Flowchart: Document: Số 
148
3/08/2008
        

 

 

TIN VUI                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                               

 

 

 

 

 

 

NHƯ MỘT LỜI MỜI:

- Kính mời quý vị vào trang web www.tinvui.org để đọc các bài viết khác

- Mọi thư từ cộng tác góp ý và giúp đỡ xin quý vị gửi về địa chỉ E-mail :bantreconggiao@yahoo.com

- Ban biên tập Tin vui rất mong nhận được sự đón nhận của quý vị độc gỉa gần xa

- Xin Thiên Chúa ban muôn ơn lành và đồng hành với quý vị trong hành trình đời sống Kitô hữu

 

Mục lục

SỐNG LỜI CHÚA..

Chúa Nhật 18 Thường Niên A..

Có Mấy Chiếc Bánh?.

TU ĐỨC..

MẸ CỦA KẺ ĐI ĐƯỜNG..

HIỆP THÔNG GIÁO HỘI.

Một Trung Tâm Công Giáo Campuchia dấn thân phục vụ người bệnh nan y.

Sắc lệnh của Bộ Giám Mục cho Giám Mục Tổng Thống Paraguay hồi tục.

Tượng Trái Tim Cực Thánh Chúa ở Madrid bị phá hủy.

Giới trẻ sẽ qui tụ bên Đức Thánh Cha Benedictô XVI tại Lộ Đức.

Những ngày nghỉ của Đức Thánh Cha Bênêđitô XVI tại Bressanone.

Thánh Giá Ngày Quốc tế Giới Trẻ đến từ Thánh Giá Năm Thánh 1983/1984.

Số lượng linh mục tại Mỹ Latinh và vùng Caribê gia tăng.

Đức Giáo Hoàng sẽ thăm viếng Đền Đức Mẹ tại Pompei

Đức Thánh Cha sẽ đọc Kinh Thánh trên truyền hình.

Những thách thức ĐTC Bênêđitô XVI gởi đến các bạn trẻ tham dự ngày Quốc Tế Giới Trẻ 2008 tại Sydney 

Thư gửi Quý Hồng y, Quý Đức cha về việc thành lập lại Caritas Việt Nam..

ĐẠI HỘI GIÁO LÝ VIÊN GIÁO PHẬN BÀ RỊA MỪNG BỔN MẠNG CHÂN PHƯỚC ANRÊ PHÚ YÊN, QUAN THẦY GLV GIÁO PHẬN BÀ RỊA..

Câu chuyện các chứng nhân Lòng Thương Xót Chúa đã cảm hoá nhiều người

TÌM HIỂU & SỐNG ĐẠO..

TRUYỀN DẠY ĐỨC TIN TRONG GIA ĐÌNH:

NHỮNG THÁCH ĐỐ..

Mẹ Về Đứng Dưới Mưa...

CỘNG TÁC..

Kho tàng của Giáo Hội

Tài liệu Thường huấn Linh mục Giáo Phận Nha Trang, Năm Thánh Phaolô 2008.

Bài 3 :

Hội Thánh Tại Gia Trong Thư Phaolô.

TÌNH YÊU – HÔN NHÂN – GIA ĐÌNH..

Sức khoẻ gia đình.

Một số bệnh về mắt ở người cao tuổi

Giảng lễ Hôn phối :

TIẾNG GỌI.

ĐỌC SÁCH..

LỐI ĐI CỦA CON KIẾN..

 

 

 

 

SỐNG LỜI CHÚA

Chúa Nhật 18 Thường Niên A

 

PHÚC ÂM: Mt 14, 13-21

"Mọi người đều ăn no".


Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.


Khi ấy Chúa Giêsu nghe tin Gioan Tẩy Giả đã chết, thì Người rời bỏ nơi đó, xuống thuyền đi đến nơi hoang địa vắng vẻ. Dân chúng nghe biết, thì từ các thành phố đi bộ theo Người. Ra khỏi thuyền, Người thấy dân chúng đông đảo, thì thương xót họ, và chữa những người bệnh tật trong họ. Chiều tới, các môn đệ đến gần thưa Người rằng: "Ðây là nơi hoang địa, mà giờ đã chiều rồi, xin Thầy giải tán dân chúng, để họ vào các làng mạc mà mua thức ăn". Nhưng Chúa Giêsu nói với các ông rằng: "Họ chẳng cần phải đi, các con hãy cho họ ăn". Các ông thưa lại rằng: "Ở đây chúng con chỉ có năm chiếc bánh và hai con cá". Người bảo các ông rằng: "Hãy đem lại cho Thầy". Khi Người đã truyền cho dân chúng ngồi trên cỏ, Người cầm lấy năm chiếc bánh và hai con cá, ngước mắt lên trời, đọc lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho các môn đệ, các ông này phân phát cho dân chúng. Mọi người đều ăn no. Và người ta thu lượm được mười hai thúng đầy những miếng bánh vụn. Số người ăn là năm ngàn người đàn ông, không kể đàn bà và con trẻ.

 

Ðó là lời Chúa.



 

Có Mấy Chiếc Bánh?


Chúa Giêsu không bao giờ làm phép lạ để làm loá mắt thiên hạ bằng sự lạ lùng.


Khi chống lại sự cám dỗ của Satan trong sa mạc, Chúa không làm ảo thuật ngoạn mục là khiến đá biến thành bánh trong nháy mắt hay gieo mình xuống từ nóc đền thờ.


Chúa làm phép lạ chỉ để cứu giúp người khác và từ sự cộng tác của họ.


Tại Cana, Chúa không khiến cho sáu chum đầy rượu tức khắc mà lại bảo các gia nhân: "Hãy đổ nước đầy các chum!" (Ga 2, 7). Các môn đệ sau một đêm vất vả chẳng bắt được con cá nào, Chúa không truyền lệnh cho cá đầy thuyền mà bảo Simon "ra khơi mà thả lưới đánh cá" ( Lc 5, 4 -7). Trong phép lạ hoá bánh ra nhiều cũng vậy: "Các anh có mấy chiếc bánh?" ( Mc 6, 38). Chúa đã làm phép lạ từ 5 chiếc bánh và 2 con cá của một cậu bé.


- Chúa Giêsu làm phép lạ hoá bánh ra nhiều với mục đích đào tạo lòng tin của các môn đệ.


Ngài tỏ ra cho các môn đệ thấy lòng xót thương của Ngài đối với dân chúng "vì họ như cừu chiên không người chăn giữ". Chúa chạnh lòng thương và chữa lành các bệnh nhân chứng tỏ Người là vị Mục tử mà ngôn sứ Eâdêkien đã nói đến ( Ed 34). Chúa muốn các môn đệ nhận ra Ngài là Chúa Chiên, là Mục tử nhân lành. Phép lạ hoá bánh là cả một bài dạy bằng thực hành về người chăn chiên tốt lành. Chính các môn đệ còn được "tập sự" chia sẽ công việc của chủ chăn. Họ phải đi kiếm bánh, phân phát cho dân chúng và thu lượm những gì còn sót lại.


- Phép lạ hoá bánh là dấu chỉ báo trước Thánh Thể "Người cầm lấy 5 chiếc bánh và 2 con cá, ngước mắt lên trời, dâng lời chúc tụng, bẻ ra, trao cho các môn đệ" ( Mt 14, 20).


Trong Tiệc Ly "Ngài cấm lấy bánh, chúc tụng" ( Mc 14, 22). Cử chỉ Bẻ Bánh đã trở thành nét đặc trưng của Chúa Giêsu ( Lc 24, 30) và của Giáo hội ( Cv 2, 42).


- Ðược bánh ăn, dân chúng muốn "bắt lấy Người tôn lên làm vua" ( Ga 6, 15). Họ tiếp nối Satan cám dỗ Ngài lần nữa. Chúa Giêsu nhắc nhở họ rằng người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh "Hãy ra công làm việc, đừng vì lương thực hư nát nhưng vì lương thực sẽ lưu lại mãi đến sự sống đời đời mà Con Người sẽ ban cho các ngươi" (Ga 6, 27). Họ xin cho được ăn mãi thứ bánh ấy và Chúa đã bảo họ: "Chính Ta là bánh trường sinh. Ai đến với ta không hề phải đói, ai tin vào ta, chẳng khát bao giờ" ( Ga 6, 35). Chóp đỉnh của mạc khải về Bánh hằng sống chính là "Ai ăn thịt ta và uống máu ta thì được sống muôn đời, và ta sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết" (Ga 6, 54). Ăn thịt, uống máu nhấn mạnh đến cái chết trên thập giá của Chúa.


"Bánh ta sẽ ban" hướng về cái chết của Chúa Giêsu và gợi đến Tiệc Thánh Thể lưu niệm vĩnh viễn sự chết cứu độ của Chúa trên Thập giá. Giá trị cứu rỗi của của cái chết trên Thập giá được hiện tại hoá lụôn mãi trong Tiệc Tạ Ơn của Giáo Hội. Người tín hữu được sống dồi dào khi ăn uống Mình Máu Chúa Giêsu.

- Chúa vẫn tiếp tục đồng hành cùng Giáo hội, thực hiện công trình cứu độ trong Giáo hội, qua Giáo hội và với Giáo hội.

Các anh có mấy chiếc bánh? ( Mc 6, 38), đó vẫn mãi mãi vừa là câu hỏi, vừa là lời mời gọi khẩn thiết của Chúa Kitô. Trao cho chúng ta Bánh Lời Chúa và Bánh Thánh Thể, Chúa mời gọi chúng ta bẻ ra và trao cho anh em mình.


Bánh Lời Chúa:


"Lời đã trở nên xác phàm và cư ngụ giữa chúng ta" ( Ga 1, 14). Lời Thiên Chúa là Lời Quyền Năng, nhưng Ngài lại trao cho con người sứ mạng công bố lời Ngài "Thuở xưa nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã nói với cha ông chúng ta qua các Ngôn sứ" ( Dt1, 1). Cũng một sứ mạng ấy được tiếp nối trong Giáo hội hôm nay "Ngài sai các ông đi rao giảng Nước Thiên Chúa và chữa lành bệnh nhân" ( Lc 9, 2). Sứ mạng đó là nhiệm vụ cốt yếu của các tông đồ "Chúng tôi không thể sao nhãng Lời Thiên Chúa để lo giúp việc bàn ăn" ( Cv 6, 2) và chính Thánh Phaolô kêu lên "khốn cho tôi nếu tôi không rao giảng tin mừng". Thế là con người tội lỗi được giao trách nhiệm công bố Lời thánh hoá, con người yếu đuối công bố Lời quyền năng, con người giới hạn công bố Lời vĩnh cửu. Một vinh dự quá đổi lớn lao.


Lời Chúa có thể đọc và giải thích ngoài phụng vụ, trong phạm vi cá nhân hoặc khi làm việc đạo đức. Khi đó Lời Chúa là cơ hội ban ơn hiện sủng và hiệu năng ở đây là hiệu năng "do nhân" (ex opere operantis), tuỳ thuộc thái độ tâm hồn của người đọc và người nghe.


Lời Chúa được công bố khi cử hành phụng vụ. Ðó là Lời do Chúa Giêsu hoặc Giáo hội ấn định, được công bố nhân danh Chúa và Giáo hội bời Thừa tác viên chính thức.


Lời Bí Tích mang hiệu năng "do sự" ( ex opere operato), qua các bí tích, Chúa Kitô ban ân sủng cho người lãnh nhận.


Sứ vụ công bố Lời Chúa được thực hiện trong tác động của Thánh Thần. Bởi thế người rao giảng Tin mừng chỉ có thể thực sự giảng Lời Chúa nhờ quyền năng và tác động của Thánh Thần. Chính Thánh Thần tác động lên người nói cũng như người nghe, để Lời được công bố không còn là Lời của người phàm nhưng là Lời Thiên Chúa. Dù ta có cố gắng đến đâu cũng không thể cải hoá lòng người vì: "Không ai có thể tuyên xưng Ðức Giêsu là Chúa mà không do Thánh thần" ( 1 Cor 12, 3) và "Nếu như Chúa chẳng xây nhà, thợ nề vất vả chỉ là uổng công"(Tv 127, 1).


Các Con có mấy chiếc Bánh Lời Chúa để trao cho anh em? Chúa vẫn luôn hỏi chúng ta điều ấy mỗi ngày. Bởi đó, cần trau dồi Lời Thiên Chúa, vì người được sai đi để công bố Lời Thiên Chúa chứ không phải lời của thế gian, cho dẫu lời ấy có khôn ngoan đến đâu chăng nữa. Ðồng thời cũng phải trau dồi lời con người, là khả năng nói, loan báo, kỹ năng diễn đạt tư tưởng và rao giảng để Lời Chúa chinh phục các tâm hồn.


Công bố Lời Chúa vừa là một hồng ân vừa là một trách nhiệm. Là hồng ân vì con người tầm thường được Thiên Chúa mời gọi làm ngôn sứ. Là trách nhiệm vì phải nổ lực để chu toàn sứ vụ.


Bánh Thánh Thể:

 

Bánh và rượu tương trưng đầy đủ chính con người chúng ta. Bánh là kết quả công lao khó nhọc của con người. Người ta thường nói: Ðổ mồ hôi, sôi nước mắt mới có mà ăn. Bánh như thế tượng trưng công lao khó nhọc của con người và chính sự sống con người. Bên cạnh đời sống vật chất còn có đời sống tinh thần. Vì thế cùng với bánh chúng ta dâng rượu. Rượu tượng trưng cho mọi nỗi vui buồn sướng khổ của đời người: khi vui ta uống chén rươụ mừng nhưng khi buồn ta uống chén rượu giải khuây. Dâng lên Chúa bánh và rượu là chúng ta dâng lên tất cả đời sống với mọi nỗi vui buồn sướng khổ, tất cả dệt nên cuộc sống hiện tại của chúng ta.


Ðến Nhà Thờ dâng Lễ, mỗi tín hữu mang lễ vật riêng là chính đời sống của mình, nhưng khi dâng lễ, nó được thu hợp lại thành lễ vật chung của cộng đoàn dâng lên Chúa. Tấm bánh được hình thành bởi trăm ngàn hạt lúa miến đã được xay nát ra và hoà trộn với nhau trong chậu bột;ly rượu là kết quả của nhiều trái nho được ép ra và hoà tan với nhau. Cả hai tượng trưng đầy đủ ý nghĩa cộng đồng cho lễ vật mỗi người cũng như lễ vật toàn thể cộng đoàn. Qua Lời Truyền Phép của Linh mục, Chúa Kitô làm cho bánh rượu trở thành Thịt Máu của Ngài; đồng thời Ngài cũng biến đổi những hy sinh, những hạnh phúc đau khổ, những trách nhiệm của cộng đoàn trong hiến lễ để rồi khi mỗi người rước lễ họ đón nhận Mình và Máu Chúa Giêsu là đón nhận lại của lễ mình dâng lên mà giờ đây đã được thánh hiến. Người tín hữu được lớn lên trong đức tin, trong lòng mến nhờ ân sủng của Thánh Thể Chúa Kitô "Chính tôi là Bánh trường sinh. Ai đến với tôi không hề phải đói;ai tin vào tôi, chẳng khát bao giờ" ( Ga 6, 35). "Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời" ( Ga 6, 51). Thánh Thể như thế là mối hiệp nhất giữa Thiên Chúa và con người; là quà tặng Thiên Chúa trao ban cho nhân loại, và chính là lương thực thiêng liêng, bảo đảm hạnh phúc trường cửu của chúng ta. Bởi đó tham dự thánh lễ cách đầy đủ tích cực trọn vẹn với tất cả con người là cách tốt nhất đáp lại tình thương của Chúa, yêu mến Thánh Thể.

Chúa Giêsu vẫn luôn "chạnh lòng thương xót". Chúa vẫn hỏi chúng ta mỗi ngày "Các anh có mấy chiếc bánh?".

 

Lm Giuse Nguyễn Hữu An

Mục lục

 

TU ĐỨC

 

MẸ CỦA KẺ ĐI ĐƯỜNG

  

Cuộc đời là một chuyến đi. Dù đứng, dù ngồi, dù nằm, tôi vẫn trên đường đi. Tôi dđang đi về cuối đời. Rồi sẽ tới sự chết. Từ sự chết, tôi bước vào cõi sau. Cõi sau là một huyền nhiệm. Hạnh phúc đời đời, khổ cực đời đời sẽ được định đoạt ở đó.

 

   Vì thế, trong chuyến đi cuộc đời, tôi phải lo đi đúng đường. Đường đó tạm gọi là đường lành.

 

    Đâu là đường lành, tôi đâu dễ thấy. Mà dù có thấy, tôi đâu dám nói là tôi đủ can đảm để chọn con đường đó. Và dù đã chọn, tôi đâu dám quả quyết là tôi đủ sức để luôn đi đúng con đường đã chọn.

 

    Rất may là trong chuyến đi cuộc đời, tôi có Đức Mẹ Maria. Tôi gọi Mẹ là mẹ của tôi. Mẹ ở bên tôi. Mẹ cùng đi với tôi. Mẹ trên đường với tôi.

 

    Hôm nay, nhân dịp mừng lễ Đức Mẹ về trời, tôi xin chia sẻ đôi điều về Mẹ.

 

    Đường đời của tôi tới đây được kể là khá dài. Tôi đi trên đường đó với biết bao thăng trầm. Tôi luôn nhìn vào Mẹ. Và tôi đã đón nhận từ Mẹ những điều đơn sơ mà hết sức quan trọng. Dưới đây chỉ là vài kinh nghiệm của kẻ còn trên đường dương thế. 

 

    1/ Toàn cảnh trước mắt

 

    Mẹ cho tôi biết toàn cảnh trước mắt gồm có:

 

    Thế giới thiên đàng tràn ngập tình yêu sáng láng của Chúa. Những ai hiệp thông với tình yêu đó, sẽ được hạnh phúc đời đời bên Chúa là Cha.

 

    Thế giới hoả ngục sôi bỏng khổ đau, cô đơn, tăm tối. Những ai bị quăng vào đó sẽ phải chịu cực hình đời đời với quỷ dữ.

 

    Thế giới trần gian pha trộn lành dữ. Đây là nơi thử thách và phấn đấu. Ai đi đúng đường tới phút chót sẽ được về với Cha trên trời.

 

    Để được thế, tôi phải luôn tỉnh thức đón nhận Chúa Giêsu. Người ngự vào tâm hồn tôi. Người ở lại trong tôi. Người dần dần cải đổi tôi nên con người mới. Con người mới này sẽ có những nét hơn kém giống Người. Nét đặc biệt nhất là luôn sống theo thánh ý Chúa Cha.

 

    2/ Sống theo thánh ý Chúa Cha

 

    Sống theo thánh ý Chúa là thao thức thường xuyên của người con Chúa đi về với Cha. Nếu không có Mẹ dạy dỗ nhắc nhở, tôi sẽ không quan tâm đủ đến đòi hỏi đó.

 

    Mới rồi, tôi trao đổi với một người tương đối sùng đạo. Tôi thấy họ nghèo, phải vay mượn để sống. Nhưng khao khát của họ là sắm được xe sang, có đồng hồ vàng, di động loại tốt. Thao thức của họ là khẳng định mình không kém bè bạn, trong hưởng thụ và mua sắm.

 

    Từ trường hợp đáng buồn đó, tôi lo cho những người khác và cho chính tôi. Nếu không cẩn thận, chúng ta sẽ để mình bị sai khiến bởi đam mê, bởi ý riêng, bởi những phong trào thế tục xấu, bởi bạn bè không tốt, bởi dư luận vô trách nhiệm, bởi số đông chạy theo thói đời.

 

    Nhưng, khi tôi đến bên Mẹ, xin Mẹ giúp tôi biết chọn lựa những gì thực sự là thánh ý Chúa, tôi mới thấy phải tỉnh thức và cầu nguyện rất nhiều.

 

    Cầu nguyện sẽ không là nói nhiều, mà là lắng nghe nhiều. Thánh Thần Chúa nói. Người nói nhỏ nhẹ tận thẳm sâu tâm hồn. Người cũng nói âm thầm qua Lời Chúa, qua những biến cố lặng lẽ của thế giới nội tâm và tình hình lịch sử.

 

    Tiếng gọi đó là từ trên. Sứ điệp đó phát xuất từ thế giới khác. Thế giới khác ấy cho tôi nhìn thế giới này với bề dày của nó. Tôi khám phá ra chính cuộc sống thường ngày của người con Chúa. Nó có một hơi thở khác, toả ra một ánh sáng khác.

 

    Tôi cũng thấy có nhiều cách sống đạo khác nhau. Nhưng tôi nhận ra không phải mọi cách sống đạo đều làm chứng cho Chúa.

 

    Sự chọn lựa nào cũng đòi nhiều tỉnh thức để vâng phục Chúa Thánh Thần hướng dẫn. Mẹ sẽ giúp điều đó cho kẻ cậy trông Mẹ.

 

    3/ Trái tim được mở rộng

 

    Trên đường đời, tôi không đi một mình. Tôi đi với những người khác, tôi đi giữa đám đông. Tôi cảm thấy sự gần gũi, nhưng cũng cảm thấy sự khác biệt. Sự khác biệt dễ đưa tôi vào thái độ xa cách, nghi kỵ, loại trừ. Lòng tôi vì thế dễ khép lại, ẩn mình trong một ranh giới nhỏ hẹp.

 

    Nhưng, Mẹ của kẻ đi đường dạy tôi về yêu thương. Không có yêu thương trừu tượng. Nhưng yêu thương là cụ thể hoá trên những con người cụ thể. Mẹ nhắc nhở tôi hãy bắt chước Mẹ, nhìn mọi người với tâm hồn bao dung kính trọng. Hãy thờ Chúa không phải chỉ trên núi này hay trong đền thờ nọ. Nhưng hãy thờ Chúa trong tinh thần và trong chân lý. Khi thờ Chúa như vậy, người ta sẽ thấy lòng mình mở ra, nhận ra Chúa trên những khuôn mặt nhiều người, nhất là những người đau khổ. Ánh mắt của những người đó sẽ như những cửa sổ chiếu xa về cõi đời đời. Nước Trời rộng hơn người ta tưởng.

    Lúc nhận ra điều đó, tôi sẽ được tập quen biết coi thường những vẻ bề ngoài trên mỗi con người, nhưng sẽ nhìn tâm hồn họ và hoàn cảnh họ như Chúa nhìn.

    Đây là một cuộc chiến đấu của tình yêu và cho tình yêu. Trong cuộc chiến đấu đó, tôi được đón nhận hơn là cho đi. Đó là đón nhận tình yêu của Chúa giấu ẩn nơi những kẻ khác, nhất là nơi những kẻ khốn cùng.

 

    4/ Gắn chặt vào thân cây

 

    Còn nhiều điều có thể nói về Mẹ của kẻ đi đường. Nhưng một điều vắn gọn có thể nói thay cho tất cả. Đó là Mẹ đưa những người con Mẹ vào sự sống mật thiết với Chúa Giêsu. Gắn bó mật thiết như cành cây với thân cây.

 

    Để được như vậy, Mẹ luôn nâng đỡ, ủi an, cứu giúp. Người con Mẹ được Mẹ dạy về sự cầu nguyện, suy gẫm Lời Chúa, sự sám hối, sự đền tội, sự đứng lên sau khi vấp ngã, sự sống mầu nhiệm thánh giá và mầu nhiệm Giáo Hội.

 

    Mẹ Maria ơi, Mẹ đã tới đích. Còn con vẫn trên đường. Mọi sự của con đều còn dang dở và rất mong manh, khó tránh được những bất ngờ. Xin Mẹ luôn ở bên con. Mẹ là nguồn đem lại cho con sức sống, chân lý, niềm tin cậy và sự bình an. Con thuộc về Mẹ. Con xin cùng với Mẹ khiêm tốn tập trung vào Đức Kitô, đi về với Chúa Cha giàu lòng thương xót.

 

 

ĐGM GB Bùi Tuần

Mục lục

 

HIỆP THÔNG GIÁO HỘI

 

Tổng hợp các bản tin Công Giáo thế giới

Một Trung Tâm Công Giáo Campuchia dấn thân phục vụ người bệnh nan y

 

Nam Vang (Agenzia Fides) – Trong số những người bị bệnh nan y (như ung thư, AIDS, và những bệnh không thể chữa trị khác) là các bệnh nhân ở giai đoạn cuối của bệnh tật, thuốc men không còn tác dụng, và họ phải cận kề với cái chết lìa đời. Nhiều lần, họ bị bỏ rơi và họ không thể tìm được người hoặc tổ chức nào đó sẵn sàng giúp đỡ họ. Đối với những bệnh nhân này, Giáo Hội Campuchia đã quyết định cống hiến thời gian và sức lực, và rồi năm ngoái, Giáo Hội đã mở Trung tâm săn sóc Sức Khoẻ Elizabeth dành riêng cho việc phục vụ những bệnh nhân như thế.


