Text Box: TIN VUI

 

 

 

 

 


 

Text Box: Số 49 CN 27.08.2006

 

 

 

Web site:www.tinvui.org E-mail : bantreconggiao@yahoo.com

 

MỤC LỤC

 

CHÚA NHẬT 21 THƯỜNG NIÊN –  1

MỘT DỊP ĐỂ NHÌN VỀ  HỘI THÁNH VIỆT NAM HÔM NAY..  2

THƯ MỤC VỤ MÙA KHAI TRƯỜNG NĂM HỌC 2006 – 2007.  4

Ngày Hội Giáo Lý Viên Giáo Phận Bắc Ninh.  5

VÀO ĐỜI…... 7

Cám Ơn.

PHƯƠNG PHÁP CHIA SẺ THÁNH KINH THEO NHÓM...

NHÂN CHỨNG TÌNH YÊU TỰ HIẾN..

Cổ tích về Bóng Đêm..

TIẾN VÀO TÌNH YÊU – CON ĐƯỜNG NÀO?.

Làm thế nào để thật sự lắng nghe con bạn?.

VỤN VẶT SUY TƯ    KHÔNG NGỜ..

Thư giãn cuối tuần Liều Mình.

Diệu Kế.

 

Text Box: SỐNG LỜI CHÚA
 

 

 

 

 

 

 


 

CHÚA NHẬT 21 THƯỜNG NIÊN – B

27.08.2006

 

Tin hay không là đón nhận hay từ chối

 

Bài giảng về Bánh Hằng Sống đưa tới kết luận đòi người ta phải tin hay không tin, chấp nhận hay từ chối. Và cũng đưa tới cao điểm của một cuộc khủng hoảng, từ đó phát sinh cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu. Không chỉ là một sự chống đối chóng qua, nhưng là cả một số đông người từ chối đi theo Chúa, một sự từ chối quyết liệt của những người không tin, sự phản bội của Giuđa và những âm mưu chống lại Chúa.

 

 1. Quyết định của đức tin :

 

Kết thúc của bài giảng về Bánh Hằng Sống đưa người nghe đến một thái độ chọn lựa dứt khoát : Tin hay không tin vào Chúa Giêsu ; theo hay không theo Người. Đây là một sự chọn lựa dứt khoát. Một số đông đã cảm thấy chói tai trước những gì Người giảng và đã bỏ đi. Nhưng vẫn còn có nhiều người tin và đi theo Người như Nhóm Mười hai. Phêrô đã đại diện cho những người tin theo Người xác tín : “Bỏ Thầy chúng con biết đi theo ai ? Thầy mới có những lời ban sự sống. Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa”. Ông đã có một chọn lựa dứt khoát, mạnh mẽ dựa vào chính niềm tin của mình. Những người từ chối là vì họ không biết, không tin Giêsu Nagiarét trước mặt họ là Con Thiên Chúa, là Đấng đến để lấy máu thịt mình làm lương thực ban sự sống đời đời cho họ.

 

 2. Tin mừng cũng đặt ra cho Kitô hữu một sự chọn lựa dứt khoát :

 

Tin hay không tin, đón nhận hay từ chối ? Đây là một quyết định của niềm tin, không thể chỉ dựa trên cảm tính hay dựa trên một lý luận con người để có thể quyết định cách chính xác. Cần phải có tinh thần yêu mến, khiêm tốn và cầu nguyện mới có thể đi đến quyết định theo Chúa rõ ràng, mạnh mẽ và dứt khoát. Còn không sẽ chỉ là thái độ theo Chúa nửa vời, vô tín và từ chối hoàn toàn.

 

 3. Tin theo Chúa Giêsu, Đấng có lời ban sự sống :

 

Trọng tâm của bài giảng về Bánh Hằng Sống là mạc khải : Chúa Giêsu Đấng ban sự sống, Người ban sự sống cho nhân loại bằng chính mình máu Người được hiến dâng làm của ăn, của uống. Thịt máu của Người là chính Người. Đón nhận máu thịt Người là đón nhận Người trọn vẹn cả nhân tính lẫn thiên tính. Do đó, lời khẳng định của Phêrô : “Thầy mới có những lời ban sự sống đời đời” là lời đã cách nào đó hiểu được sứ điệp Chúa Giêsu loan báo. Ông không tuyên xưng cách ngẫu hứng hay để làm vui lòng Thầy mình trước một số anh em từ chối bỏ đi. Ông tuyên xưng vì ông hiểu và ông yêu mến đón nhận sứ điệp của Chúa. Một sứ điệp mang lại cho ông và các Tông đồ cũng như những ai tin sức sống mới, sức sống mang lại niềm hy vọng, mang lại lòng can đảm dấn thân.

 

Cùng đích của cuộc đời theo Chúa Giêsu chính là ơn cứu độ. là nên thánh, nghĩa là được sống sự sống đời đời của Thiên Chúa. Sự sống ấy Thiên Chúa đã và đang quảng đại trao ban cho nhân loại nơi Người Con của Ngài là Chúa Giêsu Kitô. Tin và theo Chúa Giêsu Kitô bằng nỗ lực sống thực thi lời Người, chính là con đường đi tới sự sống của Thiên Chúa.

 

Lm. Giuse Maria Lê Quốc Thăng.

 

 

Text Box: CON ĐƯỜNG TU ĐỨC
 

 

 


 

 

MỘT DỊP ĐỂ NHÌN VỀ

HỘI THÁNH VIỆT NAM HÔM NAY

 

 

Sắp đến lễ Quốc Khánh (02/9/2006). Sau đó hai ngày là Hội nghị thường niên của Hội đồng Giám mục Việt Nam sẽ diễn ra tại Huế, từ ngày 04 đến 08 tháng 9, 2006.

Những dịp trọng đại này đã kéo lòng trí tôi nhìn vào Hội Thánh Việt Nam. Một Hội Thánh được lãnh đạo bởi Hội đồng Giám mục. Một Hội Thánh đang sống Phúc Âm giữa lòng dân tộc.

Cái nhìn của tôi sẽ rất hạn chế. Chỉ xin nêu lên vài nét chung, gợi ý chút ít về hình ảnh Hội Thánh Việt Nam hôm nay.

Một Hội Thánh phát triển rất mạnh về xây dựng và tổ chức

Xây dựng những cơ sở mới, trùng tu những cơ sở cũ, đó là một trong những yếu tố làm cho Hội Thánh Việt Nam mang một bộ mặt mới. Thực ra, nhu cầu nói chung là chính đáng. Nhưng không thiếu người lại xem đó là dấu chỉ của một Hội Thánh giàu, hoặc phí phạm.

Thiết tưởng, đánh giá như thế là không đúng sự thực. Bởi vì không phải tất cả Hội Thánh Việt Nam hôm nay đâu đâu đều như thế cả. Hơn nữa, những người chủ trương làm đẹp Hội Thánh bằng việc xây dựng những cơ sở đẹp, thường cũng nhắm vào mục đích phục vụ lợi ích chung, hoặc cho nhu cầu hiện tại, hoặc cho nhu cầu tương lai.

Dầu sao, việc phát triển Hội Thánh bằng xây dựng những cơ sở vật chất đòi rất nhiều cân nhắc. Nên làm và nhiều trường hợp phải làm. Nhưng luôn cần được hướng dẫn bởi Phúc Âm và những người chuyên môn.

Cùng với việc phát triển cơ sở tôn giáo bằng cách nâng cấp theo đòi hỏi hiện-đại-hóa, Hội Thánh Việt Nam cũng đang phát triển về mặt tổ chức.

Trong lãnh vực này, việc tổ chức các chương trình từ thiện xã hội và lễ lạy là một điểm nóng. Nhiều lễ lạy được tổ chức rất long trọng và sốt sắng. Nhưng nhiều lễ lạy lại được pha trộn một phần tinh thần và hình thức lễ hội.

Bầu khí tĩnh lặng, nơi chốn hồi tâm, điều kiện thuận lợi để con người hiện diện trước Chúa, những giúp đỡ để lắng nghe Chúa và đón nhận ơn Chúa, đó là những giá trị thiêng liêng, mà nhiều người kiếm tìm trong thánh lễ, nhưng không luôn tìm được. Mà nếu chính họ không tìm, thì đáng lẽ ra, thánh lễ phải được thực hiện thế nào, để có sức cải hóa con người hôm nay đang bị lôi kéo rất mạnh về những khát vọng thế tục. Những thực tế nhiều khi lại khác. Các thứ tổ chức phát sinh hiện nay khá nhiều, nhưng không thay thế được thánh lễ và bác ái.

Trên đây là lãnh vực phát triển cơ sở và tổ chức.

Cùng với phát triển đó, có một phát triển khác cũng rất đáng để ý. Đó là phát triển trong lãnh vực nhân sự.

Một Hội Thánh phát triển khá mạnh về nhân sự

Nhân sự trước hết được hiểu rộng về mọi thành phần Hội Thánh.

Rất mừng là từ mấy chục năm nay, số người lớn xin chịu phép rửa có tăng. Nơi tăng ít, nơi tăng nhiều.

Cũng rất mừng là từ mấy chục năm nay, số người trước đây bỏ đạo nay trở lại cũng đã tăng nhiều.

Càng rất mừng là từ mấy chục năm nay, số người xin vào chủng viện và các dòng cũng tăng đáng kể.

Càng rất mừng là số các linh mục trẻ và giám mục trẻ cũng tăng. Riêng các linh mục trẻ mỗi năm mỗi tràn ra hầu khắp các giáo điểm, từ thành thị tới thôn quê, vùng sâu vùng xa. Tuy nhiên số linh mục cần có vẫn chưa đủ.

Rất mừng là số giáo dân tham gia việc chung Hội Thánh luôn tăng.

Trong xã hội Việt Nam hôm nay, nhân sự của Hội Thánh phải rất tỉnh táo trong bổn phận làm chứng mình thuộc về Hội Thánh. Theo tôi, thì cách tốt nhất để thuộc về Hội Thánh là một sự hiện diện có tính cách làm chứng cho các giá trị căn bản của đạo làm người, đạo làm người Việt Nam, và lòng tin mến Chúa trên hết mọi sự.

 Một sự hiện diện làm chứng như thế đang được áp dụng tốt tại Việt Nam hôm nay.

Nhưng, không vì thế mà chúng ta chủ quan cho rằng: Mọi sự trong hiện tại và tương lai đang và sẽ trôi chảy tốt đẹp như ta mong muốn. Hiện tại cũng có một số bỏ đạo đấy. Số người chểnh mảng và giữ đạo kiểu hình thức xem ra cũng không phải ít đâu.

Theo tôi, trong tương lai cũng sẽ có những chuyển biến và những bất ngờ như trong dĩ vãng.

Hiện thời, xã hội đang chuyển mình. Tâm lý con người cũng đang chuyển biến theo một bậc thang giá trị khác xưa.

Trong Hội Thánh toàn cầu, nhiều nơi, đạo công giáo đang trở nên tốt hơn, nhưng nhiều nơi đang biến chất một cách thê thảm.

Giữa dòng chảy mãnh liệt đó, nhân sự Hội Thánh Việt Nam sẽ ứng phó thế nào? Liệu có đủ mạnh để làm chứng cho đời sống người môn đệ Chúa phải: "Từ bỏ mình, vác thánh giá mình mà theo Chúa" không? (Mt 16,24).

Phải nói thật là: Xã hội hôm nay khuyến khích hưởng thụ. Hưởng thụ đang đi vào nếp sống người có đạo, cả đến đời sống tu trì. Ta có đủ sức và dám bơi ngược dòng văn hoá hưởng thụ không? Người tu có thực sự nêu gương khó nghèo, cầu nguyện và dấn thân không?

Vì thế mà việc đào tạo đang trở thành khẩn thiết hơn bao giờ hết.

Nói đến đào tạo, tôi liên tưởng tới những ơn cần cho một Hội Thánh địa phương, đó là những đặc sủng khác nhau mà Chúa Thánh Thần ban cho những nhân sự khác nhau.

Một Hội Thánh phát triển không rõ lắm về các đặc sủng

Về vấn đề đặc sủng, chúng ta nên dựa vào lời giảng của thánh Phaolô. Ngài viết:

 "Có nhiều đặc sủng khác nhau, nhưng chỉ có một Thần Khí... Thần Khí tỏ mình ra nơi mỗi người mỗi khác, là vì ích chung. Người thì được Thần Khí ban cho ơn khôn ngoan để giảng dạy. Người thì được Thần Khí ban cho ơn hiểu biết để trình bày. Kẻ thì được Thần Khí ban cho lòng tin. Kẻ thì cũng được Thần Khí ấy ban cho những đặc sủng để chữa bệnh. Người thì được ơn làm phép lạ. Người thì được ơn nói tiên tri. Kẻ thì được ơn phân định thần khí, kẻ khác thì được ơn nói tiếng lạ, kẻ khác nữa lại được ơn giải thích các tiếng lạ" (1 Cr 12,4-10).

Đọc kỹ các đặc sủng, mà thánh Phaolô vừa kể, rồi nhìn vào Hội Thánh Việt Nam hôm nay, tôi xin thú nhận rằng: Tôi khó nhận ra từng đặc sủng đó nơi những cá nhân thường.

Nên tôi có cảm tưởng: Có lẽ tất cả các vị lãnh đạo trong Hội Thánh Việt Nam đều có đủ các đặc sủng đó, không nhiều thì ít.

Nếu đúng thế, thì sẽ rất nặng cho các ngài biết bao. Gánh nặng đó là một vinh dự cao cả. Dù sao, đây cũng là một hy vọng lớn mà dân Chúa đặt vào Hội đồng Giám mục Việt Nam nói chung và từng vị Giám mục nói riêng.

(

Chia sẻ trên đây của tôi là cái nhìn chủ quan của riêng tôi. Thực tế khách quan có thể khác. Dầu sao, đây cũng là một chút gợi ý của một người con Hội Thánh đã trải qua nhiều chuyển biến của lịch sử Đất Nước và Hội Thánh. Những chuyển biến mang rất nhiều hy vọng và cũng rất nhiều lo âu. Nhưng trong mọi chuyển biến, Hội Thánh Việt Nam ta vốn giữ trọn được lòng trung tín, nhờ ơn Chúa giàu lòng xót thương.

 

ĐGM GB Bùi Tuần

 

Text Box: HIỆP THÔNG GIÁO HỘI 
 

 

 


 

THƯ MỤC VỤ MÙA KHAI TRƯỜNG NĂM HỌC 2006 – 2007

CỦA ĐỨC HỒNG Y GB. PHẠM MINH MẪN.

 

 

Thưa anh em linh mục,

Anh chị em tu sĩ, giáo dân,

Và giáo chức Công giáo thân mến.

 

Mùa hè đã chấm dứt. Một mùa khai trường mới đã bắt đầu. Trong thời gian mùa hè vừa qua, nhiều ý kiến của nhân dân đã đóng góp và đề nghị đổi mới một nền giáo dục phiến diện và lệch lạc. Những ý kiến đó đã được giới hữu trách lắng nghe và đón nhận với thái độ hứa hẹn. Do đó, mùa khai trường năm học bắt đầu gợi lên trong lòng nhiều người niềm hy vọng và chờ đợi.

 

Thế nhưng, nếu chúng ta chỉ chờ đợi và hỵ vọng thôi chưa đủ. Người người còn có bổ phận góp phần tích cực đổi mới công cuộc giáo dục con người Việt Nam trong xã hội hôm nay.

 

Tôi xin chia sẻ với anh chị em tâm tư của tôi, như một gợi ý nhắc nhở anh chị em hoàn thành vai trò giáo dục từ trong “ gia đình”  và “ giáo xứ “.

