TIN VUI
Tuần san Bạn trẻ Công Giáo - Số 80 CN 08.04.2007
Web site:www.tinvui.org E-mail : bantreconggiao@yahoo.com
CHÚA NHẬT PHỤC SINH- NĂM C Ngày 08/04/2007
Đức Thánh Cha giải thích ý nghĩa Tam Nhật Tuần Thánh
ĐỨC THÁNH CHA CỬ HÀNH LỄ GIỖ THỨ 2 ĐỨC GIOAN PHAOLÔ II
Ðại Hội Giới Trẻ Tổng Giáo Phận Saigòn - Mùa Chay 2007.
Giới trẻ giáo phận Phú Cường tĩnh tâm Mùa Chay 2007
Thánh gía Chúa Giêsu, dấu hiệu của tình yêu
LINH MỤC, DẤU CHỈ CỦA YÊU THƯƠNG VÀ PHỤC VỤ
Tài liệu tĩnh tâm linh mục Giáo phận Phú Cường 2007 ( tiếp theo)
LỜI THỨ TƯ “LẠY THIÊN CHÚA, LẠY THIÊN CHÚA CỦA CON! SAO NGÀI BỎ RƠI CON?” (MT 27,46; MC 15,34)
TÌNH YÊU – HÔN NHÂN – GIA ĐÌNH
Bài Tin Mừng: Ga 20.1-9
"Người phải sống lại từ cõi chết".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Ngày đầu tuần, Maria Mađalêna đi ra mồ từ sáng sớm khi trời còn tối và bà thấy tảng đá đã được lăn ra khỏi mồ, bà liền chạy về tìm Simon-Phêrô và người môn đệ kia được Chúa Giêsu yêu mến, bà nói với các ông rằng: "Người ta đã lấy xác Thầy khỏi mồ, và chúng tôi không biết người ta đã để Thầy ở đâu". Phêrô và môn đệ kia ra đi đến mồ. Cả hai cùng chạy, nhưng môn đệ kia chạy nhanh hơn Phêrô, và đến mồ trước. Ông cúi mình xuống thấy những khăn liệm để đó, nhưng ông không vào trong. Vậy Simon-Phêrô theo sau cũng tới nơi, ông vào trong mồ và thấy những dây băng nhỏ để đó, và khăn liệm che đầu Người trước đây, khăn này không để lẫn với dây băng, nhưng cuộn lại để riêng một chỗ. Bấy giờ môn đệ kia mới vào, dù ông đã tới mồ trước. Ông thấy và ông tin, vì chưng các ông còn chưa hiểu rằng, theo Kinh Thánh, thì Người phải sống lại từ cõi chết. Đó là lời Chúa.
Hôm nay Chúa nhật Phục Sinh, mừng Đức Giêsu sống lại từ cõi chết, chúng ta cầu nguyện cho nhau được cùng sống lại với Đức Giêsu. Để có thể sống lại với Đức Kitô, chúng ta cần trải qua hành trình của niềm tin. Như bà Maria Madalêna khi thấy tảng đá lăn khỏi mộ đã chạy về báo tin… và như hai môn đệ Phêrô và Gioan khi vừa nghe tin đã cùng chạy tới và thấy ngôi mộ trống. Nhung kh?i di t? ngôi mộ trống, ni?m tin c?a b Maria Madalêna và của các ông đã được thắp sáng dần dần. Người môn đệ Chúa yêu đã vào trong ngôi mộ quan sát, thấy và tin (Ga 20,8); còn bà Maria vẫn đi tìm và được chính Đức Giêsu tỏ mình ra khi gọi tên bà (Ga 20,14-17); và với Phêrô và các môn đệ khác cũng được chính Đức Giêsu hiện ra cùng ăn cùng uống với các ông (Ga 21,1-14; Cv 10,41).
1. Sống lại với Đức Kitô, hành trình của niềm tin
Trong suốt mùa Chay, Lời Chúa đã dẫn chúng ta vào hành trình của niềm tin; hành trình của chay tịnh, sám hối về những lầm lỗi của mình, hành trình chết đi con người cũ của mình, hành trình tìm kiếm và bỏ đi những tảng đá nơi chính mình cản ngăn không cho chúng ta nhìn thấy Đức Giêsu, Đấng Cứu Độ duy nhất của chúng ta. Nhờ đó, hôm nay chúng ta có thể cùng với Giáo Hội ca mừng Đức Kitô đã sống lại từ cõi chết và cho chúng ta cùng được sống lại với Chúa. Lời Chúa trong thư gởi tín hữu Côlôsê hôm nay, thánh Phaolô khuyên nhủ chúng ta: “Anh em đã được chỗi dậy cùng với Đức Kitô đang ngự bên hữu Thiên Chúa,… Anh em đã chết và sự sống mới của anh em hiện đang tiềm tàng với Đức Kitô nơi Thiên Chúa” (Cl 3,1-3). Đó là hành trình đức tin chúng ta tiếp tục tiến bước, hành trình của niềm tin Đức Kitô đem lại cho chúng ta sự sống mới, niềm vui, niềm hy vọng và hạnh phúc đích thực.
2. Sự sống mới, niềm vui mới cho những người tin
Trong thế giới bất toàn hiện nay, giữa lý thuyết và thực tế thì không luôn luôn dễ thấy được một cách cụ thể. Chúng ta tin rằng đời sống cũ tội lỗi của chúng ta đã bị đóng đinh với Đức Giêsu, và trong quyền năng của thập giá, chúng ta đã được giải thoát khỏi ách nô lệ của tội lỗi. Nhưng trong đời sống hằng ngày, chúng ta lại nhận thấy mình đang chiều theo những khuynh hướng tội lỗi như cũ. Tuy nhiên, thực tế đã có những người nối kết được giữa lý thuyết và đời sống hằng ngày; và họ đã kinh nghiệm được quyền năng của thập giá. Họ không phải là những vị thánh lớn, họ là những người sống đức tin giữa đời thường như chúng ta, luôn cố gắng làm vui lòng Chúa và cũng đã có lúc yếu đuối sa ngã. Cuộc sống của họ có thể cho chúng ta niềm hy vọng rằng: lời hứa của Đức Giêsu luôn được ứng nghiệm; và những ai tin vào Ngài luôn nhận được sức mạnh để đổi mới. Sau đây là hai câu chuyện có thật trong The World Among Us (x. Lent. 2007, p.13-17).
Jim đã nghiện thuốc lá 20 năm, biết được hậu quả của thuốc, anh đã dùng đủ mọi chiến lược để bỏ thói xấu này; anh tự kỹ luật bản thân và thề với các bạn; anh còn tham dự một khóa tĩnh tâm để quyết chiến đấu với cơn nghiện. Nhưng cuối cùng, Jim vẫn rơi vào cám dỗ của khói thuốc, và anh phải cam chịu sự ràng buộc của thói xấu này. Tuy nhiên, hai năm trước đây, khi xét nghiệm X-quang cho biết phổi của anh có một vết đốm, anh rất lo lắng. Vợ của anh, Janet đã kể cho cha xứ biết về tình trạng bệnh của anh. Cha khuyên chị về nói với anh đừng thất vọng, hãy tin vào thập giá Đức Kitô, Chúa sẽ cho anh kinh nghiệm về giải thoát. Cha đã dạy Janet và Jim lời cầu nguyện đơn giản này: “Lạy Chúa Giêsu, chúng con tin rằng Chúa đã chết để giải thoát cho chúng con. Chúng con xin Chúa, nhờ quyền năng của thập giá Chúa, xin cho Jim bỏ được thói quen nghiện thuốc lá. Chúng con tin tưởng nơi tình yêu của Chúa.” Thế là hai vợ chồng anh đã đọc lời nguyện này mỗi buổi sáng và tối. Riêng Jim đã đọc 2 giờ một lần, đặc biệt là khi cơn nghiện nổi dậy. Nhờ cầu nguyện, Jim gần Chúa hơn, và cảm thấy đam mê hút thuốc giảm dần cho đến nay anh đã bỏ hẳn được 15 tháng. Câu chuyện của Jim là một sứ điệp gởi đến những ai phải phấn đấu với cơn nghiện thuốc lá, rượu, thực phẩm và cả những đam mê tình dục nữa.
Mary đã gặp Arthur sau khi cô tốt nghiệp đại học năm 1992. Mối quan hệ của họ thân mật theo thời gian, hẹn hò đi chơi và cả đi dự lễ Chúa nhật nữa. Sau vài tháng, khi biết mình có thai, Mary muốn lập gia đình với Arthur, nhưng sau khi biết chuyện này, anh đã rời bỏ cô. Khi đó, nghĩ về tương lai, cô cảm thấy vừa chán nản vừa kinh hoàng, cô không thể là một bà mẹ đơn thân. Rồi, không có chọn lựa nào khác, cô đã phá thai. Nhưng chính chọn lựa sai lầm này đã mang đến cho cô mặc cảm khốn khổ và tội lỗi suốt một năm trường. Cô cảm thấy xấu hổ về điều mình đã làm và nghĩ rằng tội của cô không bao giờ có thể được Thiên Chúa tha thứ. Một người bạn thấy Mary quá suy sụp đã rủ cô đến một nhóm cầu nguyện trong giáo xứ. Tình yêu cảm thông của mọi người trong nhóm đã cho Mary kinh nghiệm được lòng thương xót của Thiên Chúa, và niềm vui đã trở lại với cô sau khi lãnh bí tích giao hòa. Tuy nhiên, cô vẫn còn mang nặng mặc cảm xấu hổ về việc mình đã làm đối với con của mình. Nhóm tiếp tục cầu nguyện cho cô hiểu lời giải thích của cha giải tội: Bí tích giao hòa ngoài ơn tha thứ còn ban ơn phục hồi và chữa lành, vì Chúa Giêsu đã chết cho tội lỗi của chúng ta và cho chúng ta một sự sống mới. Trong khi nhóm đang cầu nguyện, Mary cảm thấy Chúa Giêsu giơ tay ôm lấy cô và phục hồi nhân phẩm cho cô. Từ đó cô có thể vươn tới tương lai với một niềm hy vọng mới.
Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã biết rõ về cuộc đời con với những thiếu sót và lầm lỗi vì chưa đặt niềm tin trọn vẹn nơi Chúa. Nhưng hôm nay Chúa đã mở con mắt đức tin cho con, ban cho con một đời sống mới trong Chúa tốt đẹp dường nào! Con muốn dành cả cuộc đời để hát lên một bài ca mới về niềm tin vào sự phục sinh của Chúa. Con muốn giới thiệu cho mọi người chung quanh con về ơn cứu độ của Chúa để họ cũng được sống trong tình yêu và đổi mới như con.
Nữ tu Têrêsa Phạm Thị Oanh
Dòng Đaminh Tam Hiệp
Chúa Giêsu đã sống lại: Đó là tín điều, đó là chuyện xưa.
Hôm nay, khi mừng lễ Chúa phục sinh, tôi mừng với niềm tin ấy. Khi niềm tin ấy trở thành một thao thức, thì thao thức này đào sâu trong lòng tôi một sự khao khát rạo rực.
Tôi khao khát tìm gặp Chúa phục sinh trong cuộc sống hôm nay. Khao khát tìm Người như bà Madalena và các môn đệ Chúa ngày thứ bảy tuần thánh xưa đã khát khao đi tìm.
Tất nhiên tôi đã gặp Chúa phục sinh trong bí tích Thánh Thể. Nhưng cuộc gặp gỡ đó đã được thực hiện nhờ đức tin.
Tôi cũng đã gặp Chúa phục sinh trong Hội Thánh. Hội Thánh cũng giúp cho tôi và nhiều người được phục sinh một cách thiêng liêng.
Nhưng tôi còn muốn gặp Chúa phục sinh dưới nhiều hình thức khác.
Một cách Chúa phục sinh đang hiện diện hôm nay
Đang khi tôi khao khát tìm gặp Chúa phục sinh như thế, thì tôi nhớ lại lời Chúa phán xưa: "Thầy đây, Thầy sống giữa các con như một người phục vụ" (Lc 22,27).
Những nét đẹp của người phục vụ được Chúa nên lên như gương mẫu, đó là:
- "hiền lành, khiêm nhường" (Mt 11,28),
- "từ bỏ mình" (Lc 9,23),
- "biết tỉnh thức" (Mt 24,42),
- "trung tín và khôn ngoan, biết cung cấp lương thực cho gia nhân đúng giờ và đúng lúc" (Mt 24,45),
- nhất là phục vụ trong tình yêu thương, như Chúa đã nêu gương và dạy trong bữa tiệc ly (x. Ga 14,34).
Với nhận thức về những nét đẹp trên đây của người phục vụ, tôi tìm những người phục vụ như thế trong Hội Thánh của tôi, xã hội của tôi, và xung quanh tôi.
Tôi vui mừng xin nói: Tôi đã gặp thấy những người phục vụ như vậy. Trong họ, tôi nhận có bóng dáng Chúa phục sinh. Bóng dáng tuy không hoàn toàn khẳng định, nhưng cũng gợi nhớ nhiều về Chúa phục sinh.
Những gợi nhớ đó cho phép tôi nghĩ rằng: Chúa Giêsu phục sinh đang sống động dưới nhiều hình thức trong chính lúc này và tại nơi đây.
Những người có Chúa phục sinh hiện diện và hoạt động xung quanh tôi hiện nay thuộc đủ mọi tầng lớp. Có giáo sĩ, giáo dân; có người giàu, người nghèo; có người trí thức, người ít học. Nhưng tất cả đều có tinh thần phục vụ cao, với cố gắng nâng khả năng phục vụ mỗi ngày mỗi cao hơn bằng học hỏi, tìm tòi và dấn thân.
Sự hiện diện của Chúa phục sinh trong các loại phục vụ hiện nay là một hiện tượng rất đáng mừng.
Không phải mọi phục vụ đều tốt
Tuy nhiên, danh từ "phục vụ" đang bị lạm dụng hầu như khắp nơi. Lạm dụng trong các lãnh vực đời là chuyện dễ hiểu. Nhưng lạm dụng trong các lãnh vực đạo là điều đáng sôï.
Trong nỗi sợ đó, tôi cầu xin Chúa Thánh Thần thương đến tôi và Hội Thánh tôi. Tôi trầm mình trong vực thẳm hư vô của mình, để sống khó nghèo đến tận cùng số phận.
Chính lúc đó, tôi cảm nghiệm được thế nào là phục vụ trong tinh thần và chân lý. Trong ánh sáng tinh thần và chân lý, tôi thấy điều mà tôi cần đón nhận hơn hết để phục vụ, đó là đón nhận chính Đức Giêsu. Người đã phán: "Thầy là đường, là sự thực và là sự sống" (Ga 14,6).
Tôi nhắc lại là: Phải đón nhận Người. Tôi xin nhấn mạnh đến việc đón nhận Chúa Giêsu. Không phải chỉ đón nhận bằng niềm tin, mà còn đón nhận bằng tất cả tâm tình. Đón nhận mọi lời Người, đón nhận trọn đời Người, đón nhận chính Người trong lòng ta. Người sẽ thực sự ở trong đời ta và bản thân ta.
Chính trong tình trạng đó, chúng ta sẽ có thể phục vụ mọi người với sự bình an của Chúa.
Một báo động
Cách đây chỉ vài ngày, một linh mục bên Cộng Hoà Liên Bang Đức đã gọi điện thoại cho tôi. Một trong nội dung điện đàm là: Xin tôi báo động cho bên Giáo Hội Việt Nam biết một khủng hoảng lớn đang bùng phát tại một số nước Thiên Chúa giáo ở Âu châu. Khủng hoảng lớn đó là sự đang có một phong trào trong đạo không đón nhận Đức Giêsu Kitô. Không đón nhận Lời Người và không đón nhận gương sáng đời Người. Chẳng những họ không đón nhận, mà còn ngăn cản và hăm doạ những ai cổ động cho việc đón nhận những gì Đức Kitô dạy. Nếu ai đón nhận Đức Kitô, thì Đức Kitô ấy phải theo như ý riêng họ cắt nghĩa.
Tôi cám ơn vị linh mục trên đây đã không ngại chia sẻ một điều đáng ngại đang xảy ra trên những đất nước Thiên Chúa giáo lâu đời. Điều đáng ngại đó biết đâu rồi cũng sẽ xảy ra cho Giáo Hội Việt Nam thời hội nhập.
Một ước mong
Hội nhập là sự kiện lịch sử. Nó là một cơ may, và cũng là một thách đố. Riêng đối với Công giáo tại Việt Nam, tôi nghĩ một điều cần phải quan tâm, đó là phải nâng cao trình độ suy tư. Bởi vì nâng cao trình độ suy tư là một cách phục vụ tốt.
Trong việc nâng cao trình độ suy tư tôn giáo, tất nhiên phải để ý đến việc học hành mọi môn khoa liên quan, nhưng nhất là phải đào sâu những gì về Đức Kitô. Đào sâu bằng học hỏi, nghiên cứu, trao đổi và cả bằng chiêm niệm và cầu nguyện.
Sự tự mãn bất cứ dưới hình thức nào về suy tư đạo đức sẽ rất nguy hiểm cho việc "thờ phượng Chúa trong tinh thần và chân lý" (Ga 4,29).
Các hình thức phục vụ đủ thứ đang xuất hiện tràn lan trong thời hội nhập. Vì thế, chúng ta cầu xin Chúa phục sinh ban cho Hội Thánh Việt Nam nhiều hình thức phục vụ chất lượng có sức giúp người ta nhận ra được Chúa phục sinh đang sống động thực sự tại Việt Nam hôm nay.
+ Gm. GB. Bùi Tuần
Sáng thứ tư Tuần Thánh 4-4-2007 đã có gần 20.000 tín hữu và du khách hành hương tham dự buổi tiếp kiến chung của Đức Thánh Cha tại quảng trường thánh Phêrô. Đa số các đoàn hành hương đến từ các nước Tây Ây đặc biệt là Italia và Đức. Nhưng cũng có nhiều đoàn hành hương đến từ các nước Đông Âu như Ba Lan, Tchèques, Slovac và Croat. Đặc biệt đã có 5.000 bạn trẻ đang tham dự Diễn đàn đại học lần thứ 40 do Giám Hạt Tòng Nhân Opus Dei tổ chức tại Roma trong những ngày này.
Trong bài huấn dụ Đức Thánh Cha đã giải thích ý nghĩa Tam Nhật Tuần Thánh. Mở
đầu bài huấn dụ ngài nói:
Trong khi lộ trình Mùa Chay khởi sự với Thứ Tư lễ Tro đang kết thúc, Thứ Tư Tuần
Thánh hôm nay đã dẫn đưa chúng ta vào bầu khí thê thảm của các ngày sắp tới, ghi
đậm dấu vết cuộc khổ nạn và cái chết của Chúa Kitô. Thật thế, trong phụng vụ hôm
nay thánh sử Marco đề nghị chúng ta suy niệm về cuộc đối thoại ngắn gọn của Chúa
Giêsu với Giuda trong Nhà Tiệc Ly. Chúa Giêsu đã báo trước cho các môn đệ biết:
”Thật, Thầy bảo thật các con, một trong các con sẽ bán nộp Thầy” (x. Mt
26,14-25). Và kẻ phản bội hỏi Chúa: ”Thưa Thầy, có phải con không?” Thánh Gioan
kết thúc trình thuật báo tin Giuđa bán nộp Chúa với ít lời ý nghĩa ”Và khi đó
trời tối” (Ga 13,30). Khi kẻ bán nộp rời bỏ Nhà Tiệc Ly, tối tăm dầy đặc trong
tâm lòng hắn, đó là đêm đen nội tâm, sự lạc lõng gia tăng trong tâm lòng của các
môn đệ khác, cả họ nữa cũng tiến vào đêm đen, trong khi bóng tối của bỏ rơi và
thù hận đổ ập trên Con Người, tiến tới chỗ hoàn thành hy tế trên thập giá. Điều
mà chúng ta sẽ cử hành trong các ngày tới là sự đụng độ giữa Ánh Sáng và Bóng
Tối, giữa Sự Sống và Cái Chết. Chúng ta cũng phải định vị thế của mình trong bối
cảnh đó, ý thức được “đêm đen”, các lỗi lầm và các trách nhiệm của chúng ta, nếu
chúng ta muốn đạt tới ánh sáng con tim qua Mầu Nhiệm này là trung tâm lòng tin
của chúng ta.