Những người vào đây được phục vụ miễn phí, họ thường là những người hành khất và những người vô gia cư. Đó là công việc phục vụ với hy vọng là bằng chứng cho thấy Kitô giáo đã chăm sóc cho người nghèo nhất trong những người nghèo, những người bên lề xã hội, và những người không ai chăm sóc, cho dù là người thân hay nhà nước.


Trung tâm săn sóc Sức Khoẻ Elizabeth được mở ra ở Giáo xứ Chúa Giêsu Hài đồng thuộc vùng lân cận Beong Tompon và tiếng tăm của nó mau chóng lan truyền trên khắp Campuchia, bệnh nhân trên khắp nước đã tìm đến sự trợ giúp của Trung Tâm. Các thiện nguyện viên ở đó làm việc với nụ cười trên môi, bằng một tinh thần chăm sóc chu đáo, một tình yêu vô điều kiện, miệng luôn thốt ra những lời nói của hy vọng ủi an những bệnh nhân mang bệnh nan y này. Trong nhiều trường hợp các bệnh nhân cũng đã hỏi về đức tin Công Giáo.


Cơ sở này hiện đang chăm sóc cho gần 100 bệnh nhân và có được tiếng tăm đối với các cá nhân, tổ chức chính phủ, các vị lãnh đạo Phật giáo về cách thức điều hành, sự phục vụ cởi mở, nhân từ và yêu thương của trung tâm. Trung tâm đã cám ơn các linh mục, tu sĩ, giáo dân của Giáo xứ Chúa Giêsu Hài đồng và tiếp tục hoạt động để cảm tạ các quyên góp tư và các quyên góp cá nhân đơn lẻ từ các tín hữu, chủ yếu từ Âu Châu, Hồn Kông và Úc.

Mục lục

 

 

Sắc lệnh của Bộ Giám Mục cho Giám Mục Tổng Thống Paraguay hồi tục

VATICAN. Lần đầu tiên Tòa Thánh cho một GM hồi tục vì làm tổng thống, đó là Đức Cha Fernando Armido Lugo Mendez, tổng thống tân cử của Cộng hòa Paraguay, sẽ nhậm chức vào ngày 15-8-2008 tới đây với nhiệm kỳ 5 năm.

Đức Cha Lugo, thuộc dòng Ngôi Lời, năm nay 59 tuổi được chọn làm GM giáo phận San Pedro năm 1994, và từ chức cách đây 3 năm. Vì ngài nhất quyết ra tranh cử bất chấp giáo luật cấm giáo sĩ tham gia các hoạt động chính trị, nên đã bị Tòa Thánh cấm thi hành các chức vụ thánh. Trong cuộc bầu cử ngày 20 tháng 4 năm nay, Đức Cha đã được 40,8% số phiếu tức là hơn 10% so với nữ ứng cử viên tổng thống Blanda Ovelar (30,7%) của đảng Colorado, và hơn gần 20% so với ứng cử viên cựu tướng lãnh Lino Oviedo. Đức Cha Lugo là lãnh tụ liên minh trung tả.

Hôm 30-7-2008, tòa Sứ Thần Tòa Thánh tại Paraguay đã loan tin về việc Đức Cha Lugo hồi tục đồng thời công bố sắc lệnh của Bộ Giám Mục về việc Đức Cha bị mất bậc giáo sĩ, nguyên văn như sau:

”Ngày 18-12 năm 2006, Đức Cha Fernando Armido Lugo Méndez, dòng Ngôi Lời, nguyên GM giáo phận San Pedro, đã xin hồi tục để ra tranh cử tổng thống Paraguay. Đức Cha nói rằng đơn xin ”không có nghĩa là con từ bỏ lòng yêu mến đối với Giáo Hội và lòng quí chuộng của con đối với việc phục vụ thừa tác và đời sống tu trì”.

Sau khi tìm cách khuyên bảo Đức Cha Fernando Lugo đừng ra tranh cử tổng thống (Can 285,3, Can. 287,2), Tòa Thánh đã chấm Đức Cha không được thi hành thừa tác vụ tư tế.

”Tình trạng gần đây xảy ra sau khi Đức Cha Fernando Lugo đắc cử tổng thống Paraguay đòi phải tái cứu xét đơn xin hồi tục vì ích lợi của đất nước và để phân biệt rõ ràng và chung kết giữa trách vụ Tổng Thống và việc thi hành sứ vụ Giám Mục. Thực vậy, việc chấp nhận trách vụ Tổng Thống Paraguay là điều không thể dung hợp với các nghĩa vụ của sứ vụ GM và bậc giáo sĩ.

”Vì thế, sau khi cứu xét kỹ lưỡng mọi hoàn cảnh, ĐTC Biển Đức 16 đã chấp thuận cho Đức Cha Fernando Lugo hồi tục, với hậu quả là mất mọi quyền lợi đi kèm, đồng thời ĐTC chuẩn chước cho Đức Cha mọi lời khấn trong dòng Ngôi Lời, nghĩa vụ độc thân (Can 291) và các nghĩa vụ của bậc giáo sĩ (Can 292).

”ĐTC khuyên Ông Fernando Armindo Lugo Méndez hãy trung thành với đức tin Công Giáo mà ông đã chịu phép rửa và hãy sống phù hợp với Tin Mừng.

Làm tại Vatican, tại Trụ Sở Bộ Giám Mục, ngày 30-6-2008

HY Giovanni Battista Re, Tổng trưởng

TGM Francesco Monterisi,
Tổng thư ký Bộ Giám Mục.

Tòa Sứ Thần Tòa Thánh tại Paraguay giải thích với công chúng tại nước này rằng việc ĐTC cho Đức Cha Lugo hồi tục chỉ vì lý do giáo luật và mục vụ. Theo nghĩa đó, Giáo Hội không từ bỏ sứ vụ ngôn sứ của mình, và tiếp tục các quan hệ với chính quyền theo tinh thần Hiến Chế ”Vui Mừng và Hy vọng” của Công đồng chung Vatican 2, theo đó cộng đồng chính trị và Giáo Hội độc lập và tự trị đối với nhau trong lãnh vực của mình. Tuy nhiên cả hai đều phục vụ ơn gọi bản thân và xã hội của cùng con người, tuy dưới danh nghĩa khác nhau”.

Trong cuộc gặp giới báo chí, Tổng thống Lugo đã cám ơn ĐTC vì sự chuẩn chước cho hồi tục và coi đây là một ”dấu chỉ tình thương” của ĐTC. Đây không phải là điều dễ dàng đối với Tòa Thánh vì từ trước đến nay chưa từng có trường hợp tương tự.”

Cũng nên nhắc lại rằng hôm sau ngày đắc cử, Đức Cha Lugo đã tuyên bố ”xin lỗi nếu thái độ và sự bất tuân phục của tôi gây nên đau buồn”. 3 ngày sau đó, Đức TGM Orlando Antonini Sứ Thần Tòa Thánh tại Paraguay đã viếng thăm và chúc mừng vị Tổng thống tân cử và tặng một cây viết của ĐTC Biển Đức 16. (SD, CNS 30-7-2008)

Tượng Trái Tim Cực Thánh Chúa ở Madrid bị phá hủy

MADRID (CNA) - Tuần trước, một nhóm tội phạm chưa xác định được danh tính đã chặt lìa đầu của bức tượng mang tên Trái Tim Cực Thánh được đặt tại khu vườn của tu viện San Antionio de la Florida ở Madrid, Tây Ban Nha, nơi sẽ tổ chức Đại hội Giới trẻ Thế giới 2011.

Theo nhật báo Tây Ban Nha "La Razon", bức tượng cao gần 5 foot vừa bị phá hủy tuần trước là bản sao của bức tượng nổi tiếng từng nằm trên đỉnh của Cerro de los Angeles tại Madrid. Bức tượng mới bị chặt đi phần đầu ấy được làm từ những mẫu đá còn sót lại từ bức tượng gốc bị phá hủy trong thời gian nội chiến Tây Ban Nha.


Ông Alejandro Diaz, thư ký của giáo xứ cho biết: "Vào hôm thứ ba khi các tín hữu đến tham dự thánh lễ vào buổi sáng, họ phát hiện thấy bức tượng đã nằm trên mặt đất. Từ những lẽ đó suy ra cho chúng ta thấy, vụ phá hoại chắc chắn xảy ra trong khoảng từ đêm thứ hai cho đến sáng sớm thứ ba mà thôi."

Ông Diaz cũng cho biết thêm rằng những kẻ tấn công đã đập nát phần bệ bức tượng thành từng mảnh trước khi chặt đầu và phá hủy bức tượng.

Mục lục

 

Giới trẻ sẽ qui tụ bên Đức Thánh Cha Benedictô XVI tại Lộ Đức

 

PARIS (CNA) - Hội Đồng Giám Mục Pháp tuyên bố rằng trong suốt chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha đến Pháp từ ngày 12 đến 15 tháng 09 sắp tới, một "Đại hội Giới trẻ" sẽ được tổ chức cùng với ngài để kỷ niệm 150 năm Đức Maria hiện ra tại Lourdes (Lộ Đức).


Đại hội Giới trẻ này sẽ bao gồm 3 đêm canh thức tại Lourdes với Đức Thánh Cha. Vào thứ 6 ngày 12 tháng 09, một buổi canh thức hòa nhạc được Phong trào Emmanuel tổ chức sẽ diễn ra lúc 09 giờ tối.


Ngày tiếp theo, lúc 11 giờ đêm, sẽ là đêm canh thức cầu nguyện dành cho giới trẻ và, sẽ có bài nói chuyện đặc biệt từ Đức Hồng Y Philippe Barbarin, TGM Lyon.


Chúa nhật ngày 14 tháng 09, vào lúc 09 giờ tối, lại một buổi canh thức hòa nhạc nữa được Cộng đoàn Thánh Gioan tổ chức.


Hội Đồng Giám Mục Pháp ước tính hơn 250.000 người, phần lớn là giới trẻ, sẽ tham dự Thánh lễ Bế mạc được ĐTC Benedict XVI chủ sự với hàng trăm Giám mục và Linh mục.

Mục lục

 

 

Những ngày nghỉ của Đức Thánh Cha Bênêđitô XVI tại Bressanone

 

Bressanone- Italia (Zenit 29 tháng 7)- Cùng với anh mình, Đức Ông Georg Ratzinger, Đức Thánh Cha Bênêđitô XVI (ĐTC) đang nghỉ hè tại Bressanone.


Đức Cha Wilhelm Emil Egger, Giám Mục giáo phận Bolzano đã có cuộc gặp gỡ với các ký giả hôm thứ ba vừa qua, ngày 29 tháng 7, để giải thích về chương trình nghỉ hè của ĐTC. Đức Cha cho biết là ngài đã nhận rất nhiều lời yêu cầu được gặp ĐTC; nhưng ngài đã từ chối những yêu cầu này, với lý do là ngài có bổn phận “bảo vệ” những ngày nghỉ của ĐTC. Khi được hỏi về những nơi ĐTC sẽ đi dạo hay thăm viếng, trong những ngày nghỉ hè tại Bressanone, thì Đức Cha Egger trả lời là ngài không biết rõ chương trình và cũng không thể nói ra, bởi vì, nếu ngài có nói điều gì, thì chắc chắn là ĐTC sẽ không thể đi đâu được, vì dân chúng sẽ kéo đến, làm mất đi những giây phút riêng tư và nghỉ ngơi của ĐTC.


Đức Cha Egger chỉ cho biết cách chung rằng trong những ngày nghỉ này, ĐTC cầu nguyện, đọc sách báo, học hỏi thêm, đánh đàn dương cầm (piano), và viết phần thứ hai của tập sách “Chúa Giêsu thành Nazareth” và chuẩn bị Thông Điệp thứ ba về vấn đề xã hội. Dĩ nhiên, những sinh hoạt của ĐTC trong những ngày nghỉ này sẽ không theo quy củ của những ngày làm việc tại Vatican.


Như đã nói trước, trong hai tuần nghỉ tại Đại Chủng Viện ở Bressanone, ĐTC chỉ có ba lần tiếp xúc công khai mà thôi: đó là hai lần đọc kinh Truyền Tin Trưa, vào Chúa Nhật mùng 3 và mùng 10 tháng 8. Và một lần tiếp kiến hàng giáo sĩ giáo phận Bolzanô vào ngày mùng 6 tháng 8.


Ngày 11 tháng 8, ĐTC sẽ kết thúc hai tuần nghỉ hè, và trở về cư ngụ tại CastelGandolfo trong suốt mùa hè này.

Mục lục

 

Thánh Giá Ngày Quốc tế Giới Trẻ đến từ Thánh Giá Năm Thánh 1983/1984

 

Roma (Zenit)- Khi cử hành lễ Kỷ Niệm 25 năm thành lập Trung Tâm Giới Trẻ San Lorenzo, tại Roma, hôm ngày 15 tháng 3 vừa qua, ĐHY Paul Josef Cordes, hiện là chủ tịch Hội Đồng Toà Thánh Đồng Tâm (Cor Unum), đã chia sẻ không những về lịch sử Ngày Quốc Tế Giới Trẻ, mà còn nói về nguồn gốc của Thánh Giá Ngày Quốc Tế Giới Trẻ, đến từ Thánh Giá Năm Thánh 1983-1984.


ĐHY Paul Josef Cordes đã kể lại như sau:


 “Lúc bắt đầu Năm Thánh Đặc Biệt 1983-1984, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II lưu ý nơi Bàn Thờ chính của Đền Thờ Thánh Phêrô, thiếu một cây Thánh Giá lớn để thu hút chú ý của các bạn trẻ đến cầu nguyện nơi đó. Đức Thánh Cha liền cho dựng một cây Thánh Giá bằng gỗ cao hai thước tại nơi Bàn Thờ chính Đền Thờ Thánh Phêrô. Kết thúc Năm Thánh, ĐTC trao Thánh Giá Năm Thánh này cho các bạn trẻ của Trung Tâm San Lorenzo, với những lời như sau: Kết thúc Năm Thánh, Cha trao phó cho các bạn trẻ chúng con Cây Thánh Giá này, Thánh Giá của Chúa Kitô. Chúng con hãy mang Thánh Giá này khắp nơi trên thế giới, như là dấu chỉ Tình Thương của Chúa Giêsu đối với nhân loại. Chúng con hãy rao giảng cho tất cả mọi người biết rằng ơn cứu rỗi chỉ đến từ Chúa Kitô, Đấng đã chết và đã phục sinh!

Các bạn trẻ thuộc Trung Tâm San Lorenzo Roma sẵn sàng thi hành ước nguyện của ĐTC. Nhưng làm sao để mang Thánh Giá Chúa đến mọi nơi trên thế giới? Lúc đó, tôi thầm nghĩ đến “Thánh Giá” mà mọi môn đệ Chúa đều phải vác lấy khắp mọi nơi. Nhưng các bạn trẻ tại Trung Tâm San Lorenzo, thì hiểu về cây “Thánh Giá Năm Thánh bằng gỗ” mà ĐTC đã trao cho họ. Chính Thánh Giá cụ thể bằng gỗ này mà các bạn muốn rước đi khắp nơi trên thế giới. Trước hết, trong nhiều dịp khác nhau, các bạn trẻ thuộc Trung Tâm San Lorenzo đã rước Thánh Giá Bằng Gỗ này qua các nẻo đường Roma, đến với các bạn trẻ khác thuộc các phong trào như Phong Trào Hiệp Thông và Giải Phóng, các Phong Trào Thánh Linh, Phong Trào Tân Dự Tòng, v.v….Vào cuối mỗi cuộc rước Thánh Giá này, tại các Trung Tâm khác nhau, các bạn trẻ họp nhau suy tôn Lời Chúa, hát Thánh Ca và dành ra những giây phút tôn vinh Thánh Giá.


Tháng 7 năm 1984, Thánh Giá Năm Thánh lần đầu tiên được rước ra ngoài Roma, đến với “Đại Hội Công Giáo Đức” (Katholikentag) ở thành phố Monaco miền nam Nuớc Đức. Thoạt tiên Đức Giám Mục Phụ tá tại Tổng Giáo Phận Monacô, lúc đó là Đức Cha Tewes, mà nay đã qua đời, tỏ ra không mấy ủng hộ việc rước cây Thánh Giá Gỗ từ Roma đến Monaco, với lập luận cho rằng Thánh Giá Gỗ kia có chi đặc biệt mà phải cực nhọc rước từ Roma qua. Nếu muốn, thì tại Monaco này có thiếu gì Thánh Giá Gỗ như thế. Nhưng các bạn trẻ Trung tâm San Lorenzo cố thuyết phục với lý luận rằng đây là Thánh Giá Năm Thánh và rằng Đức Thánh Cha muốn cho Thánh Giá này được rước đi khắp nơi trên thế giới, như dấu chỉ ơn cứu rỗi đến từ Chúa Giêsu Kitô. Và các bạn trẻ đã hết sức vui mừng khi cuối cùng Thánh Giá Năm Thánh được suy tôn tại Đại Hội Công Giáo Đức năm 1984.


Sau đó, ĐTC muốn các bạn trẻ Trung tâm San Lorenzo đưa Thánh Giá Năm Thánh này sang Praha, Tiệp Khắc, đến với ĐHY Tomasek, lúc đó còn bị “giam lỏng” tại Toà Giám Mục của ngài. Đây là một thách thức lớn, vì Tiệp Khắc lúc đó còn là một quốc gia sống trong chế độ cộng sản khắt khe. Và Giáo Hội Công Giáo tại Tiệp Khắc lúc đó chưa được hưởng chút gì tự do như ngày nay! Nhưng kỳ diệu thay, các bạn trẻ San Lorenzo lại thành công đưa Thánh Giá Năm Thánh đến tận toà Giám Mục Praha, đích thân gặp Đức Hồng Y Tomasek. Ngài đã cảm động đến nỗi bật khóc trước mặt các bạn trẻ đã dám liều mạng mang Thánh Giá Năm Thánh đến với ngài.


Sau biến cố này, Thánh Giá Năm Thánh bắt đầu được rước qua các quốc gia thuộc đủ mọi đại lục, như là phần cử hành không thể thiếu, trước là để chuẩn bị và sau đó để cử hành Ngày Quốc Tế Giới Trẻ, như chúng ta thấy như hiện nay. Thánh Giá Năm Thánh đã biến thành Thánh Giá Ngày Quốc Tế Giới Trẻ, để nhắc mọi người nhớ lại Tình Yêu cứu rỗi của Chúa.

 

Mục lục

 

Số lượng linh mục tại Mỹ Latinh và vùng Caribê gia tăng

 

OGOTA, Colombia (Zenit.org). Số lượng linh mục tại Mỹ Latinh và vùng Caribê đã gia tăng đáng kể từ năm 2000 đến năm 2005 mặc dù tình hình ơn gọi đang phải đương đầu với những thử thách khác nhau.

Một nhóm nghiên cứu thuộc Hội Đồng Giám Mục vùng Mỹ Latinh đã thu thập và phân tích những thông kê về tình hình ơn gọi trong 5 năm từ 22 quốc gia.


Nhìn chung, số linh mục triểu đã gia tăng khoảng 11.93% (từ 37.884 đến 42.405) trong khi đó, số linh mục dòng giảm nhẹ (từ 24.186 xuống còn 23.945).


Trong giai đoạn này, cứ 10 linh mục thì có 4 linh mục qua đời hoặc chuyển hướng. Trong 22 nước được nghiên cứu, đa có khoảng 1.080 linh mục chuyển hướng giữa năm 2000 và năm 2005. Chỉ duy nhất Belize và Puerto Rico là không xảy ra tình trạng này.


Hai quốc gia Nicaragua và Guatemala được xem là có tỷ lệ gia tăng số linh mục triều vào hàng cao nhất.

Bên cạnh đó, số nữ tu cũng có tăng chút đỉnh 0.91% (từ 126.287 năm 2000 lên 127.439 năm 2005)


Cũng theo thống kê này, không có quốc gia nào được đánh giá là chỉ có tăng hay chỉ có giảm. Tuy nhiên, chăng hạn như tại Cuba đã có sự gia tăng số lượng ở mọi loại ơn gọi ngoại trừ các chủng sinh dòng và ngược lại tại Argentina số lượng ơn gọi giảm ngoại trừ tổng số linh mục triều.


Các tác giả của nghiên cứu khuyến cáo không nên quá chú tâm vào số lượng, bởi vì theo họ “ tùy vào mỗi trường hợp, chúng ta phải nhìn vào các yếu tố xã hội, chính trị, kinh tế, văn hóa và tôn giáo có ảnh hưởng đến các thống kê ơn gọi này”, họ nói tiếp “ các yếu tố ảnh hưởng khác là phải xét đến tình hình của giáo hội địa phương, ví dụ như một dòng tu di chuyển các cơ sở đào tạo của họ từ nước này sang nước khác và điều đó làm tăng hay giảm số lượng các chủng sinh. Vì vậy một nghiên cứu chỉ dựa trên số lượng là không đủ”.

Mục lục

 

Đức Giáo Hoàng sẽ thăm viếng Đền Đức Mẹ tại Pompei

Pompei, ngày 28 tháng 7, 2008 (Zenit.org) - Đức Giáo Hoàng Benedict XVI sẽ viếng thăm Đền Thánh Đức Mẹ Mân Côi tại Pompei vào tháng 10 này.

Đức Giám Mục Carlo Liberati ở Pompei đã tuyên bố điều này trong một bản tin tuần qua rằng Đức Giáo Hoàng sẽ dâng thánh lễ ngày 19 tháng 10 tại Đền Đức Mẹ và đọc một kinh Đức Mẹ do Chân Phước Bartolo Longo (1841-1926) biên soạn.

Chân Phước Longo là một người theo đạo Satan nhưng sau đó hối cải và trở thành một thành viên Dòng Ba Đa Minh, và dâng hiến cuộc đời còn lại cho Đức Nữ Đồng Trinh Maria. Năm 1980, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II ban cho ngài danh hiệu “Tông Đồ Kinh Mân Côi.”


Đức Giám Mục Liberati cho hay, “Đức Giáo Hoàng Benedict XVI sẽ trông cậy vào sự cầu bầu của Mẹ Thiên Chúa và những lời cầu nguyện của chúng ta cùng với các suy niệm và kết quả của Thường Hội Đồng Giám Mục sẽ được tổ chức tại Vatican trong Tháng Đức Mẹ tháng 10.”


Thượng Hội Đồng Giám Mục sẽ có chủ đề “Lời Chúa trong Đời Sống và Sứ Mệnh của Giáo Hội” và được tổ chức vào ngày 5 đến ngày 26 tháng 10 tại Vatican.


Đức Giám Mục cũng cho hay Đức Giáo Hoàng Benedict XVII sẽ cầu nguyện cho sự “hiệp nhất trong các gia đình, sự trung thành giữa các cặp vợ chồng, và sự can đảm trong việc dậy dỗ con cái về đức tin.”

 

Mục lục

 

Đức Thánh Cha sẽ đọc Kinh Thánh trên truyền hình

 

H2O News - Đức Thánh Cha Benedict XVI sẽ lên sóng truyền hình và đọc chương đầu tiên của sách Sáng thế (Genesis) trong khoảng một giờ đồng hồ. Sự kiện đặc biệt này sẽ diễn ra vào chiều ngày 05 tháng 10 sắp tới trên kênh truyền hình quốc gia Italia "RaiUno".


Giới hữu trách đài "Rai-Vaticano", ông Giuseppe de Carli cho biết về sự kiện chung này khi tham gia chương trình chạy bộ đọc Kinh Thánh có tên gọi "The Bible, Day and Night" (Thánh Kinh, Ngày và Đêm). Ông không cho biết là Đức Thánh Cha sẽ truyền hình trực tiếp sự kiện này hay ghi âm trước và sẽ phát sóng tại thời điểm đó.


Chương trình có hẳn 1 nhóm những người sẽ đọc Kinh Thánh từ Vương Cung Thánh Đường Thánh Giá Jerusalem tại Rome cho đến hết ngày 11 tháng 10 với sự tham dự của Đức Hồng Y Tarcisio Bertone, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, vào lúc kết thúc. Hãng thông tấn Zenit cho biết ĐHY Bertone sẽ đọc chương 22 của Sách Khải Huyền khi kết thúc chương trình.