 

Trước hết, nhìn các em tung tăng, hân hoan tới trường, tôi chợt nghĩ đến câu ngạn ngữ xưa : “ Một tinh thần lành mạnh trong một thân thể tráng kiện”. Một chân lý xưa nhưng vẫn còn nguyên giá trị cho thời đại hôm nay. Trẻ em hân hoan bước vào ngày khai trường không đơn thuần là yếu tố tâm lý nhưng đó còn là biểu lộ một trạng thái sức khỏe tốt. Những ngày mùa hè vừa qua đã cho trẻ trạng thái đó. Nhưng liệu việc học tập dồn dập của những ngày sắp tới có đánh mất đi trạng thái này ?  Đây chính là điều mà bậc phụ huynh  phải suy nghĩ. Tuỳ mỗi giáo xứ, mỗi gia đình, mỗi cá nhân, chúng ta hãy tạo cơ hội để trẻ có được một sức khoẻ tốt hầu có thể hấp thụ được kiến thức tốt.

 

Mặt khác, hình như nhà trường ngày nay chỉ quan tâm cách phiến diện đến sự phát huy khả năng hiểu biết và ghi nhớ. Phát huy cách toàn diện khả năng trí tuệ của con người, đòi hỏi phải quan tâm và chú tâm phát huy cả khả năng phân tích và tổng hợp, khả năng phán đoán và nhận định, khả năng sáng tạo và nhìn xa trông rộng, khả năng lựa chọn và quyết định thực hành điều chân, thiện, mỹ. Tất cả những khả năng đó tạo nên nền tảng vững chắc cho việc xây dựng một nhân cách vẹn toàn và trưởng thành cho con người hôm nay.

 

Do đó, bậc phụ huynh không thể phó mặc việc giáo dục con em cho nhà trường ngày nay. Các gia đình và các giáo xứ hãy quan tâm và quyết tâm góp phần phát triển con người toàn diện về mọi mặt thể chất và trí tuệ, tinh thần và tâm linh, giúp con em ngày càng lớn lên càng nên người tốt, người chân chính và trung thực, người có tấm lòng nhân ái và bao dung, có tinh thần khiêm tốn phục vụ, người hữu ích cho gia đình, cho quê hương đất nước và cho Giáo hội. Đó cũng là góp phần phát triển vững bền xã hội và nâng cao nền văn hóa và đạo dức của dân tộc Việt Nam trong tiến trình toàn cầu hóa hôm nay.

 

Xin Mẹ Maria là nhà giáo dục mẫu mực trong gia đình, xin Mẹ hãy đồng hành với các gia đình trong nhiệm vụ vừa cao cả vừa khó khăn này.

 

 

Tòa Hồng Y TP. Hồ Chí Minh

Tháng 9 năm 2006

 

GB. Phạm Minh Mẫn

Hồng Y Tổng Giám mục

 

Ngày Hội Giáo Lý Viên Giáo Phận Bắc Ninh.

 

(Bắc Ninh 23/08/2006) - Trong hai ngày 21 & 22.8.2006, giáo phận Bắc Ninh lần đầu tiên đã chính thức tổ chức ngày hội giáo lý viên ngay tại khuôn viên Tòa giám mục. Chủ đề của ngày hội là: Sống Lời để Lời sống. Ước chừng có khoảng 1,400 giáo lý viên từ khắp các giáo hạt trong giáo phận đã về tham dự ngày hội. Cha trưởng ban Giáo lí Ðức tin của giáo phận: Phan-xi-cô Xa-vi-ê Nguyễn Huy Liệu đóng vai trò trưởng ban tổ chức, cùng với sự cộng tác của Ban giáo lí và nhiều thành phần trong giáo phận, và đặc biệt là sự cộng tác nhiệt tình của quí cha, quí nam nữ tu sỹ thuộc hai hội dòng Ða-minh và Mến Thánh Giá. Ðức cha giáo phận Bắc Ninh Giu-se Ma-ri-a đang ở Hoa Kì đã gửi thư chúc mừng và khích lệ các giáo lý viên. Ðại hội hết sức vui mừng khi được chào đón Ðức cha An-tôn Vũ Huy Chương - Giám mục giáo phận Hưng Hóa về tham dự ngày hội.

Trời mưa ngâu rả rích cả một tuần trước ngày hội giáo lý viên. Và thật lạ lùng thay, trong thời gian ngày hội, thời tiết lại trở nên hết sức thuận hòa như một dấu lạ của tình thương Thiên Chúa quan phòng. Ngay từ sáng sớm ngày hội, đông đảo các bạn giáo lý viên đã hồ hởi náo nức tuốn đến tham dự. Ðúng 13g ngày 21.8.2006, ngày hội giáo lý viên chính thức bắt đầu. Quí thày và quí dì dòng Ða-minh hướng dẫn các em tập băng reo và những bài ca sinh hoạt kèm theo những cử điệu vui nhộn trẻ trung. Sau đó, tất cả đại hội cùng nhau múa hát bài ca chủ đề: Gieo mầm tin yêu như muốn kêu mời mọi người cùng nhau làm chứng và rao giảng Lời Chúa.

Nghi thức khai mạc ngày hội diễn ra thật trang trọng: Trên nền nhạc êm dịu nhẹ nhàng, đoàn rước Thánh giá nến cao long trọng tiến lên lễ đài. Và rồi cả cộng đoàn cùng chung tiếng cất lên lời ca: Lắng nghe Lời Chúa. Sau khi cha trưởng ban Giáo lí Ðức tin giáo phận công bố Lời Chúa và dâng lời cầu nguyện, một đoàn các em giáo lý viên giáo hạt Gia Lương trong trang phục truyền thống dân tộc múa diễn nguyện bài ca: Gọi ngày mới. Sau đó, cha Tổng Ðại diện giáo phận chính thức tuyên bố khai mạc ngày hội trong tiếng vỗ tay vang dội của hơn một ngàn giáo lý viên.

Sau phần khai mạc, là phần chia sẻ về vai trò người giáo lý viên trong năm: sống Lời Chúa. Tiếp theo phần sám hối và hòa giải được thực hiện hết sức sinh động và cảm động qua phần diễn nguyện nhạc kịch: Người phụ nữ ngoại tình, qua đó làm nổi bật lên lòng bao dung tha thứ của Thiên Chúa yêu thương. Rất nhiều giáo lý viên đã đến lãnh nhận bí tích Hòa giải.

Cha Tổng đại diện giáo phận đã chủ tế Thánh lễ tối tại lễ đài ngoài trời. Sau Thánh lễ, chương trình đêm lửa vui và văn nghệ diễn ra thật sinh động và ý nghĩa. Ngọn lửa thiêng đã đến diệt trừ thần Sự dữ, giúp các giáo lý viên đốt cháy hết những thù hận, ích kỉ và thắp sáng lên ngọn lửa tin yêu, hi vọng. Kết thúc đêm lửa vui là phần cung nghinh Thánh Thể thật linh thiêng. 40 bạn giáo lý viên cầm đuốc cháy sáng lửa thiêng trang nghiêm rước Thánh Thể lên lễ đài. Toàn thể cộng đoàn cùng nhau tôn thờ Thánh Thể, cùng nhau đón lấy tình thương Chúa Giê-su Thánh Thể. Rồi cha chủ sự ban phép lành Thánh Thể cho cộng đoàn về hưởng một đêm an lành.

Sáng ngày 22.8.2006, các bạn giáo lý viên chia ra làm nhiều nhóm nhỏ thảo luận về vai trò người giáo lí viên trong năm sống Lời Chúa và cùng chia sẻ những ưu tư trăn trở của mình. Sau giờ thảo luận nhóm, tất cả các bạn giáo lý viên tiến về tập trung trước lễ đài để giao lưu với Ðức cha An-tôn Vũ Huy Chương. Các bạn giáo lý viên lấy làm thích thú khi nghe những câu trả lời vừa dí dỏm, trẻ trung, vừa sâu sắc của Ðức cha.

Trước khi bắt đầu thánh lễ bế mạc, các bạn giáo lý viên giáo hạt Gia Lương khiến cho cả cộng đoàn xúc động khi diễn nguyện vở kịch: Thánh Anrê Phú Yên - vị thánh tử đạo bảo trợ giáo lý viên Việt Nam. Sau phần diễn nguyện, chính Ðức cha Antôn đã chủ tế Thánh lễ bế mạc cùng các linh mục giáo phận Bắc Ninh. Trong bài giảng, Ðức cha nêu bật tấm gương hi sinh anh dũng làm chứng cho đạo Chúa của thánh Anrê Phú Yên. Ngài kêu mời các bạn giáo lý viên cũng hãy noi gương thánh nhân, luôn sẵn lòng chịu hi sinh "tử đạo" để làm tròn trách nhiệm giáo lý viên của mình. Cuối Thánh lễ là Nghi thức sai đi - các bạn đại diện giáo lý viên tiến lên lễ đài và cha Tổng đại diện giáo phận, nhân danh Giáo hội, long trọng sai các bạn giáo lý viên ra đi làm chứng và loan báo Tin Mừng. Cha trưởng ban giáo lý giáo phận trao lửa cho giáo lý viên và mọi người truyền lửa cho nhau, đồng thời cùng nhau vang hát lời ca: Thần Khí Chúa sai tôi đi loan báo Tin Mừng. Cuối cùng, toàn thể cộng đoàn lại hân hoan vang hát bài ca chủ đề: Gieo mầm tin yêu như muốn mạnh mẽ cam kết ra đi rao giảng Tin Mừng.

Tuy thời gian của ngày hội giáo lý viên thật ngắn ngủi, nhưng các bạn giáo lý viên đã hưởng được thật nhiều niềm vui và sự gặp gỡ thân ái, nhất là đã gặp được Chúa một cách thật gần gũi, thật sống động. Các bạn đã thực sự đón nhận được sức sống của Lời Chúa và Lời ấy sẽ làm cho họ ngày một sống thánh thiện hơn, yêu thương hi sinh hơn và nên giống Chúa hơn. Tất cả giáo lý viên cũng có thể quả quyết nói với Chúa Giê-su như thánh Tông đồ Phê-rô xưa: Lạy thày, bỏ Thày con biết theo ai, vì chỉ mình Thày mới có Lời ban sự sống đời đời.

Ðại diện giáo lý viên đã xin hứa sẽ lấy khẩu hiệu của ngày hội: Sống Lời để Lời sống làm bài ca ý lực cho cuộc đời của các bạn, để lời Chúa thực sự mang lại sự sống dồi dào cho các bạn.

 

Trương

Giáo phận Bắc Ninh

 

 

Text Box: TÌM HIỂU & SỐNG ĐẠO

 

 

 


 

VÀO ĐỜI…

          

 

 

Vào đời bằng tiếng khóc,

Khi con được thở hơi trời…

 

Vào đời, ôi vào đời, vì Chúa đã  thương con…

Vào đời , ôi vào đời, vì Chúa đã chọn con…

                              (Lm. Nguyễn văn Trinh)

 

Ngày đó đã xa rồi, và rất xa, khi tôi còn trẻ và được tham dự một Thánh Lễ  “Lên Đường” của một nhóm bạn trẻ nam nử  tại một xứ đạo ở Việt nam. Sau Thánh Lể, các bạn  nắm tay nhau và  cùng hát bài “Vào Đời” …Tôi thật cảm động, cảm động  sâu xa, và suốt dọc cuộc đời, mổi khi nghe hát bài “Vào Đời” này, tôi lại xúc động , và nghẹn ngào nhớ đến ngày đó các bạn trẻ   trong  tuổi  thanh xuân đả  cùng nhau “lên đường”…Bây giờ, các bạn đó đang ở đâu, tôi không biết;  đang  lảm gì và sống ra sao, tôi cũng không biết. Đường đời muôn ngả, nhất là sau biến cố 1975, những con chim ‘ra ràng đó’ đã  bay đi muôn  phương và bây giờ đã đến tuổi trưởng  thành…

 

 Có những bạn  bây giờ có  thể đang là  linh mục, tu sĩ…

 

 Có những bạn đã lập gia đình và con cái đã lớn khôn…

 

Nhưng dù ở đâu, trong  địa vị nào, tôi vẫn  tin  rằng  từ  ‘ngày  lên đường’ đó, mỗi bạn đã  cùng  đem  “Chúa vào đời’,   đem Chúa vào  các môi trường, hoàn cảnh xã hội mà các bạn đó sống…

 

Vâng , mọi người chúng ta đã  vào đời  “bằng tiếng khóc’, tiếng khóc chào đời…Khóc vì ‘vui mừng’ đã được sinh ra đời, sau những ngày tháng  được cưu mang trong lòng mẹ…và  từ đó , chúng ta có một gia đình  êm ấm, có mẹ, có cha, có anh chị em, đùm bọc thương yêu nhau…Đúng là  ‘một mái ấm gia đình’ mà đi đâu chúng ta cũng mong  ước  được chóng trở về  (Home  sweet home!)

 

Nhưng rồi cũng đến ngày chúng ta  phải rời mái ấm gia đình để ‘vào đời’…

 

Đối với  chúng ta , những người tin Chúa Kitô,  ngày cha mẹ chúng ta  âu yếm ẵm bế chúng ta đến Thánh đường để được chịu “phép Thanh tẩy” là chúng ta được  chính thức  gia nhập gia đình Giáo Hội Chúa….Rồi  chúng ta lớn lên được chịu các “phép Bí tích” khác để kiện toàn đời sống kitô hữu.  Nhất là  khi chúng ta chịu phép “Thêm sức’,  lĩnh nhận đặc biệt ơn Chúa Thánh Thần,   để đủ  ơn thánh, sức mạnh,  sự khôn ngoan , và  lòng nhiệt thành đem Chúa đến với mọi người và  chu toàn bổn phận của các kitô hữu; vì chúng ta  không phải chỉ ‘giữ đạo’,  nhưng còn phải ‘sống đạo’ và đem Chúa ‘vào đời’ ; đó là bổn phận “SỐNG ĐẠO GIŨA ĐỜI”

 

 Như chúng ta đều biết, “Sống Đạo Giữa Đời”  là sống làm sao để làm chứng cho Chúa và rao giảng Phúc Âm tình thương của Chúa  cho mọi người chung quanh chúng ta trong đời sống hằng ngày  :

“Chúng con sẽ lãnh nhận ơn Chúa Thánh  thần khi Ngươi ngự đến trên chúng con và chúng con sẽ làm chứng cho Cha …” (Sách Công Vụ Tông Đồ 1, 8…)

 

Chúng ta cũng đều biết , công cuộc rao giảng Tin Mừng tình thương của  Chúa  không phải chỉ là bổn phận của  hàng Gíao phẩm, của  các linh mục , tu sĩ nam nữ, mà là  bổn phận của  mọi người con  Chúa;  tất nhiên,  các linh mục, tu sĩ là những người “chuyên nghiệp’ hơn ,vì đã được Chúa gọi để từ bỏ mọi sự  và chỉ “ chuyên lo cầu nguyện và  rao giảng Lời Chúa…” (CVTD 6, 4 ).

 

 Hơn nữa , các linh mục,  tu sĩ phải sống đời tu trong các Tu viện, các Nhà xứ…không thể sống ngay trong  gia đình ,  khu xóm,  xưởng thợ, xí nghiệp…như gíao dân chúng ta.

 

 Chúng ta sống  “giữa đời” theo đúng nghĩa của danh từ  đó. Lợi điểm của người giáo dân chúng ta  trong công cuộc ‘làm chứng cho Chúa và rao giảng Tin mừng tình thương của Chúa’ là hàng ngày  chúng ta  sống  giữa  các môi trường khác nhau nơi  xưởng thợ, xí ngiệp, trường học,  lối  xóm, đường phố, ruộng đồng… và tiếp cận với bao nhiêu người thuộc mọi từng lớp xã hội, chủng tộc, tôn giáo… Đo là những  dịp rất tốt để ‘làm chứng cho Chúa trước mặt mọi người!’ bằng chính đời sống kitô  hữu của chúng ta.

