Web site:www.tinvui.org E-mail : bantreconggiao@yahoo.com
Mục lục
Tổng Giáo Phận Sàigòn tổ chức buổi cầu nguyện và thánh lễ cầu nguyện cho các bệnh nhân HIV/AIDS.
Thông Báo Về Lễ Truyền Chức Linh Mục
Hành trang vào đời – Nói chuyện về tình yêu XÂY DỰNG MỘT MỐI QUAN HỆ ĐÍCH THẬT
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI của Lm Đỗ Văn Thiêm
Chúa Nhật XXXII Thường Niên B
12/11/2006
Tin Mừng (Mc 12, 38-44)
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng dân chúng trong khi giảng dạy rằng: "Các ngươi hãy coi chừng bọn luật sĩ. Họ thích đi lại trong bộ áo thụng, ưa được bái chào ngoài công trường, chiếm những ghế nhất trong hội đường và trong đám tiệc. Họ giả bộ đọc kinh dài để nuốt hết tài sản của các bà góa: Họ sẽ bị kết án nghiêm nhặt hơn". Chúa Giêsu ngồi đối diện với hòm tiền, quan sát dân chúng bỏ tiền vào hòm, và có lắm người giàu bỏ nhiều tiền. Chợt có một bà góa nghèo đến bỏ hai đồng tiền là một phần tư xu. Người liền gọi các môn đệ và bảo: "Thầy nói thật với các con: Trong những người đã bỏ tiền vào hòm, bà góa nghèo này đã bỏ nhiều hơn hết. Vì tất cả những người kia bỏ của mình dư thừa, còn bà này đang túng thiếu, đã bỏ tất cả những gì mình có để nuôi sống".
Cách đây vài năm, có một sự kiện mà mọi người nghe đều cảm thấy bàng hoàng: Cô người mẫu Thu Trâm bị mẹ ruột đổ dầu sôi lên khuôn mặt rất xinh đẹp của cô. Vì sao lại xảy ra chuyện kinh khủng như thế? Mẹ của Thu Trâm kể: Vì con gái bà khinh miệt bà nghèo khổ, tảo tần. Cô ta lớn lên, có nhan sắc, có nghề nghiệp, nổi tiếng, gần đây lại được chọn thi hoa hậu châu Á…, Nhưng thay vì thương mẹ, biết ơn mẹ, cô đã quá nhiều lần xúc phạm mẹ mình, chỉ vì mẹ của cô quá nghèo, chỉ được xem là cấp thấp. Bà không chịu nổi thái độ vô ơn, vô lễ của con mình. Bà muốn trả lại sự công bằng: Nhan sắc của đức con gái mà chính bà sinh ra, bà đòi lại.
Thái độ trọng sang, khinh bần cũng chính là thái độ của chúng ta. Chúng ta cứ xem lại mình, sẽ thấy ngay: Nhiều lần đối diện với những anh chị em nghèo khó, chúng ta cố tình từ chối họ. Từ nhà xứ, nhà dòng, đến nhà riêng, biết bao nhiêu lần chúng ta đóng chặt cửa để khỏi phải nhìn thấy, khỏi phải giúp đỡ anh chị em đang cần sự giúp đỡ của mình. Thậm chí, ta còn nặng lời xua đuổi, chửi bới, lắm khi đuổi thẳng thừng những ai mang phận nghèo đến với ta. Đóng kín cửa nhà như thế, chính là lúc ta đóng lại chính lòng mình, đóng chính tâm hồn mình.
Bài Tin Mừng hôm nay, Chúa dạy chúng ta bài học của lòng yêu thương, của sự tôn trọng đối với người nghèo. Chỉ với hai đồng tiền kẽm, giá trị của nó chỉ bằng một phần tư (1/4) xu, mà người đàn bà góa nghèo đã bỏ vào thùng tiền, Chúa Giêsu đã khen ngợi hết lời: “Bà đã bỏ vào thùng tiền nhiều nhất… Bà đã lấy cái túng thiếu của mình mà bỏ vào đó tất cả tài sản, tất cả những gì có để sống ”. Nói đúng hơn, khi bà bỏ vào thùng tiền tất cả những gì có để sống, có nghĩa là bà đã bỏ vào đó chính mạng sống của mình.
Chúa không nhìn bên ngoài, nhưng luôn đánh giá con người dựa trên chính tâm hồn của họ. Chúa nhìn thấy tâm hồn quảng đại của bà góa nghèo. Chúa tôn trọng, và còn hơn cả sự tôn trọng: Chúa vinh danh, Chúa ca ngợi, Chúa yêu thương chính cái nghèo nhưng rất đỗi giàu lòng của bà.
Ước gì chúng ta luôn có tâm hồn quảng đại của bà góa nghèo, luôn có một tình yêu dành cho người nghèo như Chúa Kitô, và hãy loại trừ thái độ kiêu căn, hách dịc mà người mẫu Thu Trâm là một trong rất nhiều những bằng chứng đáng chê trách như thế.
Lạy Chúa, xin cho chúng con biết yêu thương mọi người, nhất là những người nghèo khổ, những người cơ nhỡ, bất hạnh xung quanh chúng con. Xin cho chúng con biết yêu thương những anh chị em thiếu thốn, chứ không khinh thường họ. Lạy Chúa, xin cho chúng con mặc lấy cái nhìn của Chúa, để chỉ biết đánh giá anh em con dựa vào tấm lòng của họ, chứ không phải dựa vào của cải họ có. Amen.
Lm. VŨ XUÂN HẠNH
(Theo tài liệu Giờ Kinh Gia Đình Với Lời Chúa của giáo phận Phú Cường)
Trong cuộc sống, suy tư phải đi trước hành động. Như muốn xây nhà, người ta phải suy nghĩ trước về cái nhà mình muốn xây. Sau đó mới đến hành động xây.
Trong các cải cách tôn giáo, suy tư giữ vị trí cực kỳ quan trọng. Suy nghĩ chín chắn trước về mọi mặt, rồi mới bắt đầu thực thi cải cách.
Trong các đổi mới chính trị, những suy tư về đổi mới phải được gieo trồng rộng rãi một thời gian dài trước, rồi hành động sẽ khởi sự từ từ sau.
Suy tư giữ vai trò rất quan trọng trong việc xây dựng bản thân, và các liên hệ xã hội. Suy tư cũng là thước đo, để đánh giá một nền văn hoá, những tiềm năng tiến triển của một giáo hội và một xã hội.
Với vài nhận thức sơ sài như trên, tôi thành thực giãi bày ưu tư của tôi về tương lai đời đạo tại Việt Nam hôm nay.
Ưu tư của tôi phát sinh từ cái nhìn về những truyền thống suy tư còn khá phổ biến ở nhiều nơi.
Để phác hoạ những truyền thống đó thành những điển hình dễ hiểu, tôi mạn phép phân các cách suy tư đó thành ba loại.
1/ Suy tư nhất trí
Đặc điểm của loại suy tư này là mọi người đều suy tư giống nhau. Giống như kiểu trong một cuộc họp, mọi người đều mặc đồng phục như nhau, mọi người đều vỗ tay đúng kiểu như nhau, mọi người cùng hô các khẩu hiệu nhịp nhàng như nhau, mọi người cùng nhất trí hoàn toàn như nhau. Thực ra, mọi người đều ngoan ngoãn vâng lệnh một người.
Động lực gây nên sự nhất trí về suy tư nhiều khi là tình thương mến nhau, hoặc để dễ điều hành việc chung. Người hướng dẫn suy tư được coi là có thẩm quyền. Chính người được phong thần như thế cũng thầm mong muốn như vậy. Mình suy tư thay cho tất cả.
Cảnh nhất trí này, khi đã thành một nếp sống, sẽ dễ làm cho các thành phần trong cộng đoàn trở nên thụ động, nghèo nàn, ấu trĩ về đời sống tinh thần. Họ không còn cảm thấy nhu cầu tự học hỏi, tìm tòi, khám phá, chọn lựa.
Trước thói quen suy tư thụ động kể trên, chúng ta nên làm gì? Tôi xin mượn lời Chúa Giêsu phán xưa trước thi hài Ladarô: "Hãy cởi khăn và vải bọc xác anh, rồi để anh ấy đi" (Ga 11,44).
Trong nhiều cộng đoàn, người ta cũng dùng những chiếc khăn và vải vô hình nào đó để trói buộc tinh thần người khác. Không phải vì ghét, nhưng tưởng như thế là để tỏ tình thương đối với họ, và nhất là để mưu ích cho cộng đoàn. Nhưng hãy cởi trói cho nhau. Để mỗi người con Chúa tập sống trưởng thành trong sự phát triển tiềm năng suy tư riêng một cách hợp lý.
Lịch sử đang bước vào thời điểm đối thoại, cạnh tranh. Ai kém về suy tư sẽ thua thiệt. Bên cạnh loại hình suy tư tự động hoàn toàn nhất trí, là loại hình suy tư áp đặt.
2/ Suy tư áp đặt
Cộng đoàn cần sống trong trật tự. Trật tự và quyền bính phải được coi là những nhân tố giáo dục về tự do và bác ái. Tất nhiên là phải có sự vâng lời. Nhưng vâng lời là một lựa chọn, dấu ấn của sự tự do của ta. Nó không chỉ là sự vâng giữ luật, nhưng sâu hơn nó diễn tả một cách sống của người môn đệ Chúa. Họ luôn lắng nghe Chúa và luôn giữ liên hệ mật thiết với Chúa giữa cộng đoàn và qua cộng đoàn bác ái.
"Thầy không còn gọi chúng con là tôi tớ nữa, vì tôi tớ không biết việc chủ làm. Nhưng Thầy gọi chúng con là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha Thầy, thì Thầy đã cho chúng con biết" (Ga 15,15).
Trong tinh thần đó, mọi suy tư, dù của ai trong cộng đoàn, đều không nên có tính cách áp đặt, hăm dọa, cưỡng bức, nhất là một cách thô bạo.
Chúa Giêsu đã làm gương về thái độ đó. Ngay đối với Giuđa, kẻ phản bội bán Người, Người đã rất nhẹ lời khi cảnh cáo. Cũng như đối với thánh Phêrô, dù biết trước lỗi lầm ngài sẽ phạm, Chúa vẫn chỉ cảnh báo và khuyên ngài hãy tỉnh thức và cầu nguyện. Những hình thức đe loi, nhục mạ, phỉ báng để áp đặt suy nghĩ riêng mình đang được xóa bỏ trong cộng đoàn xã hội văn minh. Phương chi trong cộng đoàn những người con Chúa.
Sau cùng, cũng nên nói sơ qua về một loại hình nữa về suy tư cũng khá phổ biến hiện nay, đó là suy tư theo chiều gió.
3/ Suy tư theo chiều gió
Hơn bao giờ hết, thời đại này đang sống với mọi thứ phong trào, như trong đủ thứ gió luôn xoay chiều. Suy tư này phản suy tư kia.
Suy tư kia liên minh với suy tư nọ.
Có những suy tư chẳng biết xuất phát từ đâu, nhưng người ta gọi nó chung chung là dư luận. Dư luận như một cơn gió, thổi qua đâu thì lại ôm theo mình những gì mình gặp. Tốt có, xấu có. Vô số người hằng ngày bị dư luận hướng dẫn về mọi mặt đạo đời. Ảnh hưởng của dư luận nhiều khi cũng đã biến đổi nhiều môn đệ Chúa. Họ vô tình có những chọn lựa, những cách nhìn, những phán đoán, chỉ để hợp với dư luận. Mạnh đâu theo đó.
Trong một tình hình như thế, thiết tưởng chúng ta phải cương quyết nhận Chúa Giêsu là gương mẫu đời ta. "Phần Ta, Ta đến để cho chiên được sống, và sống dồi dào" (Ga 10,10). Tôi vững tin lời trên đây. Chúa phán xưa và cũng đang phán hôm nay. Tôi cũng vững tin: Chúa đem lại sự sống dồi dào cho chúng ta, cho dù chúng ta "phải như hạt lúa gieo vào lòng đất, nếu nó không chết đi, thì nó sẽ trơ trọi một mình. Còn nếu nó chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác" (Ga 12,24).
Để kết, tôi xin nói lên ưu tư sau cùng của tôi: Các vấn đề về phát triển Đất nước và Giáo Hội tại Việt Nam hôm nay, đã và đang được ta suy tư như thế nào? Xin Chúa ban cho ta biết khiêm nhường đón nhận sự thật về thánh ý Chúa cho một kế hoạch lâu dài. Tương lai sẽ tuỳ thuộc một phần ở những suy tư của ta hôm nay.
ĐGM. GB Bùi Tuần
Cùng Năm Tay Và Tiến Bước.
Tin Saigòn, Việt Nam - (4/11/2006) - Chiều ngày 04 tháng 11 năm 2006, tại Nhà Thờ Mai Khôi, số 44 Tú Xương, Q.3, Tp. Sàigòn, Ban mục vụ chăm sóc người có HIV/AIDS của Tổng Giáo Phận Sàigòn đã tổ chức buổi cầu nguyện và thánh lễ cầu nguyện cho các bệnh nhân, cho những anh chị em đang phục vụ và đặc biệt tháng các linh hồn cầu cho những anh chị em đã qua đời vì căn bệnh thế kỷ.
Căn bệnh thế kỷ - AIDS - những năm gần đây đang là một thách đố của thế giới và đặc biệt tại những nước nghèo. Theo tổ chức Y Tế Thế Giới, hiện nay trên toàn cầu có 46 triệu người đang sống với HIV/AIDS, trong đó có 2.9 triệu trẻ em. Trung bình mỗi ngày có trên 12,000 người chết do bệnh AIDS.
Riêng ở Việt Nam, theo ước tính của Bộ Y tế (Báo Tuổi Trẻ ngày 27-11-2004) có 86,817 người nhiễm HIV, 13,732 người AIDS, 7,915 người đã chết. Trung bình cứ 75 gia đình thì có một người nhiễm HIV. Ða số người nhiễm bệnh đều rất trẻ (62% ở độ tuổi 20-29). Tốc độ lây lan rất nhanh, gây nguy hiểm cho mọi người, thiệt hại nặng nề cho dân tộc cũng như Giáo hội Việt Nam.
Một con số thống kê cách đây đã hai năm nhưng đủ làm nhức nhối tâm hồn của những người dân Việt. Giáo Hội Việt Nam cùng thao thức với những khắc khoải của thời đại, cùng chia sẻ những khó khăn của những người con đất Việt đang gặp phải và ban mục vụ chăm sóc người có AIDS của toà Tổng Giám Mục Sàigòn đã hịên diện và cảm thông cùng anh chị em bệnh nhân. Lần đầu tiên có một thánh lễ cầu nguyện cho những anh chị em mắc bệnh AIDS đã qua đời được tổ chức tại Tp. Sàigòn.
Trước 4g chiều trong khuôn viên nhà thờ tiếng nô đùa của những đứa trẻ làm không khí rộn rã hẳn lên, người lớn cứ để các em tự do cười nói, la hét. Nếu không biết người ta tưởng chúng là con của những người lớn đang ngồi xung quanh đó. Nhưng thực ra đó là những bé ở mái ấm Mai Hoà, những bé mồ côi, cha mẹ đã mất vì căn bệnh quái ác của thời đại. Khuôn viên mỗi lúc chật hẹp hơn, những anh chị em phục vụ đã mang những chồng ghế cuối cùng chứa trong kho để dành cho mọi người nhưng vẫn còn nhiều người phải đứng. Sự hiện diện của anh chị em bệnh nhân của hơn 28 nhóm như: Mai Hoà, Mai Tâm, Mai Anh, Xuân Vinh, Tiếng Vọng, Naza, Thảo Ðàn, Nụ Cười v.v... cũng như của các anh chị thiện nguyện viên và gia đình thân hữu của bệnh nhân cũng như của anh chị em đã qua đời đã làm khuôn viên tu viện Mai Khôi như nhỏ bé lại.