Tiếp đến Đức Thánh Cha giải thích ý nghĩa Tam Nhật Tuần Thánh, bắt đầu với các
lễ nghi ngày Thứ Năm. Trước hết là Thánh lễ làm phép dầu, trong đó vị chủ chăn
giáo phận và các cộng sự viên thân tín nhất là các linh mục, với Dân Chúa bao
quanh, canh tân các lời hứa ngày Thụ phong Linh Mục. Năm này sang năm khác, đây
là lúc diễn tả mạnh mẽ sự hiệp thông giáo hội, đề cao ơn của chức linh mục thừa
tác do Chúa Kitô để lại cho Giáo Hội trước ngày chết trên thập giá. Đối với từng
linh mục đây là lúc cảm động, buổi chiều trước cuộc Khổ Nạn, trong đó Chúa tự
trao ban chính mình, đã ban Bí tích Thánh Thể cho chúng ta, đã cho chúng ta chức
Linh Mục. Đây là ngày đánh động con tim của tất cả chúng ta. Rồi tới lễ nghi làm
phép các thứ dầu dùng cho việc cử hành các bí tích: Dầu Tân Tòng, Dầu Bệnh Nhân,
Dầu Thêm Sức. Vào ban chiều trong Thánh lễ Tiệc Chiều của Chúa cộng đoàn Kitô
sống lại các biến cố Tiệc Ly. Nơi Nhà Tiệc Ly, trong Bí Tích bánh rượu biến
thành Mình và Máu Người, Chúa Cứu Thế muốn cử hành trước hy tế cuộc sống của
Người: Người cử hành trước cái chết của mình, tự hiến mạng sống mình, dâng hiến
chính mình cho nhân loại. Với lễ nghi rửa chân Người lập lại cử chỉ yêu thương
các môn đệ cho tới cùng (x. Ga 13,1) và để lại cho các môn đệ như huy hiệu cử
chỉ khiêm tốn yêu thương cho đến chết. Sau Thánh Lễ Tiệc Ly Giáo Hội mời gọi tín
hữu thờ lậy Bí Tích Thánh Thể, sống lại cơn hấp hối của Chúa Giêsu nơi vườn
Giệtsemani. Và chúng ta thấy các môn đệ đã ngủ, để Chúa một mình. Ngày nay cũng
thế, là môn đệ của Chúa chúng ta thường ngủ. Trong đêm thánh này của vườn
Giệtsemani chúng ta muốn tỉnh thức, chúng ta không muốn để Chúa cô đơn một mình
trong giờ này; như thế chúng ta có thể hiểu mầu nhiệm Ngày Thứ Năm Tuần Thánh
hơn, bao gồm ba ơn tuyệt đỉnh là Chức Linh Mục Thừa Tác, Thánh Thể và Giới răn
mới của tình yêu thương agape.
Sang đến Thứ Sáu Tuần Thánh tưởng niệm các biến cố từ kết án cho tới cái chết của Chúa Giêsu bị đóng đanh trên thập giá. Đây là ngày ăn chay, cầu nguyện và chia sẻ cuộc Khổ Nạn của Chúa. Vào giờ ấn định, dưới sự trợ giúp của Lời Chúa và các cử chỉ phụng vụ, cộng đoàn sống lại lịch sử sự bất trung của nhân loại đối với chương trình của Thiên Chúa và cảm động lắng nghe lại trình thuật cuộc Khổ Nạn đớn đau của Chúa. Sau đó dâng lên Thiên Chúa Cha lời cầu giáo dân dài, bao gồm mọi nhu cầu của Giáo Hội và thế giới. Rồi cộng đoàn thờ lậy Thánh Giá và tiến đến Thánh Thể, lãnh nhận Mình Thánh Chúa đã giữ lại trong lễ chiều Thứ Năm Tuần Thánh trước đó. Khi chú giải Thứ Sáu Tuần Thánh, thánh Gioan Kim Khẩu nhận xét rằng: ”Trước kia thập gía có nghĩa là khinh rẻ, nhưng ngày nay nó là vật đáng kính, trước kia nó là dấu chỉ của kết án, ngày nay nó là dấu chỉ của hy vọng cứu rỗi. Và Đức Thánh Cha nói về ý nghĩa của thập giá như sau:
Nó thực sự trở thành suối nguồn hạnh phúc bất tận: Nó đã giải thoát chúng ta
khỏi lầm lạc, đã đánh tan bóng tối của chúng ta, đã hòa giải chúng ta với Thiên
Chúa, từ chỗ thù nghịch Thiên Chúa nó đã khiến cho chúng ta trở thành người nhà
của Người, từ chỗ là người xa lạ nó đã khiến cho chúng ta trở thành gần gũi,
thập giá này phá tan sự thù nghịch, là suối nguồn bình an, là hòm chứa kho tàng
của chúng ta” (De cruce et latrone I,1,4). Để sống trở lại một cách sâu đậm cuộc
Khổ Nạn của Chúa Cứu Thế, truyền thống Kitô đã khai sinh ra nhiều thói quen diễn
tả lòng đạo đức bình dân, trong đó có các buổi rước kiệu ngày Thứ Sáu Tuần Thánh
với các lễ nghi rất ý nghĩa lập lại hằng năm. Nhưng có một thói quen đạo đức là
thói quen ”đi đàng Thánh Giá”, quanh năm cho phép ngày càng in sâu vào trong tâm
lòng chúng ta mầu nhiệp Thập Giá, cùng với Chúa Kitô bước đi trên con đường đó
và khiến cho chúng ta đồng hình dạng với Người trong nội tâm. Chúng ta có thể
dùng kiểu diễn tả của thánh Leo Cả mà nói rằng việc đi đàng Thánh Giá giáo dục
chúng ta biết nhìn với đôi mắt của trái tim Chúa Giêsu chịu đóng đinh, để nhận
ra trong thịt xác của Người thịt xác của chính chúng ta” ( disc. 15 sulla
passione del Signore). Và đây chính là sự khôn ngoan đích thật của Kitô hữu, mà
chúng ta muốn học hỏi khi đi đàng Thánh Giá tại Colosseo trong Ngày Thứ Sáu Tuần
Thánh.
Sau cùng Thứ Bẩy Tuần Thánh là ngày trong đó phụng vụ im lặng, là ngày của sự
thinh lặng lớn, và các Kitô hữu được mời gọi giữ thinh lặng nội tâm, là điều rất
khó trong thời đại chúng ta ngày nay, để chuẩn bị tốt hơn cho buổi Vọng Phục
Sinh. Trong nhiều cộng đoàn có tổ chức các buổi tĩnh tâm và gặp gỡ cầu nguyện
kính Đức Mẹ, như thể kết hiệp với Mẹ Chúa Cứu Thế đang lo lắng tin tưởng đợi chờ
Người Con bị đóng đinh sống lại. Sau cùng trong buổi Vọng Phục Sinh tiếng kêu
chiến thắng sẽ phá tan tấm màn buồn sầu che phủ Giáo Hội vì cái chết và việc an
táng Chúa: Chúa Kitô đã sống lại và vĩnh viễn chiến thắng cái chết! Khi đó chúng
ta sẽ có thể thực sự hiểu được mầu nhiệm của Thập Giá. Một tác giả xưa đã viết:
”Như Thiêm Chúa có thể tạo ra các điều kỳ diệu trong cái không thể được để ta
biết rằng chỉ có Người có thể làm điều Người muốn. Từ cái chết của Người là sự
sống của chúng ta, từ các vết thương của Người là sự lành bệnh của chúng ta, từ
sự ngã đổ của Người là sự phục sinh của chúng ta, từ việc Người đi xuống mà
chúng ta được đi lên” (Antonimo Quartodecimano). Được lòng tin vững vàng linh
động trong đêm Vọng Phục Sinh, chúng ta sẽ tiếp đón các anh chị em tân tòng và
sẽ lập lại các lời hứa của bí tích Rửa Tội. Như thế chúng ta sẽ kinh nghiệm rằng
Giáo Hội luôn sống động, tươi trẻ luôn mãi, luôn mãi xinh đẹp và thánh thiện, vì
dựa trên Chúa Kitô là Đấng đã phục sinh và không chết nữa.
Rồi Đức Thánh Cha kết luận bài huấn dụ như sau: Anh chị em thân mến, Mầu Nhiêm
phục sinh mà Tam Nhật Tuần Thánh sẽ khiến cho chúng ta sống trở lại, không phải
chỉ tưởng niệm một một thực tại qúa khứ, mà là một thực tại: ngày hôm nay với
tình yêu của Người, Chúa Kitô cũng chiến thắng tội lỗi và cái chết. Sự Dữ, trong
tất cả mọi hình thái của nó, không có tiếng nói cuối cùng. Chiến thắng cuối cùng
là của Chúa Kitô, của chân lý và tình yêu! Trong đêm Vọng Phục sinh thánh Phaolo
nhắc nhớ cho chúng ta biết rằng: nếu chúng ta sẵn sàng đau khổ và chết với Chúa
Kitô, thì sự sống của Người sẽ là sự sống của chúng ta (x Rm 6,9). Cuộc sống
Kitô của chúng ta được xây dựng và dựa trên sự chắc chắn đó. Xin Mẹ Maria Rất
Thánh, là Đấng đã theo Chúa Giêsu trên con đường của Khổ Nạn và Thập Giá và đã
ôm Người trong vòng tay sau khi hạ xác Người, bầu cử cho chúng ta.
Đức Thánh Cha đã chúc tín hữu Tam Nhật Phục Sinh sốt mến rồi cất Kinh Lậy Cha và
ban phép lành cho mọi người.
Linh Tiến Khải
VATICAN. Chiều ngày 2-4-2007, ĐTC Biển Đức 16 đã chủ sự thánh lễ tại Quảng trường Thánh Phêrô để cầu nguyện cho Đức Gioan Phaolô 2 nhân lễ giỗ thứ 2 của Người.
Cùng đồng tế với ĐTC có 40 Hồng y, trước sự hiện diện của lối 50 GM, và 20 ngàn tín hữu, dưới bầu trời nắng xuân. Tổng thống Ba Lan, Lech Kaczinski, đông đảo các vị đại sứ, cũng tham dự thánh lễ. Đặc biệt có nữ tu Marie Simon Pierre, người Pháp, đã được khỏi bệnh Parkinson một cách lạ lùng ngày 2-6-2005 nhờ lời chuyển cầu của Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô 2.
Giống như ngày lễ an táng Đức Cố Giáo Hoàng, ĐTC và đoàn HY đồng tế đi rước từ Cửa Đồng tiến vào Quảng Trường, thay vì từ bên trong Đền Thờ tiến ra lễ đài.
Trong bài giảng thánh lễ, ĐTC đã chào thăm mọi người, đặc biệt là ĐHY Stanislaw Dziwisz, TGM Cracovia, cựu bí thư của Đức Cố Giáo Hoàng. Dựa vào bài Tin Mừng của ngày Thứ Hai Tuần Thánh, kể lại sự tích bà Maria xức dầu thơm cho chân Chúa, làm tỏa hương thơm cả nhà, ĐTC cũng ví hương thơm ấy như chứng tá lòng yêu mến của Đức Gioan Phaolô 2 đối với Chúa Kitô, một tình yêu trọn vẹn. Hương thơm tình yêu của Người làm đầy nhà, tức là toàn thể Giáo Hội.. Chúng ta có thể nói tình yêu của ĐGH Wojitla đối với Chúa Kitô tràn đầy, lan tỏa mạnh mẽ và nồng nhiệt ra mọi miền trên thế giới. Lòng quí chuộng, tôn trọng và yêu mến mà các tín hữu cũng như những người không tín ngưỡng đã bày tỏ khi Đức Gioan Phaolô 2 qua đời chẳng phải là một chứng tá hùng hồn nói lên điều đó sao?
ĐTC nhận định rằng” ”Chứng tá phong phú của Đức Cố Giáo Hoàng tùy thuộc nơi Thánh Giá. Trong cuộc sống của Đức Karol Wojtila, từ ”thập giá” không phải chỉ là một danh từ xuông. Ngay từ thời thơ ấu và tuổi trẻ, Người đã cảm nghiệm đau khổ và sự chết. Rồi khi làm LM, và GM, nhất là khi làm Giáo Hoàng, Người rất coi trọng lời kêu gọi cuối cùng của Chúa Kitô Phục Sinh gửi tới Simon Phêrô bên bờ hồ Galilea: ”Hãy theo Thầy, con hãy theo Thầy” (Jn 21,19.22). Đặc biệt với sự lan tràn chậm chạp nhưng không tránh nổi của bệnh tật, làm cho Người phải từ bỏ tất cả, cuộc sống của Người hoàn toàn trở thành một lễ vật dâng hiến Chúa Kitô, thành lời loan báo sống động về cuộc khổ nạn của Chúa, trong niềm hy vọng tràn đầy niềm tin về sự phục sinh”.
ĐTC nhắc đến sự kiện án phong chân phước cho Đức Gioan Phaolô 2 được tiến hành mau lẹ, và đã kết thúc giai đoạn điều tra cấp giáo phận ban sáng cùng ngày. Ngài cũng ghi nhận rằng 'Tước hiệu 'Tôi tớ Chúa' thật là điều thích hợp đối với Đức Cố Giáo Hoàng: Chúa đã gọi Người phụng sự Ngài trên con đường Linh Mục, và đã dần dần mở cho Người những chân trời ngày càng rộng lớn hơn, từ giáo phận của Người cho đến Giáo Hội hoàn vũ.. Chiều kích hoàn vũ ấy đã đạt tới mức độ rộng lớn nhất khi Người qua đời, biến cố mà toàn thế giới đã cùng trải qua với sự tham gia chưa từng có trong lịch sử”.
Sau cùng, ĐTC mời gọi mọi người hãy vững vàng tin tưởng và hy vọng như lời Thánh vịnh thứ 26: ”Hãy tin tưởng nơi Chúa, hãy vững mạnh, con tim bạn hãy vững tin và hy vọng nơi Chúa” (Tv 26,13-14). Ước gì khẩu hiệu ”Totus tuus, toàn thân con thuộc về Mẹ” của Đức Giáo Hoàng kính yêu khích lệ chúng ta noi theo Người trên con đường tận hiến trọn vẹn cho Chúa Kitô nhờ Mẹ Maria”.
Bài giảng của ĐTC bị ngắt quãng nhiều lần vì những tràng pháo tay của các tín hữu.
KẾT THÚC CUỘC ĐIỀU TRA LÀM HỒ SƠ PHONG CHÂN PHƯỚC
Ban trưa cùng ngày 2-4-2007, Giáo phận Roma đã chính thức kết thúc cuộc điều tra để thu thập hồ sơ xin phong chân phước cho Đức Gioan Phaolô 2.
Cuộc điều tra tiến hành nhanh kỷ lục trong vòng 21 tháng trời, sau khi được ĐTC Biển Đức 16 chuẩn chước qui luật về việc chỉ được mở án phong chân phước 5 năm sau khi một tín hữu qua đời.
Nghi lễ kết thúc do ĐHY Camillo Ruini, Giám quản Roma, chủ sự, sau kinh trưa tại Đền thờ Thánh Gioan Laterano, trước sự hiện diện của đông đảo các HY, đặc biệt là ĐHY Dziwisz, các GM và cả tổng thống Ba Lan Kaczynski, và hàng ngàn tín hữu ngồi chật thánh đường.
Trước mặt mọi người, vị thỉnh nguyện viên là Đức Ông Slowomir Oder đã tuyên thệ chu toàn công tác chuyển đệ tất cả các hồ sơ đã thu thập được lên Bộ Phong Thánh, rồi ĐHY Giám quản, các vị thẩm phán, vị chưởng tín và vị thỉnh nguyện viên đã ký vào văn bản cùng với vị công chứng viên.
Ngỏ lời vào cuối buổi lễ, ĐHY Ruini gợi lại một số nét nổi bật trong cuộc đời của Đức Gioan Phaolô 2, trước tiên là lòng gắn bó của Người với Chúa, được biểu lộ qua đời sống cầu nguyện nồng nhiệt, ngay từ hồi còn nhỏ cho đến lúc hấp hối. Tinh thần cầu nguyện ấy cũng thấm nhập vào toàn thể đời sống hoạt động của Người.
Nét nổi bật thứ hai là tự do nội tâm của Đức Gioan Phaolô 2 được biểu lộ qua thái độ không hề quyến luyến của cải vật chất, sống trong tinh thần thanh bần hoàn toàn, như thể không cần sự gì. Tự do nội tâm ấy cũng khiến Đức Cố Giáo Hoàng luôn sẵn sàng lắng nghe, chấp nhận phê bình, đón nhận sự cộng tác và tôn trọng tự do của các cộng sự viên, nhưng Người cũng biết giữ thái độ độc lập trong những quyết định chung kết; Người không ngại bày tỏ những lập trường khó khăn bất chấp phản ứng của những nhà cầm quyền thù nghịch đối với Giáo Hội, hoặc của dư luận quần chúng.
ĐHY Ruini cũng nhấn mạnh rằng lòng yêu mến của Đức Gioan Phaolô 2 đối với Thiên Chúa không hề tách rời khỏi lòng yêu mến tha nhân. Người quan tâm săn sóc giúp đỡ người nghèo, ngay từ hồi còn trẻ, thậm chí ngài đã mang chăn mền của ngài để tặng cho một gia đình nghèo, như lá thư của một phụ nữ Ba Lan hồi tháng 6 năm 1967 đã làm chứng. ĐHY Giám quản nói đến lòng nhiệt thành của Đức Cố Giáo Hoàng trong cuộc chiến đấu cho sự giải thoát khỏi các chế độ độc tài cộng sản, kiên trì đòi hỏi công bằng cho các dân tộc bị đói và bênh vực hòa bình thế giới, bảo vệ sự sống con người. Đức Gioan Phaolô 2 cũng hăng say đối với chính nghĩa đại kết các tín hữu Kitô vì xác tín đó chính là ý muốn rõ ràng của Chúa Kitô. Sau cùng, Người cũng nổi bật về sự chấp nhận khổ đau cứu độ và lòng kính mến Mẹ Thiên Chúa. (SD 2-4-2007)
G. Trần Đức Anh OP
Radio Vatican
Saigòn, Việt Nam (1/04/2007) - Chiều ngày 31 tháng 3 năm 2007, ban Mục Vụ giới trẻ Saigon tiếp nối ngày quốc tế giới trẻ thế giới lần thứ 22 đã tổ chức đại hội Mùa Chay cho giới trẻ tại trung tâm Mục Vụ của giáo phận.
Có khoảng hơn 10 ngàn bạn trẻ đến từ 15 giáo hạt và những bạn trẻ đang học và sinh sống tại Sai gòn cũng quy tụ dưới mái nhà yêu thương của tổng giáo phận.
Mặc cho cái nắng cháy người, mặc cho cái nóng hừng hực bốc lên từ sân, mặc cho trời không có gió và đặc biệt là không có ghế ngồi, các bạn trẻ ngồi tạm trên nền xi măng nóng bỏng... không vì thế mà làm bớt đi làn sóng người ồ ạt tiến vào ngày càng đông và thứ tự đứng vào hàng lối.
Ðón các bạn trẻ ngay ngoài cổng của đại hội này khác biệt với những lần trước, đó là sự hiện diện của những tu sĩ trẻ trong bộ tu phục của mỗi dòng. Mỗi bạn trẻ được quý tu sĩ đón bằng nụ cười thân thiện và trao cho những cành lá dừa chuẩn bị hành trình lên Giêrusalem với Thầy Giêsu.
Chương trình đại hội với chủ đề Yêu Như Giêsu được chia thành 3 phần là Tình Yêu Thập Giá, Tình Yêu Thánh Thể và Tình Yêu trong đời.
Nhóm lửa hồng đã phá băng bằng những bài múa tập thể và bài ca chủ đề cùng với băng reo đã làm xua tan đi những mệt nhọc của quãng đường dài của các bạn trẻ, sự hoà nhập và niềm vui nhanh chóng lan toả trên từng gương mặt. Cả khán trường như cùng rung lên với tiếng trả lời của 1 vạn người trong băng reo khi anh Lê Ðức Hùng hô: Yêu như Giêsu, tiếng đáp trả của ba lần hô là cảm thông, phục vụ và yêu thương... các bạn hô như đã cảm nghiệm, đã hành động và đã sống những kinh nghiệm ấy sâu sắc trong lòng mình, những tiếng hô vang, dứt khoát và xác tín.
