Số 53 CN 24.09.2006
TOC \o "1-3" \h \z \u Chúa Nhật XXV Thường Niên B
Ngày 24/09/2006 PHỤC VỤ KHIÊM TỐN
Vài cảm hứng TỪ THƯ MỤC VỤ HĐGMVN .... (2006)
Chia sẻ với em: ''Linh mục, Chúa Ki-tô thứ hai''. (tiếp theo)
Bài Tin Mừng: Mc 9,30-37
Nếu chúng ta là người đang theo dõi cuốn phim về cuộc đời Đức Giêsu, chúng ta sẽ thấy Chúa phải kiên nhẫn huấn luyện đức tin cho các môn đệ như thế nào! Trong cảnh Tin Mừng Chúa Nhật XXIV tuần trước, Đức Giêsu đã đặt câu hỏi để các ông nhận Chúa là Đức Kitô để báo trước về cuộc khổ nạn và phục sinh của Chúa; đồng thời đòi hỏi những ai muốn theo làm môn đệ của Chúa phải từ bỏ mọi sự, vác thập giá mình hằng ngày. Các ông đã phản ứng vì đối với các ông hai thực tại: Đức Kitô và thập giá hoàn toàn mâu thuẩn nhau. Sang cảnh Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay, Chúa lại báo trước cuộc thương khó và sống lại của Chúa lần thứ hai, cùng một câu nói giống như lần trước: “Con Người sẽ bị nộp vào tay người đời, họ sẽ giết chết Người, và ba ngày sau khi bị giết chết, Người sẽ sống lại”. Nhưng hầu như các ông không hiểu được và sợ không muốn hiểu. Ngược lại các ông vẫn tiếp tục bàn về vai trò và địa vị là chính mục đích trần thế mà các ông muốn có khi theo Chúa, vì khi đi đường các ông đã tranh luận với nhau: Ai là người lớn nhất trong nước của Chúa? Lần này các ông không bị la nhưng được nghe một bài học về tinh thần phục vụ trong khiêm tốn và mặc lấy trái tim của Chúa để biết quý trọng những người nhỏ bé trong cộng đoàn.
1. Tham vọng phá vỡ tình yêu.
“Dọc đường anh em đã bàn tán điều gì vậy?” Thay vì khiển trách, Đức Giêsu đã đặt câu hỏi để các ông tự nghĩ lại về tham vọng địa vị của mỗi người đã dẫn đến cuộc tranh luận hơn thua về chỗ ngồi cao thấp bên cạnh Chúa. Mặc dầu Tin Mừng không nói tới, nhưng chúng ta cũng có thể tưởng tượng đến những căng thẳng bất hòa trong mối tương quan huynh đệ giữa các ông.
Đời sống Kitô hữu trong gia đình cũng như nơi giáo xứ và xã hội, luôn được mời gọi xây dựng mối tương quan bình an và hòa hợp với mọi người để trở nên chứng nhân tình yêu cứu độ của Thiên Chúa. Nhưng nơi lòng mỗi người chúng ta cũng như các môn đệ, vẫn còn nổi lên những tham vọng qui kỷ, muốn điều gì đó hơn người khác, nên trong từng gia đình, từng cộng đoàn Kitô hữu đều được mời gọi lắng nghe Lời Chúa để được chữa lành bệnh kiêu ngạo, căn bệnh luôn phá vỡ tình yêu thương giữa con người với Thiên Chúa và với nhau.
Câu chuyện sa ngã của hai nguyên tổ là một minh họa cụ thể: Sách Khởi nguyên ghi lại mối tình thân mật giữa Thiên Chúa và hai nguyên tổ đi dạo bên nhau mỗi buổi chiều, nhưng khi ma quỷ gieo vào lòng ông bà ý đồ muốn biết mọi sự như Thiên Chúa, rồi sau khi đã quyết định phá vỡ giao ước với Thiên Chúa, hai ông bà đã lánh mặt Thiên Chúa và bị đuổi ra khỏi vườn địa đàng. Tiếp đến là tham vọng của Cain đã dẫn đến cái chết của Abel; và tất cả những cuộc tranh chấp trong lịch sữ dân Chúa cũng như thế giới hiện tại đều là kết quả tham vọng của ai đó và nhóm người nào đó muốn làm đầu thiên hạ mà không phục vụ yêu thương.
2. Lãnh đạo bằng phục vụ.
“Ai muốn làm người đứng đầu thì hãy làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người ”. Quan điểm của Đức Giêsu nghe khá ngược đời, nhưng luôn là một phương thế hữu hiệu nhất để giúp một tập thể sống bình an, hòa hợp với nhau. Mặc dầu mối tương quan trong gia đình hiện nay có khá nhiều khủng hoảng, nhưng từ bản chất của tình yêu, hôn nhân, gia đình vẫn luôn là tinh thần phục vụ những người thân yêu một cách thoải mái, nhẹ nhàng, vui tươi và hạnh phúc! Nếu không như thế thì không phải là gia đình hạnh phúc, không phải là những người cha mẹ đúng nghĩa và lý tưởng cho con cái.
Thực sự, mối tương quan an bình trong một gia đình hạnh phúc luôn là kết quả đời sống hy sinh, quên mình, phục vụ của cha mẹ cho nhau và cho con cái. Tất cả đều diễn ra một cách tự nhiên, âm thầm, lập đi lập lại, chăm sóc từng bữa ăn, quan tâm từng giấc ngủ, những cử chỉ ân cần khi đau bệnh, không bao giờ tính toán hơn/thiệt, kể công ít/nhiều; nhưng luôn sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của nhau trong tình yêu vì thực sự ai cũng muốn điều tốt nhất cho nhau. Thiết nghĩ, cách nhiệt thành phục vụ của các bậc cha mẹ thánh thiện trong gia đình, luôn là tấm gương cho tất cả mọi cộng đoàn, tập thể khác trong Giáo hội địa phương cũng như Giáo hội toàn cầu.
3. Tiếp đón trẻ thơ.
“Ai tiếp đón một em nhỏ như em này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy”. Trẻ nhỏ là một thành phần bé mọn không đáng kể trong gia đình cũng như cộng đồng, đặc biệt là quan niệm của người Do Thái lúc bấy giờ. Nhưng để dạy các môn đệ bài học phục vụ trong đức tin khi lãnh đạo dân Chúa, Đức Giêsu đã đồng hóa mình với trẻ nhỏ. Hơn nữa, Người còn muốn các ông nhận ra hình ảnh của Thiên Chúa trong tất cả những người thấp bé nhất giữa cộng đoàn: “… và ai tiếp đón Thầy, thì không phải là tiếp đón Thầy, nhưng là tiếp đón Đấng đã sai Thầy”. Đây là điều Đức Giêsu đã làm gương khi Người vâng ý Cha, chịu chết để cứu chuộc tất cả mọi người được dựng nên giống hình của Cha, ngay cả những người đang tham gia vào cuộc khổ nạn của Người.
Chiêm ngắm Đức Giêsu khiêm tốn sống với các môn đệ, và nhẫn nại giáo dục đức tin cho các ông, chúng ta sẽ được Chúa Thánh Thần cho thấy tình yêu của Thiên Chúa bao la dường nào! Chúa Thánh Thần cũng cho chúng ta, cảm được Thiên Chúa đang hiện diện bên cạnh chúng ta, cảm thông, tha thứ những lầm lỗi của chúng ta và thẳng thắn sửa dạy những tham vọng thuần túy nhân loại của chúng ta. Người luôn phục vụ và mời gọi chúng ta tiếp nối Người phục vụ với trái tim hiền lành và khiêm tốn của trẻ thơ.
Nữ tu Têrêsa Phạm Thị Oanh
Dòng Đaminh Tam Hiệp
Đức Hồng Y Sepe là một khuôn mặt quen thuộc và khả ái đối với giáo dân Việt Nam. Vào cuối năm ngoái, từ 28 tháng 12 đến 2 tháng 12, 2005, trong chức vụ Bộ trưởng Bộ Truyền Giáo, ngài đã đến Việt Nam thăm mục vụ ba Tổng giáo phận Hà Nội, Huế, Sài Gòn. Tại Hà Nội ngài đã cử hành lễ phong chức linh mục cho 57 đại chủng sinh của các giáo phận miền Bắc. Ngày 20 tháng Năm 2006 ngài được Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI bổ nhiệm làm Tổng giám mục giáo phận Naples (Napoli)(*). Ngài đã đến nhận nhiệm sở ngày 1 tháng Bảy vừa qua. Chúng ta hãy nghe tâm sự của ngài trong hai tháng nhận chức vụ mới, được ghi lại trong báo L’Espresso.
*
Dưới triều Đức Gioan Phaolô II, Đức Hồng Y Crescenzio Sepe là một nhân vật uy thế trong giáo triều Vatican. Trước hết ngài làm thẩm định viên tại Bộ Ngoai Giao Toà Thánh, rồi làm chưởng nghi các buổi lễ đại trào, và cuối cùng được vinh thăng hồng y và làm “giáo hoàng áo đỏ”, chức vụ mà người ta thường gọi vị Bộ trưởng Thánh Bộ Tin Mừng Hóa các Dân Tộc, có uy quyền trên cả ngàn giáo phận tại Châu Á và nam Bán Cầu.
Nếu một vị là người Mỹ La tinh được bầu làm Giáo Hoàng thì nhiều người cho rằng vị trí của ĐHY Sepe sẽ tiến cao hơn, chẳng hạn làm Bộ trưởng Ngọai Giao và giữ chức vụ cao thứ hai trên Giáo Hội hoàn vũ.
Nhưng Đức Bênêđictô XVI lại có những cách sắp đặt riêng của ngài. Ngài chỉ định Đức Sepe trở lại nơi mà ngài đã sinh ra tại đó 63 năm trước, dãy núi Vesuvius. Hai tháng qua, ngài nắm giữ chức vụ Tổng giám mục Naples.
Hỏi : Thưa ĐHY Sepe, tại Rôma, nhiệm vụ của ngài trải rộng khắp hoàn vũ, giờ đây đảm nhận chỉ có một thành phố, ngài có coi là qúa nhỏ?
ĐHY Sepe : Không hề như thế. “Cái toàn thể ở trong một phần”, nhà thần học thời danh Hans Urs von Balthasar đã nói như thế trong một cuốn sách nổi tiếng của ngài. Mỗi giáo phận trên thế giới đều thuộc về xứ truyền giáo, đều phải được rao giảng và tái truyền giảng Tin Mừng. Và điều này cũng đúng cho Naples một cách riêng.
H : Ngài có ý nói tới băng nhóm mafia, những băng đảng thiếu niên, và tội phạm lan rộng ở đây?
ĐHY : Dù điều này đã quá đủ để liệt kê Naples như là một sào huyệt. Đó là một thành phố đồi bại kinh khủng. Nhưng điều tệ hại hơn nữa là các công dân không có một lương tâm đủ mạnh để đương đầu với sự suy đồi này. Đức Gioan Phaolô II đã có lí khi viếng thăm đây, ngài đã tố giác sự thiếu vắng một nền văn hóa pháp lí. Giới trẻ lớn lên mà không có được một sự giáo dục thích đáng. Thay vì đề cao những người làm điều thiện, người ta lại cấu kết để làm điều ác.
H : Có phải đó là điều mà Đức Karol Wojtyla gọi là “tội xã hội” ?
ĐHY : Khi những hành vi xấu trở nên thâm căn cố đế, chúng biến thành những cơ cấu tội phạm, định ra một lối sống phản lại một xã hội chân chính. Chỉ có một con đường để lật lại tình trạng này: đó là thức tỉnh lại các lương tâm để cho mỗi cá nhân có thể trở thành tác nhân của sự giải phóng cho chính mình.
H : Ngài có kì vọng điều này từ phía chính quyền?
ĐHY : Mỗi người phải cố gắng, riêng phần mình phải tự cố gắng. Như tôi, trong vai trò giám mục trách nhiệm của tôi là rao giảng Tin Mừng, nhưng đức tin không phải là vấn đề thuần túy cá nhân. Đức tin chỉ chính thực nếu nó xây dựng trên một nhân cách hoàn chỉnh và nhập thể vào đời sống xã hội. Và khi nhìn thấy sự nhơ bẩn làm biến dạng khuôn mặt thành phố thì tự nhiên tôi phải rao giảng rằng con người không thể trong sạch phần nội tâm nếu bên ngoài họ sống ô uế.
H . Nhưng ngài có thấy những yếu tố tích cực được ghi nhận tại thành phố này?
ĐHY . Đương nhiên là có, và tôi tiếp chạm với nó hằng ngày. Trước hết là người dân Napôli có một cảm thức mạnh về linh thánh. Nền đạo đức bình dân rất sống động, nó lôi cuốn cả những người ít đi dự lễ. Bất cứ tôi đi đâu – đến Sanità, đến Carmine, đến những nơi nghèo nàn nhất – dân chúng đều tiếp đón tôi với lòng qúy mến đặc biệt. Họ đốt pháo, họ hô to tên tôi, họ cầu khẩn Mẹ Maria: “A Madonna c’accumpagna !” Ý thức về gia đình cũng rất cao. Đau khổ và niềm vui của mỗi gia đình đều có dính dáng đến niềm vui và đau khổ vì băng nhóm. Người dân Nêapôli rất hiếu khách. Dân nhập cư – Trung Hoa, Philippin, Châu Phi, Ba Lan – đều được tiếp đón mặn nồng. Đây là thửa đất tốt cho chúng tôi làm việc để phát sinh lúa mì chứ không phải cỏ dại.
H . Vào ngày ĐHY nhậm chức tại Naples, 1 tháng Bảy, ngài đã hôn đất ở Scampia, nơi mà ma túy và băng nhóm lộng hành vào bậc nhất. Tại sao?
ĐHY . Tôi chưa có một chương trình hành động, nhưng tôi muốn gửi đi một vài tín hiệu qua cử chỉ đầu tiên của tôi. Như người Samari Nhân Hậu, tôi cúi xuống để băng bó thành phố bị thương tật. Ở Scampia chén thánh ở trong nhà thờ bị lấy cắp, tôi phải mang đến một chén mới. Giáo dân thì không có mục tử chăm sóc, tôi phải mau chóng gửi hai linh mục trẻ đến. Ngày hôm sau khi đến nhận giáo phận, tôi đến bệnh viện Santobono để thăm các em nhỏ bị bệnh. Rồi đi thăm những tù nhân ở Poggioreale. Chỗ tôi ở gần những người đau khổ, những người bị bỏ rơi, những người nghèo khổ. Họ không chờ tôi những lời nói suông, nhưng những hành động cụ thể.
H . Ngài có cảm thấy cô đơn?
ĐHY : Trái lại. Tôi có những linh mục và giáo dân xuất sắc trong giáo phận, họ là nguồn giúp đỡ lớn lao của tôi. Có cả ngàn linh mục mà tôi sẽ lần lượt gặp riêng từng vị – những vị đau ốm thì tôi đến gặp tại nhà- và tôi nhận thấy phần lớn các linh mục có đời sống thiêng liêng sâu xa, đựơc đào tạo tốt, và sẵn sàng cộng tác với gíam mục của các ngài. Vào ngày lễ Vọng Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời, tôi mời các linh mục đến đồng tế tại nhà thờ chính toà: tưởng chỉ được một số ít, nhưng có đến gần ba trăm vị đến dự. Tôi sẽ thảo luận và quyết định một vài chương trình làm việc với các linh mục. Đối với các vị lớn tuổi, tôi đã chọn một tu viện cổ vẫn bỏ trống, chỉnh trang lại thành một nơi đẹp đẽ và xứng đáng nhất để các ngài an dưỡng. Các ngài xứng đáng hưởng như vậy vì đã suốt đời phục vụ Giáo Hội. Dĩ nhiên, tôi còn cần thêm các linh mục. Tôi xác quyết là cần phải gia tăng sự quan tâm đến ơn gọi, bắt đầu ngay từ lứa tuổi trung học.
H : Giữa khi các giáo phận khác đang đóng cửa các tiểu chủng viện?
ĐHY : Tôi sẽ cố gắng để không hành động như thế! Không hệ gì nếu nhiều tiểu chủng sinh trong tiểu chủng viện ở Naples không đạt đến chức linh mục. Vì dù sao chúng tôi cũng đã đào tạo nên những công dân tốt.
H : Còn giáo dân thì ngài thấy thế nào?
ĐHY : Đây cũng lại là điều đáng ngạc nhiên khi tôi nhìn thấy một sức sức sống phong phú: Ở Naples các loại hình hội đoàn và các phong trào đều đang hoạt động tốt: Công Giáo Tiến Hành, ACLI, Hướng Đạo, Communio et Liberatio, Focolare, Canh Tân Đặc Sủng… Tất cả đều hài hoà với các xứ đạo.
H : Còn các tân tòng, có các Thánh Lễ riêng, cũng tốt đẹp?
ĐHY : Có một vài va chạm đây đó xảy ra đối với họ. Nhưng điều làm tôi ngạc nhiên nhất, đang theo một hướng tốt, đó là hầu hết giáo dân đều thực sự dấn thân vào một trận chiến đòi hỏi can đảm để chống lại những tệ nạn, từ ma tuý, băng đảng, cho đến bệnh AIDS.
H . Ngài nghĩ thế nào để thực hiện ở Naples những kinh nghiệm mà ngài đã tích góp được tại Vatican với vai trò điều hành các biến cố lớn?
ĐHY : Một số giáo dân ngỏ với tôi rằng cần phải hành động nhiều hơn nữa để căn tính Công Giáo không cứ mãi ẩn khuất, mà phải công khai phát huy. Và tôi đáp lại rằng, được, cứ lấy mô hình Ngày Giới Trẻ được tổ chức trong Năm Thánh 2000 để áp dụng vào Naples. Người dân Napôli rất muốn dựa theo những gì đưa ra làm mẫu, dù tốt hoặc xấu.
H : Tại Vatican, ngài cũng là một giám sát viên về thông tin. Ngài là một người đã đề bạt Joaquín Navarro-Valls vào chức vụ của ông, rồi tiến cử Mario Agnes làm giám đốc “Osservatore Romano”. Ngài sẽ làm gì ở Naples?
ĐHY : Tôi sẽ đặc biệt quan tâm đến truyền thông, là thiết yếu cho việc truyền đạt Tin Mừng. Giáo phận có một tờ tuần tin tức, “Nuova Stagione” (Mùa Mới), và một tờ nguyệt san văn hóa, “Januarius”: tôi muốn củng cố thêm để phát hành cả hai. Giáo phận không còn đài phát thanh nữa, và chưa có đài truyền hình: chúng tôi sẽ xem xét thêm. Và trong thời gian này, riêng tôi muốn tạo một chút ngạc nhiên. Vào dịp trước lễ thánh Gianuariô, ngày 19 tháng 9, tôi sẽ cho phổ biến một cuốn sách nhỏ của tôi, được viết bằng một lối văn đơn giản và gần gũi.
H : Chủ đề là gì ạ?
ĐHY : Màu đỏ của máu, của sự sống, và của hi vọng…Nhưng đó là tôi nói một cách tổng quát.
H : Kính thưa ĐHY, tại Vatican ngài có nhiều bạn hữu, nhưng cũng lắm kẻ thù…
ĐHY : Xin dừng lại – kẻ thù, không! Có những người khác quan điểm với tôi.
H : Ngài sinh hoạt thế nào với Đức Joseph Ratzinger khi còn là một Hồng Y?
ĐHY : Tôi cũng là một thành viên trong Bộ Giáo Lí Đức Tin do Đức Ratzinger làm Bộ trưởng, và tôi gặp ngài mỗi “feria quarta,” hay Thứ Tư. Khi còn giữ chức Bô trưởng Bộ Loan Tin Mừng cho các Dân Tộc, tôi xin phép ngài triệu tập các giám mục mới tấn phong từ các xứ truyền giáo về Rôma dự các khóa học hỏi.
H : Và sau khi Đức Ratzinger lên vị Giáo Hoàng Bênêđictô XVI?
ĐHY : Ngài vẫn luôn tỏ ra là một nhân vật kiệt xuất, với một tầm nhìn thấu đáo về triết học và thần học.
H : Vậy đâu là ảnh hưởng cho Naples với một vị Giáo hoàng là một nhà tư tưởng sâu sắc như thế?
ĐHY : Thật ý nghĩa. Người dân Napôli tán dương sự trong sáng mà Đức Bênêđictô XVI trổi vượt. Họ nhận ngay ra rằng ngài không kể những chuyện thần tiên, nhưng làm chứng cho sự thật; và chính vì điểm này mà họ quý mến ngài.
H : Từ giáo triều Vatican, nay ngài chuyển về Hội Đồng Giám Mục Ý (CEI). Đối với các vị Ruini, Martini, Tettamanzi, ai là người ngài thấy thân cận nhất?
ĐHY : Tôi nhận thực cả ba vị đều là cố vấn của tôi, tôi học hỏi được rất nhiều từ nơi mỗi vị đã dành cho tôi.
H : Vậy điều đáng giá nhất ở nơi Đức Camillo Ruini?
ĐHY : Khả năng bén nhạy của ngài trong việc phân tích xã hội đương đại. Ngài có khả năng thích ứng đối với các vấn đề liên tục xuất hiện.
H : Còn Đức Carlo Maria Martini?
ĐHY : Đặc sủng của một bậc thầy về linh đạo. Sách của ngài được rất nhiều người đọc và nghiền ngẫm.
H : Về Đức Dionigi Tettamanzi?
ĐHY : Khả năng của ngài về học thuyết luân lí, tính mực thước và thực tế trong hành động.
H : Đức Ruini và CEI đã nhiều năm nhấn mạnh về điều mà các ngài gọi là “dự phóng văn hóa dựa trên Kitô giáo”. Kết qủa là thế nào?
ĐHY : Khá tốt, cứ xét hệ qủa của cuộc trưng cầu dân ý năm 2005 về thụ sinh nhân tạo. Nếu không có dự phóng văn hoá, làm sao chúng ta đạt được kết qủa đó. Đức Ruini không xây dựng Giáo Hội Ý trở thành một nền móng về tổ chức cho bằng một nền móng về văn hóa Kitô giáo.
H : Ngài đánh giá thế nào về những thử nghiệm của Đức Hồng Y Martini trong việc đối thoại với tư tưởng thế tục, đặc biệt những vấn đề về sự sống trước khi sinh và chết êm dịu?
