Số 55 CN 08.10. 2006
Mục lục
Thánh lễ an táng ĐC Giu-se Ma-ri-a Nguyễn Quang Tuyến tại Bắc Ninh
Thánh lễ an táng Đức cha Giu-se Ma-ri-a Nguyễn Quang Tuyến
Bài giảng của Đức cha Giu-se Vũ Văn Thiên, Giám mục giáo phận Hải Phòng, trong Thánh lễ an táng.
HÒI ĐÁP THƯ MỤC VỤ HĐGMVN 2006
Vài suy nghĩ nhân đọc thư mục vụ của HĐGMVN năm 2006
Tết Trung Thu và việc Chúa kêu gọi hãy mặc lấy tâm tình của trẻ thơ
GIA ĐÌNH và LÒNG ĐẠO ĐỨC BÌNH DÂN
Sức Mạnh Và Niềm An Ủi Của Tràng Chuỗi Mân Côi
SỐNG TỰ LẬP – MỘT NHÂN CÁCH TRƯỞNG THÀNH
Chia sẻ với em: ''Linh mục, Chúa Ki-tô thứ hai''. (tiếp theo và hết)
(Mc 10, 2-12)
Khi ấy, có mấy người Pharisêu đến gần Đức Giêsu và hỏi rằng: “Thưa Thầy, chồng có được phép rẫy vợ không?” Họ hỏi thế là để thử Người.. Người đáp: “Thế ông Môisê đã truyền dạy các ông điều gì?” Họ trả lời: “Ông Môsê đã cho phép viết giấy ly dị mà rẫy vợ”.
Đức Giêsu nói với họ: “Chính vì các ông lòng chai dạ đá, nên ông Môsê mới
viết điều răn đó cho các ông. Còn lúc khởi đầu công trình tạo dựng, Thiên
Chúa đã làm nên con người có nam có nữ; vì thế, người đàn ông sẽ lìa cha mẹ
mà gắn bó với vợ mình, và cả hại sẽ thành một xương một thịt. Như vậy, họ
không còn là hai, nhưng chỉ là một xương một thịt. Vậy, sự gì Thiên Chúa đã
phối hợp, loài người không được phân ly”. Khi về đến nhà, các môn đệ lại hỏi
Người về điều ấy. Người nói: “Ai rẫy vợ mà cưới vợ khác là phạm tội ngoại
tình đối với vợ mình; và ai bỏ chồng để lấy chồng khác, thì cũng phạm tội
ngoại tình”.
Gia đình : Vấn đề Ly hôn và con cái
- Trước khi chúng ta đi sâu vào bài Phúc âm, tôi xin trích đọc một lá thư sau đây :
“Cha mẹ tôi đã ly hôn, chúng tôi sống với mẹ. Mẹ chúng tôi đã tận lực nuôi dưỡng chúng tôi. Tôi buồn giận cha tôi lắm, tuy nhiên tôi thấy thiếu vắng cha tôi kinh khủng. Biết bao lần tôi hình dung cha tôi mà tôi chỉ nhớ loáng thoáng bóng dáng. Tôi tưởng tượng một ngày nào đó đến nhà ông để khạc nhổ vào mặt ông ta cho hả cơn oán ghét và khinh bỉ. Hôm khác tôi lại mơ thấy mình nằm gọn trong cánh tay cha tôi, đắm mình trong một tình thương mà tôi tưởng chừng đã phai tàn. Rồi tôi đã khóc, và tôi còn khóc, nhưng không ai biết... Tôi nằm lăn đất vì đau khổ, vì bị xung đột khủng khiếp. Tôi muốn tìm cách báo thù : chống lại cha tôi, chống lại mẹ tôi, chống lại mọi người, chống lại xã hội và chống lại... chính tôi nữa !”
- Tâm trạng của một đứa con mà cha mẹ đã li dị với nhau là như thế : bị xâu xé ray rứt rất đau đớn : vừa thù ghét cha mẹ mà vừa đói khát thèm muốn tình thương của cha mẹ. Tương lai của những đứa con ly hôn là như thế : nó sẽ nổi loạn chống lại mọi người, phá phách mọi người và phá phách cả cuộc đời của chính nó nữa.
- Vậy mà ít ai lưu tâm đến hoàn cảnh đau khổ to lớn ấy của những đứa con mà cha mẹ đã ly hôn. Ngược lại càng ngày người ta càng ủng hộ việc ly dị. Theo một bảng thống kê ở các nước giàu có phát triển thì cách đây 20 năm cứ 20 cặp vợ chồng thì có một cặp li dị, cách đây 10 năm thì trong 10 cặp có một cặp li dị, và hiện thời cứ 2 cặp là có một cặp li dị. Nghĩa là tỉ lệ phân nửa : bên Liên xô cũng vậy mà bên Mỹ cũng vậy !
- Lý do người ta dựa vào, là “Đã không thể sống chung với nhau nữa thì thà chia tay nhau”. Một lý do quá giản dị, nhưng vì quá giản dị nên cũng quá thiếu sót, ít ra là thiếu sót 3 điểm sau đây :
1/ Thứ nhất là quá ích kỷ : chỉ lo cho những cặp vợ chồng mà không nghĩ đến những đứa con. Cho phép li dị thì có lẽ vợ chồng sẽ thoải mái đấy, nhưng con cái thì như chúng ta đã thấy qua bức trên đây. Cha mẹ muốn thoải mái cho bản thân mình, và dồn mọi hậu quả cho những đứa con phải chịu. Mà những đứa con đó nào có tội tình gì đâu ? Tội là ở cha mẹ chúng, nhưng chúng phải gánh lấy hậu quả hoàn toàn.
2/ Thứ hai là phản trắc, lật lọng : những người li dị là những kẻ phản trắc, lập lọng, không phải đối với ai khác mà đối với chính bản thân họ, đối với chính lương tâm của họ. Họ hãy nhớ lại xem trước khi cưới họ đã nghĩ gì, đã muốn gì, đã thề hứa gì ? Họ muốn chiếm cho bằng được con người lúc đó họ đang yêu, họ chấp nhận tất cả mọi khó khăn xung đột của cuộc sống chung, và họ thề sẽ yêu thương nhau trọn đời. Lúc ban đầu thì vậy, nhưng lúc sau thì khác không yêu nhau nữa, không chấp nhận nhau nữa và đòi bỏ nhau bằng mọi giá. Có phải là phản trắc, là lật lọng, là tiền hậu bật nhất không ?
3/ Và điểm thứ ba là người ta đã quên một điều rất là thông thường trong cuộc sống hôn nhân : bất cứ cặp vợ chồng nào cũng phải trải qua những cuộc khủng hoảng. Không cặp nào thoát. Đó là điều tất yếu, và có thể nói còn cần thiết nữa. Cũng như một đứa trẻ cần phải trải qua khủng hoảng của tuổi dậy thì mới trở nên người lớn được, thì bất cứ cặp vợ chồng nào cũng cấn phải trải qua khủng hoảng mới đi tối chỗ trưởng thành. Vậy mà khi gặp khủng hoảng thì tính ngay chuyện li dị, thử hỏi làm sao gia đình trưởng thành được ?
- Đó là ba điểm rất quan trọng mà người ta đã bỏ qua không xét tới. Vì bỏ qua những điểm quan trọng như thế nên người ta càng ngày càng đòi hỏi ly hôn : những cặp vợ chồng trẻ đòi ly hôn, cha mẹ đôi bên xúi li hôn, luật pháp cho phép li hôn... Chỉ có Phúc âm Chúa và Giáo Hội Công giáo là còn cố gắng ngăn cản việc ly hôn. Trong bài Phúc âm hôm nay, chúng ta nên lưu ý tới những điểm sau đây :
1/ Những người biệt phái dẫn chứng với Chúa Giêsu rằng ông Maisen cho phép li hôn. Chúa Giêsu trả lời : đó chỉ là vì lòng dạ chai đá của các ngươi thôi. Nghĩa là Chúa Giêsu vạch cho thấy nguồn gốc của li hôn là lòng dạ chai đá, lòng xấu của con người. Và như chúng ta đã phân tích ở trên, lòng xấu ấy chính là cái tính ích kỷ, cái thái độ phản trắc lật lọng, thái độ hèn nhát vội tìm đường lẫn trách trước những khủng hoảng tất yếu của hôn nhân.
2/ Chúa Giêsu nhắc nhở tính chất bất khả ly của hôn nhân là quyền của Thiên Chúa, con người không có quyền làm ngược lại “Điều gì mà Thiên Chúa đã kếp hợp, con người không được phân li”. Nghĩa là Chía Giêsu phủ nhận mọi quyền của con người trong vấn đề này : vợ chồng không có quyền đòi li dị, cha mẹ đôi bên và bè bạn không có quyền xúi li dị, luật lệ xã hội không có quyền cho phép li dị, cho nên dù có 100 tờ giấy li dị cũng chẳng có chút giá trị nào trước mặt Chúa.
3/ Và thứ ba là Chúa nhắc mọi người phải nhớ đến những đứa trẻ. Chúa Giêsu đã ôm trẻ nhỏ vào lòng, Ngài đã chúc lành cho chúng để nhắc mọi người phải thương yêu chúng, phải bao bọc chúng, đừng ruồng bỏ chúng để chúng phải bơ vơ vì cha mẹ chúng đã li dị nhau ; đừng ngăn cản, không cho chúng đến với Chúa bằng cách dạy chúng vào con đường bất mản, nổi loạn, sa đoạ khi cha mẹ chúng đã li dị với nhau.
- Như vậy, trong tình hình xã hội mà cơ cấu gia đình đang bị lung lay nguy hiểm như chúng ta đã thấy, và trước những lời nhắc nhở quan trọng của Phúc âm như chúng ta cũng vừa thấy, tôi xin có đôi lời nói với một vài giới người :
1/ Trước hết là với những thanh niên thiếu nữ đang yêu nhau và sắp thành lập gia đình với nhau : các anh chị sắp đi đến một chọn lựa quan trọng là chọn sống với nhau suốt đời. Hãy suy nghĩ thật kỹ lưỡng trước khi chọn lựa, để khi đã chọn lựa xong rồi thì đừng bao giờ lật lọng phản trắc đi ngược lại với sự chọn lựa ban đầu.
2/ Kế đến là với những cặp vợ chồng đang gặp khó khăn : Xin các anh chị nhớ 2 điều : thứ nhất : khó khăn không có gì lạ, đó là chuyện tự nhiên mà cặp vợ chồng nào củng phải gặp. Có vượt qua khó khăn đó thì mới tới trưởng thành. Điểm thứ hai : trước khó khăn, anh chị chỉ có một con đường duy nhất là cùng nhau cố gắng vượt qua, không thể có con đường thối lui, không thể có con đường chia 2 anh đi đường anh tôi đường tôi tình nghĩa đôi ta có thế thôi.
3/ Cuối cùng là với những bậc cha mẹ, những người xui gia với nhau : có nhiều người dù đã lớn, tưởng đâu là đã khôn, nhưng trái lại thì chẳng khôn tí nào khi vì tự ái gia đình mà xúi dục con cái mình li dị nhau, xúi nó bỏ chồng bỏ vợ nó để về ở với mình, hoặc ngăn cản không cho chúng nó làm hoả lại với nhau. Chúng ta đã đứng ra tác hợp, nghĩa là chúng ta được chia xẻ cái vinh dự và cái quyền thiêng liêng của chính Thiên Chúa là phối họp một gia đình, thì chúng ta phải có trách nhiệm gìn giữ cho gia đình đó được hoà họp, theo nguyên tắc mà Chúa đã đề ra trong Phúc âm hôm nay “Sự gì Thiên Chúa đã kết hợp, loài người không được phân li”.
Lm. Carolô Hồ Bặc Xái
Trong lịch phụng vụ, tháng 10 có tên là tháng Mân côi. Suốt tháng này, Hội Thánh khắp nơi hướng về Đức Mẹ một cách đặc biệt. Lòng sùng kính của dân Chúa đối với Đức Mẹ trong thời gian này mang một đặc điểm riêng. Đó là cầu nguyện bằng chuỗi Mân Côi.
Mân côi (Mai Khôi) chính là hoa hồng. Như thể, bằng chuỗi Mân côi, Hội Thánh trở thành một vườn hồng mênh mông, hương thơm sắc đẹp, dâng lên Mẹ hiền.
Lịch sử chuỗi Mân côi là một hành trình dài. Hành trình đó mang nhiều gợi ý. Những gợi ý này có thể giúp chúng ta cầu nguyện bằng chuỗi Mân côi một cách sốt sắng, vừa hợp với truyền thống, vừa sát với thời sự.
Lịch sử cho thấy kinh Mân côi được thành hình do động lực sùng kính Đức Mẹ. Người được nhắc tới nhiều trong lịch sử kinh Mân côi là thánh Đaminh, đấng sáng lập Dòng Giảng thuyết. Ngài qua đời năm 1221. Một số tài liệu quả quyết rằng chính Đức Mẹ đã trao cho thánh Đaminh chuỗi Mân côi. Xung quanh thánh Đaminh còn một số tu sĩ nhiệt thành, như tu sĩ Dominique dòng Chartreux thành Trèves, tu sĩ Alain de la Roche dòng Đaminh thành Lille .
Các vị này đã có những đóng góp quan trọng. Tất cả các ngài đều là những tông đồ của Đức Mẹ. Với lòng xác tín, hăng hái, nhiệt thành, các ngài rao giảng, truyền bá kinh Mân côi. Trước hết là trong các cơ sở Dòng, sau là tại các giáo xứ của nhiều giáo phận Âu Châu.
Phong trào đọc kinh Mân côi sau đó được tổ chức thành các hiệp hội. Các người trong hiệp hội liên đới với nhau bằng chia sẻ đời sống thiêng liêng. Nhận thấy phong trào kinh Mân côi đem lại nhiều kết quả lớn lao và mau lẹ cho đời sống đức tin, Toà Thánh đã công nhận, khuyến khích và ban nhiều ân xá.
Năm 1475, tại Cologne, chính hoàng đế nước Đức là Fredéric III, hoàng hậu và hoàng tử đã xin ghi tên vào hội kinh Mân côi. Nhờ vậy, chuỗi Mân côi có thêm uy tín.
Uy tín đó không phải là lý do để phong trào kinh Mân côi lan rộng. Lý do lan rộng chính là tính cách Kinh Thánh và bình dân của chuỗi Mân côi.
Các lời kinh của chuỗi Mân côi đều được đúc kết từ Kinh Thánh. Các mầu nhiệm suy gẫm trong chuỗi Mân côi cũng được rút ra từ Kinh Thánh. Số 150 kinh Kính Mừng cũng là để nhớ lại số 150 thánh vịnh của Cựu Ước.
Tuy nền tảng là Kinh Thánh, nhưng chuỗi Mân côi được sắp xếp một cách bình dị, dễ đọc, dễ hiểu, hợp với bình dân. Miệng đọc kinh, lòng suy gẫm, tay lần chuỗi hạt, đó là một hình thức đạo đức bình dân thấy có ở nhiều tôn giáo truyền thống như Phật giáo, Hồi giáo.
Với hình thức đạo đức này, kinh Mân côi đã đốt lên lửa mến trong các tâm hồn. Nhiều tâm hồn trước kia nguội lạnh đã được ơn trở về.
Lịch sử cho thấy: Khi khấn cầu ơn nọ ơn kia, nhiều người đã dựa vào chuỗi Mân côi như một nguồn để tìm sức mạnh cậy trông.
· Năm 1571, trước cơn đe doạ đạo Chúa bị tàn phá, Đức Thánh Cha Piô V, đã truyền cho Hội Thánh cầu nguyện bằng chuỗi Mân côi, với hy vọng Chúa sẽ cứu. Khấn cầu đó đã được Chúa chấp nhận. Chiến thắng ở vịnh Lepante ngày 7 tháng 10 năm 1571 đã là cơ sở để Đức Thánh Cha thiết lập lễ Đức Mẹ Mân côi. Hằng năm cứ đến ngày 7 tháng 10, Hội Thánh đề cao chuỗi Mân côi như một nguồn hy vọng.
· Năm 1629, trước cơn dịch tả nguy hiểm lan rộng trên nước Ý, tu sĩ Timoteo Ricci đã lập ra chuỗi Mân côi liên tiếp. Thầy tính rằng: Mỗi năm có 8.760 giờ. Căn cứ vào đó, thầy làm ra 8.760 tấm vé. Mỗi vé ghi tháng, ngày, giờ. Rồi cho rút thăm. Ai được vé nào thì cam kết đọc chuỗi Mân côi tháng ngày giờ đó. Mục đích có ý xin ơn chết lành cho những người hấp hối, xin ơn trở lại cho những người tội lỗi, xin ơn bình an cho các dân tộc.
· Từ sáng kiến đó, phong trào kinh Mân côi liên tiếp được thành lập và lan rộng. Năm 1657, Đức Giáo Hoàng Alexandre VII chấp nhận phong trào đạo đức này, và ban cho nhiều ân xá.
· Năm 1826, trước nhu cầu truyền giáo cho các vùng xa xôi, bà Pauline Jaricot, thành Lyon , đã có sáng kiến lập ra phong trào "Kinh Mân côi sống". Cứ 10 nguời thì thành một nhóm nhỏ. Mỗi người trong nhóm cam kết đọc 10 kinh Kính Mừng mỗi ngày. Hơn nữa, mỗi người trong nhóm sẽ tìm thêm 5 người. Năm người này cũng hứa đọc 10 kinh Kính Mừng mỗi ngày. Và cứ thế nhân lên số người đọc kinh Kính Mừng.
Mỗi tháng, bà Pauline phổ biến cho các nhóm một bản suy gẫm Lời Chúa, hướng về truyền giáo.
· Đầu thế kỷ XX, trước tình hình suy giảm đức tin tại Pháp, cha Joseph Eyquem lập ra những hội Mân côi. Sinh hoạt của những người theo hội này cũng là đọc 10 kinh Kính Mừng mỗi ngày. Ngoài ra, họ họp nhau mỗi tháng một lần. Cuộc họp không tổ chức ở nhà thờ, nhưng ở nhà tư, lúc ở nhà này, khi ở nhà khác. Cuộc họp gồm đủ mọi thành phần. Những tín hữu bình thường, những người ly dị, những người rối vợ rối chồng, những người xa tránh các bí tích. Họ cầu nguyện, trao đổi, chia sẻ và giúp đỡ nhau vượt qua các thử thách.
Nói chung, khi gặp những khó khăn nguy hiểm, cả trong đạo lẫn ngoài đời, người ta đã chạy lại với Đức Mẹ. Họ khẩn cầu Mẹ bằng chuỗi Mân côi. Và thực sự chuỗi Mân côi đã đem lại cho các tâm hồn những hy vọng lành thánh.
Trước đây, chuỗi Mân côi được truyền bá bởi các thánh, và Hội Thánh. Nay, chính Đức Mẹ lên tiếng.
Tại Fatima, khi hiện ra với ba trẻ, Phanxicô, Giacinta và Lucia, Đức Mẹ đã mang chuỗi Mân côi. Đức Mẹ cũng đã khuyên người ta hãy năng cầu nguyện kinh Mân côi.
Tại Fatima, Lộ Đức và những nơi hành hương, chuỗi Mân côi ví như những chuỗi hoa hồng của các trái tim không ngừng dâng lên Đức Mẹ. Còn Đức Mẹ, thì luôn mưa những hoa hồng thiêng xuống cho các người chân thành cầu khấn. Hoa hồng nói đây là những ơn phúc phần hồn phần xác. Ơn phúc đủ loại, nhất là ơn sám hối, ơn trở về với Chúa, ơn đổi mới cuộc đời, ơn đi sâu vào Phúc Âm, ơn biết đón nhận thánh ý Chúa để trở thành cộng tác viên đắc lực của Đức Mẹ đồng công cứu chuộc.
Các ơn Đức Mẹ ban qua chuỗi Mân côi phát xuất từ trái tim Đức Mẹ. Trái tim ấy đầy tình thương và cũng đã chịu nhiều đau đớn, để cùng với Chúa Giêsu cứu chuộc nhân loại bằng hy sinh trên thánh giá. Vì thế có thể nói, các ơn đó đến từ trên, và chảy vào trong nội tâm mỗi người. Với nhận thức đó, chúng ta hiểu ý nghĩa lời Đức Mẹ nói với Bernadette ở Lộ Đức: "Mẹ không hứa cho con hạnh phúc đời này, nhưng hạnh phúc đời sau". Tuy nhiên, ngay ở đời này, những ai lần chuỗi Mân côi, cũng sẽ được Đức Mẹ thương ban ơn, cách này hay cách khác.
Hiện nay, cuộc sống đang đặt ra nhiều vấn đề nan giải. Kinh Mân côi sẽ giúp chúng ta tìm được lối thoát. Lối thoát sẽ từ trên trái tim Đức Mẹ mà xuống và từ trong nội tâm ta mà ra. Nội tâm ta cầu nguyện sám hối. Trái tim Đức Mẹ sẽ làm chứng một cách sống động lời thiên thần đã nói với Đức Mẹ xưa: "Đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được" (Lc 1, 37).
Thánh lễ an táng Đức cha Giu-se Ma-ri-a Nguyễn Quang Tuyến
BẮC NINH -- Tuy 9 giờ sáng Thánh lễ an táng Đức cha Giu-se Ma-ri-a mới bắt đầu, thế nhưng, hàng ngàn giáo dân từ khắp các giáo xứ xa xôi đã tuốn về Tòa giám mục Bắc Ninh ngay từ tối qua và tờ mờ sáng nay. Những giáo dân nhiệt thành này đã nằm ngủ qua đêm ngoài trời ngay trên sân Tòa giám mục. Ước chừng có khoảng hơn 10.000 tín hữu tham dự Thánh lễ.
Đúng 9g sáng, đoàn đồng tế từ đại sảnh Tòa giám mục tiến ra lễ đài trong quảng
trường Tòa giám mục. Đi đầu đoàn rước là các thày chủng sinh cầm thánh giá nến
cao, theo sau là khoảng 170 linh mục đồng tế từ trong và ngoài giáo phận, trong
số này có rất nhiều linh mục Tổng đại diện. Có tất cả 10 Giám mục từ khắp các
giáo phận Việt Nam về dâng lễ. Đức Tổng Giám mục Hà Nội Giu-se Ngô Quang Kiệt
chủ sự Thánh lễ.
