TIN VUI
Tuần san Bạn trẻ Công Giáo - Số 90 CN 17.06.2007
Web site:www.tinvui.org E-mail : bantreconggiao@yahoo.com
MỤC LỤC
LINH MỤC CỦA THÁNH TÂM CHÚA GIÊSU
Cuộc gặp gỡ đầu tiên của Tổng Thống Bush với Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI
DÂNG HY TẾ TRONG HY TẾ THÁNH TÂM
LỜI NGUYỆN CỦA LINH MỤC NGÀY LỄ THÁNH TÂM CHÚA GIÊSU
THÁI ĐỘ MỤC VỤ KHÁC NHAU CỦA CÁC LINH MỤC
HẠNH PHÚC LỨA ĐÔI TRONG CẢNH TÀN TẬT
SỐNG LỜI CHÚA
Lc 7, 36-50 {hoặc 7, 36 - 8, 3}
"Tội bà rất nhiều mà đã được tha rồi, vì bà đã yêu mến nhiều".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, có một người biệt phái kia mời Chúa Giêsu đến dùng bữa với mình; Người vào nhà người biệt phái và vào bàn ăn. Chợt có một người đàn bà tội lỗi trong thành, nghe biết Người đang dùng bữa trong nhà người biệt phái, liền mang đến một bình bạch ngọc đựng thuốc thơm. Bấy giờ bà đứng phía chân Người khóc nức nở, nước mắt ướt đẫm chân Người, bà lấy tóc lau, rồi hôn chân và xức thuốc thơm. Thấy thế, người biệt phái đã mời Người nghĩ thầm rằng: "Nếu ông này là tiên tri thì phải biết người đàn bà đang động đến mình là ai và thuộc hạng người nào: là một người tội lỗi". Nhưng Chúa Giêsu lên tiếng bảo ông rằng: "Hỡi Simon, Tôi có điều muốn nói với ông". Simon thưa: "Xin Thầy cứ nói".
- "Một người chủ nợ có hai con nợ, một người nợ năm trăm đồng, người kia nợ năm mươi. Vì cả hai không có gì trả, nên chủ nợ tha cho cả hai. Vậy trong hai người đó, người nào sẽ yêu chủ nợ nhiều hơn?" Simon đáp: "Tôi nghĩ là kẻ đã được tha nhiều hơn". Chúa Giêsu bảo ông: "Ông đã xét đoán đúng". Và quay lại phía người đàn bà, Người bảo Simon: "Ông thấy người đàn bà này chứ? Tôi đã vào nhà ông, ông đã không đổ nước rửa chân Tôi; còn bà này đã lấy nước mắt rửa chân Tôi, rồi lấy tóc mình mà lau. Ông đã không hôn chào Tôi, còn bà này từ lúc vào không ngớt hôn chân Tôi. Ông đã không xức dầu trên đầu Tôi, còn bà này đã lấy thuốc thơm xức chân Tôi. Vì vậy, Tôi bảo ông, tội bà rất nhiều mà đã được tha rồi, vì bà đã yêu mến nhiều. Kẻ được tha ít, thì yêu mến ít".
Rồi Người bảo người đàn bà: "Tội con đã được tha rồi". Những người đồng bàn liền nghĩ trong lòng rằng: "Ông này là ai mà lại tha tội được?" Và Người nói với người đàn bà: "Đức tin con đã cứu con, con hãy về bình an".
{Sau đó Người rảo qua các thành thị và xóm làng, giảng dạy và loan báo Nước Thiên Chúa. Có nhóm Mười Hai cùng đi với Người, cũng có cả mấy người phụ nữ đã được chữa khỏi tà thần và bệnh tật: Maria gọi là Mađalêna, đã được chữa khỏi bảy quỷ ám, Gioanna vợ của Cusa viên quản lý của Hêrôđê, Susanna và nhiều bà khác: họ đã lấy của cải mình mà giúp Người.} Đó là lời Chúa.
Khi đọc Lời Chúa hôm nay và đặt mình trong bối cảnh của Tin Mừng, chúng ta thấy Đức Giêsu và ông chủ nhà Pharisêu có hai lối nhìn khác nhau về người phụ nữ; đồng thời người phụ nữ và ông chủ nhà cũng có hai lối nhìn khác nhau về Đức Giêsu.
1. Hai lối nhìn về người phụ nữ
Tiếp tục đặt mình trong khung cảnh bàn ăn tại nhà ông Pharisêu, lúc này Đức Giêsu là khách được mời, một nhân vật được mọi người trong bàn tiệc đặc biệt quan tâm. Thế rồi một phụ nữ đã xuất hiện mang theo một bình bạch ngọc đựng dầu thơm tiến vào, lại gần Đức Giêsu, đứng đằng sau, sát chân Chúa mà khóc, lấy nước mắt mà tưới ướt chân Chúa. Chị lấy tóc mình mà lau, rồi hôn chân Chúa và lấy dầu thơm mà đổ lên. Quan sát thái độ và từng cử chỉ của người phụ nữ, một người mà ai cũng biết về cuộc đời tội lỗi của chị, rồi nhìn sang ông chủ nhà Pharisêu, chắc chắn chúng ta cũng có chung một cảm giác khó chịu với ông!
Nhưng lạ lùng thay, khi chưa một ai nói lên suy nghĩ của mình, thì Đức Giêsu đã biết được tất cả, và Chúa đã nói cho mọi người nghe nhận định của Chúa về người phụ nữ tội lỗi này. Chúa xác nhận chị là người đã có một quảng đường dài sống trong tội lỗi, nhưng trong giây phút hiện tại này, chị đang thật lòng sám hối với những giọt nước mắt ăn năn và quyết tâm trở về. Chị không xấu hổ hiện diện trước mặt mọi người để nghe những lời bình phẩm với thái độ kết án khinh khi, nhưng niềm tin và tình yêu của chị đối với Chúa Giêsu đã giúp chị vượt qua tất cả! Vì thế, Chúa thẳng thắn tuyên bố với mọi người: “…Tội của chị rất nhiều, nhưng đã được tha, bằng cớ là chị đã yêu mến nhiều. Còn ai được tha ít thì yêu mến ít”. Và Người cũng nói riêng với chị: “Tội của chị đã được tha rồi”.
2. Hai lối nhìn về Đức Giêsu
Khi câu chuyện diễn tiến tới đây, chúng ta có nhận xét thế nào về hai lối nhìn Đức Giêsu của ông chủ nhà Pharisêu và người phụ nữ? Phải chăng đối với ông Pharisêu, Đức Giêsu chỉ là một người dân trong làng Nazarét đã trở nên một thầy dạy có sức thuyết phục nhờ những phép lạ Chúa đã làm. Ong có ý mời Chúa đến dùng bữa để muốn biết rõ hơn rằng Người có phải là một ngôn sứ không? Do đó, khi thấy Chúa để cho người phụ nữ tội lỗi lại gần, ông đã nghi ngờ và đánh giá thấp về Chúa: ‘Nếu quả thật ông này là một ngôn sứ thì hẳn phải biết người phụ nữ đang đụng vào mình là ai, là thứ người nào, một người tội lỗi!” Vì theo ông, vị ngôn sứ phải là người kết án tội lỗi và không bao giờ đón tiếp người có tội. Hơn nữa, khi Đức Giêsu tuyên dương lòng mến của chị và tha tội cho chị, ông và các người đồng bàn đã phản ứng trong lòng: “Ong này là ai mà lại tha được tội?”
Trong khi đó, người phụ nữ tội lỗi đã hiểu được Giáo lý Nước Trời và con người của Đức Giêsu như vị mục tử tốt lành , đang đi tìm từng con chiên lạc, đang kêu mời những người tội lỗi “sám hối và tin vào Tin Mừng”. Nhờ đó khi nghe biết Đức Giêsu đang dùng bữa tại nhà ông Pharisêu, chị không ngần ngại đi thẳng vào bàn tiệc và trong im lặng, chị chân thành diễn tả niềm tin yêu và lòng sám hối bằng nước mắt và dầu thơm. Hơn ai hết, Đức Giêsu nhìn thấu lòng chân thành, khiêm tốn thẳm sâu của chị nên đã công khai tuyên bố: “Lòng tin của chị đã cứu chị, chị hãy đi bình an”.
Qua câu chuyện Tin Mừng hôm nay, chúng ta có thể rút ra bài học về niềm tin: “Đối với tôi Đức Giêsu là ai?” và tôi đã tiếp nhận Người vào đời sống của tôi như thế nào? Như thái độ và suy luận của ông chủ nhà Pharisêu hay với lòng xác tín khiêm tốn của chị phụ nữ tội lỗi?
Lạy Chúa Giêsu, trong mỗi thánh lễ con đều đón nhận Chúa vào lòng con. Xin ban thêm đức tin cho con để con luôn biết mở lòng ra trước hồng ân cứu độ nhưng không của Chúa. Nhờ đó, khi con càng nhận biết mình tội lỗi, con càng mạnh dạn đến với Chúa để đón nhận ơn tha thứ và bình an. Đồng thời, tình yêu của Chúa sẽ thúc đẩy con chia sẻ Tin Mừng cứu độ của Chúa cho những ai đang sống chung quanh con.
Nt. Têrêsa Phạm Thị Oanh
Dòng Đaminh Tam Hiệp
SỐNG LỜI CHÚA
Lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu là lễ trọng. Lễ trọng này được phụng vụ đặt thêm một tên là ngày cầu xin ơn thánh hoá các linh mục.
Hội Thánh Việt Nam vẫn nhiệt tình với lời nhắc nhở thân thương ấy. Khắp nơi đều cầu nguyện. Cầu nguyện theo tự nguyện và cầu nguyện theo tổ chức.
Thánh hoá linh mục là vấn đề bao la. Riêng tôi nghĩ như thế này : Nếu chọn ngày lễ Thánh Tâm để cầu xin ơn thánh hoá linh mục, thì chính việc chọn đó đã coi Thành Tâm là nguồn thánh hóa linh mục.
Với nhận thức như thế, tôi nhìn linh mục muốn được Thánh Tâm thánh hoá trong hình dung người dựa đầu vào trái tim Chúa Giêsu. Thánh Gioan tông đồ trong bữa tiệc ly đã để lại hình ảnh rất đẹp (xGa 13, 23). Ngài là linh mục của Thánh Tâm.
Theo gương Thánh Gioan, nhiều linh mục đã dựa lòng mình vào trái tim Chúa Giêsu. Cử chỉ thân mật đó chủ yếu là để đón nhận. Những ơn mà các ngài đón nhận từ Thánh Tâm đều rất phong phú và luôn mới mẻ.
Ở đây, tôi chỉ xin nói vắn tắt về ba ơn hay được nhắc tới xưa rầy.
Sống mật thiết với Chúa Giêsu là điều Người đã căn dặn các môn đệ rất kỹ :
“Hãy ở lại trong Thầy, như Thầy ở lại trong chúng con. Cũng như cành nho không thể tự mình sinh hoa trái, nếu không gắn liền với cây nho, chúng con cũng vậy, nếu không ở lại trong Thầy. Thầy là cây nho, chúng con là cành. Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái, vì không có Thầy, chúng con chẳng làm được gì “(Ga 15, 4-5)
Sống mật thiết với Chúa hệ tại ở việc ta đón nhận sự sống của Chúa. Sự sống mới này chảy vào mọi ngõ ngách của hồn ta. Khắp nơi đều được đổi mới. Trí khôn, lòng muốn, tình cảm, và mọi tài năng của ta đều được sự sống Chúa kết hợp lại và nối vào trung tâm là Chúa Giêsu hiện diện trong ta.
Những linh mục biết đón nhận ơn sự sống mật thiết với Chúa sẽ cảm thấy lòng mình như luôn xuất hành đi về với Chúa, cho dù phải lặn lội với bao công việc thuộc bổn phận của mình.
Linh mục hằng ngày chào chúc cộng đoàn : “Bình an của Chúa ở cùng anh chị em” Thứ bình an của Chúa, mà linh mục chào chúc, được hiểu thế nào ?
Có nhiều cách hiểu. Nhưng những linh mục nào thường xuyên dựa lòng mình vào trái tim Chúa Giêsu sẽ trả lời theo thực tế, mà các ngài nhận được từ trái tim Chúa. Bình an đó hệ tại ở sự mình được gặp gỡ sống động với Chúa Cha trong Đức Kitô. Sự gặp gỡ đó được cảm nhận như một khởi sự đi vào cõi sống đời đời.
Xưa Chúa Giêsu đã phán : “Sự sống đời đời, đó là người ta nhận biết Cha, Thiên Chúa duy nhất và chân thật, và nhận biết Đấng Cha đã sai đến là Giêsu Kitô” ( Ga 17, 3).
Sự hiểu biết và đi vào cuộc sống đời đời như thế là do đức tin, chứ không phải do các bài học thần học, giáo lý, hoặc do những tình cảm chủ quan.
Khi nếm được chút sự sống đời đời, người ta sẽ cảm thấy mình bước vào một cõi bình an sâu thẳm. Nhờ sự bình an thiêng liêng đó, ta tin mình được Chúa Cha yêu thương, cũng như được Chúa Giêsu âu yếm. Chúa Giêsu đã quả quyết : “ Thật, chính Chúa Cha yêu thương các con, vì các con đã yêu mến Thầy và tin rằng Thầy từ Chúa Cha mà đến” ( Ga 16, 27).
Xác tín mình được Chúa yêu thương, đó là nguồn bình an vô tận. Từ đó, con người linh mục sẽ không bị chao đảo, cho dù nhiều lúc lòng mình như bị bão gió tràn vào với bao thứ bóng tối hãi hùng. Cũng từ đó, con người linh mục sẽ trở thành khí cụ bình anh của Chúa. Ngài xây dựng sự bình an theo kế hoạch bình an của Chúa, trong các tâm hồn, trong các cộng đoàn Hội Thánh và xã hội.
Ai càng dựa lòng mình vào trái tim Chúa Gêsu càng sẽ cảm thấy mình trở nên bé nhỏ hèn mọn.
Với ý thức đó, họ sẽ rất vui mừng được nói với Chúa : “Này con đây”. Nghĩa là : Con luôn ở trước mặt Chúa. Con luôn sẳn sàng làm và chịu mọi sự theo thánh ý Chúa, đặc biệt là con sẽ hết lòng chu toàn bổn phận.
Tâm tình trên đây là một thừa hưởng tâm tình khiêm tốn vâng phục của Mẹ Maria.
Xưa Mẹ đã nói với Chúa : “Con xin vâng’.Vì phận nữ tỳ hèn mọn này, Chúa đã thương đoái nhìn’ ( Lc 1, 48).
Nay các linh mục của Thánh Tâm cũng nói những lời tương tự.
Khi các ngài nói thế, thì lòng các ngài chăm chú lắng nghe ý Chúa. Ý Chúa không còn mặc khải một lúc, mà được tỏ ra dần dần.
Chính vì thế, mà các linh mục quen dựa lòng mình vào trái tim Chúa đã dễ dàng cùng với Hội Thánh nghĩ tới nhiều việc cần làm để giúp thánh hoá mình và các linh mục thời nay, như canh tân các hình thức đào tạo, lối sống, cách suy nghĩ về chức vụ linh mục.
Khi chia sẻ mấy điều trên đây, tôi vui mừng, vì thấy trong Hội Thánh Việt Nam, vấn đề thánh hoá các linh mục đang trở thành một quan tâm tha thiết đối với mọi tín hữu thuộc đủ mọi tầng lớp và trong mọi hoàn cảnh. Tất cả các tín hữu đều mong ước có những linh mục đạo đức thánh thiện.
Thánh hoá là việc của Chúa. Nhưng Chúa đòi chúng ta cộng tác vào. Phần cộng tác quan trọng là phải thực sự khát khao được thánh hoá. Tiếp theo là phải khiêm nhường đón nhận các ơn Chúa muốn trao ban để thánh hoá. Rồi phải luôn dấn thân đổi mới mình.
Linh mục cần có kinh nghiệm đạo đức. Khi ngài có kinh nghiệm bản thân về sự sống mật thiết với Chúa, về ơn bình an tâm hồn và về lối sống, hiện diện trước Chúa, thì ngài mới dễ là chứng nhân cho Chúa tình yêu.
Nên nhớ rằng : Món quà quý nhất Chúa ban cho một cộng đoàn là cộng đoàn có được một hay những linh mục đạo đức thánh thiện.
ĐGM. GB. Bùi Tuần
HIỆP THÔNG GIÁO HỘI
Vatican: Lần đầu tiên từ khi lên ngôi Giáo Hoàng, Tổng Thống Hoa Kỳ George W. Bush đã triều yết Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI vào ngày thứ Bảy 9/6, nói đến tình hình bất an đối với người Kitô Hữu tại Iraq và các chính sách ngoại giao cũng như các vấn đề luân lý.
Tổng
Thống Bush đã triều yết Đức Giáo Hoàng 35 phút và tiếp kiến các vị hàng đầu
trong Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh 40 phút. Mặc dầu sau hội nghị G8, Tổng Thống
Bush đã không có mặt để chụp hình lưu niệm với các vị nguyên thủ trong khối Bát
Cường G8 vì bị ốm, thế nhưng trong buổi gặp gỡ với Đức Giáo Hoàng, Đức Thánh Cha
và Tổng Thống Bush trông rất thoải mái.
Thông báo của Tòa Thánh trình bày cho biết buổi gặp gỡ diễn ra trong tình “thân mật” và các vị đặt trọng tâm một phần đến “tình hình ưu phiền tại Iraq và những điều kiện nguy kịch đối với cộng đoàn Kitô Giáo”. Hàng chục ngàn người Kitô Giáo đã bỏ nước Iraq trong vòng 4 năm qua để tránh những vòng bạo lực và kỳ thị.
Buổi gặp gỡ cũng bàn đến tình hình chung tại Trung Đông bao gồm đến cuộc tranh
chấp giữa Do Thái và Palestine, và những diễn biến tại Li Băng.
Trong thông tư có đoạn viết: “Tòa Thánh một lần nữa bày tỏ niềm hy vọng cho một
‘vùng' và giải pháp ‘thương lượng' đến những tranh chấp và khủng hoảng đang sâu
xé trong vùng”.
Tổng Thống Bush và Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI cũng bàn đến những khó khăn tại
Phi Châu, tình trạng khủng hoảng nhân đạo tại Darfur và những diễn biến tại Mỹ
Châu La Tinh.
“Cuối cùng, cũng có một sự xem xét kỹ lưỡng đến những vấn đề luân lý và tôn giáo
hiện hành, bao gồm đến những vấn đề về nhân quyền và tự do tôn giáo, bảo vệ và
thăng tiến sự sống, hôn nhân và gia đình, giáo dục cho thế hệ mới và những phát
triển có thể xác nhận được”.