Ý tưởng trên được khởi đi từ việc tổ chức Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới khóa thông thường lần thứ 12 từ ngày 5 đến 26/10/2008 tại Vatican với chủ đề "Lời Chúa trong đời sống và sứ mệnh truyền giáo của Giáo hội".

Mục lục

 

Những thách thức ĐTC Bênêđitô XVI gởi đến các bạn trẻ tham dự ngày Quốc Tế Giới Trẻ 2008 tại Sydney

Những diễn văn của Đức Thánh Cha Bênêđitô XVI trong những cử hành Ngày Quốc tế Giới Trẻ 2008 tại Sydney, là những bài giáo lý nhiều ý nghĩa, xoay quanh đề tài Chúa Thánh Thần đổ tràn ơn ngài xuống trên các tín hữu, để biến đổi họ thành những chứng nhân cho Chúa Kitô Phục Sinh. Sau khi bế mạc Ngày Quốc Tế Giới Trẻ, ký giả José Caetanô làm việc cho hãng tin Zenit, đã có bài tổng kết về những thách thức của Đức Thánh Cha dành cho các bạn trẻ quy tựu về Sydney, để cử hành Ngày Quốc Tế Giới Trẻ như sau:

Trước hết, theo Ký Giả José Caetano, trong bài diễn văn đầu tiên khi ĐTC xuất hiện trong nghi thức tiếp đón chính thức vào thứ năm ngày 17 tháng 7, thì thách thức đầu tiên ĐTC gởi đến các bạn trẻ là thánh thức sống thánh thiện. ĐTC đã ngỏ lời với các bạn trẻ như sau:

“Qua tác động của Chúa Thánh Thần, ước chi những người trẻ họp nhau nơi đây để cử hành Ngày Quốc Tế Giới Trẻ, có được can đảm trở nên thánh. Đây là điều mà thế giới đang cần đến, hơn bất cứ điều gì khác!”

Với các bạn trẻ ngoài Công Giáo, ĐTC đã mời gọi hãy đến gần “lãnh nhận cái ôm hôn đầy yêu thương của Chúa Kitô, và hãy nhận “Giáo Hội Công Giáo như là nhà của mình.”

Cũng trong bài diễn văn này, ĐTC kêu gọi các bạn trẻ Kitô hãy làm chứng cho niềm hy vọng mà Chúa Giêsu Kitô mang đến cho họ trong Tin Mừng. Đây là cái nhìn về sự sống, trong đó tình yêu ngự trị và các hồng ân lãnh nhận đều được đem ra chia sẻ; đây là cái nhìn về sự sống, trong đó sự hiệp nhất được cũng cố thêm mãi, sự tự do gặp được ý nghĩa của nó trong sự thật, và thực thể của chính mình được gặp thấy trong sự hiệp thông tương kính.”

Sang ngày hôm sau, tức thứ sáu 18 tháng 7, khi gặp gỡ với các “bạn trẻ kém may mắn”, đã từng trải qua những kinh nghiệm đau thương nghiện rượu, nghiện ma tuý, và đã có lúc muốn tự tử, ĐTC không bỏ cuộc, mà ngược lại, ngài tin tưởng trao cho họ trách vụ hãy trở thành “những sứ giả của niềm hy vọng đối với tất cả những ai đang sống trong hoàn cảnh tương tự như họ trước đó.” ĐTC thách thức những người trẻ này như sau: “Với sức mạnh của Chúa Thánh Thần, chúng con hãy chọn sự sống, hãy chọn tình yêu thương, hãy làm chứng trước thế giới cho niềm vui phát sinh từ sức mạnh Chúa ThánhThần.”

Sang ngày thứ ba của Đại Hội, tức ngày thứ bảy 19 tháng 7, trong thánh lễ do ngài chủ tế với các giám mục Australia, dành cho chủng sinh và những tu sĩ nam nữ, ĐTC đã hướng về các chủng sinh và kêu gọi như sau: “Chúng con đừng lo sợ! Hãy tin tưởng vào ánh sáng! Hãy đưa vào trong tâm hồn sự thật mà chúng ta đã nghe trong bài đọc thứ hai như sau: “Chúa Giêsu Kitô luôn là như vậy hôm qua, hôm nay và mãi mãi trong tương lai. Ước chi ánh sáng phục sinh tiếp tục đuổi xa đi những bóng tối!”

Rồi chiều tối thứ bảy, ngày Áp lễ Bế Mạc Ngày Quốc Tế Giới Trẻ, với khoảng 235.000 bạn trẻ tham dự buổi canh thức, ĐTC đã vừa giải thích vừa thách thức như sau: “Sống thực sự cuộc sống của mình là để cho mình được biến đổi từ bên trong, là mở rộng tâm hồn đó nhận sức mạnh của tình thương Thiên Chúa. Nhờ lãnh nhận sức mạnh của Chúa Thánh Thần, chúng con có thể biến đổi gia đình chúng con, cộng đoàn chúng con, và đất nước chúng con. Chúng con hãy phát huy những hồng ân Chúa Thánh Thần. Hãy làm sao để các ơn khôn ngoan, thông hiểu, mạnh mẽ, hiểu biết, và đạo đức, trở nên những dấu chỉ cho sự cao cả của chúng con!”

Cuối cùng, trong ngày Bế Mạc, tức Chúa Nhật 20 tháng 7, trong bài giảng Thánh Lễ, ĐTC đã thách thức hỏi khoảng 500.000 người trẻ như sau: “Chúng con sẽ để lại điều gì cho thế hệ kế tiếp chúng con?”. ĐTC đã yêu cầu họ hãy là “những tiên tri cho thời đại mới, hãy là những sứ giả của tình yêu Chúa”; hãy là “những kẻ có khả năng lôi cuốn anh chị em mình đến với Chúa Cha và có khả năng xây dựng một tương lai đầy hy vọng cho toàn thể nhân loại.”

Và lời thách thức đặc biệt của ĐTC dành cho một số bạn trẻ nam nữ nghe được tiếng Chúa mời gọi dấn thân trong đời tận hiến cũng như trong ơn gọi linh mục, như sau: “Chúng con đừng sợ thưa ‘Vâng’ đáp lời mời gọi của Chúa Giêsu. Chúng con đừng sợ tìm gặp niềm vui trong việc thực thi thánh ý Chúa, vừa hiến thân trọn vẹn để đạt đến sự thánh thiện, vửa sử dụng những tài năng Chúa ban cho chúng con để phục vụ anh chị em!”

Lời thách thức cuối cùng của ĐTC, vào cuối thánh lễ bế mạc, sau khi đã xướng kinh truyền tin và tuyên bố Madrid làm địa điểm cho ngày Quốc tế Giới Trẻ năm 2011, là: “Hãy cho thế giới nhìn thấy niềm vui của chúng con được làm chứng cho Chúa Kitô!”

Mục lục

Thư gửi Quý Hồng y, Quý Đức cha về việc thành lập lại Caritas Việt Nam

 

ỦY BAN BÁC ÁI XÃ HỘI / HĐGMVN

CARITAS VIỆT NAM

72/12 Trần Quốc Toản, P.8, Q.3, TP. HCM

Email: ubbaxh_vn@hcm.vnn.vn

ĐT: (08) 8208716

No. 22/2008/VT/BAXH

 

TP. Hồ Chí Minh, ngày 21-7-2008

 

Kính thưa Quý Hồng y,

   Quý Đức cha,

Uỷ ban Bác ái Xã hội thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam (UBBAXH/HĐGMVN) đã nhận được Công văn số 941/TGCP-CP của Ban Tôn giáo Chính phủ đề ngày 2-7-2008 cho phép UBBAXH/HĐGMVN được sử dụng tên Caritas Việt Nam và cho Caritas Việt Nam hoà nhập vào mạng lưới Caritas Internationalis cũng như cho Caritas được thành lập tại 26 giáo phận trên toàn quốc.

Vậy chúng con xin kính báo đến Quý Hồng y và Quý Đức cha nội dung này, kèm theo Công văn của Ban Tôn giáo Chính phủ và Nội quy Caritas Việt Nam đã được chuẩn nhận.

Chúng con kính xin Quý Hồng y và Quý Đức cha có thể chọn người, chọn địa điểm để thành lập Caritas giáo phận và báo về cho chúng con để chúng con đăng ký với Uỷ ban Nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Chúng con cũng dự tính sẽ gửi một thư ngỏ cho cộng đồng dân Chúa (kèm theo đây) để thông báo về việc này và mời gọi mọi Kitô hữu tham dự vào hoạt động Bác ái Xã hội tại giáo phận để thể hiện tình yêu quảng đại của Đức Kitô.

Đồng thời chúng con dự định tổ chức Đại Hội đầu tiên của Caritas Việt Nam vào tháng 10-2008. Trong đó, có sự tham dự của đại diện chính quyền, đại diện Caritas Internationalis và các Caritas quốc gia đang hoạt động tại Việt Nam để chính thức ra mắt Caritas Trung ương và Caritas giáo phận với cơ cấu nhân sự và chương trình hoạt động sắp tới.

Kính xin Quý Hồng y và Quý Đức cha cầu nguyện, chúc lành cho các hoạt động của UBBAXH – CARITAS VN đạt nhiều kết quả như theo lòng Chúa mong ước.

Kính chúc Quý Hồng y và Quý Đức cha luôn an mạnh và dồi dào ơn Chúa.

 

Kính thư

Giám mục, Đa Minh Nguyễn Chu Trinh

Chủ tịch UBBAXH/CARITAS VN

 

 

Đính kèm:

- Văn thư của Ban Tôn giáo Chính phủ

- Nội quy Caritas Việt Nam

Mục lục

 

Thư gửi quý cha, quý tu sĩ nam nữ và cộng đồng dân Chúa về việc thành lập lại Caritas Việt Nam

 

 

UỶ BAN BÁC ÁI XÃ HỘI / HĐGMVN

CARITAS VIỆT NAM

72/12 Trần Quốc Toản, P.8, Q.3, TP. HCM

Email: ubbaxh_vn@hcm.vnn.vn

ĐT: (08) 8208716

No. 23/2008/VT/BAXH

 

 

TP. Hồ Chí Minh, ngày 21-7-2008

 

Kính gửi: Quý cha

  Quý tu sĩ nam nữ

  và anh chị em tín hữu thân mến,

 

Uỷ ban Bác ái Xã hội thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam (UBBAXH/HĐGMVN) đã nhận được Công văn số 941/TGCP-CP của Ban Tôn giáo Chính phủ đề ngày 2-7-2008 cho phép UBBAXH/HĐGMVN được sử dụng tên Caritas Việt Nam và cho Caritas Việt Nam hoà nhập vào mạng Caritas Internationalis (Caritas Quốc tế) cũng như các Caritas giáo phận được thành lập tại 26 giáo phận trên toàn quốc.

Chúng tôi xin tóm tắt đôi điều về tổ chức này:

1. Nhận thức

Tên Caritas, nguyên ngữ Latinh, có nghĩa là bác ái, yêu thương cách quảng đại, hoạt động từ thiện. Việc liên đới với người nghèo và dấn thân phục vụ họ theo giáo huấn và gương sống của Đức Giêsu là một đòi hỏi của bác ái Kitô giáo, đồng thời là sứ mệnh căn bản của Giáo Hội. Giáo Hội khuyến khích thành lập tổ chức Caritas trong tất cả các nước ở mọi châu lục. Caritas Internationalis (Caritas Quốc tế) được thành lập năm 1951 và hiện nay có 162 tổ chức thành viên. Trụ sở đặt tại Piazza San Calisto 16, 00153, Roma, Italy.

2. Đôi nét lịch sử

Caritas Việt Nam được Hội đồng Giám mục Miền Nam Việt Nam (HĐGM VN) thành lập vào năm 1965 ở Trung Ương và năm 1966 được thành lập tại các giáo phận. Tên của mỗi giáo phận được đặt sau tên Caritas để gọi, thí dụ như: Caritas Sài Gòn, Caritas Xuân Lộc, Caritas Huế… Mỗi Caritas giáo phận có văn phòng và hoạt động theo chương trình chung của Caritas Việt Nam đề ra cho những hoạt động bác ái xã hội như giúp đỡ các nạn nhân thiên tai, các người nghèo khổ tàn tật... Đến tháng 6-1976, Caritas Việt Nam được lệnh Nhà nước tạm ngưng hoạt động.

Sau khi UBBAXH được thành lập ngày 19-9-2001 trong Đại hội 8 của HĐGMVN, Uỷ Ban đã chính thức xin phép Nhà nước lập lại Caritas Việt Nam với cơ cấu tổ chức từ trung ương đến các giáo phận rồi đến các giáo xứ cho phù hợp với các hoạt động bác ái xã hội trên toàn cầu.

3. Mục đích

Caritas Việt Nam có mục đích giúp HĐGMVN thực hiện các hoạt động bác ái xã hội với đường hướng sau đây:

1. Thăng tiến và phát triển con người toàn diện.

2. Sống Phúc Âm giữa lòng dân tộc.

3. Phát huy tình yêu thương bác ái, liên đới giữa mọi người trong xã hội.

4. Giúp đỡ khẩn cấp khi có thiên tai hay dịch bệnh.

4. Tôn chỉ

1. Bảo vệ nhân phẩm: sự sống con người nhất là người nghèo khổ, yếu kém trong xã hội.

2. Dấn thân hoạt động để xây dựng xã hội trong công lý và hoà bình.

3. Cổ vũ tình liên đới để phát triển các mối quan hệ tốt đẹp giữa các dân tộc trong gia đình nhân loại.

4. Bảo vệ môi trường sống trong sạch, lành mạnh.

5. Nhiệm vụ

- Caritas Việt Nam có nhiệm vụ giúp HĐGMVN để thực hiện các công tác bác ái xã hội theo các mục đích và tôn chỉ trên.

- Hợp tác với các tổ chức từ thiện xã hội trong cũng như ngoài nước, để thực hiện các hoạt động bác ái xã hội.

- Phối hợp và tổ chức các hoạt động bác ái xã hội cùng với Caritas của các giáo phận để thực hiện các chương trình và dự án theo kế hoạch đề ra.

6.  Hoạt động

Caritas Việt Nam hoạt động theo Những Nguyên tắc Đạo đức Kitô giáo và Giáo huấn Xã hội của Giáo hội Công giáo.

Caritas Việt Nam hoạt động theo nhu cầu. Caritas Việt Nam là một tổ chức tự nguyện đảm nhận các công tác xã hội. Caritas Việt Nam cứu trợ những người nghèo khổ, tật bệnh hay gặp hoàn cảnh khốn cùng, không phân biệt tôn giáo, quốc gia, chủng tộc, chính trị.

Caritas Việt Nam là một tổ chức từ thiện chuyên nghiệp. Việc quản trị phải chặt chẽ, trong sáng, minh bạch, công khai và có hiệu quả cao.

Caritas Việt Nam hoạt động dựa trên sự cộng tác. Caritas Việt Nam tôn trọng sự dấn thân khác nhau và độc lập của các giáo phận, giáo xứ, hiệp hội, cá nhân và các đoàn thể tương trợ. Caritas Việt Nam luôn sát cánh với các cơ quan từ thiện khác.

7. Tổ chức

Caritas Việt Nam gồm Ban Thường trực ở Trung ương và các Caritas tại 26 giáo phận trên toàn quốc.

- Ban Thường trực ở Trung ương gồm:

+  Chủ tịch

+  Tổng Thư ký

+  Phó Tổng Thư ký

+  Thư ký Thường trực

            + Các chuyên viên của các phòng ban

- Caritas ở giáo phận gồm: 1 Chủ tịch và các thư ký trong các văn

phòng trực thuộc.

Trong Đại hội X của HĐGMVN tổ chức tại Hà Nội từ ngày 8-10 đến ngày 12-10-2007, HĐGMVN đã bầu ra vị Chủ tịch mới của UBBAXH-Caritas Việt Nam là Đức Cha Đa Minh Nguyễn Chu Trinh cho nhiệm kỳ 2007-2010 và vị Tổng Thư ký được Đức cha Chủ tịch chỉ định là Linh mục Antôn Nguyễn Ngọc Sơn.

Vậy chúng tôi gửi thư này đến toàn thể Cộng đồng Dân Chúa để thiết tha mời gọi Quý cha, Quý tu sĩ và anh chị em tín hữu tham gia vào các hoạt động bác ái của Caritas Việt Nam. Chúng tôi hy vọng rằng với việc thực thi tình yêu quảng đại của Chúa Kitô cho mọi người, nhất là cho những người nghèo khổ, bệnh tật, già yếu, mồ côi, goá bụa, các nạn nhân xã hội như: người nghiện ma tuý, nhiễm HIV/AIDS, mại dâm, phá thai… chúng ta sẽ mang lại niềm vui, bình an, hạnh phúc cho dân tộc và nhân loại.

Kính chúc anh chị em luôn an mạnh và dồi dào ơn Chúa.

Xin tất cả anh chị em cùng cầu nguyện cho chúng tôi để hoàn thành trách nhiệm trong công việc, thúc đẩy tình bác ái của Chúa Kitô nơi mọi người.

 

     Kính thư

Giám mục, Đa Minh Nguyễn Chu Trinh

Chủ tịch UBBAXH/CARITAS VN

Mục lục

 

ĐẠI HỘI GIÁO LÝ VIÊN GIÁO PHẬN BÀ RỊA MỪNG BỔN MẠNG CHÂN PHƯỚC ANRÊ PHÚ YÊN, QUAN THẦY GLV GIÁO PHẬN BÀ RỊA


ĐỨC MẸ BÃI DÂU - Với tự sắc Ad Aptius Consulendum được Đức Thánh Cha Benedict XVI ký ngày 22 tháng 11 năm 2005 tại Vatican, lệnh truyền tách hẳn địa giới hành chính tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu khỏi giáo phận Xuân Lộc và trở thành giáo phận Bà Rịa, giáo phận thứ 26 của Giáo hội Việt Nam, đồng thời bổ nhiệm Đức cha Thomas Nguyễn Văn Trâm làm Giám mục tiên khởi của giáo phận Bà Rịa.


Ngày 05/12/2005, hàng chục ngàn giáo dân, hằng trăm chủng sinh, tu sĩ nam nữ và 33 vị Hồng Y, Tổng Giám mục, Giám mục, Đức Viện Phụ, Đức Ông của Việt Nam mà dẫn đầu là Đức Hồng Y tổng trưởng Crescenzio Sepe cùng phái đoàn Tòa Thánh được sự ủy nhiệm của Đức Giáo Hoàng đến nhà thờ chính tòa Bà Rịa công bố tự sắc chia giáo phận và bổ nhiệm Đức cha Thomas Nguyễn Văn Trâm (sau 13 năm là Giám mục phụ tá giáo phận Xuân Lộc) trở thành Giám mục chánh tòa tiên khởi.


Từ những biến cố đó, giáo phận Bà Rịa thành hình. Đức cha Thomas đặc biệt quan tâm đến việc dạy giáo lý, đào tạo các chủng sinh, huấn luyện giới trẻ…Ngài thường xuyên gặp gỡ các giới, các hội đoàn, mà đặc biệt là “cánh tay phải nối dài” của ngài – các Giáo Lý Viên (GLV) giáo phận.


 Như thông lệ hằng năm, cứ đến ngày Lễ kính Chân phước tử đạo Anrê Phú Yên, Đức Giám Mục giáo phận lại gửi lời mời đến toàn thể các GLV trong giáo phận về tham dự Đại hội GLV cử hành tại Đền Thánh Đức Mẹ Bãi Dâu. Dịp Đại hội cũng là cơ hội đặc biệt trong năm quy tụ tất cả các GLV tại tất cả các giáo xứ, giáo hạt trong giáo phận lại với nhau, là cơ hội để gặp gỡ vị cha chung giáo phận, nghe huấn từ của ngài và, đặc biệt, trao bằng GLV cấp III cho các bạn GLV tham dự khóa huấn luyện Ra Khơi mùa hè của giáo phận.


GLV giáo phận Bà Rịa hầu hết ở trong độ tuổi rất trẻ. Trong số tham dự Đại hội GLV 2008 năm nay vào ngày 27.7.2008, có nhiều những GLV cấp III có năm sinh trong khoảng từ 1994 đến 1992.


Chương trình của ngày Đại hội GLV 2008 giáo phận Bà Rịa như sau:


- 07h30: Đón tiếp – Mỗi GLV nhận một sách chương trình tại lối lên nhà vòm.

- 08h00: Ổn định trong nhà vòm (các GLV ngồi theo giáo hạt, có bảng hướng dẫn).

- 08h30: Diễn nguyện Anrê Phú Yên (tại nhà vòm).

- 09h00: Giải lao.

- 09h15: Lên nhà thờ.

- 09h30: Gặp gỡ Đức Giám Mục.

- 10h00: Thánh lễ đồng tế do ĐGM chủ sự & nghi thức “Sai đi” cho các GLV Ra Khơi.

- Sau lễ: Cơm trưa & Giao lưu văn nghệ.

- 15h00: Nghi thức chia tay.


7h30 sáng, hơn 3000 GLV của 4 giáo hạt Long Hương, Phước Lễ, Vũng Tàu, Bình Giã thuộc giáo phận Bà Rịa đã tề tựu từ khắp nơi về Đền Thánh Đức Mẹ Bãi Dâu, một trung tâm hành hương nổi tiếng được khắp nơi biết đến. Đền Thánh Đức Mẹ Bãi Dâu, hiện do cha John Baptist Nguyễn Văn Bộ làm giám đốc, gồm một khu phức hợp nhiều văn phòng của giáo phận và các Dòng tu trải dài từ chân núi lên đến sườn núi. Với địa hình đặc thù và khí hậu biển mát mẻ kết hợp giữa rừng, núi và biển đã tạo thành điểm nhấn cho Trung tâm hành hương Đền Thánh Đức Mẹ Bãi Dâu cũng như Tượng đài Chúa Kitô Vua ở Tao Phùng.


Các GLV được đón tiếp tại nhà vòm, phía bên nhà khách của Bãi Dâu. Nơi đây vẫn thường đón tiếp và là chỗ nghỉ cho các Hồng Y, Tổng Giám Mục, Giám Mục khi tham dự Hội nghị thường niên của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đã nhiều lần được tổ chức tại Đền Thánh Đức Mẹ Bãi Dâu.


Là Chúa Nhật nên khách hành hương thập phương đến Bãi Dâu rất đông nhưng thấy và biết hôm nay là ngày đặc biệt của các GLV nên tất cả đều vui vẻ rời khỏi nhà thờ Mẹ Thiên Chúa đi lên phía núi và linh đài Đức Mẹ nhường chỗ cho các GLV. Một số đông khách hành hương ngồi lại 2 bên hông nhà thờ để cùng tham dự với các GLV cũng như hiệp thông trong Thánh Lễ sắp diễn ra.


9h30, Đức cha Thomas Nguyễn Văn Trâm – Giám mục chánh tòa tiên khởi giáo phận Bà Rịa tiến vào nhà thờ cùng với các cha đặc trách huấn giáo trong giáo phận. Khi Đức cha Trâm huấn dụ các GLV, ngài trình bày về một xã hội tiêu thụ, thực dụng, tục hóa, một xã hội cần nhiều lòng quảng đại và phục vụ, ngài ưu tư việc nhiều em nhỏ tại các giáo xứ chưa được dạy giáo lý. Ngài đề cao sứ mệnh giảng dạy giáo lý của các GLV, ngài cũng đề cập đến Đại hội Giới trẻ Thế giới (WYD) vừa diễn ra từ 15 đến 20 tháng 07 tại Sydney – Australia. Ngài lặp lại lời Đức Thánh Cha Benedict XVI: “Các con có đang sống đời mình trong một cách thế mở ra không gian cho Thánh Thần Chúa giữa lòng một thế giới muốn quên đi Thiên Chúa, hay thậm chí phủ nhận Ngài dựa trên một cảm nhận sai lầm về tự do ?! Các con để lại cho thế hệ tương lai một di sản nào ? Các con tạo nên được sự khác biệt nào ? Trong lòng nhiều người sống trong xã hội chúng ta, bên cạnh sự thịnh vượng vật chất là sự lan rộng của sa mạc tâm linh, một sự trống rỗng nội tâm, nỗi sợ không tên và, một cảm thức lặng lẽ của tuyệt vọng.”