Trong khi đoàn đồng tế tiến ra lễ đài, thày Đa-minh Vũ Quang Chí đọc tiểu sử đức
cố Giám mục nêu bật những công lao và tình cảm của Ngài với giáo phận. Thầy cũng
lược qua những nét chính lịch sử giáo phận Bắc Ninh.
Trước khi Thánh lễ bắt đầu, cha văn phòng Tòa giám mục đọc điện văn phân ưu của
Tòa Thánh, Hội đồng Giám mục Việt Nam, Đức cha Chủ tịch Hội đồng Giám mục, Đức
Tổng Giám mục Hà Nội, Đức ông Trần Văn Khả… Tất cả các Tòa Giám mục Việt Nam,
nhiều dòng tu, tổ chức, cơ quan, cá nhân trong và người nước đã gửi điện văn
phân ưu tới giáo phận Bắc Ninh.
Vào Thánh lễ, ca đoàn cất lời hát ca nhập lễ đầy tin tưởng cậy trông: Chúa là
gia nghiệp đời con. Vì ngoài Chúa ra con tìm đâu thấy hạnh phúc, vì chỉ nơi Chúa
con tìm thấy được nguồn vui... Những lời ca trong suốt Thánh lễ luôn tràn đầy hi
vọng vào tình yêu bao la biển trời của Thiên Chúa chứ tuyệt nhiên không thấy
buồn đau tang tóc.
Trong bài giảng, Đức cha Giu-se Vũ Văn Thiên, Giám mục giáo phận Hải Phòng, phác
họa lại những nét đẹp của Đức cố Giám mục Giu-se Ma-ri-a trong cuộc đời mục tử:
Ngài là một vị mục tử tận tụy hi sinh, kiên nhẫn vượt lên những gian khó, luôn
niềm nở tiếp đón mọi người, luôn ân cần nhân hậu chăm sóc đoàn chiên. Theo tình
cảm tự nhiên, chúng ta ai cũng muốn níu kéo Đức cha ở lại. Có lẽ mỗi người chúng
ta muốn thưa với Ngài bằng tâm tình của làn điệu Quan họ: "Người ơi, Người ở
đừng về!". Nhưng Đức Cha Giuse đã về nhà mình, về Nhà Cha, về Quê Hương vĩnh
cửu... Chúng ta hãy biến những thương nhớ thành lời cầu nguyện cho Đức Cha
Giuse. Chúa đã đặt Ngài làm quản lý gia nghiệp Chúa là Giáo phận Bắc Ninh. Xin
Chúa hãy nói với Đức Cha Giuse: "Hỡi người đầy tớ trung tín, hãy vào hưởng gia
nghiệp với chủ ngươi".
Cuối Thánh lễ, ông Huy Tuấn đại diện quý thân hữu gia đình Bắc Ninh hải ngoại
nói những lời bày tỏ niềm tín thác vào Thiên Chúa khi Người gọi Đức cha về. Đức
cha sẽ đi tìm những đồng cỏ mới cho đoàn chiên của Ngài trên Nước Trời. Vì thế,
ông không nói lời vĩnh biệt, nhưng chỉ nói lời tạm biệt Đức cha mà thôi. Ông đã
ôn lại những kỉ niệm đẹp trong thời gian Đức cố Giám mục sang Hoa Kì chữa bệnh.
Ông cảm tạ Thiên Chúa đã cho ông và những người con gia đình Bắc Ninh có cơ hội
được chăm sóc Đức cha yêu dấu trong những ngày sau cùng cuộc đời Ngài. Ông nói
những lời thật cảm động: Chúng con muốn Đức cha ở lại, nhưng Chúa đã gọi Đức cha
về nhà Ngài. Trên ngọn đồi thông xanh ở Oregon, Hoa Kì, chúng con đã phải ngậm
ngùi vẫy tay chào Đức cha lên đường trở về đất mẹ Việt Nam và về nghỉ ngơi nơi
nhà Cha trên trời. Theo những vần thơ Đức cha tâm đắc:
Khi con tàu chuyển lăn về phía trước,
Trái tim ta muốn chạy ngược về sau.
Con tàu Đức cha đã ra đi về chốn đời đời, nhưng chắc chắn: trái tim cha thì vẫn
luôn ở lại với chúng con.
Tiếp theo, Linh mục Giu-se Nguyễn Văn Tăng, gốc Bắc Ninh, hiện đang phục vụ tại
giáo phận Xuân Lộc, đại diện gia đình Bắc Ninh Miền nam Việt Nam ôn lại những
tình cảm thân thương mà Đức cha luôn dành cho những người con Bắc Ninh mỗi lần
về thăm giáo phận cũng như mỗi lần Ngài vào thăm con cái gia đình Bắc Ninh tại
Miền nam. Cha cũng cảm nhận nơi Đức cha một con người yêu thích những nét đẹp
văn hóa, văn chương. Đức cha đã cố gắng hội nhập những nét tinh túy của Dân ca
Quan họ Bắc Ninh vào trong phụng vụ của giáo phận.
Cha Giu-se Nguyễn Văn Vinh đại diện mọi thành phần dân Chúa trong giáo phận bày
tỏ niềm tiếc thương Đức cha kính yêu. Sự hiện diện của các Đấng bậc là sự an ủi
lớn lao và làm vơi đi rất nhiều niềm đau mất cha của chúng con. Cha diễn tả
những tấm lòng con cái Bắc Ninh luôn hướng về Đức cha khi ngài ở Hoa Kỳ chữa
bệnh. Toàn thể đoàn con cái giáo phận Bắc Ninh thương khóc Đức cha. Đức cha đã
vĩnh viễn ra đi, nhưng tình thương của người cha nhân hiền còn đọng lại mãi
trong trái tim từng đứa con của Ngài.
Cha Đa-minh Nguyễn Văn Kinh, đại diện cho giáo phận Bắc Ninh bày tỏ lòng biết ơn
tới tất cả các Đấng bậc, cơ quan đoàn thể, thân hữu gần xa đã gửi những lời phân
ưu chân thành, đã đến cầu nguyện, phúng viếng và hiện diện trong Thánh lễ an
táng Đức cha Giu-se Ma-ri-a kính yêu.
Sau đó, Đức cha Antôn Vũ Huy Chương, Giám mục giáo phận Hưng Hóa, chủ sự nghi lễ
phó dâng và tiễn biệt Đức cha cố Giu-se.
Đúng 11g00, linh cữu Đức cha được rước trở lại Nhà thờ Chính tòa Bắc Ninh. Mọi
người trong đoàn rước đều cầm những cành huệ trắng trên tay và lặng lẽ bước đi.
Lần cuối cùng, Đức cha đi giữa đoàn con cái đông đảo. Tất cả đoàn con mắt ứa lệ
hướng về linh cữu cha mình đang được các thày chủng sinh rước trên vai. Lúc này,
hình như đoàn chiên cảm nhận tiếng nói thân thương của vị Chủ chăn vọng lên rõ
ràng hơn bao giờ hết: Chào các con, cha đi đây. Đi về nhà Chúa, cha sẽ chuyển
cầu ơn lành của Người cho các con nhiều hơn nữa. Các con ở lại hãy sống niềm tin
Công giáo của các con thật sống động; các con hãy đem men, muối và ánh sáng Tin
Mừng vào giữa lòng đời. Các con hãy yêu thương nhau, hãy hiệp nhất nên một. Hãy
thực thi những lời cha dạy vì đó là điều làm cha an lòng trong chốn trường sinh.
Nơi phần mộ trong lòng Nhà thờ Chính tòa Bắc Ninh, Đức cha Giu-se Nguyễn Văn Yến,
Giám mục giáo phận Phát Diệm chủ sự những nghi thức cuối cùng: làm phép mộ và hạ
huyệt. Trong tiếng kèn đồng trầm buồn tê tái, linh cữu Đức cha Giu-se Ma-ri-a từ
từ trở về yên nghỉ trong lòng đất mẹ. Trong bầu khí thinh lặng nghẹn ngào, Các
Giám mục cùng các linh mục lần lượt đến bên mộ bái biệt Đức cha, gửi xuống huyệt
mộ Đức cha những cành huệ trắng ngát hương và những giọt lệ đong đầy thương xót.
Niềm tiếc thương Đức cha nơi các linh mục là sự câm nín không lời, còn nơi các
nữ tu và thân nhân lại là những tiếng khóc nức nở nghẹn ngào.
Như hạt giống gieo vào lòng đất, phải mục nát đi mới sinh nhiều hoa trái. Đức
cha Giu-se Ma-ri-a đã phải từ giã cõi đời này để được về nhà với Chúa Cha yêu
thương. Xin cầu nguyện cho Đức cha và xin Đức cha cầu bầu cho đoàn con cái. Hẹn
mai ngày gặp lại Đức cha trong nước trời.
Bài giảng của Đức cha Giu-se Vũ Văn Thiên, Giám mục giáo phận Hải
Phòng, trong Thánh lễ an táng.
Kính thưa Đức Tổng, Quý Đức Cha, Quý Cha
Kính thưa Quý Vị đại diện Chính Quyền, Quý Vị đại diện các tôn giáo bạn
Quý Tu Sĩ Nam Nữ, Quý Vị thân nhân gia đình Đức Cha Cố Giuse,
Kính thưa Quý Ông Bà và Anh Chị Em
Theo tâm lý tự nhiên, mỗi khi được tin một người thân qua đời, chúng ta thường
thấy hiện về trong tâm trí những hình ảnh, những kỷ niệm của người vừa tạ thế.
Những hình ảnh và kỷ niệm ấy thôi thúc chúng ta nghĩ về người đã đi xa. Chúng ta
muốn qua những hình ảnh này để níu kéo người thân lại với chúng ta lâu hơn nữa.
Có những nuối tiếc, có những buồn đau, có những nhớ nhung và có những tự hào.
Vâng cuộc đời là như thế.
Đức Cha Giuse của chúng ta đã qua đời. Ngày 24 tháng 9 vừa qua, Ngài đã kết thúc
cuộc hành trình trần thế của mình giữa lúc còn biết bao dự tính, còn biết bao
chương trình để xây dựng Giáo phận Bắc Ninh. Chính giữa những dự tính và chương
trình đó, Chúa đến nói với Đức Cha Giuse rằng : hãy nghỉ ngơi. Và Ngài đã nghỉ
ngơi trong Chúa.
17 năm của cuộc đời Giám mục, Đức Cha Giuse đã đi vào lịch sử của Giáo phận.
Ngài đã hòa mình vào truyền thống trung thành với Đức tin của một Giáo phận đã
trải qua nhiều khó khăn thử thách. Nghi thức phụng vụ an táng và lý tưởng đời tu
không cho phép chúng ta kể lại công trạng theo kiểu người đời. Bởi lẽ chính
Thiên Chúa là Đấng phán xét công trạng mỗi người chúng ta và cũng chỉ có Ngài
mới trả công xứng đáng cho những ai đã nhiệt thành xây dựng Giáo hội của Ngài.
Trong giờ phút linh thiêng này, chúng ta tiễn đưa một con người, một tín hữu,
một chủ chăn. Trong đức tin kiên trung nơi Đấng Phục Sinh, chúng ta phó thác Đức
Cố Giám mục Giuse nơi cánh tay nhân lành của Chúa. Chúng ta hãy nhìn lại những
nét đẹp của cuộc đời một vị mục tử.
1-Trước hết chúng ta thấy nơi Ngài một mục tử tận tuỵ: được chọn làm Giám mục
một giáo phận đông giáo dân, lại ở rải rác trên một địa bàn rộng, có nhiều anh
em dân tộc thiểu số, Đức Cha Giuse đã tận tuỵ hy sinh noi gương Đức Giêsu, vị
Mục Tử Nhân Lành. Như Vị Mục Tử Nhân Lành tận tuỵ đi tìm con chiên lạc, chúng ta
ghi nhận những nỗ lực cố gắng của Đức Cha Giuse. Ngài trực tiếp đi làm mục vụ
tại miền rừng núi, nơi giáo dân ở rải rác và nhiều năm không được gặp các Linh
mục, không có Thánh lễ, không có Bí tích. Ngài đã đến để đem Niềm vui và ơn Chúa
đến cho họ. Trong điều kiện thiếu Linh mục, chính Đức Cha đã đến với những nơi
vùng sâu vùng xa để làm mục vụ.
2-Đức Cha Giuse là một mục tử kiên nhẫn. Giáo phận Bắc Ninh có một thời được cả
thế giới biết đến là một Giáo phận chỉ có "một Linh mục rưỡi". Cũng như các Giáo
phận khác của Miền Bắc, tình trạng thiếu nhân sự hầu như đã làm tê liệt mọi hoạt
động của Giáo hội. Đức Cha Giuse đã kiên nhẫn trong ơn gọi, đã kiên nhẫn trong
bổn phận mục tử, nhờ đó Ngài đã vượt lên những khó khăn, đem lại những kết quả
tốt đẹp xây dựng Giáo phận. Mặc dù phải kiêm nhiệm hầu hết mọi công việc của một
Giáo phận, Ngài vẫn luôn chu toàn trong sự phó thác cậy trông để dẫn đưa Giáo
phận qua những thăng trầm.
3-Đức Cha Giuse, một mục tử luôn niềm nở đón tiếp mọi người. Những ai gặp Ngài
đều có những ấn tượng tốt đẹp về sự hiếu khách. Sự tiếp đón của Ngài nồng nàn
như điệu hát Quan họ "mời trầu", làm cho lữ khách bịn rịn không muốn rời bước,
chỉ mong "đến hẹn lại lên". Việc thường xuyên có một nhóm các nữ tu thường trực
để hát Quan Họ mỗi khi có quan khách cho thấy Đức Cha Giuse của chúng ta mến
khách đến mức nào.
Vâng, Hôm nay Đức Cha Giuse của chúng ta đã đến gặp Đấng mà Ngài đã tận tuỵ
phụng sự. Ngài đã đến trình diện trước nhan Thiên Chúa là Đấng Ngài hằng tiếp
đón, qua việc tiếp đón Anh Chị Em tại nơi này.
Chính sự hy sinh tận tuỵ, chính sự kiên nhẫn và niềm nở đón tiếp của Đức Cha
Giuse là bằng chứng của tình yêu Thiên Chúa. Chính nhờ những cố gắng của Ngài mà
chúng ta xin Chúa thưởng công cho Ngài nơi Thiên quốc. Đức Giêsu đã cầu nguyện
cùng Chúa Cha cho các môn đệ. Người ước mong cho những ai theo Người, thì được ở
với Người. Ở với Người là ở với Cha. "Lạy Cha, con muốn rằng con ở đâu, thì
những người Cha đã ban cho con cũng ở đó với con, để họ chiêm ngưỡng vinh quang
mà Cha đã ban cho con" (Ga 17,24).
Suốt đời của Ngài đã sống theo khẩu hiệu Giám mục: "Xin cho họ nên một". Đó là
thao thức của Ngài trong sứ mạng mục tử. Đó là những cố gắng dấn thân của Ngài
để điều Đức Giêsu cầu nguyện với Chúa Cha được trở thành hiện thực. Giờ đây,
trước Nhan Thánh Chúa, ngài tiếp tục cầu nguyện cho cộng đoàn Giáo phận Bắc
Ninh: "Lạy Chúa xin cho họ nên một". Chúng ta hãy hòa lời cầu nguyện của chúng
ta với lời cầu nguyện của Đức Cha Giuse, xin cho gia đình Giáo phận Bắc Ninh
được ơn an ủi trong lúc tang chế này. Xin cho mọi thành phần trong gia đình này
được hợp nhất và bình an.
Tình cảm tự nhiên làm cho chúng ta lưu luyến Đức Cha Giuse. Những người quen
biết, nhất là cộng đoàn gia đình Giáo phận Bắc Ninh, ai ai cũng muốn níu kéo
Ngài ở lại. Có lẽ mỗi người chúng ta muốn thưa với Ngài bằng tâm tình của làn
điệu Quan họ: "Người ơi, Người ở đừng về !". Trong văn chương Việt nam, khi nói
đến "về" là nói đến "Quê Hương", là nói đến "nhà mình", là nói đến nơi từ đó
mình đã sinh ra. Vâng, Đức Cha Giuse đã về nhà mình, về Nhà Cha, về Quê Hương
vĩnh cửu. Bởi vì đời này chỉ là đời tạm, sống chỉ là gửi, mà thác mới là về. Mặc
dù muốn níu kéo Ngài ở lại, chúng ta cũng vững tin rằng, Ngài đã về Quê Hương
đích thực, nơi đó, ngài đang chờ đợi chúng ta. Đức Giêsu, trong giây phút Thày
trò ly biệt, đã nói về Nhà Cha: Người đi để dọn chỗ cho các môn đệ, dọn chỗ cho
những ai đã tin và theo Người. Nhà Cha có nhiều chỗ ở. Đức Cha Giuse của chúng
ta đã về Nhà Cha và Ngài cũng đang chuẩn bị chỗ cho chúng ta. Cũng như Đức Giêsu,
Ngài muốn ngỏ lời với chúng ta: Lòng anh chị em đừng xao xuyến, hãy tin vào
Thiên Chúa và quyền năng của Ngài.
Kính thưa Quý Cộng đoàn,
Ở đời này làm người khó lắm. Đó là điều mà mỗi người chúng ta ít nhiều đã cảm
nghiệm. Làm người đã khó, làm Giám mục còn khó hơn vì trách nhiệm nặng nề. Đức
Cố Giám mục Giuse, trong 61 năm của hành trình con người và 17 năm trách nhiệm
mục tử cũng đã trải qua nhiều thử thách. Cũng như chúng ta, Ngài không tránh
khỏi những lỗi lầm. Chúng ta hãy xin Chúa thương xót tha thứ và đón nhận Ngài
vào hưởng hạnh phúc ngàn thu. Sự hiện diện đông đảo của Quý Đức Cha, Quý Cha,
Quý Tu Sĩ, Quý khách và tất cả mọi người nói lên tâm tình thương mến và biết ơn
đối với người đã khuất. Có những giọt nước mắt, có những buồn rầu tiếc thương.
Chúng ta hãy biến thành lời cầu nguyện cho Đức Cha Giuse. Chúa đã đặt Ngài làm
quản lý gia nghiệp Chúa là Giáo phận Bắc Ninh. Xin Chúa hãy nói với Đức Cha
Giuse: "Hỡi người đầy tớ trung tín, hãy vào hưởng gia nghiệp với chủ ngươi".
Amen.
Ban thông tin giáo phận Bắc Ninh
Câu l: Từ năm 2004 đến nay HĐGMVN đã gửi những thư mục vụ nào ?
Qua Thư Mục Vụ năm 2004, chúng ta đã chiêm ngắm, suy tôn và sống mầu nhiệm Thánh Thể, là \"nguồn mạch và chóp đỉnh của toàn thể đời sống Kitô hữu\" (LG 11). Tiếp theo, Thư Mục Vụ năm 2005 mời gọi chúng ta lắng nghe, suy niệm và sống Lời Chúa.
Câu 2 : Chủ đề Thư Mục vụ năm 2006 là gì ?
Thư Mục Vụ năm 2006 này chọn chủ đề \"sống đạo hôm nay\" để mời gọi mỗi người sống niềm tin bằng những hành động cụ thể, như thánh Giacôbê Tông đồ viết : \"Ðức tin không có hành động thì quả là đức tin chết\" (Gc 2,17). Quả thực, đời sống đạo vừa cần gắn bó với Thiên Chúa, vừa phải đi đến với anh em, như Chúa Giêsu, Ngôi Lời nhập thể và nhập thế đã nêu gương cho chúng ta.
Câu 3 : Qua Thư Mục vụ HĐGM mời gọi tín hữu điều gì ?
Dưới ánh sáng của Lời Chúa, với sự thúc đẩy và hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, chúng tôi mời gọi anh chị em nhìn lại nền tảng việc sống đạo; từ đó, đề ra những định hướng mục vụ cho mọi thành phần Dân Chúa trong xã hội Việt Nam hôm nay.
Dưới ánh sáng của Lời Chúa, với sự thúc đẩy và hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, chúng tôi mời gọi anh chị em nhìn lại nền tảng việc sống đạo; từ đó, đề ra những định hướng mục vụ cho mọi thành phần Dân Chúa trong xã hội Việt Nam hôm nay
I. Nền Tảng Việc Sống Ðạo
2. Sống quy chiếu vào đời sống Thiên Chúa Ba Ngôi
Câu 4 :Hãy cho biết ý nghĩa khi chịu phép rửa tội ?
Theo thánh Phaolô, Kitô hữu khi lãnh nhận bí tích Rửa tội, được dìm vào trong nước thanh tẩy, tượng trưng cho việc dìm vào trong cái chết của Chúa Giêsu, thì cũng như Người đã từ cõi chết sống lại nhờ quyền năng vinh hiển của Thiên Chúa Cha, họ cũng được sống một đời sống mới (x. Rm 6, 3-4).
Câu 5 : Thế nào là Đời sống mới theo Thánh Phaolô ?
Ðó là đời sống có Thiên Chúa, suối nguồn tình yêu: \"Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Ngài thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời\" (Ga 3,16). Chính nhờ tình yêu này, con người có thể nhận ra dung mạo đích thực của Thiên Chúa và hân hoan tìm đến với Ngài.
Câu 6 : Tại sao lại nói Đời sống mới đến từ Chúa Giêsu ?
Đời sống đến từ Chúa Giêsu, quà tặng Tình yêu của Thiên Chúa đối với nhân loại. Là Con yêu dấu của Thiên Chúa \"Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên thập giá\" (Pl 2,8) để giao hoà thế gian tội lỗi với Thiên Chúa và làm cho nhân loại trở nên con người mới, con người biết \"nhìn lên Ðấng họ đã đâm thâu\" (Ga 19,37) để nhận lấy ơn cứu độ.
Câu 7: Thế còn đối với Chúa Thánh Thần thì sao ?