 

 Ngay  cả khi ở trong các trại tù đầy, lao động khổ sai  ở Việt nam sau  biến cố 1975,  nhiều kitô hữu đã sống  đời sống rất  đàng hoàng , dũng cảm và đã giúp cho  nhiều anh em bạn tù nhận ra ánh sáng Chúa Kitô ,  nhận ra  Phúc âm tình thương của Chúa và tìm hiểu, sau  đó đã học hỏi   giáo lý và xin gia nhập Gíao  Hội Chúa.

 

Nhiều tín hữu ngoài việc  chu toàn các bổn  phận cầu nguyện tối sáng, đi dâng Thánh Lễ cuối tuần…vẫn hy sinh thời giờ để gia nhập các Đòan thể Công Gíao Tiến Hành, các Phong trào truyền gíao,  các Ca Đoàn, các ban ngành trong Gíao xứ…Mặc dầu bận rộn với bao công việc lo cho gia đình và  làm ăn sinh sống như mọi người, nhưng các anh chị em  đó vẫn hy sinh thời giờ để đi hội họp, học  hỏi, tĩnh tâm để nâng cao đời sống Đức tin và tinh thần truyền gíao cũng như  lòng nhiệt thành  giúp  đỡ các người nghèo khó, bịnh hoạn, gìa yếu... Đó là các anh chi em  đã cố gắng ‘Sống đạo Giữa Đời’ và chu toàn bổn phận   rao giảng Tin Mừng tinh thương của Chúa cho thế gíới hôm nay.

 

“Ánh sáng của chúng con phải chiếu giãi  trước mặt mọi người, để họ thấy những công việc tốt đẹp chúng con làm, mà ngợi  khen Cha chúng con , đấng ngự trên trời!” (Mattheu 5, 16)

 

“Anh chị em hãy sống ngay lành  giữa  những người ngoài  đạo Chúa, để ngay cả khi họ vu khống, coi anh  chị em là người gian ác, họ cũng thấy các việc lành anh chị em làm, mà tôn vinh Thiên Chúa  trong ngày Người đến viếng thăm!” ( 1 Phêrô 2, 12)

 

 Vậy chúng ta hãy cầu nguyện chung cho nhau :  xin Chúa Thánh thần tràn ngập tâm trí chúng ta, thánh hóa chúng ta, ban lòng nhiệt thành và tình yêu Chúa cho chúng ta, để dù sống ở đâu, nơi thành thị, chốn thôn quê, vùng rừng  sâu, núi thẳm, chúng  ta  vẫn cố gắng là ‘ Chứng Nhân cho Chúa’, là ‘Ánh Sáng của Chúa  chiếu soi con đường Chân lý cho mọi người.                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                      

 

Lm.Anphong Trần Đức Phương

Cám Ơn

Tôi cúi đầu tạ ơn vì những ngày:

Ngày mẹ tôi đội thúng bắp đi khắp các nẻo đường rao bán, là những ngày mẹ tôi gầy gò ốm yếu, bao lần nhịn ăn cho tôi những hạt cơm ngon. Tôi không buồn vì những ngày tháng mẹ lam lũ, cũng chẳng trách chi những gian nan của cuộc sống.

Tôi vẫn cám ơn cuộc đời, những lúc gian nan kia đã làm cho chúng tôi biết sống trưởng thành với cuộc đời. Tôi cám ơn mẹ những thúng bắp đội bán nuôi con, những tháng ngày tảo tần, chỉ mong con sống xứng đáng.

Tôi cảm ơn những cuốc xích lô của ba cho các con ăn học. Không chỉ là những đôi chân miệt mài đạp xe để lăn trên các nẻo đường, mà còn là bài học dạy con nỗ lực để vượt qua những lúc khó khăn, không thuận tiện cho con đường  tiến bước.

Tôi cám ơn những gian nan khó nhọc kia, ba mẹ cho các con biết giá trị của những lao động chính đáng, những đồng tiền nuôi con trong sạch.

Tôi cám ơn vì khi lớn lên rồi, có điều kiện hơn mới thấy rằng, đồng tiền có thể mua rẻ nhân phẩm của con người. Không vì chén cơm manh áo mà khuất đầu cúi phục trước những cám dỗ bán rẻ nhân tâm.

Khó nhọc đã dạy tôi nên người quý trọng những gì có được bằng mồ hôi nước mắt, khổ cực đã dạy chúng tôi nên những con người biết kiên nhẫn, tự thân nỗ lực không ngừng về phía trước.

Cha mẹ tôi, không những chỉ cho các con của mình thực phẩm nuôi thân nhưng còn cho một giá trị cao quý của phẩm giá con người. Không ỷ lại, không dựa vào quyền thế, không dựa vào của cải sẵn có mà sống buông thả. Chúng tôi biết rằng, gian nan là một bài học khó nuốt, nhưng là một bài học cần thiết để tự ý thức về bản thân. Biết mình con nhà nghèo nên cần nỗ lực để học, biết mình nghèo nên cần cố gắng hoàn thiện bản thân.

Khi những thử thách của cám dỗ ngã sa vào vòng tục luỵ, tôi nhớ đến hình ảnh người cha đang ngồi trên chiếc xích lô chờ khách, khi buồn phiền chán chường bởi những công việc đang xấu dần đi, tôi nhớ đến khuôn mặt mẹ, dưới cơn mưa đang trùm chiếc áo để mong bán những trái bắp nóng hổi. Có quá niều kỷ niệm về những lao nhọc của cha mẹ, nên tôi cố gắng làm lại những gì đã thất bại, giữ gìn những gì sẵn có để sống cuộc sống phong phú hơn.

Tôi yêu mến mẹ cha tôi, vì những gì lao nhọc của mẹ cha đã để lại những giọt mồ hôi không thể quên và không dễ quên trong nhiều lúc.

Vào tuổi bát tuần của mẹ của cha, những nhọc nhằn xưa kia không còn, những lăng lo về tài chính gia đình cũng không lo, tôi lại học nơi cha mẹ sự chịu đựng bệnh tật của tuổi già. Những đứa con, muốn mừng thọ cha mẹ, nhưng cha mẹ đã mãn nguyện khi thấy đàn con trưởng thành và thường bảo, “từng đứa chúng tôi là món quà mừng thọ quý giá nhất”. Không chỉ một ngày của buổi lễ chóng qua, mà từng đứa con đang là những ngày lễ mừng thọ xuyên suốt tháng ngày còn lại của cha mẹ.

Cuộc đời, tôi vẫn thầm cảm ơn những gian khó, đã tách biệt chúng tôi ra khỏi những hình thức sáo rỗng mà đặc biệt xây dựng chính yếu cho cuộc đời nên người và nên thánh.

Tôi nhận ra rằng, giá trị cuộc đời làm người không hệ tại nơi những gì đang có mà là cách thức chiêm nghiệm và dùng xứng đáng những gì trần thế mang lại.

Như từng thúng bắp, như từng cuốc xích lô, tôi không học nơi ấy chỉ những gian khổ mà học nơi ấy những điều cần thiết để chúng tôi được nên người.

Một con người đúng nghĩa của lòng báo hiếu: Biết cám ơn cuộc đời vì cuộc đời có những thăng trầm, buồn vui, đau khổ và hạnh phúc. Tạ ơn cha mẹ đã cho sự sống và sống dồi dào trong đức tin, cậy, mến vững vàng. Cám ơn người vì bao người đã giúp chúng tôi nên người hôm nay và còn tiếp tục nâng đỡ chúng tôi.

Lm. Giuse Hoàng Kim Toan

Sự thánh thiện của đời thánh hiến sẽ biến đổi thế giới hôm nay

Nhân loại đang tìm nơi người tu sĩ một chỗ dựa, một chỉ dẫn cho trước những thách đố của xã hội hôm nay. Ngừơi tu sĩ cần phải thắp sáng ngọn nến của sự thánh thiện, phải “khơi lên trong lòng các tín hữu một khát vọng chân thành đạt tới sự thánh thiện, một uớc muốn mạnh mẽ hoán cải và canh tân bản thân, trong một bầu khí cầu nguyện ngày càng sâu đậm hơn, và trong tình liên đới tiếp đón tha nhân, đặc biệt những kẻ túng cực nhất” (Gioan Phaolô II, tông thư Tertio Millennio Adveniente, số 42.)

Đời sống thánh thiện là đích đến của đời thánh hiến. Thật vậy đời thánh hiến biểu lộ sự thánh thiện của Giáo hội qua việc tuân giữa ba lời khuyên Phúc âm, vì đó chính là biểu lộ chính đời sống của Đức Kitô. Công đồng Vat. II cũng khẳng định: Sự thánh thiện của Giáo hội được đặc biệt khích lệ bởi những ngừơi tận hiến tuyên giữ những lời khuyên phúc âm (x. LG số 42). “Chính vì thế, đời thánh hiến biểu lộ phong phú những giá trị của Tin Mừng và làm sáng tỏ trọn vẹn hơn mục tiêu của Giáo Hội là thánh hoá nhân loại. Đời thánh hiến loan báo và ra như sống trước thời mai hậu, thời mà Nước Trời đang hiện diện ở dạng mầm mống và trong mầu nhiệm, sẽ đạt mức viên mãn ; thời mà các con cái của sự phục sinh sẽ không cưới vợ lấy chồng nữa, nhưng sẽ nên như các thiên thần của Thiên Chúa (x. Mt 22,30)” (Vita consecrata số 32).

Qủa thật trong một xã hội duy vật, chủ trương thực dụng, một xã hội đề cao tự do cá nhân qúa mức, và coi lạc thú xác thịt như là cùng đích thì chính đời thánh hiến đã chỉ cho con người nhận ra cùng đích và ý nghĩa đích thực của cuộc sống. Các tu sĩ sẽ chỉ cho thế con người thời đại hôm nay hiểu rõ việc tuân giữ ba lời khuyên phúc âm không làm ngăn trở việc phát triển đích thực nhân vị, trái lại thực chất còn có lợi cho con ngừơi. Thật vậy, chính đời thánh hiến đã góp phấn rất lớn trong việc thanh luyện tâm hồn, phát huy tự do thiêng liêng, và không ngừng sống bác ái nhiệt thành (x. LG 46).

Hãy cho các bạn trẻ và ngừơi đương thời một đời sống thánh thiện. Các bạn không đòi hỏi người tu sĩ cho họ kiến thức, không đòi hỏi cho họ những lời khuyên làm giàu, họ cần một mẫu gương thánh thiện, một chỉ dẫn đích thật về mục đích của cuộc sống. Một bạn trẻ đã bỏ hết mọi sự vào tu trong một nhà dòng, nhưng rồi anh ta đã thất vọng rời bỏ dòng với lời tâm sự: tôi đã thất vọng với cuộc sống ngoài đời, tôi muốn vào dòng để mong tìm được một cuộc sống than thản hơn, thóat tục hơn, nhưng rồi tôi thấy cuộc sống trong dòng cũng chất chứa bôn chen như ở đời, chẳng có gì là khác với đời, cho nên tôi thấy không còn lý do để sống cuộc đời tu trì. Vâng, các bạn trẻ đang mong đợi chúng ta, những tu sĩ cho họ một ly nước trong lành không bị vẫn đục bởi những lo toan, những toan tính bôn chen, một ly nứơc thánh thiện của đời thánh hiến.


Sự thánh thiện đựơc thể hiện trứơc tiên qua đời sống cầu nguyện, để “không ngừng đào sâu ân huệ các lời khuyên Phúc Âm nhờ một tình yêu ngày càng chân thành hơn và mạnh mẽ hơn trong chiều kích Ba Ngôi : tình yêu của Chúa Thánh Thần, Đấng mở rộng tâm hồn đón nhận những linh ứng của Người ; tình yêu của Chúa Cha, là nguồn mạch đầu tiên và mục tiêu tối hậu của đời sống thánh hiến Như thế đời thánh hiến tuyên xưng và biểu lộ Thiên Chúa Ba Ngôi, mầu nhiệm được tỏ bày cho Giáo Hội làm mẫu mực và nguồn mạch cho hết mọi hình thức sống Ki-tô hữu.” (Vita consecrata 21).

Đời sống cầu nguyện là họat động ưu tiên hàng đầu của đời sống thánh hiến, vì chính qua việc cầu nguyện ngừơi tu sĩ khám phá tình yêu lạ lùng của Thiên Chúa, để từ đó nhận ra sự thức đẩy của Chúa Thánh Thần. “Dưới tác động của Người, những con người ấy lại trải qua kinh nghiệm của ngôn sứ Giê-rê-mi-a : ‘Lạy Chúa, Ngài đã quyến rũ con, và con đã để cho Ngài quyến rũ’ (20,7). Chính Thánh Thần gợi lên nguyện ước đáp trả trọn vẹn ; chính Người tháp tùng cuộc tăng trưởng của nguyện ước này, giúp người ta thuận theo đến cùng, và nâng đỡ người ta trung thành thực hiện lời đáp trả ; chính Người đào tạo và củng cố tinh thần của những người được kêu gọi, bằng cách làm cho họ nên đồng hình đồng dạng với Đức Ki-tô khiết tịnh, nghèo khó và vâng phục, và bằng cách thúc đẩy họ nhận lấy sứ mạng của Người làm của mình. Khi để cho Thánh Thần hướng dẫn hầu tiến đi không ngừng trên hành trình thanh luyện, ngày qua ngày, họ trở thành những con người mang danh Đức Ki-tô, nối dài trong lịch sử sự hiện diện đặc biệt của Chúa Phục Sinh.” (Vita consecrata số 19).

Khi cầu nguyện với kinh Lạy Cha, kinh mà Chúa Giêsu đã dạy các môn đệ, người tu sĩ khám phá trọn vẹn căn tính của mình. Qủa thật, Kinh Lạy Cha gói gọn trọn vẹn cả cuộc đời Thánh hiến với ba lời khuyên Phúc âm. Đức vâng phục đã được Chúa Giêsu nói đến trong lời khẩn cầu “cho danh Cha được hiển vinh, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời”. “Danh Cha” được hiển vinh chính trong sự vâng phục của con: nầy con xin đến để làm theo ý Cha. Người tu sĩ khi cầu xin cho “danh Cha được hiển trị” cũng chính là khẳng định lời tuyên khấn vâng phục. Đời thánh hiến không tìm hư danh cho chính mình nhưng là mưu cầu cho Danh Chúa. Việc mưu cầu đó loại bỏ ý riêng, tuân phục ý Chúa qua các bề trên. “Xin cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày” cũng là nhắc nhớ người tu sĩ đến đức khó nghèo đã tuyên khấn. Tận hiến đời mình cho Chúa, ngừơi tu sĩ hòan tòan tín thác vào Chúa của mình, loại bỏ mọi lo toan của cuộc sống, không để cho những của cải trần thế làm vẫn đục. Chúa là gia nghiệp, người tu sĩ không còn băn khoan đến những vật dụng thế trần, không còn lo tích trữ của chóng qua, và xử dụng của cải như là phương thế để phục vụ cho vinh quang Nước Chúa. “Xin chớ để chúng con sa chứơc cám dỗ, nhưng cứu chúng con khỏi mọi sữ dữ” là lời nhắc nhớ người tu sĩ nhớ đến đức khiết tịnh của đời thánh hiến. Cám dỗ lớn lao ngừơi tu sị thường gặp chính là đời sống khiết tịnh, nhất là trong thời đại hôm nay. Khi cất tiếng khẩn cầu nài xin sự “giữ gìn khỏi sa chước cám dỗ” người tu sĩ luôn ý thức đến thân phận yếu đuối mỏng dòn của mình, để luôn cố gắng khước từ những cơ hội, những hòan cảnh làm cho mình sa ngã.Như vậy sự cầu nguyện là phương thế tối cần để thắp ngọn lửa lửa thánh thiện nơi người tu sĩ. Có người đã nói: bạn hãy cho tôi biết bạn thường nghĩ đến ai, tôi sẽ cho bạn biết bạn là ai. Nếu ngừơi tu sĩ thường xuyên cầu nguyện, thường xuyên gặp gỡ Thiên Chúa, ngừơi tu sĩ sẽ tỏ cho ngừơi ta biết khuôn mặt của Thiên Chúa trên khuôn mặt của mình.

