Text Box: TIN VUI
Web site:www.tinvui.org E-mail : bantreconggiao@yahoo.com

Text Box: Số 46 CN 06.08.2006

 

 

Mục lục

 

 Chúa Nhật XVIII Thường Niên B..

TẬP THỂ TÔN GIÁO KHÔNG ĐẠO ĐỨC..

LỜI CHÚA VÀ GIÁO LÝ..

Các bạn trẻ Công Giáo được kêu gọi chuẩn bị cho Ngày Thế Giới Trẻ 2008 tại Sydney.

TIỂU SỬ THÁNH ĐA MINH Tổ Phụ Dòng Anh Em Thuyết Giáo.

Ý CẦU NGUYỆN THÁNG 8, năm 2006.

Một vài suy nghĩ về Bản dịch mới 2005 “Nghi thức Thánh Lễ”.

Người tu sĩ - Tôi tớ của Thiên Chúa.

Narcisse.

ĐỌC BẢN VĂN  Xh 12,1-13,16.

BỊ TÙ VÌ RAO GIẢNG LỜI CHÚA..

BẠN CÓ NGHÈO KHÔNG ?.

ĐIỀU HOÀ NHIỆT ĐỘ..

HÃY CHO CON TỰ BƯỚC ĐI.

LỜI CỦA CHIẾC DÂY THỪNG..

 

Text Box: SỐNG LỜI CHÚA
 

 


 

Chúa Nhật XVIII Thường Niên B

Lễ Chúa Hiển Dung

Ngày 06/08/2006

 

HIỂN DUNG VÀ SỰ HỘI NHẬP

 

Tôi không nhớ mình đã in từ đâu một bài viết rất cảm động của một tác giả lấy tên là Lang Thang Chiều Tím. Tác giả bắt đầu bằng một lá thư điện tử của một người bạn sắp chết: “‘Ngày đầu của một năm mới, anh cầu chúc nhiều điều tốt đẹp đến với em. LTCT ơi, hôm nay anh đã tìm được sự bình an trong tâm hồn, một ngày thật là hạnh phúc đối với anh trong tình yêu Chúa. Cám ơn Chúa, cám ơn em! Chúa ơi, con không còn phiền muộn và đau khổ trong căn bịnh ung thư của con nữa. Lạy Chúa con vui vẻ yêu Chúa.  Thân mến’.

Tôi nghẹn ngào đến rơi lệ… Có lẽ năm sau, tôi sẽ không còn có cơ hội để nhận thiệp chúc tết của anh nữa. Năm sau biết anh còn có cơ hội để tuyên xưng đức tin, tình yêu và niềm hạnh phúc của mình trong ngày đầu năm như thế này hay không? … 

… Bác sĩ nói anh còn sáu tháng nữa, đã ba tháng trôi qua rồi và anh tiếp tục đếm từng tháng ngày đang vô tình trôi qua đời anh… Thế mà không những anh đã cảm nhận được tình yêu vô biên của Thiên Chúa, anh lại còn vui vẻ đáp trả lại tình yêu đó với một thân xác bịnh hoạn sắp đến hồi kết thúc. Thế mà anh vẫn tìm được sự bình an trong tâm hồn vào ngày Tết dương lịch cuối cùng của đời mình …

Không còn phiền muộn! Không còn khổ đau dù rằng căn bịnh vẫn trơ trơ ra đó. Tất cả chỉ còn lại sự bình an, một ngày đầu năm hạnh phúc, một niềm vui ngọt ngào trong tình yêu Thiên Chúa…Vết thương thể xác vẫn còn đó nhưng vết thương tâm hồn đã lành…

Còn sống ngày nào là còn có cơ hội sắp xếp chuẩn bị cho chuyến đi dài! Anh nói với tôi, anh đã dặn vợ khi anh chết nhớ chôn anh với cỗ tràng hạt và cuốn Kinh Thánh mà tôi tặng cho anh. Cỗ tràng hạt đó, chắc bây giờ đã bạc màu và mòn lắm rồi. Ngày tôi tặng anh cỗ tràng hạt Mân Côi, tôi không mua một cỗ tràng hạt mới để tặng anh nhưng tặng anh cỗ tràng hạt mà tôi đang sử dụng. Một cỗ Mân côi “có hồn” đã thấm bao giọt nước mắt ăn năn trong những ngày đầu tôi mới trở về với Chúa, tôi trao lại cho anh, xin Đức Mẹ dẫn dắt anh từng bước, từng bước đến với Chúa. Tôi biết tràng chuỗi Mân Côi đó giờ đây lại ướt đẫm những giọt nước mắt đau khổ của người chủ mới, được lần tới lần lui mỗi ngày với những lời kinh giờ đã nhuần nhuyễn. Cuốn Kinh Thánh ngày được cùng anh đi vào lòng đất, chắc cũng đã cũ mèm và xoắn góc dù rằng tôi tặng anh cuốn mới. Mỗi trang Kinh Thánh được lật qua là mỗi tâm tình được gói ghém trong đó, là những khúc mắc trăn trở, là những băn khoăn ưu tư không lời giải đáp…

Ngày ngày anh vẫn đến nhà thờ để tìm sự an ủi đỡ nâng, đến để tiếp tục nuôi dưỡng sự bình an trong tâm hồn mà anh đã tìm được trong ngày đầu năm. Đến có khi chỉ để ngồi thinh lặng một mình chiêm ngắm ông Giêsu bị treo trên cây thập giá. Và anh tìm thấy vài điểm tương đồng giữa anh và người tử tội Giêsu đó: cùng biết trước ngày giờ chết của mình, cùng sợ hãi trước cái chết đang từ từ tiến tới gần, cùng để lại một bà mẹ khóc con! “Lá vàng khóc lá xanh rơi!” Ôi, nếu mẹ có thể bịnh thay cho con! Nếu mẹ có thể chết thay cho con được sống! Anh hiểu thêm nỗi lòng của Mẹ Maria qua tâm trạng người mẹ ruột mình. Có lẽ những sự đồng điệu đó an ủi anh nhiều lắm. Anh trao cho tôi bốn câu thơ mà anh đã làm dưới chân thập giá Chúa Giêsu:‘Con quỳ bên tượng Chúa, chắp hai tay nguyện cầu. Sao đời con đau khổ, một linh hồn bơ vơ!’ ”.

Suy niệm bài Tin Mừng lễ Hiển Dung hôm nay, tôi lại liên tưởng đến câu truyện đầy cảm động trên. Tôi thấy nhân vật trong câu truyện của Lang Thang Chiều Tím đang bừng lên một ánh sáng hiển dung trong suy nghĩ, trong tâm hồn, trong đức tin, trong tình mến thật rực rỡ và chói ngời. Một ánh sáng hiển dung bừng cháy giữa tăm tối của cuộc đời, tăm tối của tương lai, tăm tối của sức chịu đựng, chính là sức mạnh giúp can đảm sống thêm, đồng hành thêm cùng cuộc đời; lớn thêm một chút cho tương lai, dẫu tương lai ấy là bước vào vĩnh hằng; và can đảm trong sức chịu đựng mà sống cùng thánh giá Chúa Kitô.

Ngày xưa trên núi cao, khi Chúa biến đổi dung nhan rực rỡ, thì trong lòng của cuộc hiển dung ấy, chưa phải là những hạnh phúc, nhưng lại chất chứa sự thương đau vô cùng bởi những phản bội, bởi thái độ vô ơn của loài người, bởi nỗi ê chề của thập giá, của giờ tử nạn. Vì thế, khi mà các môn đệ Chúa Kitô đang chiêm ngưỡng vinh quang tuyệt vời của cuộc hiển dung, thì điều mà các ông nhìn thấy như chỉ là một ánh chớp thoáng qua, một báo hiệu trước của tương lai, một tương lai phải trả giá bằng nỗi đau thập giá.

Đường đi trước mắt của Chúa và của các môn đệ của Người còn dài, còn lắm gian truân, nhiều thử thách. Nó đang giăng mắc đầy những nghiệt ngã mà cả Thầy và trò phải đối diện.

Tuy nhiên, sứ mạng dù phải nếm trải những chịu đựng, có khi sự chịu đựng ấy còn vượt quá sức người, bởi sức người chỉ có ngần, có hạn, thì một ánh chớp sáng, nếu có thoáng qua, cũng có thể trở thành sức mạnh để lòng người bền bỉ hơn mà tin vào sự thắng vượt. Vì thế, ngay trước lúc bắt đầu bước vào những khó khăn ấy, ngay trước lúc mà mọi thương đau nhất trong đời lại cùng diễn ra một lúc, thì cuộc hiển dung vô cùng cần thiết. Nó hoàn toàn hợp lý và đúng lúc, để dù ai, dù sự việc nào, dù đau xót đến đâu, nhờ hội nhập vào cuộc hiển dung ấy, mới may ra, lòng người sẽ đủ sức mà làm cho “chân cứng đá mềm”, nhằm thách thức cùng sức chịu đựng.

Vì thế, cuộc hiển dung của Chúa Kitô, hơn bao giờ hết, trở thành ngọn đèn của hy vọng, thành cứu cánh của niềm tin, thành một lời động viên cho niềm an ủi mà các môn đệ của Chúa đang rất cần để chuẩn bị cho các ông tiến đến và nhập cuộc vào thánh giá Chúa.

Trong cuộc đời làm người, người tín hữu nói riêng, mọi người nói chung, rất cần những cuộc hiển dung như thế. Không có bất cứ ai hoàn toàn sống trên “nhung lụa”. Cuộc đời là một cuộc thử thách nối dài. Đau khổ là người bạn rất thân với ta, dù ta không hề mong muốn. Nhưng dù đau khổ đến mức độ nào, cuộc đời của mỗi cá nhân dù có bị vùi vập, bị nhận chìm đến đâu, bình minh của tương lai dẫu đã tắt, hoàng hôn dẫu là một tấm màn sắt vây kín thân phận, để có thể vượt lên chính mình, ta không có quyền đầu hàng số phận, không có quyền ngã lòng, càng không bao giờ được phép dập tắt niềm hy vọng, không bao giờ để lòng mình lạc mất niềm tin. Niềm hy vọng, niềm tin tưởng chính là cuộc hiển dung vĩ đại giữa những nốt nhạc trầm đầy thương đau của đời người.

Nhưng để thắp sáng cuộc hiển dung bằng lòng hy vọng, lòng tin cho mình, ta lấy nguồn từ đâu?

Cuộc hiển dung của Chúa Kitô mà các tông đồ hân hoan chứng kiến, và nhân vật bị bệnh ung thư trong câu chuyện của tác giả Lang Thang Chiều Tím cho ta câu trả lời, đó cũng chính là bài học kinh nghiệm sống của đời ta: Nguồn Ánh Sáng thắp lên cuộc hiển dung cho đời ta chính là Chúa Kitô.

Các tông đồ và nhiều môn đệ của Chúa Kitô là nhân chứng về cuộc đời của Chúa cách trung thành. Vì thế, tất cả những gì đã thấy, đã nghe làm cho các ông không bao giờ tắt niềm tin, niềm hy vọng. Nhất là từ sau khi Chúa trao Hội Thánh cho các ông, các ông đã miệt mài xây dựng với tất cả nhiệt huyết của mình. Các ông đã đạp trên mọi “đầu sóng, ngọn gió”, dù phải hiến dâng cả mạng sống, vẫn bất chấp tất cả. Chính niềm tin và sự cậy trông vào Chúa Kitô, chính trái tim vàng đá của một lòng yêu mến sắt son đặt nơi Chúa Kitô, trên hết mọi sự là niềm tin tưởng vào chính Người Thầy Giêsu của mình, đã làm cho các môn đệ nên “chân cứng đá mềm” đến như vậy. Các ông đã biết thắp lên cuộc hiển dung của Chúa giữa những tăm tối của cuộc đời mà các ông nếm trải.

Tương tự như thế, nhân vật của Lang Thang Chiều Tím đã khôn ngoan học lấy bài học của các môn đệ Chúa Kitô xưa, mà xây đắp cho mình cả một cuộc hiển dung rực sáng, khi anh biết đặt tất cả niềm tin, lòng trông cậy, sự tín thác của mình nơi Chúa Kitô. Đặt mình nơi bàn tay tình yêu diệu kỳ của Chúa, anh đã thắp lên, thắm sáng lên, sáng lắm cuộc hiển dung của Chúa trong tăm tối và đổ vỡ của đời anh.

Chúng ta hãy soi mình vào đó mà định hướng cho chính cuộc đời mình. Nến anh chị em của ta đã hiển dung trong Chúa, thì ta cũng có thể sống được tất cả những điều như thế. Điều quan trọng là ta có dám đặt Chúa làm Nguồn Sáng để ta hội nhập vào cuộc hiển dung của Người hay không mà thôi!!

Lm. VŨ XUÂN HẠNH

Mục lục

 

 

Text Box: CON ĐƯỜNG TU ĐỨC

 

 


 

TẬP THỂ TÔN GIÁO KHÔNG ĐẠO ĐỨC

 

Cả một tập thể nói chung là xấu. Đó là điều chẳng may có thực. Lịch sử đã làm chứng điều đó. Thời sự đang loan tin về những phát sinh theo hướng đó.

Một tập thể mà xấu, thì hậu quả nó gây nên sẽ rất sâu rộng.

Nếu tập thể xấu lại là một tập thể tôn giáo, dù nhỏ dù to, thì tai hại sẽ khôn lường.

Lịch sử và thời sự về chuyện đau buồn đó khiến những người yêu Hội Thánh phải lo ngại. Lo ngại là chính đáng.

Để lo ngại chính đáng ấy có thể trở thành một dịp giúp chúng ta hồi tâm, tôi xin bắt đầu từ Kinh Thánh.

Tập thể tôn giáo gồm những thành phần xấu

Trong Cựu Ước, Chúa dùng tiên tri Giêrêmia nói với tập thể dân Chúa những lời than trách sau đây:

"Ta đã dẫn dắt các ngươi vào đất phì nhiêu, để các ngươi dùng hoa quả của nó. Nhưng vừa ở đó, các ngươi đã làm dơ bẩn đất của Ta và biến cơ nghiệp Ta thành nơi ghê tởm.

"Các tư tế không nói: Chúa ở đâu? Họ nắm giữ lề luật mà không nhìn biết Ta"

"Còn các chủ chăn thì phản bội Ta.

"Và các tiên tri lại nhân danh Baal mà nói tiên tri và chạy theo các thần giả trá.

"Chúa lại phán: Hỡi các tầng trời, hãy kinh ngạc về điều này, và hỡi các cửa trời, hãy ưu sầu thảm não. Vì chưng dân Ta đã phạm hai tội xấu xa. Chúng đã từ bỏ Ta là nguồn nước hằng sống, để đào những giếng cạn nứt không giữ nước được" (Gr 2,7-13).

Theo lời Chúa trên đây, thì cả tập thể dân Chúa thời đó đã đi theo đàng tội.

Toàn dân phạm tội,

tư tế lỗi luật,

chủ chăn phản bội,

tiên tri chạy theo thần giả.

Như thế là từ lãnh đạo đến dân thường đều lạm dụng những ơn Chúa ban vào mục đích ghê tởm.

Do đâu mà một tập thể tôn giáo gồm nhiều tầng lớp đáng lẽ phải đạo đức lại rơi dần xuống tình trạng xấu đến như vậy.


2/ Một số nguyên nhân dẫn tập thể vào đàng tội

Thánh vịnh thứ nhất mở đầu bằng hình ảnh về hai con đường: Một con đường dẫn tới hạnh phúc là đời sống đạo đức, một con đường dẫn tới tai hoạ là đời sống tội lỗi.

"Phúc thay người chẳng nghe theo lời bọn ác nhân.

Chẳng bước vào đường quân tội lỗi,

không nhập bọn với phường ngạo mạn kiêu căng.

Nhưng vui thú với lề luật Chúa

gẫm đi suy lại suốt đêm ngày.

...
Ác nhân đâu được vậy:

Chúng khác nào vỏ trấu gió thổi bay" (Tv 1,1-4).

Suy gẫm thánh vịnh trên đây một cách phân tích, chúng ta có thể tạm rút ra kết luận này:

Có ba nguyên nhân dẫn một tập thể tôn giáo vào đàng tội:

Nguyên nhân thứ nhất là thoải mái với nền văn hoá xấu:

Nghe theo lời bọn xấu,

bước vào đường kẻ xấu,

nhập bọn với kẻ xấu.

Nguyên nhân thứ hai là biếng lười bổn phận đến với Chúa:

Không tìm vui nơi luật Chúa,

không hay suy gẫm lời Chúa.

Nguyên nhân thứ ba là tính nông nổi:

Sống không định hướng đạo đức,

như vỏ trấu gió thổi bay.

Thực tế cho thấy: Ba nguyên nhân trên tác động lẫn nhau:

Nông nổi, thì dễ nghe theo thói đời,

dễ bước vào đường tội lỗi,

dễ nhập bọn với bọn xấu.

Thấy cách sống đó đem lại vui sướng, người nông nổi bỏ dần lối sống theo luật Chúa và lời Chúa.

Dần dần ai cũng tưởng cách sống đó là hợp thời. Thế là không mấy chốc cả tập thể đều suy thoái về đạo đức.

Khi tình trạng suy thoái đạo đức được coi là bình thường, cảm thấy thích thú, thì người ta rất trở nên cứng lòng, cố chấp. Như lời Chúa Giêsu đã nhắc lại lời ngôn sứ Isaia với dân Do Thái xưa:

"Các ngươi có lắng tai nghe cũng chẳng hiểu,

có trố mắt nhìn cũng chẳng thấy.

Vì lòng dân này đã ra đần độn,

chúng đã nặng tai.

Con mắt thì chúng nhắm lại" (Mt 13,14-15).

Tuy nhiên, cho dù tập thể có trở thành tội lỗi xấu xa đến thế nào, họ vẫn có thể đổi mới. Một sự đổi mới khởi đi từ cầu nguyện, sám hối.

3/ Con đường trở về với Chúa

Sách Tông đồ Công vụ kể lại chuyện thánh Phêrô giảng về Chúa Giêsu cho dân chúng. Nghe xong, "họ đau đớn trong lòng và hỏi ông Phêrô và các tông đồ khác: 'Thưa các ngài, vậy chúng tôi phải làm gì'? Ông Phêrô đáp: 'Anh chị em hãy sám hối và mỗi người hãy chịu phép rửa nhân danh Đức Giêsu Kitô, để được ơn tha tội; và anh chị em sẽ nhận được ân huệ là Chúa Thánh Thần... Anh chị em hãy tránh xa thế hệ gian tà này để được cứu độ'. Vậy những ai đã đón nhận lời ông, đều chịu phép rửa. Và hôm ấy đã có khoảng ba ngàn người theo đạo" (Cv 2,37-41).

Theo đoạn Kinh Thánh trên đây, việc trở về được bắt đầu từ việc nghe một vị thánh giảng về Chúa Giêsu. Tiếp đến là việc họ muốn trở về. Rồi sau đó là việc họ sám hối, chịu phép rửa lãnh ơn Chúa Thánh Thần. Từ đó họ quyết tâm xa tránh dịp tội.

Như vậy, việc trở về là việc phải cộng tác với thánh ý Chúa, dứt bỏ đàng xấu, bước vào đàng lành.

Một tập thể lớn trở về với Chúa một cách nhanh chóng như chuyện kể trên là chuyện hiếm.

Lịch sử Hội Thánh cho thấy thường thường một tập thể được trở lại từ từ, từng người, từng dịp hồi tâm, từng dịp thức tỉnh. Mặc dù thế, việc trở về luôn đòi sự sám hối, từ bỏ nếp sống cũ và theo ơn Chúa Thánh Thần.

Để kết, tôi mong mỗi người chúng ta hãy nhìn vào tập thể, mà mình là thành phần hoặc có trách nhiệm. Hãy nhờ ơn Chúa mà nhìn thực tế, để thấy rõ sự thực. Từ đó, mới biết trở về. Không đạo đức, mà vẫn chủ quan cho mình là tốt, thì e rằng hậu quả sau cùng sẽ rất thê thảm. Hậu quả thê thảm này đã được Chúa Giêsu báo trước từ lâu: "Ta nói cho các ngươi hay: Từ phương đông phương tây, nhiều người sẽ đến dự tiệc cùng các tổ phụ Abraham, Isaac và Giacop trong Nước Trời. Còn con cái Nước Trời sẽ bị quăng vào chỗ tối tăm bên ngoài" (Mt 8,10-12).

Số phận cả một tập thể tôn giáo có thể sẽ là thế, vì không đạo đức lại không sám hối.

Xin Chúa giàu lòng thương xót cứu tập thể chúng ta thoát khỏi thảm hoạ ghê gớm ấy bằng cách giúp chúng ta biết trở về với Chúa ngay từ bây giờ.

Trở về với Chúa là việc không dễ, bởi vì xác thịt thế gian ma quỷ luôn cản trở. Nhưng nếu chúng ta cầu xin Chúa với lòng khiêm tốn, thiết tha, thì chắc Chúa sẽ nhận lời và ban cho ta ơn trở về bền vững.

 

+ ĐGM GB Bùi Tuần

Mục lục

 

Text Box: HIỆP THÔNG GIÁO HỘI

  

 


 

LỜI CHÚA VÀ GIÁO LÝ

 

Ngày 26 tháng 7, Lễ kính Chân Phước Anrê Phú Yên, Bổn mạng của các Giáo lý viên. Mỗi năm vào dịp lễ này, Giáo lý viên các giáo xứ, giáo hạt hay giáo phận thường tổ chức trại huấn luyện.

Giáo phận Quy Nhơn được vinh dự là quê hương của thánh ANRÊ PHÚ YÊN, Bổn mạng Giáo lý viên Việt Nam. Hàng năm, nhân dịp kỷ niệm sinh nhật trên trời của Thánh Anrê Phú yên, Giáo phận Quy Nhơn tổ chức Đại Lễ mừng kính Thánh Anrê Phú Yên vào ngày 26/07/ tại Nhà thờ Mằng Lăng, sinh quán của Ngài.Trong truyền thống tốt đẹp nầy, năm nay, nhân dịp kỷ niệm 362 năm sinh nhật trên trời của Thánh Anrê Phú yên (26.7.1644 – 26.7.2006), Giáo Phận Qui Nhơn cũng tổ chức Hội Trại Giáo lý viên trong và ngoài Giáo Phận và Thánh lễ mừng kính Ngài.

Hòa cùng truyền thống tốt đẹp đó, Giáo hạt Đức tánh, Giáo phận Phan thiết mở Sa mạc huấn luyện Giáo lý viên trong 2 ngày 26-27/7 tại Giáo xứ Tư tề. Có 350 Giáo lý viên thuộc các giáo xứ, giáo họ đã về tham dự.

