TIN VUI
Tuần san Bạn trẻ Công Giáo - Số 96 CN 29.07.2007
E-mail : bantreconggiao@yahoo.com
Ðức Thánh Cha Bênêđitô XVI gặp các Linh Mục tại nơi ngài đang nghỉ hè.
Chiều kích hy hiến và thần bí của của phụng vụ cũ tiếng Latinh
MỪNG LỄ NGÂN KHÁNH HỘI TÊRÊXA HÀI ĐỒNG GIÊSU
NGƯỜI GIA TRƯỞNG SỐNG ĐẠO HÔM NAY
ÔNG NỘI CỦA CON VỚI MẸ CỦA ANH ẤY LÀ HAI CHỊ EM RUỘT, CHÚNG CON CÓ ĐƯỢC LẤY NHAU KHÔNG ?
THÁNH NỮ BRIGITTE THỤY-ĐIỂN, QUAN THẦY CHÂU ÂU
Tương quan giữa cha sở với các nữ tu, ban hành giáo và các đoàn thể trong giáo xứ
SỐNG LỜI CHÚA
Lc 11, 1-13
"Các ngươi hãy xin thì sẽ được".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Ngày kia, Chúa Giêsu cầu nguyện ở một nơi kia. Khi Người cầu nguyện xong, có một môn đệ thưa Người rằng: "Lạy Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện như Gioan đã dạy môn đệ ông". Người nói với các ông:
"Khi các con cầu nguyện, hãy nói: 'Lạy Cha, nguyện xin danh Cha cả sáng. Nước Cha trị đến. Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày. Và tha nợ chúng con, như chúng con cũng tha mọi kẻ có nợ chúng con. Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ'".
Và Người còn bảo các ông rằng: "Nếu ai trong các con có người bạn, giữa đêm khuya đến nói với người ấy rằng: 'Anh ơi, xin cho tôi vay ba chiếc bánh, vì tôi có anh bạn đi đường ghé lại nhà tôi, mà tôi không có gì thết đãi anh ấy'. Và từ trong nhà có tiếng người ấy đáp: 'Xin đừng quấy rầy tôi, vì cửa đã đóng, các con tôi và tôi đã lên giường nằm rồi, tôi không thể chỗi dậy lấy bánh cho anh được'. Thầy bảo các con, dù người đó không dậy vì tình bạn để lấy bánh cho người bạn, người đó cũng sẽ dậy, ít nữa là vì sự quấy rầy của người kia mà cho anh ta tất cả những gì anh ta cần.
"Và Thầy bảo các con: Các con hãy xin thì sẽ được, hãy tìm thì sẽ gặp, hãy gõ thì sẽ mở cho. Vì hễ ai xin thì được, ai tìm thì gặp, ai gõ thì sẽ mở cho.
"Người cha nào trong các con có đứa con xin bánh mà lại cho nó hòn đá ư? Hay nó xin cá, lại cho nó con rắn thay vì cá sao? Hay nó xin quả trứng, lại cho nó con bọ cạp ư? Vậy, nếu các con là những kẻ gian ác, còn biết cho con cái mình những của tốt, phương chi Cha các con trên trời sẽ ban Thánh Thần cho những kẻ xin Người".
Đó là lời Chúa.
Lời Chúa trong Tin mừng hôm nay Chúa Giêsu dạy chúng ta cầu nguyện với tâm tình của người con tin tưởng vào quyền năng tuyệt đối và tình yêu vô điều kiện của Cha. Người quả quyết rằng : Thiên Chúa thực sự là Cha chúng ta, yêu thương và đáp ứng mọi nhu cầu của chúng ta, nhất là những điều tốt lành chúng ta muốn thực hiện cho anh em, bạn hữu của mình.
“Khi cầu nguyện anh em hãy nói : “Lạy Cha, xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển, Triều Đại Cha mau đến, xin Cha cho chúng con ngày nào có lương thực ngày ấy ; xin tha tội cho chúng con, như chính chúng con cũng tha cho mọi người mắc lỗi với chúng con, và xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ”. Qua lời kinh Lạy Cha, Chúa Giêsu tỏ cho chúng ta thấy Cha là tình yêu và Nước của Cha là Nước Tình yêu, trong đó, tất cả mọi người đều được no thỏa, yêu thương tha thứ cho nhau và được Cha gìn giữ khỏi mọi điều nguy hại.
Khi cầu nguyện bằng kinh Lạy Cha, chúng ta ở trong tương quan gia đình, nơi mỗi người đều có kinh nghiệm được sinh ra trong tình yêu và được nuôi dưỡng trong tình yêu hoàn toàn vô vị lợi của cha mẹ. Đây chính là điểm độc đáo của kinh nguyện Kitô giáo: chúng ta được gọi Thiên Chúa là Cha (Abba) một cách rất thân thương gần gũi. Vì thế, nếu sống trong tinh thần kinh Lạy Cha, chúng ta rất hạnh phúc và bình an như câu chuyện về một cậu bé bệnh nặng sắp chết trong Sunday School Times : ba cậu bé hỏi : “Con sợ chết không con?” Cậu bé thưa với ba : “Thưa ba, không, nếu Thiên Chúa cũng giống như ba” Câu chuyện khác về một người con gái của Karl Marx cũng thế, có lần cô tâm sự với một người bạn: Tôi lớn lên mà không hề biết đến bất cứ tôn giáo nào. Tôi cũng không tin tưởng Thiên Chúa. Thế rồi tình cờ tôi đọc được một quyển sách trong đó có lời kinh khác lạ. Tôi đọc hết lời kinh ấy và tự nhủ : nếu quả thật thiên Chúa của lời kinh ấy hiện hữu, tôi nghĩ rằng tôi có thể tin Ngài được”. Người bạn hỏi cho biết đó là lời kinh nào. Người con gái của Karl Marx mới từ từ đọc lại Kinh Lạy Cha. (x. Mỗi ngày một tin vui).
Theo Giáo Lý Công Giáo, mỗi khi cầu nguyện chúng ta được ở trong mối tương quan sống động và thân tình với Thiên Chúa. Quả thật, cầu nguyện là sống đức tin, và tin là mở lòng ta để đón nhận một sự thật vô cùng cao quí. Thiên Chúa là Cha chúng ta và chúng ta được gọi là con Thiên Chúa. Với niềm xác tín như thế, chúng ta có thể tự đặt mình trong câu chuyện kể của Đức Giêsu, mỗi khi chúng ta đối diện với những bất lực của bản thân. Cụ thể như khi chúng ta có một người bạn đến thăm lúc đêm khuya, bị trúng gió phải đi bệnh viện cấp cứu mà trong nhà không có đủ tiền để phục vụ. Khi đó, chúng ta có thể tự nhỏ : Tôi nên làm gì đây ? đến nhà Cha tôi trong giờ này ư ? Tôi có làm phiền Ngài không ? Nhưng khi đối diện vấn đề sự sống của người bạn, tôi đã hít một hơi thật sâu và can đảm tới gõ cửa nhà Cha tôi. Tôi rất ngạc nhiên vì khi tôi vừa gõ cửa. Cha tôi đã mở ngay và sau khi nghe tôi trình bày, Ngài đã sẵn sàng đáp ứng ngay điều tôi đang cần. Ngài rất hài lòng khi tôi biết sống yêu thương anh em và tin tưởng chạy đến với ngài xin giúp đỡ.
Quả thật, tình cha con và tình anh em được Chúa Giêsu mặc khải qua kinh Lạy Cha. Sống với cha trong tình phó thác, với anh em trong tình bác ái, Vì thế, khi cầu nguyện bằng Kinh Lạy Cha, chúng ta càng ý thức mình được Thiên Chúa yêu thương, chúng ta càng ước nguyện và sẵn sàng loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa qua thái độ sống chia cơm sẻ áo, cảm thông tha thứ của chúng ta. Trong ý nghĩa này rất nhiều bệnh nhân ung thư trong giai đoạn cuối đời đã được ơn đức tin khi được dạy cầu nguyện bằng Kinh Lạy Cha. Cụ thể như một phụ nữ đơn thân đang điều trị tại Bệnh viện Ung bướu, chị nằm chung với một cụ già cũng đơn thân trên một giường bệnh. Khi chị chứng kiến cụ già sau khi được rửa tội đã ra đi rất an bình như một giấc ngủ trong tình yêu săn sóc của các sơ, chị đã xin dạy chị cầu nguyện. Khi chị đã cảm nghiệm ý nghĩa của Kinh Lạy Cha chị đã xin rửa tội và trong cơn hấp hối chị đã nói : “giờ đây em đang đi một mình vào đêm tối, nhưng em không sợ hãi gì vì đã có Cha yêu thương và dẫn dắt”.
Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã bảo đảm cho chúng con rằng : “nếu anh em vốn là những kẻ xấu mà còn biết cho con cái mình của tốt của lành, phương chi Cha trên trời lại không ban Thánh Thần cho những kè kêu xin Người sao? “Xin Chúa dạy con biết cầu nguyện với Cha, ở trong tình yêu thương của Cha, và dành cả cuộc đời con để loan báo về Nước Tình yêu của Cha cho những người sống chung quanh con.
Nt. Têrêsa Phạm Thị Oanh.
Dòng Đa minh Tam Hiệp
CON ĐƯỜNG TU ĐỨC
Đức Mẹ từ trời xuống đất. Đó là sự kiện Đức Mẹ hiện ra ở Fatima năm 1917. Năm nay, 2007 nhiều nơi mừng 90 năm sự kiện lịch sử đó.
Mừng kỷ niệm này, tôi nhìn lại những tác động của sứ điệp Fatima trong đời tôi. Tới nay, những tác động ấy vẫn mạnh, đi vào chiều sâu. Chúng làm nên một thứ tu đức, mà tôi tạm gọi là tu đức từ Fatima.
Tu đức từ Fatima được hình thành dần dần từ sự gắn bó mật thiết với Đức Mẹ Fatima.Nó mang mấy đặc điểm sau đây :
Tôi thấy bước đầu để đi vào con đường sứ điệp Fatima là thực hiện chuỗi dài những việc khiêm nhường.
Thực vậy, tôi phải khiêm nhường tin rằng : Chúa đã dùng ba trẻ quê mùa ở Fatima như những dụng cụ khiêm tốn để loan báo sứ điệp.
Tôi phải khiêm tốn nhận rằng : sứ điệp quan trịng nhất ở Fatima là việc sám hối. Sám hối bao giờ cũng khởi đi từ sự khiêm tốn nhìn nhận mình tội lỗi.
Tôi phải khiêm tốn nhìn lên Đức Mẹ ở Fatima. Người tỏ mình ra một cách khiêm tốn, như người nữ tỳ của Chúa, như người Mẹ dạt dào tình thương đối với mọi người, không phân biệt ai.
Tôi phải khiêm tốn xác tín rằng : Vinh quang của Thiên Chúa ở Fatima là Chúa dung những phương tiện hèn mọn, và đưa ra giải pháp hèn mọn họp với bất cứ ai, để họ được cứu khỏi các tai hoạ thảm khốc đời này, nhất là khỏi hoả ngục đời sau.
Tôi phải khiêm tốn vâng theo sứ điệp Fatima mà tu thân sám hối. Sứ điệp này phản ánh sứ điệp sám hối đã do thánh Gioan Baotixita rao giảng xưa. Sứ điệp này tiếp nối sứ điệp sám hối mà chính Chúa Giêsu gởi đến nhân loại xưa, trong mầu nhiệm thánh giá.
Khi thực thi chuỗi dài những việc khiêm tốn trên đây trong ý thức, tôi sẽ được đưa tới việc khiêm tốn cầu nguyện với Chúa. Việc cầu nguyện này là một đối thoại giữa Chúa và tôi. Đối tượng là về cái tâm.
Tôi nghe Chúa phán với tôi cũng những lời trong sách tiên tri Giôen : “ Ngay cả lúc này, các ngươi hãy hết lòng trở về với Ta. Hãy ăn chay, khóc lóc và thống thiết than van. Đừng xé áo, nhưng hãy xé lòng “ ( Ge 2, 12-13).
Tôi cũng đã nghe Chúa nói với tôi những lời, như xưa đã ghi trong tiên tri Êdêkien : “Ta sẽ ban tặng các ngươi một quả tim mới, sẽ đặt thần khí vào lòng các ngươi. Ta sẽ bỏ đi quả tim bằng đá khỏi thân mình các người, và sẽ ban cho các ngươi một quả tim bằng thịt” ( Ed 36, 26). Tôi hiểu quả tim bằng đá là cái tâm chai đá, còn quả tim bằng thịt là cái tâm nhạy bén, khiêm nhường.
Khi hiểu Chúa muốn dạy gì, tôi sẽ nói với Chúa lời xin của Vua Đavít :” Lạy Chúa, tế phẩm dâng Ngài là tấm lòng tan nát. Một tấm lòng tan nát, Ngài sẽ chẳng khinh chê” ( Tv 32, 19).
Chỉ khi tôi thực sự dâng lên Chúa tấm lòng tan nát khiêm cung và sám hối, tôi mới thực sự thi hành sứ điệp khiêm nhường và sám hối, mà Đức Mẹ đã nhắn nhủ ở Fatima.
Cùng với lòng khiêm nhường và sám hối, tôi đã được sứ điệp Fatima chỉ cho thấy nguồn gốc sâu xa của ngay cơ lớn nhất hiện nay.
Theo sứ điệp Fatima, thì nguy cơ lớn nhất là con người tự đi xuống diệt vong, nguồn gốc sâu xa của nguy cơ đó là vì con người.
- Mất ý thức về tội.
- Chối từ Thiên Chúa
- Không cầu nguyện.
- Không tin có hỏa ngục.
Thực vậy, ở Fatima, Đức Mẹ đã dạy vắn tắt thế này :
-Hãy sám hối bỏ đàng tội.
-Hãy cầu nguyện trở về với Chúa.
-Kẻo sẽ phải sa xuống hỏa ngục.
Lời khuyên vắn tắt của Mẹ ở Fatima đã phác hoạ thực trạng loài người lúc đó và hiện nay.
Nhìn lại tình hình năm 1917, người ta thấy: Lúc đó, đã phát sinh phong trào mất ý thức về tội, coi nhẹ niềm tin có hỏa ngục, vá cách sống dửng dưng đối với Thiên Chúa.
Nay, ba phong trào đó xem ra mạnh hơn và lan rộng hơn. Sự phát triển ba phong trào này có nguồn gốc : Một đàng ở sự người ta bớt cầu nguyện và bớt gắn bó với Chúa, một đàng người ta gắn bó hơn với cách sống thực dụng, hưởng thụ và tự mãn kiêu căng.
Nhận thức trên đây tất nhiên phải đi tới những cố gắng rõ rệt về tu đức. Đó là : rút ánh sáng từ Phúc âm ra, để nhận định đúng về tội, về hỏa ngục, về sự chối từ Chúa qua sự chối từ những điều Chúa truyền và Hội Thánh dạy.
Một cách đón nhận ánh sáng Phúc Âm là năng cầu nguyện kinh Mân Côi và tôn sung Trái tim Đức Mẹ.
Ánh sáng Phúc Âm ta nhận được qua những sùng kính đó sẽ cho ta gặp được Chúa. Một Chúa sống động, một Chúa gần gũi, một Chúa là tình yêu thương xót. Sự gặp gỡ này sẽ mở tâm hồn ta ra, để Chúa biến đổi lòng ta nên mới.
Lòng ta nên mới, nhất là ở sự ta nhìn Đức Mẹ đúng là người mẹ đầy xót thương. Mẹ chỉ muốn cho tính mạng của các con cái Mẹ được an toàn. Chúng ta hãy là con thảo của Mẹ. Con thảo thì tin vào Mẹ, con thảo thì vâng lời Mẹ.
.
Trong bài giảng của Đức cố Giáo hoàng Gioan Phaolô II tại Fatima ngày 13.5.1982, thì sứ điệp của Đức Mẹ ở Fatima là một cảnh báo quyết đoán và nghiêm khắc. Không ai được coi thường.
Nhận thức trên đây đang trở thành một động lực cho việc sống đạo tại Việt Nam hôm nay. Bỏ đàng tội, đổi mới nếp sống, xin ơn trở về với Thiên Chúa tình yêu, đó là trọng tâm mục vụ của nhiều môn đệ Chúa trên đất nước thân thương này.
Chia sẻ trên đây là một chút dư âm của sự kiện Đức Mẹ hiện ra ở Fatima. Dư âm này sẽ rất âm thầm, nhưng là một của lễ bé mọn dâng kính Mẹ. Tôi tin nó sẽ được ở bên nhiều của lễ khác đang đặt xung quanh Mẹ nhân lành.