Bởi vậy Công đồng Vat. II nhấn mạnh: “các tu sĩ nhất thiết phải cần mẫn luyện tập tinh thần cầu nguyện và việc cầu nguyện, múc ở nơi nguồn mạch đích thực của nền tu đức Kitô giáo. Trứơc hết, hằng ngày, phải có quyển Kinh Thánh trong tay để học đựơc những ‘kiến thức siêu việt về Chúa Kitô’ (Pl 3, 8) nhờ đọc và suy gẫm” (PC 6). Đời sống cầu nguyện đưa ngừơi tu sĩ đi vào một cuộc sống thân mật với Thiên Chúa, nhờ đó họ nhận ra Thánh ý đối với mình, và can đảm dấn thân vào sự lựa chọn mà đức tin đòi hỏi. (Vita consecrata số 39)

Cầu nguyện không phải chỉ là đọc kinh, nhưng còn là cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa trong một không gian tĩnh lặng. Lời gọi nên thánh chỉ có thể nghe được và nuôi dưỡng trong thái độ thinh lặng thờ phượng trước Thiên Chúa siêu việt vô biên : "Chúng ta phải thú nhận rằng tất cả chúng ta đều cần đến thứ thinh lặng chất chứa sự hiện diện của Đấng mời ta tôn thờ : thinh lặng cần cho thần học để đề cao cái hồn khôn ngoan và tâm linh của nó ; thinh lặng cần cho kinh nguyện, để không bao giờ quên rằng nhìn thấy Thiên Chúa có nghĩa là xuống núi với một gương mặt chói lọi đến nỗi phải che mặt bằng một tấm khăn (x. Xh 34,33) [...] ; thinh lặng cần cho kẻ dấn thân, để từ chối không để cho mình bị giam hãm trong một cuộc đấu tranh không có tình yêu cũng không có tha thứ [...]. Tất cả mọi người, dù có tín ngưỡng hay không, đều phải học biết giá trị của thinh lặng để cho Vị Kia lên tiếng vào lúc nào và như thế nào tuỳ Người ; cũng như để cho chúng ta hiểu nổi lời Người" (Gioan Phaolô II, Tông thư Orientale Lumen (2.5.1995), số 16). Trong thực tế, điều này giả thiết phải hết sức trung thành với việc cầu nguyện phụng vụ và cầu nguyện cá nhân, trung thành với thời gian dành cho tâm nguyện và chiêm niệm, thờ phượng Thánh Thể, tĩnh tâm hàng tháng và linh thao (x. Vita consecrata số 38). Chính trong cuộc gặp gỡ nầy ngừơi tu sĩ sẽ tìm thấy những câu trả lời cho những vấn nạn của thời đại. Cầu nguyện đưa ngừơi tu sĩ đi vào trong nội tại của đời sống Ba ngôi Thiên Chúa, đời sống được diễn tả trong một tình yêu sâu thẳm. Trong tình yêu của Thiên Chúa, ngừơi tu sĩ sẽ học biết cách đáp trả cho những khát vọng của thế giới hôm nay.
Thật vậy, dù không muốn nói ra, nhưng tận thâm sâu con ngừơi vẫn mang nặng nhiều khắc khỏai về cuộc sống. Những cuộc ăn chơi trác táng thâu đêm, nhưng cơn nghiện ma túy, hay nhu mới đây xuất hiện hiện tượng tự tử tập thể cụ thể là 5 nữ sinh thuộc xã Phương Hòang, Thành Hà, Hải Dương, đã cùng nhau nhảy xúông sông để cùng chết (Bản tin: “vì sao 5 nữ sinh ở Hải Dương tự tử”, Tuổi trẻ, ngày 29.05.2006). Các bạn trẻ đã kết liễu cuộc sống bằng cách tự tử tập thể, vì tất cả đều không thỏa mãn với cuộc sống hiện tại, họ đang khao khát một ý nghĩa cuộc sống đích thật. Do đó ngừơi tu sĩ có trách nhiệm làm thỏa mãn cơn khát của họ. Họ đang khát tình yêu, một tình yêu mang lại hạnh phúc thật. Tình yêu đó chỉ có thể kín múc nơi Tình yêu của Thiên Chúa Ba ngôi. Một tình yêu híến dâng trọn vẹn, đáp trả trọn vẹn Như Richard đã trình bày: tình yêu Thiên Chúa là một tình yêu tương hỗ: trong tình yêu tương hỗ có một sự thúc đẩy mãnh liệt … không gì hiếm hơn và cũng không có gì qúi hơn lòng Ước muốn. Đó chính là nguồn mạch của tình yêu, nó thúc đẩy tình yêu của người yêu dành cho người được yêu cực kỳ mãnh liệt, và tình yêu của người được yêu dành cho người yêu cũng cực kỳ mãnh liệt hướng tới một người khác cũng bằng chính tình yêu cực kỳ mãnh liệt. Trong tình yêu tương hỗ không chỉ dừng lại ở hai vế, nhưng niềm vui và sự hoan lạc của tình yêu trọn hảo giữa ngươì yêu và người được yêu tiếp tục trao ban cho nhân vật thứ ba, người cùng được yêu (condilectus). Tình yêu được hiện thực trong một sự liên đới tình yêu giữa hai, cả hai chia sẻ niềm vui và hoan lạc cho nhau. Tuy nhiên một tình yêu hoàn hảo không chỉ dừng lại ở mối dây liên kết của hai, nhưng tình yêu đó hướng tới một nhân vật thứ ba cùng bản tính với hai trong mối dây liên kết tình yêu. (Richard St Victor , De Trin. III 7).

Giới trẻ đang khao khát một tình yêu như vậy, bởi xã hội hôm nay chất chứa quá nhiều tham vọng ích kỷ, người ta có nói đến tình yêu đấy, nhưng cuối cùng tình yêu trở thành phương tiện để tuyên truyền hầu đạt tới mục đích tư riêng ích kỷ. Ngay trong tình yêu hôn nhân và gia đình cũng đang bị vẩn đục bởi cuộc sống thực dụng và hưởng thụ cho riêng bản thân mình. Chẳng lạ gì các bạn trẻ bỏ nhà ra đi mặc dầu trong gia đình không thiếu một thứ gì, chỉ thiếu một tình yêu chân thật. Gieo rắc Tình Yêu Thiên Chúa vào xã hội hôm nay là ơn gọi của người thánh hiến. Nhưng ngừơi ta sẽ không thể cho điều ngừơi ta không có. Để gieo rắc tình yêu, ngừơi thánh hiến hãy sắm cho mình một kho tàng yêu thương được kín múc từ những giờ cầu nguyện, những cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa. Tình yêu ngừơi tu sĩ gieo rắc luôn long lánh sự thánh thiện như hạt ngọc sáng ngời. Nhờ đó tình yêu trao ban không bị vẫn đục bởi một lý do phàm tục nào, nhưng thanh thóat của một tình yêu hiến dâng, phục vụ vị tha, Nhờ đó ngừơi tu sĩ sẽ thực sự phản chiếu ánh sáng huy hòang thánh thiện của Thiên Chúa. Chỉ có thể yêu đích thật khi con tim ngập tràn vẻ thánh thiện.


 

Lm Hà văn Minh

 

PHƯƠNG PHÁP CHIA SẺ THÁNH KINH THEO NHÓM

(dành cho Giới Trẻ)

 

 

 

 

I. GIỚI THIỆU PHƯƠNG PHÁP

                             

Để Lời Chúa thấm nhuần vào đời sống, Phương Pháp Chia sẻ Lời Chúa Theo Nhóm (gọi tắt làPPCS) sẽ giúp các bạn trẻ tập suy nghĩ theo lời Chúa và dẫn nhập Lời Chúa vào cuộc sống. Phương pháp gồm 4 bước:

 

1/         Đọc chung và đọc to tiếng một đoạn Lời Chúa

 

2/         Đặt câu hỏi gợi ý suy nghĩ

 

3/         Suy nghĩ và trả lời (bằng miệng hay trên giấy)

 

4/         Rút ra bài học sống.

 

5/         Cầu nghuyện (theo tâm tình được cảm nhận từ cuộc chia sẻ)

 

Bước đầu chúng tôi giới thiệu những câu hỏi làm sẵn chỉ mong giúp các thành viên của nhóm tập đặt câu hỏi và suy nghĩ. Phương pháp rất tán thành những câu hỏi khác thích hợp môi trường và trình độ của các nhóm.

 

Những câu hỏi sẽ tuần tự diễn tiến từ phần mở sang phần khai triển rồi tiếp phần suy nghĩ.

 

PPCS bắt đầu từ Tin Mừng Maccô với những điểm dẫn nhập vắn gọn, không mang tính nghiên cứu chuyên môn, chỉ nhằm giúp các nhóm đôi nét tổng quan về bản văn cho dễ hiểu ý nghĩa trong văn mạch.

 

Những thành viên của nhóm cần thành thật suy nghĩ, cởi mở chia sẻ, và thành tâm cầu nguyện. Sinh hoạt của nhóm cần được ban tổ chức sắp xếp để tránh trường hợp các thành viên quá chênh lệch nhau về trình độ văn hóa, dễ gây bầu khí chán nản.

 

 

II. NĂM CĂN BỆNH TRẦM KHA DỄ LÀM BỊ THƯƠNG NHÓM CHIA SẺ

 

 a/ Xung động  

 

Triệu chứng: Đổ mồ hôi khi gặp mặt nhau giờ chia sẻ, tiếng nói bị nghẹn. Mỗi khi “tới lần ai nói ” là đầu óc trống rỗng, tư tưởng biến đi hết.

 

Căn bệnh: Sợ gặp gỡ.

 

Chữa trị: Chia nhỏ nhóm và xin mỗi người ngồi với nhau như bạn đồng bàn. Có thể tổ chức bữa ăn nhỏ trước giờ chia sẻ.

 

b/ Đóng băng

 

Triệu chứng:Tránh nhìn nhau, phát âm lắp bắp, chờ mãi mới có ai đó mở lời, nhưng chẳng ai tiếp lời.

 

Căn bệnh: Thiếu mô kết nối do ít tin tưởng nhau.

 

Chữa trị: Củng cố tinh thần nhóm bằng những cuộc tiếp cận, giao cảm, chia sẻ chuyện đời mình với những ước mơ, trăn trở. Tránh phê phán người vắng mặt.

 

c/ Dị dạng

 

Triệu chứng: Nhiều tiếng thở dài, bẻ tay, nhìn đồng hồ, một vài người lên tiếng, những người khác chờ nghe, một vài người dẫn đường, những người khác đi theo.

 

Căn bệnh: “Tế bào phì đại” lấn át các tế bào khác làm cho toàn thân thành dị dạng.

 

Chữa trị: Cấu trúc lại thành phần nhóm và hóa giải những tư thế làm mối tương giao mất cân bằng. Hạn chế lối chia sẻ mô phạm. Điều chỉnh thời lượng chia sẻ của những người tham dự.

 

d/ Trì trệ ấu thơ

 

Triệu chứng: Nhiều câu hỏi, ít câu trả lời, chờ can thiệp của nhân vật có quyền trong sinh hoạt nhóm, thích sao chép những mẫu mã.

 

Căn bệnh: Thiểu năng tinh thần do thiếu tự tin.

 

Chữa trị:           Nhìn lại mục đích: Chia sẻ kinh nghiệm sống không chia sẻ những bài giáo khoa Lời Chúa

 

e/ Thuốc quá liều

 

Triệu chứng: Dáng mặt mệt mỏi, nhiều tiếng lẩm bẩm, bầu khí khó nghe, khó nói và khó cảm, nóng nảy, dễ phản ứng khó chịu trước những lời nói, thái độ vụn vặt bên lề.

 

Căn bệnh: Nặng quá suy tư, nhẹ quá kinh nghiệm sống Lời Chúa.

 

Chữa trị: Quân bình cuộc hội thoại giữa nghe và nói, quân bình chứng từ và kinh nghiệm sống (tránh nói quá dài), chọn thời điểm thư giãn.

 

 

III. DẪN NHẬP TIN MỪNG MACCÔ

 

 

Tác Giả

 

            Maccô tên đầy đủ là Gioan Maccô, con của bà Maria. Các môn đệ của Chúa hay gặp gỡ nhau tại nhà ông. Riêng thánh Phêrô đã tới thẳng đây sau khi ra khỏi tù (Cv 12, 1- 7). Thời trai trẻ, Maccô đã dấn thân làm việc cho Giáo Hội sơ khai. Đặc biệt Maccô rất gần với Phêrô nên Phêrô đã gọi anh là “Maccô, người con của tôi” (1, Pr 5, 13). Maccô cũng được nhiều người coi là thư ký của Phêrô và nghĩ Tin Mừng Maccô phản ảnh nhãn quan của Phêrô về các biến cố. Giám mục Papias (viết năm 140) xác nhận: “Maccô đã thành thông dịch viên của Phêrô, Maccô đã viết ra những gì anh nhớ, những lời Chúa nói và việc Chúa làm, tuy nhiên không theo đúng thứ tự”.

 

Maccô cũng tiếp cận gần với thánh Phaolô. Cùng với người anh họ Barnaba, anh đã tháp tùng thánh Phaolô trên chuyến hành trình truyền giáo đầu tiên. Maccô đã bỏ đoàn ở Perga khi đoàn chuyển hướng sang Á Châu. Do chuyện này Phaolô đã từ chối không cho anh theo trong chuyến hành trình thứ hai, nên Barnaba đã đi với Maccô tới Đảo Cyprô trong khi thánh Phaolô đi với Sila. Về sau Phaolô và Maccô hòa nhau và anh thành bạn đường của Phaolô khi thánh Tông Đồ bị cầm tù tại Roma. Theo truyền thuyết, anh đãlập Giáo hội tại Alexandria, Ai Cập.

 

 

Niên hạn và thính giả

 

Đã lâu các Kitô hữu tại Roma ít bị để ý nhưng từ khi hoàng đế Nêrô đốt thành Roma năm 64, ông đã đổ lỗi cho các Kitô hữu, các Kitô hữu bắt đầu bị bách hại. Nhiều người bị ném vào hang sư tử hoặc bị thiêu sống. Trong bầu khí bách hại đó, Maccô đã viết Tin Mừng trực tiếp cho họ và viết trong khoảng từ năm 60 đến 70.

 

Tin Mừng Maccô là bản viết đầu tiên về cuộc đời Chúa Giêsu, bản sưu tập những chuyện truyền khẩu khá phổ biến và cũng được Tin Mừng Matthêu và Luca sử dụng.

 

 

Đặc điểm

 

Trong bản văn Tin Mừng vắn nhất này, tác giả nối kết những loạt chuyện kể nho nhỏ về cuộc đời Chúa Giêsu. Những câu văn ở đây gần như văn thiếu nhi. Tác giả hình thành những mệnh đề đơn giản rồi nối kết với nhau bằng liên từ “và”. Thế nhưng Tin Mừng này lại phong phú và sống động nhất về chi tiết của thị chứng nhân. Chẳng hạn khi trình bày Chúa Giêsu chúc lành cho các em thiếu nhi, một mình Maccô kể, trước tiên, Chúa Giêsu ôm các em trong vòng tay Chúa (Mc 10,13- 16).

 

 

NHỮNG CÂU HỎI ĐI THEO TIN MỪNG MACCÔ

 

 

MACCÔ 1, 1- 19

 

 

Gioan chuẩn bị con đường cho Đấng Cứu Thế

 

Mở

 

1/ Khi nhận thư từ, bạn mở đọc thư nào trước?

 

2/ Khi chọn mua áo quần, bạn thích chọn loại giá thấp hay chọn loại phẩm chất cao?

