họ. Một số người còn giận con cái mà
muốn lánh mặt họ. Nhưng theo truyền thống bên Phương tây, khi con cái đến tuổi
trưởng thành thì họ có toàn quyền quyết định cho tương lai, bố mẹ không chỉ có
thể khuyên bảo họ thôi.
Lý do nào tại sao rất nhiều người không hài lòng khi
con cái họ quyết định đi tu như vậy? Trong suy nghĩ mọi người, kể cả nhiều người
công giáo thì con đường tận hiến là một sự lựa chọn tầm thường trong xã hội.
Linh mục không còn là một người được quan tâm, để ý, có tiếng nói như trước kia
nữa. Nhiều người nói vui rằng trước kia thì giáo dân phải tìm linh mục, con bây
giờ thì điều đó lại ngược lại, chính các linh mục phải tìm gặp giáo dân. Những
truyền thống như: các ngày lễ lớn như: Noel, Phục sinh, hay như lễ Quan thầy của
cha xứ, trước kia giáo dân thường vào thăm hỏi cha xứ, nhiều người lại tặng quà
cho cha...nay điều đó gần như đã không còn nữa.
Tình trạng đi xuống này còn bắt nguồn từ một lý do sâu
xa hơn, gốc rễ hơn, đó là giáo hội Pháp đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi phong trào
Trần tục hóa của những năm đầu thế kỷ hai mươi. Hiệp ước năm 1905 đã chia tách
giáo hội khỏi nhà nước, giáo hội không còn chỗ đứng như trước kia nữa. Những cơ
sở trường học Công giáo, từ những trường Mẫu giáo đến Đại học trước kia phần
nhiều là do các linh mục, tu sĩ làm tuyên uý và giảng dạy, nay đã không còn. Nhà
thờ là tài sản của Chính phủ chứ không phải là của Giáo hội. Tiếng nói của Giáo
hội trên diễn đàn văn hóa, chính trị dần bị lu mờ, mất thế đứng.
Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình hình
xuống dốc của Giáo hội Pháp cũng như các nước Tây Phương là do nền kinh tế phát
triển, người dân có mức sống cao, Chủ nghĩa Vật chất phát triển mạnh nên họ
không còn quan tâm đến nhu cầu tâm linh. Họ dành nhiều thời gian để thụ hưởng
cuộc sống, như quan tâm đến các nhu cầu như: đi du lịch, ăn nghỉ, cuối tuần thì
gặp gỡ bạn bè, nghỉ ngơi, tắm nắng, đi dã ngoại... Ngoài thời gian đi làm vất vả
trong tuần, cuối tuần thì phải nghỉ ngơi, đi du lịch... nên họ cảm thấy không
còn thời gian dành cho Chúa nữa.
Ngoài ra sự kiện những cuộc biểu tình đòi tự do tháng
5-1968 trên khắp Châu Âu, đặc biệt tại Pháp, cũng đã để lại một hậu quả xâu rộng
tới giáo hội Pháp và các giáo hội Âu châu nói chung.
Giáo hội Pháp hiện nay tính theo tỉ lệ người công giáo
thì vẫn được coi là một nước công giáo. Tỉ lệ những người tự xưng là công giáo
chiếm đến 60% dân số, nhưng đó chỉ là một con số bề ngoài, theo tờ báo Công giáo
La Croix tỉ lệ những người công giáo đi lễ ngày Chúa nhật chỉ chiếm đến 10%
người có đạo. Còn đa phần may ra cả năm đến nhà thờ được vài lễ trọng như: lễ
Noel, lễ Phục sinh, lễ Lá. Nhiều người cả đời chỉ đi đúng 3 lễ: lễ Rửa Tội, lễ
Cưới và lễ Đám tang. Nên trên thực tế, những người công giáo đi lễ ngày Chúa
nhật là rất ít.
Nhiều chủng viện vì không còn đủ số lượng Chủng sinh
phải đóng cửa. Đa phần các chũng viện còn lại đã phải đổi đường hướng để trở
thành những chủng viện Liên Giáo phận như: chủng viện Orléans, Lyon, Bordeaux
hay Toulouse... Theo số thống kê của Hội Đồng Giám Mục Pháp năm 2007, số Chủng
sinh năm nay chỉ còn là 756 người, trong khi đó con số cách đây khoảng 10 năm là
1200 Chủng sinh, năm 1970 là 3750 người.
Trên đây chỉ là cái nhìn thoáng qua về tình hình ơn gọi
của giáo hội Pháp. Còn nhiều điều khác để phân thích và nói thêm nữa nhưng không
nằm trong chủ đề của bài này.
Trong cái đi xuống chung của Giáo hội Pháp vẫn có những
tia sáng mới, mà có thể làm nhiều người sẽ hy vọng một sự trỗi dậy mới của Giáo
hội này. Theo số liệu thống kê của tạp chí công giáo ETUDE [tháng3-2008], kể từ
5 năm trở lại đây, số chủng sinh của toàn GH Pháp là 756 đã đứng lại chứ không
giảm thêm như nhữnh năm trước kia. Cũng như vậy, số các linh mục đứng lại ở
15-16 ngàn chứ không giảm thêm như trước. Một số cộng đoàn mới ra đời và đang
phát triển khá mạnh như: Cộng đoàn Emmanuel, Chemin Neuf, hay Saint Martin...
Những cộng đoàn này đang thu hút khá nhiều ơn gọi, và
đang đem lại một hơi thở mới cho Giáo hội Pháp. Đó là một tin mừng, và là tia hy
vọng mới cho GH Pháp một Giáo hội mà đã được gọi là «Nữ Trưởng Tử» của giáo hội
toàn cầu.
Có mẫu ảnh in vẽ hai đôi bàn tay theo hai chiều đối diện nhau:
- Đôi bàn tay của Thiên Chúa từ trên trời cao mở ra tỏa xuống dưới trần gian, như cử chỉ ban phát cùng dẫn đường chỉ hướng.
- Và đôi bàn tay của con người cũng mở ra từ dưới hướng lên phía trên cao, như muốn đón nhận chúc lành cùng sự hướng dẫn từ nơi đôi bàn tay Thiên Chúa tỏa xuống.
Một hình ảnh đẹp thi vị và nói lên sâu đậm ý nghĩa đời sống đạo đức cùng tình người!
Hình ảnh này có mang ý nghĩa gì hay có liên quan gì tới đời sống linh mục không?
1. Đôi tay chúc lành
Ngay từ thuở đầu đời sống, đôi bàn tay cha mẹ luôn là nơi chốn nương tựa cho con cái: bàn tay bồng ẵm, nâng niu săn sóc!
Trong đời sống linh mục, đôi tay linh mục là dụng cụ Thiên Chúa dung để chiếu tỏa ban phát chúc lành của Người cho trần gian.
Ngày lãnh nhận chức Linh mục, đôi bàn tay của ứng sinh Linh mục được xức Dầu thánh hiến. Đây là dấu hiệu cho phép Linh mục được ban các Bí tích biểu hiệu cho sự gần gũi cùng lòng trung thành của Thiên Chúa với con người.
Trong suốt cuộc đời Linh mục, mỗi khi cử hành các Bí tích, ông đều dùng đôi tay đã xức Dầu thánh hiến mà ban phát.
Khi ban Bí tích Rửa tội cho trẻ em, cho người lớn, Linh mục cũng dùng đôi tay múc nước tưới dội trên đầu cùng xức Dầu Thánh cho em bé, cho người lãnh nhận Bí tích rửa tội.
Khi dâng Thánh Lễ, linh mục cũng dùng đôi bàn tay cầm Tấm Bánh, Chén rượu lễ giơ lên, cầm Mình Thánh Chúa trao cho người tới tiếp rước Tấm Bánh Thánh Thể Chúa, rồi sau lễ ban Phép Lành kết lễ của Chúa cho tín hữu Chúa.
Khi những em bé cùng với cha mẹ lên trước bàn thờ rước lễ, Linh mục cũng dùng bàn tay ban phép lành vẽ hình Thánh gía trên trán cho chúng.
Ngày đôi Bạn trẻ dắt tay nhau đến trước bàn thờ Chúa trao cho nhau Bí tích hôn nhân, linh mục cũng giang đôi tay ra đọc lời chúc lành của Chúa cho họ.
Trong tòa giải tội, linh mục giơ tay chúc lành đang khi đọc lời tha tội của Giáo Hội cho người đến xin hòa giải cùng Thiên Chúa.
Đến thăm người bệnh yếu đau, linh mục dùng bàn tay xức Dầu Thánh xin ơn tha thứ và củng cố sức mạnh tâm hồn đức tin cho người đau yếu.
Chưa hết, linh mục còn dùng đôi tay của mình xoa dịu an ủi những người trong bước đường lâm gặp cảnh sầu khổ họan nạn.
Đôi tay của linh mục được xức Dầu Thánh hiến ngày chịu chức linh mục cho công việc phụng tự thờ kính Thiên Chúa và phép lành của Người. Và qua đôi tay đó tình yêu thương lòng khoan dung của Thiên Chúa chiếu tỏa đến với con người trong trần gian.
2. Đời sống mục vụ
Trong mỗi Thánh Lễ, linh mục dang đôi tay đọc lời kinh nguyện Thánh Thể kêu khấn lòng khoan dung của Chúa: „ Chúa đã cho chúng con được xứng đáng hầu cận trước tôn nhan và phụng sự Chúa“.
Lời kinh này không chỉ nói lên tâm tình tạ ơn, nhưng còn nhìn nhận việc tế lễ phụng thờ Thiên Chúa bắt nguồn từ nơi Đấng đã kêu gọi ban cho chức linh mục.
Trong lúc truyền chức Linh mục, Đức Giám Mục chủ tế thinh lặng nhân danh Thiên Chúa và Giáo Hội đặt đôi tay trên đầu ứng sinh linh mục.
Cử chỉ đặt tay, theo nguồn gồc trong Kinh Thánh Cựu ước là hành động của chúc phúc lành.
Cử chỉ này còn mở rộng ra hơn nữa: Không chỉ ứng sinh linh mục nhận được chúc lành. Nhưng chúc lành của Thiên Chúa còn lan tỏa rộng sang tới những người khác từ đôi bàn tay chúc lành của linh mục. Linh mục là người được Thiên Chúa đặt tay chúc lành, và cũng là người dùng đôi tay mang chuyển chúc lành của Thiên Chúa tiếp cho người khác nữa.
Trong đời sống con người, ai cũng có những kỷ niệm ghi khắc sâu đậm trong tâm hồn. Kỷ niệm thánh đức sâu đậm của đôi bạn trẻ nam nữ ngày thành hôn là lời ưng thuận họ trao cho nhau.
Kỷ niệm thánh đức sâu đậm của ngày truyền chức linh mục là giây phút thinh lặng lúc đức Giám Mục nhân danh Thiên Chúa đặt tay trên đỉnh đầu truyền chức linh mục. Như thế, đôi tay này gắn liền với việc mục vụ tế tự của Linh mục.
Và cũng không kém phần quan trọng trong công việc mục vụ cùng tế tự của linh mục là việc cầu nguyện trong thinh lặng trước mặt Thiên Chúa cho chính mình cùng cho người khác. Cho dù việc cầu nguyện trong thinh lặng với Thiên Chúa vô hình nhiều khi gặp khó khăn nặng nề xác thịt cùng bệnh tật của thân xác, và cả về tinh thần trí khôn nữa.
Nhưng có lẽ đó là dịp cơ hội tốt cho linh mục suy nghĩ học hỏi tập sống lòng khiêm nhượng về những công việc mục vụ với chính bản thân mình, với người khác, cùng với những mầu nhiệm của Thiên Chúa trong đời sống ở trần gian.
3. Nếp sống của loài Ong
3.1. Thầy Dòng Francisco de Osuna , người Tây ban Nha, có đời sống chiêm niệm trong thinh lặng cao sâu, đã viết ra suy tư cảm nhận về lòng khiêm nhượng khi Ông ngắm nhìn loài Ong: „ Loài Ong, như kể thuật lại, khi trời có giông bão gió lớn, chúng cặp vào thân mình thêm một hòn đá nhỏ nữa, để giữ thăng bằng cho khỏi bị gió mạnh cuốn lôi chao đảo ngả nghiêng lúc bay. Nếu gió qúa mạnh chúng thả mình cho từ từ hạ cánh xuống thấp an toàn nhờ sức nặng của cục đá giữ thân thể được thăng bằng. Sức nặng của cục đá là hình ảnh của sự hiểu biết về cung cách làm cho thân mình hạ thấp xuống mà không bị tổn thương hư hại.
Cũng vậy, lòng khiêm nhượng trọn vẹn đạt được, khi gặp vượt qua khó khăn thử thách trong yên lặng bình tĩnh và không bị mất mát, giống như loài ong lúc hạ thấp đáp xuống mà vẫn giữ được bình tĩnh thăng bằng và không làm mất phấn hoa dinh dưỡng làm nên mật ngọt.“
Cũng thế, nếu linh mục cảm nhận ra sự yếu đuối thấp hèn bản tính con người của mình, hay khi bị những thấp hèn bản năng con người lôi kéo cám dỗ, đâu có là cớ lý do sinh ra nản lòng thoái chí. Nhưng phải bám vào nền tảng thực tế, đứng vững bằng đôi chân trên mặt đất.
Chữ thửa nền đất theo tiếng Latinh là Humus. Cũng theo tiếng Latinh chữ Humilitas có nghĩa là khiêm nhượng. Và như thế trong chữ Humilitas có cả chữ Humus.
Bông hoa, cây cối, lúa mạ đều cần Humus - thửa đất ruộng vườn. Khu vườn nước Thiên Chúa, theo nghĩa bóng, cũng có những khó khăn mệt nhọc, những thử thách, những trái ngược phản chứng phải hy sinh chịu đựng mới vượt qua được.
3.2.Loài Ong như thế có thể nói là gương mẫu cho đời sống của Linh mục. Thánh Franziskus de Sales có suy nghĩ so sánh về việc này: „ Loài Ong hút góp mật từ những nụ hoa mới nhú nở. Chúng đáp đậu vào trung tâm nụ hoa mà không làm hư hại cánh hoa. Trái lại chúng mang phấn hoa từ nụ hoa này sang nụ hoa khác. Và như thế mang đến sự chữa lành cùng sự tươi mát cho hoa được phát triển kết sinh hoa trái hạt giống.
Lòng đạo đức chân thực mang lại hiệu qủa tốt đẹp hơn thế nữa. Cung cách sống lòng đạo đức chân thực không gây ra hư hao thiệt hại cho ơn kêu gọi cùng việc làm của linh mục; trái lại giúp làm cho trong sáng đẹp thêm lên.“
Đó là dấu chỉ việc mục vụ tốt lành thánh đức thấm nhuộm tình người mang lại lợi ích cho tâm hồn con người. Qua việc mục vụ tốt lành như thế, người tín hữu cảm thấy tâm hồn thư thái nhẹ nhàng hơn, cùng trở nên chín chắn trưởng thành hơn, chứ không bị lôi kéo theo vào một mục đích thế tục bất chính nào khác.
3.3.Marie Noel, một người sống tu đức chiêm niệm vào thời kỳ chiến tranh thế giới thứ nhất cách đây trên dưới một thế kỷ, đã có suy nghĩ về mẫu gương nếp sống của loài Ong, khi so sánh với nếp sống mục vụ phụng thờ Thiên Chúa: „ Sẽ tới thời những con Muỗi, con Chim nhỏ bé và những con Mèo nhảy mừng. Nhưng những con Kiến thì không. Và cả những con Ong cũng không nữa. Đã có ai nhìn thấy loài Ong sống thưởng thức niềm vui trong đời sống chưa! Những chú Ong như bị bắt làm nô lệ phải làm việc vào tận trong trung tâm trái tim của bông hoa hồng. Nói thế không có nghĩa là chúng ta muốn nói đến loài sâu bọ đâu!“
Hình ảnh nếp sống này không có ý muốn nói linh mục phải cắm đầu làm việc hoạt động như loài Ong: chỉ biết làm việc mà không có niềm vui nào, không có thưởng thức.
Không, không phải như thế. Trong trung tâm trái tim bông hoa hồng là hình ảnh đẹp dùng diễn tả việc muc vụ của linh mục với niềm vui mừng trước mặt Thiên Chúa: linh mục không phải là người sống kiểu tâm tính của một nô lệ.
Thánh Phaolô đã nhắc nhớ cảnh tỉnh về điều này: „ Chính để chúng ta được tự do thanh thản mà Đức Ki-tô đã giải thoát chúng ta. Vậy, anh em hãy đứng vững, đừng mang lấy ách nô lệ một lần nữa.“ ( Galata 5,1).
***********************
Đời sống của linh mục
không phải vì được xức Dầu Thánh cất nhắc lên hàng tư tế
của Thiên Chúa mà quên humus - thửa đất- của mình đang sống trên trần gian.