Đức Giám mục Giáo phận cùng các Linh mục, trong giáo hạt đã đến đồng tế Thánh lễ, dâng 2 ngày trại cho thánh Quan Thầy giáo lý viên. Đại diện các đoàn thể, các giới của giáo hạt cùng dự Lễ và dự nghi thức khai mạc.

Các trại sinh được học tập 7 khóa nhằm nâng cao khả năng Giáo lý viên: Nghiêm tập, Giáo lý viên sống Lời Chúa, Cuộc đời Thánh Anrê Phú Yên, Những đức tính cần thiết của Giáo lý viên, Linh hoạt viên trong giờ giáo lý, Duy trì và phát triển đoàn Thiếu nhi, Lửa thiê

Thời gian học tập được xen kẻ các giờ thảo luận các đề tài giáo lý, các trò chơi sinh hoạt, lửa trại, trò chơi lớn trong đêm sa mạc.

Giáo xứ Tư tề có mặt bằng lý tưởng với vườn cây thoáng rộng, nhiều bóng mát. Giới Hiền mẫu chu đáo chăm lo từng bữa cơm. Giới Gia trưởng nhiệt thành thức suốt đêm để bảo vệ từng chặng đường trong “đêm sa mạc”.

Suốt tuần qua trời mưa tầm tả, ai cũng lo lắng. Nhờ Ơn Chúa qua lời bầu cử của Thánh Anrê Phú Yên, 2 ngày trại trời thật đẹp, nắng nhẹ, mây che lững lờ. Các trại sinh về đến xứ mình thì trời lại đổ mưa nặng
Đào Tạo Giáo Lý Viên là một trong các mối quan tâm hàng đầu của Giáo phận. Mọi người đều có trách nhiệm đối với việc dạy và học Giáo lý. Giáo huấn của Giáo Hội dạy rằng : “Đối với Giáo Hội, việc dạy Giáo lý bao giờ cũng là một bổn phận thiêng liêng, một bổn phận nảy sinh do mệnh lệnh của Chúa và đè nặng trên vai những kẻ trong Giao Ước mới, nhận được ơn gọi vào thừa tác vụ chủ chăn” (DGL số 14) – “Việc dạy Giáo lý luôn là một công việc mà toàn thể Giáo Hội phải cảm thấy có trách nhiệm và muốn gánh lấy trách nhiệm” (DGL số 16).

Ý thức về trách nhiệm này, Đức Giám Mục kêu gọi mọi người hãy quan tâm cách đặc biệt tới việc dạy và học Giáo lý nơi các gia đình và các giáo xứ. Ngài tạo mọi điều kiện để Ban giáo Lý hoạt động bồi dưỡng Giáo lý viên trong Giáo phận.

Bài giáo huấn của Đức Giám Mục Giáo Phận Đà Lạt về vấn đề dạy và học giáo lý (x. simonhoadalat.com) đã được linh mục trưởng ban giáo lý làm đề tài chia sẽ với Giáo lý viên.

Trong năm “SỐNG LỜI CHÚA” này, Giáo hội nhấn mạnh về vai trò của Lời Chúa trong việc dạy Giáo lý.Tông Huấn “Dạy Giáo Lý” viết : “Việc dạy Giáo lý bao giờ cũng lấy nội dung ở nguồn mạch sống động là Lời Chúa được truyền đạt trong Thánh Truyền và Kinh Thánh … Nói về Thánh Truyền và Kinh Thánh như nguồn mạch của việc dậy Giáo lý là nhấn mạnh rằng việc dậy Giáo lý phải tiêm nhiễm và thấm nhuần tư tưởng, tinh thần và thái độ theo Kinh Thánh và Tin Mừng nhờ sự tiếp xúc chuyên cần với chính các bản văn” (số 27). Mỗi bài học Giáo lý luôn bắt đầu từ một đoạn Kinh Thánh. Đoạn Kinh Thánh này được công bố cách trang nghiêm như trong Thánh lễ, được các em đọc lại chung với nhau. Sau khi nghe các giảng viên Giáo lý giải thích, các em cùng cầu nguyện với nhau qua đoạn Kinh Thánh này. Cuối cùng, các giảng viên giúp các em rút ra từ đoạn Kinh Thánh một bài học hay một quyết tâm để sống trong tuần. Chắc chắn việc các em được tiếp xúc, học hỏi, cầu nguyện và tập sống Lời Chúa liên tục hằng tuần trong suốt 12 năm, từ 7 tuổi tới 18 tuổi, sẽ mang lại rất nhiều lợi ích cho cuộc đời làm người và làm con Chúa của các em.

Đức Cha Phêrô mong Quý Cha quan tâm, tạo mọi điều kiện để tất cả các em trong giáo xứ có được một môi trường học Giáo lý tốt nhất. Ngài cũng rất mong các bậc phụ huynh luôn lo cho con em mình đi học Giáo lý cách nghiêm túc.

Ngài khuyên các Giáo lý viên: Cha khuyên các con trước khi dậy một bài Giáo lý, các con hãy đọc đi đọc lại đoạn Kinh Thánh của bài học Giáo lý, rồi suy niệm, tìm hiểu, cầu nguyện trên chính bản văn Kinh Thánh đó và rút ra một bài học, tập sống bài học đó trước. Một khi đoạn Kinh Thánh đã thấm nhập vào cuộc sống của mình rồi, thì việc dạy Giáo lý của các con mới mang lại nhiều hoa trái, vì không ai có thể cho người khác cái mình không có.

Xin Chân Phước Anrê Phú Yên, một vị Thánh đã dạy và sống Lời Chúa, được thể hiện cách rõ ràng qua cái chết vì đạo, chúc lành cho tất cả chúng ta, chúc lành cho công việc dậy và học Giáo lý của chúng ta, giúp chúng ta hăng say hơn trong việc dậy và học Giáo lý.

Lm Giuse Nguyễn Hữu An

Mục lục

 

Các bạn trẻ Công Giáo được kêu gọi chuẩn bị cho Ngày Thế Giới Trẻ 2008 tại Sydney

 

Washington: Ngày Thế Giới Trẻ lần đầu tiên được tổ chức tại Úc sẽ mang lại cơ hội cho các bạn trẻ để học hỏi và củng cố đức tin của họ và sẽ rao truyền đức tin cho những người "miệt dưới" ('down under' một từ lóng ám chỉ nước Úc) là những người đã không đặt nặng ưu tiên cho những quan tâm về tâm linh.

 

Đó là sứ điệp mà đức Giám Mục Phụ Tá Tổng Giáo Phận Sydney, Anthony C. Fisher đã mang đến cho Hoa Kỳ với tư cách là người cộng tác cho Ngày Thế Giới Trẻ 2008, sẽ được tổ chức tại thánh phố Sydney- Úc từ ngày 15-20/7.

 

Đức Cha Fisher cho biết ban hoạch định hy vọng sẽ có 25,000 bạn trẻ Hoa Kỳ sẽ đến Úc tham dự, cùng con số những bạn trẻ Hoa Kỳ đã đến Cologne- Đức tham dự Ngày Thế Giới Trẻ 2005.

 

Sau một cuộc hội thảo với Đức Giám Mục Phụ Tá Jaime Soto tại Orange, là chủ tịch tiểu ban cho các bạn trẻ của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ cùng với những người trong ban kế hoạch của Hoa Kỳ cho Ngày Thế Giới Trẻ, Đức Cha Fisher đã cho biết qua đường dây điện thoại từ Orange, California : "Đó là những gì giờ đây họ nói với tôi, con số 25,000 có lẽ là một con số rất dè dặt".

 

"Cho nên khi trở về tôi sẽ kiếm nhiều chỗ trọ hơn" cho khách hành hương đến từ Hoa Kỳ và từ những quốc gia khác.

 

Ngoài những biến cố diễn ra tại Sydney, các bạn trẻ Công Giáo sẽ có thể trải qua những kinh nghiệm cho những sinh hoạt Tiền Ngày Thế Giới Trẻ mà chúng tôi gọi là Những Ngày trong Các Giáo Phận (Days in the Dioceses), theo đó khách hành hương sẽ ở trọ với các gia đình hay tại các giáo xứ trên khắp Úc Châu để học hỏi thêm về nơi họ đang thăm viếng.

 

Đức Cha Fisher cho biết "tuy nhiên, vào năm 2008 các tham dự viên cho Những Ngày trong Các Giáo Phận có thể ở tại Úc hay tại nước Tân Tây Lan (New Zealand). 24 Giáo Phận trên toàn nước Úc sẽ kếp hợp với 6 Giáo Phận tại Tân Tây Lan để tổ chức dịp này cho các bạn trẻ tham dự".

 

Đức Cha cũng nói quốc gia ngài sẽ cống hiến nhiều cho các bạn trẻ Hoa Kỳ là những người ở từ phương xa cũng như những người từ Đại Tây Dương.

 

Đức Cha Fisher thêm rằng "Chúng tôi nói cùng một ngôn ngữ không hơn không kém, và đó là một sự dễ dàng về văn hóa" hơn là Đức đối với người Hoa Kỳ".

 

Những ngày diễn ra cho Ngày Thế Giới Trẻ sẽ là mùa Đông tại vùng Nam Bán Cầu, và nhiệt độ cao nhất trung bình tại Sydney sẽ là 66 độ F và nhiệt độ trung bình thấp nhất sẽ là 49 độ F.

 

Trang mạng Internet của Ngày Thế Giới Trẻ http://www.Wyd2008.org đã cống hiến các tài liệu cho các giáo xứ, trường học và cho cá nhân đang hoạch định để tham dự Ngày Thế Giới Trẻ, cũng như dành cho những người không được may mắn đến tham dự để có cơ hội chia sẽ trong việc chuẩn bị.

 

Chủ đề cho Ngày Thế Giới Trẻ 2008 là "anh em sẽ nhận được sức mạnh của Thánh Thần khi Người ngự xuống trên anh em; và anh em sẽ là chứng nhân của Thầy" được

trích từ sách Tông Đồ Công Vụ chương 1 câu 8. Hội Đồng Giáo Hoàng về Giáo Dân là Hội Đồng tổ chức những Ngày Thế Giới Trẻ, đã đưa ra những chủ đề tương tự có liên quan đến Chúa Thánh Thần và  truyền giáo cho các buổi học hỏi chuẩn bị vào năm 2006 và năm 2007.

 

Trên trang mạng WYD 2008 của Úc Châu cũng có mục "ePilgimage" theo đó các bạn trẻ có thể lấy xuống tài liệu theo diện Pdf từng tháng để xem, bài viết bao gồm giáo lý cho chủ đề Ngày Thế Giới Trẻ, chia sẻ Phúc Âm, cầu nguyện và chứng từ của các bạn trẻ đã tham dự Ngày Thế Giới Trẻ, những tin tức liên hệ đế các thánh trẻ và những nơi hành hương trên khắp thế giới. Được bắt đầu từ tháng 7/2006 có chứng từ của một nữ sinh viên Y Khoa đã từng tham dự Ngày Thế Giới Trẻ 2005 tại Đức. Tài liệu này được ấn hành theo 4 ngôn ngữ chính cho Ngày Thế Giới Trẻ: Anh, Tây Ban Nha, Pháp và Ý.

 

Vào cuối tháng 7, ban tổ chức Ngày Thế Giới Trẻ cũng phát động một đoạn video 15 phút trình bày những điểm nổi bật tại Úc và những lợi ích tinh thần và văn hóa trong việc tham dự Ngày Thế Giới Trẻ.

 

Đức Giám Mục Fisher, cũng đã viếng thăm Phi Luật Tân và Nam Hàn để cổ động các bạn trẻ tham dự và Đức Cha cũng đã dừng chân tại Tây Ban Nha, Pháp và Ái Nhĩ Lan, và Ngài sẽ dự trù viếng thăm Fiji để hội thảo với các giám mục tại quần đảo này.

 

"Sứ điệp chính của tôi đối với Hoa Kỳ là Úc Châu có lẽ là nơi rất xa xăm, nhưng thật sự rất gần gũi liên kết cá nhân và văn hóa đối với Hoa Kỳ. Và đây là một cơ hội trong đời để nhìn thấy Australia".

 

Đức Giám Mục Fisher cũng rất phấn khởi về những ảnh hưởng của Ngày Thế Giới Trẻ đối với người dân Úc trong mọi lứa tuổi

 

"Thật là một sự chúc lành cả thể đối với chúng tôi tại Australia. Khi mà người dân Úc sẽ nhìn thấy hàng trăm ngàn bạn trẻ hoạt động mạnh mẽ vì đức tin họ. Đó sẽ là lúc thực sự truyền bá Tin Mừng".

 

 Ngọc Vân

Mục lục

 

Text Box: TÌM HIỂU & SỐNG ĐẠO

  

 


 

TIỂU SỬ THÁNH ĐA MINH

Tổ Phụ Dòng Anh Em Thuyết Giáo

 

 

Thánh Đa Minh sinh tại Ca-lê-ru-ê-la, Tây Ban Nha, khoảng năm 1172-1173. Người học thần học tại Pa-len-xi-a, và nổi tiếng về lòng nhân ái đối với người nghèo. Là kinh sĩ tại Ot-ma. Người tiến đức nhiều nhờ chuyên chăm cầu nguyện; là Bề trên phó kinh sĩ đoàn (1201). Người lãnh đạo rất khôn ngoan. Tại miền Tu-lu-dơ (Toulouse), nơi giáo phái An-bi gây nhiều xáo trộn, người đã trở thành một nhà giảng thuyết chuyên cần (1206), bằng gương sống thanh bần theo tinh thần Phúc Am, và bằng cách đối thoại huynh đệ trung thực khi tranh luận về đạo lý, người đã đưa ra một phương pháp mới để trình bày đức tin, phương pháp này đã được Đức Giáo Hoàng I-nô-xen-tê III chấp nhận. Người coi trọng phần đóng góp của phụ nữ trong việc truyền bá Phúc Am, nên đã thiết lập nữ đan viện (dòng kín) Pơ-rui (1106), để các nữ tu có phương tiện tiến đức và trợ lực các anh em giảng thuyết và, nếu cần, có thể làm nơi tá túc cho anh em nữa. Người mở rộng tay đón nhận những cộng sự viên hiến thân trong việc “rao giảng Chúa Ki-tô”, nên đã đặt nền tảng cho một Dòng mới, là thành lập tu viện cho anh em tại Tu-lu-dơ (1215).

 

Sống theo tu luật thánh Au Tinh (Augustinô) từ đời sống kinh sĩ tiến lên đời sống tông đồ, người lãnh nhận cho mình và cho Dòng mình nhiệm vụ giảng Lời Chúa, một nhiệm vụ thời ấy dành riêng cho các Giám mục. Đức Hô-nô-ri-ô III đã châu phê dòng ngày 22.10.1216, thế là tại Rôma, người được bảo đảm về sứ mạng phổ quát của Dòng (18.7.1217); tin tưởng vào ân sủng của Chúa ban, và cậy trông vào sự bảo trợ của Đức Trinh Nữ Maria, người sai phái anh em đi đến Au châu (15.8.1217), nhất là đi Paris và Bô-lô-ni-a, là trung tâm học vấn quan trọng thời đó. Còn người, người dành cho mình sứ vụ nặng nề tại miền Bắc Ý, nơi đang bị giáo phái Ca-ta đầu độc.

 

“Người luôn nói với Chúa” để rồi có thê “nói về Chúa”. Bằng lời giảng sốt sắng, người đem Chúa đến cho người đời và nhờ sức mạnh của lời cầu nguyện. Người dẫn đưa người đời về với Chúa. “Đâu đâu người cũng lấy lời nói việc làm, tỏ mình là con người sống tinh thần Phúc âm. Không ai thông cảm và vui vẻ với anh em tu sĩ và những cộng sự viên hơn người. Người quả là vị an ủi tuyệt hảo”. Thánh Đa Minh qua đời tại Bô-lô-ni-a ngày 6.8.1221. Ngày 3.7.1231, người được Đức Ghê-gô-ri-ô IX, bạn thân của người từ khi còn là Hồng y ở Ot-xi-a Ti-bê-ri-na, ghi tên vào sổ bộ các thánh ngày 3.7.1234.

 

 CHA ĐA MINH LÀ AI?

 

Người lữ hành giã từ sự an toàn ổn định, và mạo hiểm ra đi tìm kiếm con người để dẫn đưa họ về với Thiên Chúa. Tinh thần vui tươi và đức tin của cha là phương thế thuyết phục người khác theo cha.

 

Người chìm đắm trong Kinh Thánh, cha đón nhận Sách Thánh như sứ điệp trực tiếp của Thiên Chúa, và lấy Lời Chúa làm nguyên tắc hướng dẫn đời mình.

 

Cha chiêm niệm trong trầm tư và tĩnh lặng, trái tim cha mở ra với Thiên Chúa và luôn sẵn sàng chờ đợi tiếng gọi của Người.

 

Vị Tông đồ vừa có lòng dũng cảm đương đầu với người vô tín mà không sợ hiểm nguy, vừa có tình yêu để bước vào đối thoại với họ.

 

Một huyền nhiệm trong tình yêu và kết hiệp thân tình với Thầy Khổ Nạn, cha chấp nhận thập giá như dấu chỉ của nghĩa môn sinh đích thực.

 

Trong thời đại của người, cha Đa Minh đã sống một cuộc đời như vậy đó! Nếu người sinh vào thời đại của chúng ta hôm nay, hẳn là bạn có thể biết được người sẽ hành động thế nào.

 

Còn bạn, nếu bạn muốn quảng đại đáp lại tiếng Chúa mời gọi theo lý tưởng của cha Đa Minh , đó là phụng sự Chân Lý, loan báo Tin Mừng và tha thiết với ơn cứu độ các linh hồn, bạn sẽ làm gì?

 

Martin Hoàng Vũ ( sưu tầm )

Mục lục

 

Ý CẦU NGUYỆN THÁNG 8, năm 2006


Ý CẦU NGUYỆN :

- Ý chung : Cầu cho các cô nhi. Xin cho các cô nhi luôn được sự chăm sóc cần thiết để được huấn luyện về mặt nhân bản và Ki-tô giáo.

- Ý riêng : Cầu cho mọi Kitô hữu luôn biết yêu thương những người nghèo, những người bơ vơ không nhà cửa, những cô nhi quả phụ và những người già cả neo đơn.

- Ý truyền giáo : Cầu cho các Kitô-hữu ý thức về ơn gọi truyền giáo của mình. Xin cho các tín hữu ý thức mình có ơn gọi truyền giáo trong mọi môi trường và hoàn cảnh.

LỜI CẦU NGUYỆN CHUNG :

Chủ tế : Anh chị em thân mến, loan báo Tin Mừng và giới thiệu Đức Kitô cho mọi người là lệnh truyền của Chúa Giêsu. Ý thức bổn phận loan truyền Tin Mừng của mình, chúng ta cùng dâng lời nguyện xin :

1. Chúa là nền tảng của Hội Thánh / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho mọi Kitô hữu cũng trở nên những viên đá sống động xây dựng Hội Thánh Chúa ở trần gian.• Chúng ta dâng lời cầu nguyện. Đ. Xin Chúa nhậm lời chúng con.

2. Chúa luôn yêu thương và muốn cứu độ mọi người / Chúng ta hiệp lời cầu xin Chúa cho mọi
Kitô hữu luôn biết giới thiệu bộ mặt đầy yêu thương của Chúa cứu thế cho những người chưa nhận ra Chúa / để họ cũng được hạnh phúc đón nhận tình thương cứu độ của Chúa.

3. Từ thời các tông đồ cho đến ngày nay luôn luôn có những thanh niên nam nữ nhiệt thành,
quảng đại đáp lại lời mời gọi làm việc tông đồ cho Chúa / Chúng ta hiệp lời cầu xin Chúa cho có nhiều thanh niên thiếu nữ trong giáo xứ, giáo họ, địa phương biết quảng đại tận hiến đời mình phục vụ Tin Mừng của Chúa.

4. Rao giảng Tin Mừng bằng chứng tá đời sống là việc làm hữu hiệu và sống động nhất /
Chúng ta hiệp lời cầu xin Chúa cho mọi gia đình trong giáo xứ, giáo họ và địa phương biết dùng đời sống chứng tá của mình để giới thiệu Đức Kitô cho những người đang sống chung quanh mình.

Chủ tế : Lạy Chúa Giêsu, chúng con vừa dâng lên Chúa những lời nguyện xin phát xuất từ
cõi lòng của mỗi người chúng con, xin Chúa thương nhận và củng cố đức tin chúng con để
chúng con luôn sẵn sàng rao giảng Tin Mừng Nước Trời cho những người chưa biết Chúa. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô Chúa chúng con.

SÁM HỐI và CẦU NGUYỆN RIÊNG

ĐỌC TIN MỪNG: Mt 28, 16 – 20

• Suy niệm ít phút

• Kinh cám ơn

HÁT : Lạy Chúa xưa Chúa đã phán:” lúa chín đầy đồng mà thiếu thơ gặt “…

KẾT THÚC

Lm.  Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT

Mục lục

 

 

Một vài suy nghĩ về Bản dịch mới 2005 “Nghi thức Thánh Lễ”

 

 

       Hội Thánh Việt Nam vừa có bản dịch mới 2005 “Nghi thức Thánh lễ”. Là một kitô hữu Việt nam, người viết xin được chia sẻ vài suy nghĩ liên quan đến bản dịch này. Bài viết chỉ là bài nghiên cứu cá nhân nhằm đóng góp cho độc giả thêm vài tư liệu khi đón nhận bản dịch mới.

 

Bài viết chia thành hai phần :

 

* Phần I ngắn gọn, gợi lại những dấu mốc quan trọng về việc công bố Sách lễ Rôma mẫu (ấn bản latinh) và các bản dịch việt ngữ về những Sách lễ Rôma mẫu này.

 

* Phần II ghi nhận một số thay đổi giữa ba Sách lễ Rôma mẫu đã được Toà Thánh công bố vào các năm 1970, 1975 và 2000. Dựa trên ba ấn bản mẫu này, Hội Thánh Việt Nam cũng có ba bản dịch khác nhau được thực hiện vào các năm 1971, 1993 và 2005. Riêng bản dịch 2005 người viết cố gắng trình bày những chỉ dẫn của Hội Thánh khi thực hiện bản dịch này, để có thể soi sáng một vài vấn đề mà nhiều người đang quan tâm hiện nay.

 

Phần I. BẢN DỊCH VIỆT NGỮ 2005 “NGHI THỨC THÁNH LỄ”

 

1. Sách nghi thức thánh lễ việt ngữ 2005 là bản dịch từ Sách lễ Rôma ấn bản mẫu la tinh thứ ba ( Missale Romanum – Editio typica tertia ), do Toà Thánh công bố ngày 20 tháng 4 năm 2000, nhằm ngày Thứ Năm Tuần Thánh. Thực ra ấn bản mẫu này chỉ phát hành 2 năm sau đó, tức ngày 22 tháng 2 năm 2002. Theo các thông tin từ văn phòng Bộ Phụng tự, vì cần bổ sung phần dệt nhạc của các kinh nguyện Thánh Thể nên việc phát hành Sách lễ Rôma trễ hơn dự định 2 năm.