Thiết tưởng của lễ đẹp nhất chính là những người đang biến bản thân mình thành của lễ, như lời thánh Phaolô dạy : “ Vì Thiên Chúa thương xót chúng ta, tôi khuyên nhủ anh em hãy hiến dâng thân mình làm của lễ sống động, thánh thiện và đẹp lòng Thiên Chúa. Anh em đừng rập theo thói đời này, nhưng hãy biến con người anh em bằng cách đổi mới tâm hồn, hầu có thể nhận ra đâu là ý Thiên Chúa : cái gì là tốt, cái gì đẹp lòng Chúa, cái gì là hoàn hảo’ ( Rm 12, 1-2)
ĐGM. GB. Bùi Tuần
HIỆP THÔNG GIÁO HỘI
Tin Italia (Apic 24/07/2007) - Thứ Ba, ngày 24 tháng 7 năm 2007, ÐTC Bênêđitô XVI đã gặp riêng khoảng 400 linh mục và chủng sinh của hai giáo phận Belluno-Feltre và Treviso, tại nhà thờ giáo xứ Thánh Giustina Tử Ðạo, ở Auronzo di Cadore, gần nơi ÐTC đang nghỉ hè. Cuộc gặp gỡ đã kéo dài trong khoảng 2 tiếng đồng hồ và ÐTC đã trả lời cho 10 câu hỏi, do 10 linh mục đại diện, trình lên ÐTC, liên quan đến công cuộc đối thoại liên tôn, đến vấn đề những người ly dị rồi kết hôn lại, và đến công việc mục vụ cho giới trẻ.
Trả lời cho câu hỏi của một linh mục cho biết rằng sau thời gian hăng say chấp nhận công đồng Vaticanô II, thì nay cha cảm thấy mệt mỏi và thất vọng về Công Ðồng này, Ðức Bênêđitô XVI đã tâm sự như sau: "Tôi cũng đã sống thời gian Công Ðồng với niềm hăng say to lớn, với niềm hy vọng về một cuột gặp gỡ mới giữa giáo hội và thế giới; nhưng rồi chúng tôi cũng đã cảm nghiệm rằng các sự việc đều có đầy những khó khăn". ÐTC nhắc lại rằng thời gian tiếp sau tất cả mọi Công Ðồng đều là thời gian có những khó khăn. ÐTC giải thích thêm rằng thời gian sau Công Ðồng Vaticanô II có hai cuộc khủng hoảng lớn: năm 1968 có cuộc khủng hoảng văn hoá của nền văn hoá Tây Phương và năm 1989 có cuộc khủng hoảng với cuộc sụp đổ các chế độ cộng sản tại Ðông Âu. Giáo Hội đã phải chấp nhận sống trong khung cảnh bị ghi dấu bởi những rạn nứt văn hoá to lớn và trong những hoàn cảnh mới xảy ra độc lập với Công Ðồng Vaticanô II.
Trả lời cho câu hỏi về công cuộc đối thoại liên tôn, ÐTC nhắc lại rằng Giáo Hội công giáo ngày xưa là một giáo hội thiểu số. ÐTC trích lại lời khuyên của thánh Tông Ðồ Phêrô nơi thư I Phêrô như sau: Anh em hãy sẵn sàng trả lời cho bất cứ ai tra vấn anh em về lý do của niềm hy vọng trong anh em". Thánh Tông Ðồ Phêrô như thế đã mời gọi các tín hữu hãy huấn luyện đức tin của mình, và sống gần gủi với những anh chị em không kitô. Nhìn nhận rằng việc đối thoại về những mầu nhiệm Ðức tin là một việc khó, nhưng ÐTC xác nhận những giá trị lớn của việc chia sẻ; dựa trên những giá trị này con người có thể gặp nhau và đối thoại với nhau.
Liên quan đến việc mục vụ đối với những anh chị em ly dị rồi kết hôn lại, ÐTC Bênêđitô XVI nhấn mạnh đến mục vụ dự phòng, đến việc chuẩn bị hôn nhân, đến việc giúp cho đôi bạn khám phá quan niệm đặc biệt về hôn nhân kitô, một hôn nhân bền vững suốt đời, chớ không phải là một hôn nhân tạm bợ. Trong trường hợp hôn nhân bị thất bại, ÐTC mời gọi nghiên cứu trường hợp về một "tháo gở" phép hôn phối không thành sự, đồng thời khuyến khích các linh mục và cộng đoàn kitô hãy có thái độ gần gủi, yêu thương và chia sẻ nỗi khổ đau và những khó khăn của đôi bạn gặp đổ vỡ, ngõ hầu những anh chị em ly dị rồi kết hôn lại này còn cảm nghiệm được tình yêu thương của Chúa Kitô và còn cảm thấy mình còn là thành phần của Giáo hội, cả khi họ đang sống trong hoàn cảnh trái luật.
Về vấn đề giới trẻ, ÐTC nói lên sự phiền muộn vì con số khá đông những bạn trẻ không còn nắm bắt ý nghĩa của cuộc sống, trong nền văn hoá hiện nay. ÐTC cảnh báo rằng: một thế giới không có Thiên Chúa là một thế giới không còn kỷ cương gì nữa; và lúc đó con người tự ý quyết định tuỳ thích.
Về đời sống của linh mục, ÐTC khuyên hãy sống với đôi chân trên mặt đất, nhưng với đôi mắt hướng về trời cao! ÐTC khuyên các linh mục không nên sống xa cách với dân chúng, và cho rằng việc cử hành các bí tích là dịp tốt để linh mục tiếp xúc sâu đậm với tín hữu. ÐTC ước mong người ta không trình bày đạo Chúa như là một mớ những tín điều hết sức phức tạp, nhưng như là một lời rao giảng đơn sơ rằng: Thiên Chúa hiện diện và Chúa Giêsu Kitô đồng hành với con người chúng ta.
(Ðặng Thế Dũng)
Phỏng vấn Linh Mục Alfredo Morselli, cha sở giáo xư Stiatico và Casadio giáo phận Bologna, trung bắc Italia, về Tự Sắc ”Summorum Pontificum”
Trong các ngày vừa qua đã có rất nhiều phản ứng khác nhau liên quan tới Tông Thư Tự Sắc ”Summorum Pontificum” của Đức Thánh Cha Biển Đức XVI, cho phép sử dụng Sách Lễ Roma tiếng Latinh cũ, trước cuộc cải tổ phụng vụ năm 1970.
Sau đây chúng tôi xin gửi đến qúy vị và các bạn bài phỏng vấn Linh Mục Alfredo Morselli, cha sở giáo xứ Stiatico và Casadio, thuộc giáo phận Bologna, trung bắc Italia, về Tự Sắc ”Summorum Pontificum”. Cha Morselli là một trong những người đã thành lập một địa chỉ trên Internet gọi là ”Thân hữu của Đức Joseph Ratzinger”, để phổ biến các sách vở tài liệu của Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI từ khi còn là Tổng Trưởng Bộ Giáo Lý Đức Tin. Trong số các bài viết thời đó cũng có tài liệu, qua đó Đức Hồng Y Ratzinger trình bầy ước mong có thể cử hành phụng vụ theo hình thức phụng vụ cũ tiếng Latinh.
Hỏi: Thưa cha Alfredo Morselli, trong các trang Web cha phụ trách có nhiều bài viết của Đức Hồng Y Joseph Ratzinger, trình bầy ước mong cho tất cả mọi linh mục có thể cử hành thánh lễ theo Nghi Lễ Roma cũ tiếng Latinh. Cha có ý kiến gì sau khi Đức Thánh Cha Biển Đức XVI ban bố Tự Sắc cho phép sử dụng Sách Lễ Roma cũ?
Đáp: Có hai vị thánh được tôn phong sau thời cải cách phụng vụ là thánh Pio thành Pietrelcina và thánh José Maria Balaguer, cả hai vị đã được phép cử hành thánh lễ theo Sách Lễ Roma ấn bản năm 1962, cho tới khi các vị qua đời. Hai vị là các vị thánh lớn sống sau thời Công Đồng Chung Vaitcăng II. Và các thánh thường có các cử chỉ ngôn sứ... Việc chính thức thừa nhận quyền hợp quy của Lễ Nghi Cũ chắc chắn đem lại hy vọng cho các tín hữu công giáo tốt lành ưa thích hình thái phụng vụ này.
Hỏi: Đâu là các khác biệt giữa hai lễ nghi cũ và mới thưa cha?
Đáp: Trong hình thái cũ, ý tưởng thánh lễ như là Hy Tế rõ ràng hơn: vị chủ tế được dẫn ngay vào mầu nhiệm của cuộc sống là một ”Chúa Kitô khác”, và sống đời linh mục của mình trong tình trạng ”tế vật hy hiến”; còn các tín hữu thì được dẫn đưa tới chân đồi Can vê một cách thần bí. Thần học về Ba Ngôi Thiên Chúa thấm nhuần hình thức cũ: việc liên lỉ lập lại các lời cầu theo lược đồ ba điểm và các lời cầu dâng lên Thiên Chúa Ba Ngôi Rất Thánh, nhắc nhở cho biết rằng cả Ba Ngôi Thiên Chúa ”đã hoạt động để Chúa Con nhập thể làm người” và dâng lên hiến tế cứu độ, được tái thực hiện trong Thánh Lễ.
Hỏi: Ngày nay chúng ta cảm thấy nhu cầu tham dự vào Thánh Lễ một cách tích cực. So sánh với lễ nghi cũ, chúng ta hay ca ngợi cuộc cải cách phụng vụ, nhất là vì nó trợ giúp việc tham dự tích cực này, có đúng thế không thưa cha?
Đáp: Không. Không đúng như thế. Cần phải từ bỏ tư tưởng cho rằng trong lễ nghi cũ đã có ít, hay không có sự tham dự tích cực, làm như thể là trong bao nhiêu thế kỷ các tín hữu đã đi tham dự thánh lễ, mà không hiểu biết gì hay không tham dự một cách tích cực và hoàn toàn thụ động. Rất tiếc là người ta hiểu ”tham dự tích cực đồng nghĩa với làm cái gì đó”. Sự đồng hóa này không phải là hoa trái của Công Đồng Chung Vaticăng II, mà là một gia tài của phong trào Jansen, là phong trào đã sống trước một vài hình thức phụng vụ sai lạc, mà chúng ta thấy được đề nghị trở lại ngày nay.
Hỏi: Cha có thể giải thích cho thính giả hiểu rõ ràng hơn khẳng định trên đây không?
Đáp: Nếu chúng ta tin rằng ơn thánh, trước hết, là việc khiến cho con người trở nên thần thiêng, nên giống Thiên Chúa, tức cái gì được thực hiện trong lãnh vực ”là” hơn là trong lãnh vực ”làm”, thì lời cầu nguyện phải được hiểu như là ”để cho Thiên Chúa làm”. Như chị giáo tập của thánh nữ Marguerite Marie Alacoque đã từng nói với chị: cầu nguyện là đặt mình trước mặt Chúa như một tấm vải trước nhà họa sĩ và để cho Chúa muốn vẽ cái gì thì vẽ.
Nhân chủng học thần học theo khuynh hướng Jansen đã phá hủy tư tưởng về ơn thánh thánh hóa, và chỉ thừa nhận ”ơn thánh tạm đủ”, nghĩa là nó là một bức hí họa về thánh sủng, chỉ liên quan tới các hành động của con người. Như vậy nếu trong nền thần học của lời cầu nguyện thiếu quyền tối thượng của việc thánh hóa con người, thiếu việc làm cho con người trở nên thánh như Thiên Chúa, thì người ta không tìm kiếm ”phụng vụ của Thiên Chúa” nữa, mà chỉ còn là một thứ ”phụng vụ của con người”, hay một loại phụng vụ, trong đó tất cả mọi người phải ”làm” một cái gì đó. Và vì vậy thái độ lắng nghe, chiêm ngưỡng trong thinh lặng, đợi chờ ơn thánh Chúa, mất hết đi tất cả gía trị của chúng.
Hỏi: Theo cha, Tự Sắc Đức Thánh Cha Biển Đức XVI mới công bố có trợ giúp cuộc đối thoại với Huynh đoàn Pio X, để huynh đoàn này trở vể với sự hiệp nhất trọn vẹn với Giáo Hội Công Giáo hay không?
Đáp: Chắc chắn rồi. Những người đầu tiên muốn hiệp nhất với Đức Thánh Cha là những người yêu thích Lễ Nghi cũ tiếng Latinh. Việc được tự do cử hành thánh lễ theo Sách Lễ tiếng Latinh ấn bản năm 1962 sẽ là việc bắt đầu chữa lành các vết thương sâu rộng đã có, bắt nguồn từ biết bao nhiêu lạm dụng trong phụng vụ và các giải thích cho rằng lễ nghi mới bẻ gẫy sự tiếp nối với qúa khứ.
Hỏi: Thế còn đối với những người lo sợ rằng Tự Sắc sẽ làm trì trệ việc áp dụng Công Đồng Chung Vaticăng II, thì cha sẽ nói sao?
Đáp: Những người yêu thích cuộc Cải Cách Phụng Vụ lấy tư tưởng ”thích ửng Phung Vụ” làm lá cờ tranh đấu của họ. Chúng ta đang đứng trước một hình thái thích nghi riêng biệt cho những người, mà để thích ứng với họ, người ta không phải làm bất cứ sự thích ứng nào cả: những người này yêu cầu có một hình thức cử hành nghiêm ngặt, để bảo vệ họ khỏi các sáng chế bất thình lình tùy theo hứng của vị chủ tế. Thế thôi. Tại sao phải thích ứng với tất cả mọi người, mà lại chỉ loại trừ những người này mà thôi?
Hỏi: Cha
cũng cộng tác với địa chỉ có tên gọi là ”Chiếc áo choàng bị xé rách” có lưu giữ
một số bút tích của nhà văn Tito Casini. Tại sao cha lại tái giới thiệu với
những người tìm đọc các bài viết trên liên mạng, tác gỉa này, là người đã bênh
vực Lễ Nghi Cũ, nhưng vẫn hiệp thông với Giáo Hội, chứ không cắt đứt liên lạc
với Giáo Hội như Huynh đoàn Pio X và những người theo Đức Tổng Giám Mục Lefevre?
Đáp: Tito Casini đã luôn luôn hấp dẫn tôi, vì ông là môt tín hữu công
giáo vâng lời, và đã không bao giờ đánh mất niềm hy vọng. Ông đã rất đau khổ vì
thấy mất đi Lễ Nghi Cũ tiếng Latinh, nhưng đã không bao giờ rơi vào cảnh ”tuyệt
vọng trên bình diện giáo hội học”, đến độ nghĩ rằng Thiên Chúa đã quên Giáo Hội
Người trong các thập niên dài cấm cử hành thánh lễ theo Sách Lễ Nghi cũ tiếng
Latinh, do Đức Giáo Hoàng Pio V ấn hành.
Hỏi: Thưa cha, trong những ngày này cha đang phát động một chiến dịch thu thập các tâm tình biết ơn của tín hữu công giáo toàn thế giới, đối với Đức Thánh Cha Biển Đức XVI, vì đã ban bố Tự Sắc cho phép cử hành thánh lễ theo Lễ Nghi Cũ tiếng Latinh. Cha có thể cho biết sơ qua về chiến dịch này hay không?
Đáp: Đó là một trang Web, hay một địa chỉ trên liên mạng Internet có tên gọi là ”la tunica stracciata agimus tibi gratias” Chiếc áo choàng bị xé rách, chúng con cảm tạ Ngài”. Trong trang Web đó có một mẫu thư có thể điền trong vài giây, và gửi một sứ điệp ngắn cám ơn Đức Thánh Cha Biển Đức XVI và tất cả các cộng sự viên của Người, đã soạn thảo Tự Sắc quan trọng đáng ghi nhớ này, liên quan tới việc cho phép sử dụng Sách Lễ Roma cũ tiếng Latinh để cử hành thánh lễ.
Hỏi: Cha có muốn nói gì với các anh chị em tín hữu yêu thích Lễ Nghi cũ tiếng Latinh trước thời Công Đồng Chung Vaticăng II hay không?
Đáp: Vâng, tôi muốn ngỏ lời với các anh chị em ấy bằng cách lấy lại các lời, mà Đức Hồng Y Joseph Ratznger đã nói tại Roma ngày 24 tháng 10 năm 1998, trong lễ nghi kỷ niệm 10 năm ban bố Tự Sắc ”Ecclesia Dei” của Đức Gioan Phaolo II: ”Như thế các bạn thân mến, tôi muốn khuyến khích các bạn đừng mất đi sự kiên nhẫn, tiếp tục tin tưởng và kín múc từ phụng vụ sức mạnh để làm chứng cho Chúa trong thời đại chúng ta ngày nay”.
(ZENIT 8-7-2007)
Linh Tiến Khải
Radio Vatican
Hôm nay ngày 26.7, lễ thánh Gioakim và Anna, Hội Têrêxa Hài Đồng Giêsu Việt Nam kỷ niệm 25 năm thành lập.