Ngài kêu gọi các GLV tái khám phá Đức Kitô bằng việc kín múc từ viễn tượng phong phú của đức tin được các chứng nhân tử đạo để lại.

10h00, Thánh lễ đồng tế do Đức cha Trâm chủ sự cùng 10 linh mục gồm cha Tổng đại diện Paul Nguyễn Hữu Thời, cha giám đốc Đền Thánh Đức Mẹ Bãi Dâu Nguyễn Văn Bộ cùng các cha đặc trách huấn giáo trong toàn giáo phận. Đức cha Thomas Nguyễn Văn Trâm giảng lễ. Bài giảng nhấn mạnh đến đức tin hào hùng mà hơn 114.000 vị tử đạo Việt Nam đã hy sinh để minh chứng, đặc biệt là vị tử đạo tiên khởi Anrê Phú Yên. Đức cha cũng đề cập đến WYD 2008 Sydney, ngài kêu mời các GLV ra đi làm muối cho đời, làm ánh sáng cho thế gian.


Thánh lễ kết thúc lúc 11h30. Sau Thánh lễ, mưa nhẹ rơi, các bạn GLV được hướng dẫn ăn trưa và nghỉ ngơi tại nhà vòm, phần giao lưu văn nghệ có đại diện của các giáo hạt và 2 ca sỹ Công giáo nổi tiếng Phi Nguyễn, Kim Cúc tham gia và một nhạc phẩm đặc biệt do Linh mục Anthony Nguyễn Văn Toàn (chánh xứ Quảng Nghệ) trình bày.


Từ 12h00 đến 13h50, mưa rất nặng hạt.

 

15h00 chiều, nghi thức chia tay diễn ra, các bạn GLV ra về trong niềm vui được sai đi rao giảng Tin Mừng đến tận cùng thế giới, được sai đi làm muối ướp đời, làm men thấm đất, làm ánh sáng chiếu soi gian trần.


Đại hội lần III kỳ 2008 kết thúc tốt đẹp và ghi đậm dấu trong lòng các GLV giáo phận Bà Rịa.

Mục lục

 

Câu chuyện các chứng nhân Lòng Thương Xót Chúa đã cảm hoá nhiều người

SÀI GÒN -- Vào các ngày thứ Sáu, anh Micae Nguyễn Bá Lộc cố gắng di chuyển chiếc xe lăn vào trong Nhà thờ Chí Hoà để nghe các nhân chứng chia sẻ kinh nghiệm cá nhân của họ về Lòng Thương Xót Chúa.

Thường có khoảng 1.000 người đến Nhà thờ này tham dự các buổi chia sẻ dài 2 tiếng đồng hồ vào các chiều thứ Sáu hằng tuần. Nhà thờ chỉ chứa được 800 người, vì thế nhiều người phải đứng bên ngoài.

“Những câu chuyện của các chứng nhân đã thay đổi đời tôi. Chúng làm tôi không thể bỏ được buổi đọc kinh Lòng Thương Xót Chúa vào các chiều thứ Sáu được. Giờ đây, tôi cảm thấy vui hơn vì biết rằng Chúa luôn yêu thương và che chở những người bệnh tật như tôi” - anh Lộc, 46 tuổi, bị liệt 2 chân từ nhỏ, cho biết. Anh nói mình đã tham dự các giờ kinh Lòng Thương Xót Chúa từ năm 2006. Trước đó, anh là một người chán nản, tuyệt vọng và có ý định tự tử.

Bên ngoài nhà thờ, chị Maria Nguyễn Thị Hải, bị bại liệt, giang hai tay đọc kinh Lòng Thương Xót Chúa, vì chị không thể đưa xe máy 3 bánh vào trong nhà thờ được. Chị Hải, năm nay 52 tuổi, sống bằng nghề bán vé số, chia sẻ rằng nhờ thường xuyên tham dự các buổi đọc kinh Lòng Thương Xót Chúa tại nhà thờ và nghe những câu chuyện của các nhân chứng mà chị biết cậy trông vào Lòng Thương Xót Chúa. Chị kể trước đây chị dùng xe lăn nên đi lại khó khăn. Giống như anh Lộc, chị được một người sùng kính Lòng Thương Xót Chúa tặng chiếc xe máy 3 bánh để tiện cho việc đi lại.

Anh Nguyễn Thành Luân, 36 tuổi, một Phật tử, nói rằng: “Tôi tin vào Lòng Thương Xót Chúa qua câu chuyện của các nhân chứng, mặc dù tôi không biết Chúa là ai”. Anh kể khi vợ anh mang thai, bác sĩ đã khuyên vợ anh phá thai do sợ bị biến chứng vì vợ anh bị bệnh sởi. Anh đã mời một số nhóm cầu nguyện về nhà đọc kinh Lòng Thương Xót Chúa. Và vợ chồng anh đã rất vui mừng khi vợ anh sinh một đứa bé khoẻ mạnh hồi tháng 4. Và từ đó, anh hứa sẽ làm chứng về Lòng Thương Xót Chúa. Anh cho treo một tượng ảnh Lòng Thương Xót Chúa trong nhà và đọc kinh Lòng Thương Xót Chúa mỗi ngày.

Một bệnh nhân AIDS đã nói rằng chính câu chuyện của các nhân chứng, chứ không phải bác sĩ, đã mang lại cho anh sức mạnh tinh thần và hy vọng. Sau khi nghe câu chuyện của một nhân chứng đã cai nghiện ma tuý, anh tham gia nhóm cầu nguyện Lòng Thương Xót Chúa. “Tôi biết mình sẽ chết vì AIDS, nhưng tôi không sợ vì Chúa cứu chữa tâm hồn tôi” - anh nói.

Linh mục Giuse Trần Đình Long, năm nay 52 tuổi, là người tổ chức các buổi đọc kinh Lòng Thương Xót Chúa từ tháng 3 năm nay, thường mời các nhân chứng đến làm chứng vì “những chứng nhân dễ khiến người ta xúc động và dễ đánh động lòng người hơn là những bài giảng”. Và “chính các chứng nhân đã thu hút ngày càng nhiều người tham gia đọc kinh Lòng Thương Xót Chúa” - ngài nhận xét.

Việc kính Lòng Thương Xót Chúa bắt đầu vào những năm 1930, dựa trên nhật ký nữ tu Mary Faustina Kowalska (1905-1938) để lại tại tu viện Đức Mẹ Thương Xót ở Ba Lan. Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã phong thánh cho nữ tu người Ba Lan này ngày 30-4-2000. Những thị kiến mà chị ghi lại về luyện ngục và các thông điệp về Lòng Thương Xót Chúa là nền tảng của kinh Lòng Thương Xót Chúa.

Cầu nguyện kính Lòng Thương Xót Chúa bắt đầu ở Việt Nam sau năm 2000, khi Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II tuyên bố Chúa Nhật sau Lễ Phục Sinh là “Chúa Nhật Kính Lòng Thương Xót Chúa”. Cha Long, thuộc Dòng Thánh Thể, là thành viên ban tổ chức Lễ Kính Lòng Thương Xót Chúa trong Tổng Giáo phận từ ngày 30-3 năm nay. Cho đến nay, các buổi cầu nguyện kính Lòng Thương Xót Chúa đã thu hút khoảng 10.000 người tham dự.

Theo UCAN

Mục lục

 

 

TÌM HIỂU & SỐNG ĐẠO

 

TRUYỀN DẠY ĐỨC TIN TRONG GIA ĐÌNH:

NHỮNG THÁCH ĐỐ

 

 

 Thư Chung của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam về giáo dục năm 2007 bày tỏ những quan ngại sâu sắc về giáo dục nói chung và giáo dục đức tin nói riêng.1 Trong đó, về giáo dục đức tin, Thư Chung nói đến hai mối lo: “Nhiều bậc phụ huynh Công giáo, kể cả các vị mục tử, vẫn còn lơ là hoặc thiếu trách nhiệm trong việc truyền thông đức tin cho con cái” và “một số nơi, giáo lý vẫn còn bị xem là những bài lý thuyết cần phải thuộc lòng để được lãnh bí tích”. (số 15).

Những quan ngại Thư Chung đề cập đến phát xuất từ những nguyên nhân sâu xa hơn do các trào lưu tư tưởng của xã hội hiện đại. Những trào lưu tư tưởng đó thuộc môi trường văn hoá xã hội Tây phương. Tuy nhiên, vì văn hoá xã hội Tây phương lan rộng đến mọi nước, kể cả các nước có nền văn hoá lâu đời ở Đông phương như Việt Nam, Trung Hoa, Nhật Bản, Hàn Quốc, v.v. qua lối sống tiêu thụ của một xã hội duy khoa học, kỹ thuật. Bởi đó, tìm hiểu những trào lưu tư tưởng hiện đại Tây phương là điều quan trọng, cần thiết nếu muốn hiểu rõ và tìm ra cách thế để việc truyền dạy đức tin trong gia đình đạt kết quả. Những nguyên nhân sâu xa do các trào lưu tư tưởng Tây phương được coi là các thách đố to lớn cho việc truyền dạy đức tin trong gia đình. Đâu là những thách đố đó?

1. MỘT THẾ GIỚI TỤC HOÁ2

a. Tục hoá là gì?

Phong trào tục hoá (sécularisation hay laicisation) diễn ra trong xã hội Tây phương vào khoảng thế kỷ XIX cho tới đầu thế kỷ XX tại các nước Kitô giáo Âu Châu. Đó là sự tách rời dần dần giữa thần quyền và thế quyền3. Phong trào tục hoá được định nghĩa như sau: xã hội đời ngày càng thoát khỏi dấu ấn của các cơ cấu và biểu tượng tôn giáo nên đức tin kitô giáo cũng ngày càng mất đi ý nghĩa trong xã hội và trong đời sống cá nhân. Ngày nay, sự tách rời giữa thần quyền và thế quyền được nhiều nước thực hiện, nhất là các nước chịu ảnh hưởng văn hoá Tây phương. Tuy nhiên, không phải là không có những nước vẫn gắn liền thần quyền và thế quyền, đặc biệt điều này thấy khá rõ nơi một số nước Hồi giáo.

Từ nội dụng là sự tách rời quyền đời khỏi quyền đạo4, phong trào tục hoá ngày nay được sử dụng trong ngôn ngữ bình dân, nhất là trong giới công giáo, như là hiện tượng chung của tất cả những gì loại bỏ tôn giáo, loại bỏ thế giới thần thiêng, mầu nhiệm ra khỏi đời sống cá nhân, gia đình và xã hội; và đề cao những gì do con người hoặc do lý trí, khoa học, kỹ thuật của con người tạo ra. Như vậy, từ một phong trào tục hoá có tính cách chính trị trong quá khứ đã hình thành một chủ nghĩa tục hoá ảnh hưởng sâu rộng trong đời sống cá nhân, gia đình và xã hội ngày nay.

Chủ nghĩa tục hoá này con được hỗ trợ bởi phong trào giải thiêng, giải thánh theo kitô học là tách những gì là thần thoại thêu dệt ra khỏi con người lịch sử thực sự của Đức Kitô. Giải thiêng, giải thánh theo khoa nghiên cứu kinh thánh theo khoa nghiên cứu kinh thánh là tách những yếu tố huyền thoại, thêm vào, để tìm ý nghĩa đích thực bên trong. Giải thiêng, giải thánh có mặt tích cực của nó, nhưng phải chăng sự giải thiêng, giải thánh này cũng làm cho chúng ta mất đi những gì là mầu nhiệm, là siêu việt của niềm tin? Nhất là khi chủ nghĩa tục hoá ngày một lan rộng. Không phải cả hai đã hỗ trợ nhau để làm cho thế giới chúng ta đang sống trở nên một thế giới tục hoá đó sao?

b. Tục hoá tác động trên đời sống đức tin thế nào?

Tục hoá hiện lan rộng trong mọi tầng lớp xã hội, nghèo cũng như giầu, trí thức cũng như bình dân, công giáo cũng như lương dân. Đức tin cũng không tránh khỏi ảnh hưởng của nó.

Trong xã hội bị ảnh hưởng mạnh của tục hoá, những gì là thiêng thánh không còn được tin cách dễ dàng nữa. Thử so sánh đức tin của ba thế hệ: ông bà (80-90 tuổi), cha mẹ (50-60 tuổi và con cháu (20-30 tuổi), cách chung, chúng ta thấy rõ sự suy giảm niềm tin theo thứ tự từ cao tuổi đến ít tuổi. Chỉ nhìn cử chỉ, lời kinh, thái độ trong cầu nguyện và tham dự các bí tích, chúng ta thấy khoảng cách của niềm tin nơi các thế hệ. Sự sa sút niềm tin vào Thiên Chúa và vào các mầu nhiệm kitô giáo, nhất là khi đời sống đạo còn non nớt do hiểu biết giáo lý nông cạn và đời sống nội tâm cầu nguyện chưa hình thành hoặc chỉ dừng ở mức độ bên ngoài.

Niềm tin vào những gì là thiêng thánh càng suy giảm thì những gì thuộc trần tục, trước mắt, có thể đụng chạm được càng được coi trọng. Bởi vậy, nơi giáo dân và thậm chí ngay cả nơi hàng ngũ linh mục tu sĩ những tiêu chí lựa chọn, đánh giá thường mang tính thực dụng, nghĩa là có tính cách vật chất, trần tục. Giữa việc đi học giáo lý để xây dựng đời sống đức tin vững mạnh hầu đạt hạnh phúc đời đời và việc đi học thêm để có kiến thức vững chắc dễ đỗ đạt trong những kỳ thi hầu có một tương lai trần thế chắc chắn sau này, ngày nay, bậc cha mẹ sẽ lựa chọn thế nào cho con cái? Câu trả lời chắc chắn là đại đa số sẽ chọn vế sau: việc học thêm. Giữa một giáo xứ đầy đủ cơ sở vật chất, phương tiện đi lại dễ dàng, đời sống tiện nghi, giáo dân khá giả, giáo xứ không có vấn đề nan giải, khó khăn và một giáo xứ ngược lại, linh mục sẽ chọn giáo xứ nào? Có lẽ phần đông sẽ chọn vế thứ nhất, và ai chọn vế thứ hai thường sẽ bị coi là bất thường hoặc khờ dại.

Từ những lựa chọn theo tục hoá, đức tin sẽ dần dần thui chột và nếu còn, thì cũng chỉ là đức tin bề ngoài thiếu nội dung, thực chất bên trong. Một đức tin thui chột, què quặt và mất sức sống như vậy được truyền dạy cho các thế hệ kế thừa, thử hỏi đức tin ấy làm sao có thể phát triển và đâm rễ sâu trong đời sống tôn giáo của họ?

2. MỘT XÃ HỘI TIÊU THỤ

Một thế giới tục hoá gắn liền với một xã hội tiêu thụ. Nếu tục hoá là chối bỏ những giá trị siêu nhiên, mầu nhiệm, thiêng thánh, đề cao những giá trị trần tục, do con người tạo ra hoặc điều khiển, thì đương nhiên, những sản phẩm vật chất do khoa học, kỹ thuật của con người sáng tạo sẽ có giá trị và được đánh giá cao. Hơn nữa, những sản phẩm đó còn đáp ứng nhu cầu và ham muốn của con người. Chúng giúp đời sống họ dễ chịu hơn, tiện lợi hơn, dễ dàng hơn.

Thực ra, tiêu thụ là điều tất yếu do nhu cầu đời sống con người. Tiện nghi làm cho đời sống xã hội, gia đình, cá nhân thuận tiện hơn, hạnh phúc hơn. Do đó, tiêu thụ và tiện nghi không phải là điều xấu, đáng lên án. Tuy nhiên, khi đời sống vật chất, tiện nghi trở thành mục đích cuối cùng của con người, trở thành hố ngăn cách giữa người nghèo và người giầu, trở thành một lối sống ích kỷ, hưởng thụ cho mình mà quên chia sẻ cho những người bất hạnh hơn, nghèo khổ hơn, nghĩa là người ta tôn thờ vật chất, hưởng thụ, thì tiêu thụ tiện nghi đó đáng lên án. Đáng tiếc là một xã hội tiêu thụ, tôn thờ vật chất thường đi theo chiều hướng xấu trên, nên điều đáng trân trọng, đáng quí là của cải vật chất, tiện nghi do con người làm ra lại là cớ để con người bị lên án.

Sự tôn thờ vật chất, tiền của, tiện nghi của xã hội tiêu thụ làm đức tin suy giảm nghiêm trọng. Một khi mọi cái đều được định giá bằng tiền bạc, vật chất thì đức tin trở nên một hàng hoá có thể mua bán bằng tiền. Đức tin của Thiên Chúa không? Đức tin hàng hoá đó có còn là động lực thúc đẩy con người tìm đến những giá trị siêu nhiên, thiêng thánh nữa không? Một khi đức tin của bậc cha mẹ trở nên đức tin hàng hoá thì cha mẹ sẽ truyền dạy cho con cái một đức tin thế nào?

3. GIÁ TRỊ ĐẠO ĐỨC BỊ ĐẢO LỘN

Nếu một thế giới tục hoá gắn liền với một xã hội tiêu thụ, thì cả hai cũng gắn liền với sự đảo lộn các giá trị đạo đức. Nếu trước đây, đời sống đức tin, phẩm chất đạo đức được đặt lên hàng đầu, thì ngày nay, hầu như tất cả đều được đánh giá bằng tiền bạc, vật chất. Cái có giá trị cao hay thấp là do nó sinh lợi về tiền bạc vật chất nhiều hay ít. Giá trị siêu nhiên, tinh thần, đạo đức cũng được định giá bằng tiền bạc, vật chất. Bởi vậy, Thư Chung nói đến “não trạng duy kinh tế”“người ta chỉ quan tâm đến việc đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế mà coi nhẹ chiều kích phẩm cách làm người”. (số 11 và 12)

Trong xã hội Việt Nam, có nhiều điều trước đây coi là xấu, thì bây giờ lại được coi là bình thường hoặc tốt. Ví dụ lấy chồng ngoại trước đây bị mọi người nghi kỵ và khinh chê, thì bây giờ lại được ca tụng, và coi là điều tốt, miễn là lấy chồng ngoại đem lại lợi ích kinh tế cho gia đình. Một ví dụ khác, trước đây, người hành nghề mại dâm phải đi xa vì xấu hổ và sợ tai tiếng cho gia đình, thì ngày nay nhiều người hành nghề tại nhà, tại xóm của mình.

Ngoài ra, còn phải kể đến những lệch lạc do bối cảnh xã hội. Ví dụ như chủ nghĩa hình thức, tinh thần tôn trọng luật lệ kém, sự công bình, trung thực không được tuân giữ, những cái xấu, cái sai, cái không bình thường trở nên bình thường, v.v. tất cả góp phần làm đảo lộn bậc thang giá trị đạo đức. Đó là chưa kể đến hàng ngàn hàng vạn những sự thật được trình bày, biện minh trong một xã hội thông tin mau lẹ và phong phú, mà ai cũng có thể là một nhà khởi xướng và truyền bá. Thật giả lẫn lộn, xấu tốt đan xen, khó mà phân định và nhận ra đâu là sự thật chân chính. Trong thế giới đó, bậc thang giá trị không bị đảo lộn và hiểu sai mới là điều lạ!

Một khi giá trị đạo đức bị đảo lộn, thì những gì là sự thật siêu nhiên, sự thật cứu độ, sự thật về Thiên Chúa, về đời sau càng bị lu mờ và coi thường. Dĩ nhiên, đức tin cũng không thể đứng ngoài sự đảo lộn giá trị đạo đức. Đức tin cũng thuộc giá trị đạo đức tôn giáo, siêu nhiên nên người ta sẽ dửng dưng với nó, hoặc đặt nó ở bậc cuối cùng dưới mọi giá trị trần thế khác.

Nếu bậc cha mẹ đánh giá đức tin theo bậc thang giá trị bị đảo lộn, thì đức tin đó khi được truyền dạy cho thế hệ con cái sẽ là đức tin như thế nào? Mới đây, có bài viết phân tích sự sai lầm của một bà mẹ trẻ. Hôm đó, ngày chúa nhật, buổi chiều, đứa con có giờ học giáo lý. Nhưng vì sáng mải chơi, chưa làm bài tập tiếng Anh cho giờ học thêm, nên đứa bé phải ở nhà làm, không đi học giáo lý. Khi được hỏi lý do, bà mẹ trả lời vì chưa làm bài tập nên em phải ở nhà, không đi học giáo lý được. Lý do bà mẹ đưa ra la do lỗi của đứa bé ham chơi không làm bài. Nhưng thực ra, lý do sâu xa chính là nơi người mẹ. Người mẹ đã chọn lựa một bậc thang giá trị theo tinh thần tục hoá. Việc học giáo lý tôn giáo bị đặt dưới việc học văn hoá. Giá trị tôn giáo siêu nhiên bị coi là kém so với giá trị học hành phần đời. Câu chuyện trên là một minh chứng về sự đảo lộn các giá trị đạo đức. Thực tế, thậm chí có khi bậc cha mẹ còn đặt giá trị của việc học giáo lý, tức giá trị tôn giáo dưới cả những việc không quan trọng như việc học võ, học bơi lội nữa. Bậc cha mẹ có một đánh giá sai lạc về giá trị tôn giáo, về đức tin thì đực tin họ truyền dạy cho con cái sẽ là đức tin thế nào?

4. CƠ CHẾ BẢO VỆ VÀ TRUYỀN DẠY ĐỨC TIN SUY YẾU

Cơ chế đầu tiên để bảo vệ và truyền dạy đức tin là gia đình. Cơ chế đó đang thay đổi. Nếu trước đây, hai ba thế hệ sống chung dưới một mái nhà là điều bình thường, thì ngày nay, mái ấm gia đình thường chỉ gồm một thế hệ. Tình trạng này phát triển rất nhanh, nhất là ở các thành phố lớn. Đức tin của con cháu thường được khai tâm và nuôi dưỡng bởi ông bà, nên với gia đình chỉ có cha mẹ con cái, đức tin đó ít được truyền đạt hơn. Điều này còn tệ hại hơn khi cha mẹ đều phải đi làm suốt ngày, không còn thì giờ dành cho con cái, không còn thì giờ nói và làm gương về đức tin cho con cái nữa. Đó là chưa nói đến ảnh hưởng của Tivi, internet,… nói chung là các phương tiện truyền thông mà Thư Chung đã nói đến mặt trái đầy nguy cơ của chúng (số 14).

Cơ chế thứ hai để bảo vệ và truyền dạy đức tin là giáo xứ. Cơ chế giáo xứ ngày một suy yếu dần theo đà phát triển kinh tế. Nói đến phát triển kinh tế là nói đến công nghiệp. Công nghiệp chỉ thường được thiết lập ở các thành phố lớn vì dễ kiếm lao động có tay nghề cao, và các phương tiện vận chuyển, liên lạc tiện lợi, dễ dàng. Công nghiệp phát triển đòi một lực lượng lao động đông đảo. Lực lượng đó đa phần xuất phát từ nông thôn. Người trẻ thường thích di chuyển đến thành thị với công ăn việc làm dễ dàng, với tiện nghi tương đối dễ chịu, với đời sống tự do không bị ràng buộc bởi dư luận, bởi cơ cấu giáo xứ. Hơn nữa, lương bổng khá hơn là làm việc đồng áng. Với đồng lương, dù ít, nhưng đủ sống, lại được tự lập, dĩ nhiên, người trẻ thích làm việc ở các thành phố hơn. Chính vì vậy, hiện nay, tại các giáo xứ miền quê giới trẻ ngày một vắng bóng. Đây là vấn đề di dân kinh tế. Di dân kinh tế không những làm suy yếu cơ cấu gia đình mà còn làm suy yếu cơ cấu giáo xứ nữa. Đức tin của những người trẻ này sẽ ra sao khi giáo xứ không thể tiếp tục nâng đỡ và dạy dỗ, khi cha mẹ rất ít gặp gỡ và truyền dạy đức tin cho con cái, khi sự tự lập và tự do của họ đối diện với một môi trường đầy cạm bẫy và xa lạ với đức tin?