Đôi bàn tay linh mục là đôi bàn tay Thiên Chúa dùng chuyển mang chúc lành bình an từ trời cao đến cho tâm hồn con người.
Đôi bàn tay cùng với tâm hồn của linh mục là nhân chứng cho lòng khoan dung của Thiên Chúa giữa con người.
Đôi bàn tay và môi miệng của linh mục là phương tiện Thiên Chúa dùng cho việc rao giảng văn hóa phúc âm nước Trời giữa trần gian.
Đôi bàn tay và cung cách sống tình người của linh mục là nếp sống tình yêu lòng trung thành của Thiên Chúa luôn có mặt bên cạnh con người.
Kính thưa Cha Cố Phero Nguyễn trọng Qúy,
50 năm, theo ngôn ngữ văn chương thi ca diễn tả đó là thời gian nửa thế kỷ, Cha Cố được Thiên Chúa kêu gọi là Sứ gỉa trong chức vụ Linh mục.
50 năm giai đoạn lịch sử không gian, tu trì du học bên Âu châu chịu chức linh mục. Sau đó trở về quê nhà bên ViệtNam dạy học. Và rồi lại trở lại sống bên Âu châu làm việc mục vụ linh mục.
50 năm đoạn đường lịch sử đời Linh mục của Cha cố sống học hành nghiên cứu thần học, dạy học rao giảng cùng làm chứng cho Thiên Chúa giữa con người.
50 năm quãng thời gian lịch sử đời Linh mục của Cha Cố rộng đôi tay ban các Bí tích của Thiên Chúa cho con người.
Thiên Chúa đã kêu gọi Cha cố vào làm thợ trong thửa vườn –humus- của Ngài trong nhiều giai đoạn với những chức vụ khác nhau. Và Cha cố từ 50 năm nay đã luôn nói với Ngài: Ad sum! Vâng, con xin đến để thực thi ý Chúa muốn!
Thực thi ý Chúa muốn trong cố gắng cùng đồng hành dẫn đưa con người đến với nguồn chúc lành bình an từ nơi Thiên Chúa.
Xin dâng lời cảm tạ Thiên Chúa đã ban ân đức kêu gọi cùng gìn giữ đời linh mục của Cha cố.
Xin chúc mừng Cha cố dịp kỷ niệm thánh đức 50 năm chức Linh mục 1958. - 29.06. - 2008.
Lm. Đaminh Nguyễn ngọc Long
Cậu học trò ngày xưa ở Chủng viện Thánh Toma Longxuyên
Đối với tôi, những giờ cầu nguyện “Lòng Thương Xót Chúa” vào ba giờ chiều thứ sáu tại nhà thờ Chí Hòa dường như đã trở nên quen thuộc. Trong những giờ phút thánh thiêng ấy, đã không ít lần tôi nhận ra được những bất ngờ xen lẫn ngạc nhiên và dào dạt cảm xúc. Bất ngờ về lượng người tham dự rất đông từ khắp nơi trong thành phố cũng như những tỉnh thành xa xôi đổ về bất kể trời mưa hay nắng. Ngạc nhiên vì thấy Lòng Thương Xót Chúa tuôn đổ chan hòa trên tất cả mọi người. Cảm xúc khi chứng kiến lòng tin mạnh mẽ của cả một cộng đoàn hiệp nhất với nhau trong lời kinh tiếng hát không phân biệt già trẻ, rồi những phép lạ rõ như ban ngày mà biết bao người nhận lãnh nhờ niềm tin vào Lòng Thương Xót Chúa được các chứng nhân lên thuật lại.
Ngày Chúa Nhật thứ II Phục Sinh 30-03-2008 lần đầu tiên Giáo phận thành phố tưng bừng tổ chức ngày Đại Lễ Kính Lòng Thương Xót Chúa tại Trung Tâm Mục Vụ. Tôi được vinh dự tham dự ngày hội lớn này trong Nhóm Phục Vụ của Câu Lạc Bộ Mục Vụ Gia Đình. Tất cả sự lo lắng hồi hộp thể hiện rõ trên gương mặt từng người trong nhóm vì trọng trách được giao. Chúng tôi lo trời sẽ đổ mưa, lo về lượng người tham dự quá nhiều không bảo đảm an ninh trật tự, lo mỗi người có hoàn thành bổn phận của mình hay không... Đến giờ phút sắp bắt đầu, trời kéo mây vần vũ đe dọa cơn mưa sắp đến, lượng người khắp nơi kéo về ào ào như nước chảy ngoài dự tính của ban tổ chứùc, bao nhiêu ghế của Trung Tâm đưa hết ra cũng không đủ. Trong biết bao nhiêu mối lo toan đó, Cha linh hướng thanh thản mời gọi tất cả chúng tôi cùng hướng về Thánh ảnh Lòng Thương Xót Chúa trên lễ đài và chỉ dâng lên Ngài một lời nguyện duy nhất: “Lạy Chúa Giêsu, con tín thác vào Chúa” Thế là xong! Chúng tôi vững tin bước vào giờ khai mạc Đêm Đại Lễ.
Mới khoảng 2 giờ chiều, từng đoàn người ào ạt đổ về nơi diễn ra đêm Đại lễ trong Trung tâm Mục vụ Giáo phận. Chúng tôi ước lượng khoảng chừng năm ngàn người tham dự, nhưng con số thực tế lên gấp ba lần như thế. Khuôn viên rộng lớn của Trung tâm không đủ sức chứa cho hơn mười lăm ngàn người có mặt, cả ngàn người phải đứng kín ngoài cổng, thậm chí tràn cả xuống làn đường xe chạy mà mắt vẫn hướng vào trong Thánh điện với lòng sốt mến lạ lùng! Thật không thể tin được! Hình ảnh đó là dấu chỉ lạ lùng quyền năng và Lòng Thương Xót Chúa đã lan tràn muôn nơi, và quy tụ tất cả mọi người về với nhau cùng hướng về Cha Nhân Lành. Càng kỳ lạ hơn là trong hơn một vạn người đông đúc và chen chúc như vậy, nhưng dường như tất cả đều cùng chung một niềm tôn kính vô bờ. Mọi người giữ trật tự rất ôn hòa cùng những ánh mắt sẻ chia với nhau trong bầu khí đông đúc và ngột ngạt ấy. Phải chăng đó là một dấu chỉ về Lòng Thương Xót mà tất cả dành cho nhau để thay lời tạ ơn dâng về Thiên Chúa là Cha Nhân Lành?
Khi đồng hồ điểm đúng 17 giờ thì tất cả âm thanh hoan hỉ và náo nhiệt kia bỗng dừng hẳn để nhường lại cho một không khí trang trọng và tôn nghiêm khi cộng đoàn bắt đầu lần chuỗi Kính Lòng Thương Xót Chúa. Mọi người cùng quỳ xuống và hơn mười lăm ngàn người kia với hơn mười lăm ngàn đôi tay đều giơ cao tâm thành khấn nguyện tha thiết bằng lời kinh mà chính Chúa Giêsu đã truyền dạy cho Thánh nữ Maria Faustina khi Ngài muốn thiết lập ngày Đại lễ này:
“Vì cuộc khổ nạn đau thương của Chúa Giêsu Kitô,
Xin Cha thương xót chúng con và toàn thế giới. ”
Lời kinh được ngân đi ngân lại mãi như muốn thấm sâu vào tận đáy lòng mỗi người về tột đỉnh của Lòng Thương Xót mà Cha đã ban cho nhân loại. Đó chính là cuộc khổ nạn và cái chết đau thương của chính Con Một Cha trên Thánh Giá để cứu chuộc loài người. Tất cả đều đọc và cùng hướng về Thánh ảnh Lòng Thương Xót Chúa. Hình như mỗi người chúng tôi quên cầu xin cho nhu cầu của riêng mình mà cùng hòa chung vào ý nguyện chung với niềm tín thác của toàn thể cộng đoàn. Mà cũng đúng thôi, cho dù quên xin cho riêng mình nhưng chắc chắn một điều Thiên Chúa giầu lòng thương xót đã thấu hiểu và đổ tràn hồng phúc trên từng người rồi.
Sau giây phút trang nghiêm dâng những lời kinh mà Chúa đã truyền dạy là đến sự sôi động trẻ trung cùng những giây phút nghẹn ngào xúc động khi lần lượt các chứng nhân của Lòng Thương Xót Chúa được mời lên để ca vang và ngợi khen tình yêu của Người. Tôi bất ngờ với Nguyễn Văn Tâm, anh bất hạnh đến mức... mất cả cơ quan sinh dục và một cái chân trong chiến tranh. Trong con người tật nguyền đó trái tim và tình yêu không hề tắt lịm. Trái lại luôn bừng lên một tình yêu tha nhân mãnh liệt khi nhận nuôi một đứa bé con của một cặp vợ chồng cũng nghèo khổ như anh trước khi nhắm mắt lìa đời đã trối lại cho anh. Tôi thật cảm phục và chẳng biết nói hoặc suy nghĩ gì khi đối diện với những chứng nhân can trường như vậy. Rồi còn Nguyễn Trường Sơn, một con người tật nguyền từ trong bụng mẹ, bị bỏ rơi để rồi với đôi tay co quắp anh phải bươn chải lang thang tự tìm cuộc sống cho riêng mình. Tôi không biết nghị lực nào có thể giúp anh vượt qua số phận đau thương như thế, và bỗng giật mình khi nghe cha linh hướng hỏùi anh có buồn trách số phận hẩm hiu của mình không, anh trả lời một cách đầy tin yêu: “Tôi nhìn thấy Chúa vác Thập giá vì yêu thương tôi, thì giờ đây Thập giá này tôi vác trên vai cũng vì tình yêu dành tặng cho Ngài. Làm sao tôi có thể trách hờn Chúa được?” Thử hỏi có bậc cao nhân hiền triết nào có thể trả lời một cách đơn sơ chân thành nhưng chứa đầy tình yêu và hy vọng đến thế ? Các anh chẳng những đã minh chứng cho Lòng Thương Xót Chúa mà còn thốt ra những lời lẽ đẹp như hoa mà chính Chúa đã mạc khải để các anh công bố trước tất cả mọi người.
Cộng đoàn còn được gặp gỡ những chứng nhân như cô bé Thanh Hương bị chứng động kinh từ thuở nhỏ. Chúa đã đoái thương đến cô bé ngoại đạo này. Tình cờ em gặp được một thành viên của nhóm cầu nguyện Lòng Thương Xót Chúa, bà dẫn em đi cầu nguyện. Rồi dần dần em được khỏi bệnh. Em xin học đạo, được lãnh nhận bí tích rửa tội, rồi Chúa lại dùng chính em, cô bé bệnh tật yếu đuối, để đưa cả gia đình cha mẹ, dì dượng và mấy người chị em bà con quay về với Chúa.
Nhưng chưa hết! Cha linh hướng không biết mày mò tìm đâu ra được những chứng nhân độc đáo thế không biết? Còn một Đỗ Văn Luyện đã đắm mình vào con đường nghiện ngập làm nô lệ của làn khói trắng biết bao năm, còn mang thêm trên người căn bệnh thế kỷ. Cha mẹ anh đã dùng đủ mọi cách để anh cắt cơn nghiện. Họ chấp nhận đưa anh vào trại cai nghiện, cho anh vào bộ đội, xích chân khóa tay anh lại… mọi biện pháp của trần gian đều bó tay! Ấy vậy mà Lòng Thương Xót của Chúa lại toàøn thắng. Chỉ trong một lần tình cờ tham dự giờ cầu nguyện Lòng Thương Xót Chúa, được Ngài tỏ mình ra, như Phaolô ngã ngựa, anh quyết tâm quay trở lại. Tự cắt cơn nghiện chỉ bằng lòng tin của mình vào Thiên Chúa và lời cầu nguyện để giờ đây anh đã hoàn toàn được chữa khỏi. Sức khỏe và nhân phẩm được phục hồi hoàn toàn mà trước đó không có một thứ thuốc hoặc biện pháp nào có thể cứu anh được. Và để đáp lại Lòng Thương Xót Chúa, anh đã xin vào đội ngũ Giáo lý viên để dạy dỗ thế hệ đàn em về Tình Yêu Thiên Chúa. Anh trở thành một đoàn viên Gia Đình Thánh Tâm, và đi làm chứng cho mọi người về việc Chúa đã thương anh và cứu vớt anh khỏi vũng lầy của những đam mê chết người! Thật mầu nhiệm và kỳ diệu vô cùng.
Trong khi tôi cùng tất cả cộng đoàn phụng vụ hôm đó chưa hết bàng hoàng về những phép lạ đặc biệt trên những người anh em không may mắn ấy thì đã đến phần ca khen của những “Siêu nghệ sĩ” – tôi xin ưu ái được gọi họ như vậy. Một thanh niên trẻ trung với gương mặt sáng và vui tươi, nhưng anh không có tay phải. Chính cái khiếm khuyết, bất toàn ấy lại nung nấu trong anh một ý chí kiên cường như đá tảng, khiến anh trở nên một con người kiệt xuất: Quái kiệt Thế Vinh !
Anh quay lại thời thơ ấu của mình. Mồ côi năm lên 7 tuổi. Bơ vơ, khốn khó trăm bề. Khi lớn lên anh muốn tìm sự an ủi từ âm nhạc. Anh muốn chơi đàn ghita để chia sẻ buồn vui với chính mình và những người đồng cảm. Nhưng nhìn lại mình thì… chỉ có một cánh tay làm sao chơi ghita?
Rồi một hôm anh quyết vượt qua trở ngại, tận dụng những gì còn lại để đạt được ước mơ. Anh tập đàn bằng chỉ một tay trái, vừa bấm hợp âm, vừa đàn giùm cho tay phải. Anh còn tập kèn Harmonica, kèn được gắn lên thùng đàn vừa tầm miệng, rồi anh vừa đàn vừa thổi kèn. Ngoài ra anh còn có thể cùng lúc chơi đàn organ bằng chân nữa. Với thời gian và ý chí kiên cường cùng khả năng thiên phú, anh đã khiến cho cái kèn, cây đàn vô tri vô giác biết hòa với nhau hát lên lời trông cậy Chúa. Bài hoà tấu ghita với harmonica “Kinh Hòa Bình” đã làm rung động hàng vạn trái tim trong Đêm của Lòng Thương Xót 30-03-2008 tại Trung Tâm Mục Vụ.
Cùng lên làm chứng bên cạnh quái kiệt Thế Vinh là cô bé Phương Dung nhỏ nhắn dễ thương. Thế nhưng cô lại không thể đi đứng tự nhiên được. Cơn sốt bại liệt hồi 3 tuổi làm cô ngã quỵ. Nhưng với lòng tin và ý chí nghị lực kiên vững cô đã đứng trên đôi nạng, đi học thanh nhạc, trở thành ca sĩ nuôi các em ăn học. Ngoài ra cô cũng đang học làm thiết kế đồ họa trên vi tính. Cô là chứng nhân cho một cuộc đời biết đứng lên từ nỗi bất hạnh, biết sử dụng khả năng của mình để vượt lên khỏi cái tầm thường mà hòa vào nhịp sống của mọi người. Đêm nay Phương Dung cất tiếng hót như con chim họa mi để đánh thức niềm tin yêu, hy vọng cho những ai đang xa rời Lòng Thương Xót Chúa: “Chúa là con đường cho con bước đi, là ánh hồng xua tan bóng đêm, là sức sống trong khi đau khổ sống từng ngày có Chúa dư đầy…Chúa là bóng mát cho con an nghỉ, sống một đời có Người con vui…”
Đêm nay, đêm của Tình Yêu và Niềm Trông Cậy. Chứng nhân hát chung với quái kiệt Thế Vinh là ca sĩ Thuỷ Tiên. Điểm sáng nơi cô là một ý chí biết vượt qua nỗi bất hạnh, khuyết điểm trên gương mặt của mình. Miệng cô bị kinh phong giật méo xệch đi, nói còn bị ngọng huống chi là hát. Thế mà với khổ luyện, Thuỷ Tiên đã thành một ca sĩ hát rất tròn lời, rõ chữ. Cô đi hát để ca ngợi Lòng Thương Yêu lạ lùng của Thiên Chúa dành cho mỗi phận người.
Không khí lễ hội được tô đậm nét nhờ những bài hát cầu nguyện bằng cử điệu do cả cộng đoàn làm theo nhóm múa mẫu của câu lạc bộ Mục Vụ Gia Đình. Hoà chung niềm vui, ngập tràn trong đại dương Lòng Thương Xót Chúa, hàng vạn cánh tay nhịp nhàng dơ lên đưa xuống, bàn tay nối kết bàn tay, từ tấm lòng đến tấm lòng. Không còn sự e dè ngại ngùng, không còn sự phân biệt già trẻ lớn bé giầu nghèo, hơn mười ngàn con người ấy đã nên một trong tình yêu Giêsu. Tôi đã thấy những giọt lệ lăn dài trên má, những ánh mắt rạng rỡ niềm vui, những trái tim thổn thức ngập tràn ngập tràn cảm xúc hân hoan… Ôi một đêm tuyệt vời! Đêm an bình! Đêm của dấu ấn tình yêu! Đêm của Lòng Xót Thương!