Với tôn chỉ và mục đích là đem Chúa đến cho những người tàn tật, những bệnh nhân, giúp họ sống vui tươi hạnh phúc theo tinh thần thơ ấu thiêng liêng của Chị Thánh Têrêxa Hài Đồng, Hội Têrêxa Việt Nam hiện nay đang phục vụ tại nhiều giáo phận: Thái Bình, Vinh, Ban Mê Thuộc, Đà Nẵng, Phan Thiết, Bà rịa Vũng tàu, Sài gòn, Bảo Lộc. Hội còn có 2 chi hội tại Nhật Bản mà thành viên là người Nhật và đa số trong họ là người ngoài Công Giáo.
Từ sáng sớm, sân Nhà thờ Thanh Xuân – Lagi đã đông đảo các hội viên Têrêxa từ khắp mọi miền về tham dự. Đặc biệt là những anh chị em khuyết tật trên những xe lăn, xe lắc, rạng rỡ nụ cười trên môi, chan hoà niềm vui thân ái.
Có khoảng 1.500 hội viên, đại diện cho 6.000 hội viên Têrêxa từ các chi hội khắp cả nước về dự lễ, chung lời tạ ơn Chúa. Đức Cha Phaolô Nguyễn Thanh Hoan, Đức Oâng JB Lê Xuân Hoa Tổng đại diện cùng với 25 linh mục đồng tế thánh lễ tạ ơn.
Lời mở đầu, đại diện gia đình Têrêxa đọc lời chào mừng và một thoáng lịch sử hình thành.
Kính thưa Đức Giám Mục Giáo Phận, Đức Ông Tổng Đại Diện
Kính thưa Quý Cha, Quý Tu Sĩ Nam Nữ
Kính thưa Quý Vị.
Gia đình Têrêxa chúng con hân hoan chào mừng Đức Cha và Quý Cha cùng toàn thể Quý Vị đã đến dâng Thánh Lễ Mừng Ngân Khánh hôm nay.
Toàn thể gia đình Têrêxa sống và lớn mạnh là nhờ sự nâng đỡ của Đức Giám Mục và Quý Cha.
Xin Đức Giám Mục và Quý Cha nhận nơi đây lời chào kính mến của chúng con.
Chúng con được sơ lược một đôi nét về sự hình thành của gia đình Têrêxa.
Những ngày đầu tháng 9/ 1982.
Anh Giuse -Têrêsa Vũ Đình Tuấn cùng một số em thiếu nhi trong Giáo xứ Thanh Xuân họp lại với nhau cầu nguyện. Vì là một giáo lý viên nên anh Tuấn giúp các em chia sẻ Lời Chúa mỗi tối thứ năm hàng tuần. Nhóm thường cầu nguyện chung với nhau trước thềm nhà xứ, không đèn, không bàn ghế, và di động nhiều nơi chung quanh nhà thờ.
Một ngày đáng nhớ của tháng 2/1985.
Một lần đi đọc kinh cho một thân nhân mới qua đời. Nghĩ đến thân phận con người trước khi ra đi để về cùng Chúa, cả nhóm cùng quyết định đọc kinh cho những người hấp hối và đọc kinh cho những gia đình có bệnh nhân. Từ đó, cả nhóm được giáo dân trong xứ yêu mến ngưỡng mộ rồi họ đặt tên cho nhóm là Nhóm Kẻ Liệt.
Cả nhóm lúc này thường đi thăm các bệnh nhân trong và ngoài Giáo xứ, và thường quan tâm hơn đến những người tàn tật. Trong thời gian này có nhiều anh chị các xứ lân cận cùng tham gia với nhóm như Vinh Tân, Tân Lý, Vinh Thanh, Bình An, Phước An… đó là trong năm 1987.
Chọn Thánh Nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu làm Bổn Mạng 1988
Sang năm 1988, cả nhóm cùng đi tìm sắt phế liệu chế tạo những chịếc xe lăn, xe lắc thô sơ để đẩy các bệnh nhân và những người tàn tật đi Lễ hay đi chia sẽ Lời Chúa với nhóm.
Các thành viên đã khá đông nên nhóm quyết định chọn Thánh Nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu làm Bổn Mạng. Cũng trong năm 1988, ngày thứ 5 trong tuần Lễ Bát Nhật Giáng Sinh, Đức Giám Mục Nicôla Huỳnh Văn Nghi đã đến thăm nhóm, và từ đó Ngài luôn yêu thương, nâng đỡ cùng khích lệ và giúp đỡ cho nhóm phát triển.
Ngày lễ kính Thánh Giuse 19/3/1991, Đức Thánh Cha Gioan Phaolo II qua tay của Đức Giám Mục Nicôla đã trao tặng 15 chiếc xe lăn, xe lắc cho những người tàn tật.
Thành lập các chi hội 1991
Ngày 6/5/1991 vì đã khá đông thành viên, nên nhóm tách ra từng nhóm theo giáo xứ gọi là Chi hội.
Kỷ niệm 25 năm thành lập.
Đến hôm nay đã 25 trôi qua, với khoảng thời gian một phần tư thế kỷ, gia đình Têrêsa chúng con có những thăng trầm, nhưng trong mọi biến cố chúng con luôn trông cậy vào bàn tay nhân lành của Chúa, và sự bầu cử của Chị Thánh Têrêxa.
Từ con số 15 em thiếu nhi đầu tiên, đến nay gia đình Têrêxa chúng con có khoảng 6.000 hội viên trải dài từ Nam chí Bắc, và ở cả Hải Ngoại.
Các hội viên của gia đình Têrêxa đủ mọi tầng lớp trong xã hội, trong Giáo Hội, từ giám đốc cho đến một người nghèo bất toại.
Mừng tạ ơn 25 năm, chúng con kính xin Đức Giám Mục, quý Cha, cùng toàn thể quý vị cầu nguyện cho chúng con, để gia đình Têrêxa chúng con biết đoàn kết, yêu thương và phục vụ những anh chị em bần cùng nhất trong xã hội, theo tiếng gọi của Chúa Kitô và gương của Chị Thánh Têrêxa.
Trong bài giảng lễ, Đức Cha Phaolô đã ưu ái với lời động viên anh chị em khuyết tật.
Có một lời thánh vịnh tôi mà đã đọc trong nhiều năm và tôi chưa bao giờ thấy, chưa bao giờ cảm nhận được cái ý nghĩa của nó như ngày hôm nay. Chúa đã dùng miệng trẻ nhỏ, lưỡi con thơ để vang tiếng ngợi khen Người. Người lớn biết cách ngợi khen, trẻ nhỏ thì biết nhìn. Thế nhưng hiện diện hôm nay đây, có rất đông anh chị em khuyết tật, trước mặt xã hội họ là những người không đáng ke,å những người không làm được việc gì. Nhưng chính họ được Chúa dùng như “miệng trẻ nhỏ, lưỡi con thơ” để ngợi khen Người.
Nhân ngày lễ thánh Gioan Kim và Anna, thân mẫu của Đức Mẹ, tôi cũng muốn chia sẽ với anh chị em ý lực mà bài Tin mừng muốn nói đến chính là tinh thần khiêm cung, bé nhỏ. Chúa nói “Xem quả biết cây”;“Cây tốt thì sinh quả tốt”, Hai ông bà là cây và Đức Mẹ là hoa quả. Mẹ Maria là nữ tỳ khiêm tốn theo gương mẫu của song thân. Chúng ta suy gẫm bài ca Magnificat sẽ thấy sự khiêm tốn tuyệt vời của Đức Mẹ, luôn đặt cả cuộc đời của mình trong bàn tay yêu thương của Thiên Chúa. Lòng khiêm tốn giúp Mẹ nhận ra mọi ơn lành đều từ Thiên Chúa và bao giờ Mẹ cũng sẵn sàng phó thác để vâng theo thánh ý Chúa. Lòng khiêm tốn không bao giờ làm tổn thương ai, chỉ biết vui mừng và tin tưởng, sống phục vụ chân thành.
Chúa ban Nước Trời cho những người bé nhỏ khiêm nhường, biết đặt trọn niềm tin vào Chúa với cả tấm lòng thành. Chúa chọn các tông đồ là những người không giàu sang, không địa vị, không quyền lực. Chúa dùng các người khiêm nhường để xây dựng Hội Thánh lớn lao.
Tôi có thể nói : Phúc cho anh chị em đau yếu khuyết tật ở đây đã được Chúa nhìn đến. Chúa nhìn với ánh mắt yêu thương. Chúa nói ai làm phúc cho anh chị em thì làm phúc cho chính Chúa vậy. Chúa đang ở với anh chị em, đang đồng hành với anh chị em . Đó chính là cái phúc lớn của anh chị em. Hãy tin tưởng và yêu mến Chúa. Hãy làm sáng danh Chúa theo mẫu gương Chị Thánh Têrêxa Hài Đồng.
Cuối lễ, một người khuyết tật dâng tâm tình tri ân.
Kính thưa Đức Cha, Đức Ôâng
Kính thưa Quý Cha và Quý Vị.
Hôm nay anh chị em khuyết tật chúng con thật vui và cảm động. Chúng con được quan tâm yêu mến cách đặc biệt.
Cha ơi ! lòng chúng con hôm nay như ấm lại, chúng con cảm thấy cuộc đời như bị bỏ rơi bên lề xã hội, nhưng Giáo hội đã đưa chúng con về, từ một kẻ vô ích đã làm cho chúng con thành người có ích, từ một kẻ vô vọng nay đã trở thành những con người đầy hy vọng, trên khuôn mặt của mỗi anh em chúng con ít khi có được một nụ cười, nhưng nay lòng chúng con tràn ngập hân hoan.
Anh chị em Têrêxa thường nói với nhau rằng gặp nhau không có gì để cho, thôi ta tặng nhau một nụ cười.
Kính thưa Đức Cha, Quý Cha, và Quý Vị, chúng con xin nói lên lời cám ơn chân thành và xin cầu nguyện cho chúng con, những người con bất hạnh nhất, xin cho chúng con biết vượt lên chính mình, dù cuộc sống khó khăn, nhưng biết kiên trung và tin tưởng.
Để tỏ lòng yêu mến và biết ơn, kính xin Đức Cha, Quý Cha nhận bông hoa bé mọn, như tấm lòng yêu mến mà gia đình Têrêxa chúng con kính dâng.
Sau tiệc liên hoan, các hội viên Têrêxa ra về mang theo niềm hạnh phúc, niềm vui dạt dào của ngày lễ mừng Ngân Khánh. Họ tiếp tục lên đường đem niềm hạnh phúc ấy với những bệnh nhân, những người khuyết tật.
Mừng Ngân Khánh là dịp tạ ơn. Tạ ơn Chúa và những hồng ân Chúa ban qua tay Chị Thánh Têrêxa cho toàn thể các hội viên.
Nguyện xin Thánh Nữ Têrêxa mưa hoa hồng xuống trên gia đình Têrêxa. Hoa hồng chỉ sự hy sinh. Hy sinh với tình yêu sẽ làm mọi gánh nặng trở nên nhẹ nhàng. Nhờ đó, những người em của Chị Thánh, với ơn gọi tình yêu, sẽ sống tốt, sống đẹp, làm sáng danh Chúa và luôn tận tâm phục vụ những anh chị em khổ đau bất hạnh.
( Gr 20, 7. 11a-13 ; Pl 3, 8, 14 ; Lc 12, 49 -50 )
Anh chị em thân mến, trong dịp ngày Đại Lễ hôm nay, dưới ánh sáng của Lời Chúa qua các bài đọc Kinh Thánh, tôi xin chia sẻ một vài tâm tình cho tất cả anh chị em, với tư cách là một người bạn của anh em dòng Tên ở Việt nam.
Khi nói đến anh em Dòng Tên, hai đặc điểm đầu tiên mà tôi nghĩ ngay tới là trí thức và sự nhiệt tình đối với Chúa cũng như đối với Giáo hội. Cả hai đặc điểm ấy là những điều cần thiết trong đạo của chúng ta, thiếu một trong hai, Giáo hội khó có thể là Ánh sáng muôn dân (Lumen Gentium). Điều đó không có nghĩa là Giáo hội chỉ dành cho những người trí thức. Giáo hội là của mọi người và dành cho mọi người.
Chân Thiện Mỹ là những giá trị cao cả nhất của loài người, mà Giáo hội không ngừng đề cao, vun đắp, bảo vệ và loan báo cho mọi người, vì cội nguồn của Chân Thiện Mỹ là từ trên cao, từ chính Thiên Chúa. Chính Chúa là Chân Thiện Mỹ. Những gì là Chân thật, là Thiện hảo, là đẹp đẽ, tất cả chúng ta hãy trân trọng. Đó là đường lối rất khôn ngoan mà Dòng Tên không ngừng theo đuổi từ lúc bước chân vào lục địa Trung Hoa và vào Việt Nam.
Theo bài Tin Mừng Luca, Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa, đã đến trần gian và đã ném lửa vào mặt đất. Người đã đem ngọn lửa tình yêu nóng bỏng đến để xét xử trần gian và cứu độ trần gian. Ngọn lửa đó đã bùng lên, từ ngày Chúa Thánh Thần hiện xuống, và không ngừng hoạt động trong lịch sử nhân loại, đã nung nấu biết bao nhiêu tâm hồn các môn đệ của Chúa Giêsu, đặc biệt là các Giêsu hữu. Chúa muốn cho ngọn lửa ấy bùng lên khắp nơi, bừng lên trong trái tim của mọi người. Ngọn lửa ấy là Tình yêu của Chúa, là Thánh Thần của Chúa, nên nó chỉ bừng lên nơi nào con người gặp được Chúa, tiếp xúc với Chúa.
Các Giêsu hữu đã làm cho ngọn lửa ấy bừng lên ở nhiều nơi, trong thời gian đầu đến truyền giáo ở Việt Nam, từ năm 1615, ở Đàng Trong thuộc quyền Chúa Nguyễn và sau đó từ 1627 ở Đàng Ngoài thuộc quyền Chúa Trịnh. Cám ơn Chúa đã ban cho Giáo hội Việt Nam những nhà truyền giáo lớn như Cha Đắc Lộ, Cha Buzomi, Cha Majorica. Không những Giáo hội Việt Nam, mà Đất nước và con người Việt Nam không bao giờ quên ơn các cha Dòng Tên khi sử dụng chữ Quốc ngữ như hiện nay.
Trước năm 1975, Giáo hoàng học viện của Dòng Tên tại Đàlạt đã góp phần đào tạo nhiều linh mục ưu tú cho Giáo hội Việt nam, trong số đó có những Đức Cha đang ngồi giữa chúng ta đây. Ngày nay các Giêsu hữu tại Việt Nam vẫn đang hăng say tiếp tục phục vụ cho ngọn lửa Tình yêu cứu độ của Chúa. Sự nhiệt tình làm công tác giảng linh thao của các cha Dòng Tên tạo điều kiện cho nhiều người được gặp gỡ Chúa. Đó không những là điều hữu ích, mà còn cần thiết cho các Kitô hữu, đặc biệt là các tu sĩ và giáo sĩ. Các tu sĩ, giáo sĩ, kể cả hàng giáo phẩm muốn có lửa, phải được gặp Chúa.
Theo sách tiên tri Giêrêmia, thì ngọn lửa ấy là Lời của Thiên Chúa. Những Lời mà Thiên Chúa muốn nói qua miệng của ngôn sứ, cứ như ngọn lửa cháy trong lòng, đòi phải được nói ra, ngôn sứ không thể cưỡng lại.
Ngôn sứ lớn nhất và cuối cùng là Chúa Giêsu đã đến trần gian để nói cho loài người chúng ta tiếng nói tối hậu và đầy đủ nhất về Thiên Chúa, để nhờ biết Thiên Chúa mà chúng ta đạt tới mục đích của đời người, là được sự sống viên mãn, được thông phần vào hạnh phúc của Thiên Chúa.
Thiên Chúa không ai thấy bao giờ, nhưng Con Một, là Đấng ở nơi cung lòng Chúa Cha, chính Người đã tỏ cho chúng ta biết (Ga 1, 18). Người mạc khải cho biết bản chất của Thiên Chúa là Tình Yêu (1 Ga 4, 8 . 16). Chúa Giêsu là Chứng nhân cho Tình yêu ấy, Người là Sự thật về Tình Yêu. Ngài là Ngôn Sứ, cũng là Người Con mang Tình Yêu của Chúa Cha đến cho nhân loại chúng ta. Trong Chúa Giêsu có Chúa Cha là một với Người, trong Chúa Giêsu có tất cả, có tình yêu, có ánh sáng, có sự sống, có quyền năng, có vinh quang, có niềm vui của Thiên Chúa là Chúa Thánh Thần.