 

Khai triển

 

1. Lời trích tiên tri Isai (Mal 3,1: Is 40, 3) đề cập gì tới “Đấng đang đến”?

 

2. Tại sao sứ vụ của Gioan Tẩy Giả lại phổ biến đến thế (4-5) ?

 

3. Lối ăn, cách mặc của Gioan cho thấy ông chủ trương gì về tiền của?

 

4. Bạn giải thích thế nào về thái độ đám đông chờ đón Gioan, dù sứ điệp của Gioan rất cứng rắn?

 

5. Bạn nghĩ, chim bồ câu và tiếng nói từ trời có ý nghĩa gì với Chúa Giêsu khi Người vừa lên khỏi nước?

 

Suy nghĩ

 

1. Trong đời bạn có gì minh họa được ý nghĩa nào đó của lòng “sám hối và trở về”?

 

2. Với bạn, Chúa đã sai bạn vào sa mạc tinh thần nào?

 

3. Cuộc vào sa mạc này có khẳng định tình yêu của Chúa hay một sứ mạng Chúa trao?

 

 

Chúa gọi các môn đệ đầu tiên

 

Mở      

 

Lần đầu tiên “bỏ nhà đi” bạn đã đi đâu?

 

Khai Triển

 

1/         Theo Chúa Giêsu, Tin Mừng là gì?

 

2/         Nước Trời có ý nghĩa gì với các môn đệ ?

 

Suy nghĩ

 

Vào dịp nghỉ cuối tuần, bạn muốn làm gì đó mang ý nghĩa “Sám hối và trở về”, bạn chọn làm gì:

 

(a) đi câu cá?

 

(b) vẫn tiếp tục chuyện làm ăn đang trên đà giao dịch?

 

(c) Tìm tới nhà thờ dọn mình xưng tội? Giải thích.

 

 

MACCÔ 1, 1- 8 (THẢO LUẬN)

 

Đọc Tin Mừng Mc 1, 1- 8 / 25 phút và thảo luận.

 

 

Trả lời có, không hay có thể cho những tình huống sau:

 

1/         Gioan là loại người thích... (có / không / có thể)

 

            c / k / ct            Đi siêu thị.

 

            c / k / ct            Ru tôi ngủ.

 

            c / k / ct            Lái xe đường trường nhưng vẫn giữ tốc độ giới hạn.

 

            c / k / ct            Gửi người tới bệnh viện thuyết phục bệnh nhân đau tim nặng cải đạo.

 

            c / k / ct            Vào ăn tại những cửa hàng sang trọng.

 

2/         Tại sao dân chúng lũ lượt tìm đến với Gioan thay vì trốn chạy?

 

a. Ông là tiên tri đầu tiên trong 300 năm.

 

b. Ông làm chuyện lý thú hơn cả một tay ảo thuật gia.

 

c. Ông nói lên sự thực trong lòng người dân.

 

d. Ông trình bày về tội và ơn tha thứ.

 

3/         Gioan giữ vai trò gì trong kế hoạch toàn bộ của Thiên Chúa?

 

a. Nối kết Cựu Ước với Tân Ước.

 

b. Chuẩn bị cho dân đón Chúa Giêsu.

 

c. Làm phép rửa cho Chúa Giêsu.

 

d. Cảnh giác các tội nhân mong muốn họ đi tìm đấng Cứu Chuộc.

 

 

Kể chuyện đời mình / 20 phút

 

1/         Nếu Gioan tới khu phố của bạn loan báo sứ điệp này, theo bạn, ông sẽ được đón tiếp thế nào?

 

a. Giới truyền thông sẽ say sưa đón nhận.

 

b. Dân chúng đổ xô tới gặp gỡ Gioan.

 

c. Các nhà thờ mở rộng cửa chào đón Gioan.

 

d. Dân chúng tỉnh bơ, phớt lờ.

 

2/         Ai đã giữ phần vụ của Gioan, “Chuẩn bị con đường” cho Chúa Giêsu trong đời bạn?

 

a. Cha mẹ.

 

b. Cha sở.

 

c. Một người bạn thân.

 

d. Chẳng ai hết.

 

3/         Bạn cảm nhận lúc này đang có mối tương quan nào giữa bạn với Chúa Giêsu?

 

a. Ở bước đầu.

 

b. Đang duy trì.

 

c. Đang tiến triển.

 

d. Rất mong manh.

 

 

Mc 1, 21- 45

 

Chúa Giêsu xua đuổi quỷ

 

mở      

 

1/         Ai là thày cô tuyệt vời nhất bạn đã gặp?

 

2/         Thày cô này đã giảng dạy thế nào?

 

khai triển

 

1/         Tại sao bạn nghĩ Chúa Giêsu khởi đầu sứ vụ rao giảng trong một hội đường? Thái độ hay lời nói nào của Người đã làm dân chúng ngạc nhiên?

 

2/         Thế nào là “giảng dạy như Đấng có quyền?” Đâu là bản chất, nguồn gốc quyền bính của Chúa?

 

suy nghĩ

 

1/         Bạn chân nhận thế nào về Nước Trời ở đây?

 

2/         Bạn cảm nhận gì về quyền của Chúa trong đời?

 

 

Chúa chữa trị nhiều bệnh nhân

 

mở

 

1/         Hồi thơ ấu bạn khỏe mạnh hay thường đau yếu?

 

2/         Lúc nào bạn thấy mình cô đơn?

 

khai triển

 

1/         Đâu là lãnh vực mới về quyền bính của Chúa ở đây?

 

2/         Bạn hình dung gì về quyền bính của Chúa trong câu 32- 34? Tại sao Chúa buộc tên quỷ phải im miệng?

 

3/         Sau một ngày dưới sức ép của cuộc sống, Chúa Giêsu có thể cảm nhận gì khi bình minh ló dạng?

 

4/         Chúa Giêsu đã cầu nguyện gì? Điều này có liên hệ gì tới quyết định của Chúa? (c 38).

 

5/         Nếu là Simon, bạn cảm nhận thế nào về quyết định đó?

 

suy nghĩ

 

1/         Theo kinh nghiệm của bạn, hành động nhân danh Chúa và suy niệm với Chúa ảnh hưởng hỗ tương nhau thế nào?

 

2/         Bạn thấy gì nơi những chuyện kể về Chúa Giêsu và Nước Trời?

 

 

Một người phong cùi được chữa lành

 

mở                  

 

Khi bị kẹt giữa đám đông (chẳng vào giờ cao điểm, trong lễ hội...) Bạn làm gì?

 

khai triển                     

 

1/         Tại sao người cùi không dám chắc chính Chúa cũng mong được giúp đỡ mọi người?

 

2/         Khi đụng chạm tới người phong cùi, Chúa đã làm gì đáng chú ý nhất?

 

3/         Đám đông đợi chờ gì nơi Chúa?

 

suy nghĩ

 

1/         “đụng chạm vào ai đó” thái độ này có ý nghĩa gì với Chúa Giêsu?

 

2/         Tuần này, bạn cần một cú đụng chạm đặc biệt nào của Chúa?

 

3/         Bạn có thể “đụng chạm?” thế nào tới những người cùi trong cộng đồng của bạn?

 

 

Mc 2, 1- 22

 

Chúa Giêsu chữa lành một người tê liệt

 

mở

 

Nếu bạn rơi vào một tình thế ngặt nghèo lúc 3g sáng, bạn sẽ kêu người bạn nào tới giúp?

 

khai triển

 

1/ Bạn có thể thấy gì và cảm nhận gì nếu bạn có mặt trong đám đông hôm ấy?

 

2/ Trong tình huống ấy nếu là chủ căn nhà, bạn nghĩ gì và phản ứng ra sao? Và nếu là chính bệnh nhân bại liệt?

 

3/ Tại sao các thày hôm ấy lại xốn sang? Trong tâm tư họ nghĩ về tội và quyền năng của Thiên Chúa có liên hệ gì với tội nhân?

 

4/ Tại sao Chúa Giêsu không chữa ngay cho bệnh nhân bại liệt như mọi người đang mong đợi?

 

5/ Chúa đã bày tỏ lối nhìn mới mẻ nào về Nước Trời và về chính mình?

 

suy nghĩ

 

1/ Bệnh bại liệt giống tội lỗi ở góc cạnh nào?

 

2/ Lời Chúa tha thứ cho bạn có là ơn ban về niềm tự do trong đời bạn? Niềm tự do nào?

 

3/ Bạn cần nghe lại Lời này ở đâu?

 

4/ Trong chuyện kể này, bạn có liên tưởng tới người quen, người thân, bạn bè của họ không? Tại sao?

 

 

Chúa gọi Lêvi

 

mở      

 

Nếu mức lương của bạn bỗng dưng tăng lên gấp ba lần, bạn có thể làm gì với số tiền lương thặng dư đó?

 

khai triển

 

1/ Các môn đệ là ngư dân có thể từ lâu đã trả cho ông Lêvi những khoản thuế vụn vặt. Họ có thể cảm nhận gì khi Chúa gọi ông? Tại sao Chúa làm thế? Chuyện đó có ý nghĩa gì với ông?

 

2/ Theo lời Chúa, chúng ta cần sống thế nào để được vào Nước Trời?

 

suy nghĩ

 

1/ Bạn đau yếu thế nào mới cần đi khám bác sĩ thiêng liêng?

 

2/ Khi được Chúa Giêsu gọi, bạn trả lời Chúa ra sao?

 

 

Vấn nạn về ăn chay

 

mở

 

Bạn gắn bó và vui nhận ăn chay hay đong đưa và muốn thay thế bằng một việc khác? Tại sao?

 

khai triển

 

            1/ Tại sao môn đệ của Gioan và các Pharisiêu ăn chay nhưng môn đệ Chúa Giêsu lại không? Điều đó có ngầm ý gì?

 

            2/ Ba dụ ngôn nhỏ ở đây (19- 22) trả lời thế nào? Rượu mới là gì? Bầu da cũ là gì?

 

suy nghĩ

 

            Tại sao “rượu” của Chúa lại làm bể “bầu da cũ” nào đó của bạn? Ở đâu, lúc nào rượu có thể làm bể bầu da?

 

 

Thiên Chúa của ngày Sabba

 

mở

 

            Ai trong nhà bạn thường chạy xe quá tốc độ?

 

khai triển

 

            1/ Chuyện kể về Đavit có thể áp dụng cho Chúa Giêsu không?

 

            2/ Chuyện gì đã gây căng thẳng trong hội đường?

 

            3/ Các vị lãnh đạo tôn giáo có mặt đã quan tâm gì?

 

            4/ Chuyện gì đã làm Chúa thêm giận?

 

            5/ Nhìn lại 5 cuộc tranh cãi trong (Mc 2, 1- 3,6) ta thấy những cuộc đối nghịch của dân với Chúa Giêsu đã lớn dần tại sao?

 

suy nghĩ

 

            1/ Bạn thấy những luật tôn giáo và các hướng dẫn đã xúc phạm dân thế nào? Đâu là nguyên do?

 

            2/ Bạn thấy đâu là “bàn tay bại liệt” được Chúa chữa lành trong đời bạn?

 

                       

 

 

 

NHỮNG HƯỚNG Ý LỜI CHÚA TRONG NHỮNG TÌNH HUỐNG RIÊNG BIỆT

 

 

1/ CĂN TÍNH

 

1.         Đánh giá           Ảo tưởng về bạc vàng / Lc 12, 13-21/  1 Ga, 2, 15-17

 

2.         Lượng sức        Những nén bạc / Mt 25, 14- 30/           2Tm 2, 14- 2633

 

3.         Khát vọng        Maria, Macta / Lc 10, 38- 42/  Pl 3, 12- 41

 

4.         Tín nhiệm          Phêrô tuyên xưng / Mt 16, 13- 28/        Ep 1, 3- 14

 

5.         Nhìn lại mình     Người phụ nữ nhiều lầm lỡ / Lc 7,         36- 60/            Pl 4, 10- 13

 

6.         Hướng tới tương lai       Đi trên nước / Mt 14, 22-33/    2Tm 3, 10- 48

 

2/ KHÓ KHĂN TINH THẦN

 

1.         Xét lại  Giakêu / Lc 19, 1- 10/ 2 Pr 1, 3- 11

 

2.         Quyết chí          Vườn Dầu / Mc 14, 32- 42/     Pl 2, 12- 18

 

3.         Vượt thoát        Người bệnh tê liệt bên hồ / Ga 5, 11- 15/          Gc 5, 13- 20

 

4.         Từ bỏ   Trên đường Emmau / Lc 24, 13- 25/     1Cr 9, 19- 27

 

5.         Từ chối            Chúa Giêsu về Nagiaret / Lc 4, 14- 30/ 1Pr 1, 3- 12

 

6.         Tiến tới Hỏi, tìm, gõ cửa / Mt 7, 7- 12/              Dt 11, 1-40

 

 

3/ NHỮNG GÓC CẠNH ĐỜI SỐNG

 

1.         Tiền bạc           Chê dầu thơm mắc / Mc 14, 1- 11/                   1Tm 6. 3- 10

 

2.         Thành bại         Ảo tưởng về tiền của / Mc 14, 1- 11/    2Cr 4, 8- 13

 

3.         Lòng nhân ái     Người lương dân nhân ái /                     Lc 10, 25-37/   2Tx 3, 6- 15

 

4.         Lòng quảng đại Đãi 5000 người / Mc 6, 30- 44/            Ep 6, 10- 20

 

5.         Lối đoán xét     Phụ nữ ngoại tình / Ga 8, 1- 11/                        Rm 14, 1- 23

 

6.         Nạn tham nhũng            Không bán buôn trong Đền Thờ /          Mc 11, 12- 19/            Rm 13, 1- 7

 

 

3/ HƯỚNG GIẢI QUYẾT

 

1.         Khi nhức đầu    Nước hóa rượu ngon /              Ga 2, 1- 11/                 Gc 1, 2- 18

 

2.         Lúc rối trí         Đầy tớ không biết tha thứ /        Mt 18, 21- 35/             Ep 4, 25- 32

 

3.         Giữa cơn trầm cảm       Cơn giông bão / Mc 4, 35- 41/ 2 Cr 4, 1- 8

 

4.         Trong cảnh nghi nan      Chúa Giêsu trước Philatô /        Mt 27, 11- 26/             1Pr 1, 13- 23

 

5.         Những giờ phút lo lắng  Đừng lo / Mt 6, 25- 34/ Pl 4, 4-9

 

6.         Trên giường bệnh          Bệnh nhân tê liệt/ Lc 5, 17- 26/ 1 Ga 1, 5- 10

 

 

4/ TRẤN ÁP KHỦNG HOẢNG

 

1.         Thất bại            Phêrô chối Chúa / Mt 29, 69-75/          1 Pr 2, 24- 12

 

2.         Thống khổ        Lagiarô chết / Ga 11,1- 44/      2 Cr 1, 3- 11

 

3.         Hãi sợ  Trên đường đi Emmau/             Lc 24, 13-25/ Dt 6, 11- 6,12

 

4.         Nản lòng          Tôma nghi ngại / Ga 20, 24- 31/           1 Cr 15, 1- 58

 

5.         Lâm cảnh ngặt nghèo    Phụ nữ ngoại tình / Ga 8, 1- 11/            1 Ga 2, 28- 3,10

 

6.         Chống chọi hiểm nguy   Đi trên nước / Mt 14, 22- 36/   Dt 11, 1- 40

 

 

5/ TINH THẦN CỘNG ĐOÀN

 

1.         Làm quen         Thày gọi / Lc 5, 1- 11   / 1Tx 1, 2-10

 

2.         Phục vụ            Rửa chân / Ga 13, 1- 17/                                  Rm 12, 1- 21

 

3.         Dấn thân           Phêrô chăn chiên của Thày /                  Ga 21, 15- 25/ Gl 6,1- 10

 

4.         Chia sẻ chuyện đời        Nicôđêmô / Ga 3, 1- 21/                                  1 Tx 1, 2- 10

 