      

2. Sách lễ Rôma 2000 không thay đổi cấu trúc thánh lễ so với thánh lễ được trình bày trong hai Sách lễ Rôma mẫu đã được công bố vào năm 1970 và 1975.

      

3. Tại Việt Nam, đến nay đã có ba bản dịch việt ngữ được sử dụng trong thánh lễ, ba bản dịch này đều dựa trên ba bản latinh mẫu của Toà Thánh :

 

* Bản dịch 1971 dựa trên bản mẫu latinh 1970, do Đức cha Giuse Phạm văn Thiên, chủ tịch Ủy Ban Phụng tự cho phép imprimatur ngày 18 tháng 2 năm 1971 ;

 

* Bản dịch 1993 dựa trên bản mẫu latinh 1975, do Đức cha Phaolô Maria Nguyễn minh Nhật, chủ tịch Hội Đồng Giám Mục (HĐGM) Việt Nam và Đức cha Batôlômêô Nguyễn sơn Lâm, chủ tịch Ủy Ban Phụng tự (UBPT) công bố ngày 11 tháng 2 năm 1993, và quyết định áp dụng bản dịch này kể từ ngày Thứ Tư lễ Tro 24 tháng 2 năm 1993 (1), nhưng chưa cho phép sử dụng phần thường lễ của giáo dân theo bản dịch mới này, phần thường lễ vẫn dùng theo bản dịch cũ (tức bản dịch 1971) (2).

 

* Bản dịch hiện nay 2005 dựa trên bản mẫu latinh 2000, và cũng chỉ là một phần của Sách lễ Rôma latinh 2000 ; nhưng đây lại là phần quan trọng nhất, phần “Nghi thức thánh lễ - Ordo Missae” đã được HĐGM chấp thuận ngày 29 tháng 09 năm 2004, được Toà Thánh phê chuẩn ngày 10 tháng 05 năm 2005 và được Đức cha Phaolô Nguyễn văn Hoà, chủ tịch Hội Đồng Giám Mục công bố hiệu lực ngày 09 tháng 09 năm 2005.   

      

4. Tại Việt Nam chưa có bản dịch đầy đủ Sách lễ Rôma latinh 2000, tuy nhiên bản dịch “Nghi thức thánh lễ” việt ngữ hiện nay 2005 là một cố gắng nhiều năm của tập thể các nhà chuyên môn và đóng góp của các giáo phận trong cả nước. Phần lời nguyện của Sách lễ Rôma latinh đang được dịch hoàn chỉnh và Sách lễ Rôma việt ngữ đầy đủ sẽ được công bố.

 

Phần II. VÀI GHI NHẬN VỀ “NGHI THỨC THÁNH LỄ” HIỆN NAY

 

Các ghi nhận ở đây liên quan đến hai khía cạnh :

1. Nội dung phong phú của Nghi thức thánh lễ theo ấn bản mẫu latinh 2000

2. Tại sao phải dịch lại Nghi thức thánh lễ 2005

 

1. Nội dung nghi thức thánh lễ theo bản latinh mẫu 2000

 

        a. Nghi thức đầu lễ 

 

            Công thức chào đầu lễ : Các Sách lễ trước đây 1970 và 1975 chỉ đặt trong nghi thức đầu lễ mấy mẫu chào thông dụng, còn những mẫu khác đặt trong phần phụ lục nghi thức thánh lễ. Sách lễ 2000 đặt tất cả 4 mẫu chào vào một chỗ trong phần đầu lễ, gồm : 3 mẫu cho linh mục và 1 mẫu cho giám mục.

      

Mẫu sám hối : Trước đây hai mẫu sám hối tuỳ chọn được đặt trong phần phụ lục của nghi thức thánh lễ, nhưng nay cả ba công thức sám hối được đặt chung trong phần sám hối đầu lễ để linh mục dễ dàng sử dụng.

      

Khác với hai Sách lễ 1970 và 1975, ngay trong nghi thức đầu lễ, Sách lễ 2000 thêm phần chữ đỏ gợi ý cho các linh mục thay thế phần sám hối đầu lễ bằng việc làm phép nước và rảy nước thánh vào ngày chúa nhật.

      

Sách lễ 2000 không đặt ba mẫu kết thúc lời nguyện nhập lễ ở phần nghi thức đầu lễ giống như trong hai Sách lễ 1970 và 1975, bởi vì ba công thức này đã được nhắc tới trong Quy chế Sách lễ rồi (số 54).

 

        b. Phụng vụ Lời Chúa

 

       Sách lễ 2000 có hai bản văn kinh tin kính được tuỳ nghi chọn lựa :

1. Kinh tin kính Công đồng Nicée – Constantinople

2. Kinh tin kính Các Thánh Tông Đồ

 

        c. Phụng vụ Thánh Thể

 

1. Kinh nguyện Thánh Thể

       Số các kinh nguyện Thánh Thể của Sách lễ 2000 không thay đổi so với Sách lễ 1975, nhưng cách sắp đặt khác nhau :

       - 4 kinh nguyện Thánh Thể thông dụng I, II, III, IV vẫn chiếm vị trí trung tâm của Sách lễ Rôma

       - Các kinh nguyện hoà giải, nhu cầu khác và trẻ em được xếp lại, như sau : 2 kinh nguyện hoà giải và 4 kinh nguyện cho các nhu cầu khác nhau thay vì được đặt liền kề với 4 kinh nguyện thông dụng, nay được đặt trong phần phụ lục của nghi thức thánh lễ, tức là đứng sau các công thức phép lành, nghi thức thánh lễ chỉ có một thừa tác viên tham dự mà trước đây các kinh nguyện Thánh Thể này đứng trước các công thức trên. Còn 3 kinh nguyện Thánh Thể trẻ em thay vì được đặt trong nhóm các kinh nguyện Thánh Thể hoà giải và nhu cầu khác vừa được nêu ở trên, nay được đặt vào phần phụ lục VI, cuối Sách lễ Rôma.

      

2. Kinh tiền tụng

       Sách lễ Rôma 2000 chỉ có 50 kinh tiền tụng chung, ít hơn Sách lễ Rôma 1970 và 1975, 1 kinh tiền tụng (hai Sách lễ này có 51 kinh tiền tụng chung). Tuy nhiên nếu nhìn tổng quát thì số kinh tiền tụng của các mùa phụng vụ của ba Sách lễ Rôma không thay đổi (2 vọng, 3 giáng sinh, 1 Hiển linh, 4 chay, 2 Thương khó, 5 Phục sinh, 2 Thăng thiên và 8 Thường niên), nhưng về các thánh và nhu cầu khác thì Sách lễ Rôma 2000 bỏ 2 kinh tiền tụng Thánh Giuse và Các Thiên thần, mà lại thêm một kinh tiền tụng nữa cho Các Thánh tử đạo.

       Mặc dù bỏ hai kinh tiền tụng chung của Thánh Giuse và Các Thiên thần, nhưng Sách lễ Rôma 2000 lại phong phú hơn hai Sách lễ trước : vì trước đây mỗi khi mừng lễ Thánh Giuse (19/3 hay 1/5 hay ngoại lịch) hoặc Các Thiên thần ( Tổng lãnh thiên thần 29/9 ; Các Thiên thần hộ thủ (2/10) hay ngoại lịch) thì chỉ có một kinh tiền tụng chung cho từng lễ này, nay Sách lễ 2000 cung cấp cho mỗi lễ một kinh tiền tụng riêng được in liền với các bản văn của mỗi thánh lễ đó, nghĩa là kinh tiền tụng của Thánh Giuse 19/3 khác kinh tiền tụng của Thánh Giuse Thợ 1/5 và khác kinh tiền tụng của Thánh Giuse mừng kính ngoại lịch ; cũng vậy kinh tiền tụng của Các Tổng lãnh thiên thần 29/9 khác Các Thiên thần 2/10 và khác ngoại lịch Các Thiên thần. Ngoài ra, Các Thánh tử đạo được thêm một kinh tiền tụng mới nữa, như vậy mỗi khi mừng Các Thánh tử đạo chúng ta có hai bản văn tuỳ chọn để làm phong phú việc kính nhớ các ngài.

      

3. Kinh tưởng niệm

       Cũng giống như ba công thức sám hối đầu lễ được đặt chung một nơi, ba mẫu kinh tưởng niệm cũng được đặt chung sau phần truyền phép thay vì đặt trong phần phụ lục như trước đây, sau nghi thức thánh lễ.

 

4. Việc xướng tên giám mục

            Tên của giám mục giáo phận và vị có quyền tương đương buộc phải được xướng lên trong kinh nguyện Thánh Thể, còn tên của các giám mục phó và phụ tá thì có thể nêu lên, nhưng không nêu tên các giám mục khác có thể các ngài đang hiện diện. Quy chế Sách lễ Rôma 2000, số 149 xác định : “Giám mục giáo phận hoặc vị có quyền tương đương, phải được nêu tên trong công thức này : Cùng với Đức Giáo Hoàng T. và Đức Giám Mục (Đại diện, Giám chức, Phủ doãn, Viện phụ) T. chúng con. Trong kinh nguyện Thánh Thể, được phép nêu tên các giám mục phó và phụ tá, nhưng không nêu tên các giám mục khác có thể đang hiện diện - Episcopus dioecesanus, aut qui eidem in iure aequiparatus est, nominari debat hac formula : una cum famulo tuo Papa nostro N. et Episcopo (vel : Vicario, Praelato, Praefecto, Abbate) nostro N. Episcopos coadiutorem et Auxiliares, non autem alios Episcopos forte praesentes, nominari licet in Prece eucharistica”.

 

5. Mời gọi rước lễ

       Khác với hai Sách lễ trước đây, Sách lễ 2000 gợi ý linh mục có hai cách thực hiện khi mời gọi rước lễ : Linh mục cầm Mình Thánh Chúa hoặc trên đĩa thánh hoặc trên chén thánh và đọc : “Đây Chiên Thiên Chúa ...”

 

6. Việc tráng chén

       Việc tráng chén trước đây chỉ dành cho linh mục hoặc phó tế, Sách lễ 2000 cho phép cả thày đã lãnh tác vụ giúp lễ cũng được tráng chén khi giáo dân rước lễ xong.

 

        d. Nghi thức kết lễ

 

       Ngoài công thức ban phép lành thông thường khi linh mục chủ tế thánh lễ, Sách lễ 2000 còn in cả công thức ban phép lành long trọng khi vị chủ tế thánh lễ là một giám mục.

      

        e. Các công thức ban phép lành cuối lễ

 

       Hai Sách lễ trước đây 1970 và 1975 có 20 công thức ban phép lành trọng thể cuối thánh lễ (1 Vọng, 1 Giáng sinh, 1 Đầu năm, 1 Hiển linh, 1 Chay, 1 Phục sinh, 1 Vọng và lễ Phục sinh, 1 Thăng thiên, 1 Hiện xuống, 5 Thường niên, 1 Đức Maria, 1 Phêrô và Phaolô, 1 Các Tông đồ, 1 Các thánh, 1 Cung hiến thánh đường, 1 cho các linh hồn), Sách lễ 2000 cũng có 20 công thức đa số lấy lại của hai Sách lễ trên, nhưng có hai thay đổi sau đây :

- Phép lành của lễ Vọng Phục sinh và lễ Phục sinh không được đặt trong phần chung với các công thức phép lành khác nữa, mà được đặt vào phần riêng của thánh lễ Vọng Phục sinh.

- Thêm 1 phép lành nữa cho mùa thường niên và như vậy sẽ có 6 phép lành khác nhau để làm phong phú hơn cho mùa thường niên.

 

        f. Các lời nguyện trên dân chúng  

 

       Hai sách lễ 1970 và 1975 có 26 lời nguyện trên dân chúng để kết thúc thánh lễ. Sách lễ 2000 có 28 lời nguyện, trong số này có một số lời nguyện lấy lại nguyên vẹn của hai sách lễ trên, ví dụ các lời nguyện 1, 3, 4, 6, 7, 11, 12, 13, 14 ... (3) ;  nhưng đa số các lời nguyện khác là sự kết hợp của nhiều yếu tố vay mượn giữa các lời nguyện có trước, hoặc được soạn mới hoàn toàn. Nhìn tổng quát, các lời nguyện trên dân chúng nhấn mạnh vào một số khía cạnh sau đây (4) :

- Ơn sủng của Thiên Chúa cho hành trình đức tin của người tín hữu (1, 2, 3, 5, 7, 13)

- Lòng tin tưởng vào tình thương của Thiên Chúa (8, 10, 11, 14, 20, 22, 24

- Tâm tình sám hối, trông cậy vào ơn tha thứ của Thiên Chúa (4, 6, 12, 19)

- Lòng tri ân và tâm tình cảm tạ (9, 10, 17, 26)

- Thái độ của kẻ tìm kiếm Thiên Chúa và thi hành thánh ý của Ngài (14, 18, 21, 23)

- Gương sống đức tin (27, 28)

 

        g. Nghi thức thánh lễ có một thừa tác viên tham dự

      

       Khi linh mục cử hành thánh lễ một mình hoặc chỉ có một thừa tác viên tham dự, thì Sách lễ Rôma 2000 có một số thay đổi so với hai Sách lễ trước đây như sau :

- Nghi thức đầu lễ :

            Sách lễ 2000 quy định thể thức khi linh mục dâng lễ một mình vẫn phải theo thể thức đầu lễ như khi dâng lễ cho nhiều giáo dân tham dự, nghĩa là linh mục ra bái chào, hôn kính bàn thờ, về ghế, đọc ca nhập lễ, làm dấu thánh gía, cử hành nghi thức sám hối và tiếp theo là các phần khác như thánh lễ cho nhiều người. Trong khi hai Sách lễ 1970 và 1975 lại quy định như sau : linh mục ra bái chào bàn thờ rồi làm dấu thánh giá và đọc kinh thú tội. Đọc kinh thú tội xong, linh mục mới lên hôn bàn thờ, rồi đứng bên trái bàn thờ đọc ca nhập lễ, kinh thương xót và các phần khác như bình thường.

- Phụng vụ Lời Chúa :

       Cấu trúc phụng vụ Lời Chúa khi linh mục dâng lễ một mình không thay đổi so với hai Sách lễ 1970 và 1975, đồng thời cũng giữ nguyên vẹn các phần của phụng vụ Lời Chúa giống thánh lễ có đông giáo dân tham dự.

- Phụng vụ Thánh Thể :

            Lời chúc tụng trên bánh và rượu, Sách lễ 2000 vẫn giữ nguyên hai phần : lời chúc tụng và câu đáp giống như thánh lễ cho đông người ; trong khi hai Sách lễ 1970 và 1975 bỏ câu đáp sau hai lời chúc tụng trên .

            Mọi phần khác của phụng vụ Thánh Thể khi dâng lễ một mình, giống như hai Sách lễ trước đây, Sách lễ 2000 giữ nguyên cấu trúc của thánh lễ có đông giáo dân tham dự. 

 

2. Tai sao phải dịch lại Nghi thức thánh lễ – bản dịch 2005

 

        1. Tiến trình hình thành bản dịch mới

           

Thông thường mỗi khi Toà Thánh công bố một sách phụng vụ mới (thường bằng tiếng latinh) thì càng sớm càng tốt mỗi Hội Đồng Giám Mục (HĐGM) sẽ lo liệu để chuyển dịch sách phụng vụ này sang tiếng địa phương. Năm 2002 Toà Thánh phát hành Sách lễ Rôma ấn bản mẫu thứ ba (Missale Romanum – Editio typica tertia ) và HĐGM Việt Nam đã uỷ nhiệm công việc phiên dịch Sách lễ này cho Uỷ ban phụng tự (UBPT) trực thuộc HĐGM.

      

Ngày 14 tháng 3 năm 2002, Đức cha Phêrô Trần đình Tứ, giám mục Phú Cường, Tân chủ tịch UBPT họp phiên đầu tiên với các thành viên của UBPT để bàn công việc của Uỷ Ban. Cho đến khi Ngài nhận nhiệm vụ điều hành UBPT, thì công việc của UBPT lúc bấy giờ là coi lại các sách phụng vụ như Sách bài đọc trong thánh lễ và nghi thức thánh tẩy trẻ nhỏ. Riêng việc coi lại các sách bài đọc thì công việc đã kéo dài khá lâu, hơn 10 năm nhưng vẫn chưa có kết quả cụ thể. Trước hoàn cảnh thực tế, Đức cha chủ tịch UBPT và hội nghị xác định công việc ưu tiên cần phải làm ngay, đó là phiên dịch đồng thời cả hai : Sách lễ Rôma, Toà Thánh vừa công bố và Các sách bài đọc trong thánh lễ. Để công việc được thực hiện tốt và có hiệu quả, UBPT phân chia 4 tổ chuyên môn để phiên dịch những bản văn đầu tiên theo các nguyên tắc Toà Thánh chỉ dẫn, rồi sau khi hình thành bản văn sơ khởi, sẽ gởi đến các giáo phận và chủng viện góp ý, sau đó tổng hợp các ý kiến lại để hình thành bản văn chung trước khi họp UBPT xem xét, góp ý, bổ sung, sửa chữa để có bản dịch chính thức trình Hội Đồng Giám Mục. Bốn tổ được phân chia như sau : hai tổ dịch Sách lễ Rôma (một tổ dịch các lời nguyện, Đức cha Chủ tịch UBPT chịu trách nhiệm tổ này, một tổ dịch đáp ca, ca nhập lễ, hiệp lễ và các bài ca, cha Tổng thư ký UBPT chịu trách nhiệm tổ này) ; 2 tổ dịch Sách bài đọc (một tổ dịch phần Cựu Ước, do đại chủng viện Sao Biển Nha Trang chịu trách nhiệm, một tổ dịch phần Tân Ước, do đại chủng viện Thánh Giuse Sài Gòn chịu trách nhiệm).

      

Các tổ chuyên môn được phân công như thế, nhưng riêng phần Nghi thức Thánh lễ vì quan trọng nên tất cả các tổ đều làm việc chung, công việc được thực hiện như sau :

 

* Trước hết cha Tổng thư ký gởi đến các giáo phận và chủng viện bản văn mẫu nghi thức thánh lễ bằng tiếng latinh, ấn bản mới nhất 2000, kèm theo các bản dịch 1971 và 1993 đã có sẵn để các nơi góp ý. Thực ra, bản văn mẫu này không khác nhiều so với hai bản mẫu latinh có trước, nên các bản dịch 1971 và 1993 có thể được dùng để đối chiếu các cách dịch trước đây, đồng thời các nơi sẽ gởi các đề nghị của mình về UBPT.

 

* Hội nghị toàn quốc UBPT ngày 13 tháng 3 năm 2003 định lượng công việc dịch phần nghi thức thánh lễ. Có lẽ lần đầu tiên số tham dự viên có mặt đông đảo và gồm nhiều thành phần như thế : 4 giám mục, 26 đại diện các giáo phận, chủng viện và 3 chuyên viên giáo dân về văn chương, thơ ca và âm nhạc. Riêng dòng tu, cha tổng thư ký cho biết đã mời nhưng không được trả lời và cũng không có mặt và Ngài cho biết để công việc chung được mọi thành phần tham dự, từ nay giấy mời và các liên hệ về phụng vụ sẽ liên lạc với Đức cha chủ tịch Uỷ ban tu sĩ thuộc Hội Đồng Giám Mục để Ngài sắp xếp. Sau đó Cha tổng thư ký đã trình bày các góp ý của các giáo phận và chủng viện về phần Nghi thức thánh lễ. Theo ngài, rất nhiều ý kiến được xác định là đã được lặp đi lặp lại nhiều lần cho UBPT rồi, nhưng dường như UBPT cũ không quan tâm đến và cũng không có câu trả lời tương xứng với ý kiến các nơi gởi về. Sau đó Hội nghị bàn thảo từng phần nghi thức thánh lễ dựa trên bản văn mẫu latinh, các bản dịch có sẵn và góp ý của các nơi về phần này. Sau khi đã trao đổi kỹ lưỡng từng phần, Hội nghị bỏ phiếu chọn bản dịch tốt nhất.

 

* Hội nghị toàn quốc UBPT 13/3/2003 chỉ kéo dài có một ngày nên đã không thể xem xét kỹ lưỡng toàn bộ phần nghi thức thánh lễ ; đàng khác sau Hội nghị 13/3/2003 các tham dự viên có cơ hội tiếp cận bản dịch mới và có thể thêm những ý kiến tốt hơn cho bản dịch chính thức, nên Đức cha chủ tịch UBPT quyết định triệu tập một hội nghị mới kéo dài ba ngày 20, 21, 22 tháng 05 năm 2003 để xem xét lại kỹ lưỡng hơn và có thời giờ trao đổi những vấn đề nhạy cảm của bản dịch mới. Hội nghị ba ngày đã làm việc suốt sáng chiều, vừa xem lại một lần nữa phần đã bàn đến trong hội nghị ngày 13/3/2003, vừa trao đổi và quyết định những phần còn lại của nghi thức thánh lễ. Phương pháp làm việc như sau : bản văn mẫu latinh được đọc kỹ lưỡng để hiểu chính xác bản văn, kế đến đối chiếu với các bản dịch 1971 và 1993 có sẵn, rồi chú ý đến góp ý của các nơi và sau cùng bản dịch mới được đề nghị để hội nghị cho ý kiến và bỏ phiếu. Có thể nói, bản dịch mới là công việc của toàn thể dân Chúa được chuẩn bị kỹ lưỡng nhiều mặt : từ các nhà chuyên môn đến các vị lo công việc mục vụ, từ tham khảo ý kiến các giáo phận đến công việc của UBPT, từ bản dịch có sẵn với những nét tinh hoa của mỗi bản dịch đó mà hình thành bản dịch mới. Không thể nói rằng bản dịch mới là sự phủ nhận những gì đã có trước, bởi vì khi làm việc mọi người đều ý thức làm sao cho bản dịch mới tốt nhất dựa trên những gì đã có. Nếu có phần nào đó của bản dịch có trước không được đón nhận trong bản dịch mới, thì chúng ta cũng nên hiểu rằng UBPT đã tranh luận sôi nổi những phần đó với các lập luận khác nhau để cuối cùng mọi người phải biểu quyết cho một chọn lựa cuối cùng.