Trước khi Tổng Thống Bush đến viếng thăm, Đức Hồng Y Tarcision Bertone, Quốc Vụ
Khanh Tòa Thánh, đã ca ngợi Tổng Thống Bush đến lập trường của ông trên vấn đề
phá thai và đến “những khởi xướng tích cực thiên về sự bảo vệ đời sống từ lúc
thụ thai”.
Tổng Thống Bush đã đến Vatican với sự kiểm soát nghiêm ngặt và chặt chẽ của lực
lượng an ninh từ trên không cho tới đường bộ lẫn cả đường thủy. Đoàn xe của Tổng
Thống Bush đã đánh lạc hướng mọi người khi vào Quảng Trường Thánh Phêrô từ con
đường bên hông thay vì đi theo Đại Lộ Hoà Giải, là một đại lộ rộng lớn dẫn vào
Tòa Thánh Vatican, con đường này cũng bị chặn không cho xe chạy và nhiều người
tò mò đã đứng dọc theo đại lộ để xem nhưng chờ mòn con mắt chẳng xem được sự gì.
Dưới bầu trời nắng ấm tại Sân St Damasus, Tổng Thống Bush đã được nghênh đón bởi
Tổng Giám Mục Hoa Kỳ James Harvey, là một trong những vị thư ký riêng của Đức
Giáo Hoàng và đã hướng dẫn Tổng Thống qua dàn chào của Đội Vệ Binh Thụy Sĩ và
được hướng dẫn lên lầu 4 Dinh Tông Tòa để triều yết Đức Giáo Hoàng.
Đức Giáo Hoàng đã cười thật tươi và chào Tổng Thống Bush ngay trước lối vào thư
viện riêng. Hai vị đã bắt tay và Đức Giáo Hoàng đã mời Tổng Thống ngồi vào bàn
riêng của Ngài. Các ký giả và các phó nhòm chỉ được phép ở lại trong phút đầu
tiên và sau đó được mời ra ngoài.
Đức Giáo Hoàng nói với Tổng Thống “Tổng Thống tới đây từ Hội Nghị tại
Heiligendamm phải không?”, ám chỉ đến Hội Nghị Bát Cường G8.
Tổng Thống Bush trả lời: “Đúng vậy, từ cố hương của Đức Thánh Cha. Và (hội nghị)
thành công”.
Đức Giáo Hoàng tiếp “Thành công sao? Tổng Thống có đưa ra một số quyết định nào
không? Thật không dễ dàng đâu”. Đức Giáo Hoàng đã nói thật là quan trọng cho con
người mà những hội nghị như thế sẽ đưa ra được những quyết định.
Tổng Thống Bush trả lời: “Đúng vậy, như Đức Thánh Cha đã biết, có rất nhiều ý
kiến. Thế nhưng thật là tốt, thật là tốt đẹp”.
Đức Giáo Hoàng đã tò mò hỏi Tổng Thống Bush có nói chuyện với Tổng Thống Nga
Vladimi Putin hay không, nếu có điều đó cũng là điều tốt.
Tổng Thống đã dừng lại để cho các nhiếp ảnh gia chụp hình rồi vẫy tay nói với họ:
“Tôi sẽ kể chuyện cho các anh sau”. Cả Đức Giáo Hoàng và Tổng Thống Bush đều
cười.
Tổng Thống Nga Putin và Tổng Thống Bush đã “dung tha” trong dịp này về vấn đề
Hoa Kỳ dự định xây dựng hệ thống hỏa tiến phòng thủ tại Âu Châu.
Tổng Thống Bush đã khoe với Đức Giáo Hoàng là Tổng Thống đã yêu cầu Quốc Hội
thông qua 30 tỉ Mỹ Kim trong việc phòng chống tình trạng khủng hoảng bệnh Sida,
là một số tiền đã tăng gấp đôi so với món tiền mà Hoa Kỳ đã cam kết lần trước.
Sau khi các phóng viên và nhiếp ảnh gia đã rời khỏi thư viện, Đức Giáo Hoàng và
Tổng Thống Bush đã đi ngay vào vấn đề và bàn thảo riêng giữa 2 vị mà không có
người thông dịch cũng như các giáo sĩ phụ tá. Sau khi ra khỏi thư viện riêng,
Tổng Thống Bush đã giới thiệu với Đức Giáo Hoàng, phu nhân và đoàn tùy tùng từng
người một. Đức Giáo Hoàng đã trao cho mỗi người một mề đay lưu niệm. Trong số
những người có mặt trong đoàn tùy tùng là ông Karl Rove là vị cố vấn tối cao của
Tổng Thống Bush.
Đức Giáo Hoàng và Tổng Thống Bush đã trao đổi quà lưu niệm. Tổng Thống Bush đã
tặng Đức Giáo Hoàng cây gậy gỗ dài khoảng 2 thước tây với kiểu mẫu có khắc ghi
Mười Điều Răn. Khi Đức Giáo Hoàng cầm lấy, Tổng Thống Bush đã nói cây gậy này
được làm bởi một người trước đây sống vô gia cư rày đây mai đó tại Dallas- Hoa
Kỳ.
Nhìn vào cây gậy, Đức Giáo Hoàng hỏi “Có Mười Điều Răn sao?”
Nhiều trụ sở công lập tại Hoa Kỳ, đặc biệt tại các Tòa Án thường để bản bia Mười
Điều Răn và họ đã gân cổ tranh tụng để bẩy đi cho bằng được những tấm bia này,
thế nhưng khi Đức Giáo Hoàng hỏi thì Tổng Thống Bush đã trả lời ngay: “Yes,
Sir”.
Đức Giáo Hoàng đã tặng Tổng Thống bức hình vẽ Đền Thờ Thánh Phêrô và một mề đay
bằng vàng biểu tượng cho Triều Giáo Hoàng. Qua hai nhiệm kỳ Tổng Thống, mắt đã
lèm kèm, Tổng Thống Bush phải đeo kiếng vào để nhìn mề đay cho thật rõ và trầm
trồ khen ngợi: “Thật tuyệt đẹp, cám ơn Đức Thánh Cha rất nhiều”.
Sau đó Tổng Tổng Bush và một số vị cố vấn cấp cao đã gặp gỡ Đức Hồng Y Bertone
và các giáo sĩ trong Bộ Ngoại Giao Tòa Thánh.
Tòa Thánh Vatican rất quan tâm đến tình hình Iraq. Sau khi Tổng Thống Bush và
đoàn tùy tùng rời Tòa Thánh Vatican, thông tư về cuộc viếng thăm này đã được
công bố bởi Tân Tổng Trưởng Bộ Giáo Hội Đông Phương, là Đức Tổng Giám Mục
Leonardo Sandri, ngài đã nói
đến nhiều tín hữu Giáo Hội Công Giáo nghi lễ Đông Phương đã trải qua những khổ
đau tại Iraq, Libăng, và nhiều nơi khác vì “chiến tranh, bạo lực hay sợ hãi đến
tương lai bấp bênh.
Tổng Giám Mục Sandri thêm rằng “Tôi cũng nghĩ đến những người phải rời bỏ quê hương họ và tất cả những giả sản của họ”. Các viên chức Giáo Hội càng lúc càng đau buồn vì tình hình ra đi của giáo dân Công Giáo Iraq sau khi Hoa Kỳ và Liên Minh bắt đầu cuộc xâm lăng Iraq vào năm 2003.
Năm 2004, là lần cuối cùng Tổng Thống Bush triều yết Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô
II, và Đức Thánh Cha đã nói với Tổng Thống về nỗi quan tâm sâu xa của Ngài đến
tình hình Iraq và đã nhắc nhớ cho Tổng Thống Bush đến “lập trường rõ rệt” chống
lại chiến tranh của Tòa Thánh Vatican.
Trong nhiệm kỳ đầu tiên, Tổng Thống Bush đã triều yết, Đức Gioan Phaolô II 3 lần, 2 lần ở Tòa Thánh Vatican, và một lần ở nhà nghỉ mát Giáo Hoàng Castel Galdolpho.
Trước khi đến Tòa Thánh triều yết Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI, Tổng Thống Bush
đã nói với các ký giả lần này tôi đến viếng thăm với tâm tình “lắng nghe” khi
gặp vị Giáo Hoàng 80 tuổi. Tổng Thống Bush nói thêm rằng một cuộc triều yết Đức
Giáo Hoàng luôn luôn là một “kinh nghiệm cảm động”.
Tổng Thống Bush bày tỏ thêm, thật sự mà nói “đôi khi tôi không phải là thi sĩ
cho đủ để diễn tả như thế nào trước sự hiện diện với Đức Thánh Cha”.
Ngọc Loan
Mừng 25 năm thành lập Hội Đồng Giáo Hoàng về Văn Hóa
Roma, ngày 12/6/2007 (Zenit) - Hội Đồng Giáo Hoàng về Văn Hóa mừng kỷ niệm Lễ
Ngân Khánh 25 năm thành lập vào này 13/6/2007 tại trụ sở mới.
Hội Đồng Giáo Hoàng về Văn Hóa đã được thành lập vào ngày 20/5/1962. Trước kia
tọa lạc tại dinh Saint Calixte ở Transtévère nay rời về đại lộ Hòa Giải, gần
quảng trường Thánh Phêrô.
Hội Đồng Giáo Hoàng về Văn Hóa có mục đích thúc đẩy mối quan hệ giữa Giáo Hội, Tòa Thánh và nền văn hóa thế giới, xây dựng cuộc đối thoại giữa những ai không itn vào Thiên Chúa hay tuyên bố về tôn giáo, miễn là họ có thiện chí cộng tác. Hội đồng nhằm 2 lãnh vực : (1) đức tin và văn hóa, (2) đối thoại với các nền văn hóa.
Ngày kỷ niệm đã được ghi dấu bằng những bài diễn văn của các ĐHY Poupard, Dia,
Hummes và Arinze; của cha Arduara và của giáo sư Cappeletti.
ĐHY Poupard, chủ tịch Hội Đồng Giáo Hoàng về Văn Hóa diễn thuyết về đề tài : «
Phúc âm hóa nền văn hóa : chiều hướng căn bản của sứ mệnh của Giáo Hội »
ĐHY Ivan Dias, chủ tịch Bộ Truyền Giảng Phúc Âm cho Các Dân Tộc và cũng là thành
viên của Hội Đồng Giáo Hoàng về Văn Hóa trình bầy đề tài : « Chúa Kitô đã sinh
hạ tại châu Á : những thách đố văn hóa đối với niềm tin trọn vẹn Công giáo và
hội nhập vào đất nước»
ĐHY Claudio Hummes, chủ tịch Bộ Giáo Sĩ và cũng là thành viên của Hội Đồng Giáo Hoàng về Văn Hóa trình bầy đề tài : « Hoạt động mục vụ của tôi trong văn hóa, một kinh nghiệm giáo hội đã gặt hái có hiệu quả trên một lục địa hy vọng »
ĐHY Francis Arinze, chủ tịch Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích và cũng là thành
viên của Hội Đồng Giáo Hoàng về Văn Hóa đã trình bầy đề tài : « Sự dấn thân của
Giáo hội ở châu Phi, để loan báo Đức Kitô ngay giữa lòng các nền văn hóa »
Đề tài thuyết trình của cha Bernard Ardura xoay quanh chủ đề : « những thách đố
của việc rao giảng và hội nhập văn hóa của đức tin và của việc Phúc âm hóa các
nền văn hóa »
Sau hết, giáo sư Vincenzo Cappelleti, chủ tịch của hiệp hội châu Âu về Văn Hóa
và ấn bản STUDIUM trình bầy về đề tài : « Giáo hội và Văn hóa vào lúc khai mào
đệ tam thiên niên kỷ : dưới cái nhìn của một sử gia ».
Lm. Stêphanô Bùi Thượng Lưu
Viết lại lịch sử là viết lại công lao của những người đi trước đã dầy công trên
một mảnh đất, hình thành nên một cách thế hiện diện, làm nên những nét đặc trưng
của miền vùng. Công việc thực ra là khó, khó vì nhiều lẽ: Chỉ thấy hoa trái mà
ít thấy những ngọn nguồn bởi người đi trước đã đi qua cuộc đời, ít tài liệu để
lại để tận tường những nẻo nhiêu khê của năm tháng đã qua. Công việc tuy khó
nhưng vẫn cố gắng để hoàn thành một lịch sử để kể lại cho con cháu, đánh dấu một
thời kỳ hưng thịnh mới mà không quên mất cội nguồn. Dù không thể kể hết, nhưng
vẫn là một lòng tri ân với người đi trước, và gìn giữ truyền thống “Uống nước
nhớ nguồn” để hình thành nên một cách vắn tắt gọi là “lược sử”. Lược Sử của một
vùng miền đã vậy, đây còn là một lịch sử của “niềm tin Công Giáo” giữa anh chị
em lương dân, còn có gia tài đức tin, còn có những niềm tuyên xưng cụ thể bằng
việc Phụng Thờ và Phục Vụ trong bác ái yêu thương. Thế nên, chỉ dám gọi đây là
một lược sử để hy vọng còn có thể viết thêm và viết tiếp những gì chưa biết, đã
và đang hình thành để kể về một Giáo Xứ Vĩnh Hoà hiện diện từ năm 1960 đến nay.
Lược sử hình thành Giáo Xứ:
Tiền thân của Giáo Xứ Vĩnh Hoà là một họ nhỏ của Giáo Xứ Phú Bình vào năm 1960. Những năm của thời kỳ đất rộng dân thưa, việc đi lại chủ yếu là chân đất. Do đó, để tiện cho mọi người có thể đến phụng thờ Thiên Chúa cách thuận lợi, dễ dàng, Cha Chánh Xứ Giáo Xứ Phú Bình lúc ấy là Linh Mục Tôma Phạm Ngọc Biểu mới tiến hành xây dựng ngôi nhà nguyện đầu tiên tại vùng đất hiện thời. Ngôi nhà nguyện thưở ban đầu ấy là ngôi nhà nguyện nhỏ dài 16 mét và rộng 8 mét, xây dựng bằng vật liệu nhẹ: Tường gạch, cột gỗ, mái tôn, nền xi măng.
Dù nhỏ nhưng đã là hiện diện giữa vùng đất có địa giới rõ rệt; nghĩa là đã khẳng định sự hiện diện của Giáo Xứ trên bản đồ: Bao gồm một phần của Phường 5 - Quận 11, Giáp với những tuyến đường: Lạc Long Quân, Âu Cơ, Bình Thới,, Ông Ích Khiêm. Giáo dân chiếm tỷ lệ 80% khiêm tốn giữa những anh chị em lương dân, chỉ khoảng dưới 500 người. Con số nhỏ thường là con số quan trọng trong Thánh Kinh và con số nhỏ của Vĩnh Hoà cũng đã minh chứng điều ấy đang làm chứng tá cho anh chị em người Hoa gốc Việt. và những anh chị em lương dân nhiều miền gốc khác nhau tại đây.
Mở rộng:
Hoạt động truyền giáo luôn được thực hiện trong mỗi Thánh lễ: Quy tụ - Đón nhận
Lời Chúa – Đón nhận Thánh Thể - Sai đi để thu họp thêm Dân Mới. Phát triển luôn
là một yếu tố cần thiết để minh chứng hiệu quả của hoạt động Truyền Giáo và theo
đúng như định nghĩa về Giáo Hội theo khía cạnh này: “Bản chất của Giáo Hội là
Truyền Giáo”. Giáo Hội là ai? Những con người cụ thể trên mảnh đất Vĩnh Hoà này
nếu nói trong khuôn khổ của một Giáo Xứ.
Vào năm 1968, đã thấy hoa trái kết quả nhiều, số giáo dân gia tăng, việc quy tụ
cần có một nới rộng hơn để thi hành việc phụng thờ Thiên Chúa. Ngôi Thánh Đường
đầu tiên hình thành, diện tích: dài 29 mét, rộng 12 mét. Được xây dựng bằng vật
liệu Bê tông - cốt thép, vững chãi. Đức Giám Mục phụ tá F.x Trần Thanh Khâm làm
phép ngôi Thánh Đường ngày 15 – 08 – 1968.
Cha Chánh Xứ Phú Bình Tôma Phạm Ngọc Biểu được Chúa gọi về ngày 27 – 08 – 1980,
ngài đã hoàn tất sứ vụ một cách tốt đẹp và di sản đức tin để lại là Giáo Họ Vĩnh
Hoà cùng cộng đoàn dân Chúa tại đây. Tiếp nối sứ vụ, cha Antôn Nguyễn Quang Bạch
được giao phó trông coi Giáo xứ Phú Bình cùng họ đạo Vĩnh Hoà.
Dân số năm 1980 đã bắt đầu tăng hơn trước, cấu trúc điều hành mở rộng hơn theo nhu cầu phát triển, đến năm 1990. Đức Tổng Giám Mục Phaolô Nguyễn Văn Bình ký sắc lênh nâng Giáo Họ Vĩnh Hoà lên thành Giáo Xứ và cử Linh Mục trông coi Giáo Xứ là cha Giuse Mai Văn Rự quản nhiệm.
Ngày ra riêng cũng là ngày đánh dấu sự trưởng thành của Giáo Xứ. Ngày 24 – 06 –
1991 Giáo Xứ Vĩnh Hòa được tách riêng và có cha chánh xứ tiên khởi là cha Giuse
Trần Văn Nghị coi sóc Giáo xứ đến ngày 14 – 07 - 2002.
Hoa Trái Của Giai Đoạn Hình Thành:
Thiết Lập 4 Giáo Họ: Vinh Sơn – Đaminh – Phaolô – Mông Triệu.
Số Linh Mục thuộc Giáo Xứ: 3.
Số Nữ tu thuộc Giáo Xứ: 8
Giai Đoạn Đổi Mới Toàn Diện.
Cha G.b Vũ Mạnh Hùng được Đức Hồng Y G.b Phạm Minh Mẫn điều về chăm sóc Giáo Xứ
vào ngày 15 – 7 – 2002.
LM. Hoàng Kim Toan
TÌM HIỂU & SỐNG ĐẠO
“Ta sẽ ban tặng các ngươi một quả tim mới,
sẽ đặt thần khí mới vào lòng các ngươi.
Ta sẽ bỏ đi quả tim bằng đá khỏi thân mình các ngươi,
và sẽ ban tặng các ngươi một quả tim bằng thịt.”
(Ed 36, 26)
Tháng sáu, tháng của những cơn nắng chói chang, của những trận mưa ngập đường xá, nhưng cũng là tháng của bầu trời mở rộng cho những cuộc du hành. Tháng sáu, tháng gặp gỡ bạn bè, tháng hẹn hò tình nhân, tháng của những trái tim, “tháng sáu trời mưa, trời mưa không dứt. Trời không mưa anh cũng lạy trời mưa…”
Đối với chúng ta, tháng sáu là tháng mình nói chuyện với nhau về một trái tim: TRÁI TIM GIÊSU.