Mở đầu cho ngày đại hội, cha Gioan Lê Quốc Việt đã chào mừng các bạn từ khắp nơi và cầu chúc một ngày tràn đầy thánh sủng. Ðáp lại của cha đặc trách, các bạn trẻ cũng chào mừng cha bằng những tràng pháo tay không ngớt.
Phần một với Tình Yêu Thập Giá, Linh mục Ân Ðức và Kim Toan phụ trách diễn nguyện Mầu Nhiệm Vượt Qua 7 chặng tiêu biểu: vượt qua, vườn cây Dầu, nụ hôn Giuđa, Phêrô chối Thầy, phụ nữ thành Giêrusalem khóc thương Chúa, lột áo và chặng cuối cùng đóng đinh Chúa vào thập giá. Ở mỗi chặng, ngoài diễn viên chính đã được tập dượt từ nhiều tháng trước đều có diễn viên quần chúng là tất cả các bạn trẻ cùng tham gia, tạo nên một hiệu ứng đến từng tâm hồn của mỗi người.
Phần 2 của đại hội mang tên Tình Yêu Thánh Thể, đây chính là thánh lễ do Ðức Hồng Y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn chủ tế cùng quý linh mục trong giáo phận. Ðức Hồng Y vừa trở về từ Nhật Bản, Ngài về đến phi trường Tân Sơn nhất lúc 15g 30.
Trong bài giảng Ðức Hồng Y chia sẻ cho mọi người về tình yêu vô biên của Thiên Chúa, yêu con người đến độ nhận lấy cái chết như một tên phản loạn chống lại cả đạo và đời. Một tình yêu hiến tế mà con người không thể nhận ra, không thể lãnh hội được.
Ngài nhấn mạnh Tình Yêu Chúa chấp nhận tủi nhục để phục hồi sự sống và nhân phẩm của mỗi người chúng ta.
Ngài chia sẻ về cuộc viếng thăm Nhật Bản, Ngài đến Hirôsima và Nagazaki, hai nơi bị tàn phá bởi bom nguyên tử, những tổn hại về nhân sự và tài sản cùng với những di chứng sau chiến tranh rất lớn. Những tang chứng chiến tranh được đặt trước sân nhà thờ với tượng ảnh Chúa, Mẹ và các Thánh gãy đầu, mất tay, sứt mẻ hay vỡ nát. Ngài nói với Ðức Giám Mục của Nagazaki: Ngày xưa chỉ có một mình Chúa chịu nạn, ngày nay tại Giáo phận của Ðức cha có 80 ngàn người (chết liền sau khi bị bỏ bom), rồi thêm Ðức Mẹ và các Thánh cùng chịu tử đạo.
Ngài đến Kolbê thăm nơi bị động đất năm 1995 với hơn 6 ngàn người chết , nhà cửa sụp đổ, nhà thờ tan hoang. Tuy nhiên tại một ngôi thánh đường nho nhỏ nơi có khoảng 800 người Việt sinh sống các tượng trong nhà thờ vỡ hết nhưng có bức tượng Thánh Tâm cao khoảng 1 mét do người Việt Nam mang qua vẫn nguyên vẹn. Ðức Hồng Y đã hỏi ông hội đồng giáo xứ là người bản xứ: Có bí quyết nào giữ tượng Thánh Tâm nguyên vẹn trong khi nhà thờ đổ nát, suy nghĩ vài giây ông trả lời: Bí quyết đó là niềm tin công giáo của người Việt Nam. Ðức Hồng Y nói lúc đó mình vui mừng lắm, vì dù trong hoàn cảnh tha phương cầu thực, người Việt mình vẫn giữ vững được niềm tin.
Bất giác tôi nhìn lên ngọn đuốc được thắp khi bắt đầu đại hội vẫn rừng rực cháy, dù ngọn gió có thổi về hướng nam hay về phương bắc, đuốc vẫn sáng, tỏ rõ những gương mặt của các bạn trẻ nghe Ðức Hồng Y chia sẻ cách chăm chú, nghiêm trang.
Trong phần 3 với Tình Yêu trong đời, các bạn trẻ hôm nay được Nguyễn Bách và đạo diễn Quang Minh cho thưởng thức vở Opera hai hồi theo phong cách Rock. Vở Jesus Christ Superstar được hoàn tất và công diễn lần đầu tiên vào năm 1971 với phần âm nhạc của Andrew Llyod Webber và ca từ của Tim Rice đã tạo nên một hình ảnh mới về Ðức Giêsu: nhà tiên tri của thời đại hiện nay. Hôm nay trong phần công diễn, các bạn trẻ được thưởng thức trích đoạn nổi tiếng nhất và đã được cải biên cho phù hợp với hoàn cảnh Việt Nam, mặc dù hát bằng tiếng Anh, song các bạn trẻ được xem phụ đề trên màn ảnh. Vở kịch này đã được chính Ðức Hồng Y đổi thành tên "để tưởng niệm cuộc vượt qua của Ðức Giêsu". Vở kịch đã đem lại cho các bạn trẻ những suy tư từ lời thoại của các nhân vật. Như khi Giuđa không đồng ý bán Chúa với giá 30 đồng. Caipha đã nói: "Sự phản bội lúc nào cũng rẻ tiền". Câu nói này đã nhận được những tràng pháo tay tán thưởng.
Kết thúc vở Opera là hợp xướng Suối Việt thuộc giáo xứ Ðaminh, các ca đoàn thuộc giáo xứ Tân Hoà, giáo xứ Tống Viết Bường cùng hát chung 3 bài: khải hoàn ca (Nguyễn Bách), cùng hát vang (nhạc L. V. Beethoven) và Hallelujah (nhạc G. F. Haendel).
Sau đó các bạn trẻ được nghe anh Sơn, người thanh niên ở trung tâm Mai Hoà chia sẻ về bản thân khi mắc căn bệnh thế kỷ. Anh chia sẻ: Vì tính ích kỷ và thói kiêu căng và những cuộc ăn chơi trác táng đã làm cho anh mang căn bệnh này. Trong một lần quẫn trí, anh lao đầu vào xe lửa, nhưng cuộc đời chỉ lấy đi hai đôi chân của anh. Bây giờ anh cảm thấy đáng sống hơn bao giờ hết, dù biết mình vướng AIDS, nhưng mình ý thức được sự sống là phần thưởng quý giá mà mỗi người được Thiên Chúa ban cho. Anh Sơn đã được các bạn trẻ gọi tên, hô to: cố lên anh Sơn, I love anh Sơn và những tràng pháo tay vang dội khích lệ. Anh đã làm chứng về tình yêu Thiên Chúa dành cho anh, từ một người Tin lành, giờ đây anh đã trở thành người Kitô hữu, người làm chứng cho Tình Yêu.
Kết thúc chương trình, Ðức Hồng Y mời gọi các bạn trẻ hãy lên đường đem tình yêu vào đời. 30 bạn trẻ đại diện đã nhận những bó đuốc từ tay Ðức Hồng Y với ý nghĩa đáp lại lời mời gọi lên đuờng trong tinh thần hăng say loan báo Tin Mừng và với một quyết tâm trong năm sống đạo của Mùa Chay này đó là Yêu Như Giêsu.
Sr. Minh Nguyên
PHÚ CƯỜNG -- Mùa Chay năm nay, Ban Mục vụ giới trẻ giáo phận Phú Cường tổ chức chương trình tĩnh tâm cho giới trẻ tại các giáo hạt vào các ngày Thứ Sáu hàng tuần. Nhân dịp này, các bạn trẻ cũng đã lãnh bí tích Giao Hòa để chuẩn bị mừng Chúa Phục Sinh.
Vào ngày thứ Sáu 09/03/2007, các bạn trẻ của 9 giáo xứ và giáo họ thuộc khu vực Bình Long của Giáo hạt Bình Long đã qui tụ về nhà thờ Phú Lương tham dự chương trình tĩnh tâm mùa Chay 2007. Giáo xứ Phú Lương do cha Giuse Nguyễn Minh Chánh làm chánh xứ. Đúng 17g00, chương trình được bắt đầu với phần sinh hoạt giao lưu do Ban Giới trẻ hạt Bình Long phụ trách. 18g00, các bạn trẻ chào mừng Ban Mục vụ giới trẻ giáo phận. Sau đó Ban Mục vụ Giới Trẻ Giáo Phận giúp các bạn trẻ tĩnh tâm theo chương trình chung. Vào lúc 20g00, Thánh lễ đồng tế do Cha đặc trách giới trẻ giáo phận chủ sự. Trong bài giảng lễ, một lần nữa, ngài nhắc lại lời mời gọi sống tinh thần mùa Chay năm nay với một tinh thần yêu thương và phục vụ : Phục vụ tất cả những ai khi họ cần đến chúng ta, phục vụ một cách vô vị lợi, với tất cả tấm lòng quảng đại và thành tâm thiện chí. Theo cha Đaminh Nguyễn Văn Chí, phụ trách giới trẻ Hạt Bình Long, năm nay chương trình tĩnh tâm của các bạn trẻ hạt Bình Long sẽ được tổ chức tại hai khu vực : khu vực Bình Long (tại nhà thờ Phú Lương) vào ngày Thứ Sáu 09/03/2007 và khu vực Chơn Thành tại nhà thờ Mỹ Hưng vào ngày 23/03/2007.
Thứ Sáu 16/03/2007, các bạn trẻ giáo hạt Lạc An đã tập trung về nhà thờ Võng Phan tham dự chương trình tĩnh tâm do Ban Mục vụ Giới trẻ giáo phận hướng dẫn.
Thứ Sáu 23/03/2007, các bạn trẻ giáo hạt Tha La và Tây Ninh đã tập trung về nhà thờ Vinh Sơn – Tây Ninh để tham dự chương trình tĩnh tâm.
Thứ Sáu 30/03/2007, các bạn trẻ
giáo hạt Phước Thành tham dự chương trình tĩnh tâm tại nhà thờ Kỉnh Nhượng.
Ngoài ra, vào các Chúa Nhật thứ ba, thứ tư và thứ năm mùa Chay, Ban Mục vụ giới
trẻ giáo phận cũng đã đến giáo xứ Bà Trà để giúp các bạn trẻ giáo hạt Phú Cường-
đặc biệt là các bạn trẻ di dân đang làm công nhân tại các khu công nghiệp thuộc
khu vực Thị Xã, Huyện Dĩ an, và Thuận an -Tĩnh tâm Mùa Chay.
Chương trình tĩnh tâm giới trẻ năm nay, ban mục vụ giới trẻ giáo phận đã chia sẻ
với các bạn trẻ Phần thứ nhất với những sinh hoạt của giới trẻ thế giới qua các
kỳ đại hội giới trẻ tại Toronto – Canada và Koln – Đức, Đại hội Gíơi trẻ Châu Á
tại Bangalore – An độ; những sinh hoạt của giới trẻ Việt Nam và đặc biệt là
những sinh hoạt của giới trẻ giáo phận Phú Cường từ năm 2002 cho tới nay. Tất cả
được trình bày bằng những hình ảnh minh họa một cách sinh động đã giúp các bạn
trẻ có một cái nhìn thoáng qua về sinh hoạt giới trẻ nói chung trên toàn thế
giới.
Tiếp theo, trong Phần thứ hai, Ban Mục vụ giới trẻ nói đến những thực trạng của giới trẻ trong thời đại hôm nay với những thuận lợi và những khó khăn trong một xã hội đầy những biến động, với những vận hội và thách thức mới cho giới trẻ. Trong phần này, các bạn trẻ được tiếp xúc với những chứng từ sống động đó là những bệnh nhân AIDS tại trung tâm Mai Hòa – Củ Chi. (nơi chăm sóc và nuôi dưỡng những bệnh nhân AIDS giai đoạn cuối) Các anh em bệnh nhân AIDS đã chia sẻ với các bạn trẻ câu chuyện cuộc đời của chính Họ: về những tâm tư của những người có một quá khứ lỗi lầm, về sự dằn vặt nuối tiếc khi mang trong mình căn bệnh thế kỷ, về việc nuôi dưỡng niềm hy vọng của một hành trình niềm tin và gởi trao những thông điệp về hiểm họa của tệ nạn xã hội.
Các bệnh nhân AIDS đã có những
lời khuyên thật cụ thể và chân tình đối với các bạn trẻ và những người tham dự.
Buổi gặp gỡ và giao lưu đã giúp các bạn trẻ có thêm những kiến thức về “căn bệnh
thế kỷ”, cũng như có được sự thông cảm đối với những người đang mắc bệnh AIDS
giai đoạn cuối. Đặc biệt là qua buổi gặp gỡ giao lưu, các bạn trẻ ý thức hơn về
đời sống luân lý và đời sống tâm linh của mình.
Phần thứ ba Ban Mục vụ đã đưa ra những định hướng cho các bạn trẻ dựa trên Sứ
điệp Mùa Chay 2007 và Sứ điệp Giới trẻ 2007 của Đức Thánh Cha Bênêđíctô XVI,
cũng như dựa trên Thư Mục vụ 2006 với chủ đề “Sống Đạo Hôm Nay” của Hội Đồng
Giám mục Việt Nam, và thư mục vụ mùa Chay của Đức Giám Mục Phêrô Trần Đình Tứ.
Qua nội dung của các văn kiện kể trên, các bạn trẻ được mời gọi chiêm ngưỡng mẫu
gương tình yêu của Thiên Chúa, qua tình yêu thập giá của Đức Kitô và được nhắc
nhở hãy trở thành “chứng nhân tình yêu” bằng cách sống: yêu thương và phục vụ.
Trong phần tĩnh nguyện, Ban Mục giới trẻ đã giúp các bạn trẻ sám hối chung để lãnh nhận bí tích Hòa Giải. Và đỉnh cao của chương trình tĩnh tâm là các bạn trẻ tham dự chặng Đàng Thánh Giá ngoài trời trọng thể. Đặc biệt tại Giáo xứ Bà Trà (Hạt Phú Cường) và Giáo xứ Kỉnh Nhượng (Hạt Phước Thành), Ban Mục vụ giới trẻ đã tổ chức Diễn nguyện chặng đàng Thánh Giá sống động với khoảng 60 diễn viên diễn lại 14 chặng đường thương khó mà Chúa Giêsu đã trải qua.
Phần tĩnh nguyện được kết thúc với nghi thức cung nghinh Thánh Giá và lời mời gọi biến đổi : Các bạn trẻ tham dự lần lượt lên đặt tay trên Thánh Giá và âm thầm bày tỏ quyết tâm biến đổi của mình với một bầu khí thật trang trọng và sốt sắng.
Lê Vy
“ Thầy là cây nho thật, và Cha Thầy là người trồng nho. Cành nào gắn liền với Thầy mà không sinh hoa trái, thì Người chặt đi; còn cành nào sinh hoa trái thì Người cắt tỉa cho nó sinh hoa trái nhiều hơn” ( Ga 15,1-2 )
Cắt tỉa, một công việc quen thuộc với nghề nông. Để cây cối sinh hoa kết trái tốt tươi không thể không cắt tỉa lá cành. Người ta không chỉ cắt tỉa những là cành khô hay sâu bệnh mà cả những cành lá xum xuê khi chúng là nguyên khiến cây khó trổ sinh hoa trái dồi dào. Nói theo kiểu chuyên môn là hạn chế cây “ phát sinh” để cho nó tăng “phát dục”.
Khi cuộc sống vật chất kinh tế tương đối đầy đủ và tiến dần đến chỗ dư dả, khi người ta không chỉ có của ăn mà còn có của để thì các sinh hoạt nghệ thuật đua nhau phát triển. Nói như anh em Mác xít thì hạ tầng kiến trúc quyết địng thượng tầng kiến trúc. Những năm gần đây, với sự đổi mới của đất nước, đời sống dân ta cũng khấm khá hơn. Và các sinh hoạt nghệ thuật cũng nỡ rộ. Phong trào chơi cây cảnh ( bon sai ) đang lan tận cả vùng nông thôn. Nhiều người nhờ thế mà có công ăn việc làm, chưa kể đến một số người nhờ nó mà giàu lên cách nhanh chóng.
Trong cái nghề cây cảnh thì cắt tỉa là một công việc vừa mang tính chuyên cần, tỉ mỉ, cẩn thận và cũng không thể thiếu tính nghệ thuật. Để có cây đẹp, cảnh đẹp thì phải cắt tỉa. Để làm đẹp cho vẻ dáng bên ngoài, con người cũng cắt tỉa bản thân như tóc tai, môi mắt… Thế là ngành giải phẩu thẩm mỹ ngày càng “phất lên” và dường như khó bề thất nghiệp khi mà đời sống kinh tế ngày càng lên cao. Giải quyết khâu ăn no thì người ta thèm ăn ngon. Giải quyết được khâu mặc ấm thì người tìm cách mặc đẹp. Bảo đảm được sức khỏe thì người ta mong được xinh xắn hơn. Quy luật tự nhiên thế thôi.
Xã hội ta, đất nước ta, Hội Thánh ta cũng là những cơ thể sống. Để phát triển và ngày càng nên hoàn thiện hơn, chắc hẳn việc cắt tỉa là cần thiết một cách nào đó. Những đối tượng cần cắt tỉa đó là lề lối tổ chức, cơ chế vận hành, luật lệ áp dụng… Xét về khía cạnh nhân loại thì không một luật lệ, tổ chức hay cơ chế nào tự nó là hoàn hảo cho mọi hoàn cảnh, mọi nơi, mọi thời. “ Không ai tắm hai lần trong cùng một dòng sông”. Các triết gia cổ đại đã nghiệm ra chân lý này : Mọi sự trên đời này luôn đổi thay. Hoàn cảnh đổi thay, cuộc sống đổi thay, cả đến con người chúng ta cũng thay đổi từng ngày, từng giờ, từng giây. “ L’homme c’est l’être en devenir”. Cắt tỉa hay gột bỏ là động thái tất yếu mang tính quy luật xét về đời sống tự nhiên cũng như xã hội và cả trong đời sống tâm linh, tôn giáo. Cắt tỉa để tồn tại. Cắt tỉa để phát triển và nhất là để hoàn thiện. Vậy cần phải gột bỏ hay cắt tỉa những gì ?
- Những yếu tố không còn sự sống : Lá úa vàng rồi sẽ rụng xuống là lẽ đương nhiên của cây cỏ. Các tế bào chết trong cơ thể con người cũng cần loại bỏ vì đó là lẽ tự nhiên và là chuyện bình thường chẳng một ai nghi ngại. Những hình thái tổ chức xã hội cổ xưa kém văn minh hay thiếu tính nhân văn thì cũng đã bị lịch sử đào thải. Ngay cả các hình thức tín ngưỡng, tôn giáo gây hại đến sự sống, sự tồn vong của nhân loại cũng dần biến mất.
- Những yếu tố đang tồn tại nhưng lại ảnh hưởng xấu đến sự sống, đến sự phát triển của giới tự nhiên và đặc biệt của con người : Dẫu biết rằng cần phải cắt tỉa những nhánh, những cành cây đang xum xuê lá để cây sinh trái nhiều hơn thì một nông dân bình thường không phải một sớm một chiều đã mạnh tay dứt bỏ chúng. Cần phải có sự hiểu biết một cách nào đó về quy luật sinh trưởng của cây cối người ta mới mạnh dạn làm chuyện cắt tỉa. Còn các yếu tố xã hội và tôn giáo đang tồn tại thì khó hơn nhiều cho dù chúng thực sự không còn tính hữu dụng thậm chí đang làm trì trệ con người và xã hội. Rượu cũ thì ngon hơn. Tâm lý hoài cổ là một thói quen tuy không xấu nhưng dễ dẫn đưa người ta đến chỗ thủ cựu. Giữa tâm lý thủ cựu và thói quen bảo thủ nhiều khi khó nhận ra ranh giới.
Con người là một cơ thể sống. Xã hội là một cơ thể sống. Các tập thể tôn giáo cũng là một cơ thể sống. Đã là sống thì luôn có sự vận động và thay đổi. Vận động, thay đổi để tồn tại và phát triển theo các quy luật tự nhiên và xã hội. Bất cứ sự thay đổi nào cũng có đau xót cả về thể lý lẫn tinh thần. Để có sự phát triển và hoàn thiện thì phải chấp nhận sự đổi thay. Đây là một trong những quy luật tất yếu ta không thể không chân nhận. Tuy nhiên để đón nhận nó trong hiện thực thì không mấy dễ dàng, vì sự đau xót luôn có đó khi phải đổi thay, khi phải đoạn tuyệt một cái gì đã từng gắn bó với ta.
