NHƯ MỘT LỜI MỜI:
- Kính mời quý vị vào trang web www.tinvui.org để đọc các bài viết khác
- Mọi thư từ cộng tác góp ý và giúp đỡ xin quý vị gửi về địa chỉ E-mail :bantreconggiao@yahoo.com
- Ban biên tập Tin vui rất mong nhận được sự đón nhận của quý vị độc gỉa gần xa
- Xin Thiên Chúa ban muôn ơn lành và đồng hành với quý vị trong hành trình đời sống Kitô hữu
Mục lục
ĐTC Benedictô XVI tiếp tục soạn thảo thông điệp mới trong kỳ nghỉ hè ở Bressanone
Ðức Thánh Cha Bênêđitô XVI được trao tặng "Công Dân Danh Dự" của Thị Xã Bressanone.
Kỷ Niệm 63 Năm Bom Nguyên Tử ném xuống trên thành phố Hiroshima và Nagasaki, Nhật Bản.
Những Lời Huấn Đức của ĐTC khi đến thăm làng OIES nơi sinh trưởng của thánh Josef Freinademetz
Đức Giám Mục Hồng Kông nói ngài có cảm giác bối rối khi tham dự Olympic.
Những danh nhân có lòng sùng kính Mẹ Maria
Tình hình các cộng đoàn Kitô tại bán đảo Arập
Thế vận hội Bắc Kinh và tự do tôn giáo
Lề khấn dòng của các Nữ tu Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm Phú Xuân- Huế
Dòng Ba Đa Minh tại Toronto mừng kỷ niệm 10 Năm thành lập
Thánh lễ Khấn Dòng tại nguyện đường nhà Mẹ Dòng Đaminh Rosa Lima
Lễ khấn của các đan sĩ Thiên An- Huế
Năm thánh Phaolô: Sinh Lực Mới cho Công giáo Tiến Hành.
GIÁO HỘI CẦN ĐƯỢC MỞ TRƯỜNG HỌC
CÓ DỪNG CHÂN NHƯNG KHÔNG ĐỨNG LẠI
TÌNH YÊU – HÔN NHÂN – GIA ĐÌNH
Chúa Nhật XIX Thường Niên, A
"Xin truyền cho con đi trên mặt nước mà đến cùng Thầy".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi dân chúng đã ăn no, lập tức Chúa Giêsu giục môn đệ trở xuống thuyền mà qua bờ bên kia trước, trong lúc Người giải tán dân chúng. Giải tán họ xong, Người lên núi cầu nguyện một mình. Đến chiều, Người vẫn ở đó một mình. Còn thuyền thì đã ra giữa biển, bị sóng đánh chập chờn vì ngược gió.
Canh tư đêm tối, Người đi trên mặt biển mà đến với các ông. Thấy Người đi trên mặt biển, các ông hoảng hồn mà nói rằng: "Ma kìa!", và các ông sợ hãi kêu la lớn tiếng. Lập tức, Chúa Giêsu nói với các ông rằng: "Hãy yên tâm. Thầy đây, đừng sợ!" Phêrô thưa lại rằng: "Lạy Thầy, nếu quả là Thầy, thì xin truyền cho con đi trên mặt nước mà đến cùng Thầy". Chúa phán: "Hãy đến!" Phêrô xuống khỏi thuyền, bước đi trên mặt nước mà đến cùng Chúa Giêsu. Khi thấy gió mạnh, ông sợ hãi và sắp chìm xuống nên la lên rằng: "Lạy Thầy, xin cứu con!" Lập tức, Chúa Giêsu giơ tay nắm lấy ông mà nói: "Người hèn tin, tại sao mà nghi ngờ?" Khi cả hai đã lên thuyền thì gió liền yên lặng. Những người ở trong thuyền đến lạy Người mà rằng: "Thật, Thầy là Con Thiên Chúa". Đó là lời Chúa.
Câu chuyện Đức Giêsu đi trên mặt biển, với những nét biểu tượng, đã có ý nghĩa rõ ràng. Trên mặt biển thù nghịch là thế gian này, con thuyền Hội Thánh tiến đi giữa các làn sóng, bị sự dữ tấn công liên tục. Chúa Giêsu không ở trên thuyền : ta phải chờ đến cuối giai đoạn mới gặp lại Người. Trong quãng thời gian ấy, Hội Thánh tiếp tục con đường tiến về hải cảng cứu độ và chỉ đạt tới trong mức độ Hội Thánh tin tưởng vào lời của Đức Chúa Phục Sinh của mình.
Với nhiều biểu tượng, bản văn Matthêu trình bày một cuộc thần hiển của Đức Giêsu cho “những người đang ở trong thuyền” nghĩa là Hội Thánh của Đấng Phục Sinh. Trong và qua Đức Giêsu, Con Thiên Chúa hằng sống, chính Thiên Chúa cứu độ của cuộc Xuất Hành tiếp tục giải thoát Israel mới khỏi những làn nước đang đe dọa nuốt chửng họ (x Xh 14 và 15). Sự hiện diện của Đức Giêsu giữa lòng bảo tố là nền tảng cho đức tin của các tín hữu.
khác với Luca, Matthêu hiếm khi cho thấy Đức Giêsu cầu nguyện (c .23). Tuy nhiên cầu nguyện đúng là một đòi hỏi thông thường của tinh thần Người, một nhu cầu có thực là được hiệp thông với Chúa Cha và tìm sự trợ giúp, sự an toàn và nâng đỡ. Nhất là vào lúc này, thời gian quyết liệt, hành trình đã trở nên cam go hơn. Đây là lần đầu tiên, Matthêu nhấn mạnh rằng Người ở một mình; một sự cô độc không chỉ về thể lý, mà dường như là một báo trước sụ cô độc ở Giêrusalem. Đức Giêsu cầu nguyện cho mình, cho các nhu cầu của cá nhân mình. Rồi Người cũng mau chóng đi cứu giúp các môn đệ, nhưng sức mạnh và sự an toàn Người cung cấp phát xuất từ tương quan với Chúa Cha. Người là Đấng cứu độ họ, nhưng cũng là điển hình cho họ về đời sống đức tin.
Đối với tác giả Matthêu, con thuyền là biểu tượng của Hội Thánh (x. 8, 24). Các môn đệ đang ở trên đó, và có thể Phêrô là người cầm lái (x. c 28). Không có mặt Thầy, tinh thần của các ông hẳn không cao mấy ; đã thế, hoàn cảnh lại thêm gay go vì gió ngược (c. 24). Con thuyền bị “tra tấn” vì cơn giông trên biển.
Lúc này là “đêm tối” (c .25), là giờ của thử thách, của “ quyền lực bóng tối” (x Lc 22, 53). Tuy nhiên, Đức Giêsu vẫn không vắng mặt, dù là Người còn ở cách xa họ. Nếu có đức tin, hẳn là họ phải cảm thấy Người vẫn có mặt, vẫn ở gần. Quả thật, các khoảng cách không thể ngăn cản Đức Giêsu hiệp thong với các môn đệ Người (x 18, 20). Người đến với họ cách bất ngờ, từ trên cao, vào những lúc không ngờ. Đáng tiếc là các môn đệ lại thường quên mất Người. Phản ứng kinh hoàng của các ông khi thấy Thầy đi trên biển cho ta hiểu như thế (c. 26). Đây là một hình ảnh báo trước cuộc hiển dung và các cuộc hiện ra sau Phục sinh. Đức Giêsu tiến đi ngay giữa lòng đêm tối chính là lời loan báo về Đức Kitô Phục Sinh.
Phêrô là cái nhiệt kế đo đức tin của Hội Thánh. Ông phản ứng nhân danh mình và tất cả các môn đệ khác. Đòi hỏi các dấu lạ, các bằng cớ chứng tỏ lòng tốt cũng như sự toàn năng của Thiên Chúa là một đòi hỏi không thể bỏ qua của loài người. các nhân vật Kinh Thánh đều cần những dấu chỉ, để có thể dấn thân đi theo nẻo đường Thiên Chúa đề nghị. Niềm tin vào Đức Kitô Phục Sinh đang hiện diện trong lòng Hội Thánh, cũng cần có những bằng cớ mới, nhưng ta không có bằng cớ nào chắn chắn hơn lời của Đức Giêsu “ Chính Thầy đây ( = Ta là ), “ Cứ đến” ( cc 27-29).
Bước đi vũng vàng trên mặt nước có nghĩa là chấp nhận một chiều kích hiện sinh khác với chiều kích lịch sử, hoặc chiều kích thể lý, là mở tâm hồn ra với thế giới của thực tại vô hình, của thực tại siêu nhiên. Đây là vượt lên trên những luật lệ của cuộc hiện sinh này. Muốn thế, cần tin vượt qua cái hữu hình và cái đụng chạm đến được, cần phải chấp nhận ‘ hồng chân”. Khi Tôma tuyên xưng niềm tin vào Đức Kitô Phục Sinh “lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con ( Ga 20, 28), ông cũng phải chấp nhận bỏ mọi điểm tựa vũng chắc kiểu loài người.
Lm. Vũ Phan Long, OFM.
Trích bài giảng Chúa Nhật
SÙNG KÍNH ĐỨC MẸ MARIA
Lễ Mông Triệu là dịp tốt, để chúng ta chứng tỏ lòng mến yêu đối với với Đức Mẹ Maria.
Lòng mến yêu của chúng ta sẽ được thực hiện nhiều cách, như tăng cường việc dọn bàn thờ Đức Mẹ sao cho xinh đẹp, nhất là tăng cường việc dọn tâm hồn ta sao cho trong sáng.
Với mục đích dọn tâm hồn, chúng ta sẽ để ý đến vài điểm quan trọng trong việc sùng kính Đức Mẹ.
Điều căn bản hết sức quan trọng là thực thi thánh ý Chúa.
Suốt cuộc đời Đức Mẹ là lời “Xin vâng” (Lc 1, 38). Vâng phục ý Chúa, thực thi ý Chúa, trong mọi lúc, ở khắp nơi, với bất cứ hoàn cảnh.
“ Xin vâng” là nền tòa nhà đạo đức của Đức Mẹ. “Xin vâng” cũng chính là lương thực nuôi dưỡng Chúa Cứu Thế suốt đời tại thế ( x. Gã, 34)..
Chúng ta nhớ lại cách Đức Mẹ giãi bày mối liên hệ của mình đối với Chúa trong kinh “ Ngợi khen”
“Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa.
Thần trí tôi hớn hở vui mừng.
Vì Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi.
Phận nữ tỳ hèn mọn,
Người đoái thương nhìn tới “(Lc 1, 46-48).
Đức Mẹ xác tín Chúa thương mình. Chúa thương, không phải vì mình có gì đáng Chúa thương, nhưng chỉ vì Chúa “đoái thương nhìn tới” .
Tính cách đoái thương mà Đức Mẹ nói đó, sau này đã được thánh Gioan tông đồ diễn tả lại như sau : “Tình yêu cốt ở điều này: Không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa, nhưng chính Người đã yêu thương chúng ta, và sai Con của Người đến làm của lễ đền tội cho chúng ta” (1 Ga 4, 10).
Tình yêu của Chúa là tình yêu cứu độ, cứu độ bằng hy sinh mạng sống.
Tình yêu quý giá ấy là tình yêu Chúa ban cho ta nhưng không. Ý thức điều đó sẽ giúp chúng ta khiêm nhường. Việc khiêm nhường đầu tiên nên thực hiện là hãy khiêm tốn cảm tạ ngợi khen Chúa. Tâm tình ngợi khen đó sẽ mãi mãi nhìn vào lòng xót thương Chúa.
Đối với những người con Đức Mẹ, tâm tình ngợi khen tình yêu xót thương Chúa phải là sinh hoạt thường xuyên. Nó ví như hơi thở. Nó giữ vai trò ưu tiên trong đời sống cầu nguyện.
Nói thế thì dễ. Nhưng thực tế không luôn dễ. Có vô số cơn cám dỗ luôn tìm cách khuấy động tinh thần cầu nguyện của ta. Vì thế Chúa Giêsu dạy chúng ta: “Hãy cầu nguyện và tỉnh thức” (Mc 14, 38). Nghĩa là phải ý tứ đừng lười biếng trong việc cầu nguyện, và trong việc cầu nguyện phải ý tứ đừng để cho ý xấu xen vào.
Chúa Giêsu đã vạch trần những thứ cầu nguyện không phải là ca tụng Chúa mà là xúc phạm Chúa. Như trường hợp những người Pharisêu cầu nguyện. Cũng nên nhớ trường hợp những người thành Xơđôm và Gômôra dâng lễ cầu nguyện mà Chúa ghê tởm:
“Ta chán ghét những ngày đầu tháng, những đại lễ của các ngươi. Những thứ đó đã trở thành gánh nặng cho Ta. Ta không chịu nỗi nữa. Khi các ngươi dang tay cầu nguyện. Ta bịt mắt không nhìn. Các ngươi có đọc kinh cho nhiều, Ta cũng chẳng thèm nghe” ( Is 1, 14-15).
Lý do Chúa ghê tởm những người dâng lễ cầu nguyện đó là vì lòng họ chứa đầy tội ác, nhất là tội ác phạm đến tha nhân.
Do đó, sống thực thi ý Chúa là sống liên hệ với tha nhân một cách yêu thương khiêm nhường.
Đức Mẹ đã nêu gương cách sống liên hệ đó trong tiệc cưới Cana (x. Ga 2, 1-12).
Đức Mẹ can thiệp, để Chúa Giêsu cứu danh dự chủ nhà. Can thiệp đó thiết tưởng không thuộc về phần rỗi linh hồn. Nhưng Đức Mẹ đã làm. Người làm việc đó một cách khiêm nhường. Đó là một cách sống liên hệ rất cao quý. Hơn là nhân đạo. Hơn là bổn phận bác ái.
Khi coi gương Đức Mẹ đã làm, tôi mới thấy yêu thương tha nhân cần mở ra một chân trời bao la như Chúa dạy. Thí dụ : “đừng xét đoán để khỏi bị Thiên Chúa xét đoán”.(Mt 7, 11). Phục vụ người đau khổ được kể là phục vụ chính Chúa. Không phục vụ họ bị Chúa kể là không phục vụ chính Chúa (Mt 25, 31-45).
Kinh 14 mối thương xót gồm thương xác 7 mối và thương linh hồn 7 mối, nay còn đọc, nhưng xem ra chẳng còn mấy giá trị hướng dẫn cuộc sống đạo đức thường ngày.
Cũng thế, điều răn mới Chúa Giêsu truyền lại, nay xem ra cũng chỉ để nhắc nhở “Thầy ban cho các con một điều răn mới là các con hãy yêu thương nhau, như Thầy đã yêu thương các con. Ở điểm này mọi người sẽ nhận biết các con là môn đệ Thầy là các con có long yêu thương nhau” (Ga 14, 34- 35).
Giáo lý về yêu thương tha nhân rất rộng, rất rõ. Nhưng thực thi giáo lý đó đến nơi đến chốn xem ra vẫn còn là một ước mơ.
Vì thế, trong cầu nguyện ta cần tỉnh thức, và trong liên đới với tha nhân ta cũng cần tỉnh thức.
Nếu không, kết quả sẽ thế này : Liên đới với Chúa sẽ không làm chứng cho Chúa. Liên đới với tha nhân cũng sẽ không làm chứng cho đạo Chúa và Hội Thánh Chúa.
Cứ đà đó, người ta sẽ sống đạo một cách vong thân. Đến mức trầm trọng lúc nào mà không hay biết.
Biết lo điều đó sẽ là điều tốt. Để giải quyết nỗi lo chính đáng ấy, chúng ta nên nhớ lại một lời Đức Mẹ đã nói với những gia nhân tiệc cưới Cana : “Người bảo gì, các anh hãy cứ làm theo”(Ga 2, 5). Nghĩa là Đức Mẹ dạy ta hãy tập trung vào Chúa Giêsu Kitô. Vì Chúa đã nói : “Chính Thầy là đường, là sự thật và là sự sống” (Ga 14, 6).
Sùng kính Đức Mẹ đòi hỏi như vậy.
Rất mong, các lễ kính Đức Mẹ sẽ là những dịp chúng ta biết đón nhận ơn đổi mới. Một đàng lòng sùng kính Đức Mẹ sẽ đi vào chiều sâu. Một đàng lòng sùng kính ấy sẽ được thanh luyện.
Chúa muốn con cái Chúa sống đức tin một cách trưởng thành về mọi mặt.
Thời buổi này rất cần nhiều cảnh giác, để tránh những sai lầm, lạm dụng và cạm bẫy.
Xin Chúa Thánh Thần luôn hướng dẫn chúng ta.
ĐGM GB Bùi Tuần
ROME (CNA) - Đức Thánh Cha Benedict XVI tiếp tục kỳ nghỉ hè với bào huynh của mình ở thành phố Bressanone, Bắc Italia, nơi ngài đang soạn thảo một thông điệp mới.
Hôm Chúa nhật, sau buổi đọc kinh truyền tin tại nhà thờ chánh tòa Bressanone, Đức Thánh Cha cùng bào huynh là Đức ông Georg Ratzinger đã viếng thăm ngôi mộ của một người bạn cũ và mộ của một giáo sĩ truyền giáo Công giáo là cha Anton Agreiter, gần làng Sant’ Andrea.
Trước khi trở thành Giáo hoàng vào năm 2005, Đức Thánh Cha Benedict XVI đã nghỉ
hè nhiều lần tại Bressanone. Ở nơi đây, ngài đã dành rất nhiều thời gian trong
thư viện để đọc sách và cầu nguyện. Theo thông tấn xã ANSA, Đức Giáo Hoàng dự
định dành trọn hai tuần để viết một thông điệp mới về xã hội và tiếp tục hoàn
thành phần hai của tập sách “Chúa Giêsu thành Nazareth”.
Một cây đàn piano lớn đã được đặt trong chủng viện cho cả 2 anh em yêu âm nhạc
nhà Ratzinger dùng.
ĐTC Benedict XVI và Đức ông Georg Ratzinger sẽ tiếp tục nghỉ hè ở Bressanone cho
đến ngày 11 tháng 08. Thứ ba ngày 12, Đức Thánh Cha sẽ đến thị trấn Oies để thăm
nhà của Thánh Joseph Freinademetz, ngài một linh mục ở Oies và từng là giáo sĩ
thừa sai đến Trung Quốc.
Tin Bressanone/Bắc Italia (Apic 7/08/2008) - Lúc 6 giờ chiều thứ Bảy mùng 9 tháng 8 năm 2008, giờ địa phương, ÐTC Bênêđitô XVI được Ông Thị Trưởng và Hội Ðồng Nhân Dân Thị Xã, trao tặng tước "Công Dân Danh Dự" của thị xã Bressanone.
Linh Mục Federico Lombardi, giám đốc phòng báo chí Toà Thánh, cho biết đây là một danh dự rất ít khi được thị xã Bressanone trao tặng. Hiện tại, chỉ có hai người còn sống là "công dân danh dự" của thị xã, và Ðức Thánh Cha là người thứ ba.
Nghi thức trao tặng danh dự được diễn ra ngay tại Ðại Chủng Viện Bressanone, nơi ÐTC đang nghỉ hè từ ngày 28 tháng 7 năm 2008 cho đến ngày 11 tháng 8 năm 2008.
Linh Mục Lombardi cũng cho biết là hôm thứ Năm, mùng 7 tháng 8 năm 2008, ÐTC đã mời cựu Tổng Thống Italia, Ông Francesco Cossiga, đến dùng cơm trưa với ngài, nhân dịp ông này mừng sinh nhật thứ 80 và cũng đang nghỉ hè trong vùng.
Ðược biết, Ông Francesco Cossiga, thuộc đảng Dân Chủ Thiên Chúa Giáo, là Chủ Tịch Hội Ðồng Bộ Trưởng Italia, một chức vụ tương đương với chức vụ Thủ Tướng, từ năm 1979-1980, và sau đó làm Chủ Tịch Hội Ðồng Nhà Nước, tức Tổng Thống Italia, từ năm 1985 đến năm 1992.
Tưởng cũng nên thông báo nơi đây rằng vào ngày mùng 7 tháng 9 năm 2008, ÐTC sẽ đi thăm mục vụ tại Cagliari, thủ phủ của Ðảo Sardaigna, miền Nam Italia. Ðây là chuyến viếng thăm mục vụ lần thứ 11 của ÐTC Bênêđitô XVI, trong nội địa Italia, để mừng kỷ niệm 100 Năm Tôn Kính Ðức Mẹ Maria, dưới tước hiệu "Ðức Nữ Ðồng Trinh Bonaria", quan thầy của toàn đảo Sardaigna, và là đấng bảo vệ những người đi biển. Chương trình viếng thăm có hai biến cố chính là Thánh Lễ tại Ðền Thánh Kính Ðức Mẹ Bonaria, và Gặp Gỡ với các Linh Mục, Tu Sĩ, Chủng Sinh và các Thành Viên của Phân Khoa Thần Học Miền Nam Italia của Vùng Ðảo Sardaigna, tại Nhà Thờ Chính Toà của Tổng Giáo Phận Cagliari.
Tin Hiroshima, Nhật Bản (Apic 6/08/2008) - Lúc 8.15 phút sáng thứ Tư, mùng 6 tháng 8 năm 2008, --- tại Công Viên Hoà Bình của thành phố Hiroshima, Nhật Bản, 45,000 ngàn người tựu họp trong im lặng để tưởng niệm giây phút kinh hoàng cách đây 63 năm, khi quả bom nguyên tử đầu tiên của Hoa Kỳ, --- được gọi cách dí dỏm bằng danh hiệu "Cậu Bé Tí Hon" (Little Boy) --- được thả xuống trên thành phố Hiroshima, giết chết liền ngay ít nhất 140,000 người.
Như mọi người đã biết, ba ngày sau quả bom nguyên tử thứ nhất thả xuống Hiroshima, thì quả bom nguyên tử thứ hai, --- được mệnh danh là "Chàng Mập" (Fat Man) --- được thả xuống thành phố Nagasaki, giết chết liền ngay khoảng 80,000 người.
Từ đó đến nay, hằng năm số người bị thiệt mạng vì chất phóng xạ của hai quả bom nguyên tử này, vẫn còn. Năm 2007, đã có 5,302 người bị thiệt mạng do hậu quả phóng xạ. Tổng số người bị thiệt mạng vì phóng xạ trong vòng 63 năm qua, là 253,310 người.
Tên tuổi của những người bị thiệt mạng vì hai quả bom nguyên tử này, được khắc vào một "mặt bằng" nơi Công Viên Hoà Bình của thành phố Hiroshima. Dĩ nhiên, danh sách mỗi năm một thêm nhiều hơn.
Vị đại diện Cao Ủy Liên Hiệp Quốc, đặc trách tài giảm vũ khí, Ông Sergio de Queiroz, nhân dịp kỷ niệm này, đã gởi đến Ông Ban Ki-moon, Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc, lời kêu gọi sự cộng tác của các quốc gia, để giải phóng thế giới khỏi nguy hiểm của các loại vũ khí nguyên tử.
Ðược biết Nghi thức tưởng niệm những nạn nhân của Hai Quả Bom Nguyên Tử đã được tổ chức hằng năm, với sự tham dự của nhiều tổ chức và đoàn thể Nhật bản, cùng với các phái đoàn ngoại giao của 55 quốc gia. Phái đoàn của Liên Bang Nga --- trước đây là Liên Xô --- tham dự nghi thức kỷ niệm này, từ năm 1999. Phái đoàn Trung Quốc tham dự lần đầu tiên vào năm nay (2008).
Nghi thức tưởng niệm tại Hiroshima được kết thúc với Tuyên Ngôn Hoà Bình của Ông Thị Trưởng Hiroshima, Ông Tadatoshi Akiba, và việc thả lên trời hàng trăm chim Bồ Câu, biểu tượng cho Hoà Bình. Trong Tuyên ngôn Hoà Bình, Ông Thị Trưởng Hiroshima đã nhắc lại rằng năm 2007 vừa qua, đã có 170 quốc gia bỏ phiếu ủng hộ Nghị Quyết của Chính Phủ Nhật bản gởi Liên Hiệp Quốc, yêu cầu hủy bỏ toàn diện các loại vũ khí nguyên tử. Tuyên ngôn còn nhắc rằng: "Vị Tổng Thống tương lai của Hoa Kỳ cần chú ý đến đa số những con người nam nữ đang bênh vực cho sự sống con người, như một ưu tiên trên mọi ưu tiên."
Vatican (Vat. 6 tháng 8): Như chúng tôi đã loan tin, chiều thứ ba, mùng 5 tháng 8, ĐTC Bênêđitô XVI đã đến thăm làng OIES, nơi sinh trưởng của thánh Josef Freinademetz, linh mục tu sĩ dòng Ngôi Lời làm việc truyền giáo tại Trung Quốc. Ngỏ lời với các tín hữu chào đón ngài tại Nhà Thờ nằm gần bên cạnh căn nhà nơi thánh Josef Freinademetz sinh ra, ĐTC đã nói như sau:
Anh chị em thân mến,
Tôi cảm động sâu xa vì cuộc tiếp rước hết sức nồng nhiệt này, và tôi không biết
làm gì hơn là hết lòng cám ơn anh chị em. Và tôi cảm tạ Chúa vì đã ban cho chúng
ta vị Thánh vĩ đại, thánh Josef Freinademetz; ngài chỉ cho chúng ta con đường
của sự sống và là dấu chỉ cho tương lai của Giáo Hội. Ngài là vị thánh hết sức
thời sự: chúng ta biết rằng Trung Quốc càng ngày càng trở nên quan trọng hơn
trong sinh hoạt chính trị, kinh tế và cả trong sinh hoạt tư tưởng nữa. Điều quan
trọng là quốc gia vĩ đại này mở cửa đón nhận Tin Mừng. Và thánh Josef
Freinademetz chỉ cho chúng ta biết rằng đức tin không mang đến sự vong thân cho
bất cứ nền văn hoá nào, cho bất cứ dân tộc nào, bởi vì tất cả mọi nền văn hoá
đều mong đợi Chúa Kitô và không bị Chúa phá hư đi, nhưng trái lại, được đạt đến
mức trưởng thành.
Như chúng ta đã cảm nghiệm được, thánh Josef Freinademetz đã không những muốn
sống và chết như là một người Trung Quốc, mà cả khi ở trên Trời cũng còn muốn là
người Trung Quốc; như thế, ngài được đồng hoá một cách lý tưởng với dân tộc
Trung Quốc, trong niềm xác tín rằng dân tộc Trung Quốc có lẽ sẽ có lúc mở rộng
đón nhận đức tin vào Chúa Giêsu Kitô. Giờ đây chúng ta cầu nguyện sao cho vị
Thánh vĩ đại nầy khích lệ tất cả chúng ta sống đức tin một cách can trường, mạnh
mẽ trong thời đại này, và khuyến khích chúng ta đến với Chúa Kitô, bởi vì chỉ
một mình Người, chỉ mình Chúa Kitô, mới hiệp nhất được các dân tộc, mới có sức
hiệp nhất các nền văn hoá.
