TIN VUI

Tuần san Bạn trẻ Công Giáo  -  Số 71 CN 04.02.2007

 

Web site:www.tinvui.org E-mail : bantreconggiao@yahoo.com

Hoặc : tinvuivietnam@gmail.com

 

Mục lục

 Chúa nhật V Thường Niên.

04.02.2007   VÂNG LỜI THẦY, TÔI SẼ THẢ LƯỚI.

Ý TỨ, KẺO SẼ TỆ HƠN TRƯỚC..

Đức Hồng Y Stanisla Dziwicz và vụ Đức Cha Stanislaw Wielgus.

ĐỨC THÁNH CHA TIẾP KIẾN THỦ TƯỚNG NGUYỄN TẤN DŨNG..

GIÁO DỤC TRUYỀN THÔNG..

LƯƠNG TÂM...

KHÔN NGOAN TRONG HÀNH ĐỘNG KIÊN TRÌ TRONG CẦU NGUYỆN VÀ HIỀN LÀNH TRONG PHỤC VỤ..

ĐỊNH HƯỚNG TUẦN TĨNH TÂM...

LINH MỤC, NGƯỜI LÃNH ĐẠO CỘNG ĐOÀN..

NĂM MỚI NÓI CHUYỆN CŨ… CÒN MỚI !

Tham ăn.

TẠI SỐ HAY TẠI MÌNH..

MẮNG VỐN..

 

 

Text Box: SỐNG LỜI CHÚA
 

 


 

Chúa nhật V Thường Niên

04.02.2007

 

VÂNG LỜI THẦY, TÔI SẼ THẢ LƯỚI

 

Bài Tin Mừng: Lc 5,1-11

 

1Một hôm, Đức Giê-su đang đứng ở bờ hồ Ghen-nê-xa-rét, dân chúng chen lấn nhau đến gần Người để nghe lời Thiên Chúa.2Người thấy hai chiếc thuyền đậu dọc bờ hồ, còn những người đánh cá thì đã ra khỏi thuyền và đang giặt lưới.3Đức Giê-su xuống một chiếc thuyền, thuyền đó của ông Si-môn, và Người xin ông chèo thuyền ra xa bờ một chút. Rồi Người ngồi xuống, và từ trên thuyền Người giảng dạy đám đông.

 

4Giảng xong, Người bảo ông Si-môn: "Chèo ra chỗ nước sâu mà thả lưới bắt cá."5Ông Si-môn đáp: "Thưa Thầy, chúng tôi đã vất vả suốt đêm mà không bắt được gì cả. Nhưng vâng lời Thầy, tôi sẽ thả lưới."6Họ đã làm như vậy, và bắt được rất nhiều cá, đến nỗi hầu như rách cả lưới.7Họ làm hiệu cho các bạn chài trên chiếc thuyền kia đến giúp. Những người này tới, và họ đã đổ lên được hai thuyền đầy cá, đến gần chìm.

 

8Thấy vậy, ông Si-môn Phê-rô sấp mặt dưới chân Đức Giê-su và nói: "Lạy Chúa, xin tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi! "9Quả vậy, thấy mẻ cá vừa bắt được, ông Si-môn và tất cả những người có mặt ở đó với ông đều kinh ngạc.10Cả hai người con ông Dê-bê-đê, là Gia-cô-bê và Gio-an, bạn chài với ông Si-môn, cũng kinh ngạc như vậy. Bấy giờ Đức Giê-su bảo ông Si-môn: "Đừng sợ, từ nay anh sẽ là người thu phục người ta."11Thế là họ đưa thuyền vào bờ, rồi bỏ hết mọi sự mà theo Người.

 

 

Một khung cảnh thật hữu tình khi dưới thuyền Đức Giêsu đang say mê giảng, còn dân chúng trên bờ thì chăm chú lắng nghe Lời Thiên Chúa. Có được bức tranh đẹp như thế là nhờ sự quảng đại của Simon – anh dân chài đã vui vẻ chấp thuận lời đề nghị đẩy thuyền ra xa để Đức Giêsu thi hành sứ mạng. Đó cũng là tín hiệu ban đầu cho một hành trình trở thành môn đệ.

 

Từ điểm xuất phát thuận lợi ấy, Đức Giêsu tiếp tục ngỏ ý: “chèo ra chỗ nước sâu mà thả lưới bắt cá”. Ông Simon một lần nữa thể hiện sự vâng phục của mình, và kết quả: ông bắt được một mẻ cá đầy – điều mà ông không dám chờ mong, mặc dù đánh cá là kế sanh nhai duy nhất, nên ông và bạn bè đã rất kinh ngạc. Mẻ cá ấy phải chăng là cách Đức Giêsu trả công cho Simon vì đã giúp Ngài phương tiện rao giảng Tin Mừng? Hay là cách Ngài tỏ lộ quyền năng của vị Thiên Sai? Chính lúc này, Đức Giêsu dẫn các ông bước vào cuộc hành trình làm môn đệ bằng lời xác nhận: “đừng sợ, từ nay anh sẽ là người thu phục người ta. Nếu được một mẻ cá đầy rồi lại phải bỏ để theo Đức Giêsu thì mẻ cá ấy có nghĩa lý gì! Còn như Đức Giêsu muốn tỏ lộ quyền năng Thiên Sai thì thiếu gì dịp thuận tiện hơn…

 

Tin Mừng không nói gì đến mục đích của mẻ cá lạ, chỉ biết rằng sau đó các anh dân chài đã trở thành môn đệ Đức Giêsu. Họ là những người không của cải, không tài năng, không học thức nhưng đã được tuyển chọn trong muôn vàn người khác chỉ vì các ông đã biết vâng lời được xem là tiêu chí của người môn đệ vì nhờ thế mà Đức Giêsu sẽ dễ dàng răn dạy, để uốn nắn theo ý mình?

 

Người ta có quyền như vậy khi sự vâng lời chưa tìm cho mình một chỗ vững chắc trong quan niệm của con người hôm nay. Người ta chỉ chấp nhận nghe theo những gì hữu lý, làm theo những gì hữu ích và để tìm đến những gì hữu dụng. Còn vâng lời tối mặt được coi là đức tính dành cho người thiếu tự tin, thiếu tự chủ, thiếu bản lãnh, và thiếu tự do: bảo sao nghe vậy chỉ dành cho người thích dựa dẫm, thiếu tự lập và thiếu sáng kiến.

 

Tuy nhiên, sự vâng lời đích thực thì luôn đi đôi với tự do. Trong ý nghĩa này mà Đức Giêsu đã tuyển chọn các anh dân chài. Ngài nhìn thấy nơi các ông hình ảnh của chính Ngài. Ngài đã vâng lời Chúa Cha một cách hoàn toàn tự do để tự nguyện nhập thể và nhập thế, để mang ơn cứu độ đến cho nhân loại, để cho mọi người nhận biết Cha là Tình Yêu. Ngài đã đi vào trần gian bằng sự vâng phục, và các anh dân chài đi vào hành trình của người môn đệ cũng bằng phong thái vâng phục. Cho nên, chính nhờ vâng phục mà ơn cứu độ được thực hiện, được tiếp tục thực hiện và được hoàn tất.

 

Do đó, một khi vâng phục mà còn so đo hơn thiệt thì chỉ là một kiểu tính toán để củng cố cái tôi. Vâng phục chân thành hệ ở tấm lòng, ở tình yêu. Vì thế, vâng phục không phải là làm bất cứ điều gì được sai bảo, nhưng là thực hiện những gì là ý muốn chính đáng của người mình yêu mến.

 

Đức Giêsu vẫn còn tiếp tục kêu gọi mỗi người trở thành môn đệ, để cùng với Ngài làm cho danh Cha cả sáng. Có điều, mang tên là một môn đệ thì dễ, còn sống cho ra một môn đệ như lòng Chúa mong ước thì không phải ai ai cũng muốn làm và có thể làm được!

 

 

 

Nt.  Maria Phạm Thị Bích Hằng – Đa Minh Tam Hiệp

Tiếp theo

 

 

Text Box: CON ĐƯỜNG TU ĐỨC

  

 


 

Ý TỨ, KẺO SẼ TỆ HƠN TRƯỚC

Việt Nam đang bước vào thời kỳ mở ra và cạnh tranh. Nhiều người hoan hỉ. Nhiều người lo âu. Nhiều người dửng dưng.

Còn tôi, mới sống cảnh này chưa nhiều, chưa lâu, tôi đã thấy xuất hiện trong tôi những cảm tưởng trái ngược.

Có lúc tôi có cảm tưởng như Quê Hương tôi, Hội Thánh tôi đang chào đón những làn gió hữu nghị êm dịu thổi vào từ nhiều biên cương tốt lành.

Có lúc tôi lại có cảm nghĩ như Đất Nước tôi, Giáo Hội tôi đang bị áp lực bởi những đợt sóng xâm lăng tinh vi tràn vào từ các khối trục lợi.

Điều tôi lo âu nhất là về lãnh vực văn hoá, đạo đức.

Tôi thiết nghĩ: Lo âu như vậy không phải là xấu. Điều quan trọng là giải quyết lo âu. Tôi giải quyết cho riêng tôi bằng ánh sáng tu đức. Hướng giải quyết sẽ dựa theo Lời Chúa Giêsu đã phán xưa.

1/ Lời Chúa cảnh báo

"Khi thần ô uế xuất khỏi một người, thì nó đi rảo qua những nơi khô cháy, tìm chốn nghỉ ngơi mà tìm không ra. Bấy giờ nó nói: 'Ta sẽ trở về nhà ta, nơi ta đã bỏ ra đi'. Khi đến nơi, nó thấy nhà để trống, lại được quét tước, trang hoàng hẳn hoi. Nó liền đi kéo thêm bảy thần khác dữ hơn nó, và chúng vào ở đó. Rốt cuộc, tình trạng của người ấy lại còn tệ hơn trước. Thế hệ gian ác này rồi cũng bị như vậy" (Mt 12,43-45).

Tôi gẫm suy lời Chúa cảnh báo trên đây, để áp dụng vào chính mình và những cộng đoàn công giáo.

Tôi thấy có 3 điều trong Lời Chúa trên đây nên để ý đặc biệt.

a) Quỷ "thấy nhà để trống" "Nhà" nói đây có thể hiểu về nếp sống mỗi người tín hữu và của mỗi cộng đoàn.

Nhà đó bề ngoài vẫn là nhà đạo. Nghĩa là vẫn khoác hình thức đạo. Nhưng bên trong nhà thì trống. Trống nói đây là trống vắng Nước Trời, trống vắng sự sống của Chúa, trống vắng những thao thức về thánh ý Chúa.

b) Quỷ "liền đi kéo thêm bảy thần khác dữ hơn nó, và chúng vào ở đó".

Bảy thần khác dữ hơn nó là bảy thần nào?

Thưa câu trả lời được tìm thấy trong kinh "Cải tội bảy mối có bảy đức".

Đó là:

quỷ kiêu ngạo,

quỷ hà tiện,

quỷ dâm dục,

quỷ hờn giận,

quỷ mê ăn uống,

quỷ ghen ghét,

quỷ lười biếng.

Điều đáng ngại ở đây là bảy thần dữ đó được đón vào nhà và chúng ở lại, để ung dung thống trị.

c) "Rốt cuộc, tình trạng của người đó còn tệ hơn trước"

Tệ hơn trước vì nhiều lý do dễ thấy. Thí dụ:

Bề ngoài, thì ngôi nhà đó vẫn mang tên nhà đạo. Nhưng bên trong thì kinh khủng. Bảy thần dữ tự do tung hoành. Rồi từ đó bốc ra những chất độc hại là tinh thần xấu, lời nói xấu, việc làm xấu.

Các chất độc hại này làm ô nhiễm môi trường đạo từ từ, nhè nhẹ, không quá lộ liễu. Nên nhiều người xung quanh bị nhiễm độc mà không hay biết. Đâm ra mù quáng. Cuối cùng thì lòng đạo sụp đổ.

Những gì Chúa Giêsu đã cảnh báo đều đang xảy ra nơi người này, tổ chức nọ. Vậy chúng ta phải làm gì?

2/ Cách đối phó

Thiết tưởng, trước hết chúng ta phải đối phó bằng thực hiện Lời Chúa dạy. Chúa phán: "Chúng con hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn, hầu đủ sức thoát mọi điều sắp xảy đến và đứng vững trước mặt Con Người" (Lc 21,36).

Hãy tỉnh thức, và phải tỉnh thức luôn luôn. Tỉnh thức bằng sự hồi tâm, xét mình hằng ngày, dưới ánh sáng của Chúa Thánh Thần.

Đừng chủ quan, đừng dễ dãi với bất cứ thần dữ nào trong bảy quỷ đầu mối tội. Bởi vì bất cứ sự coi thường nào đối với một tên thần dữ cũng sẽ đưa ta vào bẫy. Bị sập bẫy của một quỷ dữ sẽ mở đường cho một chuỗi sập bẫy tiếp theo. Thí dụ khi ai đã sập vào bẫy của quỷ kiêu ngạo, thì các quỷ khác sẽ dễ dàng xâm chiếm tâm hồn kẻ đó. Dần dần toàn thể cuộc đời người đó sẽ bị lôi vào đủ thứ tệ hại. Điều tệ hại nhất là rất khó thức tỉnh, sám hối và trở về đàng lành.

Ngoài việc tỉnh thức bằng cầu nguyện, chúng ta cũng cần để ý mở rộng tầm nhìn bằng việc học hành. Học hành sẽ giúp chúng ta rất nhiều trong tư tưởng và cách sống.

Thêm vào sự tỉnh thức bằng cầu nguyện và học hành, tôi nghĩ cũng cần biết dè dặt, thận trọng, cân nhắc, vì tình hình chẳng bao giờ đơn giản.

Kinh nghiệm cho tôi thấy: Mọi sụp đổ không bao giờ xảy ra đột ngột. Nó đã có những nứt nẻ, nghiêng lún to nhỏ trước rồi. Có chỗ dễ thấy được. Có chỗ khó thấy được.

Sụp đổ về đạo đức cũng vậy. Cá nhân hay cộng đoàn sụp đổ về đạo đức là kết quả của một tiến trình lâu dài. Không tỉnh thức, không cầu nguyện, không học hành, không thận trọng, ta sẽ tụt hậu và yếu dần. Ta sẽ không đối phó nổi các phong trào tư tưởng và lối sống hưởng thụ, thực dụng, đắc thắng và ghen ghét.

Những gì tôi chia sẻ trên đây có thể sẽ không làm hài lòng một số người nhìn thời mở ra và cạnh tranh như một cơ hội tự hào về những thành công duy vật chất.

Nhưng tôi tin rằng số người tìm về chiều sâu tâm hồn vẫn đông. Nhất là Hội Thánh Việt Nam, với "Năm sống đạo hôm nay" của Thư chung mục vụ Hội Đồng Giám mục Việt Nam, sẽ không bỏ qua bất cứ một thiện chí nào.

Hy vọng tương lai sẽ không tệ hơn trước, trái lại sẽ tốt đẹp hơn trước về nhiều mặt, cả vật chất lẫn tinh thần, cả đời lẫn đạo. Thực ra, kết quả sẽ tốt hay xấu, phần lớn là do mỗi người biết dùng hoàn cảnh một cách khôn ngoan hay không. Riêng đối với tôi, khôn ngoan gồm cả phương tiện tự nhiên lẫn siêu nhiên.

Thái độ khôn ngoan, tôi vừa nói, giúp tôi liên tưởng đến một sự kiện thời sự. Xin chia sẻ như một tâm tình để kết luận. Tâm tình tôi hướng về việc Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng viếng thăm Toà Thánh Vatican cuối tháng này.

Sự kiện lịch sử này vừa là chính trị, vừa là tôn giáo. Tại Việt Nam có nhiều chính kiến, nên sự kiện này đang trở thành vấn đề nhạy cảm.

Tại Việt Nam có nhiều tôn giáo, nên sự kiện này cũng là vấn đề rất nhạy cảm.

Vì thế, người công giáo Việt Nam chúng ta nên đề cập đến sự kiện này một cách tế nhị và khôn ngoan hợp thánh ý Chúa.

Mọi sự phía trước đều là hy vọng. Mà hy vọng vẫn là hy vọng. Thiên Chúa giàu lòng thương xót là chủ mọi hy vọng. Chúng ta khiêm tốn cậy trông nơi Người.

ĐGM. GB Bùi Tuần

Tiếp theo

Text Box: HIỆP THÔNG GIÁO HỘI

  

 


 

Đức Hồng Y Stanisla Dziwicz và vụ Đức Cha Stanislaw Wielgus

 

Trong các ngày đầu tháng Giêng năm nay 2007, tin Đức Cha Stanislaw Wielgus từ chức Tổng Giám Mục Varsava trong chính ngày nhận giáo phận, vì đã cộng tác với mật vụ dưới thời cộng sản sản, đã khiến cho dư luận Ba Lan và thế giới hoang mang xôn xao.

Ngày 12 tháng Giêng Hội Đồng Giám Mục Ba Lan đã nhóm phiên họp bất thường để duyệt xét tình hình và sau phiên họp các Giám Mục đã công bố một sứ điệp được đọc trong mọi thánh lễ Chúa Nhật 14 tháng Giêng trên toàn nước Ba Lan.

Chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn một số nhận định của Đức Hồng Y Stanislaw Dziwicz, Tổng Giám Mục Cracovia, về hiện tình Giáo Hội Ba Lan sau những ngày sóng gió nói trên.

Đức Hồng Y Stanislaw Dziwicz sẽ tròn 68 tuổi vào tháng 4 tới đây. Trong gần 40 năm trời linh mục Dziwicz đã là vị bí thư trung thành và rất kín đáo của Đức Gioan Phaolô II. Hai người đã quen biết nhau khi Đức Gioan Phaolô II còn là Giám Mục Cracovia.

Thanh niên Dziwicz là con của một gia đình nông dân, sống tại một ngôi làng nhỏ là Raba Wyzna, trên núi Tatra.

Trong một lần đi trượt tuyết mùa đông trên vùng núi Tatra, Đức Cha Wojtila quyết định theo một lộ trình mới, và tìm một người thông thạo dẫn đường. Dân chúng trong vùng giới thiệu thanh niên Stanislaw Dziwicz với Đức Cha. Hồi đó Dziwicz đang chuẩn bị vào dại chủng viện. Năm 1963 thầy Dziwicz được thụ phong Linh Mục và làm cha phó một khu phố ngoại ô Cracovia, nhưng vẫn tiếp tục học để dọn luận án tiến sĩ thần học về việc sùng kính thánh Stanislaw, vị Giám Mục tử đạo, bổn mạng của thành phố Cracovia.

Năm 1966 Đức Cha Wojtila chọn cha Dziwicz làm bí thư riêng của mình. Năm 1978 cha Dziwicz theo Đức Hồng Y Karol Wojtila về Roma tham dự mật nghị bầu Giáo Hoàng, và tiếp tục làm Bí Thư cho Đức Gioan Phaolô II. Tuy là một trong các nhân vật có thế giá nhất tại Tòa Thánh, nhưng cha Dziwicz vẫn luôn duy trì được kiểu sống đơn sơ kín đáo tận tụy phục vụ của mình. Năm 1998 Đức Ông Dziwicz được thăng Tổng Giám Mục, và đã ở bên cạnh Đức Gioan Phaolô II cho tới khi người qua đời. Năm 2005 Đức Tổng Giám Mục Dziwicz được Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI vinh thăng Hồng Y và được bổ nhiệm làm Tổng Giám Mục Cracovia.

Hỏi: Thưa Đức Hồng Y, tại Ba Lan người ta đã bắt đầu trở lại việc tính sổ với qúa khứ. Giáo Hội cũng bắt đầu việc thanh tẩy có phải thế không?

Đáp: Không. Đây không phải là một cuộc thanh tẩy. Tôi không thích điều người ta đang làm dưới danh nghĩa của từ này. Vì nó đang gây ra thiệt hại hơn là thiện ích cho đất nước chúng tôi. Trong khi chúng tôi chỉ muốn sự trong sáng. Chúng tôi muốn trả lời cho các tố cáo bằng cách chứng minh cho thấy đâu đã là lập trường của các Giám Mục, cũng như của các linh mục và tu sĩ trong bối cảnh lịch sử xã hội dưới thời cộng sản. Chúng tôi không có ý định dấu diếm bất cứ sự gì, và chúng tôi sẽ chứng minh bằng các sự kiện.