Đó cũng còn là đời sống năng động trong Chúa Thánh Thần, năng lực tình yêu. Nhờ Chúa Thánh Thần, Kitô hữu thông hiệp vào mầu nhiệm Tử Nạn - Phục Sinh của Chúa Giêsu để can đảm bước theo con đường của Thầy chí thánh và sống theo gương Ngài.
Câu 8 : Ngừơi Kytô hữu được mời gọi sống thế nào ?
Vinh dự được làm con Thiên Chúa đòi buộc Kitô hữu phải lớn lên mỗi ngày trong tình yêu của Ngài, trưởng thành hơn trong niềm tin cậy mến và nên đồng hình đồng dạng với Chúa Giêsu, hiện thân của Tình Yêu. Nói cách khác, Kitô hữu được mời gọi để trở nên hoàn hảo và thánh thiện, như Chúa Giêsu đã dạy: \"Anh em hãy nên hoàn thiện như Cha anh em trên trời là Ðấng hoàn thiện\" (Mt 5,48).
Câu 9 : Công đồng Vaticanno II nói đến đòi hỏi đó ra sao ?
Công Ðồng Vaticanô II, trong Hiến chế \"Ánh sáng muôn dân\" cũng xác nhận lại đòi hỏi đó: \"Mọi Kitô hữu đều được Chúa kêu gọi đạt tới sự trọn lành thánh thiện như Chúa Cha trọn lành\" (LG 11, 3). \"Vì thế, tất cả các Kitô hữu, bất cứ theo bậc sống hay địa vị nào, đều được kêu gọi tiến đến sự viên mãn của đời sống Kitô giáo và sự trọn lành của Ðức Ái\" (LG 40, 2).
4. Sống sứ mạng chứng nhân
Câu l0 : Trước khi về trời Chúa trao cho các Tông đồ sứ mạng gì ?
Trước khi về trời, Chúa Giêsu đã củng cố niềm tin của các tông đồ, mở trí cho các ngài hiểu Thánh Kinh và trao cho các ngài sứ mạng ra đi rao giảng cho muôn dân, kêu gọi thống hối để được ơn tha tội. Người khẳng định: \"Chính anh em là chứng nhân về những điều này\" (Lc 24,48).
Câu 11:Tại sao phải sống chứng nhân Tin Mừng ?
Vì sống chứng nhân là cách thế biểu thị sống động nhất về sức mạnh yêu thương cứu độ của Thiên Chúa. Cũng như Chúa Giêsu đã đến trần gian không để tìm vinh quang cho chính mình, nhưng là để làm vinh danh Thiên Chúa và cứu độ con người, Kitô hữu bước theo Chúa Giêsu để được Tin Mừng của Người biến đổi, và qua đó họ trở nên những người đem Tin Mừng cho thế giới này.
Câu 12 : Sự hiện diện của người Kytô hữu trong xã hội hôm nay có ý nghĩa gì ?
Nếu trong đời sống Kitô hữu, Chúa Giêsu thực sự là điểm quy chiếu và là chuẩn mực giúp nhận định giá trị các hành vi, thì sự hiện diện tích cực qua việc sống đạo của Kitô hữu trong xã hội sẽ trở thành lời chứng về những giá trị căn bản của Tin Mừng và trở nên dấu chỉ của niềm hạnh phúc Nước Trời.
II. Ðịnh Hướng Việc Sống Ðạo
Câu 13 : Nền tảng sống đạo thật sâu xa nhưng làm sao để thể hiện đời sống ấy ?
Nền tảng việc sống đạo thật sâu xa, nhưng thể hiện đời sống ấy như thế nào lại là cả một công trình cần phải xây dựng từng ngày, qua việc nỗ lực huấn luyện đức tin và thực hành các nhân đức, qua việc chuyên chăm cầu nguyện và siêng năng lãnh nhận các bí tích.
Câu 14: Hoàn cảnh xã hội Việt Nam hôm nay thế nào ?
Hoàn cảnh xã hội Việt Nam đang bước vào tiến trình toàn cầu hoá, vốn đem lại những tác động tích cực, nhưng cũng đặt ra những thách đố mới cho cả đời lẫn đạo..
5. Canh tân bản thân
Câu 15 : Cuộc sống con người có tác động gì đến xã hội ?
Con người vừa là nạn nhân vừa là tác nhân của hoàn cảnh xã hội. Nếu hoàn cảnh xã hội nhào nặn ra những con người, thì con người mới cũng sẽ dần dần tác động làm nên những hoàn cảnh mới. Trước những thay đổi hiện thời của xã hội làm ảnh hưởng không nhỏ đến cách nghĩ và lối sống của nhiều người, nhất là người trẻ, chúng tôi đề nghị một lộ trình sống đạo khởi đi từ việc đổi mới bản thân.
Câu 16:Tại sao lại phải khởi đi từ việc đổi mới bản thân ?
Ðiểm căn bản trong việc xây dựng con người mới này là làm sao để bản thân mỗi người ý thức và sống đúng phẩm giá của mình; bởi lẽ phẩm giá con người là quà tặng do Thiên Chúa ban. Nhận ra phẩm giá của mình chính là khởi đầu cho việc thánh hoá bản thân.
Ngoài ra, mỗi người cũng cần được huấn luyện để có một lương tâm ngay chính. Thật vậy, một trong những điều cấp thiết người Công giáo phải nêu gương là tìm hiểu giá trị của lương tâm và phải thực hành theo tiếng nói lương tâm của mình.
Câu 17: Lương tâm gíup gì cho cuộc sống con người ?
Trong Hiến Chế \"Giáo Hội trong thế giới ngày nay\" (Gaudium et Spes), Công Ðồng Vaticanô II đã viết : \"Lương tâm làm cho con người nhận biết một cách tuyệt vời luật mến Chúa, yêu người. Trung thành với lương tâm, các Kitô hữu phải liên kết với những người khác để tìm kiếm chân lý và giải quyết trong chân lý biết bao vấn đề luân lý được đặt ra trong đời sống cá nhân cũng như trong giao tiếp xã hội\" (GS 16).
Câu 18 : Trong xã hội hôm nay lương tâm có ảnh hưởng gì không ?
Trong xã hội hiện nay, đôi khi nhu cầu sinh sống và phát triển đã kéo theo những hệ lụy làm cho lương tâm con người bị sai lệch hoặc bị mất phương hướng, mỗi Kitô hữu cần nêu gương học hỏi và thể hiện lương tâm ngay chính tại gia đình cũng như giữa nơi mình sống.
6. Dấn thân phục vụ
Câu 19: Con người mới hôm nay là gì ?
Con người mới theo gương Chúa Giêsu phải là con người dấn thân phục vụ. Nếu việc phục vụ tha nhân có thể giúp cho người khác nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa nơi Kitô hữu, thì chính việc phục vụ đó cũng có thể giúp Kitô hữu cảm nghiệm tình yêu Thiên Chúa cách rõ nét hơn.
Câu 20: Đức Thánh Cha Bênêđitô có nhận định thế nào về việc phục vụ tha nhân ?
Ðức Thánh Cha Bênêđitô XVI đã khẳng định về tác động hỗ tương cần thiết giữa tình yêu đối với Thiên Chúa và tình yêu đối với con người. Chính khi dấn thân phục vụ anh em, chúng ta cảm nghiệm Thiên Chúa một cách dễ dàng hơn. Ngài viết: \"Chỉ có việc phục vụ tha nhân mở mắt cho tôi thấy điều Thiên Chúa làm cho tôi và Ngài đã yêu tôi như thế nào\" (Tđ. Thiên Chúa là Tình Yêu, số 18) .
Câu 21 : Vậy phải chăng dấn thân phục vụ là đòi hỏi tất yếu của người Công giáo ?
Đúng vậy, dấn thân phục vụ con người là đòi hỏi tất yếu của đức tin Kitô giáo. Ðời sống đạo luôn luôn phải được đặt trên nền tảng bác ái yêu thương, vì đây là điều răn quan trọng nhất (x. Mt 22,37-39) và là dấu hiệu rõ ràng nhất khẳng định chúng ta thuộc về Chúa Giêsu: \"Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này: là anh em có lòng yêu thương nhau\" (Ga 13,35).
Câu 22 : HĐGMVN trong năm nay nhấn mạnh điều gì trong thư mục vụ ?
Ðời sống bác ái có thể thực hành bằng nhiều cách, nhưng Thư Mục Vụ năm nay nhấn mạnh đặc biệt đến việc dấn thân phục vụ. Vì thế, chúng tôi mời gọi anh chị em hãy phát huy tinh thần liên đới và yêu thương phục vụ Tin Mừng Chúa Giêsu, phục vụ sự sống và phẩm giá con người, đặc biệt những người nghèo khổ: nghèo kiến thức, nghèo vật chất, nghèo tình thương, nghèo niềm hy vọng, nghèo hạnh phúc...
Câu 23 : Vậy dấn thân phục vụ người nghèo khổ là chứng nhân của Tin mừng chăng ?
Khi dấn thân phục vụ những người này, Kitô hữu làm chứng một cách hùng hồn về tính khả thi của lời mời gọi Phúc Âm và hiệu quả của ơn cứu chuộc trong Chúa Giêsu Kitô: con người được cứu chuộc đã bước ra khỏi cái tôi của chính mình để phục vụ Chúa nơi những anh chị em bé nhỏ.
7. Góp phần xây dựng một xã hội công bằng
Câu 24: Bổn phận người Kytô hữu đối với xã hội trần thế ra sao ?
Lòng mến Chúa yêu người thôi thúc chúng ta góp phần xây dựng một xã hội trong đó con người có điều kiện để sống xứng với phẩm giá của mình. Bởi vì con người là hình ảnh của Thiên Chúa, nên mọi người có quyền được tôn trọng và phát huy những khả năng Chúa ban để phục vụ xã hội một cách hiệu quả nhất.
Câu 25: Con người cần đối xử với nhau thế nào?
Vì con người là anh em của nhau, được tác tạo do quyền năng của Thiên Chúa và là đối tượng của ơn cứu chuộc trong Chúa Giêsu Kitô, nên mỗi người cần được đối xử với lòng kính trọng và yêu thương chân thành như là mục đích của sự phát triển toàn diện, để họ không bao giờ bị biến thành phương tiện cho sự phát triển kinh tế, cho sự thăng tiến xã hội của bất kỳ tổ chức hay thế lực nào.
Câu 26 : Làm thế nào để xây dựng một xã hội công bằng ?
Ðể xây dựng một xã hội công bằng, ngoài việc giáo dục để biết tôn trọng những quyền căn bản của con người, cũng cần có một cơ chế thích hợp bảo đảm thực hiện được quyền này. Công việc này đòi hỏi sự đóng góp từ nhiều phía. Là Kitô hữu, được mời gọi để trở thành ánh sáng cho thế gian, muối cho đời, men trong bột, chúng ta hãy tập trung xây dựng một cộng đoàn trong đó mọi thành phần đều được yêu thương và được đối xử công bằng.
Câu 27 : Tại sao nói công bằng cần đi đôi với tôn trọng sự thật ?
Sự công bằng cần phải đi đôi với lòng tôn trọng sự thật, vì tôn trọng sự thật là điều kiện để xây dựng một cộng đoàn yêu thương. Chúng tôi tin chắc rằng gương sáng phát xuất từ cộng đoàn của những người con cái Chúa sẽ có ảnh hưởng tích cực trong xã hội chúng ta.
III. Trách Nhiệm Ðối Với Việc Sống Ðạo
8. Vai trò của linh mục và tu sĩ
Câu 28 : HĐGMVN ngỏ lời thế nào với các Linh mục ,Tu sĩ ?
Chúng tôi muốn ngỏ lời đặc biệt với các linh mục và các tu sĩ nam nữ, vì anh chị em chính là những nhân tố tích cực và quan trọng trong việc triển khai Thư Mục Vụ này.Anh chị em là những người chọn Chúa làm gia nghiệp, và tự nguyện hiến dâng cả cuộc đời mình để phục vụ Thiên Chúa và con người, nhất là những người bé nhỏ trong xã hội. Sự dấn thân này được thể hiện cả trong đời sống chiêm niệm lẫn trong hoạt động tông đồ.
Câu 29 : Vai trò của Linh Mục Tu sĩ có tác động gì trong xã hội hôm nay ?
Việc sống đạo trong lòng xã hội hôm nay cần đến gương sáng và lời cầu nguyện của anh chị em. Tuy rằng việc tham gia vào những công tác từ thiện xã hội của anh chị em còn gặp rất nhiều hạn chế, nhưng nơi nào có sự hiện diện của anh chị em, đức tin và đức ái Kitô giáo được cảm nhận một cách rõ nét. Vì thế, chúng tôi kêu gọi anh chị em hãy nỗ lực và kiên trì dấn thân, để vừa xoa dịu nỗi khổ đau của anh chị em đồng loại, vừa làm cho Chúa Giêsu thực sự hiện diện trong lòng xã hội chúng ta đang sống.
9. Vai trò của giáo xứ
Câu 30 : Mỗi giáo xứ có vai trò gì trong Hội Thánh hôm nay ?
Vai trò của giáo xứ trong việc giáo dục đức tin đã được chứng minh qua lịch sử Giáo hội Việt Nam. Vì thế chúng tôi kêu gọi các giáo xứ hãy chăm lo tổ chức nhữngsinh hoạt giáo dục theo từng lứa tuổi, nhằm giúp cho mọi thành phần Dân Chúa, cách riêng là giới trẻ, phát huy được những giá trị Kitô giáo trong đời thường.
Câu 31 : Giáo xứ có thể góp phần thế nào trong việc loan báo Tin mừng ?
Dưới sự điều hành của các vị chủ chăn, với sự cộng tác của các thành phần trong gia đình giáo xứ, và với sự hỗ trợ của các hoạt động tông đồ cũng như các hình thức Công giáo tiến hành, giáo xứ sẽ trở thành môi trường thuận lợi thúc đẩy cộng đoàn Dân Chúa thể hiện những giá trị Tin Mừng và giáo huấn của Giáo Hội trong cuộc sống xã hội và mọi sinh hoạt nghề nghiệp.
Câu 32: Mỗi giáo xứ cần đặc biệt quan tâm đến những vấn đề gì?
Trong hoàn cảnh xã hội ngày nay với những biến chuyển mới, bên cạnh những hoạt động mục vụ thông thường, cộng đoàn giáo xứ cần quan tâm đến những lĩnh vực mục vụ mới như chăm lo cho anh chị em di dân, cho những nạn nhân của các tệ nạn xã hội, những người bơ vơ hoặc bị bỏ rơi. Chính lòng yêu thương phục vụ chăm lo cho những anh chị em này làm vang lên tại mỗi địa phương sứ điệp đại đồng của Tin Mừng Chúa Kitô.
10. Vai trò của gia đình
Câu 33 : Còn vai trò của các gia đình Kitô giáo thì sao ?
Ðể có được lối sống thắm đượm tinh thần Tin Mừng nói trên, chúng tôi xác tín rằng gia đình Kitô giáo nắm giữ một vai trò không thể thay thế. Thật vậy, gia đình chính là mái trường đầu tiên và quan trọng nhất trong việc giáo dục những đức tính nhân bản cũng như lòng đạo cho con người.
Câu 34 : Mỗi gia đình công giáo cần quan tâm điều gì ?
Với tư cách là tế bào căn bản của xã hội và Giáo Hội, gia đình hãy quan tâm xây dựng và duy trì những giá trị vô cùng cao quý của đời sống hôn nhân và gia đình Công giáo. Làm được như thế chính là góp phần tích cực vào sự phát triển vững bền của xã hội cũng như Giáo Hội.
Câu 35 : Mỗi gia đình phải có đời sống đạo cụ thể thế nào ?
Khi trung thành cầu nguyện chung với nhau, thánh hoá ngày Chúa nhật, duy trì bầu khí trên thuận dưới hoà, nhường nhịn lẫn nhau giữa vợ chồng, cha mẹ, con cái, gia đình anh
chị em sẽ trở nên chứng từ hùng hồn cho đạo thánh Chúa. Khi vợ chồng vượt lên mọi thử thách, sống trung tín và chung thuỷ sắt son như lời cam kết ngày cử hành hôn lễ, gia đình anh chị em đã góp phần kiến tạo nền \"văn minh tình thương\" và \"văn hoá sự sống\" cho đất nước của mình.
Câu 36 : Mỗi gia đình công giáo cần phải biết nói KHÔNG những điều gì ?
Trong tư cách Kitô hữu sống đạo, anh chị em hãy cương quyết KHÔNG để cho \"văn hoá sự chết\" lôi cuốn mình, KHÔNG chấp nhận mọi hình thức xúc phạm đến sự sống và
phẩm giá con người, nhất là can đảm nói \"KHÔNG\" với tệ nạn phá thai và ly dị vốn là những tệ nạn luôn luôn để lại hậu quả bi thảm cho gia đình cũng như cho xã hội và Giáo Hội.
Lời Kết
11.
Câu 37: Trách nhiệm sống đạo hôm nay của người tín hữu Việt nam là gì ?
Trách nhiệm sống đạo hôm nay thật quan trọng, liên quan đến mọi thành phần Dân Chúa, nhưng cũng là trách nhiệm làm nên phẩm giá của đời tín hữu. Thánh Lêô Cả Giáo
hoàng, trong một bài giảng lễ Giáng Sinh đã kêu gọi : \"Hỡi các Kitô hữu, hãy nhận biết phẩm giá của mình\" (Bài đọc 2, Kinh Sách, Lễ Giáng Sinh).
Câu 38 : Nhận biết Phẩm gía cũa mình ,Phẩm gía đó là gì ?
Phẩm giá đó là được làm con của Cha trên trời, được cứu chuộc bằng máu của Chúa Giêsu và được trở thành đền thờ của Chúa Thánh Thần. Phẩm giá đó được thể hiện rõ nét nhờ nỗ lực nên thánh và trở thành chứng nhân cho Tình yêu Thiên Chúa.
Câu 39 :Trên đất nước Việt Nam hôm nay,thái độ cần có của người tín hữu là gì ?
Sống trong đất nước đang có nhiều thay đổi và thách đố, chúng ta được mời gọi sống đức tin cách trưởng thành hơn để có thể dấn thân phục vụ tha nhân cách mới mẻ hơn và góp phần tích cực hơn trong công cuộc xây dựng con người mới.
Dưới sự bảo trợ của Mẹ Maria La Vang, Thánh Cả Giuse, các thánh Tử Đạo Việt Nam, chúng ta hãy sống đạo hôm nay theo tinh thần Phúc Âm, để làm vinh danh Thiên Chúa và góp phần xây dựng hạnh phúc cho mọi người. .
( Biên sọan theo dạng HỎI ĐÁP tiện dụng cho các Đoàn thể, gia đình và Giáo dân học hỏi nhưng vẫn tôn trọng nguyên bản )
Đỗ Công Minh
Gx Lộc Hưng –Hạt Chí Hoà.GP/TPHCM
Hội Đồng Giám mục Việt Nam chúng ta vừa ra thư mục vụ với chủ đề “ sống đạo hôm nay“. Sống đạo hôm nay, với người Việt Công giáo là sống đức tin ngay trên quê hương hình chữ S cùng với hiện trạng chính trị, kinh tế, văn hóa…của nước Việt này. Các vị cha chung của Hội Thánh mời gọi đoàn tín hữu sống niềm tin bằng việc sống giới răn yêu thương, đặc biệt qua sự phục vụ. Xin được chia sẻ vài ý mọn nhân đọc lời dạy của các ngài.
Là Kitô hữu, chúng ta vốn quen thuộc với giới răn yêu thương của đạo chúng ta. Mến Chúa trên hết mọi sự và yêu thương tha nhân như chính mình là nội dung chính yếu và căn bản của sống đạo. Cùng một giới răn yêu thương nhưng hai đối tượng là Thiên Chúa và tha nhân. Có người diễn giải rằng tuy hai mà một như hai mặt của đồng tiền. Không thể nào nói mến Chúa mà không yêu thương tha nhân mà lại không mến Chúa.
Nói thì dễ nhưng để sống trọn vẹn giới răn mến Chúa yêu người thì quả không mấy dễ chút nào. Đã từng có nhiều lần ta những tưởng rằng mình hành xử như thế là vì yêu mến Chúa mà vô tình hay hữu ý lại đi loại trừ tha nhân. Chúng ta đã không từng vì danh Chúa để loại bỏ những người bất đồng chính kiến, không cùng niềm tin… bằng những sự chém giết, tù đày hay giàn hỏa thiêu ? Vẫn có đó rất nhiều khi ta yêu thương mà không có tình mến Chúa chút nào. Bởi chưng cái mà ta gọi là “tha nhân” ấy chỉ là sự phòng thế, sự trương nở cái bản ngã của ta. Khi ta thương yêu những người hợp với nhãn quan của ta, thuận với mục đích của ta, quyền lợi hay chức vụ của ta thì ta đang yêu thương chính bản thân cách trá hình đấy thôi.
Để giải quyết vấn đề trên đây, không gì hơn hãy quy chiếu về Đức Kitô, Đấng vừa là Thiên Chúa vừa là người thật. Yêu mến Giêsu Kitô là đồng thời chu toàn luật mến Chúa và yêu người. Thế nhưng Giêsu đã không còn hiện diện cách hữu hình thì làm sao đây ?Trong đức tin và nhờ lời mặc khải, đặc biệt Tin Mừng, chúng ta có thể nhận ra Người đang hiện diện bên chúng ta, giữa chúng ta, mọi lúc, mọi thời. Chính các mối phúc thật cho chúng ta nhân ra chân dung của Người.
Những kẻ thật lòng nghèo khó, những kẻ hiền lành, những kẻ ưu phiền, những kẻ đói khát công chính, những kẻ biết xót thương, những kẻ tinh sạch trong lòng, những kẻ tác tạo hoà bình, những kẻ bị bắt bớ vì sự công chính ( x Mt 5, 3- 10), tất thảy là hình ảnh của Đức Giêsu Kitô. Không ai là không nhìn nhận rằng con đường Đức Giêsu đã đi và tám mối phúc chính là những cảnh phận Đức Giêsu đã sống khi còn dương thế. Và Giêsu qua những con người trong những cảnh phận ấy đang mời gọi ta yêu thương và phục vụ.