Chính vì thế mà lẽ sống của mọi người, nhất là của người Kitô hữu là được biết Chúa Giêsu. Phaolô nói với chúng ta điều đó trong thư gởi tín hữu Philíp. Ngài nói cách mạnh mẽ, say sưa, về kinh nghiệm gặp gỡ Chúa của ngài, về cuộc đời của ngài: “Tôi coi tất cả mọi sự là thiệt thòi, so với mối lợi tuyệt vời, là được biết Đức Kitô Giêsu, Chúa tôi.” Đối với Phaolô, biết Chúa Giêsu là biết tất cả, không biết Chúa Giêsu là không biết gì cả, có Chúa Giêsu là có tất cả, không có Chúa Giêsu là không có gì cả.
Điều này không dừng lại với Phaolô mà lan rộng ra cho mọi người. Thiên Chúa muốn cho mọi người biết Chúa Giêsu, tin Chúa Giêsu để được sự sống đời đời. Và Giáo hội có sứ mạng phải loan báo Chúa Giêsu, Đấng Cứu độ Duy nhất cho cả thế giới. Trong ngàn năm thứ ba này, Giáo hội hướng về Á châu, ý thức một cách mãnh liệt Chúa Giêsu là người Châu Á. Đức thánh Cha Bênêđíctô XVI đã viết một lá thư thật dài và thật cảm động cho mọi thành phần Dân Chúa tại Trung Hoa về Tình yêu hiệp thông trong Thiên Chúa Ba Ngôi và trong Giáo hội. Tôi xin cầu chúc cho sự thiết lập chính thức Tỉnh Dòng Việt Nam sẽ mang lại những đóng góp to lớn cho việc loan báo Tin Mừng tại Á Châu, không những tại Việt Nam, mà còn tại Trung Quốc.
+ Gm. Phaolô BÙI VĂN ĐỌC
TÌM HIỂU & SỐNG ĐẠO
Mùa Hè nóng bức nước là nhu cầu cần thiết cho giải khát, làm tăng sức lực hoạt động thể xác lẫn tinh thần.
Hình ảnh các cầu thủ chơi thể thao thỉnh thoảng lại với lấy bình nước uống hay tạt vào mặt, vào đầu mình, diễn tả đậm nét sự cần thiết của nước cho sức sống vươn lên thế nào.
Trong vùng sa mạc toàn cát khô nóng bỏng, nơi rất hiếm nước, người ta với kỹ thuật hiện đại tìm cách dẫn nước từ các sông ngòi miền rừng núi hay miền đồng bằng trù phú vào, để biến sa mạc khô chồi thành vùng trù phú mầu mỡ trồng cấy được, và xây phố chợ thành thị cho dân cư tới ở, như bên Hoa Kỳ và bên Trung Đông. Hay chương trình dẫn thuỷ nhập điền cho vùng thiếu nước, để cày cấy phát triển vùng đồng ruộng còn hoang vu.
Có thể nói không có nước, không có dấu vết của sự sống. Khi ta dùng nước để ăn uống, tắm giặt, ta cho là điều tự nhiên.
Nhưng nước là của châu báu Trời ban cho địa cầu. Nước từ trên nguồn cao đổ xuống, nước chảy trong lòng sông, ngoài biển cả, nước uốn mình theo ghềnh thác lượn khúc trong những con suối nơi rừng rậm...
1. Nước mang sứ điệp gì cho đời sống con người ?
Không có gì mềm hơn nước được. Nhưng khi giòng nước chảy đổ về, tưởng không có gì mạnh bằng sức nước. Như chúng ta vẫn thường nói: Nước chảy đá mòn. Hay cảnh hoang tàn sau trận lụt lội bên Việtnam, bean Trung quốc, bên Mosambique, bên Hoa Ky, ben Bangladesch, tai nạn sóng thần ben vùng bờ biển đông nam châu Á...
Vì nước vô hình thể, không có độ cứng dày. Nên người ta không đo lường được chiều cao, chiều sâu rộng cùng độ dài của nước. Nước là yếu tố cần thiết không thể thiếu cho sự sống. Nhưng nước vẫn là một mầu nhiệm cho con người.
Dòng nước chảy tới đâu, nó mang sức sống, sức tươi mát đến nơi đó. Về phưong diện này, nước là chất trong lành không có gì là nguy hiểm. Khi dòng nước chảy tới đâu, cho dù đục hay trong, được dùng hay không được dùng, nước mang chất phù sa phì nhiêu đến ruộng đồng, cho sinh vật, thực động vật trong thiên nhiên.
Khi nước chảy qua ghềnh thác, gặp các tảng đá to lớn chắn ngang lối, nươc cứ im lìm xuôi giòng chảy trườn qua không gây ra điều xích mích hay hận thù với nuí đá.
Đây là phương cách sống khôn ngoan thức thời : Lấy nhu thắng cương. Lấy nhược thắng cừơng!
Chảy trong khe lạch, con suối nhỏ, trong lòng sông lớn hay ngoài biển cả, giòng nước có hình thù to nhỏ hay lượng nước nhiều ít tuỳ theo nơi chứa đựng nó. Cho dù sông sâu hay lòng suối nông cạn, khi nước chảy qua không có gì có thể làm ngưng nước chảy được.
Đó là đặc tính can đảm của nước.
Một giòng nước khi chảy qua, không quay trở lại chỗ cũ đã chảy qua. Nước là của châu báu và chỉ chảy qua một lần rồi chảy đi tiếp. Như một vị hiền triết đã suy niệm: Không ai tắm hai lần trên cùng một dòng sông!
Khi nước chảy qua, nó cuốn lôi trôi đi những chướng ngại vật ngăn cản trên đường không một lời hay một mảy may cử chỉ nào rủ rê hay gây hiềm thù xích mích. Trên đường xuôi chảy, nước có thể bị gió trời gây ảnh hưởng làm chậm trễ lại, nhưng không bao giờ nó quên đích điểm đạt tới: chảy ra ngoài đại dương.
Đặc tính này nói lên sức dẻo dai bền bỉ và trung thành đi tới đích điểm.
Nước có thể bị làm vẩn đục mất sức trong lành, nhưng nước lại có khả năng tự làm ra trong sạch được. Nước tự đổi mới chính mình và mang lại cho người dùng nước sức sống tươi mát đổi mới.
2. Làn nước Bí tích Rửa tội
Nước là yếu tố căn bản cho sự sống. Vì thế trong phép Rửa, Nước là thành tố quan trọng. Không có nước không thể có phép Rửa được ( xx Mk 1,9-11; Didache - Traditio Apostolica, chương 7.1.- 7.3. bản Griechisch Lateinisch Deutsch; Herder Freiburg - Wien-New York 1991, tr. 118-119).
Trong nhiều Tôn giáo Nước là dấu chỉ cho khát vọng căn bản của con người. Qua làn nước, con người có những cảm nghiệm như sau:
1. Họ khám phá ra dòng
nước chảy có khác chi những cách thế sống khác nhau, tìm lối hướng về tự do.
2. Nước mang đến nguồn sống tươi mát, đổi mới, gột bỏ những gì là cũ, là gìa nua
vì bị tiêu dùng hao mòn.
3. Được tắm rửa trong nước, chính là giũ sạch những vẩn bụi đè nặng tâm hồn và
thân xác, vướng trở cho đời sống.
4. Qua làn nước chảy, họ cảm nghiệm được đời sống cũng trôi đi như dòng nước, để tìm đến một đời sống thật.
5. Đời con người cũng như dòng nước chảy. Họ cảm thấy mình không đứng vững trên một nền tảng. Bởi vì thấy mình bị những bóng tối sự dữ đe dọa. Thấy mình là người bất lực trước những sức mạnh đang bao trùm xung quanh. Và vì thế họ đi tìm sức trợ giúp, như điểm tựa cho đời sống.(xx Dieter Emeis, Sakramentenkatechese, Herder Verlag, Freiburg i. Br. 1991, tr. 69)
Qua phép Rửa bằng nước, người chịu phép Rửa lãnh nhận sự sống Thiên Chúa. Đó là Ân Đức của Ngài. Nước Rửa có sức tẩy sạch những gì là cũ, dơ bẩn do tội lỗi gây ra, mang đến sự chết, và đem vào đời sống mới. Nước Rửa có sức chữa lành, thánh hóa và đem lại sự tươi mát cho tâm hồn ( W. Hoffsuemmer, Geschichten zur Taufe, chương Das Wasser der Taufe, Mainz 1991, 1. Auflage, S. 41).
Đời sống mới nhận lãnh qua làn nước phép Rửa tội làm con Chúa là qùa tặng, là Ân đức do Chúa ban cho. Đời sống này không thể hiểu là một kho tàng, để từ đấy lấy ra mà tiêu dùng. Trái lại đời sống này phải được phát triển.
Đời sống đó là nhân chứng cho sự sống Thiên Chúa giữa trần gian. Là niềm hy vọng cho chính mình và cho người khác.
“Nước là yếu tố căn bản đầu tiên của sự sống. Và như thế, nước cũng là hình ảnh nguyên thủy của con người dưới nhiều hình thức cùng ý nghĩa khác nhau.
Hình ảnh đầu tiên nói về nước là nguồn từ trong lòng đất tuôn chảy ra dòng dòng nước trong lành tươi mát. Từ ngưồn, nơi là khởi đầu, nước còn trong lành nguyên tuyền chưa bị vẩn đục, cùng chưa bị đụng chạm đến. Nguồn nước như thế, là yếu tố sáng tạo, hình ảnh của sinh sôi nẩy nở cành lá, bông hoa, trái qủa, hình ảnh của lòng mẹ.“ ( Joseph Ratzinger, Papst Benedict XVI., JESUS von Nazareth, 1. Teil, 8. Kapitel,2. die grossen Bilder des Johannes-Evangeliums, Wasser, Herder 2007)
Lm. Nguyễn Ngọc Long
Người ta thường hay ví von rằng: “Một đoàn tàu không thể thiếu toa đầu máy. Cũng vậy, một tổ chức, dù chỉ là nhóm nhỏ, cũng cần có người đứng đầu. Và tất nhiên, một gia đình cũng cần có người - chống mũi chịu sào - gọi là gia trưởng”.
1. Gia trưởng, theo nghĩa tích cực: là người chỉ đạo, hướng dẫn con-thuyền-gia-đình lướt qua mọi giông tố, mọi phong ba để cập bến bờ bình an và hạnh phúc. Theo luật quốc tế, thuyền trưởng không được rời thuyền trước người hành khách cuối cùng. Cũng vậy, gia trưởng không được “ngã tay chèo” dù bất kỳ tình thế nào. Đó mới là người chồng và người cha đầy trách nhiệm, chứ không ích kỷ tìm bình an riêng mình.
2. Còn theo nghĩa tiêu cực: gia trưởng là người thích dùng quyền hoặc ưa chỉ huy, độc đoán hoặc chuyên chế, tỏ ra hách dịch, dùng mệnh lệnh để áp đặt vợ và con cái, thay vì lắng nghe trong cuộc đối thoại.
Vậy, người gia trưởng đích thực, phải là người theo nghĩa tích cực. Nghĩa là người biết tạo ra bầu không khí gia đình hòa thuận, ấm cúng, tràn ngập tiếng cười. Và cái uy tín của gia trưởng, là hãy dám nhận khuyết điểm, nói ít làm nhiều, và luôn làm theo thánh ý Chúa như mẫu gương người gia trưởng tuyệt vời của chúng ta là Thánh Cả Giuse.
Chúa Giêsu dạy rằng: "Anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên Trời là Đấng hoàn thiện" (Mt 5, 48). Gia đình chính là một ơn gọi, Chúa ban cho vợ chồng để cùng nhau và nhờ nhau nên hoàn thiện. Vậy, sống đạo trong gia đình là sống sự nên hoàn thiện, như Chúa Giêsu đã dạy. Sống đạo trong gia đình không đòi hỏi những nỗ lực thánh thiện quá sức, nhưng là sống chu toàn sứ mệnh Thiên Chúa giao phó cho đôi vợ chồng, khi Ngài kết hợp bằng Phép Hôn Phối.
ĐTC Gioan-Phaolô II viết: "Trong Giáo Hội, gia đình là một giáo hội cỡ nhỏ, là nơi tiếp nhận và loan báo Lời Chúa. Mọi đôi bạn phải là sứ giả của tình yêu và sự sống, như một dấu hiệu sáng chói sự hiện diện của Chúa Kitô và tình yêu của Ngài, đối với những ai còn ở xa, đối với những gia đình chưa tin và cả đối với những gia đình Kitô hữu không sống cách phù hợp với đức tin họ đã tiếp nhận" (Tông Huấn Familiaris Consortio 1981).
Thật vậy, gia đình chính là mái trường đầu tiên và quan trọng nhất trong việc giáo dục những đức tính nhân bản cũng như lòng đạo cho con người. Với tư cách là tế bào căn bản của xã hội và Giáo Hội, gia đình hãy quan tâm xây dựng và duy trì những giá trị vô cùng cao quý của đời sống hôn nhân và gia đình Công giáo. Làm được như thế chính là góp phần tích cực vào sự phát triển vững bền của xã hội cũng như Giáo Hội. Trong tư cách người Kitô hữu sống đạo hôm nay, anh chị em hãy cương quyết không để cho "văn hoá sự chết" lôi cuốn mình, không chấp nhận mọi hình thức xúc phạm đến sự sống và phẩm giá con người, nhất là can đảm nói "không" với tệ nạn phá thai và ly dị vốn là những tệ nạn luôn luôn để lại hậu quả bi thảm cho gia đình cũng như cho xã hội và Giáo Hội. (x. TMV. HĐGMVN 2006, số 10)
III- PHƯƠNG THỨC CHU TOÀN SỨ MỆNH
Thánh Công Đồng Vatican II dạy: "Gia đình sẽ chu toàn được sứ mệnh đó nếu gia đình tỏ ra như một đền thờ của Giáo Hội trong nhà mình, nhờ yêu thương nhau và cùng nhau dâng lời cầu nguyện lên Thiên Chúa, nếu tất cả gia đình cùng tham dự vào việc phụng vụ của Giáo Hội, và sau cùng nếu gia đình tỏ ra hiếu khách và cổ võ đức công bằng cũng như những việc thiện khác giúp các anh em đang túng thiếu" (Hiến chế Tông Đồ Giáo Dân, chương11). Theo Thánh Công Đồng, sống đạo trong gia đình gồm ba điểm: Gia đình trở nên một đền thờ Thiên Chúa, nhờ yêu thương nhau và cùng nhau cầu nguyện; Tất cả mọi thành viên trong gia đình cùng nhau tham dự vào việc phụng vụ của Giáo Hội; Gia đình làm tông đồ bằng tiếp đón, bằng sống đức công bình và bác ái đối với người anh em khác. Sau đây, chúng ta tìm hiểu ba điểm căn bản, giúp chúng ta sống đạo trong gia đình, để nhờ đó chúng ta nên hoàn thiện như Chúa Giêsu muốn.
1. Gia đình trở nên đền thờ của Thiên Chúa:
Việc thực tế đầu tiên của gia đình là cung hiến ngôi nhà của mình cho Thiên Chúa. Vợ chồng xin Linh mục làm phép nơi ăn chốn ở của mình, dù đó là một căn phòng chật hẹp hay một biệt thự lộng lẫy. Sau đó, vợ chồng xin dâng mình cho Chúa và xin Chúa làm chủ gia đình mình. Từ đó Chúa Giêsu hiện diện giữa đôi lứa và Chúa Thánh Thần sẽ hướng dẫn đời sống của gia đình: "Sự hiện diện của Chúa Giêsu làm cho sự hiệp nhất của đôi bạn trở nên trọn vẹn: hiệp nhất thể xác, tình yêu, tinh thần và thiêng liêng" (Đường Hy Vọng, số 489 của ĐHY. Ph.X. Nguyễn Văn Thuận).
Thánh Phêrô nhắc nhở: "Như những người con biết vâng phục, anh em đừng chiều theo những đam mê trước kia, lúc anh em còn mê muội. Anh em hãy sống thánh thiện trong cách ăn nếp ở, để nên giống Đấng Thánh đã kêu gọi anh em. Vì có lời Kinh Thánh chép rằng: “hãy sống thánh thiện vì Ta là Đấng Thánh" (1Pr 1,14-16).
Vậy thì, "Này ngôn ngữ xin dằn cho êm lại, nỗi bất bình thu xếp gọn một bên, còn đôi mắt, ngăn đừng cho cuồng dại, thu bóng hình những ảo ảnh phù vân."
Lời ăn tiếng nói tục tằn, thô bỉ, hay lớn tiếng thóa mạ nhiếc mắng nhau trong gia đình, không những gây ảnh hưởng tai hại trên con cái mình, nhưng hoàn toàn bất xứng đối với "những người biết vâng phục" Thánh ý Chúa.