Loại bỏ hay cắt tỉa những sự xấu về thể lý hay tâm linh là điều dễ hiểu. Đã là ung nhọt thì dù là lành tính hay ác tình thì cần phải cắt bỏ nếu tình trạng sức khỏe cho phép. Là con cái Chúa thì dù là tội mọn hay tội lớn, ta cũng cần phải tìm cách khử trừ. Những thể chế, luật lệ xã hội, kể cả tôn giáo, nếu trái với quyền lợi chính đáng của con người ( nhân quyền ), nếu cản trở đường nên hoàn thiện của Kitô hữu là nên hoàn thiện như Cha trên trời, thì chắc chắn cũng cần phải bỏ đi.
Tuy nhiên điều muốn đề cập ở đây là có những cơ chế, luật lệ tuy không xấu và có khi đã từng có tác dụng tốt trong quá khứ nhưng hiện nay lại không còn phù hợp với sự phát triển của con người, của xã hội, của tập thể tôn giáo thì cũng cần phải cắt tỉa hay gột bỏ chúng đi. Việc gột bỏ hay cắt tỉa những yếu tố này xem ra khó khăn hơn nhiều. Nhớ lại thời Hội Thánh sơ khai, chúng ta phải cảm phục thái độ dứt khoát của Công Đồng Giêrusalem. Nghi thức cắt bì vốn đã ăn rễ sâu trong tâm thức người Do Thái giáo. Mặc dù xuất phát từ một phong tục mang chiều kích sức khỏe thời bấy giờ. Cắt bì để ngăn ngừa các bênh viêm nhiểm cơ quan sinh dục nam của những người ở xứ nóng. Đây là một tập quán có thể nói là tốt xét theo khía cạnh y khoa. Và rồi người Do Thái đã mặc cho nó chiều kích tôn giáo. Cắt bì trở thành một nghi lễ “ghi danh nhập đạo”. Nó đã trở thành một trong những dấu chỉ nhận biết ai là người thuộc Do Thái giáo.
Các Tông đồ hẳn biết rõ điều này. Các Ngài còn biết rằng Kitô giáo một cách nào đó là kế thừa Do thái giáo. Thế mà các Ngài đã dứt khoát cắt bỏ tập tục hay nghi lễ cắt bì ( x.Cvtđ 15,13-29 ). Sự phản ứng chắc chắn có đó, nhất là phía anh chị em Kitô hữu gốc Do Thái giáo. Quả thật người ta khó mà rời bỏ truyền thống của cha ông. Một ai đó can đảm cắt tỉa hay gột bỏ những truyền thống, tập tục tiền nhân vì chúng không còn hữu dụng cho hôm nay hoặc có thể làm cản trở sự phát triển của hôm nay thì rất dễ bị quy chụp là vong ân, là mất gốc, là phản động, là rối đạo hay lạc đạo…
Đang còn đó trong xã hội chúng ta, trong Hội thánh chúng ta nhiều cơ chế, luật lệ, nhiều truyền thống, tập tục đã chấm dứt vị trí và vai trò của chúng. Dòng chảy lịch sử không thể ngừng lại. Xã hội loài người ngày càng thay đổi. Chắc chắn nhiều sự cần được đổi thay cho phù hợp với đà phát triển của nhân loại. Và dĩ nhiên việc cắt tỉa những yếu tố mang tính tiêu cực là điều hiển nhiên phải làm. Ai là người cần phải tiên phong trong việc này. Chắc chắn không ai thuận lợi hơn những vị đang nắm quyền cao, chức trọng trong đạo lẫn ngoài đời. Tuy nhiên vẫn có đó nhiều người chưa muốn hay không muốn dứt bỏ những yếu tố tiêu cực ấy khi chúng đang còn là nguyên cớ đem lại lợi lộc cho bản thân hay cho tập thể của mình.
Cùng tất biến. Biến tất thông. Một nguyên lý xã hội đã từng hiện thực trong lịch sử bằng những cuộc cách mạng làm thay đổi triều đại, thay đổi chế độ. Không một ai, không một tập thể cai trị nào có thể giữ mãi những yếu tố tiêu cực để hưởng lợi ích kỷ lâu dài. Ngay trong lãnh vực tôn giáo cũng có hiện tượng này. Sự xuất hiện các tôn giáo mới phải chăng là một sự “ biến – thông” ? Có người cho rằng sự xuất hiện của Phật giáo là một dạng “biến – thông” của Ấn giáo. Và Kitô giáo là một dạng “biến – thông của DoThái giáo ? Đâu là nguyên nhân của sự xuất hiện các giáo phái dường như không đếm nỗi hiện nay ? Câu hỏi này xin dành cho các nhà tôn giáo học trả lời. Phần người viết chỉ dám mạo muội nói lên sự cần thiết của việc cắt tỉa. Mong sao có nhiều người can trường như các Tông đồ ngày xưa để xã hội và Hội Thánh Chúa có điều kiện thuận lợi để phát triển và hoàn thiện.
(Thuận Hiếu – Ban Mê Thuột)
LM Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
Từ khi còn thơ bé nằm trong nôi, ông bà cha mẹ, linh mục chúng ta đã ghi vẽ hình Thánh gía trên trán, trên thân thể chúng ta rồi. Và trong suốt dọc đời sống người Công giáo đã làm dấu Thánh gía không biết bao nhiêu lần, mỗi khi đọc kinh câu nguyện hoặc ở nhà thờ, hoặc ở nhà tư riêng một mình hay với chung gia đình.
Chúng ta đọc lời kinh đang khi làm dấu Thánh gía. Nhưng phần lớn không chú tâm đến lý nghĩa kời kinh cùng cử chỉ vẽ hình Thánh gía. Làm vì lòng tin và theo thói quen nữa. Việc này tốt lành đạo đức.
Rồi trong đời sống, ở nhà tư hay trong thánh, hay có người còn mang đeo thánh gía trên cổ, cài trên áo nữa. Rất nhiều khi nhìn chọn thánh gía, nhưng bình luận nhận xét hình thánh gía theo cảm gíac thị hiếu của ta., theo nấc gía trị nghệ thuật. Nhưng thánh gía đâu có không phải là vật thể theo nhãn quan thị hiếu của ta, không phải là một vật thể nghệ thuật. Thánh gía là một “ chắn ngang lối cuộc đời”.
Chúa Giêsu loan báo sống làm chứng tin mừng của Thiên Chúa cứu độ, chữa lành, đầy tình thương mến cho con người. Nhưng chính tin mừng tình yêu thương tha thứ đó lại gây ra sự ghen ghét nơi kẻ chống lại Người.
Thánh gía là hệ qủa của tình yêu Chúa Giêsu cho mọi người. Thánh gía là câu trả lời của kẻ thù chống lại Chúa Giêsu cho đời sống của Ngài, cho tin mừng cứu độ đầy tình yêu thương , mà Ngài loan báo cùng sống làm chứng giữa con người .
Thánh gía đòi buộc kêu gọi con người theo hay không theo Chúa Giêsu, thuận theo sự sống có tình yêu có tự do như ý Thiên Chúa mong muốn, hay thuận theo sự sống bị trói buộc bởi luật lệ, bởi những thói quen cứng đờ đã ăn rễ sâu, thuận theo sự sống trong lo nâu sợ hãi và bị lệ thuộc.
Chúa Giêsu trước sau luôn hằng là một con người đầy tình yêu mến và tự do, cả khi Ngài bị trói buộc, bị đánh đập hành hạ sau cùng bị vật ngã đóng đinh trên thập gía: “ Lạy Cha, xin tha cho chúng. Vì chúng không biết việc chúng làm!”
Chúa Giêsu biết việc mình làm. Ngài sống và loan báo tin mừng tình yêu của Thiên Chúa cho đến hơi thở cuối cùng.
Con người chúng ta nghĩ: Phải chăng Chúa Giêsu khôn ngoan mềm dẻo một ít thôi, chịu theo thỏa thuận, nhường bước thì có lẽ đã không phải bị kết án, bị đóng đinh vào thập gía? Con người chúng ta suy nghĩ như vậy. Vì quen với thoả thuận với giữa có và không!
Quan Phongxiô Philatô, một người ngồi ghế xử án Chúa Giêsu, nhưng lại rất do dự giữa có và không, thay đổi lập trường vị trí của mình liên tục. Philatô thật lòng không muốn kết án Chúa Giêsu. Vì xét ra không thấy tội gì nơi Chúa Giêsu cả. Nhưng trước áp lực của đám đông dân chúng, khiến ông phải quyết định theo bên nào. Thật bối rối khó xử cho ông! Nhưng sau cùng ông đã quy phục áp lực dân chúng, chống lại Chúa Giêsu, chống lại chính lương tâm của ông. Ông muốn được rảnh tay bình yên, muốn bảo vệ vị trí chỗ ngồi của mình, nên đã quyết định y án cho đóng đinh một người vô tội trên thập gía.
Chúa Giêsu thì quyết định dứng về phía Thiên Chúa và về phía ơn cứu độ cho con người.
Ngày thứ sáu tuần Thánh, ngày tưởng niệm kính thờ Thánh gía Chúa Giêsu, Thánh gía của tình yêu Thiên Chúa cho con người. Chúng ta đau buồn, nhưng không cần phải cùng đau buồn thông cảm với Chúa Giêsu, Đấng bị đóng đinh treo trên đó. Cùng đau buồn với tất cả mọi người, ngày hôm nay còn bị ngược đãi hành hạ, bị giết chết thì đúng hơn:” Những gì anh em làm cho một người bé mọn nhật, là anh em làm cho chính Thầy”.
Cùng đau buồn thông cảm với tất cả mọi người đang chối bỏ, và tìm cách loại trừ Chúa Giêsu ra khỏi đời sống.
Ngày Chúa Giêsu chịu khổ hình đóng đinh treo trên thập gía, chỉ đức mẹ Maria
cùng một vài phụ nữ và Thánh Gioan trung thành đứng lưu lại dưới chân thập gía
Chúa Giêsu. Họ đã đứng về phía Chúa Giêsu trong giờ phút bị đe dọa, giờ phút đau
buồn đen tối nhất.
Quan Phongxiô Philatô đã rửa tay để chứng minh mình vô tội, các Môn đệ Chúa Giêsu sợ hãi hoang mang bỏ trốn đi khỏi.
Thánh gía Chúa Giêsu là trung đời sống đức tin hằng ngày. Thánh gía luôn có trong đời sống của mọi người. Không ai có thể loại trừ cất Thánh gía ra khỏi đời sống.
Nhưng Chúa Giêsu đã dùng thánh gía cứu độ con người khỏi hình phạt đau khổ vì tội lỗi. Và qua bị kết án chết trên thập gía, Ngài đã mang tình yêu Thiên Chúa đến cho con người.
Thứ sáu tuần thánh 2007
Lm. Nguyễn Ngọc Long
Thứ Năm Tuần Thánh, toàn thể Giáo Hội Công Giáo kỷ niệm lại bữa Tiệc Ly của Đức Giêsu cùng với các tông đồ, vì cũng ngày này năm xưa trong bữa ăn tối cuối cùng với các tông đồ trước khi đi vào cuộc khổ hình, Đức Giêsu đã lập Bí tích Thánh Thể để làm thần lương nuôi dưỡng người Kitô hữu. Ngài cũng lập Bí tích Truyền Chức Thánh, để thông ban chức linh mục thượng phẩm đời đời cho một số nam nhân được tuyển chọn, tiếp nối sứ mạng của Đức Giêsu là đem ơn Cứu Độ cho nhân loại. Trong thánh lễ chiều hôm nay xin mời cộng đoàn cùng suy tư về đề tài: Linh mục, dấu chỉ của yêu thương và phục vụ.
Kính thưa cộng đoàn,
Vào thế kỷ 19, bên Pháp có một linh mục nổi tiếng tên là Gioan Maria Vianney, cha sở họ Ars. Ngày nay trên lộ trình hành hương về xứ Ars, tại một ngã ba đường người ta đã dựng một bức tượng ghi dấu cuộc gặp gỡ đầu tiên giữa ngài, một cha sở mới về nhận xứ với một chú bé đang đứng ở bên vệ đường cùng với câu nói nổi tiếng: “Con hãy chỉ cho cha đường tới nhà thờ, cha sẽ chỉ cho con đường lên thiên đàng”. Bằng cách nào mà cha Vianney đã chỉ không những cho một chú bé đang tuổi mê chơi mà ngài còn chỉ cho cả giáo dân xứ Ars và rồi sau đó chỉ dẫn cho tất cả những ai đến với ngài đường lên thiên đàng. Cha Vianney đã dùng nhiều phương cách, nhưng nhất là qua hai bí tích Giải Tội và Thánh Thể, cha đã đem nhiều linh hồn về cho Chúa. Tiểu sử của ngài đã ghi lại, mỗi ngày cha Vianney đã giải tội khoảng 18 tiếng đồng hồ và mỗi buổi sáng, ngài đều dọn mình dâng lễ rất sốt sắng. Một hôm có một giáo dân từ nơi xa đến dự lễ của cha Vianney, khi ra về, ông ta đã phải thốt lên: “Tôi đã thấy Thiên Chúa trong một con người”.
Hình ảnh và mẫu gương phục vụ đoàn chiên của cha Gioan Maria Vianney chính là hình ảnh của Đức Giêsu, linh mục thượng phẩm đời đời, là Đấng đã lập nên Bí tích Thánh Thể và Bí tích Truyền Chức Thánh mà chúng ta kỷ niệm lại trong buổi chiều hôm nay. Với ba bài Kinh Thánh mà chúng ta vừa nghe, đã trình bày một cách đầy đủ về ý nghĩa và sự liên kết mật thiết của hai bí tích quan trọng này đối với người Kitô hữu.
Bài đọc thứ
nhất được trích trong Sách Xuất Hành, đã tường thuật về bữa ăn Vượt Qua của
người Do Thái trước khi xuất hành từ Ai Cập trở về Đất Hứa. Theo lệnh của ông
Môisen, mỗi nhà phải giết một con chiên đực vào lúc xế chiều, lấy máu bôi lên
khung cửa, còn thịt sẽ nướng lên và ăn ngay trong đêm ấy với bánh không men và
rau đắng. Mọi người phải ăn vội vã. Đêm ấy Thiên Thần Chúa sẽ rảo qua khắp đất
nước Ai cập, sẽ sát hại các con đầu lòng, còn dấu máu chiên bôi lên cửa nhà
người Do Thái sẽ là dấu hiệu để họ được cứu thoát. Cũng trong đêm ấy vua Pharaô
đã cho phép người Do Thái trở về Đất Hứa.
Bài đọc thứ hai trích từ thư thứ 2 của thánh Phaolô Tông đồ gửi cho tín hữu
Côrintô, tông đồ Phaolô đã nhắc lại cho những người tín hữu biết về bữa ăn sau
cùng của Đức Giêsu, một bữa ăn “Vượt Qua” của thời Tân Ước: “Trong đêm bị nộp,
Chúa Giêsu đã cầm lấy bánh, dâng lời Tạ ơn, rồi bẻ ra và nói: “Đây là Mình Thầy,
hiến dâng vì anh em… Cũng thế, sau bữa ăn, Người cầm lấy chén rượu và nói: “Chén
này là Giao Ước mới, lập bằng Máu Thầy; mỗi khi uống, anh em hãy làm việc này mà
tưởng nhớ đến Thầy” (2Cr 11, 23.24). Như thế với những lời nói và hành động của
Đức Giêsu trong bữa tiệc ly, Chúa đã lập nên Bí tích Thánh Thể để nuôi dưỡng
nhân loại bằng chính Mình Máu Thánh của Ngài. Và với lệnh truyền: “Anh em hãy
làm việc này mà tưởng nhớ đến Thầy”, Đức Giêsu đã lập nên Bí tích Truyền Chức
Thánh để có những con người tiếp nối sứ vụ phục vụ đoàn chiên như chính mẫu
gương của Chúa.
Bài Tin Mừng qua lời tường thuật của thánh Gioan tông đồ, người môn đệ yêu dấu
của Đức Giêsu, đã kể lại giờ phút sau cùng của Chúa tại nhà Tiệc Ly, trước khi
Chúa đi vào vườn cây dầu để bắt đầu hành trình thập giá. Trong bữa ăn tối này,
Đức Giêsu đã thực hiện một việc rất ý nghĩa cho các tông đồ để nhắc nhở các ông
về bổn phận khi làm người phục vụ đoàn chiên, Chúa đã lấy nước rửa chân cho các
ông: “Trong bữa ăn, Người đứng dậy, rời bàn ăn, cởi áo ngoài ra, và lấy khăn mà
thắt lưng. Rồi Đức Giêsu đổ nước vào chậu và bắt đầu rửa chân cho các môn đệ và
lấy khăn thắt lưng mà lau” (Ga 13, 4-5). Hành động phục vụ của Đức Giêsu làm cho
các tông đồ ngỡ ngàng: rửa chân là công việc của người đầy tớ phải phục vụ ông
chủ, thế mà chính Chúa lại đi rửa chân cho các môn đệ. Sau khi đã hoàn tất công
việc rửa chân, Đức Giêsu đã nói với các ông: “Anh em có hiểu biết việc Thầy vừa
mới làm cho anh em không? Anh em gọi Thầy là Thầy, là Chúa, điều đó phải lắm, vì
quả thật Thầy là Thầy, là Chúa. Vậy nếu Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân
cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau” (Ga 13, 13-14). Đây là một
lệnh truyền và cũng là một di chúc của Đức Giêsu để lại cho các tông đồ phải
thực hiện.
Thư Mục vụ của HĐGMVN năm 2006 đã lấy chủ đề “Sống Đạo Hôm Nay” để làm đường hướng mục vụ cho toàn thể Giáo Hội Công Giáo Việt Nam. Trong thư mục vụ này, các vị chủ chăn đã kêu gọi mọi thành phần dân Chúa hãy thể hiện việc sống đạo qua tinh thần yêu thương và phục vụ. Nhắc đến vai trò của linh mục và tu sĩ, các vị chủ chăn đã nhắn nhủ: “Chúng tôi kêu gọi anh chị em hãy nỗ lực và kiên trì dấn thân, để vừa xoa dịu nỗi khổ đau của anh chị em đồng loại, vừa làm cho Chúa Giêsu thực sự hiện diện trong lòng xã hội chúng ta đang sống” (TMV số 8). Để việc phục vụ được thể hiện một cách kiên trì và rõ nét thì đòi hỏi những người dấn thân phải có tinh thần yêu thương như chính Đức Giêsu, qua việc Chúa đã rửa chân cho các tông đồ mà cộng đoàn chúng ta sẽ chứng kiến lại việc rửa chân này ngay sau bài chia sẻ.
Kính thưa cộng đoàn,
Con đường về trời mà cha thánh Gioan Maria Vianney đã chỉ cho chú bé làng Ars khi xưa, chính là con đường mà Đức Giêsu đã thể hiện trong cuộc sống trên trần gian, đặc biệt là trong nhưng giờ phút sau cùng của cuộc đời của Chúa. Chính Chúa đã lập Bí tích Thánh Thể để vừa làm thần lương nuôi dưỡng những ai đi trên con đường nên thánh và cũng để ở với nhân loại cho đến ngày tận thế. Và để có những người hướng đạo, những người dẫn đường, Đức Giêsu đã lập Bí tích Truyền Chức thánh, nhờ đó Giáo Hội mới có những nam nhân được tuyển chọn, tiếp nối công việc yêu thương và phục vụ như chính Chúa mời gọi. Vì thế cuộc sống của người linh mục, những người đã được thông ban thiên chức linh mục, phải là dấu chỉ của yêu thương và phục vụ nhân loại giữa lòng thế giới hôm nay.
Tuy nhiên thực tế cuộc sống hằng ngày, là những linh mục, chúng tôi ý thức rằng chính bản thân còn rất nhiều những yếu đuối và bất toàn. Thiên chức linh mục thì cao trọng, nhưng con người được trao ban thì lại quá tầm thường. Do đó chúng tôi rất cần đến những lời cầu nguyện và sự nâng đỡ của anh chị em, nhờ đó thiên chức mà chúng tôi được thông ban trong ngày thụ phong linh mục, sẽ là lời mời gọi để chúng tôi nên thánh và dẫn dắt các linh hồn tìm về nẻo ngay đường ngay. Xin cám ơn cộng đoàn về những sự nâng đỡ anh em linh mục chúng tôi đang phục vụ tại giáo xứ trong thời gian qua. Những sự nâng đỡ rất quý báu về cả tinh thần lẫn vật chất, nhờ đó chúng tôi mới có thể chu toàn việc phục vụ trong yêu thương.