Theo lời dạy của Hội đồng Giám mục Việt Nam, đoàn tín hữu Công giáo Việt Nam sống đạo yêu thương cách đặc biệt bằng hành vi phục vụ noi theo hành vi Thầy Chí Thánh, Đấng đến thế gian “ không phải để được phục vụ nhưng để phục vụ và hiến mạng sống mình làm giá chuộc muôn người “ ( Mt 20, 28) Hai từ phục vụ vốn dĩ quen tai chúng ta, những Kitô hữu. Không chỉ quen mà hai từ ấy còn mang dáng dấp cao cao và sang trọng cách nào đó. Bởi chưng chúng ta thường nghe các đấng bậc trong đạo tuyên bố mỗi khi đến nhận nhiệm sở mới : tôi đến đây hay được sai đến đây để phục vụ anh chị em. Thực ra theo nguyên nghĩa thì phục vụ nghĩa là làm công việc của người đầy tớ, người nô lệ. Nói nôm na phục vụ nghĩa là làm tôi, là hầu hạ, làm theo lệnh của chủ, làm vì ích lợi của chủ.
Chắc hẳn khi dạy chúng ta sống đạo hôm nay bằng thái độ yêu thương qua sự phục vụ, các vị Cha chung Hội Thánh Việt Nam hữu ý muốn đoàn con cái làm chứng cho niềm tin của mình bằng sự phục vụ. Đó là dấn thân hầu hạ, làm tôi cho những người thật lòng nghèo khó, hiền lành, ưu phiền, đói khát công chính, biết xót thương, tinh sạch trong lòng, tác tạo hòa bình, bị bắt bớ vì sự công chính ngay trên quê hương nước Việt chúng ta hôm nay, với hoàn cảnh chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục, y tế… hiện nay.
Đón nhận thư chung của HĐGMVN then nhãn quan này thì thật khó cho một ai đó nhận định “ thư chung là chung chung, áp dụng ở đâu cũng được, hoàn cãnh nào cũng đúng, thời buổi nào cũng hợp”. Chúng ta vốn dễ nhận ra những người nghèo khó trên quê hương Việt Nam hôm nay. Họ là những công nhân trong các khu công nghiệp, nhà mày… đang vắt kiệt sức lao động của mình mà không kiếm đủ cái để sống cho ra con người khiến cho thời gian vừa qua đã tổ chức đình công đây đó. Họ là những nông dân ngày ngày bán mặt cho đất, bán lưng cho cho trời nhưng rồi vẫn không kiếm đủ tiền cho con cái theo học để kiếm cái chữ mà tiến thân với người. Họ là những người không chức, không quyền, thiếu thông tin và có thể không có được cái quyền làm chủ thực sự như công dân của một nước. Họ là…
Chúng ta không khó nhận ra những người ưu phiền hay đói khát sự công chính trên đất nước chúng ta hôm nay. Họ là những người đân cam đảm tố giác những bất công của xã hội, những sai lệch của cơ chế quản lý, nhũng chuyện tham nhũng , xà xẻo trong các lãnh vực giáo dục, y tế, giao thông vận tải, xây dựng, thể dục thể thao, cứu trợ bão lụt.. mà những tháng ngày vừa qua báo chí và các phương tiện truyền thông khác đã đăng tải. Họ có thể là những người thấp cổ bé phận hay là đương chức đương quyền mà thâm tâm muốn xây dựng đất nước ta thực sự công bằng, dân chủ và văn minh. Họ là…
Chúng ta thật dễ dàng nhận ra những người biết xót thương, tinh sạch trong lòng, xây dựng hoà bình hay bị bách hại vì lẽ công chính ngày hôm nay, trên quê hương nước Việt này. Họ có thể là những tu sĩ nam nữ muốn hiến mình cho anh chị em nghèo khó vùng sâu, vùng xa nhưng đang gặp những khó khăn vì luật lệ cư trú. Họ là những người có thể đang bị giam cầm bất công vì “oan sai” trong xét xử hay vì một lý do không đúng nào đó.
Để hầu hạ làm tôi những con người ấy, chắc hẳn không thể không có sự dấn thân. Đã là dấn thân là cần có động thái đi xuống và quên mình. Để hầu hạ nhân loại, Đức Kitô đã không màng danh phận của một vị Thiên Chúa, đã huỷ mình ra không, mặc lấy thân tôi đòi và hiến dâng mạng sống mình trên thập giá ( x Pl 2, 6-11) ĐGMVN kêu gọi hàng linh mục và tu sĩ nam nữ không chỉ cầu nguyện cho việc “ sống đạo hôm nay” mà còn phải làm gương sáng trong việc kiên trì dấn thân sống đức tin thể hiện qua đức ái ( số 8)
Đã dấn thân là phải chấp nhận mất mát, chấp nhận hy sinh. Sẽ chẳng có thành quả nào đẹp ý Chúa mà không gắn liền với thập giá. Ma quỳ thường làm chùn chăn bước chúng ta bằng nhiều nổi sợ hãi; sộ bị gây khó dễ, sợ bị lật tẩy những lỗi lầm trong quá khứ, sợ không được tiến thân trong đạo lẫn ngoài đời, sợ bị giam cầm hay bắt bớ … Giả như không trút bỏ được những nỗi sợ này thì không thể có sự dấn thân. Đã không dấn thân thì đừng nói đến chuyện phục vụ và yêu thương.Và dĩ nhiên là đừng nói chuyện sống đạo, sống đức tin nếu không giữ giới lệnh Đức Kitô truyền: yêu thương nhau như người yêu thương ta.
Có tấm gương nào sáng và đẹp như tấm gương Giêsu Thầy Chí Thánh luôn đi trước môn sinh, Người không đứng đằng sau mà hô “xung phong” nhưng luôn mời gọi ‘ hãy theo Thầy”. Thầy đã làm gương cho chúng con thì chúng con hãy bắt chước Thầy mà rửa chân cho nhau. ( x Ga 13). Ước gì có nhiều Giám mục, linh mục, tu sĩ nam nữ Việt Nam dấn thân đi đầu trong việc hầu hạ, làm tôi những những người nghèo khó… bị bách hại vì lẽ công chính ngay hôm nay trên quê hương Việt Nam thân yêu, chắc hẳn đoàn chiên Chúa là đoàn tín hữu sẽ đồng tâm một ý sống đạo hôm nay cách cụ thể và hữu hiệu.
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa, Gp. Ban Mê Thuộc
Mc. 10, 13-16)
Tối hôm nay, toàn thể thế giới, tất cả các Giáo xứ vui mừng đón Tết Trung Thu, Tết của trẻ thơ, Tết cổ truyền dân tộc. Một đại lễ, một đại hội của hàng triệu thiếu niên nhi đồng.
Với tiếng trống giục giã, có lân múa lượn lờ, thêm chú địa nhảy múa, có trăng sáng chị Hằng, có chú Cuội cây đa, rồi nào bánh trung thu, đèn ông sao, đèn cá chép..., tất cả khiến nao nức lòng người, tất cả khiến chúng ta thanh thản và bình an.
Tạo chí “Kiến thức ngày nay” số 581, ra ngày 1/10/2006 ở trang 24 viết: Tết Trung Thu, theo quan niệm chung là “Tết của trẻ em”. Nhưng thực sự đó là Tết chung cho cả người lớn và trẻ em. Người lớn cũng gặp nhau để ngâm thơ, ngắm trăng và thưởng nguyệt.
Hòa chung với niềm vui của trẻ em khắp nơi, trong Thánh lễ hôm nay, chúng ta xin Thiên Chúa ban cho thế giới hòa bình, thịnh vượng, hiệp nhất, yêu thương trong tình yêu Chúa chúng ta.
Chuyện:
Có người cha gia đình kia, sau một ngày làm việc mệt nhọc trở về, chưa vào đến nhà đã gặp ngay đàn con lao đến quấy rầy. Đứa thì bá lấy cổ ông, đứa thì bu đeo ông, đứa thì khoe ông điểm mười... Ông bố quá mệt mỏi với đàn con, thế là ông nghĩ ra một kế: Ông lấy một tờ báo đã cũ có in hình bản đồ thế giới, rồi dùng kéo cắt ra nhiều mảnh, ông đem trao cho các con và nói: “Đây là một tấm bản đồ thế giới đã bị xé vụn, các con hãy ngồi lại với nhau và xếp lại cho được.” -Ông đinh ninh rằng, với trò chơi này, các con của ông sẽ để cho ông được yên. Nhưng ông kinh ngạc vô cùng khi chưa đầy 2 phút, các con ông đã ráp lại được. Vô cùng sửng sốt, ông hỏi các con đã dùng bí quyết nào mà hoàn thành nhanh đến thế. Đứa út đã giải thích như sau:
- "Có gì là khó đâu, chúng con thấy mặt sau của tấm bản đồ có vẽ một hình người, chúng con chỉ cần xếp hình người ấy thì thế giới sẽ đâu vào đó ngay."
Cộng đoàn phụng vụ thân mến,
Trẻ con giải quyết mọi vấn đề cách đơn giản, còn người lớn chúng ta lại giải quyết thường quá phức tạp.
Chẳng hạn vừa mới chấm dứt cuộc thanh lọc chủng tộc tại Kosovo, thì nhân loại lại chứng kiến thảm cảnh của những người Đông Timor.
Thế giới cứ mãi bị xáo trộn vì những chủ trương loại trừ nhau, muốn xóa tên của từng dân tộc ra khỏi bản đồ thế giới.
Thế chiến thứ hai (1939 - 1945), Hitler đã nhân danh chủ nghĩa dân tộc để xóa bỏ không biết bao nhiêu dân tộc khiến họ không còn đất sống.
Thảm họa do cuộc khủng bố mới đây xảy ra tại Hoa Kỳ (11.09.01) cướp đi hơn 3.000 sinh mạng chỉ trong nháy mắt.
Tấm bản đồ thế giới bị rách nát bởi những cắn xé nơi lòng dạ xấu xa của con người, bởi những chủ trương chối bỏ và loại trừ nhau.
Người lớn phân định ranh giới dựa trên màu da, chủng tộc, văn hóa, tôn giáo. Người lớn phải hy sinh không biết bao nhiêu xương máu để sắp xếp lại bản đồ thế giới, người lớn phải mất không biết bao nhiêu thì giờ, trí não để vẽ lại bản đồ thế giới.
Thế mà trẻ con, chỉ cần vài phút đồng hồ đã có thể sắp xếp lại.
Để thế giới tồn tại, người lớn cần học hỏi nơi trẻ con.
Trẻ con không biết thế nào là kỳ thị chủng tộc hoặc màu da.
Thế giới của người lớn là thế giới của khí giới, của kèn cựa, của hơn thua, của tranh giành… , thế giới của trẻ con mãi mãi là thế giới của trò chơi.
Thế giới của người lớn là thế giới của chiến tranh, thế giới của trẻ con là thế giới của hoà bình.
Đang khi người lớn (tại nhà mình) dán mắt vào truyền hình để theo dõi chương trình thời sự (phát ra lúc 19 giờ 00 đến 19 giờ 45 mỗi tối), để biết thêm về hậu quả của cơn bão số 6 Xangsane, thì ngoài kia, trên khắp các nẻo đường, trẻ con vui đùa, vô tư lự, tung tăng, múa nhảy theo nhịp trống. Không có đèn ông sao, đèn cá chép, không có đèn thiên nga, đèn bươm bướm, thì cũng cầm đuốc, cầm quà…, không tham gia trong đội múa lân thì cũng tìm cách chọc tay vào bụng ông địa, vui vẻ chỉ cho đầu lân biết chủ nhà đang giấu gói quà ở đâu…
Chúa Giêsu hôm nay kêu gọi mọi người hãy mặc lấy tâm tình của trẻ thơ: dễ thương, đơn sơ, phó thác và tin tưởng.
Ở mặt sau của tấm bản đồ là một hình người, do đó, đã giúp các em xếp lại tấm bản đồ thế giới nhanh chóng và nguyên vẹn, thì lạy Chúa, chiều thứ 6 lịch sử trên đồi Canvê ấy treo lên một người. Tấm thân bất động vì yêu thương ấy của Chúa là hình người. Nhờ hình người này giúp chúng con ngồi lại với nhau, sắp xếp thế giới này đâu vào đó.
Ở mặt sau của tấm bản đồ là một hình người, do đó, đã giúp các em xếp lại tấm bản đồ thế giới nhanh chóng và nguyên vẹn, thì lạy Chúa, chỉ khi nào chúng con nhìn người khác là một người anh em, bấy giờ, thế giới mới thực sự là địa đàng, là thiên đàng trần thế cho chúng con.
Lạy Chúa, xin hiệp nhất chúng con.
Lạy Chúa, xin biến đổi tâm hồn chúng con. Amen.
Lòng đạo đức bình dân là sáng kiến của gia đình, cộng đoàn tìm lối đi đạo, tìm cách sống đạo và tìm đường giảng đạo nơi quê hương mình. Qua bao nhiêu năm tháng tín hữu Việt Nam mang Tin Mừng ‘ngâm’ trong đạo trung, đạo hiếu, ‘tẩm với’ chữ tâm, chữ tình cho Tin Mừng thấm đẫm văn hoá Việt thành thân, thành quen, nên da nên thịt với dòng giống Việt. Kinh nghiệm hàng ngàn năm của Giáo Hội chứng minh, những hình thức đạo đức trong gia đình đã mang lại những thành quả phong phú cho đời Kitô hữu. Từ kinh nghiệm này và dưới ánh sáng của Chúa Thánh Thần, Giáo Hội tin rằng, lòng đạo đức này có thể mãi góp phần lớn lao để thực sự đưa đức tin hội nhập vào văn hoá phù hợp với những nét đa dạng của các dân tộc và các châu lục (bài 8 Giáo Lý về gia đình, số 3). Lòng đạo đức bình dân đã quy tụ gia đình trước bàn thờ Chúa nguyện lời kinh sáng tối, hát thánh ca, và nhắn nhủ nhau sống đạo lý Chúa qua những bài đồng dao dễ thấm, dễ cảm, dễ hiểu, dễ nhớ. Bên cạnh những cử hành phụng vụ, lòng đạo đức bình dân hay ‘mở hội’ hành hương, ‘mở lễ trọng thể’. Tất cả “phát xuất từ kinh nghiệm tôn giáo và đức tin chân thành không nghi ngờ của các Kitô hữu” (bài 8 Giáo Lý về gia đình, số 4.1). Lòng đạo đức bình dân còn rủ nhau, Dù ai đi vắng đâu xa, về lại họ nhà sám hối mùa chay. Và lòng đạo đức bình dân cũng làm thành lề thói hiếu khách, với những cách làm ơn, làm phúc giàu nhân ái. Trước lời khích lệ của Uỷ Ban Giáo Hoàng về Gia đình, “Gia đình Kitô hữu cần liên kết chặt chẽ với những hình thức đạo đức này” (Giáo Lý về gia đình bài 8, số 4.4), theo hướng dẫn của Giáo Hội và thấm cảm Lời Chúa, chúng ta, các gia đình cùng về lại bầu khí sốt sắng ở quê mình xưa và nay để nghe, để thấy và để cảm nghiệm, gia đình và lòng đạo đức bình dân đang thi công những công trình đức tin lớn lao.
GIA ĐÌNH VÀ CUỘC CHUYỂN GIAO ĐỨC TIN QUA LÒNG ĐẠO ĐỨC BÌNH DÂN
Gia đình là mảnh ‘Đất Hứa’ cho lòng đạo đức bình dân nuôi lớn hạt giống đức tin trong đất màu văn hoá. “Việc chuyển giao những biểu hiện riêng của nền văn hoá từ cha mẹ đến con cái. Nghĩa là từ thế hệ này đến thế hệ khác, bao gồm cả việc chuyển giao những nguyên tắc Kitô giáo. Trong một số trường hợp, sự kết hợp này khăng khít đến độ các yếu tố đức tin Kitô giáo trở thành những yếu tố nội tại của căn tính văn hoá một dân tộc” (LĐDBD&PV, số 63, UBVH/HĐGMVN). Trong bối cảnh tam giáo Phật Lão Khổng, với những điểm nhấn về nhân sinh, vũ trụ quan đặc trưng khác với Kitô giáo, nhiều gia đình Kitô hữu phân vân, sống đạo thực tế là nỗ lực lội ngược dòng hay thả xuôi dòng với nền văn hoá dân tộc. Chẳng hạn, vang bóng một thời, người đàn ông Việt có lúc bị giới hạn vào chữ ‘trung’ rất chật chội trong tương quan ‘quân thần’, ‘quân xử thần tử, thần bất tử bất trung’ mặt khác ông lại leo lên quá cao trong tương quan ‘phu thê’, ‘trai năm thê bảy thiếp, gái chính chuyên một chồng’. Và nữa, lối nhìn trọng nam khinh nữ ‘nhất nam viết hữu thập nữ viết vô’ đã bao phen gây khủng hoảng cho xã hội và vẫn còn để dấu sâu đậm mãi tới hôm nay. Dĩ nhiên, như Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nói, lòng đạo đức bình dân vừa phải nỗ lực chuyển tải văn hoá vừa chuyển giao những nguyên tắc Kitô giáo từ cha mẹ đến con cái, từ thế hệ trước đến thế hệ sau. Đây là sứ mạng tế nhị, khó khăn. Không thể giản dị xác quyết, sống đạo là ngược hay xuôi với bối cảnh văn hoá dân tộc, nhưng chắc chắn lòng đạo đức bình dân sẽ gạn đục khơi trong để tín hữu sống Tin Mừng không ngược dòng với đạo lý Chúa nhưng cũng không thành kẻ lạ mặt giữa quê hương mình (sứ điệp gửi Hội Nghị Khoáng Đại Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích, số 4).
A/ Bài học khai tâm Lòng Tin
Cha mẹ dạy ‘Đạo’ cho con cái ngay từ thuở con còn thơ dại, ‘Có con gầy dựng cho con, gọi là nối đức tổ tông dõi truyền’; ‘Uốn cây từ thuở còn non, dậy con từ thuở con còn ngây thơ’ (ca dao), Cha mẹ dạy con bài học đầu tiên, Chúa không bao giờ vắng mặt trong mái ấm nhà mình:
“Ạ Chúa đi con”
Theo kinh nghiệm dân gian, cha mẹ sẵn sàng chuyển giao ‘Đạo’, chuyển giao đức tin cho con khi con chỉ vừa bập bẹ biết nói, chỉ vừa giao cảm được với mẹ bằng đôi ba tiếng ê a. Khi ẵm con đi qua trước bàn thờ, trước tượng ảnh Đức Mẹ, người mẹ thường ấn nhẹ đầu con xuống, “con ạ Chúa đi”, hoặc, “con ạ Đức Mẹ đi”. Người mẹ kiên tâm dạy con làm quen dần với ‘Chúa’ trên bàn thờ và gần gũi với ‘Đức Mẹ’, bà hay chỉ cho con: “Chúa Giêsu đang nhìn bé kìa”, hay là “Đức Mẹ đang mỉm cười với con đó”. Từng bước, từng bước thầm, người mẹ cứ âm thầm làm người ‘mai mối’, cho tới một ngày đứa con thơ tự biết cúi đầu khoanh tay ạ Chúa, ạ Đức Mẹ là niềm vui oà vỡ ra xôn xao cả nhà. Cha vui, mẹ vui, anh chị em vui như mở hội trong lòng. Vào sau những giờ kinh tối, nếu bé còn thức, người mẹ sẽ ẵm bé ra “trình diện và ‘ạ’ cho cả nhà vỗ tay khích lệ. Không thể coi đây chỉ là một ‘mánh nhỏ dạy con’ nhưng phải thấy là cả một công trình của lòng đạo đức bình dân đang tiến hành chuyển giao đức tin. Và đây là bước đầu con học ‘Đạo’, học ‘tin’. Niềm vui này hứa hẹn ngày mai, những đứa con lớn khôn ra đời, cha mẹ sẽ an lòng hiểu với con rằng, suốt cuộc đời con sẽ chỉ biết ‘cúi đầu ạ Chúa’, thờ Chúa và dám nói không với bất cứ quyền lực, lợi danh nào.
“Đức Bà Chữa”
Khi con còn thơ, người mẹ Việt Nam rất gần gũi con, nhất là lúc con đã lanh chân chạy nhảy, mẹ không lúc nào rời mắt. Thời điểm này, gặp lúc con té ngã, bà vội vã đến ngay đỡ con dậy và lên tiếng ngay thành lời trấn an con: “Đức Bà Chữa, Đức Bà Chữa...” Và mỗi lần ẵm con trong lòng, con hít phải luồng gió lạnh, gió lạ, bé hắt xì hơi là mẹ cũng đáp ngay sau mỗi tiếng hắt xì, “Đức Bà Chữa”. Người mẹ hiểu “Đức Bà Chữa” là lời cầu xin Đức Bà bầu chữa cho con mình nhưng trong kế hoạch đường dài, “Đức Bà Chữa” cũng là một lối ‘truyền âm nhập mật’ gieo trồng vào cõi tâm con đức tin sơ khởi, là giới thiệu cho con làm quen dần với Đức Mẹ. Cách nào đó, theo tâm lý mộc mạc, người mẹ nghĩ, Đức Mẹ dễ giới thiệu hơn nên giới thiệu Đức Mẹ cho con trước khi giới thiệu Chúa.