 

* Bản dịch chính thức được UBPT trình Hội Đồng Giám mục vào kỳ họp thường niên năm 2003. Theo Đức cha chủ tịch UBPT thì, mặc dù các đức cha phải bàn thảo nhiều vấn đề của Hội Thánh Việt Nam, nhưng kỳ họp năm nay các ngài đã dành thời gian tuyệt đối để xem xét kỹ lưỡng từng phần của bản dịch mới “Nghi thức thánh lễ”. Một số người thường nghĩ rằng các đức cha chỉ làm công việc chấp thuận bản dịch theo thủ tục luật định, mà ít khi xem xét kỹ lưỡng bản dịch đó thế nào vì đã tin cậy một Uỷ ban do mình uỷ nhiệm, nhưng thật ra không phải thế đối với bản dịch được trình HĐGM lần này. Các ngài đã sửa lại nhiều từ, ví dụ : “nhiệm xuất” thành “bởi”, giữ như nguyên trong trong kinh tin kính trước đây, “lễ vật” thành “hy lễ” trong lời mời gọi của chủ tế trong phần dâng lễ vật, “mọi người” thành “nhiều người” trong công thức truyền phép …. ; hoặc nhiều câu, ví dụ: “Để con có thể công bố Tin Mừng của Chúa cách xứng đáng” thành “Để con xứng đáng và đủ tư cách công bố Tin Mừng của Chúa” trong lời nguyện trước khi đọc Tin Mừng của chủ tế, hoặc “như chúng con cũng tha cho người có lỗi với chúng con” thành “như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con” giữ y nguyên kinh Lạy Cha trước đây… Nếu thống kê lại những từ, những câu giữa bản dịch UBPT trình Hội Đồng Giám Mục và bản dịch chính thức được các đức cha chấp nhận, thì người ta thấy các đức cha đã dành nhiều thời gian để xem xét cẩn thận và kỹ lưỡng nhiều khía cạnh của một bản dịch, cuối cùng các ngài đã sửa chữa nhiều chỗ trong bản dịch UBPT trình các ngài.

 

* Sau khi đã chấp thuận bản dịch chính thức mới, Hội Đồng Giám Mục đã gởi bản dịch này để xin Toà Thánh phê chuẩn. Bộ phụng tự sau khi nhận bản dịch đã góp ý với Hội Đồng Giám Mục về một số vấn đề liên quan đến bản dịch. Ở đây người ta cũng ghi nhận, Toà Thánh qua vai trò của Bộ phụng tự, cũng không làm công việc của bàn giấy là phê chuẩn theo thủ tục một bản văn do một HĐGM trình lên. Có người đặt vấn đề Toà Thánh có đủ người có khả năng am hiểu việt ngữ và văn chương việt nam để xem xét bản văn do cả một tập thể từ Hội Đồng Giám Mục, đến các mục tử, các giáo phận và chuyên viên dày công thực hiện không ? Dựa trên những vấn đề được Toà Thánh đặt ra cho bản dịch lần này, người ta nhận thấy vấn đề Toà Thánh quan tâm không phải là khía cạnh văn chương hay cấu trúc tiếng việt mà là sự chính xác phải có của một bản dịch đối với bản văn gốc latinh. Sự chính xác này bảo đảm tính duy nhất và đa dạng của Hội Thánh được diễn tả nơi các ngôn ngữ khác nhau (5). Đàng khác khi xem xét kỹ bản dịch, Toà Thánh cũng giúp chúng ta hội nhập với Hội Thánh hoàn cầu, bằng chứng là Nghi thức thánh lễ theo cách hiểu thông thường của chúng ta gồm phần nọ phần kia, nên chúng ta chỉ dịch những phần đó, nhưng trong cách nhìn toàn thể thì gồm nhiều phần hơn chúng ta tưởng, do đó Toà Thánh đề nghị HĐGM dịch bổ sung một số phần để hoàn thiện Nghi thức thánh lễ như mọi Hội Đồng Giám Mục khác đã làm.

 

* Các vấn nạn và đề nghị dịch phần bổ sung của Toà Thánh được HĐGM trao cho UBPT nghiên cứu trả lời và hoàn tất các phần này. Khi công việc chuẩn bị bản dịch bổ sung đã hoàn tất, UBPT họp toàn quốc hai ngày 15 và 16 tháng 9 năm 2004 với sự hiện diện đông đảo của đại diện các giáo phận, chủng viện, dòng tu và các chuyên viên để xem xét lần cuối bản dịch bổ sung và các vấn nạn Toà Thánh đặt ra nhằm trình lên HĐGM vào kỳ họp thường niên năm 2004.

 

* Ngày 29 tháng 9 năm 2004, HĐGM chấp thuận toàn bộ bản dịch Nghi thức thánh lễ, cả phần đã chấp thuận trước và phần dịch bổ sung. Phần dịch bổ sung được trình Toà Thánh, đính kèm các lý giải về những câu hỏi Toà Thánh đặt ra. Cuối cùng Toà Thánh phê chuẩn chính thức bản dịch ngày 10 tháng 5 năm 2005 với sắc lệnh số 2228/03/L. Nói tóm lại, mọi người từ Tòa Thánh đến Hội Đồng Giám Mục, Uỷ Ban phụng tự và các thành phần dân Chúa, mỗi người đã góp phần tích cực của mình trong việc hình thành bản dịch hiện nay.

 

        2. Bản dịch mới đã được thực hiện như thế nào ?

 

       Trước khi phát hành ấn bản mẫu Sách lễ Rôma vào năm 2002, Bộ phụng tự đã cho công bố Huấn thị thứ 5 “Về việc sử dụng các ngôn ngữ bản xứ trong việc xuất bản các sách phụng vụ Rôma” vào ngày 28 tháng 3 năm 2001. Huấn thị này được coi là nguyên tắc chỉ đạo cho công việc phiên dịch mọi sách phụng vụ của Hội Thánh Công Giáo, mà trước tiên là Sách lễ Rôma 2002. Uỷ Ban Phụng Tự trực thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đã phiên dịch Huấn Thị này ngay khi được công bố và gởi Huấn thị đến tất cả các giáo phận, chủng viện và những ai quan tâm đến việc phiên dịch sách phụng vụ để nắm rõ nguyên tắc dịch thuật mà Toà Thánh hướng dẫn. 

      

Huấn thị thứ 5 này thay thế tất cả các chỉ dẫn trước đây về việc phiên dịch các sách phụng vụ (6), vì thế khi UBPT thực hiện bản dịch mới thì nhiều từ và câu văn của hai bản dịch trước có thể chấp nhận được theo các chỉ dẫn cũ, nhưng lại không phù hợp với Huấn thị mới nên cần phải dịch lại, do đó không thể nói rằng bản dịch mới loại bỏ các công trình của người đi trước. Mỗi bản dịch có giá trị vào từng thời điểm và Hội Thánh luôn luôn mới mẻ với các bản dịch mới. Bản dịch 2005 chưa phải là bản dịch cuối cùng.

      

Như đã trình bày ở trên, tiến trình hình thành bản dịch hiện nay đòi hỏi nhiều công sức và thời gian của mọi người. Biết bao vấn đề được trao đổi và thảo luận để có được bản văn như hôm nay, vì thế trong một bài nghiên cứu ngắn ngủi này, người viết chỉ xin minh hoạ một vài nguyên tắc của Huấn thị thứ 5 đã chi phối việc dịch mới một số từ ngữ và bản văn như sau :

      

       a. Trung thành với bản văn gốc latinh

     

 Phiên dịch các bản văn phụng vụ Rôma không phải là công việc sáng tạo tuỳ tiện, nhưng là chuyển ngữ một cách trung thực và chính xác bản văn gốc sang ngôn ngữ bản xứ (7). Nguyên tắc này chi phối gần như toàn bộ các quy định khác của Huấn thị. Thực ra nguyên tắc này cũng là nguyên tắc chung cho mọi bản dịch : cần phải trung thành với nguyên bản, một bản dịch có giá tị khi nó càng gần nguyên bản bao nhiêu có thể. Làm sao có thể tin được một bản dịch khi nó không phải là bản dịch mà là bản diễn dịch khác bản văn gốc, nhất là bản văn đó lại là bản văn diễn tả đức tin và quan điểm thần học của Hội Thánh.

      

Trung thành với bản văn gốc không phải là nô lệ mà là tôn trọng bản văn và tôn trọng người đọc. Trung thành với bản văn gốc khi tìm kiếm được từ ngữ bản địa diễn tả được đúng ý nghĩa của bản văn gốc không phải là công việc dễ dàng, đó là một công việc vất vả mà người dịch phải cố gắng bao nhiêu có thể (8). Dựa trên nguyên tắc này mà Huấn thị thứ 5 chú ý đặc biệt đến Kinh tin kính như bản quy chiếu đức tin của các tín hữu. UBPT đã xem xét lại kỹ lưỡng từng từ ngữ và câu văn của kinh tin kính, chúng ta có vài ví dụ như sau :

* “Được sinh ra mà không phải được tạo thành” : Nếu dịch “được sinh ra” dịch từ “genitum” thì “non factum” phải được dịch là “không phải được tạo thành”.

 

* “Đồng bản thể với Đức Chúa Cha” : “Đồng bản thể” dịch từ “consubstantialem” để phân biệt với “naturalem” (bản tính). Đàng khác, từ “đồng bản thể” cũng giúp chúng ta hiểu Chúa Giêsu dễ dàng hơn : Người đồng bản thể với Chúa Cha, và nơi người có hai bản tính : Thiên Chúa và loài người.

 

* “Người sẽ lại đến trong vinh quang” : “sẽ lại đến” dịch từ “iterum venturus est”, mà không thể dịch “Người sẽ trở lại” như trong các bản dịch trước, vì động từ “venturus est” không phải là động từ trở lại mà là động từ đến, tới.

      

Ngoài ra để trung thành với bản văn gốc, bản dịch cần tránh tối đa thêm vào những từ ngữ hay câu văn mà bản gốc không có. Khi cần thiết phải thích nghi một điều gì đó cho phù hợp với ngôn ngữ bản địa, thì công việc này phải được thực hiện hết sức dè dặt và thận trọng theo quyết định của Hội Đồng Giám Mục (9). Chính vì sự thận trọng này mà HĐGM Việt Nam chỉ chấp nhận thích nghi trong một số trường hợp đặc biệt, ví dụ : thêm lời cầu cho “các bậc tổ tiên, ông bà, cha mẹ và thân bằng quyến thuộc chúng con” trong kinh nguyện Thánh Thể” để diễn tả việc hội nhập văn hoá ; hoặc “Et cum spiritu tuo” dịch là “và ở cùng cha” mà không dịch “và ở cùng tâm trí cha”, “và ở cùng tinh thần cha” do ý nghĩa của lời chào ; hoặc “carnis resurrectionem” dịch là “xác loài người ngày sau sống lại” mà không dịch “sự sống lại của thân xác” vì do cấu trúc văn chương việt nam đòi hỏi…

      

       b. Dễ hiểu nhưng cần chính xác

      

Tiêu chuẩn bản dịch dễ hiểu là một đòi hỏi của các bản dịch phụng vụ, nhưng dễ hiểu không có nghĩa là hy sinh tính chính xác của bản văn (10). Khi chỉ chọn tiêu chuẩn là dịch cho dễ hiểu người ta có khuynh hướng diễn dịch bản văn hơn là dịch sát bản văn đó, mà diễn dịch thì mạo hiểm vì mỗi người diễn dịch một kiểu, mỗi người một quan điểm, có thể không phải quan điểm của Hội Thánh mà chỉ là quan điểm cá nhân, như thế vừa có thể làm nghèo ý nghĩa nguyên thuỷ của bản văn gốc, vừa chi phối người đọc theo một quan điểm thần học nào đó.

     

Thực ra, dễ hiểu cho đại chúng là mong ước của các bản dịch dùng cho mọi người, nhưng cụm từ “dễ hiểu” cũng cần phải được xác định trong mức độ nào ? Dễ hiểu không có nghĩa là thay vì dịch lại giải thích, hoặc thay đổi các ý niệm Kinh Thánh hoặc Truyền Thống Hội Thánh về từ ngữ bằng cách diễn giải theo một lập trường nào đó. Nhiều từ ngữ được sử dụng trong Kinh Thánh và Truyền Thống Hội Thánh có một ý nghĩa riêng biệt và rất phong phú, chúng là những từ ngữ đặc trưng được dùng để diễn tả một nội dung vượt xa chính từ ngữ đó, ví dụ : “bàn tay của Thiên Chúa”, “ngón tay của Thiên Chúa”, “sừng Người” … Khi giải thích từ ngữ và bản văn người ta vừa làm sai lạc bản văn gốc, vì làm mất dấu bản văn gốc, không ai biết từ gốc là gì mà lại giải thích như vậy, vừa làm nghèo nội dung của chính bản văn gốc, vì giải thích thường chỉ giới hạn vào một nghĩa nào đó. Vì vậy dịch dễ hiểu là một đòi hỏi khắt khe nhưng cũng không được dễ dãi giải thích tuỳ tiện. Công việc giải thích từ ngữ và các bản văn thuộc về bài giảng và việc dạy giáo lý (11).

      

       c. Sự phong phú đa dạng của từ ngữ

      

       Bản văn gốc latinh rất phong phú về các từ ngữ, vì thế khi dịch sang một ngôn ngữ địa phương, trong mức độ có thể, người ta cố gắng chuyển dịch những từ khác nhau của tiếng latinh bằng những từ tương đương trong tiếng địa phương (12). Thật ra, ngôn ngữ việt nam không có hết mọi từ tương đương để dịch các từ khác nhau của tiếng latinh, nhưng trong mức độ có thể, bản dịch mới đã dùng các từ khác nhau để diễn tả các từ latinh khác nhau, ví dụ : sacrificium – hy lễ ; donum – của lễ ; oblata – lễ vật …, vì thế chúng ta hiểu tại sao bản dịch mới có những thay đổi so với các bản dịch trước đây.   

      

Hơn nữa, trong kinh nguyện của Hội Thánh sự đa dạng của các từ ngữ còn nói lên sự phong phú và rạng rỡ của bản văn latinh. Các bản dịch cần làm nổi bật sự đa dạng này, đặc biệt khi dịch các từ nói về Thiên Chúa như “Domine”, “Deus”, “Omnipotens aeterne Deus”, “Pater”… (13). Dựa vào chỉ dẫn trên của Huấn thị 5, chúng ta thấy một thay đổi rõ nét trong bản dịch mới là các từ “Lạy Thiên Chúa”, “Lạy Chúa” và “Lạy Cha” được dùng đan xen với nhau trong kinh nguyện Thánh Thể, trong khi bản dịch 1993 chỉ dùng một từ “Lạy Cha” gần như cho mọi lời tiền tụng và kinh Tạ Ơn. Sự thay đổi này là do bản dịch 2005 theo sát bản gốc latinh : khi gặp từ “Deus” thì dịch “Lạy Thiên Chúa”, từ “Domine” dịch “Lạy Chúa” và từ “Pater” dịch “Lạy Cha”; trong khi bản dịch 1993 chỉ dùng một từ “Lạy Cha” cho cả ba từ latinh “Deus, Domine và Pater” (14).

      

Có lẽ bản dịch 1993 dùng một từ để diễn tả sự thống nhất về một chủ từ trong một lời kinh, cách dịch này giúp dễ hiểu và có vẻ hợp lý khi đọc một dòng văn mà chủ từ không thay đổi. Tuy nhiên khi dịch ba từ latinh khác nhau bằng một từ việt duy nhất thì có vài vấn đề được đặt ra như sau :

       1. Không trung thành với bản văn gốc, ba từ dịch thành một từ, hoặc tiếng việt của chúng ta còn nghèo nên chỉ có một từ để diễn tả ba từ khác nhau của tiếng latinh.

       2. Làm giảm đi ý nghĩa thần học phong phú của lời kinh, bởi vì khi gọi Thiên Chúa bằng nhiều danh xưng, thì mỗi danh xưng diễn tả một khía cạnh khác nhau về phẩm tính của Thiên Chúa. Các danh xưng khác nhau trong một lời kinh, không dư thừa, không mâu thuẫn, nhưng bổ túc cho nhau để làm phong phú lời kinh của Hội Thánh (15).

       3. “Đa số các kinh nguyện Thánh Thể có một lịch sử hình thành lâu đời, chúng thuộc về truyền thống đáng kính của Hội Thánh, nhiều kinh nguyện Thánh Thể có nguồn gốc từ thời các giáo phụ hoặc những thế kỷ đầu của Hội Thánh. Khi canh tân phụng vụ, Hội Thánh đã lấy lại nhiều kinh nguyện trong thời kỳ này, và có những kinh nguyện được giữ lại trong tình trạng gần như nguyên vẹn” (16). Thực vậy, trong các kinh nguyện của Hội Thánh thời đầu, các danh xưng về Thiên Chúa được dùng đan xen như là cách biểu lộ đức tin của Hội Thánh – lex orandi, lex credendi. Hội Thánh cầu nguyện như Hội Thánh tin. Đức tin chứ không phải lý trí hướng dẫn kinh nguyện của Hội Thánh. Vì thế khi gặp những kinh nguyện không hoàn toàn theo cách suy nghĩ của tư tưởng duy lý, thì đó là điều tự nhiên. Văn phong và cách diễn tả của những kinh nguyện trong Hội Thánh đòi hỏi chúng ta tìm hiểu nội dung đức tin được chứa đựng trong đó, hơn là giới hạn nội dung kinh nguyện của Hội Thánh theo cách hiểu và suy nghĩ của chúng ta.

           

Ngoài ra bản dịch còn phải tôn trọng sự đa dạng của từ ngữ được biểu lộ qua các từ diễn tả nguyên nhân của hành động hoặc ý muốn hay kết quả của một việc làm, như “ut”, “ideo”, “enim”, “quia” (17). Công thức truyền phép của bản dịch 1993 không dịch từ “enim – vì ”, và từ quan trọng này đã bị bỏ sót. Bản dịch mới thêm từ này vào trong cả hai lời truyền phép bánh và rượu “Vì này là Mình Thầy” ; “Vì này là Chén Máu Thầy” để diễn tả ý muốn hành động của Chúa, đồng thời khi không bỏ sót từ nào trong công thức bí tích, bản dịch muốn tôn trọng chính bản văn như Hội Thánh đang cử hành.

 

       d. Tôn trọng truyền thống

      

       Các bản văn phụng vụ không phải là những bản văn nhất thời, mau thay đổi. Trừ khi các bản dịch đã quá lỗi thời hoặc không còn phù hợp với cách diễn tả đức tin của thời đại thì cần phải dịch lại, bằng không cần tôn trọng truyền thống sử dụng các bản văn đã được Toà Thánh phê chuẩn. Nếu có sự thay đổi nào so với các bản dịch đã được phê chuẩn thì cần nêu rõ lý do về những thay đổi đó (18). Thật vậy, tiêu chuẩn để dịch bản văn phụng vụ không phải là tìm điều khác lạ, dịch cho khác người ta, nhưng là tôn trọng và tìm hiểu những bản văn đã được truyền thống Hội Thánh đón nhận và sử dụng thế nào.

      

Nếu so sánh hai bản dịch trước đây 1971 và 1993 thì bản dịch 1993 gần như loại bỏ rất nhiều bản văn trong bản dịch 1971 đã được sử dụng rộng rãi. Nhiều phần bản dịch 1993 thay đổi so với với bản dịch 1971 không được sự đồng thuận của mọi người, ví dụ : dấu thánh giá “Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần” được thay đổi thành “Nhân danh Chúa Cha và Chúa Con và Chúa Thánh Thần”. Thêm từ “Chúa” vào công thức vừa không trung thành với bản văn gốc “In nomine Patris et Filii et Spiritus Santi” không có từ “Chúa”, vừa có thể gây ngộ nhận cho người khác về mầu nhiệm Thiên Chúa duy nhất. Có nhiều lý do để biện minh cho việc thay đổi này, nhưng sự thay đổi trong phụng vụ không chỉ đo lường bằng lý luận, bằng khôn ngoan nhân loại với lý do này lý do kia đôi khi võ đoán và một chiều, nhưng còn bằng chính đời sống của dân Chúa đã được truyền thống chứng nhận. Vì thế khi thay đổi một bản văn và công thức phụng vụ, thì không phải lý trí quyết định hành vi đạo đức của dân Chúa, nhưng ngược lại, lý trí phải tìm hiểu tại sao dân Chúa cử hành như thế ? truyền thống và thẩm quyền Hội Thánh đã đón nhận cử hành đó thế nào ? để tìm hiểu và làm sáng tỏ thêm các cử hành đó.

      

Cũng vì tôn trọng các bản văn đã được truyền thống thanh luyện và dân Chúa đã sử dụng quen thuộc mà không sai với bản văn gốc, nên bản dịch mới không thay đổi nhiều các lời kinh mà cộng đoàn đã quen đọc, trừ kinh Tin Kính được xem lại kỹ lưỡng theo gợi ý của Huấn thị 5 và vài thay đổi nhỏ trong kinh Thánh, Thánh, Thánh và kinh tưởng niệm sau truyền phép (19). Việc không thay đổi thường xuyên một bản văn dân Chúa đã quen thuộc mà không sai bản văn gốc, vừa diễn tả tính liên tục của truyền thống sống động trong cử hành phụng vụ của Hội Thánh, vừa không làm xáo trộn cộng đoàn vì những thay đổi không cần thiết.

        

       e. Ngôn ngữ phụng vụ

           

       Bản dịch phụng vụ là bản văn cầu nguyện, nên từ ngữ dùng để diễn tả phải mang nét đẹp thanh cao, thánh thiện xứng với cử hành thánh. Một bản dịch dễ hiểu cho đại chúng không đồng nghĩa với việc sử dụng các từ ngữ quá bình dân, thô kệch của đời thường (20). Người ta có thể kể chuyện về một bữa ăn bình dân với các hành vi bưng, húp, bê, gắp … nhưng làm sao có thể dùng các từ đó trong trình thuật thiết lập bí tích Thánh Thể trong phần truyền phép được ? Từ ngữ không chỉ để diễn tả môt hành động nào đó, mà còn biểu lộ một tâm tình tôn kính bên trong, một lòng kính trọng đối với Chúa và người tín hữu khi cầu nguyện.

     

Chính vì lòng kính trọng mà bản dịch mới dịch động từ “Accipite” là “Hãy nhận lấy” thay cho “Cầm lấy” trong lời truyền phép. “Cầm lấy” là một việc làm, một hành vi phải thực hiện, còn “Hãy nhận lấy” không chỉ diễn tả một việc phải làm là “Cầm lấy” theo kiểu cầm một sự vật nào đó, mà là nhận lấy với lòng cung kính Mình và Máu Chúa Giêsu. Đàng khác bản dịch mới đặt lời truyền phép ở mệnh lệnh cách theo bản gốc latinh “Hãy nhận lấy mà ăn” “Hãy nhận lấy mà uống”, trong khi bản dịch 1993 lại dịch như một câu nói thông thường “Cầm lấy mà ăn” “Cầm lấy mà uống”, không diễn tả đủ mạnh lời mời gọi và lệnh truyền của Chúa.