Nguyện xin Đức Giêsu, Linh Mục Thượng Phẩm đời đời, ban cho mỗi người tín hữu trong cộng đoàn giáo xứ thân yêu của chúng ta muôn hồng phúc trong Tam Nhật Thánh này, nhờ đó chúng ta sẽ xứng đáng hơn với hồng ân Phục Sinh sắp đến. Amen.
(Tỉnh Dòng Thừa Sai Đức Tin Việt Nam)
LM Micae Hoàng Đô Đốc
“O Crux, spes unica”, Thánh Giá, niềm hy vọng duy nhất, biểu trưng nguồn ơn cứu rỗi, suối nguồn nhân ái tuôn trào từ cạnh sườn Đức Giêsu. Cây Thánh Giá được biểu trưng sự vinh thắng của Chúa Giêsu Kitô, biểu trưng công cuộc cứu độ của Thiên Chúa, biểu trưng chính cuộc đời của Con Thiên Chúa xuống thế làm người. Nếu Thập Giá là sự ô nhục của con người, là sự điên rồ, thứ khổ hình dành riêng cho nô lệ, thứ khổ hình không những mang lại cái chết mà còn mang cả sự hổ thẹn, sự chế nhạo, sự khinh khi, thì chính ở những điểm tột cùng của nhân loại ấy, Thiên Chúa đã mang lấy nó trong Đức Giêsu để đóng đinh vào Thập Giá, hòan trả cho con người những giá trị của khổ đau, là câu trả lời cho con người về những đau khổ phải chịu, là cớ vấp phạm cho những ai tẩy trừ. Thánh Phaolô tuyên tín: “Đức Kitô đã chết vì tội chúng ta theo lời Thánh Kinh” (1Cor 15, 3). Đó là một bằng chứng mở đầu cho những suy tư: Thiên Chúa Tòan Năng biểu lộ trong một Con Người tử tội – Thiên Chúa là Đấng Quyền Năng biểu lộ trong một Con Người Đón Nhận Và Tha Thứ - Thiên Chúa là Đấng Siêu Việt biểu lộ nơi Con Người chịu treo trên Thập Giá – Thiên Chúa là Chân Lý chịu sự xét đóan của con người cầm nắm công lý…
Hai chiều kích đối nghịch trong Thánh Giá nguồn ơn cứu rỗi, một mặt là tội lỗi, xấu xa của con người, mặt khác sự vô tội, sự thánh thiện của Thiên Chúa. Tội lỗi được thứ tha, xấu xa được hóan cải, đó là chiều kích cứu rỗi của Thánh Giá. Trong hình thức Thánh Giá, người ta phân biệt cây Thánh Giá Đức Giêsu khổ nạn và Cây Thánh Giá vinh quang. Cây Thánh Giá Vinh Quang theo nghĩa cánh chung là cây Thánh Giá sẽ xuất hiện trước khi Chúa Giêsu quang lâm, biểu trưng cho Con Người - Đức Kitô Phục Sinh xuất hiện trong vinh quang. Thánh Giá Phục Sinh được treo lên thành ngang một giải vải, có thể là tấm vải liệm, biểu thị Đức Giêsu đã sống lại, M. Didron nói Đây không là một cây như ở khổ nạn, mà là một chiếc gậy. Thánh Bonaventura đồng hóa Cây Thánh Giá với cây đời: “Thánh Giá là cây tòan hảo, được thánh hóa bởi Máu Chúa Kitô, mang đầy trái thơm ngon”.
Dấu Thánh Giá người Kitô hữu thường làm dấu có ý nghĩa: Được tháp nhập vào Thập Giá của Đức kitô, người Tín Hữu được biến đổi nhờ Máu của Người, nhờ sự chết của Đức Kitô, để sống lại trong “Nhân Danh Chúa Cha Chúa Con và Chúa Thánh Thần”. Như vậy, mỗi khi làm dấu, người Kitô hữu ý thức rằng cuộc đời của mình cần được ơn cứu rỗi, cần được lòng Thiên Chúa xót thương, cần được Thiên Chúa làm mới lại trong từng phút giây của cuộc sống. Cứu rỗi là đường thẳng đi lên nhưng không chỉ một mình nhưng còn là cùng với anh chị em, cùng với muôn loài được tạo dựng, cho nên cũng cần được góp phần hy sinh mỗi ngày, cũng cần được hiến lễ mỗi ngày, để trong Đức Kitô, công cuộc cứu rỗi được hòan tất.
Tôi cảm thấy sung sướng khi được làm dấu Thánh Giá, bởi vì qua đó tôi được tham dự vào trong công trình cứu độ của Chúa Giêsu, cho dẫu chính tôi mang đầy bất xứng và yếu hèn. Nhờ Người, Trong Người, Với Người, tôi đang được biến đổi cùng với muôn loài được dựng nên.
Lm Giuse Hoàng Kim Toan
Trong đầu tháng Ba vừa qua (2007), giới truyền thông tung ra một tin "giật gân" có liên hệ đến cuộc đời Đức Giêsu đã làm chấn động khá nhiều tín hữu Kitô. Tin tức cho biết, hai ông James Cameron và Simcha Jacobovici cộng tác với nhau để thực hiện một cuốn phim mới mà họ cho rằng có thể "tiêu diệt Kitô Giáo" vì họ dựa trên việc tìm thấy một hầm mộ--trong đó có các bình đựng hài cốt với danh tính rõ ràng--để cho rằng đây là nơi chôn cất của "gia đình" Đức Giêsu Kitô.
Ngôi mộ này ở Talpiot, vùng phụ cận của Giêrusalem, được tìm thấy vào năm 1980, trong đó có 10 cỗ quan tài bằng đá (hoặc bình đựng hài cốt) có từ thế kỷ thứ nhất, trên đó có khắc các tên như: "Giêsu, con của Giuse", "Maria", "Matia" (hay Mátthêu), "Giôsê" (hay Giuse), "Giuđa, con của Giêsu," v.v. Dựa trên việc khám phá này, hai ông Cameron và Jacobovici đã thực hiện một cuốn phim lấy tên là "Lost Tomb of Jesus" (Ngôi Mộ Thất Thoát của Giêsu) để thêu dệt thêm các chi tiết về cuộc đời của Đức Giêsu Kitô, tỉ như họ cho rằng Đức Giêsu đã lập gia đình và có con. Cuốn phim này đã được dự định chiếu trên hệ thống truyền hình Discovery Channel vào tháng Ba, nhưng bị đình hoãn vì ý kiến của các nhà khảo cổ và sự chống đối của một số nhà lãnh đạo tôn giáo.
Ý kiến của các nhà khảo cổ là gì? Tại sao họ đã tìm thấy ngôi mộ này từ 1980 nhưng không coi đó là một khám phá quan trọng, và mãi cho đến bây giờ thì hai ông Cameron và Jacobovici mới coi đó là "vấn đề"?
Ông James Cameron là một đạo diễn được giải Oscar qua cuốn phim Titanic (1997, kiếm được 1.2 tỉ đôla), ông Simcha Jacobovici là một nhà làm phim được giải Emmy Award. Có lẽ khi người ta ở trên đài danh vọng thì họ khó chấp nhận sự thật mà các nhà khảo cổ cũng như nghiên cứu Kinh Thánh đã nhìn thấy. Ngoài động lực danh tiếng, có lẽ động lực tài chánh cũng là một yếu tố không nhỏ.
Sở dĩ các nhà khảo cổ không coi đây là một khám phá quan trọng vì tối thiểu hai lý do. Thứ nhất, về danh xưng Giêsu. Tên "Giêsu [Iesus]" là tiếng Hy Lạp dịch từ chữ cổ Do Thái "Yeshua" (Giô-sua) mà Yeshua là tên rất phổ thông vào thời bấy giờ. Khi tìm thấy ngôi mộ này, cơ quan có thẩm quyền về di tích cổ của Do Thái (Israel Antiquitites Authority) đã mời một nhóm khảo cổ đến nghiên cứu, và sau đó nhà khảo cổ nổi tiếng hiện nay là Amos Kloner đã tóm lược những điều mà nhóm khảo cổ ấy tìm thấy. Ông cho biết, "Đó là một hầm chôn cất của một gia đình trung lưu ở Giêrusalem. Tên khắc trên các bình hài cốt là các tên phổ thông của người Do Thái thời bấy giờ." Ông nhấn mạnh rằng, tên Giêsu (Yeshua) được tìm thấy khoảng 71 lần trên các đồ vật trong khoảng 900 ngôi mộ được khai quật cũng ở trong vùng ấy.
Lý do thứ hai, theo tiến sĩ Jodi Magness, bà thuộc hội Biblical Archeological Society (Hội Khảo Cổ Kinh Thánh), đã từng khai quật trên 20 ngôi mộ ở Do Thái và Hy Lạp, bà nói rằng một gia đình nghèo ở Galilê như Đức Giêsu thì không thể nào mua được một ngôi mộ đục trong hầm đá ở vùng Giêrusalem.
Biến cố Phục Sinh quả thật là một biến cố độc nhất vô nhị đến độ khó có thể tin được. Thật vậy, cuốn phim "Lost Tomb of Jesus" không phải là chứng cớ độc nhất nói lên sự hồ nghi của loài người về sự phục sinh của Chúa Giêsu, mà vào thập niên 1880, ông Nicholas Notovitch, một người Nga thường chu du khắp thế giới, đã viết một cuốn sách cho rằng ông tìm thấy nơi an nghỉ cuối cùng của Đức Giêsu ở bên Ấn Độ! Rồi một câu chuyện khác nữa trong những năm gần đệ II Thế Chiến, một người Nhật, Kiyomaro Takeuchi, cho rằng ông đã tìm thấy những bằng chứng không thể chối cãi là Đức Giêsu đã được chôn cất ở Nhật, sau khi thoát khỏi cái chết trên thập giá và đã du hành đến Nhật Bản, đã lập gia đình vào khoảng 50 tuổi và có ba người con!
Biến cố Phục Sinh của Chúa Giêsu quả thật là một biến cố độc nhất vô nhị, khó tin nhưng có thật, chính vì vậy Thánh Phêrô đã nói trong sách Công Vụ Tông Đồ: "Chúng tôi là những nhân chứng về tất cả những gì Người [Đức Giêsu] đã làm trong quê hương người Do Thái và cả Giêrusalem. Họ đã giết Người bằng cách treo lên một cái cây. Thiên Chúa đã cho Người sống lại vào ngày thứ ba và cho Người được thấy, không phải bởi tất cả mọi người, nhưng bởi chúng tôi, là các nhân chứng được Thiên Chúa chọn trước, chúng tôi được ăn uống với Người sau khi sống lại từ cõi chết" (CVTĐ 10:39-41).
Thánh Phaolô còn mạnh mẽ hơn nữa, trong thư gửi tín hữu Côrintô, ngài quả quyết: "Nếu Đức Kitô không sống lại thì lời rao giảng của chúng tôi vô nghĩa, và cả đức tin của anh chị em cũng hão huyền" (1 Cor. 15:14).
Nếu được nhìn thấy Chúa Giêsu vinh hiển trong thân xác phục sinh, được trò chuyện ăn uống với Người như các thánh tông đồ thì có lẽ không khó để tin, nhưng nếu không được nhìn thấy Chúa Giêsu Phục Sinh thì sao? Nói cách khác, những điều rao giảng của Chúa Giêsu có sức thuyết phục nào không?
Để trả lời câu hỏi này, chúng ta hãy nhìn qua cuộc đời Thánh Justin.
Tất cả những gì chúng ta biết về Thánh Justin là do chính các văn bản của ngài viết và còn lưu lại cho đến ngày nay. Thánh Justin sinh vào khoảng năm 100 ở Sichem, Samaria, trong một gia đình ngoại giáo giầu có. Khi là thanh niên, ngài không ngừng tìm kiếm chân lý và trở thành một triết gia. Trong cuốn Apologies, ngài hé mở cho thấy động lực đã thúc đẩy ngài trở lại Kitô Giáo. Ngài viết, "Khi tôi là một môn đệ của Plato, khi nghe các lời buộc tội người tín hữu Kitô và thấy họ thật gan dạ khi đối diện với cái chết và những gì mọi người khác sợ hãi, tôi tự nhủ rằng thật không thể nào họ sống trong sự dữ và sự khoái lạc" (II Apol., xviii, 1). Thánh Justin bị xúc động bởi đời sống luân lý của người Kitô Giáo, từ đó ngài tìm hiểu về Kitô Giáo và trở lại đạo vào khoảng 30 tuổi, sau đó ngài mở trường ở Rôma để giảng dậy và đưa người ta đến "tôn giáo mới" mà ngài coi là "triết lý đích thật". Vào năm 165, ngài bị tố cáo là một tín hữu Kitô và bị chém đầu vì không chịu dâng hương thờ cúng tà thần của nhà cầm quyền La Mã. Câu nói nổi tiếng của ngài là "Người suy nghĩ đúng thì không bỏ đạo để phản nghịch Thiên Chúa."
Lịch sử đạo Công Giáo tại Việt Nam cũng được viết bằng máu của các thánh tử đạo. Họ cũng không được nhìn thấy Chúa Giêsu Phục Sinh một cách tỏ tường như các thánh tông đồ, họ cũng không phải là các triết gia như Thánh Justin để có thể lý luận và tìm ra chân lý trong Phúc Âm, nhưng điều gì đã giúp các thánh tử đạo Việt Nam dám tin và dám hy sinh tính mạng của mình vì đức tin đó?
Trước hết, chắc chắn phải có ơn Chúa. Nhưng ơn Chúa có sinh hoa kết quả hay không thì tùy thuộc vào một yếu tố quan trọng mà chúng ta được biết qua bài phúc âm hôm nay, đó là lòng yêu mến Thiên Chúa, qua hai nhân vật tiêu biểu là bà Maria Mađalêna và ông Gioan.
Ngay từ tảng sáng, trời còn tối, có lẽ vì thương mến Đức Giêsu Kitô nên bà Maria Mađalêna đã trằn trọc không ngủ được và bà đã ra mộ từ sớm với dầu và thuốc thơm để ướp xác Thầy mình. Nhưng bà đã không ngờ những gì nhìn thấy: một ngôi mộ trống! Nhờ tình yêu thôi thúc, bà đã được gặp Đức Giêsu Phục Sinh!
Ông Gioan là một môn đệ trẻ nhất trong các tông đồ và rất yêu mến Thầy mình. Sau cái chết của Đức Giêsu, ông khắc khoải suy nghĩ tất cả những gì Người đã giảng dậy, bởi đó, khi nhìn thấy các khăn liệm trong ngôi mộ trống, ông hiểu ngay rằng Đức Giêsu đã sống lại! (Gioan 20:1-9)
Tình yêu làm nền tảng cho đức tin và dẫn đến đức tin. Nói cách khác, nếu không yêu thì không tin. Điều này được thấy rõ trong đời sống vợ chồng. Khi hai vợ chồng yêu nhau thì họ tin nhau mà không cần kiểm chứng. Vì yêu nhau, họ tin tưởng lẫn nhau, họ tự do hành động, tự do sống thật con người của mình mà không sợ hãi. Nếu như hai vợ chồng không yêu nhau, tất cả hành động đều đáng nghi và lo sợ, cuối cùng thay vì sống trong hạnh phúc họ sống trong hỏa ngục trần gian!
Tình yêu làm nền tảng cho đức tin và tình yêu lại là một cảm nhận cá nhân rất độc đáo, bởi vậy đức tin của mỗi người cũng rất khác nhau. Điều quan trọng là tình yêu đó phải có thật, phải được biểu lộ bằng hành động thì mới đưa đến đức tin.
Có lẽ tất cả chúng ta ngày nay không ai được diễm phúc nhìn thấy Chúa Giêsu, nhưng tất cả chúng ta, không ít thì nhiều đã cảm nhận được sự hiện diện của Chúa trong đời sống chúng ta qua các biến cố đặc biệt, bất thường: có thể là thoát khỏi một tai nạn hiểm nghèo, hay được chữa lành một cách kỳ lạ, v.v. Cảm nhận đó là điều quan trọng trong đời sống Kitô Hữu. Chính cảm nhận đó đã giúp cho các vị tử đạo Việt Nam cũng như biết bao Kitô Hữu ngày nay trong các quốc gia bắt bớ Kitô Giáo, vẫn can đảm rao giảng Tin Mừng, can đảm tuyên xưng đức tin và can đảm tử vì đạo.
Đức Cha Oscar Romero là đức tổng giám mục thứ tư của giáo phận San Salvador, trong cuộc nội chiến của El Salvador, giữa phe chính phủ và dân quân trong thập niên 1980, ngài đã chứng kiến biết bao vụ vi phạm nhân quyền của nhà cầm quyền, nhất là đối với người nghèo. Mỗi tháng có đến 3,000 người tử nạn, xác chết làm ứ đọng các giòng suối, và hàng tuần người ta tìm thấy những người chết vì bị tra tấn trong các thùng rác hay nằm vất vưởng ngay trên đường phố của thủ đô. Đức tổng Romero đã kêu gọi thế giới can thiệp. Chính ngài viết thư yêu cầu Tổng Thống Carter ngưng viện trợ quân sự cho nhà cầm quyền cho đến khi chấm dứt bạo động trên toàn quốc. Nhưng ngài cô đơn, nhiều giám mục El Salvador nghiêng về phe chính phủ nên không ủng hộ ngài, họ cho rằng Đức tổng Romero thích "làm chính trị" và chỉ muốn nổi tiếng. Vũ khí duy nhất của ngài là các bài giảng trên đài phát thanh.
Vào ngày 24 tháng Ba, 1980, khi cử hành Thánh Lễ tại nhà nguyện nhỏ, Đức TGM Romero đã bị bắn chết trong khi đang giảng. Đức TGM Romero đã tử vì đạo dù ngài không nghiêng về phía chính phủ cũng không thiên vị phe dân quân. Ngài muốn duy trì vị thế đúng đắn của Giáo Hội và yêu cầu mọi phần tử hãy quên đi võ lực và hận thù, hãy tìm kiếm một giải pháp hợp lý và hoà giải với nhau. Nhưng cũng như Thầy Giêsu, Đức TGM Romero đã chết vì điều người rao giảng.[1]
Trong quê hương Việt Nam chúng ta hiện nay cũng có những linh mục can đảm bênh vực cho nhân quyền và tự do tôn giáo, điển hình là Cha Nguyễn Văn Lý, 60 tuổi. Từ đầu thập niên 1980 cho tới nay, ngài tích cực hoạt động để đòi hỏi tự do cho người dân, và vì những hoạt động ấy, ngài bị cầm tù. Vào hôm thứ Sáu 30-3 vừa qua, ngài đã bị toà án Thừa Thiên Huế kết án tám năm tù về tội mà họ gọi là "tuyên truyền chống nhà nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam". Sau khi bị kết án, ngài đã hô to hai lần "Đả đảo cộng sản" trước khi bị một công an bịt miệng.
***
Biến cố Phục Sinh của Chúa Giêsu là điều khó tin nhưng có thật, và đó là nền tảng của Kitô Giáo. Vì thử hỏi Đức Kitô không sống lại thì loài người còn hy vọng gì? Chúng ta sống thọ lắm là 100 tuổi, rồi chết đi, thân xác vùi sâu trong lòng đất, trở về với cát bụi. Thế là hết!
Nếu cái chết là chấm dứt tất cả thì tại sao chúng ta lại phải lưu tâm đến đời sống luân lý? Tại sao chúng ta phải để ý đến nhu cầu của tha nhân nếu không có lợi gì cho mình? Tại sao chúng ta lại phải sống bác ái?
Nếu chết là hết thì tất cả những hy sinh của biết bao nhà truyền giáo và của các vị tử đạo trong 20 thế kỷ đều là vô nghĩa, và tất cả Kitô Hữu trên thế giới này (trong đó có chúng ta) là những người khờ khạo, đáng thương hại nhất, vì trong khi chúng ta cố gắng chế ngự các dục vọng yếu hèn của mình thì những người không có đức tin đang vui hưởng!