Hỏi: Thưa Đức Hồng Y có người nói rằng các Giám Mục Ba Lan đã qúa chậm chạp. Tại sao các vị lại đã không làm việc này trước đây. Đức Hồng Y nghĩ sao?

Đáp: Cho tới thời gian gần đây, người ta đã không đặt vấn đề đối với chuyện này. Và cả khi Viện Ký Ức Quốc Gia lưu giữ các hồ sơ của cơ quan mật vụ Ba Lan đã bắt đầu hoạt động, rất tiếc là chúng tôi đã không bao giờ coi các tài liệu đó là quan trọng, vì các tài liệu này do các nhân viên của chế độ cộng sản soạn thảo ra, mà không có sự kiểm chứng nào cả. Chính vì vậy giờ đây lại càng phải cứu xét các tài liệu này với rất nhiều ý tứ và cẩn trọng. Còn hơn thế nữa, phải theo gương của các nước khác như Tây Ban Nha chẳng hạn, sau khi chế độ của tướng Franco cáo chung, chính quyền đã quyết định niêm phong các văn khố của mật vụ Tây Ban Nha trong nhiều năm trời.

Hỏi: Nhưng tại Ba Lan, trái lại, các tài liệu của mật vụ đã được báo chí đăng tải và cho dư luận quần chúng biết tên tuổi những giáo sĩ cộng tác với chế độ cộng sản...

Đáp: Sự sai lầm lớn nhất đó là đã không phân biệt giữa các hình thức cộng tác khác nhau. Trong nhiều trường hợp các linh mục đã bị công an mật vụ gọi ra trình diện. Các vị đã không thể làm khác, và không thể chuẩn chước cho mình khỏi ra gặp công an mật của nhà nước cộng sản, nếu muốn được phép xây cất hay tu sửa một nhà thờ. Nhưng tôi không tin rằng sự tiếp xúc đó có thể định nghĩa là một sự cộng tác với công an mật vụ. Trái lại, đã xảy ra sự lẫn lộn rất lớn trong trường hợp ở đây.

Hỏi: Theo Đức Hồng Y, có phải người ta đang đưa ra một chiến thuật để đánh phá Giáo Hội Công Giáo Ba Lan, có đúng thế không?

Đáp: Chắc chắn là có một chiến thuật, có các mục tiêu chính trị nằm sau chiến dịch này của giới báo chí. Có lẽ có người muốn dậy các Giám Mục phải hành xử như thế nào chăng? Nhưng đó chỉ là một nhận xét của riêng tôi thôi, tôi không thể nói hơn. Tôi không biết ai là người đang giật dây trong vụ này.

Hỏi: Đức Hồng Y đã nói tới sự lẫn lộn lớn trong vụ này. Đức Hồng Y cũng ám chỉ sự lẫn lộn xảy ra trong Giáo Hội Ba Lan hay sao?

Đáp: Không. Qúy vị cứ nhìn số tín hữu đi tham dự thánh lễ Chúa Nhật 14 tháng Giêng và các phản ứng tích cực của họ đối với sứ điệp của Hội Đồng Giám Mục, đã được tuyên đọc trong tất cả mọi thánh đường trên toàn nước thì đủ hiểu. Một giai thoại buồn và khó chịu không khiến cho sự tin tưởng của họ nơi Giáo Hội bị khủng hoảng, lại càng không làm suy giảm lòng tin Kitô của họ. Tôi nhận thấy giáo dân Ba Lan rất trưởng thành trong việc đương đầu với các vấn đề. Đặc biệt nơi những người đã có kinh nghiệm sống với chế độ cộng sản. Vấn đề có phức tạp hơn đối với thế hệ trẻ, chưa từng có kinh nghiệm với chế độ cộng sản. Chính vì thế nên làm cho vấn đề được trong sáng là điều quan trọng, bằng cách giúp người trẻ hiểu rằng: Giáo Hội Ba Lan đã là một lực lượng luân lý và xã hội chống lại chế độ cộng sản, bằng cách luôn luôn ủng hộ những ai tranh đấu cho tự do.

Hỏi: Thưa Đức Hồng Y, cách đây một năm Đức Hồng Y đã cho thành lập trong tổng giáo phận Cracovia một Ủy ban lịch sử để thu thập các tài liệu và chứng tích liên quan tới các linh mục đã cộng tác với các lực lượng mật vụ của chế độ cộng sản. Ủy ban đã đi tới các kết luận nào rồi thưa Đức Hồng Y?

Đáp: Công việc của Ủy ban tiếp tục, nhưng với tiết nhịp hơi chậm chạp, không phải do lỗi của các vị có trách nhiệm của Ủy Ban, mà do các khó khăn khách quan, bắt đầu với số lượng tài liệu khổng lồ bao gồm hàng ngàn hàng ngàn trang do các nhân viên mục vụ nhà nước cộng sản viết. Tất cả các tài liệu này không chỉ cần được đọc, mà cũng cần phải được lượng định và kiểm chứng một cách cẩn thận nữa.

Hỏi: Nhưng mà thưa Đức Hồng Y, vào cuối tháng 2 tới đây cha Isakowicz Zaleski sẽ cho xuất bản cuốn sách với tên tuổi của tất cảc các linh mục đã từng cộng tác với mật vụ cộng sản thì sao?

Đáp: Không sao hết. Chúng tôi sẽ tiếp tục công việc của chúng tôi thôi. Tôi đã viết một bức thư cho tất cả các linh mục của tổng giáo phận Cracovia và xin rằng: nếu có vị nào đã bị liên lụy trong một hình thức cộng tác nào đó với mật vụ cộng sản Ba Lan, thì tới gặp tôi để nói chuyện, giải thích và sửa chữa lai. Tôi phải nói ngay rằng có khoảng 30 trường hợp trên tổng số hơn 1.200 linh mục của tổng giáo phận. Nói chung các vị đã nhượng bộ vì yếu đuối, vì bị áp lực luân lý và tâm lý rất mạnh. Đã không có một trường hợp công tác tích cực nào nhằm gây thiệt hại cho Giáo Hội.

Hỏi: Từ vụ của Đức Tổng Giám Mục Stanislaw Wielgus, có thể rút tỉa ra bài học nào thưa Đức Hồng Y?

Đáp: Như chính Đức Cha Wielgus đã thừa nhận, khi còn là một linh mục trẻ cha đã ký giấy cộng tác với mật vụ cộng sản Ba Lan. Cha Wielgus đã làm thế để có thể đi du học tại nước ngoài, nhưng cha đã không trung thành với dấn thân với mật vụ cộng sản. Vì vậy đã có các tường trình rất tiêu cực liên quan tới các kết qủa sự cộng tác của cha. Sự lầm lẫn của cha là cái lầm lẫn của tuổi trẻ. Thế rồi cha đã trở thành một giáo sư rất lỗi lạc, là viện trưởng đại học, và là một Giám Mục rất tốt. Không thể kết án một người vì một lỗi lầm họ đã phạm. Chúng ta cần tha thứ và hòa giải. Rất tiếc là trong trường hợp của Đức Cha, đã nảy sinh ra bầu khí, khiến cho Đức Cha không thể cai quản một giáo phận quan trọng như tổng giáo phận Varsava với uy tín và sự thanh thản cần thiết. Đức Cha đã lấy quyết định đúng đắn, khi từ chức Tổng Giám Mục Varsava, vì không có giải pháp khác. Và chúng tôi rất biết ơn Đức Thánh Cha Biển Đức XVI về sự trợ giúp người dành cho chúng tôi trong việc chấm dứt trường hợp đau đớn này.

Hỏi: Thưa Đức Hồng Y, có nhiều người cho rằng nếu Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II còn sống, thì đã không xảy ra tất cả những chuyện này, Đức Hồng Y nghĩ sao?

Đáp: Vâng, có đúng thế, nghĩa là người ta có ý nói rằng Đức Gioan Phaolô II biết rất rõ tình hình Ba Lan, nên có thể chặn đứng ngay một số hành động từ ban đầu. Điều đó đúng. Nhưng chúng ta phải sống với các sự kiện hiện tại, chứ không phải với các giả thuyết. Và tôi tin rằng Giáo Hội Ba Lan sẽ bước ra khỏi các sự kiện này, mạnh mẽ hơn, chính vì chúng tôi không sợ hãi, như Đức Gioan Phaolo II đã dậy.

Linh Tiến Khải

Tiếp theo

ĐỨC THÁNH CHA TIẾP KIẾN THỦ TƯỚNG NGUYỄN TẤN DŨNG

 

VATICAN. Lúc 11 giờ sáng hôm qua, 25-1, ĐTC Biển Đức 16 đã tiếp kiến thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Tòa Thánh chào mừng biến cố này như một dấu hiệu quan trong quan hệ giữa hai bên.

Cùng tháp tùng thủ tướng trong cuộc viếng thăm có 8 người, trong đó có 4 vị Bộ trưởng, đứng đầu là Ông Đoàn Mạnh Giao, Bộ trưởng tại phủ thủ tướng, Ông Hoàng Trung Hải, Bô trưởng Công nghệ, Ông Võ Hồng Phúc, Bộ trưởng kế hoạch và đầu tư, Ông Ngô Yên Thi, trưởng ban tôn giáo của Chính Phủ, Nam, Ông Nguyễn Ngọc Trân, Phó Chủ tịch Ủy Ban ngoại giao của quốc hội, Ông Lê Công Phụng, Thứ trưởng ngoại giao và Ông Nguyễn Hữu Vũ, Cố vấn của thủ tướng.

Nguyên văn thông cáo của Phòng Báo Chí Tòa Thánh nói rằng: ”Sáng hôm nay, 25-11-2007, Thủ tướng Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Ông Nguyễn Tấn Dũng đã được ĐTC Biển Đức 16 tiếp kiến và sau đó, ông đã gặp ĐHY Tarcisio Bertone, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, có Đức TGM ngoại trưởng, Dominique Mamberti, tháp tùng. Tòa Thánh bày tỏ sự hài lòng về cuộc viếng thăm này, đấnh dấu một bước tiến mới mẻ và quan trọng tiến đến sự bình thường hóa quan hệ giữa hai bên. Trong những năm gần đây, quan hệ này đã có những tiến bộ cụ thể, mở rộng tự do tôn giáo cho Giáo Hội Công Giáo tại Việt Nam.

”Trong các cuộc đàm luận, có đề cập đến những vấn đề còn bỏ ngỏ, và hy vọng sẽ được cứu xét và giải quyết qua những phương thức đối thoại hiện có và đưa đến một sự cộng tác thành quả giữa Giáo Hội và Nhà Nước, để các tín hữu Công Giáo có thể ngày càng đóng góp tích cực hữu hiệu hơn cho công ích của đất nước, thăng tiến các giá trị luân lý, đặc biệt là nơi giới trẻ, phổ biến một nền văn hóa liên đới và trợ giúp từ thiện dành cho những giai tầng yếu thế nhân trong dân chúng. Ngoài ra, hai bên cũng trao đổi ý kiến về thời sự quốc tế hiện nay, nhắm đến một sự dấn thân chung cho hòa bình và giải quyết bằng đường lối thương thuyết những vấn đề trầm trọng hiện nay”.

Và thông cáo của Phòng báo chí Tòa Thánh kết luận với nhận xét rằng: ”Đây là lần đầu tiên một vị Thủ Tướng Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam gặp ĐTC và các chức sắc cấp cao nhất của Phủ Quốc Vụ khanh Tòa Thánh”.

Cuộc gặp gỡ của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng với ĐTC kéo dài 25 phút. Sau đó, ĐTC đã chào các vị bộ trưởng và quan chức chính phủ tháp tùng thủ tướng, và có phần trao đổi quà tặng. (SD 25-1-2007)

 

G. Trần Đức Anh OP

Radio Vatican

Tiếp theo

Text Box: TÌM HIỂU & SỐNG ĐẠO 
 

 


 

GIÁO DỤC TRUYỀN THÔNG

 

Thế kỷ XXI được mệnh danh là thời đại văn minh trí tuệ hay kỷ nguyên toàn cầu hoá. Nhờ toàn cầu hoá thông tin, cộng đồng nhân loại xích lại gần nhau hơn và cùng chung nhịp đập con tim như chưa từng thấy. Do những tiến bộ vượt bậc của công nghệ thông tin nên thế giới hôm nay là một thế giới đa diện về truyền thông. Thời hiện đại với những xa lộ thông tin. Truyền hình, phim ảnh, điện thoại di động, internet…tràn ngập không chỉ chốn đô thị mà cả miền nông thôn vùng sâu vùng xa.

 

Có những thành quả lớn lao mà ngành truyền thông mang lại cho cuộc sống con người nhưng cũng có vô vàn cái xấu đã len lõi và làm băng hoại các thế hệ trẻ. Giáo hội luôn ưu tư về trách nhiệm giáo dục thanh thiếu niên cần phải biết sử dụng các phương tiện truyền thông trong những nẻo đường chân thiện mỹ.

 

Trước những chuyển biến khoa học thời hậu Thế Chiến, đặc biệt về mặt truyền thông, Công Đồng Vatican 2 đã công bố Sắc Lệnh về các Phương Tiện Truyền Thông Xã Hội “INTER MIRIFICA”. Ngay lời mở đầu có đoạn nhận định: “…trổi vượt hơn cả là những phương tiện tự bản tính không những có thể liên hệ và ảnh hưởng tới từng người, mà còn chính đến đại chúng và toàn thể xã hội nhân loại như: báo chí, điện ảnh, phát thanh, vô tuyến truyền hình và những thứ khác tương tự ..”(IM, 1). Sắc lệnh “INTER MIRIFICA” đựơc coi là văn kiện tiên phong liên quan đến các nghành Truyền Thông, mở ra một cái nhìn tương đối mang tính đối thoại với nhân loại và ngỏ lời muốn dấn thân cộng tác với xã hội. Văn kiện này làm nền cho các văn kiện sau này của Giáo hội về mặt Truyền Thông, khi mà Internet trở nên một lãnh vực vạn năng như hiện nay.

 

Sắc lệnh mời gọi: “Mọi con cái Giáo hội phải đồng tâm hiệp lực, chẳng những không ngần ngại mà phải hết sức hăng say, sử dụng ngay những phương tiện Truyền thông xã hội một cách đắc lực vào các công việc Tông Đồ khác nhau tuỳ theo những đòi hỏi cụ thể của hoàn cảnh và thời gian ..”(IM,13)

 

Năm 2007, Đức Thánh Cha Bênêđictô đã chọn chủ đề cho sứ điệp Ngày Thế Giới Truyền Thông Lần Thứ 41 là : Trẻ em và truyền thông, một thách đố cho giáo dục .

 

 Sứ điệp phân tích về mối tương quan: Trẻ em, phương tiện truyền thông và giáo dục. Sứ điệp còn nhấn mạnh đến vai trò quan trọng của cha mẹ, giáo xứ, nhà trường, và Giáo hội trong việc huấn luyện thiếu nhi biết sử dụng các phương tiện truyền thông.

 

Giáo dục các em sử dụng các phương tiện truyền thông thích hợp là cần thiết về văn hoá đạo đức và tinh thần của trẻ em. Cha mẹ, Giáo hội và nhà trường có trách nhiệm giáo dục các em biết phân biệt các phương tiện truyền thông.  Cha mẹ đóng vai trò quan trọng nhất (số 2).

 

Giáo dục truyền thông đòi hỏi việc huấn luyện trẻ em sử dụng tự do của chúng. Trẻ em phải được tiếp cận với những gì thật đẹp đẽ và đạo đức. Cần phải giới thiệu những tác phẩm văn học cổ điển, những hình thức nghệ thuật tốt đẹp và âm nhạc có tính cách hướng thượng cho trẻ em (số 2).

 

Đây là một nghĩa vụ cam go đối với giáo dục truyền thông vì trẻ em khi mà chúng đi quá sự tự do, sẽ có nguy cơ truy tìm lạc thú và những kinh nghiệm mới. Đây là gông cùm chứ không phải là tự do (số 2).

Báo tuổi trẻ cuối tuần(17.12.2007) có bài viết : “Lợi nhuận và lương tâm ” của tác giả P.T.Kim Liên, phản ánh một thực trạng thật đáng lo ngại hiện nay.

 

 Game onlinelà một trò chơi hấp dẫn đối với mọi lứa tuổi. Và đây cũng chính là nỗi lo của các bậc phụ huynh.

 

Theo tôi, không riêng gì phụ huynh học sinh, đây cũng chính là nỗi lo của xã hội, của những người quan tâm đến thế hệ trẻ. Phải làm sao dể có thể giảm bớt cường độ chơi game online, làm sao để có thể lôi kéo các em ra khởi thế giới ảo trở về với công việc đời thường, làm sao trả lại cho các em trí óc minh mẫn để có thể tiếp thu tốt bài học, thấy được mục đích để đi tới?

 

 Chúng ta không thể ngăn chặn các game thủ. Cha mẹ không ngăn được con cái. Thầy cô không ngăn được học sinh. Chúng ta đành bất lực nhìn các em phung phí tiền của và sức khoẻ vào game online.

 

Mọi người đã mừng khi thấy Nhà nước can thiệp. Qui định hạn chế giờ chơi đã phần nào làm cho cha mẹ và thầy cô an tâm. Thế nhưng mới đây, trò chơi "Võ lâm truyền kỳ" lại tạo ra một không khí sôi động mới trong các game thủ khi vừa mở ra một trương trình mới. Đo là việc các game thủ phải đăng ký một tài khoản hoàn toàn mới, và ra sức "luyện công" sao cho từ ngày bắt đầu là 1-12-2006 đến hết ngày 28-1-2007 các game thủ đạt được cấp độ 100, khi đó phần thưởng sẽ là một con "Phi vân thần mã", một con ngựa với những tính năng tuyệt vời mà các game thủ không thể có bằng cách mua hay chơi trong điều kiện bình  thường. Thế thì các game thủ sẽ ra sức tham gia trương trình đạc biệt naỳ để có được phần thưởng.

 

 Điều tôi muốn nói ở đây là điều kiện chơi hết sức khó khăn. Thế mà trong khoảng 58 ngày ( 1-12-2006 đến 28-1-2007 ), các game thủ  phải đạt tới cấp độ 100. Vậy các em sẽ chơi như thế nào? Ngày đêm miệt mài “ luyện công” chăng? Mà thời gian này lại chính là thời điểm chuẩn bị ôn tập và thi học kỳ 1 của năm học .

 

Tại sao trò chơi “võ lâm truyền kỳ” lai có một chương trình khuyến mãi như thế? Những người làm chủ trò chơi này có ý nghĩ gì đến các em học sinh không, hay họ chỉ cần lợi nhuận mà bỏ hết mọi điều?

 

Trong số 3 của Sứ điệp, Đức Thánh Cha nhấn mạnh: bất cứ khuynh hướng sản xuất những chương trình và những sản phẩm, bao gồm những phim hoạt hình và những trò chơi băng hình, nhân danh giải trí để để cao bạo lực và mô tả những hành vi chống xã hội hay sự tầm thường hoá tính dục con người đều là một sự thối tha, và càng đáng nguyền rủa hơn hết khi những chương trình này nhắm vào thanh thiếu niên. Với những kẻ đó “thà buộc cối đá lớn vào cổ nó mà xô xuống biển, còn lợi cho nó” (Lc 17,2).

 

Trước bao nhiêu là thách đố hiện nay do ảnh hưởng công nghệ thông tin, những người có trách nhiệm cần suy nghĩ về thao thức của Đức Thánh Cha: mong ước chân thành của các bậc cha mẹ thầy cô giáo muốn giáo dục trẻ em trong những nẻo đường chân thiện mỹ chỉ có thể được nâng đỡ bởi kỹ nghệ truyền thông nếu nó đề cao phẩm giá căn bản của con người, giá trị đích thực của hôn nhân và đời sống gia đình, những thành quả và mục tiêu tích cực của nhân loại. Vì thế, không chỉ các bậc cha mẹ và thầy cô giáo mà cả những ai có ý thức trách nhiệm dân sự cũng thấy một nhu cầu đặc biệt có ích và thậm chí cấp bách là truyền thông phải gắn bó với việc đào tạo có hiệu quả, và với những tiêu chuẩn đạo đức (số 3).