5.         Sống tương trợ Rỡ mái nhà / Lc 5, 17- 26/                                Gc 5, 13- 16

 

6.         Sống thực tế     Người thu thuế / Lc 18, 9- 14/              Ep 2, 1- 10

 

 

6/ TÁI ĐỊNH HƯỚNG CUỘC SỐNG

 

1.         Trở về  Gioan Tẩy Giả / Mc 1, 1- 8/     Dt 12, 1- 11

 

2.         Đổi mới lòng trí Những mối phúc / Mt 5, 3- 10/ Pl 2, 1- 11

 

3.         Tìm lối thoát     Không bán buôn trong Đền Thờ/           Mc 11, 12- 19 / Cl 3, 1- 17

 

4.         Chọn lựa ưu tiên           Maria, Macta / Lc 10, 38- 42/  Rm 13, 8- 14

 

5.         Chấp nhận mất còn       Đừng lo / Mt 6, 25- 34/

 

                                    1Tm 6, 3-10

 

6.         Kiểm soát bản thân       Vườn Dầu / Mc 14, 32- 42/                 Rm 6, 15- 23

 

7/ TÌNH NGHĨA GIA ĐÌNH

 

1.         Gốc tổ  Lần đầu lên Đền Thờ /              Lc 2, 21- 40/    2Tm 1, 3-7

 

2.         Cảm nghiệm sầu dau     Lần thứ hai lên Đền /                 Lc 2, 41-52/     Ep 6, 1- 4

 

3.         Ước vọng của mẹ cha   Lời xin của Đức Mẹ /                Mt 20, 20- 28/ 1Pr 5, 1- 11

 

4.         Nỗi đau gia đình           Người con hoang /                    Lc 15, 11- 31/  1 Tx 2, 7- 16

 

5.         Lòng tha thứ     Người đầy tớ không tha thứ /    Mt 18, 21- 35/ Pl 2, 12-18

 

6.         Tình yêu tối thượng       Rửa chân cho nhau /                 Ga 13, 1- 17/   1Cr 13, 1-13

 

 

8/ KHÁM PHÁ CUỘC SỐNG

 

1.         Hẹn thề           Bữa đại tiệc / Lc 14, 15- 24/                            Ep 1, 3- 14

 

2.         Khát mong       Chúa biến hình / Mc 9,2- 13/                            Rm 8, 18- 39

 

3.         Chịu đựng        Cành nho / Ga 15, 1- 7/                                                Col 1, 24- 2, 5

 

4.         Ban tặng           Bánh và cá / Mc 6, 30- 44/                               1 Cr 12, 1- 13, 13

 

5.         Xin và nhận      Xin, tìm, gõ / Mt 7, 7- 12/         1Ga 5, 13-21

 

5.         Chờ thành quả  Người gieo giống / Mc 4, 1- 20/                                   Gl 5, 13- 26

Linh Mục Giuse Trịnh Tín Ý

 

 

( Đăng lại từ bản tin Hiệp Thông số 33 của HĐGMVN )

Text Box: SỐNG CHỨNG NHÂN 
 

 


 

NHÂN CHỨNG TÌNH YÊU TỰ HIẾN

 

Thứ hai ngày 13-3-1995, cụ Franciszek Gajowniczek trút hơi thở cuối cùng tại Brezeg, miền Nam nước Ba Lan, hưởng thọ 94 tuổi. Cụ Franciszek Gajowniczek là người được Cha thánh Massimiliano Maria Kolbe thế mạng để cứu sống trong thời thế chiến thứ hai 1939-1945. Câu chuyện xảy ra như sau.


Một ngày cuối tháng 7 năm 1941, nơi khu 14 của trại tù đức-quốc-xã ở Auschwitz, bên Ba-Lan, một tù nhân trốn khỏi trại. Theo luật trại: cứ một tù nhân vượt ngục thì 10 tù nhân khác cùng khu phải chết thay. 10 người này sẽ bị đưa vào hầm và bị bỏ đói đến chết.


10 tù nhân trong khu 14 bị gọi tên ”đền mạng”. Trong bầu khí im lặng hãi-hùng, một tiếng khóc thất vọng não nề vang lên:


- Chúa ơi, con không bao giờ còn được trông thấy mặt vợ và các con của con nữa!

Tức khắc, trong đám tù nhân khu 14, một tù nhân rời khỏi hàng ngũ, tiến về phía viên chỉ huy người Đức tên Fritsch. Fritsch giơ cao họng súng vừa đe dọa vừa quát lớn:


- Đứng lại! Ông muốn gì?


Tù nhân đáp:


- Tôi muốn chết thay cho một trong các tù nhân bị kết án tử này!


Viên chỉ huy kinh-ngạc hất hàm hỏi:


- Tại sao?


Tù nhân vừa giơ tay chỉ vào người đàn ông khóc lóc thảm thiết ban nãy vừa trả lời:


- Bởi vì tôi độc-thân, còn ông ta lập gia đình và có con cái!


Viên chỉ huy người Đức hỏi thêm:


- Ông là ai?


Tù nhân khoan thai trả lời:

 

- Tôi là Linh Mục Công giáo!


Mọi người im lặng nín thở. Viên chỉ huy người Đức thật sự sững-sờ, lúng-túng. Ông tránh vội cái nhìn như bốc cháy ngọn lửa tình yêu của vị Linh Mục Công Giáo. Ông đáp cộc cốc:


- Được!

 

Vị Linh Mục Công Giáo đó chính là Cha Massimiliano Maria Kolbe (1894-1941), thuộc dòng Phanxicô Viện-Tu, người Ba Lan.


Cha Kolbe còn là vị tông đồ nhiệt thành truyền bá lòng sùng kính Đức Trinh Nữ MARIA, Vô Nhiễm Nguyên Tội và Vẹn Tuyền Chí Thánh. Lúc sinh thời, có lần Cha Kolbe nói tiên tri:


- Sẽ có một ngày quý vị trông thấy bức tượng Đức Mẹ Vô Nhiễm đứng giữa trung tâm thủ đô Moscou, trên tường thành cao nhất của điện Cẩm-Linh.


Khi tắt thở ngày 14-8-1941, Cha Massimiliano Kolbe hưởng dương 47 tuổi và là tù nhân với ký số 16.670. Tù nhân được Cha Kolbe hiến mạng chết thay là trung sĩ Franciszek Gajowniczek - tù nhân dưới ký số 5.659 - năm ấy đúng 40 tuổi, có vợ và hai con.


Ông Franciszek Gajowniczek đã sống sót - mặc dù phải chịu không biết bao nhiêu khốn cực của trại tập trung Auschwitz. Khi chiến tranh chấm dứt, ông trở lại gia đình, nhưng chỉ gặp được vợ hiền. Hai đứa con đã tử thương trong thời chiến.


Năm 1948, khi bắt đầu mở án phong chân phước cho Cha Massimiliano Kolbe - tử đạo vì tình yêu - ông Franciszek Gajowniczek là một trong những nhân chứng hùng hồn nhất.

 

Ngày 17-10-1971, ông Franciszek được diễm phúc tham dự Thánh Lễ tôn phong chân phước cho Cha Massimiliano Kolbe. 11 năm sau, Chúa Nhật 10-10-1982, ông lại tham dự Thánh Lễ tôn phong hiển thánh cho Cha Massimiliano Kolbe, vị Linh Mục Công Giáo đã hiến mạng sống chết thay cho một người cha gia đình.


Cụ già Franciszek Gajowniczek tận hưởng món quà sự sống Cha thánh Kolbe trao tặng trong vòng 54 năm trời. Suốt trong nửa thế kỷ, hằng năm cứ vào hai ngày 14 và 15 tháng 8, cụ Gajowniczek đến tham dự Thánh Lễ tại Niepokalanow, thành phố nơi Cha thánh Kolbe khởi xướng phong trào ”Đức Mẹ Vô Nhiễm”, từ năm 1927, chuyên cổ động việc sùng kính Đức Mẹ MARIA và loan báo Tin Mừng.

 

Ngày 15-3-1995, cụ Franciszek Gajowniczek được an táng nơi nghĩa trang trong tu viện Phanxicô Viện-Tu ở thành phố Niepokalanow, theo lời xin của cụ. Nơi nghĩa trang này có mộ của Cha Alfonso Kolbe, bào huynh của Cha thánh Massimiliano cũng như có ”ngôi mộ tượng trưng”, tưởng nhớ Cha thánh Massimiliano Maria Kolbe.


(Radio Giornale (RG) 14-3-1995) (Radio Vatican)

 

Text Box: CÂU CHUYỆN SUY TƯ

 

 


 

Cổ tích về Bóng Đêm


Ngày xưa, xưa thật là xưa, khi Bóng Đêm chiếm toàn bộ trái đất, Bóng Đêm tự cho mình là độc tôn, là duy nhất.


Thời gian dần trôi, bên cạnh Bóng Đêm còn có Ánh Sáng mặt trời, Ánh Sáng của những vì sao le lói. Bóng Đêm bây giờ không là duy nhất nữa. Phải chia sẻ khoảng không gian sống cho một kẻ có tên là Ánh Sáng.


Thế là Bóng Đêm rất ghét Ánh Sáng, ghét nhiều đến nỗi, Bóng Đêm chẳng thèm để ý đến Ánh Sáng nữa. Hễ ở đâu có Ánh Sáng thì Bóng Đêm quay lưng đi, chẳng cần nhìn làm gì, chẳng cần tiếp xúc với cái luồng sáng chói chang ấy.


Bóng Đêm là thế, có gì đó cô độc và lạnh lùng, vì muôn loài bây giờ chỉ thích Ánh Sáng thôi. Muôn loài vui chơi, đùa giỡn, sinh hoạt và lao động cùng Ánh Sáng. Còn khi Bóng Đêm đến, muôn loài chỉ muốn ngủ hoặc ngồi nhìn ngắm mà chẳng hề vui đùa với Bóng Đêm. Thế là đêm thật buồn, thật cô độc và lạnh lẽo. Từ khi Ánh Sáng xuất hiện, Bóng Đêm ghét Ánh Sáng, giận Ánh Sáng lắm, giờ đây Bóng Đêm tuyệt giao hổng thèm chơi với Ánh Sáng luôn và cũng chả thèm chơi với muôn loài. Mặc kệ, Bóng Đêm sẽ một mình lặng lẽ, sẽ chỉ chơi đùa, cô độc một mình Bóng Đêm thôi.


Một ngày mưa, khi Ánh Sáng bắt đầu le lói, cho đến khi tàn hẳn, thì mưa vẫn cứ rơi rơi hoài, chả hiểu nước đâu mà lắm thế. Đợi khi Ánh Sáng khuất xa, Bóng Đêm bước ra trong màn mưa đêm ảm đạm như thế, loanh quanh phủ đầy vạn vật, đột nhiên Bóng Đêm nghe tiếng khóc của một đứa trẻ...


Bóng Đêm chẳng quan tâm, ừ thì thế nào đứa bé ấy cũng đang khóc vì đang sợ Bóng Đêm đó sao. Cũng có thể nó khóc vì Ánh Sáng bỏ đi đấy, vì cả cơn mưa hôm nay. Bóng Đêm lầm lì ngắm nhìn đứa bé đang ngồi khóc ấy, sao mà đứa trẻ ấy cô độc thế nhỉ, đêm tối mà khóc thì chắc đi lạc rồi, chắc vì cả lạnh nữa, đêm thì bao giờ cũng lạnh mà. Mãi suy nghĩ vẩn vơ về đứa bé, Bóng Đêm không biết đứa bé đang nhìn mình chăm chăm. Đây là lần đầu tiên có người dám nhìn Bóng Đêm, làm sao mà nhìn thấy được, làm sao nhìn khi xung quanh Bóng Đêm chỉ đặc một màu đen đáng sợ.


Bóng Đêm quát:


- Không sợ đêm tối sao mà nhìn ta, ngươi đang khóc vì Ánh Sáng bỏ ngươi lại đúng không? Vì luyến tiếc đúng không?


Đứa bé vẫn khóc, nhưng cố gắng nói rằng:

 

- Bóng Đêm chẳng đáng sợ đâu, mà cũng chẳng khóc vì Ánh Sáng, em ghét Ánh Sáng nên em mới khóc thế này, sao đêm tối không dài mãi ra, sao Bóng Đêm không là vinh viễn, em khóc vì đêm tối trời mưa và chẳng muốn về nhà, vì muốn ngồi mãi với Bóng Đêm thế này! Để khóc thoải mái hơn!

 

Rồi chợt đứa bé la lớn "Ối", đứa bé đang chảy máu, chắc mưa tuôn xát vào vết thương. Bóng Đêm mủi lòng, bé thế kia mà sao nói thích đêm tối, lạ không. Có ai thích Bóng Đêm bao giờ?

 

Bóng Đêm đến bên cạnh đứa bé, nhìn vết thương, nhìn những giọt nước mắt nhỏ nhoi giữa màn mưa lạnh. Ôm đứa bé vào lòng, Bóng Đêm im lặng.

 

Đứa bé bắt đầu thút thít và nói:

- Em không muốn trời sáng, vì không muốn mọi người nhìn thấy vết thương trên người em, em ghét Ánh Sáng vì Ánh Sáng làm mọi người chê cười em, trong Ánh Sáng em phải không được khóc, khóc thì bị chê cười, chế nhạo, xấu hổ lắm. Trong Ánh Sáng em phải cố tỏ ra mạnh mẽ, nhưng em vẫn chỉ là đứa trẻ thôi mà... Chẳng có điều gì của Ánh Sáng làm em vui cả. Trong Ánh Sáng người ta sẽ dễ dàng nhận ra em và mang cho em nhữngg vết thương lớn nhỏ, mà thế thì, mẹ sẽ nhìn thấy, mẹ sẽ đau lòng lắm.

 

À, Bóng Đêm hiểu rồi, Ánh Sáng làm lòng đứa bé đau đớn, nên nó cần đêm tối để giấu mình. Khi bị tổn thương thì nó trốn vào một góc thật kín, thật tối, để không ai biết, không ai nhìn thấy, và dùng Bóng Đêm để an ủi sự yếu đuối của chính mình. Bóng Đêm trầm ngâm, không dưng Bóng Đêm thấy lòng mình buồn buồn, đứa bé khóc mãi thế này, đêm tối lạnh lắm, vết thưong sẽ đau hơn... Và rồi, lần đầu tiên Bóng Đêm nhớ đến Ánh Sáng. Muốn Ánh Sáng đến mau để đưa đứa trẻ này về, soi đường cho nó, soi rõ vết thương để mẹ nó chăm sóc.


Bóng Đêm dùng hết sức làm cho màn đêm dịu dàng hơn, để đứa trẻ nằm ngủ... rồi dùng cái cell phone mà Ánh Sáng cho (Ánh Sáng bảo có lúc ngủ quên thì gọi dậy, hoặc tiện liên lạc, Bóng Đêm mà thèm gì cái cell phone, nhưng giờ là lúc cần thiết).


- Alô, Ánh Sáng hả? Đừng ngủ nữa, đến ngay với Bóng Đêm!


Quái lạ thật, lần đầu tiên nghe giọng Bóng Đêm, gì mà dịu dàng thế, mà hiền nữa, đâu như Ánh Sáng, hay bị nói rằng giọng dở tệ, thì giọng Ánh Sáng buổi sáng phải khác buổi trưa, khác buổi chiều chứ đêm thì có một buổi thôi mà.


Ánh Sáng vội đến, mang luồng sáng le lói đến cạnh đứa bé, một chút ấm áp, xua cơn mưa kì quặc. Đứa bé khẽ co mình ngủ tiếp .


Bóng Đêm nhìn Ánh Sáng nói:


- Hãy soi đường cho đứa bé về với mẹ, soi cho vết thương chảy máu kia khô lại và liền sẹo lại mau mau nghen.