Tuy nhiên, các tông đồ và rất nhiều người trong thế kỷ I đã được nhìn thấy, được trò chuyện với Chúa Giêsu Phục Sinh, và cũng chính các vị này đã đổ máu để làm chứng cho đức tin nơi Chúa Kitô. Nghĩ cho cùng, chẳng ai dại gì hy sinh tính mạng cho một điều không có thật. Hơn nữa, nếu Đức Kitô không sống lại, có lẽ Kitô Giáo đã chìm sâu trong dòng lịch sử như nhiều nền văn minh khác.
Lễ Phục Sinh là một dịp để giúp chúng ta thêm tin tưởng vào sự sống đời sau, và cũng là một nhắc nhở về đời sống đức tin của chúng ta. Ai yêu nhiều thì người ấy tin nhiều. Ai sống bác ái với tha nhân nhiều thì sẽ cảm nghiệm được sự hiện diện của Chúa nhiều. Cảm nghiệm ấy sẽ giúp chúng ta can đảm vượt qua những thử thách cam go trong đời sống và chắc chắn một ngày nào đó, chúng ta cũng sẽ được sống lại như Chúa Giêsu Phục Sinh.
Pt Giuse Trần Văn Nhật
TheoWeb site www.nguoitinhuu.com
“LẠY THIÊN CHÚA,
LẠY THIÊN CHÚA CỦA CON!
SAO NGÀI BỎ RƠI CON?”
(MT 27,46; MC 15,34)
I. NỖI ĐAU CỦA CHÚA GIÊSU TRÊN THÁNH GIÁ
Bị hiểu lầm
Bị thất bại
Bị cô đơn
II. NỖI ĐAU TRONG ĐỜI LINH MỤC
LM có bị hiểu lầm không?
LM cũng có khi gặp thất bại
LM và nỗi cô đơn
***
LỜI THỨ TƯ
“LẠY THIÊN CHÚA,
LẠY THIÊN CHÚA CỦA CON!
SAO NGÀI BỎ RƠI CON?”
(MT 27,46; MC 15,34)
Leonard de Vinci có một bức họa rất nổi tiếng hiện nay còn tàng trữ tại viện bảo tàng Louvre ở Paris, đó là bức La Joconde hay còn có tên là Mona Lisa, mà trong tiếng Việt chúng ta gọi là “Nụ cười bí ẩn”. Bí ẩn là vì người xem cứ tần ngần trước bức tranh ấy mãi mà không đoán nổi nụ cười ấy như thế nào. Người ta nói trên mặt của mỗi người có 36 chiếc cơ. Mỗi chiếc cơ vận động là có thể tạo nên một nụ cười khác. Vì thế không phải chỉ có một nụ cười mà có đến 36 thứ cười lận. Trong tiếng Việt chúng ta thì nói: cười vui, cười đùa, cười tủm tỉm, cười toang hoác… đủ hết mọi thứ cười. Và bức tranh ấy cũng đúng với tên gọi “Nụ cười bí ẩn”, vì người ta vẫn ngỡ ngàng tìm thêm những giải thích mới. Cho đến hôm nay có người nói rằng chẳng phải nàng Mona Lisa nào cười cả mà chính tác giả vẽ chân dung của mình trong một danh xưng khác, dưới một dung mạo khác. Thôi thì vẫn còn là dấu chấm hỏi mở ra cho những người quan tâm.
Hôm nay lời “Lạy Thiên Chúa, Lạy Thiên Chúa của con! Sao Ngài bỏ rơi con?” cũng là một lời bí ẩn. Bí ẩn không phải vì được phát âm bằng nguyên ngữ như được ghi lại trong Tin Mừng, mặc dù cũng có những khác biệt rất nhỏ giữa hai bản văn của Mt 27,46 hoặc Mc 14,34. Ở bên Mt thì ghi là: Eli, Eli, lêmasabachtani; còn bên Mc thì ghi: Elôi, Elôi, lamasabachtani. Tôi không biết tiếng này, nên cũng không thể nói gì thêm, chỉ còn cách phát âm và gật gù, nhưng bí ẩn ở chỗ là trước đây lời kinh của Chúa Giêsu đang ngon trớn xưng hô “Lạy Cha” gần gũi, bất thần lạc giọng chuyển sang một tông khác: “Lạy Thiên Chúa, Lạy Thiên Chúa của con!” chừng như phát ra từ nhân tính dưới đáy vực sâu nhìn lên Thiên Chúa là Đấng xa cách. Và bí ẩn ở chỗ nữa là trong khung cảnh hấp hối 3 giờ từ giờ thứ Sáu đến giờ thứ Chín, đáng lẽ ra hơi tàn sức yếu, Chúa Giêsu chỉ có thể nói ra thều thào, đàng này Ngài lại thốt ra một tiếng lớn. Tiếng lớn ấy quả là bí ẩn. Và còn bí ẩn hơn nữa là ngay trong lời thứ tư này của Chúa Giêsu, người ta gặp thấy một câu hỏi hàm chứa trong một câu hỏi. Câu hỏi của Chúa Giêsu đặt ra với Thiên Chúa của mình là “sao Ngài lại bỏ rơi con?” thì câu hỏi trong câu hỏi mang tính bí ẩn là “Tại sao Chúa Giêsu lại đặt ra câu hỏi “Tại sao?” với Cha, với Chúa của mình?”
Vâng tất cả những bí ẩn ấy khiến cho mỗi người nhìn vào lời thứ tư cũng là lời duy nhất được nhắc đến trong Tin Mừng Mt và Mc, để rồi nhận ra tính cách quằn quại và ray rứt của lời này, và xin gọi đây là lời quay quắt nhất, vọng lại câu đầu của Tv 21, cũng là lời đau đớn nhất. Nếu đặt trong bối cảnh 7 lời, vị trí hóa trong những vòng tròn đồng tâm thì lời thứ tư chính là lời trung tâm của Thập giá. Hay nếu đặt theo hình kim tự tháp thì lời thứ tư chính là lời đỉnh cao. Nhưng dù là trung tâm hay đỉnh cao thì ở đây, một cách hình tượng, đều muốn nói lên nỗi đau đớn nhất của Đấng Cứu Thế. Nỗi đau ấy là nỗi đau nào? Và những nỗi dau ấy dọi sáng ra sao trong cuộc đời của mỗi Linh mục?
I. NỖI ĐAU CỦA CHÚA GIÊSU TRÊN THÁNH GIÁ
Những nỗi đau nào chúng ta có thể chẩn đoán khi Chúa Giêsu thốt lên lời: “Lạy Thiên Chúa, Lạy Thiên Chúa của con! Sao Ngài bỏ rơi con?” Thưa có nhiều nỗi đau. Nhưng ở dây có 3 nỗi đau được xem là lớn nhất và cũng cô đọng nhất, từ những nỗi đau tỗng quát được gặp thấy trong đời sống công khai cho đến nỗi đau gần gũi trên Thánh giá để rồi kết tụ lại trong nỗi đau của sự cô đơn.
1. Nỗi đau trước hết là bị hiểu lầm
Bị hiểu lầm được hình dung qua việc mô tả Chúa Giêsu kêu Thiên Chúa, mà bị hiểu lầm là gọi Elia. Vâng, trong đời sống công khai của Chúa Giêsu khi loan báo Tin Mừng, khi thực hiện các phép lạ, khi giảng dạy giáo lý, Ngài đã tiếp cận với rất nhiều người. Trong những lần tiếp xúc ấy, Ngài cũng không thể tránh hết được những hiểu lầm. Những hiểu lầm ấy được xem là nỗi đau ngày từng ngày tích tụ để rồi về lâu về dài suốt cuộc sống công khai, trở thành một con bệnh mãn tính khó có thuốc nào trị được. Bị hiểu lầm là nỗi đau đầu tiên.
Trước hết về căn cước “Ngài là ai?” thì cũng đã bị dân chúng hiểu lầm rất nhiều. Có lần Ngài đặt ra câu hỏi này với các môn đệ và lắng nghe dư luận đó đây: kẻ thì bảo là Elia, người thì bảo là Gioan Tẩy giả, và phần đông thì bảo là một tiên tri giống như những tiên tri khác. Cũng may mà có Phêrô, tông đồ trưởng, đại diện anh em để tuyên xưng chính thức: “Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”, chứ nếu không, thì Chúa Giêsu cứ mãi bị hiểu lầm (x. Mt 16.13-16). Và có lẽ, Ngài chỉ có thể bày tỏ một cách rõ ràng cho nhóm môn đệ thân tín của mình mà thôi. Còn đối với dân chúng thì cứ u u minh minh, ù ù cạc cạc, muốn nhìn Ngài thế nào cũng được. Thậm chí, sau những phép lạ Ngài làm, có những người muốn tuyên xưng Ngài, nhưng Ngài không cho nói lên. Rõ ràng căn cước của Ngài như thế nào, “Ngài là ai?” đã không được hiểu đúng, và thiết nghĩ, đây chính là một nỗi đau mà Ngài đã mang trong suốt hành trình giảng dạy.
Và chi tiết thứ hai ghi nhận là giáo lý của Ngài về Nước Thiên Chúa thường bị hiểu lầm là phá hủy lề luật Môsê. Ngay cả khi Ngài chỉ vào thân thể Ngài mà nói “phá hủy Đền Thờ này đi, trong ba ngày Đền Thờ ấy sẽ được xây dựng lại” người ta vẫn cứ bẻ còng, để hiểu là Ngài muốn xa gần ám chỉ đến Đền Thờ Giêrusalem mà cha ông vua chúa của Israel đã phải bỏ ra biết bao nhiêu năm để kiến thiết và bảo trì. Người ta đang vinh vang tự hào với Đền Thánh như thế mà lại dám nói phá hủy đi. Tội này phải chết. Nào có biết khi nói như thế, Ngài muốn nói Đền Thờ chính là thân xác của Ngài sẽ được hiến tế để lớn lên trong vinh quang Phục Sinh. Ngài bị hiểu lầm nhưng Ngài cũng chẳng có cách để cải chính. Mà nếu như có cải chính đi nữa thì cũng cứ bị ghi vào sổ bìa đen, để rồi trong hoạt cảnh dưới chân Thánh giá, người ta cứ nại đi, nại lại những điều ấy để nhục mạ Ngài. Kiện toàn lề luật bị coi là phá bỏ. Và chính ở đây cũng đã tạo nên nỗi đau khôn nguôi của Đấng Cứu Thế.
Rồi chi tiết thứ ba là trong những phép lạ Ngài làm, tất nhiên để biểu lộ quyền năng Thiên Chúa dành cho dân tuyển chọn. Bên ngoài xem ra có vẻ chinh phục được nhiều người: người ta vẫn thích xem phép lạ, vẫn thích hưởng những hậu quả từ phép lạ. Nhưng bên trong có hiểu đúng hay sai thì vẫn bị treo lơ lửng: người ta đâu có biết bên kia những phép lạ là quyền năng và tình thương của Thiên Chúa. Ví dụ trong phép lạ bánh hóa nhiều. Chính Chúa Giêsu đã cay đắng thốt lên: “Các ngươi tìm Ta không phải vì điều gì khác, mà chỉ vì cái bụng của mình, chỉ vì bánh ăn” (Ga 6,26). Rõ ràng là cải chính cũng không được, và thậm chí có bị mắng là “xôi thịt” đi nữa, thì đâu vẫn cứ vào đấy. Có lần Chúa Giêsu đã bị hiểu lầm là vận dụng quyền năng của Beelzebul mà trừ quỷ. Ngài đã phải nặng lời răn đe, coi đó là tội phạm đến Chúa Thánh Thần. Thế nhưng, thính giả xem ra cũng chẳng sợ gì. Và tất cả những điều kể ra như thế, dầu chỉ là lược tóm, đã cho thấy căn cước Ngài mang, giáo lý Ngài giảng cũng như phép lạ Ngài làm đều bị người ta hiểu lầm.
Trong lời “Sao Ngài bỏ rơi con?” có lẽ Chúa Giêsu đã quay lại quá khứ để nghiền nghĩ nỗi đau của mình, nỗi đau mãn tính không phải giờ này mới bùng phát lên, nhưng đã tích tụ từ lâu, là những nỗi oan trái khó có thể hóa giải nên cũng là một thứ nỗi oan “Thị Kính”.
Ơ ngã ba Ong Tạ, từ năm 1954 đã có tấm bảng đề chữ Giáo xứ Vinhsơn. Cách đây chừng ít tháng, một ngôi chùa xin đặt một bảng tên song song cùng một chiều cao với tấm bảng Giáo xứ Vinhsơn kia. Người ta đã đề nghị những giải pháp, nhưng chưa thỏa đáng. Trong khi vấn đề chưa ngã ngũ thì đùng một cái, xảy ra biến cố mà báo Công an có đăng, ngôi chùa đó trong một đêm bỗng dưng bị phát hỏa, thiêu rụi cả 9 chiếc Honda và cũng cháy luôn cả tấm biển tên chùa chuẩn bị treo. Người ta xì xầm: Ai mà đụng đền thánh Vinhsơn, nhất là tượng thánh Vinhsơn trên đầu có ngọn lửa hình quả ớt, thì chỉ có nước là bị thiêu cháy. Đồn ít rồi đồn nhiều, đồn gần rồi đồn xa. Cũng may, một ni cô ở chùa khẳng định: chỉ là do điện chạm ra từ bình ắc qui rồi bốc vào bình xăng và gây hỏa. Chẳng có ai châm lửa. Tội nghiệp thánh Vinhsơn mắc oan. Đó là một nỗi oan mà cha sở ở đó phải bù đầu, bứt tai bối rối. Rất may sự hiểu lầm đó đã được giải tỏa. Thế nhưng trên Thánh giá khi Chúa Giêsu quay lại thước phim cuộc đời, có lẽ Ngài đã nhận ra nỗi đau gậm nhấm trong tim để rồi quay quắt thốt lên lời thứ tư. Đó là nỗi đau trước hết: nỗi đau bị hiểu lầm.
2. Nỗi đau thứ hai là bị thất bại
Thất bại được hình dung qua việc mô tả “Bóng tối bao trùm mặt đất”. Những nỗi đau mã tính đã được dần dần hình thành ở trong cuộc đời của Đấng Cứu Thế rồi với tấn tuồng thương khó, đã dồn nén để rồi trở thành một nỗi đau lớn hơn, bùng phát, gọi là nỗi đau cấp tính. Nỗi đau mà chính Đấng Cứu Thế bị treo trên Thập giá với tấm bảng “Vua dân Do Thái” trên đầu đã cảm nhận được và thốt lên lời sao Thiên Chúa đã bỏ rơi mình.
Thất bại trước hết là giáo luật yêu thương mà Ngài đã nhấn mạnh trong suốt quá trình giảng dạy đã bị gạt bỏ một cách trắng trợn. Chính Hêrôđê và Philatô tưởng rằng khi nêu ra cho dân chúng câu hỏi theo trò chơi dân chủ “chọn tha Baraba hay Giêsu”, người ta sẽ chọn Giêsu không? Thưa không. Những tiếng la rất lớn, những cánh tay vung lên, những lời sắt máu đã khẳng định chọn Baraba. Người ta chọn tên trộm cướp như là thần tượng của đời mình, và sẵn sàng gạt bỏ yêu thương, là giáo lý mà Đấng chịu đóng đinh đã không ngớt bảo vệ, đã không ngừng giảng dạy. Đây chính là sự thất bại ở mức độ cấp tính cho thấy Đấng Cứu Thế phải dằn vặt như thế nào.
Thời nào cũng có những thần tượng của mình. Thần tượng là một khuynh hướng, là một tâm lý rất tự nhiên. Và có lẽ tưởng rằng chơi trò lựa chọn thần tượng cho mình, những nhà lãnh đạo tôn giáo và chính trị của Do Thái có thể tìm được chân lý, nhưng không ngờ đã gây thêm nỗi đau cho Đấng Cứu Thế. Tôi nhớ danh thủ Pelé khi sút trái banh cuối cùng của cuộc đời chuyên nghiệp và nói lời giã từ sân cỏ, trong phòng thay đồ đã được một phóng viên hỏi rằng: Pelé, anh là thần tượng của hàng triệu khán giả, trong đời anh có thần tượng nào không? Pelé lúc bấy giờ mình trần, cầm lấy cây Thánh giá đeo trên ngực nói: Đây, thần tượng của tôi là Đức Giêsu. Và tờ báo Friends (của dòng Don Bosco) đã ghi nhận đó là một lời tuyên xưng đẹp nhất gặp thấy trong đời của một cầu thủ chuyên nghiệp, một người nổi tiếng; một thần tượng của giới trẻ mà lại tuyên xưng về một thần tượng khác trong lòng tin của mình. Hiện nay giới trẻ Việt Nam cũng có những thần tượng rất khác, giao động từ những nghệ sĩ sân khấu cho tới ngôi sao sân cỏ. Nhiều khi các cha vẫn than thở rằng: bảo nó kể tên 12 thánh tông đồ, nó mù tịt, nhưng kể tên mấy chục cầu thủ nước ngoài, dù dài ngoằng, nó vẫn kể trơn tru. Và chẳng nói đâu xa, nhân dịp họp HĐGM 2005, một Đức Cha đã than phiền rằng: trong lần tuyển sinh vào Đại Chủng Viện, người ta đặt ra câu hỏi: “Thần tượng của em hiện nay là ai?” Có 60% đã trả lời là Bác. Quả là khác lạ, và hôm nay xin tạm gọi tình trạng này bằng chữ “bị thất bại” trong ánh nhìn của Đấng Cứu Thế trên đỉnh cao Thập giá.
Vâng, nếu người ta đã chọn Baraba vì những ý đồ khác nên đã loại bỏ yêu thương, thì sau đó, còn xảy ra một điều nặng nề hơn, tạo nên nỗi đau của Đấng Cứu Thế, đó là Ngài nhận thấy công lý bị chà đạp. Người ta mưu cầu danh lợi riêng tư hơn là bảo vệ công lý. Phát âm theo ngôn ngữ chợ đời, người ta “chí công vô tư”, béo chí của công bỏ vô của tư, và phủi tay trước pháp luật bất kể công lý như thế nào. Thánh Luca ghi nhận: kể từ khi Chúa Giêsu bị kết án thì hai ông đầu sỏ vốn là kẻ thù không đội trời chung trong lãnh vực chính trị lại bắt tay làm thân kết nghĩa với nhau, “anh Ba, anh Tư” vui vẻ hề hà. Hêrôđê và Philatô kể từ tuần Thương khó, từ vụ án của Chúa Giêsu đã làm thân với nhau là thế. Một người thôi mà công lý đã bị xâm hại, huống hồ là hai người. Khi hai cánh khác nhau, kẻ nội thù, kẻ ngoại thù bắt tay thì công lý Giêsu ở đây chắc hẳn bị chà đạp thô bạo. Chúa Giêsu nhận ra điều ấy và Ngài cảm nhận nỗi đau đang dội lên trở thành cấp tính.
Và nỗi đau thứ ba nữa cũng trong lãnh vực “bị thất bại” ở đây là sự sống bị khử trừ. Yêu thương bị loại bỏ, công lý bị chà đạp. Vâng, điều đó là đau đớn lắm, nhưng chính khi sự sống của Ngài, sự sống cứu độ, sự sống mà Thiên Chúa trao ban cho con người mà lại bị khử trừ qua những lời đanh thép: “Đem đi, đem đi! Đóng đinh nó vào thập giá” bất kể “máu nó đổ trên đầu chúng tôi”, bất kể tấm bảng Vua Dân Do Thái đang được trình làng, bất kể cái chết đang rình chờ Đấng Cứu Thế. Người ta đã đẩy Đấng là Vua sự sống đến vực thẳm sự chết. Và như thế tưởng rằng khử trừ được sự sống, người ta sẽ vui vẻ với một cuộc sống mang mẫu số chết mà cứ yêu ổn. Đó là thất bại đau đớn nhất mà có lẽ Đấng chịu đóng đinh đã cảm nhận được.
Bị hiểu lầm, bị thất bại. Vâng, đó là những cái phải nói là đau đớn vô cùng trong đời của Đấng Cứu Thế. Có những thất bại là mẹ của thành công. Như những thất bại của những cố gắng chân thành, để rồi mình học hỏi kinh nghiệm để vươn lên, nhưng những loại thất bại kiểu Chúa Giêsu đã gặp trên Thánh giá thuộc loại cấp tính quả là nặng nề. Chính vì vậy, nếu như có những lời lẽ bí ẩn, lời lẽ quay quắt: “Sao Cha bỏ con. Sao Chúa bỏ con” thì cũng là lời chúng ta dễ dàng hình dung được trong buổi chia sẻ hôm nay.