ĐHY : Đối thoại quan trọng và cần thiết đối với Giáo Hội, như Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đã trình bày trong Thông điệp Ecclesiam Suam. Nhưng điều đó không có nghĩa là “đối thoại chỉ để đối thoại”. Nó cần phải hướng tới chân lí. Giáo Hội không thể phủ nhận sự thật xuất phát từ Chúa Kitô và được ghi khắc trong tạo vật. Cần phải biết rằng sự thật bất biến đó không chỉ bao hàm những người Kitô giáo, mà hết mọi người.
H : Ngài không nghĩ rằng thái độ khư khư của Đức Thánh Cha và CEI về những vấn đề luân lí sinh học chẳng ăn nhập gì trước những vấn đề đời thường của người dân Naples sao?
ĐHY : Trái lại; nó có một ảnh hưởng trực tiếp. Việc kiên định bảo vệ sự sống đích thực là điều mà mọi người đều cần nhất. Những áp lực đối kháng của xã hội trần tục càng là lí do để Giáo Hội mạnh mẽ lên tiếng công khai và đưa ra những hướng dẫn cho các mục tử của mình.
(*) Một vài con số thống kê về Tổng giáo phận Naples, theo tài liệu năm 2004:
- 1,600.000 giáo dân trong tổng số dân 1,608.000 . 99,5 % công giáo.
- 287 giáo xứ.
- Linh mục triều: 453; linh mục dòng: 550. Trung bình mỗi linh mục phụ trách 1,595 giáo dân.
- 214 phó tế vĩnh viễn.
- Nam tu sĩ: 716; nữ tu: 2,300.
Lm.Giuse Ngô Quang Trung
Hội Đồng Giám Mục Việt Nam vừa gởi các thành phần dân Chúa tại Việt Nam một thư mục vụ. Thư mang tựa đề "Sống đạo hôm nay".
Nội dung thư rất súc tích, nhưng dễ hiểu.
Đối với riêng tôi, lá thư vắn gọn này đã gợi ý nhiều nhất do cụm từ "hôm nay" và do lời kêu gọi "dấn thân" gởi riêng các linh mục và tu sĩ.
Tôi xin được phép chia sẻ ở đây vài loại dấn thân , mà tôi vui mừng nhận thấy nơi một số linh mục và tu sĩ đang thực hiện tại Đất Nước ta.
1/ Dấn thân phục vụ người nghèo
Nhìn thoáng qua toàn thể các linh mục và tu sĩ tại Việt Nam hôm nay, người ta dễ thấy nét nổi bật nơi đời sống các ngài là phượng tự. Phượng tự nói đây được hiểu đơn giản là thực hiện một số bổn phận tôn giáo như cầu nguyện, chiêm niệm, rao giảng Lời Chúa, thánh lễ, tạ ơn...
Đi liền với những việc đó là lo liệu để có các phương tiện cần thiết cho phượng tự, như đất đai xây cất nhà thờ, các cơ sở đào tạo, nhà xứ, nhà dòng. Tất nhiên nhà thì phải có thiết bị và các dụng cụ cần thiết.
Cùng với việc phượng tự, các linh mục và tu sĩ tại Việt Nam hôm nay thường quan tâm dấn thân cho việc từ thiện bác ái.
Qua việc dấn thân này, người ta có thể phân ra ba hình ảnh Hội Thánh nhỏ tại Việt Nam:
1. Hội Thánh cho người nghèo . Hội Thánh loại này coi gia sản của mình như một vốn liếng Chúa trao cho Hội Thánh quản lý, để lo cho dân nghèo.
2. Hội Thánh với người nghèo . Hội Thánh này thực hiện lời Công đồng Vaticăng II mời gọi các giáo sĩ: "Các ngài được mời gọi tình nguyện sống nghèo khó để nên giống Chúa Kitô một cách rõ ràng và cụ thể hơn với chức vụ thánh. Thực vậy, dù giàu có, Chúa Giêsu đã trở nên nghèo hèn vì chúng ta, để nhờ sự nghèo khổ của Người mà chúng ta trở nên giàu có" (Sắc lệnh về Chức vụ và đời sống các linh mục. Chương III, số 16).
3. Hội Thánh giữa người nghèo . Hội Thánh này rất quan tâm đến hoàn cảnh gây nên sự người nghèo xa cách Hội Thánh, vì thấy Hội Thánh giàu sang. Như lời Công đồng Vaticăng II đã khuyên: "Các linh mục cũng như Giám mục, được Chúa Thánh Thần hướng dẫn, Ngài là Đấng đã xức dầu cho Chúa Cứu Thế và sai đi giảng Phúc Âm cho người nghèo khó. Các ngài phải tránh tất cả những gì bằng cách này hay cách khác có thể làm mình xa cách người nghèo khó... Các ngài phải loại bỏ mọi thứ khoe khoang trong các đồ dùng của mình. Các ngài phải xếp đặt chỗ ở của mình thế nào để không ai coi đó là nơi bất khả xâm phạm, và để bất cứ ai dù nghèo khó đến đâu cũng không bao giờ dám lui tới" (Sắc lệnh về Chức vụ và đời sống linh mục. Chương III, số 17).
Ba hình ảnh Hội Thánh trên đây đang có sức hấp dẫn lạ lùng đối với xã hội Việt Nam.
Dấn thân phục vụ người nghèo là một hào quang toả sáng nơi nhiều linh mục tu sĩ trên Quê Hương Việt Nam hôm nay. Xin tạ ơn Chúa giàu lòng thương xót.
Ngoài việc dấn thân phục vụ người nghèo, còn có một dấn thân khác cũng đang giúp ích rất nhiều cho việc sống đạo hôm nay tại Việt Nam. Đó là dấn thân theo dõi tình hình và cắt nghĩa các dấu chỉ thời sự.
2/ Dấn thân cứu xét cẩn thận các dấu chỉ thời sự
Sống đạo là sống Phúc Âm giữa dòng thời sự phức tạp và đổi thay. Để biết thánh ý Chúa, chúng ta phải sống Phúc Âm một cách cụ thể, làm sao cho thích hợp và khôn ngoan theo các dấu chỉ.
Về điểm này, Công đồng Vaticăng II đã nhắc nhở về ơn gọi của linh mục trong mục vụ: "Tiếng gọi đó phải được hiểu và nhận định qua những dấu chỉ mà hằng ngày Chúa dùng để tỏ ý Người cho các tín hữu khôn ngoan. Các linh mục phải cẩn thận cứu xét những dấu hiệu đó" (Sắc lệnh về Chức vụ và đời sống linh mục. Chương II, số 11).
Ví dụ: Từ mấy năm nay, thế giới chứng kiến hiện tượng sức mạnh của đức tin Hồi giáo qua nhiều sự kiện chính trị, văn hoá và kinh tế.
Nhưng từ mấy ngày nay, một hiện tượng rất đáng lo ngại đã xuất hiện. Đó là những chỉ trích gay gắt từ thế giới Hồi giáo đã nhắm thẳng vào Đức Giáo Hoàng Beneđictô XVI. Kèm theo những chỉ trích của các chính quyền Hồi giáo là làn sóng biểu tình sôi nổi giận dữ của quần chúng Hồi giáo tại các nước.
Phong trào phản đối này đã bùng phát vì một vài lời Đức Giáo Hoàng đã phát biểu tại Đức. Ngài trích dẫn lời một vị hoàng đế Thổ Nhĩ Kỳ thế kỷ 14 đã đánh giá thô bạo vị sáng lập ra đạo Hồi. Ngài nhấn mạnh rõ là đánh giá đó không phải là ý kiến của Ngài.
Phong trào đấu tranh nhằm vào Đức Giáo Hoàng đang lan rộng và diễn biến càng ngày càng lớn theo chiều hướng xấu.
Báo chí, các đài phát thanh và truyền hình trên khắp thế giới đã liên tục loan tin và bình luận.
Toà Thánh đã giải thích thiện chí của Đức Giáo Hoàng. Nhưng không được thế giới Hồi giáo chấp nhận. Tình hình căng thẳng chưa biết sẽ đi về đâu. Nếu tình hình căng thẳng này chỉ sẽ được kết thúc một cách bình an bằng một bản xin lỗi tự hạ của Đức Giáo Hoàng, kèm theo một thái độ nào đó có ý nghĩa tuyên xưng những giá trị của Hồi giáo, như vài dư luận đòi hỏi, thì liệu mọi sự có được kết thúc tốt đẹp không?
Còn tại Việt Nam, một sự kiện mới xảy ra có liên quan tới Công giáo Việt Nam, theo tôi cũng là một dấu chỉ đáng suy nghĩ. Đó là sự thinh lặng của hầu hết báo chí trong nước trước việc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam họp tại Huế đầu tháng 9 vừa qua.
Những sự kiện này gợi ý cho tôi nghĩ tới việc sống đạo nhất là tại Việt Nam hôm nay rất cần được soi sáng bởi những dấn thân sáng suốt của các nhà lãnh đạo tôn giáo. Đoàn chiên mong đợi những dự báo đúng đắn sẽ giúp cho họ tránh được cách sống đạo một cách ngây thơ , nhưng ý thức được khả năng xảy ra những bất ngờ nguy hại, để có những chọn lựa khôn ngoan. Thời sự đôi khi có những dấu chỉ hơi khác thường, nhưng không nên coi thường.
(
Vài gợi ý trên đây, dù vắn tắt, cũng sẽ cho chúng ta thấy sống đạo hôm nay không phải là dễ.
Sống đạo bao giờ cũng đòi nhiều phấn đấu và tỉnh thức.
Hôm nay là thời sự rất phức tạp.
Vì thế, sống đạo hôm nay đòi phải có cả cái tâm và cả cái trí.
Với ý thức đó, chúng ta đón nhận thư mục vụ của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam năm 2006 như một tài liệu quý.
Mỗi người chúng ta nên suy nghĩ với nhiều đóng góp và hưởng ứng tích cực.
ĐGM GB Bùi Tuần
Tháng 10 là tháng Mân Côi. Các tín hữu luôn được khuyến khích lần chuỗi Mân Côi.
Chuỗi Mân Côi là một lối cầu nguyện theo Tin Mừng, là một chuỗi tình yêu gồm những lời yêu thương chân thành và đơn sơ nhất : hãy nhìn ngắm, tôn thờ, chiêm ngưỡng, suy niệm những mầu nhiệm của Chúa Giêsu và thì thầm những lời ca ngợi, những câu nài xin với Đấng đã ban cho chúng ta Đấng Cứu Thế.
Các tín hữu nên cầu nguyện bằng kinh Mân Côi và hiểu rõ bản chất cũng như tầm quan trọng của kinh này.
Những ai lần chuỗi Mân Côi trong nhà thờ, nhà nguyện, hoặc trong gia đình, trong cộng đoàn tu trì, trong hiệp hội đạo đức, hoặc khi nhiều người họp nhau nhằm mục đích tốt, thì được hưởng một ơn đại xá; còn đọc trong những hoàn cảnh khác, thì được hưởng một ơn tiểu xá ( Ench. Indulg., ấn bản 1999, concessio 17 )
Ý CẦU NGUYỆN :
Ý chung : Cầu cho các người đã chịu phép rửa có một đức tin chín chắn và phong phú. Xin cho mọi người đã chịu phép rửa được một đức tin chín chắn, và biểu lộ đức tin trong đời sống qua những lựa chọn rõ ràng, can đảm và phù hợp với đức tin.
Ý riêng : Cầu cho mọi Kitô hữu luôn biết củng cố đức tin mình đã lãnh nhận ngày chịu phép rửa tội để càng ngày càng sống đức tin tín thác.
Ý truyền giáo : Cầu cho Ngày Thế Giới Truyền Giáo.Xin cho ngày Thế Giới Truyền Giáo làm gia tăng khắp nơi tinh thần và việc cộng tác truyền giáo.
THÁNG MÂN CÔI : Lần chuỗi Mân Côi chung.
LỜI CẦU NGUYỆN CHUNG :
Chủ tế : Anh chị em thân mến, lắng nghe và thực thi Lời của Chúa là bổn phận và trách nhiệm của mọi người Kitô hữu. Ý thức bổn phận giữ đạo và sống đạo của mình, chúng ta cùng dâng lời nguyện xin :
Giáo Hội không ngừng loan báo cho mọi người biết / Đức Giêsu là Đấng Cứu Độ duy nhất của trần gian / Chúng ta hiệp lời cầu xin Chúa cho lời rao giảng của Giáo Hội / được nhiều người trên thế giới mau mắn đón nhận.
Ở bất cứ thời đại nào / đều có những người muốn gặp gỡ Đức Kitô và muốn đi theo Ngài / Chúng ta hiệp lời cầu xin Chúa cho những con người ấy / tìm thấy con đường dẫn vào Hội Thánh / để cùng chúng ta xây dựng nước đời và nước trời.
Đức tin không việc làm là đức tin chết / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho mọi Kitô hữu luôn sống đức tin / bằng một tình yêu chân thành và bằng một niềm cậy trông không nao núng.
Chúa đã tha thứ cho những kẻ làm hại, những kẻ giết mình / Chúng ta hiệp lời cầu xin Chúa cho mọi Kitô hữu trong giáo xứ, giáo họ, trong Giáo Hội địa phương và Hội Thánh toàn cầu / biết quảng đại tha thứ cho những ai làm mất lòng mình / và cầu nguyện cho những kẻ làm mất uy tín, thanh danh mình.
Chủ tế : Lạy Chúa Giêsu, xin cho ánh sáng Tin Mừng chiếu dọi khắp mọi người có lòng tin để họ luôn nhìn ra bộ mặt đầy yêu thương và hay tha thứ của Chúa. Chúa hằng sống và hiển trị muôn đời.
SÁM HỐI và CẦU NGUYỆN RIÊNG
Đọc Tin Mừng Ga 6, 35-40
Suy niệm riêng 3 phút hoặc trao đổi chung 5 phút
LỜI CẦU :
Lạy Chúa Giêsu, chúng con chỉ là những con người yếu hèn, tội lỗi. Nhiều khi chúng con lắng nghe Lời của Chúa, nhưng chúng con chưa thực thi Lời của Chúa.
Nhiều lúc chúng con tỏ ra kém đức tin khi chúng con gặp những khó khăn, thử thách trong đời sống hằng ngày. Nhiều khi chúng con chưa dám tỏ dấu ra chúng con là Kitô hữu trước mặt những người khác. Nhiều khi chúng con còn lẩn tránh bổn phận phải làm. Nhiều khi chúng con chưa làm gương tốt cho những người khác. Xin ban thêm đức tin cho chúng con. Xin cho chúng con đức tin như viên bách quản mà tuyên xưng :” Lạy Chúa, con không đáng Chúa ghé dưới mái nhà của con, nhưng xin Chúa chỉ phán một lời thì người đầy tớ của con sẽ lành mạnh”. Amen.
Kinh cám ơn. Ba câu lạy.
Hát : Kinh Hoà Bình của thánh Phanxicô.
Kết thúc.
Linh mục Giuse Nguyễn Hưng Lợi, DCCT
Cảm nhận về những cuộc biểu tình của thế giới Hồi Giáo
từ bài diễn văn của Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI
Tóm lược câu truyện:
Ngày 12 tháng 9 năm 2006, nhân chuyến hồi hương tông du Đức Quốc, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI đã viếng thăm và nói truyện với các khoa học gia tại Đại Học Regensburg, nơi ngài đã từng làm giáo sư và phó viện trưởng từ năm 1969 đến năm 1971. Chủ đề của buổi nói truyện là sự quan hệ giữa lý trí và niềm tin.
Trong khi diễn giải những lý do dẫn đến hòa hợp giữa niềm tin và lý trí, Đức Giáo Hoàng đã dẫn chứng bằng cách trích dẫn từ một cuốn sách của học giả Theodore Khoury (Muenster), trong đó tác giả kể lại một câu truyện xẩy ra vào khoảng năm 1391 trong những căn nhà mùa đông gần Ankara. Câu truyện đối thoại giữa Hoàng Đế Manuel II Paleologos của Đế Quốc Byzantine và một học giả người Ba Tư về chủ đề Kitô Giáo và Hồi Giáo, và sự thật cả hai. Trong trích dẫn của ngài có một câu mà người Hồi Giáo khắp nơi cho là phạm thượng, cố ý liên kết Hồi Giáo với bạo động. Đó là câu: “Hãy chỉ cho tôi những gì mà Mohammed đã đem lại là mới mẻ, và ở đó ông chỉ nhìn thấy những cái ác độc và phi nhân, chẳng hạn như ông ta ra lệnh hãy truyền bá đức tin mà ông đã giảng dậy bằng gươm giáo” (Show me just what Mohammed brought that was new, and there you will find things only evil and inhuman, such as his command to spread by the sword the faith he preached.”
Những cuồng nộ và bạo động:
Thế là từ thứ Sáu, ngày 15 tháng 9 năm 2006 đến nay, liên tiếp những nhóm Hồi Giáo cực đoan trên khắp thế giới đã biểu tình phản đối, bạo loạn, đốt phá thánh đường Công Giáo. Thật khó mà bình tĩnh và khách quan khi nhìn thấy những nhóm người này đã cố tình bẻ cong ý nghĩa xây dựng của Đức Giáo Hoàng để lợi dụng dẫn đến bạo động, chia rẽ và xung đột.
Ai có thể đo lường được thái độ căm thù của họ như thế nào khi nhìn thấy trên màn truyền hình ngay cả những em nhỏ cũng cầm trong tay những khẩu súng (hy vọng là giả), mặt đằng đằng sát khí, miệng hô hoán những khẩu hiệu đả đảo Đức Giáo Hoàng. Các em còn quá nhỏ để bị lôi kéo vào những thù hằn và bạo động như vậy.
Người ta cũng khó hiểu được thái độ phản đối ấy ngay cả trong giới phụ nữ khi nhìn những phụ nữ này mặt che kín, nhưng miệng vẫn mấp máy đả đảo Giáo Hoàng.
Còn phía nam giới. Tay cầm súng. Tay cầm cờ. Tay châm lửa đốt hình nộm của Giáo Hoàng. Họ rất cuồng nộ, căm thù, và sát khí. Tất cả chỉ vì một lời trích dẫn của Đức Giáo Hoàng trong một bài diễn văn dài mang ý nghĩa thật thâm thúy về mối tương quan giữa lý trí và niềm tin.
Nếu để ý quan sát thật kỹ, thì dường như những người đàn ông, đàn bà, và các em nhỏ kia chưa chắc đã có dịp đọc, hoặc nghe về câu trích dẫn vừa kể trên. Hoặc nếu đã đọc, và nghe thì cũng chưa hẳn đã hiểu nó một cách khách quan và đứng đắn. Nhưng tất cả đã bị lôi cuốn vào sự thù nghịch và bạo động nhân danh niềm tin và nhân danh tôn giáo.
Nhưng rồi càng nhìn thấy những nét mặt ấy, những hành động ấy, người ta mới khám phá ra đâu là chân lý, và đâu là sự thật. Cũng chính vị Đức Giáo Hoàng ấy, ngày 17 tháng 9 tại ban công biệt thự nghỉ mát của Giáo Hoàng ở Castel Gandolfo đã xin lỗi thế giới Hồi Giáo bằng những lời lẽ rất khiêm tốn như sau: “Tôi thành thật xin lỗi trước những phản ứng của một số quốc gia về một vài đoạn trong bài nói truyện của tôi tại Đại Học Regensburg, những đoạn văn được coi như xúc phạm đến sự tế nhị của Hồi Giáo” (I am deeply sorry for the reactions in some countries to a few passages of my address at the University of Regensburg, which were considered offensive to the sensibility of Muslims).
Ngài nói tiếp: “Những điều này thực ra chỉ là một trích dẫn từ một bản văn thuộc thời Trung Cổ, mà không hề diễn tả tư tưởng của riêng tôi” (These in fact were a quotation from a Medieval text, which do not in any way express my personal thought).
Cử chỉ khiêm tốn ấy cùng với những lời giải thích ôn hòa của bà Angela Merkel, thủ tướng Đức, của Hồng Y Quốc Vụ Khanh Tarcisio Berton, của Hồng Y Murphy-O’Connor, Tổng Giám Mục Westminster tại Anh Quốc, của Tổng Giám Mục Charles Bo, Tổng Giám Mục tại Myannar, một quốc gia với 4% trong tổng số 47 triệu dân là người theo Hồi Giáo, và của linh mục Federico Lombardi, dòng Tên là giám đốc văn phòng báo chí Tòa Thánh. Những vị này cũng lên tiếng, cũng nhận định về bài diễn văn của Đức Giáo Hoàng, về những hiện tượng quá khích hiện nay đang xẩy ra tại thế giới Hồi Giáo, nhưng đây là những lên tiếng, những giải thích mang tính chất ôn hòa, hiểu biết, và khách quan. Nhất là nó mang ý nghĩa của sự hòa hợp nhằm đưa đến những cuộc đối thoại thân thiện và tôn trọng nhau hơn.
Tuy nhiên, những biến cố đang xẩy ra chỉ đem lại những yếu tố giúp những ai đang muốn tìm gặp con đường – đạo – dẫn đến chân thiện mỹ một cách khách quan và hiểu biết hơn.
Đạo thật – Đường thật:
Người viết còn nhớ rất rõ cách đây gần 40 năm về một bài phân tích chân đạo trong một buổi họp. Hôm ấy, linh mục thuyết giảng đã đưa ra những nguyên tắc cụ thể để giúp nhận thức thế nào là đạo thật – đường thật. Những điều này bao gồm:
- Mặc khải.
- Tử đạo.
- Thần học.
- Bí tích.
- Phụng vụ.
- Kỷ luật.
1. Mặc khải: Đây là điều hết sức quan trọng để nhìn ra giá trị đích thực của một tôn giáo. Tôn giáo không phải là sáng kiến của con người, nên nó phải được hướng dẫn bởi trời cao bằng những chỉ dẫn mà ta gọi là mặc khải.
Con đường dẫn tới vĩnh hằng, đến siêu nhiên phải là con đường chân thật, rõ ràng, và dĩ nhiên phải được trời cao hướng dẫn. Bởi vì con người không thể tri thức được đời đời, nên mặc khải là điều cần phải có để nhận ra đâu là sự thật, đâu là tôn giáo thật.
Đối với người Công Giáo, mặc khải đã được công nhận qua Thánh Kinh, một bộ sách được viết dưới sự soi dẫn của Thần Khí, một bộ sách gồm tóm tất cả những điều chân thật, kỷ luật, và thực hành cho những ai muốn được vào vĩnh hằng. Thánh Kinh đã trở thành phát ngôn viên nói thay cho Thượng Đế. Đồng thời, nó cũng trình bày cho nhân loại về công trình sáng tạo, ơn cứu độ, và nhất là tình thương của Thượng Đế dành cho con người. Phêrô đã có lần mạnh mẽ tuyên xưng: “Lậy Chúa. Bỏ ngài chúng con biết theo ai. Chúa có lời hằng sống” (Gioan 6:68).