Trong cuộc đời, bạn đã gặp biết bao trái tim rồi, tháng sáu này, chúng ta sẽ được nghe nói đến một trái tim nữa : Trái Tim Giêsu.
Thực sự bạn và tôi, cũng như mọi tín hữu khác, chúng ta đã nghe nói đến trái tim ấy nhiều lắm rồi. Thế mà Trái Tim Giêsu ấy dường như vẫn xa lạ cách nào ấy đối với chúng ta hôm nay. Cứ nhìn mà xem, những buổi kinh lễ trong nhà thờ vào những ngày trong tháng sáu (tháng Trái Tim Chúa Giêsu) số người tham dự chẳng đông gì hơn những tháng khác, có phần còn ít hơn tháng hoa nữa là khác !
Tại sao vậy nhỉ?
Bạn có nghĩ rằng ở trên đời này, những sự gì, những con người nào không liên quan đến chúng ta, thì mình ít để tâm để ý đến không?
Có phải những cái ta phải để tâm đến hôm nay, không gì khác hơn là cơm ăn áo mặc, xe cộ, nhà ở, sức khỏe, công ăn việc làm; là xây cất sửa sang nhà thờ cung thánh, tháp chuông, nhà xứ, phòng giáo lý không?
Trong tất cả những cái âu lo cấp thiết và hợp lý ấy, Trái Tim Giêsu vẫn như một người khách lạ đứng bên ngoài cuộc đời tôi.
Có người nói (với tôi): “Chúng tôi bù đầu kiếm gạo tối ngày, bán lưng cho trời, bán mặt cho đất, không rảnh rang gì để bàn đến chuyện trái tim!” Người khác chán nản thốt lên rằng : “Có Ngài thì tôi cũng phải lo từng ấy việc, mà không có Ngài thì cũng từng ấy việc tôi phải lo, có khác gì đâu?”
Có lẽ người ta cho rằng: Trái Tim Đức Giêsu cao trọng, phải được tôn thờ trên tòa cao trong gia đình hoặc nơi thánh đường, như vậy mới xứng đáng! Nhưng trớ trêu thay, cái người ta nghĩ thì người ta lại không làm. Khi có thì giờ đến nhà thờ, người ta lại hay đến trước tòa Đức Mẹ hoặc các thánh thì thầm khấn vái, còn trước Thánh Tâm và Thánh Thể thì vắng lặng. Có lẽ vì thế mà trong các thánh đường, trước tòa Chúa và Thánh Thể không thấy đặt hòm tiền?
Có phải vì Đức Maria và một số vị thánh có liên quan đến công ăn việc làm của người ta hơn Đức Giêsu không? Nếu (đây chỉ là giả thuyết), nếu cha sở nào đó, trong một ngày nào đó, âm thầm cất hết Mình Thánh Chúa ở nhà chầu vào trong phòng thánh, rồi cửa nhà tạm mở toang ra, trống không, thì có lẽ kinh sách vẫn râm ran, nghi lễ vẫn linh đình, chẳng mấy ai để ý đến có sự mất mát trống vắng lớn lao trong ngôi nhà thờ đó.
Điều này cũng dễ hiểu, vì có những người tín hữu suốt đời họ không cần đến Chúa Giêsu Thánh Thể. Nếu một năm họ có rước lễ một lần, chẳng qua là vì luật buộc thôi, chứ không phải do lòng thiết tha của họ. Nhưng đối với Hội Thánh, thật đau đớn biết chừng nào!
Tin Mừng theo thánh Gioan nói : “Người ở giữa thế gian, và thế gian đã nhờ Người mà có, nhưng lại không nhận biết Người. Người đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận.” Kinh Thánh nói tiếp :“Còn những ai đón nhận, tức là những ai tin vào danh Người, thì Người cho họ quyền trở nên con Thiên Chúa.” (Ga 1, 10-12)
Hôm nay người ta có muốn làm con Thiên Chúa nữa không?
Đức Giêsu nói với Tôma : “Chính Thầy là con đường, là sự thật, và là sự sống” (Ga 14, 6). Chúng ta là những người đau khổ, ở trong bế tắc, vì chúng ta đang đi tìm một đường lối giải quyết mọi việc cho hồn xác bằng khả năng sức lực riêng của mình, cho nên chúng ta thường đụng đầu vào ngõ cụt.
Chỉ có một cách duy nhất cho chúng ta và cho mọi người trên thế giới hôm nay là: đặt tất cả vận mệnh của từng người vào trong bàn tay của một Con Người. Con Người ấy đã chết, đã phục sinh, và hiện nay vẫn đang sống giữa chúng ta. Chỉ có một Con Người ấy mới thực sự là Con Đường, là Sự Thật, và là Sự Sống cho thế giới. Con Người ấy là Giêsu, Đấng Thiên Chúa có trái tim thể lý như mọi người, nhưng khác trái tim mọi người về bản chất, là vì trái tim ấy là trái tim của tình yêu.
Trái Tim ấy đang là Con Đường cho chúng ta phải đặt cuộc sống mình suốt đời trên con đường ấy. Là Sự Thật, vì chỉ nơi trái tim ấy mới tỏ hiện được sự thật nhãn tiền này là: hôm nay Thiên Chúa đang có mặt giữa loài người, và nhất quyết cứu loài người. Và tất cả sự thật đều phải phát xuất từ Con Người này. Là Sự Sống, vì những ai ở ngoài Đức Giêsu là những kẻ ở trong sự chết.
Chính Con Người Giêsu ấy hôm nay có mặt, đang cầm vận mệnh của lịch sử nhân loại cũng như của từng người, và có quyền năng làm cho cuộc đời của từng người thoát ra khỏi mọi bế tắc.
Chúng ta khổ vì chúng ta không gặp được Con Người Giêsu ấy, hoặc có gặp rồi thì cũng chỉ gặp được một Giêsu giả, một người nào đó giống như Ngài mà không phải Ngài ,vì người ta không giới thiệu Ngài cho chúng ta như “Chính là Ngài”. Chính vì thế mà đi đạo Chúa Kitô tôi thấy mình vẫn khổ như hoặc khổ hơn những kẻ không đi đạo. Vì, nếu nói theo xác thịt, thì những người kia không bị một lề luật nào ràng buộc cuộc sống họ, không bị ám ảnh bởi hình phạt của hỏa ngục như tôi, không bị đe dọa “cắt phép thông công” nếu có ý kiến khác hoặc đi ngược lại “các đấng các bậc”. Họ không phải vất vả để cố chiếm cho được nước Thiên Đàng (như tôi), một nước ở cõi xa xăm mơ hồ nào đó mà không bao giờ tôi có thể tưởng tượng ra nó như thế nào.
Từ bế tắc này đến bế tắc kia, tôi không muốn đến nhà thờ nữa. Sự thể bi đát như vậy vì tôi đã đi theo một tôn giáo, mà không đi theo một Con Người (Ga 3, 16; 4, 42; 14,1). Tôi đã đi theo một tôn giáo “có qua có lại”, xin ơn rồi tạ ơn. Ơn lớn lễ tạ lớn, ơn nhỏ lễ tạ nhỏ. Cúng lớn, bằng ân nhân lớn, cúng nhỏ bằng ân nhân nhỏ. Nhưng nếu rủi tôi sinh ra kiếp nhà nghèo, không phải là “đại gia” hay “doanh nghiệp”, hai bàn tay đen suốt ngày lam lũ, không đủ làm đầy cái miệng, thì lấy gì mà “lễ lạt”, mà “có đi có lại”, mà có bia đá tri ân? Lúc ấy cái cơ khổ của tôi không thần thánh nào đoái hoài tới hay sao?
Cái khổ của tôi là do chính tôi tự đặt ra cho mình một thứ tôn giáo, rồi “suy bụng ta ra bụng… các Đấng”! Như vậy, tôi đã tự chất trên đôi vai tôi những gánh nặng mới, làm khổ thêm cho tôi, và còn làm đau lòng Đức Mẹ và các thánh nữa. Đau lòng hơn cả là Con Người Giêsu, Đấng có một Trái Tim chỉ biết yêu. Bởi khi nào Người không yêu tôi, thì Người không còn là Giêsu Kitô nữa.
Nói một cách khác, khi nào Trái Tim Đức Giêsu không thổn thức trên những khổ đau đời tôi, thì Ngài không còn là Ngài nữa, vì Ngài là thiên Chúa tình yêu mà! (1Ga 1, 7; Rm 8, 35)
Kinh Thánh quả quyết : “Chính người đã mang lấy các bệnh tật của chúng ta, đã gánh chịu những đau khổ của chúng ta” (Is 53,4). Ngài đến trong thế gian chỉ có một mục đích đó thôi: yêu thương, mang vác tất cả tội lỗi của tôi, chữa lành, cho ăn no nê, khoác tôi lên vai và đưa tôi về. Tất cả mọi biến cố lớn nhỏ trong đời tôi, như như một sợi tóc trên đầu rớt xuống, cũng đều rơi vào trong tình yêu Giêsu. “Trước khi cho ngươi thành hình trong dạ mẹ, Ta đã biết ngươi.” (Gr 1, 4). Nên chú ý chữ “biết” trong Kinh Thánh. Thiên Chúa biết ta thiếu thốn mọi sự, và Ngài đã sắm sẵn tất cả để đặt ta trong tình yêu của Ngài.
Chỉ một giây thôi, cuộc đời tôi không có sự “biết” của Giêsu, lúc ấy tôi chẳng còn là tôi nữa, tôi trở thành một tạo vật tối tăm, vô cùng khốn đốn, vì “đã bị tước mất vinh quang Thiên Chúa” (Rm 3, 23), và đã bị văng ra khỏi quỹ đạo tình yêu rồi.
Thưa bạn, vì lòng mến Đức Giêsu Kitô, tôi xin bạn đừng nhìn vào những đạo đức mà bạn đã lao công khổ sức luyện tập, mà chỉ nhìn vào Trái Tim Giêsu với lòng thành tín đón nhận tất cả những gì Ngài muốn trao ban, bạn sẽ thấy.
Bạn và tôi đau khổ, chán chường, nghi ngờ mọi sự, chẳng còn biết tin vào ai trên đời này. Những cái đó là có thật, nhưng đó không phải là sự thật mà bạn và tôi phải chịu như thế, vì đã có một người gánh chịu cho chúng ta, xin bạn hãy đọc những lời này : “Mọi lo âu, hãy trút cả cho Người, vì Người chăm sóc anh em.” (1Pr 5, 7). Xin bạn nhớ cho, Kinh Thánh nói “hãy trút cả”, chứ không nói “trút một phần”.
Có cha mẹ nào nói với con cái mình như thế không? Có người yêu nào dám nói câu đó với nhau không? Chỉ có Giêsu mới có tình yêu ấy, chỉ có mình Ngài mới thương bạn và tôi đến như thế, nên Ngài lo đến bạn và lo cho tôi.
Trái Tim Đức Giêsu liên quan mật thiết đến cuộc đời mọi người và từng người. Nếu tôi thật lòng ký thác đời tôi cho Ngài làm chủ, thì những lo âu, bệnh hoạn, những bế tắc cùng đường, những cô đơn sầu tủi của tôi là của Ngài. Những lo toan cơm ăn áo mặc, sức khỏe, nhà xứ nhà thờ của tôi là của Ngài. Chính Ngài đã nói với tôi : “Đừng sợ, hỡi đoàn chiên nhỏ bé” (Lc 12, 32) “Trong Thầy , anh em được bình an. Trong thế gian , anh em sẽ phải gian nan khốn khó” (Ga 16, 33).
Muốn biết người chồng thế nào thì hỏi người vợ.
Muốn biết Đức Giêsu thế nào thì hỏi Hội Thánh, vì Hội thánh là hiền thê Đức Giêsu Kitô.
Bây giờ chúng ta đặt vấn đề với nhau. Nếu có người đến yêu cầu : “xin nói về tấm lòng Đức Giêsu cho chúng tôi nghe”, lúc ấy chúng ta sẽ nói thế nào?
Trong công nghị Do thái, Gioan va Phêrô nói thế này : “Điều chúng tôi đã thấy và đã nghe, chúng tôi không thể không nói ra.” (Cv 4, 20)
Muốn nói về Trái Tim Giêsu, phải đụng vào con người ấy. Phải ngỡ ngàng : “Quả thật, Con Người ấy hôm nay có thật trong cuộc đời tôi!”Phải nghe được tiếng của Ngài trong chính con tim của tôi. Khi ấy Thánh Thần sẽ thôi thúc tôi nói. SứcThánh Thần mạnh đến nỗi Phêrô và Gioan phải thốt lên : “Chúng tôi không thể không nói.”
Bạn có nghĩ rằng giáo dân chán ngán Đạo, và những người ngoài Hội Thánh không thích Đạo vì chưa bao giờ họ được nghe nói về Con Người Giêsu đích thực, và về Trái Tim Yêu Thương của Ngài không?
Vậy bây giờ tôi phải làm gì (Cv 2, 37)? Chúng ta chẳng có khả năng để làm gì cả. Nếu chúng ta có được khả năng làm cho mình và người khác yêu mến Trái Tim Chúa Giêsu, thì quả thật trái tim ấy nghèo nàn và không hấp dẫn bao nhiêu. Kinh Thánh nói : “Ai yêu thì biết Thiên Chúa” (1Ga 4, 7). Muốn biết Thiên Chúa, muốn biết Trái Tim Chúa Giêsu thì phải yêu. Học giả, tiến sĩ, khoa học kỹ thuật không thể nào biết Trái Tim Giêsu. Yêu thì biết, vì “Thiên Chúa là Tình yêu” (1 Ga 4, 8).
Vậy chúng tôi có khả năng yêu không? Nếu nói là không thì bạn không hài lòng. Vì sống trên đời này, phàm là con người thì phải biết yêu. Ai không yêu đó là một quái vật. Tuy nhiên, đối với Thiên Chúa, tình yêu của loài người đã méo mó lệch lạc vì bị nhuốm tội rồi.
Muốn yêu Thiên Chúa thì phải yêu bằng chính tình yêu của Thiên Chúa. Muốn nhìn thấy Thiên Chúa thì phải nhìn trong ánh sáng của Ngài. Kinh Thánh nói : “Vì Thiên Chúa đã đổ tình yêu của Người vào lòng chúng ta nhờ Thánh Thần mà Người ban cho chúng ta” (Rm 5,5)
Đức Giêsu có tài năng, không liên quan gì đến tôi. Đức Giêsu là Thiên Chúa, không liên quan gì đến tôi. Tấm lòng của Ngài thế nào? Ngài có yêu tôi không? Biết được tấm lòng của Ngài, tôi mới trao thân gởi phận cho Ngài.
Muốn biết được Đức Giêsu thì phải nhìn kỹ, chiêm ngắm hằng ngày trong chính đời tôi mới thấy được tấm lòng của Ngài. Làm được như vậy, phải cậy nhờ Thánh Thần bằng cầu nguyện.
Lạy Trái Tim Giêsu, tình yêu điên dại của đời con, Ngài đã ban tất cả mạng sống Ngài cho con, mà chỉ nhận được một trái tim đen đủi vô ơn lạnh nhạt của con. Xin thương xót con.
Ôi Trái Tim Giêsu đáng yêu, đáng mến, con yêu mến Ngài.
Lm Giuse Trần Đình Long, SSS
Lòng yêu mến, kính thờ Thánh Tâm Chúa Giêsu đã sống trong đời sống của Hội Thánh qua nhiều thế kỷ. Nhất là từ năm 1686 – cách 13 năm sau ngày thị kiến về Thánh Tâm của nữ tu Maria Magarita Alacoque được nhìn nhận cùng với thánh lễ kính Thánh Tâm lần đầu tiên được tổ chức tại tu viện Thăm Viếng ở Parayle Monoal, theo nguyện vọng của chị Maria Magarita Alacoque – lòng tôn thờ Thánh Tâm trở nên không thể thiếu trong đời sống người tín hữu.
Tiến xa hơn trong việc sùng kính Thánh Tâm, người ta đã liên tiếp hiến dâng Thánh Tâm con người, gia đình, hội dòng, giáo phận… Lòng tôn sùng Thánh Tâm càng trải rộng, lại càng đi sâu vào lòng người hơn. Bởi thế, lòng tôn sùng Thánh Tâm lại dẫn dắt người ta đi thêm một bước nữa, một bước cao trọng: Hiến dâng Thánh Tâm quê hương xứ sở mình. Bỉ là nước đầu tiên khai mạc phong trào hiến dâng này bằng cuộc hiến dâng nước Bỉ năm 1869, tiếp theo là Pháp năm 1873. Đặc biệt nhất, đáng lưu ý nhất trong cao trào hiến dâng cho Thánh Tâm đó là cuộc hiến dâng vào cuối năm 1899: Đức Thánh Cha Lêô XIII long trọng hiến dâng cả vũ trụ cho Thánh Tâm Chúa Giêsu. Cách riêng, giáo phận của tôi, ngay những ngày đầu mới thành lập, cũng đã hiến dâng cho Thánh Tâm. Thánh Tâm chính là bổn mạng của mỗi một người trong giáo phận.
Đã thực sự sống tháng Thánh Tâm, hơn nữa, chuẩn bị mừng lễ Thánh Tâm, lướt qua một chút những tâm tình hiến dâng lên Thánh Tâm trong Hội Thánh, tôi lại nhận ra một cuộc hiến dâng khác là đích điểm, là nguyên nhân, là mấu chốt, là cốt lõi, là nền tảng, là mạch sống của mọi cuộc hiến dâng. Đó là cuộc hiến dâng Thánh Tâm cho loài người. Bởi để có mọi cuộc hiến dâng, trước tiên phải có cuộc hiến dâng Thánh Tâm. Nhưng nói cho cùng, mọi cuộc hiến dâng gọi là hiến dâng cho Thánh Tâm cũng chỉ là nguyện ước được Thánh Tâm che chở, nâng đỡ, bênh vực. Hiến dâng lên Thánh Tâm không phải mang lại lợi ích về phía Thánh Tâm, nhưng mang lại lợi ích cho mình, vì mình, lợi ích về phía kẻ hiến dâng. Chỉ có cuộc hiến dâng Thánh Tâm mới không vì mình. Thánh Tâm hiến dâng là hiến dâng hoàn toàn cho loài người, vì sự sống của loài Người.