KẾT

Trước những thử thách khó tránh trong việc truyền dạy đức tin trong gia đình như trên, chúng ta, bậc cha mẹ và những vị mục tử, tức là những người có trách nhiệm truyền dạy đức tin, cần làm gì? Thái độ cần có trước hết là nhìn ra những thách đố đang xảy đến, chấp nhận một cách trung thực, không né tránh. Kế đó, phải nghĩ ra những cách thế tốt nhất để truyền dạy đức tin cho con cái khi chúng còn sống trong gia đình, cũng như xa gia đình vì công ăn việc làm. Cách thế nào? Điều đó không phải dễ nó đòi chúng ta phải có một đức tin sâu xa, một lối sống theo đức tin cách chân thực, một suy nghĩ sáng suốt và sự dấn thân tích cực trong đời sống đạo. Với những tiền đề chắc chắn trên, tìm ra một cách thế truyền dạy đức tin cho con cái trong bối cảnh xã hội đầy thách đố hiện nay không phải là khó.

1. (Số 11-15 của thư chung “Giáo dục hôm nay, xã hội và giáo hội ngày mai” trình bày 7 quan ngại về giáo dục. Trong lãnh vực giáo dục nói chung, có 5 quan ngại: 1. Não trạng duy kinh tế; 2. Chủ nghĩa khoa bảng; 3. Nhằm đáp ứng nhu cầu kinh tế coi nhẹ chiều kích phẩm cách làm người (có thể coi như hệ luận từ số 1); 4. Chủ nghĩa giáo điều; 5. Mặt trái của phương tiện truyền thông; trong lãnh vực giáo dục đức tin có 2 quan ngại: 6. Lơ là hoặc thiếu trách nhiệm trong việc truyền thông đức tin cho con cái của cha mẹ và các mục tử; 7. Giáo lý chỉ là những bài lý thuyết thuộc lòng để lãnh bí tích).

2. Chúng ta không đi vào những chi tiết có tính cách chuyên môn về phong trào tục hoá, mà chỉ đề cập đến những điểm chung, dễ hiểu và tác động trên đức tin Kitô giáo.

3. Luật tách rời các Giáo hội và nhà nước ban hành ngày 9/12/1905 của Pháp quyết định nhà nước tôn trọng tự do lương tâm; bảo đảm tự do thi hành việc thờ tự; nhà nước không trợ cấp cho các tôn giáo; một số các cơ sở thờ tự tôn giáo là tài sản quốc gia, v.v.

4. Chủ nghĩa tục hoácũng biểu hiện nơi người công giáo khi họ tách rời đạo và đời: giữ đạo trong nhà thờ còn ngoài xã hội ai sao ta vậy.

Lm. Micae Lê Xuân Tân

 

 

Mẹ Về Đứng Dưới Mưa...

Kể từ 09.07.2008 đến nay 25.07.2008. Đức Mẹ vẫn tiếp tục tỏ dấu lạ cho rất nhiều giáo dân khi đến kính viếng Mẹ. Hàng đêm có nhiều ngàn người tề tựu về đây để cầu nguyện: Giáo xứ Bạch Lâm, hạt Gia Kiệm, Gp. Xuân Lộc (cách Sg 80km, nằm trên đường SG - Dalat)

Buổi tối thư giãn, đang dò kênh để xem tin tức bỗng nhiên lại đến kênh ca nhạc. Một giọng hát trầm ấm đi vào lòng người ngân nga bài hát khá quen thuộc sau năm 1975 hát về người Mẹ Việt Nam: “Mẹ về đứng dưới mưa che đàn con nằm ngủ...” bỗng nhiên tôi nhớ lại hình ảnh Mẹ của mỗi kitô hữu chúng ta trong dịp đến viếng thăm Mẹ ở giáo xứ Bạch Lâm (Xuân Lộc)

Trong vài năm gần đây, chuyện Đức Mẹ hiện ra, Đức Mẹ khóc, Đức Mẹ chảy nước mắt hình như xảy ra liên tục và “tiếng lành đồn xa” nên người người bảo nhau đến viếng Đức Mẹ. Nhiều nơi và nhiều thời gian trước tôi không có cơ hội để đến với Mẹ. Bỗng nhiên tối nọ có người rủ tôi về Bạch Lâm để nhìn thấy Mẹ khóc. Nghe đâu cách đây non 2 tuần, Mẹ đã nhiều lần khóc và nhiều người đã thấy được điều ấy.

Với tôi, thật sự Mẹ có khóc hay không khóc, Mẹ có hiện ra ở chỗ này ở nơi kia không gì là ngạc nhiên cả vì theo tôi thì từ thuở xa xưa lắm rồi, từ thuở mà Thiên Chúa mời gọi Mẹ cộng tác vào công trình cứu độ của Ngài thì Mẹ vẫn có đó, Mẹ vẫn còn đó để cùng cứu nhân loại tội lỗi. Chuyến đi Bạch Lâm này là chuyến đi để nhìn con cái Mẹ đến với Mẹ như thế nào vì những lần trước đây như ở Tàpao, như ở trước nhà thờ Đức Bà, như ở Xóm Chiếu, như ở La Vang trong dịp phái đoàn Toà Thánh viếng thăm Linh Địa... tôi chưa được diện kiến.

Tôi đến bên Mẹ đang khi trời mưa rả rích, trước đó tôi được biết là có một cơn mưa thật lớn và trong cơn mưa thật lớn đấy Mẹ đã khóc. Mẹ khóc và nhiều người thấy máu chảy ra từ khoé mắt của Mẹ. Ngay trong cơn mưa tầm tã ấy Mẹ đã khóc bên con cái Mẹ ở Bạch Lâm như nói lên rằng Mẹ về dưới cơn mưa để Mẹ nghe lời con cái Mẹ cầu xin, Mẹ che chở con cái của Mẹ từ khắp nơi tuôn đến được an bình.

Chuyện Mẹ khóc, Mẹ hiện ra, Mẹ làm cho bầu trời khác lạ là chuyện hết sức nhạy cảm và tế nhị để rồi các đấng các bậc trong Giáo hội chẳng dám quyết định một chuyện gì cả. Dẫu rằng có những chuyện rất rõ ràng như tràng chuỗi trên tay Mẹ ở Bạch Lâm bỗng nhiên cứ phát sáng, như chuyện bầu trời khác lạ ở Linh Địa La Vang cứ hiển hiện trước mắt con người nhưng chẳng ai dám đưa ra một kết luận chính thức. Thế nhưng bên dưới cái sự kiện Mẹ khóc, bầu trời thay đổi đấy nó gợi lên trong những người tin rằng có Mẹ thật sự và Mẹ đã hiện ra để nhắc nhở con cái Mẹ điều gì đó. Có một điều lạ và trùng hợp là trong tất cả các lần hiện ra ấy, một sứ điệp mà Mẹ cứ nhắc đi nhắc lại với con cái Mẹ là hãy ăn năn sám hối và hãy siêng lần hạt Mân Côi.

Ngẫm nghĩ cũng buồn cười, giữa một thế giới mà như Chúa Giêsu nói ngày xưa là “thế hệ gian tà và độc ác” này mà Mẹ không hiện ra mới là chuyện lạ. Và mỗi lần Mẹ hiện ra mà Mẹ không khóc mới là chuyện lạ.

Mẹ không khóc sao được khi mà đời sống luân lý ngày càng tuột dốc. Ngày hôm nay người ta phá thai nhiều quá chẳng lẽ Mẹ không khóc sao? Ngày nay đời sống gia đình đổ vỡ nhiều quá chẳng lẽ Mẹ lại ngồi yên một chỗ để nhìn sao? Ngày nay đời sống tu trì trong nhiều cộng đoàn nó làm sao đấy để rồi Mẹ phải lặng thinh sao? Ngày nay đời sống của nhiều linh mục được mệnh danh là con cái của mẹ sống chẳng ra làm sao cả để rồi Mẹ cứ nhìn các vị sống lung tung sao?

Một người trong nhóm đến thăm Mẹ tối hôm ấy đã bộc bạch với tôi: “... Với chúng con thì những lần mà Mẹ khóc này đã làm tăng thêm lòng tin nơi chúng con, nơi con cái chúng con, nơi gia đình chúng con. Nhiều khi bôn ba với cuộc sống quá phức tạp chúng con hình như mất niềm tin. Thế nhưng khi nhìn thấy Mẹ khóc để rồi chúng con tin thật Mẹ đã hiện diện và chúng con chỉ bảo nhau sớm tối kinh hạt cho nghiêm túc và nhắc nhở nhau sống cho đàng hoàng...”. Một người khác lại nói: “... Mẹ hiện ra như thế này mà sao người ta không chịu tin...”.

Tất cả những lần mà Mẹ làm “chuyện lạ” gần đây ở Việt Nam còn nằm trong ý định nhiệm mầu của Thiên Chúa qua Mẹ mà nhiều người còn do dự, còn chưa dám xác tín. Thế nhưng, dẫu sao đi chăng nữa thì qua những lần như vậy ở La Vang, như ở Bạch Lâm đều nói lên rằng tình yêu giữa Mẹ và con, giữa con và Mẹ vẫn mặn nồng thắm thiết như thuở nào. Mẹ thì luôn ở đó, luôn đứng đó để chờ con cái đến và con cái thì cứ mau mắn thu xếp công việc của mình để quỳ bên chân Mẹ, để nép mình vào lòng Mẹ.

Thế đấy! Mẹ Maria vẫn về Việt Nam để đứng trong mưa để che chở để phù trì con cái của mình. Mẹ Maria vẫn về Việt Nam để nhắc nhở con cái mình “ăn năn sám hối và lần hạt Mân Côi”. Vấn đề còn lại ở mỗi kitô là có tin vào sự hiện diện của Mẹ, vào lời chỉ dạy của Mẹ hay không và sau những lần nhìn thấy Mẹ khóc đấy có thay đổi cuộc đời, có hoán cải đời mình như Mẹ đã nhắc nhở hay không mà thôi.

Lm. Anmai, DCCT

Mục lục

CỘNG TÁC

(Mt 14,13,21)

 

Câu truyện đời thường

Một tội nhân bị kết án tử hình. Nhưng luật của nước này lại khoan hồng nếu người ấy chịu nộp phạt 1000 quan tiền. Chết là chắc, vì lấy đâu ra bằng ấy.

Lúc đó, có một phái đoàn nhà vua đi ngang qua thấy thế liền động lòng thương, rồi gom góp hết những gì mình có trong chuyến đi để giúp cho người thanh niên này.

Nhà vua có 900 quan, hoàng hậu có 90, còn các cận thần gom lại chỉ được có 9. Dù đã gom được 999 quan nhưng bản án tử vẫn phải thi hành. Một người mới lên tiếng: ta thử tìm trong người hắn xem biết đâu có được 1 quan. May thay anh ta có được một quan. Anh thoát chết.

Câu truyện Lời Chúa

Tin Mừng nhất lãm không cho biết tên, còn Gioan thì nói rõ là Philipphê và Anrê. Chúa Giêsu có thể làm mọi sự vì“Người đã biết mình sắp làm gì rồi” (Ga 6,6), thế nhưng, Ngài không làm một mình, mà kêu gọi để mọi người có thể cộng tác vào việc lớn lao này. Em bé có cá và bánh. Các tông đồ thì không có tiền bạc, không cơm bánh cũng chẳng có cá, nhưng họ có công. Công lấy bánh và cá từ tay em bé đưa cho Chúa Giêsu. Công chuyển lương thực cho mọi người. Công thu gom bánh vụn cho khỏi phí.

Công của họ thật chẳng đáng đồng tiền bát gạo, còn giá trị thì ít ỏi. Dầu thế, Chúa Giêsu vẫn trân trọng sự cộng tác nhỏ bé này. Ngài nhân rộng việc ấy ra để có ích cho nhiều người, và cho họ biết rằng mọi việc cộng tác của họ đều có giá trị và rất cần thiết trước mặt Chúa và mọi người.

Điều ấy cũng nói lên tình yêu lớn lao của Thiên Chúa dành cho nhân loại khi Ngài cho ta được cộng tác vào những việc lớn lao kỳ diệu trước mặt người đời.

Với con người, khi ta có danh dự, uy tín, có quyền chức, thế giá, có nhân cách, kinh nghiệm, có đạo đức, thánh thiện, thường, con người tìm cách che chắn, bảo vệ để mình mãi luôn là bức tranh đẹp cho người đời ngưỡng mộ, thán phục, khen ngợi. Dĩ nhiên là sẽ tránh mọi thứ, mọi việc, mọi người xấu, hay ít là có nguy cơ làm ảnh hưởng đến bức tranh này.

Thiên Chúa thì hoàn toàn khác con người. Ngài luôn là tuyệt đối, hoàn mỹ, thánh thiện, quyền năng. Ngài biết rõ con người luôn yếu đuối, bất toàn, bất kính, bất nhất, bất trung, bất tuân phục, nhưng Ngài vẫn gọi mời để con người cộng tác. Ngài quý trọng và nâng những cộng tác ấy lên tầm mức cứu độ khi cùng với Chúa Giêsu, Con Ngài thực hiện chương trình cứu độ.

Câu truyện của chúng ta

Phái đoàn nhà vua ấy  chính là phái đoàn của Con Thiên Chúa, Đức Mẹ và các thánh đi ngang qua trần gian để cứu vớt con người.

Nhà vua chính là Chúa Giêsu, có 900 quan tiền. Hoàng hậu là Mẹ Maria, có 90 quan. Các cận thần là các thánh, có 9 quan.

Thật lớn lao khi phái đoàn đã dành hết tất cả những gì mình có trong chuyến đi để cho người tội nhân kia. Đó là tiền bạc, sức khoẻ, thời gian, lòng từ bi nhân hậu và hay thương xót, là tình yêu và sự sống. Thế nhưng, sẽ không làm được gì nếu không có sự cộng tác của con người.“Thiên Chúa tự quyết định khi dựng nên con người và chia sẻ sự sống thần linh cho ta, nhưng muốn cứu chuộc nhân loại, thì Ngài đòi ta phải cộng tác vào”.

1 so với 999 thì quá nhỏ, nhưng lại cần thiết đến không thể thiếu. Thiên Chúa cũng sẽ chẳng làm được gì, nếu con người từ chối tình yêu và ơn cứu độ của Ngài. Vì Ngài luôn tôn trọng tự do của chúng ta.

Giống như các tông đồ xưa cùng với Chúa Giêsu hoá bánh ra nhiều thế nào, thì nay, ta cũng cũng với Ngài hoá bánh ra nhiều như vậy.

Bánh cơm gạo khi giúp đỡ người nghèo khó, khốn cùng.

Bánh tinh thần khi an ủi những kẻ cô thế cô thân.

Bánh tình yêu khi mở lòng đón nhận mọi người, vì tất cả đều là anh em con cùng một Cha.

Bánh tha thứ khi luôn nhìn đến thân phận đời người yếu đuối và bản thân lỡ lầm mà thứ tha cho nhau như Chúa vẫn tha thứ cho ta.

Bánh thiêng liêng khi nâng đỡ những người khô khan nguội lạnh được đốt nóng lên nhờ lửa của đời sống đạo nghĩa.

Bánh công chính khi tỏ cho mọi người biết mình là con Chúa, luôn sống theo lương tâm ngay thẳng, công minh chính trực.

Bánh hy vọng cho người nào đó đang tuyệt vọng.

Bánh bình an khi sẻ chia với những người luôn bất an.

Bánh hoá nhiều có thể thực hiện khi ở nhà cũng như khi đi đường.

Bánh hoá nhiều có thể thực hiện ở khắp mọi nơi, cộng tác với bất cứ ai.

Bánh hoá nhiều có thể thực hiện ngoài cũng như trong giáo xứ, ngoài nhà thờ cũng như trong nhà thờ, ngoài cũng như  trong phụng vụ. Như:

. Quét dọn nhà Chúa, ít người làm, nhưng hoá ra nhiều. Đó là nhiều người được hưởng khung cảnh sạch sẽ, mát mẻ khi tham dự phụng tự.

. Giúp lễ, ít người, nhưng hoá ra nhiều. Đó là nhiều người được hưởng sự nghiêm trang khi cử hành phụng vụ.

. Chưng bông, ít người, nhưng hoá ra nhiều. Đó là nhiều người được hưởng nét tươi xanh, sống động và đẹp đẽ từ những cành cây, bông hoa.

. Hát lễ, ít người, nhưng hoá ra nhiều. Đó là nhiều người được hưởng bầu khí thánh ca đầy thánh thiện, có thể nâng tâm hồn lên tới Chúa khi tham dự Thánh lễ.

. Chuẩn bị, ít người, nhưng hoá ra nhiều. Đó là nhiều người được hưởng nhờ mọi sự gọn gàng, ngăn nắp, trật tự, sẵn sàng.

Và còn nhiều nhiều nữa… thế nhưng điều quan trong là còn nhiều nguòi khác thì sao.

Mình trong cuộc hay ngoài cuộc. Chúa còn phục vụ, chẳng lẽ ta hơn cả Chúa khi không cộng tác phục vụ, mà chỉ biết hưởng mà thôi

THANH THANH

Mục lục

 

Kho tàng của Giáo Hội

Càng ngày càng có nhiều những phát triển mới lạ trong khoa học kỹ thuật, như phát triển về ngành điện toán máy vi tính nhanh chóng lan rộng khắp toàn cầu, về kỹ thuật truyền hình qua thông số, về kỹ thuật cấy giống cây…Những phát triển đó mang lại nhiều điều tốt lành cho đời sống con người.

Nhìn vào hiện tại thấy có nhiều phát triển mới lạ tích cực, nhưng cũng không được bỏ quên những phát triển của thời qúa khứ, mà chúng còn nằm cất ẩn dấu không được trưng bày ra phía đàng trước.

Đó là lịch sử nền văn hóa của các dân tộc, là những sự khôn ngoan trong cách xử thế của người xưa, là những công trình viết vẽ, xây dựng còn lưu lại từ thời thượng cổ, từ thời Trung cổ hay cận đại mới đây.

Những phát triển đó bây giờ vẫn còn là kho tàng cho thời nay cùng thế hệ mai sau nghiên cứu học hỏi với lòng ngạc nhiên thán phục , như các công trình xây cất Kim tự Tháp bên Ai cập, những đền Thờ, tượng đài dinh thự kiểu Gô-tích, kiểu Ba-rốc, kiểu Rô- man-tích…

Giáo Hội Chúa Giêsu được thành lập từ hơn hai nghìn năm nay. Có lẽ nhiều người sẽ cho là đồ cổ kính rồi, thuộc về bảo tàng viện. Nhưng Gíao Hội đó “luôn trẻ trung” , như Đức Giáo Hoàng Benedicktô 16. đã suy tư.

Trẻ trung trong sự hướng dẫn của Đức Chúa Thánh Thần, Đấng là làn hơi thở sức sống của con người và của Giáo Hội.

Trẻ trung trong cách sống gần gũi rao giảng tình yêu Thiên Chúa cho con người, nhất là dẫn đưa họ đến múc kín nguồn hy vọng, niềm an ủi thần thiêng thánh đức từ nơi Thiên Chúa qua các Bí Tích.

Trẻ trung trong cung cách áp dụng mục vụ và phụng vụ cho thích hợp với tâm tính cùng phát triển của đời sống con người thời đại, mà không bỏ quên hay xa lìa cốt lõi truyền thống đức tin đạo giáo của Chúa làm nền tảng căn bản.

Chúa Giêsu dùng dụ ngôn mẻ lưới cá để nói về nước Trời.: “Nước Trời lại còn giống như chuyện chiếc lưới thả xuống biển, gom được đủ thứ cá. “ ( Mt 13,45) . Giáo Hội không là nước Trời, nhưng Giáo hội có nhiệm vụ phục vụ cho nước Trời.

Lịch sử Giáo Hội gắn liền với việc phục vụ Nước Trời, nên Giáo Hội có được kho tàng của cả thời xa xưa lẫn thời đại mới: “Bởi vậy, bất cứ kinh sư nào đã được học hỏi về Nước Trời, thì cũng giống như chủ nhà kia lấy ra từ trong kho tàng của mình cả cái mới lẫn cái cũ." ( Mt 13,52).

Trong Giáo Hội chúng ta sống nhận ra kho tàng còn lưu truyền lại: kho tàng đức tin, kho tàng Lời Chúa, kho tàng những mầu nhiệm thâm sâu, kho tàng sự khôn ngoan cùng kinh nghiệm của những người sống đức tin, và cả những cách sống đức tin, thói tục truyền thống của mọi dân tộc vào Chúa tùy theo nền văn hóa mỗi thời đại, từng dân tộc.

Giáo hội Chúa gìn giữ kho tàng được trao cho từ hơn hai nghìn năm nay, nhưng cũng hướng tầm mắt nhìn về phía trước bắc nhịp cầu nối liền từ phía bờ qúa khứ sang phía bờ hiện tại tiến đi vào ngày mai.

Kho tàng của Giáo Hội gắn liền với nước Trời và với con người.

Lm. Đaminh Nguyễn ngọc Long

Mục lục

Tài liệu Thường huấn Linh mục Giáo Phận Nha Trang, Năm Thánh Phaolô 2008

Bài 3 :

Hội Thánh Tại Gia Trong Thư Phaolô

Qua các trang thư của ngài, thánh Phaolô có một cái nhìn rất phong phú về Hội thánh tại gia. Đây là một hình ảnh Kinh Thánh về Hội thánh sơ khai.

Hội thánh tại gia (house churches)[1] là một hình ảnh Kinh Thánh về Hội thánh sơ khai, có những nét đặc trưng về văn hoá và tôn giáo của những thế kỷ đầu Kitô giáo cũng như mang những dấu ấn đặc biệt của Phaolô. Vì thế, đề tài được chọn để tìm hiểu chủ đề “Phaolô, nhà giáo dục đức tin”. Bài trình bày gồm hai phần: - Những nét tổng quát về Hội thánh tại gia trong các Thư Phaolô, - một số nhận xét về Hội thánh tại gia nhằm rút ra những áp dụng cho Giáo hội ngày nay.

I. Những nét tổng quát về Hội thánh tại gia


1. Nguồn gốc và sự tiến triển của Hội thánh tại gia


Các tín hữu đầu tiên vẫn tiếp tục tự nhận mình là những người Do Thái đạo đức. Là những kitô hữu gốc Do Thái họ vẫn gắn bó với đền thờ và các thực hành cầu nguyện Do Thái giáo. Nhưng niềm tin vào Đức Kitô Phục sinh và cảm nghiệm sự hiệp nhất trong Thánh Thần khiến họ dần dần khai triển một hình thức và một địa điểm mới để cùng họp nhau cầu nguyện. Đó là qui tụ cầu nguyện tại tư gia của các kitô hữu, nhất là tại nhà các tín hữu có thế giá trong cộng đoàn, vì không có nơi nào thích hợp hơn. Công vụ Tông đồ nhắc đến các buối cầu nguyện tại tư gia nơi Cv 2, 46 và 5, 42, và đặc biệt là tại nhà của bà Maria, mẹ của Gioan Marcô (Cv 12, 12). Đó là nguồn gốc của Hội thánh họp tại tư gia (house church/oikos ekklesia) vào thời điểm những năm 50 – 60 của Kitô giáo, nổi bật là “Hội thánh tại gia” được trình thuật nơi các thư của thánh Phaolô.


Lý do của sự hình thành Hội thánh tại gia được giải thích như sau. Trong các thế kỷ đầu, nhất là vào thế kỷ 1, Kitô giáo chưa phải là một tôn giáo được chính thức nhìn nhận. Các kitô hữu sơ khai không có nghi thức dâng lễ vật như Do Thái giáo nên không có nhu cầu về đền thờ cũng như chưa có các “linh mục/tư tế” để dâng hy lễ. Họ không có nơi gặp gỡ cầu nguyện chung như hội đường Do Thái giáo, cũng chưa phát triển đủ số lượng cần thiết để xây dựng những nhà thờ riêng biệt. Hơn nữa, số các kitô hữu gốc dân ngoại phát triển mạnh ở một số thành phố nhưng họ lại là tân tòng nên không thể đóng vai trò quyết định trong việc xây dựng nhà thờ. Vì thế, để qui tụ lại với nhau các kitô hữu trong cùng một vùng đã tổ chức cộng đoàn/hội thánh một cách tương tự như những tổ chức hiện có trong xã hội Hy Lạp - La Mã thời đó (các câu lạc bộ, các hiệp hội tự nguyện) hay tổ chức hội đường Do Thái (synagogue trước hết có nghĩa là sự qui tụ, sau này mới có nghĩa là hội đường tức toà nhà/nơi qui tụ). Các tín hữu sơ khai gọi việc qui tụ hay nhóm họp của họ là ekklesia, có lẽ là để phân biệt với việc qui tụ (synagoge) của người Do Thái. Sử dụng từ Hy Lạp, ekklesia[2] nhưng từ này không còn mang mầu sắc chính trị của nguyên ngữ, trái lại mang ý nghĩa tôn giáo, nghĩa là dân được Chúa chọn gọi/qui tụ để ra khỏi bóng tối và để sống theo ánh sáng của Đức Kitô cũng như của người môn đệ Chúa (x. 1 Pr 2,9-11). Như thế, từ “ekklesia” diễn tả ý thức của các kitô hữu đầu tiên về việc được Thiên Chúa tuyển chọn và về sứ mạng của họ.