Tính cách mặc khải của Thánh Kinh, do đó, là những lời ban sự sống, những lời đem con người đến gần và đến với sự sống. Và những lời này đã được linh ứng cho những tác giả chọn lọc để viết ra: “Phúc cho những ai đọc và nghe những lời tiên tri này, và tuân giữ những điều đã được ghi chép trong đó” (Khải Huyền 1:3).
2. Tử đạo: Đạo là đường. Đạo thật là đường thật dẫn đến giải thoát. Chết cho niềm tin, và chết trong khi đi trên con đường này là tử đạo. Những cái chết này đã chứng tỏ được đức tin của người đi trên con đường và giá trị thật của con đường.
Chết! Ai có can đảm chết cho niềm tin? Một người? Ngàn người? Triệu người? Đức tin Kitô Giáo đã được bảo chứng bằng trăm, ngàn, triệu cái chết như thế: “Ai yêu mạng sống mình sẽ mất nó, nhưng ai mất mạng sống mình vì danh ta sẽ tìm được nó” (Matthew 16:25). Lịch sử hơn 2000 năm Kitô Giáo đã chứng minh được rõ ràng những gì mà Chúa Giêsu đã nói.
Ngay trong thời đại chúng ta đang sống, tại Trung Hoa, Việt Nam, và các nước ảnh hưởng bởi những tôn giáo cực đoan khác, đạo Chúa vẫn đang bị cấm cách, đàn áp dã man. Con đường dẫn tới vĩnh hằng tại những nơi này đang bị rào cản ngăn lối. Nhưng đó cũng lại là dấu chỉ của niềm tin, của đạo và đường thật. Vì đạo thật chính là đối tượng thù nghịch của Satan.
3. Thần học: Tin một tôn giáo nào, chúng ta không chỉ tin tưởng một cách vô ý thức, mù quáng. Vì tin tưởng như thế sẽ dẫn đến mê tín, dị đoan và cuồng tín. Niềm tin và trí thức dẫn chứng và bổ túc cho nhau, như những gì mà Đức Thánh Cha đã dẫn giải trong buổi gặp gỡ “định mệnh” đã làm cho ngài trở thành kẻ thù của những phần tử Hồi Giáo cực đoan.
Thật ra tất cả những gì mà người Công Giáo tin nhận đều đã được kiểm chứng bằng phép lạ, bằng tử đạo, và bằng những đời sống đạo trưởng thành của triệu, triệu tín hữu giáo dân và mọi thành phần dân Chúa.
Kho tàng tư tưởng về thần học, tu đức học, và đạo đức học của Giáo Hội vẫn là những kho tàng vô giá. Những vị Giáo Hoàng, Hồng Y, Tổng Giám Mục, Giám Mục, linh mục, tu sĩ nam nữ, và giáo dân trí thức, trưởng thành đã và đang nỗ lực minh chứng đức tin không những qua những tư tưởng uyên thâm soi dọi và hướng dẫn cho những kẻ tin theo trên con đường chính lộ, mà còn bằng chính cuộc sống của họ.
Thần học hay giáo lý của Giáo Hội Công Giáo tất cả đều qui tụ vào việc khai triển Lời Chúa. Đó là những nguồn mạch sự sống cho tất cả những ai tin theo.
4. Bí tích: Riêng đối với những người Công Giáo, đời sống tâm linh họ còn được nuôi dưỡng và săn sóc hết sức đặc biệt bằng các phương tiện được gọi là bí tích. Đây chính là những nguồn mạch sự sống thần linh để cho tâm hồn người Kitô hữu được mạnh khỏe, vững vàng, và phát triển. Chúng là những cánh cửa mở ra cho người Kitô hữu đi vào những nguồn sống ấy. Những bí tích cũng chính là những nguồn nước mát trong tưới gội vào mặt đất tâm hồn thường bị khô cháy và cằn cỗi vì sức nóng thiêu đốt của vật chất, của thế giới bên ngoài, của đam mê và nhục dục.
Từ khi sinh ra cho đến khi nhắm mắt lìa đời, người Kitô hữu luôn được chăm sóc rất kỹ càng bởi các bí tích mà chính Chúa Giêsu đã thiết lập:
- Sinh ra, được giới thiệu vào đạo Chúa và được gột rửa khỏi mọi vết nhơ tội Tổ Tông qua bí tích Thánh Tẩy.
- Để trưởng thành và lớn lên trong ân sủng và đời sống tâm linh sẵn sàng chiến đấu với thế gian, ma quỉ, và xác thịt, người Kitô hữu được mặc lấy sức mạnh, sự khôn ngoan, can đảm, lòng nhiệt thành của Chúa Thánh Thần qua bí tích Thêm Sức.
- Và hằng ngày được nuôi dưỡng bằng Mình và Máu Chúa Giêsu qua bí tích Thánh Thể.
- Khi lớn lên, bước vào đời sống tự lập và trưởng thành, mỗi người đều được kêu mời đi theo một ơn gọi riêng mình qua bí tích Hôn Phối hay Truyền Chức.
- Khi yếu đuối, sa phạm, người Kitô hữu gột rửa tâm hồn mình qua bí tích Hòa Giải.
- Và sau cùng, trước khi nhắm mắt lìa đời, người Kitô hữu còn được an ủi, khích lệ và tăng cường khả năng để đi nốt con đường trần thế mà vào vĩnh hằng bằng bí tích Xức Dầu.
5. Phụng vụ: Hình ảnh đặc thù và rất rõ ràng của một tôn giáo là cách thức tôn giáo ấy dùng để tôn thờ Thượng Đế. Giáo Hội Công Giáo dùng phụng vụ như cách thức sống động và rõ ràng để đưa rước tâm hồn các tín hữu tìm gặp, tôn thờ, cảm tạ, và cầu xin với Thượng Đế.
Hằng năm có những chu kỳ phụng vụ và được lặp lại bởi những giới hạn nhằm giới thiệu với cộng đồng dân Chúa những mốc điểm của ơn Cứu Độ như Mùa Vọng, Mùa Giáng Sinh, Mùa Chay, Mùa Phục Sinh, và Thường Niên.
Nhưng phụng vụ trọng đại và quan trọng nhất là việc cử hành Thánh Lễ. Ở đó, mọi tín hữu được cùng nhau ca tụng, tôn vinh, và thờ phượng Thiên Chúa trong niềm hiệp thông với các thánh trên trời, và mọi anh chị em trong Luyện Hình và đang trên hành trình dương thế. Những bản nhạc du dương, những lời kinh nguyện sốt sắng, và những giây phút kết hợp. Trong Phụng Vụ Thánh Thể, người Kitô hữu được nuôi dưỡng bằng 2 nguồn mạch sự sống căn bản là Lời Chúa và Thánh Thể.
6. Kỹ luật: Kỷ luật là những luật lệ cần thiết nhằm bảo vệ và hướng dẫn trên hành trình về vĩnh cửu, trong việc thực hành đạo.
Trên con đường ấy có những bảng hiệu: Quẹo phải, rẽ trái, đi thẳng, đường quanh co, ổ gà. Đi qua thung lũng, vực sâu. Đường trơn trượt. Chỗ đông người và bộ hành qua lai... Bạn làm sao có thể đi đến một nơi xa lạ mà không cần đến những tấm bảng chỉ đường như vậy. Và bạn làm sao cảm thấy an toàn nếu như sống trong một căn nhà mà không có rào giậu và cửa. Kỷ luật là những rào cản, những cánh cửa và những dấu hiệu ấy.
Do đó, những luật lệ của Chúa và của Giáo Hội tất cả đều nhằm phục vụ sự an toàn, và bảo đảm cho người Kitô hữu trên đường về Thiên Quốc: “Cây roi và cái gậy của Ngài, đó là điều làm an ủi lòng tôi” (Thánh vịnh 23:4). Tác giả Thánh Vịnh đã thốt lên như thế.
Lên đường hay xuống đường:
Đạo là đường. Dùng đường ấy để tìm gặp Thượng Đế là điều cần thiết và hữu ích cho mọi người và cho đời sống tâm linh. Bạn đi đường nào là tùy quyền lựa chọn và thích hợp với hoàn cảnh của riêng bạn. Nhưng dùng đường để xuống đường chửi bới, bạo động, và xúc phạm đến người khác tức là đã lạm dụng tôn giáo, lạm dụng ý nghĩa thánh thiêng của đạo – hay đường.
Người viết không dám trích dẫn ra ở đây những ngôn từ mà nhóm thủ lãnh quá khích Hồi Giáo đã nhân danh đạo, nhân danh đường để xúc phạm, thóa mạ Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI. Sự xúc phạm do việc làm của ngài đâu chưa thấy, nhưng ngài thì đã bị xúc phạm quá sức đến độ những người vô tư và khách quan mấy cũng thấy rằng đó là những lạm dụng tồi tệ nhân danh tôn giáo.
Ngoài những tiếng nói chính thức lên tiếng bênh vực Đức Giáo Hoàng của nữ thủ tướng Đức, Hồng Y Quốc Vụ Khanh, Hồng Y Tổng Giám Mục Westminster, Tổng Giám Mục Charles Bo, Linh mục Lombardi, giám đốc văn phòng báo chí Vatican. Hội Đồng Âu Châu ngày 18 tháng 9 vừa qua cũng đã lên tiếng bênh vực cho Đức Giáo Hoàng như sau: “Tự do ngôn luận là một viên đá góc của những giá trị Âu Châu, như nó được tôn trọng đối với mọi tôn giáo. Kitô Giáo, Hồi Giáo, Do Thái Giáo, hoặc vô thần”. Phát ngôn viên của Hội Đồng Âu Châu Johannes Laitenberger đã nói như thế trong cuộc họp báo nhằm bênh vực cho Đức Giáo Hoàng. Theo ông Laitenberger thì bài nói truyện của Đức Giáo Hoàng phải được hiểu một cách đầy đủ và trọn vẹn. Nó không thể bị cắt xén thành một trích đoạn nhỏ để nhằm dẫn chứng một cách thiếu trung thực và theo một chủ ý khác.
Theo Sứ Mệnh Giáo Dân
Trong mấy ngày qua, bản tin về những phát ngôn của Đức Giáo Hoàng về những vấn đề bạo lực và lý trí đã được báo giới và người đọc hết sức quan tâm với nhiều quan ngại.
BBC đăng tin Đức Giáo Hoàng "chính thức xin lỗi" người Hồi Giáo về bài diễn văn của Ngài trong chuyến công du nước Đức. Các báo ở Việt Nam cũng đăng tin này. Về phía những người Công giáo thì tỏ ra bán tín bán nghi về những tin tức đại loại như thế. Ngừơi giáo dân Công giáo, vốn coi vị Giáo hoàng là “người lãnh đạo tối cao”, một người “được Chúa chọn”, “ là dại diện của Đức Kitô ở trần gian” và dưới mắt tôi, Ngài còn là “nhà thần học lỗi lạc của thời đại”, không lý lại có những phát ngôn làm cho cả “thế giới Hồi giáo” tức giận. Sự thật thế nào?
Tôi xin đơn cử trích một đoạn mà giới truyền thông loan tin. Nội dung do BBC ( và một số báo ở Việt Nam cũng có những bản tin tương tự) loan tin,
xin trích như sau
Nhận xét gây tranh cãi
Đức Giáo hoàng Benedict đưa ra nhận xét trong khi có chuyến thăm về bang quê nhà ở Đức là Bavaria.
Nói chuyện tại trường đại học Regensburg, nơi Ngài đã có thời dạy thần học, Giáo hoàng đã động chạm tới khái niệm Jihad, hay thánh chiến, của Hồi giáo.
Ngài mô tả ý tưởng về thánh chiến, theo lời Ngài, là mâu thuẫn với lý trí cũng như ý muốn của Thượng Đế.
Tuy nhiên, việc Ngài liên hệ tới Đấng Tiên tri Mohammed mới khiến cho nhiều nơi trong thế giới Hồi giáo tức giận.
Trích dẫn lời của một Hoàng đế Thiên Chúa giáo từ thế kỷ XIV, Giáo hoàng Benedict nói đại ý rằng hãy chỉ cho tôi những gì Mohammed đưa ra là mới và quý vị sẽ chỉ thấy ở đó sự độc ác và bất nhân.
Đây không phải là lần đầu tiên Đức Giáo hoàng nói về Hồi giáo.
Năm ngoái, Ngài đã cáo buộc các lãnh đạo cộng đồng Hồi giáo là đã không hướng các thanh niên của mình ra khỏi cái mà Ngài mô tả là "sự tăm tối của chủ nghĩa man rợ kiểu mới".
Tôi đã đọc toàn văn bài diễn văn (cả bản tiếng Việt và tiếng Anh) và thấy quan điểm của Giáo Hoàng hết sức đúng đắn, nhất là nhận định của Ngài về vấn đề bạo lực mà lại 'nhân danh tôn giáo". Quan điểm này được Thủ Tướng Đức Merkel chia sẻ. Bản thân tôi thấy tuyệt nhiên Giáo hoàng không có lỗi gì. Còn dư luận lại lên án Giáo hoàng, là do các phương tiện thông tin đại chúng, trong đó có BBC. BBC chỉ trích một câu ngắn như đã trích ở trên , và như thế là đã "cắt xén" diễn văn của Giáo Hoàng. Nguyên văn đoạn đó như sau
"Tôi đã hồi tưởng lại tất cả điều này gần đây khi đọc phiên bản của giáo sư Theodore Khoury (Muenster) về phần đối thoại diễn ra – có lẽ vào năm 1391 trong các trại lính mùa đông gần Ankara, giữa Đại Đế uyên thâm của Byzatine là Manuel II Paleologus và một học giả Ba Tư về chủ đề Kitô Giáo và Hồi Giáo, và chân lý của cả hai tôn giáo.
Có lẽ chính đại đế đã đề xướng cuộc thảo luận này, diễn ra trong thời kỳ Constantinople bị vây hãm từ năm 1394 cho đến 1402, và điều này giải thích tại sao lập luận của ngài được trình bày chi tiết hơn là những lý lẽ do học giả người Ba Tư đưa ra. Cuộc đối thoại đã bàn rộng rãi trên các cấu trúc của đức tin chứa đựng trong Thánh Kinh và trong Kinh Koran, và nhấn mạnh đặc biệt đến hình ảnh của Thiên Chúa và của con người, trong khi liên hệ thường xuyên với quan hệ của “ba Bộ Luật”: Cựu Ước, Tân Ước và Kinh Koran.
Trong bài thuyết trình này tôi chỉ muốn nhấn mạnh đến một điều duy nhất – tự nó có lẽ là ngoài lề cuộc đối thoại nêu trên, nhưng trong bối cảnh của vấn đề “đức tin và lý trí”, tôi thấy là lý thú và có thể dùng làm điểm khởi đầu cho những suy tư của tôi về vấn đề này.
Trong đoạn đối thoại thứ bẩy, do giáo sư Khoury biên soạn, vị đại đế đã đề cập đến chủ đề jihad (thánh chiến). Vị đại đế biết rõ ràng rằng đoạn sura 2:256 viết là: “Không có sự bó buộc trong tôn giáo”. Đó là một trong những đoạn sura của thời kỳ đầu khi Mohammed chưa có quyền hành trong tay và đang bị đe dọa đến tính mạng. Nhưng hiển nhiên vị đại đế cũng biết đến những chỉ thị, được phát triển sau này và được ghi vào Kinh Koran, liên quan đến thánh chiến.
Không đi vào những chi tiết, chẳng hạn sự phân biệt đối xử giữa những ai có “Sách” và “những kẻ vô đạo”, vị đại đế đã hướng người đối thoại với mình một cách bất ngờ về câu hỏi trọng tâm liên quan đến quan hệ giữa tôn giáo và bạo lực cách tổng quát, với những lời sau: “Hãy chỉ cho tôi thấy Mohammed đã mang lại điều gì mới, và ở đó anh chỉ thấy toàn là sự dữ và phi nhân bản, chẳng hạn như lệnh truyền của ông ta là phải dùng gươm giáo để truyền bá niềm tin ông ta đã rao giảng”.
Vị đại đế tiếp tục giải thích chi tiết về những lý do tại sao việc truyền bá đức tin bằng bạo lực là điều vô lý. Bạo lực không phù hợp với bản tính Thiên Chúa và bản thiện của tâm hồn. “Thiên Chúa không hài lòng trước máu me, và không hành xử hợp lý là trái với bản tính Thiên Chúa. Đức tin được sinh ra bởi linh hồn chứ không phải bởi thân xác. Những ai muốn dẫn dắt người ta đến với đức tin cần có khả năng nói hay và lý luận xác đáng, không nạnh đến bạo lực và những đe dọa…Để thuyết phục một linh hồn có lý trí, ta không cần dùng đến cánh tay mạnh mẽ, hay vũ khí các loại, hay những phương thế đe dọa một con người bằng cái chết …” (Trích diễn văn của Đức Giáo Hoàng do Đặng Minh An dịch, Vietcatholic 17.9.2006)
Rõ ràng là, khi những lời của Đức Giáo Hoàng được giới truyền thông loan tin với cung cách ngắn gọn như thế, thì “sự tức giận” của người theo đạo Hồi là có thể hiểu được. Song theo ý tôi, sự tức giận này chỉ là một sự “ngộ nhận” . Một số tờ báo phương Tây cũng có nhận xét tương tự nhưng những tờ báo khác lại “im lặng” . Xin đơn cử một bản tin của tờ Lacroix như sau:
Bênêđictô XVI và Hồi giáo: một sự ngộ nhận
“ Đối mặt với những cuộc phản đối chống lại những hình ảnh mà Ngài đã đưa ra về đạo Hồi ngày 12.9, tại Ratisbonne, chính bản thân Bênêđictô XVI đã trở lại bài diễn văn vào ngày chủ nhật 17.9. Không xin lỗi (chúng tôi nhấn mạnh) , bản thân Ngài xác nhận là Ngài không muốn xúc phạm đến Hồi giáo”
Nguyên văn như sau
Benoît XVI et l'islam : le malentendu
Face aux protestations contre l'image qu'il aurait donnée de l'islam le 12 septembre, à Ratisbonne, Benoît XVI est revenu personnellement dimanche 17 septembre sur son propos. Sans s'excuser, il a personnellement affirmé qu'il n'a pas voulu offenser l'islam
(Lacroix, 17-09-2006 )
Ngày nay, vai trò của truyền thông là quan trọng. Nếu các phương tiện thông tin đại chúng trích đầy đủ hơn và nhất là khách quan hơn, thì người Hồi Giáo không có lý gì mà "phẫn nộ". Lại càng không có lỳ gì mà lại "tấn công nhà thờ", thậm chí "bắn chết một nữ tu “ vô tội ở Italia. Còn nếu cứ nổi giận mà trút sự thù hằn lên những người Thiên Chúa Giáo khi không hiểu đến nơi đến chốn bài nói của Giáo Hoàng tại Regensburg thì những người theo đạo Hồi có sống đạo đúng với bản chất của đạo Hồi được mệnh danh là tôn giáo của hoà bình không?
Trước vụ việc như thế, Đức Giáo Hoàng chỉ "hết sức đau buồn" (attristé) mà không hề thấy Ngài "xin lỗi" (s’excuser) hoặc “lấy làm tiếc” (désolé) như báo chí đã loan tin. Ở VN, Đài truyền hình TP HCM (HTV7) loan tin chính xác hơn là "Giáo hoàng không xin lỗi". (Bản tin 20h ngày 17.9.2006)
Bản thân tôi tán thành quan điểm của Thủ Tướng Đức, bà Merkel, là "người ta không hiểu đúng diễn văn của Ngài". Bà Angela Merkel cho biết, những người Hồi giáo đã ''hiểu nhầm mục đích của bài diễn văn vốn nhằm mục đích kêu gọi sự đối thoại giữa các tôn giáo''.
''Giáo Hoàng đã tỏ ý ủng hộ sự đối thoại giữa các tôn giáo. Đó là điều tôi ủng hộ và coi đó là cần thiết, cấp bách'', bà Merkel cho biết.
''Những gì Giáo hoàng Benedict XVI nhấn mạnh là chấm dứt dứt khoát mọi hình thức bạo lực nhân danh tôn giáo''.
“Trước đó, Tòa thánh Vatican khẳng định, Giáo hoàng Benedict XVI không có ý định xúc phạm đạo Hồi, sau khi Ngài có bài phát biểu động chạm tới khái niệm thánh chiến jihad.” (Vietnamnet 16.9.2006)
Tờ Lacroix cũng đưa ra một nhận xét về Đức Giáo Hoàng, “Đây không phải là lần đầutiên mà nhà thần học này, nổi danh la có tư tưởng sắc bén, đã gây ra cú sốc. Một giáo sĩ cao cấp của Toà Thánh nhắc nhở: “ Joseph Ratzinger luôn luôn là một bậc thầy”
“ Ce n’est pas la première fois que ce théologien, réputé pour sa pensée acérée, choque. Un prélat de la curie le rappelle : « Joseph Ratzinger a toujours été professeur. »”
( Lacroix, 17.8.2006)
Tuy nhiên, Giáo Hoàng cũng không phải là người bảo thủ mà “sẵn sàng đối thoại” với những nhà lãnh đạo Hồi Giáo. Chúng ta chờ xem những nhà lãnh đạo Hồi Giáo có đi đến đối thoại với Vatican hay không.
Nguyễn Thụ Nhân
MỘT SỐ NHẬN XÉT
VỀ CUỐN NGHI THỨC THÁNH LỄ 2005
Ấn bản mẫu thứ ba của Sách Lễ Rô-ma (SLR) bằng tiếng La-tinh Missale Romanum đã được công bố năm 2002. Thực ra phần Nghi Thức Thánh Lễ của ấn bản này không có nhiều thay đổi lớn so với ấn bản mẫu thứ nhất (1970) và thứ hai (1975), nhưng Uỷ Ban Phụng Tự (UBPT) trực thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam (HĐGMVN) đã muốn duyệt lại hoàn toàn bản dịch trong Sách Lễ Rô-ma tiếng Việt in năm 1992 (SLR 1992). Bản dịch mới của Nghi Thức Thánh Lễ đã được ấn hành năm 2005 và bắt buộc phải sử dụng thay thế những bản văn trước đây, kể từ lễ Phục Sinh 2006.