Và chúng ta cũng hãy cầu nguyện xin Thiên Chúa ban cho nhiều bạn trẻ ơn can đảm
hiến dâng đời mình hoàn toàn cho Chúa và cho Tin Mừng của Người. Tuy nhiên, đơn
sơ mà nói, tôi không biết nói gì hơn là cám ơn Thiên Chúa, vì đã ban cho chúng
ta vị thánh vĩ đại này; và cám ơn tất cà anh chị em vì sự đón tiếp này làm cho
tôi nhìn thấy được một Giáo Hội luôn sống động cả trong ngày hôm nay nữa, và
rằng đức tin là niềm vui có sức hiệp nhất chúng ta và hướng dẫn chúng ta trên
các nẻo đường đời. Xin hết lòng cám ơn tất cả anh chị em.
Sau cuộc gặp gỡ, khi ra ngoài nhà thờ, ĐTC nói với anh chị em đứng chờ ngài
như sau:
Anh chị em thân mến, tôi chỉ muốn nói lên lời cám ơn vì sự hiện diện nơi đây.
Tôi biết một số anh chị em đã chờ đợi hằng giờ rồi: xin cám ơn vì anh chị em
kiên nhẫn và can đảm đến thế. Xin Chúa chúc lành cho tất cả anh chị em. Dĩ nhiên
tôi cũng chào tất cả những ai hiện diện nơi đây thuộc ngôn ngữ Đức. Xin Thiên
Chúa thưởng công anh chị em. Xin Ngài chúc phúc lành cho anh chị em.
Vatican (CNS) – Một giám mục Trung Quốc nói rằng ngài có cảm giác bối rối về việc tham dự lễ khai mạc Thế Vận Hội Olympic tại Bắc Kinh, bởi vì theo ngài, chính quyền vẫn đang tiếp tục ngược đãi và nghi ngờ Giáo Hội Công Giáo.
“Năm vòng tròn biểu tượng của Thế Vận Hội đều được cả thế giới biết đến và tôi mong ước Trung Quốc sẽ tôn trọng năm nguyên tắc có mối liên hệ với nhau là dân chủ, nhân quyền, pháp luật, công lý và hòa bình”, Đức Giám Mục phụ tá Hồng Kong Gioan Tong Hon nói.
Lời bình luận của Đức cha Tong xuất hiện trên trang nhất của báo Quan sát viên
Roma của Vatican ngày 7 tháng 8. Được biết Thế Vận Hội mùa hè sẽ chính thức được
khai mạc tại Bắc Kinh vào thứ bảy ngày 9 tháng 8 năm 2008 và sẽ kéo dài đến ngày
24 tháng 8.
Đức cha Tong nói rằng ngài cảm thấy rất vinh dự khi tham dự lễ khai mạc, trong
khi có một vài nhân vật quốc tế đã quyết định tẩy chay vì những vi phạm nhân
quyền của chính quyền Trung Quốc. Ngài nói “tôi luôn đánh giá cao Thế Vận Hội
Olympic. Năm nay, tôi rất tự hào vì đất nước tôi được đăng cai sự kiện này. Đối
với tôi đây là một niềm vinh dự khi được chính quyền mời tham dự lễ khai mạc sắp
tới.” Tuy nhiên, Đức cha Tong cũng nói ngài cảm thấy bối rối vì chính quyền
không mời một vị lãnh đạo giáo hội khác, chẳng hạn như Đức hồng y Giuse Trần
Nhật Quân của Hồng Kong, người đang cùng chia sẻ trách nhiệm mục tử với ngài.
Cũng nên nhắc lại, Đức hồng y Quân là người thường xuyên chỉ trích những vi phạm
của chính quyền Trung Quốc.
Ngài nói tiếp “Chính quyền Trung Quốc nên có một thái độ cởi mở hơn và mời tất
cả các vị lãnh đạo tôn giáo tham gia sự kiện này.”
Đức cha Tong đã đưa ra một danh sách dài các vị lãnh đạo Giáo hội bị chính quyền
cầm tù và sách nhiễu và nói rằng “họ đang chịu đau khổ vì niềm tin Công giáo và
lòng trung thành với Đức Thánh Cha của chúng ta.”
Ngài cũng lưu ý về những nỗ lực mạnh mẽ cả về mặt xã hội và kinh phí trong việc
giải quyết vấn đề ô nhiễm không khí trước thềm Thế vận hội và nói rằng cần phải
có một nỗ lực tương tự để thấu hiểu hơn về tầm quan trọng của “tự do xã hội và
tôn giáo hơn”
Đức cha cũng khen ngợi một dấu hiệu tích cực từ những nỗ lực hỗ trợ và cộng tác
của chính quyền trong việc cứu trợ những nạn nhân động đất tại Tứ Xuyên hồi
tháng 5.
Tuy nhiên ngài cũng đề cập đến một dấu hiệu tiêu cực khác về vấn đề tự do tôn
giáo khi chính quyền tìm cách hạn chế lượng khách hành hương về Đền thánh Đức Mẹ
ngày 24 tháng 5, ngày Đức Thánh Cha Bê-nê-đic-tô XVI đã đặt ra để cầu nguyện cho
Giáo Hội Trung Quốc.
“Các quan chức chính quyền vẫn không tin tưởng người Công giáo Trung Quốc và người Công giáo
luôn cảm thấy bị đe dọa khi họ thực hành niềm tin của mình”, Đức cha nói tiếp.
Đức cha Tong kết thúc bài bình luận của mình bằng một lời cầu nguyện cho Thế Vận
Hội, ngài cầu xin “Chúa Thánh Thần dẫn dắt tất cả những ai tham gia sự kiện này
đến một kết quả tốt đẹp.”
Đức cha Tong năm nay đã 69 tuổi, nhưng ngài vẫn có thể chơi bóng rổ. Ngài tin
rằng thể thao là một hoạt động xã hội và thể lý quan trọng cho tất cả mọi người.
Một điều mà những tín hữu thành tâm muốn đáp lại lời hiệu triệu khẩn cấp của Mẹ Maria ở Fatima là «hãy siêng năng lần hạt Mân Côi mỗi ngày» thường phải đối mặt là những lời phê bình tiêu cực cho rằng lần hạt Mân Côi là một việc làm độc điệu và nhàm chán. Chẳng những vậy, thỉnh thoảng còn có người lên tiếng chỉ trích việc lặp đi lặp lại các Kinh quen thuộc khi lần hạt chỉ là hành động «lải nhải», «đa ngôn lắm lời», một điều mà chính Chúa Giêsu đã cảnh cáo khi cầu nguyện.
Thế nhưng, những người lên tiếng phê bình chỉ trích như thế là quá thiên lệch và chủ quan một chiều, vì họ đã quên rằng chính Chúa Giêsu cũng đã nhắc bảo chúng ta là phải luôn cầu nguyện, chứ không được sao nhãng! (x. Lc 18,1-8). Vì thế, trong khi hiện ra với thôn nữ Bernadette Soubirous ở Lộ Đức vào năm 1858, Đức Mẹ đã khẩn thiết yêu cầu nhân loại: «Hãy cầu nguyện, hãy cầu nguyện, hãy cầu nguyện thật nhiều!» Và tiếp đến, khi hiện ra với ba trẻ Lucia, Phanxicô và Giaxinta tại Fatima vào năm 1917, Đức Mẹ còn nhắn nhủ rõ ràng hơn: «Các con hãy siêng năng lần hạt Mân Côi mỗi ngày!»
Vậy, qua những lời phê bình chỉ trích Kinh Mân Côi như trên, chúng ta nhận diện được đa số khuynh hướng và não trạng con người ngày nay là thích chạy theo những cái thay đổi, thích tìm kiếm những điều mới lạ, chứ khó lòng ngồi yên tĩnh để suy niệm và nhận chân được những giá trị thiêng liêng cao quý chứa đựng trong các kinh nguyện. Hơn nữa đa số những người phê bình việc lần hạt Mân Côi thường là những người ít khi hay không bao giờ lần hạt cả.
Chỉ những ai thành tâm và đầy lòng yêu mến Mẹ Thiên Chúa qua các mầu nhiệm của Kinh Mân Côi, thì mới cảm nghiệm được sự ngọt ngào êm ái và những lợi ích thiêng liêng to lớn do việc lần hạt Mân Côi mang lại cho chính mình và cho toàn thể nhân loại. Vì nền tảng chính yếu của Kinh Mân Côi tuyệt đối được dựa trên sự mặc khải của Kinh Thánh và chứa đựng những chân lý quan trọng nhất của đức tin Kitô giáo.
Bởi vậy, Linh mục Ludwig Gschwind, một ký giả và tác giả chuyên môn về thần học và triết học, vừa cho xuất bản cuốn sách «Perlen für Maria: Die Kraft des Rosenkranzes»(1) – Những viên ngọc dâng Mẹ Maria: Sức mạnh của tràng chuỗi Mân Côi. Trong đó ông đã giới thiệu một phương pháp mới mẻ mà ông đã khám phá ra được để trình bày những giá trị của Kinh Mân Côi. Đó là ông giới thiệu cho các độc giả những danh nhân có lòng ham chuộng việc lần hạt Mân Côi và đồng thời cũng là những vị đã từng cảm nhận được sức mạnh thiêng liêng của Kinh ấy.
Đức Giáo Hoàng đề cao giá trị của việc lần hạt trong gia đình
Cái ưu điểm của Linh mục Gschwind là ông đã trình thuật một cách khéo léo và sống động và vì thế đã làm cho người đọc thực sự cảm nhận và đánh giá đúng đắn được sự quan trọng thực tiễn của Kinh Mân Côi trong các hoàn cảnh sống khác nhau của họ.
Vâng, tác giả đã không những trình thuật sự khủng hoảng nội tâm, như trường hợp của chân phước Adolf von Essen vào thế kỷ XV: Trong khi tâm hồn bị giao động và bị thử thách cực độ, thánh nhân đã tìm đến nương nhờ nơi sự che chở của Mẹ Maria và đã phát huy một bản kinh mà sau này biến đổi thành Kinh Mân Côi như chúng ta thấy ngày nay. Trong suốt 35 chương của tập sách, Gschwind đã giới thiệu đủ các thành phần Dân Chúa, từ những tâm hồn đơn sơ mộc mạc cho tới những danh nhân và các bậc vị vọng, những người đã hằng ngày siêng năng lần hạt Mân Côi và đã kín múc được sức mạnh thiêng liêng cho đời sống nội tâm của mình từ việc lần hạt. Và dĩ nhiên, đây không chỉ đề cập tới các vị thánh nhân hay những vị chức sắc cao cấp trong Giáo Hội, nhưng đa số trong họ là những người tín hữu sống đời bình thường, những người mà người ta thường không hề ngờ được rằng họ lại có thể có được một đức tin sống động và một lòng đạo đức sâu xa như thế. Tuy nhiên, chúng ta đừng quên rằng lần hạt Mân Côi là một kinh nguyện của đại chúng, nghĩa là một kinh đã được mọi tầng lớp xã hội thực hành trong suốt hàng bao thế kỷ nay.
Đức Giáo Hoàng Lêô XIII đã từng mong muốn cho mọi gia đình Công Giáo luôn biết sốt sắng lần hạt Mân côi trong gia đình mình. Trong thời đại ngày nay, các Đức Giáo Hoàng Gioan Phalô I và Gioan Phaolô II cũng đều đã bày tỏ cùng một mong muốn như thế. Trong thập niên năm mươi thuộc thế kỷ trước, nhà thần học thời danh Romano Guardini đã viết về Kinh Mân Côi với những lời sau đây: «Lần hạt Mân Côi là một điều rất đơn giản, vì thế người ta cũng cần phải nói về Kinh Mân Côi bằng một cách giản dị.» Và ông hoàn toàn xác tín rằng: «Người ta càng sống lâu bao nhiêu, thì càng nhìn thấy rõ được rằng chính những điều đơn sơ, lại là những điều trọng đại thực sự.»
Những người con yêu của Mẹ Maria
Bởi vậy, chính những người đơn sơ bé nhỏ là những người ham thích việc lần hạt Mân Côi một cách đặc biệt nhất, ví dụ:
• Ba trẻ Fatima: Lucia, Phanxicô và Giaxinta, hay thôn nữ Bernadette Soubirous, người đã nhình thấy Đức Mẹ hiện ra ở Lộ Đức, v.v... tuy tuổi đời còn quá non trẻ, nhưng các em lại yêu mến Mẹ Thiên Chúa một cách hết sức tha thiết và ham thích lần hạt Mân Côi hằng ngày một cách sốt sắng.
• Trong cuốn tiểu thuyết của ông tựa đề là «Das Lied der Bernadette» - Bài ca Bernadette(2), nhà văn Franz Werfel, gốc người Do-thái, đã trình bày Kinh Mân Côi là lời kinh của những đôi tay luôn vất vả lao động, những đôi tay ngay khi cầu nguyện cũng không bao giờ được ngơi nghỉ.
• Còn Zefirino Jiménez Malla, người Bohémien, người đã được phong chân phước vào năm 1997, trong cuộc nội chiến Tây Ban Nha ông đã cực lực phản đối việc đàn áp và giết hại các vị Linh Mục và đã bị bắt giam. Sau đó, vì ông từ chối không chịu vất bỏ chuỗi tràng hạt Mân Côi mà ông luôn cầm trong tay, nên ông ông đã bị xử tử.
• Cô Kordula Wöhler(3), con gái của tiến sĩ Johann Wilhelm Wöhler, Mục sự Tinh Lành phái Luther. Tuy được sinh ra, được giáo dục và lớn lên trong môi trường hoàn toàn Tin Lành, nhưng khi được 16 tuổi, cô đã có dịp đi xem lễ tại các nhà thờ Công Giáo và cô đã cảm kích vô cùng, nhất là trước lòng sùng kính Mẹ Thiên Chúa của người Công Giáo. Từ đó, đời cô đã bắt đầu thay đổi: cô thường xuyên trốn cha mẹ đi xem lễ tại các nhà thờ Công Giáo và cô càng cảm thấy yêu mến Mẹ Maria hơn. Chính vì thế cô đã sáng tác ra bài thơ bất hủ «Segne Du, Maria, segne mich, Dein Kind» - Mẹ Maria hỡi, xin Mẹ hãy chúc lành cho con là con của Mẹ. Sau đó, bài thơ bất hủ này đã được nhạc sĩ Karl Kindsmüller phổ nhạc. Ngày nay bài hát «Segne Du, Maria» là một trong những bài hát về Đức Mẹ được yêu thích nhất ở Đức Quốc đến nỗi hầu như người giáo dân nào cũng có thể hát thuộc lòng được. Còn chính cô Wöhler đã tâm sự: «Đã từ lâu, trước khi trở lại Công Giáo, tôi đã từng yêu mến Mẹ Maria, đã từng tôn kính Mẹ một cách thầm kín, chứ tôi chưa đủ can đảm để xưng tụng Mẹ cách công khai, vì tôi rất biết là một người Tin Lành như tôi không được phép tôn sùng Mẹ Maria.»
• Petrus Pavlicek, người ngay trong tuổi thanh niên đã quay lưng lại với
Giáo Hội, đã tuyên bố bỏ đạo và đã ly dị vợ sau một năm lập gia đình. Nhưng sau
đó, khi bị bệnh nặng ông đã hồi tâm, đã ăn năn trở về với Giáo Hội và sau cùng
đã gia nhập Dòng Thánh Phanxicô và làm Linh Mục. Ông đã lập ra phong trào phạt
tạ Kinh Mân Côi và hiện nay qui tụ được khoảng trên một triệu thành viên. Hoàn
toàn xác tín vào sức mạnh vô song của kinh nguyện, họ đã cầu nguyện hằng ngày
cho nhân loại được ơn ăn năn trở lại và được hòa bình
• Linh mục Joseph Kentenich, đấng sáng lập phong trào Schönstatt, khi còn
sống đã hoàn toàn tin tưởng phó thác mọi công tác Mục Vụ của ngài cho Mẹ Maria.
Năm 1914, cùng với một số thanh niên thiếu nữ, ngài đã thiết lập «Hội liên
kết bác ái», trong đó mọi thành viên của hội đã tự nguyện thánh hiến mình
cho Mẹ Maria. Chính đây là giờ phút khởi đầu của Phong trào Tu hội Schönstatt mà
hiện nay số thành viên đã lên tới hàng ngàn Nữ Tu, hoạt động trong các lãnh vực
của xã hội. Mục đích nhằm tới của các thành viên là đào sâu tinh thần đời sống
Kitô giáo của mình dựa theo những lời chỉ đạo của đấng sáng lập: «Kinh Mân
Côi là một phương tiện để biến đổi cuộc sống của chúng ta thành cuộc sống Mẹ
Maria!»
• Ông Bartolo Longo, người Ý, là một người ít ai biết đến, mãi cho tới
vào năm 2002, Năm Kinh Mân Côi, khi ĐTC Gioan Phaolô II viết Tông thư về Kinh
Mân Côi «Rosarium Virginis Mariae» và trong đó ngài có nhắc đến tên ông.
Bartolo Longo là một luật sư, ông đã phải trải qua cơn khủng hoảng đức tin một
cách khủng khiếp và khi cơn khủng hoảng đạt tới cao điểm của nó thì Bartolo
Longo chạy đến với Mẹ Maria, Đấng bầu chữa mọi kẻ có tội, với hai dòng nước mắt
đầm đìa. Sau khi đã củng cố lại được đời sống đức tin của mình, Bartolo Longo đã
nổ lực hết sức trong việc truyền bá việc lần hạt Mân Côi. Và ông đã qua đời khi
tay còn ôm cầm lấy Thánh Giá và tràng chuỗi Mân Côi.
Tiếp đến, tác giả Luwig Gschwind còn nêu danh một số nhà chính trị có lòng yêu
mến việc lần hạt Mân Côi, như: Hoàng đế Karl V; Tướng chỉ huy trưởng Tilly;
Hoàng hậu Maria Theresia; bà Rosa Kennedy, thân mẩu TT Mỹ John Kennedy; Thủ
tướng Áo quốc Julius Raab cũng như Luwig Windthorst, người đối lập
của Bismarck. Đó là những người khi gặp phải những thử thách cực kỳ gian nan
nguy khó trong cuộc sống đã tìm gặp được niềm an ủi và lòng tin tưởng phó thác
qua việc lần hạt Mân Côi.
Chính André-Maria Ampère, nhà toán học và vật lý học thời danh người Pháp
- một người đã cống hiến cho thế giới những ý niệm như «điện trở», «điện từ»
hay «điện thế» - luôn xác tín một cách chắc chắn rằng, khoa học không
phải là tất cả và trong khi còn sinh thời ông đã rất ham chuộng việc lần hạt Mân
Côi.
Kinh Mân Côi, nguồn cảm hứng bất tận cho các nhà nghệ sĩ
Chúng ta biết rằng các nhà nghệ sĩ thường có một cảm xúc hết sức đặc biệt về
những điều siêu nhiên vô hình. Vì thế người ta không còn lấy làm ngạc nhiên khi
bắt gặp trong số họ nhiều người có tinh thần cầu nguyện rất sâu xa. Ví dụ: Danh
họa Albrecht Dürer và các văn hào Clemens Brentano, Reinhold Schneider
cũng như các nhạc sư Christoph Willibald, joseph Haydn và Wolfgang
Amadeus Mozart. Tất cả họ đều đã đi tìm kiếm niềm an ủi và sự đỡ nâng cho
cuộc sống cá nhân cũng như nguồn cảm hứng cho những sáng tác của mình trong kinh
Mân Côi.
Vậy, qua những dẫn chứng cụ thể trên đây về những nhân vật đã nhận chân được khả
năng con người thật của mình và nhất là biết đánh giá đúng đắn được sức mạnh
thiêng liêng vô song của việc lần hạt Mân Côi, chắc hẳn chúng ta sẽ thêm lòng
yêu mến Mẹ Maria hơn và hăng hái đáp lại lời hiệu triệu khẩn thiết của Mẹ ở
Fatima là «hãy siêng năng sốt sắng lần hạt Mân Côi mỗi ngày!»
___________________
Chú thích:
1. Luwig Gschwind: Perlen für Maria: die Kraft des Rosenkranzes. St. Ulrich
Verlag. Augsburg 2008.
2. Franz Werfel: Das Lied der Bernadette. Stockholm 1941.
3. Cô Kordula Wöhler: Sinh ngày 7.6.1945 tại Mecklenburg, Đức quốc. Ngày
10.7.1870 được gia nhập GH Công Giáo, ba ngày sau được chịu phép Thêm Sức và
ngày 16.7. 1870 cô vô cùng sung sướng được rước lễ lần đầu tiên. Sau đó cô lập
gia đình. Cô qua đời vào ngày 6.2.1916 với tên Kordula Schmid.
Lm Nguyễn Hữu Thy
Phỏng vấn Đức Cha Paul Hinder, Giám quản tông tòa Arabia về tình hình các cộng đoàn Kitô tại bán đảo Arập
Ngày 14-7-2008 đại hội quốc tế đối thoại liên tôn đã khai diễn tại Madrid với sự tham dự của các phái đoàn Hồi giáo, Do thái và Kitô. Đại hội đã do hoàng thân Abdullah của A rập Sauđi đứng ra tổ chức và bảo trợ. Nó tiếp nối hội nghị của Liên Minh Hồi giáo thế giới triệu tập tại La Mecca hồi tháng 6 vừa qua. Phái đoàn Tòa Thánh tham dự đại hội do Đức Hồng Y Jean Louis Tauran, Chủ tịch Hội Đồng Tòa Thánh Đối Thoại Liên Tôn, hướng dẫn.
Trong cuộc phỏng vấn dành cho đài Vaticăng ngày 14-7-2008, Đức Hồng Y Tauran cho
biết đây là một biến cố đặc biệt, vì đại hội do chính hoàng thân Abdulla của
Arập Sauđi đứng ra tổ chức. Hoàng thân không chỉ là vua A rập Sauđi, mà cũng là
người giữ gìn hai đền thờ thánh thiêng nhất của Hồi giáo là La Mecca và Medina.
Đại hội liên tôn Madrid nhắm tới 5 mục đích chính sau đây: ước mong trao ban cho
Hồi giáo một gương mặt mới, gương mặt của một Hồi giáo khoan nhượng và cởi mở
hơn đối với mọi tôn giáo khác. Tiếp đến là trình bầy với dư luận thế giới lời
kêu gọi của Hội nghị La Mecca; thứ ba là xác định phần đóng góp của các tôn giáo
đối với sự chung sống; thứ bốn là cống hiến cho toàn thế giới, đặc biệt là cho
giới trẻ, các giá trị luận lý đạo đức được tín hữu mọi tôn giáo thừa nhận; và
thứ năm là đưa thế giới trở về với Thiên Chúa.
Đức Hồng Y Tauran cho biết đây là một cử chỉ rất can đảm của hoàng thân Arập
Saudi, và Tòa Thánh chấp nhận lời mời của hoàng thân tham dự cuộc đối thoại quan
trọng này giữa ba tôn giáo độc thần. Về phía mình Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã
tận dụng mọi dịp để nhấn mạnh trên tầm quan trọng và cần thiết của cuộc đối
thoại giữa Do thái, Kitô và Hồi giáo. Trong một thế giới tục hóa nặng nề như thế
giới ngày nay, trong đó con người có khuynh hướng loại trừ Thiên Chúa và các giá
trị thiêng liêng khỏi tâm lòng và cuộc sống, chứng tá của các tín hữu ba tôn
giáo độc thần đối với chiều kích siêu việt và tương quan của con người với Thiên
Chúa, rất là quan trọng.
Tín hữu của ba tôn giáo không chỉ có thể cộng tác với nhau trong việc bảo vệ
tính chất thánh thiêng của sự sống và đào tạo luân lý cho người trẻ, mà còn có
thể cộng tác với nhau trong nhiều sinh hoạt bác ái xã hội nữa như trợ giúp người
nghèo túng, bị gạt bỏ ngoài lề xã hội và các nạn nhân của các thiên tai.
Tuy nhiên trên thực tế tại các nước thuộc bán đảo A rập các tín hữu Kitô vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn và hạn chế trong cuộc sống lòng tin của mình. Tại Arập Sauđi chẳng hạn chính quyền cấm mọi biểu lộ lòng tin công khai không phải là hồi giáo, và cảnh sát tôn giáo thường xuyên khám xét và lùng bắt các cuộc cử hành và sinh hoạt tôn giáo lén lút tại tư gia. Tại các nước khác như Vương quốc A rập thống nhất thì Giáo Hội không được cử hành các lễ nghi phụng tự ngoài khu vực của thánh đường. Và dĩ nhiên việc giảng đạo hoàn toàm bị cấm ngặt. Chỉ có Hồi giáo là quốc giáo được tự do sinh hoạt. Theo Kitô giáo là một tội, vì phản bội Hồi giáo và có thể bị án tử.
Thật ra các di tích khảo cổ chứng minh cho thấy Kitô giáo đã hiện diện trong
vùng đất của bán đảo A rập ngay từ thế kỷ thứ IV. Sau khi Hồi giáo bành trướng
hồi đầu thế kỷ thứ VII, các cộng đoàn Kitô từ từ biến mất. Năm 1841 Tòa Thánh
cho thành lập cứ điểm truyền giáo tại Aden bên Yemen, và giao cho các tu sĩ Tôi
tớ Đức Maria trông coi. Năm 1886 cứ điểm truyền giáo trở thành Phủ Doãn Tông
Tòa. Năm 1889 Phủ Doãn Tông Tòa trở thành Giám Quản Tông Tòa A rập, có trụ sở
tại Aden, và trải dài cho tới biên giới Mesopotamia, Siria và Ai cập, bao gồm 12
triệu dân, trong đó có 15 ngàn tín hữu công giáo. Năm 1916 Giám Quản Tông Tòa
bán đảo A rập được giao cho các cha dòng Capucino thuộc tỉnh dòng Firenze trung
bắc Italia, trông coi.
Các quốc gia thuộc bán đảo A rập gồm Vương quốc A rập thống nhất, Qatar,
Bahrein, Yemen, A rập Sauđi và Oman, tổng cộng có tới 61,5 triệu dân. Tại Vương
quốc Arập thống nhất có 35% trên tổng số 5,4 triệu dân là những người di cư. Đa
số các Kitô hữu là người gốc Ấn Độ và Phi Luật Tân.