2. Yêu thương và tha thứ:
Là Kitô hữu, chúng ta cần đặt câu hỏi: tôi yêu bạn đời tôi là tôi yêu cho tôi hay tôi yêu cho bạn đời tôi? Đối với người Kitô hữu, yêu là cho mà không chờ đền đáp. Yêu là cho hết và cho cả chính mình, như thánh sử Gioan đã nói: "Không ai có tình yêu lớn hơn tình yêu của người hy sinh mạng sống mình cho bạn hữu" (Ga 15,13). Theo Chúa Giêsu, yêu là hiến mạng sống mình cho người mình yêu, như Ngài đã thực hiện tình yêu ấy đối với nhân loại trên Thập Giá. Vì vậy, vợ chồng cần học biết yêu thương nhau, bằng cách ngắm nhìn Chúa Giêsu. Yêu như Chúa Giêsu yêu chúng ta. Chỉ có yêu như Chúa Giêsu yêu, mới đem lại cho vợ chồng niềm vui thật và bền vững. Mọi tình yêu theo cách thế gian chỉ mang lại chua xót, đắng cay nếu không phải là chết chóc ly dị.
Thánh Âutinh nói: "Chúng ta thường có ước muốn thương yêu rất lớn và khả năng thương yêu rất hạn hẹp. Nhưng Chúa Thánh Thần sẽ đổ tràn tình yêu vào lòng chúng ta, nếu chúng ta biết sống khiêm nhường để xin lỗi nhau, và biết sống yêu thương để tha thứ cho nhau". Đó là một chuyển động tình yêu làm rộng mở cõi lòng chúng ta, làm tình yêu vô tận của Thiên Chúa tràn vào được đời sống vợ chồng chúng ta.
Trong thơ gởi tín hữu Êphêsô, thánh Phaolô viết: "Bởi thế, một khi đã cởi bỏ sự gian dối, mỗi người trong anh em hãy nói sự thật với người mình yêu, vì chúng ta là phần thân thể của nhau. Anh em nổi nóng ư? Đừng phạm tội: chớ để mặt trời lặn mà cơn giận vẫn còn. Đừng để ma quỷ thừa cơ lợi dụng" (Ep 4, 25-27).
Người ta có cảm tưởng xin lỗi là hạ mình trước người kia và tha thứ là mình đặt địa vị lên trên người kia. Hiểu như thế là hiểu theo cách thế gian, là đứng vào vị thế của kiêu ngạo. Trong khi hai nhân đức xin lỗi và tha thứ lại là phạm vi của Tình Yêu, như lời Chúa Giêsu dạy rằng: "Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau; anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em" (Ga 13, 34). Theo Kitô giáo, "yêu là cho hết và cho cả chính mình" (Thánh Têrêsa Nhỏ). Yêu như Chúa Giêsu yêu chúng ta. Cho dù chúng ta bội bạc Ngài đến đâu, Ngài vẫn yêu chúng ta. Trong phạm vi tình yêu, không có chỗ đứng cho kiêu ngạo. Chúng ta đều là những kẻ có tội, và hay có lỗi lầm. Khi lỡ nóng giận, khi lỡ lời làm mất lòng chồng hay vợ mình, khi có cử chỉ hay hành động không đúng với tình yêu... ta xin lỗi. Khi xin lỗi là ta muốn người phối ngẫu yêu ta với tất cả những yếu hèn của con người thật của ta. Và ngược lại, khi tha thứ là ta muốn yêu người bạn đời của ta như Chúa Giêsu yêu ta. Tha thứ là cho, cho dù mình có bị thương tổn: Thánh Phaolô đã dạy: "Cho thì có phúc hơn là nhận" (Cv 20, 35). Sống khiêm nhượng để biết xin lỗi và sống yêu thương để biết tha thứ.
Có lắm lúc, tình yêu vợ chồng gặp phải những trở ngại. Chính đấy là những lúc phải xử dụng ơn tha thứ và sự khiêm nhượng nhận biết lỗi lầm mà Thiên Chúa đã ban cho.
3. Cùng nhau cầu nguyện:
Nghĩ kỹ lại, chúng ta được sinh ra làm người như thế này, đã là một ơn phước trọng đại. Lại được Rửa Tội, được nuôi dưỡng trong Giáo Hội Chúa..., thì thật là phước lộc biết bao! Nói cách khác, không có ơn Chúa, con người không thể nào hình thành và triển nở được. Đời sống gia đình lại còn cần nhiều ơn Chúa hơn nữa. Ơn Chúa luôn chan chứa đầy tràn. Nhưng muốn lãnh nhận được thì chỉ có cách là cầu nguyện thôi. Một cách cầu nguyện sinh nhiều hoa trái vững bền là học hiểu và thực hành Lời Chúa. Vì Chúa đã dạy rằng: "Không có Thầy, anh em chẳng làm gì được" (Ga 15, 5).
Do đó, Lời Chúa phải được đọc thường xuyên nhất trong gia đình. Vì khi vợ chồng cùng nhau đọc và tìm hiểu Lời Chúa, Chúa Thánh Thần sẽ thân hành dạy họ, dẫn dắt họ trên con đường hoàn thiện.
Đọc Lời Chúa (Phúc Âm) trong gia đình không phải là điều khó thực hiện, nếu đôi bạn, hằng ngày để ra ít phút thôi, vào buổi tối sau bữa ăn chẳng hạn. Cùng nhau đọc một đoạn Phúc Âm. Rồi thinh lặng suy niệm, rồi tự phát cầu nguyện, cầu nguyện cho chính mình, cho người bạn đời, cho các người mình trách nhiệm, cho con cái, cho người thân yêu, cho công cuộc tông đồ của gia đình... Ta thường có ý muốn cầu xin cho chồng hay cho vợ thay đổi ra như thế này, thế kia. Lẽ ra, ta cần cầu xin cho ta biết yêu thương người bạn đời của ta là đủ (Bernadette).
Những giây phút cùng nhau cầu nguyện, thật là đẹp, thật là huyền diệu. Làm cho tình vợ chồng, cha mẹ con cái nên keo sơn thắm thiết, vì tất cả gia đình được liên kết mật thiết với Chúa. Đấy là giây phút mà Lời Chúa thấm nhập tận nơi sâu thẳm của tâm linh đôi bạn, chữa lành mọi vết thương đau. Đây cũng là giây phút bên nhau cùng nghỉ ngơi trong Chúa, phó thác mọi sự cho Ngài và được Ngài bồi dưỡng lại sức sau một ngày lao nhọc.
Gia đình công giáo là "nơi tiếp nhận và loan báo Lời Chúa". Không đọc Phúc Âm trong gia đình, sao gọi là tiếp nhận? Không suy niệm Phúc Âm sao có thể loan báo được? Sống đạo đòi hỏi tranh thủ thời giờ để đọc và chia sẻ Phúc Âm.
Cầu nguyện luôn đi đôi với tin tưởng. Chúa có nói: "Anh em cứ xin thì sẽ được, (...) Cha trên trời, Người sẽ ban Thánh Thần cho những kẻ cầu xin Người" (Lc 11,9.13b). Cầu nguyện để Chúa hành động trong ta. Có những lối Ngài dẫn ta đi rất khác, có khi trái hẳn những gì ta mong chờ. Nhưng Ngài là Thiên Chúa lại thương xót ta vô vàn, lối Ngài dẫn luôn là lối thích hợp nhất, tốt đẹp nhất cho ơn gọi của ta, cho cuộc đời của ta.
Cầu nguyện là "Trong mọi trường hợp, ta hãy chúc tụng Đức Chúa, là Thiên Chúa ta, ta hãy xin Người làm cho đường ta đi, được ngay thẳng" (Tb 4, 19). Những lúc sầu khổ nhất, ta càng cảm tạ Chúa hơn nữa. Vì chính những lúc ấy, ta lãnh nhận ơn Ngài nhiều nhất, ơn biến nước mắt của ta hôm nay thành nụ cười tươi vui cho mai sau: "Ai nghẹn ngào ra đi gieo giống, mùa gặt mai sau khấp khởi mừng" (Tv 125, 5). Ta chỉ thấy đời mình trong một tương lai ngắn. Còn Ngài, Ngài thấu triệt cùng một lúc, quá khứ, hiện tại và tương lai đời ta, từ lúc chưa lọt lòng mẹ, đến đời đời về sau. Vì thế, ta có thể chúc tụng Chúa trong mọi trường hợp: "Anh em đừng lo lắng gì cả. Nhưng trong mọi hoàn cảnh, anh em cứ đem lời cầu khẩn, van xin và tạ ơn, mà giãi bày trước mặt Thiên Chúa những điều anh em thỉnh nguyện" (Pl 4,6).
Việc cầu nguyện còn được dàn trải trong các hoạt động của việc phụng vụ Thánh Lễ Tạ Ơn Thiên Chúa, Cử hành và lãnh nhận các phép Bí Tích hay đọc kinh Kinh Phụng Vụ. Các nhiệm vụ ấy được gọi là việc phụng vụ thánh của Giáo Hội. Vì chính Chúa Giêsu hành động trong các phụng vụ thánh của Giáo Hội.
Và cuối cùng việc cầu nguyện còn được biểu lộ ra bên ngoài qua các hoạt động tông đồ (công bình và bác ái), tha thiết tham gia sinh hoạt các Hội Đoàn của Giáo Xứ. Vì Giáo Xứ là Giáo Hội của Chúa, một công cụ Chúa dùng để cứu rỗi các linh hồn; làm mạnh Giáo Xứ là làm mạnh công trình tay Chúa. Sống cho Giáo Xứ là sống cho Chúa Giêsu. Có thể nói, Giáo Hội được Chúa Giêsu khai sinh là để làm tông đồ. Làm tông đồ là làm cho Nước Chúa rộng mở trên khắp hoàn cầu. Để nhờ đó, Ơn Cứu Rỗi được mang đến cho mọi người. Những việc trong gia đình cũng như những việc ngoài xã hội, không được tách rời khỏi động lực siêu nhiên của cuộc sống, theo lời thánh Tông Đồ Phaolô: "Anh em có làm gì, nói gì, thì hãy làm, hãy nói nhân danh Chúa Giêsu Kitô và nhờ Người mà cảm tạ Thiên Chúa Cha" (Cl 3,17; Tông Đồ Giáo Dân 2 và 4). Nhờ nhân danh Chúa Giêsu, mà việc tông đồ của chúng ta nên hoàn thiện và có giá trị tối đa.
IV- KẾT LUẬN
Thưa quý vị, trên đường đời, và cũng là trên đường nên hoàn thiện, kinh nghiệm cho biết, có lắm lúc, ta nản chí chùn chân. Trong Phúc Âm, nhiều lần kể lại rằng: "Chúa Giêsu đi ra nơi thanh vắng và cầu nguyện ở đó" (Lc 5,15-16). Vợ chồng lại càng cần phải có những ngày cùng nhau "đi ra nơi thanh vắng và cầu nguyện ở đó", nghĩa là những ngày tĩnh tâm, ít nhất là một lần trong một năm.
Những ngày tĩnh tâm là những ngày ta tắm gội trong ơn Chúa, múc lấy ơn sủng Ngài, bồi dưỡng sinh lực, tích trữ thần lương. Để lại ra đi, sống giữa trần thế, để chu toàn sứ mệnh mà Thiên Chúa giao phó cho từng bậc sống của gia đình, và để hoàn thiện cuộc đời mến Chúa yêu người ngay trong môi trường tại gia.
Thế trần càng tối tăm, càng phũ phàng, dấu hiệu gương sáng của quý vị lại càng cần thiết, càng cấp bách hơn, cho nhiều người đang còn bị tối tăm bao phủ.
"Vì khi trung thành cầu nguyện chung với nhau, thánh hoá ngày Chúa nhật, duy trì bầu khí trên thuận dưới hòa, nhường nhịn lẫn nhau giữa vợ chồng, cha mẹ, con cái, gia đình anh chị em sẽ trở nên chứng từ hùng hồn cho đạo thánh Chúa. Khi vợ chồng vượt lên mọi thử thách, sống trung tín và chung thuỷ sắt son như lời cam kết ngày cử hành hôn lễ, gia đình anh chị em đã góp phần kiến tạo nền "văn minh tình thương" và "văn hoá sự sống" cho đất nước của mình" (TMV. HĐGMVN 2006, số 10).
Thay lời cho ban đặc trách Gia trưởng Giáo phận. Chúng tôi cầu chúc các quý vị, cảm nghiệm được niềm vui và bình an mà Thiên Chúa luôn ban cho những ai quyết tâm thi hành sứ mệnh trong vai trò của mình. Đời sống vợ chồng của quý vị sẽ đầy hạnh phúc, hoan lạc và bình an.
Nguyện xin Thiên Chúa Ba Ngôi, Mẹ Maria và Thánh Cả Giuse. Ban cho các quý vị gia trưởng, mỗi ngày càng thành công trong trọng trách làm chồng và làm cha bằng con đường yêu thương và nhân hậu, để được vợ con yêu thương và mọi người kính trọng.
Tĩnh Tâm Gia Trưởng, Gp Phú Cường
JB. BÙI NGỌC ĐIỆP
Cứ mỗi lần đọc bài Tin mừng theo thánh Luca đoạn kể câu chuyện người Samaritanô nhân hậu, bản thân thấy nhột gáy làm sao. Vẫn biết đây là một câu chuyện kể, nhưng không hiểu tại sao Chúa Giêsu lại dùng sự hững hờ của một thầy tư tế và một thầy trợ tế ( Lêvi ) để làm nổi rõ lòng nhân ái của một anh em lương dân hay là dân ngoại nói theo kiểu của người Do Thái thời bấy giờ. Dù rằng trong văn chương thường có những thủ pháp, chẳng hạn dùng thủ pháp tạo sự tương phản để nhấn mạnh chủ đề muốn nói. Thế nhưng nội dung câu chuyện vẫn khiến ta giật mình. Là Kitô hữu, chúng ta đều rõ trọng tâm của đời sống chúng ta là đức ái. Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã triển khai đề tài này cách đặc biệt trong Thông Điệp Thiên Chúa Là Tình Yêu ( Deus Caritas Est ). Quả thật, dù ta có làm được nhiều sự lạ cả thể mà không có đức ái thì cũng là không ( x.1Cr 13 ). Đề tài đức ái quả là bao la và đã có nhiều Đấng khai triển. Ở đây chỉ xin mạo muội mạn bàn đôi nét về câu nói của Chúa Cứu Thế với người luật sĩ lúc bấy giờ : “ Hãy đi và làm như vậy” ( Lc 10,37 ).
Không ai là không ham muốn được sống đời đời như vị luật
sĩ bấy giờ. Thế mà để được sống đời đời thì Chúa Kitô lại truyền hãy đi và làm
như người Samaritanô nhân hậu. Đó là nhận biết ta là anh em của những ai, là
nhận biết những ai đang cần đến lòng xót thương của Thiên Chúa qua chúng ta và
thực thi bác ái với họ. Để làm được như người Samaritanô, thiết tưởng cần phải
ra đi. Chúa Giêsu không chỉ truyền dạy “hãy làm như vậy” mà Người đã thêm hai từ
“hãy đi”. Để có thể sống yêu thương, ta cần phải ra đi. Xin được chia sẻ bốn
chiều kích ta cần phải đi ra để có thể biết ta là anh em của những ai, để có thể
thực thi đức ái với người đang cần lòng thương xót.
1. Đi ra khỏi vị trí an ninh, yên ổn của mình : “ Chim có
tổ, chồn có hang, còn Con Người không có chỗ gối đầu” ( Lc 9,58 ). Ba năm rong
duổi trên các nẻo đường Palestina, Chúa Giêsu đã sống đức ái với nhiều người
thuộc mọi hoàn cảnh. Nhờ ra khỏi vị trí an ninh, yên ổn của mình mà Chúa Giêsu
đã đến được với người Do Thái lẫn anh chị em lương dân, với người Giuđêa, người
Galilêa lẫn người Samaria và đặc biệt với đại đa số người bệnh tật, bé nhỏ,
nghèo hèn… vốn là những người đang cần lòng thương xót của Người hơn hết.
Xin tạ ơn Chúa vì đã và đang có nhiều vị mục tử tốt lành không dừng lại ở những dịp kinh lý định kỳ mà còn tích cực ra khỏi vị trí yên ổn của mình để đến với nhiều đàn chiên vùng sâu, vùng xa, nghèo hèn để thể hiện đức ái. Quả thật, dù biết phải sống đức ái, dù muốn trở nên người thân cận, người anh em với những người cần đến lòng thương xót của Chúa mà nếu không can đảm và tích cực ra đi, ra đi khỏi vị trí yên ổn của mình thì cái muốn và điều biết kia sẽ khó thành hiện thực.