Ngay từ khi mới được công bố, bản Nghi Thức Thánh Lễ 2005 (NTTL 2005) đã gây nên nhiều phản ứng –thường là bất lợi– từ trong nước cũng như ngoài nước. Bên cạnh đó cũng có những bài của những người có trách nhiệm về bản dịch : Đức Cha P. Trần Đình Tứ, Chủ tịch UBPT ; cha Kim Long, Tổng thư ký UBPT ; cha Nguyễn Thế Thủ, thành viên UBPT. Những bài này cho biết về tổ chức và tiến trình dịch thuật NTTL 2005, đồng thời cũng giải thích cho biết lý do vì sao UBPT đã chọn một cách dịch nào đó.
Cho đến nay Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ (NPD/CGKPV) vẫn chưa lên tiếng. Lý do là vì nếu phê bình thì có thể sẽ được nhắc nhở là “nói thì dễ, làm mới khó”. Nhưng không nói thì không yên lương tâm, vì vấn đề dịch phụng vụ có liên hệ trực tiếp và lâu dài đến đời sống cầu nguyện của Dân Chúa, và cách riêng Nhóm chúng tôi đã có kinh nghiệm phiên dịch các bản văn Kinh Thánh và phụng vụ từ 35 năm nay, nên cảm thấy có trách nhiệm phải góp ý trong trường hợp này. Do đó, sau một thời gian suy nghĩ và nghiên cứu, chúng tôi xin đưa ra một số nhận xét, hy vọng có thể đóng góp phần nào làm cho các bản dịch phụng vụ đáp ứng mục tiêu là giúp Dân Chúa cầu nguyện.
Trong bài này trước hết chúng tôi sẽ đưa ra những nhận xét tổng quát về NTTL 2005, sau đó là những nhận xét chi tiết về một số chỗ trong bản dịch.
I. NHẬN XÉT TỔNG QUÁT
1. Ấn loát
NTTL 2005 được in và trình bày khá đẹp. Tuy nhiên có điều bất tiện là nếu dùng chung với SLR 1992 thì trong khi cử hành thánh lễ cứ phải chuyển từ sách nọ sang sách kia, khiến linh mục nhiều khi lúng túng và giáo dân cũng bị chia trí lo ra.
Một điều bất tiện khác : ở nhiều chỗ trong các Kinh Nguyện Thánh Thể (KNTT), một số lời kinh được in từ trang nọ sang trang kia, hơi khó đọc, như ở tr. 76-77, 80-81, 84-85 (lời truyền phép Máu Thánh bị cắt làm đôi), tr. 98-99. Bất tiện nhất là có nhiều kinh linh mục đang dang tay đọc lại phải lật trang, như ở tr. 75-76, 77-78, 85-86, 87-88, 89-90, 93-94, 95-96. Bất tiện này, SLR 1992 thường để ý tránh khi dàn trang.
Ngoài ra, ở KNTT 1 có các Kinh Hiệp thông riêng cho một số lễ (tr. 77-78), nhưng trình bày rất khó phân biệt, khiến linh mục lúng túng (kinh “Vì vậy, lạy Chúa” riêng của lễ Phục Sinh ở tr. 78 cũng vậy). Có lẽ nên trình bày như SLR 1992 tr. 485-486 : in chữ nhỏ hơn và đóng khung các kinh này, hay ít là đóng khung.
2. Bản dịch
Bản dịch SLR 1992 lưu ý đến âm thanh, tiết điệu và văn phong tiếng Việt nên nghe xuôi và dễ hiểu. Làm như vậy, các dịch giả trong UBPT khi ấy không làm theo ý mình, cũng không quá chú trọng đến hình thức, nhưng đã theo những hướng dẫn của Toà Thánh qua Huấn thị về việc phiên dịch các bản văn phụng vụ do Hội đồng Thực thi Hiến chế Phụng vụ ban hành ngày 25-1-1969 (bản dịch tiếng Việt trong tạp chí Phụng Vụ số 4, tháng 6-1971, tr. 35-45). Tưởng nên nói thêm là Huấn thị này đã là kim chỉ nam cho tất cả các bản dịch phụng vụ hiện đang tiếp tục được sử dụng trên thế giới, ngoại trừ bản dịch của UBPT Hoa Kỳ đang được biên soạn lại. Tại Việt Nam, Uỷ ban phiên dịch SLR, ngoài Huấn thị này, cũng tham khảo các bản dịch có được vào thời điểm ấy bằng tiếng Pháp, Anh, Ý, Đức, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Hà Lan. Các dịch giả đã không làm theo hứng, nhưng đã cân nhắc từng câu từng chữ quan trọng và đã giải thích lý do sự chọn lựa của mình trong tập Chú thích bản dịch Nghi thức Thánh Lễ 1992 của Uỷ Ban Phụng Tự dài 91 trang khổ A5 (tập này đã được đánh máy vi tính lại thành 118 trang cũng khổ A5, và sẽ được dẫn với ký hiệu CT và số trang của bản vi tính).
Trong khi đó NTTL 2005 chủ trương dịch sát tiếng La-tinh, theo Huấn thị 5 (HT 5) “Về việc sử dụng các ngôn ngữ địa phương khi xuất bản các Sách của phụng vụ Rô-ma”, do Bộ Phụng Tự ban hành ngày 28-3-2001. HT 5, số 20 viết :
“Chừng nào có thể, nguyên văn phải được dịch trọn vẹn và rất chính xác, nghĩa là không bớt không thêm xét về nội dung, không dùng những lối diễn nghĩa (paraphrases) hoặc giải thích (glossae)”.
Tuy nhiên, cũng ở chỗ đó, HT 5 nói là “được phép sắp đặt các từ ngữ, sử dụng cú pháp và văn phong, để soạn ra một bản văn trôi chảy và thích hợp với cách diễn tả của ngôn ngữ dân chúng.”
Như vậy, “để nội dung của nguyên văn vừa tầm cả với các tín hữu không được đào luyện trí thức đặc biệt, và họ có thể hiểu được, thì đặc tính của các bản dịch là dùng những từ ngữ dễ hiểu nhưng một trật cũng bảo tồn tính trang trọng, vẻ đẹp và nội dung đạo lý chính xác của nguyên văn” (số 25).
Có thế sẽ đạt được mục tiêu : “Các bản văn phụng vụ là phương tiện rất có hiệu lực để in sâu vào đời sống các tín hữu những ý niệm về đức tin và đời sống Ki-tô giáo” (số 26).
Ở đây cũng cần nhắc lại mục tiêu của việc cải tổ phụng vụ theo Hiến chế về Phụng vụ (PV) của Công Đồng Va-ti-ca-nô II :
“Việc cải tổ này phải sắp xếp các bản văn và nghi thức thế nào để diễn tả rõ ràng hơn những thực tại thánh mà các bản văn và nghi thức đó biểu thị, và để dân Ki-tô giáo có thể dễ dàng thấu triệt các thực tại ấy càng nhiều càng tốt, và có thể tham dự bằng việc cử hành đầy đủ, linh động và cộng đồng” (PV số 21).
“Giáo Hội hằng bận tâm lo sao cho các Ki-tô hữu đừng tham dự vào mầu nhiệm đức tin như những khách bàng quan thinh lặng, nhưng nhờ hiểu rõ mầu nhiệm ấy qua các nghi thức và kinh nguyện, sao cho họ tham dự việc cử hành thánh cách ý thức, đạo đức và linh động” (số 48).
Trong các yếu tố góp phần xây dựng một cử hành phụng vụ linh động, chắc hẳn các bản văn là một yếu tố quan trọng, với điều kiện là các bản văn phải vừa chính xác vừa dễ hiểu. Riêng đối với các bản dịch phụng vụ, HT 5 nhấn mạnh đến tính chính xác, nhưng không vì thế mà dịch giả được quên không lưu ý là bản dịch cần phải dễ hiểu, nhất là vì đại đa số tín hữu chỉ được tiếp cận với các bản văn phụng vụ qua việc nghe bằng tai chứ không đọc bằng mắt . Do đó phải liệu sao để họ có thể hiểu dễ dàng và hiệp thông với lời nguyện của chủ tế. Thiết tưởng có thể áp dụng vào trường hợp này lời thánh Phao-lô viết về việc cầu nguyện bằng tiếng lạ : “Nếu bạn chỉ chúc tụng bằng thần khí, thì làm sao người ở vị trí người dự thính có thể thưa ‘A-men’ lúc bạn dâng lời tạ ơn, vì người đó không biết bạn nói gì ?” (1 Cr 14,16).
Chính xác và dễ hiểu : hai đòi hỏi nhiều khi rất khó dung hoà, và các bản dịch phụng vụ tiếng Việt luôn bị giằng co giữa hai bên.
II. NHẬN XÉT CHI TIẾT
Trong phần nhận xét chi tiết này, chúng tôi sẽ dẫn NTTL 2005 theo trang và theo số ; để dễ phân biệt, các lời của NTTL 2005 sẽ được in chữ nghiêng .
Tr. 4
Concordat cum originali và Imprimatur đều do Đức Cha Chủ Tịch UBPT ký, trong khi đó theo HT 5 thì Concordat cum originali do Đức Cha Chủ Tịch UBPT ký, còn Imprimatur phải do Đức Cha Chủ Tịch HĐGMVN.
Tr. 10, số 1
Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần.
SLR 1992 dịch là “Nhân danh Chúa Cha và Chúa Con và Chúa Thánh Thần” thay cho công thức quen dùng “Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần”, vì hai lý do (CT tr. 14-15) :
1) Những từ “Cha” và “Con” hàm hồ, không nhất thiết chỉ Thiên Chúa Cha và Thiên Chúa Con. Có lẽ vì thế xưa cha ông ta đã dịch kinh Sáng Danh là “Sáng danh Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con và Đức Chúa Thánh Thần”.
2) Khi nói chuyện với một người trẻ tuổi, linh mục thường xưng mình là “cha” và gọi người kia là “con”. Do đó, khi cử hành bí tích Rửa Tội, nếu linh mục đọc : “Cha rửa con, nhân danh Cha và Con và Thánh Thần” thì một người ngoại giáo có thể hiểu hai chữ cha và hai chữ con chỉ linh mục và người được rửa tội.
Có thể thêm một lý do nữa. Ở đầu thánh lễ, linh mục đọc : Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần , rồi nói tiếp : Chúa ở cùng anh chị em . Cộng đoàn thưa : Và ở cùng cha . Một người không thạo giáo lý có thể hiểu hai chữ cha cùng chỉ linh mục.
NTTL 2005 lấy lại công thức Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần , có lẽ để tránh cho hiểu rằng có ba Chúa. Nhưng xin trả lời : xưa nay ta vẫn đọc : “Sáng danh Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con và Đức Chúa Thánh Thần”, nhưng chưa thấy ai thắc mắc là đây nói về ba Chúa. Đàng khác, chính NTTL 2005 vẫn nhiều lần dùng Đức Chúa Cha, Đức Chúa Con, Đức Chúa Thánh Thần trong kinh Vinh Danh (tr. 15) và kinh Tin Kính (tr. 17-18).
Tr. 12, số 4
Cử hành mầu nhiệm thánh dịch tiếng La-tinh ad sacra mysteria celebranda , nhưng chưa sát lắm, vì mysteria ở số nhiều. Dầu sao cử hành mầu nhiệm thánh có lẽ hơi khó hiểu. Trong các tác giả thời xưa, “sacra / sancta mysteria celebrare” có nghĩa là “cử hành thánh lễ” (A. Blaise, Dictionnaire latin-français des auteurs chrétiens , 1854, tr. 547). Vì thế SLR 1992 (CT tr. 17-18) đã dịch là cử hành thánh lễ , dựa theo bản dịch tiếng Pháp và Hà Lan (“Eucharistie”), và tiếng Đức (“das Gedašchtnis des Herrn” : cuộc tưởng niệm Chúa).
Tr. 13, số 6
Thinh lặng giây lát, rồi linh mục nói. Câu chữ đỏ này dịch thiếu (SLR 1992 tr. 567 dịch đầy đủ hơn). Đúng ra phải dịch là : “Thinh lặng giây lát. Rồi linh mục, hoặc phó tế hoặc một thừa tác viên khác, xướng những lời kêu cầu sau đây, hoặc những câu khác, có Xin Chúa thương xót chúng con .” Như vậy chắc hẳn là được phép sáng tác những lời kêu cầu khác.
Tr. 14, số 8
KINH VINH DANH
1) Bình an dưới thế cho người thiện tâm . Câu này trích từ bài ca của các thiên thần trong đêm Giáng Sinh (Lc 2,14) ; cho người thiện tâm dịch theo bản La-tinh hominibus bonae voluntatis và hiểu là thiện tâm của con người.
Còn SLR 1992 hiểu là thiện tâm của Thiên Chúa nên đã dịch “cho loài người Chúa thương”, và đã giải thích ở CT tr. 21-22 lý do của cách dịch này. Ban dịch thuật đã tìm hiểu kỹ ý nghĩa của những từ ấy trong văn mạch về ơn cứu độ phổ quát trong Tin Mừng Lu-ca : sự bình an không do thiện tâm con người mà có, nhưng do tình thương Thiên Chúa ban tặng, khi “Ngôi Lời đã làm người (Ga 1,14), sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ (Lc 2,12) và sống giữa loài người chúng ta (Ga 1,14)”, nhờ đó “hết mọi người phàm sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa” (Lc 3,6 dẫn Is 40,6).
Các bản dịch phụng vụ khác cũng hiểu theo hướng này :
– Pháp : “aux hommes qu’il aime”
– Tây Ban Nha : “a los hombres que ama el Senor”
– Bồ-đào nha : “aos homens por ele amados”
– Đức : “den Menschen seiner Gnade”
– Anh : “to his people”
– Trung Quốc : “Chủ ái đích nhân”
(= những người Chúa yêu)
2) Ở cuối tr. 14, NTTL 2005 in : … vì vinh quang cao cả Chúa. Lạy Chúa là Thiên Chúa, là Vua trên trời, là Chúa Cha toàn năng . Như vậy câu cuối cùng này chỉ gồm những danh từ ở hô cách, mà không biết đưa về đâu. Trong khi đó bản La-tinh in dấu phẩy sau vì vinh quang cao cả Chúa , và như vậy hiểu Chúa Cha là đối tượng của tất cả những động từ ca ngợi, chúc tụng v.v… ở mấy dòng trên.
Do đó, phải chăng nên đưa hai dòng cuối cùng của tr. 14 lên trước chúng con ca ngợi Chúa , như SLR 1992 cùng với bản tiếng Anh và Bồ Đào Nha làm ? Như thế sẽ vừa hợp với cách thưa gửi trong tiếng Việt (CT tr. 23), vừa cho thấy rõ kinh Vinh Danh gồm hai phần : phần đầu dâng lên Chúa Cha, phần sau dâng lên Chúa Giê-su Ki-tô.
Tr. 16, số 14
Trong lời nguyện của linh mục đọc thầm trước khi đọc Tin Mừng, bản La-tinh không có competenter (đủ tư cách ).
Tr. 17-18, số 18
KINH TIN KÍNH
Đây là bản tuyên xưng đức tin, có tính chất thần học nên rất khó dịch. Có nhiều ý kiến được đưa ra về bản dịch trong NTTL 2005. Bản CT tr. 34-44 phân tích khá kỹ kinh này (tuy rằng có một số đề nghị của Uỷ Ban đã không được đưa vào SLR 1992). Chúng tôi dựa vào bản CT này để nhận xét về một số điểm trong NTTL 2005.
1) Tôi tin kính một Thiên Chúa
Bản La-tinh của kinh này có bốn lần nhấn mạnh tính duy nhất khi nói về Thiên Chúa, Chúa (Giê-su Ki-tô), Hội Thánh và phép rửa, qua số từ unum / unam . Bản Hy-lạp gốc của kinh Tin Kính này cũng dùng các số từ hêna, mian và hên (Denzinger – Schošnmetzer, Enchiridion Symbolorum , 1963, số 150). Các bản dịch phụng vụ tiếng Pháp, Ý, Anh, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Đức, Hà Lan đều nhấn mạnh tính duy nhất này. SLR 1992 cũng dịch bốn lần : “một Thiên Chúa duy nhất”, “một Chúa duy nhất”, “một Hội Thánh duy nhất”, “một phép rửa duy nhất”. NTTL 2005 chỉ dùng duy nhất khi nói về Hội Thánh, còn dùng một cho ba chỗ kia : Tôi tin kính một Thiên Chúa. Tôi tin kính một Chúa Giê-su Ki-tô. Tôi tuyên xưng có một Phép Rửa . Thiết tưởng như vậy chưa diễn tả đủ tính duy nhất mà kinh Tin Kính muốn nhấn mạnh. Vì thế xin đề nghị lấy lại cách dịch của SLR 1992 ; hoặc nếu không muốn dùng “duy nhất” thì có thể dịch như sau (dựa theo đề nghị của Cha Norberto Nguyễn Văn Khanh ofm) : “Tôi tin kính chỉ có một Thiên Chúa… Tôi tin kính chỉ có một Chúa duy nhất là Đức Giê-su Ki-tô… Tôi tin chỉ có một Hội Thánh thánh thiện… Tôi tuyên xưng chỉ có một Phép Rửa…”
2) Từ trước muôn đời
Có lẽ nên đọc lại nhận xét của CT tr. 35-36 về kiểu nói này : giới từ “từ” biểu thị điểm xuất phát (trong không gian, ví dụ : “đi từ Hà Nội đến Hải Phòng), điểm khởi đầu (trong thời gian, ví dụ : “dậy từ sáng sớm”). Vì thế nói : Chúa Con sinh bởi Đức Chúa Cha từ trước muôn đời có thể gợi lên ý niệm sai lầm rằng sự Chúa Cha sinh ra Chúa Con có khởi điểm, có bắt đầu trong thời gian. Do đó có lẽ nên bỏ “từ”, mà chỉ nói “sinh bởi Đức Chúa Cha trước muôn đời”, nghĩa là trước khi có thời gian và muôn loài trong vũ trụ.
3) Tôi tin kính Đức Chúa Thánh Thần là Thiên Chúa và là Đấng ban sự sống
Bản La-tinh : Et in Spiritum Sanctum, Dominum et vivificantem . Về bản này nên lưu ý hai điểm : bản này không dùng Deum , “Thiên Chúa”, mà dùng Dominum , “Chúa” ; đàng khác có dấu phẩy sau Sanctum , như vậy từ Dominum được tách ra. Các bản phụng vụ cũng đều không dịch là “Thiên Chúa” và đều tách ra như vậy. Do đó, đề nghị dịch là : “Tôi tin kính Đức Chúa Thánh Thần, là Chúa và là Đấng ban sự sống”.
4) Người bởi Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con mà ra
Dùng từ mà ra có vẻ quá tầm thường, CT tr. 42 viết : “Đây là một tín điều quan trọng rút từ Ga 15,26, tuyên xưng nguồn gốc của Chúa Thánh Thần. Trong Ga 15,26, tác giả dùng động từ êkpôrêuômai (nghĩa thông thường là “đi ra”), và bản Phổ Thông dịch là procedere ”. Động từ này trong thuật ngữ thần học tiếng Việt đôi khi được dịch là “nhiệm xuất”, nhưng từ ngữ này ít được dùng vì hơi khó hiểu. SLR 1992 đề nghị từ ngữ “phát xuất”, vừa dễ hiểu vừa trang trọng hơn kiểu nói mà ra của NTTL 2005.
5) Người đã dùng các tiên tri mà phán dạy
Theo cách hiểu thông thường, tiên tri là người “biết trước” việc sẽ xảy ra. Như vậy từ ngữ này không nói hết được ý nghĩa của từ propheta (La-tinh) hay prôphetes (Hy-lạp). Vai trò chính yếu của prôphetes không phải là biết trước và báo trước tương lai, nhưng là thay mặt Thiên Chúa mà nói ra ý của Chúa. Vì thế SLR 1992 đề nghị dùng từ “ngôn sứ”, nghĩa là người được sai đi để thay mặt Chúa (sứ ) nói lên lời (ngôn ) của Chúa (CT tr. 42-43).
6) Tôi trông đợi kẻ chết sống lại
NTTL 2005 ưa dùng những từ trừu tượng, nhưng ở đây lại dịch resurrectionem mortuorum thành kẻ chết sống lại , khiến người ta có thể nghĩ rằng chúng ta trông đợi những người chết sẽ sống lại, trở lại trần gian. Vì thế SLR 1992 dịch : “Tôi trông đợi ngày kẻ chết sống lại”. Trong Tin Mừng Gio-an hay nói về “kẻ chết sống lại trong ngày sau hết” (Ga 6,54 ; x. 6,39-40.44 ; 11,24). Vì thế thêm “ngày” ở đây làm cho câu văn không hàm hồ, mà vẫn đi sát với Kinh Thánh (CT tr. 43-44).
Tr. 19, số 23 và 25
Lạy Chúa là Chúa Cả trời đất
Trong sách in, từ Cả được in chữ hoa nên hiểu là đi với Chúa : Chúa Cả . Nhưng khi nghe đọc, người ta có thể hiểu là đi với trời đất : cả trời đất . Để tránh kiểu nói mập mờ, có lẽ nên lấy lại cụm từ “Chúa tể càn khôn” của SLR 1971 và SLR 1992. Hoặc nếu thấy từ ngữ “càn khôn” hơi khó hiểu, có thể dùng “Chúa tể trời đất” hoặc “Chúa tể vũ trụ”.
Chúng con dâng lên Chúa để trở nên bánh trường sinh
Chúng con dâng lên Chúa để trở nên của uống thiêng liêng
Theo ngữ pháp tiếng Việt, chủ ngữ của trở nên chỉ có thể là chúng con . Vì thế cần nói rõ chủ ngữ để khỏi hàm hồ. Ở tr. 84 số 101, tr. 87 số 109, tr. 94 số 118, tr. 149 số 3 v.v. cũng có vấn đề tương tự.
Tr. 19, số 24
Nhờ dấu chỉ nước hoà rượu này
Cụm từ trên dịch tiếng La-tinh per huius aquae et vini mysterium, một kiểu nói cao siêu, khó hiểu, do đó có nhiều cách dịch khác nhau. SLR 1971 : “Nhờ mầu nhiệm nước và rượu này” ; Anh : “By the mystery of this water and wine” ; Ý : “L’acqua unita al vino sia segno” ; Pháp : “Comme cette eau se mêle au vin pour le sacrement de l’Alliance ; SLR 1992 : “Cũng như giọt nước này hoà chung với rượu”. Thật khó mà tìm được cách dịch nào vừa diễn tả đầy đủ ý nghĩa vừa dễ hiểu.