I. HIẾN DÂNG THÁNH TÂM TRONG HY TẾ CHÚA GIÊSU.
Nếu hiểu khổ đau là thập giá, thì Chúa Giêsu đã đóng đinh vào thập giá cả một đời trần thế của Người. Thập giá treo Chúa trên đồi Canvê chỉ là điểm đích, là đỉnh cao, là tiếng nói chung cuộc, là đoạn kết cần phải tiến tới của cả một đời Chúa đóng đinh thập giá. Chính nơi thập giá mà Chúa đóng đinh đời mình – kể từ nhập thể làm người; bị thánh Giuse hiểu lầm; giáng sinh hèn hạ; bị truy tìm giết hại; phải sống phiêu bạc nơi đất khách; ẩn dật nghèo khó và chìm khuất giữa làng quê Nagiareth; lạc mất trong đền thờ; những năm công khai chịu không ít gièm pha, dè biểu, căm ghét, chống đối, bị coi là điên dại…; những giờ phút cuối đời lại bị chính môn đệ phản bội, chối bỏ và xa lánh; đã phải bị đám đông bội ơn đồng lòng đòi giết chết; bị xử án bất công; bị tra tấn; khi lê bước lên đồi Tử Nạn, chẳng thể nhận được một chút trắc ẩn nào nơi đám người hung tợn vây quanh; đến cái chết mà thân xác đã đớn đau tột cùng, lại phải đón nhận sỉ nhục, nỗi cô đơn, nỗi đau tinh thần còn lớn hơn, còn chua xót hơn cái đau thân xác; đến lúc dang tay gục đầu tắt thở, Thánh Tâm đã bị xé rách để tuôn chảy đến giọt máu cuối cùng… – đã biến hy tế thập giá của Chúa Giêsu trở thành hy tế của cả một đời hiến dâng. Thánh Tâm bị xé rách ở giây phút cuối cùng của cuộc hiến dâng trọn vẹn ấy, là bằng chứng cho một tình yêu mà suốt đời Thánh Tâm đã hiến dâng. Một đời đau khổ là một đời hiến dâng Thánh Tâm. Tế hiến hoàn hảo cả một đời là tế hiến Thánh Tâm mỗi giây phút của cả một đời ấy. Bởi vậy, Thánh Tâm tế hiến đã đẹp, giây phút kết thúc hành trình hiến dâng ấy, Thánh Tâm lại bị xé rách, là một hình ảnh hiến dâng không còn gì sánh bằng, không còn gì đẹp hơn. Hình ảnh Thánh Tâm cả một đời dâng hiến, bây giờ lại kết thúc bằng thương tích, bằng sự bị xé rách, đã thành dáng đứng đời đời của tình yêu Thiên Chúa. Một dáng đứng của lòng yêu thương đẹp vô cùng, không thể nói hết, không thể diễn tả, chỉ có thể cảm nghiệm mà thôi.
Tin Mừng nhiều lần nói đến cuộc hiến dâng của Chúa Giêsu. Chẳng hạn:
- Khi hiến mình thành tấm bánh cho chúng ta, Chúa Giêsu khẳng định: “Đây là Mình Thầy, hiến tế vì các con” (Lc 22, 20).
- Khi diễn tả cái chết hy sinh để mang ơn cứu độ, Chúa Giêsu khẳng định: “Nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không thối đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình. Còn nếu nó chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác” (Ga 12, 24).
- Trong bữa tiệc ly, khi từ giả các môn đệ để đi vào cuộc tử nạn, Chúa Giêsu khẳng định: “Đã đến giờ Con Người được vinh quang” (Ga 12, 23).
- Cũng trong giờ ly biệt, Chúa Giêsu khẳng định cái chết trên thập giá là cái chết đưa loài người quy về một mối của ơn cứu độ: “Khi Thầy chịu treo lên khỏi mặt đất, Thầy sẽ kéo mọi người lên với Thầy” (Ga 12, 32).
- Ngay trong cơn hấp hối để đón nhận quyết định hiến dâng trọn vẹn đời mình, Chúa Giêsu đã thổn thức cầu nguyện: “Lạy Cha, xin cho Con khỏi uống chén này. Nhưng xin đừng theo ý Con, mà xin theo ý Cha” (Mc 14, 36).
Còn rất nhiều những lời diễn tả sự hiến dâng của Chúa Giêsu cho trần gian. Tất cả đều cho thấy bằng chứng hùng hồn của cả một đời hiến dâng Thánh Tâm. Cuộc hiến dâng nào cũng đòi tình yêu. Không có tình yêu, người ta không can đảm hiến dâng, không thể hiến dâng. Một Thánh Tâm cũng chính là một Bầu Tim yêu thương. Thánh Tâm là trung tâm tình yêu. Hiến dâng tình yêu, cũng là hiến dâng một Bầu Tim yêu thương, là hiến dâng trung tâm tình yêu Thánh Tâm ấy. Lòng yêu thương lớn đến nỗi, Thánh Tâm đã hiến dâng là hiến dâng đến cùng, đến không còn gì cho riêng mình. Bởi thế, ta có thể mạnh dạn bộc bạch rằng: Mọi lời Thánh Kinh diễn tả cuộc hiến dâng trong hy tế Chúa Giêsu, đều diễn tả trọn vẹn cuộc hiến dâng Thánh Tâm trong hy tế ấy.
Hiến dâng Thánh Tâm là hiến dâng tốt lành nhất, là của lễ hoàn hảo nhất, là bàn thờ cao quý nhất. Bởi thế, Chúa Giêsu đã không ngần ngại chỉ Trái Tim mình mà dạy rằng: “Hãy học cùng Ta…Hãy đến với Ta…” (Mt 11, 28-29). Đặc biệt, để diễn tả cách cao độ lòng yêu thương, sự hy sinh dâng hiến vượt quá sức của mọi sự hiến dâng, trong những lần hiện ra, Chúa Giêsu cũng đã không ngần ngại diễn tả bằng hình ảnh một Trái Tim không còn bình thường nép trong lồng ngực nữa, mà đã lộ ra ngoài lồng ngực. Chúa đã để Trái Tim ở phía trước ngực mình. Không chỉ thế, đó còn là một Trái Tim bị thương tích. Đó cũng là một Trái Tim thổn thức đến độ phải được diễn tả bằng sức nóng, sức sáng, sức cháy của lửa cháy rừng rực. Đó còn là một Trái bị vòng gai quấn quanh, đâm thấu. Đó cũng là một Trái Tim rướm máu và đang đổ máu. Đó còn là một Trái Tim đang lúc diễn tả sức mạnh cùng cực ấy, lại vươn lên hình ảnh Thánh Giá sáng ngời giữa lửa. Đúng là tình yêu của Thiên Chúa, một tình yêu quá đỗi. Để rồi qua tất cả những diễn tả sự hiến dâng Thánh Tâm thật cao cả, thật ngoạn mục ấy, ta thực sự hiểu rằng: “THIÊN CHÚA LÀ TÌNH YÊU” (1Ga 4, 8).
II. DÂNG MÌNH CHO THÁNH TÂM ĐỂ HỘI NHẬP HY TẾ THÁNH TÂM.
Chúa biểu lộ hình ảnh Thánh Tâm trước là dạy ta biết tình yêu của Chúa. Chúa yêu ta đến độ Trái Tim đã thổn thức, đã đau đớn, ngay cả hạnh phúc vì được hiến dâng cho ta. Nhưng không dừng lại chỉ ở việc mạc khải lòng yêu thương. Mỗi khi ngắm nhìn Thánh Tâm, ta phải biết rằng, Thánh Tâm mời gọi ta hãy uốn mình nên như Thánh Tâm. Để uốn mình nên như Thánh Tâm, ta cần hội nhập vào hy tế Thánh Tâm bằng sự dâng mình cho Thánh Tâm và xin vâng như Thánh Tâm đã vâng phục thánh ý Chúa Cha.
Thánh Tâm đã hiến tế. Dâng mình cho Thánh Tâm, ta cũng hiến tế đời mình thành của lễ đền chính tội ta và đền tội muôn người. Ý nghĩa của cuộc dâng mình ấy, tôi đọc thấy thật phong phú, thật cần thiết nơi bài học về Tám Mối Phúc Thật mà Chúa Giêsu đã dạy: “Phúc cho ai có tinh thần nghèo khó, vì Nước Trời là của họ. Phúc cho ai hiền lành, vì họ sẽ được đất nước làm cơ nghiệp. Phúc cho ai đau buồn, vì họ sẽ được ủi an. Phúc cho ai đói khát điều công chính, vì họ sẽ được no thỏa. Phúc cho ai hay thương xót người, vì họ sẽ được xót thương. Phúc cho ai có lòng trong sạch, vì họ sẽ được nhìn xem Thiên Chúa. Phúc cho ai bị bách hại vì lẽ công chính, vì Nước Trời là của họ. Phúc cho các con, khi người ta ghen ghét, bách hại các con. Các con hãy vui mừng hân hoan, vì phần thưởng của các con sẽ trọng đại ở trên trời” (Mt 5, 1-12).
Trong suy nghĩ tầm thường của ta, hình như những phúc lành của Chúa Giêsu là những giá trị lộn ngược. Đang khi người ta chúc phúc cho những ai giàu có, Chúa lại nói: “Phúc cho ai có tinh thần nghèo khó”. Người ta nghĩ, phúc cho ai có đủ danh lợi, Chúa lại nói: “Phúc cho ai hiền lành”. Người ta nghĩ rằng ai có niềm vui, mới là người có phúc, Chúa lại nói: “Phúc cho ai đau buồn”. Người ta nghĩ rằng, phúc cho người dư thừa cái ăn, cái mặc, Chúa lại nói: “Phúc cho ai đói khát điều công chính”. Người ta nói phúc cho ai có quyền hành, Chúa lại nói: “Phúc cho ai hay thương người”. Người ta cho rằng, phúc cho ai có thân thể đẹp, Chúa lại nói: “Phúc cho ai có lòng trong sạch”. Người ta chúc phúc cho người đủ sức mạnh để chiến thắng, Chúa lại nói: “Phúc cho ai ăn ở thuận hòa”. Người ta nói phúc cho ai sống yên hàn, mạng sống không bị đe dọa, Chúa lại nói: “Phúc cho ai bị bách hại vì lẽ công chính”. Đúng là những giá trị lộn ngược!
Nhưng chính những giá trị lộn ngược ấy mới là điều quý giá, đáng để ta sống, vì những giá trị đó làm nên ý nghĩa của cuộc đời, ý nghĩa của mỗi cá nhân chúng ta. Vì từ nay, nếu ta nghèo khổ, ta biết mình có phúc vá dám đặt tất cả tin cậy, phó thác cho Chúa. Nếu ta đau buồn, ta tìm được niềm an ủi. Nếu ta là người tội lỗi, ta tìm được tấm lòng yêu thương của Chúa. Người sẽ khoan dung, tha thứ cho ta. Nếu ta ốm đau, ta tìm được nguồn dược chữa lành trong tâm hồn để biết dâng sự ốm đau ấy, nhằm thánh hóa chính mình, thánh hóa anh chị em. Nếu ta là người bị bách hại, bị chống đối, phải chịu đau khổ vì anh em ta hiểu lầm, ta tìm được sức mạnh và lòng can đảm để vượt qua. Sống Tám Mối Phúc Thật, ta biết rằng, ta hoàn toàn thuộc về Thiên Chúa. Vì thế, mọi phúc lành, cũng chính là phúc thật của Chúa sẽ được Chúa trao ban cho ta.
Mặt khác, còn quý giá hơn: Chính khi sống những giá trị bị coi là lộn ngược, bị coi là bất thường, không đáng để học theo hay sống theo, đó mới là giá trị làm nên hy tế của đời ta. Bởi chỉ có những gì bị coi là khó khăn, là mâu thuẫn mà ta lại có thể vượt qua, đó mới là hiến tế, là của lễ, là sự dâng mình. Hy tế trong Tám Mối Phúc Thật mà ta sống, cũng sẽ là hy tế cần thiết của đời ta để nên một trong hy tế Thánh Tâm. Hơn thế, Tám Mối Phúc Thật, lại là những phúc lành của Đấng chấp nhận chịu hiến tế vì ta, đã trao ban cho ta. Vì thế, sống theo giá trị của những phúc lành ấy, là cách chọn lựa hiến tế tốt đẹp nhất của đời ta để dâng mình cho Thánh Tâm, nhằm hội nhập vào chính hy tế của Thánh Tâm, nên một trong hy tế Thánh tâm.
Bất cứ nơi nào, bất cứ giai đoạn nào của lịch sử nhân loại, một khi đã sinh làm người, thì ngay những giây phút đầu tiên, đời người đã là hy tế. Hy tế cuộc đời càng tăng thêm ý nghĩa, và có giá trị vô song, thậm chí còn đạt tới giá trị vĩnh cửu, nếu con người biết hội nhập hy tế đời mình vào hy tế cuộc đời Chúa Kitô. Đó cũng chính là hội nhập hy tế của trái tim quả cảm vào hy tế Thánh Tâm.
Ngày xưa, khi Chúa Kitô vác thánh giá lên đồi Tử Nạn, Đức Mẹ dõi theo từng bước thương đau của Con mình. Đức Mẹ đã hội nhập thực sự vào hy tế của Chúa. Trái tim Đức Mẹ đã dâng mình trọn vẹn trong hy tế đời Con. Hôm nay, chúng ta, những môn đệ của Chúa cũng xin hiến dâng trái tim đời mình. Dù còn nhiều lỡ lầm, bội phản, nhưng trước sau chúng ta vẫn nguyện ước sống một đời trung thành trong tình Chúa, để xin được cùng hiến tế, cùng hội nhập vào hy tế Thánh Tâm như Đức Mẹ. Dẫu biết mình chưa xứng đáng, thì cũng xin dâng trọn trái tim, xin dâng trót cuộc đời, sống Tám Mối Phúc Thật trong từng ngày sống như hành động thiết thực nhất, cụ thể nhất để dâng mình cho Thánh Tâm, làm thành hy tế đời ta hội nhập vào hy tế Thánh Tâm, nên một trong hy tế Thánh Tâm.
Lm. VŨ XUÂN HẠNH
Lạy Chúa Giêsu,
Là linh mục con gắn bó với Thánh Tâm Chúa
Con trung thành với bổn phận, với nghĩa vụ linh mục Chúa trao ban là con thực hiện ý Chúa trong đời sống hằng ngày của con, con nên thánh theo ý Chúa muốn nơi con.
Là linh mục con được giao sứ mạng cai quản giáo dân, hướng dẫn và phân phát các mầu nhiệm cho giáo dân, con luôn cầu nguyện để hình ảnh sống động của gia đình Thánh Gia: Chúa Giêsu, Mẹ Maria và Thánh cả Giuse, cũng là hình ảnh của cộng đoàn giáo xứ con được trao phó coi sóc.
Là linh mục, con phải sống an bình, trong sáng và thỏai mái cho dù những thử thách, khó khăn, đau khổ có giăng mắc trong cuộc hành trình đức tin của con.
Là linh mục, cuộc đời của con đã thuộc trọn về Chúa, con phải sống sao để Thánh Tâm Chúa luôn là nơi ẩn náu vững chắc, vĩnh cửu của con cho tới khi con được Chúa và triều thần thánh trên trời đem con về thiên đàng chiêm ngưỡng dung Nhan Chúa đời đời.
Là linh mục con chỉ làm việc, chỉ nói, chỉ sống theo ý Chúa và những khi con làm theo ý ngay lành, con tin tưởng tuyệt đối sẽ được Chúa chúc phúc.
Là linh mục, con ý thức thân phận yếu hèn, tội lỗi của con, do đó, con luôn phó
thác đời con cho sự quan phòng của Chúa và cảm nghiệm sâu sa tình thương bao la
của Trái Tim đầy xót thương của Chúa.
Là linh mục, con luôn phải đổi mới, phải quay về vì ý thức con người bọt bèo,
nguội lạnh của con. Con tin Thánh Tâm Chúa Giêsu sẽ biến đổi con nên trong sạch
và sốt sắng.
Là linh mục
con phải lo phần rỗi cho chính con và các linh hồn Chúa trao phó cho con. Con ý
thức và xác tín Chúa muốn con và các người được Chúa trao phó cho con phải nên
trọn lành như Cha ở trên trời.
Là linh mục con luôn tôn thờ Thánh Tâm Chúa vì chỉ nơi Chúa mới có ơn cứu độ,chỉ
nơi Thánh Tâm Chúa mới phát xuất các Bí Tích của Hội Thánh.
Là linh mục, con phải loan báo tình thương, đặc biệt cao rao tình yêu vô biên, tình xót thương của Thánh Tâm Chúa Giêsu.
Là linh mục con phải làm gương về việc sùng kính Thánh Tâm Chúa và loan báo cho mọi người, cho nhiều người biết Thánh Tâm Chúa là nơi nương náu vĩnh cửu cho con người.
Lạy Thánh
Tâm Chúa Giêsu, cuộc đời linh mục của con là một cuộc hành trình đức tin không
mệt mỏi,
Đời của con như một cuộc hải hành luôn phải có la bàn và ánh sáng dọi chiếu, dẫn
đường…
Cuộc đời linh mục của con phải biểu tỏ đức tin, một đức tin kiên vững, đức tin không so đo, không dè dặt, không chùn bước, đức tin của con phải vững mạnh như viên bách quản mà Chúa đã khen ngợi trong Kinh Thánh.
Lạy Thánh Tâm Chúa Giêsu, xin cho con luôn yêu mến Thánh Tâm Chúa và dạy cho nhiều người yêu mến Thánh Tâm Chúa.
Xin cho con hiểu được Trái Tim nhân hậu và đầy tình thương xót của Chúa đã cứu người trộm lành…
Xin Thánh Tâm Chúa Giêsu, xin cho con biết chỉ cho người tội lỗi nhận ra sự chai đá, lì lợm của họ và chỉ có Trái Tim đầy tình thương của Chúa mới biến đổi được họ.
Xin cho con và mọi người luôn biết quí trọng ngày thứ sáu đầu tháng và mọi ngày thứ sáu trong tuần vì chính Chúa đã chết trong ngày thứ sáu thánh và Trái Tim của Chúa đã mở ra để qui tụ, đón mời những tâm hồn biết ăn năn, sám hối, biết quay trở về với Chúa trong giờ sau hết.
Lạy Thánh Tâm Chúa Giêsu, xin cho con và mọi linh mục của Chúa luôn yêu mến, giữ gìn sự dấn thân thánh thiện, sự chọn lựa đi ngược dòng đời để luôn làm chứng cho tình yêu của Thánh Tâm Chúa Giêsu vì chỉ nơi người ơn cứu độ mới chứa chan ( Copiosa apud Eum Redemptio ).