“Cháu biếu ông”
Lòng nhân ái thực tế Chúa Giêsu dạy trong Tin Mừng, gia đình tín hữu nào cũng nhớ nằm lòng, “Vì xưa tôi đói, anh em cho ăn, tôi khát anh em cho uống, tôi trần truồng anh em giúp áo quần, tôi bệnh nạn anh em ghé thăm, tôi tù đày anh em ghé nuôi” (x. Mt 25, 35). Để việc chia sẻ bác ái thành công trình chung của cả nhà, đặc biệt thành lời nhắc nhớ cụ thể cho con cái, nhiều gia đình tổ chức ‘Kho Từ Thiện’. Kho từ thiện nói cho lớn lao, cho văn hoá tuy thực tế chỉ là cái hộp nhỏ để trên đầu tủ, đựng tiền góp của cha mẹ và các anh các chị, để dành chia cho những người nghèo. Chuyện đáng nói là những đứa em nhỏ trong nhà cũng được góp phần. Dĩ nhiên các em không có tiền để góp nên phải góp công. Mỗi lần có bóng người ăn xin đi ngang là các ‘phần vụ’ khởi động. Người lớn sẽ mở hộp lấy ra số tiền chi viện theo ‘nghị quyết’ đã ban hành (Chẳng hạn khi kho từ thiện đang sung túc, mỗi người ăn xin sẽ được chia năm ngàn, gặp lúc eo hẹp chỉ chia hai ngàn, hoàn cảnh đặc biệt có thể chi nhiều hay rất nhiều). Số tiền chi viện cho ‘kẻ khó’ sẽ do chính em bé trong nhà trao tay với thái độ và lời nói vừa thân tình vừa trân trọng: “Cháu biếu ông” hay “biếu bà”. Đặc biệt công trình chung này sẽ được thông tin chi tiết vào giờ kinh tối. Chẳng hạn mẹ hay bố vừa thông tin vừa khích lệ: “hôm nay bé Ngân đã thay mặt nhà mình giúp năm ngàn cho một người mẹ nghèo đi ăn xin, hoan hô lòng tốt của bé và cả nhà”. Như thế là bé Ngân đã được khích lệ tinh thần nhân ái của Tin Mừng ngay từ lúc bé còn trong ‘trứng nước’. Bé sẽ quen dần với nề nếp nhân ái của lòng đạo đức bình dân. Chúng ta có quyền chắc dạ, trong truyền thống đạo đức của gia đình, mọi ngưòi chẳng lo cá không ăn muối cá ươn, Con cưỡng cha mẹ trăm đường con hư.
B/ Bài Học Cầu Nguyện Buổi Tối
Trong Tông Huấn Gia Đình, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II nhấn mạnh: “ngoài các kinh sáng tối, cần đặc biệt khuyến khích [...]: đọc và suy niệm Lời Chúa, chuẩn bị lãnh nhận Bí Tích, tôn kính và dâng mình cho Thánh Tâm Chúa Giêsu, thực thi những hình thức sùng kính khác nhau đối với Đức Mẹ, cầu nguyện nơi bàn ăn, làm các việc đạo đức bình dân” (Tông Huấn Gia Đình, số 68). Có một dạo, các bạn trẻ ngán ngẩm giờ kinh nguyện buổi tối trong gia đình, thấy như ‘một giờ lao động công ích’. Vắng mặt không xong nhưng có mặt phải đối mặt với những chuỗi ‘kinh kệ’ lê thê, hết kinh cầu này tới kinh cầu khác, dứt chuỗi hạt này sang chuỗi hạt kia, vừa chán chường vừa buồn ngủ nên có cơ hội trốn là trốn ngay. Hơn nữa nhiều lời kinh có thể gây ấn tượng đen tối. Có bạn kể, thỉnh thoảng vào tuần lễ tang, lễ giỗ cả nhà đọc kinh Vực Sâu, kinh Bởi Lời là bạn rùng mình nổi da gà, thấy lòng hoang mang hãi sợ, khi hình dung: người thân, người quen đang đắm chìm trong cảnh tăm tối, thê lương. Ngày nay trước nhu cầu công việc, hoặc do sức ép bài vở từ trường lớp của con cái, phần lớn phụ huynh đã giảm bớt ‘đề cương’ kinh nguyện buổi tối. Tại nhiều gia đình không biết từ hồi nào tự nhiên biến mất giờ kinh tối, chỉ còn mạnh ai nấy đọc, có khi chỉ đọc vội ‘ba kinh Kính Mừng làm giá’ để được Đức Mẹ cứu khỏi lửa hoả ngục (x. sách Tháng Đức Bà). Tuy nhiên nhiều gia đình vẫn còn giữ truyền thống tốt đẹp, sau một ngày vất vả lao nhọc hay học hành, cả nhà tạm gác bỏ một bên hết mọi gánh gồng, lo toan cùng xum họp nhau trước bàn thờ Chúa nguyện kinh tối. Mọi người hoà lòng với nhau dâng lên Chúa, ngỏ với Đức Mẹ những kinh nguyện truyền thống như kinh Dâng Gia Đình cho Trái Tim Chúa, Kinh Kính Mừng, Kinh Lạy Nữ Vương, tất cả là những kinh nguyện đã bám rễ sâu trong lòng đạo đức của Giáo Hội từ rất lâu đời. Ngoài những kinh truyền thống, gia đình còn dành ít phút nghe một câu, một đoạn Thánh Kinh làm ý lực sống cho mỗi ngày. Nhiều gia đình kết thúc giờ kinh chung bằng những lời cầu nguyện xuất phát từ tâm tư mỗi người và cầu lớn tiếng cho cả nhà dự phần. Tại một số gia đình, các con đã đi ở riêng cũng rủ nhau nguyện kinh tối đúng giờ hẹn trước, như để hoà lòng tạ ơn Chúa và hiệp thông tình thân cha mẹ với con cái, anh chị em với nhau, gìn giữ và nâng đỡ lòng tin của nhau. Một số gia đình tổ chức lần ‘chuỗi mân côi sống’ cầu cho nhau và cầu cho ông bà, tổ tiên đã qua đời: Mỗi gia đình trong đại gia đình nhận một ngắm với mười kinh Mân Côi, chia sao cho đủ 5 ngắm của một mùa Vui hoặc mùa Sáng, mùa Thương hay mùa Mừng. Những ‘chuỗi Mân Côi sống’ cho gia đình cảm nghiệm mầu nhiệm hiệp thông trong Giáo Hội, hiệp thông giữa các thành phần của gia đình, Giáo Hội tại gia, hiệp thông giữa người sống và người chết, hiệp thông giữa các thánh với người trần gian. (Đời mình một chuỗi Mân Côi; hạt Thương hạt Sáng hạt Vui hạt Mừng...). Về giữa gia đình, cầu nguyện chung với nhau giờ kinh tối đúng là ‘hồi hương’, về lại nhà để múc kín sức mạnh của lòng tin, củng cố tình thân, hoà giải những bất bình.
C/ Bài Học Sống Những Biến Cố Vui Buồn
“Quả thật chính đức tin đã mang lại những tập quán và những thực hành của lòng đạo đức bình dân. Điều này rất phù hợp với vai trò làm cha mẹ trong việc phát triển và trao ban cho con cái tinh thần kiên vững, đơn sơ của lòng đạo đức này và thể hiện cuộc sống tương giao với Thiên Chúa không chỉ trong hình thức phụng vụ nhưng còn cả trong mọi tình huống của cuộc sống hàng ngày” (Bài 8 Giáo lý về gia đình, số 4,6).
Lễ Tơ Hồng
Lễ Tơ Hồng là theo sự tích Trung Hoa, đời Đường, có một người tên là Vi Cố đi chơi đêm trăng, gặp một cụ già đang ngồi lần rở một quyển sách dưới bóng trăng, tay cầm một nắm dây tơ màu hồng, hỏi thì cụ cho biết, cụ là Nguyệt Lão chuyên lo việc xe duyên cho vợ chồng nhân gian, dây tơ hồng cụ cầm tay để cột chân hai người làm vợ chồng. Cụ bảo, theo cuốn sổ này, có cả tên họ của người vợ tương lai của anh. Hiện người này là đứa con gái nhỏ của một người ăn xin ngoài chợ (‘Đất Lề Quê Thói’ của Nhất Thanh, Nxb. VHTT, 2001, Trang 404). Sự tích Tơ Hồng diễn tả quan niệm duyên phận trong hôn nhân, ‘Thân em như hạt mưa rào, hạt rơi xuống giếng, hạt vào vườn hoa’ hoặc phận gái mười hai bến nước đục, trong. Trong nhờ đục chịu’. Trước quan niệm này, hôn nhân Kitô giáo vào cuộc, đã tách Nguyệt Lão ra khỏi vòng xe đan tơ hồng tuy giữ lại kiểu nói văn chương xe duyên kết phận, nhưng quan trọng là lòng đạo đức bình dân đã mang Chúa vào lãnh công trình xe duyên kết phận đôi hôn nhân. Đây không phải chuyện ỡm ờ mây gió của Ông Tơ Bà Nguyệt nhưng đúng như lời xác định trong Bí Tích Hôn nhân, “Điều Thiên Chúa đã kết hợp, con người không được phân ly” (x. Mc 10, 9). Và cũng quan trọng: nét đặc trưng mới mẻ của cuộc xe duyên Kitô giáo là ‘con người không được phân ly’. Theo đấy, ngoài Thánh Lễ Hôn Nhân với cuộc chứng hôn cử hành tại nhà thờ họ đạo, cuộc hôn nhân còn thêm những nghi thức tôn giáo nhiều ý nghĩa, rất cảm động và đậm màu sắc văn hoá dân tộc. Nói chung, ngày nay nghi thức đưa, đón dâu rể của các cặp hôn nhân Kitô giáo luôn bắt đầu bằng những lời cầu nguyện giữa đông đủ họ hàng, người thân, người quen đôi bên, xin Chúa chúc phước lành cho cô dâu, chú rể. Lời cầu nguyện thường được xướng cất do một vị cha bác vị vọng của đàng trai hay đàng gái và được cả cộng đoàn đáp nguyện. Hoà với những lời cầu nguyện là những bài thánh ca mang ý nghĩa xin ơn và tạ ơn Chúa cho đôi tân hôn. Thêm vào đó là lời nhắn nhủ của cha mẹ đôi tân hôn, khuyên đôi bạn sống theo mẫu gương của Thánh Gia: Thánh Giuse, Đức Mẹ và Chúa Giêsu và những lời chúc nguyện tốt đẹp.
Lễ Tang
Chúng ta tin, ‘cuộc sống con người thay đổi chớ không mất đi và khi nơi nương náu ở trần gian này thay đổi, họ lại được một chỗ cư ngụ vĩnh viễn trên trời’(x. Dt 11, 16) khác hẳn với lối nhìn chung của dân mình: ‘Kiếp này duyên đã lỡ duyên, kiếp sau xin hẹn cửu tuyền gặp nhau!’ (ca dao). Dù khác biệt nhau về niềm tin, lòng đạo đức bình dân rất đồng cảm với những lối diễn tả, những tâm tình về nỗi chết với cách gìn giữ tình cảm sâu đậm cho người quá cố. Từ đó tang lễ tại gia và việc tưởng nhớ người quá cố đã hội nhập tốt đẹp một số nghi thức văn hoá địa phương: với niềm tin tưởng vào thế giới bên kia, thế giới của những người đã khuất, người lương dân luôn làm sống động mối liên lạc với ông bà tổ tiên bằng việc cúng quả, hương đèn mỗi ngày trước di ảnh người quá cố và ghi nhớ ngày giỗ cùng với nghi thức tưởng niệm. Riêng tín hữu cũng có thể đón nhận những nghi thức tương tự như thắp nhang trước quan tài, trước hương án tổ tiên như lời minh định lòng tin vào Đức Kitô Phục Sinh và lời hứa của Chúa: “Chính Thày là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Thày thì dù có chết cũng sẽ được sống. Ai tin vào Thày sẽ không bao giờ phải chết” (Ga 11, 25-26). Ở đây tín hữu còn ý thức rõ, thắp nhang trước thi hài hay di ảnh người quá cố không có nghĩa một lối nhìn nhận, đánh giá về vận mệnh thiêng liêng của ai. Vận mệnh của mỗi người chỉ mình Chúa biết. Nhưng tin vào lòng nhân lành Chúa, tín hữu luôn dâng lời nguyện cầu cho mọi người quá cố. Hơn nữa vào những ngày giỗ, những dịp tưởng niệm tín hữu không quên cầu nguyện, xin lễ, dự lễ cầu cho tổ tiên, ông bà. Đặc biệt dịp lễ Các đẳng Linh Hồn các gia đình thường rủ nhau đi ‘đất thánh’ sửa sang mộ phần người thân, chưng bông hoa và đặt nhang đèn trên mộ phần. Đúng ngày lễ (2 tháng 11) con cháu từ các nơi về dự lễ cầu nguyện. Với những họ đạo có nghĩa trang riêng và có điều kiện thuận tiện, thánh lễ cầu cho các đẳng sẽ cử hành ngay tại nghĩa trang. Nếu có nhà hài cốt, thánh lễ cũng cử hành tại đây. Ở nhiều nơi mỗi tháng có thánh lễ tại nhà hài cốt với nhiều thân nhân dự để cầu cho người đã khuất. Những nề nếp này đều phản ảnh lòng tin sáng tỏ vào tín điều ‘các thánh cùng thông công’. Đối với những người quá cố, lòng đạo đức bình dân được biểu thị bằng nhiều cách, tuỳ theo nơi chốn và những truyền thống khác nhau. Đặc biệt có thể kể: tuần cửu nhật cầu cho những người đã qua đời, chuẩn bị cho Lễ Các Linh Hồn ngày 2 tháng 11, viếng Nghĩa trang: việc này có thể được thực hiện một cách cộng đồng, như vào ngày Lễ Cầu Cho Các Tín Hữu Đã Qua Đời (LĐĐBD&PV, số 260).
Lễ Khấn Xin
“Còn có những hình thức khác của lòng đạo đức bình dân như cầu nguyện nhóm, lần chuỗi trong gia đình, ...xin khấn cầu nguyện cho mưa thuận gió hoà hay giữ gìn chở che cho khỏi tai ương hoạn nạn” (Bài 8 Giáo lý về gia đình, số 4,5). Một người thân lâm bệnh nặng, một vụ cháy nhà, một cơn bão sắp ập tới, một cuộc động đất, một cuộc chiến đang đe doạ bùng nổ... Nói chung bất cứ cảnh khốn khổ, nỗi bất trắc nào xẩy ra trong gia đình hay ở một địa phương đều làm mọi người lo lắng, hãi sợ. Giữa cơn lo sợ vô vọng, lòng đạo đức bình dân luôn dẫn tín hữu tới những lời cầu nguyện, cầu nguyện cá nhân hay gia đình hoặc nhiều gia đình họp nhau cầu nguyện xin Chúa cho tai qua nạn khỏi. Ý khấn xin của gia đình có thể thông báo cho một nhóm gia đình cùng hiệp ý xin hoặc quy tụ nhiều gia đình để khấn nguyện chung. Ai cũng hy vọng lời cầu nguyện của nhiều người đáng được Chúa lắng nghe, ‘một hạt kinh chung bằng một thùng kinh riêng’, như lời Chúa Giêsu đã hứa, “khi anh em hai ba người tụ họp lại cầu nguyện nhân danh Thày, Thày sẽ ? giữa họ” (x. Mt 18, 20).
GIA ĐÌNH VÀ CUỘC TIẾP NHẬN TRUYỀN THỐNG ĐẠO ĐỨC
Gia đình là Giáo Hội tại gia, nhưng trong tương quan với Họ đạo, gia đình là thành phần của Họ đạo, một Giáo Hội Địa Phương thu nhỏ. Trong tình cảm Họ đạo được nhìn như ‘đất tổ quê hương’ của các gia đình. Nơi đây có ngôi giáo đường thân quen luôn ấp ủ cộng đoàn trong những cảnh vui buồn, những bước thăng trầm và ghi nhận bao nhiêu biến cố phúc hạnh của những người con trong các gia đình. Từ những ngày họ còn bế ngửa lãnh Bí Tích Rửa Tội sang thời thơ ấu Xưng tội, Rước lễ lần đầu (vỡ lòng) rồi được Thêm Sức, Bao Đồng. Nơi đây các gia đình nhận được sức sống, ơn thánh từ các Bí Tích và họp nhau thành cộng đoàn phụng thờ, tạ ơn và ngợi khen Thiên Chúa. Đàng khác cũng nơi đây, “các gia đình được tiếp nhận nhiều hình thức khác nhau của lòng đạo đức bình dân thể hiện trong suốt Năm Phụng Vụ và đặc biệt trong Mùa Chay, Tuần Lễ Thánh và Tam Nhật Vượt Qua. Ngoài những dịp lễ đặc biệt, còn những thể hiện lòng đạo đức bình dân tương quan với Đức Trinh Nữ Maria, các tín hữu đã qua đời và các Thánh” (Bài 8 Giáo lý về gia đình, số 4.3).
A/ Mùa Tĩnh Tâm Và Sám Hối
Mỗi năm vào mùa Vọng và mùa Chay các gia đình nô nức chuẩn bị tâm hồn đi dự tuần tĩnh tâm và sám hối tại nhà thờ Giáo họ để chuẩn bị mừng Chúa Giáng Sinh hoặc mừng Chúa Phục Sinh. Đây là những biến cố đỉnh cao trong cuộc đời Chúa Giêsu được Phụng Vụ nhấn mạnh, và nơi các gia đình, được vợ chồng nhắn nhủ nhau, cha mẹ nhắc nhở con cái. Khi mùa tĩnh tâm sám hối về, khung cảnh Giáo họ náo nhiệt hẳn lên và bầu khí các gia đình sốt sắng khác thường. Vào mùa sám hối các gia đình cố sắp xếp công việc nhà cho con cái thư thái tham dự tĩnh tâm. Nhiều người cũng tạm hoãn những chuyến làm ăn xa, ở nhà lo ‘sám hối’. Không khí Giáo họ như làm ‘căng thẳng’ hơn, có vẻ gây sức ép tâm lý nặng hơn cho những người con chưa sẵn sàng sám hối hay không sẵn lòng trở về. Tuần tĩnh tâm sám hối thường trở thành điểm khởi đầu cho cuộc hồi hương của đứa con hoang trở về nhà cha. Vào Mùa Tĩnh Tâm Sám Hối, tự nhiên lòng người hồi tưởng đến sứ điệp lòng khoan dung và tha thứ của Thiên Chúa: dụ ngôn Người Cha Phung Phí (tên gọi mới của dụ ngôn Người Con Hoang Đàng), dụ ngôn Ông Vua Tha Nợ... Vào Mùa Sám Hối, nếu những người con trong nhà vẫn hờ hững đứng ra bên lề giáo đường, từ chối các Bí Tích, sẽ tự nhiên thấy không yên lòng và khát khao tìm một lối về Hoà Giải. Do đó trong ngôn từ bình dân, người ta bảo, vào Mùa Thánh này Giáo Hội thường bắt được những ‘con cá sộp’ từng bỏ xưng tội có khi mười mấy hai chục năm. Với những cặp hôn nhân rối, mùa Tĩnh Tâm Sám Hối thành những mốc điểm cho các anh chị dừng bước sám hối và thực lòng tìm lại nhịp sống hiệp thông với Giáo Hội, với gia đình.
Tịnh tâm và tịnh khẩu
Trong nhiều gia đình chẳng hiểu tại sao vợ với chồng hoặc cha mẹ với con cái tự nhiên khắc khẩu, nói với nhau dù chuyện to hay chuyện nhỏ cũng thành to tiếng, rồi sang nặng lời. Nặng lời đến cãi cọ và cãi cọ thành cãi vã (vừa cãi, vừa vả!). Những tình huống xuôi chiều võ biền này trong Mùa Tịnh Tâm sẽ dễ bị bà con, xóm riềng nhân danh tinh thần Mùa Sám Hối làm ‘khó dễ’: “Các cháu ạ, một câu nhịn, chín câu lành, mình đang trong Mùa Sám Hối, các cháu giữ lòng, giữ miệng mà rước lễ!” Đã hẳn ai biết tịnh tâm là biết tịnh khẩu nên các gia đình trong xóm đạo bớt những cuộc xô xát, cãi vã. Nghĩa là biết nể Chúa, nể nhau hơn. Sống Mùa Thánh các gia đình sẽ ý thức rõ tình liên đới cộng đoàn trong hành trình về Quê Trời, hành trình với nhau sẽ ‘biết chị ngã em nâng’. Mọi người sẽ không ngần ngại theo Thày, cùng với Thày lặn lội đi tìm và vác về những con chiên xa bầy (x. Mt 18, 12). Thày cũng thuận ý như thế như có lần Thày ân cần nói với Phêrô, “Khi anh vững tin, anh sẽ làm vững đức tin cho anh em” (x. Lc 22, 32).
Tại tâm hay tại ngoại
Đáng tiếc, một số giáo dân học nhiều, kiến thức rộng đã hờ hững đứng bên lề Mùa Tĩnh Tâm Sám Hối, không hoà với ‘lòng đạo đức bình dân’, viện lẽ ‘Đạo tại tâm’. Họ hay chê đề tài tĩnh tâm bình dân, chê người hướng dẫn tĩnh tâm cũng bình dân! Ai hiểu cho, trong cuộc tĩnh tâm, không phải lời con người nhưng chính Lời Chúa được công bố đã tác động nơi tâm hồn người tham dự. Có dạo những nhà trí thức Công Giáo ở Paris xôn xao khi nghe tin, đông đảo người tới lắng nghe và thụ giáo với một Linh Mục học dốt hồi ở chủng viện, đang làm Cha Sở Họ đạo Ars. Đã có người nghĩ xấu: “Ông Cha này dốt, chẳng hiểu hết sự tình, nguồn ngọn nên chuyện gì cũng lý giải giản dị”. Họ nghĩ ngài giống chiếc chìa khoá ‘passe partout’ cái gì cũng ‘passable’. Nhưng nghĩ thế là lầm, những nhà trí thức thành tâm muốn tìm hiểu Cha Sở họ Ars, sau khi đi thăm Cha trở về đều chẳng chịu mô tả, biện luận gì, chỉ giản dị: “Chúng tôi đã gặp được Thiên Chúa”. Dĩ nhiên chẳng cứ phải những đầu óc thông minh bác học mới là nhân chứng Thiên Chúa có mặt. Một Linh Mục ‘hai lúa’, sống giữa họ đạo nhà quê vẫn đúng là người thắp lửa lên, ngọn lửa của lòng sám hối giữa một cộng đoàn nhà quê đang tịnh tâm. Và ai từ chối quỳ gối, cúi đầu tỏ lòng tôn thờ Chúa, dửng dưng với kinh nghiệm chân thành về lòng tin và sống đức tin của cộng đoàn là từ chối đồng hành với Dân Chúa. Như thế ai nghĩ, ‘đạo chỉ là tại tâm’ là giản lược Đạo thành một ý tưởng, một lập trường thuần lý, là xa rời Lời Thày. Với Thày đạo là chính Thày để chúng ta tin yêu và hy vọng. Đạo là con đường tình Thày đi cho chúng ta vác thập giá đi với và đi theo Thày: “Ai muốn theo Thày, xin vác thập giá mình mỗi ngày và đi theo” (x. Mt 16, 24). Và tình yêu Thày dạy chúng ta không chỉ là lý tưởng trong lòng ai nhưng ‘yêu thương’ là xoa dầu, bóp thuốc, xốc lên ngựa, đem về quán trọ, trả tiền (x. Lc 10, 34), yêu là cho người đói ăn, người khát uống, giúp người trần truồng áo quần mặc, thăm hỏi người yếu đau, xách giỏ đi thăm nuôi người bị tù (x. Mt 25, 35). Và nói theo nhà Bác học Pascal, “Bạn cứ quỳ gối xuống rồi bạn sẽ sám hối” (nguyên văn câu của Pascal: ‘Bạn cứ quỳ gối xuống rồi bạn sẽ tin’).