2. Đi ra khỏi định kiến của mình : “Người này cũng là con
cái của Abrraham” ( Lc, 19,9 ). Chúa Giêsu đã ra khỏi thành kiến của người Do
Thái thời bấy giờ về những người thu thuế. Giakêu đã nhận được lòng xót thương
của Chúa. Lêvi ( Matthêu ) đã trở nên môn đệ, trở thành bạn hữu của Chúa. Chúa
Giêsu cũng đã ra khỏi thành kiến của người Do Thái thời bấy giờ vê người lương
dân, anh em ngoại giáo, người Samaria. Người đã đến nhà viên đại đội trưởng, đến
gặp và xin nước với chị phụ nữ
Samaria trên bờ giếng Giacop… Ra khỏi định kiến của mình là một trong những điều kiện cần có để ta có thể tiếp cận với tha nhân như là người anh em với chúng ta, như là người cần đến lòng thương xót của Chúa qua chúng ta.
Tạ ơn Chúa, Mẹ Hội Thánh, đặc biệt qua Công Đồng Vatican
II không chỉ là mở cửa ra với thế giới mà còn đã biết đi ra khỏi cái nhìn phiếm
diện với anh chị em lương dân, với bà con khác đạo và với cả người vô tín, để
rồi tích cực sống đức ái trọn hảo. Không ra khỏi định kiến với một ai đó thì ta
khó mà thực sự yêu thương họ như là người anh em.
3. Đi ra khỏi lề thói vị luật, vụ luật : Rất có thể vị Tư
tế và vị trợ tế trong bài Tin Mừng ở trên vì câu nệ về qui định của luật tế lễ
nên đã bỏ qua người anh em đang lâm nạn. Nhiều luật sĩ và biệt phái thời Chúa
Giêsu đã không ra khỏi sự cứng nhắc vô tình vì vị luật và cả vụ luật. Chính vì
thế mà con tim của họ đã hóa chai đá trước bao nổi khổ của đồng loại. Chúa Giêsu
đã nhiều lần cố tình vi phạm luật ngày hưu lễ, luật sạch nhơ để rồi đề cao luật
đức ái : Luật đức ái là luật trên các luật.
Tạ ơn Chúa, Mẹ Hội Thánh, qua Bộ Giáo luật 1983 đã làm
nỗi rõ ý tưởng này trong các nguyên tắc chính của bộ luật. “Đành rằng yêu thương
là giới răn cao trọng nhất của Kitô giáo, đành rằng Chúa Thánh Thần thổi đâu tùy
ý, nhưng tính cách xã hội của Hội Thánh đòi hỏi một chiều hướng pháp lý tối
thiểu…” ( Nguyên Tắc thứ nhất ). Dù rằng nguyên tắc này nhấn mạnh đến vai trò lề
luật trong Hội Thánh xét như là một xã hội, thế nhưng vẫn nhìn nhận rằng yêu
thương là giới răn cao trọng nhất. Tiếp đó qua Nguyên Tắc thứ hai và thứ năm,
Hội Thánh trình bày một tinh thần vượt lên trên lề luật. “Giáo luật không thể
mang lại ơn cứu rỗi được, bởi vì ơn cứu rỗi là kết quả của ơn thánh và sự hợp
tác của lương tâm mỗi người. Giáo luật phải biết nhìn nhận và tôn trọng lương
tâm ”( Nguyên tắc thứ hai ); “Luật pháp không thể chỉ nhằm cổ võ trật tự công
cộng, nhưng còn để ý đến việc thăng tiến con người xét như là nhân vị nữa” (
Nguyên tắc thứ năm ). Một người sống “vị luật”, câu nệ luật, lợi dụng luật thì
khó có thể yêu thương tha nhân như là anh em.
4. Ra đi khỏi vị thế cao quý của mình : “ Vậy, nếu Thầy
là Thầy và là Chúa mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho
nhau” ( Ga 13,14 ). Chúa Giêsu đã đi ra khỏi vị thế là Thầy, là Chúa của mình để
làm tôi tớ cho các môn đồ và để hầu hạ mọi người. Người đã tự nguyện ra khỏi vị
thể là Chủ Tể của mình để làm huynh đệ với các môn sinh. “Thầy không còn gọi anh
em là tôi tớ nữa…Nhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu” ( Ga 15,15 ). Thánh Tông đồ
dân ngoại đã khẳng định chân lý này bằng bài ca tự hủy trong thư gửi tín hữu
Philipphê. “Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết
duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang
mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế…” ( Phil
2,6-11).
Tạ ơn Chúa, các Vị chủ chăn Hội Thánh gần đây đã bỏ dần
đi sự hào nhoáng mang dáng dấp của vua chúa thời phong kiến như chuyện Đức
Phaolô VI bán đi cái mũ ba tầng để giúp người nghèo. Các Ngài không chỉ tự xưng
trong các văn kiện mà còn tích cực hành xử trong cụ thể như là “tôi tớ của các
tôi tớ”. Quả thật khi ta chưa bỏ mình đi, chưa ra khỏi cung cách vị vọng trong
thái độ sống thì ta khó mà cúi xuống để băng bó vết thương, để rửa chân cho
người đang cần lòng xót thương của Chúa qua chúng ta.
Để biết ta là anh em của những ai, để tỏ lòng nhân ái với
người cần lòng xót thương, không gì hơn hãy vâng nghe lệnh truyền của Đức Kitô :
Hãy làm như người Samaritanô nhân hậu. Để làm được điều này, thiết tưởng không
thể ở mãi trong vị trí yên ổn của mình, trong định kiến của ta về tha nhân,
trong cách thế vị luật, trong vị thế cao quý của mình. Để được sống đời đời,
không thể không sống đức ái. Để sống đức ái, không thể không ra đi. Kết thúc
Thánh Lễ chúng ta được chúc ra đi bình an. Đây cũng là lời chúc ra đi để sống
tình yêu thương.
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
Giải đáp
Linda thân mến,
Có lẽ chị đang lo lắng và hoang mang lắm khi biết anh ấy với chị có họ với nhau rất gần. Theo cách tính của bộ Giáo Luật cũ (1917) thì anh và chị mới hết đời thứ hai nên vẫn còn ngăn trở. Nhưng theo bộ Giáo Luật hiện hành (1983) thì trường hợp của anh chị có họ hàng ngang với nhau ở bậc thứ năm ( bậc chứ không phải đời !) và không bị mắc ngăn trở. Căn cứ theo Giáo Luật điều 1091 như sau :
Điều 1091
#1. Hôn nhân không thành sự giữa người có họ máu theo hàng dọc, từ dưới lên và từ trên xuống, hoặc trong hoặc ngoài hợp pháp.
#2. Hôn nhân không thành sự ở hàng ngang cho đến hết bậc thứ bốn.
#3. Ngăn trở họ máu không nhân lên.
#4. Không bao giờ được phép kết hôn, nếu còn hồ nghi hai bên có họ máu với nhau hay không, ở bậc nào đó ở hàng dọc hay ở bậc hai thuộc hàng ngang.
Cách tính bậc được trình bầy ở Giáo Luật điều 108 như sau :
Điều 108
#1. Họ máu tính theo hàng và bậc.
#2. Trong hàng dọc, bao nhiêu đời thì bấy nhiêu bậc, nghĩa là bao nhiêu người bấy nhiêu bậc, trừ gốc tổ.
#3. Trong hàng ngang, bao nhiêu người tính chung cả hai hàng là bấy nhiêu bậc trừ gốc tổ.
Họ hàng của anh chị là theo hàng ngang. Bộ Giáo Luật mới đã bỏ cách tính cũ mà lấy lại cách tính của người La mã đơn giản hơn và đã được phần lớn các bộ luật dân sự trên thế giới áp dụng.
Nhân tiện đây cũng xin giải thích về cách thích theo bậc.
Cho một thí dụ : Ông Tiên sinh được 2 người con là ông Nhất và bà Một,
ông Nhất sinh ra con là chú Nhì, còn Bà Một sinh ra con là cô Hai
ông Nhì sinh ra con là anh Tam, bà Hai sinh ra con là chị Ba.
Xét về bậc thì họ hàng giữa ông Nhất và bà Một có 2 bậc.
Họ hàng giữa chú Nhì và cô Hai có 4 bậc.
Họ hàng giữa anh Tam và chị Ba là 6 bậc.
Ngăn trở tiêu hôn trong hàng ngang chỉ đến hết 4 bậc nên kể từ bậc thứ 5 là có thể kết hôn với nhau.
Vậy chú Nhì có thể lấy chi Ba hoặc cô Hai có thể lấy anh Tam vì là bậc thứ 5 rồi.
Như vậy chị yên tâm là trường hợp của chị không mắc ngăn trở gì.
1. Nhiều người tín hữu có thói quen tới ngày giỗ của thân nhân thì xin lễ giỗ, vậy thói quen này có từ khi nào ? Và có cần thiết không?
2. Xin cha cho con biết lịch sử của hai Kinh Tin Kính Nicée va Các Tông Đồ. Xin Chúa chúc lành cho cha.
Giải đáp
Quỳnh Hương thân mến,
1. Thói quen xin lễ giỗ ngày thân nhân qua đời là thói quen theo phong tục của người Việt Nam làm giỗ vào đúng ngày qua đời. Có người thì theo ngày âm lịch nhưng hiện nay có nhiều người nhớ ngày dương lịch cho tiện. Đó chỉ là một thói quen tốt để nhớ người quá cố chứ không phải là điều bắt buộc trong Hội Thánh vì ta xin lễ ngày nào cũng được.
2. Kinh Tin kinh của các tông đồ là một hình thức cổ nhất của việc tuyên xưng đức tin. Đó là sự tổng hợp cách ngắn gọn những điều phải tin từ những công thức có sẵn trước đó. Kinh Tin Kính này có từ thế kỷ II và có hình thức như hiện nay vào thế kỷ VI. Trước tiên đó là việc tuyên xưng đức tin khi chịu phép rửa tội và sau đó được dùng trong thánh lễ.
Kinh Tin Kính Nicée được Công Đồng Nicea năm 325 thông qua nhằm chống lại bè rối Arius phủ nhận thần tính của Chúa Giêsu Kitô. Kinh này vừa lấy lại những gì đã tuyên xưng từ trước cộng với những gì mà Công Đồng Nicée định tín về thần tính của Chúa Giêsu "đồng bản thể với Đức Chúa Cha". Công Đồng nhấn mạnh đến điều Đức Kitô là " Con Một Thiên Chúa, sinh bởi Đức Chúa Cha từ trước muôn đời. Người là Thiên Chúa bởi Thiên Chúa, Ánh Sáng bởi Ánh Sáng, Thiên Chúa thật bởi Thiên Chúa thật, được sinh ra mà không phải được tạo thành, đồng bản thể với Đức Chúa Cha.
Thời gian sau đó thì Kinh Tin Kính này được hoàn chỉnh bởi Công Đồng Constantinope năm 381 nhằm định tín về thần tính của Chúa Thánh Thần bị phủ nhận bởi một số bè lạc giáo thời đó. Do vậy, Kinh này còn được gọi là Kinh Tin Kính Nicee-Constantinople.
SỐNG CHỨNG NHÂN
Ngày 1-10-1999 trong bối cảnh Thượng Hội Đồng Giám Mục Âu Châu, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolo II (1978-2005) tôn phong thánh nữ Brigitte Thụy-Điển (1303-1373) làm Quan Thầy Âu Châu cùng với 2 thánh nữ khác là thánh nữ Caterina thành Siena (1347-1380) và thánh nữ (Edith Stein) Teresa Benedetta Thánh Giá (1891-1942).
Khuôn mặt thánh nữ Brigitte Thụy-Điển ghi đậm nơi người đương thời hình ảnh một phụ nữ đầy nghị lực và can đảm, cùng lúc, rất giản dị, tươi vui và niềm nỡ. Nơi thánh nữ, kết tụ nhiều đức tính gần như khó dung hợp. Chẳng hạn, vừa có tinh thần chiêm niệm thần bí, vừa là bà mẹ gia đình gương mẫu, sống giữa cung điện nhà vua. Thánh nữ còn được mệnh danh ”Nữ Tiên Tri Xứ Bắc Âu”.
1. Bà mẹ Công Giáo gương mẫu.
Thánh nữ Brigitte lập gia đình rất sớm, vào năm 16 tuổi, với quan đại thần Ulf, làm việc trong triều đình Thụy Điển. Bà Brigitte sinh hạ 8 người con: 4 trai và 4 gái. Mặc dù hết lòng chia sẻ những phận vụ chính trị của chồng nơi hoàng cung, Bà Brigitte không bao giờ quên nhiệm vụ chính yếu của mình là giáo dục con cái theo tinh thần Kitô. Trong 4 con trai, hai người chết khi tuổi còn thơ. Còn lại 6. Mỗi đứa con là một nét đẹp và một tính tình rất khác biệt, đem lại nhiều niềm vui, đồng thời kéo theo bao nổi sầu.
Trưởng nam Charles có tính tình ương ngạnh, ích kỷ, nhưng nhanh nhẹn tươi vui và có biệt tài quyến dũ người khác. Thứ nam Birger, trái lại, điềm đạo, bao dung và chừng mực. Charles lập gia đình nhưng không hạnh phúc vì tính tình ”bay-bướm” của chàng. Chàng không hết lòng yêu vợ nên cũng không được vợ đáp trả. Do đó, chàng thường tìm kiếm an ủi nơi những mối tình ngoài hôn nhân. Thánh nữ Brigitte biết rõ điều này. Và Charles cũng biết rõ Mẹ trông thấy tất cả.
Ngày 25-5-1731, thánh nữ Brigitte nhận lệnh Chúa, lên đường hành hương Giêrusalem, qua ngả Roma. Hai quý tử Charles và Birger tháp tùng thân mẫu. Sau khi đến Roma, cả gia đình lấy thuyền đi Napoli (Nam Ý). Thánh nữ xin vào hội kiến nữ hoàng Giovanna I. Đúng theo nghi thức ngoại giao, Birger cúi mình sát đất chào nữ hoàng. Charles, trái lại, đứng im tại chỗ. Sắc đẹp của nữ hoàng đã lôi cuốn tức khắc trái tim ”hào-hoa” của chàng. Chàng tiến thẳng đến gần nữ hoàng và đặt nụ hôn trên môi nữ hoàng. Các lính canh tuốt gươm định phản ứng. Nhưng nữ hoàng Giovanna giơ tay dung thứ cho chàng hiệp sĩ ”đa-tình” xứ Bắc Âu!
Thánh nữ Brigitte bàng hoàng trước tư cách ”phóng-túng” của Charles. Trong khi đó, nữ hoàng Giovanna lại say mê Charles và muốn cùng chàng kết nghĩa trao duyên. Thánh nữ Brigitte liền nhắc nữ hoàng nhớ rằng, Charles đã lập gia đình và không được phép thành hôn với nữ hoàng. Nhưng nữ hoàng trả lời sẽ khắc phục mọi cản trở. Nghe vậy thánh nữ Brigitte chỉ còn biết chạy đến Chúa, kêu xin Ngài giơ tay can thiệp.
Ngày 24-2-1372, nữ hoàng Giovanna chờ đợi vị hôn phu của mình giữa tiếng ca điệu vũ. Nhưng chờ hoài mà không thấy bóng dáng vị hôn phu xuất hiện. Thì ra, Charles bị sốt liệt giường không dậy được. Bên cạnh chàng có Mẹ và em. Khi mở mắt, chàng trông thấy gương mặt dịu hiền thánh thiện của Mẹ. Charles chấp nhận thánh ý Chúa và ra đi bằng an trong ơn nghĩa Chúa. Con tim từ mẫu của thánh nữ Brigitte đã kết hợp cùng kho tàng ơn cứu độ vô biên của Đức Chúa GIÊSU KITÔ, để cứu quí tử khỏi rơi vào hố sâu tội lỗi.
Trước đó, tình mẫu tử này cũng đã biểu lộ trong buổi diện kiến với Đức Giáo Hoàng Urbano V (1362-1370). Đức Giáo Hoàng ưu ái tiếp kiến riêng thánh nữ Brigitte cùng hai con Charles và Birger. Birger oai hùng như các dũng sĩ Bắc Âu. Charles rực rỡ trong y phục của một chàng trai Thụy Điển, mang dáng dấp cao lớn của một người Đức. Đức Urbano 5 thân mật nói với Birger:
- Con đúng là con trai của Brigitte!
Quay sang Charles, Đức Giáo Hoàng nói:
- Còn con, con là chàng trai thời đại!
Thánh nữ Brigitte quỳ sụp dưới chân Đức Giáo Hoàng và thưa:
- Xin Đức Thánh Cha ban phép xá tội cho hai con của con.
Đức Urbano V giơ tay chạm đến thắt lưng lộng lẫy của Charles và hỏi:
- Mang y phục nặng nề như vầy, không đủ để đền tội sao?
Thánh nữ Brigitte ngước đôi mắt van lơn nhìn Đức Thánh Cha và thưa:
- Xin Đức Thánh Cha tẩy xóa tội lỗi của con con, phần con, con xin hứa sẽ tước bỏ khỏi con con bộ y phục lộng lẫy này!