Khép lại phần chứng nhân là Thánh Lễ Đồng Tế Kính Lòng Thương Xót Chúa do Đức Cha Phêrô Trần Đình Tứ, chủ tịch Uỷ Ban Phụng Vụ của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam chủ tế. Buổi lễ thật trang nghiêm, sốt sắng lung linh huyền ảo dưới hơn mười ngàn ngọn nến mỗi tham dự viên cầm trên tay. Đức Cha chủ tế làm phép ảnh ảnh Lòng Thương Xót Chúa để tặng cho mỗi tham dự viên. Sau đó mọi người cúi đầu lãnh nhận phép lành Toà Thánh với Ơn Toàn Xá.
Đêm Đại Lễ kết thúc mà mọi người như còn nuối tiếc những phút giây thần thánh đó. Mười lăm ngàn người ra về trong bình an trật tự. Không một sự cố đáng tiếc hay một tai nạn nào xảy ra. Trời trong đẹp mát dịu. Đó không là dấu chứng tình yêu Chúa dành cho con cái Ngài sao? Chúng tôi ở lại thu dọn đến gần nửa đêm mới tạm ổn. Rồi ngày mai mỗi người lại phải trở về cuộc sống thường nhật của mình, nhưng lần này chắc hẳn với tâm trạng hân hoan vì ít nhiều đã cảm nghiệm, đã chứng thực được Lòng Thương Xót Chúa tỏ hiện trên tất cả mọi người.
Giờ đây sau khi ngồi coi lại VCD mang tên : “Đại Lễ Kính Lòng Thương Xót Chúa 30-03-2008”, tôi vẫn còn rung lên niềm cảm xúc dào dạt và bị thôi thúc viết lên những tâm tình này. Nếu ai không được diễm phúc tham dự Đêm Hồng Phúc đó thì vẫn có thể cảm được khi coi lại VCD này. Nhóm phục vụ chúng tôi đã đem gởi tặng VCD Đại Lễ Lòng Thương Xót Chúa cho những anh chị em ở vùng sâu vùng xa và chứng được có nhiều người được thêm lòng tin, lòng cậây và được ơn trở lại sau khi xem những VCD chứng nhân này.
Tôi đã đến, đã nhìn, đã thấy và đã cảm nhận tình yêu vô bờ Lòng Thương Xót Chúa. Nào mời bạn. “Hãy đến mà xem” và “Nếm thử mà xem cho biết Chúa ngọt ngào biết bao!”
Đêm của Lòng Thương Xót 30-03-2008
Hải Linh
Chúng ta có thể tạm chia dụ ngôn Người Cha Nhân Hậu trong Tin Mừng theo thánh Luca thành ba phần. Phần đầu: Sự hư đốn của người con thứ. Phần thứ hai: Người con thứ trở về. Phần thứ ba: Thái độ bất bình của người con cả. Trong cả ba phần, không bao giờ vắng mặt người cha. Ông là một người cha nhân hậu vô cùng. Lòng nhân hậu của ông bao trùm trên hết mọi người con của ông. Tuy nhiên, hôm nay, chúng ta chỉ suy niệm phần thứ ba, để từ thái độ của người con cả, chúng ta, các linh mục của Chúa rút ra cho mình những bài học cần thiết để sống trong tương quan với Chúa và với anh chị em quanh mình.
Thánh Luca ghi lại hình ảnh người con cả trong dụ ngôn Người Cha Nhân Hậu như sau:
“…Lúc ấy người con cả của ông đang ở ngoài đồng. Khi anh ta về gần đến nhà, nghe thấy tiếng đàn ca nhảy múa, liền gọi một người đầy tớ ra mà hỏi xem có chuyện gì. Người ấy trả lời: ‘Em cậu đã về, và cha cậu đã làm thịt con bê béo, vì gặp lại cậu ấy mạnh khỏe’. Người anh cả liền nổi giận và không chịu vào nhà. Nhưng cha cậu ra năn nỉ. Cậu trả lời: ‘Cha coi, đã bao nhiêu năm trời con hầu hạ cha, và chẳng khi nào trái lệnh, thế mà chưa bao giờ cha cho lấy được một con dê con để con ăn mừng với bạn bè. Còn thằng con của cha kia, sau khi đã nuốt hết của cải của cha với bọn điếm, nay trở về, thì cha lại giết bê béo ăn mừng!’. Nhưng người cha nói với anh ta: ‘Con à, lúc nào con cũng ở với cha. Tất cả những gì của cha đều là của con. Nhưng chúng ta phải ăn mừng, phải vui vẻ, vì em con đây đã chết mà nay lại sống, đã mất mà nay lại tìm thấy” (Lc 15, 25-32).
Đọc dụ ngôn Người Cha Nhân Hậu, chúng ta thường có thói quen nhìn vào tội của người con thứ để phê phán, để phân tích. Điều đó dễ hiểu: anh có tội. Tội của anh dễ dàng nhận thấy. Còn người con cả? Chúng ta thử một lần chuyển cái nhìn đến người con cả, để thấy anh có liên quan gì với chúng ta, những người – cứ sự thường mà nói – “công chính”.
So với người con thứ, người con cả thật hoàn hảo. Anh quá hiếu thảo, quá vâng phục cha, anh không đòi của cải, không đi hoang, không ăn chơi. Anh nghiêm túc làm việc. Anh không chỉ ở trong nhà cha, mà còn luôn ở bên cạnh cha. Trước mắt mọi người, anh là người con mẫu mực, đáng khen, đáng học đòi bắt chước.
Người con cả là đại diện cho chúng ta. Hay chúng ta là khuôn đúc của người con cả. Chúng ta cũng ở trong nhà Cha của mình, ở cạnh Cha của mình. Bởi hơn ai hết, chúng ta đọc kinh ngày mấy lần, nguyện tắt ngày mấy lượt. Chúng ta suy niệm Lời Chúa mỗi ngày, dâng thánh lễ mỗi ngày. Chúng ta lần chuỗi đều đặn, viếng Chúa thường xuyên. Hơn thế, chúng ta là nhà tu. Chúng ta thấy mình, biết mình, hãnh diện mình đã tận hiến cho Chúa… Tắt một lời, chúng ta ở trong “nhà Cha” của mình còn hơn con tim ở trong lồng ngực. Chúng ta có dư lý do để người đời thấy chúng ta là… “thánh”.
Nhưng thật mỉa mai: Người con cả không vô tội! Càng mỉa mai một cách đau xót hơn, bởi càng ẩn mình dưới cái vẻ “đàng hoàng” bao nhiêu, tội của người con cả càng tinh vi, càng dễ che đậy bấy nhiêu. Hóa ra, người con cả ở bên cạnh cha, nhưng anh không gần cha. Nặng hơn, người con cả ở trong nhà cha, nhưng anh không có cha.
Vì thế, nếu hình ảnh người con cả phản ánh chính tình trạng tâm hồn ta, thì hình ảnh ấy đáng suy tư lắm. Ta thử rút ra một ý suy tư từ nhân vật người con cả để nhận diện chính mình. Ý suy tư đó là:
1. KẺ NGOẠI CUỘC.
Một loạt những ý, những câu, những chữ trong dụ ngôn cho thấy người con cả không còn là thành viên trong gia đình của cha. Và nếu, Chúa kể dụ ngôn để răn dạy ta, thì từng chi tiết của dụ ngôn đều nhắm đến từng người, đều là hình ảnh của ta, đều phản ánh chính đời sống, lối tương quan của ta với Chúa và với đồng loại của mình.
- "Lúc ấy người con cả của ông đang ở ngoài đồng”. “Lúc ấy” là lúc nào? Chính là lúc mà em cậu trở về, lúc mà cha cậu và cả nhà vui mừng, một niềm vui khôn tả, một niềm vui tưng bừng, một niềm vui bất tận. Người con cả trở thành kẻ xa lạ hoàn toàn. Điều xảy ra với chính người em cốt nhục của mình (chứ không phải một người không liên quan nào), anh lại chẳng hay biết gì, không hề được tham dự vào. Thật xót xa cho người con cả, vì câu chuyện rất thời sự, đang diễn ra trong chính ngôi nhà của anh, nơi anh đã từng được sinh ra và lớn lên, nơi anh đã gắn bó cả một đời, nơi thân thương không còn chỗ nào thân thương bằng, thì anh lại đang ở ngoài đồng!
- “khi anh ta về gần đến nhà, nghe thấy tiếng đàn ca nhảy múa, liền gọi một người đầy tớ ra mà hỏi xem có chuyện gì. Người ấy trả lời: ‘Em cậu đã về, và cha cậu đã làm thịt con bê béo, vì gặp lại cậu ấy mạnh khỏe’”. Tin vui em của người anh cả trở về được cha khoản đãi, cả nhà biết, mọi người biết, tất cả khách mời biết, cả đầy tớ trong nhà cũng biết, riêng anh thì không. Càng nặng hơn, anh chỉ biết được tin vui của cha, của em, của chính gia đình mình qua miệng đầy tớ. Dụ ngôn thật sâu sắc khi không mất nhiều chữ nghĩa, chỉ cần một chi tiết nhỏ: cậu “liền gọi đầy tớ ra mà hỏi”, đủ cho thấy, tự dưng đầy tớ trở thành người trong cuộc, còn cậu chủ lại trở thành người ngoại cuộc. Cũng cùng một nội dung với hình ảnh người con cả và đầy tớ, một nơi khác trong Tin Mừng, Chúa nói: “Hạng thu thuế và gái điếm sẽ vào Nước Thiên Chúa trước các ngươi”.
- “Người anh cả liền nổi giận và không chịu vào nhà”. Đứa em ruột của anh. Nhà của anh. Gia đình của anh. Niềm vui của gia đình anh. Tiệc linh đình cũng của chính gia đình anh. Đã là của gia đình thì tất cả cũng chính là của anh. Thế mà giờ đây anh không thể hiện diện. Anh ở ngoài nhà. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc anh ở ngoài tình máu mủ với cha, với em, ở ngoài niềm vui, ở ngoài bữa tiệc. Nhưng vì sao anh lại ở ngoài? Là vì anh “nổi giận”, anh “không chịu vào nhà”. Hóa ra chỉ một mình anh tự loại trừ mình, tự đánh mất chỗ đứng của người trong cuộc. Còn mọi người, chẳng những không loại trừ mà còn sẵn sàng đón tiếp anh. Thậm chí cha anh đã nhẫn nhịn đến nỗi, “cha anh ra năn nỉ” anh vào nhà cùng cha, cùng em.
- “Cậu trả lời: ‘Cha coi, đã bao nhiêu năm trời con hầu hạ cha,’”. Hết sức đau đớn và tủi nhục! Bao nhiêu năm, người con cả ở trong nhà cha, nhưng anh không làm con mà chỉ làm công! Phụng sự cha mình, nhưng đối với anh, chỉ là “hầu hạ”. Anh càng biểu lộ rõ nét hơn nữa chân tướng của người hầu hạ: “chẳng khi nào trái lệnh”. Với suy nghĩ riêng của người con cả, tương quan của cha anh với anh chẳng qua chỉ là tương quan của người ra lệnh và người thừa lệnh. Anh đã thực sự đánh mất tình thân nghĩa thiết của anh với cha anh. Anh đã thẳng thắn đẩy mình ra khỏi tình yêu của cha, ra khỏi vòng tay nồng ấm, ra khỏi gia nghiệp của cha. Gia nghiệp mà chính cha anh đã tuyên bố: “ Tất cả những gì của cha đều là của con”.
- Sự vong thân ra khỏi tình yêu của người cha già đầy độ lượng của anh càng lúc càng đi đến quyết liệt. Anh mạnh mẽ tuyên bố dứt khoát gọi em ruột của anh là: “Thằng con của cha kia …”. Con của cha chứ không phải em của con! Hóa ra bấy lâu anh ở cùng với cha, nhưng người đó không hề là cha anh: Anh không trái lệnh cha chỉ để tròn bổn phận chứ không vì yêu mến cha. Mất tình nghĩa với cha thì nghĩa tình với anh em cũng mất. Không coi cha là cha của mình, người anh em của anh, kẻ cùng sinh ra và lớn lên trong cùng mái ấm như anh, chỉ là một kẻ đáng chối bỏ, nặng hơn, một thứ vô nghĩa hoàn toàn. Anh không hề gọi người em mình là “em tôi” mà là “thằng con của cha kia”. Anh không thể thông cảm được với người em lầm lỡ, cũng không chia sẻ nỗi khổ của người cha mất con.
- Một khi người con cả lên tiếng khẳng định: “Thằng con của cha kia”, nghĩa là “thằng kia con của cha”, thì cũng đồng thời anh to tiếng phủ định – xin lỗi – “thằng này (chính bản thân người con cả) không phải con của cha”. Lời khẳng định càng mạnh mẽ bao nhiêu khi anh nhất quyết và thẳng thừng chối từ em mình, thì nó càng trở thành lời phủ định nặng nề bấy nhiêu, dứt khoát đẩy anh ra khỏi tình yêu của gia đình, tình yêu của người cha già đầy tận tụy, đầy xót thương. Anh hoàn toàn là kẻ ngoại cuộc. Hoàn toàn mất hết vị trí mà đứa em tội lỗi của anh đang có: Đó là ngã nhào vào vòng tay ôm ấp nồng nàn của cha.
- “Thằng con của cha kia, sau khi đã nuốt hết của cải của cha với bọn điếm”. “Bọn điếm” là hình ảnh xấu, thiếu nghiêm túc, dung tục. Theo các thánh sử viết Tin Mừng, gái điếm bị coi là rất dơ bẩn, rất tội lỗi. Bức tranh dụ ngôn Người Cha Nhân Hậu có nhiều nhân vật: người cha, người anh cả, người con thứ, đầy tớ. Nhưng hai tiếng “Bọn điếm” không hay là thế, không xuất hiện trên môi miệng bất kỳ ai, dù đó là người con thứ hư đốn, lại xuất hiện trên môi miệng của người con cả, kẻ được coi là sống nghiêm túc. Trọn cả câu “Thằng con của cha kia, sau khi đã nuốt hết của cải của cha với bọn điếm” đủ cho thấy, anh quá khinh thường em của anh. Cũng từ đó, cho thấy anh là kẻ kiêu ngạo, kẻ hay tự hào, tự đắc mình ở trong nhà cha, ở với cha, vâng lệnh cha, hầu hạ cha… Sự kiêu ngạo đã làm anh không thể nào đón nhận người em tội lỗi. Nhưng hết sức mỉa mai, đứa em tội lỗi của anh, vì nhận ra tội của mình, nên cuối cùng ở trong vòng tay cha, được cha trả lại tất cả danh dự làm con, được cha mở tiệc mừng. Còn anh, do sự cao cả mà anh tự nhận, đã không thể cho anh vòng tay của cha, không thể cho anh lại gần hơn tình yêu của cha, thậm chí chỉ một “con dê con” còn không có.
- Người con thứ dành vị trí của người anh cả. Cũng giống như chuyện Esau và Giacop ngày xưa, người con hoang đàng đã hoán đổi vị trí của người con cả. Giờ đây, sau cuộc trở về, người con hoang đàng đã lại ở trong nhà cha, ở gần cha, hơn nữa, ở trong vòng tay cha. Đây mới thật sự là phép lạ kỳ diệu hết sức của đức khiêm nhường. Hãy tự đấm ngực mình để ăn năn hối lỗi. Hãy phá bỏ mọi rào cản của đố kỵ, hiềm khích, ganh tỵ…
II. CHÚNG TA NGHĨ GÌ?
Dụ ngôn Người Cha Nhân Hậu chỉ dừng lại ở lời đáng ghi nhớ của người cha: “Em con đã chết mà nay lại sống, đã mất mà nay lại tìm thấy” rồi bỏ lửng. Chúng ta nghĩ gì khi nhận ra dụ ngôn chưa có kết luận? Không biết kết cuộc, người con cả có đón nhận lời khuyên giải của cha không? Có vào nhà của cha, trong khi cánh cửa của căn nhà luôn mở rộng như chính tấm lòng của cha vậy? Người cha thì tha thứ cho cả hai anh em, nhưng người con cả có đón nhận ơn tha thứ? Anh cũng tha thứ hay vẫn cứ giữ nguyên bản án mà từ lâu anh dành cho em mình: kẻ chơi bời dâm đảng?