Từ nhiều thập niên qua với các trao đổi thương mại và phát triển kỹ nghệ, đặc
biệt là kỹ nghệ khai thác dầu hỏa số Kitô hữu lại gia tăng. Đa số họ là các công
nhân viên ngoai quốc tới làm việc tại đây. Hiện nay trong toàn vùng bán đảo A
rập có 2 triệu tín hữu công giáo, nhưng Giáo Hội chỉ có tất cả 17 giáo xứ: 4 tại
Oman, 7 tại Vương quốc Arập thống nhất, 1 tại Qatar, 1 tại Bahrein và 4 tại
Yemen.
Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn một số nhận định của Đức Cha
Paul Hinder, Giám quản tông tòa Arabia, về tình trạng sống của các Kitô hữu
trong bán đảo Arập.
Hỏi: Thưa Đức Cha Hinder, cộng đoàn Kitô tại Arabia có gương mặt như thế nào?
Đáp: Cộng đoàn Kitô tại bán đảo A rập là một cộng đoàn sinh động và đông đảo,
được xây dựng trên các yếu tố nòng cốt của lòng tin: biết đối thoại với thế giới
hồi giáo bao quanh, đồng thời cũng là một nguồn lợi qúy báu cho các quốc gia
tiếp đón họ, tuy họ phải chịu nhiều hạn chế. Giáo Hội tại bán đảo A rập bao gồm
các cộng đoàn công giáo Vương quốc A rập thống nhất, Qatar, Bahrein, Yemen, Arập
Saudi và Oman.
Hỏi: Thưa Đức Cha đâu là các đặc thái chính của các cộng đoàn trong vùng này?
Đáp: Nền tảng xây dựng cộng đoàn là lòng tin nơi Chúa Kitô và việc tham dự bí
tích Thánh Thể. Tại Bán đảo A rập Giáo Hội không được phép cử hành thánh lễ
ngoài vùng đất các nhà thờ giáo xứ, nhưng các thánh lễ luôn có sự tham dự đông
đảo và sinh động của tín hữu. Các giáo xứ cũng qúa ít ỏi đối với hàng chục ngàn
tín hữu và sự kiện này khiến cho việc tổ chức các sinh hoạt cũng gặp nhiều khó
khăn, đặc biệt đối với các tín hữu sống xa các giáo xứ.
Nhưng sức sinh động của các giáo xứ được tỏ lộ qua sự hiện diện của các nhóm cầu
ngyyện, kể cả tại tư gia, và sự hiện diện của rất nhiều người thiện nguyện đảm
trách nhiều việc khác nhau: từ các hoạt động bác ái cho tới việc giữ trật tự
trong các thánh lễ.
Hỏi: Trong lãnh vực mục vụ đâu là các thách đố sinh động nhất mà Giáo Hội
toàn vùng này phải đương đầu thưa Đức Cha?
Đáp: Một trong những thách đố sinh động nhất là sự hiện diện của nhiều tín hữu
gốc Ấn Độ và Phi Luật Tân. Họ là các công nhân phải làm việc xa gia đình, nên
cũng trở thành ”giòn mỏng” hơn, như phải sống trong cảnh cô đơn, buồn chán,
xuống tinh thần. Đây thật là một tình trạng khẩn cấp đối với chúng tôi cũng như
đối với các quốc gia gốc của họ, mà chúng tôi cố gắng giúp duy trì các tiếp xúc
thường xuyên chừng nào có thể để giải quyết một số vấn đề gặp phải.
Hỏi: Xem ra số các tín hữu gốc Tây Âu cũng gia tăng tại bán đảo A rập. Họ có
lui tới các giáo xứ và tham dự các sinh hoạt của cộng đoàn không thưa Đức Cha?
Đáp: Vâng đúng vậy, số tín hữu Tây Âu cũng gia tăng. Và các tín hữu này đem theo
các thói quen sống của họ, trong đó có việc ít thực hành đạo. Một vài người tham
dự các lễ nghi trong giáo xứ, nhưng các người Tây Âu gặp khó khăn trong việc
thích ứng với các nhà thờ đầy chật tín hữu.
Hỏi: Thế còn đối với các ơn gọi thì sao thưa Đức Cha. Giáo Hội tại bán đảo A
Rập có các ơn gọi linh mục tu sĩ không?
Đáp: Dĩ nhiên là trong các cộng đoàn của chúng tôi cũng không thiếu ơn gọi.
Nhưng chúng tôi không thể tiếp nhận các bạn trẻ trong các cơ cấu đào tạo mà
chúng tôi không có. Khi có các bạn trẻ ngỏ ý muốn trở thành linh mục hay tu sĩ
nam nữ thì chúng tôi hướng họ tới các chủng viện và dòng tu tại các quốc gia gốc
của họ, hay giúp họ liên lạc với một Giám Mục của một quốc gia khác nơi chúng
tôi nghĩ là họ có thể được đào tạo và gia nhập Giáo Hội địa phương. Tôi hy vọng
rằng một ngày kia từ các ơn gọi nảy sinh tại đây các cộng đoàn của chúng tôi
cũng được hưởng các hoa trái đó.
Hỏi: Trong các nước vùng Vịnh có đại đa số dân theo Hồi giáo, tương quan của
Giáo Hội với các anh chị em hồi giáo như thế nào?
Đáp: Với các chính quyền địa phương chúng tôi có các liên hệ an bình. Liên quan
tới các quyết định và việc xin xây cất các nhà thờ chẳng hạn, thì mọi sự đều
phải được tiến hành với lòng kiên nhẫn, sự thương lượng khôn ngoan, bằng cách
vun trồng nhiều liên hệ cá nhân. Tuy nhiên mọi sự trở thành phức tap hơn vì diện
tích vùng giám quản qúa rộng lớn.
Hỏi: Tại đây Giáo Hội có cảm thấy các nguy hiểm của phong trào hồi giáo cực
đoan không?
Đáp: Chúng tôi ý thức được tầm quan trọng của vấn đề, cả khi trong các quốc gia
thuộc bán đảo A rập không có một chiều kích hiển nhiên của phong trào hồi giáo
cực đoan và nó cũng không chống lại chúng tôi. Trái lại chúng tôi chia sẻ nỗi âu
lo của thế giới A rập đối với nạn khủng bố phá hoại và hoạt động của các nhóm
hồi cực đoan.
Trái lại các lý do văn hóa và tôn giáo nằm sau các tổ chức và lực lượng này là
điều tế nhị hơn, mà các quốc gia Tây Âu cũng như các nước A rập phải tránh tầm
thường hóa chúng và tránh các phân tích hời hợt bề ngoài.
Hỏi: Tại các quốc gia trong bán đảo A rập, bên cạnh các nhà thờ công giáo
thường cũng có các nhà thờ của các Giáo Hội hay cộng đoàn Kitô khác. Tương quan
giữa Giáo Hội Công Giáo với các anh chị em Kitô này như thế nào thưa Đức Cha?
Đáp: Tại bán đảo A rập này có một Hội Đồng Đại Kết các Giáo Hội Kitô và vị thư
ký mới, với trụ sở tại Abu Dahbi. Và tổ chức này đang hoạt động để tái đẩy mạnh
các liên hệ giữa các cộng đoàn Kitô khác nhau, có lẽ đã hơi bị suy yếu trong các
năm qua. Giáo Hội Công Giáo đặc biệt cộng tác với Giáo Hội Anh Giáo, chẳng hạn
trong công tác mục vụ cho các thủy thủ và những người làm nghề biển, với một con
tầu như là một trung tâm mục vụ đích thực trên biển cả cho các thủy thủ cặp bến
cảng Fujaira. Sáng kiến này đã nảy sinh với sự cộng tác của Giáo Hội Công Giáo.
Hỏi: Thưa Đức Cha Hinder, ngày mùng 9 tháng 7 vừa qua Đức Thánh Cha Biển Đức
XVI đã nhận lời vua Bahrein mời viếng thăm nước này. Lời mời này có ý nghĩa gì?
Đáp: Lời mời nằm trong bối cảnh của một phong trào nhằm cải tiến các quan hệ
giữa các quốc gia thuộc bán đảo A rập và Giáo Hội Công Giáo. Đây là chiều hướng
không chỉ nảy sinh từ phía vua Bahrein, mà cũng nảy sinh từ phía hoàng thân
Abdullha của A Rập Sauđi nữa, như chính hoàng thân Abdullah đã chứng minh cho
thấy trong hội nghị liên tôn triệu tập tại Madrid các tuần qua. Chúng ta cũng
không được quên rằng cùng với Kuweit Bahrein đã một trong các quốc gia A rập đầu
tiên thiết lập liên lạc ngoại giao với Tòa Thánh. Tôi sẽ rất sung sướng, nếu
chuyến viếng thăm này của Đức Thánh Cha được hiện thực trong tương lai không qúa
xa.
(Avvenire 3-8-2008)
Thế vận hội Bắc Kinh biểu tượng cho việc Trung Hoa bước vào hàng tiền đạo của cộng đồng quốc tế. Nếu không xẩy ra ‘sự cố’ lớn nào, thì cuộc thế vận này hẳn nhiên sẽ là chiến thắng vẻ vang về tổ chức và là một cửa hàng trưng bầy ngoạn mục các tài năng thể thao của Trung Hoa: nước này tin tưởng sẽ chiếm được nhiều huy chương hơn bất cứ quốc gia nào.
Nhưng giữa những vinh quang ấy, người ta vẫn nghiêm chỉnh dè dặt trước câu
truyện thành công của Trung Hoa. Ấy là vì Nhân dân Trung Hoa thực sự chưa được
hưởng tự do, cả trí thức lẫn tâm linh.
Họ chưa được hưởng tự do ngôn luận, tự do tổ chức về phương diện chính trị hay
tự do nhận những thông tin mà Chính Phủ không muốn họ nghe; và tự do tín ngưỡng
và thờ phượng của họ hiện đang bị luật lệ của chính phủ bao vây nặng nề. Những
ai dám vượt quá hàng rào của điều được phép liền bị bắt hay tống giam. Điều đó
một phần phát sinh từ nền văn hóa trong đó các quyền lợi xã hội hay tập thể,
theo truyền thống, vẫn trổi vượt hơn các quyền lợi cá nhân, là các quyền lợi
được Phương Tây nhấn mạnh.
Nhưng phần lớn, nó nguyên tuyền phản ảnh sự kiện này là: chính phủ không tin
chính nhân dân mình. Thế vận hội được hứa trao cho Trung Hoa, là vì lời chính
phủ nước này hứa hẹn rằng họ sẽ tôn trọng bảo đảm nhân quyền. Nhưng theo Hội Ân
Xá Quốc Tế, trong những ngày gần sát Thế Vận, nhân quyền đã trở nên tồi tệ hơn
nhiều, rất có thể vì nhà cầm quyền nước này không muốn có bất cứ điều gì khiến
quốc tế có hình ảnh quốc tế xấu về họ. Họ muốn chứng tỏ cho cộng đồng quốc tế họ
là một quốc gia an bình với chính mình. Nghịch lý thay, việc ruồng bố đã khiến
người ta nghĩ ngược lại.
Tuy thế, vẫn còn một cử chỉ mà chính phủ ấy có thể lợi dụng để đánh bóng ngay
tức khắc hình ảnh của họ đối với quốc tế, một cử chỉ mà sớm muộn gì họ cũng phải
đưa ra. Họ nên để cho Giáo Hội Công Giáo được sinh hoạt tự do trên toàn bộ xứ
sở, như Giáo Hội vốn được hưởng tại Hồng Kông ngày nay.
Giáo Hội Công Giáo tại Trung Hoa lục địa hiện đang bị phân rẽ thành hai: phần
chính thức được nhà nước nhìn nhận mà xét theo ‘kỹ thuật’ thì thực ra không hiệp
thông với Rôma, và phần kia không chính thức, không được nhà nước nhìn nhận,
nhưng lại được Rôma nhìn nhận.
Gần đây, đường phân cách giữa hai bộ phận ấy đã mờ nhạt đi, và phần lớn các giám
mục Công Giáo đã được cả hai thẩm quyền ấy nhìn nhận. Nhưng viễn ảnh bất chợt bị
bắt giam vẫn còn treo lơ lửng trên đầu những vị tỏ lòng trung thành với Rôma, và
hiện vẫn còn nhiều giám mục và linh mục Công Giáo trong các nhà tù hay bị giam
tại nhà.
Người Công Giáo Trung Hoa cũng hãnh diện vì đất nước họ như bất cứ ai khác. Và
quả họ có nhiều điều để tự hào. Việc giải phóng 400 triệu người Trung Hoa khỏi
cảnh nghèo là một thành công được cả loài người ngưỡng mộ. Nhưng Đảng Cộng Sản
cầm quyền, trong khi từ bỏ quyền kiểm soát trung ương đối với nền kinh tế, lại
vẫn ráng duy trì quyền kiểm sóat ấy đối với tâm trí người dân. Phần lớn các vi
phạm nhân quyền tại Trung Hoa thuộc loại này. Điều ấy cho thấy Chính Phủ Trung
Hoa chưa muốn thấy một xã hội dân sự thực sự xuất hiện, chưa muốn giải phóng óc
tưởng tượng của người dân Trung Hoa, chưa để cho tư tưởng được lưu chuyển tự do.
Phần lớn người Trung Hoa rất có thể không biết họ đang thiếu thốn cái gì, vì họ
đã quá quen thuộc với duy một quyền độc trị của Đảng Cộng Sản.
Nhưng con số những người khao khát thứ tự do đang không có ấy hiện mỗi ngày một
đông hơn. Chính Kitô giáo tại Trung Hoa, dưới các dạng khác nhau, cũng đanglôi
kéo một con số đáng kể nhiều người trở lại. Họ đang đi tìm một cái gì đó sâu sắc
hơn của cải vật chất, giúp đời sống họ có ý nghĩa. Chính phủ Trung Hoa có thể
tìm cho mình một sự hoan hô ủng hộ nồng nhiệt của toàn thế giới, nếu chịu nhìn
nhận thứ tự do tối hậu ấy. Làm thế, họ sẽ tăng cường, chứ không phải phá hủy,
thế đứng riêng của họ.
Lý do tham dự
Trên đây là nhận định của tờ The Tablet ngày 9 tháng 8 năm 2008, một ngày sau
khi Thế Vận Hội 29 tưng bừng khai mạc tại Bắc Kinh. Xem Lễ Khai Mạc, ai cũng khó
chịu mà thắc mắc thứ tự chi mà kỳ cục, chẳng còn biết đâu mà đoán, nước vần C
lại đi sau nước vần F, thậm chí sau cả vần Q.
Người xướng ngôn của Đài Truyền Hình số 7 ở Sydney giải thích: đây là theo ‘mẫu
tự’ Trung Hoa. Thế ra Trung Hoa cũng có một mẫu tự hay sao? Tôi vẫn cho là do
cái hãnh tiến của ‘ông Tầu phù’ cộng với cái toàn trị của Cộng sản Trung hoa.
Ông cứ nhất định dùng duy nhất một tiếng Trung Hoa để tuyên bố ‘Khai mac’ (Tôi
chỉ nghe được câu ấy từ ông Hồ Sĩ Đào), trong khi ông Jacques Rogge, chủ tịch
Thế Vận Quốc Tế, dù là người nói tiếng Pháp (và tiếng Pháp luôn được dùng là
ngôn ngữ thứ nhất của bất cứ Thế Vận Hội nào), vẫn dùng tiếng Anh để thưa truyện
với thế giới thưởng ngoạn thể thao. Thậm chí ‘ông Đài Loan’ cũng vì cái tính Tầu
phù và Cộng sản toàn trị trên, mà đành quên cả cờ của mình, tham dự Thế Vận 29
với một lá cờ không phải là ‘thanh thiên bạch nhật mãn địa hồng’! Toàn trị đến
thế là cùng.
Có lẽ vì thế mà giám mục phó của Hồng Kông, Đức cha John Tong Hon đã phải lên
tiếng giải thích tại sao ngài tham dự Lễ Khai Mạc Thế Vận Hội Bắc Kinh “theo lời
mời của Chính Phủ Trung Hoa”.
Theo vị giám mục này, việc chính phủ bách hại các Kitô hữu đã được hòa lẫn vào
cái vui khi nước này đứng ra tổ chức Thế vận. Trong một bài báo trên tờ
L’Osservatore Romano, ngài cho hay: ngay khi nhận được lời mời, ngài “hiểu ngay
tôi phải tham khảo các bề trên của tôi. Tòa Thánh không lên tiếng phản đối chi,
cả Đức Hồng Y Joseph Zen cũng khích lệ tôi lên đường. Thế là tôi nhận lời”.
Ngài nhớ lại lời Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI từng cho rằng Thế Vận Hội tại
Trung Hoa “sẽ là một thành công vĩ đại”. “Tuy nhiên, trong khi các nhà lãnh đạo
của sáu tôn giáo lớn nhất tại Hồng Kông được mời tới Bắc Kinh, thì chỉ có trường
hợp Giáo Hội Công Giáo là lời mời không được gửi cho thẩm quyền cao nhất. Tôi
hết sức bối rối vì chính phủ làm ngơ Đức Hồng Y Zen và đã mời tôi thay vào đó”.
Ngài cũng phát biểu điều lo âu của ngài là: “một số nhà lãnh đạo Công Giáo hiện
còn đang bị giam tù hay quản thúc tại gia”, trong đó có sáu giám mục và nhiều
linh mục cùng giáo dân “đang chịu đau khổ vì đức tin Công Giáo của chúng ta và
vì lòng trung thành của họ với Đức Thánh Cha”.
Ngài hy vọng rằng một ngày kia, chính phủ Trung Hoa sẽ đặt cùng “một tầm quan
trọng như nhau đối với tự do tôn giáo và tự do xã hội”, thứ tự do mà họ đã áp
dụng trong việc giảm bớt nạn ô nhiễm ở Bắc Kinh, chuẩn bị cho Thế Vận Hội.
Đức cha Tong Hon nhận định rằng: các nhà cầm quyền Trung Hoa vẫn còn chưa tin
tưởng người Công Giáo trung Hoa và “cảm thấy bị đe dọa khi chúng tôi thực hành
đức tin”. Ngài đưa ra một thí dụ: ngày 24 tháng Năm, Ngày Cầu Nguyện Cho Trung
Hoa, cảnh sát đã ngăn cản không cho tín hữu vào Đền Thánh Sheshan, thuộc ngoại ô
Thượng Hải.
Tuy nhiên, theo ngài, không phải điều gì cũng tiêu cực. Ngài cho thấy một số dấu
hiệu cởi mở của chính phủ, ngay sau trận động đất mới đây từng làm sững sờ đất
nước. Cả nước “được động viên như một gia đình duy nhất để trợ giúp các nạn
nhân”.
Ngài cũng nhận xét thêm: “Năm vòng tròn Thế Vận được khắp thế giới biết đến. Tôi
mong rằng Trung Hoa sẽ dành cùng một tầm quan trọng cho cả năm khía cạnh chồng
kết lên nhau của dân chủ, nhân quyền, pháp trị, công lý và hòa bình”.
Ngài nói tiếp: “Thế Vận Hội cho thấy sự tiến bộ của Trung Hoa. Người Kitô hữu
chúng ta nhấn mạnh nhiều hơn đến tiến bộ thiêng liêng. Cùng với Thánh Phaolô,
chúng ta muốn so sánh hành trình thiêng liêng của chúng ta với cuộc đua tới đích
‘nhằm đoạt được phần thưởng Chúa đã chuẩn bị sẵn cho ta trong Chúa Giêsu Kitô”.
Vũ Văn An
Vatican (Vat. 4/08/2008) - Ngày 4-8-2008, Ðức Thánh Cha Beneđitô XVI đã bổ nhiệm Linh Mục Cosme Hoàng Văn Ðạt, 61 tuổi, dòng Tên, làm Tân Giám Mục giáo phận Bắc Ninh.
Cha Hoàng Văn Ðạt sinh tại Xuân Lai, Bắc Ninh ngày 20 tháng 7 năm 1947. Gia nhập dòng Tên ngày 16 tháng 4 năm 1968. Học triết và thần học tại Giáo Hoàng Học Viện Pio X Ðà Lạt trong các năm 1970-1976. Thụ phong Linh Mục ngày 5 tháng 6 năm 1976. Khấn trọn tại Thủ Ðức năm 1982.
Sau khi thụ phong Linh Mục cha Ðạt đã là giám đốc các thỉnh sinh dòng Tên tại Thủ Ðức, tiếp đến cha đặc trách tập viện dòng Tên trong các năm 1978-1988, khi nhiều linh mục dòng Tên kể cả Cha Bề Trên Tỉnh bị ngồi tù. Trong suốt thời gian từ 1977 đến 2002, Cha Ðạt đã nhiệt tình huấn luyện và dạy học cho các Tu Sinh tại Dòng Tên về các môn Thần Học, Tu Ðức, Luật Dòng. Cha Ðạt cũng đã là cha xứ một họ đạo nhỏ tại Sài Gòn, rồi tuyên úy trại cùi và phụ tá giám học năm thứ ba tại Thủ Ðức. Từ năm 1997 cha cũng cộng tác với chương trình thường huấn cho các linh mục và nữ giáo dân tận hiến giữa đời của giáo phận Bắc Ninh. Từ năm 2005 đến 2008 cha là linh hướng đại chủng viện Hà Nội.
Giáo phận Bắc Ninh rộng 24,600 cây số vuông, có 7 triệu 181 ngàn dân trong đó có 131 ngàn tín hữu công giáo sống trong 46 giáo xứ. Giáo Phận Bắc Ninh có 28 linh mục triều, 306 nữ tu và 39 chủng sinh. Từ tháng 9 năm 2006, sau khi Ðức Cha Giuse Nguyễn Quang Tuyến qua đời, giáo phận trống tòa và được Ðức Cha Giuse Ngô Quang Kiệt Tổng Giám Mục Hà Nội giám quản.
Giáo phận Bắc Ninh nằm trên địa bàn 5 tỉnh: Bắc Ninh, Bắc Giang, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc; 3 huyện thuộc Thành Phố Hà Nội và một số xã, huyện thuộc các tỉnh: Lạng Sơn, Tuyên Quang, Hà Giang, Phú Thọ, Hưng Yên, Hải Dương. Dân cư vùng đồng bằng và trung du đa số sinh sống bằng nghề nông. Vùng thượng du ngoài nghề nông là chủ yếu, còn có thêm phụ thu nhờ lâm sản.
Một số sông lớn chảy trên địa bàn giáo phận là: sông Ðuống, sông Hồng, sông Thái Bình, sông Lô, sông Gầm, sông Cả, sông Ðáy Trên, sông Cầu, sông Công, sông Cà Lỗ, sông Thương, sông Lục Nam.
Sắc tộc Trên địa bàn giáo phận, miền thượng du có một số đồng bào dân tộc ít người như: Sán Dìu, H'Mông, Dao, Mèo, Cao Lan, Hoa, Tày, Nùng sinh sống.
SHERMAN —Tin mới nhất chúng tôi nhận được từ các vị hữu trách thuộc các giáo xứ Việt Nam ở Houston cho biết hiện đã có tới 17 người đã bị thiệt mạng, và trong số gần 40 người bị thương còn 5 người vẫn trong tình trạng nguy kịch! Khởi đầu khi bị nạn có 12 người tử vong, tiếp đến 2 người khác qua đờit ại bệnh viện, và cho tới 4:00g chiều (giờ Los Angeles) đã có thêm 3 người khác qua đời. Hiện nay tất cả các nạn nhân nằm tại 7 nhà thương trong vùng này từ thành Durant phía Bắc cho tới McKinny ở cphía Nam của Sherman.
Xem video tường trình từ Dallas Morning News
Xem hình ảnh chiếc xe bus bị nạn ở hiện trường
Sau khi hỏi tin tức từ các giáo xứ ở Houston, chúng tôi được biết như sau: Hội Legio Mariae thuộc 3 giáo xứ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam, giáo xứ Lộ Đức và giáo xứ La Vang đã đứng ra tổ chức chuyến đi này, cộng thêm sự hợp tác của đoàn Liên Minh Thánh Tâm. Chiếc xe bus bị nạn đa số là chở các ông bà thuộc Hội Legio Mariae, và chính ông Trưởng ban tổ chức cũng đã thiệt mạng trong tại nạn này.
Trước tình trạng con chiên trong các giáo xứ Việt Nam ở Houston bị tai nạn thảm thương này, LM Vũ Thành và một số các linh mục khác đã lên đường đi Durant và Sherman để thăm nom và an ủi các người bị thương cũng như gia đình của họ. Một số thân nhân của các khách hành hương trên chuyến bus định mệnh này cũng đã lên đường đến Sherman để ở bên với người thân yêu của họ.
Các giáo dân thuộc các giáo cứ Việt Nam ở Houston đã đến nhà thờ cầu nguyện, chia sẻ tin tức, đợi chờ tin.. an ủi và nâng đỡ nhau trong tinh thần con cái Chúa.
Cảnh sát thành phố Sherman (xa 54 dặm về phía Bắc thành phố Dallas) nơi xẩy ra tại nạn cho báo chí biết vào lúc gần 1 giờ sáng hôm nay, một chiếc xe bus chở 55 khách hành hương gốc Việt Nam đã bị lật vì mất tay lái, chiếc xe nằm ngả một bên gần Post Oak Creek, vừa qua khỏi đường West Park Avenue, thành phố Sherman.
Đây là một trong đoàn 3 chiếc bus được thuê chở đoàn hành hương từ Houston đi đến Dòng Công Công ở Carthage, Missouri đề tham dự Ngày Thánh Mẫu bắt dầu vào ngày hôm nay.
3 chiếc xe bus này chở người Công giáo Việt Nam từ 2 giáo xứ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam và giáo xứ Đức Mẹ la Vang ở Houston, một trong những khách hành hương cho cảnh sát biết như vậy.
Bà Holly Nguyễn 38 tuổi nói: "xin cầu nguyện cho chúng tôi". Bà ngồi trong xe bus sau chiếc bus bị tai nạn, nhưng không trông thấy chiếc bus kia bị nạn như thế nào. Bà đang lo lắng muốn biết xem ba của bà ngồi trong chiếc xe bux bị tai nạn còn sống hay chết.
Các cảnh sát viên khi đến hiện trường có tai nạn cho hay: "một cảnh tượng hãi hùng, với những hành lý, xách tay và các miếng mảnh vụn chồng chất trên các xác người và người bị thương. Có những tiếng kêu cứu và than khóc. những nét mặt kinh sợ..."
Một vài hành khách bị bật tung qua cửa sổ xe, số người khác còn kẹt trong xe bị nát. Nhiều người bộ hành đi qua cố gắng giúp... và mấy người bị thương cố bò ra khỏi cửa xe đã bị bể.