      

Ngoài ra ngôn ngữ còn chuyển tải nội dung phong phú của cử hành phụng vụ. Có những từ ngữ mang nhiều nghĩa, mỗi nghĩa được hiểu trong từng văn mạch của nó. Khi chỉ chọn một nghĩa mà thôi thì sẽ làm mất sự phong phú của từ ngữ, chẳng hạn từ “Prex Eucharistica” dịch là “Kinh Tạ Ơn” thì “Tạ Ơn” chỉ là một trong nhiều nghĩa của “Eucharistica”, dịch là “Kinh Tạ Ơn” thì chưa diễn tả hết ý nghĩa của Kinh nguyện. Thật vậy, khi dịch “Prex Eucharistica” là “Kinh nguyện Thánh Thể” sẽ giúp hiểu dễ dàng ý nghĩa kinh nguyện này trong cử hành Thánh Thể : đó là Kinh nguyện làm nên cử hành Thánh Thể, là trung tâm và đỉnh cao của tất cả cử hành Thánh lễ (21), qua kinh nguyện này chúng ta lãnh nhận Thánh Thể Chúa. Đàng khác, kinh nguyện Thánh Thể còn là kinh nguyện long trọng gồm tám yếu tố, mà tạ ơn chỉ là một trong tám yếu tố đó (Kinh tiền tụng) (22), nên không thể giản lược kinh nguyện thành “Kinh Tạ Ơn”. 

 

       f. Tên riêng theo tiếng latinh

           

       Nếu bản dịch phụng vụ dựa trên bản gốc là tiếng latinh thì sẽ hợp lý khi phiên âm các tên riêng theo tiếng này. Vấn đề phiên âm tên riêng dùng trong phụng vụ được các giám mục việt nam đặc biệt quan tâm qua hai văn thư gửi cha tổng thư ký UBPT : một đề ngày 12 tháng 10 năm 1997 và một đề ngày 24 tháng 2 năm 2000. Nội dung hai văn thư chỉ dẫn như sau : “Phiên âm theo tiếng latinh tất cả các tên Thánh Kinh, và sẽ sửa lại theo tiếng latinh các tên trong các sách phụng vụ khác, khi in lại” (trích từ văn thư ngày 24/2/2000). Thực hiện chỉ thị của các giám mục, hội nghị toàn quốc UBPT ngày 14 tháng 3 năm 2002 đã cụ thể bằng những việc sau đây :

* Mọi tên riêng trong Kinh Thánh sẽ theo bản latinh Nova Vulgata để sửa lại, trừ những tên riêng đã trở nên phổ thông đối với mọi người như : Giuse, Phêrô, Phaolô … 

 

* Viết liền tên riêng mà không có gạch ngang giữa các âm vận.

 

* Thêm các dấu vào tên riêng để người đọc có thể phát âm dễ dàng tên riêng khi đã được phiên âm.

 

* Giữ nguyên hai từ Alleluia và Amen như bản gốc latinh đã ấn hành (23).

      

Ngoài ra một từ có liên quan đến tên riêng cũng được thảo luận trong hội nghị toàn quốc UBPT ngày 20/5/2003 là từ “Prophetas” nên dịch là “tiên tri” hay “ngôn sứ” ? Một bản nghiên cứu đầy đủ đã được gửi trước đến các giáo phận về đề tài này cho thấy cả hai từ “tiên tri” và “ngôn sứ” là hai từ hán việt, tuy nhiên trong từ điển trung hoa hiện nay lại không có từ “ngôn sứ”, từ này đã được tạo ra theo cách ghép của tác gỉa việt nam mà người trung hoa không hiểu cách ghép từ này. Trong khi từ “tiên tri” lại có trong từ điển trung hoa, từ này mang nhiều nghĩa : nói trước, nói tiên tri, nói thay ai, nói nhân danh ai … các nghĩa này phù hợp với từ “Prophetas”. Hội nghị đã thảo luận sôi nổi : theo cha tổng thư ký UBPT đa số các giáo phận đã gửi đề nghị giữ từ “tiên tri” mà không dùng từ “ngôn sứ” nữa, hội nghị cũng bỏ phiếu chọn lựa với đa số tuyệt đối đồng ý dịch từ “Prophetas” là “Tiên tri”. Một ghi nhận đáng kể là bản dịch phụng vụ 1971 và vài nhà Kinh Thánh danh tiếng như cha Nguyễn thế Thuấn, cha Trần đức Huân … đã dùng từ “tiên tri” mà không dùng từ “ngôn sứ”.

      

       g. Thống nhất một bản dịch cho một lãnh thổ

           

       Bản dịch mới 2005 được xem là công trình của tập thể, là kết quả làm việc của mọi thành phần dân Chúa. Chắc chắn khi HĐGM quan tâm đến bản dịch trong suốt tiến trình hình thành bản dịch này, đã cho thấy các giám mục xác định tầm mức quan trọng của bản dịch. Các ngài đã bỏ nhiều công sức để có được bản dịch hôm nay, mặc dù công việc chuẩn bị trước được trao cho một Uỷ ban, nhưng các ngài đã không làm cho xong, duyệt cho rồi một bản văn do Uỷ ban đó trình lên, mặc dù Uỷ ban đã được tín nhiệm trao công việc. Bản dịch Nghi thức thánh lễ quan trọng vì đó là cử hành hằng ngày của dân Chúa, là mối dây hiệp thông trong dân Chúa. Vì thế Huấn thị thứ 5 xác định : “Nghi thức thánh lễ và những phần phụng vụ có sự tham dự trực tiếp của các tín hữu, thì chỉ có một bản dịch duy nhất cho mỗi ngôn ngữ” (24). Vì thế bản dịch việt ngữ 2005 trở nên “bản bắt buộc thay thế những bản văn trước đây khi cử hành thánh lễ việt ngữ” (25).

      

Thực vậy khi quy định một bản dịch duy nhất để cử hành thánh lễ cho mỗi ngôn ngữ, Hội Thánh không nhắm đến sự hoàn hảo của bản dịch cho bằng sự thống nhất trong một cử hành. Bản dịch 2005 chưa phải là bản dịch cuối cùng, vì mỗi khi Toà Thánh công bố một Sách lễ Rôma ấn bản mới thì mỗi HĐGM sẽ phải xem xét lại bản dịch và hiệu đính những gì cần thiết theo ấn bản mẫu này. Bản dịch 2005 đã được thực hiện tốt nhất dựa trên những tinh hoa của các bản dịch có trước, nhưng đó chưa phải là tất cả. Khi đón nhận bản dịch này thì không phải đón nhận một bản dịch của ai đó với những giới hạn của con người, mà đón nhận một dấu chỉ của sự hiệp thông trong công việc chung của Hội Thánh. 

 

       h. Tư cách pháp nhân của bản dịch

           

       Toà Thánh là pháp nhân duy nhất có quyền phát hành các sách phụng vụ mẫu bằng tiếng latinh cho toàn thể Hội Thánh (26). Toà Thánh nhường quyền duy nhất cho mỗi HĐGM phiên dịch và phát hành bản dịch của các sách phụng vụ này trong lãnh thổ của mình (27). Mỗi HĐGM nên thành lập một Uỷ ban lo phiên dịch các sách phụng vụ sang tiếng địa phương, và mọi thành viên khi thực hiện công việc này phải kín đáo và vô danh (28).

       

Theo các chỉ dẫn trên đây, thì không phải ai cũng có quyền dịch và phát hành các sách phụng vụ của Hội Thánh. Quyền phiên dịch các sách phụng vụ chỉ được dành cho HĐGM và HĐGM có thể uỷ nhiệm cho một Uỷ ban hay ai đó thực hiện, nhưng chính HĐGM chịu trách nhiệm về bản dịch. Vì thế không cá nhân hay nhóm người nào tự phiên dịch và phát hành sách phụng vụ của Hội Thánh mà không được HĐGM uỷ nhiệm. Đàng khác, việc phiên dịch sách phụng vụ là công việc chung của Hội thánh chứ không phải của riêng ai, nên những người tham gia phiên dịch phải kín đáo và ẩn danh, vì thế các bản dịch phụng vụ không bao giờ để tên dịch gỉa (29).

 

 

Linh mục Vinh sơn Nguyễn Thế Thủ

Đại chủng viện Thánh Giuse – Sài Gòn

Mục lục

 

 

 

Chú Thích                                          

 

1 Xem tờ thông báo riêng “Về việc sử dụng Sách lễ Rôma theo bản dịch mới”

2 Phần trong ngoặc đơn là của người viết

3 Số thứ tự các lời nguyện được lấy lại ở đây, được liệt kê theo số thứ tự các lời nguyện trong hai Sách lễ 1970 và 1975

4 Số thứ tự các lời nguyện mới được liệt kê ở đây lấy theo số thứ tự các lời nguyện trong Sách lễ 2000

5 Bộ Phụng tự, Huấn thị thứ 5 “Về việc sử dụng các ngôn ngữ bản xứ trong việc xuất bản các sách phụng vụ Rôma”, số 80

6 Bộ Phụng tự, Huấn thị thứ 5 “Về việc sử dụng các ngôn ngữ bản xứ trong việc xuất bản các sách phụng vụ Rôma”, số 8

7 Bộ Phụng tự, Huấn thị thứ 5 “Về việc sử dụng các ngôn ngữ bản xứ trong việc xuất bản các sách phụng vụ Rôma”, số 20

8 Văn kiện vừa dẫn, số 20

9 Bộ Phụng tự, Huấn thị thứ 5 “Về việc sử dụng các ngôn ngữ bản xứ trong việc xuất bản các sách phụng vụ Rôma”, số 20

10 Văn kiện vừa dẫn, số 25

11 Bộ Phụng tự, Huấn thị thứ 5 “Về việc sử dụng các ngôn ngữ bản xứ trong việc xuất bản các sách phụng vụ Rôma”, số 29

12 Văn kiện vừa dẫn, số 50

13 Bộ Phụng tự, Huấn thị thứ 5 “Về việc sử dụng các ngôn ngữ bản xứ trong việc xuất bản các sách phụng vụ Rôma”, số 51

14 Chúng ta thấy ba từ “Deus, Domine và Pater” được dùng đan xen trong tất cả các kinh nguyện Thánh Thể :  4 kinh nguyện Thánh Thể thông dụng I, II, III, IV ; các kinh nguyện Thánh Thể giao hoà I, II ; kinh nguyện Thánh Thể cho những nhu cầu khác nhau I, II, III, IV ; và kinh nguyện Thánh Thể dành cho trẻ em I, II, III

15 Cardinal Jean-Marie Lustiger, Premiers pas dans la priere, Edition Nouvelle Cité, 2001, pp 103-111

16 Đức Phaolô VI, Tông hiến công bố Sách lễ Rôma được sửa đổi theo Công đồng Vatican II, Sách lễ Roma ẫn bản mẫu 1970.

17 Bộ Phụng tự, Huấn thị thứ 5 “Về việc sử dụng các ngôn ngữ bản xứ trong việc xuất bản các sách phụng vụ Rôma”, số 57

18 Văn kiện vừa dẫn số 47, 79, 82

19 Bộ Phụng tự, Huấn thị thứ 5 “Về việc sử dụng các ngôn ngữ bản xứ trong việc xuất bản các sách phụng vụ Rôma”, số 65

20 Bộ Phụng tự, Huấn thị thứ 5 “Về việc sử dụng các ngôn ngữ bản xứ trong việc xuất bản các sách phụng vụ Rôma”, số 50

21 Quy chế tổng quát sách lễ Rôma 2000, số 78

22 Quy chế tổng quát sách lễ Rôma 2000, số 79

23 Huấn thị thứ 5, số 23 cũng lưu ý các bản dịch nên giữ lại các từ Alleluia, Amen … như từ đặc trưng của phụng vụ công giáo.

24 Bộ Phụng tự, Huấn thị thứ 5 “Về việc sử dụng các ngôn ngữ bản xứ trong việc xuất bản các sách phụng vụ Rôma”, số 88

25 HĐGM Việt Nam, thông báo về bản dịch tiếng việt phần nghi thức thánh lễ, ngày 09/09/2005

26 Bộ Phụng tự, Huấn thị thứ 5 “Về việc sử dụng các ngôn ngữ bản xứ trong việc xuất bản các sách phụng vụ Rôma”, số 109

27 Vưn kiện vừa dẫn, số 114

28 Bộ Phụng tự, Huấn thị thứ 5 “Về việc sử dụng các ngôn ngữ bản xứ trong việc xuất bản các sách phụng vụ Rôma”, số 101

29 Văn kiện vừa dẫn, số

 

Người tu sĩ - Tôi tớ của Thiên Chúa

 

Các ứng viên trứơc khi chính thức tận hiến đời mình cho Thiên Chúa luôn được xướng danh, và khi nghe đến tên mình được xướng gọi, ứng viên liền đáp trả: “Lạy Chúa, nầy con đây”. Đây là cử chỉ nhắc lại câu chuyện Thiên Chúa gọi Samuel (1 Sm 3, 1 – 19), việc nhắc lại nầy để xác định ý muốn của ứng viên là tận hiến đời mình, để trở thành dụng cụ cho Thiên Chúa, và cũng để xác định lại vị thế tương giao giữa ứng viên và Thiên Chúa. Chính Thiên Chúa là người khởi xướng, và ứng viên là người đáp trả lại trong sự tự do hòan tòan. Sự đáp trả tự do đó được thể hiện trong việc tuyên khấn giữ đức vâng lời của ngừơi tu sĩ.

Công đồng Vat. II đã nói: “Nhờ khấn giữ đức vâng lời, các tu sĩ tận hiến ý muốn mình như của lễ bản thân dâng lên Thiên Chúa, nhờ đó họ được kết hợp với ý muốn cứu rỗi của Ngài cách kiên trì và chắc chắn hơn. Vậy, theo gương Chúa Kitô, Đấng đã đến để làm theo ý Chúa Cha (x. Ga 4, 34; 5, 30; Dt 10, 7; Tv 39,9) ‘tự nhận mình là tôi tớ’ (Pl 2, 7) và đã học tập đức vâng lời từ những điều phải chịu đựng (x Dt 5, 8), các tu sĩ được Chúa Thánh Thần thúc đẩy, lấy đức tin tùng phục các vị bề trên, đại diện Thiên Chúa, và nhờ các ngài hứơng dẫn, họ phục vụ anh em trong Chúa Kitô, như chính Chúa Kitô vì tuân phục Chúa Cha đã phục vụ anh em và hiến mạng sống để cứu chuộc mọi người (x. Mat 20, 28; Ga 10, 14 – 18). Như thế họ được liên kết chặt chẽ hơn với sứ mệnh phục vụ của Giáo hội và nỗ lực đạt đến tuổi sung mãn của Đức Kitô (x. Eph 4, 13)” (PC 14).

Như vậy qua đức vâng lời, người tu sĩ trở thành một “tôi tớ của Thiên Chúa” để phục vụ cho thánh ý của Ngừơi trong chương trình cứu chuộc. “Tôi tớ của Thiên Chúa” không bao giờ được hiểu trong nghĩa tiêu cực, như là một ngừơi nô lệ, một đầy tớ. Bởi trong Thánh kinh danh xưng “tôi tớ của Thiên Chúa” là một tứơc hiệu vinh dự: Giavê đặt tên cho người được gọi vào cộng tác ý định của Ngừơi là “tôi tớ” (Điển ngữ Thánh Kinh Thần Học, do Giáo hoàng học viện Piô X Đà Lạt dịch, Nhà in Nguyễn Bá Tòng 1975, cuốn IV, tr. 267).Và Đức Giêsu như tôi tớ tuyệt hảo đựơc sai đến trong trần gian chu tất ý định cúu chuộc của Thiên Chúa qua việc tự hiến mạng sống mình trên Thập Giá làm giá cứu chuộc cho muôn ngừơi.

 

Tìm lại trong CƯ chúng ta thấy hình ảnh dung mạo của các “tôi tớ Thiên Chúa” chính là những người được Chúa chọn gọi và giao cho một nhiệm vụ như Abraham (St 26, 24) Isaac (St 24, 14), Giacob (Xh 32, 13; Ez 37, 25), Môisen, vị trung gian của Giao ứơc (Xh 14, 31; Ds 12, 7; 1V 8, 56), Davit, hình bóng của Đấng Messia (2 Sm 7, 8; 1 V 8, 24 tt). Ngòai ra danh xưng “Tôi tớ Thiên Chúa cũng được dành cho các tiên tri có sứ mệnh duy trò giao ứơc (Elia: 1 V 18, 36; Am: 3, 7; Gier: 7, 25; 2 V 17, 23), cũng như cho các tư tế cử hành Phụng tự nâhn danh Dân tư tế (Tv 134, 1; Xh 19, 5tt) (Điển ngữ Thánh Kinh Thần Học, tr. 267)

Trong TƯ hình ảnh người “Tôi tớ Thiên Chúa” được tìm thấy nơi Đức Giêsu Kitô. Người lấy nhiệm vụ của ngừơi tôi tớ làm nhiệm vụ của mình: hiền lành và khiêm nhượng trong lòng (Mt 11, 29), loan báo ơn cứu độ cho ngừơi nghèo (x, Lc 4, 18tt); tuy là Chúa nhưng lại qúi gối rửa chân cho các môn đệ (Ga 13, 12 -15), Người đến như kẻ phục vụ (Lc 22, 27), và Ngừơi đã đi đến tận cùng của việc phục vụ là hiến dâng mạng sống mình để cứu chuộc cho nhân trần (Mc 10, 43 tt; Mt 20, 26 tt). Khi rao giảng về Chúa Giêsu với tước hiệu “Người tôi tớ”, các Tông đồ loan báo mầu nhiệm chết của Ngừơi (Cv 3, 13 tt; 4, 27tt), loan báo Người là nguốn mạch phúc lành và ánh sáng cho chư dân (Cv 3, 25 tt; 26, 23). Người là Con chiên bị sát tế cách bất công như người Tôi Tớ (Cv 8, 32tt). Đối với Matthêu, Đức Giêsu là Ngừơi Tôi Tớ rao giảng sự công chính cho chư dân và tên Ngừơi là niềm hy vọng của họ (Mt 12, 18 -21 – Is 42, 1 -4). Cuối cùng Thánh Phaolô đã tổng kết mầu nhiệm Đức Kitô trong hình ảnh của Người Tôi Tớ: Đức Giêsu đã vào trong vinh quang bằng cách mặc lấy thân phận Ngừơi Tôi Tớ và chết trên Thập giá để biểu lộ sự vâng lời Thiên Chúa Cha (Ph 2, 5 -11) (Điển ngữ Thánh Kinh Thần Học, tr.270 -271).
Như vậy với danh xưng “tôi tớ của Thiên Chúa”, ngừơi tu sĩ thực sự được Chúa tuyển chọn để thực thi Thánh ý của Ngừơi. Căn tính “ngừơi tôi tớ Thiên Chúa” được dệt nên bởi việc tận hiến đời mình trong sự vâng phục. Sự vâng phục ở đây không biến người tu sĩ trở thành tên nô lệ, sống cam chịu thi hành mệnh lệnh cách cưỡng bức, nhưng là hóan đổi nhân cách của ngừơi tu sĩ tới đỉnh trọn lành trong việc đón nhận ý định của Thiên Chúa cách tự do, “biểu lộ vẻ đẹp giải phóng của sự lệ thuộc như con cái chứ không phải như nô lệ, một sự lệ thuộc chất chứa tinh thần trách nhiệm và được sống động bởi một niềm tin tưởng hỗ tương, phản ánh ra lịch sử mối hoà hợp tình yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa.” (Vita consecrata, số 21).


Sự vâng phục trong Đức tin không bao giờ hạn chế tự do hay cứơp lấy tự do của ngừơi tu sĩ, trái lại nó con đưa lại nhiều hoa trái tốt đẹp. Kết qủa của sự vâng phục là trở thành con cái của tự do, hậu qủa của sự bất tuân đưa tới sự chết. Chúng ta sẽ khám phá ra chân lý đó trong Kinh Thánh. Sách Sáng Thế đã trình bày cho chúng ta biết hậu qủa của sự chết, chính là sự bất tuân. Vì không tuân giữ lệnh truyền của Thiên Chúa, nguyên tổ đã rơi vào một thảm họa khôn lường: bị đặt dưới ách nô lệ của sự dữ, và phải chết muôn đời. Khi tỏ thái độ bất tuân Thiên Chúa, Nguyên tổ cứ tưởng mình được tự do, muốn làm gì thì làm, thế nhưng hậu qủa của sự bất tuân đó ngược lại với những gì mà Nguyên tổ mong đợi, thay vì có tự do, bây giờ con ngừơi rơi vào sự nô lệ cho sự dữ, cho những đam mê bất chính, cho dục vọng điên cuồng, làm nô lệ cho chính mình, và cùng là đón nhận cái chết bi thảm.


Sự sống đã dược tái thiết lập vì sự vâng lời của một người: “cũng như vì một ngừơi không vâng phục, muôn ngừơi hóa thành tội nhân, thì bởi một Đấng phục tòng khiến nhiều ngừơi sẽ trở nên chính trực” (Rm 5, 19). Chính sự vâng phục của Đức Kitô mang lại cho nhân lọai sự sống đời đới và giải phóng con ngừơi khỏi ách nô lệ của thần dữ, trả lại phẩm giá cho con người: sự tự do làm con cái Thiên Chúa.
Sự vâng phục Kitô giáo đựơc thể hiện trên nền tảng tình yêu: “nầy con xin đến để thực thi ý Chúa” (Tv 40). Đó là điểm phân biệt giữa sự vâng phục của người nô lệ, ngừơi làm công và ngừơi con. Ngừơi nô lệ vâng phục vì sợ hãi, ngừơi làm công vâng phục vì bổn phận, còn ngừơi con vâng phục vì yêu. Đức Kitô cũng khẳng định: “ Lương thực của Thầy là làm theo ý muốn Đấng đã sai Thầy” (Ga 4, 34). Điều đó nói lên tình yêu thâm sâu của Con dành cho Cha: “Người là Đấng vâng phục tuyệt hảo, từ trời xuống không phải để làm theo ý mình, nhưng để làm theo ý Đấng sai phái Người (x. Ga 6,38 ; Dt 10,5.7). Người ký thác bản thân và hành động vào tay Chúa Cha (x. Lc 2,49). Bởi sự vâng phục thảo hiếu, Người chọn thân phận nô lệ : "Người đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ [...], vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự" (Pl 2,7-8)” (Vita consecrata số 22).