Câu chuyện không có đoạn kết. Nhưng nhờ không kết, ta mới thấy, đó chính là đường hướng giáo dục tuyệt vời của Chúa. Chúa muốn từng người trong chúng ta chính là đoạn kết của dụ ngôn. Nói cách khác, Chúa muốn dụ ngôn của Chúa không kết thúc trên giấy mực, nhưng phải được kết thúc bằng chính đời sống của chúng ta. Cách riêng, đối với người linh mục, dụ ngôn phải được kết thúc trong trách nhiệm trọn một đời sống thánh chức. Càng biết mình là linh mục của Chúa, và càng sống trong thánh chức lâu năm bao nhiêu, ta càng phải tra vấn mình bấy nhiêu: Ta nghĩ gì về hình tượng người con cả, nếu hình tượng đó lại chính là bản thân ta? Ta là ai trong phần kết của dụ ngôn? Ta phải tìm cho mình một khuôn mặt nào khác hơn hình ảnh người con cả để làm đoạn kết cho dụ ngôn, hay chỉ là người con cả nối dài, để rồi cũng giống như người con cả: Bất chấp tình yêu của Cha; Loại trừ lòng yêu thương đối với anh chị em mình; Nặng hơn, ta vẫn cứ trơ trơ, vẫn xơ cứng, chẳng một chút biết đổi nào.
Nếu khuôn mặt của người anh cả là chính chúng ta, thì chúng ta có vào nhà Cha mình hay không? Chúng ta có dự tiệc mừng người anh em hay không? Chúng ta là người trong cuộc hay ngoại cuộc? “Thằng con cha kia” cũng chính là “thằng kia con cha”, dù ai cũng biết nó có tội. Còn chúng ta có còn là con Cha không, dù không ai thấy chúng ta có tội?
Hình tượng người con cả cho ta nhiều bài học thấm thía. Chẳng hạn:
1. Ta ở trong nhà Cha, ở cạnh Cha, nhưng ta có Cha không? Ta giữ luật Chúa, ta không ăn nói ngang tàng, ta tin có Chúa, ta giữ kỹ luật của một nhà tu, ta cố gắng giữ trọn trách nhiệm dâng thánh lễ, ban bí tích, ta trung thành trong từng nhiệm vụ của bản thân… Nhưng tất cả những điều đó chỉ là nô lệ, là gánh nặng hay vì lòng yêu mến Cha?
2. Ta có nhận ra lòng Cha yêu ta? Người con cả không chỉ nổi giận mà còn chì chiết, trách móc cha mình: “Chưa bao giờ cha cho lấy được một con dê con để con ăn mừng với bạn bè”. Thực ra ông có còn gì nữa đâu để mà cho, bởi ông đã cho hết rồi. “Tất cả những gì của cha đều là của con” kia mà! Như thế, có nghĩa là người con cả muốn giết con dê nào mà không được. Không chỉ một con, mà tất cả mọi con! tội nghiệp cho người con cả. Anh sống giữa một rừng của cải mà vẫn cứ nghèo. Sao anh cứ là kẻ ngoại cuộc. Sao đời anh cữ mãi bất hạnh. Tất cả chỉ tại anh hẹp hòi. Lòng người con cả hẹp hòi quá nên tình thương của cha luôn bao trùm lấy anh mà anh đâu có nhận ra, anh cứ ngỡ cha anh hẹp hòi như anh. Ở cạnh bên cha mà không có tình thương của cha, sự xúc phạm cha của người con cả không nhỏ chút nào. Người con thứ chỉ xúc phạm cha một lần: “Xin chia phần gia tài của con cho con”. Còn người con cả thì xúc phạm cha triền miên. Ngày nào anh còn sống trong nhà cha, sống trong tình thương của cha mà lòng anh vẫn cứ hẹp hòi, ngày đó anh còn xúc phạm cha của mình.
Anh em linh mục, chúng ta nghĩ gì về sự xúc phạm này của người con cả trong chúng ta? Cái bi đát nhất của đời tu là lẽ ra phải luôn luôn sống trong đại dương mênh mông của tình Chúa yêu thương (vì có lúc nào mà Chúa không yêu thương linh mục của Chúa), thì lại biến mình thành kẻ nghèo tình yêu Chúa? Bởi không nhận ra tình yêu thì cũng không nhận được tình yêu. Không thấy tình yêu thì làm sao biết mình được yêu! Nếu đúng như thế, chúng ta bất hạnh!
3. Ta có thực thi tình huynh đệ? Dù đứa em tội lỗi là thế, nhưng đứa em không một lời, không một cử chỉ nào xúc phạm anh nó. Còn người con cả không chỉ xúc phạm cha, mà còn xúc phạm nặng đến em. Anh ta nhân danh quyền gì mà dám kết luận rằng, em của anh ta nuốt hết tài sản với “bọn điếm”.
Đời sống chung trong cộng đoàn dòng tu, trong cộng đoàn linh mục giáo phận, giữa linh mục với cộng đoàn giáo xứ và anh chị em lương dân (trong địa bàn giáo xư, hay bất cứ ai mà mình gặp gỡ), lẽ ra phải là kiểu mẫu cho mọi đời sống chung, thì ngược lại, có khi nó trở thành gương mù. Chúng ta đi tu, còn hơn cả một nhà tu, chúng ta là linh mục của Chúa, mà chúng ta không rèn giũa mình được để sống chung với nhau, thì làm sao nhân loại, những con người xa lạ hoàn toàn sống chung với nhau, lại không có chiến tranh, không đổ máu. Chúng ta giết chết anh chị em của mình không bằng dao, không bằng súng, nhưng giết một cách dai dẳng hơn, đau đớn hơn bằng sự hiềm khích, ganh ghét qua mỗi một giây phút sống của chúng ta.
4. Xin đừng đứng ngoài cuộc.
Chúng ta sẽ hết là kẻ ngoại cuộc khi chúng ta biết và cố gắng sống sự hiểu biết đó:
- Hãy biết rằng mình hưởng niềm vui trong nhà Cha, chứ không phải kẻ bị bỏ ngoài đồng.
- Hãy nhớ, mình được chính Cha mời và dắt vào nhà Cha, chứ không phải là kẻ ở ngoài nhà.
- Nếu Thiên Chúa vui mừng vì một đứa con bụi đời trở về, thì người công chính nói chung, mỗi linh mục chúng ta nói riêng càng được mời gọi chia sẻ niềm vui ấy.
- Xin hãy làm con chứ đứng làm công. Làm con thì dù có nặng cũng trở nên nhẹ. Còn làm công, dù đó là công việc của người con, vẫn chỉ phủ đầy ê chề, tuyệt vọng.
- Thật nghiệt ngã và vô phúc biết chừng nào khi vâng lời và bổn phận chỉ là gánh nặng, còn phục vụ lại là làm nô lệ.
- Hãy yêu để đời sống không là gánh nặng, mà là hồng ân.
- Muốn được làm con của Cha, thì phải tập làm anh em của mọi người.
III. KẾT LUẬN.
Chúng ta đi tìm kết luận cho một bài suy niệm về một dụ ngôn không kết luận là để nhấn mạnh rằng, đời sống chúng ta chính là phần kết luận cho dụ ngôn. Nói cách khác, dụ ngôn kết thúc bằng chính đời sống chúng ta.
Câu chuyện phải được bỏ lửng. Vì bỏ lửng như thế sẽ kích thích chúng ta đi tìm kết luận. Khi kể chuyện chưa xong, Chúa Giêsu thừa biết câu chuyện mình kể là câu chuyện không kết thúc. Nhưng Chúa cứ để như thế, để Chúa giáo dục chúng ta rằng, chúng ta sẽ kết thúc giúp Chúa trong từng phút giây của cuộc sống mình.
Vì sống là một kết luận cho một dụ ngôn được bỏ lửng nên, Chúa Giêsu mở ngỏ để chúng ta dùng tự do của mình để sống theo hướng mà mình nghĩ, mình thực hành. Ở trong Cha hay không ở trong Cha, đó là hạnh phúc hay bất hạnh của mỗi người chúng ta.
Ta phải luôn luôn tự hỏi rằng: Người con cả trong dụ ngôn là ai hay là tôi? Hỏi để tìm câu trả lời.
VẤN TÂM
Là linh mục, cả một đời rao giảng Lời Chúa, Chắc không ít lần, chúng ta dùng dụ ngôn Người Cha Nhân Hậu để nói về tình yêu của Chúa, để ca tụng và cao rao tình yêu vô cùng của Chúa. Nhưng có bao giờ ta thấy Chúa sửa dạy, nếu không muốn nói là phàn nàn, là khiển trách ta qua từng chi tiết ngụ ý của dụ ngôn?
Chúng ta được gọi bằng nhiều tên gọi cao trọng để cho thấy vinh quang của mình ở nơi Chúa, thuộc về Chúa. Chẳng hạn: linh mục của Chúa, người dâng hy tế của Chúa, người phân phát kho tàng ơn Chúa, người rao giảng Lời Chúa, người thay mặt Chúa dẫn dắt đoàn dân của Chúa… Nhưng có bao giờ ta uốn mình theo Lời Chúa dạy? Mặc dù là người công bố Lời Chúa, có bao giờ ta tự đặt mình đứng chung trong hàng ngũ dân Chúa để Lời Chúa, một khi giáo dục đoàn dân của Người, thì cũng đồng thời giáo dục ta? Hay ta chỉ là kẻ ngoại cuộc, lớn tiếng loan báo Lời Chúa, còn Lời Chúa chẳng ảnh hưởng gì đến cuộc sống của mình? Nếu thế, ta chẳng khác gì chiếc loa phóng thanh, to tiếng mà rỗng ruột. Xin đừng tự mãn trong sự tự nhận mình hiểu biết, để rồi suốt đời mình, dù là linh mục của Chúa, vẫn chỉ là linh mục do tên gọi, còn đời sống linh mục vẫn chẳng có gì thay đổi, chẳng có gì rõ nét. Chúng ta đừng quên, hai tiếng “linh mục”, hay tiếng “Cha” cao trọng mà người đời trao tặng, tự nó không làm nên sự thánh thiện trong ta, mà chỉ nhờ nỗ lực từng ngày trong trách nhiệm dấn thân sống Lời Chúa, để được Lời Chúa giáo dục, rồi từ đó dùng Lời Chúa giáo dục dân Chúa.
HƯỚNG VỀ VĨNH CỬU
Trên đường về vĩnh cửu, ngoài Chúa, chúng ta còn có một tấm gương tốt lành để học đòi bắt chước. Tấm gương đó chính là Đức Mẹ. Đức Mẹ dạy ta nhiều bài học. Trong những bài học đó, đức khiêm nhường của Đức Mẹ chắc chắn sẽ giúp ta vững tin đi về vĩnh cửu.
1. Trong ngày giáng sinh của Chúa Con, phải sinh con trong chuồng bò lừa. Hèn hạ là thế, giá lạnh là thế, nghèo nàn là thế, nhưng Đức Mẹ vẫn thinh lặng để suy niệm hồng ân Chúa trong thâm sâu của cõi lòng mình. Đức Mẹ không đặt vấn đề với Chúa, không tra vấn Chúa: Tại sao lại thế? Chúa ở đâu, tình yêu Chúa ở đâu trong khi sự tăm tối của việc xin vâng để dấn bước theo Chúa, bắt đầu ùa đến kể từ mầu nhiệm nhập thể? Đức khiêm nhường càng làm cho Đức Mẹ biết ghi sâu thánh ý Chúa vào nội tâm mình.
Chúng ta noi gương Đức Mẹ để biến mình thành hình ảnh khác của người con cả. Nghĩa là ta hãy phụng sự Chúa bằng cả một đời trung thành, dẫu cho đời ta có giăng mắc bởi bất cứ chướng ngại nào, bởi bất cứ khó khăn nào. Hãy học lấy đức khiêm nhường xin vâng của Đức Mẹ mà vượt lên mọi đầu sóng ngọn gió quất vào đời mình. Biết mình thuộc về Chúa, biết mình đã được Chúa ân tuyển, chúng ta hãy tránh xa lối sống cay nghiệt của người con cả: “bao nhiêu năm trời con hầu hạ cha, và chẳng khi nào trái lệnh cha”. Vì làm con của Cha thì chỉ có yêu mến Cha, sống theo thánh ý Cha, chứ không bao giờ mang nặng mặc cảm “hầu hạ”, “phụng lệnh”.
2. Trong ngày vượt qua của Chúa Con, phải chứng kiến cảnh đau thương tàn tạ và nhục nhã đến tận cùng cái chết đớn đau trần truồng của con, Đức Mẹ vẫn không một lời trách móc loài người tệ bạc. Đức Mẹ không thù hằn những kẻ giết chết Con. Dù lòng Đức Mẹ đang chết với Con, dù lòng Đức Mẹ nhói đau khi lưỡi đòng thọc sâu vào trong trái tim Con, Đức Mẹ vẫn đứng đó, thinh lặng đón nhận, và ôm ấp mầu nhiệm thánh ý Chúa để làm trọn hành trình nhân chứng của đời mình đi theo Con, hiệp công cùng Con sinh hiệu quả cứu độ cho loài người. Phải đầy lòng khiêm nhường, Đức Mẹ mới có thể tô đậm hai tiếng “xin vâng” giữa tư bề sóng gió đến vậy.
Chúng ta noi gương Đức Mẹ, để hình ảnh người con cả trong ta có một kết thúc đẹp. Nghĩa là hãy khiêm nhường đón nhận mọi người, dẫu người đó có đầy những thói hư tật xấu, có tệ bạc, có tội lỗi, thậm chí có là kẻ nghịch cùng ta đi nữa. Hãy nhớ rằng, cùng với mọi người, ta là con Chúa, là anh em của nhau. Hãy xua trừ ngay thói nghĩ, thói hành động, thói lên án theo kiểu: “Thằng con của cha kia”. Bởi người con cả trong Tin Mừng đã không nhớ một điều rất bé nhưng rất cần phải nhớ: Khi anh ta loại trừ anh em mình, lập tức anh tự loại trừ mình, anh trở thành kẻ ngoại cuộc. Cần lắm sự khiêm nhường của Đức Mẹ chiếu giãi vào đời ta, để ta có thể “phụng sự Chúa trong mọi người” như Chúa muốn.
Trên đường tiến về vĩnh cửu, suốt cuộc đời làm Mẹ Thiên Chúa, Đức Mẹ đã khiêm nhường yêu Chúa, yêu mọi người. Tập bước từng bước theo Đức Mẹ trong sự khiêm, nhường, chúng ta tin rằng, hạnh phúc vĩnh cửu là của ta, thuộc về ta như đã thuộc về Đức Mẹ vậy.
Tác giả: Lm. JB NGUYỄN MINH HÙNG
Người chuyển đăng: Lm. Vũ Xuân Hạnh
Tranh thủ ít phút, mở sách, câu chuyện bó đũa, tôi đọc. Tôi hoà mình vào câu chuyện, vào tâm tình người cha đang thao thức, quan tâm, lo lắng cho các con. Tiếng chuông nhà thờ réo rắt, vang dội, dồn dập, thôi thúc tôi. Tôi bước nhanh ra nhà thờ. Một làn gió nhẹ từ đâu thổi đến, thoáng qua, làm dịu mát da thịt tôi. Làn gió ấy cũng cuốn theo những lá vàng úa, chúng nhè nhẹ theo chiều gió rơi xuống đất, xuống ao hồ, dĩ nhiên sẽ thối đi. Nhưng kìa, một bè rau muống, chúng đan kết nhau chặt chẽ, những ngọn rau mơn mởn đầy sức sức sống, vươn dài như sẵn sàng đón nhận một tương lai tươi sáng và cũng đầy thử thách gian nan. Những cánh lá bóng mượt, óng ánh rung rinh đón nhận những lá vàng rơi xuống một cách êm ái, nhẹ nhàng.
Nghĩ đến bản thân, sao mình giống những lá vàng kia thế, chỉ một làn gió nhẹ của đam mê, của tri thức, của khoa học, của dục vọng thôi cũng làm cho mình bị cuốn trôi vào vòng xoáy cuộc đời. Dù những thú vui ấy có đem lại cho tôi đôi chút mát dịu làn da, một chút ấm áp của trái tim. Nhưng nó lại làm tôi tách ra khỏi tình thương Thiên Chúa, ra khỏi cộng đoàn tình huynh đệ, như chiếc đũa tách khỏi bó đũa.
Đôi lúc, tôi cảm thấy đơn côi, hiu quạnh như chẳng còn ai quan tâm đến mình nữa.
…..
Không. Tôi còn được gia đình, bà con thân thuộc đón nhận. Họ luôn lo lắng, yêu thương, và dành nhiều tình cảm đặc biệt, nhiều ưu ái. Ngay cả các anh các chị cũng hy sinh cho tôi về thời gian, tiền bạc, cầu nguyện, họ dành luôn cho cả những sở thích, những món quà quý của họ cho tôi. Họ đều có lòng thương cảm với tôi.