Các tín hữu sơ khai qui tụ tại tư gia (house/home) hay theo hộ gia đình (household) vì trong thế giới Hy - La, hộ gia đình (oikos) là tổ chức và tế bào cơ bản của xã hội, tuy nó vượt ra ngoài phạm vi của gia đình hạt nhân. Tiếng Do Thái và Hy lạp không có từ “gia đình” (family) theo nghĩa của ngày nay. Hộ gia đình (Do Thái và Hy Lạp) thường bao gồm: (1) gia đình mở rộng của chủ hộ/chủ gia đình (cha, mẹ, con, cháu, bà con), (2) đầy tớ và nô lệ làm việc cũng như những công dân tự do có liên hệ gắn bó hay có quan hệ nghề nghiệp, buôn bán với hộ gia đình, (3) và tài sản của gia đình. Hộ gia đình khá giả thường có khu vực phòng ăn và sân[3] khá rộng rãi là nơi tiếp đón được một số đông người. Ngoài ra, hộ gia đình là một cơ cấu mang tính gia trưởng nghĩa là chủ hộ là nam giới (paterfamilias), tuy nhiên phụ nữ cũng có quyền hành trong một vài lãnh vực của cuộc sống hộ gia đình (x. Cn 31). Cách riêng, hộ gia đình Do Thái nổi bật với việc cầu nguyện (sáng, tối, trước bữa ăn) và dạy giáo lý trong gia đình. Chính tầm quan trọng của hộ gia đình trong xã hội Hy - La giúp giải thích việc đưa qui luật gia đình vào đời sống Hội thánh như thấy trong Thư Côlôsê, Êphêsô, các Thư Mục vụ và 1 Phêrô. Việc áp dụng các qui luật gia đình này một đàng giúp các kitô hữu không coi nhẹ những bổn phận chính đáng của đời sống xã hội, đàng khác cũng giúp giảm bớt nghi ngờ của giới cầm quyền xã hội đối với Kitô giáo nói chung và Hội thánh tại gia nói riêng. Cách chung, giới cầm quyền vẫn coi Kitô giáo là tôn giáo ngoại lai, có thể gây bất ổn cho xã hội. Tuy nhiên, qui luật/chỉ thị về gia đình này được mô tả và áp dụng theo tinh thần Kitô giáo vào cuộc sống và tương quan giữa các thành viên gia đình (x. Cl 3,18-4,1; Ep 5,21 – 6,9, 1 Pr 3).[4] Hội thánh tại gia như một địa điểm hội họp, cầu nguyện tồn tại suốt 3 thế kỷ đầu nhưng như một cơ cấu tổ chức thì Hội thánh tại gia chấm dứt khoảng gần cuối thế kỷ 1.


Trong khoảng thế kỷ đầu tiên của kỷ nguyên Kitô giáo tư gia của một vài kitô hữu (khu vực phòng ăn và sân ngay trước phòng ăn) là khung cảnh diễn ra các sinh hoạt của cộng đoàn, là nơi tín hữu gặp gỡ, hội họp, cầu nguyện.[5] Các ngôi nhà của các hộ gia đình này là nơi chia sẻ và cung cấp nguồn tài nguyên kinh tế cho cộng đoàn và thành viên, là cơ sở hoạt động truyền giáo, là cơ cấu thích hợp cho đời sống người môn đệ Chúa cũng như cho việc lãnh đạo cộng đoàn. Như thế, có thể nói rằng nhà của chủ hộ gia đình vừa là nơi sinh sống của gia đình vừa là nơi hội họp cầu nguyện của cộng đoàn. Nơi ở của gia đình, nhất là khu vực phòng ăn, cung cấp khung cảnh rất thích hợp cho mối quan tâm chính yếu của cộng đoàn tiên khởi. Mối quan tâm này phản ánh việc Chúa Giêsu chọn tầng trên của ngôi nhà để cử hành bữa tiệc ly với các môn đệ, cũng như việc Chúa chọn lựa một “không gian đời thường” làm bối cảnh cho sứ vụ của Ngài và thường xuyên đề cập đến mối liên hệ gia đình với các môn đệ.[6]


Từ hậu bán thế kỷ thứ 2 bắt đầu có sự thay đổi quan trọng. Đó là việc các kitô hữu dành riêng nhà ở của mình để làm nơi hội họp của cộng đoàn, không còn việc sử dụng chung tức là vừa làm nhà ở vừa làm nơi hội họp cầu nguyện. Khu vực phòng ăn được nới rộng hơn để thành phòng hội chung khá lớn, còn các phòng nhỏ thì được dùng cho những sinh hoạt khác của cộng đoàn. Mặc dù cấu trúc bên ngoài vẫn còn rất giống nhà ở nhưng ngôi nhà đã trở thành “nhà thờ”. Dần dần chính quyền cho phép tín hữu xây mới nhà ở của họ và như thế những ngôi nhà mới này phù hợp hơn cho sinh hoạt tôn giáo. Vào năm 314, một năm sau sắc chỉ Milan, thì ngôi thánh đường (basilica) đầu tiên mới được xây dựng.


2. Hội thánh tại gia trong Thư Phaolô


Kiểu nói “Hội thánh tại gia” cần được hiểu trong bối cảnh của khái niệm ekklesiaoikos ở trên.[7] Cách cụ thể, trong Thư Phaolô người ta gặp thấy kiểu nói “Hội thánh họp tại nhà…” (he kat’ oikon + [đại danh từ sở hữu] ekklesia), chẳng hạn, tại nhà Aquila và Prisca (1 Cr 16, 19; x. Cv 18,18-19; Rm 16,5), Philêmôn (Plm 2), Nympha (Cl 4,15). Đây là bốn nơi trong Thư Phaolô dùng kiểu nói đặc trưng này để chỉ các cộng đoàn đặc biệt gọi là “Hội thánh tại gia”.[8] Kiểu nói này (kat’ oikon) nói lên nơi chốn/địa điểm Hội thánh hội họp như vẫn thường được dịch như thế. Tuy nhiên, có lẽ thánh Phaolô còn dùng kiểu nói này để phân biệt những “nhóm riêng lẻ Hội thánh tại gia” (dựa trên căn bản hộ gia đình) với “cả Hội thánh hay cả cộng đoàn” (hole he ekklesia) đôi khi cũng có thể tụ họp lại với nhau (1 Cr 14,23; Rm 16,23, x. 1 Cr 10,12). Như thế không nên đồng nhất hai kiểu nói này với nhau. “Hội thánh họp tại nhà...” chỉ một nhóm thuộc/của một cộng đoàn lớn hơn và có thể có thể có nhiều nhóm “Hội thánh họp tại nhà…” trong cùng một vùng vì khó có thể dung nạp hết các tín hữu của một vùng (thành phố) tại một tư gia. Chẳng hạn ở Côrintô có gia đình Stephanas (1 Cr 1,16; 16,15), Prisca và Aquila, Titius Justus (Cv 18, 7), Crispus (Cv 18,8; x. 1 Cr 1,14), và ở Rôma có 4 hội thánh (Rm 16,4-5.10.14.15).


Mỗi nhóm họp tại một tư gia, dưới quyền điều hành của chủ hộ, thông thường là nam giới nhưng cũng có thể là nữ giới. Thánh Phaolô thường được xem là người thành lập các Hội thánh tại gia, nhưng chủ nhân lại là giáo dân và đôi khi chính họ có sáng kiến thành lập cộng đoàn.[9] Họ thường hội họp hằng tuần giống như Do Thái giáo (x. 1 Cr 16,2). Đây là Hội thánh tại gia, mà điển hình là gia đình của những người Do Thái làm nghề tự do hay buôn bán nhỏ, sinh sống tại các thành phố Hy Lạp.


3. Hai hình thức Hội thánh tại gia


Có 2 hình thức Hội thánh tại gia: toàn tòng khi toàn thể thành viên một đại gia đình trở lại và được rửa tội do ảnh hưởng của chủ gia đình (Stephanas: 1 Cr 1,16; Cornelius: Cv 10,24.44-48; viên cai ngục: Cv 16,15.33), và không toàn tòng khi chỉ một số thành viên trong gia đình đón nhận đức tin và được rửa tội. Hình thức thứ nhất tạo nhiều thuận lợi cho việc tổ chức, lãnh đạo Hội thánh tại gia vì có sự thống nhất, hoà hợp giữa gia đình và Hội thánh, tuy cách đón nhận đức tin của mỗi thành viên có thể khác nhau. Nếu số thành viên gia đình (chủ hộ) nhiều thì tự nó đã đủ số làm thành Hội thánh tại gia hay sẽ có thêm vài người ngoài gia đình đến tham dự nếu nhà còn đủ chỗ để hội họp. Hình thức thứ hai là do sự trở lại từng cá nhân (1 Cr 1, 14-15; 7,12-16), hay nói cách khác là các thành viên gia đình có thể theo các tôn giáo khác nhau. Khi đó Hội thánh tại gia tạo thành từ một số thành viên gia đình chủ hộ trở lại cộng với sự tham gia của những người khác ngoài gia đình hoặc từ những người trở lại riêng rẽ đến nhập với gia đình chủ hộ có nhiều thành viên là kitô hữu. Trong trường hợp này những người ngoài đến tham dự phải tùy thuộc quyền điều hành hay những qui định của chủ gia đình nơi hội họp cầu nguyện, và như thế có thể có xung khắc về quyền bính, quyền lợi, tuy cũng có có thể mang lại một số lợi ích như phá bỏ dần những ngăn cách về xã hội, kinh tế. Hơn nữa, sự không đồng nhất về tôn giáo giữa các thành viên gia đình và Hội thánh tại gia cũng tạo nên thái độ cởi mở/tiếp đón đối với người ngoài kitô giáo.


Việc các Hội thánh tại gia họp riêng rẽ nhau và không gian tương đối nhỏ của hộ gia đình cũng có thể tạo nên một số vấn đề. Những Hội thánh tại gia tạo thành một mạng liên kết trong một vùng (chẳng hạn Hội thánh tại Corintô) nhưng thường hội họp riêng rẽ, vì khó có thể hội họp chung tại một nhà, nên từ đó có thể tạo ra tình trạng mỗi nơi phát triển một đường lối (thần học/tu đức) riêng. Không gian và bầu khí gia đình tạo nên sự gắn bó thân mật nhưng cũng có thể tạo nên sự phân nhóm (1 Cr 1,11-13) trong phạm vi rộng lớn hơn của toàn thể Hội thánh tại một vùng (Hội thánh địa phương). Không gian không lớn lắm của phòng ăn trong nhà và sân ngoài trời buộc phải phân chia các tín hữu đến hội họp thành nhiều nhóm khác nhau, chẳng hạn nhóm trong nhà (ăn với tư thế nằm, x. 1 Cr 8,10), nhóm ngoài sân (ăn ngồi, 1 Cr 14,30), nhóm quen thân với chủ gia đình, nhóm người xa lạ, nhóm khá giả, nhóm nghèo túng… (x. 1 Cr 11,17-34).


4. Những đặc tính làm nên Hội thánh tại gia


Không phải bất kỳ cuộc hội họp tại nhà chủ hộ gia đình đều được gọi là Hội thánh tại gia, nhưng để được nhìn nhận là “hội thánh” cuộc qui tụ phải có bốn đặc tính sau đây: koinonia (cộng đoàn), diakonia (phục vụ/sứ vụ), kerygma (rao giảng Tin mừng) và leiturgia (tiệc Thánh thể).[10] Các thành viên của Hội thánh tại gia tạo thành một cộng đoàn nơi đó mọi người đều quan tâm đến nhu cầu và lợi ích của kẻ khác; tất cả đều có ý thức cùng thuộc về nhau và nối kết với các Hội thánh tại gia ở các nơi khác. Thật vậy, Hội thánh tại gia cổ vũ một ý thức mạnh mẽ về cộng đoàn cũng như các sinh hoạt đều nhấn mạnh tình cộng đoàn (x. Rm 10,12.16; 16,16; Gl 5,13; 6,2) và như thế làm tan vỡ những ranh giới về văn hoá xã hội. Người chủ hộ gia đình và mọi thành viên Hội thánh tại gia phục vụ nhu cầu vật chất-xã hội của nhau vì họ đều là anh chị em trong Chúa Kitô. Tình anh chị em trong Chúa thôi thúc họ phục vụ cả những người ngoài Hội thánh, trong đời sống xã hội. Trong các buổi hội họp họ công bố Lời Chúa, chia sẻ với nhau giáo huấn của Chúa và kinh nghiệm về Ngài cũng như cử hành việc bẻ bánh hay bữa tiệc của Chúa.


Từ những đặc tính trên có thể nói đến hai sinh hoạt chính yếu của Hội thánh tại gia: truyền giáo và dạy giáo lý. Theo Công vụ Tông đồ thì Phaolô trước hết rao giảng cho người Do Thái trong các hội đường, nhưng vì ít thành công nên ngài chuyển cách thức hoạt động và đến ở tại các gia đình có thế giá trong vùng rồi dần dần tìm cách rửa tội họ. Gia đình trở lại này trở thành căn cứ để khai triển sứ mạng truyền giáo. Có thể gọi đây là chiến lược truyền giáo từ nhà này đến nhà khác (Cv 16,13-34; 17,2-9; 18,1-11). Vì thế, Hội thánh tại gia nồng hậu tiếp đón các nhà truyền giáo lưu động (Rm 16,1-2; Pl 2,27-29), là nơi trao đổi thư từ liên lạc (1 Tx 5,27; 2 Cr 1,1; Cl 4,16)và giúp đỡ tài chính cho nhau (Rm 15,25-28; 1 Cr 16,1-4; 2 Cr 8-9).


Gia đình cũng là nơi thuận tiện để cha mẹ giảng dạy, cắt nghĩa giáo lý cho con cái. Đức Giêsu thường cắt nghĩa thêm giáo lý cho các môn đệ khi họ về đến nhà (Mc 7,17; 9,28). Chính nơi khung cảnh gia đình của Hội thánh tại gia mà giáo lý được giảng dạy dễ dàng, đức tin được đón nhận và đào sâu.


5. Hình thức hội họp cầu nguyện


Đây chính là yếu tố cho thấy Hội thánh tại gia của các tín hữu sơ khai rất gần với đời sống tôn giáo của gia đình Do Thái. Thông thường chủ hộ (kitô hữu) sẽ điều hành việc hội họp cầu nguyện của Hội thánh tại gia, gồm: hát thánh ca, thánh vịnh, đọc Kinh Thánh Cựu Ước, cầu nguyện chúc tụng, hôn chúc bình an và cử hành bữa tiệc của Chúa (1 Cr 11). Nói chung, hình thức cầu nguyện và giáo lý gia đình bổ túc cho nhau trong khung cảnh Hội thánh tại gia. Có thể nêu lên vài nét đặc trưng của các buổi cầu nguyện tại tư gia như sau. Đó là việc giảng dạy của các Tông đồ, có thể dưới hình thức nhắc hay ôn lại và thảo luận về các lời giảng dạy của Chúa Giêsu (Cv 2,42; 5,42; 11,26; 13,1), hoặc có thể là suy niệm và cố gắng giải thích Kinh thánh của Do Thái (Cựu ước) dưới ánh sáng của biến cố Đức Kitô rao giảng, tử nạn và phục sinh (Lc 24,25-27; 44-45; Cv 8,32; 17,2-3.11). Cầu nguyện cũng đóng vai trò quan trọng trong các hội họp tại gia, đặc biệt là Kinh Lạy Cha (như nơi Mt 6,9-13 và Lc 11,2-4). Các cách xưng hô như Abba (Gl 4,6; Rm 8,15) hay lời đáp Amen (1 Cr 14,16) cũng được sử dụng trong buổi cầu nguyện. Ngoài các hình thức cầu nguyện cố định này còn có những lời cầu nguyện ứng khẩu (Cv 4,24-30; 12,5; 13,3). Nói chung, hình thức cầu nguyện của các tín hữu sơ khai mang tính cầu nguyện thánh linh/tự phát (charismatic) và bày tỏ lòng sốt sắng nhiệt thành (enthusiastic) hơn là những lời cầu nguyện/lời kinh đã hình thành cố định (structured).


6. Thành viên và Tổ chức lãnh đạo Hội thánh tại gia


Thành viên của “Hội thánh họp tại nhà…” không chỉ bao gồm thành viên của chính hộ gia đình được nhắc tên mà còn có sự tham dự của những thành phần khác nữa, như những người làm ăn buôn bán, những người tân tòng được sát nhập vào gia đình cùng họp nhau cầu nguyện. Thông thường, buổi hội họp cầu nguyện của Hội thánh tại gia, được diễn ra nơi khu vực phòng ăn, gồm thành viên trong gia đình, người làm công phục vụ và bạn bè lân cận. Con số người này có thể lên tới 50 người trong mỗi lần hội họp vì những bằng chứng khảo cổ cho thấy khu vực phòng ăn và sân của những gia đình có thế giá vào thế kỷ 1 có thể dung nạp số người này. Trong số thành viên của hộ gia đình Kitô cũng có thể có những người chưa rửa tội (trường hợp Ôsênimô, Plm 10) hoặc cũng có trường hợp chủ hộ không phải là kitô hữu trong khi các thành viên gia đình đã là kitô hữu (x. Rm 16,11). Như thế, thành phần của Hội thánh tại gia rất đa dạng: Do Thái, Hy Lạp, nô lệ, tự do, giàu, nghèo…Nhưng với số lượng tương đối nhỏ nên mối liên hệ giữa họ sẽ dễ dàng phát triển. Ngoài ra, cơ cấu của buổi cầu nguyện tại gia cũng thuận lợi để phát huy tình hiệp thông.


Tổ chức lãnh đạo của Hội thánh những năm 50 – 60 tức là thời thánh Phaolô, gồm: các Tông đồ (theo nghĩa rộng, như Phaolô, Barnaba, Andronicô và Junia; x. Rm 16,7), các thừa sai phụ tá (như Sylvanô, Titô, Timôtê, Aquila; x. 1 Cr 4,17; 16,10; Rm 16,3) và các lãnh đạo địa phương (1 Tx. 5,12). Công việc có thể được phân chia như sau: (1) Phaolô thường xuyên đi từ nơi này đến nơi khác để thiết lập giáo đoàn, giảng dạy, thăm viếng; (2) Ngài có các phụ tá là những người lãnh đạo cộng đoàn lưu động, được sai đến các giáo đoàn để giảng dạy và để duy trì liên hệ giữa các giáo đoàn; (3) các người lãnh đạo tại chỗ hay là người bảo trợ cộng đoàn lo các công việc như lãnh đạo, khuyên nhủ trong cộng đoàn (1 Tx 5,12). Trong thành phần thứ ba này phải kể đặc biệt là các chủ hộ gia đình; họ không chỉ dành nhà cửa của họ cho việc hội họp cầu nguyện hay đáp ứng bất cứ nhu cầu tôn giáo của cộng đoàn mà còn chủ toạ các sinh hoạt đạo đức này.[11] Việc điều hành gia đình tạo điều kiện thuận lợi để họ trở thành người điều hành cộng đoàn vì đã quen thuộc với cách tổ chức gia đình. Nhìn chung, công việc của ba thành phần lãnh đạo này có thể trùng lập nhau. Tuy nhiên, chính trong bối cảnh thường xuyên phải di chuyển, phải lưu động để truyền giáo đồng thời cũng có cơ sở tại chỗ yểm trợ mà cơ cấu Hội thánh tại gia phát huy lòng hiếu khách, việc tiếp đón các nhà truyền giáo cũng như việc chuẩn bị và phát triển nhân sự làm việc (từ cơ sở gia đình) thông qua tổ chức 3 thành phần lãnh đạo này.


7. Phụ nữ trong sinh hoạt Hội thánh tại gia


Phaolô coi trọng các phụ nữ trong công việc tham gia điều hành Hội thánh cũng như rao giảng Tin mừng (Rm 16, 1.3.6.12). Ngài tập họp được một số đông phụ nữ cho công việc truyền giáo và tận dụng đặc sủng của phụ nữ để rao giảng Tin Mừng. Ngài không ngại khẳng định điều này trong các thư. Một số cặp vợ chồng hay các phụ nữ được nhắc đến là những người cộng tác đắc lực trong Hội thánh (Phêrô và vợ: 1 Cr 9,5; Aquila và Prisca: Rm 16,3-5; Andronico và Junia: Rm 16,7; bà Evodia và bà Syntyche: Pl 4,2). Đặc biệt, tên bà Prisca được nhắc trước tên ông Aquila (Cv 18,18.26; Rm 16,3; Tm 4,19).[12] Thật vậy, trong Hội thánh tại gia các phụ nữ đóng góp và tham gia nhiều trong cuộc sống cũng như hoạt động truyền giáo của cộng đoàn, bao gồm cả việc lãnh đạo cộng đoàn, một công việc có thể xem là đi ngược với tập tục xã hội truyền thống đề cao nam giới. Hơn nữa, việc Hội thánh hội họp tại nhà rất phù hợp với ý tưởng của Phaolô là mọi thành viên tạo thành một gia đình mới, là anh chị em với nhau (Rm 8,14.19.20; 9,26; 2 Cr 6,18; Gl 3,26; 4,6.7.31). Điều này có thể làm cho việc lãnh đạo của phụ nữ trong cộng đoàn được dễ dàng chấp nhận hơn đối với nam giới. Nhưng vào khoảng cuối thế kỷ 1 vai trò phụ nữ trong Giáo hội bị giảm dần khi Giáo hội được cơ cấu hoá cũng như đề cao quyền lãnh đạo của nam giới.


8. Từ ngữ liên hệ gia đình để nói về Giáo hội


Kiểu nói “Hội thánh tại gia” có thể ít gặp thấy nhưng những từ ngữ diễn tả Hội thánh trong mối tương quan hay hình ảnh gia đình lại rất phong phú trong các thư của Phaolô. Các kitô hữu được xem là thành phần của gia đình Thiên Chúa, trong đó Thiên Chúa là Cha (1 Tx 1,1; 3,11; 13,2; 2 Tx 1, 1-2;2,16) và Đức Giêsu là Con Thiên Chúa, nhờ đó các kitô hữu là dưỡng tử, đồng thừa tự với Đức Kitô và được phép gọi Thiên Chúa là Abba (Gl 4,4-6; Rm 8,16-17; x. 1 Tx 1,10). Thánh Phaolô áp dụng quan hệ Thiên Chúa, Chúa Giêsu và kitô hữu trong đời sống Hội thánh nên mọi kitô hữu phải đối xử với nhau và phục vụ lợi ích lẫn nhau như trong một gia đình, gia đình đức tin – gia đình Thiên Chúa (Gl 6,10; Ep 2,18-19). Phaolô còn sử dụng những từ ngữ liên hệ đến tổ chức gia đình như người quản lý (oikonomos), tôi tớ, kẻ phục vụ (1 Cr 4,1-2; 9,17; Cl 1,25; 4,7; Ep 3,2; 2; 6,6; Cr 4,5; Rm 1,1), anh em (adelphoi), anh em yêu quý (Gl 1,2; 1 Cr 15,58; 16,20; 2 Cr 9,3; Ep 6,21). Ngài còn tự xưng mình là cha, mẹ, anh em với các kitô hữu và họ là anh chị em hay con cái của ngài (Plm 2,10; Cl 4,9; Pl 2,12. 22; 1 Tx 3,22, Rm 16,13).