Linh mục Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT
Dịp thánh lễ làm phép dầu, Đức Giám Mục Giám quản Giáo phận Ban Mê Thuột đã lấy lại lời khuyên bảo của Hội Thánh trong nghi thức truyền chức Phó tế và Linh mục để nhắn nhủ chúng tôi, hàng Linh mục là: “Hãy tin điều chúng con đọc, dạy điều chúng con tin và thực hành điều chúng con dạy”. Một lời khuyên bảo vừa sâu xa, vừa đượm lý, thân tình cho những ai hiến thân trong ơn gọi tu trì, cách riêng ơn gọi Linh mục. Xin được chia sẻ đôi tâm tình nhân lời nhắc nhủ của Đức Giám quản Giáo phận.
Chắc chắn Hội Thánh không chủ ý khuyên dạy chúng tôi “tin” tất cả những gì mình đọc. Sách báo ngày nay thật phong phú và đa dạng. Tốt có và xấu cũng không thiếu. Lành mạnh có nhiều và độc hại vẫn đếm không xuể. Với tiến bộ của mạng lưới thông tin thì người ta có thể kiếm được vô số điều để đọc. Tôi đã từng được một anh bạn khuyên là không nên cộng tác với hạng báo này hạng báo nọ, vì những báo ấy thông tin phiến diện. Chu choa, đành phải sửa lưng ông bạn thôi: “Thế thì cậu đừng có xem báo viết hay đọc tin gì trên Internet cả. Cũng đừng đọc sách! Nếu không biết xử lý thông tin”. Một trong những yêu cầu của việc xử lý thông tin đó là chớ vội cả tin những gì mình đọc.
Có thể nói không lầm đó là Hội Thánh không trực tiếp dạy ta tin những gì mình đọc dù đó là những áng văn tu đức hay thần học. Dòng lịch sử cho ta hay rằng đã có đó nhiều trào lưu thần học lệch lạc và cả sai lầm. Đã có đó nhiều hình thức tu đức lạc hậu, tiêu cực và có khi là nghịch với chân lý Thánh Kinh. Như thế việc xử lý nội dung thông tin, tức là những gì chúng ta đọc vẫn luôn cần thiết.
Điều mà Hội Thánh trực tiếp khuyên dạy hàng phó tế và linh mục tin điều mình đọc đó là Lời Chúa và cụ thể là Thánh Kinh. Những lời huấn dụ của Giám mục trong nghi thức phong chức như sau: “(Các) con dã vui mừng lãnh nhận Lời Chúa, (các) con hãy đem ra phân phát cho mọi người! Khi suy gẫm luật Chúa, (các) con hãy chú tâm tin điều (các) con đọc, dạy điều (các) con tin và thi hành điều (các) con dạy”.
Tuy nhiên, chúng ta đừng quên Hội Thánh khẳng định: “Đức tin Kitô giáo không phải là “Đạo thờ Sách”, nhưng là đạo do “Lời” Thiên Chúa, không phải một lời được viết ra và câm lặng, nhưng là Ngôi Lời Nhập Thể và hằng sống” (Thánh Bênađô) (GLCG chung số 108). Thánh Kinh được linh hứng để trình bày chân lý. Tính chắc chắn và không sai lầm của Thánh Kinh hệ tại ở những gì Thiên Chúa muốn nói, muốn dạy. Thánh Công Đồng Vatican I quả quyết: “Trong Thánh Kinh, Thiên Chúa đã nhờ loài người, và dùng cách nói của loài người mà phán dạy, nên để thấy rõ, điều Thiên Chúa muốn truyền đạt cho chúng ta, nhà chú giải Thánh Kinh cần phải cẩn thận tìm hiểu điều các thánh sử thật sự có ý trình bày và điều Thiên Chúa muốn diễn tả qua lời lẽ của các Ngài” (MK số 12).
Một điều chắc chắn đó là những gì các thánh sử thật sự có ý trình bày và những gì Thiên Chúa muốn dạy không luôn đương nhiên đồng nhất với nhau. Làm sao có sự đồng nhất giữa thánh ý Chúa với các luật báo thù trong Cựu Ước, hay “luật thần tru”, nghĩa là tiêu diệt kẻ thù cho tận “đứa đái vách tường”. Cũng không thể có sự đồng nhất của điều Chúa muốn dạy với những chỉ dẫn của thánh Phaolô khi ngài bảo rằng “người nam là thủ lãnh của người nữ” (x. 1Cr 11,3 Eph 5,22). “Trong các cuộc họp phụ nữ không được phép lên tiếng” (x. 1Cr 14,34-35). Và có nhiều điều chính ngài khẳng định là có ý ngài chớ không phải do bởi lệnh của Chúa (x. 1Cr 7,12-22).
Chính vì thế mà sau khi đã dạy ta lưu ý tới các hình thái văn chương (văn thể), đến hoàn cảnh lịch sử, văn hóa của các thánh sử thì Thánh Công Đồng khẳng định rằng: “Thánh Kinh được viết ra bởi Chúa Thánh Thần, nên cũng phải được đọc và giải thích nhờ Chúa Thánh Thần. Và để khám phá ra chính xác ý nghĩa của các bản văn thánh cũng phải kỹ lưỡng xem xét đến nội dung và sự duy nhất của toàn thể Thánh Kinh dựa trên truyền thống sống động của toàn thể Hội Thánh và sự bại suy đức tin” (MK số 12).
Như thế để việc tin điều mình đọc là Lời Chúa khỏi bị phiến diện, thiếu sót hay lầm lạc quả là còn nhiều việc phải làm đối với Kitô hữu, cách riêng với hàng Linh mục. Có thể nói việc “xử lý” những gì mình đọc là cần thiết, ngay cả với các bản văn Thánh Kinh. Tuy nhiên, ta cũng có thể bị cám dỗ sa đà vào việc “xử lý thông tin” bằng những chú giải quá tỉ mỉ, lắm khi đâm ra vụn vặt và rất dễ mang tính chủ quan. Thời còn ở chủng viện. sau khi học chú giải một thư của thánh Phaolô thì không chỉ chúng tôi, các chủng sinh, mà cả đến cha giáo cũng thú nhận rằng giá như thánh tông đồ dân ngoại sống lại chắc là ngài không nhận ra bức thư của mình, sau khi nó đã được chú giải! “hân lý thì trong sáng. Và Thiên Chúa đã ưu ái mạc khải nó cho kẻ bé mọn” (x. Lc 10.21; Mt 11,25-26)
Hãy dạy điều chúng con tin:
Các vị cha chung gần đây của Hội Thánh như Đức Phaolô VI và Đức Gioan Phaolô II đã nói lên sự thật này: Ngày nay người ta không thích nghe những thầy dạy mà thích nghe những thánh nhân. Sở dĩ người ta nghe những thầy dạy vì họ đã là những chứng nhân. Đã qua rồi hay đang qua đi cái thời mà đoàn tín hữu giáo dân chỉ biết cúi đầu lắng nghe và răm rắp thực hiện lời dạy của các vị có thánh chức. Còn anh chị em lương dân và bà con khác đạo thì sao đây? Một vấn nạn nan giải cho những người có bổn phận rao truyền chân lý.
Thiết nghĩ việc giảng dạy chân lý là một bổn phận tất yếu của mọi Kitô hữu, cách riêng của các đấng “làm thầy”. Tuy nhiên, cần phải xem xét lại cách thức chúng ta rao truyền chân lý. Bà con tín hữu giáo dân đã từng phàn nàn việc các linh mục giảng trong Thánh lễ. Điều người ta phàn nàn là các vị sau khi đọc Tin Mừng thì thường nhắc lại nội dung những gì vừa đọc, và sau đó là một ít cảnh báo, răn dạy về chân lý như là trộm cắp, đĩ điếm, xì ke, ma túy… Cái điệp khúc “luân lý” ấy dường như ít thay đổi, khiến cử tọa chưa nghe đủ câu đã biết hết ý lời.
Theo thiển ý của tôi, để rao truyền chân lý, không gì hơn là hãy tận dụng thể văn Tin Mừng. Đây là một thể văn trình bày đức tin của mình để khơi gợi niềm tin hay để củng cố đức tin nơi đọc giả hay cử tọa: “Những gì đã ghi chép ở đây là để anh em tin rằng Đức Giêsu là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa, và để tin mà được sự sống nhờ Danh Người” (Ga 20,31). Thánh Sử Luca khởi đầu sách Tin Mừng đã viết tương tự: “Thưa ngài Thêôphilê… tôi cũng vậy, sau khi cẩn thận tra cứu đầu đuôi mọi sự, thì thiết tưởng cũng nên tuần tự viết ra để kính dâng ngài, mong ngài sẽ nhận thức được rằng giáo huấn ngài đã học hỏi thật là vững chắc (Lc 1,1-4).
Trình bày niềm tin của mình là trình bày các biến cố lịch sử, lịch sử ơn cứu độ, đặc biệt cuộc đời và lời giảng dạy của Đức Kitô dưới ánh sáng của mầu nhiệm tử nạn và phục sinh của Người. Các Thánh sử trình bày những điều ấy không phải như người ở ngoài mà là như người trong cuộc. Lời chứng của các tông đồ, các môn đệ chính là cảm nghiệm rất thật, rất sống động của các ngài. Các ngài muốn truyền lại những gì các ngài đã nghe, đã chứng kiến, đã tiếp xúc… Các ngài không ngần ngại nói lên những thành công lẫn thất bại của mình, không ngần ngại nói lên những hiểu biết cũng như những u mê tăm tối của mình trước chân lý.
Việc truyền dạy những gì mình tin hệ tại ở nơi sự xác tín, sự cảm nghiệm của người giảng dạy hay trình bày. Để có những cảm nghiệm sâu xa có sự xác tín thì không thể không có sự gắn bó với Lời Chúa và cách riêng là với Đấng là Ngôi Lời nhập thể và hằng sống. Dù thông thái như một Thomas Aquinô hay kém trí không như Gioan Vianey, thì để có những lời rao giảng cuốn hút lòng người, đem lại niềm tin cho cử tọa, các ngài đã phải miệt mài gắn bó với Đấng Cứu Độ bằng việc cầu nguỵện, bằng các chiêm ngắm Thánh Thể lâu giờ, không thể nào ban cái mình không có. Thiếu đời sống cầu nguyện thì niềm tin sẽ héo khô, và chắc chắn lời giảng dạy sẽ như: phèn la, não bạt.
Hãy thực hành điều chúng con dạy:
Đây quả là vấn đề khó khăn muôn thuở. Người ta thường dễ duôi những ông thầy chỉ biết khua môi khua miệng. Nếu bạn không thể làm điều gì đó thì hãy dạy người ta. (If you can’t do, teach!). Tương tự kiểu được khuyên rằng nếu bạn thất nghiệp thì hãy mở công ty giới thiệu việc làm. Không chỉ như các luật sĩ ngày xưa mà ngay cả hôm nay vẫn còn đó nhiều người chỉ biết thao thao bất tuyệt: những sự khôn ngoan, những điều phải làm mà bản thân không buồn giơ một ngón tay lay thử (x.Lc 11,46)
Tấm gương của các tông đồ trong vấn đề ngôn hành sánh đôi được trình bày cách rõ rệt qua các chương của sách Công vụ Tông đồ. Noi gương Đức Kitô, Thầy chí thánh, các ngài đã sống lời giảng dạy của mình cách thuyết phục qua đời sống chứng từ, đời sống hiệp thông huynh đệ và qua việc can đảm làm chứng cho chân lý.
Các ngài chuyên chăm cử hành lễ bẻ bánh và cầu nguyện không ngừng (x.Cvtđ 2,42). Để làm cho các tín hữu hợp nhất với nhau và để mọi sự làm của chung… thì chắc chắn các tông đồ đã làm gương về tình yêu thương và sự chia sẻ. Các ngài đã quan tâm đến những góa phụ, những người ngoại kiều, nên đã thành lập nhóm phó tế để chuyên lo phục vụ, đặc biệt cho những người cô thế (x.Cvtđ 6,1-7). Các ngài đã can đảm rao giảng chân lý vì “không thể không nói những gì mắt thấy tai nghe” (x.Cvtđ 4,20). Và nhất là “phải vâng lời Thiên Chúa hơn là vâng lời người ta” (x.Cvtđ 5.29). Biết bao gian truân ập xuống trên các ngài như tù đày, bắt bớ và cả cái chết, thế mà các ngài vẫn hân hoan đón nhận.
Theo gương sáng và lời dạy của Thầy, các ngài luôn đi trước đàn chiên (x. Ga 13,15). Các thầy dạy hôm nay phải chăng được mấy ai dám nói mà không thấy thẹn như các tông đồ đã từng nói với tín hữu: Anh em hãy noi gương tôi như tôi đã noi gương Đức Kitô. Hãy thực hành điều các con dạy! Một lời khuyên bảo luôn có đó tính thời sự cho chúng ta, cách riêng cho các “đấng bậc làm thầy trong Hội Thánh Chúa. Ước gì lời của Đức Kitô không ứng vào chúng ta: “Những gì mà các luật sĩ và biệt phái giảng dạy trên tòa Môisen, anh em hãy thực hành nhưng đừng bắt chước việc họ làm vì họ chỉ nói mà không làm (Mt 23.2-3).
Để kết thúc những chia sẻ này, xin được lấy lời của Đức Giám Mục Giám quản Giáo phận Ban Mê Thuột trong Thánh lễ làm phép dầu, gửi đến bạn đọc, cách riêng quý Kitô hữu giáo dân: Xin quý vị không chỉ xin hay yêu cầu các linh mục cầu nguyện và phục vụ mình, mà hãy biết cầu nguyện và nâng đỡ hành linh mục của Chúa. Để có thể sống một cách nào đó, lời huấn giáo của Hội Thánh: Tin điều mình đọc, dạy điều mình tin và thực hành điều mình dạy, vì các linh mục cần được nâng đỡ rất nhiều, trước hết là ân sủng Chúa và kế đến là sự động viên, chia sẻ, cầu nguyện và cả góp ý của hàng tín hữu giáo dân.
Lm. Giuse NGUYỄN VĂN NGHĨA-Thuận Hiếu-Ban Mê Thuột
LƯƠNG TÂM NGAY CHÍNH
Trong thư mục vụ 2006 mang tựa đề “Sống Đạo Hôm Nay” 08/09/2006 Hội Đồng Giám mục Việt Nam đã viết : “Trước những thay đổi hiện thời của xã hội làm ảnh hưởng không nhỏ đến cách nghĩ và lối sống của nhiều người, nhất là người trẻ, chúng tôi đề nghị một lộ trình sống đạo khởi đi từ việc đổi mới bản thân…Ngoài ra, mỗi người cũng cần được huấn luyện để có lương tâm ngay chính”.
Tại sao phải quan tâm đặc biệt đến vấn đề lương tâm ? Các Giám mục trả lời : “Trong xã hội hiện nay, đôi khi nhu cầu sinh sống và phát triển đã kéo theo những hệ luỵ làm cho lương tâm con người bị sai lệch hoặc bị mất phương hướng…” ( số 5). Trong phần dưới đây, ta hãy suy nghĩ về chủ đề : “Lương tâm ngay chính”. Chủ đề này chia làm hai điểm.
- Sự suy thoái lương tâm ngày nay
- Huấn luyện lương tâm
I . SỰ SUY THÁI LƯƠNG TÂM HIỆN NAY
Phải nói rằng, sự suy thoái lương tâm hay ý thức đạo đức hôm nay là rất nghiêm trọng. Dĩ nhiên con người ở đâu và thời đại nào cũng có người tốt kẻ xấu, nhưng khi cái xấu, cái sai trái không những lấn át cái tốt mà còn được xem như chuyện bình thường, thì quả thật, vấn đề vô cùng quan trọng. Sự suy thoái lương tâm được biểu lộ qua ba hình thức phổ biến hiện nay, đó là : tham nhũng thối nát; dối trá và thiếu ý thức công dân.
1 Trước hết là tham nhũng thối nát.
Tham nhũng thối nát thường gắn liền với quyền lực. Cái gì cũng đòi ăn, và cái gì cũng ăn được. Từ việc chạy các dự án đến việc chạy chức chạy quyền. Từ việc hối lộ để làm lệch cán cân công lý, đến việc ngậm miệng làm ngơ cho bọn lâm tặc phá rừng, huỷ hoại môi trường sống, hay cho lưu hành các điện kế điện tử dỏm chạy như ngựa phi. Một tay trùm xã hội đen đã từng tuyên bố : “Cái gì không mua được bằng tiền, thì có thể mua được bằng số tiền nhiều hơn!”. Ông Thứ Trưởng Bô Giao thông Vận tải được bầu làm trưởng ban chống tham nhũng trong toàn nghành, chỉ một tuần sau, chính ông ta đã bị bắt vì tham nhũng hối lộ và bao che cho tham nhũng…Thậm chí đến tiền cứu trợ nạn nhân bão lụt, tiền trợ cấp cho người nghèo cũng bị ăn chặn.
Tham nhũng là bệnh của những kẻ có chức có quyền, nhưng nó cũng tác động tiêu cực trên người dân, vì như người ta vẫn bảo, cán bộ ”có làm khó mới ló đồng tiền’, còn nhân dân thì “ không dùng tiền bôi trơn thì làm sao chạy việc?”. Nhiều khi muốn vào một cơ quan, muốn chuyển một lá đơn thôi, thì cũng phải ”biết điều” với anh gác cổng, anh cán bộ nhận văn thư, đơn từ. Vào bệnh viện, muốn được chăm sóc đàng hoàng thì phải” phong bì” cho bác sĩ, y tá, y công v..v Không làm không được, riết rồi quen, ta xem đó là chuyện bình thường trong cuộc sống và lương tâm trở thành chai lì vô cảm. Trước đây, khi làm điều sai trái, ta cảm thấy lương tâm cắn rứt, thì bây giờ, khi lương tâm chai lì, ta lại tự nhủ : đừng sợ lương tâm cắn rứt, vì lương tâm không có răng, hoặc ta bảo : lương tâm không bằng lương tháng.
Sự tham nhũng hối lộ vốn được xem là bình thường trong cách ứng xử hằng ngày, cũng xen vào việc đạo, làm méo mó cả Phụng vụ và Bí tích. Thí dụ : Xin giấy đã học xong giáo lý để được Thêm sức ở nơi khác. Đưa phong bì dày để mời đồng tế trong đám tang, để làm lễ cưới cho Việt kiều không đủ giấy tờ Hôn phối.