Ngoài ra, kiểu nói của NTTL 2005 xin cho chúng con được tham dự vào thần tính có lẽ cũng chưa chỉnh, vì tham dự là dự vào một hoạt động cụ thể như “tham dự hội nghị, tham dự nghi lễ”, còn tham dự vào thần tính nghe không xuôi lắm.
Tr. 21, số 31
KINH NGUYỆN THÁNH THỂ
Từ Prex eucharistica đã được SLR 1992 dịch là “Kinh Tạ Ơn”. Nay NTTL 2005 lại trở về với SLR 1971 mà dịch là Kinh Nguyện Thánh Thể. Nghĩ gì về cách dịch này ? Chúng ta có thể xem lại CT tr. 87-88 để nhận xét như sau :
1) Dịch là Kinh Nguyện Thánh Thể dễ có thể bị hiểu sai là : “Kinh nguyện với Thánh Thể trước Nhà Chầu”, và thu gọn mầu nhiệm Thánh Thể vào sự hiện diện bí tích của Chúa Giê-su trong Bánh và Rượu đã được truyền phép thành Mình và Máu Thánh Chúa.
2) Tính từ La-tinh eucharistica là do danh từ Hy-lạp êukharistia (“sự tạ ơn, lời tạ ơn”), có ngữ căn là động từ êukharistêin (“biết ơn, cám ơn, tạ ơn”). Động từ này được chính Tân Ước dùng khi thuật lại việc Chúa Giê-su lập bí tích Thánh Thể : Chúa “cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn” (Lc 22,19 ; 1 Cr 11,23-24), “cầm lấy chén rượu, dâng lời tạ ơn” (Mt 26,27 ; Mc 14,23).
3) Chính Missale Romanum 2002 trong phần Quy chế tổng quát đặt ở đầu sách cũng viết : “Bây giờ bắt đầu điểm trung tâm và cao nhất của toàn bộ việc cử hành, là chính Kinh Tạ Ơn, nghĩa là kinh tạ ơn và thánh hiến (Prex eucharistica, prex scilicet gratiarum actionis et sanctificationis ). Vị tư tế mời cộng đồng hướng tâm hồn lên Chúa để cầu nguyện và tạ ơn” (số 78).
Như vậy, dịch là “Kinh Tạ Ơn” thay vì Kinh Nguyện Thánh Thể thì vừa đúng với ý nghĩa Kinh Thánh và phụng vụ, vừa tránh hiểu theo nghĩa hạn hẹp.
Tr. 21
THÁNH ! THÁNH ! THÁNH !
X. CT 47-51. Ba dòng đầu của kinh này là lời tung hô của các Xê-ra-phim trong thị kiến của I-sai-a trong đền thờ (Is 6,3 ; phụng vụ thêm “trời”) và cũng là lời ca của bốn Con Vật trước ngai Thiên Chúa trên trời (Kh 4,8). Nhận xét về bản dịch NTTL 2005 :
1) Thánh ! Thánh ! Thánh !
Trong tiếng Híp-ri, lặp lại ba lần tức là nhấn mạnh (Gr 7,4 ; 22,29 ; Ed 21,32). I-sai-a nhiều lần dùng từ ngữ “Đức Thánh của Ít-ra-en” để chỉ Thiên Chúa (1,4 ; 5,19.24 ; 10,20 ; 12,6 v.v…), vì thế ở đây muốn khẳng định rằng Thiên Chúa là Đấng Chí Thánh. Do đó SLR 1992 đã dịch : “Thánh ! Thánh ! Chí Thánh !”
2) Chúa là Thiên Chúa các đạo binh
NTTL 2005 theo SLR 1971 hiểu Thiên Chúa các đạo binh là thuộc ngữ (attribut) của Chúa . Trong khi đó các bản dịch I-sai-a và phụng vụ đều hiểu Thiên Chúa các đạo binh là đồng vị ngữ (apposition) của Chúa . Thánh mới là thuộc ngữ của Chúa , nhưng vì dài (lặp lại ba lần) nên được đặt trước. Do đó bản phụng vụ tiếng La-tinh cũng như tiếng Ý, Anh, Đức không có dấu chấm hay phẩy giữa Thánh và Chúa ; bản Tây Ban Nha thêm động từ “là” : “Santo es el Senor”. Vì hiểu như thế nên SLR 1992 đã dịch : “Thiên Chúa, Chúa Tể càn khôn là Đấng Thánh” (lặp lại “thánh” ở cuối cho rõ).
3) Thiên Chúa các đạo binh
Tiếng La-tinh là Deus Sabaoth. Sabaoth phiên âm một từ Híp-ri có nghĩa là “các đạo binh”, có thể hiểu là quân đội Ít-ra-en, hoặc đạo binh trên trời, nghĩa là các thiên thần, các tinh tú. Bản LXX (bản dịch cổ Cựu Ước ra tiếng Hy-lạp) dịch nhiều cách : “Chúa Sabaot”, “Chúa các quyền năng”, “Đấng toàn năng” (pantôkrator ; Kh 4,8 khi dẫn Is 6,3 cũng dùng từ này). Các bản dịch phụng vụ dịch là “Chúa vũ trụ” (“univers” : Pháp, Ý, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha), “Chúa của quyền năng và sức mạnh” (Anh, Đức). SLR 1992 đã dịch “Chúa Tể càn khôn”. Có lẽ nên theo hướng này, hoặc ít ra dùng “vũ trụ” thay các đạo binh .
Tr. 22
KINH TIỀN TỤNG
SLR 1992 để nghị dùng “Lời tiền tụng”. Lý do (CT tr. 46) là vì muốn dùng từ “kinh” cho toàn thể Kinh Tạ Ơn, và dùng từ “Lời” để chỉ các lời nguyện khác nhau trong Kinh Tạ Ơn ; Lời tiền tụng không phải là một kinh biệt lập, mà chỉ là phần đầu của Kinh Tạ Ơn.
Tr. 22-71, số 33-82
CÁC KINH TIỀN TỤNG
Chúng tôi không đi vào chi tiết bản dịch các Kinh Tiền Tụng (KTT), chỉ đưa ra một vài nhận xét tổng quát.
NTTL 2005 chủ trương dịch sát tiếng La-tinh, nên
– trong phần thân của KTT là phần đưa ra lý do để tạ ơn, nhiều khi để nguyên câu La-tinh dài, do đó hơi khó hiểu (ví dụ điển hình là KTT Chúa nhật Thường Niên VIII, phần thân dài 9 dòng là nguyên một câu, không có dấu chấm) ;
– dịch hết tên các “phẩm” thiên thần : Thiên thần, Tổng lãnh Thiên thần, Bệ thần, Quản thần, Quyền thần, thần Sốt mến (tuy nhiên ở tr. 31, số 42, còn để sót hai “phẩm” Caeli và Virtutes caelorum không dịch sát).
Trong khi đó SLR 1992, cũng như các bản dịch các thứ tiếng, thường cắt các câu dài, làm những câu ngắn cho dễ hiểu, đồng thời không dịch hết tên các “phẩm” thiên thần.
Tr. 75
KINH NGUYỆN THÁNH THỂ I
Trong các KNTT có vấn đề về cách xưng hô với Thiên Chúa . Về điểm này CT có bàn tới ở tr. 88-89. Vấn đề ở chỗ bản La-tinh xưng với Thiên Chúa khi thì “Cha” (Pater ), khi thì “Chúa” (Domine ), khi thì “Thiên Chúa” (Deus ). Trong một kinh đọc liên tục mà thay đổi cách xưng hô như vậy, kể cũng lạ tai. Do đó, bản dịch tiếng Ý, ngoại trừ ở KNTT I thì theo La-tinh, còn trong KNTT II, III và IV thì dùng “Cha” hết (ngoại trừ một chỗ ở KNTT IV dùng “Thiên Chúa”).
Thay đổi cách xưng hô như vậy lại càng chói tai trong tiếng Việt. Vì trong tiếng La-tinh cũng như trong các ngôn ngữ chúng tôi được biết, sau khi xưng “Cha” hoặc “Chúa” ở đầu, các tiếng ấy chỉ dùng đại từ thay thế hoặc hiểu ngầm, hoặc dùng tính từ sở hữu. Ví dụ trong KNTT IV, ở đầu lời tiền tụng xưng Pater sancte , nhưng rồi, Pater được thay thế bằng đại từ tibi , te , hoặc được hiểu ngầm trong hình thức động từ es, fecisti , hoặc được diễn tả trong tính từ sở hữu tua (gloria tua ).
Còn trong tiếng Việt, các từ “Cha”, “Chúa”, “Thiên Chúa” không thể được hiểu ngầm hoặc thay thế, mà cứ phải nói ra, lặp lại. Trong KNTT mà cứ phải thay đổi giữa các từ đó thì nghe cũng lủng củng, nhất là nội dung tình cảm của các từ đó khác nhau.
Vì vậy SLR 1992 chỉ xưng “Cha” trong tất cả các KNTT (kể cả trong các Lời tiền tụng).
Thế nhưng HT 5 lại chỉ thị là phải dịch Domine, Deus, Pater bằng những từ khác nhau (số 51) ! NTTL 2005 đã tuân hành đúng chỉ thị. Nhưng phải chăng UBPT có nên trình bày lên Bộ Phụng Tự, qua nhân viên cao cấp người Việt phục vụ trong Bộ, về trường hợp đặc biệt của tiếng Việt Nam ?
Tr. 75, số 84
Xin Cha… ban phúc cho những của lễ hiến dâng
Động từ benedicere thường được dịch là “làm phép” khi nói về những vật vô tri, như làm phép nhà thờ, làm phép ảnh tượng, làm phép xe… Khi nói về người thì dịch là “ban phép lành, ban phúc lành, ban phúc, giáng phúc”. Ở đây, NTTL 2005 dịch ban phúc cho những của lễ hiến dâng chắc không hợp ; ở số 88 cũng vậy.
Ở hai chỗ này SLR 1992 dịch benedicere là “thánh hoá” và giải thích (CT tr. 91) : “Trong văn mạch, từ benedicere có nghĩa là ‘làm cho thành của thánh dành riêng cho Thiên Chúa’. Vì thế Uỷ Ban dịch là : thánh hoá.”
Tr. 76 số 86
… cùng toàn thể các thánh,
vì công nghiệp và lời cầu khẩn của các ngài,
xin Chúa phù hộ chúng con trong mọi sự.
Để dễ đọc hơn, sau các thánh nên có dấu chấm (như SLR 1992, bản tiếng Anh và Pháp) hay chấm phẩy (như bản La-tinh, Ý, Tây Ban Nha). Lý do : câu này đã quá dài và đã sang ý tưởng khác.
Ngày nay, từ công nghiệp ít được hiểu theo nghĩa ta quen hiểu trước đây (meritum ), nhưng thường được hiểu như “kỹ nghệ” (ví dụ : “phát triển công nghiệp”). Vì thế nên dùng “công trạng”, như SLR 1992.
Xin Chúa phù hộ chúng con . Tiếng La-tinh dùng dồn dập nhiều từ có nghĩa gần giống nhau : protectionis tuae muniamur auxilio . Vì thế nếu muốn “dịch sát” có lẽ nên nói dài hơn, như : “Xin Chúa che chở phù hộ chúng con”.
Tr. 78, số 88
Linh mục sáp hai bàn tay lại, đặt trên lễ vật
Kiểu nói sáp hai bàn tay còn được dùng ở nhiều chỗ khác tương tự (ở tr. 84, 87, 94, 143, 149, 155, 160, 165, 170, 185, 191). Chúng tôi thấy kiểu nói hơi lạ, nên đã đi tìm trong các từ điển tiếng Việt xuất bản trước cũng như sau năm 1975, thì thấy động từ “sáp” không được dùng một mình (ngoại trừ trong từ ngữ “sáp huyết” với nghĩa “uống máu để thề”), mà chỉ dùng với “nhập” thành “sáp nhập” tức là gom hai đơn vị hành chánh thành một. Các SLR 1971 và 1992 đều dịch là “đặt [hai] tay trên của lễ”. Vì thế có lẽ nên xét lại cách dịch sáp hai bàn tay lại .
Xin thương ban phúc…
Về việc dùng động từ ban phúc để dịch benedictam , xin xem nhận xét trên đây về tr. 75, số 84.
Tr. 79, số 89
LỜI TRUYỀN PHÉP BÁNH
Hướng về Chúa là Cha toàn năng của Người
Bản La-tinh là ad te Deum Patrem suum omnipotentem . NTTL 2005 quên dịch từ Deum . SLR 1992 đã dịch “hướng về Cha là Thiên Chúa và là Cha toàn năng của Người”.
CT tr. 51-62 trình bày rất kỹ những lý do của bản dịch lời truyền phép đề nghị cho SLR 1992. Ở đây chúng tôi chỉ xin nêu ra một số điểm.
Tất cả các con hãy nhận lấy
Động từ nhận lấy ở đây dịch động từ La-tinh accipite . Ở mấy dòng trên, cũng một động từ này accepit panem được dịch là Người cầm bánh . Trong các trình thuật về bữa tối sau hết, các sách Tin Mừng dùng cùng một động từ lambanêin cho cả hai trường hợp. Các bản dịch phụng vụ (Anh, Pháp, Ý, Đức, v.v..) cũng dùng một động từ. Vì thế bản tiếng Việt cũng nên dùng một động từ “cầm lấy” ; tuy nhiên có thể bớt từ hãy cho lời văn nhẹ nhàng hơn, mà ý nghĩa mệnh lệnh vẫn còn : Tất cả các con cầm lấy .
Vì này là Mình Thầy
Mệnh đề này có năm dấu huyền, nghe không hay lắm, nhất là đây là cao điểm của thánh lễ. Có lẽ nên thay này bằng đây như CT tr. 58 đề nghị, câu văn dễ nghe mà vẫn đúng nghĩa.
Tr. 79, số 90
LỜI TRUYỀN PHÉP RƯỢU
Cùng một thể thức ấy dịch La-tinh simili modo . Theo các từ điển, thể thức là “cách thức và thể lệ”, là “cách thức đã quy định”, vì thế gợi lên một khuôn mẫu có sẵn. Trong khi đó, từ Hy-lạp hosautos (Lc 22,20 ; 1 Cr 11,25) có nghĩa đơn giản là “cũng như vậy, cũng thế”. Do đó ở đây nên dịch là “cũng thế”.
Sau bữa ăn tối
Theo CT tr. 62, nếu dịch như trên, người ta có thể hiểu là Đức Giê-su truyền phép rượu ngoài bữa ăn, hoặc trong một bữa ăn khác với bữa ăn trong đó Người truyền phép bánh. Trong khi đó, động từ Hy-lạp dêipnesai dùng trong Lc 22,20 và 1 Cr 11,25 chỉ có nghĩa là “dùng bữa”. Vì thế SLR 1992 dịch là “vào cuối bữa ăn”.
Người cầm chén
Đề nghị : “Người cầm lấy chén rượu”. Lý do : “cầm lấy”, vì cũng là động từ Hy-lạp lambanêin như ở trên khi nói về bánh ; “chén rượu”, vì trong tiếng miền Nam “chén” còn có nghĩa là “chén để ăn cơm”, do đó ở đây nên nói rõ là “chén rượu”.
Tất cả các con hãy nhận lấy . Theo nhận xét trên đây về bánh, ở đây chúng tôi cũng đề nghị dịch là “Tất cả các con cầm lấy”.
Và nhiều người được tha tội
[Cho ] nhiều người dịch La-tinh pro multis lấy ở Mt 26,28. CT tr. 63-64 có bàn đến cách dịch từ này. Chỗ này bản TOB dịch là “pour la multitude” và chú thích : [Jésus] “proclame la valeur universelle de son sacrifice pour la multitude , c’est-à-dire, selon le sens sémitique de la formule, pour l’ensemble des hommes (cf. Es 53,12).” Bản BJ dịch là “pour une multitude” và chú thích : “Jésus s’attribue la mission de rédemption universelle assignée par Isaðe au ‘Serviteur de Yahvé’, Is 42,6 ; 49,6 ; 53,12.” Nhiều bản dịch phụng vụ cũng dịch theo nghĩa đó : “pour la multitude” (Pháp), “for all men” (Anh), “per tutti” (Ý), “por todos los hombres” (Tây Ban Nha), “por todos os homens” (Bồ Đào Nha), “fušr alle” (Đức), “chúng nhân” (Trung quốc).
Uỷ ban phiên dịch SLR 1992 đã đề nghị hai kiểu dịch : “mọi người” hoặc “muôn người”, nhưng nghiêng về “muôn người”. “Muôn” có nghĩa đầu tiên là “mười ngàn”, nhưng cũng được “dùng để chỉ con số lớn lắm không sao đếm xuể, hoặc đến bao nhiêu cũng được, bao quát toàn bộ” (Từ điển Tiếng Việt ), như trong các từ ngữ “muôn dân, muôn đời, muôn kiếp, muôn loài, muôn năm, muôn sự, muôn thuở”, v.v… Dùng “muôn người” trong lời truyền phép có lợi là vừa gần với multi , vừa không có nghĩa giới hạn như “nhiều người’ (hàm ý có những người ở ngoài số “nhiều”).
Mà nhớ đến Thầy
In meam commemorationem (Lc 22,19) dịch như trên có lẽ hơi nhẹ. Uỷ ban phiên dịch trước đây (CT tr. 64-65) đã đề nghị “để tưởng nhớ đến Thầy”, vì “tưởng nhớ” là “nhớ đến, nghĩ đến với tình cảm thiết tha”. Các bản dịch phụng vụ dùng “mémoire”, “memory”, “memoria”.
Một nhận xét khác : ở số 89-90, trong lời tường thuật truyền phép, có đến năm chữ mà , nghe kể cũng hơi nặng (ở các chỗ tương đương trong các KNTT khác cũng vậy).
Tr. 80, số 91
LỜI TUNG HÔ SAU TRUYỀN PHÉP
Trong bản La-tinh chỉ có một lời xướng của linh mục cho ba mẫu lời tung hô của giáo dân. UBPT trong biên bản đề ngày 1-6-2003, số 32 (tr. 13-14) đã đề nghị ba lời xướng : “Đây là mầu nhiệm đức tin”, “Chúng ta hãy tuyên xưng mầu nhiệm đức tin” và “Cao cả thay mầu nhiệm đức tin”, lý do là “nhằm giúp cho cộng đoàn dễ dàng đáp lại khi chọn mẫu nào tương ứng”. Chính vì lý do mục vụ này mà bản Pháp, Tây Ban Nha và sau đó SLR 1992 (tr. 572) cũng đã đề nghị ba lời xướng khác nhau của linh mục (x. CT tr. 65). Rất tiếc là trong NTTL 2005 chỉ còn một lời xướng duy nhất. Kết quả thực tế, theo kinh nghiệm 35 năm (từ khi có SLR 1971), là cộng đoàn thường chỉ tung hô theo một mẫu duy nhất.
Trong bản dịch các lời tung hô, NTTL 2005 đã bỏ mấy từ “việc” cho bớt nặng nề, thành Chúa chịu chết, Chúa sống lại . Nhưng có lẽ nên thêm từ “đã” như SLR 1992 : “Chúa đã chịu chết, Chúa đã sống lại” cho rõ thì quá khứ, và như vậy nêu rõ : thánh lễ hiện tại tổng hợp quá khứ và tương lai (cho tới khi Chúa đến ).
Ngoài ra, vì trong các số đi liền trước và sau số 91, Chúa chỉ về Chúa Cha, nên Domine trong các câu tung hô nên dịch là “Lạy Chúa Ki-tô” cho rõ nghĩa.
Trong mẫu lời tung hô thứ 3, NTTL 2005 dịch Chúa đã dùng thánh giá và sự phục sinh của Chúa để giải thoát chúng con . Câu văn hơi nặng và trừu tượng do các từ dùng và sự . Vì thế SLR 1992 đã đề nghị : “Chúa đã chịu khổ hình thập giá và sống lại vinh quang để giải thoát muôn người ”. Có lẽ một phần nào nên theo hướng đó.
Tr. 80, số 92
Vì vậy, lạy Chúa
Đây là một trường hợp cho thấy tầm quan trọng của việc xưng hô. Ở trong các lời tung hô sau truyền phép, lạy Chúa hướng về Chúa Ki-tô, còn ở đây lạy Chúa lại hướng về Chúa Cha ! Thật khó hiểu.
Bánh thánh ban sự sống vĩnh cửu và chén cứu độ muôn đời…
Để ý nghĩa rõ hơn, đề nghị theo SLR 1992 : “là Bánh thánh ban sự sống vĩnh cửu và Chén đem lại ơn cứu độ muôn đời.” Lý do : “là” giải thích lễ vật vừa nói là gì ; thêm “đem lại” cho cân với “ban” (cũng đã thêm). Bánh và Chén có thể viết hoa theo bản La-tinh.
Tr. 80, số 93
Abel tôi trung của Chúa
Tôi trung có lẽ chưa dịch hết nghĩa của pueri tui iusti : theo 1 Ga 3,12, Ca-in đã giết em “bởi vì các việc nó làm thì xấu xa, còn các việc em nó làm thì công chính (iusta )”. Vì thế SLR 1992 đã dịch “của tôi tớ cha là A-ben, người công chính”. Các bản Ý, Pháp, Tây Ban Nha cũng dịch “A-ben, người công chính”.
Tr. 81, số 95
Đặc biệt các bậc tổ tiên, ông bà cha mẹ
và thân bằng quyến thuộc chúng con
Những dòng này được thêm vào theo tinh thần “hội nhập văn hoá” : rất hay ! Nhưng vì được thêm vào, nên cần thêm dấu phẩy sau chúng con để phân biệt với bản chính và cho thấy rõ chủ ngữ của đã an nghỉ là mọi người. Ở những chỗ tương tự trong một số KNTT khác cũng cần thêm dấu phẩy như vậy, ví dụ : tr. 86 (số 106), tr. 91 (số 115), tr. 146 (số 7), tr. 152 (số 7).
Tr. 82, số 96
Các Thánh Tử Đạo… và toàn thể các thánh
Hai lần dịch thiếu tuis : “các Thánh Tử Đạo của Chúa… toàn thể các Thánh của Chúa”.
Xét theo công nghiệp
Về từ công nghiệp, xin xem nhận xét trên đây về số 86, tr. 76. Ở chỗ này SLR 1971 và SLR 1992 đều dịch là “công trạng”.
Đồng phận với các ngài
Từ ngữ đồng phận không thấy có trong các từ điển tiếng Việt. Các bản dịch trước đều dịch theo nghĩa : SLR 1971 “nhận vào đoàn thể các thánh” ; SLR 1992 “cho được chung hưởng hạnh phúc với các ngài”.