Bên cạnh bàn thờ là hai câu lời Chúa viết thật lớn bằng nét thư pháp mềm mại: "Tôi là sự sống lại và là sự sống, ai tin tôi sẽ không chết đời đời", "Sự sống chỉ thay đổi mà không mất đi" như nhắn nhủ với mọi người rằng: Thân xác của tôi cũng như mọi người đều phải theo tiến trình sinh lão bệnh tử. Nhưng nhờ Ðức Kitô Phục Sinh, thân xác này sẽ được sống lại và biến đổi hoàn toàn để mặc lấy vinh quang.
Ðúng 16g15 phút, khi thành phố bắt đầu nhộn nhịp, xe cộ tấp nập trên đường, thì trong khuôn viên tu viện Mai Khôi cả cộng đoàn cùng cất lên hát bài nhập lễ: "Con hãy nhớ rằng: Ðức Giêsu Kitô từ trong kẻ chết, Người đã Phục Sinh. Chúa là ơn cứu độ của ta, nguồn vinh quang muôn đời của ta...". Lời ca của mọi người thật hùng hồn sống động và từng lời hát như làm cho mỗi người xác tín hơn vào ơn gọi làm Kitô hữu của mình.
Trong lời mở đầu trước thánh lễ, cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp dòng Ðaminh hướng mọi người cầu nguyện cho anh chị em bệnh nhân, họ rất cần lời cầu nguyện, cần sự cảm thông nâng đỡ thể xác, tinh thần và sức mạnh tâm linh, đặc biệt là tưởng nhớ những anh chị em bêﮨ nhân đã về cùng Chúa trước chúng ta.
Trong bài giảng, cha chủ tế ngỏ lời với cộng đoàn rằng, đây là lần đầu tiên tổ chức cầu nguyện cho những người đã mất vì căn bệnh thế kỷ. Hôm nay trước bàn thờ là 6 bộ hài cốt và một di ảnh, nhưng đây chỉ là hình ảnh tượng trưng cho hàng trăm người đã chết tức tưởi vì căn bệnh này. Cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn trong lời một bài hát đã viết: "người chết nối linh thiêng vào đời". Thường thì người ta cho rằng chết là hết, chết là bi thảm. Nhưng người Kitô hữu biết rằng sự sống thay đổi chứ không biến mất, là đi về với ông bà tổ tiên, là đi về Nhà Cha. Trong khi làm công tác thiện nguyện này, các nhóm đã gặp phải nhiều sự từ chối thẳng thừng: nếu có giúp họ chỉ giúp cho những người cùi, phong... còn AIDS (SIDA) thì không bao giờ. Trong bài giảng cha đã xoá cho mọi người không còn ấn tượng xấu về người mắc bệnh, họ là những người đáng thương, cần được sự nâng đỡ.
Trong các trung tâm, nhiều người ở giai đoạn cuối xin theo đạo. Các anh chị chăm sóc hỏi lại: Anh có biết đạo gì không mà xin theo? Anh chị em thiện nguyện nhận được câu trả lời: Không biết đạo gì nhưng chắc là đạo Chúa. Vì trong những lúc con người không còn nơi nào để trông cậy, để bám víu, các anh chị thiện nguyện viên đã hướng dẫn các bệnh nhân kêu cầu lên Chúa. Anh chị em bệnh nhân cảm nghiệm được rằng trong lúc đau khổ nhất của cuộc đời: gia đình bỏ rơi không màng đến, bạn bè thân hữu chẳng có ai, tương lai mù mịt, không còn nơi nương tựa thì các anh chị em tình nguyện vẫn sẵn lòng giúp đỡ, không nề hà, đôi khi chính mình có thể mắc phải căn bệnh này nếu lỡ tay vướng vào ống chích dính máu của bệnh nhân... họ đã xin được làm con của Chúa, và chính Ðức Kitô đã hò hẹn với họ. Một thách đố tương lai cho chúng ta là làm sao càng ít người rơi vào hoàn cảnh của các em càng tốt. Muốn được như vậy phải có nhóm giáo dục dự phòng, nhóm này gồm có các bác sĩ, tâm lý gia, các nhà giáo dục, xã hội học sẽ cung cấp cho giới trẻ các kỹ năng sống hướng dẫn cho các bậc cha mẹ biết cách làm cha làm mẹ. Dự tính đến năm 2007, nhóm dự phòng sẽ chính thức ra đời và đi vào hoạt động.
Trong lúc đọc kinh Lạy Cha, mọi người được mời gọi nắm tay nhau và cùng đọc, tôi cảm nhận được sức nóng từ đôi tay thô ráp của chị bệnh nhân ngồi kế bên như là lời thầm thì xin tôi cầu nguyện. Tôi cũng nắm chặt tay của chị như là lời nhắn gửi xin nhớ đến tôi trong lời cầu nguyện hàng ngày, trong chúng tôi thiết lập một lời giao ước vô hình. Và có lẽ những người dự lễ cũng có một cảm nghiệm ấy như chúng tôi. Cảm động hơn khi tôi nhìn thấy những bạn trẻ bị bệnh được cả cha lẫn mẹ đưa đi dự lễ, bạn đã yếu phải ngồi ghế tham dự thánh lễ và trong lúc đọc kinh Lạy Cha, hai bàn tay của bạn được cha mẹ nắm chắc, nâng lên cao... còn hình ảnh nào đẹp hơn?
Sau thánh lễ, bác sĩ Nguyễn Ðăng Phấn, đại diện ban tổ chức nói lên lời tri ân đến quý cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp, G.B Phương Ðình Toại, cha Lê Quốc Thăng và quý cha đồng tế, quý tu sĩ nam nữ các Dòng, quý ân nhân và mọi người tham dự thánh lễ hôm nay, ban tổ chức rất vui mừng và ngạc nhiên vì sự hiện diện qúa sức tưởng tượng của cộng đoàn. Cho thấy còn rất nhiều tấm lòng nhân ái bao dung và sẵn sàng cộng tác để giúp đỡ những anh chị em đau bệnh. Người bệnh cảm thấy được nâng đỡ thật nhiều trong tinh thần và trong sự hiệp thông.
Sau thánh lễ, mỗi bệnh nhân được tặng một phần quà, dù chỉ ít ỏi với những tuýp kem đánh răng, những bánh xà bông, những gói mì tôm, những bịch bánh kẹo... nhưng ánh mắt của mọi người như rực sáng hơn, nụ cười như rạng rỡ hơn trên những khuôn mặt gầy gầy, hanh hao.
Mọi người ra về hoà với dòng người trên đường phố, nhưng tôi tin chắc rằng không một ai trong chiều hôm ấy lại cảm nghiệm hạnh phúc hơn những người bệnh.
Minh Nguyên
Lời chủ chăn
Ngày nay, đâu đâu nhà thờ cũng đầy người tín hữu.ĐCV và các dòng tu tại Việt Nam cũng đầy ơn gọi. Đó là dấu chỉ gia đình tín hữu Việt Nam là thửa đất màu mỡ đón nhận và vun trồng ơn cứu độ, hạt giống đức tin, hạt giống ơn gọi Kitô hữu. KTH giáo dân, KTH linh mục, KTH tu sĩ. Chúng ta hãy tạ ơn Chúa vì Người thương ban dồi dào hồng ân cứu độ cho các gia đình tín hữu Việt Nam là tế bào của Giáo hội Việt Nam, tế bào của xã hội và của dân tộc Việt Nam.
Thế nhưng, trên thửa đất màu mỡ gia đình hôm nay, xuất hiện nhiều loại sâu rấy đe doạ sự tồn tại của những hạt giống ơn Chúa. Những loại sâu rầy đó là các tệ nạn xã hội, là nạn phá thai, bạo hành và ly dị mỗi ngày một phổ biến hơn. Gia đình hôm nay cần làm gì để có thể vượt qua nạn sâu rầy tàn phá, vừa trở nên thành trì kiên cố bảo vệ những hạt giống ơn Chúa gieo vào lòng gia đình, vì sự vững bền của các gia đình và cũng là của dân tộc chúng ta ?
Bước đầu của kế hoạch yêu thương cứu độ của Chúa Cha là sai Con Một đến trần gian và trao ban Chúa Thánh Thần là suối nguồn tình yêu tăng năng lực cho Chúa Kitô khiêm tốn hy sinh và phẩm giá của loài người. Đó cũng là sứ vụ Thiên Chúa mời gọi gia đình Kitô hữu tiếp tục hoàn thành, vì ơn cứu độ của loài người và của dân tộc chúng ta.
Công trình cứu độ gồm có 2 nhịp : cứu và độ. “ Cứu” là đưa ra khỏi bóng tối của sự dữ, của sự chết. Ngày nay bóng tối đó mang nhiều tên gọi khác nhau : Thánh Phaolô gọi đó là thói thế gian, là dục vọng xác thịt. Phật giáo gọi là than sân si, người đời gọi là các tê nạn xã hội. Đức cố Giáo hoàng Gioan Phaolô II gọi chung là văn hoá sự chết. “Độ” là đựa vào cõi ánh sáng Sụ Thật, Bình An, và Sự sống mới của Chúa Kitô . Ngày nay ánh sáng cứu độ mặc lấy lớp áo mang tên là văn hoá sự sống, văn minh tình thương.
Bước thứ hai của kế hoạch yêu thương cứu độ của Thiên Chúa là Chúa Kitô tự hạ trở nên Con đường dẫn đến sự sống mới, và mời gọi gia đình tến bước trên con đường đó.
Thế gian và dục vọng xác thịt dựng lên những chướng ngại trên con đường đó. Những chướng ngại đó mang tên là những thói thế gian, là lòng tham sân si, là văn hoá sự chết. Chúa Kitô ban cho gia đình Kitô hữu sức mạnh ơn đức tin, sức mạnh của Chúa Thánh Thần, và mời gọi gia đình dùng sức mạnh đó để vượt qua những chưóng ngai trên đường đời, đồng thời cùng nhau kiến tạo nền văn hoá sự sống và văn minh tình thương trên đất nước quê hương mình.
Tiến bước trên con đường Chúa Kitô, gia đình không những trờ nên thửa đất màu mỡ cho Chúa gieo trồng các hạt giống ơn cứu độ, song gia đình còn trở nên thành trì kiên cố bảo vệ các hạt giống đó khỏi sự tàn phá của sâu rầy, của văn hoá sự chết.
Chúng ta hãy cầu khẩn xin Chúa cho các gia đình tín hữu hôm nay biết luôn nắm tay nhau tiến bước trên con đường của Chúa Kitô, vì sự sống vững bền của dân tộc chúng ta.
ĐHY GB. Phạm Minh Mẫn – Tổng Giám mục Gp. TPHCM
Kontum ngày 01 tháng 11 năm 2006
Kính gửi Quý Cha
cùng toàn thể Gia đình Giáo phận Kontum.
Anh chị em thân mến,
Tôi xin thông báo cùng anh chị em một số tin vui trong tháng để cùng nhau chia sẻ, hiệp thông và cầu nguyện.
I. Những ngày lễ đáng nhớ:
1) Ngày 14.11.2006: Ngày giỗ tổ E. Cuenot của Giáo Phận cũng là Ngày Yao Phu. Trong dịp này chúng ta mừng 50 năm Ðạo Binh Ðức Mẹ Kontum và 100 năm ngày sinh của Ðức Cha Phaolô Lêô Seitz Kim (1906-2006).
2) Ngày 20.11: Ngày nhà giáo: Xin các xứ họ có sáng kiến tổ chức ngày này cách đặc biệt để khích lệ Thầy Cô và giáo dục các con em về tầm quan trọng của việc đào tạo nên người có trí có đức có nghĩa có tình.
3) Ngày 22.11.2006: Kỷ niệm 25 năm Giám Mục của Ðức Cha Phêrô Trần Thanh Chung. Thánh lễ sẽ cử hành tại Nhà thờ Chánh Tòa Kontum vào lúc 05g00 sáng. Xin các xứ đạo dành một tuần trước cầu nguyện tạ ơn Chúa với Ngài.
4) Ngày 27.11.2006: Ngày Bổn Mạng Hội Dòng Ảnh Phép Lạ.
II. Lễ truyền chức linh mục:
Tạ ơn Chúa, Giáo Phận Kontum sắp có thêm một số tân linh mục. Thánh lễ truyền chức sẽ được cử hành tại Kontum và Pleiku theo lịch sau đây:
1) Tại Nhà thờ Chính Tòa, Giáo hạt Kontum:
* Thời gian: Lúc 05g30 sáng thứ Sáu, ngày 01.12.2006.
* Các tiến chức gồm các phó tế:
1. Phanxicô Xaviê Trần Anh Duy, Gx Phương Quý
2. Giêrônimô Lê Ðình Hùng, Gx PhươngNghĩa
3. Phêrô Nguyễn Ngọc Thanh, Gx Tân Hương
2) Tại Nhà thờ Thăng Thiên, Giáo hạt Pleiku:
* Thời gian: Lúc 05g30 sáng thứ Bảy, ngày 02.12.2006.
* Các tiến chức gồm các Phó tế:
1. Bênêđictô Nguyễn Văn Bình, Gx Thăng Thiên
2. Giuse Võ Văn Dũng, Gx Thánh tâm
3. Giuse Trần Văn Long, ofm, Gx Ðức An
4. Vinh Sơn Nguyễn Thành Trung, ofm, Gx Ðức An
5. Giacôbê Trần Tấn Việt, Gx La Sơn
Vậy, xin anh chị em cầu nguyện cho các tiến chức tĩnh tâm chuẩn bị sốt sắng. Nếu có điều gì "không phải", xin anh chị em cứ theo lương tâm đòi buộc vui lòng báo cáo kịp thời về cho Vị Bản Quyền sớm nhất có thể.
Cũng xin lưu ý các thân, ân nhân của các tân chức. Xin anh chị em vui lòng tổ chức Lễ Tạ ơn thật nhẹ về hình thức, nặng về mặt thiêng liêng. Nói cách khác, đơn giản nhưng trang nghiêm sốt sắng. Ðiều này cũng mong các bạn hữu cảm thông đồng tình chấp nhận..
Chúng ta cùng nhau dâng lời cảm tạ và cầu xin Chúa ban thêm nhiều ơn gọi tận hiến trong Giáo Phận và Giáo Hội.
III. Phái đoàn Hội Ðồng Giám Mục Pháp thăm Giáo Phận Kontum.
Năm nay, Phái đoàn Hội Ðồng Giáo Hội Pháp sẽ chính thức đến thăm Giáo Hội Việt Nam từ 27.11 đến 05.12.2006 để đáp lễ Phái đoàn Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam đã đi thăm Giáo Hội Pháp. Phái đoàn sẽ đến Hà nội ngày 27.11 và ghé thăm Giáo Phận Kontum từ chiều 02 đến chiều 03.12.2006. Các chi tiết cuộc thăm viếng sẽ được các cha xứ thông báo tới anh chị em.
Nguyện xin Thiên Chúa là Cha giàu lòng thương xót ban cho tất cả chúng ta luôn được sống trong ân tình của Chúa.
Hiệp thông,
Tòa Giám Mục Kontum
Tôi chết được 25 năm rồi. Hôm nay tôi trở lại tảo mộ lần thứ hai. Tôi gọi là Ngày Lễ Bạc.