Có thể nói, sự dối trá tràn lan hầu như trong mọi lãnh vực đời sống xã hội, từ sản xuất hang dỏm, hang giả…đến việc rút ruột các công trình xây dựng, từ việc báo cáo láo đến việc khai man để xin tăng kinh phí ; làm những cột trụ thay vì bằng bê tông cốt thép lại bằng bê tông cốt tre ; huỷ một trăm con gà bị nhiễm virút H5N1 lại báo cáo huỷ một ngàn con để bỏ túi số tiền chênh lệch; xịt thuốc trừ sâu lên rau để rau tươi, dễ bán, bất kể độc hại cho người tiêu dùng; cho heo ăn thuốc tăng trọng để heo chóng lớn, bất kể nguy cơ gây bệnh cho người mua; bơm nước vào tôm để tôm nặng ký, thu lợi nhuận cao v..v
Ngay trong lãnh vực “trồng người”, tức ngành giáo dục đào tạo sự dối trá cũng lan tràn, chẳng vậy mà người ta phải phát động phong trào” nói không với tiêu cực và bệnh thành tích” trong toàn ngành giáo dục đào tạo.
Trong gia đình, chắc hẳn chẳng cha mẹ nào dạy con nói dối, nhưng chính cách sống, cách ứng xử của người lớn lại là cái gương tiêu cực đập vào mắt các em. Thí dụ : bảo mẹ đi vắng! Kinh nghiệm cho thấy, ở bẩn lâu ngày cũng quen, hơn nữa có khi còn lấy cái bẩn làm sạch, và coi cái sạch là bẩn. Nói dối thường xuyên cũng vậy. Trả lời một cuộc phỏng vấn trên báo thanh niên, ông Trần Quốc Thuận, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đã thẳng thắn nói : “ Cái lớn nhất bị mất, đó là đạo đức”. Chúng ta sống trong một xã hội mà chúng ta phải tự nói dối với nhau để sống, để tồn tại. Nói dối đã trở thành thói quen hằng ngày mà hậu quả cuả nó là người ta chẳng còn tin vào nhau.
3 Cuối cùng, ý thức công dân kém cỏi.
Không phải xã hội không có luật pháp, nhưng luật pháp không được lương tâm đón nhận, nên chẳng khác nào nước đổ đầu vịt!. Người ta coi thường công ích, xem thường những quy định liên quan đến lợi ích chung, đến quyền lợi của người khác và trật tự công cộng. Thí dụ : Đổ nước thải từ các nhà máy xuống sông, kênh rạch chưa qua xử lý, gây ô nhiễm môi trường nước, khói độc thải ra từ các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường không khí ; gà vịt chết thay vì chôn, lại ném xuống sông làm phát tán mầm bệnh; hiện tượng phổ biến nhất là sự vô kỷ luật trong trật tự giao thông tại các thành phố lớn, mạnh ai nấy chạy, mạnh ai nấy chen bất kể phải trái, bất kể đèn xanh hay đèn đỏ. Thí dụ: xe đậu chắn ngang cổng ra vào, vượt đèn đỏ. Mới đây, trong những Tết, tại đường hoa Nguyễn Huệ, người ta xả rác bừa bãi, hái hoa vô tội vạ, và cướp những con heo con trang trí trên đường, miệng cười hỉ hả !Trưa hai mươi chín tết, người ta cướp những chậu hoa của người bán hoa giữa thanh thiên bạch nhật.
Có thể nói, trong xã hội chúng ta, nhiều người đã đánh mất lòng tự trọng và không còn biết xấu hổ khi làm điều sai trái, đó là bằng chứng cho thấy lương tâm bị suy thoái. Chúng ta đang cố chạy nhanh trên con đường phát triển kinh tế, nhưng lại rất chậm chạp trong việc xây dựng con người đạo đức, đạo đức làm người chứ không phải đạo đức chính trị mà thôi. Xét cho cùng, phát triển tinh thần, phát triển đạo đức còn quan trọng hơn phát triển vật chất và kinh tế. Nếu ý thức đạo đức mà cứ tuyệt đối như hiện nay, thì công nghiệp hoá, hiện đại hoá sẽ có ý nghĩa gì, ích lợi gì thực sự cho đất nước, cho dân tộc ?...
II. HUẤN LUYỆN LƯƠNG TÂM
1. Lắng nghe tiếng nói lương tâm
Đối với Kitô hữu, rèn luyện lương tâm và nhất là sống theo lương tâm ngay chính, đó là một bổn phận bất kể ở đâu, vào hoàn cảnh nào và bất cứ lúc nào, vì tiếng nói lương tâm là tiếng nói của Chúa. Tiếng nói đó bảo chúng ta phải yêu mến và làm điều lành, tránh điều dữ. Nó còn chỉ cho biết, trong từng trường hợp cụ thể, ta phải làm điều gì, và phải tránh điều gì. Bất cứ ai cũng có kinh nghiệm về phạm tội, tức là làm một điều xấu, một hành động mà lương tâm bảo là sai lầm. Thí dụ : Một người cảm thấy mình phải nói sự thật, cho dù trong một hoàn cảnh nào đó, nói lên sự thật là một điều vô cùng khó khăn, như ta vẫn bảo : Sự thật mất lòng; vì sợ mất lòng, sợ bị thiệt thòi, sợ bị trả đũa…người ấy đã nói dối. Trong trường hợp này, nói dối có thể đem lại một lợi ích nào đó, nhưng khi người ấy nhìn lại việc làm của mình, lúc bấy giờ, lương tâm sẽ lên tiếng phán bảo : “ Bạn đã nói dối, đã làm điều xấu”. Người ta sẽ có thể che mắt được người khác, nhưng không thể che mắt được toà án lương tâm. Nếu người đã nói dối còn lắng nghe được tiếng nói của lương tâm, ta bảo rằng người ấy có một lương tâm bén nhạy. Ngược lại, người ấy cũng có thể bị bóp nghẹt tiếng lương tâm vì lợi ích của mình. Một lương tâm bị bóp nghẹt như thế sẽ là một thảm hoạ đối với con người.
Ta có thể so sánh lương tâm với một hệ thống báo động hay hệ thống thần kinh. Có những lúc ta cảm thấy đau đớn trong cơ thể như: nhức đầu, sổ mũi, cảm sốt, đau năng v…v.Đó là những báo động do hệ thần kinh cung cấp để cảnh giác ta rằng có một cái gì đó bất ổn trong cơ thể, ta cần tìm đến thầy thuốc để chữa trị. Ngược lại, nếu ta không còn cảm nhận một báo động nào nữa, thì đó là một dấu hiệu đáng lo ngại, dấu hiệu đó cho ta biết rằng, hệ thống thần kinh của ta đang bị trục trặc. Cũng thế, khi lương tâm bị bóp nghẹt, khi con người không còn nghe được tiếng nói của lương tâm, lúc ấy con người sẽ không còn khả năng tự vệ trước tấn công của tính ích kỷ bên trong, cũng như không còn sức đề kháng trước những cám dỗ cuốn hút bên ngoài. Khi con người không còn một cảm thức nào về thiện ác, thì quả thật đó là một cái chết về lương tâm.
Cho hay, cần phải nghe theo tiếng nói của lương tâm, nghe theo không phải vì sợ luật pháp, sợ bị trừng phạt, nhưng vì lòng kính sợ và yêu mến Thiên Chúa. Thánh Bônaventura so sánh lương tâm với sứ giả của Thiên Chúa, sứ giả không loan báo một sứ điệp của riêng mình, nhưng chỉ loan báo những gì xuất phát từ Thiên Chúa. Xét cho cùng. Lương tâm chính là tiếng gọi yêu thương của Thiên Chúa. Tiếng gọi ấy không hạn chế tự do hay luận phạt con người, nhưng kêu mời ta sống tốt đẹp hơn. Bóp nghẹt hay khước từ tiếng nói của lương tâm, là khước từ chính tình yêu, cắt đứt liên lạc với Chúa.
Mặt khác, kinh nghiệm cho thấy, trong thực tế, ta không thể tiến bước trong cuộc sống mà không có sự hướng dẫn của người khác hay của một quyền bính lớn hơn ta, Sống là cần phải có sự tin tưởng nơi nhau. Thí dụ : khi ta đi gặp bác sĩ, ta phải tin tưởng nơi người khám bệnh cho ta, khi ta đi mua thuốc, ta phải tin tưởng nơi người bán thuốc. Cũng vậy, tuy lương tâm là tiếng nói của Chúa trong tâm hồn ta, nhưng thực tế, có khi lương tâm rơi vào tình trạng sai lầm hay lệch lạc, như Đức Giêsu đã cảnh báo trong Tin mừng” Đèn của thân thể là con mắt, nếu mắt sáng, thì toàn thân sáng, nếu mắt tối thì toàn thân sẽ tối” ( Mt 6, 22). Tương tự như thế, nếu lương tâm sai lầm và lệch lạc, sẽ dẫn đến chỗ suy nghĩ hay hành đồng sai lạc. Thí dụ BB,hô hào cổ võ cho việc cấm hành ha súc vật, nhưng lại đi tiên phong trong việc ủng hô phá thai, nghĩa là xem con vật trọng hơn con người. Các phong trào Hồi giáo cực đoan kêu gọi tín đồ Hồi đánh bom tự sát, và cho rằng đó là tử đạo, là chết để tôn vinh Đức Thánh Ala. Để tránh tình trạng lương tâm sai lầm và lệch lạc, cần phải huấn luyện lương tâm.
2. Huấn luyện lương tâm dưới ánh sáng Lời Chúa
Trước hết, cần quy chiếu lương tâm và Mười Điều Răn của Chúa. Mười Điều Răn là những chuẩn mực đạo đức và luân lý, nhằm giúp lương tâm khỏi bị bóp méo, khỏi bị những ảnh hưởng xấu chi phối. Vì thế, ta hiểu tại sao, ngay từ nhỏ, ta đã được dạy hãy xét mình xưng tội dựa trên Mười Điều Răn Đức Chúa Trời.
Thứ đến là tuân theo lời giáo huấn của Giáo hội. Là Kitô hữu, ai cũng biết rằng Đức Kitô vẫn tiếp tục nói với chúng ta qua Giáo hội của Người. Người đã khẳng định : “Ai nghe các con là nghe Thầy”. Vai trò của Giáo hội là giúp ta nghe, và hiểu được tiếng nói của Chúa. Chân lý của Đức Kitô không bao giờ thay đổi, nhưng cần được áp dụng vào những hoàn cảnh mới. Do đó, một lương tâm ngay chính là một lương tâm luôn cởi mở để đón nhận sự hướng dẫn của Giáo hội, nhất là trong những vấn đề khúc mắc và phức tạp do thời đại đặt ra, mà tự sức mình, người Kitô hữu không tìm được câu trả lời đúng đắn.
Ngày nay, không ít người Kitô hữu, đặc biệt là Kitô hữu tại các nước Phương Tây, họ tự xưng mình là người Công Giáo, nhưng lại khơng muốn sống phù hợp với giáo huấn của Giáo hội, nhiều người đã hành xử như thể nhân danh điều mà họ gọi là tư do lương tâm. Ta phải nghĩ sao về thái độ này ? Trước hết, cần phải khẳng định rằng, người Kitô hữu phải sống theo sự chọn lựa tự do của lương tâm, đây là giáo huấn ngàn đời của Giáo hội. Nhưng bảo rằng vì tự do lương tâm mà không cần lắng nghe giáo huấn của Giáo hội lại là chuyện khác. Là một người Công giáo, nhưng hành động chỉ dựa trên phán đoán cá nhân mà không theo một sự chỉ dẫn nào của Giáo hội, hành động như thế chẳng khác nào lái xe mà chẳng cần bất cứ một bảng chỉ dẫn nào trên đường đi. Thí dụ : Ta đang đứng trước một ngã tư, nếu ta không chọn đúng ngã rẽ, ta sẽ bị lạc đường. Để dễ dàng và chắc chắn đi đúng đường, ta cần nhìn vào bảng đồ, hay đọc các ký hiệu trên đường, hoặc hỏi viên cảnh sát giao thông đang đứng ở ngã tư. Bản đồ, các ký hiệu, viên cảnh sát đều là những người đáng tin cậy. Việc nhìn bản đồ hay hỏi viên cảnh sát, đâu làm mất tự do của ta ?
Thí dụ trên giúp ta hiểu phần nào chỗ đứng của giáo huấn Giáo hội trong những quyết định luân lý của người Kitô hữu. Ta có thể thực hiện những quyết định theo tự do cá nhân, nhưng những quyết định ấy phải dựa trên giáo huấn của Giáo hội, vì Giáo hội đã được Chúa ủy thác cho sứ vụ hướng dẫn con người.
Khi Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II lên tiếng chống lại việc phá thai, ly dị và hôn nhân giữa những người đồng tính luyến ái, một số cơ qun truyền thông xã hội lên tiếng chửi bới Đức Giáo Hoàng, họ kết án ngài vào tội thiếu thực tế, thiếu tiến bộ. Thế nhưng, khi Đức Giáo Hoàng đến với giới trẻ, thì hàng triệu bạn trẻ lại tuôn đến với ngài. Tất cả chỉ vì ngài là người dám nói lên sự thật, bất chấp dư luận. Con người nói chung, đặc biệt là người trẻ hôm nay đang bị chao đảo trong một thế giới bị khủng hoảng niềm tin và giá trị, do đó, họ cần có ai đó tín cẩn, dám nói thẳng cho họ biết đâu là điều đúng, đâu là điều sai. Cái khó và nguy hiểm của ngày hôm nay là người ta phạm tội, nhưng lại bắt cả Nhà nước và Giáo hội xem đó là chuyện bình thường. Thí dụ : Việc hợp thức hoá các cuộc hôn nhân đồng tính luyến ái. Người ta đưa điều này ra trước Quốc hội để thảo luận, dưới sức ép của dư luận và các phương tiện thông tin, Quốc hội tại vài nước Âu Châu đã bỏ phiếu chấp thuận, xem đó là chuyện hợp luân thường đạo lý, đang khi ấy thì Giáo hội phản đối. Giáo hội thương cảm, nhưng Giáo hội phải nói lên sự thật. Đức Giáo Hoàng bảo : “Không cần ai bỏ phiếu cho sự thật, vì sự thật vẫn là sự thật”.
Kết luận :
Tóm lại, đối với người Kitô hữu, việc rèn luyện lương tâm và thực hiện lương tâm ngay chính dựa vào điều răn và giáo huấn của Giáo hội vừa là một bổn phận phải thi hành, vừa là sứ mạng làm chứng cho Chúa trong tình hình xã hội bị suy thoái đạo đức hiện nay.
Xin Chúa giúp chúng ta trở nên muối cho đời và ánh sáng cho trần gian, làm muối ướp để xã hội giảm bớt sự ươn rữa và hư thối; làm ánh sáng để dẫn đường cho người khác giữa một xã hội còn nhiều u tối hôm nay.
Lm. Tôma Nguyễn Thanh Long, OP
Câu hỏi : Thưa cha, hiện nay con thấy có rất nhiều dòng tu rồi lại có các tu hội đời, Dòng Ba... Có khi có áo dòng có khi không. Con thật sự bối rối, hoang mang chẳng còn biết làm thế nào phân biệt. Có người đặt câu hỏi với con về các dòng tu mà con chẳng biết phải trả lời ra sao nữa. Xin cha giúp con.
Trả lời : Bạn thân mến, có lẽ không phải chỉ có mình bạn bị lúng túng mà nhiều người Công giáo khác cũng rơi vào tình trạng như bạn.
Để có thể có được những hiểu biết đầy đủ về các dòng tu đòi hỏi khá nhiều thời gian và công sức nhưng đơn giản hơn bạn có thể tìm đọc cuốn Niên giám của Giáo hội Công giáo Việt Nam chắc bạn sẽ có được những thông tin hữu ích. Trong phạm vi của mục tìm hiểu và đối thoại tôi sẽ cố gắng trình bày giúp bạn hiểu rõ hơn về Dòng tu, Tu hội đời và Tu đoàn Tông đồ. Đó là những hình thức quen thuộc của đời sống thánh hiến đã được Giáo hội công nhận.
* Dòng tu theo định nghĩa trong Giáo luật
ĐIỀU 607
§ 2 Dòng tu là một xã hội trong đó các phần tử tuyên giữ các lời khấn công khai trọn đời hay tạm thời, nhưng lập lại khi mãn hạn tùy theo luật riêng, và sống chung đời huynh đệ.
§ 3 Việc các tu sĩ làm chứng công khai cho Đức Kitô và cho Giáo hội bao hàm sự xa cách thế tục, theo một hình thức riêng thích hợp với đặc tính và mục tiêu của mỗi dòng.
Như thế bạn có thể hiểu một cách đơn giản là Dòng tu gồm những người có lời khấn dòng sống các lời khuyên của Phúc âm khiết tịnh, khó nghèo và vâng phục, sống chung với nhau thành cộng đoàn và có một sự cách biệt nào đó với đời sống thế tục, cụ thể là sống trong một tu viện.
* Tu hội đời thường ít đuợc hiểu một cách đầy đủ vì nhiều người thắc mắc không thấy các thành viên tu hội đời mang tu phục. Điều 710 của Giáo luật đã cho một định nghĩa khá rõ ràng:
ĐIỀU 710
Tu hội đời là một Hội dòng tận hiến, trong đó các tín hữu sống giữa đời nhắm tới sự trọn lành của đức ái và dấn thân mưu cầu sự thánh hóa đời ngay ở giữa đời.
Những thành viên của tu hội đời qua việc tuyên giữ những lời khuyên Phúc âm họ thuộc về một hội dòng tận hiến nhưng không có tu viện và không có đời sống cộng đoàn như các dòng tu vì họ sống giữa đời để thánh hóa môi trường ngay từ bên trong.
* Các Tu đoàn Tông đồ được nói đến trong điều 731 của Bộ Giáo luật mới
ĐIỀU 731
§ 1 Các Tu đoàn Tông đồ đuợc coi như tương đương với Hội dòng Tận hiến. Các phần tử của Tu đoàn Tông đồ tuy không có lời khấn dòng, nhưng theo đuổi mục tiêu tông đồ riêng của tu đoàn, và nhắm tới sự trọn lành của đức ái do việc sống chung theo một nếp sống đặc thù, và do việc tuân giữ hiến pháp.
§ 2 Trong số những tu đoàn ấy, có những đoàn trong đó các phần tử chấp nhận các lời khuyên Phúc âm với một dây ràng buộc do hiến pháp xác định.
Các Tu đoàn Tông đồ, như vậy, sẽ không buộc phải có lời khấn dòng nhưng lại có đời sống cộng đoàn. Tùy theo hiến pháp mà họ có thể chấp nhận tuân giữ những lời khuyên Phúc âm.
- Tóm lại, nếu là thành viên của dòng tu thì có 3 lời khấn, có đời sống chung trong các tu viện. Thí dụ các Dòng Biển Đức, Dòng Đaminh, Dòng Phanxicô, Dòng Tên, Dòng Chúa Cứu Thế, Dòng Don Bosco, Dòng Thánh Thể, Dòng Mến Thánh Giá, Dòng Đức Bà Truyền giáo, Dòng Thánh Phaolô thành Chartres...