 

 Sắc lệnh “INTER MIRIFICA” căn dặn: “…để khỏi làm hại hơn là làm ích cho các tâm hồn, các hoạt động truyền thông phải tuyệt đối tuân theo luật luân lý, nhất là nếu đề cập đến những vấn đề đòi hỏi phải được kính trọng tương xứng, hay đề cập đến những gì dễ khích động dục vọng xấu xa của con người đã mang vết tội tổ tông ” (IM,7)

 

Riêng đối với giới trẻ và phụ huynh, Sắc Lệnh bày tỏ mối quan tâm đặc biệt: “Phải lo tập cho quen điều độ và kỷ luật trong việc dùng những phương tiện này. Ngoài ra họ cũng phải cố gắng thấu hiểu sâu xa hơn những điều họ thấy, nghe và đọc…Còn bậc phụ huynh thì phải nhớ mình có bổn phận tận tâm coi sóc kẻo những thứ trái nghịch với Đức Tin, trái thuần phong mỹ tục lọt vào ngưỡng cửa gia đình…” (IM,10).

 

Ngày nay, giáo xứ và trường học của Giáo hội cần phải trên tuyến đầu của giáo dục truyền thông Trên tất cả, Giáo hội ao ước chia sẽ một viễn kiến về phẩm giá nhân loại là trọng tâm của mọi truyền thông xứng đáng của loài người “Khi nhìn với đôi mắt của Chúa Kitô, tôi có thể trao cho tha nhân nhiều hơn những nhu cầu bề ngoài của họ; tôi có thể trao cho họ ánh mắt yêu thương mà họ thèm khát ” (Thông điệp Thiên Chúa là tình yêu, số 18). Đức Thánh Cha định hướng cho công cuộc giáo duc trẻ em trong lãnh vực Truyền thông là cần phải theo gương Chúa Kitô, Đấng “ôm lấy các trẻ em và đặt tay chúc lành cho chúng ” (Mc 10,16).(số 4).

 

Phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu. Giáo dục là sự nghiệp của toàn thể mọi người. Gia đình và giáo xứ có vai trò thật quan trọng. Phát huy cách toàn diện khả năng trí tuệ của con người, đòi hỏi phải quan tâm và chú tâm phát huy khả năng phân tích và tổng hợp, khả năng phán đoán và nhận định, khả năng sáng tạo và nhìn xa trông rộng, khả năng lựa chọn và quyết định thực hành điều chân thiện mỹ. Tất cả những khả năng đó tạo nên nền tảng vững chắc cho việc xây dựng một nhân cách vẹn toàn và trưởng thành cho con người hôm nay. Do đó, bậc phụ huynh không thể phó mặc việc giáo dục con em cho nhà trường ngày nay. Các gia đình và giáo xứ hãy quan tâm và quyết tâm góp phần phát triển con người toàn diện về mọi mặt thể chất và trí tuệ, tinh thần và tâm linh, giúp các em ngày càng lớn lên càng nên người tốt, người chân chính và trung thực, người hữu ích cho gia đình, cho quê hương đất nước và cho Giáo hội. Đó cũng là góp phần phát triển vững bền xã hội và nâng cao nền văn hoá và đạo đức của Dân tộc Việt nam trong tiến trình toàn cầu hoá hôm nay. (x. Thư mục vụ mùa khai trường năm học 2006-2007 của Đức Hồng Y G.B Phạm Minh Mẫn).

                 

                                                                       

Lm Giuse Nguyễn Hữu An

 

Tiếp theo

 

LƯƠNG TÂM

"Lương tâm không bằng lương tháng": đó là đầu đề một bài báo mới đây đưa tin về giám đốc và trưởng kế toán công ty Xổ Số của tỉnh Ninh Thuận hưởng lương người thì 53 triệu, người kia 44 triệu đồng/ tháng. Dĩ nhiên số tiền lương cao ngất này là do họ tự cho mình, hoàn toàn không có gì tương xứng với công lao khó nhọc của họ đối với công ty -(vả lại có loại giám đốc nào làm ăn "khỏe re" như giám đốc một công ty xổ số!). Ngoài ra, những người này còn cho người nhà mình mở nhiều đại lý vé số cấp I để hưởng lợi nữa. Bài báo không quên lưu ý rằng Ninh Thận là một trong những tỉnh nghèo nhất nước. Thật không tin nổi làm sao có thể có những con người vô đạo đức, vô lương tâm đến mức ấy mà không biết xấu hổ! Nhưng mẩu tin sau đây mới lạ đời lam sao: ban giám hiệu một trường trung học phổ thông ở Cà Mau đã dùng số tiền 22 triệu đồng của học sinh đóng góp mua nước tinh khiết để nhậu!

Trong Thư mục vụ năm 2006 mang tựa đề Sống Đạo Hôm Nay (8-9-2006), các giám mục chúng ta viết: "Trước những thay đổi hiện thời của xã hội làm ảnh hưởng không nhỏ đến cách nghĩ và lối sống của nhiều người, nhất là người trẻ, chúng tôi đề nghị một lộ trình sống đạo khởi đi từ việc đổi mới bản thân. Điểm căn bản trong việc xây dựng con người mới này là làm sao để bản thân mỗi người ý thức và sống đúng phẩm giá của mình; bởi lẽ phẩm giá con người là quà tặng Thiên Chúa ban (...). Ngoài ra, mỗi người cũng cần được huấn luyện để có lương tâm ngay chính. Thật vậy, một trong những điều cấp thiết người công giáo phải nêu gương là tìm hiểu giá trị của lương tâm và thực hành theo tiếng nói lương tâm của mình" (số 5)

Tại sao phải quan tâm cách riêng tới vấn đề lương tâm? Hội đồng Giám mục trả lời: "Trong xã hội hiện nay, đôi khi nhu cầu sinh sống và phát triển đã kéo theo những hệ lụy làm cho lương tâm con người bị sai lệch hoặc bị mất phương hướng" (số 5). Nhận định của các giám mục thật đúng, nhưng có lẽ còn nhẹ nhàng và không muốn đi sâu xa hơn. Trong một bài suy nghĩ thêm như tôi đang cố gắng làm đây, có lẽ phải nói mạnh hơn rằng tình trạng suy thoái lương tâm hay ý thức đạo đức là rất nghiêm trọng. Con người ở đâu và thời nào cũng có kẻ tốt người xấu, nhưng khi cái xấu không những tìm cách lấn át cái tốt mà còn "chương mặt" ra khắp nơi như chuyện bình thường thì vấn đề là vô cùng nghiêm trọng.

Tôi thấy ý thức đạo đức không những méo mó mà hình như không còn nữa trong ba loại biểu hiện phổ biến hiện nay: tham nhũng thối nát, dối trá và thiếu ý thức công dân. Tham nhũng thối nát thường gắn với quyền lực. Cái gì cũng đòi ăn, cái gì cũng ăn được. Đến như tiền cứu trợ nạn nhân bão lụt, tiền trợ cấp người nghèo khổ cũng ăn chận. Tham nhũng là bệnh của kẻ có chức có quyền, nhưng nó cũng tác động tiêu cực trên người dân, vì như người ta quen nói, cán bộ "có làm khó mới ló đồng tiền", còn nhân dân thì "không bôi trơn làm sao chạy việc?". Đây chỉ nói tới những chuyện nho nhỏ "thường ngày ở huyện" mà thôi. Nhiều khi muốn vào một cơ quan, muốn nhờ chuyển một tờ đơn thôi, cũng phải "biết điều" với anh gác cổng, anh cán bộ nhận văn thư, đơn từ. Không làm không được. Riết rồi quen. Còn dối trá cũng thế, nó tràn lan hầu như trong mọi lãnh vực đời sống xã hội, kể cả nơi "trồng người" là ngành giáo dục đào tạo, như mọi người đều biết. Ở bẩn lâu ngày cũng quen, hơn nữa có khi còn lấy cái bẩn làm sạch, coi cái sạch là bẩn! Nói dối thường xuyên cũng vậy. Trả lời một cuộc phỏng vấn báo Thanh Niên, ông Trần Quốc Thuận, Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc Hội thẳng thắn nói: "Cái lớn nhất bị mất, đó là đạo đức. Chúng ta sống trong một xã hội mà chúng ta phải tự nói dối với nhau để sống. Nói dối đã trở thành thói quen hằng ngày của xã hội Việt Nam. Thói quen đó lặp đi lặp lại nhiều lần thành 'đạo đức', mà cái 'đạo đức' đó là rất mất đạo đức. Đó là một cái nguy nhưng tôi thấy ít người quan tâm."

Sau cùng, tôi cho rằng ý thức công dân rất kém hiện nay cũng là một biểu hiện của ý thức đạo đức đã cùn mòn. Người ta coi thường công ích, coi thường những qui định liên quan tới lợi ích chung, tới quyền lợi của kẻ khác và trật tự công cọng, tiêu biểu nhất là hiện tượng vô kỷ luật trong giao thông trong các thành phố. Ai cũng dạy con cái phải ngoan ngoãn, chăm chỉ cả khi không có cha mẹ, thầy cô bên cạnh mình, nhưng khi lái xe ngoài đường, ai cũng ngó trước ngó sau, nếu thấy cảnh sát thì tuân hành luật lệ nghiêm túc, nếu không thì mạnh ai nấy chạy bát nháo. Trong xã hội ta, rất nhiều người đã đánh mất lòng tự trọng và không còn biết xấu hổ khi làm điều sai quấy. Đó là một bằng chứng về việc không còn ý thức đạo đức nữa.

Chúng ta đang cố chạy nhanh trên con đường phát triển kinh tế, nhưng rất chậm chạp trong việc xây dựng con người "đạo đức". Đạo đức "làm người" chứ không phải đạo đức chính trị mà thôi. Chính trị nhiều khi có thể ngược với "đạo đức". Nói cho cùng, phát triển tinh thần, phát triển đạo đức còn quan trọng hơn phát triển vật chất, phát triển kinh tế. Nếu ý thức đạo đức mà cứ tụt dốc như thế này thì công nghiệp hóa, hiện đại hóa sẽ có ý nghĩa gì, ích lợi gì thực sự cho dân tộc?

Đối với người công giáo, rèn luyện lương tâm và nhất là sống theo lương tâm ngay chính là một bổn phận thường xuyên bất kể ở đâu, hoàn cảnh nào, lúc nào. Vì tiếng nói lương tâm là tiếng nói của Chúa. Tiếng nói đó bảo chúng ta phải yêu mến và làm điều lành lánh điều dữ. Nó còn chỉ cho biết trong từng trường hợp cụ thể, phải làm điều gì và tránh điều gì. Lương tâm là lề luật chính Chúa ghi khắc vào trong trái tim con người, không phải con người tự đặt ra cho mình để rồi có thể muốn theo hay không, muốn duy trì hay loại bỏ tùy ý (x. Hiến chế Vui mừng và Hy vọng của công đồng Vaticanô II, số 16). Chúng ta nghe theo lương tâm không chỉ vì sợ luật pháp, sợ bị trừng phạt nhưng vì kính sợ và yêu mến Chúa. Lương tâm ngay chính là lương tâm được chi phối bởi cái lề luật được Chúa ghi khắc vào lòng ta, không phải chỉ bởi những quy định tương đối, tạm thời và có thể thay đổi của các tập thể xã hội loài người. Chúa ghi khắc bằng cách nào? Bằng hai cách: qua con đường tạo dựng, vì thế trí khôn tự nhiên có thể khám phá ra (lề luật tự nhiên) và qua con đường mặc khải siêu nhiên mà đức tin đón nhận. Người ta nói: lương tâm là con đẻ của Chúa và là con nuôi của xã hội. Nói "con đẻ" là nói nguồn cội, còn nói "con nuôi" là nói tới vai trò cần thiết của giáo dục trong gia đình và xã hội.

Đối với người Kitô hữu Việt Nam, việc rèn luyện lương tâm và thực hiện lương tâm ngay chính không những là một bổn phận thường xuyên, mà còn là một đòi hỏi của sứ mạng làm chứng cho Chúa trong tình hình xã hội suy thoái về đạo đức hiện nay nữa. Các giám mục dạy: Anh chị em hãy "nêu gương sáng ... ngay chính tại gia đình cũng như giữa nới mình sống" (Thư chung 2006, số 5).

Lm Nguyễn Hồng Giáo, dòng Phanxicô

Tiếp theo

KHÔN NGOAN TRONG HÀNH ĐỘNG KIÊN TRÌ TRONG CẦU NGUYỆN VÀ HIỀN LÀNH TRONG PHỤC VỤ

 

            Ngày 12 tháng 12 năm 2006 vừa qua, giáo phận Ban Mê Thuột chúng tôi  hân hoan đón nhận 7 tân Phó tế. Trong Thánh lễ truyền chức. Đức Giám Mục đã đọc lời tổng nguyện với những dòng cuối như sau: Xin cho các thầy biết khôn ngoan trong hành động, kiên trì trong cầu nguyện, và hiền lành trong phục vụ. Lời cầu xin thật hàm súc và ý vị. Xin được chia sẻ đôi tâm tình cùng các “thầy sáu” và hẳn nhiên cũng là những lời tự kiểm cho bản thân.

 

Khôn ngoan trong hành động: Người khôn ngoan trước hết là người biết phân biệt các sự vật hiện tượng. Họ biết phân biệt cái gì tốt, cái gì xấu, cái gì đúng, cái gì sai, biết phân biệt điều hơn điểm kém, điểm chính, điểm phụ, đâu là nguyên nhân, đâu là kết quả, đâu là bản chất, đâu là hiện tượng … Có lẽ môn toán ta học ở nhà trường là một trong những môn học góp phần rất lớn trong việc rèn luyện trí khôn. Từ bậc tiểu học qua các phép tính cộng trừ nhân chia đến bậc trung học qua các dấu hiệu: “bằng, hơn, kém, suy ra, ắt có và đủ…” tất cả đều giúp ta biết phân biệt, biết phân biệt là tiền đề của sự khôn ngoan.

 

Tuy nhiên, nếu chỉ dừng lại ở đó thì chưa phải là khôn ngoan. Người khôn ngoan không chỉ biết phân biệt cái gì tốt, cái gì xấu, nhưng còn biết chọn lựa. Họ biết chọn điều tốt hơn điều xấu, biết chọn điều tốt nhiền hơn là tốt ít và dĩ nhiên luôn ưu tiên chọn điều tốt nhất. Để đạt mục tiêu nào đó, thì trong hành động người khôn ngoan luôn chọn phương án tối ưu và luôn sẵn sàng phương án kém hơn để dự phòng một khi phương án tối ưu bị ngăn trở không thể thực thi. Trong các mục tiêu đề ra, người khôn ngoan thường chọn lựa mục tiêu tốt nhất và khả thi nhất. và tương tự như thế, trong các nguyên nhân làm nên mức kết quả thì người khôn ngoan xem trọng những nguyên nhân chính. Trong các điều kiện để hình thành một sự kiện hay hiện tượng thì người khôn ngoan lưu tâm đặc biệt đến những điều kiện tất yếu phải có.

 

Vấn đề đặt ra ở đây không phải trình bày thế nào là khôn ngoan, nhưng lướt qua một đôi nét khái niệm về khôn ngoan để tự kiểm xem mình có thật sự khôn ngoan hay chỉ khôn lanh, thậm chí có khi chỉ là khôn ranh. Quả thật xét lại bản thân, rất nhiều khi tôi những tưởng mình đã khôn, nhưng chỉ là khôn lanh mà thôi. Đó là mặc dù có biết phân biệt điều gì tốt và điều gì tốt hơn, thậm chí điều gì tốt nhất, thế mà tôi thường chọn lựa điều tốt “xoàng xĩnh” điều tốt ít hơn để khỏi “bán đi tất cả gia tài để tậu cho được kho báu” (x. Mt 13,44-46), khỏi phải hy sinh hoặc để khỏi phải đụng chạm ai, nhất là khỏi phải làm mất lòng kẻ có thế, có quyền. Biết đó là điều tốt hơn mà bản thân không dám chọn lựa, quả là vẫn còn khôn ngoan theo “kiểu thế gian”, nếu không muốn nói là khôn lanh, khôn lỏi.

 

 Người ta thường gắn sự khôn ngoan với đức cẩn trọng. Dĩ nhiên người khôn ngoan thì phải biết thận trọng nhưng không phải hễ thận trọng là khôn ngoan. Ta cần lưu ý điều này: rất nhiều khi cái vỏ bọc thận trọng đang che đậy cái sự khôn lanh của ta. Bên ngoài xem ra là thận trọng nhưng bên trong là sự toan tính thiệt hơn, sợ bị mang tiếng, sợ bị khó dễ, sợ bị mất lòng … Phải chăng đang có đó những người ngoài đời lẫn trong đạo rất “thận trọng” nên không làm gì, không nói gì, vì thế chẳng đụng đến ai, chẳng làm mất lòng ai, và mỗi khi có bầu cử chọn lựa nhân sự nào, trách vụ lớn nào đó, họ đều được rất nhiều phiếu. Và rồi sau đó trong chức vụ đảm nhận họ cũng chẳng làm gì vì thận trọng hay chẳng làm gì được cho tha nhân khi mà họ chỉ biết  lo cho bản thân. Đó là khôn ngoan Chúa muốn hay là khôn ngoan của thế gian này? Bản thân cũng đã từng khuyên nhủ các thầy phó tế về giúp xứ rằng: đang thời kỳ chuyển tiếp, đừng có làm gì nói gì đụng đến ai. Hãy cứ nói và làm kiểu chung chung không mất lòng ai cả. Cứ đợi cờ đến tay tức là thụ phong linh mục, rồi hãy phất. Quả thật với kiểu khuyên nhủ ấy thì không khác gì bày mưu tính kế cho các vị ấy sống khôn lanh. Và rồi khi cờ đến tay thì các vị ấy cũng có phất nhưng thường thì phất “theo chiều gió”!

 

 Kiên trì trong cầu nguyện : Là Kitô hữu, bản thân chúng ta không thể quên lời dạy của Đức Giêsu là hãy kiên trì cầu nguyện (x. Lc 11, 1-13). Thế nhưng Đức Giêsu còn căn dặn chúng ta khi cầu nguyện chớ có dài lời vì Cha trên trời thừa biết chúng ta cần những gì. Chính vì thế mà chúng ta cần xác định rõ nội hàm của việc cầu nguyện. Các nhà tu đức dạy ta: Cầu nguyện là nâng tâm hồn lên, tiếp xúc, gặp gỡ Chúa để hiểu biết Chúa, yêu mến Chúa và sau đó thực thi thánh ý Người. Để tiếp xúc, gặp gỡ Chúa thì cách thế và hình thái khác nhau. Nhưng đã là tâm nguyện hay khẩu nguyện, dù là cách cộng đoàn công khai, chính thức trong cá buổi cử hành Phụng vụ hay âm thầm cá nhân riêng tư, dù là suy niệm hay chiêm niệm, dù là chi chi nữa thì cái đích nhắm cũng là để hiểu biết Chúa, yêu mến Chúa và rồi để thực thi thánh ý Người.

 

Quả thật không một ai dám to gan khẳng định mình có thể trong một sớm một chiều mà hiểu được Chúa, Dấng hoàn toàn khác ta, vượt quá mọi luận lý hay nghĩ suy của con người. Ngay cả với những thực tại trần thế này, những dữ kiện, những con người cụ thể quanh ta mà ta khó có thể hiểu nổi và chắc chắn không thể nào hiểu biết cách tường tận. Với cả chính bản thân, ta cũng nhiều khi không hiểu con người của mình. Trước giờ chịu tử nạn, Chúa Giêsu đã tha thiết cầu nguyện: “Sự sống đời đời là họ nhận biết Cha, Thiên Chúa duy nhất và chân thật, và nhận biết Đấng Cha đã sai đến là Giêsu Kitô…” (Ga 17,3 tt). Sự hiểu biết ở đây không dừng lại ở sự nhận thức của lý trí mà gồm cả sự gắn bó của ý chí. Nếu chỉ xét nguyên về khía cạnh nhận thức của trí khôn thì để biết được Thiên Chúa là một cách nào đó, một mức độ nào đó thôi thì quả là một quá trình tìm kiếm học hỏi không ngừng. Xin đừng hài lòng với việc thuộc nằm lòng một số tín điều hay một vốn liếng thần học cho dù có cao siêu hay chặt chẽ. Lời Lão Tử: “Đạo khả đạo phi thường đạo, danh khả danh phi thường danh”. Rất có thể ta vô tình thờ ngẫy tượng do chính những khái niệm hoàn toàn mang tính nhân loại của chúng ta. Tuy nhiên, Thiên Chúa, Đấng xưa đã tỏ bày cho Môsê là Đấng không ai có thể nắm được khi tự giới thiệu danh tính: “Ta là Ta” (Xh 3,13-15), thì nay chúng ta có thể tiếp cận qua Đức Giêsu Kitô: “Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha” (Ga 14,9). Để ngày càng hiểu biết Đức Giêsu Kitô thì có nhiều phương thế, tuy nhiên các bản văn Tin Mừng vẫn là những phương thế không thể thay thế vì chúng trực tiếp giới thiệu cho chúng ta chân dung của Đấng Cứu Thế. Hội Thánh khẳng định: “Không biết Thánh Kinh là không biết Chúa Kitô” (MK 25). Cái biết ở đây mới chỉ dừng lại ở phạm trù lý trí. Nhưng dầu sao nó cũng là cánh cửa để lòng mến đi vào vì như lời một thánh giáo phụ: không biết thì không yêu mến.