Đức Vâng phục nơi ngừơi tu sĩ không là gì khác ngoài việc tái tạo lại hình ảnh Đức Kitô nơi chính bản thân mình, một Đức Kitô với danh hiệu là Tôi tớ, đến để làm theo ý Cha, đến để phục vụ. Chính trong đức vâng phục của ngừơi tu sĩ, ngừơi ta đọc được một tình yêu cao vời dành cho Thiên Chúa trong việc phục vụ cho chương trình cứu độ của Người. Phục vụ trong tình thần khiêm hạ như một một ngừơi tôi tớ. Người tu sĩ không mưu cầu thiện ích cho chính mình nhưng cho Thân thể Chúa Kitô mà mình là một phần chi thể của Thân thể nầy. Bởi vậy noi gương Đức Kitô, Đấng "đã yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian và Người yêu thương họ đến cùng. Trong bữa ăn tối, Người đứng dậy [...] và bắt đầu rửa chân cho các môn đệ và lấy khăn thắt lưng mà lau" (Ga 13,1-2.4-5). Ngừơi tu sĩ thực hiện một đời sống yêu thương trao hiến, một cuộc đời phục vụ cụ thể và quảng đại. Khi muốn theo chân Thầy Chí Thánh, Đấng "đã đến không phải để được phục vụ nhưng để phục vụ" (Mt 20,28),


Có hai yếu tố cấu tạo nên sự vâng phục của đời sống thánh hiến: tình yêu và lòng khiêm nhường. Chỉ có tình yêu mới mặc cho sự vâng phục yếu tố tự do, vì yêu mới tự nguyện thi hành ý chí của bề trên. Sự vâng phục đời thánh hiến không bao giờ là một cưỡng bức nhưng là một sự tự nguyện, điều đó thuộc về bản chất của tự do. Như vậy sự vâng phục của đời thánh hiến thể hiện tình yêu cá nhân hứơng tới cộng đoàn, sống cho cộng đòan và vì thiện ích của cộng đòan. Sự vâng phục cũng thể hiện ý chí của đời sống thánh hiến trong việc thi hành đức khiêm nhường. Khiêm nhường không là thái độ của ngừơi mặc cảm tự ti, nhu nhược, thiếu bản lĩnh, nhưng là hành vi của ngừơi khôn ngoan biết nhận ra chân lý và phục vụ cho chân lý. Những ai mặc lấy khiêm nhường trong giao tế, ngừơi đó đang tìm lợi ích cho tha nhân.
Đức vâng phục của đời thánh hiến hôm nay đang đối diện với nhiều thách đố trong một xã hội qúa đề cao tự do cá nhân và coi thường quyền bính. Thế hệ trẻ hôm nay không còn tôn trọng kỷ luật, coi đó như là một ràng buộc làm mất đi tự do. Con cái không còn muốn vâng phục cha mẹ, vì xem đó như một lệ thuộc làm mất đi phẩm giá, nhiều tu sĩ, nhiều tín hữu không còn muốn chấp nhận quyền bính trong Giáo hội vì đó như hàng rào ngăn cản tự do. Thật ra, đề cao tự do quả là một việc làm chính đáng, bởi ân huệ lớn lao mà Thiên Chúa ban cho con ngừơi chính là sự tự do, tôn trong tự do là tôn trọng con người. Nhưng ai lại không thấy những bất công trầm trọng và cả những bạo hành khủng khiếp do việc sử dụng lệch lạc quyền tự do trong đời sống cá nhân và các dân tộc ?


“Đức vâng phục đặc thù của đời thánh hiến là một lời đáp ứng hữu hiệu cho tình trạng trên. Đức vâng phục tu trì giới thiệu một cách thật hùng hồn việc Đức Ki-tô vâng phục Chúa Cha như một gương mẫu điển hình, và khởi đi từ mầu nhiệm Đức Ki-tô, đức vâng phục tu trì minh chứng rằng vâng phục và tự do không mâu thuẫn với nhau. Thật vậy, thái độ của Chúa Con biểu lộ cho thấy mầu nhiệm tự do của con người là một con đường vâng phục ý Chúa Cha, và mầu nhiệm vâng phục là một con đường để dần dần chinh phục sự tự do chân chính. Người tận hiến muốn diễn tả mầu nhiệm đó qua lời khấn tuân phục. Như thế người tận hiến muốn cho thấy họ ý thức mối tương quan nghĩa tử, từ đó họ đón nhận ý Chúa Cha làm lương thực hằng ngày (x. Ga 4,34), làm đá tảng vững chắc, làm niềm vui, làm thuẫn đỡ, và nơi trú ẩn cho họ (x. Tv 18 (17),3). Người tận hiến cho thấy họ lớn lên trong chân lý toàn diện về con người của họ, họ được gắn liền với nguồn mạch hiện hữu của họ và công bố sứ điệp đầy an ủi này : "Kẻ yêu luật Chúa hưởng an bình thư thái, chẳng còn lo gặp chướng ngại nào" (Tv 119 (118),165).” (Vita Consecrata số 91)


Để đức vâng phục thực sự định rõ căn tính tôi tớ nơi ngừơi tu sĩ của Thiên Chúa, cần phải phát huy cộng đòan tu trì trở thành một công đoàn yêu thương đích thật. “Trong đời sống cộng đoàn, người ta phải xác tín rằng sự hiệp thông huynh đệ không chỉ là một phương tiện giúp thi hành một sứ mạng nào đó, mà còn là nơi Thiên Chúa ngự, nơi mà người ta có thể kinh nghiệm được sự hiện diện bí nhiệm của Chúa phục sinh (x. Mt 18,20) . Điều này được thực hiện nhờ tình yêu hỗ tương của các phần tử trong cộng đoàn, tình yêu được nuôi dưỡng bởi Lời Chúa và Thánh thể, được thanh luyện nhờ bí tích Hoà giải, được nâng đỡ nhờ lời nguyện xin ơn hiệp nhất, là một ân huệ Thánh Thần ban cho những ai biết sẵn sàng lắng nghe Tin Mừng với lòng vâng phục. Chính Thánh Thần là Đấng dẫn đưa tâm hồn vào trong sự hiệp thông với Chúa Cha và với Con của Chúa Cha là Đức Giê-su Ki-tô (x. 1 Ga 1,3), sự hiệp thông này là nguồn mạch của đời sống huynh đệ. Nhờ Thánh Thần, các cộng đoàn sống đời thánh hiến được hướng dẫn trong nỗ lực chu toàn sứ mạng của họ, là phục vụ Giáo Hội và toàn thể nhân loại theo linh ứng nguyên thuỷ của mình.” (Vita consecrata, số 42)


Tông huấn Vita consecrata tái khẳng định tầm quan trọng của những vị bề trên trong nhà dòng đối với đời sống thiêng liêng cũng như đối với sứ vụ. Nhưng việc thể hiện quyền bính luôn được tỏ bày trong mối hiệp thông huynh đệ, nhằm thiện ích của cộng đòan. Tông huấn chỉ rõ mặc dầu chủ nghĩa cá nhân đang làm khuynh đảo của thế hệ hôm nay, nhưng phải tái khẳng định tầm quan trọng nhiệm vụ của những người lãnh đạo các cộng đòan dòng tu. Nhiệm vụ nầy rất cần thiết để củng cố sự hiệp thông huynh đệ, và đừng để cho lời khấn vâng phục trở nên vô nghĩa. Các vị bề trên thể hiện quyền bính trong tinh thần đối thọai để đưa các thành viên trong cộng đòan vào trong tiến trình quyết định. Tông huấnc cũng nhắc lại, thẩm quyền quyết định cuối cùng luôn thuộc về bề trên (x. số 43).

 

Lm Antôn Hà Văn Minh

Theo Web site Giáo phận Phú Cường

Mục lục

 

 

Narcisse

Thần thoại Hy Lạp kể về chàng trai Narcisse soi bóng mình trong mặt nước và vì muốn ôm trọn lấy mình chàng đã nhào xuống mặt nước ấy và chết trong hồ nước ấy.

Có nhiều chú giải về huyền thoại này.

Narcisse là một loài hoa Thuỷ Tiên, một loài hoa tượng trưng cho MùaXuân, nó nở trong mùa Xuân, ở nơi ẩm ướt. Theo vòng chu kỳ thời gian bốn mùa, mùa Xuân là mùa nảy nở, sinh sản phong nhiêu. Loài hoa Thuỷ Tiên nở vào Mùa Xuân và cũng khô héo trong mùa ấy, nơi cây ấy còn biểu lộ chu kỳ tự nhiên của vạn vật: “Chết - ngủ - Hồi sinh”. Trong Diễm Tình Ca ví cây Thuỷ Tiên như Huệ Tây báo Mùa Xuân tới, Mùa tình yêu khai mở:

“Em là đoá thủy tiên của Sa-rôn đồng bằng, là bông huệ thắm hồng trong thung lũng.

 Bạn tình tôi giữa đoàn thiếu nữ có khác gì cánh huệ giữa bụi gai”[1][1].

Ví von người thiếu nữ như cánh hoa Thuỷ Tiên báo mùa Xuân tình yêu đất trời nở rộ cùng tình yêu của con người hoà nhịp, đó cũng là loan báo vào mùa tình yêu thời sau cùng chớm nở.

Tuy biểu hiện về tình yêu, nhưng có nhiều người giải mã huyền thoại này  để nói tới một tình yêu vị kỷ. Một tình yêu ôm lấy mình, đắm đuối nơi mình và cuối cùng chết ở trong ngục tù của chính mình. Một tình yêu không nên có, và cũng song đó có những giải huyền về tính cách chiêm ngắm bản thân để trau dồi thêm nét đẹp để điểm tô.

Có thể thấy ở những triết gia L. Lavelle, G.Bachelard… và nhiều nhà thơ như Paul Valéry. Nước là mặt gương, nhưng là cái gương soi sâu vào bản ngã; ánh sáng phản chiếu là hình ảnh lý tưởng hoá.

Với G. Bachelard: “Đứng trước mặt nước phản chiếu hình ảnh mình, Narcisse cảnh thấy vẻ đẹp của mình vẫn tiếp tục chưa hoàn kết, và phải hoàn kết nó. Những chiếc gương bằng  thủy tinh, trong ánh sáng gắt  của căn phòng, cho ta một hình ảnh quá ổn định. Chúng sẽ trở nên sống động và tự nhiên khi ta có thể ví chiếc gương như một mặt nước sống động và tự nhiên, và khi trí tưởng tượng , được trả lại tính tự nhiên, có thể tiếp nhận sự tham gia của các cảnh quan sông, suối (BACE, 35).

G.Baehelard nhấn mạnh vai trò của Narcisse, kẻ vị  kỷ vì lý tưởng hóa này. Điều đó đối với chúng ta xem ra lại càng cần thiết, ông viết, bởi vì môn phân tâm học cổ điển có vẻ coi nhẹ vai  trò việc lý tưởng hóa này. Thực ra kẻ ái kỷ không phải bao giờ cũng nhiễu tâm. Hắn cũng có vai trò tích cực, nhất là trong còng việc thẩm mỹ... Trăng hoa không phải bao giờ cũng là phủ định dục vọng, không phải bao giờ thăng hoa cũng có vẻ như là chống lại bản năng. Có thể có sự trăng hoa vì một lý tưởng (BACE, 34 - 35).

Làm đẹp bản thân bằng đức hạnh có lẽ cũng là một cách thăng hoa con người tự nhiên của mình. Người không chú trọng đến bản thân mình dường như không còn bị khép tội vị kỷ, khi cái đẹp tự bản thân ấy làm tô điểm thêm vườn hoa muôn sắc của trần gian.

Thế nhưng, vẻ đẹp của cá nhân có nguy cơ rơi vào tình yêu vị kỷ, chỉ cho mình mà không muốn chia sẻ với người khác. Cho nên, việc lý tưởng hóa này gắn với một niềm hy vọng, mỏng manh đến mức bị xóa nhòa ngay khi có một làn gió nhẹ nhất :

“Tiếng thở dài nhẹ nhất

Mà tôi thót ra

Sẽ cướp đi của tôi

Cái thà tòi tòn thờ

Trên mặt nước xanh và hoe vàng

Cà trời và rừng

Cả màu hồng của làn nước”

(Paul Valéry, Narcisse)

Sự tĩnh lặng trong nội tâm, khi chiêm ngắm vào chiều sâu của tâm hồn là một cách tư duy về chính mình. Tư duy về chính mình để khám phá ra một chiều sâu tâm thức và nghiệm thấy một điều còn sâu xa hơn chính bản thân. Những bài nghiên cứu của Joachim Gasquet, G.Baehelard còn phát hiện ra tính ái kỷ của vũ trụ: đó là rừng, là trời tự ngắm mình qua mặt nước cùng với Narcisse. Chàng không còn đơn độc, vũ trụ được phản chiếu cùng với chàng và bao bọc chàng để bù lại, vũ trụ sôi động lên bằng chính tâm hồn Narcisse. Và như J.Gasquet nói : Thế giới là một Narcisse mênh mông đang tư duy về mình. Ở đâu thế giới có thể tư duy về mình tốt hơn là trong chính các hình ảnh của mình?  G.Baehelard hỏi: Các mặt nước trong vắt, ở đây chỉ một cử chỉ sẽ khuấy động mọi hình ảnh, và  khoảnh khắc yên tĩnh sẽ trả lại những hình ảnh ấy. Thế giới được phản ánh là do tĩnh lặng được thiết lập (Base, 36 và tiếp theo).

Tình yêu và chiếm hữu là hai điều trái ngược nhau nhưng lại ở trong nhau. Chính vì thế mà tình yêu sẽ bị biến nghĩa, trở thành tù ngục khi con người  chiếm hữu làm của riêng mình. Tình yêu chiếm hữu giết chết tình yêu ngay trong vòng tay của nó. Văn hoá Việt cũng có hình ảnh của chàng Narcisse với hình ảnh “Con chim quý phải ở lồng son”. Dù là lồng son hay là lồng vàng quý giá mấy đi nữa vẫn là chiếc lồng trói chặt tự do. Tình yêu làm mất tự do là một tình yêu quá vị kỷ, một tình yêu có tên gọi là Eros. Theo Hésiode, vị thần Eros có một sắc đẹp chiếm mất hồn người chiêm ngắm, chế ngự mọi trí khôn và trái tim.

Tình yêu làm nên hai chiều hướng quyến luyến và chiếm hữu. Tình yêu Eros. Trong loài hoa thuỷ tiên có hương thơm quyến rũ mê hồn. Hương thơm của hoa Narcisse (thủy tiên) đã mê hoặc Perséphone, khi thần Hadès, bị sắc đẹp của nàng quyến rũ, muốn cướp lấy nàng và đưa nàng cùng thần xuống địa ngục: Đóa hoa lóng lánh nhột ánh huyền diệu, làm kinh ngạc tất  cả những ai thấy nó, dù đó là những vị Thần bất tử hay người trần. Từ rễ cây mọc ra một thân có trăm ngọn và trước hương thơm của chùm hoa này, toàn Thượng giới bao la mỉm cười, cả toàn thế gian nữa, và cả làn sóng biển dâng lên hăng hắc. Ngạc nhiên, cô bé dang cả hai tay ra muốn tóm lấy cái đồ chơi diễn tuyệt: Nhưng trái đất với những con đường rộng đã mở ra nơi bình nguyên Nysie, và từ nơi ấy xuất hiện lên, cùng với đàn ngựa bất tử của thình, vị Chúa tể của biết bao tân khách, vị thần linh con trai Cronos được cầu khấn dưới biết bao danh xưng. Thần nhắc bổng nàng lên, và mặc dầu nàng chống cự, đặt nàng cỡn đang khóc nức nở lên cỗ xe vàng của mình (HYMH: Tụng ca dâng Dénléter, 4 - 20).

Đối với các nhà thơ Ả rập, hoa thủy tiên, do cánh hoa thẳng đứng của nó, tượng trưng cho con người ngay thẳng, người đây tớ siêng năng, người sùng đạo muốn chuyên tâm phụng sự Chúa Trời. Ở đây trong tư tưởng này xuất phát một hình ảnh của loài hoa khác, đó là loài hoa Hướng Dương. Tình yêu biểu lộ trong cách thức này là tình yêu hướng về thay vì chiếm lấy, một tình yêu đòi sự dứt bỏ giới hạn mỗi ngày để vươn cao hơn. Tình yêu như vậy là một tình yêu Agapé, một tình yêu biểu lộ bằng việc chết cho người mình yêu.

Lm. Giuse Hoàng Kim Toan

Mục lục

 

 

 

HƯỚNG DẪN ĐỌC KINH THÁNH  :

 

Cựu Ước

 

Bài 1

 

 ĐỌC BN VĂN

 Xh 12,1-13,16

 

 

I. ĐỌC LN ĐẦU

 Bt đu,bn hãy đc bn văn này t đu ti cui. Đừng đ ý ti nhng ta đ và nhng chú thích trong sách Thánh kinh ca bn. Nếu có t nào hoc nhóm t nào bn không hiu rõ lm cũng không sao, chúng ta s tr li chúng khi đc ln th hai. Còn bây gi bn ch đc bn văn và t đt nhng câu hi sau :

- Bn văn nói ti s vic gì ?

- Nói cách nào ? Cách tường thut chăng (trong nhng đon nào) ? Đề ra nhng khon lut chăng (trong nhng đon nào) ? Hay là t chc l nghi phng v (trong nhng đon nào) ?

- Sau khi đc xong, bn th đt ta đ cho nhng đon mà bn đã tìm thy. Điu này, buc bn phi xác đnh văn th ca nhng đon y.

 

 II. ĐỌC LN TH HAI

 Bây gi nh nhng chú thích trong sách Thánh kinh, bn hãy xem k li mt vài đim.

Nhng đon y được viết vào nhiu thi k khác nhau, các chú thích s giúp bn xác đnh rõ hơn (TOB 12,1f BJ 12,1e).

Nhng đon y là nhng đon văn phng v chỉ cách cử hành lễ nghi để lưu giữ kỉ niệm về biến cố xuất hành , đồng thời cho thấy biến cố ấy có ý nghĩa gì cho cuộc sống hôm nay.

 Israel đã mượn hai cuộc lễ có trước họ, nhưng đã thay đổi ý nghĩa để ghép chúng vào một biến cố lịch sử. Quả thực có hai loại lễ : loại thứ nhất có tính cách thiên nhiên và được cử hành mỗi năm, (thí dụ lễ mừng năm mới) ; loại thứ hai có tính cách lịch sử để tưởng niệm một biến cố đã xảy ra một lần trong lịch sử (thí dụ lễ Quốc khánh).

Mỗi năm vào mùa xuân, những người du mục mừng lễ vượt qua : họ ăn thịt chiên và lấy máu nó đánh dấu lên cọc lều để xua đuổi tà thần. Israel đã mượn lại lễ này (12,2-11 và 21.22) nhưng đổi ý nghĩa thành lễ tưởng niệm cuộc Giải phóng (12,25-27) ; (TOB 12,11k và 5,1s BJ 12,1e).

Cũng vào mùa xuân hàng năm, những nông dân mừng lễ bánh không men : họ mừng mùa thu hoạch mới bằng cách xóa sạch mọi dấu vết của mùa cũ. Israel cũng mượn lại lễ này (12,15) nhưng biến nó thành lễ tưởng niệm cuộc Giải phóng (12,17.39 13,3-10); (TOB 12,15 BJ 12,1).

Các Kitô hữu cũng mượn lại hai lễ trên nhưng còn gán thêm ý nghĩa tưởng niệm cuộc Giải phóng chung cục do Đức Kitô.

Israel cũng làm thế đối với tục lệ dâng cái tốt nhất cho thần linh : tức là dâng con đầu lòng của loài vật, đôi khi của cả loài người nữa. Tục lệ này được Israel xem như tưởng niệm cuộc Giải phóng (13,2.14-15) ; (TOB 13,12 BJ 13,11).

 

 VĂN THỂ

 

 Cùng một sự việc nhưng có thể kể lại nhiều cách. Chẳng hạn cùng một sự việc người thân bị bệnh, nhưng ta kể lại cách khác nhau cho gia đình người ấy, cho bác sĩ hoặc cho nhân viên bảo hiểm xã hội ; và cách kể cũng khác nhau tùy theo lúc người ấy còn trong cơn thập tử nhất sinh hay sau khi khỏi bệnh. Đó là những "văn thể" vậy.

Nhưng xâu sa hơn, những "văn thể" ấy tương ứng với những nhu cầu khác nhau trong sinh hoạt của một nhóm. Bất cứ nhóm nào cũng tạo ra một số bản văn. Lấy thí dụ một nhóm chài lưới : họ sẽ tạo ra những bãn văn có tính pháp lý (nội quy), những "biểu ngữ" hoặc là những câu ngắn gọn dễ nhớ ("Muốn thư giản thì hãy đi chài"), những chuyện kể, thậm chí cả những "anh hùng ca"... Rồi cũng có những nghi lễ : ăn mừng, nhậu nhẹt... Cũng thế, xã hội nào cũng cần tạo ra một nền văn chương, quốc gia nào cũng cần có luật, có những cuộc lễ, có những tường thuật về thời quá khứ, những bài ca, những bài thơ...

Vậy thì sự kiện Israel hiện hữu như một dân tộc đã tạo nên một nền văn chương với nhiều thể loại, xin kể ra đây một số:

o Tường thuật :

Cần phải nhắc lại quá khứ để làm cho mọi người có cùng một não trạng chung. Khi nghe những tường thuật về các tổ tiên mình, người ta mới ý thức mình cùng một gia tộc với nhau.

o Anh hùng ca :

Cũng là kể chuyện quá khứ, nhưng nhằm ca tụng các bậc anh hùng và khơi lên anh hùng tính nơi người nghe, mặc dù để đạt mục tiêu đó thì phải điểm tô thêm một số chi tiết.

o Luật :

Nhằm mục đích tổ chức sinh hoạt để có thể sống chung với nhau.

o Phụng vụ nghi lễ :

Để biểu lộ cuộc sống chung ấy, cũng như bữa ăn ngày lễ làm cho gia đình đoàn kết nhau. Vì là những hành vi tín ngưỡng nên chúng còn biểu lộ sự liên hệ giữa con người với Thiên Chúa.

o Thi ca Thánh vịnh :

Là những cách thức biểu lộ tình cảm và đức tin của dân.

o Sấm ngôn :

Là những lời phán long trọng của Thiên Chúa, chúng nhắc dân về đức tin đích thực.

o Giáo huấn :

Của các ngôn sứ và các tư tế : có thể ở dạng dạy dỗ, có thể ở dạng tường thuật, kể chuyện (dụ ngôn)...

o Những câu khôn ngoan :

Là những suy tư về những vấn đề lớn của loài người như ý nghĩa của sự sống, sự chết, tình yêu, đau khổ...

 Phải phân biệt rõ văn thể

 Mỗi cách diễn tả (mỗi văn thể) có kiểu sự thật của nó. Ta không nên đọc bài tường thuật tạo dựng (St 1) như một bài dạy khoa học, vì đó là một bài thơ phụng vụ ; cũng không được đọc đoạn văn qua biển như một bài phóng sự trực tiếp (Xh 14) ; nó là một thiên anh hùng ca.