Sau khi chết được ba năm. Tôi tảo mộ lần thứ nhất. Lần đó tôi kể trong tập sách Cô Ðơn và Sự Tự Do, đoản khúc số 59. Ngày đó mộ tôi không có hoa. Không có ai đến mộ tôi cả. Tôi đứng đó hồi hộp suốt buổi chiều. Mây xuống thấp, xám một hoàng hôn. Rồi trời tắt nắng phía sau hàng cây. Tôi còn nhớ rõ hôm ấy trời không gió. Nghĩa trang im lìm. Sau ba năm tôi chết, vẫn còn ít người nhớ và cầu nguyện cho tôi. Nhưng không ai ra nhìn mộ tôi.
Tôi biết nếu trở lại vào năm sau thì cũng thế. Thản nhiên như một cánh chuồn chuồn đậu hờ hững trên một bờ giậu thưa nào đó. Không có gì hồi hộp nữa nên tôi không trở lại. Ðợi 25 năm sau. Một kỷ niệm đặc biệt hơn. Ngày Lễ Bạc.
Tôi đang đứng trong nghĩa trang, chỗ tôi đứng lần thứ nhất cách đây hơn 20 năm về trước.
Tên tôi vẫn còn. Tên được khắc vào mộ đá. Nhưng rêu lắm rồi, dơ bẩn nữa. Mộ đá không còn sạch như ba năm sau khi tôi chết. Bây giờ sần sùi, mốc rêu xanh. Ngày xưa không có cây cổ thụ ở chỗ này. Họ trồng bao giờ thế? Cả cái nghĩa trang này bây giờ cũng khác. Ngôi mộ cạnh tôi không còn. Họ bốc đem đi hồi nào mà bây giờ có một cái tên lạ hoắc.
Trên cành cây già, một loại côn trùng nào đó rỉ rả tiếng kêu cuối mùa. Hôm nay cũng không có gió như lần trước. Những chiếc lá lặng lẽ. Nghĩa trang cũng yên tĩnh như ngày xưa.
Tôi đến gần mộ, nhìn xác tôi dưới đất sâu. Chiếc quan tài gỗ mục từ bao giờ? Ðất sập kín lẫn với xương. Ðất dưới đó ẩm ướt. Có bùn sền sệt. Nước quanh năm. Tôi không còn hình hài gì cả. Có những con trùng trườn qua trườn lại trên khúc xương. Người ta bảo trắng như xương. Thật không phải thế, xương lấm dơ đen, rỗ những vết bọ ăn, bùn cắn chặt vào những kẽ nứt. Bọ ăn làm các xương không còn nhẵn nhụi. Chiếc sọ đầu còn nguyên vẹn hơn cả. Hai cuồng mắt rất to. Tôi nhìn xuống, chiếc sọ cũng giống như trăm nghìn chiếc sọ khác. Tôi không thể phân biệt được. Ngày còn sống, tôi băn khoăn về làn da. Nhìn kìa! Chỉ tuần lễ sau khi chết. Nó rữa ra. Ngày còn sống, tôi chải chuốt mái tóc. Tôi tìm cách nhuộm cho người ta thấy mình trẻ. Tôi băn khoăn về cái nhìn. Tôi muốn chinh phục. Bây giờ cái sọ trọc, rỗng, nhúc nhích loại giun nào trong đó? Tôi đứng nhìn tôi, tôi nhìn sang tất cả những xác chung quanh và tôi sợ. Tôi thấy xa lạ với chính mình. Hình hài thân xác tôi đấy ư? Tôi đang mừng 25 năm, Lễ Bạc sao? Còn đâu những lúc băn khoăn mùi nước hoa nào, Chanel số 5 hay 8?
Tôi biết chắc là không có ai đến mộ tôi 25 năm sau. Tôi biết là không có hoa ở mộ. Tôi không hồi hộp gì cả, tôi không chờ đợi gì cả khi trở về đây. Kỷ niệm 25 năm ngày tôi chết là của riêng tôi. Hôm nay tôi có thì giờ nhìn ngắm tôi và những gì xảy ra nơi đây.
Ở một góc kia, người ta đang khóc. Một đám tang đang chôn. Có linh mục mặc áo lễ. Lại cũng có ca đoàn hát. Sao mà giống tôi 25 năm về trước thế. Hoa chung quanh mộ, rồi mấy hôm nữa hoa sẽ rữa, người được thuê làm vệ sinh lại hốt đổ vào thùng rác.
Có những mộ bia không còn hình dạng. Họ ra đi trước tôi lâu rồi. Có người mới chôn vài năm nay, có người mười năm, có người hai mươi năm, có người cả trăm năm. Ghê nhất là những người mới chôn. Ngôi mộ này của một người đàn bà. Chết đã tháng nay. Áo quần còn mới, nhưng xác rữa rồi, lúc nhúc dòi bọ. Chiếc quan tài còn cứng, xác trong đó phồng căng, sình rữa. Tóc bết lại. Áo nhung và thịt kết dính chặt lại. Những con dòi trắng cắn loang lổ nhiều vùng vải lỗ chỗ. Ðấy cũng là hình hài tôi 25 năm về trước.
Ngày còn sống tất cả những người đang nằm đây xum xuê từng ngọn tóc, mà bây giờ thế ư?
Tôi đi tìm xem ai là người trí thức. Không thấy ai cả. Chết được vài ngày, tất cả sọ người đều nồng nặc hôi thối.
Tôi đi tìm xem ai là người nổi tiếng. Tất cả chỉ là những mảnh xương dính bùn đen đủi và toàn dòi bọ ở trong.
Tôi đi tìm xem ai là người giầu có. Không thấy ai cả. Tất cả đều trần trụi không còn manh áo che thân. Tôi không thấy kim cương, vàng bạc. Tôi tưởng người thân chôn theo, nhưng không, người ta giữ lại hết. Người ta chỉ chôn xác thôi.
Tôi đi tìm xem ai là người lúc sống họ lên tiếng phải xây dựng Giáo Hội thế này, phải cải tổ Giáo Hội thế kia. Không thấy ai cả. Lúc đương thời, họ sống chết, ăn thua đủ với nhau chỉ vì “bảo vệ đức tin.” Trong cái nghĩa trang này thân xác nào cũng hôi tanh.
Tôi lại nhìn tôi dưới ngôi mộ sâu.
Cái sọ kia ngày xưa đã bao nhiêu suy nghĩ. Những giấc mơ ấy bay về đâu? Còn dưới đó không? Trái tim ôm ấp bao nhiêu tình cảm. Cái mùi tanh hôi nồng lên khi nó rữa ra.
Tôi lại nhìn tôi dưới ngôi mộ sâu.
Tôi nghe chung quanh tôi, trăm nghìn tiếng động xèo xèo. Nhiều xác mới chôn đang rữa. Tiếng những con bộ ăn vào xương. Những xác chết đang xảy ra giống tôi 25 năm về trước.
Ở phía kia, đám tang đã xong. Nhiều người đứng xa mộ để có thể ra về sớm hơn. Họ còn nhiều việc phải làm. Họ rất bận rộn. Họ không muốn ở đây lâu. Chiều xuống tối rất mau. Người ta phải về. Xác mới chôn nằm đó. Vài ngày nữa sẽ có ai đó tiếc thương đem hoa ra mộ. Rồi ba năm sau không còn ai. Rồi 25 năm sau nếu trở về đây cũng sẽ giống tôi bây giờ. Lần lượt ra đi theo con đường đó. Giống nhau.
* * *
Bỏ nghĩa trang, tôi đi tìm lại con đường tôi đi năm xưa. Phần lớn còn đó nhưng chỗ này mới hơn thì chỗ kia cũ kỹ đi. Nhiều tòa nhà bỏ trống hoang phế. Tôi không còn gặp mấy người quen. Một vài người tôi tìm mãi mới thấy. Vì họ thay đổi quá nhiều rồi. Họ chậm chạm, đau yếu. Họ lẩn thẩn. Cái thế giới 25 năm về trước không còn. Ðất trời còn đó. Mặt trăng vẫn thế. Cả gió biển và mầu xanh của sóng nữa. Nhưng con người và thế giới lúc họ trẻ hết rồi. Ðời họ bây giờ ai cũng lầm lũi. Tôi đứng nhìn họ mà không muốn hỏi chuyện vì bắt họ nhớ lại những tháng ngày quá xa. Bây giờ họ chỉ muốn thầm lặng sống qua ngày thôi. Vài người sót lại trong viện dưỡng lão, lặng lẽ. Người tôi quen ngày xưa, chết hầu hết rồi.
Những tờ thư cũ, tấm hình năm xưa sau khi tôi chết, có vài người giữ nó ít năm. Ðến lúc họ chết thì kẻ sau dọn phòng không biết tôi là ai. Tất cả vào thùng rác sau khi người đó chết ít ngày. Bây giờ tôi không còn dấu vết là bao.
Tôi đi tìm những chữ nghĩa ngày xưa tôi học. Vất vả toan tính. Ngày ấy nuôi bao nhiêu mộng mị ở miếng bằng ra trường. Bám vào tên tuổi muốn xã hội tặng ban. Cần treo tấm bằng ở nơi làm việc. Chụp chung tấm hình với nhân vật tiếng tăm. Bây giờ chả còn gì.
Ðã 25 năm rồi, tất cả đồ dùng của tôi đã biến mất. Chiếc xe ngày xưa tôi đau buồn vì trầy vết sơn. Ngày ấy không dám cho người khác mượn, tôi lau chùi thật bóng. Bây giờ là bụi rác ở đâu? Tôi đứng đây nhìn lại cuộc đời. Tất cả qua đi như con gió thoảng mà sao ngày ấy lòng tôi bồn chồn, lo lắng, tiếc nuối những thứ này thế.
Tôi đi tìm những công trình tôi để lại. Người để công trình này, người để công trình kia. Tôi để lại những bài diễn văn. Ai còn nhớ? Họ quên ngay khi tôi rời cái mai-cô-phôn cơ mà. Ngay khi ra khỏi phòng họp, ngay mấy phút sau. Vậy mà hôm nay tôi đi tìm nó như một công trình để lại sao? Giật mình. Tôi thấy mình quá ngớ ngẩn. Vậy tôi đi tìm gì hôm nay? Còn gì không? Ngay cả những người tôi quen biết cũng không còn, thì tôi còn gì? Ai mà giữ những kỷ niệm của tôi khi họ không biết tôi là ai?
Tôi không ngờ ngày lễ bạc này buồn tẻ hơn ngày tảo mộ lần thứ nhất. Ngày ấy sau có ba năm tôi chết. Ðứng một mình ngoài nghĩa trang, không có ai ra mộ tôi như hôm người ta chôn tôi. Nhưng ngày ấy trở về tôi còn nhìn thấy nhiều bóng hình tôi quen. Tôi còn gặp vài tờ thư tôi viết cho họ. Có kẻ còn giữ tấm hình tôi. Lần này hoang vu quá. Trống trải. Ngày 25 năm Lễ Bạc mà vắng thật vắng.
Bây giờ tôi hiểu, Ngày Lễ Bạc là của chính mình. Một mình mình thôi.
Nhiều điều chết rồi mới thấy rõ. Lúc sống sao tôi không nhìn thấy. Chẳng hạn như tôi băn khoăn làm sao để lại công danh cho đời. Ðời chả cần gì tôi. Cần hay không, tiếng kêu của một cánh ve trong chiều hè trống trải mênh mông? Chẳng hạn như tôi lo lắng ngày mai ra sao, tôi phải tích góp bao nhiêu cho đủ? Bây giờ thấy quá rõ rồi, ngày mai, tức là bây giờ tôi đang đứng đây. Trong nghĩa trang người ta không không còn nhan sắc, người ta không cần chỗ ở.
Nếu bây giờ sống lại kiếp người, tôi sẽ rong chơi, tôi sẽ ca hát với suối xanh, tôi sẽ với mây trời cho trái tim tôi bao dung. Nhưng trễ quá rồi.
* * *
Tất cả những gì nhìn thấy đều không mang theo được khi tôi chết. Son phấn. Sự nghiệp. Cũng không phải tất cả những gì thuộc tinh thần là mang theo được đâu. Những điều thuộc tinh thần như tình yêu, lòng thù ghét, niềm kiêu hãnh, sự ghen tị, giận dữ, bao dung cũng tùy đó. Chỉ những gì tinh thần mà thuộc về Ðức Kitô mới tồn tại.
Như vậy cuộc đời người ta phải bỏ lại tới 98 phần trăm. Chỉ có hai phần trăm mang theo là tình yêu Chúa và bao dung với người đời.
Lúc sống, tôi quá vất vả cho 98 phần trăm cái không mang theo được. Hôm nay nhìn lại trong ngày kỷ niệm 25 năm tôi chết. Trở về tìm lại những bến bờ đã đi qua. Chả còn gì. Nếu tôi được sống lại, tôi sẽ sống như thế nào?
Hỏi mình vậy thôi, chứ tôi biết, quá trễ rồi.
Ðường tôi đi, bây giờ lại vẫn chỉ một mình, mình đi. Tôi lại nhủ lòng: Ðường đi một mình.
Nguyễn Tầm Thường, sj.
Trong khi các đế quốc Israel, Judah, Assyria, Babylon, Persia (Ba Tư), Hy Lạp và La Mã tung hoành, bon chen, kèn cựa, chém giết nhau thì con cháu của Ishmael sống âm thầm trong bóng tối. Đa số họ sống ẩn dật ở bán đảo Arabia, ở đó đời sống sa mạc rất là khắc nghiệt; họ thường phải phấn đấu, tranh dành, đánh nhau để sống còn. Nhưng vào đầu thế kỷ VII, gần 600 năm sau khi Chúa Giêu su sinh ra thì tình trạng thay đổi khi một nhân vật đặc biệt thuộc giòng con cháu Ismael xuất hiện trên sân khấu Trung Đông.
Cho đến đầu thế kỷ VI thì dân Ả Rập thờ đa thần ngẫu tượng. Đền thờ ở Mecca có tất cả 365 ngẫu tượng, mỗi tượng tương ứng với một ngày trong năm. Đây là một mối lợi rất lớn cho các tay lái buôn địa phương sống vào khách hành hương.
Quang cảnh tôn giáo này đã thay đổi hẳn khi Muhammad –người sáng lập ra Hồi giáo- xuất hiện.
Muhammad (còn viết / gọi là Mohammed hay Mohamet) thuộc gia đình Hashemite (tiếng Ả Rập là Beni Hashim), chi họ Koreish (hay Quraish) rất có quyền thế, hồi đó đang cai quản, điều hành đền thờ ngẫu thần ở Mecca. Người Hồi giáo tin rằng thiên thần Gabriel lần đầu tiên vào năm 610 A.D. hiện ra với Muhammad ở núi Hira, gần thị trấn Mecca và nói cho ông những lời khôn ngoan của Chúa, sau này được chép lại thành kinh Koran (hay Quran), một loại kinh thánh của Hồi Giáo mà dung lượng gần bằng cuốn tân ước của Kitô giáo.
Muhammad có nghĩa là “rất đáng kính” đã trở thành một vị giảng thuyết rất cương quyết và can đảm về chủ thuyết độc thần, chỉ tin thờ có một Chúa. Việc này đã đe dọa nồi cơm của các người khác trong họ hàng ông. Họ tức giận mưu toan cho người giết ông nhưng không thành công. Chỉ một thời gian ngắn sau, Muhammad đã dẹp được đạo đa thần thờ ngẫu tượng ở trong vùng và thay thế bằng Hồi Giáo độc thần. Tiếng Hồi Giáo / Islam có nghĩa là “đầu hàng” hay “qui phục” chỉ một Chúa thật là Allah mà thôi.