Thành viên của tu hội đời thì có 3 lời khấn nhưng không sống thành cộng đoàn. Thí dụ Tu hội Hiện Diện và Sống, Tu hội Nô Tỳ Thiên Chúa, Tu hội Lao Động Thừa Sai, Tu hội Dâng Truyền...
Thành viên của Tu đoàn Tông đồ thì không buộc có lời khấn tuy có một số Tu đoàn cũng có lời khấn, nhưng phải có đời sống chung. Thí dụ Tu đoàn Nữ Tử Bác Ái, Tu đoàn Đắc Lộ, Tu đoàn Nhà Cha, Tu đoàn Nhà Chúa...
* Về Dòng Ba thì Giáo luật đã giải thích như sau :
ĐIỀU 303
Được gọi là Dòng Ba hay dưới tên nào khác tương tự các Hiệp hội gồm các thành viên sống giữa đời, nhưng dự phần vào tinh thần thiêng với một Dòng tu, làm việc tông đồ và tiến tới sự hoàn thiện dưới sự điều hành tối cao của Dòng tu đó.
Như vậy Dòng Ba không phải là Hội dòng Tận hiến hay Tu đoàn Tông đồ mà là một Hiệp hội được Giáo hội giới thiệu.
Mong rằng những giải thích trên giúp bạn hiểu biết thêm và trả lời cho những thắc mắc của bạn.
Câu hỏi : Thưa cha, con nhận thấy rằng các linh mục đã không có cùng một quan điểm mục vụ như nhau trước những gì đang diễn ra trong cuộc sống. Có linh mục đã ban bí tích Rửa tội cho một em nhỏ của một cặp vợ chồng đang sống chung với nhau không có hôn phối với hy vọng rằng họ sẽ hiểu sâu hơn về sự phong phú của đời Kitô hữu. Nơi khác một linh mục lại từ chối rửa tội cho những đứa con của cháu gái con mà hoàn cảnh cũng giống như trường hợp trên. Xin cha cho bíết ý kiến của về việc này.
Trả lời : Nhận xét của bạn về những thái độ mục vụ khác nhau của các linh mục là xác thực. Và điều làm cho bạn băn khoăn có lẽ vì bạn thấy dường như có một sự thiếu đồng nhất nào đó trong cách hành động của những người tránh nhiệm trong Hội thánh. Thái độ mục vụ khác nhau đó có thể tạo cảm tưởng là có sự phân biệt đối xử hay có sự phản ứng tuỳ tiện của cha xứ…Đôi lúc sự không đồng nhất trong cách hành động cũng làm cho anh chị em giáo dân cảm thấy phân vân và hoang mang không biết phải làm thế nào cho đúng.
Vì những thắc mắc ấy nên tôi xin trình bày với bạn những điểm sau đây :
Trước hết bạn biết rằng Giáo hội có những nguyên tắc luân lý và luật lệ phải được tuân hành khắp mọi nơi. Những gì liên quan đến luật Hội thánh thì đã được thiết lập, được thâu tóm và được trình bày trong bộ Giáo luật hiện hành. Những nguyên tắc luật định sẽ phi phối cách hành xử của mọi tín hữu Công giáo. Tuy nhiên, bộ Giáo luật cũng không thể bao quát hết mọi tình huống và mọi hoàn cảnh cụ thể của mọi nơi, mọi thời và của mọi dân tộc. Vì thế, ngay trong bộ Giáo luật cũng có những điều khoản dành cho những người có trách nhiệm trong Hội thánh tuỳ nghi thích ứng với những tình huống riêng biệt sao cho phù hợp với hoàn cảnh cụ thể.
Đây cũng là một điểm rất độc đáo trong luật Giáo hội vì nếu không có sự mềm dẻo để thích nghi thì Giáo hội lại trở thành một thứ khuôn khổ cứng nhắc áp đặt cách máy móc trên tất cả mọi người. Càng ngày xã hội càng mở ra cho những khám phá mới, tâm lý con người ngày nay cũng đa diện hơn, hoàn cảnh sống lại đa dạng cần những điều luật linh hoạt, uyển chuyển hơn. Một điều luật cứng nhắc dễ đưa tới cảm nghĩ Giáo hội độc đoán, cứng cỏi thiếu khoan dung và luật lệ trong Hội thánh không được coi là dụng cụ của bí tích cứu độ.
Do đó cách ứng dụng một điều luật vào những tình huống xem ra giống nhau nhưng trong những môi trường mục vụ khác nhau mà những con người sống trong đó lại có cách nhìn, cách cảm nhận cũng vấn đề ấy một cách khác nhau, thì không phải lúc nào cũng như nhau được.Trong những trường hợp như vậy thì cách hành xử đúng nhất lại là làm thế nào cho tinh thần của luật luôn được tôn trọng cho dù phải có những quyết định khác nhau.
Hiểu được như thế bạn sẽ thấy rằng thái độ mục vụ khác nhau của các linh mục không những chỉ là dễ hiểu mà còn là cần thiết nữa. Nói thế không có nghĩa là những người trách nhiệm có thể hành động tuỳ tiện làm theo ý mình viện cớ là để thích nghi với hoàn cảnh thực tế. Có những điều luật đã có những qui định rõ ràng, có những chuẩn mực chặt chẽ thì không thể tuỳ nghi xử trí mà phải tuân hành theo những gì luật đã đề ra và không ai có quyền thay đổi trừ những người có thẩm quyền. Còn những điều luật nào dành để cho những người có trách nhiệm hành xử theo nhu cầu mục vụ thì các ngài sẽ quyết định theo sự khôn ngoan và theo những yếu tố cụ thể của hoàn cảnh.
Bây giờ ta hãy quay về với trường hợp bạn vừa nêu ra để xem coi Giáo hội nói gì về việc rửa tội cho trẻ em.
Điều 868 của bộ Giáo luật 1983 qui định như sau :
§ 1 Để một nhi đồng rửa tội cách hợp pháp cần thiết phải :
1- Có sự đồng ý của cha mẹ, ít là của một trong hai, hoặc của người thế quyền cha mẹ theo luật ;
2- Có hi vọng vững chắc là em bé sẽ được giáo dục trong đạo Công giáo. Nếu hoàn toàn không có hi vọng, thì phải hoãn việc rửa tội dựa theo các qui định của luật địa phương, sau khi đã cho cha mẹ biết lý do.
§ 2 Trong cơn nguy tử, một nhi đồng con của cha mẹ Công giáo, và thậm chí không Công giáo, có thể được rửa tội cách hợp pháp, cho dù trái ý cha mẹ.
Qua điều luật này chắc bạn cũng có thể rút ra một vài nhận xét :
- Việc rửa tội hoặc không rửa tội cho trẻ em không dựa trên tình trạng hôn phối của cha mẹ như bạn đã nêu lên mà dựa vào việc em có hi vọng được giáo dục trong đạo Công giáo không. Tuy nhiên tình trạng hôn phối cũng ảnh hưởng nhiều trong việc giáo dục con cái.
- Việc hoãn rửa tội còn phải dựa theo các qui định của Giáo luật đạ phương nữa.
Cha xứ sẽ tuỳ theo hoàn cảnh cụ thể hành xử theo phương thức ngài cho là tốt nhất phù hợp với những qui định của giáo phận. Ngài có thể hoãn việc rửa tội cho đến khi có được những bảo đảm cho việc giáo dục em bé trong đạo Công giáo và ngài cũng sẽphải cho cha mẹ nhỏ biết rõ lý do :
Đây là một trường hợp minh hoa khá rõ nét cho tính uyển chuyển của luật để thích nghi với nhu cầu mục vụ.
Đến đây chắc bạn đã có thể có một cái nhìn xuyên suốt hơn về những khác biệt trong thái độ mục vụ. Nếu bạn có những thắc mắc, băn khoăn bạn có thể mở bộ Giáo luật để tham khảo và nếu cần, bạn có thể trao đổi và góp ý cách chân thành.
SỐNG CHỨNG NHÂN
Vợ chồng tính tình trái ngược nhau là chuyện thường thấy trong cuộc sống hôn nhân. Thế nhưng, sự khác biệt là suối nguồn đem lại hạnh phúc, bởi vì, hai vợ chồng bổ túc cho nhau. Trên đồng cạn, dưới đồng sâu. Chồng cày, vợ cấy, con trâu đi bừa là thế! Đó là niềm vui của đôi bạn đời ý hợp tâm đồng. Sau đây là chứng từ của ông Thierry Herbin, tàn tật trẻ tuổi người Pháp. Ông may mắn gặp được vợ hiền, đảm đang, biết cảm thông với hoàn cảnh đau thương của chồng.
Ysabel và tôi, chúng tôi lập gia đình cách đây 7 năm. Hồi ấy, chuyện tình chúng tôi đẹp như mơ. Chúng tôi gặp nhau, yêu nhau chớp nhoáng, rồi lấy nhau sau ”cú sét ái tình” nổ tung giữa bầu trời tuổi trẻ! Thế nhưng, chỉ vỏn vẹn 3 năm sau, tai nạn nghề nghiệp xảy đến, khiến tôi trở thành phế nhân ở lứa tuổi 30. Tôi bị điếc hoàn toàn và sức khoẻ mỏng manh, yếu dòn, dễ vỡ!
Tính tình vợ chồng tôi khác xa nhau. Hiền thê tôi cởi mở, nhanh nhẹn và yêu thích chăm sóc cửa nhà. Tôi thì trái lại. Tính tôi trầm mặc, kín đáo, dè dặt nhưng lại ưa sống chung ngoài xã hội. Khi mới lấy nhau, chúng tôi bắt đầu tập chấp nhận lẫn nhau: mỗi người với cá tính riêng.
Từ ngày bị tàn tật, trở thành điếc, tôi sống lệ thuộc Ysabel. Tôi lệ thuộc cách nhìn của nàng và phải chấp nhận sống trong hoàn cảnh bất ổn. Tật điếc khiến tôi mất hết phản ứng nhanh nhẹn tức khắc, trong liên hệ với vợ hiền và tha nhân. Ngoài ra, vợ tôi phải chấp nhận sự kiện: nàng không được làm mẹ!
Bức tranh tôi vừa mô tả xem ra đen tối. Thế nhưng, chúng tôi tìm được niềm vui trong cuộc đời. Chúng tôi vui sống vì chúng tôi có Đức Tin. Chúng tôi thi hành tất cả những gì THIÊN CHÚA đặt để trên đường đi. Chẳng hạn, cách đây vài năm, cùng với cộng đoàn giáo xứ, chúng tôi sản xuất được 750 kílô mứt cà chua xanh và gởi sang Bosni, trong mùa đông giá buốt. Bosni lúc ấy đang oằn oại trong khói lửa chiến tranh. Năm sau đó, vợ chồng chúng tôi lên đường sang Rumani, mang theo chiếc xe Peugeot, trao tặng vị linh mục Chính Thống Giáo.
Chúng tôi sống những biến cố trên đây với trọn niềm hạnh phúc lứa đôi. Vợ chồng tôi sát cánh nhau, nâng đỡ nhau và yêu thương nhau. Chúng tôi thâm tín rằng: THIÊN CHÚA luôn luôn hiện diện trong cuộc đời chúng tôi. Nếu THIÊN CHÚA để cho thử thách xảy ra, chính là để chúng tôi lớn lên và vững mạnh trong Đức Tin. Thêm vào đó, chúng tôi khám phá ra sự hiện diện của Đức Mẹ MARIA trong gia đình tôi. Chúng tôi cảm nghiệm sự thinh lặng của Đức Mẹ và giá trị vô biên của lời Mẹ Thưa Vâng. Chúng tôi nhận ra cái bé nhỏ yếu hèn của mình và tâm tình dễ bị tổn thương. Thánh Phaolo Tông Đồ nói: ”Hy vọng là chiếc neo cho tâm hồn”.
Trong thế giới ngày nay, một thế giới gần như bị mất hướng đi, chúng tôi có thể quả quyết rằng: Chỉ duy nhất Đức Chúa GIÊSU mới có thể đáp ứng mọi khát vọng thâm sâu nhất của con người và giải tỏa mọi vấn đề. Do đó, chúng tôi cố gắng sống chứng tá Tình Yêu của Ngài.
Ysabel làm việc thiện nguyện cho Đài Phát Thanh Công Giáo trong vùng. Ngoài ra nàng cũng đánh đàn phong cầm không công cho nhà thờ giáo xứ. Tôi thì chấp nhận làm người đại diện của thành phố Indre cho Hội Bạn Người Cùi Raoul Follereau. Nhiệm vụ bắt buộc tôi vượt thắng tàn tật của mình để có thể làm việc cách hữu hiệu hơn. Vợ tôi luôn ở cạnh tôi để làm tai nghe, trí nhớ và cái đầu tàu cho tôi.
Những khác biệt của chúng tôi giờ đây bổ túc cho nhau và giúp cho cuộc sống chúng tôi hạnh phúc. Chúng tôi hạnh phúc vì chúng tôi trao hiến cho nhau: không so đo tính toán.
... ”Xin đặt em như chiếc ấn trên trái tim anh, như chiếc ấn trên cánh tay anh. Phải, tình yêu mãnh liệt như tử thần, cơn đam mê dữ dội như âm phủ. Lửa tình là ngọn lửa bừng cháy, một ngọn lửa thần thiêng. Nước lũ không dập tắt nổi tình yêu, sóng cồn chẳng tài nào vùi lấp. Ai đem hết gia tài sự nghiệp mà đổi lấy tình yêu, ắt sẽ bị người đời khinh dể” (Sách Diễm Ca 8,6-7).
(”Annales d'Issoudun”, Février/1999, trang 9).
Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt
TÌNH YÊU – HÔN NHÂN – GIA ĐÌNH
Trong mấy ngày vừa rồi, có những trận mưa thật lớn. Một mình ngồi trong nhà, qua vuông cửa kiếng, tôi ngồi đếm hạt mưa rơi.
Nhiều quá! Chẳng thể nào đếm được. Tôi thả hồn bay bổng mông lung.
Tôi chợt nhớ về câu chuyện ngày xưa. Chuyện tình của cô gái út Ngọc Hoàng mang tên Chức Nữ. Lỡ yêu say đắm chàng chăn trâu cõi thiên đình, không môn đăng hộ đối. Chẳng xứng lứa vừa đôi. Cho nên chẳng bao giờ Ngọc Hoàng bằng lòng để hai đứa được giao ước kết đôi.
Để chia cắt cuộc tình, gã chăn trâu mang tên Ngưu Lang bị đày ải tới tận góc trời.
Cũng còn một chút tội nghiệp, cứ vào tháng 7 âm lịch mỗi năm, hai đứa được gặp lại một lần. Lần nào gặp lại cũng thương, cũng nhớ, cứ ôm nhau mà khóc sướt mướt.
Nước mắt rơi đầy xuống trần gian, làm tháng 7, đổ mưa quá trời.
Nhưng nhìn mưa, đừng ai nghĩ đấy là những giọt nước mắt chia tay. Đó chính là những giọt nước mắt mừng vui hạnh phúc sau bao ngày xa cách, nay được gặp gỡ tương phùng, nhưng giọt nước mắt của “vui sao nước mắt lại trào”.
A và B thân mến,
Đúng ra, hôm nay A và B cũng phải khóc. Khóc vì sung sướng, bởi nay đã lấy được nhau, bởi ước vọng một đời, sau bao ngày chờ đợi, nay đã thành hiện thực.
Khóc, vì từ phút này, A đã trở thành một người trưởng thành, một người chồng. Không còn là một cậu thanh niên lông bông lang bang nữa, mà đã là một người đứng thẳng để gánh vác trách nhiệm để gánh vác trách nhiệm, trong ơn gọi cao cả làm chồng.
Làm chồng, nghĩa là nhận lãnh từ nơi Chúa một trách nhiệm cao cả nhưng vô cùng nặng nề, là sẽ thay mặt Chúa, để xây dựng một Giáo Hội thu nhỏ là gia đình.
Gia đình là một mảnh đất mới, để cậu A thể hiện chính mình. Hao hao giống không, cảnh vườn địa đàng, mà hôm trước Chúa trao cho Adong và nói: “Ngươi hãy làm đẹp mặt trái đất”.
Gia đình này, Giáo Hội này, vùng đất mới này, sẽ trở thành điều gì?
Sẽ trở thành một tổ ấm. Với chứa chan hạnh phúc. Bởi được ướp hương thơm của lòng đạo đức ngọt ngào, hay sẽ chỉ là một quán trọ của những người xa lạ sống bên nhau.
Muốn trở thành một tổ ấm, điều cực kỳ hệ trọng, là cậu A, phải có một định hướng và một quyết tâm cao.
Điều căn bản nhất, gia đình sẽ không bao giờ là tổ ấm, nếu không có sự gắn bó với Chúa, là cội nguồn của hạnh phúc vĩnh cửu.
Sẽ không bao giờ là tổ ấm, nếu những thành phần trong đó, đi ra ngoài đường lối của Chúa. Vì vậy, người gia trưởng phải biết lưu tâm nhiều về điều này, phải để ý đến những bạn bè, những mối liên hệ, những thời khắc của con cái trong nhà. Kẻo quá tin vào con, khi chúng chưa đủ trưởng thành, đến lúc vỡ chuyện, có hối cũng không kịp.
Và cũng sẽ không bao giờ là tổ ấm, khi người ta ích kỷ, chỉ biết nghĩ đến bản thân mình, với những đòi hỏi của mình, mà không hề biết quan tâm đến người bạn đời, với những khổ sở, những đau buồn mà người ấy đang phải gánh chịu.
Còn với B.
Đúng ra hôm nay B phải khóc, khóc vì từ giờ phút này B đã lãnh nhận một thiên chức vô cùng cao cả do Chúa trao: Đó là vai trò làm vợ.
Làm vợ là cùng với chồng, để sinh ra cho Chúa, những đứa con của Chúa. Những đứa con ấy, không chỉ là con mình, mà còn là con của Chúa.
Bởi vậy, B phải là một máy sưởi, để sưởi ấm lòng đạo đức cho chồng, cho con. Sưởi ấm vào cõi lòng lạnh giá khi chồng rơi vào những hoàn cảnh thất vọng. Khi chồng ngã vào những cơn khủng hoảng của đức tin.
Nhưng để máy sưởi có đủ năng lượng để hoạt động, B phải biết nạp thật nhiều sức điện từ nguồn điện là Thiên Chúa.
Bỏ quên điều này, B sẽ thành một chiếc máy cũ mèm, và cả gia đình sẽ rơi vào lạnh giá, buồn chán. Trong tình trạng ấy, B sẽ là người thua thiệt hơn cả.
Ngoài vai trò là một máy sưởi, B còn là một máy điều hòa thật tốt, để gia đình B, như người ta bảo: “chỗ nào cũng mát”.