Tr. 82, số 97
Chúa hằng sáng tạo, thánh hoá, ban sinh lực, giáng phúc
và phân phát cho chúng con tất cả những lễ vật này
Bản dịch lấy lại SLR 1971. Những dòng này khó hiểu vì không thấy đâu là bổ ngữ (túc từ) của chuỗi động từ này. Các động từ sáng tạo, thánh hoá, phân phát có thể có bổ ngữ trực tiếp là những lễ vật . Nhưng ban sinh lực, giáng phúc chỉ có bổ ngữ gián tiếp : ban sinh lực, giáng phúc cho những lễ vật (riêng động từ giáng phúc cũng có vấn đề như động từ ban phúc , đã nói về số 84, tr. 75 trên đây). Chính vì lý do đó mà SLR 1992 đã phải nói vòng : “Cha không ngừng sáng tạo những của lễ tốt đẹp này, lại thánh hoá và làm cho trở nên nguồn sinh lực và ân phúc để ban cho chúng con.”
Tr. 82, số 98
Chính nhờ Người, với Người…
Đây là câu vinh tụng ca kết thúc các KNTT, đồng thời ý nghĩa cũng súc tích, vì thế khó mà dịch sao cho đúng và hay (CT tr. 67-68). Ở đây xin nêu ra vài ba điểm :
1) Chính nhờ Người, với Người và trong Người
Bản La-tinh chỉ dùng đại từ Per ipsum, et cum ipso, et in ipso. Nhưng SLR 1992 đã dịch “Chính nhờ Đức Ki-tô, cùng với Đức Ki-tô, và trong Đức Ki-tô” : lặp lại “Đức Ki-tô” ba lần (theo bản Ý và Bồ Đào Nha) cho câu văn thêm long trọng. Đồng thời, vì đại từ ipsum ở đầu số 98 hơi xa danh từ Christum ở cuối số 96, nên nhắc lại “Đức Ki-tô” cho rõ hơn.
2) In unitate Spiritus Sancti
Các chuyên gia phụng vụ không nhất trí về cách hiểu cụm từ này (CT tr. 67-68) : a) hoặc muốn nhấn mạnh đến sự hợp nhất trong Thiên Chúa Ba Ngôi, như trong câu kết dài của lời nguyện nhập lễ ; b) hoặc hiểu là “trong sự hợp nhất do Chúa Thánh Thần”, nghĩa là Chúa Thánh Thần hợp nhất chúng ta thành một thân thể là Hội Thánh để chúng ta có thể nhờ Đức Ki-tô mà dâng lên Thiên Chúa mọi lời tôn vinh chúc tụng ; ý niệm về việc Chúa Thánh Thần liên kết chúng ta nên một cũng được nói đến ở KNTT 2 (số 105, tr. 85), KNTT 3 (số 113, tr. 89) và KNTT 4 (số 122, tr.96). Dù sao, dịch trong sự hợp nhất của Chúa Thánh Thần cũng hơi nặng và khó hiểu.
3) Đến muôn đời
SLR 1992 dịch “đến muôn thuở muôn đời” ở chỗ này, cũng như ở câu kết lời nguyện nhập lễ. Lý do : tiếng La-tinh có lặp lại per omnia saecula saeculorum , vì thế, dịch dài hơn thì vừa đúng vừa làm cho lời kết thúc thêm long trọng và phong phú về âm điệu.
KINH NGUYỆN THÁNH THỂ II
Tr. 83, số 99
Nhờ Con yêu quý của Cha là Chúa Giê-su Ki-tô
chúng con tạ ơn Cha mọi nơi mọi lúc
Đảo vị trí của hai dòng này, như SLR 1992, câu văn sẽ tự nhiên hơn, dễ hiểu hơn (đồng thời cũng “sát tiếng La-tinh” hơn !)
Để chu toàn thánh ý Cha…
Trong dòng này và ba dòng tiếp theo có đến ba chữ để : có lẽ hơi nặng. SLR 1992 đã tìm cách tránh cái bất tiện này (CT tr. 100-101).
Tr. 84, số 101
Dùng ơn Thánh Thần Chúa
Bản La-tinh : Spiritus tui rore . Dịch như trên thì quá nhẹ vì làm mất đi hình ảnh ơn Chúa Thánh Thần ví tựa “sương sa” (ros ). SLR 1992 đã cố gắng giữ phần nào hình ảnh này (CT tr. 101) : “Xin Cha đổ ơn Thánh Thần xuống”. Các bản Ý, Tây Ban Nha, Pháp cũng dùng những từ tương tự, còn bản Đức dịch “durch den Hauch deines Geistes” (“nhờ hơi thở của Thánh Thần của Chúa”).
Để trở nên cho chúng con
Một lần nữa, chúng ta lại gặp vấn đề đã nêu trên đây về tr. 19, số 23 và 25) : đâu là chủ ngữ của trở nên ?
Tr. 84, số 102
Khi tự nguyện nộp mình chịu khổ hình
Bản La-tinh : Qui cum Passioni voluntarie traderetur gồm hai ý tưởng quan trọng (CT tr. 101-102) :
1) “Bị trao nộp” (traderetur ). Đức Giê-su bị Giu-đa trao nộp (Mt 26,15-16), bị Phi-la-tô trao để bị đóng đinh vào thập giá (Mt 27,26), nhưng đó cũng là thánh ý Chúa Cha : “Đến như chính Con mình, Thiên Chúa cũng chẳng tiếc, nhưng đã trao nộp vì hết thảy chúng ta” (Rm 8,32).
2) “Tự hiến thân” (voluntarie ). Tuy bị trao nộp, Đức Giê-su không miễn cưỡng, mà chính Người còn tự trao nộp, tự hiến thân vì chúng ta (Ga 10,17-18 ; Gl 2,20 ; Ep 5,25).
Các bản dịch phụng vụ Anh, Pháp, Đức, Hà Lan, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha đều phân biệt rõ hai ý tưởng ấy. Uỷ ban phiên dịch cũng đã đề nghị cho SLR 1992 : “Khi bị nộp và tự hiến thân chịu khổ hình”.
NTTL 2005 dịch : Khi tự nguyện nộp mình chịu khổ hình . Cách dịch này diễn tả được ý tưởng 2) trên đây ; nhưng chưa nói lên được ý tưởng 1) : Đức Giê-su “bị trao nộp”.
Tr. 85, số 105
Được quy tụ nên một nhờ Chúa Thánh Thần
Từ nhờ quá nhẹ, chưa diễn tả hết giới từ a của tiếng La-tinh : Chúa Thánh Thần không phải chỉ là phương tiện “nhờ đó” chúng ta được quy tụ, mà chính Ngài có vai trò chủ động quy tụ chúng ta. Vì thế có thể dịch theo dạng thụ động : “Xin cho chúng con được quy tụ nên một bởi Chúa Thánh Thần” (như bản Pháp, Anh). Nhưng trong tiếng Việt kiểu này có lẽ hơi nặng, vì thế SLR 1992 đã dịch theo dạng chủ động : “Xin cho Thánh Thần liên kết chúng con nên một.”
Tr. 86, số 105
Xin ban cho kẻ đã chết như Con Chúa,
thì cũng được sống lại như Người
Bản La-tinh : ut, qui complantatus fuit similitudini mortis Filii tuui, simul fiat et resurrectionis eius . Câu này lấy ý từ Rm 6,5 : “Si enim complantati facti sumus similitudini mortis eius, sed et resurrectionis erimus”. Văn mạch Rm 6,1-11 nói về bí tích thánh tẩy trong đó người tín hữu được chết và sống lại với Đức Ki-tô cách mầu nhiệm. C.5 có thể dịch : “Thật vậy, nếu chúng ta đã nên một với Đức Ki-tô nhờ cái chết giống như cái chết của Người, thì chúng ta cũng sẽ nên một với Người nhờ sự sống lại giống như sự sống lại của Người.” Do đó, ở chỗ này cũng như ở lời nguyện tương đương trong Kinh Tạ Ơn 3 (số 115), các bản dịch phụng vụ Đức, Pháp, Anh, Trung Hoa, Ý đều nói rõ đến phép thánh tẩy. SLR 1992 cũng dịch : “Nhờ bí tích thánh tẩy, người tín hữu này đã cùng chết với Chúa Ki-tô, xin Cha cho được cùng sống lại với Người” (CT tr. 103-104). Dịch như thế, không phải là “không sát nguyên bản La-tinh” như có người có thể trách, nhưng chỉ là nói rõ ra tất cả chiều sâu Kinh Thánh và thần học của bản văn !
KINH NGUYỆN THÁNH THỂ III
Tr. 87, số 109
Nhờ cũng một Chúa Thánh Thần
Dịch thế này có thể là “diễn tả rõ tiếng La-tinh ‘eodem Spiritu’ hơn” (theo biên bản ngày 1-6-2003 của UBPT số 36), nhưng nghe cũng hơi nặng. Trong các bản dịch, chỉ có bản Tây Ban Nha dịch “cũng một”, các bản khác không dịch. SLR 1992 dịch, nhưng nhẹ nhàng hơn : “cũng nhờ Chúa Thánh Thần”.
Tr. 89, số 113
Khi kính nhớ cuộc khổ hình sinh ơn cứu độ,
sự sống lại và lên trời vinh hiển của Con Chúa
Một chuỗi danh từ trừu tượng với cuộc, ơn, sự, của nghe hơi nặng. SLR 1992 chuyển thành động từ : “tưởng nhớ Con Cha đã chịu khổ hình để cứu độ muôn người, đã sống lại diệu huyền và lên trời vinh hiển”, nghe tự nhiên hơn trong tiếng Việt.
Chúng con nài xin Chúa
… và một tinh thần trong Đức Ki-tô
Một câu La-tinh phức tạp mà dịch thành một câu tiếng Việt dài bảy dòng với những mệnh đề chằng chịt nên thật khó hiểu. SLR 1992 đã dịch thành hai câu với kết cấu sáng sủa hơn.
Khi Chúa nhận đây chính là Của Lễ
mà Chúa muốn hiến tế để nguôi lòng Chúa
Bản La-tinh agnoscens Hostiam, cuius voluisti immolatione placari thật khó dịch. NTTL 2005 chủ yếu dựa vào SLR 1971, nên chúng ta có thể dựa vào CT tr. 107 để nhận xét về bản dịch trên đây :
– Theo ngữ pháp, voluisti đi với placari , chứ không phải với immolatione , nên không thể dịch là Chúa muốn hiến tế để nguôi lòng Chúa .
– Chúa muốn hiến tế : theo cách dịch này, chủ ngữ của hiến tế là Chúa . Vậy là Chúa Cha hiến tế Chúa Con cho mình sao ?
– Nguôi lòng Chúa : động từ “nguôi” thường được hiểu là một tình cảm có tính tiêu cực đã dịu đi, như “nguôi nỗi buồn, nguôi nỗi nhớ, nguôi cơn giận”. Dịch như trên làm cho người đọc có thể hiểu là : Chúa Cha muốn hiến tế Con của mình để cơn giận của Chúa được nguôi đi.
Chính vì khó diễn tả ý nghĩa của bản La-tinh, nên các bản phụng vụ đã dịch nhiều kiểu khác nhau. SLR 1992 cũng đã dịch : “Xin Cha… nhận đây chính là hy lễ Con Cha đã dâng tiến để nhân loại được giao hoà với Cha.”
Xin cho chúng con được bổ dưỡng bởi Mình và Máu Con Chúa
Dịch như trên thì người nghe sẽ hiểu là chúng ta “xin được bổ dưỡng”, trong khi phải hiểu là chúng ta “xin được trở nên một thân thể…” ; nhưng mệnh đề này ở quá xa !
Được bổ dưỡng bởi Mình và Máu
Trong tiếng Việt, ta không nói : “bệnh nhân được bổ dưỡng bởi thịt và trứng”, nhưng nói : “bệnh nhận được thịt và trứng bổ dưỡng”. Vì thế SLR 1992 dịch : “Khi chúng con được Mình và Máu Con Cha bổ dưỡng”.
Tr. 90, số 113 (tiếp)
Vì chúng con tin tưởng các ngài
luôn chuyển cầu cùng Chúa cho chúng con
Bản dịch quên mất động từ La-tinh adiuvari .
Trên đường lữ thứ trần gian
Lữ thứ là một từ ít dùng, có nghĩa “nơi xa quê hương”. Còn “lữ hành”, một từ thông dụng ngày nay, có nghĩa “đi đường xa”. Vì thế SLR 1992 dịch “trong cuộc lữ hành trần thế”.
Xin Chúa thương nhậm lời cầu của gia đình
mà Chúa đã muốn tụ họp trước tôn nhan Chúa đây.
Lạy Cha nhân từ, xin thương đoàn tụ mọi con cái Cha
đang tản mác khắp nơi về với Cha.
Một số nhận xét về mấy dòng này :
– Nhậm có nghĩa là “nhận”. Nhưng trong tiếng Việt ngày nay, chỉ còn dùng trong từ ngữ “nhậm chức”, ít thấy dùng nhậm lời (ngoại trừ trong các kinh của ta).
– Chúa đã muốn tụ họp . Theo ngữ pháp thì chủ ngữ của tụ họp là Chúa , nhưng nếu vậy thì không xuôi tiếng Việt, vì người ta quen nói “giáo dân tụ họp”, chứ không nói “cha xứ tụ họp giáo dân”.
– Xin thương đoàn tụ mọi con cái Cha . Trong hai dòng mà có hai chữ tụ , một điều nên tránh. Đàng khác, người ta quen nói “con cái đoàn tụ quanh cha mẹ”, chứ không nói “cha mẹ đoàn tụ con cái”.
Chúng tôi xin bỏ qua KNTT IV và nói ngay đến phần Nghi thức hiệp lễ.
NGHI THỨC HIỆP LỄ
Tr. 98 số 124
Vâng lệnh Chúa Cứu Thế và theo thể thức Người dạy
Lời dẫn vào kinh Lạy Cha, trong các bản dịch phụng vụ, thấy dịch nhiều cách khác nhau, qua đó chúng ta có thể thấy hai ý chính : Chúa ra lệnh phải cầu nguyện và Chúa dạy cho biết cầu nguyện. Vì thế SLR 1992 đã dịch “Vâng lệnh Chúa Cứu Thế, và theo lời Người dạy.” Còn NTTL 2005 theo SLR 1971 và dịch phần sau là theo thể thức Người dạy . Một lần nữa chúng ta lại gặp từ thể thức , đã gặp trước lời truyền phép rượu : cùng một thể thức ấy, ở tr. 79, số 90, và chúng tôi đã bàn tới. Ở đây cũng vậy, nếu như tìm được cách diễn tả nào khác thay cho theo thể thức có lẽ cũng hay hơn.
KINH LẠY CHA
NTTL 2005 theo SLR 1971, tức là kinh Lạy Cha cổ truyền có sửa hai câu : “Vâng ý Cha dưới đất bằng trên trời vậy. Xin Cha cho chúng con hằng ngày dùng đủ”, thành : Ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời. Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày . Về ý nghĩa kinh Lạy Cha, có rất nhiều vấn đề, vì thế Uỷ ban phiên dịch SLR 1992 đã đề nghị một bản dịch hoàn toàn mới và đã giải thích rất kỹ ở CT tr. 69-83, nhưng bản dịch này không được HĐGM chấp nhận, và SLR 1992 vẫn theo SLR 1971. Tuy nhiên chúng tôi cũng xin in lại đây bản dịch đề nghị này như một tài liệu tham khảo :
“Lạy Cha chúng con là Đấng ngự trên trời,
xin làm cho danh Cha hiển thánh,
vương quyền Cha mau đến,
ý Cha thành tựu dưới đất cũng như trên trời.
Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực cần dùng,
xin tha tội cho chúng con
như chúng con cũng tha
cho những người có lỗi với chúng con,
xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ,
nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ.”
Có lẽ một ngày nào đó Giáo Hội Việt Nam cũng nên có can đảm tra tay vào việc dịch lại kinh Lạy Cha, là kinh quan trọng vào bậc nhất bởi vì chính Chúa Giê-su đã dạy chúng ta.
Tr. 98, số 125
Lạy Chúa, xin cứu chúng con
Đây là một trường hợp cho thấy tầm quan trọng của cách xưng hô trong tiếng Việt. Trong kinh Lạy Cha, cộng đoàn vừa thưa với Cha cách rất tình nghĩa, bây giờ trong kinh này, là kinh quảng diễn lời xin cuối cùng của kinh Lạy Cha và vì thế có tính liên tục với kinh Lạy Cha, lại “sang số” xưng Chúa , một từ dù sao cũng có âm hưởng xa cách hơn. Do đó người đọc (linh mục) và người nghe (cộng đoàn) cảm thấy có sự hụt hẫng nào đó.
Đang khi chúng con mong đợi niềm hy vọng hồng phúc
và ngày trở lại của Chúa Giê-su Ki-tô.
Câu này phụng vụ La-tinh mượn một phần của Tt 2,13 :
Exspectantes beatam spem
et adventum Salvatoris nostri Iesu Christi
Theo ý của câu này, chúng ta không trông đợi hai điều khác nhau, nhưng, như SLR 1992 đã dịch : “chúng con đợi chờ ngày hồng phúc, ngày Đức Giê-su Ki-tô Đấng cứu độ chúng con ngự đến” (La-tinh là adventum nên không dịch là trở lại như NTTL 2005).
Vì vương quyền, uy lực và vinh quang
là của Chúa đến muôn đời.
Câu này dịch sát tiếng La-tinh nhưng tiếng Việt Nam nghe “nó làm sao ấy”, không tự nhiên (cũng như câu trong sự hợp nhất của Chúa Thánh Thần ở tr. 82, số 98). SLR 1992 đã dịch thành một câu tung hô trang trọng gồm ba vế với đầy đủ ý nghĩa :
“Vì Cha là Vua,
là Chúa quyền năng,
là Đấng vinh hiển muôn đời.”
Tr. 99, số 129
Xin cho việc hoà Mình và Máu Đức Giê-su Ki-tô,
Chúa chúng con mà chúng con sắp lãnh nhận
đem lại cho chúng con sự sống muôn đời.
Câu này khó hiểu. Trước hết, ta quen nói “hoà mình” theo nghĩa “xen lẫn trong đám đông để chia sẻ tình cảm với mọi người” ; còn việc hoà Mình và Máu nghĩa là gì ? Tiếp đó, mà chúng con sắp lãnh nhận ; khó mà biết được bổ ngữ của động từ lãnh nhận là gì. Sau cùng, cũng khó mà thấy được đâu là chủ ngữ của động từ đem lại . Lý do là vì cụm từ việc hoà Mình và Máu có tính trừu trượng. Trong khi đó SLR 1992 dịch :
“Xin Mình và Máu Chúa Giê-su Ki-tô hoà lẫn với nhau
mà chúng con sắp lãnh nhận
cho chúng con được sống muôn đời.”
Cụm từ “Mình và Máu Chúa hoà lẫn” có tính cụ thể, do đó dễ thấy đó là bổ ngữ của “lãnh nhận” và là chủ ngữ của “cho”.
Tr. 100, số 131
Nhờ sự hợp tác của Chúa Thánh Thần
Có lẽ nên dịch như SLR 1992 “nhờ Chúa Thánh Thần hợp tác”, vừa gần tiếng La-tinh cooperante , vừa nhẹ nhàng hơn nhờ sự hợp tác của .
Xin dùng Mình và Máu… cứu con
SLR 1992 dịch (giống bản Pháp) “xin Mình và Máu… cứu con”, nghe tự nhiên hơn.
Giới răn Chúa
Trong ngôn ngữ tôn giáo, nhất là Phật giáo, “giới” có nghĩa là “cấm”, ví dụ : giới luật, ngũ giới, giớt sát, giới sắc, v.v… Trong khi đó, các mandata của Chúa có điều cấm (chớ giết người, chớ tà dâm, v.v…), mà cũng có điều dạy phải làm (giữ ngày Chúa nhật, thảo kính cha mẹ, v.v…), vì thế nên dịch là mệnh lệnh Chúa truyền, điều răn , v.v…
Tr. 100, số 132
Lạy Chúa, con chẳng đáng Chúa ngự vào nhà con,
nhưng xin Chúa phán một lời, thì linh hồn con sẽ lành mạnh
Câu này là lời viên đại đội trưởng thưa với Đức Giê-su ở Mt 8,8. Phụng vụ mượn lại, nhưng đổi “đầy tớ tôi” thành “linh hồn con”. NTTL 2005 dịch thiếu tantum “chỉ”, đàng khác chữ thì nếu đổi thành “là” có lẽ nghĩa sẽ mạnh hơn.
Các bản tiếng Pháp, Anh, Hà Lan dịch khá uyển chuyển : thay vì nhà con và linh hồn con thì chỉ dùng “con”. Vì thế Uỷ ban phiên dịch đã đề nghị cho SLR 1992 : Lạy Chúa, con chẳng đáng Chúa ngự đến cùng con, nhưng xin Chúa chỉ phán một lời, là con được lành mạnh.”
Tr. 103, số 144
Lễ xong, chúc anh chị em đi bình an
Dịch như trên, lễ xong chỉ là một mệnh đề phụ cho mệnh đề chính chúc anh chị em đi ; theo bản Anh và Ý, đây là một mệnh đề độc lập : “The Mass is ended, la Messa è finita”, vì thế nên dịch là “thánh lễ đã xong” (dùng “thánh lễ” cho trang trọng vào lúc kết thúc).
Đi bình an . Bình an không có trong tiếng La-tinh, nhưng tất cả các bản dịch đều thêm vào. Động từ đi , thay cho “về” hay “ra về” trước đây, rất có ý nghĩa, vì không phải chỉ là lễ xong ai nấy về nhà, nhưng là cộng đoàn còn được sai đi chia sẻ và loan báo Tin Mừng.
*
* *
VÀI ĐIỂM TỔNG KẾT
Trong bài này, chúng tôi chỉ mới nêu một số nhận xét về một số trang trong phần đầu cuốn NTTL 2005. Còn rất nhiều điều phải nói, nhưng không thể nào nói hết được. Qua những gì đã nói, thiết tưởng có thể đưa ra một vài điểm tổng kết sau đây :
1. Về SLR 1992
Các dịch giả NTTL 2005 đánh giá thấp SLR 1992, chê là làm theo hứng, dịch quá thoáng, không theo sát tiếng La-tinh. Thực ra Uỷ ban phiên dịch SLR 1992 gồm khá đủ các chuyên viên về Kinh Thánh, thần học, phụng vụ, thánh nhạc, và ngôn ngữ có thể quy tụ vào thời điểm đó. Uỷ ban cũng đã làm việc rất nghiêm túc, có nghiên cứu các sách vở tài liệu của các nhà chuyên môn về Kinh Thánh và phụng vụ, đồng thời tham khảo các bản dịch phụng vụ bằng nhiều thứ tiếng, như ghi rõ trong các trang Chú thích bản dịch Nghi thức Thánh lễ 1992 chúng tôi đã nhiều lần dẫn trên đây. Những công việc ấy nhằm tìm ra ý nghĩa của bản văn phụng vụ.