Muhammad giảng thuyết rất thành công khiến con cháu Ismael tin biết và đoàn kết liên hợp lại với nhau, chẳng bao lâu đã tạo thành một quốc gia vĩ đại, lan rộng và ảnh hưởng tới nhiều quốc gia khác trên thế giới.
Khởi đầu từ sa mạc bán đảo Arabia, Hồi Giáo lan rộng dần ra khắp thế giới. Hiện nay đã có 57 nước, tức hơn 1/4 các nước trên thế giới nằm trong liên hiệp Hồi Giáo. Trong số 57 nước, thì 22 nước là quốc gia Ả Rập, dân chúng là con cháu giòng họ Ismael, còn lại 35 nước kia thì hầu hết hoặc đa phần là người Hồi giáo. Vị trí những quốc gia này trải rộng từ phía Tây Phi Châu qua trung tâm thế giới tới Indonesia làm thành một vòng đai các quốc gia Hồi Giáo mà đặc tính để nhận ra nhau là tín đồ Hồi Giáo.
Thêm vào đó, ở Bắc Mỹ và Tây Âu cũng có hàng triệu người theo Hồi giáo. Hồi giáo tiếp tục lan nhanh và rộng vì sỉ số sinh sản nhanh và sự truyền đạo rất xông xáo tích cực.
Hiện nay trên thế giới có khoảng 1,3 tỷ người Hồi giáo tin thờ AL-LAH là Chúa thật và duy nhất. Họ thờ kính Chúa của họ trong những đền thờ Hồi Giáo (mosques) và chọn ngày thứ 6 trong tuần để thờ lạy, đọc kinh và cầu nguyện. Tuy nhiên họ cũng vẫn được phép làm việc trong ngày đó.
Để trở thành tín đồ Hồi Giáo chỉ cần thành thật, chính thức công khai tuyên xưng lời hứa gọi là Shahadah gồm 8 chữ bằng tiếng Ả Rập: La illaha ila Allah, wa Muhammadun rasul Allah –nghĩa là “Không có Chúa nào khác ngoài Allah, và Muhammad là tiên tri của Người”. Tiếng TÍN ĐỒ HỒI GIÁO (Muslim / Moslem) có nghĩa là “người qui phục Allah”.
Người Hồi giáo có lịch riêng của họ tính từ ngày Hijrah (còn viết là hejira hay hegira) là ngày Muhammad chạy trốn từ Mecca về Medina vào năm 622 A.D. Lịch Hồi giáo tính theo mặt trăng (âm lịch), mỗi năm có 354 hay 355 ngày, do đó năm lịch Hồi giáo kém năm lịch Tây phương (tính theo mặt trời) 11 ngày. Như vậy những ngày lễ của Hồi giáo sẽ rơi vào những ngày khác với ngày trong Dương lịch Gregorian, và hàng năm nó sẽ dần dần lùi lại phía sau của Dương lịch.
Muhammad chết ngày 8 tháng 6 năm 632 A.D., không có con trai thừa tự và ông cũng không chỉ định người kế vị. Do đó đế quốc Hồi giáo bị xáo trộn khủng khoảng về việc chọn người kế vị. Tuy nhiên chỉ trong vòng một thập niên, đế quốc Hồi Giáo đã phát triển lan rộng bằng 1/3 lục địa Hiệp chủng quốc ngày nay.
Bà Khadija, vợ yêu quí thứ nhất của ông chỉ có một người con gái tên là Fatima, sau này lập gia đình với Ali ibn Abi Talib và có 2 con trai còn nhỏ lúc Muhammad chết. Ali cũng là bà con họ hàng gần và là con nuôi của Muhammad. Anh này cũng là người đầu tiên trở lại Hồi giáo sau bà Khadija. Như vậy tổ tiên con cháu của Muhammad được gọi là sharif và sayyids chỉ còn dựa vào vết tích của Fatima.
Vì là bà con ruột thịt gần nhất nên ai cũng nghĩ rằng Ali sẽ là người kế vị Muhammad để trở thành lãnh tụ của Hồi giáo. Nhưng sau nhiều tranh cãi, một thương gia buôn vải giàu có ở Mecca tên là Abu Bahr đã được chọn. Ông này cũng là người trở lại Hồi giáo sớm và là bạn đường với Muhammad trong cuộc chạy trốn lừng danh trên lưng lạc đà của Muhammad 10 năm về trước. Ông lại là cha của bà Ayesha, vợ thứ rất được cưng chiều của Muhammad. Ông đã được Muhammad chỉ định thay thế cầm đầu tín đồ để cầu kinh trong thời gian Muhammad lâm trọng bịnh.
Vì Muhammad là người duy nhất được Chúa mặc khải (trong đạo Hồi) nên Abu Bakr đã không được kế vị Muhammad một cách hoàn toàn. Tuy nhiên ông cũng được trao cho giữ quyền hành chánh và chính trị phần đời của đế quốc Hồi Giáo với tước hiệu “Khalifah rasul Allah”, nghĩa là “người kế vị sứ giả của Chúa”. Tiếng Anh thì tước hiệu này viết ngắn hơn thành “caliph” và là người đứng đầu quốc gia (quốc trưởng) trong những nước có chính phủ Hồi giáo. Văn phòng quốc trưởng này nằm trong định chế của Hồi giáo cho đến lúc Cộng hòa Thổ nhĩ Kỳ được thành lập vào năm 1924 thì bị chính phủ phần đời của Kemal Ataturk dẹp bỏ.
Mặc dù sự chuyển tiếp, sau khi Muhammad chết, xẩy ra một cách đột ngột và không được dự tính trước đã tạo nên một vài hiềm khích nhỏ trong số những tín đồ ủng hộ Ali, con rể của Muhammad, nhưng tất cả các chi họ vẫn hiệp nhất dưới quyền của Abu Bakr.
SỰ BÀNH TRƯỚNG CỦA ĐẾ QUỐC HỒI GIÁO
Trước khi chết, Abu Bakr đã chỉ định Omar ibn al-Khattab là người kế vị. Omar (hay Umar) là vị quốc trưởng đầu tiên lãnh nhận tước hiệu rất rõ ràng minh mạch là Amir al-Muminin có nghĩa là “Lãnh tụ của các tín đồ”. Trong thời gian 10 năm trị vì của ông thì làn sóng di chuyển vĩ đại của Hồi Giáo lần đầu tiên đã xẩy ra khi mà con cháu của Ismael bắt đầu ra khỏi vùng sa mạc quê cha đất tổ lan tràn đi khắp tứ phương thiên hạ.
Quốc trưởng Omar là một lãnh tụ có cả khả năng về quân sự đã chứng tỏ là một đối thủ đáng kể của hai đại siêu cừơng thời đó là đế quốc Byzantine và Ba Tư / Persia. Đế quốc Byzantine lúc đó là đế quốc La Mã ở phía Đông đã bành trướng rộng ra ngoài đế quốc cũ sau khi Constantine, vào thế kỷ IV A.D., thiết lập một thủ đô mới ở Byzantium rồi đổi thành Constantinople, và bây giờ là Istanbul thuộc Thổ nhĩ Kỳ. Đế quốc này thống trị Tiểu Á, bán đảo Aegean, phần lớn Bắc Phi châu và miền Cận Đông.
Về phía Đông Bắc bán dảo Arabia là đế quốc Ba Tư / Persia hay Sassanid. Hai đế quốc Ba Tư và Byzantine này luôn luôn đánh lộn nhau đã tự mình làm suy yếu mình để cho một đế quốc mới non trẻ, hăng say và đầy nhiệt huyết xuất hiện và bung ra khỏi Arabia. Đế quốc Ba Tư đã xụp đổ; Byzantine vẫn còn tồn tại nhưng liên tục bị đe dọa và co rút thu nhỏ lại để rồi cuối cùng đã rơi vào tay Thổ nhĩ Kỳ Hồi giáo vào năm 1453.
Dùng tiếng hô Allahu Akbar (Thiên Chúa vĩ đại) Hồi giáo kêu gọi tín đồ gia nhập quân đội và những chiến sĩ kỵ mã và chiến sĩ lạc đà đã là những đối thủ rất đáng nể sợ, đánh bại tất cả mọi sức mạnh chống lại họ. Kể từ thời Alexander đại đế chưa thấy một sức mạnh nào ghê gớm như vậy, chinh phục nhanh chóng tất cả những gì cản trở hiện diện trước họ. Sự chinh phục đó kéo dài cả một thế kỷ. Syria và đất thánh bị chiếm vào năm 635-636; miền Iraq bị chiếm vào năm sau; Ai Cập và Ba Tư / Persia thì 4 năm sau cũng bị chiếm.
Jerusalem đã bị chiếm đóng năm 638, là phần thưởng sáng giá nhất lúc bấy giờ. Jerusalem, người Ả Rập gọi là Al-Kuds, có nghĩa là “Đất Thánh”, hiện nay vẫn được coi là thánh địa thứ ba của Hồi Giáo sau Mecca và Medina. Người Hồi giáo tin rằng Muhammad cưỡi ngựa có cánh (Burak) bay lên trời từ chỏm đá mà chúng ta thấy trong đền thờ Hồi Giáo (Dome of the Rock) được xây vào cuối thế kỷ VII và là một trong những kiến trúc huy hoàng nhất trên thế giới.
Người Hồi giáo tin rằng tổ phụ Abraham đã vào đây để dâng tế lễ con trai mình –con trai đây là Ismael chứ không phải là Isaac như trong kinh thánh viết (Genesis 22:1-14). Đền thờ Hồi giáo (Dome of the Rock) được xây trên một mặt phẳng rộng của Đồi Đền Thờ đã đươc vua Herod đại đế thiết lập từ nhiều thế kỷ trước. Jerusalem, đền thờ Hồi giáo và vùng lân cận vẫn là một vùng đất còn đang trong vòng tranh chấp gay gắt nhất hiện nay trên thế giới.
Trong vòng một thế kỷ, sau khi Muhammad chết, đế quốc Ả Rập đã trải rộng dài từ Trung Đông qua Bắc Phi đến Tây Ban Nha về hướng Tây và hướng Đông qua Trung Á đến Ấn Độ. Nhưng có một lần cuộc tiến quân đã vào tới cửa ngõ của Paris thì bị Charles Martel chặn lại trong trận Tours gần Poitiers vào năm 732, đúng 100 năm sau khi Muhammad qua đời.
Từ đó cuộc bành trướng thần tốc của Hồi giáo đã bị khựng lại cho đến thế kỷ XII thì một cuộc bành trướng khác được phát động dưới thời kỳ Sufis (Islam mystics). Tín đồ Hồi giáo Sufis là những người sống khắc khổ, giữ thinh lặng nội tâm yêu Chúa hơn là những hình thức bề ngoài hoặc buông tuồng sa đọa…Họ đã lan truyền Hồi Giáo qua Ấn Độ, Trung Á, Thổ Nhĩ Kỳ và Phi Châu bên ngoài Sahara. Những lái buôn người Hồi cũng đã giúp Hồi giáo phát triển, mở rộng xa hơn đến tận Indonesia, Mã Lai và Trung Hoa.
Theo từ điển Encyclopaedia Britannica thì trong cộng đồng tín đồ Hồi Giáo mọi người đều bình đẳng, nhưng lại có sự kỳ thị ghê gớm đối với những người theo đạo khác cho nên đã có nhiều người phải trở lại Hồi Giáo (Encyclopaedia Britannica, 15th Edition, Vol.9, p.912, “Islam”). Riêng người Do Thái giáo và Kitô giáo là “những người có ít nhiều dính dấp tới Kinh Thánh” thì được nhân nhượng cho chung sống, nhưng phải đóng một loại thuế đặc biệt gọi là jizyah. Ngoài ra “những người ngoại đạo / vô đạo….thì bắt buộc hoặc là phải chấp nhận theo Hồi giáo hay là chết” (ibid)
Sau khi lãnh tụ Omar bị ám sát chết vào tháng 11 năm 644 trong lúc đang điều khiển tín đồ cầu kinh trong đền thờ ở Medina, thì hội đồng bầu cử lại một lần nữa bỏ qua Ali. Người được chọn lần này là Othman ibn Affan. Ông này cũng là người trở lại Hồi giáo sớm và là bạn đồng hành cùng với Muhammad.
Trong thời gian Othman cầm quyền thì kinh Koran được hoàn chỉnh như hiện nay. Trước đó, phần lớn kinh Koran chỉ được các tín đồ của Muhammad nhớ thuộc lòng và giữ trong đầu. (Chính Muhammad thì lại thất học và mù chữ nên ông không hề viết xuống). Một số người được chỉ định thu nhặt những lời kinh đó và viết lại thành sách dưới sự hướng dẫn của nhà học giả Hồi Giáo Zayd ibn Thabit..
Người Hồi Giáo tin rằng kinh Koran là chính lời của Kalimat Allah, không phải lời của Muhammad. Lời đầu tiên của kinh Koran là: Bism’illah ir-Rahman ir-Rahim, có nghĩa là “Nhân danh Allah, đấng bao dung và thương xót chúng ta”.
HỒI GIÁO CHIA RẼ VÌ QUYỀN KẾ VỊ
Othman cai trị Hồi Giáo được 12 năm (644-656) thì bị ám sát chết ở Medina. Vụ ám sát này báo hiệu khởi đầu một cuộc tranh chấp cả về tôn giáo lẫn chính trị trong cộng đồng Hồi Giáo từ đó cho đến ngày nay.
Sau cái chết của Othman thì quyền lãnh đạo cộng đồng Hồi giáo cuối cùng đã rơi vào tay Ali, chồng của Fatima, con gái Muhammad. Ali lúc này đã già và về hưu, sống như một học giả. Đối với những tín đồ theo ông thì Ali phải là người lãnh đạo Hồi Giáo đầu tiên, duy nhất và hợp pháp sau Muhammad. Nhưng đa số vẫn coi ông là lãnh tụ thứ tư. Tuy nhiên nhiều người vẫn cay đắng chống đối việc này.
Đế quốc Hồi giáo lúc đó đã bị tổn thương vì những xung đột chính trị tôn giáo và nội loạn bạo động. Năm năm sau Ali cũng bị ám sát chết. Trước khi chỉ định một người con của Ali lên kế vị thì người cháu của Othman lúc đó đang đứng đầu Umayyad (Omayyad), một ngành của chi họ Koreish, nhảy ra nắm quyền. Hành động này đã gây nhiều tranh luận trong các phe phái là ai sẽ hợp pháp nắm quyền lãnh đạo.
Những người theo Ali cho rằng người lãnh đạo phải là con cháu của Ali vì là họ hàng ruột thịt gần nhất của Muhammad. Phe này gọi là “Đảng của Ali” (tiếng Ả Rập là Shiat Ali hoặc SHIITES). Nhưng đa số lại cho rằng bất cứ ai cũng có thể được chỉ định làm lãnh đạo, không cần phải là giòng giõi gì cả. Phe này gọi là Hồi Giáo SUNNI, SUNNA nghĩa là “Đường” hoặc “Lối” của Muhammad. Trái ngược lại với phái Shiites, phái Sunni thường chấp nhận sự cai trị của bất cứ vị lãnh đạo nào.