B phải là sự tươi mát trong gia đình. Những lời nói dịu dàng, không chanh chua, hung dữ hay tục tĩu.
Sự chịu đựng chịu khó, kèm với sự nhẫn nhục bao dung, sẽ làm cho tổ ấm gia đình luôn mát mẻ, hạnh phúc.
Lm. Đaminh Đỗ Văn Thiêm
Tôi rất thú vị mỗi khi trò chuyện với các em nhỏ. Đi vào thế giới của các em, lòng mình sao thấy nhẹ nhàng, được trải rộng và nâng lên.
Vào một buổi sáng, sau trận mưa rả rích suốt đêm, cảnh vật trở nên êm ả vì mặt trời chưa buồn thức dậy. Chỗ này một nhóm học sinh đang vui đùa, chỗ kia tụm năm tụm ba nói đủ thứ chuyện. Cuối sân nhìn ra là một cái ao trồng rau muống, tôi thấy một bé gái nhỏ tuổi mười hai, mắt hướng về phía ao với nét mặt buồn…
Con có chuyện gì không vui? Tôi khe khẽ hỏi
Em lắc đầu không nói.
Ơ nhà ba mẹ mới rầy phải không?
Dạ hông?
Thế sao em không chơi với các bạn như mọi ngày mà ngồi một mình như thế?
Đôi mắt ươn ướt em thỏ thẻ:
Nhìn ao rau muống con nhớ quê con quá!
Quê con ở đâu? Con nhớ những gì ở quê vậy?
Con nhớ ngoại và chị em quá, đã hai năm rồi con chưa về Trà Vinh chơi. Ơ đó có ao, có xoài, có dừa nhiều thiệt là nhiều! Con hay đi lượm dừa với chị con, vui ơi là vui!
Hóa ra nhớ nhà không chỉ thấy nơi người lớn khi xa nhà, xa quê hương mà một đứa trẻ cũng có những niềm thương, nỗi nhớ rất đẹp và lành mạnh.
Nỗi nhớ nhà, nhớ quê không chỉ dừng lại ở thửa đất, ngôi nhà nhưng là sự gắn bó với người thân thương ở đó, với những giây phút gia đình quây quần chan chứa tình thân, với niềm vui nho nhỏ, thật đơn sơ, bình dị…
Bernanos nói: “Con người không sống trong nơi họ ở nhưng ở nơi họ được yêu mến”.
“Được yêu mến” là một trong những yếu tố tất yếu để ngôi nhà trở thành mái ấm. Những kỷ niệm đẹp của gia đình Công giáo được hình thành qua những buổi cơm chung thân thiện, nhưng giờ phút cha mẹ, con cái cùng đọc kinh, cầu nguyện, cùng ôn lại những biến cố vui buồn của gia đình, cùng chia sẻ kinh nghiệm, cha mẹ dạy cho con những bài học mình đã học bằng đau khổ và nước mắt. Con cái kể cho cha mẹ những sinh hoạt hằng ngày của mình. Rồi những lần cùng bách bộ hay vui chơi giải trí, những buổi tổ chức đi thăm thân bằng quyến thuộc xa gần…
Ngày nay nhiều người cho rằng điểm yếu của giới trẻ là chiếm hữu nền văn hóa thiếu chiều kích lịch sử, thế giới như thể bắt đầu từ hôm nay. Nhưng có lẽ người ta chưa ý thức cho đủ cần vun trồng và duy trì những giá trị tinh thần trong gia đình, những kinh nghiệm sống đa dạng phức tạp và cả những nỗi thương đau lớn nhất của gia đình, nếu được bắt nguồn từ yêu thương, chúng mang một giá trị giáo dục rất lớn, chúng trở thành gia sản tinh thần, góp phần làm nảy sinh nơi con người, tình yêu đối với gia đình, với tổ tiên, với hàng xóm, quê hương và giúp vun trồng nơi họ chiều sâu nội tâm..
Demetrio Duccio, nhà sư phạm nổi tiếng của Ý, đề cao giá trị của hoài niệm như sau: “Ký ức là điều vượt trên chúng ta, trong sự nghèo nàn hay giàu sang, thịnh vượng ta có. Ký ức là sự rất mật thiết, ta không bao giờ có thể nói hết và viết hết được! Nó chẳng bao giờ kết thúc, nó diễn tả chiều sâu của đời sống nội tâm… Ta chỉ có thể lượm lặt một vài mãnh vụn.. Hoàng hôn của ký ức là tận số của mọi khoa giáo dục”.
Sự hoài niệm của tâm hồn đối nghịch với mọi sự lãng quên. Quên là để cho nguồn cội chết đi và để cho những kinh nghiệm khác nhau trong đời sống chạy vụt mất. Lịch sử của bản thân và gia đình có thế nào chăng nữa cũng hãy đón nhận và đọc ra ý nghĩa bên trong của nó. Đó là bi kịch của gia đình người mẫu Thu Trâm mà dư luận bàn tán xôn xao trong thời gian qua: “Người mẫu Thu Trâm bị mẹ hủy hoại nhan sắc” (Phụ nữ 26/06/03). Cuộc sống của hai mẹ con khá đầy đủ về phương diện vật chất, nhưng tâm lý người mẹ bị ức chế khi cô con gái luôn e ngại, mặc cảm với xuất thân của mình. Mẹ Thu Trâm là bà góa bụa nguyên sống nghề ve chai và nuôi sống cô trưởng thành như ngày nay từ gánh ve chai (Công an 26/06/03). Phải chăng quên đi gốc gác của mình vì nó đen tối là bị mất gốc và mất cả chính mình?
Có nhà cao cửa rộng, có tài sắc, địa vị chắc gì đã có một mái ấm? Không thiếu những người có nhà, có cửa nhưng chỉ muốn ra khỏi đó vì cảm thấy nó lạnh lẽo, vì trong đó thiếu không khí của tình yêu.
Có những kiếp người suốt đời đi ở nhờ, ở đậu vì không có CMND, không có hộ khẩu. Từ việc vợ chồng trong tình trạng hôn nhân bất hợp pháp, không có giấy đăng ký kết hôn… lại sinh ra một đàn con không có khai sinh, chúng sẽ chẳng được nhập học như các bạn cùng tuổi, chẳng nhận được việc làm ổn định khi lớn lên, tương lai sao mịt mù, tăm tối!
Thương thay những người nghèo, những em bé phải sống qua ngày trên vỉa hè, trong chợ, dưới gầm cầu… Bi đát hơn nữa nếu rơi vào tình cảnh chẳng có nhà và cũng chẳng nhận được chút tình thương nào!
Con người cần có nhà để ở nhưng còn khao khát một mái ấm để sống.
Ai là người xây dựng tổ ấm? – Cha mẹ, con cái và mọi thành viên trong gia đình. Phải chăng tôi đã quên rằng trách nhiệm đó cũng là của chính mình và đã thay thế nó bằng công việc, bằng tiền và bằng lợi nhuận… ?
Ước gì mọi người, nhất là trẻ em, không chỉ có nhà để ở nhưng còn có mái ấm để sống và cứ mỗi lần đi xa là nhớ, là thương…
“Con người không sống trong nơi họ ở nhưng ở nơi họ được yêu mến”.
NGỌC TÂM
Dòng Con Đức Mẹ Phù Hộ
ĐỌC SÁCH
(Câu chuyện đứa trẻ ăn xin cho cuộc sống của những mẹ mìn)
Thường thì khoảng 10 giờ đêm tôi mới bắt đầu cuộc hành trình “lang thang” đi tìm chỗ các trẻ bụi đời sinh sống nên... tối 28 tết, tôi hòa mình với dòng người tấp nập dạo bộ ra trung tâm Sài Gòn. Khu vực vườn hoa Tao Đàn và vườn hoa Nguyễn Huệ chật kín người. Con đường Lê Lợi rộng thênh thang nhất thành phố cấm không cho xe lưu thông, chỉ dành cho người đi bộ. Những chiếc lồng đèn vĩ đại treo hai bên đường càng làm sống động hơn không khí tết. Các nam thanh nữ tú, với áo quần muôn màu muôn sắc với đủ các kiểu dáng (đúng là tết “hội nhập”, mà hầu hết là không hợp với vóc người và văn hoá Việt Nam) cứ bám sát vào nhau, đến độ tôi ước tính ngay cả con vi khuẩn nhỏ nhất của máy vi tính cũng không thể chui qua được những khoảng cách giữa hai con người ấy. Rồi đến những người da trắng, nhiều không thể đếm nổi. Họ hòa lẫn trong dòng người - họ nhảy múa theo tiếng nhạc được phát ra hết công xuất từ những chiếc loa hai bên đường. Không những chỉ có các đôi nam nữ ham vui, mà các cặp sồn sồn thì cũng không thiếu. Có điều hình như họ vẫn còn bẽn lẽn trong cách “thân thiện” của họ trước đám đông - họ chất phác hơn trong các cử chỉ, tay họ chỉ chỏ những mới lạ được dựng dọc theo con đường và khẽ nói vào tai nhau khi có chuyện cần. Trái ngược với họ là những bạn trẻ tuổi trung học, họ đi với nhau theo từng nhóm và nơi nào có họ, nơi đó ồn ào náo nhiệt, và ánh đèn của máy chụp hình liên tục sáng lên. À ! cũng còn nữa, đó là thành phần… như tôi. Những kẻ lẻ loi một mình - những kẻ không có bồ hay gia đình - những kẻ độc thân vô điều kiện và những kẻ độc thân có điều kiện.
Vừa thả bộ vừa miên man suy nghĩ bỗng một hình ảnh đập vào mắt tôi. Hình ảnh này khác với các hình ảnh khác. Không phấn son, không lòe loẹt áo quần, không điện thoại cầm tay, không máy hình, không dầy dép, nói chung là không… có gì đặc biệt. Chỉ khác lạ là một em nhỏ khoảng độ 7 hay 8 tuổi, hai tay xách hai bịch sốp đựng đầy những chai nước suối, hay lon coca đã uống hết được người ta vất xuống đường và kẹp vào nách một ít chai còn lại. Cứ đi khoảng một hai bước, những cái chai kia lại rớt xuống, và em lại ngồi xuống nhặt lên, rồi lại đi, lại rớt và lại nhặt...
- Thằng nhóc này tránh ra cho tao chụp hình coi.
Một nhóm bạn trẻ quát vào mặt cậu bé. Vừa dứt lời, một cô gái mặc váy thật đẹp lấy chân đá các bình nhựa đó qua một bên rồi sửa lại y phục làm điệu trước ống kính máy hình một cách rất… vô tư như không có gì xảy ra.
Cậu bé không nói gì, hai tay cầm hai bịch sốp và vội vã đuổi theo những cái chai nhựa đang lăn long lóc và bị dòng người đông nghẹt đá qua đá lại. Tôi nhìn thật kỹ, cậu lủi bên này rồi chạy bên kia, mà vẫn chưa chụp được cái chai. Vì mỗi khi cậu vừa trờ tới thì đã có một đôi chân nào đó đá nó đi chỗ khác. Nhìn cậu đuổi theo những cái chai mà tôi gần như ngộp thở. Ờ mà sao tôi dở thế nhỉ? Sao tôi không giúp cậu bé mà cứ đứng trơ ra như đá nhìn xem chuyện gì xảy ra.
Cậu vẫn cứ đuổi theo cái chai nhựa cho đến khi một cái chân cổ thụ chặn cái chai lại cho cậu. Cậu ngước mắt nhìn lên, một người da trắng cao to đang đứng trước mặt. Cậu khiếp người, không dám nhìn lên và toan tính bỏ đi. Bỗng người đàn ông đó cúi xuống cầm lấy cái chai, đưa cho cậu rồi lấy hết đồ trong cái túi nylong thật lớn mà ông đang cầm trên tay ra, rồi đưa cho cậu cái túi đó và giúp cậu bỏ hết tất cả các chai nhựa và lon coca vào đó – sau đó tôi còn thấy ông cho cậu một ít tiền, cười vui vẻ vỗ vào vai cậu, nói một vài câu gì đó rồi đi.
Tự dưng tôi cảm thấy xấu hổ - Xấu hổ cho chính tôi và cho tất cả người Việt Nam. Không một ai giúp cậu bé đáng thương kia, mà phải để một du khách, một con người không cùng ngôn ngữ làm cái điều mà đúng ra chúng ta phải làm. Ôi cái câu ca dao “Nhiễu điều phủ lấy giá gương - Người trong một NƯỚC phải thương nhau cùng” đâu rồi nhỉ ! Vừa nghĩ đến đó tôi quyết định làm quen với cậu bé…
- Chào cháu, chú có thể làm bạn với cháu được không?
Tôi tiến lại gần đứa bé và cất giọng. Thằng bé không trả lời, nhìn tôi có vẻ sợ hãi “không tin tưởng” và tiếp tục bước đi. Tôi đuổi theo, lấy tay giữ nhẹ nó lại và nói:
- Nãy giờ chú để ý cháu đó. Chú thấy thương cháu một mình – mà chú cũng một mình, nên chú muốn làm bạn với cháu đêm nay, được không?
Thằng bé có vẻ vẫn còn bán tín bán nghi, nhìn tôi chằm chằm. Tôi “tán” tiếp:
- Chú không có bạn bè ở thành phố này, chú thật sự muốn làm bạn với cháu mà. Chú muốn mời cháu đi ăn tối với chú. Hai chú cháu mình qua chợ ăn đêm Bến Thành ăn nhé.
Thằng bé vẫn không nói gì. Mặc kệ, tôi nhẹ nhàng đưa tay ra cầm lấy hai cái bịch nylong đựng đầy các đồ “ve chai” của nó, tay kia cầm tay nó và dẫn nó đi. Thằng bé nhìn quanh có vẻ sợ hãi nhưng vẫn không nói gì. Nó đi theo tôi, nhưng đầu vẫn cứ ngoái lại đằng sau như có điều gì không ổn. Tôi hỏi:
- Cháu tìm gì vậy? Hay cháu có bạn, có muốn chú mời bạn cháu cùng đi không?
- Dạ không.
Thằng bé nói câu đầu tiên. (và sau này tôi mới biết cũng là câu đối thoại cuối cùng với tôi).
Cứ mỗi tối tôi ra chợ Bến Thành ăn đêm thì các quán tha hồ tranh thủ mời, có khi họ còn ra giữa đường chèo kéo, thế mà tối nay… chẳng ai thèm đả động với tôi một câu. Nhưng tôi hiểu, vì tôi đã quen với cái cảnh này lắm rồi, nên tôi dẫn thằng bé vào góc trong cùng của một cái quán để tránh những cái nhìn… “soi mói”. Thế mà chúng tôi cũng không tránh được những cái liếc mắt khó chịu từ những người đang ăn cho đến chị chủ quán. Tôi hỏi thằng bé muốn ăn gì, nó lắc đầu không nói (hay không biết). Tôi đánh liều gọi hai tô bún bò giò heo và thêm một ít móng heo để gặm. Mong rằng sẽ câu giờ để có cơ hội nói chuyện với thằng bé. Thằng bé vẫn không nói gì. Nó vừa ăn mà vừa lấm lét nhìn chung quanh và nhìn ra đường. Ngay cả người “giỏi bắt chuyện” như tôi mà cũng không thể nào cậy răng nó ra được thêm chữ nào. Tôi hỏi thì một là nó lắc đầu, hai là nó gật đầu. Tôi vận dụng hết tài năng khéo léo của mình, khả năng giao tiếp cho đến những đòn tâm lý học. Tất cả đều vô hiệu…
- (Văng tục…) Mày trốn hả? Biến đi đâu nãy giờ? Ai cho mày vô đây. (Văng tục…) Tao đánh chết “…” mày bây giờ. (Văng tục…) bộ mày đói lắm hả…
Người đàn bà sang sảng vừa nói vừa tát thằng bé tới tấp. Tôi không kịp phản ứng gì thì thằng bé đã bị người đàn bà đó kéo ra khỏi tiệm ăn. Tôi đang tính đuổi theo thì…Chị chủ quán kéo tay tôi lại và hét lên:
- Đóng kịch rồi chạy hả ?
Tôi móc túi lấy ra tờ 200,000 (hai trăm ngàn) đưa cho chị và chạy ra khỏi quán. Thấy tôi chạy sau, người đàn bà túm cổ thằng bé bẻ ngược lại chỉ thẳng vào mặt tôi và quát to.
- Mày mà chạy theo, tao (văng tục…) tao bẻ cổ nó.
Tôi khựng lại, đứng nhìn bà ta túm cổ áo thằng bé kéo đi mà lòng đau xót. Tôi lê bước trở lại cái quán ăn hồi nãy, ngồi xuống bàn, thở dài, miên man suy nghĩ, nước mắt tuôn hồi nào cũng không hay. Tiếng một người đàn bà ngồi kế bàn tôi cất lên.
- Ôi thôi, cậu khóc làm gì. Chuyện đó xảy ra như cơm bữa ở Sài Gòn. Mấy con mẹ đó là mấy con mẹ mìn. Tụi nó về quê thuê mấy đứa con nít lên đây đi ăn xin, rồi nộp tiền cho nó. Cậu ở bển (chắc ý nói tôi ở nước ngoài) nên ngây thơ thôi.
- Vâng, cháu không biết. Cháu thấy tội đứa bé nên cho nó ăn và tính cho nó ít tiền thôi.
- Trời, cậu này thiệt là... Cậu có cho nó 1 ngàn hay 100 ngàn cũng vậy thôi. Nó đâu có gì vui đâu vì tất cả cũng vô tay mấy con mẹ đó hết trơn.
Trời!!! Đó là tiếng (than) duy nhất có thể thoát ra từ cửa miệng của tôi khi lê bước trên 2 blocks đường ngắn về khách sạn. Tôi vẫn biết rằng cuộc đời có nhiều trái ngang nhưng… chẳng lẽ… những gì tôi mới chứng kiến cũng là sự thật ? Vâng đó là một sự thật rất phũ phàng mà tôi mới nhận ra…
Bạn thân mến, không biết bạn đọc xong đoản khúc này thì tâm trạng của bạn ra sao? Nhưng đối với tôi, đứa bé đó sẽ sống mãi, vâng sẽ sống mãi, ít nhất là trong tâm hồn của tôi. Tôi sẽ mãi nhớ về em, sẽ mãi cầu nguyện cho em, và ước mong… Vâng! tôi chỉ ước mong một ngày nào đó tôi sẽ được ôm em vào lòng và “chú cháu" mình sẽ hàn huyên, sẽ nói thật nhiều.
Ước gì! Vâng, ước gì mỗi người chúng ta sống được lời Chúa khi Ngài nói: “Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy.” Mt 24:40.
(LM. Martino Nguyễn Bá Thông - www.hayyeuthuongnhau.org)