Rồi Bóng Đêm từ từ quay lưng bỏ đi, Ánh Sáng nhìn theo và nói:


- Là đứa trẻ thì được quyền có sự che chở, muôn loài vạn vật cũng thế. Đừng vì mình là Bóng Đêm, không ai trông thấy mà tưởng mình không cần che chở, hãy gọi cho Ánh Sáng khi đêm quá dài và lòng trống rỗng, ai cũng yêu Bóng Đêm cả, vì chỉ có đêm tối ngưòi ta mới biết yêu quí nhau hơn, đêm tối là ngọn nguồn của yêu thương. Con người ai cũng có một góc tối nào đó trong lòng mình, chính nơi này người ta biết làm sống lại những niềm vui của cuộc đời. Chẳng bao giờ Bóng Đêm cô độc cả, biết không?


Bóng Đêm im lặng, mường tượng như Bóng Đêm khóc, vì Ánh Sáng thấy từ khóe mắt Bóng Đêm có những giọt nước mắt rơi ra mà. Mà tại sao Bóng Đêm khóc thì có lẽ chỉ có Ánh Sáng biết mà thôi, những giọt nước mắt ấy long lanh trong những tia sáng ban mai. (Mà sau này người ta gọi những giọt nước mắt ấy là những giọt sương).


Buổi sớm ấy chung quanh đứa trẻ là những hạt sương đêm lấp lánh, rồi Ánh Sáng khẽ khàng hôn nhẹ, và lau khô những giọt nước mắt của Bóng Đêm.


Và ngày nào cũng thế, hễ Bóng Đêm buồn và muốn khóc, Ánh Sáng sẽ lại đến và lau khô những giọt nước mắt ấy, để Bóng Đêm không còn cô đơn, buồn bã nữa.


Có những câu chuyện là ước mơ của chính người kể, và ai cũng mong muốn sau đêm tối ta sẽ được an ủi, yêu thương vào ngày hôm sau. Nếu muốn được an ủi, yêu thưong hãy sống chân thành với cảm xúc của chính mình.


(MR st)

 

Text Box: TÌNH YÊU – HÔN NHÂN – GIA ĐÌNH 
 


 

 

TIẾN VÀO TÌNH YÊU – CON ĐƯỜNG NÀO?

 

 

 “Sức mạnh vĩ đại nhất mà con người có trong tay chính là tình yêu ”

 Mahatma Gandi

Tuổi thanh thiếu niên là tuổi của tình bạn, và nhất là tình yêu chớm nở. Vậy làm sao giúp các bạn trẻ, con em quý vị, có được sự hiểu biết căn bản, đúng mức về:

 Thế nào là yêu?

Tình yêu được diễn tiến như thế nào?

Và làm sao cho tình yêu trở nên tốt đẹp?

 Quý vị có thể giúp con em đi vào đoạn đường êm đẹp này, và giúp chúng xây dựng hoặc tránh được một số thử thách hoặc sai lầm khi tiến vào kinh nghiệm yêu thương.

Sau đây là một số nguyên tắc để giúp các bạn trẻ đi vào mối quan hệ thân thương chân thật. Điều này cần thời gian, và quý vị không phải chờ đến lúc con em mình đã hoặc đang tập tễnh đi vào con đường tình ái rồi mới đề cập đến những vấn đề này, khi đó e rằng sẽ quá trễ rồi đấy!

Tuổi thanh thiếu niên cần biết về nhiều góc độ của tình yêu, và làm thế nào để có được tình yêu, cũng như hiểu được tầm quan trọng của việc dấn thân cho nhau. Làm sao cho con em mình biết khi nào thì chúng đang yêu và làm sao biết đối tượng mình cũng đang yêu nữa.

MỐI QUAN HỆ YÊU THƯƠNG LÀ GÌ?

 Nhiều bạn thanh thiếu niên nam nữ vẫn nhầm lẫn việc yêu thương và vấn đề tình dục. Một bạn trẻ sau khi đã có nhiều kinh nghiệm đau thương đã có lần chia sẻ:

“Không ai bảo cho em biết tình yêu và tình dục là hai điều khác nhau. Em lớn lên và em cứ nghĩ là em phải đáp ứng tình dục để được yêu. Em nghe nói nhiều về tình dục mà hiếm khi được nghe nói đến tình yêu”.

Tình yêu là một đề tài hấp dẫn đối với mọi người. Mỗi khi nói đến tình yêu thì đôi mắt mọi người hầu như đều thay đổi, hoặc ngời sáng lên, hoặc tối sầm lại, hay thẫn thờ xa vắng! Ngay cả các lão ông hoặc lão bà cũng còn có những cảm xúc vương vấn.

Tuổi thanh thiếu niên lại nhạy cảm hơn hết về lãnh vực này. Họ luôn thao thức muốn biết về tình yêu và muốn biết mình sẽ cảm thấy như thế nào khi yêu? Nhất là làm sao để có tình yêu?

Phía phụ huynh thường nghĩ con em mình là trẻ nít! Chúng còn quá nhỏ để nghĩ đến tình yêu, hay chuyện gia đình. Có khi phụ huynh còn nghĩ con em mình chỉ cần có kinh nghiệm, hoặc cứ lớn lên rồi sẽ hiểu. Đây là điểm nhạy đã làm gãy đổ nhiều cuộc đời ngay khi còn rất non trẻ. Chính vì con em không hiểu rõ, nên phụ huynh mới cần chú ý, cần giải thích và dạy bảo cho chúng. Đừng để cho con em quý vị mất đi cơ hội học biết cách hành xử và có những thái độ đúng đắn khi bước vào lãnh vực yêu đương.

 

Tuổi thanh thiếu niên là giai đoạn tốt đẹp nhất cần được chuẩn bị để nhập cuộc vào cái phần “Nhạy và Nóng ” nhất của đời người: Tình yêu !

 

 Nhiều sách vở đã đề cập về đề tài TÌNH YÊU, tuy thế cũng khó mà diễn tả cho hết mọi khía cạnh. Ỏ đây chúng ta chỉ nhắm đến việc giúp con em hiểu những điều rất cơ bản để chúng đi vào cuộc tình với ít sự ngỡ ngàng, hoặc tránh được một số sai lầm, hay là biết thưởng thức, biết tận hưởng hương vị của tình yêu mà thôi.

Trong lúc theo sát giúp đỡ con em, quý vị có thể bắt đầu hỏi han xem chúng nghĩ như thế nào về tình yêu? Về sự khác biệt giữa việc đang yêu một ai và được một ai đó đang yêu mình ? Khi biết ý nghĩ của con em, quý vị có thể chia sẻ sự hiểu biết và kinh nghiệm của chính mình. Giúp cho con em hiểu việc yêu anh chị em, yêu cha mẹ yêu bạn bè và việc yêu hoặc được một bạn khác phái yêu sẽ khác nhau làm sao? Có lẽ phụ huynh giải thích cho con em đại loại như thế này:

 “Khi con gặp một ai đó đặc biệt, đôi khi con cảm thấy bị lôi cuốn rất nhiều bởi người đó, làm cho con quan tâm và chú ý họ một cách sâu xa. Điều này có khi được cảm nhận ngay trong thân xác mình … đó có phải là yêu chưa? Chưa đủ để con có thể xác quyết mình đã yêu.

Tình yêu được chứng tỏ qua việc muốn thường xuyên gần gũi người đó. Con cảm thấy cảm xúc khi gần họ, cảm thấy ước muốn mạnh mẽ cho đi một cái gì của con. Và muốn tiến sâu hơn trong thân tình với họ. Con không muốn người đó chú ý đến ai khác ngoài con. Con muốn chăm sóc và lo lắng cho họ … Con cảm thấy nhớ khi xa, thấy rung cảm khi gần hay khi nghĩ tới họ. Cảm thấy họ đã chi phối tâm trí và trái tim con, có khi cả hành động của con nữa. Con cảm thấy thương và bị họ thu hút …!”

 Xin phụ huynh trấn an và làm sáng tỏ cho trẻ hiểu để chúng khỏi lo lắng băn khoăn nhiều. Quý vị còn chuẩn bị cho con em biết là nhiều lần, khi gặp gỡ người mình thương yêu, mình trở nên vụng về, vô duyên, nói năng vô nghĩa … nhưng đừng lo lắng quá, bạn sẽ hiểu được những gì chân thật phát xuất từ lòng con. Và xin nhắc nhở con em là tình cảm sẽ phát triển sâu xa hơn nếu đôi bạn có dịp gần, và trao đổi, tìm hiểu nhau nhiều hơn.

Có khi con em nghĩ là mình đã yêu, nhưng đó chỉ là cảm xúc hay chỉ là sự thu hút của phái tính. Vì thế, mà tuổi mới lớn cần thời gian, cần đi chậm chậm để hiểu đối tượng, cũng để hiểu chính bản thân mình nữa ; những khi trẻ đang có nhiều cảm xúc trỗi dậy, thì khó mà có thể định mức của tình cảm hay phẩm chất của tình yêu! Chậm là con đường chắc nhất để biết mình có tình yêu thật sự, hay mình đã được yêu thâm sâu chưa, hay chỉ là những bọt biển làm náo loạn cả một góc trời, vì nó khuấy động cảm xúc của mình rất mãnh liệt, nhưng thực chất chẳng có gì.

Vấn đề là phụ huynh cần giúp cho con em mình hiểu đâu là sự quan tâm, hoặc để ý tới một người , và đâu là yêu một người . Có lẽ với người này, mình đã để ý, đã quan tâm, nhưng với người kia mình mới cảm nhận được sự hòa hợp. Tìm một người bạn thì khác với tìm một người mà mình thật sự yêu.

Phụ huynh có thể giải thích cho con em biết Yêu là một cái gì tuyệt vời , là một kinh nghiệm mình cảm nhận được đối với một người, là sự dấn thân cho người đó, và làm nhiều điều cho người đó vui vẽ hạnh phúc …

 LÀM THẾ NÀO ĐỂ NHẬN RA TÌNH YÊU THẬT?

 Các bạn thanh thiếu niên thường hỏi:

 Làm sao mà biết là mình đang yêu, hay đang được yêu?

 Nhiều người đã giải thích về tình yêu chân thật như sau:

 “Yêu là tưởng tượng mình sẽ sống cho đến già với người ấy, là kinh nghiệm suốt cuộc sống với người ấy, là có con cái với họ, là trải qua những thăng trầm trong cuộc sống với họ, là kinh nghiệm vui buồn, sướng khổ, đau ốm khỏe mạnh với nhau, là sống còn với nhau …”

“Yêu là thích nghĩ đến người đó, cảm thấy rung động khi nghĩ đến họ. Muốn hy sinh cho họ, hai bên quan tâm chia sẻ và lo lắng cho nhau …”

“Yêu là khi mình hoàn toàn tự nguyện sống với người đó, bất kể hoàn cảnh sẽ ra sao, dù họ đau ốm, họ nghèo, hay đang gặp nhiều khó khăn …”

“Yêu là giống như khi ba lẽo đẽo theo má đi sắm đồ dù ba chẳng muốn, chẳng cần gì, chỉ cần đi với mẹ thôi”.

“Yêu là giống như dì An mỗi ngày dù bận bịu, vẫn vào nhà thương thăm chú Bình, vì chú đang bịnh”.

“Yêu là khi mình muốn làm cho người kia vui vẻ hạnh phúc, và người kia muốn làm cho mình sung sướng”.

“Yêu là khi mình chấp nhận người khác không hoàn hảo, họ có những khiếm khuyết và khác biệt với mình”.

“Yêu là khi hai người mở lòng cho nhau, nói cho nhau về những gì mình đang cảm và nghĩ, nói “em yêu anh”, hay “anh chỉ mưốn có một mình em thôi”với hết lòng chân thành”.

“Yêu là khi người ta nói cho nhau biết những gì đang làm họ lo sợ, đang hy vọng, đang ước mơ, đang dự tính ...”

“Yêu là khi thấy những lời mà hai người đã nói với nhau được thể hiện qua hành động cụ thể”.

“Yêu giống như khi ba và má tỏ với nahu những cử chỉ âu yếm, kể cho nhau nghe những gì xảy ra trong ngày, trong công việc và diễn tả qua nhiều cử chỉ yêu thương khác nữa …”

“Yêu là khi tin tưởng vào nhau, dù chưa thấy hiển nhiên”.

“Yêu là nghĩ tốt cho nhau, là hiểu thiện ý của nhau”.

“Yêu là muốn và làm những điều tốt cho người kia, dù mình phải hy sinh một phần nào đó của mình, thì giờ, sức lực …”

“Yêu là khi cùng nhau bàn luận, tìm kiếm, hoạch định chương trình sống, cách dùng tiền bạc … cách làm sao cho mỗi người trở nên tốt hơn, hay tiến hơn về phương diện này hay phương diện khác”.

 Còn biết bao điều khác nữa mà phụ huynh có thể gợi ý cho con em nghĩ và nói ra , hoặc tìm cách cho con em thấy được những thí dụ về tình yêu cụ thể trong cuộc sống của những người chung quanh. Khi biết nhận định và thấy những gương sống, những bằng chứng cụ thể thì chúng sẽ hiểu dễ hơn và được thuyết phục hơn về mặt giáo dục.

Phụ huynh cũng có thể lấy những câu ca dao, tục ngữ hay thơ văn hoặc những chuyện nổi tiếng trong văn học hay phim ảnh, ca kịch … để giải thích, để bàn bạc và để nói chuyện với con em mình nữa.

Thanh thiếu niên sẽ nhạy cảm hơn rất nhiều với những gương sống quanh mình về mối quan hệ, về yêu thương … và nếu chúng được thấy ngay trong gia đình mình những tấm gương trong sáng và cao đẹp của tình yêu mà ba má hoặc ông bà hay anh chị, cô chú … dành cho nhau nữa thì thật là tuyệt vời!!!

Thật sự tuổi thanh thiếu niên sẽ không bận tâm nhiều về tình dục, hay dấn thân sớm vào con đường ấy nếu chúng có được sự tôn trọng và quý mến thân tình, riêng biệt của một ai. Nếu ba má và tình cảm gia đình thật ấm áp và thân thương thì con em quý vị sẽ có nhiều cơ may tránh được những vướng mắc, lấn cấn của tình yêu, tình dục của tuổi mới lớn. Nhiều lúc trẻ cần tình yêu, cần sự quan tâm và rồi tìm kiếm … nhưng khi tìm kiếm, chúng lầm lẫn tình yêu với tình dục. Quý vị có thể giúp con em nhiều hơn về phương diện này, nếu quý vị chú ý hơn đến nhu cầu tình cảm và sinh lý, tâm lý của tuổi trẻ. Nhất là giữ cho bầu khí gia đình luôn ấm áp, thân thiện và đầy sự quan tâm.

 

 

 M. Thécla Trần Thị Giồng – Dòng Đức Bà

TS Tư Vấn Tâm Lý

 

Làm thế nào để thật sự lắng nghe con bạn?

 

Nghệ thuật lắng nghe quả là rất khó, nhất là khi đối tượng nói lại dường như buộc phải chịu sự chi phối của bạn về mọi mặt.


Thế nhưng đây lại là chiếc chìa khóa cần thiết để mở ra mối quan hệ tốt đẹp giữa phụ huynh và con cái.

Một khi bạn chịu lắng nghe con mình, bạn sẽ nắm rõ vấn đề con bạn mong muốn và như vậy khỏi mất công đoán mò hoặc có những động thái mang tính áp đặt - không tốt cho tâm lý và tình cảm của cả hai phía. Vậy, lắng nghe như thế nào? Lắng nghe tích cực bắt đầu bằng thái độ, bạn sẽ trở thành người “biết nghe” tốt nếu bước vào cuộc trò chuyện với những gợi ý sau:


1. Bạn phải thật sự muốn nghe và có thời gian dành cho việc lắng nghe những gì con bạn cần chia sẻ. Nếu bạn chưa thật sự sẵn sàng, tốt nhất nên cho con bạn biết: “Ba/mẹ rất muốn nghe câu chuyện của con, nhưng quả thật lúc này đang bận quá. Sau 2 tiếng nữa ba/mẹ sẽ hoàn tất công việc. Vậy chúng ta có thể quay lại câu chuyện của con vào lúc đó chứ? Hy vọng con sẽ thông cảm nhé”!