Một cha xứ ở quận 10, trong cố gắng bảo vệ tài sản của Giáo Hội, đã dấn thân vào một cuộc đấu tranh gay gắt, nên cuối cùng đã nhận được lệnh là phải vui lòng nhường quyền giải quyết cho TGM. Ong cha xứ đó đau lắm, vì thấy công sức của mình bỏ ra công cốc, nhưng thôi, vâng lời ĐGM. Mặc dù đau đớn, mặc dù trước mặt người khác, nhất là phía đối nghịch, xem ngài như thất bại trắng tay, nhưng ngài vẫn cắn răng chịu đựng. Trong những lần chia sẻ với cá nhân tôi, thì ngài đã cố gắng vượt qua và coi đó như một khía cạnh linh đạo gắn bó với Chúa Giêsu trên Thập giá. Và hôm nay kể lại mẩu đời này, cũng muốn ghi nhận rằng những thất bại trong đời Linh mục chẳng thấm vào đâu so với những thất bại của Chúa Giêsu trên Thánh giá. Thất bại: tại sao Thiên Chúa lại bỏ rơi mình. Vâng, đó là điều đau đớn thứ hai.
3. Nỗi dau của sự cô đơn
Và từ những nỗi đau mãn tính cộng với nỗi đau cấp tính ấy đã đẩy Chúa Giêsu đến với bức tường đột quỵ, để rồi thốt lên: “Lạy Thiên Chúa, lạy Thiên Chúa của con! Sao Ngài bỏ rơi con?” Đây chính là nỗi đau của sự cô đơn. Nỗi đau một mình mình biết, một mình mình hay. Nỗi đau của sự cô đơn có lẽ là nỗi đau khủng khiếp nhất, bởi lẽ cô đơn không phải là không có ai, mà cô đơn là vắng bóng một sự hiện diện, một sự cảm thông. Đó là một cảm nhận vị nhận chìm dưới vực sâu. Và nếu phải phác họa chân dung Đấng Cứu Thế trong nỗi cô đơn này, có lẽ sẽ phác họa theo lối nói của người miền Nam là “trỏm lơ đôi mắt”. Bản thân tôi mỗi lần nghe các cha Nam bộ dùng chữ đó tôi rất thích, dù chỉ hiểu lờ mờ thôi, nhưng hình dung được một đôi mắt, đó là đôi mắt lờ đờ, thẫn thờ, của một người đã bị đẩy vào đường cùng của bước cô đơn.
Trên Thánh giá, cảm thức cô đơn của Đấng Cứu Thế là gì? Xin ghi nhận ba tính từ này:
Trước hết là một cảm nhận trần trụi theo nghĩa rất hiện thực. Ngài bị đóng đinh trần trụi, y phục cũng bỏ rơi Ngài. Ngài cũng bị tước lột hết y phục. Y phục không chỉ để trang điểm cho thân thể, mà còn một cách xa gần nói lên phẩm cách của một người. Chẳng thế mà người ta vẫn có những buổi trình diễn trang phục cách này, cách khác như ta vẫn thấy nườm nượp trên ti vi hầu như hằng tháng. Tước hết y phục cũng là một cách chà đạp lên nhân phẩm. Y phục đã bỏ rơi chủ mình. Ao khăn đã không còn bám lấy chính xác thân của Đấng bị đóng đinh và cảm thức trần trụi này cũng đã đẩy Ngài đến với sự co cụm cô đơn.
Chữ thứ hai là chữ trơ trụi . Cảm thức trơ trụi cũng là cảm thức ghi lại dấu ấn rất đậm nét cho Đấng Cứu Thế trên Thánh giá. Những người thân theo như Tin Mừng ghi lại thì theo Chúa Giêsu xa xa, không biết xa bao nhiêu, chừng ném một hòn đá, hay vài hòn đá. Những môn đệ thân tín thì đã bỏ rơi Thầy mình, không muốn nói Giuđa đã nhận lấy biệt danh “kẻ phản bội”, và Phêrô thì lúc này lại nhát gan hơn bất cứ ai, chối Thầy không phải một lần mà là ba lần. Giuđa bội phản bằng chính cái chào, cái hôn truyền thống, và Phêrô từ chối ở đây chắc không phải trong tư cách Tông đồ trưởng; nhưng một cách nào đó, người đã lãnh lấy trách nhiệm mà từ chối chính Đấng đã đặt để mình thì quả là vô cùng đau xót. Chính vì thế cảm nhận trơ trọi của Đấng Cứu Thế phải xem là một cảm thức cô đơn tột cùng.
Và rồi cảm thức thứ ba chính là cảm thức trằn trọc của lời thứ tư trên Thánh giá, đó là xem ra Chúa Cha vắng bóng, xem ra cũng bỏ rơi Ngài. Mặc kệ các nhà chú giải chú giải lời thứ tư này: một Thiên Chúa lại bỏ rơi Thiên Chúa, một Chúa Cha lại bỏ rơi Con một của mình như thế nào ta không biết, nhưng chính trong cảm thức nhân loại của Đấng Cứu Thế trên Thập giá, thì đây là một điều vô cùng sâu đậm của nỗi cô đơn. Thiếu vắng sự hiện diện của một Thiên Chúa trong đời của một Thiên Chúa làm người, cảm thấy thiếu vắng sự hiện diện quyền năng của Đấng đã mời gọi Chúa Con gieo bước trong công cuộc nhập thể cứu đời. Có lẽ đây là đáy sâu nhất của chữ Kénose, của chữ tự hạ, của chữ hạ mình, của chữ làm ra không, của chữ hư không hóa. Chúa Giêsu thốt lên “Lạy Thiên Chúa, lạy Thiên Chúa của con! Sao Ngài bỏ rơi con?”. “Lạy Thiên Chúa của con!” không phải của ai khác, nhưng sao Ngài lại bỏ Con ray rứt vô cùng, quay quắt vô cùng, để nỗi cô đơn này đã trở thành một sự đột quỵ cho con trên Thánh giá.
II. NHỮNG NỖI ĐAU TRONG ĐỜI LINH MỤC
Nếu như nỗi đau của Đấng Cứu Thế trên Thập giá là thế, ánh sáng nào từ nỗi đau này có thể dọi chiếu trên đời của mỗi Linh mục? Chúa Giêsu và những nỗi đau như chúng ta vừa chia sẻ, mỗi Linh mục trong chức vụ cũng như trong chức vị của mình cũng có nỗi đau nhiều khi chẳng nói ra người ta cũng biết, nhưng ẩn sâu trong đời sống của việc thi hành tác vụ, có những nỗi đau nếu không nói ra chẳng ai biết đến. Nỗi đau câm nín, nỗi đau thầm lặng, nỗi đau mình phải cắn răng chịu riêng một minh. Nếu như có một lãnh đạo tốt gắn bó với nỗi đau của Đấng Cứu Thế trên Thập giá, Linh mục có thể được thăng hoa để tiến sâu trên đường nên thánh, nhưng nếu như lãnh đạo bị nhạt nhòa, hoặc bị chùn bước, thì quả là một vực thẳm nhiều khi bị đưa đẩy đến mà không có lời cảnh báo. Thành thử ra cũng xin chia sẻ đôi chút về những nỗi đau này trong đời của các Linh mục. Sớm muộn gì nếu đời Linh mục gắn bó với Thập giá Đức Kitô, thì lúc đó nỗi đau có thể mở ra những nẻo đường mới. Bản thân tôi vẫn thích hình dung Linh mục là người bị đóng đinh đặt nằm căng ở trên Thánh giá dưới đe của Thiên Chúa và dưới búa của cộng đoàn. Nỗi đau nào? Thưa, cũng có những nỗi đau tương tự như nỗi đau của Đấng Cứu Thế trên Thập giá.
1. Linh mục cũng rất dễ bị hiểu lầm
Chỉ cần nêu lên mà không cần phải lý giải nhiều, có lẽ các cha cũng dễ dàng đồng cảm. Trong lãnh vực quản trị giáo xứ , nếu Linh mục chu chu chắm chắm tuân theo áp dụng luật lệ của Hội Thánh, gắn bó với luật lệ của Giáo phận thì dễ dàng bị một số giáo dân nhận định là khó tính, khó nết và sau đó là khó chịu, khó ưu. Ngược lại, nếu Linh mục tỏ ra dễ dãi một chút trong việc thi hành luật lệ, so với quy định chung thì có khi bị bề trên quở là mị dân, xốc nổi, buông lỏng kỷ cương. Linh mục thường xuyên gần gũi ăn uống với những gia đình giàu có sớm muộn cũng bị nghi là la cà sa đà cạm bẫy. Đối lại, Linh mục không đến được với gia đình bổn đạo trong khi hữu sự ma chay cưới hỏi lại bị chụp mũ là xa lạ xa cách xa rời. Làm công tác xã hội bị chê là hướng ngoại, không làm thì bị gán ghép vào tội ích kỷ bo bo một mình. Đúng là bá nhân bá tánh, ở sao cho vừa lòng người, nên Linh mục dễ bị tai bay vạ gió cũng là chuyện thường tình. Cách đây hai tuần, một Linh mục mới làm xong chiếc tháp chuông đã than thở rằng: Mười mấy năm trời không xây dựng gì thì bị xem là lười biếng, nay quyết định làm gác chuông lại bị xì xầm là khéo bày vẽ ra để kiếm tiền. Toàn là bị hiểu lầm.
Trong lãnh vực giảng dạy cũng thế, Linh mục là người bị hứng chịu khá nhiều phê phán, chính đáng cũng có, nhưng thiếu chính đáng xem ra lại nhiều hơn cả. Không biết có phải vì thế mà thánh Phaolô đã xa gần khuyên bảo người đệ tử của mình cần phải kiên tâm bền chí chu toàn nhiệm vụ dù “vào thời thuận lợi hay không thuận lợi”. Giảng nhiều bị coi là lắm lời, giảng ít bị xem là làm biếng. Giảng bài bản có khi bị phê bình là diễn dai dài dở; Giảng ngẫu hứng bị xếp vào loại tiếu lâm tấu hài. Giảng thực tế sẽ bị quở là cạnh khóe mạ lị bóng gió. Giảng dài: Linh mục lờ mờ. Giảng ngắn: Linh mục lơ mơ. Giảng nửa vời: Linh mục lở mồm long móng. Tội thế. Toàn là bị hiểu lầm. Và còn đau đớn hơn nữa khi nghe đâu đó cửa miệng người đời phổ biến thành ngữ: muốn nói ngoa làm cha mà nói.
Và trong lãnh vực thánh hóa , Linh mục cũng không tránh khỏi bị đòi hỏi gay gắt. Thi hành nhiệm vụ và dâng lễ cẩn thận đúng theo chữ đỏ tưởng là đã hoàn bị, nào ngờ vẫn bị một thiểu số tín hữu lẳng lặng tránh xa, tìm đường đi nhà thờ khác. Lý do là họ thích lễ ngắn hơn, đi lễ xứ nhà thấy cha ngồi nghỉ sau rước lễ lâu quá đâm sốt ruột. Ngay việc ngồi tòa cũng vậy, cha nào giải tội kỹ lưỡng, khuyên bảo cặn kẽ, và nhất là ra việc đền tội đậm đà là y như rằng sẽ bị đồn là khó. Từ đồn thật đến đồn đoán, đồn thổi và đồn đại, khoảng cách rất hẹp. Không cải chính được. Rõ ràng là bị hiểu lầm. Cách riêng với bí tích xức dầu, có linh mục đã phải khổ sở chịu tai tiếng chỉ vì không kịp có mặt lúc đêm khuya khi nhà giáo dân có người hấp hối. Hay cụ thể hơn nữa là chuyện đọc sai tên linh hồn trong lễ giỗ của gia đình nào đó, Maria mà đọc lộn ra Anna là có chuyện không nhỏ; gia đình đó nghĩ là họ toi công đi lễ, toi tiền xin lễ; còn Linh mục thì cũng toi công giải thích, toi giờ xin lỗi mà người ta đâu có chịu nghe. Rõ khổ.
2. Linh mục cũng có khi gặp thất bại
Nếu bị hiểu lầm là chuyện nắng mưa đời Linh mục, thì bị thất bại là chuyện mưa giông rải rác một vài nơi. Thật vậy, về lâu về dài nhìn lại quảng đường phục vụ, Linh mục có thể kể tên một vài thất bại vô tình gặp phải. Ai mà chả muốn thành công hanh thông suông sẻ đường đạo cũng như đường đời, nhưng ổ gà vẫn có đó, nếu biết trước người ta có thể tránh được những tổn thất không đáng có. Và nếu đã biết mà vẫn không tránh được, người ta phải xem đây như một nỗi đau đồng cảm với nỗi đau của Chúa Giêsu trên Thập giá.
Thất bại dễ thấy nhất là sự cầu toàn . Mong muốn 100%, nhưng kết quả chỉ đạt 50%. Thực ra, 50% này nhìn theo góc độ tích cực đã là một thành công, nhưng khổ nổi không ai bằng lòng về số phận của mình cả, nên thường thường nhìn theo góc độ tiêu cực để lượng giá là thất bại. Những thất bại kiểu cầu toàn này một phần vì khả năng Linh mục có giới hạn, nhưng phần lớn vì khả năng cộng đoàn mình phục vụ chưa đạt đến cảm xúc tương xứng để có thể góp phần làm nên thành công mong ước. Một Linh mục trẻ sốt sắng mở lớp vi tính ở xứ đạo miền quê, muốn năng cấp trí thức cho cánh thiếu nhi nghèo, nhưng lớp học không thể kéo dài được vì trẻ em phải phụ giúp việc nhà khi cha mẹ chúng bận bịu với việc đồng áng. Đó là thất bại. Một Linh mục khác hăng say xóa đói giảm nghèo, mua xe máy cày tự mình đi cày cho dân chúng, tưởng rằng người ta sẽ ủng hộ công việc và ngưỡng mộ một chủ nhân biết hòa mình bước xuống với nỗi vất vả của mọi người, nào ngờ lại bị cánh cày mướn lâu đời tại địa phương làm khó dễ vì đẩy họ vào tình trạng thất nghiệp. Cũng là một thất bại kiểu khác.
Nhưng có một thất bại nhiều Linh mục gặp phải, đó là sự cả tin . Quá tin người nên bị dẫn đến những tình huống khó xử như bị mất tiền của, mất danh dự, mất tín nhiệm. Người ta nói “trên đời có bốn cái ngu: làm mai, lãnh nợ, gác cu, cầm chầu”. Làm mai, nếu thành công đưa đến hôn nhân hạnh phúc, chỉ được hưởng chiếc đầu heo, nhưng nếu thất bại sẽ bị thù ghét cả đời. Lãnh nợ: cuộc sống đang yên lành bỗng nhiên trở thành con nợ của người khác. Gác cu: tiếng động ở đâu làm chim bay mất, nhưng lại đổ vấy cho kẻ gác cu. Cầm chầu: hát đúng nhịp trở thành ca sĩ được tán thưởng tung hô, nhưng hát sai nhịp nhất định là do lỗi của ông cầm chầu không biết đánh trống. Ai cũng biết thành ngữ ấy, thế mà ở Sàigòn, có Linh mục vì quá tin người đã rơi vào trường hợp thứ hai, đứng ra lãnh nợ cho người khác. Mà có ít ỏi gì, tới 50 ngàn đô. Sự việc phải đưa ra tòa đời. Thất bại trắng tay.
Và còn nhiều thất bại khác liên quan đến việc hành xử quyền chế tài của mục tử trên đoàn chiên được giám mục trao phó cho mình. Ngày xưa trong bầu khí đạo giáo toàn tòng, để giáo dục đức tin, các mục tử thường vận dụng đến quyền chế tài chính đáng mong cho giáo dân tốt đẹp nên lành nên thánh hơn; ngày nay hoàn cảnh đã khác, nếu Linh mục không thích ứng kịp sẽ gặp phải những phản ứng buồn cười, nếu không muốn gọi là thất bại. Có Đức cha kể lại chuyện tình hình một xứ đạo, ở đó Linh mục còn phạt giáo dân “không được xưng tội” trong một thời gian nào đó. Ong cha xứ cấm: không được xưng tội trong sáu tháng. Nó đáp lại: cho cha một năm luôn. Khỏe re.
3. Linh mục và nỗi cô đơn
Bị hiểu lầm hay bị thất bại, cuộc sống Linh mục cũng không thay đổi nhiều lắm, bởi lẽ bên cạnh Linh mục còn có những người cộng sự, còn có anh em Linh mục đồng trang lứa để sẻ chia trao đổi học tập đỡ nâng, nhưng Linh mục một khi bị đẩy đến cảm thức cô đơn thì quả tình đã đến ranh giới của sự nguy hiểm. Vì cô đơn là thiếu vắng một hiện diện hữu ích, nhưng cô đơn tự nó lại là tập hợp của một gia đình đông đúc các cô: từ cô độc, cô quạnh đến cô liêu, cô vắng, rồi sầu đời tìm tới cotab, cognac và cuối cùng khám phá ra mình đã bị làm bạn với cholesterol. Có cha bảo còn thiếu một cô nữa trong gia đình cô đơn và đọc cho tôi nghe câu thơ này: cô đơn dẫn tới cô đầu, mắt xanh móng đỏ tóc nâu môi trầm, những ai trót dại đến gần, tai bay vạ gió một lần tởn luôn. Khi ĐHY Giáo phận Sàigòn nhắc nhở các Linh mục cần tránh sự cô đơn “vì cô đơn đẻ ra nhiều khó khăn”, tôi nghe các cha phía dưới nói nhỏ với nhau “đẻ ra khó khăn nào cũng có thể giải quyết được, chứ đẻ ra thằng cu hay cái tí nào đó thì vô phương cứu chữa”. Vâng, cô đơn quả là đáng ngại, vì hệ lụy thể chất tinh thần của cô ấy để lại thật khó lường.
Tôi có một cha bạn cùng lớp ở Thụy sĩ, làm việc mục vụ với cộng đoàn người Việt rất thành công. Tờ báo chia sẻ mục vụ hàng tháng của anh được chờ đợi như món ăn tinh thần bổ dưỡng. Cách đây hai năm, không hiểu tại sao anh bị đẩy tới bước cô đơn, cắt đứt liên lạc với mọi người. Sau đó anh được bác sĩ chẩn đoán là suy sụp hoàn toàn, phải nhập viện tâm thần. Với phép bề trên, anh thu xếp vào viện vài tháng. Về lại xứ đạo, tình hình sức khỏe không cải thiện. Mấy người bạn biết tin muốn đến thăm nhưng anh không cho. Thời gian kế tiếp là im lặng vật lộn với cơn bệnh và nỗi cô đơn. Một sáng Chúa nhật, sau khi dâng lễ, thay vì nói câu “au revoir” như thường lệ, anh nói lời “adieu” với mọi người, nhưng chẳng ai để ý (sau này người ta kể lại thế). Ngờ đâu đó là lời cuối cùng của anh với mọi người. Sáng thứ ba, nhà xứ có việc cần đến anh, nhưng không thấy anh có mặt. Tìm kiếm, mở cửa phòng và người ta thấy anh nằm ngay ngắn bất động bên cạnh những ống thuốc điều trị. Trên bàn là tờ di chúc đầy đủ. Người ta đoán: nỗi cô đơn chính là thủ phạm cái chết của anh.
Kết:
Tóm lại đọc và soi bóng mình ở trong lời thứ tư của Thánh giá, chắc mỗi người đã tái nhận định rằng đời Linh mục rất gần với đời Đấng Cứu Thế, cũng có những thử thách nhiều mặt, cũng có những lúc dường như bị nhận chìm dưới dòng nước, cũng có lúc phải uống giấm chua; nhưng bên kia những thương tích ấy là cả một lời âm thầm giục giã tiến tới. Trong chương trình “Vượt lên chính mình” của HTV7, khán giả thường cổ võ những người chơi bằng những tiếng “cố lên, cố lên!”, Nghe trong lời đắng đót của Chúa Giêsu cũng có tiếng phát ra từ nhịp tim kêu mời các Linh mục hãy can đảm, hãy bền tâm. Bền tâm làm điều lành và bền tâm chịu đựng ngay cả những điều dữ, thánh Augustinô bảo thế. Thập giá trước mắt trần thế được xem như một thất bại, nhưng môn đệ của Chúa Giêsu lại sẵn sàng chịu đóng đinh với Đấng mình yêu mến. Dại khờ ư? Yếu đuối ư? Mặc kệ. Chỉ biết là mình có thể làm được mọi sự trong Đấng là sức mạnh cho mình. Theo nghĩa này, có thể mượn ý của nhà thơ Tế Hanh mà miệt mài nỗ lực vươn lên: “Phải can đảm mới bền gan yếu đuối. Phải khôn ngoan mới dư trí dại khờ”.