Vì thế, mỗi khi có thể được, ta phải tự hỏi xem bản văn này thuộc văn thể nào và loại sự thật của nó ra sao.

 

 

 III. NGHIÊN CỨU XUẤT HÀNH 13,17-14,31 :

 

 Việc nghiên cứu bài tường thuật "Qua biển" sẽ giúp chúng ta khám phá điều được gọi là những truyền thống của Ngũ thư .

 

 1) Đọc lần thứ nhất :

 Bắt đầu, bạn hãy đọc đoạn này. Thoạt đầu xem ra đó là một bài tường thuật rất liền lạc. Nhưng khi đọc kỹ, bạn sẽ thấy nhiều điều lạ. Chẳng hạn như về "phép lạ" : có khi đó là gió thổi khô biển và quân Ai cập sa lầy trong cát lún ; nhưng khi khác thì Thiên Chúa tách đôi nước biển để cho dân Híp-ri đi qua. Có khi đoạn văn nói chính Thiên Chúa ra tay chiến đấu ; khi khác lại nói Thiên Chúa ra lệnh cho Môsê và chính ông này ra tay. Bút pháp cũng khác nhau : có khi mô tả rất cụ thể, trình bày Thiên Chúa như một chiến sĩ ra trận, thọc gậy vào bánh xe của các chiến xa (đó là kiểu nói "như nhân”, nghĩa là diễn tả Thiên Chúa dưới hình dáng của con người, tiếng Hy lạp là anthropomorphisme), nhưng có khi bút pháp rất trừu tượng, Thiên Chúa phán, và chính Lời của Ngài hành động...

Những nhận xét trên, không riêng gì cho đoạn này mà cho toàn thể bộ Ngũ thư, đã khiến các chuyên viên đưa ra giả thuyết : đây là một tập hợp từ 4 truyền thống (hoặc 4 nguồn tài liệu) thành một tổng tập. Chúng ta sẽ kiểm chứng giả thuyết này.

 

 2) Đọc lần thứ hai :

 Bây giờ ta tạm đưa vào giả thuyết có 4 nguồn truyền thống, và chép lại bài tường thuật của mỗi truyền thống (ở đây ta chỉ chép có truyền thống Jahviste và truyền thống tư tế mà thôi, tạm bỏ qua 2 truyền thống kia, để đơn giản cho công việc của chúng ta hơn).

 

 Truyền thống Jahviste :

 

 14 ,2b Đối diện với Pi-Hakhirot giữa Migdol và biển, đối diện với Baal-Céphon, các ngươi hãy đóng trại ngay đàng trước đó, gần mé biển.

5b        Pharaon và bầy tôi đổi lòng với dân. Họ nói "ta đã làm gì vậy, sao lại thả Israel ra đi để chúng khỏi làm tôi ta ?".

6a        Ông cho thắng xe trận của ông.

7a        Ông lấy 600 xe trận, những xe bảnh nhất.

9ab      Quân Ai cập đuổi theo họ và đã kịp họ... trong khi họ đóng trại gần mé Biển gần bên Pi-Hakhirot đối diện với Baal-Céphon.

10        Pharaon sấn lại gần. Con cái Israel ngước mắt lên, và này quân Ai cập tiến lại đằng sau họ và họ khiếp sợ quá đỗi, và con cái Israel đã kêu lên Yavê.

13        Môsê nói với dân "Đừng sợ, cứ đứng yên và nhìn xem việc cứu thoát Yavê sẽ làm cho các ngươi hôm nay, các ngươi sẽ chẳng bao giờ nhìn thấy lại nữa !

14        Yavê sẽ giao chiến thay cho các ngươi, còn các ngươi, các ngươi chỉ việc làm thinh".

19b      Cột mây đã bỏ đàng trước và vòng lại đàng sau

20        Và đến vào giữa doanh trại Ai cập và doanh trại Israel. Và đám mây ấy vừa là tối tăm (cho bên kia) vừa làm rạng sáng đêm tối (cho bên này)

22b      Yavê cho cuồng phong phía Đông thổi lại khuấy động biển suốt cả đêm. Ngài làm cho biển thành đất khô ráo.

24        Và xảy ra là vào lối canh sáng, Yavê trên cột lửa và mây ngó sang doanh trại Ai cập và gieo tán loạn trong doanh trại Ai cập.

25        Ngài làm xiêu vẹo bánh xe chúng và chúng phải vất vả mới đẩy xe đi. Bấy giờ quân Ai cập nói với nhau : "ta hãy trốn cho mau khỏi Israel vì Yavê giao chinh với Ai cập hộ chúng”.

27b      Biển đã trở lại mức cũ vào lúc tảng sáng. Quân Ai Cập chạy ùa cả xuống biển và Yavê xô quân Ai cập lộn nhào trong lòng biển.

30        Trong ngày ấy, Yavê đã cứu Israel thoát tay Ai cập, và Israel đã thấy xác quân Ai cập trên bãi biển.

31        Và Israel đã thấy tay cao cả Yavê tỏ ra trên quân Ai cập và đã kính sợ Yavê. Họ đã tin vào Yavê và Môsê tôi tớ Ngài...

Đọc xong bạn hãy tự trả lời những câu hỏi sau : các vai là ai ? quân Ai cập muốn gì ? chúng có biết cách đạt điều chúng muốn không ? chúng có khả năng đạt được điều đó không ? còn dân Híp-ri, họ muốn gì ? ai giúp họ biết cách đạt điều họ muốn ? ai ban cho họ khả năng ấy ?

Tựu trung, biến cố này như thế nào ?

Bạn hãy gạch dưới những từ lặp đi lặp lại. Phải chăng động từ " thấy " luôn luôn có cùng một ý nghĩa (thấy bằng cặp mắt xác thịt, và thấy bằng đức tin) ? chữ " sợ " có cùng một ý nghĩa chăng trong những câu 10.13 và c.31 (chữ song song với nó trong câu này là chữ nào) ?

Xem ra mục đích của tường thuật Jahviste nầy là cho thấy dân Híp-ri đã đi qua từ loại sợ này sang loại sợ khác như thế nào ? sự chuyển biến này diễn ra thế nào ? điều đó có nghĩa gì đối với đức tin của dân Híp-ri và của chúng ta ?

 

 Truyền thống tư tế :

 

 13 ,20             Họ bỏ Sukkot trẩy đi và đã đóng trại ở Etam, đầu mút sa mạc.

21        Và Yavê đi đàng trước họ, ban ngày trên cột mây để dẫn họ trên đường, và ban đêm trên cột lửa để soi sáng trên họ, thành thử họ có thể đi cả ngày lẫn đêm.

22        Ban ngày cột mây và ban đêm cột lửa không hề rời khỏi đàng trước dân.

 14 ,1   Yavê phán bảo Môsê rằng:

2a        "Hãy bảo con cái Israel quay lại mà đóng trại.

3          Pharaon sẽ tự nói với mình về con cái Israel "chúng lạc loài trong vùng, đã có sa mạc nhốt chúng lại".

4          Ta sẽ làm cho Pharaon ra chai đá và nó sẽ đuổi theo các ngươi, Ta sẽ được rạng vinh nhân vì Pharaon và quân lính của nó, khiến cho người Ai cập biết được rằng "Ta là Yavê". Và họ đã làm như vậy.

8          Yavê làm cho lòng Pharaon vua Ai cập ra chai đá, và ông đuổi theo con cái Israel, trong khi con cái Israel ra đi, tay giơ cao.

15        Yavê phán với Môsê "tại sao ngươi kêu lên Ta ? Hãy bảo con cái Israel cứ trẩy đi.

16        Còn ngươi, ngươi hãy nâng gậy lên và giơ tay trên biển. Hãy rẽ nó làm hai cho con cái Israel đi vào lòng biển (chân) khô ráo.

17        Phần Ta, này Ta làm cho lòng dân Ai cập ra chai đá để chúng cũng vào theo sau. Ta sẽ được rạng vinh nhân vì Pharaon và quân binh cùng xe trận với kỵ binh của nó.

21a      Môsê giơ tay trên biển.

21c      Nước đã rẽ làm hai

22        Con cái Israel đi vào lòng biển (chân) khô ráo. Nước đã nên như tường thành cho họ ở tả hữu hai bên.

23        Quân Ai cập thúc đuổi cũng vào theo sau (tất cả ngựa xe của Pharaon cùng với xe và kỵ binh của ông ta) tận trong lòng biển.

26        Yavê phán với Môsê "Hãy giơ tay trên biển cho nước trở lại trên quân Ai cập, trên xe trận và kỵ binh của chúng.

27a      Môsê đã giơ tay trên biển

28        Nước đã trở lại và nhận chìm xe trận, kỵ binh và tất cả quân binh của Pharaon trong khi chúng theo sau Israel xuống biển, và chúng không còn một mống nào sót lại.

29        Con cái Israel đã đi trong lòng biển (chân khô ráo). Nước đã trở nên như tường thành cho họ ở tả hữu hai bên.

Ở đây ta thấy chỉ còn có một vai, là ai ? Ngài muốn gì ? Ngài hành động ra sao ? Hãy chú ý những nhóm từ lặp đi lặp lại. Vài nhóm từ có lẽ gây thắc mắc ("Thiên Chúa làm cho lòng người ta ra chai đá"). Nhưng bạn đừng mất giờ suy nghĩ, sau này ta sẽ trở lại.

Điều mà Thiên Chúa muốn tìm là : Ngài được rạng vinh, khiến cho người ta biết Ngài là Chúa. Nhưng "rạng vinh" không phải là "hào quang", thánh Irênê nói : "vinh quang của Thiên Chúa là con người được sống" ; Thiên Chúa lấy làm vinh quang khi cứu dân Ngài, vì như thế các dân khác sẽ biết Ngài là Thiên Chúa cứu thoát, Thiên Chúa bảo vệ. Nhưng với điều kiện là dân phải để cho Ngài cứu họ, phải trông cậy vào Ngài, làm như thế là họ " thánh hóa danh Thiên Chúa ", tức là để cho Ngài tỏ ra Ngài là thánh, là Chúa. Chúng ta sẽ nói kỹ hơn về điểm này khi nghiên cứu ngôn sứ Êdêkiên.

Tựu trung, biến cố này diễn ra thế nào ? Hãy chú ý những sự lặp đi lặp lại : Thiên Chúa ra lệnh và người ta thi hành. Đây là trình tự hay được truyền thống tư tế sử dụng (hãy xem bài tường thuật thứ nhất về cuộc tạo dựng St.1). Ở đây điều quan trọng là Lời của Thiên Chúa, Lời nói gì là sáng tạo ra ngay cái đó. Hãy so sánh "phép lạ" này với Sách Thánh.1 : cũng cùng một chủ đề : Thiên Chúa tách đôi mặt nước và khô ráo lộ ra (Xh 14,16.22.29 và St.1, 9.10).

Điều này có nghĩa gì đối với tường thuật về cuộc qua biển ? và đối với tường thuật về tạo dựng ? (TOB 14,16).

 

Mục lục

 

Text Box: SỐNG CHỨNG NHÂN

 

 

 


 

BỊ TÙ VÌ RAO GIẢNG LỜI CHÚA

 

Tháng 3 năm 1988, bà Christine Bushy-Mojet, người Hòa-Lan, cùng với chồng là ông Daniel, người Mỹ và 7 thừa sai khác thuộc nhóm ”Giới trẻ đi truyền giáo” tại Népal, bị bắt vào tù vì tội rao giảng Kitô Giáo, là đạo quốc cấm.

Luật pháp Népal ghi rõ:

- Kẻ nào làm cho một người Ấn Giáo trở lại Kitô Giáo thì bị phạt tù 3 năm. Một tín đồ Ấn Giáo trở lại Kitô Giáo bị phạt tù 1 năm và giáo sĩ rửa tội cho người này bị phạt 6 năm tù.

Khoản luật kéo theo một nguy cơ khác: nếu một người Ấn giáo thù hằn một tín hữu Kitô, họ liền báo thù bằng cách tố giác tín hữu Kitô cho cảnh sát, thế là tín hữu Kitô phải nằm tù một cách oan uổng..

Chính bà Christine Bushy-Mojet kể lại kinh nghiệm tù tội của nhóm “Giới trẻ đi truyền giáo”.

Chúng tôi cả thảy 9 người bị ném vào một căn phòng bẩn thỉu rộng 3 thước và dài 3 thước rưỡi. Vì chúng tôi là ngoại quốc nên tương đối không bị đối xử tàn tệ như các tù nhân Népal. Chúng tôi chỉ nhận đủ, hoặc rất ít lương thực. Nhưng chúng tôi rất khổ sở vì cứ bị còng từng hai người một. May mắn thay, một người bạn Népal biết chuyện chúng tôi bị tống giam nên thông báo cho các tòa đại sứ liên hệ biết. Nhờ vậy chúng tôi được thả ra sau một tuần bị giam. Tuy nhiên khó khăn vẫn chưa hết. Mỗi tuần chúng tôi phải đến sở cảnh sát gần đó để trình diện. Nói là gần, nhưng chúng tôi phải mất suốt một ngày đàng để đến nơi! Chúng tôi hy vọng sau đó có thể sinh hoạt bình thường.

Để tránh mọi khó khăn rắc rối, 9 người trong nhóm trẻ truyền giáo có thể rời bỏ Népal. Nhưng chúng tôi không nỡ làm thế. Vì như vậy, chúng tôi bỏ rơi các anh chị em Kitô người Népal của chúng tôi. Họ làm thành nhóm thiểu số rất ít và thường bị bách hại, kỳ thị, thiệt thòi về đủ mọi phương diện. Đây quả là một Giáo Hội Kitô đau khổ, vì luật pháp Népal quá nghiêm khắc.

Giáo Hội Kitô tại Népal thường nhẫn nhục chịu đựng mọi bách hại, và chưa bao giờ lên tiếng phản đối. Nhưng vì vụ nhà nước Népal bắt bỏ tù lần đầu tiên 9 nhà thừa sai ngoại quốc, khiến Giáo Hội phải công khai kháng cự.

Giáo Hội Công Giáo Népal quyết định cho quốc tế và Giáo Hội Công Giáo Hoàn Vũ biết về tình trạng khó khăn của mình. Như thế, thế giới bên ngoài làm áp lực trên chính phủ Népal và tình trạng kỳ thị cùng bách hại giảm bớt và chấm dứt.

Thật ra không thể nói nhà nước Népal bắt bớ Giáo Hội có hệ thống. Trong một quốc gia nghèo và kém mở mang như quốc gia Népal, với các phương tiện truyền thông ít ỏi, tình trạng của các tín hữu Kitô ở mỗi nơi mỗi khác. Nhưng khi có nhiều tín hữu Kitô ở chung cùng một làng, một thành phố, thì người Ấn Giáo Népal cho là xúc phạm đến văn hóa Ấn Giáo. Trong trường hợp này, có thể xảy ra các vụ tín đồ Ấn Giáo đánh đập các tín hữu Kitô và đốt phá nhà thờ của Giáo Hội Kitô. Nhưng thường thường người Népal rất có cảm tình với các tín hữu Kitô, đôi khi họ đặt những câu hỏi về Đạo, về Đức Tin Kitô.

Người Népal rất nghèo nhưng tốt bụng. Trong những ngày ngồi tù tôi ghi nhận điều này. Một hôm, phần ăn của chúng tôi quá ít, khiến chúng tôi bị đói. Người lính canh trông thấy chúng tôi đói như vậy, anh liền chia sẻ những hột đậu phộng cuối cùng của anh cho chúng tôi, mỗi người 3 hột! Tôi không bao giờ quên cử chỉ tốt lành của người lính canh. Do đó tôi nhất định ở lại Népal, tiếp tục công tác truyền giáo đã bắt đầu. Tôi thấy trước những khó khăn, những hiểm nguy, nhưng tôi sẵn sàng chấp nhận, vì các tín hữu Kitô Népal thân yêu, nhưng nhất là vì dân Népal nghèo khổ tốt lành nói chung.

... ”Lạy THIÊN CHÚA là Vua, con xin cảm tạ Ngài, ca ngợi Ngài là THIÊN CHÚA, Đấng Cứu Độ con. Con cảm tạ danh Ngài. Ngài quả là Đấng bảo vệ và trợ giúp con, Ngài đã cứu thân con khỏi hư mất, xin cứu con thoát khỏi lưới dò của kẻ chuyên đặt điều vu khống và kẻ ưa nói lời điêu ngoa. Khi con gặp kẻ thù chống đối, Ngài đã thương trợ giúp và giải thoát con. Nhờ uy danh cao cả và chiếu theo lòng lân tuất vô biên của Ngài, Ngài đã giải thoát con khỏi những kẻ rình cắn xé con, khỏi tay những kẻ tìm hại mạng sống con” (Sách Huấn Ca 51,1-3).

(”LE CHRIST AU MONDE”, 8/1988, trang 257-258).(radio Vatican)

Sr.Jean Berchmans Minh Nguyệt

Mục lục

 

 

Text Box: CÂU CHUYỆN SUY TƯ

 

 


 

BẠN CÓ NGHÈO KHÔNG ?


Một ngày nọ, người cha giàu có dẫn con trai đến một vùng quê để thằng bé thấy những người nghèo ở đây sống như thế nào. Họ tìm đến nông trại của một gia đình nghèo nhất nhì vùng. “Đây là một cách dạy con biết quý trọng những người có cuộc sống cơ cực hơn mình”- người cha nghĩ đó là bài học thực tế tốt cho đứa con bé bỏng của mình.

 

Sau khi ở lại và tìm hiểu đời sống ở đây, họ lại trở về nhà. Trên đường về, người cha nhìn con trai mỉm cười: “Chuyến đi như thế nào hả con?”.

- Thật tuyệt vời bố ạ!

- Con đã thấy người nghèo sống như thế nào rồi đấy!

- Ô, vâng.

- Thế con rút ra được điều gì từ chuyến đi này?

Đứa bé không ngần ngại:


- Con thấy chúng ta có một con chó, họ có bốn. Nhà mình có một hồ bơi giữa sân, họ lại có một con sông dài bất tận, Chúng ta phải đưa những chiếc đèn lồng vào vườn, họ lại có những ngôi sao lấp lánh vào đêm.


Mái hiên nhà mình chỉ đến trước sân thì họ có cả chân trời. Chúng ta có một miếng đất để sinh sống thì họ có cả những cánh đồng trải dài. Chúng ta phải có người phục vụ, còn họ lại phục vụ người khác, Chúng ta phải mua thực phẩm, còn họ lại trồng ra những thứ ấy. Chúng ta có những bức tường bảo vệ xung quanh, còn họ có những người bạn láng giềng che chở nhau.


Đến đây người cha không nói gì cả.


“Bố ơi, con đã biết chúng ta nghèo như thế nào rồi...”- cậu bé nói thêm.


Rất nhiều khi chúng ta đã quên mất những gì mình đang có và chỉ luôn đòi hỏi những gì không có. Cũng có những thứ không giá trị với người khác. Điều đó còn phụ thuộc vào cách nhìn và đánh giá của mỗi người. Xin đừng quá lo lắng, chờ đợi vào những gì bạn chưa có mà bỏ quên điều bạn đang có, dù là chúng rất nhỏ nhoi.

Thu Hương ( sưu tầm từ Internet )

Mục lục

 

Text Box: TÌNH YÊU – HÔN NHÂN – GIA ĐÌNH 
[2][1] Dc 2, 1-2.

 

 

ĐIỀU HOÀ NHIỆT ĐỘ

 

Mới đây Báo Công an TPHCM có đăng một mẫu tin nho nhỏ tựa đề là “Câu nói đùa tai hại”, đại khái như thế này:

Cô Hiền yêu anh Ngân và đã có thai được ba tháng. Vốn tính hay ghen, cô Hiền nghĩ rằng anh Ngân không còn yêu mình nữa. Tối hôm trước anh Ngân sang nhà cô Hiền chơi và thấy cô Hiền khóc nên nói đùa:

- Anh sẽ cưới em làm vợ nhỏ, còn vợ nhớn anh sẽ đi lấy nơi khác.

Trong lúc đang nghi ngờ và giận dỗi, câu nói đùa của anh Ngân khiến máu ghen nơi cô Hiền bốc lên đùng đùng. Vì cho đó là sự thật, nên cô Hiền đã uất ức, uống thuốc độc tự tử mà chết.

Anh chị thân mến!

Thiên Chúa đã ban cho chúng ta có lời nói để chúng ta bộc lộ những ý nghĩa, những ước muốn nhằm tạo cho nhau sự cảm thông. Đây chính là điều làm cho người ta khác với con vật, bởi vì: “Con người là một con vật có tiếng nói”

Thế nhưng, chúng ta thường sai lỗi trong lời nói. Thay vì tạo bầu khí hoà thuận, bắc được nhịp cầu thông cảm, chúng ta kại gây thù oán, làm người khác thân bại danh liệt, hoặc đi dong cả một đời.

Theo các chuyên gia tâm lý, tính cau có hay gây gổ của đàn ông là một căn bệnh của xã hội đang phát triển. Đa số các đức lang quân hiện đại đều nghĩ phải kiếm nhiều tiền để đảm bảo cuộc sống cho vợ con, và chính những suy nghĩ đó làm họ luôn căng thẳng . Nếu người vợ không thích ứng với những thay đổi đó một cách tế nhị, thì nguy cơ tan vỡ là rất cao. Để tránh tình trạng “Cơm chẳng lành canh chẳng ngọt”, các chị nên xác định mình là “trụ cột” , bằng những cách sau:

1.Trước tiên, các chị nên giữ bình tỉnh, không “Đá thúng đụng niêu” khi chồng gắt gỏng, càng không nên cao giọng phản ứng lại.

2. Hãy cố gắng kiềm chế, đừng cáu gắt ngay cả những lúc bực bội, mệt mỏi. Những cố gắng đó của chị sẽ tạo một bầu khí dễ chịu trong gia đình.

3. Ngay khi nhận thấy chồng có vẻ khó chịu, hãy coi như không biết. Chọn thời điểm thích hợp, dùng lời lẽ dịu dàng, gợi mở để chồng nói ra được suy nghĩ của anh ấy.

4.Trong trường hợp cần thiết, chỉ có thể thông qua con cái để tạo cầu nối tình cảm vợ chồng. Có thể nói với con để tác động đến chồng.

5. Cuối cùng, một người vợ tuyệt vời là một người hiểu được tính tình và công việc của chồng. Tuy nhiên, không can thiệp quá sâu vào công việc của anh ấy nếu chưa được hỏi ý kiến.

Ngày nay với phong trào giải phóng phụ nữ, nam nữ bình quyền, quí bà quí cô đang hăng hái xông xáo tiến ra ngoài xã hội, chiếm lĩnh những lãnh vực mà từ xưa tới nay, vốn là của phe đàn ông con trai. Và họ đã gặt hái được những thành công rực rỡ.