 

Đọc Kinh Thánh, nghiên cứu Kinh Thánh và cầu nguyện với Kinh Thánh là một quá trình bền bỉ của bất cứ Kitô hữu nào, cách riêng với những người có sứ mạng rao giảng Lời Chúa cách công khai và chính thức là hàng giáo sĩ (phó tế, linh mục, giám mục). Thời lượng 6,7 năm ở chủng viện, các ứng viên được giảng dạy về Kinh Thánh có lẽ chưa đến đâu, vì chương trình giảng dạy có quá nhiều môn học khác, cho dù đa phần các môn học ấy đều có Lời Chúa. Có đấng bậc còn ví von là thời gian ở chủng viện, ở học viện chỉ là thời gian học biết cách lật sách. Mà xem ra sự thật thì không khác là bao. Đã biết cách lật sách mà sau đó không mở thì phỏng có ích gì. Nói rằng không mở thì quả là hàm hồ. Thế nhưng với cái thị hiếu “mì ăn liền” đang len lỏi vào mọi ngõ ngách của cuộc sống thì chúng ta cũng dễ bị cám dỗ mở những trang sách “đã xào nấu sẵn”, và cứ thế mà nhai nuốt hay dọn cho người khác dùng mà chính bản thân không hay chưa cảm nhận chút nào hương vị của món ăn Lời Chúa.

 

Điều này thật dễ nhận ra. Bà con tín hữu thỉnh thoảng than phiền đấng bậc này, đấng bậc nọ giảng lễ nhạt nhẽo, nếu không muốn nói là cách vô hồn hay thiếu xác tín. Chập chững bước vào hàng giáo sĩ, được chính thức giảng Lời Chúa trong thánh lễ, cái tâm lý dễ có nơi chúng ta đó là muốn chứng tỏ mình. Tài giảng dạy của mình không thua các bậc đàn anh, mà phải qua mặt các vị ấy chứ. Cái tâm lý này tự nó không xấu. Xét trên bình diện tự nhiên thì rất tốt là đàng khác, vì “hậu sinh khả úy”, và “con hơn cha là nhà có phúc”. Tuy nhiên một điều không thể thiếu là cần có một chút xác tín nào đó về những gì mình giảng dạy. Và sẽ không có điều này nếu thiếu một đời sống cầu nguyện chuyên chăm, thiếu gắn bó với Lời Chúa cách bền bỉ. Những gì thánh tiến sĩ Thomas d’Aquin để lại cho chúng ta thường là kết quả của những giờ chầu Thánh Thể và những lần lật giở các trang Kinh Thánh. Những người đã lâu năm trong giảng dạy thì rất có thể bị cám dỗ “liếc qua” các bài đọc Lời Chúa, có khi chỉ liếc sơ bài Tin Mừng, vì chỉ cần liếc sơ sơ là biết rõ nội dung. Chính vì thế mà các vị không còn đọc Lời Chúa cách kỹ lưỡng và dường như đánh mất cái thói quen cầu nguyện với bản văn Lời Chúa như thuở nào.

 

 Hiền lành trong phục vụ : Một lời cầu xin và cũng là một lời khẳng định. Đã là người phục vụ thì phải là người hiền lành không thể khác hơn. “Con Người đến không phải để được người ta phục vụ nhưng để phục vụ và hiến dâng mạng sống mình làm giá chuộc muôn người” (Mt 20,28). Hạn từ phục vụ xem ra thanh nhã nhưng cũng có thể làm ta khó sâu sát cái ý nghĩa của nó. Có bản dịch Thánh Kinh dùng hạn từ “hầu hạ”. Dù dịch là hầu hạ hay phục vụ thì từ nguyên nghĩa của chúng là làm công việc của người hầu, người nô lệ (servus). Phục vụ hay làm dịch vụ là phải hiền lành. Vì đó là một trong những điều kiện tất yếu có tính sống còn của người hầu, người nô lệ. Ngay cả với những người làm dịch vụ trong kinh doanh thì không thể nào giữ mãi thái độ hống hách như thời kinh tế bao cấp của nước ta đã qua. Hội nhập vào nền kinh tế thị trường, người làm dịch vụ không những phải hiền lành mà còn phải tận tụy và dễ thương thì mong có và giữ chân khách hàng.

 

Mặc dù trách vụ chính của hàng phó tế là phục vụ bắt nguồn từ thời các tông đồ (x. Cvtđ 6,1-7), thế nhưng mọi Kitô hữu, đặc biệt hàng tư tế thừa tác đều là những người phục vụ. Người càng được trao phó nhiệm vụ càng cao thì trọng trách phục vụ càng lớn. Nhận thức điều này, các Đức Giáo Hoàng đều tự xưng là “tôi tớ của các tôi tớ”. Đã là tôi tớ thì phải đặt lợi ích của chủ lên hàng đầu. Thế mà khi một ngài tôi tớ nào đó được sai đi phục vụ như linh mục hay phó tế thì “người ta” đòi hỏi nào là có nhà ở, nào là có các tiện nghi này nọ, nào là phải lo bảo đảm đời sống nọ kia… Có thể người ta nại đến câu nói của Chúa rằng “thợ thì đáng được lĩnh công” hay câu nói truyền thông: chăn chiên thì uống sữa chiên. Chuyện là đương nhiên dễ hiểu, nhưng trước hết những người chăn chiên, những người thợ ấy phải là những tôi tớ thật sự. Tôi đã từng viết một bài báo nhan đề: “Tìm việc cho người hay tìm người cho việc?” Các đấng bậc có trách nhiệm khi bố trí nhân sự cũng dễ bị cám dỗ xem trọng các “đầy tớ” hơn là nhưng lợi ích của những ông chủ là tập thể đoàn tín hữu. Đúng là một giải pháp giải quyết nhân sự chứ không phải là một chiến lược phục vụ đoàn chiên.

 

Trở lại với các thầy phó tế. Bản thân tôi đã từng gặp gỡ nhiều phó tế vĩnh viễn, dĩ nhiên không phải ở trong nước, vì tôi chưa thấy hàng phó tế vĩnh viễn trong Hội Thánh Việt Nam. Phải chăng vì đã chọn một bậc sống, một thừa tác vụ thánh cách vĩnh viễn nên các vị phó tế vĩnh viễn xem ra hiền hòa trong cung cách phục vụ? Trong khi đó, các phó tế “chuyển tiếp”, tức là các thầy sáu đang chờ đợi tiến lên chức linh mục, rất có thể sống ơn phục vụ kiểu qua ngày. Chắc chắn khi ta làm một việc gì đó kiểu chiếu lệ, qua ngày thì có nhiều hạn chế khó tránh khỏi dù bản thân không chủ ý. Chưa kể đến chuyện đã từng có, đó là các vị hữu trách khi sai các thầy đi thực tập ở đâu thường căn dặn các linh mục sở tại là đừng để các phó tế “bị sứt mẻ” điều gì khiến khó chịu chức linh mục sau này. Thế là các thầy sáu được o bế từ hàng linh mục đến đoàn tín hữu, kiểu o bế cô dâu chờ ngày lên xe hoa. Thế là mục đích phục vụ, làm tôi tớ, dường như chỉ còn trên danh nghĩa hay chỉ còn trên các buổi lễ đại trào. Một sự thực đáng được ta ngẫm nghĩ lắm chứ. Đã được o bế, cưng chìu một thời gian, rồi sau đó lại được đưa lên tận mây xanh khi lãnh chức linh mục, thì mục tiêu phục vụ thật khó thực thi cách hữu hiệu.

 

Một vài tâm tình gởi đến các thầy phó tế cũng là những ý tưởng để bản thân xét mình về lý tưởng sống trong đời tu trì tận hiến qua tác vụ thánh đã lãnh nhận. Khôn ngoan trong hành động, kiên trì trong cầu nguyện, và hiền lành trong phục vụ quả là lời cầu thiết thực cho bất cứ ai, đặc biệt cho những người làm tông đồ. Ước gì lời cầu ấy không dừng lại trong thánh lể truyền chức phó tế nhưng được cụ thể hóa bằng nỗ lực thực hiện hằng ngày trong đời sống chúng ta, vì một trong những mục đích của cầu nguyện là biết ý Chúa để chúng ta cố gắng thực thi.

 

Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa  - Ban Mê Thuột

Tiếp theo

 

 

TÀI LIỆU TĨNH TÂM LINH MỤC GIÁO PHẬN LONG XUYÊN  2007:

 

LỜI CHÀO MỪNG

 

 Kính trình Đức Cha Giuse và Cha Giảng Phòng, con xin đại diện cho linh mục đoàn giáo phận Long Xuyên.

 

Trước tiên xin kình chào Đức Cha nhân dịp chúng con tập trung về đây để tham dự tuần phòng năm 2007. Chúng con xin chân thành cảm ơn Đức Cha đã tổ chức tuần phòng này. Trong những ngày đầu năm mới 2007 và chuẩn bị ăn tết Đinh Hợi. Thật là thời gian thuận lợi để chúng con ổn định tâm tư, hầu xác lập định hướng tương lai cho năm mới, nhất là trong hoàn cảnh mới của đất nước gia nhập WTO, và là thành viên của tổ chức APEC, cũng theo tinh thần thơ chung năm 2007: “Sống đạo để phục vụ yêu thương ”.  Các linh mục cần rà soát lại cung cách sống đạo của mình. Sống đạo với căn tính linh mục, cùng với tác vụ và sứ vụ linh mục của mình sao cho phù hợp với hoàn cảnh mới. Chúng con xin quyết tâm sẽ lợi dụng thời gian này để cầu nguyện, suy gẫm, nhằm có những quyết định mang tính đột phá mới. Vì thế, chúng con rất ý thức về bầu không khí thinh lặng và trang nghiêm của những ngày tuần phòng này. Chúng con xin hứa với Đức Cha: ít nữa sau giờ nghe giảng sẽ thinh lặng ở lại trong nhà thờ tối thiểu cũng là 20 phút. Đó là lời dốc lòng đầu tiên của chúng con.

 

 Kính thưa Cha giảng phòng: anh em linh mục Long Xuyên rất vui khi được biết Cha nhận hướng dẫn tuần phòng cho chúng tôi. Danh tiếng Cha đã toả hương sen khắp vùng Thành phố. Nay, hương sen lại trở về quê hương đồng nội. Hy vọng với những gợi ý hướng dẫn của Cha giúp anh em linh mục Long Xuyên đặt lại vấn đề căn tính linh mục của mình, trên cương vị lãnh đạo cộng đoàn dân Chúa, nhất là theo tinh thần sống đạo như người tôi tớ phục vụ yêu thương.

 

 Giấc mơ của tôi đêm qua:

 

Trong đêm qua, tôi mơ thấy một cụ bà dẫn tôi đến trước một ngôi Thánh đường rất lộng lẫy, nguy nga. Khi vào cổng thì có một thiên thần mang vào cổ tôi một tấm bảng với dòng chữ: tôi là chủ . Thú thật, lúc đó tôi có cảm giác rất vui vì được làm chủ một ngôi Thánh Đường rất tốt đẹp. Khi tôi đến cửa chính, thì có một Thiên Thần nữa mở cửa nhà thờ. Nhìn vào, tôi thấy rất đông người cả già trẻ, bé lớn đang cầu nguyện, và mọi người đứng lên quay về phía tôi. Họ nhìn vào tấm bảng của tôi đang đeo. Đột nhiên, có một cụ già cầm một cây bút ghi vào trước cái bảng của tôi chữ “chúng ”, rồi lần lượt mọi người đều ghi vào đó chữ “chúng” . Khi nhìn vào bảng, tôi đọc lại đó là: chúng tôi là chủ . Xong, tôi giật mình thức dậy, tôi suy nghĩ  tiếp thêm. . . vậy là mình hết làm chủ rồi, bây giờ mình trở nên hàng tôi tớ. Lúc ấy, tôi cầu nguyện với Chúa: lạy Chúa xin cho con được là người tôi tớ, người tôi tớ biết phục vụ và yêu thương . Ước mong đó cũng là ước nguyện thực sự của các linh mục Long Xuyên.

 

Xin Kính Chào Đức Cha.

 

Lm. Phêrô Lê Văn Kim

Tổng Đại diện Gp. Long Xuyên

Ngày 22 tháng 01 năm 2007

 

 

 

 

 

 

 ĐỊNH HƯỚNG TUẦN TĨNH TÂM

 

Tin mừng Thánh Luca đoạn 4 nói về việc Chúa Giêsu trở về quê hương Nazarét, Ngài vào hội đường sau ngày Sabanô, Ngài đã đọc đoạn tiên tri Isaia 61 “Thánh Thần  Chúa ngự trên tôi, Ngài đã xức dầu tấn phong tôi sai tôi đi loan báo tin mừng cho người nghèo khó ” rồi Ngài kết luận: hôm nay ứng nghiệm lời tiên tri nói. Chúa Giêsu bắt đầu cuộc đời công khai của Ngài, bằng việc được Thánh Thần xức dầu và sai đi, rồi cả cuộc đời của Đức Giêsu cũng luôn luôn được hướng dẫn bởi Chúa Thánh Thần. Qua bài phúc âm mà chúng ta vừa nghe, Chúa Giêsu cũng đã nói đến thái độ của người Do Thái, cái thái độ đó chống lại Chúa Thánh Thần, là những tội phạm không thể tha thứ được, bởi vì họ mất lòng tin và lòng trông cậy vào tình thương của Chúa, vì họ quá tin cậy vào sức riêng của mình, tưởng mình có thể làm được tất cả để có thể cứu rỗi mình, vì họ ngoan cố trong những quan niệm tư tưởng của mình, họ không muốn đổi mới, không muốn sám hối. Vì thế, muốn đổi mới, chúng ta luôn luôn cần có ơn Chúa Thánh Thần, nhất là trong những dịp tĩnh tâm như thế này, chúng ta đặt tuần tĩnh tâm này vào bối cảnh của giáo hội và của thế giới ngày nay, cụ thể hơn là của giáo hội Việt Nam, của giáo phận Long Xuyên và của quê hương đất nước Việt Nam chúng ta. Chúng ta tụ hop nhau trong sự hợp nhất của linh mục đoàn, cả trong tuần này(từ thứ 2 đến thứ 6) để cùng nhau suy tư cầu nguyện và chia sẻ về việc: linh mục lãnh đạo cộng đoàn, linh mục sống đạo hôm nay, giữa lúc mà giáo hội và xã hội đang đối diện với nhiều thời cơ và không thiếu những nguy cơ cùng với nhiều thách đố cho sự hiện diện của nước Thiên Chúa, một vương quốc của sự công chính, bình an và khoan lạc trong chúa Thánh Thần.

 

Giáo phận chúng ta cần rất nhiều đến ơn Chúa Thánh Thần. Ngày nay, nhu cầu lớn nhất của giáo hội toàn cầu nói chung và của giáo hội giáo phận Long Xuyên nói riêng, không phải là những luật lệ mới, những tổ chức mới, những kiến trúc mới, những sinh hoạt mới, tất cả những thứ này, nếu không có Chúa Thánh Thần thì chẳng khác gì là một cái xác vô hồn. Chúa Thánh Thần là linh hồn của giáo hội. Vì thế, chúng ta cần biết, cần đến Đấng có thể biến đổi tâm can con người chúng ta, Ngài có thể loại bỏ trái tim bằng đá rồi thay vào trái tim bằng thịt cho chúng ta, và chúng ta cần một nguồn suối ban phát sự nhiệt tình, sự hứng khởi can trường và một sinh lực thiêng liêng mới mẻ, chúng ta cũng cần kiên trì trong sứ vụ, cần một niềm tin mới vào tương lai, và vào những đối tượng phụng vụ, để chúng ta không còn cảm thấy chán nản hay hoài nghi thất vọng. Nói cách khác, chúng ta đang cần một sự tuôn trào mới mẻ của Chúa Thánh Thần, giáo phận chúng ta đang cần có những con người được tràn đầy Chúa Thánh Thần. Tất cả anh em, tất cả chúng ta, các linh mục trong giáo phận cũng đang ước mong trở thành những môn đệ của Chúa Kitô, tràn đầy năng lực của Chúa Thánh Thần, tràn đầy lửa mến của Chúa Thánh Thần, và tràn đầy sự sống công nghiệp của Chúa Thánh Thần, để có thể trở nên những mục tử có niềm tin, yêu thương và phục vụ.

 

Dù có nỗ lực đến đâu, chính chúng ta cũng không thể tạo ra được Chúa Thánh Thần, Chúa Thánh Thần là một quà tặng thuần tuý của Chúa Cha, Chúa Giêsu đã chỉ cho các tông đồ và cho chúng ta hôm nay cách thế để lãnh nhận ơn chúa Thánh Thần: “Các con chớ rời khỏi Giêrusalem nhưng hãy  chờ đợi điều Chúa Cha đã hứa như các con đã nghe Thầy nói ” (Chúa nói trong tông đồ công vụ), nhưng chờ đợi là điều mà chúng ta, những con người thời đại hôm nay, cụ thể là hàng ngũ giáo sĩ giáo phận chúng ta cảm thấy khó thực hiện lắm, chúng ta không thể chờ đợi, chúng ta cảm thấy bồn chồn nóng ruột, chúng ta chẳng thà vất và lao nhọc nhiều giờ đồng hồ cho các sinh hoạt mục vụ và truyền giáo, còn hơn phải ngồi yên một chỗ mà bức rứt ngóng chờ một điều ngoài tầm tay của mình, chúng ta vốn quen hoạt động trong Chúa, nên chúng ta lao mình vào các hoạt động. Nhưng Chúa Thánh Thần chỉ được ban cho những ai nhẫn 1ại,  chờ đợi, những ai kiên trì  trải  lòng mình ra trước Thiên Chúa và lời Chúa trong cầu nguyện thinh lặng. Chúng ta phải chờ đợi Chúa Thánh Thần đến đã, rồi sau đó mới có thể là chứng tá cho Chúa Giêsu tại Giêrusalem, và cho đến tận cùng trái đất, nếu không có Chúa Thánh Thần, chúng ta chỉ là chứng tá giả tạo và cùng lắm chỉ là những con người cuồng nhiệt chứ không phải là những Tông Đồ đích thực.

 

Chắc hẳn nhiều người trong anh em chúng ta cũng đã có kinh nghiệm về sự cuồng nhiệt của trò múa rối theo sự điều khiển của đam mê, của những dư luận xã hội chứ không phải là để được Chúa Thánh Thần hướng dẫn, còn rất nhiều người trong chúng ta có nhiều lần sa đà vào các chuyện đó, sa đà vào cái việc hoạt động, “hoạt động và chỉ có hoạt động ” mà quên rằng: còn cần đến nhiều thứ khác, đó là chính ơn Chúa Thánh Thần, sự thúc đẩy của Chúa Thánh Thần.

 

Vì thế, một điều cụ thể phải làm bây giờ trong tuần tĩnh tâm này, đó là chúng ta hãy xin Chúa Cha sai Chúa Thánh Thần đến. Cái điều kiện còn thiếu là: không phải Thiên Chúa không muốn ban Thánh Thần, nhưng là vì chúng ta không có chịu kêu xin liên lỉ, cho nên hãy dành nhiều thời gian để chỉ xin và xin liên lỉ , chúng ta có thể khẩn nài trong thinh lặng, thưc hiện lời kêu cầu không chỉ bằng ánh mắt và mà còn bằng ngôn ngữ của cả thân xác.