Ngoài số 13 người bị chết, và sau một người chết tại nhà thương, số người sống xót có cả đàn bà người già và trẻ em. Tất cả hành khác đã được chở tới các bệnh viện trong vùng này.
Cảnh sát và người cứu thương được điều động từ thành phố McKinney và ngay cả từ Oklahoma tới giúp. Cần 18 chiếc trực thăng cấp cứu người bị thương. Y tá và người cứu hộ đã phải chiu qua cửa kính vỡ đằng trước và chiu vào lỗ hổng dưới gầm xe vào cứu người! Cảnh sát cho biết như vậy.
Ông Bryan Lam, 42 tuổi, đi từ Houston, nói rằng 2 em gái của ông và mẹ ở trên xe bị nạn. Em gái tên Đỗ Liên đã dùng phương pháp cấp cứu CPR cho mẹ già là bà Đặng Xuân Hoa, 59 tuổi, nhưng bà đã tắt thở. Cô em gái khác là Đỗ Trân bị thương ở đầu đã vào nhà thương.
Cảnh sát Sherman đang điều tra về nguyên nhân gây tai nạn, những dấu hiệu khởi đầu có thể cho thấy là bánh xe bị bể nên có thể vì thế tạo ra việc mất tay lái. Không có dấu hiệu là có xe nào khác gây ra tai nạn trên đoạn đường này.
Chiếc xe bus thuộc hãng Angel Tours. Và cảnh sát cho biết tài xế hiện ở trong tình trạng ổn định và đang bị cảnh sát thẩm vấn. Trong cuộc họp báo sáng nay, cảnh sát cũng không cho biết anh tài xế đã khai báo những gì.
Hội đồng Vận Tải An ninh Quốc gia đã cho mở cuộc điều tra tại chỗ về vụ này.
Vào lúc 5:30 sáng nay thì các thi thể của các người đã qua đời đã được cho phép chở tới các nhà quàn trong vùng địa phương.
Sau đây là một số các chi tiết liên quan tới các Nhà thương có người Việt nam bị tai nạn:
-
Nhà thương Wilson N. Jones Medical Center in Sherman, tại đây còn 5 người
torng tình trạng nguy kịch.
- Nhà thương The Medical Center of McKinney có 8 người bị thương, trong
số có 3 người bị nguy hịch, 2 người trong tình trạng tạm ổn và 2 người đã được
phép rời nhà thương.- Nhà thương Methodist Dallas Medical Center và
Medical Center of Southeastern Oklahoma ở Durant, tiểu bang Oklahoma, mỗi
nhà thương có 2 người Việt bị thương.
- Nhà thương Texoma Medical Center ở Denison có nhận 5 người bị thương và họ ở trong tình trạng tạm ổn định. Một người đã được di chuyển tới Presbyterian Hospital ở Allen.
Ai muốn biết tin tức về các khách hành hương bị nạn có thể gọi số điện thoại: 866-GET-INFO (866-438-4636).
LM Trần Công Nghị
HUẾ - Sáng ngày 05.08.2008, Đức Tổng Giám mục Giáo phận Huế Stêphanô Nguyễn Như Thể đã chủ sự thánh lễ mừng Tuyên Khấn của các nữ tu Dòng con Đức Mẹ Vô Nhiễm Phú Xuân - Huế.
Cùng đồng tế có Đức cha Phụ tá Phanxicô Xaviê Lê Văn Hồng, Đức cha Phaolô Tịnh Nguyễn Bình Tĩnh với gần 100 linh mục trong và ngoài giáo phận. Cùng với sự tham dự của các tu sĩ nam nữ các hội dòng và hàng ngàn giáo dân là ân nhân và thân nhân của Hội dòng.
Trong ngôi thánh đường cổ kính nhỏ bé nhưng tràn đầy vể tôn nghiêm của tu viện Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm Phú Xuân, 29 nữ tu tuyên khấn lần đầu đã đọc lời tuyên khấn trước Đức Tổng Giám mục, nữ tu Bề trên Maria Phôngsôlata cùng các nữ tu trong ban Bề trên Hội dòng.
Các tân khấn sinh đã tuyên hứa giữ nghèo khó, khiết tịnh và vâng lời trong một năm thử thách. Đức Tổng Giám mục đã trao cho mỗi tân khấn sinh sách luật của Hội dòng. Sau đó 8 tân vĩnh khấn đã qua thời gian thử thách, hôm nay tuyên hứa tận hiến đời mình để phục vụ tha nhân vì danh Chúa.
Nữ tu Maria Consolata Bùi Thị Bông đã thay mặt Hội dòng tuyên bố từ nay các nữ tu tân vĩnh khấn là thành viên chính thức trong đại gia đình Hội dòng, và ôm hôn để bày tỏ sự đón nhận trong tình yêu thương. Hai nữ tu mừng Ngân khánh và hai nữ tu mừng Kim khánh sau 25 năm và 50 năm đã tận hiến cũng đã lặp lại lời tuyên khấn.
Vì ngôi thánh đường nhỏ bé và khiêm tốn nên cộng đoàn dân Chúa được tham dự thánh lễ và nghi thức tuyên khấn qua màn hình bên ngoài sân. Tuy vậy trong bầu khí trang nghiêm và tràn đầy niềm hân hoan trong ngày trọng đại của các tân khấn sinh ai nấy đều hướng lòng về Thiên Chúa và Đức Trinh nữ Maria cầu nguyện cho các chị luôn biết vâng giữ lời tuyên hứa ngày hôm nay.
Kết thúc thánh lễ, Nữ tu Bề trên thay mặt Hội dòng cảm ơn các Đức Giám mục, các linh mục và ân nhân đã đến tham dự thánh lễ Khấn dòng. Nhất là cảm ơn gia đình các tân khấn sinh đã dâng hiến con cái mình cho Chúa và Mẹ Maria trong đời sống tu trì để phục vụ Giáo hội và Xã hội.
Minh Phương
Dòng Ba Đa Minh tại giáo xứ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam Toronto tĩnh tâm, mừng lễ kính thánh Đa Minh và kỷ niệm 10 Năm thành lập Dòng (1998-2008)
TORONTO - Ngày 3 tháng 8 năm 2008 nhân dịp Lễ kính Thánh Đa Minh, đấng sáng lập
Dòng Thuyết Giáo, đồng thơì để kỷ niệm 10 Năm thành lập Dòng Ba Đa Minh Giáo Xứ
Các Thánh Tử Đạo Việt Nam Toronto (1998-2008) và ngày lễ khấn Dòng của một số
đoàn viên, Cha Sở Giu-se Trần Văn Tập, đã chủ sự dâng thánh lễ vơí sự đồng tế
của Cha Vincent Nguyễn Mạnh Hiếu, cha sở-linh hướng tiền nhiệm của Dòng, vừa tốt
nghiệp văn bằng Giáo Luật tại giáo đô Roma, nay là Phó Chưởng Ấn của Tổng Giáo
Phận Toronto, Tu sĩ Claude Richard OP, Bề Trên-Tu Viện Trưởng St. Thomas
Aquinas, Đại diện Bề Trên Giám Tỉnh Dòng Thuyết Giáo Canada tại Ontario, Tu sĩ
Phillipe LeBlanc OP, Tu huynh Fernando Robles OP, và Phó tế Anthony Trần Vĩnh.
Do bận dâng lễ với Cha Chính Xứ St. Bernadette ở Whitby nên Cha Cố Giu-se Trần
Xuân Lãm, vị linh hướng đầu tiên đã về tham dự kịp lễ tiếp tân kỷ niệm 10 năm
thành lập Dòng.
Các vị lãnh đạo và đại diện các Ban, Ngành, Đoàn thể và Hội Đồng Mục Vụ Giáo Xứ
cùng với đông đảo bà con trong Giáo Xứ đã sốt sắng tham dự thánh lễ thông công
vơí Dòng và cách riêng với 14 doàn viên được khấn Dòng trong năm nay. Hiệp thông
trong Gia Đĩnh Đa Minh Canada tại Ontario có sự tham dự cuả Bà Mary Baier OP, Cố
Vấn và Ông Bà O’Seasnain OP, thay mặt cho Dòng Ba Đa Minh Lucis Veritas
Toronto-Mississauga.
Thật đúng như lời vinh tụng ca; ‘ Hồng ân Thiên Chuá bao la’, trong lễ kính
Thánh Đa Minh và kỷ niệm 10 Năm lập Dòng, Giáo Xứ và Dòng Ba lại được chia xẻ:
50 Năm ngày thành hôn của Ông John Đỗ Trọng Chu và Bà Teresa Trần Thị Mầu, 30
Năm ngày thành hôn của Anh Chị Peter Trần Hữu Hạnh-Năng, Lễ phát tang cho Ông
Tri, cha của Anh Tuấn trong Ca Đoàn Trinh Vương, vừa được Chuá goị về, Lễ cầu
hồn cho Anh Lê Văn Hồng, anh của anh chị Hoàng Văn Tuấn-Thùy, vừa mơí qua đời.
Để cùng hiệp thông trong lễ giỗ cho các đoàn viên đã qua đơì: Joachim Vũ Viết
Đoàn, Maria Trần Thị Yến và Maria Teresa Phạm Thị Hoàng-Yến cũng như các linh
hồn ân nhân, thân nhân, các giáo phẩm và giáo dân đã xin dâng trong thánh lễ
này.
Thánh Lễ kính nhớ Thánh Phụ Dòng Thuyết Giáo, kỷ niệm 10 Năm lập Dòng Ba và Khấn
Dòng cho 14 đoàn viên đã kết thúc qua phần tụng ca Lạy Nữ Vương Salve Regina
giai điệu Gregory tiếng Latinh của Ca Đoàn Trinh Vương. (Xin chân thành tri ân
Linh Mục Vincent Nguyễn Mạnh Hiếu vì đã tập huấn bài hát này)
Tiệc tiếp tân ngay sau thánh lễ với sự tham dự của qúy Cha, các Tu sĩ Dòng Đa
Minh, qúy vị đại diện các Ban Ngành Đoàn thể trong Giáo Xứ và Đại diện Dòng Ba
Lucis Veritas Toronto. Chương trình giúp vui văn nghệ do Ông Nguyễn Ngọc Hoàng,
Chủ nguyền Vicent Nguyễn Văn Hiển, diễn ngâm kinh kính thánh phụ Đa Minh của qúy
Ông Đa Minh Trần Văn Tam và Gio-an Baotixita Phạm Văn Hưng, và hợp ca Đa Minh
làm gợi nhớ đến ngày Lễ Đầu Dòng Đa Minh ngoài Bắc Việt Nam thưở xưa.
Tin mừng đặc biệt trong tiệc: Dòng Ba Đa Minh đã tặng hoa chúc mừng Ông Gio-an
Baotixita Phạm Văn Hưng và Bà Têrêsa Phạm Thị Hưng nhân ngày kỷ niệm 60 Năm
thành hôn của Ông Bà. Tu sĩ Claude Richard, Bề Trên Đại diện Giám Tỉnh Dòng đã
nguyện kinh và ban phép lành của Dòng Đa Minh cho Ông Bà Phạm Văn Hưng trong
tiếng vỗ tay reo hò chúc mừng của toàn thể Cộng Đoàn. Cha Bề Trên Claude Richard
cũng tặng tất cả mọi người 2 tranh thánh Đa Minh và thánh nữ Catherine of Sienna
được in riêng cho 10th Anniversary Toronto Dominican Vietnamese Laity 2008.
Dòng Ba Giáo Xứ xin cảm ơn thịnh tình hiệp thông của Quý Cha, Các Tu sĩ, Các
Ban, Ngành Đoàn thể trong Giáo Xứ đặc biệt quý vị ân nhân, thân nhân, thân hưũ
và đoàn viên đã góp công sức và qùa tặng hiện vật-hiện kim để cho ngày lễ kính
thánh Đa Minh 2008, lễ kỷ niệm 10 Năm lập Dòng Ba Đa Minh Giáo Xứ và ngày khấn
Dòng của 14 đoàn viên và ngày mặc áo Dòng của 5 đoàn viên được thành công. Dòng
Ba cũng chân thành cảm ơn và cầu nguyện cho anh Joseph Phạm Tạo, Chủ tịch Hội
Đồng Mục Vụ Giáo Xứ và các vị khác do bận việc hoặc đi xa nhưng vẫn gởi thơ chúc
mừng và hiêp thông cầu nguyện.
Nhân ngày tĩnh tâm 02 tháng 08 năm nay; Cha Sở Giu-se Trần Văn Tập, Linh hướng
của Dòng đã ôn lại về linh đạo Dòng Đa Minh và những lời dạy chính yếu của thánh
Phao-Lô, tông đồ của các dân ngoại nhân năm thánh Phao-Lô sắp đến: Con người với
thân phận yếu đuối, mỏng dòn và tôị lỗi nếu được nện công chính và được cứu độ
là do ân sủng của Chúa. Vì vậy chúng ta biết nhận lỗi, vui với người vui, khóc
với kẻ khóc, sống khiêm nhường và bác ái trong cộng đoàn, bác ái đối với mọi
người, và biết yêu thương là cố gắng chu toàn Lề Luật của Chuá.
Trong bài giảng phòng, Tu Sĩ Claude Richard, Bề Trên-Tu Viện Trưởng St. Thomas
Aquinas đã dâng lời ca ngợi hồng ân Thiên Chúa và gởi đến Dòng Ba Đa Minh Giáo
Xứ ‘Bốn món quà của Chúa trong vô vàn món qùa mà Thiên Chuá trao ban cho con
ngừơi’ trích từ Kinh Thánh và Tin Mừng theo thánh Gio-an:
- Sự tốt lành trọn hảo (the goodness)
- Hy Vọng, đức cậy trông (the Hope)
- Sự khoan dung, tha thứ (the forgiveness)
- Môí đồng cảm và biết chạnh lòng thương giúp đỡ nhau (the Compassion).
Trong tâm tình thống hối và tạ ơn nhân ngày lễ kỷ niệm trọng thể năm nay của
Dòng Ba. Ban Phục Vụ và toàn thể đoàn viên chân thành xin Giáo Xứ, qúy Cha, các
Tu sĩ và mọi người tha thứ cho những điều lầm lỗi và không đẹp lòng mọi người.
Xin chân thành tri ân sự giúp đỡ của Cha Sở Joseph Trần Văn Tập, Quý Cha, quý Tu
sĩ, các Ban, Ngành, Đoàn thể trong Giáo Xứ, ân thân, thân nhân, thân hữu, và
đoàn viên người còn sống cũng như đã qua đời đã không ngừng thương yêu, giúp đỡ
Dòng Ba trong hơn 10 năm qua. Xin chân thành tri ân Tỉnh Dòng Nữ Vương Các Thánh
Tử Đạo Việt Nam, Tỉnh Dòng Mẹ của người đoàn viên Dòng Ba Đa Minh Việt Nam, Tỉnh
Dòng Đa Minh Canada, Tỉnh Dòng quê hương thứ hai của những người Dòng Ba Đa Minh
Việt Nam trên cõi đất lạnh tình nồng tạm dung thân này.
10 Năm, từ 13 người đầu tiên xây dựng cho đến tổng số 67 đoàn viên đã khấn Dòng
ngày nay: đối với từng người đoàn viên và Dòng Ba Đa Minh Giáo Xứ điều đó có thể
đã là một mốc thời gian thật sự đầy ý nghiã. Nhưng nếu so với lịch sử Giáo Hội
và Dòng Đa Minh Việt Nam, và cuộc lữ hành trần thế của Giáo hội Công Giáo hướng
về quê trời thì 10 năm ấy chỉ là chút gì mong manh nhỏ bé. Dù sao đi nữa, 10 Năm
ấy biết bao cố gắng, công đức, ân tình cần phải tri ân và cảm tạ. Giáo Xứ Các
Thánh Tử Đạo Việt Nam Toronto là một đại gia đình trong đó có Dòng Ba Đa Minh
nay được 10 tuổi, xin hãy chia xẻ niềm vui với Dòng.
Dominic David Trần
THỦ ĐỨC - Sáng ngày 06 tháng 8 năm 2008, lễ Chúa Biến Hình, tại nguyện đường nhà
Mẹ Dòng Đaminh Rosa Lima diễn ra thánh lễ tạ ơn Khấn Dòng.
Đây là lần thứ hai trong vòng một tuần lễ nhà Dòng có hai thánh lễ khấn dòng
liền nhau. Ngày mùng 1 tháng 8 với 44 chị tuyên khấn lần đầu và 17 dì Kim Khánh;
hôm nay 11 chị tuyên khấn trọn đời và 4 chị mừng ngân khánh khấn Dòng. Đó chính
là hoa trái của những năm học hành, những ngày tháng tập tu, những ngày tháng
hiến dâng, những ngày tháng sống theo tinh thần của Cha Thánh Tổ Phụ Đaminh,
những ngày tháng dõi theo bước chân Thầy Chí Thánh Giêsu.
Trong bài giảng, Đức Cha Giuse Vũ Duy Thống đã chia sẻ với cộng đoàn về ĐỜI DÂNG
HIẾN. Đời dâng hiến gắn kết với Đức Kitô, đời dâng hiến gắn bó với một cộng đoàN
và đời dâng hiến gắn bó với sứ mạng linh đạo của Dòng. Ngài nhắn nhủ với chị em
dù ở trong bất cứ môi trường nào, hoàn cảnh nào và trong bất cứ công việc gì,
hãy phả vào đó tình yêu lớn, sự dâng hiến lớn.
Sau bài giảng là nghi thức tuyên khấn trọn đời. Mười một chị em sau những năm
tháng tìm hiểu và sống trong ơn gọi Đaminh, hôm nay các chị mạnh dạn can đảm
tuyên khấn trọn đời. Để từ đây chị thuộc trọn về Chúa để loan báo cho thế giới
Tin Mừng về Chúa Cha, Tin Mừng về vương quốc yêu thương vĩnh cửu, để nên như
nhân chứng, như dấu chỉ, như đèn soi cho suốt cả bề dày cuộc sống. Sau lời thẩm
vấn của Đức cha, giây phút quyết định cho cả đời người, các khấn sinh nằm phủ
phục khẩn nguyện trong lời kinh cầu các Thánh.
Trong tay Bề Trên Tổng Quyền Agnes Nguyễn Thị thịnh và trước mặt cộng đoàn các
chị công khai cam kết xin hiến dâng đời mình cho Thiên Chúa. Mười một chị là
mười một cung giọng khác nhau trong khi đọc lời tuyên khấn: sống khiết tinh,
thanh bần và tuân phục theo tu luật thánh Augustin và luật dòng Nữ Đaminh Rosa
Lima cho đến chết.
Có giọng đọc run lên thổn thức, mọi người chờ chị trải qua cơn xúc động, có
giọng đọc thênh thang dứt khoát… tất cả đều dành riêng cho Giêsu, dành riêng cho
một mình Ngài tất cả, không so đo tính toán, không phân biết thiệt hơn, để từ
đây chị nhẹ nhàng lên đường cùng với anh chị em chia sẻ Tin Vui cho muôn người.
Khi Bề Trên Tổng Quyền đại diện Hội Dòng tuyên bố nhận chị em từ giây phút này
chính thức là thành viên của Hội Dòng với mọi quyền lợi và nghĩa vụ. Tiếng vỗ
tay chia sẻ niềm vui với Dòng và với các chị tuyên khấn trọn đời từ bốn phía
nguyện đường vang lên mãi cho đến khi Bề Trên bắt tay với từng chị khấn sinh.
Dấu ấn cho ngày tuyên khấn trọn đời hôm nay là chiếc nhẫn bạc đơn sơ mà Đức Cha
đeo vào tay mỗi chị như dấu chỉ vĩnh viễn đời chị thuộc trọn về Chúa. Chiếc nhẫn
mang trên tay là bằng chứng của sự thủy chung, ràng buộc và cũng là lời nhắc
nhớ: chị đã trao dâng tình riêng để dấn thân theo Đức Kitô yêu thương phục vụ.
Sau đó là nghi thức tuyên lại lời khấn của các chị “lễ bạc”- ngân khánh-. Hai
mươi lăm năm là một khoảng dài hành trình đời người đặc biệt trong ơn gọi Thánh
Hiến là một hồng ân. Hai mươi lăm năm trước, đáp lại tiếng gọi của trời cao, chị
đã ra đi lên đường và mạnh dạn tuyên khấn. Hai mươi lăm năm, trải qua những va
vấp, những yếu đuối trong thân cát bụi phận người, hôm nay chị xác tín hơn vào
tình yêu vô biên của Thiên Chúa dành cho chị.
Tạ ơn Chúa với quãng đường dài 25 năm tuân giữ lời khấn, sống theo ba lời khuyên
của bốn chị mừng ngân khánh và tạ ơn Chúa với mười một chị mạnh dạn dấn thân vào
con đường theo Đức Giêsu trong linh đạo Đaminh.
Thánh lễ kết thúc với lời chúc thật dễ thương và tràn đày hình ảnh ẩn dụ của Đức
Cha Giuse: Chúng tôi đang đứng trên bàn thờ, nền gian cung thánh của nhà nguyện
là hình đàn chim lạc hồng đang bay, và Ngài nói tiếp: ngựa chạy có bầy, chim bay
có bạn. Chúc cho các chị như những chú chim lạc hồng luôn bay cùng nhau, và
không bao giờ lạc đường bay.
Trong lời ca kết lễ, cả cộng đoàn cùng hát bài ca cảm tạ Thiên Chúa, để chia vui
và cầu nguyện cho các khấn sinh: Xin cho lửa nhiệt tình của lý tưởng dâng hiến
được thắp lên từ trời sẽ cháy mãi, sáng mãi. Dù thân xác có hao mòn, nhưng vẫn
tồn tại một ánh lửa tin yêu mãnh liệt của đời nhân chứng.
Ngày áp lễ Thánh Tổ Phụ Đaminh 07/8/2008
Minh Nguyên
HUẾ -
Sáng ngày 06.08.2008, Đan viện Thiên An xưa nay vốn yên tĩnh và cô mịch nhưng
hôm nay rộn ràng xe cộ của khách phương xa đến hiệp dâng thánh lễ mừng hồng ân
Thánh hiến của 8 đan sĩ tuyên khấn lần đầu, 2 đan sĩ vĩnh khấn và mừng Ngọc
khánh 60 năm tận hiến của đan sĩ Micae Nguyễn Ngọc Châu.
Trong ngôi nguyện đường nằm chìm dưới lòng đất, Đan viện phụ Stêphanô Huỳnh
Quang Sanh đã dâng thánh lễ đồng tế tạ ơn thánh hiến của các đan sĩ. Cùng đồng
tế có các linh mục bề trên các dòng tu với sự hiệp thông của các tu sĩ nam nữ và
cộng đoàn dân Chúa là ân nhân, thân nhân của Đan viện.
Các đan sĩ khi vào tu viện được tiếp thụ đời sống khó nghèo, cô tịch, khiêm tốn,
cầu nguyện, đơn sơ và hiệp nhất trong Chúa Kitô. Sau thời gian 5 năm, 10 năm
thậm chí 20 năm, các đan sĩ đã ý thức được rằng họ đến với Chúa Kitô bằng lời
cầu nguyện và cảm thấy thật hạnh phúc khi được sống trong cộng đoàn và chết
trong đan viện. Khi đó đan sĩ sẽ quyết định đi đến việc khấn trọn đời nghĩa là
nhận đời sống vĩnh cư trong đan viện.
Đức Kitô là đầu của Hội Thánh, trong cộng đoàn Đan viện, Đan viện phụ Stêphanô
Huỳnh Quang Sanh, là một con người khiêm hạ, khó nghèo và luôn nhẹ nhàng trong
lời nói, là mẫu mực cho cộng đoàn đồng thời tạo cho người nào tiếp xúc sẽ cảm
nhận được tất cả những gì thánh thiện của một vị đan tu. Đan sĩ không hoạt động
ngoài xã hội mà chỉ khiêm tốn tĩnh lặng bằng lời cầu nguyện âm thầm nhưng bao
trọn nhân loại trong tim mình. Nhiều người ví von đời sống của các đan sĩ luôn
gò mình dưới lòng đất, âm thầm nhưng lời cầu nguyện của họ theo tháp chuông lên
đến trời xanh.
Chính vì thế trải qua bao thời gian, đến nay Đan viện Thiên An cũng chỉ có 80
đan sĩ trong đó có 6 linh mục 8 thầy đang theo học thần học tại Đại Chủng Viện
Xuân Bích Huế. 8 đan sĩ tuyên khấn lần đầu với lời khấn do chính mình soạn ra và
đọc trước Đan viện phụ cùng cộng đoàn, sau đó Đan viện phụ trao tu phục và sách
luật do Thánh tổ phụ Biển Đức lập ra để các thầy thực hiện trong vòng một năm.
Các đan sĩ trước khi khấn trọng phải đến quỳ trước mặt thân mẫu của mình để được
đặt tay lên đầu và dâng lời cầu nguyện phó thác con mình cho Thiên Chúa, tiếp đó
các thầy sẽ đọc lời khấn và dâng lời ca ngợi tạ ơn Thiên Chúa xin Chúa đón nhận
các thầy. Sau khi tuyên Vĩnh khấn Đan viện phụ sẽ ôm hôn bày tỏ sự đón nhận vào
cộng đoàn, tiếp theo là các linh mục và đan sĩ đã Vĩnh khấn. Đan sĩ Micae Nguyễn
Ngọc Châu mừng Ngọc khánh 60 năm lập lại lời tuyên khấn và hát lời ca ngợi Chúa.
Mặc dù đã 88 tuổi nhưng người vẫn khỏe mạnh, giọng ca còn cao vút khiến nhiều
người phải xúc động.
Sau thánh lễ, mọi người đều hân hoan chúc mừng các tân khấn sinh và cầu chúc các
thầy luôn vững bước trong cuộc sống đan tu âm thầm lặng lẽ.
Minh Phương
"Tôi xin ngỏ lời với anh em là những người gốc dân ngoại. Với tư cách tông đồ
dân ngoại, tôi coi trọng công việc mục vụ của tôi (Roma 11: 13)."
"Tôi là Phaolô, bởi ý Thiên Chúa, được chọn làm tông đồ của Đức Giêsu Kitô kính
gửi dân thánh tại Êphêsô, là những người tin vào Đức Giêsu Kitô. (Ephêsô 1: 1)"
Không quá lời để nói rằng Phaolô thay đổi lịch sử đạo Công giáo. Đạo không còn
bị hạn chế nơi người Do Thái nhưng mở rộng cho mọi người, trong đó có chúng ta.