Không. Tôi còn được các bạn đồng trang lứa, những người quen biết xa gần quan tâm, cầu nguyện và luôn cầu chúc tôi trở nên người như một bông hoa nhỏ để mọi người có thể hưởng một chút hương thơm của tình yêu thương phục vụ.
Không. Tôi còn có các anh em đồng lý tưởng trong trường, trong lớp, trong tổ đón nhận, cảm thông, nâng đỡ như những cánh lá rau muống xanh tốt rung rinh đón nhận tôi một cách êm ái nhẹ nhàng.
Không. Tôi còn được Thiên Chúa đón nhận thể hiện qua sự lưu tâm dạy dỗ các bậc bề trên, vì tương lại của Giáo hội với tất cả đầu tư và hy vọng trở thành mục tử tốt lành của Chúa.
Càng suy nghĩ , tôi càng hiểu Chúa hơn, tôi biết Chúa nhiều và, thấy Chúa thật cao vời xiết tả nhưng lại rất gần gũi trong đời sống tôi.
Con tạ ơn Chúa.
Thanh Thanh
Ngay trong phần dẫn nhập vào Thông điệp, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã cho chúng ta thấy rõ hướng đi trong những suy tư của Ngài: không chỉ tìm lý giải cho một sự kiện, nhưng là để nói về và nói với chính chúng ta, những người đang sống, những người “đã được ban cho niềm hy vọng, một niềm hy vọng khả tín, nhờ đó chúng ta có thể đương đầu với hiện tại: một hiện tại, cho dù khổ nhọc, nhưng chúng ta có thể sống và chấp nhận nếu nó dẫn đến một cùng đích, nếu chúng ta có thể chắc chắn về cùng đích này, và nếu cùng đích này cao cả đến mức có thể biện minh cho những cố gắng trên đường đi” (SS 1). Trong hướng đi này, sứ điệp gửi đến chúng ta không chỉ mang tính “thông tin” về niềm hy vọng kitô giáo mà còn đem đến “tác động”, làm thay đổi cuộc sống người tín hữu kitô. Chính tính cách “tác động” này mở ra góc nhìn mục vụ của Thông điệp cho phép chúng ta nhận ra những hướng dẫn thực hành cho cuộc sống kitô hữu mà ở đây, theo gợi ý của Đức Thánh Cha, chúng ta muốn hình dung như một chuyến hải trình trên biển đời trần thế. Hình dung như thế vì, với hình ảnh chuyến đi dài trên biển, chúng ta sẽ dễ suy nghĩ về niềm hy vọng, nghĩa là về một nơi nào đó còn thật xa, nhưng sức hấp dẫn đã có thể đưa con tàu và đoàn người xuất bến; về một điều gì đó chưa rõ ràng, nhưng chỉ cần nhắc tới cũng đủ làm rực sáng ánh mắt những người đang lênh đênh giữa trùng dương; hoặc về một ai đó mà chỉ nguyên nỗi khát mong gặp mặt cũng đủ làm nên sức mạnh để băng vượt trở ngại, hiểm nguy.
Đàng khác, ít nhiều chúng ta đã có những cảm nghiệm về khả năng quá đỗi giới hạn của con người, trong khi cuộc đời thì như mặt biển rộng dẫy đầy thử thách, với bao nhiêu sóng dữ xô đập và không ít đá ngầm ẩn khuất, còn bến bờ thì cứ như mịt mù diệu vợi. Có bí quyết nào giúp chúng ta giữ được bình an trong bão tố? Có sức mạnh nào giúp chúng ta đứng vững khi đã quá rã rời mệt mỏi giữa trùng khơi biển động? Có chỉ dẫn nào giúp chúng ta không mất hướng giữa đêm đen ngờ vực? Chúng ta sẽ đi vào phần cuối của Thông điệp với một chút tưởng tượng về chính mình đang có mặt trên thuyền đời giữa đại dương, đang đối diện với hiện tại nhưng mũi thuyền vẫn rẽ sóng tiến về tương lai, đang đương đầu với sóng gió nhưng vẫn giữ chắc đời mình với sợi dây neo hy vọng, đang sống cuộc sống của chính mình nhưng luôn chuyển động theo hướng lái của tình yêu, đang giữa biển đời nhưng mắt không rời khỏi ánh sao toả sáng từ trời cao.
Trên lộ trình Tin Yêu
Con người đã nỗ lực đi tìm chân lý, đã cố gắng xác định điểm đến của nhân loại trên dòng chảy lịch sử, muốn nhận thấy ý nghĩa và cứu cánh đích thực của cuộc sống nhân linh. Đã có nhiều người cố vạch đường bằng suy tư triết lý, bằng hành động chính trị hay bằng tiến bộ khoa học, nhưng cuối cùng dường như đó chỉ là những lộ trình không dẫn đến mục tiêu, và không ít người đã phải thất bại trong những chuyến đi vô vọng. Đức Thánh Cha, trong khi phân tích từng ngã rẽ, khúc quanh của các lối đi, đã trình bày về niềm Hy vọng Kitô giáo như chân trời mở rộng cho tương lai một thế giới tốt lành và một nhân loại hạnh phúc. Trong “một thế giới không hoàn thiện tự bản chất”, khi mà con người tự mình không sao đạt được tới ơn cứu độ, thì chính Thiên Chúa đã đi vào lịch sử để mở lối, để dẫn đường. Con người đã có thể hy vọng, và niềm hy vọng cao cả này chỉ có thể được giải thích bằng tình yêu của Thiên Chúa, Đấng yêu thương con người, và đã yêu thương “đến cùng”, yêu cho đến khi “mọi sự được hoàn tất”. Và trên đường tiến về Nước Trời, “chỉ có tình yêu Thiên Chúa mới ban cho chúng ta khả năng kiên vững ngày này qua ngày khác, mà không đánh mất đi nhiệt tình của niềm hy vọng” (SS 31).
Đọc Thông điệp, chúng ta có cảm tưởng như thể, trên chuyến tàu của lịch sử nhân loại đang còn bị xô kéo ngang dọc theo nhiều dòng hải lưu bất định, Đức Thánh Cha đang tìm cách bẻ chiếc bánh lái để đưa tàu xoay hướng vào niềm tin nơi Thiên Chúa, khích lệ thủy thủ đoàn sử dụng hết công suất của tình yêu, dõi theo ánh sao của niềm hy vọng Kitô giáo. Thật vậy, có thể nói, trước khi chỉ cho mọi người thấy vùng hải phận đầy hy vọng của Vương quốc Tình yêu đang được thiết lập ở bất cứ nơi nào Thiên Chúa được yêu thương và ở bất kỳ nơi nào tình yêu của Ngài đến được với con người, trước khi nói với thế giới rằng “niềm hy vọng thật sự và cao cả của con người, niềm hy vọng vững vàng bất chấp mọi nỗi thất vọng, chỉ có thể là Thiên Chúa” (SS 27), Đức Bênêđictô XVI, ngay từ khi viết Thông điệp “Thiên Chúa là Tình Yêu”, đã khẳng định: “Tình yêu là ánh sáng – cuối cùng là ánh sáng duy nhất – sẽ làm cho một thế giới đen tối được bừng sáng trở lại và ban cho chúng ta sự can đảm để sống và để hành động” (Deus caritas est 39). Chỉ trong ánh sáng của tình yêu, chúng ta mới thấy được nền tảng của mọi hy vọng chính là Thiên Chúa, dĩ nhiên không là một vị chúa cao xa nào đó, nhưng là Đấng Thiên Chúa đã chấp nhận bước lên chuyến tàu nhân loại, chấp nhận gánh vác số phận của những kẻ đồng hội đồng thuyền, không là một vị thần vô cảm nào đó, nhưng là “Đấng Thiên Chúa có diện mạo con người và là Đấng đã yêu thương chúng ta đến cùng: từng cá nhân và toàn thể nhân loại” (SS 31).
Chuyến đi của mỗi người đã bắt đầu từ ngày lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy, điểm xuất phát để đi tìm sự Sống đời đời. Nếu Đức Tin đã mở đường cho niềm Trông Cậy sẽ được cứu rỗi, thì chính Đức Mến sẽ định hướng cho cả chuyến hành trình hy vọng. Nếu niềm Hy vọng mang hình ảnh chiếc neo để bám chắc trong giông bão, thì Đức Tin sẽ như chiếc bánh lái điều hướng và Tình yêu chính là động cơ làm chuyển động cả con tàu. Nếu được đức Ái hướng dẫn khi dấn thân hành động, lúc đối diện đau khổ, và cả khi cầu nguyện, chúng ta sẽ tránh được nguy cơ lạc hướng đức Tin, không để bị trôi giạt theo những chủ thuyết đối nghịch chân lý và không còn bị lôi kéo bởi những cách sống ngược hướng Tin mừng.
Chuyến đi dài trong bão táp
Hành động
Trên con tàu đang tiến về tương lai, chúng ta sẽ không ngồi im để hy vọng, nhưng luôn nỗ lực để hy vọng bằng hành động. Với hành động, chúng ta như căng rộng cánh buồm cho con tàu lướt tới trong từng niềm hy vọng lớn nhỏ, khi theo đuổi thực hiện cách tốt đẹp và đúng đắn những ước mơ hằng ngày dù bé nhỏ hay lớn lao, khi làm việc nghiêm túc để chuẩn bị cho tương lai cuộc sống, khi dấn thân làm cho thế giới này được “tươi sáng và nhân bản hơn” dù chỉ “một chút”.
Tuy nhiên, Đức Thánh Cha cũng cảnh báo chúng ta rằng hành động của con người dễ gặp nhiều thất bại, trong các công việc thường ngày và cả trong những công trình mang tầm vóc lịch sử. Một lúc nào đó, chúng ta có thể hoặc bị kiệt sức vì thất bại hoặc trở thành cuồng tín hay nhanh chóng mất đi niềm hy vọng Làm thế nào để luôn có thể tiếp tục hy vọng kể cả vào những thời điểm trong đời sống cá nhân hay trong lịch sử nhân loại dường như không còn gì để hy vọng, để có thể can đảm tiếp tục hành động và kiên trì tiến bước? Làm thế nào để thấy được ý nghĩa và tầm quan trọng của toàn thể lịch sử cũng như của cuộc sống mỗi người? Câu trả lời gắn vào hai chữ Hy Vọng, nhưng không phải là thứ hy vọng trước những điều đạt được trong một thời gian nhất định hay trước những gì các nhà cầm quyền chính trị và kinh tế hứa hẹn, nhưng là niềm hy vọng lớn lao, nhờ đó chúng ta xác tín rằng đời sống mỗi người và toàn thể lịch sử “được giữ gìn vững chắc trong quyền năng không thể hủy diệt của Tình Yêu” (SS 35).
Lời đáp trả cho niềm hy vọng lớn lao ấy chính là Nước Thiên Chúa, Vương quốc của Tình yêu. Bằng hành động, chúng ta xây dựng nước trần gian nhưng sẽ đón nhận Nước Thiên Chúa như món quà tặng của Tình yêu. Tuy dù các việc chúng ta thực hiện trong giới hạn nhân loại không làm cho chúng ta được “xứng đáng” hưởng Thiên đàng, nhưng các hành động ấy vẫn có giá trị trước mặt Thiên Chúa và vì thế cũng có ý nghĩa đối với diễn tiến lịch sử. Theo Đức Thánh Cha, qua hành động, chúng ta có thể trở thành những “cộng sự viên của Thiên Chúa”, góp phần vào việc cứu độ trần gian, khi “mở rộng lòng mình cũng như thế giới để cho Thiên Chúa đi vào: mở ra với chân lý, tình yêu và thiện hảo”; “chúng ta có thể giải thoát cuộc đời mình cũng như thế giới khỏi những chất độc và sự ô nhiễm có nguy cơ hủy diệt hiện tại và tương lai”; ngoài ra, nhờ hành động, chúng ta có thể khám phá, bảo tồn và sử dụng theo những đòi hỏi nội tại và mục đích tối hậu của công trình sáng tạo vốn là ân ban của Thiên Chúa dành cho con người.
Trong ý nghĩa đó, nếu mỗi hành động đều làm phát sinh một hy vọng nào đó cho chúng ta và cho người khác, thì chính niềm hy vọng cao cả dựa trên các lời hứa của Thiên Chúa lại đem đến cho chúng ta sự can đảm và hướng dẫn hành động của chúng ta trong mọi lúc, khi thuận tiện cũng như trong nghịch cảnh (x. SS 35).
Đau khổ
Chúng ta không bi quan để thấy cuộc đời chung quanh chỉ là bể khổ, nhưng cũng không ngây thơ để nghĩ đau khổ chỉ là chuyện giản đơn. Thật vậy, giải quyết vấn đề đau khổ vẫn luôn là một trăn trở triền miên của nhân loại. Người ta đã tìm biết bao cách thế để giải trừ hay ít ra giảm bớt những nỗi đau tinh thần cũng như đau đớn thể xác. Ở đây, khi đặt đau khổ đối diện với niềm hy vọng Kitô giáo, Đức Bênêđictô XVI muốn chúng ta tránh khỏi ảo vọng của một cuộc trốn chạy hay tìm cách loại trừ đau khổ. Dĩ nhiên chúng ta phải làm hết sức để vượt thắng đau khổ, nhưng cũng cần phải chấp nhận một thực tế là “việc loại bỏ hoàn toàn đau khổ ra khỏi thế giới này nằm ngoài tầm tay chúng ta - đơn giản là vì chúng ta không thể rũ bỏ thân phận hữu hạn của mình - và vì không ai trong chúng ta đủ khả năng khai trừ quyền lực của sự dữ, của tội lỗi, vốn luôn là nguồn gốc của đau khổ”. Thật vậy, không chỉ chịu đắng cay với những nỗi đau gắn liền với kiếp người mong manh đầy giới hạn, con người rõ ràng đã bất lực trước những đau khổ cứ mãi gia tăng theo khối luợng tội lỗi không ngừng chồng chất thêm theo dòng lịch sử. Tuy nhiên, niềm hy vọng cho một nhân loại có thể được chữa lành đã bừng dậy khi Thiên Chúa đích thân bước vào lịch sử khi làm người và chịu đau khổ để giải cứu con người. Tin tưởng vào Đấng có quyền năng “xóa tội trần gian”, chúng ta có quyền hy vọng và can đảm đứng về phía sự thiện để giảm trừ tội lỗi và chiến đấu chống sự dữ (x. SS 36).
Nếu tội lỗi xuất hiện như một quyền lực gây kinh hoàng, thì tình yêu luôn biểu dương sức mạnh tạo nên niềm hy vọng được chữa lành nhờ Đức Kitô, Đấng đã đau khổ với một tình yêu vô biên dành cho các tội nhân. Vì thế, chỉ nhờ kết hiệp với Đấng đã tự nguyện chịu đau khổ vì loài người và cho loài người để cứu độ loài người, chúng ta mới có được khả năng chấp nhận khổ nạn và trưởng thành trong gian truân khi hiểu được ý nghĩa của những khổ đau trong đời.
Nếu tránh né khổ đau là điều bất khả thực thi, nếu đào thoát trước những nhọc nhằn và đau khổ của cuộc chiến đấu cho sự thật, tình yêu và sự thiện, là điều tồi tệ hơn vì sẽ dẫn đến một cuộc sống trống rỗng, vô nghĩa, tăm tối và cô độc, thì điều cần làm là hãy học cách biến đổi khổ hình thành Thánh Giá bằng chính năng lực của tình yêu. Thánh Tử đạo Phaolô Lê Bảo Tịnh đã hiểu được điều này khi thả “chiếc neo của trái tim đến tận ngai toà Thiên Chúa” giữa cơn bão táp bách hại, đã nhìn thấy “ánh sao hy vọng” dù đang ở giữa lòng “hỏa ngục”, đã biến đau khổ thành bài ca ngợi khen nhờ sức mạnh của niềm hy vọng phát sinh từ đức tin (x. SS 37).
Cũng chính tình yêu - Đức Thánh Cha gọi đó là “thước đo nhân tính” - sẽ xác định mức độ trưởng thành của từng người cũng như toàn xã hội trong tương quan với đau khổ và với người đau khổ. Theo Đức Bênêđictô XVI, “một xã hội không chấp nhận được những người đau khổ và không có khả năng chia sẻ cũng như mang lấy đau khổ của họ trong tâm hồn bằng sự đồng cảm, là một xã hội độc ác và vô nhân đạo”. Niềm an ủi (con-solatio) không gì khác hơn là sự hiện-diện-với-người-đang-cô-đơn trong đau khổ để người ấy không còn đơn độc, Hơn nữa, hiện-diện-với cũng có nghĩa là ra khỏi cái tôi ích kỷ, là hy sinh tiện nghi và an toàn của riêng mình để chấp nhận đau khổ vì tình yêu dành cho sự thiện, sự thật và công bình, không để cho bạo lực và gian trá lên ngôi. Như thế, chính trong đau khổ mà chúng ta chẳng những học biết nói lời “xin vâng” với tình yêu khi chấp nhận chịu cắt tỉa và mang thương tích để trưởng thành trong tình yêu, mà còn có thể trở nên “người” hơn khi biết đau khổ với tha nhân và vì tha nhân, đau khổ vì sự thật và công bình. (x. SS 38).