 

Chúa Thánh Thần được ban xuống không phải  để đáp lại những tư tưởng uyên thâm của các nhà Thần Học, nhưng là để đáp lại lời tha thiết van xin của những người đàn bà goá, cảm thấy cùng đường, chỉ còn cách duy nhất là: nài xin với Chúa Thánh Thần. Muốn cho lời cầu xin rên rỉ của chúng ta có được hiêụ lực và một cường độ tha thiết cao nhất, chúng ta hãy bắt trước các Thánh Tông Đồ ngày xưa trước ngày lễ ngũ tuần: cùng với Mẹ Maria cầu nguyện, cùng với Mẹ Maria chờ đợi. Chúng ta tin tưởng Đức Mẹ La Vang đang hiện diện giữa chúng ta trong cuộc tĩnh tâm này, và cùng với linh mục đoàn, chúng ta đợi chờ trong cầu nguyện. Ân sủng biến đổi của Chúa Thánh Thần.

 

 ĐGM. Giuse Trần Xuân Tiếu

Giám mục Chính toà Gp. Long Xuyên

Ngày 22 tháng 01 năm 2007

 

Tiếp theo

 

 

 LINH MỤC, NGƯỜI LÃNH ĐẠO CỘNG ĐOÀN

 

 

 Trước khi họp HĐGM Việt Nam, các Đức Cha nhận được rất nhiều thư, email góp ý từ trong nước cũng như ngoài nước để góp ý với HĐGM xử trí cách này cách khác. Trước khi có cuộc tĩnh tâm này, tôi cũng nhận được một số thư và một số email góp ý làm sao để nói với các Cha về vấn đề này vấn đề khác, tôi coi đó là những dấu hiệu tốt, giáo dân quan tâm đến hàng linh mục chúng ta. Bởi vì, họ biết chúng ta là những nhà lãnh đạo, giống như ở ngoài đời có những góp của người dân cho các quan chức, các cán bộ. Đối với chúng ta, khi giáo dân họ có những cái góp ý cho chúng ta thì đó là điều rất tốt, bởi vì chứng tỏ họ yêu mến giáo hội và muốn cho mỗi người chúng ta tốt hơn để có thể phục vụ tốt hơn. Tôi cũng đã gom lại một số những điều mà người ta phàn nàn về anh em linh mục chúng ta. Có những cái thư rất hay như: có thư ca tụng Cha sở của mình đã sống với mình mấy chục năm và đã có công rất nhiều đã xây nhà thờ, làm việc này việc khác có ngôi nhà thờ lớn, nhiệt tình trong việc truyền giáo, bên cạnh những thư ca tụng thì không thiếu những thư phàn nàn, trách móc. Tôi dựa vào những thư đó đồng thời tôi dựa vào bài nói chuyện của Cha Trần Đình Quản ở đà lạt, Ngài đã nói rất hay về Đức Bác Ai Mục Tử của linh mục để trình bày với các Cha như trong gia đình vậy, bởi vì những điều người ta góp ý đó không phải chỉ dành riêng cho linh mục mà còn dành cho cà Giám Mục chúng tôi, chúng tôi cai quản giáo phận cũng như giáo xứ như thế nào cho hợp ý Chúa. Vậy, anh em biết rằng: năm nay 2007, qua bức thư phục vụ của hội đồng mục vụ thì mỗi người chúng ta đều được mời gọi để bước vào năm sống đạo, sống đạo tức là sống noi gương Chúa Giêsu là người mục tử yêu thương phục vụ mà các linh mục chúng ta là người đầu tiên phải thực hiện mục tiêu này, bởi vì cũng là mục tiêu kêu gọi để trở nên mục tử và đức tính căn bản của người mục tử đó là: Bác Ai Mục Tử hay cũng gọi là Bác Ai Mục Vụ. Ngay ngày đầu tiên chúng ta đã được nghe thế nào là Bác Ai Mục Vụ. Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II trong tông huấn số 23 nói rằng: “Nguyên lý nội tại thôi thúc và hướng dẫn đời sống của linh mục ”. Vậy, Đức Ai Mục Tử là nguyên lý nội tại thôi thúc hướng dẫn đời sống của linh mục tạo nên uy tín nội tại và động lực có thể thống nhất cái hoạt động phong phú và đa dạng của linh mục tưởng nó là một động lực chính yếu để thôi thúc cũng như hướng dẫn tất cả các hành vi các hoạt động mục vụ của chúng ta. Sách GLCG cũng nói rằng nó còn là phương thế thiết yếu để đưa con người vào đời sống dân dụng. Do vậy, linh mục cần phải quan tâm thực hành. Vì thế chúng ta sẽ tìm hiểu về ba điểm.

 

Điểm thứ nhất: Đâu là kiểu mẫu của Bác Ai Mục Vụ. Thứ hai, chúng ta phải thể hiện Đức Bác Ai Mục Vụ như thế nào. Thứ ba, phải dùng phương thế nào để vun trồng Bác Ai Mục Vụ. Có ba vấn đề chính: Trước hết, chúng ta xem đâu là kiểu mẫu của Bác Ai Mục Vụ? Trong Giáo Hội do Chúa Kitô thiết lập thì chỉ có một Mục Tử duy nhất đó là chính Chúa Kitô, chính Chúa Kitô là Mục Tử thôi không ai có thể tiến đến giống Ngài được. Tuy nhiên để chăn dắt và phát triển dân Chúa luôn mãi, Chúa Kitô đã thiết lập các thừa tác vụ khác nhau trong Hội Thánh hầu mưu ích cho toàn dân (Công đồng Vatican II số 18), không những thiết lập Ngài còn trao ban quyền hành và sứ mạng, phương hướng và cứu cánh cho thừa tác vụ Giáo Hội, trong số những người lãnh nhận tác vụ này có Giám mục và linh mục được đặt làm mục tử : hành động nhân danh Đức Kitô, đúng hơn là hành động với thần lực, và vai trò của Đức Kitô, không những nhân danh mà còn trong con người Đức Kitô. Chính nhờ Bí Tích truyền chức Thánh mà các linh mục trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô. Đồng hình, đồng dạng sẽ có hai phương diện, một là phương diện hữu thể học sau khi mà linh mục chịu chức Thánh sẽ làm cho linh mục trở nên hình đổng dạng với Chúa Kitô. Điều này có ý nghĩa, khi các linh mục đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô cả về phương diện luân lý và tu đức, nghĩa là trong cách sống và hoạt động của mình, Các ngài phải làm nổi bật cái hình ảnh Đức Kitô những nét khuân mẫu là Đức Kitô, cái tình yêu của Đức Kitô mục tử. Chính cái tình yêu này, làm cho việc chăn dắt đoàn chiên của Chúa trở thành  dịch vụ tình yêu. Chính cái tình yêu này, phải làm khuân mẫu và là động lực thúc đẩy các linh mục thi hành Bác Aí Mục Vụ. Bây giờ chúng ta hãy nhìn vào Chúa Kitô, vì Đức Kitô là khuân mẫu của chúng ta và Ngài đã thể hiện cái tình yêu đó như thế nào? Trước hết, Chúa tự xưng mình là mục tử tốt( phúc âm Gioan (10, 11)), từ tốt này theo tiếng Hylạp có nghĩa là đích thật chứ không phải là thật, đó là nghĩa căn bản. Nếu hiểu theo nghĩa luân lý có nghĩa là tốt lành, cũng là điều không sai nhưng có thể hiểu được, vì tốt lành là đặc điểm của mục tử đích thực ở nơi Chúa Giêsu mục tử. Khi tự xưng mình là mục tử tốt, Chúa muốn cho thấy rằng: Ngài đảm nhận hoàn toàn trách nhiệm về đoạn diện, đồng thời cũng cho thấy sự bảo đảm và đoan hứa mãi mãi  sẽ là mục tử tốt ở giữa đoàn chiên.

 

Như các linh mục chúng ta hôm nay: cũng theo gương Chúa, cũng luôn luôn tỏ ra là mục tử tốt, đương nhiên chúng ta không thể nói như Chúa Giêsu: Tôi là mục tử tốt. Bởi vì chính sự tốt lành theo khuân mẫu Đức Giêsu, Đức Chúa Giêsu là mục tiêu để chúng ta vương tới, bằng cách không ngừng cải thiện đời sống và hoạt động thừa tác vụ của mình, sao cho mỗi ngày một tốt hơn. Chúng ta không tự xưng mình là tốt nhưng cũng cố gắng hết sức để cho đời sống, để làm sao theo mẫu gương của Chúa Kitô mỗi ngày một tốt hơn. Vậy, sự tốt  lành của Chúa Kitô nó có thể thể hiện qua bằng cách này:

 

Đặc tính thứ nhất là: Chúa có lòng thương xót, theo phúc âm Matthêu(9, 36), Marcô(6, 34) có nói rằng: “trông thấy đám đông xin theo mình, Chúa chạch lòng thương xót họ vì họ lầm than vất vưởng như bầy chiên không có người chăn dắt ”. Chúng ta hãy nhìn vào những đặc tính này: “thương xót đoàn chiên ”. Linh mục chúng ta không phải là người chăn thuê, cũng không phải là một thứ công chức, sống theo một thứ chủ nghĩa công chức. Tuy vậy, trong thực tế cũng có một số linh mục có cái não trạng thu hẹp chức tư tế thừa tác, vào những khía cạnh thuần tuý công vụ, tức là chỉ làm việc bắt buộc mình phải làm như: làm lễ hay là đọc kinh, khi làm xong thì bỏ hết. Cái đó là một thứ công chức. Cái não trạng này có nguy cơ làm cho đời sống linh mục chúng ta trở thành trống rỗng, thường được bù trừ bằng những lối sống không phù hợp với cái thừa tác vụ của mình. Chúng ta đã tự nguyện nhận lãnh sức mệnh của Chúa, phải quan tâm đến những người được trao phó cho mình, phải gắn bó với đoàn chiên của mình, phải vun đúc cho mình một sự mẫn cảm đối với mọi người, nhất là những người đáng thương, những người đói khát chân lý, cần được thông truyền chân lý. Vì chúng ta được sai đến chủ yếu là cung ứng cho họ chân lý của Thiên Chúa. Cái điều này, anh em nên lưu tấm. Chúng ta không phải là người chăn thuê, mà là chủ chăn tức là mục tử, mục tử phải gắn bó với đoàn chiên. Chúng ta hãy suy nghĩ chỗ này sâu hơn, chúng ta hãy có sự gắn bó tha thiết với đoàn chiên của mình.

 

Trong bài viết của Đức Cha Bùi Tuần nói : “mỗi người chúng ta cần luôn tỉnh thức tìm Thánh ý Chúa, ta phải làm những gì Chúa sai ta làm, ta phải đến đúng địa chỉ Chúa sai ta đến phục vụ, làm đúng việc, dấn thân đúng lúc”, đó là điều Chúa chờ đợi nơi ta, như những các công tác viên trung tín và khôn ngoan ”. Điểm nhấn mạnh là:“ Thánh ý Chúa chúng ta phải làm ”, là người mục tử phải thi hành Thánh ý Chúa. Thánh ý Chúa đối với mỗi người Chúng ta, đó là phải đến với điạ chỉ mà Chúa sai ta đến, làm những việc mà Chúa muốn chúng ta làm như vậy chúng ta là linh mục chánh xứ hay là phó xứ thì hãy luôn nhớ rằng: Chúng ta đã được sai đi đến với một địa chỉ rõ ràng, với những công việc rõ ràng, cho nên phải gắn bó với cộng đoàn được giao phó mình để chăm sóc và dốc hết sức lực cho những công việc chăm sóc ấy, đó chính là Thánh ý Thiên Chúa. Thế nhưng trong thực tế có nhiều người than phiền: có nhiều anh em linh mục có vẻ: không gắn bó tha thiết với đoàn chiên của mình. Chúng ta thường nghe có vị linh mục hai chấm bảy, tức là sáng thứ hai đi sớm còn thứ bảy về làm lễ ngày Chúa nhật, làm lễ ngày Chúa nhật xong thì thứ hai lại ra khỏi xứ. Bây giờ, cũng có vị  ba chấm bảy hoặc năm chấm bảy thôi, có vị buổi sáng dâng lễ tại nhà thờ giáo xứ rồi biến mất, đi chơi đến tối mới về. Như vậy, Ngài chỉ lo chu toàn làm lễ mà thôi, còn những việc khác như: tiếp giáo dân, dạy giáo lý, chầu mình Thánh Chúa... thì không quan tâm, có vị thường xuyên đi đến một vài gia đình quen thuộc để nói chuyện, tán ngẫu cả buổi sáng đến trưa về ăn cơm, rồi chiều lại tiếp tục cuộc vi hành. Có vị tuy cả ngày ở nhà, nhưng luôn đóng kín cửa để nghe và nói điện thoại, làm việc với máy vi tính và truy cập Internet. Những vị này, coi như là đi vắng. Bởi vì, giáo dân khó gặp được các Ngài. Qua việc này, chúng ta cũng nên nhắc lại tật cư trú của linh mục, cư trú ở đây hiểu theo hai nghĩa: Nghĩa vật chất, có nghĩa là mình phải gắn bó với cái nơi được sai đến. Một linh mục khi nhận nhiệm vụ chính xứ, thì phải thi hành cái bổn phận cư trú theo giáo luận năm 533. Giáo luật đó như sau: Linh mục chính xứ có bổn phận để cư trú tại nhà xứ, gần nhà thờ. Tuy nhiên, trong những trường hợp đặc biệt, nếu có lý do chính đáng thì Thượng Quyền Sở Tại có thể ban phép cho Ngài nơi khác, miễn là làm sao để chu toàn các bổn phận giáo xứ một cách thích đáng và thuận lợi. Thứ hai: trừ khi có lý do quan trọng, linh mục chánh xứ được phép vắng mặt Giáo xứ tối đa là một tháng liên tục. Những ngày linh mục chánh xứ tĩnh tâm một lần hàng năm( không kể thời gian đi nghỉ ngày). Thế nhưng, hễ vắng mặt khỏi giáo xứ hơn một tuần lễ, linh mục chánh xứ phải báo cáo với vị Thượng Quyền Sở Tại. Điều này, tôi thấy các Cha già giữ một cách rất là chu đáo, các Ngài đi đâu xa một tuần, các Ngài luôn luôn điện thoại hoặc bằng cách nào đó để xin Cha Kim. Nhưng các Cha trẻ mới ra trường thì lại hay quên về điểm này hay chưa biết cái đó để giải quyết, bỏ đi mà không có phép tắc gì hết. Bởi vì, bổn phận linh mục chánh xứ phải hoà nhập với con người vào một cộng đoàn, nới Ngài được sai đến. Ngài phải hiện diện  để có thể bảo đảm cho những công việc của giáo xứ. Có một thư như sau: nhiều linh mục ngày nay dành nhiều thời giờ cho mình, mà dành ít thời giờ cho giáo dân, có linh mục làm lễ sáng sau rồi rúc lên lầu suốt ngày sống với máy vi tính và các thứ khác, lúc cân không thấy có mặt ở nhà, mọi việc trao cho văn phòng giáo xứ, khiến cho giáo dân nhiều người cần gặp mà không được gặp.

 

Đặc tính thứ hai: Chúa Giêsu mục tử là người biết chiên và chiên biết Ngài. Điều này, chắc hẳn chúng ta đã biết, biết ở đây không phải chỉ là một thái độ thuần tuý nhất  và phải biết hồi hộp như biết một cái gì đó, như: Cha dạy tôi, đây là một cái biết về chiều sâu, diễn tả một cộng đoàn sinh mệnh vượt trên cả tri thức lẫn tình yêu. Chúa Giêsu biết rõ và Ngài thương con chiên như Ngài biết rõ và yêu mến chúng ta. Sự hiểu biết của Ngài về con chiên, bắt nguồn từ tình yêu của Ngài với Chúa Cha.  Nhưng, Ngài chỉ có thể là mục tử tốt như chính con chiên cũng biết để yêu mến Chúa Cha. Vị mục tử hôm nay, tức là các linh mục chúng ta dễ có khuynh hướng, biết rất nhiều thứ đoạn này đoạn nọ, nhiều thứ diễn ra trước mắt, qua cuộc sống cụ thể và những phương tiện thông tin hiện đại. Thế nhưng, nếu muốn là mục tử tốt, thì phải ưu tiên biết và yêu thương đoàn chiên được trao cho phó cho mình, không những như thế còn phải giúp họ biết và mến yêu Chúa Giêsu mục tử, nhờ Ngài mà họ biết và yêu mến Thiên Chúa, tức là tất cả giáo dân của mình phải là đối tượng để cho mình biết và yêu mến, chứ không phải chỉ là một số gia đình hoặc là một số những người giàu có, có quyền chứa, có tiền bạc ….

 

Đặc tính thứ ba của người mục tử là Hy Sinh Mình Cho Đoàn Chiên (đây là nét đặc chưng nhất nơi một mục tử chân chính). Như Chúa Giêsu nói: Ta đến để cho chúng được sống và sống dồi dào, vì Chúa Giêsu là mẫu mục tử như vậy. Qua việc hiến mạng sống mình, Ngài bộc lộ tấm lòng chân thành và vô vị lợi tuyệt đối khi nhận chăm sóc đoàn chiên, những gì liên hệ với đoàn chiên thì cũng liên hệ với Ngài, mọi nguy hiểm đe doạ đoàn chiên đều làm cho Ngài lo lắng. Nhưng Chúa Giêsu mục tử không chỉ hy sinh để cung ứng những nhu cầu bên ngoài cho đoàn chiên, cái sự hy sinh cao quý nhất, độc đáo nhất nói lên tình yêu cao cả nhất chính là Ngài đã hy sinh mạng sống, đã tự nguyện chấp nhận hy tế thập giá, cái hình ảnh mục tử hoà lẫn với hình ảnh con chiên, hình ảnh người tôi tớ đau khổ mang lấy mọi tội lỗi của đoàn chiên, hy sinh thân mình để lôi kéo ơn tha thứ của Thiên Chúa, Chúa Giêsu vừa là mục tử tốt trong cái chết, Ngài còn là mục tử tốt trong sự sống lại. Nhờ sự sống lại này, Ngài đã hoàn tất công cuộc cứu độ đưa đoàn chiên trở về với Chúa Cha, làm cho họ sống vào sự sống vĩnh cưu của Ngài.

 

Chắc chắn rằng, người mục tử chúng ta hôm nay cũng phải noi gương Chúa Giêsu, biết hy sinh cuộc sống của mình vì đoàn chiên. Hy sinh, chấp nhận cái chết vì đoàn chiên thì ít, nhưng hy sinh những cái gì thuộc về đời sống của mình như là tiền bạc, thời giờ, tiện nghi, sở thích thì là việc chúng ta có thể làm và phải làm. Những hy sinh như vậy, cũng là một cách chết, chết dần chết mòn: “Yêu là chết ở trong lòng một ít”, thế nhưng cái chết đó là để sống, đặc biệt ở đây là làm cho đoàn chiên của mình được sống. Nói tới đây, tôi nghĩ đến một vị mục tử của chúng ta ở đây, có một mẫu gương về hy sinh cho đoàn chiên. Khi Ngài làm Cha xứ thì thấy đoàn chiên của mình, phải bỏ quê hương để đi nơi khác lập nghiệp, học hành hoặc là làm những cái công việc gì đó rời bỏ quê hương xứ sở. Ngài ưu tư lo lắng cho những người đó, cố gắng hết sức làm đủ mọi cách để cho những anh chi em đó không còn cô độc trên bước đường mưu sinh, mà giúp đỡ nhau học hành cũng như làm việc. Đây là một mẫu gương mà tôi thấy rất tốt. Ước gì mọi người trong chúng ta cố  gắng hy sinh bản thân mình để giúp đỡ cho những anh chi em đó. Bây giờ, Ngài đang tiếp tục bỏ tiền ra để mua một cơ sở, làm thành một cái nhà để có thể nâng đỡ những em học sinh xa nhà có chỗ ăn học. Đây là một hình ảnh của người mục tử biết hy sinh cho con chiên của mình.