Tiếp đó là bạo động xẩy ra vào năm 680 khiến con trai của Ali, tức cháu của Muhammad bị giết cùng với 72 người họ hàng thân thích và bạn đồng hành tại Karbala (Iraq bây giờ nằm trong vùng đất này). Phái Shiites nghĩ rằng họ đã tử vì đạo; họ trở nên lớn mạnh, số tín đồ tăng và họ quyết tâm phấn đấu. Nhưng họ vẫn càng ngày càng cảm thấy cay đắng vì sự thắng thế của phe Sunni. Hận thù cứ thế tiếp tục cho đến ngày nay.
Phái Sunni chiếm đa số: 85% số tín đồ. Số còn lại là 25% thuộc phái Shiites / Shia. Mặc dù họ đồng ý với nhau về căn bản của Hồi giáo, nhưng về mặt chính trị, thần học và triết học thì quan niệm của hai phái khác biệt nhau rất nhiều. Nhưng vấn đề trở thành phức tạp hơn là phái Hồi giáo Shiites lại có khuynh hướng chia ra nhiều phe nhóm khác nữa.
Ngày nay, phái Shiites là lực lượng chủ động ở Iran và là một cộng đồng tôn giáo duy nhất lớn nhất ở Lebalon và Iraq. Sau vụ cách mạng bạo động quá khích ở Iran lật đổ vua Shah vào năm 1979, nhiều người nghĩ rằng phái Shiites sẽ có khuynh hướng khủng bố. Nhưng đa số những tên khủng bố chống Tây phương lại thuộc phe Wahhabi của phái Hồi giáo Sunni bắt nguồn ở Saudi Arabia từ thế kỷ XVIII.
Một trong những cái hay và hấp dẫn của Hồi Giáo là họ dựa vào Ummah tức là cộng đồng. “Mặc dù Hồi Giáo có nhiều phe phái và phong trào, nhưng tất cả các tín đồ vẫn gắn bó với nhau bằng một niềm tin chung và ý thức mình thuộc về một cộng đồng duy nhất” (Encyclopaedia Britannica, Vol.9, p.912). Ý thức cộng đồng này chỉ mạnh mẽ trong 200 năm qua khi Tây Phương còn nắm ưu thế. Thống nhất các lực lượng Ả Rập và Hồi Giáo là một ước vọng khẩn thiết của những người Hồi Giáo hiện nay trên thế giới.
ISMAEL TRỞ THÀNH MỘT “QUỐC GIA VĨ ĐẠI” THEO LỜI TIÊN TRI
Sau khi Ali qua đời thì phe Umayyads lại trở về qui chế cha truyền con nối, cai trị từ Damascus gần một thế kỷ cho đến năm 750. Trong thời gian này phần lớn các nước trong bán đảo Iberian (Y Pha Nho / Spain và Bồ đào Nha / Portugal) và phần còn lại của Bắc Phi Châu đã bị chinh phục. Đi về hướng Đông, quân lực Hồi giáo quét sạch Trung Á hướng tới Ấn Độ và Trung Hoa. Trước khi kết thúc thời kỳ thống trị, Hồi giáo thiết lập một đế quốc rộng lớn hơn cả đế quốc La Mã, cải hóa cả triệu người trở lại Hồi giáo.
Phe Umayyads bị thay thế bởi triều đại Abbasid, trong đó 37 vị lãnh đạo tuần tự thay nhau thống trị từ Baghdad suốt năm thế kỷ (750-1258). Thời gian này, hầu hết các nước Âu Châu đang trong thời kỳ đen tối, bị những người Hồi Giáo thù nghịch cô lập mọi phía dọc theo biên giới, thì thế giới Hồi giáo có một nền văn minh vĩ đại. Họ đã biết cách bảo tồn văn chương và những nghiên cứu về thời thượng cổ, dẫn đầu thế giới về kiến thức và hiểu biết về toán học, hóa học, vật lý, thiên văn, địa lý và y khoa.
Như đã được Chúa hứa cùng tổ phụ Abraham và Hagar về người con trai từ nhiều thế kỷ trước, Ismael đã thực sự trở nên một “quốc gia vĩ đại” (Genesis 17: 20; 21: 18), một trong những đế quốc vĩ đại nhất mà thế giới chưa bao giờ thấy.
Tuy nhiên, cũng giống như mọi nền văn minh, triều đại Abbasid cũng đi đến chỗ kết thúc sau một thời gian suy đồi rồi tàn rụi. Trong thời gian này, vì chính quyền trung ương suy yếu dần nên sự đoàn kết thống nhất của Hồi Giáo cũng không còn. Vấn đề này đã cản trở Hồi Giáo cho đến ngày nay. Thêm vào đó, một đòn chí tử đã đánh vào đế quốc Hồi Giáo là vào năm 1258 quân Mông Cổ ồ ạt tràn vào Baghdad, tàn sát dân chúng trong thành, giết chết vị lãnh tụ cuối cùng của Hồi Giáo. Đế quốc vĩ đại Hồi Giáo kết thúc ở đây.
ĐOÀN QUÂN THÁNH GIÁ VÀ TRẬN CHIẾN DÀNH ĐẤT THÁNH
Trong thời gian các lãnh tụ Abbasid trị vì thì một cuộc va chạm lớn đã xẩy ra giữa Hồi Giáo và Âu Châu Công giáo. Khi đế quốc Hồi Giáo bành trướng vào bán đảo Iberian và toan tính chinh phục nước Pháp thì đã manh nha có xung đột giữa hai bên rồi. Nhưng cuộc chiến để lấy lại Jerusalem từ tay Hồi Giáo vào ngày 15 tháng 7 năm 1099 mới thực sự khởi đầu cuộc tranh hùng dài giữa hai lực lượng tôn giáo này.
Đoàn quân Thánh Giá khi chiếm được Jerusalem thì cướp bóc, hãm hiếp, ám sát và bắt dân chúng trong thành làm nô lệ trong nhiều đợt. Đền thờ Hồi Giáo Dome of the rock bị chiếm và biến thành một thánh đường. Hình lưỡi liềm của Hồi giáo được thay thế bằng cây thánh giá. Người Hồi giáo tức giận căm thù, thề sẽ lấy lại Jerusalem bằng mọi giá.
Mãi cho đến ngày 2 tháng 10 năm 1187, dưới sự chỉ huy của tướng Saladin (Salah ad-Din có nghĩa là “Niềm tin chính đáng”), hoàng đế của Ai Cập và Syria, lực lượng Hồi Giáo mới có thể lấy lại quyền kiểm soát Jerusalem. Saladin tuyên bố thánh chiến / jihad để lấy lại Palestine từ tay kẻ thù.
Cây thánh giá vàng ở trên đỉnh đền thờ Hồi Giáo Dome of the Rock đã được thay thế bằng huy hiệu lưỡi liềm của Hồi Giáo. Nhưng Saladin đã không tìm cách trả thù. Ông đối xử với kẻ thù cả quân lính lẫn dân sự bằng lòng bao dung tử tế, trái ngược với thái độ của đoàn quân Thánh Giá.
Qua thế kỷ khác, đoàn quân Thánh giá đã nhiều lần đánh chiếm lại Jerusalem từ năm 1229 đến 1239 và từ 1243 đến 1244. Nhưng cuối cùng cũng phải để lại đất Thánh cho Hồi Giáo. Mãi cho đến năm 1917, thời thế chiến I, người Kitô giáo Tây phương mới lại có thể tái chiếm Jerusalem và, lần này họ chỉ kiểm soát được Jerusalem có 3 thập niên mà thôi.
SỰ CHỖI DẬY CỦA ĐẾ QUỐC OTTOMAN
Sức mạnh kế tiếp ở trong vùng lúc bấy giờ là Thổ Nhĩ Kỳ thuộc đế quốc Ottoman. Họ kiểm soát được Constantinople vào năm 1453 và cuối cùng đã tiêu giệt được Byzantine đang lúc suy thoái, một đế quốc đã được La Mã xây dựng từ hơn ngàn năm trước. Người Thổ nhĩ Kỳ là dân Hồi Giáo nhưng không phải là dân Ả Rập, đã kiểm soát Jerusalem vào năm 1517 và đã thống trị cả Trung Đông trong vòng 4 thế kỷ .
Đế quốc Ottoman đã bành trướng nhanh chóng tới vùng Đông Nam Âu Châu và đã có lần đến tận cửa ngõ của Vienna thì bị đánh bật ra vào cuối thế kỷ XVII. Tiếp theo đó vào thế kỷ XIX, đế quốc Ottoman cũng đi vào thời kỳ suy tàn. Những quốc gia trong vùng Balkans và Bắc Phi cũng tách ra khỏi sự đô hộ của Ottoman.
Người Ả Rập nổi sùng vì bị Thổ Nhĩ Kỳ thống trị đã đứng lên dành độc lập, lấy lại những ngày xưa huy hoàng.
N.B. Những người con của Ismael sẽ được đề cập đến nữa trong những bài sau.
****
NGƯỜI DO THÁI HỒI HƯƠNG VÀ TÂN QUỐC GIA ISRAEL
Trong thời gian tiên tri Muhammad thuyết giảng về Hồi Giáo thì dân Do Thái không có tổ quốc cả 5 thế kỷ. Họ nổi dậy chống lại sự đô hộ của đế quốc La Mã vào năm 66 A.D., một cuộc nổi loạn mà La Mã phải mất 4 năm mới đè bẹp được. Sau đó thành Jerusalem bị phá hủy.
Sau cùng lại một cuộc nổi loạn nữa (Bar-Kakhba) xẩy ra từ năm 132 đến 135. Lần này thì thành Jerusalem bị san bằng bình địa. La Mã cho xây lại một thành phố mới trên hoang tàn đổ nát và đặt tên là Aelia Capitolina, đồng thời cấm không một người Do Thái nào được đặt chân bén mảng tới, nếu không sẽ bị chết. Quốc gia Do Thái lúc đó không còn nữa; và nó cũng không còn hiện hữu cho đến giữa thế kỷ XX.
Sau hai cuộc nổi loạn thất bại, những người Do Thái còn sống sót chạy trốn đến Judea và những nơi khác trong đế quốc La Mã hay bôn tẩu xa hơn nữa đi khắp mọi nơi. Từ năm 638 đến 1917 Jerusalem nằm dưới sự cai trị của Hồi Giáo một thời gian ngắn trong thời kỳ Thánh Chiến.
Sống rải rác trên khắp thế giới, bị chính quyền La Mã truy nã ngược đãi, không được bình đẳng, mất tự do, bị xua đuổi khỏi những nơi mình đang định cư, phải lang thang nơi này nơi đó, dân Do Thái phải chịu biết bao là gian nan cơ cực cả hàng thế kỷ. Họ khao khát ước mơ ngày trở về quê cha đất tổ.
Mãi cho đến cuối thế kỷ XIX, dân Do Thái mới bắt đầu trở về khi phong trào Do Thái (Zionism) phát khởi. Lúc đó đế quốc Ottoman Thổ Nhĩ Kỳ đang thời kỳ suy thoái, những người Do Thái lưu vong hồi hương trở về kết hợp với những người ở lại. Họ xum họp kết nghĩa với nhau, sinh con đẻ cái tăng thêm dân số và phát triển đất nước.
Năm 1917, sau khi đế quốc Ottoman Thổ nhĩ Kỳ bại trận thì toàn vùng thuộc quyền kiểm soát của Anh quốc. Trong vòng một năm, chính phủ Anh loan báo tuyên cáo Balfour (tên vị ngoại trưởng Anh quốc lúc bấy giờ) hứa cho dân Do Thái một quốc gia / tổ quốc ở Palestine; đồng thời khuyến khích dân Ả Rập nổi loạn chống lại đế quốc Ottoman lúc bấy giờ đang đứng về phe Đức trong thế chiến I và cũng hứa cho dân Ả Rập một quốc gia riêng và được độc lập. Đây là hai lời hứa chõi nhau có thể gây bạo động.
Trong ba mươi năm dưới sự cai trị của Anh quốc, dân Do Thái trong vùng tiếp tục tăng dân số đã trở thành mối đe dọa cho dân Ả Rập địa phương. Đụng chạm giữa hai sắc dân càng ngày càng trở nên thường xuyên. Dân Do Thái chống đối sự cai trị của Anh quốc và những xung đột dân sự khó có thể phân giải đã khiến Anh quốc phải rút lui để cho Liên Hiệp Quốc dàn xếp vấn đề Palestine. Năm 1947 Liên Hiệp Quốc đưa ra nghị quyết 181 chia Palestine (đang dưới quyền cai trị của Anh quốc) làm hai: một cho Do Thái, một cho Ả Rập. Riêng Jerusalem thì thuộc quốc tế do Liên Hiệp quốc quản trị. Do Thái đồng ý giải pháp này, nhưng dân Ả Rập và các quốc gia Ả Rập phản đối không chấp nhận.
Quốc gia Israel của người Do Thái đã được công bố chiều ngày 14-15 tháng 5 năm 1948 với dân số ½ triệu người. Ngay sau đó, Israel bị tấn công bởi 5 nước Ả Rập là Lebalon, Syria, Saudi Arabia, Jordan và Ai Cập. Israel đã toàn thắng, nhưng bạo động lại liên tiếp xẩy ra cộng với những trận chiến vào những năm 1956, 1967, 1973, 1982 và mới đây nhất hồi tháng 7 năm 2006. Sự căm phẫn hận thù của dân Ả Rập đối với Do Thái vẫn còn đó không giải quyết được. Quốc gia Do Thái vẫn không được an toàn trong một vùng đầy rối loạn và thù hận.
Hiện nay, phần lớn dân Do Thái vẫn còn sống ở ngoài quê hương Israel của họ; đa số ở Hoa Kỳ, Âu Châu và Nga Sô.
Bác sĩ Nguyễn Tiến Cảnh
Pace Island, Florida, November 1, 2006
NTCanh
THÁNH NỮ MARGUERITE-MARIE ALACOQUE VÀ LINH HỒN NƠI LUYỆN NGỤC
Thánh nữ Marguerite-Marie Alacoque (1647-1690) là nữ tu dòng Thăm Viếng ở Paray-le-Monial, nước Pháp. Dòng Các Nữ Tu Thăm Viếng do thánh Phanxicô de Sales (1567-1622) thành lập.
Thánh nữ Marguerite-Marie được Đức Chúa GIÊSU tỏ bày Trái Tim Cực Thánh của
Ngài, Trái Tim hằng bừng cháy ngọn lửa dạt dào yêu thương nhân loại.
Đức Chúa GIÊSU chọn thánh nữ làm vị tông đồ dấu ái của Trái Tim Cực Thánh Ngài.
Ngài muốn thánh nữ loan báo cho toàn thế giới biết ”những kỳ công của Tình Yêu
Ngài”, ”những kín ẩn không thể giải thích được của Trái Tim Cực Thánh Ngài”. Đức
Chúa GIÊSU nói với thánh nữ Marguerite-Marie Alacoque: ”Đây là Trái Tim từng
nồng nàn yêu thương loài người”.
Năm 1685, Cha Francois-Ignace Rolin, dòng Tên và là Cha Linh Hướng, truyền cho
thánh nữ Marguerite-Marie Alacoque tự viết lại cuộc đời. Vâng lời Cha Linh
Hướng, thánh nữ viết cuốn ”Tự Thuật”. Trong cuốn này, thánh nữ kể lại chuyện một
Linh Hồn nơi Luyện Ngục xin thánh nữ cầu nguyện hy sinh cho mình chóng thoát
khỏi Lửa Luyện Hình.