Khi rao giảng, ngài không ngần ngại gọi dân các thành nghe lời Chúa -qua ngài-
như Êphêsô, Colossê là dân thánh, vì họ tin vào Đức Kitô. Dân thánh không chỉ
dành cho Do Thái -vẫn tự hào là con cái Abraham, dân được tuyển chọn- nhưng dân
thánh là những người tin vào Chúa Kitô phục sinh.
Nơi thế kỷ đầu, giáo xứ, cộng đoàn là giáo hội địa phương, là một Êphêsô hoặc
Corinthô. Gia đình là giáo hội tại gia (Tông Đồ Công Vụ 2: 42 - 47). Trong gia
đình, mọi người cử hành những sinh hoạt Công giáo nền tảng. Sáng, tối đọc kinh
dâng ngày, tạ ơn Chúa. Bữa ăn chung cảm tạ Chúa đã cho sức sống và tình yêu
thương.
Theo thời gian, khung sườn nối kết giáo hội tại gia và giáo hội địa phương, tức
là nối kết giữa gia đình và giáo xứ là các đoàn thể. Lúc đầu họ là những người
đi theo cùng rao giảng với các tông đồ từng giai đoạn "Trong nhóm đó, có mấy
người đã chịu tin theo và nhập đoàn với ông Phaolô và ông Xi-la; một số rất đông
những người Hy lạp tôn thờ Thiên Chúa và không ít phụ nữ quý phái cũng làm như
vậy" (Tông đồ công vụ 17: 4).
Những nhóm người này là nguồn khai sáng cho Công giáo tiến hành của chúng ta bây
giờ. Có thể nói, đoàn thể Công giáo tiến hành với nhân sự và hoạt động dồi dào,
là một gia đình trung nối kết gia đình nhỏ -giáo hội tại gia- với gia đình lớn
là giáo xứ -giáo hội địa phương. Giáo hội nâng đỡ và khuyến khích đoàn thể Công
giáo tiến hành, và nói rằng đây là phương tiện tốt giúp chúng ta nên thánh (Xc.
Sắc lệnh Tông Đồ Giáo dân). Thông thường, mỗi đoàn thể Công giáo tiến hành có
hướng đi và mục tiêu riêng. Đoàn Liên minh thánh tâm dành cho các ông, hội các
bà mẹ Công giáo với các bà, dòng ba Đa Minh mong ước sống tinh thần truyền giáo
và chiêm niệm của cha thánh Đa Minh. Thiếu nhi thánh thể, qua sinh hoạt và điều
lệ, không những thánh hoá bản thân mà còn môi trường sống.
Thế nhưng điều đáng tiếc là nhiều thủ bản của các đoàn thể chưa cập nhật hoá. Dĩ
nhiên tinh thần và ý hướng của vị sáng lập cần giữ nguyên, nhưng phương cách
thông đạt nên thích ứng cho hợp thời đại. Có lẽ đây là một trong những nguyên
nhân tại sao đoàn thể Công giáo tiến hành tại Au mỹ không còn sinh hoạt mạnh mẽ
nữa.
Nhìn chung, hình như thủ bản và sinh hoạt của các đoàn thể giống nhau. Vì cùng
mong muốn thánh hoá bản thân, truyền giáo, qua cầu nguyện và bác ái, nên đoàn
thể nào cũng có chương trình tương tự. Vì vậy có người tham gia luôn một lúc
bốn, năm đoàn thể khác nhau, chỉ với hy vọng khi qua đời, nhiều người, nhiều
đoàn thể tiễn đưa.
Tiêu cực.
Ngược lại, một vài người ngần ngại tham gia đoàn thể Công giáo tiến hành vì cho
rằng cùng với ơn lành, dễ gặp điều dữ. Đã không ít người phàn nàn "Từ khi nhà
tôi vào hội, chuyện gì trong nhà xứ, bà ấy cũng biết. Về nhà, kể đi, kể lại cho
cả nhà nghe. Như vậy phải chăng là nói hành, nói tỏi?" Lại có bà than thở "May
vài cái áo dài, giá rẻ rề mà không dám mặc, sợ bị chê đỏm dáng." Chắc hẳn bà đã
nghe lời chê bai dành cho đoàn viên khác, nên không dám mặc.
Người khác nhận xét "Nguyệt liễm thì đã đành, sao còn phải đóng cho truyền giáo
này, xây nhà thờ kia. Lắm thứ thế?" Dĩ nhiên thu túi là do lòng tự nguyện, nhưng
thấy người chung quanh góp phần vào nâng đỡ ơn thiên triệu, giúp quỹ bác ái tại
Việt Nam, mua chén lễ, áo lễ cho nhà xứ. . mà cứ phớt lờ đi thì khó coi quá. Khổ
nỗi gia đình không có nhiều nguồn thu nhập; thân nhân họ hàng từ Việt Nam cứ
viết thư sang nhắc khéo, biết xoay sở ra sao? Có nhiều vị vừa đến cửa nhà thăm
con, chưa kịp chào hỏi, đã mang ra vài tập vé số nhờ con cháu mua giùm, vì nhà
thờ đang gây quỹ, và mỗi đoàn thể phải tiêu thụ một ít!
Đấy là chưa kể đến "ăn cơm nhà, đi vác ngà voi" bị vạ miệng. Trong các phiên
họp, nếu thành thật phát biểu ý kiến thì thế nào cũng có bất đồng, hoặc chẳng
may quá lời thì thành to tiếng. Khổ nỗi, tự ái của mình và của người khác cao
bằng trời. Ở nhà quen tính quát mắng, đi họp thành ra cãi nhau, thở vắn than
dài, chê trách, giận hờn. Ơn lành chưa thấy đâu, mất bình an trong lòng thì đã
rõ. Chẳng may, người phối ngẫu không đồng ý, thì chiến tranh xẩy ra không những
ở nhà thờ mà còn ở nhà ở nữa.
Thực tế, một vài người quá sốt sắng với giáo xứ đến độ không còn nhiều thời giờ
cho gia đình, cho vợ, cho chồng và con cái, nhất là với con cái đang tuổi "teen"
là tuổi cần cha mẹ chăm sóc đặc biệt. Sinh hoạt đoàn thể thành phương tiện tránh
việc quan đi ở chùa như người xưa thường nói. Nhà thờ trở thành lý do chính thức
và chính đáng tránh bổn phận gia đình. Dĩ nhiên, như mọi trường hợp khác, cần
lưu ý đến đối thoại hai chiều. Có khi người phối ngẫu, thường là các ông, không
muốn vợ sinh hoạt vì lý do nào đó, than trách rằng, người vợ không chu toàn bổn
phận, trong khi mình thì việc nhà thờ cũng lười và việc nhà cũng trốn.
Vài ba người được bầu cử vào chức vụ lãnh đạo hội đoàn trở thành mục tiêu cho
người khác ngắm "bắn". Có học thức một chút thì rất dễ bị coi là kênh kiệu. Còn
không có chức vụ cao hồi ở Việt Nam, thì bị chê là chỉ dám "vác mặc" trong nhà
thờ chứ ở ngoài xã hội thì ai thèm nhờ. Có bà chủ tịch hội các bà mẹ Công giáo
bị phu quân bêu rếu mọi chỗ, "Bây giờ làm lớn rồi, không thèm nghe lời 'thằng
này' nữa. Mà hễ ông cha nói thì le te làm mọi việc!" Vị linh mục bỗng dưng bị
"lạc đạn." Nếu gia đình không yên, thì có nên sinh hoạt đoàn thể hoặc nhà thờ
không nhỉ? Đâu là ưu tiên?
Tệ hơn nữa, có vị quá nhiệt thành với đoàn thể, muốn hướng dẫn đoàn thể theo
sáng kiến riêng. Đáng tiếc là sáng kiến của mình không giống với sáng kiến của
cha xứ thành ra có những bất mãn, lời ong tiếng ve. Giáo xứ trở thành bãi chiến
trường giữa cha xứ với ban chấp hành, giữa hội đồng mục vụ và đoàn thể.
Phản ứng trước những vấn nạn
Nhìn kinh nghiệm đó, một vài cha xứ phản ứng rất tiêu cực. Có vị thẳng thừng dẹp
gần hết đoàn thể, chỉ để lại dăm ba đoàn "dễ bảo." Vị khác thành lập đoàn mới,
tên mới nhằm phục vụ chương trình nào đó. Có vị tiếp tục hướng dẫn đoàn thể
nhưng rất thờ ơ. Nhiều vị thực ra cũng không biết rõ vai trò của mình thế nào
với các sinh hoạt đoàn thể. Linh hướng, linh giám thì ai cũng biết, nhưng phải
chăng chỉ đến để ban phép lành? Để nói vài lời yên ủi, khích lệ? Để ngồi nghe
thảo luận chuyện nội bộ? Để đóng vai trò làm hoà khi có cãi nhau? Nếu ban lãnh
đạo "dễ thương" thì tình cha con thắm thiết, chẳng may cha con không thuận thảo,
thì khổ và tạo ra gương mù cho mọi người.
Chữa lành cơn bệnh văn hoá trầm kha?
Không sai khi nói rằng các tiêu cực trên mang tính cách văn hoá. Chẳng phải
riêng Công giáo Tiến hành mang chứng bệnh này. Hình như sinh hoạt đoàn thể nào
dù đời hay đạo, đều đối diện với chúng. Cho nên có người đau lòng nói, đó là căn
bệnh của người Á châu nói chung và Việt Nam chúng ta nói riêng. Vậy phải chăng
Au Mỹ không vướng phải những tiêu cực này hay có mà ít không đáng kể?
Đã là người thì không ai tránh khỏi tham sân si, ghen tương, kiêu ngạo và ích
kỷ. Cho nên người Au Mỹ hay Phi châu hay Á châu cũng cùng số phận. Tuy nhiên, Au
Mỹ và Á châu quan niệm về gia đình khác nhau rất nhiều.
Á châu và người Việt không giới hạn gia đình mình nơi cha mẹ và con cái. Đại gia
đình có thể bao gồm ông bà, dâu rể, cô dì chú bác và bạn bè của mình, và đôi khi
cả bạn bè của ông bà, dâu rể, cô dì chú bác. Đó là sức mạnh và cũng là yếu điểm.
Khi buồn, vui, chúng ta thường kể cho "người nhà" nghe. Nhưng "người nhà" không
chỉ vài ba người mà thường là vài ba chục người. Vài ba chục người cộng với bằng
hữu dễ trở nên đám đông. Do đó, khi phê bình ai thì lời phê bình này dễ bay xa
và rộng đến nhiều người lắm. Đấy là chưa kể tam sao thất bản, sau vài ngày, đã
biến thành câu truyện khác, có khi rất độc địa và chua cay.
Người Au Mỹ cũng mang những tiêu cực tương tự. Cũng chê bai, dèm pha. Nhưng gia
đình của họ nhỏ hơn nhiều, nghĩa là họ kể cho chồng/vợ nghe. Nhiều gia đình lại
có thói quen không cho con cái biết chuyện cha mẹ. Do đó, hiện tượng tiêu cực
cũng bị giới hạn. Nếu chúng ta "lọt" vào vòng trong gia đình của họ hoặc thực sự
được họ coi như gia đình, thì thấy những phê bình này mãnh liệt không kém gì của
chúng ta đâu!
Tích cực. Đoàn thể công giáo tiến hành cần mang tinh thần Phaolô.
Thực tế cho thấy các đoàn thể Công giáo tiến hành đã và đang là những nhà truyền
giáo hữu hiệu nhất. Họ không chỉ thánh hoá bản thân và gia đình, nhưng còn là
những Phaolô của mọi sắc dân, mọi nơi và mọi hoàn cảnh. Nói cách khác đi, nếu
sống theo tinh thần Phaolô, thì đoàn thể công giáo tiến hành sẽ là sức mạnh chữa
lành căn bệnh văn hoá tiêu cực này.
Công giáo tiến hành cùng Phaolô chia sẻ chung một mục đích là thánh hoá bản
thân, thánh hoá gia đình và thánh hoá xã hội. Trung tâm điểm của thánh hoá là
Chúa Giêsu. Phaolô viết "Tin mừng tôi loan báo cho anh em không phải do loài
người. Vì không có ai trong loài người đã truyền lại hay dậy cho tôi Tin mừng
ấy, nhưng chính là Đức Giêsu Kitô đã mặc khải (Ga-lát 1: 12).
Để đạt đến và hiểu cũng như sống mặc khải từ Đức Kitô, Phaolô sau khi ngã ngựa
trên đường Damascus, đã ẩn thân ba năm bên Ả rập (Ga-lát 1: 17). Tuy lúc còn
nhỏ, đã được huấn luyện nghiêm ngặt như một Pharisêu, tức là người tự hào thông
hiểu luật Chúa (TĐCV 22: 3-4), nhưng Phaolô hiểu rằng như vậy chưa đủ. Ngài dành
thời giờ tìm hiểu thêm về Chúa Giêsu. Ngài nói rằng nhờ Thần khí mà chúng ta trở
nên con Thiên Chúa "Quả vậy, ai được Thần khí Thiên Chúa hướng dẫn đều là con
cái Thiên Chúa.. Thần khí làm cho anh em trở nên nghĩa tử, nhờ đó chúng ta kêu
lên 'Ap-ba' nghĩa là Cha ơi." (Roma 8: 14). Riêng về điểm này thì hình như đoàn
thể công giáo tiến hành chưa cùng song hành với Phaolô. Đa số chưa chính thức có
chương trình học hỏi thánh kinh. Nếu có thì do sáng kiến cá nhân hơn là chương
trình chung cho cả đoàn trên lãnh vực toàn quốc.
Bên
cạnh học hỏi thánh kinh, cần lưu tâm đến giáo lý. Nhìn chung, nơi nhiều người
Việt Nam, sách giáo lý vỡ lòng dành cho các em xưng tọi lần đầu phổ thông hơn
sách giáo lý Công giáo. Các câu hỏi, đáp vẫn dễ nhớ hơn chương mục cần nghiên
cứu. Hình như sách giáo lý quá khô khan? Hay tại chúng ta không thực tâm muốn
dành thời giờ học hỏi và nghiên cứu thêm? Hay sách quá mắc tiền? Tại sách không
có người dậy? Tại giáo hội chưa khuyến khích giáo dân cho đủ, chưa trình bầy rõ
tầm quan trọng của sách? Tại các vị điều hành đoàn chưa áp dụng cho đúng lời
giáo huấn của giáo hội? Lời của Phaolô vẫn còn đang vang vọng: "Làm sao họ tin
Đấng họ không nghe biết? Làm sao họ nghe nếu không có ai rao giảng...Có đức tin
là nhờ nghe giảng, mà nghe giảng là nghe công bố lời Đức Kitô" (Roma 10: 14-17)
Trên thực tế, nhiều nhà thờ không có lớp giáo lý cho người lớn. Có lớp thánh
kinh nhưng rất ít nơi dậy giáo lý. Ai cũng biết, giáo lý dựa trên thánh kinh và
giải thích thánh kinh. Không có giáo lý, chúng ta khó hiểu rõ thánh kinh. Khi
nghiên cứu giáo lý, chúng ta còn học hỏi thêm về Ba ngôi Thiên Chúa, các bí
tích, Đức Mẹ, các thánh và Giáo hội..
Phải nhìn nhận, hiểu biết của chúng ta về Chúa Ba ngôi, Đức Mẹ, các thánh và bí
tích bị giới hạn trong các buổi học giáo lý khi còn nhỏ. Lớn lên, đa số không có
cơ hội học hỏi thêm. Nhiều vị tự hào rằng những gì mình học thuở xưa quá đủ; nên
khi nói chuyẹn với người khác thì cho rằng mình đã biết hết! Nếu quan niệm như
vậy thì Giáo hội chẳng cần đến các bộ sách giáo lý mới, và Phaolô cũng chẳng cần
ẩn thân ba năm nghiền ngẫm thêm làm gì. Cho nên, lúc cần tranh luận và tìm hiểu
đạo, thì đưa tiêu chuẩn "phúc cho ai không thấy mà tin" làm câu trả lời những
khi không giải thích nổi. Một vài gia đình mua sách giáo lý Công giáo, nhưng đa
số sách bị đóng bụi hoặc chỉ dùng để tham khảo hơn là học tập.
Dĩ nhiên, đức tin của chúng ta không thay đổi, nhưng cách diễn tả đức tin khác
biệt tuỳ theo từng thời đại. Nếu chúng ta vững mạnh trong hiểu biết giáo lý và
thánh kinh, thì bất cứ hoàn cảnh nào cũng có thể sống vững mạnh và thanh thản.
Bên cạnh lớp học thánh kinh và giáo lý là các buổi thuyết trình. Nơi nhà thờ,
bài giảng, giải thích thánh kinh và cắt nghĩa giáo lý không đủ. Thời gian cho
bài giảng khoảng chừng mười phút, làm sao có thể giúp người nghe nắm rõ vấn đề?
Thuyết trình giúp chúng ta việc này. Người thuyết trình thường đào sâu một chủ
đề sau khi đã nghiên cứu kỹ lưỡng, nhờ vậy người nghe dễ hiểu trọn vẹn vấn đề và
dễ nhìn toàn bộ bức tranh. Thuyết trình mang nhiều mầu sắc khác nhau: có thể tập
trung vào đề tài thánh kinh hoặc một vấn đề thời sự luân lý. Có thể là một khám
phá mới về liên hệ giữa đức tin và khoa học, hoặc đức tin và nhu cầu sống của
con người. Ngày nay, xã hội xuất hiện rất nhiều vấn nạn không chỉ liên quan đến
luân lý mà còn đến khuôn mẫu sống. Các đề tài như đồng tính luyến ái, hôn nhân
đồng tính, phá thai, buôn súng, trợ tử, thế nào là cuộc chiến chính đáng.. đang
là những vấn đề nóng bỏng và quan trọng hiện nay.
Đôi khi chúng ta cho rằng một năm đi cấm phòng là đã đủ. Các buổi cấm phòng như
vậy rất quan trọng cho đời sống tâm linh. Sau thời gian dài vất vả với các sinh
hoạt, tâm hồn và thể xác cần nghỉ ngơi. Trong khi tĩnh tâm, chúng ta có dịp suy
nghĩ về việc đã làm và thống hối những lỗi lầm. Tuy nhiên, tĩnh tâm là cơ hội
bồi bổ tâm hồn; còn đi dự thuyết trình là bồi bổ sự hiểu biết. Nếu chúng ta hàng
năm đi nghỉ hè để bồi bổ thân xác, thì tâm hồn và trí khôn cũng cần như vậy.
Cổ nhân thường nói "vô tri, bất mộ," không biết thì không yêu mến. Không biết
nhiều về Chúa thì cũng khó mộ mến Chúa tương xứng. Mộ mến không dựa trên bằng
cấp và thông thái nhưng trên sự hiểu biết về Chúa. Chúng ta không thể để đức tin
và hiểu biết của chúng ta về Thiên Chúa lẫn lộn với mê tín, dị đoan. Chúng ta
cần dùng sức mạnh của thánh kinh và giáo lý chữa trị những thói xấu dù là văn
hoá hay truyền thống.
Nếu ban
giảng huấn hoặc cha linh hướng cùng đưa ra một chương trình huấn luyện nhân bản
dựa trên thánh kinh và giáo lý, thì môi trường đoàn thể công giáo tiến hành là
nơi tốt nhất để sửa lại các khuyết điểm, các tiêu cực văn hoá. Tại sao? Một
trong những mục đích của công trình cứu chuộc nơi Chúa Giêsu là sửa sai văn hoá
Do Thái đương thời. Phaolô cũng đã hướng dẫn và sửa sai dân thành A-then giúp họ
thoát khỏi sự mù tối văn hoá (TĐCV 17: 22-23). Giáo xứ có những hạt giống tốt,
men bột giúp sửa sai tiêu cực văn hoá thì cả giáo xứ và xã hội sẽ dậy men. Hội
viên Công giáo tiến hành, sau khi được huấn luyện nghiêm chỉnh và đầy đủ, sẽ là
men bột và hạt giống tốt, làm nền tảng cho giáo xứ, cho xã hội.
Song song với các học hỏi mang tính cách tri thức, chúng ta tiếp tục kết hợp với
Chúa qua biểu dương đức tin. Lần hạt Mân côi, kinh cầu chịu nạn, ngắm đàng thánh
giá, kinh cầu Đức Bà.. chúng ta đọc rất sùng kính và tin tưởng. Nơi nhiều đoàn
thể, nếu hội họp mà không lần hạt Mân côi thì chưa đủ. Chúng ta đã làm theo lời
khuyên nhủ của Phaolô cho 1 Ti-mô-thê 2: 1- 2 "Tôi khuyên ai nấy dâng lời cầu
xin, khấn nguyện, nài van, tạ ơn cho tất cả mọi người, cho vua chúa và tất cả
người cầm quyền, để chúng ta được an cư lạc nghiệp mà sống thật đạo đức và
nghiêm chỉnh."
Dĩ nhiên, cho cân bằng đời sống, chúng ta nên phát triển thêm những gì còn yếu
kém và gìn giữ những gì đã phát triển, hầu tinh thần, tôn chỉ và mục đích của
các đoàn thể công giáo tiến hành cân bằng hơn.
Hoạt động
Phaolô không chỉ suy niệm mà còn rao giảng những gì đã suy niệm. Ngài không
ngừng nghỉ bôn ba nhiều nơi, nhiều chỗ thiết lập cộng đoàn. Hoạt động của ngài
đi song đôi với hiểu biết và suy niệm về Chúa. Trước khi bị bắt và chịu tử đạo,
ngài đã thực hiện ba cuộc hành trình dài và thiết lập nhiều giáo đoàn. Tại mỗi
giáo đoàn, ngài uỷ nhiệm người lãnh đạo giáo đoàn các bổn phận khác nhau. Ngài
giảng trong hội đường (TĐCV 13: 13-40; 14: 1-2); trên đường phố (TĐCV 16: 17);
trong thành phố (TĐCV 16:4); ở bờ sông (TĐCV 16: 13-15). Khi không đến được chỗ
này thì sang chỗ khác tiếp tục rao giảng (TĐCV 16: 6-10). Có khi ngài làm phép
lạ như chữa người bại chân (TĐCV 14: 8), cho người chết sống lại (TĐCV 20: 7 -
12); có khi bàn cãi với người chưa hiểu biết (TĐCV 16: 19)…
Theo tinh thần đó, nhiều đoàn thể công giáo tiến hành đã cố gắng sống và hoạt
động theo ơn đặc sủng của mình. Tuy nhiên, nhìn chung, về phương diện hoạt động,
hình như rõ nét hơn cả là đoàn Thiếu nhi thánh thể có sinh hoạt riêng cho và với
tuổi trẻ; còn các đoàn thể khác thì tương tự như nhau qua mục vụ thăm viếng bệnh
nhân, người có tuổi, cô nhi, quả phụ, cầu nguyện, rước thánh thể, xưng tội
thường xuyên, phục tùng hàng giáo phẩm..Đương nhiên, mỗi hội đoàn có một khung
cảnh hoạt động khác nhau, nhưng đa số đoàn thể chưa tạo ra nét đặc sủng của mình
như Phaolô khác biệt với các tông đồ "Là tông đồ dân ngoại, tôi coi trọng công
việc mục vụ của tôi (Roma 11: 13)."
Chương trình và kế hoạch
Đã đành, tham dự vào đoàn thể là điều đáng quý lắm rồi! Tuy nhiên đến lúc các vị
linh hướng và tổng linh hướng, các vị lãnh đạo và những người có trách nhiệm nên
cùng nhau ngồi lại để định hướng cho ơn đặc sủng của đoàn mình như Phaolô cách
đây 2000 năm. Sự "đột phá" của Phaolô thực sự tạo hướng đi mới cho Giáo hội. Lời
Chúa không còn bị giới hạn nơi hội đường và nơi người Do Thái. Quay nhìn lại,
chúng ta thấy, mục đích mang ơn cứu độ của Thiên Chúa cho mọi người, mà các tông
đồ và Phaolô nhắm đến, giống nhau; nhưng hoạt động, chương trình và kế hoạch
giữa Phaolô và các tông đồ thì khác nhau nhiều. Đoàn thể công giáo tiến hành đã
đến lúc cần đứng lên như Phaolô, nhằm vào đối tượng chuyên biệt theo ơn đặc sủng
của mỗi đoàn.
Ngày nay, theo đà văn minh cơ khí và chuyên môn hoá, khoa học tập trung vào một
đối tượng chuyên biệt. Mẫu siêu nhân "trên thông thiên văn, dưới thạo địa lý" đã
lỗi thời. Người ta không nhờ vả các thầy lang chẩn bệnh chung chung, nhưng tìm
đến bác sĩ chuyên khoa. Đau tim tìm bác sĩ tim, đau chân tìm bác sĩ chân. Bác sĩ
gia đình thì lo tổng quát và giới thiệu đến bác sĩ chuyên khoa.
Tương tự, chương trình và kế hoạch tôn giáo cũng cần chuyên biệt, hướng đến đối
tượng đang bị bỏ quên. Giúp đỡ người nghèo đói, thăm viếng người đau yếu là nhu
cầu cấp bách. Cấp bách không kém là hoàn cảnh những cặp vợ chồng vì hoàn cảnh
phải bỏ nhau. Không ai muốn li dị. Đừng coi họ như tội nhân khi họ tái hôn ngoài
đạo. Những người lỡ phá thai, mang bệnh AIDS, đang cố gắng cai hút sách cần được
lưu tâm, không chỉ về tâm lý mà còn về tôn giáo; người tật nguyền cần được yêu
thương hơn nữa. Song song, cần chú tâm đến người trong tù, di dân, thất nghiệp..
Đến với họ.
Các vị lãnh đạo công giáo tiến hành, bao gồm linh mục, tu sĩ cũng như giáo dân
nên ngồi lại trong tinh thần Phaolô, duyệt xét xem đối tượng nào thích hợp với
ơn đặc sủng của phong trào mình đang hướng dẫn, chú tâm chuyên biệt đến đối
tượng đó. Nên có chương trình, kế hoạch dài và ngắn hạn. Sau khi xem xét khả
năng nhân sự, vật dụng, nên giới hạn vào một số kế hoạch cụ thể và có thể thực
thi.
Có lẽ chúng ta cũng nên tránh các vấn đề thời thượng. Nói cách khác, không nên
cùng tập trung vào một đối tượng dù đối tượng này đang được báo chí, truyền
thanh nhắc nhở, mà lãng quên mục vụ của mình. Chúng ta làm việc không để nổi
tiếng nhưng nhằm đến nhu cầu của giáo hội và tha nhân.