Hội thánh vào những năm 70-80 (như trình bày trong Thư Timôthêô, Titô và 1 Phêrô) bắt đầu được củng cố và cơ cấu hoá với thành phần lãnh đạo như giám quản, trợ tá. Hội thánh được tổ chức có qui củ, trong đó vai trò nam giới lãnh đạo được nhấn mạnh và phát triển. Một hình ảnh Hội thánh nổi bật của thời kỳ này có liên quan đến vấn đề đang tìm hiểu, đó là “Hội thánh là gia đình Thiên Chúa” (1 Tm 3,15; 1 Pr 4,17). Để điều hành tốt Hội thánh các giám quản và trợ tá phải có những tiêu chuẩn như biết điều khiển tốt gia đình, biết dạy dỗ con cái…(1 Tm 3, 4-5.12). Kiểu nói Hội thánh gia đình Thiên Chúa gợi lên hình ảnh thành phần làm nên gia đình cũng như Hội thánh là cha, mẹ, con cái, ông bà cũng như người phục vụ gia đình. Từ “Thiên Chúa” trong cách nói “Hội thánh gia đình Thiên Chúa” làm tương đối hoá tầm quan trọng của liên hệ gia đình nhân loại (rất mạnh trong xã hội La-Hy đương thời) đồng thời đề cao hình ảnh “gia đình mới của Chúa Giêsu” trong Tân ước (x. Mc 3,33-35) nơi đó mọi kitô hữu không còn ngăn cách huyết thống, xã hội, kinh tế nhưng là anh chị em với nhau cùng một Cha trên trời.


II. Hội thánh tại gia: Nhận xét và ứng dụng


1.
Điểm tựa chính yếu của Hội thánh tại gia là gia đình hay nói một cách khác, Hội thánh tại gia sử dụng phương châm lấy gia đình cũng như giáo dân làm gốc, làm cơ sở để khai triển các sinh hoạt tôn giáo cũng như xã hội. Chính cơ cấu gia đình có nhiều thuận lợi để phát triển đời sống cộng đoàn kitô hữu. Các tín hữu mới gia nhập Hội thánh dễ dàng nhận ra sự hiệp nhất trong tình anh chị em nhờ việc cử hành bữa tiệc của Chúa trong Hội thánh tại gia. Cũng giống như tiệc Vượt Qua được cử hành trong gia đình Do Thái thì giờ đây tiệc Thánh Thể được tổ chức tại gia đình kitô hữu với Đức Kitô phục sinh. Trong bối cảnh đó, đền thờ không cần thiết vì chính gia đình trở thành đền thờ sống động xây trên nền tảng Đức Kitô. Môi trường gia đình kitô hữu giúp phát triển tinh thần, ý thức trách nhiệm đối với Giáo hội vì họ coi Giáo hội như chính gia đình của họ. Những công việc và bổn phận trong gia đình là cơ sở để phát triển ý thức trách nhiệm trong cộng đoàn đức tin. Phaolô chọn các ông/bà có khả năng lãnh đạo nơi gia đình để trao phó cho họ trách nhiệm coi sóc cộng đoàn. Từ đó, có thể phát triển nhiều cộng đoàn kitô hữu với nhân sự tại chỗ. Gia đình kitô hữu cũng tạo điều kiện để dần dần tương đối hoá hay phá vỡ những hàng rào khác biệt về văn hoá xã hội, sắc tộc và tôn giáo. Việc mọi thành phần (chủ nhà, đầy tớ, nam, nữ, Do Thái, dân ngoại, trí thức, ít học..) qui tụ quanh bàn tiệc Thánh Thể trong một tình yêu thương thực sự chắc chắn lôi cuốn các tân tòng. Như thế, nguyên tắc bình đẳng trong Đức Kitô đã được đưa ra và áp dụng trong cộng đoàn Kitô hữu sơ khai tuy còn đòi hỏi nhiều nỗ lực để duy trì và thực hành trong đời sống Giáo hội.


2.
Hội thánh tại gia là môi trường thuận tiện để nuôi dưỡng công việc truyền giáo cũng như các nhà truyền giáo. Đây chính là căn cứ/cơ sở truyền giáo. Chính nhờ môi trường Hội thánh tại gia mà các tín hữu sơ khai biết được các nhu cầu truyền giáo và nỗ lực sống tinh thần tông đồ truyền giáo tại khu xóm (Cv 10,24; Cl 4,5-6; Dt 12, 14), trong chính gia đình (1 Tm 6,1; 1 Pr 3,1) hay ở nước ngoài (Cv 13,1-3). Cũng chính nơi Hội thánh tại gia mà các thừa sai lưu động nhận được nhiều sự tiếp đón, nâng đỡ, khích lệ và trợ giúp vật chất (Cv 20,7; Rm 15,24; 16,1-2). Hội thánh tại gia là “trạm dừng chân” rất thuận tiện cho các nhà truyền giáo lưu động cũng như cho giáo dân đi đường như khi đi làm ăn buôn bán xa. Các liên hệ xã hội (do quan hệ làm ăn, làm thuê) với gia đình chủ hộ cũng góp phần vào sự tham gia của lương dân vào cộng đoàn kitô hữu để rồi dần dần họ được rửa tội. Có thể nói rằng thông qua tổ chức “Hội thánh tại gia” hay “hộ gia đình” mà đức tin kitô giáo đã được truyền bá nhanh chóng vào thế giới La – Hy.


3.
Hội thánh tại gia là hình thức hội nhập, thích ứng Giáo hội vào tổ chức gia đình của xã hội đương thời; nó có những ứng dụng cho cơ cấu nội tại của cộng đoàn cũng như cho mối liên hệ của cộng đoàn với xã hội. Giáo hội hôm nay cũng cần tận dụng các cơ cấu/tổ chức gia đình của xã hội để có thể hội nhập Tin mừng vào các cơ cấu này. Hội thánh tại gia làm phát huy và tăng trưởng mối liên hệ gia đình, họ hàng, các người lệ thuộc cũng như mối liên hệ bạn bè và khách hàng. Gia đình là nơi hội họp tạo điều kiện phát triển sự gắn bó, thân mật và ổn định. Các thành viên cảm nhận được tình gia đình, cộng đoàn, phấn khởi hăng say phục vụ xã hội, tập thể nhưng đôi khi lại đi quá đà. Do đó, môi trường này cũng có thể là nguyên nhân gây nên sự phân hoá giữa các Hội thánh trong một vùng vì có nhiều Hội thánh/cộng đoàn, chẳng hạn sự chia rẽ do bè phái mà Phaolô nhắc đến nơi 1 Cr 1-4. Một số vấn đề khác của Hội thánh tại gia có thể nêu lên đây là việc tự cao về những ân huệ của Thần Khí như nói tiếng lạ, hay việc để cho những khác biệt về xã hội chi phối cộng đoàn như sự phân chia giai cấp trong bữa tiệc của Chúa (1 Cr 11-14). Vì thế, không nên quá lý tưởng hay thi vị hoá hình ảnh cũng như kinh nghiệm của Hội thánh tại gia mà quên đi những vấn đề khó khăn có thể có từ hình mẫu này.


4.
Chúng ta không biết nhiều về các cảm nghiệm tôn giáo hay việc thờ phượng của Hội thánh tiên khởi trong đó có Hội thánh tại gia. Thánh Phaolô và các tác giả Tân ước có đề cập đến Phép Rửa cũng như Bữa tiệc của Chúa trong khi giảng dạy về đức tin và sự hiệp nhất nhưng lại không cảm thấy cần thiết phải nói chi tiết về thời gian, nơi chốn, nghi thức và công thức cử hành, v.v…. Có lẽ vì giả định rằng các độc giả của họ biết những chi tiết này do kinh nghiệm bản thân hay không cần giải thích chi tiết. Nhưng con người ngày nay lại muốn biết về sinh hoạt đạo đức của Giáo hội sơ khai.Vì thiếu kiến thức, thông tin về các chi tiết sinh hoạt đạo đức của Giáo hội sơ khai nên hiện nay có nhiều phong trào, đoàn thể nhấn mạnh sinh hoạt này mà lại loại trừ cử hành khác trong khi sinh hoạt của các kitô hữu tiên khởi có nhiều cử hành, như kinh nghiệm nói tiếng lạ, cử hành phụng vụ Lời Chúa, bữa tiệc Thánh thể của Chúa, thinh lặng cầu nguyện… Ý thức kinh nghiệm phong phú, đa dạng này sẽ giúp các phong trào, cộng đoàn khiêm tốn phục vụ cũng như phát huy sự hiệp nhất trong đa dạng của Giáo hội.


5.
Mỗi Hội thánh tại gia chỉ dung nạp được một số ít kitô hữu, tân tòng, dự tòng.. nên cần có nhiều Hội thánh tại gia để đáp ứng sự gia tăng tín hữu. Sự phát triển nhanh chóng với số lượng nhiều Hội thánh tại gia cũng dễ đưa đến tình trạng tự do phát triển, có thể không kiểm soát được các sinh hoạt, các nghi lễ… nếu không có cách điều hành, quản lý nhằm duy trì tính chính thống. Từ thực tế đó việc điều hành của Giáo hội sơ khai tiến dần tới chỗ tập trung về lãnh đạo cũng như xác định thư quy Kinh Thánh để duy trì sự hiệp nhất và hiệp thông trong Giáo hội. Chính vì thế, giáo huấn của Giáo hội vẫn đòi buộc các “cộng đoàn cơ bản” (Basic ecclesial communities) hay các tổ chức, đoàn thể… phải có liên hệ gắn bó với giáo quyền địa phương.


6.
Hội thánh tại gia nhấn mạnh đến chiều kích cộng đoàn cũng như đóng góp/dấn thân của cá nhân. Việc truyền giáo của Giáo hội sơ khai nhắm đến việc thành lập Hội thánh tại gia hơn là nhắm đến từng cá nhân. Từ đó có thể liên hệ đến việc loan báo Tin mừng cho một số dân tộc thiểu số ngày nay là nên nhắm đến hình thức ảnh hưởng tập thể hơn là cá nhân. Đời sống cộng đoàn có thể ít hấp dẫn với một cộng đoàn đã có đông người hay với thành viên đã quen sống trong trong một đại gia đình, nhưng cũng có thể có nhiều hấp dẫn đối với những ai không có gia đình, cũng như những người nghèo, bị đặt bên lề xã hội (kể cả phụ nữ) không có điều kiện để giao lưu với tập thể trong đời sống xã hội. Hội thánh tại gia đáp ứng nhu cầu tạo mối liên hệ này nên chắc chắn được sự đón nhận, hưởng ứng của nhiều người thuộc thành phần đang tìm kiếm sự giao lưu, sự bảo trợ nào đó từ cộng đoàn. Trong một cộng đoàn nhỏ như Hội thánh tại gia cá nhân cũng cảm thấy được khích lệ, ít cảm thấy lẻ loi và dễ dàng đóng góp cho tập thể. Do đó, có thể nói Hội thánh tại gia là nguồn gốc phát sinh của cộng đoàn cơ bản ngày nay, một hình thức được Giáo hội cổ vũ nhằm phát triển các hoạt động đa dạng của Giáo hội. “Hội thánh tại gia”, “cộng đoàn cơ bản” hay “liên gia Công giáo”đáp ứng nhu cầu của con người ngày nay là cần đến với nhau để được nâng đỡ. Các tổ chức này tạo nên mối liên hệ thân thiết trong bối cảnh con người càng ngày càng lẻ loi, xa cách nhau do toàn cầu hoá.


7.
Hội thánh tại gia là nơi vun trồng và phát huy tình yêu thương. Các chủ hộ đã dành nhà riêng của họ làm trung tâm hội họp mà còn rất quảng đại điều hành công việc truyền giáo, tiếp đón mọi người. Về phía các thành viên họ không chỉ gọi nhau là anh chị em mà còn đối xử cách cụ thể tình cảm này với nhau. Bức thư ngắn của Phaolô gởi cho Hội thánh tại nhà ông Philêmon là một trường hợp tiêu biểu. Cách đối xử và sự can thiệp của Phaolô trong trường hợp Ôsênimô rất là tình cảm đặc biệt, không chỉ dùng cách xưng hô anh em mà còn cách lập luận tại sao phải gọi nhau là anh em. Phaolô đồng hoá mình với Ôsênimô. “Hãy đón nhận nó [Ôsênimô] như đón nhận chính tôi. Nếu nó đã làm thiệt hại anh hoặc mắc nợ anh điều gì, thì xin để tôi nhận cả…tôi sẽ hoàn trả lại” (Plm 17-19). Ôsênimô, khi được rửa tội, trở thành hoàn toàn bình đẳng với chủ trong việc loan báo Tin mừng, được quyền tham dự vào sinh hoạt cuả Hội thánh, trao hôn bình an với chủ mình trong khi cử hành tiệc Thánh Thể. Cách đối xử yêu thương và tôn trọng lẫn nhau này chắc chắn cũng phải thể hiện trong cuộc sống thường ngày, ngoài giờ phụng vụ. Tình yêu thương, phục vụ sẽ giúp vượt qua hay hạn chế tính cách gia trưởng (patriarchal) và phẩm trật (hierarchical) thường được xem là mặt trái của gia đình.


8.
Sự kiện các tín hữu sơ khai họp nhau tại tư gia nhắc chúng ta rằng gia đình là môi trường rất thuận tiện cho sinh hoạt tôn giáo và rằng “Hội thánh/nhà thờ” (church/église) không phải chỉ là toà nhà (building) hay cơ sở vật chất. Đúng hơn, Hội thánh (ekklesia) trước hết chính là một cộng đoàn tín hữu tụ họp nhân danh Chúa Giêsu Kitô (x. 1 Cr 11,18). Thánh Phaolô không bao giờ dùng từ “ekklesia” để chỉ toà nhà nơi cộng đoàn hội họp. Những ân huệ khác nhau mà Thiên Chúa ban cho các tín hữu trong Hội thánh không phải để khoe khoang hay đề cao cá nhân nhưng là để phục vụ lợi ích chung và xây dựng cộng đoàn. Không thể tránh vấn đề là các Hội thánh tại gia gia tăng về số lượng sẽ có thể gây nên một số trục trặc nhưng vẫn luôn phải xây dựng và nuôi dưỡng ý thức căn tính cũng như cộng đoàn tính mà Hội thánh tại gia tạo ra nơi các tín hữu ban đầu.


Tìm hiểu kỹ về Hội thánh tại gia cho thấy mô hình này của Giáo hội sơ khai có những vấn đề cần lưu tâm cũng như có những khả năng gợi lên những áp dụng cho Giáo hội và con người hôm nay. Thật vậy, “Hội thánh tại gia” có thể bị chất vấn nếu áp dụng cách máy móc. Hình mẫu Hội thánh này vẫn lôi cuốn nhiều Giáo hội tại châu Mỹ La Tinh, châu Phi và châu Á, cách riêng tại Việt Nam, vì thích hợp với các nền văn hoá này.[13] Việc tìm hiểu, học hỏi kỹ lưỡng hình ảnh Kinh Thánh “Giáo hội tại gia” và “Giáo hội là gia đình Thiên Chúa” trong các Thư Phaolô sẽ giúp chúng ta thấy được những điểm tích cực để ứng dụng và phát huy cũng như những điểm tiêu cực để hạn chế và tìm cách vượt qua hầu xây dựng và phát triển Giáo hội là Gia đình Thiên Chúa.


Câu hỏi thảo luận:


Những áp dụng cụ thể và những thách đố (tích cực cũng như tiêu cực) của hình mẫu Giáo hội là Gia đình Thiên Chúa trong bối cảnh Giáo hội và xã hội Việt Nam?


---------------------------------------------------------------------------
Tài liệu tham khảo


-Cwiekowski, F.J., The Beginnings of the Church. Mahwah, NJ: Paulist Press, 1988.


-Banks, Robert, Paul’s Idea of Community. Rev. ed. Peabody, Massachusetts: Hendrickson Publishers, Inc. 1998.


-Doohan, H., Paul’s Vision of Church. Wilmington, DE: Michael Grazier, Inc., 1989.


-Harrington, Daniel J., The Church According to the New Testament. Franklin, Wisconsin: Sheed & Ward, 2001.


-Hendrickx, Herman, The Household of God. Quezon City: Claretian Publications, 1992.


-Lee, B.J. and M.A. Cowan, Dangerous Memories. House Churches and Our American Story. Kansas City: Sheed & Ward, 1986.


-Meeks, Wayne A., The First Urban Christians. Binghamton, N.Y.: Yale University, 1983.


-Lohfink, G., Jesus and Community. Philadelphia: Fortress Press, 1984.


-Murphy-O’Connor, J. St. Paul’s Corinth. Wilmington, DE: Michael Grazier, Inc., 1983.


-Schneider, H., “Women in Early Christianity and the Institutionalization of Charisma,” EAPR 44, no.2 (2007), http://eapi.admu.edu.ph/eapr007/eapr007.htm


-Theissen, G., The Social Setting of Pauline Christianity. Edinburgh: T. & T. Clark Limited, 1982.

 

-----------------------------------------------
[1]
“Hội thánh tại gia” (house churches) trong Thư Phaolô chỉ một hình thức/địa điểm hội họp cũng như một cơ cấu của Giáo hội sơ khai khác với hình ảnh “gia đình là Hội thánh tại gia” (domestic church/Ecclesia domestica) như được Công đồng Vaticanô II đề cập (LG 11; FC 21). Có thể nói Hội thánh tại gia nhắm đến “tính cách gia đình” của Hội thánh (mối tương quan gia đình như là mẫu mực cho các thành phần Hội thánh) còn gia đình là hội thánh tại gia nhấn mạnh đến tính cách “giáo hội” của gia đình (Giáo hội như là mẫu mực cho gia đình).

[2] Ekklesia nguyên ngữ Hy Lạp có nghĩa là sự kêu gọi/qui tụ, và nguyên thủy được dùng trong nghĩa là công dân được qui tụ/kêu gọi lại để đại diện cho chính mình và cho thành phố về những vấn đề chính trị.

[3] Căn cứ vào kết quả khảo cổ một villa của người Rôma tại Corintô vào thời thánh Phaolô thì diện tích phòng ăn (triclinium) là 41.25m² (5.5 x 7.5) nhưng chung quanh phòng có đặt một số giường để nằm khi ăn tiệc, và diện tích sân (atrinum) là 30m² nhưng “giếng trời” chiếm hết 1/9 diện tích của sân.

[4] Những thư này mô tả Hội thánh thời chuyển tiếp (năm 60-70). Những bổn phận, qui định trong gia đình Kitô hữu dựa trên qui định của xã hội đương thời nhưng cũng có những đặc điểm Kitô giáo, như quan tâm nhiều hơn đến những thành phần bị thiệt thòi (phụ nữ, trẻ em, đầy tớ), kêu gọi sự tùng phục lẫn nhau của cả vợ lẫn chồng, hay tùng phục nhau vì “đó là điều làm đẹp lòng Chúa…, vì kính sợ Chúa,…như thể là cho Chúa”. Có thể kể đến 7 lần nhắc đến mục đích giữ chỉ thị của đời sống gia đình là vì Chúa (Cl 3,18.20.22.23.23; 4,1).

[5] Với những hộ gia đình sống ở những khu nhà nhiều tầng (chung cư) do điều kiện kinh tế, không có hộ gia đình khá giả, thì nơi hội họp có thể không phải ở phòng ăn và sân, nhưng diễn ra nơi không gian chật chội của chung cư.

[6] Herman Hendrickx, The Household of God (Quezon City: Claretian Publications, 1992) 16.

[7] Trong các Thư Phaolô, có thể gặp thấy hai từ “oikos” (15 lần) và “oikia” (8 lần) trong tổng số 218 lần trong toàn bộ Tân ước. Phaolô dùng hai từ này theo nghĩa là hộ gia đình cùng với số người và tài sản thuộc về gia đình. Oikos có nghĩa là hộ gia đình và nơi ở của gia đình (Lc 10,5; 11,17; Cv 10,2; 16,15; 1 Cr 1,16…). Oikia có nghĩa là nơi Chúa Giêsu và các tín hữu triển khai, thực hiện tác vụ/sứ vụ (Mc 1,29; 2,15; Lc 7,37; Cv 9,11.17; 10,6.17.31…). Tuy nhiên, sự khác biệt về ý nghĩa giữa hai từ này không đáng kể.

[8] Ngoài ra còn có những chỗ khác nói đến mối liên hệ với hộ gia đình: 1 Cr 1,16; 16,15, Rm 16,10.14; 1 Cr 1, 11; Pl 4,22.

[9] Prisca và Aquila thành lập Hội thánh tại gia ở Rôma trước khi Phaolô đến rao giảng thành phố này. Đôi vợ chồng này đã là kitô hữu khi họ gặp Phaolô.

[10] B.J. Lee and M.A. Cowan, Dangerous Memories. House Churches and Our American Story (Kansas City: Sheed & Ward, 1986) 24-28.

[11] Chúng ta không biết chắc ai là người chủ tọa các Bữa tiệc của Chúa trong cộng đoàn Hội thánh sơ khai. Chúng ta cũng đừng nghĩ là các kỳ mục/giám quản được truyền chức trong các giáo đoàn của Phaolô lo công việc này. Trong số những người chúng ta có thể nghĩ đến đó là các ngôn sứ, các lãnh đạo có sức thu hút (charismatic) của cộng đoàn địa phương. Trong Bữa Tiệc ly Chúa Giêsu hành động như một người cha gia đình đọc lời chúc lành. Một cách tương tự như gia đình Do Thái, người chủ gia đình – chủ nhân dành nhà ở của mình cho cộng đoàn cầu nguyện, sẽ đảm nhận vai trò này…Cũng có thể thỉnh thoảng là khách mời danh dự của cộng đoàn sẽ chủ tọa bữa tiệc của Chúa. Đó có thể là khi toàn Hội thánh tụ họp tại một nơi hay khi có các Tông đồ hiện diện trong buổi hội họp cầu nguyện. Đây là ý kiến của H.J. Klauck được trích dẫn nơi H. Schneider, “Women in Early Christianity and the Institutionalization of Charisma,” EAPR 44, no.2 (2007).

[12] “Đây không phải vì lịch sự…Ngược lại, kiểu nói này phá vỡ qui ước của thời xưa; sự kiện này cho thấy tầm quan trọng đặc biệt của phụ nữ đối với việc truyền giáo của Kitô giáo tiên khởi. Bà Prisca đã có những hoạt động truyền giáo vượt xa khỏi môi trường cơ bản là gia đình”. Đây là nhận định của H.J. Klauck được trích dẫn nơi G. Lohfink, Jesus and Community (Philadelphia: Fortress Press, 1984) 97.

[13] Xem CELAM, Puebla Document (1979); Tông huấn Giáo hội tại Phi Châu (1995), 63; FABC VIII (2004), The Asian Family Towards a Culture of Integral Life, 50; Acta Synodalia Sacrosancti Concilii Oecumenici Vaticani II, vol. II, pars II (Rome: Typis Polyglotis Vaticanis, 1972), 44. Tham luận của Đức cha Simon Hòa Nguyễn Văn Hiền tại kỳ họp Công đồng Vaticano II (khoá 2) như sau: “Quan niệm Giáo hội là gia đình của Thiên Chúa rất gần gũi với con người. Cách trình bày mầu nhiệm Giáo Hội bằng những từ ngữ về gia đình rất quen thuộc và dễ hiểu đối với mọi người... Trình bày Giáo hội như gia đình của Thiên Chúa giúp các Kitô hữu trở về với Tin Mừng, trở về với cách giảng dạy đơn sơ của Ðức Giêsu (Ðức Giêsu dùng rất nhiều hình ảnh về gia đình); nhờ đó dễ hiểu và thấm nhuần Tin Mừng hơn”; Bản trả lời các câu hỏi – Phụ trương của Lineamenta và Bản Góp ý của HĐGM Việt Nam cho THĐGM Á Châu (1997). Các Giám mục Việt Nam nhấn mạnh cần phải “xây dựng một Hội thánh như một gia đình con cái Thiên Chúa” thay vì “một phẩm trật với những cơ chế và luật pháp kiện toàn. Một Hội thánh như một cộng đồng gia đình sẽ dễ hội nhập vào trong xã hội Á châu”.

 

Lm G.B. Ngô Đình Tiến

Mục lục

 

 

TÌNH YÊU – HÔN NHÂN – GIA ĐÌNH

 

Sức khoẻ gia đình

Một số bệnh về mắt ở người cao tuổi

 

Ở người cao tuổi, mọi cơ quan trong cơ thể đều có những biểu hiện của sự lão hóa như bạc tóc, nhăn da, giảm khả năng điều hoà thân nhiệt như kém chịu nóng, kém chịu lạnh, các thay đổi về hành động, xử thế, vóc dáng, thân hình... Hai con mắt cũng có nhiều thay đổi như xệ mi mắt, thâm quầng mắt, đục thủy tinh thể, viễn thị...

 

Thoái hóa giác mạc.