Một lần kia, nhằm ngày lễ trọng kính Mình Máu Thánh Đức Chúa GIÊSU KITÔ, khi con
đang quỳ chầu Thánh Thể, thì bỗng chốc, một người xuất hiện trước mắt con, toàn
thân là khối lửa cháy bừng bừng. Sức nóng tỏa ra và xuyên thấu vào người con,
khiến con có cảm giác mình cũng bị đốt cháy. Người này cho con thấy đang ở trong
Lửa Luyện Hình và tình trạng thê thảm của người này khiến con cảm thương và khóc
ròng.
Tiếp đến, người này cho con biết, ngài là Linh Mục tu sĩ, thuộc dòng thánh
Biển-Đức.
Cha đã có lần giải tội cho con và ra lệnh cho con được phép rước lễ. Chính vì
việc lành này mà Chúa thương ban cho Cha đặc ân ngỏ lời với con, xin con thoa
dịu nỗi khổ ngài đang chịu trong Lửa Luyện Hình. Ngài xin con, trong vòng 3
tháng trời, bằng lòng nhường lại cho ngài mọi việc lành phước đức và những hy
sinh, bằng lòng chịu đau khổ.
Con liền xin phép Mẹ Bề Trên. Sau khi được Mẹ Bề Trên ưng thuận, con hứa với ngài bằng lòng làm mọi sự theo lời ngài xin.
Vị Linh Mục cho con biết 3 lý do chính khiến ngài phải chịu đau khổ nặng nề:
1/ tự coi trọng quyền lợi riêng hơn tìm kiếm Vinh Quang THIÊN CHÚA, bằng cách quá chú tâm đến lời khen tiếng chê giả trá của người đời
2/ lỗi đức bác ái đối với các anh em cùng dòng
3/ quá quyến luyến các tạo vật, yêu thương tha nhân với tình cảm thuần túy tự
nhiên và ưa kể chuyện tầm-phào trong các cuộc nói chuyện thiêng liêng. Điều này
làm mất lòng Chúa rất nhiều.
Con không thể nào kể ra cho hết, diễn tả cho trọn, mọi nỗi thống khổ con phải
chịu trong vòng 3 tháng trời, theo lời con hứa với vị Linh Mục. Bởi vì, vị Linh
Mục luôn theo sát con, không rời con giây phút nào. Thêm vào đó, bởi vì toàn
thân ngài giống như khối lửa, nên con phải chịu đau đớn cách thống thiết và nước
mắt cứ liên tục chảy ra ròng ròng.
Thấy tình cảnh của con như thế, Mẹ Bề Trên thật động lòng cảm thương con.
Mẹ truyền cho con phải làm việc hãm mình đền tội lành thánh, nhất là việc tuân
giữ kỷ luật: bởi vì, nỗi đau đớn và thống khổ bề ngoài chị em gây cho con phải
chịu vì đức bác ái, làm nhẹ bớt những nỗi đau khổ khác rất nhiều, và sự thánh
thiện về tình thương này ghi dấu trong con, giống như một mẫu hàng nhỏ, về những
gì nó làm cho các Linh Hồn phải chịu đau khổ trong Lửa Luyện Ngục.
Sau khi tròn ba tháng, con thấy lại vị Linh Mục này, nhưng dưới một hình ảnh
khác. Dáng điệu đầy tràn niềm vui và vinh quang, ngài ra đi vui hưởng hạnh phúc
vĩnh cửu. Ngài không quên cám ơn con và hứa với con, ngài sẽ bảo trợ con trước
mặt Chúa. Nhưng con lại ngã bệnh, và vì nỗi đau khổ của con chấm dứt cùng lúc
với các nỗi đau khổ của ngài, nên con được khỏi bệnh ngay sau đó.
(”Sainte Marguerite-Marie: Sa vie par elle-même”, Editions Saint-Paul, 1979,
trang 133-134).(Radio Vatican)
Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt
Người giáo viên lướt nhìn qua một lượt và dừng mắt ở dãy bàn thứ tư. Ánh mắt đầy thách thức pha lẫn bất cần của cậu học trò mới làm cô chú ý.
Qua tìm hiểu cô biết được cậu là một học sinh cá biệt.
Lần giở học
bạ của cậu học trò mới, trong phần phê của giáo viên chủ nhiệm lớp một ghi:
"Sáng dạ, ham học hỏi"; lớp hai: "Học giỏi, hoà đồng với các bạn cùng lớp. Mặc
dù phải chăm sóc người mẹ đang ốm nặng nhưng vẫn hoàn thành tốt việc học"; lớp
ba: "Rất có nghị lực, mẹ vừa mới qua đời, hiện đang sống cùng người cha tối ngày
say xỉn"; lớp bốn: " Ít nói, không có nhiều bạn và thường xuyên ngủ gật trong
lớp".
Hôm nay là ngày Nhà giáo, các em học sinh ai cũng mang tặng cô những món quà gói
giấy bóng thắt nơ xanh đỏ ngoại trừ món quà của cậu. Nó được gói một cách vụng
về bằng một mẩu giấy màu nâu xỉn được cắt ra từ loại bao giấy dùng để đựng thực
phẩm. Vài tiếng cười bắt đầu ré lên khi cô giáo mở món quà của cậu: Một chiếc
vòng đeo tay bằng đá giả kim cương thiếu mất vài hạt, một chai dầu thơm chỉ còn
lại một phần tư. Vừa đeo chiếc vòng vào tay, cô giáo vừa cất lời khen chiếc vòng
sao vừa vặn. Tiếp đến, cô cầm chai dầu thơm và thoa một ít vào cổ tay. Những
tiếng cười ngưng hẳn.
"Hôm nay cô "có mùi" giống mẹ em", lời cậu bé khiến cô giáo bật khóc.
Từ khi được quan tâm, cậu bé trở nên nhanh nhẹn và lém lỉnh trở lại. Càng được khuyến khích cậu càng tỏ ra vượt trội. Cuối năm, cậu nằm trong top những học sinh đứng đầu lớp.
Một năm sau, cô giáo nhận được một mảnh giấy nhét qua khe cửa. Cậu bé nói trong tất cả những giáo viên mà cậu từng được học, cô là người cậu yêu mến nhất. Sáu năm sau, cô nhận được lời nhắn thứ hai, cậu thông báo mình đã tốt nghiệp trung học, đứng hạng ba toàn trường và cô vẫn là người mà cậu yêu mến. Bốn năm sau, trong lá thư gửi cô giáo cậu khoe mình đã tốt nghiệp đại học loại ưu và cậu cho rằng cô vẫn là người giáo viên cậu yêu mến nhất. Lại bốn năm nữa trôi qua và một lá thư khác đến. Lần này, cậu giải thích rằng sau khi lấy được bằng cử nhân, cậu muốn tiến xa thêm chút nữa; bây giờ, tên của cậu dài hơn một chút. Lá thư ký tên: Tiến sĩ .......
Câu chuyện không dừng lại ở đó. Vẫn còn một lá thư nữa. Lần này cậu báo cho cô giáo biết cậu đã gặp được một cô gái và muốn cưới cô ấy làm vợ. Cậu giải thích rằng cha của cậu đã mất cách đây hai năm và cậu tự hỏi liệu cô có thể làm người đại diện cho chú rể được không? Và trong ngày đặc biệt ấy, cô giáo đã đeo chiếc vòng đá ngày xưa, xức loại nước hoa mà trước đây mẹ cậu hay dùng.
Trong lúc hai cô trò ôm nhau mừng rỡ sau bao nhiêu năm mới gặp lại, cậu khẽ nói "Cảm ơn cô đã đặt niềm tin nơi em, cảm ơn cô đã chỉ cho em thấy rằng em có thể làm được những điều tưởng như không thể".
TÌNH YÊU ĐƯỢC XÂY DỰNG NHƯ THẾ NÀO?
Nhiều bạn nam nữ ở tuổi thanh thiếu niên chưa biết cách bắt đầu xây dựng một mối quan hệ, hoặc đã bắt đầu nhưng không biết gìn giữ hoặc tiến sâu hơn trong mối quan hệ, dù biết rằng đó là một dịp may, một giá trị.
Toàn thấy mình thích Thu, và thấy hai đứa khá hợp nhau trên nhiều phương diện. Toàn muốn tiến sâu hơn trong mối quan hệ nhưng làm sao đây??? Toàn cứ loay hoay với ý nghĩ đó, mà ngại ngùng chẳng biết tiến thoái làm sao …?
Mẹ Toàn theo dõi hai đứa và đọc được ý con, bà gợi ý:
“Nếu con biết Thu cũng thích con và cảm thấy như con, con cứ ngay thẳng và chân thành với cô ấy. Nói cho Thu biết con cảm thấy thế nào về cô ta, và con muốn gì. Nếu Thu sẵn sàng thì chúng con có thể chia sẻ sâu hơn và gặp nhau thường hơn, nếu cô ta chưa sẵn sàng thì con đợi cho đến khi Thu hiểu ý con và sẵn sàng …”
Phụ huynh nhắc nhở thêm cho con em là người ta sẽ yêu mến nhau hơn và tình cảm sẽ chắc bền hơn khi có sự tôn trọng và quý mến nhau.
Nam giới cần biết là phụ nữ sẽ quý trọng người đàn ông nào có sự hòa trộn giữa hai điều: sức mạnh và sự tử tế, tế nhị.
Nữ giới cần biết là đàn ông sẽ yêu những người có nhiều đức tính cao cả và chú ý nhiều đến tính tình.
Làm sao cho con gái quý vị hiểu là người đàn ông thường yêu qua ánh mắt trong lúc đó phụ nữ thường yêu qua tai nghe. Dù ai cũng thích nghe những lời yêu thương, ngọt ngào, nhưng nam giới thường chú ý và bị lôi cuốn bởi người phụ nữ có đức, biết chăm lo dáng vẻ và ánh mắt lôi cuốn. Cô ấy không cần phải đẹp lắm, nhưng cũng cần có những nét hấp dẫn bên ngoài nữa. Giúp các cô gái trẻ không quá bị ám ảnh bởi những gì phải mặc, phải trang điểm … Sức khỏe, sự sinh động, và trên hết là “con người” có nhiều điều gây chú ý và thu hút. Đây muốn về con người với tất cả giá trị về mọi mặt.
Thanh thiếu niên cũng cần biết về sự thân cận, riêng tư. Tình yêu sẽ triển nở khi hai tâm hồn cảm thấy gần nhau, chia sẻ suy tư và tâm tình, càng ngày niềm tin tưởng vào nhau phát triển hơn lên, chia sẻ thâm sâu và đề cập đến những điều rất riêng tư hơn. Khi con em cảm nhận là mối quan hệ tốt, chúng sẽ thấy tự tin và an toàn hơn khi chia sẻ những gì sâu lắng của riêng mình. Mối quan hệ thật và thâm sâu làm cho người ta càng trở nên trong suốt với nhau hơn. Người ta không còn giữ mặt nạ hoặc sự “tự bảo vệ” và che dấu nhau nữa.
Khi để cho người kia biết về con người thật của mình, đó là điều chứng tỏ mối quan hệ sâu xa và chân thật. Bạn mình sẽ đi cùng một hướng như thế. Khi ấy hai người sẽ có biết bao nhiêu thứ để nói, để chia sẻ và để trao cho nhau. Vì thế, chúng ta thấy là những người thật sự yêu nhau, họ chẳng bao giờ hết chuyện để nói với nhau , chẳng bao giờ thấy là đã chia sẻ đủ, chẳng bao giờ thỏa mãn với những phút gần nhau … Họ luôn muốn “có” nhau, “gần” nhau, và “cần” nhau.
Mong quý phụ huynh cho con em những lời chỉ dẫn, những ví dụ thật cụ thể, chứ không chỉ đơn giản bảo là, “lớn lên con sẽ biết”. Phải, con em quý vị sẽ biết, nhưng biết với một giá phải trả, và đôi khi giá đó quá đắt hay khi biết được thì đã quá trể không sửa chữa được, không làm lại được nữa, hoặc đã bỏ lỡ cơ hội, không thưởng thức hết tất cả những góc độ êm dịu, mặn mà của tình yêu, của cuộc sống.
Các bạn trẻ rất thích nghe nói về những đặc nét của phái kia. Quý phụ huynh có thể giúp con em nêu lên những điểm đặc biệt của bạn khác phái, và đồng thời cho biết là chúng có khả năng kiến tạo những mối quan hệ sâu sắc , và có giá trị. Tình yêu thật đem lại niềm tin, sự tôn trọng, quý mến nhau, có nghĩa là dành “khoảng không gian” cho bạn mình tự do suy nghĩ, quyết định hay làm những gì họ muốn, tình yêu hòa hợp là để cho bạn mình tự do cảm, nghĩ về mình.
Như trên vừa nêu lên những điểm tích cực của các mối quan hệ tốt lành và sâu sắc, mà không đề cập đến một số khía cạnh tiêu cực để cho con em biết mà cảnh giác thì vẫn còn thiếu sót. Vậy, xin phụ huynh cũng cho con em thấy tình yêu đích thực và mối quan hệ lành mạnh không phải là:
“Một sự sở hữu, kiểm soát lẫn nhau, tranh đua và ghen tuông nhau”
“Tranh cãi hoặc tranh chấp về những chuyện nhỏ nhặt không đáng”
“Luôn cố gắng thuyết phục người kia làm theo ý mình”
“Căng thẳng thường xuyên và lo lắng là người kia sẽ bỏ hay không “chơi đẹp” với mình”
“Thắc mắc vì không biết người kia sẽ cảm hay nghĩ gì về mình, hoặc muốn biết, muốn uốn nắn và kiểm soát tâm tình và ý nghĩ của người kia, hoặc xâm phạm sự riêng tư và khoảng không gian riêng của họ”
“Không thúc ép và làm áp lực trên người kia, để họ nói những gì mà họ không sẵn sàng, hoặc làm những điều mà họ không muốn”
“Không tôn trọng nhịp tiến của nhau, và dùng thì giờ đủ để hiểu nhau, để đi sâu vào nhau; mà đi đường tắt, muốn biết mọi thứ, muốn chiếm hữu …”
“Thiếu trưởng thành và thiếu lành mạnh là luôn muốn quay về mình, tìm những gì có lợi cho mình, mà không nhạy cảm đủ hoặc chú ý đến nhu cầu, tâm tình của bạn mình”
“Không biết lắng nghe, mà chỉ muốn người khác nghe và chìu theo ý mình”
“Không cố gắng đủ để tìm hiểu và xây dựng cho nhau”
“Cản trở sự lớn lên hoặc bước tiến của người kia”
…
Cùng một cách thế như ở phần nói về những điểm tích cực, quý vị có thể khơi gợi cho con em góp ý hay nhận định về những mối quan hệ thiếu lành mạnh trong môi trường sống chung quanh con em quý vị.
Sau cùng điều mà quý phụ huynh không bỏ qua được, đó là bảo cho con em mình biết là:
Chúng đáng yêu và đáng được yêu .
Quý vị vẫn biết là tuổi thanh thiếu niên thường cảm thấy bất an, mặc cảm và thiếu tự tin nên chúng có cái nhìn khá tiêu cực về khả năng và đánh giá thấp về bản thân . Bảo cho con em biết là chúng có thể tìm và xây dựng được những mối quan hệ sâu xa, có giá trị và chân thật với bạn khác phái.
Nhiều bạn trẻ, nhất là các bạn thanh nữ thường đánh giá mình dựa trên mối quan hệ . Nếu có bạn trai thì họ cảm thấy mình “được = OK”. Nếu bạn trai không chú ý đến nữa, họ lại nghi ngờ về giá trị và khả năng của mình. Thật ra, cả hai phải cần được trấn an là chúng đáng yêu và đáng được yêu dù chúng không giỏi, không đẹp lắm. Vì đó chỉ là những cái bên ngoài. Giá trị con người không chỉ nằm ở đó, mà ở những đức tính, những sức sống, lòng tự tin và ý chí quyết tâm vươn tới trong cuộc sống.