Tuy nhiên, dù đã biết tình yêu, tha nhân, chân lý và công bình, là những yếu tố nền tảng của nhân tính, nhưng một lúc nào đó trong tâm trí chúng ta có thể bật lên những câu hỏi: Liệu tha nhân có đủ quan trọng đến mức tôi phải trở thành người chịu đau khổ vì họ không? Đối với tôi chân lý có quan trọng đến nỗi phải trả giá bằng đau khổ không? Lời hứa của tình yêu có cao cả đến độ biện minh được cho việc dâng hiến bản thân tôi không? Đây quả là những nghi ngại có thể khiến nhiều người chối từ đau khổ. Nhưng thật ra lý do để chúng ta có thể chịu đau khổ ở tầm mức cao cả như thế đã được giải trình trong niềm tin Kitô giáo. Thật vậy, nếu nghĩ về tha nhân, chúng ta hãy nhớ cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu để thấy con người có giá trị lớn lao đến độ Thiên Chúa đã làm người để có thể đau khổ thực sự với con người; khi nói về sự thật, công bình và tình yêu, chúng ta lại thấy ngay cả Thiên Chúa, vì tình yêu và vì chân lý, đã chấp nhận đau khổ vì chúng ta và với chúng ta, đã muốn hiện-diện-với để an ủi con người trong mọi nỗi đau khổ.
Tình yêu đồng cảm của Thiên Chúa đã lại làm bừng lên niềm hy vọng. Khi đau khổ chỉ là những thử thách nhỏ nhặt thường ngày, thì niềm hy vọng vào những giúp đỡ nhân loại có thể đã đủ để an ủi, để chữa lành, hay để giúp chúng ta vượt qua khủng hoảng, nhưng khi đau khổ trở thành thử thách thực sự nặng nề, khi phải có một quyết định can đảm để bảo vệ chân lý, công bằng hay tình yêu chắc chắn chúng ta phải cần đến niềm hy vọng đích thực và cao cả đặt vào tận tình yêu của Thiên Chúa. Đây chính là niềm hy vọng đã làm nên sức mạnh phi thường cho các thánh chứng nhân tử đạo trong chọn lựa cuối cùng giữa sự sống và cái chết. Theo Đức Thánh Cha, khả năng chịu đau khổ của chúng ta “tùy thuộc vào loại hình và tầm mức của niềm hy vọng mà ta mang trong lòng và dựa trên đó để xây dựng cuộc đời chúng ta”.Vì thế, chúng ta sẽ phải học cách mến chuộng điều thiện hơn những tiện nghi dễ dãi, ngay cả trong những chọn lựa nho nhỏ trong cuộc sống hằng ngày, vì “biết rằng chỉ như thế, chúng ta mới thực sự sống cuộc đời mình. Chúng ta có thể làm được điều này khi noi gương các thánh, những con người vì đã đầy tràn niềm hy vọng lớn lao, nên đã có thể hoàn tất cuộc hành-trình-làm-người theo cách thức mà Đức Kitô đã thực hiện trước chúng ta (x. SS 39).
Nhân nói đến đau khổ, Đức Thánh Cha cũng muốn đề cập đến việc “hiệp dâng”, một thực hành đạo đức phát xuất từ ước muốn liên kết những lao nhọc nhỏ bé hằng ngày vào cuộc khổ nạn của Đức Kitô. Tuy đã có những điểm đi đến thái quá hay có khi lệch lạc, nhưng dù sao đây cũng là một thực hành mang lại nhiều ơn ích thiêng liêng. Thật vậy, khi xin được “đồng chịu khổ nạn” với Đấng Cứu thế, chúng ta đã làm cho những đau khổ dù là bé nhỏ hằng ngày có được một ý nghĩa cao đẹp hơn, đồng thời cũng góp phần vào công cuộc mang lại ơn phúc, củng cố tình yêu thương đối với mọi người (x. SS 40).
Lời kêu cứu giữa biển khơi
Chuyến đi dài không sao tránh khỏi những bất trắc, và giữa cơn nguy hiểm, còn gì hy vọng hơn khi biết tín hiệu cầu cứu của mình đã có người nghe thấy? Nếu có một lúc nào đó, khi hành động đã hoàn toàn thất bại, khi đau khổ đã trở thành cùng cực, khi những hy vọng vào con người đã tắt ngúm, khi cô đơn đã xâm chiếm toàn bộ tâm tư, khi không còn ai bên cạnh, khi tưởng như không còn gì để trông mong, không còn đâu để bám víu, thì đừng quên chúng ta vẫn còn có Thiên Chúa để thưa chuyện và lắng nghe. Nói cách khác, khi hoàn cảnh bên ngoài đã “hoàn toàn tuyệt vọng”, như một lúc nào đó trong cuộc đời Đức Cố Hồng Y Nguyễn Văn Thuận, thì vẫn còn đó một Đấng hằng yêu thương chúng ta, vẫn còn lại dòng sức mạnh cuối cùng đến từ “những lời nguyện hy vọng” (SS 32).
Cầu nguyện là tìm đến gặp gỡ Thiên Chúa,và cầu nguyện cũng chính là hy vọng. Thật vậy, mỗi lần cầu nguyện là mỗi lần tâm hồn chúng ta lại được khai mở và củng cố thêm trong nỗi khát vọng vô biên hướng về Thiên Chúa, là chúng ta lại được trao ban nguồn sức mạnh thường hằng của tình yêu đến từ Thiên Chúa, và vì thế, đây cũng là điểm tựa cuối cùng trên đường đời có quá nhiều rủi ro trắc trở.
Thánh Augustinô đã mô tả cầu nguyện như một thực tập của khát vọng. Bởi cầu nguyện không gì khác hơn là bày tỏ những điều mình mong ước, mà ước mong cũng có nghĩa là còn phải đợi chờ, và chúng ta chỉ đợi chờ khi còn hy vọng, nên càng cầu nguyện, chúng ta càng học được cách sống niềm cậy trông. Theo thánh Augustinô, giáo trình này do chính Thiên Chúa thực hiện với cả một phương thức sư phạm tuyệt vời để dẫn ta từng bước gặp được chính Ngài. Thật vậy, khi để ta đợi chờ, Ngài khơi thêm nỗi khao khát, khi để ta khao khát, Ngài mở rộng lòng ta, khi mở rộng lòng ta, Ngài tạo thêm khả năng tiếp nhận, để trái tim ta có đủ chỗ cho Thiên Chúa và và cho cả tha nhân.
Trong thực hành, khi cầu nguyện, chúng ta không rời khỏi thế giới đang sống hay thu mình vào một góc nhỏ hạnh phúc riêng tư, nhưng luôn đặt mình trước Thiên Chúa là Cha và nắm chặt tay mọi người anh em. Với cách cầu nguyện như thế, niềm hy vọng sẽ dần dần được “thanh luyện”, vượt khỏi những mong mỏi nhỏ nhen tầm thường để học cách nhận ra những điều “xứng đáng với Thiên Chúa”, không ích kỷ xin điều gì “chống lại tha nhân” để học cách thực hiện ước mơ về một gia đình nhân loại hạnh phúc hơn, không trú ẩn trong những giả dối về chính mình và ảo tưởng về thế giới để thức tỉnh lương tâm khi đối diện với Thiên Chúa, với sự Thiện tuyệt đối (x. SS 33).
Ngoài ra, giờ cầu nguyện phải vừa mang tính cá nhân trong cuộc trao đổi tâm sự của riêng mỗi người với Thiên Chúa, vừa mang tính cộng đoàn khi tỏ bày tâm tư bằng những lời kinh chung của Phụng vụ Giáo hội. Khi đó, lời cầu nguyện bé nhỏ tầm thường của chúng ta sẽ hoà chung vào lời kinh vĩ đại của toàn Giáo hội.
Như vậy, để có thể cầu nguyện thực sự, chúng ta cần học biết cách thân thưa với Chúa và biết hiểu cách Chúa nói với chúng ta, thực tập cách mở lòng ra với Chúa và cách làm “thừa tác viên của hy vọng cho tha nhân” , một niềm hy vọng tích cực, không chỉ xuất hiện trong lời cầu xin, nhưng còn tạo sức mạnh thúc đẩy chúng ta dấn thân trong hành động để phụng sự Thiên Chúa và phục vụ con người (x. SS 34).
Lần cập bến cuối cùng
Lời kinh Tin kính tuyên xưng Đức Kitô “sẽ trở lại trong vinh quang để phán xét kẻ sống và kẻ chết”, đã nhắc người tín hữu nhìn thẳng về phía cuối chặng đường lịch sử của cả nhân loại. Viễn ảnh về ngày “Chúa lại đến” đã hướng các kitô hữu nhìn về phía trước. Cái nhìn về tương lai đó giúp cho con người thấy được tầm quan trọng của hiện tại. Giữa lòng vũ trụ và trên suốt quãng đường dài của lịch sử nhân loại, người tín hữu hướng về Đức Kitô quang lâm, Đấng đã đến để cứu độ và sẽ trở lại để phán xét con người về trách nhiệm đối với cuộc sống.
Những suy tư về cuộc phán xét chung thẩm thường vẫn xoay quanh vấn đề công bình. Chúng ta đừng để bị lung lạc bởi những chủ thuyết nhân danh công bình, hay đúng hơn dựa vào thực tế còn đầy bất công của thế giới loài người để truất phế Thiên Chúa và tự phụ cho rằng “con người có thể và phải làm điều mà Thiên Chúa không làm hay không thể làm” (SS 42). Đức Thánh Cha nhắc nhở chúng ta hãy xác tín rằng Thiên Chúa hiện hữu và Thiên Chúa biết thiết lập công bình theo cách thế của Ngài. Cách thế đó chúng ta không hình dung nổi, nhưng có thể cảm nhận trong mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Kitô, Đấng đã chịu đóng đinh và đã sống lại: đúng là có sự phục sinh thân xác, có công bình, có “dấu tích” của khổ nạn và có sự chỉnh sửa để phục hồi điều ngay chính. Như thế, chúng ta có thể khẳng định rằng: vì bất công trong lịch sử không thể là tiếng nói cuối cùng nên việc Đức Kitô trở lại để đưa nhân loại đến sự thành toàn và mang lại sự sống mới trong tình yêu vĩnh cửu là điều chắc chắn cần thiết. Duy chỉ Thiên Chúa mới có thể thiết lập công bình thực sự, vì thế, “trước hết và trên hết, tin vào phán xét chính là hy vọng” (SS 43).
Những gì mà vị Thẩm phán tối cao sẽ tra vấn trong cuộc phán xét về những gì chúng ta đã làm và đã không làm, quả thật đã nên “như tiêu chuẩn để tổ chức đời sống hiện tại, như lời mời gọi lương tâm, và đồng thời như niềm hy vọng vào sự công bình của Thiên Chúa” (SS 41).
Tự do và trách nhiệm. Theo Đức Bênêđictô XVI, “hình ảnh cuộc chung thẩm không phải là hình ảnh gây khiếp sợ nhưng là hình ảnh gieo hy vọng, và đối với chúng ta, có lẽ là hình ảnh quyết định của hy vọng”. Những hình ảnh đó thật ra muốn nhắc nhở chúng ta ý thức về những trách nhiệm mang tính luân lý, trách nhiệm đối với cuộc sống của chính mình để tâm hồn không bị biến dạng bởi bất cứ ảnh hưởng nào của sự dữ, trách nhiệm đối với tha nhân để đừng tạo một vực sâu không thể qua được, trách nhiệm phải làm cho thành toàn đời mình, bởi một ngày nào đó linh hồn sẽ phải trình diện “trần trụi” trước vị Thẩm phán. Bấy giờ, điều quan trọng không hệ tại ở chỗ chúng ta “đã là ai” trong lịch sử nhưng ở chỗ chúng ta “thực sự là gì” trước mặt Chúa (x. SS 44).
Lương tâm và thiện ý. Tất cả sẽ chịu phán xét, nhưng trước khi bản án cuối cùng được ban hành, chúng ta biết rằng còn có giai đoạn giữa cái chết và cuộc phục sinh của thân xác. Dụ ngôn người phú hộ và người ăn mày đã gợi lên những ý tưởng liên quan đến tình trạng trung gian này: trong cuộc đời tại thế, con người còn giờ để chọn lựa cách sống của mình, với cái chết, sự lựa chọn đã mang tính quyết định, và trong cuộc phán xét riêng, mỗi người sẽ trả lời với vị Thẩm phán về chính cuộc sống của mình. “Thiên đàng”, “hỏa ngục” hay “luyện ngục” là những kết quả khác nhau tùy theo cách sống mỗi người đã thực hiện. Có những người đã để cho tình mến Chúa yêu người điều hướng toàn bộ cuộc đời, nên được hiệp thông với Thiên Chúa sẽ là hạnh phúc viên mãn đến từ những gì họ đã có sẵn trong đời. Đối với những người đã chọn cho mình lối sống giả dối, thù hận, chà đạp tình yêu, những người đã triệt hạ khát vọng chân lý và phá hủy hoàn toàn khả năng yêu thương nơi chính mình, hỏa ngục là điều không thể tránh khỏi như kết quả của việc tàn phá sự thiện đến độ “vô phương cứu chữa”. Trong khi đó, có rất nhiều người từ tận thâm tâm vẫn thật lòng cởi mở với chân lý, với tình yêu và với Thiên Chúa, thế nhưng, trong những chọn lựa cụ thể của cuộc đời, sự cởi mở đó “vẫn cứ bị phủ lấp bằng những thoả hiệp với sự dữ”. Họ đã để đời mình vương bẩn, nhưng đã không đánh mất niềm khát vọng sống tốt lành, họ đã từng thất bại, nhưng vẫn còn giữ được khát vọng để vươn lên. Một cách nào đó, họ đã không thành công trong việc xây dựng cuộc đời, nhưng họ vẫn còn giữ được chính mình trên nền tảng vững bền là Đức Kitô. Họ sẽ được cứu, nhưng phải được thanh luyện, theo kiểu nói của đoạn thư 1 Cr 3,12-15, “như thể băng qua lửa” để trở nên hoàn toàn có khả năng tiếp nhận Thiên Chúa và có thể tham dự tiệc cưới vĩnh cửu. Theo một số nhà thần học, ngọn lửa này không gì khác hơn là tình yêu của Đức Kitô, vị Thẩm phán chí công đồng thời cũng là Đấng cứu độ đầy yêu thương. Trong khi ánh mắt công bình sẽ làm lộ diện những công việc mà giá trị chỉ là rơm rạ, thì trái tim yêu thương sẽ thiêu đốt chúng ta lúc đó nhận biết rõ ràng là mình đã sống bất xứng với tình yêu. Ngọn lửa từ cuộc khổ nạn của Đức Kitô sẽ thanh luyện chúng ta hết những hoen ố, biến đổi chúng ta trong quyền năng thánh thiện của Tình yêu Chúa, giúp chúng ta cuối cùng “được hoàn toàn là chính mình và nhờ đó hoàn toàn thuộc về Thiên Chúa”. Còn về “thời hạn” chịu thiêu đốt để được biến đổi, chắc chắn chúng ta không thể nói với cách tính tháng ngày của trần thế, cũng như “thời điểm” của cuộc biến đổi không thể xác định bằng giờ giấc trên mặt số đồng hồ. Có thể nói thời gian luyện ngục phải đủ cho trái tim mỗi người có thể làm cuộc “vượt qua” để bước vào Tình yêu đời đời của Thiên Chúa (x. SS 46).
Công bình và ân sủng. Một lần nữa, ngay trên lãnh địa của sự chết, của những gì có thể làm chúng ta sợ hãi nhất, thì chính Tình yêu lại có mặt để làm rực sáng lên niềm hy vọng. Cuộc phán xét của Thiên Chúa là hy vọng bởi lẽ cuộc phán xét đó vừa là công bình vừa là ân sủng. Thiên Chúa là công bình và lập nên công bình, nhưng trong công bình của Thiên Chúa lại có ân sủng.