Thế nhưng, nếu trưởng nam Charles mang lại cho thánh nữ
Brigitte nhiều âu lo sầu khổ, thì trái lại, ái nữ Catherine là suối nguồn của an
ủi thánh thiện. Góa chồng rất sớm vào năm 20 tuổi, Catherine sống một phần lớn
quảng đời còn lại tại Roma. Sau khi thân mẫu qua đời năm 1373, Catherine mang
xác mẹ về Thụy Điển và vào tu nơi tu viện Vadstena, do chính thánh nữ Brigitte
thành lập. Catherine trở thành Bề trên tu viện và nên thánh giống như mẹ, dưới
danh hiệu ”Thánh nữ Catherine Thụy-Điển”.
Có thể nói rằng, toàn cuộc sống gia đình thánh nữ Brigitte Thụy Điển đắm chìm
trong bầu khí đạo đức và chiêm niệm. Trong kinh nguyện dâng lên Chúa, thánh nữ
thường van xin:
- Xin Chúa tước bỏ tính kiêu căng khỏi lòng con và đừng để con chỉ yêu thương chồng con cùng gia đình bạn hữu bằng một tình yêu thuần túy tự nhiên. Xin Chúa biến đổi tình yêu tự nhiên thành tình yêu siêu nhiên để mang lại lợi ích thiêng liêng cho những người thân yêu của con.
2. Nữ tiên tri xứ Bắc Âu.
Phu quân thánh nữ Brigitte là quan đại thần Ulf, làm việc trong triều đình của vua Magnus. Thánh nữ cũng là chị em họ hàng với nhà vua. Do đó, sau thời gian rời cung điện và sau khi chồng qua đời, thánh nữ Brigitte nhận lời làm quản gia hoàng cung Thụy Điển.
Khi chấp thuận trở lại hoàng cung, thánh nữ Brigitte ý thức nhiệm vụ tế nhị và khó khăn của mình. Hoàng cung Stockholm lúc đó gần như sống trong sa đọa. Bao quanh nhà vua và hoàng hậu là những cận thần thiếu tư cách lãnh đạo, thiếu thiện tâm phục vụ dân lành. Vừa khi đặt chân vào hoàng cung, thánh nữ Brigitte đã nghiêm khắc lớn tiếng loan báo ”cơn thịnh nộ của Chúa”. Cả triều đình Thụy Điển, từ vua, hoàng hậu cho đến các quan đại thần đều rúng động trước những lời cảnh cáo.
Thánh nữ Brigitte vạch rõ cho vua Magnus thấy các bất
công nhà vua và triều đình giáng xuống dân lành.
Dân chúng sống trong cùng khốn mà triều đình đánh thuế quá cao. Triều đình lại
phung phí tiền thuế bóp cổ dân nghèo vào việc ăn chơi sa đọa. Thánh nữ vạch rõ
cho vua Magnus thấy vua đã phạm trọng tội giết hại người vô tội như thế nào. Sau
cùng, để thối thúc nhà vua quyết định phá đổ mọi tệ nạn, thánh nữ Brigitte tìm
cách đánh thẳng vào trái tim nhà vua. Thánh nữ giơ tay chỉ Charles và Birger rồi
nghiêm khắc nói với vua Magnus:
- Đây là hai con tôi. Xin nhà vua bắt chúng làm con tin giao nộp cho các chủ nợ, thay vì đánh thuế bóp cổ dân nghèo để có tiền trả nợ. Bởi vì, làm như thế, tức là nhà vua xúc phạm đến Thiên Chúa, khiến Thiên Chúa buộc lòng phải trừng phạt nhà vua và triều đình!
Trong số các cận thần của vua Magnus, có người anh em họ với thánh nữ Brigitte. Đó là kỵ sĩ Magnus d'Eka. Magnus d'Eka giàu sang, đẹp trai và kết hôn với một phụ nữ mà chàng yêu mến. Từ tổ uyên ương hạnh phúc này đã ra đời những người con kháu khỉnh thông minh. Magnus d'Eka ngụp lặn trong biển tình hạnh phúc. Nhưng thánh nữ Brigitte cho gọi chàng kỵ sĩ tài-hoa đến và tiên báo:
- Hiền đệ sẽ chứng kiến cái chết của vợ và các con. Sau đó hiền đệ sẽ trở thành linh mục và tu viện trưởng một đan viện!
Lời tiên báo quá phủ phàng! Nhưng thánh nữ thấy rõ tâm hồn em họ, nên biết chắc, tín hữu trung tín này sẽ can đảm cúi đầu chấp nhận thánh ý Chúa. Và lời tiên tri của thánh nữ Brigitte đã được ứng nghiệm sau đó.
Bên cạnh ảnh hưởng tinh thần đối với vua Magnus và triều đình Thụy-Điển, thánh nữ Brigitte còn giữ vai trò quan trọng đối với hàng giáo phẩm Thụy-Điển và với cả vị chủ chăn Giáo Hội hoàn vũ là Đức Giáo Hoàng Clemente VI (1342-1352). Các vị giám mục Thụy-Điển lúc bấy giờ lắng nghe tiếng nói của thánh nữ, đặc biệt hai vị giám mục hai giáo phận Kinkoeping và Vexioe. Nhờ thánh nữ Brigitte, hai vị đã trở thành những chủ chăn thánh thiện và gương mẫu.
Đây cũng là thời kỳ Giáo Hội Công Giáo bị khủng hoảng trầm trọng với việc các vị giáo hoàng dời ngai tòa thánh Phêrô về Avignon, bên Pháp. Theo lệnh của Đức Chúa GIÊSU KITÔ, thánh nữ Brigitte đã viết cho Đức Giáo Hoàng Clemente VI những bức bức thống thiết. Thánh nữ van xin Đức Giáo Hoàng phải bỏ Avignon và đưa ngai tòa thánh Phêrô về lại Roma. Roma mới là trung tâm điểm của Giáo Hội Công Giáo, theo ước muốn của chính Đức Chúa GIÊSU KITÔ.
Thánh nữ Brigitte Thụy Điển trút hơi thở cuối cùng ngày 23-7-1373, hưởng thọ 70 tuổi, sau khi đã thành lập cho Giáo Hội một dòng tu nữ. 18 năm sau, ngày 7-10-1391, Đức Giáo Hoàng Bonifacio IX (1389-1404) nâng người nữ tôi tớ tiên tri của Chúa lên hàng hiển thánh.
... ”Người kính sợ Chúa sẽ được Đức Khôn Ngoan. Đức Khôn Ngoan sẽ ra đón người ấy như mẹ. Đức Khôn Ngoan sẽ tiếp nhận người ấy như vợ trinh khiết. Đức Khôn Ngoan nuôi dưỡng người ấy bằng bánh thông minh và cho uống nước Khôn Ngoan. Người ấy dựa vào đức Khôn Ngoan và không sa ngã, gắn bó với đức Khôn Ngoan và không phải xấu hổ. Đức Khôn Ngoan khen ngợi người ấy hơn các bạn hữu. Đức Khôn Ngoan sẽ mở miệng người ấy giữa đại hội. Người ấy được vui mừng hoan hỷ và được nổi tiếng muôn đời” (Sách Huấn Ca 15,1-6).
(MISSI, 4-5/1991, trang 175-178).
Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt
TÌNH YÊU – HÔN NHÂN – GIA ĐÌNH
Nếu bạn chưa bao giờ ăn quẩy chấm mắm tôm thì cũng đừng nhăn mặt, bịt mũi trước món khoái khẩu ấy của bố chồng. Nhập gia tùy tục là bài học đầu tiên khi về làm dâu.
Dưới đây là 5 nguyên tắc duy trì "hòa bình" khi sống trong gia đình nhiều thế hệ.
Tôn trọng người lớn tuổi
Hẳn bạn còn nhớ câu chuyện người đàn ông cho bố ăn cơm trong cái bát sứt mẻ và cậu con nhỏ cũng giữ lại chiếc bát như thế để dành cho bố sau này. Nếu không tôn trọng những bậc sinh thành mình hay vợ/chồng, bạn đã nêu một tấm gương xấu cho con cái.
Muốn lắp thêm cái điều hòa nhiệt độ hay thay đổi TV ở phòng khách, bạn cũng hỏi ý kiến và chỉ nên làm khi có sự đồng ý của những người lớn trong nhà. Nếu các cụ chưa ưng thì bạn chờ cơ hội để thuyết phục thêm chứ đừng khăng khăng làm mọi việc theo ý mình. Dù người già có khó tính hay lẩm cẩm đến đâu thì bạn cũng nên tôn trọng và cảm thông bởi có thể sau này bạn cũng không tránh khỏi điều đó.
Thống nhất cách nuôi dạy trẻ
Nếu bạn muốn rèn tính tự lập cho con trai ba tuổi thì thông báo với ông bà, cô, chú của bé không nên bón cơm, lấy giấy hay làm giúp những việc bé đã có thể tự làm. Tương tự, nếu muốn dạy con ngoan ngoãn, có kỷ luật, bạn cũng phải "có lời" trước rằng ông bà đừng bênh bé khi mẹ giơ roi vọt.
Thiếu nhất quán trong cách nuôi dạy trẻ là quả bom tấn phá hỏng bầu không khí hòa thuận trong gia đình. Sống trong một gia đình mà "trống đánh xuôi kèn thổi ngược" con bạn sẽ dễ thành đứa trẻ khó bảo.
Chân thành, cởi mở
Bạn cứ sống chung với bản chất của mình và cố gắng hoàn thiện dần. Nếu mẹ chồng có góp ý bạn rán nem hơi quá lửa thì cũng đừng mặt sưng mày sỉa lên với bà, hãy tiếp thu và rút kinh nghiệm. Bạn bức xúc điều gì thì cũng nên lựa lúc thích hợp để trao đổi thẳng thắn, nhẹ nhàng và tìm ra giải pháp phù hợp chứ đừng khư khư ôm mối hận trong lòng cho mau tổn thọ.
Bớt cái "tôi" để quan tâm tới người khác
Bạn không thể cứ bật nhạc rock chói tai khi trong nhà có cụ già khó ngủ. Nếu mẹ chồng dị ứng với thức ăn chế biến sẵn thì bạn đừng liên tục "tra tấn" bà bằng những món đồ ăn nhanh mua ngoài hàng. Sống chung cũng đồng nghĩa với việc bạn phải "nhìn trước ngó sau" mỗi khi làm việc gì đó.
Nhập gia tùy tục
Nếu bạn chưa bao giờ ăn quẩy chấm mắm tôm thì cũng đừng nhăn mặt, bịt mũi trước món khoái khẩu ấy của bố chồng. Chê bai nếp sống hay thói quen cố hữu của gia đình chồng và lao vào cải tạo mọi thứ theo ý mình là điều bạn không nên làm vì dễ chạm tự ái của mọi người. Nhập gia tùy tục, tốt hơn là bạn cố gắng chấp nhận mọi thứ và hòa nhập càng nhanh càng tốt.
Theo Sành Điệu
Mấy hôm nay không thấy bóng chồng sang thăm, cô vợ của Hoàng đế Nã Phá Luân, cứ như ngồi trên đống lửa.
Không biết lão ấy đi đâu? Hay là lại theo con tình nhân nào rồi?
Chị ta cho người dò hỏi. Và biết được Nã Phá Luân đang ở trong một căn phòng nhỏ.
Cơn ghen đầy lên ứ cổ, khoác vội cái khăn “phu la” cho đỡ lạnh, chị ta bước vội đến căn phòng. Mắt 1ong lên dữ tợn. Đúng rồi, chắc lão đang hú hí với con ranh nào trong ấy.
Chị định bước vào trong, nhưng hai người lính canh cản lại. Chị tuôn ra những lời chửi bới nhục mạ.
Một người lính ôn tồn thưa: Thưa, nữ hoàng, chúng tôi không thể làm khác, bởi hoàng đế đã ra lệnh: sẽ không cho bất cứ ai được vào, bởi đang có cuộc họp quan trọng.
Sự nghi ngờ càng lớn. Vậy thì càng đúng. Chắc lão đang hú hí đây.
Rồi bằng tất cả sức lực, đang được đun sôi bởi sự ghen tức, chị ta lao thẳng vào cánh cửa. Trước sự bất ngờ của hai người lính. Cánh cửa bung, trước mắt chị là một bàn dài, hoàng đế đang chủ trì cuộc họp quân sự quan trọng. Cảnh tượng ấy, cũng không giúp chị giữ được sự bình tĩnh, để khỏi tuôn ra một tràng những lời lải nhải.
Thời gian vắn sau, người ta thấy chị, xách valy trở về quê nhà, ngồi trên xe mà nước mắt giàn giụa. Bởi từ nay, chi sẽ không bao giờ được bước chân vào trong triều đình nữa.
Có yêu mới ghen. Ghen là dấu hiệu của một tình yêu cuồng nhiệt bị xúc phạm.
Trong Thánh Kinh Cựu Ước, rất nhiều lần dân Do Thái đã bỏ Chúa, đi thờ các ngẫu thần. Chúa đã tỏ ra rất khó chịu. Nhiều lần Ngài đã sai các tiên tri đến để nói lên điều đó; nhiều lần Ngài đã giơ tay giáng họa, để cảnh cáo, để thức tỉnh mong họ trở về… Cũng rất nhiều lần, Ngài đã nói thẳng Ngài là một Thiên Chúa hay ghen.
Như vậy
1. Ghen là một tình cảm tự nhiên
Càng yêu nhiều, càng hy sinh nhiều, mà khi thấy mình bị phản bội, bị cắm sừng, thì càng đau, sự ghen tương tức giận càng lớn.
Ghen là sự biểu lộ của một nỗi đau câm nín, vì thấy mình bị chê bai, chối bỏ. Thấy tình yêu mà mình đặt tin tưởng nơi người kia, hóa ra là giả dối. Đau đớn và cay đắng quá, sục sôi trong lòng, thành niềm ghen tức.
Nhưng cái khó nhất trong vấn đề này là:
2. Ta phải thể hiện cơn ghen ấy thế nào
Ta ghen, là muốn nói to lên, cho người kia biết rằng: Mưu đồ đen tối của họ, ta đã biết rồi, tình cảm đang chuẩn bị tan vỡ đấy. Cho nên, có khôn hồn thì dứt bỏ ngay đi. Ăn năn hối hận mà trở về ngay đi.
Nếu mục đích là thế, thì ta phải giải quyết thế nào, cách thế nào để giải quyết?
Có những người, đã dùng tới bạo lực. Đánh, hoặc dùng hóa chất để đổ lên người kẻ tình địch. Nhưng xem ra, cách giải quyết kiểu ấy, chỉ làm cho kẻ phản bội, lại đi xa hơn nữa. Lòng tự ái bỗng dưng bốc cháy, thế là đã không kéo lại được, mà lại đẩy đi xa hơn.
Điều hệ trọng nhất trong lúc này, là phải hết sức bình tĩnh, và cân nhấc kỹ lưỡng. Để giúp thêm cho thái độ này, là phải chạy đến với Chúa: Tâm sự và tha thiết cầu xin. Rồi dùng đến những phương cách nhẹ nhàng, nhưng cứng rắn, để tháo gỡ. Phải tìm hiểu thật rõ, đâu là lý do chính đã đưa người ấy đến phản bội? Không phân tích kỹ, để hiểu được điều này, mọi giải pháp đều sẽ thất bại vô duyên.
Một điều thứ hai cũng không kém quan trọng, là phải có lòng bao dung. Đừng có chấp nhất, khi thấy người ấy đã có dấu hiệu thống hối. Đừng đòi người ấy phải có sự tuyệt đối, cả về thời gian, cả về thái độ, đã bao dung thì sau này đừng nhắc đi nhắc lại để đay nghiến nữa.
Bởi sự phản bội của người ấy, có khi một phần nguyên nhân cũng là do sự thiếu sót của mình. Có khi tại một tật xấu nào đó, mà mình không chịu sửa đổi.
Chẳng hạn, cái tật ăn mặc luộm thuộm, cẩu thả của mình.
Cái tật quá lắm điều của mình, làm người kia thấy mệt mỏi, không có được sự bình an sau một ngày làm việc vất vả.
Cái tật cậy quyền, cậy tài của mình, rồi lấn lướt người kia, khiến lòng tự ái bị xúc phạm.
Nhưng trong sự ghen tuông, một điều rất cần lưu ý để tránh, đó là sự:
3. Ghen bóng ghen gió
Cả đàn ông lẫn đàn bà, ai mắc phải căn bệnh này, thì đó là một đại họa.
Bởi vì như thế, gia đình sẽ trở thành một nhà tù đúng nghĩa.
Sống với nhau mà lúc nào cũng nghi ngờ, lúc nào cũng nơm nớp lo sợ bị phản bội, thì sao có thể có được sự bình an.