Nếu chẳng may con em quý vị không cảm thấy được yêu thương và quý trọng, quý vị đối thoại và chỉ cho chúng nhận thấy những điều đáng giá nơi chính bản thân, cũng như cách thế để trở nên “có giá” trị hơn, để cải tiến mối tương quan và giá trị của mình. Quý vị cần luôn lưu ý đến sự đánh giá và cái nhìn về chính mình của con em (self-esteem), vì đây là điểm then chốt giúp trẻ an tâm dấn bước vào mối quan hệ thân tình với bạn khác phái, và nhiều lãnh vực khác nữa của cuộc sống.
Quý phụ huynh còn cần gây ý thức cho con em về thực tế của tình yêu. Có nghĩa là không phải khi mình muốn là mình có, hoặc có khi mình có mà mình không muốn, vì tình yêu còn cần sự góp phần của “bên kia” và điều này chúng ta không làm chủ được, vì nó thuộc lãnh vực tự do và cảm nhận của người khác. Tình yêu và mối quan hệ chân thật không thể xin, không thể mua, cũng không thể muốn là có được. Điều này có thể tạo nên những nỗi đau, vì có khi mình yêu mà người khác không yêu mình, hoặc trái lại.
Làm sao để có sự hòa hợp và đồng cảm,
Làm sao để có mối quan hệ chân thật và yêu thương song phương?
Có khi phải chờ, phải đợi và cần phải kiên tâm xây dựng cũng như chờ giờ chín muồi của nó nữa!
***
Tình yêu chân thật bắt đầu từ lúc không mong đền trả.
St. Exurery
Tình yêu chân thật là một chiến thắng vượt trên mọi ích kỷ của nó.
P De Montcheuil
Tình yêu chân thật là hiểu biết nhau và giúp đỡ nhau.
C. F. Ramur
M. Thécla Trần Thị Giồng – Dòng Đức Bà
TS Tư Vấn Tâm lý
Đọc Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan 21,1-19
Bài Tin Mừng được công bố trong lễ cưới của Anh Chị gợi lên ba điểm liên quan đến mọi gia đình công giáo nói chung và cách riêng cho Anh Chị mới thành gia thất hôm nay.
1/ Bảy môn đệ trở về nghề cũ.
Nghề cũ của họ là nghề đánh cá. Địa điểm họ gặp nhau là biển hồ Tiberia quen thuộc và đầy ấp kỷ niệm. Họ làm việc với nhau, chung sức chung lòng và chia sẻ cùng nhau một thất bại não nề, đó là không bắt được con cá nào, dù họ là những tay chài thiện nghệ.
Đời sống gia đình chúng ta cũng có ngành nghề làm ăn sinh sống. Rất nhiều khi chúng ta đã gặp thất bại ê chề, chán nản, muốn buông xuôi bỏ cuộc. Cả đến tình nghĩa vợ chồng tưởng như keo sơn bền chặt, mà cũng có lúc "nhạt như nước ốc, bạc như vôi". Rồi thất vọng vì con cái hư hỏng, chơi bời phóng túng. Bao nhiêu lo toan, bao nhiêu dằn vặt làm chúng ta thối chí ngã lòng. Không còn biết tin ai, nương tựa vào ai, yêu thương ai được nữa. Để có lần chúng ta phải than thở:
"Tình chỉ đẹp khi còn dang dở.
Đời mất vui khi đã vẹn câu thề" ( Xuân Diệu )
2/ Chúa Giêsu Phục Sinh ở bên
Chính trong lúc rơi xuống tận đáy vực tuyệt vọng, thì Chúa Giêsu sống lại đã đến các môn đệ, cho dù các ông không nhận ra Ngài. Ngài hỏi họ một câu rất bình dị: “Này các chú, không có gì ăn ư?" Họ đồng thanh thú nhận: " Thưa không". Và Chúa đã truyền: "Cứ thả lưới xuống bên phải mạn thuyền đi, thì sẽ bắt được cá". Và thật bất ngờ, ngoài trí tưởng tượng của các môn đệ: Lưới đầy cá lớn. 153 con là tượng trưng cho tất cả các loại cá người ta đã liệt kê được thời bấy giờ.
Thì ra, trong những sinh hoạt đời thường và buồn tẻ của gia đình và của mỗi chúng ta, Chúa Giêsu Phục Sinh đã chẳng bao giờ lìa xa chúng ta. Ngài ở bên chúng ta. Ngài đi bên cuộc đời chúng ta. Ngài có mặt trong bữa cơm thanh đạm rau mắm của chúng ta. Ngài cúi xuống săn sóc những bênh tật đớn đau của chúng ta. Ngài ân cần nâng niu đứa con chúng ta vừa sinh. Ngài vác cuốc làm cỏ ngoài ruộng đồng nương rẫy với chúng ta. Và còn rất nhiều những sinh hoạt thầm lặng không tên của chúng ta, Chúa vẫn có mặt.
Lơ mơ và lờ mờ, chúng ta sẽ chẳng nhận ra Chúa ở ngay bên. Vì khi có Chúa thì nghề cũ, đời cũ, việc cũ, kiếp sống cũ sẽ được biến đổi nên mới hoàn toàn.
3/ Tiếng gọi tình yêu của người yêu.
Trong 7 môn đệ, Gioan là người đầu tiên nhận ra Chúa Phục Sinh, vì ông là "người môn đệ được Đức Giêsu thương mến". Và rồi, trước khi trao trọng trách chăm sóc đoàn chiên cho Phêrô, Đức Giêsu đã hỏi đến lần thứ ba: "Này anh Simon, con ông Gioan, anh có mến Thầy hơn các anh em này không ? " .
Trong tình yêu, dù chỉ là một ánh mắt, một nụ cười, một lời nói nhỏ nhẹ cũng đủ trao đến người yêu nhiều ý nghĩa thâm sâu. Vì khi người ta yêu, bầu trời trong xanh hơn, cây lá quyến rũ hơn, tâm hồn bồng bềnh phơi phới hân hoan. Khi yêu, thì "tam tứ núi cũng trèo, thất bát sông cũng lội, tứ cửu tam thập lục đèo cũng qua".
Đây là định luật tâm lý rất hợp cho cuộc sống đạo và cuộc đời lứa đôi. Khi Chúa yêu, Chúa cho chúng ta tất cả: "Chính Người đã yêu thương chúng ta, và sai Con của Người đến làm của lễ đền tội cho chúng ta"(1 Gioan 4,10 ). Khi yêu Chúa, chúng ta sẽ làm tất cả vì Chúa. Và khi yêu nhau như Chúa dạy, vợ chồng sẽ dành cho nhau những gì là tốt đẹp nhất. Ngày mới quen và trong thời gian tìm hiểu, Anh Chị thường đặt người yêu làm trọng tâm cho mọi sinh hoạt trong ngày: Sáng nhớ, trưa mong, tối đợi. Và nếu tình yêu này là tình yêu chân chính, nó sẽ kéo dài cho đến cuối đời chúng ta.
Để kết, tôi xin kể cho mọi người câu chuyện thần thoại của nước Hy lạp thời xa xưa :
Phê-nê-lốp là người vợ sắc nước hơng trời. Nhưng chồng chị lại thường vắng nhà vì phải đi chinh chiến miền xa. Lợi dụng thời kỳ này, nhiều ông trong vùng đã bày trò ong bướm ve vãn chỉ vì chị vừa đẹp người lại vừa đẹp nết. Phê-nê-lốp làm nghề dệt vãi để mưu sinh và hằng ngày cả bọn đàn ông ham sắc này đến tấn công chị. Không biết làm cách nào hơn, chị bèn bày một mưu kế, đó là: chừng nào dệt xong tấm vải, chị sẽ chọn một người trong bọn đàn ông ấy làm chồng. Các ông này hí hửng và trong ngóng cho tấm vải mau hoàn tất.
Thế nhưng, từ ngày ra lời hẹn ước, Phê-nê-lốp cứ ngày dệt thì đêm lại gỡ ra những sợi chỉ đã dệt. Và chúng ta biết, cứ như thế thì muôn năm các ông cũng chẳng lấy được nàng, cho đến ngày chồng nàng trở về.
Chính những sợi chỉ trung thành dọc ngang của Phê-nê-lốp đã làm nên tấm lụa tình yêu tuyệt vời.
*
Cầu chúc Anh Chị cũng nỗ lực dệt đời lứa đôi của mình được như vậy, trong ơn nghĩa Chúa và tình yêu bền lâu với nhau.
Lm. Giuse Bùi Văn Khiết Tâm
Lm. Đỗ Văn Thiêm
4. Ba Giọt Nước Mắt
Đứng trước cái chết của Ladarô. Chúa Giêsu đã khóc.
Thân phận con người là mỏng dòn và yếu đuối. Nhưng ý nghĩa này hiện lên rõ ràng và đậm nét nhất, khi đứng trước cái Chết.
Không ai cưỡng lại được, cũng chẳng ai có thể chối từ.
Giữa nhà thờ lúc này, là một quan tài rất đẹp, trong đó có một xác chết. Nỗi tiếc thương giăng kín, bằng những chiếc khăn tang trắng xóa, cột chặt trên mái đầu. Hơn nữa, sự tiếc thương ấy, còn đọng lại trong những giọt nước mắt ứa ra, và rơi lã chã xuống nền gạch nhà thờ.
Anh Giuse hôm nay nằm xuống, giữa tuổi xuân cuộc đời nhiều hoa mộng. Tương lại bị chặt đứt. Sự sống bỏ dở dang. Niềm tiếc thương thật lớn. Lớn đến độ, trong nhà thờ lúc này, tôi trông thấy có ba dòng nước mắt túa ra.
Giọt nước mắt màu trắng.
Nỗi tiếc thương xót xa nơi trái tim, ứa ra nơi khóe mắt của cha mẹ, anh em bạn hữu. Một giọt máu đào vừa vỡ tan. Bao nhiêu đớn đau, yêu thương chăm sóc, vỗ về, nuôi nấng, bao nhiêu ân tình ấy, bây giờ mới tiếc xót làm sao. Cho tôi được gởi lời chia buồn sâu sắc đến mọi người trong gia đình. Gia đình vừa mất đi một thành viên. Một khoảng trống vừa mở lớn ra trong gia đình. Mất mát nào mà chả đớn đau, nhất là ở đây, sự mất mát ấy, lại là một sự sống, một con người.
Những giọt nước mắt màu trắng ấy ứa ra còn là sự thú nhận về sự bất lực của con người trước cái chết. Có tiếc thương nhung nhớ bao nhiêu, có giàu sang phú quý bao nhiêu, con người cũng đành bó tay trước cái chết.
Giọt nước mắt màu tím.
Ay là giọt nước mắt của người Cha Thiên Chúa. Người Cha già nua chạy ra khi hay tin đứa con thứ vừa trở về thân tàn ma dại. Đứa con này đây, cái đứa con dại khờ, đã nghe tiếng dụ dỗ của những con chó sói, để bỏ bầy đàn ra đi. Bao nhiêu vất vả, bao nhiêu cay đắng để tìm, để gọi, mà nó cứ mãi không thức tỉnh, mãi cứ hoang đàng, mãi cứ ra đi. Đến giờ phút này, nó mới quay về.
Nó về rồi kia kìa, cả thiên đàng òa khóc. Vui chưa! Vui chưa. Đã tìm thấy con chiên lạc. Con chiên lạc đã biết lối quay về.
Giọt nước mắt ấy màu tím, bởi đấy là sự đọng lại của bao nỗi nhớ nhung, mong chờ.
Nhưng còn một dòng nước mắt nữa ở đâu? Màu gì?
Thưa đó là giọt nước mắt màu hồng.
Nước mắt màu hồng túa ra, từ 2 khóe mắt của con chiên, của đứa con hoang đàng. Khi gặp lại cha, không một lời mắng mỏ. Cha cười tươi đón nó, nhưng tự nó, thấy ngại ngùng và xấu hổ với cha. Nó dại khờ và tệ bạc với cha nhiều quá. Bao nhiêu lời cha dạy, nó bỏ ngoài tai tất cả, chỉ nhớ đến những lời dụ dỗ, hỏa mù của những chó sói giả chiên. Nó lạc lối, trầm mình trong những vũng lầy của đam mê, của những đòi hỏi thấp hèn. Tất cả chỉ làm thân xác nó rã rời, cuộc đời nó đen tối. Bây giờ, trở về với cha, nó mới chợt nhận ra rằng: chỉ có tình cha là nồng nàn và bao dung hơn tất cả. Nó ôm lấy cha. Cả 2 dòng nước mắt đều túa ra, những giọt nước mắt màu tím của cha, từ trên cao chảy tràn xuống khuôn mặt nó, dần dần làm trôi đi những bụi bặm dính đầy trên mặt nó. Rửa sạch mọi vết nhơ nhớp đọng dính trên đó, và làm cho khuôn mặt nó dần sáng ra.
Thưa …
Bên thân xác của anh Giuse lúc này, tất cả chúng ta yên lặng cúi đầu, để trân trọng cho những tình thương cao quý. Tình thương cao vời của người cha bao dung nhân ái, tình thương xót xa của mẹ, của cha, gia đình, bằng hữu. Tình thương hối lỗi ăn năn của lòng hiếu thảo muộn màng.
Ta khóc, và ta cầu nguyện cho những tháng ngày dại khờ của anh Giuse. Ta lấy lời nguyện, ta lấy hy sinh, ta lấy việc làm bác ái, để làm lễ vật bù đắp, cho những sai lạc, lầm lỗi của anh Giuse thân yêu.
5. Nước Mắt Lưng Trời
Xin mọi người lặng yên và ngậm ngùi. Chúng ta chứng kiến giây phút cực kỳ nghiêm trọng của cuộc đời Chúa Giêsu. Giây phút hấp hối bi thương.
Từ từ khép mắt, đầu rũ xuống, hơi thở tắt dần. Trời ơi! Chúa Giêsu đã chết!
Cả bầu trời òa khóc. Thân mình địa cầu xúc động, khiến núi non động địa, và đá vỡ ra tan tác. Những hòn đá vỡ ra, có là sự phản đối của vũ trụ, trước tội ác quá lớn của nhân loại: Giết chết Đấng tạo dựng nên mình, hay những hòn đá vỡ ra ấy, như là những giọt nước mắt đổ ra lưng trời, để tiếc thương cho cái chết bi hùng của Người Con Thiên Chúa.
Chúa Giêsu khép mắt.
Nguồn Sáng vừa tắt thở! Mặt trời công chính không còn chiếu sáng. Khiếp quá! Mặt trời trên cao vội vàng tắt ngấm. Thánh Kinh viết: “Trời đất trở nên u ám”.
Rất đột ngột, tấm màn trong đền thờ Giêrusalem, bỗng bị xé đôi từ trên xuống dưới. Phải chăng, Thiên Chúa Cha vừa cúi xuống, xé lấy một dải khăn tang, để tiếc thương nhung nhớ cho một người Con dấu ái vừa mất đi sự sống.
Con người Giêsu đã chết. Sự sống nơi một con người vừa mất đi. Sự sống là một huyền nhiệm. Sự sống là một hữu thể vô cùng cao quý, mà con người không thể tự tạo ra.
Như thế, sự sống là hồng ân cao cả nhất, mà Thiên Chúa đã trao tặng con người.