Mấy hôm nay không thấy bóng chồng sang thăm, cô vợ của Hoàng đế Nã Phá Luân, cứ như ngồi trên đống lửa.
Không biết lão ấy đi đâu? Hay là lại theo con tình nhân nào rồi?
Chị ta cho người dò hỏi. Và biết được Nã Phá Luân đang ở trong một căn phòng nhỏ.
Cơn ghen đầy lên ứ cổ, khoác vội cái khăn “phu la” cho đỡ lạnh, chị ta bước vội đến căn phòng. Mắt 1ong lên dữ tợn. Đúng rồi, chắc lão đang hú hí với con ranh nào trong ấy.
Chị định bước vào trong, nhưng hai người lính canh cản lại. Chị tuôn ra những lời chửi bới nhục mạ.
Một người lính ôn tồn thưa: Thưa, nữ hoàng, chúng tôi không thể làm khác, bởi hoàng đế đã ra lệnh: sẽ không cho bất cứ ai được vào, bởi đang có cuộc họp quan trọng.
Sự nghi ngờ càng lớn. Vậy thì càng đúng. Chắc lão đang hú hí đây.
Rồi bằng tất cả sức lực, đang được đun sôi bởi sự ghen tức, chị ta lao thẳng vào cánh cửa. Trước sự bất ngờ của hai người lính. Cánh cửa bung, trước mắt chị là một bàn dài, hoàng đế đang chủ trì cuộc họp quân sự quan trọng. Cảnh tượng ấy, cũng không giúp chị giữ được sự bình tĩnh, để khỏi tuôn ra một tràng những lời lải nhải.
Thời gian vắn sau, người ta thấy chị, xách valy trở về quê nhà, ngồi trên xe mà nước mắt giàn giụa. Bởi từ nay, chi sẽ không bao giờ được bước chân vào trong triều đình nữa.
Có yêu mới ghen. Ghen là dấu hiệu của một tình yêu cuồng nhiệt bị xúc phạm.
Trong Thánh Kinh Cựu Ước, rất nhiều lần dân Do Thái đã bỏ Chúa, đi thờ các ngẫu thần. Chúa đã tỏ ra rất khó chịu. Nhiều lần Ngài đã sai các tiên tri đến để nói lên điều đó; nhiều lần Ngài đã giơ tay giáng họa, để cảnh cáo, để thức tỉnh mong họ trở về… Cũng rất nhiều lần, Ngài đã nói thẳng Ngài là một Thiên Chúa hay ghen.
Như vậy
1. Ghen là một tình cảm tự nhiên
Càng yêu nhiều, càng hy sinh nhiều, mà khi thấy mình bị phản bội, bị cắm sừng, thì càng đau, sự ghen
tương tức giận càng lớn.
Ghen là sự biểu lộ của một nỗi đau câm nín, vì thấy mình bị chê bai, chối bỏ. Thấy tình yêu mà mình đặt tin tưởng nơi người kia, hóa ra là giả dối. Đau đớn và cay đắng quá, sục sôi trong lòng, thành niềm ghen tức.
Nhưng cái khó nhất trong vấn đề này là:
2. Ta phải thể hiện cơn ghen ấy thế nào
Ta ghen, là muốn nói to lên, cho người kia biết rằng: Mưu đồ đen tối của họ, ta đã biết rồi, tình cảm đang chuẩn bị tan vỡ đấy. Cho nên, có khôn hồn thì dứt bỏ ngay đi. Ăn năn hối hận mà trở về ngay đi.
Nếu mục đích là thế, thì ta phải giải quyết thế nào, cách thế nào để giải quyết?
Có những người, đã dùng tới bạo lực. Đánh, hoặc dùng hóa chất để đổ lên người kẻ tình địch. Nhưng xem ra, cách giải quyết kiểu ấy, chỉ làm cho kẻ phản bội, lại đi xa hơn nữa. Lòng tự ái bỗng dưng bốc cháy, thế là đã không kéo lại được, mà lại đẩy đi xa hơn.
Điều hệ trọng nhất trong lúc này, là phải hết sức bình tĩnh, và cân nhấc kỹ lưỡng. Để giúp thêm cho thái độ này, là phải chạy đến với Chúa: Tâm sự và tha thiết cầu xin. Rồi dùng đến những phương cách nhẹ nhàng, nhưng cứng rắn, để tháo gỡ. Phải tìm hiểu thật rõ, đâu là lý do chính đã đưa người ấy đến phản bội? Không phân tích kỹ, để hiểu được điều này, mọi giải pháp đều sẽ thất bại vô duyên.
Một điều thứ hai cũng không kém quan trọng, là phải có lòng bao dung. Đừng có chấp nhất, khi thấy người ấy đã có dấu hiệu thống hối. Đừng đòi người ấy phải có sự tuyệt đối, cả về thời gian, cả về thái độ, đã bao dung thì sau này đừng nhắc đi nhắc lại để đay nghiến nữa.
Bởi sự phản bội của người ấy, có khi một phần nguyên nhân cũng là do sự thiếu sót của mình. Có khi tại một tật xấu nào đó, mà mình không chịu sửa đổi.
Chẳng hạn, cái tật ăn mặc luộm thuộm, cẩu thả của mình.
Cái tật quá lắm điều của mình, làm người kia thấy mệt mỏi, không có được sự bình an sau một ngày làm
việc vất vả.
Cái tật cậy quyền, cậy tài của mình, rồi lấn lướt người kia, khiến lòng tự ái bị xúc phạm.
Nhưng trong sự ghen tuông, một điều rất cần lưu ý để tránh, đó là sự:
3. Ghen bóng ghen gió
Cả đàn ông lẫn đàn bà, ai mắc phải căn bệnh này, thì đó là một đại họa.
Bởi vì như thế, gia đình sẽ trở thành một nhà tù đúng nghĩa.
Sống với nhau mà lúc nào cũng nghi ngờ, lúc nào cũng nơm nớp lo sợ bị phản bội, thì sao có thể có được sự bình an.
Sống mà lúc nào cũng phải quá để ý, quá đề phòng, vì sợ sự vô tình, cũng đủ để người kia nghi ngờ kết án, thì thật là khó chịu.
Nó giống như đi một đôi giày, mà lúc nào trong đó cũng có một viên sỏi.
Sự ghen bóng ghen gió, làm cho người kia lúc nào cũng có cảm tưởng: luôn luôn có một hàng rào vô hình luôn vây bọc mình.
Ghen kiểu ấy, là tự đánh giá thấp về giá trị, và con người của mình. Tự xác định rằng: Mình không đủ giá trị, để người kia có thể tôn trọng và yêu thương.
Tôi đã thấy một người đàn ông ghen bóng gió đến độ: Lúc ăn cơm, bắt vợ phải ngồi quay mặt vào trong không được nhìn ra đường, vì ngoài đường qua lại, có thể có những người đàn ông mà vợ đã quen cũ.
Kiểu ghen bóng gió còn là sự đánh giá thấp người yêu của mình. Người ấy không thật lòng với mình mà chỉ dành cho mình một thân xác bên ngoài, và một tình yêu giả dối.
Cư xử như thế, chắc chắn một điều, là gia đình lúc nào cũng sẽ xào xáo. Bởi tình huống cuộc đời, luôn có những điều vô tình, bất ngờ; hay ghen thì thế nào cũng cắt nghĩa ra xấu được.
Sự ghen tuông ấy, đầy cả hai người lúc nào cũng ở trong sự buồn rầu, chán nản. Chẳng ai dám cố gắng, chẳng ai dám mạnh dạn bung ra để xây dựng gia đình.
Bởi vừa mới bung ra, đã đụng phải chiếc hàng rào vô hình, lúc nào cũng rảo quanh bước chân của mình rồi.
Lm. Đaminh Đỗ Văn Thiêm
(Trích trong "Cuộc sống trẻ thơ")
Thường thì khoảng 10 giờ đêm tôi mới bắt đầu cuộc hành trình “lang thang” đi tìm chỗ các trẻ bụi đời sinh sống nên... tối 28 tết, tôi hoà mình với dòng người tấp nập dạo bộ ra trung tâm Sài Gòn. Khu vực vườn hoa Tao Đàn và vườn hoa Nguyễn Huệ chật kín người. Con đường Lê Lợi rộng thênh thang nhất Thành Phố cấm không cho xe lưu thông chỉ dành cho người đi bộ. Những chiếc lồng đèn vĩ đại treo hai bên đường càng làm sống động hơn không khí tết. Các nam thanh nữ tú, với áo quần muôn màu muôn sắc với đủ các kiểu dáng (đúng là tết “hội nhập”), mà hầu hết là không hợp với vóc người và văn hoá Việt Nam cứ bám sát vào nhau, đến độ tôi ước tính ngay cả con vi khuẩn nhỏ nhất của máy vi tính cũng không thể chui qua được những khoảng cách giữa hai con người ấy. Rồi đến những người da trắng, nhiều không thể đếm nổi. Họ hoà lẫn trong dòng người - họ nhảy múa theo tiếng nhạc được phát ra hết công xuất từ những chiếc loa hai bên đường.
Không những chỉ có các đôi nam nữ ham vui, mà các cặp sồn sồn thì cũng không
thiếu. Có điều hình như họ vẫn còn bẽn lẽn trong cách “thân thiện” của họ trước
đám đông - họ chất phát hơn trong các cử chỉ, tay họ chỉ chỏ những mới lạ được
dựng dọc theo con đường và khẽ nói vào vào tai nhau khi có chuyện cần. Đối lập
với họ là những bạn trẻ tuổi trung học, họ đi với nhau theo từng nhóm và nơi nào
có họ, nơi đó ồn ào náo nhiệt, và ánh đèn của máy chụp hình liên tục sáng lên!
À, cũng còn nữa, đó là thành phần… như tôi. Những kẻ lẻ loi một mình - những kẻ
không có bồ hay gia đình - những kẻ độc thân vô điều kiện và những kẻ độc thân
có điều kiện.
Vừa thả bộ vừa miên man suy nghĩ bỗng một hình ảnh đập vào mắt tôi. Hình ảnh này khác với các hình ảnh khác. Không phấn son, không loè loẹt áo quần, không điện thoại cầm tay, không máy hình, không dầy dép, nói chung là không… có gì đặc biệt. Chỉ khác lạ. Một em nhỏ khoảng độ 7 hay 8 tuổi, hai tay xách hai bịch sốp đựng đầy những cái chai nước sối, hay lon coca đã uống hết được người ta vất xuống đường và kẹp vào nách một ít cái chai còn lại. Cứ đi khoảng một hai bước, những cái chai kia lại rớt xuống, và em lại ngồi xuống nhặt lên, rồi lại đi, lại rớt và lại nhặt.
- Thằng nhóc này tránh ra cho tao chụp hình coi. Một nhóm bạn trẻ quát vào mặt cậu bé. Vừa dứt lời, một cô gái mặc váy thật đẹp lấy chân đá các bình nhựa đó qua một bên rồi sửa lại y phục làm điệu trước ống kính máy hình một cách rất… vô tư như không có gì sảy ra.
Cậu bé không nói gì, hai tay cầm hai bịch sốp và vội vã đuổi theo những cái chai nhựa đang lăn long lóc và bị dòng người đông nghẹt đá qua đá lại. Tôi nhìn thật kỹ, cậu lủi bên này rồi chạy bên kia, mà vẫn chưa chụp được cái chai. Vì mỗi khi cậu vừa trờ tới thì đã có một đôi chân nào đó đá nó đi chỗ khác. Nhìn cậu đuổi theo những cái chai mà tôi gần như ngộp thở. Ờ mà sao tôi dở thế nhỉ? Sao tôi không giúp cậu bé mà cứ đứng trơ ra như đá nhìn xem chuyện gì sảy ra.
Cậu vẫn cứ đuổi theo cái chai nhựa cho đến khi một cái chân cổ thụ chặn cái chai lại cho cậu. Cậu ngước mắt nhìn lên, một người da trắng cao to đang đứng trước mặt. Cậu khiếp người, không dám nhìn lên mà tính toan bỏ đi. Bỗng người đàn ông đó cúi xuống cầm lấy cái chai, đưa cho cậu rồi lấy hết đồ trong cái túi ny long thật lớn mà ông đang cầm trên tay ra, rồi đưa cho cậu cái túi đó và giúp cậu bỏ hết tất cả các chai nhựa va lon coca vào đó – sau đó tôi con thấy ông cho cậu một ít tiền, cười vui vẻ vỗ vào vai cậu, nói một vài câu gì đó rồi đi.
Tự dưng tôi cảm thấy xấu hổ - Xấu hổ cho chính tôi và cho tất cả người Việt Nam. Không một ai giúp cậu bé đáng thương kia, mà phải để một du khách, một con người không cùng ngôn ngữ làm cái điều mà đúng ra chúng ta phải làm. Ôi cái câu ca dao “Nhiễu điều phủ lấy giá gương - Người trong một NƯỚC phải thương nhau cùng” đâu rồi nhỉ. Vừa nghĩ đến đó tôi quyết định làm quen với cậu bé…
- Chào cháu, chú có thể làm bạn với cháu được không? Tôi tiến lại gần đứa bé và cất giọng. Thằng bé không trả lời, nhìn tôi có vẻ sợ hãi và “không tin tưởng” và tiếp tục bước đi. Tôi đuổi theo, lấy tay giữ nhẹ nó lại vào nói:
- Này giờ chú để ý cháu đó. Chú thấy thương cháu một mình – mà chú cũng một mình, nên chú muốn làm bạn với cháu đêm nay, được không? Thằng bé có vẻ vẫn con bán tín bán nghi, nhìn tôi chằm chằm. Tôi “tán” tiếp.
- Chú không có bạn bè ở thành phố này, chú thật sự muốn làm bạn với cháu mà. Chú muốn mời cháu đi ăn tối với chú. Hai chú cháu mình qua chợ ăn đêm Bến Thành ăn nhé.
Thằng bé vẫn không nói gì. Mặc kệ, tôi nhẹ nhàng đưa tay ra cầm lấy hai cái bịch
nylong đựng đầy các đồ “ve chai” của nó, tay kia cầm tay nó và dẫn nó đi. Thằng
bé nhìn quanh có vẻ sợ hãi nhưng vẫn không nói gì. Nó đi theo tôi, nhưng đầu vẫn
cứ ngoái lại đằng sau như có điều gì không ổn. Tôi hỏi:
- Cháu tìm gì vậy? Hay cháu có bạn, có muốn chú mời bạn cháu cùng đi không?
- Dạ không. Thằng bé nói câu đầu tiên. (và sau này tôi mới biết cũng là câu đối thoại cuối cùng với tôi)
Cứ mỗi tối tôi ra chợ ăn đêm Bến Thành thì các quán tha hồ tranh thủ mời, có khi họ còn ra giữa đường chèo kéo, thế mà tối nay… chẳng ai thèm đả động với tôi một câu. Nhưng tôi hiểu, vì tôi đã quen với cái cảnh này lắm rồi, nên tôi dẫn thằng bé vào góc trong cùng của một cái quán để tránh những cái nhìn… “soi mói”. Thế mà chúng tôi cũng không tránh được những cái liếc mắt khó chịu từ những người đang ăn cho đến chị chủ quán. Tôi hỏi thằng bé muốn ăn gì, nó lắc đầu không nói (hay không biết.) Tôi đánh liều gọi hai tô bún bò giò heo và thêm một ít móng heo để gặm. Mong rằng sẽ câu giờ để có cơ hội nói chuyện với thằng bé. Thằng bé vẫn không nói gì. Nó vừa ăn mà vừa lất lét nhìn chung quanh và nhìn ra đường. Ngay cả người “giỏi bắt chuyện” như tôi mà cũng không thể nào cậy răng nó ra được thêm chữ nào. Tôi hỏi thì một là nó lắc đầu, hai là nó gật đầu. Tôi vận dụng hết tài năng khéo léo của mình, khả năng giao tiếp cho đến những đòn tâm lý học. Tất cả đều vô hiệu…
- (Văng tục…) Mày trốn hả? Biến đi đâu nãy giờ? Ai cho mày vô đây. (Văng tục…) Tao đánh chết “…” mày bây giờ. (Văng tục…) bộ mày đói lắm hả… Người đàn bà sang sảng vừa nói vừa tát thằng bé tới tấp. Tôi không kịp phản ứng gì thì thằng bé đã bị người đàn bà đó kéo ra khỏi tiệm ăn. Tôi đang tính đuổi theo thì…
- Đóng kịch rồi chạy hả. Chị chủ quán kéo tay tôi lại và hét lên. Tôi móc túi lấy ra tờ 200,000 (hai trăm ngàn) đưa cho chị và chạy ra khỏi quán.
Thấy tôi chạy sau người đàn bà túm cổ thằng bé bẻ ngược lại chỉ thẳng vào mặt tôi và quát to.
- Mày mà chạy theo, tao (văng tục…) tao bẻ cổ nó.
Tôi khựng lại, đứng nhìn bà ta túm cổ áo thằng bé kéo đi mà lòng đau xót. Tôi lê bước trở lại cái quán ăn hồi này, ngồi xuống bàn, thở dài, miên mang suy nghĩ, nước mắt tuôn hồi nào cũng không hay.
- Ôi thôi, cậu khóc làm gì. Chuyện đó sảy ra như cơm bữa ở Sài Gòn. Mấy con mẹ đó là mấy con mẹ mìn. Tụi nó về quê thuê mấy đứa con nít lên đây đi ăn xin, rồi nộp tiền cho nó. Cậu ở bển (chắc ý nói tôi ở nước ngoài) nên ngây thơ thôi. Tiếng một người đàn bà ngồi kế bàn tôi cất lên.
- Vâng, cháu không biết. Cháu thấy tội đứa bé nên cho nó ăn và tính cho nó ít tiền thôi.
- Trời, cậu này thiệt á. Cậu có cho nó 1 ngàn hay 100 ngàn cũng vậy thôi. Nó đâu có gì vui đâu vì tất cả cũng vô tay mấy con mẹ đó hết trơn.
Tới đây thì tôi hết biết nói gì. Tôi cám ơn và bước ra khỏi quán đi về khách sạn để chuẩn bị cho cuộc hành trình đêm nay. Cuộc hành trình trở lại “Nghĩa Trang Bình Hưng Hoà” (mời đọc tiếp phần 3)
Chút Suy Tư:
Trời!!! Đó là tiếng (than) duy nhất có thể thoát ra từ cửa miệng của tôi khi lê bước trên 2 blocks đường ngắn về khách sạn. Tôi vẫn biết rằng cuộc đời có nhiều trái ngang nhưng… chẳng lẽ… những gì tôi mới chứng kiến cũng là sự thật? Vâng nó là một sự thật rất phũ phàng mà tôi mới nhận ra. Và chính vì thế tôi quyết định làm thêm một việc trong chuyến đi Việt Nam này là sẽ điều tra chuyện “buôn người” của những người vô lương tâm và sẽ viết một phóng sựJ
Bạn thân mến, không biết bạn đọc xong đoản khúc này thì tâm trạng của bạn ra sao? Nhưng đối với tôi, đứa bé đó sẽ sống mãi, vâng sẽ sống mãi, ít nhất là trong tâm hồn của tôi. Tôi sẽ mãi nhớ về em, sẽ mãi cầu nguyện cho em, và ước mong, vâng, tôi chỉ ước mong một ngày nào đó tôi sẽ được ôm em vào lòng và “chú cháu" mình sẽ hàn huyên, sẽ nói thật nhiều. Ước gì, vâng, ước gì mỗi người chúng ta sống được lời Chúa khi Ngài nói: “Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy.” Mt 24:40
www.hayyeuthuongnhau.org
LM Martino Nguyễn Bá Thông