B/ Mùa Dâng Hoa
Tháng Năm là tháng Kính Đức Mẹ, cũng là tháng các nhà thờ rước kiệu Đức Mẹ và dâng hoa. Nên thời gian này cũng gọi là Mùa Dâng Hoa. Vào Mùa Dâng Hoa, Giáo dân Việt Nam thể hiện lòng sùng kính và tình cảm đặc biệt với Đức Trinh Nữ Maria. Lòng sùng kính Đức Maria không chỉ là cảm tính, như ai đó nhận định, và có thời nhiều người muốn bỏ tháng kính Đức Mẹ (LĐĐBD&PV, số 191). Hướng dẫn về Lòng Đạo Đức Bình Dân & Phụng Vụ phần ‘Lòng Sùng Kính Với Mẹ Thánh Của Chúa’ đã định hướng: Trên thực tế, các tín hữu biết rằng người Con là Thiên Chúa, Chúa của họ, và Đức Maria, người Mẹ, cũng là Mẹ của họ... Họ cử hành các cuộc lễ của Mẹ trong niềm vui, sẵn lòng tham gia các cuộc rước kiệu tổ chức để tôn vinh Mẹ và đi hành hương đến những ngôi đền cung hiến cho Mẹ, họ thích hát lên những bài ca ngợi Mẹ và dâng lên Mẹ lòng tôn kính khi phát nguyện những khấn hứa (sđd số 183).
Dâng hoa là một biểu hiện lòng sùng kính Đức Mẹ đặc trưng của tín hữu Việt Nam vùng Đồng Bằng Bắc Việt. Lễ dâng hoa thường bắt đầu bằng cuộc rước kiệu Đức Mẹ với chuỗi Mân Côi và kết thúc bằng Chầu Phép Lành Mình Thánh Chúa. Lễ dâng hoa gồm ba yếu tố: vãn dâng hoa (lời hát khi dâng hoa), múa dâng hoa và tâm tình hiến dâng.
Vãn dâng hoa thuộc loại văn chương dân dã tuy không chải chuốt mượt mà nhưng ngôn từ thanh nhã, sâu đậm tình cảm. Thí dụ: Chúng con mọn mạy phàm hèn, dám đâu ngước mắt trông lên bàn thờ. Đền vàng quỳ trước dâng hoa, trông lên tháp báu thấy toà Ba Ngôi. Vãn dâng hoa theo thể nhạc ngũ cung Việt Nam. Với những tiếng ngâm nga ‘i, a’ truyền thống văng vẳng, nhẹ nhàng và cung kính. Riêng nội dung các bài vãn rất sáng tỏ là những lời chúc tụng, tạ ơn và khấn xin tâm thành. Tác giả những bài vãn này chưa xác định được nhưng nhiều người nghĩ, họ là những nghệ sĩ dân dã sống giữa các xóm đạo nhưng hiểu biết giáo lý và thông thạo chữ nghĩa. Điều đặc biệt là hầu hết các bài vãn hoa ở miền Bắc cung giọng, phần đoạn giông giống nhau.
Múa dâng hoa là một điệu múa dân gian cổ truyền gồm khoảng từ 6 tới 12 cặp con hoa, thường con hoa là nữ không có pha trộn nam nữ. Các con hoa trang diện xinh đẹp, trang nhã, ở lứa tuổi U15, các em múa dâng hoa cho Đức Mẹ trước tượng Đức Mẹ trên kiệu hoa đặt giữa nhà thờ. Điệu múa luôn nhịp nhàng diễn tả lời vãn. Đội hình có thể chuyển động thành hình chữ “M” (Maria), chữ O (vương miện) hay chữ + (thánh giá). Con hoa có thể dâng hoa hay dâng nến theo lời ca thích hợp.
Tâm tình hiến dâng cô đọng trong nội dung bài vãn và được con hoa minh hoạ theo. Đáng chú ý, khi múa dâng hoa, con hoa sẽ nhịp nhàng theo nhịp điệu và đồng bộ theo đội hình. Đây chỉ là mặt nổi, là ‘phụ liệu’ của đội hoa. Nhưng nổi bật là gia sản đạo đức và văn hoá trong lễ dâng hoa, cũng là nét khác biệt căn bản giữa múa dâng hoa trong nhà thờ và các điệu ca vũ ngoài sân khấu. Khi vũ dâng hoa, các con hoa tâm thành diễn tả tâm tình dâng hiến cuộc sống cho Thiên Chúa qua Mẹ Maria. Khi dâng hoa lên Đức Mẹ các em cảm nhận khát vọng vươn lên cao mãi với Đức Mẹ, Đấng rất Thánh Thiện, Từ Bi. Con hoa trong vũ dâng hoa đúng hơn đã dâng hoa qua một điệu vũ, không phải diễn một màn vũ dâng hoa. Theo đó, người tham dự làm thành với các con hoa một cộng đồng dâng hoa tặng Đức Mẹ, trong đó con hoa chỉ là người đại diện. Vì thế người tham dự không là khán giả dự khán nhưng đúng là những người trong cuộc góp mặt trong lễ dâng hoa. Những tâm tình hiến dâng trong lễ dâng hoa như:
Đội ơn Đức Mẹ cực khoan
Dủ lòng bảo hộ an khang phù trì
Đội ơn Đức Mẹ nhân thay
Dủ thương vì chúc tụng này cùng hoa
Chúng con lạy Chúa Cha nhân thứ
Đã giữ lời phán hứa dủ thương
Dựng nên Rất Thánh Nữ Vương.
Tâm tình được diễn tả bằng năm sắc hoa (xanh, đỏ, trắng, tím, vàng) gọi là tiến hoa năm sắc, hoặc bốn mùa hoa (Xuân, Hạ, Thu, Đông) gọi là tiến hoa tứ thời. Bài vãn sẽ được kết thúc bằng ‘phần tạ’(phần kết) diễn tả tâm tình tạ ơn và cầu xin.
C/ Mùa Lễ Hội
Dân gian Việt Nam có hai mùa Lễ Hội được mọi gia đình nô nức đón mừng: Lễ Hội Tết Nguyên Đán và Tết Trung Thu (tết Đoan Ngọ). Cả hai tuy đã phai lạt ý nghĩa ban đầu và lơ là với những nghi thức nguyên thuỷ nhưng vẫn còn đó những cuộc hội họp tưng bừng. Hầu hết các gia đình tín hữu hôm nay đều hoà lòng tham dự những ngày lễ hội dân gian này nhưng đã thổi vào các Lễ Hội một ý nghĩa đạo đức mới. Cách nào đó lòng đạo đức bình dân đã thay da đổi thịt cho hai Lễ Hội dân gian đây để thành những Lễ Hội đạo đức, những thể hiện sống động của lòng tin Kitô giáo.
Lễ Hội Tết Nguyên Đán
Lễ Hội Tết Nguyên Đán mừng năm mới kéo dài ít nhất ba ngày đầu năm mới Âm Lịch nhưng cao điểm là Lễ Giao Thừa cũng gọi là Lễ Trừ Tịch, hiểu là: Trừ là trao lại chức quan, tịch là ban đêm. Hết giờ Hợi sang giờ Tý là bắt dầu sang ngày mới của năm mới. Thời điểm này gọi là giao thừa, dân làng làm lễ trừ tịch tiễn thần Hành Khiển năm cũ, đón vị thần Hành Khiển năm mới để cầu cho dân chúng khang an, thịnh vượng (x. ‘Đất Lề Quê Thói’, của Nhất Thanh, Nxb VHTT, 2001, trang 328). Ý nghĩa nguyên thuỷ này đã được rửa tội để nhận ý nghĩa mới theo lối nhìn của đức tin Kitô giáo như được ghi nhận trong nghi thức làm phép nến Phục Sinh trong đêm vọng Phục Sinh: Đức Kitô vẫn là một, hôm qua cũng như hôm nay là Alpha và Omega, nghĩa là khởi nguyên và tận cùng. Người làm chủ thời gian và muôn thế hệ. Với dân chúng, thời điểm Giao Thừa rất được trân trọng. Người ta thắp nhang vái tứ phương để cầu khấn Trời cho một năm mới an khang thịnh vượng, còn tín hữu Kitô giáo bỏ lại sau lưng tất cả mọi chuyện làm ăn, mọi toan tính, lo lắng, để thư thái tập trung trước bàn thờ Chúa tham dự lễ và hướng về Chúa là Chủ của Thời Gian, là khởi đầu và cùng đích của vũ trụ và của mỗi người. Các gia đình hợp lòng tạ ơn Chúa và cầu bình an cho năm mới. Đặc biệt xin cho gia đình luôn biết vâng ý Cha dưới đất cũng như trên Trời. Với lương dân sau khi lễ bái ở Chùa, mỗi người tìm tới một cành cây trong vườn chùa, hái một đọt lá, gọi là hái lộc đầu năm cầu khấn Đấng Bề Trên ban cho may mắn suốt năm. Ngày nay ở một số nhà thờ, sau Thánh Lễ, giáo dân được mời bước lên gian thánh hái ‘lộc Lời Chúa’. Lộc đây là những tấm thẻ ghi sẵn một câu Lời Chúa được treo đầy trên các cành lá của một thân cây. Giáo dân tin tưởng mỗi câu lời Chúa đều mang lại một điều tốt đẹp cho người hái. Tấm thẻ Lời này sẽ được chưng tại một vị trí cao trong phòng khách và thỉnh thoảng được đọc lại làm ý lực sống.
Lễ Hội Tết Trung Thu
Hầu hết những lễ hội dân gian đều nhắm tới bậc ông bà, cha bác, thày cô như Tết Đoan Ngọ, tết Trung Nguyên (có nguồn gốc văn hoá Bắc Phương đã được Việt hoá và thường phổ biến trong giới có bát ăn bát để). Riêng các em thiếu nhi mừng vui được làm khách mời chính của Lễ Hội Tết Trung Thu. Tết Trung Thu vào rằm tháng Tám Âm Lịch tuy là thời điểm năm học mới vừa bắt đầu, các em khá bận rộn với việc học hành tại trường lớp, nên bầu khí lễ hội có thể ít sôi động nếu Lễ Hội rớt vào một ngày thường trong tuần. Tuy nhiên Lễ Hội Trung Thu có thể được coi là điểm nhấn của lòng đạo đức bình dân nơi các gia đình và Họ Đạo. Lòng đạo đức bình dân cảm hứng lòng Chúa trân trọng yêu quý các em thiếu nhi, “Hãy để các em đến với Thày, vì Nước Trời thuộc về những người nên giống các em” (x. Mt 18, 3), đã biến một lễ hội dân gian thành Lễ Hội mừng tuổi thơ dịp rằm Trung Thu. Lễ Hội Trung Thu tập trung vào một thánh lễ dành riêng cho các em. Đề tài thánh lễ hướng tới vũ trụ quanh ta, mặt trăng, mặt trời cùng muôn tinh tú là quà tặng Thiên Chúa tặng trần gian giúp các em khám phá, chiêm ngưỡng nét mỹ miều của vũ trụ và lên lời tạ ơn, ngợi khen Thiên Chúa. Những cuộc rước đèn trung thu, những cuộc hội diễn văn nghệ được tổ chức tại các khu xóm, nơi sân Thánh Đường qui tụ các em thiếu nhi không phân biệt giàu nghèo, đạo giáo. Họp mặt với nhau, các em chia sẻ nhau những bài hát ca ngợi bầu trời, bóng trăng, lòng người tươi sáng và tình yêu Chúa vô bờ. Các em cũng được thân tình chia sẻ với nhau quà bánh trung thu nhờ lòng tốt của bằng hữu xa gần giúp góp. Lễ Hội Trung Thu còn giới thiệu với tuổi thơ một thoáng khuôn mặt thân thương của cuộc sống. Trong đó có bầu trời trên cao với mặt trời, bóng trăng, mây đẹp, gió hiền và xung quanh là bè bạn xóm riềng thân quen, là trường lớp, thày cô hiền hoà. Các em mong gặp khuôn mặt cuộc sống không chỉ có một rừng ô tô, xe máy ồn ào, không chỉ có một biển máy móc khô khan, vô tình, vô nghĩa cung cấp các games điện tử với những khung cảnh ảo, nhân vật ảo. Bi kịch đang mở màn là các em trong đời thường sẽ biết trò truyện với máy, trên máy nhiều hơn gặp mặt người quen, nói chuyện với người thân. Lễ Hội Trung Thu có thể coi là Lễ Hội giới thiệu khuôn mặt dễ thương của cuộc sống trong đó có khuôn mặt tình yêu của Thiên Chúa và của mọi người.
Lễ Hội Hành Hương
Khởi từ lòng đạo đức bình dân, từ lâu Giáo Hội đã giữ truyền thống hành hương tới Đất Thánh, mồ thánh, đền thánh, nơi gìn giữ di tích các Thánh Tử Đạo... Hành hương là những chuyến đi đạo đức của các tín hữu để hình dung cuộc hành trình trên đường về quê trời. Theo ‘Hướng dẫn về Lòng Đạo ĐứcBình Dân và Phụng Vụ’: “khách hành hương đi đến đền thánh, họ cũng được hiệp thông trong lòng tin và đức ái, không chỉ với những kẻ cùng đi với mình trong “cuộc hành trình thánh” (Tv 84, 6), mà còn với chính Chúa nữa. Người đồng hành bên người ấy, cũng như Người đã từng đi bên cạnh các môn đệ thành Emmaus”. Đàng khác những cuộc hành hương còn mang chiều kích lễ hội. Niềm vui của cuộc hành hương Kitô giáo xuất hiện như sự kéo dài niềm hân hoan mà người lữ hành Israel đạo đức đã từng cảm nghiệm. “Vui dường nào khi thiên hạ bảo tôi: chúng ta cùng đi đến nhà của Chúa!” (Tv 122, 1). Niềm vui ấy cũng góp phần phá vỡ sự đơn điệu của cuộc sống thường nhật khi tỏ bày một cái nhìn về tương lai khác với cái nhìn của thế gian; nó giảm nhẹ trọng lượng thường đè lên cuộc sống, đặc biệt đối với người nghèo, là một gánh rất nặng phải mang” (Sđd số 186).
Tuy nhiên trong thực tế, sáng kiến và nhiệt tình của giáo dân không dựa vào đức tin thành khẩn, chân thực, có nguy hiểm vượt quá ranh giới của lòng đạo đức bình dân và sa vào mê tín. Sứ Điệp Của Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II Gửi Hội Nghị Khoáng Đại Bộ Phụng Tự Và Kỷ Luật Bí Tích (21 tháng 09 năm 2001) đã cảnh giác: “Những cách biểu hiện của lòng đạo đức bình dân đôi khi bị biến chất do các yếu tố không tương thích với giáo lý Công Giáo. Trường hợp này, cần phải thanh lọc một cách cẩn thận và kiên nhẫn, qua những cuộc tiếp xúc với người có trách nhiệm, bằng một cách giảng giải giáo lý cặn kẽ và tế nhị, ngoại trừ những điều bất hợp lý đòi có những biện pháp rõ ràng và tức khắc.
Theo một truyền thống đạo đức từ lâu đời, trên đất nước chúng ta, mỗi năm có từng triệu chuyến hành hương của tín hữu khắp nơi tuôn đổ về các Đền Thánh như Linh Địa La Vang, Trung Tâm Thánh Mẫu Trà Kiệu, Nhà Truyền Thống Văn Hoá & Đức tin... Đáng chú ý nhiều gia đình không dư giả nhưng chắt chiu để dành ra một khoản chi cho phương tiện để mỗi năm gia đình đi hành hương tại các ‘thánh địa’. Qua mỗi chuyến hành hương gia đình sẽ khám phá những bài học đạo đức: chia sẻ nhau cơn khát, cơn đói, ly nước, chiếc bánh, chỗ đứng, chỗ ngồi... Gia đình khám phá những cảm nghiệm cụ thể về cơn nắng, cơn mưa, chia sẻ nhau những giọt mồ hôi, nước mắt trên ‘con đường đi theo Chúa đầy gian khó nhưng quyết tâm vượt qua’. Chính tại ‘đất thánh’ hành hương, các gia đình hình dung được Giáo Hội là đoàn lữ hành từ phương đông, phương đoài đồng hành với nhau và với Chúa tiến về nhà Cha.
CHUYỆN NÀNG RÚT THAY LỜI KẾT
Trong tình cảm, những ‘Thánh Địa’ cũng là ‘đất tổ quê hương’ của các Kitô hữu. Với các khách tha hương, rõ ràng, tình hoài hương lúc nào cũng cánh cánh bên lòng nên bao giờ có dịp họ lại khăn áo lên đường hồi hương. Và quê hương có xa xôi diệu vợi, quê hương vẫn ấm cúng tình nghĩa. Hồi ấy bà Naomi nhất định hồi hương. Trước khi lên đường, bà ôm hôn từ biệt hai cô con dâu người Moab khuyên hai con nên ở lại quê hương với mẹ mình, làm họ oà lên khóc, “Chúng con muốn cùng mẹ về với dân mẹ”. Bà ép mãi, cô con dâu cả nghe lời nhưng cô thứ hai là Rút nhất định: “Xin mẹ đừng ép con bỏ mẹ, Mẹ đi đâu, con theo đó, dân của mẹ là dân của con, Thiên Chúa của mẹ là Thiên Chúa của con. Mẹ chết ở đâu, con chết ở đó...” Thôi thế, bà cũng vui lòng dẫn Rút, nàng dâu út theo về vùng quê cũ Belem. Ở đây hai mẹ con chân ướt, chân ráo, Rút đi mót lúa trong cánh đồng của một người bà con bên chồng, ông Booz và được ông ưu ái. Nàng mót lúa về nuôi mẹ chồng. Về sau nàng được ông cưới làm vợ và sinh được con trai để bảo tồn dòng dõi nhà. Nếu những Nhà của Chúa, những Đền thánh Đức Mẹ, Nhà Truyền Thống Văn Hoá & Đức Tin với di tích các Thánh Tử Đạo cũng là ‘Đất thiêng, đất tổ quê hương’ của mọi gia đình Kitô hữu, thì Rút là người mẫu cho những ai mới đón nhận đức tin dám dứt khóat dấn bước ‘hồi hương’ với tấm lòng thành như Rút: “Xin mẹ đừng ép con bỏ mẹ, Mẹ đi đâu, con theo đó, dân của mẹ là dân của con, Thiên Chúa của mẹ là Thiên Chúa của con. Mẹ chết ở đâu, con chết ở đó”. Và người mẹ chồng của Rút, bà Naomi đã thành người mẫu cho những ai từng vắng xa ‘Nhà Chúa’, xa Đền Thánh Đức Mẹ, lạ lẫm với những di tích các thánh Tử Đạo, biết bỏ lại sau lưng tất cả để ‘hồi hương’, về lại nguồn ngọn của chúng ta.
Từ nguồn ngọn đó, lòng đạo đức bình dân giục giã chúng ta chọn quê trời phước hạnh, dìu dắt chúng ta hành trình vượt qua mọi bước đường khổ ải và hẹn hò chúng ta gặp Chúa, gặp ông bà tổ tiên, và gặp đủ mặt nhau trong Nước Trời vinh hạnh như lời ca dao mộc mạc cảm hứng của lòng đạo đức bình dân:
Thiên đàng địa ngục đôi quê
Ai khôn thì về, ai dại thì sa
Đêm nằm nhớ Chúa nhớ cha
Đọc kinh cầu nguyện nhớ cha linh hồn,
Linh hồn phải nhớ linh hồn
Đến khi mình chết được lên thiên đàng?
(Đồng Dao)
Lm. Trịnh Tín Ý
( Đăng lại từ bản tin Hiệp Thông số 36 của HĐGMVN )
n Có Thể Liên Quan
Ừ
thì tháng nào mà chẳng có trăng. Trăng xuất hiện từ những ngày còn đầu tháng,
khi chỉ là một đường cong vệt ngang trời đêm, tựa như một mảnh trâm sáng cài lên
mái tóc đen mượt mà của người thiếu nữ. Trăng dù ở bất kỳ hình dáng nào cũng thơ,
cũng đẹp; dù ở mùa nào cũng đẹp, cũng thơ. Thế nhưng, người ta chỉ trông chờ
trăng của một ngày tháng Tám. Ngày Tết trung thu!
Tết Trung thu diễn ra vào đêm rằm giữa mùa thu như tên gọi. Người ta thường gọi mùa thu là mùa dịu dàng, có phải vì thế mà trăng đối với con người dường như cũng dịu dàng và lung linh hơn hẳn những mùa khác. Phải thế chăng mà người ta háo hức đón chờ Tết Nguyên Tiêu?