Bà Maria thân thương của chúng ta, cũng đã được Thiên Chúa trao tặng cho một sự sống. Bà đã nâng niu chăm sóc, coi đó như nén bạn quý báu Chúa trao.
Bà đã hết sức, để sử dụng nén bạc này. Trước hết, bà luôn giữ nó tinh tuyền .
Bà ý thức sâu sắc rằng: Chúa trao ban cho mình sự sống là để mình dùng sự sống ấy mà làm vinh danh Chúa. Cái vẻ đẹp của Thiên Chúa, phải được hiện diện nơi mình. Cho nên, bà luôn cố gắng sống theo lời Chúa dạy, và rắp tâm luôn bước trong đường lối của Người.
Không thể hoàn hảo, nhưng bằng tất cả nghị lực, bà luôn gìn giữ, trong những thời khắc được chọn, để tôn thờ Thiên Chúa.
Còn trong gia đình, bà luôn nhớ lời Chúa dạy: “Hãy học với Ta, vì Ta hiền lành và khiêm nhượng trong lòng”. Bà luôn kiên trì, nhẹ nhàng trong việc nuôi dạy con cái.
Với xã hội cũng vậy, bà luôn tươi cười khiêm tốn. Khiến nhiều người hàng xóm luôn thích thân thiện với bà.
Ngoài việc giữ cho sự sống được tinh tuyền, bà còn cố gắng làm cho sự sống ấy được nảy nở.
Những người con bà đã sinh ra, những sự sống nảy nở Chúa trao ấy, được bà quan tâm bằng trọn vẹn tâm tư. Việc bà lưu tâm hơn cả, là phải ướp cho những sự sống ấy cái Đức. Chữ Đức là mối quan tâm ưu tiên của bà. Đức Tin phó thác nơi Chúa. Đức Cậy tựa nương nơi Ngài. Và Đức Mến nồng nàn ấm áp với những người anh em. Mỗi người con, phải in được thật đậm nét chữ Đức ấy trong lòng.
Hôm nay, Chúa lấy lại sự sống, để gọi bà về, một sự sống xinh đẹp vừa bị mất đi. Một nỗi buồn to lớn phủ kín gia đình, thôn xóm và tâm tư nhiều người. Điều này nhận thấy rõ, nơi vô vàn những dải khăn tang đang cột chặt trên đầu.
Nhìn bà nằm yên ở đây, và nhớ lại cái giây phút ra đi của bà, tôi cũng thấy an lòng. Bà ra đi trong niềm bình an tột độ. Tưởng như bắt chước Chúa Giêsu, bà cũng thốt lên: “Lạy Cha, con xin phó hồn con ở trong tay Cha”.
Nhìn khuôn mặt thanh thản của bà lúc an nghỉ, tôi mới chợt khám phá ra rằng: Cả đời bà đã đón nhận sự sống của Chúa, và đã giữ gìn nó trong niềm Tạ Ơn.
Nhiều lúc, Chúa muốn thử thách bà khi để bà đau đớn trong bệnh tật, như muốn đòi lại sự sống, bà vẫn mỉm cười trung kiên, không oán giận, phiền trách Chúa, Chúa đã để căn bệnh kéo dài, như một lời nhắc nhở rằng: Sự sống là của Chúa, bà đã nhận ra điều này, bởi vậy, có lần bà đã nói với tôi: Xin cầu nguyện nhiều cho con, để con có thể chịu đựng mà biến những đau khổ này thành một của lễ đền tội chính mình.
Thưa…
Tí nữa đây, người ta sẽ khiêng xác bà ra Đất Thánh. Không phải người ta khiêng bà, mà là khiêng một xác chết. Mất sự sống, con người chỉ là một thây ma, bất động.
Bởi vậy, nhìn xuống quan tài bà, tôi muốn nhắc nhở tôi: Hãy cố mà làm những gì tốt đẹp khi còn sống, bởi khi cái chết đến, tất cả đều quá muộn.
6. Chiếc Hố Định Mệnh
Thầy ơi! Bây giờ thầy đang nằm đây, giữa khuôn viên nghĩa địa, mà con vẫn gọi là thành phố buồn.
Tất cả mọi người đang đứng, chỉ có một mình thầy trong tư thế nằm. Một mình thầy nằm cô đơn lắm phải không?
Nhưng mà thầy ạ! Một mình một tư thế, vậy mà không cô đơn. Thầy là người trọng nhân nghĩa, nên thầy hiểu điều này rất rõ. Thầy nhìn mà xem, quanh thầy lúc này ấm áp chưa nào, bao nhiêu là trái tim, bao nhiêu là con người. Từ cha xứ, đến ban hành giáo, đến các quan khách gần xa, đều có mặt để tiễn thầy đi.
Mà đâu phải chỉ có mỗi lúc này. Lúc thầy nằm bất động trên giường bệnh, tất cả quý vị ấy cũng đã đến động viên, thăm nom và cầu nguyện cho thầy.
Xin cho con, được thay mặt thầy, để nói lên lời cám ơn chân thành và sâu sắc trước những tấm lòng cao cả ấy.
Bây giờ thầy nằm đây, bên cạnh một chiếc hố đào sẵn, trời ơi! Người ta sắp sửa bỏ thầy xuống đấy. Bỏ thầy xuống chiếc hố định mệnh. Nhìn thầy và chiếc hố, con mới thấm thía sâu sắc ý nghĩa mỏng giòn, phù vân của kiếp người.
Trong thân phận của một kiếp người, không ai, vâng, không một ai, có thể Nhảy qua được chiếc hố định mệnh ấy, chiếc hố chỉ dài có 2 mét, và chỉ rộng có 7 tấc.
Giàu có bao nhiêu, tiền bạc có chất cao bằng đầu, cũng phải rớt xuống, không thể nhảy qua.
Có giỏi giang, tài trí bao nhiêu, có xinh, có lộng lẫy bao nhiêu, tất cả cũng đều phải rớt ngã xuống đáy hố. Buồn!
Chiếc hố ấy, là nơi tập kết, tất cả những gì là vật chất. Lạnh lùng, chôn chặt tất cả. Hư vô hóa tất cả.
Tất cả những gì mình lo cho bản thân, những bữa cơm ngon, những làn da trắng, quần lụa áo tơ, xe cộ hợp thời, nhà cửa lộng lẫy. Giờ này, tất cả đều theo mình xuống hố sâu nấm mồ.
Còn lại gì không thưa thầy. Những gì mà hố sâu không chôn được? Phải chăng những gì mình đã làm cho người khác, vì người khác mà thôi. Và dĩ nhiên, trước tiên là phải kể đến, những gì mình làm cho linh hồn, cho đời sau của mình là hố sâu không lấp kín được. Hố sâu cũng không thể lấp kín được, những gì mình làm vì tình yêu với Chúa.
Là một nhà nho, thầy đã sớm ý thức được điều này, cho nên suốt đời thầy đã vâng lời Chúa, để làm người hát rong: “mãi hoài, xin là người hát rong, để cho tình yêu lên tiếng”. Vâng, thầy đã là người hát rong của Thiên Chúa, thầy hát bằng lời nói, và nhất là bằng cả lối sống. Thầy hát vào tai người khác bản thánh ca “Tinh yêu Chúa cao vời biết bao” để cho người ta nhận ra, mình có cội, có nguồn, biết đời mình không cô đơn, bởi có đôi bàn tay quan phòng, luôn chở che và dìu dắt đời mình. Thầy hát vào tai người khác bản tình ca “Đâu có tình yêu thương, ở đấy có Đức Chúa Trời”, để mọi người nhớ, coi nhau là anh em, để mọi người nhớ sự hiện diện của mình, chính là sự hiện diện của người con Thiên Chúa.
Trong những lần gặp gỡ, tiệc tùng, bản tâm ca mà thầy hay hát nhất là bài “Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi”. Thầy hát bài tâm ca này, để nhắc nhở mọi người, cái kiếp “Sống gởi, thác về” của mình.
Hôm nay, đôi chân thầy khuỵu xuống. Người hát rong không hát được nữa. Nhưng có vô vàn các thiên thần và những con người hát thay cho thầy. Không hẹn mà hò. Những bản tình ca “Xin Chúa thương xót chúng con”; “Chúa là Đấng từ bi và nhân hậu”; “Lạy Chúa, nếu Chúa chấp tội nào ai được rỗi” đều được đồng loạt ca lên.
Hòa chung những lời ca tha thiết ấy, tôi xin mọi người hãy cùng tôi, hát lên bài nguyện ca:
“Xin các thiên thần hãy mở cửa thiên đàng, và xin hãy đón tiếp linh hồn Đaminh vào chốn an bình đời đời”.
7. Thế Nào Là Khôn.
10 người trinh nữ
Trong tiếng nhạc xập xình, Hoàng đế Caesar ngồi giữa bàn, đang ngửa cổ, nhấm nháp ly rượu quý trên tay. Bữa tiệc thết đãi, đã kéo dài được gần 2 giờ, nhưng chưa có dấu hiệu sắp tàn. Bởi rượu và mồi, vẫn còn được mang lên kìn kìn.
Bỗng một người lính đặc vệ, bằng một điệu bộ hốt hoảng bước vào, tiến đến sát chỗ vua ngồi. Hai tay run run, trình lên hoàng đế một lá thư. Trước khi lui gót, anh thưa: “Tâu hoàng đế, người gởi thưa rằng: Xin hoàng đế coi gấp”.
Đẩy lá thư sang một bên, lấy vỏ một chai rượu đè lên, bằng một giọng điệu ngà ngà, Caesar nói: “Thư từ gì giờ này, nhậu đã”. Rồi ra hiệu cho dàn nhạc to tiếng.
Tiếng nhạc gào lên to quá, khiến hoàng đế và cả cung đình không nghe được tiếng hô tấn công của quân đảo chính. Lúc Caesar phát hiện, thì đã quá muộn. Caesar băng qua một lối tắt để trốn ra ngoài. Vừa ra tới khỏi cửa, một tên cận thần đã chờ sẵn, nhưng không phải để dẫn đường, mà là để tặng cho hoàng đế một lưỡi gươm kết thúc vào tim. Caesar đã chết, lá thư còn ở tay. Mở ra có dòng chữ: “Hoàng đế trốn ngay, có phản loạn”.
Vì quá ỷ y, Caesar đã chết. Ong chết vì đã không biết thức tỉnh. Ong chết vì ông không ngờ. Có giống không, 5 cô trinh nữ khờ dại hôm nay. Lúc đi mua dầu, cửa đã đóng lại.
Giống như Caesar, 5 cô gái bị tiếng là khờ dại, bởi đã không biết nhìn xa. Hóa ra, người chỉ biết nhìn gần là người khờ dại. Người nhìn gần, là người chỉ nhìn thấy những gì nằm trên mặt đất, và chỉ chú tâm đi tìm và sở hữu những thứ ấy như: tiền bạc, của cải, tiện nghi, lạc thú. Còn người khôn, là người biết nhìn xa hơn, vượt qua trần gian, để thấy nơi đến vĩnh cửu của mình đời sau.
Ong Giuse hôm nay vừa nằm xuống. Có người hỏi rằng: “Ong là người khôn hay dại?”
Với tôi, tuy nghèo túng, nhưng ông Giuse là người rất khôn. Đây nhé:
Vì khôn, nên ông đã hết lòng tôn thờ Thiên Chúa.
Ong biết, Thiên Chúa là cha ông, một người cha giàu lòng thương xót, cánh tay quan phòng luôn chở che ông. Nên ông hết lòng tin tưởng nơi Ngài. Dù nghèo, nhưng ông lúc nào cũng vui và giữ được phẩm giá. Bởi vì, ông biết: “Tin cậy ở Chúa, thì hơn tin cậy vào người trần gian”.
Với ông, ưu tiên số một trong ngày, là thờ phượng Chúa. Tình yêu phải đáp trả bằng tình yêu. Ong nhớ lắm, Cháu dạy: “Phải yêu mến Chúa hết lòng, hết sức, hết trí khôn”. Tình yêu phải được thể hiện. Ong tỏ hiện tình yêu với Chúa, bởi ông biết, Chúa sẽ yêu ông nhiều hơn. Được Chúa yêu, tất cả sẽ thành nhẹ nhàng, ấm êm và hạnh phúc.
Vì khôn, nên ông đã cố yêu thương mọi người.
Vì mang thân phận con người cát bụi, nơi ấy có đầy ích kỷ, và cả khối tham sân si. Nhưng nghe lời Chúa dặn, ông cố gắng thoát lên, từng ngày tiến lên. Ong cố mở to đôi mắt, để nhìn thấy khuôn mặt của Chúa trong người khác, để trân trọng và bao dung. Ong cố điều chỉnh cái nhìn, để nhận ra được, khuôn mặt của mình trong khuôn mặt người khác, vì tất cả đều là anh em với mình. Có chung một dòng máu nhiệm mầu.
Tuy nghèo về vật chất, nhưng ông giàu về tình yêu. Nên giúp được ai điều gì, là ông cố gắng thể hiện. Một lời nhắc, một lời khuyên, một nửa ngày lao động. Một vài ngày đi xin góp, để giúp đở cho một hoàn cảnh bi thương.
Hôm nay, ông nằm xuống. Xã hội mất đi một công dân tốt, cộng đoàn xứ đạo mất đi một người anh em chân tình, nhưng thiên đàng thì rộn ràng tiếng ca.
Trong giờ phút tiễn đưa này, ta hợp chung nhau lời cầu nguyện, để lòng bao dung Chúa, rửa đôi chân và con người ông sạch sẽ hết bụi trần, hầu có thể nhẹ nhàng bay vào nơi chan hòa ánh sáng.
TÌNH ƠI ! DẬY ĐỊ
Tác giả Lm. Đỗ Văn Thiêm
Lớp Khai Phá,Gp Long Xuyên
Quý bạn đọc đã thích thú theo dõi những bài viết trong các tập sách Cho tình nồng say, Giọt nước mắt hồng, Giã từ quán trọ, được đăng trên Web site www.tinvui.org trong thời gian qua.
Đầu tháng 11 năm 2006 Linh mục Đỗ Văn Thiêm vừa giới thiệu đến quý vị độc giả gần xa tập sách mới :
Tình ơi ! Dây đi hay Cho tình nồng II
Là những dòng suy tư nhẹ ngàng của một linh mục về vấn đề hôn nhân gia đình đước tiếp nối từ tập sách Cho tình nồng say
Giá bán 9000đ VN/cuốn
Sách có bán tại Nhà Sách Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, 38 Kỳ Đồng, Quận 3 TPHCM, Việt Nam
Trân trọng kính mới quý cha, quý bạn đọc thân thiết tìm mua
Sau đây là đoạn trích đầu đề tập sách Tình ơi ! Dậy đi
Đề
Hôm nay,
Anh chững nhạc trong bộ veston màu trắng.
Em cao sang, dịu dàng trong áo cưới hồng phấn thướt tha.
Hai đứa chậm rãi, bước lên trước mặt Chúa. Thề hứa và ước nguyện. Chúng mình sẽ mãi hoài hạnh phúc bên nhau, cho đến khi tóc bạc da mồi. Em nhé !
Trong nhiệm mầu bí tích, từ trên cao. Chúa gật đầu mỉm cười chuẩn ấn.
Cả cộng đoàn rộn rã mừng chúc, tiếng hoan hô.
Cầu cho em, suốt đời là một người tình dễ thương, nhân hậu. Cầu cho anh mãi hoài là người chồng gương mẫu, thuỷ chung.
Những ngày tháng 6 kỷ niệm