 

Đặc tính thứ tư, người mục tử tốt thì đi tìm chiên lạc, họ quy tụ chiên thành một bầy chiên. Chiên lạc là hình ảnh của người tội lỗi, Chúa Giêsu sẵn sàng bỏ chín mươi chín con chiên còn lại để đi tìm con chiên xa bầy. Vì Ngài đến để kêu gọi và tìm kiếm những kẻ có tội. Đối tượng thứ nhất là chiên lạc, nhưng chiên lạc cũng có thể hiểu như những người khác chưa thuộc về đàn chiên của mình, Ngài cũng có sứ mệnh quy tụ những con chiên đó, đưa về làm thành một đoàn chiên duy nhất dưới sự chăn dắt của chủ chiên. Người mục tử hôm nay, cũng có trọng trọng trách đối với hai đoàn chiên này. Một đàng chúng ta phải quan tâm hết sức đến những người tội lỗi và những người khô khan nguội lạnh trong cộng đồng của mình, tìm cách đưa họ về đường ngay nẻo chính, không quan tâm đến cái ý nghĩa này: thôi sống chết mặc bay, kệ bay, mày không cần tao, tao cũng không cần mày. Đằng khác nữa không chỉ hài lòng với đoàn chiên được trao phó mà còn phải hướng tới những người ở ngoài đoàn chiên chưa được biết Chúa. Hướng truyền giáo luôn phải được khơi dậy nơi bất cứ mục tử nào.

 

Tóm lại, mục tử tốt đều phải Sống Bác Ai Mục Vụ trên, theo gương Chúa Giêsu mục tử trong việc tự hiến mình phục vụ mọi người. Tôi đề nghị việc này, xin anh em cũng lưu tâm: nh?ng vũng cái sắn hầu hết là toàn đạo công giáo, được tổ chức rất là tốt, giáo dân đi nhà thờ, đi lễ thì cũng tương đối là tốt, nhung nhiều khi chúng ta còn quên đi nh?ng ngu?i ? cuối knh, d?u knh, chng ta c?n nên quan tm d?n h? n?a, cần tìm mọi cách để đưa họ về với đoàn chiên.

 

 Ðiểm thứ hai : Làm thế nào để thể hiện Bác Ái Mục Vuï. Linh mục là Thầy dạy lời Chúa, là thừa tác viên các bí tích và là người lãnh đạo cộng đồng. Đó là những hoạt động chuyên biệt của một vị mục tử, Ngài phải thể hiện Đức Bác Ái Mục Vụ trong các hoạt động chuyên biệt này. Chuyên biệt có ba tác vụ: tiên tri, thánh hoá và lãnh đạo cộng đoàn - đó là việc chuyên biệt của người mục tử, mà chúng ta phải thi hành. Thứ nhất: Linh mục là Thầy dạy lời Chúa, lời Chúa là lời thần linh, và là lời mặc khải, là lời đem lại sự sống đời đời cho những ai tin, lắng nghe và thực hành, lời đó được truyền đạt trong và qua Giáo Hội, là một phương diện mà nhớ đó Chúa Kitô hiện diện và hành động, lời Chúa khi được lắng nghe và đón nhận, giúp con người gặp gỡ một Thiên Chúa, đòi họ quyết định thay đổi đời sống. Bời vậy, Lời Chúa phải được loan báo và giảng dạy, theo công đồng Vatican II, nhiệm vụ hàng đầu của linh mục là Giảng Dạy. Cho nên, dùng lời Chúa để dạy dỗ các tín hữu là một trong số những việc làm thể hiện Đức Bác Ai Mục Vụ. Công viêc truyền đạt lời Chúa là: dạy giáo lý và giảng giải lời Chúa và ban các bí tích, nhất là trong Thánh lễ, nhưng thực tế việc dạy giáo lý, các Cha thường trao cho Giáo Lý Viên, chỉ còn công việc thứ hai dành cho mục tử, công việc chỉ có chức Thánh mới có quyền làm đó là: Giảng. Về vấn đề Giảng thì có nhiều phản ánh, có những việc không phù hợp với Đức Bác Ai Mục Vụ như: Có linh mục chửi mắng giáo dân trên toà giảng, thay vì giúp họ hiểu biết hơn về tình thương của Thiên Chúa, giúp họ được an ủi, được khích lệ, được can đảm để đi theo Chúa, thì là những lời con người trách móc con người( trực tiếp hoặc gián tiếp), những lời thay vì đem sự sống thì lại đem sự chết, không chết về thể xác mà lại chết về tinh thần, nếu như đó là những lời thậm tệ. Ở đời, người ta thường nói: “Trời đánh còn tránh bữa ăn”. Thế nhưng, Linh Mục thì không tránh. Lương thực lời Lời Chúa đã bị các Linh Mục thao túng một cách tệ hại, làm sao giáo dân nuốt chúng vô cho được. Có điều, thật sự cũng làm nhiều người khó hiểu như: có những vị Linh Mục còn rất trẻ, mới ra trường vài ba năm cũng đã mắc phải những tật này rồi. Các Cha già ngày xưa đương nhiên cũng  có thể có, nhưng mà nhiều khi các Cha còn rất trẻ mới ra trường mà đã mắc phải các tật này, tức là những Vị mà khi có uất ức trong lòng là cứ mang lên tòa giảng nói bậy nói bạ, không đụng chạm đến người này thì cũng đụng chạm đến người kia, điều này là điều không phải. Tôi tha thiết xin các vị ấy hãy xét mình vì điều này, phải sửa đổi lại. Hoặc có những vị được bề trên hoặc người này người khác góp ý, thì lại đem những lời đó lên tòa giảng để xem đứa nào lên TGM nói kiểu nói như vậy, hay tố cáo như vậy. Cái đó càng không đúng nữa. Người ta góp ý là vì thành thực, vì sự chân thành của họ. Nếu mình có thì sửa, không có thì thôi, chớ đem lên tòa giảng như thể là rao cho người khác biết, vậy thì không được tốt.

 

Có những bài giảng không đụng chạm đến ai, thậm chí còn làm cho một số người cảm thấy thích thú. Thế nhưng lại không chứng tỏ bác ái mục vụ trung thực. Đó là những bài giảng mà nội dung chỉ là những chuyện tếu lâm, vui cười, đùa giỡn hay những sự khôn ngoan thần khí của con người hay của mình, chứ không phải khôn ngoan của Thiên Chúa. Thánh Agustinô nói rằng: “kiến thức của chúng ta là Đức Kitô, sự khôn ngoan của chúng ta là Đức  Kitô” . Thánh Phaolô cũng đã khẳng định trong thư gửi cho Côrintô : “Chúng tôi không dùng những lời lẽ đã học được nơi trí khôn loài người, nhưng dùng những lời lẽ học được nơi Thần khí. Chúng tôi dùng những lời lẽ Thần khí linh hướng để diễn tả thực tại thuộc về Thần khí ”. Cho nên, chúng ta cố gắng hết sức trong những bài giảng của mình, phải là lời Chúa, khôn ngoan của Thần khí chứ không phải của con người. Dĩ nhiên, nếu có thêm một vài câu chuyện minh họa để cho bài giảng đậm đà thì cũng tốt, có thể chấp nhận được. Thế nhưng, đừng làm người ta chỉ nhớ đến những câu chuyện mà không nhớ đến lời Chúa. Điều này cũng thường xảy ra, nhiều khi kể hai ba câu chuyện, người ta sau này chỉ nhắc đến chuyện mà không nhắc đến lời Chúa. Điều này thì không nên. Liên hệ hoàn cảnh cụ thể và vấn nạn thực tế của người nghe là điều nên làm và phải làm, tức là liên hệ với những chuyện nơi này nơi kia xảy ra, thì rất hay. Thế những, phải biết dùng Lời Chúa để cảm kích và soi sáng những điều đó. Dân Chúa đói khát Lời Chúa, họ không phải tìm đến tòa giảng để nghe những chuyện đâu đâu hoặc những việc ai cũng biết chi tiết qua các phương tiện thông tin hiện đại của ngày hôm nay, như Internet, người ta có thể truy cập nhiều thứ Website của nơi này nơi kia, rất nhiều bài giảng mà người ta có thể đọc. Nhưng khi đến Nhà Thờ, người ta muốn nghe chính Mục Tử nói lời Chúa, giảng lời Chúa. Bác Ai Mục Vụ đòi Linh Mục chúng ta cung cấp cho họ một của ăn đích thực có chất lượng, bồi bổ tâm linh để đời sống đạo của họ không bị suy dinh dưỡng. Của ăn này chính là Lời Chúa. Muốn vậy, chúng ta phải không ngừng học hỏi và nghiền ngẫm lời Chúa “không biết Kinh Thánh là không biết Đức Kitô”. Lười biếng trí thức, trong đó có lười biếng học hỏi Kinh Thánh là nguy cơ đáng báo động nơi không ít các Linh Mục. Có thể coi lười biếng thực sự, cũng có thể là do tự phụ. Cho rằng mình đã biết đủ rồi, không chịu học hỏi thêm. Dĩ nhiên, biết ở đây không chỉ thuần túy về tri thức nhưng còn biết bằng cả tấm lòng, yêu mến lời Chúa để lời Chúa thấm nhập và biến cải tâm hồn chúng ta qua những suy niệm cầu nguyện và thực hành. Phải suy niệm trước rồi mới nói  những đìều muốn nói. Có những vị, tối thứ ngày thứ 7 truy cập Internet để lấy bài giảng ở cái này một chút, lấy cái kia một chút làm thành bài giảng của mình, không chịu đầu tư, cầu nguyện riêng tư thì cũng không có hiệu quả. Khi đó, chúng ta sẽ trở thành những kẻ huyênh hoang rao giảng lời Chúa bằng môi miệng bởi đã không nghe lời Chúa ở trong lòng. Còn một điều khác, ngoài các điều chung đó, anh em Linh Mục cũng nên để ý tới những phương diện khác như: cái bề ngoài. Tức là để giúp cho việc giảng được có hiệu quả thì phải biết trao dồi hình thức giảng. Làm sao cho sứ điệp được trình bày một cách mạch lạc, hấp dẫn và bằng ngôn ngữ dễ hiểu nhưng không tầm thường, phù hợp với trình độ và não trạng người nghe. Điều này rất quan trọng. Chúng ta nói chuyện với nhà quê, thì nói bằng ngôn ngữ nào đó để người ta có thể chấp nhận được. Nói với những người trí thức, thì phải nói cách nào đó có phần trí thức để người ta chấp nhận. Ngôn ngữ cũng là điều quan trọng. Cách thức trình bày phải mạch lạc hấp dẫn, dễ chấp nhận. Có nhiều Linh Mục có bài giảng nội dung rất hay, nhưng khi trình bày hấp tấp, không mạch lạc, không có cấu trúc rõ ràng, nên khó chấp nhận. Vì vậy, anh em Linh Mục cần chú tâm những điều này: không những nội dung mà còn giọng nói, cách nói, cách diễn đạt như thế nào để người ta có thể dễ chấp nhận. Không phải ai cũng có thể trở thành nhà hùng biện, nhưng nếu yêu mến lời Chúa, yêu thương và tôn trọng người nghe, chuyên cần học hỏi cả về những điều phải giảng lẫn cách thức giảng, với thái độ chân thành và khiêm tốn thì Lời Chúa mà chúng ta truyền đạt vẫn có thể biến đổi tâm hồn họ. Có Linh Mục không chú trọng đến hình thức giảng, cứ cầm bài viết sẵn rồi đem ra đọc với sự truyền đạt buồn tẻ. Ngược lại, có Linh Mục quá “nổ”, làm như mình là nhà hùng biện, múa chân múa tay như nghệ sĩ ở trên sân khấu. Điều đó cũng là hình thức không được tốt.

 

Tóm lại, Đức Bác Ai Mục Vụ đòi người mục tử phải rao truyền chân thực và trọn vẹn Lời Chúa, cố làm sao cho Lời Chúa đạt được hiệu quả tối đa nơi người nghe.

 

Điều kế tiếp của người mục tử: Thầy dạy Lời Chúa, Thừa tác viên bí tích:

 

Linh mục là người quản lí các mầu nhiệm của Thiên Chúa là những kho tàng ân sủng nuôi sống đời sống đức tin của Người Tín Hữu (đó chính là các Bí tích). Anh em nên lưu ý: Linh mục chỉ là người quản lí các mầu nhiệm của Chúa, chứ không phải là chủ nhân. Các bí tích có vai trò quan trọng trong đời sống của Người Kitô hữu, các Bí tích khai tâm đặc nền tảng cho toàn thể đời sống của họ, giúp họ nhận thức sâu xa hơn về đời sống thần linh và ngày càng tiến đến hoàn hảo, đồng thời đặt nền tảng các ơn gọi chung của người môn đệ Chúa Kitô. Các Bí tích thống hối, xức dầu bệnh nhân, giúp họ được chữa lành, đặc biệt được tha thứ tội lỗi. Các Bí tích truyền chức Thánh và Hôn nhân, nhằm xây dựng cộng đồng và giúp phần cứu rỗi bản thân. Được tham dự vào chức vụ Tư Tế của Chúa Kitô, và thừa tác viên của Ngài, nên Linh Mục chúng ta thi hành chức tư tế này, đặc biệt trong việc cử hành các nghi thức phụng vụ các Bí tích. Trong tất cả các Bí tích này, có các Bí tích sau đây được chú ý nhiều hơn: Bí Tích Thánh Thể và Bí tích Thống hối. Cho nên, Bác ái mục vụ của chúng ta cần phải ưu tiên cho các Bí tích này. Dĩ nhiên, các Bí khác cũng quan trọng nhưng nó không thường xuyên bằng hai bí tích trên. Đối với các Bí tích nói chung, bổn phận của Linh Mục là giúp cho giáo dân hiểu biết ý nghĩa của Bí tích, cũng như làm cho họ khi tham dự, biết yêu mến đón nhận và sống ơn Bí tích nhờ chức Tư tế cộng đồng của họ. Chính vì thế mà họ tránh được những ý tưởng sai lầm là: coi Bí tích là những ma thuật, nó có hiệu lực không liên quan gì đến đời sống Kitô giáo. Vì thế, nhiệm vụ của Linh Mục trước khi ban Bí tích, phải làm sao cho giáo dân họ hiểu được ý nghĩa, để người ta tránh đi được những sai lầm, coi Bí tích là những ma thuật. Riêng về Bí tích Thánh Thể, chúng ta đều biết bí tích Thánh thể có vai trò trung tâm là nguồn mạch và là tột đỉnh của toàn thể đời sống người Kitô hữu. Chính nhờ tác động của các Bí tích này mà cộng đồng được sống và trưởng thàn, như để cho thấy giá trị và hiệu quả của Thánh Lễ trong đời sống, ngoài việc chuẩn bị cho giáo dân như đã nói ở trên. Bác Ai Mục Vụ còn đòi hỏi chính Thừa Tác Viên phải góp phần vào việc cử hành qua việc tổ chức, thái độ, hành động của mình trong Thánh Lễ. Đây là đường hướng chỉ dẫn tổng quát của Thánh Lễ Rôma: “Phải hết sức lo cho việc cử hành Thánh Lễ được tổ chức thế nào để các Thừa Tác Viên và các Tín hữu khi tham dự, tùy theo địa vị của mình, được lãnh nhận các hiệu quả dồi dào hơn và điều này có thể đạt được nếu ta để ý đến bản chất và hoàn cảnh của cộng đoàn, mà thiết lập toàn bộ việc cử hành thế nào, để giúp các Tín hữu tham dự với cả xác hồn, một cách ý thức, tích cực, đầy đủ và với lòng tin cậy mến nồng nàn. Đó là việc tham dự mà Hội Thánh mong muốn và bản chất việc cử hành đòi hỏi lại cũng là quyền lợi và nghĩa vụ của giáo dân, phát xuất từ Bí Tích Thánh Tẩy”. Cho nên, chúng ta thấy việc đòi hỏi có Thánh Lễ là: không phải chúng ta muốn rao lúc nào thì rao, mà phải là quyền lợi của giáo dân đòi hỏi. Có nhiểu vị Linh Mục chỉ làm lễ sáng Chủ Nhật. Đó là điều không đúng, giáo dân có quyền đòi hỏi nghĩa vụ của linh mục. Nên chúng ta phải cố gắng hết sức để có thánh lễ cả sáng và cả chiều nữa. Ngoài ra, chúng ta cũng cần để ý đến Bác ái và Công bằng. Làm bác ái phải theo nghĩa công bằng, tức là mình phải ban các Bí tích cho họ. Trong thánh lễ, xin gợi ra những bác ái và công bằng như sau:

 

Thứ nhất là giữ đúng giờ lễ. Nhiều người phàn nàn không chỉ vì lễ lâu, vi giảng dài mà còn nhiều thứ khác như: giảng dài trước lễ, trong lễ, sau lễ, làm lễ trễ giờ qui định. Trong cuộc sống hôm nay, thời giờ lẫn công việc thì rất xuýt xao. Ngày Chủ Nhật không đi làm việc hay đi học thì cũng có những công việc khác để làm.  Làm lễ trễ giờ có thể gây khó khăn cho công việc của họ, nhất là công việc làm ăn. Vả lại, dù không thực sự bận việc, tâm lý của người đi lễ sẽ khó chịu khi phải chờ đợi lâu, làm cho tâm hồn không được thanh thản.

 

Thứ hai là phải giữ đúng qui luật phụng vụ. Một Giáo sĩ có nói rằng: “Trong số những khía cạnh khác  nhau của kỷ luật Giáo Hội, sự tuân phục đối với những luật lệ và qui định phụng vụ của Giáo Hội nghĩa là trung thành với các qui tắc, tổ chức việc phụng thờ Thiên Chúa theo ý Linh Mục thượng phẩm đời đời và nhiệm thể của Người. Việc ấn định các qui tắc phụng vụ thuộc phẩm quyền của Giáo Hội, tức là Tòa Thánh mà thôi và trong những điều Giáo Hội qui định thuộc phẩm quyền của Giám Mục không ai khác ngay cả Giám Mục, hay là Linh Mục không được thêm bớt thay đổi bất cứ điều gì trong phụng vụ theo ý mình ”. Nhiều khi các Cha không để ý lắm, cứ thấy nơi này nơi kia họ làm thì về bắt chước thì điều đó là sai lầm không đúng. Linh Mục chỉ là Thừa Tác Viên cử hành phụng vụ nhân danh Chúa Kitô và Giáo hội, phải thi hành những gì Chúa và Giáo hội dạy. Giáo dân có quyền được tham dự phụng vụ theo nghi thức của Giáo Hội. Linh mục có bổn phận cho họ được hưởng quyền đó chứ không phải những gì theo những ý  muốn riêng, sáng kiến riêng của mình. Cho nên, chúng ta cũng phải để ý đến chuyện này, đừng làm những gì theo sáng kiến riêng của mình, đừng gây thắc mắc chia rẻ nơi họ, có liên quan đến cử hành phụng vụ.

 

 Thứ ba là thái độ và cử chỉ của người của ngưởi chủ tế. Muốn cho giáo dân tham lễ một cách sốt sắng, chính chủ tế phải cử hành sao cho Thánh lễ sốt sắng qua thái độ, cử chỉ, lời mình đọc. Sự cẩu thả, vội vã, hời hợt, vô trật tự sẽ làm mất hết ý nghĩa, đồng thời làm suy giảm chức năng của phụng vụ là làm tăng trưởng đức tin. Cử hành Thánh lễ cẩu thả, chứng tỏ đức tin yếu kém và không thể dạy người khác đạt được đức tin. Ngược lại, cử hành tốt  là một huấn giáo đức tin. Các Cha khi cử hành Thánh lễ phải hết sức trang nghiêm, những lời mình nói, những cử chỉ mình làm, không làm theo ngẫu hứng. Điều đó là điều không được tốt.

 

ĐGM. Giuse Trần Xuân Tiếu

Giáo mục Chính toà Gp. Long Xuyên

Ngày 23 tháng 01 năm 2007

Tiếp theo

 

NĂM MỚI NÓI CHUYỆN CŨ… CÒN MỚI !

 

Một vị trong Ban biên tập đến thăm khi tôi đang nằn dưỡng bệnh tại Thánh phố và đề nghị tôi ghi lại vài cảm nghiệm của một người bệnh để đăng vào số tháng 02/2007 nhân ngày Quốc tế Bệnh nhân. Tôi vừa nằm trên giường bệnh vừa nhớ lại vài suy tư tản mạn và nhờ một “ thư ký” ghi lại để chia sẻ với bạn đọc.