Để diễn tả ý nghĩa đó, Uỷ ban đã cố gắng dùng những lối nói phù hợp với cách diễn tả trong tiếng Việt, cả về lời văn trang trọng cả về âm thanh tiết điệu sao cho dễ nghe. Uỷ ban cũng đã lưu ý rằng các bản văn phụng vụ chủ yếu là đọc cho cộng đoàn nghe , vì thế phải nói sao cho người nghe có thể hiểu được dễ dàng. Do đó các câu La-tinh dài, phức tạp, gồm nhiều mệnh đề chằng chịt thường được cắt ra thành những câu ngắn tiếng Việt.
2. Về NTTL 2005
Trong khi đó, các dịch giả NTTL 2005 đã làm việc thế nào ? Vì là những người bên ngoài, chúng tôi không dám nói về thành phần các dịch giả cũng như về phương thức làm việc, chỉ phê phán qua kết quả, thức là bản NTTL 2005 đã được in ra.
Trước hết, chúng tôi thông cảm với các dịch giả là vì các vị đã phải tuân theo Huấn thị 5 “Về việc sử dụng các ngôn ngữ địa phương khi xuất bản các Sách của phụng vụ Rô-ma”, do Bộ Phụng tự và Kỷ luật các Bí tích công bố ngày 28-3-2001. Phải công nhận rằng Huấn thị nhấn mạnh nhiều đến việc phải theo sát tiếng La-tinh khi dịch các bản văn phụng vụ. Tuy nhiên, trong khi theo sát ngôn ngữ gốc, thiết tưởng người dịch cũng cần lưu ý đến ngôn ngữ của bản dịch, sao cho người tham dự phụng vụ không phải nghe một bản văn lủng củng, khó hiểu. Mục tiêu của phụng vụ là giúp người tín hữu nâng tâm hồn lên cầu nguyện với Chúa. Nhưng làm sao họ cầu nguyện được nếu họ phải nghe những bản văn trúc trắc, khó hiểu ? Chúng tôi trộm nghĩ có lẽ các người dịch NTTL 2005 đã bị Huấn thị 5 gò bó, nên đã phần nào quên mất mục tiêu của phụng vụ nói trên. Và kết quả là chúng ta có tập NTTL 2005.
Không biết những góp ý của chúng tôi, cũng như của nhiều người khác, sẽ đi đến đâu ? Có thể có người sẽ nói : “Chó cứ việc sủa, đoàn người cứ đi qua” (theo tục ngữ Pháp : “Les chiens aboient, la caravane passe”) ; hoặc : “Đừng áp đặt ý kiến của mình, bắt người khác phải theo, rồi nếu không được thì la làng lên !” (đây là chính lời phát biểu của một vị hữu trách cấp cao trong Uỷ ban Phụng tự). Và câu trả lời sau cùng sẽ là : “Toà Thánh đã phê chuẩn rồi, nên dù thích hay không thích, cũng cứ phải áp dụng !”
Nhưng có lẽ không nên quá bi quan. Chúng tôi hy vọng những ý kiến của nhiều người đưa ra từ nhiều phía sẽ không chỉ là “tiếng kêu trong sa mạc”, nhưng sẽ làm cho các vị hữu trách suy nghĩ lại và tìm cách điều chỉnh những gì đã làm ra. Nhất là mong rằng các vị sẽ lưu ý hơn, trong tất cả những bản dịch phụng vụ sẽ đưa ra, đặc biệt là trong những phần còn lại của Sách Lễ Rô-ma (các lời nguyện và các bài đọc) và trong các nghi thức Bí tích, để diễn tả sao cho vừa sát ý bản gốc vừa xuôi ngôn ngữ Việt Nam. Như vậy giáo dân Việt Nam sẽ được nhờ và Giáo Hội Việt Nam sẽ muôn đời ghi nhớ công ơn các vị.
Ngày 8 tháng 9 năm 2006
Lễ Sinh Nhật Đức Trinh Nữ Ma-ri-a
Tm. Nhóm Phiên Dịch
CÁC GIỜ KINH PHỤNG VỤ
An-be-tô Trần Phúc Nhân
Mi-ca-en Nguyễn Hữu Phú
Thật ra không phải chính tôi chọn công tác đồng hành với các bệnh nhân trong những giây phút cuối đời, cho bằng vì các biến cố xảy ra, khiến tôi quyết định chọn hình thức tông đồ này.
Khi gia đình chúng tôi dọn đến Versailles, ngoại ô thủ đô Paris của nước Pháp,
bà Phụ trách ”Dịch Vụ Công Giáo Giúp Đỡ Các Bệnh Nhân”, xin tôi phụ bà trong
công tác thăm viếng các bệnh nhân của dưỡng đường dành riêng cho các vị cao niên.
Cho đến lúc đó, tôi từng là giáo lý viên, làm việc bên cạnh người trẻ. Tôi không
bao giờ có ý nghĩ dấn thân làm việc tông đồ bên cạnh người đau ốm, và nhất là
người đau ốm già nua! Do đó khi được kêu gọi thăm viếng người già đau yếu, tôi
bỗng do dự và không muốn nhận lời. Sau cùng, tôi miễn cưỡng chấp nhận, vì cả nể
bà Phụ Trách, hơn là vì nhiệt tình tông đồ. Tôi chỉ có thêm ý nghĩ:
- Thăm viếng bệnh nhân như thế, hẳn tôi có dịp nói về Chúa, và biết đâu, tôi lại
chẳng đem được vài người trở về với Ngài..
Ý nghĩ này làm tôi thêm chút hứng khởi.
Trong vòng một năm trời, đều đặn mỗi tuần hai lần, tôi đi thăm khoảng 10 bệnh
nhân. Trái với điều tôi nghĩ tưởng lúc ban đầu, thay vì được dịp nói về Chúa,
tôi lại phải lắng nghe các bệnh nhân than thở về niềm đau nỗi khổ của họ. Họ thổ
lộ các chán nản thất vọng, đôi lúc cả những toan tính tự vẩn nữa!
Thật tình mà nói, hình thức tông đồ này không thích hợp với tôi cho lắm!
Tôi mong đợi một hoàn cảnh, một biến cố xảy ra, để tôi có thể dựa vào đó mà
ngưng ngay công việc đang làm. Và rồi biến cố mong đợi thực sự xảy ra, nhưng
không phải như tôi muốn, mà là như Chúa muốn.
Tôi ngã bệnh nặng và chính trong thời gian này, tôi mở mắt bừng tỉnh. Tôi cảm
nhận sâu xa nỗi đau khổ của người bệnh, đặc biệt người bệnh cao tuổi. Và khi vừa
khỏi bệnh, không chút do dự, đắn đo, tôi quyết định từ đây, dấn thân phục vụ
bệnh nhân ở trong giai đoạn cuối đời. Tôi muốn đồng hành với họ, lắng nghe và
chia sẻ đau khổ với họ, cũng như giúp họ bước vào cuộc sống đời sau với niềm
tin, niềm trông cậy và niềm an bình sâu xa.
Thế nhưng công tác đâu có giản dị như tôi mơ tưởng. Năm ấy, trong vòng 5 tháng
tròn, tôi đều đặn thăm viếng một cụ già, từng là kỹ sư nổi tiếng nhưng cũng
thuộc loại vô thần hạng nặng. Suốt 5 tháng, tôi không thể nào nói cho cụ nghe về
THIÊN CHÚA, Đấng luôn yêu thương và chờ đợi cụ trở về với Ngài. Rồi cụ già ra
đi, khép kín trong tâm tư vô thần, thù nghịch THIÊN CHÚA. Tôi cảm thấy đau khổ
vô cùng.
Tôi đem câu chuyện trình bày với Cha Tuyên Úy bệnh viện cũng như với nhóm giáo
dân, chuyên viếng thăm người bệnh. Chúng tôi cùng nhau học hỏi, tìm kiếm phương
thế và nhất là chọn lựa thái độ thích hợp khi phải đồng hành với bệnh nhân vô
thần, hoặc chống đối, thù nghịch THIÊN CHÚA.
Và kết quả thật bất ngờ. Từ đó chúng tôi không đơn độc trong công tác tông đồ
nhưng liên kết chặt chẽ trong một nhóm. Chúng tôi san sẻ và giúp đỡ nhau trong
việc phục vụ bệnh nhân.
Chúng tôi cũng tạo quan hệ tốt với gia đình, thân nhân người bệnh. Chúng tôi làm
thành khối ”xi-măng” tình thương, bao bọc chung quanh người bệnh, để người bệnh
không cảm thấy bị bỏ rơi hoặc cô độc.
Sau thời gian làm việc chung, tôi được chỉ định làm điều-hợp-viên nhóm khoảng 20
người, dấn thân làm việc tông đồ bên cạnh các bệnh nhân cuối đời.
Tôi dồn trọn năng lực để tạo mối giây hòa hợp và huynh đệ giữa chúng tôi. Tôi
cũng chú ý tạo tinh thần cầu nguyện nơi các thành viên của nhóm, bởi vì, công
tác tông đồ của chúng tôi quả thật là công tác thánh thiêng!
Thật ra sự hiện diện của chúng tôi bên cạnh người bệnh không hẳn là thái độ cho
đi mà còn là thái độ nhận lãnh nữa.
Bởi vì khi hiện diện bên cạnh người bệnh, chúng tôi chạm trán với các vấn đề hệ
trọng nhất trong cuộc đời con người như: ý nghĩa sự sống, thế nào là cái chết,
là điều lành, là sự dữ và nhất là, THIÊN CHÚA là Ai?
Chúng tôi cũng chạm trán với thực trạng trần trụi nhất của con người: con người
bất lực, nhỏ bé trước cái bệnh hoạn đang hủy hoại thân xác con người! Và khi đó,
nổi bật tầm quan trọng của sự hiện diện Kitô, sự hiện diện mang hình ảnh và Tình
Yêu của THIÊN CHÚA đến cho người bệnh..
Chứng từ của bà Simone Larrouturou tín hữu Công Giáo Pháp.
(”CHRISTUS”, Cahiers Trimestriels, 1/1989, trang 123-126).
Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt
Truyện cổ Côlômbia
Ngày xưa, có hai vợ chồng giàu có nọ sinh được một người con trai. Vì quá đổi yêu thương con nên bà mẹ hầu như cả ngày chẳng để cậu ta đụng đến việc gì, dần dần cậu con trai trở nên lười ơi là lười, đến nỗi một đồng xu cũng không kiếm nỗi.
Người cha
dồn toàn bộ tinh lực để nuôi đứa con trưởng thành, đến lúc tuổi đã cao, sức đã
yếu mà nhìn lại thấy đứa con trai vẫn chứng nào tật nấy, chẳng chịu sửa đổi, lo
lắng làm lụng gì hết thì lấy làm buồn bã vô cùng.
Một hôm, ông nằm trên giường gọi bà vợ lại và nói:
- Bà à, toàn bộ tài sản chúng ta đã để dành được từ trước tới nay, sau này khi tôi chết đi, tùy bà muốn đem cho ai thì cho chớ tôi đã quyết định không để lại cho thằng con này một xu nào. Đồ lười chảy thây chẳng chịu làm gì cả như nó thì sẽ không được gì hết.
Người mẹ nghe xong liền ra sức bênh con trai:
- Ông nói nghe lạ, chẳng lẽ con mình tệ đến nỗi chẳng bao giờ kiếm được một đồng hay sao ?
Người chồng nói dứt khoát:
- Được, nếu bà đã nói thế thì bà hãy bảo nó thử đi kiếm tiền đi ! Dù chỉ kiếm được một đồng xu thôi cùng được, tôi sẽ giao toàn bộ tài sản này lại cho nó.
- Được! Vậy là ông hứa rồi đó nhé - người vợ nói.
- Ừ, tôi sẽ cố chờ xem xem nó làm được việc gì!
Ngay sáng hôm sau, người mẹ đi đến bên đứa con, đưa cho cậu ta một đồng tiền vàng và căn dặn:
- Con trai yêu quý của mẹ ! Con hãy đi loăng quăng đâu đó, thích đến đâu thì đến, đợi đến chiều tối hãy quay về và đưa ngay đồng tiền này cho cha con, nói rằng đây là tiền con đã từ mình kiếm được nhé.
Cậu con trai cứ vậy mà làm. Đến chiều tối cậu quay về đưa đồng tiền vàng cho cha. Người cha cầm lấy tiền rồi tiện tay ném ngay ra ngoài cửa số:
- Đây không phải tiền mày đã kiếm được. - Người cha nói.
Cậu con trai thấy cha làm thế vẫn không nói một lời. Thản nhiên đi tới chiếc ghế gần đó và ngồi xuống.
Qua ngày hôm sau, người mẹ lại đưa cho đứa con trai một đồng tiền vàng khác và dặn:
- Con hãy leo lên núi chơi, đến chiều tối thì chạy lấy vài vòng, sao cho khắp người ướt đẫm mồ hôi, sau đó chạy về nhà và nói với cha con rằng đây là đồng tiền tự tay con đã kiếm được chẳng dễ dàng gì.
Cậu con trai làm đúng như lời mẹ dặn, đến chiều tối thì toàn thân mệ lử, mồ hôi mồ kê toát ra như tắm, chạy về nhà và nói với cha rằng:
- Cha ơi,
cha hãy nhìn xem, người con ướt sũng cả! Đồng tiền này con kiếm được thật chẳng
dễ dàng gì!
Người cha nhận lấy đồng tiền từ tay đứa con trai lật qua lật lại xem xét rồi lại
ném ra ngoài cửa số, người cha ném hơi mạnh tay nên rơi tuốt xuống ao gần đó. Và
quát lên:
- Chớ có lừa ta, đồ trẻ ranh. - Người cha nói tiếp, - Đây không phải là tiền do mày kiếm được.
Đứa con thấy thế bật cười rồi bước đi nơi khác.
Bà mẹ bây giờ mới hiểu rằng sự việc không thế tiếp tực lừa dối được nữa. Nếu đứa con muốn có được toàn bộ gia tài của người cha thì chỉ còn cách đi kiếm việc làm thật sự. Và ngay sáng hôm sau, bà mẹ đến phòng con trai và nói:
- Không được, con trai ạ, chúng ta không thể lừa cha được nữa, con đành phải tự mình đi kiếm tiền thôi, tìm một việc gì đó mà làm, cho dù một ngày chỉ kiếm được vài xu cũng tốt, con hãy đưa số tiền đó cho cha, cha nhất định sẽ tin con.
Người con trai nghe theo lời mẹ, ra đi kiếm việc làm, và cậu đã thực sự làm việc trọn một tuần lễ. Nay làm việc này, mai làm việc khác, cuối cùng cậu cũng đã gom đủ một đồng tiền vàng mang về cho cha. Người cho nhận lấy đồng tiền vàng và tiện tay ném ngay vào bếp lò đang cháy gần đấy.
- Không, đây vẫn không phải tiền do con kiếm được. Mày đừng tưởng là ta không biết!
Cậu con trai rất bất ngờ khi thấy cha mình ném những đồng tiền của mình vào lửa và đã không chút do dự chạy ngay đến bếp lò, vừa dùng tay nhặt lấy đồng tiền vàng từ trong đám lửa cháy rực, vừa lớn tiếng gào:
- Cha, cha
điên rồi hay sao! Con đã phải làm trâu làm ngựa cho người ta, đầu tắt mặt tối
suốt cả tuần mới kiếm được đủ một đồng tiền vàng này. Cha không tin thì thôi, cớ
sao cha lại ném nó vào trong lò lửa chứ!
Lúc này, người cha nước mắt giàn giụa, cầm tay đứa con trai mà nói:
- Con trai của ta! Cha thật hạnh phúc khi thấy con đã biết quý trọng những đồng tiền. Bây giờ thì cha đã thật sự tin rằng những đồng tiền này là do tự tay con kiếm được. Và cha cũng thật yên tâm khi giao toàn bộ của cải, sản nghiệp này lại cho con, con trai ạ!
Mộng Tuyển ( sưu tầm từ Internet )
Kinh Thánh kể lại một câu chuyện thật trớ trêu: Cụ Abraham gần một trăm “cái xuân xanh” mà chưa được mụn con nào cho vui cửa vui nhà, thế mà Thiên Chúa còn hứa cho dòng dỏi ông sẽ đông đúc như “Sao trên trời” , như “Cát dưới biển” . Bà Sara nhanh nhảu hiến kế cho chồng, hãy lấy đứa gái tơ Agar của bà làm thiếp. Khốn thay khi Agar vừa mới có thai, đã khinh khi bà chủ ra mặt. Bà liền than thở nhỏ to với chồng, ông đã cho bà tự do quyết định.
Thế là Agar bị hành hạ khốn khổ, đến nỗi phải trốn ra khỏi nhà, không còn mãnh đất dung thân. Một “Bài học xương máu” cho cảnh sống đa thê. Hạnh phúc vừa mới ghé thăm phải tức tưởi đội nón ra đi!
Anh chị thân mến!
Đạo “Một vợ một chồng” là luật lệ ngàn đời của Thiên Chúa, là luật tự nhiên xã hội, nó cũng hợp với tâm lý vợ chồng, là không muốn bị chia sẻ. Hơn nữa, nó còn là yếu tố quan trọng mang lại hạnh phúc cho gia đình.
1. Một vợ một chồng là luật Thiên Chúa
Thật vậy, khi tạo dựng Adam Evà, Thiên Chúa phán: “Cả hai sẽ trở nên một xương một thịt” (St 2,24).
Chỉ khi con người phạm tội, chế độ đa thê và đa phu mới nảy sinh, phụ nữ trở thành “đồ chơi” của nam giới. Thảm trạng ngoại tình cũng theo đó phát triển, làm rối loạn và ly tán biết bao gia đình, đến độ Thiên Chúa phải ra lệnh: “Ngươi không được ngoại tình, không được ham muốn vợ người ta” (Xh 20,14.17).
Chính Đức Kitô, trong một cuộc tranh luận với người biệt phái về vấn đề ly dị, đã nhắc lại ý định của Thiên Chúa: “Các ngươi đã chẳng đọc thấy rằng: Từ thuở ban đầu, Thiên Chúa đã dựng nên một nam một nữ đó ư. Và Ngài đã phán: Bởi thế người đàn ông sẽ lìa bỏ cha mẹ mình để khăn khít với vợ và cả hai chỉ còn là một thân xác” (Mt 18, 3-5). Nếu cả hai chỉ còn là một, thì người thứ ba không thể chen chân vào.
Theo triết lý Phương Đông: Vợ chồng trong hôn nhân như hai mặt của một đồng tiền, như hai thanh sắt của đường ray xe lửa, rất cần có nhau. Thật là thú vị và đầy ý nghĩa khi nói:
“Mình với ta tuy hai mà một,
Ta với mình tuy một mà hai”
Một tình yêu, một cuộc sống, một hạnh phúc và một trách nhiệm, nhưng vẫn tôn trọng sự khác biệt. Khác biệt nhưng không đối chọi, có thể đồng tình nhưng không đồng hoá; tái lại, còn bổ túc cho nhau, cùng nhau đồng hành:
“Đôi ta lên thác xuống ghềnh
Em ra đứng mũi cho anh chịu sào”
Ông cha ta rất thâm thuý khi đặt trên môi miệng người chồng gọi vợ là “mình ơi” , và vợ cũng gọi lại chồng là “mình ơi”. Bởi vì chử “mình” vừa thân xác vừa là anh, vừa là em, vừa là chúng ta. Hai tiếng “mình ơi” sao nó “Ngọt như đường cát, mát như đường phèn” , thấm tới lục phủ ngũ tạng, làm chết lịm con tim, đến nỗi vợ chồng không thể nào xa nhau:
“Vợ chồng đầu gối má kề,
Lòng nào mà bỏ mà về cho đang,
Hồ về chân lại đá ngang,
Vè sao cho đứt cho đang mà về.”
Nếu người kia phải ra đi thì người còn lại như ngu ngơ dại khờ:
“Người đi một nữa hồn tôi mất,
Một nữa hồn tôi bổng dại khờ”
Tình vợ chồng “Hai trong một” ấy cũng được Maria Lowell diển tả rất sâu sắc
“Hai tâm hồn cùng một ý nghĩ,
Hai trái tim chung một nhịp đập”.
Thánh Phaolô còn tâm lý hơn khi nói: “Ai yêu vợ là yêu chính mình” (Ep 5,28). Hai vợ chồng đã trở nên một xương một thịt thì yêu thương nhau là lẽ bình thường. Bởi có ai ghét mình bao giờ?
2. Một vợ một chồng hợp với tâm lý vợ chồng
Cổ nhân đã từng nói:
“Trăm năm trăm tuổi
May rủi một vợ một chồng,
Tơ duyên âu cũng đành lòng
Dẫu ai thêu phungj vẽ rồng mặc ai”
Đăc tính của tình yêu là không chấp nhận chia sẽ, không muốn có người thứ ba:
“Lấy chồng cho đáng tấm chồng,
Chồng một thì lấy chồng chung thì đừng”
Nếu tình yêu vợ chồng mà san sẻ cho người thứ ba thì sớm muộn gì cặp uyên ương ấy, cho dù “Trai tài gái sắc” cũng phải nghẹn ngào nấc lên bản biệt ly:
“Anh đi đường anh, tôi đi đường tôi,
Tình nghĩa đôi ta có thế thôi”
3. Một vợ một chồng bảo đảm hạnh phúc
Muốn có hạnh phúc thì phải sống hoà thuận. Muốn sống hoà thuận phải xây dựnh hoà bình. Mà có hoà bình thế nào được khi phải sống trong cảnh “Một ông hai bà” . Trường hợp bà Sara là một điển hình. Chính bà đã tình nguyện trao nàng Agar cho Abraham. Thế mà cô dâu dám lên mặt khinh khi bà chủ. Hậu quả thế nào chúng ta đã rõ
Thời nay, hai vợ ở chung một nhà, cuộc nội chiến chỉ là một sớm một chiều. Quả bom nổ chậm để trên giường nằm, hạnh phúc mong manh như “Ngàn cân treo sợi tóc”
Việc giáo dục con cái còn nan giải hơn nữa. Muốn giáo dục con cái cho hiệu quả, vợ chồng phải trên dưới thuận hoà, gia đình sống trong hiệp nhất, như lời cha ông đã dạy:
“Vợ chồng là nghĩa tào khang,
Chồng hoà vợ thuận nhà thường yên vui,
Sinh con mới ra thân người,
Làm ăn thịnh vượng đời đời ấm no.”