Có những người đã làm tới thủ tướng và bộ trưởng, giám đốc và chuyên viên. Cung cách điều khiển của họ cũng không kém gì đàn ông, chanwgr hạn như bà đầm già Thacher , thủ tướng nước Anh, vốn biệt danh là bàn tay sắt bọc nhung. Tuy nhiên, nếu chỉ có địa vị nào trong xã hội, thì cũng đừng vì thế mà coi thường chồng 

“Kim vàng ai nở uống cau

Người khôn ai nỡ nói nhau nặng lời”

Ước gì chị được xếp vào hạng Phụ nữ mà Kinh Thánh ca ngợi: “Nàng khôn ngoan trong lời ăn tiếng nói, và dịu hiền khi dạy dỗ bảo ban.” (Cn 31,26).

Nói đến vai trò người vợ, Việt Nam ta hay nhắc đến những đức tính cao quý của người phụ nữ, đó là Công Dung Ngôn Hạnh. Tứ đức này không chỉ mẫu mực thẩm định phẩm giá người nữ, mà còn là điều kiện căn bản để xây dựng hạnh phúc gia đình.

Nhà văn René Bazin còn khẳng định: “Nếu bạn thấy một gia đình hạnh phúc, bạn nên tin rằng trong gia đình đó có người đàn bà biết quên mình”

Người đàn bà biết quên mình là người suốt đời hy sinh, tận tuỵ, nhẫn nhịn trong mọi tình huống, mà Trần Tế Xương đã ca ngợi trong thơ văn:

“Một duyên hai nợ âu đàng phận.

Năm nắng mười mưa dám quản công”

Anh chị thân mến!

Nếu anh chị áp dụng những điều kể trên, thì chắc chắn anh chị sẽ là chiếc máy “Điều hoà nhiệt độ” trong gia đình, là bóng mát che chở đời anh, là thần dược giúp anh sống trường thọ, an vui. Đúng như lời Thánh Kinh: “Phúc thay ai cưới được vợ hiền, tuổi thọ sẽ tăng lên gấp đôi. Vợ đảm đang khiến chồng được sung gướng, được an vui suốt cả cuộc đời.” (Hc 26,1-2)

Biết dùng những lời yêu thương dịu dàng để nói với nhau là rất quý trong đời sống vợ chồng. Nhưng còn tuyệt vời hơn nữa khi anh chị biết lắng nghe nhau. Vâng, nói và nghe là phương thức tốt nhất để bảo vệ tình yêu. Cần phải nói và nghe nhau để hiểu biết nhau, thông cảm nhau và hiệp nhất với nhau. Nói và nghe nhau chính là cơm bánh nuôi dưỡng tình yêu. Đó là những nghệ thuật cần phải luyện tập mỗi ngày. Xin mách anh chị 3 bí quyết “Nói và nghe” sau đây:

1. Một miêng hai tai, nghe hai nói một

Cứ theo lẽ thường tình ta thích nói hơn nghevaf bắt người khác nghe mình nhiều hơn là mình nghe người khác nói. Nhưng Chúa lại dựng nên con người có hai lỗ tai và một cái miệng không phải là không có lý do. Chính là để cho người ta nói ít và nghe nhiều.

2. Không chỉ nói bằng miệng, không chỉ nghe bằng tai.

Nếu anh chị thích nghe hơn nói, nói ít nghe nhiều, thì thật đáng quý. Nhưng người ta lại nói bằng miệng ít hơn bằng điệu bộ, sắc mặt, và thân thể của mình. Đó chính là ngôn ngữ không lời. Cho nên chúng ta phải học nghe bằng mắt, và tập nói với nhau bằng cả con người khi ngôn ngữ bằng lời diễn tả không trọn vẹn cái sâu xa trong lòng. Ngôn ngữ của thân xác là ngôn ngữ tuyệt vời của tình yêu, nó là dòng suối tươi mát cho cánh đồng. Gạt bỏ dòng suối đó cỏ cây sẽ héo úa.

3. Nói để tìm chiến thắng chung.

Nói không để tìm chiến thắng cho mình, nói không để gây chiến bại, mà nói cả hai người cùng chiến thắng. Chúng ta thường dễ bị cuốn hút vào cuộc chiến khi nói chuyện với nhau. Chúng ta nói để hơn thua, nói để cho ra lẽ, nói để xem ai đúng ai sai, nói để phân thắng bại. Nói theo kiểu đó nhất định một trong hai người sẽ cảm thấy mình thua trận, mất mát, tổn thương. Và chắc chắn không thể đem lại niềm vui, sự hiệp nhất và bình an.

Vì thế, khi nói chúng ta phải làm sao cả hai cùng thắng, cả hai cùng đón nhậ được điều mới mẽ, tích cực, và tình yêu dành cho nhau được lớn lên. Đó là một cuộc đối thoại thành công.

Anh chị thân mến!

Ngày nay, Theo tổ chức Y Tế Thế Giới (WHO), người ta quan niệm “Sức khoẻ không chỉ là tình trạng không bệnh tật mà còn là trạng thái trong đó con người sống hoà hợp với môi trường, với xã hội; là người sống trong tinh thần sảng khoái, yêu đời và hạnh phúc”. Ngạn ngữ La tinh có câu: “Một tinh thần lành mạnh trong một thân thể trán kiệt” (Mens sana in corpore sano). Vì thế khoẻ mạnh không chỉ ở thể xác mà còn hệ tại ở tinh thần.

Muốn có sức khoẻ lành mạnh, anh chị hãy soonbgs hoà hợp với thiên nhiên, với xã hội. Theo nhà tâm lý học Nguyễn Đình Xuân, ta cần phân biệt “hợp nhau” với “hoà hợp nhau”. Đó là hai khái niệm khác biệt. Hợp nhau là thích nhau (ví dụ: người hiền lành thì thích và hợp với người hiền lành). Trong khi đó hoà hợp nhau là chấp nhận nhau để hoà nhập với nhau, bù trừ cho nhau, nên có thể người hiền lành có thể chấp nhậ người nóng nảy. Hai người sống với nhau ít khi nổi xung, bởi vì người hay nóng nảy luôn được tính hiền lành của người kia làm nguội lạnh đi các cơn thịn nộ.

Hãy noi gương vợ chồng Toobia và Sara, họ đã nhớ đến Chúa trong chính đêm tân hôn, và chắc chắn họ đã cầu nguyện với Ngài, cho họ sống hoà hợp nhau trong suốt cuộc sống vợ chồng. Đó là bí quyết mang lại hạnh phúc cho đời sống lứa đôi, vì “Ai xin thì sẽ được, ai tìm thì sẽ thấy, ai gõ cửa thì sẽ mở cho” Thánh vịn 32 cũng khuyến khích:

“Kẻ trong chờ lòng Chúa yêu thương,

Chúa để mắt trong coi giữ gìn”

Chúc anh chị luôn biết sống hoà hợp nhau, biết nói với nhau những lời yêu thương đằm thắm, biết lắng nghe nhau, và tìm được tiếng nói chung trong đời sống vợ chồng, để mãi mãi gia đình anh chị sẽ là tổ ấm an bình, hạnh phúc và tràn đầy yêu thương.

Thiên Phúc

Mục lục

 

HÃY CHO CON TỰ BƯỚC ĐI

 

Nhìn lại từ những năm mở cửa cho nền kinh tế thị trường trở về đây, ta thấy đời sống kinh tế gia đình Việt Nam tăng lên rõ rệt. Mức thu nhập, mức tiêu dùng, hưởng thụ đời sống văn hóa tinh thần kèm theo tự do cá nhân … ngày càng được nâng cao. Dường như mọi người ý thức việc giáo dục con cái, việc sinh con có trách nhiệm. Hiện nay, đa số gia đình trẻ tại thành phố chỉ có một hoặc hai con và khoảng cách từ đứa con đầu đến đứa con thứ hai cũng thưa hơn nhiều, từ 5 đến 10 năm.

 

Tuy nhiên, tình trạng gia đình có một hai con cũng có thể đưa tới một số những khó khăn trong việc hình thành nhân cách đứa trẻ. Trong nhiều gia đình thành thị ngày nay, không cần bình chọn thì đứa trẻ cũng trở thành “ông trời con”, là “trung tâm vũ trụ” của gia đình.

 

Nhiều cha mẹ quá nuông chiều “cục cưng” của mình, kể cả những “cục cưng quậy phá”. Những đòi hỏi của con trẻ có khi là những yêu sách vô lý mà vẫn được ông bà, cha mẹ đáp ứng. Chẳng hạn đòi mua những đồ chơi đắt tiền, bạo lực, được chưng diện, tiêu xài quá mức. Nhiều em mới cấp II, cấp III đã đòi mua điện thoại di động …

 

Cũng vì quá yêu chiều nên ông bà, cha mẹ, người giúp việc làm hết cho con từ việc lau mặt, tắm rửa, giặt giũ quần áo, chuẩn bị cơm nước, thu dọn vệ sinh nhà cửa … Làm như thế trẻ không có cơ hội tự khẳng định mình, không phát huy được tính tự lập, óc sáng tạo và tinh thần trách nhiệm. Cách tốt nhất là các bậc phụ huynh chỉ nên tạo môi trường và điều kiện cho chúng tự làm. Đó là phương pháp hiệu quả nhất để giáo dục trẻ em, thế hệ tương lai của đất nước

 

Hãy để cho con trẻ tự đi, hãy để những gian khổ trên đường tôi luyện đôi chân vững chắc của chúng. Trẻ từ 2 đến 6 tuổi trong khi chơi đùa thường chạy té ngã, đụng bàn, vấp ghế la khóc om sòm. Cha mẹ đừng dỗ giành trẻ nín bằng cách đập bàn, đánh ghế, chửi chó, la mèo hoặc nín đi mẹ sẽ thưởng cái này cái kia. Làm như thế trẻ không bao giờ nhận ra mình là người có lỗi. Phải phân tích cho trẻ thấy những vật vô tri vô giác đó nào có tội tình gì, chính vì con đi đứng bất cẩn, lần sau con ý tứ hơn thì không bị té đau, u đầu, trầy xước.

 

Mặt khác, trong gia đình ít con, trẻ dễ sinh tính ích kỷ, tâm lý buồn chán, cô đơn thất thường. Cha mẹ nên tạo điều kiện cho trẻ có bạn bè. Tập cho trẻ biết chia sẻ đồ chơi, quà bánh cho những bạn nghèo hơn, và đôi lúc cũng phải biết chịu thua thiệt về mình, vì điều quan trọng trong cuộc sống không phải là hơn thua – thắng bại mà biết sống với nhau bằng tấm lòng.

 

Cha mẹ cần nói cho trẻ hiểu giá trị của lao động, của đồng tiền và hoàn cảnh của gia đình. Những gia đình khá giả, giàu có cũng đừng tạo cho con những suy nghĩ kiếm tiền, mua sắm một cách dễ dàng, ỷ vào tiền của cha mẹ.

 

Trong công việc hằng ngày, hãy để cho trẻ tập tự giải quyết những khó khăn và biết nhận lỗi khi trẻ không chu toàn bổn phận, hoặc khi trẻ có lỗi lầm. Cần đưa ra nhiều lựa chọn phân tích thuận lợi, khó khăn và cho trẻ cái quyền giải quyết cũng như bắt chúng chịu những nghĩa vụ phát sinh.

 

Tuy nhiên, chúng ta không đóng vai là những pho tượng khoanh tay nhìn trẻ vật lộn trên đường đời. Hãy quan tâm tới con trẻ hơn. Khuyến khích chúng làm những việc mà chúng nghĩ không thể. Chăm sóc tương lai cho con trẻ không phải là làm mọi thứ cho chúng mà hướng chúng tự làm được mọi việc cho bản thân và cho người khác nếu có thể.

 

 Hoàn toàn cưng chiều con là cha mẹ sống thay con, và như thế, con không phát triển được. Bỏ bê hay áp lực trên con, cha mẹ không tạo cho con cảm nghiệm được tình mến thương và ấm áp cần thiết cho con suốt cả cuộc đời. Vượt qua hai thái cực đó, cha mẹ là người đồng hành, chăm sóc, giúp đỡ, gợi ý dẫn giải để con dần dần tự bước đi trên đôi chân của mình, trong ánh mắt yêu thương của cha mẹ.

 

 

 

 Nữ tu HỒNG QUẾ O.P.

CV Tư vấn Tâm lý-Tình yêu-Hôn nhân-Gia đình

 

Mục lục

Text Box: ĐỌC SÁCH

 

 

 

LỜI CỦA CHIẾC DÂY THỪNG

 

Tôi là chiếc dây thừng.

Tôi thắt cổ Giuđa. Tôi nghe rõ tiếng khò khè nơi cuống họng nhân vật này.

Nhớ lại đi, ngày Ðức Kitô vào đền thờ Jêrusalem, tôi cũng là chiếc dây thừng.

Ngài lấy giây làm roi mà xua đuổi tất cả bọn họ. Tôi nghe rõ những gì xảy ra ở đền thờ ngày hôm đó. Chuyện không đơn giản như nhiều người nghĩ.

Mọi người cứ nghĩ như thế là xong, cứ nghĩ Ðức Kitô ra khỏi đền thờ là xong. Ai là người buôn bán trong đền thờ? Còn ai nữa, nếu không được phép của các thầy tư tế. Ai lọt được vào đền thờ, nếu không có thế lực bảo chứng? Còn chỗ nào kiếm tiền tốt nhất trong những ngày đại lễ, nếu không là đền thờ?

Tiền bạc là thế lực âm thầm mà cuồn cuộn như dòng sông. Tôi là chiếc dây thừng trong ngày đó. Tôi nghe rõ những gì xảy ra:

- Nhóm tư tế ít thế lực ghen tức với nhóm thày cả có đông tín đồ.

- Nhóm tư tế quyên tiền gây quỹ được ít, nói xấu nhóm đổi tiền.

- Các tiền tiêu ngoài chợ phải đổi thành tiền riêng mới được bỏ vào hòm thánh. Vì thế, nhóm đổi tiền cho công việc của mình mới là chính đáng.

- Nhóm bán chiên cừu tố cáo nhóm đổi tiền là giả hình.

- Nhóm tư tế phục vụ bàn thánh bất mãn vì đền thánh chỉ là đền thánh, gây chiến với nhóm chủ trương phải kinh tài.

- Nhóm nào cũng cho mình mới là đáng tin, họ cạnh tranh nhau.

- Nhóm tín đồ từ vùng Galilê chủ trương vai trò ngôn sứ là công bố Lời Thánh, tư tế phải trở về bục giảng. Tín đồ chống đối tư tế.

Giữa lúc xôi đậu như thế Ðức Kitô xuất hiện.

Ngài chẳng thuộc nhóm nào.

Vì không thuộc nhóm nào nên càng dễ chết.

 

* * *

Tôi là chiếc dây thừng.

Tôi nghe nhiều bí mật của cuộc đời. Tôi theo những người nghèo không có tiền. Họ dắt con bê từ mấy mùa mưa nắng, cắt cỏ chăn nuôi. Họ vất vả kiếm nước cho nó uống dọc đường dài. Nắng sa mạc hiếm cỏ. Những của lễ như thế, quý lắm. Tôi là chiếc dây thừng, tôi biết rõ lắm về lòng chân thành. Họ nuôi chúng cả năm trời.

Tôi cũng là chiếc dây thừng người ta vừa mua tôi về cột vào con bê bệnh. Rất nhiều con vật bệnh hoạn, họ mua về tắm rửa, đem vào đền thờ bán vội cho những người lười không muốn vất vả dắt chiên theo đường dài. Nhiều kẻ hành hương mua lầm của lễ. Họ dâng hiến Giavê những chiên cừu bệnh hoạn. Trong đền thờ ngày đó, đủ thứ của lễ, trong sạch có, què quặt có, lười biếng có, thánh thiện có.

Tôi là chiếc dây thừng, tôi biết rõ về của lễ. Những ai múc nước, đem cỏ, dắt của lễ theo thì biết rõ của lễ của mình trong sạch. Còn những người đến đền thờ mới mua, ôi, nhiều của lễ quá bệnh hoạn. Làm thân dây thừng, tôi khám phá nhiều chân lý về cuộc đời và của lễ. Tôi thấy rất nhiều của lễ được bao bọc bằng lòng lười biếng. Những của lễ trong sạch bao giờ cũng phải trả một giá về sự thanh tẩy, lòng cố gắng và nhiệt thành.

 

* * *

Không phải Ðức Kitô vào đền thờ đơn giản đâu. Ngài cũng thấy quyết định này có thể đưa Ngài đến cái chết. Quả thật, sau này, cái chết của Ngài đã chứng minh điều đó. Cái chiều nắng quái kinh hồn đó, lũ người này có mặt trên đường Núi Sọ. Làm sao mà họ không reo mừng, nhớ lại cái ngày bị đuổi khỏi đền thờ, mất chỗ làm ăn.

- Thưa Thầy, chuyện Thầy tính làm nguy hiểm quá.

Phêrô, người môn đệ thân cận lại can ngăn Thầy mình như mọi khi.

- Thưa Thầy, con đã thăm dò tình hình. Có cả một ủy ban gây quỹ. Bao nhiêu năm nay, truyền thống này như lời kinh rồi.

Những ngọn ô liu không gió, đứng im lặng, không thản nhiên vô tư, nhưng chúng cũng không biết phải phản ứng thế nào. Thỉnh thoảng dăm ba chiếc lá già lìa đời. Một chút xào xạc bước chân con chồn nhỏ chạy qua. Ðức Kitô nhìn người môn đệ thân cận. Không trả lời. Trong tâm tư Ðức Kitô cũng biết, đó là sự thật. Người môn đệ này thương mình. Ðã qua mấy đêm rồi, Thầy trò nói với nhau về đền thờ.

Ðức Kitô hỏi người môn đệ:

- Bây giờ phải làm sao?

Người môn đệ ấy trả lời:

- Thưa Thầy, cứ kệ họ.

Ðức Kitô nói tiếp:

- Nhưng đây là đền thờ.

Người môn đệ đáp trả:

- Mình cứ lên đền thờ tế lễ theo luật là đủ rồi.

Ðức Kitô không nói gì thêm, nhìn bầu trời đêm không ánh sao. Những tàng ôliu không gió phẳng lì như những tấm chiếu dán trên khung trời. Phêrô tựa lưng, ngả đầu vào thân già của cây ôliu đã gẫy, cũng thinh lặng.

Tôi là chiếc dây thừng trong ngày kinh hoàng đó. Lúc Ðức Kitô cầm tôi quật xuống chiếc bàn của thầy tư tế đang đổi tiền, không ai ngờ, họ hét lên. Toàn thể kinh hoàng. Họ không thể ngờ, có người điên mới dám hành động như vậy. Nhưng điên làm sao được, họ biết rõ người này là ai.

Họ không tin sự việc có thể xảy ra. Nơi này, người ta đã được phép buôn bán từ xa xưa rồi. Ai là người dám thay đổi cục diện. Nhưng Ðức Kitô nói:

“Ðừng biến nhà Cha Ta thành nơi buôn bán.” Khi Người lật nhào bàn ghế, đổ tung hòm tiền thì người ta biết đây không phải chuyện nói cho qua.

Các kẻ thuê đất, các hội trưởng nhốn nháo chạy báo tin cho các thầy thượng phẩm. Không phải họ xách bàn chạy dễ dàng đâu. Tôi là chiếc dây thừng. Tôi bị bọn họ chặt tôi đứt nhiều khúc. Thân tôi bị giật xé cũng đau đớn tan tác.

- Giết nó đi. Ðóng đinh nó đi.

Tiếng kèn báo động như tù và rú trên tháp canh. Ðám đông xúm lại hét to:

- Ai cho ông có quyền làm như thế?

Họ không dám đến gần Ðức Kitô. Tôi là chiếc dây thừng trong tay Ngài. Họ nhìn tôi chằm chằm.

* * *

Làm thân dây thừng, tôi ở trong tay Chúa, cũng như thắt cổ Giuđa. Tôi dắt những con chiên trong sạch từ vườn nhà, vượt qua đồi, qua suối lên đền thờ. Tôi cũng bị người ta mua vội thắt vào cổ con bê bệnh hoạn bán cho nhau làm của lễ. Họ lấy của lễ lừa dối nhau, họ lầm lẫn về của dâng cúng. Tôi nghe những tay lưu manh đứng rình mò trong đền thờ. Tôi nghe bày thú tranh nhau ăn, cắn nhau đổ máu dính lên người tôi. Chúng là tiếng sủa thương đau của nhiều loài thú khác nhau. Những vết máu dính lên người tôi cũng chẳng khác gì những vết thương mà con người mang trong hồn do chính họ tạo nên bởi đam mê tội lụy. Nơi nào có súc vật mà không có mùi hôi. Vậy mà tôi thấy những con buôn ngồi thản nhiên hít thở hàng ngày. Tôi thấy không biết bao nhiêu ý nghĩ về con đường lên đền thờ.

Khi thầy tư tế bán của lễ thì thiên thần đứng khóc.

Khi tín đồ mua của lễ thì quỷ dữ đứng cười.

Khi linh hồn không được thanh tẩy thì của lễ là lười biếng.

Khi của lễ thành buôn bán thì tình nghĩa anh em, bạn hữu chỉ là tính toán.

Khi tâm hồn không siêu thoát thì của lễ thành cạnh tranh.

Khi của lễ là đơn vị kinh tế thì lòng thật thà thành rình mò.

Khi lười biếng che đậy thì của lễ thành trình diễn.

Làm thân dây thừng tôi mới hiểu hơn về con đường tu đức thiêng liêng. Tôi chỉ kể chuyện đời tôi hai nghìn năm trước. Hai nghìn năm trước, kể chuyện đời mình cho hai nghìn năm sau. Thời gian nào cũng có những của lễ, có những chiếc dây thừng.

Chuyện đời tôi hai nghìn năm trước đã qua. Tháng ngày còn lại, tâm sự tôi đang dang dở. Hôm nay, tôi cũng vẫn là chiếc dây thừng. Nhưng Ðức Kitô không có mặt ở đây, nên tôi không rõ có gì đang xảy ra ở đền thờ không.

 

NGUYỄN TẦM THƯỜNG

Trích tập suy niệm ÐƯỜNG ÐI MỘT MÌNH, đã xuất bản mùa Giáng Sinh 2005

Mục lục

 

 

 

 

Text Box: Trang Nhà Tin vui (website)  http://www.tinvui.org
Thư từ, ý kiến, và bài vở xin gửi  về  bantreconggiao@yahoo.com
Muốn nhận báo cũ và mới xinQuý Vị gửi về tinvuivietnam@gmail.com.
CHÂN THÀNH CÁM ƠN
?¶?