Dĩ nhiên, chúng ta không được ngây thơ để nghĩ rằng ân sủng sẽ hủy bỏ công bình. Không, ân sủng không biến sai trái thành ngay thẳng, không san bằng giá trị của từng điều tốt xấu, không để thủ phạm ngồi cạnh nạn nhân “như thể không có chuyện gì xảy ra”. Phải có công bình khi tất cả được phơi bày, khi tất cả mọi giả dối đều tan biến trước cái nhìn của vị Thẩm phán; nhưng nếu chỉ có công bình thì quả thật chúng ta chỉ còn biết run sợ và thất vọng vì nếu Chúa chấp tội thì nào có ai đứng vững được. Ngược lại, nếu phán xét chỉ là ân sủng, thì những gì diễn ra trên trần thế sẽ trở thành vô nghĩa, vì rốt cuộc việc xấu tốt đều có cùng giá trị như nhau; nhưng Thiên Chúa có cách để nối kết công bình và ân sủng. Nơi Đức Kitô, Thiên Chúa làm người, công bình và ân sủng thấm nhập vào nhau chặt chẽ đến độ công bình vẫn được thiết lập đồng thời ân sủng vẫn được trao ban. Vì thế, nếu ý nghĩ về công bình làm cho chúng ta chỉ dám mong đợi ơn cứu độ “trong nỗi kính sợ Thiên Chúa và run rẩy” (Pl 2,12), thì ân sủng lại cho phép chúng ta hy vọng và bước đi đầy lòng tín thác, đến gặp vị Thẩm phán đồng thời cũng là “trạng sư” của chúng ta (x. SS 47).
Liên đới và thông hiệp. Cầu nguyện cho các linh hồn trong luyện ngục là một thực hành phổ biến trong Giáo hội, là một kinh nghiệm đầy an ủi khi chúng ta xác tín rằng tình yêu có thể vươn tận đến thế giới bên kia cũng như mối dây yêu thương có thể vượt qua ranh giới của sự chết để nối kết người còn sống và kẻ đã qua đời. Khả năng hiệp thông này dựa trên chính mối tương quan liên vị và trách nhiệm liên đới giữa con người với nhau trong cuộc sống nhân sinh hiện tại. Thật vậy, không ai là một đơn tử khép kín, không ai sống một mình, không ai không có trách nhiệm về tội lỗi, cũng không ai được cứu độ một mình. Tôi và tha nhân đều có liên quan trong suy nghĩ, nói năng và hành động, trong sự dữ cũng như trong sự lành. Vì thế việc tôi cầu nguyện cho người khác, ngay cả sau khi người ấy chết, là điều tôi có thể và cần làm. Chính hành vi hiệp thông này lại làm sáng tỏ thêm một yếu tố quan trọng của niềm hy vọng Kitô giáo mà Đức Thánh Cha vẫn muốn nhấn mạnh: “Niềm hy vọng của chúng ta chủ yếu vẫn luôn là hy vọng vì người khác; và chỉ như thế mới sự là niềm hy vọng cho chính tôi. Trong tư cách kitô hữu, chúng ta đừng bao giờ chỉ biết hỏi “làm thế nào để tôi có thể cứu được chính mình?” nhưng chúng ta còn phải hỏi “tôi phải làm gì để tha nhân có thể được cứu độ và để ngôi sao hy vọng có thể toả sáng trên họ? Đó cũng là lúc tôi làm hết sức cho ơn cứu độ của mình” (SS 48).
Mẹ Maria, Ngôi sao hy vọng
Chúng ta có lẽ không biết ngôi sao nào là “ngôi sao biển”, nhưng có thể hiểu được sự an tâm của người đi biển khi còn nhìn thấy ánh sáng, dù có khi chỉ là điểm sáng nhỏ, của một ngôi sao quen thuộc nào đó trong bầu trời đêm. An tâm vì còn nhìn thấy ánh sao là còn có thể nhận ra phương hướng, nên chỉ một chấm sáng thật nhỏ cũng đã đủ để thắp rực lên cả một trời hy vọng.
Đoạn kết của Thông điệp “Spe salvi” được viết như một lời nguyện hướng về Đức Maria, người đã nói lời “xin vâng” tuyệt vời nhất trong lịch sử, lời đã mở cánh cửa thế giới cho Thiên Chúa đi vào, và đã chắp cánh cho con người trong hy vọng tìm về với Thiên Chúa.
Đức Maria, người đã cùng Con-Thiên-Chúa-Tình-yêu-nhập-thể đem lại cho nhân loại niềm hy vọng cao cả, và là người đang cùng Giáo hội “mang trong mình niềm hy vọng của thế giới ngang qua những dãy núi đồi của lịch sử”.
Đức Maria, người đã thông dự vào công trình Cứu Thế và đã hiểu thế nào là chống đối và khước từ, thế nào là đau khổ tột cùng của thập giá, người đã trải qua những giây phút nghẹt thở nhất của niềm hy vọng: phải chăng Vương quốc của Tình yêu có thể bị kết thúc trước khi được khởi sự? Dáng hình Mẹ dưới chân thánh giá trên đồi Sọ vẫn luôn là hình ảnh tuyệt vời của người đã vượt thắng khổ đau.
Đức Maria, người Mẹ của Hy vọng, người đã vượt bóng đen của hai đêm Khổ nạn để đến gặp buổi sáng Phục sinh, người đã cùng cầu nguyện với các môn đệ, người đã có mặt trong ngày Giáo hội lên đường đi khắp thế giới để dựng xây Nước Thiên Chúa.
“Lạy Mẹ Maria, Mẹ Thiên Chúa và cũng là Mẹ chúng con, xin dạy chúng con biết tin tưởng, hy vọng và mến yêu với Mẹ. Xin chỉ cho chúng con nẻo đường đến Nước Chúa. Lạy Mẹ là Ngôi Sao Biển, xin chiếu sáng chúng con và hướng dẫn chúng con trong cuộc lữ hành trần thế” (SS 50). ª
Lm. Emmanuel NGUYỄN HỒNG SƠN
Nữ bác sĩ trẻ Patricia Saraux hành nghề tại thành phố Brest, vùng Bretagne, miền Tây nước Pháp. Thoạt nhìn người phụ nữ nhanh nhẹn, duyên dáng trong y phục hợp thời trang, khó ai có thể đoán bà là bác sĩ của người nghèo, người thất nghiệp và những kẻ không nhà không cửa.
Nữ bác sĩ Saraux đã lập gia đình và có 3 cô con gái xinh xắn. Sau khi ra trường
- cứ sự thường - bà dự định mở phòng mạch như phương kế sinh nhai. Tuy nhiên,
sau sứ vụ nhân đạo tại Rwanda (Phi Châu) trong vòng một năm, cuộc đời sự nghiệp
của nữ bác sĩ Patricia Saraux thay đổi hẳn chiều hướng. Bà không coi nghề bác sĩ
như phương tiện làm giàu, nhưng như phương cách đi đến với người bất hạnh, kém
may mắn.
THIÊN CHÚA Quan Phòng định liệu tất cả. Vào năm 1993, tình cờ bà Patricia khám
phá ra ”Trung Tâm Săn Sóc Sức Khoẻ” dành cho người nghèo tại thành phố Brest,
quê sinh của bà. Trung Tâm do các bác sĩ thiện nguyện trông coi. Thế nhưng Trung
Tâm không hoạt động đều đặn vì các bác sĩ làm việc không tôn trọng giờ giấc. Khi
hay tin vị phụ trách Trung Tâm - bác sĩ Ronan Le Reun - muốn điều chỉnh lại các
hoạt động, nữ bác sĩ Patricia Saraux nắm ngay cơ hội. Bà sẵn sàng cộng tác với
Trung Tâm nửa ngày. Nửa ngày còn lại bà dành cho việc chăm sóc cửa nhà và chồng
con. Như thế, bà dung hòa được hai lý tưởng: làm mẹ làm vợ và làm bác sĩ!
Tuy nhiên, trong trường hợp của bà Patricia thì có lẽ làm vợ và làm mẹ dễ hơn
làm bác sĩ cho người lang thang không nhà không cửa! Bà tâm sự:
- Bệnh nhân thuộc nhóm người này không phải là chú bé giúp lễ ngoan đạo .. Họ
thường là kẻ nghiện rượu hoặc nghiện ma túy và từng vào tù ra khám. Tiếp xúc ban
đầu bao giờ cũng khó. Sau đó liên hệ giữa chúng tôi dần dần trở nên tin tưởng và
dễ dàng hơn.
Nữ bác sĩ Patricia đặc biệt chăm sóc sức khoẻ cho những bệnh nhân ly thân ly dị,
những cặp rối vợ rối chồng. Bà cũng săn sóc người cô đơn già yếu, không đồng
lương cũng không tiền trợ cấp xã hội, những người không còn hưởng quy chế thất
nghiệp hoặc người bị nợ phủ ngập đầu! Chưa hết, nữ bác sĩ
Patricia dấn thân giúp đỡ những gia đình ở trong tình trạng bất hợp pháp. Bà kể:
- Tôi nhớ rõ một người đàn ông bị bệnh lao phổi ở thời kỳ trầm trọng. Ông phải
chống nạng và thường đi men theo bờ tường. Không một ai muốn giúp đỡ ông. Cứ mỗi
buổi tối, cảnh sát ”hốt” ông ngoài đường và mang ông vào nhà thương. Nhưng không
nhà thương nào muốn giữ ông. Sau cùng, tôi tìm được cho ông một chỗ trong Viện
Dưỡng Lão và ông bằng lòng ở lại nơi đó, cũng như nơi đó bằng lòng giữ ông lại!
Một đức tính nổi bật nơi nữ bác sĩ Patricia là lòng kính trọng con người. Bất cứ
bệnh nhân nào, sang cũng như hèn, giàu cũng như nghèo, lớn cũng như nhỏ, đều
được bà tiếp rước và chăm sóc với cùng cung cách và tâm tình như nhau.
Một thân chủ nghèo của nữ bác sĩ Patricia Saraux làm chứng:
- Điều chúng tôi ngưỡng mộ nhất, chính ở điểm bà trả lại trọn nhân phẩm cao quý
của chúng tôi. Bà không coi chúng tôi như kẻ ăn bám xã hội, người quấy rầy, hay
như ”con vật kỳ quái”! KHÔNG! Trái lại, bà kính trọng và yêu thương chúng tôi.
... ”Con ơi, đừng tước đoạt miếng cơm manh áo của người nghèo. Đừng để kẻ khốn
cùng luống công chờ đợi. Đừng làm cho kẻ đói phải buồn tủi. Đừng chọc tức ai khi
họ phải ngặt nghèo. Một tâm hồn đang bực bội, con đừng làm khổ thêm. Đừng bắt kẻ
túng thiếu đợi lâu mới được con giúp đỡ. Kẻ khốn khổ nài xin, con đừng từ chối.
Gặp người nghèo, con đừng ngoảnh mặt đi. Đừng làm ngơ không nhìn đến kẻ thiếu
thốn, kẻo nên cớ cho người ta nguyền rủa con.. Ai cay đắng trong lòng mà nguyền
rủa con, thì Đấng Tạo Thành ra nó, sẽ nghe lời nó thỉnh nguyện.. Hãy lắng nghe
kẻ nghèo và nhã nhặn chào lại họ. Đối với trẻ mồ côi, con hãy xử như một người
cha, và với mẹ của chúng, hãy xử như một người chồng. Được vậy, con sẽ nên như
người con của Đấng Tối Cao, và Người sẽ thương con hơn cả mẹ của con nữa” (Sách
Huấn Ca 4,1-10).
(”Reader's Digest Sélection”, 7/1995, trang 76-79)
Theo Radio Vatican
Vừa qua, tôi tham dự buổi hội thảo với chủ đề “Những nỗi sợ của người phụ nữ”, do câu lạc bộ Kim Anh tổ chức. CLB do Ban Nữ công Công đoàn Đại học Hoa Sen thành lập, phối hợp với hội sinh viên nhà trường để bồi dưỡng ý thức phấn đấu vì bình đẳng giới trong nam nữ thanh niên.
Sợ… đủ thứ!
Người tham dự nêu ra nhiều nỗi sợ, cả nam lẫn nữ đều sợ cô đơn, sợ bị bỏ rơi, các chị lớn hơn thì sợ bị chồng bỏ, đi làm thì sợ sếp ăn hiếp, trù dập…Nhưng cũng có những cái sợ “dễ thương” như sợ làm phiền lòng người thân. “Vĩ mô” hoặc “lãng mạn” là sợ sự vô cảm hay thiếu trung thực. Có nỗi sợ lại là động cơ tích cực như sợ không được đi học, sợ thất bại. Tiếng Việt quá phong phú lên chữ sợ của ta có thể chia nhiều cấp độ, bằng những từ chính xác hơn. Ví dụ như ngại không muốn làm người thân buồn phiền. Vô cảm thì ghét chứ không sợ. Vấn đề đáng quan tâm là những nỗi sợ tiêu cực, nỗi sợ có hại cho ta.
Theo từ điển tiếng Anh của Random House, “fear” là một cảm xúc tiêu cực kinh hãi về một nỗi đau, một hiểm nguy, một điều xấu xa, tệ hại (về mặt đạo đức) đang chờ phía trước. Từ điển còn nói thêm rằng, nỗi sợ hãi không thể không xuất phát từ thực tế mà chỉ là những ảo ảnh, ảo giác.
Sự phân biệt giữa cái sợ có căn cứ và không căn cứ rất có ích. Có những cái sợ có căn cứ như ta đi đò qua sông khi mưa bão. Có những cái sợ vu vơ như sợ ma. Trong xã hội ngày nay ta sợ bị phê phán, bị trù dập, sợ dư luận của đám đông… Những nỗi sợ ấy như bóng ma làm ta bị tê liệt, không dám hành động.
Các bạn gái trẻ thì sợ “học cao dễ ế”, sợ “mất chỗ dựa” nếu không lấy được chồng, sợ mình không đẹp, sợ mất chồng nên khi chồng bị bắt do bạo hành vợ thì chạy theo minh oan cho chồng.. Chắc chắn còn nhiều nỗi sợ mà các bạn chưa dám nói ra, chưa xác định được, chung quy xuất phát từ sự tự ti của người phụ nữ trong xã hội phong kiến.
Khắc phục sự sỡ hãi như thế nào?
Hãy đánh giá nó
Đáng sợ nhất là những nỗi sợ vu vơ không tên. Nó bao vây ta, đeo đuổi ta, làm ta tê liệt mà không biết vì sao. Ví dụ như sợ xuất hiện hay phát biểu trước đám đông, sợ nói lên ý nghĩ của mình, sợ bị phê phán ghét bỏ…Đối với những nỗi sợ này phải phân tích xem nó xuất phát từ đâu. Có căn cứ gì từ bên ngoài không hay thật sự nó chỉ ở trong ta như một thứ mặc cảm. Đối tượng phải đương đầu, chiến đấu chính là ta và là bối cảnh văn hóa đã nhào nắn cách suy nghĩ và ứng xử của ta. Cuộc chiến đấu này là cam go nhất.
Đối diện và khắc phục nó
Nhìn thẳng, đánh giá nỗi sợ có căn cứ và tìm cách khắc phục nó. Giữa cơn bão tố nên chờ mưa tạnh mới qua sông. Sợ trộm cắp nên đóng cửa cho kỹ. Trong buổi họp thảo, người lẽ ra phải sợ nhiều nhất lại “không sợ gì hết”. Đó là bạn Quyên – người không còn hai bàn tay, đã tốt nghiệp đại học, làm nhân viên phòng giáo vụ của trường ĐH Hoa Sen. Quyên năng động và lúc nào cũng nở nụ cười.
Quyên đã nêu lên nhiều trường hợp “sợ” cụ thể và trước mỗi trường hợp chị đã “suy nghĩ” rồi hành động. Nỗi sợ lớn nhất của chị là sợ con mình bị ảnh hưởng bởi chất độc màu da cam. Chị bình tĩnh đem con đi xét nghiệm. Và đã vui mừng với kết quả âm tính. Dùng lý trí để đối diện với từng nỗi sợ và khắc phục nó là cách làm hết sức thuyết phục của chị. Quyên là một thành viên sáng lập CLB Kim Anh.
Đừng quá sợ sệt khi ta muốn làm điều phải
Sau gần 20 năm, tôi trở lại giảng đường đại học vào đầu thập niên 90. Tôi hết sức bỡ ngỡ vì nghe đâu giảng viên còn phải nộp giáo án chi tiết và không được giảng ngoài giáo án. Từ khi còn học đại học và sau đó làm công tác giảng dạy, tôi chỉ biết một phương pháp là giáo dục chủ động với sự tham gia tích cực của sinh viên. Khi tôi bày tỏ điều này với chị trưởng khoa, chị trả lời: “Chị cứ làm theo cách chị nghĩ là đúng”. Thế là tôi bắt đầu giảng ít, hỏi nhiều, cho sinh viên sắm vai, thảo luận nhóm, trình bày những thu hoạch của mình bằng thơ, bài hát, tranh vẽ…Sau phút đầu bỡ ngỡ, sinh viên rất thích thú và ngày nay, trong số học trò đó của tôi có những thạc sĩ, tiến sĩ là những người đầy năng động, sáng tạo. Tôi đã dạy học ở nhiều trường. Chẳng có ai phê bình hoặc cấm đoán tôi. Bài học ở đây là không nên sợ nếu mình làm đúng với khoa học và lương tâm.