Sống mà lúc nào cũng phải quá để ý, quá đề phòng, vì sợ sự vô tình, cũng đủ để người kia nghi ngờ kết án, thì thật là khó chịu.
Nó giống như đi một đôi giày, mà lúc nào trong đó cũng có một viên sỏi.
Sự ghen bóng ghen gió, làm cho người kia lúc nào cũng có cảm tưởng: luôn luôn có một hàng rào vô hình luôn vây bọc mình.
Ghen kiểu ấy, là tự đánh giá thấp về giá trị, và con người của mình. Tự xác định rằng: Mình không đủ giá trị, để người kia có thể tôn trọng và yêu thương.
Tôi đã thấy một người đàn ông ghen bóng gió đến độ: Lúc ăn cơm, bắt vợ phải ngồi quay mặt vào trong không được nhìn ra đường, vì ngoài đường qua lại, có thể có những người đàn ông mà vợ đã quen cũ.
Kiểu ghen bóng gió còn là sự đánh giá thấp người yêu của mình. Người ấy không thật lòng với mình mà chỉ dành cho mình một thân xác bên ngoài, và một tình yêu giả dối.
Cư xử như thế, chắc chắn một điều, là gia đình lúc nào cũng sẽ xào xáo. Bởi tình huống cuộc đời, luôn có những điều vô tình, bất ngờ; hay ghen thì thế nào cũng cắt nghĩa ra xấu được.
Sự ghen tuông ấy, đầy cả hai người lúc nào cũng ở trong sự buồn rầu, chán nản. Chẳng ai dám cố gắng, chẳng ai dám mạnh dạn bung ra để xây dựng gia đình.
Bởi vừa mới bung ra, đã đụng phải chiếc hàng rào vô hình, lúc nào cũng rảo quanh bước chân của mình rồi.
Lm. Đa minh Đỗ Văn Thiêm
ĐỌC SÁCH
Thay lời ngõ:
Thư gởi Bố
Bố kính mến,
Với gần mười ba năm giúp xứ cho Bố, một giáo xứ ngay tại trung tâm thành phố Sài Gòn, nhưng lại là nơi có nhiều cái tệ nạn nhất của Sài Gòn văn minh: tệ nạn xã hội nhất, ma cô đỉ điếm nhất, thất học nhất, nghèo nàn nhất.v.v...thế nhưng từ nơi vùng đất với những cái “tệ nhất” ấy, đã trở thành Chủng Viện làm ơn gọi trong con từng ngày lớn lên, với sự dìu dắt đầy bao bọc thương yêu của Bố...
Con còn nhớ, khi Ban Đại Diện giáo xứ được thành lập với đủ hạng người nam, bắc, trung, với mọi trình độ. Và dĩ nhiên là phức tạp, nhưng Bố vẫn cứ bình tĩnh để hướng dẫn ban đại diện làm việc. Khi họ không thích nhau, chỉ trích nhau và nói với Bố là tại sao ông đó vậy mà cha không nhắc nhở, bà đó như thế sao cha để vậy.v.v...và Bố chỉ nói: “vậy hả” và cười hề hề. Bố không to tiếng nhắc nhở cũng không nghe người này bỏ người kia, nhưng rồi mọi người vẫn đoàn kết với nhau để xây dựng họ đạo. Và Bố đã “mạc khải” cho con bí quyết ấy: “Giáo dân họ có nhiều ý kiến lắm, đôi lúc làm mình bực mình, nhưng cứ lắng nghe họ, và kế hoạch mình đã đưa ra thì cứ thế mà làm, đừng chê bai gì họ cả”. Và quả thật như thế, khi thấy Bố không nói gì thì họ cũng chẳng nhắc lại vấn đề, và nhà thờ ngày càng khang trang hơn, giáo dân cũng vào nề nếp hơn.
Khi nhà cha sở chưa có, chỉ là cái phòng tạm bợ, thì Bố mở lớp học tình thương dành cho các con em gia đình nghèo đi kinh tế mới về trong giáo xứ, không kể lương giáo, hoàn toàn miễn phí. Khi Bố bắt đầu xây phòng ở cho các nữ tu đến dạy trẻ em, thì có vài giáo dân và ban đại diện “góp ý” với Bố: “Nhà cha sở chưa có mà cha đi xây nhà các nữ tu với đủ thứ tiện nghi”, lúc đó Bố cười nói: “ Các nữ tu họ sống theo cộng đoàn, có giờ giấc và kỷ luật của họ, phải làm nhà cho họ để xứng đáng với cương vị nữ tu của họ”. Và thế là các nữ tu đến dạy học lớp tình thương có chỗ nghỉ ngơi hơn cả cha sở.
Với các đoàn thể, thì Bố nhắc con một điều: “Các lớp giáo lý thì thầy phụ trách, nhưng ca đoàn thì đừng nhúng tay vào, bởi vì tụi nó kỳ cục lắm, để Bố kiếm người tập hát và coi sóc cho tụi nó”. Và con biết đó là kinh nghiệm của Bố, bởi vì trong các đoàn thể tại giáo xứ, không có đoàn thể nào “ồn ào” và rắc rối cho bằng ca đoàn, và có khi, nếu không “cứng cựa” thì thầy giúp xứ cũng sẽ “đi đong” hết ngày trở lại.
Bố kính mến,
Bây giờ con đã làm linh mục và làm cha sở của người ngoại quốc, nhưng cách quản trị giáo xứ thì hoàn toàn là kinh nghiệm học được từ những năm tháng giúp xứ của Bố. Tuy rằng giáo dân ngoại quốc không như giáo dân Việt Nam, nhưng cách quản trị giáo xứ thì chẳng khác nhau gì mấy, con triệt để áp dụng những bài học của Bố:
- Bàn hỏi với ban hành giáo lắng nghe ý kiến của họ và quyết định.
- Tôn trọng và giúp đỡ ưu tiên cho các tu sĩ đến giúp xứ.
- Không hạch hỏi khi đã giao công việc cho giáo dân.
- Không đi sâu chi tiết các đoàn thể, nhưng nắm chắc tình hình để hướng dẫn.
- Ý kiến của giáo dân nếu không rối đạo hoặc không gây mất tình đoàn kết thì cứ nghe và nghiên cứu.
Con nghiệm ra rằng, dù bất cứ giáo dân nào người Việt hay người ngoại quốc, cũng đều mong muốn cộng tác với cha sở để xây dựng giáo xứ, và họ càng vui hơn khi ý kiến của họ được cha sở lắng nghe, và giao việc cho họ làm với sự tin tưởng vào năng lực của họ.
Con viết tập sách này là để chia sẻ với các anh em linh mục trẻ và các chủng sinh, để hy vọng giúp họ được chút gì khi ra làm mục vụ ở giáo xứ.
Thời gian gần mười ba năm liên tục không gián đoạn giúp xứ, con cũng nghiệm ra
rằng, nếu tất cả các cha sở có lòng yêu thương ơn gọi, tin tưởng nơi các thầy
đang thực tập giúp xứ cho mình, thì chắc chắn sẽ có những linh mục tương lai đầy
nhiệt thành, trách nhiệm và thánh thiện trong cánh đồng truyền giáo của Giáo Hội.
Xin Bố luôn cầu nguyện cho con.
Con, Nhân Tài, csjb.
Thánh công đồng Vatican II đã định nghĩa bản tính ơn gọi linh mục như sau:
“Để hợp thành một thân thể duy nhất, trong đó mỗi chi thể có nhiệm vụ riêng,
chính Chúa đã cắt đặt giữa các tín hữu một số thừa tác viên, nhờ Chức Thánh họ
được trao quyền tế lễ và tha tội trong cộng đoàn tín hữu, và nhân danh Chúa
Ki-tô họ chính thức thi hành chức vụ linh mục cho loài người” (1) .
Bản tính của thiên chức linh mục chính là tha tội và tế lễ trong cộng đoàn tín hữu, chính bởi việc đặt tay của giám mục mà người thanh niên được trở nên kẻ dành riêng cho Thiên Chúa và cho cộng đoàn, bản tính linh mục này, từ đây và suốt đời sẽ không tách khỏi con người linh mục. Và vì cho loài người, cho nên người linh mục không thể từ bỏ thực tại trần thế để nên thánh một mình, hoặc rao truyền Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo (Mt 16, 15) mà không cần nhờ đến một ai cả, nhưng chung quanh các ngài có rất nhiều tâm hồn của những con người thiện chí sẵn sàng cộng tác, để Lời Chúa được mau mắn chạy đến với mọi tâm hồn.
“Là những người cai quản và chăn dắt Dân Chúa, các linh mục được tình yêu của Chúa Giê-su nhân lành thúc đẩy để hiến mạng sống cho con chiên” (2) , đó chính là động cơ thúc đẩy để các linh mục thực hiện hoàn hảo sứ mệnh mà mình đã lãnh nhận nơi Hội Thánh, qua sự đặt tay của giám mục: sứ mệnh làm cho muôn dân trở thành môn đệ của Chúa Giê-su (Mt 28, 19).
Do đó, người linh mục được sai đi đến với mọi người không phải để được phục vụ, nhưng để phục vụ trong yêu thương, nhờ đó mà người ta nhận ra hình ảnh của Chúa Giê-su mục tử nơi người linh mục.
Ơn gọi làm linh mục là một ân huệ thiêng liêng (3) đến từ Thiên Chúa để phục vụ tha nhân, chứ không phải một chức vụ đến từ loài người để được người khác cung phụng, bởi vì –tự bản chất- linh mục là người được chọn và sai đi, cho nên người được sai đi không thể lớn hơn người sai đi (Ga 13, 16b) là Chúa Giê-su Ki-tô, chính Ngài đã đến trong thế gian, đã phục vụ, đã hy sinh và đã chết và đã sống lại để cứu chuộc nhân loại. Thật đúng như vậy, được nên giống Đấng đã sai mình đi là một ân huệ cao quý, mà bất cứ linh mục nào cũng phải cảm nhận được với tâm hồn hân hoan và yêu mến, để trong khi thi hành chức vụ được giao phó, thì các ngài cảm thấy mình càng ngày càng trở nên giống Đấng đã sai mình hơn.
Con người thời nay rất nhạy bén với những gì làm cho người linh mục mất đi bản tính linh mục, chẳng hạn như yêu mến bản thân mình, thích hưởng thụ, thích được cung phụng và mong muốn được người khác chăm lo cho mình, chính những điều ấy làm cho họ -giáo dân- ngày càng nhìn thấy linh mục cũng như bao nhiêu người công chức khác không hơn không kém, chính những điều ấy làm cho đàn chiên phân đàn lẻ đám hơn là những gương mù gương xấu do xã hội gây ra.
Bởi vì Chúa Giê-su hành động (4) qua các thừa tác viên của Ngài chứ không qua người khác, cho nên chính các linh mục cần phải trở nên giống Chúa Giê-su trước, sau đó mới làm cho người khác giống Chúa Giê-su. Đó chính là một đòi hỏi, một thách đố của linh mục trong thời đại hiện nay: đòi hỏi linh mục phải ngày càng
hoàn thiện trong sứ vụ được giao phó, thách đố linh mục phải chống chọi với làn sóng tục hóa với nhiều cám dỗ, để vươn đến bờ trọn lành là Chúa Giê-su.
Giáo luật dạy rằng: “Hoạt động tông đồ của các tu sĩ tiên vàn hệ tại việc
chứng tá của đời tận hiến. Họ có bổn phận hun đúc đời sống chứng tá nhờ lời cầu
nguyện và việc đền tội” (5).. . và “Hoạt động tông đồ cần được thực hiện nhân
danh và ủy nhiệm của Giáo Hội, cũng như trong sự thông hiệp với Giáo Hội” (6)
. Đó chính là “chân dung” người tu sĩ của Giáo Hội đang sống trong thế giới
hiện nay, do đó, mà dù bất kỳ ở đâu, trong hoàn cảnh nào, người tu sĩ cũng không
thể sống khác với ơn gọi của mình, là làm chứng cho tình yêu của Thiên Chúa
trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống.
Thánh công đồng Vatican II nhấn mạnh rằng: “Các tu sĩ nam nữ hiến thân hoàn
toàn cho Thiên Chúa chí ái để phụng sự và làm vinh danh Ngài với một danh hiệu
mới và đặc biệt” (7) , danh hiệu mới và đặc biệt đó chính là “người được
hiến dâng cho Thiên Chúa”, bởi việc tuyên khấn các lời khuyên Phúc Âm. Và
“những lời khuyên Phúc Âm đưa đến đức ái, và nhờ đức ái, những lời khuyên ấy kết
hiệp các tu sĩ cách đặc biệt với Giáo Hội và với mầu nhiệm Giáo Hội" (8).
Chính vì quảng đại đi theo tiếng gọi của Thiên Chúa để phục vụ Ngài nơi các chi
thể của thân thể mầu nhiệm là Hội Thánh, các tu sĩ nam nữ -tùy theo ơn gọi và
tôn chỉ của hội dòng mình- đã hy sinh tất cả không phải vì để được mọi người
khen thưởng, nhưng là để chia sẻ sự đau khổ nhọc nhằn Thánh Giá với Chúa Giê-su
nơi những con người đau khổ, là tiếp tục vác thánh giá với Chúa Giê-su trên
đường dương thế.
Do đó, tất cả các hội dòng được thành lập không ngoài mục đích là rao truyền
tình yêu của Chúa Giê-su đến cho mọi người, vì Chúa Giê-su mà phục vụ tha nhân
nơi học đường, giáo xứ, bệnh viện hoặc sống giữa đời để chia sẻ cuộc sống với
người nghèo qua ba lời khuyên của Phúc Âm: Vâng Lời, Khó Nghèo và Khiết Tịnh.
Chính Chúa Giê-su là nguồn cảm hứng của những tâm hồn thiện chí muốn dâng hiến
đời mình trong một hội dòng, để tiếp bước con đường mà Chúa Giê-su đã đi, tức là
đem tình yêu của Thiên Chúa đến cho mọi người qua hành động phục vụ vô vị lợi
của các tu sĩ nam nữ, mà như thánh Công Đồng Vatican II đã khen ngợi: “Các
hội dòng sống đời chiêm niệm hay hoạt động, cho đến nay, đã và đang góp phần rất
lớn vào việc rao giảng Phúc Âm cho thế giới. Thánh Công Đồng vui mừng nhìn nhận
công lao của họ và cảm tạ Thiên Chúa vì biết bao nỗ lực được thực hiện để làm
vinh danh Chúa và phục vụ các linh hồn” (9) . Như thế thì quá rõ ràng, nhờ
đời sống tận hiến và hy sinh của các tu sĩ nam nữ mà có rất nhiều người biết và
tin vào Chúa Giê-su, trở thành môn đệ của Ngài.
Là những phần tử trong gia đình Giáo Hội của Chúa Giê-su, các tu sĩ nam nữ cũng
cần phải được mọi người kính trọng, không những vì họ là những người được chọn
mà còn là những người đã can đảm anh hùng sống đời tận hiến; không phải ích kỷ
cho mình, nhưng là cho tha nhân là những hình ảnh của Thiên Chúa, như lời Thánh
Phao-lô tông đồ đã nói: “Vậy anh em, anh em là thân thể Đức Ki-tô, và mỗi
người là một bộ phận” (1 Cor 12-27), không phải những bộ phận vô dụng, nhưng
đều là những bộ phận rất hữu ích trong thân thể mầu nhiệm của Chúa Giê-su, đó
chính là Hội Thánh của Ngài vậy.
Chính nhờ việc tận hiến này mà các tu sĩ nam nữ gần gủi với mọi người hơn, qua
việc dấn thân phục vụ tha nhân trong các môi trường mà họ được sai đến, như:
trường học, bệnh viện, giáo xứ.v.v...và không ai phủ nhận rằng, chính các tu sĩ
đã góp phần xoa dịu đau khổ của những con người bất hạnh, và chính nhờ việc dấn
thân vô vị lợi ấy, mà rất nhiều người nhìn thấy Chúa Giê-su đang hiện diện nơi
các tu sĩ, và dần dần nhận biết Chúa Giê-su rồi yêu mến và trở nên chứng cho
Ngài trong cuộc sống của họ.
(còn tiếp)
(1) Sắc lệnh về chức vụ và đời sống linh mục, chương 1.
(2) Sắc lệnh về chức vụ và đời sống linh mục, chương 3, 13.
(3) Sắc lệnh về chức vụ và đời sống linh mục, chương 2, 10.
(4) Sắc lệnh về chức vụ và đời sống linh mục, chương 3, 14.
(5) Giáo luật, chương 5 điều 673.
(6) Giáo luật chương 5 điều 675. 3
(7) Hiến chế tín lý về Giáo Hội, chương 6, 44.
(8) Hiến chế tín lý về Giáo Hội, chương 6, 44.
(9) Công Đồng Vat. II “Sắc lệnh về truyền giáo” chương 40.
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.