Nhưng hoà thuận thế nào được, khi trong gia đình luôn có chiến tranh. Hai trái tim đàn bà đã khó hoà hợp, huống chi là còn tình địch của nhau, thì việc sống chung hoà bình chỉ là chuyện hoang đường.
Kẻ đắp chăn bông kẻ lạnh lùng,
Chém cha cái kiếp lấy chồng chung
Nỗi này vì biết đường này nhỉ,
Thà trước thôi đành ở vậy xong!”
Chẳng thế mà một nhà thơ Việt Nam đã thốt lên”
“Chém cha cái kiếp lấy chồng chung”
Anh chị thân mến!
Ở phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng có một khu chợ khá sầm uất tên “Cợ Bà Kỷ”. Bà kỷ là người sáng lập ra khu chợ này từ năm 1965.
Giờ đây tuổi đã xế chiều, bà sống hạnh phúc bên người chồng tài hoa về đàn ca, mặc dù vẫn không nguôi nhớ chợ.
Tìm nhà bà Kỷ - ông Xuân không mấy khó khăn, bởi dân vùng này không ai không biết đến đôi vợ chồng già, giữ nếp gia phong vang tiếng khắp vùng. Thấy khách đến, ông đỡ bà dậy, ra chiếc ghế dài đón nắng ấm. Ở tuổi ngoài 80 của bà và 85 của ông, tình cảm vợ chồng vẫn được bà chắt chiu, gìn giữ. Dù đã có 14 đứa cháu cố nhưng ông vẫn kể cho bà nghe truyện tiếu lâm, rồi chuyện làng chuyện xóm để bà giảm đi đau đớn của bệnh tật.
Ông dạo đàn vài khúc nhạc cho bà nghe rồi móm mém:”Không có thứ thuốc nào thần diệu bằng âm nhạc của tui đâu. Bà nghe thì bệnh thuyên giảm đến 7- 8 phần” Bà cười, vẻ mãn nguyện vì hạnh phúc.
M. Montaigne đã nói: “Thời gian sống không đo được bằng tháng năm dài, nhưng đo được bằng chất lượng cuộc sống.”. Xin tặng anh chị mẫu gương tuyệt vời đó, với lời cầu chúc cho anh chị sẽ mãi thuỷ chung với nhau tới “Đầu bạc răng long”, và vui hưởng một niềm hạnh phúc sung mãn, trong một gia đình tràn đầy sự tình thương, đầm ấm.
Thiên Phúc
Tuổi trẻ VN so với tuổi trẻ các nước được cho là ít năng động và sáng tạo. Họ thiếu tinh thần tự tin và tự lập. Giáo dục đúng ra là giúp một đứa trẻ trở thành người lớn, thì trong xã hội ta lại có nhiều yếu tố kìm hãm quá trình lớn lên này.
Nguyên nhân đã rõ : đó là lối giáo dục bao cấp, tứ chương ở nhà trường và căn bản hơn là sự giáo dục áp đặt và mệnh lệnh của gia đình truyền thống. Gia đình ngày nay vẫn còn bảo bọc trẻ. Trẻ biết đi rồi mà vẫn bỗng ẫm lâu dài. Có khi trẻ được đút ăn tới 6–7 tuổi, có khi người lớn bỏ cả giờ cầm chén chạy theo cháu để đút từng muỗng cơm, thay vì tập cho trẻ ngồi vào bàn và tự ăn. Mặc dù trẻ đã có thể tự làm vệ sinh, thay quần áo, người lớn cũng hay giúp. Do sợ trẻ làm dơ, làm mất thời giờ nên người lớn ưa làm thay và như thế đánh mất cơ hội cho trẻ tự học hỏi.
Khi truyền thống “gọi dạ bảo vâng”,”cha mẹ đặt đâu con ngồi đó” cha mẹ có xu hướng định đoạt tất cả thay cho con cái dù đến tuổi thanh thiếu niên, con cái bắt đầu hiểu biết và trong một số trường hợp chúng phải biết tự lựa chọn và nhận trách nhiệm.
Báo chí ngày nay nói nhiều về sức ép tâm lý mà trẻ phải chịu để đáp ứng kỳ vọng quá cao của cha mẹ trong học tập và định hướng nghề nghiệp. Trong khi đó, lẽ ra cha mẹ phải giáo dục sự tự tin và tự lập ở con cái và cho phép chúng tự quyết định, tự làm những việc mà chúng có khả năng, theo lứa tuổi.
Ví dụ khi trẻ tập đi mà cứ nắm tay cháu, theo kè kè để đỡ dù cháu không thích. Lỡ cháu có té thì cũng là cơ hội để cháu tự rút kinh nghiệm và biết thân trọng hơn.
Theo khả năng của lứa tuổi tập cho cháu tự làm vệ sinh, thay quần áo, dọn dẹp đồ chơi, sắp xếp chỗ ngủ cho ngăn năp. Cháu rất thích làm những việc này khi được khuyến khích và khen ngợi. Nếu cháu quên, đừng làm thay mà nhắc nhở cháu.
Tuổi vị thành niên ( 10 – 19) là giai đoạn bắt đầu trở thành người lớn. Dù còn bồng bột, vụng về cháu đã có những suy nghĩ riêng tư, biết suy xét, có hoài bão. Cha mẹ cần hiểu biết, thông cảm, khoan dung và đối xử như vậy cháu sẽ ứng xử như người lớn.
Thay ví quyết định đơn phương và áp đặt ý riêng mình, cha mẹ nên tham khảo, trao đổi ý kiến với trẻ về các vấn đề có liên quan đến tương lai của chúng. Không áp đạt ngành học và định hướng nghề nghiệp tương lai mà để trẻ tự chọn theo sở thích và năng khiếu. Chắc chắn trẻ sẽ rất biết ơn cha mẹ.
Trong chuyện ăn mặc, tóc tai, óc thẩm mỹ của trẻ ngày nay rất khác với thế hệ đi trước. Ngoài việc vi phạm thuần phong mỹ tục (ví dụ ăn mặc quá hở hang) hay xài tiền phung phí của con cái mà cha mẹ cần quan tâm điều chỉnh, những việc khác ta không nên can thiệp làm gì.
Ở tuổi mới lớn trẻ bắt đầu quan tâm đến bạn bè khác phái, tới tình yêu, v.v.. cha mẹ không nên hoảng hốt.
Sự theo dõi, kiểm soát theo kiểu “quân sự” sẽ không hiệu quả mà còn gây phản ứng ngược. Sự gần gũi về mặt tâm lý, thói quen vui chơi, trao đổi thân tình với con sẽ làm cho con cảm thấy thoải mái và sẽ cởi mở với cha mẹ. Không có sự “ kiểm soát” nào tốt hơn cách làm này.
Hãy tin con, con bạn sẽ tự tin. Hãy để cho con tự quyết định và làm những điều mà khả năng làm được ; con bạn sẽ dần dần biết tự lập.
Thạc sĩ xã hội học Nguyễn Thị Oanh
Bài giảng là một phần quan trọng của thánh lễ, nó không thể tách rời khỏi thánh
lễ để tự do cho người này kẻ nọ lên chia sẻ hay giảng thay cho linh mục, nhưng
phải là những người đã được nhận lãnh chức linh mục (hoặc ít nữa là các thầy Phó
Tế được phép của linh mục giảng trong thánh lễ do ngài chủ tế), vì chính các
ngài đã nhận quyền thánh hóa, cai quản và giảng dạy từ nơi Giáo Hội, qua việc
xức dầu hiến thánh của giám mục của mình.
Khi giảng dạy là linh mục giảng lời của Chúa Giê-su, vì ngài chính là vị tư tế
của Tân Ước, là người được chọn giữa loài người để rao giảng ơn cứu độ cho mọi
người. Do đó khi giảng dạy thì linh mục đừng bao giờ quên rằng, mình là một Chúa
Ki-tô thứ hai đang ngồi giữa đám đông dân chúng mà giảng cho họ biết về Nước
Trời, là chia sẻ cho họ về những gì mà mình cảm nghiệm về Lời Chúa mà mình đã
biết và sống như mình đã cảm nghiệm, bởi vì không ai cho cái mà mình không có,
nhưng cho cái mà mình đang có và có cách phong phú chính là Lời Chúa mà mình suy
tư hằng ngày, như Chúa Giê-su đã có lần nói với các môn đệ: “Ai tự mình giảng
dạy thì tìm vinh quang cho chính mình” (Ga 7, 18a), mà linh mục thì không tự
mình giảng dạy, nghĩa là ngài không giảng dạy theo kiểu của con người hay làm là
tâng bốc người này, đá đảo người nọ, không đặt gánh nặng trên vai người này,
không hô hào ủng hộ người nọ, nhưng là giảng dạy theo ý muốn của Thiên Chúa, tức
là là tìm vinh quang cho Đấng đã sai mình.
Bài giảng trong Thánh Lễ rất quan trọng, giờ đây không còn là con người của linh
mục giảng nữa, mà là Chúa Giê-su đang giảng cho dân chúng, bài giảng đầu tiên và
là mẫu mực cho các bài giảng khác của các linh mục sau này, chính là “bài giảng
Phúc cho” (Mt 5, 1-12) trên núi của Chúa Giê-su, Ngài không thịnh nộ khi giảng
cho dân chúng, Ngài cũng không lý luận thần học cao siêu cho dân chúng nghe,
nhưng Ngài giảng bình dị thực tế với hoàn cảnh của dân chúng, lời của Ngài tuy
đơn sơ nhưng có uy quyền, và Ngài đến đâu cũng có đám đông người tuôn đến để
nghe Ngài giảng, sức thu hút mãnh liệt đó chính là Chúa Giê-su đã giảng những gì
mình đã sống và thực hành những gì mình đã cảm nghiệm.
Người ta dễ dàng nhận ra một bài giảng có chiều sâu nội tâm, khiến cho họ cảm
nhận sâu sắc Lời Chúa và dễ thực hành trong cuộc sống của họ, vì bài giảng ấy đã
được chính người giảng –linh mục- đã cảm nghiệm và đã sống. Cũng qua bài giảng
mà người giáo dân có thể “thấy” được đời sống bên trong cũng như bên ngoài của
linh mục, vì ngài sống sao giảng vậy: đơn sơ, chân thành, hừng hực lửa yêu mến
phát xuất tự trong tâm của ngài, hoặc là, to tiếng nạt nộ những giáo dân trễ nãi
việc nhà xứ, phê bình chỉ trích những giáo dân lâu nay không đến nhà thờ...
Linh mục, Chúa Ki-tô thứ hai đang hiện diện giữa cộng đoàn khi cử hành Thánh Lễ,
dù cho hôm đó ngài giảng không thu hút giới trẻ, nhưng ngài vẫn là linh mục của
Chúa Ki-tô; dù cho ngài không có tài lợi khẩu, nhưng ngài vẫn là người phát ngôn
chính thức Lời Chúa, vì ngài đã được chọn và được xức dầu thánh hiến, để trở nên
một Chúa Ki-tô thứ hai giữa loài người.
Giáo dân vẫn còn buồn và âm thầm chịu đựng, khi thấy một vài linh mục biến tòa
giảng thành nơi phát biểu thành tích ông này bà nọ đóng góp cho nhà thờ, và
quảng cáo không công cho tổ chức này đoàn thể nọ; họ vẫn còn mang một tâm trạng
không mấy phấn khởi, khi thấy một vài linh mục dùng Lời Chúa để biện minh cho
hành động thiếu đức bác ái hoặc bàu chữa cho sự nóng nảy của mình. Cho nên, thật
đáng phấn khởi và vui mừng khi linh mục chủ tế đã chuẩn bị sẵn sàng để cử hành
Thánh Lễ, ngài sẽ là trung tâm chú mục của những giáo dân hiện diện, và lòng sốt
mến tham dự thánh lễ nơi họ càng tăng lên gấp bội khi linh mục trang nghiêm, sốt
sắng, đem Lời Chúa hôm nay đã đánh động tâm hồn mình như thế nào, thì chia sẻ
cho những người tham dự biết, để họ cũng được học hỏi cách sống Lời Chúa của
ngài, chính những lúc như thế, ngài –linh mục- thật sự là một Chúa Ki-tô thứ hai
đang rao
giảng Tin Mừng Nước Trời cách thân thương giữa đoàn chiên của mình.
2. Thánh Thể
Có một số giáo dân không muốn đi tham dự thánh lễ ngày chủ nhật, là vì họ cảm
thấy rằng, mình đi lễ mà không rước Mình Thánh Chúa thì vô ích quá, bởi vì họ
cảm nhận được sâu sắc thánh lễ chính là bữa tiệc Nước Trời, nếu đi dự tiệc mà
không ăn uống gì cả, thì thật là...vô duyên, thế là họ không đi tham dự thánh
lễ. Cách suy nghĩ như trên của một số giáo dân chắc chắn là không đúng tí nào
cả, nhưng ít nữa cho chúng ta biết rằng: Thánh Thể chính là của ăn của uống nuôi
sống linh hồn chúng ta, là sự hiệp nhất của mọi Ki-tô hữu, và linh mục chính là
một Chúa Ki-tô thứ hai đang là dấu chỉ hữu hình hiệp nhất của cộng đoàn Dân
Chúa.
Đọc trên bài viết nọ, có linh mục nói như thế này: “Chịu chức được 5 năm thì
linh mục run rẩy trong tay Chúa Giê-su, sau 5 năm thì Chúa Giê-su run rẩy trong
tay linh mục”, câu nói nghe ý nhị mà chua chát thấm tận tâm hồn, lột tả được
tâm trạng của những người sau nhiều năm tháng làm linh mục.
Thánh lễ tạ ơn đầu tay nào của linh mục cũng trang nghiêm cảm động, làm cho các
tín hữu tham dự như thấy được Chúa Giê-su đang cử hành thánh lễ, từng cử chỉ,
từng lời nói của tân linh mục khoan thai, khiêm tốn, thánh thiện, cẩn trọng, sốt
sắng làm cho bầu khí vốn trang nghiêm càng trang nghiêm thêm, vốn sốt mến càng
sốt mến hơn, bởi vì tân linh mục luôn ý thức và hiểu rõ công việc mình đang làm
là của Chúa Giê-su đã làm ngày xưa trong bữa tiệc ly với các môn đệ, và hiến tế
mình đang cử hành đây chính là hiến tế trên Thập Giá của Chúa Giê-su, và đây là
hi tế đầu tiên mà mình cử hành với tư cách là tư tế của Tân Ước, và là một Chúa
Ki-tô thứ hai đang cử hành phụng vụ thánh.
Nhưng một hoặc hai năm sau thì tâm tình thánh thiện ấy dần dần biến mất nơi một
vài tư tế của Tân Ước, có một vài linh mục cử hành thánh lễ theo một thói quen
nhất định, có khi làm cho xong bổn phận, nên từng cử chỉ và lời nói của ngài gây
sốc cho giáo dân tham dự thánh lễ, và làm cho Chúa Giê-su run rẩy trong tay của
ngài, vì đời sống nội tâm của ngài chứa đầy những tư tưởng của thế gian, vì cuộc
sống của ngài chưa lột tả được đời sống của một Chúa Ki-tô thứ hai, nên việc cử
hành thánh lễ của ngài như là một diễn viên diễn xuất không đạt chất lượng.
Những người tham dự thánh lễ do cha thánh Pi-ô cử hành đều nói: “Thấy nét mặt
và cử chỉ của ngài, chúng tôi như thể trông thấy Chúa Ki-tô đang phải thương khó
trên bàn thờ thực sự. Đức tin của chúng tôi nhờ thế càng thêm vững vàng, lòng ăn
năn sám hối càng thêm quyết chí, lòng mến Chúa ngày càng gia tăng. Đi dự lễ của
ngài mấy lần cũng không chán” (Những người lữ hành trên đường hy vọng, trang
149).
Giây phút linh thiêng và trang trọng nhất của thánh lễ là lúc truyền phép của
linh mục, chính lúc này đây, khi cầm bánh thánh trên tay, linh mục chủ tế phải
run rẩy sợ hãi vì mình đang làm một việc mà ngay cả các thiên thần cũng không
được phép làm, đó là làm cho tấm bánh và rượu nho trở thành Mình và Máu Thánh
của Chúa Giê-su. Cả thiên đàng đang ở đây, đang run rẩy quỳ gối sấp mình thờ lạy
Thánh Thể sau lời đọc truyền phép của linh mục, ai mà không run sợ trước mầu
nhiệm hết sức cao cả vượt qua tất cả mọi trí khôn của loài người, và ai có thể
làm được điều mà linh mục đang làm ? Không ai được phép làm cả, chỉ có linh mục
mà thôi, bởi vì linh mục được chọn để trở nên một Chúa Ki-tô thứ hai, tiếp tục
công việc cứu độ của Chúa Giê-su ở trần gian này.
Thánh Thể là nguồn ân sủng dồi dào của các linh mục, cho nên không thể tách
Thánh Thể ra khỏi đời sống của các ngài, lại càng không thể để cho Chúa Giê-su
run rẩy trong đôi tay của mình khi cử hành Thánh Lễ, nhưng hãy làm cho Chúa
Giê-su vui mừng trong tay của mình bằng cách đắm mình sâu trong mầu nhiệm tình
yêu mà mình sắp cử hành, bằng cách luôn ý thức vai trò mà mình đang đảm nhiệm:
vai trò của Chúa Giê-su tư tế, vai trò tư tế của Tân Ước và vai trò của vị chủ
tế đang cử hành mầu nhiệm thánh.
Khi linh mục cử hành thánh lễ với đôi tay dang ra cầu nguyện, thì như một
Môi-sen trong Cựu Ước đã dang hai tay ra cầu nguyện cho dân Ít-ra-en bất trung
được chiến thắng người A-ma-lếch, và như Chúa Giê-su bị đóng đinh dang tay trên
Thánh Giá để cứu chuộc nhân loại tội lỗi, hình ảnh cảm động này, làm cho chúng
ta không thể không nhớ đến lời của Chúa Giê-su khi Ngài nói với ôn Ni-cô-đê-mô:
“Như ông Môi-sen đã giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ phải
được giương cao như vậy, để ai tin vào Người thì được sống muôn đời” (Ga 3,
14-15).
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Cấp cứu
Thánh Peter canh giữ cổng trời nghe tiếng gõ cửa. Ông ra mở thì thấy một linh
hồn, bỗng vụt anh ta biến mất. Một lát sau lại nghe tiếng gõ cửa, ông liền ra
mở. Lại thấy linh hồn hồi nãy đang đứng đó và... vụt anh ta lại biến mất. Ðến
lần thứ ba ông rất tức giận, ông mở cửa ra, thấy linh hồn đó liền quát hỏi:
- Anh định giỡn mặt với tôi à?
Linh hồn đáp:
- Dạ đâu dám ạ, chả là... bác sĩ đang cấp cứu con đấy mà.
Truyện cười do bạn đọc Trần Quốc Tuấn gởi đến Xitrum.net
o O o
Bệnh nhân:
- Ối chao ơi... ruột tôi đau quá!
Bác sĩ trấn an:
- Đừng lo, để tôi kiểm tra xem ! Chà,... bị lủng ruột... uống viên thuốc giảm
đau này đã!
- Ối chao, bác sĩ ơi! Ruột vẫn đau.
- Thế à? Chắc là thuốc bị rơi ra ngoài chỗ thủng rồi!
"Phát" một cái... "biểu"
Giám đốc xí nghiệp may phát biểu trong hội nghị tổng kết:
- Các chị em cố gắng nâng cao tay nghề để sản phẩm xuất khẩu của ta luôn ổn
định. Cứ như hiện nay, nhìn vào biểu đồ sản xuất rất mất cân đối: mặt hàng áo
luôn đi lên, còn quần lúc nào cũng... tụt xuống! Mà đã tụt thì... lòi ra nhiều
thứ rắc rối lắm!
Chuyện vặt
Hai bác sĩ đứng bên giường một bệnh nhân bị tai nạn ô tô. Một người nói:
- Thật là rủi, phải cắt chân bên trái của anh ta.
- Không phải cắt cả hai! - Bác sĩ thứ hai bàn.
- Không cắt một chân thôi!
- Cả hai chứ!
- Ừ thì cả hai. Mà việc gì phải to tiếng với một việc vặt vãnh như thế nhỉ.
Tác dụng
Hai người đàn ông rảnh rỗi bàn chuyện nhau:
- Phải nói là phụ nữ thời nay can đảm hơn trước nhiều.
- Hãy cho một bằng chứng coi.
- Họ ít khóc hơn.
- Ừ nhỉ! Nhưng lý do tại sao?
- Còn khóc làm sao được khi mặt đã đầy son phấn.
Lý giải sai lầm
Một luật sư đang biện hộ cho một người bị buộc tội ăn trộm. Luật sư nói với tòa:
- Kính thưa ngài, tôi xin trình bày rằng thân chủ của tôi không hề đột nhập vào
căn nhà đó. Anh ta thấy cửa sổ phòng khách mở trống và chỉ thọc cánh tay phải
vào để lấy ra vài món đồ vặt vãnh. Đấy, cánh tay của thân chủ tôi đâu phải là
chính anh ta, và tôi không hiểu sao ngài có thể trừng phạt cả một con người vì
một sai phạm chỉ do một phần tứ chi của người ấy thực hiện.
Quan tòa cân nhắc lý luận này một lâu rồi trả lời:
- Lý luận của anh trình bày rất khéo. Xét theo lý lẽ đó, tôi tuyên án cánh tay
của bị cáo một năm tù giam. Có đi theo cánh tay hay không là tùy ở bị cáo.
Bị cáo mỉm cười, rồi với sự trợ giúp của luật sư, tháo rời cánh tay giả ra, đặt
trên ghế và ra về.
EM HỨA LÀM BÀI NGHIÊM TÚC
Con trai nói với bố:
- Bố ơi, bài tập toán hôm qua bố giải giùm con sai bét. Bây giờ cô bắt con chép phạt 100 lần câu: “Em hứa làm bài nghiêm túc”. Bố cũng có phần trách nhiệm, vậy bố với con chia đôi 50,50 nha!
Mộng Tuyển ( sưu tầm từ Internet )