Chắc chắn chẳng đứa con nào lại cố tình phá bĩnh công việc của ba/mẹ nó bằng câu chuyện của mình, ngược lại biết đâu con bạn lại đề nghị được giúp bạn một tay để sớm hoàn thành công việc của bạn - đồng nghĩa với việc bạn sớm quay lại, dành trọn sự quan tâm của bạn cho nó. Tuy nhiên, vẫn nên luôn sắp xếp công việc sao cho có thể dành ưu tiên cho các tâm sự của con cái.


2. Bạn cần có thái độ cầu thị tích cực, biết chấp nhận ý kiến của người khác dù nhỏ hơn mình. Nếu bạn cảm thấy điều con bạn sắp tâm sự là chuyện vớ vẩn, con nít hay “sao ngu thế? Bằng tuổi mày tao chẳng bao giờ có suy nghĩ/làm như vậy bao giờ!”, khả năng lắng nghe của bạn sẽ bị chi phối rất nhiều bởi những cảm xúc tiêu cực đang dấy lên trong lòng bạn. Nó sẽ biến cuộc trò chuyện lẽ ra cởi mở, học hỏi thành “giờ lên lớp” độc thoại đầy bất công cho con bạn.


3. Bạn cần có niềm tin vào khả năng tự giải quyết vấn đề của con cái. Đây là một trong những “vấn nạn” dai dẳng nhất mà các bậc phụ huynh khó có thể thông qua. Thường bạn sẽ: “nó sẽ chẳng thể nào làm gì ra hồn nếu không có sự giúp đỡ của mình, hoặc nếu cố lắm cũng chỉ làm bừa mà thôi.” Hãy nhường bớt “sân” lại cho con cái, chỉ đưa ra những lời khuyên gợi mở và động viên đúng đắn, tích cực và để con bạn tự mình tổng hợp rồi tìm ra hướng giải quyết riêng.


Sau đây là những kỹ năng bạn cần tập cho mình để những gợi ý bên trên không chỉ là gợi ý:


1. Lắng nghe “cái nền” của thông điệp con bạn đang truyền tải. Cố tìm điểm chính của vấn đề và lặng lẽ xác định những tâm tư tình cảm ẩn đằng sau chúng.


2. Nhắc lại tâm sự mà con bạn vừa thổ lộ một cách ngắn gọn và súc tích, đừng quên nhấn vào những điểm chính và cảm xúc chất chứa bên trong lời của con bạn (theo ý bạn hoặc may mắn đúng ngay ý của con bạn). Chẳng phải chúng ta vẫn thường được khuyên nên lặp lại câu hỏi hay ý kiến của người khác trước khi đưa ra ý kiến của mình sao?


3. Khi lặp lại bạn nên chú ý đến ngôn ngữ của cơ thể. Nếu bạn áp dụng đúng các biểu hiện về cảm xúc thông qua cử chỉ, điệu bộ con bạn chắc chắn sẽ cảm thấy thỏa mãn và trân trọng quá trình lắng nghe, sự tinh tường của bạn. Nếu cảm thấy mình chưa nắm rõ vấn đề của con khiến cho việc lặp lại không đúng như mong đợi, đừng ngại ngần hỏi con mình, có thể là: “Điều ba/mẹ vừa nói có đúng ý con không?”


4. Sau cùng, đừng “mất mặt” nếu con bạn “chỉnh” rằng chưa đúng. Sẽ không ai trách bạn trong việc hiểu sai một vấn đề nhưng lại phiền lòng nếu bạn không dũng cảm đối mặt với sai sót của mình rồi tìm cách khỏa lấp, áp đặt.

 

Theo Webgiadinh

Text Box: ĐỌC SÁCH 
 

 

 


 

VỤN VẶT SUY TƯ

 

 KHÔNG NGỜ

 

 

1. Không ngờ 1.

 Mình đi làm lễ Chúa nhật ở Cây Bốm, cách nhà thờ Cái Rắn chừng 12 cây số. Trên đường về có một người đàn bà ngoắt tay liên hồi. Mình đoán là bà muốn quá giang. Mình ra lệnh cho tài công ghé bờ.

- Chị muốn quá giang tới đâu?

- Hổng có. Tôi mời ông cha lên nhà, tôi có chuyện muốn bàn với ông cha.

- Mười phút thôi nha. Tôi đang bận dữ dội.

- Ong cha vô nhà trước. Có chồng tôi ở nhà. Tôi đi kêu tụi nó.

Hơn một chục cái đầu hớt tóc sơ sài. Dăm cái đầu để tóc ngắn không rẽ đường ngôi. Mình tò mò hỏi:

- Sao, bà con có chuyện gì? Nói thử nghe coi.

- Hết cái xóm này muốn theo đạo ông cha. Chừng nào ông cha mở khóa giáo lý, thì cho tụi tôi hay.

- Chu cha! Tại sao bà con muốn theo đạo của tôi? Phải nghiên cứu cho kỹ, kẻo lỡ gặp đạo xấu thì kẹt. Đi hỏi vợ cũng phải tìm hiểu, kẻo lỡ lấy phải bà chằn lửa thì tiêu đời.

            - Hổng có đâu. Đạo nào cũng dạy ăn ngay ở lành. Mà đạo của ông cha thì ưu điểm.

            - Được rồi. Để tôi báo cho chánh quyền hay trước rồi sẽ mở khóa sau. Đạo đời phải rành rọt đâu vào đó …

***

 2. Không ngờ 2. (Trích nhật ký truyền giáo)

Sơn Tây ngày 18 tháng 10 năm 1990

Sáng nay mình đến Tuy Lộc dâng thánh lễ đồng tế với cha xứ nhân ngày bổn mạng họ đạo. Nhà thờ nhỏ xíu. Không có phòng thánh. Ao lễ dọn ngay trên bàn thờ. Mình đang mặc áo thì cha xứ ghé tai nói nhỏ:

- Piô giảng nhá.

- Dạ.

Miệng thì dạ, mà lòng thì băn khoăn. Có nên giảng ở đây không? Điều gì nên nói? Điều gì nên suy gẫm một mình? Nội dung bài Tin Mừng hôm nay là “lên đường truyền giáo”. Mình không dám nói chuyện truyền giáo “hôm nay”, nên chỉ duyệt lại một khúc truyền giáo “hôm qua”: vấn đề thờ cúng tổ tiên.

Dẹp bàn thờ ông bà là một sai lầm có tầm mức chiến lược, nhưng là một sai lầm gần như không thể tránh được. Lý do:

 a. Lúc ấy hai nền văn hóa Đông–Tây mới gặp nhau, không thể hiểu được nhau. Bà Pear Buck minh chứng điều đó bằng câu chuyện sau đây:

Có một ông Tây vào nhà hàng ở Thượng Hải để “ăn cơm Tàu” sau khi đã được ở nhà Tây. Ong Tây đang ăn ngon miệng, thì bỗng khựng lại, lợm giọng … Ở bàn kế bên, một thực khách Tàu lâu lâu lại nhổ toẹt nước miếng xuống nền gạch bông. Cầm lòng không đặng, ông Tây bèn lên lớp:

- Người Tàu dơ dáy quá! Nhổ nước miếng xuống đất là bất lịch sự, là làm mất vệ sinh chung.

- Nước miếng dơ, nên người Tàu phải nhổ xuống đất. Như thế là đúng. Còn người da trắng các ông lại nhổ nước miếng vào trong khăn gói lại rồi cất trong túi quần. Như thế mới mất vệ sinh.

- ?!

Các vị thừa sai thời ấy không thể hiểu nổi danh từ ĐẠO và danh từ THỜ trong tiếng Việt Nam. ĐẠO đối với họ chỉ có một nghĩa là TÔN GIÁO. Động từ THỜ của họ chỉ dành cho Thiên Chúa mà thôi. Còn trong tiếng Việt Nam, thì ĐẠO vừa có nghĩa là TÔN GIÁO vừa có nghĩa là cách đối xử: Đạo Vua-Tôi; Đạo Cha-Con; Đạo Vợ-Chồng; Đạo bằng hữu. Động từ THỜ trong tiếng Việt Nam vừa có nghĩa là tôn kính Thượng Đế và thần thánh, vừa có nghĩa là trung thành, chung thủy, hiếu thảo … Dân trung thành với vua, vợ chung thủy với chồng, con hiếu thảo với cha mẹ, đều có thể dùng một động từ THỜ. Ong Phan Văn Trị đã nhắc nhở Tôn Thọ Tường như sau:

“Anh hỡi, Tôn Quyền, anh có biết:

Tôi ngay THỜ chúa, gái THỜ chồng!”

Đạo Công giáo là đạo độc thần, nên các vị thừa sai không thể cho thờ ông bà được. “Chỉ thờ một Chúa mà thôi” (Lc 4,8; Đml 6.13). Các vị thừa sai lầm là thế, mà đúng cũng là thế.

 b. Thời ấy người ta tin ông bà về ăn đồ cúng của con cái.

 Niềm tin này được thể hiện rõ trong ngày “xá tội vong nhân”. Có những bà đạo đức nấu một nồi cháo lớn cho hai đầy tớ khiêng. Còn bà thì đi theo, múc từng muổng cháo để vào lá mít để hai bên đường. Đó là phần bố thí bà dành cho những linh hồn mồ côi. Niềm tin này không phù hợp với giáo lý Công giáo, nên người theo đạo Chúa không được cúng cơm cho người quá cố.

Từ đó sinh ra biết bao hiểu lầm giữa người đạo và người lương. Người lương trách người đạo là bất hiếu, còn người đạo không những không bất hiếu mà còn nhờ cả Giáo hội báo hiếu hộ mình bằng cách xin họ đạo dâng lễ cầu nguyện cho ông bà, cha mẹ … Lúc ấy cấm cúng giỗ là đúng.

Ngày nay các Giám mục Việt Nam đã điều chỉnh lại toàn bộ việc thờ cúng ông bà. Thờ cúng ông bà là văn hóa văn tộc và người tín hữu được tích cực tham gia mọi nghi lễ thờ cúng ông bà …

Bài giảng của mình làm mọi người chưng hửng, ngơ ngác. Mình ở lại ăn cơm với họ đạo. Cha xứ không nói gì về bài giảng. Giáo dân cũng chẳng phát biểu gì. Bài giảng rơi tõm xuống sông …

Sơn Tây ngày 26 tháng 10 năm 1990

Mình đang sửa soạn đi ăn cơm, thì bà phước ghé tai, nói nhỏ:

- Cha có khách.

- Ai thế?

- Bốn ông cán bộ hưu ở Tuy Lộc.

- Chết cha tôi rồi. Chắc là có vấn đề. Chị có đoán được là họ muốn gì không?

- Con không biết. Họ nói là họ muốn trao đổi với cha về bài giảng của cha đấy.

- Bài giảng của tôi hiền khô à. Chuyện một trăm năm về trước ấy mà.

- Cha ra đi. Con bưng nước ra sau.

Mình đi thật chậm, và muốn có một không gian vô tận để đi mãi mà không tới.

- Chào linh mục.

- Chào các ông.

- Bài giảng của linh mục được thu băng, phổ biến khắp xã. Chúng tôi không đi lễ mà cũng được nghe.

- Các ông thấy có vấn đề gì không? Ai thu băng thì tôi không hề hay biết. Nếu biết thì tôi không cho thu băng.

- Bài giảng của linh mục có rất nhiều vấn đề mà từ xưa đến nay chúng tôi chưa được biết. Chắc là linh mục có băn khoăn về việc chúng tôi đến thăm linh mục hôm nay. Tôi xin nói ngay để linh mục an tâm. Nhờ bài giảng của linh mục, chúng tôi mới hiểu tại sao người Công giáo không thờ cúng tổ tiên. Bây giờ, hiểu rồi, chúng tôi đến đây để xin … học đạo.

Hai cái “không ngờ” đưa mình đi đến kết luận:

Hội nhập văn hóa là khẩn trương. Bỏ bàn thờ ông bà là một sai lầm lớn lao, là hàng rào cản khiến lương dân không thể theo đạo Chúa. Chính người truyền giáo đã dựng lên hàng rào cản ấy. Đau quá!

Truyền giáo chỉ là trình bày tình yêu của Thiên Chúa được ngỏ bày trong tình yêu Đức Giêsu Kitô. Đức Giêsu yêu thương cách đặc biệt: người ngoại, người tội lỗi, người nghèo và bệnh tật. Cứ yêu như thế thì lương dân sẽ đón nhận Tin Mừng một cách ồ ạt.

 

Lm. Piô NGÔ PHÚC HẬU

 

Text Box: THƯ GIÃN CUỐI TUẦN 
 

 

 


 

Ðặc Biệt Giảm Giá

Có một Cha xứ nọ bận đi chơi xa vài bữa, bèn nhờ một vị sư bạn của ông ngồi toà giải tội giùm vào thứ Bảy cuối tuần. Vị sư nói là ông không biết giải tội ra sao . Vị linh mục bèn kêu ông vào toà giải tội với ông để học cách giải tội . Một lúc sau có một ông vào quỳ trước toà và xưng tội :
- Thưa Cha con có phạm tội ngoại tình 3 lần .
Vị linh mục nói:
- Con bỏ vào thùng cho kẻ nghèo ở cuối nhà thờ 5 đồng và đọc 50 chục kinh "Kính mừng"
Ông kia đi ra và vị linh mục nói với vị sư:
- Giải tội dễ ẹt ông thấy chưa.
Thế là thứ bảy vị sư ngồi vào toà giải tội thay cho ông Cha xứ .
Một lúc có một bà kia vào xưng tội:
- Thưa cha con có phạm tội ngoại tình
Ông sư hỏi:
- Mấy lần
- Dạ thưa Cha chỉ có một lần thôi ạ.
Vị sư bèn nói:
- Ði làm thêm hai lần nữa đi rồi về đây bỏ vào thùng cho kẻ nghèo 5 đồng . Tuần này giảm giá đặc biệt làm 3 lần chỉ tốn 5 đồng mà thôi.

 

Liều Mình

Hai người bạn ngồi tán dóc và ôn lại những chuyện tình trong qúa khứ.
- Mày biết không hồi đó có một cô gái xinh đẹp đã tự tử vì tao đó mày biết không vậy ?
- Xạo! Mặt mày như vậy mà có một cô gái xinh đẹp chết vì mày sao?
- Ồ, thì ba mẹ cô ấy gả cổ cho tao, thế là cổ nhảy luôn xuống sông và nói: "Tôi thà chết còn hơn lấy thằng chả".

 

 

Diệu Kế

Người con đưa cha đến gặp bác sĩ .
Sau khi khám bệnh, bác sĩ nói là người cha bị bệnh ung thư rất nặng và chỉ sống được 3 tháng nữa thôi . Trên đường về nhà người cha nói với con ghé vào quán rượu gần nhà để uống chút đỉnh vì đàng nào ông ta cũng sắp chết rồi.
Trong quán rượu ông ta nói to với mọi người là ông ta sắp chết vì bệnh AIDS . Sau khi ra khỏi quán, người con hỏi:
- Tại sao ba lại nói là ba sẽ chết vì bệnh AIDS thay vì ung thư ?
- Thì tao không muốn thằng nào léng phéng với mẹ mày sau khi tao chết.

Text Box: Trang Nhà Tin vui (website)  http://www.tinvui.org
Thư từ, ý kiến, và bài vở xin gửi  về  bantreconggiao@yahoo.com
Muốn nhận báo cũ và mới xinQuý Vị gửi về tinvuivietnam@gmail.com.
CHÂN THÀNH CÁM ƠN
?¶?