Cộng tác với đoàn thể và xứ đạo
Khi canh tân tinh thần và hoạt động, nên lưu ý điểm quan trọng là sự cộng tác
chung với giáo xứ và với những vị có trách nhiệm. Đôi khi một vài đoàn thể quá
hăng say với viễn ảnh mới, trở nên quá khích, không muốn cùng đồng hành với giáo
xứ và với cha xứ. Thay vì làsức mạnh của giáo xứ, đoàn thể đó trở thành vết
thương của cộng đoàn. Gặp những trường hợp khác biệt giữa cha xứ, hội đồng mục
vụ và ban chấp hành đoàn thể, câu giải đáp có khi đã nằm trong thánh kinh và
sách giáo lý. Đọc kỹ và nghiền ngẫm cho kỹ, người ta sẽ dễ thấy ai đi đúng
đường, ai đi trật hướng. Phaolô nói rằng "Giả như tôi được ơn nói tiên tri và
được biết mọi điều bí nhiệm, mọi lẽ cao siêu, hay có được tất cả đức tin đến
chuyển núi dời non, mà không có đức mến, thì tôi cũng chẳng là gì" (1 Corinthô
13: 1-13). Cho nên lại một lần nữa, khi học hỏi thánh kinh và giáo lý Công giáo,
mọi người -bao gồm cả giáo xứ và đoàn thể- đều nhận được lợi ích.
Phaolô, sinh lực mới
Năm thánh Phaolô, tinh thần truyền giáo cho dân ngoại của Phaolô phải là sinh
lực mới của đoàn thể. Tại sao nơi lớp học, thầy giáo soạn giáo án hằng năm, hàng
tháng, đôi khi hàng tuần cho kịp trào lưu mới, còn chúng ta, rao truyền lời
Chúa, thì không có thời giờ và khả năng soạn chương trình huấn luyện cập nhật
hoá cho đoàn thể? Thực là điều khó hiểu. Nhưng ngay cả khi nếu chính mình không
soạn được vì lý do nào đó, còn có nhiều vị đủ khả năng và kinh nghiệm, sẵn lòng
giúp. Ai cũng biết, các bài diễn văn quan trọng về đức tin và luân lý của Đức
giáo hoàng, cũng không phải hoàn toàn do ngài soạn và viết. Ngài có chuyên viên
từng lãnh vực. Giáo hội chúng ta không thiếu chuyên viên.
Có lẽ nơi đây, cần nhìn đến các sách dậy giáo lý của chương trình CCD nơi giáo
xứ Hoa kỳ. Dễ dàng và chi tiết đến độ bất cứ một người trưởng thành có trình độ
trung bình đều có thể đứng lớp. Các tác giả trình bầy rõ ràng và chi tiết. Chỉ
cần sau một vài buổi huấn luyện, thầy-cô giáo đủ khả năng truyền đạt kiến thức
đến học trò. Các buổi huấn luyện hàng tuần hoặc hàng tháng cho đoàn thể, sẽ dễ
dàng hơn vì đoàn viên là người lớn, có thiện chí muốn học, muốn sống lời Chúa để
truyền giáo.
Hãy chỉ đừng mừng năm thánh qua các thánh lễ dù long trọng và có nhiều người
tham dự. Hãy đem tinh thần Phaolô đến với đoàn thể của mình và tha nhân.
L.M. Anthony Đào Quang Chính
Giáo Hội được Chúa Giêsu Kytô giao trọng trách giáo dục con người ở mọi nơi và mọi thời: “Các con hãy đi giảng dạy muôn dân”. Việc giáo dục trước hết mang tính nhân bản, khơi dậy sự thiện hảo, hướng dẫn việc khám phá và thưởng thức vẻ đẹp, trợ giúp việc tìm kiếm chân lý phổ quát nơi mỗi con người. Và giáo dục như thế sẽ dẫn đến ý nghĩa quan trọng hơn và là ý nghĩa sâu xa nhất, là hướng con người về với Đấng Tạo Hoá, là nguồn Chân, Thiện, Mỹ. Giáo Hội, với tư cách là người được giao sứ mạng gìn giữ và loan truyền kho tàng chân lý, đương nhiên phải nỗ lực tìm mọi cách thế để thực thi sứ mạng giáo dục. Thánh Công Đồng chung Vaticanô II trong Sắc Lệnh Về Giáo Dục Kytô giáo (Gravissimum Educationis) đã xác quyết: “Giáo Hội có trách nhiệm giáo dục, không những vì Giáo Hội là xã hội trần gian, phải được thừa nhận có khả năng giáo dục, nhưng nhất là vì Giáo Hội có nhiệm vụ loan truyền cho mọi người biết con đường cứu rỗi, cũng như thông ban sự sống Chúa Kitô cho các tín hữu và luôn lo lắng giúp đỡ họ đạt tới sự viên mãn của đời sống ấy”. Do đó mà Giáo Hội ở mọi nơi và mọi thời, đặc biệt là các dòng tu, luôn phát triển trường học kiến thức đời bên cạnh trường dạy các mầu nhiệm Đức Kytô là các thánh đường.
Tuy nhiên, trong các nước cộng sản Đông Âu trước kia, khi xã hội chủ nghĩa còn tồn tại, và ở vài nước cộng sản còn lại ngày nay, trong đó có Việt nam, việc giao cho Giáo Hội đứng ra mở trường lớp là điều còn cấm kỵ, cho dù nhà cầm quyền các nước này thấy mình không đủ khả năng điều hành trường lớp và hô hào “xã hội hoá giáo dục”. Vì sao?
I. TẠI SAO GIÁO HỘI CÔNG GIÁO KHÔNG ĐƯỢC MỞ TRƯỜNG HỌC?
Ở các nước cộng sản, Giáo Hội không những không được mở trường học, mà các trường học do Giáo Hội xây dựng và điều hành trước đây cũng bị trưng thu để làm trường nhà nước. Hãy khoan xét đến các khía cạnh sở hữu vô số tài sản và những món lợi khổng lồ từ trường học, ở đây chúng ta chỉ xét thuần khía cạnh giáo dục. Chắc chắn khi chủ trương cho tư nhân mở trường học, nhà cầm quyền Việt nam có nghĩ đến Giáo Hội Công Giáo, và họ có thể có các ý tưởng gần giống những điểm chính yếu sau đây:
1. Giáo Hội sẽ dạy gì?
Nội dung giáo dục trong các nước cộng sản, cho dù là môn học gì đi nữa, vẫn là dạy cho con người biết sống theo “định hướng xã hội chủ nghĩa”, sống và làm việc theo các lãnh tụ, là cố gắng chứng minh cho lối sống vô thần. Như vậy rõ ràng là việc giáo dục này ngược với giáo dục Công giáo như đã minh định ở trên. Do đó, khi nghĩ đến việc giao trường lớp cho Giáo Hội Công Giáo, nhà cầm quyền sẽ phải e dè nhiều mặt. Đàng khác, các lớp học của các trường do Giáo Hội điều khiển thường có treo Thánh Giá hay ảnh tượng Công giáo thay vì ảnh ông này bà nọ ở trần gian, và thường có phút cầu nguyện đầu giờ học. Điều này hiển nhiên hoàn toàn mâu thuẫn với việc học môn chính trị hay lịch sử đảng cộng sản, kể cả môn sinh vật, những môn mà nhà cầm quyền muốn đưa nội dung vô thần vào. Còn giả sử trường học dù do Giáo Hội điều khiển, phải theo thói thường ở Việt nam, treo cờ đỏ, hình Hồ chí Minh và những câu khẩu hiệu này khác, thì điều ấy có mâu thuẫn với hình ảnh giáo sư mặc áo dòng, hoặc không mặc áo dòng nhưng ai cũng biết là linh mục, tu sĩ, và có mâu thuẫn với những lời các vị ấy, và các giáo sư Công giáo khác, truyền giảng trong lớp học. Trường học của Giáo Hội không thể giảng dạy những điều mà mình biết chắc chắn là không có căn cứ. Ở trường Đại Học Sư Phạm có một tiến sĩ sử học khá quen thân với chúng tôi. Ban ngày anh dạy khoa sử, chúng tôi dạy khoa Anh văn. Buổi tối chúng tôi dạy ở trung tâm ngoại ngữ, còn anh làm giám thị. Một lần nọ, đang giờ học buổi tối, anh đi ngang qua phòng học của chúng tôi, gọi ra và nói nhỏ: “Vinh này, tôi buồn quá. Chiều nay có một đồng nghiệp dạy khoa khác, gặp tôi nói thẳng rằng tôi nói dối suốt ngày, vậy sao tôi chịu được? Nhưng tôi hỏi Vinh, nếu tôi không nói dối thì làm sao tôi kiếm được chén cơm?” Mới đây trong kỷ yếu của cựu chủng sinh Tiểu Chủng Viện Thánh Gioan Đà nẵng, có anh đang dạy một môn nọ ở Sài gòn, cũng tỏ ra mặc cảm và bảo: gặp tôi ai cũng hỏi tôi còn dạy môn ấy không”. Có những môn học mà người dạy luôn tỏ ra mặc cảm như thế, liệu trường của Giáo Hội sẽ dạy như thế nào cho phù hợp với định hướng chung?
2. Việc cạnh tranh trường lớp.
Giáo dục thì làm gì có cạnh tranh? Vâng, nếu hiểu giáo dục như định nghĩa ở đầu bài viết này thì không có gì phải cạnh tranh. Nhưng nếu xét việc mở trường dưới khía cạnh kinh doanh thì sẽ khác. Vì trường lớp có thể mang tính kinh doanh, nên việc quảng cáo, tiếp thị bây giờ nhiều khi mang tính cách thiếu chân thực. Ai cũng biết nhiều trường học ở Việt nam bây giờ, từ nhà trẻ cho đến đại học, nhất là các trường luyện thi, luôn quảng cáo bằng các ngoa ngữ hoàn toàn giả dối, và người học và phụ huynh thì hoàn toàn không biết sự thật. Trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt và thiếu lành mạnh như thế, trường của Giáo Hội sẽ là mối đe doạ cho các cơ sở làm giáo dục thiếu lương thiện. Xét ở nhiều khía cạnh, các trường do Giáo Hội điều hành và giảng dạy sẽ có uy tín hơn. Và liệu các trường khác có lo lắng cho việc chiêu sinh của họ không. Chúng tôi xin đan cử một ví dụ. Khi các dòng nữ mở nhà trẻ, thì nhiều phụ huynh chen chúc gửi con cho họ, kể cả các cán bộ nhà nước, ít ra vì họ tin tưởng rằng các chị nữ tu chăm sóc trẻ con với lương tâm và tình yêu thật sự. Và dĩ nhiên, các nhà trẻ khác sẽ mất một số lượng học trò!
3. Phải trả lại trường cho Giáo Hội.
Nếu nhà cầm quyền đồng ý cho Giáo Hội mở trường, thì chắc sẽ dẫn đến một động thái khác: trả lại trường của Giáo Hội cho chủ nhân thật của chúng. Thật khó thống kê có bao nhiêu trường của Giáo Hội đã bị trưng thu, nhưng thật dễ nhận ra điều này: đa số các trường nhà nước hiện nay là của Giáo Hội. Bên cạnh mỗi nhà thờ ở miền Nam trước biến cố 1975 thường có ít là một ngôi trường, do các cha xứ phụ trách. Rồi còn bao nhiêu trường khác do các dòng tu đảm nhận. Sau 1975, những trường ấy bị quốc hữu hoá và bây giờ vẫn do nhà nước sử dụng. Giả sử nhà cầm quyền yêu cầu Giáo Hội phải mua đất, xây trường khác, thì câu hỏi “vậy những ngôi trường cũ của Giáo Hội bao giờ sẽ châu về Hợp Phố?” chắc chắn không thể biến mất nơi cả Giáo Hội và nhà cầm quyền.
II. GIÁO HỘI MỞ TRƯỜNG LÀ ĐIỀU CẤP BÁCH.
1. Giáo dục đang có quá nhiều vấn đề.
Những người ở ngoài ngành giáo dục luôn nghĩ rằng giáo dục Việt nam đang có vấn đề. Những người ở trong ngành thì thực tế hơn, thấy rõ ràng vấn đề đã quá nghiêm trọng. Ở đây chúng ta không xét vấn đề nảy sinh là do đâu, do sự yếu kém trong quản lý, do luân lý và đạo đức trong xã hội sa sút nghiêm trọng hay do sự cố tình gây ra vấn đề để lèo lái dư luận, hay do cả ba… Nhưng rõ ràng nền giáo dục đã quá sa sút với bao nhiêu điều làm nhức đầu cả xã hội: bằng cấp giả, học vẹt, học quá nhiều mà kiến thức thì hầu như không có, tệ nạn học đường nhan nhản khắp nơi, thi cử gian lận, đề thi lúc nào cũng có sai lầm, chạy điểm mua thành tích bằng tiền và bằng tình, thầy cô không đủ trình độ, “dạy phất phơ ở trường để bắt học sinh học thêm” (“dạy phất phơ” là kiểu nói của TS Vũ Quang Việt trong dự án nghiên cứu phát triển giáo dục VN) v.v… Đã có nhiều lời tuyên bố, đã giương lên bao khẩu hiệu và đã tung ra bao nhiêu lời hô hào, và rồi thi vẫn thua cử, bằng vẫn không được cấp mà là bán mua, nạn vẫn ngày càng tệ. Vấn đề nhiều quá, cấp bách quá, vậy Giáo Hội với sứ vụ và chuyên môn của mình cần phải ra tay. Sự ra tay này không chỉ là cứu vớt mà sẽ còn là sự thúc đẩy mạnh mẽ nền giáo dục và đem lại niềm tin cho xã hội. Dù người ta yêu hay ghét Giáo Hội, người ta cũng phải thừa nhận Giáo Hội thành công rất nhiều trong công cuộc giáo dục qua nhiều thời đại. Cách đây hơn mười năm, nhà cầm quyền địa phương ở một quận trong thành phố Sài gòn này đã đặt vấn đề với Cha Phêrô Nguyễn văn Hiền, lúc bấy giờ là cha phó xứ Tân Định: “Chúng tôi làm giáo dục đã có nhiều vấn đề quá, trong khi trước năm 1975 ở miền Nam, Giáo Hội Công Giáo rất thành công trong việc giáo dục. Linh mục có thể lý giải vì sao?”. Vấn đề được đặt ra tự nó cũng đã là câu trả lời, và câu trả lời ấy cần phải được thực hiện ngay ở đây và lúc này.
2. Cần giáo dục con người toàn diện.
Một nền giáo dục chân chính và trọn vẹn chắc chắn không chỉ là truyền thụ các tri thức khoa học và xã hội, cho dù là kiến thức ấy được trình bày khách quan đến mức nào đi nữa. Bất cứ một nhà giáo dục nào cũng hiểu được rằng nền giáo dục thành công là phải đào tạo được con người cả về đức dục, trí dục và thể dục. Giáo dục sẽ tan hoang khi đạo đức suy đồi. Mà nói theo Nhà Cách Mạng vĩ đại Phan Châu Trinh (chúng tôi viết hoa từ Nhà Cách Mạng bởi vì Cụ Phan Tây Hồ và Cụ Sào Nam Phan Bội Châu là hai Nhà Cách Mạng đúng nghĩa với tài đức vẹn toàn cùng với cái tâm trong sáng, cái nhìn xa rộng về tương lai đất nước), cụ Phan Chu Trinh trong bài diễn thuyết về Đạo Đức và Luân Lý Đông Tây (năm 1925) có nói: “Ta đã biết nước ta mất cũng vì luân lý, dân ta hèn cũng vì mất đạo đức luân lý, bị người khinh bỉ dày xéo cũng vì mất đạo đức luân lý, thì ta phải cố sức sửa đổi luân lý, bồi đắp đạo đức của ta.” Mà đạo đức là gì? Đạo đức, cụ Phan Tây Hồ nói theo định nghĩa phổ quát, là thực thi một nền luân lý. Không thừa nhận tôn giáo thì làm gì có luân lý. Đã không có luân lý thì làm gì có đạo đức? Cách đây ít lâu, trong Thánh Lễ dành cho các thầy cô giáo ở Nhà Hiệp Nhất DCCT Sài gòn, Cha Vũ Khởi Phụng có đặt vấn đề: “Tôn sư trọng đạo, làm sao được, bởi vì ta có đề cao đạo nào, vậy làm sao trọng đạo mà đòi tôn sư!”. Mới đây, trong bài viết về giáo dục và y tế, cha Lê Quang Uy cũng lên tiếng: “tôn mãi chẳng thấy sư nào đáng mặt sư, trọng mãi chẳng thấy đạo nào cho ra đạo”. Ở trường PTTH Bùi Thị Xuân Sài gòn có giương lên câu “Lương sư hưng quốc”, một giáo viên nói vui: “Sư lương chừng ấy nên quốc hưng cũng bằng đó thôi”. Quả thật, một nền giáo dục hợp lý và canh tân đã đến lúc phải được thực hiện, dù xã hội phải trả giá đắt cho nó. Trong website yahoo.com.vn, để trả lời cho câu hỏi “Tại sao giáo dục ngày càng xuống cấp trầm trọng”, câu trả lời được chọn là hay nhất là câu này: “Đó là vì các bạn chỉ được học theo tư tưởng và đường lối của đảng thôi mà quên rằng chính kiến thức về khoa học thực tiễn, về đạo đức làm người, về môi trường xã hội mới tạo nên được một con người tài giỏi và chân chính.”
(http://vn.answers.yahoo.com/question/index?qid=20071129081017AA38uw2)
3. Sự cạnh tranh giúp trường học hoàn thiện.
Chúng tôi đề cập đến việc cạnh tranh trong giáo dục với hai nghĩa: cạnh tranh về chính giá trị và nội dung của giáo dục, và cạnh tranh về phí tổn mà học sinh phải gánh chịu. Khi trường lớp của Giáo Hội Công Giáo được điều hành và giảng dạy với lương tâm chức nghiệp, thì đó là động lực thúc đẩy nền giáo dục cả nước vươn lên. Người ta chỉ rề rà khi chung quanh ai cũng lê la. Có một cua rơ vượt lên, chắc chắn cả đoàn đua phải tăng tốc. Một nền giáo dục không có động lực chân chính thúc đẩy thì chẳng bao giờ nên trọn hảo. Chúng tôi xin lấy một ví dụ nhỏ về tấm gương phản chiếu. Năm ấy chúng tôi được mời đến dạy cho một lớp 12 chuyên Anh ở trường PTTH NTB (Sài gòn). Chúng tôi tình cờ thấy các em học sinh làm bài môn Văn mà cứ viết theo kiểu vô học khi đề cập đến các nhân vật lịch sử, chẳng hạn “tên vua Khải Định”, chúng tôi thấy bất bình với cách ăn nói này, nên góp ý với các em. Các em bảo: ai cũng viết vậy thôi, vì cô giáo dạy Văn, cô H., giảng bài như vậy. Sau khi góp ý với ban giám hiệu không được, chúng tôi viết bài phê bình trên báo Thanh Niên với nội dung “Tiên học lễ” mà vậy sao? Sau đó người ta triệu tập cuộc họp, bắt tôi làm “kiểm điểm”, hỏi tôi có “ý đồ” gì mà viết về chuyện này v.v…. Người ta bất bình, giận dữ. Nhưng điều quan trọng nhất mà tôi muốn nhấn mạnh và tôi đã đạt được: cô giáo ấy thận trọng hơn khi giảng bài hay trích dẫn từ sách nọ sách kia! Trong giáo dục, không có gương phản chiếu thì không ai nhận ra mình đi đúng hướng hay không.
Về học phí cũng vậy. Các trường đang thi nhau tăng học phí, kể cả, và nhất là, các trường công. Trường thì sửa đâu hư đó, thiết bị dạy học thì nghèo nàn… vậy mà học phí thì luôn gấp mấy lần thu nhập của người bình dân. Người ta hỏi nhau “vì sao ngày càng có nhiều học sinh bỏ học”. Hỏi thì hỏi vậy, nhưng chẳng ai dám đưa ra câu trả lời. Chỉ có Giáo Hội, với sứ mạnh và tâm nguyện của mình, mới có thể giúp các em nghèo đến với trường lớp. Và cũng chỉ có Giáo Hội với cái tâm trong sáng của mình mới có thể vô vị lợi đến với thế hệ tương lai. Nhưng ở đây chúng tôi cũng đau lòng xin mở cái ngoặc: những người tự xưng là thành phần của Giáo Hội, kể cả hàng giáo sĩ, khi đã vì tư lợi hay vì hèn kém mà đầu quân vào những chỗ không xứng đáng, vì làm mọi quỉ dữ, thì đừng a dua chạy vào làm giáo dục, kẻo Giáo Hội lại mang tiến là luôn muốn quyền danh!
4. Sự đóng góp về nhân sự của Giáo Hội.
Có ba vấn đề vế nhân sự trong giáo dục Việt nam: thiếu giáo viên, giáo viên không có đủ trình độ, bao gồm giáo viên có bằng giả, và giáo viên dạy thiếu lương tâm nghề nghiệp. Ở đây chúng tôi không phân tích ba vấn đề này vì nó đã quá phổ biến ở Việt nam. Vì thực tế ấy quá tràn lan, nên không ai có thể tìm ra giải pháp thích hợp. Giáo Hội Công giáo, với nhiều linh mục, tu sĩ và giáo dân có trình độ, có bằng cấp, có lòng yêu nghề và sự thao thức cho một nền giáo dục phát triển, chắc chắn sẽ là sự đóng góp lớn lao đáng kể cho đại cuộc. Xin kể một câu chuyện vui minh hoạ: Trong một lớp học nọ có một sinh viên học cũng bình thường mà cứ bị thầy la mắng hoài. Một lần ông thầy nóng giận và bảo: “Em học dở quá. Ngày trước khi bằng tuổi em, tôi học giỏi và đàng hoàng lắm, được thầy tôi khen hoài chứ đâu như em bây giờ.” Cậu sinh viên bình tĩnh thưa: “Dạ em biết thầy ạ. Nhưng em cũng biết lý do. Ấy là vì thầy của thầy giỏi hơn thầy của em”!!! Vâng, thầy giáo chính là tác nhân của giáo dục. Giáo Hội chắc chắn sẽ có đủ nguồn nhân lực cho việc giáo dục của mình.
LỜI KẾT
Như đã trình bày, nhà nước có những lý do để trì hoãn việc chấp thuận cho Giáo Hội Công Giáo mở trường dạy học. Nhưng vì tương lai con người Việt nam, vì sự phát triển xã hội, việc Giáo hội tham gia vào công cuộc giáo dục cần phải được khích lệ và thực hiện nhanh chóng. Trong tham luận về xã hội hoá giáo dục, y tế, từ thiện trình bày trong Hội nghị về xã hội hoá giáo dục y tế tổ chức tại Sài gòn ngày 24 tháng 7 năm 2008, Cha Vinh sơn Phạm Trung Thành, Giám tỉnh DCCT Việt nam đã viết: “Không thể tiếp tục gạt các tôn giáo ra bên lề xã hội và biến các tôn giáo thành “người ngoại quốc”, và thậm chí còn bị đối xử không bằng một người ngoại quốc, trên quê hương Việt Nam như thế ! Nếu chính quyền thực sự thương dân thương nước này, nếu chính quyền thực sự tôn trọng tự do tôn giáo, nếu chính quyền thực sự tôn trọng pháp luật, chính quyền phải để cho các tổ chức tôn giáo tham gia vào tiến trình xã hội hoá giáo dục-y tế, cụ thể là được mở trường và lập bệnh viện như những cá nhân và tổ chức khác”..
GIOAN LÊ QUANG VINH (giảng viên Đại Học Sư Phạm Sài-gòn)
Là Kitô hữu, chúng ta thường nghe cụm từ “hành trình đức tin”. Tin là một quá
trình bước đi không ngừng, tiến mãi về phía trước để gặp Đấng vô hình. Thỉnh
thoảng có dừng chân nhưng không bao giờ đứng lại.
Sau khi hỉ hoan về phép lạ cả thể mà Thầy đã thực thi cho gần vạn người no nê,
các tông đồ lại phải chưng hửng lần nữa vì lệnh của Thầy: Hãy lên đường ! Hãy
xuống thuyền mà qua bờ bên kia ! Cám dỗ dừng chân đứng lại và nghỉ ngơi trên
thành công, trên chiến thắng vẫn luôn có đó với phận người. Sau khi khánh thành
một công trình hoành tráng, sau khi hoàn thành một cuộc lễ hay một cuộc tổ chức
lớn bé, thì dừng chân, ngồi lại để lượng giá, kiểm thảo để rút kinh nghiệm là
điều cần thiết, nhưng để đứng lại chiêm ngắm vinh quang là một cám dỗ triền miên
và thật khó lường hậu quả. Ròng rã hơn mười mấy năm trong vai trò thầy giúp xứ
cũng như hơn mười mấy năm đời linh mục, bản thân nghiệm thấy chính mình và các
đấng khi xây dựng một công trình nào đó thì chuyện hay đi lui đi tới ngắm nghía
công trình là chuyện như cơm bữa. Ai lại không thích ngắm nghía vinh quang của
mình. Ai lại không nghe người ta trầm trồ về cái gọi là thành công của mình. Hễ
có khách đến thăm thì phải tìm dịp giới thiệu cho được những gì mình đã “ra
tay”.
Các tông đồ năm xưa chẳng hơn gì chúng ta hôm nay. Dù chỉ là những người giúp
phân phát bánh – cá, nhưng các ngài làm như chính tay mình thực thi kỳ công
“phép lạ hóa bánh”. Theo Tin mừng thánh Gioan thì việc người dân muốn tôn Chúa
Giêsu làm vua có thể là do dân chúng tự phát cũng có thể là bởi sự gợi ý có chủ
đích của nhóm mười hai vị rất tham “ngồi bên hữu, bên tả Thầy trong vinh quang”
( x. Mc 10,35-40 ). Đêm đã về. Dân chúng đã no nê. Chúng mình cũng đáng được hả
hê nghe bao lời chúc tụng chứ. Chuyện bất ngờ đã đến, dù không ai thích thú chút
nào. Thầy ra lệnh tất cả xuống thuyền ngay. Còn Người thì giải tán dân chúng và
lên núi cầu nguyện một mình.
Bỏ vinh quang, bỏ thành công rực rỡ để ra đi là một điều không dễ chút nào. Cảnh
đời phía trước mịt mùng khó tiên liệu và sóng gió ba đào là chuyện dường như khó
tránh. Các tông đồ hôm ấy đã phải đương đầu với hiện thực ấy. Sóng thì to, gió
thì lớn. Thuyền đang chơi vơi nghiêng ngã. Lòng các ngài cũng ngã nghiêng theo
gờ cạnh con thuyền. Tâm trạng của tiên tri Êlia năm nào cũng không khác gì. Sau
chiến tích oanh liệt hạ gục những 450 sư sãi thần Baal, Êlia đã phải trốn chạy
sự truy đuổi, tìm diệt của hoàng hậu Giêdabel. Sau vinh quang thì tai họa liền
kề.