Đi tới cùng với nỗi sợ
Có nỗi sợ mà mỗi chúng ta đều trải qua nhưng không ai nói ra: đó là sợ chết. Đặc biệt là trước khi lên bàn mổ. Đang tham gia một dự án tình nguyện, cái xương hàm của tôi phát đau dữ dội. Tôi qua Bỉ, nơi tôi đã mổ tôi trước đây. Hai lần trước, tôi được khen là “anh hùng phòng mổ” vì không biết sợ. Nhưng lần này, không biết do đâu mà tôi rất căng thẳng.
Năm ngày chờ thủ tục, tôi ôm nỗi sỡ hãi một mình. Đến lúc không còn chịu được nữa, tôi tư đặt mình trước thực tế. Nếu chết thì sao? Phải làm gì để sẵn sàng ra đi ? Tôi sống một mình, không có trách hiệm với ai. Cha mẹ, anh em tôi sẽ rất buồn nhưng sẽ không bị tổn hại gì. Tôi chỉ còn một món nợ là cái báo cáo cho dự án điều tra xã hội học chưa xong. Tôi lật đật tập trung làm cho xong. Lòng cảm thấy nhẹ nhàng. Đến độ, ông bác sĩ phải ngạc nhiên vì thấy tôi đang chơi bài, trong khi mai đến ngày mổ. Lạ lùng hơn nữa là tôi tỉnh dậy sau ca mổ, các cô y tá xúm lại hỏi: “Bộ bạn luyện yoga kĩ lắm hay sao mà tỉnh dậy nhẹ nhàng vậy ?”
Nhìn quanh, tôi thấy các bệnh nhân khác người thì cựa quậy đến nỗi bị trói chặt vào giường, người thì nói nhảm khai hết chuyện riêng tư, kẻ thì co giật, la hét…
Bài học tôi rút ra: trước sự sỡ hãi, nên đi tận cùng với nó và hành động như mình thấy là đúng nhất. Đừng bao giờ tránh né nó. Nếu một mình không giải quyết được thì nhờ người khác giúp.
Thạc sĩ xã hội học Nguyễn Thị Oanh
Theo báo Phụ nữ Chủ nhật
Là bệnh dị ứng của toàn thân có biều hiện tại chỗ, thường là những cơn hắt hơi, sổ mũi và tắc mũi.
Nguyên nhân
- Dị nguyên gây bệnh bao gồm: phấn hoa, bụi nhà, nấm mốc, vải sợi, lông gia súc, gia cầm; một số thức ăn như dâu, dứa, tôm cua, cá; một số thuốc như aspirin, quinin; hoặc vi khuẩn: liên cầu, tụ cầu, trực khuẩn coli...
Triệu chứng
- Hắt hơi, sổ mũi, tắc mũi kéo dài, thường kèm theo bội nhiễm
Phân loại: có hai loại
Viêm mũi dị ứng do phấn hoa: triệu chứng rõ rệt, phát hiện dễ dàng, điều trị có hiệu quả. Bệnh gặp ở người thành thị, xuất hiện vào thời kỳ đầu của mùa hoa.
- Triệu chứng : hắt hơi từng cơn dài, trong nhiều giờ, nước mũi trong, nhiều, ướt đẫm mùi xoa, nhưng không gây hoen ố; ngạt mũi, có cảm giác ngứa khó chịu; nhức đầu, đôi khi cảm giác căng ở vùng xoang mặt.
- Cảm giác rát bỏng ở kết mạc, vòm họng, mắt đỏ, nước mắt ràn dụa, bệnh nhân sợ ánh sáng nhất là vào buổi sáng khi thức dậy.
- Cơn xuất hiện nhiều lần trong ngày, tối dịu đi. Các triệu chứng nặng thêm khi bệnh nhân đi ra ngoài, dạo phố hoặc về nông thôn và người bệnh thấy dễ chịu khi đóng cửa trong nhà hoặc khi trời mưa. Viêm mũi này ít khi gặp ở trẻ em dưới 10 tuổi
Viêm mũi dị ứng không có chu kỳ: rất thường gặp.
- Sổ mũi thường xuất hiện khi thức dậy, giảm đi trong ngày và xuất hiện trở lại khi gặp luồng gió, gặp lạnh, tiếp xúc với bụi. Thời gian đầu nước mũi trong, sau đó đặc lại thành mủ, nước mũi chảy thành từng đợt, có khi viêm loét vùng tiền đình mũi;
- Hắt hơi xuất hiện trước sổ mũi, hắt hơi hàng tràng, trường hợp nặng hắt hơi liên tục nhiều giờ trong ngày, gây mệt mỏi, giảm trí nhớ;
- Ngạt mũi thay đổi tùy từng thời gian, thời tiết và theo mùa, mũi tắc không đều nhau, phải thở bằng miệng dẫn đến viêm họng, viêm phế quản.
- ngoài ra còn xuất hiện cảm giác ngứa trong mũi, đau thắt ở gốc mũi, có tiết dịch ứ đọng trong vòm họng làm bệnh nhân luôn phải khạc nhổ.
- Thăm khám niêm mạc mũi: phù nề, nhợt nhạt, phủ dịch nhày loãng, hoặc mủ đặc trắng, vàng, xanh khi có bội nhiễm, ngoài cơn niêm mạc bình thường, không có thay đổi gì đáng kể. Có thể có polip to nhẵn không chảy máu
Điều trị
Tại chỗ: giải quyết nề niêm mạc, sung huyết, xuất tiết, nhiễm trùng ở mũi, xoang. Chọc rửa xoang để chẩn đoán và điều trị
Toàn thân: dùng kháng histamin: phenergan( promethazine) 25mgx2-6viên/ngày; hismanal (astemizole): người lớn 10mgx1viên/ngày, trẻ em trên 2 tuổi 2mg (1ml siro)10kg cân nặng/ngày hoặc một số thuốc chống dị ứng khác như terfenadin, primalan...
- Kháng sinh kết hợp với corticoid nếu có bội nhiễm
Điều trị đặc hiệu: giải mẫn cảm
Phòng bệnh: khó, chủ yếu là bảo vệ môi trường sống, tránh các yếu tố tác động của dị nguyên. Người có bệnh dị ứng cần sống ở nơi thoáng mát, không khí trong lành. Bệnh có tính chất di truyền nên nam nữ có cơ địa dị ứng không nên lấy nhau.
Các loại viêm mũi Các loại viêm mũi
Viêm mũi mạn tính
Khi mũi nghẹt, liên tục chảy nước, đóng vảy, chảy máu hoặc toả mùi hôi nồng nặc, người ta đều nghĩ mình bị viêm mũi. Tuy nhiên, căn bệnh khó chịu này có nhiều loại với nhiều triệu chứng và cách chăm sóc, kiêng khem và điều trị khác nhau.
Triệu chứng
Tắc mũi (triệu chứng này là chủ yếu).
- Nếu viêm nhẹ, tắc mũi xảy ra không thường xuyên hoặc luân phiên (chỉ tắc một bên mũi), khi nằm nghiêng sang bên nào thì lỗ mũi bên đó tắc.
- Nếu viêm nặng thì tắc liên tục. Mũi chảy nước nhiều, thường là chất nhầy.
Chăm sóc & điều trị:
Người bị viêm mũi mạn tính hàng ngày nên chú ý rèn luyện thân thể, cải thiện môi trường làm việc, chú ý đến sự thay đổi cua thời tiết để kịp thời bảo vệ sức khoẻ. Không dùng tay ngoáy mũi. Luôn giữ tinh thần vui vẻ sảng khoái. Đảm bảo đi đại tiện đều đặn. Không lạm dụng thuốc nhỏ mũi có tác dụng co mạch.
Khi viêm mũi mạn tính có những biểu hiện như nghẹt mũi đảo bên, mũi chảy nước trong, nghẹt mũi ngày càng nặng, sắc mặt trắng, thở gấp, ho đờm trắng, mệt mỏi chán ăn, lưỡi nhạt màu, rêu lưỡi trắng, mạch yếu thì không nên ăn củ cải, không uống nhiều rượu và ăn nhiều loại thịt.
Khi có các biểu hiện như nghẹt mũi liên tục, xương lá mía đỏ sậm, nước mũi đặc đục, lưỡi đỏ sậm, đau đầu, mạch không đều, phần lớn là do khí huyết ngưng trệ. Không nên ăn nhiều chocolate, những thức ăn có tính chất kích thích như ớt, hạt tiêu... Nên dùng những thức ăn dễ tiêu, ăn nhiều rau, trái cây để thuận lợi cho việc bài tiết của cơ thể. Không nên hút thuốc, uống rượu.
Khi có những biểu hiện như trong mũi khô nóng, đóng vảy, đôi khi có xuất huyết, khô họng, lưỡi khô đỏ, mạch yếu là do phế âm bị suy nhược. Tránh dùng những thức ăn có tính kích thích. Nên ăn nhiều trái cây, rau xanh.
Khi viêm mũi đến thời kỳ tăng nặng, mũi chảy nước vàng, kèm theo sốt, sợ lạnh, toàn thân đau nhức, lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng, mạch loạn (là do bị ngoại cảm phong tà) thì không dùng những thức ăn khó tiêu và có tính kích thích làm cho bệnh tình tăng nặng gây khó khăn cho việc điều trị.
Viêm mũi teo
Viêm mũi teo còn gọi là viêm mũi thối, viêm mạn tính mũi thối hoặc trĩ mũi. Đây là một loại bệnh viêm mũi mạn tính đặc thù tiến triển chậm, thường xảy ra nhiều ở nữ giới, triệu chứng tăng nặng trong thời kỳ mang thai hoặc có kinh nguyệt.
Đặc điểm của bệnh
Niêm mạc mũi teo lại, khô, phần dưới xương lá mía bị thu hẹp, hốc mũi nở rộng, đóng nhiều vảy màu xanh, gây tắc mũi. Các loại vi khuẩn và vi sinh vật sinh sôi phát triển dưới những lớp vảy, sự phân huỷ chất protein gây ra mùi thối.
Người bệnh thường không ngửi thấy mùi thối vì niêm mạc vùng khứu giác cũng bị teo, dẫn đến suy giảm hoặc mất khứu giác. Biểu hiện lâm sàng tương tự viêm mũi mạn tính, bên trong mũi cảm thấy khô nóng, sụn giáp mũi bị teo nhỏ, niêm mạc khô, không chảy nước, đóng vảy, mất khứu giác.
Điều trị
Người bị bệnh viêm mũi teo ngoài việc tích cực điều trị bằng thuốc nên tập luyện thể dục hàng ngày. Mỗi ngày phải rửa sạch khoang mũi, làm mềm các vảy trong mũi sau đó lấy ra, kết hợp với day ấn chà xát bên ngoài mũi. Khi thời tiết khô nóng, đi ra ngoài phải có khẩu trang hoặc dùng các loại thuốc nhỏ mũi có chất dầu như dầu bạc hà tổng hợp...
Để bệnh thuyên giảm, cần kết hợp chế độ dinh dưỡng nhiều rau xanh, trái cây để cơ thể dễ bài tiết. Không dùng ngón tay móc vào mũi để tránh tổn thương gây chảy máu mũi. Không dùng thức ăn có tính kích thích. Có thể dùng những loại thịt có tính bổ âm như thịt vịt, thịt lợn, cá có vảy... Nên dùng những đồ uống như trà cúc hoa, nước ngân nhĩ... Không nên hút thuốc uống rượu, không ăn nhiều chocolate, lạc, hạt dưa....
Viêm mũi dị ứng
- Hắt hơi liên tục, chảy nhiều nước mũi trong, ngứa mắt và chảy nước mắt, có thể
lan đến phế quản khiến thở khò khè (hen phế quản).
- Các triệu chứng khác: Ngứa cổ và vùng vòm họng, khứu giác giảm, đau đầu.
Các triệu chứng này thường xuất hiện khi người bệnh tiếp xúc với phấn hoa, ăn một số loại thức ăn như tôm cua.... Ngoài ra, khi phát bệnh, bệnh nhân nên tìm hiểu xem môi trường xung quanh có gì mới lạ không, ví dụ như dùng một loại mỹ phẩm mới, quần áo giặt bằng chất tẩy rửa mới, ăn thức ăn lạ. Nếu để ý kỹ, có thể phát hiện ra những dị nguyên gây bệnh. Nếu không, nên đến bệnh viện kiểm tra và làm các xét nghiệm trên da với loại kháng nguyên như phấn hoa, bụi đất, nấm mốc, lông... Khi xác định được nguyên nhân gây dị ứng thì việc điều trị sẽ có hiệu quả hơn.
Những người bị viêm mũi dị ứng nên tránh tiếp xúc với các dị nguyên, hỉ mũi đúng cách, tăng cường tập luyện thân thể và hạn chế dùng các thuốc co mạch.
Trần Tâm biên tập từ Internet
Ai nghẹn ngào ra đi gieo giống, mùa gặt mai sau khấp khởi mừng (Tv 125, 5)
Chị một mình nuôi con gái mười sáu tuổi. Một hôm, sau khi âu yếm ôm con, chị ngạc nhiên thấy trên cánh tay con vẫn còn in vết dấu tay chị. Nghĩ tới nguyên nhân là thiếu chất sắt, chị đưa con đi bác sĩ. Suốt hai giờ dài dẳng dặc, chị và con gái chờ kết quả xét nghiệm máu trong âu lo, thắc thỏm. Đến chừng bác sĩ xuất hiện với tờ giấy trên tay, chị ước gì đừng thấy ông ta để khỏi phải nghe tin sét đánh : ung thu máu.
Con chị bắt đầu được hóa trị. Chị ứa nước mắt, nắm chặt bàn tay con như muốn rút hết nỗi đớn đau từ thể xác con chuyển sang người chị. Ban đêm, con ngủ rồi chị vẫn thao thức và chắp tay khẩn thiết nguyện cầu với lòng ngổn ngang thống khổ.
Như một phép mầu, sau khi ra viện con chị hồi phục khá nhanh. Chỉ có cái đầu nhẵn thin không còn cọng tóc nào là chứng cớ hiển nhiên nhắc hai mẹ con phải nhớ tới căn bệnh hiểm nghèo. Những ngày tiếp theo, con chị thường tỏ ra lạc quan đến mức chị không ngờ. Chính thái độ can đảm của con đã giúp chị có được những giây phút tạm bình an, không bị ám ảnh rợn người về một tương lai tuyệt vọng. Cũng có lúc chị bắt gặp con gái khóc. Nhưng khi ôm chặt lấy con thì con chị lại lẹ làng quệt nước mắt và cố nở nụ cười : “ Không sao đâu má. Con chịu được và má cũng chịu được mà” .
Thời gian trôi nhanh, con chị đi học trở lại. Chị chăm chỉ cầu nguyện, xin cho con gái được dài thêm ngày tháng an bình, vì đó là hạnh phúc duy nhất chị còn có thể hưởng. Nhưng rồi cơn bệnh đã quay lại, hoành hành dữ dội như thể báo thủ. Dù được nghép tủy, con chị cứ yếu dần, yếu dần. Đến buổi chiều kia, hơi thở con chị giống như sợi dây đứt ra nhiều khúc. Rồi với một sức mạnh đột ngột như gom hết tàn lực, con chị quàng hai tay ôm chị. Chị liền ôm chặt hình hài gầy guộc của con, linh tính biết rằng chiếu đồng hồ cát của đời con sắp rơi xuống những hạt sau cùng.
Sau tang lễ, chị thẫn thờ trong căn nhà nhỏ quạnh hiu, sắp xếp những thứ con gái thương yêu bỏ lại. Một tờ giấy gấp tư chợt rơi ra từ mớ sách vở đang yên ngủ của con chị.
Gởi má thương yêu.
Má đã khóc nhiều vì con và con sợ phải xa má. Những lúc má tưởng con ngủ thì con chỉ rán nằm im làm bộ ngủ và nghe má cầu nguyện. Má thương con biết bao. Con luôn bên má, trong lòng má. Rồi con sẽ gặp má và má con mình sẽ gần gũi bên nhau như chưa bao giờ xa nhau.
Má đã dạy con biết chấp nhận cuộc sống. Vậy thì má đừng thương khóc nữa. Hứa với con đi má. ..
Ấp lá thư nhòe nước mắt vào ngực, chị nghẹn ngào như nói với một người ở trước mặt : “Má hứa…”
Dũ Lan Lê Anh Dũng