Cùng với sự lão hóa của cơ thể, đôi mắt cũng in đậm dấu vết của thời gian. Tùy sức khỏe và điều kiện sống, dấu hiệu lão hóa mắt sẽ đến sớm hay muộn, nhanh hay chậm với những biểu hiện khác nhau ở mỗi người. Khi nào ta biết mình đã "chân chậm mắt mờ "? Phải chăng đó là khi xuất hiện một hay nhiều dấu hiệu sau đây:

Xệ mi mắt: Dấu hiệu mi mắt xệ xuống là do cơ mí mất khả năng co giãn, đàn hồi, da mí bị nhão tạo thành những túi mỡ ở cả mí trên và mí dưới, hay da nhăn nheo ở khóe mắt. Để khắc phục chứng xệ mi mắt cần chăm sóc da mặt cẩn thận có thể giữ được khóe mắt trẻ lâu bằng cách: khi ra nắng nên thoa kem chống nắng, tránh dụi mắt vì có thể làm da nhăn và xệ; hằng ngày phải ngủ đẫy giấc; tránh các tâm trạng bị căng thẳng, stress hay mệt mỏi. Nếu mất ngủ một đêm là sáng hôm sau da mí mắt có thể bị thâm quầng.

Biến đổi của thủy tinh thể: Khi còn trẻ tuổi, thủy tinh thể còn mềm mại, trong suốt, có thể phồng lên hay xẹp lại rất dễ dàng, nên có thể nhìn từ xa đến gần mà không thấy mỏi mắt vì biên độ điều tiết rất lớn. Ở người cao tuổi, thủy tinh thể bị ảnh hưởng do sự lão hoá sớm nhất, đến tuổi 40 thủy tinh thể bắt đầu cứng, độ đàn hồi giảm, khả năng điều tiết giảm. Khi đó bệnh nhân nhìn xa rõ nhưng nhìn gần mờ và thấy nhanh mỏi mắt. Lúc này bệnh nhân muốn đọc phải giơ sách báo ra xa mới đọc được. Muốn đọc gần phải đeo kính hội tụ, nên kính đọc sách còn được gọi là kính lão. Nếu mắt không bị cận thị thì người bình thường khoảng 40 tuổi bắt đầu phải đeo kính lão một đi-ốp.

Thị lực giảm: Khi thủy tinh thể đã cứng hoặc chiết xuất tăng hay nhân hóa lỏng do sự biến đổi các thành phần hóa học và chuyển hóa ở trong thủy tinh thể, thủy tinh thể trở nên đục và sinh cườm, lúc này bệnh nhân nhìn thấy mờ, thậm chí không nhìn thấy. Khi đó bắt buộc phải phẫu thuật để thay thủy tinh thể mới cải thiện được thị lực.

Bệnh cườm nước: Ở người cao tuổi, thủy tinh thể to, vùng bè bị suy thoái gây tắc nghẽn, thủy dịch khó hoặc không thoát ra được làm cho áp suất trong mắt tăng cao gây nên bệnh cườm nước. Biểu hiện là: nhức mắt, nhức đầu, làm chết tế bào thần kinh thị giác dẫn tới mù lòa vĩnh viễn. Vì vậy để phòng tránh bệnh này, những người trên 40 tuổi nên đi khám để đo nhãn áp 6 tháng hay một năm một lần nhằm phát hiện sớm bệnh cườm nước và điều trị kịp thời tránh biến chứng mù lòa.

Thay đổi ở kết mạc: Nhìn vào kết mạc thấy kém long lanh vì có nhiều mạch máu phát triển, nhiều người có mộng thịt hay mộng mỡ do tích tụ lâu ngày, mắt bắt đầu bị khô do nước mắt tiết ra ít dần, kết mạc bị mờ đục hơn so với trước đây. Từ giai đoạn này, bệnh nhân có thể nhỏ các loại thuốc nhỏ mắt hoặc nước mắt nhân tạo để chống khô mắt, cho mắt được long lanh, trơn ướt, thị lực sẽ tốt hơn.

Thoái hóa hoàng điểm.

Suy thoái giác mạc: Dấu hiệu lão hóa ở giác mạc là giác mạc bị suy thoái và mờ đục dần dần. Biểu mô giác mạc dễ trầy xước sinh ra hiện tượng mây mờ vì thiếu nước mắt. Tế bào lớp nội mô mất dần sinh đục làm cho mắt nhìn mờ dần. Muốn phòng tránh phải nhỏ thuốc nhỏ mắt sát khuẩn hay nước mắt nhân tạo để bảo vệ mặt trước của giác mạc.

Yếu hay liệt cơ vận nhãn: Ở người cao tuổi có thể do thiếu máu nuôi dưỡng nên một số cơ vận nhãn bị suy yếu hoặc liệt hẳn, gây rối loạn vận động nhãn cầu. Khi cơ bị suy yếu dần, thì mắt cũng giảm dần khả năng nhìn lanh lẹ, khả năng bắt hình ảnh cũng suy giảm, có khi nhìn thấy hai hình (song thị) hay mắt bị lé do liệt cơ.

Biến đổi ở thể pha lê: Quá trình lão hóa do tuổi cao, thể pha lê bị suy thoái, dần dần hóa lỏng, bệnh nhân thấy xuất hiện các đốm hay dải đục nhìn thấy đen giống như "ruồi bay" trước mắt. Cần lưu ý rằng hiện tượng "ruồi bay" là một bệnh lý ở mắt có thể gặp ở mọi lứa tuổi do dịch kính bị vẩn đục gây nên. Các trường hợp: suy nhược cơ thể, có bệnh lý ở mắt, dịch kính sẽ bị vẩn đục. Một số bệnh ở mắt có thể làm cho dịch kính bị vẩn đục như: xuất huyết dịch kính tự phát hay do chấn thương; bệnh nhiễm tinh bột (amyloidosis), nhiễm cholesterol, bệnh dịch kính võng mạc xuất tiết di truyền, vẩn đục dịch kính hình sao, viêm màng bồ đào, nhiễm ký sinh trùng như bệnh Toxocara và bệnh ấu trùng sán lợn... Nhiều người cao tuổi còn thấy có những chớp sáng là do bóng của thể pha lê.

Suy thoái hoàng điểm, võng mạc: hoàng điểm là nơi tập trung các thần kinh thị giác giúp nhìn rõ các chi tiết và nhìn màu. Khi bị suy thoái hoàng điểm, bệnh nhân nhìn hình không rõ ràng, hoặc nhìn hình bị méo mó. Bệnh nhân còn bị suy thoái các tế bào ở ngoại biên võng mạc gây nên bệnh quáng gà, với triệu chứng là không nhìn được lúc chập choạng tối. Trường hợp các mạch máu bị tắc nghẽn, thiếu máu nuôi dưỡng thần kinh thị giác, khi đó sẽ bị viêm thị thần kinh làm mắt mơ dần, tầm nhìn bị thu hẹp.

Trần Tâm biên tập từ net

Mục lục

 

Giảng lễ Hôn phối :

TIẾNG GỌI

 

I. CHÚA GIÊSU GỌI BỐN TÔNG ĐỒ ĐẦU TIÊN.

 

            Chúng ta đọc : Mt 4,18-22; Mc 1,14-20.

 

            Theo thói quen của các bậc thầy trong xã hội ngày xưa, trong đạo cũng như ngòai đời, mỗi ông thầy đều có đệ tử, có môn sinh để truyền bá tư tưởng và cách sống của mình. Đức Giêsu cũng theo thói quen ấy, khi đi rao giảng Tin mừng, Ngài cũng chọn cho mình một số đệ tử nồng cốt mà ta gọi là Tông đồ.

 

            Trong bài Tin mừng hôm nay, thánh Matthêu cho chúng ta biết, khi thấy hai anh em ông Anrê và Phêrô đang thả lưới dưới biển, vì các ông làm nghề chài lưới, Đức Giêsu chỉ kêu gọi vắn tắt :”Hãy theo Ta”, tức thì hai ông bỏ mọi sự mà đi theo Ngài. Rồi đi xa hơn một chút nữa, Chúa lại thấy hai anh em ông Giacôbê và Gioan, con ông Giêbêđê, đang vá lưới trên thuyền, Ngài cũng gọi hai ông và họ đã bỏ cha và các người làm công trên thuyền mà đi theo Ngài.

 

            Lời kêu gọi của Chúa mãnh liệt thật. Chỉ một lời gọi vắn tắt mà khiến các ông bỏ mọi sự mà đi theo. Bỏ mọi sự là một hy sinh lớn, thế mà các ông đã dám hy sinh đến thế. Các ông đã trở nên nhưng Tông đồ nhiệt thành được sai đi, cộng tác với Chúa để rao giảng Tin mừng.

 

II. CHÚA GIÊSU CŨNG KÊU GỌI CHÚNG TA.

 

            Ngày nay Chúa Giêsu vẫn còn tiếp tục mời gọi chúng ta làm Tông đồ cho Ngài bởi vì cánh đồng truyền giáo còn rộng bao la bát ngát. Làm tông đồ là mẫu số chung nghĩa là mọi người được kêu gọi làm tông đồ, còn phương cách thực hiện việc tông đồ thì mỗi người mỗi khác. Việâc tông đồ thật đa dạng.

 

            Chúa gọi nhiều người làm tông đồ trong đời sống Linh mục và tu trì, nhưng đây chỉ là con số nhỏ, còn tuyệt đại đa số là được kêu gọi sống đời hôn nhân ở ngòai đời. Cảnh sống của hai hạng người thì khác nhau vì ở hai môi trường khác biệt. Như vậy, sống đời hôn nhân cũng là một ơn gọi và ai cũng có trách nhiệm phải sống trong ơn gọi của mình.

 

            Hôm nay Chúa gọi “hai anh chị” làm tông đồ của Chúa trong đời sống hôn nhân. Chắc chắn anh chị không nghe thấy tiếng Chúa gọi vì Chúa không hiện ra kêu gọi anh chị như Ngài đã gọi các tông đồ xưa, nhưng Ngài đã kêu gọi anh chị bằng những phương tiện rất thông thường. Đó là “Tình yêu”. Chúa cho anh chị gặp nhau, yêu thương nhau và muốn cho hai con tim kết hợp với nhau thành một để thành một gia đình. Anh chị yêu nhau, đó là tiếng Chúa gọi đấy. Và tiếng gọi của tình yêu thì rất mạnh, không gì có thể cản nổi.

 

                                                Truyện : Trương Chi và Mỵ Nương.

            Trong kho tàng văn chương bình dânViệt nam, có câu chuyện Trương Chi và Mỵ Nương mà nhiều người đã biết : Ngày xưa có một ông quan thừa tướng sinh được người con gái tên là Mỵ Nương, nhan sắc tuyệt trần. Nàng ở cấm cung trong ngôi lầu cạnh bờ sông. Bấy giờ có một chàng trai con nhà thuyền chài tên là Trương Chi, ngày ngày đến thả lưới kiếm ăn trên khúc sông đó. Chàng ta thường vừa buông lưới vừa hát. Tiếng hát rất hay,  khiến cho Mỵ Nương ở trong lầu xao xuyến say mê. Một dạo, Trương Chi đi đánh cá ở một khúc sống khác. Không được nghe tiếng hát, Mỵ Nương sinh ra sầu não. Nàng bồn chồn trông đợi. Tiếng hát vẫn vắng lặng và nàng bắt đầu ốm.

 

            Thừa tướng vội cho mời các lương y đến xem mạch bốc thuốc. Thuốc uống đã nhiều mà bệnh Mỵ  Nương vẫn không chuyển. Sau thừa tướng hỏi dò những người hậu hạ Mỵ Nương, mới biết là con mình ốm tương tư. Các lương y khuyên thừa tướng cho gọi anh lái đò đến… Và cậu chuyện vẫn còn dài dài…

 

            Chúng ta thử hỏi tại sao Mỵ Nương lại ốm tương tư ?  Tại sao nàng lại trở nên xanh xao vàng vọt và quên ăn quên ngủ? Thưa chỉ vì tiếng hát của Trương Chi. Tiếng hát kia chẳng còn là tiếng hát cho dẫu điêu luyện đến đâu, nhưng đã thành tiếng gọi với cô và cho cô. Tiếng gọi rơi vào tầng sâu tâm hồn, làm rung lên những âm thanh có khi cả đời chỉ một lần cảm nếm.

            Người ta bảo ấy là tiếng gọi của tình yêu.

 

            Câu chuyện tình thật đẹp nhưng cũng chỉ là minh họa cho một tiếng gọi mà bình thường người con trai và cô con gái nào cũng một lần rung động, Và giả như không có thì thật là uổng ! Tiếc chết đi được !

 

Hôm nay Chúa đã gọi hai anh chị.  Anh chị không nghe thấy tiếng Chúa gọi bằng lỗ tai nhưng bằng con tim bởi vì tiếng gọi lại không có âm thanh, chỉ có thể cảm nghiệm được âm thanh đó bằng con tim khối óc. Khi anh chị thương yêu nhau, đó là lúc Chúa đang gọi hai anh chị đấy. Anh chị đáp lại tiếng Chúa mà kết hợp với nhau để tạo nên một gia đình Kitô hữu, làm cho xã hội thêm phát triển và làm cho Giáo hội được thêm phong phú.

 

III. HÃY SỐNG ƠN GỌI HÔN NHÂN.

 

            Chúng ta đã khẳng định rằng : ai cũng có ơn gọi và ai sống theo ơn gọi thì hạnh phúc. Chúng ta đã có một gia đình gương mẫu để làm mô hình cho đời sống chúng ta, đó là gia đình thánh gia thất, Đức Giêsu, Đức Maria và thánh Giuse. Các ngài đã thực sự sống đời gia đình ở ngòai đời, tại làng Nazareth. Cuộc sống của các Ngài giống hệt cuộc sống của chúng ta, mỗi phần tử sống theo phận vụ và chức năng của mình để chuẩn bị cho Đức Giêsu thi hành sứ mạng cứu thế. Thật là một gia đình hạnh phúc.

 

            Anh chị em đang sống trong cuộc sống gia đình. Mỗi gia đình có những sắc thái đặc thù không ai giống ai, nhưng mỗi gia đình phải sống cái nếp sống gia đình Kitô hữu giống như gia đình Thánh gia. Mỗi người hãy sống trong vị trí của mình và làm trọn phận sự được trao phó như chương trình Đức Khổng Tử đã đề ra :”Quân, thần, phụ,ï tử”. Vua phải sống cho ra vua, tôi phải sống cho ra tôi, cha phải sống cho xứng danh là cha và con phải sống xứng phận làm con. Nếu mỗi người biết chu tòan nhiệm vụ của mình một cách hòan hảo thì gia đình đó hạnh phúc.

 

            Nhưng hạnh phúc không phải là cái gì tiền chế. Không phải kết hôn xong là đã có hạnh phúc ngay, Chúa không cho ngay đâu, Chúa chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho vợ chồng. Cha mẹ hoặc bất cứ ai cũng không thể ban tặng được, cũng không thể mua sắm được mà là cái mà mỗi người phải nỗ lực làm ra, nó là cái sản phẩm của con người. Người ta nói :

                                    “Chủng qua đắc qua, chủng đậu đắc đậu

                                    Trồng dưa được dưa, trồng đậu thì được đậu.

            Vì thế, Kinh thánh nói:”Ai gieo giống nào, sẽ gặt được giống ấy”(Mt 6,7).

 

            Alphonse Karr nói:”Hạnh phúc là một ngôi nhà lợp tranh, đầy rêu phủ, và có giàn hoa bao bọc chung quanh. Nhưng phải đứng bên ngòai mà nhìn vào. Đi vào bên trong sẽ không thấy gì nữa”.

            Sự thật thì phần lớn chúng ta – nếu không là tất cả – đang sống hạnh phúc, mà không ý thức điều đó thôi.

 

            Muốn có hạnh phúc thì đừng đứng núi này trông núi kia. Ông Lâm ngữ Đường , tác giả cuốn sách “Sống đẹp” có viết:”Một đặc tính của lòai người là mơ tưởng. Sống trong thế giới thực, họ mơ tưởng đến thế giới mộng. Ai cũng đứng núi này trông núi nọ. Thế giới này giống như một quán cơm. Ai muốn món nào thì gọi món ấy. Nhưng ai cũng nghĩ rằng món người bên cạnh gọi thì ngon hơn món mình gọi. Ai cũng thèm làm một người khác”.

            Napoléon thì thèm César

            César thì thèm làm Alexandre

            Alexandre thì thèm làm Hercule

            Nhưng Hercule thì lại chỉ có trong… thần thọai, trong ảo tưởng.

            Đúng là :

                                                Xưa nay thế thái nhân tình

                                        Vợ người thì đẹp, văn mình thì hay.

 

 

Lm Giuse Đinh lập Liễm

 

ĐỌC SÁCH

LỐI ĐI CỦA CON KIẾN

Một đàn kiến đông đảo vô cùng, không biết cơ man nào mà kể. Ấy thế mà chết cũng không biết bao nhiêu. Làm sao chúng bị chết? Trong đoàn kiến sống sót, có con kiến suốt đời u uẩn một mùa tang chế trong hồn nó. Ðoản bi ca ấy nó viết về sự sống đi bên cõi chết. Ðoản ca bắt đầu như thế này:

Phần một: Tiếng lòng u uẩn của con kiến

Tiếng kèn hối hả ban hành. Ðoàn đoàn, lũ lũ bước chân kiến chúng tôi réo gọi nhau lên đường. Một cuộc ra đi tìm đất sống mới. Dấp dáng biển đỏ và sa mạc, thấp thoáng mênh mông nắng đá trong ngày con cái Maisen tìm về đất hứa, chúng tôi cũng vậy. Cuộc ra đi thật ý nghĩa làm sao.

Trên hành trình ấy, sống và chết dựa lưng nhau như đau khổ và hạnh phúc của những chuyện tình. Hạnh phúc đấy, mà đau khổ cũng có thể như con sóng xô bờ, bất chợt đến. Chúng tôi băng qua ghềnh đá cheo leo. Chúng tôi chìm xuống vực sâu hiểm nghèo. Ðêm và ngày đều tắm đẫm bằng thách đố gian nan. Nhưng trong tim, chúng tôi cố giữ cho nhau lời ca và tiếng nhạc. Chúng tôi thổi xuống chân mình gió của tiếng kèn mơ ước. Chúng tôi đẩy gót chân nhau bằng nốt nhạc kiên nhẫn. Vì thế, chân chúng tôi bớt mỏi, lòng chúng tôi bớt ủ ê.

Qua bờ lau, đá cuội, qua rừng gai gian khổ, chúng tôi thấy ý nghĩa một cuộc lên đường đẹp như thế nào. Hành trình đi tìm đất sống, ngàn ngàn, lớp lớp chúng tôi đi tới như rừng sao chuyển mình. Băng qua những vùng tối tăm của rừng gai, trèo lên những khe nứt của đá cheo leo, mù mịt, thế mà không ai trong chúng tôi chết cả. Càng gần thách đố, chúng tôi càng thêm dũng cảm. Càng qua tăm tối, chúng tôi càng giăng mình dưới nhẫn nại.

Cuộc đời có những không ngờ của nó. Có ai ngờ, chúng tôi không chết ở rừng sâu núi đá, chúng tôi bị chết trước cửa đền thờ! Ðền thờ là nơi nhân ái, bao dung, thánh thiện, thế mà là mồ chôn đời chúng tôi.

Ngày đó, chúng tôi bị nghiền nát, không biết cơ may nào mà kể. Cho đến bao giờ loài kiến chúng tôi mới biết những bí ẩn của đền thờ và sự chết ấy.

Tôi viết bài ca này như tiếng thơ băn khoăn của lòng để hỏi cuộc đời về những huyền bí của cửa đền thờ và sự chết ở đó. Chúng tôi băng mình qua gian truân, qua góc tối xó nhà, qua khe nứt tường vôi, qua cheo leo vách ván, qua ẩm mốc chân cột, chúng tôi không chết. Ấy thế mà, thấy bóng lời kinh, thấy hương đạo hạnh, chúng tôi lại chết tức tưởi, chết ngay lối vào giáo đường.

Ðền thờ là gì?

- Tiếng thầm thì u uẩn trong hồn tôi là: Có khi nào cõi thánh là nghĩa trang buồn?

- Có khi nào cổng đền thờ là lối ra mất tâm đạo?

Từ bài ca của tâm, tôi muốn gọi vào cõi đời để hỏi những vì sao trên trời, để hỏi những bóng tối dưới vực sâu, đâu là ranh giới huyền bí giữa sống và chết, vì sao sự chết đã nắm bắt chúng tôi giữa những bậc thềm vào cõi thánh?

Phần hai: Một lối đi, một con đường.

Hạnh phúc có lối ngã riêng. Ðường vào cõi chết có tên gọi khác. "Hãy vào cửa hẹp vì đường rộng sẽ dẫn đên hư vong." Bầy kiến đến bậc cửa đền thờ, ôi! những bờ đá mênh mông, êm như dòng sông không gợn sóng. Buồn làm sao! định mệnh của những con đường thênh thang. Chúng đâu ngờ con đường thênh thang ấy dẫn vào cõi chết. Nhìn con đường thênh thang, bầy kiến quên rằng mỗi người có một lối đi, mỗi lối đi có một con đường. Và, mỗi con đường dẫn đến một khung trời khác nhau: Sự sống hay cõi chết.

Nhìn thấy thềm đá vào đền thờ rộng mênh mông, phẳng phiu, cứ thế chúng tôi ùa lên mà đi. Cứ mỗi bước chân con người dẫm lên bậc thềm, hàng trăm nhà kiến chúng tôi bi nghiền nát. Nhìn bậc cửa đền thờ mênh mông, bầy kiến chúng tôi quên rằng con đường an toàn của kiến là bờ vách, là góc đá, không phải mặt phẳng của các bậc thềm, không phải con đường thênh thang.

Con kiến viết những tiếng lòng u uẩn trên đây là con kiến đã chọn cho mình một lối đi rất hẹp, nó không bước trên thềm đá rộng của các bậc tam cấp mà cứ men theo kẽ góc mà đi. Con kiến nào bò sát trong góc của bậc thềm là băng qua được sự chết. Người ta cứ bậc thềm rộng mà giẫm chân lên, nên không biết cơ man nào là kiến đã bị giết chết.

Cũng vậy thôi, con đường hẹp sẽ dẫn vào Nước Trời, còn con đường thênh thang sẽ dẫn tới hư vong.

***

Con kiến hỏi tại sao, giữa cửa vào đền thờ mà cũng có sự chết. Nó muốn hỏi bóng tối dưới vực sâu, tại sao lối vào cõi thánh mà có u buồn nghĩa trang. Tiếng băn khoăn cõi lòng của nó, cũng có thể là tiếng Chúa vọng lên một âm vang đã lặng lẽ trong hồn con người từ lâu.

Người ta có thể bước vào đền thờ mà lối ấy không dẫn đến cõi tâm của Ðạo.

Người ta có thể từ đền thờ bước ra mà tâm vẫn không có hồn đạo.

Bởi, con đường dẫn tới cõi tâm vẫn là con đường Chúa đã căn dặn: "Hãy qua cửa hẹp mà vào, vì cửa rộng và đường thênh thang thì đưa đến diệt vong, mà nhiều người lại đi qua đó. Còn cửa hẹp và đường chật thì đưa đến sự sống, nhưng ít người tìm được lối này" (Mt. 7:13-14).

Xa giới luật Chúa, thì có bước vào đền thờ vẫn là bước ngoài tâm đạo. Cái chật chội của con đường hẹp là đưa mình vào giới luật. Với con đường hẹp ấy thì đi đâu cũng gặp Ðạo, vì cõi tâm lúc ấy chính là Ðường rồi.

Cứ hỏi lòng mình chứ đừng nhìn bước chân mình đang ở đâu. Có thể trong đền thờ mà hồn Ðạo không có trong tâm. Có thể trong đền thờ mà tính toán chuyện không thánh. Con đường hẹp ở trong cõi lòng.

Lạy Chúa,

Không phải cứ bước vào đền thờ là tìm thấy Ðạo. Không phải cứ bước ra khỏi đền thờ là có Ðạo.

Qua tiếng u uẩn trong lòng con kiến nhỏ, phải chăng Chúa nhắc nhở con về sự chết nguy hiểm của đường rộng dễ dãi ngay trong đền thờ.

Chúa muốn con hồi tâm, muốn con nhìn lại lối sống hôm nay và vẽ lại cho mình một lối đi.

Lm Nguyễn Tầm Thường

(Trích trong “Cô Đơn Và Sự Tự Do”)