“Ra đi là chết trong lòng một ít”. Chẳng có sự dứt bỏ nào mà chẳng có xót xa hay
đau đớn, nhất là phải từ bỏ những thành công huy hoàng hay những hạnh phúc êm ả
cho dù chúng là hữu hạn của đời thường. Hạnh phúc đích thực vẫn ở phía trước. Đó
là Thiên Chúa, Đấng không chỉ chờ đợi mà đang tiến tới để đón gặp chúng ta.
Tin là bước đi, là ra đi, tiến về phía trước, về nơi chưa hề biết như Abraham
ngày nào. Bỏ quê hương, xứ sở, bỏ cả gia tộc thân yêu để lên đường. Xót dạ khi
ra đi và bâng khuâng khi tiến về phía trước. Nào là sóng gió cuộc đời, nào là
phong ba tình người, tất thảy như đang chờ đợi để dập vùi, đánh đắm con thuyền
đời ta. Một Phaolô hết lòng hết dạ với người đồng hương Do Thái, ngài đã khẳng
định: “ Quả vậy, giả như vì anh em đồng bào của tôi theo huyết thống, mà tôi có
bị nguyền rủa và lìa xa Đức Kitô, thì tôi cũng cam lòng” ( Rm 9,3 ). Hiểu cho
đúng thì Phaolô không quay lưng với tôn giáo tổ tiên mà tiến lên một tầm cao mới
trong hành trình đức tin khi đã được diện kiến Đức Kitô phục sinh, Đấng Thiên
Sai mà tổ tiên ông hằng mong đợi, thế mà ngài vẫn mãi bị người đồng hương xem là
phản đạo, bội giáo, bỏ đạo để rồi luôn tìm cách bắt giết. Một khi đã ra đi, tiến
về phía trước thì cái giá cần trả không chỉ là gian nguy, khốn khó mà cả sự lo
âu, phiền muộn. Ngài thú nhận: “Thưa anh em, có Đức Kitô chứng giám, tôi xin nói
sự thật. tôi không nói dối, và lương tâm tôi, được Thánh Thần hướng dẫn cũng làm
chứng cho tôi rằng: lòng tôi rất đổi ưu phiền, và đau khổ mãi không ngơi” ( Rm
9,1-2 ).
Với Êlia, với Phaolô hay với các tông đồ khi ở trên thuyền chòng chành giữa biển
đầy sóng gió, Thiên Chúa không bao giờ để các ngài cô đơn một mình. Người hằng ở
với họ. Người luôn đồng hành với họ. “Thầy đây, đừng sợ !” ( Mt 14,27). “Ơn Ta
đủ cho con” ( 2Cor 12,9 ). “ Thầy sẽ không để các con mồ côi” ( Gio 14,18 ). Dù
giữa biển khơi hay giữa đêm tối của cuộc đời, Đấng làm người mãi ở cùng chúng ta
mọi ngày cho đến tận thế ( x. Mt 28,20 ). Chỉ một điều là hãy nhắm đích và tiến
thẳng trong niềm tin.
Thỉnh thoảng cũng nên biết dừng chân để tự kiểm để định hướng hay chỉnh hướng,
nhưng không được phép đứng lại. Đứng lại là một trong những thái độ tự hài lòng
về thành công của chính mình. Từ chỗ hài lòng đến chỗ tự cao tự đại là một
khoảng cách không mấy xa. Và hậu quả của sự tự kiêu, tự mãn như đã nhãn tiền.
Chưa tính đến chuyện Chúa hạ kẻ tự kiêu và nâng cao người phận nhỏ ( x.Lc 1,52
), thì chính kẻ cao ngạo, họ đã tự đặt mình vào vị thế cheo leo và sẽ ngã không
biết lúc nào.
Đứng lại cũng là một hành vi tỏ dấu sự nghi ngờ. Khi thiếu niềm tin hay khi lòng
tin yếu kém thì ta rất dễ bị cám dỗ dừng lại, không can đảm tiến lên. Những cái
sợ như sợ khó, ngại khổ, sợ thất bại…nhiều khi nhấn chìm chúng ta trong các trở
ngại khách quan vốn dĩ không thể tránh của kiếp người.
Không ai là không một lần gặp chông gai, sóng gió. Không ai là không đã từng
nhiều lần ngã quỵ vì gian truân, khốn khó. Chuyện ngã, chuyện té là chuyện bình
thường của phận người. Điều quan trọng là biết chỗi dậy và tiến lên. Trong niềm
tin vào tình yêu của Đấng đã tự nguyện làm bạn đời của ta là Đức Giêsu, ước gì
chúng ta được như thánh tông đồ dân ngoại là “quên đi những gì phía sau để lao
mình về phía trước” ( Pl 3,13 ).
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
Năm 1950, có thể gọi là một năm của biến cố lớn lao của Hội Thánh Công Giáo thế kỷ 20. Năm Đức Thánh Cha Pio XII tuyên bố Tín Điều Đức Maria Hồn Xác Lên Trời vào ngày 1-11-1950, và mừng kính trọng thể hàng năm vào ngày 15-8.
Thời kỳ đó, chiến tranh hận thù đã dồn người ta vào những ngõ cụt hòng tiêu diệt nhau, không khoan nhượng, không tha thứ. Sau khi thế chiến thứ 2 chấm dứt, các nước Âu Châu kiệt quệ cả ba mặt : sinh lực, tài lực và tinh thần. Cả thế giới bị khủng hoảng về vấn đề kinh tế và công ăn việc làm. Hướng nhìn của mọi người là đồng đôla và mẩu bánh mì. Trong khung cảnh rối bời của thế giới như vậy, ngày 01-11-1950 Đức Thánh Cha Piô XII long trọng tuyên bố trước Hồng Y Đoàn và toàn thể thế giới tín điều :
“Đức Trinh Nữ Maria lên trời cả hồn lẫn xác ”.
Thật sự đường lối của Thiên Chúa thì luôn khác hẳn với đường lối của thế gian. Con người cả thân xác lẫn linh hồn, muốn được no đủ, bình an, hạnh phúc, thì chỗ nghỉ ngơi trông cậy phải là trong Thiên Chúa, không phải nơi đồng đôla hoặc mẩu bánh mì, cũng không phải nơi bạo lực, hận thù hay tranh chấp. Bước sang thế kỷ XXI, thế giới đã ở mức giàu sang tuyệt đỉnh, thử hỏi con người đã đạt tới mảy may hạnh phúc thật sự chưa ? No cái bụng chưa hẳn là đã yên cái tâm!
Qua việc Hội Thánh Chúa Kitô ở trần gian công bố tín điều Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời, Chúa Thánh Thần muốn cho cả thế giới biết rằng nơi cư ngụ, nơi định cư cuối cùng của mọi người cả hồn lẫn xác là ở trong Thiên Chúa. Mọi đường lối chính sách, mọi cách sống của nhiều người hoặc của từng người, dù cho khôn khéo tài giỏi đến đâu thì điểm hẹn, đích đến, chỗ nghỉ ngơi cuối cùng và mãi mãi phải là nhà Cha. Nếu không tới được điểm hẹn đó thì tất cả coi như uổng công. Vả lại chính Thiên Chúa là Đấng dẫn dắt, cầm tay và cõng người ta lên vai để đem họ qua tất cả những chặng đường nguy hiểm, tối tăm, đau khổ, tủi nhục của trần thế một cách an toàn, cho đến nơi định cư cuối cùng đã dành sẵn cho kẻ yêu thương và tín nhiệm vào Ngài.
Việc này có thật, vì Đức Maria đã đi hết đoạn đường đau đớn tủi nhục đó trên bàn tay của Thiên Chúa. Và hôm nay Mẹ đã được ở trong nước của Ngài cả hồn lẫn xác (không phải chỉ linh hồn siêu nhiên bất tử mà thôi đâu, ma còn cả thân xác nữa).
Một người ở thế giới này đã bước được những bước chân trần tục của mình lên mặt trăng, thì việc lên mặt trăng không còn là chuyện mơ hồ giả tưởng nữa.
Một người phụ nữ yếu đuối hôm nay đã có mặt cả thân xác và linh hồn ở trên vương quốc Thiên Chúa, thì việc chúng ta cũng được như vậy cả xác lẫn hồn, không phải là chuyện mơ hồ giả tưởng nữa đâu.
Nếu Thiên Chúa yêu quý các linh hồn, thì Thiên Chúa cũng nâng niu bồng bế những thân xác là nơi mà Thiên Chúa đã thở sinh khí, và ban cho nó một linh hồn tốt lành bất tử vào đó. Thân xác của con người quý giá đến độ mà Con Thiên Chúa phải điều đình thương lượng với một người thiếu nữ trần gian, để người thiếu nữ ban cho Ngài một thân xác như mọi người, để Thiên Chúa làm cho tất cả thân xác con người đã xấu đi vì tội lỗi, được nên đền thờ Chúa Thánh Thần, có Ba Ngôi Thiên Chúa ngự trị. Vì thế, việc Đức Maria lên trời cả thân xác và linh hồn là một việc dĩ nhiên, và việc chúng ta sẽ lên trời cả hồn lẫn xác cũng là một việc dĩ nhiên, nếu chúng ta tin vào Thiên Chúa, để cho Thiên Chúa nuôi dưỡng chúng ta no đủ phần xác như chim trời, mặc đẹp cho chúng ta như bông huệ tốt xinh. Nếu sống tín thác vào tình yêu Thiên Chúa như vậy, thì Thiên Chúa Ba Ngôi sẽ cùng đồng hành với chúng ta trong mọi nỗi khó khăn bất trắc của trần gian một cách bình an, vui mừng cho đến ngày cùng chung sống với Ngài trên Thiên Quốc.
Đức Maria đã sống như vậy, và đang là gương mẫu cho mọi xác phàm muốn sống như vậy. Đức Maria là mẫu mực và là người chúng ta phải nhờ cậy để gặp gỡ được Con Thiên Chúa. Vì tất cả những gì Thiên Chúa muốn ban cho chúng ta nơi Đức Giêsu Kitô, Con của Ngài, đó là : “Chức vị làm con, chức vị thừa hưởng phúc lộc của Cha, chức vị đồng trị với Đức Giêsu ” (2Tim 2,12), dù có cố gắng lắm chúng ta cũng không nhận được trọn vẹn, chưa nói chúng ta còn có khả năng từ chối. Nhưng Thiên Chúa đã chuẩn bị cho một người có khả năng nhận được, đó là Đức Maria, để nhờ Mẹ dẫn dắt mà chúng ta đón nhận được Đức Giêsu.
Đức Maria, một con người xác phàm từ đất mà ra như chúng ta, không phải từ trời mà đến như Đức Giêsu Kitô, đã sống trọn vẹn cuộc sống ân nghĩa trong vinh quang Thiên Chúa. Mẹ đã chứa đựng trong thân xác linh hồn mình cả một Đấng quyền năng tạo thành vũ trụ, cùng với một đại dương mênh mông của lòng mến, mà vẫn sống được cuộc sống bình thường như mọi người, trong nhân ái yêu thương như mọi người, và còn trổi xa hơn mọi người. Như vậy Đức Mẹ phải là con người duy nhất mà chúng ta có thể tín nhiệm và phải cậy trông. Muốn không bị lạc nẻo giữa đường trần gian này, chúng ta phải chạy đến nhờ Mẹ đưa đến gặp gỡ được Đức Giêsu con Mẹ, để sống kết hiệp với Ngài. Sống kết hiệp không phải trên mây trên gió, mà ngay trong mọi nỗi đau buồn, khấp khểnh, đói no, bất trắc của cuộc sống hôm nay, trong xã hội này, giữa thế giới đầy xao xuyến bất an chúng ta đang ở.
Tại sao chúng ta lại ca tụng Đức Mẹ như vậy ? Tại sao chúng ta đã có Đức Giêsu rồi mà còn phải qua một nhịp cầu của Đức Maria nữa ?
Thưa vì những điều đã suy niệm ở trên, nhưng còn vì điều này nữa là “Đức Giêsu muốn như vậy. Thiên Chúa muốn như vậy”. Ý muốn ấy đã được chính Con Thiên Chúa nói ra trên thánh giá : “Này là Mẹ con ” (Ga 19,27). Việc làm mẹ của Đức Maria từ chân thánh giá sẽ còn kéo dài vĩnh viễn tới lúc hoàn tất việc cứu rỗi mọi người được tuyển chọn (Lumen Gentium, 62).
Tuy nhiên, phải xác tín lại điều này : “Chúng ta chỉ có một Đấng trung gian duy nhất giữa Thiên Chúa với nhân loại là Đức Giêsu Kitô, Ngài là Con Người đã dâng mình làm giá chuộc mọi người ” (1Tm 2,5.6).
Vai trò làm Mẹ của Đức Maria đối với loài người không làm lu mờ hay giảm bớt vai trò trung gian duy nhất của Chúa Kitô chút nào, trái lại còn làm sáng tỏ mãnh lực của sự trung gian ấy. Vì bắt nguồn từ công nghiệp dư tràn của Chúa Kitô mà một người thiếu nữ ở làng Nazareth đã trở thành :
– Vô nhiễm nguyên tội
– Trọn đời đồng trinh
– Mẹ Thiên Chúa
– Mẹ loài người, và cuối cùng là cả hồn xác về trời.
Tuy nhiên không phải đến đây là chấm dứt. Với tình mẫu tử, Đức Maria trong sự sống của Thiên Chúa Ba Ngôi, hằng luôn chăm sóc những anh em của Đức Giêsu, đang còn phải lữ hành trên trần gian đau khổ và đang gặp bao hiểm nguy thử thách, cho đến khi chúng ta đạt tới hạnh phúc quê trời.
Bởi đâu Đức Maria được như vậy ? Và bởi đâu chúng ta phước lộc có một người mẹ như vậy ?
Tin Mừng nói rất rõ : Bởi Đức Maria tin vào Thiên Chúa, và đặt đời mình vào trong ý của Thiên Chúa. Sách Thánh nói : “Bà Elizabeth được đầy Thánh Thần mà kêu lớn lên rằng : Phúc cho Bà là kẻ đã tin rằng viên thành sẽ đến cho mọi điều Thiên Chúa đã phán dạy cho Bà .”
Bản thân Đức Maria chẳng có công nghiệp gì để đáng được như vậy. Và phần chúng ta không bao giờ có thể đặt một tạo vật như Đức Maria ngang hàng với Đức Giêsu Kitô. Tất cả chỉ là ơn, như chính Đức Maria đã nói trong kinh Magnificat. Mẹ chẳng có công gì nhưng tất cả đều là ơn huệ của Thiên Chúa : “Chính Thiên Chúa đã đoái nhìn phận hèn tôi tớ của Người, nên lòng trí tôi nhảy mừng lên trong Thiên Chúa Đấng Cứu Chuộc tôi. Những điều cao cả tôi đang được là chính Chúa làm cho tôi, nên mọi đời sẽ khen tôi có phúc .”
Đức Maria được nên cao trọng như vậy, bởi vì Đức Giêsu Con của Mẹ. Mẹ đã đặt cả đời mình vào trong ý của Cha trên trời và kết hiệp mật thiết với Đức Giêsu Kitô.
Hôm nay nhìn vào Đức Maria, Mẹ của tôi hiện đang ở trên thiên quốc cả hồn lẫn xác, và cũng đang ở bên tôi, tôi tự đặt câu hỏi : Tôi phải yêu mến Đức Maria thế nào ?
Thưa, tôi phải yêu mến Đức Maria như người con thảo đối với mẹ hiền. Đừng bao giờ sợ lòng yêu mến Đức Maria là quá mức hay quá đáng. Vì thật sự tất cả thần thánh trên trời cũng như những người tốt lành dưới đất có yêu mến Đức Maria đến đâu cũng không thể sánh bằng lòng yêu mến của Đức Giêsu Kitô đối với Mẹ của Ngài được.
Hơn nữa, nếu tôi càng yêu mến Đức Mẹ, thì chắc chắn tôi lại càng gắn bó mật thiết với Đức Giêsu. Vì chính Đức Mẹ sẽ giúp tôi làm việc ấy, và cũng chính là lòng khao khát của Đức Mẹ như vậy. Đức Mẹ sẽ có con đường ngắn nhất và đúng nhất để dẫn dắt tôi vào trong tình yêu của Con Thiên Chúa.
Nhưng nếu tôi luôn kêu cầu Đức Mẹ, siêng năng lần chuỗi Môi Khôi nhiều giờ trong ngày mà lòng tôi vẫn cứ lạnh nhạt với Đức Giêsu Kitô, vẫn không bị cuốn hút vào tình yêu mến Thiên Chúa, nghĩa là cách sống của tôi chẳng có gì thay đổi, vẫn chỉ yêu mình và không hề lưu tâm đến người khác, có khi còn gây khổ tâm cho những người thân yêu trong gia đình tôi và những người lối xóm, thì lúc ấy tôi phải xét lại lòng mến Đức Mẹ của tôi có đúng như ý của Thiên Chúa không ? Hay chỉ mới là những mớ tình cảm vụn vặt, vụ lợi cho mình và vô bổ.
Lạy Đức Giêsu Kitô, xin dạy cho con biết yêu mến Đức Maria theo ý của Ngài.
Lạy Đức Maria, Mẹ của con, xin Mẹ dạy con biết yêu mến Đức Giêsu là Con Mẹ, theo đường lối của Mẹ. Amen
Linh Mục Giuse Trần Đình Long, sss
Các bộ môn Thể thao càng ngày càng phổ biến cho mọi người và được mở rộng đến mọi nước, mọi lục địa trên hoàn cầu.
Thể thao trở nên cơ hội tốt cho mọi nước cùng trình diễn khả năng thi đấu của mình và cùng gặp gỡ nhau trên vận động trường.
1. Olympia và các châu lục
Cứ bốn năm một Hội điền kinh thế giới Olympia tổ chức thi đấu vào mùa Hè chung cho mọi bộ môn thể thao mùa hè.
Hội điền kinh thế giới tổ chức Olympia nhằm khuyến khích phong trào thể thao luyện tập sức khoẻ, khuyến khích các tài năng phát triển qua các cuộc thi đấu treo giải thưởng huy chương cho những ai, những dân tộc nào thắng cuộc, và cổ vũ cho mọi dân tộc xích laị gần nhau qua thể thao. Nên dấu hiệu của Olympia là năm vòng tròn tượng trưng cho năm châu lục được vẽ hay khắc đan vào nhau như các mắt xích liên kết với nhau. Năm vòng tròn với năm mầu sắc khác nhau nói lên đặc điểm của mỗi châu lục:
- Vòng mầu xanh da trời tượng trưng cho Châu đại dương hay còn gọi là Úc châu.
- Vòng mầu vàng tượng trưng cho Á châu
- Vòng mầu xanh lá cây tượng trưng cho Âu châu
- Vòng mầu đen tượng trưng cho Phi châu
- Vòng mầu đỏ tượng trưng cho Mỹ châu
Năm vòng tròn với năm mầu sắc khác nhau cũng nói lên những đặc tính của Olympia: Hoà bình, Vui tươi, Khoẻ mạnh, Chân thành và Tình bằng hữu.
2. Olympia và đạo đức
Olympia là hội lễ thể thao có nguồn gốc từ xa xưa ở bên Hy Lạp để tôn kính các Thần Thánh. Người Hy Lạp ngày xưa tổ chức hội lễ thi đấu thể thao vừa để giải trí vừa nhằm luyện tập thân xác cho khoẻ mạnh tráng kiện, và qua đó tinh thần cũng trở nên tỉnh táo minh mẫn.
Và họ không chỉ chú trọng đến thân thể tráng kiện cùng vui đến giải trí, nhưng họ còn chú trọng đến khía cạnh đạo giáo tinh thần. Vì thế giữa các cuộc thi đấu thể thao họ dành giờ rước kiệu ca hát tôn kính các Thần Thánh của họ. Họ đặt ra luật lệ trong suốt thời gian diễn ra các cụôc tranh tài thể thao không được gây ra chiến tranh.
Các vận động viên tham dự các cuộc tranh tài phải có bộ mặt vui tươi và khi luyện tập cũng như khi thi đấu họ phải biểu lộ sự chân thành, cái đẹp cái hay của nghệ thuật không được chơi xấu, vì thể thao là môn nghệ thuật nói lên sự dẻo dai uyển chuyển của thân xác.
Cùng qua hội lễ thi đấu thể thao Olympia có những cuộc gặp gỡ trao đổi tạo nên tình thân hữu với nhau.
Thánh Phaolô ví cuộc sống trần gian của chúng ta là một cuộc chạy đua trên vận động trường trên đường về quê hương trên trời với Thiên Chúa. Phần thưởng đạt được không phải huy chương vàng bạc hay đồng, nhưng là triều thiên chiến thắng không bao giờ hư nát, tức là đời sống hạnh phúc trên trời. ( 1 cor 9, 24-25)
3. Olympia trong nếp sống hôm nay ngày mai
Còn trong đời sống giữa con người vời nhau trong xã hội thì sao ?
Đức
giáo hoàng Benedictô XVI. hôm Chúa nhật 03.08.2008, trong buổi đọc kinh truyền
tin đã có tâm tình hướng về Olympia: “ Thứ Sáu mùng 08.08. tới đây là ngày khai
mạc Olympia lần thứ 29 tại Bắc Kinh. Tôi vui mừng gửi tới Quốc gia tổ chức
Olympia 2008, tới các người tổ chức và các tham dự viên lời chào thân ái, cùng
với lời cầu chúc tới mỗi người nỗ lực cho đi những gì tốt đẹp nhất của mình
trong tinh thần olympia tinh tuyền. Tôi quan tâm theo dõi biến cố thể thao lớn
lao này với lòng thiện cảm và nhiệt liệt cầu mong sao tinh thần olypia cống hiến
cho cộng đồng quốc tế một thí dụ khuôn mẫu về gía trị sự sống chung giữa các
người thuộc nhiều nguồn gốc khác nhau, trong sự tôn trọng phẩm gía chung. Ước
chi một lần nữa tinh thần thể thao Olympia là bảo chứng cho tình người và hòa
bình giữa các dân tộc.“
Thánh Phaolô cũng nêu ra cung cách sống chung: “ Đừng làm chi vì ganh tỵ hay
vì hư danh, nhưng hãy vì lòng khiêm nhượng kính trọng nhau.“ ( Phil 2,3).
LM. Đaminh Nguyễn Ngọc Long
Tuyệt Vọng mà vẫn Cậy Trông
Đối với tôi, giờ Cầu Nguyện Lòng Thương Xót Chúa và Đức Mẹ ở Giáo Xứ Chí Hòa mỗi chiều thứ năm đã trở thành một phần tất yếu của cuộc sống. Vì chính nơi đây, tôi đã có được sự bình an đích thực và cảm nghiệm Thiên Chúa là đấng giàu lòng xót thương. Có những việc con người thấy bất lực, đành bó tay thì Thiên Chúa ra tay để chứng minh rằng tình yêu của Ngài là vô bờ bến. Ngài yêu thương tất cả, không loại bỏ ai, kể cả những con người mang trong mình căn bệnh thế kỷ. Xã hội có thể xa lánh họ, nhưng Thiên Chúa giàu lòng xót thương luôn rộng tay đón nhận ấp ủ họ.
Để một lần cảm nghiệm được Thiên Chúa giàu lòng xót thương, tháng 7 vừa qua, tôi tham gia chuyến công tác bác ái tại Trung Tâm Mai Hòa với “ĐỘI QUÂN ÁO XANH” của người linh mục “bụi đời lãng tử”- chúng tôi gọi như thế vì cha hay theo chân Giêsu lân la chơi với những dân chơi bụi đời, xìke, HIV… Đây là nơi nuôi dưỡng những con người mang căn bệnh thế kỷ, tứ cố vô thân, những người sống bên lề xã hội. Điểm đầu tiên chúng tôi dừng chân là một lớp học của các em thiếu nhi. Thoạt nhìn, đây cũng như bao lớp học khác, các em vui chơi và tung tăng nhảy múa. Nhìn các em hồn nhiên nô đùa không ai trong chúng tôi không khỏi chạnh lòng vì đây là những em có bố mẹ bị bệnh AIDS cho nên vừa sinh ra các em đã phải lãnh lấy bản án tử hình. Nhưng Thiên Chúa là đấng giàu lòng xót thương, Ngài không để tất cả những đứa trẻ được sinh ra bởi các bà mẹ mang bệnh AIDS đều bị nhiễm bệnh, tỷ lệ này chỉ chiếm 30%. Thiên Chúa đã tỏ rõ quyền năng và chỉ có Ngài mới có thể làm nên những điều kỳ điệu như thế. Chúng tôi càng xác tín điều này hơn khi được dẫn đến gặp anh Dương Trí Đức. Anh đi bụi đời từ năm mười lăm tuổi. Hậu quả cuộc sống trôi dạt không định hướng là vào năm 2003, anh phát hiện mình dính HIV. Năm sau lại bị xơ gan cổ chướng. Bác sĩ nói gia đình về lo hậu sự vì anh chẳng còn sống được bao lâu nữa. Trong cơn bệnh như vậy, sự kỳ thị của người xung quanh, nỗi cô đơn cùng cực, cộng thêm với đau đớn về thể xác làm anh như muốn chết đi để giải thoát cho bản thân. Chính giây phút tuyệt vọng đó, Chúa ra tay. Anh được đưa về Trung Tâm Mai Hòa trong tình trạng dở sống dở chết với ba căn bệnh thời kỳ cuối của HIV: xơ gan cổ chướng, đau bao tử và lao phổi. Vào đây, anh được sự đồng cảm của những con người cùng cảnh ngộ, đón nhận tình thương của mọi người, không còn sự kỳ thị của những người xung quanh. Dần dần, anh tìm được sự bình an trong tâm hồn, dù lúc đó anh chưa nhận biết Chúa. Khi cơn đau hoành hành, anh được hướng dẫn cho cách đọc kinh, cầu nguyện, phó thác và cậy trông vào Thiên Chúa. Thật lạ lùng, lời nguyện cầu của người không đạo được Chúa nhận lời. Cơn đau giảm dần, từ đó lòng tin của anh vào Thiên Chúa mạnh mẽ hơn. Hơn 8 tháng sau, bụng của anh xẹp xuống. Anh cho chúng tôi xem hai tấm hình trước và sau khi anh được Chúa chữa lành. Khác nhau một trời một vực. Anh đã được rửa tội, trở thành nhân chứng hùng hồn của Lòng Thương Xót Chúa. Điều anh muốn nhắn nhủ với các bạn trẻ là đừng dại dột dính vào “cái chết trắng” để tự huỷ hoại đời mình và làm khổ cho gia đình. Và trong bất cứ hoàn cảnh nào, hãy tín thác vào Thiên Chúa để có được sự bình an đích thực. Anh cầm tấm hình Lòng Chúa Thương Xót và chỉ cho chúng tôi câu “thần chú” anh vẫn đọc hằng ngày đã cứu thoát anh: “Lạy Chúa Giêsu, con tín thác vào Chúa.”