Gọi một cái tên cũng thấy nghĩ nhiều. Tết Nguyên Đán khiến ta nghĩ đến bánh chưng, mai vàng cùng những rộn ràng màu sắc, giòn giã tiếng cười... Lễ Giáng Sinh ta lại nhớ đến cái se lạnh của những ngày cuối năm, nến và hoa, những dòng người lũ lượt đến nhà thờ... Và, Tết Trung Thu! Ai cũng có cảm giác thanh bình, trăng, lồng đèn xinh, chiếc bánh, gói trà thơm và hương hoa thoang thoảng quanh câu chuyện gia đình. Tất cả hòa quyện cùng khí trời mát mẻ khiến vạn vật trở nên dịu dàng quá đỗi...
Lũ trẻ con ê a bài đồng dao:
Mùng một lưỡi trai
Mùng hai sao hái
Mùng ba lưỡi liềm
Mùng bốn thu liêm...
Và chúng thích thú thắp những ngọn nến nhỏ vào những chiếc lồng đèn đủ hình dạng.
Đây là đèn ông sao, kia là đèn kéo quân, nọ là đèn lục giác... Nến cũng dịu dàng
mờ ảo đỏ xanh theo ánh mắt trẻ thơ đen láy. Những đứa không có đèn lồng cũng tự
an ủi mình bằng những cây nến con và cả một bầu trời đêm bàng bạc trăng treo lơ
lửng...
Trẻ con bây giờ thích đồ điện nhiều hơn, những chiếc đèn lồng Trung Quốc làm bằng nhựa chạy pin chớp tắt, điệu nhạc rộn ràng càng khiến đèn giấy buồn hắt hiu vì chẳng mấy người nhìn tới. Những chiếc đèn giấy xếp muôn hình vạn trạng thi sau khoe sắc trên đường, trong chợ... Dường như cái nôn nao chẻ tre, đan khung, dán giấy đón Tết Nguyên Tiêu đang mai một dần.
Đêm rằm thành phố có bao nhiêu người ngắm trăng? Phố xá đèn dọc ngang sáng choang lộng lẫy, cả ánh nến còn thấy lạc lõng... Biết tìm trăng đâu giữa những nóc phố cao hút mắt người?
Bao nhiêu người trẻ háo hức đón trăng với gia đình, nhấp một ngụm trà, ăn một miếng bánh, chuyện phiếm trong không khí đoàn tụ. Bao nhiêu người hòa mình vào phố phường xúng xính xinh tươi với tắc đường, kẹt xe, với những cuộc vui thâu đêm suốt sáng, bỏ trăng giữa thành phố bơ vơ...
Nhưng dù cho trẻ con ít đốn nến hơn, người ta ít ngắm trăng hơn thì mùa trăng vẫn cứ đến. Đến và dịu dàng khoe sắc, lung linh ảo huyền. Mùa trăng đang đến. Trăng đang thành nét, mỗi ngày một đầy hơn. Đất trời đang gom hết những tinh túy của mình thổi vào hồn trăng, khí thu đang hòa vào trăng, chờ một ngày tròn trĩnh đẹp nhất và thơ nhất.
Mùa đang đến và trăng đang về theo mùa.
o O o
Thắp cùng trăng một ánh
nhìn
Giữa đêm phương Nam bạt ngàn tiếng sóng
Điệu hò lơ nghe âm vang đồng vọng
Tiếng sáo diều ngân nga...
Hải Đăng
Một ông nhà giàu đang ngồi trong chiếc xe hơi đắt tiền chạy khá nhanh trên đường
phố. Từ phía trước, ông nhìn thấy một đứa trẻ đang chạy ra từ giữa mấy chiếc xe
đang đậu bên lề.
Ông giảm tốc độ nhưng khi xe chạy ngang chỗ ông đã nhìn thấy đứa trẻ thì chẳng
có ai cả. Đột nhiên, ông nghe có tiếng đá ném vào cửa xe mình. Ông đạp ngay
thắng, cho xe vòng trở lại chỗ viên đá được ném ra. Quả là có một đứa trẻ đang
đứng giữa những chiếc xe đậu. Nhảy bổ ra khỏi xe, không kịp quan sát xung quanh,
ông tóm lấy đứa trẻ, đè gí nó vào một chiếc xe gần đó và hét lên: “Mày làm cái
quỷ gì thế hả?”. Cơn nóng giận bốc ngược lên đỉnh đầu, ông tiếp: “Chiếc xe này
mới toanh, mày sẽ phải trả cả đống tiền vì cái viên đá của mày đấy”.
“Làm ơn, thưa ông. Con xin lỗi. Con không biết làm cách gì khác hơn” - cậu bé
van nài - “Con ném viên đá là vì con đã từng vẫy ra hiệu nhưng không có một
người nào dừng xe lại...”. Nước mắt lăn dài trên má cậu bé khi nó chỉ tay về
phía vỉa hè. “Nó là em con” - cậu bé nói - “Chiếc xe lăn từ trên lề đường xuống,
nó bị ngã ra khỏi xe lăn, nhưng con không thể nâng nó dậy nổi”. Vừa thổn thức,
cậu bé vừa năn nỉ: “Ông làm ơn giúp con đặt nó vào xe lăn. Nó đang bị đau, và nó
quá nặng đối với con”.
Tiến lại chỗ đứa bé bị ngã, người đàn ông cố gắng nuốt trôi cái gì đó đang chẹn ngang cổ họng mình. Ông ta nâng đứa bé lên đặt vào chiếc xe lăn rồi rút khăn ra cố lau sạch các vết bẩn và kiểm tra mọi thứ cẩn thận một cách ngượng nghịu.
“Cám ơn rất nhiều, ông thật tốt bụng”. Đứa trẻ nói với ông cùng ánh nhìn biết ơn
rồi đẩy em nó đi. Người đàn ông đứng nhìn mãi, sau cùng cũng chậm bước đi về
phía xe của mình. Đoạn đường dường như quá dài.
Về sau, dù đã nhiều lần đưa xe đi sơn, sửa lại, nhưng ông vẫn giữ lại vết lõm
ngày nào như một lời nhắc nhở bản thân suốt cả cuộc đời.
có thời gian để lắng nghe cho đến khi có một “viên đá” ném vào mình. Bạn sẽ
chọn điều gì: Lắng nghe hay là chờ một viên đá?!
Mộng Tuyền ( sưu tầm từ Internet )
Cha Sở giáo xứ bên Đan-Mạch (Bắc Âu) thích nhắc lại kinh nghiệm giảng thuyết như sau.
Tôi giảng về rất nhiều đề tài khác nhau và thật hữu ích. Tôi cẩn thận chọn đề tài và thường xuyên thay đổi với hy vọng tăng thêm lòng đạo đức cho tín hữu trong giáo xứ của tôi. Nhưng mọi cố gắng đều vô hiệu và vô ích. Suy nghĩ mãi vẫn không hiểu lý do tại sao. Sau cùng tôi quyết định đổi đề tài.
Tôi giải thích về ý nghĩa tuyệt diệu của lời Kinh Mân Côi và cách thức thi hành việc đạo đức đơn sơ này mỗi ngày. Sau khi làm cho các tín hữu say sưa yêu mến tràng chuỗi Mân Côi rồi, chỉ vỏn vẹn trong vòng 6 tháng, tôi nhận thấy rõ ràng sự tiến bộ thiêng liêng trong giáo xứ.
Cuộc sống đạo của giáo dân thay đổi hẳn. Từ kinh nghiệm đó tôi có thể đưa ra lời quả quyết:
- Lời Kinh Mân Côi thật hữu hiệu và là Dầu Thánh THIÊN CHÚA dùng để đánh động tâm hồn các tín hữu. Tín hữu Công Giáo nào siêng năng sốt sắng lần hạt Mân Côi - không sớm thì muộn - sẽ gớm ghét tội lỗi và yêu mến việc tập tành các nhân đức. Họ sẽ tiến xa trên đường hoàn thiện.
.. Nhà bác học Ý, ông Guglielmo Marconi (1874-1938), là tín hữu Công Giáo nhiệt thành. Cách đây đúng 75 năm, chính ông phát minh ra máy phát thanh vô tuyến và thành lập Đài Phát Thanh Vatican vào ngày 12-2-1931 do sự ủy thác của Đức Giáo Hoàng Pio XI (1922-1939). Trong các di-cảo của ông nổi bật câu viết:
- Các phát minh của tôi nhằm cứu nhân loại chứ không phải để tiêu diệt nhân loại - Le mie invenzioni sono per salvare l'umanità non per distruggerla.
Điều đáng nói về nhà bác học lừng danh phát minh ra máy vô-tuyến-điện lại là: Ông Guglielmo Marconi trên giường chết đã siết chặt trong tay tràng chuỗi Mân Côi. Tràng chuỗi Mân Côi trở thành sợi-dây nối-liền đất với trời và đưa ông vào thế giới vĩnh cửu trong an bình thanh thản ...
... Một khoa học gia Ý nổi tiếng khác là ông Enrico Medi (1911-1974). Ông viết về tràng chuỗi Mân Côi:
- Sau Thánh Thể và Kinh Thánh thì Tràng Chuỗi Mân Côi là bảo vật tuyệt vời nhất. Bởi lẽ, chúng ta có thể siết chặt tràng chuỗi Mân Côi trong tay hoặc đặt tràng chuỗi lên ngực với trọn tâm tình trìu mến. Trong những giờ phút đau thương buồn khổ, tràng chuỗi Mân Côi mang đến cho chúng ta nét dịu ngọt, niềm ngơi nghỉ, sự an toàn và là dòng suối ủi an, tươi tỉnh cùng lòng đơn sơ phó thác như chính tràng chuỗi Mân Côi vậy!
... Câu chuyện cuộc đời ông Giovanni Carnevali (1804-1876) họa sĩ tài danh Ý. Sau khi vẫy vùng ngang dọc nhiều nơi, ông định cư tại Bergamo (Bắc Ý). Nhưng ông vẫn tiếp tục cuộc sống phóng túng và bỏ rơi tôn giáo.
Một ngày trong năm 1867, bị nỗi lòng thương nhớ quê nhà dằn vặt, ông lên đường trở về thăm làng cũ ở Montegrino nằm cạnh Lago Maggiore (Bắc Ý).
Hôm ấy trời thật đẹp, ông quyết định đi bộ. Khi về đến nơi thì đã 8 giờ tối. Trời tối đen. Nhưng ông nhận ra mọi ngõ ngách thân yêu trong làng, nơi ông trải qua thời thơ ấu đầy tràn mộng mơ. Đi mãi một lúc, bỗng ông đến trước cửa nhà mình. Qua cánh cửa sổ rộng mở ông nhìn vào bên trong.
Ông ngây ngất chiêm ngắm cảnh toàn gia đình đang quì gối lần hạt Mân Côi. Quá cảm động trước hình ảnh tuyệt đẹp, ông bật lên khóc nức nở. Trong phút chốc, ông nhận được niềm an bình chân thực, niềm an bình ông vẫn khao khát tìm kiếm từ bấy lâu nay. Đức Tin trong sáng của thời niên thiếu cũng trở về với ông. Ông tin và cảm động quì gối xuống cùng hiệp ý đọc kinh Mân Côi chung với gia đình ..
Khi tràng chuỗi Mân Côi kết thúc, ông đứng lên nhưng không vào nhà vì không muốn làm xáo trộn bầu khí an bình của gia đình, với nỗi niềm xúc động trào dâng của mình. Ông lặng lẽ quay gót trở về Bergamo.
Kể từ buổi tối phúc lành ấy, lòng ông Giovanni Carnevali tràn đầy niềm hy vọng và tin tưởng phó thác nơi THIÊN CHÚA. Nhất là, ông thật sự yêu mến Đức Nữ Trinh Rất Thánh MARIA. Ông đã khám phá ra chìa khóa của niềm hạnh phúc. Đó là tràng chuỗi Mân Côi. Từ ấy Tràng Chuỗi Mân Côi không bao giờ lìa khỏi người ông. Khi ông tắt thở, người ta tìm thấy trong túi áo ông một Tràng Chuỗi Mân Côi đã cũ đã mòn.
(Padre Giulio Maria Scozzaro, ”Santo Rosario Meditato”, Luglio 2005 II Edizione, Associazione Cattolica GESÙ E MARIA, trang 80-81).
Giáo dục con cái
NIỀM TIN MONG MANH DỄ MẤT
Những cuộc tấn công vào niềm tin tôn giáo, vào đức tin Kitô giáo tràn lan mọi ngõ ngách. Để kiếm tiền hay để dễ nổi tiếng, nhiều ca sĩ, văn sĩ lao vào những chủ đề bôi bác tôn giáo để mau có được phản ứng của công chúng. Những xuyên tạc, méo mó làm người Công giáo nghi ngờ niềm tin của mình, làm người trẻ thắc mắc về niềm tin và làm tục hóa tôn giáo.
Một ông bạn vong niên có hai con gái lập gia đình với hai thanh niên bên Mỹ. Ong được các con mời sang chơi vài tháng. Họ đưa ông đến “nhà thờ” của một giáo phái nằm ngay giữa San Francisco và họ dặn ông ngồi yên để quan sát. Giữa ánh nến chập chờn trong một căn phòng rộng chừng 200 mét vuông, ba đôi nam nữ bận quần áo rộng thùng thình màu trắng chùm kín từ đầu đến chân. Họ đọc “thần chú” và la hét quay cuồng. Cứ thế, người cháu giải thích, họ đọc thánh kinh do họ viết, họ sống chung với nhau và chia sẻ với nhau đủ thứ kể cả thân xác. Nhóm nào có được hai chục “tín đồ” là coi như khá nổi tiếng.
Ngày 25-05-2006, hãng phim Columbia cho biết sẽ làm tiếp một cuốn phim cũng lấy chủ đề về đạo Thiên Chúa. Cuốn phim có tên Thiên Thần và Ac quỷ, một tiểu thuyết cũng của Dan Brown (tác giả Mật mã Da Vinci) xuất bản năm 2000. Cuốn phim kể về việc giáo sư Robert Langdon phá tan âm mưu của tổ chức Illuminati làm nổ tung Tòa Thánh Vatican trong cuộc họp bầu Giáo Hoàng. Hảng phim cũng đã ký hợp đồng chuyển thể tác phẩm thành phim với nhà biên kịch Akiva Goldman – người đã chuyển thể Mật mã Da Vinci và cuốn phim này đã đem về hơn 230 triệu mỹ kim sau vài ngày chiếu trên toàn thế giới (riêng tại Mỹ là 77 triệu sau ba ngày chiếu). Người ta coi đây là phần hai của Mật mã Da Vinci.
Ngay sau Da Vinci Code, báo chí lại tung tin đã tìm ra những chứng tích của một cuốn Kinh Thánh do “tông đồ Giu-đa” viết qua những mảnh da ghi lại từ 2000 năm trước. Giu-đa mới này rất tốt và còn có công hơn cả những tông đồ chính hiệu. Họ cũng chụp hình tấm da và làm những phân tích “khoa học”. Có người tin rằng đó là thật và có người đâm ra nghi ngờ Kinh Thánh.
Để có tiền nhiều hơn và để nổi tiếng hơn, người ta lao vào những chủ đề dễ gây ấn tượng nhất: Tôn Giáo. Tại cuộc thi chung kết trình diễn nhạc rock kỷ niệm 51 năm chương trình Eurovision ngày 20-05-2006 tại Athens, Hy Lạp, vừa qua, ban nhạc Phần Lan Lordi đã trình diễn bản nhạc lấy tên Halleluijah trong trang phục của năm con quỷ. Người dân Phần Lan phản đối chuyện đó. Họ nói ban nhạc không đại diện cho dân tộc Phần Lan vốn ưa chuộng hòa bình và không thích gây sóng gió với thế giới. Nhưng cuộc bầu chọn qua mạng Internet đã đưa ban nhạc này lên hạng nhất mặc dầu chính ban nhạc này cố gắng chứng minh rằng mình không phải là một nhóm Satanic Group (Quỷ dữ Satan) bằng cách trình bày một bản nhạc khác có tên Devil is a Loser (Quỷ dữ là kẻ thất bại) để chứng minh lòng ngay thẳng của họ. Lordi và Halleluijah đã chiếm được giải nhất trong khi những ban nhạc khác từng thắng giải bán kết 2005 như ban nhạc xứ Lithuania có tên là LT United với một bản nhạc rất “hiền” We Are the Winner of Eurovision (Chúng tôi là người chiến thắng của Eurovision) lại chẳng được hạng nào. Kể cả nữ ca sĩ người Canada gốc Pháp Celine Dion đã từng đoạt giải Eurovision 1988 với cách trình bày rất mượt mà của người dân vùng núi Alpine (Thụy Sĩ) cùng ban nhạc Six4one trong bản nhạc “rất hiền” We All Give a Little (Nếu tất cả chúng ta hy sinh một chút) cũng chẳng được giải nào.
Cứ lấy chủ đề tôn giáo làm mục tiêu chế riễu, ban nhạc và ca sĩ sẽ nổi tiếng!
Đó cũng là trường hợp của ca sĩ nhiều tai tiếng Madonna. Phần lớn chủ đề và nội dung cùng cách trình bày của ca sĩ nhạc rock này đều nhằm vào Giáo Hội. Với những bản nhạc như Like a Virgin (Cô gái Đồng Trinh) với những cảnh dung tục không thể tha thứ được. Material Girl (Người con gái trần tục), Vogue (Mốt thời thượng), Like a Prayer (Như một lời cầu nguyện), I’m Going to Tell You a Secret (Tôi sẽ tiết lộ điều bí mật), Papa Don’t Preach (Ngài không giảng thuyết). Mới đây, ngày 05-08-2006, cô đã tổ chức một show diễn hoành tráng tại sân vận động tại thành phố Roma với giấy mời được gởi tới Đức Giáo Hoàng. Trong cảnh cuối của bản nhạc Confessions on the Dance Floor (Lời xưng tội trên sàn nhảy) cô leo lên Thập Tự Giá trong một bộ đồ … bằng lưới mắt cáo! Dĩ nhiên phản ứng của dân Roma là lên án bản nhạc và cách trình diễn mang tính “báng bổ tôn giáo, xúc phạm tôn giáo”. Ngày 20-08-2006, cô cũng đã trình bày bản nhạc này tại thành phố Dusseldorf (nước Đức). Công tố viên thành phố đã dọa sẽ kiện vô vì cảnh “treo trên cây thập tự” của cô là một sự báng bổ tôn giáo. Bản nhạc được trình diễn lần lượt tại Hannover (Đức) ngày 22-8 và tại Paris, sân vận động Berey vào những ngày cuối tháng tám.
Không chỉ phim ảnh và ca nhạc xúc phạm tôn giáo để kinh doanh, văn chương cũng vào cuộc. Năm ngoái, 2005, tạp chí Newsweek bình luận về một từ về văn chương mới xuất hiện sau khi đã nhận định về một loạt truyện tiểu thuyết “rất ăn khách” với chủ đề “tình yêu trong tôn giáo”. Thành ngữ fragrance literature được dùng để chỉ hàng loạt những truyện (dĩ nhiên là hư cấu) của những tác giả, phần lớn là nữ, thế hệ X8, X9 (tuổi 20 và 30) viết về những “cuộc tình” của những linh mục, của những nữ tu, những trò hoan lạc! – một loại sách porno để kiếm tiền. Những văn sĩ nữ này đã thành công với số sách bán chạy nhiều nhất ở Indonesia và kiếm được rất nhiều tiền.
Tôn giáo luôn luôn bị tấn công từ mọi mặt. Niềm tin luôn luôn bị chao đảo. Phản ứng của tôn giáo lại luôn luôn nhẹ nhàng, nếu không muốn nói là thụ động. Chẳng hạn như chuyện ca sĩ Madonna trình diễn nhạc tại Roma tháng tám vừa qua cũng chỉ nhận được một bản tin ngắn lên án của một vị Giám mục tại Ý (theo bản tin của CNN). Mới đây, vào tuần lễ chiếu phim đầu tháng 07-2006, HBO trình chiếu phim The First Power (được dịch tạm là Quyền Năng Tối Thượng). Cuốn phim mô tả một kẻ giết người phiêu bạt chạy vào một tu viện. Ở đó, vị nử tu đã rút một Cây Thánh Giá, nhưng thực sự là một con dao găm dài như một đoản kiếm! Bà trao cho anh chàng chuyên giết người này như một giải pháp cuối cùng. Cuốn phim làm những người ngoài tôn giáo thắc mắc và hỏi ngay: “Tôn giáo của quý vị chủ trương giết người như vậy hay sao?”
Không thể kể hết những cuộc tấn công vào Giáo hội, vào niềm tin tôn giáo. Câu trả lời “cho một sự cần thiết phải làm gì” thật dễ, nhưng cái chính là nuôi dưỡng niềm tin, đức tin vững vàng, bảo vệ đạo đức như các nước Nhật, Đại Hàn, Thái Lan, Trung Quốc (với tinh thần Khổng Giáo) đang làm để chống lại một cách tích cực trào lưu “duy vật không hồn” của phương Tây mang tính phi đạo đức. Phải có cái nhìn mới, hành động mới trong “thời đại mới” như lời kêu gọi của Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II.
Có những hành động vào cuộc rất tích cực. Tại con đường dẫn vào Nhà thờ lớn Sacré Coeur nằm gần con đường Montmartre tại Paris, con đường ăn chơi của thành phố, những vị tu sĩ dòng Phanxicô đã thành lập những “nhà chứa” dành cho những người “còn một chút suy tư nào đó có chỗ để trở về” sau khi đã bầm mình vì những thú vui, những cách ăn chơi trần tục nhất. Tại thành phố Hồ Chí Minh cũng có những vị nữ tu chạy xe dọc các “con đường sida” Ngô Quyền, Huyền Trân Công Chúa, … để “dụ dỗ” những em bé gái mười sáu đôi mươi trở về, rất nhiều em đang mang thai nhưng … không biết cách nào giải quyết cái bào thai trong mình. Có vị đã bị lừa về bót cảnh sát vì bị cho là những “người cùng nghề nghiệp”.