 

Tôi bị đau thần kinh toạ cách đây hơn một năm, đi đứng rất đau đớn. Lúc đầu tôi uống  20 thang thuốc bắc thấy hết đau. Khoảng 6 tháng sau thấy đau lại, tôi đi điều trị theo Đông y nhưng không hết. Sau đó tôi đi bác sĩ Tây y tại Thành phố Hồ Chí Minh. Bác sĩ hỏi “Từ nhỏ tới lớn có gành vác gì nặng không ?’ bác sĩ bảo đi chụp X quang, biết là bị gai cột sống, rồi cho thuốc tây uống một tháng, nhưng không thấy thuyên giảm. Sau đó bác sĩ bảo đi chụp “em – rai” (MRI- Magnetic Resonance Images : cộng hưởng từ, mới biết là bị thoái vị đĩa đệm giữa hai đốt cột sống, cần phải phẫu thuật. Trước khi đi điều trị tại niềm Nam, một phần để tránh làm phiền nhiều người đến thăm, tôi nghe giáo dân quanh Toà giám mục Sơn Tây đến chào chúc có nói rằng : “ Tại Đức Cha gánh vác giáo phận nặng quá”. Thực ra, suốt hai năm đầu trong sứ vụ giám mục, tôi đã không điều độ giữa làm việc và nghỉ ngơi, đã ngồi nhiều, kể cả trên xe để đi nhiều nơi, mà không chịu tập thể dục và chơi thể thao đều đặn như hồi ở Đại chủng viện Cần Thơ, ngoài lý do tuổi tác, tôi nghĩ đó là nguyên nhân gây nên suy thoái cột sống.

 

Nghĩ đến “mổ’ cột sống thật đáng ngại, nhưng bác sĩ bảo nếu không ‘phẫu thuật’ thì sẽ bị liệt cơ và sẽ không đi lại được. Tôi đã quyết định chịu phẫu thuật trong niềm tín thác vào Thiên Chúa và Mẹ Maria, đồng thời xin nhiều người cầu nguyện cho. Nhờ đó tôi không thấy hồi hộp khi được đẩy vào phòng mổ, mà chỉ buồn cười  nhớ lại lời cô y tá vừa nói với vị linh mục họ Hoàng đã ký tên vào tờ cam kết phẫu thuật như người ‘ con” đưa người “cha” họ Vũ  nhập viện : “Chắc anh là con rể của bác ?”

 

Ca mổ đã diễn ra hơn ba tiếng đồ ngày 23/11/2006 tại bệnh viện Triều An. Sáng hôm đó tôi làm lễ ngoại lịch kính các Thánh Tử đạo Việt Nam vì sợ rằng ngày hôm sau mình  chưa tỉnh để dâng lễ được. Vậy mà chiều hôm sau tôi đã có thể “nằm đồng tế”  với linh mục họ Hoàng đã tháp tùng tôi trong suốt chuyến đi này. Năm ngày sau, thắt đai lưng bảo vệ, tôi có thể đi đứng chút ít, và xuất viện về nằm điều dưỡng tại trụ sở Hưng Hoá. Tự nhiên tôi nhớ đến lời Chúa Giêsu  nói với Phêrô : “ Khi anh còn trẻ, anh tự mình thắt lưng lấy, và đi đâu tuỳ ý. Nhưng khi về già, anh sẽ phải dang tay ra cho người ta thắt lưng và dẫn anh đến nơi anh chẳng muốn” ( Ga 21, 18).

 

Trước, trong, và sau thời gian điều trị tại bệnh viện, cũng như tại trụ sở Hưng Hoá, có những người gọi điện thại thăm hỏi, và vì bệnh thuộc loại có thể thăm được, nên cũng có những người biết tin đến thăm, chia sẻ cách chân tình, trong đó có Đức Hồng Y, quý Đức cha, quý cha, bạn bè xa gần, và những người thân, quên v. v… Tôi cảm thấy được an ủi nhiều, và “ giác ngộ” rằng “ làm lớn” mà sắp xếp được giờ đi thăm bệnh nhâm là một việc nên làm.  Sau một tháng  điều  dưỡng và đi lại được, ngày 28/12/2006 tôi đã cố gắng làm “ việc nên làm” này là đến bệnh viện Chợ Rẫy để thăm một người bạn là cha Giuse trần Trung Nghĩa, và ban bí tích Xức dầu theo y6\êu cầu của ngài. Hôm đó tôi cứ suy nghĩ lien mien về cuộc đời của một linh mục “ đang muốn dệt đời mình thì bị cắt đứt ngay hang chỉ” , nhưng rất cảm kích về thái độ “ xin vâng” của ngài.

 

Trở lại cảm nghiệm của tôi ; ba tuần đầu sau khi mổ , tôi phải “ ăn nằm” , nghĩa là phải nằm để người ta đút cơm cho ăn như  con nít; hay có lúc  thấy vui vui, nhưng thật là xấu hổ, và càng xấu hổ hơn khi nghĩ đến lời Chúa dạy “ phải trở nên như trẻ nhỏ” trong cuộc  sống và sứ vụ nữa. Càng “làm lớn”  càng thấy khó trở nên như trẻ nhỏ, nhất là khi quên lời căn dặn của Thầy mình : “ Những người làm lớn thì lấy quyền mà cai quản dân. Giữa anh em thì không được như vậy : Ai muốn làm lớn giữa anh em thì phải làm người phục vụ anh em “ ( Mt 20, 25 -26). Tôi thầm cầu xin Chúa giúp, vì thấy có dấu hiệu thiếu tinh thần “ trẻ nhỏ”, thái độ dễ la rầy người khác ! Tuy nhiên tôi vẫn cảm thấy bình an khi phó thác như trẻ nhỏ trong tay Chúa.

 

Nằm bệnh tuy không thể làm được những việc như ý mình muốn, nhưng khi viết lại những suy tư tản mạn này, tôi thấy dội lên tầm tình biết ơn mọi người, và tôi thầm tạ ơn Thiên Chúa, vì đã cho tôi có thời gian nghỉ ngơi và tạo điều kiện cho tôi suy nghĩ nhiều điều về cuộc sống mà tôi đã chia sẻ một vài điều, gọi là “năm mới nói chuyện cũ nhưng… còn mới?!”

 

ĐGM. Antôn Vũ Huy Chương

 

 

Text Box: CHỨNG NHÂN 
 

 

 


 

THÁNH NỮ CATERINA THÀNH GENOVA

 

Cách đây đúng 560 năm, thánh nữ Caterina (1447-1510) chào đời tại Genova (Bắc Ý). Thánh nữ Caterina thành Genova sinh ra đúng một thế kỷ sau thánh nữ Catarina thành Siena (1347-1380).

Người Ý đương thời vào hậu bán thế kỷ 15 trang trọng gọi thánh nữ là ”Madonna Caterinetta - Bà hoàng Caterina”. Sử liệu thì gọi thánh nữ Caterina thành Genova. Thánh nữ là quan thầy thành Genova và vùng Liguria.

Gia đình Caterina thuộc về dòng quý tộc tại Genova: dòng họ Fieschi. Từ dòng họ Fieschi xuất thân hai vị giáo hoàng. Đức Innocenzo IV (1243-1254) và Đức Adriano V (1276). Dòng họ Fieschi cũng có các nhà chính trị và ngoại giao nổi tiếng.


Ngay từ thơ trẻ Caterina ước muốn dâng mình cho Chúa trong đan viện. Nhưng khi lên 16 tuổi Caterina bị bắt buộc lập gia đình với Giuliano, thanh niên thuộc dòng quý tộc Adorno. Từ đây nàng mang tên Caterina Fieschi Adorno.


Cuộc hôn nhân mang tính chất chính trị ngoại giao hơn là tình yêu. Do đó, Giuliano bỏ rơi vợ hiền và chạy theo bóng hình các phụ nữ sang giàu khác. Từ các cuộc tình lang-chạ, Giuliano có 5 người con. Nhưng với Caterina thì không có con nào.

 

Trong vòng 5 năm trời bà Caterina phải sống trong thầm lặng tủi nhục của phụ nữ bị chồng ruồng bỏ. Bà trút nỗi niềm u uất trong cuốn ”Đối thoại của bà hoàng Caterinetta giữa linh hồn và thân xác”.


Cuộc đối thoại mang đầy tính chất tưởng tượng. Hồn và xác ký giao kèo với nhau. Hồn nói với xác:


- Chúng ta cùng ra đi trên vạn nẻo đường. Hễ ta thấy có gì thích thú thì ta tận hưởng. Nhà ngươi cũng làm y như ta. Nhà ngươi thích cái gì thì làm cái đó. Như vậy, ai tìm được nhiều thú vui thì hưởng nhiều lạc thú.


Thế nhưng, trong cuộc giao kèo, hồn lại bị thua thiệt nhiều nhất. Bởi vì, sau cuộc vui, hồn lại mang nặng nỗi dằn co ray rứt. Và trên đôi vai trĩu nặng tội lỗi cùng vô ơn tệ bạc. Hồn rên siết:


- Ai sẽ kéo ta ra khỏi mọi nỗi đắng cay chua xót??? Thưa, chỉ duy nhất THIÊN CHÚA!


Và THIÊN CHÚA lắng nghe tiếng kêu thống thiết của linh hồn. Ngài ban cho linh hồn một lối thoát.


Trong 5 năm bị chồng bỏ rơi, bà Caterina trả thù chồng bằng cách ăn mặc đúng điệu phụ nữ quý tộc sang giàu diễm lệ. Tuy vẫn giữ tư cách phụ nữ đức hạnh, bà Caterina tham dự đủ các cuộc ăn chơi hội hè. Sắc đẹp nghiêng thành đổ nước của bà lôi cuốn sự chú ý của giới thượng lưu đương thời.


Thế nhưng, mặc dầu thành công bên ngoài như thế, trong nội tâm sâu thẳm, bà Caterina vẫn cảm thấy đắng cay chua xót. Bà không gặp điều trái tim bà hằng khao khát tìm kiếm. Phù-du chỉ toàn phù-du! Phù-du nối tiếp phù-du! Tất cả rồi chỉ là phù-du!


Trong thất vọng chán chường bà Caterina dần dần hiểu ra rằng:


- Bà chỉ mong mỏi duy nhất Tình Yêu. Không phải thứ tình yêu khinh rẻ của người chồng thứ nhất. Càng không phải thứ tình yêu ”ba xu” của những kẻ chạy đuổi theo bà. Nhưng là Tình Yêu chân thật bền vững. Đó là Tình Yêu THIÊN CHÚA. Tình Yêu của Đấng trao hiến mạng sống qua cái chết trên Thánh Giá.


Ngày 22-3-1473, trong lúc xưng tội, bà Caterina trông thấy Đức Chúa GIÊSU vác Thánh Giá trên vai. Hình ảnh giúp bà hiểu:


- Đức Chúa GIÊSU KITÔ chịu đau khổ đích thực là mẫu gương bà phải noi theo.


Từ đó bà từ bỏ con đường ăn chơi đua đòi theo thói tục thế gian và bắt đầu cuộc sống chay tịnh thống hối. Rồi bà dấn thân lăn-xả vào các hoạt động bác ái, trợ giúp người nghèo khổ và bệnh tật.


Bà Caterina thường xuyên đến nhà thương Pammatone trong thành Genova để săn sóc người đau ốm. Một ngày, bất ngờ nơi nhà thương, bà Caterina khám phá ra sự hiện diện của chồng.


Ông Giuliano thật cảm kích trước tấm gương của vợ hiền. Ông theo vợ đến nhà thương giúp đỡ bệnh nhân. Hơn thế nữa, ông gia nhập dòng ba Phanxicô và sống đơn sơ khó nghèo. Từ đó hai vợ chồng sống nơi căn nhà nhỏ gần nhà thương. Nhưng rồi bệnh dịch lan tràn, ông Giuliano lây bệnh và qua đời.


Bà Caterina cũng mắc bệnh dịch, nhưng qua khỏi. Bà sống và hoạt động thêm vài năm nữa. Sau cùng bà bị ung thư dạ dày và ra đi theo chồng về với THIÊN CHÚA.


Năm 1675, Đức Clemente X (1670-1676) nâng bà lên hàng chân phước. Năm 1737, Đức Clemente XII (1730-1740) tôn bà Caterina Fieschi Adorno lên hàng hiển thánh. Bà được tôn kính dưới danh hiệu thánh nữ Caterina thành Genova.


(”Presenza Cristiana”, n.6, Giugno/1997, trang 50).


Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt

Tiếp theo

 

Text Box: CÂU CHUYỆN SUY TƯ 
 

 

 


 

Tham ăn

 

Ngày xưa, ở vương quốc Thái Lan, có một ngôi chùa rất lớn và đẹp, trụ trì ngôi chùa này là một ông sư còn trẻ nhưng lại nổi tiếng tham lam và ích kỷ.

 

Không biết ai đã đưa ông vào ngôi chùa này mặc dù đức hạnh ông ta không hề có. Trong sân chùa này có một cây táo rất sai quả, quả nào quả nấy to bằng nửa nắm tay người lớn và trái rất ngọt. Đến mùa quả chín nhà sư chỉ cho phép một mình được hái táo vì ông ta chỉ nghĩ đến bản thân mình mà thôi. Ngay cả những sư khác trong chùa cũng không được đụng tới.


Trong vùng có hai người nông dân nghe tiếng ông sư này tham lam liền tìm cách lừa ông ta một vố để dạy cho ông một bài học. Một trong số hai người liền tìm đến chùa ra mắt vị sư tham lam nọ và hỏi xin ít táo. Nhà sư nói:


- Không được, những táo này chỉ dành cho ta thôi. Không ai được hái đâu.

 

Người nông dân nài nỉ mãi nhưng nhà sư nhất quyết không cho. Cuối cùng, anh nông dân nói:


- Ông chưa hiểu ý tôi. Tôi sang mời ông chiều nay đến nhà tôi để ăn thịt hươu. Tôi xin ít quả táo để nướng chung với thịt hươu.


- Thế sao anh không nói ngay từ đầu? – Nhà sư thốt lên, mắt nhìn xung quanh xem có ai thấy không rồi tiếp

– Anh cứ hái đi, cần bao nhiêu cứ hái. Trông vẻ mặt nhà sư lúc này rạng rỡ hẳn lên, không còn cau có như lúc đầu nữa.


Thấy đã trúng kế, anh nông dân mỉm cười đắc ý. Thế rồi nhà sư dẫn anh nông dân ra chỗ cây táo và cùng anh ta hái một túi đầy. Vừa hái táo nhà sư vừa hỏi về bữa thịt hươu sắp tới với vẻ mặt của một người sắp được đánh chén. Còn anh nông dân thì luôn miệng ca ngợi món thịt hươu nướng của mình.


Sau khi hái đầy bao táo, người nông dân cáo từ và hẹn chiều gặp lại.


Anh ta về được một lúc thì có một người nông dân khác vào xin táo và cũng bị nhà sư từ chối như anh nông dân lúc nãy. Nhà sư nghĩ: “Ta dại gì cho hắn, cho tên kia thì còn được mời đến ăn thịt hươu chứ cho tên này thì ta mất không, chẳng được lợi lộc gì?”. Nghĩ vậy nhà sư lắc đầu nguầy nguậy nhất định không cho.


Biết tẩy của anh ta, anh nông dân nói:


- Tôi đến mời ông đi ăn thịt gà, nhân tiện xin ông ít quả táo hầm với gà cho ngon. Bữa tiệc này chỉ có tôi và ông thôi, chớ ngại.


Nghe xong nhà sư mừng lắm, định bụng hôm nay sẽ được chén một bữa no nê thịt hươu và thịt gà. Nhưng ông đâu có biết sa vào bẫy của hai người kia. Thấy nhà sư im lặng, người kia nói:


- Ông thấy thế nào? Hay ông không thích ăn thịt gà của tôi?


Nhà sư vội vã đáp:


- Không phải, không phải, tôi rất vui lòng nhận lời mời của anh bạn. À mà nhà ông bạn ở đâu?


Anh nông dân đáp:


- Chỉ ở cuối xóm này thôi.


Tuy miệng hỏi vui vẻ như vậy nhưng trong đầu của nhà sư đã hình dung một con gà béo tròn đặt lên đĩa còn đang bốc khói nghi ngút. Và tất nhiên anh đựơc nhà sư mời ra sân và cho hái quả thoải mái trên cây táo đã nổi tiếng là "bất khả xâm phạm" của mình. Sau khi đã hái đầy một bịch táo, anh nông dân chào nhà sư ra về dưới con mắt ngạc nhiên của các chú tiểu trong chùa. Từ đó trước tới nay họ chưa bao giờ thấy nhà sư của mình cho ai nhiều táo như vậy.


Chiều đến hai anh nông dân cùng đến ngôi chùa nọ để mời nhà sư đi ăn tiệc. Họ gặp nhà sư và như đã bàn tính trước, một trong hai anh nông dân nói:


- Bây giờ sư ông đến nhà tôi trước, nhà tôi ở gần ngay đây thôi


Người thứ hai phản đối:


- Không được! Đến nhà tôi trước vì cả nhà đang đợi.


Không ai nhường ai họ cãi nhau ỏm tỏi khiến nhà sư phải lên tiếng:


- Thôi thôi, được rồi, tôi sẽ đi với cả hai vị.


Hai người nông dân nháy mắt với nhau, họ đưa nhà sư đi lòng vòng khắp nơi, được một lúc mỏi chân quá, nhà sư nói:


- Đã đến chưa mà sao đi mãi vậy?


Hai người nông dân đồng thanh đáp:


- Sắp tới rồi, ông ráng lên, chỉ còn một đoạn nữa thôi.

 
Hai anh nông dân đáp trấn an nhà sư. Mãi đến lúc này nhà sư nọ vẫn chưa biết mình bị hai người đàn ông kia lừa.


Đến chiều nọ họ đã tới làng, đi một đỗi nữa đến ngã ba, một trong hai người nắm tay kéo nhà sư vào con đường phía bên trái và nói:


- Đã đến nhà tôi rồi, xin ông hãy qua nhà tôi trước, đánh chén xong hãy qua nhà ông kia.


Người kia đâu có chịu bèn chạy lại nói:


- Đâu có được, chính tôi mời ông qua nhà tôi trước.


Thế là họ cãi nhau. Còn nhà sư không biết phải đi theo ai trước nên chỉ biết phải im lặng.


Cãi nhau chán mỗi người bèn tóm một tay của nhà sư mà kéo về phía mình. Vừa kéo họ vừa chửi bới nhau cho đến lúc nhà sư không chịu nổi nữa phải thốt lên:


- Hãy để tôi yên! Tôi chẳng đến nhà ai cả, buông tôi ra!


Đến lúc này hai người mới buông tha nhà sư ra. Bây giờ ông ta đã quá mệt, vừa chẳng ăn đựơc gì, lại vừa phải nghe tiếng chửi rủa suốt buổi của hai người nông dân.


Nhà sư chẳng nói chẳng rằng, bỏ đi một mạch về với vẻ mặt mệt mỏi xen lẫn thất vọng vì hụt bữa ăn ngon, và ông ta cũng chưa biết rằng mình bị chơi một vố đau. Đợi cho nhà sư đi rồi, hai anh nông dân nhìn nhau cười đắc ý. Về phần nhà sư, ông không những mất một số táo đáng kể mà còn chẳng ăn được gì. Đúng là tham thì thâm!


Cuộc đời là thế đấy các bạn, nếu chúng ta tham lam thì chúng ta sẽ không cảm thấy sự hạnh phúc khi được chia sẻ, không nhìn thấy được hạnh phúc của người mà chúng ta chia sẻ, .... Các bạn hãy chia sẻ thì các bạn sẽ nhận được rất nhiều thứ. Các bạn cứ thử đi các bạn sẽ thấy tôi nói có đúng không nhé.

 

Tin vui sưu tầm từ Internet

Tiếp theo

 

 

Text Box: TÌNH YÊU – HÔN NHÂN – GIA ĐÌNH 
 

 

 


 

TẠI SỐ HAY TẠI MÌNH

 

 Chị Nguyệt lập gia đình với anh Tùng. Tình yêu và hạnh phúc chẳng có, mà chỉ có bạo hành và khổ đau. Mẹ chị thương chị, nhưng chẳng biết làm cách nào, chỉ thở dài: “Phận số đành phải chịu, chứ thay đổi sao được”, “Nuôi con là đức, lấy chồng là mệnh mà”.

 

Việc lập gia đình của người Công giáo chúng ta cũng được mọi người tin nhận, là việc Chúa se định.