Tình Mẫu Tử
Hình ảnh Khánh N. (28 tuổi) mà chúng tôi gặp là một người gầy yếu như người phụ nữ lứa tuổi U50. Năm 1999 chị lấy chồng và bị nhiễm bệnh HIV do người chồng lây qua, mà chính người chồng cũng không biết là mình bị bệnh! Mẹ theo đạo Phật. Bố là người Công Giáo. Chị nhận mình là người có đạo nhưng sống ngoài thánh ý Thiên Chúa. Trong lúc thập tử nhất sinh, chị được ơn trở lại làm con Thiên Chúa. Khi được đem vào đây như điểm dừng chân cuối cùng, người phụ nữ bất hạnh này còn có 28 kg, trông như một cái xác chờ chết. Giờ đây, Chị đã được Chúa chữa lành, lên 40 kg, sức khỏe hồi phục rất nhiều. Chị có một con trai 8 tuổi đang gởi ở với bà ngoại dưới quê. Dù yên thân ở đây, nhưng tình mẫu tử luôn ấp ủ trong tim mình. Có những đêm nhớ con muốn khóc nhưng sợ ảnh hưởng đến người xung quanh, chị phải chạy vào nhà tắm để khóc cho vơi nỗi nhớ nhung quay quắt. Mong ước của chị là khi chết sẽ được giởi hài cốt tại Trung Tâm như những bạn đồng cảnh ngộ ở đây đã ra đi trước chị. Chúng tôi thấy nghẹn ngào, sống mũi cay cay, chỉ còn biết phó thác người chị em này vào lòng thương xót của Chúa.
Những Người Hoàn Lương
Chúng tôi đến khu vực thủ công bán đồ lưu niệm. Nơi đây có mấy người phụ nữ ngồi đan những hạt trân châu để làm móc khóa, làm những bình hoa. Họ đến từ những nơi khác nhau, hoàn cảnh cũng khác nhau nhưng đều mang trong mình căn bệnh thế kỷ. Người đầu tiên mà chúng tôi tiếp xúc là cô N, 48 tuổi, bị lây bệnh từ người chồng năm 2003. N. là người theo đạo Phật chính gốc, có pháp danh Diệu Từ. Chúa đã cảm hoá người Phật Tử này. Sau một thời gian ở đây, cảm nghiệm tình thương của Chúa, cô xin học giáo lý và đã được rửa tội. Cô khoe hình đứa con gái 8 tuổi của cô đã được bố mẹ nuôi người Ý đón qua 6 tháng trước. Hình cô bé rất dễ thương đang sống hạnh phúc với bố mẹ, anh chị nuôi bên Ý. Hoàn cảnh của chị Ngọc T. 32 tuổi éo le hơn. Chị bị bệnh 6 năm nay. Lúc đầu, bị nấm ăn trên lưỡi, do không gặp thầy gặp thuốc nên càng trị thì nấm càng ăn lan, và càng ngày càng nặng hơn. Khi được đưa vào đây là lúc lưỡi chị sắp đứt. Chị lúc đó rất yếu, không ăn được gì, nghĩ mình vào đây chỉ chờ chết thôi, không còn chút hy vọng. Chị là người ngoại đạo, dù chưa biết Thiên Chúa và Đức Mẹ nhưng hằng đêm vẫn cầu xin lòng thương xót Chúa và Đức Mẹ. Lạ lùng thay sức mạnh của lời cầu nguyện! Chị đã được gặp thầy gặp thuốc. Dần dần chị ăn được cháo. Lên đây khoảng 2 tuần, chị thấy trong người khỏe hơn. Chị học giáo lý và được rửa tội, lấy tên thánh là Maria. Căn bệnh nấm lưỡi của chị đã khỏi hoàn toàn, chị ăn uống bình thường. Chị tuyên xưng: “Chính Chúa đã cứu tôi!”
Một lần ghé thăm Trung Tâm Mai Hòa cùng với “Đội Quân Ao Xanh”, chúng tôi thấy rõ sức mạnh của lời cầu nguyện, và thêm tin tưởng vào Lòng Thương Xót của Chúa. Những anh chị em được đưa đến đây, như là trạm cuối cuộc đời. Ay thế mà chính tại đây họ đã được hồi sinh, được có cuộc sống bình an, giờ đây họ không còn bơ vơ, tất tưởi nữa, họ đã có Chúa và Đức Mẹ đồng hành với họ.
Kim Thu
(Mt 13,1-23)
“Hạt giống rơi vào đất tốt sinh hoa kết quả: hạt được một trăm, hạt được sáu mươi, hạt được ba mươi” (Mt 13,8)
Thế nhưng như thế nào thì được gọi là ruộng tốt, và phải chuẩn bị ra sao? Để có được một mảnh ruộng màu mỡ, hay một tâm hồn tốt để sinh hoa kết quả, cần thực hiện các bước như sau:
1. Nhận định
Ruộng
. Xem ruộng có bằng phẳng không.
. Xem ruộng có nước mặn, phèn chua hay có những ổ côn trùng dịch bệnh gây hại nào.
. Xem ruộng có những loại cỏ dại nào: Lác, sậy, đế, lăn, bông kê, đuôi phụng…
Hồn
. Xem hồn ta có bằng phẳng: ngay thẳng hay quanh co, liêm chính hay gian lận, công bằng hay lươn lẹo, thật thà hay xảo trá, chân thành hay mưu mô.
. Xem hồn ta có bị thứ phèn chua của cứng lòng, phèn mặn của cố chấp không.
. Xem hồn ta có những ổ dịch bệnh nào: coi thường Thiên Chúa và ân sủng của Ngài, coi thường Giáo hội và những người cộng tác, coi thường các giá trị thiêng thánh, coi thường truyền thống tốt đẹp của Giáo hội, gia đình…
. Xem hồn ta có những loại cỏ dại nào đang làm hại, làm hao sức, kiệt lực ta. Đặc biệt là những đam mê gắn bó khiến ta dần cắt đứt liên hệ với Thiên Chúa, đóng khung mình lại với vũ trụ, và khép mình lại với tha nhân. Nào là lười biếng đến mê tiền bạc, nào là tìm kiếm sắc đẹp và nhục dục, rồi đến quyền chức và bảo thủ, nào là kiến thức và kiêu căng. Tệ hơn nữa là các nguy cơ gây mất tình Chúa, tình người: dâm ô, ghen tuông, ganh tị, say sưa, hận thù, nóng giận, bè phái, chống đối, phóng đãng, thờ quấy…
2. Cày ruộng
Ruộng
Dùng các loại phương tiện hỗ trợ như: trâu bò, máy cày, máy xới, để cày tung các thứ cỏ dại, xới lật lên các thứ ổ dịch bệnh gây hại.
Hồn
Dùng cỗ máy hạng nặng và chất lượng là lề luật của Chúa và Giáo hội để đối chiếu, để vạch trần mọi thứ xấu xa gian ác, phơi bày mọi thứ tội lỗi sai lầm, đưa ra ánh sáng mọi thiếu sót lỡ lầm của ma quỷ đang gặm nhấm lương tâm và linh hồn ta.
Đây là bước quan trọng và rất can đảm, vì, cũng giống như cỏ dại, mọi thứ xấu đã quen và gắn bó nhiều với cuộc sống, nó đi vào máu huyết và chúng dần trở thành những người bạn đồng hành trong cuộc sống của ta. Vì thế, khi phải đưa những những người bạn này ra ánh sáng, phải ly dị thì quả là đau xót, dù vẫn biết chúng là những kẻ vô tích sự.
3. Chờ đợi
Ruộng
Khi đã cày ruộng xong, đất cần phải phơi nắng cho côn trùng không còn chỗ dung thân, các loại cỏ dại bị đứt rễ không còn cơ hội sống sót và, ánh nắng sẽ tiêu diệt chúng.
Hồn
Thời gian này có thể nói là thời chua xót và đau khổ. Vì phải đối diện với chính mình, phải bỏ đi những thói quen, những tật, tệ, tội vốn vẫn quyến luyến với đời ta như hình với bóng. Giờ này không phải là chỉ ly dị, mà còn phải vĩnh biệt nữa. Thật vô cùng thương tiếc.
Đây cũng là thời gian ta phải chịu nhiều áp lực nhất: áp lực của ơn Chúa Thánh Thần, áp lực của sự thật, áp lực của lề luật, áp lực của lương tâm, áp lực của bản thân, áp lực của cộng đoàn, của người thân, rồi đến cám dỗ và áp lực của ma quỷ.
Con người phải đối mặt với sự thật, không những chỉ đấu tranh tư tưởng thôi, mà còn phải mạnh dạn hành động để xa tránh, để tẩy trừ và tống khứ mọi thứ xấu xa đã làm cho ta phải khổ sở.
4. Đổ ải
Ruộng
Sau khi đất đã khô, cỏ đã chết, ta bơm nước sạch vào. Đất sẽ tan thành bùn và trở thành chất bổ ích lợi cho cây lúa. Tuy nhiên còn những cục đất lớn chai lì không chịu tan thì, ta lại phải tiếp tục dùng máy trục, máy chạc để đập cho nát tan thành bùn để chúng không còn có cơ hội làm ảnh hưởng đến hạt giống.
Hồn
Dù đã nhận dạng bộ mặt thật của mọi thứ xấu xa, đã được đối chiếu bằng lề luật và bản thân có nhiều cố gắng. Tuy thế, vẫn còn có những điều xấu thuộc loại đại ca, chúng có thời gian thâm niên và nằm trong thâm căn cố đế lòng mình sẽ không chịu xa rời ta.
Vì vậy, một lần nữa, ta lại phải xét mình kỹ lưỡng, cương quyết đối mặt với những tội lỗi ấy, mạnh dạn xưng ra với người đại diện của Chúa và can đảm làm theo hướng dẫn của Giáo hội. Giống như máy trục, bí tích Hoà giải sẽ giúp tẩy rửa tâm hồn, xoa dịu vết thương, giúp hàn gắn để ta được thực sự là con của Thiên Chúa. Và còn giúp loại đi những thứ lì lợm muốn thường trú trong ta.
5. Gieo giống
Ruộng
Dĩ nhiên ta sẽ lựa giống lúa tốt dựa theo kinh nghiệm cá nhân, theo năng suất đạt được, hay nghe theo các nhà nghiên cứu khoa học về giống cây trồng để gieo vào mảnh đất đã được chuẩn bị kỹ lưỡng này.
Hồn
Còn hạt giống gieo vào tâm hồn thì ta không cần phải lo lắng về chất lượng. Bởi hạt giống chính là Lời Chúa, là Đức tin, là Nước Trời. Khi ta đón nhận Lời Ngài với tất cả lòng yêu mến và trân trọng, với lòng khao khát và tìm kiếm thực sự, với tất cả ý ngay lành và tha thiết cầu xin, thì chắc chắn hạt giống Lời Chúa sẽ có cơ hội để nẩy mầm. Hạt giống này sẽ hứa hẹn một mùa lúa bội thu, vì “ai nghẹn ngào ra đi gieo giống, mùa gặt mai sau khấp khởi mừng” (Tv 125,5).
6. Chăm sóc
Ruộng
Chắc chắn ta sẽ dùng phân tốt, lấy nước sạch và sử dụng các loại thuốc hỗ trợ để chăm sóc, giữ cho cây lúa tốt tươi, lớn mạnh mà không bị bệnh tật hay sâu rầy phá hoại làm giảm năng suất cây trồng.
Hồn
Hạt giống Lời Chúa sẽ phát triển và lớn mạnh bằng một thứ dinh dưỡng đặc biệt. Đó chính là Thánh Thể. Quả thực, không có một thứ dưỡng chất nào tốt bằng Thánh Thể. Thánh Lễ sẽ cung cấp đầy đủ mọi sức mạnh giúp cho ta chăm sóc tốt cây sự sống đời đời này.
Rồi cây sự sống còn được chăm sóc bằng thứ nước Hằng Sống và bằng những loại nước sạch khác nữa. Đó là các việc đạo đức: chầu Thánh Thể, viếng đàng thánh giá, suy gẫm Lời Chúa, lần chuỗi Mân côi…
Sau cùng, dĩ nhiên, một loại thuốc không thể thiếu được. Thuốc này chất lượng tuyệt hảo đã được không phải con người, mà chính Đức Giêsu đã thử nghiệm, đã kiểm định. Thuốc này từ xưa tới nay và cho tới muôn đời, dù thời gian qua đi, nhưng nó vẫn không hề bị mai một, không hề bị giảm chất lượng hay bị lờn thuốc. Thuốc ấy chính là Cầu Nguyện. Cầu nguyện là sức mạnh cho ta thắng vượt mọi thứ sâu bệnh là sự dữ. Nhờ cầu nguyện ta mới có khả năng làm được những điều tốt và tránh xa được những điều xấu.
Mùa lúa bội thu chính là Nước Trời, là Thiên Chúa đang chờ ta, ta còn chờ gì nữa.
Thanh Thanh
Hôm trước kiểm tra tập vở của Bo không thấy sổ báo bài như mọi khi, mẹ hỏi, Bo chỉ ầm ừ bảo đê quên ở trường. Mấy hôm sau mẹ lại hỏi, Bo bảo không tìm thấy, mẹ bực nên quát cho Bo một trận. Cuối cùng, ba mẹ đến gặp cô giáo mới biết Bo bị điểm kém, sợ ba mẹ rày nên giấu. Mẹ và cô giải thích với Bo rằng bị điểm kém chi cần cố gắng để lần sau tốt hơn, nhưng không trung thực mới là xấu. Bo đã xin lỗi cô và ba mẹ, hứa từ nay không dám như vậy nữa.
Ngày chủ nhật, ba khuyến khích Bo nên rời xa đống bài tập ở nhà để cùng ba đi câu cá. Đến địa điểm câu, ba và Bo lăng xăng móc mồi, thả câu. Ba dạy Bo từng bước một cách ngắt côn trùng tra vào lưỡi câu ra sao, cách nhìn dòng nước chảy để gài cần sao cho cá cắn câu trong thời gian ngắn nhất, đến cách nhìn cái phao trên đầu lưỡi câu đang xoay xoay để phân biệt khi nào cá ăn thật mới giật, nếu không sẽ làm cá nhắt mồi…Bo chăm chú nghe và quan sát rồi thực hiện giống như “kịch bản” của ba. Cứ thế hơn hai giờ đồng hồ, cái xô nhỏ của Bo gần đầy cá…long tong!
Bo phấn khích vô cùng, nói cười luôn miệng. Bỗng chuông điện thoại reo vang, Bo nghe ba cười giả lả: “ồ mẹ Bo yên tâm, hôm nay hai cha con đi câu được nhiều cá…to lắm!”. Nhìn qua cái xô đựng cá của ba, Bo tròn mắt kinh ngạc vì trống trơn. Ba nhìn Bo, gãi đầu bào chữa: “ Người lớn chỉ câu… cá lớn, nhưng xui quá, hôm nay cá lớn vào chợ hết rồi. Để lát nữa cha con mình ghé chợ mua cho mẹ con cá to, giả bộ nói la câu được nhé!”. Nói vậy là không trung thực với mẹ rồi!”. Bo lắc đầu, cương quyết . Ba giật mình rồi phá lên cười: “Ờ há… ba chỉ đỉnh “kiểm tra” con thôi, không ngờ con trai của ba giỏi thiệt…giữ đúng lời hứa phải trung thực!”
Hai cha con cười xòa, mồ hôi nhễ nhại, thu dọn hành trang ra về. Một bữa câu chỉ vài con cá nhỏ nhưng một bài học lớn mà con trẻ đã tiếp thu khiến cha cũng phải…giật mình.
Theo báo Phụ Nữ
Sức khoẻ gia đình :
Trong
lớp học, trẻ có tật khúc xạ không nhìn rõ trên bảng, hay chép nhầm bài, đọc nhầm
chữ ảnh hưởng đến chất lượng học tập. Đây là bệnh rất hay gặp ở trẻ em nên việc
nhận biết và khắc phục sớm rất quan trọng.
Các loại tật khúc xạ thường gặp ở trẻ em
Cận thị là khi nhìn xa thì mờ nhưng nhìn gần vẫn rõ nhờ vào chức năng điều tiết
của mắt trừ khi cận thị quá nặng. Cận thị có thể là bẩm sinh hay mắc phải.
Viễn thị là khi nhìn xa rõ hơn nhìn gần. Điều Mắt viễn thị thường gây nhược thị
và có thể là yếu tố gây ra lác điều tiết nên cần phải được phát hiện và điều trị
sớm.
Loạn thị là khi nhìn xa hay gần đều mờ. Trẻ bị loạn thị thường nhìn mờ khi nhìn
lên bảng hay đọc nhầm, chẳng hạn như chữ H đọc thành chữ N, chữ B đọc thành chữ
H, chữ I đọc thành chữ T... Loạn thị có thể là đơn thuần hoặc phối hợp với cận
thị hay viễn thị.
Lệch khúc xạ tức là một mắt cận còn mắt kia viễn hoặc cả hai mắt cùng cận hay
cùng viễn nhưng khác nhau về mức độ. Đôi khi là một mắt chính thị còn mắt kia là
cận thị đơn thuần, viễn thị đơn thuần hay cận loạn hoặc là viễn loạn.
Hậu quả không thể xem thường
Nhìn chung, mắt có tật khúc xạ là mắt có thị lực kém và trẻ thường biểu hiện bằng nheo mắt, nghiêng đầu, vẹo cổ khi nhìn, đôi khi có thể có nhức đầu, nhức mắt... Trong lớp học trẻ không nhìn rõ trên bảng, hay cúi đầu lại gần sách để nhìn cho rõ, hay chép nhầm bài, đọc nhầm chữ thậm chí còn có thể ảnh hưởng đến chất lượng học tập.
Những trường hợp này cần được phát hiện sớm và gửi đi khám bác sĩ mắt để có
phương hướng điều trị thích hợp.
Ngoài ra trẻ phải tuân thủ đầy đủ chế độ vệ sinh học đường như tư thế ngồi học,
bàn ghế, bảng đen, ánh sáng phòng học, chế độ giải lao vui chơi và dinh dưỡng
hợp lý để không bị mắc phải cận thị học đường hoặc nếu có bị những tật khúc xạ
bẩm sinh thì cũng không bị nặng hơn.
Nguồn: Sức khỏe & Đời sống
Mỗi lần nói đến Nước Trời người ta nghĩ ngay đến ở một nơi, một chỗ, một góc nào đó trên bầu trời xa tít mênh mông. Nơi đó, đầy hoan lạc, đầy sung sướng, đầy thỏa thuê...
Nước Trời không phải là chuyện mua bán kinh doanh đổi chác “mua viên ngọc ấy”. Nước trời không phải là gian tham lừa lọc “gặp được thì liền chôn giấu lại”. Nước Trời cũng không phải là chuyện sợ hãi kinh khiếp “chiếc lưới thả xuống”. Bài Tin Mừng muốn nói lên tâm trạng vui mừng hân hoan của người gặp kho báu, của người thương gia, của ông thuyền chài....
Nước Trời tìm kiếm ở đâu? Có phải chậy bôn ba tìm kiếm lùng sục hết chỗ này đến chỗ kia, lang thang thơ thẩn hết cửa hàng này sang cửa hàng nọ mãi không mua được thứ mình cần dùng? Nước Trời có phải bán hết mọi của cải đồ vật trong nhà để đi ra hè phố, công viên ngủ nhờ, rình chờ ai bán thì mua? Nước Trời có phải thơ thẩn vào các cửa hiệu bán tranh ảnh tượng chọn lấy một khuôn mẫu nào mà mình ưng ý nhất về trưng trên bệ cho mọi người cùng chiêm ngưỡng sít soa? Nước Trời có phải đi dự các lễ nghi sầm uất đình đám ồn ào đông đúc tấp nập tưng bừng hoa nến? Nước Trời có phải là đi vào các thư viện miệt mài tìm kiếm trong những pho sách cổ điển, hiện đại để đào bới nhiều ý tưởng thật hay, nhiều tâm tình cảm sốt? Nước Trời có phải gồng mình lên giữ nề nếp khắt khe, ăn chay hãm mình phạt xác kiêng khem đến phát bệnh ra?
***
Không phải thế đâu !
Nước Trời, một tình thương yêu âu yếm, một niềm vui hạnh phúc tuyệt vời ở ngay trong lòng, ngay trong mạch máu con tim mỗi người. Một Tình Yêu đi bước trước không đòi một điều kiện nào. Vậy thì tại sao ta phải lo tìm kiếm? Tìm kiếm Nước Trời, không phải bôn ba xa gần mà hãy ở yên tại chỗ; không phải bán hết của cải mà hãy cứ giữ lấy; không cần thiết phải đến những nơi ồn ào đình đám, đến cửa hiệu trưng bày tranh ảnh tượng, đến thư viện mở những pho sách dày cộm.... Tìm kiếm là nỗi lòng khao khát khôn nguôi, là đáp lại của lời mời gọi, là sự chọn lựa khôn ngoan. Khao khát để được gặp gỡ, khao khát để được sống tương quan, khao khát để khám phá ra một tình thương yêu âu yếm đã có sẵn, khao khát để xác tín được một hạnh phúc niềm vui có một không hai.
Ai đã cảm nghiệm được “ân ban” sống với Chúa mọi nơi mọi lúc, sự kết hiệp sâu xa mật thiết với Chúa trong từng hơi thở thì người đó đã cảm nếm phần nào Nước Trời ngay từ hôm nay, sự sống đời đời bắt đầu từ lúc này (“Và cho chúng con được nếm trước những ân huệ Cha sẽ ban cho chúng con ở đời sau” Lời tiền tụng các thánh Trinh Nữ và các thánh Tu Sĩ). Trong Thánh Lễ mỗi ngày, mỗi người được đụng chạm tới Đấng giới thiệu Nước Trời và như thế cũng là được đụng chạm tới Nước Trời hằng ngày. Thế nhưng mỗi người có cảm nhận được niềm vui hạnh phúc Nước Trời như trong dụ ngôn Tin Mừng (vị thương gia, người cày ruộng, ông thuyền chài) không? Hay vẫn còn mơ mộng niềm vui hạnh phúc ở một cõi xa xăm nào đó? Ở ngoài tầm tay?
Vị thương gia tìm được viên ngọc quý, người cầy ruộng gặp được kho báu... lúc đó họ bán hết tất cả những gì mình có. Và cũng như thế, nếu chúng ta cảm nếm được Nước Trời, một tình thương yêu âu yếm, niềm vui hạnh phúc vỡ bờ... lúc này mới nói đến được sự từ bỏ của cải danh vọng địa vị với những ham hố trần gian. Bởi bao lâu con người chưa cảm nếm thì họ còn đi tìm những niềm vui hạnh phúc nho nhỏ trần gian cung cấp cho...
Đức Kitô xuất hiện, Người giới thiệu Nước Trời với một Thân Thể bầm dập đẫm máu và chết tủi nhục, thế thì có gì hấp dẫn đâu? Vâng, đến với Thập Giá để sống Nước Trời, bởi nơi dáng vẻ hình hài bên ngoài thô ráp sần sùi đó thì bên trong vẫn ẩn chứa sự dịu ngọt nồng nàn, sức sống mãnh liệt. Cuộc sống của người khao khát Nước Trời không thể tránh những thử thách sóng gió chao đảo chênh vênh nhưng nếu cứ biết kiên trì trung thành bám chắc vào Tình Yêu thì người đó vẫn luôn đứng vững trong mọi tình huống.
Nước Trời, trong đó Thiên Chúa và những người con thân cận luôn luôn ở ngã ba, ngã tư đường để kêu gào cách thống thiết sự sám hối, hoán cải, quay trở về... bao lâu còn có thể. Hôm nay lúc này ở đây thời gian cơ hội còn cho phép, đừng chần chừ, ái ngại, so đo tính mà hãy liều lĩnh vùng dậy tung áo choàng đứng thẳng và bước đi. Đi ra khỏi những ảo tưởng, những vỏ ốc chặt hẹp, những thói quen máy móc buồn tẻ để đi vào một cuộc mạo hiểm phiêu lưu nghìn trùng và như thế để biết thế nào là phó thác, gắn chặt.
***
Lời tâm sự: Con Thiên Chúa đã hy sinh tất cả vì loài người chúng ta (2 Cor 8,9 ; Pl 2,6-11). Có thể nói được rằng trần gian hay mỗi người chúng ta là viên ngọc quý, Đức Giêsu cất công đi tìm. Thế nhưng, thưa các bạn, tôi vẫn cứ tránh né ẩn nấp, nhõng nhẽo làm eo (vì còn mải mê trần thế) không chịu chừa cái mặt... mít ra cho Người gặp. Cứ để cho Người đào bới đẫm mồ hôi mướt máu ; cứ để Người bôn ba ngược xuôi mòn mỏi, thân xác bải hoải, tay chân rời rã; cứ để người thả lưới cực nhọc dầm sương thâu đêm, dãi nắng cả ngày... và như thế niềm vui mừng nơi Người không có, Nước Trời vẫn chìm lặng trong đăm chiêu.
Có những lúc tôi cũng muốn nếm thử, cũng muốn nhìn coi cho biết Chúa ngọt ngào dường bao, nhưng tôi chỉ thấy quay quắt với chính mình, đối diện với cõi lòng tăm tối nặng nề của mình và cuộc đời tôi như bước vào ngõ cụt, tưởng chừng như sự khao khát, lòng cảm nếm vượt quá sức cố gắng của tôi. Tôi lại buông bỏ, chán nản...
Thế nhưng tôi có trốn chạy mãi được đâu.... Cho đến lúc chẳng còn thấy mình bám víu vào trần gian được nữa, một tiếng nói mạnh mẽ trong tôi là tôi cóc cần mọi sự. Và tôi đã lấy hết can đảm để đứng lại, diện đối diện, mở mắt thật to mà nhìn, tai vểnh lên để nghe trước Chúa Giêsu Thánh Thể.... lúc đó tôi thấy mình bị nắm bắt “bởi lẽ chính tôi đã được Đức Kitô Giêsu chiếm đoạt”(Pl 3,12)
Mong Manh