Một cách vào cuộc khác để “cứu những linh hồn trong thế giới phim sex” (Saving Souls in the Porn World) được nhà xuất bản Kinh Thánh NavPress tại California thực hiện. Nhà xuất bản này đã cho in 10.000 cuốn Kinh Thánh với tựa đề Jesus Loves Porn Stars (Chúa Giêsu yêu thương những người đóng phim sex). Và đúng như lời quảng cáo của cuốn sách: Cho dù bạn là người đang tham gia sản xuất phim sex hay bạn là người mê loại phim đó, có chúng tôi đây, Giáo hội, ở bên cạnh để giúp đỡ bạn! Giáo sĩ Craig Gross, người sáng lập và thực hiện chương trình này trình bày quan điểm của mình như vậy. Thành viên của nhóm thanh niên tình nguyện này tham gia rất nhiều những buổi trình chiếu phim sex và chia sẻ niềm tin với họ. Luôn luôn có một con đường cho những người đang ngụp lặn trong thế giới tưởng chừng như bất trị và hết thuốc chữa này. Dĩ nhiên phong trào có tên XXXChurch (Giáo hội của những phim khiêu dâm) này không phải lúc nào cũng nhận được sự ủng hộ. – Bên Mỹ phim được phân loại x, xx hay xxx tùy mức độ bạo lực trong phim, nhưng sex thì không thiếu trong bất cứ loại phim nào kể cả loại phim giáo dục có mức đánh giá là PG (Parents Guided).- Nhà xuất bản Kinh Thánh “American Bible Society” đã từ chối in bìa quyển sách với tựa đề Jesus Loves Porn Stars và hàng chữ “Tin Mừng Tân Ước” được ghi bên dưới như vậy mặc dù họ ủng hộ cách làm vì sợ rằng bìa sách sẽ làm người đọc hiểu lầm nếu không muốn nói là “dẫn đường cho hươu chạy”. NavPress cho rằng đây là cuốn Kinh Thánh được in ra để dành riêng cho những con người không hoàn hảo (Họ không dùng từ “những người tội lỗi” bởi vì theo họ “trong chúng ta ai là người hoàn hảo?”)
Trần Bá Nguyệt
Tự lập là một trong những đức tính nhân bản trong tiến trình thành nhân của một con người. Sống tự lập luôn cần tới khả năng tự chủ để vương tới sự tự do đích thực là không bị nô lệ cho bản năng, cho hoàn cảnh, cho bất cứ chủ thể nào. Vì thế, theo tôi, tự lập – tự chủ – tự do luôn gắn liền với nhau để làm rõ nghĩa cho nhau.
Theo quan điểm này, tôi rất cảm phục sự chọn lựa của em sinh viên, con một ông giám đốc, đã tự khẳng định mình trong việc “tự kiếm sống” để đi học. Những thái độ sống tự lập để phát triển nhân cách này phải hướng tới mục tiêu xây dựng những tương quan lành mạnh, an vui với gia đình, bạn bè và môi trường sống. Trái lại, nếu ai đó vịn vào hai chữ “tự lập” để sống cô lập, ích kỷ hay tách khỏi gia đình để sống buông thả, hưởng thụ thì cuộc sống người đó thật cô đơn, trống rỗng không có ý nghĩa. Vì nhân cách con người không thể thiếu hai yếu tố: sống trung thực với chính mình và sống yêu thương. Như thế, sống tự lập luôn thể hiện một cái TÂM trong sáng và nhân ái, không ngụy trang cho cái tôi ích kỷ nhưng luôn biết hy sinh quên mình để kiến tạo hạnh phúc đích thực cho bản thân, gia đình và xã hội.
Marcel Legaul, nhà văn hiện đại người Pháp trong tác phẩm: “Con người đi tìm nhân cách của mình” đã nói đến sáu đặc điểm của một nhân cách trưởng thành như sau:
Chế ngự được những tâm trạng và những thúc đẩy của lòng mình.
Không làm nô lệ cho bản năng bất cứ dưới dạng ý thức hệ nào.
Đặt ra được một khoảng cách giữa mình và biến cố, không vui quá hay buồn quá đến độ quên bản thân.
Không chạy theo cách suy nghĩ xung quanh mình nhưng luôn luôn tự hỏi mình đang nghĩ gì?
Sống trung thực với lương tâm vì lương tâm là một cái gì duy nhất tuyệt đối mà chúng ta có ở trên đời này nên cần luôn trung thực với lương tâm và trung thành cho đến chết.
Coi tuyệt đối là một điều tất yếu không ai cưỡng lại được vì không ai uốn cong sự liêm khiết của trí tuệ mà không làm lệch lạc lương tâm và không làm hư con người mình.
Chúng ta nhận thấy Marcel Legaul đặc biệt nhấn mạnh đến thái độ tự do làm chủ của một nhân cách. Đó là con người mà trong bất cứ hoàn cảnh sống nào cũng đều có thể chọn cho mình một ý nghĩa sống để thể hiện mình. Thái độ tự do làm chủ đó trở nên một sức mạnh nội tâm giúp họ luôn có sáng kiến và nghị lực mới để tự giải quyết những vấn đề của mình trong một tinh thần trách nhiệm cao nhất với bản thân và với cuộc đời.
Nhưng để có thể sống tự lập, mỗi người đều cần được giáo dục trong gia đình, học đường và xã hội. Trong gia đình, trẻ em cần được hướng dẫn để có thể tự phục vụ những nhu cầu cá nhân của mình, cần được giải thích để biết phân biệt điều tốt, điều xấu để các em có thể say mê vươn tới những mục đích cao đẹp để thể hiện mình vì biết nói không với điều xấu, nói không với những tình cảm không lành mạnh và những môi trường không lành mạnh. Trong học đường, nên phổ biến rộng rãi phương pháp giáo dục chủ động để học sinh tự lập trong học tập, dám suy nghĩ và chịu trách nhiệm về những chọn lựa của mình. Đặc biệt đối với mỗi bạn trẻ, cần phải tự rèn luyện tính tự lập cho mình, cụ thể như việc tự phục vụ nhu cầu cá nhân của mình, tự học hỏi nghiên cứu để có một sự hiểu biết chính xác tuyệt đối, không quay cóp, nhờ cậy bạn bè trong các kỳ thi. Trên thực tế, không ít các bạn con nhà giàu thích leo lên những cây vàng của ba mẹ mình hơn là trở thành một chủ thể tự lập, một nhân cách trưởng thành.
Nt. Têresa Phạm Thị Oanh
Chuyên Viên Tư Vấn Tâm Lý GD và Tình Yêu HNGĐ
LINH MỤC, CHÚA KI-TÔ THỨ HAI
KHI CỬ HÀNH THÁNH LỄ VÀ CÁC BÍ TÍCH
Trong hiến chế tín lý về Giáo Hội “Ánh sáng muôn dân”, thánh công đồng Va-ti-can
II dạy rằng: “Chức linh mục thừa tác không những có chức năng đại diện cho
Chúa Ki-tô –Đầu của Giáo Hội- đối diện với cộng đoàn tín hữu, nhưng còn có nhiệm
vụ hành động nhân danh toàn thể Giáo Hội khi dâng lên Thiên Chúa lời cầu nguyện
của Giáo Hội, và nhất là khi dâng Thánh Lễ” (sách GLCG số 1552). Mà quả thật
là như vậy, ở đâu có linh mục thì ở đó quy tụ được thành phần những kẻ tin vào
Chúa Giê-su, và khi linh mục cử hành thánh lễ thì chính ngài là một Chúa Ki-tô
thứ hai đang dang tay trên thánh giá, không phải để diễn kịch, nhưng là để hiến
tế, ban ơn, tha tội và quy tụ con cái Chúa đang tản mát khắp nơi (kinh Tiền Tụng
3) về một mối.
Các linh mục khi ý thức được chức thánh mà mình đã lãnh nhận, không phải chỉ
nhất thời theo nhu cầu của hoàn cảnh, nhưng là vĩnh viễn, thì các ngài cũng ý
thức rằng, bổn phận và trách nhiệm của mình không phải chỉ một thời hạn ngắn,
nhưng là liên tục không ngừng cho tới khi Chúa Giê-su lại đến, dù cho khi không
thi hành phận vụ cử hành các bí tích. Bởi vì, ơn thánh bởi bí tích Truyền Chức
Thánh không ngừng tuôn đổ xuống trong tâm hồn nhiệt thành của các ngài, và Thánh
Thần vẫn không ngừng hoạt động nơi các ngài, để các ngài –bất kì lúc nào- cũng
luôn đáp ứng nhu cầu thiêng liêng của đoàn Dân Chúa đã trao phó cho mình cai
quản, thánh hóa và giáo huấn. Do đó, nét nổi bật nhất mà người tín hữu nhìn thấy
Chúa Ki-tô nơi các ngài, là lúc các ngài cử hành các Bí Tích và Thánh Lễ, vì
chính khi cử hành các Bí Tích và Thánh Lễ, thì dù cho vị linh mục đó là ai, là
già hay trẻ, là mới chịu chức hay chịu chức đã lâu, thì các ngài vẫn là vị tư tế
của Tân Ước, là chủ tế của cuộc hiến tế không đổ máu trên bàn thờ, là Đầu của
một cộng đoàn đang hiện diện, và là một Chúa Ki-tô thứ hai đang cử hành các mầu
nhiệm thánh.
A. CỬ HÀNH THÁNH LỄ
Bữa tiệc nào cũng có hai phần: giới thiệu, trò chuyện thân tình và ăn uống, và
một vị chủ tiệc.
Hi tế nào cũng có hai giai đoạn: chúc tụng, tạ ơn, cầu xin và hiến dâng lễ vật, và một vị chủ tế.
Thánh Lễ nào cũng có hai phần: phụng vụ Lời Chúa và phụng vụ Thánh Thể, và một vị tư tế.
Thánh Lễ chính là bữa tiệc Nước Trời, là hi tế của Chúa Giê-su hiến dâng lên Chúa Cha, cho nên phụng vụ tự nó là một việc thánh thiêng mà con người –qua Giáo Hội- cử hành cách công khai để tôn vinh Thiên Chúa, và cảm tạ tình yêu thương của Ngài dành cho nhân loại, cho nên, thánh công đồng Va-ti-can II dạy rằng: “Phụng Vụ đáng được xem là việc thực thi chức tư tế của Chúa Giê-su Ki-tô, trong đó công cuộc thánh hóa con người được biểu tượng nhờ những dấu chỉ khả giác và được thể hiện hữu hiệu cách khác nhau theo từng dấu chỉ..... Do đó, vì là công việc của Chúa Ki-tô tư tế và Thân Thể của Người là Giáo Hội, nên mọi việc cử hành phụng vụ đều là hành vi chí thánh...” (Hiến chế PV số 2). Là vị tư tế được chọn giữa con người để thay mặt Chúa Ki-tô, chủ tế những buổi hội họp phụng tự của Dân Chúa, người linh mục phải luôn luôn xét thấy mình bất xứng với chức vụ thánh, mà Chúa Ki-tô đã ủy thác để tiếp nối sứ mạng của Ngài tại trần gian. Các linh mục phải luôn làm cho tư tưởng và hành vi của mình tỏa nét sáng ngời của Chúa Ki-tô khi cử hành Phụng Vụ Thánh, mà cụ thể là việc cử hành Thánh Lễ và các Bí Tích.
Có nhiều giáo dân đến nhà thờ để tham dự các nghi thức Phụng Vụ hoặc Thánh Lễ, với ý thức và lòng cảm tạ sâu xa đối với tình thương hải hà của Thiên Chúa, nhưng đôi lúc chính họ cảm thấy thất vọng, và như bị xúc phạm đến tận sâu xa trong đức tin của mình, khi họ thấy linh mục chủ tế không chuẩn bị cho việc cử hành thánh lễ, họ thấy ngài dâng thánh lễ theo thói quen lập đi lập lại cách máy móc không có tâm tình cử hành phụng vụ thánh, tùy tiện phát ngôn trong thánh lễ không theo quy định của Giáo Hội về lễ nghi, và tệ hại hơn nữa là chính việc cử hành Phụng Vụ Thánh cách vô hồn ấy của một số linh mục, làm cho giáo dân giảm thiểu lòng yêu mến việc thờ phượng Thiên Chúa, mà khi lòng mến đã giảm bớt thì đức tin cũng từ từ tắt ngúm nơi họ luôn.
Giáo dân khi tham dự thánh lễ thì chỉ biết linh mục là vị đại diện của Chúa
Ki-tô để dâng thánh lễ tạ ơn mà thôi, như thế cũng đủ lắm rồi, nhưng chính linh
mục phải làm cho họ biết rõ ràng hơn không phải ngài chỉ là đại diện Chúa Giê-su
mà thôi, nhưng còn là một Chúa Ki-tô thứ hai đang cử hành hiến tế tạ ơn, tiếp
tục hy lễ Thập Giá ngày xưa trên núi Sọ. Trong đôi bàn tay của linh mục, cũng
một tấm bánh ấy, cũng một chén rượu nho ấy, cũng một lời nói ấy mà tất cả đã trở
nên Mình và Máu Thánh của Chúa Giê-su –vị đại tư tế muôn đời- làm lễ vật cao quý
dâng lên Chúa Cha để cứu chuộc và tha tội cho nhân loại. Không còn hình ảnh nào
thánh thiêng cho bằng, không có giây phút nào trang nghiêm cho bằng khi linh mục
hai tay nâng Mình Máu Chúa Giê-su lên cao, để tất cả mọi loài trên trời dưới đất
chiêm ngắm và thờ lạy.
Vì sự cao cả ấy của thiên chức linh mục, mà tất cả những ai được gọi phục vụ bàn
tiệc của Chúa, phải nêu gương sáng ngời trong cách ăn nết ở của mình, để Chúa
Ki-tô “yên lòng” ở trong đôi bàn tay của linh mục, và để các Ki-tô hữu càng thấy
rõ sự cao cả của mầu nhiệm hy tế hơn, bởi đó mà thánh Gioan Ca-pét-ra-nô linh
mục nói rằng: “Đúng là thiên hạ sẽ chà đạp giáo sĩ nào hoen ố và nhớp nhơ,
chìm ngập trong vũng bùn thói hư tật xấu, bị xích xiềng tội ác trói buộc, và nên
như phân dơ hôi hám khiến bị coi là chẳng còn ích lợi chi cho mình hay cho người
khác nữa. Thánh Ghê-gô-ri-ô nói: “Sống mà đáng khinh thì dĩ nhiên giảng cũng
đáng chê” , người ta có lý do của họ khi phê phán linh mục cử hành Thánh Lễ
không trang nghiêm không sốt sắng, bởi vì họ đã nhận ra sự cao quý của Thánh Lễ,
còn linh mục tại sao không nhận ra điều ấy khi cử hành Thánh Lễ ?
LỜI KẾT
Em thân mến,
Trên đây là những suy tư và cảm nghiệm của anh về “Linh mục, Chúa Ki-tô thứ
hai” mà anh đã chia sẻ với em, bởi vì em muốn sau này trở thành một linh mục
tốt lành thánh thiện để phục vụ Chúa Giê-su nơi tha nhân, và để rao giảng Lời
Chúa cho mọi người. Tất cả chia sẻ của anh trên đây chỉ là những cảm nghiệm nho
nhỏ trong đời sống linh mục của anh, sau này, khi em được vào học trong Chủng
Viện, hay trong một học viện của một dòng tu nào đó, thì em sẽ được dạy dỗ, được
đọc những tác phẩm vĩ đại nói về thiên chức linh mục và sự cao quý của linh mục,
thì em sẽ yêu mến thiên chức linh mục và thông cảm với các linh mục là những
người đang ngày đêm canh giữ đàn chiên mình cho khỏi sói rừng là ma quỷ và những
cám dỗ.
Ngay bây giờ, nếu em vẫn con ước vọng đi tu làm linh mục để phụng sự Thiên Chúa,
thì em hãy tập sống như mình đã là linh mục, tức là tập cầu nguyện, tập đọc sách
thiêng liêng, tập chia sẻ vật chất lẫn tinh thần, tập cách ăn nói khiêm tốn, tập
có thái độ hiền hòa vui vẻ.v.v...bởi vì nếu khi em đã làm linh mục mà chưa có
những kiến thức căn bản đó, thì chức linh mục của em chỉ là gánh nặng cho giáo
dân của em mà thôi, và người ta chỉ thấy em làm linh mục là để thụ hưởng hơn là
một mục tử tận tụy vì đàn chiên.
Anh thấy có một vài linh mục trẻ, đẹp trai, nhưng giáo dân lại không mấy thích
các ngài, kể cả các bạn trẻ nam nữ, đó là điều “quái lạ” đối với anh, vì giáo
dân nào lại không thích ông cha của mình trẻ trung đẹp trai chứ ? Lý do như sau:
- Các ngài ăn mặc trau chuốt hơn cả thanh niên ngoài đời: tóc tai láng cón, áo
quần luôn là (ủi) thẳng nếp như là luôn chuẩn bị đi ăn tiệc. “Linh mục, Chúa
Ki-tô thứ hai” đâu cần phải trau chuốt như thế.
- Các ngài ăn uống kén chọn hơn những công tử con nhà giàu có, giáo dân đem biếu
thức ăn gì cũng lấy nhưng chê không hợp khẩu vị, thế là bỏ tủ lạnh vài ngày
rồi...quăng thùng rác. “Linh mục, Chúa Ki-tô thứ hai” đâu phải như vậy.
- Các ngài ăn nói thì như ông cụ non, tính tình thay đổi thất thường, vui đó
giận đó. “Linh mục, Chúa Ki-tô thứ hai” đâu phải như vậy...
Ngay bây giờ em cố gắng tập sống
bình dị với mọi người, thấy khuyết điểm nơi các linh mục thì tự nhủ mình sẽ
không như vậy khi làm linh mục, có như thế con người em mới thăng tiến mỗi ngày.
“Linh mục, Chúa Ki-tô thứ hai” không phải là câu nói ba láp như những
người có thành kiến với các linh mục đã phê bình, nhưng hể tất cả những ai có
đức tin và lòng yêu mến Hội Thánh của Chúa Giê-su thì đều thấy nó có lý, khi họ
suy tư về những công việc mà các linh mục đã làm cho chính linh hồn của họ. Chắc
chắn bản thân các linh mục không phải là Chúa Ki-tô, nhưng nhờ bí tích Rửa Tội
và bí tích Truyền Chức Thánh mà các ngài đã được trở nên đồng hình đồng dạng với
Chúa Giê-su khi cử hành các mầu nhiệm thánh, tức là dâng thánh lễ và ban các Bí
Tích cho giáo hữu. Em phải tin điều đó, và suy tư thật nhiều về điều ấy, để biện
minh, phản bác những ai cho rằng bí tích Truyền Chức Thánh chỉ là giai cấp thống
trị mà Giáo Hội đặt ra để cai trị...
Sau cùng, anh nhắc lại cho em một lần nữa, em hãy cầu nguyện luôn để tìm hiểu
thánh ý Chúa muốn em làm gì ? Nếu Ngài muốn em trở thành một linh mục thì em hãy
sống thật xứng đáng là linh mục ngay từ bây giờ, trước khi làm linh mục; còn nếu
Ngài muốn em sống bậc giáo dân, thì em hãy luôn yêu mến và kính trọng thiên chức
linh mục, cũng như quý trọng các linh mục của Chúa Giê-su, và nhớ luôn luôn cầu
nguyện cho các ngài, để các ngài luôn xứng đáng là một “Chúa Ki-tô thứ hai”
của mọi người và cho mọi người. Em cũng nhớ luôn cầu nguyện cho anh.
Lạy Chúa Giê-su linh mục,
vì yêu thương nhân loại tội lỗi
mà Chúa đã lập ra bí tích Truyền Chức Thánh,
để Giáo Hội Chúa được tồn tại đến khi Chúa lại đến,
để Giáo Hội tiếp tục sứ mạng cứu độ của Chúa
ở trần gian,
và để dâng lễ hi tế cứu chuộc
để thế gian, nhờ Giáo Hội Chúa
mà được hưởng những ơn lành Chúa ban cho.
Xin Chúa ban cho các linh mục của Chúa,
là những người mà Chúa đã chọn,
không phải để cai trị, nhưng là để phục vụ,
không phải để hưởng thụ, nhưng là để chia sẻ với tha nhân những vui buồn.
Xin ban cho các ngài có tâm hồn cao thượng,
Yêu thương và cảm thông,
để các ngài trở nên một “Chúa Ki-tô thứ hai” giữa đời và cho đời,
để các ngài đưa tay chúc phúc cho người bất hạnh,
nói lời an ủi với người khổ đau,
bênh vực những người bị áp bức,
để họ nhìn thấy Chúa,
trong mọi lời nói và việc làm của các ngài. Amen.
Lễ thánh Ignatius,
Bổn mạng Lm. Nghĩa Phụ.
31.7.2006
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Thư giãn cuối tuần
Tại tiệm thuốc tây.
MR: Cô ơi, bán cho cháu một lọ thuốc trị ghẻ ngứa, thằng em cháu khóc suốt ngày.
Chủ tiệm: Em cháu mấy tuổi?
MR: Dạ, nó mới ba tháng.
Chủ tiệm: Ô, con nít không được dùng thuốc này.
MR: Dạ, không phải nó mà là cháu, nó khóc hoài, cháu phải bế nó nên không gãi được!
MỤC TIÊU
Một anh chàng tân SV đề ra mục tiêu.
- Năm nhất: “Bằng mọi giá giành học bổng”.
- Năm hai: “Cố gắng đừng thi lại !”
Và đến năm thứ ba thì...
- Năm ba: “Thi lại vừa phải thôi!”
T. THÙY (Nghệ An)
HỒ NÀO?
AD: Nè ông, sáng nào tui cũng chạy quanh hồ 30 vòng đấy!
MR (nghi ngờ): Gần nhà bà có cái hồ nào đâu?
AD: Sao không, hồ cá cảnh trong sân nhà tui đó!
NGỌC THẢO (Bình Long)
CHỤC TRÁI TIM
MR1: Sinh nhật nàng, tao vẽ mũi tên xuyên qua hàng chục trái tim rồi gửi cho nàng !
MR2: Tỏ tình mãnh liệt dữ, rồi nàng trả lời sao ?
MR1: Nàng gửi thư hỏi tao: “Xâu thịt dê anh gửi cho em có ý nghĩa gì vậy?”.
T. HIỀN (Tiền Giang)