Nền văn hóa Việt Nam cũng cho việc lấy vợ lấy chồng, có sự can thiệp của ông Tơ bà Nguyệt. Đã là việc se duyên của ông Trời, thì muốn thoát cũng chẳng được.

 

Những quan niệm trên rất có cơ sở, một chàng trai, một cô gái, đầu tiên chẳng quen biết nhau, rồi do cái duyên nào đó đưa đẩy, hai người gặp nhau, cảm nhau, yêu nhau và sau đó thành vợ thành chồng, cùng ăn cùng ở, sinh con, đẻ cái và cùng làm việc để nuôi sống cái tổ ấm của mình … Trong một thế giới đầy người như hôm nay, việc đó quả thực phải có một bàn tay se định.

 

Thời đại “Trọng nam khinh nữ”, thời đại mà người đàn bà phải “Tam tòng tứ đức”, có lẽ bây giờ chỉ còn trong truyện cổ, trong phim tình cảm Hàn quốc. Còn cách chung, vợ chồng đều đã ngang cơ với nhau, thậm chí nhiều gia đình, ảnh hưởng của bà vợ đè bẹp cả quyền uy của ông chồng.

 

Một gia đình, ông áp chế bà hoặc bà áp chế ông, thì chỉ có họa, chứ phúc sao được. Vì hạnh phúc chỉ có thể có, tồn tại và thăng tiến nếu cả hai biết sống bình đẳng với nhau. Chồng và vợ phải là bạn đời của nhau. Đã là bạn, thì không nên có tệ nạn “Chồng chúa vợ tôi” hoặc ngược lại. Là bạn, mà là bạn đời, nghĩa là suốt đời mình. Điều đó đòi hỏi cả hai phải có nghệ thuật ứng xử đẹp với nhau.

 

Về phía các đấng mày râu, có người đã đưa ra chiến thuật: “Cách tốt nhất để đối phó với vợ, là sợ vợ”.

Thời phong kiến ở nước ta, trong gia đình, chồng phải tỏ ra oai phong cho vợ sợ, chớ không thể sợ vợ.

 

Trong tình yêu, nam đi tìm nữ chớ không có lệ nữ đi tìm nam: “Trâu tìm cột, chớ cột nào tìm trâu”. Thế nên, dù đã tàn xuân, đã “Quá đát”, nhưng người nữ vẫn phải chờ. Trong bạn bè, thì “Nam nữ phải thọ thọ bất thân”.

 

Những chiêu bài trọng nam khinh nữ đó, hôm nay, không còn hợp thời nữa. Tuy nhiên, nó vẫn như quả bom, đã nổ từ lâu, nhưng phóng xạ của nó vẫn gây nên nhiều méo mó, xô lệch trong những tương quan nam nữ.

 

Ơ các quốc gia Au Mỹ hiện nay, quan điểm “Lady first”, “Phụ nữ là trước tiên”, hầu như được mọi người tôn trọng. Nó được coi là điểm không thể thiếu của một người đàn ông ga lăng. Đi chung với nhau, đàn ông phải biết dành “Quyền” mang vali dùm phụ nữ, cho dù chiếc vali đó chỉ nặng chưa đến ký lô. Cô bạn bước lên xe, thì ông bạn phải biết điệu, đỡ cô ấy lên, mặc dù cô ấy đang là vận động viên nhảy sào, có thể nhảy qua cả chiếc xe hơi. Một nàng tiên đưa tay ra, thì ông “Lưu Nguyễn” trước khi bắt tay, phải đưa bàn tay đó lên môi, hôn cái đã. Không làm thế, là không văn minh.

 

Như thế, cả Ta lẫn Tây, việc tôn trọng phụ nữ đang được đề cao. Với phụ nữ “Bên ngoài”, còn nên đối xử như thế, thì tại sao với “Người nữ trong trướng” tại sao cứ phân chia cao thấp? Tại sao cứ phải “Vợ sợ”, còn “Sợ vợ” lại không được? Bài toán “Sợ vợ”, bởi đó, nên được giải trình. Nếu sợ vợ là một điều đáng xấu hổ, thì làm “Vợ sợ” cũng chẳng có gì là vinh. Nếu bài toán sợ vợ, ẩn chứa một “Hàm số”. Tôn trọng vợ, cưng chiều vợ, cư xử bình đẳng với vợ để nuôi dưởng hạnh phúc, thì đáp số của nó rất đáng được trân trọng.

Chúng ta thử nêu lên một vài trường hợp:

 

Một bản điều tra, liên quan đến vấn đề sợ vợ, đã cho biết, trong 100 bà có chồng là trí thức, có tiếng tăm ngoài xã hội, thì có 90 bà được “Chồng sợ”. Nghĩa là 90%. Lý do các trí thức gia sợ mang tiếng là vũ phu, gia đình xào xáo, nên đành nhịn để trong ấm ngoài êm. Ngược lại, trong thành phần lao động, cờ bạc, rượu chè, nghiện ngập … thì các bà vợ lại sợ chồng một phép. Bởi vì trái ý các ông, là các biện pháp “Già đòn non nhẽ” được áp dụng liền.

 

Trong những gia đình bề thế, khá giả, tỷ lệ các “Đấng lang quân” sợ vợ vượt trên 70%. Còn trong những gia đình nghèo khổ, khó khăn, con số “Râu quặp, yếu ken” chưa đến mức 10%.

Như thế sợ vợ là sang, chứ đâu có hèn.

 

Chẳng nên nghĩ rằng, sợ vợ là “Yếu ken”, nếu người sợ vợ dù thấy được cái sức mạnh  của phái xấu, nhưng lại cảm được cái yếu của phái đẹp, nếu đánh đập, nặng lời với nàng, nàng sẽ đau, sẽ khổ. Nếu phụ rẫy nàng, nàng sẽ xót xa tủi phận, nên chỉ còn con đường, nhường nhịn vợ, nhu thuận để trung hòa cùng vợ, sẵn sàng gạt bỏ “Cái mạnh” của mình, để nuôi dưỡng hạnh phúc gia đình. Chịu nhịn một chút, điều đó đâu có khó lắm, nhưng lại bảo trì được hạnh phúc, một gia sản quý báu, thì đâu có thiệt thòi gì?

 

Có người còn chủ trương, sợ vợ là bài học dạy con biết xử đẹp với phái yếu, nếu là con trai. Và biết tiêu chuẩn chọn chồng, nếu là con gái.

 

Như vậy nhiều người la hoảng: “Trời đất ơi, sợ vợ đời cha chưa đủ sao, lại còn xúi dại cả đời con kế nghiệp”.

 

Người chủ trương sợ vợ liền giải trình: “Này nhá, con trai thấy cha cư xử dịu dàng tử tế với mẹ, sau này lấy vợ, nó cũng kế nghiệp cái gia tài tốt đẹp đó, để không khi nào hiếp đáp vợ mình”. Một người cha đã khuyên cậu con vừa có vợ: “Con hãy đối xử với vợ con như bố đã đối xử với mẹ con”. Lời khuyên, quả thực, rất đáng đề cao.

 

Còn với con gái, thấy cha như vậy, nó cũng thầm mong, sau này cũng sẽ kiếm được một người chồng, biết cưng yêu chiều chuộng nó như vậy.

 

Có một bà mẹ đã khuyên con gái:

 

Mẹ biết

Con đã bắt đầu tuổi yêu.

Mẹ biết,

Con đã bắt đầu tuổi nhớ.

Mối tình đầu bao giờ chẳng thiêng liêng đẹp đẽ.

Các chàng trai săn đón quanh con,

Tấm lưới thần sẽ được giăng lên,

Chú nhện nhỏ thế nào không mắc lưới.

Tấm lưới của tình yêu nhẹ nhàng như gió thổi.

Con mắt thường chẳng nhìn thấy được đâu.

Những bó hoa … sự chăm sóc ban đầu.

Giờ tan học … chàng trai nào đón đợi?

Đường thì xa, mà con thì nhỏ dại.

Mẹ nhìn con lòng không khỏi lo thầm.

Giá như là ở chiến trường,

Mẹ có thể còn là lá chắn.

Nhưng tình yêu trong cuộc đời trắc ẩn,

Sẽ làm con điêu đứng si mê.

Con sẽ quên những lời mẹ dặn dò.

Kinh nghiệm sống của người này,

Không dạy được cho người khác.

Chỉ có điều, con gái của mẹ ơi!

Nếu con gặp được người yêu con nhất.

Đừng bao giờ để mất nghe con.

 

(Nguyễn Thị Hồng Ngát)

 

Làm sao cô gái, vừa đến tuổi yêu, có thể nhận ra cậu trai nào yêu cô hơn cả, yêu thật tình, chứ không phải yêu kiểu đào mỏ, kiểu chiếm đoạt, nếu chưa có mô hình đó trong đầu óc, nhờ thấy được cách sống của người cha?

 

Cuộc tranh đấu cho nữ quyền, mãi đến gần giữa thế kỷ 20, ở một quốc gia hàng đầu về dân chủ và tự do, như Hoa Kỳ, còn gặp khó khăn, phụ nữ vẫn chưa được đi bầu, nói chi đến quốc gia khác. Người phụ nữ, như thế, cả hàng trăm năm trước, ngoài xã hội đã thiệt thòi, vào gia đình lại càng thiệt thòi hơn, nào chăm con, lo chồng và hàng trăm thứ việc “không tên”.

 

Các xã hội văn minh, hôm nay, đã thay đổi cách đối xử với phụ nữ. Việt Nam mình cũng đang trên đường đi tới văn minh, chẳng lẽ lại không đủ rộng lượng, biếu người vợ mình một chữ “Sợ”, để nàng vui sao?

 

 Một cụm từ có mặt đã lâu, trong xã hội chúng ta là “Trao đổi hai chiều”. Hai tiếng “Sợ vợ” cũng phải lịch sự đáp lễ. Cái sợ của quí ông là “Món quà danh dự”, riêng tặng quí bà. Hòn đất đã ném đi, hòn chì cần ném lại, ông đã thò con gà, bà phải thò chai rượu, cuộc tình mới đẹp đẽ được. Bởi vậy, quí bà hãy cố đáp lại nghĩa cử của quí ông bằng tất cả vốn liếng của sự dịu dàng, đôn hậu, đảm đang của mình. Gia đình, nhờ đó, mới có chất văn hóa.

 

Ngược lại, nếu quí bà thấy quí ông “Yếu ken”  quá, liền nhảy phốc lên bàn thờ, tung ra chưởng độc “Đả phu hồng pháp”, thì gia đình chỉ còn là “Văng” hóa, văng cửa sổ, trổ nóc tôn mà thôi. Sợ mà mất đi một chiều thì chỉ còn là: “Sợ hãi”, là “Khiếp sợ”. Hạnh phúc lúc đó, nếu còn tí chút, thì cũng không còn là thực, mà chỉ là sự níu kéo một bóng hình hạnh phúc nào đó.

 

Nhường nhịn nhau, trong cuộc sống chung, là rất quan trọng. Nhường nhịn nhau không thiệt, mà lời rất nhiều: “Một sự nhịn là chín sự lành” mà, Thánh Phaolô cũng khuyên chúng ta: Hãy “Thương mến nhau với tình huynh đệ và coi người khác hơn mình” (Rm 12,10). Người khác mà còn nên làm, thì vợ chồng mình sao lại bỏ, phải làm nhiều hơn mới phải.

 

Coi người khác hơn mình, đặc biệt với vợ chồng, không phải vì sợ, vì mặc cảm, yếu ken, mà chỉ vì lòng bác ái yêu thương, muốn cho vợ hay chồng mình phấn khởi hài lòng, để nhờ đó, gia đình hòa thuận an vui. Người được nhường, cũng đừng vì thế, mà lên nước, nhưng phải thấy được sự tự chủ của bên kia, thậm chí nhiều lúc họ phải “Sát tế” cả những ý thích cá nhân của họ nữa đấy.

 

Thấy được điều đó, là thấy được trách nhiệm của mình, phải làm gì để đền đáp sự hy sinh của người bạn. Một trong những đền đáp ý nghĩa nhất, là hãy nhường nhịn lại bạn mình.

 

Chồng nhịn, vợ cũng nhịn, thì bất hòa làm sao có thể bùng nổ. Không có bất hòa, là có yêu thương. Và ở đâu có yêu thương, ở đó có Chúa ngự trị. Có Chúa ngự trị, tức là đã có Thiên Đàng.

 

Lm. Hồng Nguyên

Tiếp theo

 

 

 

 

 

Text Box: ĐỌC SÁCH 
 

 

 


 

VỤN VẶT SUY TƯ

 

MẮNG VỐN

 

 Giáo hội mới bị mắng vốn tưng bừng bằng mọi phương tiện truyền thông hiện đại, khiến nhiều Kitô hữu muốn độn thổ. Đó là vụ lạm dụng tình dục trẻ em nơi hàng giáo sĩ Mỹ. Buồn đến chết được! Nhưng tại sao lại nên nông nỗi này? Người ta bảo rằng có nhiều lý do và tình huống khác nhau.

 

 1. Có những ai đó biết rõ rằng các giáo phận đều có hằng trăm triệu đô la. Thế là ở đâu có xác chết thì ở đó có ruồi bu. Nhiều luật sư đi săn tìm nạn nhân bị lạm dụng tình dục, hướng dẫn họ làm đơn thưa. Thế là cả luật sư lẫn nạn nhân đều giàu to. Còn giáo phận thì bị rách túi đến thảm thê. Thậm chí có giáo phận phải tự tuyên bố phá sản.

 

 2. Có những nỗi oan khiên tức tưởi vô cùng. Đó là trường hợp của Đức Hồng y Bernadin.

 

 Có một cựu chủng sinh tố cáo một linh mục giáo sư chủng viện về tội lạm dụng tình dục. Luật sư khuyên hắn nên nhắm vào Hồng y Bernadin thì mới moi được nhiều tiền. Thế là dư luận nổ tung. Báo chí, truyền thanh, truyền hình, điện thư, internet đều hiến tặng kẻ thù của Giáo hội một trận cười khoái trá. Con cái của Giáo hội thì gục mặt xuống. Tức tưởi quá chừng. Riêng Đức Hồng y Bernadin thì cứ âm thầm cầu nguyện.

 

Một trăm ngày sau, ngài họp báo. Phóng viên của các cơ quan truyền thông đua nhau phỏng vấn và hau háu chờ Hồng y bị “nốc ao” … Ai ngờ … Ngài lật thế cờ. Phóng viên lại đứng về phía ngài để bênh vực chân lý. Bên nguyên tự thú là mình vu khống để kiếm tiền. Hắn xin lỗi Đức Hồng y. Một thời gian sau, hắn chết vì bệnh HIV/AIDS. Uy tín của Đức Hồng y lại rực sáng. Giáo hội thở phào nhẹ nhỏm và thầm thương cảm cho bao nỗi oan khiên khác không lật được thế cờ.

 

Sau nỗi đau của hàng giáo sĩ Mỹ, mọi anh em đồng nghiệp khắp thế giới đều ngậm ngùi suy nghĩ. Buồn mà thương. Thương mà vẫn cứ tức vì con sâu làm rầu nồi canh. Nhưng tức làm chi, vì:

 

·      Chính Đức Giêsu cũng bị mắng vốn mà … không oan.

·

 Đức Giêsu ăn chay. Có lần Ngài đã ăn chay suốt mươi ngày. Biệt phái, luật sĩ và mọi người đạo đứđều ăn chay một tuần hai ngày: Thứ hai và Thứ năm. Còn các tông đồ thì … không. Thế là Đức Giêsu bị mắng vốn, bị mắng vốn bởi chính các môn đệ của Gioan Tẩy giả: “Tại sao chúng tôi và những người Biệt phái ăn chay mà môn đệ của Thầy lại không ăn chay” (Mt 9,14).

Sự thật là thế. Đau quá!

 

Vào một ngày Sabát, Đức Giêsu cùng các tông đồ băng qua một cánh đồng. Có Biệt phái và quần chúng cùng đi (chắc vậy). Ai cũng đói hết. Nhưng chỉ có các môn đệ của Chúa tạt xuống ruộng bứt lúa và vò rồi ăn. Thế là Đức Giêsu bị các ông Biệt phái mắng vốn: “Thầy coi kìa, các đệ tử của Thầy làm điều không được phép làm trong ngày Sabát”. Xấu hổ quá! Đệ tử không làm vinh dự cho Thầy mà còn làm nhục cho Thầy.

 

Có ai đó bênh các tông đồ rằng: “Đói quá thì mới làm như vậy”. Nhưng cũng phải thành thật mà thú nhận lại rằng, tác phong của các tông đồ còn thấp quá, chứ nếu đói quá thì mọi người đều đói cả. Vả lại hôm ấy là ngày Sabát, luật chỉ cho đi bộ tối đa 1800 mét. Nghĩa là chỉ trong vòng mười lăm phút nữa sẽ đến chỗ dừng chân rồi. Tha hồ mà ăn. Bấy giờ hẵng ăn thì ai mắng vốn làm chi. Au cũng chỉ vì yếu đuối mà thôi.

Đức Giêsu đã bị mắng vốn. Giáo hội vẫn bị mắng vốn suốt dòng lịch sử hai mươi thế kỷ, và … sẽ còn bị mắng vốn cho đến tận thế. Cũng chỉ vì Thầy Chí Thánh và chỉ có Thầy mới thánh, còn trò thì xa Thầy vời vợi. Muôn đời vẫn xa như thế. Có ai đó mơ ước: Giáo hội hôm nay được giống như Giáo hội thời Công vụ Tông đồ. Lúc ấy ai nấy một lòng một dạ. Của cải tư thành của cải chung. Chẳng ai phải thiếu thốn.

 

Sự thật thì không phải như thế. Cộng đoàn Giáo hội sơ khai chỉ  đẹp như mơ ở bốn chương đầu của Công vụ Tông đồ. Đến chương 5 đã xảy ra vụ Amania và Saphira – giáo dân lừa dối các tông đồ, tông đồ thì đối xử với giáo dân chẳng hợp tình hợp lý chút nào. Sang chương 6, người ta lại thấy trong Giáo hội có sự chia rẽ, mà lý do chỉ là cơm áo. Chương 15 cho thấy có sự tranh chấp lớn lao về phương pháp truyền giáo. Người bảo thủ chủ trương phải chịu phép cắt bì mới được cứu độ. Phe tiến bộ thì bảo rằng cắt bì là cái chi chi. Hai bên cải vã nhau chẳng ai chịu thua ai. Đành phải nại đến Công đồng Giêrusalem.

 

Các Công đồng giải quyết được nhiều cuộc tranh chấp. Nhưng chẳng có Công đồng nào chấm dứt được sự yếu đuối của Giáo hội. Do đó, Giáo hội sẽ mãi mãi còn bị mắng vốn.

 

Phải làm gì bây giờ! Đành phải khiêm tốn nhận lỗi mà thôi. Đức Gioan Phaolô II đã coi thái độ khiêm tốn nhận lỗi ấy là chứng tá của Tin Mừng:

 

“Giáo hội và các nhà truyền giáo cũng phải nêu lên chứng ta về lòng khiêm tốn, trước hết đối với chính mình, khi dám tự kiểm thảo ở mức độ cá nhân cũng như cộng đoàn, ngõ hầu sửa chữa lại trong cung cách sống của mình những gì đi ngược với Tin Mừng và làm biến dạng dung nhan của Đức Kitô” (Sứ Vụ Đấng Cứu Độ, 43).

 

Khiêm tốn là nhân đức tuyệt vời của thế giới hôm nay. Khiêm tốn để được tha thứ. Khiêm tốn để lấy lại tình thương.

 

Và … lạ lùng thay. Giáo hội yếu đuối ấy vẫn được Đức Giêsu yêu thương. Trong phòng Tiệc ly, Thầy đã tiên báo sự trung thành mỏng manh của Phêrô và đồng môn. Họ yếu đuối lắm. Thầy biết hết. Nhưng Thầy vẫn yêu họ, yêu da diết, yêu đến xuất thần mà nói: “Hỡi anh em là những người con bé nhỏ của Thầy” (Ga 13,33). Thầy thì trẻ măng. Trò thì cồ cồ. Thế mà Thầy lại gọi trò là đoàn con bé nhỏ. Thế mới biết Thầy yêu trò tới mức độ nào. Mà trò thì vẫn yếu đuối và sa ngã. Thế mới lạ! Oi, tình yêu của Thầy!

 

 

Lm. Piô Ngô Phúc Hậu

 

Tiếp theo